Tin khắp nơi – 05/06/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 05/06/2020

Nhà Trắng, nhân kỷ niệm Thiên An Môn, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền – Băng Thanh

Hôm 4/6, Nhà Trắng, trong một tuyên bố kỷ niệm 31 năm cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền, thực hiện các cam kết của mình khi nhận bàn giao Hồng Kông từ Anh và chấm dứt đàn áp các dân tộc thiểu số và đàn áp tôn giáo.

“Sự tàn sát thường dân tay không vũ khí của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một thảm kịch sẽ không bị lãng quên”, tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, theo Reuters.

Trong bản tuyên bố, Nhà Trắng kêu gọi chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình theo Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và Tuyên bố chung Trung – Anh, một hiệp ước được ký kết giữa Trung Quốc và Anh về quản lý Hồng Kông sau khi thành phố được Anh bàn giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

“Chính phủ Trung Quốc nên duy trì các quyền và tự do dành cho mọi công dân Trung Quốc theo hiến pháp Trung Quốc, và chấm dứt cuộc đàn áp có hệ thống đối với hàng triệu dân tộc thiểu số và đàn áp tôn giáo”, tuyên bố cho biết.

“Người dân Mỹ sẽ sát cánh với mọi công dân Trung Quốc trong việc theo đuổi các quyền cơ bản…. như quyền tự do ngôn luận, hội họp và niềm tin tôn giáo”, tuyên bố cho biết.

Cuộc thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ là sự kiện diễn ra vào ngày 4/6/1989, cách đây 31 năm khi Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng quân đội, súng ống và xe tăng để đàn áp hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc xuống đường kêu gọi chính quyền mở rộng tự do dân chủ và giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Cho đến tận ngày nay, những bà mẹ của những sinh viên trong cuộc tàn sát Thiên An Môn năm xưa vẫn không thể nguôi ngoai về cái chết của con họ. Vào hôm 1/6, khoảng 124 thành viên của nhóm mang tên Những Bà Mẹ Thiên An Môn (Tiananmen Mothers) đã công bố một bức thư ngỏ gửi chính phủ Trung Quốc.

“Trong vòng 31 năm qua, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi đi đến một giải pháp đối với một vấn đề chính trị nhức nhối, thông qua các cuộc đối thoại công bằng với chính phủ”, trích nội dung viết trong thư.

Nhưng “chính phủ đã giữ im lặng đối với vụ thảm sát ngày 4/6, mà không hề cho thấy một sự hối hận nào dù là nhỏ nhất”, bức thư cho biết.

https://www.dkn.tv/the-gioi/nha-trang-nhan-ky-niem-thien-an-mon-keu-goi-trung-quoc-ton-trong-nhan-quyen.html

 

Hoa Kỳ áp đặt hạn chế lên các hãng truyền thông của Trung Cộng

Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ tư (3 tháng 6), những người thân cận với sự việc cho biết, Hoa Kỳ dự kiến sẽ chỉ định ít nhất 4 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Cộng là tòa đại sứ ngoại quốc, và gia tăng các hạn chế đối với hoạt động của họ tại Hoa Kỳ. Quyết định này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ-Trung, và có thể được tiến hành ngay hôm thứ năm (4/6).

Trước đó, hôm thứ sáu (29/5), Tổng thống Trump đưa ra thông báo về các biện pháp trả đũa đối với Bắc Kinh liên quan đến việc nước này siết chặt kiểm soát đối với Hong Kong. Hai nguồn tin giấu tên cho biết, những hãng nằm trong danh sách chỉ định dự kiến bao gồm Đài truyền hình trung ương Trung Cộng (CCTV), và hãng tin China News Service. Hai đơn vị trên sẽ được thêm vào danh sách 5 hãng truyền thông Trung Cộng bị hạn chế vào tháng 2/2020, do các cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng Trung Cộng đã sử dụng các hãng này để tuyên truyền chính trị.

Giống như những hãng khác, họ sẽ được yêu cầu ghi danh nhân viên và tài sản của Hoa Kỳ với Bộ Ngoại giao, tương tự như các quy tắc được áp dụng cho các tòa đại sứ và các cơ quan ngoại giao khác. Mặc dù 3 nguồn tin cho rằng quyết định trên sẽ có hiệu lực vào thứ năm, nhưng nguồn tin thứ 4 cho rằng vẫn không thể loại trừ khả năng nó có thể bị trì hoãn. (BBT)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-ap-dat-han-che-len-cac-hang-truyen-thong-cua-trung-cong/

 

Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào ngày tưởng niệm Thiên An Môn

Hải Lam

Tàu khu trục Mỹ USS Russell hôm 4/6 đã đi qua eo biển Đài Loan, đúng dịp kỷ niệm 31 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn.

“Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Russell lớp Arleigh Burke (DDG 59) đi qua eo biển Đài Loan. Chiến hạm này được biên chế cho Hạm đội 7 nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ thông báo trên Facebook vào đầu ngày 5/6.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan ngày 5/6 xác nhận tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển và hướng về phía Nam. Cơ quan này cho biết tàu chiến Mỹ thực hiện “nhiệm vụ thông thường” và không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Tàu chiến USS Russell đi qua eo biển Đài Loan đúng dịp kỷ niệm 31 năm kể từ ngày quân đội Trung Quốc đàn áp đẫm máu hàng ngàn thanh niên ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, chỉ vì họ kêu gọi tự do dân chủ. Cũng trong hôm 4/6, Nhà Trắng ra thông cáo kêu gọi chính phủ Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, thực hiện các cam kết của mình đối với Hồng Kông và chấm dứt đàn áp các dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo.

Vào ngày 4/6/1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội tấn công và giết hại hàng ngàn người biểu tình yêu cầu dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn. Tới nay, phần lớn người Hoa ở đại lục không biết đến sự kiện này, do chính sách kiểm duyệt và che giấu thông tin của chính quyền Trung Quốc.

Reuters cho biết, trong những tháng gần đây, Mỹ đẩy mạnh việc điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 5 đã phê duyệt việc bán cho Đài Loan 18 quả Ngư lôi Hạng nặng Công nghệ Tiên tiến MK-48 Mod 6 và các thiết bị liên quan. Theo Aljazeera, Trung Quốc cũng tăng cường diễn tập gần Đài Loan, cả ở trên biển và trên không.

Đài Loan là quốc đảo với tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, nhưng bị Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai. Các cuộc “đi qua eo biển” của hải quân Mỹ thường thu hút sự chỉ trích từ chính quyền Trung Quốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tau-chien-my-di-qua-eo-bien-dai-loan-vao-ngay-tuong-niem-thien-an-mon.html

 

Tin tặc Trung Quốc, Iran nhắm vào chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ

Các tin tặc do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ đã nhắm vào các nhân viên làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng viên Dân chủ Joe Biden, một giới chức an ninh cao cấp của Google nói ngày 4/6. Giới chức này cũng nói tin tặc Iran vừa mới đây nhắm vào tài khoản email của nhân viên vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Loan báo trên Twitter của người đứng đầu Nhóm Phân tích các mối đe dọa của Google, Shane Huntley, là chỉ dấu mới nhất của việc do thám kỹ thuật số thường xuyên nhắm vào các chính trị gia hàng đầu.

Ông Huntley nói không có chỉ dấu cho thấy chiến dịch tranh cử của ông Trump hay ông Biden bị xâm phạm.

Việc Iran nỗ lực xâm nhập vào email của các nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump đã được ghi nhận trước đây. Năm ngoái công ty Microsoft loan báo là một nhóm có biệt danh Charming Kitten đã cố gắng xâm nhập tài khoản email của một chiến dịch tranh tử Tổng thống không nêu tên, mà nhiều nguồn tin cho rằng đó là ông Trump.

Trước đây trong năm, công ty do thám những mối đe doạ Area 1 Security nói tin tặc Nga đã nhắm vào các công ty khí đốt Nga, nơi con trai ông Biden từng có chân trong hội đồng quản trị.

Google từ chối đưa ra chi tiết vượt quá những dòng tin của ông Huntley, nhưng việc công bố bất bình thường này là một chỉ dấu cho thấy người Mỹ đã trở nên nhạy cảm như thế nào trong những nỗ lực do thám kỹ thuật số nhằm vào các chiến dịch chính trị.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump, Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington và phái bộ Iran tại Liên hiệp quốc ở New York không trả lời yêu cầu bình luận.

Ông John Hultquist, giám đốc về phân tích tình báo của công ty an ninh mạng Mỹ FireEye, mô tả hai nhóm tin tặc là “những phần tử do thám” và nói những người này nỗ lực thu thập tình báo hơn là lấy cắp tài liệu để tiết lộ lên mạng.

FBI và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đều từ chối bình luận.

https://www.voatiengviet.com/a/tin-t%E1%BA%B7c-trung-qu%E1%BB%91c-iran-nh%E1%BA%AFm-v%C3%A0o-chi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-tranh-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-/5450302.html

 

Facebook gắn cảnh báo nội dung các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc và Nga

Bình luậnNguyễn Minh

Facebook cho biết từ ngày 4/6, các hãng truyền thông do nhà nước kiểm soát sẽ bị gắn cảnh báo nội dung trên nền tảng Facebook trong bối cảnh những lo ngại ngày càng gia tăng về việc các nhân tố nước ngoài sử dụng mạng xã hội để thay đổi dư luận nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự của riêng họ.

Facebook cho biết họ sẽ bắt đầu gắn cảnh báo nội dung các trang Facebook của những kênh truyền thông thuộc nhà nước và từ tuần tới sẽ bắt đầu gắn cảnh báo nội dung các bài đăng từ những kênh này. Việc gắn cảnh báo nội dung này sẽ hiển thị cho người dùng ở Mỹ.

Động thái này sẽ được áp dụng cho kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo và Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), cũng như các hãng truyền thông thuộc chính phủ Nga bao gồm Russia Today và Sputnik.

Vào thời điểm cuối mùa hè năm nay, Facebook cũng sẽ bắt đầu ngăn chặn các hãng truyền thông nhà nước này mua quảng cáo tại Mỹ, việc này sẽ giúp “có thêm một lớp bảo vệ” để chống lại ảnh hưởng nước ngoài trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, Facebook cho biết. Facebook không nêu chi tiết chính xác khi nào việc này sẽ được bắt đầu được thực hiện.

Trên nền tảng toàn cầu của mình, Facebook cũng sẽ bắt đầu gắn cảnh báo nội dung quảng cáo từ các kênh do nhà nước kiểm soát vào cuối mùa hè này.

“Chúng tôi cung cấp sự minh bạch cao hơn về các tổ chức này bởi vì họ kết hợp  sự ảnh hưởng của một tổ chức truyền thông với sự hậu thuẫn chiến lược của một nhà nước”, ông Nath Nathaniel Gle Rich, người đứng đầu chính sách an ninh mạng của Facebook nói.

Động thái này được đưa ra sau khi xem xét kỹ lưỡng về những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây như Twitter và Facebook để truyền bá tuyên truyền và thông tin sai lệch trong đại dịch, và gần đây nhất là tình trạng bất ổn liên quan đến chủng tộc trên khắp nước Mỹ.

Các nhà quan sát cho rằng chế độ chính quyền Trung Quốc đang lợi dụng cuộc khủng hoảng và cố tình gây ra căng thẳng chủng tộc để làm suy yếu nước Mỹ và mô hình quản trị dân chủ mà nước Mỹ thực hiện và ủng hộ.

Đầu năm nay, quảng cáo từ các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc bao gồm Thời báo Hoàn cầu, Tân Hoa Xã, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và CGTN, đã tấn công Tổng thống Donald Trump về xử lý vụ dịch đã thu hút hàng triệu lượt xem. Các hãng này cũng đã sử dụng hashtags Nhật #Trumpandemia và và #TrumpVirus, trong các bài đăng trên Facebook và Twitter của mình.

Tháng 8 năm ngoái, Twitter và Facebook đã phát hiện ra các chiến dịch ảnh hưởng lớn của nhà nước Trung Quốc trên các nền tảng của họ. Các chiến dịch của nhà nước Trung Quốc nhằm phá hoại phong trào dân chủ ở Hong Kong. YouTube cũng xác định một hoạt động ảnh hưởng tương tự đối với các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Đáp lại việc làm này của các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, Twitter đã cấm các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát được quảng cáo trên nền tảng này, YouTube đã mở rộng gắn cảnh báo nội dung các hãng truyền thông mà nhà nước hậu thuẫn trong khu vực.

Nguyễn Minh

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/facebook-gan-canh-bao-noi-dung-cac-hang-truyen-thong-nha-nuoc-trung-quoc-va-nga-42699.html

 

Cuộc đọ sức giữa Twitter và Trump tiếp diễn

Thanh Phương

Song song với phong trào biểu tình chống bạo lực cảnh sát và kỳ thị sắc tộc sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd, một cuộc chiến đã bùng lên giữa tổng thống Donald Trump với Twitter, mạng xã hội mà ông vẫn rất ưa dùng.

Cho tới nay, tổng thống Trump vẫn sử dụng mạng Twitter gần như mỗi ngày, kể cả khi ông cần thông báo những quyết định quan trọng. Với 81,7 triệu người đăng ký, tài khoản @realDonaldTrump là một trong 10 tài khoản được theo dõi nhiều nhất trên mạng Twitter. Nhưng xung đột giữa tổng thống Mỹ với mạng xã hội này đã bùng nổ kể từ khi Twitter dán nhãn « Cần kiểm chứng » lên hai tin nhắn của ông Trump cho rằng bỏ phiếu qua thư có thể dẫn đến gian lận phiếu.

Chỉ vài ngày sau, tổng thống Trump đã có phản ứng ngay, ký một sắc lệnh nhắm vào các công ty mạng xã hội. Cho tới nay, các công ty này được bảo vệ trong khuôn khổ Đạo luật Truyền thông, với điều khoản quy định là các mạng xã hội không thể bị kiện vì phần lớn nội dung do người sử dụng đăng tải. Với sắc lệnh mới, tổng thống Trump muốn hạn chế sự bảo vệ đó và hạn chế quyền của các công ty mạng xã hội trong việc kiểm soát các nội dung.

Nhưng Twitter vẫn không nao núng trước đòn phản công của tổng thống Trump. Vào lúc đang có đụng độ dữ dội giữa người biểu tình với cảnh sát tại nhiều thành phố ở Mỹ, ông Trump lại viết trên Twitter : « Khi cướp phá bắt đầu, tiếng súng cũng nổ theo ». Đối với Twitter, câu này của tổng thống Mỹ mang tính « ca ngợi bạo lực », cho nên họ đã che đi, để không ai có thể đọc được.

Chưa hết, theo nhật báo Anh The Guardian hôm nay, Twitter cũng vừa gỡ bỏ một đoạn video tưởng niệm George Floyd đăng trên tài khoản tranh cử của tổng thống Trump. Lý do mà Twitter đưa ra là có người kiện vi phạm bản quyền, nhưng nhóm tranh cử của tổng thống Mỹ xem đây là một hành động kiểm duyệt và hô hào những người ủng hộ ông Trump hãy quảng bá rộng rãi video này trên mạng YouTube.

Cuộc chiến giữa lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới với một trong những mạng xã hội phổ biến nhất có vẻ như đang tiếp tục leo thang. Hôm qua, một lãnh đạo cao cấp của Twitter đã không loại trừ khả năng mạng xã hội này sẽ đình chỉ tài khoản cá nhân của tổng thống Trump, nếu nguyên thủ quốc gia Mỹ tiếp tục đăng những phát biểu kích động bạo lực, vi phạm các quy định của Twitter.

Trong cuộc điều trần qua video với Quốc Hội Anh Quốc hôm qua, ông Nick Pickles, cho biết các tin nhắn của tổng thống Trump trên mạng xã hội này được xem xét giống như của các tài khoản khác. Ông

Pickles tuyên bố : « Nếu một người sử dụng trên Twitter tiếp tục vi phạm các quy định của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về mọi giải pháp mà chúng tôi có thể thi hành ». Hai lần các nghị sĩ Anh hỏi điều này phải chăng có nghĩa là tài khoản của tổng thống Mỹ có thể bị đình chỉ nếu ông tiếp tục vi phạm các quy định, mỗi lần ông Pickles đều trả lời : « Mỗi tài khoản Twitter đều phải tuân thủ các quy định của Twitter ».

Không chỉ có Twitter, mà Snapchat, mạng xã hội rất được giới trẻ thế hệ Z ưa chuộng, hôm thứ Tư 03/06/2020 cũng thông báo kể từ nay sẽ không « quảng cáo » cho các phát biểu của tổng thống Trump trên mạng này, để giảm nhẹ tác động của những lời lẽ « kích động bạo lực sắc tộc ».

Nhưng trong khi đó, mạng xã hội hàng đầu thế giới là Facebook lại quyết định không kiểm duyệt các phát biểu của tổng thống Trump, khiến nhiều nhân viên của tập đoàn này bất bình và đã tỏ thái độ bằng cách biểu tình trên mạng.

Trong cuộc chiến chống lại các mạng xã hội, tổng thống Trump không phải muốn làm gì thì làm. Sắc lệnh của tổng thống Trump nhắm vào các công ty mạng xã hội bị xem là trái với Tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân Mỹ, cho nên hiệp hội Center for Democracy & Technology ngày 02/06 thông báo đã đệ đơn kiện chống lại sắc lệnh này.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200605-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%8D-s%E1%BB%A9c-gi%E1%BB%AFa-twitter-v%C3%A0-trump-ti%E1%BA%BFp-di%E1%BB%85n

 

Mạng Twitter: TT Trump “không có quyền” chặn người phản đối

Trọng Thành

Hôm 23/05/2018, một thẩm phán liên bang Mỹ ra phán quyết khẳng định tổng thống Donald Trump không có quyền ngăn chặn những người có các bình luận chống lại ông trên mạng Twitter của tổng thống. Theo một số ước tính, khoảng 100 người bị loại khỏi tài khoản Twitter của Donald Trump trong thời gian gần đây.

Thông tín viên Anne Corpet tường trình từ Washington :

« Donald Trump không ngừng đả kích báo chí truyền thống và gần như hàng ngày nói chuyện với người Mỹ thông qua mạng xã hội ưa thích Twitter. Tổng thống Mỹ sử dụng Twitter để truyền đi các thông điệp chính trị, tiến hành các hoạt động ngoại giao. Tài khoản Twitter của Donald Trump được 52 triệu người theo dõi. Tuy nhiên, đã có nhiều bình luận rất dữ dội, và chắc chắn là do giận dữ, mà tổng thống Mỹ đã quyết định chặn một số người phê phán quyết liệt.

Một tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận vừa khiếu kiện, nhân danh bảy người liên quan, trong đó có một giáo sư. Đáp lại một thông điệp Twitter của tổng thống Mỹ, vị giáo sư nói trên đã công bố một bức ảnh Donald Trump, bi gạch chéo bằng các từ ‘‘tham nhũng, bất tài, độc đoán’’.

Một thẩm phán liên bang New York đã ra phán quyết : ‘‘Khả năng phản ứng lại các thông điệp thường xuyên trên Twitter của tổng thống bằng cách bình luận, nằm trong quyền tự do ngôn luận được tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp bảo vệ’’.

Tổ chức tiến hành khiếu kiện hoan nghênh phán quyết là đã ‘‘cấm việc chính phủ kiểm duyệt một mạng phương tiện thông tin mới’’. Vị thẩm phán liên bang nói trên không bắt buộc tổng thống là phải đình chỉ ngay lập tức việc ngăn chặn những người bị ông xóa sổ, tuy nhiên, vị thẩm phán cảnh báo là nếu tổng thống không nhanh chóng bỏ việc ngăn chặn, các nạn nhân sẽ kiện ông ra tòa một lần nữa ».

http://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20180524-mang-twitter-tt-trump-%C2%AB-khong-co-quyen-%C2%BB-chan-nguoi-phan-doihttp://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20180829-my-tong-thong-trump-tan-cong-google-twitter-va-facebook

 

Tận dụng ‘Thiên An Môn’, dân biểu Engel lên án Trung Quốc và cả ‘Tổng thống Trump’

Minh Hòa

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, nghị sỹ Eliot L. Engel, hôm 4/6 đã đưa ra một tuyên bố lên án chính quyền Trung Quốc về vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Nửa còn lại của

bản tuyên bố, vị nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ đưa ra lời chỉ trích tới Tổng thống Donald Trump, người đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới tại Mỹ.

