Tin khắp nơi – 04/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 04/07/2020

TT Trump công kích ‘cách mạng văn hóa cánh tả’

trong diễn văn ở Mount Rushmore

Tổng thống Donald Trump ngày thứ Sáu cáo buộc “những đám người giận dữ” tìm cách xóa bỏ lịch sử bằng những nỗ lực nhằm dỡ bỏ hoặc đánh giá lại các nhân vật lịch sử của Mỹ và sử dụng một bài diễn văn tại di tích Mount Rushmore để mô tả ông là thành trì chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh tả.

Vào ngày mà bảy bang của Mỹ ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới lên cao kỉ lục, đại dịch đã len vào hàng ngũ những nhân vận thân cận của ông Trump. Kimberly Guilfoyle, một quan chức cao cấp của chiến dịch tranh cử và là bạn gái của Donald Trump Jr., xét nghiệm dương tính với virus corona ở South Dakota trước sự kiện này, theo Sergio Gor, một quan chức chiến dịch Trump. Trump Jr. xét nghiệm âm tính, ông Gor nói.

Sự kiện trước ngày Lễ Độc lập 4 tháng 7 của Mỹ thu hút 7.500 người, ngồi kín một kịch trường ngoài trời. Nhiều người không đeo khẩu trang bất chấp lời khuyên của các quan chức y tế, những người đã thúc giục người dân Mỹ tránh các cuộc tụ họp lớn để làm chậm sự lây lan của COVID-19.

Ông Trump không đeo khẩu trang ở nơi công cộng và không nói gì nhiều đến đại dịch trong diễn văn của mình.

Phát biểu bên dưới di tích điêu khắc nổi tiếng với chân dung của bốn tổng thống Mỹ, ông Trump cảnh báo các cuộc biểu tình về bất bình đẳng chủng tộc đe dọa nền tảng của hệ thống chính trị Mỹ.

“Phải nói cho rõ, cuộc cách mạng văn hóa cánh tả này được thiết kế để lật đổ cuộc cách mạng Mỹ,” ông Trump nói. “Những trẻ nhỏ của chúng ta được dạy ở trường là hãy ghét đất nước của chính mình.”

Trong tình trạng bất ổn khắp cả nước sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da đen tử vong trong khi bị cảnh sát khống chế ở thành phố Minneapolis, người biểu tình ở một số thành phố đã phá hoại các bức tượng của các nhà lãnh đạo, bao gồm các tướng lĩnh Liên minh Miền Nam lãnh đạo cuộc nổi loạn chống lại chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc Nội Chiến năm 1861-65.

Người biểu tình có lúc đã tìm cách kéo đổ nhưng không thành công một bức tượng của Tổng thống Mỹ Andrew Jackson bên ngoài Nhà Trắng. Ông Jackson, được biết đến với các chính sách dân túy, là chủ sở hữu nô lệ và đã buộc hàng ngàn thổ dân Mỹ phải rời bỏ nơi cư ngụ của họ.

“Những đám người giận dữ đang cố gắng kéo đổ tượng của các nhà lập quốc của chúng ta, phá hoại các công trình tưởng niệm thiêng liêng nhất của chúng ta và khơi ra một làn sóng tội phạm bạo lực tại các thành phố của chúng ta,” ông Trump nói.

Ông Trump, người nhấn mạnh chủ trương “luật pháp và trật tự” trong cách thức ứng phó các cuộc biểu tình, đã phản đối các đề xuất đổi tên các căn cứ quân sự của Mỹ vốn được đặt theo tên của các tướng lĩnh Liên minh Miền Nam.

Chương trình tối ngày 3 tháng 7 không phải là một sự kiện vận động tranh cử chính thức, nhưng ông Trump đã trình bày các chủ đề chính yếu nhằm khuấy động cơ sở ủng hộ của ông trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11. Nhiều người trong đám đông mặc trang phục ủng hộ ông và hô vang “Bốn năm nữa” trước khi chương trình bắt đầu.

Ông Trump hiện đang thua sút ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận ở các bang trọng yếu và nóng lòng vực dậy chiến dịch vận động tranh cử của ông thông qua một phản ứng cứng rắn đối với tình trạng bất ổn xã hội.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-cong-kich-cach-mang-van-hoa-canh-ta-trong-dien-van-o-mount-rushmore/5488829.html

 

Quốc khánh Hoa Kỳ: Vì sao xã hội Mỹ

không hoàn hảo nhưng luôn tốt hơn?

Lương TạViết từ Nam California

Ngày 4, tháng 7, năm 1776 – Một quốc gia mới ra đời.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập khắc cốt, đi trước thời đại, vang vọng khắp thế giới: “Chúng ta khẳng định chân lý tự nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Black Lives Matter: Hãy đồng hành tư tưởng với con mình

Vì sao các cuộc biểu tình tại Mỹ lần này mạnh mẽ như vậy?

Thấm thoát 244 năm trôi qua, bao nhiêu thăng trầm. Ngay cả lúc đất nước mong manh nhất là cuộc nội chiến Mỹ với 618,222 người chết, bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ vẫn đứng vững trước thử thách của thời gian, để làm nền tảng cho chẳng những nước Mỹ, mà cả thế giới tự do, và niềm hy vọng cho tất cả những ai khát khao tự do, dân chủ.

Tôi đến New York vào mùa Thu lá trở màu năm 1981, khi đã là một thanh niên 19 tuổi. Một người tị nạn tay trắng, trình độ chập chững trung học, bỏ đã lâu, tiếng Anh vài chữ. Nước Mỹ bao dung đã nâng đỡ tôi, tạo điều kiện cho tôi trải qua hai năm trung học, đại học, rồi thạc sĩ. Cho tôi cả một tương lai, và một gia đình trọn vẹn. Văng vẳng tiếng người bạn: “Nếu mày ở Việt Nam thì trình độ mày chỉ có chạy xe ôm”.

Không riêng tôi, bao trăm ngàn người Việt đã được cho cơ hội để học hành, làm việc và xây dựng sự nghiệp trên mảnh đất đầy cơ hội này.

Chúng tôi chăm chỉ làm ăn. Làm thân cây mắm và cây đước bồi đắp cho thế hệ tương lai. Bây giờ, thế hệ trẻ đã đạt được thành công rực rỡ trên hầu hết các ngành nghề khác nhau: thương mại, tài chính, nghệ thuật, báo chí, chính trị, luật pháp, y khoa, kỹ thuật, khoa học, quân sự, giáo dục, v.v. Và cứ như thế, thế hệ kế tới lại nối tiếp.

Kinh tế nước Mỹ là đầu tàu của cả thế giới. Năm 1947, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, tổng sản lượng của Mỹ là 2 ngàn tỉ Đô la.

Năm 2019, tổng sản lượng của Mỹ đã tăng gần 20 ngàn tỉ. Chỉ riêng California tiểu bang tôi ở, tổng sản lượng 2019 là 3200 tỉ. Nếu là một nước riêng, California chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật, và Đức. Quận hạt Orange County với 3.3 triệu dân, nơi tôi ở, có tổng sản lượng là 271 tỉ, so với tổng sản lượng của Việt Nam năm 2019 đạt 266 tỉ.

Sức làm ra tiền khủng khiếp cho tất cả mọi người, trong xã hội Mỹ pháp quyền và sáng tạo, đã thu hút hầu hết các chất xám khắp thế giới, để giúp cho người dân thêm cuộc sống địa đàng. Một ví dụ: Khoảng 15% thu nhập hàng tháng, $600-$750 Đô la, của một gia đình Việt trung bình 4 người ở Mỹ cho đồ ăn có chất lượng hàng ngày.

Khi mới đến nước Mỹ, hay Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tôi được nghe đất nước này là một “melting pot”, nồi soup chan hòa.

Tất cả các dân tộc không phân biệt, sẽ được trộn lẫn để cùng một tiếng nói, tư tưởng, đồng lòng.

Nhưng dần dần, tôi nhận ra ý tưởng là như thế, nhưng nước Mỹ thực ra là một dĩa rau salad, với rất nhiều kiểu nước chấm. Đôi khi chỏi nhau vì sắc tộc, văn hóa, tư duy, thế hệ, và quyền lợi. Mặc dù sau cùng, hầu hết đều ăn được phần của mình một cách ngon lành.

Nước Mỹ có hai khối chính: Khối bảo thủ và khối cấp tiến. Một phần đã quen cách sống truyền thống, không muốn thay đổi, nhất là khi sự thay đổi có thể khiến niềm tin, kinh tế, công ăn việc làm của họ bị xáo trộn.

Nhưng thế hệ mới và những người cấp tiến lại muốn hướng tới thay đổi. Đó là định nghĩa đối lập của đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ. Hai thế lực giằng co. Và cứ thế, con thuyền Hoa Kỳ cứ dích dắc đi tới.

Thủ Tướng huyền thoại Anh Quốc Winston Churchill từng nói: “Dân Chủ là kiểu mẫu tệ nhất của quản lý đất nước, ngoại trừ tất cả những kiểu mẫu khác ( democracy is the worst form of government except all those other forms). Rõ ràng một nước Mỹ hoàn hảo còn xa lắm, nhưng đất nước này đã mang đến cho tôi và những người thân yêu của tôi tất cả những gì chúng tôi cần.

Nhìn lại chính trường Mỹ trong vài năm qua, tôi nhận thức rằng, nền tảng của nước Mỹ dân chủ hóa ra mong manh và có thể bị xô đổ.

Tôi nghiệm ra một điều: thực ra không phải chỉ nhờ bản Tuyên Ngôn Độc Lập hay Hiến Pháp Hoa Kỳ mà nước Mỹ hùng mạnh đến ngày hôm nay.

Cái chính làm nó hùng mạnh là vì những công dân Mỹ chân chính. Những người được giáo dục, có văn hóa, có tư cách, và yêu chuộng tự do đã gìn giữ hệ thống pháp quyền không bị lung lay vì quyền lợi riêng tư. Nước Mỹ sản sinh ra rất nhiều người như thế. Họ dám bỏ cả sự nghiệp tương lai để bảo vệ tiếng nói trung thực của họ, để bảo vệ đất nước và nền tảng hiến pháp thấm nhuần trong máu thịt của họ.

Năm 2020 là một năm đầy biến động chưa từng thấy trong gần 40 năm tôi sống ở Mỹ. Từ luận tội tổng thống, một việc vốn chỉ xảy ra ba lần trong lịch sử Mỹ. Một cơn đại dịch trăm năm mới có một lần, đến ngày hôm nay vẫn còn tăng. Dẫn đến thất nghiệp chưa từng thấy từ thời Đại Suy Thoái, 1930. Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử cấm cửa dân Mỹ vào. Rồi nổi loạn đòi hỏi nhân quyền cho người da đen khắp nơi chưa từng có. Nguyên nhân cho các biến động này là sự chia rẽ trầm trọng của người dân.

Niềm tin vào sự liêm chính của các đảng phái đối đầu hầu như không có. Tin tức giả lan tràn chưa từng thấy trên mạng xã hội, được chia sẻ, phát tán vô tội vạ, không kiểm chứng, không trách nhiệm. Người nhận tin tức giả hay không, hợp mắt, khoái tai củng cố thêm cho niềm tin của họ.

Nhìn vào căng thẳng tình hình hiện nay, tôi cảm thấy xã hội gần như muốn đổ bể. Tôi cảm thông cho những người có định kiến ở các khía cạnh khác nhau, theo tầm nhìn và kinh nghiệm cá nhân của họ. Trong gần 40 năm ở Mỹ, tôi chưa bao giờ cảm thấy lo âu như ngày hôm nay. Đất nước Mỹ mà tôi biết, dường như có thể thay đổi hoàn toàn trong những năm tháng tới.

Nhưng, dựa trên lịch sử nước Mỹ thăng trầm trong suốt 244 năm qua, tôi vẫn có niềm tin. Cuộc kháng chiến giành Độc lập khỏi ách thống trị của Anh Quốc năm 1776 đã cho chúng tôi vùng đất tự do này. Nội chiến tàn khốc nhưng đã giải phóng cho những người nô lệ vào năm 1865, bảo đảm cho những người da màu như tôi và các con tôi không bị phân biệt và được đối xử bình đẳng theo luật pháp. Phụ nữ có quyền bỏ phiếu đúng 100 năm trước, 1920, cho phép con gái của tôi có quyền chọn người đại diện.

Phán quyết Brown vs Board of Education năm 1954 giúp con tôi có thể học chung trường với người da trắng. Đạo luật Dân Quyền (Civil Right Act) năm 1964 nhờ cố gắng tranh đấu bất bạo lực không ngừng nghỉ của Tiến Sĩ Martin Luther King Jr. và phong trào dân quyền người da đen, trừng phạt những người phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hoặc gốc gác. Hôn nhân đồng tính được công nhận vào năm 2015 sau những tranh đấu không mệt mỏi chống lại giáo điều và định kiến, để con người đồng tính có thể sống đúng với chính họ sau những năm bị đối xử bất công, đau khổ về tinh thần và bị ruồng bỏ.

Nước Mỹ chưa bao giờ hoàn hảo. Nhưng lịch sử đã chứng minh, đất nước này vẫn đang tiếp tục cố gắng để các thế hệ sau được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn, như đã hứa từ thời lập quốc: “mọi người sinh ra đều bình đẳng.” Họ có:”quyền được sống, quyền được tự do, và mưu cầu hạnh phúc”. Mục sư Martin Luther King đã có một giấc mơ nhưng chưa thành. Riêng tôi, tôi vẫn luôn có niềm tin về một xã hội tương lai tốt hơn cho con cháu da màu của mình.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-53291679

 

Covid-19 bùng phát mạnh, tổng thống Trump

vẫn tổ chức lễ mừng Quốc Khánh

Minh Anh

Số ca nhiễm virus corona chủng mới xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc trên thế giới đã vượt ngưỡng biểu tượng 11 triệu người. Gần 522. 250 người chết trên thế giới chỉ trong vòng có 7 tháng. Hoa Kỳ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu tính theo số nạn nhân tử vong với tổng cộng 129.405 người chết vì Covid-19.

Đáng lo ngại là trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới thường nhật đã tăng vọt trở lại. Số liệu thống kê mới nhất tính đến 20giờ30 ngày thứ Sáu (03/7), do trường đại học Johns Hopkins đưa ra, trong vòng 24 giờ, nước Mỹ có thêm 57.683 ca nhiễm mới.

Bất chấp tình hình dịch bệnh đang lây lan mạnh và những phản đối của đô trưởng Washington, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn  chủ trì lễ mừng Ngày Độc Lập mồng 04 tháng Bảy tại Washington, trong khi tại nhiều nơi trên cả nước các lễ hội mừng quốc khánh đều bị hủy.

Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki :

« Sự kiện sẽ được truyền hình trực tiếp tối nay. Lễ mừng Ngày Độc Lập sẽ diễn ra tại khuôn viên National Mall với sự tham gia của 1.700 binh sĩ, chiến đấu cơ sẽ bay lượn trên bầu trời thủ đô và sẽ được kết thúc bằng những màn bắn pháo hoa buổi tối.

Trên mạng Twitter, Donald Trump hứa hẹn ʺnhững màn pháo hoa lớn nhất tại DCʺ. Theo Nhà Trắng, tổng thống sẽ đọc diễn văn để bày tỏ sự tôn kính đối với những người lính và di sản của nước Mỹ.

Nhưng Donald Trump cũng bị chỉ trích dữ dội, nhất là từ phía bà thị trưởng Washington. Bà báo động những rủi ro của việc tổ chức lễ mừng trong khi mà số ca nhiễm virus corona tiếp tục tăng trên cả nước.

Muriel Bowser, dù đã hủy tất cả các cuộc diễu hành quen thuộc cho ngày 04 tháng Bảy tại thành phố Washington, nhưng bà không có quyền hủy các sự kiện do Nhà Trắng tổ chức. Bà kêu gọi người dân nên ở nhà và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.

Đáp trả những lời chỉ trích, Nhà Trắng tuyên bố phát 300 ngàn khẩu trang. Đây là năm thứ hai liên tiếp Donald Trump tổ chức sự kiện này. Năm 2019, nhiều người đã cáo buộc ông dùng ngày lễ Độc Lập như là một cuộc mit-tinh vận động tranh cử. Chi phí tổ chức lễ mừng cũng đã gây tranh cãi : Ít nhất có 13 triệu đô la đã được chi ra. »

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200704-covid-19-b%C3%B9ng-ph%C3%A1t-m%E1%BA%A1nh-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-v%E1%BA%ABn-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-l%E1%BB%85-m%E1%BB%ABng-qu%E1%BB%91c-kh%C3%A1nh

 

Chính quyền Trump phản đối

yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Minh Hòa

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 3/7 đã bày tỏ quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc ủng hộ các nước Đông Nam Á và phản đối yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Các cuộc tập trận quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là vi phạm cam kết của họ theo Tuyên bố năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, viết trên Twitter hôm 3/7.

Người phát ngôn của chính quyền Trump tuyên bố: “Hoa Kỳ ủng hộ những người bạn bè của chúng tôi ở Đông Nam Á và phản đối các yêu sách phi pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Bà Ortagus đưa ra tuyên bố này trong khi chia sẻ một bản thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó Lầu Năm Góc lên án cuộc tập trận 5 ngày mà Trung Quốc đang triển khai ở Biển Đông từ hôm 1/7.

Tuyên bố của Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Các cuộc tập trận này là động thái mới nhất trong chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm đòi hỏi những yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á ở Biển Đông”.

Hải quân Hoa Kỳ cũng tiến hành một cuộc tập trận trên Biển Đông từ ngày 4/7 với sự tham gia của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan.

Đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy trưởng của nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan, cho biết cuộc tập trận của Hoa Kỳ là “cam kết đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực” trước những hành vi gia tăng quân sự của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định Biển Đông là một trong các điểm nóng có nguy cơ xảy ra xung đột, vì chính quyền Trung Quốc có khả năng sẽ thúc đẩy các hành vi táo bạo hơn nữa ở Biển Đông, khi Bắc Kinh chịu áp lực gia tăng trong nhiều vấn đề, từ những cuộc đấu đá của giới lãnh đạo, nỗi bất bình của người dân về dịch bệnh COVID-19, tình hình căng thẳng ở Hồng Kông, và các biện pháp chế tài từ Hoa Kỳ cũng như các nước phương Tây nhằm giải quyết các mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-trump-phan-doi-yeu-sach-phi-phap-cua-trung-quoc-o-bien-dong.html

 

Mỹ thông qua dự luật trừng phạt quan chức TQ

về luật an ninh Hong Kong

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt quan chức Trung Quốc vì luật an ninh Hong Kong, một ngày sau khi Hạ viện thông qua dự luật này.

Dự luật vừa được Thượng viện Mỹ thông qua áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các cá nhân có liên quan đến quyền tự trị của Hong Kong cũng như các ngân hàng làm ăn với họ.

Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen cho biết, việc thông qua luật này sẽ cho thấy “Mỹ phải sát cánh với người dân Hong Kong”.

Sau khi Thượng viện phê chuẩn dự luật này vào hôm 2/7, dự luật này đã được trình lên Tổng thống Donald Trump. Trước đó một ngày, dự luật được Hạ viện phê chuẩn.

Tuần trước, chính quyền Trump công bố sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc có liên quan với những nỗ lực nhằm kiểm soát nhiều hơn đối với Hong Kong.

Động thái của Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc được đưa ra liên quan đến những lo ngại trước việc Bắc Kinh ban hành luật an ninh Hong Kong. Washington cho rằng Bắc Kinh sẽ mở rộng quyền kiểm soát thành phố vốn hoạt động theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Các nhà phê bình lo ngại nó sẽ dẫn đến những hạn chế đối với các quyền tự do dân sự và chính trị.

AP đưa tin, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình hôm 1/7 sau khi luật an ninh quốc gia mới được Trung Quốc áp dụng.

Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 30/6 cũng lên án Trung Quốc phê chuẩn luật an ninh quốc gia gây tranh cãi. “Quyết định của Trung Quốc về việc áp đặt luật pháp an ninh quốc gia hà khắc đối với Hong Kong phá hủy lãnh thổ, quyền tự trị và một trong những thành tựu lớn nhất của Trung Quốc”, ông Pompeo nói.

http://biendong.net/doc-bao-viet/35613-my-thong-qua-du-luat-trung-phat-quan-chuc-tq-ve-luat-an-ninh-hong-kong.html

 

Luật trừng phạt ngân hàng TQ

được trình lên Tổng thống Mỹ

Tiếp sau Hạ viện, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật trừng phạt ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các quan chức đại lục có liên quan tới luật an ninh quốc gia Hong Kong. Đạo luật đã được trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đạo luật trừng phạt ngân hàng Trung Quốc thật ra đã được Thượng viện Mỹ thông qua từ tuần trước, tuy nhiên phải bỏ phiếu lại theo quy định do đã có một số điều chỉnh từ Hạ viện.

Đạo luật trừng phạt của Mỹ nhắm vào các quan chức đại lục và cảnh sát Hong Kong. Theo hãng tin Reuters, không chỉ kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc và những người tham gia xâm phạm sự tự trị của Hong Kong, đạo luật cũng sẽ nhắm vào các tổ chức tài chính làm ăn với những người dính líu đến việc trấn áp tại đặc khu này. Bộ Ngoại giao và Tài chính của Mỹ sẽ xác định các cá nhân và tổ chức nào bị trừng phạt.

Tổng thống Donald Trump đến nay chưa nói rõ ông có thông qua đạo luật này hay không. Đạo luật mới rõ ràng mạnh mẽ hơn đạo luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong năm ngoái mà ông Trump đã ký khiến Trung Quốc nổi giận.

Trước đó, Bắc Kinh đã cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Mỹ trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc. “Chúng tôi hối thúc Mỹ nắm bắt tình hình thực tế, ngưng can thiệp vào vấn đề Hong Kong và triển khai đạo luật tiêu cực đó, nếu không chúng tôi sẽ có các biện pháp đáp trả mạnh mẽ”, người phát ngôn Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã có các biện pháp trừng phạt Trung Quốc liên quan đến đạo luật an ninh quốc gia Hong Kong. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi cuối tuần trước thông báo sẽ không cấp thị thực cho các quan chức Trung Quốc làm suy yếu Hong Kong, cả những người đương nhiệm lẫn về hưu và người thân của họ.

Hồi tháng trước, ông Trump đã tuyên bố sẽ bắt đầu tiến trình hủy bỏ các ưu đãi đặc biệt về thương mại dành cho Hong Kong. Quốc hội Mỹ sau đó cũng vào cuộc bằng các dự luật yêu cầu chính quyền trừng phạt các cá nhân làm suy yếu mức độ tự trị cao của Hong Kong.

http://biendong.net/bien-dong/35604-luat-trung-phat-ngan-hang-tq-duoc-trinh-len-tong-thong-my.html

 

Thành phố Santa Monica phạt đến 500 mỹ kim

đối với các cá nhân và 1,000 mỹ kim cho các công ty

không tuân thủ quy định đeo khẩu trang

Vào hôm thứ Năm (2 tháng 7), chính quyền thành phố Santa Monica cho phép phạt tiền những người không đeo khẩu trang khi sinh hoạt bên ngoài, dù chưa rõ cảnh sát địa phương sẽ thi hành nghiêm ngặt như thế nào.

Thành phố ban hành lệnh phạt tiền khi số ca nhiễm coronavirus của quận tăng đột biến. Theo thông báo mới của thành phố, cá nhân nào không đeo khẩu trang sẽ bị phạt 100 Mỹ kim cho lần đầu, 250 Mỹ kim cho lần thứ hai và 500 Mỹ kim cho lần thứ ba tái phạm.

Đối với doanh nghiệp, mức phạt lần lượt là 500 Mỹ kim cho lần đầu, 750 Mỹ kim cho lần 2 và 1,000 Mỹ kim cho lần tái phạm thứ ba. Đối tượng nằm trong tuyên bố mới của thành phố là những người không đeo khẩu trang gần những người khác trong môi trường công cộng, bao gồm ở hành lang, cầu thang, thang máy và bãi đậu xe.

Mọi người phải đeo khẩu trang khi làm việc, biểu tình, mua sắm, khi đến bệnh viện, khi xếp hàng để vào bất kỳ doanh nghiệp nào, bên trong văn phòng chính phủ, khi chờ đợi hoặc khi đi xe buýt công cộng, hỏa xa, hoặc khi đi chung xe.

Các doanh nghiệp có thể từ chối cung cấp dịch vụ cho bất kỳ ai không đeo khẩu trang hoặc không tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội. Quy định có ngoại lệ cho trẻ em dưới 2 tuổi, những người mắc bệnh khiến họ không thể đeo khẩu trang, người khiếm thính và những người không thể đeo khẩu trang vì có thể khiến họ gặp nguy hiểm khi làm việc.

Ngoài ra, người dân cũng không cần đeo khẩu trang khi bơi lội, lướt sóng, ăn uống tại nhà hàng (nếu đã giữ khoảng cách với người khác ít nhất 6 feet), làm dịch vụ liên quan đến mũi hoặc mặt, hoặc khi ngồi ngoài trời và đã giữ khoảng cách với người khác. Lệnh của thành phố Santa Monica sẽ có hiệu lực đến ngày 31/07/2020. (BBT)

https://www.sbtn.tv/thanh-pho-santa-monica-phat-den-500-my-kim-doi-voi-cac-ca-nhan-va-1000-my-kim-cho-cac-cong-ty-khong-tuan-thu-quy-dinh-deo-khau-trang/

 

Các lãnh đạo hãng Moderna thu lợi từ tin tức về Vaccine

Tin Cambridge, Massachusetts – Hãng công nghệ sinh học Moderna có thể thu lợi hàng chục tỷ Mỹ kim từ doanh thu và cổ phiếu nếu chiến thắng trong cuộc đua chế tạo vaccine Covid-19. Tuy nhiên, nếu thất bại, các giá trị hiện nay của công ty sẽ sụp đổ. Trong khi đó, ban lãnh đạo của Moderna vẫn đang bỏ túi hàng triệu Mỹ kim mỗi tháng bằng cách bán cổ phiếu, vốn đã tăng giá gấp 3 lần sau các tin tức lạc quan về quá trình phát triển vaccine của hãng.

