Tin khắp nơi – 05/07/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 05/07/2019

Quốc Khánh Mỹ:

Donald Trump kích động tinh thần nước Mỹ

Minh Anh

Ngày 04/07/2019, lần đầu tiên nước Mỹ tổ chức diễu binh trong lễ mừng ngày Quốc Khánh, đúng theo như mong muốn của tổng thống Donald Trump. Nhân dịp này, nguyên thủ Mỹ có bài diễn văn long trọng và ít mang tính chính trị hơn bình thường, tại một đất nước đang bị chia rẽ.

Một lễ Quốc Khánh 2019 phiên bản Donald Trump : Có quân nhạc và các màn trình diễn không quân. Trong vòng ba giờ, đội quân nhạc kèn đồng trỗi những bản nhạc hùng tráng về nước Mỹ tại National Mall ở thủ đô Washington, ngay trước bức tượng Abraham Lincoln.

Một khán đài to lớn đã được dựng lên để đón vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Khán đài chính thức đông kín khách mời của Nhà Trắng, những nhà hảo tâm của đảng Cộng Hòa và gia đình các quân nhân. Đông đảo người hâm mộ ông Donald Trump cũng đổ về quảng trường.

Theo ghi nhận của thông tín viên Anne Corpet tại Washington, trước những chỉ trích của phe đối lập, bài diễn văn của tổng thống Mỹ tỏ ra hòa dịu, không mang tính chính trị như bình thường. Trên diễn đàn, nguyên thủ Mỹ tránh mọi nhận xét lạc lõng hay những chỉ trích chính trị. Trong vòng một giờ, ông nhắc lại lịch sử vinh quang của đất nước và quân đội Mỹ. « Tinh thần nước Mỹ, vốn đã hun đúc cha ông chúng ta vẫn còn sống mãi trong mỗi con tim các bạn ngày nay ».

Vẫn theo Donald Trump, « chưa bao giờ nước Mỹ hùng mạnh như hiện nay ». Ông nói : « Sự sáng tạo và tài năng của đất nước đã thắp sáng những ánh đèn sân khấu Broadway và hãng phim Hollywood. Chúng làm lấp đầy những khán phòng hòa nhạc và các làn sóng radio trên khắp năm châu với những dòng nhạc jazz, các buổi nhạc kịch, dòng nhạc đồng quê, rock’n’roll và rhythm & blue. Sự sáng tạo và tài năng đó đã sản sinh ra những vở nhạc kịch vui nhộn, phim ảnh, phim cao bồi, phim truyện nhiều tập, môn bóng bầu dục, những tòa nhà chọc trời, những cây cầu treo, những chuỗi dây chuyền lắp ráp và những hãng xe ô tô hùng mạnh của nước Mỹ ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190705-quoc-khanh-my-donald-trump-kich-dong-tinh-than-nuoc-my

 

TT Trump phô trương sức mạnh quân sự Mỹ

trong Lễ Độc lập

Tổng thống Trump chủ trì các sinh hoạt mừng Lễ Độc lập vào chiều tối thứ Năm 4/7/2019 tại thủ đô Washington trong sự kiện “Salute to America” mà ông mô tả là “Show biểu diễn để đời” mừng ngày Quốc Khánh Mỹ.

Reuters dẫn lời Tổng thống Trump phát biểu tại Đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln.

“Đất nước chúng ta ngày nay hùng mạnh hơn bao giờ hết.”

Trong khi các Tổng thống Mỹ theo truyền thống vẫn lui vào hậu trường để theo dõi người dân Mỹ mừng Lễ Độc Lập theo cách riêng của họ, thì Tổng thống Trump trực tiếp chỉ huy các sinh hoạt ngày Quốc Khánh Mỹ với các màn trình diễn máy bay quân sự bay ngang qua địa điểm cử hành lễ, và phô trương sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ với xe tăng, thiết giáp, và một bài diễn văn dài đọc tại Đài tưởng niệm TT Lincoln, nêu bật 243 năm lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Ông mô tả lịch sử Hoa Kỳ là một “thiên anh hùng ca của một quốc gia vĩ đại, nhiều người đã hy sinh tất cả vì những gì họ cho là đúng, và biết là sự thật.”

Đám đông thỉnh thoảng lại hô vang :“USA! USA! USA!”

Có một vài trục trặc nhỏ, như sự xuất hiện của chiếc Boeing 747 được dùng làm chuyên cơ Tổng thống, Air Force One, đã xuất hiện mà không có lời giới thiệu đình đám nào, như trông đợi khi Tổng thống Trump loan báo trên trang Twitter của ông trước đó.

Pha biểu diễn được ưa chuộng nhất có lẽ là màn biểu diễn của phi đội Blue Angels vào lúc kết thúc sự kiện.

Theo bản tin Reuters, có một số điều nghịch lý trong chương trình Salute to America theo ý Tổng thống Trump, như ông vinh danh quân đội trong khi cá nhân ông đã từng trốn tránh nhập ngũ trong thời chiến tranh Việt Nam.

Trước sự kiện, đã có nhiều lo ngại ông Trump có thể biến ngày quốc khánh Mỹ thành một sự kiện chính trị, nêu bật những thành tích của ông trong cương vị Tổng thống.

“Người Mỹ yêu tự do và không ai có thể cướp tự do khỏi tay chúng ta… đất nước ta đang hùng mạnh nhất hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử.”

TT Donald Trump

Nhưng ông Trump không đề cập tới chính trị, tới cuộc bầu cử năm tới, hay các ứng cử viên Đảng Dân chủ đang vận động để ông không đắc cử thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa.

Thay vào đó, ông Trump tránh nhắc tới những điều gây chia rẽ, để nói đến những gì đoàn kết người Mỹ.

“Giữa lúc chúng ta tụ tập trong niềm hạnh phúc của tự do, chúng ta hãy nhớ là chúng ta chia sẻ chung một di sản vĩ đại. Cùng nhau, chúng ta là câu chuyện lớn nhất từng được kể”, ông nói.

“Người Mỹ yêu tự do và không ai có thể cướp tự do khỏi tay chúng ta… đất nước ta đang hùng mạnh nhất hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử.”

Nhưng nhiều cư dân Washington tỏ ra phẫn nộ về việc Ngũ Giác Đài và các giới chức an ninh đã chiếm nhiều khu vực của Quảng trường Quốc gia nơi mà công chúng thường tụ tập trong các dịp lễ lạc.

Một số người khác bất bình về chuyện Toà Bạch Ốc chỉ phân phát vé mời cho các thành viên Đảng Cộng hoà trung thành với Tổng thống mà thôi.

Sự hiện diện của những người chống đối ông Trump cũng nổi bật dọc theo quảng trường quốc gia trong suốt ngày, kể cả chiếc bong bóng cao su khổng lồ hình “Baby Trump” mặc tả, mặt đỏ vì giận dữ.

Trong số những người phản đối có một số cựu chiến binh. Họ nói họ bất bình khi chứng kiến một nhân vật chưa từng phục vụ trong quân đội khai thác sự đóng góp của họ để đánh bóng chính mình.

Trong khi đó, những người ủng hộ ông Trump đội mũ đỏ in dòng chữ “Make America Great Again”, làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, đối đầu với nhóm người phản đối ông, nhưng nói chung những cuộc tranh cãi tương đối hòa nhã.

Chi phí cho lễ mừng ngày độc lập hôm thứ Năm 4/7, kể cả giai đoạn chuẩn bị, có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng chi phí bỏ ra “rất nhỏ nhoi so với trị giá của nó.”

Các lễ lạc ngày 4/7 đánh dấu ngày Hoa Kỳ tuyên bố độc lập từ tay vương quốc Anh hồi năm 1776.

Trên khắp nước, dân chúng Mỹ ăn mừng Lễ Độc lập với những cuộc diễn hành, picnic, và pháo bông.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-pho-truong-suc-manh-quan-su-my-trong-le-doc-lap/4988103.html

 

Ông Trump bị phê phán

vì chi 2,5 triệu đô cho lễ Độc lập Mỹ

Tổng thống Donald Trump ca ngợi “những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm” của quân đội Hoa Kỳ trong bài phát biểu tại sự kiện Ngày Độc lập gây tranh cãi.

“Chúng ta kỷ niệm lịch sử của chúng ta, người dân của chúng ta và những anh hùng đã tự hào bảo vệ lá cờ của chúng ta”, ông nói với đám đông tại Đài tưởng niệm Lincoln ướt đẫm mưa ở Washington DC.

Sự kiện “Salute to America” được kỷ niệm với màn trình diễn máy bay quân sự và pháo hoa.

Mỹ chỉ trích việc TQ phóng tên lửa ở Biển Đông

Trung Quốc tập trận năm ngày trên Biển Đông

Việt Nam mua hàng Mỹ sau khi ‘bị Trump dọa’?

Giới đối lập cáo buộc ông Trump đã lãng phí tiền bạc và chính trị hóa lễ kỷ niệm trước chiến dịch tái tranh cử của ông.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders viết trên Twitter: “Đây là những gì chính quyền làm: Donald Trump lấy 2,5 triệu đô la từ Cục Công viên Quốc gia để tôn vinh chính mình với màn trình diễn xe tăng quân sự lăn bánh ở Washington.”

Lầu Năm Góc không tiết lộ chi phí của lễ kỷ niệm mà nhiều người tin là lấy cảm hứng từ chuyến thăm của ông Trump trong lễ diễu hành nhân Quốc Khánh Pháp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức năm 2017.

Một số báo cáo cho biết Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ đã chuyển gần 2,5 triệu đô la để trang trải chi phí cho lễ kỷ niệm này.

Chuyện gì đã diễn ra?

Phát biểu trước đám đông đã can đảm đội mưa và thời tiết nóng bức tới tham dự buổi lễ, ông Trump tỏ lòng kính trọng với quân đội trước khi giới thiệu màn trình diễn máy bay.

Ông nói về cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ và ca ngợi “di sản phi thường” của đất nước.

“Cùng nhau, chúng ta là một phần của một trong những câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể, câu chuyện về nước Mỹ”, ông Trump nói tại sự kiện. Tiếng hô “nước Mỹ, nước Mỹ” vang lên lẻ tẻ khi ông nói.

“Đó là biên niên sử của những công dân dũng cảm không bao giờ từ bỏ giấc mơ về một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn”, ông Trump nói tiếp. “Miễn là chúng ta không bao giờ ngừng chiến đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn … sẽ không có gì mà nước Mỹ không thể làm được.”

Sân khấu tại Đài tưởng niệm Lincoln được treo cờ và xe quân sự được trưng bày gần đó. Hai xe tăng Abrams nặng 70 tấn đỗ ở một con đường phụ vì chúng quá nặng.

Sự kiện này được mở cửa miễn phí cho công chúng, ngoài khu vực bán vé cho khách VIP trước đài tưởng niệm. Các bản nhạc được chơi gồm Chiến tranh giữa các vì sao, Hail to the Chief và God bless the USA.

Lễ tưởng niệm diễn ra gần như không có sự cố nào trừ vài vụ ẩu đả nhỏ bên ngoài Nhà Trắng trước đó, hôm thứ Năm, sau một cuộc biểu tình đốt cờ.

Sau bài phát biểu của ông Trump, nhiều người đã đến buổi hòa nhạc theo lịch trình trên bãi cỏ của Tòa nhà Quốc hội, nơi một màn bắn pháo hoa được tiến hành bất chấp điều kiện trời mưa.

Người Mỹ tụ tập để nhìn thấy ông Trump ‘một chút’

Harry Low, BBC News

“Ai không yêu sinh nhật nước Mỹ?” Andrea Stanford [thứ hai từ phải sang] cười rạng rỡ.

Người phụ nữ 58 tuổi này là một thành viên trong nhóm “Phụ nữ ủng hộ Trump”, người đã lái xe 15 giờ từ Florida tới đây cùng bạn của bà. Tất cả mọi người, bà tiết lộ, đang mặc đồ lót màu đỏ, trắng và xanh. Vì sao?

“Donald Trump đang định nghĩa lại về chức danh tổng thống và cam kết tự do,” bà nói.

“Ông ấy là tổng thống đầu tiên giữ lời hứa – về kinh tế và quân sự”, bà nói thêm, đề cập đến cuộc gặp gần đây tại DMZ với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Bên cạnh hồ nước, nơi mưa rơi suốt buổi chiều, người dân từ các bang trên khắp nước Mỹ đứng chen chân. Người từ các bang Utah, Indiana và Washington đều có mặt, họ muốn được tận mắt nhìn thấy tổng thống chủ dù chỉ thoáng qua.

Một người đàn ông người Mỹ gốc Phi đến từ Maryland đội mũ có hình cựu Tổng thống Obama và nói rằng ông chỉ đơn giản muốn ăn mừng ngày độc lập với những người đồng hương Mỹ.

Thế còn chi phí?

Ông Trump nói trong một tweet trước sự kiện rằng chi phí “sẽ rất ít so với giá trị của nó”.

Chỉ riêng mà trình diễn máy bay quân sự đã có giá hàng chục ngàn đô la mỗi giờ.

Ông Trump cũng yêu cầu có màn diễu hành bằng xe tăng trong Ngày Độc lập.

Các kế hoạch của ông Trump cho một màn trình diễn quân sự vào Ngày cựu chiến binh vào tháng 11 năm ngoái đã bị hủy bỏ sau khi các quan chức quốc phòng nói rằng nó sẽ có giá khoảng 92 triệu đô la – nhiều hơn ba lần so với ước tính ban đầu.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48878540

 

Tòa Bạch Ốc xem xét mọi lựa chọn pháp lý

để thêm câu hỏi quốc tịch trong thống kê dân số

Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ Năm (4 tháng 7), phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cho biết, khi thời hạn của tòa án sắp kết thúc, chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét mọi lựa chọnpháp lý, nhằm tìm cách thêm câu hỏi quốc tịch vào cuộc thống kê dân số năm 2020.

