Tin khắp nơi – 05/02/2018
Mỹ sẽ thuyết phục Đông Nam Á mua vũ khí
Một quan chức ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ chuyên giám sát thương mại quốc phòng hôm mùng 5 tháng 2 tuyên bố sẽ nỗ lực quảng bá những vũ khí của Mỹ tại triển lãm hàng không lớn nhất châu Á diễn ra trong vài ngày tới tại Singapore.
Hãng AP dẫn lời Đại sứ Tina Kaidanow cho biết một phái đoàn lớn của Mỹ tham dự Triển lãm Hàng không Singapore (SAS) đang làm mọi thứ có thể để khuyến khích chính phủ các nước Đông Nam Á mua vũ khí của Mỹ, chẳng hạn như chiến đấu cơ F-35.
Bà Kaidanow hé lộ bà sẽ gặp gỡ giới chức Nhật Bản, Canada và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác để bàn bạc các thỏa thuận mua bán vũ khí tại SAS 2018 diễn ra từ ngày 6 đến ngày 10-2. Bà Kaidanow cho rằng các quốc gia Đông Nam Á nên cân nhắc mua vũ khí Mỹ không chỉ vì vấn đề an ninh mà còn cân bằng khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong một tuyên bố cho biết bà Kaidanow sẽ tư vấn các vấn đề liên quan đến thương mại quốc phòng và quảng bá hơn 150 công ty và tổ chức thương mại Mỹ trưng bày những công nghệ hàng không mới nhất.
Ngoài ra, bà Kaidanow còn khẳng định rằng chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải FONOPs tại những vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và tuyên bố Hoa Kỳ chắc chắn sẽ duy trì tần suất các hoạt động này .
Nhắc đến việc Washington bàn giao một chiếc tàu tuần duyên cho Việt Nam vào năm 2017, bà Kaidanow nhận định đây là một động thái hết sức tích cực bởi vì theo bà điều quan trọng là Việt Nam có thể sử dụng thiết bị của Mỹ cho nhận thức các vấn đề hàng hải (MDA), hay an ninh hàng hải. Bà hi vọng Việt Nam sẽ cân nhắc các doanh nghiệp của Mỹ không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng mà cả các lĩnh vực khác.
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009 một quan chức hàng đầu giám sát hoạt động thương mại quốc phòng của Bộ Ngoại giao Mỹ tham dự Triển lãm Hàng không Singapore.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng quân sự và gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực.
Trước đó, vào tháng 12-2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố chính sách chiến lược an ninh quốc gia mới tập trung đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó Hoa Lục xem chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ là hành động khiêu khích nguy hiểm làm gia tăng rủi ro đối đầu quân sự giữa 2 quốc gia.
Vào tháng 1 năm 2018, Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ vụ việc tàu khu trục Mỹ USS Hopper tiến gần Bãi cạn Scarborough – khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Bắc Hàn cử Chủ tịch Quốc hội tới Nam Hàn
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay, ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Bắc Hàn, sẽ dẫn đầu phái đoàn 22 thành viên tới Nam Hàn vào thứ Sáu 9/2.
Vận động viên hai miền Triều Tiên sẽ diễu hành dưới một lá cờ tại lễ khai mạc.
Sự tham gia của Bắc Hàn vào Thế vận hội được xem như một kế sách ngoại giao của Bình Nhưỡng.
Thế vận hội mùa đông: Bắc Hàn chuẩn bị gì?
Bắc Hàn sẽ cử đoàn tham gia Thế Vận hội Mùa đông
Bắc Hàn chấp nhận đàm phán về Thế vận hội
Nam Hàn đề xuất hội đàm cấp cao với Bắc Hàn
Bắc Hàn tuyên bố diễu binh lớn trước Olympics
Ban nhạc Moranbong đến Olympics ở Nam Hàn?
Bình Nhưỡng phải đối mặt với áp lực quốc tế và các lệnh trừng phạt đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Đội khúc côn cầu trên băng của hai miền Triều Tiên đã chơi trận đầu tiên vào Chủ nhật, nhưng để thua đối thủ Thụy Điển 1-3.
Họ sẽ có cơ hội cân bằng tỷ số khi gặp Thụy Điển một lần nữa trong Thế vận hội.
Cuộc ra sân hôm Chủ nhật là trận đấu đầu tiên và duy nhất của đội tuyển liên Triều mới được thành lập.
Kim Yong-nam là người đứng đầu quốc hội ở miền Bắc và sẽ là quan chức cao cấp nhất đến thăm Nam Hàn trong vòng bốn năm qua.
Một quan chức giấu tên của Nhà Xanh ở Nam Hàn nói với BBC rằng họ tin rằng điều này phản ánh sự quyết tâm của Bắc Hàn nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều và chứng tỏ sự chân thành của Bắc Hàn. Ông Kim sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm ba quan chức khác và 18 trợ lý, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết.
Bộ này không nói liệu ông Kim có tham dự lễ khai mạc thế vận hội ở Pyeongchang, một tỉnh miền núi ở phía đông của Hàn Quốc, hay không.
Nếu có, ông sẽ đồng hành cùng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại thời điểm căng thẳng với Washington về tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn.
Trong một diễn biến khác hôm Chủ Nhật, tờ Washington Post cho hay Fred Warmbier, người có con trai là Otto Warmbier bị Bắc Hàn giam giữ và chết sau khi trở về Mỹ, sẽ tham dự lễ khai mạc với tư cách là khách mời của ông Pence.
Ông Warmbier và vợ của ông, Cindy, là khách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại buổi công bố Thông điệp Liên bang tuần trước.
Bắc Hàn mở lại đường dây nóng với Nam Hàn
Sự tham gia của Bắc Hàn vào Thế vận hội, diễn ra từ ngày 9 đến 25/2, là một quyết định bất ngờ hướng tới sự hòa giải.
Quyết định này được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi đến phía Nam tín hiệu hòa giải trong thông điệp chào năm mới, trong đó nói ông sẵn sàng đối thoại và có thể gửi một đội đến Thế vận hội.
Cũng như các vận động viên khúc côn cầu trên băng, vận động viên Bắc Hàn sẽ tham gia thi đấu các môn trượt tuyết và trượt băng nghệ thuật. Bắc Hàn cũng gửi tới Thế vận hội hàng trăm đại biểu, hoạt náo viên và các nghệ sỹ biểu diễn.
Tuy nhiên, đã có những trở ngại trên con đường hòa giải.
Hồi đầu tuần, Bắc Hàn đã lên lịch cho một cuộc diễn tập quân sự quy mô vào 8/2, một ngày trước khi Thế vận hội Mùa đông bắt đầu.
