Tin khắp nơi – 03/04/2017
Đức Đạt Lai Lạt Ma tái ngộ với người lính biên phòng Ấn
Gần 60 năm sau khi rời bỏ quê hương, nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, cuối cùng đã gặp lại người lính biên phòng đã hộ tống Ngài vào lãnh thổ Ấn Độ thời ngài còn là một thanh niên 23 tuổi. Vào năm 1959, sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại chế độ cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cải trang thành một người lính, đi bộ trong hai tuần liên tiếp, vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn để tìm đường sang tị nạn ở Ấn Độ. Thông tín viên Anjana Pasricha của VOA gửi về bài tường trình chi tiết về cuộc hội ngộ vô cùng cảm động này như sau.
Năm nay 81 tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp lại người lính canh biên phòng ngày nào, ông Naren Chandra Das, 79 tuổi, ở thành phố Guwahati, thủ phủ bang Assam, ở đông bắc Ấn Độ, trong một buổi lễ do chính quyền bang Assam tổ chức.
Ôm lấy ông Das, người đã hộ tống Ngài một phần trong cuộc hành trình ở Ấn Độ, nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng nói ngài rất vui mừng được gặp ông Das:
Đức Đạt Lai Lạt Ma đùa rằng: “Nhìn gường mặt của anh, tôi nhận ra rằng tôi cũng đã già lắm rồi.”
Đó là lời trao đổi đầu tiên giữa hai người. Ông Das hồi tưởng rằng ông và một số lính canh khác hộ tống Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được lệnh không được phép nói chuyện với lãnh tụ tinh thần của nhân dân Tây Tạng khi Ngài vượt biên giới vào Ấn Độ. Từ đó, họ chưa gặp lại nhau cho đến mãi bây giờ.
Sau cuộc hội kiến, ông Das nói với các nhà báo rằng ông không sao diễn tả được hết nỗi hân hoan về tình cảm ấm áp mà Đức Đạt Lai Lạt Ma dành cho ông trong cuộc gặp gỡ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma ghé qua thành phố Guwahati trên đường đến thiền viện Tawang nổi tiếng của Phật giáo ở bang Arunachal Pradesh. Ngài nói ngài cảm thấy gắn bó với vùng đất đã làm hồi sinh những ký ức về cuộc đào thoát của ngài khỏi Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại rằng khi đoàn Tây Tạng cử người đến biên giới Ấn Độ, phía Ấn Độ đã đồng ý ngay cho nhóm người tị nạn nhập cảnh.
Hãng tin Press Trust của Ấn Độ trích lời Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại câu chuyện về cuộc hành trình của Ngài như sau:
“Những ngày trước khi đặt chân tới Ấn Độ là khoảng thời gian đầy căng thẳng, mối quan tâm duy nhất là vấn đề an toàn, nhưng tôi đã trải nghiệm thế nào là tự do khi được người dân và các quan chức địa phương đón tiếp nồng hậu, và cuộc đời tôi bắt đầu một chương mới”.
Chuyến đi thăm của Đức Đạt Lai Lạt ma đến bang Arunachal Pradesh đã khiến Bắc Kinh giận dữ. Trung Quốc vẫn coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là một nhân vật đòi ly khai nguy hiểm, nước này đã mạnh mẽ phản đối kế hoạch của chính phủ Ấn Độ đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt ma ở bang Arunachal Pradesh, một bang ven biên giới nhạy cảm đang nằm dưới quyền kiểm soát của New Delhi, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Đáp lại, chính phủ Ấn Độ nói đây là một cuộc viếng thăm có mục đích tôn giáo, và không có tính cách chính trị. Đức Đạt Lai Lạt Ma miêu tả sự chống đối của Trung Quốc là chuyện “bình thường”.
http://www.voatiengviet.com/a/duc-dat-lai-lat-ma-tai-ngo-voi-nguoi-linh-bien-phong-an/3794111.html
Vấn đề Bắc Hàn và Biển Đông trong cuộc hội kiến Mỹ-Trung
Những phát biểu cứng rắn nhưng mơ hồ về Bắc Triều Tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần này làm dấy lên những đồn đoán rộng rãi rằng ông Trump có thể theo đuổi một sự thay đổi quan trọng về mặt chính sách sẽ dẫn đến một cuộc mà cả quy mô với Bắc Kinh, hoặc bắt đầu một cuộc chiến tranh phủ đầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của London hôm Chủ Nhật, ông Trump tuyên bố nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, “thì người Mỹ chúng ta sẽ giải quyết”. Ông lưu ý về “ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên” và cảnh báo rằng Bắc Kinh nếu Bắc Kinh không giúp giải quyết vấn đề Bắc Hàn đạt tiến bộ nhanh chóng về khả năng sản xuất hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, thì điều đó “không tốt cho bất cứ ai”.
Chặn lại chương trình hạt nhân của BắcTriều Tiên và ngăn không cho chính phủ của ông Kim Jong Un sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một vũ khí có khả năng tấn công vào đất liền của Hoa Kỳ, dự kiến sẽ là một vấn đề chính mà ông Trump và ông Tập sẽ mang ra thảo luận khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago của tổng thống Mỹ ở bang Florida vào ngày thứ Năm tới đây.
