Tin khắp nơi – 04/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 04/12/2018

Linh cữu Cựu Tổng thống Bush

được quàn tại phòng mái vòm của Điện Capitol

Linh cữu Cựu Tổng thống George H.W. Bush được quàn tại Phòng mái vòm của Điện Capitol ở Washington giữa lúc người Mỹ vinh danh đời sống của vị Tổng thống thứ 41 của nước Mỹ.

Sáng sớm ngày thứ Tư 4/12 Điện Capitol mở cửa cho những người nổi tiếng cũng như công chúng Mỹ đến viếng Tổng thống vừa mới qua đời. Những người đến viếng được phép đi ngang qua quan tài của ông Bush. Ông từ trần tại Texas, quê nhà, vào cuối ngày thứ Sáu 30/11 thọ 94 tuổi sau vài năm sức khỏe suy kém.

Ông Bush được tiễn đưa tại Texas bằng 21 phát đại bác và được chuyên cơ Air Force One của Tổng thống chở đến căn cứ Không quân Andrew theo lệnh Tổng thống Donald Trump. Một đoàn xe chở linh cữu ông Bush được phủ cờ đến Điện Capitol nơi một dàn nhạc của quân đội Mỹ trổi các bản thành ca, cùng với gia đình và bạn bè tụ tập chờ đón.

Cựu Tổng thống George W. Bush, con trai của ông Bush tỏ vẻ xúc động khi ông nhìn linh cữu của cha được đặt tại phòng mái vòm Điện Capitol.

Trong buổi lễ tại Điện Capitol tối ngày thứ Hai 3/12, các giới chức Washington ngỏ lời thương tiếc ông Bush. Lãnh tụ Khối đa số Thượng viện Mitch McConnell nói nước Mỹ đứng cùng với gia đình ông Bush “trong đau buồn cũng như trong biết ơn. Biết ơn vì một cuộc đời đáng sống và những nhiệm vụ hoàn tất.”

Ông Bush phục vụ một nhiệm kỳ tại Tòa Bạch Ốc từ năm 1989 đến năm 1993 sẽ được làm lễ quốc tang vào ngày thứ Tư 5/12 tại Nhà thờ Quốc gia ở Washington. Hầu hết các văn phòng chính phủ đóng cửa vào ngày này. Ông Bush sẽ được an táng vào ngày thứ Năm 6/12 tại thư viện Tổng thống ở Texas.

Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump sẽ tham dự tang lễ.

https://www.voatiengviet.com/a/linh-c%E1%BB%AFu-c%E1%BB%B1u-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-bush-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-qu%C3%A0n-t%E1%BA%A1i-ph%C3%B2ng-m%C3%A1i-v%C3%B2m-c%E1%BB%A7a-%C4%91i%E1%BB%87n-capitol/4685639.html

 

Donald Trump viếng linh cữu của TT George HW Bush

Tổng thống Mỹ Donald Trump và vợ, Melania, đã đến viếng và tỏ lòng tôn kính với Tổng thống George HW Bush trước linh cữu ông tại điện Capital Hoa Kỳ.

Ông Trump đến vòm nhà quốc hội, nơi công chúng có thể vào thăm linh cữu Tổng thống Bush cha từ giờ cho đến khi đám tang ông được tổ chức hôm thứ Tư.

Trước đây, ông Trump từng đụng độ với gia đình Bush nhưng sẽ tham dự tang lễ.

Ông Bush, qua đời hôm thứ Sáu, thọ 94 tuổi, sẽ được chôn cất tại tư gia của ông ở Texas, bên cạnh vợ ông, Barbara.

Quan tài của ông trước đó đã rời Texas trước nghi lễ bắn 21 phát đại bác kính chào, và được đưa đến Washington trên máy bay Air Force One – tạm thời được đổi tên thành Special Air Mission 41 – để tỏ lòng tôn kính với vị tổng thống vừa qua đời.

George HW Bush: Điều gì khiến TT chỉ được một nhiệm kỳ?

‘Cha yêu con’: Lời cuối của ông George H.W. Bush

George H W Bush nhập viện một ngày sau đám tang vợ

Ông Bush là tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ từ năm 1989 đến 1993, được điều trị bệnh Parkinson và phải nhập viện vì bị nhiễm trùng máu vào tháng Tư.

Bình luận của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ của BBC tại Washington

Ba tiếng đồng hồ sau khi các quan chức, giới chức sắc, gia đình và bạn bè đón chào quan tài của Tổng thống George HW Bush đến Quốc hội Hoa Kỳ, vị tổng thống đương nhiệm và đệ nhất phu nhân đã đến thăm linh cữu vào giữa tối để tỏ lòng tôn trọng.

Đoàn xe đưa họ đi chỉ mất vài phút để đi trên đại Lộ Pennsylvania từ Nhà Trắng. Vào lúc 20:30 tối giờ địa phương, Donald và Melania Trump đến bên trong vòm nhà Quốc hội lúc ấy đã khá vắng vẻ. Thành viên của năm binh chủng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đứng chào khi cả hai bước đến chiếc quan tài phủ cờ.

Tổng thống đã kính chào ông Bush rất lâu và đệ nhất phu nhân đặt tay lên trái tim. Âm thanh duy nhất trong căn phòng khổng lồ, làm bằng đá cẩm thạch – nơi từng trưng bày quan tài của 32 người, trong đó có 12 vị tổng thống từng – là những tiếng máy quay phim và chụp ảnh của báo giới.

Ông bà Trump sau đó quay qua phiá trái và rời gót. Tổng cộng, tổng thống đã rời khỏi Nhà Trắng chưa đến nửa giờ, và không có một lời nào cho công chúng hay báo chí.

Công chúng có thể đến viếng cố Tổng thống George HW Bush cho đến khi lễ tang được tổ chức hôm thứ tư tại Nhà thờ Quốc gia, một sự kiện mà chỉ người có giấy mời mới được tham dự.

Ông Trump sẽ tham dự tang lễ với Melania nhưng sẽ không phát biểu.

Theo cuốn The Last Republicans của tác giả Mark Updegrove, phát hành năm ngoái, ông Bush đã bỏ phiếu cho đối thủ của ông Trump, bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử 2016 và gọi ông Trump là một “kẻ hèn nhát”.

Con trai của ông, cựu Tổng thống George W Bush, lo lắng rằng mình sẽ là “tổng thống đảng Cộng hòa cuối cùng”, mặc dù ông Trump ứng cử với tư cách một đảng viên đảng Cộng hòa.

Một nghi lễ được tổ chức tại vòm nhà Quốc hội ngay sau khi linh cữu của ông Bush được đưa đến vào chiều thứ Hai, với các thành viên quân đội trong vai trò hộ tang.

Tổng thống George Bush Jr. tham dự nghi lễ và không dấu được nỗi xúc động.

Trong một bài điếu văn, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan phát biểu: “Một người đàn ông vĩ đại đang nằm đây”, nói thêm “không ai trong chúng ta có khả năng hài hòa giữa niềm vui và nghĩa vụ của cuộc sống tốt hơn ông.”

Ryan nói ông Bush là một “nhà lãnh đạo vĩ đại và một người đàn ông tốt, một tâm hồn hiền lành với một ý chí cả quyết”.

Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell nói: “Trải qua Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô, Tổng thống Bush đã giữ cho chúng ta đúng hướng. Khi cần phải bảo vệ luật pháp ở Vịnh Ba Tư, ông đã giúp chúng ta giữ vững lập trường.”

Phó chủ tịch Mike Pence nói “người đàn ông này có một sự tử tế rất hiển nhiên mà tất cả những ai từng gặp ông đều ̀thấy rõ.”

Tổng thống George HW Bush là một phi công lập đầy công trạng trong Thế chiến Thứ hai, một người đứng đầu CIA và là phó tổng thống dưới thời Ronald Reagan trước khi được bầu làm tổng thống vào năm 1988.

Cũng đưa tiễn ông trong hành trình cuối cùng của cuộc đời của Tổng thống Bush là Sully, con chó labrador trung thành của ông.

Phát ngôn viên của ông Bush, Jim McGrath, đã tweet đi một bức ảnh của Sully nằm bên quan tài, với chú thích: “Nhiệm vụ hoàn thành.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46436859

 

Thỏa thuận hưu chiến thuế :

Mỹ ép Bắc Kinh sớm có biện pháp cụ thể

Trọng Thành

Sau khi tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc đạt thỏa thuận hưu chiến thương mại trong vòng ba tháng, hôm qua 03/12/2018, Washington gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh « sớm có các biện pháp cụ thể ».

Reuter cho hay, theo cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow, Bắc Kinh cần nhanh chóng thực hiện các cam kết với Mỹ, nhằm chấm dứt nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, hay giảm thuế xe hơi nhập khẩu từ Mỹ. Cố vấn kinh tế của tổng thống Trump cho biết là bộ trưởng Tài Chính Steve Muchin và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã có buổi làm việc riêng với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) tại Achentina, và phó thủ tướng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ nhanh chóng thực thi các cam kết giữa hai nguyên thủ.

Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng nhấn mạnh là Washington có nhiều kinh nghiệm về việc Trung Quốc đã nhiều lần thất hứa. Tuy nhiên, theo ông Kudlow, điểm khác biệt là hồ sơ này có sự can dự « chưa từng thấy » của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Larry Kudlow cũng bày tỏ hy vọng là chính phủ Trung Quốc sẽ nhanh chóng xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu xe hơi Mỹ. Hiện tại Bắc Kinh cam kết giảm 40% thuế nhập khẩu xe hơi.

Tổng thống Mỹ đã chỉ định đại diện thương mại Robert Lighthizer đóng vai trò giám sát đợt đàm phán mới với Bắc Kinh. Robert Lighthizer được coi là một trong những người có quan điểm cứng rắn nhất với Trung Quốc trong chính quyền Mỹ. Ông cũng từng là người chủ trì cuộc thương lượng với Canada và Mêhicô về một hiệp định thương mại mới, vừa được thông qua cách nay hai tháng.

Mỹ tái khẳng định « vai trò trụ cột » trong cuộc chiến bảo vệ « thế giới tự do »

Trong một phát biểu hôm nay 04/12, tại Bruxelles tại một viện tư vấn, trước khi tới trụ sở NATO, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định quan điểm của tổng thống Donald Trump, là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục « vai trò trụ cột » trong cuộc chiến bảo vệ « thế giới tự do », trước các đe dọa từ Trung Quốc, Nga và Iran.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh là : « Nhiều thế lực xấu đã lợi dụng xu hướng co lại của nước Mỹ, để lấn sân », chính vì vậy mà tổng thống Donald Trump quyết định sẽ hành động để đảo ngược lại xu hướng này.

Phát biểu của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra ngay sau khi, tổng thống Donald Trump, ngày hôm qua 03/12, tuyên bố khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ cộng tác với Trung Quốc và Nga để chấm dứt « cuộc chạy đua vũ trang » hết sức tốn kém hiện nay, mà theo ông, đang trở nên « vượt tầm kiểm soát ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181204-thoa-thuan-huu-chien-thue-my-ep-bac-kinh-som-co-bien-phap-cu-the

 

Trump nói TQ cắt 40% thuế nhập xe Mỹ

nhưng thực hư ra sao?

