Tin khắp nơi – 04/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Iraq: Vụ đánh bom xe ở Baghdad giết chết ít nhất 200 người

Các giới chức Iraq hôm thứ Hai nói rằng ít nhất 200 người chết trong vụ tấn công tự sát bằng bom gài trong xe tải hôm Chủ nhật ở thủ đô Baghdad.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công, và mục tiêu là những người Hồi giáo Shia tại khu mua bán đông người ở quận Karrada của Baghdad. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Baghdad trong năm nay, và là một trong những vụ đánh bom giết hại nhiều người nhất trong hơn một thập niên qua.

Ít nhất 192 người bị thương và và các giới chức nói rằng tổng số người thiệt mạng có thể còn tăng thêm khi các nhân viên cứu hộ đào bới các đống đổ nát để tìm kiếm các nạn nhân.

Thủ tướng Haider al-Abadi ra lệnh tăng cường các biện phát an ninh tại Baghdad, nhưng trên đường phố, nhiều người Iraq bày tỏ căm phẫn trước việc chính phủ không có khả năng bảo vệ an ninh cho người dân.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon nói ông “kinh tởm trước sự vô cảm hoàn toàn đối với mạng sống con người” mà những kẻ gây ra vụ tấn công này thể hiện.

Người phát ngôn của ông Ban nói trong tuyên bố lên án vụ tấn công này rằng “ông Tổng thư ký kêu gọi người dân Iraq bác bỏ mọi hành động nào nhằm gieo rắc sợ hãi và phá hoại tinh thần đoàn kết của đất nước”.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Ned Price, hôm Chủ nhật nói rằng Hoa Kỳ luôn sát cánh với Iraq trong nỗ lực chung nhằm đánh bại Nhà nước Hồi giáo.

Ông Price nói: “Những vụ tấn công như thế này chỉ làm tăng thêm kiên quyết của chúng tôi ủng hộ các lực lượng an ninh Iraq để họ tiếp tục chiếm lại lãnh thổ từ tay ISIL, và chúng tôi tiếp tục tăng cường nỗ lực của chúng tôi nhằm tiêu diệt mạng lưới khủng bố ISIL và các thủ lãnh của chúng”.

Nhà nước Hồi giáo đã chiếm nhiều khu vực rộng lớn ở miền bắc và miền tây Iraq cách đây 2 năm. Các lực lượng của Iraq trên bộ được yểm trợ bằng các cuộc oanh kích của quân đội Mỹ đã chiếm lại lãnh thổ bị mất, trong đó có thành phố Fallujah hồi tháng trước, nhưng Nhà nước Hồi giáo vẫn kiểm soát nhiều thành phố lớn khác như Mosul

http://www.voatiengviet.com/a/iraq-vu-danh-bom-xe-o-baghdad-giet-chet-it-nhat-200-nguoi/3403280.html

 

Hàn Quốc định xây ụ đảo nhân tạo ở Hoàng Hải để chống đánh cá lậu

Hàn Quốc dự định xây 80 ụ đảo nhân tạo gần ranh giới thực tế trên biển với Bắc Triều Tiên trong nỗ lực ngăn chặn điều mà Seoul gọi là tàu thuyền của Trung Quốc đánh bắt hải sản bất hợp pháp.

Hãng thông tấn Yonhap loan tin rằng các ụ đảo nhân tạo dự định xây dựng gần khu vực tranh chấp ở Lằn ranh phía Bắc ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 7 triệu đôla.

Các ụ đảo mới này được xây dựng vào lúc tình hình trở nên cấp bách hơn phải ngăn chặn tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc mà Seoul nói là xâm nhập bất hợp pháp vào các khu vực đánh bắt hải sản của Triều Tiên. Yonhap nói rằng các tàu thuyền đánh cá này hình như lợi dụng việc Tuần dương Hàn Quốc không dự định mạnh tay ngăn chặn tàu thuyền của Trung Quốc gần Lằn ranh phía Bắc, vì có thể vô tình gây ra giao tranh với Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng không chính thức công nhận ranh giới trên biển này.

Tháng trước, một ngư dân địa phương đã kéo hai tàu cá của Trung Quốc đánh bắt cua ngay ở phía nam ranh giới này và giao cho nhà chức trách Nam Triều Tiên.

http://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-dinh-xay-u-dao-nhan-tao-o-hoang-hai-de-chong-danh-ca-lau/3403208.html

 

Bangladesh tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công ở Dhaka

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hôm thứ Hai đến dự lễ tưởng niệm 20 con tin và 2 cảnh sát viên thiệt mạng trong vụ một nhà hàng hạng sang ở Dhaka bị những kẻ hiếu chiến tấn công hôm thứ Sáu.

Tại lễ trưởng niệm có treo cờ và đại sứ của các nước có nạn nhân trong vụ tấn công này đến dự, bao gồm Ấn Ðộ, Italia, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Thủ tướng Hasina thăm hỏi các gia đình các nạn nhân.

Tang lễ được cử hành vào ngày thứ hai của hai ngày quốc tang.

Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công, nhưng chưa có liên hệ trực tiếp nào với nhóm cực đoan này được xác nhận, và các giới chức chính phủ bác bỏ việc Nhà nước Hồi giáo liên quan trong vụ này.

Bộ trưởng Nội vụ hôm Chủ nhật nói rằng những kẻ tấn công hoàn toàn không có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo. Bộ trưởng Asaduzzaman Khan ngược lại nói rằng những kẻ thánh chiến Hồi giáo này là thành viên của một nhóm hiếu chiến trong nước Jumatul Mujahedeen Bangladesh (JPM), nhóm đã bị cấm hoạt động ở Bangladesh hơn một chục năm qua. Ông Khan nói tất cả những kẻ tấn công này đều là những người có học và xuất thân từ những gia đình khá giả.

Tổng trưởng cảnh sát quốc gia, ông Shahidul Hoque, nói rằng nhà chức trách đang điều tra khả năng những kẻ tấn công này có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo.

Ngoại trưởng Mỹ gọi điện cho Thủ tướng Hasina

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry hôm Chủ nhật đã gọi điện cho Thủ tướng Hasina để bày tỏ phân ưu và ngỏ lời ủng hộ. Thông báo của Bộ Ngoại giao nói rằng ông Kerry “khuyến khích chính phủ Bangladesh xúc tiến điều tra với những chuẩn mực quốc tế cao nhất”. Ông Kerry cũng ngỏ lời rằng cơ quan thực thi luật pháp Mỹ, trong đó có Cục Điều tra Liên bang (FBI) có thể hỗ trợ.