Ngoại Trưởng Tillerson và BTQP Mattis
Các chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tới thăm khu vực đã giúp Washington trấn an giới lãnh đạo tại Bắc Kinh, Tokyo và Seoul rằng Washington sẽ tiếp tục đặt vào hàng ưu tiên cao việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực với Bình Nhưỡng, buộc họ phải thay đổi hành vi và từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và đảm bảo an ninh.
Ngoài ra, một báo cáo an ninh quốc gia mới đây của Hoa Kỳ về chính sách Bắc Triều Tiên nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên Bắc Kinh bằng cách nhắm mục tiêu vào nhiều ngân hàng và các công ty của Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên.
Ít người nghĩ rằng trong cuộc gặp đầu tiên, ông Trump và ông Tập sẽ đạt được một bước đột phá đáng kể về vấn đề Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh từ lâu không muốn làm bất cứ điều gì gây bất ổn cho chế độ miền Bắc, bởi vì nếu có bất ổn thì hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ vượt qua biên giới vào lãnh thổ Trung Quốc.
Một số vấn đề khác cũng được đưa vào nghị trình làm việc của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, chẳng hạn như giảm thiểu các động thái quân sự có tính cách gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh hải, một ưu tiên khác là thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, một vấn đề lớn mà ông Trump đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử.
Một cuộc mặc cả lớn
Tuy nhiên xét chính quyền ông Trump luôn nhấn mạnh rằng tất cả mọi sự lựa chọn sẽ được đưa ra, không loại trừ giải pháp nào, để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, có tin đồn đoán cho rằng ông Trump có thể mưu tìm một thỏa thuận nhiều tầng lớp với ông Tập, sẽ bao gồm các vấn đề thương mại và an ninh khu vực.
Ông Bong Young-shik thuộc Viện Yonsei ở Seoul nhận định:
“Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Washington có sẵn sàng và có chịu đưa ra một số bước nhượng bộ, đủ để có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi về cơ bản những tương tác với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hay không.”
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Washington có sẵn sàng và có chịu đưa ra một số bước nhượng bộ, đủ để có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi về cơ bản những tương tác với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hay không.
Ông Bong nói có lẽ Washington sẽ cần một phần nào đó, ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Đài Loan, đồng thời hạn chế bớt những lời chỉ trích nhắm vào thành tích nhân quyền của Trung Quốc, để khích lệ nước này ra hành động quyết liệt hơn chống lại Bắc Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Time, ông Trump nói: “Thương mại là động lực” mà Mỹ sẽ sử dụng trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc.
Được hỏi về một “cuộc mặc cả lớn” trong đó Trung Quốc sẽ gây áp lực với Bình Nhưỡng để đổi lấy lời hứa của Mỹ sẽ rút quân ra khỏi bán đảo Triều Tiên, tờ báo trích lời ông Trump nói rằng: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ đứng ra giải quyết. Tôi chỉ có thể cho quý vị biết vậy thôi.”
Giải pháp quân sự
Những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump và những bình luận của các quan chức trong chính quyền của ông cũng làm dấy lên những đồn đoán rằng ông Trump có thể ủng hộ giải pháp sử dụng vũ lực để giải quyết các mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Trong chuyến viếng thăm Seoul hồi gần đây, ông Tillerson tuyên bố nếu Bắc Triều Tiên leo thang “mối đe dọa về chương trình vũ khí của họ đến mức mà chúng tôi tin là cần có hành động quân sự, thì giải pháp đó sẽ được cứu xét”.
Ông James Nolt, một nhà phân tích kinh tế chính trị quốc tế thuộc Viện Chính sách Thế giới, lo ngại rằng các giới chức có lập trường diều hâu trong chính quyền Trump có thể cứu xét việc phát động một cuộc tấn công phủ đầu để chặn Bắc Triều Tiên phóng đi một phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM), giải pháp quân sự đó được coi là một mố rủi ro có thể chấp nhận được để giữ gìn an ninh của Hoa Kỳ.
Nhà phân tích Nolt nhận định:
“Tôi nghĩ đó là một hành động có khả năng xảy ra bởi vì hành động này không nhất thiết phải giống như chiến tranh. Có thể đó là một phản ứng tương đối hợp lý trước một mối đe doạ, nhưng chắc chắn là nhìn từ quan điểm Bắc Hàn, thì hành động đó có tính cách ‘khiêu khích cao độ’.”
Nhiều người tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng một cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ không chấm dứt mối đe doạ hạt nhân vì nhiều cơ sở hạt nhân và phi đạn của nước này được giấu trong các hầm bí mật dưới lòng đất.
Và tệ hại hơn, theo các nhà phân tích, một cuộc tấn công của Mỹ có thể đẩy Trung Quốc và toàn bộ khu vực rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, có thể giết chết hàng triệu con người.
http://www.voatiengviet.com/a/van-de-bac-han-va-bien-dong-trpng-cuoc-hoi-kien-my-trung/3793958.html
Nổ ở trạm metro ở St. Petersburg, Nga
Một vụ nổ đã được xảy ra trong hệ thống xe điện metro ở thành phố St. Petersburg của Nga.