Theo bản tuyên bố đăng trên website của Ủy ban Đối ngoại, ông Engel viết: “Trong những thập niên kể từ sau vụ Thảm sát Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc đã che giấu sự thật về thảm kịch đó, và ngày càng trở nên độc tài, đàn áp dã man nhân quyền, các nhóm dân tộc thiểu số và những người có đức tin, cũng như các nhà lãnh đạo xã hội dân sự”.

Tuyên bố tiếp tục nêu rõ: “Chính quyền Trung Quốc đã xuất khẩu chế độ độc tài của họ ra quốc tế, đẩy mạnh xâm lược ở các vùng lãnh thổ tranh chấp, bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông, dọc biên giới với Ấn Độ, và vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông”.

Ông Engel cho biết: “Tôi lên án việc chính quyền Trung Quốc tấn công vào tinh thần thượng tôn pháp luật, chà đạp các chuẩn mực quốc tế và hồ sơ đáng sợ của họ về nhân quyền. Tôi cũng tưởng nhớ và lưu giữ kỷ niệm về những người đàn ông và những người phụ nữ dũng cảm đã mạo hiểm mạng sống của họ để lên tiếng chống lại chủ nghĩa độc tài này, trước kia cũng như hiện nay”.

Nửa còn lại của bản tuyên bố, vị nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ đưa ra lời chỉ trích tới Tổng thống Donald Trump, người đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tại Mỹ.

Ông Engel, dân biểu đại diện cho bang New York, đề cập đến các cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ liên quan đến việc một người da màu tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ. FBI đang điều tra vụ việc, trong khi đó các cuộc biểu tình đã xảy ra những hành vi bạo lực và phá hoại, bị nghi ngờ có sự nhúng tay của Antifa, một nhóm tự xưng là chống phát xít nhưng được đánh giá phong trào của những kẻ cực đoan bạo lực.

Chỉ trích việc Tổng thống Trump cảnh báo sẽ dùng quân đội để đối phó với những hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình, ông Engel tuyên bố: “Khi chúng ta tưởng niệm những người bị sát hại ở Thiên An Môn, chúng ta cũng phải có can đảm và kiên trì để đứng lên chống lại sự bất công tại quê nhà. Hành động của chúng ta hôm nay phải xứng đáng với ký ức về tất cả những người đã hy sinh vì sự nghiệp của một thế giới tự do và công bằng hơn”.

Giới quan sát nhận định đảng Dân chủ đang tận dụng các cuộc biểu tình để hạ uy tín của Tổng thống Trump khi mùa bầu cử đang tới gần. Các nguồn tin cho biết chính quyền Trung Quốc cũng tranh thủ các cuộc biểu tình tại Mỹ để tuyên truyền phản bác Washington, trong bối cảnh ông Trump vừa đưa ra một loạt chính sách cứng rắn nhắm vào Bắc Kinh.

Trong cuộc họp báo riêng về Trung Quốc hôm 29/5, Tổng thống Trump cho biết chính phủ của ông sẽ hủy bỏ chế độ đãi ngộ dành cho Hồng Kông và trừng phạt các quan chức Trung Quốc phá hoại nền dân chủ của thành phố này. “Hành động của chúng tôi sẽ mạnh mẽ. Hành động của chúng tôi sẽ đầy ý nghĩa”, ông Trump tuyên bố.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tan-dung-thien-an-mon-dan-bieu-engel-len-an-trung-quoc-va-ca-tong-thong-trump.html

 

Quan tòa đặt mức thế chân tại ngoại 750,000 Mỹ kim cho 3 cảnh sát bị buộc tội liên quan đến cái chết của George Floyd

Vào hôm thứ Năm (4 tháng 6), một quan tòa đặt mức thế chân tại ngoại 750,000 Mỹ kim cho 3 cựu cảnh sát thành phố Minneapolis bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay gây tử vong cho anh George Floyd, trong lúc đám tang nạn nhân đã diễn ra cách đó không xa.

Tou Thao, Thomas Lane và J. Alexander Kueng lần đầu xuất hiện tại tòa án quận Hennepin trong khi bạn bè, người thân và người nổi tiếng đến tham dự đám tang ông Floyd tại một trường đại học Đạo Công giáo gần đó. Sở cảnh sát thành phố Minneapolis đã sa thải họ vào tuần trước cùng với Derek Chauvin, người bị buộc tội giết người cấp độ hai sau khi gây ra khiến ông Floyd thiệt mạng hôm 25/05/2020.

Luật sư bào chữa đã xin giảm mức thế chân tại ngoại. Luật sư Earl Grey đại diện cho cựu cảnh sát Lane nói với tòa án rằng ông Chauvin là cảnh sát cao cấp tại hiện trường, và cựu cảnh sát Lane chỉ mới làm việc ngày thứ tư, cũng như ông Kueng, lúc ông Floyd tử vong.

Theo luật sư Gray, ông Lane chỉ giữ chân Floyd, để ông ấy không thể đá. Luật sư cũng cho hay ông Lane đã 2 lần hỏi ông Chauvin rằng họ có nên lật ngửa ông Floyd không và bày tỏ nỗi lo rằng ông Floyd có thể bị bất tỉnh. Luật sư cũng cho biết cựu cảnh sát Lane đã thực hiện hồi sức tim phổi cho Floyd trong xe cứu thương. Quan tòa Paul Scoggin ấn định ngày ra tòa tiếp theo của họ vào 29/06/2020.

Luật sư Gray dự định sẽ tiếp tục xin giảm tiền thế chân tại ngoại trong phiên tòa tiếp theo, nhưng cũng nói rằng có thể mất hơn một năm để vụ án cựu cảnh sát Lane được đem ra xét xử. Nếu bị kết án, ông Chauvin phải đối mặt với tối đa 40 năm tù về tội giết người và 10 năm cho tội ngộ sát.

Theo luật của tiểu bang Minnesota, việc giúp đỡ và tiếp tay tội giết người cấp độ hai sẽ chịu hình phạt tương đương tội giết người cấp độ hai, vì vậy cựu cảnh sát Thao, Lane và Kueng có thể chịu với các hình phạt tương tự nếu ông Chauvin bị kết án. (BBT)

https://www.sbtn.tv/quan-toa-dat-muc-the-chan-tai-ngoai-750000-my-kim-cho-3-canh-sat-bi-buoc-toi-lien-quan-den-cai-chet-cua-george-floyd/

 

Bộ Trưởng Tư Pháp bênh vực việc dùng vũ lực đối với người biểu tình tại Tòa Bạch Ốc hồi đầu tuần

Tin Washington DC – Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr vào thứ Năm, 4 tháng 6, đã bênh vực việc cảnh sát dùng vũ lực đối với người biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc vào thứ Hai, nói rằng các khó khăn trong việc điều động lực lượng an ninh đã dẫn đến xung đột.

Trong buổi họp báo tại Bộ Tư Pháp, ông Barr nói quyết định của ông về việc ra lệnh giải tán người biểu tình là do đám đông bắt đầu có dấu hiệu vô kỷ luật, và không liên quan gì đến việc Tổng Thống Trump đi bộ sang thăm nhà thờ St. John sau đó.

Tuyên bố của ông Barr được đưa ra sau khi sự việc hôm thứ Hai bị dư luận chỉ trích, cho rằng chính quyền đã dùng vũ lực với người biểu tình ôn hòa. Bộ Trưởng Barr nói, nhà chức trách vào thứ Hai đã quyết định mở rộng vành đai bảo vệ quanh Tòa Bạch Ốc thêm 1 dãy nhà, để tạo thêm không gian an toàn, sau hàng loạt các vụ bạo động và cướp phá diễn ra vào dịp cuối tuần.

Cũng trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, Bộ Trưởng Barr thừa nhận cái chết của ông George Floyd đã cho thấy một sai sót của hệ thống tư pháp hình sự, và người Mỹ gốc Phi Châu đã phải đối mặt với thành kiến không công bằng của cảnh sát trong thời gian dài.

Bộ Trưởng Barr cho biết ông đã nói chuyện với các lãnh đạo cảnh sát trên toàn Hoa Kỳ trong những ngày qua, và hứa sẽ tìm ra giải pháp trong thời gian tới để cái chết của ông Floyd không bị lãng quên. Ngoài ra ông Barr cho biết 51 người đã bị bắt và sẽ bị truy tố tội hình sự liên bang liên quan đến bạo loạn. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/bo-truong-tu-phap-benh-vuc-viec-dung-vu-luc-doi-voi-nguoi-bieu-tinh-tai-toa-bach-oc-hoi-dau-tuan/

 

Mỹ: Bộ trưởng Tư Pháp tố cáo “tác nhân nước ngoài” lũng đoạn các cuộc biểu tình

Mai Vân

Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ, William Barr, vào hôm qua 04/06/2020, lên tiếng tố cáo các “tác nhân nước ngoài” đã tìm cách “kích động bạo lực” trong các cuộc biểu tình nổ ra trên đất Mỹ sau cái chết của George Floyd.

Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc họp báo, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ khẳng định là có những phần tử “phá rối cực đoan” đã “chiếm hữu” các cuộc biểu tình và nêu đích danh nhóm cực tả “Antifa”. Ông đồng thời cho biết cũng thấy có những “tác nhân nước ngoài thao túng các bên để làm gia tăng bạo động”, nhưng không nêu chi tiết. Ông Barr xác định là đã có 51 người bị bắt vì dính líu đến các cuộc biểu tình bạo động, trong lúc giới truyền thông Mỹ nói đến con số gần 10.000 người bị cảnh sát bắt giữ bên lề các cuộc biểu tình.

Cùng họp báo với bộ trưởng Tư Pháp, ông Christopher Wray, lãnh đạo cơ quan FBI cũng tránh né không nêu tên quốc gia nào, nhưng cảnh cáo: “Những tác nhân nước ngoài phải biết là chúng tôi đang theo dõi rất sát và sẵn sàng hành động khi cần thiết”. Chủ Nhật vừa qua, ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh của tổng thống Trump đã nêu tên Trung Quốc, Iran, và Nga trong một chừng mực nào đó, và cả Zimbabwe, là những “đối thủ ngoại quốc” muốn “lợi dụng cuộc khủng hoảng để gây chia rẽ”.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200605-m%E1%BB%B9-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-t%C6%B0-ph%C3%A1p-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-t%C3%A1c-nh%C3%A2n-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i-lu%CC%83ng-%C4%91oa%CC%A3n-ca%CC%81c-cu%C3%B4%CC%A3c-bi%C3%AA%CC%89u-ti%CC%80nh

 

Các hãng hàng không Hoa Kỳ nhận được sự chấp thuận của chính phủ để dừng hoạt động tại 75 phi trường nội địa

Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ tư (3 tháng 6), 15 hãng hàng không Hoa Kỳ đã nhận được sự phê duyệt cuối cùng của chính phủ để tạm thời ngừng hoạt động tại 75 phi trường nội địa, vì nhu cầu đi lại giảm mạnh do đại dịch coronavirus.

Bộ Giao thông Hoa Kỳ cho biết, tất cả các phi trường sẽ tiếp tục được hoạt động cùng với ít nhất một hãng hàng không. Ngành công nghiệp hàng không Hoa Kỳ đã được chính phủ trao 25 tỷ Mỹ kim trợ cấp để giúp vượt qua đại dịch. Trong khi các hãng phải duy trì mức dịch vụ tối thiểu để nhận được hỗ trợ, nhiều hãng đã đề nghị dừng hoạt động tại các phi trường có nhu cầu hành khách thấp.

Trước đây, Bộ đã cho phép một số hãng hàng không tạm dừng hoạt động đến một số phi trường, và từ chối các yêu cầu khác. Hai hãng United Airlines và Delta Air Lines đều giành được sự chấp thuận của chính phủ để tạm dừng các chuyến bay đến 11 phi trường. Hãng Allegiant Air được phép dừng hoạt động tại 6 phi trường.

Trong khi đó, các hãng JetBlue Airways Corp, Alaska Airlines, Spirit Airlines và Frontier Airlines được xét duyệt dừng các chuyến bay đến 5 phi trường. Các hãng hàng không cho biết, họ đang tiêu tốn hơn 10 tỷ Mỹ kim mỗi tháng vì nhu cầu đi lại vẫn chỉ là một phần nhỏ so với trước đây. Họ đã phải ngưng hoạt động hơn một nửa số phi cơ và cắt giảm hàng ngàn chuyến bay.  (BBT)

https://www.sbtn.tv/cac-hang-hang-khong-hoa-ky-nhan-duoc-su-chap-thuan-cua-chinh-phu-de-dung-hoat-dong-tai-75-phi-truong-noi-dia/

 

Lệnh cấm máy bay chở khách của Trung Quốc tới Mỹ sắp được điều chỉnh

Bộ Giao thông Vận tải Mỹ dự định vài ngày tới sẽ ban hành lệnh sửa đổi mà qua đó có khả năng cho phép một số hãng hàng không chở hành khách của Trung Quốc tiếp tục đáp cánh xuống Mỹ, Reuters dẫn tin từ giới chức chính phủ và quan chức hàng không cho biết ngày 4/6.

Hôm 4/6, Trung Quốc tuyên bố sẽ bớt một số hạn chế vì đại dịch COVID để cho phép thêm các hãng hàng không quốc tế đáp xuống Trung Quốc, không bao lâu sau khi Washington loan báo kế hoạch cấm các hãng hàng không Trung Quốc bay tới Mỹ bắt đầu từ ngày 16/6 để đáp trả những hạn chế của Bắc Kinh đối với các hãng hàng không Mỹ.

Thay đổi này sẽ cho phép các hãng hàng không Mỹ tái tục các chuyến bay 1 lần/1 tuần tới các thành phố Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 8/6, nhưng số chuyến bay này vẫn còn thấp hơn nhiều so với điều mà chính phủ Mỹ nói là thoả thuận hàng không giữa đôi bên cho phép.

Bộ Giao thông Vận tải Mỹ chưa bình luận về việc này.

https://www.voatiengviet.com/a/l%E1%BB%87nh-c%E1%BA%A5m-m%C3%A1y-bay-ch%E1%BB%9F-kh%C3%A1ch-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-s%E1%BA%AFp-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%91i%E1%BB%81u-ch%E1%BB%89nh/5449826.html

 

Thống Đốc Virginia tuyên bố sẽ di chuyển tượng tướng Robert E. Lee

Tin từ Richmond, Virginia – Vào thứ năm (ngày 4 tháng 6) Thống đốc Virginia Ralph Northam đã ra lệnh di chuyển một trong những di tích mang tính biểu tượng nhất của Hoa Kỳ từ thời Liên Minh Miền Nam Hoa Kỳ, một bức tượng của tướng Robert E. Lee đặt dọc theo đường Monument Avenue tại Richmond. Hành động này sẽ là một chiến thắng lớn cho các nhà hoạt động dân quyền, những người từ lâu kêu gọi dỡ bỏ bức tượng.

Ông Del. Jay Jones, một nhà lập pháp da đen từ Norfolk, cho biết bức tượng là một biểu tượng đối với người da màu về một thời điểm của sự kỳ thị và áp bức. Ông Northam sẽ đưa ra kế hoạch bức tượng được di chuyển đến một nhà kho trong lúc chính quyền của ông tìm một vị trí mới để đặt bức tượng.

Quyết định của thống đốc Northam được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cái chết của ông George Floyd. Cái chết của ông Floyd đã châm ngòi cho sự phẫn nộ về các vấn đề kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát, đồng thời thúc đẩy một làn sóng kêu gọi tiểu bang nhanh chóng xóa bỏ bức tượng nói trên.

Tuy nhiên, việc di chuyển bức tượng cũng gặp phải không ít sự phản đối. Chủ tịch Hiệp hội bảo tồn Monument Avenue Bill Gallasch cho biết hành động này sẽ gây ảnh hưởng đến ngành du lịch ở Richmond lịch sử và khuấy động bạo lực giữa các nhóm cực hữu và cực tả. (BBT)

https://www.sbtn.tv/thong-doc-virginia-tuyen-bo-se-di-chuyen-tuong-tuong-robert-e-lee/

 

Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hình chữ V

Giá cố phiếu Mỹ tăng mạnh hôm thứ Sáu 5/6 sau khi các số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ dù bị virus corona tấn công, song thật bất ngờ, vẫn có thêm nhiều việc làm trong tháng 5.

Chỉ số Dow Jones tăng hơn 2,5% ngay sau khi thị trường chứng khoán mở cửa, có thêm hơn 700 điểm. Chỉ số gồm 30 loại cổ phiếu này đạt mức cao nhất kể từ ngày 4/3.

S&P 500 cũng tăng hơn 2%, đạt mức cao nhất kể từ ngày 26/2. Nasdaq Composite tăng khoảng 1,7%, đạt mức cao nhất kể từ ngày 20/2, và chỉ còn cách 1% từ mức cao kỷ lục hồi ngày 19/2.

Con số về việc làm do Bộ Lao động Mỹ đưa ra sáng 5/6 làm sững sỡ những nhà quan sát thị trường, cho thấy nền kinh tế dù bị chao đảo vẫn tạo thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng trước. Cùng lúc, tỉ lệ thất nghiệp tăng 13,3%, thấp hơn nhiều mức dự báo lên đến 19,5%.

Các số liệu này báo hiệu Wall Street sẽ tăng điểm nhiều, cũng như gợi ý rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Đang có những hy vọng rằng sẽ có nhiều thêm các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động giữa lúc có đại dịch, bên cạnh đó là niềm lạc quan về một loạt các biện pháp kích thích kinh tế trên toàn cầu. Những điều này làm lu mờ đi mối lo ngại về biểu tình và bất ổn ở nhiều thành phố Mỹ.

Báo cáo về việc làm của tháng 5 là một sự ngạc nhiên theo hướng tích cực, gây bất ngờ cho những nhà đầu tư đã dự tính là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng đến mức cao nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái.

The Yahoo Finance, Michael Pearce, kinh tế gia cao cấp chuyên về Mỹ tại Capital Economics, nói: “Con số việc làm hưởng lương tăng thêm 2,5 triệu một cách đáng ngạc nhiên trong tháng trước báo hiệu là việc tuyển dụng trở lại đã bắt đầu sớm hơn so với phỏng đoán dựa trên con số người khai thất nghiệp. Khi có thêm các bang nới lỏng việc phong tỏa trong các tuần tới, có phần chắc là lượng công ăn việc làm sẽ tăng trở lại trong tháng 6 và sau đó nữa”.

Vẫn tin của Yahoo Finance cho biết, Nick Bunker, giám đốc nghiên cứu kinh tế của Indeed, nói thận trọng hơn một chút,: “Cú bật tăng trở lại này diễn ra sớm hơn so với phần lớn các dự báo, nhưng chớ phấn khích quá về số liệu của một tháng. Tăng trưởng về việc làm với 2,5 triệu công việc và tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn 1 điểm phần trăm là những diễn biến tích cực, nhưng chưa rõ điều này sẽ bền vững ra sao. Hơn nữa, thị trường lao động vẫn trong vùng xấu với tỷ lệ người có việc làm chỉ bằng 87% của mức trước khi cuộc khủng hoảng virus corona bắt đầu”.

Chủ tịch của Chatham House, Jim O’Neill, nhận định rằng kinh tế Mỹ phục hồi hình chữ V là điều hoàn toàn có thể, ngoài ra, nhiều dấu hiệu ban đầu cho thấy khá rõ rằng nhiều nền kinh tế ở vào vị trí ổn hơn nhiều so với một số lo ngại.

Nói với CNBC, cựu kinh tế gia trưởng của Goldman Sachs cho biết căn cứ vào các chỉ báo về hoạt động kinh tế, có thể thấy khá rõ thời điểm tồi tệ nhất ở Mỹ và một số nước đã qua.

Giờ đây điều quan trọng hơn cần chú ý đến là việc phát triển vắc-xin chống virus corona. Nếu quả thực là người ta khó có thể làm ra vắc-xin, đó sẽ là sự thất vọng lớn, đồng thời các ca nhiễm lại tăng ở Mỹ và châu Âu, ông O’Neill thuộc Chatham House’s nói.

Hãng dược AstraZeneca mới đây loan báo kế hoạch sản xuất một loại vắc-xin Covid-19 với số lượng 2 tỷ liều trong những tháng tới.

Tổng Giám đốc Điều hành (CEO) Pascal Soirot của AstraZeneca nói với báo giới hôm 4/6 rằng hãng này có kế hoạch bắt đầu phân phối vắc-xin đến Mỹ và Anh trong tháng 9 hoặc 10, và nhiều khả năng là hoàn tất giao hàng vào đầu năm 2021.

