Tin khắp nơi – 04/04/2017
Tesla qua mặt Ford,
thành hãng sản xuất xe hơi lớn thứ nhì Hoa Kỳ
Tesla đã trở thành hãng sản xuất xe hơi lớn thứ nhì nước Mỹ về mặt vốn hoá thị trường, qua mặt hãng xe Ford giữa lúc số thương vụ bán xe của Ford giảm sút và có nhiều lo ngại về khả năng tăng trưởng của thị trường xe hơi tại Hoa Kỳ, được cho đã bão hoà.
Tesla loan báo công ty đã giao cho khách hàng 25,000 chiếc xe công nghệ cao của hãng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng Ba năm nay, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một dấu hiệu cho thấy Tesla đang trên đường thực hiện mục tiêu là bán 50,000 chiếc xe trước giữa năm nay, 2017.
Nhiều hãng sản xuất xe hơi báo cáo số thương vụ giảm trong tháng Ba so với cách đây một năm, nhưng Tesla đã chứng kiến số xe giao cho khách tăng vọt trong 3 tháng đầu năm.
Thành tích đó đủ để giá cổ phần của Tesla, hãng sản xuất xe hơi chạy bằng điện tăng vọt trong ngày hôm qua.
Cuối năm ngoái là lần đầu tiên Tesla loan báo hoạt động có lợi sau hơn 3 năm, nhưng ngay trong quý kế tiếp, Tesla lại rơi vào thua lỗ.
Bây giờ Tesla chính thức trở thành hãng sản xuất xe hơi lớn thứ nhì, chỉ đứng sau General Motors, hãng chế tạo xe hơi lớn nhất nước Mỹ về vốn hoá thị trường.
Tiểu ban Thượng viện phê chuẩn
ứng viên thẩm phán Tối cao Pháp viện của ông Trump
Một tiểu ban Thượng viện hôm thứ Hai đã phê chuẩn ứng cử viên thẩm phán Tối cao Pháp viện Neil Gorsuch, người đã được Tổng thống Donald Trump đề cử, và đưa ông ra toàn thể Thượng viện để biểu quyết. Theo các dấu hiệu bề ngoài thì sẽ có một cuộc đối đầu khốc liệt về trường hợp này, có thể dẫn tới thay đổi về quy định đối với các hoạt động của Thượng viện.
Ít nhất có 41 Thượng nghị sĩ phản đối việc đề cử ông Gorsuch vào Tối án tối cao, đây là con số cần thiết để ngăn chặn đề cử thông qua biện pháp phát biểu câu giờ, gọi là filibuster.
Biện pháp này đòi hỏi phải đạt tỉ lệ đa số phiếu 3/5 để có được một cuộc biểu quyết chung cuộc trước phiên họp toàn thể Thượng viện với 100 ghế.
Tuy nhiên đảng Cộng hòa có thể thay đổi các quy định tại Thượng viện, loại bỏ biện pháp filibuster đối với các ứng viên vào tòa tối cao và chuẩn thuận ông Gorsuch với đa số phiếu đơn thuần.
Thượng nghĩ sĩ Lindsey Graham, đảng Cộng hòa, nói: “Biện pháp câu giờ filibuster sẽ không thành công trong việc ngăn chặn một ứng viên thẩm phán Tối cao Pháp viện, bởi vì nếu cần và bị buộc phải hành động, chúng tôi sẽ đổi quy định và có lẽ là chúng tôi đành phải làm như vậy”.
Dựa trên truyền thống lịch sử, các ứng cử viên thẩm phán Tối cao Pháp viện đều đã được chuẩn thuận với sự ủng hộ của cả hai chính đảng. Nhưng thái độ hợp tác lưỡng đảng đó giờ không còn nữa, bắt đầu từ năm ngoái khi đảng Cộng hòa khăng khăng từ chối, không chịu biểu quyết về ông Merrick Garland, người được cựu Tổng thống Barack Obama chọn làm ứng viên thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Giờ đây, đảng Cộng hòa không hội đủ số phiếu để hậu thuẫn ông Gorsuch, người mà nếu được chuẩn thuận, sẽ ngồi vào chiếc ghế để trống sau khi Thẩm phán Antonin Scalia qua đời năm ngoái.
Hàng không Iran mua 30 máy bay Boeing
Hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing hôm thứ Ba cho biết họ đã đồng ý bán 30 máy bay phản lực 737 MAX cho hãng hàng không Aseman của Iran, thương vụ này có trị giá 3 tỷ đôla.
Đây là thương vụ thứ nhì của Boeing thực hiện được nhờ vào thỏa thuận hạt nhân năm 2015 do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký kết để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Hồi tháng 12 năm ngoái, IranAir đã ký hợp đồng trị giá 16,6 tỷ đôla với Boeing để mua 80 máy bay.
Trong một tuyên bố, hãng sản xuất máy bay của Mỹ nói: “Boeing xác nhận việc ký kết biên bản ghi nhớ với Iran Aseman Airlines, theo đó hãng hàng không dự định mua 30 chiếc máy bay Boeing 737 MAX với giá niêm yết là 3 tỷ đôla. Biên bản cũng trao cho hãng hàng không quyền mua thêm 30 chiếc 737 MAX”.
Aseman Airlines dự kiến sẽ bắt đầu nhận máy bay vào năm 2022, mặc dù thoả thuận này vẫn còn chờ chính phủ Hoa Kỳ chuẩn thuận.
Thỏa thuận hạt nhân hạn chế năng lực hạt nhân của Iran, đổi lại, các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế được dỡ bỏ. Trong chiến dịch tranh cử của ông, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích thậm tệ thỏa thuận này và nói ông muốn đàm phán lại.
Aseman Airlines phục vụ các tuyến bay nội địa và quốc tế từ Iran. Vào tháng 12 năm ngoái, Liên hiệp châu Âu cấm hãng hàng không này hoạt động trong khu vực EU, viện lý do an toàn.
Boeing cho biết hợp đồng này dự kiến sẽ tạo ra hoặc duy trì được 18.000 việc làm.
http://www.voatiengviet.com/a/hang-khong-iran-mua-30-may-bay-boeing/3795470.html
Mỹ-Nga-Trung
bất đồng về phiên họp nhân quyền tại LHQ
Hoa Kỳ ngày 3/4 lên kế hoạch sự kiện trong tháng này có phần chắc là một cuộc ‘đối đầu’ với Nga và Trung Quốc liên quan kế hoạch triệu tập phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về nhân quyền. Đây là một vấn đề mà Moscow và Bắc Kinh phản đối không muốn đưa ra thảo luận rộng rãi giữa nước 15 thành viên trong Hội đồng.
