Tin khắp nơi – 04/10/2017
Trump ca ngợi nỗ lực ứng phó bão ở Puerto Rico
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba bày tỏ sự hài lòng với sự ứng phó của liên bang đối với sự tàn phá mà cơn Bão Maria gây ra cho Puerto Rico, bất chấp những chỉ trích nói rằng chính phủ chậm giải quyết cuộc khủng hoảng và hai tuần sau đó phần lớn cư dân của hòn đảo này vẫn không có những thứ cần thiết cơ bản.
Ông Trump, đối diện với các cơn bão Harvey, Irma và Maria trong sáu tuần qua, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng thiên tai đang gây sức ép lên ngân sách của Mỹ.
“Dù không muốn tôi vẫn phải nói rằng Puerto Rico đã khiến ngân sách của chúng ta hơi lộn xộn một chút bởi vì chúng ta chi rất nhiều tiền cho Puerto Rico,” ông nói. “Nhưng không sao. Chúng ta đã cứu được rất nhiều sinh mạng.”
Ông Trump đến thăm Puerto Rico để trấn an cư dân của hòn đảo này rằng ông cam kết trợ giúp sự hồi phục của họ. Nền kinh tế của lãnh thổ thuộc Mỹ này, với 3,4 triệu dân, đã rơi vào tình trạng suy thoái và chính phủ đã đệ đơn xin phá sản trước khi cơn bão tồi tệ nhất trong 90 năm qua ập tới.
“Về quá trình hồi phục, về việc cứu sống sinh mạng, 16 người thiệt mạng là rất nhiều, nhưng nếu bạn so sánh với hàng ngàn người chết trong các cơn bão khác thì thành thật mà nói không hề nghiêm trọng bằng,” ông Trump nói với các phóng viên bên ngoài một nhà nguyện phục vụ như là một trung tâm phân phối thực phẩm và vật phẩm.
Cơn bão đã quét sạch lưới điện của hòn đảo, và chưa tới phân nửa cư dân có nước máy. Người dân vẫn gặp khó khăn khi bắt sóng điện thoại di động hoặc tìm nhiên liệu cho máy phát điện của họ hoặc xe hơi. Khoảng 88 phần trăm các địa điểm điện thoại vẫn chưa hoạt động.
Một trong những người đầu tiên mà ông Trump gặp gỡ khi ông và phu nhân Melania ở thủ phủ San Juan của Puerto Rico là thị trưởng Carmen Yulin Cruz, người đã lên tiếng chỉ trích chính quyền của ông không chú ý nhiều hơn đến tình cảnh của Puerto Rico.
Ông Trump mấy ngày trước đã lên Twitter đả kích bà Cruz về “khả năng lãnh đạo tồi” và “những kẻ vô ơn có động cơ chính trị” và nói một số người trên đảo “muốn mọi thứ làm sẵn cho họ.”
Ông Trump bắt tay với bà Cruz, nhưng ông dành những lời khen ngợi cho các giới chức địa phương và liên bang khác.
Ông Trump và bà Melania gặp gỡ những người sống sót sau thảm họa ở thị trấn Guaynabo gần đó, đi ra đường và nói chuyện với một số gia đình có nhà bị hư hại.
“Quý vị có biết ai đã giúp họ không? Chúa đã che chở cho họ. Đúng không?” ông Trump nói.
Sau đó ông Trump lên máy bay trực thăng đi thị sát cảnh tượng tan hoang do bão và bay ngang tàu bệnh viện USNS Comfort vừa đến.
Trước khi rời Washington vào sáng thứ Ba, ông Trump nói với các phóng viên rằng đường sá đã được dọn dẹp và đường dây viễn thông đang được hồi phục. Ông nói thị trưởng đã “hồi tâm chuyển ý khá nhiều” kể từ những chỉ trích của bà.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-ca-ngoi-no-luc-ung-pho-bao-o-puerto-rico/4055151.html
Tòa Bạch Ốc chung quyết yêu cầu viện trợ thiên tai
Chính quyền Tổng thống Trump đang chung quyết yêu cầu viện trợ 29 tỷ đô la cứu trợ thiên tai sau các trận bão hoành hành Puerto Rico, Texas và Florida.