Theo phân tích của hãng Reuters, số cổ phiếu Moderna được bán ra bởi Tổng giám đốc Stephane Bancel đã lên đến 21 triệu Mỹ kim trong thời gian từ 1 tháng 1 đến 26 tháng 6. Giám đốc y tế của Moderna, ông Tal Zaks, cũng đã bán phần lớn lượng cổ phiếu mà ông ta nắm giữ, thu về 35 triệu Mỹ kim từ tháng 1 đến nay.

Theo giới quan sát, thông điệp lạc quan của các hãng dược về vaccine coronavirus có thể tạo ra kỳ vọng sai lầm cho công chúng và giới y tế, từ đó khiến các nhà đầu tư trả giá cao quá mức cho cổ phiếu của hãng dược. Các lãnh đạo của Moderna được cho là đang có cơ hội bằng vàng để thu về các khoản tiền khổng lồ từ việc bán cổ phiếu, bằng cách thao túng các thông tin được công bố cho dư luận.

Đây cũng có thể là cơ hội duy nhất của họ để kiếm tiền nếu vaccine không thành công. Tuy nhiên, báo cáo của Reuters hiện không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các giám đốc Bancel, Zaks, hay hãng Moderna, đã thổi phồng quá mức về tiến triển chế tạo vaccine của họ. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cac-lanh-dao-hang-moderna-thu-loi-tu-tin-tuc-ve-vaccine/

 

Tình trạng lây nhiễm coronavirus đang gia tăng

 ở 36 tiểu bang khi Lễ Độc Lập 4 tháng 07 bắt đầu

Trong lúc người Mỹ bước vào một kỳ nghỉ cuối tuần trong bóng tối của đại dịch coronavirus đang hoàng hành, một số thống đốc đang suy nghĩ lại về lập trường của họ về việc đeo khẩu trang sau nhiều ngày có các ca nhiễm coronavirus tăng kỷ lục.

Hoa Kỳ đã có hơn 52,000 trường hợp nhiễm Virus mới vào thứ năm, một kỷ lục mới hàng ngày vượt qua ngày hôm trước.  Hơn hai tháng sau khi số ca nhiểm tăng cao chỉ ảnh hưởng đến một số tiểu bang, virus này lại xuất hiện ở khắp miền Nam và Tây Nam Hoa Kỳ.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh dự đoán sẽ có khoảng 148,000 ca tử vong ở Mỹ vào cuối tháng này. Theo dữ kiện của Đại học Johns Hopkins, coronavirus đã gây tử vong hơn 128,000 người và lây nhiễm hơn 2.7 triệu người trên toàn nước Mỹ. Tỷ lệ nhiễm trùng đang gia tăng ở 36 tiểu bang, với các bệnh nhân nhanh chóng lấp đầy các bệnh viện trên khắp miền Nam và miền Tây Hoa Kỳ.

California, Arizona, Texas và Florida đều có các ca tăng mới kỷ lục trong tuần này – Florida có hơn 10,000 trường hợp nhiễm coronavirus vào thứ Năm trong khi Texas có khoảng 8,000. Vào thứ Sáu, tiểu bang Florida có thêm 9,488 ca nhiễm, nâng tổng số lên 178,594 ca.

Gần hai chục tiểu bang đã tạm dừng mở cửa trở lại để chống lại sự lây lan trong khi những tiểu bang khác đã thực hiện các biện pháp bổ sung để ngăn chặn virus xâm nhập vào biên giới của họ.  Các viên chức lo ngại ngày lễ Độc Lập có thể mang lại một sự gia tăng đột biến, và đang kêu gọi người Mỹ hạn chế các lễ lạc của họ để tránh bùng phát. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tinh-trang-lay-nhiem-coronavirus-dang-gia-tang-o-36-tieu-bang-khi-le-doc-lap-4-thang-07-bat-dau/

 

California ngừng kế hoạch tái mở cửa

sau khi số ca nhiễm coronavirus tăng mạnh

Hôm thứ Năm (02/07/2020), thống đốc Gavin Newsom kêu gọi người dân California giữ ý thức chung bằng cách đeo khẩu trang và hủy bỏ các cuộc họp mặt truyền thống với gia đình, bạn bè trong kỳ nghỉ cuối tuần.

Số ca nhiễm mới và nhập viện do coronavirus đang trên nhanh ở phần lớn tiểu bang California, và trong một cuộc họp báo thống đốc Newsom liên tục bị hỏi về việc liệu chính quyền có đang quyết liệt thực thi lệnh bảo đảm sức khỏe hay không, đặc biệt là đối với lệnh bắt buộc đeo khẩu trang mà ông đã ban hành 2 tuần trước.

Trước đó, thống đốc Newsom thông báo ông đã thành lập các nhóm quản trị của tiểu bang để kiểm tra các doanh nghiệp không tuân theo quy định đeo khẩu trang hay quy định khoảng cách xã hội và vệ sinh. Nhưng thống đốc thừa nhận chính quyền khó có thể kiểm soát hành vi của các cá nhân khi họ ở bên ngoài các cơ quan doanh nghiệp.

Bác sĩ Mark Ghaly, một viên chức y tế hàng đầu của tiểu bang, cho rằng các kỳ nghỉ cuối tuần là một mối đe dọa lớn cho nỗ lực ngăn chặn virus và kêu gọi hãy mọi người thay đổi khác đi so với đợt nghỉ lễ Chiến sĩ Trận vong. Chính quyền cho rằng những hành vi đó đã khiến số ca nhiễm tăng cao.

Trên khắp tiểu bang, các viên chức địa phương không chỉ nhắc lại lời của thống đốc về tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân, mà họ cũng đã hành động. Dọc theo bờ biển, nhiều bãi biển và công viên đã bị đóng cửa hoặc hạn chế người vào. Nhiều buổi bắn pháo bông đã bị hủy. Ở West Hollywood, Santa Monica và Monterey, các viên chức tuyên bố sẵn sàng phạt những người không đeo khẩu trang. (BBT)

https://www.sbtn.tv/california-ngung-ke-hoach-tai-mo-cua-sau-khi-so-ca-nhiem-coronavirus-tang-manh/

 

Tiểu bang Texas ban hành quy định bắt buộc

đeo khẩu trang do số ca nhiễm coronavirus tăng cao

Hôm thứ Năm (02 tháng 07), thống đốc tiểu bang Texas, Greg Abbott ký lệnh hành pháp bắt buộc cư dân ở các quận có 20 ca nhiễm Covid-19 trở lên phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, khi virus đang lây lan với tốc độ rất nhanh.

Thống đốc Abbott cũng cho phép các thị trưởng và quan tòa quận ban hành các lệnh hạn chế tụ tập hơn 10 người. Tuy nhiên, lệnh hành pháp vẫn có ngoại lệ cho các buổi lễ của tôn giáo, trẻ em dưới 10 tuổi và những người bị loại bệnh mà không thể đeo khẩu trang, khi tập thể dục hay đi bầu cử, cùng một số hoạt động khác.

Lệnh hành pháp nhấn mạnh những ai đi biểu tình hay diễn hành theo nhóm hơn 10 người bắt buộc phải đeo khẩu trang. Nếu vi phạm lần đầu, người vi phạm sẽ nhận khuyến cáo bằng lời nói hoặc văn bản. Bất cứ lần tái phạm nào sẽ bị phạt tiền lên đến 250 Mỹ kim.

Dù cảnh sát địa phương được phép thi hành lệnh, nhưng thống đốc Abbott cho biết cảnh sát không được bắt giữ người vi phạm. Lệnh có hiệu lực từ 12:01 trưa thứ Sáu (03/07/2020) giờ địa phương. Ông Abbott quyết định ban hành lệnh sau khi tỷ lệ nhiễm và nhập viện do coronavirus tăng quá mạnh.

Theo sở y tế tiểu bang, hôm thứ Tư (01/07/2020), Texas có số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục, 8,076 ca trong 24 giờ. Virus hiện đã lây nhiễm hơn 168,000 người và giết chết ít nhất 2,481 người ở Texas. Trên khắp Texas vẫn còn trống 12,894 giường bệnh và 1,322 giường chăm sóc ICU, nhưng các bệnh viện ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng như Houston cho biết họ đang tiếp nhận ngày càng nhiều ca nhiễm hơn.

Do ngày càng nhiều người nhập viện, tuần trước thống đốc Abbott đã tạm đình chỉ dịch vụ đặt lịch hẹn phẫu thuật để mở rộng sức chứa bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở các quận ảnh hưởng nặng như: Bexar, Dallas, Harris, Travis, Cameron, Hildago, Nueces và Webb. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tieu-bang-texas-ban-hanh-quy-dinh-bat-buoc-deo-khau-trang-do-so-ca-nhiem-coronavirus-tang-cao/

 

Đội Football Redskins cân nhắc lại

việc đổi tên đội trước áp lực dư luận

Tin Washington DC – Đội football Washington Redskins vào thứ Sáu, 3 tháng 7, cho biết đang cân nhắc lại cái tên đầy tranh cãi của đội, sau nhiều tuần đối mặt với áp lực dư luận. Công ty FedEx, nhà tài trợ của sân thi đấu của Redskins, cũng yêu cầu đội football này đổi tên.

Yêu cầu của FedEx được gởi đến đội banh sau khi Hoa Kỳ chứng kiến hàng loạt các công ty và thành phố hủy bỏ các thương hiệu, tượng đài, và biểu tượng bị coi là kỳ thị chủng tộc.

Từ Redskin, nghĩa là da đỏ, là từ ngữ được coi là có ý nghĩa nói xấu thổ dân châu Mỹ. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc vào năm 2016 cho thấy 90% người gốc thổ dân châu Mỹ không cảm thấy bị xúc phạm bởi tên đội Washington Redskins.

Ông Daniel Snyder, chủ đội Redskins, trước đây từng không chịu đổi tên, với lý do cái tên này đại diện cho truyền thống và là di sản của đội banh. Ông Roger Goodell, chủ tịch NFL, cho biết liên đoàn football đã thảo luận với ông Snyder về tên đội Redskins từ vài tuần qua.

Một số hãng đang có hợp đồng quảng cáo với Redskin cũng lên tiếng ủng hộ việc đổi tên. PepsiCo cho biết đã thảo luận với ban quản lý Redskins và liên đoàn NFL trong vài tuần qua, và hài lòng với thông báo hôm thứ Sáu của đội. Hãng hy vọng sẽ có thể tiếp tục quan hệ đối tác với Redskins trong tương lai.

Tương tự, Bank of America cũng nói rằng ngân hàng này chào đón thông báo mới của Redskins và khuyến khích đội nên sớm đổi tên. (BBT)

https://www.sbtn.tv/doi-football-redskins-can-nhac-lai-viec-doi-ten-doi-truoc-ap-luc-du-luan/

 

Quân nhân đột nhập khu vực

dinh Thủ tướng Canada đối mặt với 22 tội danh

Minh Hòa

Cảnh sát Canada cho biết, một thành viên của lực lượng quân đội dự bị của nước này đang bị truy tố 22 tội danh, sau khi đột nhập vào khu vực gần nơi ở của Thủ tướng Justin Trudeau.

Ông Corey Hurren, 46 tuổi, trú tại tỉnh bang Manitoba, đã mang theo vũ khí, lái một chiếc xe bán tải qua cổng của dinh thự Rideau Hall vào sáng ngày 2/7, giờ địa phương. Đây là nơi ở chính thức của phải đối mặt với 22 tội danh (trong đó tội sở hữu vũ khí bị hạn chế, sở hữu vũ khí vì mục đích nguy hiểm…) sau khi đối tượng có trang bị vũ khí này ngày 2/7 bị bắt giữ tại khuôn viên của Rideau Hall, nơi ở chính thức của bà Julie Payette, Toàn quyền Canada, một chức vụ đại diện cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong việc trị vì Canada. Ngay sát nơi ở của Toàn quyền Canada là dinh thự của Thủ tướng Justin Trudeau.

Ông Hurren đã bị bắt giữ ngay trước 8h30 sáng ngày 2/7. Cảnh sát Canada cho biết cả Toàn quyền Payette và Thủ tướng Trudeau đều không có mặt trong khuôn viên Rideau Hall khi xảy ra vụ việc.

Hôm 3/7, ông Hurren bị cáo buộc 22 tội danh và sẽ tiếp tục ra hầu tòa vào ngày 17/7. Một số cáo buộc chống lại ông Hurren là việc tàng trữ vũ khí cho mục đích nguy hiểm và tàng trữ các vũ khí thuộc diện hạn chế.

Báo CBC của Canada ngày 3/7/2020 đưa tin về vụ đột nhập của ông Corey Hurren (ảnh chụp màn hình).

AFP trích dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Canada cho biết ông Hurren là một thành viên của Rangers, một đơn vị dự bị của quân đội Canada.

Bộ Quốc phòng tuyên bố, vào thời điểm xảy ra vụ việc, ông Hurren được coi là người đang làm nhiệm vụ, nhưng ông ta đã tự ý đến thủ đô Ottawa và thực hiện vụ đột nhập “mà không báo cáo” cấp trên. Tuyên bố cũng cho biết ông ta đã không mang vũ khí quân đội của mình, khi thực hiện vụ đột nhập.

AFP cho biết, năm ngoái, Thủ tướng Trudeau đã phải mặc áo chống đạn khi tham gia một cuộc vận động tái tranh cử ở Ontario, vì có thông tin về các mối đe dọa an ninh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-nhan-dot-nhap-khu-vuc-dinh-thu-tuong-canada-doi-mat-voi-22-toi-danh.html

 

Canada hạn chế giao dịch với Hong Kong

vì luật an ninh quốc gia mới

Bình luậnDu Miên

Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết nước này sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong như một phần của hàng loạt động thái phản đối luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp đặt lên đặc khu này.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Champagne nói rằng Canada cũng sẽ đối xử với các mặt hàng nhạy cảm được xuất khẩu sang Hong Kong tương tự như khi chúng được gửi đến Trung Quốc đại lục.

Điều đó có nghĩa là Canada sẽ cấm hoàn toàn việc giao dịch một số mặt hàng liên quan đến quân sự ở đặc khu này.

Đối với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mới tại Hong Kong trong tuần này, ông Champagne nhận định động thái này đã vi phạm chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Mô hình này đáng lẽ cần được duy trì trong vòng 50 năm, kể từ khi Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.

Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Champagne nói rằng Hong Kong đã thiết lập vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu dựa trên lời hứa này và vị thế cần được đánh giá lại.

Thông báo mới được Canada đưa ra theo sau các biện pháp mà Hoa Kỳ thực hiện vào đầu tuần này, với mục đích thắt chặt các thỏa thuận thương mại với Hong Kong và ngừng bán thiết bị quân sự cho đặc khu này.

Vào ngày 1/7, Hạ viện Hoa Kỳ đều nhất trí thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng làm ăn với những quan chức ĐCSTQ có liên quan đến việc áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.

Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về tình hình ở Hong Kong, Chủ tịch Hạ viện là bà Pelosi cho biết: “Luật [an ninh quốc gia mới này] là một cuộc đàn áp có tính t sâu rộng và tàn bạo với người dân Hong Kong, nhằm hủy hoại các quyền tự do mà [ĐCSTQ] đã hứa hẹn trước đó”.

Nhiều người bày tỏ quan ngại về việc điều luật mới đã vi phạm Luật cơ bản của Hong Kong – bản tiểu Hiến pháp đảm bảo rằng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị vẫn có hiệu lực tại đặc khu này.

Tuần trước, toàn thể Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật đồng hành, Đạo luật Tự trị Hong Kong, sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bắt buộc đối với các cá nhân hoặc công ty ủng hộ các nỗ lực của ĐCSTQ nhằm hạn chế quyền tự trị của Hong Kong. Dự luật mới của Hoa Kỳ bao gồm cả các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng có hoạt động kinh doanh với những cá nhân ủng hộ việc đàn áp quyền tự chủ của Hong Kong.

Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp để loại bỏ vị thế thương mại đặc biệt của Hong Kong, như tạm dừng xuất khẩu quốc phòng và hạn chế đặc khu này tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao, để đáp trả luật an ninh quốc gia mới của ĐCSTQ.

Theo Sky News và các hãng tin tức khác của Anh, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Anh là ông Simon McDonald đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) để bày tỏ mối quan ngại của mình đối với việc ĐCSTQ áp đặt bộ luật vô căn cứ này tại Hong Kong.

Ông McDonald bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của Vương quốc Anh đối với động thái này, với nhận định điều luật này đã vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984, trong đó ĐCSTQ hứa sẽ bảo đảm Hong Kong có quyền tự trị cao trong 50 năm sau khi lãnh thổ được bàn giao lại cho Trung Quốc năm 1997.

Du Miên

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/the-gioi/canada-han-che-giao-dich-voi-hong-kong-vi-luat-an-ninh-quoc-gia-moi-50460.html

 

Covid-19 : Bolivia rơi vào thảm cảnh y tế

Châu Mỹ đang tới gia đoạn đỉnh dịch virus corona. Khu vực Nam Mỹ bị quá sức hoàn toàn. Đặc biệt tại Bolivia, chính quyền không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh. Hệ thống y tế của đất nước vốn đã suy yếu giờ không còn có thể  ứng phó được với làn sóng bệnh nhân ồ ạt. Bolivia ghi nhận hơn 36 nghìn ca nhiễm và  khoảng 1300 ca tử vong.

Thông tín viên RFI,  Alice Campaignolle tại  La Paz tường trình :

Các nạn nhân Covid-19 được chôn cất trong các hố chung, nghĩa trang đóng cửa vì hết chỗ, các gia đình chờ đợi không biết đến bao giờ thi thể người thân của họ được mang đi chôn, rồi các bác sĩ phẫn nộ vì hoàn toàn không có trang thiết bị bảo hộ…. Bolivia đang đối mặt với đỉnh dịch virus corona trong hỗn loạn hoàn toàn.

Đã từ nhiều năm nay hệ thống y tế của Bolivia bị chỉ trích yếu kém. Dù các cơ sở hạ tầng công cộng đã được cải thiện trong 15 năm qua, nhưng các bệnh viện vẫn luôn trong tình trạng thảm hại.

 Nhiều cơ sở bệnh viện phải đóng cửa trong những tuần qua vì đa số các nhân viên bị lây nhiễm. Tại bệnh viện Trinidad ở vùng Beni, nơi bị dịch nặng nhất, hơn một nửa các bác sĩ và y tá bị nhiễm virus corona.

Trong những vùng hẻo lánh nhất, rộng gần gấp đôi nước Pháp, hầu như không có biện pháp phòng chống dịch nào được triển khai. Không có trung tâm y tế, người nhiễm không được cách ly và thế là người dân chết vì virus corona trong sự thờ ơ của chính quyền trung ương.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200704-covid-19-bolivia-r%C6%A1i-v%C3%A0o-th%E1%BA%A3m-c%E1%BA%A3nh-y-t%E1%BA%BF

 

WHO đổi giọng, nói Trung Quốc

chưa từng báo cáo sự bùng phát dịch virus corona

Quý Khải

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố giới chức Bắc Kinh đã không báo cáo sự bùng phát dịch Covid-19 lúc đầu hồi cuối năm ngoái cho tổ chức này.

Trong nhiều tháng, các quan chức WHO đã liên tục nhấn mạnh rằng giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công khai nhanh chóng sự tồn tại của dịch Covid-19 cho WHO, đồng thời liên tục ca ngợi “tính minh bạch” của Bắc Kinh trong các báo cáo về dịch bệnh, bất chấp nhiều bằng chứng theo chiều hướng ngược lại.

Nhưng một tiến trình xử lý dịch bệnh cập nhật được WHO công bố gần đây lại đi ngược lại những tuyên bố trước đây của tổ chức quốc tế này, theo phát hiện của tờ The Epoch Times.

WHO hiện tuyên bố rằng văn phòng đại diện của họ tại Trung Quốc “đã truyền tải lại một thông cáo báo chí của Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán từ trang web của họ” về các trường hợp viêm phổi do virus ở thành phố Trung Quốc này.

Văn phòng này sau đó đã công bố sự tồn tại của nCoV, sau khi xác minh với ĐCSTQ. Nói cách khác, WHO đã chủ động phát hiện ra dịch bệnh.

Điều này trái ngược với phiên bản tiến trình xử lý dịch bệnh trước đó, khi WHO cho biết Ủy ban Y tế Vũ Hán đã chủ động báo cáo một loạt các trường hợp viêm phổi lạ ở Vũ Hán cho WHO, và WHO trước đó không hay biết gì về sự tồn tại của dịch bệnh tại đại lục. WHO đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Các nhà lập pháp Mỹ tháng trước công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy WHO “đã hỗ trợ ĐCSTQ che đậy dịch bệnh bằng cách không điều tra và công khai các báo cáo mâu thuẫn với tài liệu chính thức của ĐCSTQ, đồng thời ca ngợi phản ứng của Bắc Kinh”.

Dân biểu Michael McCaul, người dẫn đầu cuộc điều tra của Nghị viện, cho biết trong một tuyên bố rằng ông rất vui vì cả WHO và ĐCSTQ “đều đã đọc báo cáo của tôi về nguồn gốc đại dịch và rốt cục đã thừa nhận với thế giới sự thật – rằng ĐCSTQ chưa từng báo cáo [kịp thời] sự bùng phát dịch Covid-19 cho WHO, một hành vi vi phạm các quy định của WHO [mà Trung Quốc là một thành viên]”.

“Câu hỏi đặt ra là liệu giờ ĐCSTQ có tiếp tục chiến dịch tuyên truyền sai lệch của họ trong đó tuyên bố rằng họ đã cảnh báo kịp thời cho thế giới về dịch bệnh, hay họ sẽ trở nên minh bạch hơn và bắt đầu hợp tác với cộng đồng y tế thế giới để tìm hiểu rốt ráo nguyên nhân của đại dịch chết người này”, ông nói thêm.

Theo hãng tin The Epoch Times, các nhà lãnh đạo của WHO có mối quan hệ mật thiết với các quan chức ĐCSTQ và đã hứng chịu chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế khi lặp lại tuyên truyền của Bắc Kinh liên quan đến sự bùng phát dịch tại đại lục. Các quan chức Trung Quốc đã che giấu các chi tiết về virus và thao túng các giới chức WHO trong suốt những ngày đầu của dịch bệnh, theo các tài liệu nội bộ thu thập được của The Epoch Times.

Các quan chức ĐCSTQ đã phủ nhận những cáo buộc này.

Mỹ đã chính thức chấm dứt mối quan hệ với WHO vì cơ quan này quỵ lụy trước Bắc Kinh và không chứng minh được tính độc lập trước các động thái gây ảnh hưởng của ĐCSTQ, Tổng thống Trump nói.

Mỹ cung cấp khoảng 400 triệu USD ngân sách cho WHO này hàng năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất các nguồn tài trợ cho tổ chức này.

Nguồn ngân sách này sẽ được Mỹ chuyển sang cho các tổ chức khác, ví như Hội Chữ thập đỏ (Red Cross) và Bác sĩ không biên giới (Doctors Without Borders).

Đây có thể là nỗ lực mới nhất của WHO để chứng minh “tính minh bạch” nhằm cứu vãn lại động thái của Mỹ.

https://www.dkn.tv/the-gioi/who-doi-giong-noi-trung-quoc-chua-tung-bao-cao-su-bung-phat-dich-virus-corona.html

 

Pháp : Cựu thủ tướng vừa từ nhiệm

bị điều tra về xử lý khủng hoảng Covid-19

Minh Anh

Tòa Công lý Cộng hòa Pháp (CJR) ngày 03/07/2020 thông báo mở một điều tra nhắm vào cựu thủ tướng và hai cựu bộ trưởng Y Tế sau khi có hàng chục đơn kiện, cáo buộc ba nhân vật này đã không làm đầy đủ trọng trách để bảo vệ người dân Pháp trước đại dịch Covid-19.

Thông tin được đưa ra ngay sau khi ông Edouard Philippe đệ đơn từ chức và tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm một người khác làm thủ tướng chính phủ.

Tổng cộng có 90 đơn kiện được nộp ở Tòa án Công lý chống lại cựu thủ tướng Edouard Philippe và hai cựu bộ trưởng Y Tế là bà Agnès Buzyn cùng với ông Olivier Véran. Tòa Công Lý Cộng Hòa là định chế duy nhất có thẩm quyền xét xử các thành viên của chính phủ vì những chính sách được tiến hành trong lúc tại quyền.

AFP cho biết 53 đơn kiện trong số này đang được xem xét. Nhưng Tòa Công lý thẩm định chỉ có 9 đơn kiện là có thể thụ lý. Ban dự thẩm sẽ điều tra về việc « thiếu hành động chống thảm họa ».

Hãng tin Pháp nhắc lại các đơn kiện đã được gởi đến CJR vài ngày sau khi bắt đầu tiến hành giải tỏa đợt 1 hồi trung tuần tháng Ba. Những người nộp đơn kiện là những cá nhân bao gồm các y bác sĩ, các hiệp hôi, và thậm chí có cả các tù nhân.

Theo từng nội dung đơn kiện, họ tố cáo hành động « gây nguy hiểm cho cuộc sống người khác », « sát nhân không chủ định », « không hỗ trợ cho người gặp nguy hiểm » hay như không đưa ra những biện pháp chặn dịch đúng lúc…

Một cuộc điều tra khác cũng được mở ra cách nay một tháng do viện công tố Paris đảm nhiệm. Nhiều cá nhân đã kiện các quan chức lãnh đạo y tế như tổng cục trưởng Y tế Jérôme Salomon.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200704-ph%C3%A1p-c%E1%BB%B1u-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-v%E1%BB%ABa-t%E1%BB%AB-nhi%E1%BB%87m-b%E1%BB%8B-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-v%E1%BB%81-x%E1%BB%AD-l%C3%BD-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-covid-19

 

Pháp : Chính phủ từ chức,

tổng thống bổ nhiệm thủ tướng mới

Anh Vũ

Hôm nay, 03/07/2020, thủ tướng Edouard Philippe đã trình đơn từ chức  của chính phủ và đã được tổng thống Emmanuel Macron chấp thuận. Chỉ ít giờ sau khi chính phủ Philippe từ chức, điện Elysée thông báo tổng thống Macron đã bổ nhiệm thủ tướng mới, ông Jean Castex.

Trước khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Jean Castex là điều phối viên quốc gia phụ trách chiến lược giải tỏa trong cuộc khủng hoảng y tế Covid-19.

Sinh năm 1965, tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia Pháp, ông Castex đã từng đảm nhiệm chức phó tổng thư ký phủ tổng thống dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy.

