Tin khắp nơi – 04/06/2018
Tổng thống Đài Loan kêu gọi dân chủ cho Hoa Lục
nhân kỷ niệm biến cố Thiên An Môn
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi Trung Quốc phải đối diện với vụ thảm sát Thiên An Môn nhân kỷ niệm 29 năm biến cố này, và người đứng đầu chính quyền Đài Bắc, cho rằng dân chủ hóa tại đảo Đài Loan là mẫu gương cho cách thức tiến lên từ một quá khứ độc tài.
AFP đưa tin hôm 4/6/2018 như vừa nêu.
Trên trang facebook của mình, bà Thái Anh Văn đưa ra những bình luận có thể khiến Bắc Kinh nổi giận như kêu gọi chính phủ hãy thừa nhận những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Bà viết đại ý rằng bà thực sự tin rằng nếu Bắc Kinh đối mặt với sự thật lịch sử và thừa nhận chính phủ đã sử dụng bạo lực trong vụ thảm sát Thiên An Môn thì đó sẽ là nền tảng cho tiến bộ tự do dân chủ.
Bà viết thêm rằng cư dân mạng Trung Quốc sẽ thấy rằng trang facebook của bà là hình ảnh thu nhỏ của nền dân chủ Đài Loan bởi ở đây không có những từ bị coi là “nhạy cảm”, không có kiểm duyệt internet, và chắc chắn không cần phải vượt tường lửa.
Gần ba thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày ngày 4 tháng 6 năm 1989, khi quân đội được trang bị súng AK 47 cùng xe tải và xe tăng xông vào quảng trường Thiên An Môn từ mọi hướng đàn áp người biểu tình đòi dân chủ và hàng ngàn sinh viên đã bị chết trong vụ thảm sát này.
Dư luận cho rằng dù nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dùng đủ mọi biện pháp để cấm người dân nhắc đến thảm kịch này nhằm bưng bít sự thật, nhưng trong gần 30 năm qua họ đã không thể xóa nhòa được chứng tích của lịch sử.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5 năm 2016, chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn cam kết sẽ bảo vệ nền dân chủ và tự do của Đài Loan, đồng thời cũng cam kết duy trì hòa bình với Trung Quốc.
Mỹ kêu gọi TQ công khai thương vong vụ Thiên An Môn
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc công khai đầy đủ số người bị giết, bị giam giữ hoặc bị mất tích trong cuộc thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn tại thủ đô Bắc Kinh năm 1989, hãng tin Reuters dẫn lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 5/4 cho biết.
Hôm 6/4, cũng theo Reuters, Trung Quốc lên tiếng kịch liệt phản đối tuyên bố Ngoại trưởng Mỹ.
Lên tiếng tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng từ lâu Trung Quốc đã có một kết luận rõ ràng về sự kiện này, nhưng hàng năm Hoa Kỳ đều ra các tuyên bố với “những lời chỉ trích vô cớ” và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh.
Phát biểu trước dịp tưởng niệm 29 năm ngày quân đội Trung Quốc dùng xe tăng dập tắt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo, Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi Bắc Kinh công khai đầy đủ số lượng người bị sát hại trong cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Vào ngày 4/6/1989, chính phủ Trung Quốc đã cho xe tăng đàn áp người biểu tình và họ chưa bao giờ công bố số người bị giết. Theo ước tính của các nhóm nhân quyền và nhân chứng, có đến vài trăm đến vài nghìn người đã bị thảm sát.
Cuộc đàn áp Thiên An Môn là một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc và 29 năm sau nó vẫn là một vấn đề gây căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều nước phương Tây.
Trong một tuyên bố hôm 3/6, ông Pompeo cho biết ông tưởng nhớ “sự mất mát bi thảm của những người vô tội.”
Ông Pompeo nói thêm: “Chúng tôi đồng hành cùng cộng đồng quốc tế, thúc giục chính phủ Trung Quốc công khai đầy đủ về những người bị giết, bị giam giữ hoặc mất tích.”
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho rằng tuyên bố của ông Pompeo “vô nghĩa,” đã “nhân danh thế giới phương Tây để can thiệp vào quá trình chính trị của Trung Quốc.”
https://www.voatiengviet.com/a/my-keu-goi-tq-cong-khai-thuong-vong-vi-thien-an-mon/4423432.html
Giới tranh đấu Trung Quốc tiếp tục đòi công lý
29 năm sau vụ Thiên An Môn
Trong những năm gần đây, giới tranh đấu Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động gây áp lực để đòi Bắc Kinh nhìn nhận sự thật về thảm sát Thiên An Môn. Tuy nhiên, ngay tại Hồng Kông, cái nôi của phong trào tưởng niệm Thiên An Môn, ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về hiệu quả của hướng đấu tranh này, đặc biệt trong giới trẻ. Một số hướng mới được đặt ra.
Cách nay 29 năm, đêm mùng 3 rạng sáng ngày 4/6/1989, chính quyền Bắc Kinh cho xe tăng và binh lính tấn công vào các sinh viên biểu tình ôn hòa trên quảng trường Thiên An Môn, đòi dân chủ. Vụ thảm sát bị chính quyền Trung Quốc dìm trong im lặng (xem thêm phần đóng khung cuối bài « Thư ngỏ của 128 bà mẹ Thiên An Môn gửi Tập Cận Bình »).
Dựng tượng Lưu Hiểu Ba ở Hồng Kông
Một hoạt động tưởng niệm Thiên An Môn tiêu biểu của năm nay tại Hồng Kông, là vụ dựng tượng của nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), giải Nobel hòa bình, qua đời trong tù hồi năm ngoái. Ông Lưu Hiểu Ba bị chính quyền Bắc Kinh kết án 11 năm tù vì đã thảo ra bản Hiến chương 08, kêu gọi cải cách chính trị tại Trung Quốc, nhận được sự ủng hộ của hơn 300 trí thức Trung Quốc hàng đầu.
Lưu Hiểu Ba là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Trung Quốc. Cho đến khi qua đời, nhà tranh đấu bị tù tổng cộng bốn lần. Lần đầu tiên là sau khi ông tham gia vào cuộc biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, tháng 6/1989. Vào rạng sáng ngày 4/6/1989, chính Lưu Hiểu Ba là người đã cố gắng thương lượng lần chót với lãnh đạo sinh viên và các chỉ huy quân đội, với hy vọng sinh viên được an toàn rời khỏi quảng trường Thiên An Môn trước khi xe tăng ập đến.
