Tin khắp nơi – 05/07/2016
Đánh bom tự sát liên tiếp ở A-rập Xê-út làm bốn người thiệt mạng
Ba vụ đánh bom tự sát ở A-rập Xê-út hôm 4/7 đã giết chết bốn nhân viên bảo vệ và làm năm người khác bị thương khi tháng lễ Ramadan kết thúc. Một vụ nổ xảy ra gần một trong những địa điểm linh thiêng nhất, Nhà thờ Hồi giáo của Đấng Tiên tri tại Medina. Vụ thứ hai ở gần tòa lãnh sự Mỹ tại thành phố Jeddah ven Biển Đỏ, còn vụ thứ ba ở thành phố duyên hải Qatif ở vùng Vịnh, nơi có những người Shiite thiểu số của A-rập Xê-út sinh sống.
Chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm ngay, nhưng Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện nhiều cuộc đánh bom và tấn công bằng súng ở A-rập Xê-út trong hai năm qua. Amin Saikal, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu A-rập và Hồi giáo tại Đại học Quốc gia Australia, nói cuộc tấn công ở Medina là thể hiện sự thù ghét đặc biệt theo cách nhìn của người Hồi giáo.
Vào lúc nhà chức trách cố gắng xác định danh tính của những kẻ tấn công, Bộ Nội vụ đã xác định được kẻ đánh bom ở Jeddah là một tài xế người Pakistan sống cùng gia đình ngay trong thành phố.
Hôm 5/7, trên trang Twitter của mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên án các vụ nổ ở A-rập Xê-út. Ông nói ‘không còn lằn ranh đỏ nào nữa cho bọn khủng bố vi phạm. Cả người Sunni lẫn Shiite sẽ vẫn là nạn nhân trừ khi chúng ta cùng đoàn kết và đứng với nhau’.
Nổ bom xe tải nêu bật các mối đe dọa an ninh ở Baghdad
Các nhà quan sát tình hình Iraq cho biết vụ nổ bom xe tải giết chết nhiều người ở thủ đô Baghdad hôm Chủ nhật nêu bật những mối đe dọa an ninh ở thành phố này, tuy số tử vong của thường dân và binh sĩ đã giảm mạnh hồi tháng trước.
Tỉnh Baghdad là một trong những tỉnh nhỏ nhất của Iraq nhưng lại là tỉnh đông dân nhất nước. Đây cũng là nơi mà, từ ngày này qua ngày khác, số người bị thiệt mạng trong những cuộc xung đột vũ trang và những vụ tấn công khủng bố nhiều hơn tất cả những tỉnh khác.
Các số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy trong số 382 thường dân thiệt mạng ở Iraq hồi tháng 6 có đến 236 người bị giết hại ở Baghdad. Con số này của tháng 7 sẽ tăng mạnh, sau khi một vụ nổ bom tự sát bằng xe tải ở thành phố Baghdad giết chết hơn 170 người và làm bị thương hơn 200 người.
Nhân viên cứu hộ vẫn đang tiếp tục làm việc tại nơi xảy ra vụ đánh bom ở quận Karrada để tìm kiếm người sống sót trong vụ tấn công thuộc loại dữ dội nhất ở thủ đô Iraq kể từ khi lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo tiến vào Iraq năm 2003.
Những phần tử hiếu chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công và cho biết mục tiêu tấn công của họ là những người Hồi giáo Shia.
Vụ này xảy ra trong lúc tháng Chay Ramadan của người Hồi giáo sắp chấm dứt. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc ở Iraq, ông Jan Kubis, cho biết trước đó ông đã nuôi hy vọng là bạo động sẽ giảm bớt trong dịp lễ của người theo đạo Hồi.
Sau vụ nổ bom hôm Chủ nhật, ông Kubis phát biểu:
“Những phần tử khủng bố không chừa một dịp nào để tấn công vào chợ búa, đền thờ và những nơi đông người tụ họp để gây ra thương vong tối đa cho thường dân, bất kể đó là lễ hội tôn giáo nào và họ hoàn toàn không đếm xỉa gì tới những giá trị của đạo Hồi.”
Các nhà quan sát nói rằng vụ tấn công hôm Chủ nhật ở Baghdad cho thấy những phần tử hiếu chiến tiếp tục có khả năng thực hiện chiến dịch bạo động, mặc dù họ bị các lực lượng Iraq tấn công trên bộ và bị liên minh do Mỹ dẫn đầu tấn công từ trên không.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã tiến chiếm những phần đất rộng lớn ở miền bắc và miền tây Iraq cách nay hai năm. Chiến dịch đó diễn ra trùng hợp với sự tăng mạnh của số thương vong của thường dân và binh sĩ Iraq, lên tới cao điểm là hơn 2.600 người chết trong tháng 6 năm 2014. Con số đó của tháng 6 năm ngoái giảm xuống còn 1.466 người và giảm mạnh tới mức 662 người hồi tháng trước.
Mặc dầu vậy, dân chúng Iraq đã trút giận lên chính phủ vì tình hình bạo động tiếp diễn. Một số người đã lấy đá và những vật khác ném vào Thủ tướng Haider al-Abadi khi ông đến thị sát địa điểm nổ bom hôm Chủ nhật. Ông Abadi đã ra lệnh siết chặt thêm nữa các biện pháp an ninh ở Baghdad.
Hôm thứ Hai, chính phủ Iraq loan báo 5 phần tử khủng bố đã bị xử tử và cho biết giới hữu trách đã bắt 40 người bị nghi là đang định thực hiện những vụ tấn công khác nữa.
http://www.voatiengviet.com/a/no-bom-xe-tai-neu-bat-cac-moi-de-doa-an-ninh-o-baghdad/3404505.html
Hà Lan sẽ bỏ phiếu rời Liên hiệp Âu châu?
Henry Ridgwell
Sau khi cử tri Anh quyết định rời Liên hiệp Âu châu, các nhà lãnh đạo ở Brussels e rằng những thành viên khác cũng sẽ rời khỏi liên hiệp. Nhiều người ở Hà Lan có những mối quan tâm lớn về di dân và chủ quyền, và người dân ở đây đang đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề có nên ở lại trong Liên hiệp Âu châu hay không.
Tại thành phố Maastritch ở vùng cực nam Hà Lan, phà và xe đạp là phương tiện giao thông chính của dân chúng. Ngoài một tấm biển nhỏ ở bờ sông Maas, không có mấy dấu hiệu cho thấy thành phố này đã nắm giữ một vai trò lớn trong lịch sử của Liên hiệp Âu châu.
Năm 1992, các nhà lãnh đạo của 12 nước Âu châu đã tụ tập tại Maastritch để ký hiệp định mang tên của thành phố này – nhằm lập ra Liên hiệp Âu châu và đưa các nước Âu châu vào con đường tiến tới một liên minh chính trị và tiền tệ mỗi ngày một chặt chẽ hơn.
Nhưng Maastritch giờ đây lại là tâm điểm của khu vực mà dân chúng cảm thấy ngờ vực nhiều nhất đối với Liên hiệp Âu châu. Các cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy phân nửa cử tri Hà Lan muốn chính phủ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề rời khỏi Liên hiệp Âu châu, và miền nam Hà Lan là nơi có sự hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho đề nghị này.
Bà Laurence Stassen sinh sống tại làng Echt, gần Maastritch. Bà từng là nghị viên của Nghị viện Âu châu và hồi gần đây bà đã gia nhập một đảng mới được thành lập có tên là đảng Tranh đấu cho Hà Lan. Đảng này đang vận động để Hà Lan rời Liên hiệp Âu châu.
Bà Stassen cho biết về mục tiêu của cuộc vận động này:
“Là một quốc gia, chúng tôi nên có biên giới của mình, có toà án của mình, và làm ra luật lệ của chính mình, chứ không phải là những người ở Brussels hay Liên hiệp Âu châu.”
Bà Stassen từng là đảng viên của đảng Tự do, thuộc phe cực hữu, nằm dưới sự lãnh đạo của ông Geert Wilders, là người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến. Ông Wilders đã vận động để chống lại điều mà ông gọi là Âu châu bị Hồi giáo hoá và hô hào cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề rời Liên hiệp Âu châu, như cử tri ở Anh đã làm.
Bà Stassen cho rằng sự nối kết giữa cuộc đầu phiếu ở Anh với cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan là không chính xác:
“Tôi nghĩ rằng đây là hai vấn đề riêng rẽ, bởi vì Brexit chủ yếu là có liên quan tới việc lấy lại chủ quyền. Còn ở đây, chúng tôi có rất nhiều những mối quan tâm về vấn đề di dân.”
Theo dòng sông Maas đến Bắc hải, chúng ta sẽ tới Rotterdam, hải cảng lớn nhất ở Âu châu. Cảng này xử lý 465 triệu tấn hàng hoá mỗi năm, nối liền các cường quốc kinh tế ở Bắc Âu với phần còn lại của thế giới.
Ông Sjaak Poppe, người phát ngôn của Cục Quản lý Cảng Rotterdam, cho biết:
“Phần lớn sự thịnh vượng cả ở Hà Lan lẫn ở Âu châu nói chung mà chúng tôi có được trong mấy thập niên qua là lệ thuộc vào tự do thương mại và tự do di chuyển của người và hàng hoá.”
Ông Poppe cho biết tại trung tâm vận chuyển này của thế giới, việc rời khỏi Liên hiệp Âu châu được xem là một tai họa:
“Với Âu châu, chúng tôi có 500 triệu dân, là khu vực mậu dịch lớn nhất và là thị trường lớn nhất. Nếu đứng riêng thành một nước, Hà Lan chỉ có 16 triệu người.”
Ông Fabian Amtenbrink, giáo sư luật của Đại học Eramus ở Rotterdam, cho biết nhiều người ủng hộ Liên hiệp Âu châu cảm thấy thất vọng trước việc nước Anh bỏ phiếu rời EU:
“Vương quốc Anh là một đối tác thương mại rất quan trọng của Hà Lan. Chúng tôi có những mối liên hệ lớn về mặt lịch sử.”
Ông Amtenbrink thừa nhận là có những mối quan tâm trên khắp Âu châu đối với EU:
“Cảm nghĩ cơ bản là Brussels quản lý quá nhiều thứ. Và một vấn đề khác nữa là quá trình làm ra quyết định của Brussels, của Liên hiệp Âu châu, của Âu châu xa rời người dân nhiều quá.”
Luật lệ của Hà Lan làm cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách hội viên của Liên hiệp Âu châu trở nên khó khăn vào lúc này. Nhưng với cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 3 năm tới, ảnh hưởng lan tỏa của việc Anh Quốc rời EU có thể sẽ được cảm nhận trước tiên ở Hà Lan, một trong những thành viên sáng lập của liên hiệp này.
http://www.voatiengviet.com/a/ha-lan-se-bo-phieu-roi-lien-hiep-au-chau/3404486.html
TT Uganda gọi Israel là ‘Palestine’ trước mặt ông Netanyahu
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến thăm Uganda hôm thứ Hai, khởi động chuyến công du bốn nước Đông Phi. Chuyến đi được xem là một sự kiện quan trọng đối với khu vực, nơi mà chưa có nhà lãnh đạo nào của Israel tới thăm trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, ngày công du đã bị hoen ố vì tranh cãi khi Tổng thống Uganda Yoweri Museveni nhiều lần gọi Israel là Palestine trong một bài phát biểu.
