Tin Khắp nơi – 05/02/2017
Khiếu nại của ông Trump bị Tòa án bác bỏ
Tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ đã bác yêu cầu của chính quyền Trump đòi khôi phục một lệnh cấm đi lại vốn bị một Thẩm phán Liên bang ngăn chặn hôm thứ Sáu.
Phán quyết đêm hôm qua có nghĩa là lệnh cấm đi lại sẽ vẫn bị treo cho đến khi vụ việc được điều trần đầy đủ.
Tòa phúc thẩm cho Nhà Trắng và các tiểu bang thách thức lệnh cấm của Tổng thống Trump một thời hạn chót là ngày thứ Hai để trình thêm các luận cứ.
Giới luật sư tiểu bang cho rằng lệnh cấm đi lại, ảnh hưởng đến người dân từ bảy quốc gia, là không hợp hiến.
Trong kháng cáo của mình, Bộ Tư pháp Mỹ nói ngăn chặn lệnh cấm đi lại trên chẳng khác gì chất vấn phán xét của Tổng thống Trump về nguy cơ an ninh quốc gia.
Kháng cáo cũng lập luận rằng lệnh cấm của ông Trump không hề phân biệt đối xử đối với tự do các quyền tôn giáo bởi vì nó đã được nhắm vào quốc gia cụ thể, ABC đưa tin.
Trong kháng cáo hôm thứ Sáu, Bộ Tư pháp đã lập luận rằng các tiểu bang không có quyền phản đối một sắc lệnh của tổng thống.
‘Nực cười’
Những người có thị thực từ các quốc gia bị ảnh hưởng khi lấy trước các chuyến bay tới Mỹ đã e ngại cơ hội tới Mỹ của họ trở nên mong manh sau lệnh cấm của tân chính quyền Donald Trump.
Thẩm phán thấy rằng các thách thức pháp lý mà hai tiểu bang Washington và Minnesota đưa ra có khả năng thành công.
Khiếu nại về phán quyết của Thẩm phán Liên bang được Bộ Tư pháp Mỹ chính thức đệ trình hôm thứ Bảy.
Ông Trump đứng tên là một trong những người kháng cáo trên tư cách Tổng thống, cùng với Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly và Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Chính quyền Trump lập luận rằng lệnh cấm đi lại được soạn thảo để bảo vệ nước Mỹ, và nó đang tìm kiếm một khoảng thời gian ngưng lại khẩn cấp để khôi phục các hạn chế.
Ngay sau khi đưa ra khiếu nại, Tổng thống Mỹ đã dự đoán rằng động thái này sẽ ‘thành công.’
“Chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Vì sự an toàn của đất nước, chúng tôi sẽ giành chiến thắng,” ông nói với các phóng viên.
www.bbc.com/vietnamese/world-38874235
Duterte ‘chưa sẵn sàng’ nói chuyện với phiến quân
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông đang dỡ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân cộng sản được dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Ông Duterte nói ông đang từ bỏ các cuộc thảo luận ở Na Uy với tổ chức Quân đội nhân dân mới (NPA) và đang chỉ đạo các nhà đàm phán của ông trở về nước.
Ông cho rằng, các yêu sách của phiến quân cộng sản đòi thả 400 tù nhân là quá nhiều.
Tin này xuất hiện sau khi kết thúc một lệnh ngừng bắn sáu tháng giữa hai bên.
“Tôi chưa sẵn sàng để nối lại [các hòa đàm],” ông Duterte nói thêm rằng ông sẽ “yêu cầu đoàn đàm phán của chính phủ Philippines dọn lều và trở về nhà”.
“Tôi đã cố thử tất cả mọi thứ,” ông nói thêm. “Tôi đi thêm cả dặm đường, thả các tù nhân, thả các nhà lãnh đạo của họ để họ có thể đi đến Oslo đàm phán.”
Thỏa thuận khó đạt
Ông Duterte nói rằng các nhà lãnh đạo cộng sản vốn được chính phủ của ông tạm thả để tham gia các cuộc hòa đàm ở hải ngoại nay đối diện với việc phải trở lại nhà tù.
