Tin khắp nơi – 03/12/2018
Mỹ-Trung: Trump cho Tập thêm thời gian
hay TQ đang thắng?
Sau hàng tháng trời đe dọa và ‘ăn miếng trả miếng’ lẫn nhau, một ‘món quà Giáng sinh’ đúng nghĩa đã xuất hiện khi cả Mỹ và Trung Quốc thống nhất tạm dừng áp thuế quan.
Hành động nối lại tình hữu nghị này giữa Mỹ và Trung Quốc mang đến ‘thoáng chốc thư giãn’ cho cả thị trường và các nhà đầu tư.
Thị trường cổ phiếu tại Châu Á được kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn do lo ngại của các nhà đầu tư về chiến tranh thương mại vào thời điểm bắt đầu của năm 2019, sẽ dần ‘tan đi’.
Trump và Tập đồng ý tạm đình chỉ thuế quan mới
Chiến tranh thương mại: Ván bài lớn tại G20
Mỹ đưa mức thuế trả đũa của Nga lên WTO
Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc áp thuế mới
Và bạn cũng không nên ngạc nhiên bởi điều này.
Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được coi là một yếu tố rủi ro rất lớn với các nhà đầu tư trong năm nay, vì nó ảnh hưởng và đe dọa đến dự báo kinh tế của rất nhiều các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Mặc cho những lời dự đoán đầy ảm đạm về bữa tối có lẽ được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, bao gồm từ cả tôi, mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình dường như là một yếu tố gắn kết để cả hai phía Mỹ và Trung Quốc đồng ý với những thỏa thuận mà có vẻ như quan điểm trước đây của hai bên hoàn toàn đối lập.
Nhưng luôn là vậy, không có quá nhiều chi tiết được nhắc đến trong thỏa thuận.
Vì vậy, hãy cùng phân tích một cách chi tiết hơn về thỏa thuận này.
Một thỏa thuận tốt cho cả hai?
Cả tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) lẫn đài truyền hình quốc tế CGTN đều nói rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý việc tạm dừng áp thuê mới từ ngày 1/1/2019.
Chủ tịch Tập đã phải ‘vật lộn’ đối phó với nền kinh tế đang ngày càng ‘chậm đi’ tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng ông Tập đang chịu áp lực lớn phải trở về nước với một số thỏa thuận mà không gây ra thêm ‘đau đớn’ nào cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Một vài bằng chứng cho thấy các công ty Trung Quốc đang dần gánh chịu ‘nỗi đau’ từ cuộc chiến thương mại, nhưng hiện tại, ở mức 10% thì họ vẫn có thể quản lý được.
Chiến tranh thương mại: TQ còn nhiều nhức nhối
TQ đáp trả Mỹ bằng biểu thuế quan mới
Tuy nhiên mức tăng 25% sẽ thay đổi hoàn toàn mọi thứ.
Tương tự như phía chính quyền Tổng thống Trump.
Các nhóm vận động hành lang đã gây sức ép cho ông Trump gạt qua mối bất hòa với Trung Quốc và chỉ ra rằng mức thuế cao hơn đồng nghĩa cũng sẽ dẫn đến mức giá cao hơn cho các nhà sản xuất Mỹ, từ đó cũng sẽ dẫn đến mức giá cao hơn cho những người tiêu dùng Mỹ.
Trước đây, ông Trump thường gạt qua những mối bận tâm trên, nhưng thỏa thuận lần này sẽ giúp ông trông ‘mạnh mẽ’ hơn khi quay lại Mỹ, đồng thời cũng cho phép nhiều công ty Mỹ có thêm thời gian để tìm hiểu xem cần phải làm gì nếu như những bộ thuế quan tiếp theo đi vào hiệu lực.
Mỹ thu về những gì?
Phía Mỹ hóa ra lại có được những lợi thế tốt hơn trong thỏa thuận này.
Tổng thống Trump đã thuyết phục được phía Trung Quốc thảo luận về những vấn đề mà chính quyền ông đang gặp phải với cách thức kinh doanh của Trung Quốc và một thỏa thuận khiến phía Trung Quốc phải mua một ‘số lượng lớn’ những sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp từ phía Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ còn đạt được thỏa thuận trong thương vụ Qualcomm mua lại nhà sản xuất chip NXP, ‘một nạn nhân’ của chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Tập nói ông tương đối ‘cởi mở’ trong việc phê chuẩn thương vụ này, sau khi Bắc Kinh đã từng không duyệt chấp thuận việc sát nhập này hồi đầu năm.
Tổng thống Trump cũng ca ngợi Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên – một phần quan trọng trong mối quan hệ của ông với Chủ tịch Tập, và rằng cả hai sẽ làm việc để hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.
Nhưng phía Trung Quốc cũng đảm bảo ‘ngôn từ’ trong thỏa thuận lần này là mơ hồ và không ràng buộc, tức không rõ Trung Quốc sẽ ‘mở cửa’ đến đâu và sẽ mua bao nhiêu sản phẩm từ phía Mỹ.
TQ cảnh báo về chế tài trừng phạt của Mỹ
TQ đáp trả Mỹ bằng biểu thuế quan mới
Thời điểm tiến hành
Đây là một phần quan trọng trong thỏa thuận.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều đồng ý bất đầu thương lượng ngay lập tức về những thay đổi liên quan đến chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, tấn công và xâm nhập không gian mạng, dịch vụ và nông nghiệp trong vòng 90 ngày tới.
Nếu như cả hai không đạt được thỏa thuận, mức thuế quan 10% sẽ tăng lên mức 25%.
Hạn chót này sẽ vượt qua kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc, và về cơ bản cả hai sẽ có thêm thời gian.
Mỹ muốn Trung Quốc từ bỏ việc chuyển giao công nghệ và giúp các công ty Mỹ tiếp cận được nhiều hơn với thị trường Trung Quốc.
Nhưng mọi thứ đang dần thay đổi ở Bắc Kinh, theo một bài xã luận trong Global Times.
Trong số ra ngày hôm nay, bình luận về thỏa thuận tạm dừng áp thuế giữa ông Tập và ông Trump, báo này có nói:
“Bất kỳ quyết định nào có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc thì luôn đúng”.
Có lẽ thỏa thuận lần này cũng rất đáng để phía Trung Quốc phải ‘hy sinh’.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc ‘hy sinh’ bao nhiêu sẽ là chìa khóa quan trọng cho thỏa thuận tạm dừng thuế quan lần này, và quyết định thỏa thuận này sẽ chỉ là tạm thời hay lâu dài cho mối quan hệ Mỹ-Trung.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46429701
Những điểm then chốt
trong cuộc hội đàm Trump-Tập tại Argentina
Cuộc chiến thương mại là vấn đề chính trong bữa tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, có những điểm quan trọng khác trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Trung ở Buenos Aires.
Vấn đề căng thẳng thương mại đã khả quan hơn sau cuộc hội đàm. Cả 2 quốc gia nhất trí không có thêm thuế quan nào được áp dụng vào ngày 1/1/2019.
Theo nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, cuộc đàm phán ngày 1/12 diễn ra trong không khí “thân thiện và thẳng thắn”.
Tổng thống Trump đã đồng ý giữ lại các mức thuế hiện tại trị giá 200 tỷ đô la Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, với thuế suất 10% thay vì tăng lên 25%.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết cả hai bên sẽ lập tức bắt đầu đàm phán một loạt vấn đề kể cả chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan và tấn công mạng.
Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày, Hoa Kỳ sẽ tăng thuế lên 25%.
Vấn đề Đài Loan
Trước đây, Hoa Kỳ đã thừa nhận vị thế của Trung Quốc nhưng không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Phía Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và xem hòn đảo là một lợi ích cốt lõi.
Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ không ủng hộ lực lượng hải quân của hòn đảo và cắt đứt các trao đổi quân sự với Đài Loan.
Việc thiếu vắng một tuyên bố rõ ràng từ phía Mỹ về chính sách “một Trung Quốc” có thể cho thấy đây có thể tiếp tục là một nguồn căng thẳng trong tương lai giữa hai cường quốc.
Trung Quốc sẽ mua nhiều hàng hóa của Mỹ, nhưng bao nhiêu?
Ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ mua hàng hóa của Mỹ dựa theo nhu cầu thị trường để giảm bớt mất cân bằng thương mại với Washington.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Trung Quốc sẽ mua nông sản, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ.
Tiếp cận thị trường nhiều hơn với các công ty Mỹ
Ông Vương nói Trung Quốc sẽ mở rộng tiếp cận thị trường với các công ty Mỹ và thực hiện các bước để giải quyết những mối quan tâm chính đáng của các công ty Mỹ.
Ông Tập cho biết đã phê duyệt thỏa thuận Qualcomm-NXP khi tài liệu được trình lên ông một lần nữa, theo Nhà Trắng.
Trước đó, nhà sản xuất chip của Mỹ, Qualcomm đã phải từ bỏ việc mua lại công ty bán dẫn NXP Semiconductors với giá 44 tỷ USD vì không được sự chấp thuận từ các nhà quản lý ở Bắc Kinh.
Trung Quốc tham gia chiến tranh opioid
Opioid tổng hợp dưới dạng fentanyl là một trong những vấn đề được thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Trung Quốc cho biết sẽ chỉ định fentanyl là một chất được kiểm soát. Trước đó, Hoa Kỳ cho biết những nỗ lực ngăn chặn dòng chảy của các loại opioid tổng hợp từ Trung Quốc đang bị cản trở bởi các quy định không đầy đủ của Trung Quốc về sản xuất dược phẩm và hóa chất.
Hỗ trợ cho cuộc họp Triều Tiên
Trung Quốc ủng hộ cuộc họp sắp tới giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Vương cho biết Trung Quốc hy vọng Mỹ và Triều Tiên có thể mang lại lợi ích cho nhau, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp với Bắc Kinh đối với vấn đề Triều Tiên.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập và lãnh đạo Kim sẽ cùng làm việc vì một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân.
Thương mại Mỹ-Trung: đình chiến
nhưng chưa giải quyết rốt ráo xung đột
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Trung Quốc đã đồng ý “giảm và loại bỏ” thuế đánh trên xe hơi sản xuất tại Hoa Kỳ, hiện ở mức 40%, giữa lúc cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước đang bắt đầu lấy đà, mang tin vui đến cho các thị trường.
Ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thỏa thuận hoãn áp dụng các mức thuế mới trong các cuộc đàm phán ở Argentina hôm thứ Bảy, tuyên bố ‘ngưng chiến’ sau nhiều tháng căng thẳng leo thang về thương mại và nhiều vấn đề khác.
Trong một cuộc họp kéo dài hai tiếng rưỡi, Hoa Kỳ đồng ý không tăng thuế quan cao hơn (từ 10% lên 25%) vào ngày 1/1/2019, trong khi Trung Quốc đồng ý sẽ lập tức mua thêm nông sản của các nông dân Mỹ.
Hai bên còn đồng ý khởi sự thảo luận về cách giải quyết các vấn đề quan tâm, kể cả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các rào cản thương mại phi thuế quan và vấn đề tin tặc, đánh cắp thông tin trên mạng.
Tuy nhiên Toà Bạch Ốc nói thuế xuất 10% hiện tại đánh trên 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc sẽ được nâng lên tới 25% nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày, và như vậy một lần nữa, phía Mỹ lại đặt ra một hạn chót mới cho hai bên giải quyết tranh chấp.
Đêm chủ nhật 2/12, Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Trung Quốc đã đồng ý giảm và loại bỏ thuế quan đánh trên ô tô Mỹ nhập vào Trung Quốc hiện đang ở mức 40%”. Ông không đưa ra thêm chi tiết nào khác.
Giới hữu quan Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận về tin này, được coi là tin vui cho các nhà sản xuất ô tô gồm tập đoàn Tesla và BMW sản xuất tại Hoa Kỳ để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ..
Cả hai quốc gia đều không đề cập đến các mức thuế đánh trên xe hơi trong thông tin chính thức của mỗi nước sau cuộc họp Trump-Tập.
Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lặp lại những phát biểu của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Vương Nghị, hôm thứ Bảy nói rằng “mục tiêu cuối cùng là tháo gỡ tất cả các loại thuế quan”.
Ông Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo thường ngày:
“Sự đồng thuận mà các nhà lãnh đạo hai nước đạt được là ngăn chặn việc áp dụng các thuế quan mới. Đồng thời các nhà lãnh đạo hai bên còn chỉ thị các ê-kíp kinh tế của mỗi bên đẩy mạnh đàm phán để loại bỏ tất cả các sắc thuế đã được áp đặt.”
Cổ phiếu của Trung Quốc, hàng hóa và đồng nhân dân tệ đều tăng giá bất chấp những sự bất định liên quan tới thỏa thuận ‘ngưng chiến’.
Chỉ số hỗn hợp trên thị trường Thượng Hải tăng 2,6%, đạt 2,654,80 điểm vào lúc đóng cửa, và chỉ số blue-chip CSI300 tăng 2,8%. Cả hai đều ghi nhận mức tăng hàng ngày tốt nhất tính từ ngày 2 tháng 11 vừa rồi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc, tạm ngưng leo thang chiến tranh thương mại chỉ có tính cách tạm thời, mua thêm một ít thời gian để tiếp tục tranh cãi về những bất đồng sâu sắc về thương mại và chính sách. Họ cảnh báo rằng bất chấp mọi sự, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ nhiệt do nhu cầu nội địa tiếp tục suy yếu.
“Đây không phải là thỏa thuận “ngừng bắn”, mà chỉ là một sự xuống thang. Các mức thuế hiện hành vẫn tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, những sắc thuế đó vẫn còn đó.”
Paul Kitney, chiến lược gia chính tại Daiwa Capital Markets ở Hồng Kông
Ông Paul Kitney, chiến lược gia chính tại Daiwa Capital Markets ở Hồng Kông, nhận định:
“Đây không phải là thỏa thuận ” ngừng bắn”, mà chỉ là một sự xuống thang. Các mức thuế hiện hành vẫn đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, những sắc thuế đó vẫn còn đó.”
Hoạt động công nghiệp Trung Quốc đã tăng nhẹ trong tháng 11, theo kết quả một cuộc khảo sát riêng tư hôm thứ Hai, mặc dù các đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn tiếp tục suy giảm trong thêm một cú giáng xuống một lĩnh vực vốn đã bị tổn thương vì xung đột thương mại Trung-Mỹ.
Tờ Hoàn cầu Thời Báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát hành, cảnh báo mọi người nên có những kỳ vọng thực tế.
Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng khuyến cáo nên thận trọng:
Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, William Zarit, nói rằng kết quả của cuộc họp là “khả quan ở chừng mực chúng ta mong đợi”, xét các vấn đề phức tạp liên quan, tuy nhiên, ông lưu ý:
“Có lẽ vấn đề khó khăn nhất để giải quyết – các chính sách kinh tế phân biệt đối xử của Trung Quốc dựa trên sự hỗ trợ của nhà nước và bảo hộ thị trường nội địa – cần được giải quyết để có một sân chơi công bằng hầu có thể duy trì mối quan hệ thương mại bền vững dựa trên sự công bằng và có qua có lại.”
Một quan chức cấp cao của CNOOC, tập đoàn năng lượng khổng lồ Trung Quốc, nói với Reuters:
“Chính sách của ông Trump khó đoán tới mức các công ty Trung Quốc tỏ ra vô cùng thận trọng khi mua hàng hóa Mỹ dù là có hay không có thuế quan. Các rủi ro quá lớn và các công ty ngày càng tỏ ra ít chấp nhận rủi ro hơn”.
Ông dự kiến Hoa Kỳ sẽ lại tăng thuế quan trở lại sau 90 ngày, bất chấp những cố gắng và thiện chí của Bắc Kinh.
Trump : Trung Quốc sẽ hạ thuế đánh vào xe hơi Mỹ
Chứng khoán quốc tế và đặc biệt là cổ phiếu các tập đoàn xe hơi ngày 03/12/2018 tăng mạnh sau khi Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận tạm thời về thương mại.
Trên đường từ Achentina trở về Mỹ, tổng thống Donald Trump qua Twitter thông báo Trung Quốc đồng ý “giảm nhẹ và bãi bỏ” mức thuế 40% đánh vào xe hơi. Theo hãng tin Pháp AFP, nguyên thủ Mỹ không đi sâu vào chi tiết, còn Bắc Kinh chưa xác nhận tin trên.
Dù vậy tin nhắn trên Twitter của tổng thống Donald Trump đã đẩy giá cổ phiếu của nhiều hãng xe quốc tế trong phiên giao dịch hôm nay lên cao. BMW tăng 6,5%. Daimler của Đức tăng gần 7%.
Tháng 7/2018, Trung Quốc đã hạ mức thuế nhập khẩu đánh vào xe hơi Mỹ đang từ 25% xuống còn 15%, nhưng ngay sau đó, đọ sức thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã leo thang. Để trả đũa, Trung Quốc tăng mức thuế này lên thành 40%, gây khó khăn cho nhiều hãng xe Mỹ, bởi lẽ Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới hiện nay.
Không chỉ có lĩnh vực xe hơi, chỉ số chứng khoán từ Á sang Âu vào trưa ngày 03/12/2018 tăng giá với tin Mỹ-Trung đình chiến thương mại. CAC 40 của Pháp, Dax của Đức hay FTSE của Anh đều tăng trung bình trên dưới 2% . Tại Châu Á, thị trường Thượng Hải và Hồng Kông tăng 2,5%, Tokyo hơn 1%.
