Tin khắp nơi – 04/02/2018
Bắc Hàn ‘dùng sứ quán mua công nghệ vũ khí’
Bắc Hàn đã mua công nghệ vũ khí hạt nhân qua đại sứ quán nước này tại Berlin, người đứng đầu cơ quan tình báo Đức cho hay.
Ông Hans-Georg Maassen nói với đài truyền hình Đức NDR TV rằng Đức đã ngăn cản được nhiều nhưng không phải là tất cả các hoạt động mua công nghệ vũ khí này.
Ông không nói rõ loại công nghệ nào được mua, nhưng cho biết chúng có thể được sử dụng cho mục đích dân sự và quân sự.
Bắc Hàn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bắc Hàn vi phạm lệnh cấm vận, thu lợi 200 triệu đôla
Bị trừng phạt, Bắc Hàn ‘làm kinh tế’ ra sao?
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm thứ Sáu 2/2 nói Bình Nhưỡng đã thu được gần 200 triệu USD năm ngoái qua xuất khẩu hàng hóa sang một số nước.
Báo cáo của ủy ban trừng phạt thuộc Hội đồng Bảo an LHQ mà hãng tin anh Reuters được xem, nói Bắc Hàn đã chở than đến một số cảng ở Nga, Trung Quốc, Nam Hàn, Malaysia và Việt Nam. Các chuyến hàng này chủ yếu dùng giấy tờ giả để chứng minh nguồn gốc than là từ Nga và Trung Quốc thay vì Bắc Hàn.
Chúng tôi phát hiện rất nhiều hoạt động mua công nghệ đã diễn ra từ đại sứ quán [Bắc Hàn].Hans-Georg Maassen, Giám đốc Cơ quan tình báo Đức
“Chúng tôi phát hiện rất nhiều hoạt động mua công nghệ đã diễn ra từ đại sứ quán,” ông Maassen nói trong một cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng vào thứ Hai 5/2.
“Theo quan điểm của chúng tôi, những công nghệ này là cho chương trình tên lửa nhưng một phần cũng là cho chương trình hạt nhân,” ông nói thêm.
“Khi chúng tôi thấy những hoạt động như vậy, chúng tôi chặn lại. Nhưng chúng tôi không thể đảm bảo rằng chúng tôi phát hiện và chặn hết tất cả các nỗ lực này.”
Bắc Hàn hiện chưa có phản ứng trước phát biểu của ông Maassen.
Nam Hàn giữ tàu thứ hai ‘chuyển dầu cho Bắc Hàn’
Bắc Hàn bắn ba tên lửa ra biển
Bắc Hàn: Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa
Một cuộc điều tra riêng do kênh truyền hình ARD thực hiện cho rằng cơ quan tình báo Đức phát hiện có dấu hiện Bắc Hàn tìm cách mua công nghệ và thiết bị quân sự hồi 2016 và 2017.
Trong khi đó, một nhóm chuyên gia LHQ tìm thấy bằng chứng Bắc Hàn đã giúp Syria phát triển vũ khí hóa học cũng như cung cấp tên lửa đạn đạo cho Myanmar.
Những phát hiện này được công bố trong bối cảnh căng thẳng dâng cao vì Bắc Hàn có tiến bộ nhanh chóng trong các chương trình phát triển vũ khí truyền thống và hạt nhân.
Vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Bắc Hàn hôm 28/11 khiến LHQ đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các chuyến hàng chở dầu và việc đi lại của người dân Bắc Hàn.
Các vụ thử tên lửa liên tiếp cũng gây ra cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Ông Trump, người gọi Kim Jong-un là “người hỏa tiễn”, đã gặp những người đào tẩu Bắc Hàn ở Washington hôm 2/2 và nói ông hy vọng “điều tốt đẹp” sẽ đến sau Thế vận hội Mùa đông, dự kiến khai mạc ở Nam Hàn vào thứ Sáu tới.
Bắc Hàn đã đồng ý tham dự Thế vận hội. Hai bên thậm chí còn có một đội tuyển khúc quân cầu trên băng chung, đội vừa có trận đấu giao hữu đầu tiên hôm Chủ nhật 4/2.
Tuy nhiên, Bắc Hàn vẫn tiếp tục với kế hoạch diễu binh hoành tráng ngay trước ngày khai mạc Thế vận hội.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42936861
Trung Quốc viện trợ xe bọc thép cho Campuchia
Liệu đợt viện trợ quân sự mới sẽ thúc đẩy quan hệ quốc phòng Trung Quốc-Campuchia, tờ Diplomat đặt câu hỏi.
Trong bối cảnh hai nước này đánh dấu 60 năm quan hệ ngoại giao trong năm 2018 và Campuchia sắp có tổng tuyển cử, một đợt viện trợ quân sự mới cho Phnom Penh sắp được tiến hành.
Cuối tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh được ghi nhận xác nhận rằng Trung Quốc sẽ cấp cho Campuchia thêm một đợt viện trợ quân sự mới trong năm 2018.
Bầu cử Campuchia: đảng nào thắng?
