Tin khắp nơi – 05/01/2017
Tổng Thư Ký LHQ:
Thế giới đối mặt với một thời đại đầy thách thức
Tân Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói thế giới đang đối mặt với một “thời buổi đầy thách thức” và sẽ chỉ vượt qua được thông qua hợp tác quốc tế.
Ông phát biểu:
“Đây là thời điểm mà chúng ta cần khẳng định giá trị của chủ nghĩa đa phương. Đây là thời điểm khi mà chúng ta cần phải thừa nhận rằng chỉ có những giải pháp toàn cầu mới giải quyết được các vấn đề toàn cầu, và Liên Hiệp Quốc là nền tảng của lối tiếp cận đa phương đó”.
Ông Guterres trình bày quan điểm của ông trong bài phát biểu ngắn với nhân viên Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba 3/1, tại trụ sở của tổ chức thế giới này ở New York. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông Guterres kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm hôm Chủ nhật, 1/1.
Người từng đứng đầu Cao uỷ tị nạn LHQ cũng thừa nhận những sự bất cập của tổ chức này, ông kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế để cải cách đinh chế đã 72 năm tuổi này.
Ông Guterres nói: “Có nhiều hoài nghi về vai trò của Liên Hiệp Quốc. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng ta nên tự hào về những gì đã làm trong tư cách Liên Hiệp Quốc, chúng ta phải công nhận những thành tích đã đạt được. Nhưng đồng thời, chúng ta cần bảo đảm là có thể cải cách hệ thống phát triển LHQ theo yêu cầu của các nước thành viên”.
Nhiều nhà quan sát LHQ lo ngại rằng Tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, là người không che giấu thái độ xem thường đối với các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc và NATO, có thể cắt giảm tài trợ cho tổ chức này giữa lúc LHQ đang chật vật ứng phó với các cuộc khủng hoảng dồn dập.
Thủ tướng Anh
bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu làm đại sứ EU
Thủ tướng Anh Theresa May bổ nhiệm một nhà ngoại giao chuyên nghiệp cao cấp làm đại sứ Liên minh Châu Âu thay thế một đại sứ đã từ chức với một lá thư chỉ trích gay gắt phơi bày nỗi bực tức của những quan chức về chiến thuật của bà.
Văn phòng của bà May cho biết ông Tim Barrow, giám đốc chính trị của Bộ Ngoại giao Anh và cựu đại sứ tại Moscow, sẽ nhậm chức vào tuần sau sau vụ từ chức đột ngột của ông Ivan Rogers.
Việc lựa chọn ông Barrow, một nhà ngoại giao kỳ cựu với 30 năm kinh nghiệm, có thể làm thất vọng một số người vận động Brexit muốn thấy một người có chủ trương hoài nghi Châu Âu đảm nhiệm vị trí này, nhưng có thể trấn an hàng ngũ công chức Anh rằng chuyên môn của họ vẫn được trân trọng.
Ông Barrow từng giữ chức bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Anh ở Brussels và chưa từng thấy ông thể hiện công khai lập trường mạnh mẽ về việc Anh rời khỏi EU.
Văn phòng Thủ tướng Anh mô tả ông là “một nhà đàm phán dày dạn và cứng rắn, với rất nhiều kinh nghiệm trong việc đạt được những mục tiêu của Anh tại Brussels.”
Bà May có ý định khởi động tiến trình hai năm đàm phán rời khỏi EU vào trước cuối tháng 3, bắt đầu điều được dự kiến sẽ là một trong số những cuộc đàm phán quốc tế phức tạp nhất mà nước Anh từng tham gia kể từ Thế chiến thứ hai.
Ngũ Giác Đài: Ông Trump
cần duy trì liên minh với NATO và các nước Á Châu
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter nói chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump nên duy trì các quan hệ đối tác với NATO và các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi buộc Nga phải chịu trách nhiệm về sứ mệnh mà nước này tuyên bố, là chống khủng bố và giúp chấm dứt cuộc chiến ở Syria.
Những khuyến nghị trên được đưa ra trong một bản tường trình mà ông Carter và các bộ trưởng nội các khác, chuẩn bị trình bày về những thành quả đã đạt được trong 8 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama. Các tài liệu này, kèm theo một lá thư của Tổng thống Obama, vừa được công bố hôm thứ Năm, khoảng hai tuần trước khi ông Trump tiếp quản Tòa Bạch Ốc.
Ông Carter nêu bật đến những hành động đáp ứng của Hoa Kỳ đối với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, trong đó có tăng cường các cuộc tập trận chung và tái bố trí các thiết bị quân sự trong khu vực.
Nga đã phát động chiến dịch quân sự tại Syria vào cuối năm 2015 để hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một động thái mà ông Carter nói chỉ khiến cuộc xung đột trở nên “nguy hiểm và bạo lực hơn, và có tiềm năng kéo dài hơn nữa”.
Các lực lượng Syria đã ghi nhiều chiến công lớn chống các nhóm nổi dậy từ khi được Nga yểm trợ, như chiếm lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo hồi tháng rồi. Nga tham gia cuộc xung đột và khẳng định mục đích của họ là truy kích những kẻ khủng bố. Nhưng rất nhiều cuộc không kích của Nga nhắm tấn công các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của các chiến binh thuộc các nhóm đối lập ôn hòa.
Ông Carter cũng chú trọng đến Iran, nói rằng việc Iran hậu thuẫn cho ông Assad, nhóm chủ chiến Hezbollah ở Lebanon và phiến quân Houthi ở Yemen là những ví dụ về “ảnh hưởng xấu” của Iran ở Trung Đông.
Nhưng ông cũng chỉ ra thỏa thuận mà Iran đã đạt được với sáu cường quốc thế giới trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Đồng minh Israel của Hoa Kỳ đã lên án thỏa thuận này, và ông Trump cũng bày tỏ lập trường phản đối, gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được thương lượng”.
Ông Carter nói Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc đã xác nhận Iran tuân thủ các cam kết với quốc tế, và duy trì thoả thuận này để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran, sẽ phục vụ các lợi ích của nước Mỹ.
Ông Carter nói ông Trump nên đặt vào hàng ưu tiên quan hệ đối tác với Israel, kể cả cam kết Israel sẽ nhận được 38 tỉ đôla hỗ trợ an ninh trong 10 năm. Người đứng đầu Ngũ Giác Đài nhấn mạnh đến những thỏa thuận an ninh khác trong khu vực, bao gồm các quan hệ đối tác với những nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và việc bán vũ khí trị giá hơn 100 tỷ đôla cho các đối tác vùng Vịnh.
Thay đổi lớn trong Bộ Quốc phòng dưới thời ông Obama là tìm cách kết thúc cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Các cuộc chiến này bắt đầu trong thời Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush. Các hoạt động tác chiến ở Iraq đã kết thúc năm 2011 và ở Afghanistan vào năm 2014, khi nhiệm vụ giữ gìn an ninh được chuyển giao cho các lực lượng ở địa phương, vốn được xây dựng với sự trợ giúp của Hoa Kỳ.
Trong lá thư công bố hôm thứ Năm, ông Obama nêu bật thành tích là không có bất kỳ cuộc tấn công khủng bố do nước ngoài thực hiện, xảy ra ở Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của ông, và các nỗ lực không ngừng nhằm đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Ông Carter đơn cử thành tích tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden trong một hoạt động quân sự của Mỹ năm 2011, và việc giết chết lãnh tụ Taliban Mullah Akhtar Mansur hồi năm ngoái.