Hiện các luật sư của chính phủ đang phải chạy đua với thời hạn để giải thích ý định thêm câu hỏi quốc tịch trước chiều thứ Sáu (5 tháng 7), theo yêu cầu của quan tòa George Hazel. Vào tuần trước, Tối cao Pháp viện ngăn cản kế hoạch thêm câu hỏi quốc tịch, lập luận rằng các viên chức chính phủ đưa ra một lý do không chính đáng. Tuy vậy, Tối cao Pháp viện vẫn bỏ ngỏ khả năng chính quyền có thể đưa ra một lý do khác.

Theo Reuters, Tòa Bạch Ốc hiện đang xem xét tất cả các lựa chọn để đưa câu hỏi vào cuộc thống kê dân số. Hôm thứ Ba (2 tháng 7), Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết Bộ thống kê dân số đã bắt đầu quá trình in các khảo sát thống kê mà không có câu hỏi quốc tịch, điều này cho thấy chính quyền có thể đã quyết định rút lui. Dù vậy, vào hôm thứ Tư, Tổng thống Trump đăng tweet tin nhắn ra lệnh đảo ngược chính sách này, bất chấp việc chính phủ tiếp tục quá trình in câu hỏi thống kê dân số. Tổng thống đăng tweet thông báo rằng Bộ Thương mại và Bộ Tư pháp đang làm việc rất chăm chỉ, thậm chí không nghỉ lễ Ngày Độc Lập 4/7, để giải quyết vấn đề này. Dòng tweet được đăng vài giờ trước khi Tổng thống phát biểu trong lễ kỷ niệm ở Washington.

Kết quả thống kê dân số được sử dụng để phân bổ số lượng ghế trong Hạ viện Hoa Kỳ và  khoảng 800 tỷ Mỹ kim cho các dịch vụ liên bang, bao gồm trường công lập, trợ cấp y tế, cơ quan hành pháp và sửa chữa xa lộ. Các nhà phê bình cho rằng câu hỏi quốc tịch là một âm mưu của đảng Cộng Hòa nhằm dọa người di dân không tham gia thống kê dân số, và khiến đảng Dân Chủ chịu thiệt hại khi dân số giảm. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/toa-bach-oc-xem-xet-moi-lua-chon-phap-ly-de-them-cau-hoi-quoc-tich-trong-thong-ke-dan-so/

 

Cựu đặc nhiệm hải quân Hoa Kỳ bị cắt giảm lương

và giáng chức nhưng không phải ngồi tù

Vào hôm thứ Ba (2/7), Trưởng nhóm tác chiến đặc biệt Edward Gallagher, thành viên lực lượng Hải quân SEAL, được tha bổng về việc giết chết một tù nhân Nhà nước hồi giáo. Tuy nhiên, ông Gallagher bị kết một tội danh nhẹ hơn, đó là chụp ảnh với thi thể người chết rồi đăng Facebook. Bồi thẩm đoàn quyết định hạ ông Gallagher xuống một cấp bậc và ra lệnh cắt giảm lương 2,700 Mỹ kim cho bốn tháng.

Vào thứ Tư (3/7), Thẩm phán quyết định sửa đổi bản án, giới hạn việc cắt giảm lương trong hai tháng và giảm cho ông Gallagher thêm 60 ngày vì ông bị giam giữ trong điều kiện quá khắc nghiệt trước phiên xét xử, đồng thời bị tước quyền điều trị chấn thương sọ não. Bản án sẽ không có hiệu lực cho đến khi được sĩ quan chỉ huy giám sát tòa án chấp thuận.

Trong phiên tòa, ông Gallagher bày tỏ với bồi thẩm đoàn rằng hai lực lượng mà ông yêu thích nhất là Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và Hải quân Hoa Kỳ – đặc biệt là lực lượng SEAL. Ông Gallagher nói với bồi thẩm đoàn rằng ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động chụp ảnh với thi thể của chiến binh 17 tuổi. Bức ảnh cho thấy cảnh ông nắm chặt tóc của xác chết bằng một tay và cầm một con dao trong tay khác.

Hồi đầu năm nay, tổng thống Trump từng can thiệp để chuyển ông Gallagher từ nhà tù sang nơi giam cầm ít hạn chế hơn. Tổng thống đăng lên trang twitter chúc mừng ông Gallagher và cảm thấy vui mừng vì đã có thể giúp đỡ. Các luật sư bào chữa cho rằng ông Gallagher bị gài bẫy bởi những người trung đội bất mãn, họ bịa đặt các cáo buộc để lật đổ thủ lĩnh của họ. Luật sư tiếp tục cho biết không có bằng chứng nào hỗ trợ cho các cáo buộc, vì xác chết không được kiểm tra bởi một nhà bệnh lý học. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cuu-dac-nhiem-hai-quan-hoa-ky-bi-cat-giam-luong-va-giang-chuc-nhung-khong-phai-ngoi-tu/

 

Kịch bản ‘cọ xát’ tại Đông Á: Mỹ lui bước TQ

Ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đang gia tăng – điều cạnh tranh trực tiếp với sức mạnh quân sự, kinh tế và công nghệ của Mỹ.

Cùng với việc được đầu tư nhiều hơn, sức mạnh quân sự Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. (Nguồn: Xinhua)

Theo CBS News, Bắc Kinh đang được nhiều bên xem là mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với “CBS This Morning” vào thứ Tư vừa qua, cựu giám đốc CIA Michael Morell đã đưa ra thêm một dự đoán đáng ngại: nếu Hoa Kỳ có xung đột với Trung Quốc ở Đông Á, chúng tôi có thể “có khả năng thua”.

Tín hiệu tại mặt trận Đông Á

Trung Quốc “đã tiến sát tới chúng tôi nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử, về mặt quân sự,” ông Morell nói. “Nếu chúng tôi phải chiến đấu trong một cuộc chiến chống lại họ vào thời điểm hiện tại, ở Đông Á, chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc giành chiến thắng và thậm chí có thể thua cuộc chiến đó.”

Đó là một vấn đề lớn, Morell nói, đề cập tới mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho Hoa Kỳ. “Nếu bạn lập một danh sách các mối đe dọa và thách thức an ninh quốc gia mà Hoa Kỳ phải đối mặt, thì nó khá dài, nhưng chỉ có một thách thức nằm ở trên đỉnh, và có một khoảng cách lớn giữa điều đó và mọi thứ khác – và đó là Trung Quốc, “ông nói.

Mối đe dọa đó một phần xuất phát từ sự thay đổi trong mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. “Họ đặt ra một thách thức kinh tế đối với chúng tôi,” Morell nói. “Chúng tôi từng ca ngợi nhau về kinh tế – họ giàu lao động, chúng tôi giàu vốn, hai thứ đó phù hợp với nhau. Nhưng bây giờ chúng tôi là đối thủ cạnh tranh.”

Ông cũng nói rằng có một cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng địa chính trị – và “chúng tôi đang thua mặt trận đó”.

Trung Quốc coi Đông Á là “nơi mà họ nên có ảnh hưởng hàng đầu”, ông Morell nói. “Họ đã có sức mạnh vượt trội tại đó một lần trong lịch sử. Họ đã đánh mất nó, họ nghĩ nơi đó là quyền lợi của họ và họ muốn lấy lại.”

Ông Morell cũng nhấn mạnh tới vấn đề Trung Quốc đang đánh cắp tài sản trí tuệ từ Hoa Kỳ- điều chuyên gia này cho rằng thiệt hại đang ở mức “hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm.”

“Họ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới làm điều này”, ông nói thêm. “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chưa bao giờ sử dụng khả năng tình báo của mình để đánh cắp tài sản trí tuệ nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh.”

“Sai lầm chiến lược” của Mỹ?

Ông Morell cũng hoan nghênh Tổng thống Trump, “có lẽ là tổng thống đầu tiên”, đã công khai gọi Trung Quốc là một vấn đề lớn – nhưng trong khi Tổng thống “có công lao về điều đó” thì “ông ấy vẫn chưa có hiệu quả” trong việc thay đổi tình hình, theo chuyên gia Morell.

“Và ông ấy không nhìn vào bức tranh chiến lược lớn hơn nữa”, Morell nói thêm. “Ông ấy chỉ tập trung vào một lát hẹp của nó.”

Cựu giám đốc CIA Morell cũng thừa nhận rằng đây là một câu hỏi khó. “Không có ai trong lĩnh vực an ninh quốc gia đã tìm ra điều này. Rất nhiều người đang giải quyết vấn đề này, nhưng không ai nói ‘đã có giải pháp'”.

Chuyên gia này đã khuyến nghị hai hướng đi “cần phải thực hiện” để Mỹ đi về phía trước: Hoa Kỳ tiến lên dẫn đầu chống lại Trung Quốc, và xây dựng một liên minh – tập hợp các đồng minh để nhận được sự hỗ trợ.

“Tôi nghĩ rằng sai lầm chiến lược lớn nhất mà chính quyền này đã mắc phải là đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi vì điều Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chính xác muốn truyền đạt lúc đầu là: một nhóm các quốc gia gửi thông điệp tới Trung Quốc, ‘nếu bạn muốn gia nhập giữa thế giới theo một cách rộng lớn, bạn cần chơi theo luật – không phải theo luật của riêng bạn”.

Sau khi Mỹ rút khỏi, TPP đã đổi thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và được 11 thành viên chính thức kí kết vào ngày 8/3/2018.

Một sai lầm chiến lược khác, theo ông Morell, là việc xung đột với Trung Quốc về thuế quan. “Tôi thà chiến đấu về những vấn đề kinh tế này trong Tổ chức Thương mại Thế giới, hơn là thông qua con đường thuế quan”, Ông Morell nói. “Bởi vì thuế quan cuối cùng sẽ làm suy yếu người tiêu dùng Mỹ và tôi không nghĩ đó là một điều tốt. Vì vậy, tôi muốn thay đổi những vấn đề kinh tế trong các cấu trúc mà chúng tôi đã xây dựng, thay vì theo cách công khai rất khó chịu lúc này”.

http://biendong.net/doc-bao-viet/29157-kich-ban-co-xat-tai-dong-a-my-lui-buoc-tq.html

 

Mỹ – Trung và cuộc Chiến tranh Lạnh

đang ‘nóng’ lên ở châu Phi

Với sự hiện diện quân sự nước ngoài ngày càng tăng và căng thẳng ngoại giao ngày càng gay gắt, Lục địa Đen đang chứng kiến ​​những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Tuần trước, Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Mỹ-Phi lần thứ 12, một sự kiện cấp cao có sự tham gia của 11 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ châu Phi và khoảng 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp, đã được tổ chức tại Maputo, Mozambique. Trong sự kiện kéo dài 3 ngày, các quan chức Mỹ tiết lộ một quỹ đầu tư 60 tỷ USD sẽ tìm cách đầu tư vào các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt tập trung vào châu Phi.

Thông báo trên được đưa ra 6 tháng sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton trình bày “Chiến lược châu Phi mới” của chính quyền Tổng thống Trump. Theo tài liệu này, “các đối thủ cạnh tranh quyền lực lớn, cụ thể là Trung Quốc và Nga, đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tài chính và chính trị trên khắp châu Phi. Họ đang cố tình và tích cực nhắm mục tiêu đầu tư vào khu vực để đạt được lợi thế cạnh tranh so với Mỹ.”

Trên thực tế, có vẻ như châu Phi đã trở thành một chiến trường khác cho cuộc chiến thương mại leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.

Với sự hiện diện quân sự nước ngoài ngày càng tăng và căng thẳng ngoại giao ngày càng gay gắt, lục địa Đen đang chứng kiến ​​những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang nổi lên.

Chiến tranh kinh tế

Theo tờ Al Jazeera, cách tiếp cận của Trung Quốc đến châu Phi luôn được định hướng thương mại. Châu lục này đã trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của đầu tư Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đưa ra chính sách được gọi là “Tiến ra ngoài” vào năm 1999 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước tìm kiếm cơ hội kinh tế ở nước ngoài.

Nhờ đó, thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã tăng gấp 40 lần trong hai thập kỷ qua; năm 2017 đạt mức 140 tỷ USD. Từ năm 2003 đến 2017, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào châu Phi cũng tăng vọt gần 60 lần lên 4 tỷ USD/ năm.

Trung Quốc đã mở rộng đáng kể đường sắt châu Phi, đầu tư vào các dự án khác nhau ở Kenya, Ethiopia, Djibouti, Angola và Nigeria; hiện họ đang thi công một nhà máy thủy điện khổng lồ ở Angola và đã xây tuyến đường sắt dài nhất châu Phi nối liền Ethiopia và Djibouti; Trung Quốc cũng xây dựng trụ sở Liên minh châu Phi tại Addis Ababa và trụ sở Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ở Abuja.

Ngược lại, trong một thời gian dài, Mỹ luôn coi châu Phi là một chiến trường nơi họ có thể đối đầu với các kẻ thù của mình, cho dù là Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, quân khủng bố sau vụ 11/9 hay hiện giờ là Trung Quốc. Washington chưa bao giờ thực sự nỗ lực phối hợp để phát triển quan hệ kinh tế với lục địa này.

Do đó, thương mại giữa Mỹ và châu Phi đã giảm từ 120 tỷ USD năm 2012 xuống chỉ còn hơn 50 tỷ USD hiện nay. Dòng vốn FDI của Mỹ cũng đã giảm từ 9,4 tỷ USD năm 2009 xuống chỉ còn khoảng 330 triệu USD trong năm 2017. Quỹ đầu tư 60 tỷ USD mới được công bố tuần trước là một sáng kiến ​​đáng hoan nghênh từ Mỹ nhưng nó sẽ không thể thách thức sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc trên Lục địa Đen. Mới năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết 60 tỷ USD nhưng chỉ dành riêng cho đầu tư vào châu Phi.

Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc sử dụng “bẫy nợ” đối với các quốc gia châu Phi theo mong muốn và yêu cầu của họ” và đã cảnh báo các nước châu Phi tránh “ngoại giao nợ” của Trung Quốc, vốn được cho ảnh hưởng tới sự độc lập của quốc gia này cũng như đặt ra “một mối đe dọa đáng kể tới lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.

Tuy nhiên, châu Phi chỉ là nước nhận vốn đầu tư lớn thứ tư của Trung Quốc sau châu Âu (chủ yếu là Đức, Anh và Hà Lan), hâu Mỹ (chủ yếu là Mỹ và Canada) và châu Á. Chính Mỹ cũng vay rất nhiều từ Trung Quốc và hiện nợ đối thủ của mình tới 1,12 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, châu Phi nợ Trung Quốc khoảng 83 tỷ USD.

Người dân châu Phi nhận thức đầy đủ và lo ngại về tình trạng nợ nần cao, mất cân bằng thương mại, chất lượng hàng hóa và dịch vụ tương đối kém và việc Bắc Kinh áp dụng các tiêu chuẩn thấp hơn về lao động và môi trường. Nhưng nhiều người không chia sẻ quan điểm của Mỹ rằng mối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc là gây bất lợi mà thay vào đó, họ coi đây là cơ hội cung cấp tài trợ vô điều kiện rất cần thiết.

Áp lực mà Mỹ hiện đang gây ra cho các nước châu Phi để tránh xa quan hệ đối tác với Trung Quốc có thể làm tổn thương các nền kinh tế châu Phi.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng đã ảnh hưởng đến “Lục địa Đen”. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, nó có thể dẫn đến sụt giảm 2,5% GDP ở các nền kinh tế châu Phi sử dụng nhiều tài nguyên và giảm 1,9% đối với các nước xuất khẩu dầu.

Quân sự hóa

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể sẽ đe dọa đến an ninh của lục địa này. Cả hai nước đều có hoạt động quân sự ở châu Phi.

Trong 15 năm qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia vào một số nhiệm vụ an ninh trên khắp lục địa này, đóng góp binh sĩ dù còn khiêm tốn cho các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Sudan, Nam Sudan, Liberia, Mali và Cộng hòa Dân chủ Congo. Họ cũng đã đóng góp hàng triệu USD thiết bị gìn giữ hòa bình cho Phái đoàn Liên minh châu Phi ở Somalia và cung cấp tài trợ đáng kể ở Nam Sudan.

Năm 2017, căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc đã được khai trương tại Djibouti. Cơ sở này có sức chứa 10.000 người, được cho là hỗ trợ cho các hoạt động chống

cướp biển và đảm bảo an ninh hàng hải. Nhưng cũng có suy đoán rằng đây là cơ sở đầu tiên trong số các căn cứ được lên kế hoạch nhằm bảo đảm lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi.

Mặc dù vậy sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở châu Phi vẫn chưa mạnh bằng Mỹ. Trong vài năm qua, Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ đã điều hành 36 hoạt động quân sự khác nhau ở 13 quốc gia châu Phi. Mỹ cũng duy trì hơn 7.000 quân tại lục địa này. Mỹ cũng có một căn cứ lớn ở Djibouti – căn cứ quân sự lớn nhất và duy nhất của nước này ở châu Phi – trong khi điều hành ít nhất 34 tiền đồn quân sự khác nằm rải rác ở phía tây, đông và bắc của lục địa.

Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc ở châu Phi là không thể, nhưng sự hiện diện ngày càng tăng của hai nước đang trở thành một yếu tố gây bất ổn tiềm tàng. Chiến lược của Washington nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với châu Phi đang diễn ra tại các điểm nóng xung đột và biến động xã hội khác nhau trên khắp lục địa. Ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đặc biệt rõ ràng ở khu vực Biển Đỏ chiến lược, nơi sở hữu một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Căng thẳng khu vực gia tăng

Djibouti gần đây đã tự thấy mình trở thành trung tâm của cuộc đối đầu ngoại giao Mỹ-Trung. Là chủ nhà của các căn cứ quân sự của cả hai siêu cường, quốc gia nhỏ bé này đã phải chơi một trò chơi cân bằng đầy khó khăn.

Năm 2018, Djibouti đã giành quyền kiểm soát cảng Doraleh từ công ty DP World của Dubai. Tuy nhiên, quyết định chấm dứt hợp đồng với DP World song đã gây ra phản ứng gay gắt từ Washington, một đồng minh thân cận của Tiểu vương quốc Dubai. Chính quyền Tổng thống Trump lo ngại Djibouti có thể trao quyền kiểm soát nhà ga cho Trung Quốc.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Bolton cảnh báo: “Nếu điều này xảy ra, sự cân bằng quyền lực ở vùng Sừng châu Phi – thiên đường thương mại hàng hải giữa châu Âu, Trung Đông và Nam Á – sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc”.

Djibouti đã buộc phải tuyên bố công khai rằng họ sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp quản nhà ga nhưng điều đó không làm giảm bớt nỗi lo sợ của Mỹ. Sau đó, Washington đã tìm cách bảo đảm một vị trí thay thế khả dĩ cho căn cứ quân sự châu Phi của mình: nước láng giềng Eritrea.

Sudan, ở phía bắc, cũng là chiến trường của cuộc chiến siêu cường đang diễn ra. Trung Quốc là người ủng hộ lâu dài cho nhà lãnh đạo Omar al-Bashir. Bắc Kinh đã thống trị ngành công nghiệp dầu mỏ Sudan, mua khoảng 80% dầu mỏ và do đó cung cấp cho Khartoum những khoản tiền mặt rất cần thiết để tiến hành cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân.

Sau khi Nam Sudan giành được độc lập vào năm 2011, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thân thiết của Sudan, tiếp tục là đối tác thương mại chính. Sudan trên thực tế đã trở thành người hưởng lợi lớn nhất từ ​​gói đầu tư 60 tỷ USD mà Trung Quốc đã cam kết vào năm 2018, với khoản nợ 10 tỷ USD được Trung Quốc xóa trắng.

Ngoài Djibouti và Sudan, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng cảm thấy hậu quả của việc Mỹ phải kiềm chế Trung Quốc. Cuộc đối đầu chính trị này cũng đã đổ thêm dầu vào căng thẳng gia tăng giữa những người chơi khác trong khu vực, bao gồm Ai Cập, các nước vùng Vịnh, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, về lâu dài, giữa bối cảnh xung đột đã tồn tại từ trước trong khu vực, Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung có thể gây ra tác động bất lợi, không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với an ninh của châu Phi.

Theo tờ Al Jazeera, ở thời điểm này, để bảo vệ lợi ích và hòa bình của mình, châu Phi chỉ có một lựa chọn: từ chối áp lực phải “tuyên thệ” trung thành với một trong hai cường quốc. Các nước châu Phi nên giữ vững chủ quyền trong chính sách và theo đuổi lợi ích tốt nhất của quốc gia.

Nếu Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc trên “lục địa Đen”, thì nên làm như vậy với thiện chí. Họ có thể đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách cung cấp cho các nước châu Phi những lựa chọn thay thế tốt hơn, đáng tin cậy hơn và nguyên tắc hơn so với những gì được đề nghị bởi Trung Quốc. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Mỹ phát triển một chiến lược tập trung vào chính châu Phi, chứ không chỉ là ngăn chặn hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.

http://biendong.net/doc-bao-viet/29137-my-trung-va-cuoc-chien-tranh-lanh-dang-nong-len-o-chau-phi.html

 

Đàm phán thương mại Mỹ – Trung

sẽ được nối lại vào tuần tới

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán bị ngưng trệ từ tháng 5 vừa qua.

Các đại diện thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào tuần tới, để tiếp tục cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới . Đây là thông báo đưa ra hôm 3/7 của Cố vấn kinh tế Nhà trắng, ông Larry Kudlow.

Phát biểu với các phóng viên, ông Kudlow khẳng định, các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục một cách nghiêm túc trong tuần tới. Tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Nhật Bản hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán bị ngưng trệ từ tháng 5 vừa qua.

Đề cập tới cuộc gặp này, Cố vấn kinh tế Nhà trắng Kudlow cho biết, quyết định của Tổng thống Donald Trump cho phép Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei mua sản phẩm của các nhà cung cấp Mỹ sẽ chỉ áp dụng cho những sản phẩm phổ biến trên toàn cầu và hạn chế đối với các thiết bị nhạy cảm.

“Chúng tôi sẽ xem xét một lần nữa việc cấp giấy phép xuất khẩu, song sẽ chỉ liên quan đến những sản phẩm công nghệ phổ biến, tức là không nhạy cảm về an ninh quốc gia. Hãy nhớ rằng, Huawei vẫn nằm trong danh sách đen của Mỹ. Chúng tôi sẽ không từ bỏ các giới hạn của mình”, ông Kudlow nói.

Việc dỡ bỏ một phần hạn chế với Huawei là một trong những điểm nổi bật nhất trong thỏa thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, hướng tới mở lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, động thái mới của Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhận về chỉ trích từ các nghị sĩ lưỡng đảng tại Mỹ, bởi họ lo ngại rằng Huawei có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan tình báo Trung Quốc.

Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đồng thời là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu, đã phủ nhận sản phẩm của hãng là mối đe dọa an ninh. Theo Cố vấn kinh tế Nhà trắng Kudlow, mối quan tâm toàn diện về Huawei sẽ là một phần của các cuộc đàm phán mới giữa hai nước.

http://biendong.net/doc-bao-viet/29133-dam-phan-thuong-mai-my-trung-se-duoc-noi-lai-vao-tuan-toi.html

 

Venezuela: LHQ tố cáo chiến lược đàn áp

của chính quyền Maduro

Mai Vân

Trong báo cáo công bố từ hôm qua, 04/07/2019 và sẽ do chính Cao Ủy Nhân Quyền LHQ bà Michelle Bachelet trình bày hôm nay tại Genève, chính quyền Venezuela bị quy trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền, đàn áp, giết người trong 10 năm gần đây. Theo bản báo cáo, chính quyền Caracas đã thực hiện nguyên một chiến lược « nhằm vô hiệu hóa, đàn áp và buộc tội các nhà đối lập chính trị »

Thông tín viên RFI tại Caracas, Benjamin Delille cho biết thêm chi tiết :

« Theo kết luận của báo cáo chính quyền Venezuela chịu toàn bộ trách nhiệm trên bình diện vi phạm nhân quyền.

Trước tình trạng khủng hoảng kinh tế, chính quyền không những không có những biện pháp thích ứng, mà lại còn « sử dụng các chương trình xã hội một cách bất công, vì những lý do chính trị, và như một công cụ để kiểm soát xã hội ». Báo cáo nói thêm là trừng phạt kinh tế của Mỹ làm tình hình thêm nghiêm trọng nhưng đó không phải là nguyên nhân khủng hoảng, ngược lại với lời khẳng định của chính quyền.

Về khủng hoảng chính trị, chính quyền Venezuela bị tố cáo là trong vòng hơn một thập niên, đã đưa ra những biện pháp thu hẹp không gian dân chủ, làm suy yếu các định chế, giới hạn sự độc lập của Tư Pháp. Bấy nhiêu biện pháp cho phép chính quyền, xin trích « vô hiệu hóa, đàn áp và đổ tội cho các nhà đối lập chính trị ».

Báo cáo còn nhấn mạnh trên số lượng cao bất thường của những người bị giết trong những tháng qua do « kháng lại chính quyền »:  Gần 5.300 năm 2018, theo số liệu của chính phủ. Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận được 52 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình năm nay mà tác giả là lực lượng an ninh hay những nhóm dân sự thân chính quyên gọi là colectivos.

Cao Ủy Nhân Quyền kệu gọi chính quyền Venezuela «nhanh chóng đề ra những biện pháp cụ thể để chấm dứt những vụ vi phạm các quyền kinh tế, xã hội, dân sự, chính trị và văn hóa».

Báo cáo còn nêu con số 793 người, tính cho đến ngày 31/05, bị giam cầm một cách tùy tiện.

Phe đối lập đã rất hoan nghênh báo cáo của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và kêu gọi biểu tình vào hôm nay, chống vi phạm nhân quyền ở Venezuela vào ngày quốc khánh này.

Phần chính quyền thì lên tiếng chỉ trích một báo cáo không khách quan, không đúng thực tế mà « có lọc lựa, thiên vị ». Caracas cũng chỉ trích phương thức điều tra của báo cáo vì có đến « 82 % người được hỏi ở ngoài nước ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190705-venezuela-lhq-to-cao-chien-luoc-dan-ap-cua-chinh-quyen-maduro

 

FAO : Dịch tả lợn làm « tăng giá » thịt tại châu Á

Minh Anh

Tổ chức Quốc tế Lương Nông Liên Hiệp Quốc ngày 04/07/2019 cho biết chỉ số giá thịt trong tháng 5/2019 đã tăng thêm 1,5%, mức cao nhất trong vòng một năm.

FAO khẳng định dịch tả lợn đang lan rộng tại châu Á ảnh hưởng đáng kể đến giá cả thịt trên thị trường nông nghiệp. Dịch bệnh hoành hành và nhằm ngăn chặn đại dịch, nhiều nhà sản xuất buộc phải tiêu hủy đàn lợn nuôi; sản lượng thịt tại châu Á bị giảm mất 9% trong năm nay. Hệ quả là giá thịt đã tăng vọt tại Trung Quốc. Thị trường thịt lợn chỉ sẽ tái bình ổn khi đưa vào kinh doanh nguồn thịt đông lạnh. Tuy nhiên, theo FAO, nguy cơ khan hiếm nguồn hàng dự trữ có thể sẽ dẫn đến một đợt tăng giá thịt mới.

