Tin khắp nơi – 03/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 03/09/2018

Người Mỹ tiễn ông McCain

về nơi an nghỉ cuối cùng

Thi hài của cố thượng nghị sĩ John McCain hôm 2/9 đã được đưa tới Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông được mai táng tại nghĩa trang trong khuôn viên gần trường nơi người hùng Chiến tranh Việt Nam này từng tốt nghiệp sáu thập kỷ trước.

Nhiều người Mỹ đã đứng dọc theo tuyến đường dẫn tới thành phố Annapolis tại tiểu bang Maryland để chờ đoàn xe chở thi hài của ông McCain đi qua, theo Reuters.

Gia đình, bạn bè cùng những người từng tốt nghiệp năm 1958 với cố thượng nghị sĩ sẽ có mặt để vĩnh biệt ông.

Người được cho là “có nhiều duyên nợ với Việt Nam” qua đời hôm 25/8 sau một thời gian bị bệnh ung thư não, thọ 81 tuổi.

Gia đình ông McCain cho biết rằng ông sẽ được mai táng gần bạn học cũ, đô đốc Chuck Larson, cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Ông Larson qua đời năm 2014.

Những người sẽ lên tiếng tại buổi lễ dành riêng cho gia đình và bạn bè của ông McCain hôm 2/9 có hai con trai Jack và Don, tướng hồi hưu David Petraeus và thượng nghị sĩ Lindsey Graham. Tổng thống Donald Trump sẽ không tham dự, theo Reuters.

Trước đó một ngày, tại một buổi lễ tại Nhà thờ lớn ở thủ đô Washington DC, cựu Tổng thống Barack Obama và George W. Bush cũng như cô con gái của ông là Meghan McCain đã đọc điếu văn.

Dù không nêu đích danh, theo Reuters, cô Meghan cùng hai người tiền nhiệm của ông Trump đều chỉ trích đương kim tổng thống Mỹ.

Trong khi lễ tang ông McCain diễn ra ở thủ đô của Mỹ và tại Annapolis, ông Trump nghỉ tại nơi đặt sân golf của mình ở tiểu bang Virginia.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-my-tien-ong-mccain-ve-noi-an-nghi-cuoi-cung/4554719.html

 

Tỷ phú TQ bác bỏ cáo buộc sau khi được Mỹ thả

Giám đốc điều hành hãng bán lẻ trực tuyến JD.com của Trung Quốc, ông Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong), đã bị bắt giữ trong một thời gian ngắn ở Mỹ do bị cáo buộc có hành vi phạm tội về tình dục.

Ông Lưu, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, bị bắt tại Minneapolis ngay trước lúc nửa đêm hôm thứ Sáu và được thả vào chiều thứ Bảy.

Jack Ma tụt hạng trong danh sách người giàu TQ

Tỷ phú họ Quách xin tỵ nạn chính trị ở Mỹ

Tỷ phú Cổ Dược Đình chống lệnh hồi hương

Bí ẩn vụ tỉ phú Trung Quốc mất tích

JD.com nói ông Lưu, còn được biết đến với tên goi Richard Liu, bị cáo buộc một cách sai trái. Cảnh sát nói việc điều tra vẫn đang để ngỏ.

JD.com, còn được gọi là Jingdong (Kinh Đông), có liên kết với Tencent và Walmart.

JD.com nói trong một tuyên bố trên mạng tiểu blog Weibo rằng vụ bắt giữ ông Lưu tại Minnesota là dựa trên một “cáo buộc không có căn cứ”.

“Cảnh sát địa phương đã nhanh chóng xác định rằng cáo buộc đối với ông Lưu là không có căn cứ và ông ấy sau đó đã trở lại làm việc bình thường như kế hoạch ban đầu,” tuyên bố nói.

Cảnh sát Minneapolis nói họ không công bố thêm thông tin tuy vụ việc vẫn chưa khép lại.

“Chúng tôi quyết định thả ông ấy, nhưng đó không phải là chỉ dấu về mức độ mạnh yếu của chứng cứ,” John Elder, sỹ quan phụ trách thông tin của cảnh sát nói với BBC.

“Hoàn toàn không có hạn chế nào được áp dụng đối với việc đi lại của ông ấy. Điều này cần được hiểu rằng nếu như chúng tôi cần liên hệ với ông ấy thì chúng tôi sẽ liên hệ được.”

Ông Lưu hiện có giá trị tài sản ròng trị giá 7,9 tỷ đô la, theo Forbes.

Ông đứng đồng vị trí 140 với hai người khác trong bản xếp hạng các tỷ phú 2018 của Forbes, nơi mà giá trị ròng của ông được ghi nhận là 10,8 tỷ đô la Mỹ.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-45396004

 

Nga cáo buộc Mỹ tuyển điệp viên hai mang

Kremlin hôm 3/9 nói rằng Mỹ đã “thô thiển” tìm cách tuyển các công dân Nga làm điệp viên cho Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov được Reuters dẫn lời nói thêm rằng điều đó cho thấy Washington đang can thiệp vào các vấn đề của nước Nga.