Giữa những tin tức tiêu cực, Bắc Hàn nói không ai có quyền nêu vấn đề với những kế hoạch này và ngay lập tức hủy một sự kiện văn hóa dự kiến đồng tổ chức với Nam Hàn.
Trong khi đó, dù Nam Hàn và Washington đã thỏa thuận hoãn cuộc diễn tập quân sự thường niên chung vốn làm Bắc Hàn giận dữ, nước này vẫn sẽ tiếp tục cuộc tập trận vào cuối kỳ Paralympics.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42941332
Tokyo phản đối cờ có hình đảo tranh chấp
Nhật Bản hôm thứ hai ngày 5/2 đã chính thức lên tiếng phản đối việc Nam Hàn sử dụng cờ Liên Triều tại Olympics Mùa đông sắp tới có hình nhóm đảo đang tranh chấp với Nhật Bản.
Lá cờ có dấu chấm xanh biểu tượng nhóm đảo Dokdo mà Nhật bản gọi là Takeshima trên vùng biển Nhật Bản. Đây là vùng đảo do Nam Hàn hiện đang kiểm soát.
Cả hai miền Bắc và Nam Triều Tiên đã thống nhất sẽ cùng mang chung lá cờ này tại lễ khai mạc thế vận hội vào hôm 9/2.
Bộ trưởng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói với báo giới rằng lá cờ không thể chấp nhận được, dựa trên quan điểm và lập trường của Nhật về chủ quyền nhóm đảo Takeshima. Ông cho biết Nhật Bản đã chính thức lên tiếng phản đối qua kênh ngoại giao với Nam Hàn, và nói thêm là Tokyo sẽ tiếp tục thúc giục Seoul phải phải giải quyết vấn đề hợp lý.
Khoảng một tháng trước, Nhật Bản đã cho mở một bảo tàng ở Tokyo tuyên truyền về những đảo mà nước này đòi chủ quyền trong đó có nhóm đảo Dokdo. Nam Hàn đã ngay lập tức lên tiếng phản đối quyết định này.
Vụ người Rohingya có thể gây xung đột khu vực
Các hành động xem như là “diệt chủng và tảo thanh sắc tộc” chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya có thể gây nên xung đột tôn giáo lan rộng ngoài biên giới của Myanmar và ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực.
AFP dẫn lời phát biểu của ông Zeid Ra’ad Al Hussein, người đứng đầu Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Ông này phát biểu như vừa nêu tại Jakarta vào ngày 5 tháng Hai, nhân dịp ông đến thăm Indonesia trong 3 ngày.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein nhấn mạnh rằng Myanmar đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng vì vào tuần trước, một báo cáo được phổ biến liên quan đến các mồ chôn tập thể người Rohingya ở bang Rakhine, nơi mà quân đội của Chính phủ Miến bị cáo buộc tiến hành một chiến dịch thanh tảo sắc tộc thiểu số.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein còn nói rằng Myanmar rất hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ. bao gồm tập trung vào phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Rakhine, nhưng không thể che giấu các hành động đối xử phân biệt đối với người thiểu số Rohingya.
Myanmar lên tiếng bác bỏ báo cáo về các hố chôn tập thể cũng như các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khẳng định rằng chính quyền cần phải trừng trị những phiến quân Rohingya.
Tuy nhiên, Myanmar không cho các báo cáo viên và những nhân viên điều tra của Liên Hiệp Quốc vào khu vực xung đột để điều tra liên quan các cáo buộc diệt chủng đối với người tị nạn Rohingya.
Hiện có gần 700 ngàn người Rohing bỏ nhà cửa ở Myanmar để chạy sang Bangladesh lánh nạn, kể từ tháng Tám năm ngoái đến nay.
Nhà điều tra hàng đầu về buôn bán ngà voi
bị ám sát ở Kenya
Nhà điều tra về hoạt động buôn bán ngà voi nổi tiếng thế giới, với các báo cáo góp phần vào cuộc chiến chống săn bắt voi và buôn bán trái phép động vật hoang dã, bị giết hại ngay tại nhà riêng ở Kenya. Hãng tin AFP dẫn lời cảnh sát địa phương loan tin hôm thứ Hai ngày 05 tháng 02.
Nạn nhân là ông Esmond Martin, 75 tuổi, qua đời sau khi bị đâm tại nhà mình ở khu Langata, ngoại ô thủ đô Nairobi của Kenya vào chiều Chủ Nhật 4 tháng 2.
Một viên chức cảnh sát cho biết cảnh sát đang tiến hành điều tra vụ việc.
Ông Esmond Martin là một người Mỹ sống ở Kenya từ hàng chục năm nay. Ông tập trung vào nghiên cứu các biện pháp giúp chấm dứt nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp thông qua những mô tả, định lượng và phân tích thị trường buôn bán ngà voi trái phép tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Lào và một số quốc gia khác.
Theo chuyên gia hàng đầu về voi của Kenya, bà Paula Kahumbu, đồng thời là người điều hành nhóm bảo tồn động vật hoang dã Wildlife Direct, những cuộc điều tra của ông Esmond Martin đã góp phần vào quyết định đóng cửa thị trường ngà voi hợp pháp của Trung Quốc vào năm ngoái.
Bà Paula Kahumbu cho biết ông Esmond Martin là một trong những người tiên phong trong việc vạch trần các thương vụ buôn bán ngà voi trái phép, đối thoại với cả những người bán và mua trái phép.
Thống kê cho chấy khoảng 110.000 con voi đã bị săn bắt trái phép và giết hại trong thập niên vừa qua bởi các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Trong năm 2016 thị trường ngà voi bất hợp pháp tiếp tục phát triển mạnh với khối lượng ngà voi bị buôn bán gia tăng cho dù việc săn bắn đã có chiều hướng giảm.
Nga : UB Thế Vận Quốc Tế
bác bỏ đề xuất của tòa Trọng Tài Thể Thao
Trong một quyết định công bố hôm nay, 05/02/2018, Ủy Ban Olympic Quốc Tế đã thẳng thừng bác bỏ khả năng cho 15 nhà thể thao Nga tham gia Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang, sẽ chính thức khai mạc ngày 09/02 tới đây. Quyết định dứt khoát này được cấp tốc đưa ra sau khi Tòa Án Trọng Tài Thể Thao, hôm 01/02 vừa qua, đã bất ngờ xóa bỏ lệnh cấm thi đấu nhắm vào các vận động viên này về tội sử dụng doping.
