Tin khắp nơi – 03/09/2020
Bầu cử 2020: Quan điểm của Trump về các vấn đề cử tri quan tâm
Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 nhờ một cụm từ đơn giản: “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Tranh cử mong được ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai, ông phải đối mặt với một đất nước đang vật lộn với những thách thức từ virus corona và dư chấn kinh tế của đại dịch – và một khối đại cử tri đang cân nhắc thành quả của ông trong bốn năm cầm quyền.
Chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông dựa vào chính sách phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy việc làm, bảo vệ lợi ích thương mại của Hoa Kỳ và tiếp tục lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư.
Dưới đây là chính sách của ông Trump trong tám vấn đề chính.
Dựng lại nền kinh tế tơi tả vì đại dịch
Tổng thống Trump từ lâu đã vận động tranh cử theo nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết”, và thúc đẩy việc đưa việc làm và ngành sản xuất trở lại Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử đầu, ông Trump hứa sẽ cắt giảm thuế cho những người Mỹ đang làm việc, giảm thuế suất doanh nghiệp, cải thiện hiện trạng thương mại và phục hồi ngành sản xuất của Mỹ.
Trong một số những điều này, ông đã phần nào thực hiện được.
Trong bốn năm qua, ông đã rút lại các quy định liên bang về doanh nghiệp, cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập và ký các lệnh hành pháp hỗ trợ các ưu đãi đối với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Kể từ tháng 1/2017, Mỹ đã có thêm hơn 480.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực này đang chậm lại và các chính sách liên quan của ông Trump – như thuế quan – chưa giải quyết được các vấn đề cơ cấu.
Bầu cử 2020: Giải thích hệ thống chính trị Mỹ
Kết quả thăm dò mới nhất về cuộc đua giữa Trump và Biden
Ông Trump cũng dự đoán kinh tế sẽ phục hồi ngay sau đại dịch – mặc dù các nhà phê bình nói rằng phản ứng Covid-19 của ông đã gây ra thiệt hại kinh tế lâu dài.
Chấm dứt ‘phụ thuộc’ vào TQ, bảo vệ sản xuất của Mỹ
Ông Trump vận động tranh cử với lời hứa Mỹ nên tập trung vào lợi ích kinh tế của chính mình mặc dù ông nói “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa là “nước Mỹ đơn độc”.
Về thương mại, ông Trump có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, cùng với chính sách bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài – và đó vẫn là những khía cạnh quan trọng trong chính sách thương mại của ông.
Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống nhấn mạnh công việc của ông là đàm phán lại các thỏa thuận thương mại trong quá khứ mà ông nói là không công bằng đối với Mỹ – như Nafta, giữa Mỹ, Canada và Mexico – hoặc rời bỏ chúng – như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông cũng hứa sẽ khắc phục thâm hụt thương mại của Mỹ (chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu), mà, lần đầu tiên trong sáu năm đã giảm vào năm 2019, mặc dù các nhà kinh tế không đồng ý về việc liệu điều này có thực sự cải thiện kinh tế hay không.
Cuộc chiến thương mại đang diễn ra của Tổng thống Trump với Trung Quốc đã tăng thuế biên giới lên gần 500 tỷ đôla thương mại hàng năm và thỏa thuận “giai đoạn một” năm nay giữa hai quốc gia đã khiến hầu hết các mức thuế vẫn được giữ nguyên.
Vào tháng 8, ông cho biết muốn cung cấp các khoản miễn trừ thuế để lôi kéo công ty Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đồng thời nói rằng “chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Ông Trump cũng đã áp thuế lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu – từ thép đến rượu vang của Pháp – đã đe dọa áp thuế lên thép và nhôm từ Brazil và Argentina, và gần đây đã tái áp thuế đối với một số sản phẩm nhôm của Canada.
‘Nước Mỹ trên hết’ và khẳng định chủ quyền của Mỹ
Như với thương mại, ông Trump cũng đã hứa đặt “Nước Mỹ trên hết” trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Theo cách nói của Nhà Trắng, điều đó có nghĩa là “khẳng định lại chủ quyền của Mỹ và quyền của tất cả các quốc gia được xác định tương lai của mình”, với trọng tâm là đảm bảo an ninh và thịnh vượng.
Điều đó có ý nghĩa gì trong thực tế?
Nó bao gồm việc rút khỏi một số hiệp định đa phương lớn như hiệp định khí hậu Paris hoặc rút lui khỏi một số tổ chức đa phương, như Tổ chức Y tế Thế giới.
Ông đã thách thức một số liên minh quốc tế, thúc đẩy các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) tăng cường chi tiêu quốc phòng của họ trong liên minh quân sự.
Và gần đây ông nhắc lại lời hứa sẽ hạ thấp quân số của Mỹ ở nước ngoài – hiện đang ở mức ngang bằng lúc ông nhậm chức – đặc biệt là ở những nơi như Đức và Afghanistan.
Giới phê bình cho rằng ông đã tạo ra căng thẳng với các đồng minh thân cận lịch sử của Mỹ trong khi tiếp cận với các đối thủ như Triều Tiên và Nga.
Ông có những thành công trong chính sách đối ngoại, gần đây đã giúp môi giới một thỏa thuận giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để bình thường hóa quan hệ.
Và ông đã hô hào việc giết Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), và chỉ huy quân sự quyền lực của Iran, Tướng Qasem Soleimani.
Xây tường và hạn chế nhập cư
Những lời hứa hạn chế mức nhập cư đã trở thành nền tảng cho sự nghiệp chính trị của tổng thống.
Bây giờ, khi ông vận động tái tranh cử, ông hứa sẽ tiếp tục xây bức tường biên giới trên biên giới Mỹ-Mexico – cho đến nay ông đã bảo đảm kinh phí cho 445 dặm (716 km) của hàng rào 722 dặm.
Ông cũng thề sẽ loại bỏ việc xổ số Visa và di cư theo chuỗi – nghĩa là nhập cư vào Mỹ dựa trên quan hệ gia đình – và chuyển sang hệ thống nhập cảnh “dựa trên thành tích”.
Kế hoạch cải cách nhập cư của ông Trump phải đối mặt với thất bại vào mùa hè này khi Tòa án Tối cao ra phán quyết chống lại nỗ lực hủy bỏ bộ luật DACA của chính quyền ông, vốn bảo vệ khoảng 650.000 thanh niên nhập cảnh vào Mỹ mà không có giấy tờ khi còn nhỏ.
Giảm gía thuốc, chấm dứt Đạo luật Obamacare
Ông Trump vận động tranh cử năm 2016 dựa trên việc bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (Obamacare) do cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra.
Mặc dù không thể bãi bỏ hoàn toàn, chính quyền Trump đã thành công trong việc hủy bỏ các phần của luật đó gồm bãi bỏ việc bắt mọi người phải mua bảo hiểm y tế, nếu không phải nộp phạt thuế.
Tổng thống Trump cũng hứa sẽ hạ giá thuốc ở Mỹ và vào tháng 7 đã đưa ra các biện pháp cho phép giảm giá và nhập khẩu thuốc rẻ hơn từ nước ngoài, mặc dù một số nhà phân tích trong ngành cho rằng những biện pháp này sẽ không có nhiều tác dụng.
Ông tuyên bố cuộc khủng hoảng opioid là tình trạng khẩn cấp về y tế quốc gia vào năm 2017 và cung cấp 1,8 tỷ đôla tài trợ liên bang cho các tiểu bang để thực hiện biện pháp phòng ngừa, điều trị và phục hồi. Ông cũng thực hiện các bước để hạn chế kê đơn opioid.
Nhưng giới phê bình cho rằng nỗ lực liên tục nhằm phá bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, đưa bảo hiểm y tế đến cho hàng triệu người, của ông, sẽ gây bất lợi cho việc chiến đấu với cuộc khủng hoảng opioid.
Thúc đẩy năng lượng Hoa Kỳ
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã rút ra khỏi hàng trăm biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm giới hạn lượng khí thải carbon dioxide từ các nhà máy điện và phương tiện giao thông, cũng như bảo vệ các tuyến đường thủy liên bang trên khắp đất nước, thực hiện lời hứa tranh cử từ năm 2016.
Ông cũng rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, nói rằng thỏa thuận này gây bất lợi cho Mỹ “vì lợi ích riêng của các nước khác”. Việc rút lui đó sẽ chỉ chính thức hoàn tất sau cuộc bầu cử vào tháng 11.
Gần đây nhất, chính quyền của ông đã phê duyệt việc khoan dầu khí tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực ở Alaska, nơi việc khoan dầu đã bị giới hạn trong nhiều thập niên.
Theo dõi hành vi sai trái của cảnh sát
Tổng thống Trump cổ súy Đạo luật Bước Đầu tiên như bước quan trọng mà ông thực hiện đối với cải cách tư pháp hình sự.
Dự luật lưỡng đảng năm 2018 có ý nghĩa quan trọng, và các luật đã được cải cách ở cấp liên bang, giúp các thẩm phán có quyền quyết định hơn trong quá trình tuyên án cũng như tăng cường các nỗ lực cải tạo tù nhân.
Ông Trump cũng hứa sẽ có Đạo luật Bước Thứ hai tiếp theo sẽ giải quyết các rào cản về việc làm cho các cựu tù nhân, mặc dù chưa có luật nào như vậy được đề xuất cho đến nay.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump tự cho mình là một người ủng hộ việc thực thi pháp luật và vẫn giữ nguyên như vậy trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, gần đây nhất ông đã leo thang việc ủng hộ cảnh sát trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống bất công phân biệt chủng tộc trên toàn quốc.
Trong tháng 6, Tổng thống Trump ký một lệnh hành pháp giới thiệu một số cải cách cảnh sát, cung cấp các khoản trợ cấp liên bang để cải thiện hoạt động, bao gồm cả việc tạo cơ sở dữ liệu để theo dõi các hành vi lạm dụng của cảnh sát.
Tổng thống nói rằng các phương pháp chẹn cổ gây tranh cãi để kiềm chế nghi phạm “nói chung” nên bị cấm nhưng đã không chuyển sang thực thi một lệnh cấm.
Bảo vệ Tu chính án thứ Hai
Sau khi nước Mỹ bị rung chuyển bởi các vụ xả súng hàng loạt ở Texas và Ohio năm 2019, ông Trump bày tỏ sự ủng hộ đối với một loạt cải cách, chẳng hạn như kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với người mua súng và “luật cờ đỏ”, ngăn chặn quyền tiếp cận vũ khí đối với những người được coi là rủi ro cho xã hội.
Nhưng sau cơn sốt quan tâm ban đầu này, ông Trump hầu như đã không làm gì để chuyển những ý tưởng này thành hành động. Thay vào đó, tổng thống tiếp về tục lên tiếng bảo vệ Tu chính án thứ Hai của hiến pháp Hoa Kỳ – bảo vệ quyền sở hữu súng của người Mỹ – và quyền lợi của nhóm vận động hành lang súng mạnh mẽ, Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA).
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53882303
Mỹ công bố những hạn chế mới
với giới ngoại giao Trung Quốc
Mỹ sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc phải được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận trước khi đến thăm các trường đại học của Mỹ hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa với hơn 50 người bên ngoài các cơ sở truyền giáo, theo Reuters.
Washington thực hiện động thái này như một phản ứng trước những hạn chế của Bắc Kinh đối với các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc. Đây là một phần chiến dịch của chính quyền Trump chống lại cáo buộc hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ cũng sẽ hành động để giúp đảm bảo tất cả các tài khoản mạng xã hội của đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc được “xác minh thích đáng”.
Biển Đông: Cố vấn an ninh Mỹ nói tuyên bố chủ quyền của TQ là ‘lố bịch’
Biển Đông: Mỹ trừng phạt các công ty, cá nhân TQ
“Chúng tôi chỉ đơn giản là yêu cầu có đi có lại”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói trong một cuộc họp báo. “Quyền tiếp cận của các nhà ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc nên phản ánh khả năng tiếp cận mà các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Hoa Kỳ được hưởng và các động thái hôm nay sẽ cơ bản đưa chúng tôi theo hướng đó.”
Đây là bước đi mới nhất của Mỹ nhằm hạn chế hoạt động của Trung Quốc ở Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, trong đó Tổng thống Donald Trump đã đưa ra cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc như nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington gọi động thái này là “một hạn chế và rào cản phi lý khác đối với các nhân viên ngoại giao và lãnh sự Trung Quốc” “đi ngược lại các giá trị tự tuyên bố về sự cởi mở và tự do của phía Hoa Kỳ”.
Ông Pompeo cũng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã viết thư cho hội đồng quản trị của các trường đại học Mỹ, cảnh báo họ về các mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra.
“Những mối đe dọa này có thể đến dưới hình thức tài trợ bất hợp pháp cho nghiên cứu, đánh cắp tài sản trí tuệ, đe dọa sinh viên nước ngoài và các nỗ lực tuyển dụng nhân tài không rõ ràng,” ông Pompeo nói.
Ông nói rằng các trường đại học có thể giúp đảm bảo các khoản đầu tư và quỹ tài trợ sạch bằng việc tiết lộ các công ty Trung Quốc trong các quỹ đó và loại bỏ những công ty có liên quan đến vi phạm nhân quyền.
Hôm thứ Ba, Pompeo cho biết ông hy vọng hàng chục trung tâm văn hóa Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ tại các đại học ở Hoa Kỳ, nơi mà ông cáo buộc đã hoạt động để tuyển dụng “gián điệp và cộng tác viên”, sẽ bị đóng cửa hoàn toàn vào cuối năm nay.
Mỹ áp dụng trừng phạt đối với trưởng đặc khu Hong Kong
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ‘tái khẳng định quan hệ đối tác toàn diện’ với VN
Pompeo cho biết ông dự định thảo luận về Trung Quốc và các vấn đề khu vực khác với Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Ấn Độ – Thái Bình Dương trong các cuộc họp online vào tuần tới.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo sẽ tham gia một cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao tại Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á và một cuộc họp khác với những người đồng cấp ASEAN vào ngày 9/ 9.
Bộ này cho biết vào ngày 11/9, ông Pompeo sẽ khởi động quan hệ đối tác hợp tác với các nước sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhằm tăng cường quyền tự chủ, độc lập kinh tế và phát triển bền vững.
Cùng ngày, ông Pompeo sẽ tham gia cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN, một nhóm gồm 27 quốc gia trong đó các nước ASEAN và các đối tác từ khắp nơi trên thế giới sẽ đối thoại.
Động thái hôm thứ Tư của Hoa Kỳ đi xa hơn động thái vào hồi tháng 10 năm ngoái, khi Mỹ yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc thông báo về các cuộc họp với giới chức nhà nước và địa phương cũng như tại các cơ sở giáo dục và nghiên cứu.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã yêu cầu các cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng ký hoạt động như cơ quan ngoại giao nước ngoài và thông báo vào tháng Ba rằng Mỹ đã cắt giảm số lượng nhà báo của các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc được phép làm việc tại các văn phòng tại Mỹ từ 160 người xuống còn 100.
https://www.bbc.com/vietnamese/54008576
Washington hạn chế thêm quyền đi lại
và hoạt động của giới ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ
Mai Vân
Hoa Kỳ vào hôm qua, 02/09/2020 đã thông báo những hạn chế mới trong vấn đề tự do đi lại và hoạt động của các nhân viên ngoại giao Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ. Đây là quyết định nhằm trả đũa những biện pháp kiểm soát mà Bắc Kinh áp đặt đối với các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc.
Theo lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Hoa Kỳ kể từ nay sẽ phải có phép của bộ Ngoại Giao Mỹ trước khi đến thăm các đại học xá trên đất Mỹ hay đi gặp các lãnh đạo địa phương.
Ngoài ra, giới ngoại giao Trung Quốc cũng phải được sự phê chuẩn từ bộ Ngoại Giao Mỹ trước khi tổ chức các sự kiện văn hóa với sự tham gia của hơn 50 người bên ngoài khuôn viên đại sứ quán và các lãnh sự quán Trung Quốc ở Mỹ.
Sau cùng bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ có những hành động nhằm bảo đảm sao cho tất cả tài khoản mạng xã hội của tòa đại sứ và lãnh sự Trung Quốc đều phải mang nhãn là “của chính phủ Trung Quốc”.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhắc lại rằng từ nhiều năm nay Trung Quốc đã gia tăng các rào cản đối với hoạt động của các nhà ngoại giao Mỹ cho nên Washington “chỉ đơn giản là muốn phải có đi có lại” và quyền đi lại và tiếp xác của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ phải phản ánh tình trạng mà các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc phải chịu.
Theo hãng tin Anh Reuters, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C. đã phản ứng gay gắt trước quyết định của chính quyền Mỹ, tố cáo những “hạn chế không có cơ sở” đi ngược lại các “giá trị cởi mở và tự do mà phía Mỹ vẫn tự tuyên bố”.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây gia tăng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngoại giao và văn hóa. Cách nay hai hôm, ngày 01/09, ngoại trưởng Pompeo cũng đã tuyên bố hy vọng là toàn bộ các trung tâm văn hóa thuộc Viện Khổng Tử Trung Quốc tại các đại học Mỹ từ nay đến cuối năm phải đóng cửa, vì đó là những nơi chủ yếu nhằm tuyển dụng “gián điệp và cộng tác viên” trong giới sinh viên Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo: Trung Quốc dự kiến
tăng gấp đôi đầu đạn hạt nhân trong 10 năm
Quý Khải
Trong 10 năm tới, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân họ đang sở hữu, đồng thời bắt tay vào nỗ lực mở rộng các cách thức triển khai năng lực hạt nhân của mình, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Trung Quốc ông Chad L. Sbragia cho biết tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Ông đã thảo luận về những thông tin được đưa ra trong một báo cáo mới công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ mang tên “Sự phát triển Quân sự và An ninh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – năm 2020”.
Ông Sbragia cho biết: “Báo cáo cho biết hiện kho dự trữ của Trung Quốc có ước tính khoảng 200 đầu đạn, và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô trong thập kỷ tới khi nước này mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình”.
Nhưng điều quan trọng không kém là làm thế nào Trung Quốc có thể khai hỏa những đầu đạn đó nếu cần. Báo cáo cho hay Trung Quốc dự định phát triển một “bộ ba hạt nhân” tương tự bộ ba mà Mỹ đang sở hữu và nỗ lực hiện đại hóa.
“Báo cáo [cũng] lưu ý Trung Quốc đang mở rộng, hiện đại hóa và đa dạng hóa các lực lượng hạt nhân trên diện rộng”, ông Sbragia nói. “Chỉ nhìn vào số lượng đầu đạn sẽ không thể cung cấp được bức tranh toàn cảnh, hoặc không thể đưa ra một sự hiểu biết tổng thể về mục tiêu người Trung Quốc đang hướng tới”.
Bộ ba hạt nhân của Mỹ cho phép phóng tên lửa đạn đạo từ mặt đất, trên biển từ tàu ngầm, cũng như phóng từ trên không.
Ông Sbragia cho biết, trong vòng một thập kỷ tới, Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm đạn đạo và khai thác các tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ trên biển. Nước này cũng có kế hoạch phát triển năng lực phóng từ trên không. Về cơ bản, ông cho biết Trung Quốc có kế hoạch trang bị thêm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động (ICBM) và cũng có thể mở rộng kho tên lửa ICBM của mình.
“Rõ ràng là họ (Trung Quốc) đang theo đuổi xây dựng bộ năng lực quân sự đầy đủ … bao gồm việc xây dựng các cơ sở hạ tầng hiện đại hóa, có khả năng và thực lực lớn hơn trong khu vực”, ông Sbragia nói.
Ông Sbragia cho biết báo cáo cũng đi đến kết luận rằng, bên cạnh các khoản đầu tư xây dựng năng lực hạt nhân, Trung Quốc đặt mục tiêu biến Quân đội Giải phóng Nhân dân thành một “lực lượng quân đội đẳng cấp thế giới” vào năm 2050.
“Trong khi Trung Quốc chưa định nghĩa cụ thể ‘lực lượng quân đội đẳng cấp thế giới’ có nghĩa gì, nhưng có khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách xây dựng quân đội ngang bằng hoặc trong một số trường hợp vượt trội hơn so với quân đội Mỹ hoặc quân đội của bất kỳ cường quốc nào khác mà Trung Quốc coi như mối đe dọa tiềm tàng”, ông Sbragia nói.
Ông nói, một khía cạnh trong việc tiến tới đạt được vị thế của một quân đội đẳng cấp thế giới là việc triển khai lực lượng. Người Trung Quốc muốn quân đội của họ có thể hoạt động ở bất cứ đâu trên thế giới. Một bước tiến về phía trước là việc thiết lập một mạng lưới hậu cần ở nước ngoài mạnh mẽ hơn.
Theo báo cáo, Trung Quốc “rất có thể đã xem xét và lên kế hoạch” thành lập các cơ sở hậu cần quân sự bên ngoài Trung Quốc có thể hỗ trợ các lực lượng hải quân, không quân và trên bộ.
Một số địa điểm mà họ có thể đang xem xét bao gồm Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan. Trung Quốc hiện đã có quân đội đồn trú ở Djibouti, một quốc gia ở Đông Châu Phi.
Ông Sbragia nói: “Người Trung Quốc có … khát vọng trở thành cường quốc, bằng mọi thước đo sức mạnh quốc gia toàn diện hoặc tổng hợp mà chúng ta có thể đưa ra. Để đạt được điều đó, họ phải có … một sự hội tụ toàn cầu ở quy mô rộng nhất có thể. Đối với quân đội Trung Quốc, điều đó có nghĩa là họ sẽ mưu toan xuất ngoại. Tôi nghĩ đó chắc chắn là một trong những khía cạnh trong định nghĩa của một ‘quân đội đẳng cấp thế giới’ … khả năng gây ảnh hưởng ở khoảng cách xa, vào thời gian và địa điểm mà họ chọn lựa. Họ chắc chắn khao khát làm được điều đó”.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ
Quý Khải biên dịch
Ngoại trưởng Mỹ: Đảng Cộng sản Trung Quốc
‘bắt nạt láng giềng’
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 2/9 lên tiếng chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc “gia tăng việc bắt nạt các nước láng giềng” mà ông nói là “thể hiện rõ ở Biển Đông”.
Ông Pompeo nhắc tới việc Hoa Kỳ tuần trước “áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế visa các cá nhân và thực thể Trung Quốc chịu trách nhiệm cho chủ nghĩa đế quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đó”, bao gồm “các hoạt động trong vùng [đặc quyền] kinh tế của đồng minh Philippines và các nước khác”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có phản ứng về chỉ trích mới nhất này của ông Pompeo, nhưng trước đây từng cáo buộc Mỹ “cố tình khuấy động tranh cãi về chủ quyền lãnh hải” cũng như “phá hoại hòa bình và ổn định”.
Mỹ ‘chúc mừng nhân dân Việt Nam’ ngày Quốc khánh
Ngoại trưởng Mỹ nêu ra vấn đề Biển Đông trong cuộc họp báo công bố việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “thiết lập một cơ chế yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc phải được thông qua trước khi thăm các trường đại học và gặp gỡ quan chức chính quyền địa phương” ở Mỹ.
Ngoài ra, “các sự kiện văn hóa với các nhóm hơn 50 người do đại sứ quán hoặc cơ quan lãnh sự Trung Quốc tổ chức bên ngoài phái bộ cũng sẽ cần phải được thông qua”.
Tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao, ông Pompeo cũng cho biết ông “nóng lòng gặp gỡ các đối tác của ASEAN [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á] và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong các cuộc gặp trực tuyến tuần tới”.
“Chúng tôi sẽ có các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có COVID-19, Bắc Triều Tiên, Biển Đông, Hong Kong và Bang Rakhine của Miến Điện”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
“Tôi cũng sẽ nêu lên cách thức chính quyền Trump đang khôi phục [quan hệ] có đi có lại trong mối bang giao Mỹ – Trung”.
Ông Pompeo: Cả thế giới
đang đoàn kết chống lại Trung Quốc
Hải Lam
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo hôm 1/9 nói rằng cả thế giới đang bắt đầu đoàn kết chống lại các hành vi không công bằng của Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 1/9, ông Pompeo phát biểu: “Tôi nghĩ rằng mọi người đang thấy toàn thế giới bắt đầu đoàn kết với nhau xoay quanh nhận thức cốt yếu rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đơn giản là sẽ từ chối cạnh tranh một cách công bằng, có đi có lại và minh bạch”.
“Vì vậy, tôi cho rằng, tất cả những người bạn của chúng ta ở Ấn Độ, ở Úc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, đều đã nhìn thấy rủi ro đối với người dân, đất nước của họ và mọi người sẽ thấy họ hợp tác với Mỹ sẽ đẩy lùi (Trung Quốc) trên mọi mặt trận mà chúng ta đã đề cập vào tối nay”, ngoại trưởng Mỹ trả lời khi được người dẫn chương trình Lou Dobbs hỏi về việc Ấn Độ đưa tàu chiến vào Biển Đông.
Ông Dobbs muốn biết tầm quan trọng của mối quan hệ của Mỹ và Ấn Độ trong việc đối phó với các đe dọa từ Trung Quốc.
“Điều quan trọng là chúng ta có bạn bè và đồng minh trong trận chiến này. Chúng tôi đã làm việc trong hai năm để xây dựng điều đó. Chúng tôi đã đạt được những bước tiến thực sự. Mọi người đã thấy nhiều quốc gia quyết định quay lưng với Huawei. Mọi người đã thấy họ thừa nhận mối đe dọa này. Họ từng phớt lờ nó giống như cách mà nước Mỹ đã làm trong hai thập niên qua”, ông Pompeo nói.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Fox News, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng Mỹ đã ngủ quên trong khi Trung Quốc phát triển.
“Ông đã đề cập đến các hệ thống tên lửa của họ, quân đội của họ, tất cả những gì đã phát triển… các vấn đề thương mại, vấn đề kinh tế mà ông đã nói trong chương trình của mình trong rất nhiều tháng qua.
Tổng thống Trump đang xem xét từng vấn đề một cách nghiêm túc và tôi nghĩ ông sẽ thấy những lời bao biện từ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tăng lên bởi vì họ đang cảm thấy áp lực từ phía các nhà cầm quyền” ông Pompeo nói với người dẫn chương trình Lou Dobbs.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ khẳng định, Tổng thống Trump sẽ đẩy lùi Trung Quốc trên mọi mặt trận.
Gần đây, Mỹ liên tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, như nhân quyền, công nghệ, gián điệp, ngoại giao, khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế không ngừng leo thang. Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump hôm 23/8 đã công bố chương trình hành động cho nhiệm kỳ hai, trong đó Trung Quốc vẫn tiếp tục là ưu tiên của ông Trump.
https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-pompeo-ca-the-gioi-dang-doan-ket-chong-lai-trung-quoc.html
Giáo sư người Trung Cộng lãnh 18 tháng tù giam
ở Hoa Kỳ cho tội do thám, trộm cắp thông tin
Tin từ San Jose, California – Một giáo sư Trung Cộng đã bị kết án 18 tháng tù tại Hoa Kỳ cho tội trộm cắp bí mật thương mại và gián điệp kinh tế, kết thúc cuộc truy tố kéo dài 7 năm.
Vào năm 2015, ông Hao Zhang bị buộc tội trong một chiến dịch điều tra triệt phá hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Cộng, chiến dịch bắt đầu từ thời cựu tổng thống Barack Obama đến nay, chủ yếu nhắm vào các nhà khoa học và học giả Trung Cộng đang nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Năm công dân Trung Cộng khác bị truy tố cùng với ông Zhang vẫn chưa bị bắt.
Ông Zhang bị cáo buộc âm mưu với một đồng nghiệp từ đại học Southern California (USC) đánh cắp và bán các bí mật của Hoa Kỳ cho chính phủ và quân đội Trung Cộng thông qua một công ty vỏ bọc ở Quần đảo Cayman. Thẩm phán liên bang Edward Davila ở San Jose, California là người chủ tọa phiên tòa xét xử ông Zhang mà không có bồi thẩm đoàn, trong khi các luật sư của ông Zhang đưa ra những lời biện hộ “kiểm soát thiệt hại” nhưng cũng đã thừa nhận những điểm chính trong vụ án của chính phủ.
Tại phiên tòa tuyên án hôm thứ Hai (31 tháng 8), ông Davila yêu cầu giáo sư này bồi thường 477,000 Mỹ kim cho các nạn nhân là 2 công ty nhỏ bị ông trộm cắp thông tin, và đề nghị giam ông ở nhà tù an ninh ít nghiêm ngặt California. (BBT)
Con trai Biden hưởng lợi
từ hãng phần mềm Trung Quốc
nằm trong danh sách đen của Mỹ
Hương Thảo
Hunter Biden, con trai của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, sở hữu cổ phần trong một công ty phần mềm nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ do có hoạt động vi phạm nhân quyền, theo The BL ngày 2/9.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xây dựng các trại tập trung lớn ở Tân Cương, nơi giam giữ vô số người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo khác. Để thực hiện giám sát quy mô trên diện rộng, họ đã viện đến một ứng dụng di động giúp theo dõi, truy vết và hỗ trợ truy bắt những người được coi là mối đe dọa đối với ĐCSTQ.