Cảnh sát Bangladesh công bố hình và họ tên của 5 trong số 6 kẻ tấn công đã chết. Cảnh sát cho hay thân nhân của những tên này đã mất liên lạc với bọn chúng nhiều tháng qua.

Chính phủ Bangladesh lâu nay vẫn khẳng định là Nhà nước Hồi giáo không hiện diện trên lãnh thổ của họ. Chính quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina quy lỗi hàng loạt vụ tấn công hồi gần đây cho các đối thủ chính trị của bà Hasina, và nói rằng họ hậu thuẫn cho các nhóm hiếu chiến nhằm gây bất ổn.

Trong số 11 người đàn ông và 9 phụ nữ thiệt mạng có 9 người Ý, 7 người Nhật, 2 người Bangladesh, 1 người Mỹ và 1 người Ấn Ðộ. Ba nạn nhân trong số này là các sinh viên đại học ở Mỹ. Hai cảnh sát viên Bangladesh trước đó cũng thiệt mạng trong cuộc bao vây. Các lực lượng an ninh giải cứu được 13 con tin.

http://www.voatiengviet.com/a/bangladesh-tuong-niem-cac-nan-nhan-vu-tan-cong-o-dhaka/3403197.html

 

G7 sẽ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết quốc tế về Biển Đông

Một số báo Nhật đưa tin hôm 3/7 rằng chính phủ Nhật Bản đang phối hợp với các nước trong nhóm G7 để ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc tôn trọng một phán quyết quốc tế sắp tới liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Philippines đã nộp đơn khiếu nại ra Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye, trong đó nói chính phủ Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Về phần mình, Trung Quốc nói tuyên bố của Philippines là vô giá trị và họ sẽ không chấp nhận phán quyết. Tòa sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 12/7.

Các nhà quan sát nói các nước G7 dự định gây sức ép với Trung Quốc bằng cách ra một tuyên bố chung về tìm kiểm giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp.

Hồi tháng 5, tại hội nghị thượng đỉnh của G7 ở Ise-Shima, Nhật Bản, các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố tái khẳng định tầm quan trọng của việc “tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như thông qua các thủ tục pháp lý, kể cả phân xử trọng tài” về các vấn đề an ninh hàng hải.

Các nguồn tin nói các nước G7 đã tránh nêu tên Trung Quốc nhưng đã nói cụ thể về vấn đề hàng hải trong tuyên bố với hy vọng là Trung Quốc tự kiềm chế trước khi có phán quyết trọng tài.

Các nguồn tin cho biết trong tuyên bố chung sắp tới, các nước G7 sẽ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các trình tự tố tụng của tòa trọng tài.

Họ cho hay cho dù tòa có ra quyết định thế nào, các nước G7 có kế hoạch sẽ đề nghị Trung Quốc hành động dựa theo luật pháp quốc tế bằng cách thể hiện tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp pháp lý.

Mặc dù một số nước có lập trường thận trọng về việc ra tuyên bố chung, chính phủ Nhật lâu nay đã làm việc với họ để đạt quan điểm chung về vấn đề này.

Theo Chicago Tribune, Yomiuri.

http://www.voatiengviet.com/a/g7-se-yeu-cau-trung-quoc-ton-trong-phan-quyet-quoc-te-ve-bien-dong/3403170.html

 

Trung Quốc giao hàng viện trợ quân sự cho Afghanistan

Afghanistan đã nhận số trang thiết bị quân sự đầu tiên của Trung Quốc trong khuôn khổ của chương trình viện trợ trị giá hàng triệu đôla để giúp Kabul chiến đấu chống khủng bố. Từ trung tâm tin tức Nam Á, thông tín viên Ayaz Gul gởi về bài tường thuật.

Các trang thiết bị quân sự của Trung Quốc do một chiếc máy bay chở hàng do Nga chế tạo chở tới Kabul hôm Chủ nhật và được Đại sứ Trung Quốc Diêu Kính trao cho Cố vấn An ninh Quốc gia Afghanistan Hanif Atmar.

Các nguồn tin ở thủ đô của Afghanistan cho biết viện trợ của Trung Quốc bao gồm các trang thiết bị hậu cần, phụ tùng quân xa cùng với súng ống và đạn dược.

Đại sứ Diêu Kính cho biết Bắc Kinh muốn có những mối quan hệ bình thường với chính phủ và nhân dân Afghanistan, trong đó có những chương trình hợp tác quân sự.

“Afghanistan là nước láng giềng gần gũi của Trung Quốc và là một lân bang rất quan trọng của chúng tôi. Do đó, đây là phần khởi đầu của các hoạt động giao lưu và hợp tác giữa quân đội với quân đội của hai nước”.

Ông Atmar không chịu cho biết những thiết bị của Trung Quốc gồm có những gì và trị giá bao nhiêu. Ông nói rằng những vấn đề quân sự như vậy cần phải giữ bí mật. Ông nói sự trợ giúp này chứng tỏ Afghanistan và Trung Quốc cùng có quyết tâm chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Ông Atmar nói: “Sự trợ giúp quân sự này chỉ là phần khởi đầu của cuộc đấu tranh chung của hai nước để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tôi xem đây là một sự thay đổi quan trọng trong mối quan hệ của Trung Quốc với Afghanistan và nó chứng tỏ Trung Quốc sát cánh với nhân dân Afghanistan trong cuộc chiến đấu chống khủng bố”.

Ông Atmar cho biết chuyến hàng sắp tới sẽ được giao trong năm nay và sẽ bao gồm những máy rà soát mà cảnh sát Afghanistan có thể dùng để dò tìm bom mìn giấu trên xe hơi. Các giới chức Afghanistan dự định gắn những máy này tại 4 tuyến đường dẫn vào thủ đô Kabul.

Đại sứ Diêu Kính nói Trung Quốc sẽ sát cánh với Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố.

“Cả Trung Quốc lẫn Afghanistan đều không có tham vọng. Nhưng chúng tôi có bổn phận bảo vệ hòa bình và chủ quyền. Cho nên trong lãnh vực này Trung Quốc và Afghanistan đứng chung trong một trận tuyến. Chúng tôi sẽ chiến đấu bên nhau”.