AP dẫn lời một giới chức cấp cao trong chính quyền và các phụ tá bên Quốc hội tiết lộ tin này.
Yêu cầu vừa kể gộp chung 16 tỷ đô la cho một chương trình bảo hiểm lũ lụt do chính phủ hậu thuẫn và gần 13 tỷ đô la ngân khoản viện trợ mới cho nạn nhân bão.
Nguồn AP/Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/toa-bach-oc-chung-quyet-yeu-cau-vien-tro-thien-tai-/4055157.html
Catalonia tuyên bố độc lập ‘trong vài ngày tới’
Catalonia sẽ tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha chỉ trong vòng vài ngày tới, lãnh đạo vùng tự trị này nói với BBC.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi có trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật 1/10, Thống đốc Carles Puigdemont nói chính phủ của ông sẽ “hành động vào cuối tuần này hay đầu tuần sau.”
Trong khi đó, Vua Filipe VI của Tây Ban Nha nói những người tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia đã tự đưa mình “ra ngoài pháp luật”.
Ông nói tình hình ở Tây Ban Nha là hết sức nghiêm trọng và kêu gọi đoàn kết quốc gia.
‘Đe dọa lớn hơn Brexit’
Hôm 04/10, dân biểu Quốc hội châu Âu, Philippe Lamberts, lãnh đạo Đảng Xanh từ Bỉ cảnh báo rằng “khủng hoảng Catalonia là đe dọa cho EU lớn hơn cả Brexit.”
Hiện EU vẫn giữ quan điểm rằng không can thiệp vì Tây Ban Nha “không cần bên ngoài chăm sóc” nhưng báo chí châu Âu nêu ra nhiều ý kiến lo ngại về phong trào ly khai dâng lên ở khắp mọi nơi”.
Catalonia giành ‘quyền có quốc gia riêng’
Tây Ban Nha: Cảnh sát đàn áp trưng cầu độc lập
Căng thẳng giữa Tây Ban Nha và vùng Catalonia ở Đông Bắc nước này tiếp tục dâng cao.
Tòa án Tối cao Tây Ban Nha nói họ đã bắt đầu điều tra những nhân vật Catalonia chủ chốt về nghi vấn nổi loạn – khuyến khích người dân chống lại nhà nước.
Trong số các nhân vật bị điều tra có cả cảnh sát trưởng địa phương Catalonia.
Ông Josep Lluis Trapero, người dẫn đầu lực lượng Mossos d’Esquadra, bị nghi vấn không kiểm soát được biểu tình trong một lần cảnh sát bố ráp các văn phòng chính phủ Catalan trước cuộc trưng cầu.
Hàng trăm ngàn người trên khắp Catalonia biểu tình phản đối bạo lực mà cảnh sát Tây Ban Nha gây ra trong ngày trưng cầu, dẫn tới gần 900 người bị thương.
Cảnh sát Tây Ban Nha tìm cách đưa lệnh của tòa án để ngưng cuộc trưng cầu mà chính phủ tuyên bố là bất hợp pháp.
Trong ngày trưng cầu, 33 nhân viên cảnh sát cũng bị thương, các nhân viên y tế địa phương nói.
Catalonia và lá cờ vàng bốn sọc đỏ
Trong bài phỏng vấn với BBC, Thống đốc Catalonia, ông Carles Puigdemont nói chính phủ ông sẽ “hành động vào cuối tuần này hay đầu tuần sau.”
Khi được hỏi ông sẽ làm gì nếu chính phủ Tây Ban Nha can thiệp và đứng ra kiểm soát chính quyền Catalonia, ông Puigdemont nói đó sẽ là “một sai lầm làm thay đổi mọi thứ.”
Ông Puigdemont nói hiện tại không có liên lạc nào giữa chính phủ Madrid và chính quyền Catalonia, vùng tự trị có chừng 7,5 triệu dân, trên tổng số 46 triệu dân Tây Ban Nha.
Ông không đồng ý với thông cáo của Ủy ban Châu Âu đưa ra hôm 2/10 nói rằng các vụ việc ở Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha.
