Tin khắp nơi – 05/03/2018
TQ ra ngân sách quốc phòng ‘1 nghìn tỷ tệ’
Trung Quốc vừa loan báo ngân sách quân sự hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 175 tỷ USD) cho năm sau.
Francis Fukuyama: ‘Việt Nam làm khác TQ’
TQ đánh tập đoàn Anbang: tiếp theo là ai?
TQ: Tập Cận Bình sẽ ‘làm tiếp’ sau 2023?
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
Con số này tăng 8% so với năm trước, được tiết lộ tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XIII khai mạc ngày 5/3 tại Bắc Kinh.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%.
Dự kiến Quốc hội Trung Quốc sẽ chính thức xóa bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ với chức chủ tịch nước, giúp ông Tập Cận Bình nắm quyền vô thời hạn.
Bước đi này sẽ đảm bảo cho ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông.
Việc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 11/3 và được cho rằng sẽ được nhất trí thông qua tại Quốc hội.
Đặc sắc Trung Quốc
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói Trung Quốc sẽ bất di bất dịch đi con đường xây dựng quân đội hùng mạnh đặc sắc Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia.
Báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc nói kiên trì nguyên tắc và chế độ căn bản về sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội, đi sâu quán triệt toàn diện chế độ trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy.
Trung Quốc hiện có nền kinh tế lớn thứ hai và quân đội lớn nhất thế giới.
Hiện vẫn còn tiềm năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, trong lúc chính quyền Donald Trump theo đuổi chính sách dịch chuyển cân bằng thương mại.
Thặng dư của Trung Quốc với Mỹ đạt kỷ lục 275,81 tỉ đôla năm 2017.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43289024
TT Philippines không dự hội nghị khu vực
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực dự kiến diễn ra tại Sydney, Australia vào các ngày 17 và 18/3 tới đây.
Hãng AFP ngày 5 tháng 3 dẫn lời ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết lý do ông Duterte không thể tham dự hội nghị là vì nhiều hoạt động trong nước cần sự có mặt của tổng thống. Ông Harry Roque, và nói thêm tổng thống Phi sẽ cử đại diện là Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano tới tham dự hội nghị này, và sẽ trình bày về cuộc chiến chống khủng bố thời hiện đại tới các vị quan chức trẻ tuổi.
Quyết định không tham gia hội nghị thượng đỉnh nói trên của ông Duterte được đưa ra sau khi ông tuyên bố sẽ không hợp tác với các nhà điều tra Liên hợp quốc về những vụ giết người trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy do ông phát động vốn khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.
Australia là một trong số những quốc gia bày tỏ quan ngại về tổng số người thiệt mạng trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy tại Philippines trong một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva hồi năm ngoái.
Theo các nhóm nhân quyền, kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền từ đầu năm 2016 đến nay, hơn 12.000 người dân Phi đã bị giết hại trong chiến dịch bài trừ ma túy của ông. Trong khi cảnh sát Phi lại nói chỉ có hơn 4.100 người.
Vài tuần trước Toàn án hình sự quốc tế tuyên bố đang điều tra các cáo buộc phạm tội chống lại nhân loại đối với tổng thống Phi. Lúc đó nhà lãnh đạo Phi nói rằng ông thà chịu án tù còn hơn ngồi nhìn vấn nạn ma túy phá hủy Philippines.
Trung Quốc cảnh báo Hong Kong và Đài Loan
Trung Quốc hôm nay tỏ rõ lập trường cứng rắn về sự gia tăng bất đồng quan điểm tại Đài Loan và Hong Kong.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không thay đổi quan điểm Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc dù cho có bất kỳ sự thay đổi chính trị nào tại đây.
Trong báo cáo trước quốc hội Trung Quốc vào ngày hôm nay, 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo Trung Quốc “sẽ không bao giờ dung túng cho bất kỳ kế hoạch ly khai nào” ở Đài Loan, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Báo cáo cũng cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì nguyên tắc “một Trung Quốc” và thúc đẩy quan hệ “tăng trưởng hoà bình” với Đài Loan theo thỏa thuận vào năm 1992, rằng chỉ có một Trung Quốc mà không nêu rõ Bắc Kinh hay Đài Bắc là đại diện chính thức.
Ông Lý Khắc Cường nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ “thống nhất Đài Loan trong hòa bình” bởi Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ đang chờ thống nhất.
Ngoài ra, báo cáo cũng cảnh báo những bất đồng đang xảy ra ở Hong Kong và Macau là những nơi có quy chế một nhà nước hai hệ thống.
Mặc dù báo cáo năm nay của Trung Quốc vấn nói đến một quốc gia hai hệ thống nhưng Trung Quốc không còn nhấn mạnh đến việc áp dụng quy chế này như trước kia.
Liên Triều : Phái đoàn cao cấp Hàn Quốc
hội kiến Kim Jong Un
Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 05/03/2018 chính thức thông báo, tại Bình Nhưỡng phái đoàn cao cấp của Seoul sẽ gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Sau một buổi làm việc, các sứ giả của tổng thống Moon Jae In sẽ dùng cơm tối với lãnh đạo số một của chế độ Bình Nhưỡng.
Hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA loan tin là phái đoàn Hàn Quốc đã đến Bình Nhưỡng, nhưng không mô tả chi tiết. Còn theo bản tin của hãng thông tấn Mỹ AP, phái đoàn cao cấp Hàn Quốc do ông Chung Eui Yong, cố vấn An Ninh Quốc Gia của tổng thống Moon Jae In, dẫn đầu đã khởi hành vào lúc 2 giờ chiều nay.
Trước khi rời Seoul, trưởng đoàn Hàn Quốc Chung Eui Yong tuyên bố chuyển thông điệp “chân thành và quyết tâm của tổng thống Moon Jae In về việc duy trì đối thoại, cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Bình Nhưỡng để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Một phần công luận Hàn Quốc không hoàn toàn tán đồng chính sách thân thiện với Bắc Triều Tiên của chính quyền Seoul. Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Hàn Quốc Frédéric Ojardias cho biết thêm :
“Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gửi một phái đoàn sang Bình Nhưỡng với hai đại diện cao cấp là cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong và lãnh đạo tình báo Hàn Quốc Suh Hoon. Lãnh đạo tình báo Hàn Quốc từng đóng vai trò then chốt ở hậu trường trong các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên.
Mục đích chính của phái đoàn Hàn Quốc tại Bắc Triều Tiên lần này là nhằm cải thiện quan hệ giữa Seoul với Bình Nhưỡng và nhất là thuyết phục chính quyền Kim Jong Un đàm phán với Mỹ về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hai nhân vật chủ chốt trong phái đoàn Hàn Quốc, sau hai ngày làm việc ở Bình Nhưỡng, sẽ bay sang Washington.
Tại Seoul, phe đối lập bảo thủ chỉ trích những nỗ lực đối thoại với Bình Nhưỡng của tổng thống Moon Jae In. Có người thậm chí còn so sánh đường lối này với Hiệp định Munich, trước khi thế giới lao vào cuộc Đại Chiến lần thứ Hai (Hiệp định Munich năm 1938 do Anh, Pháp và Ý ký kết với Hitler, cho phép chính quyền Berlin khi đó thôn tính những vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc, nơi có đông người Đức sinh sống).
Về phần mình, Hàn Quốc cho rằng thời gian chỉ có hạn. Đến tháng Tư này, Mỹ-Hàn sẽ nối lại các đợt tập trận chung và điều ấy càng làm dấy lên căng thẳng với Bình Nhưỡng. Đối thoại liên Triều khi đó sẽ phức tạp hơn. Bất chấp những nỗ lực của Seoul, Washington luôn tỏ thái độ ngờ vực trước viễn cảnh Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên mở đàm phán”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180305-lien-trieu-phai-doan-cao-cap-han-quoc-tiep-kien-kim-jong-un
Thủ tướng Campuchia bác đề nghị đàm phán
với cựu lãnh đạo phe đối lập
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bác bỏ đề nghị đàm phán của cựu lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy để chấm dứt một cuộc khủng hoảng chính trị trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 29/7 sắp tới.
Theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen, Tòa án Tối cao hồi tháng 11 năm ngoái đã giải tán Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), cáo buộc rằng đảng này đã âm mưu lên nắm quyền với sự trợ giúp của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, đảng CNRP, và Đại sứ quán Hoa Kỳ, đã bác bỏ cáo buộc này.
Trong một bài phát biểu vào ngày 5/3, Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền từ năm 1985 cho đến nay, nói rằng ông không muốn nói đối thoại với ông Sam Rainsy, vì cho rằng ông này đang bị kết án tội hình sự.
Ông
nói: “Tôi muốn mở lòng để thảo luận các vấn đề chính trị, nhưng phải nói rõ rằng những người bị dính vào các vụ kiện pháp lý không có quyền đàm phán với Hun Sen.”
Trong một thông điệp trên Twitter hôm 4/3, ông Sam Rainsy nói: “Tôi luôn sẵn sàng gặp gỡ chính phủ Hun Sen để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chưa từng có này, một giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được với các cam kết quốc tế.”
Đây là lần đầu tiên ông Sam Rainsy đưa ra nhận xét về vấn đề chính trị Campuchia kể từ khi đảng đối lập của ông bị cấm hoạt động.
Ông Sam Rainsy đã từ chức chủ tịch của đảng CNRP vào năm 2017 nhưng ông vẫn là một trong những người chỉ trích chính phủ mạnh mẽ nhất hiện nay. Ông Kem Sokha, lãnh tụ của đảng CNRP, đang bị giam cầm vì buộc tội âm mưu nắm quyền với sự trợ giúp của Hoa Kỳ.
Trước đây, ông Rainsy từng là Bộ trưởng Tài chính trong một chính phủ liên minh được thành lập sau cuộc bầu cử do LHQ tổ chức vào năm 1993.
Ông Rainsy đã sống ở Pháp từ năm 2015 cho đến nay để tránh một loạt các vụ kết án mà ông cho là có động cơ chính trị tại Campuchia.