Đề xuất giảm thuế quan của Trung Quốc lên xe hơi nhập từ Mỹ gây bối rối ở Washington một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump có tuyên bố nói phía Trung Quốc đã đồng ý.

Bắc Kinh hiện vẫn chưa xác nhận động thái này và các cố vấn của Tổng thống Trump dường như không chắc chắn lắm về việc Trung Quốc có đồng ý giảm thuế tới 40% như vậy không.

Thêm vào đó, nhiều chi tiết tổng quát xung quanh thoả thuận đình chỉ thương mại Mỹ Trung tại Thượng đỉnh G20 vẫn chưa rõ ràng.

Trước tình hình có rất ít thông tin, nhà sản xuất xe hơi Ford nói với BBC họ “đang trông chờ được biết thêm” về thoả thuận tạm đình chỉ chiến tranh thương mại.

Phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc có chính sách thương mại không công bằng và chính sách áp thuế là nhằm đối phó với các tập quán của Trung Quốc khiến các công ty Mỹ khó cạnh tranh.

Trên lý thuyết, thuế quan khiến các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ rẻ hơn hàng nhập khẩu, và khuyến khích người tiêu dùng mua hàng Mỹ.

Sau nhiều tháng căng thẳng leo thang, Washington và Bắc Kinh nói họ đã đạt được một thoả thuận tạm thời cho mâu thuẫn thương mại gây tổn hại cho cả hai bên tại cuộc họp G20 ở Agentina hồi cuối tuần.

Tâm điểm của thoả thuận này là Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý không tăng thuế trong 90 ngày để hai bên đàm phán.

Mỹ-Trung hưu chiến: Trump hay Tập đang thắng?

TQ chúc mừng Jair Bolsonaro vì lo ngại?

Trump và Tập đồng ý‎ tạm đình chỉ thuế quan mới

Chiến tranh thương mại: Ván bài lớn tại G20

Tổng thống Mỹ sau đó viết trên Twitter rằng Bắc Kinh đã “đồng ý giảm và xoá bỏ thuế quan lên xe hơi nhập vào Trung Quốc từ Mỹ”.

Bình luận của ông nói tới mức thuế 40% mà Trung Quốc áp lên xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, được áp dụng hồi tháng Bảy như một phần trong cuộc chiến thương mại. Mức thuế này cao hơn nhiều so với mức 15% Trung Quốc áp lên các đối tác thương mại khác.

Một ngày sau khi ông Trump có tuyên bố này, có nhiều người ở Washington bối rối về các chi tiết, và các quan chức cao cấp có ý kiến trái ngược nhau.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có xoá bỏ mức thuế 40% lên xe hơi nhập từ Mỹ không, Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cao cấp của Tổng thống nói ông “tin rằng cam kết đó đã được đưa ra”.

Trong cuộc họp báo, ông cũng nói phía Mỹ hiện chưa có một “thoả thuận cụ thể” về thuế xe hơi.

Một nhân vật Nhà Trắng cao cấp khác, cố vấn thương mại Peter Navarro chỉ nói vấn đề này “chắc chắn đã được bàn tới” trong các cuộc đàm phán ở G20.

Nhiều người cũng không rõ khi nào thì thời gian hưu chiến 90 ngày sẽ bắt đầu. Một số người cho rằng sẽ bắt đầu ngay bây giờ, trong khi những người khác nói phải đến tháng 1/2019 mới bắt đầu.

Ford chỉ là một trong số nhiều hãng xe hơi lớn tìm kiếm sự rõ ràng. Nhà sản xuất xe hơi nói họ “được khích lệ bởi các cuộc đàm phán thương mại” trong khi chờ nghe thêm chi tiết.

“Chúng tôi mong đợi được biết thêm,” Ford nói trong một bản thông cáo.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46436862

 

Giữ lời hứa với nông dân, ông Trump

buộc TQ mua thêm nông sản Mỹ

Những người nông dân đặt niềm tin vào Tổng thống Trump đã được hồi đáp xứng đáng, sau khi chính quyền của ông khiến Trung Quốc phải chấp nhận tăng mua nông sản Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã đồng ý mua “một số lượng rất lớn các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Hoa Kỳ để giảm bớt tình trạng mất cân đối thương mại giữa hai nước”, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết trong một tuyên bố, theo Politico.

Trung Quốc sẽ “bắt đầu mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân của chúng ta ngay lập tức”, bà Sanders nói. Đây là “tin tốt lành đối với nông dân Hoa Kỳ”, phóng viên Ryan Saavedra của Real Daily Wire bình luận trên Twitter ngày 3/12.

Nhà bình luận chính trị Ryan Fournier viết trên Twitter ngày 2/12 rằng những người nông dân đặt niềm tin vào Tổng thống Trump đã được đền đáp xứng đáng.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cũng cho biết Mỹ-Trung: “sẽ cố gắng hoàn tất đàm phán trong vòng 90 ngày tới. Nếu vào cuối thời hạn này, các bên không thể đạt được thỏa thuận, [Mỹ sẽ tăng] mức thuế 10 phần trăm lên 25 phần trăm”.

Trong tuyên bố của mình, bà Sanders nói rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đồng ý bắt đầu ngay các cuộc đàm phán về tình trạng [Trung Quốc] ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan, xâm nhập không gian mạng và trộm cắp qua mạng, dịch vụ và nông nghiệp”.

Ông Tập Cận Bình cũng đồng ý chỉ định chất độc ma túy fentanyl phải được kiểm soát, theo đó công dân Trung Quốc bán loại chất này sẽ phải chịu mức phạt tối đa của Trung Quốc, theo báo cáo của tạp chí truyền thông Nhà Trắng.

Trước đó, Tổng thống Trump từng chỉ trích Trung Quốc bán tràn lan loại chất này, gây ra tình trạng nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid (có chứa fentanyl) cho người Mỹ.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25069-giu-loi-hua-voi-nong-dan-ong-trump-buoc-tq-mua-them-nong-san-my.html

 

Thông báo “khác biệt” của Đại sứ quán Mỹ

về thỏa thuận Trump-Tập bị chặn chia sẻ ở TQ

Bài đăng của Đại sứ quán Mỹ trên nền tảng mạng xã hội WeChat (Trung Quốc) về thỏa thuận “đình chiến thương mại” giữa hai nước không thể chuyển tiếp hay chia sẻ.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nội dung bài đăng của ĐSQ Mỹ về kết quả cuộc gặp cấp cao giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/12 bên lề hội nghị G20 dường như đã bị kiểm duyệt một phần.

Trong khi đó, một bài đăng khác thông tin việc tổng thống George H.W. Bush qua đời không gặp phải vấn đề tương tự.

Thông tin về thỏa thuận hòa hoãn chiến tranh thương mại được ĐSQ Mỹ tại Bắc Kinh đăng tải cả bằng tiếng Anh và tiếng Hoa, trong đó đề cập việc Mỹ tạm ngưng kế hoạch áp thuế quan cao hơn lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và đề ra thời hạn 90 ngày để song phương đàm phán tiến đến một thỏa thuận thương mại.

Thông cáo chính thức về thỏa thuận do Mỹ và Trung Quốc công bố vẫn tồn tại những điểm khác biệt từ mỗi bên.

Ví dụ, thông cáo do Tân Hoa Xã đăng tải, cũng như các hãng truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc, không đề cập hạn chót 90 ngày mà Mỹ đưa ra.

Phía Trung Quốc cũng không nhắc đến yêu cầu của Mỹ về việc Bắc Kinh phải bắt đầu ngay việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản, năng lượng cùng nhiều sản phẩm khác từ Mỹ để giảm bất cân bằng thương mại. Thay vào đó, Bắc Kinh nói rằng sẽ tiếp tục “đi sâu cải cách, mở cửa rộng rãi” theo lộ trình đề ra trong Đại hội khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, và “trong quá trình đó những mối quan tâm của Mỹ về thương mại sẽ được giải quyết”.

ĐSQ Mỹ từ chối bình luận về rắc rối với bài đăng liên quan đến hội nghị Trump-Tập, nhưng một phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao này nói rằng họ thường xuyên gặp phải rào cản và hạn chế khi chia sẻ thông tin trên các mạng xã hội ở Trung Quốc.

Hãng Tencent, sở hữu mạng xã hội WeChat, không phản hồi đề nghị bình luận về vụ việc.

http://biendong.net/diem-tin/25067-thong-bao-khac-biet-cua-dai-su-quan-my-ve-thoa-thuan-trump-tap-bi-chan-chia-se-o-tq.html

 

TT Trump sẽ thảo luận

vấn đề ‘chạy đua vũ trang’ với TQ, Nga

Hôm 3/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ thảo luận các vấn đề quân sự với Trung Quốc và Nga trong tương lai, với hy vọng sẽ kết thúc những gì ông mô tả là một cuộc chạy đua vũ trang với hai quốc gia này.

Ông Trump viết trên Twitter hôm 3/12, một ngày sau khi gặp các lãnh đạo Trung Quốc và Nga tại Hội Nghị G20 ở Argentina: “Tôi chắc chắn rằng, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi, cùng với Tổng thống Nga Putin, sẽ bắt đầu bàn về một sự trì hoãn có ý nghĩa đối với những gì đã trở thành một cuộc chạy đua vũ trang lớn và không kiểm soát được. Hoa Kỳ đã chi 716 tỷ đôla trong năm nay. Thật là khiếp! ”

Ông Trump không cho biết thêm chi tiết. Nhưng vào tháng 8 năm nay, ông đã ký một dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 716 tỷ đôla, gia tăng các hạn chế đầu tư đối với Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ, và tăng chi tiêu phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Khi được hỏi về phát biểu của Tổng thống Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc cam kết thực hiện các chính sách hòa bình.

Ông Cảnh nói tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi chưa bao giờ chạy đua vũ trang và không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào.”

Cũng trong năm nay, Quân đội Mỹ đã đặt chính sách chống lại Trung Quốc và Nga vào trung tâm của một chiến lược quốc phòng mới, và sẽ rút quân khỏi các nơi khác trên thế giới để dồn sự hỗ trợ các ưu tiên mới này.

Đồng thời, Washington đã thảo luận công khai về việc loại bỏ một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mang tính bước ngoặt với Nga, một hiệp ước có hiệu lực từ năm 1987.

Trong tháng 3, Trung Quốc đã công bố tăng 8,1% chi tiêu quốc phòng, nhằm thúc đẩy một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng, khiến các nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản và Đài Loan lo lắng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng mức chi tiêu quốc phòng như vậy là còn khiêm tốn và thấp, và nói thêm rằng Bắc Kinh không có ý định chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ.

Bắc Kinh nói rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không lớn, chỉ chiếm một phần tư chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ, và cũng không phải là quốc gia có tốc độ chi tiêu quốc phòng nhanh nhất. Nhưng con số chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh được thế giới theo dõi chặt chẽ để dò xét các ý định chiến lược của Trung Quốc trong khi nước này đang phát triển khả năng quân sự mới, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và tên lửa chống vệ tinh.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-se-thao-luan-van-de-chay-dua-vu-trang-voi-tq-nga/4685901.html

 

Mỏi mòn chờ xin tị nạn, người di cư trèo rào vào Mỹ

Tối hôm 3/12, những người di cư Trung Mỹ bị kẹt ở biên giới Mexico- Hoa Kỳ đã mạo hiểm trèo rào vào lãnh thổ Mỹ với hy vọng xin được tị nạn.

