Tin khắp nơi – 04/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 04/03/2017

Tổng thống Trump

cáo buộc cựu Tổng thống Obama nghe lén

Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barack Obama, nghe lén văn phòng của ông tại tòa nhà Trump Tower ở Thành phố New York trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2016.

Trong một loạt những dòng tin đăng trên Twitter hôm thứ Bảy, ông Trump đã ví hoạt động nghe lén mà ông cáo buộc với vụ bê bối chính trị Watergate, dẫn đến việc cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức vào năm 1974.

Ông Trump không trưng ra bằng chứng cho thấy bất kỳ hoạt động nghe lén nào. Văn phòng của ông Obama chưa đáp lại những cáo buộc này, nhưng một cựu quan chức cao cấp trong chính quyền của ông Obama được CNN dẫn lời nói rằng cáo buộc này là “sai trái.”

Trong một dòng tin Twitter, cựu phân tích gia của Cơ quan An ninh Quốc gia và điệp viên phản gián John Schindler nói rằng lời buộc tội của Tổng thống có thể liên quan đến Đạo luật Do thám Tình báo Nước ngoài năm 1978 (FISA), cho phép do thám hợp pháp và thu thập thông tin giữa các nước ngoài và những điệp viên của họ.

Thành viên cao cấp nhất của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Ben Cardin, cho biết nếu chính quyền của ông Obama có do thám tại Trump Tower thì việc này cần được tòa án FISA cho phép.

“Đó là lý do tại sao chúng ta có tòa án FISA,” ông Cardin cho biết hôm thứ Bảy trên CNN. “Ngành hành pháp không thể tự hành động theo ý mình mà phải có sự chấp thuận của tòa án trước khi có thể thực hiện những hoạt động này.”

Trước đó trong tuần này tin tức tiết lộ rằng Đại sứ Nga Sergei Kislyak đã gặp gỡ con rể của ông Trump là Jared Kushner và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn tại tòa nhà Trump Tower ở New York vào tháng 12. Ông Flynn bị sa thải chỉ sau 24 ngày ltại chức khi tin cho hay ông đã nói dối các quan chức hàng đầu về bản chất các cuộc trò chuyện giữa ông với ông Kislyak.

Những tiết lộ về các cuộc gặp gỡ tại Trump Tower xuất hiện sau khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trước đó trong tuần này thừa nhận rằng ông đã gặp ông Kislyak hai lần trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái và không tiết lộ những cuộc gặp gỡ này trong phiên điều trần chuẩn thuận của Thượng viện. Ông Sessions sau đó loan báo ông sẽ không tham gia bất cứ cuộc điều tra liên bang nào về những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Hope Hicks nói các cuộc gặp gỡ tại Trump Tower là nhằm mục đích “thiết lập một đường dây liên lạc” giữa chính quyền mới và đại sứ Nga. Cô nói thêm rằng ông Kushner cũng đã gặp gỡ đại diện của khoảng hơn hai chục quốc gia khác.

Các quan chức chính phủ Mỹ gặp gỡ các đại diện của các chính phủ nước ngoài trong nhiều dịp và vì nhiều lý do, nhưng chính quyền Trump đã phủ nhận có bất kỳ sự liên lạc nào giữa các quan chức Nga và ban vận động tranh cử của tân tổng thống.

Hôm thứ Sáu, trang tin Breitbart News đăng một bài viết về cáo buộc của người dẫn chương trình trò chuyện qua radio có chủ trương bảo thủ Mark Levin nói rằng ông Obama đã tiến hành điều mà ông này gọi là “cuộc đảo chính tổng thống thầm lặng” bằng cách sử dụng những chiến thuật của “nhà nước cảnh sát.” Cố vấn chiến lược Tòa Bạch Ốc của ông Trump, Stephen Bannon, từng là giám đốc điều hành trang tin Breitbart trước khi được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại.

Những tuyên bố này được đưa ra trong khi chính quyền Trump đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ nhiều cuộc điều tra của FBI và của Quốc hội về những cuộc tiếp xúc giữa các thành viên trong ban vận động tranh cử của ông với các quan chức Nga.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-cao-buoc-obama-nghe-len/3749616.html

 

Bộ Ngoại giao Mỹ bị chỉ trích

vì lặng lẽ công bố báo cáo nhân quyền

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu đã công bố báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền toàn thế giới nhưng việc công bố đã bị lu mờ bởi những chỉ trích nói rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson đã không dành nhiều sự chú ý và không tổ chức rầm rộ như truyền thống.

Ông Tillerson từ chối đích thân công bố bản báo cáo, phá vỡ một tiền lệ được thiết lập trong các chính quyền cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Một quan chức cao cấp trả lời câu hỏi của phóng viên qua điện thoại với điều kiện giấu tên thay vì xuất hiện trước camera ghi hình, cũng là một sự phá vỡ tiền lệ.

“Bản báo cáo tự nó nói lên tất cả,” quan chức này trả lời như vậy trước câu hỏi tại sao ông Tillerson không đứng ra công bố. “Chúng tôi rất, rất tự hào về nó, những sự thật [trong bản báo cáo] nên là chuyện đáng lưu ý ở đây.”

Báo cáo, do Quốc hội Mỹ chỉ đạo thực hiện, ghi nhận tình hình nhân quyền ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và do các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ soạn thảo. Báo cáo năm nay phần lớn được hoàn thành trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Theo bản báo cáo, cảnh sát Philippines và những người cảnh giới “đã sát hại hơn 6.000 người buôn ma túy và người sử dụng ma túy” kể từ tháng 7 và những vụ giết người ngoài vòng pháp luật đã “tăng mạnh” ở Philippines vào năm ngoái. Các quan chức Philippine nói chính phủ của họ không dung chấp những vi phạm nhân quyền hoặc những vụ giết người ngoài vòng pháp luật do chính phủ bảo trợ.

Ngôn ngữ của bản báo cáo về Nga nhìn chung vẫn giống như những năm trước, lưu ý “hệ thống chính trị độc đoán của nước này do Tổng thống Vladimir Putin thống trị.”

Tổng thống Donald Trump đã nói ông muốn cải thiện quan hệ của Mỹ với Nga.

Theo truyền thống, ngoại trưởng Mỹ công bố bản báo cáo với những phát biểu công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền đối với chính sách đối ngoại của Mỹ và nêu bật những phát hiện cụ thể.