Hiện chưa có bình luận gì phe các phiến quân.
Cuộc hội đàm tại Italia vào tuần trước nhằm đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn đã thất bại khi phe quân nổi dậy cộng sản yêu cầu thả hơn 400 tù nhân chính trị, trong đó có một người đã hạ sát một đại tá quân đội Mỹ vào năm 1989.
Ngừng bắn sáu tháng giữa hai bên đã bị phá vỡ trong những ngày gần đây sau khi nổ ra các giao tranh mới. Cuộc ngừng bắn trước đó cũng bị ‘hoen ố’ do những vụ sát hại lẫn nhau giữa binh sĩ chính phủ và phiến quân.
Kể từ khi lên nhậm chức năm ngoái, ông Duterte đã cố gắng hồi sinh tiến trình hòa bình và đã tổ chức hai vòng thảo luận chính thức với phiến quân.
Cuộc xung đột, bắt đầu từ gần 50 năm trước đây với Đảng Cộng sản Philippines (CPP) và NPA, cánh vũ trang của nó, đã làm khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Các phiến quân, những người nói rằng họ sẽ không từ bỏ vũ khí thậm chí nếu một thỏa thuận đạt được, đã cáo buộc quân đội của chính phủ nước này sử dụng chiến tranh ma túy của ông Duterte như một cái cớ để tiến hành các chiến dịch trong khu vực quân nổi loạn chiếm giữ giữa các lệnh ngừng bắn.
Lực lượng cộng sản cực lực phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines và phe này trong quá khứ đã giết các nhân viên của Mỹ đồn trú ở nước này.
Từ những năm 1980, phe cộng sản đã bước vào các cuộc đàm phán với các chính phủ kế tiếp nhau, nhưng một thỏa thuận hòa bình vẫn khó đạt được.
www.bbc.com/vietnamese/world-38873470
Syria : Daech bị tấn công tứ phía
Ngày 05/02/2017 ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tuyên bố Matxcơva ủng hộ tiến trình đàm phán về Syria của Liên Hiệp Quốc và hội nghị tại Astana hồi tháng 1/2017 là một bước tiến để chuẩn bị cho hội nghị được dự trù mở tại Genève ngày 20/02/2017. Về tình hình tại chỗ : quân đội chính phủ cản bước tiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Deir Ezzor ở miền đông và trong vùng sa mạc gần thành phố Homs ở miền trung.
Quân thánh chiến Hồi Giáo Syria đang bị tấn công từ tứ phía. Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Paul Khalife gửi về bài tường trình :
« Mối nguy hiểm để Deir Ezzor, gần biên giới giữa Syria với Irak, rơi vào tay quân thánh chiến Hồi Giáo dường như đã được xua tan. Sau khi bị quân Daech tấn công hồi tháng Giêng vừa qua, quân đội chính phủ đã ổn định lại được tình hình trước khi chuyển sang thế tấn công.
Trong 48 giờ qua, quân đội chính quy với sự yểm trợ của không quân Nga, đã đẩy lui được quân thánh chiến ở phía nam thành phố Deir Ezzor, thủ phủ của tỉnh cùng tên. Tuy nhiên, quân đội trung thành với chế độ Damas vẫn chưa dẹp được toàn bộ Daech tại một số khu vực vẫn còn trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Ngoài ra, ở vùng sa mạc gần Homs, quân thánh chiến cũng đang bị mất đà sau khi đã chiếm lại được thành cổ Palmyra hôm 10/12/2016. Hiện tại, quân đội Syria đã đẩy lui được Daech ra xa 15 cây số về phía đông trên một tuyến đường khoảng 20 km và lực lượng quân sự Syria chỉ còn cách thành cổ Palmyra khoảng 20 cây số mà thôi. Ở mặt trận phía đông bắc thủ đô Damas, quân thánh chiến cũng đang thua nặng trước âm mưu chiếm sân bay quân sự Sine ».