Như vậy, trừ phi của thay đổi bất ngờ vào phút chót, số vận động viên Nga được quyền tham gia thi đấu tại Hàn Quốc chỉ là 169, những người được lựa chọn sau khi các hoạt động thể thao của họ trong quá khứ và hiện tại được xem xét tỉ mỉ để xác định tính chất « trong sạch », không liên can đến chế độ doping cấp quốc gia đã khiến nước Nga bị trừng phạt.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, với quyết định dứt khoát này, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã khẳng định tính chất độc lập của mình, không lệ thuộc Tòa Án Trọng Tài Thể Thao, vốn đã ra một phán quyết có tác dụng « giải oan » cho 15 người Nga mà tên tuổi đã được nêu lên trong hai bản báo cáo McLaren và Oswald, nguồn gốc dẫn đến lệnh cấm Nga thi đấu thế vận.
Hai hôm sau khi Tòa Án Trọng Tài Thể Thao ra phán quyết, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế cho biết là vấn đề 15 người Nga – 13 vận động viên và 2 huấn luyện viên – có liên quan sẽ được một tiểu ban xem xét để quyết định có nên mời họ tới Pyeongchang hay không.
Trong thông cáo công bố hôm nay, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã nói rõ rằng tiểu ban xem xét hồ sơ đã chú ý đến phán quyết của Tòa Trọng Tài, nhưng cũng nhận thấy rằng Tòa Án Thể Thao đã không cho biết luận cứ dẫn đến phán quyết.
Thông cáo nói thẳng : « Tiểu ban nhấn mạnh rằng họ không có vai trò chứng minh rằng đã có một sự vi phạm luật cấm doping, mà chỉ xác nhận xem các vận động viên có thể được coi là « trong sạch » để được mời tham gia Thế Vận Hội mùa đông năm 2018 ở Pyeongchang hay không ».
Trên cơ sở đó, tiểu ban xét duyệt đã « đồng thanh khuyến nghị Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế là không nên mở rộng lời mời đến Thế Vận Hội (…) cho 15 người này, như yêu cầu Ủy Ban Olympic Nga, cũng đã bị cấm hoạt động ».
Theo AFP, điểm quan trọng là với quyết định công bố hôm nay, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã khẳng định sự khác biệt về quan điểm với Tòa Án Trọng Tài Thể Thao
Ngay hôm qua, ông Thomas Bach chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã tuyên bố : « Chúng tôi sẽ không bao giờ tưởng tượng được một quyết định như vậy » và điều đó, theo ông « cho thấy là Tòa Án Trọng Tài cần phải được cải cách ».
Trước lời đả kích đó, Tòa Án Trọng Tài Thể Thao, trong một thông cáo đề ngày hôm nay đã biện minh cho hành động của mình khi giải thích rằng « Các vận động viên phải có sự tin tưởng vào tiến trình xét xử ở mọi cấp, đặc biệt là trước Tòa Án Trọng Tài ». Tòa Án đồng thời cho biết là sẽ công bố luận chứng của họ trong trường hợp các vận động viên Nga « càng sớm càng tốt ».
Thế nhưng, với quyết định dứt khoát hôm nay, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế cho thấy là họ không cần đến bản luận chứng đó nữa.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180205-uy-ban-the-van-quoc-te-kien-quyet-cam-mot-so-van-dong-vien-nga
Mỹ yêu cầu Nga tuân thủ Hiệp ước START Mới
Cho dù vừa công bố một chiến lược trang bị vũ khí hạt nhân mới, được cho là rất mạnh mẽ, Hoa Kỳ vừa lên tiếng yêu cầu Nga tuân thủ các cam kết tôn trọng Hiệp ước START Mới về giảm trừ vũ khí chiến lược đã được hai nước thông qua và chuyển sang một giai đoạn mới vào hôm nay, 05/02/2018.
Hiệp ước giảm vũ khí chiến lược đã được Washington và Mátxcơva ký kết năm 2010 và có hiệu lực vào tháng 2 năm 2011. Hiệp ước này yêu cầu hai bên giảm dần trong vòng 10 năm số lượng đầu đạn hạt nhân do cả hai bên nắm giữ, đặt ra giới hạn về hệ thống phóng đầu đạn, đồng thời khai triển một chế kiểm tra nghiêm ngặt và trao đổi dữ liệu.
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố là « Hoa Kỳ và Nga đều đã thực hiện Hiệp Ước START Mới trong bảy năm », và « ngày 5 tháng 2 năm 2018 đánh dấu việc các giới hạn trung tâm của hiệp định về kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mỗi quốc gia có hiệu lực. »
Phát ngôn viên ngoại giao Mỹ xác định là Hoa Kỳ đã hoàn thành các cam kết của mình vào tháng 8 năm 2017 và nhắc nhở Nga duy trì cam kết của mình đối với hiệp ước này, và hy vọng rằng việc trao đổi dữ liệu sắp tới sẽ được thực hiện theo Hiệp ước để khẳng định lại cam kết này.
Về phần nước Nga, Mátxcơva hôm nay cam kết tôn trọng hiệp ước và cho biết sẽ cung cấp cho Washington dữ liệu về kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga « trong tương lai gần. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180205-my-yeu-cau-nga-tuan-thu-hiep-uoc-start-moi
Nghi phạm còn sống
của loạt khủng bố Paris năm 2015 ra tòa ở Bruxelles
Đây là một phiên tòa rất được mong đợi. Trong phiên xử sáng ngày 05/02/2018 tại Bruxelles – Bỉ, một lần nữa bị cáo từ chối trả lời các câu hỏi của quan tòa và tuyên bố « im lặng không có nghĩa là có tội ». An ninh được tăng cường tối đa chung quanh tòa án tại Bruxelles.
Đặc phái viên Frank Alexandre từ Bruxelles cho biết thêm về không khí tại chỗ :
“Đây là một phiên xử diễn ra trong bầu không khí điên cuồng được đặt dưới sự canh chừng an ninh hết sức chặt chẽ. Rất nhiều cảnh sát được huy động cả ở bên trong lẫn bên ngoài tòa án của Bruxelles. Chung quanh tòa án, không một chiếc xe nào được đậu lại. Cảnh sát và cả quân đội phong tòa khu vực này.
Từ rất sớm vào sáng hôm nay hơn 400 phóng viên được cấp giấy phép đến đưa tin đã rồng rắn xếp hàng, họ bị khám xét rất kỹ trước khi được vào bên trong tòa án và để có thể được trông thấy rõ bộ mặt của bị cáo.