Hoa Kỳ giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4. Tại cuộc họp kín của Hội đồng hôm 3/4, cuộc họp bàn về nhân quyền và liên hệ giữa nhân quyền với xung đột đề nghị diễn ra vào ngày 18 đã bị gạt ra khỏi lịch trình.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley ngày 3/4 tuyên bố với các thành viên Liên hiệp quốc rằng “Đây sẽ là một cuộc thảo luận rộng rãi, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào, mà chỉ thảo luận về nhân quyền và liên hệ với xung đột để xem có những vấn đề nào chúng ta có thể xúc tiến.”
Hoa Kỳ cáo buộc Hội đồng Nhân quyền có trụ sở tại Geneva thiên vị chống lại Israel.
Nếu đại sứ Haley của Mỹ không đạt được một thỏa thuận với Nga và Trung Quốc về một trọng tâm chặt chẽ và tiến tới phiên họp, thì Moscow sẽ kêu gọi tổ chức một cuộc biểu quyết chặn động thái này của Mỹ, phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Petr Iliichev, cho biết.
Một cuộc biểu quyết theo thủ tục cần 9 phiếu để thông qua. Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp và Anh không thể dùng quyền phủ quyết trong trường hợp này.
Ông Petr Iliichev nói vấn đề nhân quyền không cần được mang ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an vì đã được uỷ ban thứ ba của Đại hội đồng Liên hiệp quốc gồm 193 thành viên và Hội đồng Nhân quyền xem xét.
Khi được hỏi về phiên họp do Mỹ đề nghị, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Liu Jieyi nói “Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này.”
Trung Quốc trước đây đã thúc đẩy cuộc bỏ phiếu trong nỗ lực bất thành muốn ngăn Hội đồng Bảo an thảo luận về nhân quyền của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh là một đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng.
Hoa Kỳ đã dọa rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền. Bà Haley cho biết Mỹ đang xem xét lại những gì Hội đồng đã làm, tốt hay chưa tốt. Và vẫn theo lời bà, “Nếu chúng tôi thấy có gì thay đổi, chúng tôi sẽ rút ra. Nhưng tôi nghĩ Hội đồng cần biết những gì chúng tôi đang kỳ vọng ở họ.”
Tổng thống Trump hiến tặng lương cho Công viên Quốc Gia
Tổng thống Donald Trump, một tỷ phú bất động sản trước khi ra tranh cử chính trị, đã quyết định hiến tặng tiền lương ba tháng đầu năm nay của mình trị giá 78,333 đô la cho Dịch vụ Công viên Quốc Gia, theo loan báo từ Tòa Bạch Ốc ngày 2/4.
Thời tranh cử, ông Trump từng hứa nếu trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc, ông sẽ hiến tặng toàn bộ số tiền 400,000 đô la lương năm của Tổng thống.
“Chuyện nhỏ đối với tôi”, ông Trump tuyên bố hồi tháng 9 năm 2015.
Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, cơ quan trông coi 417 công viên quốc gia, đền đài và các địa điểm khác, cho biết ông hết sức “phấn khích” với quyết định của Trump.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-hien-tang-luong-cho-cong-vien-quoc-gia/3794743.html
Lotte quyết duy trì hoạt động tại Trung Quốc
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc bất chấp những căng thẳng ngoại giao liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai một hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ, giám đốc điều hành Lotte tuyên bố ngày 3/4, bác tin đồn rằng Lotte muốn rút khỏi Trung Quốc.
Nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục cửa hàng bán lẻ của Lotte sau các cuộc kiểm tra nhằm tăng áp lực lên tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc sau khi Lotte đồng ý giao đất để lắp đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ bên ngoài Seoul.
Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ nói rằng hệ thống này được thiết kế để ngăn chặn mối đe dọa phi đạn của một Bắc Triều Tiên có trang bị võ khí hạt nhân, nhưng Bắc Kinh cho rằng hệ thống radar của THAAD có thể nhắm tới Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi tẩy chay Lotte nhằm phản ứng với việc triển khai THAAD.
“Đã 20 năm kể từ khi Lotte bước vào thị trường Trung Quốc … Chúng tôi tin rằng thị trường Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn cần đầu tư, lãnh đạo cao cấp của Lotte, Hwang Kag-gyu, cho biết.
Truyền thông Hàn Quốc kể cả hãng thông tấn Yonhap nêu khả năng có thể Lotte sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc trước làn sóng phản ứng dữ dội đối với tập đoàn này.
Lotte chưa vạch ra kế hoạch đương đầu với khó khăn ngoài việc chờ mọi sự trôi qua.
Tháng trước, một tấm biển bằng Hoa ngữ ghi dòng chữ “Chúng tôi hiểu các bạn, và chúng tôi chờ đợi” được đặt trên bảng hiệu của cửa hàng Lotte ở Seoul.
75 trong số 99 siêu thị Lotte ở Trung Quốc đã bị chính quyền Trung Quốc đóng cửa tính đến ngày ngày 2 tháng 4, một phát ngôn viên của Lotte cho Reuters biết. Lotte Mart báo cáo doanh số bán hàng ở Trung Quốc năm ngoái là 1.13 nghìn tỷ won (1,01 tỷ đô la Mỹ).
Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất của Lotte và đã tạo ra khoảng 3 nghìn tỷ won trong năm 2016. Đây là một trong bốn thị trường chiến lược của Lotte cùng với Việt Nam, Nga và Indonesia mà tập đoàn đang chú trọng trong khi tăng trưởng bán lẻ ở thị trường nội địa Hàn Quốc chậm lại.
Các hãng hàng không và các hãng du lịch Hàn Quốc cũng đã trải qua các chiến thuật phân biệt đối xử từ Trung Quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/lotte-quyet-duy-tri-hoat-dong-tai-trung-quoc/3794700.html
DB Chaffetz yêu cầu ông Flynn hoàn trả chục ngàn tiền lãi
Một nhà lập pháp cấp cao của Hoa Kỳ nói ông sẽ tìm cách buộc cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump phải trả lại “hàng chục ngàn đô la” vì đã đại diện cho các lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây, ngay cả khi ông nắm giữ một vai trò quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.
