Tin khắp nơi – 05/06/2017
Anh nhận diện ba nghi can tấn công khủng bố ở London
Cảnh sát London mở thêm các cuộc truy lùng trong ngày thứ Hai liên quan đến vụ tấn công tối thứ Bảy giết chết 7 người và làm bị thương hơn 50 người.
Giới hữu trách cho hay Bộ tư lệnh Chống Khủng bố bắt giữ “một số” người trong các cuộc bố ráp ở các khu vực Newham và Barking.
Tổng cộng có 12 người bị bắt giữ tính đến chiều tối Chủ nhật.
Ủy viên Cảnh sát London, bà Cressida Dick nói với đài truyền hình Sky News rằng các nhà điều tra tin là họ nhận dạng được ba nghi can lái chiếc xe van tông vào khách bộ hành trên cầu London Bridge, rồi nhảy ra khỏi xe đâm nhiều người gần một khu chợ ở đó trước khi bị cảnh sát bắn chết. Nhưng bà Dick nói chưa thể công bố tên tuổi của các nghi can đó vào thời điểm này.
Bà Dick nói: “Chúng tôi đang cố tìm hiểu liệu có bất cứ kẻ nào tiếp tay cho các nghi can này, và chúng tôi muốn biết càng nhiều càng tốt về động cơ dẫn đến vụ tấn công này.”
Nhóm Nhà nước Hồi giáo dùng hãng tin Amaq của bọn chúng để tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công.
Thủ tướng Anh Theresa May hôm Chủ nhật nói rằng ba vụ tấn công khủng bố trong ba tháng qua tại Anh quốc “mang ý thức hệ ác độc của những kẻ cực đoan Hồi giáo.”
“Đất nước chúng ta đã quá dung chấp cho chủ nghĩa cực đoan,” bà May nói. “Chúng ta cấn phải kiên quyết hơn, vạch mặt bọn chúng và tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan trong xã hội của chúng ta. Chúng ta không còn chần chừ được nữa.”
Thủ tướng May nói vụ tấn công tối thứ Bảy hình như không dính líu đến vụ đánh bom tự sát hồi tháng trước khiến 22 người thiệt mạng sau đại nhạc hội của Ariana Grande tại Manchester, và cũng không liên hệ với vụ xe càn vào khách bộ hành trên Cầu Westminster hồi tháng 3.
Nhưng bà May nói rằng “khủng bố sinh ra khủng bố” và rằng những kẻ tấn công khủng bố “bắt chước nhau.”
Thị trưởng London Sadiq Khan lên án vụ tấn công. Ông nói: “Không có bất cứ sự biện minh nào cho những hành động dã man như vậy.”
Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập ra tuyên bố lên án vụ tấn công và bày tỏ ủng hộ Anh quốc.
Tại Lễ Ngũ tuần kết thúc mùa Phục sinh của người Công giáo, Ðức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các tín đồ cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân. Ngài cũng cầu nguyện cho “hòa bình thế giới” và cầu xin chữa lành những vết thương do chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố gây ra.
Trước trận chung kết cúp vô địch môn cricket ở thành phố Birmingham giữa hai đối thủ truyền kiếp – Ấn Ðộ và Pakistan – phút mặc niệm các nạn nhân đã được cử hành.
Thành phố Manchester cũng cử hành phút mặt niệm tại nhạc hội do ca sĩ nhạc pop Mỹ Ariana Grande chủ xướng với sự tham gia của nhiều ngôi sao ca nhạc thế giới để gây quỹ cho các nạn nhân vụ đánh bom tự sát hôm 22 tháng 5.
50 ngàn khán giả, trong đó có cả những người bị thương trong vụ tấn công 22/5, đến xem nhạc hội. Buổi trình diễn đã gây quỹ được hơn 2,5 triệu đôla.
Tổng thống Donald Trump điện thoại cho Thủ tướng May, ngỏ lời “hỗ trợ hết mình” cho cuộc điều tra “các vụ tấn công khủng bố tàn bạo” ở Anh.
Bội Nội an Hoa Kỳ cho biết họ liên hệ chặt chẽ với giới hữu trách Anh trong vụ này.