Trung Quốc cũng là một thành viên của Nhóm Hợp tác Bốn bên (QCG), là nhóm còn bao gồm Afghanistan, Pakistan và Hoa Kỳ. Mục tiêu của nhóm này là mang lại một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Afghanistan, nhưng tiến trình bốn bên này vẫn chưa thể khởi động cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan với phe Taliban.

Những người chỉ trích cho rằng sự can dự mỗi ngày một nhiều của Trung Quốc ở Afghanistan phát xuất từ mối lo ngại là sự bất ổn ở Afghanistan có thể gây ra nhiều vấn đề ở vùng Tân Cương của Trung Quốc, nơi những người Uighur theo đạo Hồi đang tiến hành một cuộc nổi dậy với cường độ thấp để chống lại sự cai trị của Trung Quốc.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-giao-hang-vien-tro-quan-su-cho-afghanistan/3403099.html

 

UAE cảnh báo công dân tránh mặc đồ truyền thống ở nước ngoài

Liên hiệp Các Tiểu vương quốc Ả-rập (UAE) đang cảnh báo công dân nước này tránh mặc trang phục truyền thống khi du hành ở nước ngoài.

Lời cảnh báo được đưa ra sau khi truyền thông địa phương đồng loạt đăng tin một doanh nhân người UAE, mặc áo choàng trắng truyền thống, bị nhầm là một thành viên của Nhà nước Hồi giáo trong khi đang thăm bang Ohio ở miền trung của Mỹ. Ông ta bị cảnh sát còng tay và câu lưu, sau đó phải nhập viện.

Chính phủ cũng “kêu gọi phụ nữ tuân thủ lệnh cấm mạng che mặt ở một số nơi thuộc Châu Âu.” Cảnh báo nêu đích danh các nước Pháp, Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan, cũng như một số thành phố Châu Âu như Barcelona ở Tây Ban Nha. Thành phố này cấm bất kỳ hình thức che mặt nào kể từ năm 2010.

Một dòng tin từ một tài khoản Twitter của chính phủ dùng để đưa ra khuyến nghị cho người UAE du hành đi ở nước ngoài nói rằng công dân nước này nên tránh mặc trang phục dân tộc trong khi đang du hành ở nước ngoài, đặc biệt là ở những nơi công cộng, “để giữ gìn sự an toàn của họ.

http://www.voatiengviet.com/a/uae-canh-bao-cong-dan-tranh-mac-do-truyen-thong-o-nuoc-ngoai/3402920.html

 

Ông Elie Wiesel, nạn nhân Holocaust và khôi nguyên Nobel Hòa bình, qua đời

Ông Elie Wiesel, nạn nhân sống sót trong địa ngục trại tử thần Đức Quốc xã, vừa qua đời hôm thứ Bảy, thọ 87 tuổi.

Những lời ca ngợi từ nhiều nơi trên thế giới gửi đến vinh danh nạn nhân Holocaust, tức cuộc đại thảm sát người Do Thái trong Thế chiến thứ II, và là khôi nguyên giải Nobel Hòa bình.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon hôm Chủ nhật nói: “Thế giới mất đi một trong những chứng nhân quan trọng, và một trong những nhà tranh đấu hùng hồn nhất cho sự dung chấp và hòa bình.” Ông nói thêm rằng “Ông Wiesel đã biến nỗi ác mộng thời niên thiếu của ông thành một cuộc vận động cả đời ông cho hòa bình và bình đẳng trên toàn cầu.”

Ông Wiesel là một Sứ giả Hòa bình của Liên hiệp quốc từ năm 1998. Tổng thư ký Ban nói ông Wiesel kêu gọi phải luôn đề cao cảnh giác trong cuộc chiến chống bài trừ người Do Thái và các hình thức thù hận thù khác.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, bà Samantha Power nói: “Ông Elie Wiesel qua đời, thế giới mất đi một người tài giỏi và vĩ đại; những người đấu tranh chống bất công mất đi một nguồn động viên mỗi ngày…”

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Bảy gọi ông Wiesel là một người bạn thân thiết, “một tiếng nói của phẩm hạnh cao quý nhất trong thời đại của chúng ta.”

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi rằng ông Wiesel “phản ánh chiến thắng của tinh thần nhân loại đánh bại sự tàn ác và quỷ dữ.”

Ông Wiesel, sinh quán Romania, bị đày đến trại diệt chủng khét tiếng Auschwitz năm 1944 cùng với đa số người thân thuộc trong gia đình của ông.

Cha mẹ và chị gái của ông bị sát hại. Ông thoát chết trong sự tàn bạo của Đức Quốc xã, và sau đó hành nghề ký giả.

Một nhà văn Pháp thuyết phục ông kể lại chuyện vụ đại thảm sát Holocaust, và cuốn hồi ký Night của ông được xuất bản năm 1958.

Cuốn hồi ký bán được hàng triệu bản bằng 30 ngôn ngữ và là cuốn sách được nhiều trường học trên thế giới yêu cầu học sinh phải đọc và là tài liệu dành cho bất cứ ai muốn tìm hiều về những năm tháng đen tối nhất trong lịch sử của nhân loại.

Ông Wiesel còn viết thêm những hồi ký khác về Holocaust cùng với các tác phẩm về những chuyện có thực và hư cấu.

Năm 1978, Tổng thống Jimmy Carter mời ông Wiesel làm lãnh đạo Ủy ban của Tổng thống về Holocaust, tổ chức đã đưa đến thành lập Bảo tàng viện Holocaust ở Washington.

Phát ngôn của ông Wiesel được chạm khắc bên ngoài tòa nhà để nêu lên mục đích của bảo tàng viện của hành động vô nhân đạo – “cho những người đã mất và những người đang sống, chúng tôi làm chứng.”

http://www.voatiengviet.com/a/ong-elie-wiesel-nan-nhan-holocaust-va-khoi-nguyen-nobel-hoa-binh-qua-doi/3402345.html

 

Mỹ mừng Ngày Độc lập từ Anh quốc lần thứ 240

Hôm nay (4/7), Hoa Kỳ đánh dấu năm thứ 240 ngày tuyên bố độc lập từ Anh quốc với nhiều sinh hoạt hội hè, picnic, diễu hành và bắn pháo bông trên cả nước.