“Điều này càng làm tôi tin tưởng rằng không hề bất khả thi về chuyện sẽ có vắc-xin hoạt động hiệu quả cho nhiều nơi trên thế giới vào tháng 9 này. Rõ ràng là họ còn phải thử nghiệm cẩn thận trong những tuần tới. Nhưng tôi thấy hoàn toàn có thể làm được và đó là một diễn biến tuyệt vời”, ông O’Neill nói.

Một bản tin của FXStreet dự báo rằng các hoạt động kinh tế ở Mỹ sẽ nhộn nhịp trở lại giống như việc tái thiết sau một cơn bão lớn càn quét qua một vùng rộng lớn của đất nước.

Khi mọi người kết thúc “ngủ đông” và quay trở lại với các hoạt động, có một lượng lớn những việc mua sắm, tiêu dùng từng bị đình hoãn nay sẽ nối lại. Từ cắt tóc cho đến luyện tập ở các phòng gym, từ đi phòng khám và phẫu thuật tự chọn cho đến chăm sóc móng tay chân và cắt tỉa lông cho chó, cho đến mua sắm ô tô, v.v… Doanh thu từ các hoạt động sẽ khuyến khích tuyển dụng và tiếp đến lại kích thích tiêu dùng.

Những thói quen của người tiêu dùng Mỹ trải qua nhiều thế hệ sẽ không biến mất chỉ vì một giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn khôi phục lại cuộc sống càng kéo dài, động lực phát triển kinh tế càng mạnh, FXStreet nói.

(Yahoo Finance, CNBC, FXStreet)

https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-dau-hieu-cho-thay-kinh-te-my-phuc-hoi-nhanh-hinh-chu-v/5450906.html

 

Covid-19: Brazil vọt lên đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong

Mai Vân

Tại châu Mỹ Latinh, dịch Covid-19 tiếp tục cướp đi cả ngàn sinh mạng mỗi ngày. Ở Brazil, quốc gia lớn nhất khu vực, với hơn 210 triệu dân, thảm kịch vẫn chưa thấy hồi kết: Sau khi soán ngôi thứ tư thế giới của Pháp về tổng số ca tử vong được chính thức ghi nhận, vào hôm qua, 04/06/2020, Brazil vươn lên giành vị trí thứ ba của nước Ý.

Theo thống kê của bộ Y Tế Brazil, riêng trong ngày hôm qua, nước này có thêm 1.473 người chết vì virus corona. Điều đáng ngại là trong ba ngày liên tiếp, số ca tử vong trong vòng 24 tiếng đồng hồ tại Brazil đều đạt kỷ lục cao chưa từng thấy, với 1.349 ca hôm Thứ Tư (03/6) và 1.262 ca hôm Thứ Ba (02/6).

Tổng số ca tử vong tại Brazil cho đến hôm qua (04/6) đã tăng lên thành 34.021 người, vượt qua Ý vốn ghi nhận tổng cộng 33.689 trường hợp. Trên bảng xếp hạng về số người chết vì dịch bệnh, Brazil như vậy đã đứng thứ ba, sau Mỹ (hơn 108.000 ca) và Anh (gần 40.000 trường hợp). Riêng về số người bị nhiễm Covid-19, Brazil càng lúc càng khẳng định vị trí thứ hai thế giới với 614.941 ca nhiễm được xác nhận, sau Mỹ (gần 1,9 triệu ca), nhưng trước Nga (gần 450.000 trường hợp).

Tình hình Mêhicô, Peru vẫn đáng ngại, Achentina dễ thở hơn

Tình trạng tại phần còn lại của châu Mỹ Latinh cũng đáng lo ngại, như ở Mêhicô, nơi số người chết đã vượt mốc 12.000 người vào hôm qua, sau khi ghi nhận 816 ca tử vong mới trong ngày. Tình hình tại Peru cũng rất căng thẳng, với số người chết lên đến hơn 5.000 vào hôm qua, và hệ thống y tế đang lâm vào tình trạng thiếu nghiêm trọng khí oxy, vốn cần thiết để duy trì sinh mạng các bệnh nhân.

Tại Achentina, tình hình dễ thở hơn một chút, với tổng cộng hơn 20.000 ca nhiễm và 608 trường hợp tử vong. Các biện pháp phòng dịch đã bắt đầu được nới lỏng ở các vùng ít bị nhiễm dịch, trong lúc lệnh phong tỏa các thành phố lớn được kéo dài đến ngày 28/06.

Số ca tử vong tại Mỹ có thể lên đến 127.000 người

Riêng tại Hoa Kỳ, virus corona chủng mới đã gây thêm hơn 1.000 ca tử vong trong 24 giờ qua. Theo các mô hình ước tính của trường đại học Massachusetts, từ nay đến cuối tháng Sáu, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên đến khoảng 127.000 người. Điều khiến giới chuyên gia lo ngại là với các cuộc biểu tình hiện nay, đà lây nhiễm của virus corona có thể gia tăng trở lại.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200605-covid-19-brazil-vo%CC%A3t-l%C3%AAn-%C4%91%C6%B0%CC%81ng-th%C6%B0%CC%81-ba-th%C3%AA%CC%81-gi%C6%A1%CC%81i-v%C3%AA%CC%80-s%C3%B4%CC%81-ca-t%C6%B0%CC%89-vong

 

Covid-19: The Lancet rút lại nghiên cứu về hydroxychloroquine

Thanh Phương

Hôm qua, 04/06/2020, tạp chí y khoa của Anh Quốc, The Lancet, cuối cùng đã rút lại nghiên cứu về việc sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để trị Covid-19, một nghiên cứu đã bị các nhà khoa học cả thế giới chỉ trích nặng nề.

The Lancet đã quyết định như trên sau khi 3 trong số 4 tác giả rút tên ra khỏi nghiên cứu này, với lý do họ « không thể tiếp tục bảo đảm cho tính xác thực của các nguồn dữ liệu ban đầu». Cơ sở dữ liệu này thuộc về công ty Surgisphere mà sở hữu chủ là tiến sĩ Sapan Desai, một trong bốn đồng tác giả nghiên cứu, nhưng 3 tác giả kia lại không được tiếp cận.

Ngày 22/05, The Lancet đã đăng một nghiên cứu với kết luận rằng thuốc hydroxychloroquine không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho các bệnh nhân nhiễm virus corona, thậm chí có thể gây tử vong. Tuy nhiều công trình nghiên cứu khác, quy mô nhỏ hơn, cũng đã đi đến kết luận tương tự, nhưng do được đăng trên một tạp chí y khoa rất có uy tín, công trình nghiên cứu nói trên đã có tác động rất lớn, đến mức Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã quyết định đình chỉ các cuộc thử nghiệm lâm sàng về việc dùng hydroxychloroquine trị bệnh Covid-19.

Nhưng ngay lập tức, công trình nghiên cứu trên tạp chí The Lancet đã bị nhiều nhà khoa học trên thế giới chỉ trích, kể cả những nhà khoa học hoài nghi về hiệu quả của thuốc hydroxychloroquine đối với những người bị nhiễm virus corona. Chủ yếu họ nghi ngờ tính xác thực của các dữ liệu do « công ty phân tích dữ liệu y tế » Surgisphere thu thập.

Hôm thứ Tư 04/06, cuối cùng WHO đã thông báo tiến hành trở lại các cuộc thử nghiệm lâm sàng thuốc hydroxychloroquine và chương trình nghiên cứu Discovery của châu Âu dự định cũng làm như vậy.

Trên mạng Twitter hôm qua, giáo sư Gilbert Deray, bệnh viện la Pitié-Salpêtrière ở Paris, cho rằng vụ việc liên quan đến nghiên cứu của The Lancet là « một vụ tai tiếng lớn gây phương hại rất nặng nề cho cộng đồng các nhà khoa học ».

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200605-covid-19-the-lancet-r%C3%BAt-l%E1%BA%A1i-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-v%E1%BB%81-hydroxychloroquine

 

Nghị sĩ các nước lập liên minh toàn cầu đối phó Trung Quốc

Quý Khải

Các nhà lập pháp từ nhiều nước hôm thứ Sáu (5/6) đã công bố việc thành lập một liên minh mới để chống lại các “thách thức” do sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) bao gồm 18 chính trị gia từ các quốc gia gồm Mỹ, Úc, Canada, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Nghị viện Châu Âu, theo tờ Time.

Theo thông tin trên trang chủ, nhiệm vụ của Liên Minh này là tăng cường hợp tác giữa “các nhà lập pháp có cùng chí hướng” để xây dựng “một cách thức tiếp cận chiến lược” đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

“Trung Quốc, dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tạo nên một thách thức toàn cầu”, Thượng nghị sĩ Rubio – một thành viên Liên Minh – nói trong một video đăng tải trên Twitter thông báo việc thành lập Liên Minh này. “Chúng tôi Liên minh Nghị viện về Trung Quốc sẽ phối hợp với nhau để ứng phó với thách thức to lớn này”.

Tài khoản Twitter của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc đăng tải video giới thiệu quyết định thành lập. Trong ảnh là Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio (ảnh chụp màn hình Twitter).

Tổ chức này mô tả các mục tiêu của mình là bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy tính công bằng thương mại, tăng cường an ninh.

“Chúng tôi đã từng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ mở cửa và thích ứng theo thời gian [hội nhập với thế giới để trở thành một quốc gia dân chủ]. Nhưng điều đó đã không xảy ra”, Elisabet Lann, một thành viên Liên Minh đến từ Thụy Điển, nói trong video.

Liên minh mới xuất hiện tại thời điểm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất và rơi vào tình trạng bế tắc xoay quanh cách thức Trung Quốc xử lý dịch Covid-19 tại đại lục.

Washington cũng đã duy trì lập trường cứng rắn đối với động thái thông qua luật an ninh mới của Bắc Kinh đối với lãnh thổ bán tự trị Hồng Kông, một bước tiến được giới quan sát cho là về thực chất đã xóa sổ nền dân chủ và tự trị của thành phố này.

Tháng trước, Washington đã phát hành một tài liệu chính sách chủ chốt liên quan đến Trung Quốc, trong đó lập luận rằng 40 năm gắn kết ngoại giao giữa hai nước đã thất bại trong việc tạo ra “một trật tự quản lý đất nước lấy dân làm gốc, tự do và cởi mở, và dựa trên luật lệ” mà Mỹ đã kỳ vọng ở Trung Quốc.

Tài liệu này tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp dụng một “cách tiếp cận cạnh tranh” với Trung Quốc “dựa trên một đánh giá rõ ràng về ý định và hành động của nước này”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-si-cac-nuoc-lap-lien-minh-toan-cau-doi-pho-trung-quoc.html

 

Xung quanh lời kêu gọi ‘loại TQ’ khỏi Hội đồng Bảo an LHQ

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt

Một sáng kiến cá nhân, đưa ra lời kêu gọi loại Trung Quốc khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) sau một tháng, tới nay đã thu hút gần 35.000 chữ ký.

TS Lê Trung Tĩnh, tác giả bức thỉnh nguyện thư cho hay, tính đến ngày 15/5/2020, số người ký từ nước ngoài thậm chí vượt trội số người ký tại Việt Nam.

Anh, Mỹ và Hong Kong là ba nơi đứng đầu bảng về số người tham gia ký thỉnh nguyện thư. Việt Nam đứng thứ năm trong danh sách này, sau Ấn Độ.

Ngoài ra còn có nhiều người đến từ Nhật Bản, Pakistan, Brazil, Hàn Quốc, Thái Lan, Phần Lan, Ma cao, Thụy Điển, Mexico, Singapore, Ấn Độ….

Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời Covid-19

TQ lại lấn át ở Biển Đông, VN còn trông đợi Mỹ được không?

USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng: Mỹ gửi tín hiệu gì cho VN và TQ?

Carl Thayer nhận định việc Mỹ mời VN tập trận Vành đai Thái Bình Dương

Thỉnh nguyện thư được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng có nhiều hoạt động trên các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

‘Xuất phát từ vấn đề Biển Đông’

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, TS Lê Trung Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại Vương Quốc Anh, tác giả bức thỉnh nguyện thư song ngữ Anh, Việt, cho hay:

Khó khăn để thực sự loại bỏ được Trung Quốc khỏi Hội đồng Bảo an LHQ nhưng không có gì là không thể thay đổi trong thế giới ngày nay với những thách thức mới, những vấn đề xuyên quốc gia đòi hỏi mọi nước phải cư xử có trách nhiệm.TS Lê Trung Tĩnh

“Lý do tôi soạn thỉnh nguyện thư này và kêu gọi cộng đồng tham gia ký là do Trung Quốc cho thấy họ là quốc gia liên tục vi phạm các nguyên tắc và mục đích cơ bản nhất của Hiến chương LHQ.”

“Việc họ lâu nay nắm vị trí cầm cân nảy mực trong LHQ đi ngược lại mong muốn và cách thức vận hành tổ chức này của nhân loại. Do đó việc Trung Quốc bị loại khỏi Hội đồng Bảo an LHQ thể hiện ý nguyện của cộng đồng dân cư yêu hòa bình trên thế giới, những người coi trọng công lý quốc tế.”

“Đối với Việt Nam, Trung Quốc cũng đã nhiều lần vi phạm Hiến chương LHQ trong việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988, gây thương vong cho nhiều binh sĩ hải quân Việt Nam. Trung Quốc càng ngày càng mạnh bạo hơn trong việc sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Ví dụ gần đây nhất là việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.”

“Trung Quốc làm tất cả các điều này khi đang đóng vai trò là Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Điều này cho thấy rằng, họ ỷ quyền cậy thế hơn là tôn trọng các nguyên tắc và trách nhiệm của vị trí họ đang có để hành xử đúng mực.”

“Việc loại Trung Quốc ra khỏi Hội đồng Bảo an LHQ sẽ cho thấy nếu họ không cư xử đúng mực, họ có thể bị loại. Điều này sẽ khiến Trung Quốc cư xử chừng mực hơn, sống đàng hoàng với Việt Nam và các nước láng giềng hơn.”

Thỉnh nguyện thư có giá trị thực tiễn thế nào?

Cho tới nay, đã từng có nhiều thỉnh nguyện thư được đưa ra, thu hút đông đảo ủng hộ từ công chúng. Gần đây nhất, thỉnh nguyện thư kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros từ chức đã tập hợp được hơn 1 triệu chữ ký. Tuy nhiên cho tới nay, ông Tổng giám đốc WHO vẫn tại vị.

Vậy thỉnh nguyện thư có đóng góp được tiếng nói gì vào các quyết định thực tế hay không?

Trước câu hỏi này, TS Lê Trung Tĩnh cho rằng ngoài thể hiện mong muốn của cộng đồng, thỉnh nguyện thư còn là “một cách truyền thông, đánh động suy nghĩ, lương tri của mọi người”.

“Tác dụng thông tin là vô cùng lớn. Trong số những người ký thỉnh nguyện thư, có nhiều người là người Anh, Mỹ, Nhật, Ấn Độ… Họ biết việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, biết đến đường

chữ U ngang ngược và vô pháp, và biết đến khả năng và cách thức có thể buộc Trung Quốc ra khỏi Hội đồng Bảo an. Điều này cho thấy đây là vấn đề được sự quan tâm và ủng hộ mạnh của nhiều nước, người trên thế giới.”

“Dĩ nhiên là khó khăn để thực sự làm được điều này nhưng không có gì là không thể thay đổi trong thế giới ngày nay càng mở hơn với những thách thức mới, những vấn đề xuyên quốc gia đòi hỏi mọi nước, đặc biệt là nước lớn, cần phải cư xử có trách nhiệm.”

“Thảm họa đại dịch Covid 19 là một ví dụ. Các trật tự cũ từ những năm sau Thế chiến thứ hai có thể được xem lại. Việc Trung Quốc nắm vị trí Hội đồng Bảo an không phải là sự mãi mãi hiển nhiên mọi người cần phải chấp nhận. Đặc biệt là khi họ cư xử không đúng mực.”

“Điều 6 của Hiến chương LHQ ghi rõ: “Một thành viên của LHQ vi phạm liên tục các Nguyên tắc trong Điều lệ hiện tại có thể bị Đại hội đồng trục xuất khỏi Tổ chức theo đề nghị của Hội đồng Bảo an.” Như vậy dù khó nhưng không phải không thể.”

Các kịch bản để loại Trung Quốc khỏi Hội đồng Bảo an LHQ

Theo một tờ báo Ấn Độ, TheHillstimes, quy định hiện hành của Hội đồng Bảo an LHQ (hiện có 5 thành viên thường trực và 10 không thường trực) khiến việc loại Trung Quốc khỏi tổ chức này gần như là không thể.

Cụ thể, khi Hiến chương LHQ được ban hành vào năm 1945, không có điều khoản nào về việc làm thế nào để loại một thành viên khỏi nhóm. Trong khi đó, hầu hết các vấn đề của LHQ phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng Bảo an.

Bài ‘Will China be dismissed from Security Council?’ của Kumar Ramesh hồi giữa tháng 4/2020 nói rằng, đối với Trung Quốc, giống như tất cả các thành viên thường trực, quyền lực lớn nhất của nước này là quyền phủ quyết, theo Điều 27C của Hiến chương LHQ. Trong đó quy định bất cứ nghị quyết nào được thông qua cần đạt 9 phiếu trong đó có phải có sự đồng thuận của 5 thành viên thường trực.

Do không nơi nào trong hiến chương đề cập đến việc loại bỏ các thành viên của Hội đồng Bảo an, có thể có những cách như sau để loại Trung Quốc, theo TheHillstimes.

Cách pháp lý: Sửa đổi Hiến chương LHQ, thêm vào điều khoản loại bỏ một thành viên. Nhưng thách thức lớn nhất ở đây là việc sửa đổi bắt buộc phải có sự đồng ý của 5 thành viên thường trực với hai phần ba thành viên của Đại hội đồng LHQ. Rõ ràng Trung Quốc sẽ không bỏ phiếu để tự loại mình. Ngoài ra, dù Điều 06 của Hiến chương quy định rằng sẽ có ‘hành động’ nếu một quốc gia thành viên vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương. Nhưng việc này cũng vấp phải thách thức vừa nêu.

Không pháp lý: Các nước cùng tẩy chay Trung Quốc do sự bất cẩn dẫn đến làm bùng phát đại dịch virus corona toàn cầu, và việc truyền bá tin thất thiệt. Nhưng điều này quả là thách thức lớn trong nền kinh tế toàn cầu, khi mọi quốc gia đều cần Trung Quốc, do đó không chắc họ sẽ ủng hộ việc cô lập Trung Quốc.

Cách cuối cùng: Cải tổ hoàn toàn LHQ. Qua đó, thêm thành viên thường trực và bổ sung điều khoản trục xuất thành viên. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện được trong vòng 50-100 năm tới, theo phân tích của TheHillstimes.

‘Cánh cửa hi vọng’

Ông Lê Trung Tĩnh nói điều ông cho là ‘cánh cửa hi vọng’.

“Ví dụ Đức nêu vấn đề cần phải bàn về tư cách thành viên thường trực của Trung Quốc lên Hội đồng Bảo an, 9 nước khác đồng ý (ví dụ Anh, Pháp, Mỹ và 6 nước thành viên không thường trực) thì vấn đề có thể được đưa ra phiên đặc biệt của Đại hội đồng để quyết định.”

“Đúng là quy trình sẽ không đơn giản và sẽ có nhiều mặc cả chính trị, nhưng không phải là không thể. Đặc biệt là trong tình hình hiện giờ nước nào cũng muốn gửi hóa đơn các thiệt hại kinh tế do Covid-19 đến Trung Quốc.”

“Tổ chức nào cũng do con người đặt ra và cũng có thể thay đổi để phục vụ lợi ích và hạnh phúc của con người. Tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta có lên tiếng mạnh mẽ đủ hay không, và với Thỉnh nguyện thư này đó là thông qua chữ ký của các bạn.”

‘Vì sao tôi ký’?

Trong phần nêu lý do ký thỉnh nguyện thư, có rất nhiều ý kiến khác nhau đến nhiều người, nhiều quốc gia.

Đáng chú ý là một số lượng lớn người Hong Kong nhân dịp ký thỉnh nguyện thư đã bảy tỏ chính kiến của mình về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bruce Wong (Hong Kong): “Tôi là người Hong Kong, không phải người Trung Quốc. ĐCSTQ đã tiến hành các hành động tàn bạo chống lại loài người đối với người Hong Kong bằng cách sử dụng Lực lượng Cảnh sát Hong Kong.”