Từ năm 2017, ông là đại diện liên bộ phụ trách dự án Thế Vận Hội Olympic 2024 và từ tháng Giêng 2018, đại diện liên bộ phụ trách các sự kiện thể thao lớn.

Tân thủ tướng Castex cũng là thị trưởng thành phố Prades, tỉnh Pyrénées-Orientales, miền nam nước Pháp, từ năm 2008.

Việc cải tổ nội các lần này đã được tổng thống Emmanuel Macron thông báo cách nay nhiều ngày khi nói rằng ông mong muốn có một « ê kíp mới » để theo tiếp tục hành trình cuối nhiệm kỳ từ nay đến 2022 theo một « đường hướng chính trị mới ».

Thông cáo ngắn của văn phòng tổng thống Pháp viết : « Ông Edouard Philippe hôm nay đã đệ đơn từ chức của chính phủ lên tổng thống và đã được chấp thuận. Cùng với các thành viên chính phủ, ông Philippe đảm trách xử lý các công việc hàng ngày cho đến khi chính phủ mới được chỉ định ».

Chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe từ đầu nhiệm kỳ đã tiến hành nhiều cuộc cải cách, vẫn được coi là gai góc ở Pháp, như cải cách bảo hiểm – thất nghiệp ; cải cách hưu bổng, đang còn dở dang. Chính phủ Philippe cũng phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn, hết khủng Áo Vàng đến khủng hoảng dịch Covid-19.

Ông Edouard Philippe xuất thân từ cánh hữu, làm lãnh đạo chính phủ nhưng vẫn không gia nhập đảng cầm quyền Nền Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống. Trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, ông tái đắc cử thị trưởng thành phố Havre, miền bắc nước Pháp.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, ông Philippe còn đạt tỷ lệ ủng hộ của dân chúng cao hơn tổng thống Macron, luôn giữ được lòng tin của tổng thống, mặc dù từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã có 17 bộ trưởng rời chính phủ, trong đó có 13 người từ chức.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200703-phap-chinh-phu-chinh-tri-thu-tuong

 

Bỉ cảnh báo nguy cơ gián điệp từ sinh viên Trung Quốc

Minh Anh

Thứ Năm, 02/07/2020, An Ninh Quốc Gia Bỉ công bố báo cáo hàng năm cảnh báo những mối nguy gián điệp sinh viên Trung Quốc trong ngành công nghệ quốc phòng.

Vẫn theo bản báo cáo này, các trường đại học Bỉ là được xem như là « mỏ vàng » trên phương diện nghiên cứu. « Những sinh viên và nghiên cứu sinh này sau đó mang tất cả những kiến thức tích lũy được tại các trường đại học Bỉ để phục vụ cho quân đội trong nước. Hiện tại, có khoảng vài chục sinh viên quân sự đang học tập tại các trường đại học Bỉ ».

Tuy nhiên, An Ninh Quốc Gia Bỉ không cho biết cụ thể con số sinh viên Trung Quốc đang theo học tạ Bỉ, nhưng nhân vật số hai của cơ quan này, ông Pascal Pétry, « úp mở » thừa nhận rằng Bỉ đặc biệt thu hút  chú ý của sinh viên Trung Quốc là do nước này có nhiều trụ sở chính của các định chế Liên Hiệp Châu Âu.

Trả lời phỏng vấn nhật báo La Libre Belgique, được AFP trích dẫn, ông Pétry khẳng định « ý đồ của Trung Quốc là thúc đẩy các nhà nghiên cứu trẻ thâm nhập vào những cơ quan hấp dẫn tại Bỉ và chiêu dụ cho họ trở về nước nếu họ mang về những thông tin hữu ích ».

Anh Ninh Quốc Gia Bỉ cảnh báo « chính những sinh viên này là nguồn cội của việc mất quyền sở hữu trí tuệ, gây ra những tác động cho việc tài trợ nghiên cứu khoa học của đất nước. Trên thực tế, khi một số công nghệ mũi nhọn không thể được tăng giá trị, trường đại học mất nguồn thu ».

Để giải quyết vấn đề này, cơ quan tình báo đề xuất một chương trình đánh động nhằm hỗ trợ giới hàn lâm bảo vệ tốt hơn các nghiên cứu khoa học tiềm tàng và nhất là trong việc mở cửa đón sinh viên nước ngoài.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200704-b%E1%BB%89-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-nguy-c%C6%A1-gi%C3%A1n-%C4%91i%E1%BB%87p-t%E1%BB%AB-sinh-vi%C3%AAn-trung-qu%E1%BB%91c

 

Tổng thống Putin nói người Nga tận tâm bỏ phiếu

ủng hộ việc sửa hiến pháp

Bình luậnNguyễn Minh

Thứ Sáu (3/7), Tổng thống Vladimir Putin cho biết rằng nước Nga đã bỏ phiếu thống nhất việc sửa đổi hiến pháp cho phép ông duy trì quyền lực cho đến năm 2036, đồng thời cho biết rằng người Nga mong muốn có sự thay đổi này từ trong trái tim họ.

Sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý kéo dài 1 tuần và kết thúc vào thứ Tư (1/7), có 78% người Nga ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp. Ông Putin, 67 tuổi, đã ra sắc lệnh yêu cầu bản hiến pháp được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 4/7.

Điện Kremlin đã ca ngợi rằng kết quả bỏ phiếu là chiến thắng của ông Putin, tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và không hợp lệ. Một nhóm giám sát độc lập cho biết cuộc bỏ phiếu có nhiều thiếu sót.

Trong khi đó, sau cuộc bỏ phiếu, ông Putin đã phát biểu công khai rằng: “Người dân, từ tận đáy lòng mình, thấy những điều được sửa đổi trong Hiến pháp là cần thiết và là điều đất nước cần”.

Ông cũng phát biểu rằng: “Nói chung, kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy mức độ đoàn kết cao trong xã hội đối với các vấn đề quan trọng có ý nghĩa quốc gia”.

Những thay đổi trong hiến pháp lần này cũng bao gồm các vấn đề: cho phép các cựu tổng thống miễn trừ bị truy tố, đề cập đến Chúa trong hiến pháp, và định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa nam và nữ.

Trong suốt chiến dịch thay đổi hiến pháp, ông Putin rằng ông sẽ không để quan niệm truyền thống về người mẹ và người cha bị thay thế bởi những ngôn ngữ mà theo ông mô tả là “cha mẹ số 1 và “cha mẹ số 2”.

Nguyễn Minh

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/the-gioi/tong-thong-putin-noi-nguoi-nga-tan-tam-bo-phieu-ung-ho-viec-sua-hien-phap-50498.html

 

Ân Xá Quốc Tế lên án Thổ Nhĩ Kỳ kết án tù

4 nhà hoạt động nhân quyền

Trọng Thành

Hôm qua, 03/07/2020, tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ ra phán quyết về vụ « 11 nhà hoạt động nhân quyền Istanbul », bị cáo buộc « khủng bố ». Bốn người bị kết tù. Tổ chức Ân Xá Quốc Amnesty International lên tiếng phản đối.

Trả lời RFI, bà Katia Roux, thuộc Ân Xá Quốc Tế, theo dõi vụ này, cho biết : phán quyết của tòa là «  hết sức bất ngờ và hoàn toàn phi lý ». Theo bà, vụ xét xử kéo dài ba năm nay hoàn toàn mang tính dàn dựng ngay từ đầu, nhằm kết án các bị cáo, mục tiêu của chính quyền « bịt miệng mọi tiếng nói độc lập », với động cơ chính trị.

Trong số hai người bị kết án có hai cựu lãnh đạo của Ân Xá Quốc Tế tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cựu giám đốc Ân Xá Quốc Tế bị kết án hơn 6 năm tù, vì bị cáo buộc «  tham gia »  vào một nhóm khủng bố. Còn một vị nữ lãnh đạo khác bị kết án hơn 2 năm tù vì « giúp đỡ » khủng bố.

Hiện tại, những người kết án chưa bị bắt giam, trong thời gian chờ đợi tiến hành hết các thủ tục khiếu nại pháp lý. Vụ án 11 nhà hoạt động Istanbul diễn ra trong bối cảnh chính quyền của tổng thống Erdogan gia tăng đàn áp xã hội dân sự, kể từ sau vụ đảo chính hụt năm 2016.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200704-%C3%A2n-x%C3%A1-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-l%C3%AAn-%C3%A1n-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-k%E1%BA%BFt-%C3%A1n-t%C3%B9-4-nh%C3%A0-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n

 

Tham vọng của Trung Quốc :

Mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình ở châu Á

Thanh Hà

Xung đột biên giới Ấn – Trung, lấn chiếm Biển Đông và siết chặt gọng kềm an ninh với Hồng Kông : ba dấu hiệu thể hiện Trung Quốc đang đầy tự tin, không còn « kềm chế » để sử dụng vũ lực. Đó là mối nguy lớn nhất đe dọa hòa bình và ổn định tại toàn châu Á.

Trong bài viết Three reasons China’s increasing assertiveness is a threat to Asia’s long-standing peace and stability (Ba lý do Trung Quốc lớn mạnh là mối đe dọa lâu dài cho hòa bình và ổn định ở châu Á) đăng trên South China Morning Post ngày 07/04/2020, giáo sư Allen Carlson, đại học Mỹ Cornell chuyên nghiên cứu về quan hệ Mỹ – Trung, Trung Quốc và khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng những động thái hung hăng của Trung Quốc trên ba hồ sơ vừa nêu là « một bước ngoặt » đối với hòa bình và ổn định của châu Á. Tình hình có thể còn « tệ hơn thế nữa ».

Theo ông Allen Carlson, Covid-19 và những tác động về kinh tế, xã hội và y tế kèm theo không là yếu tố duy nhất đẩy châu Á « đến bên bờ vực thẳm ». Thay đổi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh còn quan trọng hơn nhiều và có nguy cơ khép lại thời kỳ mà châu Á được yên ổn phát triển kể từ sau chiến tranh lạnh.

Mới chỉ cách đây vài năm những tiếng chuông báo động về một kịch bản tham vọng lấm chiếm biển đảo của Trung Quốc dẫn đến xung đột ở Biển Đông và Hoa Đông, được cho là « quá đáng » và đây chỉ là quan điểm của một số ít các nhà nghiên cứu.

Trung Quốc không còn « tự kềm chế »

Tình hình đã thay đổi hoàn toàn trong những tuần lễ gần đây. Xung đột ở biên giới Ấn -Trung dù đã được lắng dịu, viễn cảnh chiến tranh ở biên giới tạm thời được xua tan, nhưng theo giáo sư Carlson,

cuộc giao tranh nói trên là một « bước ngoặt quyết định » trong quan hệ chẳng những giữa Bắc Kinh  và New Delhi mà còn ảnh hưởng cả đến toàn châu Á. Trung Quốc không còn kềm chế sử dụng vũ lực nữa.

Điểm nhạy cảm thứ nhì là Biển Đông : Trung Quốc tăng tốc thâu tóm vùng biển này. Đây là một sự chuẩn bị « từ nhiều năm qua » khi Bắc Kinh « cải thiện, mở rộng và tăng cường » đáng kể khả năng can thiệp của các lực lượng hải quân. Đó là chưa kể tới chiến lược xây dựng cơ sở trên các đảo tại những vùng có tranh chấp để đặt thế giới trước « chuyện đã rồi ».

Một lần nữa giáo sư Carlson cho rằng ngay cả trên hồ sơ Biển Đông, Tập Cận Bình cũng đã « hết kềm chế » : Bắc Kinh  không còn dè dặt mà đã « thẳng thừng bác bỏ những khẳng định chủ quyền của Việt Nam và Philippines trong các vùng biển có tranh chấp », « mạnh mẽ chống đối Hoa Kỳ thị uy trong vực ». Hậu quả kèm theo là « căng thẳng tại Đông Nam Á gia tăng ».

Dấu hiệu thứ ba cho thấy Trung Quốc thách thức cộng đồng quốc tế là việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh Hồng Kông : đạo luật vừa được ban hành báo trước « Tập Cận Bình không tuân thủ luật chơi mà những người tiền nhiệm của ông đã từng chấp nhận » và sẽ « năng động hơn những thế hệ lãnh đạo trước rất nhiều để dập tắt mọi mối đe dọa ». Trong bối cảnh đó, theo giáo sư Mỹ, Allen Carlson, « khó tránh khỏi viễn cảnh xung đột leo thang giữa Bắc Kinh với Đài Bắc » khi mà Đài Loan quyết tâm độc lập với Hoa Lục .

Kịch bản tai hại cho châu Á thêm cận kề

Trên cả ba hồ sơ từ biên giới Ấn – Trung đến Biển Đông hay Hồng Kông đều cho thấy « kịch bản tai hại cho châu Á thêm cận kề ». Tình hình sẽ thực sự xấu đi thêm nữa dưới ba điều kiện :

Thứ nhất là tranh chấp Mỹ – Trung không chỉ dừng lại ở một cuộc « đấu khẩu » nữa mà hai ông khổng lồ thế giới này đang lao vào một cuộc đọ sức quân sự ở Biển Đông.

Thứ hai là Biển Hoa Đông dậy sóng vì tranh chấp Nhật – Trung tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Thứ Ba là Trung Quốc mạnh tay dùng luật an ninh quốc gia để tiêu diệt mọi tiếng nói bất đồng ở Hồng Kông và nhất là mở thêm một mặt trận ở eo biển Đài Loan.

Trong chảo lửa chỉ chực chờ bùng lên bất cứ lúc nào như vậy, giáo sư Carlson đại học Cornell, Hoa Kỳ kết luận : với ngần ấy dấu hiệu báo trước, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như châu Á bị đẩy xuống vực thẳm.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200704-tham-v%E1%BB%8Dng-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-m%E1%BB%91i-nguy-l%E1%BB%9Bn-nh%E1%BA%A5t-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-ch%C3%A2u-%C3%A1

 

Triều Tiên khốn đốn đến mức phải huy động

kho lương thực dự trữ quốc gia,

người nhà quan chức cũng phải chịu đói

Bình luậnĐông Phương

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán vẫn đang lan rộng khắp thế giới, gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của nhiều quốc gia và khiến các nước không dám nới lỏng chính sách biên giới của mình. Người đào thoát khỏi Triều Tiên và từng là nhà ngoại giao của Triều Tiên tiết lộ rằng, Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới Triều Tiên – Trung Quốc từ sớm để ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, nhưng vì nền kinh tế dân sinh bị phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc nên Triều Tiên vẫn bị ảnh hưởng nặng và dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, cuối cùng đành phải tạm ngừng phân phối gạo trắng cho gia đình của các quan chức Đảng Lao động.

Vài ngày trước, ông Ko Young-hwan, cựu Phó giám đốc của Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc và là người đào thoát khỏi Triều Tiên, đã nói với tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản rằng, gia đình của các cán bộ Đảng Lao động Triều Tiên và các cán bộ quân sự ở trung tâm Bình Nhưỡng đã không nhận được gạo phân phối kể từ khoảng sau tháng 3.

Ông nói rằng, chính quyền chỉ ngừng cung ứng cho gia đình của các quan chức, còn bản thân các quan chức vẫn có thể được lĩnh nhận, tuy nhiên chính vì thế mà họ đã phải huy động đến kho lương thực dự trữ quốc gia được chuẩn bị cho thời chiến. Dưới ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Triều Tiên

đã nhanh chóng áp dụng chính sách bế quan toả cảng, nhưng lương thực và nhu yếu phẩm hàng ngày của họ lại thiếu trầm trọng, và nguồn cung chỉ bằng 1/3 năm ngoái.

Ông Ko Young-hwan đề cập rằng, nếu bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát trở lại trên diện rộng, Triều Tiên sẽ không thể mở cửa biên giới, e rằng họ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thể chế. Nếu mức độ bất bình trong nội bộ tăng cao, dự kiến ​​Bình Nhưỡng có khả năng sẽ gây hấn với các quốc gia khác để dập tắt sự bất mãn của người dân trong nước.

Theo phân tích của ông Ko, gần đây Triều Tiên nhận định Hàn Quốc là nước thù địch, chủ yếu là do Bình Nhưỡng xảy ra hỗn loạn, và vì để chuyển hướng sự tức giận của người dân đối với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sang Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nên chính quyền Bình Nhưỡng đã cao giọng công kích Hàn Quốc.

Tầng lớp ưu tú của Bình Nhưỡng: Vì vũ khí hạt nhân mà làm cả nước chết đói sao?

Có tin đồn rằng Triều Tiên vì bị trừng phạt kinh tế, thêm vào đó là chịu ảnh hưởng của dịch viêm phổi của Vũ Hán, nên những người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng đã không nhận được vật tư phân phối của chính phủ trong 3 tháng liên tiếp, thậm chí có người dân ở các thành phố như Chongjin, Hamhung, v.v đã chết đói trên đường. Hoàn cảnh khốn khổ do suy thoái kinh tế có thể được ví như “Nạn đói Bắc Triều Tiên” những năm 90. Ngay cả tầng lớp ưu tú sống ở Bình Nhưỡng cũng đặt câu hỏi rằng, liệu có cần thiết phải vì phát triển vũ khí hạt nhân rồi bị quốc tế trừng phạt mà khiến cho cả nước chết đói không? Việc này dường như đã đe dọa nghiêm trọng đến uy tín của Kim Jong-un.

Theo điều tra, hầu hết cư dân sống ở Bình Nhưỡng là lãnh đạo cấp cao của đảng, chính phủ, quân đội và gia đình của họ. Họ từ lâu đã được chính phủ chăm sóc đặc biệt và thậm chí còn được gọi là “Cộng hòa Bình Nhưỡng”. Nếu ngay cả lòng dân ở thủ đô cũng xáo động thì đây có lẽ sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc duy trì chế độ của Kim Jong-un.

Người dân chỉ ăn hai bữa mỗi ngày hoặc tệ hơn

Hôm 9/6, chuyên gia của Tổ chức Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng đã tồn tại từ lâu ở Triều Tiên; và vào đầu năm nay, vì để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, họ đã đóng cửa biên giới Triều Tiên – Trung Quốc, do đó tình trạng trên lại càng phổ biến và nghiêm trọng. Vị chuyên gia này nói rằng: “Hiện tại, Triều Tiên đang có người chết đói”.

Ông Tomas Ojea Quintana, một nhân viên báo cáo của Tổ chức nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên, cho biết kể từ khi Triều Tiên đóng cửa biên giới Trung – Triều, không có trường hợp viêm phổi Vũ Hán nào được báo cáo, và cho đến nay nước này vẫn tuyên bố là quốc gia “không có người nhiễm bệnh”. Vào tháng 3 và tháng 4, thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên giảm 90%, dẫn đến thu nhập của người dân biên giới giảm mạnh và ảnh hưởng đến sinh kế trong nước.

Ông Quintana tiết lộ rằng, có báo cáo cho thấy rất nhiều thành phố lớn ở Bắc Triều Tiên ngày càng xuất hiện nhiều người vô gia cư, ngoài ra giá thuốc men cũng tăng vọt. Ngày càng có nhiều gia đình chỉ ăn hai bữa một ngày hoặc chỉ ăn ngô, hiện đang xuất hiện tình trạng có người bị chết đói.

Đông Phương

https://www.ntdvn.com/the-gioi/trieu-tien-khon-don-den-muc-phai-huy-dong-kho-luong-thuc-du-tru-quoc-gia-nguoi-nha-quan-chuc-cung-phai-chiu-doi-50559.html

 

Đài Loan mở lại văn phòng

được xem như là tòa lãnh sự

trên đảo Guam có vị trí chiến lược của Hoa Kỳ

Tin từ Đài Bắc, Đài Loan – Vào hôm thứ Sáu (3/7), Đài Loan cho biết họ sẽ mở lại văn phòng được xem như là tòa lãnh sự  của họ tại đảo Guam, một hòn đảo có vị trí chiến lược của Hoa Kỳ với một căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, một phần của thế giới nơi Trung Cộng đang đẩy mạnh tầm với ngoại giao. Trung Cộng đang thách thức tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, một khu vực mà Hoa Kỳ xem là sân sau kể từ Thế chiến thứ hai.

Hồi năm ngoái, Trung Cộng mua chuộc các đồng minh Đài Loan ở Thái Bình Dương bằng cách lấy lòng Kiribati và Quần đảo Solomon. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết việc mở lại Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại đảo Guam, sau khi đóng cửa vào năm 2017 vì lý do ngân sách, là một phản ứng để cải thiện quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ và tầm quan trọng chiến lược của khu vực Thái Bình Dương.

Trung Cộng xem Đài Loan là lãnh thổ của riêng họ và không có quyền thiết lập quan hệ các mối quan hệ quốc gia. Bốn trong số 15 đồng minh còn lại của Đài Loan đều ở Thái Bình Dương – Palau, Nauru, Tuvalu và Quần đảo Marshall. Các quốc gia nhỏ đang phát triển này nằm trong vùng biển có tính chiến

lược cao, và Hoa Kỳ và những đồng minh như Úc đang ngày càng trở nên lo ngại bởi các hành động của Trung Cộng nhằm mở rộng dấu chân của họ ở đó.

Đài Bắc và Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Hoa Kỳ là quốc gia ủng hộ Đài Loan quyết liệt nhất trên trường quốc tế, và đây một nguồn căng thẳng khác giữa Washington và Bắc Kinh. (BBT)

https://www.sbtn.tv/dai-loan-mo-lai-van-phong-duoc-xem-nhu-la-toa-lanh-su-tren-dao-guam-co-vi-tri-chien-luoc-cua-hoa-ky/

 

Hong Kong:

Trung Quốc có nguy cơ ‘xôi hỏng, bỏng không’

Luật an ninh quốc gia cho Hong Kong có thể khiến Trung Quốc sẽ tự chuốc lấy nhiều mối hại hơn là có lợi, theo nhận định của một số nhà quan sát Việt Nam.

Kiểm duyệt của Trung Quốc bóp nghẹt báo chí Hong Kong thế nào?

Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong

Hong Kong: Ít phút sau khi luật an ninh được thông qua, các gương mặt dân chủ từ chức

Từ Hà Nội, cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà nghiên cứu Trung Quốc, bà Nguyễn Nguyên Bình nói với BBC:

“Việc mà Trung Quốc thay đổi chính sách này là do tại chính Trung Quốc chứ không phải tại nhân dân Hong Kong, khi đưa ra luật dẫn độ, thì họ đã dần dần biến Hong Kong từ lời hứa về một quốc gia, hai chế độ, với các luật dần dần được đưa vào, đã biến Hong Kong trở thành ‘một quốc gia, một chế độ’ chứ làm gì còn là hai nữa.”

“Tôi nghĩ rằng cái này sẽ gây chính sự thiệt thòi cho Trung Quốc, tại vì Trung Quốc muốn Hong Kong là một trung tâm tài chính, rồi trung tâm thương mại để thu hút những giao lưu tài chính, thương mại thì Trung Quốc có lợi.

“Nhưng Trung Quốc bây giờ một mặt lại muốn là quản lý giống như là trên lục địa, thế thì rõ ràng là Trung Quốc quá tham vọng tức là cái việc gì cũng muốn, thế cho nên có nguy cơ rất cao là xôi hỏng mà bỏng cũng không.

“Thế giới và khu vực từ nay sẽ càng suy nghĩ khác về Trung Quốc, như dân Đài Loan đã nói rồi rằng càng đối xử với Hong Kong như thế, thì người ta sẽ càng không tán thành việc ‘về với Trung Quốc’ theo mô hình mà Trung Quốc lâu nay nói là ‘một quốc gia, hai chế độ’ đó, và nay không bao giờ họ chịu trở về với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng con người, cũng như quốc gia, khi quá tham vọng, tham vọng chồng thêm tham vọng thì có thể sẽ trở nên mù quáng và sẽ không còn có thể phân biệt được giới hạn, mức độ nữa. Bây giờ Trung Quốc bộc lộ quá nhiều tham vọng, cái gì cũng muốn vơ vét cho mình thì thế giới bây giờ càng ngày càng mất lòng tin vào họ.

‘Hoàn toàn tước đoạt’

Từ Sài Gòn, nhà báo tự do, nhà hoạt động Sương Quỳnh bình luận với BBC:

“Theo tôi luật an ninh quốc gia với Hong Kong mà Trung Quốc vừa đưa ra đã hoàn toàn tước đoạt quyền tự chủ của nhân dân Hong Kong, do đó ngay lập tức kèm với những vụ bắt bớ hàng trăm người trên thực tế ngay từ hôm 01/7 và có thể sẽ không ngừng lại, đã làm cho người dân Hong Kong hoàn toàn bị mất đi quyền dân chủ của mình, không còn như những gì Trung Quốc đã ký kết với Anh quốc về “một quốc gia, hai chế độ.”

“Từ Việt Nam, với nhãn quan của giới hoạt động dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự, tôi thấy rằng mặc dù những bất lợi đang diễn ra với các phong trào ở Hong Kong, người Việt Nam vẫn có thể học hỏi được tinh thần kiên cường và tinh thần trường kỳ đấu tranh, liên tục đấu tranh bền bỉ, ngoài ra họ rất phong phú về những hình thức biểu tình, đấu tranh, trong đó có việc họ liên tục tận dụng quốc tế, đưa vấn đề ra quốc tế, để tạo áp lực liên tục từ bên ngoài, rồi họ biết cách kêu gọi các nước khác hiệp thông, đoàn kết và ủng hộ họ.”

“Do đó, mặc dù có thể đã, đang và sẽ còn bị đàn áp, họ sẽ vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của khu vực và thế giới”.

‘Hành xử độc tài’

Từ Paris, hôm 02/7, nhà báo tự do Tường An bình luận với một thảo luận trực tuyến trên Facebook của BBC News Tiếng Việt:

“Chúng ta thấy đây là một hành xử rất độc tài đối với Hong Kong của nhà cầm quyền Trung Quốc. Cách đây hơn một tháng Mỹ đã đưa ra đã cảnh báo đưa ra những biện pháp đối với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh thông qua và áp dụng đạo luật mới này.

“Nhưng mà dường như là Trung Quốc tỏ ra không e sợ Mỹ, cho nên mặc dù những lời đe dọa đó, một tháng sau, Trung Quốc vẫn đưa ra một đạo luật mà phải nói là rất đau buồn cho Hong Kong, đau buồn cho cả thế giới tự do, dân chủ…

“Việc Trung Quốc đưa ra đạo luật mới này thì hoàn toàn phản lại đạo luật cơ bản đối với Hong Kong mà Trung Quốc đã ký với Anh quốc cách đây 23 năm… mặc dù nhiều đảng phái, các nhóm hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Hong Kong đã đang phải giải thể để tránh trở thành đối tượng bị trừng phạt của đạo luật do Bắc Kinh đưa ra, thì tôi vẫn hy vọng đâu đó sẽ tái xuất hiện những nhà hoạt động để họ khôi phục lại cuộc đấu tranh quan trọng này.”