Campuchia buộc tội 10 người nước ngoài
Tìm thấy tượng ‘thiên thần’ ở Campuchia
Facebook làm đối lập Campuchia thất vọng?
Theo tờ Khmer Times, ông Banh nói rằng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) các xe tăng và xe bọc thép. Các thiết bị này dự kiến được chuyển đến đúng thời điểm tổ chức tập trận chung “Rồng Vàng” vào tháng Ba.
Theo tờ Diplomat, ông Banh không xác nhận chính xác số lượng thiết bị được giao hoặc cho thông tin cụ thể hơn về việc này. Tuy nhiên, một phóng sự trên kênh BTV cho hay Trung Quốc sẽ viện trợ khoảng 100 xe tăng và xe bọc thép cho Lữ đoàn 70 của Bộ Quốc phòng Campuchia.
Campuchia cấm xuất khẩu sữa mẹ
Angelina Jolie ‘được thức tỉnh nhờ Campuchia’
Bảy người Việt đi tù ở Campuchia vì buôn lậu gỗ
Tin chuyển xe tăng và xe bọc thép tương thích với các dạng viện trợ quân sự của Trung Quốc trước đây, gồm không chỉ các thiết bị quân sự mà còn là trợ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo cho binh lính Campuchia.
Đáng lưu ý là việc trang bị cho Lữ đoàn 70 được thành lập năm 1984 với trọng trách là bảo vệ các nhà lãnh đạo, gồm Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Đơn vị này báo cáo trực tiếp cho ông Hun Sen và sở hữu các trang thiết bị quân sự gồm hệ thống tên lửa và xe tăng, từ lâu đã bị cáo buộc về việc lạm quyền cũng như có các hoạt động khuất tất và bất hợp pháp.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42935447
Bắc Hàn tuyên bố diễu binh lớn ngay trước Olympics
Bắc Hàn tuyên bố diễu binh quy mô lớn theo đúng kế hoạch một ngày trước khi diễn ra Thế vận hội Mùa đông ở miền Nam.
Năm ngoái, cuộc diễu binh thường niên của Bình Nhưỡng đánh dấu ngày thành lập lực lượng vũ trang diễn ra vào tháng Tư.
Bắc Hàn chấp nhận đàm phán về Thế vận hội
Thế vận hội mùa đông: Bắc Hàn chuẩn bị gì?
Mỹ quy trách nhiệm cho Bắc Hàn vụ WannaCry
Lính Bắc Hàn đào tẩu ‘trúng 5 phát đạn’
Tuy nhiên, từ năm 2018, ngày diễu binh được đổi thành ngày 8/2 – thời điểm các vận động viên đang tập trung tại Pyeongchang cho lễ khai mạc Olympics vào ngày hôm sau.
Bắc Hàn nói rằng không ai có quyền phản đối kế hoạch của họ.
Bắc Hàn nói gì?
Bài xã luận trên tờ báo của đảng Lao động Triều Tiên – Rodong Sinmun – bác quan điểm rằng sự kiện này mang tính khiêu khích.
Thay vào đó, tờ báo nói, “điều cơ bản là bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội”.
Bình Nhưỡng trước đây thường tổ chức diễu binh ngày 25/4 hàng năm. Tuy nhiên cuộc diễu binh năm 2018 đánh dấu 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (ngày 8/2/1948).
Bắc Hàn sẽ cử đoàn tham gia Thế Vận hội Mùa đông
Nam Hàn đề xuất hội đàm cấp cao với Bắc Hàn
Tuy nhiên, giáo sư Robert Kelly của Đại học Busan ở Seoul nói rằng Bình Nhưỡng quyết định tổ chức diễu binh vào thời điểm đó là có toan tính chính trị.
“Sự kiện này sẽ rất rầm rộ, chỉ một ngày trước Thế vận hội – nhằm gửi đi một tín hiệu”, ông nói.
“Dù Nam Hàn thời điểm đó đang tổ chức một sự kiện hòa bình thu hút sự chú ý toàn cầu – quý vị biết đấy, mọi người vẫn phải để tâm đến miền Bắc.”
Tuy nhiên, nhóm giám sát Vĩ tuyến 38 độ Bắc, nói dù hình ảnh vệ tinh cho thấy “ít nhất 12.000 binh lính” tập trung tại một điểm huấn luyện diễu binh, bằng chứng hiện tại cho thấy cuộc diễu binh năm nay dường như có quy mô nhỏ hơn mọi năm.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42935449
Giao tranh tại Afrin,
7 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị giết trong một ngày
Akara, Thổ Nhĩ Kỳ- Theo tin AFP, 7 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng trong đợt tấn công quân du kích người Kurd hiện diện tại lãnh thổ Syria vào ngày hôm qua 3 tháng 2, trong đó có 5 người bị giết chỉ trong một vụ đụng độ.