Ngày 31/05,bức tượng bán thân Lưu Hiểu Ba được đặt tại một khu phố thương mại bình dân của Hồng Kông, thuộc khu Loan Tử (Wan Chai district) nơi có nhiều người Trung Quốc đến từ Hoa lục sinh sống (1).
Nhà điêu khắc Tsang Kin-shing cho biết ông « hy vọng là tác phẩm nghệ thuật này sẽ động viên mọi người tham gia đông đảo vào buổi lễ thắp nến tưởng niệm » hôm 4/6 tại quảng trường Victoria. Bức tượng giải Nobel Hòa bình cũng sẽ được đưa đến lễ tưởng niệm.
Sinh viên 8 đại học không tham gia thắp nến
Tại Hồng Kông, nơi duy nhất ở Trung Quốc, các hoạt động tưởng niệm diễn ra công khai, hôm 27/05, cả nghìn người tuần hành lên án cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những sinh viên đòi dân chủ. Diễu hành trước Văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông, người biểu tình hô vang: « Hãy nhận trách nhiệm về vụ thảm sát », « chấm dứt nền độc tài độc đảng » và giương cao khẩu hiệu : « Khóc cho ngày 6/4 / Chống chế độ độc đoán ».
Đọc thêm : Thiên An Môn, nỗi ám ảnh khôn nguôi
Tuy nhiên, hoạt động tưởng niệm Thiên An Môn trong những năm gần đây dường như không còn nhận được sự đồng thuận của xã hội Hồng Kông như những năm trước, từng được khoảng 200.000 người tham gia (theo ban tổ chức) hay 100.000 (theo con số cảnh sát) (bài của South China Morning Post ngày 01/06).
Năm nay, ngay từ giữa tháng 5/2018, các hiệp hội sinh viên của 8 trường đại học ở Hồng Kông tuyên bố sẽ không tham dự (2). Lý do chính thức mà họ đưa ra là việc đòi công lý cho các nạn nhân Thiên An Môn « không phải là trách nhiệm của người Hồng Kông ». Học sinh năm trường phổ thông, từng tổ chức một diễn đàn đêm trước ngày 4/6 hồi năm ngoái cũng tuyên bố không tham dự.
Việc một bộ phận khá đông đảo giới trẻ Hồng Kông tẩy chay lễ tưởng niệm từng được coi là bản sắc của phong trào dân chủ Hồng Kông cho thấy sự phân hóa sâu sắc trong hàng ngũ dân chủ, giữa một bên là những người tiếp tục gắn bó khăng khít với truyền thống đấu tranh, khởi nguồn từ Mùa Xuân Bắc Kinh, với bên kia muốn tập trung vào các vấn đề riêng của Hồng Kông.
Anh Chan Wai-yin, chủ tịch hiệp hội sinh viên Đại học Trung Văn Hồng Kông, giải thích là, hoạt động thắp nến do Liên minh Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ yêu nước tại Trung Quốc, giờ đây mang tính hình thức. Theo nhà lãnh đạo sinh viên này, điều đó không có nghĩa là họ phủ nhận ý nghĩa của ngày 4/6, mà đơn giản là vì muốn dành ưu tiên cho các hoạt động khác, như kỉ niệm dịch SARS, hay các cuộc tranh đấu của phong trào Dù Vàng năm 2014 tại Hồng Kông.
Giới trẻ xa lánh Hoa lục – sách sử xóa bỏ « Thiên An Môn »
Nhiều sinh viên Hồng Kông giờ đây không còn cảm thấy mình là người Trung Quốc. Theo một lãnh đạo sinh viên trường Đại học Bách Khoa, anh Shue Yan, trách nhiệm mang lại công lý do các nạn nhân Thiên An Môn trước hết phải do chính người Trung Quốc. Theo vị lãnh đạo sinh viên này, quan điểm đòi độc lập cho Hồng Kông hay hướng về thể chế tự trị ngày càng chiếm lĩnh tình cảm của nhiều sinh viên học sinh hơn, kể từ phong trào 2014.
Trong bối cảnh giới trẻ ngày càng có xu hướng không cảm thấy mình là người Trung Quốc, chính quyền Hồng Kông ngày càng bị chính quyền trung ương chi phối mạnh hơn. Hôm 25/05, một cơ quan phụ trách giáo dục Hồng Kông quyết định, trong môn lịch sử ở bậc tiểu học, sẽ không giảng dạy lịch sử riêng của Hồng Kông, mà nhập làm một với môn lịch sử Trung Quốc (3). Các biến cố gây tranh cãi như thảm sát Thiên An Môn bị loại ra khỏi sách sử. Sách sẽ chính thức được sử dụng kể từ năm 2020 (xem thêm : Thảm sát Thiên An Môn 1989 : Nhìn từ Việt Nam).
Nhà tranh đấu trẻ phối hợp với cựu lãnh đạo
Tuy nhiên, quan điểm tách rời cuộc đấu tranh dân chủ Hồng Kông với Hoa lục không hẳn đã là chủ đạo. Hôm nay, 04/06, đúng dịp tưởng niệm 29 năm vụ thảm sát, một số nhà lãnh đạo trẻ của phong trào dân chủ Hồng Kông trong đó có Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) phối hợp với các nhà ly khai Trung Quốc, lập ra một diễn đàn đấu tranh cho dân chủ, do ông Vương Đan (Wang Dan) phụ trách (4). Thông báo thành lập vào đúng ngày 4/6 mang tính biểu tượng cao.
Ông Vương Đan, sinh năm 1969, cũng là một lãnh đạo của phong trào Thiên An Môn năm xưa. Theo nhà lãnh đạo trẻ Hồng Kông Hoàng Chi Phong, « đối mặt với đàn áp gia tăng từ phía chế độ Trung Quốc », « một sự kết nối tốt hơn với xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế là rất quan trọng cho việc thúc đẩy dân chủ ở Hồng Kông ».
Theo một số nhà quan sát, việc giới trẻ đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông và Trung Quốc phối hợp có lẽ là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh năm 2018 hiện nay, có một số điểm giống với bước ngoặt địa chính trị năm 1989, khi khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô tan rã.
Giờ đây, khu vực Đông Á đang đứng trước viễn cảnh chưa từng có, với việc hai miền Nam Bắc Triều Tiên nỗ lực bình thường hóa quan hệ, thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra. Trong mùa hè 2018, có nhiều yếu tố có thể dẫn đến một biến động địa chính trị tầm cỡ, làm đảo lộn cục diện thế giới (5).