Từ Berlin, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng nói với tọa đàm này về việc vì sao thế giới quan tâm tới Hong Kong, ông nói:

“Tôi không cho rằng từ trước đến nay các nước trên thế giới chỉ nước nào thì biết nước đó…, bởi vì việc cạnh tranh giữa các mô hình xã hội, cạnh tranh về mặt kinh tế luôn luôn xảy ra, cạnh tranh bao gồm việc chứng minh phần ưu việt của mình, đồng thời chỉ thấy rõ phần yếu của đối thủ.

“Trung Quốc bây giờ đang trên đà lấn lướt, Trung Quốc bây giờ có thể nói là đặt tất cả lên bàn, gọi là chơi bài ngửa, khi mà họ đã có thời gian dài thu mình lại, thì tất cả các nước khác cũng phải thể hiện mình và cũng phải có tác động thế nào đó để xu hướng của Trung Quốc không lấn át xu hướng của thế giới, phương Tây, thành ra châu Âu vì sao xa vời thế mà vẫn quan tâm đến Hong Kong.

“Người ta không muốn một mô hình xã hội nào đó mà người ta thấy không phù hợp mà có cơ hội lan tỏa khắp thế giới, và điều này chúng ta đã thấy thời Chiến tranh lạnh ngày xưa đã có và tuy bây giờ Chiến tranh lạnh không còn, nhưng các cường quốc vẫn có một chính sách như vậy đối với cả thế giới.

“Họ dùng những gì họ đang có, sức mạnh hay cái thô bạo của họ, nhưng đường hướng về lâu dài, căn bản để mà họ thu phục lòng người thì tôi chưa thấy.”

‘Quan sát chăm chú’

Từ Hà Nội, nhà hoạt động xã hội dân sự, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC về quan tâm của giới hoạt động dân chủ, nhân quyền và dân sự ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một so sánh:

“Vấn đề Hong Kong hiện nay là một chỉ dấu, thông tin, sự kiện mà các giới hoạt động dân chủ, tự do, nhân quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam quan sát để người ta đón nhận như những ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài vào Việt Nam…

“Có thể ở Việt Nam, việc phải đối đầu với Trung Quốc có lẽ đã từ lâu rồi, người Việt Nam có lẽ có nhiều kinh nghiệm hơn người Hong Kong.

“Nhưng mà người Hong Kong lại có sự tiến bộ về mặt xã hội ủng hộ cho phong trào của họ, cũng như là điều kiện về mặt vật chất, về tài lực, về con người thì họ dồi dào hơn là ở Việt Nam rất nhiều, cho nên những bước đi của họ nhanh hơn tiến trình đấu tranh ở Việt Nam”.

Cũng trong dịp này, hôm 03/7, hai nhà quan sát thời sự và chính trị khu vực đã chia sẻ đánh giá và tiếp theo là dự phóng của mình về vấn đề Hong Kong, liên quan chính trị Trung Quốc trong tầm nhìn khu vực và quốc tế.

Từ Sài Gòn, luật gia Hoàng Việt nói:

“Tôi cho rằng chắc chắn Trung Quốc đã tính toán kỹ việc thông qua luật an ninh ở Hong Kong như vậy. Và tính toán thì sẽ có mặt lợi và hại. Lợi là Trung Quốc đạt được các mục tiêu của mình. Hại là Trung Quốc sẽ gặp phản ứng từ các quốc gia trên thế giới

“Vấn đề Hong Kong theo tôi sẽ có nhiều cách nhìn khác nhau. Có thể coi vấn đề Hong Kong thể hiện quan điểm khác biệt giữa Trung Quốc và phương Tây về các giá trị phổ quát như tự do và dân chủ. Nhưng cũng có thể đánh giá vấn đề Hong Kong nằm trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Theo đó thì ta có thể dự đoán rằng chừng nào cuộc thư hùng Mỹ – Trung kết thúc thì vấn đề Hong Kong mới có thể được giải quyết.”

Còn từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện này nêu quan điểm:

“Luật an ninh Hong Kong, thực chất là sự phá bỏ chính sách một nước, hai chế độ mà Trung Quốc đã cam kết với Anh quốc. Phá bỏ cam kết đó, là phá bỏ một cam kết pháp lý quốc tế. Dù vậy, Trung Quốc vẫn cho rằng luật an ninh Hong Kong vẫn duy trì chính sách một nước, hai chế độ – đây là một hành xử bất chấp tất cả, đối đầu với cả thế giới văn minh.

“Tóm lại, tôi cho rằng Bắc Kinh quyết tâm bỏ chính sách một nước, hai chế độ đối với Hong Kong, và Hong Kong sẽ sớm trở thành một phần địa lý đồng nhất như các phần địa lý khác của Trung Quốc. “

Quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi cuộc hội luận hôm thứ Năm, 02/7/2020, trên Facebook của BBC News Tiếng Việt, trong đó có nội dung ở phần đầu bình luận về vấn đề Hong Kong.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53291836

 

Chính quyền thành phố cấm khẩu hiệu

“cách mạng Hồng Kông” –  một người biểu tình

lái xe gắn máy với khẩu hiệu

giải phóng Hồng Kong  đâm vào cảnh sát

Tin từ Hồng Kông – Chính quyền Hồng Kông đã cấm một khẩu hiệu quan trọng được hàng trăm nghìn người biểu tình hô vang, quyết định mới nhất cho thấy chính quyền có kế hoạch sử dụng luật an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh soạn thảo để thực thi các giới hạn về tự do ngôn luận.

Trong tuyên bố hôm thứ Năm (02/07/2020), chính quyền Hồng Kông cho biết khẩu hiệu “Giải phóng Hồng Kông! Cách mạng thời đại của chúng ta!” hiện đã là bất hợp pháp dựa trên luật cấm ly khai, khủng bố, đảo chính và thông đồng với các lực lượng nước ngoài.

Với mức án tù có thể lên tới tù chung thân, luật an ninh quốc gia mới chỉ được công khai khi nó có hiệu lực vào cuối ngày thứ Ba (30/06/2020). Trước đó vào hôm thứ Năm (02/07/2020), chính quyền Hồng Kông đã nói rằng khẩu hiệu “độc lập Hồng Kông” đã trở thành khẩu hiệu bất hợp pháp, mà không nói rõ liệu lệnh cấm đó cũng có áp dụng cho khẩu hiệu “Giải phóng Hồng Kông!” hay không.

Vào hôm thứ Sáu 3 tháng 07, cảnh sát Hồng Kong cho biết anh Tong Ying-kit, 23 tuổi đã bị bắt khi anh cầm biểu ngữ “Giải Phóng Hồng Kong” và lái xe gắn máy đâm vào cảnh sát.

Đoạn video ghi lại hình ảnh một một chiếc xe gắn máy chạy tốc độ cao, đâm vào một nhóm cảnh sát. Nghi can là anh Tong Ying-kit đã té ngã và bị bắt.  Anh đã bị truy tố tại tòa án vào cùng ngày, chưa đầy 24 giờ sau khi chính quyền thành phố nói khẩu hiệu “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” bao hàm chủ nghĩa ly khai hoặc lật đổ theo luật mới. (BBT)

https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-thanh-pho-cam-khau-hieu-cach-mang-hong-kong-mot-nguoi-bieu-tinh-lai-xe-gan-may-voi-khau-hieu-giai-phong-hong-kong-dam-vao-canh-sat/

 

Kế hoạch chạy trốn của quan chức TQ đang lâm nguy

Một nhà bình luận nói rằng: “Các quan lớn đã phí công một hồi… Ngày tốt lành của họ sắp chấm dứt rồi!”

Việc gấp rút ra Luật an ninh phiên bản Hồng Kông của Trung Quốc đã gây ra một phản ứng dữ dội trên thế giới. Hoa Kỳ đã bắt đầu các biện pháp trừng phạt, trong đó đáng chú ý nhất là nhắm tới việc đóng băng tài sản các quan chức Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Một số học giả đại lục từng tiết lộ rằng các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã che giấu một “kế hoạch đắm tàu”, chuẩn bị sẵn con đường trốn chạy khi ĐCSTQ lụi tàn. Một số nhà phân tích nói rằng một khi dùi cui tài chính của Hoa Kỳ vung lên, tất cả các quỹ chuẩn bị cho vụ đắm tàu của ĐCSTQ ở nước ngoài đều sẽ bị đóng băng hoặc thậm chí bị tịch thu bởi Hoa Kỳ. Các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đang bận rộn!

Truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin Hạ viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua “Đạo luật tự trị Hồng Kông” (còn được gọi là “Đạo luật trách nhiệm Hồng Kông”) vào ngày 2/7. Dự luật sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng tiến hành kinh doanh với các quan chức chịu trách nhiệm đối với việc phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông.

Vào ngày đầu tiên ban hành Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông (1/7), Tòa Bạch Ốc đã ban hành một tuyên bố lên án nghiêm khắc hành vi vi phạm các cam kết quốc tế của ĐCSTQ và tuyên bố sẽ hành động mạnh mẽ, “đả kích việc bóp chết tự do và tự trị của Hồng Kông”.

Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tuyên bố vào ngày 29/6 rằng họ sẽ thu hồi tình trạng đặc biệt của Hồng Kông và đình chỉ thực hiện các quy định ưu đãi đối với Hồng Kông, bao gồm cả việc miễn giấy phép xuất khẩu.

Ngày 26/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức ĐCSTQ trước đây và hiện tại đã vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông.

Ngày 10/6, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành một báo cáo chiến lược an ninh quốc gia, bàn tới các lệnh trừng phạt của các quan chức Bắc Kinh, bao gồm các quan chức chịu trách nhiệm về các vấn đề của “Mặt trận Thống nhất” Hồng Kông, nhắm thẳng vào tầng lớp cao nhất của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ như Hàn Chính và Uông Dương. Ngoài ra, một số quan chức cấp cao cũng đã được nêu tên.

Đây là lệnh trừng phạt cứng rắn và đầy đủ nhất do Quốc hội Hoa Kỳ đề xuất để đối phó ĐCSTQ. Báo cáo khuyến nghị rằng các biện pháp trừng phạt có thể được dựa trên Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky. Đạo luật này cho phép chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng, bao gồm cấm nhập cảnh, đóng băng và cấm giao dịch tài sản tại Hoa Kỳ.

Và vào thời điểm nhạy cảm khi Hoa Kỳ có ý định trừng phạt cấp cao nhất của ĐCSTQ, Hàn Chính, thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, đã bị phơi bày về việc sở hữu hàng tỷ đô la tài sản.

Chính trị gia Đài Loan Trần Chiêu Nam ngày 15/6 đã công bố một bài báo có chữ ký cho biết rằng Hàn Chính đang giấu khối tài sản lên tới 3,1 tỷ đô la ở Hoa Kỳ. Đồng thời, Hạ Bảo Long, Lạc Huệ Ninh, Trần Quốc Toàn, Ngô Anh Kiệt, Triệu Khắc Chí và những người khác đều được liệt kê trong danh sách thành viên câu lạc bộ 100 triệu đô la Mỹ.

Bài báo nói rằng một danh sách nhiều quan chức cấp cao của ĐCSTQ và người thân của họ ở Hoa Kỳ và danh sách tài sản đang được lưu hành trên Internet. Theo tin đồn, tổng tài sản của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã lên tới 500 tỷ đô la Mỹ, Secretchina cho hay.

Đây cũng không phải một thông tin đáng kinh ngạc, theo “Tài liệu Panama” 2016, những gia đình có ảnh hưởng kinh tế và chính trị của ĐCSTQ đều sở hữu các công ty nước ngoài, họ bao gồm cả các thành viên cũ và còn đang đương nhiệm của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Trước đó vào năm 2012, truyền thông Hồng Kông đã trích dẫn dữ liệu thống kê từ các cơ quan chính thức của ĐCSTQ cho thấy 90% người thân của các thành viên Ủy ban Trung ương đã di cư ra nước ngoài.

Tân Tử Lăng, một học giả đại lục cũng tiết lộ rằng trước Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ lần thứ 18, một cuộc khảo sát đã được tiến hành trong nội bộ đảng cho thấy, hơn 85% trong số họ đã chuẩn bị cho việc “đắm tàu” của ĐCSTQ như định cư nước ngoài, mua nhà.

Liên quan đến việc ĐCSTQ thúc đẩy phiên bản Hồng Kông của Luật An ninh Quốc gia, học giả tài chính có tên “Lãnh nhãn tài kinh” gần đây đã đăng trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng, dùi cui tài chính của Hoa Kỳ đã vung lên, tất cả các quỹ của “kế hoạch đắm tàu” của ĐCSTQ ở nước ngoài sẽ bị đóng băng hoặc thậm chí bị Hoa Kỳ tịch thu. “Các quan lớn đã phí công một hồi, ngoan cố chống cự, cực kỳ hiếu chiến, chính là nói các quan chức tham lam và quan liệu ĐCSTQ! Ngày tốt lành của họ sắp chấm dứt rồi!”

Giới phân tích tin rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ tăng lên. Tình trạng thương mại đặc biệt của Hồng Kông về cơ bản đã biến mất bằng cách loại bỏ việc miễn giấy phép xuất khẩu cho Hồng Kông và hạn chế xuất khẩu công nghệ quân sự dân dụng. Bước tiếp theo là xử phạt tài chính và đóng băng tài sản chính thức.

“Lãnh nhãn tài kinh” nói rằng gần nhất là việc Hoàng Kỳ Phàm và Phương Tinh Hải, Phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, đã nói về việc thoát khỏi sự phong tỏa tài chính của Mỹ và tách rời khỏi hệ thống SWIFT. Họ sợ đóng băng tài sản và đang tìm lối thoát cho số lượng lớn tài sản ở nước ngoài của các gia tộc ĐCSTQ. Cho dù đó là quốc tế hóa nhân dân tệ, nắm giữ vàng, hoán đổi tiền tệ hoặc tiền kỹ thuật số, tất cả các nỗ lực này là nhằm thoát khỏi sự kiểm soát đồng đô la, nhưng đều thất bại! “Kế hoạch đắm tàu” trị giá 10 nghìn tỷ đô la của ĐCSTQ sẽ được Hoa Kỳ đưa lên bờ.

Trên thực tế, từ năm 2018, ông Trump đã bắt đầu xử lý các quan chức cấp cao của Trung Quốc và gây ra sự hoảng loạn trong cao tầng chính trị Trung Quốc. Vào ngày 20/9 năm đó, chính phủ Hoa Kỳ bất ngờ tuyên bố trừng phạt Trung tướng Lý Thượng Phúc, Giám đốc Cục Phát triển Thiết bị CMC, đóng băng tài sản quân bị và tài sản của Lý Thượng Phúc trong khu vực tài phán của Hoa Kỳ, đồng thời hạn chế quyền truy cập vào thị trường tài chính toàn cầu thông qua hệ thống tài chính Hoa Kỳ và cấm cấp thị thực Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, phản ứng của Bắc Kinh chống lại động thái của Hoa Kỳ mạnh mẽ đến mức đáng kinh ngạc. Họ đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc và đưa ra cái gọi là “nghiêm chính giao thiệp”, họ cũng triệu tập tùy viên quân sự của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, và thậm chí ngay lập tức triệu hồi tư lệnh hải quân Thẩm Kim Long, hoãn cuộc họp về cơ chế đối thoại giữa Bộ tham mưu Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Một số người nói nỗi lo lắng của Bắc Kinh và biện pháp mạnh của ông Trump giống như “Hạng Trang múa kiếm, ý tại Bái Công”. “Bái Công” ở đây là gia đình quyền lực của các cấp cao trong ĐCSTQ. Nếu cuộc chiến thương mại này tiếp tục xấu đi, ông Trump có thể sẽ công khai tên và tài sản của họ. Không ai trong ĐCSTQ dám đảm bảo rằng, một khi Mỹ tuyên bố tài sản của các quan chức Trung Quốc ở Mỹ, sẽ không kích hoạt cơn sóng thần long trời lở đất ở Trung Quốc.

Về “kế hoạch đắm tàu” của ĐCSTQ, học giả chính trị Trung Quốc Trần Vĩnh Miêu đã tiết lộ nó từ năm 2016.

Tháng 11/2016, một bái báo của Trần Vĩnh Miêu được xuất bản trên tạp chí “Năng động” có tiêu đề “Các quan chức cấp cao che giấu các chính sách độc hại”. Theo đó, tiết lộ rằng có một “kế hoạch đắm tàu” được ẩn giấu giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ. Đối nội tăng cường phá hủy, cướp bóc, đối ngoại rải tiền lấy lòng, cải thiện ngoại giao, chuẩn bị các điều kiện sống tốt ở nước ngoài cho các chức sắc. Hóa ra tiền của nhân dân đã được sử dụng để mở đường cho các quan chức.

Tuy nhiên, “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ trong thời gian gần đây đã khiến thế giới thức tỉnh, đặc biệt là việc thúc đẩy cưỡng chế luật pháp tàn ác đối với Hồng Kông, giới quan sát tin rằng kế hoạch đắm tàu của ĐCSTQ đã bị lung lay.

http://biendong.net/bi-n-nong/35612-ke-hoach-chay-tron-cua-quan-chuc-tq-dang-lam-nguy.html

 

Trung Quốc đang phải trả giá đắt: TikTok mất 6 tỷ USD

doanh thu, doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm cửa

trong các dự án giao thông tại Ấn Độ

Bình luậnTâm Minh

Lần này không phải là Hoa Kỳ, mà là Ấn Độ đang gây đau đầu cho một số công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, sau một cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng tuần tại biên giới chung của hai nước ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Cuộc đụng độ dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ của Ấn Độ trên “con đường tơ lụa công nghệ” – sự xâm lược mềm của Trung Quốc tại nước này.

New Delhi đã đáp trả vào đầu tuần này bằng cách cấm 59 ứng dụng Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng chia sẻ video TikTok cực kỳ phổ biến, với hơn 120 triệu người dùng địa phương. Giờ đây, một người trong cuộc tại công  ty mẹ TikTok, ByteDance, đã nói với Caixin rằng lệnh cấm có thể đi kèm với một cái giá nặng nề, khiến công ty mất hơn 6 tỷ USD doanh thu – nhiều hơn cả tổn thất kết hợp lại của 58 ứng dụng bị cấm khác.

Ấn Độ là thị trường lớn nhất của TikTok bên ngoài Trung Quốc về số người dùng, nơi dịch vụ này được gọi là Douyin. Ứng dụng đã được tải xuống ở Ấn Độ 611 triệu lần chỉ trong quý đầu tiên của năm nay, gần gấp đôi tổng số lượt tải xuống cho cả năm 2019, theo SensorTower.

Trong khi ByteDance đang cảm thấy đau xót nhất, một ứng dụng Trung Quốc bị cấm khác ở Ấn Độ cũng đang cảm thấy một vố đau sau khi mất đi một trong những người dùng địa phương cao cấp nhất sau lệnh cấm. Động thái đó đã chứng kiến ​​Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hủy tài khoản chính thức của mình trên Weibo, tương đương với Twitter của Trung Quốc, với việc xóa bỏ tiêu đề và hơn 100 bài đăng trong năm năm qua, theo tờ The Hindu của Ấn Độ.

Không chỉ công nghệ, Bộ Giao thông Ấn Độ đã ra quyết định cấm cửa các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng đường cao tốc ở nước này

Bộ trưởng Giao thông Đường bộ và Cao tốc Ấn Độ Nitin Gadkari cho biết các công ty Trung Quốc sẽ không được phép tham gia vào các dự án xây dựng đường cao tốc ở Ấn Độ, bao gồm cả dự án liên doanh.

“Chúng tôi sẽ không cho phép các liên doanh có đối tác Trung Quốc xây dựng đường bộ. Chúng tôi sẽ có lập trường vững chắc nếu họ (các công ty Trung Quốc) núp bóng liên doanh, chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Ngay cả khi chúng tôi phải liên doanh với nước ngoài về công nghệ, tư vấn hoặc thiết kế, chúng tôi sẽ không cho phép người Trung Quốc tham gia”, Bộ trưởng Gadkari nói.

Ông Gadkari, cũng là bộ trưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng tuyên bố chính phủ sẽ đảm bảo rằng các nhà đầu tư Trung Quốc không được chào đón trong các lĩnh vực này.

Tâm Minh

https://www.ntdvn.com/kinh-te/trung-quoc-dang-phai-tra-gia-dat-tiktok-mat-6-ty-usd-doanh-thu-doanh-nghiep-trung-quoc-bi-cam-cua-trong-cac-du-an-giao-thong-tai-an-do-50453.html

 

Tai họa liên tiếp ở TQ:

Vì sao chính quyền gây tội nhân dân lại chịu họa?

Là đại nạn hay cơ hội cho người dân Trung Quốc thức tỉnh, nhận ra bản chất của thể chế đang dẫn dắt mình?

Đại họa, dị tượng liên tục xảy ra

Bắt đầu năm Canh Tý 2020 bằng sự bùng phát đại dịch viêm phổi Vũ Hán, dịch hạch, mưa đá, lốc xoáy, 6 tháng sau, mùa mưa bão năm nay ở Trung Quốc cũng bắt đầu một cách thật khác thường.

Cảnh báo lũ lụt đã đưa ra ngày thứ 31 liên tiếp kể từ 2/6. Theo báo cáo của CCTV, tính đến 26/6, 26 tỉnh, thành ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Số người bị ảnh hưởng lên tới 13,74 triệu người, số người chết, mất tích là 81, số người phải di tản và tái định cư khẩn cấp là 744.000 và hơn 10.000 ngôi nhà bị sập. Thiệt hại kinh tế là 27,8 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, do lịch sử che giấu thông tin của chính quyền Trung Quốc, ngoại giới vẫn đang nghi ngờ về con số thương vong thực tế, theo Secretchina.

Thật kỳ lạ, mưa lũ tập trung quá nhiều vào các khu vực quanh dòng sông Dương Tử vĩ đại, nơi có con đập Tam Hiệp đầy tai tiếng.

Nói tai tiếng, bởi năm 2017, một báo cáo được đăng tải trên trang Futurism chỉ ra rằng, khối lượng nước khổng lồ tích trữ tại đập Tam Hiệp đủ để làm thay đổi chuyển động quay, làm lệch cực từ và biến đổi hình dạng vỏ Trái Đất. Năm 2019, một bức ảnh vệ tinh cho thấy đập bị cong, sau đó ông Vương Duy Lạc, chuyên gia thủy điện sống ở Đức đã tiến hành một nghiên cứu phát hiện, “các vấn đề an toàn và kỹ thuật nghiêm trọng của đập Tam Hiệp vượt xa ước tính ban đầu của tác giả”.

Có thể nói đập Tam Hiệp như quả bom hẹn giờ treo trên đầu dân Trung Quốc. Từ đó đến nay, vấn đề vỡ đập vẫn luôn được quan tâm, nhưng khi mùa mưa lũ năm 2020 bắt đầu một cách kỳ dị, chủ đề này càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Có người đã bình luận, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng ví mình như lửa, sẽ thiêu rụi người biểu tình Hồng Kông, người Hồng Kông sau đó nhắn nhủ nhau “hãy là nước”. Giờ cả Thiên Địa dường như cũng đứng về phía người dân Hương Cảng, tập trung nước vào uy hiếp cái đập kia và hàng trăm triệu dân Trung Quốc.

Ngoài mưa lớn đến rất lớn, như chưa đủ áp lực lên quả bom hẹn giờ nằm giữa Trung Quốc, những trận động đất liên tục xảy ra gần đập Tam Hiệp cũng khiến giới quan sát nín thở lo lắng cho số phận người dân hạ lưu Trường Giang.

Cùng với đó là liên tiếp những dị tượng như mưa đá, tuyết rơi trái mua, giông lốc, vòi rồng, hiện tượng “một giây tối sầm, một giây giông tố”, cùng nguy cơ núi lửa 500.000 năm chưa hoạt động bỗng thức giấc ở phía Bắc, và khả năng bị xâm nhập bởi đàn châu chấu dài 7km từ phía Tây, Trung Quốc đang đối diện với nhiều nguy cơ một cách kỳ lạ.

Nhiều người bình luận, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quá tàn ác, trong lịch sử tồn tại của mình đã liên tục gây tội ác với chính nhân dân của mình và cả thế giới. Những cuộc thanh trừng Tam phản Ngũ phản; Cách mạng Văn Hóa; Vỡ đập Bản Kiều; Thảm sát Thiên An Môn; Kế hoạch sinh đẻ, Vu oan đàn áp, mổ cướp nội tạng Pháp Luân Công; Đàn áp, mổ cướp nội tạng người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng; Che giấu đại dịch SARS; Nổ nhà máy hóa chất Thiên Tân; Tráo trở lật lọng với người Hồng Kông; Giấu giếm dịch bệnh với Thế giới… Vẫn biết nó gây ra biết bao tội ác tày trời, nhưng sao người dân Trung Quốc bị lừa dối và bị cai trị trong vô minh lại phải gánh chịu hậu họa đầu tiên?

Chẳng lẽ đạo Trời bất công?

Đạo Trời thể hiện trong văn hóa truyền thống của chính Trung Hoa vĩ đại đã từng có khái niệm, gọi là “cộng nghiệp”. Là nghiệp lực của cả cộng đồng tạo ra, vì vậy sẽ có hình thức trừng phạt chung, báo ứng cho tất cả những người làm trái với thiên lý. Đây có thể chỉ là một khái niệm chưa chứng minh được, nhưng nó cũng chỉ ra một quan sát tinh tế của người xưa, rằng dân tin theo quan một cách thiếu lý trí, đó cũng là một cái tội.

Dù có bị lừa dối bởi chính quyền, nhưng mau chóng tin theo, không dùng lý trí thanh tỉnh mà nhìn nhận vấn đề, còn về hùa với chính quyền giúp làm vững mạnh thêm sự bịa đặt, vu khống, nhân dân không thể nói mình là hoàn toàn vô tội.