Các nước phương Tây đã chỉ trích ông Hun Sen về việc giải thể đảng CNRP và bắt giữ Kem Sokha trước cuộc tổng tuyển cử.
TQ cảnh báo
‘không dung túng’ hoạt động ly khai của Đài Loan
Trung Quốc hôm 5/3 nói sẽ không bao giờ dung túng cho bất kỳ kế hoạch ly khai nào đối với khu vực tự trị Đài Loan và sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc với mục tiêu “thống nhất” với đảo quốc mà Bắc Kinh vẫn xem là một tỉnh ly khai, theo Reuters.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra lời cảnh cáo trên trong bài phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc. Lời lẽ cứng rắn của Thủ tướng Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang nổi giận đối với một dự luật của Hoa Kỳ nhằm tăng cường tiếp xúc giữa Washington và Đài Bắc.
Trước đó vào ngày 2.3, Trung Quốc nói Đài Loan sẽ chỉ tổn hại nếu dựa vào nước ngoài. Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh cáo Ðài Loan về nguy cơ chiến tranh.
Dự luật của Hoa Kỳ đang chờ Tổng thống Donald Trump ký ban hành. Các nhà lập pháp Mỹ nói dự luật này khuyến khích tăng cường tiếp xúc giữa các giới chức ở mọi cấp của chính phủ hai bên, và Hoa Kỳ nên cho phép và trân trọng đón tiếp các giới chức cấp cao của Đài Loan đến Hoa Kỳ và gặp gỡ với các giới chức Mỹ. Trong bài phát biểu trước Quốc hội “nghị gật”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phát triển hòa bình của mối quan hệ qua eo biển Đài Loan và “tiến tới thống nhất Trung Quốc một cách hòa bình”.
“Chúng ta sẽ duy trì vững vàng việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc và sẽ không bao giờ dung túng bất kỳ kế hoạch tuyên bố độc lập hoặc hoạt động ly khai nào của Đài Loan”, Thủ tướng Trung Quốc nói trong tiếng vỗ tay của gần 3.000 đại biểu Quốc hội tại Đại lễ đường Nhân dân.
Trong khi đó tại Đài Bắc, phát ngôn viên của Văn phòng Tổng thống Đài Loan, Huang Chung-yen, nói việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là trách nhiệm chung của cả hai bên.
“Về quan hệ hai bên eo biển, chính sách quốc gia của chúng tôi về cam kết hòa bình khu vực và bảo vệ ổn định trên eo biển luôn rõ ràng và nhất quán”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Huang nói với các nhà báo.
“Tất nhiên, Đài Loan không bao giờ gây ra tác động tiêu cực cho mối quan hệ xuyên eo biển”, phát ngôn viên Đài Loan nói.
Cũng tại kỳ họp Quốc hội, Trung Quốc cho biết chi tiêu quốc phòng của nước này cho năm 2018 sẽ tăng 8,1% so với năm trước, một con số có thể sẽ làm gia tăng mối lo ngại của Đài Loan về ý định của Trung Quốc trong bối cảnh quân đội của Bắc kinh đang gia tăng hiện diện gần đảo quốc này.
Sau phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Zhang Zhijun, người đứng đầu Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc, nói với các nhà báo rằng người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ nỗ lực giành độc lập nào của Đài Loan.
Thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan đã tăng lên kể từ khi bà Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến đắc tổng thống Đài Loan năm 2016.
Trung Quốc nghi ngờ bà Thái muốn thúc đẩy cho sự độc lập chính thức của nước này, điều mà các lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc xem là “lằn ranh đỏ”, mặc dù bà Thái nói bà muốn duy trì hiện trạng và cam kết bảo đảm hòa bình.
Cố vấn Tòa Bạch Ốc: mức thuế thép và nhôm
ảnh hưởng “không đáng kể” tới giá tiêu thụ
Washington DC. (CBS) – Giám Đốc Văn Phòng Chính Sách Sản Xuất và Thương Mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro cho biết, ảnh hưởng của mức thuế thép và nhôm nhập cảng đối với giá tiêu thụ sẽ “không đáng kể”.
Ông Navarro đưa ra ý kiến trên trong chương trình “Face the Nation” của CBS News vào hôm qua. Ông phân tích 10% thuế nhôm nhập cảng cho một thùng 6 lon bia chỉ làm tăng 1.5 cent. Hoặc 10% thuế nhôm nhập cảng cho chiếc Boeing 777 chỉ làm tăng 25,000 Mỹ Kim. Những ảnh hưởng này hầu như không nhìn thấy rõ, và người Mỹ sẵn sàng chi thêm 1.5 cent cho một thùng 6 lon bia để lấy lại ngành công nghiệp thép và nhôm cho Hoa Kỳ.