Công ty Trung Quốc này có tên là Face ++, chuyên hỗ trợ thu thập dữ liệu sinh trắc học.
Bohai Harvest RST Shanghai Equity, một công ty liên kết với ĐCSTQ, là một công ty đầu tư mà Hunter Biden đã thành lập ở Trung Quốc ba năm trước. Bohai Harvest đã giúp Face ++ huy động được hơn 400 triệu đô la, theo báo cáo của Democracy Now.
Joe Biden hứa hẹn không thành viên nào trong gia đình ông sẽ duy trì mối liên hệ kinh doanh với nước ngoài nếu ông trở thành tổng thống vào tháng 11.
Bất chấp lời hứa từ chức khỏi hội đồng quản trị Bohai Harvest, Hunter vẫn nắm giữ 10% cổ phần, theo hồ sơ kinh doanh Trung Quốc được báo cáo lần đầu bởi trang Daily Caller.
“Trong 10 năm qua, Hunter Biden đã tham gia một số cơ hội đầu tư và kinh doanh. Năm 2008, anh này thôi sự nghiệp vận động hành lang và chuyển sang lĩnh vực đầu tư này”.
“Năm 2014, Hunter Biden đã đến Trung Quốc và thành lập quan hệ đối tác đầu tư rất riêng tư này với chính phủ Trung Quốc [ĐCSTQ], hợp tác với Ngân hàng Trung Quốc Bank of China. Đây là một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất”, phóng viên điều tra Lee Fang chia sẻ với tờ Democracy Now.
Giám đốc dự án của Đại hội người Duy Ngô nhĩ Toàn cầu, ông Ryan Barry, cho biết việc các nhà đầu tư Mỹ tham gia đầu tư vào các công ty Trung Quốc hỗ trợ các hành vi vi phạm nhân quyền là sai về mặt đạo đức.
Đại hội người Duy Ngô nhĩ Toàn cầu là tổ chức quốc tế của những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong “đại diện cho lợi ích tập thể của người Duy Ngô Nhĩ” cả trong khu vực Tân Cương thuộc Trung Quốc.
Ông nói: “Nếu quý vị đầu tư vào những công ty này, quý vị đang trục lợi từ sự đau khổ của người Duy Ngô Nhĩ”, tờ FreeBeacon dẫn lời ông Barry. “Đây là hành động phi đạo đức”.
Theo The BL,
Hương Thảo biên dịch
‘Phá lệ’: Thứ trưởng ngoại giao Mỹ dự kiến
thăm Đài Loan, thảo luận hợp tác thương mại
Đại Nghĩa
Theo tờ Liberty Times, thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach có khả năng sẽ đến Đài Loan vào cuối tháng 9, để tổ chức các cuộc đàm phán thương mại với chính phủ của tổng thống Thái Anh Văn.
Thông tin này đến sau quyết định của Đài Loan dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn của Hoa Kỳ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Ông Krach, người phụ trách các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, sẽ là quan chức cao cấp nhất trong Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.
Chuyến đi của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ sẽ là một phần trong cuộc “Đối thoại Kinh tế và Thương mại Mỹ-Đài” mới được thảo luận trong hội nghị truyền hình ngày 31/8 giữa Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa (Wang Meihua), đại diện Đài Loan tại Washington Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), và Trợ lý Ngoại trưởng cho Văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stillwell.
Ông Krach, được tờ Liberty Times mô tả là “Cánh tay thứ ba” của Bộ Ngoại giao, đã bày tỏ mong muốn đích thân dẫn dắt các vòng thảo luận ở Đài Loan. Các cuộc thảo luận sơ bộ việc việc tổ chức các cuộc hội đàm đang được Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) và Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành và đang có tiến triển nhanh chóng, do đó ông Krach có thể đến thăm sớm nhất vào cuối tháng 9.
Các chủ đề trong các buổi họp có thể sẽ bao gồm các thay đổi trong chuỗi cung ứng (dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc) cho đến 5G và chất bán dẫn.
Bộ trưởng Kinh tế Vương cho biết, Đài Loan muốn ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ, nhưng không đưa ra trước thời gian biểu vì một số nội dung cần thảo luận bổ sung.
Theo Taiwan News
Đại Nghĩa biên dịch
TT Trump: Trung Quốc có số người chết
do Covid cao nhất thế giới, cố tình cho dịch bệnh
lây lan hòng phá vỡ kinh tế các nước cạnh tranh
Vũ Dương
Ông Trump: Trung Quốc có số người chết do Covid cao nhất thế giới, và để mặc dịch lây lan để phá vỡ kinh tế các nước cạnh tranh
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn phát sóng trên Fox News hôm thứ Ba (1/9) đã chia sẻ rằng số người chết do virus viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) của Trung Quốc thực tế cao hơn rất nhiều so với con số được Bắc Kinh công bố, đồng thời cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Laura Ingraham của Fox News, Tổng thống Trump nói rằng tại Trung Quốc, số người chết trong đại dịch lần này “cao hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác, chỉ là họ (ĐCSTQ) không công bố mà thôi”.
Theo số liệu được chỉnh lý bởi trường đại học Johns Hopkins, số người chết được ĐCSTQ báo cáo là 4.724 người.
Tháng 3 năm nay, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát đã cho phép thân nhân những người đã khuất vì Covid nhận tro cốt tại 8 nhà tang lễ. Cảnh tượng người xếp hàng dài và lượng lớn hũ đựng tro cốt được chất thành đống bên ngoài nhà tang lễ, cho đến các cuộc phỏng vấn của phóng viên Trung Quốc với các tài xế lái xe chở hũ tro cốt khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi về con số tử vong chính thức được ĐCSTQ đưa ra. Cùng thời điểm đó, nhiều hãng thông tấn nước ngoài, gồm cả Bloomberg, BBC… cũng đều bày tỏ nghi ngờ về con số người chết được công bố bởi chính quyền ĐCSTQ.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, Tổng thống Trump đã nói về vắc-xin Covid-19 và các phương pháp trị liệu.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm có vắc xin”, ông Trump nói, “Chúng ta sẽ có rất nhiều liệu pháp”.
Ông cũng lần nữa lên án phương cách xử lý dịch bệnh của ĐCSTQ.
Tổng thống Trump tuyên bố rằng, cho dù đó là do sự kém cỏi và sơ suất của giới lãnh đạo ĐCSTQ hay họ có chủ đích lây lan virus ra bên ngoài, thì rốt cục “chính quyền Trung Quốc đã lây lan virus cho đất nước chúng ta”.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng đề cập đến quan điểm tương tự trong cuộc phỏng vấn với tờ “The Wall Street Journal” ngày 17/6. Ông bày tỏ rằng ĐCSTQ có thể đã thúc đẩy sự lây lan của virus trên khắp thế giới nhằm phá vỡ nền kinh tế của các nước cạnh tranh.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng Bắc Kinh đáng nhẽ đã có thể hành động mau lẹ hơn ngay trong giai đoạn đầu đợt bùng phát và hoàn toàn có thể chặn đứng virus ở Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái hoặc tháng 1 năm nay. Nhưng trên thực tế, thay vì làm điều đó, ĐCSTQ đã che giấu dịch bệnh với cả thế giới.
Ông Trump tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể đã che giấu động cơ kinh tế đằng sau việc để virus lây lan ra nước ngoài. Khi được hỏi liệu động cơ này của ĐCSTQ có phải vì để khuếch đại phạm vi hậu quả kinh tế hay không, ông Trump nói: “Chính xác là vậy”.
Theo Lin Yan, Epochtimes.com
Vũ Dương biên dịch
Covid-19 : Mỹ có vac-xin trước bầu cử tổng thống,
đầu tháng 11/2020 ?
Tú Anh
Cơ quan phòng chống bệnh truyền nhiễm liên bang Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền các bang chuẩn bị phân phát thuốc chủng ngừa siêu vi corona chủng mới trên diện rộng. Kỳ hạn dự báo là ngày 01/11/2020, tức chỉ hai ngày trước bầu cử tổng thống Mỹ.
Phải chăng chính quyền Donald Trump cố gắng thực hiện lời tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng trước ngày bầu cử : Hoa Kỳ sắp có vắc-xin trong nay mai ?
Hôm thứ Tư 02/09, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) « khẩn cấp yêu cầu » các bang chuẩn bị cho các cơ sở phân phát vac-xin có thể hoạt động tối đa vào thời điểm ngày 01 tháng 11.
Theo AFP, tuy tại Mỹ có nhiều thuốc chủng ngừa siêu vi Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, nhưng không có gì bảo đảm là một trong các vac-xin này hoàn toàn hiệu nghiệm và không hại sức khỏe. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ ráo riết chuẩn bị công việc phân phát để tranh thủ thời gian quý báu.
Trung Quốc tái lập các đường bay quốc tế : Phnom Penh vinh dự khai trương
Tại Trung Quốc, dường như cũng để tạo tâm lý tin tưởng là đại dịch sắp được khắc phục, chính quyền Bắc Kinh thông báo tái lập các đường bay quốc tế.
Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Tây An phân tích :
Bắc Kinh mở cửa trở lại. Khỏi phải nói, sau 164 ngày vắng bóng những chiếc máy bay nước ngoài, chuyến bay đầu tiên của Air China đến từ Phnom Penh ngày hôm nay (03/09) được ngành du lịch mong
đợi như thế nào và một bộ phận dân Bắc Kinh cảm nhận như một dấu hiệu tình hình trở lại gần như bình thường.
« Gần như » bởi vì từ hôm 26/08, thủ đô Trung Quốc chính thức không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 nào. Chuyến bay « thử », này, được cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc thông báo, hiện tại vẫn giới hạn trong những nước có « số ca nhiễm nhập khẩu tương đối thấp » như ở châu Á có Thái Lan, Cam Bốt, Pakistan, châu Âu có Hy Lạp, Đan Mạch, Áo, Thụy Điển hay Canada của Bắc Mỹ.
Từ ngày 23/03, không một chuyến bay quốc tế trực tiếp nào hạ cánh xuống Bắc Kinh, các máy bay đều phải tới một thành phố khác, hoặc hành khách phải chấp nhận bị cách ly 14 ngày và làm xét nghiệm. Các biện pháp cách ly và xét nghiệm này nhằm cắt đứt dây truyền lây nhiễm virus và sẽ được duy trì tại Bắc Kinh.
Thời gian đầu, mỗi ngày sẽ có không quá 500 hành khách được đáp xuống Bắc Kinh. Đến nơi tất cả đều phải làm xét nghiệm Covid-19 và cách ly 2 tuần trong các khách sạn dành riêng để theo dõi y tế.
Mỹ: Các bang chuẩn bị phân phối vaccine COVID-19
sớm nhất vào cuối tháng 10
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa yêu cầu các quan chức y tế công cộng tại các bang chuẩn bị phân phối một loại vaccine tiềm năng phòng ngừa virus corona cho nhóm người có nguy cơ cao vào cuối tháng 10, theo tài liệu do cơ quan này công bố hôm 2/9.
Hãng tin Reuters nói rằng thời điểm phân phối vaccine trở nên quan trọng về mặt chính trị giữa bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực tái tranh cử sẽ được chung quyết vào đầu tháng 11 sắp tới, sau khi ông đã cam kết hàng tỷ đô la để phát triển vaccine phòng ngừa COVID-19, đại dịch đã giết chết hơn 180.000 người Mỹ.
Hãng thông tấn Anh dẫn lời một phát ngôn viên của CDC giải thích: “Theo mục tiêu kế hoạch ban đầu, CDC đưa ra cho các bang những giả định kế hoạch nhất định khi làm việc trên các kế hoạch cụ thể về việc phân phối vaccine ở tiểu bang, trong đó có cả việc có thể sẽ có một số lượng vaccine hạn chế vào tháng 10 và tháng 11”.
Tờ New York Times trước đó đưa tin rằng CDC đã liên hệ với các giới chức ở tất cả 50 bang và 5 thành phố lớn để cung cấp thông tin về kế hoạch.
Hôm thứ Tư, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, TS. Anthony Fauci, nói với MSNBC rằng dựa trên tỷ lệ bệnh nhân đăng ký thử nghiệm vaccine COVID-19 hiện nay, có thể có đủ dữ liệu lâm sàng để biết rằng một trong các loại vaccine có an toàn và hiệu quả hay không vào tháng 11 hoặc tháng 12 .
Theo tài liệu mà New York Times đưa lên mạng cho thấy CDC đang chuẩn bị để đưa ra một hoặc hai loại vaccine COVID-19 với số lượng hạn chế vào cuối tháng 10.
Cơ quan này cho biết sẽ cung cấp vaccine miễn phí trước cho các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, nhân viên an ninh quốc gia, nhân viên và những người trong viện dưỡng lão.
Hiện các hãng điều chế thuốc Moderna, AstraZeneca và Pfizer đang dẫn đầu cuộc đua phát triển một loại vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả.
Nghiên cứu: Steroid
giảm tỉ lệ tử vong nơi bệnh nhân COVID nặng
Chữa trị bệnh nhân COVID-19 nặng với thuốc corticosteroid giảm nguy cơ tử vong 20%, theo kết quả phân tích 7 cuộc thử nghiệm quốc tế hôm 2/9.
Cuộc phân tích-tập họp dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm khác nhau về thuốc hydrocortisone, dexamethasone và methylprednisolone liều thấp-phát hiện là steroids cải thiện tỉ lệ sống sót của bệnh nhân COVID-19 nặng trong các phòng cấp cứu hồi sức.
“Việc này tương đương với khoảng 68% bệnh nhân COVID-19 nặng nhất được sống sót sau khi được chữa trị với corticosteroids, so với khoảng 60% những người sống sót không có corticosteroids,” các nhà nghiên cứu nói trong một thông báo.
“Steroids là một loại thuốc rẻ và đã có sẵn, và phân tích của chúng tôi xác nhận là thuốc này hữu hiệu trong việc làm giảm tử vong trong số những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì COVID-19,” ông Jonathan Sterne, giáo sư thống kê y học và là nhà dịch tễ học tại Trường đại học Bristol, Anh, nói tại cuộc họp báo.
Ông nói các thử nghiệm do các nhà nghiên cứu tiến hành tại Anh, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ đưa ra thông điệp nhất quán cho thấy thuốc có lợi đối với bệnh nhân nặng nhất không kể tuổi tác, giới tính hay thời gian ngã bệnh.
Những phát hiện, được đăng tải trên báo của Hiệp hội Y học Mỹ, củng cố kết quả từng được ca ngợi như là một đột phá quan trọng và được loan báo vào tháng 6, khi dexamethasone trở thành thuốc đầu tiên chứng tỏ có khả năng giảm bớt tỉ lệ tử vong trong số bệnh nhân nặng của COVID-19.
Thuốc dexamethasone được sử dụng rộng rãi trong những khu chăm sóc đặc biệt chữa trị bệnh nhân COVID-19 tại một số nước kể từ đó.
Ông Martin Landray, giáo sư y khoa và dịch tễ học tại Trường đại học Oxford, người theo dõi cuộc thử nghiệm thuốc dexamethsone trong cuộc phân tích công bố ngày 2/9, nói kết quả này cho thấy bác sĩ tại bệnh viện trên toàn thế giới có thể an toàn chuyển sang sử dụng thuốc này để cứu sinh mạng.
Lợi ích rõ ràng
“Những kết quả này rõ ràng, và có thể sử dụng tức thì để chữa trị lâm sàng,” ông nói với phóng viên. “Trong số bệnh nhân COVID-19 nặng, corticosteroids liều thấp làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong.”
Các nhà nghiên cứu nói lợi ích đã chứng tỏ bất kể rằng bệnh nhân có thở bằng máy khi bắt đầu chữa trị hay không. Họ yêu cầu WHO cập nhật hóa những chỉ dẫn ngay lập tức để phản ánh kết quả mới nhất.
Trước khi có những phát hiện vào tháng 6 về dexamethasone, không có cách chữa trị hiệu nghiệm nào chứng tỏ làm giảm tỉ lệ tử vong trong những bệnh nhân COVID-19, chứng bệnh đường hô hấp do virus corona chủng mới gây ra.
Hơn 25 triệu người nhiễm và 856.876 người chết vì COVID, theo Reuters.
Thuốc remdesivir của công ty Gilead Sciences được các nhà ban hành quy định Mỹ hồi tháng 5 cho phép sử dụng đối với những bệnh nhân COVID-19 nặng sau khi những dữ liệu lâm sàng cho thấy thuốc chống virus này giúp rút ngắn thời gian phục hồi tại bệnh viện.
Ông Anthony Gordon, giáo sư Trường đại học Hoàng gia London cũng làm việc trong cuộc phân tích, nói kết quả này là tin tốt cho những bệnh nhân COVID nặng nhưng không đủ để chấm dứt dịch bùng phát hay nới lỏng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.
Mỹ: Số ca nhiễm mới virus Vũ Hán
giảm xuống thấp kỷ lục sau 2 tháng
Bình luậnKim Anh
Kể từ khi đại dịch virus Vũ Hán xảy ra, số ca nhiễm mới tại Hoa Kỳ vẫn tăng đều đều. Nhưng theo báo cáo mới của Đại học Johns Hopkins vào ngày 31/8, số ca nhiễm mới đã giảm xuống dưới 34.000 ca. Đây là số liệu thấp nhất kể từ ngày 22/6…
Trong vòng 3 tuần gần đây, số ca nhiễm virus Vũ Hán tại Mỹ là gần 5 triệu người và nay đã vượt mốc 6 triệu. Đây là số ca nhiễm của một quốc gia cao nhất thế giới tính đến thời điểm hiện nay. Ngoài ra, hơn 180.000 trường hợp tử vong đã được ghi nhận trong nước, bên cạnh khoảng 2,2 triệu trường hợp đã hồi phục – theo dữ liệu từ của trường Đại học Johns Hopkins.
Tuy nhiên, Arthur Reingold là chủ nhiệm Khoa dịch tễ học và Thống kê y sinh của trường Đại học Y tế Công cộng (thuộc trường Đại học California ở Berkeley) cho biết: Nếu so với tháng Tám, rất có khả năng số ca nhiễm mới sẽ tăng lên trong thời gian tới. Cơ sở của dự đoán này là vì sắp tới các trường học sẽ mở cửa trở lại.
Trước nguy cơ việc mở lại trường học – và quay trở lại cách học trực tiếp – có thể khiến dịch bệnh lại bùng phát trở lại, ban giám hiệu trường học ở các tiểu bang khác nhau của Mỹ, cùng với chính phủ liên bang, đã tiến hành các công tác chuẩn bị cần thiết để đảm bảo khai giảng an toàn.
Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các trường học mở cửa trở lại, nói rằng việc học tập trực diện là quan trọng đối với quyền lợi của cả học sinh và phụ huynh.
Kim Anh
Quận Cam thông báo trường học sắp có thể mở lại
vào ngày 22/09/2020
nếu quận đáp ứng các yêu cầu của tiểu bang
Sau sự nhầm lẫn trong thông báo của thống đốc California, Gavin Newsom về kế hoạch mở cửa mới thì hôm thứ Hai (31 tháng 8), các viên chức nói rằng các trường học của Quận Cam đang trên đà mở cửa trở lại vào ngày 22/09/2020, nếu quận Cam tiếp tục đáp ứng các yêu cầu của tiểu bang.
Tuần trước, thống đốc Newsom đã tiết lộ hướng dẫn của California về việc mở cửa lại các doanh nghiệp trong đại dịch coronavirus, nêu chi tiết về hệ thống bốn cấp phân cấp bằng màu sắc thay thế cho danh sách theo dõi quận trước đây. Do còn nhiều ca nhiễm COVID-19, quận Cam hiện đang ở cấp độ màu tím, cấp độ bị nhiều hạn chế nhất do các viên chức tiểu bang quy định.
Các viên chức cho biết, điều đó sẽ bắt đầu thời gian đếm ngược 14 ngày để các trường học mở cửa trở lại cho giảng dạy trực tiếp. Quyết định mở cửa trở lại cuối cùng thuộc về các trường học và học khu. Theo hệ thống cũ, quận Cam được mở lại trường học sớm hơn khoảng hai tuần, nếu có thể duy trì tỷ lệ nhiễm coronavirus mới dưới 100 ca trên 100,000 cư dân trong 14 ngày.
Hiện tại quận Cam cần phải giữ tỷ lệ này dưới 7 ca trên 100,000 cư dân và duy trì tỷ lệ xét nghiệm dương tính mới dưới 8% trong 14 ngày. Hôm thứ Ba (1 tháng 9) cơ quan y tế quận Cam cho biết tỷ lệ của quận là 5.6 ca nhiễm mới trên 100,000 cư dân và 5%. Theo các viên chức Cơ quan Y tế Cộng đồng California, khi các trường học mở lại, họ phải tuân theo các nguyên tắc an toàn phòng ngừa coronavirus của tiểu bang.
Thành phố New York dời ngày khai giảng
do yêu cầu về phòng dịch
Hệ thống trường công ở thành phố New York hôm 1/9 đạt thỏa thuận dời ngày mở cửa giảng đường từ 10/9 sang 21/9 trước sự lo lắng của các công đoàn giáo viên rằng các biện pháp phòng dịch được thực hiện quá gấp gáp nên chưa đầy đủ, theo Reuters.
Thành phố New York, tâm dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu khi dịch bùng phát tại Mỹ, hiện có tỷ lệ lây nhiễm thuộc hàng thấp nhất nước. Kết quả xét nghiệm hàng ngày ở thành phố này cho thấy dưới 1%-2% dương tính, cũng theo hãng tin Reuters.
Thoả thuận vừa kể sẽ duy trì kế hoạch của thành phố về việc phối hợp giữa dạy học trực tiếp trên giảng đường và dạy trực tuyến qua mạng.
‘Lo người chung quanh’
Một phụ huynh gốc Việt ở New York nói với VOA ông ‘tự tin cho con cái đến trường trở lại’ nhưng vẫn lo các con sẽ lơ là các biện pháp phòng ngừa.
Ông Đinh Trần Tuấn, phụ huynh của hai cháu đang học lớp 8 và lớp 10, cho biết các trường học đều có thông báo và quy định rất kỹ lưỡng và rằng các con ông sẽ đi học theo kiểu ‘2 ngày đến lớp, 3 ngày học từ xa ở nhà.’
“Cái quan trọng là không phải mình mà những người chung quanh mình cũng phải chấp hành thì mình mới yên tâm được,” ông băn khoăn.
“Trẻ con lâu ngày quá chưa gặp lại nhau, những ngày đầu tụi nói có thể rất vui vẻ, nói chuyện với nhau, ngồi gần nhau, ôm nhau, có khi đeo khẩu trang trong ngày lâu quá có thể tháo ra,” ông giải thích. “Có khi con tôi không tháo khẩu trang mà tụi bạn nó tháo.”
“Chẳng hạn như cái chuyện tập thể dục mà đeo khẩu trang thì ngay cả người lớn cũng khó chịu chứ nói chi trẻ con,” ông nói thêm.
Ông cũng chỉ ra là việc các lớp học cách nhau trong cùng một phòng học chỉ 5-10 phút nên ông lo rằng thầy cô giáo ‘không thể nào kịp xịt khử trùng hết tất cả các bàn học.’ Do đó, phụ huynh này đã tự trang bị cho con bình xịt khử trùng và dặn các con sử dụng trước khi ngồi vào chỗ.
“Trở lại trường học là điều mong đợi từ lâu vì lúc trước bị trì hoãn nhiều,” ông Tuấn nói về tâm trạng ‘phấn khích’ của con ông khi được trở lại trường.
Yêu cầu từ giáo viên
Các công đoàn giáo viên ở New York, dẫn đầu là Liên hiệp Thống nhất các Giáo viên (UFT), đã bày tỏ quan ngại rằng thành phố này quá gấp rút mở cửa lại vào ngày 10/9 mà không thực hiện đầy đủ các bước để bảo vệ giáo viên, học sinh và nhân viên khỏi bị lây nhiễm virus corona.
Chủ tịch UFT, ông Michael Mulgrew còn đe dọa đình công trừ phi các trường học thực hiện một kế hoạch xét nghiệm Covid-19 một cách khắt khe cũng như áp dụng các biện pháp an toàn khác, theo Reuters.
Theo thỏa thuận vừa đạt được giữa các công đoàn và nhà chức trách thì khoảng 1,1 triệu học sinh, giáo viên trong hệ thống trường công của thành phố New York sẽ được xét nghiệm hàng tháng.
Ngoài ra, thỏa thuận còn yêu cầu các trường học được cung cấp một lượng khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cá nhân đủ dùng cho 30 ngày, các lớp học được thông gió đàng hoàng và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các học sinh đi xe đưa rước.
“Những gì mà chúng tôi đã thỏa thuận là để đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ sức khỏe được đưa ra, đảm bảo rằng các nhà giáo dục của chúng ta có thời gian để chuẩn bị đàng hoàng,” Thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio, tuyên bố hôm 1/9.
Tòa Bạch Ốc tạm hoãn việc đuổi người thuê nhà
khi tình trạng khủng hoảng nhà ở
do coronavirus thêm trầm trọng
Tin từ Washington – Hôm thứ Ba (1 tháng 9), chính quyền tổng thống Trump thông báo rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) sẽ dùng quyền hạn của mình để ngăn chặn việc đuổi người thuê nhà cho đến cuối năm nay, để làm chậm tốc độ lây lan của đại dịch coronavirus.
Lệnh tạm hoãn được đăng trên Công báo Liên bang là biện pháp quan trọng nhất mà Tòa Bạch Ốc từng làm cho đến nay, sau khi trợ cấp thất nghiệp liên bang và lệnh liên bang ngăn trục xuất người thuê nhà hết hạn vào cuối tháng 07/2020.
Lệnh của CDC cũng áp dụng cho những cá nhân có thu nhập từ 99,000 Mỹ kim/năm trở xuống hoặc các cặp vợ chồng có tổng thu nhập từ 198,000 Mỹ kim/năm trở xuống. Những người đủ điều kiện phải đáp ứng các yêu cầu bổ sung trước khi trình bày bản khai báo cho chủ nhà của họ, và bản kê khai này sẽ được cung cấp trên trang web của CDC.
Họ phải chứng tỏ rằng họ đã nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ của chính phủ và không thể trả tiền thuê nhà do ảnh hưởng của đại dịch, và họ phải chứng minh rằng họ có khả năng trở thành người vô gia cư hoặc phải chuyển đến khu ở tập trung nếu bị đuổi đi.
Vào hôm thứ Ba (1 tháng 9), một viên chức chính phủ cao cấp nói với các phóng viên rằng: Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị muốn các viên chức tiểu bang và địa phương sử dụng một số chương trình trợ cấp để giúp người thuê nhà không có tiền trả và chủ nhà bị thất thu trong nhiều tháng.
Một viên chức khác cho biết thêm, Quỹ cứu trợ Coronavirus trị giá 150 tỷ Mỹ kim, một phần của dự luật kích thích kinh tế được ký thành luật vào tháng 03/2020, cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ chi trả tiền thuê nhà. (BBT)
Chính phủ Trump muốn mở rộng
việc thu thập dữ liệu sinh học của người nhập cư
Tin Washington DC – Chính phủ Trump đang cân nhắc mở rộng chương trình thu thập dữ liệu sinh học từ những di dân muốn định cư tại Hoa Kỳ, theo Bộ Nội An xác nhận hôm thứ Ba, 1 tháng 9. Chính sách mới nếu được ban hành sẽ cho phép chính phủ lấy thêm dữ liệu cá nhân từ nhiều người, như là một phần của thủ tục nhập cư.
Sở di trú USCIS hiện đã thu thập dữ liệu sinh học từ những người trên 14 tuổi đang làm thủ tục nhập cư. Các dữ liệu này bao gồm dấu vân tay, hình chụp, và chữ ký. Tuy nhiên, theo đề nghị mới của Bộ Nội An, người nhập cư sẽ phải cung cấp thêm DNA, hình quét võng mạc, giọng nói, và các hình ảnh để nhận dạng khuôn mặt.
Theo bản thảo chính sách mới được hãng BuzzFeed News công bố, chính phủ sẽ được quyền yêu cầu thường trú nhân hoặc người có giấy phép làm việc phải cung cấp dữ liệu sinh học vào mọi thời điểm, cho tới khi họ trở thành công dân Hoa Kỳ. BuzzFeed cũng bói rằng chính sách mới sẽ điều chỉnh các thủ tục hiện tại, để những người đang xin nhập cư, và cả những người bảo lãnh, sẽ phải cung cấp dữ liệu sinh học, trừ khi có hướng dẫn khác từ USCIS.