Hãng thông tấn chính thức của Nga, TASS, trích dẫn các “nguồn tin sơ khởi”, tường thuật rằng có ít nhất 10 người thiệt mạng trong vụ nổ xảy ra hôm nay, thứ Hai 3 tháng Tư.
Một nhân chứng kể thuật lại cho hãng tin Reuters rằng người này đã trông thấy ít nhất 8 xe cứu thương ở gần trạm xe metro Sennaya Ploshchad của St. Petersburg.
Một hãng tin khác là RIA Novosti, nói hình như có nhiều vụ nổ xảy ra tại hai trạm xe điện khác nhau.
3 trạm xe metro đã bị đóng cửa, theo tin của hãng tin Fontanka ở địa phương.
http://www.voatiengviet.com/a/no-o-tram-metro-o-st-petersburg-nga/3793869.html
Vụ Kim Jong-nam: Có phải Bắc Hàn thắng thế?
Tiến sỹ John Nilsson-WrightChatham House và ĐH Cambridge
Tình trạng giằng co giữa Malaysia và Bắc Hàn dường như đã chấm dứt sau khi hai bên gỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh kéo dài ba tuần nay của mình đối với công dân của nước kia.
Thế nhưng, liệu có phải Bắc Hàn thắng thế?
Xung đột ngoại giao bắt nguồn từ vụ sát hại ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Theo Malaysia, ông Kim tử vong vì chất độc thần kinh VX trong một vụ ám sát được nhiều người cho là do bảy người Bắc Hàn dàn dựng với sự thực hiện, có thể cố ý có thể không, của hai phụ nữ châu Á hiện đã bị bắt giam.
Tuy Malaysia chưa chính thức cáo buộc Bắc Hàn đứng đằng sau vụ sát hại, quá trình điều tra của họ đã bao gồm việc khám xét tử thi ông Kim cũng như yêu cầu được thẩm vấn những người Bắc Hàn bị nghi liên quan. Malaysia cũng đã gửi tài liệu về phát hiện sử dụng chất độc thuộc loại vũ khí hóa học cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học của Liên Hiệp Quốc.
Bình Nhưỡng đã bác bỏ tất cả các cáo buộc rằng Bắc Hàn đứng đằng sau vụ ám sát, đồng thời nói người thiệt mạng không phải anh cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un mà là một người khác hẳn.
Video bí ẩn của con trai Kim Jong-nam
Trước thái độ bất hợp tác của Bắc Hàn, Malaysia từ chối giao trả thi thể ông Kim còn Bình Nhưỡng trả đũa bằng cách cấm công dân Malaysia ở Bắc Hàn xuất cảnh.
Theo thỏa thuận mới đạt được hôm thứ Năm tuần trước, một số người Bắc Hàn được phép rời Malaysia về Bình Nhưỡng, nghe đồn cùng với xác của Kim Jong-nam. Đổi lại, chín người Malaysia cũng được phép hồi hương.
Tuy kết cục có hậu đối với các công dân Malaysia vừa được rời Bắc Hàn, chính phủ của Thủ tướng Najib Razak dường như đã phải nhường bước trước chiến thuật cưỡng ép của Bình Nhưỡng.
Đây không phải lần đầu tiên Bắc Hàn dùng thủ thuật này để làm đòn bẩy ngoại giao.
Toàn cảnh vụ thương lượng chưa mấy rõ ràng, có thể là chính phủ Malaysia mà tin nói đã phỏng vấn được một số nghi phạm Bắc Hàn trước khi họ trở về Bình Nhưỡng, đã có gì đó trong tay khiến Bắc Hàn phải dè chừng.
Quan hệ song phương trước vụ ám sát?
Quan hệ ngoại giao Malaysia-Bắc Hàn được thiết lập từ 1973 và hai nước có quan hệ thương mại khá phát triển.
Buôn bán hai chiều đạt 4 triệu đôla năm 2016, con số tuy nhỏ nhưng đáng kể đối với một quốc gia như Bắc Hàn, vốn không giao thương nhiều với bên ngoài.
Bắc Hàn nhập khẩu cao su, dầu cọ và dầu tinh luyện từ Malaysia, hàng trăm người Bắc Hàn làm việc trong các ngành khai mỏ và phục vụ nhà hàng ở Malaysia.
Hai nước cũng có quy chế miễn thị thực cho công dân của nhau, quy chế này hiện đã bị đình chỉ sau vụ vừa qua.
Quan trọng hơn, Malaysia lâu nay đã trở thành địa bàn tối quan trọng cho các thương vụ mua bán vũ khí bất hợp pháp của Bắc Hàn, được thực hiện qua nhiều công ty bình phong.
Một phúc trình của Liên Hiệp Quốc đã đề cập tới các hoạt động nói trên và tuy chính phủ Malaysia chưa phản hồi gì về phúc trình này, mới đây họ đã quyết định đóng cửa hai trong số các công ty bị nghi vấn.
Điều này cho thấy Bắc Hàn có thể bị trả đũa thông qua việc làm ăn và trốn lệnh trừng phạt của quốc tế.
Hiện chưa rõ liệu Malaysia có sử dụng phương cách này trong đàm phán với Bắc Hàn hay không.
Tiếp theo sẽ là gì?