Hôm Thứ Năm 1 tháng 3, Tổng Thống Trump bất ngờ tuyên bố chính phủ của ông sẽ áp đặt thuế mới đối với thép và nhôm nhập cảng, sau cuộc gặp với các giám đốc điều hành tại Tòa Bạch Ốc. Lập tức các nhà lập pháp Cộng Hòa lên tiếng phản đối kế hoạch này, cho rằng việc tăng mức thuế có thể gây tác động tiêu cực tới nên kinh tế Hoa Kỳ, cũng như khiến cho giá cả tăng vọt. Thị trường chứng khoán có câu trả lời ngay trong ngày: chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 500 điểm trước giờ đóng cửa, và chỉ số của S&P 500 lẫn Nasdaq giảm 1.3%.
Tuy nhiên theo ông Navarro, kế hoạch này không có gì bất ngờ vì tổng thống nhiều lần tuyên bố sẽ hành động như vậy trong thời gian vận động tranh cử. Ông Navarro cho biết tổng thống Trump xem xét vấn đề từ nguồn cội, đi ngược 20 năm lịch sử để xác định nguyên nhân khiến nền công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ bị mất, và điều chính phủ ông Trump đang làm là lấy lại những gì đã mất. (Mai Đức)
Trung Quốc:
Tập Cận Bình đưa người thân vào vị trí chủ chốt
Như thông lệ, đầu tháng 3/2018 này, tại Trung Quốc diễn ra hai hội nghị chính trị lớn, của Quốc Hội và Chính Hiệp (tức Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân), định chế mà một số nhà quan sát ví như một dạng « Thượng Viện » của Trung Quốc. Những gì đáng chú ý trong hai kỳ họp Quốc Hội và Chính Hiệp đầu tiên tiếp theo Đại Hội thứ 19, đưa ông Tập Cận Bình lên đỉnh cao quyền lực ? Theo báo chí châu Á và quốc tế, bên cạnh khả năng Hiến pháp Trung Quốc sẽ được sửa đổi để mở đường cho ông Tập thâu tóm toàn bộ quyền bính, một vấn đề chính yếu là nhiều nhân vật thân cận với chủ tịch Trung Quốc sẽ được đưa vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Những vị trí chủ chốt nào ?
Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), trợ tá đắc lực của Tập Cận Bình trong cuộc chiến « chống tham nhũng », còn được gọi là « đả hổ, diệt ruồi », rất nhiều khả năng sẽ được bầu làm phó chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trong Đại Hội thứ 19, hồi tháng 10/2017, Vương Kỳ Sơn không được tái bổ nhiệm làm ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, do đã quá tuổi quy định, cho dù vào thời điểm đó đã có nhiều đồn đoán về việc nhân vật này tiếp tục tại vị.
Đọc thêm : Tập Cận Bình có đe dọa sự tồn vong của đảng Cộng Sản Trung Quốc ?
Vương Kỳ Sơn là người đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cơ quan nắm quyền sinh, quyền sát trong cuộc « chiến chống tham nhũng », mà nhiều người cho cũng là phương tiện để ông Tập Cận Bình loại trừ các thế lực đối lập trong đảng. Dưới thời Vương Kỳ Sơn, Bạc Hy Lai (Bo Xilai), ủy viên Bộ Chính Trị đầy quyền uy, bí thư Trùng Khánh, từng được coi là người có khả năng trở thành lãnh đạo tối cao, đã bị hạ bệ, và tiếp theo đó là Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cũng là người đứng đầu Trùng Khánh, và cũng từng được coi là ứng viên kế nhiệm lãnh đạo họ Tập.
Ngoài vị trí phó chủ tịch nước, Nikkei còn chú ý đến bốn chức phó thủ tướng và dự đoán chắc chắn sẽ có một số nhân vật thân cận với Tập Cận Bình, vừa được bầu làm ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị trong kỳ Đại Hội 19. Ngoài ra, còn năm ủy viên Quốc Vụ, cấp lãnh đạo trong chính phủ quan trọng hơn bộ trưởng.
Ứng viên số một vào hai chức vụ rất quan trọng khác, lãnh đạo ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính, là những nhân vật rất thân cận với Tập Cận Bình : ông Lưu Hà (Liu He) hiện là kinh tế gia trưởng của chính phủ, và ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), hiện là chủ tịch cơ quan kiểm soát lĩnh vực ngân hàng của chính phủ Trung Quốc.
Thêm nhiều tỉ phú công nghệ tin học
Báo chí đặc biệt chú ý đến hai thay đổi lớn khác trong hàng ngũ các đại biểu tham dự hai kỳ họp Quốc Hội và Chính Hiệp của Trung Quốc (người Trung Quốc thường gọi là « lưỡng hội »). Trước hết, đó là số lượng các đại biểu tỉ phú tuy giảm mạnh so với khóa trước, nhưng ngược lại nhìn chung tổng tài sản của nhóm tỉ phú lại gia tăng, và đặc biệt rất nhiều tỉ phú trong ngành công nghệ cao, trước hết là công nghệ tin học, trí tuệ nhân tạo, người máy.
Theo AP, theo một báo cáo điều tra của Hurun, chuyên xếp hạng các doanh nhân châu Á, công bố ngày 02/03, trong số hơn 5.000 đại biểu Trung Quốc, có 152 người « siêu giàu », so với 209 người của khóa trước. Tuy nhiên tổng tài sản của nhóm này là 4.100 tỉ nhân dân tệ (tức 650 tỉ đô la), tăng một phần năm so với năm trước. 28 đại gia trong số 100 người giàu nhất Trung Quốc có mặt trong danh sách các đại biểu.