Để bù đắp cho sản lượng sụt giảm tại Trung Quốc, Việt Nam, Cam Bốt hay như tại Hàn Quốc, châu Á đã bắt đầu nhập khẩu thịt nhiều hơn. Tuy các chuyên gia của FAO dự đoán nhập khẩu thịt sẽ tăng thêm 10%, nhưng vẫn không đủ để cung ứng. Nguyên nhân là tổng sản lượng tại 5 quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới vẫn thấp hơn mức nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc.

Thịt lợn gần như là nguồn thực phẩm rất phổ biến cho các hộ gia đình nghèo. FAO quan ngại là mức tăng giá thịt có thể có những tác động lớn trên phương diện an toàn thực phẩm cho cộng đồng dân cư có nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, FAO còn lo ngại đến những hệ quả cho những nhà nuôi lợn. AFP cho biết, chỉ riêng tại Trung Quốc, hơn 130 triệu hộ gia đình là bị ảnh hưởng. Những trại nuôi nhỏ, chiếm đến 1/3 sản lượng quốc gia, là những nhà sản xuất dễ bị tổn hại nhiều nhất trước trận dịch bệnh này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190705-fao-dich-ta-lon-lam-%C2%AB-doi-gia-%C2%BB-thit-tai-chau-a

 

Anh bắt giữ

tàu chở dầu Iran vi phạm lệnh trừng phạt Syria

Tin từ London/DUBAI – Vào hôm thứ Năm (4/7), thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh Quốc đã bắt giữ một tàu chở dầu khổng lồ của Iran ở Gibraltar, vì đã cố gắng vận chuyển dầu đến Syria trái với các lệnh trừng phạt của EU.

Hành động quyết liệt này đã khiến Tehran phẫn nộ và có thể làm gia tăng tình hình căng thẳng của Iran với phương Tây. Tàu chở dầu Grace 1 đã bị giam giữ trong lãnh thổ Anh Quốc trên mũi phía nam của Tây Ban Nha sau khi đi vòng qua châu Phi theo tuyến đường dài từ Trung Đông đến cửa Địa Trung Hải. Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập đại sứ Anh Quốc để nêu lên sự phản đối kịch liệt đối với vụ bắt giữ “bất hợp pháp và không thể chấp nhận được” tàu của họ.

Hành động  ngoại giao này đã xóa bỏ mọi nghi ngờ về quyền sở hữu của Iran đối với tàu Grace 1. Chiếc tàu này có treo cờ Panama và được liệt kê là thuộc quyền cai quản của một công ty ở Singapore.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton tuyên bố rằng hành động của Anh Quốc là một “tín hiệu tuyệt vời”. Dữ kiện vận chuyển được hãng tin Reuters xem qua cho thấy chiếc tàu này đang chở dầu Iran được nạp ngoài khơi Iran, mặc dù các tài liệu của họ cho thấy rằng lượng dầu này là từ nước láng giềng Iraq. Dù châu Âu đã cấm các chuyến hàng vận chuyển dầu đến Syria kể từ năm 2011, nhưng họ chưa bao giờ bắt giữ một tàu chở dầu trên biển. Không giống như Hoa Kỳ, phía Châu Âu hiện không có các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Iran. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/anh-bat-giu-tau-cho-dau-iran-vi-pham-lenh-trung-phat-syria/

 

Nga giữ ‘bí mật’ về tàu ngầm gặp nạn

làm chết 14 sĩ quan

Còn nhiều điều chưa rõ về chiếc tàu ngầm gặp hỏa hoạn trên khoang làm chết 14 sĩ quan Hải quân Nga.

Sự việc xảy ra ở biển Barents hôm thứ Hai 01/07.

Danh tính con tàu đến nay vẫn không được Nga công bố, cũng như nguyên nhân hỏa hoạn.

Người ta chỉ nêu chức vụ của 14 sỹ quan Nga bị tử nạn trên tàu nhưng có câu hỏi là vì sao trên một tàu nghiên cứu biển sâu loại nhỏ có cùng một lúc bảy thuyền trưởng cấp một, ba thuyền trưởng cấp hai, hai thuyền trưởng cấp ba, một đại úy hải quân và một trung tá.

Nga công bố 14 sỹ quan cao cấp chết trong tàu ngầm

Tàu ngầm Nga xuống lòng Bắc Cực làm gì?

Hải quân Trung-Nga lần đầu tập ở Biển Baltic

Số phận ‘chó du hành vũ trụ’ của Liên Xô

Các báo châu Âu những ngày qua đã tìm hiểu câu chuyện và đăng tải nhiều đánh giá, phỏng đoán khác nhau, và các thông tin này chưa được Moscow xác nhận.

1-Tàu nhỏ đi cùng một tàu mẹ trong chuyến đi biển bí mật

Các báo Anh, châu Âu và nhất là Na Uy, nước theo dõi kỹ vụ việc, gợi ý rằng công tác bí mật của chiếc tàu bị nạn gắn liền với một tàu khác.

Theo các nguồn tin này, chiếc tàu bị nạn là tàu ngầm ‘Losharik’ (AS-31).

Có nguồn tin khác cho rằng đây có thể là chiếc tàu ngầm AS-12.

Nó được tàu mẹ ‘Podmoskovie’ (lớp Delta-IV) chở đến nơi có hoạt động dưới đáy biển.

‘Podmoskovie’ cũng là tàu ngầm, và đã phải nổi hẳn lên mặt nước khi tàu ‘Losharik’ gặp nạn.

Cả hai chiếc tàu bình thường đóng ở căn cứ tại Vịnh Oleniya Bay, nơi có Trung tâm Nghiên cứu Độ sâu Hải dương (GUGI) do Bộ Tổng tham mưu Nga trực tiếp phụ trách.

Đây là vụ tai nạn tàu ngầm nghiêm trọng nhất ở Nga sau vụ tàu Kursk chìm ở Biển Barents năm 2000.

2-Nơi xảy ra tai nạn là Vịnh Ura

Đây là địa điểm gần bán đảo Kola, theo xác nhận của một số dân đánh cá trộm ở địa phương. Họ thấy tàu ‘Podmoskovie’ nổi lên lúc 09:30 tối ngày 1/07.

Sau khi xảy ra vụ cháy trong tàu ‘Losharik’, có thêm một tàu thủy và hai tàu kéo của Hải quân Nga đến nơi. Khoảng 11 giờ tối, tất cả đã được đưa đi.

Sau khi bị nạn ‘trong vùng biển Nga’ chiếc tàu nổi lên cách bờ biển Na Uy 100 km, theo tờ Moscow Times.

3-Chuyến hải hành biển sâu có liên quan đến cáp truyền thông

Phía Nga cho hay chiếc tàu ngầm gặp nạn ở nơi không xa Murmansk, và thuộc biển của Nga, khi đang “nghiên cứu đáy biển”.

Tuy nhiên, giới quân sự Hoa Kỳ tin rằng chiếc tàu đang đem các thiết bị nghe lén gắn vào hệ thống cáp viễn thông quốc tế để thu thập tin tức và cần thì phá hoại.

Theo ông Dmitry Gorenburg, Trung tâm Davis chuyên về Nga ở ĐH Harvard thì chiếc tàu ngầm có khả năng làm gián đoạn hệ thống thám báo bằng âm thanh SOSUS [sound surveillance system] vốn được thả xuống Bắc Đại Tây Dương, đoạn từ Greenland tới Anh để theo dõi tàu ngầm Nga từ lãnh thổ Na Uy.

4-Các sỹ quan vì tự đóng khoang tàu bị cháy để hy sinh

Các nguồn tin nước ngoài nói 7 sỹ quan cao cấp và 8 sỹ quan trung cấp không sống trên tàu ‘Losharik’ mà chỉ lên boong trước khi tàu này xuất hành.

Phía Nga coi họ là anh hùng vì tất cả đã quyết định khóa chặt khoang ở trong, nhằm ngăn lửa lan ra cả tàu, để cứu những người khác.

Cho đến nay phía Nga nói vụ cháy ban đầu xảy ra ở khoang ắc-quy, nhưng các nguồn châu Âu tin là “có vụ nổ gas”.

Hôm 5/07, báo Nga nêu tên thuyền trưởng chiếc tàu bị nạn là Denis Dolonsky, người đã chết trên khoang.

Na Uy không ghi nhận mức phóng xạ tăng lên ở khu vực tàu ‘Losharik’ bị nạn nhưng nhiều báo châu Âu sợ rằng việc một tàu có động cơ hạt nhân bị cháy bên trong là mối lo nhiễm xạ nghiêm trọng và Nga cần phải minh bạch hơn về vụ này.

5-Tàu ngầm vỏ titanium nhẹ và nhanh nhưng có lỗi động cơ

Theo các nhà quan sát tình hình quân sự Nga như Dmitry Gorenburg và Sebastien Roblin, Nga đã đóng được tàu ngầm vỏ hoàn toàn bằng titanium.

Dự án 705 Lira từ thời Liên Xô đã chế tạo được tàu vỏ titanium lớp Alfa, nhẹ hơn nhiều so với tàu ngầm Mỹ, và có tốc độ nhanh tới 47 dặm một giờ.

Tàu ngầm Liên Xô thế hệ này có thể tránh được thủy lôi đối phương nhờ độ cơ động cao.

Tuy thế, thiết kế của tàu vỏ titanium lại khiến tàu thế hệ này có vấn đề nghiêm trọng về an toàn của động cơ hạt nhân.

Đây là loại động cơ phải chạy liên tục, không dừng được kể cả khi vào cảng.

Lớp bảo vệ cho các động cơ không an toàn bằng tàu vỏ thép.

Dự án 705 đã dừng từ lâu nhưng Nga vẫn làm tàu vỏ titanium như chiếc ‘Losharik’, và rất có thể lỗi ở phần động cơ điện khiến xảy ra hỏa hoạn.

Tuy nhiên, theo lời Bộ trưởng Nga, Sergei Shoigu báo cáo lên Tổng thống Vladimir Putin thì “bộ phận nguyên tử” đã được bảo vệ nguyên vẹn.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-48885196

 

Tại Roma, TT Nga kêu gọi EU bỏ trừng phạt

và nối lại quan hệ

Minh Anh

Tổng thống Nga, Vladimir Putin hôm qua 04/07/2019 đã có một chuyến thăm ngắn ngủi tại Roma. Trước các lãnh đạo Ý, nguyên thủ Nga kêu gọi nối lại quan hệ Nga – Liên Hiệp Châu Âu.

Trong chuyến thăm Roma ngày hôm qua, tổng thống Nga đã gặp tổng thống Ý Sergio Mattarella và thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Quan hệ giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu ; tình hình Syria, Ukraina và Libya là chủ đề bàn luận giữa các lãnh đạo Ý và Nga.

Phát biểu trước báo giới trong cuộc họp báo chung với ông Giuseppe Conte, tổng thống Nga cảm ơn nước Ý đã có những nỗ lực nhằm khôi phục quan hệ Nga và Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời kêu gọi Bruxelles « chấm dứt các chính sách trừng phạt vì những động cơ chính trị được thiết lập một cách đơn phương ».

Chuyến thăm Roma của tổng thống Nga diễn ra ngay sau cuộc gặp giữa ông với giáo hoàng Phanxicô tại tòa thánh Vatican. Thông tín viên Eric Senanque từ Roma cho biết thêm nội dung cuộc gặp :

« Giờ đã trở thành một thói quen của tổng thống Nga : Để cho giáo hoàng phải chờ đợi. Tổng thống Nga đến tòa thánh muộn gần một tiếng. Giáo hoàng và khách hội đàm riêng trong gần một giờ đồng hồ tại thư viện của Tòa Thánh.

Nội dung trao đổi xoay quanh các vấn đề môi trường cũng như các hồ sơ quốc tế lớn như Syria, Ukraina hay Venezuela, những nơi mà Nga có một vai trò quan trọng. Tháp tùng tổng thống Nga còn có ngoại trưởng Serguei Lavrov. Ông đến sớm hơn để hội đàm với các lãnh đạo ngoại giao của Vatican.

Ông Vladimir Putin đánh giá cuộc trao đổi với giáo hoàng là « rất bổ ích ». Sau đó là ngoại giao « quà tặng » cũng rất hấp dẫn : Giáo hoàng trao tặng tổng thống Nga bài phát biểu có chữ ký tặng, nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới, và bản tuyên bố Abu Dhabi, được ký kết hồi tháng 2/2019 về tình huynh đệ nhân loại, một cách mời gọi Matxcơva nên hành động nhiều hơn vì hòa bình.

Cuộc gặp này – cuộc gặp lần thứ ba giữa giáo hoàng Phanxicô và tổng thống Nga – cho phép đôi bên củng cố quan hệ giữa Nga và Vatican.

Một cách biểu tượng, một thỏa thuận đã được ký kết bên lề cuộc gặp giữa bệnh viện nhi do tòa thánh quản lý và các bệnh viện của Nga ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190705-tai-roma-tong-thong-nga-keu-goi-eu-bo-trung-phat-va-noi-lai-quan-he

 

Teheran yêu cầu thả tàu dầu Iran

 bị chặn xét ngoài khơi Gibraltar

Thanh Phương

Trong một thông cáo chính thức được công bố hôm nay, 05/07/2019, Teheran đã yêu cầu Luân Đôn thả ngay lập tức tàu dầu Iran bị chặn giữ để khám xét hôm qua ngoài khơi đảo Gibraltar của Anh Quốc, xem vụ chặn giữ tàu này là một hành động cướp biển.

Theo bản thông cáo, Iran đã nêu yêu cầu nói trên với đại sứ Anh tại Teheran khi vị đại sứ được triệu mời lên bộ Ngoại Giao Iran. Thông cáo khẳng định chiếc tàu dầu Iran đã bị chặn xét khi “đang ở hải phận quốc tế”.