****
1. South China Morning Post, 31/05/2018
2. Hong Kong Free Press, 19/05/2018
3. Hong Kong Free Press, 25/05/2018
4. South China Morning Post, 02/06/2018
5. « Beijing sees 2018 as watershed year reminiscent of 1989 », Nikkei Asia, 04/06/2018.
« THƯ NGỎ » CỦA 128 BÀ MẸ THIÊN AN MÔN GỬI TẬP CẬN BÌNH
Một hoạt động tiêu biểu đợt kỉ niệm năm nay tại Hoa lục là « bức thư ngỏ » của 128 bà mẹ Thiên An Môn, tức hiệp hội những người mẹ có con là sinh viên bị giết trong cái đêm thảm khốc nói trên (Hongkongfp.com, 04/06/2018). Tại Hoa lục, vụ thảm sát Thiên An Môn luôn bị coi là một điều cấm kỵ, gần như một chuyện thuộc về bí mật quốc gia. Cho đến nay, chưa bao giờ con số chính thức về nạn nhân được công bố.
Trong những năm trước, chính quyền Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn các bà mẹ Thiên An Môn tập hợp để tưởng niệm người thân bị giết hại, vào dịp lễ Thanh Minh tảo mộ cổ truyền của người Trung Quốc hay vào dịp ngày 4/6, bằng cách quản thúc tại gia, hay buộc họ phải rời đi xa. Lần này, nhóm các bà mẹ quyết định chọn cách viết thư ngỏ gửi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bức thư được hiệp hội bảo vệ nhân quyền Human Right Watch công bố hồi tuần trước.
Trong lá thư gửi lãnh đạo đầy quyền lực của chế độ, người vừa được Hiến pháp Trung Quốc sửa đổi để ngỏ khả năng cầm quyền đến mãn đời, các bà mẹ Thiên An Môn nhấn mạnh là vụ thảm sát nói trên là « một tội ác chống nhân loại, làm nhục quốc thể », chính quyền « nhân danh ổn định », « mở cửa » và « cải cách », để huy động hàng trăm nghìn binh sĩ, nổ súng giết hại các sinh viên không vũ khí. Súng nổ suốt dọc 10 cây số đại lộ Tràng An.
Vụ tàn sát đã để lại những chấn thương tinh thần khủng khiếp đối với cha mẹ những người ngã xuống. Bức thư nêu lên một số trường hợp, thân nhân sinh viên bị sát hại đã tìm đến cái chết để giải thoát khỏi nỗi tuyệt vọng, hay bệnh tật hiểm nghèo do kiệt quệ tinh thần. Những nỗi đau đó, tội ác thảm khốc đó đã không hề được chính quyền nhìn nhận trong hơn một phần tư thế kỷ nay, bất chấp các đòi hỏi của nhóm các bà mẹ, được thành lập từ năm 1995.
Đối với các bà mẹ Thiên An Môn, vụ thảm sát này chính là « một tội ác của Nhà nước chống lại nhân dân mình ». Một tội ác mà họ đòi hỏi phải được chính quyền hiện nay thừa nhận, nạn nhân phải được phục hồi danh dự. Kết thúc lá thư ngỏ, nhóm 128 bà mẹ Thiên An Môn khẳng định với chủ tịch Trung Quốc là « giấc mơ Trung Hoa » (từ ngữ mà chính ông Tập Cận Bình thường dùng để cổ vũ tinh thần dân tộc của người Trung Quốc) của họ chính là nhìn thấy « công lý được phục hồi ».
Trung Quốc phản đối
tuyên bốcủa ngoại trưởng Mỹ về Thiên An Môn
Hôm nay, 04/06/2018, Trung Quốc đã cực lực phản đối Hoa Kỳ sau khi ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu Bắc Kinh phải làm sáng tỏ về vụ đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn cách đây đúng 29 năm, sự kiện mà cho tới nay vẫn là đề tài cấm kỵ ở Trung Quốc.
Trong một thông cáo đưa ra hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Pompeo yêu cầu chính phủ Trung Quốc công bố danh sách những người bị giết chết, bị bắt giam hoặc mất tích trong đêm mồng 03 rạng sáng 04/06/1989, khi quân đội Trung Quốc dìm trong biển máu phong trào sinh viên đòi dân chủ. Theo thẩm định đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người thiệt mạng trên quảng trường Thiên An Môn.
Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Trong cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Xuân Oánh cho rằng Hoa Kỳ « cáo buộc Trung Quốc vô căn cứ » và « xen vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ». Theo lời bà Hoa Xuân Oánh, Bắc Kinh đã gởi công hàm phản đối đến Washington.
Cho tới nay, Đảng Cộng Sản Trung Quốc về mặt chính thức vẫn xem những người biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn là « một nhóm nhỏ người gây bạo loạn phản cách mạng ». Gia đình của các nạn nhân bị giết chết năm 1989 gần đây đã đề nghị chủ tịch Tập Cận Bình phục hồi danh dự cho người thân của họ.
Hôm nay, Bắc Kinh đã tăng cường kiểm duyệt về đề tài Thiên An Môn trên các mạng xã hội, thậm chí ngăn cư dân mạng trao đổi với nhau về số tiền 89,64 hay 64,89 nhân dân tệ, số tiền nhắc gợi đến kỷ niệm 04/06 năm 1989.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180604-oktrung-quoc-phan-doi-tuyen-bo-cua-ngoai-truong-my-ve-thien-an-mon
Tổng thống Syria ‘sẽ thăm Bắc Hàn’
Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad dự định thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Hàn, thông tấn xã Bắc Hàn cho hay.
Đây sẽ là lần đầu tiên lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tiếp đón một nguyên thủ quốc gia kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2011.
Ông Kim đã có một loạt các hoạt động ngoại giao gần đây như gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Năm, và dự kiến hội đàm với Donald Trump trong tháng này.
Syria, một đồng minh của Bắc Hàn, không bình luận gì về kế hoạch được thông báo.
Bắc Kinh tấn công bình luận ‘vô trách nhiệm’ của Mỹ
Trung Quốc muốn gì ở tiểu vùng sông Mekong?
Nhân quyền của Bắc Hàn: Điều Trump-Kim không bàn tới
Hai nước từng bị buộc tội hợp tác trong lĩnh vực vũ khí hóa học. Nhưng cả hai phủ nhận cáo buộc.