Thông báo của Bộ Nội an nói: “Vào thời điểm này, chúng tôi không có thông tin nào cho thấy có đe dọa tấn công ở Hoa Kỳ,” tiếp theo sao vụ tấn công ở London.
Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng các vụ tấn công khủng bố này càng cho thấy các chính sách thắt chặt di trú của ông là đúng. Những người dùng mạng truyền thông xã hội ở cả Anh quốc và Hoa Kỳ chỉ trích phát biểu của ông Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/anh-nhan-dien-ba-nghi-can-tan-cong-khung-bo-london/3887219.html
Ông Mattis đảm bảo Mỹ cam kết lâu dài với châu Á
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hồi cuối tuần đã sử dụng một diễn đàn hàng đầu về an ninh khu vực để trấn an châu Á rằng Hoa Kỳ không rút khỏi cam kết lâu dài của họ đối với khu vực.
Ông Mattis lưu ý rằng ông chủ yếu tham gia Đối thoại Shangri-La để lắng nghe.
Sáng Chủ nhật, ông đã có cuộc gặp đặc biệt với toàn bộ 10 lãnh đạo quốc phòng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu của ông, là diễn văn thực sự đầu tiên của chính quyền ông Trump trước toàn khu vực, ông Mattis nói về tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và làm thế nào để mọi quốc gia, cả lớn lẫn nhỏ, đều có tiếng nói trong việc định hình hệ thống quốc tế.
Ông nói Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, cả ông Mattis lẫn Ngoại trưởng Rex Tillerson đều đã thực hiện một số chuyến đi đến khu vực, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, điều này thể hiện rõ cam kết lâu dài của Washington đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Ông phát biểu: “Sự cam kết lâu dài này dựa trên các lợi ích chiến lược và các giá trị chung là người dân tự do, các thị trường tự do, và một quan hệ đối tác kinh tế sôi động và mạnh mẽ, một quan hệ đối tác cởi mở đối với tất cả các quốc gia bất kể quy mô, dân số hay số lượng tàu trong hải quân, hoặc bất kỳ tiêu chuẩn nào khác”.
Ông cũng cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng khả năng làm việc với các nước khác để đảm bảo một châu Á hòa bình, thịnh vượng và tự do, một châu lục tôn trọng tất cả các quốc gia đang duy trì luật pháp quốc tế.
Ông nói: “Chúng tôi không nhận thấy không quốc gia nào là một hòn đảo cô lập khỏi các quốc gia khác, chúng tôi sát cánh với các đồng minh và cộng đồng quốc tế cùng giải quyết các thách thức an ninh bức bách”.
Ông Kurt Campbell, cựu trợ lý Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói bài phát biểu của ông Mattis đã mô tả tốt tính liên tục về quan điểm của Hoa Kỳ đối với khu vực.
Theo đánh giá của ông Campbell, bài phát biểu rất mạnh mẽ và có tác dụng trấn an, nhưng nó được đưa ra ngay sau khi Tổng thống rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuần trước, tại NATO, Tổng thống Trump đã không khẳng định điều 5 của Hiến chương NATO, là điều quy định rằng tấn công vào một nước là tấn công cả khối.
Ông Campbell nói ông Trump là tổng thống đầu tiên làm như vậy.
Những động thái chính sách của Tổng thống Donald Trump, dù là việc rút khỏi hiệp định Paris, hay việc ông rút khỏi nhóm các nước tham gia TPP, đều đã đặt ra những câu hỏi về con đường phía trước ở châu Âu và châu Á.
Ông Campbell nói rằng điều thấy rõ từ bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là có một khoảng cách không thể phủ nhận giữa các phương pháp tiếp cận truyền thống mạnh mẽ của các bộ trưởng Mattis, Tillerson, và những người khác so với cách làm của tổng thống.
Ông Campbell nói: “Chúng ta chưa có câu trả lời về việc chúng ta đang đi đến đâu liên quan đến TPP, chúng ta chưa có câu trả lời về thương mại, chúng ta chưa có câu trả lời về sự ủng hộ của chúng ta đối với các định chế. Khu vực hiện đang kiên nhẫn, họ đã chấp nhận là Hoa Kỳ đúng dù không có bằng chứng, nhưng điều đó sẽ không kéo dài được lâu hơn nữa”.