Tướng hồi hưu Michael Flynn từng giữ vị trí cố vấn an ninh hàng đầu tại Tòa Bạch Ốc trong vỏn vẹn 24 ngày trước khi bị ông Trump bãi nhiệm hồi tháng Hai vì lý do ông Flynn đã nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence và nhiều người khác về các cuộc tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Washington trong những tuần trước khi ông Trump lên nắm quyền.
Tuy nhiên, những món tiền mà ông Flynn nhận vì đã đóng vai trò đại diện cho các lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mới được tiết lộ từ hồ sơ khai thuế của ông và thông tin do các nhà điều tra tại Quốc hội thu thập được. Các tài liệu cho thấy ông Flynn đã nhận tổng cộng 500.000 đô la hồi năm ngoái để đại diện cho các lợi ích của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong một vụ tranh chấp với chính phủ Mỹ, ngoài ra ông còn được trả khoảng 70.000 đô la tiền thù lao do các tổ chức liên quan đến Nga thanh toán.
Trong các hình thức thanh toán tiền bạc mà Nga dùng để trả cho ông Flynn có một chuyến đi Moscow năm 2015, để kỷ niệm 10 năm kỷ niệm sự thành lập của mạng lưới truyền hình Nga Russia Today. Dịp này, ông Flynn được sắp xếp ngồi gần Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dạ tiệc gala.
Dân biểu Jason Chaffetz, thành viên cao nhất của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Hạ viện Giám sát Chính phủ, hôm thứ Hai cho hay ông sẽ yêu cầu Văn phòng Chính phủ giám sát trách nhiệm giải trình xem xét các khoản tiền đã trả acho ông Flynn.
Ông Chaffetz nói: “Hình phạt dựa trên tiền lệ mà ông Flynn có phần chắc sẽ phải hoàn trả tất cả số tiền mà ông ấy đã nhận.”
Ông Flynn là trọng tâm trong các cuộc điều tra do Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI và các ủy ban tình báo tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ tiến hành. Các cơ quan này đang điều tra những kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng Nga đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái nhằm giúp ông Trump thắng cử. FBI nói họ đang điều tra xem liệu các trợ lý của ông Trump có cấu kết với các điệp viên Nga để tăng cơ hội trúng cử của ông Trump ta hay không.
Tuần trước, ông Flynn yêu cầu được miễn tố trước khi ra khai chứng trước Quốc hội về những sự tiếp xúc của ông với các lợi ích của nước Nga. Nhưng yêu cầu của ông bị bác bỏ, các nhà lập pháp nói rằng hãy còn quá sớm trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ để có thể xác định liệu họ có cần cấp quyền miễn tố đối với bất kỳ nhân chứng nào hay không.
Con rể của ông Trump Jared Kushner thăm Iraq
Một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc cho biết ông Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của Tổng thống Donald Trump, đang có mặt ở Iraq.
Hôm Chủ Nhật quan chức này cho hay ông Kushner lên đường cùng với Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu Trưởng Liên quân Hoa Kỳ.
Các chi tiết về chuyến đi thăm Iraq của ông Kushner không được công bố tức thời, tuy nhiên chiến dịch quân sự chống các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Iraq có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo đã tiến hành các cuộc không kích hỗ trợ cho quân đội Iraq chống lại các phần tử thánh chiến.
Ông Kushner, cũng như nhạc phụ của ông, không có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ trước đây. Tuy vậy, ông Kushner đã nhanh chóng trở thành một trong những người quyền lực nhất ở thủ đô Washington.
Kushner kết hôn với ái nữ Ivanka của Tổng thống Trump.
http://www.voatiengviet.com/a/con-re-cua-ong-trump-jared-kushner-tham-iraq/3794367.html
Tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria giết 58 người?
Số tử vong trong một vụ tấn công bị tình nghi có sử dụng khí độc ở bắc Syria đã tăng lên 58 người, tất cả đều là thường dân.
Đài quan sát Nhân quyền Syria, tổ chức chuyên theo dõi cuộc nội chiến ở Syria, cho hay có ít nhất 11 trẻ em trong số người thiệt mạng trong các vụ không kích ở thị trấn Khan Sheikhoun thuộc tỉnh Idlib ở miền bắc.
Đài quan sát cho biết nhiều nạn nhân bị khó thở, nghẹt thở, nôn mửa và sùi bọt mép sau vụ ném bom.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh nói không rõ máy bay chiến đấu của Nga hay Syria đã thực hiện cuộc tấn công này.
Tỉnh Idlib nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy ở Syria, vốn từ năm 2001 đã phát động cuộc chiến đầy chết chóc chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong cuộc chiến này, hơn 400.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải dời cư, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chính quyền Syria từng bị cáo buộc là đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công thường dân trong quá khứ, nhưng chính quyền Syria bác bỏ cáo buộc đó.
http://www.voatiengviet.com/a/tan-cung-vu-khi-hoa-hoc-syria-giet-58-nguoi/3795460.html
Nỗ lực ngăn New Zealand dẫn độ phạm nhân về Trung Quốc
Luật sư của một người đàn ông có thể bị dẫn độ về Trung Quốc vì cáo trạng giết người ngày 3/4 nói trước tòa án New Zealand rằng chính phủ Wellington không thể dựa vào những lời đảm bảo của Trung Quốc rằng nghi phạm sẽ không bị tra tấn hay tử hình.
Thách thức chống lại lệnh dẫn độ đầu tiên của New Zealand về Trung Quốc là cú giáng thứ nhì trong tuần qua đối với các nỗ lực của Bắc Kinh muốn tóm các nghi can hình sự trốn ra nước ngoài trong đó có những giới chức tham nhũng và giám đốc các doanh nghiệp đang bị truy nã theo “Chiến dịch Săn Cáo.”
Tuần rồi, Australia hủy một cuộc bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, 10 năm sau khi hiệp ước được ký, vì mất sự ủng hộ của phe đối lập chỉ vài ngày sau chuyến viếng thăm chính thức của Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Chống đối chính trị về việc dẫn độ tại New Zealand và Australia phát sinh từ những quan ngại về thành tích nhân quyền của Trung Quốc vì các tổ chức nhân quyền thường xuyên cáo buộc Bắc Kinh cưỡng bách nghi can thú tội bằng cách tra tấn hay ép buộc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận.
Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã siết chặt kiểm soát hầu như tất cả các lãnh vực của xã hội dân sự kể từ năm 2012, viện cớ cần để giữ gìn an ninh quốc gia và ổn định.
Trong thời gian này, Trung Quốc đã bắt giữ hay thẩm vấn hàng trăm luật sư nhân quyền và những người chỉ trích chính phủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế cho biết.
http://www.voatiengviet.com/a/no-luc-ngan-new-zealand-dan-do-pham-nhan-ve-trung-quoc-/3795169.html
Đại sứ Nhật trở lại Hàn Quốc sau lệnh triệu hồi
Nhật bản loan báo sẽ phái Đại sứ Yasumasa Nagamine trở lại Hàn Quốc vào thứ Ba (4/4). Cách đây gần 3 tháng, hôm 9/1, Nhật triệu hồi đại sứ về nước sau khi một bức tượng tưởng niệm các phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm việc trong các nhà thổ quân sự Nhật thời Đệ nhị Thế chiến được dựng lên bởi một nhóm công dân ở Busan, Hàn Quốc.
Vào năm 2015, hai nước đã đồng ý rằng vấn đề ‘an úy phụ’ làm quan hệ hai nước căng thẳng trong một thời gian dài sẽ được giải quyết nếu tất cả các điều kiện của thỏa thuận được đáp ứng, bao gồm Nhật phải đứng ra xin lỗi và lập một quỹ hỗ trợ nạn nhân.
Nhật cho rằng bức tượng người phụ nữ chân trần ngồi trên ghế được dựng lên hồi cuối năm ngoái gần lãnh sự quán Nhật ở Busan, miền Nam Hàn Quốc, vi phạm thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Nhật, Fumio Kishida, tuyên bố đại sứ Nhật cần có mặt tại Hàn Quốc trong thời điểm biến động chính trị Hàn Quốc lúc này sau vụ bắt giữ cựu Tổng thống bị lật đổ Park Geun-hye, để thu thập tin tức về tình hình và để duy trì mối quan hệ chặt chẽ trước các chương trình phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Sau khi triệu hồi đại sứ, Nhật cũng đã hoãn cuộc đối thoại kinh tế cấp cao song phương và các cuộc đàm phán về một thoả thuận hoán đổi tiền tệ mới với Hàn Quốc.
‘An úy phụ’ là tiếng lóng để chỉ các bé gái hoặc phụ nữ từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines hoặc các nơi khác bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ quân sự Nhật Bản. Các nhà hoạt động Hàn Quốc ước tính có khoảng 200.000 nạn nhân người Hàn Quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/dai-su-nhat-tro-lai-han-quoc-sau-lenh-trieu-hoi/3794727.html
Nga: Hung thủ vụ tấn công St. Petersburg
là một kẻ đánh bom tự sát
Các nhà điều tra Nga nói một kẻ đánh bom tự sát đã thực hiện vụ tấn công gây tử vong hôm thứ Hai, nhắm vào một xe điện ngầm đông người ở St. Petersburg, trong khi Tổng Thống Nga Vladimir đang đi thăm thành phố này, là sinh quán của ông.
Uỷ ban điều tra Nga nói họ đã phát hiện thi thể bị cháy đen của người đàn ông mà họ tin đã giết chết 14 người và gây thương tích cho 50 người.
Trước đó vào sáng sớm thứ Ba 4/4, cơ quan tình báo Kyrgyzstan, đồng minh thân cận của Moscow, đã xác nhận danh tính của kẻ đánh bom là Akbarzhon Jalilov, sinh năm 1995 ở Kyrgyzstan.
Hiện không rõ liệu Jalilov có phải là kẻ đánh bom đã được nhà chức trách Nga và Kyrgyzstan nhận diện hay không.
Hiện không có ai hoặc tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Vụ nổ có cường độ mạnh đến nỗi gây ra chọc thủng cánh cửa sắt dầy của xe điện ngầm. Cảnh sát đã tháo ngòi một quả bom khác được giấu bên trong một thiết bị chữa lửa tại một nhà ga điện ngầm khác ở St. Petersburg.
Moscow cho biết đã thi hành “các biện pháp an ninh phụ trội” trên hệ thống xe điện ngầm tại thủ đô nước Nga.
Tổng thống Putin đang có mặt ở St. Petersburg để gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ông đã mang hoa đến trạm metro, nơi một đài tưởng niệm tạm đã được dựng lên với hoa và các ngọn nến để tưởng nhớ các nạn nhân.
Toà Bạch Ốc cho hay Tổng thống Donald Trump đã gọi điện cho ông Putin sau vụ tấn công để chia buồn và đề nghị giúp nhân dân Nga.
Toà Bạch Ốc nói cả hai nhà lãnh đạo đồng ý với nhau rằng phải nhanh chóng tiêu diệt dứt điểm nạn khủng bố.
Hungary thông qua luật ‘đóng cửa Đại học Soros’
Hungary thông qua dự luật cho phép dừng hoạt động của trường đại học do doanh nhân George Soros sáng lập.
Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật hạn chế các đại học nước ngoài hoạt động tại Hungary.
Mục tiêu chính được cho là Đại học Trung Âu và nhà sáng lập George Soros.
Chính phủ Thủ tướng Viktor Orban đã phê phán mạnh mẽ trường này.
Thủ tướng Orban không thích các tổ chức phi chính phủ mang quan điểm tự do, được một phần tài trợ của ông Soros, 86 tuổi.
Dự luật mới đòi hỏi đại học nước ngoài phải có trụ sở ở cả Hungary và ở quốc gia gốc.
Đại học Trung Âu chỉ đặt ở Budapest.
Trường này thành lập ở Budapest năm 1991, và có 1.400 sinh viên.
Dự luật được xem là nhắm vào George Soros, người gốc Hungary, thường bị Thủ tướng Orban chỉ trích.
Bộ ngoại giao Mỹ trước đó kêu gọi Hungary rút lại dự luật.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39494418
Mỹ bắt đầu giảm tài chính cho LHQ
Hoa Kỳ tuyên bố ngừng ngân sách cho Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), cơ quan hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình ở hơn 150 quốc gia.