Dưới quyền Tổng thống Obama, quân đội cũng như Cơ quan Tình báo Trung ương đã đẩy mạnh việc sử dụng máy bay không người lái để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào những phần tử khủng bố. Ông Carter cho biết các nhân viện điều khiển máy bay không người lái giờ còn đông hơn số phi công điều khiển máy bay trong quân đội.
Nhưng những cuộc không kích ngày một nhiều hơn cũng đi kèm với quan tâm về các mục tiêu bị đánh trúng và tiến trình làm quyết định trước khi thực hiện các cuộc không kích.
Báo cáo của ông Carter còn đề cập đến các nỗ lực nhằm thúc đẩy tính minh bạch trong các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ, kể cả công bố các báo cáo về thương vong nơi thường dân và thảo luận các căn cứ pháp lý và chính sách về một số hành động.
Tòa Bạch Ốc đã phổ biến các phúc trình về số thường dân thiệt mạng trong các vụ không kích, nhưng những phúc trình này bị các nhóm bên ngoài đả kích, nêu ra những số liệu do họ ước tính cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Bộ trưởng Carter cũng đề cập đến thay đổi văn hóa trong quân đội Mỹ trong tám năm qua. Ông khẳng định Ngũ Giác Đài “quyết tâm đổi mới” để ngăn chặn các vụ tự tử của các binh sĩ, đồng thời đặt vào hàng ưu tiên nỗ lực xóa bỏ nạn quấy rối tình dục. Ông Carter chỉ ra quyết định của Tổng thống Obama chấm dứt chính sách không cho những người đồng tính công khai phục vụ trong quân đội, đồng thời chấm dứt lệnh cấm các quân nhân chuyển đổi giới tính. Tổng thống Obama cũng đã mở ra tất cả các vị trí trong quân đội cho phụ nữ.
Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm còn có những lời lẽ có ý chỉ trích Quốc hội. Ông nói Bộ Quốc phòng bị thu hẹp trong khi nâng cao khả năng phòng thủ trong bối cảnh phải đối phó với những sự cắt giảm ngân sách lên tới hàng trăm tỷ đôla. Ông Carter nói quân đội Mỹ đã phải đối mặt với “những trở ngại đáng kể từ Quốc hội”, kể cả những nỗ lực đòi quản lý vi mô Bộ Quốc phòng
Điều trần
về hành động can thiệp của Nga tại Thượng viện Mỹ
Việc Nga bị nghi là đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ là chủ đề của hai phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ diễn ra hôm nay, thứ năm 5/1. Trong cùng ngày, Tổng thống Barack Obama sẽ được báo cáo về kết quả một cuộc điều tra do ông hạ lệnh tiến hành về cùng đề tài này.
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ thị các cộng đồng tình báo xem xét khả năng có sự can thiệp của nước ngoài trong cuộc bầu cử năm 2008, là cuộc bầu cử đã đưa ông vào Toà Bạch Ốc. Một quan chức Mỹ xác nhận với VOA rằng ông Obama hôm nay sẽ được báo cáo kết quả cuộc điều tra, và Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng sẽ nhận được báo cáo này vào ngày mai, thứ Sáu 6/1.
Ông Trump vẫn tiếp tục chất vấn việc tình báo Mỹ phát hiện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử vừa rồi.
Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đều kết luận rằng chính phủ Nga đứng đằng sau vụ tin tặc năm 2016, và cố ý tiết lộ các tài liệu thông qua trang mạng WikiLeaks để khuynh đảo cuộc bầu cử.
Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ sẽ lắng nghe lời giải trình của Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Michael Rogers, và Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách tình báo Marcel Lettre.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ, Thượng nghị sĩ John McCain hôm thứ tư miêu tả sự can thiệp của Nga là một “hành động chiến tranh.”
Phát biểu với báo chí tại điện Capitol, ông nói:
“Nếu các ông tìm cách phá hoại các nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ, thì điều đó có nghĩa là các ông đã tìm cách phá hoại cả một quốc gia.”
“Hành động chiến tranh có nhiều cấp độ khác nhau. Tôi không nói rằng đây là một cuộc tấn công nguyên tử. Tôi chỉ nói rằng khi bạn tấn công cấu trúc cơ bản của một quốc gia, thì đó là một hành động chiến tranh”.
Phiên điều trần kín tại Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện sẽ có sự góp mặt của giới chức đặc trách an ninh mạng Danny Toler và các giới chức Bộ Ngoại giao Victoria Nuland và Gentry Smith.
Tổng thống Obama đã đáp trả hành động của Nga vào tuần trước bằng một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cơ quan tình báo hàng đầu của Nga, đồng thời trục xuất 35 nhân viên hoạt vụ của tình báo Nga.
Hãng tin Reuters hôm thứ Tư trích lời một số quan chức Mỹ tường thuật rằng sau cuộc bầu cử 8 tháng 11, chính phủ Tổng thống Obama đã nhận thông tin tình báo được đánh giá là ‘bằng chứng thuyết phục’ rằng Nga đã tuồn thông tin lấy được từ những vụ tấn công mạng nhắm vào Uỷ ban Toàn quốc Đảng Dân chủ cho WikiLeaks, thông qua một bên thứ ba.
Các giới chức nói rằng chính những thông tin đó đã khiến Tổng thống Obama hành động để đáp trả Nga.
Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục nghi ngờ kết luận của tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử vừa rồi.
Trong khi đó ông Trump luôn ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, gần đây nhất vì đã không trả đũa các hành động của chính phủ Tổng thống Obama, trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Trong một tin nhắn trên Twitter hôm thứ Tư, ông Trump nói bất cứ ai cũng có thể thâm nhập hệ thống máy tính của đảng Dân chủ và cho rằng chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton đối thủ của ông, đã hớ hênh và lẽ ra phải cẩn thận hơn.
Lập trường của ông Trump trước sau bênh vực Nga và tổng thống nước này, đã khiến tổng thống đắc cử Mỹ có lập trường đối nghịch với các chính khách dòng chính cũng như công chúng Mỹ, theo nhận định của ông Brian Katulis, một chuyên gia về an ninh quốc gia.
“Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã kêu gọi mở một cuộc điều tra đặc biệt vào các hoạt động của Nga, còn đi xa hơn những gì Tổng thống Obama đã chỉ thị các cơ quan tình báo làm. Nếu nhìn vào các cuộc thăm dò công luận Mỹ, ta thấy có mối quan tâm sâu sắc về vai trò mà Nga có thể đóng trên các mặt trận khác nhau trong quá trình bầu cử của chúng ta. Về bản chất, Tổng thống đắc cử Trump đã đặt mình bên ngoài dòng chính của quốc gia mà ông sẽ cai trị liên quan tới vấn đề này và Nga, ông đứng bên ngoài chính sách đối ngoại lưỡng đảng của Mỹ vốn vẫn theo dõi Nga với một mức độ hoài nghi nhất định”.
Thượng nghị sĩ John McCain đã không do dự khi lên án Nga:
“Chúng tôi sẽ làm việc trong Quốc hội để đề ra những biện pháp chế tài quyết liệt hơn nhằm chặn đứng các cuộc tấn công khác nữa vào nước Mỹ. Chúng tôi sẽ làm việc trên cơ sở lưỡng đảng để đạt mục tiêu đó.”
Ông McCain chỉ ra rằng Quốc hội sẵn sàng chống lại ông Trump về vấn đề này.
Thượng nghị sĩ John McCain nói:
“Chúng tôi muốn làm việc với tân tổng thống Mỹ, nhưng chúng tôi cũng có trách nhiệm trong tư cách là các nhà lập pháp phải đối phó với một cuộc tấn công nhắm vào Hoa Kỳ.”