vi.rfi.fr/quoc…/20170205-to-chuc-nha-nuoc-hoi-giao-tai-syria-bi-tan-cong-tu-tu-phia
Mỹ cam kết giúp Ukraina vãn hồi hoà bình
Tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã được tổng thống Mỹ Donald Trump hứa giúp đỡ giải quyết cuộc chiến tại lãnh thổ phía đông và xung khắc với Nga. Cuộc điện đàm đầu tiên ngày 04/02/2017 giữa lãnh đạo Mỹ-Ukraina diễn ra trong bối cảnh chiến sự giữa phe nổi dậy thân Nga và lực lượng chính phủ bùng lại và tiếp diễn gây tử vong cho ít nhất 35 người ở hai phe.
Phía lực lượng ly khai, chỉ huy trưởng lực lượng võ trang của cộng hoà tự xưng Lougansk, Oleg Anachtchenko bị tử thương một cách bí ẩn. Phe thân Nga tố cáo mật vụ Ukraina là thủ phạm đặt chất nổ trong xe, nhưng Kiev cho rằng phe nổi dậy thanh tóan lẫn nhau.
Theo thông tín viên Sébastien Gobert từ Kiev, tổng thống Mỹ không đề nghị gì cụ thể để giúp Kiev mặc dù tình hình rất nghiêm trọng :
” Họ nói chuyện với nhau nhưng đã không có kết luận gì cả. Mặc dù Kiev lo ngại trước một Donald Trump có nhiều thiện cảm đối với Nga, tổng thống Petro Porochenko đã được bảo đảm là phía Mỹ quyết tâm đóng góp vào việc ổn định tình hình ở Ukraina. Điều này xác nhận quan điểm gần đây của bộ Ngoại Giao Mỹ, muốn kéo dài trừng phạt đối với Nga.
Đối với Ukraina, hỗ trợ của Mỹ là một tin vui, vào lúc mà tình hình trên mặt trận phía đông rất căng thẳng. Nguy cơ leo thang và chiến tranh bùng lên là điều rất thực. Trong trao đổi với tổng thống Mỹ, ông Porochenko chỉ nhận được có một số thỏa thuận nguyên tắc.
Sự hỗ trợ của Mỹ giúp Ukraina trong cuộc chiến và trong chiến lược cải tổ và chống tham nhũng vẫn chưa định hình. Sau tiếp xúc đầu tiên này, giữa Ukraina và đồng minh Mỹ, tất cả đều còn phải xây dựng lại.”
vi.rfi.fr/quoc-te/20170205-donald-trump-cam-ket-giup-ukraina-van-hoi-hoa–binh
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung bắt đầu?
Có hai công ty và hai công dân Trung quốc nằm trong danh sách 25 công ty và cá nhân bị Mỹ cấm vận vì buôn bán làm ăn với Iran.
Chính phủ Mỹ đưa ra danh sách này vào hôm thứ sáu nhằm mục đích siết chặt cấm vận lên Tehran sau khi Iran thử tên lửa đạn đạo.
Hai công ty này có trụ sở ở thành phố Thanh Đảo, và Ninh Ba miền duyên hải Trung quốc. Trên web site của hai công ty này người ta thấy họ xuất nhập khẩu các sản phẩm như lò đốt, ống nước, vỏ ruột xe gắn máy.
Những người đại diện của hai công ty này nói rằng họ không làm điều gì sai, vì chỉ xuất khẩu những sản phẩm bình thường phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của người dân mà thôi. Hiện nay những dịch vụ tài chính của họ với các ngân hàng Hoa Kỳ đã bị ngừng lại.
Bộ ngoại giao Trung quốc hiện chưa đưa ra lời bình luận nào về việc này, tuy nhiên trong quá khứ Bắc Kinh đã từng rất giận dữ khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên các công ty của họ có làm ăn với Bắc Hàn và Iran.