Con số này đánh dấu tổn thất lớn nhất trong vòng một ngày của chiến dịch quân sự Olive Branche mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành từ ngày 20 tháng 01, để tấn công Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Dân Người Kurd Syria- YPG, bị Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng trong chiến dịch quân sự được tiến hành tính đến nay là 14 người. Thông báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận xe thiết giáp của họ bị tấn công và tất cả 5 binh sĩ ngồi bên trong đều thiệt mạng. Để trả đũa, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho chiến đấu cơ oanh tạc kho chứa bom mìn của đối thủ.
Hôm qua, tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tái cam kết với tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, chiến dịch Olive Branche của họ chỉ nhắm vào tổ chức bị họ cho là khủng bố, mà không hề dự định chiếm đóng lãnh thổ Syria. Hồi tuần qua, ông Macron cho rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria thật sự đáng tiếc nếu đó là chiến dịch xâm lược quốc gia láng giềng.
Trong bài diễn văn đọc ngày hôm qua, Erdogan nói rằng lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiếm vùng núi và đang hướng đến Afrin. Tuy nhiên, các nhà phân tích tình hình chiến sự cho rằng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ kiểm soát được khu vực giới hạn chung quanh vùng biên giới và chưa tiến được vào thị trấn Afrin. (Song Châu)
http://www.sbtn.tv/giao-tranh-tai-afrin-7-binh-si-tho-nhi-ky-bi-giet-trong-mot-ngay/
Quân nổi dậy Syria bắn rơi chiến đấu cơ Nga,
giết phi công nhảy dù
Saraqeb, Idlib, Syria. (Reuters) – Hôm qua 3 tháng 2, quân nổi dậy Syria đã bắn rơi chiến đấu cơ Nga, và giết phi công nhảy dù vừa chạm xuống mặt đất.
Các đoạn băng video được đưa lên mạng xã hội cho thấy những mảnh vỡ của phi cơ Nga còn âm ỉ cháy, đã bị bắn từ trên không trung thị trấn al-Subl gần thành phố Saraqeb, gần nơi đông đảo binh sĩ của quân đội Syria và quân được Iran yểm trợ chuẩn bị mở cuộc hành quân.
Nguồn tin nói phi công Nga thoát chết bằng cách nhảy dù ra khỏi chiến đấu cơ đang bốc cháy, nhưng sau đó bị các tay súng của quân nổi dậy giết chết. Họ định bắt sống viên phi công nhưng không thành.
Bộ Quốc phòng Nga nói rằng chiến đấu cơ của họ bị trúng hoả tiễn đất đối không loại nhỏ và bị rơi. Thông tấn xã Nga TASS dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay, Moscow đã trả đũa bằng một cuộc oanh tạc kho vũ khí của quân nổi dậy, giết hơn 30 tay súng của quân nổi dậy tại tỉnh Idib, nơi chiến đấu cơ của họ bị bắn rơi. (Song Châu)
http://www.sbtn.tv/quan-noi-day-syria-ban-roi-chien-dau-co-nga-giet-phi-cong-nhay-du/
Trung Cộng đã gián tiếp
làm Venezuela rơi vào cuộc suy thoái kinh tế
Vào hôm thứ Sáu 2/2, thứ trưởng Bộ Tài Chính Hoa Kỳ- ông David Malpass- đã phát biểu trong cuộc họp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Nghiên Cứu Quốc Tế Washington, rằng vai trò của Trung Cộng ở Venezuela, bao gồm các thỏa thuận cho vay bằng dầu mỏ, là một trong những nguyên nhân gây ra sự suy thoái nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này.
Có lẽ cộng đồng quốc tế sẽ phải gánh vác chi phí để trả lại nền dân chủ và cải cách kinh tế cho Venezuela. Ông Malpass cho biết Venezuela đã vay mượn từ Trung Cộng với các khoản vay tính trên đơn vị “thùng dầu”. Điều này có tác dụng che đậy số tiền chính xác mà Trung Cộng trao cho các quan chức Venezuela, và ngược lại số tiền Venezuela phải trả lại cho Trung Cộng trong tương lai.
Ông Malpass cũng lo ngại về lời mời của Trung Cộng đối với các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại bằng cách tham gia vào sáng kiến ”Một Vàng Đai, Một Con Đường”. Ông cho biết mặc dù viễn cảnh mà Trung Cộng đưa ra về sự xuất hiện của con đường có vẻ hấp dẫn để phát triển, nhưng trên thực tế điều này dẫn đến việc tăng lợi nhuận ngắn hạn, nhưng cho sự phụ thuộc lâu dài.
Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã cảnh báo chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ phải đối mặt với sự cô lập quốc tế. Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ dường như vẫn chưa gây trở ngại cho các quan chức Venezuela. Hồi tháng trước, họ vẫn tuyên bố sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng Tư, trong khi nhiều nhà lãnh đạo phe đối lập bị đày đi lưu vong hoặc đã bị cấm giữ chức vụ được bầu. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/trung-cong-da-gian-tiep-lam-venezuela-roi-vao-cuoc-suy-thoai-kinh-te/
Thủ tướng Canada cứng rắn về NAFTA,
dọa không tham gia đàm phán
British Columbia, Canada. (Reuters) – Thủ Tướng Canada Justin Trudeau đưa ra giọng điệu cứng rắn về NAFTA vào hôm qua 2/2, nhiều lần đe dọa sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán, nếu ông không hài lòng trước những điều khoản mà Hoa Kỳ đòi thay đổi.