Tổng thống Barack Obama thiết đãi các gia đình quân nhân tiệc thịt nướng tại Tòa Bạch Ốc và một buổi hòa nhạc của hai nghệ sĩ Kendrick Lamar và Janelle Monae. Nếu trời không mưa vào lúc chiều tối hôm nay ở Washington như dự báo thời tiết nói thì mọi người ở đó có thể thưởng thức cuộc trình diễn pháo bông ở Quảng trường Quốc gia ngay cạnh bên.

Nhưng điểm chính của ngày lễ này là công ốc Văn khố Quốc gia nằm trên cùng đường với Tòa Bạch Ốc về phía gần trụ sở Quốc hội. Đó là nơi cất giữ bản Tuyên ngôn Độc lập do ông Thomas Jefferson soạn thảo và được Quốc hội thông qua vào ngày 4 tháng 7 năm 1776.

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” là một số trong các nguyên tắc căn bản của quốc gia mà bản tuyên ngôn đặt ra.

Một truyền thống trong ngày Lễ Độc lập 4 tháng 7 là nghi thức đọc lại bản Tuyên ngôn Độc lập trước thềm của Văn khố Quốc gia. Bên trong Văn khố Quốc gia, bản gốc của Tuyên ngôn Độc lập được trưng bày trang trọng vùng với bản Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền cho công chúng xem.

Ngay sau nghi thức đọc bản Tuyên ngôn, một cuộc diễu hành với hàng ngàn người tham gia xuất phát ở trước công ốc Văn khố Quốc gia trên đại lộ Constitution, trải dài 10 khu phố và kết thúc ở khoảng giữa Tòa Bạch Ốc với đài tưởng niệm George Washington, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.

http://www.voatiengviet.com/a/my-mung-ngay-doc-lap-tu-anh-quoc-lan-thu-240/3403233.html

 

Phe Dân chủ tin tưởng bà Clinton sẽ không bị khởi tố về vụ email

Những nhân vật nổi bật của Đảng Dân chủ dự đoán ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của đảng họ, Hillary Clinton, sẽ không bị khởi tố về việc bà sử dụng máy chủ email riêng tư để làm việc công khi còn là bộ trưởng ngoại giao của Tổng thống Barack Obama.

“Chuyện này sẽ không xảy ra,” Thượng nghị sĩ Cory Booker của bang New Jersey nói khi xuất hiện trên chương trình State of the Union của đài CNN. “Đối với tôi, việc đó nằm ngoài khả năng xảy ra.”

Sự tò mò gia tăng sau khi bà Clinton gặp gỡ những nhà điều tra của FBI trong hơn ba tiếng đồng hồ hôm thứ Bảy. Cuộc phỏng vấn có thể là bước cuối cùng trước khi Bộ Tư pháp quyết định khởi tố hoặc tuyên bố bà Clinton không phạm tội.

Bà Clinton nói trên đài MSNBC: “Đó là việc mà tôi đã đề nghị làm từ tháng 8 năm ngoái. Tôi vẫn sẵn lòng làm điều đó, và tôi đã rất hài lòng có được cơ hội giúp Bộ [Tư pháp] trong việc khép lại cuộc thẩm duyệt của họ.”

Trong khi bà Clinton muốn dập tắt vụ lùm xùm về một vấn đề mà sẽ còn dai dẳng, đối thủ Đảng Cộng hòa của bà, Donald Trump, công kích trên Twitter: ” FBI không thể nào không đưa ra những cáo buộc hình sự nhắm vào Hillary Clinton. Chuyện bà ta làm là sai trái!”

Nhưng những đồng minh của bà Clinton không nghĩ vậy.

“Tôi không lo lắng về chuyện này,” Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown nói trên chương trình This Week của đài ABC. “Sẽ không có bản cáo trạng nào, và việc đó có nghĩa là bà ấy đã làm điều mà nhiều ngoại trưởng khác đã làm trong quá khứ.”

Nhưng phe Cộng hòa tiếp tục phản đối.

Cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Santorum cũng phát biểu trên chương trình This Week: “Nếu bà ta không phải là Hillary Clinton, nếu bà ta là một thứ trưởng ngoại giao làm cùng những việc này, thứ nhất, ông ta hoặc bà ta sẽ bị sa thải và, đúng, họ sẽ bị Bộ Tư pháp truy tố.”

Cuộc phỏng vấn của bà Clinton với FBI diễn ra mấy ngày sau khi một cơn bão chỉ trích bùng lên liên quan tới một cuộc gặp gỡ giữa chồng bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton, và Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch, người chịu trách nhiệm cuối cùng về cuộc điều tra của chính phủ về những email của bà Hillary Clinton.

Bà Lynch cuối tuần trước thừa nhận: “Chắc chắn cuộc gặp của tôi với ông ấy khơi lên những nghi vấn và lo ngại. Tôi chắc chắn sẽ không làm chuyện đó nữa. Nhưng nó thực sự là một cuộc gặp gỡ xã giao.”

Một nguyên tắc bất thành văn ở Washington là những quan chức khôn ngoan tránh ngay cả việc gây nên cảm tưởng là họ có hành động không thích đáng. Ông Trump và những người khác theo Đảng Cộng hòa gợi ý rằng cuộc gặp gỡ chứng tỏ Bộ Tư pháp của ông Obama không thể tiến hành một cuộc điều tra vô tư nhắm vào người mà tổng thống đã công khai ủng hộ làm người kế nhiệm ông.

Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh họ “không nhúng tay” vào cuộc điều tra email của bà Clinton.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói: “Kỳ vọng của Tổng thống là cuộc điều tra này sẽ được xử lý giống như tất cả những cuộc điều tra khác, nghĩa là những điều tra viên sẽ được dẫn dắt bởi những dữ kiện.”

Những người theo Đảng Dân chủ hy vọng cuộc điều tra của FBI sẽ khép lại trước khi Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc diễn ra vào cuối tháng này. Phe Cộng hòa sẽ tiếp tục nhắc đi nhắc lại vụ tranh cãi này cho tới cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

http://www.voatiengviet.com/a/phe-dan-chu-tin-tuong-ba-clinton-se-khong-bi-khoi-to-ve-vu-email/3402472.html

 

Số người tị nạn Syria vào Mỹ tăng gấp đôi trong tháng 6

Số người tị nạn Syria nhập cảnh Mỹ trong tháng 6 tăng hơn gấp đôi so với tháng trước, và với con số này mục tiêu tái định cư 10.000 người tị nạn Syria của Tổng thống Barack Obama đến cuối năm tài chính vào ngày 1 tháng 10 có thể đạt được.