Guruprit Singh (Hong Kong): “Tôi ký vì Trung Quốc không xứng đáng ở trong hội đồng đó. Họ đang cố gắng để đàn áp tiếng nói của người Hong Kong.”

James Lee (Hong Kong): “ĐCSTQ rất độc đoán. Tập Cận Bình, lãnh đạo chuyên chế của ĐCSTQ, cai trị đất nước theo cách độc tài tuyệt đối. Ở trong nước, ông ta đàn áp tự do của người dân và cướp tài sản, đất đai của họ. Ông ta đánh đập tất cả những người bất đồng chính kiến và đối xử tàn nhẫn với họ. Phần lớn người dân ở đây không có tự do và sống một cuộc sống hỗn loạn. Người dân tộc thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương có tôn giáo, văn hóa và lối sống riêng. Nhưng ông Tập buộc họ phải rút lại truyền thống của mình và phải theo người Hán chiếm đa số. ĐCSTQ tìm cách đưa ra những cáo buộc về tội khủng bố đối với họ. Về mặt quốc tế, ĐCSTQ đã liên tục xâm chiếm hải phận của các nước Đông Nam Á. Đe dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Trục lợi từ đầu tư quốc tế tại Trung Quốc của các quốc gia trên toàn thế giới bằng cách sao chép nhãn hiệu và thâm nhập vào tất cả các khía cạnh bao gồm giáo dục, chính trị, công nghệ, kinh doanh và bầu cử v.v…”

Benjamin Kyou (California, Mỹ):Trung Quốc đã vi phạm tất cả các nguyên tắc của LHQ và quyền con người .”

May Taraphaisal (Bangkok, Thailand): Trung Quốc đang thúc đẩy giá trị của Đảng Cộng sản để thống trị thế giới. Trung Quốc cũng vi phạm nhân quyền. “

Vinh Nguyen (Việt Nam): “Tôi ký bởi Trung Quốc là kẻ man rợ của thế giới loài người.”

David Trinh (Việt Nam): “Có lý khi loại bỏ một kẻ bắt nạt.”

Các diễn biến mới tại Trung Quốc

Luật an ninh về Hong Kong mà Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua đã gây ra các làn sóng biểu tình trên đường phố Hong Kong.

Tuy thế, về phía Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), trong vòng 8 ngày qua, “Mặt trận chung của các giới Hong Kong” đã ký gần 3 triệu chữ ký thông qua trang web và các trạm đặt bên đường phố ủng hộ luật này.

CRI hôm 01/06 đưa tin về sự kiện “bày tỏ nguyện vọng của người dân Hong Kong, kiên quyết ủng hộ Hong Kong, bảo vệ nhà nước thông qua luật an ninh quốc gia tại Hong Kong”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52844965

 

Nhân sỹ dân chủ, chính giới toàn cầu tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn

Quý Khải

Hôm qua (4/6) đánh dấu kỷ niệm tròn 31 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn, nơi có đến hàng ngàn sinh viên biểu tình dân chủ thiệt mạng trong cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Trung Quốc.

Tại cột mốc lịch sử này, nhiều nhân sỹ, tổ chức ủng hộ dân chủ và chính khách tại Hồng Kông và Đài Loan – những vùng lãnh thổ được hưởng nền dân chủ nhưng bấy lâu nay vẫn luôn bị nhăm nhe và đe dọa bởi chính quyền Trung Quốc – và các nơi khác, đã cất tiếng nói bênh vực các nạn nhân trong sự kiện và thúc giục Trung Quốc phơi bày sự thật lịch sử.

Đài Loan

Bên dưới bức ảnh, bà viết đoạn nội dung bằng tiếng Trung:

“Ở Trung Quốc, mỗi năm chỉ có 364 ngày mỗi năm, trong khi một ngày đã bị lãng quên. Ở Đài Loan, đã có một khoảng thời gian khi rất nhiều ngày như vậy biến mất khỏi lịch sử [và ký ức] của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm lại chúng, từng ngày một. Khi lịch sử không còn bị che dấu, chúng ta có thể cùng nhau suy ngẫm về tương lai. Tôi hy vọng rằng không một nơi nào trên thế giới có những ngày bị thất lạc như vậy. Nguyện chúc cho Hồng Kông. Một Đài Loan tự do sẽ hỗ trợ nền độc lập của Hồng Kông”.

Câu nói cuối của bà Thái về Hồng Kông được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa thông qua luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông, một động thái về cơ bản kết thúc nền tự trị dân chủ của thành phố cảnh này.

Trên một bài đăng độc lập trên Facebook, cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã lặp lại lời thúc giục hàng năm đến Bắc Kinh, rằng họ cần phải đối mặt với lịch sử và cải chính vụ thảm sát.

Tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền là những giá trị cốt lõi của Đài Loan, ông Mã viết trên dòng trạng thái Facebook. Vị cựu tổng thống cho rằng nếu Bắc Kinh theo đuổi các giá trị này thì Đài Loan và Trung Quốc sẽ xích lại gần nhau hơn, đồng thời giúp giải quyết vấn đề xung đột Hồng Kông.

Hôm thứ Tư, Chủ tịch Quốc dân Đảng (KMT) của Đài Loan ông Giang Khải Thần (Johnny Chiang) cũng đã kêu gọi Bắc Kinh đối mặt với bóng ma của quá khứ, trả lời các lời kêu gọi cải cách chính trị, dân chủ và tự do như là tinh thần cốt lõi của cuộc biểu tình năm đó.

Quốc Dân Đảng ủng hộ việc thúc đẩy dân chủ, tự do và nhân quyền, và sẽ không giả vờ câm điếc hay im lặng trước sự thật, ông Giang nói thêm. Ông cũng cho biết thêm rằng đảng của ông sẽ tiếp tục giữ vững các mục tiêu được đề ra từ năm 1989: dân chủ hóa chính trị và tự do hóa nền kinh tế.

Tại một cuộc họp của Hội đồng thành phố Đài Bắc hôm qua, Thị trưởng Đài Bắc ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je) nhận định vụ thảm sát là một thảm kịch thời hiện đại, và ông tin rằng Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ trở thành một quốc gia dân chủ.

Hồng Kông

Tại Hồng Kông, ông Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung), nhà lập pháp Đảng Công dân theo phe dân chủ, hôm 4/6 đã chụp ảnh Twitter trụ sở tòa nhà của Quân đội Giải phòng Trung Quốc tại Hồng Kông từ văn phòng của mình trong tòa nhà lập pháp thành phố (LegCo), theo Hong Kong Free Press. Trong dòng trạng thái Twitter, ông viết:

“Có lẽ họ muốn chúng ta quên đi cuộc thảm sát Thiên An Môn, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm được điều này. Tối nay, xin vui lòng thắp một ngọn nến tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc thảm sát này cũng như các nạn nhân từ các hành vi tội ác khác của ĐCSTQ”.

Ông Benedict Rogers, nhà sáng lập Hong Kong Watch – tổ chức giám sát nhân quyền tại Hồng Kông – đã viết trên Twitter cá nhân của mình hôm 4/6 như sau:

“Gửi đến người dân Hồng Kông và người dân khắp Trung Quốc dưới chế độ cai trị hà khắc Đảng Cộng sản Trung Quốc:

Hôm nay khi chúng ta nhớ đến vụ thảm sát khủng khiếp những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn & trên khắp Trung Quốc, tôi muốn nói ra điều này:

Bởi vì tôi yêu các bạn. Nên tôi sẽ đấu tranh cho tự do của các bạn‼ “

Châu Âu

Trong một cuộc họp báo một ngày trước lễ kỷ niệm vụ Thiên An Môn hôm 3/6, bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, cũng đã có bài phát biểu về sự kiện này. Trong bài phát biểu của bà có đoạn:

“Sự đàn áp dữ dội của các cuộc biểu tình dân chủ ôn hòa tại Thiên An Môn năm 1989 đã gây chấn động thế giới. Vào thời điểm đó, Hội đồng châu Âu, tại cuộc họp ở Madrid trong hai ngày 26-27/6/1989, đã lên án mạnh mẽ chính sách đàn áp tàn bạo. Hơn ba mươi năm sau, Liên minh châu Âu tiếp tục bày tỏ lòng thương tiếc đến các nạn nhân và gửi lời chia buồn tới gia đình họ.

Con số tử vong, bị giam giữ hoặc biến mất chính xác vào ngày 4/6 và trong cuộc đàn áp tiếp theo chưa bao giờ được xác nhận, và có thể không bao giờ được biết đến. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục ghi nhớ ký ức bi thương này. Chỉ khi chúng ta rút kinh nghiệm từ việc này chúng ta mới cho thấy sự trân trọng đúng mức với lịch sử.

Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, phát biểu về sự kiện Thiên An Môn hôm 3/6 (ảnh chụp màn hình/EU).

Những người bị giam giữ có liên quan đến sự kiện năm 1989, hoặc với các hoạt động hiện tại để tưởng niệm sự kiện này, phải được đảm bảo sự an toàn và được đối đãi một cách đúng đắn.

Chúng tôi cũng mong đợi chính quyền Trung Quốc sẽ phóng thích ngay lập tức những người bảo vệ nhân quyền và luật sư bị bắt giam và kết án liên quan đến sự kiện này hoặc với các hoạt động bảo vệ nền dân chủ và tính thượng tôn luật pháp khác”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/nhan-sy-dan-chu-chinh-gioi-toan-cau-tuong-niem-vu-tham-sat-thien-an-mon.html

 

Covid-19 đe dọa mô hình kinh doanh Airbnb

Tuấn Thảo

Athens, Berlin, Roma, Lisbon hay Paris, hầu hết các thủ đô châu Âu đều mất hàng triệu lượt du khách mà vẫn chưa biết chừng nào tình hình sẽ khả quan hơn. Bên cạnh ngành khách sạn, các chủ căn hộ chuyên cho thuê nhà trên mạng Airbnb cũng bị tác động trực tiếp, lượng khách thuê nhà tại nhiều nước châu Âu đã giảm hẳn trong ba tháng.

Lisbon cũng như Athens càng bị tác động mạnh hơn do hai thủ đô này đã từng bị chấn động bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và một thập niên sau đó kinh tế được phục hồi nhờ biết khai thác ngành du lịch. Dịch Covid-19 đã làm san bằng các nỗ lực phát triển ấy, từ quận Koukaki dưới chân đền Acropole tại thủ đô Athens cho tới các phố Alfama hay Chiado tại thủ đô Lisbon, các hàng quán hay lối đi dành cho khách bộ hành vẫn vắng du khách qua lại cho dù các sinh boạt đã dần dần được khôi phục.

Các căn hộ ở trung tâm Athens dành cho thuê trên Airbnb cũng vậy. Trong mùa dịch, nhiều căn hộ hay nhà nhỏ do không còn khách thuê cho nên đã được trưng dụng và dành ưu tiên cho giới nhân viên y tế.

Trong những năm trước, các căn hộ này luôn được cho thuê trong suốt mùa hè và du khách đặt thuê từ mùa xuân trở đi, thế nhưng trong năm này lượng khách thuê đã giảm 100% ít nhất trong vòng ba tháng từ đầu tháng 04/2020.

Chính phủ Hy Lạp hy vọng khởi động lại ngành du lịch kể từ giữa tháng 06/2020, nhưng vào thời điểm ấy, liệu du khách nước ngoài có trở lại Hy Lạp hay không, nhất là khi Hy Lạp chỉ mở cửa biên giới và tiếp đón du khách từ 25 quốc gia mà thôi. Du khách từ Pháp, Ý hay Tây Ban Nha vẫn chưa được quyền đến Hy Lạp. Do bị mất hầu như toàn bộ nguồn thu nhập, các chủ nhà chuyển qua hình thức ‘‘truyền thống’’ cho thuê nhà , thông qua các công ty địa ốc và thời hạn các hợp đồng thuê nhà cũng dài hơn, ít nhất là vài tuần hay một tháng.

Theo ông Patrick Tkatschenko, thành viên của Liên đoàn OMASE tập hợp các công ty quản lý địa ốc ở Hy Lạp, đa số các chủ nhà đều chuyển sang khai thác các hợp đồng thuê nhà dài hạn. Dịch Covid-19 đã làm lung lay mô hình kinh doanh của Airbnb, cuộc khủng hoảng y tế đã có tác động bất ngờ qua việc điều tiết thị trường nhà cửa. Theo nghiên cứu của công ty Spitogatos, mạng chuyên cho thuê nhà tại Hy Lạp, kể từ tháng 04/2020 số lượng nhà đăng ký cho thuê dài hạn đã tăng đều đặn, nhất là ở các quận trung tâm thủ đô Athens, vì đối với các chủ nhà, họ hạn chế rủi ro qua việc lựa chọn một mô hình kinh doanh an toàn hơn.

Tại thủ đô Athens, 88% quảng cáo trên mạng Airbnb là những căn hộ hay ngôi nhà nhỏ mà du khách có thể thuê toàn phần. Tuy nhiên, mặt trái của Airbnb là các căn hộ này chủ yếu dành cho du khách thuê vài ngày, trong khi người dân thủ đô lại không dễ tìm ra nhà ở, do thiếu nhà cho thuê dài hạn trên thị trường bất động sản. Một cách bất ngờ, dịch Covid-19 đã khôi phục lại các hợp đồng thuê nhà dài hạn và ‘‘dọn sạch’’ bớt một thị trường mà trong vài năm qua đã vượt tầm kiểm soát, do mạnh ai nấy làm.

Không những mô hình kinh doanh, mà ngay cả doanh thu của tập đoàn  Airbnb bị “ảnh hưởng nặng nề” bởi dịch Covid-19. Tổng giám đốc công ty Brian Chesky buộc phải tuyên bố sa thải hơn 1.800 người tức là một phần tư trên tổng số 7.500 nhân viên của công ty. Có trụ sở đặt tại San Francisco, ban giám đốc Airbnb cho biết doanh thu trong ba tháng đầu năm 2020 chỉ bằng một nửa so với cùng thời kỳ năm 2019. Cũng như công ty Uber, Airbnb thừa nhận lệ thuộc vào du khách và chưa biết chừng nào khách hàng mới đi du lịch trở lại.

Còn tại thành phố Barcelona, ông Enrique Alcantara, chủ tịch của liên đoàn Apartur chuyên thuê nhà cho du khách, thì vẫn giữ niềm lạc quan. Theo ông, mất cái này thì được cái khác, trong thời hậu Covid-19, các căn hộ cho thuê thích nghi dễ dàng hơn nhiều so với phòng khách sạn, các điều kiện giãn cách xã hội hay các quy tắc an toàn vệ sinh cũng dễ áp dụng hơn, khi du khách thuê những căn hộ riêng lẻ.

Dù vậy theo Viện quốc gia thống kê, Tây Ban Nha đã mất hơn 75% du khách trong mùa xuân 2020, và doanh thu đến từ việc thuê nhà cho du khách cũng đã giảm 85%, điều đó phần lớn là do lệnh đóng cửa biên giới cũng như các quy định hạn chế giao thông đi lại trên toàn lãnh thổ. Tại Pháp cũng vậy, Airbnb hy vọng lượng nhà cho thuê sẽ gia tăng trở lại kể từ tháng 07/2020, chủ yếu nhờ và lượng du khách ở trong nước thay vì đến từ nước ngoài.

Theo thăm dò thì vào mùa hè này cứ trên 10 người Pháp, có đến 8 người Pháp sẽ đi nghỉ mát ở Pháp. Theo anh Aurélien Pérol, giám đốc tiếp thị của chi nhánh Airbnb tại Pháp, nhiều khách hàng sẽ đặt phòng vào giờ phút cuối và giải pháp thuê nhà riêng lẻ dễ dàng hơn là thuê phòng khách sạn, đối với những du khách nào vẫn còn ngại tiếp xúc, lui tới chốn đông người.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200605-covid-19-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-m%C3%B4-h%C3%ACnh-kinh-doanh-airbnb

 

Hội đồng khoa học: Pháp đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19

Thùy Dương

Hôm nay 05/06/2020, chủ tịch Hội đồng khoa học, giáo sư Jean-François Delfraissy, tuyên bố dịch bệnh Covid-19 hiện đang được « kiểm soát » tại Pháp.

Phát biểu trên đài France Inter, người đứng đầu Hội đồng khoa học, cơ quan tư vấn cho chính quyền Pháp về quản lý khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, cho biết virus corona vẫn tiếp tục lây lan, nhất là tại một số vùng, nhưng chỉ với tốc độ chậm. Theo giáo sư Jean-François Delfraissy, nếu như hồi đầu tháng Ba có khoảng 80.000 ca lây nhiễm bệnh mỗi ngày thì nay con số này chỉ khoảng 1.000 ca/ngày. Ông cũng nhấn mạnh nước Pháp đã có những phương tiện tầm soát các ca nhiễm mới, các xét nghiệm, hệ thống cách ly và tầm soát những người tiếp xúc với người bị nhiễm virus để tránh dịch bệnh lây lan mạnh trở lại.

Còn hôm qua, Hội đồng khoa học đề nghị chính quyền chuẩn bị đối phó với 4 kịch bản có khả năng xảy ra, đi từ mức nhẹ nhất là « dịch bệnh được khống chế » cho đến kịch bản xấu nhất là tình hình « xuống cấp nghiêm trọng » và dẫn đến tình trạng mất kiểm soát. Hội đồng khoa học nhấn mạnh chính phủ cần chuẩn bị các biện pháp phù hợp với mỗi kịch bản, để tránh một lần nữa phải sử dụng biện pháp phong tỏa diện rộng như trong giai đoạn 17/03-11/05 vừa qua. Các biện pháp phải được chuẩn bị nay từ bây giờ để có thể triển khai sớm nhất có thể trong trường hợp cần thiết.

Giáo sư Delfraissy cho rằng cho dù có chuyện gì xảy ra thì cũng không thể áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa diện rộng tại Pháp vì chắc chắn người dân sẽ không chấp nhận. Ông nhấn mạnh lần phong tỏa đầu tiên là cần thiết, nước Pháp không có lựa chọn khác, nhưng cái giá phải trả là quá lớn.

Pháp đề xuất mở cửa biên giớikhối Schengen từ đầu tháng 07

Về biên giới, chính quyền Pháp muốn biên giới khối Schengen được mở cửa từ ngày 01/07/2020. Đề xuất của Pháp sẽ được đưa trong cuộc họp trực tuyến trong ngày hôm nay của bộ trưởng Nội Vụ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Paris hy vọng đề xuất sẽ được thông qua trong cuộc họp này.

Pháp cũng muốn biên giới giữa các nước Liên Âu được mở trở lại vào ngày 15/06. Điện Elysée gợi ý các nước không cách ly người dân đến từ các nước Liên Âu, trừ Tây Ban Nha và Anh Quốc, 2 nước áp dụng biện pháp cách ly đối với những người từ Pháp đến. Vấn đề mở lại biên giới giữa các nước Liên Âu với nhau sẽ được quyết định vào tuần sau tại Hội đồng quốc phòng, tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200605-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-khoa-h%E1%BB%8Dc-ph%C3%A1p-%C4%91%C3%A3-ki%E1%BB%83m-so%C3%A1t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh-covid-19

 

Thất thu từ đầu mùa tham quan, hy vọng nào cho các vườn thú Pháp hè 2020?

Thùy Dương

Cũng giống như các cơ sở tham quan, giải trí khác, các vườn thú ở Pháp cũng phải đóng cửa suốt hai tháng phong tỏa chống dịch Covid-19. Nhiều sở thú lâm vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng vì thất thu hoàn toàn nhưng vẫn phải chi rất nhiều tiền để nuôi nấng, chăm sóc thú. Khó khăn tài chính càng nặng nề khi đợt phong tỏa rơi vào đúng giai đoạn các vườn thú bắt đầu hoạt động nhộn nhịp để có doanh thu trở lại sau thời kỳ đóng cửa định kỳ kéo dài mùa đông.

Thất thu ngay đầu mùa tham quan 2020

Vườn thú Flèche, vùng Sarthe, nổi tiếng nhờ chương trình « Một mùa ở vườn thú » phát trên kênh truyền hình France 4, mỗi năm đón khoảng 400.000 khách. Trải rộng trên diện tích 14ha, đây là một trong những địa điểm tham quan quan trọng nhất trong vùng, với 1.500 con thú. Flèche cũng là một trong những vườn thú lớn nhất tại Pháp. Năm 2019, số khách đến vườn thú tăng thêm 30.000 người so với năm 2018, chủ yếu nhờ chương trình « Một mùa ở vườn thú ». Lẽ ra mùa làm phim thứ 13 đã được khởi động lại, các nhân viên đoàn làm phim đã đến sở thú trước 1 tuần, mang theo các dụng cụ, thiết bị quay phim. Nhưng lệnh phong tỏa bất ngờ được đưa ra khiến mọi việc phải đình lại.