Salah Abdeslam là người duy nhất còn sống sót trong số tác giả loạt khủng bố 13/11/2015 tại Paris. Nhưng không phải là ai cũng được vào bên trong phòng xử Salah Abdeslam và một tòng phạm. Trong căn phòng này, chỉ có ít người mà thôi, trong đó có các quan toà, một vài người đại diện cho phía các nạn nhân, rất đông cảnh sát, hai bị cáo và luật sư bào chữa cho họ, sau cùng là một vài nhà báo Bỉ. Salah Abdeslam không bị còng tay, ngồi trên một băng ghế, chứ không bị cách ly như thông lệ.
Phần còn lại những người có mặt trong tòa án theo dõi phiên xử sáng nay qua truyền hình ở một phòng bên cạnh. Câu hỏi đặt ra là sau nhiều lần im lặng khi trình diện tòa án ở Pháp, liệu Salah Abdeslam lần này có phát biểu gì hay không. Nếu Salah Abdeslam tiếp tục thái độ đó, thì phiên tòa dự trù mở ra trong 4 ngày sẽ khép lại sớm hơn dự kiến và đây sẽ là một dấu hiệu rất xấu đối với tư pháp của nước Pháp, vì Paris muốn mở lại phiên xử Abdeslam trong nay mai ».
Salah Abdeslam, một công dân Pháp sinh ra tại Bruxelles. Theo các nhà điều tra, thanh niên 28 tuổi này đóng một vai trò then chốt trong loạt khủng bố tại Paris và Saint Denis hôm 13/11/2015. Abdeslam biết rõ nhân vật chủ chốt là Abdelhamid Abaaoud và em trai của Abdelslam là một trong số những kẻ khủng bố tự sát.
Một ngày sau loạt khủng bố tự sát ở nhiều địa điểm trong nội thành Paris và trước sân vận động Stade de France, làm 130 người thiệt mạng, Salah Abdeslam trốn sang Bỉ và chỉ sa lưới cảnh sát một cách rất tình cờ, bị bắt hôm 18/03/2016 tại Molenbeek. Hơn một tháng sau nghi phạm này được chuyển về nhà tù Fleury Merogis, Pháp. Từ đó tới nay, trong mọi lần phải trình diện tòa án, Salah Abdeslam dứt khoát giữ im lặng.
Trong phiên xử hôm nay, Salah Abdelslam phải trả lời về vụ nổ súng diễn ra hôm 15 tháng 3, năm 2016 tại Forest và đã bị bắt ba ngày sau đó tại Molenbeek ngoại thành thủ đô Bruxelles. Nhân vật này là nghi phạm duy nhất trong loạt khủng bố tại Paris hồi tháng 11/2015 còn sống sót và kẻ bị truy lùng nhất tại châu Âu vào thời điểm đó.
Tại Forest, ngoại vi thủ đô Bruxelles, Salah Abdelslam nổ súng làm ba nhân viên cảnh sát bị thương. Cũng trong vụ chạm súng này, một chiến binh Hồi Giáo cực đoan thiệt mạng để cho phép Salah Abdelslam và một đồng lõa thoát thân. Phải mất ba ngày sau, cảnh sát mới bắt được cả hai người này tại Molenbeek – một quận nhỏ ở ngoại ô Bruxelles.
Cho dù phiên xử hôm nay không trực tiếp liên quan đến các vụ khủng bố nhắm vào Paris và Bruxelles, nhưng đây là một phiên tòa rất được các nạn nhân của hai vụ tấn công nói trên mong đợi.
Đây là lần đầu tiên Salah Abdelslam có thể giải thích về hành vi của mình trong lúc mà suốt thời gian bị giam tại nhà tù Fleury Merogis ở Pháp, anh luôn giữ im lặng trong những lần phải trình diện tòa án. Không có bằng chứng là Abdelslam đã tham gia vào đợt khủng bố tại thủ đô Bruxelles ngày 22/03/2016 nhưng theo giới điều tra, chính vụ phát hiện và bắt giữ Abdelslam đã khiến nhóm khủng bố ở Bruxelles ra tay sớm hơn dự kiến.
Đức: CDU và SPD
có thêm 2 ngày để thỏa hiệp về chính phủ liên minh
Hơn bốn tháng sau cuộc bầu cử Quốc Hội Đức, 24/09/2017, cuộc thương lượng để lập chính phủ liên hiệp đang bước vào giai đoạn chót. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) của thủ tướng Merkel và đảng Xã Hội Dân Chủ SPD gần tiến đến một thỏa hiệp. Hai bên đồng ý gia hạn thêm hai ngày đàm phán, sau khi hạn chót kết thúc hôm qua, 04/02/2018.
Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin,
« Vẫn còn khoảng hơn 20 điểm bất đồng cần được giải quyết, trong đó khoảng một nửa là tương đối dễ dàng. Tuyên bố tối Chủ nhật của một lãnh đạo đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo cho thấy hai phe bảo thủ và xã hội dân chủ vẫn còn nhiều việc để làm.
Thời hạn hoàn tất các thương lượng – kết thúc vào tối Chủ nhật hôm qua – đã không thực hiện được. Tuy nhiên, hai bên sẽ có thêm hai ngày làm việc bổ sung, hôm nay và ngày mai, theo kế hoạch dự kiến. Cánh tả và cánh hữu đặc biệt đối chọi nhau trong hai hồ sơ khó khăn.
Về hệ thống bảo hiểm xã hội, đảng xã hội SPD yêu cầu cải thiện chế độ chung đối với những người mua bảo hiểm tư nhân. Đảng SPD cũng muốn đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo nhân nhượng về một chủ đề quan trọng khác với họ, việc giảm số lượng các hợp đồng lao động có thời hạn.
Đảng xã hội dân chủ Đức phải chứng minh được với các đảng viên ở cơ sở là họ đã đạt được sự thỏa hiệp của phe bảo thủ, bởi nếu thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp được thông qua, 440.000 đảng viên SPD sẽ phải được tham khảo ý kiến.
Về phần mình, thủ tướng Đức Angela Merkel hiểu rõ các áp lực hiện nay, tuy nhiên mức uy tín đang xuống quá thấp của bà buộc Angela Merkel không được nhân nhượng quá mức, để tránh làm những cộng sự của bà trong đảng nổi giận.
Nếu các đảng viên SPD, vốn rất lưỡng lự trong việc tiếp tục liên minh tả – hữu, có thể ủng hộ thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp mới, tân chính phủ Merkel có thể được thành lập trong vòng tháng 3 ».