Bộ ngoại giao Mỹ nói UNFPA “hỗ trợ hoặc tham gia vào việc điều hành chương trình phá thai hoặc triệt sản cưỡng bách”.
Đây là bước đi đầu tiên trong một loạt dự định cắt giảm đóng góp tài chính cho LHQ dưới thời chính phủ Donald Trump.
UNFPA nói họ không vi phạm luật pháp nào.
32,5 triệu đôla ngân sách của Mỹ cho UNFPA sẽ bị rút khỏi năm tài chính 2017.
Đầu năm nay, Tổng thống Trump tái áp đặt lệnh cấm chi tiền cho mọi tổ chức quốc tế tư vấn hay hỗ trợ phá thai.
UNFPA phủ nhận cáo buộc của Mỹ, nói rằng công tác của họ chỉ giúp mọi người tự ra quyết định, chứ không có ép buộc hay phân biệt.
Phóng viên BBC Nada Tawfik ở New York nói UNFPA thường là đối tượng bị chỉ trích của các chính phủ đảng Cộng hòa tại Mỹ.
Tổng thống Ronald Reagan và cả hai đời tổng thống Bush đều rút ngân sách vì nguyên do tương tự.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39489760
Philippines và Đông Nam Á là “ổ” của ISIS
Các giới chức Đông Nam Á và những chuyên gia đều cho rằng một trong những vấn đề nghiêm trọng mà chính phủ Philippines phải đối phó trong năm nay là làm sao phá vỡ được những đường dây khủng bố nhận chỉ thị từ ISIS.
Điều này được nói tới tại một hội nghị về an ninh nội địa tổ chức tại Singapore ngày hôm nay.
Trong bài nói chuyện, ông Kashiviswanathan Shanmugam, Bộ trưởng nội vụ Singapore cho rằng mặc dù chính phủ Phi cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng nguy cơ khủng bố tấn công ngày càng cao, đặc biệt tại khu vực miền Nam Philippines, nơi vẫn còn những lực lượng dân quân Hồi Giáo quá khích hoạt động, được tiếp tay bởi những cá nhân từng trốn sang Syria hoặc Iraq để được ISIS huấn luyện, và trở về Phi chờ đợi cơ hội ra tay phá hoại.
Các chuyên gia tham dự hội nghị cho rằng không chỉ Philippines mà những quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia cũng ở trong tình trạng tương tự, bằng chứng là hai chính phủ Jakarta và Kuala Lumpur thường xuyên phá vỡ những đường dây hoạt động khủng bố theo chỉ thị của ISIS.
Giữa năm ngoái, khủng bố ISIS cho phổ biến cuốn video tuyên chiến với Indonesia và Malaysia, kêu gọi mọi người tiếp tay với chúng trong cuộc thánh chiến chống lại các chính phủ đương quyền.
Bắc Hàn: Thế giới sẽ thất vọng với các lệnh cấm vận
Bắc Hàn cảnh cáo sẽ trả đũa nếu cộng đồng thế giới gia tăng áp lực cấm vận đặt sau đợt thử nghiệm vù khí mới nhất của Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn lên tiếng như vừa nêu ngay sau khi Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ vào hôm Chủ Nhật tuyên bố Washington sẽ đơn phương giải quyết chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng nếu như Bắc Kinh không có thiện chí hợp tác.
Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn vào ngày 3 tháng 4 lại tấn công Washington về những lời lẽ nặng nề từ phía Hoa Kỳ đối với Bắc Hàn cũng như về cuộc tập trận hải quân chung của 3 nước đồng minh Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang diễn ra ở Hàn Quốc.
Hãng thông tấn KCNA dẫn lời phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn rằng “hành động liều lĩnh” của Hoa Kỳ khiến tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng, có thể “dẫn đến chiến tranh”, cũng như ý tưởng Hoa Kỳ ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn bằng biện pháp cấm vận là “giấc mơ hoang tưởng nhất” nên Bình Nhưỡng không có lựa chọn nào khác hơn là phải đối phó và thế giới sẽ thất vọng với các lệnh áp đặt cấm vận lên Bắc Hàn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thăm Ấn, Trung Quốc nổi giận
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại tăng thêm khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, đến thăm bang Arunachal Pradesh nơi Ấn Độ và Trung Quốc có tranh chấp biên giới.
Hãng thông tấn AP loan tin như vừa nêu vào ngày 4/4, cho biết Ấn Độ lên tiếng yêu cầu Trung Quốc không nên can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước này.
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Kiren Rijiju cũng cho biết New Delhi tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh và mong muốn Trung Quốc cũng tôn trọng các chính sách của Ấn Độ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Ấn theo lời mời của người dân bang Arunachal Pradesh và được họ chào đón nồng nhiệt. Nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng cho biết chuyến thăm này hoàn toàn vì mục đích tôn giáo và văn hóa chứ không dính líu đến các yếu tố chính trị.
Tháng trước Trung Quốc đã cảnh báo rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi và gây mất ổn định khu vực.
Đây là chuyến thăm thứ bảy của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến bang Arunachal Pradesh và là lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Thái Lan mua xe tăng Trung Quốc thay xe Mỹ
Chính phủ Thái Lan vừa chuẩn thuận một hợp đồng mua xe tăng của Trung Quốc trị giá 58 triệu đô la Mỹ gồm 49 chiếc.
Bản tin của hãng Reuters đánh đi từ Bangkok không nói rõ loại xe do Trung Quốc sản xuất tên gì và hiện đại ra sao, nhưng trích lời chính phủ Thái nói rằng các xe tăng do Mỹ sản xuất M41 mà quân đội Thái đang sử dụng đã quá cũ và không đủ lớn.
Năm ngoái Thái Lan cũng mua của Trung Quốc 28 xe tăng.
Thái Lan vốn là một đồng minh quan trọng của Mỹ từ rất lâu đời ở khu vực Đông Nam Á, nhưng quan hệ giữa hai nước đã suy kém đi sau khi quân đội Thái tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân cử của bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào năm 2014.