Chính sách mới cũng giảm giới hạn độ tuổi, và người vị thành niên cũng phải tuân theo yêu cầu này. Bộ Nội An vào thứ Ba xác nhận dự thảo chính sách mới sẽ sớm được công bố. Cơ quan này nói rằng các thay đổi chính sách sẽ giúp cải thiện thủ tục kiểm tra, giảm phụ thuộc vào giấy tờ khi cần chứng minh danh tính và quan hệ gia đình của người nhập cư. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-trump-muon-mo-rong-viec-thu-thap-du-lieu-sinh-hoc-cua-nguoi-nhap-cu/
Facebook cho biết chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga
nhằm vào các cử tri cánh tả ở Hoa Kỳ, Anh Quốc
Tin từ London, Anh Quốc – Vào thứ ba (ngày 1 tháng 9), Facebook cho biết Nga đã phát động một chiến dịch gây ảnh hưởng qua vai trò là một hãng tin tức độc lập nhằm vào các cử tri cánh tả ở Hoa Kỳ và Anh Quốc, bao gồm cả việc tuyển dụng các nhà báo tự do viết về chính trị trong nước.
Facebook cho biết chiến dịch này – một phần tập trung vào chính trị Hoa Kỳ và căng thẳng chủng tộc trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11 – xoay quanh một tổ chức truyền thông giả có tên là Peace Data. Trang web Peace Data vận hành 13 tài khoản Facebook và hai trang, được thành lập vào tháng 5 và bị đình chỉ vào thứ Hai (ngày 31 tháng 8) vì sử dụng danh tính giả và các hình thức “phối hợp hành vi không xác thực.”
Facebook cho biết cuộc điều tra của họ “đã tìm thấy các liên kết đến các cá nhân có liên quan đến hoạt động trong quá khứ của Cơ quan Nghiên cứu Internet Nga”, một công ty có trụ sở tại St Petersburg mà các viên chức tình báo Hoa Kỳ cho là trung tâm trong nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Twitter cho biết họ cũng đã đình chỉ năm tài khoản như một phần của chiến dịch mà họ có thể “quy kết một cách đáng tin cậy cho các tổ chức nhà nước Nga.” Các nhà điều tra tại công ty phân tích mạng xã hội Graphika đã nghiên cứu chiến dịch này và cho biết Peace Data chủ yếu nhắm mục tiêu vào các nhóm cánh tả và tiến bộ ở Hoa Kỳ và Anh Quốc, nhưng cũng đăng tải về các sự kiện ở các quốc gia khác bao gồm Algeria và Ai Cập.
Trong một báo cáo, Graphika cho biết trang web của Peace Data đã đưa ra các thông điệp chỉ trích những nhân vật thuộc cánh hữu và trung tả, và ở Hoa Kỳ “đặc biệt chú ý đến căng thẳng chủng tộc và chính trị”, bao gồm các cuộc biểu tình dân quyền và chỉ trích Tổng thống Donald Trump và Đối thủ đảng Dân chủ của ông, cựu phó tổng thống Joe Biden. (BBT)
Google kiểm duyệt kết quả tìm kiếm tiêu cực
về phong trào biểu tình cực đoan Black Lives Matters
Hương Thảo
Google kiểm duyệt kết quả tìm kiếm tiêu cực về phong trào biểu tình cực đoan Black Lives Matters
Những người biểu tình Black Lives Matter ở London (ảnh chụp màn hình Youtube/The Telegraph).
Tờ Breitbart hôm 1/9 đã đăng một bài phân tích tiết lộ Google không hiển thị bất kỳ tin tức tiêu cực nào liên quan đến phong trào Người da đen đáng sống (Black Live Matters hay BLM), một phong trào trên cơ điểm chủ nghĩa Mác-xít gắn liền với các cuộc biểu tình sắc tộc đang nổ ra ở Mỹ, theo the BL.
Black Lives Matter (BLM – Người da đen đáng được sống) là phong trào với bề mặt là đòi quyền lợi cho người da đen. Phong trào này nổi lên trong các cuộc biểu tình tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd sau khi bị một cảnh sát da trắng ngộ sát trong quá trình bắt giữ. Tuy nhiên, trái với hình thức biểu tình ôn hòa vốn được luật pháp cho phép và bảo vệ, phong trào này thường đi kèm nạn cướp bóc, phá hại của công và bạo lực, nhằm đạt được chương trình nghị sự riêng của nó.
Người sáng lập phong trào này từng thừa nhận theo chủ nghĩa Mác, và muốn hạ bệ ông Trump. Thậm chí một lãnh đạo BLM tại khu vực New York từng đe dọa sẽ ‘thiêu rụi chế độ này’ nếu không được đáp ứng.
Trở lại câu chuyện chính. Khi bạn nhập tên viết tắt những chữ cái đầu “BLM is” vào ổ search Google ngày hôm nay, gợi ý duy nhất mà công cụ hiển thị là “BLM Israel” hoặc “BLM issues”, và nó sẽ không hiển thị danh sách các gợi ý khác.
Công cụ tìm kiếm của Google tạo ra các gợi ý cho người dùng, và thông thường những gợi ý này dựa trên các tìm kiếm của người dùng trước đó. Kể từ khi thuật ngữ BLM hoặc Black Lives Matters trở nên phổ biến gần đây, một điều rất bất thường là Google không hiển thị các kết quả trong danh sách tìm kiếm này, và theo phân tích của Breitbart, rất có thể danh sách này đã bị xóa bỏ một cách có chủ ý.
Bằng cách gõ tên đầy đủ của tổ chức (Black Lives Matters), thì tất cả các kết quả hiển thị ra đều là tích cực.
Trái lại, trong các công cụ tìm kiếm ít phổ dụng khác như Duck Duck Go, Yahoo hoặc Bing của Microsoft, khi nhập cả tên đầy đủ hoặc tên viết tắt những chữ cái đầu, công cụ đều sẽ đưa ra danh sách các gợi ý, và một số trong đó có hàm ý tiêu cực.
Những gợi ý đầu tiên được Google đưa ra là “BLM is ActBlue (BLM là ActBlue)”. ActBlue là một công ty gây quỹ cho những người cánh tả, cấp tiến, hoặc Đảng dân chủ, nối tiếp bởi các gợi ý khác như “BLM is Marxist (BLM theo chủ nghĩa Mác), BLM is a front (BLM là một mặt trận), BLM is funded by (BLM được tài trợ bởi)”.
Tương tự, các kết quả chính trên Google khi tìm kiếm từ BLM chủ yếu là từ các kênh truyền thông cánh tả như Wikipedia, CNN và The Guardian.
Một số người dùng Twitter chỉ ra Google cũng có trong tay một danh sách các gợi ý tương tự các công cụ tìm kiếm khác, nhưng nó đã biến mất một cách bí ẩn.
Tại sao điều này quan trọng? Vào năm 2016, theo cách thức tương tự, Google đã không đưa ra bất kỳ gợi ý tiêu cực nào cho việc tìm kiếm thông tin liên quan đến ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ “Hillary Clinton” bất chấp sự phổ biến của thuật ngữ này, một bản tin khác của Breitbart tiết lộ.
Trả lời cho nghi vấn này, vào thời điểm đó Google cho biết: “Thuật toán ‘tự động điền’ của chúng tôi sẽ không hiển thị các truy vấn nào mang tính tiêu cực hoặc miệt thị khi được hiển thị cùng tên của một người nào đó”.
Tuy nhiên, trái với tuyên bố trên, khi tìm kiếm trên Google với những cái tên như Donald Trump hay Bernie Sanders (hai ứng viên tổng thống năm 2016), thì Google lại có hiển thị các kết quả tiêu cực. Ngoài ra, Black Lives Matters không phải là một cá nhân, do đó lập luận của Google không áp dụng được cho trường hợp này.
Từ quan điểm của giới conservative (giới ủng hộ truyền thống) [1], thì đây là một cách thức tinh vi để tác động đến quan điểm đánh giá của công chúng đối với các ứng viên. Khi 2, 3, 4 hoặc 10 trang đầu tiên trong kết quả tìm kiếm trên Google đều hiển thị nội dung của các kênh truyền thông chủ lưu (vốn chủ yếu là các kênh truyền thông cánh tả) và đang chủ đích định hướng dư luận đối với một số chủ đề xã hội nóng, thì có bao nhiêu người có thể bị đánh lừa vì điều này? Từ The BL bình luận, chúng ta không nên coi thường ngành công nghiệp “tin giả (fake news)”.Bên dưới bài viết, một độc giả đã chia sẻ câu chuyện của mình như sau:
“Facebook cũng làm y chang như thế đấy. [Tôi bắt gặp tin về] một quan chức chính phủ, ông này nói rằng ông là một thành viên Đảng Dân chủ, nhưng ông cho biết mình không thể vừa trung thành với Chúa của mình mà lại vừa bỏ phiếu cho Joe Biden”.
“Tôi đã cố gắng chia sẻ bài đăng này trên Facebook cá nhân, nhưng các fact checkers (nhân viên xác minh tính đúng sai của dữ kiện của Facebook) lại cho biết tôi không thể chia sẻ bài đăng này vì nó gây phản cảm cho một số người nào đó”.
Hồi tháng 5, trên Twitter cá nhân Tổng thống Trump đã từng chỉ trích các trang mạng xã hội phổ biến, tuyên bố chúng bị kiểm soát bởi ‘phe cực đoan cánh tả’.
‘Thế lực Cánh tả Cực đoan đang nắm toàn quyền chỉ huy và kiểm soát các mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter và Google,’ ông Trump chia sẻ dòng trạng thái Twitter hôm 16/5. ‘Chính quyền Trump đang nỗ lực để khắc phục tình trạng bất hợp pháp này …”.
Cuối tháng 5, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên phương tiện truyền thông xã hội và chỉnh đốn các mạng xã hội kiểm duyệt người dùng.
Sắc lệnh này của Tổng thống Trump trực tiếp nhắm tới các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter, những trang mà trước đó ông từng chỉ trích về tình trạng bóp nghẹt tiếng nói của những người thuộc trường phái conservative (trong tiếng Việt thường được dịch là “bảo thủ”, nghĩa là bảo lưu các giá trị truyền thống như tín ngưỡng, phản đối phá thai, phản đối quan hệ đồng tính, v.v.).
Trang Breitbart trích lời Tổng thống Trump nói về các mạng xã hội này khi ký sắc lệnh: “Họ có quyền lực không bị kiểm soát để có thể kiểm duyệt, hạn chế, sửa đổi, định hình, che giấu, thay đổi gần như bất kỳ phương thức giao tiếp nào giữa các công dân đơn lẻ cũng như các nhóm công chúng rộng quy mô lớn”.
Ông Trump tiếp tục nói: “Chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Hoa Kỳ mà một nhóm nhỏ các tập đoàn lại có thể kiểm soát một phạm vi tương tác lớn như vậy”.
Chú thích:
[1] Trong tiếng Việt, từ conservative thường được dịch là “bảo thủ” (conservatism là chủ nghĩa bảo thủ), nhưng có thể gây hiểu sai nghĩa. Conservatives là những người duy trì những giá trị truyền thống như tín ngưỡng, không nạo phá thai, không đồng tính luyến ái, … Trái ngược với trường phái này là Liberalism (chủ nghĩa tự do).
Thượng nghị sĩ Ted Cruz cùng 90 nghị sĩ Thượng viện
và Hạ viện khác đã gửi bức thư
tới Ủy viện FDA Stephen Hahn, đề nghị
ông bãi bỏ thuốc phá thai Mifeprex…
Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas và 19 đồng nghiệp khác của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện – cộng với 71 đảng viên Cộng hòa khác tại Hạ viện – đang muốn Cơ quan Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm sử dụng Mifeprex. Đây loại thuốc phá thai có thể chấm dứt thai kỳ lên đến 10 tuần tuổi, còn được gọi là RU-486.
Ngày 1/9, Cruz và các nghị sĩ Cộng hòa đã nêu quan điểm của mình trong bức thư gửi tới Ủy viên Stephen Hahn của FDA: “Hiện tại, rõ ràng là ngành công nghiệp phá thai và các đồng minh của nó trong giới truyền thông, các tỷ phú từ thiện và các nhóm lợi ích đặc biệt đã muốn một loại thuốc phá thai không được kiểm soát và không được y tế hóa kể từ thời điểm FDA phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2000”.
“Như những gì ngài biết cho đến hiện nay, đội ngũ của Clinton đã phê duyệt loại thuốc chết người này dưới áp lực của chính những nhóm đó theo một quy trình phê duyệt mang tính chính trị cao”.
“Chúng tôi tin rằng loại thuốc chết người này lẽ ra nên không bao giờ được phê duyệt, nhưng ngành công nghiệp phá thai đã được khen thưởng về mặt chính trị với quy trình phê duyệt nhanh chóng – thường dành cho các loại thuốc có nguy cơ cao để giải quyết các bệnh đe dọa tính mạng như bệnh AIDS”.
Các nghị sĩ ký tên trong bức thư cho biết thuốc phá thai Mifeprex – còn gọi là “Mifepristone” – đã chấm dứt cuộc sống của khoảng 3,7 triệu thai nhi và gây ra cái chết của 24 thai phụ. Nó còn dẫn đến hơn 4.100 phản ứng có hại cho người sử dụng, bao gồm xuất huyết, đau bụng dữ dội, và nhiễm trùng ở mức gây đe dọa tính mạng.
“Tất nhiên, những kết quả bất lợi tai tiếng này không được báo cáo đầy đủ và khiến (chúng ta) không thể đánh giá được con số thực tế. Hơn nữa, kể từ năm 2016, các nhà sản xuất thuốc phá thai chỉ được yêu cầu báo cáo về cái chết của thai phụ.” – bức thư cho biết.
“Tuy nhiên, hầu hết những phụ nữ gặp phải các phản ứng có hại (như xuất huyết) dường như thường tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp tại bệnh viện và các phòng cấp cứu nhiều hơn là quay trở lại cơ sở phá thai – nơi đã kê đơn thuốc (phá thai)”.
Các nghĩ sĩ Cộng hòa khuyến khích Hahn thực hiện thẩm quyền hiện có tại FDA để tuyên bố rằng: Mifeprex là “mối nguy tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng” có thể gây ra “hiểm họa đáng kể”.
Sau thông tin này, Epoch Times đã hỏi ý kiến của Hiệp hội Quốc gia về Bãi bỏ Luật Phá thai (NARAL) nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Phó chủ tịch Mallory Quigley của tổ chức Susan B. Anthony List* (SBAL) đã trao đổi Epoch Times vào ngày 2/9 rằng: “Phá thai bằng thuốc là rất nguy hiểm và khiến phụ nữ có nguy cơ cao bị xuất huyết, nhiễm trùng và thậm chí là tử vong”.
Theo Quigley cho biết, tổ chức của cô tin rằng các quan chức Đảng Dân chủ đã và đang thúc đẩy “mở rộng phá thai bằng thuốc trong khoảng thời gian bất định về sức khỏe và sự an toàn của đất nước chúng ta… (các quan chức này) liên tục đặt lợi nhuận của ngành công nghiệp phá thai lên trên việc bảo vệ phụ nữ và con cái của họ”.
Trong lá thư của mình, những người ký tên cũng khuyến khích Hahn thực hiện “một cuộc điều tra nghiêm túc về việc thực hành các nguyên tắc đạo đức cũng như tuân thủ FDA trong các thử nghiệm lâm sàng – ví dụ như dự án TelAbortion do nhóm nghiên cứu Gynuity liên kết với tổ chức phá thai khổng lồ Planned Parenthood thực hiện”.
“Thử nghiệm thuốc phá thai trực tiếp ở người của Gynuity đã diễn ra gần 5 năm và hiện đã mở rộng ở 13 tiểu bang. Ngoài việc đặt tính mạng của phụ nữ và trẻ em Mỹ vào nguy hiểm – bằng cách tiến hành nghiên cứu lâm sàng ở các bé gái 10 tuổi, họ còn sử dụng những phụ nữ của Cộng hòa Burkina Faso** đang trong thai kỳ thứ hai (từ tuần 13 đến 26) để làm đối tượng nghiên cứu, bất chấp rủi ro cao gây nhiễm trùng và bục tử cung”.
“Đây là một khu vực thiếu hụt các dịch vụ cấp cứu và dự trữ máu để có thể truyền. Chúng tôi nhận thấy những hoạt động và việc sử dụng đối tượng con người này rất đáng nghi ngờ và chúng tôi yêu cầu FDA bắt tay ngay lập tức để xem xét các hoạt động này”.
Thượng nghị sĩ Cruz là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất việc phá thai mạnh mẽ trong Quốc hội và là nhà tài trợ cho “Đạo luật bảo vệ những người sống sót sau nạo phá thai bẩm sinh” và “Đạo luật bảo vệ thai nhi chịu đau đớn”. Cả hai đạo luật này đã được Tổng thống Donald Trump phê duyệt vào đầu năm 2020.
* Susan B. Anthony List là một tổ chức nữ quyền ủng hộ chống nạo phá thai.
** Là một nước châu Phi trước đây còn gọi là Cộng hòa Thượng Volta
Kim Anh
– Theo The Epoch Times.
https://www.ntdvn.com/the-gioi/91-nghi-si-luong-vien-muon-fda-bai-bo-thuoc-pha-thai-67493.html
CPI : Hoa Kỳ trừng phạt
chưởng lý Tòa Hình Sự Quốc Tế
Tú Anh
Hai tháng trước ngày bầu tổng thống Mỹ, Washington thực hiện lời đe dọa trừng phạt Toà Hình Sự Quốc Tế CPI. Để bảo vệ các quân nhân Mỹ tham chiến tại Afghanistan bị điều tra, ngoại trưởng Mike Pompeo loan báo quyết định có một không hai nhắm vào chưởng lý Fatou Bensouda, khắc tinh của phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường thuật :
«Đích thân ngoại trưởng Mỹ thông báo quyết định chưa từng thấy này. Đối với Mike Pompeo, đã nói thì phải làm, phải hành động cụ thể chống lại Toà Hình Sự Quốc Tế.
Ông nói : Hôm nay, chúng ta tăng tốc độ ! Hoa Kỳ chưa bao giờ phê chuẩn thỏa thuận Roma thành lập Toà án này và chúng ta không bao giờ dung thứ mọi mưu toan không chính đáng để đặt công dân Mỹ dưới sự chế tài của Toà án này.
Washington do vậy ghi tên chưởng lý Fatou Bensouda của CPI và một trong các cộng sự viên vào danh sách đen. Nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế cũng được thực hiện. Các biện pháp này cũng có thể được mở rộng đến tất cả những ai hợp tác với Fatou Bensouda.
Tháng Sáu vừa qua, chính quyền Trump đã đe dọa định chế quốc tế này. Washington cáo buộc các cuộc điều tra của chưởng lý Fatou Bensouda nhắm vào các quân nhân Mỹ bị nghi ngờ phạm tội ác chống nhân loại tại Afghanistan. Hoa Kỳ cũng nhiều lần tố cáo các thủ tục điều tra tương tự nhắm vào Israel.
Khi trừng phạt lần thứ hai Toà Hình Sự Quốc Tế, Donald Trump còn đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận bảo thủ trong đảng Cộng Hoà giương ngọn cờ chủ quyền nước Mỹ chống lại mọi can thiệp của các tổ chức quốc tế. »
Trước khi bị đưa vào danh sách đen, chưởng lý Fatou Bensouda và một số viên chức của CPI đã bị Washington rút hoặc cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.
Tiếp cận ‘‘Một Sức khoẻ Duy nhất’’:
Công cụ tối ưu ngăn ngừa dịch bệnh
Trọng Thành
Đại dịch Covid-19 khiến toàn hành tinh chao đảo từ hơn nửa năm nay. Hàng loạt các nền kinh tế hàng đầu thế giới với các công nghệ, kỹ thuật phương tiện hùng hậu, rơi vào suy thoái. Vì sao xã hội loài người lại lúng túng đến như vậy trước con virus nhỏ bé ?
Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh: việc thiếu một tiếp cận phù hợp để đối phó với dịch bệnh từ gốc là nguyên nhân trực tiếp. Trong thời gian gần đây, giới khoa học và vận động chính sách ngày càng nói nhiều hơn đến tiếp cận « One Health » (hay Une seule santé / Một Sức khỏe Duy nhất), như một phương tiện « tối ưu » cho phép ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai. Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
***
1 – Tiếp cận « One Health » là gì ?
Khái niệm « One Health » (hay Một Sức khỏe Duy nhất) cho đến nay còn rất ít được đại chúng biết đến, cũng như rất ít được đưa vào chính sách của các quốc gia. Tiếp cận « One Health » ra đời gần 20 năm về trước trong bối cảnh đại dịch viêm phổi cấp SRAS, bùng lên tại Trung Quốc. Năm 2004, Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên (Wildlife Conservation Society) đặt những nền móng đầu tiên cho tiếp cận này, trong một hội thảo quốc tế, với cương lĩnh « Các nguyên tắc Manhattan ».
Cuối những năm 2010, tiếp cận này chính thức được ba định chế quốc tế xác định thông qua một thỏa thuận. Ba định chế là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thế giới về Sức khỏe Động Vật (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) (« L’approche ‘’One Health’’, un outil pour prévenir les prochaines pandémies », Le Monde, ngày 24/08/2020).
Một cội nguồn của tiếp cận « Một Sức khỏe Duy nhất » là khái niệm « Một nền y học », do nhà dịch tễ học người Mỹ Calvin Schwab, khởi xướng năm 1984. Khái niệm Một nền y học nhấn mạnh đến những mối liên hệ qua lại mật thiết giữa y học về người và y học về động vật (thú y).
Theo một thống kê, trên tổng số 1.407 mầm bệnh lây nhiễm đến người, có khoảng 58% có nguồn gốc từ động vật, trong đó một phần tư có khả năng biến thành dịch và đại dịch, như các virus Influenza, Ebola hay các loài virus corona. Hơn 73% các bệnh truyền nhiễm mới nổi lên có nguồn gốc động vật ( « Le concept « One Health » doit s’imposer pour permettre l’anticipation des pandémies », The Conversation, ngày 24/06/2020, của nhà dịch tễ học Eric Muraille – Đại học ULB Bỉ và nhà vi sinh học Jacques Godfrod, đại học University of Tromsø, Na Uy).
Đối với Viện nghiên cứu Nông nghiệp, Lương thực và Môi trường Pháp (INRAE), trong một kế hoạch hành động công bố đầu năm 2020, mục tiêu số một của tiếp cận Một Sức khoẻ Duy nhất là chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa việc môi trường, đa dạng sinh học bị suy thoái, hủy hoại và sự xuất hiện các bệnh lây nhiễm có nguồn gốc động vật (trên Science et Avenir, ngày 14/07/2020).
2 – Vì sao tiếp cận này lại quan trọng để ngăn ngừa các đại dịch ?
Bài viết trên Le Monde dẫn lại ý kiến của giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường LHQ (PNUE), bà Inger Andersen, theo đó, để phòng ngừa được các đại dịch, « cần phải thừa nhận mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường » và « có phản ứng kịp thời » khi phát hiện các dấu hiệu bất ổn.
Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay phơi bày ra ánh sáng các tương tác mật thiết giữa thế giới tự nhiên hoang dã, việc đa dạng sinh học bị hủy hoại với sức khỏe cộng đồng. Virus corona gây bệnh Covid-19 là một virus có nguồn gốc động vật hoang dã, như đa số virus gây bệnh dịch khác. Mà, từ hàng chục năm nay, tần suất xuất hiện các dịch bệnh, đặc biệt các dịch có nguồn gốc từ động vật, tăng vọt. Hoạt động công nghiệp hóa, dân cư tăng mạnh, các hoạt động gây tổn hại cho đa dạng sinh thái, gây biến đổi môi trường nói chung (đặc biệt là phá rừng), là các tác nhân làm gia tăng xuất hiện và tái xuất hiện các dịch bệnh có nguồn gốc động vật.
Đọc thêm : Cội rễ của đại dịch Covid-19: Phá huỷ rừng già, tận diệt thú hoang
Nhóm phụ trách mạng y khoa nổi tiếng The Lancet, trong một bài viết hồi tháng 5/2020, khẳng định tiếp cận « Một Sức khỏe Duy nhất là điều kiện căn bản để bảo đảm một tương lai an lành, bền vững cho
hành tinh » và đạị dịch Covid-19 kinh hoàng đang diễn ra lại càng cho thấy giá trị của tiếp cận mới này. Báo cáo mới đây của Tổ chức Môi trường của LHQ (PNUE) và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) (có trụ sở tại Nairobi) khẳng định One Health là « giải pháp tối ưu » để đối phó với nguy cơ bệnh có nguồn gốc động vật truyền sang người.
3 – Những ví dụ thành công cụ thể của tiếp cận này ?
Bài tổng thuật trên Le Monde cho biết trên thực tế, còn rất ít tổng kết về những gì đã làm được trong lĩnh vực tiếp cận « Một Sức khoẻ Duy nhất ». Trong báo cáo nói trên, Tổ chức Môi trường của LHQ (PNUE) và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) đã nêu ra một số ví dụ về thành công đáng kể của tiếp cận này, đặc biệt trong việc chống bệnh dại tại Serengeti, ở Tanzania, châu Phi, hay hiểu được cơ chế của việc lây truyền bệnh sốt thung lũng Rift, ảnh hưởng đặc biệt đến khu vực miền đông châu Phi.
Một bài báo trên tạp chí Veterinary Science cho biết kết quả hợp tác, giữa các bác sĩ, bác sĩ thú y, nhà sinh học, nhà sinh thái, các định chế về y tế công, trong việc xác định nguồn gốc của bệnh sán máng (bilharziose), xuất hiện năm 2013, tại đảo Corse, một căn bệnh vốn thường gặp tại các xứ nhiệt đới, cận nhiệt đới.
Theo nhà sinh học Delphine Destoumieux-Garzon, giám đốc nghiên cứu tại CNRS, cho đến nay, tiếp cận Một Sức khoẻ Duy nhất « tập trung nhiều nhất » vào việc các bệnh có nguồn gốc động vật được truyền sang xã hội con người thông qua loài muỗi. Trong ba mắt xích của tiếp cận « Một Sức khoẻ Duy nhất » (ba mắt xích Sức khoẻ động vật – Sức khoẻ người và Sức khoẻ môi trường), thì Sức khoẻ môi trường được nghiên cứu ít hơn cả. Quan hệ giữa Sức khỏe người và Sức khỏe động vật tương đối dễ xác định hơn.
Nhưng bất luận việc sơ kết các thành công thế nào, theo bà Coralie Martin, nhà ký sinh học (Iserm và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pháp), tiếp cận One Health vẫn là một tiếp cận bổ ích, cho phép « thúc đẩy các trao đổi và có được cái nhìn tổng thể về vấn đề dịch bệnh ».
4 – Các trở lực chính đối với tiếp cận này là gì ?
Các chuyên ngành khoa học bị xét lẻ, thiếu phối hợp là nguyên nhân chính. « Đối tượng cản trở chính đối với sự phát triển của tiếp cận One Health đã được xác định rõ : đó là các ranh giới (cứng nhắc) giữa các chuyên ngành khoa học rất khó vượt qua » (theo Le Monde 24/08/2020). Theo nhà sinh học Pháp Delphine Destoumieux-Garzon, cho đến nay, trong lĩnh vực này, « ngành y vẫn ở vị thế thống trị so với các khoa học khác. Trong giới nghiên cứu, tính liên ngành đang không được xem trọng. Điều quan trọng trước hết là phải trở thành một ‘‘chuyên gia lớn’’ (trong một lĩnh vực riêng). Tuy nhiên, điều này cũng đang thay đổi, đặc biệt đối với thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ ».
Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Jimmy Smith, hồi đầu tháng 7, đã nhiều lần nhấn mạnh đến mệnh lệnh phải vượt qua các rào cản giữa các chuyên ngành khoa học, để xây dựng một tiếp cận liên ngành về « One Heath / Một Sức khỏe Duy nhất ». Ông giải thích : để đối phó với các đại dịch, phải phối hợp mật thiết với nhau, từ các làng mạc hẻo lánh đến các định chế quốc tế, phối hợp xuyên biên giới, và cũng như phối hợp các chuyên ngành khoa học ».
Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế ILRI và Tổ chức Môi trường LHQ kêu gọi lập ra « một hệ thống toàn cầu cảnh báo sớm, để có thể nhận dạng và ngăn chặn bệnh trước khi chúng trở thành dịch ». Để làm được việc này « phải có sự phối hợp của giới thú y, giới quản lý y tế, giới bác sĩ, và giới môi trường, để tiếp nhận và kịp thời phân tích các thông tin từ thực địa, ngay sau khi thu nhận được ». Việc nhận dạng các mầm bệnh và hiểu được chúng lưu truyền ở đâu, vì sao, sẽ mang lại những thông tin tối cần thiết cho việc ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tuy nhiên, theo nhà sinh học Delphine Destoumieux-Garzon, phương pháp làm việc chuẩn mực, căn bản nói trên hiện nay « đang bị coi thường và không được đầu tư ».
Bên cạnh việc vượt qua các rào cản giữa ngành khoa học chuyên môn, trên thực tế, để tiếp cận Một Sức khỏe Duy nhất được thực thi rộng rãi, giới chính trị phải vào cuộc. Giám đốc nghiên cứu về sinh học CNRS, Delphine Destoumieux-Garzon, nêu ví dụ, nếu muốn ngừng các hoạt động chăn nuôi theo lối công nghiệp, có nguy cơ gây dịch, thì bộ Nông Nghiệp phải đối thoại với bộ Y Tế chẳng hạn. Và việc nghiên cứu về tình trạng môi trường thiên nhiên bị hủy hoại không chỉ liên quan đến các ngành khoa học tự nhiên, mà cả các ngành khoa học về xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị….
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Le Monde, nghị sĩ Pháp Loïc Dombreval (đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước), nguyên là bác sĩ thú y, cho biết ông sẽ tổ chức một hội nghị tại Quốc Hội Pháp, vào tháng 10 tới, nhằm thảo luận về một mô hình chuyên gia chính phủ liên ngành về tiếp cận Một Sức khoẻ Duy nhất, tương tự như mô hình GIEC – nhóm chuyên gia liên chính phủ quốc tế về Biến đổi khí hậu.
Pháp công bố kế hoạch 100 tỷ euro
tái thiết kinh tế sau Covid-19
Thanh Hà
Chiều ngày 03/09/2020 thủ tướng Jean Castex công bố kế hoạch “France Relance” bơm thêm 100 tỷ euro với hai mục tiêu : vực dậy kinh tế Pháp sau đại dịch Covid-19, tạo thêm 160.000 việc làm cho năm 2021. Đây là kế hoạch lớn gấp 4 lần so với chương trình vực dậy kinh tế Pháp sau khủng hoảng tài chính 2008.
“Kế hoạch này không chỉ nhằm băng bó những vết thương khủng hoảng do Covid-19 gây ra mà còn nhằm chuẩn bị cho tương lai đất nước”. Thủ tướng Castex tuyên bố như trên trước khi thông báo gói kích cầu 100 tỷ euro, tương đương với 4 % tổng sản phẩm nội địa của Pháp. Chính phủ dự trù đến năm 2022, nền kinh tế sẽ phục hồi như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
100 tỷ euro nói trên được chia ra một cách gần như đồng đều cho ba lĩnh vực : 30 tỷ euro dành cho các dự án đầu tư vào công nghệ xanh ; 35 tỷ khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đầu tư trở lại, nâng cao năng suất, phát triển các công nghệ mới. Số còn lại được dự trù đầu tư vào hệ thống y tế, đào tạo, giảm thuế cho doanh nghiệp để tránh sa thải nhân viên và nhất là tuyển dụng giới trẻ vừa tốt nghiệp và ra nhập thị trường lao động.
Về câu hỏi ai chi cho chương trình đầy tham vọng này, phủ thủ tướng Pháp cho biết gần một nửa khoản tiền 100 tỷ euro nói trên sẽ được trích xuất từ kế hoạch kích cầu mà Liên Hiệp Châu Âu thông qua hồi mùa hè vừa qua.
Trên thực tế đây là gói kích cầu thứ ba khắc phục hậu quả virus corona. Ngay từ tháng 03/2020 chính phủ đã ban hành các biện pháp khẩn cấp, tương đương với 45 tỷ euro hỗ trợ các doanh nghiệp, qua các biện pháp trợ cấp thất nghiệp bán phần, bảo đảm thu nhập cho phần lớn người lao động Pháp. Ở giai đoạn hai, chính phủ tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt như hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không
…
Theo cơ quan thống kê quốc gia Pháp INSEE, tổng cộng từ đầu mùa dịch Covid-19, chính phủ Pháp đã rót thêm một khoản tiền tương đương với 10 % GDP để khắc phục hậu quả kinh tế và xã hội do khủng hoảng dịch bệnh gây ra.
Tổng thống Pháp thăm Irak,
tố cáo hành vi can thiệp của Iran
Mai Vân
Tổng thống Pháp đã rời Bagdad sau một chuyến viếng thăm chớp nhoáng vào hôm qua 02/09/2020. Tại Bagdad, ông Macron đã tiếp xúc với các lãnh đạo Irak và Kurdistan. Mục tiêu của chuyến đi là hỗ trợ Irak trong việc khẳng định chủ quyền. Trong cuộc họp báo kết thúc chuyến thăm, tổng thống Pháp đã tố cáo sự can thiệp của nước ngoài vào Irak, nêu đích danh hai nước Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tín viên RFI, Lucile Wassermann, có mặt tại chỗ, tường thuật :
Như đã thông báo ngày hôm trước, Emmanuel Macron đến Irak để khích lệ đất nước này trong việc khẳng định chủ quyền. Và ông đã nhắc lại trong cuộc họp báo, đất nước Irak phải có một Nhà nước mạnh.
Ông nói: Thách thức của chính quyền tại đây là củng cố Nhà nước Irak, nền độc lập, năng lực bảo vệ quyền lợi chung. Khi Nhà nước suy yếu, không còn cung ứng được các dịch vụ mà dân chúng có quyền chờ đợi, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi can thiệp từ nước ngoài, thay thế cho Nhà nước.
Trên vấn đề này, ông Macron đã thẳng thừng tố cáo các hoạt động của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng.
Ông khắng định: Tất cả những thách thức nội bộ này vô cùng quan trọng, và càng quan trọng hơn khi diễn ra trong bối cảnh vô cùng căng thẳng của khu vực với sự hiện diện và ảnh hưởng rất mạnh của
Iran, với những cuộc thâm nhập liên tục, và một ý đồ mạnh mẽ hơn mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ, muốn can thiệp sâu hơn vào công việc nội bộ của Irak.”
Nguyên thủ Nhà nước Pháp như muốn mang lại một con đường thứ 3 cho Irak, bị kẹt từ nhiều năm nay trong gọng kềm giữa Mỹ và Iran.
Các ngôi làng hẻo lánh thu hút nhiều du khách Pháp
Tuấn Thảo
Tháng 9 đối với giới học sinh Pháp là mùa tựu trường, ngày khai giảng một năm học mới. Còn đối với giới chuyên ngành, tháng 9 là thời điểm tổng kết mùa du lịch trong hai tháng hè vừa qua. Nhìn chung, đa số dân Pháp chọn đi nghỉ mát ở gần nhà, chứ không đi đâu xa. Đáng chú ý hơn nữa, du khách Pháp đặc biệt yêu chuộng các vùng nông thôn hay vùng núi hẻo lánh.
Theo kết quả điều tra của các Ủy ban Du lịch cấp vùng, các miền Nouvelle Aquitaine, Bretagne hay là Provence-Alpes-Côte d’Azur đều đã thu hút đông đảo du khách Pháp trong mùa hè năm nay. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì các vùng miền có nhiều bãi biển vẫn luôn đông khách nhân dịp hè. Điều gây bất ngờ hơn cả chính là sự thành công ngoạn mục của các vùng sâu vùng xa như Vosges, Jura, Dordogne, Ardèche, Aveyron thậm chí Lozère.
Các miền này trong mắt dân thành thị là chốn ‘‘đồng không mông quạnh’’. Các ngôi làng xinh xắn nhỏ nhắn tưởng chừng như bị bỏ quên giữa núi rừng hoang vu, nói một cách nôm na, dân dã đó là những chốn ‘‘khỉ ho cò gáy, đèo heo hút gió’’, bởi vì đôi khi trên bản đồ chỉ đường GPS chỉ có vài chục cây số, nhưng khi lái xe hơi thì phải mất hơn một tiếng đồng hồ trở lên, vì ngôi làng thường ở trên đình núi, mà đường đèo lại hiểm trở quanh co, cho nên khó mà chạy thật nhanh, du khách đến từ thành thị lại càng phải vững tay lái.
Trên bản đồ nước Pháp hình lục giác, dãy đất rộng trống, trải dài từ miền đồng bằng phía đông bắc (Meuse) cho đến tận các rừng thông vùng tây nam (Landes) được gọi là ‘‘La Diagonale du Vide’’, hiểu theo nghĩa Đường gạch chéo của các vùng ‘‘Đất rộng Người thưa’’. Thế nhưng, chính những vùng miền thưa thớt dân cư ấy, trong mùa hè năm nay lại thu hút đông đảo du khách.
Theo ông Didier Arino, giám đốc điều hành công ty Protourisme, trong tháng 7, số du khách lưu trú qua đêm trên toàn lãnh thổ Pháp, (không kể tới các trạm nghỉ mát miền duyên hải) đã tăng lên đến 129 triệu lượt khách so với 122 triệu cùng thời kỳ năm ngoái. Điều này có thể thấy rõ ở vùng Occitanie, đứng hạng nhì về lượng du khách sau vùng Nouvelle Aquitaine, bao gồm nhiều điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch muốn đi tìm sự yên tĩnh của miền đồng quê hay phong cảnh thiên nhiên các vùng sơn cước.
Theo ông François de Canson, chủ tịch Ủy ban Du lịch vùng Hautes-Alpes, doanh thu ngành du lịch địa phương đã lập kỷ lục với 366 triệu euro (+15% so với năm 2019). Còn tại vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, nhiều du khách thay vì đi tắm biển, lại chọn đi nghỉ mát ở các vùng nằm ở bên trong đất liền, phần lớn cũng vì họ ngại cảnh đông người chen chúc tại các bãi tắm hay hàng quán, khiến cho việc áp dụng các quy định giãn cách xã hội trong mùa dịch Covid-19 càng thêm khó khăn, phức tạp.
Về phần mình, ông Jean-Pascal Chopard, chủ tịch Ủy ban Du lịch vùng Jura cho biết lần đầu tiên tất cả các khách sạn và nhà trọ ở vùng núi Jura đã không còn chỗ trống trong vòng hơn một tháng từ ngày 20/07 đến ngày 22/08. Sự kiện vùng Jura đạt tới mức 100% phòng cho thuê là điều chưa từng thấy, từ trước tới nay. Ngành du lịch ở vùng Vosges cũng vậy, tuy không đạt mức tối đa, nhưng cũng được doanh thu cao chủ yếu nhờ vào việc du khách đặt phòng vào giờ phút cuối, và dĩ nhiên họ ưu tiên chọn đi thăm những nơi có giá mềm.
Dịch Covid-19 đã khiến cho hàng loạt liên hoan và sự kiện văn hóa bị hủy bỏ, một số vùng lãnh thổ đã thích ứng kịp thời bằng cách tổ chức các hoạt động thể thao như đi xe đạp, đu dây giữa rừng, chèo thuyền vượt thác, du ngoạn sông hồ, thám hiểm hang đá hay tập leo vách núi. Bên cạnh đó, còn có các sinh hoạt ngoài trời khám phá các di sản văn hóa hay ẩm thực địa phương, khác xa với những sinh hoạt thường thấy nơi thành phần du khách thích đi tắm biển.
Theo ông Didier Arino, giám đốc công ty Protourisme, các chuyến tham quan hầm cất giữ phô mai Beaufort, hầm trữ rượu rơm của vùng núi Jura hay là xưởng phơi ớt khô Espelette, đặc sản của vùng núi Pyrénées thu hút đông đảo du khách không kém gì các chuyến đi khám phá các lâu đài, dinh thự được
xếp vào hàng di sản kiến trúc trong vùng. Theo cô Éloïse Raillard, người sáng lập công ty du lịch ‘‘À nos Campagnes’’, trước đây công ty của cô phải thuyết phục khách hàng chọn đi nghỉ mát ở vùng nông thôn. Giờ đây, khách hàng chỉ yêu cầu đến những vùng hẻo lánh, tránh xa những điểm đến nổi tiếng, thu hút quá đông du khách.
Ngược lại, các tuyến du lịch theo ‘‘Con đường rượu vang’’ ở hai vùng Alsace và Bourgogne đều tương đối vắng khách, do các hiệu rượu vang trứ danh, tập trung khai thác khách du lịch nước ngoài. Một cách tương tự, các khách sạn 5 sao hay những nhà trọ hạng sang nhắm vào tầng lớp khách ngoại quốc có tiền, đều bị ế ẩm vì đa số dân Pháp mùa hè năm nay chọn đi nghỉ mát kết hợp với chuyện đi thăm gia đình bà con, nếu có ở khách sạn, thì họ vẫn chọn hạng trung bình hay là thuê nhà qua mạng.
Theo ông Emmanuel Marill, giám đốc chi nhánh Pháp của mạng Airbnb, số nhà riêng cho thuê ở các vùng nông thôn đã tăng 25%, lên tới mức 80% so với cùng thời kỳ năm 2019. Người Pháp thuê nhà theo ba tiêu chuẩn, thời gian đi nghỉ mát là khoảng hai tuần, nhà rộng dành cho một gia đình đông thành viên và quan trọng nhất vẫn là nhà cho thuê phải có sân trồng hoa hay vườn cây xanh.
Sự kiện các vùng nông thôn hay miền núi đắt khách nhân dịp hè là một tin vui. Tuy nhiên, các kết quả tích cực đầu tiên vẫn chưa đủ để trấn an giới chuyên ngành du lịch. Theo thông lệ, tháng 9 mở ra giai đoạn du lịch ngoài mùa cao điểm, đối với các đối tượng du khách không có con nhỏ, họ chọn đi chơi vào mùa thu chứ không nhất thiết phải đi nghỉ mát trong hai tháng hè. Vấn đề ở đây là tình hình dịch Covid-19 không ngừng biến đổi, khiến cho lượng du khách ‘‘ngoài mùa’’ chờ tới tận giờ phút chót mới tính chuyện đặt phòng.
Điều đó ảnh hưởng tới các ngành phục vụ, chưa kể tới kịch bản virus corona bùng phát trở lại tại Pháp có nguy cơ hủy bỏ hàng loạt các kế hoạch đi ‘‘nghỉ muộn’’ (Điều đã từng xẩy ra ở tỉnh Mayenne, đã mất hơn 80% khách khi số ca nhiễm tăng mạnh). Theo ông Laurent Barthélémy, chủ tịch Liên đoàn quốc gia ngành khách sạn và nhà hàng (Umih), doanh thu mùa hè vừa qua vẫn chưa đủ để bù đắp những thất thu của thời phong tỏa, đồng thời vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy khách quốc tế sẵn sàng trở lại nước Pháp. Vì thế cho nên, theo ông, chẳng có gì mà đáng phải mừng vội.
Ngoại Trưởng Đức Heiko Mass khuyến cáo
Trung Cộng không nên đe dọa
các đồng minh Châu Âu về vấn đề Đài Loan
Tin từ Berlin – Ngoại trưởng Đức Heiko Mass đã khuyến cáo Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị không nên “đe dọa” các đồng minh châu Âu, khi ông Vương Nghị cáo buộc rằng chuyến thăm Đài Loan của một nhà lập pháp Cộng hòa Czech đã vượt quá giới hạn.
Trước đó ông Vương nói rằng chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Milos Vystrcil sẽ phải trả “giá đắt” cho chuyến thăm Đài Loan của ông. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết ông đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Czech. Ông Vương giữ vững lập trường rằng chuyến thăm của ông Vystrcil là sự can thiệp vào nội bộ Trung Cộng và là hành vi vi phạm mà chính phủ Bắc Kinh phải đáp trả.
Trong cuộc họp báo kéo dài 50 phút với ông Maas, ông Vương Nghị đã nhấn mạnh lập trường của Trung Cộng đối với Hồng Kông, phản ứng của chính phủ đối với đại dịch coronavirus, những bình luận quyết đoán của ông trong chuyến công du châu Âu kéo dài một tuần và cách Trung Cộng đối xử người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo ông Maas, khối EU 27 thành viên sẽ khẳng định chủ quyền của mình và sẽ không “đứng ngoài” khi Hoa Kỳ, Trung Cộng và Nga đang làm rung chuyển các nền tảng địa chính trị. Lặp lại lời kêu gọi của EU về việc mở cuộc bầu cử lập pháp ở Hồng Kông càng sớm càng tốt, người Đức cũng nói rằng ông Vương Nghị “sẵn sàng” cho phép một phái đoàn giám sát của EU đến Tân Cương.
Mặc dù ông Vương đến thăm 5 năm quốc gia châu Âu để nói rằng các mối quan hệ với họ không nên bị quan hệ Hoa Kỳ-Trung Cộng ảnh hưởng, nhưng sự xuất hiện của ông đang khiến căng thẳng với EU có xu hướng gia tăng. (BBT)
Đức nói chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny
bị đầu độc bằng chất Novichok
Đức nói có “bằng chứng rõ ràng” rằng chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.
Thủ tướng Angela Merkel cho biết ông Navalny là nạn nhân của âm mưu giết người và thế giới sẽ tìm kiếm câu trả lời từ Nga.
Ông Navalny được đưa tới Berlin trong tình trạng hôn mê sau khi ngã bệnh trên chuyến bay ở vùng Siberia của Nga vào tháng trước.
Nhóm làm việc với ông nói rằng ông đã bị đầu độc theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.
Người phát ngôn Điện Kremlin kêu gọi Đức trao đổi đầy đủ thông tin và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phàn nàn rằng không có bằng chứng đối với các cáo buộc về chất độc Novichok. “Sự thật ở đâu, công thức ở đâu, ít nhất cũng phải có một dạng thông tin nào đó chứ?” bà Zakharova nói.
Chất độc thần kinh Novichok đã được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông ở Anh vào năm 2018.
Trong khi họ sống sót, một phụ nữ Anh sau đó đã chết trong bệnh viện. Anh cáo buộc tình báo quân đội Nga đã thực hiện vụ tấn công đó.
Thủ tướng Boris Johnson lên án vụ tấn công mới nhất là “hết sức tệ”. “Chính phủ Nga bây giờ phải giải thích những gì đã xảy ra với ông Navalny – chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để mang lại công lý,” ông Johnson nhắn trên Twitter.
Sau khi chính phủ Đức công bố kết quả xét nghiệm chất độc được thực hiện tại một phòng thí nghiệm quân đội, Thủ tướng Merkel cho biết hiện có “những câu hỏi nghiêm trọng mà chỉ chính phủ Nga mới có thể và phải trả lời”.
“Ai đó đã cố gắng bịt miệng [ông Navalny] và nhân danh toàn thể chính phủ Đức, tôi lên án việc này bằng những gì mạnh mẽ nhất có thể.”
Thủ tướng Merkel cho biết đại diện Nato của Đức và các đối tác EU đã được thông báo về kết quả cuộc điều tra và họ sẽ quyết định có phản ứng chung và phù hợp dựa trên phản hồi của Nga.
Chính phủ Đức cho biết vợ của ông Navalny là Yulia Navalnaya và đại sứ Nga tại Đức cũng sẽ được thông báo về những phát hiện này.
Alexei Navalny: Thủ lĩnh đối lập Nga chống Putin được đưa sang Đức điều trị
Thủ lĩnh đối lập Nga chống Putin, Navalny, ‘bị đầu độc’
Alexei Navalny là ai?
Tên tuổi của ông nổi lên nhờ việc phát hiện các vụ tham nhũng, gọi đảng Liên hiệp Nga của Tổng thống Putin là “đảng của những kẻ đầu trộm đuôi cướp”. Ông đã bị bỏ tù vài lần.
Năm 2011 ông bị bắt và bỏ tù 15 ngày sau các cuộc biểu tình phản đối gian lận bầu cử của đảng Liên hiệp Nga trong các cuộc bầu cử quốc hội.
Ông bị bỏ tù trong một thời gian ngắn tháng 7/2013 vì các cáo buộc biển thủ công quỹ, những cáo buộc mà ông bác bỏ và nói chúng mang tính chính trị.
Ông tìm cách ra ứng cử trong bầu cử tổng thống năm 2018 nhưng bị cấm vì từng bị kết án gian lận trước đây trong một vụ án mà theo ông là mang tính chính trị.
Ông Nalvany cũng bị giam 30 ngày tháng 7/2019 sau khi kêu gọi biểu tình trái phép.
Ông bị ốm trong thời gian ở tù lần đó. Các bác sỹ chẩn đoán ông mắc bệnh “viêm da do tiếp xúc” nhưng ông nói ông chưa bao giờ bị dị ứng nặng, và bác sỹ riêng của ông cho rằng ông có thể bị tiếp xúc với “chất độc nào đó”. Ông Nalvany cũng nói ông tin rằng ông đã bị đầu độc.
Ông Navalny cũng bị bỏng hóa chất nặng ở mắt phải năm 2017 sau khi ông bị tạt thuốc khử trùng.
Năm ngoái, tổ chức Quỹ Chống Tham nhũng của ông chính thức bị tuyên bố là ‘cơ quan nước ngoài’. Điều này cho phép nhà chức trách được quyền kiểm tra tổ chức này nhiều hơn.
Những ai khác đã bị đầu độc?
Năm 2006, Alexander Litvinenko – một cựu sĩ quan tình báo Nga, người đã trở thành nhà chỉ trích Điện Kremlin và trốn sang Anh – đã chết sau khi trà của ông bị đầu độc bởi chất phóng xạ polonium-210.
Gần đây, nhà báo và nhà hoạt động đối lập Vladimir Kara-Murza cáo buộc ông bị đầu độc hai lần bởi các cơ quan an ninh Nga. Ông suýt chết sau khi bị suy thận vào năm 2015 và hai năm sau thì hôn mê suốt một tuần.
Một nhân vật khác chỉ trích Kremlin là Pyotr Verzilov, cáo buộc cơ quan tình báo Nga đầu độc ông vào năm 2018, khi ông bị ốm sau một phiên tòa, mất thị lực và khả năng giao tiếp. Ông cũng đã từng được điều trị tại bệnh viện Charité ở Berlin, và nhờ Tổ chức Điện ảnh vì Hòa bình có trụ sở ở Berlin thu xếp chuyến bay để đưa ông Navalny đến đó cấp cứu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54006421
Đức-Nga: cơm không lành, canh không ngọt
giữa Merkel và Putin
Thanh Hà
Berlin có “bằng chứng không thể chối cãi” là nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất Novitchok. Vụ việc làm “dấy lên nhiều câu hỏi mà chỉ có chính quyền Nga mới có thể và sẽ phải trả lời”. Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chiều ngày 02/09/2020 trực tiếp quy trách nhiệm cho Matxcơva “bịt miệng” đối thủ chính trị của tổng thống Vladimir Putin.
Phải chăng đây là dấu hiệu rạn nứt trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai lãnh đạo Đức-Nga ?
Lời lẽ cứng rắn của thủ tướng Merkel nhắm vào Matxcơva khiến giới phân tích bất ngờ vào lúc mà lãnh đạo Đức và Nga đã hai lần gặp nhau trong sáu tháng qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động ngoại giao bị hạn chế đáng kể. Giới quan sát thậm chí còn cho rằng, “bối cảnh địa chính trị hiện tạo thuận lợi cho việc Đức và Nga sưởi ấm quan hệ”. Thứ nhất, Berlin và Matxcơva cùng đang trong tầm ngắm của chính quyền Trump. Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 cho phép Nga nhân lên gấp đôi khối lượng khí đốt cung cấp cho Đức, Berlin sẽ lơ là với khí đốt của Mỹ.
Điểm thứ nhì cho thấy có dấu hiệu Berlin và Matxcơva xích lại gần nhau, đó là giữa tháng 8/2020 tại lâu đài Meseberg (cách thủ đô Berlin 70 cây số về phía bắc) thủ tướng Merkel và tổng thống Putin đồng ý là đôi bên “cần đối thoại trên nhiều hồ sơ khác, từ Syria đến hạt nhân Iran và nhất là tìm ra ngõ thoát cho tình hình Ukraina”.
Trong một bài phân tích, báo Libération giải thích : quan hệ giữa Đức với đồng minh thân thiết trong khối tự do là Hoa Kỳ càng xấu đi thì thủ tướng Merkel càng cần khai thác mối quan hệ đặc biệt mà bà có được với nguyên thủ Nga. Cả hai cùng là những chính trị gia kỳ cựu. 20 năm qua, Vladimir Putin liên tục điều hành đất nước. Với Angela Merkel là 13 năm đứng đầu nội các. Cả hai cùng sử dụng thành thạo ngôn ngữ của nhau và biết rất rõ về nước Đông Đức cũ. Nhờ các yếu tố này, tiếng nói của thủ tướng Merkel được tổng thống Putin lắng nghe.
Tuy nhiên cũng vì biết rõ nhau, nên đôi bên nắm được nhược điểm của nhau. Theo nhà phân tích Stefan Meister chuyên gia về Nga và Đông Âu thuộc Viện nghiên cứu GDAP của Đức, được Libération trích dẫn, Vladimir Putin xuất thân từ hàng ngũ KGB cho nên ông “nắm giữ được những nhược điểm của đối phương và khai thác những nhược điểm đó” để trục lợi.
Có điều sau nhiều năm giao tiếp với Angela Merkel, nguyên thủ Nga cũng ý thức được rằng, không dễ bắt nạt được người đàn bà sắt thép này. Merkel và Putin “tôn trọng lẫn nhau” và cả hai cùng là những nhà lãnh đạo “thực dụng”, ý thức được rằng “quyền lực của họ rất lớn trên trường quốc tế”.
Nhưng làm thế nào để đàm phán với Vladimir Putin mà không làm phương hại đến quyền lợi kinh tế của Ukraina như trên hồ sơ đường ống dẫn khí Nord Stream 2, không tác động đến chính sách chung của châu Âu trừng phạt Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina ?
Thủ tướng Merkel cứng giọng với Nga vào thời điểm này, bởi Berlin biết là về mặt kinh tế, Vladimir Putin trông cậy nhiều vào dự án Nord Stream 2. Như phân tích của Kristine Berzina, chuyên về hồ sơ năng lượng và quan hệ xuyên Đại Tây Dương, có dấu hiệu Matxcơva sẵn sàng có một cử chỉ để giảm bớt thiệt hại cho Ukraina, khi mà khí đốt của Nga được chuyển sang châu Âu qua ngả Baltic.
Còn về mặt địa chính trị, dù đã đi được nhiều nước cờ quan trọng ở Địa Trung Hải và đang chiếm thế thượng phong tại Syria, đã san bằng được phần nào bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ…, nhưng chủ nhân điện Kremlin cần hậu thuẫn của Liên Âu để phá vỡ chính sách trừng phạt của phương Tây, liên tục nhắm vào nước Nga kể từ khi Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée năm 2014.
Berlin hiểu rõ là, trong tất cả những vấn đề này, Nga cần có được một đối tác quan trọng như là Đức. Do vậy không loại trừ khả năng vụ đầu độc nhà đối lập Navalny chỉ là cái cớ để thủ tướng Merkel mặc cả với tổng thống Putin về một số điểm khác, chẳng hạn như ngăn chận thảm họa nhân đạo tại Syria, nhằm tránh gây ra một làn sóng người nhập cư khác ồ ạt đổ vào châu Âu.
Hy Lạp: Rào cản tham vọng « tổ quốc biển xanh »
của Thổ Nhĩ Kỳ?
Minh Anh
Liệu vùng biển phía đông của Địa Trung Hải có là một « Biển Đông » khác hay không ? Sự so sánh tuy có phần hơi khập khiểng do tính chất phức tạp của vấn đề với sự can dự của nhiều tác nhân. Nhưng chính sự mập mờ của những quy định pháp lý quốc tế là nguồn cội của những căng thẳng dai dẳng về phân định ranh giới lãnh hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, có nguy cơ biến khu vực này thành một thùng thuốc nổ tiềm tàng.
Mọi sự bắt đầu từ ngày 21/07/2020, khi Ankara thông báo gởi tầu khảo sát địa chấn, được một đội tầu chiến hùng hậu gồm 18 chiếc hộ tống đến gần đảo Kastellorizo của Hy Lạp, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 2-3 km, nhưng cách Athens đến 580 km. Để đáp trả, Hy Lạp cho triển khai đội tầu chiến ở vùng biển Egée.
Căng thẳng còn gia tăng một nấc khi Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/08/2020, lại gởi tiếp một tầu khảo sát Oruc Reis, cũng được một đội hải chiến hộ tống đến các vùng lãnh hải thuộc Hy Lạp. Tiếp đến là hai bên thông báo tổ chức tập trận hải quân.