Tại khu vực biên giới giáp với thành phố Tijuana của Mexico, một số di dân đã né các thủ tục pháp lý, liều mình trèo rào bất hợp pháp vào lãnh thổ Mỹ khi màn đêm buông xuống hôm 3/12. Địa điểm này cách bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ 450 mét.

Trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, các phóng viên Reuters đã chứng kiến có khoảng hai chục người đã leo qua hàng rào thép cao 3 mét.

Các nhân chứng tường thuật rằng, trước đó có 3 người đã vượt qua được hàng rào và ngay lập tức bị Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ bắt giữ.

Trời càng tối càng có thêm người vượt rào, thậm chí họ mang cả trẻ em vượt qua hàng rào này.

Một số người dùng chăn mền làm dây để giúp người thân vượt qua.

Một người mẹ mang theo con nhỏ đã vượt qua hàng rào và biến mất vào màn đêm, dù có trực thăng Mỹ bay tuần tra phía trên.

Một số người di cư đã chạy trốn, nhưng hầu hết họ vẫn di chuyển chậm chạp và tự nạp mình cho các nhân viên Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ.

Kể từ giữa tháng 10, hàng ngàn người trong một đoàn caravan từ Trung Mỹ, chủ yếu là từ Honduras, đã đi qua Mexico tiến về phía Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ ngăn chặn những người di cư này, bằng cách cử thêm binh sĩ canh gác biên giới.

https://www.voatiengviet.com/a/moi-mon-cho-xin-ti-nan-nguoi-di-dan-treo-rao-vao-my/4686022.html

 

Mỹ tìm sự hợp tác của Pakistan

về hòa bình tại Afghanistan

Tổng thống Donald Trump đang tìm sự hợp tác của Pakistan để đưa Taliban đến bàn hòa đàm tại Afghanistan.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 3/12 nói ông nhận một bức thư của Tổng thống Trump cho biết đặc phái viên của Mỹ về hòa giải Afghanistan, ông Zalmay Khalizad, đang đến Pakistan trong tuần này để thảo luận thêm nữa.

“Ông Trump muốn Pakistan đóng vai trò của nước này và dùng ảnh hưởng để mang Taliban đến các cuộc thương thuyết. Chúng tôi có một vai trò trọng yếu đối với hòa bình của Afghanistan và chắc chắn, chúng tôi sẽ cố gắng. Từ lâu tôi đã ủng hộ các cuộc hòa đàm,” ông Khan nói trong một nhận định trên truyền hình nhà nước Pakistan.

Thủ tướng Pakistan nói các người chỉ trích chế nhạo ông và gọi ông là “Taliban Khan” vì ông chống lại các cuộc hành quân và cổ xúy cho một giải pháp chính trị đối với cuộc chiến Afghanistan.

“Cám ơn, hiện nay toàn thế giới muốn Pakistan mang các phe phái Afghanistan lại với nhau để hòa dàm… Đó chính là vai trò của chúng tôi và chúng tôi có thể làm điều đó,” ông Khan nói. Ông nhắc lại là Pakistan sẽ “hưởng lợi nhiều hơn cả” nếu hòa bình được phục hồi tại Afghanistan.

“Trong thư, Tổng thống Mỹ công nhận Pakistan có khả năng không cho Taliban trú ẩn trên lãnh thổ Pakistan. Bức thư cũng nói rõ là sự trợ giúp của Pakistan trong tiến trình hòa bình Afghanistan là cơ bản trong việc xây dựng đối tác Hoa Kỳ-Pakistan bền vững,” một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump cho biết.

Trước đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Mohammad Faisal đưa ra một tuyên bố chính thức nêu chi tiết của bức thư.

Ông Faisal nói ông Trump công nhận là cuộc chiến đã tiêu tốn nhiền tiền bạc của Hoa Kỳ và Pakistan. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh đến việc hai nước “nên thăm dò những cơ hội làm việc với nhau và tái lập đối tác,” phát ngôn viên Faisal nói.

Ngày 3/12, được hỏi về bức thư này, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói “Chúng ta đang tìm kiếm các quốc gia có trách nhiệm để hỗ trợ hòa bình cho tiểu lục địa này. Và chúng ta sẽ vượt qua cuộc chiến Afghanistan hiện đang tiến gần 40 năm-40 năm đủ rồi.

Cuộc tiếp xúc hiếm hoi giữa Hoa Kỳ và Pakistan ở cấp cao nhất diễn ra giữa lúc mối quan hệ truyền thống có nhiều xáo trộn giữa Islamabad và Hoa Kỳ suy sụp vì những cáo buộc là Taliban tiếp tục sử dụng những nơi ẩn náu trên đất Pakistan để mở các cuộc tấn công bên trong Afghanistan.

Cuộc chiến Afghanistan kéo dài 17 năm đã gia tăng cường độ trong những tháng gần đây với việc Taliban gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng an ninh Afghanistan được Hoa Kỳ hỗ trợ và mang thêm nhiều lãnh thổ dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy. Quân đội Hoa Kỳ tổn thất hơn 2.400 binh sĩ và tiêu tốn gần một ngàn tỉ đô la kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2001.

Đặc phái viên về hòa bình tại Afghanistan, Khalilzad vừa mới thảo luận trực tiếp với Taliban trong nỗ lực khỏi động những cuộc thương thuyết hòa bình tại Afghanistan.

Taliban nói đang thảo luận việc rút các lực lượng NATO và Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan trong những cuộc thương thuyết với Washington.

Ngày 3/12, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khi nói chuyện với các phóng viên tại Brussels đã công nhận là các quốc gia liên minh đang trả một giá cao khi ở lại Afghanistan về mặt thiệt hại tài chánh và nhân sự. Tuy nhiên ông Stoltenberg nói tiếp là “Chúng ta phải so sánh cái giá ỏ lại với cái giá rời khỏi Afghanistan.”

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-t%C3%ACm-s%E1%BB%B1-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-c%E1%BB%A7a-pakistan-v%E1%BB%81-h%C3%B2a-b%C3%ACnh-t%E1%BA%A1i-afghanistan-/4685675.html

 

Hoa Kỳ hối thúc EU chế tài Iran

Ngày 3/12, Washington hối thúc các nhà lãnh đạo EU ban hành các lệnh chế tài đối với Iran sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Tehran thử nghiệm một phi đạn đạn đạo tầm trung vào ngày 1/12.

“Chúng tôi muốn thấy Liên hiệp Châu Âu ban hành các chế tài nhắm vào chương trình phi đạn của Iran,” đặc sứ về Iran của Washington, ông Brian Hook nói với các phóng viên tháp tùng ông Pompeo dự cuộc họp của NATO tại Brussels ngày 3/12.

Ông Hook nói vụ thử nghiệm vi phạm nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Iran đáp lại bằng cách nói rằng cuộc thử nghiệm nhằm mục đích tự vệ mà thôi.

“Làm thế nào một nước bảo trợ khủng bố hàng đầu trên thế giới được quyền tuyên bố tự vệ? Trên thực tế, các quan ngại về an ninh của Iran hoàn toàn là tự tạo ra. Một âm mưu đánh bom Paris có phải là để tự vệ không? Âm mưu ám sát tại Đan Mạch có phải là tự vệ không? Bí mật tuồn vũ khi cho phiến quân Houthi tại Yemen để tấn công Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có phải là tự vệ không?” đặc sứ Mỹ về Iran nói.

Ngoại trưởng Pompeo đến Brussels cuối ngày 3/12 nơi ông dự trù gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về “những phát triển trong vùng,” theo như văn phòng ông Netanyahu cho biết.

Tại cuộc họp bán niên của các Bộ trưởng NATO, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói ông Pompeo sẽ lập lại lời kêu gọi của Mỹ là các đồng minh nên chia sẻ một cách công bình gánh nặng trách nhiệm để bảo vệ chống lại các mối đe dọa chung.”

“Điều này có nghĩa là tuân thủ những lời hứa các quốc gia đồng minh đã hứa vào năm 2014 và tái xác nhận tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels năm 2018, chi 2% tổng sản phẩm nội địa vào quốc phòng vào năm 2014 và đầu tư 20% số tiền này vào các trang bị chính,” bà Nauert nói trong một thông báo ngày 3/12.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-k%E1%BB%B3-h%E1%BB%91i-th%C3%BAc-eu-ch%E1%BA%BF-t%C3%A0i-iran-/4685665.html

 

Tòa tối cao gạt thách thức môi trường

chống tường biên giới của TT Trump

Tòa án tối cao Hoa Kỳ hôm thứ Hai bác bỏ nỗ lực của ba tổ chức bảo vệ môi trường, thách thức quyền của chính phủ Trump xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico. Đây là một chiến thắng đối với ông Trump, người đã đặt dự án xây tường biên giới vào tâm điểm của các chính sách cứng rắn của ông về di trú.

Hãng tin Reuters tường thuật rằng các thẩm phán đã từ chối, không lắng nghe những lập luận của các nhóm bảo vệ môi trường, kháng án phán quyết của một thẩm phán liên bang ở California, bác bỏ những lập luận của họ rằng chính phủ Trump theo đuổi các dự án xây tường biên giới mà không tuân thủ các quy định của luật môi trường hiện hành. Các nhóm liên hệ gồm Trung tâm Đa dạng Sinh học, Quỹ Bảo vệ Động vật và Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã.

Ba nhóm này lập luận rằng các hoạt động xây dựng sẽ gây hại cho thực vật, môi trường sống hoang dã quý hiếm, đe dọa các loài chim ven biển như chim tuyết và gnatcatcher California, và một số loài khác động vật như bướm quý hiếm khác.

Brian Segee, một luật sư thuộc Trung tâm Đa dạng Sinh học, nói ông cảm thấy thất vọng vì tòa tối cao không chịu xét và lắng nghe lập luận chống dự án này.

Tổng thống Trump đã đụng độ với các nhà lập pháp Mỹ, đặc biệt thuộc đảng Dân chủ, về kế hoạch của ông cho xây một bức tường biên giới quy mô lớn và vô cùng tốn kém mà ông cho là cần thiết để chống lại làn sóng người nhập cư bất hợp pháp và các hoạt động buôn lậu ma túy.

Quốc hội, hiện do các thành viên đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump kiểm soát, vẫn chưa cung cấp cho ông ngân khoản mà ông muốn có để xây tường.

Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ đóng cửa chính phủ trừ phi các nhà lập pháp cung cấp ngân quỹ 5 tỉ đôla cho dự án xây tường biên giới của ông.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-toi-cao-gat-thach-thuc-moi-truong-chong-tuong-bien-gioi-trump/4684991.html

 

Văn phòng Mueller đề nghị kết án

cựu phụ tá của ông Trump

Văn phòng công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller sắp đề nghị mức án cho cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vào ngày 4/12, trong một hồ sơ tòa án dự kiến sẽ làm sáng tỏ mức độ hợp tác của ông Flynn trong cuộc điều tra về Nga, theo Reuters.

Ông Flynn, người làm cố vấn an ninh cho Tổng thống Trump ở Nhà Trắng trong 24 ngày, hồi tháng 12 năm 2017 đã nhận tội nói dối với FBI về những mối liên hệ của ông với Nga. Ông sẽ bị kết án tại Tòa án khu vực thủ đô Washington vào ngày 18/12.