Sự hiện diện của nhiều tỉ phú trong hàng ngũ các đại biểu cho thấy tầng lớp doanh nhân giàu có vẫn là đối tượng « hoan nghênh » của chế độ cộng sản, cho dù trong những năm qua, Bắc Kinh liên tục có nhiều chính sách được coi là « quyết liệt » nhắm vào các công ty tư nhân, đặc biệt trong vấn đề chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Cho dù lo ngại vì những thay đổi chính sách, nhưng nhìn chung, đối với các doanh nhân tư nhân Trung Quốc, thì việc tham gia vào nhóm « tinh hoa chính trị » này vẫn là một phương tiện thăng tiến, bởi đa số họ đều hiểu rằng « đảng kiểm soát tất cả ».
Đứng đầu nhóm các tỉ phú là ông Pony Mã Hóa Đằng (Ma Huateng), chủ tịch tập đoàn Tencent/Đằng Tấn – điều hành ứng dụng trực tuyến nổi tiếng WeChat hay Vi Tín (Weixin) (với gần một tỉ người sử dụng), với tổng tài sản 47 tỉ đô la. Người đứng thứ hai trong nhóm này là Lý Thư Phúc (Li Shufu), chủ tịch Geely – một trong các tập đoàn xe hơi lớn nhất Trung Quốc, cũng là ông chủ hãng xe hơi Volvo Thụy Điển, và vừa mua lại 10% cổ phần của tập đoàn xe hơi Đức Daimler. Tổng tài sản của doanh nhân họ Lý ước tính 17 tỉ đô la.
Đọc thêm : Alibaba, bộ mặt mới của tư bản Trung Quốc
Theo giáo sư Sun Xin chuyên về doanh nghiệp Trung Quốc và Đông Á ở trường King’s College, Luân Đôn, hầu hết các gương mặt mới được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn ban kinh tế của cơ quan Chính Hiệp đầu xuất thân từ các công ti công nghệ. Quyết định này của chính quyền Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh chủ trương chuyển hướng kinh tế dựa vào hiện đại hóa công nghiệp và cách tân công nghệ, hơn là các lĩnh vực như bất động sản và năng lượng truyền thống.
Một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ công nghệ mới nổi lên là ông Richard Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong), nhà sáng lập và chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc JD.com, hay Đinh Lỗi (Ding Lei), ông chủ của NetEase, công ti trò chơi điện tử và quảng cáo trên mạng đứng thứ hai Trung Quốc.
Hàng loạt đại gia bất động sản giã từ « lưỡng hội »
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, một điểm đặc biệt đáng chú ý thứ hai trong lĩnh vực này là sự ra đi của hàng loạt đại biểu – đại gia bất động sản, tổng cộng hơn 20 người, trong đó có đại gia Hồ Bảo Sâm (Hu Baosen), ông chủ tập đoàn Jianye, hay Hồ Á Quân (Wu Yajun), lãnh đạo Longfor Properties…
Theo nhà nghiên cứu độc lập Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), ở Bắc Kinh, được SCMP dẫn lại, việc hàng loạt đại gia bất động sản vắng mặt là một chỉ dấu cho thấy đường lối chống « đầu cơ » bất động sản của ông Tập Cận Bình bắt đầu có hiệu lực. Theo chuyên gia Hồ Tinh Đẩu, « càng nhiều đại gia bất động sản trỗi dậy, điều đó có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc không sung sức », « ít người muốn đầu tư vào các hoạt động kinh tế thực sự, vào các ngành công nghiệp quốc gia » và bất động sản cũng là « ổ tham nhũng », bởi lĩnh vực này liên quan đến hàng trăm kế hoạch xây dựng của chính phủ.
Trong số các đại gia bất động sản trụ lại được, có tỉ phú Hứa Gia Ấn (Hui Kayan), chủ tập đoàn Evergrande Group, được biết đến như là người đã bỏ ra 1,7 tỉ đô la trong hai năm qua, để giảm nghèo đói tại một thành phố tỉnh Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, và hứa hẹn sẽ giúp một triệu dân Trung Quốc thoát nghèo. Tỉ phú Hứa Gia Ấn có tài sản ước tính 41 tỉ đô la.
Sửa đổi Hiến pháp : Nhiều dấu hỏi đặt ra về Hội nghị trung ương 3 bất thường
Theo phân tích của nhà báo Charlotte Gao, trong một bài viết đăng tải hôm 01/03 trên trang mạng The Diplomat, cho đến nay chưa rõ là Quốc Hội Trung Quốc có thông qua yêu cầu của ban lãnh đạo đảng hủy bỏ quy định làm chủ tịch nước không quá hai nhiệm kỳ hay không trong lần họp này.