Tuy nhiên, một số người không lo lắng, họ lưu ý rằng tổng thống Mỹ mới nắm quyền vài tháng và các quan chức của ông đã thường xuyên thăm khu vực, những điều này nêu bật cam kết liên tục với khu vực.
https://www.voatiengviet.com/a/mattis-dam-bao-my-cam-ket-lau-dai-voi-chau-a/3886354.html
Các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương
kêu gọi hợp tác chống khủng bố
Vụ tấn công khủng bố ở cầu London Bridge gây chấn động cả thế giới cuối tuần qua. Tại diễn đàn an ninh ở Singapore kết thúc hôm Chủ nhật, ngay vào lúc vụ tấn công và những diễn biến tiếp theo sau đó diễn ra, các giới chức quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương đã bàn về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác chống khủng bố.
Tại diễn đàn an ninh Shangri-La thường niên năm nay, việc Trung Quốc quân sự hóa và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và mối đe tọa đang tăng mạnh của Bắc Triều Tiên nổi lên là hai đề tài chính trong khu vực, bao trùm cuộc đối thoại.
Nhưng cuộc chiến đang diễn ra tại Philippines giữa quân đội chính phủ và phiến quân có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo, những cuộc tấn công hồi gần đây ở Indonesia và vụ khủng bố ở London tối thứ Bảy đã thúc đẩy các giới chức tham dự diễn đàn cam kết tăng cường phối hợp hành động để chống chủ nghĩa cực đoan.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu gọi các phiến quân này là “những cái máy giết người” và ông nói rằng trong 1.200 phần tử Nhà nước Hồi giáo ở Philippines, có khoảng 40 tên từ Indonesia sang.
Ông Ryacudu nói: “Indonesia sẵn sàng hỗ trợ công tác tình báo, trong đó có việc chia sẻ thông tin và giải quyết các vấn đề liên quan đến khủng bố, với các đối tác Ðông Nam Á và các nước khác như Hoa Kỳ.”
Trong tháng này, Malaysia, Philippines và Indonesia sẽ tăng thêm hoạt động phối hợp tuần tra trên biển Sulu dọc theo biên giới chung giữa ba nước.
Trong phát biểu hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh rằng cam kết chống Nhà nước Hồi giáo của Mỹ không chỉ ở Iraq và Syria, nhưng ở cả Ðông Nam Á.
Ông Mattis phát biểu: “Chiến dịch quân sự mà chúng ta chứng kiến đang diễn ra tại Mindanao nhắc nhỡ chúng ta rằng bọn khủng bố cố tình biến những nơi có thường dân vô tội bị kẹt thành chiến trường. Tấc cả chúng ta phải kiên quyết bảo đảm một môi trường ổn định trong đó các tổ chức cực đoan bạo động sẽ chết dần và bị tiêu diệt, chứ không phải thường dân vô tội của chúng ta.”
Tuần trước một vụ nổ xảy ra tại một trạm xe buýt ở thủ đô Jakarta đã giết chết ba cảnh sát viên. Nhà nước Hồi giáo tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công. Bộ trưởng quốc phòng Indonesia nói đất nước ông, nước có dân số theo Hồi giáo lớn nhất thế giới, là mục tiêu tấn công chính của những kẻ cực đoan bị Nhà nước Hồi giáo chiêu dụ.
Hong Kong tưởng nhớ nạn nhân Thiên An Môn
Hàng chục nghìn người đã tập hợp ở Hong Kong hôm 4/6 để thắp nến đánh dấu 28 năm ngày Trung Quốc đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn.
Gần ba thập kỷ sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa xe tăng và binh sĩ tới tấn công các cuộc biểu tình do sinh viên khởi xướng năm 1989, Trung Quốc vẫn cấm công chúng kỷ niệm sự kiện này ở đại lục, cũng như không công bố con số thương vong chính thức.
Ước tính từ các tổ chức nhân quyền và các nhân chứng nói rằng có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, đã chết.