Hoàng đế ra lệnh vô lý, quần thần phối hợp chặt chẽ, chính phủ gấp rút cổ xúy, bách tính nhiệt tình truy cứu, khiến lời nói dối và cuộc bức hại trái với thiên lý như được tiếp thêm sức mạnh. Nhân dân lẽ nào hoàn toàn vô tội?

Trong tác phẩm về Thiên văn học Dịch học: Ất Tỵ Chiêm của Lý Thuần Phong nhiều lần xuất hiện câu nói: “Lấy đặc xá, miễn xá để hóa giải thiên nạn”. Tại sao việc đặc xá thiên hạ, giải quyết án oan lại có thể hóa giải thảm họa. Liệu có phải nguồn gốc của một số loại thiên tai chính là sự trừng phạt của Thần với những án oan lớn tại nhân gian, vì vậy lấy ân xá để hóa giải án oan chính là giải quyết tận gốc của vấn đề, tự nhiên có thể hóa giải được thiên tai tương ứng? Tất nhiên Ất Tỵ Chiêm không nói trực tiếp nguyên nhân, vì người xưa hiểu rằng tiết lộ thiên cơ sẽ bị trời phạt.

Một loại giả thuyết như thế này, nếu không chính xác vì sao vẫn tồn tại trong lịch sử dài đằng đẵng của nhân loại. Không chỉ ở Trung Hoa cổ đại, mà các vua chúa Đại Việt xưa cũng hay dùng cách đặc xá thiên hạ để hóa giải thiên tai, đại nạn. Chẳng phải nếu không có tác dụng, nó sẽ bị lịch sử đào thải hay sao.

Nhưng Ất Tỵ Chiêm cũng nói, chỉ có một số thiên tượng nhất định mới có thể được “giải quyết bằng ân xá”. Oán thán ngút trời từ việc cả một cộng đồng dân chúng, cả một vương triều đều bị lừa mà hùa vào cùng hành ác, thì trong chính lịch sử của Trung Quốc cũng cho thấy, Thiên Địa ắt có biện pháp mà không nương tay.

Trung Hoa hãy nhìn lại bài học trong lịch sử của chính mình

Có người đã dày công nghiên cứu về sự hủy diệt của một vương triều vĩ đại tại mảnh đất Thần Châu, rút ra một kết luận rằng, nhà Minh sụp đổ chính bởi một trận ôn dịch. Khi ôn dịch tấn công quân đội nhà Minh, đạo quân Lý Tự Thành và cả đội quân Quan Ninh của Ngô Tam Quế lại chẳng hề hấn gì, như thể dịch bệnh thật sự có mắt. Lý Tự Thành lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ nhà Minh, lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Đại Thuận hoàng đế lập ra nhà Đại Thuận năm 1644. Nhưng ngay trong năm đó, quân Mãn Châu, với sự thông đồng của Ngô Tam Quế đã lật đổ và tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Lý Tự Thành, lập nên Nhà Thanh.

Vì sao ôn dịch dường như chỉ tấn công quân đội và quan dân nhà Minh. Đạo quân phản nghịch Ngô Tam Quế cũng thuộc nhà Minh nhưng sao lại có nhiều chứng cứ ghi chép cho thấy họ chiến đấu dũng mãnh, không hề có dấu hiệu bị dịch bệnh.

Kỵ binh Quan Ninh của Ngô Tam Quế vốn trước là đội quân mạnh nhất do Viên Sùng Hoán một tay xây dựng vào cuối triều nhà Minh. Nhưng sau Viên Sùng Hoán bị nhà Minh bức hại, bịa đặt tội danh, còn bị dùng khung hình phạt nặng nhất – phanh thây để xử tử. Khi đối diện với hình phạt tàn khốc, những người dân bị triều đình lừa dối, không những mắng chửi ông là kẻ bán nước, còn tranh cướp nhau mua thịt ông mà ăn sống. Ông bị dày vò hành hạ 3 ngày mới qua đời, bách tính trong thành còn tranh nhau mua nội tạng của ông, băm nát để giải hận… cảnh tượng bi thảm tàn khốc này, vĩnh viễn không thể xóa được trong sử sách.

Án oan trong lịch sử có khá nhiều, nhưng án oan mà khiến người dân của một triều đại hiểu nhầm, hùa theo chính thể để gia tăng tội ác như với Viên Sùng Hoán thì quả thật hiếm có. Ôn dịch xuất hiện như chỉ nhắm vào triều Minh mà loại trừ những kẻ thù của họ ra, dù những người này có thể cũng chẳng tốt đẹp gì. Nhưng nó như góp thêm sức để tiêu diệt triều đại đã phạm đạo Trời. Vương triều đại Minh bị hủy diệt mang theo đi hơn mười triệu bách tính cùng tuẫn táng theo. Tất cả chỉ vì quân vương làm trái đạo trời, nghịch thiên lý, và dân chúng hoàn toàn bị lừa dối mà tin theo.

Án oan lớn nhất mà ĐCSTQ đã gây ra

Những tội ác mà ĐCSTQ đã từng ra tay với người dân của mình, hầu như lần nào cũng đều dùng biện pháp tuyên truyền vu khống để che giấu sự thật. Người dân đối với một nhóm bị đàn áp nào đó luôn bị hiểu sai, gia tăng oán hận, thậm chí tới mức thấy chết cũng không buồn cứu vì đã quá căm ghét nhóm người đó. Điển hình nhất là vụ việc tuyên truyền rợp trời phỉ báng, vu khống Pháp Luân Công từ năm 1999 cho tới ngày nay, và gần đây nhất chiêu bài này lại được lặp lại với người biểu tình dân chủ Hồng Kông.

Người dân Trung Quốc bị đầu độc một cách có hệ thống đã về hùa với ĐCSTQ mà gia tăng bức hại, khổ nạn lên những người lương thiện, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp của con người tự do. Án oan ấy, chẳng phải cũng như Viêm Sùng Hoán khi xưa. Một khi càng nhiều người không nhận ra sự thật, tội lỗi, “cộng nghiệp” mà dân Trung Quốc tạo thành càng dày.

Những thiên tai, dị tượng gần đây liên tiếp xảy ra liệu có phải là cách thu hút chú ý để cảnh tỉnh thế nhân, cảnh tỉnh người dân Trung Quốc. Ở trong hiểm nguy, trước nguy cơ mất hết, người Trung Quốc hãy tỉnh ngộ, rằng ĐCSTQ cuối cùng cũng sẵn sàng xả nước lớn không báo trước để cứu đập – biểu

tượng thành công của đảng. ĐCSTQ cũng đã sẵn sàng bỏ qua an nguy của bách tính, của người dân thế giới khi giấu giếm, nói dối về dịch bệnh. Một thế chế như vậy liệu còn đáng tin, đáng được cho cơ hội sửa sai hết lần này đến lần khác?

Lịch sử tồn tại của ĐCSTQ là lấy nỗi khiếp sợ của người dân làm nguồn lực sinh tồn cho mình. Án oan đã ngút trời, tội lỗi đã phạm có cả việc được tòa án quốc tế kết luận là chống lại loài người, nếu còn tin tưởng nghe lời ĐCSTQ, người dân Trung Quốc chính là đồng lõa với tội ác, chính là có tội. Tội này chẳng có tòa nào có thể xử, vậy ai xử đây, thế lực nào có thể tế Thiên hành đạo? Nhìn vào sự xuất hiện của dịch viêm phổi Vũ Hán, dịch tả lợn, dịch hạch, dịch cúm lợn mới cùng những trận mưa như trút nước tập trung một cách kỳ lạ quanh Trường Giang. Đó chẳng phải là đã quá rõ ràng rồi sao.

http://biendong.net/bi-n-nong/35608-tai-hoa-lien-tiep-o-tq-vi-sao-chinh-quyen-gay-toi-nhan-dan-lai-chiu-hoa.html

 

Giữa đợt lũ đầu tiên ở Dương Tử,

sông lớn thứ 2 của TQ vào mùa lũ

Sông Hoàng Hà, con sông dài thứ 2 của Trung Quốc, sau sông Dương Tử (hay Trường Giang) đang chuẩn bị cho mùa lũ bắt đầu từ 2.7.

Mùa lũ mới nhất trên sông Hoàng Hà sẽ kéo dài đến ngày 31.10, Ủy ban bảo tồn sông Hoàng Hà thuộc Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết hôm 2.7 tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc.

Giới chức khí tượng thủy văn dự báo, lượng mưa nhiều hơn ở lưu vực sông Hoàng Hà trong mùa lũ cũng như khả năng cao có mưa bão và lũ lụt ở thượng nguồn và trung lưu của sông Hoàng Hà trong giai đoạn này, Tân Hoa Xã thông tin.

Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục công tác dự báo thủy văn, điều tiết hồ chứa và các hoạt động khác để đảm bảo kiểm soát lũ dọc sông Hoàng Hà trong mùa lũ.

Thác Hộ Khẩu – thác nước màu vàng lớn nhất thế giới – đã chứng kiến sự tăng mạnh lượng nước sau khi mưa lớn ở thượng nguồn sông Hoàng Hà và xả lũ từ một hồ chứa nước, theo CGTN thông tin ngày 2.7. Lượng nước chảy ở thác khi đó có tốc độ lên tới hơn 1.500 mét khối mỗi giây, gấp 3 lần thông thường.

Trước đó, hôm 19.6, Ủy ban bảo tồn nước sông Hoàng Hà cho biết, sông Hoàng Hà đã trải qua đợt lũ lụt đầu tiên trong năm 2020 do mưa lớn liên tục ở thượng nguồn.

Sau mưa lớn gần đây, lượng nước chảy mỗi giây tại trạm thủy văn Tangnaihai  ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc đã tăng tới 2.500 mét khối.

Ủy ban đã phát cảnh báo lũ lụt màu xanh và phát cảnh báo ứng phó khẩn cấp cấp 4 – mức thấp nhất trong hệ thống cảnh báo và ứng phó khẩn cấp gồm 4 bậc của Trung Quốc – bắt đầu từ 9h sáng 19.6.

Chính quyền địa phương dọc lưu vực sông Hoàng Hà được yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình, tăng cường tuần tra trên các đập và các dự án kiểm soát lũ.

Thông tin về mùa lũ ở sông Hoàng Hà được công bố trong bối cảnh lưu vực sông Dương Tử hiện đang bước vào mùa mưa lũ, đặc biệt là lo ngại với lũ trên thượng nguồn đập Tam Hiệp – công trình thuỷ điện lớn nhất thế giới – khánh thành năm 2003. Trưa 2.7, Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang (CWRC) đã phát cảnh báo khẩn rằng, thượng nguồn sông Dương Tử có thể trải qua “trận lũ lụt số 1 của sông Dương Tử năm 2020”.

Trên thực tế, lũ ở thượng nguồn sông Dương Tử đang gây không ít lo ngại cho cấu trúc đập thuỷ điện Tam Hiệp. Tính đến sáng 2.7, lượng nước chảy vào hồ chứa Tam Hiệp đã đạt 47.000 mét khối mỗi giây và lên ngưỡng 50.000 lúc 14h cùng ngày. Tính tới ngày 2.7, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) đã phát cảnh báo mưa lớn khắp Trung Quốc ngày thứ 31 liên tiếp.

http://biendong.net/bien-dong/35606-giua-dot-lu-dau-tien-o-duong-tu-song-lon-thu-2-cua-tq-vao-mua-lu.html

 

Mô phỏng vỡ đập Tam Hiệp cho kết quả chấn động,

 chỉ có một nơi ở Hồ Bắc thoát nạn

Phụng Minh

Đó là một kết quả đáng kinh sợ đối với toàn bộ dân sống quanh sông Dương Tử, muốn chạy phải vượt sang phía Bắc sông Hoàng Hà mới có hy vọng.

Từ đầu tháng 6, Trung Quốc đã liên tục hứng chịu những cơn mưa xối xả, nhiều khu vực của quốc gia này đang ngập trong biển nước. Câu hỏi về việc đập Tam Hiệp có bị vỡ hay không là một chủ đề đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của không chỉ người dân Trung Quốc mà cả người dân toàn thế giới.

Việc xả lũ 24 giờ để giải cứu con đập đã làm cho tình trạng ngập lụt ở các vùng Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy và các nơi khác trở nên trầm trọng hơn. Một chuyên gia gần đây đã tiết lộ với truyền thông tiếng Hoa ở hải ngoại rằng các chuyên gia thủy lợi ở đại lục đã tiến hành các thử nghiệm mô phỏng về vụ vỡ đập Tam Hiệp, và kết quả thật đáng kinh sợ, chỉ có một nơi ở Hồ Bắc có thể được sử dụng làm địa điểm ẩn nấp.

Epochtimes tiếng Trung dẫn lời một nguồn tin từ đại lục cho biết, chuyên gia thủy lợi thế hệ cũ đã từng tiến hành các thử nghiệm mô phỏng về tình trạng vỡ đập Tam Hiệp. Nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, thành phố thượng nguồn sẽ là nơi đầu tiên bị ngập lụt, chứ không phải là Nghi Xương hay các thành phố ở hạ du con đập và Tứ Xuyên sẽ trở thành một đại dương rộng lớn.

Kết quả mô phỏng cho thấy, sau khi đập Tam Hiệp bị vỡ, lũ không phải lập tức ập xuống mà một khối lượng bùn đất khổng lồ sẽ trút xuống, tạm thời chặn dòng chảy, dẫn đến mực nước thượng nguồn dâng cao và lưu vực vùng trũng Tứ Xuyên sẽ phải đứng mũi chịu sào. Sau khi lũ lên đến đỉnh điểm, nó chảy xuôi dòng hướng tới hạ du, sẽ có một khoảng thời gian trì hoãn ở giữa nhưng không kéo dài quá lâu.

Các chuyên gia còn nhắc nhở khi nước lũ gia tăng sức mạnh rồi mới ập xuống thì sức tàn phá còn mạnh hơn so với khi chúng bị cuốn trôi ngay từ đầu, và không phải là Nghi Xương chịu thiệt hại nặng nề nhất, mà là các thành phố trung và hạ lưu sông Trường Giang.

Các chuyên gia cũng nhắc nhở rằng nếu như có nước lũ lớn trong tương lai, phía nam sẽ là một biển hồ, nên hướng về phía bắc mà chạy, nhưng nhất định phải vượt qua sông Hoàng Hà mới được.

Các chuyên gia nói rằng chỉ có một địa phương có thể thoát nạn là Thần Nông Giá, vì khu vực này có độ cao đủ để không bị ảnh hưởng bởi biển nước lớn hình thành lúc đó.

Secretchina dẫn lời nguồn tin khác cho biết, chính từ kết quả thí nghiệm mô phỏng này mà quan chức thủy lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xây dựng một khu nghỉ dưỡng và trung tâm y tế ở Thần Nông Giá. Trên thực tế công trình này có thể chính là để làm nơi ẩn náu trong trường hợp lũ lụt.

Chuyên gia tiết lộ với Epochtimes cũng chỉ ra rằng thế giới bên ngoài đã phân tích xem đập Tam Hiệp có bị vỡ hay không với nhiều dữ liệu khác nhau. Tuy nhiên, nhiều dữ liệu do ĐCSTQ đưa ra là sai và kết luận được rút ra từ phân tích dữ liệu giả có thể không quá chính xác.

Đập Tam Hiệp đã bị cáo buộc về những nguy hiểm tiềm ẩn kể từ khi xây dựng. Trong những năm gần đây, tin tức về sự biến dạng và rò rỉ của đập Tam Hiệp đã gây ra các cuộc thảo luận rộng rãi trong và ngoài Trung Quốc.

Một số chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo trước đó rằng cuộc khủng hoảng lớn nhất ở đập Tam Hiệp sẽ là một trận động đất và lở đất ở thượng nguồn. Trên thực tế, kể từ tháng 6, Tứ Xuyên và Trùng Khánh ở thượng nguồn của Tam Hiệp đều đã trải qua vài lần lở đất, động đất. Trong số đó, vào ngày 1/7, một trận lở đất đã xảy ra ở Kỳ Vạn, Trùng Khánh, gây ra lở đất, làm tắc nghẽn đường cao tốc S010 Trùng Khánh-Vạn Thịnh đoạn đi qua Kỳ Vạn. Dòng chảy của đất đá bị lở có sức mạnh ghê gớm, ở chỗ nó đi quá, tất cả mọi thứ đều bị cuốn phăng.

Vào lúc 4h07 sáng ngày 2/7, Trạm địa chấn Trung Quốc xác định rằng một trận động đất mạnh 3,2 độ xảy ra ở huyện Ruoergai, A Bá, tỉnh Tứ Xuyên (tọa độ 34,10 độ vĩ bắc, 102,68 độ kinh đông), với tâm chấn nằm ở độ sâu 8 km. Một trận động đất mạnh 3,2 độ richter chỉ có thể được coi là một trận động đất nhẹ, nhưng tỉnh A Bá nằm ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp, và cảnh báo mưa lớn đã được đưa ra trong hơn một tháng. Thế giới bên ngoài lo lắng rằng trận động đất có thể gây ra những nguy hiểm địa chất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự an toàn của đập Tam Hiệp.

Đồng thời, lũ lụt trong lưu vực sông Dương Tử đã tăng cường. Vào ngày 2/7, Ủy ban Tài nguyên Nước sông Dương Tử của Trung Quốc đã ban hành một thông báo khẩn cấp về “Lũ sông Dương Tử số 1 năm 2020”.

Đập Tam Hiệp từ lâu đã bị ngập để tự bảo quản. Các nhà chức trách tuyên bố rằng trận lụt đã được xả lần đầu tiên vào ngày 29/6, nhưng phương tiện truyền thông của Hồng Kông, Đông Phương Báo đạo (Oriental Daily News), xác nhận rằng trận lụt thực sự đã được xả ra vài ngày trước đó, nhưng được nói dối là để “sản xuất điện”. Theo thông tin mới nhất của tờ Nhật báo Nhân dân của ĐCSTQ vào ngày 3/7, đập Tam Hiệp, ban đầu chỉ mở hai cửa để xả lũ, giờ đã mở cửa thứ ba để xả lũ vào ngày 2/7 và lưu lượng xả đạt 35.500 mét khối mỗi giây. Điều này cũng xác nhận sự gia tăng áp lực của đập Tam Hiệp.

Để đối phó với thảm họa vỡ đập có thể xảy ra, Hoàng Tiểu Khôn, tiến sĩ của Học viện nghiên cứu xây dựng Trung Quốc, đã đưa ra cảnh báo trong vòng tròn bạn bè trên WeChat, rằng những ai từ Nghi Xương trở xuống hạ lưu Dương Tử hãy trốn chạy. Một số cư dân mạng thậm chí đã tạo ra “Bản đồ tên các địa điểm bị ngập lụt ở trung và hạ lưu sông Dương Tử” để nhắc nhở nhau hãy tự cứu mình.

Vào cuối tháng trước, một chuyên gia về động đất của Trung Quốc lấy tên dùng trên mạng xã hội là “Phụng Thiên lão Vương”, cũng dự đoán trên các phương tiện truyền thông rằng lũ lụt ở Trung Quốc có thể trở thành một thảm họa. Ông thuyết phục cư dân của lưu vực sông Dương Tử phải lánh nạn.

Vào ngày 30/6, một số cư dân mạng cũng tiết lộ với thế giới bên ngoài thông qua Twitter rằng thượng nguồn của sông Dương Tử, khu chung cư tiểu khu vịnh San Hô, Đại Kiều, Trùng Khánh đã nhận được thông báo từ Trung tâm bất động sản Hồng Phàm vào ngày 25/6, yêu các hộ dân từ tầng 4 trở xuống chuẩn bị đón lũ. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài, nhân viên khu chung cư nói rằng họ đã đưa ra cảnh báo sớm “để trong trường hợp nước dâng lên, mọi người đã đóng gói các vật có giá trị trước, nói đi liền đi được luôn”.

Theo Secretchina

Phụng Minh biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/mo-phong-vo-dap-tam-hiep-cho-ket-qua-chan-dong-chi-co-mot-noi-o-ho-bac-thoat-nan.html

 

Mưa lũ mở rộng từ miền Nam lên miền Bắc

Trung Quốc, Nội Mông ngập trong nước

Vũ Dương

Cùng với dự báo mưa to đến rất to liên tiếp trong thời gian tới, mùa mưa bão năm nay ở Trung Quốc quá kỳ lạ.

Hiện giờ, những cơn mưa lớn không chỉ hoành hành ở miền nam Trung Quốc. Gần đây, thành phố Xích Phong ở phía bắc Nội Mông Cổ cũng gặp phải lũ quét gây ra bởi mưa lớn tấn công, một vài thị trấn bị ngập lụt. Lũ quét ở làng Sơn Chủy Tử, thị trấn Sơn Quan Địa, khu Tùng Sơn, khiến hai người bị cuốn trôi, một người trong đó đã thiệt mạng.

Phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngày 1/7, các nơi thuộc thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ đã xuất hiện mưa to trên diện rộng, làng Sơn Chủy Tử, thị trấn Sơn Quan Địa, khu Tùng Sơn của thành phố này đã xuất hiện lũ quét. Hai nhân viên làm việc tại nhà máy điện gió đang chuẩn bị rời đi thì xe hơi gặp nước nên chết máy, họ đang chuẩn bị chạy thoát thân thì bị nước lũ cuốn đi. Vụ việc khiến một người tử vong.

Ngày 2/7, một số huyện ở thành phố Xích Phong cũng xuất hiện mưa lớn, dẫn đến lũ quét và ngập úng nghiêm trọng ở thị trấn Hoa Gia Lạp Ca Hương, huyện Bairin, và thị trấn Ngô Tùng Hoa, huyện Ongniud. Cục Khí tượng huyện Ongniud cũng đưa ra cảnh báo sấm sét màu vàng và cảnh báo mưa đá màu cam. Tính đến 3 giờ chiều hôm đó (2/7), lượng mưa hàng giờ của địa phương là 19,6 mm.

Một đoạn video được cư dân mạng công bố cho thấy một số thị trấn ở thành phố Xích Phong đã bị nước lũ tấn công. Trong một thời gian ngắn, con đường đã bị dòng lũ cuồn cuộn như sóng lớn có mang theo bùn cát và các mảnh vụn trôi nổi nhấn chìm.

Thảm họa lũ lụt ở Trung Quốc đã kéo dài gần hai tháng từ giữa tháng 5 đến nay, bao trùm tại 26 tỉnh thành của Trung Quốc, hàng chục triệu người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo Đài khí tượng Trung ương ĐCSTQ, khu vực phía tây nam của Trung Quốc đến giữa và hạ lưu sông Dương Tử và những nơi khác sẽ phải hứng chịu thêm một đợt mưa lớn lũ mới.

Tin tức cho hay, bắt đầu từ ngày 4/7, khu vực miền đông địa khu Tây Nam, Giang Hán, Giang Hoài, phía bắc Giang Nam… sẽ hứng chịu thêm một đợt mưa lớn. Dự tính trong 3 ngày tới, một số khu vực nói trên sẽ có mưa to đến rất to, kèm theo thời tiết đối lưu mạnh như giông bão và gió mạnh, trong khi

ở vùng Hoa Bắc và Đông Bắc Trung Quốc, nhiều nơi sẽ có mưa to hoặc dông, một số khu vực có mưa vừa, một vài nơi có mưa to kèm theo thời tiết đối lưu mạnh như giông bão, gió mạnh hoặc mưa đá.

Kể từ ngày 2/6, Đài quan sát Khí tượng Trung ương đã đưa ra cảnh báo mưa bão trong 32 ngày liên tiếp. Các chuyên gia khí tượng cho biết, vào thượng tuần của tháng 7, khu vực phía tây nam cho đến vùng trung du hạ du sông Dương Tử vẫn sẽ có mưa thường xuyên, hơn nữa khả năng cao sẽ chồng chéo với các khu vực đã xuất hiện mưa lũ trước đó, một số khu vực phát sinh thảm họa thứ cấp.

Theo Ming Xuan, NTDTV

Vũ Dương biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/mua-lu-mo-rong-tu-mien-nam-len-mien-bac-trung-quoc.html

 

Hồ chứa Tam Hiệp mỗi giây nhận vào 50.000m3,

xả ra 35.000m3, ‘đệ nhất hồng thủy’ đe dọa hạ du

Phụng Minh

Sau một thời gian im ắng lạ thường, truyền thông chính thống Trung Quốc đang mở rộng thông tin về tình trạng lũ lụt và đập Tam Hiệp, cảnh tượng cho thấy tình trạng thảm khốc.

Đài quan sát Khí tượng trung ương Trung Quốc đã ban hành “cảnh báo mưa lớn mã xanh” vào lúc 6 giờ tối trong 2 ngày liên tiếp và trước đó thông báo “đệ nhất hồng thủy” tức “lũ số 1” trên sông Dương Tử năm 2020. Chính quyền mở cửa xả lũ 24 giờ dẫn đến mực nước trong hồ Động Đình và hồ Bà Dương tăng đột biến, các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy và những nơi khác liên tiếp truyền ra tình hình thảm họa.

Đài quan sát Khí tượng trung ương Trung Quốc dự đoán sẽ có mưa vừa đến mưa to ở các vùng phía nam Giang Hoài, miền đông Giang Hán, miền trung, miền bắc và miền tây Giang Nam, phía đông Quý Châu, Vân Nam và miền bắc Trung Quốc, đông nam Tây Tạng từ 8 giờ sáng 3/7 đến 8 giờ sáng ngày 4/7. Trong số đó, sẽ có mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn (100 đến 110 mm) ở miền trung và miền bắc Giang Tây và miền trung Chiết Giang.

Kênh Pearvideo đã tiết lộ một video xả lũ của đập Tam Hiệp vào tối ngày 2/7. Theo báo cáo của Tân Hoa Xã, vào lúc 10 giờ sáng ngày 2/7, hồ chứa nước Tam Hiệp mỗi giây nhận vào 50.000 mét khối nước, chính thức nghênh đón cơn “Hồng thủy số 1 năm 2020”. Theo lệnh điều phối của Ủy ban sông Dương Tử, Hồ chứa Tam Hiệp xả ra trung bình 35.000 mét khối mỗi giây, giữ lại 30% lượng nước chảy vào ở trong hồ chứa.