Cho tới nay, ông là người duy nhất trong chính quyền Tổng thống Donald Trump nhận tội trong cuộc điều tra trên phạm vi rộng của công tố viên đặc biệt Mueller về các hành động của Nga gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ và có thể có sự thông đồng của các trợ lý ông Trump.

Những người khác đã bị ông Mueller cáo buộc các vi phạm còn có cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump là ông Paul Manafort, và phó quản lý chiến dịch Rick Gates, cũng như cựu luật sư riêng của ông Trump là Michael Cohen, người tuần trước đã nhận tội nói dối Quốc hội về một tòa nhà chọc trời của Tổ chức Trump ở Moscow.

Ông Trump gọi cuộc điều tra của ông Mueller là một cuộc “truy sát chính trị” và phủ nhận có thông đồng với Nga. Moscow cũng phủ nhận việc can thiệp bầu cử.

Tội nói dối với FBI của ông Flynn có khung hình phạt tối đa theo luật là 5 năm tù. Tuy nhiên, thỏa thuận giảm án của ông nói rằng ông đủ điều kiện cho bản án từ 0 đến 6 tháng và có thể yêu cầu tòa án không phạt tiền.

Ông Flynn, một vị tướng hồi hưu, đã bị buộc phải từ chức sau khi ông bị phát hiện đã nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc thảo luận của ông với người sau đó trở thành đại sứ của Nga: Sergei Kislyak.

Theo thỏa thuận giảm án, ông Flynn thừa nhận tại một tòa án Washington rằng ông đã nói dối khi bị thẩm vấn bởi các điều tra viên FBI về các cuộc nói chuyện với ông Kislyak chỉ vài tuần trước khi ông Trump lên nhậm chức.

Các công tố viên nói hai người này đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga và ông Flynn cũng yêu cầu ông Kislyak giúp trì hoãn một cuộc bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc được xem là gây thiệt hại cho Israel.

Văn phòng của ông Mueller đã thành công ở nhiều mức độ khác nhau trong việc có được sự hợp tác từ các bị cáo đã nhận tội.

Gần đây, các công tố viên đã yêu cầu trì hoãn việc kết án ông Gates, viện dẫn rằng ông đang hợp tác trong nhiều cuộc điều tra.

Nhưng ông Manafort có thể sẽ phải đối mặt với một bản án nghiêm khắc sau khi các công tố viên tháng trước cáo buộc ông đã vi phạm thỏa thuận giảm án qua việc liên tục nói dối với FBI.

Hồ sơ nộp tòa án hôm thứ Sáu sẽ cho biết lý do vì sao ông Manafort không được hưởng bất cứ công trạng gì khi ông bị kết án về việc không nhận trách nhiệm về tội đã phạm.

https://www.voatiengviet.com/a/van-phong-mueller-de-nghi-ket-an-cuu-phu-ta-cua-ong-trump/4686124.html

 

Ông Trump kêu gọi bỏ tù luật sư riêng Michael Cohen

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/12 đã kêu gọi một bản án ‘đầy đủ và hoàn toàn’ đối với cựu luật sư riêng của ông, Michael Cohen, và cáo buộc ông này là nói dối về những giao dịch làm ăn của ông với người Nga trong chiến dịch bầu cử tổng thống hồi năm 2016 để được giảm án.

Ông Cohen dự kiến sẽ bị tuyên án vào ngày 12/12 sắp tới. Ông đang hợp tác với cuộc điều tra của liên bang về việc liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có hợp tác với Nga để tác động đến cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump hay không.

Ông Cohen đã nhận các tội trốn thuế, cung cấp thông tin sai cho ngân hàng, vi phạm tài chính trong tranh cử và nói dối với Quốc hội.

Trong tờ khai trình lên tòa hồi tuần trước, Cohen nói rằng ông đã theo đuổi một dự án bất động sản mà tập đoàn Trump Organization đề xuất ở Moscow với các quan chức Chính phủ Nga khi đã bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống và ông Trump biết điều đó.

Ông Cohen, vốn một thời được ông Trump gọi là ‘người dàn xếp’, thừa nhận rằng ông đã nói dối với Quốc hội rằng các nỗ lực đàm phán dự án ở Moscow với người Nga đã chấm dứt vào tháng 1 năm 2016 trong khi thực ra nó tiếp tục đến tháng 6 đó sau khi ông Trump đã dành được đề cử của Đảng Cộng hòa.

Các luật sư của ông Cohen đã yêu cầu một thẩm phán liên bang ở New York không kết án tù thân chủ của họ.

Sau lời khai của ông Cohen, ông Trump đã gọi ông này là ‘dối trá và yếu đuối’ và nói bản thân ông không làm gì sai trong dự án ở Moscow.

Trong một loạt những dòng tweet hôm 3/12, ông Trump đã cáo buộc ông Cohen là hợp tác với cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller với hy vọng được giảm án cho các tội trốn thuế và vi phạm tài chính.

“Michael Cohen yêu cầu thẩm phán đừng tuyên án tù. Có nghĩa là ông ta có thể làm tất cả những điều tệ hại, không liên quan gì đến Trump, những điều lường gạt, vay mượn lớn, kinh doanh taxi vân vân mà không phải ngồi tù lâu hay sao?” ông Trump viết. “Ông ta nói dối để khỏi phải ngồi tù và, theo ý kiến của tôi, ông ta nên nhận một bản án đầy đủ.”

Việc một tổng thống Mỹ hay bất kỳ quan chức chính quyền cấp cao nào của Mỹ bình luận về quá trình tố tụng của tòa án là bất thường. Ông Trump thường xuyên đưa ra ý kiến về những quá trình pháp lý nhạy cảm.

Một vài luật sư cho rằng dòng Tweet của ông Trump có thể xem như là tác động đến nhân chứng.

Những lời ông Trump dành cho ông Cohen đối lập hoàn toàn với sự bày tỏ thông cảm cho ông Paul Manafort, cựu giám đốc ban vận động tranh cử của ông, người đang đối mặt với án tù sau khi bị kết tội gian lận thuế và gian lận ngân hàng.

Ông Trump cũng từ chối loại trừ khả năng ân xá ông Manafort.

Hôm 3/12, ông Trump đã khen ngợi một cấp dưới lâu năm của ông là Roger Stone. Ông Stone hôm 2/12 đã nói với ABC News rằng ông sẽ không ra khai chứng chống lại ông Trump và cũng không bàn về việc ân xá với tổng thống.

“Thật là tốt khi biết được có người vẫn còn gan dạ,” ông Trump viết trên một dòng Tweet khác.

Luật pháp Mỹ xem việc đe dọa, bắt nạt hay thuyết phục người khác không đưa lời khai trong một cuộc điều tra là có tội.

https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-trump-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-b%E1%BB%8F-t%C3%B9-lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-ri%C3%AAng-michael-cohen/4685668.html

 

Michelle Obama: ‘Tôi vẫn còn tự hoài nghi’

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama nói rằng bà vẫn cảm thấy “hội chứng tự hoài nghi” và nói thêm rằng “cảm giác đó không bao giờ biến mất” trong cuộc trò chuyện ở London.

Bà Obama phát biểu tại Royal Festival Hall trong sự kiện có hàng vạn vé được bán sạch trước giờ diễn ra.

Hồi ký của Michelle Obama trở thành bestseller

Michelle Obama ‘sinh con nhờ thụ tinh nhân tạo’

Obama đọc diễn văn chia tay

Bà cũng nhắc lại vụ Nữ hoàng Anh nói ”nghi thức ngoại giao của hoàng gia” là “vô giá trị” khi bà cùng phu quân Barack Obama đến thăm Lâu đài Windsor.

Bà kể rằng lúc ấy mình đang hoảng sợ nhưng Nữ hoàng Anh nói: “Không sao đâu”.

Đêm 3/12, bà Obama trò chuyện với tác giả Chimamanda Ngozi Adichie tại Southbank Centre để quảng bá cho cuốn tự truyện mới phát hành Becoming.

Hơn 40.000 người được ghi nhận mua vé trực tuyến của sự kiện này.

Tháng trước, hồi ký của bà phá vỡ kỷ lục để trở thành cuốn sách bán chạy nhất được phát hành trong năm nay, chỉ 15 ngày sau khi được xuất bản.

Khi được hỏi cảm giá khi được xem là “biểu tượng hy vọng”, bà Obama nói: “Tôi vẫn có “hội chứng tự hoài nghi”, cảm giác đó không bao giờ biến mất.”

“Do vậy, mọi người đừng ngưỡng mộ tôi quá. Tôi chia sẻ điều đó với quý vị bởi vì tất cả chúng ta đều hoài nghi về khả năng của mình, về sức mạnh của bản thân và sức mạnh đó là gì.”

“Nếu tôi cho mọi người hy vọng thì đó là trách nhiệm, vì vậy tôi phải chắc chắn rằng tôi là người có trách nhiệm.”

“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đảm bảo rằng những người lớn phải cho thế hệ trẻ một lý do để hy vọng.”

Hơn hai triệu bản của cuốn hồi ký đã bán hết tại Mỹ và Canada, theo số liệu của NPD BookScan.

Các số liệu bán hàng được công bố bởi Penguin Random House vào thứ Sáu 30/11.

Nhà xuất bản cho biết cuốn hồi ký này cũng là một cuốn sách bán chạy nhất ở nhiều quốc gia khác bao gồm Úc, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc và Nam Phi.

Cuốn sách là một cửa sổ để nhìn vào cuộc sống cá nhân của gia đình Obama trước, trong suốt, và sau thời gian tại Nhà Trắng, khi bà Michelle Obama trở thành đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Phi đầu tiên và ông Barack Obama là tổng thống Mỹ da màu đầu tiên.

Trong cuốn hồi ký, bà Michelle Obama tiết lộ những khó khăn trong cuộc hôn nhân của mình với ông Barack Obma, trong đó có chi tiết bà bị sảy thai và sau đó phải thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để thụ thai cả hai con Malia và Sasha.

Bà Michelle Obama, 54 tuổi, cũng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, viết rằng bà không bao giờ tha thứ cho ông vì đã “đặt sự an toàn của gia đình tôi vào tiình thế nguy hiểm” khi cổ súy cho giả thuyết rằng chồng bà không sinh ra ở Mỹ và do đó không phải là một tổng thống hợp pháp của Hoa Kỳ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46436409

 

Cảnh báo chiến tranh ở châu Âu khó tránh

Ba Lan và các nước thành viên NATO tại khu vực Baltic đang tự vũ trang bằng bộ binh, xe bọc thép dưới hình thức các cuộc tập trận.

NATO đang chuyển quân đến các nước có chung biên giới với Nga, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Đại tướng Alexander Fomin phát biểu với báo chí.

“Ba Lan và các nước thành viên NATO tại khu vực Baltic đang tự vũ trang bằng bộ binh, xe bọc thép dưới vỏ bọc của các cuộc tập trận”, Đại tá tướng Fomin nói.