Ngay trước kỳ họp Quốc Hội và Chính Hiệp, Bắc Kinh tổ chức bất thường hội nghị trung ương lần thứ ba (Đại Hội 19), bình thường sẽ chỉ diễn ra vào cuối năm. Trên thực tế việc tổ chức thêm một kỳ hội nghị lần thứ ba, chỉ sau hội nghị lần thứ hai có một tháng, là điều « không bình thường ». Điều không bình thường nữa là cả hai hội nghị thứ ba và thứ hai đều đã không hề có thông báo chính thức về việc yêu cầu sửa đổi Hiến pháp liên quan đến vấn đề nhiệm kỳ chủ tịch, như thông tin được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông tại Trung Quốc, vốn được coi như quan điểm chính thức của Ban Chấp Hành Trung Ương (Tân Hoa Xã, ngày 25/02/2018).
Đọc thêm : Chủ tịch suốt đời : Tập Cận Bình đại nhảy vọt hay đại thụt lùi ?
Theo Charlotte Gao, nhìn chung đây là chuyện « rất đáng ngạc nhiên ». Hiện tại rất ít thông tin lọt ra từ hội nghị này. Nhà báo Charlotte Gao dẫn lời nhà bình luận chính trị độc lập Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), ở Bắc Kinh, trong vấn đề này, có hai khả năng hoàn toàn trái ngược.
Thứ nhất là Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể đã « hoàn toàn nhất trí » trong đảng về đề nghị sửa đổi Hiến pháp ngay trong hội nghị lần thứ hai trước đó, vì vậy không cần nhắc lại vấn đề này. Giả thuyết thứ hai, cũng rất có thể, là đã xảy ra « nhiều tranh luận quyết liệt » về việc sửa đổi Hiến pháp trong nội bộ Ủy Ban Trung Ương. Điều này cũng có nghĩa là ông Tập Cận Bình cho đến khi Quốc Hội khai mạc vẫn chưa thuyết phục được toàn bộ ban lãnh đạo đảng.
Quá trình ra quyết định của chế độ cộng sản Trung Quốc vốn luôn nằm trong vòng bí mật. Kết quả của kỳ họp Quốc Hội sẽ cho biết khả năng nào là đúng.
Điều rõ ràng nhất, đó là cũng như thông lệ, thông báo của hội nghị lần thứ ba hứa hẹn sẽ tăng cường sự lãnh đạo của đảng « trong mọi lĩnh vực » và mục tiêu của cuộc cải cách hiện nay là để làm sao tất cả mọi cơ quan, từ chính phủ cho đến « các tổ chức nhân dân », « tổ chức xã hội », « doanh nghiệp » đều làm việc dưới « sự lãnh đạo thống nhất » của Đảng Cộng Sản.
Đức sẽ có chính phủ mới :
Báo chí thở phào nhưng chưa yên tâm
Sau kết quả được công bố hôm qua, 04/03/2018, theo đó đảng Xã Hội Dân Chủ SPD đã thông qua, với 2/3 phiếu thuận, thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp với cánh bảo thủ của thủ tướng Angela Merkel, báo chí Đức đã thở phào nhẹ nhõm, nhưng nhắc lại là tân chính phủ, vẫn với thủ tướng Merkel, sẽ phải hoạt động trên những cơ sở không vững chắc.
Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibaut tường thuật :
« Một cuộc khởi hành mới trên những cơ sở mong manh » : hàng tựa bài bình luận của nhật báo Süddeutsche Zeitung tóm lược cảm nghĩ chung của báo giới Đức sáng thứ Hai 05/02 này. Nhiều tờ báo nhấn mạnh là liên minh tả hữu mới này là một cuộc hôn nhân vì lý trí, không mấy hứng thú cho cả cánh bảo thủ lẫn phe Xã Hội Dân Chủ.
Các bài bình luận hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của đảng cánh tả, mà 66% đã bỏ phiếu cho thỏa thuận về chính phủ này. « Họ đã tránh cho nền dân chủ Đức bị thất bại nghiêm trọng và một thảm họa mới cho chính đảng của họ » theo phân tích của đài truyền hình ARD.
Tập san Der Spiegel nhìn thấy « các thành viên của đảng SPD đã cứu Angela Merkel ». Thất bại trong việc thành lập chính phủ liên hiệp, tổ chức lại bầu cử, đó sẽ là một thất bại của bản thân thủ tướng.
Các bài bình luận cũng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu trong đảng SPD trên mặt quốc tế. « Nó cho phép thế giới không phải lo sợ một nước Đức rơi vào hỗn loạn », như đánh giá của báo Der Spiegel.
Nhật báo Frankfurter Allgemeine gợi lên một Châu Âu đứng trước những khó khăn nghiêm trọng và cần đến một chính phủ Đức ổn định.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180305-duc-se-co-chinh-phu-moi-bao-chi-tho-phao-nhung-chua-yen-tam
Hoa Kỳ :
Sẽ không có nước nào được miễn thuế thép nhôm
Sẽ không có quốc gia nào được miễn thuế đánh vào thép và nhôm nhập vào Hoa Kỳ. Đó là tuyên bố của hai quan chức cao cấp của Mỹ hôm qua, 04/03/2018.