Nhật báo Nhân dân báo cáo rằng Trụ sở phòng chống lụt bão và hạn hán quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu ứng phó với kiểm soát lũ cấp 4 vào lúc 8 giờ tối ngày 2/7 và phái các đội đến Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Quý Châu, Vân Nam và các nơi khác để làm công tác cứu trợ thiên tai. Hiện nay trong vùng hạ du Dương Tử (Trường Giang), mức nước hồ Động ĐÌnh, hồ Bá Dương đã tăng vọt, và mực nước hồ Thái Hồ đã vượt quá phạm vi cảnh giới, có thể phát sinh thiên tai.

Điều đáng nói là trong khi trước đây tin tức về tình hình thảm họa ở Trung Quốc đại lục gần như bị chặn hoàn toàn, thì những cảnh cứu trợ thảm họa được truyền thông chính thức công bố gần đây đã bất ngờ cho thấy tình trạng thảm khốc của lũ lụt ở nhiều nơi.

Theo thước phim của CCTV, huyện Tương Tây, tỉnh Hồ Nam đã trải qua trận lụt lớn, thậm chí nước trong bệnh viện cao hơn bắp chân. Một đoạn video được đăng trên Weibo bởi Đài phát thanh khẩn cấp quốc gia Trung Quốc cho thấy, quận Giang Khẩu, thành phố Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu bị lũ lụt nghiêm trọng, nước bùn lầy ngập trên toàn bộ mặt đường, con đường trở thành dòng sông lầy lội và giao thông đường bộ gần như bị tê liệt.

Theo Thời báo toàn cầu, ở miền nam Trung Quốc có những trận mưa lớn liên tục. Nếu lượng mưa của Hồ Bắc được chuyển thành nước tích tụ, ước tính sẽ là 53 tỷ mét khối, gấp 12 lần Thái Hồ và bằng một nửa hồ Thanh Hải. Ở miền trung và miền bắc Giang Tô, miền trung và miền bắc An Huy, phía bắc và phía tây Hồ Bắc, đông bắc Quảng Tây và đông bắc Quý Châu, lượng mưa trong tháng 6 năm nay cao hơn gấp đôi so với các năm trước đây.

Các chuyên gia khí tượng học nhắc nhở rằng vào đầu tháng 7, quá trình mưa từ khu vực phía tây nam đến trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử vẫn diễn ra thường xuyên và lượng mưa rơi xuống sẽ ở mức cao trong thời gian dài, có khả năng gây ra lũ lụt lớn.

Theo Secretchina

Phụng Minh biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/ho-chua-tam-hiep-moi-giay-nhan-vao-50-000m3-xa-ra-35-000m3.html

 

Lũ lụt Trung Quốc:

Dân Trùng Khánh được lệnh sẵn sàng sơ tán

Bình luậnNguyễn Sơn

Người dân sống ở thành phố Trùng Khánh, thượng nguồn sông Dương Tử, đang trải qua lũ lụt tồi tệ, trong đó một khu dân cư nhận được cảnh báo sẵn sàng sơ tán.

Giới chức thành phố Trùng Khánh thông báo cho khu dân cư Vịnh San Hô, đề nghị “người dân từ tầng 4 trở xuống sẵn sàng ứng phó để sơ tán”. Trong khi đó, hôm 2/7, thành phố này phát đi cảnh báo mưa lũ đỏ, mức cao nhất trong 4 thang cảnh báo, theo China Press.

Đây là lần đầu thành phố đưa ra cảnh báo này từ năm 1940. Toàn bộ 28 quận huyện thuộc thành phố đều bị ảnh hưởng, lượng mưa cao nhất lên tới 128 mm. Nước lũ dâng cao ở đoạn sông Trường Giang chảy qua thành phố gây ngập lan can bảo hộ ở bến cảng Hải Đường Khê, tràn lên bãi đỗ xe ở bến cảng.

“Chúng tôi cảnh báo sớm để kêu gọi người dân đóng gói sẵn sàng những đồ đạc quý giá, quan trọng, khi cần có thể sơ tán ngay nếu nước dâng cao”, ban quản lý khu dân cư cho biết hôm 2/7.

“Sở thủy lợi thành phố yêu cầu chúng tôi phát cảnh báo vì tình hình mưa lũ năm nay rất nghiêm trọng. Những hộ dân sống ở đường Tân Giang, khu vực giáp sông Kỳ Giang, là nơi trũng nhất trong thành phố, có nguy cơ bị ngập cao nhất”, người này nói.

Chính quyền cũng thông báo nước sông Kỳ Giang, đoạn sông Dương Tử chảy qua, đã dâng cao lên mức kỷ lục kể từ năm 1940.

Trong khi đó, mưa lớn ở các nhánh sông thượng nguồn sông Dương Tử khiến nước đổ vào hồ chứa của đập Tam Hiệp tăng mạnh. Chiều ngày 2/7, đơn vị quản lý đập Tam Hiệp đã phải cho xả lũ lần hai.

“Trùng Khánh nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, trước khi nước đổ vào đập Tam Hiệp. Trước đây, mực nước sông luôn ở mức thấp nhưng với tình hình này, mưa lớn liên tục thêm 2-3 ngày nữa sẽ khiến nước dâng cao kỷ lục. Lúc này, đập Tam Hiệp sợ không chịu nổi”, người đàn ông họ Trương, 60 tuổi ở Trùng Khánh, nhận định.

Nhiều tuần mưa lũ liên tiếp đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, gây thiệt hại nặng nề ở các khu vực phía nam Trung Quốc, khiến ít nhất 106 người chết hoặc mất tích và 15 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Ở Trung Quốc, “đa số hồ chứa cỡ nhỏ được xây vào những năm 1960 và 1970, không đạt tiêu chuẩn xây dựng ở thời bây giờ”, Brandon Meng, nhà thủy văn học ở thành phố Thâm Quyến, nói. “Một khi thời tiết cực đoan xảy ra, chúng rất dễ gặp nguy hiểm”.

Mưa lũ năm nay đã ảnh hưởng đến 26 tỉnh và hơn 11 triệu người, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại hơn 3,6 tỷ USD. Trung tâm Khí tượng Trung Quốc cho hay tháng 7, 8 sẽ là tháng mưa bão cao điểm, cảnh báo đi kèm gió lốc và sạt lở đất.

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/lu-lut-trung-quoc-dan-trung-khanh-duoc-lenh-san-sang-so-tan-50337.html

 

Video: Phỏng vấn dân Quý Châu chứng kiến

âm thanh kỳ lạ trên bầu trời Trung Quốc

Phụng Minh

Có người gọi đó là tiếng “rồng gầm” bởi sự vang vọng, u trầm có chút thê lương của âm thanh kỳ dị.

Trong một thung lũng ở thôn Kiên Cường, thị trấn Tú Thủy, quận Uy Ninh, tỉnh Quý Châu, những âm thanh kỳ lạ đã phát ra trong nhiều ngày, gây hoang mang cho người dân địa phương và thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài.

Vào ngày 2/7, một người dân địa phương ở thôn Kiên Cường, trấn Tú Thủy đã xác nhận với phóng viên báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng, họ thực sự nghe thấy một tiếng kêu lớn, giống như tiếng bò kêu từ hang động, ù ù, rất to. Ông nói rằng tiếng ồn kỳ lạ bắt đầu vào ngày 26/6.

Trong hai ngày qua, hàng chục ngàn người, bao gồm các chuyên gia, phóng viên truyền thông và nhân viên chính phủ, đã đổ xô lên núi từ mọi phía để tận tai nghe ngóng, kiểm chứng, lấp đầy toàn bộ ngọn núi.

Ông nói rằng âm thanh thường xuất hiện vào buổi trưa, “nó vang lên vào buổi trưa trong ngày, sau đó như vậy cả chiều, ngày nào cũng xuất hiện”.

“Âm thanh rất đáng sợ. Mọi người trong thôn rất hoảng loạn và không dám đi ra ngoài khi có ít người”. Người đàn ông này cho biết thêm, “người dân địa phương không dám sống ở đây nữa rồi mà chuyển đi nơi khác. Tiếng kêu rất lớn, khi có nhiều người thì liền lớn hơn, tôi có thể nghe thấy nó như tiếng bò kêu vậy”.

Đối với loại âm thành kỳ quái này, trên mạng xã hội Trung Quốc đang xuất hiện nhiều phiên bản mô tả khác nhau, một số trong đó được gọi là “tiếng bò kêu”, “tiếng rồng gầm”, “tiếng hổ gầm”, “tiếng chim hót”… Dân làng làng Kiên Cường đã báo cáo loại “tiếng ồn lạ” này cho chính phủ vài ngày trước.

Một phóng viên của Thông tấn xã Trung Quốc đã có được thông tin từ Ban Tuyên giáo của Đảng ủy quận Uy Ninh vào sáng ngày 2/7, rằng các quan chức của Uy Ninh đã tổ chức hội thảo phòng chống động đất và giảm nhẹ thiên tai, huy động cán bộ ngành tài nguyên thiên nhiên và các bộ phận khác để tiến hành điều tra tại chỗ, đồng thời ủy thác cho các chuyên gia của Viện Khảo sát Kỹ thuật thứ hai của Cục Khảo sát Địa chất tới hiện trường thực địa điều tra.

Tuy nhiên, sau khi điều tra sơ bộ, quan chức này chỉ nói rằng “không có hoạt động địa chất rõ ràng nào được tìm thấy ở khu vực gần nguồn âm thanh, không có tiền thân rõ ràng cho trận động đất và độ ổn định chung của độ dốc xung quanh là tốt”, cũng không tra ra được nguyên nhân gây ra âm thanh kỳ lạ này là gì. Các quan chức chỉ là yêu cầu dân chúng “không nên tin những tin đồn hoặc lan truyền tin đồn”.

Tờ Sina.com đưa tin vào chiều ngày 2/7 rằng, trấn Tú Thủy gần đây đã trở nên rất nổi tiếng vì “âm thanh lạ” này, nhiều người nói rằng đã nghe thấy “tiếng rồng gầm”, thu hút rất nhiều người tới xem, thậm chí những người từ Côn Minh và các tỉnh khác đã thực hiện chuyến đi đặc biệt tới chỉ để để xem “rồng”.

Dị tượng này đã xuất hiện nhiều ngày, và hiện tại mỗi ngày có hàng chục ngàn người đang theo dõi diễn biến tại thôn Kiên Cường. Ngoài người dân địa phương còn có rất nhiều khách du lịch từ những nơi khác, và xu hướng khách đổ về đây ngày càng tăng. Nhưng cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa giải thích được một cách khoa học về hiện tượng “rồng gầm” này.

Bài báo gần nhất trên Sina đã kêu gọi các chuyên gia khám phá bí ẩn về “tiếng rồng gầm” càng sớm càng tốt.

Theo Epochtimes

Phụng Minh biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/video-phong-van-dan-quy-chau-chung-kien-am-thanh-ky-quai-tren-bau-troi-trung-quoc.html

 

Trung Quốc có dấu hiệu điều binh

chuẩn bị lương thực, sợ quay trở lại thời “Nạn đói lớn”

Bình luậnĐông Phương

Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên gần đây đã ban hành một văn bản yêu cầu điều tra và báo cáo về việc khôi phục trồng lúa nước ở vườn cây ăn trái và vườn ươm cây giống lâm nghiệp, để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra. Ngoài ra, gần đây phía chính phủ còn thu nạp quân dự bị của các địa phương và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân Ủy. Các nhà bình luận cho rằng, các dấu hiệu này cho thấy ông Tập Cận Bình đang cố gắng trở lại đường lối bế quan toả cảng “chuẩn bị cho chiến tranh và nạn đói”.

“Nhiệm vụ hoàn lại đất canh tác và bảo đảm lương thực mang tính toàn quốc”

Theo một văn bản do Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô ban hành, để khuyến khích dân làng giải phóng mặt bằng vườn cây ăn quả và vườn ươm giống cây rừng để trồng lại lúa nước, họ hứa sẽ bồi thường cho mỗi hộ dân 3.000 nhân dân tệ/mẫu đất để trồng lúa.

Nông dân địa phương cho biết, các vườn cây ăn trái và vườn hoa ở Thành Đô từng rất phát triển, và ngay cả hiện nay, lợi ích của việc trồng cây ăn quả và cây giống cảnh quan vẫn cao hơn rất nhiều, thậm chí cao gấp hàng chục lần so với việc trồng ngũ cốc. Nhưng lần này chính phủ lại bồi thường số tiền lớn như vậy cho việc giải phóng mặt bằng để trồng các cây lương thực chính mà lại cho hiệu suất cực kỳ kém, điều này có nghĩa là kho dự trữ lương thực quốc gia đang rất mong manh.

Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng nhiệm vụ hoàn lại đất canh tác và bảo đảm lương thực mang tính toàn quốc, chỉ có điều mức bồi thường ở các vùng là khác nhau. Vị quan chức này cho biết, Thành Đô hiện đang trong giai đoạn điều tra, dữ liệu vẫn chưa được tổng hợp đầy đủ, vậy nên diện tích giải phóng mặt bằng thực tế và khoản tiền cần thiết để bồi thường vẫn chưa được chính quyền thành phố phê duyệt.

Sở Nông nghiệp thành phố Thành Đô cho biết: “Nếu có điều kiện và chắc chắn có thể trồng lại lúa nước thì phải gắng hết sức mà làm, đây đều là tự nguyện, nhưng cũng không thể thu hồi đất của tất cả các khu vườn trong toàn thành phố được, ví như cái vườn ấy nó nằm trên núi thì ai sẽ là người đi lên đấy trồng lúa đây?”.

“Thực ra thì cả nước (Trung Quốc) đang được khuyến khích hoàn lại đất canh tác, còn chính sách của mỗi địa phương thì mỗi địa phương tự mình quyết định. Nên ưu tiên xem xét tình hình thực tế ở địa phương trước, sau đó báo cáo lên chính quyền thành phố. Cái giá của sự thay đổi không nên quá lớn”.

Cán bộ cơ sở: Sợ sẽ giống “Nạn đói lớn” năm 1959

Ông Phương, một quan chức cơ sở ở thành phố Hiếu Cảm (Xiaogan), tỉnh Hồ Bắc, cũng nói với Đài Á Châu Tự do rằng khu vực chỗ ông cũng yêu cầu khuyến khích dân làng trồng lúa và hứa sẽ trợ cấp 150 nhân dân tệ cho mỗi một mẫu đất trồng cây lương thực chính. Nhưng ông tiết lộ rằng, do thâm hụt nghiêm trọng giữa vốn đầu tư và lợi nhuận thu được trong việc cày cấy, nên cho dù có một khoản bồi thường nhỏ, nhiều người cũng thà bỏ hoang.

Ông Phương nói: “Họ cũng sợ lại giống như năm 1959 (Nạn đói lớn). Năm nay, việc trồng cây lương thực rất được coi trọng, cày ruộng lại còn được thưởng, khoảng 150 nhân dân tệ/mẫu. Mặc dù vậy, nó vẫn bị bỏ hoang. Ngành nông nghiệp ở Trung Quốc quả thật mệt mỏi, lợi ích của nhóm người làm nông bị tổn hại nghiêm trọng nhất”.

Ông Trần đến từ Trùng Khánh cũng xác nhận rằng: Hiện nay nhiều cuộc khủng hoảng đang nổ ra cùng một lúc và cục diện chính trị đang rất hỗn loạn. Chính quyền Trung Quốc muốn gây áp lực cho Hoa Kỳ nên ngừng nhập khẩu lương thực của Hoa Kỳ, nhưng dự trữ lương thực của Trung Quốc lại xuất hiện lỗ hổng. Điều này khiến các quan chức rất lo ngại về vấn đề an ninh lương thực, bởi vì chừng nào người dân Trung Quốc còn có đồ để ăn thì nghịch cảnh nào họ cũng chịu đựng được, nhưng một khi nguồn lương thực bị cắt đứt, tất cả các phương thức duy trì sự ổn định đều sẽ thất bại.

Ông Trần nói: “Bây giờ ngũ cốc của Hoa Kỳ không thể nhập khẩu, cộng với việc gần đây phát hiện ra tình trạng lương thực trong một số kho dự trữ ở lớp trên thì là ngũ cốc, nhưng dưới đáy lại toàn là cát, đều là kho dự trữ cấp quốc gia đấy! Tháng trước có 2 chủ nhiệm kho dự trữ lương thực đã tự sát. Mặc dù trên bề mặt đang rất gắng gượng, thực tế thì cuộc khủng hoảng đã rất nghiêm trọng rồi. Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đã không mở cuộc họp vào đầu và cuối tháng 6 vừa rồi, đáng ra là một tháng họ họp 2 lần”.

Ông Trần còn nói rằng: Một mặt, chính quyền đang cố gắng đẩy mạnh việc trồng lại cây lương thực với chi phí bồi thường rất lớn, nhưng mặt khác, họ lại triển khai quân đội quy mô lớn đến cao nguyên phía tây bắc, đặt quân dự bị địa phương dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Quân Ủy. Chính quyền thậm chí còn cao giọng tuyên truyền phát triển các tổ chức dân binh để khoe khoang sức mạnh quân sự. Những điều này khiến mọi người lo lắng rằng chính sách “chuẩn bị cho chiến tranh và nạn đói” của mấy thập kỷ trước đang được lặp lại.

Đông Phương

Theo NTDTV

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/trung-quoc-co-dau-hieu-dieu-binh-chuan-bi-luong-thuc-so-quay-tro-lai-thoi-nan-doi-lon-50518.html

 

Dùng 83 tấn ‘vàng giả’ để bảo đảm khoản vay:

Thêm một cú lừa ‘vĩ đại’

từ công ty Trung Quốc niêm yết tại Nasdaq

Bình luậnTâm An

Vụ lừa đảo mới nhất liên quan đến Trung Quốc đã làm giới chức Hoa Kỳ chấn động, khi công ty Kingold của nước này “cả gan” dùng 83 tấn vàng giả “đồng mạ vàng” để làm bảo đảm cho khoản vay hàng tỷ USD của mình.

Theo báo cáo của hãng tin South China Morning Post, công ty Kingold Jewelry – một trong những nhà sản xuất vàng trang sức lớn nhất Trung Quốc, được cho là đã sử dụng 83 tấn vàng làm tài sản thế chấp cho khoản vay khổng lồ lên đến hơn 2,8 tỷ USD, nhưng sau đó “đống vàng” này bị phát hiện ra là… đồng mạ vàng.

Kingold – có trụ sở tại Vũ Hán và được niêm yết trên sàn Nasdaq, đã bị buộc tội gian lận quy mô lớn trong vụ bê bối lớn thứ hai trong ba tháng qua, liên quan đến một công ty Trung Quốc được lên sàn ở Mỹ.

Công ty này bị cáo buộc là dùng các thanh đồng mạ vàng để giả mạo như là vàng nguyên khối, và sử dụng vàng miếng giả này làm tài sản thế chấp để lừa đảo lấy 20 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD).

Đây là một trong những vụ lừa đảo cho vay vàng lớn nhất tại Trung Quốc. Các khoản vay đã kéo dài trong 5 năm qua từ ít nhất 14 tổ chức tài chính Trung Quốc, theo báo cáo của Caixin.

Phần lớn số tiền vay đã được sử dụng để đầu tư vào bong bóng nhà ở Trung Quốc, một số khoản đầu tư đã rơi vào tình trạng tồi tệ. Kingold đã mua một công ty có tên Tri-Ring sở hữu các khu đất ở Vũ Hán và Thâm Quyến với số tiền vay khổng lồ này.

Các tổ chức China Minsheng Trust, Hengfeng Bank và Dongguan Trust đã cung cấp các khoản vay cho Kingold, và các khoản này được bảo hiểm bởi 30 tỷ nhân dân tệ của các chính sách bảo hiểm tài sản do công ty bảo hiểm nhà nước PICC Property, Casualty và các công ty bảo hiểm nhỏ hơn khác.

Theo Caixin, vàng giả đã bị lộ vào tháng 2/2020 khi Dongguan Trust bắt đầu thanh lý tài sản thế chấp của Kingold để chi trả các khoản nợ đến hạn của công ty này. Cuối năm ngoái, Kingold bị cáo buộc là đã không trả nợ cho các nhà đầu tư trong một số sản phẩm ủy thác.

Cổ phiếu của Kingold niêm yết Nasdaq đã giảm gần ¼, sau khi các cáo buộc này xuất hiện vào sáng thứ Hai (29/6) trên trang web của Caixin – một cổng thông tin tài chính chính thức của Trung Quốc đại lục.

Kingold hiện đang bị các cơ quan chức năng điều tra. Công ty này cũng không đưa ra bình luận về vấn đề này.

Kingold dựa vào sự ‘hậu thuẫn’ nào để vay tiền?

Theo smallcaps, cổ đông kiểm soát của Kingold là Jia Zhihong, một cựu quan chức quân đội ở Vũ Hán và Quảng Châu. Ông này từng quản lý các mỏ vàng cho Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Dưới sự hậu thuẫn đáng kể trên, từ một nhà máy vàng ở Vũ Hán, Kingold đã thiết lập được liên kết với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Vũ Hán Kingold được “nâng đỡ” trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất ở tỉnh Hồ Bắc. Khi sự việc lừa đảo vỡ lở, Caixin báo cáo rằng chủ tịch Jia Zihong của Kingold đã chối bỏ thẳng thừng việc sử dụng vàng giả và phủ nhận mọi hành vi sai trái…

Nhưng làm thế nào đống vàng giả này lại có thể “qua mặt” các công ty bảo hiểm, kiểm toán…? 83 tấn vàng của Kingold tương đương với 22% sản lượng vàng hàng năm của Trung Quốc và 4,2% dự trữ vàng của nhà nước tính đến năm 2019. Nói tóm lại, hơn 4% dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc có thể là giả. Câu hỏi được đặt ra là liệu nhiều tấn vàng được xem là “tài sản cứng” của Trung Quốc có thật sự tồn tại, hay chỉ là đồng mạ vàng?

Báo cáo của Zero Hedge cho biết điều này phơi bày sự gian lận ở nhiều mặt của Trung Quốc: tận dụng chủ nghĩa thân hữu đã tồn tại từ trước và kết nối với quân đội hùng mạnh của Trung Quốc. Điều này cho phép người sáng lập Kingold được phép làm bất cứ điều gì mình muốn, kể cả việc làm giả hơn 83 tấn vàng nhằm có được hàng tỷ USD tiền vay để tham gia vào bong bóng nhà ở của Trung Quốc.

Tờ economictimes cho rằng sự kiện bất ngờ này đã phơi bày loại “bê bối” cố hữu, là tâm điểm của hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc và các liên doanh kinh doanh. Hàng chục tấn vàng miếng “chưa bao giờ tồn tại” này đã mang đến hàng tỷ USD, “mang lại lợi ích” không chỉ cho người sáng lập Jia, mà cả giới chức của Trung Quốc.

“Bây giờ có vẻ như một phần lớn của nền tảng kinh tế Trung Quốc đã được chứng minh là dựa trên hàng chục tỷ nhân dân tệ “tài sản cứng” – chẳng hạn như vàng – đơn giản là không tồn tại”, báo cáo này cho biết.

Liệu các phi vụ lừa đảo của công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục lặp lại?

Tin tức về vụ lừa đảo này xuất hiện chỉ ba tháng sau khi một công ty Trung Quốc khác là Luckin Coffee thừa nhận việc gian lận kế toán 310 triệu USD, trong một vụ bê bối quản trị doanh nghiệp. Luckin được thành lập vào tháng 6/2017, được coi đối thủ của Starbucks tại Trung Quốc. Công ty này là một trong những công ty Trung Quốc thành công nhất được niêm yết trên sàn tại Mỹ vào năm 2019, thu hút sự

quan tâm từ các nhà đầu tư nổi tiếng của Hoa Kỳ, bao gồm các quỹ đầu tư dài hạn và các quỹ đầu tư rủi ro.

Vào tháng 4/2020, TAL Education Group, một nhà điều hành các trung tâm giảng dạy có trụ sở tại Bắc Kinh được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York, cũng thừa nhận việc làm giả dữ liệu khi làm tăng doanh số lên đến hàng trăm triệu USD của một trong những mảng kinh doanh của mình.

Gần đây, iQiyi – công ty phát trực tuyến video Trung Quốc được niêm yết trên Nasdaq, cũng bị cáo buộc lạm dụng dữ liệu, mặc dù iQiyi đã bác bỏ cáo buộc này.

Hoa Kỳ ban hành luật ngăn chặn các công ty Trung Quốc tìm cách gây quỹ trên thị trường Mỹ

Rất nhiều vụ bê bối liên quan đến giả mạo dữ liệu, lừa đảo này đã khiến các nhà lập pháp Hoa Kỳ ngày càng trở nên cẩn trọng và kiên quyết hơn với các công ty Trung Quốc muốn niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ, và nghiêm túc hơn trong việc trục xuất các công ty Trung Quốc khỏi Phố Wall.

Theo Marketwatch, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã lên tiếng ủng hộ sự giám sát chặt chẽ hơn của các công ty Trung Quốc. Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow nói với Fox Business Network vào sáng thứ Ba (30/6) rằng: “Chúng ta phải thúc đẩy các công ty Trung Quốc được niêm yết tại thị trường Mỹ cần phải có thêm trách nhiệm”.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về thương mại và các vấn đề xoay quanh việc xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Thượng viện Hoa Kỳ gần đây đã thông qua một dự luật chưa từng có để ngăn chặn các công ty Trung Quốc khỏi Phố Wall.

Dự luật yêu cầu các ứng viên gây quỹ phải chứng minh rằng họ không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ nước ngoài, trước khi họ có thể niêm yết trên thị trường Hoa Kỳ, và phải nộp báo cáo kiểm toán lên Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Công cộng Hoa Kỳ (PCAOB).

Sau khi có thông tin về việc chính quyền Mỹ đang xem xét giáng một đòn 1,2 nghìn tỷ USD vào các doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc, sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ đã kịp thời có động thái sẵn sàng thắt chặt các tiêu chuẩn niêm yết đối với các doanh nghiệp Trung Quốc huy động vốn trên sàn này.

Các quy định mới của Nasdaq sẽ bắt buộc các công ty từ các nước như Trung Quốc phải huy động 25 triệu USD qua IPO hay ít nhất 1/4 giá trị vốn hóa sau niêm yết của họ.