Quốc hội Châu Âu sẽ có buổi tranh luận về tình hình Catalonia chiều thứ Tư ngày 4/10.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Vua Felipe nói các lãnh đạo Catalan đứng ra tổ chức cuộc trưng cầu thể hiện “sự thiếu tôn trọng quyền lực của nhà nước”.
“Họ đã phá vỡ các nguyên tắc dân chủ về pháp quyền”.
“Hôm nay, xã hội Catalonia bị chia cắt,” Vua Felipe nói. Ông cũng cảnh báo cuộc trưng cầu có thể đưa nền kinh tế của vùng Catalonia giàu có cũng như của toàn nước Tây Ban Nha vào tình thế rủi ro.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Tây Ban Nha “sẽ vượt qua những thời điểm khó khăn”.
Catalonia hiện là vùng thuộc hàng giàu nhất Tây Ban Nha, chỉ có 16% dân số cả nước nhưng đóng góp 19% GDP của Tây Ban Nha.
Hiện Catalonia đã có lực lượng cảnh sát riêng, ‘Mossos d’Esquadra’, có quy chế truyền thanh truyền hình riêng và một số sứ bộ ngoại giao như là ‘sứ quán mini’ ở nước ngoài để thúc đẩy thương mại.
Nhưng hiện nay công tác kiểm soát biên giới, hải quan, quan hệ quốc tế, quốc phòng và ngân hàng trung ương là do chính quyền Tây Ban Nha kiểm soát.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41498373
Kính hiển vi điện tử Cryo đoạt giải Nobel Hóa Học 2017
Giải Nobel Hóa Học năm nay được trao cho nhóm ba nhà khoa học về công trình phát triển kính hiển vi điện tử cryo nhằm xác định cấu trúc có độ phân giải cao của phân tử sinh học trong dung dịch’.
Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển ra thông cáo cho biết giải Nobel Hóa Học 2017 được trao cho ba khoa học gia Jacques Dubochet, Joachim Frank và Richard Henderson. Theo đó kính hiển vi điện tử cryo giúp giới khoa học có thể nhìn thấy hình ảnh của mọi thứ từ protein mà gây ra kháng thuốc kháng sinh cho đến bề mặt của virus Zika. Nó có thể dùng để nghiên cứu những chi tiết nhỏ nhất trong các cấu trúc tế bào, virus và protein.
Phương pháp này đưa ngành hóa sinh vào một kỷ nguyên mới.
Giải Nobel Hóa Học là giải thứ ba được công bố trong loạt giải hằng năm. Trong hai ngày 2 và 3 tháng 10 hai giải Y Sinh và Vật Lý năm nay cũng đã có chủ.
Giải được đặt theo tên của ông Alfred Nobel, người phát minh ra thuốc nổ. Giải được bắt đầu trao từ năm 1901 cho những thành tựu trong các lĩnh vực khoa học, văn học, và kiến tạo hòa bình theo như ý nguyện của ông Alfred Nobel.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ
ủng hộ nỗ lực Ngoại giao cho Bắc Hàn
Trong nỗ lực nhằm xóa bỏ nghi ngờ về chiến lược của chính quyền Mỹ đối với Bắc Hàn, Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Jim Mattis hôm 3 tháng 10 lên tiếng ủng hộ các cố gắng của Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho bế tắc trong chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Phát biểu của người đứng đầu Ngũ Giác Đài được đưa ra hai ngày sau khi Tổng thống Donald Trump cho rằng Bộ trưởng Ngoại giao Tillerson đang ‘phí thời gian’ khi duy trì tiếp xúc với chính quyền của chủ tịch Kim Jong- Un.
Bộ trưởng Jim Mattis nói với Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ rằng Ngũ Giác Đài hoàn toàn ủng hộ những nổ lực của Bộ trưởng Rex Tillerson trong việc tìm một giải pháp ngoại giao; vào lúc đó thì Bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn chú tâm vào việc bảo vệ Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Bản thân Bộ trưởng Rex Tillerson thì giải thích chiến lược vừa sử dụng Liên Hiệp Quốc, các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và áp lực ngoại giao nhằm buộc chủ tịch họ Kim đàm phán về việc giải trừ vũ khí nguyên tử.