Tổng thống Uganda lúc đó đang nói về Chiến dịch Entebbe, trong đó biệt kích Israel giải cứu những con tin khỏi sân bay quốc tế Entebbe của Uganda sau khi một chuyến bay của Air France bị phe chủ chiến Palestine cướp.
Ông Museveni nói: “Sự kiện đáng buồn cách đây 40 năm đã biến thành một mối giao hảo nữa liên kết Palestine với Châu Phi. Tôi nói đây là một mối giao hảo nữa giữa Châu Phi với Palestine vì trước đó đã có những sự kiện giao hảo.”
Nhiều người Uganda đặt câu hỏi trên Twitter ai là người chuẩn bị bài diễn văn và dự đoán là sẽ có người bị sa thải về sai sót này. Những người khác thì băn khoăn về trạng thái tinh thần của ông Museveni.
Người Israel trên Twitter cũng chỉ trích sự nhầm lẫn này, gọi bài phát biểu của tổng thống Uganda là lan man và kỳ quặc và cho biết đài phát thanh của Israel đã cắt ngang bài diễn văn.
Đến giờ vẫn chưa có phản hồi nào từ ông Netanyahu.
Ofwono Opondo, một phát ngôn viên của chính phủ Uganda, đã nhanh chóng lên Twitter chữa thẹn về sự nhầm lẫn Israel/Palestine, nói rằng: “Toàn bộ vùng đất đó ban đầu được gọi là Palestine, vì thế ông Museveni gọi như vậy không có gì là sai.”
Người Palestine đòi Bờ Tây do Israel chiếm đóng và Dải Gaza do Israel phong tỏa là vùng đất cho một nhà nước triển vọng trong tương lai của họ.
Trong vụ không tặc vào tháng 6 năm 1976, chiếc máy bay được lái tới Entebbe. Tổng thống khi đó của Uganda, ông Idi Amin, tuyên bố ủng hộ những kẻ không tặc. Tuy nhiên bế tắc chấm dứt vào đêm ngày 4 tháng 7 khi biệt kích Israel xông vào sân bay và giải cứu 102 con tin.
Chiến dịch kết thúc với 45 người Uganda và một người Israel thiệt mạng. Người Israel thiệt mạng là anh trai của Thủ tướng Netanyahu.
http://www.voatiengviet.com/a/tt-uganda-goi-israel-la-palestine-truoc-mat-ong-netanyahu/3403887.html
Hàng viện trợ Thổ Nhĩ Kỳ tới Gaza
Những chuyến xe tải chở khoảng 10 ngàn tấn viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tới Gaza thông qua ngã Israel, một tuần sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hàn gắn quan hệ.
Chiếc đầu tiên trong số khoảng 500 chiếc xe tải chở đồ chơi, tã trẻ em , quần áo, thuốc men, thực phẩm đã vào Gaza hôm nay sau khi được kiểm tra an ninh tại Israel. Nhiều chiếc nữa đã được lên kế hoạch trong những ngày tới.
Quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ hồi tháng 5 năm 2010 sau khi các thủy quân lục chiến Israel tấn công một tàu Thổ Nhĩ Kỳ thách thức lệnh phong tỏa của hải quân Israel tại Dải Gaza và giết chết 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thân Palestine trên tàu.
Kerem Kinik, chủ tịch của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến Gaza để giám sát công tác phân phối hàng cứu trợ. Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cung cấp ‘hỗ trợ nhân đạo thường xuyên liên tục’ cho vùng đất này.
Các chuyến giao hàng viện trợ diễn ra trước lễ Eid al-Fitr vào thứ tư tới đây, đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan.
Israel ban hành lệnh phong tỏa Dải Gaza vào năm 2006 sau khi nhóm Hamas người Palestine kiểm soát vùng đất này bắt cóc một binh sĩ Israel. Các biện pháp phong tỏa được siết chặt vào năm 2007 khi Hamas lật đổ đối thủ Fatah, chiếm quyền kiểm soát ở Gaza sau khi dành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm trước đó.
Israel nói lệnh phong tỏa là cần thiết để ngăn không cho Hamas nhận các vật liệu có thể dùng cho mục đích quân sự, nhưng Liên hiệp quốc lâu nay chỉ trích việc này.
Tuần trước, Tổng thư ký Ban Ki-moon gọi hành động này là một sự trừng phạt tập thể phải có trách nhiệm giải trình.
http://www.voatiengviet.com/a/hang-vien-tro-tho-nhi-ky-toi-gaza/3403880.html
Nổ bom rung chuyển chốt kiểm soát ở Ả-rập Xê Út
Một vụ nổ làm rung chuyển một chốt kiểm soát bên ngoài một trong những địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo, Thánh điện của Nhà tiên tri, tại thành phố Medina, Ả-rập Xê Út.
Các hình ảnh video ban đầu chiếu trên mạng lưới al-Arabiya cho thấy lửa cháy bên ngoài cơ sở này và có thể nhìn thấy một thi thể. Đài truyền hình này sau đó đưa tin có ít nhất ba người chết, trong đó có 1 người bị tình nghi là kẻ đánh bom tự sát cùng 2 nhân viên an ninh.
Đền thờ này là nơi an táng Nhà tiên tri Muhammad, người qua đời vào năm 632 sau Công nguyên. Đây là địa điểm linh thiêng thứ hai của Hồi giáo, hàng năm thu hút hàng triệu tín đồ đạo Hồi từ khắp nơi trên thế giới hành hương về Mecca để thăm viếng.
Hai vụ nổ khác cũng được báo cáo ở vương quốc này vào lúc tháng lễ Ramadan khép lại.
Một vụ nổ có liên hệ tới một kẻ đánh bom tự sát tại một đền thờ Hồi giáo của người Shia ở thành phố Qatif phía đông. Không có ghi nhận thương vong.
Vài giờ trước đó, Bộ Nội vụ Ả-rập Xê Út cho hay một kẻ đánh bom tự sát tự nổ tung bản thân gần lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Jeddah ở phía tây.
Tòa đại sứ Mỹ báo cáo nhân viên của họ không có ai thiệt mạng hoặc bị thương.
Ả-rập Xê Út công bố thứ Tư này là ngày đầu tiên của lễ Eid al-Fitr – khởi đầu ba ngày lễ hội khắp thế giới Hồi giáo đánh dấu kết thúc tháng chay tịnh Ramadan hằng năm.
http://www.voatiengviet.com/a/no-bom-rung-chuyen-chot-kiem-soat-o-a-rap-xe-ut/3403814.html
Thẩm vấn con tin được giải cứu trong vụ tấn công ở Bangladesh
Các nhà điều tra đang thẩm vấn một số con tin được giải cứu trong vụ tấn công sáng thứ bảy tại một tiệm ăn ở thủ đô Dhaka, Bangladesh, khiến 20 con tin và 2 cảnh sát viên thiệt mạng.
Giới hữu trách còn đang câu lưu 5 trong số 13 con tin được giải cứu. Chưa rõ liệu 5 người đó có phải là nghi can hay bị thẩm vấn vì nhà chức trách tin là họ có thể cung cấp những thông tin hữu ích giúp xác định nguồn gốc các cuộc tấn công.
Cảnh sát trưởng Bangladesh, ông Shahidul Haque, ngày 4/7 cho hay có 2 người đàn ông đang bị thẩm vấn, trong đó có một người tình nghi là phần tử chủ chiến. Tuy không cho biết liệu hai người này có nằm trong số những người được kể là con tin hay không, nhưng ông thừa nhận rằng họ đang được chữa trị thương tích tại bệnh viện.
Trong khi đó, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hôm 4/7 đến dự lễ tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công.
Tại lễ trưởng niệm có treo cờ và đại sứ của các nước có nạn nhân trong vụ tấn công này đến dự, bao gồm Ấn Ðộ, Italia, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Thủ tướng Hasina thăm hỏi các gia đình các nạn nhân.
Tang lễ được cử hành vào ngày thứ hai của hai ngày quốc tang.
Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công, nhưng chưa có liên hệ trực tiếp nào với nhóm cực đoan này được xác nhận, và các giới chức chính phủ bác bỏ việc Nhà nước Hồi giáo liên quan trong vụ này.
Bộ trưởng Nội vụ hôm Chủ nhật nói rằng những kẻ tấn công hoàn toàn không có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo. Bộ trưởng Asaduzzaman Khan ngược lại nói rằng những kẻ thánh chiến Hồi giáo này là thành viên của một nhóm hiếu chiến trong nước tên là – Jumatul Mujahedeen Bangladesh, gọi tắt là JPM, nhóm đã bị cấm hoạt động ở Bangladesh hơn một chục năm qua. Ông Khan nói tất cả những kẻ tấn công này đều là những người có học và xuất thân từ những gia đình khá giả.
Tổng trưởng cảnh sát quốc gia, ông Shahidul Hoque nói rằng nhà chức trách đang điều tra khả năng những kẻ tấn công này có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo.
Ngoại trưởng Mỹ gọi điện cho Thủ tướng Hasina
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry hôm Chủ nhật đã gọi điện cho Thủ tướng Hasina để bày tỏ phân ưu và ngỏ lời ủng hộ. Thông báo của Bộ Ngoại giao nói rằng ông Kerry “khuyến khích chính phủ Bangladesh xúc tiến điều tra với những chuẩn mực quốc tế cao nhất.” Ông Kerry cũng ngỏ lời rằng cơ quan thực thi luật pháp Mỹ, trong đó có Cục Điều tra Liên bang (FBI) có thể hỗ trợ.
Cảnh sát Bangladesh công bố hình và họ tên của 5 trong số 6 kẻ tấn công đã chết. Cảnh sát cho hay thân nhân của những tên này đã mất liên lạc với bọn chúng nhiều tháng qua.
Chính phủ Bangladesh lâu nay vẫn khẳng định là Nhà nước Hồi giáo không hiện diện trên lãnh thổ của họ. Chính quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina quy lỗi hàng loạt vụ tấn công hồi gần đây cho các đối thủ chính trị của bà Hasina, và nói rằng họ hậu thuẫn cho các nhóm hiếu chiến nhằm gây bất ổn.
Trong số 11 người đàn ông và 9 phụ nữ thiệt mạng có 9 người Ý, 7 người Nhật, 2 người Bangladesh, 1 người Mỹ và 1 người Ấn Ðộ. Ba nạn nhân trong số này là các sinh viên đại học ở Mỹ. Hai cảnh sát viên Bangladesh trước đó cũng thiệt mạng trong cuộc bao vây. Các lực lượng an ninh giải cứu được 13 con tin.
‘Cần xem kỹ lại’ tình báo Pháp
Cần xem xét kỹ lại các cơ quan tình báo Pháp sau loạt tấn công ở Paris vào năm ngoái, điều tra của một ủy ban thuộc nghị viện Pháp đề nghị.
Nhiều cơ quan nên được nhập thành một, ủy ban này nói.
Chủ tịch ủy ban, ông Georges Fenech, đề nghị có một tổ chức gần giống như Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia của Hoa Kỳ.
Loạt tấn công hồi tháng Một và tháng 11 khiến 147 người thiệt mạng, làm dấy lên chỉ trích về phản ứng an ninh.
“Đối mặt với đe dọa khủng bố quốc tế, chúng ta cần tham vọng hơn nhiều… về mặt tình báo,” ông Fenech nói.