Fomin lưu ý, trong số các quốc gia liên quan có những đất nước nợ người Nga rất nhiều. “Chúng tôi đã mất hơn 600.000 mạng sống cho Ba Lan. Bây giờ Ba Lan lại chính là quốc gia đề xuất kế hoạch mở một căn cứ quân sự và ba trung tâm chỉ huy của NATO trên đất của họ”, ông nói.

Mỹ và Ba Lan đang công khai xem xét kế hoạch thành lập một căn cứ quân sự vĩnh viễn của Hoa Kỳ đặt tại Ba Lan.

Đầu tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã thông qua quyết định thành lập sư đoàn thường trực thứ tư của Quân đội Ba Lan. Sư đoàn số 18 Iron Mechanized sẽ được triển khai ở phía Đông Ba Lan, gần biên giới với Belarus và Ucraina.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã thông qua kế hoạch bán 20 bệ phóng tên lửa pháo binh cao cấp (HIMARS) cho Ba Lan.

Gần đây, số lượng và cường độ các cuộc tập trận của NATO gần biên giới Nga ngày càng gia tăng và sự leo thang căng thẳng ở khu vực Biển Đen của Ukraine gần đây có thể được coi là các bước chuẩn bị cho chiến tranh và sự khiêu khích trên biên giới phía đông của NATO.

Theo một số chuyên gia, cường độ và quy mô của những hoạt động này không thể chỉ giải thích bằng lý do “nỗ lực an ninh” chung của khối để ngăn chặn “khủng hoảng Nga”.

Có thể tạm kết luận rằng, Washington và các đồng minh trong EU cũng như giới tinh hoa chính trị của một số quốc gia Đông Âu đang công khai chống lại Nga.

Cuộc chiến này có thể bắt đầu bằng sự kiện khiêu khích ở Biển Đen, Biển Azov hoặc vùng Donbass của Ukraina. Mới đây, cựu Phó Thủ tướng Đức và Bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel công khai tuyên bố rằng, “Ukraine đang cố lôi kéo Đức vào một cuộc chiến chống Nga”.

Một cuộc xung đột như vậy sẽ gây ra một thiệt hại nghiêm trọng cho toàn bộ châu Âu và hàng triệu cái chết, trong thực tế, chiến tranh có thể sẽ xóa sổ các quốc gia nhỏ trong khu vực.

Ngoài ra, cuộc chiến cũng sẽ làm suy yếu hai trong số các đối thủ cạnh tranh chính của Washington đó là “ một châu Âu thống nhất” và Liên bang Nga.

Tầng lớp tinh hoa tại châu Âu – Mỹ đã nhiều lần nói rằng họ không quan tâm đến “chi phí hành động”. Vì vậy, họ có thể xem kịch bản này là “chấp nhận được”.

Kịch bản này chỉ có thể được ngăn chặn chỉ khi các quốc gia lớn và có ảnh hưởng trong EU như Đức Pháp và Ý từ chối và sử dụng các biện pháp cần thiết để ngăn cản chiến tranh xảy ra.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25056-canh-bao-chien-tranh-o-chau-au-kho-tranh.html

 

Ukraine yêu cầu NATO họp bàn

chống lại các cuộc tấn công của Nga

Vụ tấn công mới đây của Nga vào các chiến hạm của hải quân Ukraine chắc chắn sẽ đứng đầu nghị trình cuộc họp tuần này của NATO giữa lúc liên minh tìm cách đáp ứng mạnh mẽ sau hành động gây hấn gần đây nhất của Điện Kremlin trên vùng biên giới châu Âu.

Ngoại trưởng Mike Pompeo dự trù sẽ gặp Bộ trưởng ngoại giao các nước khác trong hội nghị hai ngày ở Brussels bắt đầu vào ngày 4/12, nơi Hoa Kỳ yêu cầu các nước đồng minh NATO chi tiêu về quân sự nhiều hơn cũng sẽ được thảo luận.

Kyiv cảnh báo là một cuộc chiến toàn diện với nước láng giềng có nguy cơ cao sau khi Nga bắn vào các chiến hạm Ukraine hồi tuần trước tại Biển Azov và bắt giữ một số thủy thủ Ukraine. Moscow đổ lỗi cho Ukraine “khiêu khích.”

Tham dự một buổi lễ đánh dấu việc tiếp nhận khí tài quân sự mới ngày 1/12, tổng thống Ukraine thúc đẩy các nước đồng minh phải có hành động.

Tổng thống Petro Poroshenko nói “Đây là một mối đe dọa to lớn, và cùng với các đồng minh của chúng ta, chúng ta đang tìm cách đáp ứng thích hợp với đe dọa này.”

Nhà lãnh đạo Ukraine muốn NATO phái các chiến hạm đến Biển Azov mà theo thỏa thuận năm 2003 được Moscow và Kyiv cùng nhau sử dụng. Ukraine nói các chiến hạm Nga đã phong tỏa Eo biển Kerch, ngoài khơi lãnh thổ Crimea. Crimea đã bị Nga sát nhập vào năm 2014 làm cho các cảng của Ukraine tại Hắc Hải bị cô lập. NATO đang chịu áp lực để đưa ra một đáp ứng mạnh mẽ tại hội nghị thượng đỉnh các Bộ trưởng ngoại giao ngày 4/12. Tuy nhiên, phát biểu hồi tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không đưa ra chỉ dấu nào cho thấy liên minh đang chuẩn bị đối đầu hải quân với Nga.

Tổng thư ký Stoltenberg nói với các phóng viên “Chúng tôi kêu gọi Nga đảm bảo việc tiếp cận không gặp trở ngại các cảng của Ukraine và cho phép tự do đi lại của Ukraine tại Biển Azov và Eo biển Kerch.”

Tiếp theo diễn biến tại Biển Azov, Tổng thống Donald Trump hủy bỏ được họp được dự trù với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20.

Trên Twitter hồi tuần trước, ông Trump viết, “Liên hiệp Châu Âu, trong nhiều năm, đã lợi dụng chúng ta về thương mại, và họ không tuân thủ những cam kết của NATO. Mọi việc cần phải thay đổi nhanh chóng!”

Cùng với chi tiêu quân sự, bộ trưởng ngoại giao các nước NATO cũng sẽ thảo luận về mong muốn của Ukraine và Georgia tham gia Liên minh. Tổng thống tân cử Georgia Salome Zurabishvili đã có một lập trường cứng rắn đối với Nga, bà mô tả nước này là “một cường quốc chiếm đóng không lường trước được” và cho biết quyết tâm đưa nước này tham gia NATO.

Phương Tây đang phải đối mặt với một hành động cân bằng trong việc đối phó với Điện Kremlin ngày càng khó đoán trước được, nhà phân tích Nga Nicholas Redman thuộc Viện quốc tế Nghiên cứu Chiến lược nói.

“Một phần là việc khai thác một số khả năng các nước phương Tây hiện có để tự vệ. Điều này đòi hỏi những phương cách mới. Tôi cũng nghĩ đến việc quyết định về những điểm thuộc khả năng đối thoại sẽ đến.”

Các Bộ trưởng ngoại giao cũng sẽ thảo luận về Hoạt động Kiên quyết Hỗ trợ tại Afghanistan với khoảng 16.000 nhân viên từ 39 quốc gia thành viên và đối tác của NATO có nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng Afghanistan.

https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-nato-h%E1%BB%8Dp-b%C3%A0n-ch%E1%BB%91ng-l%E1%BA%A1i-c%C3%A1c-cu%E1%BB%99c-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-c%E1%BB%A7a-nga/4685651.html

 

‘Anh có quyền đơn phương hủy quyết định rời EU’

Anh có thể đơn phương hủy bỏ quyết định rút khỏi EU, theo một cố vấn pháp lý hàng đầu châu Âu.

Quan điểm này được đưa ra từ một cố vấn pháp lý của Tòa án Công lý châu Âu ECJ (European Court of Justice), không lâu trước ngày Hạ viện Anh bỏ phiếu về Brexit, dự kiến vào 11 tháng 12.

Một nhóm các chính trị gia Scotland cũng đã yêu cầu tòa án này xem xét liệu Anh quốc có thể hoãn Brexit mà không cần sự đồng ý của các nước thành viên khác hay không.

Lãnh đạo EU đồng ý thỏa thuận Brexit

Bà May kêu gọi Anh chấp nhận thỏa thuận Brexit

EU nhất trí lập trường đàm phán Brexit

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào một ngày nào đó tới đây.

Lời khuyên được cố vấn pháp lý Manuel Campos Sanchez-Bordona đưa ra sau khi Hạ viện Anh bắt đầu quá trình năm ngày tranh luận về thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Anh Theresa May, trước khi có cuộc bỏ phiếu vào thứ Ba tới (11/12).

Trong một tuyên bố bằng văn bản, ECJ cho biết quan điểm của ông Campos Sanchez-Bordona là nếu như một quốc gia quyết định rời khỏi EU, quốc gia đó cũng có quyền thay đổi quyết định đó trong tiến trình hai năm đàm phán theo Điều khoản 50 của hiệp ước EU.

Quốc gia đó có thể làm như vậy mà không cần đến sự đồng ý của 27 quốc gia thành viên khác.

Các chính trị gia và các nhà vận động phản đối Brexit hy vọng Điều 50 sẽ mang đến cho các dân biểu Hạ viện Anh một sự lựa chọn bổ sung trong việc cân nhắc liệu có nên phê chuẩn thỏa thuận Brexit mới đây của bà May hay không, bởi vì nó có thể làm sống lại viễn cảnh ngừng Brexit – có khả năng là thông qua một cuộc trưng cầu dân ý khác.

Theo tuyên bố của ECJ, các cố vấn pháp lý đề xuất rằng: “Điều 50 cho phép đơn phương hủy bỏ việc thông báo ý định rút khỏi EU”.

“Khả năng đó tiếp tục tồn tại cho đến khi thỏa thuận rút khỏi EU được chính thức ký kết,” tuyên bố này cho biết thêm.

Hôm 25/11, các lãnh đạo EU đã thông qua thỏa thuận về việc Anh quốc rút khỏi Liên minh EU.

Kết quả có được sau hơn 18 tháng đàm phán, và Anh quốc sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.

Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu vào 11/12 nhưng chưa chắc đã thông qua vì có những phản đối trong các dân biểu thuộc nhiều đảng phái khác nhau.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46440969

 

Giám đốc tình báo Anh :

Nga không nên xem thường phương Tây

Mai Vân

Phát biểu hôm 03/12/2018, lãnh đạo tình báo Anh cảnh cáo Nga là không nên xem thường phương Tây. Theo lãnh đạo cơ quan MI6, Alex Younger, Nga là mối nguy hiểm đầu tiên của nước Anh.

Phát biểu trước sinh viên Đại học St Andrews, Scotland, ông Younger, tuyên bố Nga là kẻ “đối đầu triền miên” với phương Tây. Ông nêu lên bằng chứng tại Anh : Vụ ám sát bằng chất độc novichok cựu điệp viện Nga Sergei Krispal vào tháng 3 vừa qua. Theo ông,” Nga đã dám sử dụng một chất độc quân sự ngay trên lãnh thổ Anh.”

Lãnh đạo tình báo Anh nhấn mạnh “Ý muốn của chúng tôi là đề nghị Nga rút ra kết luận, cho dù món lợi mà họ nghĩ thu về qua những hành vi này, thật ra không đáng để liều lĩnh như vậy”.