Ông Peskov trả lời như vậy khi được hỏi trong một cuộc họp báo qua điện thoại về thông tin trên tờ New York Times nói rằng Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ đã tìm cách tuyển “đại gia” nhôm của Nga Oleg Deripaska làm tình báo cho mình trong khoảng thời gian từ 2014 tới 2016, nhưng bất thành.

Phát ngôn viên này cáo buộc Hoa Kỳ “sử dụng các cơ quan tình báo gây áp lực để tuyển các công dân Nga trong những năm gần đây”.

Và theo ông Peskov, điều đó cho thấy “các nỗ lực can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của Nga”.

Theo New York Times, các cơ quan của Hoa Kỳ “ra chỉ dấu” rằng họ có thể giúp ông Deripaska xin thị thực vào nước này.

Tờ báo dẫn các nguồn tin nói rằng đổi lại, họ “hy vọng nhận được các thông tin về tội phạm có tổ chức của Nga, và sau đó là thông tin về khả năng Nga trợ giúp chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump năm 2016”.

Nhật báo Mỹ nói rằng ông Deripaska là người có quan hệ thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-cao-buoc-my-tuyen-diep-vien-hai-mang/4555689.html

 

Pascal Lamy : ”WTO cần tiếp tục tồn tại,

cho dù không có Donald Trump”

Trọng Thành

Ngày 30/08/2018, tổng thống Hoa Kỳ tung ra đe dọa sẽ rút khỏi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nếu các đòi hỏi cải cách của Washington không được thỏa mãn.

Cho đến nay, nhiều đe dọa tưởng rất khó tin, như đơn phương đánh thuế hàng chục tỉ hàng hóa Trung Quốc, đã được Donald Trump thực thi. Thế nhưng, WTO là một định chế thương mại rất có lợi cho nước Mỹ, đã được chính Hoa Kỳ cùng cộng đồng quốc tế dày công xây dựng. RFI giới thiệu nhận định của cựu tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới Pascal Lamy, với tuần báo Le Point (1), về chủ đề này.

Le Point : Tổng thống Trump, hôm 30/08, tuyên bố Hoa Kỳ có thể rút khỏi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Cụ thể là ông ấy nói : « Nếu họ không lập lại trật tự, tôi sẽ rút khỏi WTO ». Ông nghĩ gì về những lời lẽ này?

Pascal Lamy : Có thể đưa ra hai cách giải thích về tuyên bố của Trump. Cũng có nghĩa là cần phải chuẩn bị cho hai kịch bản. Thứ nhất là có thể ông ta thực sự muốn rút nước Mỹ khỏi WTO, giống như đã từng làm với Thỏa thuận Khí hậu Paris. Nói một cách chung hơn, Donald Trump dường như chủ trương thủ tiêu mọi định chế quốc tế nào giới hạn chủ quyền của Hoa Kỳ, để trở lại với các quan hệ song phương. Về phương diện thương mại quốc tế, đó là thuyết trọng thương (mercantilisme) (2). Xuất khẩu muôn năm, đả đảo nhập khẩu ! Theo chủ thuyết này, thì thương mại là vấn đề tương quan sức mạnh giữa các quốc gia, chứ không phải là việc tối ưu hóa các hệ thống sản xuất, tùy theo các lợi thế so sánh giữa quốc gia này với quốc gia kia. Chủ thuyết này đã dần dần biến mất trong ba thế kỷ gần đây.

Đọc thêm : WTO có sống nổi với chính quyền Trump ?

Vậy đâu là cách giải thích thứ hai ?

Tuyên bố nói trên cũng có thể là một chiến thuật trong thương lượng. Bằng tuyên bố này, Donald Trump nói với phần còn lại của thế giới : Tôi yêu cầu các vị thay đổi một số quy tắc của WTO, mà tôi cho là bất lợi cho Hoa Kỳ. Và nếu việc này không thành, tôi sẽ chuồn. Ta có thể gọi đây là một dạng bắt chẹt. Điều này thật kỳ cục bởi vì khi ông ta đề cập đến WTO, ông ta nói: « Nếu họ không lập lại trật tự ». Cứ như thể là Hoa Kỳ nằm ngoài Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, trong khi Washington chính là một trong các thành viên sáng lập ra tổ chức này.

Donald Trump nhắm vào các quy định nào của WTO, và ông ấy muốn thay đổi gì ?

Ông Trump coi các quy tắc hiện hành của WTO là bó buộc Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc (gia nhập tổ chức này vào năm 2001). Điều này không phải là sai, trong một số trường hợp. Thực ra, trên một số lĩnh vực, các quy định của WTO lỏng lẻo hơn. Đặc biệt là vấn đề trợ giá. Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc, cho dù đã gia nhập WTO, vẫn tiếp tục trợ giá hay duy trì sự kiểm soát của Nhà nước, đối với một phần nền kinh tế. Vấn đề này đã được nhận ra từ lâu, nhưng không được xử lý một cách nghiêm túc, do thiếu một quyết tâm thực sự, của các bên, nhằm thương lượng lại về việc tăng cường các quy tắc của WTO.