Do vậy các quan hệ quân sự cũng suy giảm và Bangkok tìm một người cung cấp hàng mới đó là Trung Quốc, ngoài lô hàng xe tăng như vừa nêu, vào tháng giêng năm nay chính phủ Thái cũng chuẩn y một số tiền trị giá 380 triệu đô la Mỹ để mua tàu ngầm của Trung Quốc.
Wall Street
hoài nghi chính sách kinh tế của tổng thống Trump
Ngay sau khi ứng cử viên Donald Trump bất ngờ thắng cử vào tháng 11/2016, các thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đã vọt tăng giá. Lý do là các doanh nghiệp đều tin rằng chính quyền Donald Trump sẽ ban hành một chính sách kinh tế thuận lợi hơn cho tăng trưởng, như giảm thuế doanh nghiệp, giải tỏa hệ thống kiểm soát hành chánh được thiết lập sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa- Mỹ
Khi tranh cử, ông Trump hứa hẹn các biện pháp kích thích kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng là 4%, tức là cao gấp đôi mức tăng trưởng của nhiều năm qua, và sẽ cải tổ cả hệ thống thuế khóa lẫn luật lệ để giải phóng sức đầu tư của doanh nghiệp và tạo ra việc làm.
Tuần trăng mật của chính quyền Trump với các thị trường tài chính lại không bền. Báo chí hai bên bờ Đại Tây Dương đều nói tới sự hoài nghi đối với chính sách kinh tế được ông Donald Trump đề xuất, nhất là sau sự dự luật cải cách chế độ bảo dưỡng y tế do lãnh đạo Cộng Hòa đề nghị đã bị rút lại và không thể đem ra biểu quyết ở Hạ Viện Mỹ hôm 24/03/2017. Phải chăng giới tài chính bắt đầu hoang mang vì sợ ông Trump không thể rộng tay thực hiện những hứa hẹn về kinh tế ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Quả thật các thị trường chứng khoán, gồm có thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, đều là những chỉ dấu tiên báo và sự lên hay xuống có thể báo hiệu những biến cố có thể xảy ra trong tương lai ngắn hạn. Vì vậy, người ta chú ý đến sự thất vọng của thị trường về khả năng yểm trợ kinh tế của tổng thống Donald Trump. Nhưng sự thể nó lại rắc rối hơn vậy và các thị trường có khi cũng lầm làm nhà đầu tư mất tiền khi mua cổ phiếu hay trái phiếu. Bản thân tôi thì ít chú ý đến chỉ số kỹ nghệ Dow Jones bằng chỉ số Standard & Poor’s 500 và nhất là chỉ số Russell 200 gồm các doanh nghiệp nhỏ sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch kinh tế của ông Trump vì cũng tạo ra nhiều việc làm hơn các tập đoán lớn ở trên.
Về bối cảnh thì tổng thống Hoa Kỳ có ít quyền hạn nếu so với lãnh đạo các nước dân chủ từ Âu Châu qua Nhật hay Úc. Tống thống Mỹ phải chia quyền với lưỡng viện Quốc Hội, nhất là Hạ Viện vốn có thẩm quyền lớn về kinh tế và tài chánh. Thứ hai, từ trăm năm nay, tổng thống Mỹ không thể ảnh hưởng đến kinh tế bằng chủ tịch hệ thống Ngân Hàng Trung Ương, là định chế độc lập có toàn quyền quyết định về lãi suất ngắn hạn.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương lại có nhiệm kỳ dài hơn tổng thống nên ít bị chính trị chi phối như các dân biểu Hạ Viện hai năm lại đi xin phiếu một lần. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ cố đặt ra chuyện ấy để giới dân cử giằng xé quyền lực với nhau cho người dân có không gian sinh hoạt mở rộng hơn. Ách tắc chính trị không là vấn đề và bất trắc mới là điều làm các doanh nghiệp quan tâm.
Trở lại với tổng thống Trump thì ông có hứa nhiều biện pháp khá bất thường, chẳng thuộc về cánh hữu mà cũng không ngược với cánh tả nhưng có nét chung là giải phóng doanh nghiệp, giảm thuế mà không gây thêm bội chi ngân sách vốn đã quá nặng và còn tăng. Thế rồi sau khi cầm quyền, ông không thể thi hành mọi việc mà phải thỏa hiệp với các cơ chế quyền lực kia. Điều ông ta có thể làm là trực tiếp tác động vào dư luận để cử tri ảnh hưởng đến giới dân cử cho kỳ bầu cử sau. Nghịch lý ở đây là vì phong cách lãnh đạo bất thường và thất thường, ông Trump có tỷ lệ tin tưởng rất thấp trong khi đa số thị trường lại có vẻ tin vào chủ trương kinh tế của ông.
RFI: Bây giờ thì dường như niềm tin đó của thị trường cũng có vẻ lung lay, vì sao vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Thứ nhất, vì ông Donald Trump bị tản lực khi lao vào nhiều trận đánh không đáng và thiếu tập trung vào kinh tế trong khi vẫn gặp sự chống đối mạnh của đảng Dân Chủ và đa số báo chí. Thứ hai, trận đánh quan trọng nhất về kinh tế là việc cải cách thuế vụ lại kẹt vì đi sau việc cải cách chế độ bảo dưỡng y tế. May lắm thì đến tháng 8/2017, bên hành pháp mới hoàn tất một dự luật chung với đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện. Hiện nay ông Trump chỉ nêu một số ý kiến về việc giảm thuế, chứ kế hoạch cải tổ thuế vụ và ngân sách của chủ tịch Ủy Ban Chuẩn Chi Hạ Viện là dân biểu Cộng Hòa Kevin Brady mới có tầm quan trọng, nhất là đề nghị gọi là “điều chỉnh mậu biên” theo hướng giảm thuế xuất cảng và tăng thuế nhập cảng hầu chấm dứt nạn nhập siêu quá lớn của kinh tế Hoa Kỳ.
Theo dõi chuyện này, ta thấy doanh nghiệp Mỹ bị đánh thuế quá nặng so với các nước công nghiệp nên chính quyền Trump đề nghị giảm thuế 15% trong khi Hạ Viện Cộng Hòa đòi giảm tới 20% cho bằng với các nước công nghiệp trong hệ thống Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế -OCDE. Thứ hai, ông Trump hứa giảm thuế doanh nghiệp thụ đắc ở nước ngoài để họ rút vốn về đầu tư vào thị trường Mỹ và tạo thêm việc làm cho dân Mỹ. Nhưng nhìn vào chi tiết thì ta thấy ra nhiều điều đáng sợ.