Những người tiền nhiệm thuộc chính quyền Dân chủ, ông John Kerry và bà Hillary Clinton, đã công khai phát biểu về bản báo cáo vào năm 2013 và năm 2009, là những năm đầu tiên họ tại chức, và tiếp tục thông lệ này trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Năm 2005, trong chính quyền của Tổng thống Cộng hòa George W. Bush, thứ trưởng ngoại giao đặc trách sự vụ toàn cầu Paula Dobriansky, giới thiệu bản báo cáo này trước camera ghi hình thay mặt cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice.

Cho tới nay trong nhiệm kỳ được một tháng của mình, ông Tillerson vẫn chưa tổ chức cuộc họp báo nào và hầu như không trả lời câu hỏi của giới truyền thông.

Các tổ chức nhân quyền chỉ trích cách thức mà bản báo cáo được giới thiệu.

Rob Berschinski, phó chủ tịch cao cấp về chính sách của tố chức Human Rights First, nói: “Việc này báo hiệu sự thiếu quan tâm và hiểu biết cơ bản về việc sự ủng hộ đối với nhân quyền phản ánh những gì tốt nhất ở Mỹ ra sao.”

Ông Berschinski từng là phó trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho đến ngày 20 tháng 1, và là người đã giúp điều phối bản báo cáo.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio hôm thứ Sáu viết trên trang Facebook của mình rằng ông “thất vọng vì ngoại trưởng đã không giới thiệu bản báo cáo mới nhất.”

Ông Rubio viết: “Sự lãnh đạo của Mỹ trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người, thay mặt cho những người mà tiếng nói của họ đã bị buộc phải im lặng, lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết.”

http://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-my-bi-chi-trich-vi-lang-le-cong-bo-bao-co-nhan-quyen/3749595.html

 

Kyodo: Ngoại trưởng Mỹ

sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tháng này để thảo luận về Bắc Triều Tiên trong chuyến đi đầu tiên của ông tới khu vực này kể từ khi ông nhậm chức, truyền thông Nhật Bản đưa tin hôm thứ Bảy.

Chuyến đi của ông Tillerson diễn ra vào lúc Mỹ và Trung Quốc cố gắng bình ổn mối quan hệ sau một khởi đầu bấp bênh sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, cũng như giữa lúc căng thẳng gia tăng liên quan đến Bắc Triều Tiên sau vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi không có bất kỳ chuyến đi nào để thông báo vào thời điểm này.” Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể liên lạc được để xin bình luận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa hồi đáp yêu cầu bình luận ngay tức thì.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản, dẫn các nguồn tin ngoại giao, cho biết ông Tillerson dự kiến sẽ tới Nhật Bản vào ngày 17 và 18 tháng 3 và sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida.

Ông Tillerson và ông Kishida có phần chắc sẽ thảo luận về thời điểm mà ông Trump đến thăm Nhật Bản, Kyodo dẫn các nguồn tin cho biết như vậy.

Tại Trung Quốc, ông Tillerson sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và có thể là Chủ tịch Tập Cận Bình, theo Kyodo. Hãng tin này cho biết thêm hai bên dự kiến sẽ tổ chức một cuộc hội kiến ở Mỹ giữa ông Tập và ông Trump vào đầu tháng 4.

Tháng trước, ông Tillerson và ông Vương đã điện đàm với nhau, và họ khẳng định tầm quan trọng của một mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc mang tính xây dựng.

Cũng tháng trước ông Tillerson đã yêu cầu Trung Quốc làm tất cả mọi thứ có thể để kiềm chế hành vi gây bất ổn của Bắc Triều Tiên sau một loạt những vụ bắn thử phi đạn đạn đạo của nước này.

Ông Trump, người từng công kích Trung Quốc về các vấn đề từ thương mại cho tới Biển Đông, đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, thành viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết Trì vào tháng trước. Đó là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của ông với một thành viên thuộc hàng ngũ lãnh đạo của Trung Quốc.

Tòa Bạch vào lúc đó nói rằng cuộc gặp gỡ là cơ hội để thảo luận về những lợi ích chung và một cuộc hội kiến khả dĩ với Chủ tịch Tập.

Tại Seoul, ông Tillerson dự kiến sẽ gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung Se. Họ có thể sẽ thảo luận về chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên cũng như vụ ám sát ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, theo Kyodo.

Tình báo Hàn Quốc và các quan chức Mỹ nói vụ giết người ở Malaysia là một vụ ám sát được tổ chức bởi các điệp viên của Bắc Triều Tiên.

http://www.voatiengviet.com/a/kyodo-ngoai-truong-my-se-tham-nhat-ban-han-quoc-trung-quoc/3749582.html

 

Phó Tổng thống Mỹ

phản pháo cáo buộc dùng email tư cho việc công

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 3/3 tuyên bố việc ông dùng tài khoản email cá nhân trong lúc còn làm Thống đốc bang Indiana khác xa với vụ bê bối email của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Việc bà Clinton dùng máy chủ email cá nhân cho công vụ thời làm Ngoại trưởng là trọng tâm ‘ném đá’ của ông Pence cùng nhiều người khác nhắm vào cựu ứng viên bên đảng Dân chủ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016. Ông Pence lúc bấy giờ là người đứng phó cho ứng viên Tổng thống bên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Phát biểu bên lề một sự kiện tại Wisconsin hôm nay, ông Pence nói không thể nào so sánh hành vi của bà Clinton với hành động của ông bởi bà Clinton đã dùng máy chủ cá nhân xử lý các thông tin mật, rồi thủ tiêu các email mà giới chức và Quốc hội yêu cầu trưng ra.

Hôm qua, báo chí Mỹ phanh phui rằng ông Pence thời làm Thống đốc thỉnh thoảng có dùng tài khoản email AOL bàn luận về các vấn đề nhạy cảm và các vấn đề an ninh nội địa. Theo tờ Indianapolis Star, tài khoản đó đã bị tin tặc tấn công mùa hè năm ngoái.

Ông Pence khẳng định tuân thủ luật lệ bang Indiana và rằng có một luật sư bên ngoài đã đánh giá các email cá nhân của ông và lưu lại những email liên quan đến công vụ.

Một phát ngôn nhân của Tòa Bạch Ốc nói không như trường hợp của bà Clinton, trường hợp của Phó Tổng thống Pence không chịu sự chi phối của luật liên bang và ông cũng không có trao đổi thông tin mật.