Tuyên bố của Donald có thể là một vũ khí đàm phán, hoặc đe dọa thực sự rút Mỹ ra khỏi tổ chức này. Vậy WTO cần phải có thái độ như thế nào đối với Donald Trump?

Cảm nhận của tôi là, trong bối cảnh bất định như hiện nay, cần phải chuẩn bị cho cả hai phương án. Về những gì liên quan đến việc cải cách các quy định thương mại quốc tế, Liên Hiệp Châu Âu đang ở thế chủ động. Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Liên Âu đàm phán một mặt với Mỹ (3), mặt khác với Trung Quốc. Công việc đang được xúc tiến để tìm ra một lối thoát cho khủng hoảng, cho dù kết quả của sáng kiến này là không có gì chắc chắn. Tuy nhiên, cũng phải chuẩn bị cho một phương án khác. Donald Trump có thể sẽ rút khỏi WTO, bởi vì thương lượng không đạt kết quả, và cũng đơn giản là bởi vì ông ta quyết định rời bỏ định chế quốc tế này. Nếu xảy ra, dĩ nhiên là kịch bản này đòi hỏi chúng ta phải rất sáng tạo, bởi từ năm 1947 đến nay, Hoa Kỳ vẫn luôn luôn đóng vai trò đồng lãnh đạo cơ chế thương mại này. Nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cơ chế kinh tế quốc tế đa phương, tránh trở lại với thế giới của luật rừng, hiện tại châu Âu đang ở tuyến đầu của trận chiến này.

Việc Hoa Kỳ rời bỏ WTO có những hệ quả như thế nào ?

Nếu Hoa Kỳ rời bỏ WTO, họ sẽ mất đi cơ chế bảo hiểm chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể hành xử bất kể thế nào với các hàng hóa Mỹ. Mỗi nước có thể đánh thuế hàng Mỹ như họ muốn. Đối với Hoa Kỳ, đây sẽ là dấu hiệu của một tiến trình phi toàn cầu hóa toàn thể, gần như là trở lại với nền kinh tế tự cung tự cấp. Việc này sẽ để lại nhiều hậu quả lớn. Ví dụ như, hãy tưởng tượng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nếu người Mỹ không còn được các quy định của WTO bảo vệ, tất cả mọi người đều có thể sao chép một ý tưởng, một phần mềm, một sáng chế của Mỹ. Các nhà sáng chế Mỹ sẽ không còn con đường nào khác hơn là kiện lên các tòa án của nước Mỹ, và như vậy họ sẽ chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên lãnh thổ Mỹ.

Đối với Hoa Kỳ, việc rời khỏi WTO có phải là một thảm họa kinh tế hay không ?

Tôi cho là như vậy. Nhưng chúng ta hãy cố gắng hiểu được tính toán của Donald Trump, với giả định là, đằng sau các tuyên bố bốc đồng của ông ta, có một lý thuyết nào đó. Có thể hình dung là, Donald Trump muốn phi toàn cầu hóa, ông ta tin tưởng là nếu diễn ra, tiến trình này sẽ có lợi cho Hoa Kỳ. Ông ta tin là nước Mỹ được hưởng lợi, nhờ vào tương quan lực lượng. Không còn Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, thì quy tắc lẽ phải thuộc về kẻ mạnh sẽ được thực thi, và Trump nghĩ ràng ông ta là kẻ mạnh nhất ! Tôi cho rằng ông ấy đã lầm, và Hoa Kỳ sẽ rất khốn đốn về kinh tế. Nhìn chung, tôi vẫn tin tưởng là một thế giới được luật pháp điều chỉnh, sẽ ít nguy hiểm hơn là một thế giới do kẻ hùng mạnh nhất điều khiển.

Donald Trump chống lại việc bổ nhiệm một thẩm phán của cơ quan trọng tài giải quyết tranh chấp của WTO. Với việc ngăn chặn bổ nhiệm này, ông Trump có thể làm tê liệt sự vận hành của WTO ?

Theo các quy định của WTO, không có gì khẳng định việc bổ nhiệm các thẩm phán bắt buộc phải được quyết định theo nguyên tắc đồng thuận 100%. Trên thực tế, cho đến nay, quy tắc đồng thuận vẫn được áp dụng, nhưng chúng ta cũng có thể xem tiến trình này như là một thủ tục quyết định theo đa số. Với ông Trump, mọi thứ vẫn thường xuyên ít nhiều là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược rồi … Ví dụ như, một mặt Donald Trump ngăn chặn việc bổ nhiệm một thẩm phán mới, nhưng mặt khác ông ta lại chuyển hàng loạt vụ kiện đến cơ quan có trách nhiệm phán xử này, để chống lại các thành viên khác của WTO, mà theo ông, không tuân thủ các quy định của định chế.

Ông Trump cũng đồng thời lên án Hoa Kỳ dành được rất ít thắng lợi trong các vụ khiếu nại lên các cơ quan phân xử của WTO, thực hư thế nào ?