Thông tấn xã KCNA của Bắc Hàn không đề cập tới thời điểm của chuyến thăm mà chỉ trích lời ông Assad nói hôm thứ Tư: “Tôi sẽ đến thăm [Bắc Hàn] và gặp Kim Jong-un.”
Ông Bashar al-Assad được cho là nói như vậy khi nhận ủy nhiệm thư từ ông Mun Jong-nam, tân Đại sứ Bắc Hàn tại Syria.
Ông Assad cũng được trích lời nói ông chắc chắn rằng ông Kim sẽ “dành chiến thắng cuối cùng và đạt được sự thống nhất Hàn Quốc”.
Bắc Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao với Syria vào năm 1966. Nước này gửi quân đội và vũ khí tới Syria trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel vào tháng 10/1973.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc bị rò rỉ vào tháng Hai cáo buộc Bắc Hàn đưa 40 lô hàng đến Syria từ năm 2012-2017 bao gồm gạch chịu axít, van và ống – những vật liệu có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học.
Ông Assad bị buộc tội sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài bảy năm, nhưng ông phủ nhận có bất kỳ kho dự trữ nào như vậy.
Kể từ khi Bắc Hàn đánh tiếng đầu năm nay về việc nối lại tình hữu nghị với Nam Hàn, dù trên lý thuyết hai miền vẫn đang trong chiến tranh, ông Kim đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và để ngỏ cơ hội cho một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin năm nay.
Nhưng thượng đỉnh với Donald Trump tại Singapore vào 12/6 vẫn sẽ là cuộc họp quan trọng nhất, với việc Mỹ đòi hỏi thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và Bắc Hàn tìm cách giảm bớt các lệnh trừng phạt.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44351747
Nhật Bản: Bộ trưởng trả lại lương vì scandal đất đai
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản ông Taro Aso vừa tuyên bố ông sẽ trả lại tiền lương cả năm sau khi bộ của ông bị phát hiện đã chỉnh sửa tài liệu công.
Một cuộc điều tra phát hiện giấy tờ cơ liên quan đến Thủ tướng Shinzon Abe và vợ ông đã được loại bỏ khỏi các tài liệu liên quan đến một vụ bán đất công gây tranh cãi.
Ông Taro Aso, người cũng giữ chức Phó thủ tướng, thừa nhận vụ lùm xùm này đã ‘làm ảnh hưởng’ đến lòng tin của dân chúng vào bộ do ông phụ trách và chính phủ Nhật.
Nhưng ông nói ông sẽ không từ chức vì vụ việc này.
Thứ trưởng Tài chính Nhật từ chức vì cáo buộc quấy rối tình dục
Nhật sẽ giúp VN và Philippines về an ninh hàng hải
Vì sao Bộ trưởng nội vụ Slovakia từ chức?
Thủ tướng Abe bị cáo buộc theo chủ nghĩa thân hữu sau khi có tin một trường học có mối liên hệ với vợ ông đã mua được đất hạ giá lớn. Ông phủ nhận có bất kỳ liên quan nào đến vụ việc được cho là bị che đậy này.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai 5/6, ông Aso nói rằng “việc giả mạo tài liệu chính phủ là không thể chấp nhận được và hết sức đáng tiếc” và nói ông sẽ trả lại khoản lương 30 triệu yen (khoảng 247,000 USD).
Một quan chức cao cấp đã từ chức sau vụ lùm xùm này, trong khi 20 người khác đã bị trừng phạt, theo lời ông Aso.
Phi cơ quân sự TQ bay trên vùng biển có tranh chấp
Du khách Nhật bị ‘chặt chém’ ở Venice
Hãng đường sắt Nhật xin lỗi vì tàu chạy sớm 20 giây
Vụ scandal bắt đầu ra sao?
Năm 2016, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa gây tranh cãi mang tên Moritomo Gakuen – mà người sáng lập ai cũng biết là người ủng hộ ông Abe – mua một mảnh đất từ bộ giao thông để xây một trường học.
Sau đó có tin vụ mua đất này được thực hiện với mức giá chỉ bằng 1/6 giá thị trường, và rằng vợ của vị thủ tường, bà Akie Abe, là chủ tịch danh dự của trường này.
Bà Abe sau đó đã từ chức, vì có cáo buộc bà đã vận động chính phủ để lấy giá thấp cho mảnh đất. Cáo buộc này bị tất cả các bên phủ nhận.
Vụ lùm xùm này lại nổi lên từ tháng Ba, khi có phát hiện chuyện các giấy tờ có liên quan đến thủ tướng, vợ ông và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, bị đưa ra khỏi hồ sơ của bộ.
Vị bộ trưởng đổ lỗi cho các nhân viên cấp dưới, còn ông Abe thì nói trước Quốc hội:
“Tôi không chỉ đạo cho việc chỉnh sửa các tài liệu đó. Sự thực là, tôi còn không hề biết những tài liệu đó tồn tại, nên làm sao tôi có thể làm việc đó được?”
Vụ scandal đã ảnh hưởng tới tên tuổi của Thủ tướng Abe, và một cuộc thăm dò gần đây cho thấy sụ ủng hộ của người dân với chính phủ ở vào mức thấp nhất kể từ khi ông Abe lên cầm quyền năm 2012.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44355084
Trung Quốc lại cảnh báo Mỹ về thương mại
Trung Quốc hôm 3/6 cảnh báo Hoa Kỳ rằng bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nước về thương mại sẽ không còn giá trị nếu Washington thực hiện việc áp thuế cũng như triển khai khác biện pháp khác về thương mại.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi hai nước kết thúc vòng đàm phán mới nhất ở Bắc Kinh, theo Reuters.
Một tuyên bố ngắn được Tân Hoa Xã đăng tải không đề cập tới thỏa thuận cụ thể mới nào, sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He.
Thay vào đó, theo Reuters, tuyên bố này nhắc lại một thỏa thuận đạt được tháng trước ở Washington rằng Trung Quốc đồng ý gia tăng đáng kể việc nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Hoa Kỳ và Trung Quốc từng đe dọa sẽ đánh thuế lên hàng hóa trị giá tới 150 tỷ đôla của nhau.
Tân Hoa Xã viết rằng “những thành tựu mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đạt được nên dựa trên tiền đề rằng hai bên không tiến hành một cuộc chiến thương mại”.