Vườn thú Flèche có 100 nhân viên. Trong 2 tháng phong tỏa, 80% nhân viên nghỉ việc hưởng chế độ thất nghiệp bán phần, 20% vẫn làm việc để chăm sóc các con thú. Bà Céline Talineau, giám đốc vườn thú Flèche phát biểu trên đài France Bleu ngày 20/05 :« Các ê kíp nhân viên của chúng tôi rất gắn bó với sở thú. Có một số người đã làm việc ở đây 10-15-20 năm, nhưng thấy vườn thú phải đóng cửa 2 tháng như thế này là điều chưa từng có.

Và đương nhiên là có những hậu quả về tài chính. Ngay từ hồi tháng Ba, về tài chính, chúng tôi đã có những vấn đề phức tạp, bởi vì lẽ ra tháng Ba là tháng khởi động lại mùa vụ tham quan để có thêm thu nhập cho sở thú. Đúng là 2 tháng đóng cửa chúng tôi thất thu khoảng 4 triệu euro, tương đương 35% doanh thu. Nhưng như thế vẫn chưa hết, bởi vì vào tháng Sáu, các học sinh và các đoàn khách sẽ chưa trở lại và mùa hè năm nay thì cũng sẽ không có nhiều khách đến. »

Tính riêng mùa hè, số khách đến thăm sở thú chiếm tới 50% số khách cả năm. Nếu tính cả năm, giám đốc Céline Talineau dự báo thu nhập của vườn thú có thể giảm tới 40-50%. Do đặc thù riêng, mặc dù thu nhập giảm, nhưng vườn thú vẫn không thể cắt giảm nhiều khoản chi tiêu. Giám đốc Talineau lo ngại : « Chúng tôi có những khoản chi không thể cắt bỏ. Điều này sẽ nhanh chóng biến thành chuyện nguy kịch ».

Không có thu nhưng vẫn phải chi

Đối với sở thú Palmyre, vùng Charente-Maritime, với 1.600 con thú, mỗi tuần, sở thú cần mua 250 kg thịt và hơn 3 tấn cà rốt, táo, rau sống, cam và chuối cho thú. Thiếu nguồn thu từ khách tham quan, sở thú gặp rất nhiều khó khăn để có đủ tiền mua thức ăn cho thú. Trả lời đài France Info ngày 25/04, sau gần 1 tháng rưỡi phong tỏa, giám đốc Pierre Caillé tỏ ý lo ngại bởi vì « giai đoạn quan trọng nhất cho thu nhập của các sở thú là từ tháng Tư đến tháng Tám. Giai đoạn còn lại trong năm, số tiền thu vào còn ít hơn số tiền chi ra. Nếu từ tháng Ba đến tháng Tám chúng tôi không thể đón khách tham quan, thì có nghĩa là chúng tôi mất tới 80% doanh thu cả năm ».

Cầu viện Nhà nước tài trợ

Vườn thú Fitilieu, vùng Isère, mở cửa từ tháng Hai đến tháng Mười Một hàng năm, hoạt động sôi nổi với nhiều khách tham quan nhất là từ tháng Tư đến tháng Sáu. Ông Jacques Olivier Travers, giám đốc vườn thú cho biết, nếu phải đến cuối tháng Sáu mới được mở cửa thì vườn thú năm nay mất 35-40% doanh thu, bởi vì không có thu nhập từ tiền vé tham quan mà ban quản lý vườn thú vẫn phải nuôi nấng thú và chăm chút cho vườn thú. Trong khi chờ được mở cửa trở lại đón khách, vườn thú Fitilieu đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của Nhà nước để có tiền duy trì hoạt động.

Tương tự Fitilieu, nhiều vườn thú khác trong đó có vườn thú Amnéville, miền đông nước Pháp, được sự ủng hộ của chủ tịch tỉnh đã viết thư cho bộ trưởng Tài Chính để báo động về tình trạng khó khăn của các sở thú cũng như đề nghị chính phủ trợ giúp và gây quỹ ủng hộ trên mạng internet. Ban quản lý các vườn thú rất sợ sẽ xảy ra nguy cơ như một vườn thú ở Đức : Do quá khó khăn về tài chính, vườn thú ở thành phố Neumünster, Đức, đã tính đến khả năng giết một số con thú bằng biện pháp không gây đau đớn để chúng khỏi phải chịu cảnh chết đói và cũng là để lấy thịt nuôi các vật khác. Thậm chí, bà Verena Kaspari, giám đốc vườn thú còn cho nhật báo Đức Die Welt biết là danh sách các con vật có thể bị giết đã được thiết lập !

Thông tin này đã khiến công chúng và nhất là các tổ chức bảo vệ động vật phẫn nộ. Hiệp hội các sở thú ở Đức cũng đã đề nghị thủ tướng Đức Angela Merkel trợ giúp 100 triệu euro để vượt qua khủng hoảng. Trở lại nước Pháp, các bộ trưởng Tài Chính, Nông Nghiệp và Chuyển Đổi Sinh Thái đã ra thông cáo chung hỗ trợ 19 triệu euro cho các sở thú đang gặp khó khăn để đảm bảo động vật ở các cơ sở này vẫn được hưởng các điều kiện chăm sóc tốt. Tuy nhiên, có một nghịch lý là quyết định trợ cấp của chính phủ lại khiến nhiều nhà bảo vệ động vật nổi giận, họ cho rằng chính phủ đang tiếp tay cho các vườn thú nuôi nhốt, giam giữ, tước mất tự do của động vật hoang dã.

Khó khăn không của riêng ai

Trong hoàn cảnh « khó khăn không chỉ của riêng ai », các sở thú cũng tìm mọi cách để duy trì mối liên hệ với khách tham quan và thu hút sự chú ý của công chúng. Chẳng hạn, ban quản lý sở thú Fitilieu thường xuyên đăng tải thông tin và ảnh chụp những con thú lên các mạng xã hội và nhất là ảnh những con thú mới chào đời, bởi thời gian qua là giai đoạn sinh sản của các con vật trong vườn thú.

Còn trên kênh France 24 ngày 30/04, ông Thomas Grangrat, người phụ trách về huấn luyện và nghiên cứu hành vi của động vật ở sở thú Amnéville, miền đông nước Pháp, cho biết : « Chúng tôi tranh thủ thời gian yên tĩnh này để làm mới lại, sửa sang, cải tạo một số chuồng thú, nâng cấp các công trình … chẳng hạn như chuồng vượn phía đằng kia. Chúng tôi cố gắng thay đổi nhiều nhất có thể môi trường xung quanh các con thú để kích thích chúng hoạt động. »

Về việc chăm sóc thú, các nhà quản lý sở thú khẳng định các con vật vẫn được chăm sóc tốt nhất có thể. Bình thường, sở thú Amnéville đón 1.000 khách/ngày. Vườn thú Amnéville đóng cửa nhưng các nhân viên cố gắng hết sức làm mọi việc như bình thường để cuộc sống sinh hoạt của 2.000 thú không bị xáo trộn cho dù số nhân viên có bị cắt giảm để đảm bảo an toàn sức khỏe cho họ. Alexis Maillot, nhân viên thú y giải thích trên đài France 24 là bình thường có 2 nhân viên thú y túc trực đồng thời ở sở thú, nhưng trong giai đoạn phong tỏa, họ được phân công làm việc luân phiên để nếu một người bị nhiễm virus corona thì hạn chế khả năng lây nhiễm cho người còn lại. Làm như vậy cũng để đảm bảo luôn có người đủ sức khỏe chăm sóc thú.

Việc chăm sóc thú trong thời gian dịch bệnh cần hết sức được lưu ý, nhất là đối với loại khỉ, vốn có bộ gen gần giống với người và có thể nhiễm virus. Anh Elliott, nhân viên chăm sóc những chú khỉ ở vườn thú Palmyre cho biết trên đài France Info : « Chúng tôi phải thay quần áo trước khi vào tòa nhà có chuồng khỉ. Chúng tôi có bồn rửa chân, khi ở đây gần như lúc nào chúng tôi cũng đeo găng tay, và khi chúng tôi đến gần những chú khỉ, chúng tôi đeo khẩu trang. Đương nhiên là chúng tôi phải chú ý hơn nhiều khi chúng tôi ở gần các chú khỉ ».

Ở nhiều sở thú, các nhân viên có chung nhận xét là giai đoạn phong tỏa cũng khiến các con vật có sự thay đổi chút ít về hành vi. Ông Jacques Olivier Travers, giám đốc sở thú Fitilieu cho biết trên đài France Bleu ngày 25/04 : « Chúng tôi có những con thú vốn có tính sợ sệt, chúng rất sợ khách tham quan. Điều này cũng có nghĩa là lệnh phong tỏa lại mang đến cho chúng một niềm hạnh phúc thực sự. Không ai làm phiền chúng. Chúng cảm thấy thoải mái.

Nhưng số này dù sao cũng chỉ rất ít thôi, vì ¾ số con thú chỗ chúng tôi sinh ra trong sở thú, tức là khi sinh ra đã thấy có công chúng. Chúng quen là có khách tham quan. Và chúng tôi thấy rõ là, trước đây, các con thú không thích có nhân viên chăm sóc đến, nhưng nay khi không còn khách nào đến, thì chúng lại thực sự muốn tiếp xúc, giao tiếp qua lại với con người. Đối với các chú sói ở đây, chúng có khả năng tương tác rất lớn với chúng tôi. Bây giờ, khi không có người khách nào, mỗi khi nhân viên chăm sóc đến là chúng đều vây quanh họ.

Ngược lại, ở đây chúng tôi có những giống loài nhỏ bé thuộc họ mèo, có những loài thú chuyên sống về đêm, ban ngày hầu như chúng không ra ngoài. Bản năng tự nhiên của chúng đã như vậy, nhưng ở đây cũng một phần vì có quá đông người và tiếng ồn. Nay thì chúng tôi lại bắt gặp chúng vào ban ngày nhiều hơn một chút, bởi vì chẳng còn ai đến nên chúng không bị làm phiền nhiều, chúng tôi trông thấy chúng nhiều hơn một chút, những cũng chỉ là đặc biệt thôi ».

Nghỉ hè trong nước : Niềm hy vọng của các vườn thú ?

May mắn là sau hơn 2 tháng đóng cửa, các vườn thú giờ đây đang dần dần được mở cửa trở lại tùy theo tình hình dịch bệnh mỗi nơi. Vườn thú thường là nơi có nhiều trẻ em đến thăm. Các em nhỏ cũng hay có thói đứng sát vào chuồng thú, sờ tay, đứng bám vào sát vào chấn song hay tường kính chuồng thú để ngắm các con vật cho rõ nên có nhiều nguy cơ lây nhiễm virus. Chính những đặc thù này cũng là một bất lợi khiến việc mở cửa trở lại bị cản trở phần nào. Vườn thú Flèche may mắn đã được mở cửa trở lại vào ngày 20/05. Giám đốc Talineau đã có thể thở phào nhẹ nhõm một chút, cho dù bà dự tính chỉ có thể đón tối đa 4.000 khách mỗi ngày, bằng ½ khả năng tiếp đón khách ở mức tối đa.

Còn ông Jacques Olivier Travers, giám đốc vườn thú Amnéville lạc quan và hy vọng là sau một thời gian dài bị phong tỏa bí bách, khi được phép đi tham quan du lịch trở lại, người dân sẽ có nhu cầu đi chơi nhiều và sẽ ưu tiên chọn không gian ngoài trời gần gũi với thiên nhiên. Hy vọng của giám đốc vườn thú Amnéville là hoàn toàn có cơ sở, nhất là năm nay, vì tình hình còn nhiều bất trắc, chính phủ Pháp và các nhà làm du lịch đã kêu gọi người dân chỉ nên đi du lịch trong nước để giảm thiểu nguy cơ và cũng là để cứu ngành du lịch Pháp.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200605-th%E1%BA%A5t-thu-t%E1%BB%AB-%C4%91%E1%BA%A7u-m%C3%B9a-tham-quan-hy-v%E1%BB%8Dng-n%C3%A0o-cho-c%C3%A1c-v%C6%B0%E1%BB%9Dn-th%C3%BA-ph%C3%A1p-h%C3%A8-2020

 

Vụ George Floyd: Thủ tướng Đức lên án «hành động giết người» và phê phán TT Trump

Trọng Thành

Hôm qua, 04/06/2020, đúng vào lúc nhiều cuộc tưởng niệm người đàn ông da đen qua đời vì bạo lực cảnh sát diễn ra tại Mỹ, tại châu Âu, thủ tướng Đức lên tiếng tố cáo một « hành động giết người », và bày tỏ lo ngại trước nạn kỳ thị chủng tộc nghiêm trọng tại Mỹ. Bà Angela Merkel cũng trực tiếp phê phán tổng thống Donald Trump.

Trả lời đài truyền hình công của Đức ZDF, thủ tướng Angela Merkel bày tỏ : « Vụ giết hại George Floyd là một điều khủng khiếp ! Kỳ thị chủng tộc là một điều khủng khiếp ! Xã hội Hoa Kỳ hiện nay đang phân hóa cao độ. Phong cách làm chính trị của tổng thống Trump rất đáng bị lên án. Đối với tôi, cần phải nỗ lực khi đứng ở cương vị người đảm đương trách nhiệm duy trì đoàn kết trong xã hội.

Tôi hy vọng là nước Mỹ sẽ đoàn kết. Tôi rất vui khi thấy nhiều người biểu tình bày tỏ thái độ một cách ôn hòa để đóng góp cho đoàn kết. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc luôn luôn tồn tại. Bất hạnh thay, điều đó cũng xảy ra ở Đức. Chúng ta đừng quên điều đó ! Tôi mong rằng nước Mỹ có thể vượt qua tình hình hiện nay một cách hòa bình ».

50.000 người biểu tình tại Áo

Các cuộc tuần hành chống kỳ thị chủng tộc được dự kiến diễn ra hôm nay tại nhiều thành phố lớn của châu Âu, như Luân Đôn, Oslo, Vilnius. Riêng tại Áo, hàng chục nghìn người, đa số là giới trẻ, tập hợp tại thủ đô Vienna, tưởng niệm George Floyd, tố cáo nạn kỳ thị chủng tộc.

AFP dẫn nguồn tin của cảnh sát Áo cho biết đây là một « cuộc tuần hành rất lớn », với khoảng 50.000 người tham gia. Trong đoàn tuần hành, có thể thấy nhiều khẩu hiệu mang dòng chữ : « Im lặng đồng nghĩa với tội ác ». Nhiều người mang theo biểu ngữ của phong trào chống bạo lực cảnh sát tại Mỹ « Black Lives Matter » (Mạng sống của người da đen cũng quan trọng). Tranh luận về bạo lực cảnh sát là điều ít khi xảy ra tại Áo.

Hôm qua, tại thành phố Lille, cực bắc nước Pháp, ít nhất 2.000 người tham gia cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát. Cuộc biểu tình nói trên không được thông báo trước với chính quyền. Đây là lần thứ hai dân Lille xuống đường, kể từ sau cái chết của người da đen George Floyd. Cuộc tập hợp bắt đầu vào khoảng 19 giờ. Đến khoảng 20 giờ 30, cảnh sát dùng hơi cay giải tán biểu tình.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200605-v%E1%BB%A5-george-floyd-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-%C4%91%E1%BB%A9c-l%C3%AAn-%C3%A1n-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng-gi%E1%BA%BFt-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-v%C3%A0-ph%C3%AA-ph%C3%A1n-tt-trump

 

Putin ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì sự cố tràn 20.000 tấn dầu

Bình luậnNguyễn Sơn

Tổng thống Nga Putin mới ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi hơn 20.000 tấn dầu diesel tràn ra một con sông ở Vòng Bắc Cực.

“Tại sao các cơ quan chính phủ chỉ biết điều này hai ngày sau sự việc? Chúng ta phải tìm hiểu về các tình huống khẩn cấp từ mạng xã hội sao? Các vị có vấn đề gì hay không?”, ông Putin nói trong cuộc họp hôm 3/6.

Sự cố trên xảy ra khi một bể chứa nhiên liệu của một nhà máy điện gần thành phố Norilsk bị vỡ hôm 29/5. Nhà máy được vận hành bởi NTEK, một chi nhánh của Nornickel, theo The Guardian.

Tổng thống Putin đã khiển trách nghiêm khắc Sergei Lipin, giám đốc nhà máy NTEK, sau khi các quan chức cho hay đơn vị này không báo cáo sự cố tràn dầu.

Norilsk Niken cho biết NTEK đã báo cáo những gì xảy ra một cách “kịp thời và đúng đắn”. Trong khi đó, thống đốc vùng Krasnoyarsk, Alexander Uss, nói với Tổng thống Putin rằng ông chỉ “biết tình hình thực tế” hôm 31/5, tức hai ngày sau khi “thông tin đáng báo động xuất hiện trên mạng xã hội”, theo Moscow Times.

Tổng thống Putin hôm 3/6 đã nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm kêu gọi nguồn lực hỗ trợ sự cố tràn dầu này.

Một quan chức thuộc Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, cho biết diện tích tràn dầu rất lớn, thậm chí lớn hơn diện tích bị ảnh hưởng sau sự cố tràn dầu năm 2007 ở eo biển Kerch khi 5.000 tấn dầu tràn ra biển.

Thời điểm đó, vụ tràn dầu ở eo biển Kerch bị coi là sự cố tràn dầu nghiêm trọng nhất ở Nga, buộc nước này phải huy động sự can thiệp của quân đội và hàng trăm tình nguyện viên.

Các quan chức Nga nói với Tổng thống Putin rằng sông Ambarnaya, nơi dầu bị tràn sẽ khó dọn sạch do nước quá cạn, không thể sử dụng xà lan, đồng thời nằm ở nơi hẻo lánh nên không có đường vào.

Nước Nga đang tiếp tục phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 lan rộng. Hôm 3/6, Nga ghi nhận thêm hơn 8.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên hơn 400.000 và hơn 5.000 người tử vong.

https://www.ntdvn.com/the-gioi/putin-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-quoc-gia-vi-su-co-tran-20000-tan-dau-42638.html

 

Nhật tung gói cứu trợ kinh tế tới hơn 2.000 tỷ USD

Triệu Hằng

Chính phủ Nhật đã tung gói kích thích kinh tế khổng lồ hơn 2.000 tỷ USD sau đại dịch Covid-19, nhưng con số này vẫn không đủ để hỗ trợ cho một phân khúc quan trọng trong nền kinh tế Nhật, theo Reuters.

Nguồn ngân sách cứu trợ này đã vấp phải chỉ trích của các chủ nhà hàng vì gói giải cứu chủ yếu chỉ trợ giá cho các mặt hàng như thịt bò “wagyu”, dưa vàng Nhật Bản và quảng bá du lịch thay vì cấp tiền mặt cho các công ty theo như nhu cầu cấp bách của họ.

Sự vật lộn của nền công nghiệp nhà hàng Nhật Bản đang nêu bật một vấn đề lớn hơn trong kế hoạch hồi phục của xứ sở hoa anh đào, vì ở mức 2.2 nghìn tỷ USD là quy mô của cả nền kinh tế nước Ý – nhưng con số này vẫn không đủ để hỗ trợ cho một phân khúc quan trọng của Nhật – nơi mà các doanh nghiệp nhỏ sử dụng tới 70% nguồn lao động của quốc gia. Điều này đặt ra một rủi ro cho công cuộc phục hồi của quốc gia Đông Á kể từ cuộc suy thoái thời hậu chiến cho tới bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 hiện nay mà họ đang phải đối mặt.

Ngành công nghiệp nhà hàng trị giá 232 tỷ USD mang tính quyết định trong thúc đẩy tăng trưởng ở Nhật Bản, cùng với dịch vụ cho thuê chỗ ở, nó đã tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm mới mỗi năm, chiếm khoảng 17% tổng số việc làm mới. Hơn 190 doanh nghiệp nhỏ trong đó có 30 nhà điều hành nhà hàng Nhật Bản đã phá sản trong cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19.

Tuy nhiên, phản ứng chậm của chính phủ trong việc đẩy gói cứu trợ hàng tỷ đô la khỏi bị mắc kẹt trên giấy tờ đang đe dọa số phận của nhiều công ty đang cần tiền mặt khẩn cấp để trả tiền lương và tiền thuê nhà.