Giống như điều mà Donald Trump thường nói : « Fake news/tin giả ! ». Điều này hoàn toàn sai (4). Hoa Kỳ giành chiến thắng trong đa số các vụ kiện mà họ khởi sự, và ngược lại cũng bị thua trong đa số các vụ kiện mà họ là đối tượng bị kiện, từ phía các nước châu Âu hay Trung Quốc chẳng hạn. Thông tin cho rằng Mỹ bị các cơ quan phân xử của WTO ngược đãi là điều hoàn toàn sai lạc.

Ghi chú

1. Le Point, ngày 2/9/2018.

2. Một nội dung chính của chủ thuyết này là Nhà nước can thiệp trực tiếp để thúc đẩy xuất khẩu.

3. Trước thượng đỉnh của khối G20, cuối tháng 11 tới, nhiều nỗ lực cải cách WTO được xúc tiến. Trong một thương lượng giữa tháng 7/2018, Liên Âu và Trung Quốc thỏa thuận lập một nhóm làm việc về chủ đề này. Ngày 30/08, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản sớm phối hợp để mở đường cho một cuộc cải cách triệt để định chế WTO.

4. Bài « US Trade Laws And The Sovereignty Canard» của ông Dan Ikenson, một chuyên gia về thương mại quốc tế, đưa ra các số thống kê rất đáng lưu ý. Trong hơn 22 năm tồn tại, Hoa Kỳ đứng đầu bảng về số lần kiện lên WTO, với tổng cộng 114 vụ (trên tổng số 522), trong đó 91% Washington được xử thắng. Ngược lại Hoa Kỳ bị khiếu nại 129 lần, và thua 89%. (Forbes.com, ngày 9/3/2017)

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180903-pascal-lamy-wto-can-tiep-tuc-ton-tai-cho-du-donald-trump-ra-di

 

Pháp: Chính phủ Macron

đối mặt với tuần lễ khó khăn sau kỳ nghỉ hè

Trọng Nghĩa

Hôm nay 03/09/2018 là ngày tựu trường của các học sinh Pháp. Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã đến thăm một trường trung học tại thành phố Laval, miền tây nước Pháp để đánh dấu ngày khai trường.

Cải tổ giáo dục Pháp là vấn đề quan trọng, nhưng đối với tổng thống Pháp, những ngày sắp tới mới được cho là sẽ làm ông đau đầu, đặc biệt trong việc tìm người làm bộ trưởng Môi Trường, thay thế ông Nicolas Hulot vừa từ chức.

Về hồ sơ cải tổ giáo dục Pháp, năm học vừa bắt đầu sẽ là năm thực hiện một số biện pháp cải tổ được cho là tích cực, như việc tiếp tục nhân đôi số lớp học tại những khu vực giáo dục ưu tiên, để giúp cho giáo viên theo sát được việc học của các em nhờ sĩ số các lớp được giảm, hay là việc cấm học sinh trung học dùng điện thoại khi ở trong trường…

Riêng về việc thay thế ông Nicolas Hulot, tổng thống Pháp đã liên lạc với một gương mặt tiêu biểu trong phong trào bảo vệ môi trường là ông Daniel Cohn-Bendit. Hôm qua, nhân vật tên tuổi mang hai quốc tịch Pháp-Đức này đã từ chối lời mời làm bộ trưởng, nhưng cho biết sẵn sàng giúp tổng thống Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử châu Âu sắp tới.

Không mời được Daniel Cohn-Bendit, tổng thống Pháp và các cộng sự viên được cho là vẫn tiếp tục ráo riết tham khảo sao cho có thể công bố tên vị bộ trưởng mới vào ngày mai 04/09.

Một trục trặc mới xuất hiện liên quan đến ý muốn áp dụng chế độ nộp thuế qua dự khấu lương ngay đầu năm 2019. Việc thử nghiệm đã vấp phải nhiều khó khăn khiến cho mọi kịch bản được dự trù: áp dụng ngay, lùi lại hoặc hủy bỏ. Bộ trưởng bộ Tài Chính Công Gérard Darmanin sẽ phải trấn an ông Macron về cải cách này cũng vào ngày mai.

Bên cạnh đó, các công đoàn đã quyết định thúc đẩy trở lại phong trào đấu tranh chống các cải cách của chính phủ. Nhiều công đoàn, trong đó có CGT và FO cũng như hai tổ chức UNEF của sinh viên và UNL của học sinh đã ấn định một ngày biểu tình toàn quốc mới là 09/10/2018.

Riêng các công đoàn ngành chuyên chở hàng không Air France, và ngành hỏa xa SNCF, cũng chuẩn bị phong trào đình công trở lại. Các tổ chức này đã hẹn gặp nhau ngày 07/09 để ấn định các hình thức đấu tranh mới.

http://vi.rfi.fr/phap/20180903-phap-chinh-phu-macron-doi-mat-voi-tuan-le-kho-khan-sau-ky-nghi-he

 

Nhật Bản quan ngại Trung Quốc leo thang quân sự

Thụy My

Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera hôm nay 03/09/2018 nhắc lại, Nhật Bản đang phải đối mặt với những khó khăn về mặt an ninh khi Trung Quốc và Nga mở rộng các hoạt động quân sự, và Bắc Triều Tiên là « mối đe dọa trước mắt ».