Phát ngôn nhân Sarah Sanders nhấn mạnh hai trường hợp này hoàn toàn khác biệt.

http://www.voatiengviet.com/a/pho-tong-thong-my-phan-phao-cao-buoc-dung-email-tu-cho-viec-cong/3749386.html

 

Ngoại trưởng Nga lên tiếng vụ bộ trưởng Mỹ bị đòi từ chức

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng về những tranh cãi xung quanh việc Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions gặp gỡ với Đại sứ Nga ở Washington trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Hôm thứ Năm Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions đã tự mình rút khỏi các cuộc điều tra liên bang về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 sau khi có tin nói gặp gỡ Đại sứ Nga Sergei Kislyak trước cuộc bầu cử, nhưng ông không tiết lộ các thông tin này trong cuộc điều trần chuẩn thuận ở Thượng viện.

Thứ Sáu, ông Lavrov trong cuộc họp báo tại Moscow đã lặp lại phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rằng chuyện tranh cãi này là một “âm mưu sách nhiễu.”

Ông Lavrov nói:

“Các vị đại sứ được bổ nhiệm để tăng cường quan hệ với các nước và nỗ lực đó được trợ giúp qua các cuộc gặp gỡ, hội đàm, tiếp xúc với đại diện chính thức của ngành hành pháp đương quyền, cũng như các thành viên quốc hội, các nhà lãnh đạo dân sự, các tổ chức phi chính phủ. Và thực tế đó chưa bao giờ bị ai thách thức. Các mạng truyền thông hôm nay nói rằng “đó là một trò sách nhiễu.”

Ông Lavorov bày tỏ ngạc nhiên về vụ tranh cãi này, và nói rằng vụ này nhắc ông nhớ đến thời kỳ McCarthy vào những năm 1950 “mà tất cả chúng ta nghĩ là đã qua lâu rồi.”

Câu hỏi vẫn chưa có lời đáp liệu ông Sessions có bàn về chiến dịch tranh cử với đại sứ Nga hay không. Một số nhà lập pháp của cả hai đảng đều yêu cầu ông Sessions tự rút khỏi các cuộc điều tra có liên quan, trong khi một số đảng viên Dân chủ nói rằng ông nên từ chức, vì họ cáo buộc ông nói dối khi tuyên thệ nhậm chức.

Hôm Thứ năm, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông không nghĩ ông Sessions nên rút lui. Trong một tweet, ông Trump nói Bộ Trưởng Tư pháp của ông là người trung thực, người lẽ ra nên trình bày một cách chính xác hơn lúc điều trần.

http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-nga-le-tieng-vu-bo-truong-tu-phap-my-bi-yeu-cau-tu-chuc/3748634.html

 

Malaysia trục xuất Đại sứ Bắc Triều Tiên

Malaysia đã trục xuất đại sứ Bắc Triều Tiên trong một hệ lụy sau vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong-un ở sân bay Kuala Lumpur hồi tháng trước.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia đã định danh đại sứ Bắc Triều Tiên là “persona non grata” (người không được hoan nghênh) sau khi ông này chỉ trích cuộc điều tra vụ ám sát.

“Việc trục xuất Đại sứ CHDCND Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) cho thấy mối lo ngại của chính phủ rằng Malaysia có thể đã bị sử dụng cho những hoạt động phi pháp.”

Malaysia đã gửi một thông báo tới Đại sứ quán Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy cho Đại sứ Kang Chol biết rằng ông ta phải rời khỏi nước trong vòng 48 giờ.

Tuyên bố cũng cho biết Malaysia đã yêu cầu, nhưng không nhận được, lời xin lỗi từ Bắc Triều Tiên về vụ tấn công của Bắc Triều Tiên.

Ông Kim Jong-Nam bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh cực kỳ nguy hiểm. Hàn Quốc đã quy trách Bắc Triều Tiên về vụ ám sát này, mặc dù Bắc Triều Tiên gọi cuộc điều tra của Malaysia là có động cơ chính trị của kẻ thù của họ.

http://www.voatiengviet.com/a/malaysia-truc-xuat-dai-su-bac-trieu-tien/3749653.html

 

Nghi phạm bị trục xuất nói

Malaysia âm mưu phá hoại danh dự Bắc Triều Tiên

Ri Jong Chol, một nghi phạm trong vụ sát hại người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên, phát biểu tại Bắc Kinh rằng ông là nạn nhân của một âm mưu của nhà chức trách Malaysia nhằm làm tổn hại danh dự của Bắc Triều Tiên.

Ông Ri, người Bắc Triều Tiên, cáo buộc Malaysia ép cung ông khi ông trả lời báo giới bên ngoài Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh vào sáng ngày thứ Bảy.

Ông Kim Jong Nam bị ám sát vào ngày 13 tháng 2 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, sau khi bị hai phụ nữ tấn công. Cảnh sát Malaysia tin rằng họ đã ụp vào mặt ông này chất độc thần kinh VX, một hóa chất mà Liên Hiệp Quốc phân loại là vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vụ ám sát ông Kim Jong Nam đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Malaysia và Bắc Triều Tiên, vốn đã duy trì mối quan hệ thân thiện suốt nhiều thập niên qua.

Ông Ri nói ông không có mặt ở sân bay vào ngày xảy ra vụ ám sát, và không biết gì về cáo buộc chiếc xe hơi của ông đã được sử dụng trong vụ án.

“Tôi không đi tới sân bay, và tôi không có lý do gì để tới đó cả. Khi đó tôi chỉ đang làm việc của tôi thôi,” ông nói.

Ông Ri cho biết công việc của ông tại Malaysia là buôn bán những thành phần để làm xà phòng.

Ông Ri đã ở Bắc Kinh trong khi đang trên đường trở về Bắc Triều Tiên sau khi bị Malaysia trục xuất vào ngày thứ Sáu.

Một nhóm phóng viên người Hàn Quốc và Nhật Bản đã ùa tới gặp ông tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, nhưng ông được cảnh sát Trung Quốc nhanh chóng đưa đi khỏi cảnh nhốn nháo trước khi ông có thể đưa ra bất cứ phát biểu nào.

Bên ngoài Đại sứ quán Bắc Triều Tiên, ông Ri nói với các phóng viên rằng ông được cho xem bằng chứng giả mạo ở Malaysia, và cảnh sát cho ông xem hình ảnh gia đình ông bị câu lưu.