Hiện tại, trong các bài phát biểu trước đại chúng của mình, Thủ tướng Najib chỉ bày tỏ hy vọng rằng “các vụ như thế này sẽ không lặp lại”. Đây là chỉ dấu rằng quan hệ ngoại giao hai bên, tuy bị ảnh hưởng, vẫn đang tiếp tục nhưng Bình Nhưỡng đang phải chịu thời gian thử thách.
Bằng chứng hiển hiện rằng Bắc Hàn tiếp tục tảng lờ các quy tắc quốc tế thông qua các vụ sát hại hay bắt bớ được nhà nước chuẩn y, đang nhắc nhở thế giới về các thách thức trong việc tìm hợp tác từ Bình Nhưỡng.
Thái độ xấu này, bên cạnh các vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn, cũng như tăng cường uy lực trước các nước láng giềng cho thấy khiêu khích một cách cố tình có thể là một phần trong chiến lược của Kim Jong-un.
Thay vì gọi lãnh đạo Bắc Hàn là “nhân vật vô lý”, như đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley, hay là “đứa trẻ béo điên rồ”, như Thượng nghị sỹ John McCain, thế giới có lẽ nên nhìn nhận thành công của Kim Jong-un trong việc quyết tâm theo đuổi lợi ích của mình.
Ai đã giết Kim Jong-nam?
Cho tới nay, bằng cách từ chối luật chơi quốc tế, Bình Nhưỡng đã đạt được những gì họ muốn.
Thách thức đặt ra trước cộng đồng quốc tế là tìm được cách thức hiệu quả để đáp lại các hành động khiêu khích và không để cho Bắc Hàn tống tiền bằng ngoại giao.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39478729
Hải quân Nam Hàn, Nhật, Mỹ tập trận chung
Một cuộc tập trận hải quân chung giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ được tiến hành từ ngày thứ hai 3 tháng tư nhằm mục đích chống lại mối đe dọa tên lửa tàu ngầm của Bắc Triều Tiên.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết tin vừa nêu vào ngày mùng 3 tháng 4, cho biết thêm cuộc tập trận kéo dài 3 ngày với sự tham gia của hơn 800 binh sĩ cùng nhiều khu trục hạm và trực thăng chống chiến tranh tàu ngầm, được diễn ra tại khu vực bờ biển phía Nam của Nam Hàn gần Nhật Bản.
Bộ Quốc Phòng Nam Hàn cũng cho biết cuộc tập trận hải quân chung giữa 3 nước đồng minh nhằm mục đích quyết tâm chống lại mối đe dọa tên lửa tàu ngầm của Bắc Hàn, kể cả tên lửa đạn đạo (SLBM).
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Bán đảo Triều Tiên sau một loạt phóng thử tên lửa do Bình Nhưỡng thực hiện và có thể đang chuẩn bị cho thêm một lần thử nghiệm nguyên tử khác; đồng thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào hôm Chủ Nhật lên tiếng Mỹ chuẩn bị đơn phương giải quyết chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn nếu Trung Quốc không sẵn sàng hợp tác.
Thủ tướng Serbia được bầu làm tổng thống ngay vòng đầu
Thủ tướng Serbia, ông Aleksandar Vucic hôm qua 02/04/2017 đã được bầu lên làm tổng thống ngay vòng bầu cử đầu tiên với 55% tổng số phiếu, khẳng định ưu thế chính trị của ông tại đất nước thuộc Nam Tư cũ. Lãnh đạo đảng cánh hữu muốn Serbia gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, trong khi vẫn dành ưu tiên cho mối quan hệ với Nga.
Từ Belgrade, thông tín viên RFI Jean-Arnault Dérens tường trình :
« Không cần phải tổ chức bầu cử vòng hai. Ông Aleksandar Vucic đã giành được chiến thắng, vượt rất xa các đối thủ. Người về thứ nhì là ông Sasa Jankovic, ứng viên dân chủ được xã hội công dân ủng hộ, chỉ đạt có 16% số phiếu.
Chưa có tổng thống nào được bầu ngay vòng đầu ở Serbia, kể từ khi ông Slobodan Milosevic lên ngôi năm 1992 đến nay. Đất nước này lại trong tình trạng chưa có tiền lệ : tổng thống tân cử Aleksandar Vucic hiện vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ thủ tướng, và lãnh đạo đảng cấp tiến đang thống lĩnh chính trường Serbia.
Ông chủ mới của Belgrade từ nay có thể theo đuổi cuộc tìm kiếm quyền lực tuyệt đối, qua việc sửa đổi Hiến pháp để chuyển Serbia sang một chế độ mà hầu như tổng thống nắm trọn mọi quyền hành. Trước mặt ông là phe đối lập đang rời rã.
Aleksandar Vucic đã khởi đầu sự nghiệp chính trị trong hàng ngũ phe dân tộc chủ nghĩa cực hữu, trong những năm tháng chiến tranh ở Nam Tư. Hiện nay ông tự cho là thân châu Âu, nhưng vài ngày trước cuộc bầu cử, ông Vucic không quên sang Matxcơva để xin triều kiến Vladimir Putin ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170403-thu-tuong-serbia-duoc-bau-lam-tong-thong-ngay-vong-dau
Hungary: Dự thảo sửa luật Giáo dục
hay cuộc chiến mới chống xã hội dân sự?