Tại một cuộc họp được tổ chức ở tỉnh Nanaimo thuộc British Columbia, ông Trudeau nhận xét các cuộc đàm phán đầy phức tạp và thách thức, và khẳng định rằng Canada sẵn sàng từ bỏ NAFTA nếu Hoa Kỳ đưa ra một thỏa thuận tồi tệ. Ông Trudeau nói không muốn bị Hoa Kỳ chèn ép. Ông nói thêm rằng nếu Washington từ bỏ thỏa thuận, điều đó sẽ “vô cùng nguy hiểm” cho cả Hoa Kỳ lẫn Canada.
Tại cuộc họp, một số người phản đối tìm cách ngắt lời ông Trudeau nhưng lập tức những người này bị cảnh sát dẫn ra ngoài.
Hiện nay Canada và Mexico tìm cách giải quyết các yêu cầu của Hoa Kỳ cho việc cải cách NAFTA, nhưng than phiền rằng những yêu cầu này sẽ đe dọa nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ. Vào đầu tuần này, một viên chức thương mại cao cấp của Hoa Kỳ bác bỏ đề nghị hủy bỏ đàm phán, cam kết tìm kiếm những bước đột phá, làm dịu bớt lo ngại cho rằng Washington sẽ sớm rút ra khỏi Thỏa Thuận NAFTA trị giá 1.2 ngàn tỷ Mỹ Kim.
Thủ Tướng Trudeau đã từng nói không tin rằng Tổng Thống Trump sẽ rút khỏi NAFTA, mặc dù tiến trình đàm phán diễn ra khá chậm chạp. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/thu-tuong-canada-cung-ran-ve-nafta-doa-khong-tham-gia-dam-phan/
Nhật Bản phóng thành công hỏa tiễn nhỏ nhất thế giới,
đưa vệ tinh vào vũ trụ
Uchinomura, Nhật. (Reuters) – Reuters dẫn lời cơ quan không gian Nhật Bản, cho biết họ vừa phóng đi thành công một hỏa tiễn được cho là nhỏ nhất thế giới, để đưa một vệ tinh lên quỹ đạo. Sự việc diễn ra tại trung tâm không gian thành phố Uchinomura vào sáng nay 3 tháng 2, tính theo giờ địa phương.
Tháng 1 năm ngoái, cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản phóng hỏa tiễn SS-520 vào vũ trụ nhưng thất bại, khi trục thặc về hệ thống truyền dữ liệu được phát hiện sau giai đoạn đầu của đợt phóng. Hỏa tiễn được phép quay trở lại trái đất mà không phải đưa trọng tải trên lưng vào quỹ đạo.
Năm nay hỏa tiễn SS-520 được sửa đổi từ một hỏa tiễn giai đoạn hai sang một hỏa tiễn giai đoạn ba, nhưng kích thước vẫn giữ nguyên như hỏa tiễn trước đó, với chiều dài chỉ là 35 feet (10 m) và đường kính chỉ là 20 inch. Vệ tinh trên lưng hỏa tiễn chỉ nặng 6.6 pound, được lập trình di chuyển trên quỹ đạo chung quanh Trái Đất, nhằm thu thập hình ảnh bề mặt Trái Đất và nhiều dữ liệu khác.
Chi phí sản xuất và phóng hỏa tiễn SS-520 ước tính khoảng 500 triệu Yen, tương đương 4.3 triệu Mỹ Kim. Nhật Bản phát triển loại hỏa tiễn nhỏ nhất thế giới này nhằm cung cấp một phương tiện đáng tin cậy về kỹ thuật, để đưa các loại vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo. Đây là một xu hướng đang phát triển của thị trường kinh doanh vũ trụ trên toàn thế giới. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/nhat-ban-phong-thanh-cong-hoa-tien-nho-nhat-the-gioi-dua-ve-tinh-vao-vu-tru/
Mỹ: Ít nhất hai người chết trong vụ đâm tàu hỏa
Ít nhất hai người chết và 70 người bị thương trong vụ đâm tàu chở khách Amtrak và tàu chở hàng CSX ở tiểu bang South Carolina sáng sớm ngày 4/2.
Reuters dẫn một thông cáo của Amtrak nói rằng đoàn tàu của hãng này chở 139 hành khách và 8 nhân viên đang trong hành trình từ New York tới Miami thì đâm vào đoàn tàu chở hàng và trật đường ray.
Hãng tin Anh trích lời chính quyền cho biết thêm rằng tất cả những người bị thương, có người bị gãy xương, đã được chuyển tới các bệnh viện địa phương.
Cảnh sát cho hay rằng một nơi trú tạm cho các hành khách đã được lập nên tại một trường cấp hai gần hiện trường và Hội Chữ thập Đỏ đang trợ giúp họ.