Ủy ban này cũng chỉ trích chính quyền Bỉ chậm chạp trong việc chặn nghi phạm Salah Abdeslam – người tham gia vụ tấn công tháng 11/2015 trước khi chạy sang Bỉ. Nghi phạm này bị bắt ở Bỉ vào tháng 3/2016.
Tình trạng khẩn cấp được áp dụng sau các vụ tấn công chỉ có “ảnh hưởng hạn chế” về mặt an ninh, ban điều tra nhận xét.
Khoảng 6.000 – 7.000 quân lính thực hiện nhiệm vụ nhằm tăng cường đảm bảo an ninh, được huy động bảo vệ trường học, giáo đường, khu mua sắm và các khu vực nhạy cảm khác.
“Tôi tự hỏi giá trị thực sự mà họ mang lại là gì về mặt đảm bảo an ninh quốc gia,” dân biểu đảng Xã hội Sebastian Pietrasanta nói.
Loạt tấn công hồi tháng Một vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo, một nữ cảnh sát bị bắn chết và vụ bố ráp siêu thị người Do Thái đã khiến tổng cộng 17 người thiệt mạng.
Tháng 11/2015, 130 người thiệt mạng trong cuộc tấn công phối hợp bằng súng và nổ bom ở rạp hát, nhà hàng và sân vận động Stade de France, nơi một trận bóng đá giao hữu quốc tế đang diễn ra.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160705_french_intelligence_paris_attacks
Tổng thống Obama lưu lại thủ đô sau khi rời nhiệm sở
Rời nhiệm sở vào tháng 1 năm sau, Tổng thống Barack Obama sẽ lưu lại Washington và dọn tới một ngôi nhà ở khu phố lịch sử của thủ đô. Báo chí đã công bố hình ảnh ngôi nhà tương lai của ông Obama trong khu Kalorama ở Washington, cũng là nơi mà một tổng thống khác từng sinh sống. Ngay sau khi ông Obama dọn về đây, đường lưu thông trong khu vực này sẽ bị đóng, nhưng hiện giờ vẫn có thể dễ dàng đi ngang qua ngôi nhà tương lai của ông để ngắm nhìn.
Đoạn video trào phúng mô tả ông Barack Obama kiếm một nghề mới. Ông thử nhiều việc khác nhau và hy vọng ít ra có thể lấy được bằng lái.
Ông Obama đã chọn ngôi nhà cho gia đình ông sinh sống sau khi rời Tòa Bạch Ốc. Rời nhiệm sở, ông sẽ dọn vào một tòa biệt thự lớn trong một khu giàu có của thủ đô Washington gọi là Kalorama.
Ngôi biệt thự có giá ước tính khoảng triệu 6 triệu đôla. Ông Obama không mua mà sẽ thuê, mỗi tháng trả khoảng 22.000 đôla.
Tổng thống cho biết sẽ ở lại Washington để con gái út Sasha có thể tiếp tục học tại ngôi trường mà cô đã theo học lâu nay.
Khu Kalorama được xem là cực kỳ danh giá và an ninh. Lý do rất đơn giản: khu vực này là nơi tập trung đông nhất các đại sứ quán và tư gia của những đại sứ và các quan chức khác ở Washington.
Cư dân ở đây đã quen với sự hiện diện thường trực của cảnh sát và nhân viên mật vụ. Nhà sử học khu vực này, Steven Hansen, nói với sự xuất hiện của gia đình Obama khu vực này sẽ trở nên an toàn hơn nữa.
Ông Hansen chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng những người hàng xóm có thể sẽ thực sự cảm kích việc Tổng thống Obama dọn tới khu phố này. Một vấn đề bàn tán hiện giờ là lưu thông xuyên qua con đường này sẽ bị đóng và chỉ có cư dân mới được quyền tiếp cận. An ninh sẽ được tăng cường, vì vậy cư dân ở đây sẽ không phải lo mở chuông báo trộm vào ban đêm, vì khu phố sẽ được bảo vệ rất kỹ, và chung cuộc sẽ làm tăng giá trị địa ốc trong vùng.”
Ông John Horan, người sống gần khu vực này, dẫn con chó Tiger của ông đi dạo trong khu Kalorama mỗi ngày. Ông mừng là ông Obama quyết định ở lại Washington.
Ông Horan nói: “Việc này chắc không ảnh hưởng nhiều tới khu phố. Đây vốn là khu vực sinh sống của những quan chức từ khắp nơi trên thế giới và giới chức Mỹ. Họ đã quen với sự hiện diện của lực lượng an ninh rồi, và họ hiểu sự lịch thiệp và chiều chuộng mà chúng ta dành cho những người đã từ bỏ một chút cuộc sống riêng tư để phụng sự công chúng.”
Ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ thứ hai lưu lại thủ đô sau khi mãn nhiệm, sau cựu Tổng thống Woodrow Wilson. Ông Wilson từng sống trong cùng khu phố nơi ông Obama sẽ dọn tới.
Ngôi nhà của ông Wilson giờ làm viện bảo tàng phục vụ khách tham quan, cách ngôi nhà tương lai của gia đình Obama vài phút đi bộ.
Ông Robert Enholm dẫn du khách đi tham quan ngôi nhà của Tổng thống Wilson. Có rất nhiều điều thú vị để chiêm ngưỡng, như tranh khảm từ Vatican, thảm trang trí từ Pháp, và trong thư viện của ông Wilson có một máy chiếu phim cũ.
Ông Enholm nói có một số điểm tương đồng trong quyết định của ông Wilson và ông Obama lưu lại thủ đô nước Mỹ sau khi rời nhiệm sở.
Ông Enholm cho biết: “Về một số mặt, câu chuyện về ngôi nhà này là câu chuyện của Tổng thống rời nhiệm sở và lưu lại thủ đô của quốc gia để vẫn tích cực làm chính trị. Đó chắc chắn là một trong những mục tiêu của Tổng thống Wilson, và tôi ngờ rằng đó là một trong những điều mà Tổng thống Obama sẽ nhận thấy là lợi thế của việc ở lại Washington.”
Tiếp tục lưu lại Washington, ông Obama khó lòng không thể không tích cực làm chính trị …. chắc chắn là nhiều hơn mức vừa đủ cho một cựu Tổng thống, bất chấp những lo ngại mà ông bày tỏ trong video trào phúng của mình.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-obama-luu-lai-thu-do-sau-khi-roi-nhiem-so/3403706.html
Đã đến lúc mặc cả với Trung Quốc?
Bill HaytonNhà nghiên cứu, Chương trình Á châu, Chatham House
Chiến lược của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Đông) chuẩn bị phải đón cú đảo chiều.
Chỉ trong ít ngày nữa, Tòa Trọng tài Quốc tế sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc.
Tuy chưa có gì là chắc chắn, nhưng có hai điều ta có thể nói được vào lúc này về những gì có thể sẽ xảy ra.
Trước tiên, tòa trọng tài sẽ ra phán quyết là một số yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế.
Thứ nhì, người phát ngôn của Trung Quốc sẽ tung ra một loạt những tuyên bố hùng hồn để lên án tòa trọng tài và Philippines, và sẽ tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận phán quyết.
Các đại sứ của Bắc Kinh tại nước ngoài đã sẵn sàng cho cuộc chơi. Các quan chức đã soạn thảo những bài viết và mua các khung quảng cáo trên báo chí toàn thế giới.
Một số nhắm tới việc quấy rối cá nhân các thẩm phán của tòa trọng tài (chẳng hạn như tổng biên tập của Tạp chí Luật Quốc tế Trung Quốc, Sienho Yee, đã gọi thẩm phán Thomas Mensah vốn rất được tôn trọng là “một cựu viên chức thuộc địa Anh thấp kém” tại một cuộc hội thảo quốc tế), gửi cho họ những lá thư đe dọa và cáo buộc cựu Chủ tịch Tòa Quốc tế về Luật Biển là thiên vị chỉ bởi ông này là người Nhật.
Thế giới cần phải phớt lờ những lời lẽ đao to búa lớn này. Nền chính trị Trung Quốc cảm thấy mất mặt và họ cần có nơi để xả đi nỗi xấu hổ của mình trước một quốc gia nhỏ bé.
Bắc Kinh sẽ làm gì?
Câu hỏi thực sự ở đây là liệu Bắc Kinh có sẽ làm gì thật không.
Họ có thể sẽ chọn cách làm trầm trọng thêm tình hình bằng cách phong tỏa hoặc đuổi binh lính của Philippines khỏi một trong chín vị trí trên Biển Đông mà họ đang chiếm giữ.
Họ có thể triển khai các chiến đấu cơ hoặc hỏa tiễn tân tiến tới các đảo nhân tạo mới được xây dựng tại Quần đảo Trường Sa, hoặc có thể sẽ tuyên bố “Vùng Nhận dạng Phòng không” (‘Air Defence Identification Zone’ – ADIZ) quanh các đảo này để cảnh báo nước khác chớ tới gần.
Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên, khi mà Hoa Kỳ gần đây tuyên bố triển khai đội hình hàng không mẫu hạm thứ hai tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Chúng ta có thể đoan chắc là có một số thông điệp cứng rắn đang được chuyển qua lại giữa các nhà ngoại giao ở Washington và Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn Trung Quốc có bất kỳ hành động khinh suất nào.
Nhưng chúng ta cũng cần phải thực tế.
Bất kể tòa ra phán quyết thế nào, Trung Quốc cũng không bị thuyết phục về việc các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông là bất hợp pháp.
Qua nhiều thập niên tuyên truyền sai về lịch sử, Trung Quốc đã tự mình thuyết phục mình rằng Trung Quốc và chỉ Trung Quốc mà thôi là chủ sở hữu hợp pháp của toàn bộ những gì nằm trong phạm vi đường ‘Lưỡi bò’ mà nước này đòi chủ quyền.
Một số nhà quan sát Trung Quốc tin rằng ông Tập Cận Bình đang biến vấn đề của Trung Quốc ở Biển Đông thành một cuộc thập tự chinh cá nhân.
Có thể áp dụng ‘nước cờ’ của Philippines?
Trong vài tháng qua, Hoa Kỳ có vẻ như đã tỏ ra dứt khoát tại khu vực Bãi cạn Scarborough. Mỹ triển khai máy bay chiến đấu tới Philippines và sau đó, theo tin từ Washington, các tàu nạo vét của Trung Quốc ở nơi này đã phải rút đi.
Nhưng Trung Quốc sẽ không dừng lại và các hàng không mẫu hạm của Mỹ không thể đóng tại đó mãi mãi.
Chính sách kiềm chế không thể được áp dụng dài hạn. Một đất nước Trung Quốc giận dữ và mất mặt là điều không có lợi cho cả Hoa Kỳ lẫn khu vực, và nơi này cần có một cách duy trì hòa bình, ổn định dài hạn hơn.
Nói cách khác, Trung Quốc cần một lối thoát phụ để ra khỏi cuộc đối đầu hiện thời, một giải pháp mà Bắc Kinh có thể chấp nhận mà không sợ bị mất mặt.
Hay nói một cách ngắn gọn là Trung Quốc cần chiến thắng. Thêm nữa, thế giới cần thuyết phục Trung Quốc chớ có cố thử tiếp tục thay đổi tình hình ở Biển Đông.
Nếu như Trung Quốc muốn xoay chuyển tình thế, họ có thể tính đến chuyện làm với Nhật đúng những gì mà Philippines đang làm với họ.