Phân nửa dân biểu đối lập Campuchia phải trốn đi
Hơn phân nửa số dân biểu đối lập ở Campuchia đã phải ra nước ngoài trong vòng tháng qua để chạy trốn chiến dịch đàn áp nhắm vào đảng của họ. Một dân biểu đối lập thuộc Đảng Cứu quốc Campuchia, cho báo chí biết như vậy vào hôm 4/10.
Chiến dịch đàn áp của Thủ tướng Hun Sen đã gia tăng vào tháng trước khi lãnh đạo đảng đối lập Kem Sokha bị bắt vào tù với cáo buộc phản quốc. Theo dân biểu Mao Monyvann của Đảng Cứu quốc, sau vụ bắt giữ ông Kem Sokha, đã có hơn 20 chính trị gia đối lập khác đã phải bỏ nước ra đi. Hiện đảng cứu quốc có 55 ghế tại quốc hội Campuchia.
Ông Monyvann nói với hãng tin AFP rằng hiện vẫn còn khoảng hơn 10 dân biểu khác còn ở trong nước. Ông cho biết phần lớn những người bỏ đi đến Mỹ hoặc các nước châu Âu nơi họ có gia đình hoặc có quốc tịch.
Người mới phải rời Campuchia gần đây là bà Mu Sochua, 63 tuổi, lãnh đạo đảng cứu quốc sau khi ông Kem Sokha bị bắt.
Nói với hãng tin Reuters hôm 3/10, bà này cho biết bà được báo là bà đang mằm trong danh sách sẽ bị nhắm tới trong cuộc đàn áp. Bà cũng không muốn tiết lộ nơi mình ở hiện tại vì mối lo an ninh.
Bà Mu Sochua cũng kêu gọi quốc tế phải có hành động cụ thể đối với Campuchia thay vì chỉ đưa ra những tuyên bố. Bà nói rằng đây là lúc phải có cấm vận, ngưng các trợ giúp về mặt kỹ thuật cho chính phủ Campuchia vì vấn đề khẩn cấp của dân chủ. Cấm vận được bà Sochua đưa ra bao gồm hạn chế cấp visa cho các quan chức chính phủ, nhưng không nhắm vào xuất khẩu may mặc vào các nước Mỹ và EU.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan hôm 4/10 lên tiếng phản bác lại những tuyên bố của bà Sochua, nói rằng không có lý do gì để các nước cấm vận Campuchia vì nước này vẫn cam kết hòa bình, đa đảng và pháp quyền. Ông cũng nhấn mạnh Campuchia có chủ quyền và sẽ bảo vệ chủ quyền của mình.
Chính phủ cáo buộc đảng đối lập đang lên kế hoạch lật đổ Thủ tướng Hun Sen, người đã lãnh đạo Campuchia suốt 3 thập kỷ qua kể từ khi chế độ Khme đỏ bị lật đổ.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) nói sự ra đi hàng loạt của các dân biểu đối lập ở Campuchia đã làm dày thêm đám mây cái chết của nền dân chủ ở Campuchia dưới tay của Thủ tướng Hun Sen.
Ông Hun Sen sẽ tiếp tục tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm tới 2018. Theo người đại diện của HRW thì dường như ông Hun Sen đã có kế hoạch sử dụng đe dọa và sự sợ hãi để dành chiến thắng ngay cả trước khi bầu cử diễn ra.
Ngoại trưởng Mỹ nói chưa bao giờ cân nhắc thôi chức
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson bác bỏ tin tức cho rằng ông sắp rời khỏi chức vụ.
Ông phát biểu: “Xin nói về vài điều cụ thể – phó tổng thống chưa bao giờ phải thuyết phục tôi ở lại vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi chức vụ này”.
Ông Tillerson đã đưa ra tuyên bố hôm 4/10 với các phóng viên chuyên theo dõi Bộ Ngoại giao, trong cùng ngày NBC News đưa tin là vị ngoại trưởng “suýt nữa” từ chức hồi đầu năm nay, sau nhiều tháng có những căng thẳng và chán nản về Tổng thống Donald Trump, và ông còn giữ chức vụ chỉ vì có lời kêu gọi của Phó Tổng thống Mike Pence.