Trong khi đó, theo lời Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Josep Borrel, chính là theo yêu cầu của Hoa Kỳ và Anh Quốc mà nhà chức trách Gibraltar đã tiến hành chặn xét chiếc tàu Grace 1 của Iran ngoài khơi Gibraltar, lãnh thổ của Anh nằm ở cực nam Tây Ban Nha. Lý do là vì tàu này bị nghi vận chuyển dầu sang Syria, vi phạm các trừng phạt của châu Âu đối với Damas.

Hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, John Bolton đã xem vụ chặn xét tàu dầu của Iran ngoài khơi Gibraltar là một “tin tuyệt vời”, nhưng ông không xác nhận là Hoa Kỳ đã yêu cầu chặn xét tàu này.

Kể từ năm 2011, quốc tế đã thi hành các biện pháp trừng phạt Syria, nhất là đối với ngành dầu hỏa của nước này. Vào tháng 11 năm ngoái, bộ Tài Chính Mỹ đã dọa sẽ trừng phạt các cá nhân hoặc công ty nào giao các sản phẩm dầu hỏa cho chính phủ Damas. Thủ tướng Syria Emad Khamis khẳng định là kể từ lúc đó Iran đã ngưng cung cấp dầu cho nước này.

Vụ chặn xét tàu dầu Iran xảy ra vào lúc căng thẳng về hạt nhân giữa Teheran với quốc tế, đặc biệt là với Hoa Kỳ, gia tăng. Hôm thứ tư vừa qua, Iran đã tuyên bố là ngày từ chủ nhật tới sẽ thực hiện lời đe dọa làm giàu chất uranium với một tỷ lệ bị cấm chiếu theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với quốc tế năm 2015.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190705-teheran-yeu-cau-tha-tau-dau-iran-bi-chan-xet-ngoai-khoi-gibraltar

 

Tanzania cứng bất ngờ, mắng thậm tệ

dự án Vành đai, Con đường của TQ là “bóc lột”

Chính phủ Tanzania đã đình chỉ một dự án xây dựng cảng tích hợp trị giá 10 tỷ USD được Trung Quốc hỗ trợ với lý do các điều khoản thỏa thuận không công bằng.

Tổng thống Tanzania John Magufuli hôm 14/6 đã chỉ trích những điều khoản tài chính đề xuất cho dự án này của Bắc Kinh là “mang tính bóc lột và không rõ ràng”. Theo ông, các nhà

đầu tư Trung Quốc đã đặt ra “một điều kiện ngặt nghèo mà chỉ có người điên mới chấp nhận”.

“Họ (Trung Quốc) muốn chúng tôi thế chấp [dự án Cảng Bagamoyo] 33 năm và cho họ thuê 99 năm. Một khi cảng này được đi vào hoạt động, chúng tôi không được phép hỏi ai đã đầu tư vào đó. Trung Quốc muốn lấy đất của chúng tôi làm của riêng họ và chúng tôi lại phải bồi thường cho việc họ tiến hành khoan thăm dò để xây dựng cảng”, ông Magufuli nói.

“Họ nói với chúng tôi rằng một khi họ đã xây dựng xong cảng, [Tanzania] không được xây dựng một cảng khác ở phía nam từ Tanga đến Mtwara” Magufuli cho biết.

Cục trưởng Cục quản lý cảng Tanzania, ông Deusdedit Kakoko tuyên bố, Trung Quốc yêu cầu chính phủ Tanzania đảm bảo bồi thường cho bất kỳ tổn thất nào trong quá trình thực hiện dự án đồng thời cũng yêu cầu cắt giảm một loạt các khoản thuế, bao gồm thuế đất, thuế bồi thường lao động, thuế phát triển kỹ năng, thuế hải quan và thuế giá trị gia tăng.

“Trong khi họ điều khiển tất cả các cùng một lúc, họ muốn việc tính toán thuế và kiểm toán được chuyển cho phía Trung Quốc làm, điều này là có thể bởi vì họ kiểm soát và khống chế tất cả hàng hóa, cảng và hậu cần.”

“Điều này đã khiến hy vọng thực hiện dự án này trở nên ảm đạm. Hiện nay Dodoma đã trực tiếp đá quả bóng đến chân Bắc Kinh, để xem liệu Bắc Kinh có cân nhắc lại các điều kiện đã được thiết lập hay không.”

Tờ Daily Telegraph (Anh) đánh giá, quyết định dừng dự án cảng Bagamoyo của Tổng thống Tanzania là “cú đánh lớn nhất đối với tham vọng của Trung Quốc cho đến nay trong việc triển khai chiến lược Vành đai, Con đường ở Châu Phi”.

Phản ứng trước quyết định này của Tanzania, hôm 27/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trả lời, ông không nắm tình hình cụ thể và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng của Tanzania theo nguyên tắc thị trường hóa.

Dự án Cảng Bagamoyo, hay còn được biết đến với cái tên “Tanzania Thâm Quyến”, cũng bao gồm một khu kinh tế đặc biệt với việc xây dựng mạng lưới đường sắt và đường cao tốc được kết nối với nhau để khai thác dầu khí, sau khi hoàn thành, nó sẽ trở thành cửa ngõ lớn nhất ở khu vực Đông Phi. Dự án được đầu tư và quản lý bởi Công ty China Merchants International Co., Ltd.

Vào tháng 3/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một bản ghi nhớ hợp tác về dự án phát triển toàn diện cảng Bagamoyo với Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete khi ông đến thăm Tanzania. Năm 2015, lễ đặt móng khởi công được tổ chức. Tuy nhiên, Tổng thống kế nhiệm Magufuli đã không ưu tiên coi dự án này là trọng tâm.

http://biendong.net/doc-bao-viet/29135-tanzania-cung-bat-ngo-mang-tham-te-du-an-vanh-dai-con-duong-cua-tq-la-boc-lot.html

 

Izumo, biểu tượng tham vọng quân sự của Nhật Bản

Thanh Phương

Một trong những chiến hạm lớn nhất của Nhật, tàu chở trực thăng Izumo, vừa rời khỏi Vịnh Subic của Philippines, nơi trước đây đặt căn cứ quân sự của Mỹ, kết thúc hai tháng hoạt động ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng. Cùng với hai khu trục hạm Murasame và Akebono, chiếc Izumo đã tiến hành một loạt thao dượt quân sự với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Cho tới nay, việc triển khai quân đội Nhật Bản ra bên ngoài biên giới nước này vẫn bị ràng buộc bởi Hiến pháp chủ hòa, có hiệu lực từ sau Thế chiến thứ hai. Vào năm 2015, Hiến pháp này chỉ mới được diễn giải lại, cho phép Nhật Bản sử dụng lực lượng quân sự để tự vệ và bảo vệ các đồng minh.

Thủ tướng Shinzo Abe xem việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản là một trong những mục tiêu phải thực hiện cho bằng được, để quốc gia này có thể đóng vai trò lớn hơn về quân sự trên thế giới. Trong khi chờ đợi, việc triển khai chiếc Izumo là dịp để Tokyo thể hiện tham vọng quân sự của mình.

Theo hãng tin AP, lần đầu tiên, các binh lính thuộc Lữ đoàn đổ bộ nhanh (tương đương với thủy quân lục chiến Mỹ), đơn vị mới được thành lập của Nhật, đã tham gia vào một cuộc triển khai hải quân mở rộng. Nội dung cuộc thao dượt này là tập phối hợp giữa lữ đoàn đổ bộ với lực lượng trên bộ, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc sử dụng chiếc Izumo để vận chuyển quân đến các chiếc trường trong tương lai.

Trong tháng 5 vừa qua, đội tàu Izumo đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên với ba nước Pháp, Mỹ và Úc ở vùng Vịnh Bengale. Tiếp đến, trong tháng 6, hải quân Nhật cũng đã thao dượt với các nước Canada, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Philippines ở vùng Biển Đông. Đặc biệt, trên đường từ Brunei đến Philippines, chiếc Izumo đã tiến đến sát “đường lưỡi bò”, tức là ranh giới mà Bắc Kinh tự vẽ lên để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.

Chiếc Izumo cùng với khu trục hạm Murasame cũng đã ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam ngày 15/06 nhằm nêu bật mối quan hệ quốc phòng ngày càng được thắt chặt giữa hai quốc gia đều đang phải đối phó với tham vọng chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.

Mặc dù tư lệnh chiếc Izumo khẳng định là hoạt động của chiến hạm này trong hai tháng qua là không nhắm cụ thể vào quốc gia nào, nhưng rõ ràng là hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Bên cạnh việc gia tăng các cuộc thao dượt quân sự với các nước khác, Tokyo hiện đang thiết kế lại chiếc Izumo để chiến hạm này có thể tiếp nhận các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ, trong đó có chiếc F-35B, sau khi thông báo sẽ mua 42 chiếc để trang bị cho không quân nước này. Chiến đấu cơ F-35B có thể cất cánh với khoảng cách ngắn và có thể đáp thẳng xuống, tức là có thể hoạt động trên các hàng không mẫu hạm hoặc tàu chở trực thăng.

Việc đặt mua 42 chiếc F-35B cho tàu Izumo thể hiện rõ vai trò ngày càng lớn của Nhật Bản trong liên minh với Mỹ và cũng đi theo hướng mà tổng thống Donald Trump mong muốn, đó là Tokyo phải đóng góp nhiều hơn vào việc bảo vệ an ninh cho mình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190705-izumo-bieu-tuong-tham-vong-quan-su-cua-nhat-ban-0

 

Hàn Quốc chính thức hủy bỏ

một quỹ bồi thường nạn nhân Thế Chiến II

Mai Vân

Một quỹ được thành lập nhằm bồi thường cho các nạn nhân bị Nhật Bản ép buộc làm nô lệ tình dục trong Thế Chiến II vừa bị chính quyền Seoul chính thức giải thể. Một số quan chức Hàn Quốc cho biết tin trên vào hôm nay, 05/07/2019. Đây là diễn biến mới nhất phản ánh đà căng thẳng hẳn lên giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bắt nguồn từ những tị hiềm lịch sử.

Theo hãng tin Pháp AFP, bộ Bình Đẳng Giới Tính của Hàn Quốc, cơ quan chính phủ phụ trách các vấn đề liên quan đến nô lệ tình dục trước đây, đã chính thức xác nhận việc thanh lý Quỹ bồi thường 8,8 triệu đô la. Tuy nhiên, theo một quan chức Hàn Quốc, Seoul chưa xét đến việc xử lý thế nào đối với phần tiền do Tokyo đóng góp.

Quỹ bồi thường này đã được thành lập vào năm 2015 khi Tokyo và Seoul nỗ lực xóa bỏ hận thù liên quan đến chế độ thực dân tàn bạo mà Nhật Bản đã áp đặt trên Triều Tiên trong những năm 1910 – 1945. Số tiền – mà hai bên vào thời điểm đó đã thỏa thuận là khoản thanh toán cuối cùng – nhằm bồi thường cho những phụ nữ Hàn Quốc gọi là « gái giải sầu », bị ép buộc phục vụ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế Chiến II.

Tuy nhiên, quan hệ song phương Nhật Hàn trên vấn đề đã xấu đi trong thời gian gần đây, với một số người ở Hàn Quốc cho rằng thỏa thuận năm 2015 đã không đủ bù đắp cho trách nhiệm mà Nhật Bản phải chịu.

Người Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng Nhật

Ngoài vấn đề phụ nữ giải sầu, hồ sơ người Triều Tiên bị Nhật Bản cưỡng bức lao động cũng tiếp tục khuấy động quan hệ Nhật Hàn.

Theo hãng tin Anh Reuters vào hôm nay, 05/07/2019, những lời kêu gọi Hàn Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đã vang lên nhằm đáp trả những hạn chế của Nhật Bản đối với việc xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.

Những biện pháp áp đặt các qui định xuất khẩu chặt chẽ hơn của Nhật Bản đối với 3 vật liệu công nghệ cao trong ngành sản xuất của Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ hôm qua 04/07, đe dọa các hãng điện tử Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix – nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới và nhà cung cấp cho Apple của Mỹ và Hoa Vi của Trung Quốc.

Theo ông Choi Gae Yeon, thuộc nhóm Movement for One Korea, thì hành động này là « phản ứng tức thời của người Hàn Quốc nhằm thể hiện sự tức giận của họ » đối với Nhật Bản. Nhóm này đã tổ chức biểu tình trước một đại lý xe hơi Nhật Bản và một nhà bán lẻ ở Seoul trong tuần này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190705-han-quoc-chinh-thuc-huy-bo-mot-quy-boi-thuong-nan-nhan-the-chien-ii

 

Bắc Triều Tiên cử cựu đại sứ tại Việt Nam

đàm phán với Mỹ?

Có tin cho hay Bắc Triều Tiên đã chỉ định một nhà ngoại giao kỳ cựu để dẫn đầu vòng đàm phán phi hạt nhân hoá tiếp theo với Hoa Kỳ, theo một nguồn tin ngoại giao tại Seoul cho biết hôm 05/07.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều bất ngờ tại khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, phía Bình Nhưỡng đã thông báo với phía Mỹ rằng cựu đại sứ Bắc Triều Tiên tại Việt Nam, ông Kim Myong Gil, sẽ đảm nhiệm vai trò đối tác với Đại diện đặc biệt phía Mỹ là ông Stephen Biegun, nguồn tin ẩn danh trên cho hay.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Seoul đã từ chối yêu cầu bình luận.

Truyền thông Hàn Quốc dẫn lời các nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho biết hôm 04/07 rằng ông Kim Myong Gil sẽ thay thế ông Kim Hyok Chol, người làm việc trực tiếp với phía Mỹ trước cuộc gặp Thượng đỉnh thất bại tại Hà Nội hồi tháng 2.

Trước đó truyền thông Hàn Quốc nói rằng ông Kim Hyok Chol đã bị xử tử sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Trump- Kim tại Hà Nội không mang lại kết quả. Nhưng hồi tháng 6, CNN tường thuật rằng ông Kim Hyok Chol, cựu đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha, vẫn còn sống và đang bị câu lưu.