Hong Kong, lãnh thổ được Anh trao trả cho chính quyền Bắc Kinh năm 1997, là nơi duy nhất trên đất Trung Quốc mà người dân có thể tổ chức các cuộc tưởng niệm quy mô lớn, cho thấy mức độ tự do của đặc khu này so với đại lục.
Các sự kiện năm nay đặc biệt có ý nghĩa chính trị, nhất là chỉ còn chưa đầy một tháng trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hong Kong để đánh dấu 20 năm vùng đặc khu này được trao trả cho Bắc Kinh.
Lee Cheuk-yan, một người tổ chức buổi thắp nến tưởng niệm hàng năm, nói: “Khi Tập Cận Bình tới, ông ta sẽ biết rằng người dân Hong Kong không lãng quên”.
Các sự kiện năm nay đặc biệt có ý nghĩa chính trị, nhất là chỉ còn chưa đầy một tháng trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hong Kong để đánh dấu 20 năm vùng đặc khu này được trao trả cho Bắc Kinh.
Các nhà tổ chức sự kiện ở công viên Victoria cho biết buổi lễ thu hút được khoảng 110 nghìn người, trong khi cảnh sát ước tính số người tham dự là 18 nghìn.
Trong khi đó tại Đài Loan, Tổng thống Thái Anh Văn đánh dấu vụ Thiên An Môn bằng cách đề nghị giúp Trung Quốc chuyển sang chế độ dân chủ.
Bà Thái nói rằng khoảng cách lớn nhất giữa Đài Loan và Trung Quốc là sự dân chủ và tự do. Phát biểu này nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh phật lòng ở thời điểm khi quan hệ giữa Trung Quốc và hòn đảo tự trị ở mức thấp.
Hôm 2/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc đã đi tới kết luận về ngày 4/6 từ lâu.
Trong khi đó tại Bắc Kinh, cũng giống như mọi năm, an ninh tại quảng trường Thiên An Môn đã được thắt chặt.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-hong-kong-tuong-nho-nan-nhan-vu-thien-an-mon/3886566.html
Trung Quốc hợp pháp hóa việc theo dõi các nhà hoạt động
Các nhà hoạt động Trung Quốc tỏ ra lo ngại biện pháp tăng cường theo dõi khi mà nhà cầm quyền Bắc Kinh công bố dự luật hợp pháp hóa việc giám sát các nghi phạm và khám xét nơi ở.
Hãng tin Reuters ngày 5/6 cho biết nhiều nhà hoạt động đã nói với hãng này rằng họ phải đối mặt với sự giám sát tăng cường của an ninh và bị đặt camera bên ngoài nhà. Các hoạt động trên mạng xã hội cũng bị theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ. Một số người cho biết trước đó, họ bị theo sát một cách bí mật nhưng bây giờ an ninh nói thẳng là đang theo dõi họ.
Dự thảo này được Trung Quốc công bố vào ngày 16 tháng 5 với mục đích để củng cố và mở rộng hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc trong và ngoài nước.
Tuy nhiên nhiều người cho biết dự thảo này rất mơ hồ và không quy định rõ quyền hạn của các cơ quan nhà nước khác nhau.
Hoa Kỳ dọa rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Hoa Kỳ dự kiến sẽ có tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Hãng Reuters cho biết, vào tuần trước Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói rằng Hoa Kỳ dự tính làm như vậy nếu Liên Hiệp Quốc không đưa ra những cải cách, bao gồm việc chấm dứt các hành động chống lại Israel một cách thiên vị.
Bà Haley nói thêm rằng Washington sẽ quyết định có nên rút khỏi Hội đồng này hay không sau kỳ họp kéo dài 3 tuần tại Geneva kết thúc trong tháng này.
Washington đã từng tẩy chay hội đồng này trong ba năm dưới thời tổng thống George W. Bush nhưng năm 2009 dưới thời Barack Obama đã tham gia lại.
Mới cuối tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu.