“Tôi nhận ra đây là một âm mưu nhằm phá hoại địa vị và danh dự của nền cộng hòa,” ông Ri nói.

Tình báo Hàn Quốc và các quan chức Mỹ nói vụ giết người là một vụ ám sát được tổ chức bởi những điệp viên của Bắc Triều Tiên.

Ông Kim Jong Nam, người đã sống ở lãnh thổ Macau dưới sự bảo vệ của Bắc Kinh, từng lên tiếng công khai chống lại sự kiểm soát chuyên quyền của gia đình ông đối với đất nước Bắc Triều Tiên bị cô lập và có vũ khí hạt nhân.

http://www.voatiengviet.com/a/3749555.html

 

Trung Quốc nói tăng 7% ngân sách quốc phòng

Trung Quốc cho biết ngân sách quốc phòng của nước này sẽ tăng khoảng 7 phần trăm trong năm nay, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp Trung Quốc duy trì mức tăng chi tiêu quân sự ở một chữ số.

Con số chính xác cho chi tiêu quốc phòng năm 2017 sẽ được công bố vào Chủ nhật khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc bắt đầu phiên họp hàng năm.

Tuy nhiên, các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngờ vực về những chiến thuật quân sự của nước này sau khi Trung Quốc nhanh chóng mở rộng ở Biển Đông, nơi họ đã xây cất những đảo nhân tạo có khả năng hỗ trợ những cơ sở quân sự.

Nữ phát ngôn viên Đại hội, Phó Oánh, nỗ lực bác bỏ mọi ngờ vực mà những nước láng giềng của Trung Quốc có thể có. Bà nói: “Hãy nhìn vào thập niên vừa qua mà xem, đã có rất nhiều xung đột, thậm chí chiến tranh, khắp thế giới dẫn tới thiệt hại lớn, nghiêm trọng về nhân mạng và mất mát tài sản, rất nhiều người tị nạn khổ sở và vô gia cư,” bà nói. “Trung Quốc gây ra cái nào trong số này?”

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần của Biển Đông rộng 3,5 triệu kilômét vuông giàu nguồn cá cũng như trữ lượng nhiên liệu hoá thạch tiềm năng dưới đáy biển.

Tin tức về ngân sách quân sự của Trung Quốc được công bố chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ – cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới – sẽ tăng chi tiêu quân sự lên 10 phần trăm, ngay cả khi nước này bắt đầu chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan và Iraq.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-tang-bay-phan-tram-ngasacach-quoc-phong/3749538.html

 

Trung Quốc muốn ‘thu phục’ giới trẻ Đài Loan, Hong Kong

Trung Quốc muốn thúc đẩy lòng trung thành của giới trẻ Đài Loan, Hong Kong, và Macau bằng cách tổ chức các ‘chuyến du học’ và trao đổi sinh viên, đưa họ sang thăm Trung Hoa lục địa, ông Yu Zhengsheng, lãnh đạo hàng thứ tư của đảng cộng sản Trung Quốc, tuyên bố ngày 3/3.

Những năm gần đây, các cuộc biểu tình chống tầm ảnh hưởng của Trung Quốc do giới hoạt động trẻ ở Hong Kong và Đài Loan khởi xướng để đòi hỏi thêm quyền tự trị và thậm chí là đòi độc lập đã khiến Bắc Kinh khó chịu.

Ông Yu cho biết chính phủ Trung Quốc năm nay sẽ tổ chức các chuyến đi cho người trẻ tham quan và học tập để tự trải nghiệm cho mình, đồng thời nói thêm rằng các chuyến đi này sẽ giúp tăng cường tình yêu của người trẻ Hong Kong, Macau đối với khu vực và đối với đất nước.

Ông cũng kêu gọi Bắc Kinh tăng cường các cuộc trao đổi với người trẻ Đài Loan nhằm gầy dựng sự ủng hộ trong công chúng cho sự phát triển hòa bình mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan.

Chưa rõ thời điểm cụ thể và số lượng thành viên tham gia các chương trình trong kế hoạch này sẽ là bao nhiêu.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-muon-thu-phuc-gioi-tre-dai-loan-hong-kong/3749385.html

 

Ấn Độ sắp tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đại diện chính phủ liên bang Ấn Độ sẽ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài viếng thăm một vùng biên giới nhạy cảm do Ấn Độ kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền, theo nguồn tin từ các giới chức, dù Trung Quốc cảnh báo là việc này sẽ làm tổn thương đến các mối quan hệ giữa hai nước.

Ấn Độ nói nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sẽ hành hương đến Arunachal Pradesh trong tháng tới, và rằng là một nền dân chủ thế tục, Ấn Độ không ngăn Đức Đạt Lai Lạt Ma đến bất cứ nơi nào tại Ấn Độ.

Trung Quốc tuyên bố tiểu bang nằm về phía đông Himalaya là “Nam Tây Tạng” và lên án các nhà lãnh đạo nước ngoài, ngay cả Ấn Độ, đến vùng này là âm mưu nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của New Delhi.

Chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma, mà Trung Quốc xem như là một phần tử đòi ly khai nguy hiểm, sẽ gây nên căng thẳng vào thời điểm mà New Delhi đang ‘hục hặc’ với Trung Quốc về những vấn đề chiến lược và an ninh cũng như khó chịu vì mối quan hệ ngày càng tăng giữa Bắc Kinh với đối thủ của Ấn là Pakistan.

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đang gia tăng giao tiếp công khai với nhà lãnh đạo Tây Tạng, khác với chính phủ Ấn Độ trước đây không muốn làm Bắc Kinh nổi giận vì những cuộc xuất hiện chung với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3 tháng 3 nói chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ làm nguy hại nghiêm trọng cho các mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc, và cảnh báo New Delhi chớ nên dành cho ông một nền tảng cho những hoạt động chống Trung Quốc.

Chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma được dự trù trước trong nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm, và việc chấp thuận để Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Arunachal Pradesh từ ngày 4 đến 13 tháng 4 có trước những bất đồng giữa hai nước láng giềng này.

Tuy nhiên , quyết định tiến hành chuyến viếng thăm diễn ra vào thời điểm có căng thẳng trong các mối quan hệ hai nước cho thấy ông Modi sẵn sàng sử dụng các công cụ ngoại giao khi ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại Nam Á đang gia tăng.