“Nếu Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt về thương mại, trong đó có nâng mức thuế quan, tất cả các thành tựu về kinh tế và thương mại mà hai phía đàm phán sẽ không còn giá trị”, Tân Hoa Xã viết.
Hiện chưa có tuyên bố từ phái đoàn Mỹ hoặc bản thân ông Ross, theo Reuters.
Lãnh tụ Triều Tiên ‘trảm’ 3 tướng
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un bất ngờ cách chức 3 tướng lĩnh quân sự hàng đầu ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ hôm 3/6.
Quan chức cấp cao Mỹ không muốn nêu tên cho biết như vậy khi bình luận về thông tin được hãng Yonhap của Hàn Quốc loan tải về chuyện tất cả ba quan chức quân sự hàng đầu của Bắc Hàn đã bị thay thế. Tuy nhiên, quan chức Mỹ này không tiết lộ cụ thể tên của ba người bị cách chức.
Hãng tin Yonhap ngày 3/6 dẫn nguồn thạo tin nói rằng, 3 quan chức đó gồm Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong Sik, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên Ri Myong Su, và Cục trưởng Tổng cục chính trị của quân đội Triều Tiên Kim Jong Gak.
Theo Yonhap, ông No Kwang Chol, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng thay thế ông Pak Yong Sik, Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi đó, ông Ri Yong Gil, Phó Tổng tham mưu trưởng, thay thế ông Ri Myong Su.
Trước đó, tướng Kim Su Gil thay thế tướng Kim Jong Gak, trở thành Cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên.
Cũng theo Yonhap, 3 người kế nhiệm họ đều là những người trẻ tuổi hơn, đặc biệt, ông Ri Yong Gil, 63 tuổi, trẻ hơn 21 tuổi so với ông Ri Myong Su.
Theo Reuters, các quan chức Hoa Kỳ tin rằng hiện có sự bất đồng trong quân đội quốc gia Cộng sản về cách tiếp cận của của ông Kim với Hàn Quốc và Mỹ.
Bình luận về việc lãnh tụ Kim Jong Un “trảm” tướng, Giáo sư Yang Moo-ji thuộc Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận định: “Nó cho thấy hai điều đó là: ông Kim Jong-un đang củng cố quyền lực và củng cố mối quan hệ giữa đảng với quân đội trong bối cảnh Triều Tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế.”
Cả ba quan chức quân sự mới đều có ít nhất một số kinh nghiệm tương tác với các phái đoàn nước ngoài, một yếu tố quan trọng khi ông Kim Jong Un tìm cách gặp gỡ với các nhà lãnh đạo từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Syria.
Việc thay các tướng lĩnh xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp Kim – Trump, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-tu-trieu-tien-tram-3-tuong/4423394.html
AIEA họp để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
Một kỳ họp của hội đồng mới của Cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) được tổ chức tại Vienna từ ngày 04 đến ngày 08/06/2018. Đây là kỳ họp đầu tiên của AIEA sau khi Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 08/05. Tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran là tâm điểm của kỳ họp quan trọng này.
Từ Vienna, thông tín viên RFI Isaure Hiace cho biết :
« Đương nhiên là thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được 35 thành viên hội đồng thống đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA đề cập đến trong tuần này. Từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, các nước khác đã ký với Iran đều thương lượng để cố gắng cứu vãn hiệp định, như các nước châu Âu, Trung Quốc, Nga và Iran đã từng làm trong cuộc họp ngày 25/05 tại Vienna.
Hội đồng thống đốc sẽ kiểm tra báo cáo mới đây nhất của AIEA. Hãng tin Pháp AFP đã tham khảo báo cáo trên và cho biết AIEA một lần nữa khẳng định là Iran hoàn toàn tôn trọng các cam kết.
Tuy nhiên, AIEA cũng động viên Teheran « đáp ứng nhiều hơn một chút » so với các yêu cầu mà thỏa thuận 2015 đề ra, để củng cố hơn nữa lòng tin của quốc tế. Đó là cách để khuyến khích Teheran thể hiện thiện chí, nhất là liên quan tới việc thanh tra các khu thử nghiệm hạt nhân của Iran.
Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế đã tới 190 cơ sở tại Iran và cho đến lúc này, đã có thể tới bất cứ cơ sở nào mà họ muốn. »
Trong khi các nước châu Âu đang nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, hôm nay 04/06, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tới Đức, bắt đầu chuyến công du 3 nước châu Âu để thuyết phục Đức, Pháp và Anh Quốc thay đổi quan điểm về Iran. Israel là nước phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Chiều hôm nay 04/06, thủ tướng Israel sẽ có buổi trao đổi với đồng nhiệm Đức Angela Merkel. Ngày mai 05/06, ông sẽ sang Pháp gặp tổng thống Emmanuel Macron, trước khi có buổi làm việc với thủ tướng Anh Theresa May tại Luân Đôn vào ngày 06/06.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180604-aiea-hop-de-cuu-van-thoa-thuan-hat-nhan-iran
Ý : Tân bộ trưởng Nội Vụ tái khẳng định
chính sách ”Không chấp nhận người nhập cư”
Ông Matteo Salvini, người giữ vị trí chủ chốt là bộ trưởng Nội Vụ trong tân nội các Ý, khẳng định lại mục tiêu mà chính phủ Ý đề ra là không tiếp nhận người nhập cư bất hợp pháp.
Ông Salvini đã tới thăm trại tiếp đón di dân Pozzallo và đã phát biểu tại Catane hôm qua, 03/06/2018.
Hiện có hơn nửa triệu người di dân trái phép ở Ý. Để tạo thuận lợi cho việc trục xuất, bộ trưởng Nội Vụ Salvini đã hứa làm việc với chính phủ các nước châu Phi. Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir cho biết lãnh đạo đảng Liên Minh Phương Bắc khẳng định « Sicilia sẽ không bao giờ trở thành trại tập trung di dân lớn nhất châu Âu ». Ông Salvini lại một lần nữa chỉ trích các tổ chức phi chính phủ cứu hộ trên biển « tiếp tay cho những kẻ buôn người ». Phát biểu trên đã khiến nhiều người dân sống trên đảo và ủng hộ các hiệp hội nhân đạo nổi giận.