Báo chí Bắc Kinh hoan nghênh cuộc hưu chiến
Tại Bắc Kinh, giới truyền thông đồng loạt đánh giá thỏa thuận ông Tập Cận Bình vừa đạt được với Donald Trump bên lề thượng đỉnh G20 Achentina là một “bước tiến quan trọng”. Đôi bên tạm ngưng các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và nhất là phía Washington hoãn áp thuế 25% lên 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.
Hoàn Cầu Thời Báo nói đến một bước tiến “quan trọng” mở đường cho việc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới “giao thương một cách công bằng (…). Phái đoàn đàm phán của đôi bên sẽ nhanh chóng đạt được nhiều thỏa thuận nhất, trong thời gian ngắn nhất để thúc đẩy hợp tác Mỹ-Trung”. Nhưng tờ báo này trong bài xã luận lưu ý công luận : “Chớ quên rằng đàm phán với Mỹ có thể có những biến động”.
Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhận xét, tại cuộc họp ở Buenos Aires vừa qua, đôi bên đã tìm thấy được một “đồng thuận quan trọng” chứng tỏ Trung Quốc và Mỹ, “vì lợi ích chung đã vượt lên trên những bất đồng”.
Giới chuyên gia thận trọng
Dù vậy theo các chuyên gia, bước đột phá trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung vừa đạt được không đem lại “phép lạ”.
Paul Kitney thuộc cơ quan tư vấn Daiwa – Hồng Kông, trả lời hãng tin Reuters cho rằng, còn quá sớm để nói đến một “hiệp định đình chiến. Đôi bên mới chỉ đồng ý xuống thang. Các biện pháp áp thuế đã ban hành vẫn tồn tại và đang tác động đến kinh tế Trung Quốc”.
Một chuyên gia khác được Reuters trích dẫn nhận xét, “90 ngày là thời gian quá ngắn để san bằng những bất đồng”. Chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc William Zarit cũng nhìn nhận, đường còn dài để hai nước tiến tới một mô hình mậu dịch “công bằng và có qua có lại”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181203-trump-khang-dinh-trung-quoc-se-ha-thue-danh-vao-xe-hoi-my
Mỹ sẽ hạn chế việc nhận du học sinh Trung Quốc
vì sợ gián điệp
Chính quyền Donald Trump đang xem xét khả năng kiểm tra lý lịch kỹ hơn và ban hành nhiều hạn chế khác đối với sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ, trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về tình trạng gián điệp gia tăng. Tuy nhiên, trong bài phân tích ngày 29/11/2018 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã nêu lên phản ứng bất đồng tình của nhiều trường đại học Mỹ, đang sợ bị thất thu về mặt tài chánh, nếu lượng du học sinh Trung Quốc sụt giảm.
Vấn đề Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ bằng nhiều cách đã đặc biệt nổi cộm trong quan hệ Mỹ-Trung từ ngày tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến tranh thương mại chống Bắc Kinh. Chính quyền Mỹ một mặt yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi ăn cắp, mặt khác đã tung ra một loạt những biện pháp ngăn chặn, trong đó có việc phòng chống các hình thức gián điệp công nghiệp.
Biện pháp cụ thể nhất đã được bộ Ngoại Giao Mỹ ban hành vào tháng 6 vừa qua, rút ngắn thời hạn visa từ tối đa 5 năm xuống còn một năm đối với các sinh viên sau đại học Trung Quốc đang theo học ngành hàng không, nghiên cứu robot và sản xuất công nghệ cao. Theo các quan chức Mỹ, biện pháp này nhằm hạn chế nguy cơ gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ trong các lĩnh vực thiết yếu cho an ninh quốc gia.
Điều tra thêm về lý lịch du học sinh Trung Quốc
Bên cạnh đó, chính quyền Donald Trump cũng đang cân nhắc một biện pháp khác là rà soát kỹ lưỡng lý lịch các sinh viên Trung Quốc qua Mỹ du học.
Một quan chức Mỹ cùng với ba nguồn tin từ Quốc Hội và giới đại học Mỹ đã tiết lộ với hãng Reuters rằng chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng kiểm tra thêm về nhân thân sinh viên Trung Quốc ngay từ trước khi họ đến Mỹ. Công việc cần làm bao gồm việc kiểm tra lịch sử các cuộc gọi trên điện thoại, rà soát các tài khoản mạng xã hội và các mối quan hệ của các sinh viên với các cơ quan chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu là nhằm phát hiện bất cứ manh mối khả nghi nào về mục đích tới Mỹ của sinh viên đó.
Theo một quan chức Mỹ cao cấp, chính quyền Mỹ còn dự kiến đào tạo các giới chức ngành giáo dục về cách thức phát hiện các hành vi gián điệp và tin tặc.
Một quan chức cấp cao của Mỹ giải thích : “Mọi sinh viên mà chính phủ Trung Quốc cử đi đều phải trải qua quá trình phê duyệt của đảng và chính phủ. Người đó có thể không tới Mỹ vì mục đích gián điệp như theo định nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc nào đến Mỹ đều có ràng buộc với chính phủ”.
Nhà Trắng từ chối bình luận về việc xem xét những biện pháp hạn chế. Khi được hỏi về những kiểm tra bổ sung nào đang được xem xét, một quan chức Bộ Ngoại Giao cho biết là cần phải “bảo đảm sao cho những người được cấp thị thực vào Mỹ đủ tiêu chuẩn và không đặt ra bất kỳ rủi ro nào cho quyền lợi quốc gia”.
Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần tố cáo Washington là đã phóng đại vấn đề vì lý do chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng các cáo buộc là vô căn cứ và “cực kỳ khiếm nhã”. Ông nhận định : “Tại sao mọi người lại cáo buộc họ là gián điệp ? Tôi nghĩ rằng điều này vô cùng bất công với các sinh viên”.
Việc tăng cường kiểm tra các sinh viên Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm đối phó với việc Bắc Kinh bị cho là đã sử dụng những phương thức bất hợp pháp để đạt được tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang trong cuộc chiến thương mại và ngày càng mâu thuẫn về các vấn đề kinh tế cũng như ngoại giao.
Đại học Mỹ sợ bị mất nguồn thu nhập từ sinh viên Trung Quốc
Vấn đề đối với Mỹ, theo Reuters, là làm sao dung hòa được các yêu cầu khác nhau : Vừa ngăn chặn nguy cơ gián điệp, vừa không làm mất đi những sinh viên tài năng. Ngoài ra, việc giảm số lượng sinh viên Trung Quốc có thể sẽ làm tổn hại tới tài chính của các trường đại học hoặc kìm hãm sự đổi mới công nghệ.
Vấn đề thất thu tài chánh chính là điều mà các trường đại học Mỹ sợ nhất, từ các đại học nổi tiếng như Harvard, Yale và Princeton (thuộc Liên Đoàn Ivy – Ivy League), cho đến các trường được nhà nước tài trợ như Đại Học Illinois ở Urbana-Champaign.
Những trường này đã dành phần lớn năm 2018 để vận động hành lang chống lại những gì bị họ cho là nỗ lực rộng lớn của chính quyền Mỹ nhằm hạn chế lượng sinh viên Trung Quốc thông qua việc điều chỉnh chế độ thị thực vào mùa hè vừa qua. Họ sợ rằng sắp tới đây sẽ có thêm nhiều hạn chế hơn nữa.
Mối quan tâm của họ là thu nhập khoảng 14 tỷ đô la, phần lớn là tiền học phí và các loại phí khác, hàng năm đến từ số lượng 360.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường ở Hoa Kỳ. Phần thu nhập này có thể bị giảm đi nếu các sinh viên đó bỏ Mỹ qua học ở nước khác.
Nhiều trường đại học lớn thuộc Ivy League và các trường đại học nghiên cứu hàng đầu khác, như Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) và Đại Học Stanford, đã lo lắng đến nỗi họ thường xuyên chia sẻ với nhau chiến lược ngăn nỗ lực hạn chế du học sinh của chính quyền.
Chỉ hạn chế, nhưng không cấm hoàn toàn
Đối với chính quyền Mỹ, họ hoàn toàn có lý do để thẩm tra kỹ lưỡng hơn số du học sinh Trung Quốc vào Mỹ, viện dẫn một số trường hợp gián điệp hay bị cho là gián điệp được công khai tiết lộ gần đây, liên quan tới các cựu sinh viên của Đại Học Louisiana và Đại học Duke cùng với Viện Công Nghệ Illinois ở Chicago.
Trong một cuộc điều trần gần đây tại Thượng Viện Hoa Kỳ, giám đốc FBI Christopher Wray đã xác nhận việc nhân viên FBI đã phát hiện được “những kẻ thu thập thông tin tình báo truyền thống, đặc biệt trong môi trường đại học”.
Theo một thông tin trên nhật báo Anh The Financial Times, được Reuters xác nhận, cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller từng đề xuất việc cấm visa du học đối với tất cả các công dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin được Reuters trích dẫn, các biện pháp mới sẽ không dự trù việc cấm hoàn toàn sinh viên Trung Quốc.
Một nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết là ông Terry Branstad, cựu thống đốc bang Iowa, hiện là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đã thuyết phục được tổng thống Trump bác bỏ ý tưởng của ông Miller nhân một cuộc họp tại Phòng Bầu Dục vào mùa xuân vừa qua. Ông Branstad lập luận rằng lệnh cấm sẽ tác hại đến các trường đại học trên toàn nước Mỹ, chứ không chỉ riêng các trường đại học ưu tú mà nhiều người trong đảng Cộng Hòa xem là quá tự do.
Dân biểu người Mỹ gốc Hoa Triệu Mỹ Tâm (Judy Chu), bang California, cảnh báo là chính quyền Mỹ có nguy cơ phản ứng quá đáng. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, vị dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ này, đồng thời là chủ tịch Hội Nghị Sĩ Châu Á Thái Bình Dương (Congressional Asian Pacific American Caucus), xác nhận : “Những mối quan ngại cho vấn đề an ninh quốc gia cần phải được chú ý một cách nghiêm túc, nhưng tôi hết sức lo ngại trước việc đồng hóa các sinh viên và giáo sư Trung Quốc tại Mỹ với các gián điệp, và dùng họ làm bung xung”.
Ngành Đại Học Mỹ gây sức ép chống lại việc hạn chế
Theo giới vận động hành lang, quan chức đại học và trợ lý Quốc Hội, các trường đại học Mỹ đã tung ra một chiến dịch lobby gây áp lực, tập trung vào Nhà Trắng, Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Mỹ. đồng thời đã tổ chức nhiều cuộc họp với FBI.
Ông Terry Hartle, phó chủ tịch cấp cao của Hội Đồng Giáo Dục Hoa Kỳ (American Council on Education), đã lên tiếng cảnh báo rằng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ có nguy cơ trở thành “con tốt” trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chủ tịch MIT L. Rafael Reif, và Andrew Hamilton, chủ tịch Đại Học New York, nằm trong nhóm các quan chức đại học hàng đầu, trong thời gian gần đây đã công bố những ý kiến về cách giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng đến từ các sinh viên Trung Quốc.
Theo ông Reif, các cơ sở giáo dục công nhận rằng gián điệp là một mối đe dọa, nhưng bất kỳ chính sách mới nào cũng cần phải “bảo vệ giá trị của sự cởi mở đã giúp các trường đại học Mỹ trở thành nguồn khám phá và trung tâm sáng kiến”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181203-my-se-han-che-viec-nhan-du-hoc-sinh-trung-quoc-vi-so-gian-diep
Tổng thống Trump: cuộc họp tiếp theo
với chủ tịch Bắc Hàn sẽ vào đầu năm 2019
Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Bảy (1 tháng 12), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết có khả năng ông sẽ gặp gỡ Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau, cũng như đang xem xét ba địa điểm tổ chức cho cuộc họp thứ hai này.
Trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, Tổng thống Trump cho biết, giữa ông và Chủ tịch Kim Jong Un đang có một mối quan hệ tốt, đồng thời cho biết thêm rằng tổng thống sẽ mời Chủ tịch Kim đến Hoa Kỳ vào một thời điểm nào đó. Hồi tháng Sáu năm nay, tại cuộc gặp mặt chưa từng có tiền lệ ở Singapore, Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã cam kết về việc tổ chức một cuộc họp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo.
Vào hôm thứ Bảy, sau cuộc họp của giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, Washington cho biết trong một tuyên bố rằng, Hoa Kỳ và Trung Cộng, cùng với Chủ tịch Kim Jong Un sẽ cố gắng để phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên.
Vào tháng trước, Phó tổng thống Mike Pence cho biết Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy một kế hoạch cụ thể nhằm phác thảo những hành động của Bình Nhưỡng nhằm chấm dứt các chương trình vũ khí nguyên tử. Ông Pence cũng nói với NBC News vào tháng trước, rằng Hoa Kỳ sẽ không yêu cầu Bình Nhưỡng cung cấp danh sách đầy đủ các vũ khí nguyên tử và địa điểm trước cuộc họp lần thứ hai sắp tới, nhưng cuộc họp phải đưa ra được một kế hoạch cụ thể. Phó tổng thống cũng cho biết việc duy trì các lệnh trừng phạt quốc tế ở Bắc Hàn, cho đến khi hoàn thành việc phi nguyên tử hóa, là cần thiết.
Đáp lại sự từ chối của Washington trong việc giảm bớt sự trừng phạt, Bắc Hàn đã thể hiện sự tức giận và cảnh báo rằng họ có thể tiếp tục quay trở lại phát triển chương trình nguyên tử nếu Hoa Kỳ không nới lỏng các lệnh trừng phạt này. (Mộc Miên)
George HW Bush:
Điều gì khiến TT chỉ được một nhiệm kỳ?
Jon KellyBBC News
Cố Tổng thống George HW Bush là tổng thống Mỹ cuối cùng thất bại trong chiến dịch tái tranh cử. Những tổng thống một nhiệm kỳ có chung đặc điểm gì?
George Herbert Walker Bush là một người hùng chiến tranh, một nghị sĩ, một đại sứ, người đứng đầu CIA, cánh tay thứ hai của Tổng thống Ronald Reagan và, giữa năm 1989 và 1993, là người đàn ông quyền lực nhất trên thế giới.
Thế nhưng ông cũng có một điểm ít sáng chói hơn – thành viên của nhóm nhỏ những vị tổng thống Hoa Kỳ bị thất bại khi tái tranh cử.
Kể từ năm 1933 đến nay, chỉ có ba vị tổng thống là Bush, Jimmy Carter và Gerald Ford bị đánh bại trong lúc đang cư ngụ tại Nhà Trắng.
Tất cả các tổng thống đương nhiệm khác – trong đó có cả con trai của Bush, George Walker Bush, người tại chức từ năm 2000 đến 2008 – đã được dân chúng tiếp tục ủng hộ khi họ đại diện đảng ra ứng cử.
Đó là một điểm có ý nghĩa không nhỏ trong một quốc gia mà các giai đoạn lịch sử được xác định trong trí tưởng của dân chúng bằng vị tổng thống đương thời – từ lời hứa không thực hiện được của John F Kennedy vào đầu thập niên 1960 đến sự hoài nghi và hoang tưởng của những năm Nixon và sự lạc quan mạnh mẽ của của Ronald Reagan trong thập niên 1980.
Đối với cả cử tri lẫn sử gia, việc một tổng thống tại chức bốn hay thời gian tối đa tám năm có giá trị tượng trưng rất lớn.
Donald Trump sẽ bị áp lực để ra ứng một lần nữa và nắm giữ quyền lực trong cuộc bầu cử năm 2020.
Trong một bảng xếp hạng 44 tổng thống của 238 học giả nổi tiếng cho Viện Nghiên cứu Cao đẳng Siena năm 2010, không có tổng thống một nhiệm kỳ nào lọt vào danh sách 10 tổng thống được đánh giá cao nhất.
Vị tổng thống đương nhiệm bị đánh bại trong chiến dịch tái tranh cử John Adams được đánh giá cao nhất ở vị trí thứ 17. Kennedy, ở vị trí 11, bị ám sát một năm trước khi ông có thể tái tranh cử, và James K Polk, vào vị trí 12, đã không muốn tái ứng cử.
Tại sao tổng thống phục vụ hai nhiệm kỳ?
Kể từ Thế chiến Thứ hai, tám vị tổng thống Mỹ đã được bầu để phục vụ nhiệm kỳ thứ hai, trong khi chỉ có ba người đã thất bại trong một cuộc tái tranh cử.
Chức vị tổng thống cung cấp một nền tảng vô song để thu hút thời gian phát sóng, huy động vốn cho chiến dịch tranh cử và đặt chương trình nghị sự cho chính sách.
Tổng thống đương nhiệm thường cũng tránh được khỏi những trận đánh bầm tím của những ứng cử viên cùng đảng – trừ George HW Bush, người đã phải đối mặt với một thách thức lớn cho vị trí đại diện đảng Cộng hòa từ ứng cử viên Pat Buchanan.
Ngoài ra, họ ở trong vị trí hiếm hoi để có thể đưa ra được tuyên bố hấp dẫn – rằng họ biết việc quyết định từ bên trong Văn phòng Bầu dục nó như thế nào.
“Mọi người cảm thấy thoải mái yên tâm hơn khi biết ai sẽ là người lãnh đạo, ngay cả khi họ không thích người đó lắm,” Julian E Zelizer, giáo sư lịch sử và công chúng tại Đại học Princeton nói.