RFI : Những điều đáng sợ đó là gì thưa anh ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Ưu tiên của chính quyền Trump là tạo ra việc làm, nhưng việc cải cách kinh tế ông đề nghị chưa chắc sẽ đạt mục tiêu đó vì nạn thất nghiệp hay khiếm dụng không chủ yếu xảy ra do nhập siêu – mua nhiều hơn bán- mà do tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Khi năng xuất khu vực chế biến tăng khiến một người có thể làm bằng ba thì có hai người bị đe dọa mất việc. Thứ nữa, biện pháp đánh thuế trên hàng nhập cảng có thể gây phản ứng trả đũa từ các nước khác làm nhiều tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại khiến giới dân cử địa phương ngần ngại.
Quan trọng nhất, đề nghị cải cách thuế vụ đang được thảo luận và ngã giá sẽ chi phối mọi người, mọi thành phần sản xuất của Hoa Kỳ và mọi quốc gia đang mua bán với Mỹ. Chúng ta còn trở lại chuyện thuế vì nếu thành hình đạo luật sẽ ảnh hưởng đến hối suất đồng Mỹ kim và làm các thị trường đang phát triển bị chấn động lớn. Điều lạc quan – nếu có- là chính quyền Trump sẽ thỏa hiệp với đối lập Dân Chủ về kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở, miễn là không gây thêm bội chi ngân sách vì đây là điều đảng Cộng Hòa sẽ chống tới cùng.
Kết luận của tôi là chúng ta nên chờ đợi một cơn địa chấn tài chánh toàn cầu làm nhiều nước lao đao, đứng đầu là Trung Quốc và Đức. Một sự thật sâu xa đang hiện ra trước mắt, đó là trật tự quốc tế hình thành từ 70 năm qua đang tan rã và Hoa Kỳ quan niệm lại vai trò của mình. Chuyển động ấy xảy ra từ mươi năm trước khi chưa ai nghe nói đến Donald Trump. Ông Trump chỉ là kết quả hay biểu hiện để nói rằng Mỹ ưu tiên lo cho quyền lợi của mình từ trong ra ngoài. Bên trong, báo chí Mỹ làm người ta cãi cọ về ông Trump ‘khật khùng’, chứ các nước bên ngoài mới thấy ra sự thật là chẳng có gì bền vững trong quan hệ với Hoa Kỳ, về an ninh, kinh tế hay mậu dịch.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170404-wall-street-hoai-nghi-chinh-sach-kinh-te-cua-tong-thong-trump
Nga : Mục tiêu hàng đầu của khủng bố Hồi Giáo ?
Hiện hãy còn quá sớm để khẳng định rằng vụ nổ ở St-Petersbourg ngày 03/04/2017 là do một tổ chức Hồi Giáo cực đoan gây ra, nhưng việc nước Matxcơva can thiệp vào Syria chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech khiến Nga có thể sẽ thay thế Hoa Kỳ để trở thành mục tiêu hàng đầu của khủng bố Hồi Giáo cực đoan, theo dự báo của các chuyên gia về khủng bố.
Cho tới nay, phần lớn các vụ tấn công khủng bố ở Nga là có liên quan đến Tchetchnia và các nước Cộng hòa khác ở vùng Kavkaz. Nhưng tình hình đã bắt đầu thay đổi kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch không kích vào Syria hồi tháng 09/2015. Trong vụ bắn rơi một máy bay của Nga bay từ Ai Cập đến St-Petersbourg vào tháng 10/2015, khiến toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng, tổ chức Daech đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Tuy chiến dịch không kích của Nga thật ra là nhằm yểm trợ cho chế độ Bachar al-Assad hơn là nhắm vào lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria, nhưng trong một đoạn video phổ biến trên mạng gần đây, một chiến binh người Nga của Daech đã đe dọa trực tiếp tổng thống Vladimir Putin, để trả đủa việc ông đã tung chiến dịch can thiệp vào Syria và yểm trợ cho chế độ Damas.
Theo các nguồn tin được tờ nhật báo Izvestia trích dẫn, những kẻ ra lệnh và những kẻ tiến hành vụ nổ ở St-Petersbourg là thuộc một tổ khủng bố « nằm vùng » ở châu Âu. Thông tin này chưa được xác nhận, nhưng rõ ràng là nếu Raqa, thành trì cuối cùng của lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo rơi vào tay lực lượng chính phủ Damas, các chiến binh nước ngoài có thể sẽ trở về nước để tiếp tục thánh chiến.
Theo thống kê của cơ quan FSB, có ít nhất 7000 công dân của các nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có 3.900 người Nga (chiếm số đông nhất trong lực lượng chiến binh nước ngoài) và 600 người Kirghizstan, đã gia nhập các lực lượng thánh chiến, nhất là lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria. Một số chiến binh này có thể sẽ quay trở về Nga để tiến hành khủng bố trả thù. Cho nên, thông tin cho rằng tác giả vụ khủng bố St-Petersbourg là người Kirghizstan có thể đúng.
Kirghizstan là một quốc gia nhỏ ở vùng Trung Á, có đa số dân là Hồi Giáo và có rất nhiều người sang Nga để làm công nhân. Chính quyền Matxcơva từ lâu vẫn lo ngại những chiến binh theo xu hướng Hồi Giáo cực đoan ở các nước vùng Trung Á, mà nay có quyền tự do đi đến nước Nga, có thể sang đây để tiến hành khủng bố. Nhiều nhân vật thuộc phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Nga đã yêu cầu lập chế độ visa đối với công dân những nước vùng Trung Á, nhưng cho tới nay chính quyền Matxcơva không muốn làm như thế vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ tốt giữa Nga với các nước thuộc Liên Xô cũ.