Ông Trump đã đề cử một doanh nhân ngành dầu hoả bang Texas có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga vào chức bộ trưởng ngoại giao. Hiện không rõ liệu các nghị sĩ Mỹ có ủng hộ sự chọn lựa đó trong bối cảnh các quan hệ đang xấu đi với Nga.
Dân chủ-Cộng hòa
nỗ lực cho ‘cuộc chiến Obamacare’
Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ, Barack Obama, và Phó Tổng thống tân cử bên Đảng Cộng hòa, Mike Pence, ngày 4/1 vận động các chính trị gia đồng đảng trong Quốc hội để chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới với những nỗ lực của phe Cộng hòa muốn bãi bỏ và thay thế những cải tổ chăm sóc y tế quốc gia mang dấu ấn của ông Obama.
Ông Obama gặp các nhà lập pháp bên Dân chủ và thúc giục họ đứng lên chống lại những nỗ lực nhằm làm suy yếu đạo luật mà người Mỹ vẫn quen gọi là “Obamacare” đã giúp thêm 20 triệu người có bảo hiểm y tế dù đôi khi họ phải trả phí bảo hiểm đắt đỏ.
Trong khi đó, ông Pence hội họp với những nghị sĩ Đảng Cộng hòa từng tuyên bố sẽ bãi bỏ đạo luật năm 2010 này vốn yêu cầu người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế hoặc phải nộp phạt, dù rằng phe chống đối Obamacare này vẫn chưa nhất trí một kế hoạch thay thế.
“Đừng giải cứu” những nỗ lực của phe Cộng hòa nhằm thay thế đạo luật này bằng đạo luật khác kém hơn, các nhà lập pháp Dân chủ dẫn lời ông Obama nói. Hai tuần nữa sẽ rời nhiệm sở nhưng ông Obama vẫn tiếp tục nỗ lực gia tăng sự ủng hộ dành cho những chính sách của ông, trong đó có nhiều chính sách mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ đảo ngược, kể cả Obamacare.
Ông Pence cho biết ông nói với những nhà lập pháp Cộng hòa rằng “hãy cẩn thận” trong khi họ nhanh chóng xúc tiến bãi bỏ luật mà phe Dân chủ thông qua mà không có một nghị sĩ Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ lúc phe Dân chủ còn nắm thế đa số tại lưỡng viện Quốc hội. Giờ đây, khi phe Cộng hòa kiểm soát Quốc hội và ông Trump và ông Pence sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, bãi bỏ luật này đã trở thành nỗ lực lập pháp đầu tiên của họ.
Ông Pence kêu gọi các nhà lập pháp Cộng hòa phải nhớ “chúng ta đang nói về tính mạng của người dân” và những quyết định về y tế của họ và làm thế nào để chi trả chi phí chăm sóc y tế. Ông kêu gọi đưa ra một kế hoạch thay thế “phản ánh nhiệt huyết của Tổng thống đắc cử.” Ông nói kế hoạch thay thế phải “hạ thấp chi phí bảo hiểm y tế mà không làm gia tăng quyền hành của chính phủ.”
Lãnh đạo Khối thiểu số Dân chủ Hạ viện Nancy Pelosi chế giễu những nỗ lực của phe Cộng hòa nhằm thay thế luật này.
“Họ không có kế hoạch thay thế,” bà nói. “Họ thực sự không biết họ đang làm gì.”
Một số nghị sĩ Cộng hòa đã gợi ý rằng họ có thể bãi bỏ luật này nhưng không thể đồng ý về một kế hoạch thay thế cho tới ba năm sau.
Bà Pelosi bác bỏ ý tưởng này, nói rằng “Bãi bỏ và trì hoãn là hành động hèn nhát.”
Phần lớn người Mỹ có bảo hiểm y tế thông qua những chương trình mà chủ lao động của họ cung cấp, những người còn lại mua bảo hiểm riêng, đôi khi nhờ trợ cấp của chính phủ.
Nhưng mọi người Mỹ đều bị ảnh hưởng bởi một số điều khoản của luật này, chẳng hạn như quy định công ty bảo hiểm không thể từ chối bảo hiểm vì tiền sử bệnh tật của khách hàng và rằng những người trẻ tuổi có thể được ‘ăn theo’ bảo hiểm của cha mẹ cho đến 26 tuổi. Ông Trump nói rằng ông muốn giữ lại hai điều khoản này, nhưng những công ty bảo hiểm có thể ngần ngại nếu quy định bắt buộc mua bảo hiểm bị đình chỉ theo ý muốn của phe Cộng hòa.
http://www.voatiengviet.com/a/dan-chu-cong-hoa-no-luc-cho-cuoc-chien-obamacare/3663352.html
Ông Trump
chất vấn về tin Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Tổng thống tân cử Donald Trump chế nhạo các đối thủ chính trị, chỉ trích truyền thông chính thống ở Mỹ, và tiếp tục chất vấn về việc tình báo Hoa Kỳ phát hiện Nga can thiệp vào cuộc Tổng thống Mỹ vừa qua.
Trong một loạt các dòng tin trên Twitter hôm 4/1, ông Trump chất vấn rằng tại sao Ủy ban Dân chủ Toàn quốc lại ‘hớ hênh’ đến nỗi để cho hàng ngàn email của ông John Podesta, Chủ tịch ban vận động cho bà Hillary Clinton, bị tin tặc tấn công và tại sao đảng Dân chủ không có ‘hệ thống phòng vệ tin tặc’ như bên đảng Cộng hòa.
Các điện thư của ông Podesta để lộ ra những chi tiết về những nỗ lực ‘hậu đài’ giúp bà Clinton thắng được đề cử của đảng Dân chủ.
WikiLeaks đã tiết lộ hàng ngàn email của ông Podesta trong những ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11 nhưng không cho biết nguồn gốc các điện thư ấy.
Ông Trump, sắp tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, cũng phê phán đảng Dân chủ vì đã không phản hồi trước những tiết lộ từ các email bị rò rỉ, trước ‘những điều khủng khiếp mà họ đã nói và làm.’
Ông cũng dẫn ra một ví dụ rằng trước cuộc tranh luận ở vòng bầu cử sơ bộ giữa bà Clinton với đối thủ cạnh tranh để được đảng Dân chủ đề cử (Thượng nghị sĩ Bernie Sanders), bà Clinton đã được cho biết trước một câu hỏi.
Vụ việc đã được báo chí Mỹ đưa tin rộng rãi hồi năm ngoái, nhưng ông Trump cho rằng truyền thông Mỹ đã cho qua việc này. Ông trích phát biểu của sáng lập viên trang Wikileaks, Julian Assange, nhận xét rằng truyền thông Mỹ ‘rất thiếu trung thực.’
Hôm 3/1, ông Trump cũng dùng Twitter chỉ trích việc trì hoãn đến thứ sáu tuần này cuộc điều trần của ngành tình báo về việc Nga ‘tấn công tin tặc’ can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tuần trước, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, James Clapper, Cục Điều tra Liên bang, và Bộ An ninh Nội địa công bố báo cáo chung quy trách nhiệm các cơ quan tình báo Nga đã tấn công tin tặc nhằm gây ảnh hưởng có lợi cho ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-chat-van-ve-tin-nga-can-thiep-bau-cu-my/3663271.html
Tranh luận về vấn đề đạo đức
chiếm phần lớn phiên khai mạc Quốc hội Mỹ
Một cơ hội hiếm có đã đến hôm thứ Ba 3/1 khi Điện Capitol trở lại làm việc trong phiên khai mạc quốc hội khoá 115 do Đảng Cộng hoà kiểm soát. Nhưng nghị trình đầy tham vọng của chính đảng này đã bị gác sang một bên khi các đại biểu Cộng hòa tại Hạ viện đề nghị thay đổi các quy định để điều tra các hành vi vi phạm các nguyên tắc đạo đức của các nhà lập pháp, khiến vấn đề này chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Từ Điện Capitol, thông tín viên Katherine Gypson của VOA gởi về bài tường trình sau đây.