Sau cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, tổng thống Donald Trump cho biết hai bên đã đồng ý lên danh sách nhóm làm việc để tái tục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hoá. Ông Trump nói rằng phía Bắc Hàn sẽ cử một nhân vật mà “chúng ta biết và có thiện cảm”, tuy nhiên ông không đưa ra một cái tên cụ thể.

Cựu đại sứ Bắc Triều Tiên tại Việt Nam ông Kim Myong Chol được thấy xuất hiện bên cạnh lãnh tụ Kim Jong Un khi nhà độc tài trẻ tuổi gặp gỡ phía Mỹ và các quan chức Việt Nam.

Nếu như được bổ nhiệm, ông Kim Myong Chol, với bề dày kinh nghiệm ngoại giao lâu năm của mình sẽ mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức dành cho phía Mỹ, bà Duyeon Kim, một chuyên gia đến từ Trung tâm An ninh Châu Mỹ Mới cho biết.

“Một mặt, quyết định bổ nhiệm này sẽ giúp đối thoại giữa hai bên trở nên dễ dàng hơn, bởi ông Kim Myong Chol biết ‘cách nói chuyện theo lối ngoại giao’, đồng thời hiểu rất rõ vấn đề. Tuy nhiên, kinh nghiệm lâu năm trong ngành ngoại giao cùng với hiểu biết của ông này cũng có thể khiến cuộc đàm phán trở nên khó lường. Giới ngoại giao Bắc Triều Tiên thường tự hào cho rằng họ hiểu nước Mỹ hơn cả người Mỹ” bà nói.

https://www.voatiengviet.com/a/bac-trieu-tien-cu-cuu-dai-su-tai-vietnam-dam-phan-voi-my/4987962.html

 

Bà Carrie Lam mời sinh viên đại học Hồng Kông

tham dự các cuộc họp

Tin từ HỒNG KÔNG – Vào tối hôm thứ Năm (4 tháng 7), văn phòng của đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam cho biết bà đã yêu cầu được gặp gỡ các sinh viên đại học của thành phố, khi nhà lãnh đạo này đang cố gắng chống lại áp lực từ cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài một tháng.

Vào hôm thứ Hai (1/7), những người biểu tình đã xông vào Quốc hội địa phương nhân dịp kỷ niệm 22 năm thành phố này quay về quyền cai trị của Trung Cộng. Sự việc này đã diễn ra sau các cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng trước chống lại Dự luật dẫn độ của bà Lam, là dự luật mà các nhà phê bình lo sợ có thể sẽ khiến công dân Hồng Kông bị đưa ra xét xử ở Hoa Lục. Bà Lam cho biết bà đã tạm dừng nỗ lực thúc đẩy dự luật, nhưng những người biểu tình cho biết họ muốn bà thu hồi dự luật này hoàn toàn.

Trong một tuyên bố gửi qua email, phát ngôn viên của bà Lam cho biết: “Gần đây, đặc khu trưởng đã bắt đầu mời những người trẻ tuổi có quá khứ khác nhau tham gia một cuộc họp, bao gồm cả sinh viên đại học và những người trẻ tuổi đã tham gia vào các cuộc biểu tình gần đây”. Hội sinh viên tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hồng Kông (HKUST), một trong tám tổ chức giáo dục đại học lớn, đã từ chối lời mời gặp mặt, đồng thời cho biết rằng lãnh đạo thành phố đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp kín. Phát ngôn viên của bà Lam cho biết đặc khu trưởng hy vọng hội sinh viên HKUST sẽ xem xét lại việc tham gia cuộc họp, và cho biết rằng cuộc họp này sẽ được tổ chức “theo dạng kín và quy mô nhỏ” để tạo điều kiện cho việc “thảo luận quan điểm chuyên sâu và thẳng thắn”.(Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/ba-carrie-lam-moi-sinh-vien-dai-hoc-hong-kong-tham-du-cac-cuoc-hop/

 

Hồng Kông: Người biểu tình đầu tiên bị truy tố

Thanh Phương

Hôm nay, 05/07/2019, tư pháp Hồng Kông đã truy tố một nghệ sĩ đường phố về tội tấn công một sĩ quan cảnh sát và gây thiệt hại tài sản, do đã tham gia vụ phong tỏa trụ sở bộ tư lệnh cảnh sát Hồng Kông ngày 21/06. Đây là người biểu tình chống chính phủ đầu tiên bị truy tố kể từ khi nổ ra các cuộc xuống đường rầm rộ chưa từng có tại đặc khu hành chính này để phản đối dự luật dẫn độ.

Cảnh sát hiện đang tiếp tục điều tra dựa trên các dấu vân tay của người biểu tình. Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :

“Chỉ vài ngày sau các cuộc biểu tình ngày 01/07 và vụ đập phá tòa nhà nghị viện, các chuyên gia tư pháp của cảnh sát bắt đầu thu thập các dấu vân tay của những người biểu tình được tìm thấy tại chổ.

Cảnh sát thông báo đã bắt giữ 13 người, tuổi từ 14 đến 36. Những người này bị tình nghi có tham gia vào vụ đập phá nghị viện và bị bắt với tội danh tàng trữ vũ khí, tập hợp không được phép và tấn công cảnh sát.

Khoảng 8 người khác, tuổi từ 16 đến 40, thì bị bắt vì tội đã đăng lên mạng và khai thác những thông tin riêng tư của hàng trăm cảnh sát, mà một số sau đó bị sách nhiễu và đe dọa. Chính là nhóm tin tặc mang tên Anonymous (Vô danh) đã đăng lên mạng thông tin cá nhân của 600 cảnh sát Hồng Kông sau các vụ bạo hành của cảnh sát.

Về phần mình, một nghị sĩ đối lập bị nhiều người biểu tình thân Bắc Kinh tấn công tối chủ nhật đã đề đơn kiện hôm qua.

Nhiều bác sĩ và các cơ quan xã hội đã lên tiếng báo động về nguy cơ tự tử ngày càng tăng nơi giới trẻ, sau khi nhận thấy các cuộc gọi đến các số điện thoại khẩn cấp đã tăng mạnh trong những ngày gần đây. Cái chết của ba thanh niên, có liên quan đến khủng hoảng lần này, đã ảnh hưởng nặng nền tinh thần của thế hệ trẻ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190705-hong-kong-nguoi-bieu-tinh-dau-tien-bi-truy-to

 

TQ tách trẻ Hồi giáo Tân Cương khỏi cha mẹ,

 đưa vào trường nội trú

John SudworthBBC News, tường thuật từ Tân Cương

Trung Quốc đang cố tình tách trẻ em Hồi giáo khỏi gia đình, tôn giáo và ngôn ngữ của các em ở vùng Tân Cương, theo một nghiên cứu mới.

Cùng lúc với việc hàng trăm ngàn người trưởng thành đang bị giam giữ tại các trại giam khổng lồ, một chiến dịch nhanh chóng và trên quy mô lớn nhằm xây dựng các trường học nội trú đang diễn ra.

Dựa trên các tài liệu có thể tìm thấy công khai và được củng cố bằng hàng chục cuộc phỏng vấn với thân nhân hiện đang sống ở hải ngoại của các gia đình tại Tân Cương, BBC cho đến nay đã thu thập được một số những bằng chứng dày dặn, cho thấy những gì đang xảy ra với trẻ em trong khu vực.

Tìm kiếm sự thật trong các trại ‘cải tạo’ người Duy Ngô Nhĩ

TQ chi hàng tỷ USD xây trại giam ở Tân Cương

Đại học Mỹ nhận tiền từ công ty TQ liên quan vụ Tân Cương

Các hồ sơ ghi chép cho thấy ở chỉ một thị trấn đã có hơn 400 em nhỏ có cả cha lẫn mẹ bị đem nhốt dưới hình thứ hoặc là vào trại, hoặc vào tù.

Các đánh gia chính thức đang được thực hiện nhằm xác định xem liệu các em có cần phải được đưa vào “trung tâm chăm sóc” hay không.

Bên cạnh các nỗ lực nhằm thay đổi danh tính của người trưởng thành ở Tân Cương, các bằng chứng cho thấy có một chiến dịch đang được song song thực hiện nhằm xóa bỏ cội rễ của trẻ em.

Trung Quốc tiến hành giám sát và kiểm soát chặt chẽ tại Tân Cương, nơi các phóng viên nước ngoài bị theo sát 24 giờ mỗi ngày, khiến họ không thể thu thập được những lời kể chân thực tại đây. Thế nhưng họ có thể làm được điều đó tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một sảnh lớn tại Istanbul, hàng chục người xếp hàng để kể những câu chuyện về chính họ; nhiều người nắm chặt những bức ảnh chụp trẻ em, tất cả đều là các em nhỏ nay đang mất tích tại Tân Cương.

“Tôi không biết là ai đang chăm sóc chúng,” một người mẹ nói, chỉ tay vào tấm ảnh chụp ba đứa con gái nhỏ của mình, “không hề liên lạc được.”

Một người mẹ khác cầm tấm ảnh chụp các con, ba trai một gái, và chùi nước mắt. “Tôi nghe nói là chúng đã bị đưa vào một trại trẻ mồ côi,” bà nói.

Trong 60 cuộc phỏng vấn riêng rẽ với bầu không khí căng thẳng và những lời kể đau khổ, cha mẹ và thân nhân các em kể chi tiết về hơn 100 vụ trẻ em mất tích tại Tân Cương.

Các em đều là người Uighurs, cộng đồng sắc tộc theo Hồi giáo đông dân nhất tại Tân Cương, vốn có mối quan hệ ngôn ngữ và tôn giáo lâu bền với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng ngàn người đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để đi học, đi làm ăn, thăm thân, hoặc để tránh chính sách hạn chế sinh con cũng như tình trạng đàn áp tôn giáo đang tăng tại Trung Quốc.

Nhiếp ảnh gia Trung Quốc mất tích tại Tân Cương

Cảnh sát Tân Cương ‘dùng app theo dõi dân’

TQ: ‘Giam triệu người Uighur’, phá đền thờ Hồi giáo

Tuy nhiên, trong thời gian ba năm qua, họ nhận ra là mình đã bị mắc kẹt ở lại sau khi Trung Quốc bắt đầu giam giữ hàng trăm ngàn người Uighurs và người thuộc các sắc tộc khác tại các khu trại khổng lồ.

Giới chức Trung Quốc nói người Uighurs đang được giáo dục tại “các trung tâm đào tạo học nghề” nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan, bạo lực tôn giáo. Thế nhưng các bằng chứng cho thấy rằng nhiều người bị bắt đơn giản chỉ vì họ thể hiện niềm tin tôn giáo – như cầu nguyện hoặc đeo mang che mặt – hoặc vì họ có người thân sống ở nước ngoài, tại những nơi như Thổ Nhĩ Kỳ.

Với những người Uighurs này, việc trở về gần như đồng nghĩa với việc sẽ bị bắt giam. Việc liên hệ qua điện thoại là vô cùng khó, ngay cả nói chuyện với thân nhân ở nước ngoài bây giờ cũng là việc trở nên quá nguy hiểm đối với những ai đang ở Tân Cương.

Vợ ở quê nhà bị bắt giam, một người đàn ông nói với tôi ông sợ rằng trong số tám đứa con của mình, một số cháu có thể đã bị đưa vào trung tâm nuôi dưỡng của nhà nước Trung Quốc.

“Tôi nghĩ là chúng đã bị đưa vào trại cải tạo thiếu niên,” ông nói..

Nghiên cứu mới do BBC đặt hàng thực hiện đã làm rõ về việc điều gì đang thực sự diễn ra đối với các em này và hàng ngàn em khác.

Tiến sỹ Adrien Zenz là nhà nghiên cứu người Đức được ghi nhận là đã phơi bày đầy đủ tình trạng người Hồi giáo ở Tân Cương bị bắt giữ hàng loạt.

Dựa trên những tài liệu chính thức được công bố công khai, bản phúc trình của ông nêu ra bức tranh về độ mở rộng quy mô các trường học ở mức chưa từng có tại Tân Cương.

Các khu trại đã được mở rộng, các khu ký túc xá mới được xây dựng với công suất tăng lên quy mô rất lớn.

Đáng chú ý là nhà nước đã nâng cao khả năng chăm sóc toàn phần thời gian đối với số lượng lớn các em nhỏ đúng vào lúc họ xây dựng các trại giam giữ.

Và dường như các hoạt động này là để nhắm vào cùng các nhóm sắc tộc.

Chỉ trong một năm, 2017, tổng số trẻ em đăng ký vào nhà trẻ ở Tân Cương tăng lên hơn nửa triệu. Các số liệu của chính phụ cho thấy trẻ em Uighurs và các sắc tộc thiểu số khác theo Hồi giáo chiếm tới hơn 90% trong số đăng ký tăng thêm đó.

Kết quả là mức độ đăng ký đi nhà trẻ ở Tân Cương đã tăng từ mức dưới trung bình so với toàn quốc tên mức cao nhất tại Trung Quốc, tính đến thời điểm này.

Chỉ riêng ở miền nam Tân Cương, một khu vực tập trung đông người Uighur nhất, giới chức đã đổ ra số tiền khổng lồ, 1,2 tỷ đô la, để xây dựng và nâng cấp các nhà trẻ.

Phân tích của ông Zenz cho thấy việc bùng nổ xây dựng này bao gồm cả việc tăng thêm nhiều khu nhà ở tập thể cho các em.

Việc mở rộng các cơ sở giáo dục cho trẻ nhỏ tại Tân Cương có vẻ như được thúc đẩy bằng cùng động cơ như với việc mở rộng các cơ sở giam giữ hàng loạt người trưởng thành.

Và nó cũng rõ ràng là ảnh hưởng tới hầu như toàn bộ các em nhỏ người Uighur và các sắc tộc thiểu số khác, bất kể cha mẹ các em có bị đưa vào trại hay không.