Matteo Salvini sẽ tham gia cuộc họp với các bộ trưởng Nội Vụ của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu vào ngày thứ Ba 05/06. Nhưng ông đã thông báo chính phủ Ý « sẽ nói không » với các dự án hiện tại về cải cách quy chế Dublin và các chính sách mới về tiếp nhận người tị nạn tại Liên Hiệp.
Trong khi đó, Reuters cho biết hôm qua bộ Quốc Phòng Tunisia thông báo một chiếc xuồng chở di dân đã bị đắm ngoài khơi Địa Trung Hải, khiến ít nhất 48 di dân, đa phần là người Tunisia thiệt mạng. Trước đó, bộ Nội Vụ cho biết có thể 67 người đã được lực lượng tuần tra biển cứu. Vụ đắm xuồng xảy ra trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật gần đảo Kerkenna, một vùng du lịch ở miền nam Tunisia.
Fin publicité dans 59 s
Hoa Kỳ : Trump có quyền tự ân xá cho mình ?
Hôm qua, 03/06/2018, luật sư của Donald Trump, ông Rudy Giuliani tuyên bố rằng tổng thống Mỹ « rất có thể » có quyền tự ân xá cho mình trong trường hợp chủ nhân Nhà Trắng bị buộc tội trong nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Tuyên bố của luật sư Giuliani đã ngay lập tức gây nhiều phản ứng, mặc dù ông bảo đảm là tổng thống Trump sẽ không sử dụng quyền đó cho mình.
Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier gởi về bài tường trình :
« Trong tuần này, Donald Trump lại một lần nữa dùng quyền tổng thống để ân xá cho ba nhân vật bị kết án tù. Đối với nhiều người, đây đúng hơn là một thông điệp gởi đến một số người thân cận của ông, mà hiện đang gặp rắc rối với pháp luật, để khuyến khích họ đừng hợp tác với các nhà điều tra đổi lấy sự khoan hồng.
Mặc dù cho tới nay, tổng thống Trump chưa bị cáo buộc về bất cứ điều gì, ông cũng đang bị đe dọa vì những nghi vấn thông đồng với Nga, cũng như do ông có thể bị xem là có mưu toan cản trở pháp luật.
Tuy nhiên, luật sư mới của tổng thống Trump, Rudy Giuliani bác bỏ giả thuyết rằng thân chủ của ông sau này sẽ dùng quyền tổng thống để ân xá cho chính ông. Cựu thị trưởng New York khẳng định đây là vấn đề về tác động chính trị, chứ không phải là do cản ngại về mặt định chế.
Ông Giuliani nói : « Không có gì hạn chế tổng thống ân xá cho một tội ở cấp liên bang, nhưng tổng thống Trump sẽ không làm thế. Dĩ nhiên ông sẽ không từ bỏ quyền đó, nhưng ông sẽ không sử dụng nó trong những trường hợp như vậy. Tự ân xá cho mình là chuyện không thể xảy ra và làm như vậy thì ông chắc là sẽ bị truất phế ngay lập tức ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180604-hoa-ky-trump-co-quyen-tu-an-xa-cho-minh
Châu Á xem cả Mỹ lẫn Trung Quốc
là một mối đe dọa
Hành động đơn phương của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đang thách thức trật tự toàn cầu. Viện cớ “an ninh quốc gia”, Washington áp đặt luật chơi trên bàn cờ thương mại, còn Bắc Kinh thì theo đuổi mục tiêu quân sự hóa Biển Đông. Châu Á bị kẹt giữa hai siêu cường thế giới.
Phát biểu tại Đối Thoại Shangri La 2018, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen bất ngờ gắn liền vế thương mại và chiến lược. Ông xem chính sách thương mại theo chủ nghĩa America First của tổng thống Donald Trump cũng là một mối đe dọa đối với an ninh châu Á, ngang hàng với chính sách bành trướng của Trung Quốc trong vùng châu Á – Thái Bình Dương.
Chính sách quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, tham vọng của Bắc Kinh làm bá chủ gần 90 % vùng biển giàu tài nguyên, và là một trong những trục giao thương chính của thế giới, là nguyên nhân gây lo ngại. Điều này đã được nhắc tới nhiều lần trong các diễn dàn an ninh trước đây. Nhưng trong mắt bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, giờ đây, châu Á phải đối mặt với một rủi ro khác, khi mà “vai trò của Mỹ đang thay đổi”. Hoa Kỳ đơn phương áp thuế đánh vào các nước bạn hàng, dồn các đồng minh thân thiết nhất như Nhật, Hàn Quốc vào chân tường. Cũng nước Mỹ của tổng thống Trump đã quyết định từ bỏ Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được lập ra để làm đối trọng với áp lực kinh tế của Trung Quốc.
Hãng tin Mỹ Bloomberg đưa ra một số lý do phản ánh sự hoài nghi của nhiều nước châu Á, thể hiện qua phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen ngày 03/06/2018 : Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, uy tín của Mỹ có được là nhờ những đóng góp to lớn của quốc gia này cho một trật tự mới của thế giới. Cũng chính trên cơ sở đó mà Hoa Kỳ còn kềm tỏa được những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng liệu nước Mỹ của ông Donald Trump có còn giữ được vai trò sen đầm của thế giới ấy nữa hay không, khi mà Washington đơn phương thay đổi luật chơi và trật tự thương mại toàn cầu ?
Trong cuộc họp báo kết thúc Diễn đàn an ninh châu Á, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore nhấn mạnh : câu hỏi chính đặt ra hiện nay là “liệu các quốc gia kể cả Trung Quốc, Mỹ, và đặc biệt là hai nước này, có thể đồng ý về một trật tự dựa trên luật pháp mà chính ông Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ hay không ?”. Nói cách khác, châu Á gián tiếp nhìn nhận rằng niềm tin vào đồng minh Hoa Kỳ đang mai một.
Quan điểm của chính quyền Trump về an ninh tại châu Á Thái Bình Dương không thay đổi là bao so với người tiền nhiệm là Obama. Có điều, như ghi nhận của chuyên gia Pháp François Heisbourg, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, trụ sở tại Luân Đôn, tình hình an ninh trong vùng “ngày càng xấu đi (…), Trung Quốc tự do tung hoành”. Còn Mỹ như thể nhường sân chơi lại cho Bắc Kinh, khi đánh thuế nhập khẩu vào hàng của Nhật, từ bỏ TPP.