Điểm tranh cãi trong phiên khai mạc Quốc hội là khi các đại biểu Cộng hòa đề nghị thay đổi nội quy của Hạ viện nhằm giới hạn chức năng của cơ chế giám sát độc lập chuyên điều tra các hành vi vi phạm đạo đức của các nhà lập pháp.
Cuộc biểu quyết kín vào khuya thứ Ba đã gây phẫn nộ cho các thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện.
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen nói:
“Đây là một thực thể độc lập có nhiệm vụ sàng lọc hồ sơ khiếu nại xem vụ nào nên xúc tiến điều tra. Bãi bỏ chức năng đó là vi phạm sự tin tưởng của công chúng. Điều đó làm tăng kích thước của ‘bãi đầm lầy’ và trao nhiều quyền hơn cho nó.”
Trong ngày làm việc đầu tiên của bà, nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên đắc cử vào quốc hội Stephanie Murphy nói thay đổi đó sẽ xoá bỏ nghĩa vụ của bà và các đồng nghiệp phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
“Tôi cho rằng đó không phải là xu hướng mà chúng ta thực sự muốn thiết lập vào lúc khởi đầu của Quốc hội khoá 115.”
Tổng thống đắc cử Donald Trump, người mà trong chiến dịch vận động tranh cử đã lớn tiếng kêu gọi phải dẹp bỏ tham nhũng tại Washington, với khẩu hiệu: “Hãy quét sạch bãi đầm lầy” viết trên Twitter rằng ‘thời điểm này không thích hợp’.
Giữa lúc lễ tuyên thệ nhậm chức của các đại biểu diễn ra long trọng, các nhà lập pháp Cộng hòa dường như đã rút lại lời cam kết. Những thay đổi đó đã gây mất tập trung trong khi phe Cộng hòa ở Quốc hội chuẩn bị cho các công việc nặng nề trước mắt.
Thượng nghị sĩ John Cornyn nói:
“Tôi biết chúng ta còn rất nhiều việc cần làm trước mắt, và tôi tin chắc rằng với tinh thần hợp tác, chúng ta có khả năng giúp Quốc hội thứ 115 đáp ứng các nhu cầu của nhân dân Mỹ.”
Thông điệp này được lặp lại bởi ông Paul Ryan, người vừa được bầu lại vào chức vụ Chủ tịch Hạ viện.
“Bất chấp những tương phản giữa chúng ta rõ rệt đến thể nào đi nữa, thì điều đó cũng không nên ngăn cản chúng ta tìm ra được mẫu số chung mà chúng ta cùng chia sẻ.”
Dân biểu Nancy Pelosi, trở lại với vai trò lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ viện, cũng tán đồng quan điểm đó.
“Chúng ta có nhiệm vụ và quyền lực để nâng cao niềm hy vọng cũng như cuộc sống của nhân dân Mỹ.”
Nhưng trong ngày đầu tiên phiên họp quốc hội khoá 115, những dấu hiệu đầy hy vọng cho tương lai có thể trở thành những điểm tranh cãi bị công chúng chống đối, theo ông Norm Eisen, người đứng đầu cơ chế giám sát vấn đề đạo đức dưới thời cựu Tổng thống Bush. Ông nhận định:
“Tổng thống đắc cử Donald Trump thường nương theo sau những làn sóng trong công chúng, và điều đó cho phép tôi hy vọng rằng người dân Mỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ để giám sát và buộc Đảng Cộng hoà, là đảng chiếm thế đa số tại cả Tòa Bạch Ốc và quốc hội, phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.”
Đó là một dấu hiệu cho thấy là ngay cả trong trường hợp Quốc hội Mỹ xúc tiến nghị trình đầy tham vọng của mình, giới lãnh đạo Ðảng Cộng hòa sẽ lắng nghe nguyện vọng của cử tri.
TQ khuyến cáo Trump
chớ ‘leo thang’ tình hình Bắc Triều Tiên
Phản pháo bình luận của Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, cho rằng Trung Quốc chưa dốc sức kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh khuyến cáo ông Trump chớ làm leo thang tình hình vốn đã căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên bằng các tin nhắn đăng tải trên truyền thông xã hội.
Sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, tuyên bố Bình Nhưỡng đang ở giai đoạn chót trong việc phát triển một phi đạn đạn đạo có hạt nhân với khả năng đánh trúng lãnh thổ Hoa Kỳ, ông Trump chiều ngày 2/1 đã lên Twitter bác loan báo này và kèm thêm một dòng tin chỉ trích Trung Quốc chưa nỗ lực đủ để chế ngự nước đồng minh cộng sản Bắc Triều Tiên.
“Trung Quốc thu hoạch được nhiều tiền của từ nước Mỹ trong kiểu mậu dịch hoàn toàn một chiều, nhưng lại không hỗ trợ trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Hay thật đấy!” ông Trump viết trên Twitter.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, hôm 3/1 tuyên bố nỗ lực của chính phủ Trung Quốc ‘được thừa nhận rộng rãi’ và rằng Trung Quốc ‘hy vọng tất cả các bên tránh có lời nói hay hành động làm leo thang tình hình.’
Ông Trump trước nay thường lên Twitter tố cáo Trung Quốc chẳng hạn như chỉ trích việc Bắc Kinh thao túng chỉ tệ để hàng xuất khẩu của họ có giá rẻ, khiến người lao động sản xuất ở Mỹ bị mất việc. Ngoài ra, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ cũng đề bạt 2 nhân vật nổi tiếng chỉ trích Trung Quốc là Robert Lighthizer và Peter Navarro nắm giữ các vị trí hàng đầu trong tân chính quyền sắp tới của ông.
New York: Tai nạn xe điện ngầm, hơn 100 bị thương
Một chuyến xe điện ngầm ở thành phố New York bị trật đường ray tại Brooklyn trong giờ cao điểm sáng ngày 4/1, khiến hơn 100 người bị thương, theo nguồn tin từ giới chức thành phố.
Sở Cứu hỏa thành phố New York cho hay hàng chục toán cứu hộ khẩn cấp đã được triển khai khắp sân ga Atlantic sau khi chiếc xe lửa gặp nạn bên trong trung tâm trung chuyển tấp nập này lúc 8:30 sáng, giờ địa phương.
Khoảng 103 người bị thương trong tai nạn này, Sở Cứu hỏa New York cho biết. Hai toa đầu bị hư hại nặng. Đây là vụ trật đường ray quy mô lớn thứ nhì có liên quan đến hệ thống xe điện ngầm ở khu vực New York trong 3 tháng qua sau tai nạn hồi tháng 9 ở Hoboken, New Jersey, khiến 1 người thiệt mạng và 14 người bị thương.
Cơ quan quản lý đường sắt liên bang Mỹ và Ban An toàn Vận tải Quốc gia cho hay đang tiến hành điều tra vụ việc.
Trạm xe điện ngầm Atlanticlà một trong những sân ga bận bịu nhất của New York.
Nguồn: Reuters
http://www.voatiengviet.com/a/new-york-tai-nan-xe-dien-ngam-hon-100-bi-thuong/3663171.html
TT Obama sẽ chuyển thêm nghi can khủng bố
ra khỏi Guantanamo
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Barack Obama dự tính chuyển ra nước ngoài thêm nhiều nghi can khủng bố còn bị cầm giữ ở trung tâm giam giữ của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, Cuba, trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1, trái ngược với lời kêu gọi của Tổng thống đắc cử Donald Trump đòi chấm dứt việc thả các nghi can như vậy.