Đối lập Campuchia thắng lợi trong kỳ bầu cử địa phương
Phe đối lập tại Xứ Chùa Tháp là Đảng Cứu Nguy dân tộc Campuchia (CNRP) cho biết đạt được những thành công đáng kể trong cuộc bầu cử địa phương vào hôm chủ nhật 4 tháng 6 vừa qua.
Hãng tin AFP cho biết về những kết quả ban đầu được thông báo hôm thứ Hai 5 tháng 6. Theo đó phía đảng cầm quyền của thủ tướng Hun Sen thu được 51% phiếu phổ thông và đảng đối lập được 46%. Cả hai đảng đều tuyên bố đạt được thắng lợi.
Nếu kết quả phiếu phổ thông được xác nhận, thì Đảng đối lập sẽ giành được quyền điều hành 500 trên tổng số hơn 1600 xã-phường trên cả nước.
Theo AFP, hơn bảy triệu người dân Campuchia đã bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử vào ngày Chủ Nhật, cũng là lần đầu tiên kể từ khi có kết quả bầu cử gây tranh cãi năm 2013.
Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử xã-phường vào ngày 4 tháng 6 vừa qua sẽ được chính thức công bố vào ngày 25 tháng 6; mặc dù Uỷ ban bầu cử Quốc gia dự kiến thông báo kết quả sơ bộ trong những ngày sắp tới.
Sáu nước cắt quan hệ ngoại giao với Qatar
Sáu nước Ả-rập trong đó có Ả-rập Saudi và Ai Cập cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này làm mất ổn định khu vực.
Các quốc gia nêu trên nói rằng Qatar đang trợ giúp các nhóm khủng bố, gồm cả tổ chức xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda, điều mà Qatar bác bỏ.
Hãng thông tấn SPA của Ả-rập Saudi cho biết Riyadh đóng cửa biên giới, cắt đứt liên lạc đường bộ, đường biển và trên không với bán đảo Qatar nhỏ bé nhưng có trữ lượng dầu lửa lớn.
Trump thúc giục chống cực đoan hóa
Không kích chết hàng chục người ở Yemen
Qatar gọi quyết định trên là “không thỏa đáng” và “không có căn cứ trên thực tế”.
Diễn biến không tiền khoáng hậu này được coi như sự phân rẽ to lớn giữa các quốc gia Vùng Vịnh Ba Tư đầy quyền lực, vốn cũng là các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.
Việc cắt đứt quan hệ diễn ra giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa các nước vùng Vịnh với quốc gia láng giềng gần đó, Iran.
Tuyên bố của Ả-rập Saudi cáo buộc Qatar cộng tác với “các nhóm khủng bố do Iran hậu thuẫn” trong khu vực Qatif ở miền đông và tại Bahrain.
Việc rút đại diện ngoại giao đầu tiên do Bahrain thực hiện, rồi tiếp đến là Ả-rập Saudi vào đầu giờ sáng thứ Hai.
Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Yemen và Libya sau đó cũng có hành động tương tự.
SPA dẫn lời giới chức nói rằng nước này đang “bảo vệ an ninh quốc gia trước mối nguy của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”.
Ả-rập Saudi, UAE và Bahrain cho toàn bộ các du khách và người Qatar thường trú hai tuần để ra khỏi lãnh thổ.
Các diễn biến mới nhất:
UAE yêu cầu quan chức ngoại giao Qatar rời đi trong vòng 48 giờ. Các hãng hàng không của UAE gồm Etihad Airways, Emirates và Flydubainói sẽ ngưng toàn bộ các chuyến đi và đến thủ đô Doha của Qatar kể từ đầu giờ sáng thứ Ba 6/6, giờ địa phương
Các đồng minh vùng Vịnh nói đã đóng cửa không phận đối với hãng hàng không của Qatar là Qatar Airways, là hãng đã ngưng toàn bộ các chuyến bay tới Ả-rập Saudi
Hãng thông tấn nhà nước của Bahrain nói nước này cắt quan hệ ngoại giao bởi Qatar đã “gây xáo trộn an ninh và sự ổn định, và can thiệp vào công việc nội bộ của Bahrain”
Khối liên minh Ả-rập do Ả-rập Saudi dẫn đầu đang chiến đấu chống lại các phiến quân Houthi tại Yemen cũng trục xuất Qatar ra do nước này có “hoạt động nhằm củng cố chủ nghĩa khủng bố” và hỗ trợ cho các nhóm cực đoan.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40159851
Bắn súng ở Orlando, Florida: ‘Nhiều người tử vong’
Cảnh sát Florida cho hay đã có “nhiều người thiệt mạng” trong một vụ xả súng ở một khu công nghiệp tại Orlando, bang Florida, Mỹ.