Trước các nhà chỉ huy Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, ông Onodera nhấn mạnh : « Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng lực lượng chiến đấu và các hoạt động quân sự trên biển và trên không gần đất nước chúng ta, trở thành mối quan ngại chủ chốt ». Ông nêu ra các hoạt động quân sự xung quanh nước Nhật và sự hiện diện của một tàu ngầm nguyên tử gần quần đảo tranh chấp.

Tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật được đưa ra vào lúc Tokyo đang cố gắng cải thiện quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thăm Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, vào tháng tới.

Từ khi quay lại nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe tỏ ra cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Nhưng gần đây ông đã dịu giọng hơn, kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực để Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử.

Đồng thời bộ trưởng Itsunori Onodera đánh giá Nga đang tăng cường lực lượng quân sự một cách đáng ngại. Matxcơva dự kiến tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn và triển khai các loại vũ khí có uy lực mạnh, nhất là hỏa tiễn địa-không trên quần đảo Nam Kuril. Bên cạnh đó Bắc Triều Tiên cũng là « mối đe dọa nghiêm trọng trước mắt ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180903-nhat-ban-quan-ngai-trung-quoc-leo-thang-quan-su

 

Hơn 50 nước châu Phi

tham dự Diễn đàn hợp tác Trung-Phi

Minh Anh

Hôm nay, 03/09/2018, Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi lần thứ 7 khai mạc tại Bắc Kinh, với sự tham dự của lãnh đạo của 53 nước châu Phi, đại diện Liên Hiệp Quốc, Liên Minh Châu Phi, và 26 tổ chức châu Phi và quốc tế.

Theo AFP, diễn đàn lần này kéo dài trong hai ngày, 03 và 04/09, tập trung thảo luận về quan hệ kinh tế, đầu tư giữa Trung Quốc và châu Phi, trong lúc ngày càng có nhiều tiếng nói bày tỏ lo ngại về sự lệ thuộc của châu Phi vào Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh dùng lá bài kinh tế, tài chính để mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi.

Từ Thượng Hải, thông tín viên Simon Leplatre cho biết những thách thức chính trị đối với Trung Quốc trong quan hệ với châu Phi :

« Vào lúc quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi tập trung chủ yếu vào kinh tế, việc đón tiếp rầm rộ một phần lớn các lãnh đạo châu Phi tại Bắc Kinh, đã làm gia tăng khía cạnh chính trị của mối quan hệ này.

Mặc dù Trung Quốc bác bỏ cáo buộc áp dụng chủ nghĩa thực dân mới tại châu Phi, nhưng điều hiển nhiên là một cường quốc đang ngày càng lớn mạnh cần phải bảo vệ các lợi ích của mình ở bên ngoài. Và chính ở điểm này mà chính trị và kinh tế có ràng buộc chặt chẽ với nhau : Trung Quốc bán ngày càng nhiều vũ khí cho các nước châu Phi, mời các chuyên gia quân sự châu Phi tham dự diễn đàn an ninh và quốc phòng hồi tháng Bẩy vừa qua.

Cũng không phải là ngẫu nhiên mà căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài lại được đặt tại Djibouti hồi năm ngoái. Đây cũng là nước châu Phi mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất.

Đúng là các nước châu Phi luôn luôn muốn có các đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, nhưng ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích nhấn mạnh đến các nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.

Tuần trước, như một lời cảnh báo, trong một cuộc trao đổi với đại sứ Trung Quốc, trước mặt các nhà báo, tổng thống Namibia đã nói thẳng thừng : Ngài không nên nói chúng tôi phải làm gì. Chúng tôi không phải là những con rối ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180903-okhon-50-nuoc-chau-phi-tham-du-dien-dan-hop-tac-trung-phi

 

Thung lũng Silicon của TQ

đe dọa nuốt chửng Hong Kong

Trung Quốc vừa hoàn thành một trong những cây cầu lớn nhất thế giới, nối liền với Hong Kong, làm người Hong Kong dấy lên cả ‘lo ngại và hi vọng’.

Cây cầu trị giá 15 tỷ đôla, bắc qua Greater Bay Area, có thể cho 29.000 xe hơi và xe tải lưu thông mỗi ngày, đang được chuẩn bị để cắt băng khánh thành vào cuối năm nay, theo Bloomberg.

Cây cầu là một trong các kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biến khu vực này thành một siêu đô thị công nghệ cao để cạnh tranh với Thung lũng Silicon ở California.

Greater Bay Area là một một khu vực bao gồm chín thành phố ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, cộng với Hong Kong và Ma Cao, tham vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới vào năm 2030 và dân số gần 70 triệu người. Dân số của Hong Kong hiện khoảng 7,4 triệu người, theo Reuters.

Trong khi dự án này vẽ ra một cuộc hôn nhân tốt đẹp giữa sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc, thị trường vốn đầu tư của Hong Kong và sòng bạc của Macau, nó cũng có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng liên quan đến ảnh hưởng của Bắc Kinh với hai vùng đất từng là thuộc địa của Anh Quốc.