Trung tâm Guantanamo được mở ra dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush sau các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ vào năm 2001. Trung tâm này được sử dụng để giam các tù nhân bị Mỹ và các đồng minh bắt trong cuộc chiến chống al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác ở Trung Đông và Afghanistan.
Trung tâm giam giữ của Mỹ ở Cuba trong thời gian qua đã trở thành mục tiêu bị giới hoạt động bênh vực nhân quyền chỉ trích, vì nhiều tù nhân bị giam cầm trong nhiều năm mà không qua xét xử, một số bị tra tấn trong một cố gắng nhằm thu thập bằng chứng có thể được dùng chống lại chính các tù nhân khi họ bị xét xử.
Khi ông lên nhậm chức vào tháng 1 năm 2009, TT Obama đã cam kết sẽ đóng cửa cơ sở này, tuy nhiên các cố gắng của ông đã bị Quốc hội ngăn chặn.
Chỉ còn 59 tù nhân ở Guantanamo, con số thấp hơn nhiều so với cao điểm, lúc gần 800 người bị giam giữ tại đó.
Chính phủ của TT Obama đã trao trả một số tù nhân Guantanamo về lại quê cũ của họ để bị truy tố, một số người khác được gửi đến các nước thứ ba để định cư, và một số được trả tự do mà không cần qua xét xử.
Trong chiến dịch tranh cử kéo dài của ông để giành chiếc ghế tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump tuyên bố sẽ vẫn duy trì trại Guantanamo, có lúc ông tuyên bố rằng một khi trở thành Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, ông dự tính “sẽ tống cổ những kẻ xấu vào đầy trại giam” Guantanamo.
Thủ lãnh nhóm chủ chiến Philippines thân IS
bị tiêu diệt
Người cầm đầu một nhóm dân quân ở Philippines bị nghi là “cảm tình viên” của Nhà nước Hồi giáo đã bị giết chết hôm thứ Năm trong một cuộc đấu súng với cảnh sát.
Cảnh sát Philippines cho biết Mohammad Jaafar Maguid, người sáng lập nhóm Ansarul Khilafa Philippines, đã bị bắn chết tại một khu nghỉ mát ở Mindanao, hòn đảo phía nam Philippines.
Cảnh sát trưởng khu vực Cedric Train cho biết nhóm chủ chiến của Maguid đã thực hiện các vụ đánh bom giết người tại các lễ hội, kể cả một vụ nổ lựu đạn giết chết một cảnh sát.
Viện phân tích chính sách về xung đột có trụ sở ở Indonesia cho biết nhóm này đã chủ mưu một vụ tấn công đã cướp đi sinh mạng của hai thường dân ở Mindanao vào năm 2008, và phạm một loạt tội hình sự khác.
Ông Train nói cờ hiệu của Nhà nước Hồi giáo được treo trong các trại của nhóm chủ chiến này, và Maguid cùng với thủ lãnh của các nhóm chủ chiến địa phương khác, đã xuất hiện trong một video phát tán hồi năm ngoái, thề trung thành với IS.
Bộ trưởng Nội vụ Ismael Sueno cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ tấn công bạo động để trả thù việc thủ lãnh của họ bị giết chết. Ông nói họ có thể trả đũa, vì vậy cần tăng gấp đôi những sự chuẩn bị để có thể ứng phó. Ông lưu ý phải đặc biệt thận trọng trong các lễ hội Công giáo sắp diễn ra
http://www.voatiengviet.com/a/thu-lanh-nhom-chu-chien-philippines-than-is-bi-tieu-diet/3664265.html
Nga ‘mời chào’ Philippines
Đại sứ của Nga tại Philippines hôm 4/1 cho biết Nga sẵn sàng cung cấp cho Philippines vũ khí tinh vi bao gồm máy bay và tàu ngầm và nhắm mục tiêu trở thành người bạn thân thiết của nước vốn là đồng minh truyền thống của Mỹ trong khi Nga đa dạng hóa quan hệ ngoại giao của mình.
Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh hai tàu chiến của Nga đang có chuyến thăm bốn ngày tới Manila trong tuần này. Đây là liên lạc chính thức đầu tiên giữa hải quân hai nước.
Đại sứ Nga Igor Khovaev Anatolyevich nhân cơ hội này tổ chức một cuộc họp báo trên chiến hạm chống tàu ngầm của Nga mang tên Đô đốc Tributs. Ông nói Nga có một loạt vũ khí để cung cấp:
“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp những vũ khí nhỏ và nhẹ, một số máy bay, máy bay trực thăng, tàu ngầm và nhiều, nhiều vũ khí khác nữa. Vũ khí tinh vi. Không phải vũ khí đã qua sử dụng.”
Ông Khovaev nói thêm: “Nga có rất nhiều thứ để cung cấp nhưng mọi thứ sẽ được thực hiện hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Ông cho biết vẫn còn quá sớm để nói về phạm vi hợp tác quân sự, nhưng trong một phát biểu rõ ràng nhắc tới Mỹ ông nói những đồng minh cũ không nên lo lắng.
“Những đối tác truyền thống của quý vị không cần phải lo ngại về quan hệ quân sự này… Nếu họ lo ngại, thì có nghĩa là họ cần phải gạt bỏ những khuôn sáo,” ông nói.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đẩy tương lai của mối quan hệ Philippines-Mỹ vào chỗ bất định với những phát ngôn giận dữ nhắm vào nước từng là cường quốc thực dân cũ của Philippines, giảm quy mô quan hệ quân sự với Mỹ trong khi thực hiện các bước để tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-moi-chao-philippines/3663798.html
TQ gầy dựng ‘đế chế năng lượng’ toàn cầu
Khi tập đoàn năng lượng Duke Energy muốn bán lại 10 đập thủy điện ở Brazil, một công ty năng lượng Trung Quốc, bất chấp những xáo trộn kinh tế của Brazil, đã chi 1,2 tỷ đô la để bổ sung 10 công trình này vào ‘đế chế năng lượng’ của họ trải dài từ Malaysia tới Đức và sang tận cả khu vực Amazon.
Tập đoàn Đập Tam Hợp của nhà nước Trung Quốc đang chi mạnh để mua lại hoặc xây mới các dự án thủy điện, năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong lúc các nhà đầu tư nước ngoài đang co cụm lại và giữa bối cảnh những cam kết của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hứa vực dậy ngành công nghiệp than đá đang khiến người ta hoang mang về sự ủng hộ của Mỹ dành cho năng lượng tái tạo.
Đầy tiền mặt và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro vốn đã làm chùn chân các đối thủ kỳ cựu khác, Tập đoàn Đập Tam Hợp cùng các công ty quốc doanh khác của Trung Quốc bao gồm nhà cung cấp điện lớn nhất thế giới mang tên Tập đoàn Lưới điện Nhà nước đang khuyếch trương ra nước ngoài, tìm kiếm các nguồn thu mới trong lúc tăng trưởng kinh tế và nhu cầu điện nội địa lắng đọng.
Một thập niên trước, các công ty này xây đập và các nhà máy điện tại Châu Á và Châu Phi.
Giờ đây, họ đóng vai trò dài hạn hơn như là các nhà vận hành các công ty điện ở Châu Âu và Australia, và đặc biệt là đang ‘ngắm nghía’ thị trường Mỹ.
Họ còn mang lại những nguồn đầu tư cho các thị trường gặp vấn đề như Brazil và Nam Âu.