Vụ bắn nhau này xảy ra vào sáng thứ Hai 5/6 ở phía Nam thành phố Orlando, tờ Orlando Sentinel đưa tin.
Vụ việc này xảy ra chỉ một tuần trước ngày kỷ niệm một năm vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở thành phố này, làm 49 người chết.
Cảnh sát nói hiện trường đã được “bình ổn”, chứng tỏ vụ bắn súng không còn tiếp diễn.
Cảnh sát trưởng Quận Cam sắp có phát biểu ngắn.
Các nguồn tin từ Florida cho hay vụ việc xảy ra tại một cơ sở sản xuất vải bạt cắm trại, và lực lượng FBI hiện giờ có mặt tại hiện trường.
Trong vụ tấn công hồi tháng 6/2016, vụ bắn súng gây nhiều thương vong nhất trong lịch sử đương đại Mỹ, kẻ cầm súng Omar Mateen giết hại 49 người và làm bị thương nhiều người khác trong một câu lạc bộ cho người đồng tính. Sau đó hắn bị cảnh sát bắn hạ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40157961
Zambia bắt 31 người TQ vì khai thác đồng
Zambia vừa bắt giữ 31 người Trung Quốc vì khai thác đồng trái phép ở Chingola nhưng vụ việc đã ngay lập tức bị Bắc Kinh phản đối.
Nhà chức trách Trung Quốc nói phía Zambia không cung cấp đủ bằng chứng phạm tội.
Báo chí Zambia trích lời quan chức nước này nói việc tham gia vào chế biến quặng đồng của người Trung Quốc mà không có giấy phép là “phạm pháp”.
Ông Lâm Tùng Thiêm (Lin Songtian), Vụ trưởng Vụ châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã viết thư phản đối động thái này của Zambia.
TQ sẽ gửi hàng trăm quân sang châu Phi- – BBC Tiếng Việt
Vụ Formosa: ‘Căng thẳng chưa có hồi kết’
Truyền thông TQ làm gì ở châu Phi- – BBC Tiếng Việt
Ông nói Trung Quốc hiểu và ủng hộ hành động trấn áp việc khai thác mỏ bất hợp pháp, hãng Reuters trích lời một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuy nhiên, Zambia đã không đưa đủ bằng chứng phạm tội của 31 người bị bắt giữ, và còn bắt giữ một phụ nữ đang mang thai và hai người khác đang bị sốt rét, ông Lâm nói.
“Trung Quốc vô cùng quan ngại và phản đối quyết liệt vụ việc này.”
Các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Zambia, quốc gia giàu nguồn quặng đồng. Tuy nhiên, nhiều công nhân Zambia cáo buộc các công ty Trung Quốc lạm dụng sức lao động và trả lương thấp.
Năm 2012, công nhân mỏ Zambia giết hại một đốc công Trung Quốc và làm trọng thương một đốc công khác trong vụ bất đồng về tiền lương ở một mỏ than.
Trước đó hai năm, cảnh sát Zambia buộc tội hai đốc công khác cũng ở mỏ than này sau khi 13 thợ mỏ bị bắn cũng vì xung đột về tiền lương.
Trung Quốc, nước thiếu nguyên liệu thô, đang đầu tư mạnh vào châu Phi, nơi cung cấp dầu và nguyên liệu thô như đồng và uran.