Tin của NBC News cho biết ông Tillerson đã gọi ông Trump là một “thằng ngốc” sau một cuộc gặp với các quan chức hàng đầu khác tại Ngũ Giác Đài hồi tháng 7.
https://www.voatiengviet.com/a/4056218.html
3 tỷ tài khoản Yahoo bị tấn công tin tặc
Yahoo ngày 3/10 loan báo kết quả điều tra cho thấy tất cả 3 tỷ tài khoản của người sử dụng dịch vụ Yahoo đều bị ảnh hưởng trong vụ đánh cắp dữ kiện 2013. Con số này tăng gấp 3 lần ước tính ban đầu của Yahoo về vụ tin tặc lớn nhất trong lịch sử này.
Tuy nhiên, công ty cho hay cuộc điều tra cho thấy các thông tin bị đánh cắp không bao gồm mật khẩu, các dữ kiện thanh toán bằng thẻ hay thông tin về tài khoản ngân hàng.
Cuối năm ngoái, Yahoo cho biết dữ kiện của 1 tỷ tài khoản bị xâm nhập vào tháng 8/2013.
Một giới chức của công ty nhấn mạnh rằng trong số 3 tỷ tài khoản bị tác động đó bao gồm nhiều tài khoản được mở ra nhưng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn.
Yahoo cho hay đã gửi thông báo bằng email đến các tài khoản bị ảnh hưởng.
https://www.voatiengviet.com/a/ba-ty-tai-khoan-yahoo-bi-tin-tac-tan-cong-/4055160.html
Chủ sòng bài Mandalay hỗ trợ nạn nhân vụ xả súng Las Vegas
Công ty sở hữu khách sạn-sòng bạc Mandalay Bay ở Las Vegas, nơi nghi phạm Stephen Paddock tối ngày 1/10 xả súng giết chết 59 người và làm bị thương 527 người khác, hỗ trợ 3 triệu đô la giúp đỡ nạn nhân trong vụ thảm sát tệ hại nhất lịch sử cận đại Mỹ.
Tập đoàn Khu nghỉ dưỡng Quốc tế MGM ngày 3/10 loan báo khoản đóng góp này.
Tay súng Stephen Craig Paddock nhã đạn từ phòng ngủ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay xuống đám đông khán giả xem đại nhạc hội ngoài trời.
Công ty MGM cho biết khoản quyên góp sẽ giúp hỗ trợ nhân đạo các nạn nhân và các tổ chức ứng cứu đầu tiên.
Giới hữu trách cho hay trước khi ra tay thảm sát, hung thủ Paddock đã cài camera vào một chiếc xe đẩy phục vụ ẩm thực bên ngoài phòng khách sạn đề phòng bị phát hiện trong lúc hành động.
Các giới chức bệnh viện cho hay hiện còn 50 nạn nhân đang được điều trị trong tình trạng nguy kịch.
Facebook nói 10 triệu người dùng ở Mỹ
thấy quảng cáo liên hệ tới Nga
Khoảng 10 triệu người ở Mỹ đã nhìn thấy những quảng cáo gây chia rẽ chính trị trên Facebook mà công ty nói đã được mua ở Nga trong những tháng trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái, Facebook cho hay hôm thứ Hai.
Facebook, trước đây chưa từng đưa ra một ước tính như vậy, nói trong một thông cáo rằng họ sử dụng mô hình máy tính để ước tính bao nhiêu người đã nhìn thấy ít nhất một trong số 3.000 quảng cáo. Facebook cũng cho biết 44 phần trăm các quảng cáo đã được nhìn thấy trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2016 và 56 phần trăm được nhìn thấy sau đó.
Các quảng cáo này đã khơi lên sự giận dữ đối với Facebook, và ở trong nước Mỹ, đối với Nga kể từ khi mạng xã hội lớn nhất thế giới công bố sự tồn tại của chúng vào tháng trước. Moscow đã phủ nhận sự dính líu tới các quảng cáo.