Trong lúc Trung Quốc tung tiền ra mua chuộc và lôi kéo các đồng minh truyền thống của Mỹ về phía mình, điển hình là với Philippines, thì ở Washington, chính quyền Trump một mặt đòi các đồng minh tăng chi phí quân sự để tự vệ, siết chặt các ưu đãi thương mại với các nước bạn, mặt khác lại kêu gọi các đồng minh giữ khoảng cách với Bắc Kinh. Theo quan điểm của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, Dương Niệm Tổ (Andrew Yang) đây là hai mục tiêu mà các đối tác châu Á của Mỹ “khó có thể dung hòa”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180604-chau-a-xem-ca-my-lan-trung-quoc-la-mot-moi-de-doa
Đàm phán thương mại Mỹ – Trung nhìn từ châu Âu
Hôm nay 04/06/2018, là ngày đàm phán thương mại cuối cùng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc tại Bắc Kinh, với sự hiện diện của bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross. Mục đích cuộc họp là giải tỏa căng thẳng về mậu dịch giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Hôm qua, Tân Hoa Xã đã dọa là nếu Hoa Kỳ thi hành các trừng phạt về thuế quan, mọi kết quả về đàm phán kinh tế và thương mại với Trung Quốc sẽ không còn giá trị nữa. Châu Âu đang rất quan tâm theo dõi cuộc thương lượng gay go này.
Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson gởi về bài tường trình :
« Phía châu Âu theo dõi rất sát những diễn tiến khi thì thuận lợi, lúc thì gay go, của cuộc thương lượng mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Trước hết, họ phải tìm hiểu xem những sáng kiến nào của Trung Quốc kéo theo những phản ứng nào của Mỹ. Tiếp đến là ủng hộ Bắc Kinh chống Washington, vì Hoa Kỳ bị xem là đang chà đạp lên những quy tắc cơ bản nhất của thương mại thế giới. Cuối cùng là ủng hộ Washington chống Bắc Kinh, vì Trung Quốc bị xem là có cái nhìn đơn phương về cân đối công nghiệp và trao đổi mậu dịch.
Các nước châu Âu thừa biết rằng lập trường của Mỹ được thể hiện qua những tin nhắn Twitter của Donald Trump, hơn là do các bộ trưởng của ông quyết định. Tuy nhiên, họ muốn biết là tổng thống Mỹ đón nhận như thế nào những phản ứng của Trung Quốc, vốn không dùng nhiều vũ khí luật pháp như châu Âu.
Không chỉ đệ đơn kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới về việc Hoa Kỳ đánh thuế vào thép và nhôm nhập khẩu, các nước châu Âu còn kiện Trung Quốc về vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp.
Đây là một cách để châu Âu chứng tỏ rằng các quy định thương mại phải được áp dụng với tất cả các nước và nếu ai cũng không tuân thủ, thì thế giới sẽ trở thành một nơi vô luật lệ giống như miền Viễn Tây của Mỹ trước đây. Trừ khi Washington thật sự có ý định muốn trở lại thời kỳ của những người đi tiên phong khai phá đất nước Hoa Kỳ. »
Trong khi đó, Nhật Bản, qua lời phát ngôn viên của chính phủ Yoshihide Suga, hôm nay cho rằng quyết định của Mỹ đánh thuế vào thép và nhôm nhập khẩu sẽ có « một tác động nghiêm trọng » lên toàn bộ hệ thống thương mại thế giới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180604-dam-phan-thuong-mai-my-trung-nhin-tu-chau-au
Chuyển giao công nghệ :
Trung Quốc lấy làm tiếc về khiếu kiện của châu Âu
Bắc Kinh lấy làm tiếc về việc Liên Hiệp Châu Âu khởi kiện Trung Quốc lên tổ chức Thương Mại Thế Giới, về việc đặt ra một quy định trái phép, ép buộc các công ty châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu 01/06/2018, Liên Hiệp Châu Âu đã đệ đơn kiện Bắc Kinh vì cho rằng quy định của chính quyền Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc của tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO).
AFP hôm nay 04/06/2018 cho biết trong một thông cáo phát đi vào cuối ngày hôm qua 03/06, bộ Thương Mại Trung Quốc đáp lại : « Trung Quốc lấy làm tiếc về vụ kiện của châu Âu và sẽ xử lý vấn đề này theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp » giữa các thành viên của tổ chức Thương Mại Thế Giới.
Tuy nhiên, bộ Thương Mại Trung Quốc cũng bảo vệ chính sách của Bắc Kinh : « Trung Quốc đã luôn chú trọng bảo vệ bản quyền trí tuệ và đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan ». Thông cáo nhấn mạnh đã có nhiều tiến bộ rõ rệt trong lĩnh vực này, ngoài ra Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu cũng đã thiết lập các« nhóm làm việc » để trao đổi thông tin có liên quan tới hồ sơ trên.
Trong nhiều lĩnh vực, các công ty nước ngoài muốn vào thị trường Trung Quốc thường bị Bắc Kinh ép buộc chia sẻ một phần công nghệ. Cả Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đều chỉ trích điều này. Vào tháng 08/2017, Washington đã cho điều tra về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chiến tranh thương mại :
Donald Trump lặp lại sai lầm năm 1930 ?
Biểu thuế quan mới nhắm vào mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ có hiệu lực từ ngày 01/06/2018. Trong bài viết « Chiến tranh thương mại : sự thảm bại của các biện pháp bảo hộ mậu dịch trước đây của Hoa Kỳ » đăng trên website của mình, đài truyền hình France 24 cho rằng, sự việc này làm nhớ lại đạo luật Hawley-Smoot năm 1930 đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn sau cùng trên thế giới.
« Chúng tôi tin rằng việc thông qua các biện pháp bảo hộ mậu dịch sẽ là một sai lầm. Các biện pháp này có thể dẫn đến việc tăng giá đối với người tiêu dùng Mỹ […] và làm giảm mức sống của người dân ». Chính bằng những lời lẽ này, một tập thể gồm 1.028 nhà kinh tế đã bắt đầu lá thư ngỏ gởi đến tổng thống Mỹ Herbert Hoover năm 1930, nhằm cảnh báo ông về việc áp đặt thuế quan đánh vào nhiều loại sản phẩm.
Giờ đây, 88 năm sau, khoảng 12 kinh tế gia Mỹ đã dùng lại chính bức thư này, chỉ khác nhau vài từ, nhằm báo động tổng thống Donald Trump về những mối nguy hiểm trong việc đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu. Đối với họ, nước Mỹ ngày nay có nguy cơ chịu cùng số phận như năm 1930 chỉ vì các loại thuế quan.