Chiều tối ngày 02/4/2017, một cuộc biểu tình lớn thu hút hàng chục ngàn người, trong đó có rất đông thanh niên, học sinh, giáo viên… đã được tổ chức tại trung tâm thủ đô Budapest phản đối dự luật của chính phủ Hungary bị coi là để triệt hạ Đại học Trung Âu (CEU, Budapest).
Đoàn người đã tuần hành qua các khu phố chính và cuối cùng, tập trung trước Nhà Quốc hội Hungary, hô các khẩu hiệu đòi “Đại học tự do, đất nước tự do”, tự do học thuật và giáo dục, và chỉ trích chính sách phi dân chủ của chính quyền, so sánh nó với Liên bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Erdogan và Putin cũng cho đóng cửa các đại học, và chúng ta không muốn Hungary cũng thuộc về cái câu lạc bộ ấy” là phát biểu của một sinh viên trẻ, và cũng là lời phản đối gay gắt trước động thái mới nhất của nội các cánh hữu Hung, khiến công luận Hung và quốc tế dậy sóng. Tường thuật của thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest.
Đại học Trung Âu, thành trì của khai phóng trong giáo dục
Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest
Ngày 28/3/2017, chính phủ Hungary đưa ra một dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học với lý do loại trừ những trường rởm cấp bằng rởm, hoạt động bất hợp pháp tại Hung, nhưng chủ định thấy rõ là nhằm vào Đại học Trung Âu (Budapest), vốn được coi là một thành lũy của tư duy độc lập.
Ngôi trường đang là tâm điểm sự chú ý của công luận Hung và quốc tế này có một lịch sử rất thú vị. Là trường ở Hungary có thứ bậc cao nhất trên thế giới, và được trang bị tốt nhất trong số các đại học tại Hungary, nhưng nó lại được coi là có trụ sở ở Mỹ, và hoạt động bằng nguồn tài trợ.
Đại học Trung Âu được thai nghén từ năm 1989 bởi một nhóm trí thức – đa phần là những thành viên xuất chúng và sáng giá của phe đối lập dân chủ, chống độc tài – với mong ước tạo dựng một đại học quốc tế hỗ trợ cho quá trình chuyển biến dân chủ tại khu vực Đông Trung Âu và Liên Xô (cũ).
Là một thủ lĩnh của nhóm đó, nhà tỷ phú Mỹ gốc Hung Soros György (George Soros) đã sáng lập Đại học Trung Âu vào năm 1991 tại Prague. Trường được chuyển sang Budapest năm 1993 và trở thành một cơ sở giáo dục đặc biệt, thu hút các giảng viên và sinh viên ưu tú từ khắp nơi trên thế giới.
Với điều kiện học tập, giảng dạy tốt nhất, cởi mở và tự do nhất, Đại học Trung Âu đặt mục tiêu đào tạo lớp trẻ sẽ trở thành nhà nghiên cứu, khoa học gia, chính khách hoặc lãnh đạo dân sự, góp phần cho sự thiết lập những xã hội mở và dân chủ, tôn trọng nhân quyền và nhà nước pháp quyền.
Có “yếu tố Soros”
Trong cuộc chiến giữa chính quyền Hungary với các tổ chức dân sự, phi chính phủ có liên quan tới Soros, và bị Budapest coi là “gián điệp nước ngoài”, “tay chân của tư bản quốc tế”, thoạt tiên Đại học Trung Âu chưa bị kéo vào cuộc, cho dù nó cũng hoạt động bằng nguồn tài chính của Quỹ Soros.
Lãnh đạo Đại học Trung Âu được coi là rất thận trọng trong phát ngôn, và không lên tiếng chỉ trích chính quyền như các tổ chức dân sự khác. Bên cạnh đó, họ cũng coi mình là một cơ sở độc lập, không phụ thuộc và không liên quan đến cá nhân Soros, nên không tỏ phản ứng gì trước chính quyền.
Tuy nhiên, trường là nơi đào tạo nên những chuyên gia thuộc hàng “tinh hoa”, có óc suy nghĩ độc lập và tư duy phê phán, nên có thể vì vậy mà Đại học trở thành cái gai trong mắt chính quyền Hungary, và đây cũng là phép thử mà nội các Orbán muốn biết, họ có thể đi xa đến đâu trong việc gây sức ép.
Dự luật do nội các Orbán đưa ra khiến sự tồn tại của các trường đại học nước ngoài tại Hungary phụ thuộc vào ý muốn của chính quyền, và có những điểm chỉ nhắm vào Đại học Trung Âu, cho dù trên nguyên tắc nó được coi là hướng vào 28 cơ sở giáo dục đại học ngoại quốc tại Hungary.
Hơn thế nữa, quyết định của chính quyền Hungary là sự can thiệp thô bạo vào quyền tự do học thuật, tự do giáo dục và đào tạo, gây ảnh hưởng rất lớn tới giáo dục khoa bảng, trớ trêu là lại diễn ra đối với cơ sở giáo dục hàng đầu tại Hungary, mà Viện Hàm lâm Khoa học nước này cũng thừa nhận.