Facebook đang đối mặt với ngày càng nhiều lời kêu gọi từ nhà chức trách Hoa Kỳ yêu cầu gia tăng quản lý. Giám đốc Điều hành Mark Zuckerberg đã phác thảo các bước mà công ty dự định thực hiện để ngăn chặn các chính phủ lạm dụng mạng xã hội này.
Trước đó trong ngày thứ Hai, Facebook cho biết họ đã lên kế hoạch thuê thêm 1.000 người để duyệt các quảng cáo và đảm bảo chúng thỏa mãn những điều khoản của công ty, một phần trong nỗ lực nhằm ngăn cản Nga và các nước khác sử dụng nền tảng này để can thiệp vào các cuộc bầu cử.
Facebook đang làm việc với những công ty khác trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm Twitter và Google của Alphabet, để điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, thông cáo của Facebook cho biết.
Philippines ‘xoay trục’ lại với Mỹ
Philippines đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ nhằm mục đích cân bằng sự phụ thuộc ngày càng quá nhiều vào Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trên trang web hôm Chủ Nhật 1/10 rằng Manila đang “tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ” trong nỗ lực cải thiện quan hệ toàn diện. Mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn, bộ này nói, sẽ giúp “vượt qua những trở ngại trong các vấn đề an ninh.”
Việc cải thiện quan hệ kinh tế Philippines- Hoa Kỳ sẽ khắc phục những trở ngại trong quan hệ giữa hai nước kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines hồi năm ngoái.
Ông Christian de Guzman, Phó Chủ tịch và đồng thời là viên chức tín dụng cấp cao của Tập đoàn Moody’s có văn phòng ở Singapore cho biết: “Tôi nghĩ rằng cú huých kinh tế mới chỉ thực sự vạch ra các bước tiếp theo sau khoảng thời gian bị lu mờ khi ông Duterte lên làm tổng thống và những phiền toái trong quan hệ song phương.”
Trong một cuộc họp vào tuần trước tại thủ đô Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Peter Cayetano đề xuất việc hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ khi ông gặp Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Cory Gardner, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ phụ trách Đông Á.
Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của trường Đại học New South Wales ở Úc, năm 2017, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên, ông Duterte cũng có thể cảm thấy bị “áp lực” phải điều hòa thái độ đối với Mỹ của ông.
Vào năm ngoái, các chuyên gia cảnh báo rằng Bắc Kinh cũng có thể mong đợi Philippines tiếp tục im lặng trước hành động bành trướng chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc bằng một điều kiện cấp viện trợ nào đó.
Ông Thayer Thayer nói: “Bạn có ấn tượng rằng việc dựa vào Trung Quốc đã có những giới hạn và hạn chế. Dẫn đến việc là có rất nhiều điều hứa hẹn và một số giao dịch, nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ.”
Ông Thayer nói thêm rằng việc quay trở lại với Hoa Kỳ cho thấy “chúng ta đang chứng kiến một thực tế đang từ từ hiện hữu.”
https://www.voatiengviet.com/a/philippines-xoay-truc-lai-voi-my/4054607.html
Oxford tước giải nhân quyền của bà Aung San Suu Kyi
Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi vừa bị thành phố Oxford tước giải thưởng nhân quyền. Bà từng là nghiên cứu sinh ở thành phố này.
Hội đồng Thành phố Oxford đã bỏ phiếu trong tuần này nhất trí đề xuất thu hồi lại giải thưởng Nền Tự do của Thành phố từng trao cho bà Suu Kyi, họ nêu lý do là những quan ngại sâu sắc về sự đối xử với người Hồi giáo Rohingya xảy ra khi bà nắm quyền.
Hơn 500.000 người thiểu số Rohingya ở Myanmar đã chạy qua biên giới sang Bangladesh kể từ cuối tháng 8, khi các cuộc tấn công của người Rohingya đã dẫn tới cuộc đàn áp bạo lực của quân đội.
Nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Suu Kyi, trước đây nổi tiếng vì hoạt động nhân quyền, đã bị nhiều nơi chỉ trích vì bà đã không lên tiếng về vấn đề này.
Một giải thưởng tương tự cũng đang bị hội đồng thành phố Sheffield ở phía bắc nước Anh cân nhắc thu hồi, sau khi người dân nộp kiến nghị vào tháng trước.