Điều này trong lịch sử hiện đại mang thêm ý nghĩa, sau hai nhiệm kỳ của Barack Obama.
Di sản lịch sử của Obama có vẻ là một yếu tố quan trọng trong việc bầu cử như bất kỳ vấn đề nào khác, đối với cả tổng thống lẫn đối thủ của ông, trước cuộc bầu cử năm 2012.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa Thượng nghị sĩ Mitch McConnell có tuyên bố nổi tiếng vào năm 2010 rằng “ưu tiên số một” của ông là làm cho Obama, đảng Dân chủ, trở thành một “tổng thống một nhiệm kỳ”.
Trong cùng năm đó, Obama nói với Diane Sawyer của ABC News: “Tôi thà là một tổng thống một nhiệm kỳ thực sự tốt, còn hơn là làm một vị tổng thống hai nhiệm kỳ tầm thường.”
Những người ủng hộ Bush, vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ, xếp ông vào hạng đầu tiên mà Obama nói.
Thời gian ông tại chức trùng hợp với sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự nổi tiếng của ông tăng vọt trong sự trỗi dậy của cuộc chiến đầu tiên tại vùng Vịnh.
Tuy nhiên, cuộc suy thoái kinh tế kéo dài trong thời gian ông tại chức khiến ông phải phá vỡ cam kết không tăng thuế, khơi động sự tấn công ác liệt ngay từ bên trong đảng Cộng hòa của mình. Và với Ross Perot, một ứng cử viên bên thứ ba, chia lá phiếu trong cuộc bầu cử năm 1992, những nỗ lực của Bush để tái tranh cử đã bị cản trở bởi một Bill Clinton đầy lôi cuốn.
Larry Sabato, giám đốc Trung tâm Chính trị tại Đại học Virginia, tin rằng Bush là nạn nhân của cả thời cuộc và quy định tổng thống chỉ được phục vụ hai nhiệm kỳ của Hoa Kỳ.
“Margaret Thatcher có thể tận dụng cuộc chiến Falklands để kêu gọi một cuộc bầu cử, nhưng George HW Bush không thể tận dụng Chiến tranh đầu tiên ở vùng Vịnh Ba Tư để làm điều đó”, Sabato nói.
“Nếu ông Bush có thể làm điều đó, ông ta đã thắng.”
Thành quả chính trị của George HW Bush
• 1966: Đắc cử Hạ viện• 1971: Nixon cử ông làm đại sứ Liên Hiệp Quốc• 1974: Trưởng cơ quan mới thành lập ở Bắc Kinh• 1976: TT Ford đề cử ông làm giám đốc CIA• 1981-1989: Phó tổng thống thời TT Ronald Reagan• 1989-1993: Tổng thống Hoa Kỳ; dẫn Hoa Kỳ vào Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên; đối phó với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Khối Đông Âu.
Theo nhận định của Sabato, những tổng thống một nhiệm kỳ gần đây thường là nạn nhân của hoàn cảnh bất lợi hơn là nhược điểm của họ.
Carter kém may mắn phải nhậm chức tại một thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng hỗn loạn trong khi Ford – vị tổng thống đảm nhiệm chức vụ sau vụ Nixon bị truất phế – chỉ có hai năm rưỡi để tạo ra một tác động, Sabato khẳng định.
“Thời cuộc đặt họ vào một vị trí xấu vào thời điểm không thuận lợi,” ông nói.
Tuy nhiên quan điểm của Sabato hoàn toàn bị bác bỏ bởi Robert W Merry, tác giả của cuốn ”Where They Stand: Các tổng thống Mỹ trong con mắt cử tri và sử gia.”
Trong một nền dân chủ, khách hàng – tức là cử tri – thường là đúng, Merry lập luận.
Ông Merry vạch ra rằng chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ – Grover Cleveland, John Quincy Adams – các tổng thống bị thất cử it́ khi được các nhà sử học đánh giá cao hơn so với những cử tri đã từ chối họ.
“Dân Mỹ rất không đa cảm trong phán quyết của họ”, ông nói. “Nếu bạn nhìn lại các tổng thống một nhiệm kỳ, thì sẽ khó phủ nhận thực tế rằng kết qủa việc làm của họ có những thiếu sót nào đó.
“Tổng thống bị đổ lỗi và họ cũng nhận được lời khen. Tôi không thoải mái với suy nghĩ rằng họ là những nạn nhân vô tội của thời cuộc.”
Kết quả là, Merry ít thông cảm với bất kỳ đề nghị nào là Bush đã được đánh giá thấp bởi công chúng Mỹ.
“Tôi nghĩ ông ấy là một người đàn ông tốt, nhưng ông là một vị tổng thống thiếu sáng kiến,” Merry nói. “Ông đáp ứng lại những kích thích đến với mình. Nhưng ông không có một chương trình nghị sự để thay đổi nước Mỹ theo bất kỳ cách nào đặc biệt. “
Chắc chắn, Franklin D Roosevelt, Reagan và Obama tất cả đều thừa hưởng các nền kinh tế đang trong tình trạng thảm khốc và tất cả đều tái đắc cử.
Điều không có gì nghi ngờ là, trong một năm bình thường, một tổng thống đương nhiệm có những lợi thế đáng kể so với một ứng cử viên ngoài trong một cuộc bầu cử ở Mỹ, nhờ vào khả năng hiển thị và uy tín của văn phòng của họ.
Nhưng điều đó đặt ra câu hỏi về sự khác biệt mà nhiệm kỳ thứ hai thực sự tạo ra, trên thực tế, với di sản của tổng thống.
Những tổng thống tái đắc cử, tất nhiên, được giải phóng khỏi nhu cầu phải đối mặt với cử tri một lần nữa, điều này có thể khiến có thêm nhiều tự do. Việc họ đã được dân bầu hai lần có thể tăng cường quyền lực của họ.
Nhưng họ vẫn phải đối mặt với các rào cản thể chế và sự phân chia quyền lực y như trong bốn năm đầu tiên – các cuộc bầu cử giữa kỳ, sự cần thiết phải giành được sự ủng hộ của Quốc hội trong việc làm luật.
Zelizer nói: “Tổng thống có nhiều thời thoải mái hơn để đưa ra quyết định trong nhiệm kỳ thứ hai, nhưng họ bắt đầu mất đi tinh bột”.
“Rất ít người muốn tham gia một công việc trong chính quyền chỉ trong một nhiệm kỳ hai năm. Khó có thể duy trì đà tiến trong thời gian ngắn như thế.”
Vì thế, ông nói, các chính sách xác định của hầu hết mọi tổng thống có xu hướng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của họ.
Theo quan điểm của Sabato, George HW Bush không nên được xem là một tổng thống một nhiệm kỳ mà là tổng thống đã dẫn đầu một triều đại ba nhiệm kỳ.
“Ông ta có một người con phục vụ hai nhiệm kỳ và chỉ việc đó xẩy ra chỉ tám năm sau nhiệm kỳ của ông,” Sabato nói.
“Tôi nghĩ rằng chắc chắn họ xem đó như là một sự biện minh cá nhân của thất bại năm 1992.”
Và với sự không được ưa chuộng lắm của George W Bush khi ông rời chức vụ, có vẻ như nhiều người tin rằng một nhiệm kỳ của Bush cha khiến ông trở thành tổng thống tốt hơn người con trai hai nhiệm kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46422870
‘Phi vụ Đặc biệt 41’ cuối cùng
bằng Air Force One của cố TT Bush
Chuyến bay cuối cùng của cố Tổng thống George H.W. Bush trên chuyên cơ Air Force One được gọi là “Phi vụ Đặc biệt 41.”
Người phát ngôn của cố tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ cho biết như vậy hôm 2/12, theo CNN.
Theo thông lệ, chiếc máy bay được gọi là Air Force One chỉ khi nào tổng thống đương quyền có mặt trên chiếc máy bay đó. Tổng thống Donald Trump sẽ không đi trên chiếc máy bay này, do đó chiếc chuyên cơ đã được đặt tên lại để vinh danh cố Tổng thống Bush trong tuần lễ này.
Người phát ngôn Jim McGrath đăng Twitter: “Air Force One đã đến Houston để thực hiện ‘Phi vụ Đặc biệt 41’ ngày mai [3/12] và thứ Tư. Một ngày đẹp trời ở Texas – ‘độ cao và tầm nhìn không hạn chế,’ thưa Tổng thống.”
Cụm từ “độ cao và tầm nhìn không hạn chế” được sử dụng vào thời của ông Bush trong Hải quân Mỹ.
Vị cố tổng thống có một tấm bảng khắc chữ “CAVU” treo trên tường nhà ông ở Kennebunkport, bang Maine. Năm 2001, trong thư gởi cho những đứa con của ông, ông viết “C-A-V-U là điều kiện thời tiết tốt mà các phi công muốn có khi cất cánh từ hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương – [viết tắt của bốn từ trong tiếng Anh] ‘Ceiling and Visibility Unlimited’, [dịch sát nghĩa là] (độ cao và tầm nhìn không hạn chế)”
Khi gia đình thân quyến của Tổng thống Bush loan tin ông qua đời ở tuổi 94 hôm thứ Sáu (30/11), họ cũng dùng chữ “CAVU.”
Gia quyến sẽ đi cùng linh cữu cố Tổng thống Bush trong “Phi vụ Đặc biệt 41” trên Air Force One, trong đó có các con trai ông là cựu Tổng thống George W. Bush và ông Neil Bush, và cháu chắt – CNN dẫn nguồn tin thân thuộc của gia đình ông.
Một số bạn hữu của gia đình ông cũng sẽ đưa ông đi trên chuyến báy này, trong đó có cựu Ngoại trưởng James Baker và các phụ tá thân cận của ông, trong đó có chánh văn phòng Jean Becker.
Lễ tiễn sẽ được cử hành tại căn cứ quân sự Ellington Field ở Houston và lễ đón sẽ diễn ra tại căn cứ Không quân Andrews ở bang Maryland, ngoại ô thủ đô Washington.
Linh cữu Cố Tổng thống Bush được đưa tời thủ đô Washington trong ngày thứ Hai 3/12 và quàn tại phòng mái vòm của Điện Capitol cho đến sáng thứ Tư 5/12. Lễ tang sẽ được cử hành tại Thánh đường Quốc gia ở Washington. Linh cữu cố Tổng thống Bush sẽ được chuyên cơ “Phi vụ Đặc biệt 41” đưa về lại Houston trong ngày thứ Tư.
Cố Tổng thống Bush sẽ được an táng vào chiều thứ Năm (4/12) tại Thư viện Tổng thống George H.W. Bush ở thành phố Cellege Station, bang Texas, bên cạnh mộ của vợ ông Barbara Bush, và con gái Robin của ông, người đã chết vì bệnh bạch cầu khi còn bé.
(Theo CNN, KSAT 12)
https://www.voatiengviet.com/a/phi-vu-dat-biet-cuoi-cung-bang-air-force-one-cua-tt-bush/4684584.html
Chú chó của cố TT Bush
đồng hành với chủ lần cuối
Chú chó nghiệp vụ đã phục vụ cố Tổng thống George H. W. Bush sẽ đi cùng với chủ lần cuối trên chuyến bay chở linh cữu của ông tới thủ đô Washington, CNN dẫn một nguồn tin am tường kế hoạch cho biết hôm 3/12.
Hình ảnh Sully H.W. Bush, chú chó săn nghiệp vụ giống Labrador, nằm phục bên cạnh linh cữu của Tổng thống Bush cha và được phát ngôn viên của ông, Jim McGrath, đăng lên trang Twitter hôm 2/12 cùng dòng chữ “Nhiệm vụ hoàn thành”, đã gây xúc động cho những người theo dõi tin tức về cố Tổng thống thứ 41 của Mỹ.
Cựu Tổng thống George H.W. Bush qua đời tại nhà riêng ở Houston, bang Texas, vào ngày 1/12.
Sully là chú chó được đào tạo bởi VetDogs, một chương trình huấn luyện chó nghiệp vụ của Mỹ để giúp đỡ cho các cựu chiến binh, các quân nhân và những người thuộc các đơn vị phản ứng nhanh bị khuyết tật.
Sully đã được đưa tới phục vụ ông Bush “cha” vào mùa hè năm nay, sau khi cựu đệ nhất phu nhân Barbara Bush qua đời hồi đầu năm.
Ông Bush đã đặt tên cho Sully theo tên của cựu phi công Chesley B. Sully Sullenberger III, người đã được biết tiếng qua vụ hạ cánh chiếc máy bay dân sự bị hỏng trên sông Hudson và giữ lại sinh mạng cho toàn bộ 155 hành khách và phi hành đoàn vào năm 2009.
Cựu Tổng thống của đảng Cộng hòa đã chào đón “thành viên mới nhất của gia đình” vào cùng ngày ông được người bạn và là đối thủ chính trị một thời của ông, cựu Tổng thống Bill Clinton, đến thăm tại nhà ông ở Kennebunkport, bang Maine.
Căn bệnh Parkinson đã khiến cho Tổng thống Bush cha phải ngồi xe lăn trong những năm cuối đời. Tờ Washington Post cho biết trong số những công việc mà Sully có thể làm giúp cho ông Bush là đi lấy các đồ vật bị rơi, mở và đóng cửa, nhấn nút kêu cứu và hỗ trợ cho ông khi ông đứng lên.
Theo truyền thông Mỹ, danh sách những mệnh lệnh mà Sully có thể thực hiện dài tới hai trang giấy, trong đó có cả việc trả lời điện thoại.
“Nó có thể làm bất cứ điều gì ngoại trừ làm cho bạn một ly rượu martini, nhưng đừng lo, nó có thể đi tìm một người để làm cho bạn một ly martini”, CNN dẫn lời phát ngôn viên McGrath cho biết hồi tháng Sáu.
Sully rất được yêu thích trên truyền thông xã hội. Chú có cả một tài khoản Instagram riêng, với hơn 98.000 người theo dõi tính cho đến ngày 3/12, theo Washington Post.
Sully đã được tổ chức sinh nhật hồi tháng 7 với một cái xương được buộc trong một chiếc nơ màu hồng và đang chuẩn bị mừng Giáng sinh.
Vì là chó nghiệp vụ được huấn luyện cao, nên giờ đây Sully sẽ quay trở lại phục vụ cho các cựu chiến binh khác và sẽ được đưa đến Trung tâm Y tế Quân sự Quốc gia Walter Reed, CNN dẫn lời cựu Tổng thống Bush “con” cho biết trên Instagram.
“Dù gia đình chúng tôi sẽ rất nhớ chú chó này, chúng tôi cảm thấy được an ủi chừng nấy khi biết nó sẽ mang lại niềm vui tương tự cho ngôi nhà mới của mình, Walter Reed, như nó đã mang đến cho Tổng thống thứ 41”, CNN dẫn lời cựu Tổng thống Bush “con” viết.
https://www.voatiengviet.com/a/chu-cho-cua-co-tt-bush-dong-hanh-voi-chu-lan-cuoi/4684632.html
Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Scott Stearney
được phát hiện tử vong
Bahrain – Đài CBS dẫn lời các viên chức cho biết, Phó Đô đốc Scott Stearney, người chỉ huy lực lượng Hải quân Hoa Kỳ ở Trung Đông, được phát hiện tử vong vào hôm thứ Bảy (1 tháng 12) tại căn nhà của ông ở Bahrain. Các viên chức quốc phòng trả lời với CBS News rằng, họ đánh giá cái chết của ông Stearney là một “vụ tự sát.”
Phó Đô đốc Stearney là chỉ huy của Hạm đội 5 thuộc Hải quân Hoa Kỳ tại Bahrain. Theo tuyên bố của lực lượng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Paul Schlise, tức Phó tư lệnh của Hạm đội 5, đã đảm nhận trách nhiệm chỉ huy thay ông Stearney.
Phản ứng trước thông tin về sự ra đi của ông Stearney, Chủ nhiệm Tác chiến Hải quân John Richardson cho biết, “Đây là tin buồn cho gia đình Stearney, cho Hạm đội 5, và cho toàn bộ Hải quân Hoa Kỳ.” Theo ông Richardson, Phó Đô đốc Scott Stearney là một sĩ quan hải quân kỳ cựu. Ông còn là một người chồng và người cha tận tâm, và cũng là một người bạn tốt đối với tất cả mọi người.
Theo thông báo của Hải quân Hoa Kỳ, Cơ quan Điều Tra Tội phạm Hải Quân (NCIS) và Bộ Nội vụ Bahrain hiện đang điều tra cái chết của ông Stearney, tuy nhiên họ không nghĩ rằng phó đô đốc đã bị sát hại.
Đài CBS cho biết, Phó Đô đốc Stearney, là người từ Chicago, ông gia nhập Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1982 sau khi tốt nghiệp Đại học Notre Dame. Vào năm 1984, ông trở thành phi công và đảm nhận việc lái phi cơ FA-18 Hornet trong một số phi đội chiến đấu. Ước tính ông Stearney đã bay hơn 4,500 giờ bay.