Brexit : Anh Quốc « loại trừ mọi liên minh thuế quan » với Liên Âu
Hôm nay, đại diện đàm phán Liên Âu, chính trị gia người Pháp Michel Barnier hội kiến bộ trưởng phụ trách về Brexit của Anh David Davis, tại Luân Đôn. Đây là cuộc làm việc đầu tiên kể từ khi nhóm 27 nước phê chuẩn các nguyên tắc quy định « giai đoạn quá độ », tiếp theo Brexit. Theo đại diện Liên Âu Michel Barnier, vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Bruxelles, kể từ ngày mai, và sẽ kéo dài trong ba ngày. Liên Âu và Anh dự kiến sẽ đạt thỏa thuận về « giai đoạn chuyển tiếp », từ nay đến thượng đỉnh châu Âu ngày 22 và 23/03.
Trong khi đó, một nguồn tin gần gũi với thủ tướng Anh Theresa May hôm nay cho biết Luân Đôn sẽ « loại trừ mọi khả năng » có một liên minh thuế quan với Liên Âu sau Brexit. Ý kiến nói trên ngược với quan điểm của Liên Đoàn Công Nghiệp Anh (CBI), ủng hộ việc duy trì Anh trong liên minh thuế với châu Âu. Tuy nhiên, theo Reuters, Luân Đôn vẫn hy vọng có được với Bruxelles một thỏa thuận tự do, cho phép hàng hóa Anh vào Liên Âu mà không phải nộp thuế.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180205-duc-ta-huu-co-them-2-ngay-de-dat-thoa-hiep-ve-chinh-phu-lien-hiep
Tệ nạn trong công nghiệp dược phẩm:
Tạo khan hiếm giả để đội giá
Tình trạng hết thuốc cần thiết để trị bệnh ung thư hay hết kháng sinh đặc trị đang trở thành mối lo ngại cho giới bác sĩ điều trị. Một số bác sĩ Pháp đã lên tiếng báo động, và đòi chính quyền phải có biện pháp can thiệp. Tạp chí Pháp L’Express số ra tuần này đã vạch trần nguyên do tình trạng khan hiếm : Đó là vì một số tập đoàn dược phẩm ngưng sản xuất thuốc không mang lại lợi nhuận cao hay đã cố tinh tạo nên sự khan hiếm để rồi sau đó nâng giá sản phẩm lên gấp bội để kiếm lợi, bất chấp nguy hiểm tính mạng đối với các bệnh nhân !
Một ví dụ cụ thể đầu tiên đã được bác sĩ giải phẫu Yann Neuzillet, chuyên khoa niệu học nêu bật : Đó là trường hợp của thuốc Immucyst, dùng để ngăn không cho ung thư bàng quang (bọng đái) tái phát. Từ năm 2012 cho đến cuối 2017, loại thuốc này chỉ được cung cấp nhỏ giọt ở Pháp. Hậu quả là nhiều bênh nhân không được chữa trị đúng liều lượng và bệnh tái phát.
Theo số liệu của Hiệp Hội Niệu Học Pháp (Association française d’urologie), có gần 700 bệnh nhân bị rơi vào tình trạng thiếu thuốc và phải mổ lại, có cả 100 người đã phải chịu hậu quả rất bi thảm, bị cắt bàng quang với tất cả những hệ quả kèm theo. Loại thuốc này mới chỉ có trở lại ở Pháp gần đây thôi, nhưng các bác sĩ được cảnh báo rằng thuốc có thể bị khan hiếm trở lại trong vòng một năm tới đây.
Số thuốc bị gián đoạn cung cấp tăng cao chưa từng thấy
Theo L’Express, Immucyst không phải trường hợp cá biệt. Số liệu chính thức năm 2017 của Cơ Quan Quốc Gia Pháp về An Toàn Dược Phẩm ANSM, vừa mới được củng cố lại, đã xác nhận lời báo động mà giới bác sĩ và dược sĩ trong môi trường bệnh viện đã tung ra: Số lượng thuốc bị gián đoạn cung cấp, vốn đã rất cao từ năm 2013, vào năm ngoái đã tăng vọt, đạt mức chưa từng thấy từ trước đến nay.
Theo ông Patrick Maison, giám đốc bộ phận phụ trách giám sát của ANSM, đây là mối quan ngại rất lớn. Cơ quan nhận được trung bình 400 thông báo về tình trạng thiếu hụt thuốc. Bây giờ con số này lên đến khoảng 500.
Tình hình càng đáng lo hơn vì Cơ quan ANSM chỉ chú ý đến những loại thuốc gọi là « sống còn » cho công việc điều trị, tức là những dược phẩm mà nếu thiếu, có thể ảnh hưởng đến khả năng sống sót của bệnh nhân, hay làm mất cơ may chữa trị cho bệnh nhân.
Bà Muriel Duhan, phụ trách vấn đề dược phẩm tại Viện Ung Thư Quốc Gia Pháp rất lo lắng trước hiện tượng này: « Chúng tôi luôn bị ảnh hưởng do việc không được cung cấp các loại thuốc hóa trị cơ bản. Hiện giờ chúng tôi được báo là sẽ không được cung cấp thuốc 5FU cần thiết cho việc điều trị ung thư đường ruột và vú, vì hàng đã hết. 15 ngày trước đây là loại gemcitabine và cisplatine, còn cách đây không lâu là vincristine, mùa hè vừa qua là bléomycine. Còn melphalan là thường xuyên… »
Các giải pháp của giới chuyên môn
Vấn đề này ngày càng khó giải quyết. Cơ quan ANSM có một số giải pháp, trong đó có việc nhập số thuốc mà kế hoạch ban đầu là dành cho những nước khác. Nhưng điều này vẫn không thỏa đáng.
Một cách khác là sử dụng các phân tử (molecule) gần như có cùng hiệu năng để thay thế. Có điều, như giải thích của Giáo sư Alain Astier, thuộc Viện Hàn Lâm Dược Học Quốc Gia Pháp (Académie nationale de pharmacie), « tuy giống nhau nhưng có thể gây tác dụng phụ khác nhau, hay không hiệu quả bằng. »
Là người còn chịu trách nhiệm về thuốc ở bệnh viện Henri Mondor ở Créteil, ngoại ô Paris, giáo sư Astier nhắc lại rằng không phải chỉ riêng thuốc về ung thư bị thiếu hut, mà nhiều loại khác, từ các loại gây tê, gây mê, vaccin, thuốc trị động kinh, cho đến rất nhiều loại kháng sinh, cũng đều bị thiếu và đặt ra những vấn đề nan giải.
Nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm đó đến từ việc giới sản xuất đã đánh giá là một số thuốc không mang lại đủ lợi nhuận để họ tiếp tục sản xuất. Đây là những loại thuốc được tung ra thị trường từ lâu và bán với giá thấp.