Tổng thống Donald Trump đã thông báo là trong tuần này Hoa Kỳ sẽ ban hành thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập vào Mỹ, chủ yếu là từ Canada và Liên Hiệp Châu Âu. Quyết định này đã bị nhiều nước phản đối và có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại trên thế giới.
Trên đài truyền hình ABC hôm qua, bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross tuyên bố ông chưa nghe tổng thống Trump nói về những trường hợp đặc biệt được miễn thuế đánh trên 2 mặt hàng này. Trên đài CNN, cố vấn của tổng thống về thương mại, Peter Navarro, cũng xác nhận rằng sẽ không quốc gia nào được miễn thuế nhập khẩu trên thép và nhôm. Ông Navarro còn khẳng định rằng việc đánh thuế trên 2 mặt hàng này sẽ không ảnh hưởng gì đến kinh tế Mỹ và nhất là không tác hại gì đến việc làm ở Mỹ.
Trên trang twitter cuối tuần qua, tổng thống Donald Trump đã dọa sẽ đánh thuế nhập khẩu trên các xe hơi của châu Âu, nếu Liên Hiệp Châu Âu đáp trả quyết định của ông đánh thuế trên thép và nhôm nhập vào Mỹ. Hôm thứ Sáu tuần trước, Liên Hiệp Châu Âu thông báo đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa trên các công ty Mỹ như hãng xe môtô Harley Davidson hay hãng sản xuất quần Jean Levi’s.
Đáp lại lời đe dọa nói trên của tổng thống Trump, trong cuộc họp báo hôm nay tại Berlin, phát ngôn viên của thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Hoa Kỳ đang “đi lầm đường” khi chọn chính sách thu mình lại và bảo hộ mậu dịch. Về phần tổng thống Pháp Emmnuel Macron, hôm nay ông cũng vừa tuyên bố là Liên Hiệp Châu Âu phải có phản ứng nhanh chóng về các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Mỹ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180305-hoa-ky-se-khong-co-nuoc-nao-duoc-mien-thue-thep-nhom
Syria : Đoàn cứu trợ đầu tiên
đến đông Ghouta vào lúc chiến sự tiếp diễn
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, vào hôm nay 05/02/2018, một đoàn xe cứu trợ nhân đạo đầu tiên đã qua được chốt kiểm soát cuối cùng của lực lượng chính phủ Syria để tiến vào khu vực đông Ghouta đang bị bao vây.
Một đại diện Liên Hiệp Quốc xác nhận là việc bốc dỡ hàng sẽ rất lâu và phải đến tối, đoàn xe mới quay về được. Sự kiện này diễn ra trong lúc tổng thống Assad tuyên bố tiếp tục tấn công để chiếm toàn bộ khu vực trong tay lực lượng nổi dậy.
Theo Liên Hiệp Quốc, đoàn xe gồm 46 chiếc chở theo thuốc men và thực phẩm cho 27.500 người. Một đoàn xe thứ hai sẽ được gởi đến đây vào thứ Năm tới.
400.000 dân Ghouta bị bao vây từ năm 2013, và 70.000 người đang cần giúp đỡ khẩn cấp.
Chiến sự vẫn dữ dội và mặc dù có hưu chiến hàng ngày cho trợ giúp nhân đạo và di chuyển người bị thương, số thường dân chết vẫn tăng lên : thêm 14 người chết sáng nay, hôm qua là 34 người. Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, đã có 650 thường dân thiệt mạng trong vòng 15 ngày qua.
Thông tín viên RFI trong khu vực, Paul Khalifeh, cho biết thêm về tình hình chiến trường :
“Quân đội Syria và các đồng minh của họ tiến nhanh ở đông Ghouta, phía đông Damas. Những trận đánh dữ dội diễn ra ở nhiều chiến tuyến, theo tin của chế độ Damas và cả phe đối lập.
Theo những nguồn tin quân sự, lực lượng chính phủ trong 3 ngày qua đã chiếm lại 40% khu vực này, và đang tiến sát lãnh địa của lực lượng nổi dậy tại Misraba.
Chiến thuật tiến quân từ đông sang tây có mục tiêu cắt đứt đông Ghouta làm hai và cô lập thành phố Douma, một trong những “thành trì” quan trọng của quân nổi dậy, nằm cách thủ đô Damas khoảng 12 cây số về phía đông bắc.
Tổng thống Syria Bachar al-Assad hôm Chủ Nhật đã tuyên bố chiến sự ở Ghouta sẽ tiếp diễn và việc hưu chiến 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày vẫn được áp dụng để người dân có thể ra khỏi nơi bị bao vây. Ông Assad cũng bác bỏ những lời tố cáo chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học.
Liên Hiệp Quốc cho biết đoàn xe cứu trợ đã không vào được Douma hôm qua, trong lúc 400.000 người dân tại đấy đang thiếu thốn mọi thứ”.
Bầu cử Quốc Hội Ý : Các đảng dân túy thắng thế
Chính trường nước Ý trở nên vô định sau cuộc bầu cử Quốc Hội hôm qua, 04/03/2018, với đà thắng thế của các đảng theo xu hướng chống hệ thống chính trị hiện hành, đặc biệt là Phong Trào 5 Sao (M5S).