Trung Quốc đang giúp tài trợ một hành lang thương mại mới xuyên qua nước láng giềng Pakistan và cũng đã đầu tư tại Sri Lanka và Bangladesh, gây ra những lo ngại bị Trung Quốc bay vây về mặt chiến lược.

Tháng trước, một phái đoàn Quốc hội Đài Loan đến thăm Dehli, làm Bắc Kinh tức giận vì Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Pranab Mukherjee tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma và những khôi nguyên giải Nobel khác tại dinh Tổng thống. Đây là cuộc gặp của Đức Đạt Lai Lạt Ma với một nguyên thủ quốc gia Ấn Độ trong vòng 60 năm qua.

Một số giới chức nói lập trường của Ấn Độ đối với vấn đề Tây Tạng vẫn còn thận trọng, phản ánh một sự chuyển hóa dần dần về chính sách hơn là một sự thay đổi bất thình lình, và ông Modi dường như ngần ngại tiến quá xa vì ngại làm cho nước láng giềng khổng lồ phương Bắc tức giận.

http://www.voatiengviet.com/a/an-do-sap-tiep-duc-dat-lai-lat-ma/3749379.html

 

Luận tội tổng thống Hàn

khiến tăng bất đồng triển khai THAAD

Những bất ổn chính trị ở Hàn Quốc phát sinh từ việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye đang gây ra một sự chia rẽ rõ rệt về chính sách an ninh quốc gia — giữa những người bảo thủ kiên quyết đi theo đồng minh Hoa Kỳ và những người cấp tiến muốn duy trì mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc.

Hồi tháng 12, Quốc hội Hàn Quốc ra biểu quyết đình chỉ chức tổng thống của bà Park Geun-hye vì bị cáo giác thông đồng với người bạn thân Choi Soon-sil quyên tiền các tập đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, buộc họ đóng góp hàng chục triệu đôla vào hai quỹ tài trợ có nhiều mờ ám để đổi lại các điều kiện ưu đãi trong kinh doanh. Việc này đang là tâm điểm của vụ bê bối dẫn đến khủng hoảng chính trị.

Tòa án dự kiến sẽ sớm ra phán quyết về kiến nghị luận tội, và nếu đồng ý với kiến nghị thì một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được dự kiến trong vòng 60 ngày. Nếu tòa bác bỏ kiến nghị luận tội, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào cuối năm nay khi nhiệm kỳ 5 năm của bà Park kết thúc vào đầu năm 2018.

Trong khi những cáo buộc về tham nhũng đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng như hiện nay, nhiều tranh cãi chính trị nổi lên, trong đó có vấn đề mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD

Trong ngày lễ Độc lập của Hàn Quốc hôm thứ Tư, các đồng minh và đối thủ của Park đã tổ chức các cuộc biểu tình đối kháng nhau tại Quảng trường Gwanghwamun ở thủ đô Seoul. Nhà chức trách phải điều 16.000 cảnh sát và 100 xe bus để ngăn hai nhóm biểu tình.

Đối với nhiều người tham gia cuộc biểu tình ủng hộ luận tội, họ phản đối Tổng thống Park và chống lại cách tiếp cận cứng rắn của bà đối với Bắc Triều Tiên, mà theo họ là đã thất bại, không kìm chế được hành động của ông Kim Jong Un khi Bắc Triều Tiên tăng cường khả năng tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trong năm qua, Bắc Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và nhiều vụ phóng tên lửa, bất chấp các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Nhiều người phản đối lá chắn phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ cho rằng chính quyền bà Park đã đồng ý để triển khai và Quyền Tổng thống và Thủ tướng Hwang Kyo-ahn lại tiếp tục chính sách đó.

Bắc Kinh đã mạnh mẽ lên án THAAD, cho rằng đây là một sự leo thang quân sự mang tính khiêu khích và không cần thiết và rằng THAAD cũng là mối đe dọa tiềm ẩn đối với Trung Quốc.

Trung Quốc được cho là đang ngày càng trù dập Hàn Quốc bằng các chiêu bài giới hạn nhập khẩu và du lịch. Công ty con ở Trung Quốc của Lotte, tập đoàn của Hàn Quốc đã giao cho chính phủ một khu đất để làm nơi thiết đặt THAAD, đã bị chính quyền bắt ngưng triển khai một dự án ở thành phố Thẩm Dương, và mới đây bị phạt 44.000 nhân dân tệ vì vi phạm luật quảng cáo của Trung Quốc.

Nhiều nhà hoạt động chống Tổng thống Park nói rằng lợi thế quân sự tiềm năng của THAAD không đáng để phải gây căng thẳng với Trung Quốc.

Một người biểu tình tại cuộc mít tinh hôm thứ Tư cho biết: “Hàn Quốc đang rơi vào thế kẹt và hiện không thể làm bất cứ điều gì. Nhưng nhiều người trong chúng ta đang chống lại việc triển khai THAAD.”

Thân Mỹ

Các cuộc biểu tình ủng hộ bà Park đã lan rộng đáng kể về số lượng trong vài tuần qua khi phe bảo thủ cứng rắn tìm cách giảm nhẹ cáo buộc tham nhũng và nhấn mạnh lập trường của họ về an ninh quốc gia và chủ quyền.

Tại các cuộc biểu tình, nhiều người ủng hộ của tổng thống vẫy cờ Mỹ, biểu thị tình đoàn kết với Hoa Kỳ, và tố cáo những nỗ lực của Bắc Kinh tăng sức ép đòi chính phủ Hàn Quốc bỏ ý định triển khai THAAD.

Ông Chulhong Kim, một nhà hoạt động bảo thủ và giáo sư tại Trường đại học Tin lành Trưởng lão và Thần học ở Seoul nói: “Trung Quốc không phải là người bạn hay đồng minh của chúng ta. Bởi vì Trung Quốc là một đồng minh thân cận với kẻ thù chung của chúng ta. Chúng ta chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc can thiệp vào quyết định về các tiến trình trên bán đảo Triều Tiên.”

http://www.voatiengviet.com/a/vu-luan-toi-tt-lam-tang-mang-bat-dong-ve-viec-trien-khai-thaad-o-han-quoc/3748621.html

 

Ngoại trưởng Anh sẽ thăm Nga

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson sẽ đi thăm Moscow trong những tuần tới, theo như thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.