Tập đoàn Đập Tam Hợp, hiện đang hoạt động tại 40 nước trên thế giới, khởi sự đầu tư vào năng lượng gió vào năm 2007 và năng lượng mặt trời vào năm 2011.
Trong 5 năm qua, Tập đoàn này đã chi hơn 10 tỷ đô la vào các cơ sở thủy điện và năng lượng gió ở Brazil, Đức, Ý, Ba Lan, và Bồ Đào Nha. Tập đoàn này cũng đã xây một đập thủy điện ở Lào và một trang trại gió ở Pakistan.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-gay-dung-de-che-nang-luong-toan-cau/3663343.html
Báo TQ: Chớ để Ấn soán ngôi
thành trung tâm sản xuất của thế giới
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 4/1 thúc giục Bắc Kinh nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất trong nỗ lực ngăn các đại công ty đa quốc đổ tiền đầu tư vào Ấn Độ.
Ngoài ra, bài xã luận đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo cũng đặc biệt chỉ trích quyết định của công ty Apple (Mỹ) đặt một cơ sở sản xuất tại bang Gujarat của Ấn.
Bài viết cảnh báo nếu công ty Apple khuyếch trương ở Ấn, nhiều đại công ty kỹ thuật toàn cầu sẽ theo chân và Trung Quốc sẽ bị thiệt hại vì lực lượng lao động giá rẻ và trẻ ở Ấn.
Bài báo khuyến cáo rằng Trung Quốc không thể để mất công ăn việc làm trong ngành sản xuất vào tay các nước khác trong khi chưa cải thiện được ngành công nghiệp nội địa giữa bối cảnh Tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump, đang tính tới việc đưa việc làm trong ngành sản xuất trở lại nước Mỹ.
Hoàn cầu Thời báo kêu gọi nhà nước Trung Quốc khai thác lao động giá rẻ tại các khu vực miền Trung và miền Tây nước này, sắp xếp lại vốn, các ngành kỹ thuật và các nguồn lực để tạo môi trường thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm cho dân Trung Quốc.
Trong những năm qua, chính phủ Ấn đã dốc sức làm mới lại lĩnh vực sản xuất với dự án ‘Made in India’ nhắm mục tiêu khắc họa Ấn là một trung tâm sản xuất mới nổi của thế giới.
Nguồn: NDTV/The Hindu
Pháp bắt cựu Thủ tướng Kosovo theo trát của Serbia
Cảnh sát Pháp hôm 4/1 bắt giữ cựu Thủ tướng Kosovo, Ramush Haradinaj, một chỉ huy du kích trong chiến tranh Kosovo năm 1998-99, theo trát bắt của Serbia, theo nguồn tin cảnh sát Pháp và Bộ Ngoại giao Kosovo.
Serbia coi ông Haradinaj là tội phạm chiến tranh vì vai trò của ông trong việc lãnh đạo một phong trào du kích nổi dậy ở tỉnh Kosovo cũ ở miền nam Serbia, khu vực đã tuyên bố độc lập với sự hậu thuẫn của phương Tây vào năm 2008.
Ông Haradinaj từng làm thủ tướng Kosovo trong một khoảng thời gian ngắn vào năm 2004 và 2005 khi lãnh thổ này nằm dưới sự bảo hộ hợp pháp của Liên Hiệp Quốc, trước khi bị xét xử và được tuyên trắng án hai lần về những tội ác chiến tranh tại một tòa án của Liên Hiệp Quốc ở The Hague.
“Ông bị nhà chức trách Pháp chặn lại theo trát bắt của Serbia năm 2004, đối với chúng tôi đây là điều không thể chấp nhận được,” Bộ Ngoại giao Kosovo cho biết trong một tuyên bố.
Bộ cho biết họ đang làm mọi thứ có thể để ông Haradinaj được phóng thích, điều mà họ dự kiến sẽ xảy ra.
Kosovo và Pháp có quan hệ ngoại giao hữu hảo và Paris vẫn là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Kosovo, nhà nước non trẻ nhất Châu Âu.
http://www.voatiengviet.com/a/phap-bat-cuu-thu-tuong-kosovo-theo-trat-cua-serbia/3663360.html
Indonesia ‘không ngưng’ toàn bộ quan hệ quân sự với Úc
Bộ trưởng An ninh của Indonesia nói nước này sẽ không ngưng tất cả hoạt động hợp tác quân sự với Úc, trái ngược với những tuyên bố mà nước này đưa ra trước đó.
Vào hôm thứ Tư 04/01, Bộ Quốc phòng nói Indonesia tạm ngưng tất cả các hình thức hợp tác quân sự với lý do rất nhiều thứ cần được ‘cải thiện’.
Tuy nhiên ông Wiranto lại nói việc tạm ngưng chỉ áp dụng cho các chương trình đào tại ngôn ngữ.
Vấn đề liên quan đến ‘tài liệu giảng dạy’ ở một trung tâm đào tạo ngôn ngữ của Bộ Quốc phòng Úc, các quan chức nói.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia nói những tài liệu này có những thứ ‘trái với luân thường đạo lý’ và làm mất uy tín của quân đội.
Đây không phải lần đầu tiên các quan chức có những tuyên bố trái ngược nhau.
Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói mối quan hệ với Úc vẫn được duy trì ‘một cách tốt đẹp’. Tổng thống xác nhận đã phê chuẩn việc ngưng hợp tác trong khi phát ngôn viên của ông lại phủ nhận việc người đứng đầu chính phủ Indonesia có tham gia vào việc đưa ra quyết định này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết rất tự tin về việc hợp tác sẽ được nối lại.
Phát ngôn nhân của quân đội Indonesia, Thiếu tướng Wuryanto thì nói việc ngưng hợp tác đã diễn ra từ tháng 12/2016.
Tổng tham mưu trưởng, Tướng Galot Nurmantyo nói tài liệu giảng dạy được nhắc đến có nội dung về “quân đội trong quá khứ, về Đông Timor, sự độc lập của Papua và về ‘Pancasila’, được xem là nền tảng triết lý dựng nên nhà nước Indonesia”.
Phong trào đòi độc lập ở tỉnh Papua đã âm ỉ trong gần nửa thế kỷ.
Thượng nghị sĩ Payne nói một cuộc điều tra chính thức về vụ việc sẽ được hoàn tất trong thời gian tới.
“Tôi hy vọng khi cuộc điều tra có kết luận, cũng là khi chúng tôi có thể thảo luận với Indonesia về những bước đã được Úc tiến hành liên quan đến quan ngại này(về Papua), chúng tôi lại có thể đàm phán về việc nối lại hợp tác giữa hai quốc gia,” bà Payne nói với hãng thông tấn Úc ABC.
Bà nói vấn đề về Papua được Indonesia nêu lên, nhưng ‘tất nhiên’ Úc công nhận ‘chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’.
Thượng nghị sĩ Payne cũng phủ nhận việc Úc đã tìm cách tuyển dụng quan chức Indonesia trong quá khứ.
Cáo buộc này được Tướng Galot nhắc đến trong một diễn văn vào hồi tháng 11, theo thông tin của ABC cho hay.
“Mỗi khi có một chương trình huấn luyện-như là hiện nay-năm hoặc 10 học viên giỏi nhất sẽ được gửi sang Úc. Chuyện này diễn ra trước khi tôi giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng nên tôi phải chấp nhận,” ông Galot được trích lời nói.
“Ngay khi tôi trở thành người chỉ huy của quân đội quốc gia, chuyện đó sẽ không xảy ra nữa. Họ chắc chắn sẽ bị tuyển dụng. Họ chắc chắn sẽ bị tuyển dụng.”