Nga là quốc gia duy nhất bị vạch mặt chỉ tên trong số những mối đe dọa thế giới mà lãnh đạo cơ quan MI6, đưa ra trong bối cảnh chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là quốc gia này rời Liên Hiệp Châu Âu.

Nghị viện Anh ngày đầu thảo luận về thỏa thuận về Brexit

Hôm 04/12/2018 là ngày đầu tranh luận ở Hạ Viện, thủ tướng Anh Theresa May sẽ cố thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận về Brexit đã đúc kết với Liên Hiệp Châu Âu. Một số nghị sĩ đã dọa bác bỏ thỏa thuận Brexit và đòi đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm thủ tướng May.

Theo giới phân tích, nếu thỏa thuận bị Nghị viện Anh bác bỏ, thủ tướng May yêu cầu một cuộc bỏ phiếu mới sau khi thương lượng lại với Châu Âu. Nếu tình hình này xảy ra thì Anh Quốc sẽ rời Châu Âu mà không có thỏa thuận, thiệt hại đối với Anh sẽ rất to lớn và thủ tướng Anh sẽ bị sức ép buộc bà từ chức.

Nghị viện Anh sẽ biểu quyết vào ngày 11/12/2018.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181204-giam-doc-tinh-bao-anh-canh-bao-nga-khong-nen-xem-thuong-phuong-tay

 

Khủng hoảng “Áo Vàng”:

TT Pháp phải chạy đua với thời gian

Trọng Thành

Trong vòng ít tuần lễ, phong trào đòi giảm giá xăng dầu, thoạt tiên chỉ có vài chục nghìn người tham gia, bất ngờ trở thành khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Pháp trong vòng nhiều thập niên trở lại đây. Trước viễn cảnh những người Áo Vàng tiếp tục tuần hành lần thứ tư, thứ Bảy 08/12/2018, tại Paris, nhiều nhà quan sát cảnh báo nguyên thủ Pháp phải có quyết định đúng trong những giờ tới, trước khi quá trễ.

Phong trào chống thuế carbon đánh vào xăng dầu lan rộng tại Pháp – nhưng tiêu điểm là các cuộc tuần hành ngày thứ Bảy hàng tuần tại thủ đô Paris, bắt đầu từ ngày 17/11/2018, kèm theo bạo động dữ dội bên lề – đặt chính quyền Macron trước áp lực phải hành động khẩn cấp. Nếu các giải pháp chính phủ đưa ra không được chấp thuận, cuộc tuần hành thứ Bảy tới tại Paris, cùng nhiều biện pháp phản kháng mới, dự báo sẽ để lại những tổn thất vô cùng lớn cho xã hội, đe dọa tính chính đáng của tổng thống – mà uy tín đang xuống thấp chưa từng có, sau 18 tháng cầm quyền.

Hôm qua thứ Hai 3/12, chính quyền Pháp đã quyết định không ban bố tình trạng khẩn cấp, cho dù các cuộc biểu tình Áo Vàng cho đến nay, đã không tuân thủ các quy định pháp lý. Chính phủ cũng đồng thời tìm cách thương lượng với các đảng phái chính trị, nghiệp đoàn, để tìm giải pháp. Thế nhưng, phản ứng được đánh giá là « quá chậm trễ » của tổng thống Macron, trước một số đòi hỏi được đông đảo người dân Pháp xem là chính đáng, đang ngày càng đặt chính quyền trước áp lực phải có được giải pháp đúng, ngay trong thời hạn vài ngày tới.

Càng phản ứng chậm, giá trả càng cao

Càng phản ứng chậm, giá phải trả sẽ càng cao. Hôm nay, thứ Ba 4/12, thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố chính phủ sẽ đình chỉ việc tăng thuế xăng dầu, yêu sách chủ yếu mà phong trào Áo Vàng nêu ra từ cuối tháng 10/2018. Chính phủ hy vọng biện pháp này sẽ giúp tháo gỡ ngòi nổ, giải tỏa được lý do căn bản khiến hàng triệu người dân Pháp tức giận. Thế nhưng, trong hiện tại chưa có gì cho thấy đề xuất này có thể khiến phong trào Áo Vàng sẽ không tiếp tục xuống đường ngày thứ Bảy tới.

Cuộc họp dự kiến hôm nay – giữa thủ tướng và các đại diện của một nhóm những người Áo Vàng tự nhận là « ôn hòa », lo lắng cho tình hình đất nước – rốt cuộc cũng đã không diễn ra, do nhiều người trong nhóm bị « đe dọa sát hại ». Phong trào Áo Vàng thoạt tiên chỉ có mục tiêu chống lại việc tăng thuế xăng dầu bất hợp lý, mà nạn nhân trước hết là những người thu nhập thấp ở các vùng ngoại vi, nơi xe hơi là phương tiện đi lại duy nhất. Với thời gian, phong trào này đã trở thành một làn sóng phản kháng xã hội rộng lớn, đòi hỏi hàng loạt mục tiêu hết sức khác biệt, thậm chí « không tưởng ». Từ đòi chính phủ tăng lương tối thiểu, tăng đầu tư cho các dịch vụ xã hội, đến giải tán Quốc Hội, tổng thống từ chức, cử quân đội lên lãnh đạo…

Phản ứng càng chậm, chính phủ Pháp sẽ càng phải đối mặt với một phong trào ngày càng rộng lớn, với các yêu sách ngày càng quyết liệt hơn, thậm chí hết sức mâu thuẫn, trong lúc bản thân phong trào cho đến nay đã không hề có được các đại diện được ủy nhiệm để thương lượng với chính phủ. Cuộc đối đầu giữa một chính phủ – vốn được coi là ít có năng lực đối thoại với dân chúng – với một phong trào phản kháng muôn hình, muôn vẻ, « không người đại diện », khó hứa hẹn điều gì tốt lành, một kết thúc có hậu, một thỏa hiệp chấp nhận được với các bên.

Cho đến nay, các cuộc tuần hành tại Paris nói riêng và phản kháng nói chung trên khắp nước Pháp gây thiệt hại kinh tế ước tính hơn 10 tỉ đô la. Bên cạnh đó, phản kháng chống thuế xăng dầu có xu hướng lan sang nhiều lĩnh vực khác. Hôm qua, gần 200 trường trung học đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần, để ủng hộ những người Áo Vàng và chống lại các cải cách giáo dục.

« Một khẩu súng với một viên đạn »

Vừa phải chịu áp lực về thời gian, tổng thống Pháp cũng đứng trước áp lực phải có giải pháp chính xác. Theo nhiều nhà quan sát, Emmanuel Macron còn rất ít phương tiện trong tay. Kể từ khi lên cầm quyền đến nay, chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp giảm thuế. « Chúng tôi chỉ còn một khẩu súng với một viên đạn », như lời tâm sự của một người thân cận với tổng thống Macron.

Cho đến nay, tổng thống Pháp được coi là người luôn chủ động về thời gian. Tuy nhiên, kể từ cuộc biểu tình tại Paris thứ Bảy 01/12/2018, tình hình đã thay đổi. Ông Macron phải hủy chuyến công du Serbia và nhiều hoạt động dự kiến, để tập trung tìm giải pháp trong ít giờ tới. Liệu tổng thống Pháp có kịp tìm ra đáp án ?

http://vi.rfi.fr/phap/20181204-khung-hoang-ao-vang-tong-thong-phap-chay-dua-voi-thoi-gian

 

Áo Vàng : Chính phủ Pháp

tạm hoãn việc tăng thuế xăng dầu

Thụy My

Dưới áp lực của phong trào « Áo Vàng » (Gilets Jaunes) và đối lập, chính phủ Pháp đã có động thái nhượng bộ đầu tiên. Thủ tướng Edouard Philippe hôm 04/12/2018 loan báo tạm hoãn việc tăng thuế xăng dầu.

Đây là một bước ngoặt, vì cho đến nay chính phủ Pháp vẫn bác bỏ ý tưởng ngưng đánh thuế carbon, tỏ quyết tâm duy trì mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Thuế đánh vào xăng lẽ ra sẽ tăng 2,9 xu một lít kể từ ngày 01/01/2019, còn đối với dầu diesel tăng 6,5 xu/lít ; nhưng sẽ được hoãn lại sáu tháng. Kèm theo đó là một số biện pháp hòa dịu : không tăng giá điện và khí đốt trong mùa đông năm nay, tăng cường kiểm tra kỹ thuật xe cộ.

Biện pháp này được quyết định vào tối qua tại điện Élysée, trong cuộc họp khẩn do tổng thống Emmanuel Macron chủ trì, sau hai tuần lễ chịu áp lực nặng nề từ phong trào Áo Vàng, đặc biệt là các vụ bạo động gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra vào thứ Bảy 01/12.

Hành động nhân nhượng đầu tiên này bị đối lập cánh tả, cánh hữu cũng như phe « Áo Vàng » cho là chưa đủ, họ đòi hỏi phải có những biện pháp rộng rãi hơn để tăng cường sức mua của người dân.

Chính phủ phải chạy đua với thời gian, sau khi hình ảnh các vụ nổi loạn : phóng hỏa, hôi của, đập phá… những khu vực sang trọng và mang tính biểu tượng của thủ đô Paris đã gây sốc không chỉ trong nước Pháp. Những lời kêu gọi ngày hành động thứ tư vào thứ Bảy tới đã nở rộ trên các mạng xã hội, và học sinh nhân đà này cũng tham gia tranh đấu.

Hai tuần xuống đường của « Áo Vàng » vào thời điểm chuẩn bị mùa Giáng Sinh đã gây tác hại nặng nề cho nền kinh tế Pháp. Về mặt tư pháp, riêng thứ Bảy vừa qua đã có 363 người bị câu lưu, và đã có 18 bản án tù giam đầu tiên được tuyên. Tỉ lệ tín nhiệm của thủ tướng Édouard Philippe sụt đến 10 điểm, chỉ còn có 26%, còn tổng thống Emmanuel Macron đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay với 23% tín nhiệm.

Chính quyền gặp khó khăn khi muốn đối thoại với « Áo Vàng », là phong trào tự phát, khởi sinh từ mạng xã hội, không có lãnh đạo cũng như tổ chức.

Hủy cuộc gặp của nhóm « Áo Vàng tự do » với thủ tướng

Theo AFP, các đại diện tự gọi là thuộc « nhóm Áo Vàng tự do » và có quan điểm ôn hòa, đã không tới phủ thủ tướng để đối thoại với chính phủ hôm nay, 3/12, như dự kiến. Một thành viên của nhóm, bà Jacline Mouraud, cho AFP, biết bà không đến Matignon được, do đã nhận được « quá nhiều đe dọa », sau khi nhóm công bố một thông báo sẵn sàng đối thoại với chính phủ trên báo JDD. Một thành viên khác của nhóm, ông Benjamin Cauchy, cho biết một lý do khác khiến nhóm này không tới Paris. Đó là do nhóm không muốn bị lợi dụng, để biến thành một phương tiện đánh bóng hình ảnh của chính phủ, vốn đang tỏ ra sẵn sàng đối thoại.