Từ nửa thế kỷ nay, Athens và Ankara vẫn có tranh chấp lãnh hải. Ông Christian Fleury, chuyên gia về vấn đề hàng hải, khi trả lời báo Sputnik của Nga, lưu ý cuộc xung đột mới lần này giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là một ví dụ điển hình về một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước do sự mập mờ của văn bản pháp lý quốc tế. Theo chuyên gia này, trên thế giới hiện nay có ít nhất 200 tình huống có thể dẫn đến những tranh chấp như thế.
Nhìn trên bản đồ, Thổ Nhĩ Kỳ với diện tích gần 800 ngàn km², ba bề là biển cả. Bắc có biển Đen, Tây và Tây-Nam có biển Egée. Thế nhưng, người khổng lồ Ottoman này lại bị quốc gia láng giềng đối diện là Hy Lạp, diện tích nhỏ hơn đến 8 lần, khoảng hơn 130 ngàn km², gần như chế ngự toàn bộ vùng biển Egée ở phía tây từ bắc xuống nam.
Hồ sơ tranh chấp lãnh hải giữa hai nước không chỉ bùng lên mới đây, mà từ năm 1973, ngay giữa lòng cuộc khủng hoảng dầu lửa. Đây cũng là hệ quả của quá khứ lịch sử để lại. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối một số thỏa thuận như đồng thuận Thổ – Ý năm 1932 về việc vạch ranh giới phía nam biển Egée giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ý – khi ấy là chủ sở hữu quần đảo Dodécanèse, sau này được Ý nhường lại cho Hy Lạp vào năm 1947 trong khuôn khổ Hiệp định Paris ; hay như Hiệp ước Lausanne 1923 về quy định lằn ranh lãnh hải ở phía bắc biển Egée giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1996, Ankara và Athens suýt xảy ra xung đột khi Thổ Nhĩ Kỳ đòi xem xét lại « nguyên trạng » tại vùng biển Egée này.
Ba cấp độ căng thẳng
Vào thời điểm đó, giới quan sát đã nhận thấy rằng « toàn bộ vùng biển Egée » đã là một vùng xung đột cực kỳ phức tạp nếu nhìn từ góc độ luật quốc tế. Bản thân địa hình của vùng biển cũng đã là một điểm gây khó khăn. Bởi vì, vùng biển « bán khép kín » này bao gồm một chuỗi đảo lớn nhỏ thuộc chủ quyền của cả hai nước, phần lớn thuộc về Hy Lạp. Việc có nhiều đảo lớn nhất nằm ở những vị trí « xấu » nhất, nghĩa là đối diện với các bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ còn làm cho bài toán pháp lý vốn dĩ đã hóc búa thêm phần phức tạp.
Nguyệt san Le Monde Diplomatique trong một số ra năm 1996, vào thời điểm xảy ra căng thẳng Ankara – Athens, từng phân tích rằng chính sự bất cân xứng địa lý này đã biến những đòi hỏi chủ quyền giữa hai nước thành một dạng trò chơi ghép hình ở ba cấp bậc.
Đầu tiên hết là vùng không gian lãnh hải. Biển Egée là một tuyến hàng hải quan trọng. Nếu chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Hy Lạp có tham gia ký còn Thổ Nhĩ Kỳ thì không, toàn bộ vùng biển 12 hải lý từ bắc đến nam đi từ quần đảo Cyclades đến Dodécanèse tại biển Egée đều thuộc về Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ xem như bị tước các quyền chủ yếu, cảng biển Izmir lớn nhất của nước này gần như bị tách biệt với Địa Trung Hải.
Chính vì điều này mà Ankara đã không chấp nhận ký Công ước Luật biển như giải thích của nhà báo Ariane Bonzon, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và Cận Đông trên kênh truyền hình ARTE :
« Chúng ta nên biết là Ankara không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Họ từ chối ký công ước này chỉ vì họ cho rằng nếu đặt bút ký, toàn bộ vùng biển Egée trở thành ʺao nhàʺ của Hy Lạp. Nghĩa là người dân Thổ khi đi tắm biển có nguy cơ đến tắm ở biển Hy Lạp. Bởi vì, một hòn đảo được quyền có 12 hải lý đường ranh giới bao bọc quanh đảo. Mà Hy Lạp thì có đến 6.000 đảo và đảo nhỏ. Đây thật sự là một trong số các vấn đề. »
Vấn đề thứ hai liên quan đến không phận. Từ năm 1931, Hy Lạp đòi hỏi trong không phận của mình một vùng chủ quyền 10 hải lý cho toàn bộ các đảo. Nhưng vì Ankara chỉ công nhận một vùng 6 hải lý từ năm 1974, các chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên xâm nhập vào vùng 4 hải lý tranh cãi còn lại. Đương nhiên, không quân Hy Lạp luôn tìm cách ngăn chận. Những hành động can thiệp như vậy thường rất giống như là đang đánh trận, có thể sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Cuối cùng là thềm lục địa. Athens và Ankara bất đồng về việc vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế mỗi bên. Thổ Nhĩ Kỳ mong có một đường trung dung ở giữa cho phép nước này khai thác nguồn tài nguyên biển, và nhất là dầu khí tại toàn bộ một nửa vùng phía đông của biển Egée (ngoại trừ vùng chủ quyền xung quanh các đảo Hy Lạp). Thế nhưng, mong mỏi này của Ankara không bao giờ được Athens chấp nhận.
Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có dẫn đến chiến tranh ?
Giờ đây, những công nghệ tiên tiến còn tạo nhiều thuận lợi hơn cho công việc thăm dò tìm nguồn dầu khí, mà Thổ Nhĩ Kỳ rất đang cần đến vì 80-90% khí đốt tiêu thụ trong nước là nhập khẩu từ Nga. Việc phát hiện mới nhiều nguồn dự trữ dầu khí dồi dào cũng như việc Hy Lạp cùng các nước Ai Cập, Israel và Chypre ký kết các thỏa thuận khai thác dầu khí tại biển Egée còn làm cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm phần bất an, cảm thấy như bị gạt ra ngoài cuộc chơi.
Chỉ có điều theo như quan sát của nhà báo Ariane Bonzon, tuy vấn đề này là cũ xưa, cuộc tranh chấp đã có từ lâu, nhưng căng thẳng giữa hai nước giờ mang một dáng dấp mới do còn có một mối liên minh giữa những người theo chủ nghĩa dân túy cực đoan, giới quân sự, các định chế Thổ Nhĩ Kỳ với ông Erdogan.
« Mối liên minh này từ năm 2006 đưa ra giả thuyết về một ʺtổ quốc biển xanhʺ. Nghĩa là họ muốn mở rộng ra Địa Trung Hải mà không cần đếm xỉa đến luật quốc tế, đây cũng chính là những gì họ đang làm. Thế nên, cần phải cẩn trọng. Không phải chính ông Erdogan mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang hành động mà chính là liên minh Xanh – Hồi giáo Erdogan với những hoàng tử đỏ, những người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, bài phương Tây, có khuynh hướng ngả theo Nga. Điều này được nhận thấy từ nhiều năm qua. Đó là một sự mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ra bên ngoài, ra chính trường quốc tế như tại châu Phi, Trung Á… Một sự mở rộng cả về quyền lực mềm lẫn quân sự. »
Phải chăng người ta có thể sử dụng hình ảnh này như là một dạng pháo đài, một pháo đài của châu Âu để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tiến ra Địa Trung Hải ? Ông Slimane Zeghidour, cây bút xã luận mục Quốc tế kênh truyền hình TV5 khẳng định rõ ràng luật biển quốc tế hạn chế Thổ Nhĩ Kỳ vươn xa ra Địa Trung Hải. Người Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bị hẫng hụt khi phải nhìn thấy một chuỗi các đảo « lù lù » trước mắt, đối diện ngay trước các bãi biển của mình lại thuộc về Hy Lạp nằm cách xa đến 400-500 km.
« Điều này quả thật là khó xử lý nhất là khi chúng ta biết rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia rộng lớn có đến 80 triệu dân, Hy Lạp đối diện chỉ có 10 triệu. Thêm vào đó là một quá khứ lịch sử nặng nề. Hy Lạp từng bị đế chế Ottoman chiếm hữu trong vòng nhiều thế kỷ. Hơn một phần tư đế vương Ottoman có thân mẫu là người Hy Lạp, và quê hương của Ataturk, người sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một người xứ Thessalonique của Hy Lạp. »
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, liệu Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có thể đi đến chiến tranh hay không như nhiều nhà quan sát lo ngại ? Ông Slimane Zeghidour tin rằng là Không. Ông giải thích :
« Thổ Nhĩ Kỳ là nước đóng góp quân số đông thứ hai trong NATO. Ở đây, có một điểm đáng lưu ý là các sĩ quan Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều được đào tạo theo cùng một khuôn mẫu, cùng một trường phái, họ biết rõ các trang thiết bị quân sự lẫn nhau. Chẳng hạn như chiếc tầu chiến của Thổ, tháp tùng với tầu khảo sát dầu khí đều là do Pháp sản xuất, được trang bị các tên lửa của Pháp.
Trong một chừng mực nào đó, họ đều là người cùng một nhà. Một sự quá đà là điều có thể, những sự cố chết người cũng có khả năng xảy ra. Nhưng cùng lắm là một sự đối đầu như hồi năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm đảo Chypre và đã xảy ra các cuộc đối đầu. Dù có người chết, nhưng quân đội hai nước cũng chưa bao giờ bước vào xung đột, chỉ đi đến mức chính Hy Lạp rút ra khỏi khối NATO bởi vì theo Athens, NATO đã không ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Chypre ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200903-hy-lap-tho-nhi-ky-tranh-chap-lanh-hai
Đảo Síp: Một nơi đào tẩu khác
của giới nhà giàu và quan chức Trung Quốc
Hương Thảo
Đảo Síp, một thành viên Liên minh châu Âu với diện tích chưa đầy 10.000 km vuông, nhưng trong những năm gần đây đã trở thành một “tân thiên địa”, một thế giới mới cho giới nhà giàu và quan chức Trung Quốc. Theo báo cáo điều tra do Al Jazeera công bố tuần trước, chỉ trong vòng ba năm, đảo Síp đã cấp 1.400 hộ chiếu vàng cho người nộp đơn từ hơn 70 quốc gia, trong đó hơn 500 hộ chiếu cấp cho các quan viên chính phủ hoặc phú hào giàu có đến từ Trung Quốc.
Hãng tin Al Jazeera, có trụ sở chính tại Doha, thủ đô Qatar, đã công bố một báo cáo điều tra vào ngày 23/8, chỉ ra “Văn kiện đảo Síp” bị rò rỉ cho thấy từ năm 2017 đến năm 2019, đảo Síp đã cấp 1.400 “hộ chiếu vàng” cho những người nộp đơn từ hơn 70 quốc gia trên thế giới. Những người nộp đơn thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, bao gồm 1.000 người Nga, 500 người Trung Quốc và hàng trăm người Ukraine.
Thông tin công khai của Al Jazeera về tám người Trung Quốc có hộ chiếu Síp, có Dương Huệ Nghiên, nữ tỷ phú từ Tập đoàn phát triển bất động sản Country Garden, trụ sở tại Quảng Đông. Theo bảng xếp hạng những phụ nữ giàu nhất thế giới năm 2020 của Forbes, Dương Huệ Nghiên đứng thứ 6, với tài sản ước tính 20,3 tỷ Mỹ kim. Ngoài ra trong danh sách còn có tên các đại biểu Quốc hội và các thành viên của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC).
Giới quyền quý di cư vì thấy nguy cơ khủng hoảng nội bộ ở Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, doanh nhân Trung Quốc tên Trương cho biết trong ba năm qua, đã có hàng trăm quan chức Trung Quốc bí mật nhập cư nước ngoài hoặc bí mật xin hộ chiếu nước ngoài. Một trong những lý do chủ yếu khiến họ phải di cư ra hải ngoại là: “Bởi vì mọi người đều đã nhìn thấy nguy cơ. Nguy cơ này đến từ sự điên cuồng và bốc đồng của các nhà lãnh đạo chính phủ mang lại. Nó sẽ hủy hoại khối tài sản tích lũy của nhiều người trong thập kỷ qua và thành quả phấn đấu của họ”. Mọi người đều không muốn mất, và họ không muốn dùng sức lực của tự thân, của gia đình và tương lai con cái mình để đồng hành cùng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ điên cuồng”.
Những công dân Trung Quốc đã nhập quốc tịch Síp được Al Jazeera tiết lộ bao gồm Lục Văn Bân, đại biểu Quốc hội thành phố Thành Đô tháng 7/2019, Trần An Lâm, thành viên Hội nghị Hiệp thương CPPCC vào tháng 7/2018 ở quận Hoàng Bí, Vũ Hán, và một cựu thành viên của CPPCC vào tháng 11/2017 ở Kim Hoa, Chiết Giang là Phụ Chính Quân, ngoài ra còn Zhao Zhenpeng, thành viên của CPPCC ở Bình Châu, Sơn Đông, lần lượt được cấp hộ chiếu Síp vào tháng 2/2019. Trong danh sách cũng có cái tên Đường Dũng, chủ tịch Tập đoàn Điện lực Trung Quốc. Theo báo cáo, Đường Dũng có hộ chiếu Síp vào tháng 1/2019. Tháng 12 cùng năm, ông này được thuyên chuyển từ China Land Resources (Hoa Nhuận Trí Địa) sang China Power Resources (Hoa Nhuận Điện Lực) với tư cách là chủ tịch.
Phóng viên đã kiểm tra thông tin trực tuyến và thấy rằng có một đại biểu Quốc hội của Thành Đô tên là “Lư Văn Bân”, là chủ tịch của Công ty TNHH Công nghệ Thông tin Sáng tạo địa phương, nhưng phóng viên lại viết tên của ông ta là “Lục Văn Bân” và không thể xác định được liệu có phải là cùng một người hay không. Những cái tên còn lại có thể tìm thấy trên mạng, nhưng không thể đưa ra phán đoán chính xác.
Người người bán tháo tài sản của họ để ‘di dân tha quốc’
Trước những yếu tố bất lợi như suy thoái kinh tế Trung Quốc và việc đóng cửa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân họ Trương cho biết nhiều người bạn của ông đã chọn cách bán tài sản và nhập cư sang các nước khác: “Tôi đã thấy điều đó từ lâu. Nếu chậm trễ đào tẩu sẽ quá muộn”. Ông nhận định “biến mại tư sản và đầu tư ra nước ngoài thực chất là để bảo toàn tài sản. Những ai lưu lại Trung Quốc sẽ tiếp tục đối diện với khả năng tài sản bị thu hẹp”.
Sau khi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính trước đó, đảo Síp, nằm ở Địa Trung Hải, đã lợi dụng việc bán quốc tịch cho khách nước ngoài để tăng thu nhập. Kể từ năm 2013, Síp đã triển khai “Chương trình Đầu tư đảo Síp” dành cho người nước ngoài. Những người không phải là công dân của đất nước này có thể đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro bằng cách mua bất động sản và các phương tiện khác để xin “Hộ chiếu Vàng” của đất nước. Chủ sở hữu hộ chiếu này được miễn thị thực nhập cảnh đến hai mươi quốc gia EU. Chính phủ Síp đã thu lợi 7 tỷ euro từ kế hoạch này trong hai năm.
Các quan chức đào tẩu sử dụng các văn kiện mật của ĐCSTQ như một lá bài mặc cả
Trong 5 năm qua, một số lượng lớn doanh nhân ở Trung Quốc đã di chuyển tài sản và di cư ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, trong đó có cả những quan chức tham nhũng đào tẩu. Khổng Viên Phong, hiện đang sống lưu vong ở đảo Saipan, nói với đài này rằng các quan chức tham nhũng bỏ trốn thường cải trang thành những người bất đồng chính kiến trước sự cai trị của ĐCSTQ: “Mục đích làm quan là vì tham nhũng, tham nhũng được rồi thì mang tiền chuyển di”. Họ nói rằng quan chức có 5 triệu nhân dân tệ sẽ chạy về Việt Nam và Thái Lan, có 50 triệu chạy sang Tây Ban Nha, Maldives và các nước khác. Ngoài ra, họ chạy sang châu Âu như điểm dừng đầu tiên, sau đó từ châu Âu mà di chuyển tiếp. Họ chạy ra nước ngoài và mang theo các tài liệu mật của ĐCSTQ. Trước đây có người nói rằng bằng cách mang theo hai tài liệu mật về chỉ thị đàn áp Pháp Luân Công, thân phận có thể được chấp nhận”.
Pháp Luân Công là một môn khí công tu tập cả tâm lẫn thân có hiệu quả sức khỏe kỳ diệu, cùng các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Kể từ khi được truyền ra công chúng năm 1992, chỉ vỏn vẹn trong 7 năm đến 1999, môn tập đã thu hút được hơn 100 triệu người theo học. Tuy nhiên do đối lập về hệ tư tưởng, môn tập đã bị chính phủ Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.
Theo báo cáo, Trương Khắc Cường, một doanh nhân đến từ Trung Quốc, đã bị buộc tội tiến hành các giao dịch cổ phần phi pháp, và một doanh nhân Trung Quốc khác, Lý Gia Đông, đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì rửa tiền hơn 100 triệu Mỹ kim. Cả hai đều bị cáo buộc đăng ký “hộ chiếu vàng” đảo Síp. Sau khi một vụ bê bối tương tự được tiết lộ, đảo Síp đã sửa đổi các luật liên quan vào năm 2019, không chỉ để điều tra nghiêm ngặt các nhà đầu tư, mà còn hủy bỏ các hộ chiếu đã cấp. Hiện tại, quyền công dân đảo Síp của khoảng 30 người đã bị hủy bỏ.
Triển vọng lưu lại Trung Quốc là mong manh, làm quan chức hay kinh doanh đều tiềm ẩn nguy hiểm
Ông Trương, cựu giám đốc một doanh nghiệp tư nhân lớn ở Hắc Long Giang, Trung Quốc, nói rằng việc ra nước ngoài đã trở thành xu hướng của mọi người. Dù là doanh nhân hay quan chức, nếu họ không rời Trung Quốc, họ sẽ không thể đoán trước được điều gì: “Tôi nói rằng họ đã chọn đúng, vì nếu bạn không đi ra hải ngoại, tiền đồ phía trước đều không chắc chắn. Cho dù bạn là quan chức cấp cao hay bất cứ thứ gì, việc lưu lại Trung Quốc tiềm ẩn một rủi ro rất lớn”.
Đài Al Jazeera cũng cung cấp thông tin của 11 người Trung Quốc trong đơn đăng ký mà không liệt kê tên của họ, bao gồm “cựu giám đốc ngân hàng đầu tư của một công ty chứng khoán Trung Quốc”, “chủ tịch một nhà sản xuất ô tô điện” và “giám đốc thông tin một công ty dược phẩm Hồng Kông.” Trước đó, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo trong một báo cáo vào tháng 1/2019 rằng chương trình “Hộ chiếu vàng” có thể giúp các nhóm tội phạm có tổ chức thâm nhập châu Âu, đồng thời làm tăng nguy cơ rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế.
Theo Secret China,
Hương Thảo dịch & biên tập
Bulgaria: Bắt 60 người biểu tình
vì đòi thủ tướng từ chức
Tối thứ Tư ngày 02/09/2020, cảnh sát Bulgaria đã bắt hơn 60 người biểu tình trước trụ sở Quốc hội ở Sofia.
Nước Nga có định mệnh đi con đường Á-Âu?
Cuộc phiêu lưu của pho tượng Lenin từ Đông Âu sang Mỹ
Thành triệu phú VN thời ‘lấy xẻng xúc vàng’ ở Đông Âu
Làn sóng biểu tình phản đối thủ tướng Boiko Borisov đã sang đến ngày thứ 56 và chưa có triển vọng giảm đi.
Tại một số thành phố khác ở Bulgaria cũng có người xuống đường tương tự, với khẩu hiệu chống tham nhũng.
Họ đòi cả ông Borisov và trưởng công tố Ivan Geshev phải từ chức vì cho rằng hai người này “làm ăn đen tối” với các đại gia đầy quyền thế trong nước, theo các báo châu Âu.
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev ủng hộ người biểu tình, và yêu cầu ông Borisov từ chức.
Đã ba lần làm thủ tướng
Bản thân ông Borisov, xuất thân là võ sĩ karate và vệ sĩ hộp đêm, nói ông sẽ từ chức nếu có bầu cử mới.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Borisov từ chức rồi trở lại chính trường.
Sinh năm 1959, hồi trẻ ông học võ và làm bảo vệ cho hộp đêm, sau đó vào ngành công an xã hội chủ nghĩa, phục vụ trong một đơn vị cứu hỏa.
Theo trang web của chínhg phủ Bulgaria, ông đã thăng tiến trong ngành an ninh và có bằng tiến sĩ về ‘huấn luyện tâm lý cho đơn vị tác chiến’ của Bộ Công an thời cộng sản. Năm 1990, ông rời vị trí giảng viên của Học viện Huấn luyện Cảnh sát để lập ra một công ty an ninh tư nhân trong ngành bảo vệ, vệ sĩ.
Công ty của ông là thành viên hiệp hội vệ sĩ quốc tế – International Association of Personal Protection Agents (IAPPA).
Vẫn trang web của chính phủ Bulgaria nói ông Boyko Borissov đã nhận nhiều giải thưởng chống tham nhũng quốc tế, và cho các đóng góp với ngành cảnh sát, gồm cả huân huy chương từ Tây Ban Nha và Nga.
Thế nhưng, một liên minh đối lập hiện nêu ra các cáo buộc nghiêm trọng chống lại ông, cho rằng ông có các phi vụ làm ăn với mafia, điều ông bác bỏ.
Ông Borisov đã làm thủ tướng Bulgaria hai lần, từ 2009 đến 2013 và từ cuối r 2014 tới đầu 2017.
Hồi năm 2013, nhiều nhóm biểu tìm bao vây nghị viện ở Sofia, hô khẩu hiệu ‘mafia hãy từ chức’ đòi ông Borisov phải rời vị trí.
Thời gian đó, lãnh đạo EU chính thức ủng hộ phe biểu tình và đặt chính quyền Bulgaria vào danh sách cần giám sát đặc biệt vì thiếu tiêu chuẩn kế toán công, ngành tòa án bị tham nhũng và các nghi vấn liên hệ giữa quan chức với xã hội đen và băng đảng.
Đến tháng 5/2017, ông Borisov lại được Quốc hội bầu chọn làm thủ tướng cho nhiệm kỳ kéo tới nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54015157
Được Nga hậu thuẫn, Belarus trả đũa các quốc gia Baltic
Triệu Hằng
Belarus sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các quan chức cấp cao ở Latvia, Lithuania và Estonia để trả đũa các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức Belarus, bộ trưởng ngoại giao Belarus cho biết hôm thứ Tư (2/9), khi Nga tăng cường hỗ trợ chính phủ Lukashenko.
Hơn ba tuần sau một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra ở Belarus vì những cáo buộc gian lận phiếu bầu, trong cuộc bầu cử tổng thống mà đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko tuyên bố rằng ông thắng cử, Minks và đồng minh thân cận Moscow đang mạnh tay đẩy lùi các nhà phê bình trong và ngoài nước chống lại Lukashenko, theo Reuters.
Hiện diện ở Moscow để hội đàm với đồng cấp Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei cho biết đất nước ông nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với một danh sách các cá nhân ở Latvia, Lithuania và Estonia.
Động thái này nhằm đáp trả, ông nói, sau khi 3 quốc gia Baltic hôm 31/8 nói rằng họ áp đặt lệnh cấm đi lại đối với Lukashenko và 29 quan chức Belarus để trừng phạt những người này vì vai trò của họ trong vụ thao túng bầu cử và trong một cuộc đàn áp chống lại người biểu tình.
Ông Makei từ chối cho biết ai nằm trong danh sách trừng phạt, nhưng nói rằng lệnh nhắm vào những cá nhân đã cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ông, đưa ra những “tuyên bố chính trị” không thể chấp nhận và nói về việc tài trợ cho phe đối lập.
“Đối với chúng tôi điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông nói, cảnh báo rằng Minsk sẽ áp các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào đưa ra lệnh trừng phạt đối với Belarus.
Ngoại trưởng Nga Minister Sergei Lavrov đưa ra sự ủng hộ mạnh mẽ cho ông Lukashenko và nói rằng Thủ tướng Mikhail Mishustin sẽ thăm Belarus cho cuộc hội đàm vào hôm thứ Năm (3/9).
Moscow sẽ đáp trả một cách “kiên quyết và xứng đáng” đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây bất ổn cho Belarus hoặc làm lung lay mối quan hệ chặt chẽ của họ với Nga, ông nói.
Ông Lavrov lên án những gì mà ông nói là đang can thiệp vào Belarus bởi các lực lượng bên ngoài, cáo buộc rằng có 200 phần tử cực đoan Ukraine ở bên trong Belarus đang cố gắng gây mất ổn định, một cáo buộc mà Kyiv cho là hư cấu.
Ông Lavrov cũng cáo buộc NATO và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những tuyên bố “phá hoại” về Belarus. Ông nói, Moscow nhìn nhận rằng chẳng ích gì khi tham gia với Hội đồng đối lập Belarus [do bà Tikhanovskaya thành lập nhằm tổ chức việc chuyển giao ôn hòa] vốn nổi lên giữa các cuộc biểu tình chống chính phủ trên toàn quốc. Phàn nàn về những gì mà ông mô tả là một tuyên bố chống Nga xuất phát từ Hội đồng này, Lavrov cáo buộc tuyên bố đó vi phạm pháp luật khi nó kêu gọi lực lượng thực thi pháp luật đổi phe.
Trong khi đó, các lãnh đạo của Hội đồng nhiều lần nói rằng họ chỉ quan tâm đến việc cố gắng mang lại một quá trình chuyển đổi quyền lực một cách hòa bình.
Trong một dấu hiệu khác thể hiện sự ủng hộ của Nga, các tham mưu trưởng quân đội Nga và Belarus thảo luận về việc chuẩn bị cho diễn tập quân sự chung ở Belarus trong năm nay, trước chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Belarus tới Moscow vào thứ Sáu (4/9).
Ông Lukashenko cũng cảm ơn kênh truyền hình nhà nước Nga RT vì đã cử nhà báo đến giúp cơ quan truyền thông nhà nước Belarus sau khi một vài nhân viên cơ quan này đình công để phản đối sự cai trị của ông.
Theo Reuters,
Triệu Hằng dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/duoc-nga-hau-thuan-belarus-tra-dua-cac-quoc-gia-baltic.html
Thủ tướng Nga đến thăm Belarus
vào lúc khủng hoảng chính trị gay gắt
Mai Vân
Thủ tướng Nga Mikhaïl Michoustine đến Minsk vào hôm nay, 03/09/2020. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Nga ở cấp này từ khi nổ ra khủng hoảng. Chuyến thăm được cho là nhằm mở đường cho một cuộc gặp gỡ sắp tới giữa hai tổng thống Vladimir Putin và Alexandre Loukachenko.
Cách đây không lâu, tổng thống Loukachenko còn cứng giọng tố cáo Nga muốn biến Belarus thành một chư hầu và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ngày 09/08, có lợi cho đối thủ của ông. Nhưng khi phong trào phản kháng trên đường phố không lắng dịu, ông Loukachenko lại đổi giọng tố cáo một âm mưu của phương Tây, và Matxcova có dấu hiệu ủng hộ Minsk ngày càng rõ nét.
Khi tiếp đồng nhiệm Belarus vào hôm qua, 02/09, ngoại trưởng Nga Lavrov đã tố cáo âm mưu gây “bất ổn định” của Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu. Ngoại trưởng Nga cũng bác bỏ khả năng Matxcơva thảo luận với Hội Đồng Điều Phối của phe đối lập Belarus, bị ông cho là có “hành vi phi pháp”.
Tại Minsk, thủ tướng Nga Mikhaïl Michoustine trao đổi với lãnh đạo Belarus về sự giúp đỡ của Nga cho chính quyền của ông Loukachenko, cũng như những gì mà Matxcơva đòi hỏi ở Minsk.
Điều vẫn chưa rõ là Nga sẽ giúp gì. Tổng thống Putin thông báo gần đây về việc thành lập một “lực lượng cảnh sát dự bị”, nhưng cũng nói rõ là trong tình hình hiện nay chưa cần đến lực lượng này.
Đối với Belarus, Nga có lẽ muốn đề nghị một sự hội nhập chặt chẽ hơn giữa Matxcơva và Minsk, một liên bang Nga-Belarus mà Loukachenko cực lực phản đối.
Cánh tay phải của ông Abe
có khả năng giành chức thủ tướng Nhật
Đại Nghĩa
Ông Yoshihide Suga, cánh tay phải của Thủ tướng Shinzo Abe hôm 2/9 đã tuyên bố tham gia ứng cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP), theo Japan Times.