Trung tâm Làm thủ tục Người tị nạn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo 2.381 người tị nạn Syria đã đến Mỹ vào tháng trước. Họ định cư tại 38 bang, chủ yếu là ở Michigan (570), California (500), Arizona (388), Illinois (343), Pennsylvania (340), Texas (321) và Florida (301).

Để đạt được mục tiêu của chính quyền, Mỹ phải tiếp nhận 4.814 người tị nạn Syria trong ba tháng tới.

Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, 4,1 triệu người Syria đã chạy khỏi đất nước của mình, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Nhiều người đã định cư tại những nước láng giềng Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến đã góp phần gây nên cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Châu Âu, nơi đã tiếp nhận khoảng 1 triệu người Syria trong năm 2015.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo do chiến tranh gây ra đã khiến ông Obama kêu gọi đẩy mạnh việc tái định cư người Syria tại Mỹ. Nhưng những nỗ lực tìm chỗ ở cho họ đã vấp phải nỗi lo sợ khủng bố và những nỗ lực cản trở của Quốc hội.

Tuy nhiên những số liệu mới nhất gia tăng đáng kể xác suất đạt được mục tiêu đề ra của chính quyền.

Trong khi đó, dường như có nhiều sự ủng hộ của công chúng tại Mỹ đối với người tị nạn Syria. Một cuộc khảo sát của Viện Brookings công bố vào giữa tháng 6 cho thấy hầu hết người Mỹ, 59 phần trăm, ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn từ Syria nói riêng và từ những nước Trung Đông khác

http://www.voatiengviet.com/a/so-nguoi-ti-nan-syria-vao-my-tang-gap-doi-trong-thang-6/3402470.html

 

Lãnh đạo cánh hữu Anh ‘từ nhiệm’

Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh quốc (UKIP) theo cánh hữu Nigel Farage nói ông sẽ từ chức lãnh đạo đảng này.

Ông Farage đang có bài phát biểu đầu tiên kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về việc rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit).

Farage nói ông tin tưởng rằng Anh sẽ rút khỏi khối EU, nhưng đất nước này cần một thủ tướng mới theo Brexit và “không bán rẻ chúng ta”.

Ông chia sẻ rằng chưa bao giờ ông muốn trở thành chính trị gia chuyên nghiệp.

“Đã có nhiều lúc vô cùng khó khăn, nhưng tất cả cuối cùng cũng bõ công chúng ta.”

“Nay tôi thấy là đã hoàn tất công việc của mình… Bởi vậy tôi thấy tôi nên rút khỏi vai trò lãnh đạo UKIP.”

Farage nói ông muốn sống cuộc sống bình thường ngay từ bây giờ.

Tiếp tục Brexit

Ông Farage nói đảng của ông sẽ tiếp tục vận động thúc đẩy việc rút ra khỏi EU, và sẽ tiếp tục nhiệm kỳ dân biểu tại Nghị viện châu Âu cho tới khi hết hạn.

Farage cũng nói sẽ không đề cử ứng viên nào thay mình và “người nào mạnh sẽ chiến thắng thôi”.

Tuyên bố của Farage gặp một số nghi ngờ, dân biểu Douglas Carswell của chính UKIP khi nghe tin đã post icon mặt cười lên Twitter.

UKIP là đảng dè dặt trong việc tham gia châu Âu và đã kêu gọi rút khỏi EU.

Đảng này có nhiều chủ trương dân túy, chống nhập cư, và chỉ có một ghế trong Hạ viện Anh.

Tuy nhiên UKIP có ba thành viên Thượng viện, và 22 dân biểu châu Âu.

Nay đảng này, giống như đảng Bảo thủ, sẽ phải tìm kiếm lãnh đạo mới.

Nigel Farage đã làm thủ lĩnh UKIP trong gần tám năm qua, trừ một thời gian ngắn năm 2009 khi ông từ chức rồi được bầu lại năm 2010.

Năm ngoái ông từng tuyên bố sẽ từ chức sau khi trượt chức dân biểu trong cuộc tổng tuyển cử nhưng đơn từ chức của ông không được UKIP chấp nhận.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160704_farage_ukip_standsdown

 

Tám tuyển thủ bóng chuyền Cuba bị bắt

Cảnh sát tại Phần Lan điều tra một vụ cáo buộc hãm hiếp cho biết vừa bắt tám thành viên đội tuyển bóng chuyền quốc gia Cuba.

Những người này bị nghi đã hãm hiếp một phụ nữ tại một khách sạn ở thành phố Tampere của Phần Lan hôm thứ Sáu, cảnh sát nói.

Đội tuyển Cuba đang tới Phần Lan thi đấu giải Liên đoàn Thế giới.

Các viên chức nói họ lên tiếng về vụ này vì có tin đồn là những vận động viên này đã đào tẩu khi người ta không thấy các vận động viên này trong hàng ngũ thi đấu.

Trong số những người bị bắt có cả đội trưởng, người đã không thi đấu trong trận với Bồ Đào Nha hôm Chủ Nhật.

Cảnh sát nói họ bắt giữ ba thành viên của đội hôm thứ Bảy và năm người nữa vào hôm Chủ Nhật sau khi có khiếu nại từ một phụ nữ.

Chi tiết về lời khiếu nại này không được công bố.

Người ta chờ đợi quyết định liệu họ có được thả hay không sẽ được công bố vào cuối tuần. Đội tuyển quốc gia Cuba sẽ trở lại Cuba vào thứ Hai.

Cuba thua Phần Lan hôm thứ Bảy nhưng thắng Bồ Đào Nha hôm Chủ Nhật mặt dù chỉ còn tám thành viên trong đội.

Tuyển Cuba hiện đang đứng thứ chín của giải này sau 6 trận thua và ba trận thắng.

Đội tuyển bóng chuyền quốc gia Cuba sẽ tham gia thi đấu ở Thế vận hội 2016 khai mạc vào tháng tới ở Rio de Janeiro của Brazil.

http://www.bbc.com/vietnamese/sport/2016/07/160704_cuban_rape_volleyball_player

 

Án chung thân cho cựu trợ lý Hồ Cẩm Đào

Cựu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị tòa tuyên án tù chung thân hôm 4/7.

Ông Lệnh Kế Hoạch, nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc khoá 12, nguyên Trương ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, bị tòa ở thành phố Thiên Tân kết án.

Năm 2015, ông đã bị khai trừ Đảng.