Hồi tháng Tư năm ngoái, giới chức địa phương đã đưa 2.000 em nhỏ ở các khu làng lân cận vào một trường nội trú khổng lồ, trường Diệp Thành Hạt Số 4 (Yecheng County Number 4).

Hai trường được phân cách bởi một bãi chơi thể thao chung, mỗi trường có kích cỡ lớn gấp ba lần so với quy mô trung bình trên toàn quốc, và được xây lên trong thời gian chỉ hơn một năm.

Chương trình tuyên truyền của chính phủ nói rằng các trường nội trú nhằm giúp “duy trì ổn định xã hội và hòa bình” với “trường học chăm lo thay cho cha mẹ.”

Ông Zenz nói có một mục tiêu sâu xa hơn.

“Các trường nội trú tạo ra bối cảnh lý tưởng để tái định hướng văn hóa dài lâu lên các cộng đồng thiểu số,” ông nói.

Cũng như với các trại giam, nội dung nghiên cứu của ông nói rằng có động cơ rõ rệt trong việc loại bỏ tiếng Uighur và các ngôn ngữ địa phương khác khỏi khu vực trường học. Quy định các trường đưa ra những đòi hỏi nghiêm ngặt và đi kèm với các hình thức tính điểm trừng phạt đối với cả học sinh lẫn giáo viên nếu như họ sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào trừ tiếng Trung trong trường học.

Điều này phù hợp với các tuyên bố chính thức khác của giới chức, theo đó nói Tân Cương đã đạt được mức giảng dạy bằng tiếng Trung ở tất cả các trường học trong khu vực.

Nói chuyện với BBC, Xu Guixiang, một viên chức cao cấp của Sở Tuyên huấn Tân Cương, bác bỏ việc nhà nước phải chăm sóc một lượng lớn các em nhỏ không có cha mẹ sống cùng.

“Nếu toàn bộ các thành viên gia đình đều được đưa vào đào tạo học nghề thì gia đình đó hẳn là có vấn đề gì nghiêm trọng,” ông nói và cười vang. “Tôi chưa từng gặp trường hợp nào như vậy.”

Nhưng có lẽ phần quan trọng nhất trong kết quả tìm hiểu của ông Zenz là những bằng chứng mà ông có được, cho thấy con cái của những người bị bắt giữ thực sự là đang được đưa ồ ạt vào hệ thống trường học nội trú.

Có các mẫu lưu trữ thông tin chi tiết mà giới chức địa phương sử dụng để ghi lại tình hình cụ thể của các em có cha mẹ bị đưa vào trung tâm đào tạo học nghề hoặc vào tù, và để xác định xem các em có cần đưa vào hệ thống chăm sóc tập trung hay không.

Ông Zenz tìm được một tài liệu của chính phủ với nội dung chi tiết về các trường hợp “các nhóm cần giúp đỡ”, trong đó gồm các gia đình mà “cả vợ và chồng đang ở trung tâm đào tạo học nghề”.

Và có một văn bản từ thành phố Kashgar gửi cho các văn phòng giáo dục đào tạo, yêu cầu các trung tâm phải cấp bách chú ý giải quyết nguyện vọng, nhu cầu của các học sinh có cha mẹ ở trong các trại.

Các trường học cần phải “tăng cường hoạt động tư vấn tâm lý”, văn bản nói, và “tăng cường giáo dục tư tưởng cho học sinh” – điều cũng được vang lên đều đều tại các khu trại giam giữ cha mẹ các em.

Một số tài liệu khác có liên quan của chính phủ thì có vẻ như cố tình né tránh sự phát hiện của các công cụ tìm kiếm, bằng cách dùng những biểu tượng thay thế cho việc dùng từ “đào tạo học nghề”.

Tại một số trung tâm giam giữ người lớn cũng có cả các vườn trẻ ở gần, và khi tới thăm, các phóng viên của nhà nước Trung Quốc đã ca tụng các địa điểm đó.

Họ nói rằng các trường học nội trú đó cho phép trẻ em thuộc các sắc tộc thiểu số học hỏi được “những thói quen tốt hơn cho cuộc sống”, và được hưởng mức độ vệ sinh cá nhân tốt hơn so với khi ở nhà. Một số em đã bắt đầu gọi giáo viên dạy mình là “mẹ”.

Chúng tôi đã gọi điện thoại tới Sở Giáo dục ở Tân Cương để tìm hiểu thêm về chính sách chính thức đối với các trường hợp này. Hầu hết đều từ chối trả lời, nhưng có vài người cho biết những thông tin ngắn gọn.

Chúng tôi hỏi một viên chức là điều gì xảy ra đối với những đứa trẻ có cả cha lẫn mẹ bị đưa vào trại.

“Chúng sống nội trú trong trường,” bà trả lời. “Chúng tôi cung cấp cho các cháu nơi ở, thức ăn và quần áo… và chúng tôi được các cấp lãnh đạo nói rằng chúng tôi cần phải chăm sóc các cháu cho thật chu đáo.”

Tại sảnh lớn ở Istanbul, khi các câu chuyện được kể ra, người ta có thể cảm nhận được tâm trạng tuyêt vọng và cả nỗi oán hận sâu sắc.

“Hàng ngàn những đứa trẻ vô tội đang bị tách khỏi cha mẹ và chúng tôi liên tục đưa ra lời khai,” một người mẹ nói với tôi. “Tại sao thế giới im lặng khi đã biết những chuyện này?”

Trở lại Tân Cương, kết quả nghiên cứu cho thấy toàn bộ các em nhỏ nay sống trong trường học đều chịu “sự cô lập bằng các biện pháp quản lý khép kín”.

Nhiều trường học được trang bị hệ thống giám sát toàn diện, còi báo động bao quanh và hệ thống hàng rào có điện thế 10 ngàn Volt, và một số trường còn chi tiêu cho công tác an ninh còn cao hơn so với các trại giam người lớn.

Chính sách này được đưa ra vào đầu năm 2017, vào thời điểm việc bắt giam người được đẩy mạnh tới mức quyết liệt.

Ông Zenz đặt câu hỏi, phải chăng nhà nước Trung Quốc đang tìm cách đánh phủ đầu đối với khả năng có những người Uighur nào đó sẽ dùng vũ lực để cướp lại con mình?

“Tôi nghĩ rằng các bằng chứng về việc tách con cái khỏi cha mẹ một cách có hệ thống là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy chính quyền Tân Cương đang tìm cách nuôi dạy một thế hệ mới hoàn toàn tách rời khỏi cội nguồn, niềm tin tôn giáo và ngôn ngữ mẹ đẻ của các em,” ông nói với tôi.

“Tôi tin rằng các bằng chứng đang chỉ ra những gì mà ta phải gọi là sự diệt chủng văn hóa.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48881807

 

Trung Quốc: Căng thẳng sắc tộc dai dẳng

10 năm sau bạo động Tân Cương

Minh Anh

Hôm 05/07/2019, là đúng mười năm xảy ra vụ bạo động ở Tân Cương, làm gần 200 người chết. Mười năm sau, căng thẳng sắc tộc giữa người Duy Ngô Nhĩ và tộc người Hán càng thêm sâu thẳm. Bắc Kinh bị tố cáo đối xử phân biệt và tàn tệ với người Duy Ngô Nhĩ.

Ngày 05/07/2009, thủ phủ Urumqi của vùng chứng kiến những cảnh bạo động chưa từng có. Các thành viên sắc tộc Thổ và theo đạo Hồi, những người Duy Ngô Nhĩ, đã tấn công dữ dội vào cộng đồng người Hán, chiếm đa số ở Trung Quốc nhưng lại là thiểu số tại Tân Cương.

Mười năm sau, căng thẳng sắc tộc giữa người Duy Ngô Nhĩ và tộc người Hán càng thêm sâu thẳm. Bắc Kinh bị tố cáo đối xử phân biệt và tàn tệ với người Duy Ngô Nhĩ. Một mặt, sau vụ bạo động, Bắc Kinh tăng cường các biện pháp an ninh hà khắc : lắp đặt mạng lưới camera theo dõi chằng chịt, lấy dấu vân tay sinh học, dựng rào chắn cảnh sát, lập cổng an ninh.

Mặt khác, chính quyền Bắc Kinh thiết lập các trại tập trung, giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ để cải huấn như cáo buộc của nhiều tổ chức nhân quyền. Bắc Kinh phủ nhận và cho rằng đó chỉ là « Những trung tâm huấn nghệ » nhằm chống lại hiện tượng Hồi Giáo cực đoan hóa.

Song song đó, chính quyền Bắc Kinh thực hiện chính sách Hán Hóa, đẩy người Hán đến lập nghiệp tại Tân Cương, đồng thời ép buộc người Duy Ngô Nhĩ từ bỏ những phong tục tập quán mang dấu ấn đạo Hồi như cấm để râu dài, ép ăn thịt lợn và khuyến khích các cuộc hôn nhân giữa người Hồi và tộc người Hán… Một phóng sự điều tra của BBC còn lên án chính sách tách rời con cái và cha mẹ, giam giữ họ ở những nơi khác nhau nhằm « xóa sạch các dấu vết cội nguồn ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190705-trung-quoc-cang-thang-sac-toc-dai-dang-10-nam-sau-vu-bao-dong-tan-cuong

 

Hành động của TQ

khiến các cường quốc kéo đến biển Đông

Sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông đang thúc đẩy các cường quốc tăng cường hiện diện quân sự ở vùng biển có tầm chiến lược hết sức quan trọng này.

Các hành vi hung hăng của Trung Quốc (TQ) luôn là tâm điểm làm leo thang căng thẳng ở biển Đông. Tuy bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ nhưng Bắc Kinh không có dấu hiệu thay đổi. Trái lại, TQ ngày càng quân sự hóa biển Đông quyết đoán hơn.

Từ ngày 29-6 đến 2-7, TQ ngang nhiên tiến hành cuộc tập trận quân sự tại một khu vực rộng lớn nằm cách quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) khoảng 50 hải lý về phía bắc.

Trung Quốc ngày càng hung hăng ở biển Đông

Theo đài NBC News, nói về cuộc tập trận này, Lầu Năm Góc cho biết TQ bắn thử tên lửa từ “các đảo nhân tạo ở biển Đông gần quần đảo Trường Sa”.

Trước đó, giới chức Mỹ cho hay loại tên lửa này có thể là tên lửa đạn đạo chống hạm. Động thái này là một bước leo thang quân sự nghiêm trọng tại khu vực.

Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên TQ bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm vào các mục tiêu di động trên biển ở khu vực biển Đông, thay vì vào các mục tiêu giả lập ở sa mạc Gobi như trước đây.

Theo tờ Japan Times, TQ hiện nay đang sở hữu tên lửa chống hạm siêu thanh CM-401 có tầm bắn ngắn khoảng 290 km và tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21/DF-21D có tầm bắn 1.700 km. Các loại tên lửa này được một số chuyên gia gọi là “sát thủ hàng không mẫu hạm”.

Trung tá hải quân Mỹ Dave Eastburn nói với tạp chí The Diplomat rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo chống hạm của TQ ở Trường Sa sẽ đánh dấu một sự chuyển hướng của Bắc Kinh, từ việc quân sự hóa một cách gián tiếp trong sự ngụy biện và lấp liếm sang trực tiếp sử dụng vũ lực và hành động cưỡng ép nhằm dọa dẫm các nước khác ở biển Đông.

Nhận định của ông Dave Eastburn hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ gần đây TQ tăng cường theo sát hoạt động của các nước trên biển Đông.

Hôm 24-6, Bắc Kinh đã điều các máy bay chiến đấu Su-30 áp sát hai tàu chiến Canada (gồm tàu khu trục HMCS Regina và tàu tiếp viện hậu cần Asterix) đang trên đường quay về sau chuyến thăm Việt Nam.

Khi đi ngang qua eo biển Đài Loan để tiến ra biển Hoa Đông, các tàu hải quân Canada bị máy bay TQ bám sát, cách chừng 300 m.

Thậm chí một máy bay trực thăng của Canada còn bị rọi tia laser bởi một tàu cá gần đó vào chiều 24-6, theo hãng tin AFP. Sự kiện này từng xảy ra với Úc hồi tháng 5-2019.

Theo đó, một số phi công Úc đã bị tàu TQ rọi laser vào mặt và yêu cầu họ phải hạ cánh khẩn cấp khi đang bay ở biển Đông.

Năm 2018, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ có ít nhất 20 vụ chiếu laser nghi do TQ thực hiện ở phía đông Thái Bình Dương từ tháng 9-2017 đến tháng 6-2018.

Nhà nghiên cứu Euan Graham (thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc) nhận định rằng rõ ràng TQ muốn gây khó dễ máy bay và tàu chiến của các nước khác tại vùng biển được đánh giá là có tiềm năng và nhộn nhịp bậc nhất thế giới này.

Các nước tăng cường hiện diện quân sự

Thực tế cho thấy các quốc gia láng giềng dễ bị tổn thương nếu đơn độc đối trọng yêu sách của TQ ở biển Đông, bởi Bắc Kinh có những đòn “trả đũa” về kinh tế lẫn thực địa.

Trong khi đó, dù là cường quốc số một thế giới về kinh tế lẫn quân sự nhưng nếu chỉ với chương trình Tự do hàng hải (FONOPs), các hoạt động tập trận đơn lẻ, Mỹ chưa thể “ghè chân” TQ ở biển Đông.

Sự tham gia về mặt ngoại giao lẫn quân sự của các quốc gia khác là rất quan trọng. Pháp và Anh đã cam kết sẽ gửi tàu chiến đến biển Đông bất chấp phản ứng giận dữ từ phía Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Baptiste Lemoyne mới đây đã tái khẳng định cam kết của hải quân Pháp về “tuần tra, hiện diện ở biển Đông”, theo hãng tin Sputnik.

Trong khi đó, kênh AP News cho hay một trong những tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Izumo, lần đầu tiên tham gia vào một cuộc triển khai hải quân mở rộng.