Trường cao đẳng St Hugh thuộc Đại học Oxford, trường cũ của bà Suu Kyi, đã gỡ bỏ bức chân dung của bà hồi tuần trước, trong khi Unison, nghiệp đoàn lớn thứ hai của Vương quốc Anh, tuyên bố hồi tháng trước rằng họ sẽ đình chỉ tư cách thành viên danh dự của bà.
https://www.voatiengviet.com/a/oxford-tuoc-giai-nhan-quyen-cua-aung-sang-suu-kyi/4056182.html
Nhật Bản sắp tái khởi động nhà máy điện hạt nhân
Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản vừa cấp phép sơ bộ cho việc tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân mà đã bị ngưng hoạt động sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.
Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản hôm thứ Tư biểu quyết nhất trí rằng hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa do Công ty Điệc lực Tokyo vận hành đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới rất gắt gao được ban hành sau thảm họa Fukushima. Nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa, đặt tại tỉnh Niigata, là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới, và là lớn nhất của Nhật Bản.
Trận động đất mạnh 9 độ vào tháng 3 năm 2011 đã gây ra sóng thần làm 20.000 người thiệt mạng, gây tan chảy 3 lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, miền đông bắc nước Nhật, gây ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.
Thảm họa Fukushima đã buộc chính phủ Nhật Bản đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, và cho đến nay rất nhiều người dân Nhật vẫn chống đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực khôi phục dần công nghiệp năng lượng hạt nhân của nước này. TEPCO đang nỗ lực tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân để có tiền đền bù cho hàng ngàn cư dân phải di dời vì tai nạn Fukushima.
Có thể phải mất nhiều tháng nữa TEPCO mới nhận được giấy phép chung cuộc để tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-ban-sap-tai-khoi-dong-nha-may-dien-hat-nhan/4056003.html
EU hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc
Liên minh Châu Âu hôm 3/10 nhất trí các quy định mới để chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, chấm dứt 18 tháng tranh cãi về quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
Liên minh Châu Âu và nhiều đối tác thương mại khác của Trung Quốc đã tranh luận liệu có nên coi Trung Quốc như một “nền kinh tế thị trường” hay không, điều mà Bắc Kinh cuối năm ngoái tuyên bố là quyền của họ, khoảng 15 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
EU khởi động các cuộc thảo luận vào đầu năm 2016 và đã tổ chức các buổi tham vấn công cộng, thu thập hơn 5.000 ý kiến về cách thức giải quyết các khiếu nại thương mại với Trung Quốc.
Ủy hội Châu Âu, các quốc gia thành viên và các nhà lập pháp EU cuối cùng đã vượt qua những khác biệt hôm 3/10 sau một số nỗ lực bất thành, các đại diện của cả ba nói trong một cuộc họp báo.
Để xác định có áp đặt thuế quan nhập khẩu hay không, EU giờ sẽ đối xử với tất cả các nước thành viên WTO là như nhau. Các doanh nghiệp của họ sẽ chỉ bị xem là bán phá giá nếu giá xuất khẩu của họ thấp hơn giá trong nước.
Nhưng EU sẽ đưa ra những ngoại lệ cho những trường hợp có “những méo mó thị trường đáng kể” chẳng hạn như sự can thiệp quá mức của nhà nước, một ngoại lệ dự kiến sẽ bao gồm nhiều công ty Trung Quốc.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn được đối xử như một trường hợp “phi thị trường” đặc biệt, có nghĩa là các nhà điều tra EU quyết định hàng xuất khẩu của họ rẻ một cách giả tạo nếu giá ở dưới mức giá của nước thứ ba, chẳng hạn như Mỹ.
Trung Quốc năm ngoái đã đã đệ đơn khiếu nại lên WTO chống lại Châu Âu và Mỹ về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ủy hội Châu Âu, được cả 28 nước thành viên EU ủng hộ, tin rằng các quy định cho Trung Quốc cần phải được thay đổi. Điều đó có nghĩa là tìm kiếm sự cân bằng giữa việc tuân thủ các quy định của WTO và bảo vệ các công ty EU bị đe doạ bởi việc bán phá giá.