Trong khi đó, giới chức Nhật Bản đã nhanh chóng thúc đẩy các kế hoạch chi gần 16 tỷ USD cho chiến dịch quảng bá trên mạng để thúc đẩy du lịch; và 1,3 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp nông sản và đánh bắt thủy hải sản tầm cỡ quảng bá các thực phẩm đắt tiền như xoài, cá ngừ và cá cam Hamachi (còn được biết là cá yellowtail). Thêm 90 triệu USD cũng được dành cho quảng bá các chuyến bay quốc tế khi phần lớn các máy bay đều đang nhàn rỗi.

Một số chủ sở hữu nhà hàng phàn nàn rằng khoản trợ cấp lên tới 55.000 USD cho mỗi công ty để trả tiền thuê nhà là không đủ, và chính phủ có thể đủ khả năng làm nhiều hơn nữa để giúp duy trì các doanh nghiệp và giải phóng dòng tiền. Năm ngoái, giá thuê mặt bằng của tất cả nhà hàng ở Nhật Bản tổng cộng 13 tỷ USD, ít hơn 16 tỷ USD dành cho quảng bá du lịch năm nay.

Danh sách trợ giá của chính phủ Nhật bao gồm các mặt hàng như thăn bò Kobe chất lượng hảo hạng với giá khoảng 37.20 USD/100g, và dưa Yubari thượng hạng được bán với giá hơn 90 USD cho mỗi quả nặng 1,6 kg.

Chính phủ Nhật trợ giá cho một nửa chi phí mua sắm thương mại điện tử, dịch vụ mang đi và cung cấp các bữa ăn học đường. Ví dụ, các thương nhân được nhận tới 9.31 USD cho 100g bò “wagyu” và lên tới 22.34 USD cho mỗi kg dưa.

Theo Reuters

Triệu Hằng dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/nhat-tung-goi-cuu-tro-kinh-te-toi-hon-nhat-tung-goi-cuu-tro-kinh-te-toi-hon-2-000-ty-usd.html

 

Nam Hàn tìm cách bắt giữ người thừa kế của Samsung

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Năm (4/6), các công tố viên Nam Hàn cho biết họ yêu cầu một lệnh bắt giữ đối với người thừa kế công ty Samsung Jay Y. Lee, trong cuộc điều tra về một vụ sát nhập năm 2015 và cáo buộc lừa đảo kế toán trong một nỗ lực bị tình nghi nhằm hỗ trợ cho kế hoạch kế nhiệm của ông.

Hành động này gây ra rắc rối mới cho ông Lee, người nếu bị bắt sẽ quay trở lại nhà tù chỉ hơn hai năm sau khi được ra tù vào tháng 2 năm 2018. Ông Lee đã bị giam một năm cho đến khi vụ án hối lộ bị đình chỉ vào năm 2018.

Các công tố viên cho biết họ tìm cách bắt ông Lee vì những tình nghi về việc thao túng giá cổ phiếu và vi phạm quy tắc kiểm toán, trong số các hành vi phạm tội khác. Tòa án quận trung tâm Seoul tuyên bố sẽ xem xét yêu cầu khởi tố vào ngày 8 tháng 6.

Trong một tuyên bố, các luật sư của ông Lee bày tỏ “sự bất mãn” về quyết định truy tố, và tuyên bố rằng ông Lee hợp tác hoàn toàn với cuộc điều tra trong khi Samsung đang trải qua các cuộc khủng hoảng về mặt quản lý.

Các công tố viên điều tra vụ lừa đảo kế toán bị tình nghi tại công ty dược phẩm Samsung Biologics, sau khi cơ quan giám sát tài chính Nam Hàn phàn nàn rằng giá trị của công ty bị thổi phồng lên 4.5 nghìn tỷ won (3.7 tỷ mỹ kim) vào năm 2015. (BBT)

https://www.sbtn.tv/nam-han-tim-cach-bat-giu-nguoi-thua-ke-cua-samsung/

 

Bất chấp lệnh cấm, hàng ngàn người Hồng Kông thắp nến tưởng niệm Thiên An Môn

Minh Hòa

Hàng ngàn người Hồng Kông hôm thứ Năm (4/6) đã tập trung tại Công viên Victoria ở Vịnh Causeway để tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến, kỷ niệm 31 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, theo HKFP.

Trước đó, cảnh sát đã dựng rào chắn xung quanh Công viên Victoria, nhưng một số người biểu tình ủng hộ dân chủ đã gỡ bỏ chúng và tổ chức buổi cầu nguyện. Những năm trước, các sự kiện tưởng nhớ vụ Thảm sát thường thu hút hàng chục ngàn người tham dự.

Năm nay, chính quyền Hồng Kông viện cớ dịch bệnh COVID-19 để ra lệnh cấm tổ chức sự kiện đông người. Đáp lại lệnh cấm này, ban tổ chức sự kiện tưởng niệm đã kêu gọi người dân Hồng Kông thắp nến vào tối 8 giờ tối ngày 4/6, dù họ ở bất cứ đâu.

Ban tổ chức sự kiện, Liên minh Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ yêu nước ở Trung Quốc, hôm thứ Ba (2/6) tuyên bố họ sẽ vào công viên theo từng nhóm 8 người để phù hợp với chính sách hạn chế tụ tập công cộng của chính phủ.

HKFP cho biết cảnh sát đã quay phim những người tham dự nhưng không có động thái can thiệp. Trong khi đó, AFP đưa tin, cảnh sát đã bắt giữ một số người biểu tình ở một khu phố mua sắm, nhưng lại cho phép cuộc tụ tập chính diễn ra ở Công viên Victoria.

Giới truyền thông đưa tin về sự kiện thắp nến tối 4/6/2020 tại Công viên Victoria, Hồng Kông, để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Theo HKFP, buổi thắp nến đã kết thúc với những tiếng hô khẩu hiệu như: “Hãy thả những người bất đồng chính kiến; cải chính kết luận về phong trào năm 1989”, “truy cứu trách nhiệm về vụ thảm sát”, “chấm dứt độc đảng”, và “xây dựng một Trung Quốc dân chủ”.

Người Hồng Kông lo ngại rằng luật an ninh mà Bắc Kinh đang áp đặt lên thành phố sẽ dẫn đến lệnh cấm kỷ niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn trong những năm tiếp theo.

“Đây có lẽ là một trong số những lần cuối cùng mà chúng tôi có thể tụ tập ở đây một cách hợp pháp”, một người tham dự có tên Vy nói với HKFP.

Các sự kiện thắp nến tưởng niệm cũng diễn ra ở nhiều nơi khác tại Hồng Kông, theo chia sẻ từ cư dân mạng của thành phố này.

Cư dân mạng Hồng Kông chia sẻ các bức ảnh cho thấy người Hồng Kông thắp nến tưởng niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn tại nhiều nơi khác nhau vào tối ngày 4/6/2020 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Hồng Kông là nơi duy nhất tại Trung Quốc thường tổ chức các hoạt động công khai tưởng niệm các nạn nhân trong sự kiện Lục Tứ – ngày 4/6/1989, ngày mà Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh cho quân đội tàn sát hàng ngàn thanh niên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn.

Tại Trung Quốc đại lục, đa số người dân không biết, hoặc có biết cũng không dám nói đến sự kiện này. Các từ khóa liên quan đến vụ thảm sát là một trong những chủ đề bị kiểm duyệt gắt gao nhất tại Trung Quốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bat-chap-lenh-cam-hang-ngan-nguoi-hong-kong-thap-nen-tuong-niem-thien-an-mon.html

 

Trung Quốc có thể thay Mỹ dẫn dắt thế giới?

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt

Mỹ đã và đang “thoái vị” khỏi vai trò dẫn dắt thế giới, nhưng Trung Quốc còn lâu mới giành được vị trí này, theo các nhà phân tích.

Việc Trung Quốc thoát ly nhanh khỏi đại dịch Covid-19, trong khi Mỹ và châu Âu vẫn còn phải giải quyết khủng hoảng, tạo ra ưu thế đáng kể cho cường quốc châu Á trong việc thúc đẩy ảnh hưởng trên bình diện quốc tế.

Giờ đây, với việc Tổng thống Donald Trump dồn mối quan tâm chủ yếu tới kỳ bầu cử tháng 11, cũng như phải chật vật đối phó với làn sóng bất ổn sau cái chết của George Floyd, nước Mỹ càng khó khăn hơn trong việc duy trì vai trò dẫn dắt thế giới.

Liệu Trung Quốc có tranh thủ cơ hội hiện tại để đoạt lấy vị trí dẫn dắt thế giới vốn lâu nay được coi là của Mỹ?

Ngoại giao y tế

“Dù xử lý khủng hoảng (dịch Covid-19) rất kém trong giai đoạn đầu, đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở lại làm chủ tình hình. Giờ đây, nước này đang lấy bài học thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh để quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước”, báo cáo “Thế giới hậu Covid-19” (The World After Covid-19) của Rasmussen Global đánh giá.

Rasmussen Global là tổ chức nghiên cứu do cựu Thủ tướng Đan Mạch đồng thời là cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen sáng lập.

Theo báo cáo, sau khi tạm thời giải quyết được khủng hoảng dịch bệnh trong nước, Bắc Kinh đã tiến hành “ngoại giao y tế” bằng cách cung cấp trang thiết bị và sự trợ giúp y tế tới nhiều nước.

Đối tượng hỗ trợ của Trung Quốc rất đa dạng, từ các nước giàu có và dân chủ lâu đời như Ý, Tây Ban Nha tới các nước lân cận như Philippines, Malaysia.

Đây là đường lối mà chính quyền Trung Quốc gọi là “Kiện khang ty thao chi lộ” (Con đường tơ lụa sức khỏe), ngầm liên hệ với chiến lược Vành đai – Con đường mà nước này đang ra sức xây dựng để khuếch trương vai trò của mình.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhận định Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực như viễn thông, giao thông, công nghệ tại nhiều nơi trên thế giới.

Trong mục Ý kiến trên báo The New York Times, nhà phân tích Joshua Kurlantzick từ Council on Foreign Relations, một tổ chức tư vấn của Mỹ, viết: “Bắc Kinh coi cuộc khủng hoảng Covid-19 là cơ hội để giành lấy vị thế lãnh đạo toàn cầu đúng lúc Hoa Kỳ thoái vị, một ý niệm khiến các nhà quan sát lo ngại”.

Đánh giá này được đưa ra giữa lúc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, đang “thoái vị” khỏi một số trách nhiệm quốc tế. Mới nhất là tuyên bố “rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới” của ông Trump vào hôm 29/5.

Virus corona: Cuộc chiến Mỹ-Trung phía sau cánh gà

Lầu Năm Góc: TQ ‘quấy rối’ và ‘thách thức’ Mỹ trên Biển Đông trong đại dịch

Không khẳng định, nhưng báo cáo Rasmussen Global nghi ngờ liệu Covid-19 sẽ càng đẩy nhanh sự suy giảm trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ và xói mòn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho hợp tác đa phương. Hoặc liệu cuộc khủng hoảng sẽ tạo ra một chiến thắng Dân chủ vào tháng 11 để thúc đẩy trở lại vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới.

Giữa lúc khủng hoảng dịch bệnh chưa tan, nước Mỹ lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu rộng khác.

Sau khi người đàn ông da đen George Floyd “bị giết” trong khi đang bị cảnh sát bắt giữ, biểu tình và bạo động đã nổ ra tại hàng chục thành phố. Cách mà ông Trump dùng cảnh sát và Vệ binh Quốc gia, cũng như tuyên bố sẽ điều động quân đội, để đối phó với các cuộc bạo loạn cũng hứng chịu nhiều chỉ trích.

Chật vật đối phó với các vấn đề quốc nội, Tổng thống Trump càng ít rảnh rang hơn để có thể quan tâm tới các vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh đó, ý niệm về việc Trung Quốc chớp lấy thời cơ càng hiển lộ rõ hơn.

Không thể là Trung Quốc

Nhiều nhà nghiên cứu, phân tích quốc tế cơ bản đồng ý với nhau hai điểm: Thứ nhất là Trung Quốc đang mạnh lên nhanh chóng và đang có chủ ý giành lấy vai trò dẫn dắt thế giới; Thứ hai là Mỹ cần phải củng cố lại vai trò và trách nhiệm của mình đối với thế giới nếu muốn duy trì vị thế của mình. Tuy nhiên, dù đang mạnh lên nhanh chóng, vai trò dẫn dắt thế giới của Trung Quốc vẫn còn bị nghi ngờ.

Không chỉ cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc có nhiều điểm mờ ám, cách mà họ đối xử với các quốc gia khác trong nhiều vấn đề, chẳng hạn tranh chấp tại Biển Đông, cũng khiến nước này không thể hiện được tư cách lãnh đạo.

“Tôi không tin rằng Hoa Kỳ đang suy giảm vai trò của mình, nhưng các quốc gia khác, như Trung Quốc, đang phát triển nền kinh tế và tăng cường năng lực và khả năng quân sự. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và với Lực lượng vũ trang của mình, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc quân sự toàn cầu”, ông Raul Pedrozo, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ và là chuyên gia luật quốc tế, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

“Các cường quốc như Trung Quốc sẽ không bao giờ được coi là lãnh đạo thế giới trừ khi họ tôn trọng quyền của các quốc gia khác, hành xử có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Pedrozo lưu ý.

Cách mà Trung Quốc gia tăng áp lực theo hướng hạn chế quyền tự do của người dân và thu hẹp quyền tự quyết của đặc khu hành chính Hong Kong cũng khiến nước này trở thành một “hình mẫu xấu”.

Chính cách hành xử của Trung Quốc tác động vào nhận thức chung của cộng đồng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo một kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2019, người dân khu vực này vẫn thích Mỹ hơn Trung Quốc.

Với những hỗ trợ hoặc giao thương hàng hóa của Trung Quốc liên quan đến đại dịch Covid-19, phản ứng của các nước cũng khác nhau.

Sau khi Slovakia chi 16 triệu đôla Mỹ để mua bộ xét nghiệm của Trung Quốc, Thủ tướng Igor Matovic nói rằng: “Chúng tôi có một tấn và chưa dùng tới.” Ít nhất một quan chức Phần Lan phải từ chức liên quan đến việc mua khẩu trang “không sử dụng được” của Trung Quốc.

Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời Covid-19

Biển Đông: ‘Nếu Đông Nam Á cứ đi hai hàng, TQ sẽ hưởng lợi’

Dù Trung Quốc không được đánh giá cao trong triển vọng giành lấy vai trò lãnh đạo thế giới, vị thế của Mỹ cũng đang bị thách thức. Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ cần thay đổi cách tiếp cận của mình để khôi phục lại vị trí mà họ đang đánh mất.

Các cường quốc như Trung Quốc sẽ không bao giờ được coi là lãnh đạo thế giới trừ khi họ tôn trọng quyền của các quốc gia khác, hành xử có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế Raul Pedrozo

“Nếu Hoa Kỳ muốn cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, thì vai trò lãnh đạo Hoa Kỳ nên được thể hiện vào việc xây dựng một cái gì đó tích cực từ cuộc khủng hoảng thay vì cố gắng sử dụng cuộc khủng hoảng đó để cô lập và xa lánh Bắc Kinh”, giáo sư Michael Green và Evan Medeiros nhận định trong bài viết chung trên tạp chí Foreign Affairs.

Ông Alexander Vershbow, từng làm đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, Nga và NATO, mới đây đã đánh giá:

“Ngay cả khi đảng Dân chủ trở lại Nhà Trắng, sẽ mất rất nhiều thời gian để xây dựng lại vai trò lãnh đạo của Mỹ và khôi phục lại niềm tin và sự tin tưởng từ phía các đồng minh truyền thống, điều vốn đã mất đi do dịch Covid-19 cũng như hành động rút khỏi WHO.”

“Tôi nghĩ rằng thái độ được phản ánh trong chủ trương rút khỏi vị trí lãnh đạo có nguồn gốc sâu xa trong nền chính trị Mỹ và sẽ không dễ dàng – ngay cả khi có sự thay đổi chính quyền – trở lại như trước kia”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52901599

 

TQ sắp đưa tàu chiến tới gần Đài Loan để diễn tập tấn công quân sự

Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch triển khai hai tàu sân bay tới vùng biển gần Đài Loan để chuẩn bị cho cuộc diễn tập tấn công quân sự vào tháng Tám tại Quần đảo Đông sa do Đài Loan kiểm soát, theo Taiwannews.

Trước đó, hôm thứ Hai, News.com.au đưa tin rằng lần đầu tiên, cả hai tàu sân bay của Trung Quốc, Liêu Ninh và Sơn Đông, đang được triển khai cùng nhau tại Vịnh Bột Hải trên Biển Hoàng Hải để thực hiện các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu. Các phi đội của Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) đang tham gia vào tuần thứ hai của cuộc đối đầu quân sự mô phỏng kéo dài 11 tuần, sau đó sẽ triển khai ra Biển Đông.

Theo Kyodo News hôm 12/5, Bộ Tư lệnh chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược mô phỏng các đảo Đông Sa, dùng đảo Hải Nam làm sân tập. Cuộc xâm lược giả dự kiến diễn ra vào tháng Tám, bao gồm một số lượng lớn thủy quân lục chiến, tàu đổ bộ, thủy phi cơ và máy bay trực thăng.

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin quân sự cho biết: “Một nhóm tàu sân bay tấn công sẽ đi qua Quần đảo Đông Sa trên đường đến địa điểm tập trận ở phía đông nam Đài Loan trên Biển Philippines”.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc ngày 13/5 trích dẫn các “chuyên gia” nói rằng Quần đảo Đông Sa có vị trí chiến lược và PLA có khả năng biến “bất kỳ cuộc tập trận nào thành hành động nếu Đài Loan khăng khăng đòi ly khai”.

Đáp lại tin tức về cuộc tập trận, Tổng cục trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND), Thiếu tướng Lâm Văn Hoàng (Lin Wen-huang) hôm 12/5 đã cố gắng đảm bảo với công chúng rằng quân đội có kế hoạch dự phòng trong trường hợp Trung Quốc tấn công, và rằng Đài Loan sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trên các hòn đảo bên ngoài, bao gồm cả Quần đảo Đông Sa.

Kể từ khi PLA tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự, quân đội Mỹ cũng đã tăng cường đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu tuần tra ở Biển Đông. Vào thứ Ba (26/5), Không quân Hoa Kỳ đã phái hai máy bay ném bom B-1B từ đảo Guam bay về phía Biển Đông sau khi vượt qua eo biển Ba Sĩ đến phía nam Đài Loan và gần Hong Kong.

Một báo cáo do Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ đưa ra vào 21/5 cho hay, một cuộc xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể nổ ra trong 18 tháng tới. Báo cáo khẳng định rằng một cuộc đối đầu như vậy có khả năng xảy ra khi các mối quan hệ trở nên xấu đi do “những xung đột thương mại đang diễn ra và những lời buộc tội về đại dịch virus corona”.

http://biendong.net/bi-n-nong/35088-tq-sap-dua-tau-chien-toi-gan-dai-loan-de-dien-tap-tan-cong-quan-su.html

 

Trung Cộng nới lỏng việc hạn chế các chuyến bay của Mỹ sau khi Hoa Kỳ cấm các chuyến bay của Trung Cộng vào Hoa Kỳ

Tin từ Bắc Kinh, Trung Cộng – Trung Cộng cho biết họ sẽ giảm bớt các hạn chế vì lý do coronavirus để cho phép nhiều hãng hàng không nước ngoài bay vào đại lục, ngay sau khi Washington tuyên bố sẽ cấm các hãng hàng không Trung Cộng bay sang Hoa Kỳ do Bắc Kinh kiềm chế các hãng hàng không Mỹ.

Vào hôm thứ Năm (4/6), Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Cộng (CAAC) cho biết các hãng hàng không được chứng nhận của nước ngoài hiện đang cấm các chuyến bay đến Trung Cộng sẽ được phép thực hiện các chuyến bay một tuần một lần vào một thành phố mà họ chọn, bắt đầu vào ngày 8 tháng 6.

CAAC cắt giảm các chuyến bay quốc tế kể từ cuối tháng 3 để ngăn chận về số ca nhiễm coronavirus đang gia tăng do hành khách đến. Chính sách “Five One” chỉ cho phép các hãng hàng không đại lục thực hiện một chuyến bay một tuần trên một tuyến đường đến bất kỳ quốc gia nào, và các hãng hàng không nước ngoài chỉ được thực hiện một chuyến bay mỗi tuần đến một thành phố ở Trung Cộng.