Ông Suga từng là phát ngôn viên chính phủ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Abe, hiện đang giữ chức Chánh Văn phòng Nội các.
Do LDP chiếm đa số trong nghị viện, lãnh đạo mới của đảng LDP gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.
Ông Suga từng là phát ngôn viên chính phủ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Abe.
Trong cuộc họp báo kéo dài 45 phút, ông cho biết ưu tiên cao nhất của chính quyền ông sẽ là ứng phó với đại dịch COVID-19. Ông cũng cam kết sẽ thực hiện thành công Abenomics (Chính sách kinh tế của ông Abe) và tiếp tục các chính sách ngoại giao lấy quan hệ Nhật-Mỹ làm nền tảng.
Thông báo chính thức của ông Suga đã khởi động cho một cuộc đua tay ba vào vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền, cũng là chọn ra thủ tướng tiếp theo. Hai người còn lại là chủ tịch hội đồng chính sách của đảng Fumio Kishida và cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba.
Ngay cả trước khi thông báo trên được đưa ra, ông Suga đã dẫn trước áp đảo. Năm trong số bảy phe phái chính của đảng – gồm cựu Tổng thư ký Hiroyuki Hosoda, Phó Thủ tướng Taro Aso, cựu Bộ trưởng Môi trường Nobuteru Ishihara, cựu Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Wataru Takeshita và Tổng thư ký Toshihiro Nikai – đã công khai tuyên bố họ sẽ ủng hộ ông Suga, đảm bảo cho ông tổng số 264 trong số 394 phiếu bầu của các nhà lập pháp trong Đảng.
Diễn biến này đang cho thấy ông Suga sẽ tiếp tục đi theo con đường của chính quyền Abe trong gần 8 năm qua. Ông Suga từng là một trong những người thân cận nhất của Abe trong suốt thời gian trước và sau khi Nhật bản bị tàn phá bởi đại dịch, một nền kinh tế đang chững lại và môi trường an ninh quốc gia hiện đang gặp khó khăn.
https://www.dkn.tv/the-gioi/canh-tay-phai-cua-ong-abe-co-kha-nang-gianh-chuc-thu-tuong-nhat-ban.html
Quân đội Bắc Hàn
đang chuẩn bị cho cuộc duyệt binh khổng lồ
Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Hình ảnh vệ tinh do một viện chính sách của Hoa Kỳ công bố cho thấy hàng loạt binh lính và xe quân sự của Bắc Hàn tập luyện cho một cuộc duyệt binh lớn, bất chấp các hạn chế về coronavirus của đất nước.
Hình ảnh vệ tinh thương mại được phân tích bởi 38 North, một viện chính sách chuyên về Bắc Hàn, cho thấy các binh sĩ và xe quân sự tại Mirim Parade Training Ground, ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng vào hôm thứ Hai (31/8). Cơ sở Mirim thường xuyên được sử dụng bởi các binh sĩ thực hành phong cách diễn binh nghiêm khắc trong các cuộc diễn hành quân sự của Bắc Hàn, thường diễn ra ở Quảng trường Kim Nhật Thành của Bình Nhưỡng trước sự chứng kiến của các chức sắc, thường bao gồm cả chủ tịch Kim Jong Un.
38 North cho biết ngày 10 tháng 10 được dự đoán là một ngày lễ lớn của Bắc Hàn, nhưng việc chuẩn bị diễn hành dường như bị trì hoãn so với những năm trước, có thể là do các biện pháp chống đại dịch hoặc thời tiết khắc nghiệt gần đây.
Bài báo này chi biết trong những tháng gần đây, Bắc Hàn dường như xây dựng khoảng 100 nhà để xe kiên cố tại cơ sở Mirim, khiến việc quan sát xem những xe quân sự nào có thể tham gia trở nên gần như bất khả thi. Bắc Hàn sử dụng các cuộc diễn hành này để phô trương kho vũ khí hỏa tiễn đạn đạo ngày càng gia tăng của họ, nhưng kể từ khi một vòng ngoại giao quốc tế bắt đầu vào năm 2018, những hỏa tiễn này không được giới thiệu công khai. (BBT)
https://www.sbtn.tv/quan-doi-bac-han-dang-chuan-bi-cho-cuoc-duyet-binh-khong-lo/
Một loạt bí ẩn sau vụ tấn công
nhân sĩ Đài Loan chống Bắc Kinh
Tâm Thanh
Tác giả Lý Hạo phân tích, chỉ ra đây có thể là âm mưu đã được tính toán kỹ.
Gần đây, trên Internet lan truyền video vị giám đốc nổi tiếng người Đài Loan bị bắn khiến xã hội Đài Loan chấn động, đồng thời thu hút sự chú ý của người Hoa ở hải ngoại. Bởi lẽ, Ông là một người nổi tiếng tại Đài Loan có tư tưởng chống Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh mẽ. Vị giám đốc này từng tuyên bố: “Trung Quốc không phải Trung Cộng”, “Phản Trung Cộng không có nghĩa là phản Trung Quốc”. Ông cũng ra sức ủng hộ cuộc biểu tình chống chế độ ĐCSTQ của người dân Hồng Kông.
Đài Loan và Trung Quốc có mối quan hệ giao lưu kinh tế và thương mại chặt chẽ. Nhiều giới tinh hoa chính trị và kinh doanh hoặc những người nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật phần lớn đều ngại công khai chống lại ĐCSTQ do cân nhắc về vấn đề kinh tế và thị trường. Vì vậy, những người thẳng thắn dám lên tiếng chống chế độ ĐCSTQ giống như Trần Chi Hán – vị giám đốc chuỗi phòng tập thể hình Thành Cát Tư Hãn quả thực đếm trên đầu ngón tay. Do đó, sau khi vụ việc xảy ra với ông, cư dân mạng khắp nơi đã để lại những lời quan tâm sâu sắc.
Video quay lại cảnh Tràn Chi Hán bị tấn công.
Tác giả Lý Hạo đã có những đánh giá và bình luận về sự việc này. Dưới đây chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả:
Vụ tấn công Trần Chi Hán là một vụ án hình sự, đã bước vào quá trình điều tra.
Nhiều điểm nghi ngờ
Như nhiều phương tiện truyền thông đã chỉ ra, có nhiều điểm nghi vấn trong vụ việc này, chẳng hạn như: Sau khi tấn công Trần Chi Hán, nghi phạm ngay lập tức bắt xe đến đồn cảnh sát và đầu thú. Nghi phạm nhất quyết đợi luật sư đến rồi mới chịu thẩm vấn, rõ ràng là đã có tính toán từ trước, biết được rằng sau khi phạm tội thì cần làm gì để được giảm nhẹ mức hình phạt. Hơn nữa, nghi phạm còn cố tình uống rượu trước khi thực hiện vụ tấn công, bề ngoài có vẻ như uống rượu để lấy can đảm, tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng nghi phạm lấy lý do “say mất kiểm soát” để đổi lấy mức án nhẹ hơn.
Còn nữa, nghi phạm chỉ mới 23 tuổi và nói rằng đã từng có tiền án gây cản trở tự do, nhưng anh ta lại có thể tìm được một luật sư có tên tuổi từng là công tố viên và thẩm phán để bào chữa cho mình. Thật không đơn giản để nghi phạm có được nguồn tài lực, mối quan hệ và kiến thức pháp luật như vậy.
Ngoài ra, nghi phạm khai mình là một “fan” hâm mộ của người sáng lập chuỗi phòng tập thể hình Trần Chi Hán, vì vậy anh ta đã tham gia phòng tập thể dục và quấy rối vị giám đốc này vào hồi đầu tháng 8. Sau đó, nghi phạm bất mãn với vị giám đốc về việc phát sóng trực tiếp sự việc gây rối của anh ta. Vì thế anh ta đã yêu cầu đòi trả lại phí tham gia phòng tập, đồng thời muốn trả đũa vị giám đốc.
Tuy nhiên, điều đáng ngờ là nghi phạm chỉ mới tham gia phòng tập thể dục của vị giám đốc gần đây, không phải là thành viên lâu năm. Hơn nữa, nghi phạm đang sinh sống ở quận Nội Hồ, thành phố Đài Bắc. Tại sao anh ta lại tham gia phòng tập thể dục của vị giám đốc ở quận Lâm Khẩu, thành phố Tân Bắc? Sẽ phải mất khoảng 30 đến 40 phút lái xe giữa hai nơi, đây không phải là thói quen của những người đam mê thể dục. Hầu hết những người đam mê thể hình, thường lựa chọn những phòng tập gần nhà, hoặc gần nơi làm việc nhất để thuận tiện tới phòng tập được thường xuyên.
Còn một điểm nữa, nghi phạm nói rằng khẩu súng dùng để tấn công là do người khác đưa cho anh ta, nhưng “người khác” này đã qua đời. Khi cảnh sát yêu cầu nghi phạm mở khóa điện thoại, anh ta kiên quyết từ chối, liệu có phải anh ta lo sợ cảnh sát tìm thấy một bản ghi âm cuộc nói chuyện trên điện thoại hay một manh mối gì?
Do đó, vụ án này chứa đầy những nghi vấn, không giống như những ân oán cá nhân bình thường hay những vụ ẩu đả, đánh nhau của băng nhóm thông thường. Thay vào đó, nó giống như một “kế hoạch giết người” hoặc “kế hoạch cảnh cáo” được sắp xếp cẩn thận. Thật khó để tưởng tượng rằng một thanh niên 23 tuổi với tiền án từ trước lại có thể có kiến thức và tài lực để làm điều đó một mình.
Vì vậy, vụ việc đã khiến cho nhiều phương tiện truyền thông đặt nghi vấn, có thể có “cấp trên” đứng sau chỉ thị, hoặc như dân Đài Loan thường nói, đằng sau đó là “Tàng Kính Nhân”.
Vậy thì, nếu thực sự có “cấp trên” đứng sau vụ việc thì những “cấp trên” này là ai? Tại sao lại muốn tấn công vị giám đốc như một vụ mưu sát? Về điểm này, cần chờ cảnh sát Đài Loan điều tra sâu thêm nữa.
Thị trưởng thành phố Tân Bắc, nơi xảy ra vụ án, vừa hay lại chính là Ủy viên cảnh sát Hầu Hữu Nghi đã từng nhiều lần phá các vụ án lớn. Còn vị giám đốc là một người nổi tiếng, nên có thể tiến độ điều tra sẽ được đẩy nhanh làm rõ toàn bộ vụ án.
Vị giám đốc từng bị mua chuộc để thôi “bóc mẽ” ĐCSTQ?
Có điều, nhiều cư dân mạng khi nghe tin vị giám đốc Trần Chi Hán bị tấn công, phản ứng đầu tiên mà họ nghĩ đến là: không lẽ là do ĐCSTQ làm? Bởi lẽ, Trần Chi Hán là một người nổi tiếng ở Đài Loan kiên quyết chống lại ĐCSTQ, những ngôn luận phản Trung Cộng và ảnh hưởng trực tuyến trên Internet của vị giám đốc này cũng đã khiến một số lượng lớn người trẻ ở Đài Loan nhận ra sự nguy hiểm và dối trá của ĐCSTQ.
Vào tháng 6/2019, vị giám đốc cũng đã phát động một cuộc diễu hành “chống phương tiện truyền thông đỏ”, kêu gọi hàng chục nghìn thanh niên can đảm đội mưa lớn xuống đường để phản đối các cuộc tấn công văn hóa; đe dọa quân sự của ĐCSTQ và sự tẩy não của Mặt trận thống nhất thông qua truyền thông đỏ.
Vị giám đốc nổi tiếng nói trên trên Internet ngày 23/6/2020 rằng: “Nếu một ngày nào đó ĐCSTQ dám xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, tôi nhất định sẽ đứng trên chiến trường với các bạn. Chết cũng không thành vấn đề”.
Học giả Đài Loan Thẩm Bác Dương đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn vài ngày trước rằng, ĐCSTQ muốn mua chuộc Trần Chi Hán, miễn là hàng tháng vị giám đốc này giảm bớt những ngôn luận chỉ trích ĐCSTQ, thì mỗi tháng ĐCSTQ sẽ cung cấp cho ông ấy 1,5 triệu Đài Tệ (khoảng gần 1 tỷ 200 triệu), tương đương 50.000 đô la Mỹ, nhưng ông đã kiên quyết từ chối.
Vì vậy, đối với ĐCSTQ mà nói vị giám đốc này như một đối thủ chiến lược khá “khó nhằn” trong quá trình thúc đẩy mặt trận thống nhất ở Đài Loan. Nếu như vụ nổ súng xảy ra với vị giám đốc thực sự có liên quan đến ĐCSTQ, thì trường hợp này không chỉ là một sự cố xã hội. Đó là một sự cố an ninh quốc gia và một vụ tấn công khủng bố.
Có lẽ cảnh sát Đài Loan và Thị trưởng Hầu sẽ truy xét ra lý lịch và địa chỉ liên lạc cá nhân của nghi phạm, liệu có hay không liên quan đến các tổ chức bên ngoài của ĐCSTQ ở Đài Loan?
Yếu tố xã hội đen của các tổ chức ĐCSTQ hải ngoại
Tác giả Lý Hạo tiếp tục cho biết, ban công tác Mặt trận thống nhất của ĐCSTQ ở hải ngoại đều là các cơ quan gián điệp hoặc các tổ chức mở rộng của ĐCSTQ. Ví dụ, ĐCSTQ có “Hội Thanh Quan” ở Hồng Kông, “Hội đồng tâm yêu nước” và “Đảng Xúc tiến Thống nhất” ở Đài Loan… Các tổ chức hải ngoại này hầu hết đều liên quan đến các băng đảng, có thể nói là côn đồ ở nước ngoài của ĐCSTQ, Trần Chi Hán cũng đã từng đối đầu với các tổ chức này.
Trong vụ tấn công vừa qua, nghi phạm đã sử dụng một khẩu súng lục không rõ nguồn gốc để tấn công vị giám đốc, mà súng ở Đài Loan bị cấm sử dụng, vì vậy để có được súng thì phần lớn phải thông qua các tổ chức ngầm như băng đảng. Điểm này cũng phù hợp với các thành phần xã hội đen trong các tổ chức hải ngoại của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận sự thật của vụ án này vẫn còn chờ cảnh sát điều tra. Có thể không dễ dàng để khẳng định các yếu tố ĐCSTQ đằng sau đó.
Đặc biệt là vào lúc này, một số người đã hô to lên rằng ĐCSTQ đối với Đài Loan “Trận đầu tiên là kết thúc” và “Quân Mỹ sẽ không đến” nhằm gây sức ép tâm lý chiến tranh đối với xã hội Đài Loan. Nếu vào thời điểm này, một người nổi tiếng khác cũng bị tấn công vì phát biểu chống ĐCSTQ, nó có thể mang lại áp lực và nỗi sợ hãi cao hơn cho người dân, vì vậy, tinh thần chống ĐCSTQ ở Đài Loan sẽ bị đả kích mạnh mẽ.
Theo Lý Hạo, Epochtimes
Tâm Thanh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/mot-loat-bi-an-sau-vu-tan-cong-nhan-si-dai-loan-chong-bac-kinh.html
Nathan Law: Chỉ có trừng phạt
mới khiến Bắc Kinh bớt làm việc xấu
Đại Nghĩa
Trang DW của Đức hôm 31/07 đã đăng một bài viết của nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Nathan Law (La Quán Thông) bàn về việc Liên minh châu Âu và thế giới dân chủ nên ứng xử như thế thế nào với chính quyền Trung Quốc. Theo nhà hoạt động trẻ tuổi này, chỉ có trừng phạt mới khiến Bắc Kinh bớt làm việc xấu.
Các biện pháp trừng phạt gần đây của EU đối với chính quyền Trung Quốc là đáng hoan nghênh. Nhưng EU cần phải mạnh tay hơn nữa đối với Bắc Kinh, vì đó là cách duy nhất để ngăn chặn chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.
Để đối phó với việc Bắc Kinh bóp nghẹt tự do Hồng Kông bằng Luật an ninh mới, Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên đã phối hợp với tinh thần cao nhất để áp các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm từ việc đánh giá lại các thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông, đến việc nới lỏng thị thực và trao cơ hội tị nạn cho người dân đảo. Tiếp nữa là việc đình chỉ xuất khẩu các công nghệ mà chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng để trấn áp, giám sát hoặc ngăn chặn liên lạc theo Luật an ninh mới.
Khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng độc tài ra nước ngoài, động thái của EU được hoan nghênh và rõ ràng là một bước đi đúng hướng. Điều đó cho thấy, chính quyền Trung Quốc chỉ có thể bị trói buộc bằng các hành động trừng phạt, thay vì những lời chỉ trích.
Bắc Kinh ngày càng hung hăng
Trong nhiều năm qua, thế giới đã tin tưởng vào việc Trung Quốc sẽ thay đổi thông qua các mối quan hệ kinh tế và đối thoại. Tuy nhiên, sự bành trướng của Bắc Kinh ra nước ngoài trong những năm gần đây đã chứng minh điều ngược lại.
Thay vì trở nên khoan dung hơn với các giá trị tự do và khát vọng dân chủ, Bắc Kinh ngày càng trở nên thù địch hơn đối với xã hội dân sự và gây sức ép ngoại giao gay gắt lên các quốc gia khác.
Bằng cách dùng ảnh hưởng kinh tế và các chiêu thức tuyên truyền, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng bịt miệng những người bất đồng chính kiến trong và ngoài nước. Các luật sư nhân quyền, các nhóm
dân sự, người dân ở Tây Tạng, Tân Cương và cả Hồng Kông đều phải đối mặt với những cuộc đàn áp tàn nhẫn của Bắc Kinh.
Nhiều quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới buộc phải im lặng trước vấn đề nhân quyền, vì sợ chính quyền Trung Quốc đe dọa trả đũa kinh tế. Tất cả những điều này cho thấy sự xung đột trực tiếp giữa chuyên chế và tự do.
Hồng Kông đã cho thấy bản chất của Bắc Kinh
Từng được coi là ngọn hải đăng tự do duy nhất trong các vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý của chính quyền Trung Quốc, Hồng Kông là một ví dụ hoàn hảo cho thấy Bắc Kinh không muốn tuân thủ các quy tắc quốc tế và các giá trị tự do.
Từ bỏ lời hứa của mình với hiệp ước quốc tế của Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh đang chấm dứt quyền tự do của Hồng Kông bằng cách thách thức các chỉ trích quốc tế và áp đặt một đạo luật hà khắc trái với ý muốn của người dân.
Chỉ vài ngày trước, 4 thanh niên Hồng Kông đã bị an ninh bắt giữ vì các phát biểu trực tuyến của họ bị ghép vào tội kích động ly khai. Ngay ngày hôm sau, Bắc Kinh đã thực hiện hành động đàn áp chính trị dữ dội nhất: loại bỏ các ứng cử viên ủng hộ dân chủ của cuộc bầu cử hội đồng lập pháp với lý do những người này “phản đối Luật an ninh quốc gia”.
EU và các nước cần phối hợp cùng nhau
Việc châu Âu điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc gần đây, cho thấy họ đang bắt đầu tìm kiếm một cách tiếp cận có nguyên tắc hơn trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng chính trị, quân sự và kinh tế cũng như sự xâm phạm quyền tự do của các nước.
Vào tháng Sáu, Nghị viện châu Âu đã thông qua một đề nghị kêu gọi áp dụng Luật Magnitsky trừng phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông.
Gần đây, các nhà lập pháp giữa các đảng phái ở Nhật Bản cũng thành lập một liên minh mới có tên “Liên minh Nghị viện Nhật Bản với vấn đề Trung Quốc”, để thúc giục chính phủ Nhật đánh giá lại chính sách liên quan đến Trung Quốc và xem xét ngăn chặn bằng các biện pháp trừng phạt đối với việc Bắc Kinh đàn áp nhân quyền một cách tàn bạo.
Với việc ngày càng có nhiều nền dân chủ châu Âu và châu Á có những hành động cụ thể, thế giới đang thức tỉnh trước sự hung hăng của Trung Quốc.
Chỉ thông qua các hành động phối hợp và các biện pháp trừng phạt giữa các quốc gia, các nền dân chủ phương Tây mới có đủ quyền lực để chống lại ảnh hưởng kinh tế của chính quyền Trung Quốc, chiêu bài mà Bắc Kinh thường sử dụng, đồng thời khiến Bắc Kinh phải xem lại cái giá phải trả cho sự cai trị chuyên chế của mình.
Đã đến lúc thế giới phải vẫy tay chào tạm biệt chính sách xoa dịu trong quá khứ và bảo vệ các giá trị cốt lõi bằng một chiến lược toàn cầu mới để chống lại chế độ chuyên chế Bắc Kinh.
Theo Nathan Law
Đại Nghĩa dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/nathan-law-chi-co-trung-phat-moi-khien-bac-kinh-bot-lam-viec-xau.html
Trung Cộng có thể vượt qua hoa kỳ
trong lĩnh vực hỏa tiễn và đóng tàu
Tin Washington DC – Trong báo cáo thường niên gởi Quốc Hội, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho rằng Trung Cộng có thể vượt qua Hoa Kỳ trong lĩnh vực phát triển hỏa tiễn và đóng tàu. Ngoài ra, quốc gia này nhiều khả năng cũng sẽ tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân dự trữ trong vòng 1 thập niên tới.
Theo báo cáo quốc phòng công bố hôm thứ Ba, 1 tháng 9, Trung Cộng được cho là đã có năng lực tương đương, hoặc thậm chí vượt qua Hoa Kỳ, trong một số lĩnh vực quân sự hiện đại, bao gồm đóng tàu, hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo trên đất liền, và hệ thống phòng không kết hợp.
Theo báo cáo, quân đội Trung Cộng đang có hơn 1,250 hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình phóng từ đất liền, với tầm bắn tối đa 5,500 cây số. Trong khi đó, quân đội Hoa Kỳ chỉ có hỏa tiễn đạn đạo bắn từ đất liền, với tầm bắn từ 70 đến 300 cây số, và không có hỏa tiễn hành trình.
Trung Cộng đã tự do phát triển lực lượng hỏa tiễn của nước này mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước nào. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang sở hữu một trong các lực lượng lớn nhất thế giới về hệ thống hỏa tiễn đất đối không tầm xa, với các hệ thống hỏa tiễn S-400, S-300 của Nga, và các hỏa tiễn sản xuất nội địa.
Theo báo cáo của Hoa Kỳ, trong vòng 1 thế kỷ tới, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Cộng, hiện được cho là khoảng 200 đầu đạn, dự kiến sẽ tăng ít nhất là lên gấp đôi, khi Bắc Kinh mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân. Nhìn chung, báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho thấy sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Cộng, vốn là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đạt mục tiêu trẻ hóa đất nước vào năm 2049 và sửa lại trật tự thế giới. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-co-the-vuot-qua-hoa-ky-trong-linh-vuc-hoa-tien-va-dong-tau/
Tại sao không nổ phát súng đầu tiên?
Bình luậnĐông Phương
Thật khó để diễn giải ngôn ngữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngay cả Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cũng vậy, chỉ toàn một mớ rối bòng bong, lúc chiến lúc hòa, tự mình mâu thuẫn, lời nói rỗng tuếch, nhưng ngôn ngữ chỉ là một màn khói chiến tranh tâm lý.
Người đầu tiên vạch trần màn tung hỏa mù chiến lược của ĐCSTQ là Michael Pillsbury – Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc thuộc Viện Hudson ở Washington DC từ năm 2014. Ông Pillsbury cũng là một cựu quan chức chính phủ từng phục vụ trong Bộ Quốc phòng và Thượng viện Hoa Kỳ. Cuốn sách “The Hundred-Year Marathon” (Tạm dịch: Cuộc thi Marathon Trăm năm) của ông đã tiết lộ kế hoạch một trăm năm nhằm vượt qua Anh và bắt kịp Hoa Kỳ của ĐCSTQ. ĐCSTQ là kẻ đại diện cho chủ nghĩa Marx, nó muốn xóa bỏ các quốc gia chủ nghĩa tư bản và nô lệ hóa niềm tin của toàn thế giới. Đây vẫn luôn là mục đích không thay đổi của nó. Người thứ hai là Robert Spalding – Chuẩn tướng không quân Mỹ đã xuất ngũ và hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Hudson. Tại sao lại nói như vậy và liệu ĐCSTQ có đang chủ trương tấn công quân sự liều lĩnh vào Đài Loan hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Cuộc chiến vô hình của ĐCSTQ chống lại thế giới
Trước đây chuyên mục của tác giả bài viết có nói: ĐCSTQ đã phát động một cuộc chiến vô hình không khói lửa nhằm vào thế giới, bởi vì ĐCSTQ biết rằng hỏa tiễn không thể chinh phục được lòng người, nhưng tiền bạc thì có thể.
Bốn mươi năm qua, ĐCSTQ nghĩ rằng giới chính trị và kinh tế của các nước Châu Âu đã bị kiểm soát. Chỉ cần phân tích được tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách của Đức đối với ĐCSTQ, có thể thấy thế lực đỏ đã ăn sâu vào xương tủy và đang thống trị nền chính trị Đức. Nếu ĐCSTQ có thể kiểm soát Hoa Kỳ, nó sẽ trở thành thiên hạ đệ nhất.
Trong một thời gian dài vừa qua, chính sách ba phần quân sự và bảy phần chính trị của Mao Trạch Đông đã được các môn đồ đỏ của ông ta tôn làm lời răn dạy. Vì vậy, phương thức tuyên truyền và thâm nhập ban đầu chính là một loại chiến tranh tâm lý. Không được xem nhẹ những điều này, nhưng cũng không được trúng kế của nó, ông Robert Spalding đã viết trong cuốn sách của mình như sau: “Ngày nay nước Mỹ gần như đã bị ĐCSTQ hạ bệ, và nền dân chủ thì sụp đổ. Nguyên nhân là do các nước phương Tây đánh giá thấp kẻ thù và cho rằng hệ thống dân chủ là bất khả xâm phạm, mà quên mất rằng nền tảng của chủ nghĩa tư bản là tiền. Vì vậy, tiền có thể đánh bại dân chủ. Cái gọi là ‘phòng thủ dân chủ’ của các nước phương Tây thực sự rất mỏng manh”.
Ông Spalding từng phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, lái máy bay chiến đấu tàng hình và sau đó gia nhập Washington với tư cách là chiến lược gia về Trung Quốc và làm tham mưu trong Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ (JSC). Câu nói kinh điển nhất của ông viết trong cuốn “Stealth War” (Tạm dịch: Chiến tranh tàng hình) là “Khi thế giới phương Tây còn đang say giấc, ĐCSTQ đã sớm phát động cuộc chiến ở phương Tây”. Ông nói rằng, chiến tranh quân sự là sự lựa chọn cuối cùng và rằng nếu có thể kiểm soát nước đối địch thông qua một cuộc chiến không giới hạn, thì vũ lực chỉ là sự chuẩn bị thay vì sử dụng nó. Từ câu này, có thể phân tích rằng, việc có bắn phát súng đầu tiên hay không, căn bản không liên quan gì đến tình hình chiến sự. Nếu đã đến thời điểm mà ĐCSTQ buộc phải nổ súng trước, thì đó là lúc ĐCSTQ đã thua rồi. Bởi vì một khi phải đụng binh đao súng đán, cho dù có chinh phục được Đài Loan thì cũng không cách nào thống trị được Đài Loan; hơn nữa công cuộc khôi phục sau chiến tranh tốn cũng rất nhiều tiền bạc và thời gian, vậy nên việc chiếm được một hòn đảo đổ nát không phải là điều mà người thông minh sẽ làm.
ĐCSTQ sẽ không dễ dàng đụng binh đụng súng
Tác giả đánh giá từ quan điểm này, cuộc chiến eo biển Đài Loan 99% sẽ không xảy ra, bởi vì chỉ cần có 1% cơ hội có thể dùng phương thức phi vũ lực mà giành lấy được Đài Loan, thì ĐCSTQ cũng sẽ không sử dụng vũ lực, chưa kể đến nền dân chủ yếu ớt của Đài Loan. Nếu phải tìm một người đại diện biết nghe lời cho thế lực đỏ ở Đài Loan, một người có thể thông qua bầu cử dân chủ mà nắm được quyền
bính, với chi phí thấp nhất, thì theo các vị độc giả, điều ấy liệu có khó không? Có thông tin bị lộ rằng Mã Anh Cửu đột nhiên đi phẫu thuật cắt bọng mắt, giả vờ còn trẻ, và bắt đầu lên tiếng.