Những người chỉ trích, trong đó có nhiều người trong Nghị viện Châu Âu, cho biết các quy định mới chuyển gánh nặng chứng minh từ các nhà sản xuất Trung Quốc sang cho các nhà sản xuất EU, gây khó khăn hơn trong việc áp đặt các biện pháp.
Ủy hội nói rằng gánh nặng này sẽ không thay đổi bởi vì nó sẽ đưa ra các báo cáo về các nước để xác định liệu thị trường của họ có bị méo mó hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-han-che-hang-nhap-khau-gia-re-cua-trung-quoc/4055147.html
Mattis : Chính quyền Mỹ nhất quán
về chính sách Bắc Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis ngày 03/10/2017 đã cố gắng trấn an về sự nhất quán của chính quyền Trump trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tuyên bố « hoàn toàn ủng hộ » các nỗ lực ngoại giao của ngoại trưởng Rex Tillerson.
Phát biểu trước Ủy an Quân vụ của Thượng Viện, bộ trưởng Mattis cho biết như trên, đồng thời nhấn mạnh việc quân đội Mỹ « tập trung nỗ lực cho quốc phòng Hoa Kỳ và các đồng minh ».
Với việc bênh vực ngoại trưởng Tillerson, có vẻ như bộ trưởng Quốc Phòng đã nói ngược lại với tổng thống Donald Trump. Hôm Chủ nhật 01/10, ông Trump trong một loạt tin Twitter, đã cho rằng « vị ngoại trưởng tuyệt vời » chỉ phí thời gian khi muốn thương lượng với Little Rocket Man – từ ngữ mà ông dùng để chỉ Kim Jong Un.
Được hỏi về vấn đề này, ông James Mattis khẳng định trong chính quyền Mỹ « không có nhiều bất đồng như một số người đã nghĩ » về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ông nói : « Các chỉ thị mà tổng thống Trump đã đưa ra cho ông Tillerson và tôi rất rõ : chúng ta phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, với những sáng kiến khác nhau tiến hành cùng với Trung Quốc, và thúc đẩy trừng phạt ».
Khi một thượng nghị sĩ thắc mắc, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trả lời : « Việc tổng thống gởi ngoại trưởng Tillerson đến Bắc Kinh cách đây vài ngày để chuyển các thông điệp đến các lãnh đạo Trung Quốc (…) là lời đáp chính xác nhất cho câu hỏi ».
Miến Điện : Người Rohingya tố cáo
bị quân đội đuổi khỏi làng
Hãng tin AFP ngày 04/10/2017 cho biết những người Rohingya tị nạn ở Bangladesh tố cáo dân ở nhiều ngôi làng đã bị đuổi sạch và hàng nghìn người hiện đang kéo tới biên giới do quân đội Miến Điện tăng cường việc truy bức để đuổi những người Rohingya còn lại ra khỏi nhà.
Hiện nay, hơn 500 000 người Rohingya Hồi Giáo đã trốn chạy khỏi cuộc thanh trừng sắc tộc đẫm máu ở Miến Điện. Phía Bangladesh cho biết hàng ngày có khoảng 4.000-5.000 thường dân vượt qua biên giới.
Trong vài tuần qua, một nửa dân số Rohingya đã trốn chạy khỏi bang Rakhine. Dòng người tị nạn đã dừng vào cuối tháng 9, song vài ngày gần đây đã bùng phát trở lại.
Nhiều người Rohingya đã tị nạn tại Bangladesh cho biết có sự bất nhất trong lời nói và hành động giữa chính quyền địa phương và quân đội. Rashida Begum, một phụ nữ Rohingya ngày 03/10 nói với AFP rằng các quan chức địa phương đã khẳng định cách đây vài tuần là cộng đồng Rohingya sẽ an toàn nếu họ ở lại làng của mình, nhưng sau đó quân đội lại đến và yêu cầu người Rohingya phải rời đi.
Truyền thông Nhà nước của Miến Điện lại nói rằng người Rohingya đã bỏ rơi « thỏa thuận của chính họ », dù họ được đảm bảo an toàn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171004-mien-dien-nguoi-rohingya-to-cao-quan-doi-duoi-ho-khoi-lang