Nhật Bản đòi vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý xung quanh khu vực Okinotorishima hoang vắng, chiếm chừng nửa triệu cây số vuông trên biển, nơi hiện các đội tàu đánh cá và các công ty dầu khí nước ngoài không được vào khai thác.
Bất chấp việc Nhật nói Okinotorishima đáp ứng điều kiện để tạo ra một vùng Đặc quyền Kinh tế xung quanh, nhưng thực ra không có mấy khác biệt giữa kích thước, điều kiện của địa điểm này nếu đem so với Bãi cạn Scarborough.
Tòa Trọng tài nhiều khả năng sẽ ra phán quyết rằng Bãi cạn Scarborough chỉ là khu vực đá cho nên không tạo thành điểm hình thành nên Đặc quyền Kinh tế.
Nếu như Trung Quốc muốn có một thắng lợi dễ dàng, tất cả những gì họ cần làm sẽ là bắt chước Philippines và gửi hồ sơ kiện Tokyo.
Tokyo sẽ phải chịu thua nếu muốn giữ nguyên tắc “duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật định”.
Liệu có thể duy trì giải pháp ‘Giữ nguyên hiện trạng’?
Về mặt dài hạn, trật tự quốc tế dựa trên luật định sẽ phải cần có sự chấp thuận của Trung Quốc.
Có những bằng chứng cho thấy tình hình đang diễn biến theo chiều hướng này.
Chương trình Luật Quốc tế tại viện nghiên cứu Chattham House nói Trung Quốc đã có nhiều bước đi, “gồm cả việc chính phủ xây dựng một bộ máy ra quyết định nhằm thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp quốc tế, thuê ồ ạt các luật sư quốc tế và một ủy ban cố vấn mới cho Bộ Ngoại giao”, theo một bản phúc trình sắp được công bố.
Nhưng điều này không có nghĩa là giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ quyết định ngưng hoạt động ở Biển Đông. Cả quyết rằng mình có chính nghĩa, họ sẽ không dừng bước trừ phi có một lý do nào đó rất thuyết phục.
Việc Hoa Kỳ và các nước khác triển khai hải quân, “Chiến dịch tự do di chuyển hàng hải”, các tuyên bố ngoại giao trong khu vưc, và những bình luận riêng đang ngày càng tăng từ các quốc gia láng giềng giận dữ sẽ ít nhiều có ảnh hưởng, nhưng đổi lại, cái giá sẽ là sự căng thẳng gia thăng và nguy cơ đối đầu trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Điều gì sẽ khiến Trung Quốc chấp nhận giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông?
Có thể việc trông đợi Bắc Kinh chính thức công nhận đòi hỏi của các nước láng giềng là quá nhiều, nhưng liệu có thể đạt được sự nhân nhượng không chính thức về cả vấn đề lãnh thổ lẫn Luật Biển?
Các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở đây đã làm như vậy. Họ không chính thức rút đi các tuyên bố của mình đối với các vùng biển, đảo mà nước khác hiện chiếm giữ, nhưng họ thống nhất với nhau rằng sẽ không làm gì để theo đuổi thêm nữa.
Nay, khi đã bảo đảm được vị trí chiến lược tại Trường Sa với bảy căn cứ lớn đã gần như được hoàn tất xây dựng [trên các đảo cơi nới], liệu Trung Quốc có thể cùng tham gia vào thỏa thuận đó không?
Vai trò của Hoa Kỳ
Vào lúc này, Trung Quốc không có mấy lợi ích trong việc thỏa thuận với các nước láng giềng cũng đang đòi chủ quyền ở vùng biển này.
Như lời cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, thì “Trung Quốc là một nước lớn, và các nước khác là những nước nhỏ, đó là thực tế”.
Điều mà Trung Quốc đang muốn có chính là việc được Hoa Kỳ thừa nhận.
Theo đuổi quyết liệt hình mẫu câu lạc bộ “các đại cường quốc” nhưng mãi không được hồi âm, Trung Quốc thật bẽ bàng.
Hoa Kỳ từng có lúc suýt thuận tình tham gia quan hệ mới này, khi Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng Ba 2014.
Tuy nhiên, sau khi vấp phải những chỉ trích chính tại Hoa Kỳ và sự phản đối từ Nhật Bản, Washington đã từ bỏ ý định.
Có lẽ nay đang có lý do thỏa đáng để làm sống lại ý tưởng này?
Cần phải làm điều gì để đạt được hòa bình ổn định tại các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông?
Trung Quốc cần phải thừa nhận tình hình thực tế (de facto), nếu không phải là theo luật định (de jure), của một số các đảo đá, rạn san hô và các đảo đang có tranh chấp, cũng như việc áp dụng Luật Biển đối vơi toàn bộ các vùng nước lân cận quanh đó.
Hoa Kỳ có lẽ cũng muốn thiết lập một cơ chế kiểm soát hỏa tiễn trong khu vực nhằm loại trừ đe dọa nhắm vào các tàu chiến và phi cơ đang qua lại của họ.
Để đổi lại, Hoa Kỳ sẽ phải đưa ra bảo đảm rằng sẽ không đe dọa các tuyến hải hành của Trung Quốc trong khu vực.
Washington cũng sẽ cần xoa dịu nỗi sợ hãi của giới lãnh đạo Bắc Kinh về hoạt động lật đổ bị cho là do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Các cuộc đàm phán sẽ rất phức tạp còn bởi các “lợi ích cốt lõi” khác của Trung Quốc, như vấn đề liên quan an ninh Đài Loan và những quan ngại của Hoa Kỳ đối với an ninh của các đồng minh của mình.
Đó đều là những vấn đề lớn và không rõ là bên này liệu có tin được bên kia hay không để mà mặc cả. Để đạt thỏa thuận sẽ cần rất khéo léo về ngoại giao.
Đông Nam Á không muốn một “Hội nghị Yalta của Á châu” – nhằm đưa ra một trật tự lưỡng cực trong khu vực – nhưng cũng không muốn việc cạnh tranh giữa các nước đại cường hủy hoại 40 năm hòa bình và tiến bộ.
Khu vực, và thế giới, cần có một Biển Đông ổn định. Để đạt được điều đó, Trung Quốc cần chấp nhận hiện trạng. Nếu những điều kiện này đạt được, thì có lẽ rốt cuộc nay là lúc cần cho Trung Quốc thực hiện ý tưởng về các nước đại cường.
Nhà báo Bill Hayton, từng có thời gian thường trú ở Việt Nam cho BBC, là tác giả quyển sách về Biển Đông, “The South China Sea: the struggle for power in Asia” (2014). Ông viết bài này với tư cách thành viên nghiên cứu (associate fellow) tại Chatham House, London.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/07/160705_bill_hayton_scs_china_bargain
Làm gì với cả triệu công dân EU ở Anh?
Cựu lãnh đạo đảng Lao Động Anh, Ed Miliband đặt câu hỏi phải chăng chính quyền Anh định “trục xuất hết công dân EU”?
Trả lời BBC hôm 05/07/2016, ông Ed Miliband, người có cha mẹ là trí thức Do Thái đến từ Bỉ và Ba Lan, yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May rút lại tuyên bố gần đây về công dân EU.
Là ứng viên hàng đầu vào chức lãnh tụ đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh, bà May nói Anh không thể “đảm bảo rằng công dân EU không phải về nước” sau khi Anh tách khỏi EU.
Ông Milliband nói không nên dùng chủ đề công dân EU ở Anh “làm lá bài mặc cả” về số phận các công dân Anh ở EU.
Ông phê phán ý tưởng “đuổi người EU” là vừa sai lầm về nguyên tắc, vừa bất khả thi.
Chủ đề cần làm gì với cả triệu công dân EU ở Anh đang gây tranh cãi chính trị ở Anh và trong đảng Bảo thủ cầm quyền cũng có các ý kiến khác hẳn nhau.
Ông Michael Gove, Bộ trưởng Tư pháp, thì có vẻ ủng hộ cho cách “không đảm bảo để công dân EU ở lại” nhưng bà Andrea Leadsom, Bộ trưởng Năng lượng, thì lại nói cần tôn trọng quyền ở lại của họ.
Thị trưởng London, ông Sadiq Khan thuộc đảng Lao động, có bài trên báo Evening Standard tuần này cam kết bảo vệ quyền định cư và lao động của công dân EU mà ông nói là “đã và đang đóng góp nhiều cho London”.
Nghị sỹ Quốc hội Boris Johnson, cựu thị trưởng London thuộc đảng Bảo thủ, cho tới gần đây dù chủ trương để Anh rút ra khỏi EU nói rằng cần bằng mọi giá đảm bảo để công dân EU sang Anh “làm việc, sinh sống bình thường”.
‘Đuổi hàng triệu người’?
BBC News trích các nguồn chính thức nói hiện có ít nhất 3 triệu công dân EU, đa số là người từ các nước Nam Âu và Đông Âu, sống và làm việc tại Anh.
Theo một bài trên BBC News hồi tháng 4/2016, thì các nước có đông dân sang Anh nhất trong 5 năm qua là Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha.
Khủng hoảng việc làm từ các nước Nam Âu khiến thanh niên sang Anh khá đông.
Còn từ Đông Âu, số người Ba Lan ở Anh lên tới ít nhất 800 nghìn, theo một số liệu đại sứ quán nước này nêu ra với báo chí gần đây.
Con số thực có thể còn nhiều hơn vì có nhiều người Ba Lan sang và về nước thường xuyên, tùy nhu cầu việc làm.
Nhưng dân từ các nước có kinh tế ở mức ngang bằng với Anh cũng đã có truyền thống sang làm ăn, định cư.
Ví dụ như riêng khu vực Đông Nam nước Anh và thành phố London có ít nhất 122 nghìn người Pháp sinh sống, theo lãnh sự quán nước này.
Còn một số trang web tại Anh nói số người Pháp ở London và vùng phụ cận lên tới 400 nghìn.
Trang Telegraph thì cho rằng có 300 nghìn công dân Đức đang sống tại Anh.
Hiện có từ 1,2 đến 1,7 triệu công dân Anh đang sống, làm việc hoặc định cư sau khi nghỉ hưu tại các nước EU, đa số ở Tây Ban Nha, Pháp và đảo Cyprus, tùy theo các nguồn khác nhau.
Số phận của họ ra sao, nhất là quy chế định cư, hưởng bảo hiểm y tế và bù giá vào lương hưu theo luật EU cũng còn đang là câu hỏi lớn trong quá trình Brexit, tách Anh ra khỏi EU.
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/07/160705_eu_citizens_brexit_what_next
Vụ tấn công Malaysia ‘do IS thực hiện’
Cảnh sát Malaysia nói vụ nổ ở quán bar tuần trước, làm tám người bị thương, là vụ tấn công đầu tiên của nhóm có tên Nhà nước Hồi giáo (IS) ở nước này.
Ban đầu, cảnh sát nói có thể cạnh tranh kinh doanh là động cơ dẫn tới vụ tấn công tại quán bar, nhà hàng Movida nằm bên ngoài Kuala Lumpur hôm 28/6.
Họ cho biết thêm là đã bắt hai đối tượng tình nghi.
Giới chức đang ngày càng quan ngại về các vụ tấn công có dính dáng tới IS, bởi có nhiều người Malaysia đã sang tham gia chiến đấu tại Syria.
“Có những yếu tố về sự can dự của IS trong vụ tấn công,” người đứng đầu cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar nói với các phóng viên.