Truyền thông Trung Quốc nói ông bị kết an 5 năm tù giam về tội thu thập bí mật quốc gia phi pháp; 4 năm tù giam về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, quyết định thi hành án tù chung thân, tước quyền lợi chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.

Điều tra với ông Lệnh được loan báo tháng 12/2014.

Ông Lệnh Kế Hoạch từng là cựu trợ lý của Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của lãnh đạo hiện nay Tập Cận Bình.

Ông bị mất chức năm 2012 sau khi có tin con trai ông thiệt mạng trong một vụ phóng tốc độ xe Ferrari và bị tai nạn tại Bắc Kinh.

Con đường đi xuống của ông Lệnh Kế Hoạch bắt đầu từ bê bối liên quan vụ đâm xe của con trai ông.

Cho dù báo chí không được viết về chủ đề này, tin cho hay trong xe của con trai ông khi gặp tai nạn có hai phụ nữ, một người không mặc quần áo gì còn một người ăn mặc sơ sài.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160704_lenh_ke_hoach_tu_chung_than

 

Tấn công ở gần lãnh sự Mỹ ở Jeddah

Một người bị nghi đánh bom tự sát đã chết sau khi kích hoạt bom gần lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Jeddah ở Ả Rập Saudi, Bộ Nội vụ nước này cho biết.

Hai nhân viên an ninh bị thương nhẹ khi định khống chế người đàn ông này, nhưng không có ai khác hề hấn gì.

Vục tấn công diễn ra vào sáng sớm ngày Độc lập của Hoa Kỳ.

Dân quân đã từng tấn công lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Jeddah vào năm 2004, làm chín người chết.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã được thông báo về vụ nổ hôm thứ Hai và nói thêm là “có thể xác nhận rằng tất cả các nhân viên đều không hề hấn gì vào lúc này”.

Nhân viên bảo vệ nghi ngờ của một người đàn ông trong bãi đậu xe của bệnh viện Bác sĩ Suleiman Faqeeh khoảng 02:15 giờ sáng, phát ngôn viên Bộ Nội vụ cho biết.

Bệnh viện này nằm đối diện lãnh sự quán Mỹ. Khi các nhân viên an ninh tiếp cận người đàn ông,” người này đã kích hoạt bom đeo quanh người.

Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Ả Rập Saudi đã đưa ra cảnh báo sau vụ tấn công, và thúc giục công dân Mỹ cảnh giác khi đi lại.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160704_us_consulate_jeddah_attack

 

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hợp tác chống Daech tại Syria

Thanh Hà

Một tuần lễ sau khi Ankara xin lỗi Matxcơva về vụ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga hồi tháng 11/2015, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chống quân thánh chiến tại Syria. Thông báo trên được đưa ra vài ngày sau khi Hoa Kỳ muốn Nga trở thành một đối tác trên mặt trận Syria.

Ngày 04/07/2016 phía Ankara trực tiếp đề nghị với Matxcơva tăng cường hợp tác chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech – tại Syria. Kế hoạch này mở ra viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cho phép không quân Nga sử dụng căn cứ quân sự tại Incirlik.

Trả lời đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT ngày 03/07/2016 ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định là Ankara hợp tác với tất cả những ai đương đầu với Daech, và tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại không hợp tác với Nga, khi biết rằng tổ chức tự xưng là Nhà Nước Hồi Giáo này là « kẻ thù chung ».

Hãng tin Reuters nhắc lại, cho dù ngoại trưởng Cavusoglu nói đến tổ Daech, kẻ thù chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, nhưng trên thực tế Ankara và Matxcơva lại ủng hộ các phe khác nhau : Nga là đồng minh, là điểm tựa của chế độ Damas trong tay tổng thống Bachar Al Assad. Trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ lại đứng về phe những thành phần muốn chế độ Assad cáo chung.

Tuy nhiên tuyên bố trên của khả năng hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được coi là một bước tiến quan trọng trên hồ sơ Syria. Nhất là khả năng Ankara mở cửa căn cứ Incirlik cho không quân Nga. Do đây là điểm xuất phát của chiến đấu cơ Anh, Mỹ, Đức và cả của Ả Rập Xê Út và Qatar trong khuôn khổ chiến dịch quân sự quốc tế bài trừ Daech đang hoành hành tại Syria.

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng khiến NATO, mà Ankara là một thành viên, phẫn nộ

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160704-tho-nhi-ky-va-nga-hop-tac-chong-daech-tai-syria

 

Fukushima : Phóng xạ ở Thái Bình Dương đã trở lại mức bình thường

Thụy My

Mức độ phóng xạ ở Thái Bình Dương đang nhanh chóng quay lại mức bình thường cách đây 5 năm, sau thảm họa nguyên tử Fukushima ở Nhật Bản, theo một nghiên cứu được công bố hôm nay 04/07/2016.

Các nhà khoa học đã xem xét mức phóng xạ cesium lấy từ ngoài khơi vùng duyên hải nước Nhật và dọc theo Thái Bình Dương đến tận Bắc Mỹ. Chất cesium có trong chất thải của các lò phản ứng hạt nhân vốn dễ tan trong nước, rất lý tưởng để đo lường phóng xạ ở đại dương.

Ngày 11/03/2011, động đất ở cấp độ 9 kèm theo sóng thần đã phá hủy vùng Tohoku, làm gần 19.000 người chết và bị thương. Thiên tai này gây ra tai nạn nghiêm trọng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima, làm đại dương bị ô nhiễm phóng xạ chưa từng thấy, cao gấp hàng chục triệu lần. Những ngày sau đó, nước biển dùng để làm nguội các lò phản ứng đã nhiễm phóng xạ, rồi phát tán theo các giòng hải lưu.

Năm năm sau, bản báo cáo của Ủy ban khoa học nghiên cứu đại dương tập hợp nhiều chuyên gia quốc tế cho biết các chất phóng xạ đã lan đến tận bờ biển nước Mỹ. Tuy nhiên, phối hợp các dữ liệu từ 20 công trình nghiên cứu cho thấy mức phóng xạ ở Thái Bình Dương đang nhanh chóng hạ xuống.

Chẳng hạn, năm 2011 gần phân nửa mẫu vật cá ở ven biển gần Fukushima chứa lượng phóng xạ ở mức nguy hiểm. Đến 2015, số lượng này chỉ còn 1%.