Thép năm 2018, nông nghiệp 1929
Trong cả hai trường hợp, bức thư ngỏ đã bị chính quyền phớt lờ bởi vì Washington đã quyết định áp thuế đối với châu Âu, Canada và Mêhicô ngay từ 01/06/2018. Nếu như năm 2018 này, không ai có thể dự đoán được lối thoát nào cho cuộc chiến thương mại tới đây, thì lịch sử đã cho chúng ta thấy hậu quả của các biện pháp bảo hộ mậu dịch năm 1930.
Các biện pháp đó đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ và đó là một trong những lý do mà Hoa Kỳ đã « làm mọi cách để đề cao tự do mậu dịch sau Đệ Nhị Thế Chiến », theo như nhận định của Marc-William Palen, chuyên gia kinh tế trường đại học Exeter, Anh Quốc, trong một bài viết đăng trên trang mạng của đài truyền hình Mỹ NBC.
Vào mùa xuân năm 1929, kinh tế Mỹ dường như phát triển tốt. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng cao như mong đợi và công nghiệp phát triển. Trong bối cảnh đó, một lĩnh vực duy nhất có những dấu hiệu suy yếu : đó là nông nghiệp. Herbert Hoover, vừa đắc cử tổng thống, đã dùng lại một ý tưởng mà giới vận động hành lang của các nhà sản xuất nông nghiệp đưa ra : các chủ trang trại Mỹ gặp khó khăn do cạnh tranh quốc tế. Ông đã đề nghị đánh thuế các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Thế nhưng Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ đã nắm lấy chủ đề này và quyết định mở rộng phạm vi đánh thuế, vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Dưới sự thúc đẩy của hai nghị sĩ đảng Cộng Hòa – Willis Hawley và Reed Smoot -, cả Thượng và Hạ Viện đều thông qua một danh sách gần 900 mặt hàng phải chịu thuế (trong đó có cả cá vàng).
Sau nhiều tháng bàn thảo, đạo luật được gọi là Hawley-Smoot đã được thông qua đầu năm 1930 vào lúc cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 1929 bắt đầu có những tác động đầu tiên đối với nền kinh tế Mỹ. Dự báo của các kinh tế gia đã được nhanh chóng kiểm chứng ; trước đó trong bức thư cảnh báo Herbert Hoover, họ đã đề cập đến những tác động tai hại của chính sách bảo hộ này.
Nông nghiệp Mỹ không hưởng được lợi lộc gì từ việc nâng thuế nhập khẩu và các đối tác thương mại đã gia tăng các biện pháp trả đũa. Cơn sốt bảo hộ mậu dịch mà thế giới hứng chịu đã dẫn đến sự sụt giảm thê thảm thương mại toàn cầu, trao đổi thương mại quốc tế giảm hơn 40%.
Mối nguy hiểm chủ nghĩa dân tộc
Tác động của đạo luật Hawley-Smoot vẫn còn gây tranh luận cho đến ngày nay. Đối với một số người, đạo luật làm tăng tăng giá sản phẩm nhập khẩu, làm cho cuộc khủng hoảng năm 1929 thêm trầm trọng. Theo một số người khác, thì cũng như nạn đầu cơ tài chứng khoán, chính sách bảo hộ này là một trong những nguyên nhân chính của cuộc Đại Suy Thoái.
Sau cùng, một số sử gia thậm chí còn đánh giá rằng đạo luật này đã góp phần làm trỗi dậy chủ nghĩa phát xít ở Đức. France 24 trích dẫn một nhận định trên tờ Financial Times cho rằng qua việc tạo thuận lợi cho chủ nghĩa biệt lập và làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn, các biện pháp bảo hộ này đã làm « gia tăng thêm tình trạng đói nghèo trên thế giới, và tình trạng này là một nguyên nhân quan trọng gây ra Đệ Nhị Thế Chiến ».
Quan điểm này cũng được tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ. Ông đã dẫn lại phát biểu của tướng De Gaulle để lên án quyết định của Donald Trump áp dụng « tư tưởng dân tộc chủ nghĩa về kinh tế. Và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa dẫn đến chiến tranh. Đó chính là điều đã xẩy ra trong năm 1930 ».
Liệu tình hình hồi đó có thể so sánh được với tình hình hiện nay hay không, như nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến, những người đã ký phiên bản mới của bức thư năm 1930 ? Điểm giống nhau chủ yếu là những động cơ đã thúc đẩy Herbert Hoover và Donald Trump thông qua các biểu thuế quan này. Theo tờ Wall Street Journal, cả hai vị tổng thống « đã hành động trước hết vì những tính toán chính trị mà không thật sự suy tính đến lợi ích kinh tế của những biện pháp đó ».
Nhật báo Mỹ nhắc lại rằng Herbert Hoover đã tìm cách thỏa mãn giới vận động hành lang ngành nông nghiệp và để có được sự ủng hộ của các nghị sĩ bảo thủ tại Quốc Hội, còn Donald Trump thì nhắm đến việc làm hài lòng cử tri Mỹ ở những bang công nghiệp phía Bắc, có truyền thống ủng hộ đảng Dân Chủ, và có thể ngả theo phe Cộng Hòa trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2018 tới đây.
Trong cả hai trường hợp, Hoa Kỳ luôn là quốc gia khởi chiến. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Mỹ đã làm dấy lên làn sóng lên án mạnh mẽ từ các đối tác thương mại, và những đối tác này sẵn sàng áp đặt thuế quan của họ đối với các sản phẩm thuộc các bang phía Bắc Hoa Kỳ.
Tuy vậy, cũng có không ít các khác biệt đáng kể. Tình hình kinh tế Mỹ hiện nay không giống như cuối thập niên 1920 ; vào lúc đó, đầu cơ chứng khoán đã lên đến đỉnh điểm. Một cuộc chiến thương mại có thể sẽ không có cùng tác động làm gia tăng cuộc khủng hoảng mà đạo luật Hawley-Smoot gây ra. Ngược lại, thương mại quốc tế đã phát triển mạnh mẽ từ năm 1930. Do vậy, một sự ngưng trệ trong trao đổi thế giới do thuế quan gây ra có thể sẽ tác động mạnh hơn vào tăng trưởng trên thế giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180604-chien-tranh-thuong-mai-donald-trump-lap-lai-sai-lam-nam-1930