Trước khi trở thành Tư lệnh của Hạm đội 5 vào tháng 5 năm 2018, ông Stearney từng đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Tác chiến cho Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ. Hạm đội 5 hoạt động trong vùng vịnh Arabian Gulf, Hồng Hải, Vịnh Oman và Ấn Độ Dương, bao gồm cả những vị trí chiến lược quan trọng của eo biển Hormuz và kênh đào Suez. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/pho-do-doc-hai-quan-hoa-ky-scott-stearney-duoc-phat-hien-tu-vong/
Khu trục hạm tỷ USD Mỹ chuẩn bị tái xuất
sau khi bị tàu dầu “hạ gục”
Sau hơn 1 năm sửa chữa tại Quân cảng Yokosuka, Khu trục hạm USS John S. McCain (DDG-56) của Hải quân Mỹ đã được hạ thủy để chuẩn bị tiến hành các bài thử nghiệm.
Vào sáng sớm ngày 21/8/2017 tại bờ biển phía Đông Singapore, khu trục hạm Aegis USS John S. McCain (DDG-56) lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ đã trải qua một vụ tai nạn nghiêm trọng khi va chạm với một con tàu chở dầu cỡ lớn.
Vụ tai nạn trên cho khiến 10 thủy thủ thương vong, tàu USS John S. McCain bị móp và thủng một lỗ lớn ở bên mạn trái ngay phía dưới các ống phóng tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon.
Rất may nhờ kích thước cũng khá lớn và thiết kế các khoang ngăn nước tràn vào tương đối tốt mà con tàu đã lết về cập cảng Singapore an toàn.
Sau đó chiếc khu trục hạm hiện đại và đắt tiền này của Hải quân Mỹ đã được tàu vận tải cỡ lớn “cõng” về quân cảng Yokosuka của Nhật Bản để tiến hành sửa chữa, công việc dự kiến sẽ phải kéo dài tới khoảng 1 năm.
Các nhân viên kỹ thuật sẽ phải đánh giá lại độ bền của khung thân kể cả tại các vị trí không xảy ra va chạm xem có bị ảnh hưởng đến mức quá lớn phải thay thế hay không, ngoài ra việc tháo dỡ phần kết cấu bị hư hỏng để thay mới cũng tốn khá nhiều thời gian.
Sau hơn 1 năm nằm trên đốc khô, cuối cùng chiếc chiến hạm Aegis đời đầu có giá thành gần 1 tỷ USD này đã được hạ thủy, nó sẽ còn phải trải qua nhiều bài kiểm tra trên biển trong vài tháng nữa trước khi chính thức gia nhập lại đội hình tác chiến.
Trường hợp của khu trục hạm USS John S. McCain mặc dù thiệt hại khá nặng nề nhưng dù sao thì nó vẫn còn may mắn hơn nhiều so với chiếc tàu hộ vệ tên lửa KNM Helge Ingstad thuộc lớp Fridtjof Nansen của Hải quân Na Uy.
Chiếc chiến hạm Aegis của Hải quân Na Uy cũng gặp một vụ đâm va với tàu chở dầu cỡ lớn ngay trong cảng, tuy nhiên do lượng giãn nước cũng như kết cấu của chiếc KNM Helge Ingstad không được như tàu USS John S. McCain mà nó đã gần như bị chìm hoàn toàn dưới nước và xác xuất bị loại biên là cực cao.
Mối lo lắng về cơ sở hạ tầng
sau trận động đất ở Alaska
Anchorage, Alaska – Theo tin từ NBC News, một ngày sau khi vụ động đất mạnh 7 độ Richter xảy ra tại thành phố Anchorage và toàn bộ khu vực nam trung tâm tiểu bang Alaska, các viên chức địa phương cho biết gần như mọi hệ thống đã hoạt động bình thường, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông vẫn bị thiệt hại nặng.
Theo ông Bill Falsey – quản đốc thành phố Anchorage, xa lộ Glenn Highway vẫn đang là mối lo lắng và thách thức lớn nhất, tuyến đường bị phong toả vào thứ Sáu (30 tháng 11) và lưu thông chậm chạp vào trưa thứ Bảy. Trận động đất gây rung chuyển khu vực phía bắc, cách thành phố Anchorage 8 dặm, vào 8 giờ 30 phút sáng thứ Sáu. Ông Falsey cho biết trận động đất gây ra hàng trăm dư chấn nhưng quy tắc xây dựng nhà đã giúp thành phố trụ vững.
Trích dẫn thông tin từ Trung tâm Động đất Alaska trực thuộc Đại học Alaska Fairbanks, ông Falsey cho hay có đến hàng chục dư chấn mạnh hơn 4 độ Richter và có đến 5 dư chấn mạnh 5 độ Richter. Theo ông Falsey, hệ thống điện, nước và liên lạc đã được phục hồi ở một số khu vực chịu ảnh hưởng, tuy nhiên, một số khu vực ở Anchorage và các khu dân cư phía bắc, có khoảng 40 người vẫn thiếu nước sinh hoạt.
Ngoài ra, Công ty ENSTAR Natural Gas cũng nhận được hơn 600 thông báo rò rỉ khí gas kể từ khi động đất xảy ra, hiện công ty này đang tiến hành để giải quyết vấn đề.
Theo đài NBC, viên chức địa phương đã ban hành khuyến cáo phòng ngừa cho các khu dân cư, yêu cầu người dân đun nước trước khi dùng dù chính quyền chưa phát hiện nước bị nhiễm khuẩn.
Trận động đất ở Anchorage là trận động đất mạnh nhất kể từ trận động đất 9.2 độ Richter năm 1964 ở Alaska, đây cũng là trận động đất mạnh thứ hai thế giới. Theo tiên đoán, khu vực Anchorage Bowl có thể có tuyết dày 4 đến 6 inch, vùng đồi núi sẽ có tuyết dày 8 đến 12 inch, và gió lớn có thể gây mất điện. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/moi-lo-lang-ve-co-so-ha-tang-sau-tran-dong-dat-o-alaska/
UN cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu
diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới
Liên Hiệp quốc hôm thứ Hai, ngày 3/12 lên tiếng cảnh báo thế giới về tình trạng biến đổi khí hậu nhanh chóng, vượt quá mức phản ứng của con người.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại buổi khai mạc thượng đỉnh khí hậu của UN tại Ba Lan rằng con người vẫn làm chưa đủ hay nói khác hơn là chưa kịp thời.
Lãnh đạo của gần 200 quốc gia hôm 3/12 tụ họp ở Ba Lan trong hai tuần để thảo luận làm cách nào có thể thực hiện được những mục tiêu được đặt ra trong hiệp định Paris về khí hậu được ký năm 2015 mà theo đó các nước cam kết giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.
Theo Hiệp định Paris, các nước giàu có hơn – vốn cũng là các quốc gia đóng góp nhiều nhất vào việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính – sẽ đóng góp tài chính giúp các nước đang phát triển có thể có được những nền kinh tế thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên với việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút khỏi hiệp định, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thay đổi khí hậu lo ngại sẽ không có đủ tiền để thích ứng với khí hậu toàn cầu nóng lên.
Cũng trong ngày 3/12, Ngân hàng Thế giới cam kết một khoản đầu tư trị giá 200 tỷ đô la cho biến đổi khí hậu từ năm 2021 đến 2025.
G-20 đồng ý tuyên bố chung có điều kiện
Buenos Aries – Sau khi đồng ý với Hoa kỳ loại bỏ từ ngữ về chủ nghĩa bảo hộ, và đồng ý với Trung Cộng loại bỏ từ ngữ kinh doanh không công bằng trong bản tuyên bố chung, nhóm G20 cuối cùng đã thông qua được một bản một tuyên bố chung khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương.
Các tuyên bố đã trở nên quen thuộc nhưng dần dẫn đã trở thành một vấn nạn trong những tháng gần đây với việc chính quyền Trump đặt câu hỏi về các quy tắc cơ bản của các cuộc họp đa phương. Sự thất bại tại Papua New Guinea cũng đã bị lên án mạnh mẽ khi các thành viên của diễn đàn APEC không có tiếng nói chung vì chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung. Để đạt được thoả thuận từ phía Hoa Kỳ, Liên Âu đã phải chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ là loại bỏ các từ ngữ liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ và cải tổ WTO là cần thiết cho kinh tế thế giới.
Vào thứ Sáu (30 tháng 11) vừa qua, các nhà đàm phán châu Âu dự đoán cuộc họp này có thể sẽ không thành công, khi họ thấy cố vấn Jonh Bolton có ý định rút lui khỏi thoả thuận G-20. Sự việc này đã khiến cho phía châu Âu phải cố gắng ngăn chặn việc mà họ nghĩ có thể là bắt đầu của sự sụp đổ của hệ thống thương mại đa quốc gia. Trong cuộc nói chuyện giữa Hoa Kỳ và châu Âu, các nhà đàm phán cố gắng xúc tiến bản dự thảo ghi nhận lợi ích của hệ thống thương mại đa quốc gia.
Đầu giờ sáng thứ Bảy, sau một đêm dài thảo luận, các nhà đàm phán châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Cộng và các thành viên khác của G-20 đã đồng ý với các thoả hiệp. Biên bản thoả hiệp cho rằng thương mại và đầu tư là nền móng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển. Nhưng cũng nói rằng hệ thống hiện tại không có khả năng để hoàn thiện. Việc thay đổi các chức năng được đề nghị của WTO sẽ được đàm phán tại cuộc họp kế tiếp. Các tuyên bố liên quan đến biến đổi khí hậu và di dân cũng đã được giảm thiểu.
Hội nghị G-20 sẽ được tiếp tục vào năm tới tại Nhật Bản. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/g-20-dong-y-tuyen-bo-chung-co-dieu-kien/
Hội nghị G20: Khi thế giới học cách
“sống chung với ông Trump”
Hội nghị Thượng đỉnh G20 cho thấy một thực tế mới khi các nhà lãnh đạo thế giới đang dần học cách “sống chung với ông Trump”.
Trump và phần còn lại của G20
Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều vấn đề cần thảo luận ở G20. Một trong những vấn đề mà ông Trump quan tâm là hệ thống thương mại đa phương. Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo G20 ủng hộ chủ nghĩa đa phương thì Tổng thống Mỹ cho rằng điều này khiến nước Mỹ bị lợi dụng trong suốt một thời gian dài.
Khác biệt trong quan điểm về vấn đề này khiến cho vào khoảng 5h sáng 1/12 (giờ địa phương), sau 1 tuần đàm phán căng thẳng, các nhà ngoại giao chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã viết riêng một câu trong đoạn thứ 4 của bản dự thảo tuyên bố chung rằng: “Chúng tôi cũng sẽ chú ý đến các vấn đề thương mại hiện nay”.
Tổng thống Trump cũng có những vấn đề với Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Tuy nhiên, thay vì tranh cãi về vấn đề này, 19 nhà lãnh đạo còn lại trong G20 đã dùng tuyên bố chung của Hội nghị này để khẳng định về cam kết của họ trong việc chống lại sự ấm lên toàn cầu, đồng thời dành một đoạn riêng để ghi lại ý kiến phản đối của riêng ông Trump.
“Mỹ nhắc lại quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ đối với sự phát triển kinh tế, khai thác năng lượng và an ninh, tận dụng tất cả nguồn năng lượng và công nghệ trong khi vẫn duy trì bảo vệ môi trường”, tuyên bố này khẳng định.
Nhà Trắng hài lòng với giải pháp này. Và các nhà lãnh đạo G20 còn lại cũng chỉ mong vậy.
Gần 2 năm sau khi chứng kiến trật tự thế giới được tái sắp xếp dưới thời Tổng thống Trump, các quốc gia khác đang học dần cách thích nghi với điều này. Các nhà lãnh đạo của những cường quốc kinh tế đều học được và chấp nhận rằng họ sẽ không thể thay đổi quan điểm của ông Trump, dù qua tranh luận lý lẽ hay bằng cách thuyết phục.
Nói cách khác, cách tốt nhất để bảo vệ hệ thống đa phương là để Tổng thống Mỹ đi con đường riêng của mình, thậm chí cả khi đó là cách để họ níu chân ông Trump ngồi lại bàn đàm phán. Đây cũng là những điều đã xảy ra tại Buenos Aires và thực sự thì G20 cuối cùng đã có thể tiếp tục phiên họp tiếp theo vào năm 2019 tại Osaka, Nhật Bản.
Các nhà lãnh đạo thế giới học cách “sống chung với ông Trump”
Một quan chức châu Âu cho biết những căng thẳng trong quá trình đàm phán để đưa ra tuyên bô chung liên quan đến việc làm thế nào để đảm bảo rằng Washington sẽ tiếp tục ở lại Hội nghị, đồng thời không để những căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ cản trở tiến trình của Hội nghị.
Vị quan chức này cũng thừa nhận rằng đôi khi sự giận dữ bao trùm Thượng đỉnh G20 bởi một số quốc gia như Mỹ và Trung Quốc đã coi thường các luật lệ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng một thập kỷ qua kể từ khi Hội nghị G20 lần đầu tiên được tổ chức, chủ nghĩa đa phương đang đứng trước nhiều đe dọa.
Bà Merkel khẳng định thế giới cần đấu tranh cho chủ nghĩa đa phương đồng thời cho rằng: “Chúng ta đang làm điều đó nhưng nó ngày càng khó khăn hơn. Thực tế là Thỏa thuận Paris là một khoảnh khắc tuyệt vời dù khoảnh khắc ấy vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức và các nhà lãnh đạo khác vẫn khen ngợi Hội nghị Thượng đỉnh G20 là một thành công. Tổng thống Argentina Mauricio Macri nhận định tuyên bố chung được đưa ra đã chứng minh G20 trở thành “một không gian chung để đối thoại và hợp tác hiệu quả”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng có những bất đồng với ông Trump trong một vài tuần gần đây cũng khen ngợi thành công của Hội nghị G20.
“Với Tổng thống Donald Trump, chúng tôi thực sự đã đạt được một thỏa thuận. Hội nghị G20 cùng với những cuộc thảo luận để đạt được sự nhất trí hay bất kỳ sự bất đồng nào còn tồn tại trong một số vấn đề nhất định đều nhằm xây dựng một con đường chung”.
Trong thời gian đầu khi trở thành Tổng thống, ông Trump thường “không ưa” việc phải tham dự những Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng đều cho rằng Tổng thống Mỹ đang ngày càng tự tin tại các cuộc thảo luận trên trường quốc tế gần đây trong việc thiết lập mối quan hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng như tăng cường những hiểu biết về các vấn đề chính sách.
Tương tự vậy, các nhà lãnh đạo thế giới và các quan chức chính phủ hàng đầu của các quốc gia này cũng học được cách “sống chung với ông Trump”. Đã qua rồi những ngày mà các phát ngôn về chính sách đối ngoại không chính thống của Tổng thống Trump gây hoang mang cho thế giới.
Thay vào đó, các quan chức nước ngoài bây giờ đã biết cách giữ bình tĩnh, tập trung vào những các lĩnh vực của thỏa thuận và điều quan trọng nhất là tìm cách để hiểu được những quan điểm tích cực của ông Trump.
Hội nghị G20 có lẽ cũng có những lợi ích nhất định trước thực tế rằng ông Trump và Nhà Trắng coi bữa tối ngày 1/11 với Chủ tịch Trung Quốc mới là sự kiện quan trọng nhất ở Argentina. Sự thật là các quan chức cấp cao của Mỹ hầu như rất ít chú ý đến những cuộc đàm phán để đạt được tuyên bố chung G20 nên đã giao hầu hết công việc này cho các quan chức ở cấp thấp hơn.
Đó có thể là một phần lý do để Hội nghị này đạt được tuyên bố chung thay vì phải tiếp tục chứng kiến một thất bại tiếp theo như những gì từng xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2018 trước đó không lâu.
Có một nghịch lý rằng, dường như thế giới đã quen với việc Tổng thống Trump đem “hết bất ngờ này đến bất ngờ khác” trong cách giải quyết các vấn đề quốc tế nên bây giờ người ta sẽ chỉ ngạc nhiên khi ông chủ Nhà Trắng cư xử một cách bình thường và không còn điều gì bất ngờ nữa.
http://biendong.net/bi-n-nong/25041-hoi-nghi-g20-khi-the-gioi-hoc-cach-song-chung-voi-ong-trump.html
Thượng đỉnh Khí hậu tại Ba Lan :
Vắng mặt các lãnh đạo quốc tế chủ chốt
Thượng đỉnh Khí hậu COP 24 tại Ba Lan đã khai mạc hôm qua 02/12/2018. Mục tiêu chính của thượng đỉnh lần này là xác định lộ trình để thực hiện các mục tiêu đề trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres cảnh báo cộng đồng quốc tế « hoàn toàn không đi theo đúng lộ trình » để hãm bớt đà Trái đất bị hâm nóng, cho dù nhân loại đang chứng kiến nhiều tác động khủng khiếp do biến đổi khí hậu, bắt đầu « gây hỗn loạn » tại nhiều nơi trên khắp thế giới.
Đại diện của khoảng 200 quốc gia tham dự COP 24. Tuy nhiên, các lãnh đạo quốc tế chủ chốt đều vắng mặt tại hội nghị quốc tế quan trọng này. Thông tín viên Damien Simonart từ Katowice cho biết cụ thể :
« Đại công tước Luxembourg, nhiếp chính của tiểu quốc Saint-Marin (nằm trong lãnh thổ Ý), tổng thống tiểu quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương, hay tổng thống Nepal… danh sách các khách mời đặc biệt quan trọng của thượng đỉnh COP 24 chắc chắn là rất đa dạng, nhưng khó mà tìm thấy ở đây các nhân vật tầm cỡ.