Nhưng bên cạnh đó, đáy biển và các cảng gần nhà máy điện Fukushima vẫn còn bị nhiễm độc nặng từ tai nạn hạt nhân tệ hại nhất thế giới kể từ thảm họa Tchernobyl năm 1986 ; và báo cáo cho rằng cần phải tiếp tục giám sát.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160704-fukushima-phong-xa-o-thai-binh-duong-da-tro-lai-muc-binh-thuong

 

Vụ án Vatileaks bước vào giai đoạn cuối

Thụy My

Kể từ hôm nay 04/07/2016, phiên tòa Vatileaks -xét xử hành vi tiết lộ thông tin – sẽ diễn ra trong ba ngày với việc đọc cáo trạng và biện hộ. Chưa có thông tin về thời điểm ra phán quyết. Vụ kiện gây bối rối cho Tòa Thánh bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, từ việc tiết lộ tài liệu mật về một vụ thâm lạm công quỹ.

Vụ này bắt đầu với việc bắt giữ giám mục Angel Vallejo Balda người Tây Ban Nha, thư ký cơ quan tài chính của Vatican – một tổ chức gây tranh cãi vì những bí mật bao quanh, các phương tiện tài chính và ảnh hưởng chính trị. Vị giám mục Tây Ban Nha bị nghi ngờ là đã chuyển cho hai nhà báo các tài liệu mật về vấn đề tài chính của Vatican.

Một nguồn rò rỉ thông tin khác là một phụ nữ – cố vấn thông tin Francesca Chaouqui. Các nhà báo nhận được những thông tin mật này đã viết thành hai cuốn sách, « Con đường thập giá » (Chemin de croix) và « Hà tiện » (Avarice), nêu ra những bất cập và những vụ thâm lạm tài chính tại Vatican.

Hai nhà báo trên và các nguồn tin của họ đã bị đưa ra tòa từ tháng 11/2015, có nguy cơ bị lãnh từ 4 đến 8 năm tù; cho dù ít có khả năng -nhất là đối với hai phóng viên – một ngày nào đó bị dẫn độ sang Vatican để thụ án.

Giám mục Angel Vallejo Balda được Vatican tạm trả tự do sau nhiều tháng bị giam giữ. Ông đã cố gắng tự biện hộ bằng cách khẳng định bà Francesca Chaouqui đã lợi dụng mình, thậm chí tìm cách quyến rũ. Bà này nhất quyết chối cãi, nói bóng gió rằng vị giáo sĩ là người đồng tính luyến ái. Cách đây không lâu, Chaouqui vừa sinh con trai.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160704-vu-an-vatileaks-buoc-vao-giai-doan-cuoi

 

Thủ tục chận « Brexit » : Xin ý kiến Quốc Hội Anh

Thụy My

Văn phòng luật sư Mishcon De Reya loan báo đã tiến hành thủ tục đòi hỏi Quốc hội Anh phải có ý kiến về việc Anh Quốc ra hỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), trước khi chính thức khởi động cơ chế được dự kiến trong Hiệp ước Châu Âu. Hãng tin Reuters hôm nay 04/07/2016 cho biết như trên.

Văn phòng luật sư đặt tại Luân Đôn cho rằng chỉ khi nào Quốc Hội ban hành một đạo luật, với sự đồng ý của cả Thượng và Hạ viện và được Hoàng gia phê chuẩn, mới có thể khởi động các thủ tục được quy định trong Điều 50 của Hiệp ước Lisboa.

Trong thông cáo hôm qua, văn phòng luật Mishcon De Reya nói đưa ra yêu cầu trên nhân danh một nhóm thân chủ ẩn danh. Theo BBC, thì đó là các doanh nhân và giáo sư đại học.

Mishcon De Reya phản bác khẳng định của những người có trách nhiệm trong chính phủ, rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 với 52% số phiếu ủng hộ « Brexit », đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, là cơ sở luật pháp đủ để khỏi đưa ra bỏ phiếu tại Quốc Hội.

Kasra Nouroozi, một trong những cổ đông của Mishcon De Reya tuyên bố : « Kết quả trưng cầu dân ý, về mặt luật pháp không mang tính bắt buộc, và như vậy việc nêu ra Điều 50 mà không có sự đồng ý của Quốc Hội là bất hợp pháp ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160704-thu-tuc-chan-%C2%AB-brexit-%C2%BB-xin-y-kien-quoc-hoi-anh

 

Biển Đông : Nếu Philippines thắng kiện, Trung Quốc phản ứng ra sao ?

Tú Anh

Vào ngày 12/07/2016, Toà Án Trọng Tài Thường Trực ở Hà Lan sẽ công bố phán quyết về trường hợp Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông theo đơn kiện của Philippines. Giới quan sát dự báo Bắc Kinh sẽ bị thua và sẽ có hành động bất xứng của một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Theo phân tích của Harry J.Kazianis, một chuyên gia Mỹ về an ninh quốc phòng hàng đầu của Potomac Foundation và tạp chí an ninh The National Interest, Bắc Kinh có nhiều đấu pháp nhưng cái nào cũng xấu cho toàn thể châu Á và cho Washington. Mỹ là siêu cường duy nhất có khả năng quân sự áp đảo Trung Quốc mà còn có bổn phận bảo vệ Philippines, nếu xẩy ra chiến tranh, qua hiệp định an ninh quốc phòng hỗ tương ký kết từ năm 1951.

Phương án thứ nhất khi bị thua kiện, Trung Quốc không làm gì và xem như mặc nhiên chấp nhận phán quyết. Bắc Kinh sẽ đưa ra lời tuyên bố mang nội dung chung chung : « Biển Nam Trung Hoa là của chúng tôi » và âm thầm bước qua giai đoạn mới để khẳng định chủ quyền.

Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và trang bị vũ khí tận răng kể cả với tên lửa diệt hạm, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ thực hiện chiến lược mà Bắc Kinh gọi là vùng cấm A2/AD : không cho Mỹ vào trong, không cho Mỹ đến gần ( Anti-Access/Area-Denial zone). Trung Quốc đã nhiều lần nói đến phương án A2/AD để bày tỏ sự tức giận đối với Mỹ. Tuy nhiên, theo nhận định của Harry J.Kazianis, ít có khả năng Bắc Kinh chọn kịch bản này vì nếu bị xử thua, phe dân tộc chủ nghĩa sẽ gây áp lực rất lớn với ông Tập Cận Bình, sẽ đòi hỏi một phản ứng mạnh bạo hơn, bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc vượt tầm Biển Đông.