Phản ứng dữ dội
Ngay lập tức, công luận Hung và đại diện Đại học Trung Âu hiểu ngay đây là động thái tấn công nhà trường, nhằm làm khó dễ, thậm chí có thể dẫn tới việc đóng cửa trường dài hoặc ngắn hạn, đã làm dấy lên một làn sóng bất bình lớn và lan tỏa không chỉ trong nội bộ nhà trường và giới giáo dục.
Hiệu trưởng nhà trường cho hay ông đang vận động sự ủng hộ của chính giới Hoa Kỳ – nếu cần, ông sẽ “kêu cứu” tới Tổng thống Mỹ – và kêu gọi công luận “cứu trường“. Nhiều khoa tại các đại học ở Hungary (trong đó có Đại học Tổng hợp Budapest ELTE) đã đứng cạnh Đại học Trung Âu.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Budapest và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lập tức bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và lên tiếng bảo vệ tự do học thuật. Lần lượt, 14 nhà khoa học được Giải Nobel và sau đó, 119 nhà nghiên cứu xã hội và sử gia nổi tiếng cũng đã ký thư ngỏ phản đối gửi lên chính quyền Hungary.
Đặc biệt, tờ “Bưu điện Washington” đã có xã luận riêng về vấn đề này, nhấn mạnh rằng một cơ sở giáo dục như Đại học Trung Âu có vai trò rất quan trọng tại một quốc gia vừa thoát khỏi cảnh độc tài. Cách hành xử của Hung với các tổ chức dân sự bị coi là không khác gì Thổ, Trung Quốc hay Nga.
“Hình như Thủ tướng Hungary đã quên bài học?”, bài viết đặt câu hỏi, bởi lẽ thời thanh niên chính ông Orbán đã được nhận học bổng Soros để theo học tại Oxford, và thời đó, Hung có được sự chuyển đổi thể chế chính vì người dân mong mỏi tự do, đó cũng là mục đích của Đại học Trung Âu.
Trận chiến nhằm vào những tiếng nói độc lập
Hiếm có quyết định nào trong số chuỗi hành xử bê bối của nội các Hungary những năm gần đây lại gây ầm ĩ đến thế, như trong dịp này. Ngay nội bộ đảng cầm quyền và giới trí thức bảo thủ cánh hữu, cũng có những người phản đối việc “tận diệt” Đại học Trung Âu bằng công cụ hành chính và pháp luật.
Thay vì đối thoại và tranh luận, việc vô hiệu hóa Đại học Trung Âu – một trong những cánh cửa mở ra cho nước Hung vào thế giới – là điều nhục nhã, đi ngược lại tự do lương tâm – đó là ý kiến một trí thức có uy tín, và Viện Hàn lâm Khoa học Hungary cũng đứng về phía trường trong xung đột này.
Một tiến sĩ kinh tế, giảng viên đại học Trung Âu nhận xét rằng một quyết định như thế, nếu được Quốc Hội Hungary thông qua, “về căn bản sẽ chôn vùi sự độc lập của nhà trường, của hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, ở mức độ mà lần cuối cùng chúng ta được thấy là trước năm 1989”.
Theo nhiều nhận định, cuộc chiến mà chính quyền Hung khơi ra với Đại học Trung Âu, dù tưởng chừng là vô lý, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ xung đột giữa chính quyền và xã hội dân sự cùng những tiếng nói độc lập trên địa hạt giáo dục đào tạo, những tư tưởng, sự tranh luận tự do và dân chủ.
“Bằng cách đó, họ khai tử bất cứ sự cọ sát nào của những tư tưởng và những suy nghĩ. Bằng cách đó, họ chấm dứt khoảng không gian cho những tranh luận khoa học về xã hội, về nhà nước và con người” – đó là quan điểm của nhóm tổ chức biểu tính ngày hôm qua, khi bày tỏ thái độ phản kháng.
Có thể đi xa tới đâu?
Là một quyết định mang tính chính trị, cuộc tấn công nhằm vào Đại học Trung Âu có thể có nhiều đáp án khác nhau, theo nhận định của truyền thông Hungary, và những yếu tố luật pháp nhiêu khê không nhất thiết dẫn tới việc đóng cửa trường, cho dù nó thể hiện tính thượng phong của chính phủ.
Không loại trừ khả năng dự luật mới nếu được Quốc hội thông qua cũng sẽ không “qua mặt” được Tòa Bảo hiến Hungary, hoặc Tòa án Nhân quyền Châu Âu Strasbourg, vì có nhiều yếu tố cho thấy nó là sự phân biệt đối xử đối với Đại học Trung Âu, và Liên Âu cũng rất quan tâm tới hồ sơ này.
Dụng ý của nội các Orbán có thể là càng làm to chuyện càng tốt khi gây nên bê bối này. Bởi lẽ, chính quyền luôn cần một địch thủ, một kẻ thù để chứng tỏ sự can trường của mình, và sau Brussels thì Soros, Đại học Trung Âu và hơn thế nữa, Hoa Kỳ và giới khoa học là những đối thủ tiềm năng.
Chính phủ Hung không có mạo hiểm gì quá lớn trong cuộc chiến này theo ý kiến của một số nhà phân tích, vì họ có thể rút lui trong phút cuối mà cũng không quá “mất mặt“, như nhiều ví dụ trong thời gian qua. Đại học Trung Âu cũng có thể chuyển đi nước khác, vì nhiều nơi đã sẵn sàng tiếp nhận.