Về phía Liên Âu, thủ tướng Pháp Edouard Philippe – vốn được coi là chính trị gia quan trọng nhất tại thượng đỉnh – đã phải hủy bỏ chuyến đi do cuộc khủng hoảng “Áo vàng”.
Nếu như đa số các quốc gia châu Âu đều cử đại diện cấp bộ, thì châu Phi tỏ ra hùng hậu hơn, với nhiều tổng thống, của Nigeria, Benin, Senegal, Botswana, Mauritania hay Congo.
Thượng đỉnh lần này tại Ba Lan ít thu hút các nguyên thủ quốc gia trước hết là do các lãnh đạo chủ chốt của thế giới vừa mới có cuộc hội kiến tại thượng đỉnh của nhóm G20 tại Buenos Aires. Bên cạnh đó, họ cũng chờ đến cuộc hội kiến tại New York, vào tháng 9/2019, để tái khẳng định các mục tiêu về khí hậu. Tuy nhiên, sự vắng mặt của nguyên thủ các cường quốc rất có hại cho hình ảnh của Vacxava. Chính phủ Ba Lan từng hy vọng thu hút được giới tinh hoa thế giới, đã bỏ ra hơn 60 triệu euro để chuẩn bị đón khách ».
Ngân Hàng Thế Giới hôm nay thông báo sẽ huy động 200 tỉ euro cho việc trợ giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, trong 5 năm, 2021-2025. Một nửa số tiền nói trên, tương đương 27 tỉ đô la/năm, là do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ trực tiếp.
Cơ quan Tình báo Anh MI6 cảnh báo Nga
Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anh quốc (MI6) sẽ cảnh báo Nga “đừng đánh giá thấp… khả năng của chúng tôi” trong một bài phát biểu hiếm hoi.
Ông Alex Younger sẽ mô tả cách thức MI6 vạch trần thủ phạm của vụ đầu độc bằng Novichok ở Salisbury.
Ông sẽ cảnh báo rằng các đối thủ của Anh có thể xem họ trong tình trạng “đối đầu vĩnh viễn” với Anh quốc.
‘Điệp viên’ Nga đổi tình dục lấy việc
Điệp viên Nga bị đầu độc được cứu thế nào?
Và ông sẽ nói về nhu cầu “gián điệp thế hệ thứ tư”, kết hợp kỹ năng của con người với sáng kiến kỹ thuật.
Phát biểu tại Đại học St Andrew, ông Younger sẽ khuyến khích sinh viên cân nhắc việc ứng tuyển vào MI6. Ông nói rằng việc xử lý những kẻ thù hiện đại dùng công nghệ mới để dò xét các tổ chức và năng lực phòng thủ của Anh sẽ đòi hỏi “tư duy khác biệt và trao quyền cho người trẻ”.
Trong bài phát biểu công khai thứ hai trong bốn năm từ khi ngồi vào ghế giám đốc MI6, người đàn ông có bí danh “C” được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác an ninh ở châu Âu.
Ông sẽ nói các gián điệp của Anh đã cùng các đồng minh châu Âu phá được nhiều âm mưu của Nhà nước Hồi giáo bắt nguồn từ nước ngoài.
Ông sẽ giục Nga “hay bất kỳ nước nào khác có ý định phá hoại cuộc sống của người dân Anh, đừng đánh giá thấp quyết tâm và khả năng của chúng tôi và đồng minh.”
Bài diễn thuyết của ông Younger được đưa ra vào thời điểm căng thẳng cao giữa Anh và Nga.
Trong một diễn biến khác, hôm 1/12, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson kêu gọi công chúng báo cáo ngay nếu phát hiện các hành vi đáng ngờ gần các địa điểm quân sự, sau khi một êkíp truyền hình Nga gây báo động một căn cứ quân sự.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46367958
Brexit: Một mặt trận chống thủ tướng May
hình thành tại Hạ Viện Anh
Liên minh bất đắc dĩ giữa Liên Minh Dân Chủ (DUP) Bắc Ai Len và Công Đảng đang hình thành tại Hạ Viện Anh để phá hỏng thỏa thuận Brexit mà thủ tướng May đã đạt được với Liên Âu vào tuần trước. Quốc Hội Anh bắt đầu thảo luận về thỏa thuận này kể từ hôm 04/12/12 trước khi biểu quyết vào ngày 11/12/2018.
Thông tín viên đài RFI Marina Daras từ Luân Đôn giải thích thêm :
“Chuyện đảng DUP của Bắc Ai Len, vốn có lập trường bảo thủ hơn cả Đảng Bảo Thủ Anh, liên kết với Công Đảng, hiện có lập trường cánh tả cứng rắn hơn bao giờ hết, tưởng chừng hoàn toàn không thể xảy ra. Dù vậy, các dân biểu ở Hạ Viện Anh đang sẵn sàng làm tất cả để chọc gậy bánh xe bà May, để ngăn cản thỏa thuận thủ tướng Theresa May đã đạt được với Bruxelles vào tuần trước được thông qua vào ngày 11 tháng 12 sắp tới.
Lần này, một nhóm dân biểu Anh tố cáo Theresa May qua mặt Hạ Viện vì bà đã từ chối công bố một số tài liệu mang tính pháp lý liên quan đến thỏa thuận Brexit. Nhiều người cho rằng, những tài liệu đó che giấu một số những lỗ hổng, để sau này, buộc Anh Quốc phải ở lại trong liên minh thuế quan và đây chính là lý do khiến thủ tướng May từ chối tiết lộ những tài liệu liên quan.
Nhóm dân biểu nói trên được cánh dân chủ tự do và đảng SNP của Scotland ủng hộ. Họ có ý định gửi một bức thư lên chủ tịch Hạ Viện, nêu lên tính chất “bất hợp pháp” của thỏa thuận để đòi hoãn các cuộc thảo luận, trên nguyên tác sẽ bắt đầu từ ngày mai.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy là trong vỏn vẹn vài ngày bà Theresa May khó thuyết phục được đa số tại Hạ Viện ủng hộ mình. Ngày càng có nhiều khả năng Anh Quốc khẩn cấp tổ chức bầu cử trước thời hạn vào dịp nghỉ mùa đông”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xem xét
việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Paris, Pháp – Vào hôm Chủ Nhật (2 tháng 12), trong cuộc họp với các giám đốc an ninh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xem xét việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đối với sự bất ổn dân sự tồi tệ nhất tại Pháp trong vòng mấy chục năm qua. Những người biểu tình nổi loạn đã biến trung tâm Paris thành một bãi chiến trường và phá hoại di tích Khải Hoàn Môn.
Vào hôm Thứ Bảy, cảnh sát chống bạo động bị đám đông biểu tình áp đảo. Những người này trở nên hỗn loạn tại các khu phố xinh đẹp của Paris. Họ đốt cháy hàng chục chiếc xe hơi, cướp bóc các cửa hàng, và đập vỡ những ngôi nhà cũng như những quán cà phê sang trọng. Đây được xem là cuộc biểu tình hỗn loạn nhất kể từ năm 1968 cho đến nay.
Tình trạng bất ổn hiện nay đặt ra thách thức lớn đối với chức tổng thống của ông Macron, khi mà bạo lực ngày càng leo thang, và công chúng ngày càng tức giận chống lại các cải cách kinh tế của ông. Sau khi quay trở lại Pháp từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, Tổng thống Macron đã vội vàng đến Khải Hoàn Môn. Đây là một di tích quan trọng của Pháp, cũng chính là tâm điểm của các cuộc xung đột hôm thứ Bảy. Những người biểu tình vẽ nguệch ngoạc lên di tích này các dòng chữ “Macron từ chức” và “Phe áo khoác vàng sẽ chiến thắng.”
Ông Benjamin Griveaux, phát ngôn viên chính phủ, cho biết chính quyền Tổng thống Macron đang cân nhắc việc áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Pháp đã mở các cuộc họp để tìm cách ngăn chặn cuộc bạo động đang diễn ra, tuy nhiên, ông khẳng định, sẽ không có sự thay đổi nào về việc cải cách chính sách.
Ông Griveaux cho hay, các công nhân sẽ giúp làm sạch di tích bị vẽ bậy, loại bỏ các xe hơi bị cháy, và thay thế cửa sổ bị vỡ của các ngân hàng, nhà hàng và cửa hiệu. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-phap-emmanuel-macron-xem-xet-viec-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap/
133 người bị thương và 400 người bị bắt
trong cuộc biểu tình ở Paris
Paris, Pháp – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Bảy (1/12), cuộc biểu tình tại Paris đã trở thành một cuộc bạo động, vì cảnh sát phải bắn hơi cay và dùng vòi rồng trong các trận chiến đường phố với những người biểu tình bạo lực “áo khoác vàng.” Cảnh sát cho biết ít nhất 133 người bị thương, trong đó bao gồm 14 cảnh sát, và 400 người khác bị bắt trong các cuộc bạo động ở thủ đô nước Pháp.
Hãng tin Reuters cho biết, hàng ngàn cảnh sát ở Paris phải cố gắng để hạn chế sự hỗn loạn của các cuộc biểu tình. Cuộc xung đột ở Paris đã diễn ra hơn 2 tuần, nhằm chống lại việc tăng thuế và chi phí sinh hoạt cao tại Pháp. Bên cạnh cuộc bạo động tại Paris, các cuộc biểu tình ở nhiều nơi khác của Pháp phần lớn là hòa bình.
Theo Reuters, cuộc bạo động bắt đầu vào sáng ngày thứ Bảy vừa qua, ở khu vực gần Khải Hoàn Môn, và tiếp tục vào buổi chiều ở một số con đường trong khu du lịch nổi tiếng nhất của thủ đô nước Pháp. Trong cuộc xung đột, những người biểu tình dựng lên các rào chắn tạm thời ở giữa đường phố Paris, đốt lửa, phun sơn lên Khải Hoàn Môn, và ném đá vào cảnh sát. Không chỉ vậy, họ còn đốt cháy xe hơi và thùng rác. Một số người biểu tình đã loại bỏ các hàng rào bảo vệ của khu vực tưởng niệm những người lính vô danh từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nằm dưới Khải Hoàn Môn, để đứng gần ngọn lửa vĩnh cửu và hát quốc ca.
Ngoài việc tăng thuế, người biểu tình còn tức giận về sự lãnh đạo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vì cho rằng chính phủ của ông không quan tâm đến những người dân lao động. Chính quyền Pháp cho biết có đến 36,000 người biểu tình trên toàn quốc, trong đó có 5,500 người ở Paris.
Cũng vào thứ Bảy, hàng trăm người biểu tình hòa bình ở Paris đi qua các trạm kiểm soát của cảnh sát, để đến đại lộ Champs-Elysees.
Kể từ khi cuộc biểu tình áo khoác vàng bắt đầu vào ngày 17 tháng 11, đã có 2 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/133-nguoi-bi-thuong-va-400-nguoi-bi-bat-trong-cuoc-bieu-tinh-o-paris/
Khủng hoảng Áo Vàng :
Chính phủ Pháp tìm một lối thoát hẹp
Cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng bắt nguồn từ phản đối thuế nhiên liệu khiến xăng dầu lên giá đã biến thành một cuộc bạo động phá phách chưa từng có từ nhiều thập kỷ qua ngay tại trung tâm thủ đô của Pháp hôm thứ Bảy (01/12/2018). Sau bạo lực hỗn loạn, cảnh tượng hoang tàn và cả nỗi phẫn nộ, giờ là những cầu hỏi đặt ra cho chính phủ : Đâu là giải pháp chính trị để thoát khỏi khủng hoảng trong đối thoại ?
Các cuộc biểu tình của phong trào tự phát Áo Vàng liên tục diễn ra từ ngày 17/11 ban đầu với một yêu sách ngừng tăng thuế nhiên liệu làm tăng giá xăng dầu, đã nhanh chóng chuyển hướng sang nhiều yêu sách khác về đời sống của các tầng lớp người dân bị thiệt thòi. Cao điểm của phong trào phản kháng là các cuộc biểu tình vào thứ Bảy hàng tuần, tập trung tại các thành phố lớn. Sự kiện diễn ra hôm thứ Bảy vừa qua là màn huy động thứ 3 liên tiếp như vậy.
Tổng thống Emmanuel Macron đang phải đối mặt với một thách thức lớn nhất từ khi ông lên nắm quyền. Chính phủ Pháp đang phải chạy đua với thời gian tìm lối thoát cho cuộc « khủng hoảng Áo Vàng » nghiêm trọng, đe dọa nền dân chủ, sự ổn định xã hội cũng như uy tín của chính phủ. Cuộc tham vấn khẩn cấp các đảng phái chính trị và cuộc đối thoại với người biểu tình trong hôm nay và ngày mai của thủ tướng Pháp là bước đầu tiên để tìm một lối thoát, dù là hẹp, ra khỏi cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ lan rộng.
Chính phủ Pháp cùng lúc đối mặt với sức ép từ những người Áo Vàng, vẫn được sự ủng hộ khá đông đảo của dân chúng, theo các thăm dò dư luận. Cuộc huy động của phong trào này có cơ lan rộng gây hỗn loạn không kiểm soát nổi. Trong khi đó các đảng phái đối lập lợi dụng tình hình quy trách nhiệm cho chính quyền của tổng thống Macron. Họ đưa ra những đòi hỏi giải tán Quốc Hội, như yêu cầu của đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (RN) ; trưng cầu dân ý về chính sách hiện hành, theo lãnh đạo đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa Laurent Wauquier hay đòi hỏi thủ tướng từ chức như kêu gọi của đảng cực tả La France Insoumise.
Trong bối cảnh điểm tín nhiệm của tổng thống và chính phủ đang ngày càng xuống thấp như hiện nay, giải tán Quốc Hội sẽ là sự tự tử chính trị của đảng cầm quyền. Trưng cầu dân ý thì về cái gì ? riêng về thuế nhiên liệu hay toàn bộ chính sách hiện nay ? Dù gì thì đây sẽ là sự phủ nhận khả năng lãnh đạo chính phủ hiện nay. Còn chuyện thay đổi thủ tướng, chỉ là giải pháp tình thế mà không mang lại được thay đổi gì về chính trị hay niềm tin vào chính phủ.
Đến lúc này các đảng phái chính trị đối lập vẫn một mặt lên án bạo lực nhưng họ không bỏ lỡ cơ hội thổi bùng lên ngọn lửa chống đối nhằm làm suy yếu tổng thống Emmanuel Macron. Vậy thì làm sao để tham vấn những đối tác đang chạy theo phong trào phản kháng để vụ lợi ?
Các lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay của chính phủ Macron dường như trở nên hẹp. Đối với phong trào Áo vàng, đòi hỏi của họ giờ không còn là duy nhất chỉ còn có giảm giá xăng dầu mà đã mở ra những khó khăn, phẫn nộ của đông đảo tầng lớp dân chúng từ bình dân đến trung lưu. Cuộc huy động của những người Áo Vàng vì thế có hội biến thái thành phong trào chống đối chính sách của chính phủ nói chung.
Tổng thống Emmanuel Macron hôm qua cho biết đã đề nghị thủ tướng Edouard Philippe tiếp các đại diện Áo Vàng. Nhưng nếu chỉ để thương lượng ngừng tăng thuế nhiên liệu có đủ ? « Nối lại đối thoại không bao giờ là muộn », Bernard Vivier, giám đốc Viện nghiên cứu Lao động nhận định. Ông Vincent Cauchy, một trong số các phát ngôn viên của phong trào Áo Vàng nhấn mạnh, chính phủ « phải đi xa hơn nữa suy xét về những bất bình xã hội mà những người Áo Vàng đã bày tỏ. Có sự phẫn nộ lớn trong dân chúng vì lao động không đủ sống, các phí đóng góp quá nặng… có sự bất bình đẳng giữa xác doanh nghiệp lớn không trả thuế và các doanh nghiệp nhỏ thì bị bóp nghẹt vì thuế má ».
Cũng cần phải nhắc lại là cuộc gặp cuối cùng giữa đại diện những người Áo Vàng với thủ tướng hôm 30/11 vừa qua đã thất bại.
Mọi nỗ lực đối thoại với các đối tác địa phương từ dân biểu, chủ doanh nghiệp, công đoàn, hiệp hội, xã hội dân sự với Áo Vàng để tìm ra giải pháp dường như đến lúc này vẫn bế tắc bởi tính chất vô tổ chức, mục tiêu đấu tranh không rõ ràng của phong trào phản kháng này. Hành động của những người Áo Vàng dựa chủ yếu vào sức ép hay đe dọa. Những phát ngôn viên tự xưng của phong trào không đại diện hết được cho tiếng nói của những người Áo Vàng thực sự.
Vào lúc các nỗ lực giải quyết khủng hoảng của chính phủ mới bắt đầu, những người Áo Vàng tiếp tục hành động. Họ vẫn phong tỏa các trục lộ giao thông ở các tỉnh, phong tỏa các kho xăng và sáng nay có khoảng một trăm trường trung học cũng bị phong tỏa để phản đối cải cách giáo dục.