Theo nhà huyết học Jean Paul Vernant « giới sản xuất thấy không được lợi nữa thì họ ngưng sản xuất và quay sang những molécule mới mà việc chế tạo mang lại cho họ những khoản lợi nhuận to lớn, thay vì chú ý đến các loại thuốc ra trước, cho dù các thuốc này vẫn rất cần thiết cho người bệnh ».
Hiện nay thì thuốc gia công sản xuất ở ngoài rất nhiều, gần 80% hoạt chất, tức là thành tố chính, của các loại thuốc, đều nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ những nơi giá thành rẻ và không có quy định chặt chẽ về môi trường như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Theo ông Bruno Bonnemain, một dược sĩ kỳ cựu hiện là viện sĩ Viện Hàn Lâm Dược Học Pháp, việc gia công này cũng gây trở ngại vì khi người ta phát hiện một điều gì đấy bất ổn khi kiểm tra một nhà máy, hay một nhà cung cấp nào đó đột ngột thay đổi khách hàng, thì nhà sản xuất ở Pháp phải mất một thời gian tìm người gia công khác.
Ngưng cung cấp để gây sức ép tăng giá
Bên cạnh những nguyên nhân liên quan đến sản xuất khiến cho thuốc thiếu hụt, còn có áp lực đến từ tình trạng nhu cầu trên thế giới tăng mạnh lên, khiến cho các nước không ngần ngại cạnh tranh nhau, sẵn sàng mua giá cao hơn, nhất là những loại thuốc ra trước đây mà giá vẫn rẻ trên thị trường như ở Pháp.
Trong tình hình này, nhiều người e ngại tình trạng ngưng cung cấp trở thành một phương thức để các viện bào chế gây áp lực hầu tăng giá một cách quá đáng.
Đây là phương thức thường áp dụng ở Mỹ, nhưng chỉ mới được ghi nhận một lần ở Pháp. Đây là trường hợp của thuốc carmustine, dùng để hóa trị, thoạt đầu được bán ra với giá 38 euro một lọ. Thế nhưng sau đó thuốc này không còn được cung cấp trong vòng 1 năm, để rồi xuất hiện trở lại với giá 900 euro một liều. Và theo giáo sư Astier, sau vài lần khan hiếm khác, carmustine hiện được bán ra với giá 1.405 euro một lọ.
Chính phủ Pháp đã không khoanh tay ngồi nhìn mà cố tìm phương thức đối phó với nạn thiếu hụt này.
Một ví dụ là đạo luật thông qua vào năm 2016, buộc các nhà sản xuất phải có « kế hoạch quản lý khả năng thiếu hụt » và gởi lên cho cơ quan chính quyền để xét duyệt lại. Tuy nhiên một số người hoài nghi hiệu quả của luật đó.
Trong tình hình nói trên, giới chuyên gia đang vặn óc tìm giải pháp : phải cần một kế hoạch táo bạo hơn. Hiện nay, cơ quan ANSM đã tập hợp một nhóm chuyên gia, hoàn thiện một số đề nghị đưa lên bộ Y Tế.
Trong những hướng đang suy nghĩ có việc lập kho dự trữ an toàn, đa dạng hóa các cơ sở sản xuất trong trường hợp đó là thuốc độc quyền, và nhất là khuyến khích đưa cơ sở sản xuất trở về Pháp, hay ít ra là về Châu Âu, đối với những sản phẩm quan trọng nhất. Một số viện bào chế đã được tiếp cận theo chiều hướng đó, nhưng đây là một việc làm dài hơi.
Các nhà thuốc Tây ở thành phố Pháp lập kế hoạch
Theo phóng sự điều tra của L’Express các nhà thuốc tây trong các thành phố Pháp đã lập kế hoạch ứng phó với nạn khan hiếm.
Ngay từ năm 2013, để thông tin lưu chuyển dễ hơn giữa các tác nhân trong dây chuyền : hiệu thuốc, giới bán sỉ, giới sản xuất, Hội Dược Sĩ Pháp đã thiết lập một hệ thống tự động thông báo sự thiếu hụt của một sản phẩm. Chỉ trong vòng 72 tiếng đồng hồ là sẽ có tín hiệu báo động gởi đến công ty dược phẩm có liên can và giới chức trách y tế.
Nhưng điều này giúp tìm giải pháp trong trường hợp thuốc tạm thời bị thiếu hụt nơi hãng bán sỉ cho nhà thuốc.
Hiện nay thì một nửa trong số 22.000 nhà thuốc tây tại Pháp đã kết nối vào hệ thống này, và kết quả khá tốt.
Tại Mỹ, nơi mà nạn thiếu hụt thuốc cũng thường diễn ra, L’Express cho biết là gần 300 bệnh viện vừa thông báo quyết định tập hợp lại để thành lập viện bào chế thuốc của riêng mình, không chạy theo lợi nhuận, để sản xuất các loại thuốc đã có từ lâu đó.
Đức đứng đầu thế giới xuất khẩu dược phẩm năm 2016.
Theo số liệu do trang web Mỹ Howmuch vừa công bố liên quan đến tình hình xuất khẩu thuốc tây năm 2016, thì châu Âu vẫn đứng đầu với Đức chiếm đến 48,6% thị trường, Thụy Sĩ thứ 2 với 39,9%.
Pháp, Anh kém hơn, chỉ khoảng 22%, còn thua cả Bỉ 26,5%. Hoa Kỳ với 22,5%, đồng hạng với Anh và Pháp.
Các nước Châu Á thua xa các quốc gia phương Tây. Nước xuất khẩu quan trọng nhất là Ấn Độ cũng chỉ chiếm 11,6% thị trường, trong lúc Trung Quốc lẹt đẹt phía sau, chỉ được 2,8% mà thôi.
http://vi.rfi.fr/phap/20180205-te-nan-trong-cong-nghe-duoc-pham-tao-khan-hiem-gia-de-doi-gia
Đức giáo hoàng tiếp kiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ,
Roma tăng cường an ninh
Quy chế của thành phố thành Jerusalem và chiến dịch quân sự do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành nhắm vào người Kurdistan tại Afrin, miền bắc Syria, là hai chủ đề lớn được tổng thống Erdogan thảo luận trong buổi xin được đức giáo hoàng Phanxicô tiếp kiến sáng nay 05/02/2018 tại Vatican. Đây là lần đầu tiên từ gần 60 năm qua, một lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân đến Tòa Thánh.