Theo AP, Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia đang điều tra vụ đâm tàu này.
https://www.voatiengviet.com/a/it-nhat-hai-nguoi-chet-trong-vu-dam-tau-hoa-o-my/4238350.html
Bản ghi chú này đang khơi lên tranh cãi kịch liệt.
Đây là điều bạn cần biết.
Sau hơn một tuần tranh cãi đảng phái và sôi sục trên mạng xã hội, những người đòi công bố một bản ghi chú mật do phe Cộng hòa trong Quốc hội soạn thảo, cáo buộc giới lãnh đạo cao cấp ở FBI và Bộ Tư pháp thiên vị chống Tổng thống Donald Trump, cuối cùng đã toại nguyện.
Ông Trump hôm thứ Sáu giải mật bản ghi chú này. Ủy ban Tình báo Hạ viện do phe Cộng hòa chiếm đa số công bố nó ngay sau đó. Và công chúng bắt đầu lao vào mổ xẻ bốn trang thông tin xem nó nói gì.
Dưới đây là một vài điểm chính:
Đại ý là gì?
Bản ghi nhớ này đưa ra một loạt các cáo buộc về hành vi sai trái của FBI và Bộ Tư pháp trong việc thủ đắc một trát của tòa án theo Đạo luật Do thám Tình báo Nước ngoài, gọi tắt theo tên tiếng Anh là FISA, để theo dõi Carter Page, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Cụ thể, nó nhắm mục tiêu vào việc FBI sử dụng thông tin của cựu điệp viên người Anh, Christopher Steele, người đã thu thập một tập hồ sơ chứa một số cáo buộc về những mối liên hệ giữa ông Trump, các cộng sự của ông và Nga.
Bản ghi chú nói rằng FBI và Bộ Tư pháp đã không báo cáo đầy đủ với tòa án FISA về vai trò của ông Steele trong nỗ lực tìm kiếm thông tin bất lợi về đối thủ tranh cử. Nỗ lực tìm kiếm thông tin này do ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton tài trợ thông qua một công ty luật ở Washington.
Tài liệu này cũng nhắm mục tiêu vào một số quan chức cao cấp của FBI và Bộ Tư pháp. Trong số này có cựu Phó Bộ trưởng Tư pháp Thứ cấp Bruce Ohr, người mà bản ghi chú nói là đã biết về thiên kiến chống Trump của ông Steele và có vợ làm việc tại công ty đứng đằng sau nỗ lực tìm kiếm thông tin này.
Có gì mới?
Bản ghi chú này cho thấy sự xác nhận chính thức đầu tiên của chính phủ về một trát FISA bí mật và rằng ông Page đã là đối tượng bị theo dõi.
Những thông tin như thế này thường được coi là thuộc loại thông tin an ninh quốc gia được giữ kín nhất và hầu như không bao giờ được tiết lộ ra công chúng.
Mặc dù bản ghi chú nêu lo ngại về các phương thức của FBI, song nó cũng xác nhận FBI và Bộ Tư pháp tin rằng có cơ sở xác đáng cho thấy ông Page khi đó đang hoạt động như một điệp viên của một cường quốc nước ngoài và thẩm phán đã tán đồng với lập luận này – bốn lần.
Bản ghi chú cũng làm sáng tỏ một phần thời biểu của cuộc điều tra Nga, cho thấy ông Page đã bị theo dõi suốt nhiều tháng.
Theo bản ghi chú, Bộ Tư pháp và FBI đã xin được trát FISA nhắm vào ông Page vào ngày 21 tháng 10 năm 2016, và sau đó xin tòa chấp thuận thêm ba lần nữa.
Vì các trát FISA phải được gia hạn mỗi 90 ngày, bản ghi chú cho thấy chính phủ đã theo dõi những liên lạc của ông Page suốt gần một năm.
Từ Papadopoulos mà ra
Toàn bộ cuộc điều tra Nga đều từ Papadopoulos mà ra.
Theo bản ghi chú, thông tin về cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump, George Papadopoulos, “đã kích hoạt việc mở một cuộc điều tra phản gián của FBI vào cuối tháng 7 năm 2016.”
Đây là một chi tiết quan trọng bởi vì ông Trump và các đồng minh của ông trong Đảng Cộng hòa đã tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra Nga bằng cách nói rằng tất cả đều khởi nguồn từ hồ sơ của ông Steele.
Bản ghi chú không cung cấp thêm chi tiết về thông tin mà FBI nhận được về Papadopoulos. Nhưng dường như nó xác nhận một phần thông tin được loan tải trong một bài báo của tờ The New York Times vào cuối năm ngoái rằng chính những lo ngại của FBI về Papadopoulos đã khơi ra cuộc điều tra.
Papadopoulos nhận tội đã khai man với FBI vào năm ngoái. Hồ sơ tòa án cho thấy anh ta đã có nhiều cuộc tiếp xúc với những người tự xưng là có liên hệ với chính phủ Nga bắt đầu vào mùa xuân năm 2016.