Xin được nhắc lại là Trung quốc là một trong những cường quốc đã thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và các cường quốc phương Tây cùng với Nga và Trung quốc.
Trong một diễn biến khác, vào ngày hôm qua, thứ bảy mùng 4 tháng hai, Bắc Kinh đã lên tiếng cáo buộc Washington vi phạm những luật lệ thương mại toàn cầu khi áp đặt mức thuế từ 63% đến 190% thép Trung quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố của Bộ thương mại Trung quốc đượcc hãng thống tấn nhà nhà nước Tân Hoa Xã trích lời thì Mỹ đã đối xử không công bằng với các công ty Trung quốc chỉ vì các công ty đó là các công ty nhà nước.
Được biết là cộng đồng châu Âu cũng áp đặt một mức thế lên đến 64,9% lên thép nhập khẩu từ Trung quốc.
Trung quốc là quốc gia sản xuất đến phân nửa lượng thép toàn cầu, nhưng do nền kinh tế phát triển chậm lại nên Trung quốc đã bán giá thấp lượng thép dư thùa và hành động này bị cho là phá giá. Bắc Kinh hứa là cho đến năm 2020 sẽ giảm một lượng thép sản xuất mỗi năm là từ 100 đến 150 triệu tấn trong tổng số 1 tỉ hai trăm triệu tấn hiện nay.
www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/us-china-trade-war-02052017083640.html
Philippines đóng cửa các khu khai thác mỏ nickel
Một số quan chức và chuyên gia Philippines cảnh cáo rằng việc đóng cửa các khu khai thác mỏ nickel của nước này có thể làm tổn hại đến nền kinh tế của Phi cũng như làm mất nhiều việc làm.
Hồi cuối tuần rồi, bà bộ trưởng môi trường Philippines là Gina Lopez đã ký một sắc lệnh đóng của 23 khu mỏ khai thác nickel vì nước thải của các khu mỏ này đổ vào các con sông một cách bất hợp pháp. Bên cạnh đó việc khai thác mỏ đã gây ra nạn phá rừng. Được biết là có năm hầm mỏ cũng sẽ bị đóng cửa trong những ngày tới đây.
Quyết định của bà Bộ trưởng Môi trường được Tổng thống Duterte ủng hộ, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng việc này sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của1 triệu hai trăm ngàn người, làm giảm tiền thuế thu được của nhà nước, làm giá nickel trên thế giới gia tăng, cũng như cổ phiếu của các công ty khai mỏ Philippines sụt giá.
Bà Gina Lopez thì nói rằng các công nhân mỏ sẽ kiếm được việc làm mới trong việc tái hồi phục thiên nhiên ở các khu mỏ cũng như trong việc trồng rừng.
Philippines là nước xuất khẩu nickel lớn nhất thế giới, và đa số quặng mỏ khai thác được xuất sang Trung quốc.
www.rfa.org/vietnamese/…/manila-closed-nickel-mines-02052017083331.html
Chiến tranh Mỹ, Trung ở biển Đông ‘sẽ không xảy ra’
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng các quan ngại về chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khai mào một cuộc chiến với Trung Quốc ở biển Đông đã bị thổi phồng.
Ông Lorenzana từng làm tham tán quốc phòng của Philippines ở thủ đô Washington trong hơn một thập kỷ.
Quan chức 68 tuổi này được hãng Bloomberg dẫn lời nói cuối tuần trước rằng ông không nghĩ chiến tranh Mỹ – Trung “sẽ xảy ra” ở biển Đông như nhiều quan ngại.
“Ông Trump là một doanh nhân, và ông ấy biết rằng nếu chiến tranh bùng ra, việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng”, ông Lorenzana nói.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng bị Bắc Kinh chỉ trích tháng trước, sau khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các cơ sở nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo ở biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tỏ ra hoài nghi: “Làm sao ta có thể ngăn chặn thứ đã có ở trên đó”.