Theo các nhà quan sát, tổng thống Recep Tayyip Erdogan và lãnh đạo Vatican đồng ý trên một hồ sơ: cả hai cùng lên án quyết định của tổng thống Donald Trump dời tòa đại sứ Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, coi đây là thủ đô của nhà nước Do Thái.
Ngược lại đức giáo hoàng Phanxicô luôn chống đối mọi hình thức chiến tranh, và quyết định sử dụng vũ khí hàng loạt, do vậy mọi người chờ đợi, lãnh đạo Vatican sẽ mạnh mẽ chống đối chiến dịch quân sự Ankara đang tiến hành tại Afrin, miền Bắc Syria.
Sau cùng, quan hệ cá nhân không mấy thắm thiết giữa đức giáo hoàng và tổng thống Erdogan. Là một người chủ trương mở rộng đối thoại giữa các nền tôn giáo trên thế giới, năm 2014 đức giáo hoàng Phanxicô đã tông du Thổ Nhĩ Kỳ trong một bầu không khí được đánh giá là “lạnh nhạt”. Ông Erdogan luôn chỉ trích thái độ bị cho là bài Hồi Giáo của các nền văn hóa phương Tây.
Hai năm sau tại Erevan, lãnh đạo Tòa Thánh đã sử dụng cụm từ “diệt chủng” nêu lên trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trong đợt thảm sát người Armenia trong giai đoạn 1915-1916 làm từ 1,2 đến 1,5 triệu nạn nhân thiệt mạng. Tuyên bố này đã khiến Ankara vô cùng giận dữ.
Ngoài cuộc hội kiến với đức giáo hoàng sáng nay, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có buổi làm việc với đồng nhiệm Ý, tổng thống Sergio Matterella và thủ tướng Gentilloni. Với các lãnh đạo của Ý, hồ sơ chính liên quan đến nhập cư, khả năng Ankara gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và hợp tác về công nghệ quốc phòng.
Thủ đô Roma tăng cường các biệt pháp an ninh, huy động 3.500 nhân viên cảnh sát, cấm các tổ chức hội đoàn biểu tình ở trung tâm thủ đô nước Ý trong vòng 24 giờ, suốt thời gian tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có mặt tại Ý.
Dù vậy khoảng 200 người thuộc một hiệp hội của cộng đồng người Kurdistan tại Ý dự trù biểu tình ngồi vào trưa nay cách không xa tòa thánh Vatican để tố cáo Ankara tấn công người Kurdistan tại Afrin.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180205-tong-thong-tho-nhi-ky-tiep-kien-giao-hoang-roma-tang-cuong-an-ninh
Đọ sức Trump-FBI: Đảng Dân Chủ Mỹ dự trù phản công
Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ ngày 05/02/2018 xem xét yêu cầu của đảng Dân Chủ đòi cho công bố một văn bản bác bỏ những luận điểm trong bản ghi nhớ của dân biểu Nunes được tiết lộ hôm 02/02/2018. Văn bản này đã chỉ trích FBI lạm quyền trong vụ điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, tạo thuận lợi cho ứng viên Donald Trump.
Có ít nhất 2 dân biểu Cộng Hòa giữ khoảng cách với tuyên bố của tổng thống Trump cho rằng ông đã được “minh oan” sau khi văn bản mật tố cáo FBI lạm quyền được cho công bố. Người thứ nhất là Trey Gowdy và người thứ nhì là Will Hurd, cả hai cùng là thành viên Ủy Ban Tình Báo tại Hạ Viện Hoa Kỳ.
Thông tín viên đài RFI Marie Bourreau từ New York giải thích thêm về hồ sơ vô cùng rắc rồi này :
“Bên đảng Dân Chủ muốn ăn miếng, trả miếng. Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ trong vài giờ nữa sẽ quyết định là có nên hay không cho công bố một văn bản do các dân biểu của đảng Dân Chủ soạn thảo.
Tài liệu này gồm 10 trang, lên án bên đảng Cộng Hòa chọn lọc thông tin nhằm mục đích duy nhất là làm mất uy tín công tố viên đặc biệt, Robert Mueller trong nhiệm vụ điều tra về nghi án Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Phe đối lập khẳng định là đảng Cộng Hòa đã tường thuật một cách không chính xác về yêu cầu theo dõi ông Carter Page, cố vấn về chính sách đối ngoại của ứng cử viên Donald Trump. Đảng Dân Chủ cũng cho rằng nhiều thông tin hết sức nhậy cảm đã bị báo cáo (của dân biểu đảng Cộng Hòa, Devin Nunes) bóp méo.
Tác động của sự việc rất lớn. Bên đảng Dân Chủ nghi ngờ tổng thống Trump muốn khai thác báo cáo được công bố hôm Thứ Sáu của ông Nunes chỉ trích FBI lạm quyền, để nhận chìm cuộc điều tra đang được công tố viên đặc biệt Mueller tiến hành, đồng thời cách chức luôn ông này.
Nghĩ dưỡng ở khu dinh thự riêng tại bang Florida trong hai ngày cuối tuần, qua Twitter, Donald Trump khẳng định báo cáo mật được công bố vừa qua đã hoàn toàn “minh oan” cho ông.
Phe Dân Chủ lo ngại là tổng thống Hoa Kỳ có đến 5 ngày để quyết định kiểm duyệt báo cáo của bên đảng đối lập. Dù vậy, phát ngôn Nhà Trắng đã tuyên bố nhưng không bình luận rằng vấn đề còn đang trong giai đoạn được “cứu xét”.
Trả đũa thương mại:
Trung Quốc chuẩn bị đánh thuế cao lương của Mỹ
Thêm một dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ -Trung. Ngày 04/02/2018, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo cho mở điều tra chống bán phá giá nhắm vào cao lương của Mỹ. Hai tuần trước, Hoa Kỳ thông báo tăng thuế nhập khẩu nhắm vào pin mặt trời và máy giặt Trung Quốc.
Theo hãng tin AFP đây là một đòn trả đũa của Trung Quốc về mặt thương mại, nhưng thủ tục còn kéo dài và tiến trình điều tra từ phía bộ Thương Mại Trung Quốc dự trù sẽ chỉ hoàn tất vào năm tới.
Trước mắt Bắc Kinh không tiết lộ là sẽ có áp dụng thêm bất kỳ một loại thuế nào hay không nhắm vào hàng Mỹ nhập sang Trung Quốc.
Trong năm 2017 Trung Quốc nhập 4,8 triệu tấn cao lương của Mỹ, trị giá 1 tỷ đô la. Trung Quốc là thị trường mua vào nhiều nhất cao lương, đậu nành của Mỹ.