Chuyến thăm lần này sẽ tập trung vào mối quan hệ Anh-Nga, bên cạnh những vấn đề khác liên quan đến Syria và Ukraine, mà Anh và Nga có ‘những quan điểm khác nhau rất lớn’, theo thông cáo nói.

Bộ Ngoại giao nói Anh sẽ ‘đối thoại với Nga về những vấn đề có liên quan đến lợi ích quốc gia’.

Thời gian và chi tiết của chuyến thăm sẽ được công bố vào ‘thời điểm phù hợp’.

Phát ngôn viên [của Bộ Ngoại giao] nói: “Ngoại trưởng đã chấp nhận lời mời từ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, sẽ sang thăm Moscow vào những tuần tới.

“Cả Thủ tướng và Ngoại trưởng đều nói rõ về chính sách của chúng ta đối với Nga là ‘đối thoại nhưng luôn cảnh giác’ và chuyến thăm sẽ được tuân thủ theo cách tiếp cận này.

“Đây không phải là việc bình thường hóa quan hệ và Ngoại trưởng sẽ tiếp tục cứng rắn đối với những vấn đề có sự khác biệt.”

Một nguồn từ Bộ Ngọai giao nói chuyến thăm không đưa ra chỉ dấu gì về chính sách của Anh đối với Nga.

“Chuyến thăm của ông ấy [Boris Johnson] không phải để thay đổi mối quan hệ. Ông ta đã nói rõ với ông Lavrov rằng chuyện này sẽ chưa xảy ra cho đến khi Nga thay đổi đối với các vấn đề như Ukraine.

“Ông ấy sẽ có những tuyên bố tương tự mặt đối mặt như chúng ta thường phát biểu trước công chúng hoặc trong Quốc hội về những hành động của Nga. Đây có thể là chuyến thăm đầy khó khăn, nhưng là điều bắt buộc phải làm.”

Nguồn tin nói thêm: “Ông Boris vẫn thường nói phải đối thoại vì đó là lợi ích của chúng ta. Ông ấy gọi đó là ‘sự đối thoại có sự đề phòng’. Ông ta sẽ cứng rắn và bảo vệ lập trường. Đây không phải chuyến thăm làm nồng ấm mối quan hệ, mà thực tế còn là điều ngược lại.”

‘Thủ đoạn dơ bẩn’

Chuyến thăm của ông Johnson sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một bộ trưởng đến Moscow trong vòng hơn năm năm qua.

Trong chuyến thăm đến Kiev vào tuần trước, Ngoại trưởng Anh nói Nga chiếm Crimea bất hợp pháp và cho rằng Crimea phải được trả lại cho Ukraine.

Ông cũng nói lệnh trừng phạt Nga không được nới lỏng cho đến khi nước này tuân thủ Hòa ước Minsk.

Ông Johnson cũng chỉ trích Nga nặng nề trong thời gian gần đây, cáo buộc Moscow có những ‘thủ đoạn dơ bẩn’ như tấn công tin tặc, khiến đại sứ quán Nga tại Luân Đôn phản ứng bằng cáo buộc ngoại trưởng Anh định tái diễn Chiến tranh Lạnh.

Phát biểu tại Đức trong tháng trước, ông Johnson nói với BBC: “Chúng ta phải đối thoại với Nga, nhưng chúng ta cần cảnh giác. Chúng ta phải đề phòng họ có thể giở trò.

“Nhìn những gì người Nga làm đối với an ninh mạng, những hành động ở phía tây các nước Balkan và những gì đã xảy ra tại Ukraine, chúng ta cần phải hết sức cảnh giác.

“Tôi nghĩ cách tiếp cận kép là hoàn toàn có thể. Chúng ta không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39166078

TQ: Dân làng ly dị hàng loạt để xin đền bù nhà đất

Hơn 160 cặp ở một làng miền đông Trung Quốc quyết định ly dị để xin thêm tiền đền bù sau khi chính quyền bắt họ dỡ bỏ nhà để xây khu công nghiệp.

Làng Giang Bắc, ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đang bị phá đi để nhường chỗ cho một khu phát triển công nghệ cao.

Nếu các cặp ly dị và xin bồi thường như những người độc thân, mỗi đôi sẽ được đền bù hai ngôi nhà mới và ít nhất là thêm 19.000 USD.

Một số cặp đã hơn 80 tuổi, và phần lớn nói họ sẽ tiếp tục chung sống với nhau sau khi ly dị.

Các gia đình đã sống ở làng này trong nhiều thế hệ không có sự lựa chọn nào ngoài việc chuyển đến khu nhà mới do chính quyền địa phương cấp cho.

Mỗi đôi vợ chồng sẽ được một ngôi nhà 220 mét vuông.

Đua nhau ly dị

Nhiều gia đình đọc kỹ nội quy và nhận thấy nếu họ ra tòa ly dị, họ có thể xin đền bù thêm 70 mét vuông nhà và một khoản tiền mặt nữa.

Một công ty luật đang thu phí hơn 2.000 USD một cặp vợ chồng để giúp các đôi làm thủ tục ly dị, tờ China Daily đưa tin.

Một số cặp dự tính sẽ cưới lại sau một thời gian.

“Ai cũng làm chuyện này, và chúng tôi sẽ lo những chuyện khác sau,” một người dân làng cho tờ Nanjing Morning Post biết.

Không rõ liệu có cặp nào nhận được tiền đền bù thêm không.

Các quan chức nói họ biết về lỗ hổng trong quy định này và không rõ liệu các quy định đền bù sẽ có thay đổi gì không.

Trước đây, đã từng có các trường hợp tương tự ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, tờ China Daily đưa tin.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39156566

 

Syria : Hòa đàm Genève kết thúc với một lịch trình “rõ ràng”

Thanh Phương

Sau hơn một tuần thương lượng gay go, hòa đàm Syria tại Genève đã kết thúc ngày 03/03/2017. Phái đoàn của chính phủ Damas và của phe đối lập đã chấp nhận một lịch trình « rõ ràng », bao gồm các vấn đề về lãnh đạo đất nước và về chống khủng bố. Liên Hiệp Quốc dự trù sẽ mở một cuộc họp mới trong tháng Ba này.