“Chúng tôi phát hiện ra là hai người trong số họ đã nhận chỉ thị từ một trong các công dân Malaysia tại Syria… nhằm thực hiện các cuộc tấn công ở Malaysia.”
Đã có hàng chục các vụ bắt giữ liên quan tới các phong trào Hồi giáo cực đoan trong những năm gần đây, trong đó có vụ 13 người Malaysia bị bắt sau vụ tấn công mới nhất, nhưng cảnh sát nói những người này không có liên hệ trực tiếp gì tới vụ việc.
Chính phủ các nước trong khu vực đã cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng từ IS.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160705_malaysia_blast_is_attack
‘TQ nên chuẩn bị đối đầu quân sự’
Một tờ báo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc nói Bắc Kinh nên tự chuẩn bị cho đối đầu quân sự ở Biển Đông.
Bài viết được đăng tải vào hôm thứ Ba, một tuần trước một phán quyết của Tòa án Quốc tế về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Hoàn Cầu Thời báo, cả bản tiếng Anh và tiếng Trung, nói tranh chấp, vốn trở nên phức tạp do sự can thiệp của Hoa Kỳ, nay phải đối mặt với thực trạng leo thang thêm do mối đe dọa của phán quyết đối với chủ quyền của Trung Quốc.
“Washington đã triển khai hai tàu sân bay tại Biển Đông, và muốn gửi một tín hiệu bằng cách lên gân theo đó muốn chứng tỏ họ là cường quốc lớn nhất trong khu vực và chờ đợi Trung Quốc phải phục tùng,” báo này viết.
“Trung Quốc nên tăng tốc phát triển khả năng răn đe quân sự.”
“Mặc dù Trung Quốc không thể theo kịp Hoa Kỳ về quân sự về ngắn hạn, Trung Quốc sẽ có thể khiến Hoa Kỳ phải trả một cái giá mà Hoa Kỳ không thể lường nếu họ dùng vũ lực can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.
“Trung Quốc hy vọng tranh chấp có thể được giải quyết bằng đàm phán, nhưng Trung Quốc phải chuẩn bị cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào. Đây là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế,” báo này bình luận.
Trung Quốc vào tuần này nói họ tiến hành tập trận trên Biển Đông từ 5-11 tháng Bảy tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và tàu bè bị cấm đi lại trong khu vực vào thời gian này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay lập tức lên tiếng phản đối, gọi đây là “hành động vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.
Tòa trọng tài thường trực tại The Hague, Hà Lan, cho biết họ sẽ công bố phán quyết vào ngày 12/7, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc vì tuyên bố chủ quyền trong khu vực vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên.
Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục tẩy chay vụ kiện, và cho rằng tòa trọng tài không có thẩm quyền phán quyết với vụ kiện.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160705_china_global_times_scs
Nhiều doanh nghiệp Anh bi quan
Niềm tin kinh doanh tại Anh đã và đang giảm mạnh sau kết quả bỏ phiếu rời khỏi EU.
Số doanh nghiệp cảm thấy bi quan về nền kinh tế Anh tăng gấp đôi một tuần sau lá phiếu Brexit.
Con số này đã tăng từ 25% trong tuần trước khi trưng cầu lên 49%, theo YouGov và Trung tâm Kinh tế và Nghiên cứu Kinh doanh (CEBR).
Lòng tin giảm có thể dẫn tới việc các công ty bớt đầu tư và tuyển dụng.
Scott Corfe, giám đốc CEBR, nói rằng số liệu cho thấy một “phản ứng sốc đáng kể” trong số các doanh nghiệp Anh Quốc sau khi bỏ phiếu hồi tháng trước.
Ông Corfe nói với BBC: “Các doanh nghiệp đang rõ ràng là hoảng sợ bởi kết quả trưng cầu và họ thấy cần bớt đầu tư. Họ bớt kỳ vọng về xuất khẩu và doanh số bán hàng nội địa.
“Và niềm tin kinh doanh là chỉ số hàng đầu phản ánh nền kinh tế sẽ diễn biến ra sao trong những quí tới. Người ta thấy rằng nền kinh tế sẽ chững lại đáng kể trong 3-6 tháng tới.”
Số liệu cho thấy doanh nghiệp Anh trở nên thận trọng hơn trong cách nhìn của họ đối với hoạt động bán hàng và xuất khẩu, và họ đang nghĩ lại các kế hoạch đầu tư.
http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/07/160704_uk_economy_pessimism
F-15 của Nhật áp sát phi đội SU-30 của TQ
Trung Quốc phê phán hành động mà nước này gọi là phi cơ Nhật bay áp sát “nguy hiểm” qua khu vực các đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hôm thứ Hai 4/7 các phi cơ chiến đấu của Nhật đã bật radar định vị hướng vào các chiến đấu cơ của Trung Quốc.
Một quan chức cao cấp của Nhật trước đó xác nhận có việc điều chiến đấu cơ lên nhưng phủ nhận sự việc nguy hiểm.
Cả Nhật và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền tại một số đảo trong khu vực, trong đó có Senkaku, hay còn gọi là Đảo Điếu Ngư.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói trong một thông cáo ngắn trên trang web chính thức hai máy bay chiến đấu Su-30 của Trung Quốc gặp phải “hành động khiêu khích” từ hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng Biển Hoa Đông hôm 17/6.
Thông cáo nói máy bay Trung Quốc đang bay tuần tiễu như thường lệ thì họ bị hai máy bay Nhật tiếp cận “khiêu khích” ở tốc độ cao.
Hai chiến đấu cơ Nhật “thậm chí đã đi quá xa đến mức bắt đầu bật radar định vị khai hỏa nhắm vào các máy bay Trung Quốc.”
Thông cáo nói phi cơ Trung Quốc đã hành động “kiên quyết”, mà không nói rõ chi tiết bằng cách nào, và cho biết các phi cơ Nhật đã triển khai đầu dò nhắm bắn hồng ngoại trước khi bay đi.
Trước khi Trung Quốc ra thông cáo, truyền thông Nhật Bản tường thuật Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản xác nhận có xảy ra vụ bay áp sát nhưng phủ nhận có bên nào đã hành động hung hăng.
Thông tin đối lập được một quan chức không quân Nhật đưa ra, người cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay diễn tập đe dọa về phía máy bay Nhật.
Quan chức quốc phòng cao cấp của Nhật tiết lộ số lượng chuyến bay áp sát gặp máy bay Trung Quốc tăng gần gấp đôi suốt ba tháng qua.
BBC đã liên lạc với Bộ Quốc phòng Nhật để hỏi về cáo buộc của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160704_china_japan_jet_scamble_
Đảng Bảo thủ Anh chọn lãnh đạo mới
Các dân biểu đảng Bảo thủ Anh bắt đầu quá trình bầu chọn lãnh đạo mới và tân thủ tướng với vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 5/7.
Trước khi bắt đầu, bà Theresa May được ủng hộ từ nhiều dân biểu nhất.
Thế nhưng bà Andrea Leadsom, người giành được hậu thuẫn từ Boris Johnson vào hôm thứ Hai 4/7, và các ông Michael Gove, Stephen Crabb và Liam Fox đều đang có hy vọng kế nhiệm ông David Cameron.
Các đảng viên Bảo thủ sẽ chọn từ hai người được nhiều phiếu bầu nhất một người chiến thắng, tên tuổi được công bố ngày 9/9 tới.
330 dân biểu Bảo thủ được bỏ phiếu tới 18:00 BST (02:00 sáng thứ Tư 6/7 giờ Hà Nội), kết quả sẽ có khoảng một tiếng sau đó. Người ít phiếu nhất sẽ bị loại.
Các vòng bỏ phiếu tiếp theo sẽ diễn ra vào thứ Năm 7/7 và thứ Ba 12/7 tới khi chọn được hai người có số phiếu cao nhất.
Vào thứ Hai 4/7, các ứng viên đã có cơ hội trình bày cương lĩnh hành động của mình để thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ trong một cuộc họp ở Quốc hội.
Quan điểm riêng
Trong cuộc họp này, bà May được nói đã lặp lại quan điểm của bà rằng tình trạng của công dân EU hiện sống ở Anh sẽ là một phần trong quá trình thương thuyết trước khi Anh rút khỏi EU.
Các ông Gove, Fox, bà Leadsom và ông Crabb, have đều nói quyền ở lại Anh của công dân EU phải được bảo hộ.
Sau cuộc họp, một dân biểu Bảo thủ lên tiếng phản đối bà Leadsom, cho rằng bà đã quá vụng về trong dàn cảnh xa lánh đảng thiên hữu UKIP.
Tuy nhiên cựu thị trưởng London Boris Johnson nói bà đầy quyết tâm và mô tả bà là “hiền hậu và đáng tin cậy”, đồng thời tuyên bố ủng hộ bà.
Cuộc tranh đua vào chức lãnh đạo Bảu thủ nổ ra sau khi Thủ tướng David Cameron quyết định từ nhiệm vì người dân Anh bỏ phiếu rút ra khỏi EU với tỷ lệ 52% phiếu thuận.
Ông thủ tướng từng vận động mạnh cho phe Ở lại, nói rằng cần có “lãnh đạo tươi mới” cho quá trình Anh rút lui khỏi EU.
Ông Boris Johnson, nhân vật đứng đầu của phe Rút lui trong cuộc vận động Brexit, từng được trông đợi sẽ là ứng viên chức thủ lĩnh Bảo thủ.
Tuy nhiên sau khi Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove tuyên bố ứng cử, ông Johnson đã rút lui.
Bà May và ông Fox là hai người đầu tiên vào phòng phiếu, theo sau là hai ông Crabb và Gove.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160705_conservatives_new_leader
Brexit: Lợi hay hại cho Hong Kong?
Kate Whitehead
Việc Anh Quốc rời Liên hiệp Âu châu (EU) sẽ gây tác động lâu dài cho châu Âu. Thế còn Hong Kong, một vùng lãnh thổ có quan hệ gần gũi với Anh thì sao? Kate Whitehead hỏi chuyện với một số người nước ngoài sống tại Hong Kong về chủ đề này.
Đã có sự phân chia sâu sắc giữa những người nước ngoài tại Á châu, giữa một bên là những người cho rằng Hong Kong sẽ thịnh vượng sau khi Anh Quốc trong cuộc trưng cầu dân ý đã chọn rời khỏi EU – Brexit, và một bên là những người sợ rằng điều này sẽ chỉ đem lại những rắc rối, khó khăn cho thành phố.
Trong lúc có một số ít lo lắng về nguy cơ mất việc thì đa phần mọi người lo lắng về sự bất định sau kết quả Brexit.
Brexit đã khiến cho thị trường cổ phiếu ở Hong Kong xáo động. Vào ngày tuyên bố kết quả Anh Quốc rời EU, chỉ số Hang Seng có lúc mất tới 5,8% trước khi tăng trở lại, đạt mức chỉ giảm 2,9%.
Một trong những công dân Anh coi Brexit là dấu hiệu tích cực cho Hong Kong là William Barkshire, giám đốc điều hành của Agora Partners, một doanh nghiệp chuyên tư vấn về chiến lược và nguồn vốn độc lập.
Ông đã ở Hong Kong được bảy năm, và có kế hoạch trở về Anh trong năm năm nữa.
Ông không nghĩ rằng việc bỏ phiếu ra đi sẽ tạo tác động ngay lập tức tới công ăn việc làm của thành phố.