Không biết là tổng thống Putin có sẽ thay đổi chính sách đối với các nước Trung Á hay không, nhưng gần như chắc chắn là lãnh đạo Nga sẽ nhân vụ khủng bố này để tăng cường sự kiểm soát của các cơ quan tình báo trên các mạng xã hội và gia tăng áp lực lên các nhà đối lập, trong bối cảnh chỉ còn chưa tới một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Nga.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170404-nga-muc-tieu-hang-dau-cua-khung-bo-hoi-giao
Tranh luận đầu tiên giữa toàn bộ ứng viên tổng thống Pháp
Tối ngày 04/04/2017, lần đầu tiên trước vòng một bầu cử tổng thống Pháp, toàn bộ các ứng viên tham gia cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp để cố thuyết phục những cử tri còn do dự, trong khi chỉ còn chưa tới ba tuần nữa là đến ngày bầu cử.
Tổng cộng có 11 ứng cử viên sẽ tranh phiếu ở vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp 2017. Toàn bộ được mời lên tranh luận với nhau tối nay trên hai kênh truyền hình BFMTV và Cnews, về ba chủ đề : việc làm, an ninh và các vấn đề xã hội. Trước đó, vào ngày 20/03/2017, năm ứng cử viên chính đã tranh luận với nhau trên truyền hình trước hơn 10 triệu khán giả.
Cho tới nay vẫn được dự báo lọt vào vòng hai với số phiếu ngang ngửa nhau, khoảng 26%, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia và ông Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế của tổng thống Xã Hội François Hollande, hy vọng củng cố lợi thế của họ, tuy chắc là sẽ bị các đối thủ tấn công kịch liệt.
Ứng cử viên cánh hữu François Fillon, bị rơi xuống hạng ba (17%) do nghi án việc làm giả, thì sẽ cố gắng thuyết phục cử tri về chương trình tranh cử của ông, hy vọng sẽ đảo ngược tình thế, lọt vào vòng hai.
Hiện đã vượt lên đứng hạng tư (15%), ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon hy vọng sẽ tiếp tục bỏ xa ứng cử viên Đảng Xã Hội Benoit Hamon, để bắt kịp ông Fillon. Là người có tài ăn nói, ông Mélenchon chắc là sẽ thu thêm phiếu sau cuộc tranh luận tối nay. Sáu ứng cử viên kia tuy không có hy vọng lọt vào vòng hai, nhưng cuộc tranh luận tối nay sẽ là dịp để cử tri Pháp biết nhiều hơn về họ.
Thật ra do có tới 11 ứng cử viên, chương trình tối nay sẽ không có nhiều thời gian để các ứng cử viên tranh luận với nhau. Mỗi người chỉ có tổng cộng khoảng 15 phút để trình bày chương trình tranh cử của họ.
Trong khi chỉ còn 19 ngày nữa là đến vòng một bầu cử tổng thống Pháp 23/04/2017, khoảng 1/3 cử tri tuyên bố sẽ không đi bỏ phiếu, một tỷ lệ kỷ lục đối với một cuộc bầu cử tổng thống mà bình thường vẫn có đến 80% cử tri tham gia. Một điểm đáng chú ý khác đó là vẫn còn có đến 1/3 dân Pháp chưa biết sẽ bầu cho ai hoặc có thể sẽ đổi ý vào giờ chót. Tình hình này khiến cho rất khó dự báo được kết quả bầu cử năm nay.
Danh sách các ứng cử viên tổng thống Pháp 2017 :
François Fillon, Những Người Cộng Hòa
Benoît Hamon, Đảng Xã Hội
Emmanuel Macron, Tiến Bước
Nicolas Dupont-Aignan, Nước Pháp Đứng Lên
Jean-Luc Mélenchon, Nước Pháp Bất Khuất
Nathalie Arthaud, Đấu Tranh Công Nhân
Marine Le Pen, Mặt Trận Quốc Gia.
François Asselineau, Liên Minh Nhân Dân Cộng Hòa
Philippipe Poutou, Tân Đảng Chống Tư Bản
Jean Lassalle, Chúng Ta Hãy Kháng Cự
Jacques Cheminade, Đoàn Kết Và Tiến Bộ
http://vi.rfi.fr/phap/20170404-tranh-luan-dau-tien-giua-toan-bo-ung-vien-tong-thong-phap
Donald Trump : “Mỹ ủng hộ Ai Cập 100 %”
Tiếp đồng nhiệm Ai Cập, tại Nhà Trắng ngày 03/03/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ ngưỡng mộ với tướng Abdel Fattah al Sissi và khẳng định Washington là “người bạn lớn, là đồng minh quan trọng” của Cairo.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio, tường trình:
“Không họp báo hay phát biểu trước công chúng. Hai tổng thống Trump và al Sissi trao đổi với nhau trong một buổi họp kín và nếu như một số các thỏa thuận được ký kết thì không có thông tin liên quan nào được tiết lộ. Tuy nhiên, phát biểu của tổng thống Trump tại văn phòng bầu dục chắc chắn đã khiến lãnh đạo Ai Cập hài lòng. Tướng al Sissi tươi cười bên cạnh tổng thống Mỹ. Ông Trump tuyên bố : Chúng tôi đồng ý với nhau trên biết bao nhiêu chuyện. Nếu còn nghi ngờ thì quý vị nên biết rằng chúng tôi ủng hộ tổng thống al Sissi 100 %. Ông đã làm được những điều tuyệt vời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chúng tôi yểm trợ Ai Cập, nhân dân Ai Cập.
Donald Trump đã chỉ trích người tiền nhiệm nêu lên vấn đề nhân quyền trong các các cuộc trao đổi riêng. Dù vậy phát ngôn viên của phủ tổng thống Mỹ, Sean Spicer, cho biết lãnh đạo Hoa Kỳ cũng đã giữ nguyên chính sách của Mỹ với tổng thống Ai Cập. Ông Spicer bày tỏ thông cảm với nỗi trăn trở của công luận, nhưng cho rằng loại hồ sơ này chỉ có thể đạt được những tiến triển trong các cuộc gặp riêng.
Báo chí không biết gì hơn. Mỹ có hứa hẹn trợ giúp quân sự cho Ai Cập hay không ? Trước công chúng, Donald Trump trấn an tướng al Sissi khi nói là Mỹ tiếp tục giúp đỡ Ai Cập nhưng không hề đưa ra những con số cụ thể. Cũng không biết là Hoa Kỳ có đưa tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo vào danh sách đen các nhóm khủng bố như điều Cairo mong mỏi hay không. Chỉ biết là tổng thống Ai Cập cười rất tươi khi rời Nhà Trắng”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170404-donald-trump-my-ung-ho-ai-cap-100