Hồ sơ tòa án cho thấy Papadopoulos đã biết là người Nga có thông tin gây tổn hại đối với bà Hillary Clinton dưới hình thức “hàng ngàn email” trước khi thông tin đó được công khai.
Nhưng FBI có dùng thông tin của Steele
Bản ghi chú nói rằng một tập hợp các báo cáo của ông Steele “tạo thành một phần thiết yếu” của hồ sơ xin trát FISA nhắm vào ông Page, nhưng bản ghi chú không xác định chính xác thông tin nào được sử dụng hoặc bao nhiêu thông tin được sử dụng.
Nó cũng nói rằng hồ sơ xin trát FISA dựa vào một bài báo của Yahoo News vào tháng 9 năm 2016, và tuyên bố rằng thông tin trong bài báo đó cũng từ ông Steele mà ra.
Bản ghi chú dẫn lời cựu phó giám đốc FBI Andrew McCabe nói với Ủy ban Tình báo Hạ viện vào tháng 12 rằng “lẽ ra sẽ không có trát do thám nào được xin cấp” từ tòa án FISA “nếu không có thông tin từ hồ sơ Steele.”
Theo bản ghi chú, hồ sơ xin cấp trát FISA cũng bao gồm “thành tích cung cấp thông tin khả tín của ông Steele trong quá khứ về các vấn đề không liên quan khác.”
Thông tin nền tảng không được công bố
Khó mà thẩm định được tính chính xác của bản ghi chú bởi vì phần lớn những thông tin làm nền tảng cho những tuyên bố trong đó đều được liệt vào diện được bảo mật hoặc bí mật.
Bản ghi chú dẫn một hồ sơ xin trát FISA ban đầu — một tài liệu thường bao gồm hàng chục trang giấy — cũng như ba hồ sơn xin tòa gia hạn trát. Không có hồ sơ nào trong số này được phép công khai.
Tương tự, bản ghi cuộc phỏng vấn kín của Ủy ban Tình báo Hạ viện với ông McCabe và các quan chức cao cấp khác của FBI từng tiếp xúc với ông Steele đều không được công khai.
Hôm thứ Sáu, thành viên Đảng Dân chủ cao cấp của ủy ban, Dân biểu Adam Schiff từ bang California, phản bác cách thức mà bản ghi chú mô tả các phát biểu của ông McCabe, nói rằng vị cựu phó giám đốc FBI khi đó đang phát biểu một cách chung chung về việc các hồ sơ xin trát FISA phụ thuộc vào “mỗi một thành phần” được đưa vào trong đó ra sao.
Nhưng Chủ tịch Ủy ban, Dân biểu Cộng hòa Devin Nunes từ California, cuối ngày thứ Sáu nói trên đài Fox News rằng cách thức mà bản ghi chú mô tả những phát biểu của ông McCabe là “sự tổng kết một cuộc phỏng vấn dài và chắc chắn đó là điều mà ông ta đã nói.” Ông lưu ý rằng những nhân chứng khác cũng nói “những điều tương tự.”
‘Được chứng thực rất ít ỏi’
Một câu hỏi dai dẳng kể từ khi tập hồ sơ Steele được Buzzfeed News đăng tải vào năm ngoái là: FBI đã chứng thực được bao nhiêu phần thông tin trong đó?
Theo bản ghi chú, không nhiều vào thời điểm mà FBI có được trát FISA nhắm vào ông Page. Bản ghi chú dẫn lời Trợ lý Giám đốc FBI Bill Priestap nói rằng sự chứng thực của FBI đối với tập hồ sơ còn ở giai đoạn “sơ khai” khi tòa án cấp trát do thám FISA đầu tiên.
Nó cũng nói rằng một “đơn vị độc lập” bên trong FBI đã thực hiện một “báo cáo chứng thực nguồn tin” về thông tin mà ông Steele cung cấp và nhận thấy rằng nó “chỉ được chứng thực rất ít ỏi.”
Nhưng không có những tài liệu nền tảng hoặc bản ghi lời khai chứng của ông Priestap, khó mà đánh giá được bản ghi chú này mô tả chính xác tới mức nào.
Trump nói được ‘minh oan’
sau khi cho công bố bản ghi chú gây tranh cãi
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy nói một bản ghi chú gây tranh cãi công kích giới chấp pháp liên bang Hoa Kỳ do các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội soạn thảo đã “minh oan” cho ông trong cuộc điều tra sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Việc ông Trump nhiệt thành hậu thuẫn bản ghi chú này một lần nữa khơi ra khả năng ông có thể sử dụng nó như một cái cớ để sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đang tiến hành cuộc điều tra, hoặc Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rodenstein, người giám sát ông Mueller.
Viết trên Twitter từ khu điền trang của ông ở Palm Beach, bang Florida, ông Trump cho nói bản ghi chú “hoàn toàn minh oan” cho ông, nhưng nói thêm “vụ săn phù thủy [ý nói cuộc điều tra của ông Mueller] liên quan tới Nga cứ dây dưa mãi. Không có sự Thông đồng và không có Cản trở gì hết.” Ông gọi cuộc điều tra này là “một nỗi ô nhục của nước Mỹ.”