Thượng nghị sĩ Payne nói chuyện này ‘sẽ không xảy ra và tất nhiên là việc mà chúng tôi không tán thành’.
Lực lượng đặc nhiệm Indonesia Kopassus cùng tập luyện với lực lượng đặc nhiệm SAS tại Perth, theo truyền thông địa phương cho biết.
Lực lượng hải quân của hai quốc gia cũng dự định sẽ tham dự chương trình tập trận chung đa quốc gia vào tháng tới.
“Tôi sẽ thông báo liệu chúng tôi có tham gia buổi tập trận chung sắp tới hay không,” Đệ nhất Đô đốc Jonias Mozes Sipasulta của hải quân Indonesia nói với ABC.
Mối quan hệ song phương đã có một số lần căng thẳng trong những năm qua và đã từng bị cắt đứt trước đó, dù đã có những dấu hiệu được cải thiện gần đây.
Việc hợp tác quân sự giữa hai quốc gia bao gồm nhiều mảng, trong đó có tuần tra biên giới và chống khủng bố.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38517790
Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp:
Bắc Kinh ép người Tây Tạng không được dự
Trước áp lực của Trung Quốc, mới đây khoảng 7.000 tín đồ Phật giáo Tây Tạng đã phải trở về Trung Quốc, ngay trước buổi thuyết pháp Kalachakra, một sinh hoạt quan trọng của Phật Giáo « Tây Tạng », do chính đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trì tại Ấn Độ.
Thông tin nói trên được người phụ trách tổ chức sự kiện, ông Karma Gelek Yuthok, lãnh đạo cơ quan tôn giáo và văn hóa, của chính phủ Tây Tạng lưu vong, cho AFP biết hôm 04/01/2017. Những người vừa phải ra đi, vốn có kế hoạch tham dự hết kỳ Kalachakra này. Vẫn theo ông Karma Gelek Yuthok, một số khách hành hương cho biết thân nhân họ tại Trung Quốc đã bị đe dọa trả thù, nếu họ không trở về Trung Quốc ngay.
Cuộc thuyết pháp Kalachakra – tức « Pháp thời luân Kim Cang » – được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng (miền đông bắc Ấn Độ), thánh địa của Phật Giáo, nơi tương truyền đức Phật đã thành đạo cách nay hơn 2.000 năm. Theo trang tin euronews, khoảng 100.000 người, từ khoảng 20 quốc gia trên khắp thế giới, đã đổ về đây để dự đợt thuyết pháp đặc biệt này.
Kalachakra, tương truyền là pháp môn khiến Phật Thích Ca đắc đạo, và được coi là nền tảng của Mật Tông, hay hệ phái Phật Giáo Kim Cương thừa. Hệ phái này có nhiều ảnh hưởng tại Tây Tạng, miền tây Trung Quốc (với tỉnh Tứ Xuyên là nơi có tu viện lớn nhất), Mông Cổ, miền bắc Ấn Độ … Phật giáo « Tây Tạng » cũng có nhiều người theo tại cũng như một số nước Đông Á và phương Tây.
Kỳ thuyết pháp năm nay khởi đầu vào ngày thứ Ba 03/01, nhưng buổi thuyết pháp chính sẽ bắt đầu vào tuần tới.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ từ chối bình luận về việc này, khi được AFP đặt câu hỏi.
Đọc thêm : Hóa thân, cuộc chiến ngầm giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và Bắc Kinh
Năm 2012, chính quyền Trung Quốc từng bắt giam hàng trăm người Tây Tạng, trở về từ Bồ Đề Đạo Tràng, sau đợt giảng « Pháp thời luân Kim Cang ».
Năm nay là lần thứ 34 cộng đồng Phật Giáo Tây Tạng tổ chức « Pháp thời luân Kim Cang ». Kalachakra lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1954, tại Lhasa, thủ phủ Tây Tạng. Đợt thuyết pháp lần trước năm 2014 tại bang Kashmir, Ấn Độ, được khoảng 150.000 người tham dự.
Thế giới lưỡng cực, mô hình đã lỗi thời
Hai tuần lễ trước khi nước Mỹ thay đổi chính quyền, một loạt các câu hỏi được đặt ra trong quan hệ giữa Washington với phần còn lại của thế giới. Donald Trump và Vladimir Putin liệu có mở ra một chương sử mới trong trong bối cảnh Hoa Kỳ và Nga không còn độc quyền làm chủ cuộc chơi trên bàn cờ quốc tế ?
Theo phân tích của giáo sư đại học, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris, Sciences Po Paris Bertrand Badie và tướng Dominique Trinquand, nguyên cố vấn quân sự Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc, mô hình thế giới lưỡng cực đã thực sự lỗi thời và sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu phương Tây cứ giữ nguyên lô-gíc đối đầu với Nga.
Trả lời trên đài phát thanh RFI Pháp ngữ, giáo sư Bertrand Badie, trường Sciences Po Paris giải thích vì sao 2017 là một năm đầy bất trắc trên sân khấu chính trị quốc tế :
Bertrand Badie : Khó khăn bắt nguồn từ chỗ, tại Hoa Kỳ hiện đang có ba khuynh hướng khác nhau về hiện tượng toàn cầu hóa. Quan điểm thứ nhất, cho rằng, trong một thế giới mở rộng và những đường biên giới đang được xóa bỏ, nước Mỹ cần nắm bắt thời cơ để khẳng định vai trò lãnh đạo, để Washington áp đặt quan điểm với phần còn lại của thế giới. Đây là lập trường của phe tân bảo thủ ở Mỹ mà đã từng được ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton tán đồng và ủng hộ.
Bên cạnh đó tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama cho rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực, và nước Mỹ cần tôn trọng tính đa cực đó thay vì áp đặt cái « Leadership » của mình.
Khuynh hướng thứ ba bao gồm những thành phần chống toàn cầu hóa. Phe này coi hiện tượng mở rộng ra thế giới bên ngoài là mối đe dọa đối với sức mạnh siêu cường của Hoa Kỳ. Đây là lập trường của Donald Trump và ông chủ trương là đã đến lúc để nước Mỹ tìm lại vị trí hàng đầu trong thế giới toàn cầu hóa đó.
Thực ra ông Trump có cái nhìn rất thực tiễn, tức là chấp nhận toàn cầu hóa, với điều kiện phải có lợi cho Hoa Kỳ. Do vậy chính quyền ở Washington sắp tới sẵn sàng gạt bỏ bớt những gánh nặng cho nước Mỹ để chỉ giữ lại những gì hữu ích và nhất là cho phép Hoa Kỳ trở lại là siêu cường số 1 thế giới mà thôi.
Vấn đề đặt ra là ba luồng tư tưởng nói trên đã dẫn tới nhiều xung khắc trong số các lãnh đạo Hoa Kỳ và điều đó đẩy chính sách đối ngoại của Washington vào tình huống bất ổn. Chắc chắn là tổng thống tương lai, Donald Trump, sẽ có những quyết định mạnh mẽ để khẳng định vị trí, khẳng định quan điểm của ông trên hồ sơ này.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Donald Trump sẽ thay đổi chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tới mức độ nào.
Chính vì chúng ta chưa biết rõ ý đồ của chủ nhân Nhà Trắng sắp tới, nên toàn cảnh thế giới trong năm 2017 có vẻ bấp bênh hơn. Chỉ cần ông Trump lấy một vài quyết định mang tính tượng trưng, cũng đủ để quan hệ quốc tế giữa Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới thêm căng thẳng.
RFI : Washington và Matxcơva có xích lại gần nhau với chính quyền của tổng thống Trump hay không ?