Philippines từng tuyên bố “ly khai Mỹ”, ngả về Trung Quốc và Nga dưới thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Ông Lorenzana nói: “Tôi sẽ không gây chiến vì các hòn đảo nhỏ đó. Kể cả nếu chúng tôi có sức mạnh quân sự, chúng tôi sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi khai chiến”.
Truyền thông quốc tế hôm 1/2 khui ra dự đoán của chiến lược gia của Nhà Trắng Steve Bannon về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Tin cho hay, trong một chương trình trên radio hồi tháng 3/2016, ông Bannon cho rằng quan hệ Mỹ-Trung tất yếu sẽ leo thang thành xung đột trong vòng một thập niên tới.
Ông Bannon, khi đó điều hành hãng tin Breibart News, nói: “Chúng ta sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 tới 10 năm nữa, phải không nào? Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Trung Quốc đang củng cố và về cơ bản là đang xây những hàng không mẫu hạm cố định và đặt tên lửa lên đó. Họ xông vào khu vực ngay trước mặt nước Mỹ – và quý vị thừa hiểu vấn đề thể diện nó quan trọng như thế nào – rồi họ tuyên bố vùng biển này là lãnh hải lịch sử của họ”.
www.voatiengviet.com/a/quan-chuc…noi…tranh…trung…dong…ra/3707109.html
Tranh cãi quanh biếm họa ông Trump chặt đầu tượng
Tổng biên tập của Der Spiegel (Đức) hôm 5/2 tuyên bố rằng hình ảnh bìa của tờ tạp chí này, cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump chặt đầu tượng Nữ thần Tự do, là phản ứng của họ về các mối đe dọa đối với nền dân chủ.
Hình ảnh biếm họa của tờ tạp chí phát hành hôm 4/2 cho thấy một tay ông Trump giơ một con dao đầy máu và tay còn lại cầm chiếc đầu của tượng Nữ thần Tự do rỉ máu.
Bức biếm họa, vốn gây chia rẽ ý kiến cả ở nước Đức lẫn trong cộng đồng quốc tế, còn kèm theo dòng chữ: “Nước Mỹ trên hết”.
Hình ảnh trang bìa được xuất bản sau một loạt sự công kích của cả Tổng thống Mỹ và các trợ lý về các chính sách của Berlin về người nhập cư, khiến quan hệ Đức – Hoa Kỳ xấu đi nhanh chóng.
Tổng biên tập Klaus Brinkbaeumer nói với Reuters: “Der Spiegel không muốn kích động ai. Chúng tôi chỉ muốn cho thấy rằng quyền tự do, tự do báo chí, tự do tư pháp, tất cả đang bị đe dọa nghiêm trọng… Chính vì thế chúng tôi đang bảo vệ dân chủ…”
Ông Alexander Graf Lambsdorff, một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do Đức đồng Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu, cho rằng bìa tạp chí trên “khiếm nhã”.
Nhật báo Die Welt cho rằng nó “gây tổn hại tới báo chí”, trong khi một tờ khác là Frankfurter Allgemeine Zeitung, nói rằng nó “thực sự là điều Trump cần – một hình ảnh méo mó mà Tổng thống Mỹ có thể dùng để nỗ lực hơn nữa về hình ảnh của truyền thông bị ông bóp méo”.
Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi Thủ tướng Đức Merkel là “một đối tác xuất sắc” thì ông Trump lại cho rằng bà đã phạm “sai lầm thảm họa” với chính sách mở rộng cửa đón người tị nạn.
Trong một diễn biến khác hôm 5/2, một tòa án phúc thẩm của Hoa Kỳ đã từ chối lời đề nghị của chính quyền ông Trump về việc khôi phục ngay lập tức sắc lệnh hành pháp của tổng thống, theo đó cấm việc du hành đến Mỹ từ bảy quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số.
Trước đó, thẩm phán liên bang Hoa Kỳ James Robart ở tiểu bang Washington tạm thời ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump về cấm người có thị thực từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
www.voatiengviet.com/a/tranh-cai-quanh-buc-biem…trump…/3707055.html