Nhà Trắng hôm thứ Sáu cho biết sẽ không có sự thay đổi nào tại Bộ Tư pháp sau khi bản ghi chú được công bố.
Bản ghi chú, được soạn thảo bởi các thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ do Dân biểu Devin Nunes làm chủ tịch, lập luận rằng cuộc điều tra liên bang về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử tổng thống của ông Trump năm 2016 và Nga là kết quả của sự thiên vị chính trị chống lại ông Trump tại Cục điều tra Liên bang và Bộ Tư pháp.
Bản ghi chú này đang khơi lên tranh cãi kịch liệt. Đây là điều bạn cần biết.
Ông Trump cho công bố bản ghi chú này, vốn được bảo mật, mà không bôi đen những thông tin được cho là nhạy cảm, bất chấp sự phản đối của FBI, trong một diễn biến đào sâu thêm căng thẳng giữa Nhà Trắng và giới chấp pháp cao cấp vốn đã tồn tại kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Phe Dân chủ lập luận rằng bản ghi chú bốn trang này mô tả không chính xác thông tin mật hết sức nhạy cảm và nhắm mục đích làm suy yếu cuộc điều tra hình sự của ông Mueller, được khởi động vào tháng 5 năm 2017 và tiếp nối một cuộc điều tra trước đó của FBI.
Jerrold Nadler, nghị sĩ Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói trong một thông cáo rằng quyết định của ông Trump công bố bản ghi chú là “một phần trong nỗ lực tuyên truyền có phối hợp nhằm làm mất uy tín, vô hiệu hóa và đánh bại cuộc điều tra Nga.”
Một số nhân vật theo Đảng Cộng hòa cũng lên tiếng chỉ trích việc công bố bản ghi chú này. John Kasich, thống đốc bang Ohio và từng là cựu đối thủ của ông Trump tranh đề cử tổng thống, đưa ra một tuyên bố vào ngày thứ Bảy gọi việc này “gây tổn hại cho đất nước của chúng ta.”
Khi được các phóng viên hỏi hôm thứ Sáu liệu ông có tin tưởng hay liệu ông sẽ sa thải ông Rosenstein hay không, ông Trump trả lời: “Các người tự suy ra đi.”
Sa thải ông Rosenstein dường như sẽ kích hoạt một cơn bão lửa chính trị cho tổng thống, giống như việc ông sa thải giám đốc FBI James Comey vào năm ngoái.
Ông Mueller đang điều tra xem liệu ông Trump có cản trở công lý hay không trong việc tìm cách ngăn chặn cuộc điều tra Nga.
Bị gọi là kẻ thù hạt nhân, Trung Quốc lên án Mỹ
Trung Quốc hôm 4/2 chỉ trích một báo cáo của Mỹ, trong đó coi Bắc Kinh là kẻ thù hạt nhân tiềm ẩn và kêu gọi Washington giảm bớt kho vũ khí hạt nhân.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết rằng “phía Trung Quốc kịch liệt phản đối” bản phúc trình.
Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ từ bỏ thái độ Chiến tranh Lạnh và nghiêm túc gánh vác trách nhiệm đặc biệt trước đối với việc giải trừ hạt nhân của mình”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cam kết sẽ không bao giờ là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân “trong bất kỳ trường hợp nào”.
Lầu Năm Góc tuần trước công bố phúc trình đánh giá về hạt nhân năm 2018, trong đó đề ra các kế hoạch nhằm nâng cấp kho vũ khí hiện thời của Hoa Kỳ để ngăn chặn các vụ tấn công hạt nhân.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế có trụ sở ở Stockholm, Thụy Điển, Trung Quốc là quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ năm trên thế giới với 270 đầu đạn.
Trong khi đó, Hoa Kỳ có 6.800 đầu đạn, đứng sau Nga, theo báo cáo công bố giữa năm ngoái.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-len-an-my-vi-bi-goi-la-ke-thu-hat-nhan/4238464.html
Brazil : Quỹ hưu trí
đòi tổng thống Temer “chứng minh còn sống”
Một câu chuyện đang khiến cả nước Brazil phát cười. Một quỹ hưu trí đã yêu cầu tổng thống Michel Temer phả đến trình diện để chứng minh ông còn sống. Tổng thống đương nhiệm khẳng định « hài lòng vì được đối xử như bất kỳ công dân nào », đồng thời cũng nhắc lại là ông muốn cải tổ sâu sắc hệ thống hưu trí. Tuy nhiên, đây lại là một dự án không được lòng dân.
Thông tín viên RFI François Cardona từ Rio de Janeiro giải thích :
Hiện 77 tuổi, ông Michel Temer được hưởng lương hưu từ năm ông 60 tuổi với tư cách là cựu chưởng lý thành phố Sao Paulo.