Chính phủ lúc này phải khẩn trương hành động, nhưng ít nhất cũng phải ra được một vài biện pháp cụ thể để làm dịu cơn phẫn nộ của những người Áo Vàng.
http://vi.rfi.fr/phap/20181203-khung-hoang-ao-vang-chinh-phu-phap-tim-mot-loi-thoat-hep
“Áo Vàng” biểu tình lần 3 ở Paris :
Báo chí nước ngoài mô tả “bạo lực leo thang”
Cuộc biểu tình lớn tại Paris lần thứ ba hôm thứ Bảy 01/12/2018 của phong trào « Áo Vàng », phản đối sắc thuế xăng dầu tăng cao, kèm theo bạo động tại một số khu vực trung tâm thủ đô, là chủ đề thời sự hàng đầu của truyền thông nước ngoài. Cùng với tình trạng bạo lực leo thang, báo chí quốc tế cũng chú ý đến phong trào Áo Vàng như một cuộc phản kháng chống lại tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng nghiêm trọng, không chỉ tại Pháp mà khắp nơi trên thế giới.
Ấn tượng nhất là tình trạng bạo lực chưa từng có. « Bạo lực leo thang tại Paris » (báo Đức Die Welt), « Cuộc biểu tình của những người “Áo Vàng” reo rắc hỗn loạn tại Paris » (báo Tây Ban Nha El Pais), « Paris bị hành hung và cướp phá » (báo Ý Corriere della Sera). « Một trong các cuộc biểu tình chống chính phủ bạo lực nhất tại Paris từ nhiều thập niên » (báo Mỹ The Wall Street Journal). Báo chí quốc tế nhìn chung đều dành những hàng tít đầy ấn tượng để mô tả cuộc biểu tình lần thứ ba trong vòng hai tuần lễ của phong trào Áo Vàng tại thủ đô nước Pháp.
Hàng loạt xe hơi bị đốt cháy, đá lát đường bị cậy lên để biến thành vũ khí, hay búa xẻng được dùng để đập phá cửa hàng tại nhiều đại lộ là những hình ảnh được rất nhiều báo thuật lại. Đặc biệt là đại lộ Kléber, gần Khải Hoàn Môn, nơi tập trung « nhiều khách sạn sang trọng bậc nhất nước Pháp », bị coi là thiệt hại nặng nề nhất. Báo Anh Times khẳng định thủ đô nước Pháp đã biến thành « một bãi chiến trường ». Hàng nghìn hiến binh và cảnh sát dùng hơi cay, lựu đạn gây choáng, vòi rồng chống lại những người biểu tình mang mũ bảo hiểm hay mặt nạ trượt tuyết. Ấn tượng nhất với Times là Khải Hoàn Môn – « biểu tượng cho vinh quang quân sự của nước Pháp » – cũng trở thành đối tượng đập phá.
Không đồng nhất biểu tình với bạo động
Hai kênh truyền hình Nga, RT và Sputnik, đặc biệt tập trung mô tả các cảnh bạo động, đồng thời ghi nhận tình trạng lực lượng an ninh bất lực trong việc ngăn chặn những kẻ phá phách. Tuy nhiên, kênh truyền hình Anh BBC, cũng như nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài khác, rất thận trọng khi nhấn mạnh là : « Đa số người biểu tình giữ thái độ ôn hòa ». Theo BBC, lực lượng phá phách phần lớn thuộc « các băng nhóm cực tả vô chính phủ và cực hữu dân tộc chủ nghĩa ».
Báo chí Pháp cũng chú ý đến một thông điệp được chia sẻ phổ biến trên nhiều mạng xã hội của người Ả Rập : « Salamtek Baris ! » (Có nghĩa là : Mong sao Paris được bình an !).
Nhìn chung, báo Mỹ New York Times nhận định đây là « cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt » cho đến nay. Tờ báo Tây Ban Nha El Pais, nhân dịp này, lưu ý là cuộc phản kháng của phong trào Áo Vàng có cội rễ trong bản sắc và truyền thống « cách mạng » của nước Pháp. El Pais ghi nhận sự bất lực của tổng thống Pháp, cho đến nay đã không tìm được giải pháp để tháo ngòi nổ của « cuộc nổi dậy ». Đài Đức Deutsch Welle đặc biệt lưu ý là phong trào Áo Vàng, cho đến nay, vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Pháp, theo một thăm dò mới nhất trước cuộc biểu tình lớn hôm thứ Bảy 1/12.
Gốc rễ sâu xa
The Wall Street Journal khẳng định tình trạng một tổng thống bị cử tri Pháp quay lưng vào đầu nhiệm kỳ, là điều xảy ra khá thường xuyên, nhưng tình trạng hiện nay tại Pháp là thực sự khẩn cấp. Báo Mỹ dẫn lời nhiều nhà xã hội học, ghi nhận : Lý do sâu xa đằng sau phong trào phản kháng chưa từng có này là nỗi thất vọng kéo dài từ nhiều thập niên qua, với « các rạn nứt xã hội » giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn, rất nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu hay công nhân vừa bị khủng hoảng tài chính, kinh tế đe dọa cuộc sống hàng ngày, vừa mất niềm tin vào tương lai.
Về phần mình, nhiều phương tiện truyền thông Canada coi phong trào Áo Vàng tại Pháp chỉ là biểu hiện cho một thực tại rộng lớn hơn nhiều, mang tính toàn cầu. Tờ báo Anh ngữ The Globe and Mail nói đến các điểm chung giữa Pháp và « gần như tất cả các quốc gia phát triển khác », nơi « tầng lớp tinh hoa tại đô thị có đời sống khá giả tìm cách áp đặt (gánh nặng của) các chương trình chống biến đổi khí hậu cho một bộ phận lớn dân cư đang phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày ». Devoir, một tờ báo Pháp ngữ Canada, trong một bài viết với tiêu đề « Thế giới mang sắc Vàng », khẳng định là Pháp hoàn toàn không phải là một nước nghèo, thế nhưng một vấn đề lớn gây bức bối tại Pháp là « bất công xã hội ». Nỗi phẫn uất của rất nhiều người Pháp tham gia phong trào Áo Vàng hiện nay là tương tự với người dân tại nhiều quốc gia phát triển hay đang phát triển, vốn đang phải đương đầu với hàng loạt các thách thức vô cùng lớn, như biến đổi khí hậu, môi trường bị hủy hoại, hay bất bình đẳng tăng vọt, trong bối cảnh các định chế dân chủ tự do truyền thống đang ngày càng mất đi sự tin cậy của xã hội.
(Tổng hợp theo Le Monde, La Croix, Libération, Le Figaro et Courrier International)
http://vi.rfi.fr/phap/20181203-ao-vang-bieu-tinh-lan-3-o-paris
Bạo động Áo Vàng:
Kinh tế Pháp thiệt hại “hàng tỷ” euro
Ngành du lịch, khách sạn, các cửa hàng và siêu thị bị thiệt hại nghiêm trọng sau ba tuần lễ phe Áo Vàng xuống đường. Bạo động vô tiền khoáng hậu tại Paris và nhiều thành phố lớn xảy ra đúng mùa cao điểm của các hoạt động mua bán trước dịp lễ, Tết cuối năm.
Sau loạt bạo động hôm 01/12/2018, đại diện Liên đoàn các doanh nghiệp và thương gia (FCD), Jacques Creyssel cho hãng tin AFP biết, thiệt hại trong ba tuần qua đã lên tới “hàng tỷ euro”. Những thiệt hại đó do các hoạt động đập phá, hôi của và những khoản thất thu vì các khu mua bán bị phong tỏa.
Chỉ riêng cho các cửa hàng trên con lộ đẹp nhất Paris, Champs-Elysées hôm 28/11/2018, thiệt hại ước tính lên tới 8 triệu euro sau vài giờ bị đốt phá.
Vẫn theo liên đoàn FCD, vào dịp trước lễ Giáng Sinh và Tết dương lịch, trung bình doanh thu một tuần lễ ở Pháp là khoảng 15 tỷ euro, thay vì 8 hay 9 tỷ như bình thường trong năm.
Jacques Creyssel cho biết doanh thu của các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc giảm 40 %.
Những thiệt hại trong đợt bạo động hôm 01/12/2018 chưa được thẩm định chính xác. Nhưng theo đại diện của các doanh nghiệp và thương gia Pháp, chính phủ cần “làm tất cả” để kịch bản đập phá, hôi của như vừa qua không tái diễn.
Nhiều hợp đồng theo thời vụ để đáp ứng với nhu cầu trong mùa lễ cuối năm đã phải hủy bỏ.
Ngành du lịch bắt đầu khởi sắc trở lại từ sau loạt khủng bố ở Paris năm 2015, đang lo ngại du khách hủy dự án đến Pháp. Chủ tịch hiệp hội các khách sạn của Pháp Roland Héguy sợ rằng sẽ phải “làm lại tất cả từ đầu” để tô điểm lại hình ảnh của nước Pháp trong mắt du khách quốc tế.
Một nạn nhân khác của loạt bạo động cách nay hai ngày là Khải Hoàn Môn. Biểu tượng của nước Pháp này bị đập phá, bị người biểu tình viết chữ xanh, chữ đỏ lên trên. Philippe Bélaval, chủ tịch trung tâm quản lý các di tích lịch sử quốc gia cho biết, phải mất “vài trăm triệu euro” để Khải Hoàn Môn tìm lại được bộ mặt như xưa.
http://vi.rfi.fr/phap/20181203-phap-phong-trao-ao-vang-thiet-hai-hang-ty-euro-cho-kinh-te
Pháp: Chính phủ tham vấn các đảng phái
để giải quyết khủng hoảng
Anh VũĐăng ngày 03-12-2018 Sửa đổi ngày 03-12-2018 14:45
Hai ngày sau các vụ bạo loạn bên lề các cuộc biểu tình của những người “Áo Vàng ” tại Paris, trước yêu cầu khẩn cấp xử lý khủng hoảng, hôm nay 03/12/2018, chính phủ Pháp tổ chức tham vấn tất cả các đảng phái chính trị để tìm giải pháp. Chính phủ cũng thông báo chưa tính đến việc thiết lập tình trạng khẩn cấp.
Phải hủy chuyến đi Ba lan dự hội nghị khí hậu quốc tế COP24, theo yêu cầu của tổng thống, thủ tướng Edouard Philippe trong cả ngày hôm nay lần lượt tiếp lãnh đạo các đảng phái chính trị Pháp để cùng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất dưới chính quyền Macron.
Từ 8h30, ông Philippe đã tiếp bà Anne Hidalgo, thị trưởng Paris thuộc đảng Xã Hội. Tiếp đó lần lượt lãnh đạo của tất cả các đảng phái, phong trào chính trị từ tả sang hữu và cánh trung cũng như cực tả hay cực hữu, đều tới phủ thủ tướng để cùng nhau tham vấn tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Hôm qua, vừa từ thượng đỉnh G20 Achentina trở về, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới khu đại lộ Champs-Elysées và Khải Hoàn Môn, chứng kiến cảnh tàn phá tan hoang sau vụ biểu tình bạo động của một số phần tử Áo Vàng hôm thứ Bảy. Tổng thống Pháp đã yêu cầu thủ tướng phải tiếp ngay « lãnh đạo chính trị có đại diện tại Quốc Hội cũng như đại diện người biểu tình ».
Ngày mai, tổng thống Macron sẽ tiếp ông Laurent Wauquiez, chủ tịch đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains- LR). Cùng ngày, bộ trưởng Nội Vụ Chistophe Castaner và quốc vụ khanh Laurent Nunez sẽ ra điều trần trước Thượng Viện về cuộc khủng hoảng.
Trên bình diện pháp lý, ngay trong ngày hôm nay và ngày mai, hơn một chục nghi can tham gia bạo động phá phách bị đưa ra tòa xét xử. Trong vụ bạo động hôm 01/12, theo Viện Công Tố Paris, có 378 trường hợp bị câu lưu và sẽ có khoảng 2/3 trong số trên phải ra tòa về tội dùng vũ lực chống người thi hành công vụ, hủy hoại tải sản công cộng, tụ tập tổ chức bạo lực hay thậm chí cả tội sử dụng vũ khí trái phép.
Mức án cho các bị cáo có thể lên tới nhiều năm tù.
Trong khi đó, những người Áo Vàng vẫn tiếp tục duy trì phong trào phản kháng, biểu tình rải rác ở các địa phương trên khắp nước Pháp. Tại một số nơi, người biểu tình từ hôm qua đã có kế hoạch phong tỏa các kho xăng dầu. Phong trào Áo Vàng đe dọa sẽ có một thứ Bảy nữa tại Paris.
Trong lúc thủ tướng Pháp đang tiếp các đảng phái chính trị, sáng nay chính phủ thông báo đề nghị mở cuộc tranh luận tại Quốc Hội vào ngày 05/12 và tại Thượng Viện ngày 06/12.
Chính phủ hứa sẽ có ngay biện pháp để ra khỏi khủng hoảng một cách êm thấm.
Vì sao Tổng thống Putin
thân thiện với thái tử Ảrập Xêút?
Khi được hỏi về màn “đập tay” giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng “các quan hệ cá nhân tốt đẹp là cơ sở cho mối quan hệ hợp tác song phương hiệu quả”.
Theo Reuters, ông cũng nói rằng Nga quan tâm tới việc tiếp tục mối quan hệ với nhóm các nước sản xuất dầu mỏ gọi là OPEC, cũng như với cả các nước ngoài khối này.
Ông nói thêm rằng Tổng thống Putin và Thái tử Mohammed bin Salman đã thảo luận vấn đề trên trong cuộc gặp giữa hai người.
Hôm 30/11, theo Reuters, nguyên thủ Nga và ông Mohammed đã chào nhau bằng kiểu “đập tay” và cười lớn khi ngồi gần nhau tại phiên họp toàn thể của hội nghị G20 ở Argentina.
Cử chỉ thân mật của ông Putin đối với ông Mohammed trái ngược rõ nét với các nhà lãnh đạo khác tại Buenos Aires, trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ về khả năng can dự của thái tử trong vụ sát hại nhà báo Ảrập Xêút tại lãnh sự quán nước này tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 2/10.
Thái tử Ả Rập tới Argentina dự G20 giữa lùm xùm vụ án Khashoggi
Trước đó, theo Reuters, Thái tử Mohammed đã bị cho ra rìa trong buổi chụp ảnh chính thức của các nhà lãnh đạo thế giới, và hầu như bị phớt lờ.
Sau đó, ông đã nhanh chóng rời đi, không bắt tay hay nói chuyện với các nhà lãnh đạo khác.
Nga đã kiềm chế không chỉ trích Ảrập Xêút hay Thái tử Mohammed về vụ sát hại.
Hồi tháng 10, ông Putin nói rằng ông thiếu thông tin về vụ việc, và rằng Nga sẽ không để vụ này gây tổn hại đến quan hệ với Ảrập Xêút, theo Reuters.
Tuy nhiên, Moscow cũng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Iran, đối thủ truyền kiếp của Ảrập Xêút trong khu vực.
Nga và Iran hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến của nước này, trong khi Ảrập Xêút cùng với các nước phương Tây ủng hộ một số nhóm phiến quân.
Tháp Pisa đang tự dựng đứng dần trở lại
Công trình thời trung cổ, biểu tượng lịch sử của nước Ý, tháp nghiêng Pisa đang được dựng dậy dần dần nhờ các công trình tôn tạo và cả tự thân tháp.
Tại Pisa, tòa tháp nổi tiếng được xây dựng từ năm 1173 cuối cùng đã dần đứng dậy thẳng trở lại. Các kỹ sư phục chế bảo tồn tháp Pisa đã đo đạc và nhận thấy từ năm 2001, tháp đã được dựng lại 4 cm. Đây là kết quả của một công trình phục dựng tháp kéo dài nhiều năm và cả tự thân tháp dựng dậy. Trong khoảng từ 1993 đến 2001, tòa tháp đã dựng đứng trở lại được 41 cm. Không có sự can thiệp của con người, tòa tháp chắc chắn sẽ đổ sập. Để gia cố, ngăn cho tòa tháp cổ tiếp tục bị nghiêng, các nhà khoa học đã làm giảm bớt độ nghiêng của tháp nửa độ. Điều không dự trù trước đó là công trình tiếp tục tự « đứng dậy ». Tháp Pisa nghiêng về hướng nam. Mùa hè mặt phía nam của tháp được sưởi nóng mạnh. Nhờ nhiệt độ cao hơn nửa độ, các phiến đá giãn nở. Quá trình giãn nở này đã góp phần làm thắp dựng trở lại dần. Mặc dù có các can thiệp của con người hay tự động dựng lại, tòa tháp sẽ không bao giờ đứng thẳng trở lại hoàn toàn.
Tháp Pisa đã đóng cửa trong thời gian tôn tạo. Công việc gia cố tháp tốn 28 triệu euro. Tòa tháp nghiên so với trục thẳng đứng 4,5 m nay đã được dựng lại 40 cm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181203-thap-pisa-dang-tu-dung-dung-dan-tro-lai
Ukraine kêu gọi Đức và đồng minh
hiện diện ở Hắc Hải
Nguyên thủ Ukraine kêu gọi Đức và đồng minh tăng cường hiện diện ở Hắc Hải để ngăn chặn sự hung hăng của Nga, đồng thời nói rằng Nga phong tỏa các cảng của Ukraine ở Biển Azov gần đó.
Theo AP, Tổng thống Petro Poroshenko nói rằng Nga đã triển khai một số lượng lớn binh sĩ trên biên giới với Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn được một tập đoàn truyền thông của Đức đăng tải hôm 2/12, ông Poroshenko cáo buộc rằng Nga có ý định tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine sau cuộc đụng độ trên Hắc Hải giữa lực lượng hai nước.