Đặc biệt, Hong Kong đang đối mặt với câu hỏi khó về việc liệu nó có thể thu lợi từ tăng trưởng của Trung Quốc trong khi vẫn duy trì “mức độ tự chủ cao” được hứa hẹn trước khi rời khỏi Anh, tác giả bài báo trên Bloomberg nhận định.

Hi vọng

“Hong Kong cần đa dạng hóa – nó có thể là một San Francisco và hơn thế, một Thung lũng Silicon của Greater Bay Area”, Albert Wong, giám đốc điều hành của Tập đoàn Công viên Khoa học và Công nghệ Hong Kong, phát biểu trên Bloomberg. “Hong Kong không thể bỏ lỡ chiếc thuyền này.”

Greater Bay Area có thể đóng vai trò là một động lực tăng trưởng mới cho Hong Kong, Ma Cao và Thâm Quyến. Đây là một trong những trọng điểm về kinh tế do ông Đặng Tiểu Bình xây dựng gần bốn thập kỷ trước.

Để làm cho Greater Bay Area hoạt động, Trung Quốc phải tìm ra cách sử dụng con người và vốn hiệu quả hơn giữa một bên là nhà nước độc đảng và một bên là các nền kinh tế tự do, tư bản của Hong Kong và Macau – với hộ chiếu, tiền tệ, chính sách thương mại, nền tư pháp và quyền công dân của riêng họ.

Hong Kong, nơi Đông – Tây hội ngộ

Biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong

Trung Quốc giận dữ với nhà hoạt động Hong Kong

Sự thay đổi đã đặt vai trò truyền thống của Hong Kong như cửa ngõ của Trung Quốc dưới áp lực. Kinh tế Hong Kong hiện nay tương đương với ít hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, so với 18% vào năm 1997. Cảng container của Hong Kong trượt xuống vị trí cảng bận rộn thứ sáu trên thế giới, sau Thượng Hải và Thâm Quyến.

Tuy nhiên, thuyết phục nhiều người Hong Kong theo đuổi sự nghiệp ở Trung Quốc đại lục sẽ đòi hỏi nhiều hơn là các dự án cầu và đường sắt hàng triệu đô la. Chính phủ Trung Quốc hồi đầu tuần này đã thông báo rằng người dân Hong Kong và Ma Cao, cũng như những người từ Đài Loan, sẽ nhận được chứng minh thư mới cho phép họ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội ở đại lục, theo bài báo trên Bloomberg.

Một số giới chức và nhà lập pháp Hong Kong đã khích lệ các công dân trẻ tuổi chuyển đến sống ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc đại lục – nơi họ sẽ không phải thuê nhà đắt đỏ ở các khu cao tầng, và có nhiều cơ hội việc làm hơn, theo Reuters.

Chuyển đến một trong các thành phố của Greater Bay Area có nghĩa là các công dân thế hệ thiên niên kỷ của Hong Kong, những người không mua nổi nhà ở đây, sẽ có thể mua nhà hoặc thuê một căn hộ ở đại lục. Họ cũng có thể tìm được việc làm.

“Chúng ta không còn là người Hong Kong, mà là người Greater Bay Area”, ông Jonathan Choi, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong, được dẫn lời trên Reuters. “Do đó, chúng ta nên tập trung vào hội nhập hơn là vì lợi ích của riêng Hong Kong.”

Lo ngại

Nhưng họ, các cư dân Hong Kong, lại phải đánh đổi tự do mà Hong Kong được đảm bảo suốt 50 năm dưới chính sách ‘một nhà nước, hai thể chế’, sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc, theo Reuters.

Ví dụ, ở Hong Kong, internet và truyền thông tương đối tự do, nhưng lại bị kiểm duyệt ngặt nghèo ở Trung Quốc đại lục.

Phổ biến hơn nữa là lo ngại những người sinh ra ở Hong Kong, sinh con đẻ cái ở đại lục, có thể làm suy yếu phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, đặc biệt là khi những người đại lục giàu có chuyển đến Hong Kong để thay thế người Hong Kong ‘gốc’, theo Reuters.

Các cuộc tranh luận làm nổi bật sự chia rẽ giữa chính phủ Hong Kong được Bắc Kinh hậu thuẫn với các công dân Hong Kong – những người thường đại diện cho 60% phiếu bầu được bỏ cho phe đối lập trong các cuộc bầu cử ở địa phương. Nhiều người ở Hong Kong – nơi nói tiếng Quảng Đông – đặc biệt là thanh thiếu niên – ít bị hấp dẫn bởi giáo dục bằng tiếng Quan Thoại và cơ hội việc làm ở Trung Quốc đại lục, đồng thời nghi ngờ ý định của đảng Cộng sản, theo Bloomberg.

“Đó là chiến thuật cũ của cộng sản: Sử dụng chính sách kinh tế để áp đặt kiểm soát chính trị,” Sonny Lo, một giáo sư chính trị tại Đại học Hong Kong nói.