Nhưng có những chỉ trích rằng các công ty Trung Quốc này vẫn hoạt động với thói quen xấu về việc bảo vệ quyền công nhân và môi trường.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40157960
Chiến lược chống khủng bố
ảnh hưởng đến vị thế của thủ tướng Anh
Mục tiêu giành được đa số rộng rãi ở Hạ Viện để dễ thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu về thủ tục Brexit mà bà Therea May đặt ra phức tạp hơn dự kiến. Khủng bố đẫm máu tại Luân Đôn và Manchester biến vấn đề an ninh thành một nhược điểm của chính quyền Anh. Nữ thủ tướng Theresa May đang tìm cách dập tắt tranh luận về sơ sót trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên lãnh thổ Anh.
Đợt tấn công gần đây nhất, diễn ra chỉ 6 ngày trước bầu cử Quốc Hội, và chưa đầy hai tuần sau thảm họa ở sân vận động Arena, sau buổi trình diễn văn nghệ của danh ca người Mỹ, Ariana Grande. Phát biểu vào trưa Chủ Nhật 04/05, thủ tướng May tuyên bố duy trì bầu cử Quốc Hội vào ngày mồng 08/06/2017 và “xét lại chiến lược chống khủng bố” sau vụ tấn công đêm thứ Bảy. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy ba tháng, nước Anh bị tấn công, nâng tổng số tử vong lên 32 người.
Sau vụ khủng bố tự sát tại Manchester, chính quyền Anh đã nâng mức báo động về tình trạng an ninh lên cấp “nguy hiểm” để rồi lại hạ xuống cấp “nghiêm trọng” vài giờ trước một thảm họa mới ở Luân Đôn. Từ sau vụ tấn công đầu tiên nhắm vào Hạ Viện Anh hôm 22/03/2017, ngành an ninh dồn dập thông báo đã phá vỡ các đường dây khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bộ Nội Vụ cho biết đã ngăn chặn được ít nhất 5 âm mưu tấn công. Luật chống khủng bố được tăng cường bất chấp một số p hản đối trong công luận cho rằng, các điều khoản khắt khe đó giới hạn một số các quyền tự do cá nhân.
Trong lĩnh vực tình báo, chính phủ Anh cho biết cơ quan phản gián đã tuyển dụng thêm 2.000 nhân viên từ năm 2005, tức sau loạt nổ bom trong hệ thống xe điện ngầm ở Luân Đôn vào tháng 7/2005, làm 56 người thiệt mạng. Luân Đôn một mặt phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu trong lĩnh vực này, mặt khác mở rộng thêm các mối liên hệ với tình báo của Úc, Mỹ, Canada và kể cả New Zealand. Nhưng tất cả các biện pháp đó vẫn không tránh khỏi tai họa cho nước Anh.
Trong bài phát biểu hôm qua, thủ tướng May nói tới một “kiểu đe dọa mới” mà nước Anh phải đối mặt, do đó Luân Đôn cần có một “chiến lược an ninh mới” dựa trên bốn hướng chính : tăng cường kiểm soát với các tổ chức tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan; gia tăng kiểm duyệt các trang mạng có nội dung quảng bá cho những tư tưởng đó. Hướng thứ ba nhắm tới là cần xét lại mô hình hội nhập, mà theo bà Theresa May, là quá dễ dãi đối với các cộng đồng người nước ngoài. Sau cùng, và đây chính là điểm mà chính phủ sắp tới của nước Anh cần đặc biệt quan tâm đó là “tăng cường chiến lược và phương tiện chống khủng bố trên lãnh thổ“.
Theo giới quan sát, điểm sau cùng này là một nhược điểm của bà May. Một cách gián tiếp nữ thủ tướng Anh nhìn nhận một số những “lỗ hổng” trong vế an ninh. Hai vụ khủng bố ở Manchester và Luân Đôn vừa qua đang làm thay đổi tương quan lực lượng trên chính trường Anh.
Cuộc chiến chống khủng bố là nhược điểm của bà May trong cuộc chạy đua để giữ chiếc ghế thủ tướng. Thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu mới nhất cho thấy khoảng cách giữa bà May thuộc cánh bảo thủ và ông Corbyn, bên Công Đảng đang thu hẹp lại. Thậm chí có một số nhà bình luận cho rằng, Theresa May sẽ khó chiếm được đa số rộng rãi. Như phân tích của một nhà báo Anh, trên tờ Times có khuynh hướng bảo thủ, lãnh đạo đối lập, ông Jeremy Corbyn, 68 tuổi, chứng tỏ ông là một đối thủ đáng gờm với bà May, người mà nữ thủ tướng Anh luôn chỉ trích là “không có tầm cỡ“.