Thông tín viên RFI, tại Genève, Jérémie Lanche, cho biết thêm chi tiết :

« Người ta sẽ ghi nhớ hai thông báo : Tiến bộ trên khả năng trao đổi tù nhân giữa chính quyền và phe nổi dậy và một điểm mới ghi trong chương trình nghị sự theo yêu cầu của Damas, đó là chống khủng bố. Điểm này sẽ được bàn thảo trong cuộc gặp song song ở Astana, Kazakhstan.

Còn lại thì không có gì nhiều. Nhìn qua thì có vẻ là cuộc đàm phán thất bại. Nhưng đối với ông Staffan de Mistura, người luôn lạc quan, thì không. Trước báo giới, ông đã cho xem ảnh hai phe, trong một thời gian ngắn ngủi, đã có mặt trong cùng một phòng họp, và nhắc lại rằng cách đây không lâu, không thể tưởng tượng là có một bức ảnh như thế.

Theo dự kiến thì các phái đoàn sẽ trở lại Genève trước cuối tháng này cho vòng đàm phán thứ 5. Cuộc chiến Syria bước vào năm thứ 6 và đã làm hơn 400.000 người chết ».

Về tình hình tại chỗ, theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân quyền Syria ngày 04/03, hàng chục ngàn thường dân đang chạy lánh nạn trước đà tiến của quân đội chính phủ Syria và đồng minh Nga, hiện đang đánh đuổi quân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở tỉnh Aleppo.

Còn theo tin từ Lầu Năm Góc ngày 03/03, Nga và chế độ Damas đang điều động các « đoàn xe cứu trợ nhân đạo » đến thành phố Minbej ở miền bắc Syria mà phiến quân đồng minh của Mỹ chiếm được từ tay lực lượng Daech vào tháng 8/2016.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170304-syria-hoa-dam-geneve-ket-thuc-voi-mot-lich-trinh-%C2%AB-ro-rang-%C2%BB

 

Với Tập Cận Bình,

đại gia Trung Quốc chóng làm giàu hơn bao giờ hết

Thanh Hà

Kiếm thêm 290 triệu đô la mỗi năm cho một đầu người. Reuters trích dẫn báo cáo được công bố ngày 02/03/2017 của viện khảo sát Hurun, trụ sở tại Thượng Hải, cho thấy tài sản của 100 nhà tỷ phú giàu có nhất trong guồng máy lãnh đạo Trung Quốc đã tăng thêm 64% từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền.

Trở thành nhân vật quyền thế nhất tại Bắc Kinh vào năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng đề ra ưu tiên hàng đầu là chống tham nhũng và xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, theo tổ chức chuyên quan sát về tình trạng tài chính của tầng lớp giàu có nhất tại Trung Quốc Hurun.net, vào lúc tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chưa đầy 7% trong năm 2016, thì tài sản của các “đại gia” trong hàng ngũ các lãnh đạo Bắc Kinh đã tăng đến 64% trong 4 năm qua. Tỷ lệ này cao hơn cả tăng trưởng của các chỉ số chứng khoán Thượng Hải hay mức lương tại nước đông dân nhất hành tinh.

Vào lúc Trung Quốc họp Quốc Hội và Chính Hiệp, Hurun.net tung ra báo cáo với nội dung “nhận diện” một số chính khách của Trung Quốc, mà mỗi người trong thời gian từ 2013 tới nay đã có thu nhập tối thiểu là 2 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 290 triệu đô la.

Cộng lại, khoản thu nhập của 100 đại gia này lên tới gần 3,5 ngàn tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 507 tỷ đô la. Để so sánh, khoản tiền khổng lồ tập trung trong tay 100 đại gia Trung Quốc cao gần bằng tổng sản phẩm nội địa của vương quốc Bỉ. Vẫn theo Hurun.net, hơn một nửa trong số những nhà giàu Trung Quốc đó là các nhà tỷ phú.

Tính trung bình, mỗi năm thu nhập của câu lạc bộ khép kín này tăng 13% trong giai đoạn 2013-2016. Cùng thời điểm, GDP của Trung Quốc tăng 7,2% ; Chỉ số chứng khoán tăng 7% một năm ; Giá nhà đất tăng 5% một năm. Trong suốt thời gian từ 2013 đến 2015, mức lương trung bình tại “công xưởng của thế giới” mới chỉ tăng có 9%.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170303-voi-tap-can-binh-dai-gia-trung-quoc-chong-lam-giau-hon-bao-gio-het

 

Mỹ sẽ “trả giá đắt” nếu liệt Bắc Triều Tiên

vào danh sách yểm trợ khủng bố

Thu Hằng

Ngày 04/03/2017, chế độ của Kim Jong Un lên tiếng dọa Hoa Kỳ « sẽ phải trả giá đắt » nếu đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách hậu thuẫn khủng bố sau vụ ám sát Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un. Trong khi đó, một trong số nghi phạm khẳng định là nạn nhân của một âm mưu của Malaysia nhằm xúc phạm Bắc Triều Tiên.

Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc và Nhật Bản, trích nhiều nguồn tin ngoại giao, cho biết sau vụ ám sát trên, Hoa Kỳ đang cân nhắc đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách hậu thuẫn khủng bố, trong đó đã có Iran và Syria.

Hãng tin chính thức Bắc Triều Kiên KCNA khẳng định Hoa Kỳ sẽ ý thức rõ là họ phải « trả giá đắt » cho những lời cáo buộc vô căn cứ nhắm vào Bắc Triều Tiên và nếu liệt quốc gia khép kín này vào danh sách đen của Mỹ. Vẫn theo KCNA, « Bình Nhưỡng phản đối mọi hình thức khủng bố » và cáo buộc Hoa Kỳ tìm cách bêu xấu Bắc Triều Tiên.

Cả Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Malaysia cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ ám sát Kim Jong Nam ngày 13/02 tại sân bay Kuala Lumpur. Tuy nhiên, Ri Jong Chol, một trong số người Bắc Triều Tiên bị tình nghi tham gia vụ ám sát và được thả do « thiếu chứng cứ », khẳng định là nạn nhân của một âm mưu của chính quyền Malaysia nhằm xúc phạm Bắc Triều Tiên.

Phát biểu trước báo giới ngày 04/03 tại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh, trạm dừng chân trước khi về nước, Ri Jong Chol cáo buộc chính quyền Malaysia đã gây áp lực để buộc người này thú nhận bằng cách làm giả bằng chứng, đe dọa gia đình ông.