MEDEF, hiệp hội của giới chủ Pháp, ủng hộ biện pháp « ngừng tăng thuế xăng dầu » của chính phủ, và kêu gọi nhanh chóng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

http://vi.rfi.fr/phap/20181204-ao-vang-chinh-phu-phap-tam-hoan-viec-tang-thue-xang-dau

 

Sự nguy hiểm khi Putin không được lòng dân

Chỉ bảy tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần thứ tư đắc cử tổng thống, với 77% số phiếu bầu. Nhưng theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Công luận Nga tiến hành, giả sử một cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ngay bây giờ, Putin có lẽ sẽ chỉ nhận được 47% số phiếu bầu, buộc ông phải bước vào một cuộc bầu cử vòng hai. Đây là một tình trạng nguy hiểm đối với nước Nga và thế giới.

Tất nhiên, số liệu thăm dò ở Nga không nhất thiết phản ánh đúng sự cân bằng quyền lực thực sự. Nhưng sự suy giảm mạnh như vậy là một diễn tiến đáng chú ý, ít nhất là bởi người Nga, vốn còn nhớ rõ những hình phạt khắc nghiệt mà các nhà bất đồng chính kiến phải đối mặt thời Xô-viết, thường đưa ra những đánh  tích cực về lãnh đạo khi được thăm dò ý kiến.

Putin đã đảm nhiệm chức tổng thống lần đầu vào năm 2000 với cam kết nâng cao mức sống người dân và khôi phục vị thế siêu cường toàn cầu của Nga. May mắn cho ông ta, giá dầu bắt đầu tăng vọt. Cùng lúc đấy, Putin làm sống lại thời Liên Xô, dưới một tên gọi khác, nhưng cũng dựa trên sự phản đối vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và nền dân chủ kiểu phương Tây.

Ngay từ đầu, Putin đã sử dụng biện pháp kiểm duyệt phương tiện truyền thông để duy trì quyền lực bản thân, đảm bảo rằng mọi thành công – kể cả giá dầu tăng – đều được ca ngợi là thành tích cá nhân của ông. Như chủ tịch Duma (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin từng tuyên bố vào năm 2014: “Có Putin là có nước Nga; không có Putin là không có nước Nga”.

Dĩ nhiên, khi thất bại thì không bao giờ là do lỗi của Putin. Vì vậy, hồi năm 2007, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất bình đẳng xã hội tăng lên, Putin đã phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lên án sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ, và ám chỉ rằng việc mở rộng NATO vào vùng Baltic rõ ràng là nhằm chống lại nước Nga.

Bỗng nhiên, tất cả các khó khăn của Nga đều có thể được quy là do phương Tây đã gây ra cuộc chiến tranh lạnh mới. Năm 2008, tuyên bố độc lập của Kosovo và cuộc chiến của Nga với Gruzia đã củng cố thêm luận điệu “pháo đài bị bao vây” của Putin.

Tuy nhiên, tới năm 2013, tỉ lệ ủng hộ Putin đã giảm xuống mức thấp kỷ lục – thậm chí thấp hơn mức của ngày hôm nay. Vì vậy, Putin đã sử dụng vũ lực. Trong năm 2014, sau khi các vận động viên Nga biểu diễn ấn tượng tại Thế vận hội mùa đông ở Sochi (với sự hỗ trợ của hệ thống doping được nhà nước bảo trợ trên qui mô lớn), Nga đã xâm lược Ukraine và sáp nhập Crimea. Phương tiện truyền thông nhà nước tuyên bố Putin đã hoàn thành lời hứa khôi phục lại sự vĩ đại trước đây của nước Nga.

Tỉ lệ ủng hộ Putin tăng lên 85%. Các cửa hàng của Nga ngập tràn những chiếc áo phông có in hình khuôn mặt của ông cùng với những cụm từ như “Cảm ơn vì Crimea” và “người lịch thiệp nhất.” Đối với đa số người Nga, thẩm quyền của Putin không thể chối cãi. Nếu tổng thống của họ ủng hộ một chính sách hoặc quyết định, người Nga sẵn lòng chấp nhận nó, kể cả khi chính sách và quyết định ấy không được ưa chuộng lúc ban đầu.

Putin đã làm theo lời khuyên của Vyacheslav Konstantinovich von Plehve, người từng là giám đốc cảnh sát và sau đó là Bộ trưởng Nội vụ dưới thời Sa hoàng Nicholas II, “Để ngăn chặn một cuộc cách mạng, chúng ta cần thắng một cuộc chiến tranh nhỏ”. Tuy một thắng lợi nhỏ như vậy có thể

củng cố vị thế của Putin và dập tắt bất đồng chính kiến, hậu quả lâu dài là rất nghiêm trọng do các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt phương Tây đặt ra nhằm đáp trả việc sáp nhập Crimea của Nga.

Do những biện pháp trừng phạt đó, giá trị của đồng rúp đã giảm một nửa so với đồng đô la, lạm phát tăng lên, và sức mua cũng như mức sống của các hộ gia đình Nga đã giảm xuống. Vào cuối mùa hè năm ngoái, trước tình cảnh thiếu tiền, chính phủ buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu – một động thái bị phản đối bởi 90% người dân. Thậm chí ngay cả một lời kêu gọi khẩn cấp trên truyền hình bởi chính Putin cũng không thể giúp giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn của công chúng.

Hơn nữa, bất chấp sự hậu thuẫn của Putin, đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất ít khi thua cuộc đã thất bại trong những cuộc bầu cử ở vùng Viễn Đông. Đại diện của Đảng Dân chủ Tự do theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và chống Phương Tây đã đánh bại các ứng cử viên của đảng Nước Nga Thống nhất tại vòng hai trong cuộc bầu cử thủ hiến ở các vùng Khabarovsk và Vladimir.

Trong cuộc bầu cử thủ hiến ở vùng Primorsky Krai, một ứng cử viên Đảng Cộng sản dường như đã thắng – một phần nhờ sự phản đối đảng Nước Nga Thống nhất – trước khi kết quả bầu cử  bị tuyên là không hợp lệ, và ứng cử viên đảng Nước Nga Thống nhất đã được tuyên bố là người chiến thắng. Sự phản đối của người dân mạnh đến nỗi lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga hậu Xô-viết, kết quả bầu cử đã bị hủy bỏ.

Một số chuyên gia cho rằng sự thất bại bầu cử của đảng Nước Nga Thống nhất phản ánh tình trạng “mệt mỏi vì cầm quyền quá lâu”. Nhưng có một thực tế là khi thu nhập trung bình của người Nga giảm xuống – và sự giàu có của phe nhóm thân hữu Putin vẫn tiếp tục tăng lên – thì những lời tuyên bố về sự vĩ đại của nước Nga chỉ là trống rỗng.

Giờ đây, người dân Nga tự vấn vị thế của nước họ thực sự mạnh đến mức nào. Ép mình dưới sự trừng phạt và bị cô lập bởi phương Tây, nước Nga trông không giống như một cường quốc mà chỉ như một ảo ảnh quá khứ. Các tuyên truyền chính thức vẫn đổ lỗi phương Tây đã gây ra tình thế khó khăn của đất nước, nhưng người dân Nga không thấy thuyết phục. Và họ cũng không thấy bị ấn tượng trước sự can dự của Nga vào một Syria xa xôi, bất kể sự can dự đó có thể giúp tăng cường tầm ảnh hưởng của nước Nga trong các vấn đề thế giới tới mức nào, như khi nước này sát nhập Crimea.

Nhưng nếu 18 năm nắm quyền của Putin đã dạy cho chúng ta một điều gì đó, thì đó chính là việc tỉ lệ ủng hộ của ông ta giảm xuống sẽ không phải là tin tốt cho bất cứ ai. Người Nga có thể mệt mỏi, nhưng Putin thì không. Và nếu cảm thấy quyền lực của mình đang suy yếu, ông ta có thể ngay lập tức quyết định rằng đã đến lúc cần có thêm một chiến thắng nữa với phí tổn được đẩy sang cho những quốc gia khác.

http://biendong.net/bien-dong/25063-su-nguy-hiem-khi-putin-khong-duoc-long-dan.html

 

Moscow tiếc vì cuộc đối thoại Mỹ – Nga không diễn ra

Hôm 4/12, Điện Kremlin cho biết họ lấy làm tiếc vì cuộc đối thoại giữa Nga và Hoa Kỳ đã không diễn ra, dù Nga cho biết có một loạt các vấn đề chiến lược quan trọng cần được thảo luận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó dự kiến gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tuần vừa qua, nhưng Tổng thống Trump đã hủy cuộc gặp vì Nga trước đó bắt giữ ba tàu hải quân và các thủy thủ Ukraina.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Cuộc Đối thoại không diễn ra mặc dù đã được lên kế hoạch và cả hai bên đã chuẩn bị đâu vào đó.”

https://www.voatiengviet.com/a/moscow-tiec-vi-cuoc-doi-thoai-my-nga-khong-dien-ra/4685913.html

 

Nga giải tỏa một phần ngõ vào biển Azov

Thụy My

Chính quyền Ukraina hôm 04/12/2018 thông báo phía Nga đã giải tỏa từng phần các cảng trên biển Azov, cho thấy căng thẳng giảm bớt đôi chút tại khu vực nhạy cảm này.

Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraina, Volodymyr Omelyan cho biết : « Các cảng Berdiansk và Mariupol đã được giải tỏa một phần, các tàu ra vào qua eo biển Kertch nối Hắc Hải với biển Azov. Phía Nga vẫn chận tàu và kiểm tra như trước, như giao thông đã bắt đầu nối lại ». Theo ông, đến hôm qua vẫn còn 17 chiếc tàu đợi được đi vào biển Azov.

Quan hệ giữa Kiev và Matxcơva đã lâm vào tình trạng tệ hại nhất từ nhiều năm qua, sau khi Nga hôm 25/11 đã bắt giữ thô bạo ba chiến hạm Ukraina đang chuẩn bị đi vào biển Azov. Đây là cuộc đối đầu quân sự đầu tiên giữa Ukraina và Nga, kể từ sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014, và khởi đầu cuộc xung đột ở miền đông Ukraina đã làm trên 10.000 người chết.

Trước khi có sự cố ở biển Azov, Ukraina và phương Tây từ nhiều tháng qua vẫn tố cáo Nga cố tình cản trở các tàu buôn đi qua eo biển Kertch, mà Matxcơva nắm quyền kiểm soát sau khi chiếm được Crimée. Sau khi xung đột hàng hải xảy ra, Kiev tuyên bố thiết quân luật trong vòng một tháng tại các vùng duyên hải và biên giới với Nga, lo ngại « một cuộc chiến tổng lực » do Matxcơva phát động.

Phương Tây tuy ủng hộ Ukraina nhưng kêu gọi cả hai bên kềm chế. Tổng thư ký NATO hôm 03/12/2018 tuyên bố « rất quan ngại » trước sự hung hăng của Nga, sẵn sàng có những biện pháp để tự vệ. Tuy nhiên NATO sẽ không hành động như Nga, « hỏa tiễn đấu với hỏa tiễn, xe tăng đấu với xe tăng », mà trước hết cố gắng đối thoại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181204-nga-giai-toa-mot-phan-ngo-vao-bien-azov

 

Truyền thông TQ ‘quên’ chi tiết

90 ngày ‘đình chiến thương mại’?