Phân tích của ông Spalding lấy Hoa Kỳ làm mẫu, và ở đầu cuốn sách, ông đã kể một câu chuyện như sau:
Vào năm 2016, ông Spalding muốn thực hiện một nghiên cứu. Chủ đề của nghiên cứu này là “ĐCSTQ ảnh hưởng như thế nào đến các chính sách của Mỹ thông qua các chính trị gia Mỹ và giới tinh hoa Phố Wall”. Các đối tác mà Spalding tìm thấy là 5 tổ chức tư vấn hàng đầu ở Washington. Ban đầu, đề tài được chấp nhận, nhưng một tuần sau, Spalding nhận được cuộc gọi thông báo rằng kế hoạch nghiên cứu của ông đã bị hủy bỏ. Sau đó, ông Spalding phát hiện ra rằng các nhà đầu tư đứng sau các tổ chức tư vấn hàng đầu của Mỹ này đều là các nhà tài chính thân ĐCSTQ ở Phố Wall và các chính trị gia thân ĐCSTQ của Washington. Tên của các tổ chức tư vấn này tạm thời không công khai.
Từ các tổ chức này cho đến các chính trị gia, và đến cả mạng lưới truyền thông, Tổng thống Trump nói rằng ĐCSTQ đã kiểm soát một nửa nước Mỹ. Đây là điều chân thực. Một khi ông Biden được bầu, ĐCSTQ có thể kiểm soát nước Mỹ. Câu nói này rất đúng.
Mỹ đã bị thâm nhập trong bốn mươi năm qua
Từ kinh nghiệm bản thân, ông Spalding phát hiện ra rằng, Hoa Kỳ bị nhuốm đỏ không thua gì Đài Loan, Úc, New Zealand, Canada, còn các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) thì càng nghiêm trọng hơn, EU đã sa sút từ những năm 90. Tranh chấp chính trị kéo dài giữa cánh tả và cánh hữu đã tạo cơ hội cho ĐCSTQ, ĐCSTQ đã dùng lợi ích kinh tế để tóm cổ các nước phương Tây. Hơn nữa, tình trạng này không phải một sớm một chiều mà đã được triển khai trong một khoảng thời gian rất lâu dài. Tuy nhiên, trong khi bị thâm nhập một cách âm thầm lặng lẽ, các nước phương Tây vẫn nghĩ rằng ĐCSTQ có thể làm bạn, họ thậm chí còn tin rằng Trung Quốc sẽ hướng tới dân chủ. Cuối cùng thì điều này đã được chứng minh là hoàn toàn sai lầm. ĐCSTQ là một chế độ độc tài, nếu nó hướng tới dân chủ và cho người dân tự do, có nghĩa là ĐCSTQ sẽ phải từ bỏ quyền lực tuyệt đối, mà đây là điều mà nó không thể chấp nhận được. Vì vậy, Hoa Kỳ càng nâng đỡ để ĐCSTQ trở nên lớn mạnh hơn, thì cuộc sống của người dân Trung Quốc càng khổ sở hơn, chỉ có một số người tiếp xúc với những người nắm quyền là được hưởng lợi ích, đây là thực tế của ĐCSTQ.
Chính trị Hoa Kỳ tràn ngập trojan đỏ
Ông Spalding nói: Việc quyền lực đỏ của ĐCSTQ thâm nhập vào Quốc hội Hoa Kỳ và thậm chí là Bộ Ngoại giao đã không còn là điều gì mới mẻ nữa. Từ thời Tổng thống Bush ‘con’, bà Elaine Lan Chao (Triệu Tiểu Lan), người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Lao động, đã có một doanh nghiệp gia đình thu được rất nhiều lợi ích từ ĐCSTQ. Doanh nghiệp này là một gã khổng lồ trong ngành vận tải đường biển có thế lực chính trị chống lưng. Chồng của bà Triệu là ông Mitch McConnell – lãnh đạo Hạ viện. Ông Peter Schweizer, tác giả cuốn “Secret Empires” (Tạm dịch: Đế quốc bí mật), tiết lộ rằng, vào năm 2001, ông Biden – người hiện đang được Đảng Dân chủ đề cử, đã cật lực thúc đẩy Hoa Kỳ trao cho Trung Quốc ‘đãi ngộ Tối huệ quốc’ (MFN) và bảo đảm vĩnh viễn dành cho Trung Quốc một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như đối với các quốc gia khác. Ngoài ra, con trai của ông Biden là Hunter, được tiết lộ là đã kiếm được rất nhiều tiền từ ĐCSTQ. Hiện ông này buộc phải rút khỏi “Công ty Cổ phần Hoa – Mỹ Bột Hải” (BHR Partners – công ty được thành lập năm 2013 bởi 2 nhà quản lý tài sản có đăng ký tại Trung Quốc và 2 tổ chức của Mỹ) vì việc tranh cử của cha.
Tác giả Schweizer nói trong cuốn sách của mình rằng, có nhiều tài phiệt thân ĐCSTQ ở Phố Wall, bao gồm: Tập đoàn Blackstone (The Blackstone Group) và Quỹ hàng rào tài chính Orange Bridge. Việc những người này đặt cược vào Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử lần này là điều dễ hiểu.
Tổng thống Trump đã nhìn thấy tình hình Hoa Kỳ bị thâm nhập rất nghiêm trọng, ông kêu gọi ‘tách rời’ [Hoa Kỳ khỏi ĐCSTQ]; nhưng dự án này thực sự không hề dễ dàng, vì đỉa khi hút máu lại càng cắn chặt không nhả. Mối quan hệ chằng chịt suốt 40 năm qua không thể cắt đứt trong một sớm một chiều, ĐCSTQ càng biết rõ điều đó. Không cần bắn phát đầu tiên, chỉ cần con đỉa hút máu không cách nào hút máu được nữa, ĐCSTQ ắt phải chết, trừ khi châu Âu tiếp tục dâng mình làm vật chủ cho đỉa hút máu. Vì vậy, ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ, đã phải đến các nước EU ngay trong đêm để thuyết phục châu Âu không phản đối chủ nghĩa cộng sản. Mục đích lần này đã rất rõ ràng và ĐCSTQ đã có sự chuẩn bị từ trước. Một khi mất đi Hoa Kỳ – nhà cung cấp máu dồi dào, ít nhất nó vẫn có thể hút máu châu Âu.
Chính sách tách rời của Tổng thống Trump kỳ thực chính là phát súng đầu tiên, nhưng cũng có thể là phát súng cuối cùng.
Tác giả: Hồng Bác Học (Hong Boxue)
(Bài viết được đăng lại dưới sự ủy quyền của Taiwan People News)
Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Đông Phương
Theo secretchina.com
https://www.ntdvn.com/the-gioi/tai-sao-khong-no-phat-sung-dau-tien-67351.html
Trung Quốc ‘giết gà dọa khỉ’, thế giới lên án
thói hống hách ngang ngược của Bắc Kinh
Hương Thảo
Trong lịch sử, Cộng hòa Séc đã thể hiện đầy đủ sự chán ghét với bản chất tà ác ngang ngược của Liên Xô. Vì vậy, chỉ cần người dân Cộng hòa Séc nghe thấy bất kỳ lời dọa nạt nào của quốc gia cộng sản đều sẽ hận đến nghiến răng. Nhất là khi hành động lần này của ĐCSTQ đã thật sự can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Cộng hòa Séc.
Trên dòng trạng thái Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Tomáš Petříček hôm 31/8 đã bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ với những lời đe dọa của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ông lên án lối hành xử “thật sự rất quá đáng” của Vương Nghị khi ‘bắt Cộng hòa Séc phải trả giá’ cho việc Chủ tịch Thượng viện Séc viếng thăm Đài Loan. Ông Tomáš cho rằng đó là biểu hiện “không nên có” trong quan hệ bang giao giữa hai nước có chủ quyền và có tình bằng hữu. Ông yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra lời giải thích và kiềm chế cảm xúc bốc đồng của mình.
Trước đó, hôm thứ Hai (31/8), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bình luận về chuyến thăm Đài Loan của ông Miloš Vystrčil, nói rằng Chủ tịch Thượng viện Séc đang “công khai khiêu khích”, và rằng “Chính phủ Trung Quốc và người dân Trung Quốc sẽ không dung thứ hoặc ngồi im, và sẽ khiến ông ta [Vystrcil] phải trả giá đắt cho hành vi thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị của mình”.
Một phái đoàn gồm 89 thành viên do Chủ tịch Thượng viện Séc Miloš Vystrčil dẫn đầu hôm thứ Hai đã bắt đầu chuyến công du Đài Loan kéo dài 5 ngày, đưa ông trở thành quan chức cấp cao nhất của Séc từng đến thăm chính thức đảo quốc này. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phản ứng kịch liệt trước chuyến viếng thăm này.
Vương Nghị “muối mặt” vì hành động đáp trả của chính phủ Séc
“Thuyết trả đũa” của Vương Nghị ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ Séc. Ngoại trưởng Séc Tomas Petrichek, hiện đang trong chuyến công du nước ngoài, đã ngay lập tức đáp trả qua Twitter rằng:
“Tôi không muốn phải đợi đến sau khi trở về nước từ Slovenia rồi mới lên tiếng. Vì vậy, Thứ trưởng Tlapa đã triệu tập đại sứ Trung Quốc. Lời nói của Bộ trưởng Vương Nghị thật sự rất quá đáng và những ngôn từ quá khích như vậy không nên xuất hiện trong mối quan hệ bang giao giữa hai quốc gia có chủ quyền”.
Ông Tomas nói: “Tôi yêu cầu phía Trung Quốc giải thích và kêu gọi Bắc Kinh triển khai hợp tác dựa trên sự vụ thực tế và thiết thực, gạt sang một bên những biểu hiện phi ngoại giao với cảm xúc quá khích”.
Khi Thứ trưởng Ngoại giao Séc Martin Tlapa triệu tập Trương Kiện Mẫn, đại sứ Trung Quốc tại Cộng hòa Séc, ông cũng thông báo rằng Bộ Ngoại giao Séc không thể chấp nhận với các phản ứng của Trung Quốc về chuyến công du của phái đoàn Chủ tịch Thượng viện Séc tới Đài Loan.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), tại Praha hôm thứ Hai, ông Tomas lần nữa yêu cầu phía Trung Quốc giải thích về những lời đe dọa này. Ông nói: “Chuyến đi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ điều này thật sự đã vượt quá lằn ranh cho phép”.
Chủ tịch thượng viện Séc Miloš Vystrčil khẳng định đã làm điều đúng đắn
Đáp lại “thuyết trả đũa” của Vương Nghị, chính ông Miloš Vystrčil, trong một bài phát biểu trước công chúng tại đại học Chính trị ở Đài Loan hôm thứ Hai, đã tuyên bố rằng ông và tất cả các thành viên trong đoàn đều “tình nguyện đến thăm Đài Loan và đây là điều đúng đắn. Ngắn hạn mà nhìn thì có thể không có lợi nhưng về lâu dài mà nói, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích”.
Ông tuyên bố rằng Cộng hòa Séc là một quốc gia tự do và luôn tìm kiếm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, bất kể Trung Quốc nói gì. Ông cũng nhắc lại rằng chuyến thăm Đài Loan hoàn toàn không phải để đối đầu với bất kỳ ai về mặt chính trị.
Người dân Cộng hòa Séc ở Đài Loan: Không sợ bị trả đũa
Ông chủ người Séc Karel Picha của nhà hàng Divadlo, nhà hàng Cộng hòa Séc duy nhất ở Đài Bắc, cũng mỉa mai lời đe dọa của ông Vương Nghị. Ông Picha nói:
“Sự chiếm đóng 30 năm của Đảng Cộng sản Liên Xô tại Cộng hòa Séc đã gây nên những tổn thương quá sâu sắc cho người dân nước này. Vì vậy, chỉ cần người dân Cộng hòa Séc nghe thấy bất kỳ lời dọa nạt nào của quốc gia cộng sản nào, chúng tôi đều sẽ hận đến nghiến răng”.
Ông nói rằng mặc dù chính phủ và Tổng thống Séc không công khai ủng hộ chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Thượng viện, nhưng các nhà chức trách hoàn toàn không chấp nhận việc đất nước họ bị đe dọa hoặc bị xâm hại chủ quyền. Hầu hết người dân Séc không sợ đòn trả đũa của ĐCSTQ, nhất là khi nền kinh tế Cộng hòa Séc lại không quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Nói thẳng ra, chỉ có Tổng thống và Thủ tướng của chúng tôi cảm thấy lo lắng khi [xung đột với Trung Quốc] vì họ chơi thân với Peter Kellner – một trong những người giàu nhất ở Cộng hòa Séc, trong bối cảnh tỷ phú Peter Kellner thông qua công ty tín dụng tư nhân Home Credit của ông ta đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc”, ông Picha nói.
Trên thực tế, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Cộng hòa Séc vào giữa tháng 8, Thủ tướng Séc Andrej Babis cũng đã phàn nàn với ông Pompeo rằng khoản đầu tư mà Trung Quốc hứa hẹn đã không diễn ra như ông ta mong đợi. Điều này dường như ám chỉ lập trường thân Trung Quốc của Thủ tướng Séc đã nhạt nhòa, thậm chí có ý định chuyển hướng sang thân Mỹ, trong khi mối quan hệ và tiến triển đầu tư giữa Trung Quốc và Cộng hòa Séc cũng không tốt đẹp như mong đợi.
Nhà lập pháp đảng Dân tiến Đài Loan: Xã hội quốc tế đã quá chán ngấy với thái độ hung hăng của Trung Quốc
Kể từ đầu năm, chính sách ngoại giao theo kiểu bắt nạt của Trung Quốc đối với Cộng hòa Séc đã thất bại hoàn toàn, nhưng ông Vương Nghị vẫn tiếp tục dùng lại chiêu cũ. Về vấn đề này, hai nhà phân tích trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết, hành vi hung hăng ngang ngược của Trung Quốc là kết quả của sự dung túng và nhu nhược chịu đựng của các nước trong quá khứ mà ra, nhưng giờ đây họ đã chịu đựng quá đủ rồi.
Nhà lập pháp La Trí Chính của Đảng Dân tiến nói: “ĐCSTQ chính là được nước lấn tới, bởi vì khi các quốc gia hoặc doanh nghiệp nguyện ý hợp tác với nó, nó càng ỷ thế lớn mạnh và càng lấn lướt, đến khi mọi người không thể chịu đựng được thêm nữa….. ĐCSTQ hiện nay dám hung hăng ngang ngược như vậy, ở một góc độ nào đó, đây cũng là kết quả của sự dung túng của các nước phương Tây hoặc các nhóm lợi ích với nó trong suốt một thời gian dài mà ra”.
Ông La Trí Chính cho rằng, do Bắc Kinh đã công khai tát vào mặt Cộng hòa Séc, tiếp theo chắc chắn sẽ có hành động công khai trả đũa, nhưng những đòn trả đũa này có thể chỉ mang lại tác dụng ngược và càng khiến người dân Séc tẩy chay ĐCSTQ, đặc biệt là khi lịch sử của Cộng hòa Séc đã chứa đầy sự chán ghét với bản chất tà ác ngang ngược của chế độ độc tài. Lời nói hành vi của ĐCSTQ lần này thật sự đã can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Cộng hòa Séc.
Chuyên gia nói ĐCSTQ “giết gà dọa khỉ” hòng răn đe các nước khác
Cao Kính Văn, giáo sư học viện Khoa học Xã hội thuộc trường đại học Baptist Hồng Kông, cũng đồng ý rằng ĐCSTQ hẳn không chỉ là con hổ giấy. Nó sẽ khiến Cộng hòa Séc phải trả giá.
“Động cơ của nó rất đơn giản, chính là muốn giết gà dọa khỉ hòng đe dọa các nước khác không dám tái phạm”, ông nói, chỉ là nền kinh tế Cộng hòa Séc không nhất thiết phải cần đến Trung Quốc, bởi khi đó quan hệ địa chính trị và kinh tế giữa Cộng hòa Séc với Hoa Kỳ, Đức, Pháp càng khăng khít hơn. Do đó, ông cho rằng việc ĐCSTQ sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa kinh tế nào đối với Cộng hòa Séc và sẽ đạt được kết quả gì, chúng ta vẫn phải chờ xem.
Giáo sư Cao Kính Văn ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Cộng hòa Séc không bị áp lực từ Trung Quốc, ông nói: “Cộng hòa Séc hẳn đã cân nhắc cái giá này và sẵn sàng chịu trả giá để đổi lấy kết quả sau cùng trong chuyến viếng thăm Đài Loan”.
Ông cũng nói rằng điều mà Cộng hòa Séc đang đại biểu là xu thế của một số nước châu Âu đã quay sang đối đầu với Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong chuyến thăm châu Âu mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, có thể thấy, ngoài kinh tế và thương mại, các nước châu Âu đã mạnh mẽ hơn khi biểu đạt quan ngại về vấn đề Hồng Kông và Tân Cương. Vì vậy, ĐCSTQ muốn ký một thỏa thuận đầu tư với EU, nó phải vượt qua nhiều rào cản khó khăn. Mặc dù châu Âu ở rất xa Biển Đông và Đài Loan, giáo sư Cao Kính Văn nói rằng các nước châu Âu cũng rất lo ngại về xung đột quân sự có thể bùng phát trong khu vực này.
Giáo sư Cao Kính Văn cũng chỉ ra rằng thái độ của người dân Châu Âu đối với ĐCSTQ không ngừng giảm sút trong những năm gần đây, các chính phủ trên thế giới ngày càng chán ghét “ngoại giao sói
chiến” của ĐCSTQ. Ông tin rằng chuyến thăm Châu Âu của Vương Nghị kỳ thực là đang muốn vớt vát lại hình tượng sau hậu quả của “ngoại giao sói chiến” trước đó, nhưng có điều khả năng thành công không cao. Đặc biệt, hình ảnh của ĐCSTQ trong mắt người dân châu Âu khó có thể cải thiện chỉ trong thời gian ngắn như vậy.
Theo Secret China
Hương Thảo biên dịch
Ngân hàng Trung Quốc đang sụt giảm lợi nhuận
và đối mặt ‘làn sóng nợ xấu’
Phương Đình
Các ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc đang ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận kỷ lục do ‘làn sóng nợ xấu’. Chính quyền Trung Quốc buộc các ngân hàng phải thực hiện những biện pháp cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang trên đà suy thoái nghiêm trọng.
Ông Zeng Gang, Phó giám đốc Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nói với Bloomberg rằng sự sụt giảm lợi nhuận của lĩnh vực ngân hàng sẽ còn tiếp tục trong ít nhất hai quý tiếp theo. Ông cũng cho biết việc giảm lãi suất cho vay và tăng tỷ lệ nợ xấu sẽ làm tăng rủi ro tài chính hơn nữa.
Kể từ đầu đại dịch Covid, các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng phải chấp nhận từ bỏ khoản lợi nhuận 1,5 nghìn tỷ NDT (225 tỷ USD) thông qua việc hạ lãi xuất, hoãn thanh toán và tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn với đại dịch.
Trong khi các khoản nợ xấu trong quý một tăng theo cấp số nhân, nhưng bị áp lực bởi chính quyền, các ngân hàng đã phải tăng các khoản cho vay và ứng trước cho các doanh nghiệp từ 7% đến 10% trong một nỗ lực tuyệt vọng để vực dậy nền kinh tế.
Theo Zero Hedge, có hơn 1.000 ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động với lợi nhuận giảm 24% trong quý II. Đồng thời, nợ xấu đạt mức kỷ lục 2.700 tỷ NDT (395 tỷ USD). Citigroup Inc. trước đó cũng dự báo rằng các ngân hàng lớn của Trung Quốc dự kiến sẽ bị giảm lợi nhuận 13% trong năm nay.
Theo Bloomberg, một dữ liệu được cung cấp bởi Shujin Chen, một nhà phân tích tại Jefferies cho biết, lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc có thể giảm từ 20% đến 25% trong năm 2020. Một kịch bản như vậy sẽ làm tổn hại vốn ngân hàng bằng cách ngăn cản việc trả cổ tức và có thể làm xấu đi sự ổn định tài chính quốc gia.
Mỹ cấm vận Huawei,
cả Thâm Quyến và Trung Quốc đang gặp khó
Đại Nghĩa
Các nhà phân tích đánh giá rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Huawei là một đòn giáng mạnh vào không chỉ công ty bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh mà còn với cả nền kinh tế của thành phố Thâm Quyến, nơi công ty này đặt đại bản doanh, và thậm chí với cả nền kinh tế Trung Quốc.
Khi Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp cứng rắn với chính quyền Trung Quốc, khả năng tiếp cận dễ dàng của Thâm Quyến với nguồn vốn, công nghệ và thị trường nước ngoài đang sụp đổ.
Đối với Huawei, cơ hội phát triển của công ty này đang cạn kiệt khi Washington liên tục ngăn chặn sự tham gia của nó vào mạng 5G trên toàn cầu. Đồng thời hạn chế Huawei mua các linh kiện công nghệ quan trọng của Mỹ.
Lệnh trừng phạt mới của chính phủ Mỹ đối với Huawei và các chi nhánh của công ty này là rất chặt chẽ. Cụ thể, Huawei bị cấm mua chất bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ từ tháng Chín, một quy định mà một số nhà phân tích coi là bản án tử hình đối với tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Sự suy thoái hoặc sụp đổ hoàn toàn trong hoạt động kinh doanh của Huawei sẽ không chỉ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Thâm Quyến, mà còn làm suy giảm niềm tin rộng rãi vào sức mạnh kinh tế và
công nghệ của Trung Quốc. Điều mà Bắc Kinh đang cố gắng nêu bật trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập thành phố Thâm Quyến.
Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Đương đại ở Thâm Quyến, chuyên theo dõi tình trạng của các nhà sản xuất Trung Quốc, cho biết, các lệnh trừng phạt làm suy yếu Huawei sẽ gây ra một hiệu ứng đáng sợ cho toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử của Trung Quốc.
Ông Liu nói: “Không có công ty nào khác ở Trung Quốc có thể thay thế Huawei để dẫn đầu ngành công nghệ và [hoạt động] toàn cầu hóa của đất nước. Nếu Huawei còn không thể chịu được các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, thì ai có thể?”.
Quy mô kinh tế của Thâm Quyến năm ngoái đã vượt qua Hồng Kông, việc Huawei gặp khó sẽ mang tới hậu quả rất nặng nề, vì công ty này được xem là một trong những viên ngọc sáng nhất trên vương miện của trung tâm công nghệ Trung Quốc.
Huawei là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm quốc nội của Thâm Quyến năm 2016. Theo dữ liệu mới nhất từ văn phòng thống kê của Thâm Quyến, Huawei đóng góp khoảng 7% GDP của thành phố.
Vào năm đó, Huawei là công ty duy nhất đóng góp hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14,4 tỷ USD) cho nền kinh tế địa phương. Đó là chưa kể đến những đóng góp gián tiếp của công ty này.
Theo một nghiên cứu được xuất bản bởi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Thâm Quyến, Huawei đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại thành phố trong giai đoạn 2014-2016 nhiều hơn so với bất kỳ công ty nào khác của Thâm Quyến.
Vai trò quan trọng của công ty đối với thành phố cũng được đặc biệt chú ý vào năm 2018, khi Huawei quyết định xây dựng một cơ sở hoạt động mới ở thành phố Đông Quan lân cận.
Peng Peng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách Hệ thống Quảng Đông cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei sẽ được áp dụng trên toàn Hoa Kỳ, báo hiệu rằng các doanh nghiệp Trung Quốc trên toàn cầu không còn được chào đón như trước.
“Vẫn khó dự đoán mức độ ảnh hưởng. Nhưng thị trường toàn cầu đã có thái độ khác so với trước đây đối với sản xuất của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Trung Quốc”, ông Peng Peng nói.
Ông Liu, một nhà nghiên cứu ở Thâm Quyến, đồng ý rằng những rắc rối của Huawei sẽ có tác động trên phạm vi rộng trên khắp cả Trung Quốc, báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên các công ty Trung Quốc được thừa nhận là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
“Logic của sự hợp tác như vậy đã bị gián đoạn và quá trình phân tách đã bắt đầu. Ông dự đoán một số công ty Trung Quốc có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm nhiều công ty đặt tại Thâm Quyến sẽ thu xếp rời đi”, ông Liu đánh giá.
Ông cho biết thêm: “Các công ty điện tử có vốn đầu tư nước ngoài thực sự là nhân tố cao cấp của ngành sản xuất điện tử xuất khẩu của Trung Quốc. Việc di dời của họ sẽ không có lợi cho sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc”.
Đầu tháng này, công ty Catcher Technology của Đài Loan, nhà cung cấp thiết bị cho Apple, thông báo sẽ bán toàn bộ cổ phần trong hai công ty Trung Quốc cho Lens Technology với giá 1,43 tỷ USD tiền mặt.
Vào tháng Bảy, một nhà cung cấp khác của Apple có trụ sở tại Đài Loan là Wistron, cho biết họ sẽ bán hai công ty con ở Trung Quốc cho công ty đại lục Luxshare Group.
“Cũng giống như đầu những năm 2000, khi doanh nghiệp Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp Đài Loan và Hàn Quốc chuyển sang Trung Quốc, thì giờ đây chính những doanh nghiệp Mỹ đang yêu cầu họ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ và Đài Loan”, ông Liu nói.
Theo SCMP
Đại Nghĩa dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-cam-van-huawei-ca-tham-quyen-va-trung-quoc-dang-gap-kho.html
Vùng Đông Bắc TQ trong 1 tuần
hứng chịu 2 trận bão lớn hiếm thấy
Bình luậnNgọc Trân
Chính quyền Trung Cộng bất ổn, các loại thiên tai dị tượng cũng hiển hiện rõ những điềm báo về sự sụp đổ của ĐCSTQ. Trong năm nay, hiếm có cơn bão nào đổ bộ vào Đài Loan. Tuy nhiên, tại vùng Đông Bắc Trung Quốc vốn là nơi hiếm có bão từ trước đến nay, thì trong vòng một tuần qua lại phải hứng chịu 2 trận bão lớn liên tiếp.
Theo công bố của Đài khí tượng trung ương Trung Quốc, siêu bão “Maysak” dự kiến sẽ di chuyển theo hướng đông bắc trên khu vực phía bắc của biển Hoa Đông trong đêm ngày 1, sau đó tăng tốc về phía nam bán đảo Triều Tiên. Dự kiến khoảng nửa đêm ngày 2 bão sẽ ở khu vực miền nam Hàn Quốc và đổ bộ vào đất liền. Sau khi vào đất liền, cường độ bão suy yếu rõ rệt và di chuyển theo hướng Tây Bắc, sau đó đi từ Triều Tiên tiến về phía tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc trong khoảng trưa ngày 3.
Do chịu ảnh hưởng của siêu bão “Maysak”, dự kiến trong khoảng từ đêm ngày 2 đến đêm ngày 4, khu vực Đông Bắc Trung Quốc sẽ xuất hiện siêu bão kèm theo mưa lớn, trong đó phần lớn các khu vực ở vùng Đông Bắc và khu vực Nội Mông Cổ sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi có thể xuất hiện mưa rất to. Các khu vực thuộc các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và phía bắc Liêu Ninh có gió mạnh cấp 6 đến cấp 8. Ở một số khu vực có thể xuất hiện gió giật cấp 9 đến cấp 11.
Trước đó, ngày 27/8, bão Bavi chính thức đổ bộ vào khu vực ven biển tỉnh Pyongan Bắc, Triều Tiên, sát biên giới Trung-Triều với mức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12. Bão Bavi sau khi đổ bộ vào đất liền dẫn đến mưa lớn ở các khu vực vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Bão “Bavi” đổ bộ trực tiếp vào phía Đông Bắc Trung Quốc, là cơn bão mạnh nhất đầu tiên tấn công trực tiếp vào vùng Đông Bắc kể từ năm 1949. Sau năm 1949, cơn bão đầu tiên đổ bộ vào vùng Đông Bắc là bão số 10 “Helen” vào năm 1964, nhưng lúc đó bão “Helen” cũng đã suy giảm thành áp thấp nhiệt đới khi đổ bộ.
Việc vùng Đông Bắc Trung Quốc hứng chịu bão “Maysak”, cũng chính là cơn bão mạnh thứ hai chỉ trong vòng 1 tuần, là một hiện tượng rất hiếm thấy.
Ngọc Trân
Theo NTDTV
Vũ Hán: Hàng dài tại bệnh viện, phong tỏa chung cư,
nghi virus tái bùng phát trở lại
Bình luậnDu Miên
Hàng trăm bệnh nhân đang xếp hàng bên ngoài khoa bệnh truyền nhiễm tại 2 bệnh viện lớn nhất của Vũ Hán, trong khi một số khu chợ trời đã đóng cửa và một số khu dân cư tái áp dụng chính sách phong tỏa. Những biện pháp này khiến một số người dân nghi ngờ virus Corona Vũ Hán đang bùng phát trở lại ở ngay thành phố nơi mà nó xuất hiện lần đầu tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, một người dân ở thành phố Vũ Hán thuộc miền trung Trung Quốc đã tiết lộ thêm thông tin cho The Epoch Times về những gì đang xảy ra ở đó.