Nghi phạm này khẳng định : « Tôi không có mặt ở sân bay và chẳng có lý do gì để đến đó. Tôi chỉ làm đúng công việc của mình ». Ông tự nhận là một thương nhân chuyên thu mua các chất để sản xuất xà phòng.

Mối quan hệ giữa Malaysia và Bắc Triều Tiên được duy trì từ nhiều thập niên bỗng trở nên căng thẳng từ sau vụ ám sát Kim Jong Nam bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170304-my-%C2%AB-tra-gia-dat-%C2%BB-neu-liet-bac-trieu-tien-vao-danh-sach-hau-thuan-khung-bo

 

Pháp : Ngày càng bị cô lập, ông Fillon vẫn không rút lui

Thanh Phương

Mặc dầu ngày càng có nhiều nhân vật thân cận bỏ rơi, và áp lực đang gia tăng, ứng cử viên tổng thống cánh hữu François Fillon vẫn nhất quyết không chịu rút lui để nhường chỗ cho thị trưởng Bordeaux Alain Juppé, như yêu cầu của nhiều dân biểu cánh hữu và cánh trung.

Kể từ khi ứng cử viên Fillon loan báo rằng có thể ông sẽ bị truy tố về nghi án tạo việc làm giả cho vợ, nhiều nhân vật trong êkíp tranh cử của ông đã rút lui, kể cả những người thân cận nhất. Ngày 03/03/2017, sau phát ngôn viên Thierry Solère, đến lượt giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Fillon, Patrick Stefanini, loan báo sẽ từ chức vào Chủ Nhật 05/03. Trong khi đó, đảng UDI, một đảng nhỏ thuộc cánh trung hữu, cũng đã quyết định không còn ủng hộ ứng cử viên Fillon nữa.

Tổng cộng đã có đến khoảng 140 dân biểu bỏ rơi ông Fillon, theo thống kê của tờ Libération. Nhiều nhân vật trong cánh hữu đã lên tiếng kêu gọi ông Fillon nhường chỗ cho thị trưởng Bordeaux, người đã bị ông đánh bại trong vòng hai bầu cử sơ bộ tháng 11/2016.

Cho dù ngày càng bị cô lập và chịu áp lực ngày càng mạnh, cựu thủ tướng Fillon kêu gọi những người ủng hộ ông hãy « kháng cự » bằng cách đến dự cuộc tập hợp yểm trợ ông vào ngày 05/03 tại quảng trường Trocadéro, Paris. Số người tham gia cuộc tập hợp này sẽ phản ánh mức độ ủng hộ hiện nay đối với ông Fillon.

Nhưng một cuộc biểu tình chống Fillon theo dự kiến cũng sẽ diễn ra cùng ngày tại quảng trường Cộng Hòa (Place de la République, Paris), do phong trào Stop corruption (Chấm dứt tham nhũng) tổ chức. Nhà chức trách đang lo ngại xảy ra đụng độ giữa hai phe, cho dù hai địa điểm nói trên nằm cách xa nhau.

Vụ Fillon đang gây nhiễu chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2017 khiến các ứng cử viên khác không thể vận động tranh cử một cách bình thường như những năm trước, như than phiền của ứng cử viên Xã Hội Benoît Hamon ngày 03/03.

Bên phía đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, ứng cử viên tổng thống Marine Le Pen cũng tiếp tục gặp rắc rối với pháp luật, bởi vì theo hãng tin AFP, bà cũng vừa bị các thẩm phán mời đến thẩm vấn và có thể bị truy tố về nghi án tạo việc làm giả với danh nghĩa trợ lý nghị sĩ ở Nghị Viện Vhâu Âu. Tuy nhiên, do bà Le Pen được hưởng quyền miễn trừ tư pháp với tư cách nghị sĩ châu Âu, không ai có thể buộc lãnh đạo đảng cực hữu đến trả lời thẩm vấn.

http://vi.rfi.fr/phap/20170304-phap-ngay-cang-bi-co-lap-ong-fillon-van-khong-rut-lui

 

Trung Quốc: Một quan chức cao cấp

chỉ trích việc kiểm duyệt Internet

Thanh Phương

Một cố vấn cao cấp của chính phủ Trung Quốc cảnh báo là việc kiểm duyệt Internet gây cản trở cho nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế. Đây là lời chỉ trích công khai hiếm thấy nhắm vào một vấn đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc.

Ngày 04/03/2017, báo chí chính thức của Trung Quốc trích lời phó chủ tịch Chính Hiệp (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) La Phú Hòa (Luo Fuhe) nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm trước rằng, do Internet bị kiểm duyệt, tốc độ truy cập các trang web nghiên cứu của nước ngoài rất chậm, khiến các nhà nghiên cứu Trung Quốc phải mua phần mềm để vượt « tường lửa », thậm chí phải ra nước ngoài để tiến hành nghiên cứu. Phó chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc cho rằng điều này là « không bình thường ».

Các công cụ kiểm duyệt Internet rất tinh vi khiến nhiều trang web báo chí và trang mạng xã hội của nước ngoài bị chặn hoàn toàn ở Trung Quốc. Những thảo luận về các chủ đề chính trị và về các vấn đề nhạy cảm như Tây Tạng và Đài Loan cũng thường xuyên bị kiểm duyệt.

Ông La Phú Hòa đưa ra tuyên bố nói trên vào lúc các lãnh đạo Trung Quốc và đại biểu Quốc Hội đang có mặt tại Bắc Kinh để chuẩn bị tham dự kỳ họp thường niên sẽ kéo dài 10 ngày. Chính Hiệp, cơ quan cơ quan cố vấn cho Quốc Hội Trung Quốc, thì đã khai mạc cuộc họp thường niên từ hôm 03/03.

Theo hãng tin AP, hiếm khi nào các quan chức Trung Quốc bình luận về chính sách kiểm duyệt Internet và nếu có nói thì thường là chỉ nhấn mạnh đến việc phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, ông La Phú Hòa đã dám phát biểu mạnh dạn như vậy có lẽ vì ông cũng là phó chủ tịch Hội Xúc tiến Dân chủ Trung Quốc (Dân Tiến Hội), một trong 8 chính đảng nhỏ mà đảng Cộng Sản cầm quyền cho phép hoạt động để chứng tỏ tính « dân chủ » của thể chế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170304-trung-quoc-mot-quan-chuc-cao-cap-chi-trich-viec-kiem-duyet-internet