Cái mất, “chỉ” là nền giáo dục Hungary, xã hội dân sự Hung, và tự do học thuật của nước này, và tới giờ, dù chưa ngã ngũ, nhưng những hậu quả của cuộc chiến đã có thể thấy được. Uy tín của Hungary cũng phải chịu những đòn nặng nề, hoàn toàn không xứng với hình ảnh văn hóa và hiền hòa của đất nước này…
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170403-hungary-du-thao-sua-luat-giao-duc-xa-hoi-dan-su
Bầu cử tổng thống Ecuador :
Ứng viên cánh tả Lenin Moreno chiến thắng khít khao
Tại Ecuador, ứng cử viên của liên minh cánh tả là Lenin Moreno hôm nay chính thức giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tống thống hôm qua 02/04/2017 với tỉ số khít khao, sau khi các cuộc thăm dò cho những kết quả trái ngược gây ra một số vụ đụng độ giữa những người ủng hộ đôi bên.
Ứng viên ôn hòa của Alliance Pais (Liên minh Tổ quốc) đạt được 51,12% tổng số phiếu. Như vậy ông Lenin Moreno, 64 tuổi, bị liệt hai chân sau một vụ tấn công vũ trang năm 1998, sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Ecuador di chuyển bằng xe lăn. Ứng cử viên cánh hữu Guillermo Lasso của phong trào Creo (Tạo ra cơ hội), 61 tuổi cho biết sẽ phản đối kết quả nếu thấy có dấu hiệu gian lận.
Từ Quito, thông tín viên RFI Eric Samson tường thuật chi tiết :
« Trong vài tiếng đồng hồ, người dân Ecuador đã trải qua nhiều cảm xúc trái ngược lẫn nhau. Một cuộc thăm dò cho biết ông Guillermo Lasso cao hơn 6 điểm, nên ông nhanh chóng tuyên bố chiến thắng. Những người ủng hộ ông bèn nhanh chóng ăn mừng trên các đường phố Ecuador, cho đến lúc kết quả chính thức sau khi kiểm 94% số phiếu được công bố, làm thay đổi cục diện. Tại Quito, đến lượt ứng cử viên cánh tả Lenin Moreno tuyên bố giành thắng lợi.
Ông nói : « Cuộc cách mạng tiếp diễn, chắc chắn là sẽ tiếp diễn, nhưng phương pháp sẽ thay đổi. Chúng ta bước vào một thời kỳ mà xung đột sẽ giảm xuống, một thời kỳ nhiều khoan dung hơn. Chúng ta có những con số hoàn toàn được khẳng định các đồng chí ạ, ta đã thắng trong kỳ bầu cử tổng thống này ».
Sự việc trở nên phức tạp hơn khi vào cuối buổi tối, tổ chức Tham dự Công dân loan báo một cuộc kiểm đếm nhanh 99,3% số phiếu cho thấy hai ứng cử viên gần như thủ hòa với tỉ lệ cách biệt chỉ có 0,6%. Tại Guayaquil, thành phố lớn nhất nước, các vụ đụng độ xảy ra trên con đường gần Ủy ban bầu cử quốc gia trong khi ở thủ đô Quito, những người ủng hộ ông Lenin Moreno mừng chiến thắng trước trụ sở của đảng Liên minh Tổ quốc ».
Chiến thắng của ông Lenin Moreno, người sẽ duy trì mục tiêu « chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 » của tổng thống tiền nhiệm Rafael Correa, sẽ tăng thêm sức mạnh cho cánh tả châu Mỹ la-tinh, vốn đang suy sụp sau khi Achentina, Brazil và Pêru ngã sang cánh hữu. Người sáng lập WikeLeaks, Julian Assange cũng có thể thở phào nhẹ nhõm, vì ông Guillermo Lasso tuyên bố nếu đắc cử sẽ không để cho ông Assange tiếp tục tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn, nơi ông nương náu từ tháng 6/2012 đến nay.
Tân tổng thống của đất nước dầu lửa đang nợ nần sẽ phải đối đầu với tình hình kinh tế sa sút và sự chống đối của phe đối lập bị thua sát nút. Nhà kinh tế, tổng thống mãn nhiệm Rafael Correa dự định sẽ sang quê vợ ở Bỉ sinh sống và giảng dạy, đã dùng nguồn lợi dầu lửa để hiện đại hóa Ecuador và giảm bớt bất bình đẳng xã hội, nhưng ông bị trách cứ là đã quá lãng phí và thường xuyên kình địch với giới kinh doanh, truyền thông, các tập đoàn đa quốc gia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170403-bau-cu-tong-thong-ecuador-lenin-moreno-qt
Canada: Bị phản đối,
hãng Bombardier hoãn tăng lương cho các lãnh đạo
Lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia Bombardier, chuyên về lĩnh vực hàng không-không gian và giao thông, đã buộc phải thay đổi ý kiến. Quyết định tăng 50% mức lương (32,6 triệu đô la Mỹ) cho sáu lãnh đạo đã làm cho người dân Québec phẫn nộ. Bất chấp sự nhượng bộ của lãnh đạo tập đoàn, hôm qua, 02/04/2017, một cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm người đã diễn ra trước trụ sở của Bombardier.