Các hãng cũng không được thực hiện quá số lượng chuyến bay trong lịch trình hàng tuần được CAAC phê duyệt vào ngày 12 tháng 3. Nhưng vì các hãng hàng không chở hành khách của Hoa Kỳ dừng tất cả các chuyến bay vào ngày 12 tháng 3, họ không thể tiếp tục các chuyến bay đến Trung Cộng.

Vào hôm thứ Tư (3/6), chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Trump cho biết họ sẽ cấm các hãng hàng không chở hành khách của Trung Cộng bay vào Hoa Kỳ từ ngày 16 tháng 6, gây áp lực cho Bắc Kinh để giúp các hãng hàng không Hoa Kỳ nối lại các chuyến bay đến nước này. (BBT)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-noi-long-viec-han-che-cac-chuyen-bay-cua-my-sau-khi-hoa-ky-cam-cac-chuyen-bay-cua-trung-cong-vao-hoa-ky/

 

‘Trung Quốc là mối đe dọa với thế giới’, người sống sót từ Thiên An Môn cảnh báo

Hải Lam

Một người sống sót sau vụ Thảm sát Thiên An Môn cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc là một “mối đe dọa hiện hữu” đối với thế giới, không chỉ vì dịch bệnh Covid-19 hiện nay, mà còn những thảm họa khác rất có thể sẽ xảy ra.

Tờ Breibart đưa tin, hôm 4/6, Hiệp hội Sinh viên vì một Tây Tạng Tự do (Students for a Free Tibet) đã tổ chức một sự kiện trực tuyến để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Một trong số những người tham gia sự kiện này là ông Chu Phong Tỏa (Fengsuo Zhou), một người sống sót sau vụ thảm sát và là nhà sáng lập tổ chức Nhân đạo Trung Quốc.

Ông Chu bình luận rằng việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bưng bít thông tin về dịch viêm phổi Vũ Hán đã dẫn đến thảm họa toàn cầu. “Nếu ĐCSTQ còn nắm quyền, thế giới sẽ còn phải đối mặt với những thảm họa như thế”, ông Chu cảnh báo.

“Chế độ toàn trị này, sự bành trướng ra toàn cầu và quyền lực kỹ thuật số của nó, không thể đồng thời tồn tại với các giá trị phổ quát mà chúng ta yêu mến”, ông Chu tiếp tục bình luận.

“Trung Quốc ngày nay, dưới sự thống trị của ĐCSTQ, đã trở thành một mối đe dọa hiện hữu đối với thế giới, bởi vì tất cả chúng ta đang phải gánh chịu một đại dịch toàn cầu”, ông Chu giải thích. Ông Chu cho rằng thảm họa này xảy ra là do tình trạng bưng bít thông tin và không có tự do ngôn luận ở Trung Quốc.

Ông Chu đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc đã bịt miệng các bác sĩ đầu tiên lên tiếng cảnh báo về dịch Covid-19. Ông nêu ví dụ về bác sĩ Lý Văn Lượng, người bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt vì cảnh báo cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp về virus corona chủng mới.

Ông Chu nói: “Đó là lý do tại sao căn bệnh này lây nhiễm cho nhiều người đến vậy. Nhiều người đã thiệt mạng và rất nhiều người mắc bệnh”.

Những bình luận trên của ông Chu được đưa ra đúng vào dịp kỷ niệm 31 năm sự kiện Thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Vào ngày 4/6, quân đội Trung Quốc đã đàn áp đẫm máu những người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn chỉ vì họ kêu gọi các quyền tự do, dân chủ.

Ngày nay, nhiều người Hoa ở đại lục không biết đến sự kiện này do ĐCSTQ bưng bít thông tin và đàn áp những người liên quan đến vụ việc. Không có con số chính thức về những người thương vong, nhưng nhiều nguồn dữ liệu ước tính số sinh viên, trí thức và dân thường bị quân đội giết hại là lên tới hàng ngàn người. Một bức điện tín bí mật của các nhà ngoại giao Anh cho biết ít nhất 10.000 người đã bị giết trong cuộc Thảm sát Thiên An Môn. Các nhà báo nước ngoài và những người chứng kiến vụ việc ước tính có ít nhất 3.000 người tử vong.

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-la-moi-de-doa-voi-the-gioi-nguoi-song-sot-tu-thien-an-mon-canh-bao.html

 

Vớt vát bằng ‘Kinh tế vỉa hè’, phải chăng Bắc Kinh đang bất lực trước làn sóng thất nghiệp gia tăng?

Vũ Dương

Gần đây, chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khuyến khích người dân ra đường bày bán hàng rong, thậm chí đề xuất “kinh tế vỉa hè” để giải quyết vấn nạn thất nghiệp. Về điều này, có nhiều nhân sĩ trong ngành bày tỏ rằng ĐCSTQ đã hoàn toàn bất lực trước làn sóng thất nghiệp ngày một gia tăng.

Truyền thông chính thức của ĐCSTQ ngày 28 tháng 5 đưa tin rằng Văn phòng Văn minh Trung ương ĐCSTQ tuyên bố rằng năm nay sẽ không liệt các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, chợ trời và những tiểu thương lưu động vào nội dung làm mất mỹ quan văn minh đô thị. Trên thực tế, ngay từ tháng 3 năm nay, thành phố Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên đều đã cho phép các tiểu thương và người bán hàng rong tạm thời lấn chiếm lòng lề đường.

Sau đó, các kênh truyền thông ĐCSTQ đã bắt đầu cổ súy “nền kinh tế vỉa hè”. Vào ngày 1/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến khảo sát đến thành phố Yên Đài của tỉnh Sơn Đông đã ghé thăm một vài gian hàng ở cộng đồng địa phương, nói rằng “kinh tế vỉa hè, kinh tế cửa hàng” là nguồn quan trọng trong việc mang lại việc làm cho người dân, là một phần sức sống của nền kinh tế Trung Quốc.

Cục quản lý đô thị của thành phố Thụy Xương, tỉnh Giang Tây cũng gọi điện thông báo đến các tiểu thương cho phép họ dựng lập quầy hàng tại địa điểm đã được chỉ định.

Sau khi ĐCSTQ cho phép người dân bày bán hàng ngoài đường phố, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ồ ạt khoe khoang rằng có nơi tiểu thương mỗi ngày kiếm được trên 30.000 Nhân dân tệ (khoảng 92 triệu VNĐ). Về điều này, tất nhiên người dân cũng không dễ bị lừa. Có nhân sĩ bình luận ở Trung Quốc nói rằng: “Sinh kế của người dân càng khó khăn, những lời tuyên truyền kiểu chó mèo ngày càng nhiều, đừng có tô son trát phấn cho mấy quầy hàng ngoài vỉa hè đó nữa”.

Vương Kiếm – nhà bình luận thời sự có thâm niên, nhìn nhận rằng ĐCSTQ cho phép người dân bày bán hàng rong ngoài vỉa hè để kiếm sống, điều này cho thấy làn sóng thất nghiệp ở Trung Quốc đã vượt ngoài tầm kiểm soát, ĐCSTQ đã hoàn toàn bất lực trước vấn nạn thất nghiệp của người dân. Trung Quốc có thành phố cho phép người dân bày bán hàng rong, nói là để giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 người. Điều này cho thấy vấn đề thất nghiệp ở Trung Quốc đã nghiêm trọng như thế nào.

Trang “Nhật báo kinh tế Hồng Kông” trích dẫn quan điểm của nhà kinh tế học nổi tiếng Lý Đạo Quỳ, nói rằng bệnh dịch lần này đã gây ra khủng hoảng rất lớn cho người nghèo: người nghèo không có việc làm, không có thị trường, không thể đi ra ngoài và không có thu nhập.

Có nhân sĩ phân tích cho rằng, hiện tại Trung Quốc đang phải đối diện vấn đề thất nghiệp nghiêm trọng. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã cho phép người dân bày bán hàng rong để mưu sinh, nhưng không nên phóng đại tác dụng của nó quá, bởi cái gọi là “kinh tế vỉa hè” đó dù sao cũng không thể trở thành chiến lược dài hạn cho tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, ngày 26/4, một bài viết có tiêu đề “Đâu là tỷ lệ thất nghiệp thực sự ở Trung Quốc?” được xuất bản trên tài khoản Weibo của nhà kinh tế học người Trung Quốc Lý Tấn Lôi. Bài viết đã tính tỷ lệ thất nghiệp trong từng lĩnh vực kinh doanh, như nhà hàng, cơ sở sản xuất ô tô, sản xuất quần áo, lĩnh vực giải trí… và đưa ra kết luận: “Hiện tại, hơn 70 triệu người đã mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp thực sự của Trung Quốc là khoảng 20,5%”. Con số này cao hơn nhiều so với con số chính thức của chính quyền. Vào ngày 17/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Trung Quốc đã thông báo rằng tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 chỉ là 5,9%.

Ngày 1/5, Đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn lời Fan Jun, một nhà báo ở tỉnh Hà Bắc, nói ông tin rằng “tỷ lệ thất nghiệp 20% cũng không phản ánh tất cả tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc”, mà trên thực tế có khi còn cao hơn 20%.

Đầu tháng 4, ông Lưu Trần Kiệt (Liu Chenjie), nhà kinh tế học hàng đầu của công ty quản lý tài sản Vọng Chính Thâm Quyến, cũng đã đăng tải bài viết trên tạp chí Caixin, bày tỏ rằng dịch bệnh có thể khiến 205 triệu công nhân Trung Quốc thất nghiệp, vượt quá 25% so với 775 triệu người đang trong độ tuổi lao động của Trung Quốc.

Vương Kiếm tin rằng kể từ khi ĐCSTQ khởi động lại nền kinh tế vào ngày 1 tháng 3, ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn không có hỗ trợ gì cả, khiến lượng lớn doanh nghiệp phải đóng cửa, mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ này lại cung ứng 70% việc làm cho người dân thành thị. Giờ các doanh nghiệp này đều phải đóng cửa, lượng người thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng vọt, những khó khăn này rất khó giải quyết trong một thời gian ngắn.

Theo Lin Congwen, Epochtimes.com,

Vũ Dương dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/vot-vat-bang-kinh-te-via-he-phai-chang-bac-kinh-dang-bat-luc-truoc-lan-song-that-nghiep-gia-tang.html

 

Cuộc ‘xâm lược biên giới’ của Trung Quốc sẽ đẩy Ấn Độ tới gần Hoa Kỳ

Triệu Hằng

Những cuộc đụng độ mới đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến mối quan hệ hai nước vốn có lịch sử nhiều giao tranh nay thêm phần nảy lửa, dẫn đến những tín hiệu cho thấy Ấn Độ và Hoa Kỳ đang xích lại gần nhau.

Xung đột Bắc Kinh – New Delhi trong những tuần gần đây xảy ra sau nhiều năm hai bên đã tồn tại vấn đề tranh chấp biên giới, nhưng sự leo thang mới nhất có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng xoay trục Hoa Kỳ – Trung Quốc – Ấn Độ, mối quan hệ ba bên được cho là có vai trò lớn trong định hình cảnh quan chiến lược của thế kỷ 21.

Khi cạnh tranh giữa Mỹ – Trung đang diễn ra ráo riết trên khắp toàn cầu ở nhiều phương diện, Ấn Độ dường như là nước duy nhất không ngả về bên nào bởi Ấn Độ là một quốc gia có trường phái “không liên kết” (non-aligned) – có nghĩa là không thuộc hoặc chống các khối cường quốc – và điều này tạo nên một sự khác biệt lớn cho Ấn Độ trong việc cân bằng các ảnh hưởng cũng như sở hữu các lợi thế khác.

Tin tốt là các vấn đề địa chính trị đó của tam giác này đang làm cho mối quan hệ đối tác Mỹ – Ấn Độ thêm phần gắn bó. Tin xấu là những xung đột thương mại và các vấn đề chính trị nội bộ của Ấn Độ đang gây cản trở cho mối quan hệ giữa Washington và New Delhi.

Chi tiết của cuộc khủng hoảng biên giới Trung – Ấn vẫn chưa rõ, một phần bởi vì cả hai chính phủ đều kín tiếng về vụ việc. Nhưng nó rõ ràng rằng Trung Quốc và Ấn Độ đang ở giữa một trong những trận so găng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua, ở đấu trường có độ cao hơn 4.260 km so với mực nước biển, trên dãy Hy Mã Lạp Sơn quanh năm phủ tuyết trắng.

Mối quan hệ ngoại giao màu hồng nay có phần ảm đạm

Vào năm 2019, tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Mamallapuram, Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết định kỷ niệm 70 năm quan hệ song phương vào năm 2020 bằng cách tăng cường trao đổi ở tất cả các cấp. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức 70 hoạt động, bao gồm một hội nghị trên một con tàu để gợi nhớ về mối liên hệ giữa hai nền văn minh từ thời cổ đại. Nào ngờ, bức tranh ngoại giao màu hồng hồi tháng 10 năm ngoái lại nhuốm màu ảm đạm vào giữa năm nay.

Nhiều phương tiện truyền thông quốc tế đã có những báo cáo về những “cuộc xâm lăng” của Trung Quốc vào vùng đất mà Ấn Độ kiểm soát, thậm chí tràn qua cả ranh giới lãnh thổ, như những gì Bắc Kinh thường làm đối với các đối thủ của nó. Trung Quốc đã gửi hàng ngàn binh sĩ để tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực, trong những gì được xem là một cuộc xâm lược quy mô nhỏ; cả hai bên đều đang triển khai vũ khí hạng nặng đến các căn cứ quân sự gần khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, tới nay chưa thấy bên nào thể hiện ý định leo thang một cuộc chiến tranh nóng – có nghĩa là một cuộc chiến tranh thật sự.

Những tờ báo thuộc phái dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ đã ồ ạt yêu cầu Bắc Kinh rút lui. Nhưng dường như những yêu cầu đó đã sớm chết yểu. Bắc Kinh đã thành công trong việc răn đe Ấn Độ rằng họ có khả năng cưỡng chế vũ lực dọc theo biên giới chung hai nước.

Mỹ từ lâu đã coi Ấn Độ như một đối trọng chiến lược

Kể từ khi các quan chức Mỹ bắt đầu lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc vào những năm 1990, họ đã nhìn thấy Ấn Độ như một đối trọng. Vụ thử hạt nhân năm 1998 của Ấn Độ nhất thời làm hỏng mối quan hệ giữa Washington và New Delhi, nhưng sau đó các cựu tổng thống Mỹ đã tới thăm Ấn Độ và các chính quyền Washington đều nuôi dưỡng mối quan hệ chiến lược với New Delhi và xem đó là một ưu tiên về đối ngoại.

Tuy vậy, các thời chính phủ Ấn Độ hiếm khi đi nhanh như cách mà các đối tác Mỹ của họ dường như muốn vậy, một phần vì bộ máy quan liêu rề rà ngay cả khi ở đó có một cuộc họp đầu não của các nhà lãnh đạo chính trị, và một phần do truyền thống “không liên kết” của Ấn Độ có từ thời chiến tranh Lạnh. Chưa kể, việc Mỹ hợp tác với Pakistan về chống khủng bố sau ngày 11/9/2001 cũng là một nút thắt, bởi Ấn Độ và Pakistan có mối bất hòa từ những xung đột quân sự nhằm tranh quyền kiểm soát vùng Kashmir ở khu vực biên giới hai nước này.

Gần đây, các quan chức Ấn Độ thể hiện họ đã làm những điều được cho là có nguy cơ biến Ấn Độ thành một kẻ thù hoàn toàn với Trung Quốc – vốn là một kẻ thù về bản chất mà dù sao Ấn Độ cũng phải tìm cách sống chung.

Tuy nhiên, đối với Ấn Độ, hợp tác với Mỹ là điều tất yếu, phần lớn là do Trung Quốc đã quyết liệt hơn xưa. Các chiến lược gia Ấn Độ có thể đã quên lãng những mối nghi ngờ xoay quanh việc liệu Vành đai và Con đường của Bắc Kinh có phải là một chiến dịch vòng vây bao quanh Nam Á, vì Trung Quốc đã xây lên sự hiện diện của họ ở Pakistan, Sri Lanka và các chốt điểm khác dọc theo Ấn Độ Dương. Nhưng việc Trung Quốc tiến hành một “cuộc xâm nhập” vào lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát – chưa đầy 3 năm sau khi bế tắc căng thẳng vào năm 2017 – đã nhắc nhở các quan chức Ấn Độ nhớ rằng việc sống bên cạnh một nước lớn hung hăng, chuyên quyền là có nghĩa gì.

Ấn Độ hợp tác với Mỹ là điều tất yếu

Nhịp độ tiến triển các vấn đề Mỹ – Ấn Độ trong những năm gần đây đã tăng tốc. Chính sách Hành động Hướng Đông của Thủ tướng Modi là một nỗ lực phát triển để tăng cường mối quan hệ với các nước ở Đông và Đông Nam Á; và Mỹ ngày càng có thêm nhiều động thái củng cố khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) để tạo ra một khung hợp tác an ninh tốt hơn.

Ngoài ra, bộ tứ Kim cương (Nhóm QUAD) – quan hệ đối tác chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Ấn, Úc, Nhật – đã tạo thành một liên minh dân chủ ngầm chống Trung Quốc.

Vào năm 2019 và 2020, Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump đã có các chuyến thăm đối ứng, khi ông Modi tới thăm Mỹ, có mít tinh “Howdy, Modi” chào mừng ông ở Houston rầm rộ đến mức các nhà quan sát ví như “đón siêu sao”; còn trong chuyến thăm của ông Trump tới Ấn Độ hồi tháng Hai năm nay có mít tinh “Namaste, Trump” nồng nhiệt ở Gujarat – quê của ông Modi.

Doanh số quốc phòng và các mối quan hệ quân sự khác giữa Mỹ – Ấn Độ đã tăng, với việc ông Trump trong chuyến thăm tháng Hai đã tuyên bố thỏa thuận quốc phòng trị giá 3 tỷ USD, theo đó Washington bán các vũ khí quân sự tiên tiến cho New Delhi. Ấn Độ cũng đang nóng lòng thay thế Trung Quốc trong một số chuỗi cung ứng toàn cầu – một sáng kiến đáng hoan nghênh được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ lo ngại về sự phụ thuộc Bắc Kinh.

Về mặt khu vực, hợp tác Hoa Kỳ – Ấn Độ là rất quan trọng để đảm bảo an ninh của Ấn Độ Dương và mang lại đòn bẩy lớn hơn cho Thái Bình Dương.

Xét về mặt dân số, Ấn Độ sẽ là một anh bạn trẻ và sôi nổi tại thời điểm nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ tóc nay ngả bạc. Về mặt biểu tượng và địa chính trị, Ấn Độ là một nền dân chủ với hơn một tỷ người có thể cân bằng với chế độ chuyên chế Trung Quốc cũng hơn một tỷ người.

Giả dụ lúc nào đó Washington muốn thực hiện một cuộc phong tỏa xa bờ chống Trung Quốc, thì với sự hợp tác với New Delhi, Mỹ sẽ được hưởng lợi vô kể từ quyền lui tới các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, một mối quan hệ đối tác giữa Mỹ – Ấn Độ có thể đương đầu với Trung Quốc trong trường hợp nếu nổ ra một cuộc chiến tranh ở Đông Á.

Tuy nhiên vẫn còn có những rào cản giữa Ấn Độ và Mỹ, mối quan hệ thương mại đang gặp khúc mắc khi cả hai đều áp thuế đối với hàng hóa lẫn nhau khi chính quyền Trump chấm dứt cho phép Ấn Độ xuất khẩu một số hàng hóa miễn thuế thông qua Hệ thống Ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences viết tắt là GSP), hệ thống mà theo đó các nước phát triển cho các nước đang phát triển hưởng chế độ ưu đãi bằng cách giảm hoặc miễn thuế.

Nhưng xét cho cùng, các tranh chấp kinh tế chỉ là một vấn đề nhỏ so với các hợp tác chiến lược khi Trung Quốc đều là vấn đề cần xử lý của cả hai nước.

https://www.dkn.tv/the-gioi/cuoc-xam-luoc-bien-gioi-cua-trung-quoc-se-day-an-do-toi-gan-hoa-ky.html

 

Tỷ phú và ngôi sao bóng đá Trung Quốc tuyên bố thành lập ‘Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới’

Vũ Dương

Chập tối ngày 3/6, có ít nhất 5 chiếc máy bay, bay theo vòng tròn quanh thành phố Hudson ở bang Iowa, Hoa Kỳ, mang theo thông điệp “Chúc mừng Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới”.