“Cầu nối, đường sắt – cho đến nay chính phủ Bắc Kinh và Hong Kong đang tập trung vào phần cứng”, Alvin Yeung, một nhà lập pháp và lãnh đạo đảng đối lập Civic được dẫn lời trên Bloomberg. “Nhưng “phần mềm”- cái làm cho Hong Kong trở nên độc đáo hơn – là các luật lệ tự do, dòng vốn tự do, vốn không có ở bên kia biên giới.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45392956

 

Ông Tập cấp 60 tỷ đôla,

xóa nợ cho nước nghèo châu Phi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3/9 quyết định hỗ trợ thêm 60 tỷ đôla cho châu Phi đồng thời xóa nợ cho một số nước nghèo của châu lục này.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội thị thượng đỉnh với sự tham dự của các lãnh đạo châu Phi, ông Tập cam kết mang lại sự phát triển “bền vững” cho châu lục này, theo Reuters.

Ông nói thêm: “Hợp tác Trung Quốc và châu Phi phải đem lại cho người dân Trung Quốc và châu Phi những lợi ích và thành công hữu hình, có thể thấy và cảm nhận được”.

Theo Reuters, các quan chức Trung Quốc nói rằng hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ củng cố vai trò của châu Phi trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” do ông Tập khởi xướng.

Tại một sự kiện tương tự ở Nam Phi ba năm trước, ông Tập cũng từng cam kết một khoản 60 tỷ đôla cho các nước ở khu vực này.

Reuters dẫn số liệu cho biết rằng từ năm 2000 tới 2016, Trung Quốc cho các nước châu Phi vay khoảng 125 tỷ đôla.

Trung Quốc lâu nay vẫn bác bỏ cáo buộc cho rằng Bắc Kinh theo đuổi chính sách ngoại giao “bẫy nợ”.

Trung Quốc bảo vệ các quyết định tiếp tục cho châu Phi vay vì cho rằng châu lục này cần tiền để phát triển cơ sở hạ tầng.

Bắc Kinh cũng bác bỏ các chỉ trích cho rằng quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ quan tâm tới việc khai thác tài nguyên ở châu Phi để phục vụ cho nền kinh tế đang bùng nổ, theo Reuters.

Các dự án của Trung Quốc cũng bị cáo buộc không bảo vệ môi trường, và nhiều nhân công của nước này được đưa tới châu Phi thay vì sử dụng lao động địa phương.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-trung-quoc-cap-60-ty-dola-va-xoa-no-cho-nuoc-ngheo-chau-phi/4555395.html

 

Trung Quốc bắt 46 người biểu tình

phản đối ngành giáo dục

Cảnh sát Trung Quốc hôm 2/9 cho biết đã bắt 46 người ở thành phố Lỗi Dương ở tỉnh Hồ Nam sau khi gạch đá, chai lọ được ném vào các quan chức chính phủ trong cuộc biểu tình của hàng trăm người để phản đối hệ thống giáo dục.

Reuters dẫn lời chính quyền cho hay rằng hàng chục người bị bắt vì “gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản của cảnh sát” trong cuộc biểu tình bên ngoài một đồn cảnh sát cuối ngày 1/9.

Những người biểu tình xuống đường vì tức giận, không thể đăng ký cho con vào trường công.

Họ tập hợp gần sáu trường học, một tòa nhà của chính quyền và chặn đường xá.

Theo Reuters, những người biểu tình phản đối thị trưởng thành phố Lỗi Dương tại trụ sở chính quyền trước khi đi tới phản đối và ném các vật dụng làm 30 nhân viên an ninh bị thương đồng thời làm hư hỏng nhiều xe cộ.

Cảnh sát được dẫn lời cho biết rằng trong số 46 người bị bắt, chỉ có một người có con ở độ tuổi đi học. Tin cho hay, sau đó, 41 người đã được thả.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-bat-46-nguoi-bieu-tinh-phan-doi-nganh-giao-duc/4554628.html

 

Hai nhà báo Reuters tại Myanmar

bị án tù 7 năm

Hai nhà báo Reuters tại Myanmar bị án tù 7 năm với tội danh vi phạm đạo luật bí mật của nhà nước trong khi điều tra vụ hành hình người Rohingya.

Hai nhà báo người Myanmar làm việc cho hãng Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo, bị bắt năm ngoái trong khi mang theo các tài liệu liên quan đến vụ thảm sát người Rohingya do cảnh sát cung cấp.

Cả hai đều bị tạm giam từ tháng 12/2017.

Trường hợp của hai nhà báo Reuters được xem là phép thử đối với tự do báo chí ở Myanmar.

Hai phóng viên Reuters ở Myanmar chờ phán quyết

Reuters công bố cuộc điều tra thảm sát người Rohingya

‘Bị cảnh sát cài’

Trong các phiên tòa trước, cả hai nhà báo đều cho rằng họ tuân thủ đạo đức truyền thông, và rằng họ bị ‘cảnh sát cài’.

Hai nhà báo Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, đã thu thập bằng chứng về việc hành hình 10 người đàn ông trong làng Inn Din ở miền bắc Rakhine, Myanmar vào ngày 2/9/2017.