Từ Montréal, thông tín viên RFI, Pascale Guéricolas, giải thích :
“Ban lãnh đạo hãng Bombardier đành phải hoãn đến năm 2020 việc tăng 50% lương cho nhiều lãnh đạo cấp cao. Đây là thời gian cần thiết để xác định xem liệu doanh nghiệp chuyên về giao thông này lại làm ăn có lãi hay không.
Năm ngoái, doanh nghiệp này trong lúc gặp khó khăn lớn về tài chính, đã thông báo sa thải 4.000 lao động tại Québec. Chính phủ đã phải trợ cấp cho tập đoàn hơn một tỷ đô la, bằng cách cắt giảm nhiều dịch vụ công như giáo dục chẳng hạn.
Khi hay tin là ban lãnh đạo Bombardier bất chấp tất cả muốn dành một khoản ngân sách nhiều triệu đô la để tự tăng lương cho họ, một nữ giáo viên tham gia cuộc biểu tình trước trụ sở hãng Bombardier bày tỏ sự bất bình. Cô nói : Tôi nghĩ là những người này đang sống trên một hành tinh khác. Họ chỉ biết đến lợi nhuận và không thèm quan tâm đến những chuyện khác.
Người dân Québec đều phẫn nộ trước quyết định tăng lương cho các lãnh đạo cao cấp của Bombardier. Myriam Verreault, người đã đưa ra trên Facebook ý tưởng biểu tình ở Montreal, lấy làm thắc mắc làm thế nào các công dân có thể cảm thấy an tâm rằng trợ giúp của Nhà nước cho doanh nghiệp được sử dụng một cách có trách nhiệm nhất.
Cô nêu câu hỏi : Nếu người ta dùng tiền của dân để đầu tư vào một doanh nghiệp tư nhân thì các bảo đảm là gì ? Liệu có hoàn vốn đầu tư hay không ? Liệu những vị lãnh đạo của doanh nghiệp có lấy tiền rồi biến mất luôn hay không ?
Hôm nay, Bombardier trấn an là các lãnh đạo của tập đoàn sẽ phải đạt được các mục tiêu cụ thể trong việc vực dậy doanh nghiệp thì mới tính đến việc cải thiện mức lương của họ.“
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170403-canada-bombardier-tang-luong-lanh-dao-qt
Vụ người Hoa bị bắn chết: 6000 người biểu tình tại Paris
Theo cảnh sát Pháp, hôm qua 02/04/2017 đã có 6.000 người biểu tình tại Paris phản đối việc một người Hoa bị cảnh sát bắn chết, và đã xảy ra một số vụ đụng độ.
Những người biểu tình cầm biểu ngữ đòi công lý và phản đối bạo lực, cầm hoa hồng trắng, tập hợp tại quảng trường République chiều qua theo lời kêu gọi của nhiều hiệp hội trong cộng đồng người Hoa. Họ dành một phút mặc niệm dưới bức tượng lớn ở quảng trường, nơi có căng khẩu hiệu « Cảnh sát giết người, chúng tôi cần công lý » và tấm ảnh của Lưu Thiếu Nghiêu (Liu Shaoyao), người đàn ông Trung Quốc 56 tuổi bị cảnh sát bắn chết tại nhà ở quận 19 hôm 26/3.
Cũng như những vụ xuống đường được tổ chức trong tuần qua liên quan đến sự kiện này, các vụ xô xát đã xảy ra. Những người biểu tình trẻ tuổi hoặc trung niên, không chỉ là người châu Á, đã ném đủ loại chai lọ, hoa quả hoặc trứng vào lực lượng an ninh. Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay trong vụ đụng độ kéo dài trên một tiếng đồng hồ.
Theo Sở Cảnh sát Paris, hôm đó một người hàng xóm đã gọi điện báo động việc một người đàn ông cầm dao lảng vảng trong khu nhà. Khi nhân viên công lực đến nơi, họ nghe thấy tiếng kêu khóc bên trong nhà, nên đã phá cửa. Lưu Thiếu Nghiêu đã dùng kéo tấn công khiến một cảnh sát bị thương, và còn toan đâm tiếp nên một cảnh sát khác đã phải nổ súng. Ngược lại luật sư của gia đình ông Lưu nói rằng ông không tấn công ai, và ông cầm kéo vì đang làm cá. Tờ Libération hôm 28/3 dẫn lời một số người láng giềng cho biết Lưu Thiếu Nghiêu có vấn đề về tâm thần.
Bắc Kinh đã nhanh chóng yêu cầu làm rõ sự việc. Giám đốc Sở Cảnh sát Paris trong cuộc gặp đại sứ Trung Quốc hôm thứ Bảy 01/4 nhấn mạnh dành ưu tiên cho việc bảo vệ an ninh cộng đồng châu Á. Cơ quan thanh tra cảnh sát (IGPN) đã mở điều tra.
Tờ Le Parisien tuần trước tiết lộ một báo cáo của cơ quan phản gián Pháp (DGSI) cho biết có những thành viên mafia người Hoa tác động trong các vụ biểu tình để gia tăng ảnh hưởng lên cộng đồng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170403-vu-nguoi-hoa-bi-ban-chet-6000-nguoi-bieu-tinh-tai-paris