Bertrand Badie : Điều thú vị ở đây là giữa hai ông Trump và Putin có nhiều điểm tương đồng. Họ có chung quan điểm về một thế giới toàn cầu hóa, nhưng điều đó không có nghĩa là quan hệ Nga -Mỹ bớt sóng gió và cũng không có yếu tố nào tránh để Washington và Matxcơva trong tương lai tiếp tục xung khắc với nhau. Chúng ta đều biết, hai nhân vật này có cá tính rất mạnh và cả hai cùng có cách hành xử rất thẳng thắn, nếu không muốn nói là thô bạo, kém ngoại giao.
Thêm vào đó, tới nay ông Trump lại chẳng biết gì về quan hệ quốc tế và ông ta là người nóng tính thường xuyên phản ứng một cách không thích hợp. Khác với thời tổng thống Ronald Reagan xưa kia. Ông Reagan từng có những cộng tác viên và cả một dàn cố vấn rất chuyên nghiệp, như nhà ngoại giao kỳ cựu, Henry Kissinger … Ngày nay, những cố vấn thân cận nhất của Donald Trump gây nhiều lo ngại trong hàng ngũ các nhà quan sát.
RFI : Tướng Dominique Trinquand, ông có nghĩ là còn quá sớm để hy vọng Mỹ -Nga sưới ấm quan hệ ?
Dominique Trinquand : Điểm thứ nhất cần nói : thắng lợi của Donald Trump trước hết là một chiến thắng của cá nhân nhà tỷ phú này, chứ không phải là thắng lợi của một đảng phái chính trị. Thứ hai là như vừa nói, cá tính của bản thân hai ông Donald Trump và Vladimir Putin là yếu tố then chốt. Cả hai cùng quen dùng sức mạnh, nhưng họ cũng là những người biết thương lượng. Họ có đầu óc thực tiễn và có khả năng là các ông Trump và Putin tìm được một sân chơi chung. Biết đâu, đây lại là một cơ hộ.
Điều khiến chúng ta lo ngại là chẳng biết hai nhà lãnh đạo này tính toán những gì. Nhưng chắc một điều là nếu như chúng ta cứ suy nghĩ theo một lô-gic cũ xưa, có từ thời chiến tranh lạnh, về một mô hình quan hệ quốc tế mà ở đó hai khối « đông và tây » đối đầu với nhau, thì đó hoàn toàn là một sai lầm.
Donald Trump đã hiểu được điều này khi tuyên bố rằng, NATO – Liên Minh Bắc Đại Tây Dương không còn đóng một vai trò như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Đã tới lúc Châu Âu phải tự lực về mặt quân sự, chứ không thể tiếp tục trông cậy vào Mỹ. Tuy vậy, không có nghĩa là Trump sẽ đứng về phía Putin.
RFI : Liệu quan hệ quốc tế có đang quay lại với mô hình của một thế giới lưỡng cực đặt dưới trướng của hai siêu cường là Mỹ và Nga ?
Bertrand Badie : Có nhiều yếu tố cho thấy là chúng ta như đang muốn quay trở lại với mô hình ấy, nhưng kịch bản này không thể xảy ra. Vì sao ?
Thứ nhất, ngoài Nga và Mỹ ra thì còn có vai trò của Trung Quốc. Thứ hai nước Nga ngày nay của ông Putin, không phải là Liên Bang Xô Viết xưa kia. Thứ ba là đã có thêm nhiều yếu tố mới nhập cuộc. Những cuộc xung đột trên thế giới không còn tập trung ở một vùng mà đã tản mát ra trên khắp thế giới. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh thì Châu Âu là sân chơi để Washington và Matxcơva đọ sức qua trung gian một bên là Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và bên kia Hiệp Ước Vacxava. Khi đó thì Liên Xô và Hoa Kỳ hoàn toàn làm chủ tình hình.
Ngày nay thì khác.
Xung đột nổ ra rải rác khắp nơi, với những « yếu tố » vuột khỏi tầm kiểm soát của cả Nga lẫn Mỹ. Tôi muốn nói tới các tổ chức khủng bố thánh chiến. Từ đầu những năm 2000 tới nay, hai nhân vật được nhắc tới nhiều là trùm Al Qaeda, Ben Laden và kẻ tự xưng là thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo Abou Bakr al-Baghdadi. Đây là một thách thức cho cả Nga lẫn Mỹ.
Thêm một ấn số khác đặt ra cho thế giới là như vừa nói, hai ông Donald Trump và Vladimir Putin cùng có cá tính rất mạnh, và một trong hai người này lại có tính khí thất thường, dễ đẩy cộng đồng quốc tế vào tình huống thêm nguy hiểm.
Sau cùng, ngoài Nga và Mỹ thì còn phải kể đến Trung Quốc. Bắc Kinh đã đảo lộn trật tự kinh tế, tài chính, ngoại giao và cả quân sự của thế giới. Hiện nay, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, là quốc gia đóng góp tài chính quan trọng thứ nhì cho các chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, chỉ thua có Mỹ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170105-the-gioi-luong-cuc-mo-hinh-da-loi-thoi
Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc
bắt đầu xem xét việc phế truất tổng thống
Ngày 05/01/2017, Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc chính thức xem xét yêu cầu phế truất tổng thống Park Geun-Hye của Quốc Hội, bị cáo buộc lạm dụng quyền lực, với sự đồng lõa của « quân sư » Choi Soon-Sil. Luật sư của tổng thống Hàn Quốc khẳng định kiến nghị của Quốc Hội không dựa trên các bằng chứng xác đáng.
AFP dẫn lời luật gia Kwon Seong-Dong, đại diện cho Quốc Hội, theo đó, tổng thống Park Geun-Hye « đã phản bội lại niềm tin của nhân dân và trách nhiệm mà cử tri trao phó » và Tòa Bảo Hiến cần phải làm sao để « trật tự Hiến pháp bị xâm phạm có thể được phục hồi ».
Về phần mình, luật sư Lee Joong-Hwan, đại diện của tổng thống Park, nhấn mạnh là kiến nghị phế truất « thiếu bằng chứng và không có giá trị về pháp lý », bởi chỉ dựa trên các lập luận và thông tin từ báo chí. Luật sư của bà Park Geun-Hye đề nghị Tòa bác kiến nghị của Quốc Hội và yêu cầu ngay lập tức đưa tổng thống trở lại nắm quyền. Tổng thống Park Geun-Hye bị Quốc Hội đình chỉ chức vụ vào ngày 09/12/2016, trong thời gian chờ đợi phán quyết cuối cùng của Tòa Bảo Hiến.
Tổng thống Park Geun-Hye không có mặt trong phiên tòa hôm nay. Trên thực tế, Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc đã bắt đầu chính thức xét đề nghị của Quốc Hội cách nay hai ngày, nhưng phiên này đã buộc phải rút ngắn, do bà Park không chấp nhận tham gia.
Tổng thống Hàn Quốc đặc biệt bị cáo buộc, đã cùng với người bạn lâu năm, « quân sư » Choi, nhận từ tiền hối lộ từ Samsung, gây áp lực buộc hai cơ sở của Samsung phải sáp nhập vào năm 2015, thông qua Quỹ Hưu Trí Quốc Gia, để tạo điều kiện cho việc kế thừa gia sản của con trai chủ tịch tập đoàn này.
Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc có thời hạn sáu tháng để ra phán quyết. Trong khi đó, trên khắp Hàn Quốc, từ mười tuần nay, vào mỗi ngày Thứ Bảy, dân chúng biểu tình đông đảo yêu cầu bà Park Geun-Hye phải từ chức. Các cuộc biểu tình huy động đến hàng trăm nghìn người tham gia.