Hàng dài chờ đợi tại bệnh viện Vũ Hán
Theo dữ liệu chính thức từ Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, ngoài tổng số 4 trường hợp nhiễm mới đến từ nước ngoài vào ngày 1/8 và 7/8, không có trường hợp nhiễm COVID-19 mới nào được báo cáo ở Vũ Hán trong suốt tháng Tám. Vào ngày 15/8, Công viên nước Bãi biển Vũ Hán Maya đã tổ chức một bữa tiệc hồ bơi âm nhạc điện tử, được cho là có 3.000 người tham dự. Khán giả nêm chật cứng, không ai đeo khẩu trang, không ai quan tâm tới các quy tắc giãn cách xã hội.
Nhưng Wang Yuan (bí danh) – một cư dân Vũ Hán cho biết, anh quan sát thấy dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng. Hàng trăm người vẫn xếp hàng mỗi ngày bên ngoài các phòng khám bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đồng Tế và Bệnh viện Union. “Ngay bên ngoài bệnh viện trên đường phố chính, bạn sẽ thấy [hàng dài] những người xếp hàng. Bạn có thể nhìn thấy họ và chụp ảnh bất cứ lúc nào”, anh Wang nói.
Cư dân này cũng cho biết, một số bệnh viện sẽ không đưa ra chẩn đoán cho bệnh nhân. Anh ấy chia sẻ rằng một bác sĩ phòng khám cộng đồng địa phương đã đăng một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 25/8, thảo luận về một bệnh nhân mà phòng khám của bác sĩ này tiếp nhận vào ngày hôm đó. Bài đăng cho biết bệnh nhân là một phụ nữ 31 tuổi, bắt đầu có triệu chứng khó thở khi rời khỏi giường vào ngày 22 tháng 8. Người phụ nữ này cho biết cô cảm thấy khỏe hơn sau khoảng 30 phút. Nhưng cô vẫn tiếp tục có các triệu chứng tương tự hàng ngày.
Vào ngày 24/8, nữ bệnh nhân này đã đến bệnh viện để điều trị. Kết quả chụp CT cho thấy cô có một triệu chứng phổ biến của COVID-19: phổi của cô có độ mờ kính nền ở một số khu vực. Điện tâm đồ cũng cho thấy nhịp tim nhanh hơn bình thường. Nhưng xét nghiệm axit nucleic và xét nghiệm kháng
thể COVID-19 đều cho kết quả âm tính. Phòng khám cho biết cô có thể đang bị viêm phổi do virus, và không thể loại trừ khả năng nhiễm COVID-19. Bác sĩ khuyến cáo cô nên làm xét nghiệm axit nucleic và kháng thể 3 ngày sau đó, đồng thời tự cách ly tại nhà.
Bác sĩ chỉ ra rằng trong trường hợp này, các triệu chứng của nữ bệnh nhân này rất giống các triệu chứng của COVID-19. Vị bác sĩ cũng nói thêm rằng độ chính xác của các xét nghiệm axit nucleic khá thấp. Trong khi đó, kháng thể có thể không xuất hiện trong giai đoạn đầu khi mới nhiễm bệnh, hoặc bệnh nhân có thể không có triệu chứng trong hơn 10 ngày.
Bác sĩ viết, “Cấp trên thậm chí sẽ không dám đưa chẩn đoán viêm phổi do virus [Corona Vũ Hán] vào báo cáo CT”, ông nói thêm rằng 2 bệnh viện hàng đầu là Bệnh viện Wuhan Puai và Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán không có hành động gì thêm đối với bệnh nhân này.
Đóng cửa các khu chợ
Khu chợ Rau quả Hán Khẩu Gusaoshu cách khu Chợ Hải sản Hoa Nam 2km – là khu vực mà chính quyền địa phương ban đầu cho biết là nguồn gốc của sự bùng phát virus Corona Vũ Hán. Cư dân Wang Yuan tiết lộ rằng chợ Hán Khẩu cũng là một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ đại dịch. Vào ngày 30/8, khu chợ này đã bị chính quyền đóng cửa với một thông báo dán bên ngoài cho biết nó sẽ được cải tạo.
Ông Wang giải thích rằng khu chợ có mở cửa vài ngày sau khi lệnh cấm vận toàn thành phố được dỡ bỏ vào tháng Tư. Nhưng sau đó chính quyền đóng cửa và dựng một khu chợ tạm bên ngoài. Vào ngày 30/8, khu chợ tạm này cũng đã bị dỡ bỏ. Ông nghi ngờ đó là do những người dân khi đi chợ đã tiếp xúc quá gần nhau khiến virus lây lan.
Phong tỏa tại các khu chung cư
Ông Wang cũng cho biết một số khu dân cư đã phải chịu các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ngày càng nghiêm ngặt hơn. “Nửa tháng trước, một khu chung cư gần làng Daishan đã tái thiết lập các biện pháp phong tỏa. Khi ra vào phải đeo khẩu trang, đồng thời phải đo thân nhiệt”, ông nói.
The Epoch Times không thể xác minh thông tin một cách độc lập.
Ông cũng cho biết nếu người dân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của họ để mua thuốc hạ sốt tại các hiệu thuốc địa phương, các quan chức cộng đồng sẽ sớm liên hệ với họ và hỏi xem họ có bị nghi ngờ nhiễm virus Corona Vũ Hán hay không. Ông Wang nhận xét: “Dữ liệu lớn thật sự quyền năng”.
“Đại dịch đang tái diễn trên khắp thế giới. Làm thế nào mà nơi này (Vũ Hán) có thể kết thúc với nó đơn giản như vậy?”, ông Wang phát biểu.
Du Miên
Theo The Epoch Times
Tiết lộ mới: Phương thức
Bắc Kinh kiếm ‘siêu lợi nhuận’ nhờ đại dịch
Phụng Minh
Khương Bằng Dũng cho biết một chiếc khẩu trang mua vào giá 6,5 nhân dân tệ, bán ra có lúc tới 139 nhân dân tệ.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán xảy ra, nhiều quốc gia có dịch bệnh nghiêm trọng đã thiếu hụt nguồn lực y tế và thậm chí xảy ra việc tranh giành mua khẩu trang. Nhiều người nghi vấn, nguồn vật tư y tế đã đi đâu mất? Một nhân vật thuộc thế hệ thứ ba trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn được gọi là thế hệ hồng tam, tên Khương Bằng Dũng đã cho biết những vật tư này được Trung Quốc mua với giá rẻ, theo NTDTV.
Kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, chỉ trong vài tháng đại dịch đã lây lan ra toàn cầu. Lúc đầu, các nhà chức trách ĐCSTQ nói rằng “có thể ngăn ngừa và kiểm soát được, và sẽ không lây lan từ người sang người”. Vào ngày 18/1, cộng đồng Bách Bộ Đình ở Vũ Hán thậm chí còn tổ chức “Đại tiệc vạn gia” sôi động. Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã đưa tin rằng hơn 40.000 gia đình đã tham gia vào một khung cảnh thật ấm cúng.
Trong vòng chưa đầy một tuần sau, Vũ Hán tuyên bố đóng cửa thành phố.
Khương Bằng Dũng thuộc thế hệ thứ ba của ĐCSTQ nói: “ĐCSTQ đã tung rất nhiều tin đồn ra bên ngoài như dịch này không thể lây lan trong thời tiết nắng nóng. Đây là tin đồn của họ. Đối với một số quốc gia ở vùng nhiệt đới nắng nóng như Singapore, Thái Lan, loại virus này không được quan tâm lắm. Ngoài ra, họ (ĐCSTQ) còn công khai rằng nó có liên quan đến chủng tộc, virus này có thể lây lan nhanh
hơn ở trong cộng đồng người châu Á, nhưng người da trắng không thể bị nhiễm. Bạn có nhớ rằng đó là vào cuối tháng 1 cho đến tháng 2 không? Vào tháng 2, họ quảng bá rằng người da trắng không mắc bệnh này, đây là thông điệp sai lầm mà họ đưa ra. Tất nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã không phủ nhận điều đó”.
Người tự xưng là thế hệ hồng tam Khương Bằng Dũng đã tiết lộ với Epochtimes rằng vào đầu tháng Giêng, dịch bệnh đã lan đến Hàng Châu và Ôn Châu, rồi lan sang Ý và các nước châu Âu khác thông qua Hoa kiều Ôn Châu, và nó không thể kiểm soát được nữa. Một đối tác kinh doanh của ông, ông Hoàng đã ủy quyền cho ông thu thập các nguồn cung vật tư y tế chống dịch ở nước ngoài.
Khương Bằng Dũng cho biết: “Chúng tôi mua được 20.000 khẩu trang Honeywell ở Ấn Độ, sau đó mua tiếp 100.000 khẩu trang 3M 9004 và 200.000 khẩu trang 3M 9000. Chúng tôi đã mua chúng vào thời điểm đó. Sau khi tiếp nhận đơn đặt hàng của Hoàng Trung Nam, chúng tôi đã tiến hành mua khẩu trang. Điều này có nghĩa là chúng tôi đang thực sự làm việc chăm chỉ trên phạm vi toàn cầu để hoàn thành sự giao phó của cơ quan chính phủ”.
Ông Hoàng là đại diện hợp pháp của một công ty ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, tuyên bố sẽ đại diện cho Liên đoàn từ thiện Chiết Giang và chính quyền nhiều nơi để mua vật tư phòng chống dịch. Vào thời điểm đó, ông ta cho biết có hai mục đích để mua vật tư, thứ nhất là cho các cán bộ đảng, chính phủ, quân đội và chức sắc ĐCSTQ, yêu cầu phải là những chiếc khẩu trang N95, có thể cứu mạng họ và thứ hai là bán số dư ra cho người giàu với giá cao.
Khương Bằng Dũng cho biết: “Hàn Quốc có thể sản xuất 10 triệu khẩu trang mỗi ngày, bọn họ mang theo rất nhiều tiền mặt, sử dụng một lượng lớn người Triều Tiên ở Hàn Quốc để mở văn phòng đổi tiền ở đây. Họ thực sự là những ngân hàng ngầm biến tiền Trung quốc thành tiền mặt của Hàn Quốc để mua một số lượng lớn khẩu trang và đặt trước hàng. Vào cuối tháng 1, các nhà máy Hàn Quốc đã được đặt hàng sản xuất khẩu trang đến tận tháng 6 hoặc tháng 7”.
Khương Bằng Dung cũng cho biết lúc đó họ không mua theo giá thị trường mà mua với giá rẻ dưới danh nghĩa quyên góp, cuối cùng bán lại với giá cao trong nước.
“Ví dụ như báo giá khẩu trang N95, chúng tôi kê giá quyên góp là 6,5 nhân dân tệ. Điều này được chứng nhận bởi tờ khai hải quan. Sau đó, sử dụng chính công ty tay trong của chính quyền độc quyền cung cấp cho các bệnh viện và nhà thuốc, giá bán cao nhất có lúc đã lên tới 139 nhân dân tệ, 139 nhân dân tệ mỗi người, bạn thử nghĩ xem lợi nhuận là bao nhiêu”.
Trong một lần trò chuyện, ông Hoàng tiết lộ với Khương Bằng Dũng rằng dù là máy trợ thở, khẩu trang hay quần áo bảo hộ y tế, họ đều bán lại cho phòng chống dịch, và “khách hàng” đứng sau là Hội Chữ thập đỏ địa phương và lãnh đạo chính quyền. Tại Trung Quốc, Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ đã độc quyền về kênh phân phối và giá cả của khẩu trang và các sản phẩm chống dịch khác, đồng thời bán lại chúng để thu lợi nhuận khổng lồ.
Do hiểu rõ về ĐCSTQ, Khương Bằng Dũng đã đề phòng trước, trong mọi giao dịch, ông ấy đề nghị phải có “giấy tờ” của chính phủ. Nhưng dù vậy, ông vẫn không tránh khỏi những rắc rối.
Khương Bằng Dũng nói rằng ĐCSTQ không chỉ buộc tội ông ở đại lục và chỉ thị cho công an đóng băng tài khoản ngân hàng trong nước của ông; họ còn đóng băng tài khoản của các nhà cung cấp Hàn Quốc, buộc các nhà cung cấp Hàn Quốc phải trình báo vi phạm ở Hàn Quốc, do đó cấm ông Khương rời khỏi Hàn Quốc và thậm chí còn thúc giục chính phủ Hàn Quốc dẫn độ ông về đại lục.
Để tự bảo vệ mình, Khương Bằng Dũng đã chọn cách phơi bày vấn đề và cho thế giới bên ngoài biết rằng ĐCSTQ đang bán lại các sản phẩm chống dịch để kiếm tiền từ thảm họa.
Theo Gu Xiaohua, NTDTV
Phụng Minh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/tiet-lo-moi-phuong-thuc-bac-kinh-kiem-sieu-loi-nhuan-nho-dai-dich.html
Căng thẳng Nội Mông gia tăng,
đã có xe bọc thép xuất hiện trên đường?
Phụng Minh | DKN 11 giờ trước 5,452 lượt xem
Xung đột lần này dẫn tới các cuộc biểu tình chưa từng có ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc.
Việc chính quyền Trung Quốc ép dùng hoàn toàn tiếng Trung để dạy học thay cho tiếng Mông Cổ đã gây ra các cuộc phản đối quy mô lớn từ mọi tầng lớp xã hội ở Nội Mông. Khi tình hình leo thang, nhiều người biểu tình đã bị bắt và bỏ tù. Cựu tổng thống Mông Cổ ra tuyên bố kêu gọi người dân Mông Cổ trên thế giới tham gia các hành động trợ giúp, theo NTDTV.
Trong bối cảnh Nội Mông đang diễn ra nhiều hoạt động kháng nghị, cựu Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj đã phát hành một video kêu gọi chính phủ Trung Quốc tôn trọng quyền của người bản địa để gìn giữ văn hóa dân tộc Mông Cổ, đồng thời kêu gọi người dân Mông Cổ trên toàn thế giới đoàn kết lại.
Ông Elbegdorj tuyên bố rằng không có ngôn ngữ Mông Cổ, dân tộc Mông Cổ sẽ không tồn tại, và mất ngôn ngữ cũng giống như mất trí óc và bàn tay. Ông ủng hộ mạnh mẽ hành động bảo vệ ngôn ngữ Mông Cổ và kêu gọi người dân Mông Cổ trên khắp thế giới nên tham gia vào hành động đoàn kết dù họ ở đâu.
Bộ Giáo dục của Khu tự trị Nội Mông vào cuối tháng 8 thông báo rằng ba môn lịch sử, đạo đức và pháp quyền trong trường học các cấp phải được dạy bằng ngôn ngữ chuẩn quốc gia (tiếng Trung), đồng thời tuyên bố rằng đây là “loại hình giáo dục song ngữ thứ hai”.
Nhưng động thái này được người Mông Cổ coi là nhằm thực hiện chính sách diệt chủng văn hóa dân tộc của họ, giống như “Holocaust về văn hóa”, dẫn tới các cuộc biểu tình của người Mông Cổ trong và ngoài nước.
Đoạn video do Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ (SMHRIC) có trụ sở tại New York, Mỹ, cho thấy từ trẻ em mẫu giáo đến những trí thức hàng đầu, từ doanh nhân đến một số quan chức chính phủ, hầu hết mọi tầng lớp xã hội đã đoàn kết trong các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có.
Video trực tuyến cho thấy cảnh sát địa phương dường như cũng đã tham gia biểu tình.
Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Tang Baiqiao đã đăng một đoạn video nói rằng có những cảnh sát mặc sắc phục trong đoàn biểu tình. “Tôi đã được chứng kiến điều này vào năm 1989 (ý nói vụ Thảm sát Thiên An Môn – PV). Khi đó, cảnh sát nói rõ với tôi rằng họ đang ủng hộ phong trào sinh viên và nếu bị phát hiện, họ sẽ nói rằng họ ở đây để giữ gìn trật tự”.
Cũng có thông tin cho rằng một số nhân viên cảnh sát đã từ chối hợp tác với chính quyền bắt giữ những người biểu tình.
Tuy nhiên, khi quy mô của các cuộc biểu tình địa phương tiếp tục mở rộng, chính quyền đã mở một chiến dịch trấn áp, điều động một lượng lớn cảnh sát chống bạo động để đánh người biểu tình. Tới nay đã có người thiệt mạng trong phong trào “bất tuân dân sự” này, một học sinh Mông Cổ đã rơi xuống đất tử vong từ trên tầng cao trong một trường trung học cơ sở.
Tối 31/8, Lubei, thủ phủ Zalut Banner, thành phố Tongliao, đã áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm các phương tiện và người đi bộ ra đường.
Trên mạng xã hội Twitter có rất nhiều video về các học sinh trường học Mông Cổ ở Hohhot, Ulanhot, Tongliao, Chifeng, Xing’an League và những nơi khác ở Nội Mông, tuần hành và biểu tình.
Cũng có một đoạn video nói rằng một số lượng lớn xe bọc thép đã xuất hiện trên đường phố Nội Mông vào đêm hôm đó. Tuy nhiên, tính xác thực của video vẫn chưa được xác nhận.
Vào cuối tháng 8, SMHRIC tiết lộ rằng hàng trăm nhà hoạt động Mông Cổ đã bị chính quyền bắt giữ hoặc quản thúc tại gia. Một số học sinh và phụ huynh của họ đã bị cảnh sát đánh đập và giam giữ. Một người đã thảo luận về các vấn đề liên quan trong nhóm WeChat và cũng bị cảnh sát bắt giữ.
Người dân địa phương cho biết, nhiều trường học ở Mông Cổ đã ra thông báo khẩn cấp tới phụ huynh, yêu cầu công chức phải cho con em họ đến trường vào ngày 1/9, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ủy ban Giáo dục và Thể thao Nội Mông cũng đã có văn bản khẩn nêu rõ, “theo sự triển khai thống nhất của khu tự trị, thành ủy, tất cả con em cán bộ, công nhân viên đang học tại các trường dân tộc phải tới báo danh với nhà trường vào ngày 1/9. Những ai không báo danh sẽ phải đối mặt với các hình thức kỷ luật nghiêm trọng”.
Một người dân ở thành phố Tongliao nói với Epochtimes rằng họ không xuống đường và con họ không đến trường vào ngày hôm đó, Bí thư chi bộ thôn và các giáo viên đã dẫn đầu các nhân viên làm “công tác tư tưởng” từ nhà này sang nhà khác và vận động các em đến lớp.
Theo Lý Vân, NTDTV
Phụng Minh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/cang-thang-noi-mong-gia-tang-da-co-xe-boc-thep-xuat-hien-tren-duong.html
Người Tây Tạng tham chiến
trong xung đột biên giới Ấn-Trung,
truyền thông Đại lục giấu nhẹm
Phụng Minh
Chuyên gia cho biết, việc có người Tây Tạng tham chiến ở phía Ấn Độ đã khiến ĐCSTQ xấu hổ.
Quân đội Ấn Độ ngày 31/8 đã lên án phía Trung Quốc vi phạm sự đồng thuận của hai bên trong hai ngày 29 và 30/8 và xâm nhập vào khu vực tài phán của Ấn Độ ở bờ nam của hồ Pangong Tso thuộc khu vực Ladakh khi thực hiện “các hoạt động quân sự khiêu khích” và có “ý đồ thay đổi hiện trạng”. Cuối cùng, quân đội Ấn Độ đã ngăn cản được cuộc tấn công của các binh sĩ Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 1/9, phía Trung Quốc đã lên án Ấn Độ “vượt biên trái phép” và yêu cầu rút quân ngay lập tức, theo Secretchina.
Tờ The Telegraph của Anh hôm 1/9 dẫn tin tức cho biết quân đội Ấn Độ đã đẩy lùi quân Trung Quốc sau 3 giờ giao tranh vào sáng sớm ngày 31/8. Quân đội Trung Quốc đã phải rút lui và quân đội Ấn Độ chiếm đóng vùng cao phía nam của Hồ Pangong Co. Tờ India Today của Ấn Độ cũng cho biết quân đội Ấn Độ có thể đã tiến tới khoảng 3 km trong lãnh thổ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “tuyên bố chủ quyền”.
Sau khi xung đột quân sự giữa hai bên được truyền thông đưa tin, mặc dù người phát ngôn của Bộ Tư lệnh phía Tây của ĐCSTQ thừa nhận rằng xung đột bùng nổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng không có nội dung cụ thể nào khác ngoài một tuyên bố thông thường.
Secretchina dẫn một số nguồn tin từ các phương tiện truyền thông cho biết, quân đội Ấn Độ được cho là đã sử dụng một đơn vị tác chiến đặc biệt bao gồm người dân tộc Thổ và người Tây Tạng trong cuộc xung đột. Đã có xác nhận rằng một binh sĩ Tây Tạng trong quân đội Ấn Độ đã thiệt mạng. Quân đội Trung Quốc cũng rất cảnh giác với người Tây Tạng, phần lớn sĩ quan và binh lính người Hán không thích nghi được với môi trường khắc nghiệt của cao nguyên nên rất bị động trong đối đầu.
Ông Tiết, người am hiểu tình hình ở Tây Tạng, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng lần này các quan chức Trung Quốc chỉ công bố thông tin hạn chế khi họ không thể che giấu như việc quân Trung Quốc đã “bị thua và quân Ấn Độ đã tiến thêm 4 km, những tin tức kiểu như vậy ở trong nước (Trung Quốc) là đặc biệt phong tỏa, mất hút”.
Ông nói rằng việc có người Tây Tạng chiến đấu trong quân đội Ấn Độ đã khiến quân đội ĐCSTQ xấu hổ. “Họ (người Tây Tạng) luôn coi ĐCSTQ là kẻ thù …. Vì vậy, việc họ thành lập lực lượng đặc biệt để tấn công (ĐCSTQ) là điều bình thường. Hiện tại, bộ phận người Tây Tạng này ở Tây Tạng vẫn coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo của họ. Nhiều người ủng hộ việc chống lại ĐCSTQ hoặc thậm chí lật đổ sự cai trị của nó ở Tây Tạng”.
Hiện trên Twitter đã đăng tải nhiều video ăn mừng quân đội Ấn Độ, ngoài quân đội Ấn Độ còn có người cầm cờ Sư tử núi tuyết của Tây Tạng, nhiều người được cho là mặc trang phục Tây Tạng.
Thành viên Quốc hội Tây Tạng lưu vong, Namgyal Dolkar Lhagyari, xác nhận với truyền thông rằng thực sự có nhiều binh sĩ gốc Tây Tạng trong Lực lượng Biên phòng Đặc biệt (SFF) của Ấn Độ tham gia vào cuộc xung đột ở Hồ Pangong Tso. Nhiều người trong số họ bị thương và một người đã hy sinh. Danh tính của những người lính thiệt mạng trong trận chiến vẫn chưa được tiết lộ.
Theo ông Trần, một người trong giới truyền thông chính thống đại lục, họ chỉ có thể báo cáo tin tức do Bộ Ngoại giao và quân đội Trung Quốc công bố về xung đột biên giới Trung-Ấn. Hiện tại, các quan chức lại đang cố gắng chuyển hướng mâu thuẫn, cho rằng sự leo thang của xung đột Trung-Ấn là do Hoa Kỳ kiểm soát.
Kể từ ngày 31/8, các phương tiện truyền thông trung ương bắt đầu một đợt tuyên truyền chống Mỹ mới. “Vào ngày 31/8, Nhật báo Quân đội Giải phóng, Nhật báo Kinh tế và một số kênh truyền thông trung ương đã đưa ra một nội dung để kỷ niệm 70 năm Cuộc chiến chống Hoa Kỳ, nhắc lại về việc bảo vệ đất nước. Họ cho rằng Ấn Độ là quân cờ của Hoa Kỳ. Hiện tại về cơ bản lập luận này đang thịnh hành”, ông Trần nói.
Kể từ đầu tháng 5, xung đột biên giới Trung-Ấn đã ngày một nóng lên. Một cuộc xung đột kéo dài hàng trăm mét giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến hơn 100 người của cả hai bên bị thương. Ngày 15/6, đã xảy ra một cuộc đụng độ khác giữa Trung Quốc và Ấn Độ, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ, nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn e ngại công bố có bao nhiêu binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hoặc bị thương. Có tin đồn rằng đã có hơn 40 binh sĩ thương vong bên phía Trung Quốc.
Về những xung đột tiếp diễn giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới, Đường Hạo, người dẫn chương trình “Ngã tư thế giới” và biên tập viên cấp cao về các vấn đề quốc tế của Secretchina trước đó cũng chỉ ra động cơ của ĐCSTQ. Ông đề cập rằng Bắc Kinh gần đây đã tiến hành các hành động khiêu khích quân sự ở Ấn Độ, Biển Đông, eo biển Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư, nhưng không có hành động nào
thành công. Những cuộc tấn công vào biên giới Ấn Độ có thể là để đạt được một thắng lợi quân sự nhỏ và ghi thêm điểm vào thành tích quân sự của những người cầm quyền.
Khả năng khác là có một cuộc đấu tranh phe phái mạnh mẽ trong ĐCSTQ. “Bất kể lý do Bắc Kinh lén lút tấn công Ấn Độ là gì, chính quyền Bắc Kinh cũng là đang từng bước đẩy nhanh việc đào thải ĐCSTQ, đẩy nhanh sự cô lập của chế độ ĐCSTQ và sự suy tàn của chế độ ĐCSTQ”, Đường Hạo cho biết.
Theo Li Xiaokui, Secretchina
Phụng Minh biên dịch
Ấn Độ tiếp tục cấm 118 ứng dụng di động
của Trung Quốc, bao gồm Baidu, Sina, Taobao
Bình luậnMinh Thanh
Trong khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục gia tăng, chính phủ Ấn Độ lại thông báo rằng họ sẽ cấm 118 chương trình ứng dụng di động do Trung Quốc sản xuất. Trong danh sách cấm có một số sản phẩm của Tencent, bao gồm trò chơi điện tử phổ biến PUBG MOBILE LITE và WeChat Work.
Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ tuyên bố rằng theo “thông tin đáng tin cậy”, loạt chương trình ứng dụng do Trung Quốc sản xuất bị cấm đã vi phạm lợi ích quốc gia của Ấn Độ.
Các ứng dụng bị cấm bao gồm: Hai ứng dụng từ Baidu; Máy quét danh thiếp CamCard; Alipay của Alibaba và nền tảng thương mại điện tử Taobao; Các trò chơi của NetEase bao gồm “Marvel Super War”; Sina News; Phần mềm chỉnh sửa ảnh Cut Cut; Ứng dụng video VooV; Youku…
Bộ Công nghệ thông tin của chính phủ Ấn Độ cho biết họ đã nhận được nhiều khiếu nại từ “nhiều nguồn khác nhau”, bao gồm các khiếu nại về “một số ứng dụng di động (của Trung Quốc) trên nền tảng Android và iOS đã bị đánh cắp hoặc bí mật truyền dữ liệu người dùng đến máy chủ bên ngoài Ấn Độ”.
“Đối với các nhân tố thù địch với an ninh quốc gia và quốc phòng của Ấn Độ, việc ĐCSTQ thu thập, khai thác và phân tích những dữ liệu này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn quốc gia của Ấn Độ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và cấp bách, cần có các biện pháp khẩn cấp”, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho biết.
Vào tháng 7 năm nay, khi xem xét vấn đề an ninh quốc gia, chính phủ Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok và WeChat. Sau đó, chính phủ Ấn Độ đã cấm 47 ứng dụng của Trung Quốc. Phía Ấn Độ tuyên bố rằng 47 ứng dụng này là ứng dụng “sao chép” đã bị cấm trước đó.
Các lệnh cấm này được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp tại biên giới Himalaya giữa hai nước căng thẳng. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đã triển khai thêm binh sĩ đến khu vực Ladakh vào tháng 6. Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, con số thương vong của phía Trung Quốc vẫn chưa rõ.
Gần đây, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc lại đụng độ ở biên giới hai nước trên dãy Himalaya, hai bên nhất quyết xung đột và đổ lỗi, chỉ trích nhau. Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh dường như cho thấy ĐCSTQ đã xây dựng các tòa nhà nhìn ra khu vực biên giới Himalaya.
Gần đây, Hoa Kỳ cũng đã có hành động đối với các ứng dụng của Trung Quốc, tuyên bố rằng họ sẽ cấm TikTok và ra lệnh cho các công ty Mỹ ngừng kinh doanh với nền tảng WeChat của Tencent. Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, chính phủ Mỹ cũng dự định sẽ cấm các ứng dụng khác do Trung Quốc sản xuất.
Minh Thanh
Theo Epoch Times