Trong tình thế này, rất có thể Bắc Kinh sẽ chọn phương án thứ hai, được xem có « xác suất cao nhất » : Tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên vùng Biển Đông. Biện minh cho quyết định này không khó. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ viện lý do phán quyết của Tòa Trọng Tài đe dọa an ninh Trung Quốc. Với những căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và lực lượng hải quân, không quân, tên lửa bố trí trong vùng, Trung Quốc hội đủ « xác tín » để tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Đông, còn thi hành hay không là chuyện khác.

Phương án này thật ra rất nguy hiểm vì sẽ gây căng thẳng cao độ. Hoa Kỳ phải đáp trả . Vấn đề là bây giờ, để phủ nhận vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Trung Quốc, không thể chỉ cho hai chiếc pháo đài bay B52 bay ngang là đủ.

Phương án thứ ba là Trung Quốc dùng hết sức mạnh của mình để « châm » vào các điểm nóng tại châu Á mà nhà phân tích Harry J.Kazianis gọi là thái độ « côn đồ ».

Cụ thể là Trung Quốc gia tăng hoạt động hải quân, không quân ở biển Hoa Đông để chọc giận Nhật Bản. Bắc Kinh sẽ tạo căng thẳng ở eo biển Đài Loan, cấm du khách Hoa lục sang thăm hải đảo, giảm giao thương và đầu tư. Trung Quốc cũng có thể bồi đắp bãi đá ngầm Scarborough của Philippines thành căn cứ quân sự tiền phương, chỉ cách quân cảng Subic Bay có 150 hải lý . Liệu Mỹ có thể ngồi nhìn hay không ?

Sau ngày 12/07/2016, châu Á không tránh khỏi tình trạng căng thẳng gia tăng vì Trung Quốc đủ khả năng tiếp tục làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, điều mà họ đã tiến hành từ hàng chục năm nay. Đó chính là điều bất hạnh cho châu Á.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160704-bien-dong-neu-philippines-thang-kien-trung-quoc-phan-ung-ra-sao

 

Hồng Kông -Trung Quốc thảo luận về vụ nhân viên nhà sách « mất tích »

Thanh Hà

Chính quyền Hồng Kông thông báo ngày 05/07/2016 một phái đoàn sẽ đến Bắc Kinh để thảo luận về hồ sơ nhậy cảm : nhân viên nhà sách Lâm Vinh Cơ (Lam Wing Kee), 61 tuổi, « mất tích » tại Hoa Lục.

Lãnh đạo Hồng Kông, Lương Chấn Anh (Leung Chung Ying) ngày 04/07/2016 cho biết, cuộc thảo luận sẽ được mở ra vào ngày mai, 05/07, giữa một phái đoàn Hồng Kông với đại diện của chính quyền Trung Quốc về « cơ chế thông tin đặc biệt » giữa Bắc Kinh với Hồng Kông.

Điều khoản này quy định, phía Trung Quốc phải giải thích về các vụ bắt giữ công dân Hồng Kông. Ông Lương Chấn Anh nói rõ với báo giới là đôi bên sẽ trực tiếp đề cập đến trường hợp của ông Lâm Vinh Cơ.

Được tự do tạm và trở về Hồng Kông ngày 19/06/2016, một trong năm nhân viên nhà sách Hồng Kông bị bắt giữ tại Hoa Lục, ông Lâm Vinh Cơ nhân viên của nhà sách Mighty Current tiết lộ : cuối năm ngoái, ông đã bị công an Trung Quốc bịt mắt và đưa về một trại giam khi vừa đặt chân đến Thẩm Quyến với lý do có liên quan tới một số ấn phẩm bị cấm tại Trung Quốc. Trong 8 tháng bị giam giữ, ông Lâm không được tiếp xúc với luật sư.

Nhà in Mighty Current bị cáo buộc xuất bản và phát hành qua Trung Quốc những tác phẩm bị cấm tại Hoa Lục vì bị coi là có nội dung bôi nhọ các lãnh đạo Bắc Kinh.

Buổi làm việc ngày 05/07/2016 của phái đoàn Hồng Kông tại Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh, ông Lương Chấn Anh bị công luận chỉ trích đã im lặng trước vụ các nhân viên nhà sách Hồng Kông bị bắt giữ. Ngoài ra, người dân Hồng Kông cũng bất mãn trước việc các quyền tự do ngôn luận tại đặc khu hành chính này ngày càng bị thu hẹp lại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160704-hk-tq-nhan-vien-mat-tich-

 

Bắc Kinh đề nghị thương lượng nếu Manila bỏ qua phán quyết về Biển Đông

Tú Anh

Trung Quốc, qua trung gian báo Đảng, tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Philippines nếu Manila bỏ qua phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực LaHaye công bố vào tuần tới, mà theo giới thạo tin, sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.

Ngày 12/07/2016, tức vào đầu tuần tới, Toà Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ ra phán quyết về đơn kiện của Philippines yêu cầu phân xử vụ Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông với bản đồ hình lưỡi bò. Bắc Kinh một mặt tuyên bố trước là không công nhận thẩm quyền của Toà, mặt khác lại nỗ lực tuyên truyền chỉ trích tính xác đáng của phán quyết.

Tuy vậy, trong một bài xã luận ngày 04/07/2016, tờ China Daily, được xem là tiếng nói của đảng Cộng sản Trung Quốc, “mời gọi” chính phủ mới của Philippines « bỏ qua » kết quả vụ kiện để cùng với Trung Quốc « hợp tác phát triển và nghiên cứu khoa học ».

Một nguồn tin xin ẩn danh được mô tả là theo sát hồ sơ « quan hệ giữa hai nước » tuyên bố rằng Manila « phải gác qua một bên kết quả phán quyết của Toà Trọng Tài » để thảo luận các «vấn đề cốt lõi ».

Theo Reuters, hồi tháng 6, bộ Ngoại Giao Trung Quốc có tuyên bố hai nước đã thảo luận, đàm phán nhiều đợt về cách hợp tác « quản lý tốt » những xung khắc hàng hải nhưng chưa bao giờ đàm phán về tranh chấp ở biển « Nam Hải », tức Biển Đông. Trong đơn kiện, Philippines phản đối Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, trong đó có một phần lãnh hải và đảo đá ngầm của Philippines.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160704-bac-kinh-thuong-luong-manila-bien-dong