Truyền thông nhà nước Trung Quốc không công bố bất cứ điều khoản cụ thể nào đạt được trong thỏa thuận thương mại với Mỹ vừa đạt được, thậm chí ‘quên’ luôn chi tiết ‘đình chiến’ 90 ngày.

Như vậy là Bắc Kinh và Washington đã đạt được một thỏa thuận “đình chiến thương mại” trong cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua tại Argentina.

Theo đó Mỹ tạm thời chưa tăng mức áp thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ kể từ ngày 1-1-2019 như đe dọa trước đó.

Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, giới phân tích ở cả hai bờ Thái Bình Dương đều nhận định “thỏa thuận tạm đình chiến 90 ngày” sẽ giúp Bắc Kinh có thêm thời gian để giải quyết một số lo ngại lớn nhất của Washington, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên có một chi tiết đáng chú ý mà nhiều cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế đã nhận ra trong cách thông tin về sự kiện đàm phán thương mại Mỹ – Trung bên lề G20 vừa qua của các cơ quan truyền thông chính thống Trung Quốc.

Cụ thể, theo báo New York Times, trong cả thông tin của hãng Tân Hoa lẫn bài báo đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo đều không đả động gì tới thời hạn “đình chiến” 90 ngày, chỉ tập trung nhấn mạnh về lập trường “mạnh mẽ” của Trung Quốc trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Bài bình luận đăng trên tài khoản mạng xã hội của hãng tin Tân Hoa nói Bắc Kinh đã “kiên quyết bảo vệ những lợi ích cốt lõi” và đáp trả một cách “mạnh mẽ và quyết liệt”.

Bài bình luận viết: “Chúng ta có thể thấy là bên Trung Quốc đã không đánh mất tư duy lý trí vì bị bắt nạt, và cũng không lo lắng khi phải đối mặt với cuộc thương chiến chưa từng có tiền lệ”.

Tương tự, trong bài báo dài có tiêu đề “Ông Tập, ông Trump đạt được đồng thuận, nhất trí không áp thuế bổ sung mới”, báo Nhân Dân Nhật Báo cũng nói rất kỹ về những trao đổi giữa hai vị nguyên thủ, tuy nhiên không hề đả động tới thời hạn tạm ngưng áp thuế mới trong 90 ngày như cách đưa tin của nhiều hãng thông tấn quốc tế lớn.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25059-truyen-thong-tq-quen-chi-tiet-90-ngay-dinh-chien-thuong-mai.html

 

Dịch bệnh sốt heo châu Phi lan rộng khắp TQ

Dịch bệnh sốt heo châu Phi đã tiếp tục lan rộng khắp các tỉnh thành và khu tự trị ở Trung Quốc, Thiểm Tây là tỉnh tiếp theo ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh, tính đến nay có 21/34 tỉnh thành ở Trung Quốc “thất thủ”, theo DongWang

Theo Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, tỉnh Thiểm Tây, Bắc Kinh và Hắc Long Giang lần lượt công bố tình trạng heo bị nhiễm bệnh vào ngày 3/12. Trong số đó, số lượng heo nhiễm bệnh Thiểm Tây còn nhiều hơn các trang trại nuôi heo siêu lớn của thủ đô Bắc Kinh.

Vào tối ngày 2/12, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc đã nhận được báo cáo của Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Động vật Trung Quốc, về việc trang trại nuôi heo quy mô lớn ở quận Tây An của tỉnh Thiểm Tây xác nhận phát hiện triệu chứng sốt heo châu Phi ở heo, tổng cộng có 205/245 con heo phát bệnh, trong đó có 79 con heo chết.

Ngoài ra ở Bắc Kinh, trang trại quy mô lớn huyện Thông Châu (nuôi khoảng 9.835 con), trong đó 85 con heo bị nhiễm và 17 con đã chết.

Tại tỉnh Hắc Long Giang, dịch bệnh bùng phát ở một trang trại lợn rừng. Trong 375 con thuộc Cục quản lý nông nghiệp Bắc An có 77 con heo chết vì dịch bệnh.

Kể từ khi dịch sốt heo châu Phi được phát hiện đầu tiên tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh vào ngày 3/8, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và lan sang tỉnh Hắc Long Giang, Giang Tô, Trùng Khánh, Chiết Giang, An Huy, Hà Nam, Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Cát Lâm, Nội Mông, Liêu Ninh, Thiên Tân, Sơn Tây, Quý Châu, Vân Nam, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam và Hồ Bắc.

http://biendong.net/bien-dong/25073-dich-benh-sot-heo-chau-phi-lan-rong-khap-tq.html

 

Ông Trump chỉ ‘ngừng leo thang’

chiến sự thương mại nên TQ vẫn ảnh hưởng

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý tạm dừng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng động thái đó chỉ đơn thuần là “không leo thang chứ không phải là ngừng bắn” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, CNBC cho biết ý kiến của một chiến lược gia.

Thỏa thuận tạm dừng được đưa ra sau bữa ăn tối của ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina. Thỏa thuận này không đề cập đến các mức thuế hiện hành đã được đưa ra, và điều đó có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu áp lực, theo ông Paul Kitney, nhà chiến lược về Châu Á – Thái Bình Dương tại Daiwa Capital Markets.

Hoa Kỳ đã đồng ý tạm hoãn tăng thuế đối với hơn 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, hiện ở mức 10%. Nếu sau 90 ngày hai nước không thể đạt được một thỏa thuận mới, mức thuế đó sẽ được nâng lên 25%, theo thông báo của Nhà Trắng. Các cuộc đàm phán thương mại sẽ nhắm tới giải quyết việc Trung Quốc ép buộc các doanh nghiệp phải chuyển giao công nghệ và tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Cho đến nay, Washington đã đe dọa sẽ tăng hơn gấp đôi thuế quan mà Mỹ đã đánh vào 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả nhắm vào 110 tỷ đô la hàng hóa Mỹ.

“Chúng ta vẫn có mức thuế quan đối với một lượng rất lớn, ảnh hưởng của ba tháng thuế suất 10% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc … tương đương với 0,2; 0,3 điểm phần trăm GDP ở Trung Quốc”, ông Kitney nói với CNBC hôm thứ Hai (3/12).

Ông cho rằng việc tiếp tục duy trì các mức thuế như vậy có thể mang lại “hậu quả kinh tế thực sự” đối với Trung Quốc.

Theo CNBC, các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đã cho thấy sự tăng trưởng chậm lại, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể là do những căng thẳng thương mại Trung-Mỹ và thách thức ở trong nước. Tốc độ mở rộng kinh tế của Trung Quốc chậm hơn tốc độ yếu nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2009, theo số liệu chính thức được công bố vào tháng 10 năm nay.

Theo các nhà phân tích của Reuters, Trung Quốc nói rằng nền kinh tế của họ đã tăng trưởng ở mức 6,5 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, tính trong quý 3 năm 2018. Như vậy là họ bỏ lỡ mức kỳ vọng tăng trưởng 6,6%.

Ông Kitney cho rằng Trung Quốc: “Cần phải có một số loại giải pháp nào đó để giảm áp lực thật sự đối với nền kinh tế”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25071-ong-trump-chi-ngung-leo-thang-chien-su-thuong-mai-nen-tq-van-anh-huong.html

 

TQ tăng cường tuần tra gần Đài Loan

Ngày 3.12, Cơ quan phòng vệ Đài Loan xác nhận tàu hải quân Trung Quốc gia tăng hoạt động tuần tra ở khu vực phía tây eo biển Đài Loan trong năm nay

Trước đó, truyền thông vùng lãnh thổ này loan tin chiến hạm Trung Quốc tuần tra với tần suất tăng từ “không đều” lên “thường xuyên” trong bối cảnh Mỹ gia tăng hiện diện hải quân trong khu vực.

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin từ Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho hay quân đội Trung Quốc trước đây chỉ tuần tra ở vùng biển gần đại lục nhưng trong thời gian gần đây thường tiến ra khu vực giữa eo biển.

 

“Mỗi khi Mỹ điều chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc cũng triển khai lực lượng theo dõi sự di chuyển của tàu Mỹ”, theo nguồn tin.

Từ tháng 7 đến nay, Mỹ đã 3 lần điều chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan. Lần gần nhất diễn ra vào ngày 28.11, khi tàu khu trục Mỹ USS Stockdale cùng tàu tiếp nhiên liệu USNS Pecos đi qua khu vực. Sự kiện này diễn ra vài ngày sau khi đảng Dân tiến cầm quyền ở Đài Loan thất bại trong cuộc bầu cử thị trưởng trước Quốc Dân đảng đối lập được cho là thân Bắc Kinh.

http://biendong.net/bi-n-nong/25058-tq-tang-cuong-tuan-tra-gan-dai-loan.html

 

Cam Bốt nới lỏng gọng kềm với phe đối lập

Mai Vân

Chính quyền Cam Bốt ngày 03/12/2018 tuyên bố các nhà đối lập đang lưu vong nước ngoài từ khi đảng của họ bị cấm, có thể hoạt động trở lại.

Văn phòng các đài phát thanh Mỹ như Châu Á Tự Do RFA và Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA được mở cửa lại, tờ báo độc lập Cambodia Daily được phép tái bản.

Theo hãng tin Pháp AFP, lý do đã đến các quyết định trên là việc chính quyền Hun Sen lo ngại bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt và xét lại thỏa thuận thương mại với Cam Bốt.

Từ khi đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt – CNRP bị giải thể cách đây một năm, cả trăm thành viên của đảng này bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm, và một số đông đã đi lưu vong, trong lúc chủ tịch đảng Kem Sokha bị bắt giam với tội danh « âm mưu lật đổ chính quyền ». Truyền thông nước ngoài và báo chí độc lập đã bị đóng cửa.

Tình hình này khiến Châu Âu cũng như Hoa Kỳ lên tiếng đe dọa trừng phạt Cam Bốt. Sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 7 năm ngoái, với việc chỉ có Đảng Dân Tộc của thủ tướng Hun Sen chiến thắng, Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 10, đã dọa xem xét lại thỏa thuận thương mại đã dành nhiều ưu đãi cho Phnom Penh.

Theo AFP, sau cuộc bầu cử mà ông toàn thắng, thủ tướng Hun Sen đã trả tự do cho một số nhà hoạt động, nhà báo từng chỉ trích chính phủ, nhưng những cử chỉ đó không thuyết phục được Châu Âu.

Cho dù vẫn tuyên bố là sức ép nước ngoài không có ảnh hưởng gì, nhưng thủ tướng Hun Sen cảm thấy vẫn nên hòa dịu với Châu Âu để tránh thiệt thòi, mất đi cả tỷ đô la trong ngành may mặc Cam Bốt.

Bộ Ngoại Giao Cam Bốt vào hôm qua, thông báo : « Để cổ vũ hơn nữa nền dân chủ và Nhà Nước Pháp Quyền, Quốc Hội đang xem xét việc sửa đổi luật để cho phép những người bị cấm hoạt động chính trị có thể tiếp tục trở lại ».

Tuy nhiên thông báo trên không nói rõ là việc truy tố một số người như với ông Kem Sokha có được bãi bỏ hay không. Phe đối lập tỏ ra rất thận trong trước thông báo trên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181204-cam-bot-noi-long-gong-kem-tren-doi-lap-vi-so-bi-chau-au-trung-phat