Tàu Izumo rời Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Philippines, vào cuối đợt hoạt động hai tháng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cùng với các khu trục hạm Murasame và Akebono vừa hoàn thành một loạt cuộc tập trận với Mỹ và các nước khác.

Trong chuyến hành trình kéo dài năm ngày từ Brunei đến Philippines, tàu Izumo đã cố ý thách thức yêu sách đường chín đoạn phi lý của TQ trong khi thực hiện cuộc tập trận với hải quân từ Brunei và Philippines.

Ông Lemoyne còn nói rằng Pháp (vốn sở hữu quân đội ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương) quan tâm đến việc đảm bảo luật pháp quốc tế ở biển Đông.

“Đó là bằng chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc đảm bảo tự do hàng hải phải được tôn trọng” – ông Lemoyne giải thích thêm.

Viện Chính sách chiến lược Úc mới đây đã kêu gọi việc thay đổi thế trận phòng thủ trên biển từ trước đến nay của Úc.

Đơn vị này còn cho rằng các nhà hoạch định quốc phòng nên chủ động triển khai hoạt động đến các căn cứ ở Nhật Bản, đảo Guam và Papua New Guinea.

Ngoài ra, việc xây dựng một liên minh phòng thủ ba bên chính thức giữa Washington, Tokyo và Canberra sẽ giúp Nhật Bản trở thành “con mắt thứ sáu” trong nhóm tình báo Five Eyes – vốn bao gồm các thành viên Úc, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.

Trang The Strategist vừa đăng tải một bài phân tích của Sam Fairall-Lee nhấn mạnh vai trò của Úc và mong muốn Canberra tham gia tích cực hơn nữa vào giữ gìn trật tự và luật pháp quốc tế ở biển Đông.

Các cuộc tuần tra chung trên biển Đông với các đối tác ASEAN sẽ là một cách thực thi cam kết trên. Các cuộc tuần tra chung ở phía nam biển Đông với Indonesia sẽ là điểm khởi đầu tốt để báo hiệu rõ ràng một thái độ cứng rắn đối với các hành động gây hấn của TQ.

http://biendong.net/bi-n-nong/29154-hanh-dong-cua-tq-khien-cac-cuong-quoc-keo-den-bien-dong.html

 

Tại sao TQ không trả đũa các công ty Mỹ

như cách đối thủ làm với Huawei?

Cựu tổng biên tập của SCMP tin rằng việc đưa Huawei vào danh sách đen chỉ là một “nỗ lực nham hiểm” của Washington và Bắc Kinh sẽ khôn ngoan nếu không hùa theo việc đó.

Trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump đạt thỏa thuận đình chiến thương mại và tái khởi động đàm phán hôm 29/6, cũng như Mỹ tạm dỡ lệnh cấm các doanh nghiệp nước này bán linh kiện cho Huawei, việc Washington ngăn cấm Huawei không được mua phần mềm và linh kiện bán dẫn do các công ty Mỹ sản xuất đã cho thấy “danh sách đen” của ông Trump có thể gây ảnh hưởng lớn đến thế nào tới một công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Trên mặt đối ngoại, Mỹ dường như có lý do hoàn toàn chính đáng để làm tất cả những điều này với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Theo Vương Hướng Vĩ, cựu tổng biên tập của SCMP, người đang sống ở Bắc Kinh và hiện vẫn làm cố vấn biên tập cho tờ báo này thì đây là “một nỗ lực nham hiểm nhằm kìm hãm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc”.

Theo ông, điều này rất nguy hiểm vì nó có thể gây thêm căng thẳng song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh thực sự.

Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng sử dụng mối đe dọa về việc ngăn cấm Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc để có nhiều thể đạt được nhiều nhượng bộ hơn từ phía Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại. Việc này giống như cách năm ngoái ông đã làm với công ty viễn thông Trung Quốc ZTE.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra những lời lẽ hoa mỹ có ý thách thức và chống lại Mỹ. Nhưng riêng với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, họ vẫn đang giữ im lặng về vấn đề này. Nhưng khi áp lực ngày càng tăng, thông qua các tuyên bố hay động thái từ phía Mỹ, chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ phải xem xét và tìm ra các biện pháp đối phó phù hợp.

Hồi cuối tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thị sát tỉnh Giang Tây. Đó là chuyến đi trong nước đầu tiên của ông kể từ khi căng thẳng thương mại với Mỹ tái bùng phát trước đó 2 tuần. Mặc dù không đề cập rõ ràng đến các căng thẳng với Mỹ, nhưng không phải vô cớ mà ông Tập tới thăm một công ty khoáng sản chuyên khai thác đất hiếm lớn, cùng những nhận xét về việc đất nước phải “bắt đầu lại từ đầu”.Trung Quốc là nhà khai thác và sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Tài nguyên này vốn rất quan trọng đối với quá trình sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cấp như chất bán dẫn. Do đó, một số nhà phân tích đã giải thích chuyến thăm và bình luận của ông Tập là một gợi ý tinh tế nhưng mang hàm ý chắc chắn rằng nếu cần, Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến thương mại kéo dài và gây tổn hại không kém cho ngành sản xuất công nghệ cao của Mỹ.

Trong khi đó, những người khác nói rằng Bắc Kinh chỉ đơn giản là đang chờ đợi tới cuối nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, khi ông Trump phải đối mặt với những cơn gió chính trị mạnh mẽ tại quê nhà cũng như hàng loạt các lời kêu gọi luận tội.

Nhưng trong khi Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một tình huống xấu nhất, rõ ràng đây vẫn là chiến lược ưa thích để xoa dịu căng thẳng với Mỹ. Cho đến nay, các quan chức cấp cao đã kiềm chế không đưa ra các tuyên bố gây thù hận trước công chúng. Ví dụ, đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải đã nói với Fox News rằng Bắc Kinh vẫn luôn sẵn sàng đàm phán.

“Trung Quốc vẫn sẵn sàng tiếp tục các cuộc hội đàm với các đồng nghiệp Mỹ để đi đến một thỏa thuận. Cửa của chúng tôi vẫn mở”, ông nói.

Một điều thú vị nữa là trong khi các phương tiện truyền thông chính thống đã rầm rộ miêu tả các đòn tấn công thương mại của Mỹ là “áp lực cực đoan” hay “bắt nạt”, không một đơn vị nào chỉ trích ông Trump một cách trực tiếp vào các vấn đề cá nhân. Theo các nhà phân tích Trung Quốc và quốc tế, đây là một biện pháp hữu hiệu để vừa xoa dịu Mỹ đồng thời vẫn khuấy động được lòng nhiệt thành dân tộc đối với những người dân thường trong nước.

Trong những ngày gần đây, nhiều lo ngại đã nổi lên liên quan đến việc Bắc Kinh cố gắng huy động tình cảm dân tộc thông qua các phương tiện truyền thông khác. Chẳng hạn như kênh phim Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã bất ngờ bỏ chương trình thường xuyên để phát sóng bốn bộ phim và các phim tài liệu có nội dung chống Mỹ.

Nhậm Chính Phi, người sáng lập kiêm CEO của Huawei, đã lên tiếng cảnh báo chống lại tinh thần dân tộc mù quáng khi thù ghét lây sang các công ty công nghệ nước ngoài, ngay sau khi công ty của ông được thêm vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ. Ông tuyên bố biết Huawei đã chuẩn bị đầy đủ và bác bỏ những lo ngại rằng lệnh cấm của Mỹ sẽ có tác động “tàn phá” đối với hoạt động và lợi nhuận của công ty.

Ông nói rằng các công ty công nghệ như Google “không có lỗi” khi bị buộc phải tuân thủ các quy định của chính phủ. Ngược lại, ông còn bày tỏ và đánh giá cao đối với các đối tác vì những đóng góp của họ cho sự phát triển của Huawei.

Nhậm Chính Phi cũng nói rõ việc người dân Trung Quốc muốn hỗ trợ Huawei không nhất thiết phải thông qua việc mua điện thoại thông minh của Huawei. Theo quan điểm của vị CEO này, mua hay không mua chỉ là một quyết định mang tính thương mại. Ông không muốn liên kết việc đó với chính trị hay lòng yêu nước. Theo ông, tương lai của Trung Quốc nằm ở việc “cởi mở”, vì làm như vậy sẽ mang lại nhiều bạn bè hơn cho quốc gia.

http://biendong.net/doc-bao-viet/29136-tai-sao-tq-khong-tra-dua-cac-cong-ty-my-nhu-cach-doi-thu-lam-voi-huawei.html

 

Vì sao TQ vẫn phải mua

chiến đấu cơ tối tân nhất của Nga?

Đối với một quốc gia luôn khoe rằng họ đang phát triển mẫu chiến đấu cơ tàng hình tối tân, rất lạ lùng khi Trung Quốc vẫn cần phải mua thêm chiến đấu cơ từ Nga. Moscow đang đề xuất bán thêm Su-35 cho Bắc Kinh, và truyền thông Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể chấp nhận.

Trung Quốc trước đây đã mua 24 phi cơ chiến đấu Su-35 – phiên bản nâng cấp của mẫu Su-27 Flanker có từ thời Chiến tranh Lạnh – trong một thương vụ trị giá 2,5 tỷ USD năm 2015 – theo Hãng thông tấn TASS của Nga.

“Chúng tôi mong đợi phản hồi từ phía Trung Quốc về đề xuất của chúng tôi trong việc mua các vũ khí cùng trang thiết bị quân sự hiện đại mà Nga sản xuất, trong đó có các phi cơ chiến đấu Su-35” – TASS dẫn nguồn tin cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga hồi tuần trước cho hay.

Chỉ 2 ngày sau, một kênh truyền hình quân đội của Trung Quốc đưa tin rằng nước này có thể mua thêm Su-35 để thay thế các máy bay đời cũ. Trung Quốc sở hữu khoảng 3.000 máy bay quân sự – gần tương đương với không quân Mỹ – trong đó bao gồm 1.700 chiến đấu cơ.

Nhưng rất nhiều chiếc trong số này là máy bay từ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó gồm hàng trăm chiếc MiG-21 phiên bản Trung Quốc.

Bởi vậy, dù đang đầu tư mạnh tay vào chương trình phát triển mẫu phi cơ tàng hình thế hệ thứ 5 J-20 (có thể trở thành đối trọng của mẫu F-22, F-35 của Mỹ) lực lượng không quân Trung Quốc vẫn gặp khó khăn khi phải duy trì hoạt động của một nhóm các máy bay chiến đấu lỗi thời.

Mới đây, tờ Global Times dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng có nhiều lý do khác để họ mua mẫu Su-35.

Vị chuyên gia, ông Fu Qianshao, nói với tờ Global Times rằng “dù Trung Quốc có thể mua Su-35, nhưng điều đó không có nghĩa là để thay thế các chiến đấu cơ cũ của Trung Quốc bởi máy bay của Nga quá đắt đỏ trong khi Trung Quốc còn quá nhiều máy bay cũ.

Chỉ có chiến đấu cơ sản xuất trong nước mới có thể lấp chỗ trống mà các máy bay cũ để lại”.

“Đã từng mua nhiều Su-35 trước đây, Trung Quốc không cần phải mua thêm để học kỹ thuật từ nó” – ông Fu nói.

Nhưng nếu Trung Quốc thực sự mua thêm mẫu này, nó có thể giúp tăng hiệu quả hỗ trợ hậu cần cho các hạm đội chiến đấu cơ, bởi sẽ có thêm nhiều bộ phận thay thế và nhân sự kỹ thuật cao – ông Fu nhận định, thêm rằng các yếu tố chính trị và kinh tế cũng đóng vai trò trong việc cân nhắc về thỏa thuận mua bán sắp tới, nhất là trong lúc quan hệ Nga-Trung ngày càng trở nên gần gũi.

Giới phân tích Trung Quốc cũng đưa ra một luận điểm: Sức mạnh không quân giờ đã thoát khỏi xu hướng lấy số đông như trong Thế chiến II hay Chiến tranh Lạnh, thay vào đó là xu hướng lấy hạm đội nhỏ nhưng quy tụ các chiến đấu cơ tối tân và đắt tiền.

Nếu Bắc Kinh chỉ mua 24 chiếc Su-35 trong thương vụ đầu tiên với giá 2,5 tỷ USD, sau đó mua thêm hàng trăm chiếc để thay thế mẫu J-7 và J-8, thì điều đó sẽ là thảm họa về tài chính.

Nhưng điều thú vị là ý tưởng cho rằng thương vụ Su-35 sẽ mang lại lợi ích cho ngành hàng không Nga, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang trì trệ nhưng khả năng nghiên cứu và chế tạo trang thiết bị quân sự lại vẫn rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có niềm tự hào của họ về sức mạnh kinh tế và quân sự đang trỗi dậy, cùng khả năng phát triển các vũ khí tối tân như chiến đấu cơ tàng hình.

Và với quan điểm như vậy, thật bất ngờ khi nước này vẫn cần phải nhập khẩu chiến đấu cơ, động cơ phản lực, tên lửa đối không cùng nhiều trang thiết bị quân sự khác.

GDP của Trung Quốc lớn hơn Nga khoảng 9 lần (Anh cũng mua chiến đấu cơ của Mỹ dù nền kinh tế của họ chỉ bằng 1/8 của Mỹ).

Cũng có lý do rất rõ ràng để lý giải việc Trung Quốc mua chiến đấu cơ của Nga:

Hai nước cựu thù từng lao vào một cuộc chiến biên giới giờ đang có mối quan hệ ngày càng gần gũi. Thế nhưng với những tham vọng to lớn của mình, sẽ đến lúc Trung Quốc phải dựa vào chính các nguồn lực nội tại.

http://biendong.net/doc-bao-viet/29106-vi-sao-tq-van-phai-mua-chien-dau-co-toi-tan-nhat-cua-nga.html