Sau đó, Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới được tuyên bố thành lập vào ngày 4/6 theo giờ Bắc Kinh. Ông Hác Hải Đông (Hao Haidong) – cựu ngôi sao bóng đá Trung Quốc đã tuyên đọc tuyên ngôn “Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới” phiên bản tiếng Trung.

Vậy, “Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới” này rốt cuộc là gì?

Truyền thông nước ngoài đưa tin, đây là buổi lễ tuyên ngôn kiến lập “Nhà nước Liên bang mới của Trung Quốc” do tỷ phú Quách Văn Quý hiện đang sống lưu vong tại Mỹ khởi xướng. Trong buổi lễ, cựu cố vấn chiến lược Nhà Trắng Steve Bannon đọc bản tuyên ngôn bằng tiếng Anh, trong khi cựu ngôi sao bóng đá Trung Quốc Hác Hạo Đông đọc bản tuyên ngôn bằng tiếng Trung. Hác Hạo Đông đã liệt kê hết thảy những tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau khi thành lập chính quyền, và tuyên bố thành lập Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới, đồng thời nói rõ cương lĩnh lập quốc.

Buổi lễ được phát sóng lúc 7 giờ tối theo giờ New York. Người khởi xướng và thực hiện bản tuyên bố này bao gồm: Kyle Bas – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư của Quỹ đầu tư Hayman Capital Management có trụ sở ở Dallas (Mỹ), Steve Bannon – chiến lược gia trưởng và cố vấn cấp cao nhất của Tổng thống Trump, và ông Quách Văn Quý – tỷ phú Trung Quốc hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.

Ông Quách Văn Quý và ông Steve Bannon đứng cạnh nhau trên thuyền, đằng sau họ là Tượng Nữ thần Tự do ở New York.

Ông Quách Văn Quý cắn rách ngón tay, dùng máu in lên bản tuyên ngôn tỏ rõ ý chí. Ông nói rằng phải lật đổ ĐCSTQ, xây dựng đất nước theo đường lối pháp trị và tự do để người Trung Quốc sống một cuộc sống có phẩm giá, có tôn nghiêm.

Ông Steve Bannon nói rằng ĐCSTQ là một tổ chức lưu manh, và nó không được phép nô dịch người Trung Quốc thêm nữa.

Ngôi sao bóng đá Hác Hải Đông, có thể nói là người mà mỗi gia đình ở Trung Quốc đều biết đến, đã liệt kê một loạt các tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ như: Phớt lờ nhân quyền, hủy hoại nhân tính, chà đạp dân chủ, vi phạm pháp luật, hủy bỏ hiệp ước, tắm máu Hồng Kông, giết hại người dân Tây Tạng, xuất khẩu tham nhũng và mang lại nguy hại cho toàn cầu.

Ông nói: “Lật đổ ĐCSTQ là cần thiết để phá bỏ xiềng xích của người dân Trung Quốc và là điều thật sự cần thiết để mang lại hòa bình yên ổn cho thế giới. Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới không có ĐCSTQ là điều cần thiết cho toàn thể người dân và là điều cần thiết để gây dựng một xã hội phồn vinh hùng cường”.

Sau khi Hác Hải Đông đọc bản tuyên ngôn lập quốc, đã cùng vợ ông là bà Diệp Chiêu Dĩnh (Ye Zhaoying) (vận động viên cầu lông nổi tiếng Trung Quốc và từng đoạt giải quán quân cầu lông thế giới) xuất hiện trước ống kính, ông nói rằng lựa chọn vĩ đại nhất, đúng đắn nhất, tự hào nhất mà ông đã làm trong cuộc đời mình chính là tuyên đọc bản tuyên ngôn Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới.

Bà Diệp Chiêu Dĩnh cũng đã tweet rằng bà cảm thấy bản thân rất may mắn khi cả hai vợ chồng đều vô cùng nhất trí với nhau về quan điểm chính trị: “Chúng tôi có chung một lý tưởng: tận mắt chứng kiến ĐCSTQ diệt vong, người dân Trung Quốc thực sự có thể sống một cuộc sống hạnh phúc trong nền tự do dân chủ, có được nhân quyền và pháp trị. Chúng tôi tin chắc rằng ngày này sẽ đến rất mau”.

Theo Ye Ziwei, Epochtimes

Vũ Dương biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/ty-phu-va-ngoi-sao-bong-da-trung-quoc-tuyen-bo-thanh-lap-nha-nuoc-lien-bang-trung-quoc-moi.html

 

Trung Quốc: Người sống sót sau sự kiện Thiên An Môn ‘biến mất’

Băng Thanh

Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc được cho là đã bắt cóc ông Chen Yunfei, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng và là người may mắn sống sót sau vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, ngay trước khi lễ kỷ niệm sự kiện diễn ra.

Theo Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (CHRD), Chen đã bị bắt cóc từ nhà của ông vào ngày 31/5. Mẹ ông cũng đã mất tích.

“Cảnh sát thành phố Thành Đô được cho là đã đưa nhà hoạt động Chen Yunfei ra khỏi nhà của ông ở quận Ôn Giang vào ngày 31/5/2020. Cảnh sát chưa công bố bất kỳ thông tin nào về nơi giam giữ hoặc lý do cho việc bắt giữ ông ấy. Hiện cũng không liên lạc được với mẹ của Chen. Một nhà hoạt động xã hội đến nhà của Chen để xem tình hình mẹ của Chen cũng đã mất tích. Việc giam giữ Chen một cách bí mật có khả năng liên quan đến bài phát biểu của ông tại một buổi lễ trực tuyến của những người biểu tình ôn hòa để kỷ niệm 31 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989”, Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc cho biết.

Trong bài phát biểu kỷ niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn, ông Chen viết: “Chúng ta đã chứng kiến ​​làn sóng bất ổn dân sự và bất bình ở Hồng Kông, từ các cuộc biểu tình phản đối Điều 23 của Luật cơ bản vào năm 2003 đến phong trào phản đối dự luật dẫn độ và phản đối luật an ninh quốc gia. Chúng ta cũng đã thấy cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và virus corona từ Vũ Hán lây lan ra toàn quốc và sau đó lan ra trên toàn thế giới”.

“Những điều này cho chúng ta thấy rằng chính phủ Trung Quốc không tìm thấy gốc rễ của sự bất ổn phổ biến và cũng chứng minh cho sự đúng đắn mà chúng tôi đã đấu tranh trong phong trào yêu cầu dân chủ năm 1989. Không có lý do cho việc vì sao chúng ta không nên công khai và kỷ niệm ngày 4/6”, ông viết.

Nói về vụ mất tích, Li Jinfang, bạn của ông Chen nói với RFA: “Một người bạn nói với tôi rằng họ không thể liên lạc với ông ấy vào đêm 31/5. Tin tức này khiến tôi rất lo lắng, và tôi đã thử gọi lại cho ông ấy. Điện thoại của ông ấy vẫn liên lạc được vào thời điểm đó, nhưng không ai nhấc máy. Tôi nghĩ rằng ông ấy đã bị bắt vì đây là thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị trong năm. Nó chắc chắn liên quan đến ngày 4/6”.

Chen Yunfei tham gia phong trào yêu cầu dân chủ năm 1989 khi còn là sinh viên tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh. Sau vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, Chen đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Trung Quốc điều tra vụ thảm sát và bồi thường cho các gia đình nạn nhân.

Vào năm 2007, Chen đã bị bắt sau khi đặt một quảng cáo trên một tờ báo nhà nước vào tháng 6/2007 với nội dung kêu gọi mọi người hãy nhớ về vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Gần đây nhất, vào năm 2015, ông lại bị bắt vì tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn ở Tứ Xuyên và sau đó bị kết án 4 năm tù. Ông ra tù vào ngày 25/3/2019.

Theo Breitbart

Băng Thanh dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-nguoi-song-sot-sau-su-kien-thien-an-mon-bien-mat.html

 

Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long đặt câu hỏi nghiêm túc cho TQ và Mỹ

Đúng ngày 04/06/2020, thủ tướng Singapore cảnh báo về cuộc đối đầu Mỹ – Trung và nói châu Á không muốn bị buộc phải chọn đứng về chỉ một bên.

Bài đăng trên trang Foreign Affairs của ông Lý Hiển Long có tựa đề ‘The Endangered Asian Century: America, China, and the Perils of Confrontation’ (tạm dịch: Thế kỷ châu Á lâm nguy: Hoa Kỳ, Trung Quốc và hiểm họa của đối đầu), nhấn mạnh đến vai trò của Hoa Kỳ tạo dựng trật tự an ninh, môi trường ổn định và thịnh vượng cho nhiều nước châu Âu nửa sau thế kỷ 20.

Lý Quang Diệu ‘từng muốn giúp cả hai miền VN’

Singapore: Thịnh vượng nhờ biết ‘khích’ và chăm dân

Để Sài Gòn thành Singapore: Ước mơ 20 năm

Điểm qua vai trò chính yếu của Hoa Kỳ ở Đông Á trong Chiến tranh Lạnh mà ông nhìn nhận rất tích cựu, thủ tướng Singapore thẳng thắn nhắc lại vị thế nghèo, tự cô lập của nền kinh tế Trung Quốc trước Mở Cửa.

Điều này khiến cho các nước dựa vào ‘Trật tự Mỹ’ (Pax Americana) có từ sau Thế Chiến 2 ở châu Á phải tự vấn về vai trò của Washington.

Nhắc lại vị trí “từ lâu” trong kiến trúc an ninh vùng của Hoa Kỳ, ông Lý Hiển Long viết:

“Hoa Kỳ đã tham chiến tốn kém hai lần ở Triều Tiên và Việt Nam, và các cuộc chiến này đã cho các nước không cộng sản trong vùng có thời gian quý báu để củng cố xã hội, kinh tế của họ trong cuộc chiến giành nhân tâm chống lại chủ nghĩa cộng sản.”

Câu hỏi cho Tập Cận Bình

Bản thân Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đã hưởng lợi từ trật tự Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh.

Nhưng sự vươn lên của Trung Quốc dẫn tới biến chuyển quan trọng về vị thế gần đây của nước này, và họ đã không còn làm theo lời cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình là ‘ẩn mình chờ thời’:

“Các nhà lãnh đạo TQ ngày nay không còn trích dẫn câu châm ngôn của ông Đặng là ‘thao quang dưỡng hối’. Trung Quốc tự thấy họ là cường quốc lục địa và đang có khát vọng thành cường quốc hải dương nữa. Họ đang hiện đại hóa lục quân, hải quân và có mục tiêu biến quân đội thành lực lượng tác chiến đẳng cấp thế giới. Và Trung Quốc, dễ hiểu thôi, đang ngày càng muốn bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của họ ở nước ngoài và đảm bảo giành vị thế mà nước này cho là chính đáng cho họ trong chính trị quốc tế.

Cùng lúc, Hoa Kỳ, với chính sách “Nước Mỹ trước hết” (America First – ông Lý Hiển Long không nêu tên tác giả phương châm đó: Donald Trump), đang xem xét lại quan hệ với Trung Quốc, trong khi tỷ trọng kinh tế Mỹ trên toàn cầu giảm.

Tình thế hiện nay, theo nhà lãnh đạo Singapore, là “các nước châu Á đang hưởng lợi từ bảo trợ an ninh của Hoa Kỳ, và kinh tế Trung Quốc trỗi dậy”, sẽ bị buộc phải chọn phe, điều các nước này gồm cả Singapore không muốn.

Tuy thế, trong bài viết thẳng thắn tới bất ngờ, thủ tướng Lý Hiển Long đặt câu hỏi đích danh tới Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.

“Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã nói là Thái Bình Dương đủ to để có chỗ cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng ông cũng nói an ninh châu Á phải để cho người châu Á lo. Một câu hỏi rất tự nhiên là: “Ông Tập có nghĩ rằng Thái Bình Dương là đủ to cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng tồn tại hòa bình, với các vòng đan xen nhau của bạn bè và đối tác, hay nó có lớn đủ để chia đôi ngay ở giữa, với hai cường quốc chia thành hai vùng ảnh hưởng? Singapore và các nước châu Á – Thái Bình Dương có có băn gì về cách giải thích nào họ muốn hơn.

( nguyên văn: A natural question arises: Does Xi think that the Pacific Ocean is big enough for the United States and China to coexist peacefully, with overlapping circles of friends and partners, or that it is big enough to be divided down the middle between the two powers, into rival spheres of influence?…)

Điều ông Lý Hiển Long tin tưởng chắc chắn, trái với một số giới thức giả Âu, Á vẫn nó, là “Hoa Kỳ không phải đại cường đang suy yếu” (The United States is not a declining power).

Ông nêu thẳng ra một vấn đề nhiều người có thể cho là tế nhị:

“Hoa Kỳ có sức bền bỉ và sức mạnh tuyệt vời, một trong số sức mạnh đó là khả năng thu hút tài năng từ khắp thế giới đến. Trong chín người gốc Hoa đoạt giải Nobel trong khoa học tới nay, thì tám người là công dân Mỹ, hoặc nhập tịch Mỹ sau khi có giải.”

Cùng lúc, ông cũng nhắc rằng kinh tế TQ “có sự năng động ghê gớm và ngày càng đạt nhiều trình độ công nghệ cao. Nay Trung Quốc không còn là ‘ngôi làng trình diễn’ (Potemkin village) hay như nền kinh tế tan rã Liên Xô những ngày tàn”.

Ông cảnh báo trong bối cảnh như thế, “mọi cuộc đối đầu giữa hai đại cường sẽ không chấm dứt êm như Chiến tranh Lạnh, với một bên gục ngã im lặng”.

Trung Quốc và người Hoa ở Đông Nam Á

Với lời văn công khai hiếm có của một lãnh đạo quốc gia, ông Lý Hiển Long đi thẳng vào vấn đề gọi là “hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc”.

“Có một nguy hiểm ở đây: điều tra dư luận gần đây của Pew Research Center cho thấy người dân ở Canada, Hoa Kỳ, các nước châu Á và châu Âu khác ngày càng nhìn Trung Quốc với con mắt không thiện cảm (unfavorable views of China). Cho dù TQ có các nỗ lực xây dựng quyền lực mềm ở hải ngoại – như qua mạng lưới Viện Khổng tử, qua các kênh đài báo quốc tế chính phủ nắm – thì xu hướng là tiêu cực (the trend is negative).

Theo ông, ngay Trung Quốc cần lãnh nhận nhiều hơn trách nhiệm toàn cầu, chứ không nên hưởng ưu đãi “cho một nước nhỏ hơn, chưa phát triển” mà họ nhận được khi vào WTO năm 2001.

“TQ cần không chỉ tôn trọng các luật chơi, tiêu chuẩn toàn cầu mà cần lãnh nhận trách nhiệm nêu cao và làm mới trật tự quốc tế mà nhờ nó họ đã phát triển kỳ diệu.”

“Ở chỗ nào các chuẩn này không còn phù hợp, TQ nên hợp tác với Hoa Kỳ và các nước khác để thảo ra những dàn xếp mới mà tất cả cùng chấp nhận…”

Gói hỗ trợ của Việt Nam và các nước hiệu quả đến đâu?

Để Sài Gòn thành Singapore: Ước mơ 20 năm

Lựa chọn người tài lãnh đạo đất nước theo mô hình của Singapore

Ông Lý Hiển Long khẳng định dù có sức mạnh quân sự gia tăng, Trung Quốc “chưa thể vượt qua Mỹ trong vai trò an ninh” cho châu Á. Khác với Hoa Kỳ, ông viết, “Trung Quốc lại đang có các tuyên bố tranh chấp chủ quyền với một số nước trong vùng biển Nam Trung Hoa và họ sẽ luôn luôn coi sự hiện diện của hải quân Trung Quốc là nỗ lực đẩy mạnhh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.

Hoa Kỳ, trong khi đó, từ nhiều năm qua, luôn đề cao tự do hàng hải cho tất cả, trong khu vực này.

Dù là người gốc Hoa, ông Lý đã nêu thẳng vấn đề hết sức nhạy cảm trong vùng Đông Nam Á và đặt nó vào bối cảnh địa chính trị mang tính chiến lược cho quan hệ của Bắc Kinh với láng giềng:

“Một cản trở nữa có thể ngăn TQ không giành vai trò đảm bảo an ninh đang do Hoa Kỳ nắm đến từ chỗ nhiều nước Đông Nam Á có nhóm thiểu số Hoa đáng kể, và quan hệ của họ với đa số cư dân không gốc Hoa luôn rất tế nhị. Các nước này rất nhạy cảm trước cảm nhận rằng TQ có ảnh hưởng quá mức lên cư dân sắc tộc Hoa, và đặc biệt là vì lịch sử sự ủng hộ của Trung Quốc với các nhóm phiến quân cộng sản

trong vùng Đông Nam Á cho tới tận thập niên 1980. Các vấn đề nhạy cảm này sẽ cản trở vai trò của Trung Quốc trong chính trị Đông Nam Á ở tương lai tới đây.”

Ông Lý Hiển Long nêu ra ví dụ Singapore là quốc gia “có phần trăm dân Hoa (ông dùng từ Chinese – Hoa, Hán, Trung Quốc) cao nhất” ở một nước có chủ quyền bên ngoài Trung Quốc.

Nhưng thủ tướng họ Lý nhắc rằng Singapore không phải là “quốc gia của người Hoa” mà ngay từ đầu luôn xây dựng “bản sắc quốc gia là đa chủng tộc”.

Châu Á cần cả hai và chỉ muốn Mỹ – Trung sáng suốt

Cuối cùng, như để nhắn gửi không chỉ cho Hoa Kỳ và Trung Quốc mà cả các nước khác cần có sự lựa chọn, ông Lý Hiển Long nêu ra đánh giá của ông về thực lực hai cường quốc:

“Sẽ rất khó, gần như là không thể, để Hoa Kỳ thay thế Trung Quốc ở vai trò nhà cung cấp hàng hóa số một (world’s chief supplier), cũng như không thể nào hình dung Hoa Kỳ sống nổi mà không có thị trường TQ, nước đang là nhà nhập khẩu hàng Mỹ thứ ba thế giới, sau Canada và Mexico.

Nhưng TQ cũng không thể thay thế vai trò kinh tế của Mỹ ở châu Á.

Hệ thống tài chính toàn cầu gần như dựa hẳn vào các định chế tài chính của Hoa Kỳ, và đồng nhân dân tệ sẽ không thay thế đồng đô la như tiền dự trữ ngoại hối quốc tế trong thời gian tới.

Mặc dù các nước châu Á khác xuất khẩu sang TQ nhiều hơn sang Mỹ, các tập đoàn của Hoa Kỳ vẫn đang hợp thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương, gồm cả Singapore.

Các đại tập đoàn TQ bắt đầu đầu tư ra nước ngoài, nhưng sẽ còn cần nhiều năm để TQ có các công ty đa quốc gia ở tầm vóc và độ tinh vi như các công ty đang đóng tại Hoa Kỳ, và chúng là nút thắt kết nối toàn bộ chuỗi sản xuất toàn cầu, nối châu Á với kinh tế toàn cầu và tạo ra hàng triệu việc làm.”

Kết luận, thủ tướng Lý Hiển Long không vẽ ra một bức tranh tươi sáng, mà nói rằng bên cạnh các thúc đẩy nội bộ (ở Hoa Kỳ và Trung Quốc), các vấn đề thương mại, địa chính trị, thì đại dịch Covid-19 “đã làm cho cạnh tranh Mỹ – Trung xấu đi”.

Tuy thế, ông nhắc đến nhiều vai trò trung lập của Asean, muốn hoà hiếu với cả hai “người khổng lồ” và bày tỏ mong ước:

“Ta chỉ có thể hy vọng sự nghiêm trọng của tình hình sẽ giúp người ta tập trung đầu óc và cho phép những lời tư vấn sáng suốt hơn (wiser counsel) thắng thế.”

“Thành công của các nước châu Á, và tương lai của Thế kỷ châu Á sẽ tùy thuộc rất nhiều vào chuyện Hoa Kỳ và Trung Quốc có khắc phục được khác biệt, xây dựng niềm tin và cùng làm việc vì trật tự thế giới hòa bình hay không. Đây là câu hỏi cơ bản của thời đại chúng ta.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52936860