Tâm An

Tài liệu tham khảo:

https://www.scmp.com/business/companies/article/3091185/kingold-jewelry-secures-usus-28-billion-loans-gold-plated-copper

https://smallcaps.com.au/china-counterfeit-gold-scandal-wuhan-kingold-jewelry-fake-bars-loans/

https://economictimes.indiatimes.com/news/international/world-news/chinas-biggest-gold-fraud-4-of-its-reserves-may-be-fake-report/articleshow/76707339.cms?from=mdr

https://www.ntdvn.com/kinh-te/dung-83-tan-vang-gia-de-bao-dam-khoan-vay-them-mot-cu-lua-vi-dai-tu-cong-ty-trung-quoc-niem-yet-tai-nasdaq-50459.html

 

Trung Quốc muốn gì khi tập trận ở Hoàng Sa?

Bùi Hải Hoành

Chỉ 2 ngày sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông, Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1-5/7/2020. Trung Quốc đưa ra cảnh báo “trong thời gian tập trận, không tàu nào được phép điều hướng trong khu vực huấn luyện và tất cả các tàu phải tuân theo hướng dẫn của tàu chỉ huy tại khu vực đó”. Đây là một sự vi phạm luật pháp quốc tế một cách rõ ràng. Cảnh báo của Trung Quốc xuất phát từ cơ quan hàng hải dân sự chứ không phải bộ quốc phòng, song thông điệp này nhắm đến đối tượng quan trọng nhất là Hải quân Mỹ.

Hàng năm, Trung Quốc vẫn tổ chức một cuộc tập trận quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa nhằm củng cố và khẳng định quyền kiểm soát khu vực này. Động thái mới này diễn ra tiếp theo hàng loạt những hoạt động khiêu khích và lấn lướt của Bắc Kinh trên Biển Đông gần đây đối với các quốc gia láng giềng, giữa bối cảnh thế giới đang nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19.

Tập trận để “trả đũa” sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ

Cùng với việc Ngoại trưởng Mỹ tán đồng lập trường của ASEAN và lên án ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, hai tàu sân bay của Mỹ, USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã tập trận chung ở khu vực biển Philippines ngày 28/6. Theo thông cáo của Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 Hải quân Mỹ, cuộc tập trận nhằm tăng cường những “cam kết tích cực, linh hoạt và bền vững” của Mỹ trong các thỏa thuận quốc phòng với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như “sự sẵn sàng đối diện với những kẻ thách đố thông lệ quốc tế”.

“Kẻ thách đố thông lệ quốc tế” mà ông Wikoff không nói thẳng ra, ai cũng hiểu là ám chỉ Trung Quốc.

Trước đó, chỉ một tuần, hai tàu sân bay USS Nimitz và tàu USS Theodore Roosevelt cũng tiến hành diễn tập phối hợp có quy mô tương tự. Theo trang Japan Times ngày 29/6, rất hiếm khi cả ba tàu sân bay Mỹ gần như cùng lúc thực hiện các cuộc diễn tập phối hợp và càng hiếm hơn khi có đến hai tàu sân bay cùng tham gia trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Japan Times dẫn lời Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết quyết định của Mỹ là đòn giáng vào Trung Quốc, vốn cho rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực đã bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19, đồng thời trấn an các đồng minh và đối tác của Washington. Ông cũng cho rằng mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc điều hai tàu sân bay này và hội nghị thượng đỉnh ASEAN, nhưng “cũng không nên bác bỏ khả năng này” vì các hoạt động huấn luyện quân sự trong quá khứ đã được lên kế hoạch trước và gắn với các sự kiện.

Theo một viện nghiên cứu Trung Quốc, các cửa ngõ phía Đông ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh đã chứng kiến một loạt hoạt động quân sự trong những tuần gần đây, bao gồm cả nhiệm vụ của các máy bay do thám Mỹ.

Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI, trụ sở ở Washington), cho rằng việc Trung Quốc tập trận tại vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền không phải điều bất thường, nhưng đáng lo ngại. Ông nhấn mạnh: “Bất chấp đại dịch hoành hành trên toàn cầu, Trung Quốc liên tiếp có các hành vi khiêu khích ở Biển Đông. Bắc Kinh dường như quyết làm leo thang thay vì cố gắng xoa dịu tình hình”.

Bắc Kinh đang nổi giận vì Mỹ tăng cường hoạt động đi lại của hải quân qua các vùng biển quốc tế này. Mặc dù hành động của Hải quân Mỹ rất cần thiết để khích lệ các quốc gia yếu hơn trong khu vực rằng Mỹ sẽ duy trì nguyên tắc tự do hải hành tại các vùng biển quốc tế và không một quốc gia có thể ngăn cản điều đó. Đó là một nguyên tắc cơ bản của hệ thống luật quốc tế đã mang lại hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ không ngừng kể từ năm 1945 tới nay.

Phục vụ cho tham vọng của Bắc Kinh

Ngoài ra, việc tổ chức nhiều cuộc tập trận cũng nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng tác chiến của hải quân Trung Quốc (và cũng có thể là năng lực của tàu sân bay). Cuộc tập trận này cũng nhằm tìm cách chính thức hóa yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn gửi thông điệp thông qua cuộc tập trận này, Bắc Kinh đủ sức đe dọa Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia, những quốc gia mà Trung Quốc cho rằng không nên xuất hiện ở khu vực này nếu không được phép của Trung Quốc. Nhằm mục tiêu độc chiếm nguồn tài nguyên năng lượng phong phú và lợi ích từ việc đánh bắt cá ở khu vực này, Trung Quốc đã tuyên bố yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông với bản đồ “đường 9 đoạn” vô lý của mình. Mặc dù bị các quốc gia khác phản đối vì không có cơ sở pháp lý nào hết, nhưng Trung Quốc vẫn sẵn sàng điều tàu chiến và tàu đánh cá để xâm phạm quyền đánh cá ngay tại các vùng biển thuộc quyền của các quốc gia khác.

Với số lượng hàng hoá trị giá khoảng 3,5 nghìn tỷ USD đi qua Biển Đông mỗi năm, Trung Quốc biết rằng nếu có thể kiểm soát vùng biển này, Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để ép buộc những nhượng bộ chính trị từ các nước khác. Ví dụ, việc Trung Quốc kiểm soát các vùng biển này sẽ cho phép Bắc Kinh yêu cầu châu Âu sử dụng mạng 5G của Huawei, ép Hàn Quốc giảm hợp tác với Mỹ và các quốc gia châu Phi tiếp tục chấp nhận hình thức đầu tư theo kiểu mafia của Trung Quốc.

Trung Quốc đang cố gắng thực hiện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương những việc mà đế quốc Nhật Bản đã làm trong những năm 1930. Khi sự tham lam và kiêu ngạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tăng lên, tham vọng cũng sẽ tăng theo.

Đồng loạt các quốc gia phản đối

Ngày 2/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố phản đối cuộc tập trận quân sự của Mỹ trên Biển Đông. Tuyên bố đăng trên Defenese.gov nêu rõ: “Bộ Quốc phòng quan ngại về quyết định của Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông từ ngày 1-5/7.

Khu vực tập trận dự kiến bao gồm các vùng biển và lãnh thổ tranh chấp. Tiến hành tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông là phản tác dụng đối với các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì bình ổn. Hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn thêm tình hình tại Biển Đông. Những cuộc tập trận tương tự cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Hoa Nam năm 2002 (DOC), trong đó cam kết tránh các hoạt động làm phức tạp thêm hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.”

Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định cuộc tập trận này là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách biển bất hợp pháp và làm tổn hại các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đi ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông cũng như tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, được đảm bảo về chủ quyền, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình “với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hạn chế hành vi quân sự hóa và ép buộc các nước láng giềng trên Biển Hoa Nam. Chúng tôi hối thúc tất cả các bên kiềm chế và không có các hoạt động quân sự có thể làm trầm trọng thêm các tranh chấp trên Biển Hoa Nam”.

Cùng ngày, Philippines và Việt Nam ngày 2/7 đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Bắc Kinh tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đông, cho rằng động thái này có thể làm sâu sắc thêm căng thẳng quốc tế ở tuyến đường hàng hải chiến lược này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Trong tuyên bố ngày 2/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Các cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”. Bộ cũng lưu ý hành động của Bắc Kinh gây bất lợi cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN trong nỗ lực đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở vùng biển này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng kế hoạch tập trận 5 ngày của Trung Quốc ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa là “hết sức khiêu khích”. Theo ông Lorenzana, căng thẳng leo thang bắt nguồn từ hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Mặc dù Philippines không có yêu sách lãnh thổ chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa, Bộ trưởng Lorenzana vẫn lưu ý các cuộc diễn tập sẽ kích hoạt “báo động” cho tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông. Phát biểu trên một diễn đàn trực tuyến do Đại học Quốc phòng Philippines tổ chức, ông Lorenzana nhấn mạnh:  “Người Trung Quốc có thể làm điều họ muốn trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của họ, song nếu họ làm điều đó (ám chỉ cuộc tập trận) ở các khu vực tranh chấp, thì là hành vi rất khiêu khích”.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana, bất chấp đại dịch COVID-19, căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp diễn. Tổng thống Duterte chưa bao giờ thực thi phán quyết của tòa trọng tài. Thay vào đó, ông tìm kiếm mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn với Trung Quốc, đồng thời xa rời đồng minh truyền thống của Philippines là Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Duterte gần đây bày tỏ không hài lòng với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, và đã đứng về phía các quốc gia yêu sách khác, bao gồm Việt Nam. Bộ trưởng Lorenzana tố cáo: “Trung Quốc là bên quyết đoán và hung hăng nhất trong số các quốc gia yêu sách. Gần đây, các tàu Trung Quốc – cả tàu quân sự và tàu dân sự – đã tăng cường hành vi xâm nhập và quấy rối đối với hải quân, không quân và lực lượng cảnh sát biển cũng như ngư dân Philippines”.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-does-china-want-when-holding-drills-in-paracels-07032020184608.html

 

Vì sao Trung Quốc

‘đánh tứ phương’ giữa đại dịch Covid-19?

Khánh An-VOA

Trong bối cảnh “tứ bề thọ địch” bởi những chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới về cách xử lý đại dịch Covid-19 và các vấn đề khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục cùng lúc tiến hành nhiều biện pháp chứng tỏ sức mạnh “trên mọi mặt trận”, theo cách nói của tờ Hoàn Cầu Thời Báo – tờ báo chuyên chuyển tải thông điệp của Bắc Kinh ra thế giới. Chuyên gia cấp cao của Mỹ về Trung Quốc lý giải với VOA về phản ứng “có vẻ như mâu thuẫn này” của Bắc Kinh.

Bị “thế giới tấn công” hay đang “tấn công thế giới”?

“Trung Quốc cảm thấy giống như bị các nước lợi dụng (tình hình đại dịch Covid-19) nhưng đồng thời, theo tôi, Trung Quốc cũng muốn biến khủng hoảng trở thành cơ hội”, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc, Bonnie Glaser, của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington nói về động cơ dẫn đến hành động “đánh tứ phương” của Trung Quốc gần đây.

Cũng chính vì động cơ trên mà theo bà Bonnie Glaser, mặc dù nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng cả hai nhận định cho rằng “Trung Quốc bị thế giới tấn công” và “Trung Quốc đang tấn công thế giới” đều chính xác trong hoàn cảnh hiện nay.

Ngoài Hoa Kỳ với những chỉ trích gay gắt và biện pháp mạnh từ chính quyền Trump vì nhiều vấn đề, từ đại dịch Covid-19 đến thương mại, Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ…, Bắc Kinh hiện cũng đang hứng chịu mũi dùi từ phía Australia với kêu gọi điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona, từ phía Anh về việc thông qua Luật An ninh Quốc gia đối với Hong Kong, từ phía Canada về vụ Huawei…

“Tôi cho rằng Trung Quốc muốn ngăn chặn các quốc gia này bắt tay với nhau. Trung Quốc lo ngại sự hình thành của bất kỳ liên minh chống Trung Quốc nào”, chuyên gia Glaser nhận định với VOA.

Tình cảnh bị bao vây tứ phía này khiến cho Bắc Kinh “đặc biệt nhạy cảm” về các vấn đề liên quan đến chủ quyền, trong đó có Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong và biên giới với Ấn Độ, và điều này cũng lý giải vì sao Trung Quốc bác bỏ có bất kỳ ca lây nhiễm Covid-19 nào trong quân đội của mình, theo bà Bonnie Glaser.

Mặt khác, chuyên gia cấp cao của Mỹ cũng tin rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách “biến nguy thành cơ”, biến khủng hoảng thành cơ hội, tranh thủ tình hình đại dịch để lấn tới trong những khu vực có tranh chấp trên.

Trung Quốc đủ sức “đánh tứ phương”

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc trong một bài viết hôm 28/6 dẫn chứng phân tích của chuyên gia nước này nói rằng Quân đội nhân dân Trung Quốc được trang bị khả năng cao để “sẵn sàng chiến đấu trên tất cả các mặt trận” ở nhiều khu vực khác nhau, và dẫn chứng các hoạt động quân sự chuyên sâu đang được thực hiện cùng lúc hiện nay như cuộc tập trận ở Hoàng Sa (từ ngày 1/7 – 5/7), ở gần đảo Đài Loan và tại biên giới Trung – Ấn.

Tờ báo cho rằng mong muốn của Ấn Độ về khả năng Hoa Kỳ sẽ đến trợ giúp hay trấn áp các lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông và Eo biển Đài Loan, từ đó “tạo cơ hội” cho Ấn Độ, chỉ là một “ảo tưởng”.

Nhận định về thực lực quân sự của Bắc Kinh, chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc dự án nghiên cứu về “Sức mạnh Trung Quốc” của CSIS, nói rằng quân đội của Trung Quốc “ngày càng mạnh lên theo thời gian” với những khoản chi tiêu khổng lồ hằng năm dành cho quốc phòng.

Trong một nghiên cứu về ngân sách quốc phòng năm 2020 của Trung Quốc, bà Bonnie Glaser và các đồng nghiệp chỉ ra rằng giữa bối cảnh nền kinh tế đang phải gánh chịu hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng mức chi tiêu cho quân đội vẫn tăng từ 5,06% vào năm 2019 lên 5,12% khi ngân sách chính quyền trung ương bị cắt giảm, “phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn cam kết hoàn tất việc hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2035, và biến lực lượng này thành trở thành quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049”.

“Quân đội Trung Quốc có thể tụt hậu so với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực hay thua xa Nga về vũ khí hạt nhân, nhưng nếu nói về số lượng và kích cỡ tàu, hải quân Trung Quốc rất lớn và có thể sớm vượt qua Hoa Kỳ”, bà Glaser nhận xét với VOA, đồng thời thêm rằng sự tương phản lực lượng này đặc biệt thấy rõ khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Nghị sĩ Tobias Ellwood, thành viên của Nhóm nghiên cứu về Trung Quốc của Quốc hội Anh, cho rằng việc tăng tốc phát triển quy mô quân đội của Trung Quốc trong 10 năm qua nhằm mục đích khiến cho các nước “phải cân nhắc cẩn thận” khi tính đến khả năng tấn công trực diện, ngay cả đối với Hoa Kỳ

“Từ đó, họ có thể chiếm các đảo ở Biển Đông mà không ai dám thách thức cả”, tờ Express dẫn lời nghị sĩ Ellwood nói.

https://www.voatiengviet.com/a/v%C3%AC-sao-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%C3%A1nh-t%E1%BB%A9-ph%C6%B0%C6%A1ng-gi%E1%BB%AFa-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-covid-19-/5488750.html

 

Thế giới cần đứng lên chống lại chính quyền TQ

Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Nathan Law nói với hãng tin Reuters rằng số phận của Hồng Kông là hồi chuông báo động thế giới cần đứng lên chống lại chính quyền Trung Quốc và đặt ưu tiên cho nhân quyền hơn lợi ích tài chính.

Trong một cuộc phỏng vấn qua video được công bố hôm 3/7, ông Law nói với Reuters: “Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là một cửa sổ để thế giới nhận ra rằng Trung Quốc đang ngày càng trở nên độc tài hơn”.

Ông Law kêu gọi cộng đồng quốc tế cần ưu tiên đặt quyền con người lên trên lợi ích tài chính khi giao dịch với Trung Quốc, đồng thời cần quyết đoán hơn trong các vấn đề đa phương có liên quan tới nền kinh tế thứ hai thế giới.

Nhà hoạt động 26 tuổi nói: “Điều quan trọng là chúng ta phải ưu tiên các vấn đề nhân quyền hơn thương mại khi chúng ta giao dịch với Trung Quốc”.

Ông Law bình luận: “Luật an ninh quốc gia về cơ bản là việc chấm dứt ‘một quốc gia, hai chế độ’, vì nó không còn hai chế độ nữa, không còn bức tường lửa nào giữa Hồng Kông và Trung Quốc nữa, về cơ bản nó đã bị hợp nhất”.

Chính sách “một quốc gia, hai chế độ” là lời hứa hẹn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra nhằm tiếp quản Hồng Kông từ Anh Quốc vào năm 1997. Theo cam kết này, Hồng Kông sẽ được hưởng các quyền tự do theo chế độ tư bản chủ nghĩa, ít nhất trong vòng 50 năm kể từ ngày bàn giao, tức là cho đến năm 1947.

Phương Tây hy vọng rằng, trong thời gian này, Trung Quốc đại lục sẽ ảnh hưởng tích cực từ Hồng Kông, từ đó ĐCSTQ sẽ buộc phải tự do hóa chính trị và mở rộng dân chủ cho người dân trên cả nước. Tuy nhiên, quan điểm này đã được chứng tỏ là sai lầm, vì Bắc Kinh không những không mở rộng dân chủ, mà thậm chí còn thâu tóm Hồng Kông vào tầm kiểm soát của ĐCSTQ.

Ông Law nói với Reuters: “Cộng đồng quốc tế nên nhận ra điều đó và đặt ra các cơ chế có liên quan để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm”.

Ông cũng nói: “Phong trào dân chủ sẽ vẫn sôi động, mặc dù nó sẽ thể hiện ở hình thức khác hoặc theo những cách thể hiện khác, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy rằng phong trào kháng cự vẫn còn tồn tại”.

Trong một thông điệp công khai gửi tới Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, ông Law nói: “Tốt hơn hết là ông hãy từ chức”.

Ông Law giải thích: “Đã đến lúc phải có một nhà lãnh đạo đất nước biết cách đối xử tử tế với người dân và lãnh đạo đất nước theo hướng tích cực, lành mạnh hơn, thay vì chỉ làm rối tung cả nước”.

http://biendong.net/bi-n-nong/35618-the-gioi-can-dung-len-chong-lai-chinh-quyen-tq.html

 

Bút chiến Trung – Ấn:

‘Để đối phó với Trung Quốc, cần hiểu nó hơn’

Triệu Hằng

Ngày 30/6, Thời báo Hindustan đăng bài xã luận có tiêu đề: “Để đối phó với Trung Quốc, cần hiểu nó hơn”.

Hôm sau (1/7), Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đáp trả bằng một bài viết có tiêu đề: “Ấn Độ sao có thể hiểu rõ Trung Quốc hơn”.

Màn bút chiến giữa Bắc Kinh với New Delhi diễn ra khi quân đội hai bên đã sẵn sàng khí tài quân sự canh chừng bất kỳ động tĩnh nào của nhau ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Cụ thể, bài báo của Ấn Độ viết: “Không thể phủ nhận Trung Quốc vẫn là mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Ấn Độ trong những thập niên tới. Bắc Kinh không chỉ có chủ ý chiếm quyền kiểm soát các khu vực chiến lược mà còn đang ngăn chặn việc Ấn Độ nâng cấp các cơ sở hạ tầng của mình ở biên giới.

New Delhi không thể nào chấp nhận điều này, lợi ích quốc gia đang lâm nguy. Ấn Độ cần phải thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao, tăng cường năng lực quân sự và có các chính sách kinh tế để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, một lĩnh vực khác đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn đó là Ấn Độ phải có các chuyên gia am hiểu Trung Quốc”.

Hoàn Cầu trích một số đoạn trong bài viết của Thời báo Hindustan và nói rằng “so với các phương tiện truyền thông khác của Ấn Độ thường dùng lối nói công kích Trung Quốc”, thì bài “Để đối phó với Trung Quốc, cần hiểu nó hơn” của Thời báo Hindustan “đọc có vẻ hợp lý”.

“Như đã thấy rõ trong các phát biểu từ các vị quan chức đã nghỉ hưu và các phương tiện truyền thông bị nhà nước kiểm soát, Trung Quốc muốn gửi một thông điệp tới Ấn Độ là hãy chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc trong hệ thống phân cấp quyền lực khu vực châu Á, ngừng tăng cường mối quan hệ đối

tác với Hoa Kỳ, và cam chịu trở thành một bên bị tước bớt vai trò toàn cầu”, Thời báo Hindustan mô tả “bộ mặt” của chính quyền Trung Quốc.

“Ấn Độ đã quá phụ thuộc vào một nhóm hữu hạn các nhà ngoại giao và các quan chức quân đội, những người đã giao thiệp với Trung Quốc, kén chọn các quan chức tình báo và các nhà ngoại giao nói được tiếng Quan thoại, và một nhóm nhỏ các học giả các chính phủ bên ngoài.

Đây là điều không thể biện hộ. Để hiểu rõ động lực của Trung Quốc, Ấn Độ nhất thiết phải có nhiều hơn nữa các chuyên gia về bộ máy ra quyết định ở Trung Quốc, nhóm nòng cốt của ĐCSTQ, nhóm chức năng giữa đảng và quân đội Trung Quốc, cũng như những người hoạch định kinh tế và có tác động thay đổi xã hội Trung Quốc, và nền tảng vận hành kỹ thuật số của nó. Để làm được điều này, Ấn Độ phải đầu tư vào đào tạo ngôn ngữ, tham quan thực địa, thực tập và phải có các học viện chuyên môn. Để đánh trận với Trung Quốc, cần nhận thức về nó tốt hơn”, Thời báo Hindustan cho biết.

Hoàn Cầu phản bác những luận điểm trong bài báo của Thời báo Hindustan, rằng “bất cứ ai quen thuộc với các nguyên tắc ngoại giao của Trung Quốc đều biết rằng điều mà Trung Quốc theo đuổi trái ngược với bất kỳ điều gì liên quan đến sự thống trị hoặc hệ thống phân cấp”. Nó “tán thưởng” việc Ấn Độ đã coi trọng vấn đề “làm thế nào để hiểu rõ Trung Quốc hơn”.

Tờ báo của Bắc Kinh nói: “Các nhà quan sát thừa nhận Ấn Độ không đủ chuyên gia về Trung Quốc, và thật không may các học giả Ấn Độ có khuynh hướng tin rằng họ hiểu Trung Quốc như lòng bàn tay mình”.

“Người Ấn Độ thúc đẩy #BoycottChina [tẩy chay Trung Quốc] trên Twitter,… chứng minh rằng giới hoạch định chính sách và giới tinh hoa Ấn Độ nhận thức không đầy đủ về Trung Quốc”, Hoàn Cầu phản bác và đe dọa thêm: “Ấn Độ cũng nên hiểu rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ một phân lãnh thổ nào. Nếu Ấn Độ liên tục đưa ra những đánh giá sai lầm về chiến lược và nghĩ rằng có thể ăn sâu vào đất Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không ngồi yên”.

“Về mặt địa lý, Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới dài 2.000 km, tuy nhiên về mặt tâm lý, hai dân tộc dường như xa cách. Thật tiếc thay”, Hoàn Cầu than thở.

Tờ báo ĐCSTQ cũng khẳng định: “Thời báo Hindustan nói đúng một điều, Ấn Độ cần có nhiều người hơn nữa hiểu biết về Trung Quốc”.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 3/7 lần đầu tiên thực hiện một chuyến thăm bất ngờ tới Ladakh để thị sát khu vực biên giới xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Chuyến thăm được Thời báo Hindustan diễn tả: “Thủ tướng Modi gửi đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ và mang tính biểu tượng tới trong nước và quốc tế khẳng định Ấn Độ sẽ đứng vững bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình trước sự xâm lược của Trung Quốc”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/but-chien-trung-an-de-doi-pho-voi-trung-quoc-can-hieu-no-hon.html

 

Vì sao phương thức xử lý Hồng Kông của Tập Cận Bình

 khác hoàn toàn với người cha của mình?

Vũ Dương

Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhanh chóng thông qua Luật An ninh Hồng Kông đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Có phân tích cho rằng Luật An ninh Hồng Kông chỉ mất chưa đầy hai tuần kể từ khi cân nhắc đến thông qua, nói rõ phong cách hành sự của ông Tập Cận Bình hoàn toàn trái ngược với cha ông là Tập Trọng Huân năm xưa, trong việc xử lý các vấn đề Trung Quốc – Hồng Kông, tạo thành một sự tương phản rõ nét.

Sau khi Luật An ninh Hồng Kông được thông qua, Bắc Kinh tuyên bố rằng Luật An ninh Quốc gia chỉ ảnh hưởng đến một số ít người. Tuy nhiên, các thành viên của Hội đồng Lập pháp Dân chủ Hồng Kông đã lên án Đạo luật An ninh Quốc gia khu Hồng Kông là hồi chuông báo tử cho chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Cô Trần Thục Trang, thành viên sáng lập của Đảng Công dân, đồng thời là Ủy viên lập pháp đại diện cho đảo Hồng Kông, cho rằng Đạo luật này vốn chưa thông qua Chính phủ đặc khu và Hội đồng Lập pháp xem xét, càng chà đạp lên “Luật Cơ bản” và Luật pháp địa phương, tước đoạt quyền lợi cơ bản của người dân Hồng Kông.

Kênh VOA của Mỹ cho hay, Đạo luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông được thông qua chứng tỏ Bắc Kinh đã không tiếc lấy việc phá hoại lời hứa “một quốc gia, hai chế độ” và khiến mối quan hệ với các nước lớn phương Tây như Hoa Kỳ và Anh rạn nứt thêm bước nữa làm cái giá phải trả, qua đó

siết chặt kiểm soát triệt để, dốc sức thực hiện chuyển biến chính trị một cách toàn diện đối với Hồng Kông.

Có phân tích cho rằng Luật An ninh Hồng Kông chỉ mất chưa đầy hai tuần kể từ lúc xem xét cho đến thông qua, qua đó nói rõ phong cách lãnh đạo chuyên quyền độc đoán của ông Tập Cận Bình và thái độ quyết không khoan nhượng đối với bất đồng chính kiến. Điều này trái ngược hoàn toàn với tác phong hành sự của cha ông là Tập Trọng Huân về các vấn đề Trung Quốc – Hồng Kông trong nhiệm kỳ của cha ông tại tỉnh Quảng Đông từ 1978 đến 1980, tạo thành một sự tương phản rõ rệt.