Hiệu ứng
Nhưng về dài hạn, Barkshire nói, Brexit có thể sẽ giúp củng cố độ hấp dẫn của Hong Kong như một trung tâm chứng khoán quốc tế của các công ty, khi mà việc Anh ra khỏi EU có thể sẽ đem đến những rủi ro cho đề xuất kết nối thị trường chứng khoán giữa Thượng Hải và Hong Kong đang được bàn thảo (mà theo kế hoạch là sẽ được triển khai trong tháng Chín tới đây).
Ông cũng quan ngại về khả năng mở rộng Hong Kong – Thượng Hải Connect, một dự án kết nối các kênh đầu tư giữa hai thành phố.
Có những lo lắng rằng số các công ty công, trong đó có nhiều hãng của Nga niêm yết tại thị trường London, có thể sẽ tính đến chuyện chuyển sang niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong.
Matthew Maxwell, giám đốc bộ phận tín dụng dành cho các tổ chức tài chính của ANZ Bank, đã coi Hong Kong là nhà kể từ 2010 và là người tin rằng sẽ có những thứ đáng giá cho cả London lẫn Hong Kong.
Ông tin rằng Brexit sẽ cho phép Anh Quốc đàm phán được nhiều hơn về thương mại đối với Trung Quốc. Và một phần các hoạt động thương mại đó có thể sẽ được thực hiện qua ngả Hong Kong, nhằm tận dụng hết các nguồn lực tài chính, pháp lý rất mạnh của thành phố.
Nhưng ông không trông mong gì về việc điều đó sẽ xảy ra chóng vánh, bởi cần có thời gian mới đàm phán được các thỏa thuận thương mại mới.
Bất lợi vì bị loại khỏi cuộc chơi?
Không ai nghĩ rằng sắp tới sẽ là khoảng thời gian tốt cho Hong Kong.
Madeleine Price, giám đốc tập đoàn chuyên phụ trách nhân sự cho các hãng ngân hàng, tài chính BNY Mellon, cho rằng London sẽ trở nên thân với Thượng Hải hơn, khiến Hong Kong trở nên bất lợi.
“Hong Kong cần phải nhìn vào vị thế của mình. Thượng Hải đang ngày càng trở nên có sức cạnh tranh tốt hơn, mạnh mẽ hơn… London có thể sẽ giao dịch thẳng với Thượng Hải. Chính quyền Singapore có quan điểm mạnh mẽ về hướng đi của họ, nhưng tôi không chắc là Hong Kong có rõ về đường hướng của mình hay không.”
Một số người Anh sống tại Hong Kong, nơi đông đúc dân cư và có mức thuế thấp, đồng tiền bản địa được tính dựa trên giá trị đồng đô la Mỹ, thì không cho rằng các hãng lớn sẽ dời trụ sở ra khỏi London.
Barkshire đồng ý. “Hệ thống pháp luật của Hong Kong chính là hệ thống pháp luật của Anh, dùng chung ngôn ngữ. Tôi không nghĩ là người ta sẽ chuyển ra khỏi London,” Barkshire nói.
Charles Searle, người Nam Phi, là CEO của MIH Internet Listed Assets và đã sinh sống ở Hong Kong từ lâu, trông đợi các công ty Hong Kong có trụ sở ở Anh sẽ tiếp tục ở đó nếu các bên đạt được các thỏa thuận tự do thương mại.
“Anh Quốc có những lợi thế về nhân sự vô cùng to lớn, cả về luật pháp và trong lĩnh vực ngân hàng, và có luật lệ vững chắc vốn đã được thử nghiệm qua hàng thế kỷ.”
“Ở đó có những nét tương đồng vô cùng to lớn với Hong Kong, điều khiến mọi người cảm thấy thoải mái. Do vậy, tôi không nghĩ là sẽ có những thay đổi, trừ phi có những gián đoạn thương mại lớn,” Searle nói.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.
Anh Quốc : Thêm một ứng viên thủ tướng
Ngày 05/07/2016 các dân biểu đảng bảo thủ Anh bỏ phiếu bầu sơ bộ để chọn ra hai ứng viên thay thế thủ tướng David Cameron. Bộ trưởng Năng Lượng, Andrea Leadsom nhập cuộc. Bà cùng với bộ trưởng Nội Vụ Theresa May được coi là 2 trong số 5 ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất.
Thông tín viên đài RFI từ Luân Đôn, Muriel Delcroix cho biết thêm về gương mặt của bà Leadsom :
« Ít được công chúng biết đến, bộ trưởng Năng Lượng Anh, Andrea Leadsom, 53 tuổi, đã đứng về phe ủng hộ Brexit và hôm qua 04/07/2016 bà vừa được cựu đô trưởng Luân Đôn, ông Boris Johnson ủng hộ. Bà là ứng cử viên cuối cùng vừa công bố chương trình vận động, sau những đối thủ khác như bộ trưởng Nội Vụ, bà Theresa May, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Liam Fox, bộ trưởng Tư Pháp Michael Gove và Steven Crabb, 43 tuổi, có chủ trương nước Anh phải ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu.
Chính ông Gove tuần trước đã bất ngờ thông báo muốn lên thay thế thủ tướng David Cameron để cản đường Boris Johnson, người đứng đầu phe đòi Brexit. Để cuối cùng, cựu đô trưởng Luân Đôn phải bỏ cuộc.
Các thành viên trong nội bộ đảng Bảo thủ còn tiếp tục xâu xé lẫn nhau, để chung cuộc chỉ còn có hai ứng viên đại diện cho đảng này chạy đua tranh giành chức vụ thủ tướng. Chiều nay, dân biểu ở Quốc hội của đảng Bảo thủ bỏ phiếu ở vòng một. Nếu bất phân thắng bại thì vòng nhì sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm sắp tới. Kế tiếp đến lượt các đảng viên cùng chọn người thay thế ông Cameron.
Ngày 09/09/2016 chúng ta sẽ biệt được ai được chọn làm chủ tịch đảng, và đương nhiên là nhân vật này sẽ trở thành thủ tướng tương lai.
Trước mắt hai người có nhiều triển vọng nhất là Theresa May và Andrea Leadsom, hai nữ bộ trưởng trong nội các Cameron hiện tại. Một người thì chống còn một người thì ủng hộ việc nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Mọi chú ý đang dồn về phía hai nữ chính khách này và người ta quan tâm đến lập trường của các bên liên quan đến quy chế các công dân châu Âu đang sống và làm việc tại Anh.
Bộ trưởng Nội Vụ Theresa May nổi tiếng là cứng rắn trên vấn đề người nhập cư. Bà chủ trương là nước Anh sẽ chỉ bảo đảm quyền lợi cho thành phần này nếu như các công dân Anh làm việc tại Châu Âu được hưởng những quyền lợi tương tự. Bộ trưởng Năng Lượng Andrea Leadsom không chia sẻ quan điểm đó “.
Lãnh đạo đảng hoài nghi châu Âu UKIP từ chức
Chính trường Anh tiếp tục hứng chịu hậu quả của Brexit : ngày 04/07/2016, lãnh đạo đảng hoài nghi châu Âu và bài ngoại UKIP, ông Nigel Farage thông báo từ chức chủ tịch đảng. Trong thông cáo, ông Farage cho biết là chưa bao giờ và không muốn trở thành một chính trị gia chuyên nghiệp. Khi làm chính trị và đã đạt được mục đích là đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ông xin rời khỏi ban lãnh đạo của đảng UKIP.
Ông Nigel Farage, năm nay 52 tuổi, đã thành lập UK Independence Party –UKIP – vào năm1993. Trong quá khứ, nhân vật này đã hai lần tuyên bố từ chức, vào năm 2009 và 2015, nhưng rồi vẫn trụ lại vị trí chủ tịch đảng.
Do vậy, lần này, ít có người tin là ông Farage sẽ thực sự từ bỏ hoạt động chính trị. Hôm qua, khi tuyên bố từ chức, ông Farage cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ đảng UKIP và sẽ sang tận Bruxelles để theo dõi tiến trình đàm phán « ly dị » của nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu.
Mặt khác, ông Farage nhấn mạnh là tân thủ tướng Anh phải là người thuộc phe ủng hộ Brexit. Hiện có tới 5 ứng viên vào chức vụ thủ tướng và nước Anh sẽ có tân thủ tướng vào ngày 09/09/2016.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160705-anh-quoc-them-mot-ung-vien-thu-tuong
Mỹ : Obama vận động bầu cử tổng thống ủng hộ Clinton
Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức tham gia cuộc vận động bầu cử tổng thống, ủng hộ bà Hillary Clinton. Ngày 05/07/2016, ông tham gia cuộc vận động đầu tiên tại Charlotte, bang Bắc Carolina.
Phe Dân Chủ đang rất mong đợi sự ủng hộ của tổng thống Obama để đánh bóng hình ảnh của ứng viên Hillary Clinton, mà uy tín bị sứt mẻ trong vụ thư điện tử và việc bà bị thẩm vấn tại Cục Điều tra Liên bang FBI. Theo thăm dò dư luận, có tới 60% số người được hỏi không tin tưởng vào ứng viên đảng Dân Chủ trong lúc uy tín của tổng thống sắp mãn nhiệm ngày càng gia tăng.
Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio tường trình :
« Nếu như tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều cho là bà Hillary Clinton sẽ thắng ông Donald Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, thì chỉ số lòng tin của ứng viên đảng Dân Chủ lại xuống tới mức thấp nhất. Đa số cử tri Mỹ cho rằng cựu ngoại truởng Mỹ không thành thật, rằng chắc chắn bà giấu diếm một điều gì đó.
Cuộc thẩm vấn ngày 02/07/2016 tại FBI lại làm cho sự việc thêm phức tạp, cho dù dường như chắc chắn là bà Clinton sẽ không bị khởi tố.
Việc ông Obama tham gia vận động tranh cử là một sự kiện. Tổng thống Mỹ là một diễn giả ngoại hạng và không cần phải chứng minh về việc ông có thể huy động, thuyết phục được đám đông ủng hộ viên. Bà Clinton cần đến sự ủng hộ này trên thực địa, để làm giảm nhẹ hậu quả vụ thư điện tử và chinh phục các cử tri vốn ủng hộ ông Bernie Sanders ; những người này vẫn chưa tin tưởng vào bà Clinton.
Tuy nhiên, không nên quên rằng, ngay cả đối với Barack Obama, cuộc bầu cử này cũng là một thách thức thực sự. Để bảo đảm sự kế thừa di sản của mình, ông Obama cần đến một tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, tức là đảng này sẽ giữ chức tổng thống ba nhiệm kỳ liên tục. Đây là điều chưa từng xẩy ra tại Mỹ kể từ những năm 1950 và thắng lợi của ông Donald Trump, thuộc đảng Cộng Hòa, sẽ là một thảm họa đối với nhiều hồ sơ đang bị treo lửng. Chính vì thế vợ chồng tổng thống Obama cùng hồ hởi lao vào cuộc vận động tranh cử tổng thống này ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160705-my-obama-van-dong-bau-cu-tong-thong-ung-ho-clinton
Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Đông Nam Á chống các nhóm cực đoan trên biển
Quan ngại trước việc nhóm khủng bố cực đoan Abu Sayyaf tại Đông Nam Á tiến hành một loạt các vụ tấn công và bắt cóc thuyền viên đòi tiền chuộc, quân đội Mỹ ngày 04/07/2016, cho biết sẵn sàng chung tay góp sức nhằm đảm bảo tự do và an toàn lưu thông hàng hải trong khu vực.