Tuy nhiên, tổng thống đương nhiệm lại không trình diện hàng năm, để chứng minh còn sống, tại nơi ông lĩnh lương hưu, theo quy định của luật pháp. Vì vậy, văn phòng này đã ngừng cấp lương hưu cho ông Temer từ tháng 11/2017. Để giải quyết vấn đề trên, đích thân tổng thống phải đến trình diện.
Trả lời báo chí, ông Temer nói rằng « rất vui vì được đối xử như một người Brazil ». Lẽ ra tổng thống có thể đã không gặp rắc rối với sự việc như vậy khiến biến thành chuyện cười cho người dân. Sức khỏe của ông Michel Temer xấu đi và ông đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật vào năm ngoái.
Tổng thống Brazil chật vật thuyết phục Nghị Viện ủng hộ cải cách hệ thống hưu trí của ông. Dự án này không được lòng dân, vì dự kiến phải đóng góp trong vòng 40 năm để được lĩnh lương hưu với tỷ lệ toàn phần. Ngoài ra, độ tuổi nghỉ hưu cũng bị nâng lên : 62 tuổi đối với nữ giới và 65 tuổi đối với nam giới.
Điểm tín nhiệm của tổng thống Temer không ngừng giảm trong những tháng vừa qua và chỉ được 6% tín nhiệm theo một cuộc thăm dò gần đây nhất.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180204-brazil-quy-huu-tri-yeu-cau-tong-thong-temer-chung-minh-con-song
Trung Quốc và Nga giận dữ
chỉ trích chính sách hạt nhân mới của Mỹ
Ngày 04/02/2018, Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về chính sách hạt nhân mới của Mỹ, được công bố hôm thứ Sáu 02/02.
Trong một thông cáo ra hôm nay (04/02), bộ Quốc Phòng Trung Quốc mạnh mẽ chỉ trích báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra « những ước tính hú họa » về ý đồ của Trung Quốc và đã thổi phồng hiểm họa sức mạnh hạt nhân của nước này.
Trung Quốc « kịch liệt phản đối » bản báo cáo của Hoa Kỳ, khẳng định nước này vẫn « duy trì nguồn lực hạt nhân ở mức tối thiểu theo như yêu cầu về an ninh quốc gia đặt ra ». Bắc Kinh kêu gọi Hoa Kỳ hãy « từ bỏ tư tưởng Chiến Tranh Lạnh ».
Tuy nhiên phản đối mạnh nhất có lẽ là đến từ phía Nga. Bộ Ngoại giao nước này, trong một thông cáo, đã lên án « tính chất hiếu chiến » và « chống Nga » trong chính sách hạt nhân mới của Mỹ. Thông cáo ghi : « Ngay khi đọc, tính chất hiếu chiến và bài Nga đã đập vào mắt ».
Bộ Ngoại Giao Nga tỏ « thất vọng sâu sắc » về diễn tiến mới này, và cam kết sẽ có phản ứng để đối phó với những chương trình hạt nhân mới của Mỹ. Đồng thời, Matxcơva chỉ trích các cáo buộc của Mỹ trong báo cáo là « nực cười », « vô căn cứ », xem đấy như là « một ý đồ bất công nhằm đổ vấy trách nhiệm của mình lên người khác ».
Bộ Ngoại Giao Nga cho rằng « tình hình an ninh thế giới và khu vực xuống cấp và tình trạng mất cân đối của các cơ chế kiểm soát vũ khí là kết quả của một chuỗi hành động vô trách nhiệm từ chính bản thân Hoa Kỳ ».
AFP nhắc lại, trong báo cáo mang tên « Vị thế hạt nhân », Lầu Năm Góc cho biết muốn được trang bị các loại vũ khí hạt nhân mới có tầm hoạt động thấp, đồng thời đưa ra các đánh giá về những hiểm họa hạt nhân đối với Mỹ trong những thập niên tới đây.
Phần lớn nội dung bản báo cáo chủ yếu nhắm vào Nga trước thái độ quyết tâm chạy đua vũ trang trở lại, nhưng tài liệu này cũng nhắc đến sự thiếu minh bạch về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Với tuyên bố mới này, giấc mơ một hành tinh không có hạt nhân của cựu tổng thống Obama coi như tan thành mây khói. Vì sao có sự chuyển hướng như vậy ? Chuyên gia Corentin Brustlein, phụ trách Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp trên đài RFI giải thích :
« Khởi nguồn của vị thế hạt nhân mới này bắt đầu từ sự ghi nhận một tình trạng xuống cấp thêm thảm hoàn cảnh chiến lược từ năm 2014. Hoa Kỳ nhận thấy không thể tiếp tục giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược của mình nữa do tình hình căng thẳng với các cường quốc, nhất là với Nga và Trung Quốc đang nổi lên trở lại và nhất là do sự trỗi dậy của các đối thủ hạt nhân khu vực như Bắc Triều Tiên chẳng hạn. Chính xu hướng thay đổi này giải thích vị thế mới của Mỹ, khác hẳn với tinh thần lập trường trước đây được Obama thiết lập vào năm 2010 ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180204-trung-quoc-va-nga-gian-du-chi-trich-chinh-sach-hat-nhan-moi-cua-my