Tại sao thủ pháp xử lý vấn đề Hồng Kông của nhà lãnh đạo ĐCSTQ thuộc hai thế hệ cha con nhà họ Tập lại có sự khác biệt lớn đến như vậy?

Đài VOA của Mỹ đã dẫn lời của ông Đào Kiệt, một nhà bình luận về vấn đề thời sự Hồng Kông, phân tích rằng ĐCSTQ là thể chế theo quy tắc người cai trị (rule of man), có nghĩa là các quy tắc thay đổi từ người cai trị này sang người cai trị khác, chứ không phải quốc gia pháp trị. Thời Đặng Tiểu Bình thống trị Trung Quốc, ông ta nói rằng cải cách và mở cửa sẽ không bị lung lay trong 100 năm, ĐCSTQ trong các chính sách đối ngoại cần phải giấu tài giấu nghề. Sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền đã thay đổi quy tắc một cách mau chóng.

Khi đó Đặng Tiểu Bình nói với người dân Hồng Kông rằng 50 năm sẽ không thay đổi, và nếu 50 năm không đủ sẽ cho người dân Hồng Kông thêm 50 năm nữa. Nhưng sau khi Đặng Tiểu Bình vừa mới mất, người lãnh đạo mới đã có cách nhìn nhận khác với ông. Đây chính là vấn đề lớn nhất.

Cha của Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân đã từng bị ĐCSTQ bức hại, cũng từng bị Đặng Tiểu Bình loại trừ, điều này ít nhiều để lại chấn thương trong tính cách và tâm lý với Tập Cận Bình. Ông cảm thấy bản thân mình đã đủ nhượng bộ. ĐCSTQ theo quy tắc của người cai trị, vậy nên không có cách nào khác. Lối suy nghĩ của ĐCSTQ hoàn toàn khác với thế giới văn minh bên ngoài.

Học giả của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ Đường Chí Học nói rằng khi người dân Hồng Kông vừa mới bắt đầu cải cách và mở cửa, nhà lãnh đạo đầu tiên họ gặp chính là Tập Trọng Huân.

Ông Tập Trọng Huân từng đảm nhiệm Bí thư tỉnh ủy thứ nhất và Bí thư tỉnh ủy thứ hai của tỉnh Quảng Đông từ 1978 đến 1980. Ngay khi vừa mới đến Quảng Đông, ông phát hiện vấn đề vượt biên khá nghiêm trọng, và cũng nhận thấy Trung Quốc rất lạc hậu. Rất nhiều người phải rời bỏ Trung Quốc đến Hồng Kông.

Vào tháng 6/1979, chính quyền trung ương mở hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Lý Tiên Niệm đã chỉ trích ông và những người lãnh đạo của tỉnh Quảng Đông, nói rằng họ đã không làm tốt công việc của mình. Ông Tập Trọng Huân sau khi nghiên cứu đã đưa ra ba giải pháp. Một là phát triển sản xuất, cần phải trị tận gốc rễ của vấn đề, cần phải khiến cho đời sống của người dân tốt hơn lên; thứ hai là giáo dục về lòng yêu nước, khiến cho mọi người tin tưởng vào bốn hiện đại hóa; thứ ba là tóm được kẻ cầm đầu, làm tốt công tác ngăn chặn ngay trên tuyến đầu.

Ông Tập Trọng Huân cảm thấy rằng có thể thông qua việc xây dựng đặc khu kinh tế, cho phép những người này có được công ăn việc làm, nhưng nếu muốn làm tốt đặc khu kinh tế, cũng cần người dân Hồng Kông đến đầu tư. Vậy nên Mã Vạn Kỳ, Lý Gia Thành chính là quen biết ông Tập Trọng Huân tại thời điểm đó.

Tại sao Tập Cận Bình và cha ông trong việc xử lý vấn đề của Hồng Kông cũng như rất nhiều vấn đề khác lại có thái độ và phương pháp khác nhau xa đến như vậy?

Ông Đào Kiệt nói rằng, dưới ách thống trị của ĐCSTQ, có khi người bố ở bên cánh tả, con cái có thể ở bên cánh hữu; có khi người bố ở bên cánh hữu, con cái có thể ở bên cánh tả. Hồi Cách mạng Văn hoá, cha con giết nhau, vợ chồng đấu nhau, thầy trò phản nhau, mẹ con coi nhau như kẻ thù,… là những việc thường xảy ra trong quần chúng. Đó là do đảng tính kích động mâu thuẫn và thù hận mà nên. Vậy nên bên trong chuyện này có thể có tâm lý nổi loạn. Tập Trọng Huân năm xưa khi còn ở Tây Bắc Thiểm Tây đã không học đại học, nhưng trong ông thì nhân tính nhiều hơn đảng tính.

Ông Tập Trọng Huân đã thấy rất nhiều người ở Thâm Quyến vượt biên trốn sang Hồng Kông, phía mặt nhân tính của ông đã trỗi dậy. Huống hồ rốt cuộc ông được sinh ra cách đây hơn 100 năm. Khoảng thời gian lúc nhỏ và lớn lên của ông có thể là những năm cuối triều Mãn Thanh, hoặc những năm đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, có thể từ sớm ông đã thấm nhuần tư tưởng của giáo lý nhà Nho. Còn thế hệ lãnh đạo hiện giờ của ĐCSTQ hoàn toàn không có được loại tư tưởng này.

Theo Li Quan, NTDTV.com

Vũ Dương biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/vi-sao-phuong-thuc-xu-ly-hong-kong-cua-tap-can-binh-khac-hoan-toan-voi-nguoi-cha-cua-minh.html

 

Malaysia đình chỉ các phi công Pakistan

sau vụ tình nghi làm giả bằng cấp

Tin từ KUALA LUMPUR, Malaysia – Cơ quan cai quản hàng không của Malaysia tạm thời đình chỉ các phi công làm việc cho các hãng hàng không nội địa có giấy phép của Pakistan, sau khi chính phủ của quốc gia Nam Á tiết lộ rằng nhiều phi công có bằng cấp đáng ngờ.

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm (3/7), Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia (CAAM) cho biết rằng quyết định này được đưa ra sau một cuộc đánh giá tất cả các phi công nước ngoài ở Malaysia. Cơ quan quản lý thông báo với Reuters rằng có ít hơn 20 phi công Pakistan ở nước này.

Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines cho biết họ không có bất kỳ phi công Pakistan nào. Malindo Air, chi nhánh Malaysia của Indonesia’s Lion Air, cho biết họ không có bất kỳ phi công nước ngoài nào, và AirAsia cũng cho biết họ không có bất kỳ phi công Pakistan nào.

CAAM cho biết các phi công làm việc với “các nhà điều hành tại địa phương”, như các trường huấn luyện bay, câu lạc bộ bay và các tổ chức đào tạo. Hồi tuần trước, Pakistan cấm gần một phần ba số phi công của họ hoạt động sau khi phát hiện ra họ có thể làm giả bằng cấp. Pakistan có tổng cộng 860 phi công, 107 người trong số đó làm việc cho các hãng hàng không nước ngoài.

Mối quan tâm toàn cầu gia tăng kể từ tuyên bố này, với các quốc gia có cấm phi công Pakistan hoạt động và tìm cách xác minh thông tin hành nghề của họ. Cơ quan an toàn hàng không Liên minh châu Âu cũng đình chỉ ủy quyền của hãng hàng không quốc tế Pakistan để bay đến khối này trong sáu tháng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/malaysia-dinh-chi-cac-phi-cong-pakistan-sau-vu-tinh-nghi-lam-gia-bang-cap/

 

Căng thẳng với TQ, Ấn Độ mua 33 chiến cơ

Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm 2/7 phê duyệt đề xuất mua 33 chiến đấu cơ, trong đó có 12 chiếc 30MKI và 21 chiếc MiG-29 cùng với việc nâng cấp 59 chiếc MiG-29.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tiết lộ sau cuộc họp của Hội đồng mua sắm quốc phòng (DAC) do chính ông làm chủ trì.

Theo AP, hợp đồng mua bán các chiến cơ mới tiêu tốn của Ấn Độ 2,43 tỷ USD.

Số máy bay này sẽ được bổ sung vào phi đội 59 chiếc MiG-29 và 272 chiếc Sukhoi đang biên chế trong quân đội Ấn Độ.

DAC cũng chấp thuận mua lại các nền tảng và thiết bị khác nhau theo yêu cầu của Lực lượng Vũ trang Ấn Độ. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết họ đã phê duyệt việc phát triển hệ thống tên lửa cũng như đạn dược và các phương tiện chiến đấu bộ binh nâng cấp cho cả 3 nhánh của quân đội.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang âm ỉ sau vụ đụng độ ở biên giới hồi giữa tháng 6.

Trong diễn biến mới đây, Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý rút bớt quân đội ở khu vực biên giới tranh chấp “theo đợt” để giảm bớt căng thẳng sau vòng đàm phán mới nhất giữa quan chức 2 bên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là động thái hòa hoãn tạm thời và tình trạng căng thẳng ở biên giới vẫn sẽ tiếp tục.

http://biendong.net/doc-bao-viet/35619-cang-thang-voi-tq-an-do-mua-33-chien-co.html

 

Căng thẳng biên giới:

Thủ tướng Ấn gọi Bắc Kinh là kẻ « bành trướng »

Trọng Thành

Vùng biên giới Ấn Độ – Trung Quốc tiếp tục căng thẳng. Sau cuộc đụng độ đẫm máu giữa tháng 6/2020, hai bên trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong lúc thủ tướng Ấn gọi Bắc Kinh là kẻ « bành trướng », bộ Ngoại Giao Trung Quốc kêu gọi New Delhi đừng « tính toán sai » về phản ứng của Bắc Kinh tại vùng biên giới.

Hôm qua, 03/07/2020, trong chuyến thị sát bất ngờ tại một đơn vị quân đội ở vùng biên giới với Trung Quốc, thủ tướng Ấn Độ đã gián tiếp gọi Bắc Kinh là quân bành trướng, và cổ vũ tinh thần sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ. Ông Narendra Modi nói : « thời kỳ của chủ nghĩa bành trướng đã qua rồi. Chủ nghĩa bành trướng là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Bây giờ là thời kỳ của phát triển. Các thế lực bành trướng hoặc sẽ thua, hoặc buộc phải lùi bước ».

Theo báo mạng Úc abc.net, hôm qua, 03/07/2020, phát ngôn viên đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ lên tiếng khẳng định việc thủ tướng Ấn Độ gọi Bắc Kinh là « bành trướng » là không có cơ sở. Quan chức này khẳng định Trung Quốc đã  giải quyết được các tranh chấp biên giới « với 12 trong số 14 nước láng giềng bằng con đường thương thuyết hòa bình ».

Về phần mình, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) kêu gọi Ấn Độ « hợp tác với Trung Quốc để duy trì quan hệ hữu nghị toàn cục », đồng thời lên án các hành động chống lại doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ, là vi phạm các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Theo người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có các trả đũa để « bảo vệ quyền lợi hợp pháp » của các doanh nghiệp Trung Quốc trên đất Ấn.

Không muốn một mình đối mặt với Trung Quốc, New Delhi tiếp tục vận động ngoại giao tìm kiếm ủng hộ. Hôm qua, 03/07/2020, đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Satoshi Suzuki đưa lên Twitter một thông điệp khẳng định « phản đối mọi hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng » tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại biên giới Ấn – Trung.

Tuyên bố được đưa ra sau khi  đại sứ Nhật gặp ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla. Một số nguồn tin ẩn danh cho biết trước đó, ngoại trưởng Ấn Độ cũng thông báo chủ đề này với các đặc phái viên hay các đồng nhiệm Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Đức.

Đại sứ Nhật Satoshi Suzuki đưa ra quan điểm ủng hộ nói trên, sau khi Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp của giới ngoại giao và quân sự, nhưng đàm phán vẫn bế tắc.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200704-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-%E1%BA%A5n-g%E1%BB%8Di-b%E1%BA%AFc-kinh-l%C3%A0-k%E1%BA%BB-b%C3%A0nh-tr%C6%B0%E1%BB%9Bng

 

Úc xem xét ‘phân tách kinh tế một phần’

với Trung Quốc hậu Covid-19

Quý Khải

Úc đang tiến tới một chính sách “phân tách kinh tế một phần” với Trung Quốc hậu Covid-19, một cuộc điều tra Nghị viện mới của Úc ra kết luận.

Trong một cuộc điều tra mới được thiết lập vào tháng 5 nhằm phân tích các yếu điểm trong chuỗi cung ứng, các vấn đề quốc phòng và đối ngoại của Úc, các chuyên gia cho rằng Úc cần phải lên kế hoạch thiết lập một mạng lưới chuỗi cung ứng của riêng mình để tăng cường khả năng đối phó khủng hoảng quốc gia, và để làm vậy thì cần phải giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP).

Cuộc điều tra này là hệ quả của một cuộc tranh luận trước đó về câu hỏi, khi nào thì chuỗi cung ứng toàn cầu sụp đổ tại đỉnh điểm bùng phát dịch ở Trung Quốc.

Bằng chứng được đệ trình đã nhấn mạnh Úc đã trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc do kết quả của chính sách của Canberra trong việc đẩy mạnh việc tận dụng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đối với Úc, một điểm đáng lưu tâm là mặc dù chúng ta có thể hy vọng một sự hòa giải [với Trung Quốc liên quan đến căng thẳng xoay quanh Covid-19], nhưng tình thế hiện nay ủng hộ sự phân tách một phần với Bắc Kinh

Alan Dupont, giám đốc điều hành doanh nghiệp tư vấn rủi ro địa chính trị, Tập đoàn Cognoscenti.

“Đối với Úc, một điểm đáng lưu tâm là mặc dù chúng ta có thể hy vọng một sự hòa giải [với Trung Quốc liên quan đến căng thẳng xoay quanh Covid-19], nhưng tình thế hiện nay ủng hộ sự phân tách một phần với Bắc Kinh”, theo đệ trình của ông Alan Dupont, giám đốc điều hành doanh nghiệp tư vấn rủi ro địa chính trị, Tập đoàn Cognoscenti.

Ông Dupont cho biết, việc Úc phân tách khỏi Trung Quốc  “không phải là một nỗ lực nhằm cô lập Trung Quốc .. mà trên thực tế nhằm để thiết lập một mối quan hệ bền vững” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khi thế giới đang phân tách thành hai khối thương mại và địa chính trị đối lập, cạnh tranh nhau.

Ông nói rằng Úc có thể tham gia vào khối thương mại với Trung Quốc cùng lúc gia nhập vào khối an ninh với Mỹ, nhưng ngày càng nhiều khả năng Úc phải chọn phe, và nếu Canberra đứng về phía Washington, các hiệp định thương mại tự do song phương với Bắc Kinh và các quốc gia khác sẽ khó có thể duy trì.

Ông Dupont đưa ra khả năng thế giới có thể chia tách thành một khối lấy Trung Quốc làm trọng tâm, bao gồm Nga, hầu hết các nước Đông Nam Á, Trung Đông và một số nước ở Châu Phi và Mỹ La-tinh. Song song với đó là một khối lấy Mỹ trọng điểm, bao gồm hầu hết các nước Châu Âu và một phần của Châu Á, các nước Châu Mỹ La-tinh và các nước Châu Phi.

Úc là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc, chiếm 33% sản lượng xuất khẩu của nước này. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Úc về hàng hóa và dịch vụ, đạt kim ngạch thương mại hai chiều 163 tỷ USD trong năm tài khóa 2019.

Hãng dược phẩm Úc, Viện Công nghệ Dược phẩm, tại một phiên điều trần hồi cuối tháng 6 đã đưa ra bằng chứng cho thấy đại dịch virus corona đang làm gia tăng nhu cầu đối đãi với nguồn cung thuốc như một vấn đề quan trọng mang tính chủ quyền quốc gia.

Cuộc điều tra đã hé lộ các yếu điểm nghiêm trọng của Úc trong nguồn cung thuốc và nhiên liệu khi nước này phải nhập khẩu đến 90% từ nước ngoài, theo thông tin từ Viện nghiên cứu Kinh tế Tổng hợp Úc.

Viện này cho biết yếu điểm của Úc càng bị làm trầm trọng thêm bởi vị trí địa lý đặc thù của nó ở điểm cuối của “mạng lưới thương mại toàn cầu mở rộng”, vốn “phụ thuộc rất nhiều vào các chuỗi cung ứng sản xuất tức thời (Just-in-time manufacturing)” và có “khả năng hứng chịu tổn thất và gián đoạn thấp”. Viện lập luận rằng Úc cần một mô hình chuỗi cung ứng “thông minh mang tính chủ quyền” để cắt giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Viện nghiên cứu Kinh tế Tổng hợp Úc do đó ủng hộ xây dựng một mô hình chuỗi cung ứng “thông minh mang tính chủ quyền” cho Úc, bao gồm tỷ lệ nhiều hơn các mặt hàng sản xuất ở Úc với chuỗi cung ứng nội địa, các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) và lực lượng lao động lành nghề hơn cho phép Úc chủ động kiểm soát các lĩnh vực quan trọng.

“Đất nước chúng ta khá giàu mạnh … nên chúng ta có thể chi trả nhiều hơn một chút cho hàng hóa sản xuất tại Úc, bởi vì nếu có vấn đề nào đó xảy ra, chúng ta biết chúng ta sẽ có  đủ thuốc dự trữ cho con em mình”.

– John Blackburn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Tổng hợp Úc

Đồng thời, Viện cũng cảnh báo rằng một quốc gia có dân số nhỏ như Úc – 25 triệu dân so với 1,4 tỷ dân của Trung Quốc – không nên đi sang cực đoan khi tìm kiếm sự tự chủ và học theo mô hình “Nước Mỹ trên hết” của Hoa Kỳ, đề cập đến chính sách kinh tế đặc trưng của Tổng thống Trump.

“Mô hình ‘Nước Mỹ trên hết’ này của người Mỹ không phải là một mô hình mang lại sự đảm bảo cho chúng ta … nó nên đóng vai trò như một dấu hiệu dự báo cho một trào lưu có thể xuất hiện trong tương lai”, John Blackburn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Tổng hợp, nói.

Khi được hỏi làm thế nào để thuyết phục người dân Úc mua các sản phẩm đắt tiền hơn được sản xuất tại nội địa trong nỗ lực thiết lập tính ổn định của nguồn cung nội địa, ông Blackburn cho biết cần phải thảo luận nhiều hơn để nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc gia tăng tính ổn định chủ quyền quốc gia.

“Đất nước chúng ta khá giàu mạnh … nên chúng ta có thể chi trả nhiều hơn một chút cho hàng hóa sản xuất tại Úc, bởi vì nếu có vấn đề nào đó xảy ra, chúng ta biết chúng ta sẽ có  đủ thuốc dự trữ cho con em mình”, ông phát biểu tại buổi điều trần.

https://www.dkn.tv/the-gioi/uc-xem-xet-phan-tach-kinh-te-mot-phan-voi-trung-quoc-hau-covid-19.html

 

TQ trong tầm ngắm của Australia

Australia bắt đầu ráo riết thực hiện luật chống can thiệp nước ngoài được thông qua hai năm trước, khi nhắm vào một nghị sĩ bị cho là thân Trung Quốc.

Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) tuần trước khám xét nhà và văn phòng nghị sĩ đảng đối lập Shaoquett Moselmane, thành viên Hội đồng Lập pháp bang New South Wales, cùng John Zhang, cựu nhân viên của ông. Vụ đột kích này được thực hiện theo luật chống can thiệp nước ngoài mà Canberra thông qua năm 2018, giữa lúc có nhiều lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh can thiệp nội bộ.

Văn phòng của Moselmane đã trở thành “tâm điểm” nghi vấn của Tổ chức Tình báo An ninh Quốc gia Australia (ASIO) về việc liệu ông và nhân viên có liên quan tới các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này hay không.

Đây là một canh bạc lớn với Australia. Một vụ truy tố và kết án thành công sẽ tăng thêm sức nặng pháp lý cho cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào xã hội và chính trị Australia trong nhiều năm qua. Đồng thời, nó cũng giúp chứng minh mối lo ngại của thế giới về việc ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn.

Nhưng nó chắc chắn làm tăng thêm căng thẳng cho mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa Canberra và Bắc Kinh. Ngoài ra, nếu Caberra không thể đưa ra bằng chứng thuyết phục về việc can thiệp quá mức của Bắc Kinh, nó sẽ làm tăng thêm chỉ trích rằng Australia quá đa nghi và theo chủ nghĩa bài Trung Quốc.

“Tôi nhận thấy nó sẽ tạo ra bước ngoặt. Tôi tin rằng ASIO và AFP đã có bằng chứng chắc chắn. Nếu không, hành động này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của họ. Tất nhiên, vụ này cũng sẽ được cả thế giới dõi theo, đặc biệt là Trung Quốc”, Feng Chongyi, phó giáo sư Đại học Công nghệ Sydney, cho hay.

Luật chống can thiệp nước ngoài của Australia đưa ra 40 tội danh, trong đó có đánh cắp bí mật thương mại cho chính phủ nước ngoài, hay thay mặt chính phủ nước ngoài thực hiện bất kỳ hành vi gây ảnh hưởng tới chính trị. Nó cũng yêu cầu các nhà vận động hành lang nước ngoài phải đăng ký thông tin cá nhân.

George Rennie, giảng viên chính trị và chuyên gia về chiến lược vận động hành lang tại Đại học Melbourne, cho biết vận động hành lang được xem như hoạt động ngoại giao phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, nhưng vẫn có các “vùng xám” nơi “các ranh giới có thể bị vượt qua và rất khó phát hiện”.

Greg Barns, người phát ngôn về tư pháp hình sự quốc gia cho Liên minh Luật sư Australia, cho biết việc ca ngợi Bắc Kinh hay chỉ trích Canberra đơn thuần không phải là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, ông nói thêm luật bao gồm các tội danh “liên quan tới việc cung cấp thông tin bất lợi cho Australia và có lợi cho quốc gia khác, những quy định được xem quá rộng và mơ hồ”.

Ngoài ý định muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh, các cuộc đột kích mới đây có thể cho thấy quan ngại về việc chính trị gia bị lôi kéo bởi “các hợp đồng vận động hành lang hấp dẫn khi họ rời nhiệm sở”, theo Clive Williams, giáo sư Đại học Quốc gia Australia và từng là giám đốc tình báo an ninh.

Hôm 29/6, Moselmane kiên quyết phủ nhận mọi hành vi sai trái và nói rằng ông không phải nghi phạm trong cuộc điều tra của cảnh sát Australia. “Tôi không làm điều gì sai trái. Tôi chưa từng gây tổn hại tới lợi ích của đất nước và của người dân”, Moselmane nói trong cuộc họp báo ở Sydney.

Moselmane nói thêm bằng chứng hiện tập trung vào “vài người khác với cáo buộc thúc đẩy mục tiêu của chính phủ nước ngoài” và lên án cái mà ông gọi là “tấn công chính trị”.

AFP và ASIO từ chối bình luận, nhưng cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành.

Khi được hỏi về vấn đề trên trong buổi họp báo hôm 29/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói không bình luận về vấn đề nội bộ của Australia, trước khi cáo buộc một số chính trị gia của Canberra “bị ám ảnh với nỗi lo sợ về Trung Quốc”.

“Họ thường đưa ra cáo buộc vô căn cứ về Trung Quốc trong các vấn đề chính trị nội bộ, kỳ thị và bôi nhọ việc hợp tác với Trung Quốc và gây tổn hại mối quan hệ song phương. Điều này hoàn toàn không mang tính xây dựng và vô trách nhiệm”, ông Triệu nói.

Ông Triệu cũng tuyên bố “có bằng chứng không thể chối cãi” về hoạt động gián điệp của Australia ở Trung Quốc dù không đưa ra thông tin cụ thể.

Cả Moselmane và cựu nhân viên John Zhang đều đối mặt với nhiều cáo buộc thân Trung Quốc trong những năm gần đây. Hồi tháng 4, Moselmane đã phải rời ghế trợ lý Chủ tịch Thượng viện New South Wales, sau khi tờSydney Morning Heraldđưa tin ông đăng lên trang web cá nhân bài viết ca ngợi vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc chiến với Covid-19. Năm 2018, Moselmane cũng vấp phải chỉ trích gay gắt khi ủng hộ Trung Quốc “kiểm soát nhiều hơn truyền thông toàn cầu” và lãnh đạo “trật tự thế giới mới”.

Nghị sĩ Australia này cũng từng bị lên án sau khi niên giám xuất bản năm 2014 chỉ ra Zhang, trợ lý và người viết diễn văn của ông, là người tham gia khóa đào tạo về tuyên truyền do Văn phòng Ngoại kiều Trung Quốc tổ chức.

Cho tới năm ngoái, Zhang vẫn là phó chủ tịch Hiệp hội Kinh tế, Thương mại và Văn hóa Australia – Trung Quốc (ACETCA), tổ chức mà nhiều nhà phân tích mô tả có mối liên hệ mật thiết với Bắc Kinh. ACETCA đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc.

Moselmane và Zhang cũng từng được truyền thông Trung Quốc nhắc đến với tư cách là nhà nghiên cứu và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Hoa Đông ở Thượng Hải. Trung tâm Nghiên cứu Australia của đại học này, do học giả và nhà phê bình Chen Hong đứng đầu, từng tổ chức cho Moselmane buổi thảo luận về luật chống can thiệp nước ngoài của Canberra hồi năm 2018.

“Tôi cho rằng ASIO đã chuẩn bị rất kỹ cho vụ này và để đảm bảo vụ đầu tiên áp dụng luật chống can thiệp sẽ thành công”, Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia ở Canberra, nhận định.

Tuy nhiên, nhiều khía cạnh khác của cuộc điều tra đang làm dấy lên nhiều lo ngại. Việc nhiều hãng truyền thông đã chụp ảnh được vụ đột kích cho thấy thông tin đã bị rò rỉ trước đó.

“Đây không phải lần đầu tiên thông tin về cuộc đột kích của AFP bị rò rỉ. Về lâu dài, nó sẽ làm tổn hại danh tiếng của các cơ quan này về khả năng hoạt động độc lập, ngay cả khi họ không phải nguồn rò rỉ thông tin”, James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Australia – Trung Quốc, nói.

http://biendong.net/bi-n-nong/35621-tq-trong-tam-ngam-cua-australia.html