Tự nhận mình là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và cứng rắn, cựu bộ trưởng Nội Vụ của thủ tướng David Cameron hứa hẹn sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của Luân Đôn trong các vòng thương thuyết với Liên Hiệp Châu Âu về Brexit mở ra kể từ ngày 19/06/2017. Bà May lao vào cuộc vận động với khẩu hiệu “hùng mạnh và ổn định” hàm ý bà sẽ cứng rắn với các đối tác và nhất là với những đối thủ nào đe dọa quyền lợi của vương quốc Anh, nhưng cũng là người bảo đảm một sự ổn định cho đất nước.
Hình ảnh đó của nữ thủ tướng May đang bị sứt mẻ sau ba vụ khủng bố liên tiếp nổ ra trên đất Anh trong một thời gian ngắn kỷ lục. Thêm vào đó là lo ngại với Brexit, hợp tác an ninh và chia sẻ thông tin tình báo giữa Luân Đôn với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ lỏng lẻo hơn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170605-chien-luoc-chong-khung-bo-vi-the-thu-tuong-anh-pt
Nga : Putin khẳng định chỉ quen sơ một cựu cố vấn của Trump
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông chỉ quen sơ Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump. Đây là nhân vật trung tâm trong nghi án thông đồng giữa Matxcơva với những người thân cận của tổng thống Mỹ.
Trong bài trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NBC cuối tuần 03-04/05/2017 tại Saint-Petersbourg, được phát toàn bộ tại Hoa Kỳ hôm qua, 04/06/2017, ông Putin nói với người phỏng vấn Megyn Kelly rằng : “Tôi với cô quen biết nhau còn nhiều hơn cả tôi với ông Flynn“.
Tổng thống Nga đã nói như trên khi được hỏi về quan hệ của ông với Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump trong một thời gian ngắn. Ông Flynn đã phải từ chức vào giữa tháng 2/2017 chỉ sau 3 tuần giữ chức vụ này, vì bị cáo buộc đã nói dối về quan hệ giữa ông với các quan chức Nga.
Ngày 08/06 tới, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI, James Comey trên nguyên tắc sẽ ra điều trần trước Thượng viện về việc Nga có thể đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Câu hỏi đang được đặt ra là tổng thống Trump có sẽ ngăn cản ông Comey ra điều trần hay không ?
Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình :
« Tổng thống thật sự có thể « chặn họng » James Comey bằng cách sử dụng đặc quyền của hành pháp như nhiều tổng thống đã làm trong quá khứ, kể cả Obama. Nhưng trong trường hợp này, điều đó rất khó xảy ra, vì làm như thế sẽ nguy hiểm cho Donald Trump hơn là để James Comey ra điều trần.
Các thành viên Ủy Ban Tình Báo, và cùng với họ là hàng triệu người dân Mỹ, muốn biết những gì ? Ông Trump có đã yêu cầu giám đốc FBI ngưng điều tra về các mối liên hệ của cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, về những mối liên hệ của nhân vật này với Nga trong thời gian tranh cử tổng thống và thời gian sau đó ?
Nếu đúng như thế thì ông Trump có thể bị truy tố về tội cản trở tư pháp, một lý do đủ để tiến hành thủ tục truất phế. Do đó, nhà tỷ phú New York dường như có lý do để dùng đến đặc quyền của tư pháp như đã nói ở trên.
Nhưng làm như thế thì chẳng khác gì « công nhận mình có tội ». Cho nên, nhiều luật gia không nghĩ rằng tổng thống Trump sẽ ngăn cản James Comey trả lời các câu hỏi của các thượng nghị sĩ trong một cuộc điều trần có lẽ sẽ là một trong những cuộc điều trần được theo dõi nhiều nhất kể từ khi bà Hillary Clinton về vụ Benghazi.»
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170605-nga-putin-khang-dinh-chi-quen-so-cuu-co-van-trump