Trong một cuộc phỏng vấn, thiếu tướng hải quân Mỹ Brian Hurley cho biết Hoa Kỳ “luôn quan tâm đến vấn đề an toàn trên biển và tự do lưu thông hàng hải giữa các vùng biển”. Hải quân Hoa Kỳ đã và còn sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều chính phủ Đông Nam Á trong lĩnh vực này.
Tuyên bố nói trên được đưa ra trong bối cảnh hải quân Hoa Kỳ, Úc và New Zealand đang tham gia một chiến dịch nhân đạo được tổ chức hằng năm mang tên Đối Tác Thái Bình Dương, tại Legazpi, miền đông bắc Philippines.
Phía Indonesia, Malaysia và Philippines cũng đồng tình cho hay là có thể tham gia phối hợp hành động chung. Ngoài việc tiến hành tuần tra trên không, trên biển cả ba quốc gia cho biết sẽ thiết lập một “hành lang quá cảnh” dọc theo bờ biển ranh giới giữa các nước hòng ngăn chặn các vụ tấn công do nhóm khủng bố Abu Sayyaf và các nhóm lực lượng vũ trang liên kết tiến hành.
Từ tháng 4/2016 hơn hai chục thuyền viên Indonesia và Malaysia đã bị nhóm chiến binhPhilippines Abu Sayyaf và các nhóm vũ trang bắt cóc đòi tiền chuộc.
Tại vùng Biển Đông có tranh chấp này, hải quân Mỹ triển khai gần 700 tàu chiến mỗi năm để tiến hành tuần tra, tức trung bình hai tầu chiến mỗi ngày nhằm đảm bảo tự do lưu thông trong khu vực.
Philippines: Nguy cơ xung đột cá nhân ở đỉnh cao quyền lực ?
Ngày 04/07/2016 bà Leni Robredo chính thức được chỉ định vào chức vụ phó tổng thống Philippines. Là một phụ nữ cương trực, một nhà bảo vệ nhân quyền, báo chí Manila ghi nhận bà có quá nhiều khác biệt với tân tổng thống Ridrigo Duterte.
Từ Manila, thông tín viên đài RFI Marianne Dardard phác họa chân dung tân phó tổng thống Philippines, bà Leni Robredo:
« Là một phụ nữ rất ngoan đạo và từng là một tiếng nói bênh vực cho nhân quyền, sau lễ nhậm chức, phó tổng thống Philippines đã đón xe buýt trở về nhà riêng. Đó là phong cách của bà Leni Robredo.
Trở thành nhân vật số 2 để cùng điều hành đất nước với ông Rodrigo Duterte, về bản chất , bà Leni Robredo rất khác với tân thống Philippines. Ông Duterte bị chỉ trích là người xem thường phụ nữ, coi thường các chức sắc trong giáo hội công giáo và thậm chí công luận còn xem ông là một mối đe dọa đối với nền dân chủ Philippines.
Trong khi đó Leni Robredo, một phụ nữ 52 tuổi, từng là đại biểu Quốc hội lại rất được lòng dân. Năm 2012 chồng bà là bộ trưởng Nội vụ Philippines qua đời vì tai nạn máy bay. Thảm họa cá nhân đó đã khiến công luận dành cho bà nhiều ưu ái và đấy cũng là điểm khởi đầu để bà tham gia vào các hoạt động chính trị. Bà được cử tri Philippines bầu làm phó tổng thống.
Trước khi đảm nhận chức vụ này, bà Robredo từng cam kết sẽ đương đầu với ông Duterte trên vấn đề nhân quyền. Giờ đây thì bà hứa là sẽ ủng hộ tân tổng thống Philippines cho dù hai nhà lãnh đạo này mới chỉ có buổi làm việc chung đầu tiên ngày hôm qua (04/07/2016).
Trong buổi họp báo đầu tiên ở cương vị phó tổng thống, bà Robredo tươi cười và trấn an công luận là bà sẽ dành ưu tiên cho những người nghèo khó ở Philippines. Có điều chính phủ mới ở Manila không thành lập một bộ riêng đặc trách về hồ sơ này. Không hiểu bà Leni Robredo sẽ làm được gì khi không có ngân sách ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160705-philippines-nguy-co-xung-dot-ca-nhan-o-dinh-cao-quyen-luc
Tấn công khủng bố ở Indonesia có liên quan đến Daech
Ngày 05/07/2016, một đồn cảnh sát ở Indonesia bị đánh bom, một cảnh sát bị thương. Nhà chức trách nước này xác nhận, vụ tấn công có liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech.
Vụ tấn công xảy ra ở Solo, quê nhà của tổng thống Joko Widodo trong lúc ông đang cùng gia đình chuẩn bị mừng lễ Aïd-El-Fitr kết thúc cuối mùa Ramadan.
Kẻ tấn công vượt qua được vọng gác, tiến vào trong sân của đồn cảnh sát bằng xe máy và đọc kinh Koran. Khi một viên cảnh sát lại gần, hắn đã cho nổ bom khiến cho viên cảnh sát bị phỏng và bị thương ở mắt.
Tổng tống Widodo đã kêu gọi dân chúng cảnh giác và bình tĩnh. Ông cũng ra lệnh truy tìm mạng lưới tổ chức có liên quan đến vụ tấn công.
Đánh bom ở miền Nam Thái Lan
Cùng ngày,một xe hơi cài bom đã nổ ở một điểm kiểm soát biên giới quan trọng ở miền Nam Thái Lan, hai cảnh sát bị thương.
Từ hơn chục năm nay khu vực biên giới giữa Thái Lan với Malaysia thường phải đối mặt với bạo động do xung đột giữa người theo Phật giáo chiếm đa số và thiểu số người nổi dậy theo đạo Hồi.
Từ năm 2004, hầu như ngày nào cũng có tiếng súng và bom cài bên đường, làm hơn 6,500 người thiệt mạng.
Việc cài bom trong xe hơi là hình thức tấn công ít phổ biến.
Theo một sĩ quan cảnh sát Thái, những kẻ tình nghi đã cài bom trong một xe bán tải, dừng ở điểm kiểm soát trước rồi bỏ đi. Hai cảnh sát bị thương trong vụ nổ và được đưa đến bệnh viện.
Trong những tuần cuối mùa Ramadan, bạo lực đã gia tăng. Tuy nhiên, so với năm trước thì có giảm đi.
Mỹ -Trung xung đột sau phán quyết vụ kiện Biển Đông ?
Đúng vào ngày Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận ở Hoàng Sa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài xã luận cho rằng nước này phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự.
Tuy Hoàn Cầu Thời Báo không nói rõ là đối đầu quân sự với ai, nhưng chắc là tờ báo này ám chỉ Hoa Kỳ. Vào lúc hải quân và không quân Trung Quốc huy động nhiều chiến hạm và phi cơ tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, một lực lượng của hải quân Mỹ, trong đó có cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã di chuyển đến khu vực Biển Đông. Theo lời một tư lệnh của Mỹ, nhiệm vụ của lực lượng này là bảo đảm quyền tự do hàng hải cho mọi người trong vùng Biển Đông.
Vào tuần trước, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho rằng việc Hoa Kỳ huy động lực lượng nói trên là một « hành động quân sự hóa Biển Đông và gây nguy hại cho hòa bình và ổn định khu vực ». Phát ngôn viên này cho rằng phía Mỹ đang tính toán sai lầm và khẳng định quân đội Trung Quốc không bao giờ lùi bước trước các lực lượng bên ngoài. Ngày 01/07/2016, trong bài diễn văn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố : Trung Quốc « sẽ không bao giờ thỏa hiệp trên vấn đề chủ quyền ».
Nếu Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07/2016 ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc như dự đoán của nhiều chuyên gia, nguy cơ xung độ quân sự Mỹ-Trung sẽ gia tăng. Quân đội Hoa Kỳ sợ rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả phán quyết của tòa bằng cách tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, tương tự như vùng mà họ tuyên bố thiết lập năm 2013 ở vùng biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản.
Cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều đã không công nhận vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông và đã đưa phi cơ quân sự bay vào vùng này. Washington được dự đoán là sẽ có phản ứng như vậy với vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Tháng 2/2016, Bắc Kinh đã đặt hai dàn tên lửa phòng không với tầm bắn 200 km trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.
Phải chăng là để cảnh cáo trước Hoa Kỳ đừng xâm phạm vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông ?
Thật ra thì kịch bản nói trên có thể không xảy ra, vì trước hết Bắc Kinh sẽ bác bỏ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực và phán quyết đó sẽ không có tác dụng gì trên thực tế. Hơn nữa tòa án La Haye cũng không có cơ chế để bắt buộc Bắc Kinh phải thi hành phán quyết. Như vậy, Trung Quốc có thể sẽ không cần sử dụng đến lực lượng quân sự để bảo vệ những đòi hỏi chủ quyền của họ, mà Hoa Kỳ cũng không cần dùng đến sức mạnh ở Biển Đông.
Cho tới nay, tuy thỉnh thoảng có những lời lẽ rất hiếu chiến, Bắc Kinh vẫn chủ trương tránh mọi đối đầu quân sự với các cường quốc, cho đến khi nào nước này đủ mạnh về kinh tế để nắm chắc phần thắng trong tay.
Vấn đề là hiện nay kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nguy cơ rối loạn xã hội trong nước gia tăng. Tình hình này có thể sẽ khiến chế độ Bắc Kinh nghĩ đến chuyện kéo dư luận trong nước sang hướng khác, bằng một hành động ở bên ngoài. Một cuộc đối đầu quân sự có giới hạn với Hoa Kỳ và các đồng minh có thể sẽ là một giải pháp vừa đáp ứng tinh thần dân tộc, vừa tạo sự ủng hộ mới cho chế độ.
Có điều tại một vùng đang là một trong những điểm nóng nhất thế giới, xung đột quân sự dù ở quy mô nhỏ cũng có thể leo thang thành xung đột lớn hơn. Tuy không phải là một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền, nhưng Hoa Kỳ đã tỏ cho thấy là họ sẽ không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, gây phương hại đến những lợi ích cốt lõi của Mỹ ở vùng này. Phán quyết mà Tòa sẽ đưa ra ngày 12/07/2016 sẽ đánh dấu một bước mới đến gần nguy cơ xung đột Mỹ-Trung ở vùng này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160705-my-trung-xung-dot-sau-phan-quyet-vu-kien-bien-dong
Bầu cử Úc : Canberra cần cả Mỹ lẫn Trung Quốc
Ba ngày sau bầu cử Quốc hội Úc, kết quả chính thức vẫn chưa được công bố. Cánh bảo thủ của thủ tướng Malcolm Turnbull và đảng Lao động về sát nút. Nhưng dù bên nào đắc cử, chính sách đối ngoại của Canberra sẽ không thay đổi : Úc cần Mỹ vì lợi ích chiến lược và cần Trung Quốc vì giao thương, kinh tế. Phân tích của nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160705-bau-cu-uc-canberra-can-ca-my-lan-trung-quoc
Báo Trung Quốc kêu gọi sẵn sàng « đối đầu quân sự » với Mỹ ở Biển Đông
Hôm nay, 05/07/2016, một tờ báo chính thống của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh cần sẵn sàng « đối đầu quân sự » với Washington ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài về tranh chấp ở Biển Đông sắp được đưa ra và quân đội Trung Quốc cũng bắt đầu tập trận ở vùng biển này.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, Bắc Kinh phải tăng cường khả năng phòng thủ và « sẵn sàng cho bất kỳ đối đầu quân sự nào ». Cho dù trong ngắn hạn, Bắc Kinh chưa thể cạnh tranh được với Hoa Kỳ nhưng phải đủ khả năng khiến cho Hoa Kỳ trả giá rất đắt nếu can thiệp quân sự vào tranh chấp ở Biển Đông.
Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng Trung Quốc là nước yêu chuộng hòa bình, và sẽ không hề nao núng khi Hoa Kỳ và các nước khác đụng chạm đến quyền lợi và lãnh thổ của Trung Quốc.
Tờ báo cũng cho biết, sự can thiệp của Hoa Kỳ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn, với việc triển khai hai hàng không mẫu hạm ở Biển Đông. Và trong những tháng gần đây, Washington tăng cường hợp tác với Manila.
Căng thẳng ở Biển Đông gia tăng trong những năm gần đây, khi Trung Quốc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo có cả phi đạo.
Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, một vùng biển giàu tài nguyên dầu khí và là tuyến hàng hải quan trọng. Trong các nước tranh chấp với Trung Quốc, Philippines là nước có hiệp ước quân sự với Hoa Kỳ.
Pháp : Uỷ ban Quốc hội công bố điều tra về các vụ khủng bố 2015
Ngày 05/07/2016, một ủy ban của Quốc hội Pháp điều tra về các vụ tấn công khủng bố của thánh chiến Hồi giáo công bố các kết luận điều tra. Pháp cần cải tổ cơ cấu của các cơ quan tình báo, vì những cơ quan này đã không ngăn ngừa được các vụ khủng bố ở Paris.
Trong năm 2015, nước Pháp đã bị khủng bố Hồi giáo tấn công hai lần, lần thứ nhất là vào tháng 01/2015 đánh vào tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo khiến 17 người chết, và lần thứ hai vào tháng 11/2015 tại nhiều nơi ở Paris khiến tổng cộng 130 người thiệt mạng.
Theo báo cáo viên của Ủy ban điều tra của Quốc hội, dân biểu Xã hội Sébastien Pietrasanta, trong các cuộc điều trần, hai lãnh đạo của ngành tình báo thừa nhận các vụ khủng bố năm 2015 cho thấy các cơ quan tình báo đã « thất bại toàn diện ».
Các dân biểu trong ủy ban điều tra đề nghị nên thành lập một cơ quan tình báo quốc gia, đặt trực tiếp dưới quyền của thủ tướng, theo mô hình của Trung tâm quốc gia chống khủng bố của Mỹ, được thành lập sau các vụ tấn công ngày 11/09/2001.
Hiện giờ ngành tình báo của Pháp được phân chia thành 6 cơ quan khác nhau, đặt dưới quyền của các bộ trưởng Nội Vụ, Quốc Phòng và Kinh Tế. Theo các dân biểu trong ủy ban điều tra, các cơ quan nói trên đã không có liên lạc nhiều với nhau, trong khi các tác giả những vụ tấn công khủng bố trước đó đều đã được ghi vào hồ sơ, kiểm tra, nghe lén hoặc tống giam trong thời gian mà họ đi theo xu hướng cực đoan. Chính vì thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo mà một số kẻ khủng bố đã không được theo dõi sát sao và đã có thể ra tay hành động.
Ủy ban điều tra của Quốc hội Pháp còn bày tỏ những nghi ngại về các biện pháp an ninh được thực hiện kể từ sau các cuộc tấn công khủng bố năm 2015. Vẫn theo báo cáo này, tình trạng khẩn cấp được ban hành sau các vụ tấn công ngày 13/11 ở Paris chỉ có một tác dụng giới hạn. Về chiến dịch « Sentinelle », huy động đến 10 ngàn binh lính ở Pháp, báo cáo viên của ủy ban điều tra không tin vào hiệu quả của lực lượng này trong việc bảo vệ an ninh lãnh thổ quốc gia.
Ngược lại, ủy ban điều tra Quốc hội bày tỏ sự hài lòng về các lực lượng tinh nhuệ vào tối 13/11 đã can thiệp rất nhanh chóng, hiệu quả, chứng tỏ có khả năng phối hợp với nhau. Lực lượng cứu hộ cũng được khen ngợi là đã ứng phó rất tốt trước các vụ tấn công khủng bố trầm trọng nhất từ trước đến nay tại Pháp. Có điều việc sơ tán các nạn nhân đã không thể được thực hiện nhanh chóng vì các toán cấp cứu không được vào khu vực mà lực lượng an ninh đang can thiệp. Cho nên ủy ban điều tra của Quốc hội Pháp đề nghị là nên thiết lập một hành lang an toàn để nhanh chóng đưa các nạn nhân ra ngoài vùng nguy hiểm.
http://vi.rfi.fr/phap/20160705-phap-uy-ban-quoc-hoi-cong-bo-dieu-tra-ve-cac-vu-khung-bo-2015
Trung Quốc : Biểu tình bạo động chống dự án xây lò đốt rác
Cuối tuần qua, tại thành phố Lubu, thuộc tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc đã xẩy ra một cuộc biểu tình dẫn đến bạo động. Người dân ở đây phản đối việc xây dựng một lò đốt rác vì lo sợ lò đốt rác gây ô nhiễm con sông gần đó.
Tại một đất nước thường xuyên xẩy ra tai nạn công nghiệp và 80% nguồn nước bị ô nhiễm, thì những dự án tương tự dễ gây ra sự bất bình của người dân.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt gửi về bài tường trình :
« Theo thông tin chính thức, thì các vụ va chạm xẩy ra ở khu làng diễn ra như sau : Những kẻ manh động đã kích động đám đông tấn công vào trụ sở ủy ban nhân dân. Nhiều cảnh sát dường như bị thương, khoảng hai chục người biểu tình bị bắt giữ. Trên các tấm ảnh được đăng tải trên internet, người ta thấy hàng người đang đối mặt căng thẳng với lực lượng chống bạo động.
Nhà máy đốt rác, nguyên nhân gây ra sự nổi giận của thành phố 70 ngàn dân, sẽ được xây dựng gần con sông. Theo một người dân, được báo chí trích dẫn, thì nạn ô nhiễm không khí và nước gây lo ngại vì con sông là nguồn cung cấp nước tiêu dùng cho thành phố. Chính quyền địa phương thông báo đã ngưng dự án, nhưng người dân không tin. Hôm qua, lại có hàng ngàn người xuống đường biểu tình phản đối dự án này.
Lo lắng về vấn đề sức khỏe và do có nhiều thảm họa công nghiệp, ngày càng có nhiều người Trung Quốc bất chấp lệnh cấm, vẫn biểu tình phản đối và đôi khi họ thành công. Giống như ở thành phố cảng Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian), chính quyền địa phương đã phải từ bỏ dự án xây một nhà máy hóa chất, hồi năm 2007. Nhà máy này cuối cùng được xây dựng ở phía bắc Quảng Châu. Năm ngoái, công luận biết đến dự án này khi xẩy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng làm nhiều người bị thương ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160705-trung-quoc-bieu-tinh-bao-dong-chong-du-an-xay-lo-dot-rac
Mỹ -Trung xung đột sau phán quyết vụ kiện Biển Đông ?
Đúng vào ngày Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận ở Hoàng Sa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài xã luận cho rằng nước này phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự.
Tuy Hoàn Cầu Thời Báo không nói rõ là đối đầu quân sự với ai, nhưng chắc là tờ báo này ám chỉ Hoa Kỳ. Vào lúc hải quân và không quân Trung Quốc huy động nhiều chiến hạm và phi cơ tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, một lực lượng của hải quân Mỹ, trong đó có cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã di chuyển đến khu vực Biển Đông. Theo lời một tư lệnh của Mỹ, nhiệm vụ của lực lượng này là bảo đảm quyền tự do hàng hải cho mọi người trong vùng Biển Đông.
Vào tuần trước, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho rằng việc Hoa Kỳ huy động lực lượng nói trên là một « hành động quân sự hóa Biển Đông và gây nguy hại cho hòa bình và ổn định khu vực ». Phát ngôn viên này cho rằng phía Mỹ đang tính toán sai lầm và khẳng định quân đội Trung Quốc không bao giờ lùi bước trước các lực lượng bên ngoài. Ngày 01/07/2016, trong bài diễn văn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố : Trung Quốc « sẽ không bao giờ thỏa hiệp trên vấn đề chủ quyền ».
Nếu Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07/2016 ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc như dự đoán của nhiều chuyên gia, nguy cơ xung độ quân sự Mỹ-Trung sẽ gia tăng. Quân đội Hoa Kỳ sợ rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả phán quyết của tòa bằng cách tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, tương tự như vùng mà họ tuyên bố thiết lập năm 2013 ở vùng biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản.
Cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều đã không công nhận vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông và đã đưa phi cơ quân sự bay vào vùng này. Washington được dự đoán là sẽ có phản ứng như vậy với vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Tháng 2/2016, Bắc Kinh đã đặt hai dàn tên lửa phòng không với tầm bắn 200 km trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.
Phải chăng là để cảnh cáo trước Hoa Kỳ đừng xâm phạm vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông ?
Thật ra thì kịch bản nói trên có thể không xảy ra, vì trước hết Bắc Kinh sẽ bác bỏ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực và phán quyết đó sẽ không có tác dụng gì trên thực tế. Hơn nữa tòa án La Haye cũng không có cơ chế để bắt buộc Bắc Kinh phải thi hành phán quyết. Như vậy, Trung Quốc có thể sẽ không cần sử dụng đến lực lượng quân sự để bảo vệ những đòi hỏi chủ quyền của họ, mà Hoa Kỳ cũng không cần dùng đến sức mạnh ở Biển Đông.
Cho tới nay, tuy thỉnh thoảng có những lời lẽ rất hiếu chiến, Bắc Kinh vẫn chủ trương tránh mọi đối đầu quân sự với các cường quốc, cho đến khi nào nước này đủ mạnh về kinh tế để nắm chắc phần thắng trong tay.
Vấn đề là hiện nay kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nguy cơ rối loạn xã hội trong nước gia tăng. Tình hình này có thể sẽ khiến chế độ Bắc Kinh nghĩ đến chuyện kéo dư luận trong nước sang hướng khác, bằng một hành động ở bên ngoài. Một cuộc đối đầu quân sự có giới hạn với Hoa Kỳ và các đồng minh có thể sẽ là một giải pháp vừa đáp ứng tinh thần dân tộc, vừa tạo sự ủng hộ mới cho chế độ.
Có điều tại một vùng đang là một trong những điểm nóng nhất thế giới, xung đột quân sự dù ở quy mô nhỏ cũng có thể leo thang thành xung đột lớn hơn. Tuy không phải là một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền, nhưng Hoa Kỳ đã tỏ cho thấy là họ sẽ không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, gây phương hại đến những lợi ích cốt lõi của Mỹ ở vùng này. Phán quyết mà Tòa sẽ đưa ra ngày 12/07/2016 sẽ đánh dấu một bước mới đến gần nguy cơ xung đột Mỹ-Trung ở vùng này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160705-my-trung-xung-dot-sau-phan-quyet-vu-kien-bien-dong