Trong trường hợp Bắc Kinh tăng thuế nhập khẩu nhắm vào các mặt hàng này, nông gia Mỹ trực tiếp bị thiệt hại, đặc biệt là tại các tiểu bang như Kansas, Texas và Colorado. Đây là các bang từng ồ ạt bỏ phiếu cho Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi 2016.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180205-tra-dua-thuong-mai-trung-quoc-danh-thue-cao-luong-cua-my
Ngân hàng Nhật Nomura :
Không lo Trung Quốc bị khủng hoảng
Từ nhiều năm qua, các cơ quan tài chính và nghiên cứu về tình hình kinh tế Trung Quốc đều dự báo nền kinh tế nước này sớm muộn gì cũng phải đối mặt với khủng hoảng. Ngày 02/02/2018, hãng tin Reuters đăng tải cuộc phỏng vấn ông Sébastien Djaoui, nhân viên môi giới tài chính, thuộc tập đoàn ngân hàng Nhật, Nomura làm việc tại Paris về chủ đề này, qua ba câu hỏi đáp sau đây.
1/ Thực hư về đe dọa Trung Quốc bị khủng hoảng ?
Sébastien Djaoui : Khủng hoảng tại Trung Quốc rất ít có khả năng nổ ra, do người Trung Quốc nắm giữ 98 % các tích sản. Theo thẩm định của Nomura, khủng hoảng xuất phát khi các nhà đầu tư quyết tâm rút một loại tích sản nào đó ra khỏi một quốc gia. Thế nhưng, hiện tại các nhà đầu tư ngoại quốc chỉ kiểm soát từ 4 đến 5% tích sản trôi nổi trên thị trường nội địa Trung Quốc, gần 2,5 % thị trường công trái của Trung Quốc, như vậy là rất ít, và khoảng 1,5 % tích sản bằng nhân dân tệ. Thứ nữa, Trung Quốc có phương tiện để hãm các luồng vốn đầu tư của nước này đổ ra nước ngoài. Trong năm 2017, tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở hải ngoại giảm 16 %.
Thuần túy về mặt tài chính, Trung Quốc không bị áp lực từ bên ngoài cho dù vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Chính Trung Quốc sẽ tự quyết định thời điểm cần giảm hoặc đẩy nhanh hoạt động kinh tế. Có thể Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới tự quản lý được tới 95% nền kinh tế của mình. Trung Quốc làm việc này rất hoàn hảo và đã rút tỉa được nhiều bài học từ những sai lầm mà Nhật Bản phạm phải trong cuộc khủng hoảng vào cuối thập niên 1990 và kể cả từ những sai lầm của chính họ, đặc biệt là hồi năm 2015 khi Bắc Kinh để cho thị trường đầu tư lên cơn sốt, rồi quản lý một cách vụng về việc phá giá đồng tiền”.
2/ Trung Quốc sẽ làm chủ được nợ của họ ?
Sébastien Djaoui : “Trung Quốc chưa thực sự bắt đầu giảm nợ mà chỉ hãm không cho nợ tăng nhanh. Hơn nữa, nợ của nước này nằm trong tay các tác nhân nội địa, hiểu theo nghĩa rộng. Do vậy, sẽ không có vấn đề gì nếu như cán cân thương mại vẫn thặng dư và vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc cao hơn số vốn đầu tư ra bên ngoài. Chỉ số cần ưu tiên theo dõi là khối lượng tiền tệ (M2), tức là thanh khoản sẵn có trong toàn bộ hệ thống tài chính. Hiện tại khối lượng thanh khoản này là khoảng 26.000 tỷ đô la, tương đương với tổng số nợ của Trung Quốc.
Đồng thời, Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát các hoạt động ngân hàng không chính thức – shadow banking, tức là hệ thống tín dụng ngắn hạn phi ngân hàng, bằng cách từng bước tăng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng nội địa. Trung Quốc rất ý thức được là tăng trưởng của họ bị chậm lại từ cuối quý ba năm 2017 và đã xử lý vấn đề này bằng cách nhắm vào tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng (cấp tín dụng chính thức, đối lập với việc cấp tín dụng không chính thức phi ngân hàng).
Hiện tại Trung Quốc biết là tình trạng nợ nần của họ là một rủi ro lớn, khiến các nhà đầu tư ngoại quốc lo ngại. Nhưng đồng thời câu hỏi chính đặt ra cho chính quyền nước này trong giai đoạn từ 3 đến 5 năm sắp tới là làm thế nào tài trợ cho cho nền kinh tế để có được tăng trưởng trong tương lai ? Trung Quốc xử lý vấn đề này qua biện pháp « mở cửa bất cân xứng », có nghĩa là mở cửa một cách chừng mực cho vốn đầu tư nước ngoài vào, nhưng từ đầu 2017, lại cấm một số khoản đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài.
Trung Quốc cũng muốn quốc tế hóa nhân dân tệ, nhưng không thể làm việc này trong ngày một ngày hai, với nguy cơ làm cho con tàu kinh tế của Trung Quốc trật đường rày. Trung Quốc thật sự cần ổn định để tiến hành các cải cách.
3/ Đâu là những rủi ro chính đe dọa kinh tế Trung Quốc ?
Sébastien Djaoui : Rủi ro thực sự vẫn là lĩnh vực địa ốc, tích sản duy nhất tác động đến cả mức tiêu thụ, hệ thống tài chính và đầu tư của một quốc gia. Dù vậy từ 2009, tức là từ khi Trung Quốc tung kế hoạch kích cầu để đối phó với khủng hoảng tài chính thế giới, tất cả các nhà đầu tư đều dự báo là Trung Quốc sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng địa ốc. Nhưng khủng hoảng đã không xẩy ra vì chính quyền đã ngăn cản được việc điều chỉnh giá cả quá mạnh và bởi vì nhu cầu mua nhà ở Trung Quốc vẫn còn rất cao.
Rủi ro thực sự mà Trung Quốc không làm chủ được, đó là rủi ro ở bên ngoài, ví dụ khủng hoảng ở Mỹ, với tình trạng lạm phát tăng tốc, lãi suất ngân hàng đột ngột tăng mạnh, hoặc xung đột thương mại.
Tuy nhiên tôi lạc quan về viễn cảnh 5 năm sắp tới, do Trung Quốc luôn có khả năng quản lý kinh tế và tiến hành một sự thay đổi cơ cấu guồng máy công nghiệp cũ kỹ để hướng tới công nghệ mới, với quyết tâm xây dựng những tập đoàn hàng đầu quốc gia trong tất cả các lĩnh vực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180205-ngan-hang-nhat-nomura-khong-lo-trung-quoc-bi-khung-hoang