Theo các kết quả tạm thời, Phong Trào 5 Sao đã có một bước đột phá lịch sử hôm qua, với tỷ lệ phiếu hơn 31%, trở thành chính đảng lớn nhất ở Ý. Liên minh bao gồm ba đảng, trong đó có đảng Forza Italia của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi, đúng là đã về đầu với khoảng 37%, nhưng trong liên minh này, thu nhiều phiếu nhất lại là đảng cực hữu Liên Đoàn Phương Bắc (LEGA Nord) của Matteo Salvini.
Như vậy là nếu các kết quả nói trên được xác nhận, các đảng theo xu hướng chống hệ thống chính trị hiện hành, chống hợp nhất châu Âu, cực hữu, đã giành đa số cả về tỷ lệ phiếu lẫn số ghế, đẩy nước Ý vào tình trạnh vô định về chính trị.
Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir gởi về bài tường trình :
« Sự kiện đáng chú ý nhất là tỷ lệ phiếu vượt xa các dự báo của hai đảng chống hợp nhất châu Âu. Trước hết là Phong Trào 5 Sao, một chính đảng không biết xếp vào loại nào, vì đảng này có xu hướng cánh tả về các chính sách xã hội, nhưng lại có những tư tưởng giống như một đảng cánh hữu, rất cứng rắn trong các vấn đề như người nhập cư. Phong trào này trở thành đảng lớn nhất ở Ý với hơn 30% số phiếu và sẽ là đảng có tính chất quyết định trong việc thành lập một chính phủ mới.
Tiếp đến, đảng bài ngoại Liên Đoàn của Matteo Salvini, theo kết quả dự báo, đã thu được số phiếu hơn hẳn đảng đồng minh Forza Italia của ông Silvio Berlusconi. Điều này có nghĩa là Matteo Salvini sẽ tranh thủ lợi thế này để áp đặt ý muốn của họ trong liên minh cánh hữu khi chọn lựa thành phần tân nội các.
Một sự kiện đáng chú ý khác đó là kết quả rất kém của liên minh cánh trung tả, đặc biệt là của Đảng Dân Chủ, dưới sự lãnh đạo của Matteo Renzi, vốn vẫn nắm vai trò chính yếu trong liên minh này. Đảng Dân Chủ đã bị thảm bại ở khắp nơi, nhất là tại các vùng nghèo ở miền nam, nơi mà cử tri đã đi bỏ phiếu rất đông đảo cho Phong Trào 5 Sao và Liên Đoàn của Matteo Salvini, hai đảng mà cho tới nay chỉ chiếm đa số ở các vùng miền đông bắc ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180305-bau-cu-quoc-hoi-y-cac-dang-dan-tuy-thang-the
Ngoại trưởng Pháp đến Iran
để cố cứu vãn thỏa thuận hạt nhân
Hôm nay, 05/03/2018, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đến Teheran để cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, mà Hoa Kỳ đang dọa rút khỏi. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của ông Le Drian diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, do những tuyên bố của Pháp về Iran khiến Teheran rất bực bội trong những tháng qua.
Ông Le Drian là quan chức cao cấp đầu tiên trong 3 nước Liên Hiệp Châu Âu ( Pháp, Anh, Đức ) tham gia vào thỏa thuận hạt nhân Iran đến Teheran kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump ra tối hậu thư với châu Âu về thỏa thuận này.
Ông Trump đã gia hạn cho các nước châu Âu từ đây đến ngày 12/05 phải sửa chữa những « thiếu sót kinh khủng » của văn bản, được ký kết vào năm 2015, nếu không Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận và ban hành trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Paris hiện đang muốn Teheran đưa ra những cam kết giảm bớt tầm mức của chương trình tên lửa đạn đạo và tham vọng « bá quyền » ở vùng Trung Cận Đông. Trên hai điểm này, Iran tuyên bố sẵn sàng đối thoại, nhưng không chấp nhận thương lượng.
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo chí Teheran hôm nay, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, lên án thái độ « quá khích » của các nước Liên Hiệp Châu Âu để cố gắng giữ Hoa Kỳ ở lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran. Hôm nay, những tờ báo theo xu hướng bảo thủ cực đoan của Iran đã kịch liệt đả kích ông Le Drian, sau khi tờ Le Journal du Dimanche hôm qua trích lời ngoại trưởng Pháp đe dọa là Teheran sẽ bị những biện pháp trừng phạt mới, nếu nước này không từ bỏ những chương trình phát triển các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn không đúng với yêu cầu trong các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài hồ sơ hạt nhân, ngoại trưởng Le Drian cũng muốn Iran gây áp lực lên tổng thống Syria Bachar al-Assad, đồng minh của Teheran, buộc lãnh đạo chế độ Damas phải để cho hàng cứu trợ nhân đạo được chuyển đến người dân của vùng Đông Ghouta.
http://vi.rfi.fr/phap/20180305-ngoai-truong-phap-den-iran-de-co-cuu-van-thoa-thuan-hat-nhan