Nga chặn hải quân Ukraine vào Biển Azov
Tổng thống Ukraine nói rằng “chúng tôi cần một phản ứng mạnh mẽ và đồng lòng trước hành vi hung hăng của Nga”.
Dẫn nguy cơ về một cuộc tấn công của Nga, theo AP, ông Poroshenko đã thuyết phục quốc hội Ukraine áp đặt thiết quân luật trong vòng 30 ngày.
Trong cuộc chạm trán một tuần trước, các tàu tuần duyên của Nga đã nổ súng và bắt giữ ba tàu hải quân của Nga cùng thủy thủ đoàn 24 người.
Vụ việc đã đẩy căng thẳng giữa Ukraine và Nga lên mức cao nhất kể từ khi Moscow chiếm đóng Crimea năm 2014.
Tây Ban Nha : Đảng cực hữu lần đầu tiên
lọt vào Nghị viện xứ Andalusia
Vùng tự trị Andalusia, Tây Ban Nha, vốn nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Xã Hội từ 37 năm nay. Kết quả bỏ phiếu bầu Nghị viện xứ này hôm Chủ Nhật, 2/12/2018, gây chấn động. Lần đầu tiên đảng cực hữu dành được ghế dân biểu. Hai đảng cánh hữu có thể liên minh với đảng cựu hữu để lập chính phủ. Đảng Xã Hội kêu gọi lập liên minh các đảng phái ôn hòa để cản đường phe cực hữu.
Thông tín viên François Musseau tường trình từ Madrid :
« Rất ít hiện diện trên quy mô toàn nước Tây Ban Nha, gần như không tồn tại cho đến nay tại Andalusia, đảng cực hữu vừa có một chiến thắng gây ấn tượng, với 12 ghế dân biểu, so với không ghế nào trước đây. Đảng Vox chủ trương bỏ tù những người nhập cư bị nghi ngờ phạm tội, xây tường biên giới tại Ceuta và Mellila (hai vùng đất thuộc địa của Tây Ban Nha tại Maroc, Bắc Phi) hay cấm giảng dậy đạo Hồi.
Cho dù đảng Vox chỉ là thế lực chính trị đứng hàng thứ năm, hai đảng chính trị theo tư tưởng tự do – đảng Nhân Dân và đảng Ciudadanos – vốn là hai thế lực đang lên mạnh, vẫn cần liên minh với đảng cực hữu, nếu muốn giành được đa số tuyệt đối tại Nghị viện Andalusia và điều hành xứ này.
Đây thật sự là tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Lập liên minh giữa các đảng phái ôn hòa, để gạt đảng cựu hữu sang một bên là chủ trương lớn mà lãnh đạo đảng Xã Hội Susana Diaz vừa đưa ra.
Dù sao rõ ràng kết quả bỏ phiếu nói trên là một thất bại mang tính lịch sử đối với đảng Xã Hội, vốn có vị trí vững chãi tại Andalusia trong gần bốn thập niên vừa qua. Vấn đề còn để ngỏ là : Liệu kết quả bầu cử tại Andalusia có phải là tín hiệu báo trước cho cuộc tổng tuyển cử tại Tây Ban Nha, dự kiến diễn ra vào năm tới ».
Được đánh giá là mục tiêu khó nhằn với S-400,
tại sao F-35B vẫn bị Đài Loan hủy mua?
Theo Sputnik, quyết định của KQ Đài Loan khi hủy bỏ kế hoạch mua F-35B là một minh chứng cho thấy quân đội Đài Loan đánh giá thấp khả năng chiến đấu của loại máy bay này.
Đài Loan đã hủy bỏ kế hoạch mua máy bay Mỹ F-35B cất cánh ngắn và hạ cánh theo phương thẳng đứng vì xem chúng không đáng tin cậy và chưa được thử nghiệm đầy đủ, đồng thời là quá đắt, theo trang web của tạp chí National Interest (Mỹ).
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã nói chi tiết hơn về những lý do tại sao Đài Loan từ bỏ ý định mua mẫu chiến đấu cơ này.
Thay vì F-35B, Đài Loan lên kế hoạch mua 72 chiếc máy bay chiến đấu F-16V – ông Wendell Minnick, nhà báo quân sự nổi tiếng, chuyên gia về mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan, cho biết với tạp chí National Interest dựa theo nguồn tin của ông.
Trong số đó, 66 chiếc máy bay chiến đấu ước tính sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của Không quân Đài Loan, và 6 chiếc sẽ thay thế các máy bay chiến đấu F-16A/B bị hư hỏng nặng. Các chiến đấu cơ F-16A/B đã được cung cấp cho Đài Loan vào những năm 1990.
F-16V Viper là phiên bản hoàn hảo mới nhất của chiến đấu cơ Mỹ F-16. Lần đầu tiên mẫu máy bay F-16V Viper đã được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không Singapore năm 2012. Máy bay chiến đấu được trang bị hệ thống điện tử hiện đại, có năng lực chiến đấu tiệm cận tiêm kích thế hệ 5.
Máy bay này được trang bị trạm radar mảng pha quét điện tử chủ động, các hệ thống truyền dữ liệu mới, thiết bị buồng lái mới, khả năng tự vệ đã tăng đáng kể nhờ các hệ thống hiện đại.
Đài Loan đã ký hợp đồng với Lockheed Martin về việc nâng cấp các chiếc máy bay chiến đấu F-16A/B lên cấp F-16V. Và bây giờ Đài Bắc coi cần thiết phải gia tăng đội máy bay chiến đấu loại này lên 72 chiếc.
Trong một thời gian dài, máy bay chiến đấu F-35B đã được coi là lựa chọn tối ưu nhất cho Không quân Đài Loan. Vấn đề là ở chỗ: trong trường hợp xung đột vũ trang với CHND Trung Hoa, Không quân Đài Loan sẽ phải hoạt động trong điều kiện rất phức tạp.
Các sân bay quân sự của Đài Loan nằm trong khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay trong những giờ đầu tiên của cuộc xung đột, Trung Quốc có thể bắn phá Đài Loan bằng hơn 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình tầm trung và tầm ngắn.
Việc sử dụng những đường băng tạm thời, ví dụ như các đoạn đường cao tốc, chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Nếu không có cơ sở hạ tầng đầy đủ giá trị, lực lượng không quân không thể duy trì cường độ cao của các phi vụ ở giai đoạn đầu trong cuộc xung đột. Ngoài ra, đối phương có thể phát hiện nhanh chóng và không kích những căn cứ tạm thời.
Để giải quyết vấn đề này, Đài Loan đã xem xét kế hoạch mua máy bay F-35B cất cánh ngắn và hạ cánh theo phương thẳng đứng cũng như tạo ra nhiều đường băng và hầm trú ẩn dưới lòng đất trên bờ biển phía đông của hòn đảo xa hơn Trung Hoa lục địa.
F-35B cũng có thể được sử dụng thành công để chống lại các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Trung Quốc, chẳng hạn như S-300PMU2, S-400 và các phiên bản mới nhất của tên lửa Trung Quốc HQ-9. Những hệ thống này của Trung Quốc có thể phóng tên lửa từ đất liền, và đủ sức bao phủ toàn bộ eo biển Đài Loan và một phần lãnh thổ hòn đảo.
Nếu Nga bán tên lửa 40N6E tầm bắn 380 km cho các tổ hợp S-400 của Trung Quốc thì toàn bộ không phận trên hòn đảo có thể bị bắn phá.
Các chuyên gia vẫn đang tranh luận về tính hiệu quả của các công nghệ được sử dụng trong F-35 khi đối đầu với các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga và Trung Quốc, nhưng rõ ràng loại máy bay này là mục tiêu khó nhằn đối với mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
Quyết định của Không quân Đài Loan hủy bỏ kế hoạch mua F-35B rõ ràng là một minh chứng cho thấy quân đội Đài Loan đánh giá thấp khả năng chiến đấu của loại máy bay mà họ đã có cơ hội làm quen với nó.
Rõ ràng các chuyên gia Đài Loan cũng đã chú ý đến những khiếm khuyết của F-35, chẳng hạn như một số lượng lớn vụ tai nạn cũng như những hạn chế đối với một số loại vũ khí không thể được lắp đặt trên nó.
Khác với nhiều quốc gia, Đài Loan không có khả năng dành khoản tiền lớn cho loại máy bay chưa khắc phục nhiều lỗi kỹ thuật với khả năng chiến đấu không rõ ràng.
Hợp đồng mua F-35 đòi hỏi đầu tư khổng lồ và có thể trở thành một chất kích thích trong mối quan hệ với Bắc Kinh, trong khi đó khả năng chiếu đấu của nó vẫn chưa rõ.
Trong điều kiện này kế hoạch mua F-16V ngày càng trở nên thực tế hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu loại máy bay này có lợi thế đáng kể so với các loại chiến đấu cơ mới nhất thế hệ thứ tư của Trung Quốc, chẳng hạn như J-10C và J-16.
Cần lưu ý rằng, tầm quan trọng của Không quân trong hệ thống phòng thủ của Đài Loan sẽ dần dần suy giảm vì Trung Quốc đang phát triển các loại tên lửa chính xác cao. Như dự kiến, trong tương lai Đài Loan sẽ ưu tiên phát triển các loại hệ thống phòng không cơ động trên mặt đất có nhiều cơ hội sống sót sau các cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc.
Triển khai vũ khí laser tại Biển Đông:
Bước đi nguy hiểm của TQ
Thời báo Hoàn cầu hôm 11/11 đưa tin, hệ thống vũ khí laser mới LW-30 của Trung Quốc có thể phát hiện máy bay không người lái, ngăn chặn hoạt động trinh sát chiến thuật và tấn công đường không của kẻ địch, có thể được triển khai trên khu vực Tây Tạng và các đảo ở Biển Đông.
Vũ khí laser là vũ khí sử dụng tia laser công suất cao để bắn chính xác các mục tiêu tầm xa hoặc để bảo vệ tên lửa. Ưu điểm nổi bật của nó là thời gian phản ứng ngắn, có thể ngăn chặn các mục tiêu ở độ cao thấp khi phát hiện bất ngờ. Khi sử dụng laser để chặn nhiều mục tiêu, có thể nhanh chóng thay đổi mục tiêu, có khả năng ứng biến linh hoạt với nhiều mục tiêu. Điểm bất lợi của vũ khí laser là chúng không thể phù hợp với mọi điều kiện thời tiết, khó dùng khi sương mù nhiều, tuyết rơi dày, mưa lớn.
Về lý thuyết, vũ khí laser có thể triển khai dưới 3 dạng, gồm: (1) Gắn vũ khí laser vào vệ tinh nhân tạo, có thể tấn công các tên lửa liên lục địa đang trong giai đoạn đầu cất cánh (trong vòng tám phút sau khi cất cánh), hoặc tấn công các vệ tinh của đối phương trên quỹ đạo. (2) Lắp đặt trên mặt đất, có thể bắn hạ các máy bay hoặc vệ tinh; lắp đặt trên tàu để bắn tên lửa và máy bay không người lái tấn công đến. (3) Gắn trên máy bay để tấn công máy bay hoặc tên lửa của đối phương.
Các loại vũ khí laser chiến thuật mới TQ
Guard-I là hệ thống vũ khí laser công suất thấp có thể triển khai trên xe kéo hoặc trên mặt đất. Nó bắn đi tia laser có công suất 10 kW, có thể bao phủ khu vực rộng 12 km2. Hệ thống vũ khí laser này có thể bắn hạ hơn 30 loại phương tiện bay cỡ nhỏ, với tỷ lệ thành công tới 100% trong các thử nghiệm. Theo giới quan sát, Guard-I có thể bắn hạ máy bay không người lái (UAV) ở cự ly 2 km, độ cao 500 m, trong thời gian 5 giây. Hệ thống được phát triển bởi Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc vì mục đích an ninh xung quanh các sự kiện lớn tại đô thị. Được biết một hệ thống có công suất mạnh hơn đang được Trung Quốc phát triển để trang bị cho tàu chiến.
Silent Hunter là hệ thống được sử dụng để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu vào năm 2016. Hệ thống bắn ra tia laser có công suất từ 30-100 kW, phạm vi 4 km. Theo nhà phát triển China Poly Technologies, tia laser bắn ra từ hệ thống có thể cắt tấm thép dày 5 mm ở khoảng cách 1 km, hay xuyên thủng 5 tấm thép dày 2 mm đặt cạnh nhau ở cự ly 800 m. Silent Hunter được giới thiệu công khai lần đầu tại triển lãm hàng không Nam Phi năm 2016.
Guorong-I là hệ thống vũ khí laser được thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt máy bay không người lái. Hệ thống gồm radar theo dõi mục tiêu, cảm biến quang-điện tử và tia laser năng lượng cao có thể bắn hạ UAV chỉ vài giây từ khoảng cách hàng trăm mét. Hệ thống này được phát triển bởi Công ty công nghệ Guorong, thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.
Light Shield là hệ thống phòng thủ laser lắp trên các phương tiện cơ giới. Nó được thiết kế để phá hỏng hệ thống cảm biến quang-điện trên máy bay hoặc tên lửa. Hệ thống được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Hệ thống gồm cảm biến phát hiện, nhận dạng mục tiêu và máy phát laser để làm hỏng hoặc phá hủy cảm biến. Nó đã được lắp đặt trên một số xe bọc thép của quân đội Trung Quốc và được công bố tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014.
Ngoài ra, theo Tạp chí “Cơ giới Nhân dân” (Popular Mechanics) của Mỹ, quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai sử dụng vũ khí laser khác, bao gồm vũ khí laser làm lòa mắt BBQ-905, súng laser WJG-2002 và vũ khí laser làm lòa mắt PY132A.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chiếm ưu thế. Các chuyên gia cho rằng các hệ thống chống máy bay không người lái của Mỹ hiện vẫn tiên tiến hơn nhiều so với Trung Quốc. Chúng có tầm bắn lớn hơn, với nhiều loại công nghệ cảm biến, được phát triển bởi nhiều công ty hơn. Mỹ hiện có hơn 60 hệ thống chống UAV hoặc các sản phẩm sử dụng radar, sóng radio, phát hiện và theo dõi điện tử – âm thanh, để ngăn chặn hay thậm chí tiêu diệt thiết bị bay của đối phương. Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thiết bị bay không người lái, các hệ thống của Mỹ có thể can thiệp vào kết nối thông tin liên lạc của đối phương hoặc phá hủy UAV bằng laser hoặc đạn. Mới đây, Lockheed Martin cho ra mắt hệ thống phòng thủ chống UAE sử dụng vi sóng năng lượng cao. Đây là loại vũ khí laser có thể được lắp trên máy bay chiến đấu, vì vậy có khả năng tấn công hiệu quả hơn các loại thiết bị cầm tay hoặc gắn trên mặt đất. Quân đội Mỹ cho biết đã lên kế hoạch mua thiết bị này từ Lockheed Martin.
Các vụ việc từng do vũ khí laser của TQ gây ra
Trong những năm gần đây Trung Quốc đã phát triển nhiều mẫu vũ khí laser từ công suất thấp đến cao, có thể bắn hạ máy bay không người lái, phá hủy cảm biến hay gây mù mắt. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết 2 phi công Mỹ đã bị tổn thương mắt do tia laser chiếu từ căn cứ hải quân Trung Quốc ở Djibouti. Các quan chức Mỹ đã khiếu nại ngoại giao đến Bắc Kinh và yêu cầu điều tra. Công nghệ laser là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị của Trung Quốc. Nước này đã phát triển vũ khí laser, từ các tia laser năng lượng thấp đến hệ thống vũ khí chiến lược năng lượng cao.
Hồi tháng 5/2018, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ xác nhận, tại khu vực biển phía Đông Trung Quốc (Biển Hoa Đông), các phi công quân đội Mỹ từng bị Trung Quốc tấn công bằng vũ khí laser có khả năng gây mù mắt, số lần tấn công đã lên đến hơn 20 lần, lần đầu tiên xảy ra vào tháng 9/2017. Cơ quan truyền thông Mỹ nhận định, chính quyền Trung Quốc đã huấn luyện ngư dân Trung Quốc làm “dân quân biển” và họ đã sử dụng vũ khí laser để tấn công quân đội Mỹ; quân đội Trung Quốc đang gia tăng việc sử dụng vũ khí laser gây mù mắt. Mới đây trang mạng “Tuần san Hàng không và Công nghệ Vũ trụ” (Aviation Week & Space Technology) của Mỹ đưa tin ở khu vực biển Hoa Đông, Trung Quốc có hơn 20 lần tấn công laser nhắm vào phi công Mỹ, loại laser này có thể làm các phi công bị mù lòa, hoặc gây thảm kịch rơi máy bay chết người. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận, trong số vụ tấn công bằng laser này có khi đến từ trên đất liền của Trung Quốc và có khi đến từ một số tàu đánh cá.
Truyền thông Mỹ đã có nhận định rằng Trung Quốc đào tạo ngư dân sử dụng vũ khí laser của họ và cung cấp các khoản trợ cấp để các “trinh sát biển” này làm “tai mắt của quân đội Trung Quốc”, xâm nhập vào vùng biển tranh chấp, đối đầu với các tàu đánh cá và quân cảnh vệ bờ biển của các nước khác. Lần này, các phi công quân đội Mỹ đã bị tấn công bởi tia laser, nhiều khả năng hành vi do chính những ngư dân này gây ra. Theo phân tích, các cuộc tấn công này nằm dưới chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, vì các ngư dân bình thường không có radar giám sát, không thể phân biệt chính xác liệu một chiếc máy bay qua là máy bay dân sự hay quân sự của Mỹ.