Theo Reuters, một nhóm nam giới người Rohingya, chạy trốn các vụ bạo lực, đến một bãi biển – nơi họ bị tách biệt riêng ra và giết chết.

Ít nhất hai người đàn ông đã bị dân làng – là các Phật tử- đánh chết, số còn lại bị quân đội bắn chết.Vào ngày 12/12, hai nhà báo được mời đến ăn tối với hai nhân viên cảnh sát – những người trao cho họ các tài liệu về vụ thảm sát.

Họ bị bắt khi vừa rời nhà hàng.

Họ bị buộc tội “sở hữu các tài liệu quan trọng và bí mật của chính phủ liên quan đến chính quyền và lực lượng an ninh của Rakhine”. Cảnh sát cho biết thông tin đã được “mua bất hợp pháp với ý định chia sẻ với truyền thông nước ngoài”.

Luật sư của hai nhà báo cho hay việc này đã được cảnh sát Myanmar dàn xếp vì muốn trừng phạt họ do đã đưa tin về vụ thảm sát.

“Chúng tôi không làm gì sai và những cáo buộc là vô căn cứ,” Wa Lone nói tại tòa tuần trước.

Một cảnh sát đứng ra làm chứng, nói ông được ra lệnh cài các tài liệu vào các nhà báo.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45392957

 

Nhà bất đồng chính kiến Campuchia

phải bỏ nước ra đi

Một nhà phân tích chính trị Campuchia hôm 3/9 cho biết rằng ông buộc phải rời tổ quốc sau nhiều lần bị đe dọa kể từ khi tự do sau khi thụ án tù một năm rưỡi vì cáo buộc đảng của Thủ tướng Hun Sen dàn dựng vụ giết nhà hoạt động chỉ trích chính phủ Kem Ley năm 2016.

Ông Kim Sok được thả hôm 17/8 và kể từ đó tiếp tục chỉ trích việc ông Hun Sen bổ nhiệm vào chính phủ một số thủ lĩnh các đảng tham gia vào cuộc tổng tuyển cử hôm 29/7, nhưng không giành được ghế nào, theo Reuters.

Ông cho hãng tin Anh biết rằng ông đã nhận được sáu cuộc gọi nặc danh và bị đe dọa phải “im tiếng”.

Nhà hoạt động này cho biết rằng ông và con gái 6 tuổi “xin tị nạn tại một nước thứ ba”.

“Khi nào con gái tôi an toàn, tôi sẽ trở về Campuchia và tiếp tục tranh đấu”, ông nói.

Ông từ chối cho biết ông đã tới đâu nhưng cho hay rằng ông đã thông báo về các mối đe dọa cho Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Phnom Penh hôm 30/8.

Cơ quan ngoại giao Mỹ này đã từ chối bình luận, theo Reuters.

Hàng chục nghìn người từng xuống đường phản đối vụ giết hại nhà hoạt động nổi bật Kem Ley.

Nhiều người cho rằng họ nghi có động cơ chính trị trong cái chết của ông.

Một người đàn ông năm ngoái bị kết án tù chung thân vì giết ông Kem Ley do nợ nần, nhưng các tổ chức nhân quyền cũng như những ủng hộ viên của ông Kem Ley cho biết rằng họ nghi ngờ về lời khai của thủ phạm.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-bat-dong-chinh-kien-campuchia-phai-bo-nuoc-ra-di/4555743.html

 

Tổng thống Hàn Quốc

chỉ định đặc phái viên đến Bắc Triều Tiên

Trọng Nghĩa

 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, vào hôm qua, 02/09/2018, đã chỉ định ông Chung Eui Yong, lãnh đạo Văn Phòng An Ninh Quốc Gia, làm đặc phái viên đến Bắc Triều Tiên.

Đây là lần thứ hai mà người có chức vụ tương đương với cố vấn an ninh quốc gia tại Mỹ, được giao phó nhiệm vụ tế nhị này.

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ông Chung sẽ dẫn đầu một phái đoàn 5 người đến Bắc Triều Tiên vào thứ Tư, 05/09. Trong phái đoàn còn có ông Suh Hoon, lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia NIS, thứ trưởng bộ Thống Nhất Chun Hae Sung, thư ký của tổng thống đặc trách Quốc vụ, Yun Kun Young và ông Kim Sang Gyun, một viên chức cơ quan tình báo NIS.

Hồi tháng 03/2018, ông Chung cũng đã dẫn đầu một phái đoàn 5 người đến Bình Nhưỡng.

Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc Kim Eui Kyeom cho biết, Seoul quyết định gởi cùng một đoàn hai lần đến Bắc Triều Tiên vì « chính phủ coi trọng sự liên tục trong đối thoại với Bắc Triều Tiên ».

Theo Yonhap, phái đoàn Hàn Quốc sẽ đến Bắc Triều Tiên bằng máy bay, băng qua đường biên giới liên Triều, và trở về Seoul trong ngày.

Mục tiêu chuyến đi là chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Moon–Kim vào tháng này ở Bình Nhưỡng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180903-tong-thong-han-quoc-chi-dinh-dac-phai-vien-den-bac-trieu-tien