Về khả năng TQ có thể triển khai vũ khí laser ở Biển Đông
Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng vũ khí laser mới của nước này rất phù hợp với các nhiệm vụ ở Tây Tạng và Biển Đông. Theo Thời báo Hoàn cầu đưa tin hôm 11/11, hệ thống vũ khí
laser mới LW-30 có thể phát hiện máy bay không người lái (UAV), ngăn chặn hoạt động trinh sát chiến thuật và tấn công đường không của kẻ địch. Hệ thống này có thể được triển khai trên khu vực cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và các đảo ở Biển Đông.
Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học hàng không Trung Quốc (CASIC) ngày 6/11 lần đầu công bố tổ hợp vũ khí laser LW-30 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông. Tổ hợp này bao gồm một xe chỉ huy và liên lạc, xe chiến đấu với pháo laser và thiết bị hỗ trợ. CASIC cho biết LW-30 được thiết kế để theo dõi và vô hiệu hóa các UAV, các loại máy bay hạng nhẹ và hệ thống dẫn đường quang điện tử trên vũ khí đối phương. Pháo laser của LW-30 có thể phát chùm tia có công suất lên tới 30 kW, phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 25 km. LW-30 có thể hoạt động độc lập hoặc được tích hợp vào các hệ thống vũ khí phòng không truyền thống của quân đội Trung Quốc. Vũ khí laser và các hệ thống chống máy bay không người lái hiện được Bắc Kinh chú trọng phát triển nhằm bắt kịp với công nghệ UAV của Mỹ, cũng như gia tăng năng lực tình báo và khả năng tấn công của quân đội Trung Quốc.
Cùng với các loại vũ khí laser, Trung Quốc được cho là đã phát triển các loại thiết bị khác có thể hỗ trợ vũ khí laser như hệ thống rađa, tác chiến điện tử… Theo báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng hồi tháng 6/2018 cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore, cách đó 2.000km. Đây sẽ là hệ thống radar mạnh nhất ở Biển Đông. Dù có được sử dụng để tạo ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hay không thì nó vẫn sẽ có nhiều ứng dụng trong quân sự, như nâng cao năng lực tác chiến tàu ngầm của Trung Quốc và làm gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc của các quốc gia khác bằng cách tạo ra một “hố đen” trong bầu khí quyển. Theo Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nhiều trạm radar đã mọc lên ở Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Gạc Ma và Xu Bi. Đặc biệt, hệ thống ở Châu Viên được cho là radar tần số cao, với tầm hoạt động lên tới 300 km. “Nếu đúng là radar tần số cao, nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc theo dõi tàu và máy bay ở Biển Đông. Đá Châu Viên là nơi thích hợp cho việc lắp đặt loại radar này vì nằm ở cực nam của Trường Sa. Có nghĩa đó là nơi tốt nhất nếu bạn muốn radar cảnh báo sớm theo dõi mọi tàu bè và phi cơ đến từ eo biển Malacca và những khu vực khác nằm ở phía Nam, chẳng hạn như Singapore.
Các nước phản đối hành động của TQ
Bất kỳ hành động quân sự nào của Trung Quốc trên Biển Đông đều là hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và nguyên tắc không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trên biển. Những hành động này gây phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Mỹ đã từng đưa đơn khiếu nại chính thức đối với Trung Quốc về việc nước này sử dụng vũ khí laser, nhưng chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc. Trung Quốc đã ký “Nghị định thư Liên hiệp quốc về Vũ khí laser”, cấm sử dụng vũ khí laser gây mù lòa trong chiến tranh. Hiệp ước có hiệu lực vào ngày 30/7/1998, đến tháng 12/2014 đã có 104 quốc gia cam kết.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng bất kỳ thiết bị quân sự, dân sự nào trên các cấu trúc xây dựng tại đảo trái phép ở quần đảo Trường Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
TQ quan ngại Nhật Bản
cải tạo tàu quân sự để triển khai F-35
Một hãng thông tấn Trung Quốc đã gọi quyết định cải tạo tàu JS Izumo để có thể chở theo máy bay chiến đấu F-35B của Nhật Bản là “hành động gây hấn” có thể khiến quốc gia này “lặp lại lịch sử quân phiệt của mình”.
Một số nguồn tin cho biết, chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận nhằm mua 100 phi cơ chiến đấu tàng hình F-35 từ Mỹ. Một vài trong số này là phiên bản F-35B có khả năng cất cánh thẳng đứng trên đường băng ngắn để hoạt động trên biển. Để có thể triển khai F-35B, Lực lượng Tự vệ Trên biển của Nhật Bản phải tiến hành cải tạo một số tàu chiến của mình.
Nếu được ký kết, thỏa thuận này sẽ gia tăng số lượng máy bay F-35 của Nhật Bản từ 42 lên thành 142 chiếc. Tokyo muốn hiện đại hóa một nửa số máy bay chiến đấu F-15 đã có tuổi của mình và thay thế số còn lại bằng F-35.
Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan ngại rằng việc nâng cấp tàu Izumo sẽ biến tàu này từ một tàu phòng vệ trở thành công cụ khẳng định sức mạnh quân sự.
Dự kiến vào tháng 12 tới Tokyo sẽ công bố kế hoạch mua khí tài quân sự và mục tiêu quốc phòng trung hạn vào giữa tháng 12 tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya giải thích trong một cuộc họp báo rằng bộ muốn sở hữu một “loại máy bay chiến đấu có khả năng chiến đấu cao”. Ông Iwaya cũng xác nhận rằng bộ đang nghiên cứu để cải tạo một trong số tàu lớp Izumo mà họ đang có để có thể mang theo các loại máy bay tiêm kích.
“Do đây là một loại khí tài rất có giá trị, cá nhân tôi tin rằng sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể sử dụng cho nhiều mục đích nhất có thể”, ông Iwaya phát biểu trong một cuộc họp báo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nếu Nhật Bản tiếp tục phát triển quân sự, quan hệ song phương vốn đang nồng ấm sẽ lại đóng băng trở lại. “Nhật Bản không được quên quá khứ rằng họ đã xâm lược các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong Thế chiến II”, báo Global Times viết.
Ông Song Zhongping, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định: “Bằng việc bố trí F-35B trên tàu chiến của mình, Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn trong chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ và họ có thể sẽ được phép triển khai quân đội của mình ra toàn thế giới”.
TQ lệnh cho tàu cá “biết cư xử”
khi hội nghị G20 diễn ra
Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Argentina vào tuần này, Bắc Kinh cảnh báo tàu cá Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài tránh các hoạt động bất hợp pháp.
Trung Quốc lệnh cho tàu cá tránh hoạt động trái phép để giữ hình ảnh. Ảnh: VCG
Theo đài CNBC hôm 30-11, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu các đơn vị đánh bắt cá xa bờ của Trung Quốc phải giữ tàu thuyền của họ cách vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) của các nước ít nhất 3 hải lý.
Khoảng cách này sẽ đảm bảo tàu cá Trung Quốc không thể thực hiện các hành vi vi phạm như đánh bắt cá qua biên giới.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc giải thích động thái trên nhằm bảo vệ hình ảnh của Bắc Kinh với vai trò là một cường quốc có trách nhiệm cũng như ngăn chặn bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào ở nước ngoài trong thời gian tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-20.
Cảnh báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc lưu ý các tàu đi vào vùng đặc quyền kinh tế biển của một quốc gia phải thông báo cho quốc gia đó, đồng thời tuân thủ quy định về hàng hải. Ngoài ra, các đơn vị đánh bắt cá xa bờ của Trung Quốc được khuyến cáo theo dõi tàu thuyền của mình 24/24 và đảm bảo chúng hoạt động đúng luật.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có những hành vi hung hăng tại các tuyến hàng hải quốc tế như biển Đông trong khi một số tàu Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp ở nước ngoài.
Hồi năm ngoái, một tàu Trung Quốc ở Vườn quốc gia Galapagos (Ecuador) – khu bảo tồn biển bị cấm đánh bắt cá phục vụ công nghiệp – bị phát hiện cùng với hơn 6.000 con cá mập.
Trung Quốc cũng thường bị cáo buộc đánh bắt cá quá mức trong vùng lãnh hải của nước này. Kể từ năm 1994, Bắc Kinh đã khai thác thủy hải sản vượt hạn mức hằng năm, theo tổ chức Hòa Bình Xanh khu vực Đông Á.
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính 90% ngư trường trên thế giới đang bị đánh bắt quá mức và Trung Quốc là “thủ phạm” chính. Thống kê cho thấy khoảng 2.600 “siêu tàu” đánh cá của Trung Quốc đang càn quét đến cạn kiệt nguồn cung hải sản trên thế giới.
Một vấn đề gây tranh cãi khác là Trung Quốc trợ giá nhiên liệu cho đội tàu cá nước mình và khăng khăng không chịu chấm dứt bất chấp bị phản đối. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đội tàu cá được sự tài trợ của nhà nước dự định tăng sản lượng đánh bắt thường niên từ 2 triệu tấn năm 2016 lên 2,3 triệu tấn năm 2020.
http://biendong.net/bi-n-nong/25033-tq-lenh-cho-tau-ca-biet-cu-xu-khi-hoi-nghi-g20-dien-ra.html
Bắc Kinh có khả năng đã can thiệp
vào các cuộc bầu cử tại Đài Loan?
Bắc Kinh có thể đã nhắm mục tiêu đến Đài Loan với các hoạt động mạng để giúp phe đối lập ủng hộ Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Đài Loan, theo một công ty an ninh mạng hàng đầu của Mỹ, FireEye.
Phát biểu với tờ Nikkei Asian Review, ông Fred Plan, chuyên gia phân tích cao cấp của công ty FireEye, cho hay mặc dù công ty của ông vẫn đang điều tra các cuộc tấn công có thể đã xảy ra trước ngày bỏ phiếu hôm 25/11, kinh nghiệm cho thấy Trung Quốc đã tiến hành gián điệp mạng ở Đài Loan, đặc biệt trước các sự kiện bầu cử quan trọng.
“Trước các cuộc bầu cử thường thường gia tăng các hoạt động mạng nhắm vào Đài Loan, và chúng tôi dự đoán rằng điều này sẽ xảy ra một lần nữa. Đài Loan luôn là mục tiêu chính của các hoạt động mạng hiểm độc, đặc biệt là từ những người có mối liên hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, ông Plan nhận định.
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Trung Quốc không làm điều đó” trong các cuộc bầu cử gần đây, ông Plan nói thêm.
Cuộc bầu cử đã chứng kiến sự phân chia kết quả của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của Tổng thống Thái Anh Văn, đối với 22 thành phố và các tỉnh ở đảo Đài Loan, trong đó số lượng các khu vực mà DPP giành chiến thắng đã giảm từ 18 địa hạt xuống còn 6 địa hạt. Kết quả này là một cú đánh mạnh vào triển vọng tái đắc cử của bà Thái vào năm 2020. Tuy nhiên, điều bất ngờ lớn nhất là sự thất bại nghiêm trọng ở thành phố Cao Hùng, ‘một pháo đài phía nam’ của DPP, nơi ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), một ứng cử viên ít tên tuổi của Quốc Dân Đảng, đã dành chiến thắng.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đi bỏ phiếu tại Đài Loan, hôm 24/11. (Ảnh: Reuters).
Trước cuộc bầu cử, bà Thái và chính quyền Đài Loan đã từng ám chỉ rằng Trung Quốc đã can thiệp vào chiến dịch bầu cử. Trong các bài phát biểu gần đây cũng như các bài đăng trên Facebook, bà Thái cho rằng những tin tức giả mạo từ bên ngoài Đài Loan, đã làm tổn hại đến nền dân chủ của hòn đảo, gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử.
Trong một bài diễn văn hôm 10/10, bà Thái cảnh báo: “Cho dù đó là việc truyền bá những thông tin đánh lạc hướng, hay [hành động] bất hợp pháp đạt được những tin tức khoa học và kỹ thuật, gây tổn hại nghiêm trọng hệ thống an ninh thông tin, can thiệp vào quá trình bầu cử, hoặc can thiệp vào các hoạt động của chính phủ, nếu có bằng chứng tội phạm không thể chối cãi, thì những tên thủ phạm sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng”.
Luôn xem hòn đảo tự trị là một phần lãnh thổ của mình, Trung Quốc đã gia tăng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan. Bắc Kinh từ chối cấp visa cho du khách Trung Quốc đến Đài Loan. Trong khi đó, mối quan hệ của Đài Bắc với Washington là gần gũi nhất trong hơn một thập kỷ qua. Mỹ cũng tận dụng các vấn đề liên quan đến Đài Loan trong cuộc chiến giành quyền thống trị toàn cầu, với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tận dụng sự thất bại lớn của DPP, Bắc Kinh hiện đang ở vị thế để mở rộng ảnh hưởng của họ đối với Đài Loan, ông Plan nhận xét.
Ông Plan cho rằng trong khi Trung Quốc mới tìm cách gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở nước ngoài thông qua tin tức giả mạo hoặc thao túng phương tiện truyền thông xã hội, Bắc Kinh coi Đài Loan là một “thực thể có chủ quyền”.
Theo ông Plan, “Đài Loan là một trong những mục tiêu chính cho hoạt động mạng có mối liên hệ với Trung Quốc. Cho đến nay, điều này chủ yếu là gián điệp mạng, nhưng khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động thông tin của riêng mình (sử dụng internet và truyền thông xã hội để gây ảnh hưởng), chúng tôi cho là mục tiêu chính cũng sẽ là Đài Loan”.
Một tuần trước ngày bỏ phiếu, phát ngôn viên Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoquang) của Văn phòng Đặc trách Đài Loan của Trung Quốc, đã sử dụng một cuộc họp báo thường lệ để phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào như vậy. Bà Mã thậm chí quay sang chỉ trích đảng DPP của Tổng thống Thái Anh Văn.
“Mọi người đều biết rằng chúng tôi chưa bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan. Đảng Dân chủ Tiến bộ cố tình gây ra sự hiểu lầm giữa những người dân ở cả hai phía eo biển Đài Loan, làm sâu sắc thêm sự thù địch và phá hoại các mối quan hệ qua eo biển, vì lợi ích bầu cử của chính họ”, bà Mã ‘cao giọng’.
Theo ông Plan, Bắc Kinh có một quá khứ đã được chứng minh trong việc can thiệp vào các hệ thống dân chủ của các quốc gia, nơi mà Trung Quốc có lợi ích kinh tế. Dẫn chứng ví dụ về cuộc bầu cử gần đây của Campuchia, ông Plan cho rằng rõ ràng Bắc Kinh đứng đằng sau những động thái nhằm duy trì quyền lực cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người có khuynh hướng ủng hộ Bắc Kinh.
Ông Plan cũng cảnh báo rằng các vụ tấn công mạng tương tự có thể sẽ xảy ra tại một số nước châu Á, với các cuộc bầu cử sắp tới, bao gồm Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Úc và Indonesia.
“Trung Quốc đã đẩy mạnh bộ máy gián điệp mạng của mình trên toàn khu vực. Bất kỳ quốc gia nào trong [Sáng kiến] Vành đai và Con đường, cũng có thể bị ảnh hưởng”, ông Plan nhận định.
Theo ông Plan, chiến thắng bất ngờ năm nay của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, là một ‘tiếng chuông cảnh tỉnh’ đối với Bắc Kinh.
Tổng thống Philippines ‘nói đùa’ mình dùng cần sa
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã phát động cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi giết chết gần 5.000 người buôn bán và sử dụng ma túy kể từ khi nhậm chức vào năm 2016, nói hôm 3/12 rằng ông đã sử dụng cần sa để tỉnh táo, rồi sau đó bảo rằng ông chỉ đùa thôi.
Theo Reuters, phát biểu trên của ông Duterte chắc chắn sẽ khiến cho các gia đình nạn nhân của cuộc trấn áp ma túy của ông tức giận.
Cần sa được xem là bất hợp pháp ở Philippines.
“Tôi dùng cần sa để giữ mình tỉnh táo”, Reuters dẫn lời ông Duterte nói trong một bài phát biểu, than phiền về Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Singapore vào tháng trước.
Tại Singapore, ông Duterte đã bỏ qua một số cuộc họp và tranh thủ chợp mắt để tái nạp năng lượng, theo lời phát ngôn viên của ông.
Reuters dẫn lời ông Duterte nói: “Tiến độ càng trở nên nhanh hơn, bạn càng không thể ngủ được vì phải đọc đuổi”.
Sau bài phát biểu, ông Duterte nói với các phóng viên rằng ông đã nói đùa, nhưng một nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích câu đùa giỡn của ông.
“Điều này chắc chắn sẽ khiến các gia đình giận dữ hơn nữa. Có một sự bất nhất giữa những gì tổng thống thừa nhận làm và những gì tổng thống nói ông sẽ làm đối với những người sử dụng ma túy”, Carlos Conde, nhà nghiên cứu về Philippines của tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại New York, nói với Reuters.
“Bây giờ, nếu tổng thống thừa nhận là nói đùa… thì điều đó sẽ hủy hoại mức độ tín nhiệm của mọi chuyện”.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-philippines-noi-dua-minh-dung-can-sa/4684662.html