Tin khắp nơi – 03/03/2018
Người Philippines vẫn tin Mỹ hơn Trung Quốc
Phủ Tổng thống Philippines cho biết Trung Quốc sẽ phải chứng tỏ xem liệu họ có phải là một người bạn “đáng tin cậy” của Philippines hay không, sau khi một cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Philippines có lòng tin vào Hoa Kỳ hơn, theo đài ABS-CBN.
Người dân Philippines tin tưởng vào Hoa kỳ nhất, với +68 điểm, trong khi Trung Quốc chỉ được +7.
Tuy vậy, điều đó không phản ánh mối quan hệ nồng ấm giữa hai chính quyền Manila và Bắc Kinh.
Hôm 2/3, Phủ Tổng thống Malacanang vừa tuyên bố xác định hai khu vực trên Biển Đông mà Philippines và Trung Quốc có thể khai thác dầu và khí đốt.
ASEAN tránh đụng TQ trên bầu trời Biển Đông?
Đánh bắt cá ‘vẫn tiếp tục’ sau sự cố tràn dầu biển Hoa Đông
Biển Đông: vì sao Trung Quốc ‘phủ đầu’ ngay đầu năm?
Tổng thống Rodrigez Duterte trước đó gọi sự hợp tác chung này “giống như việc đồng sở hữu” khiến nhiều nhà phê bình chỉ trích là vi hiến.
Người Philippines vẫn tin Mỹ hơn Trung Quốc
Một cuộc khảo sát vào tháng 12, 2017 cho thấy 75% người Philippines nói rằng họ “có lòng tin” ở Hoa Kỳ hơn so với 14 quốc gia khác trong cuộc thăm dò, theo sau là Canada và Nhật Bản.
Kết quả cuộc khảo sát do SWS, một tổ chức nghiên cứu xã hội độc lập tiến hành vào hồi tháng 12 không gây ngạc nhiên vì Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn luôn là đồng minh lâu năm của Philippines.
Kể từ khi nước này lần đầu tiên được tổ chức các cuộc thăm dò từ 1994, Hoa Kỳ luôn luôn có một kết quả tích cực.
Tuy nhiên, mối quan hệ hữu nghị của Philippines với Trung Quốc đã ấm nồng lên dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, sau nhiều năm tranh chấp gay gắt trên Biển Đông.
Xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc đã tăng lên từ cấp độ âm đến trung lập, tăng 20 điểm so với mức -13 điểm vào tháng 9, 2017.
Dù vậy đa số người Philippines tham gia cuộc khảo sát cho biết họ cảm thấy “trung lập” về Trung Quốc.
Các quốc gia khác mà người dân Philippines tin cậy hơn là các nước láng giềng trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Brunei và Việt Nam.
Philippines xác định khu vực khai thác chung với TQ
Philippines vừa xác định hai khu vực trên Biển Đông để khai thác dầu và khí đốt chung với Trung Quốc, Reuters đưa tin hôm 2/3.
Một trong hai khu vực đó là Bãi Cỏ Rong, hay còn gọi là Reed Bank, là khu tranh chấp mà vào 2016, Toà án trọng tài thường trực The Hague đã công nhận thuộc khu đặc quyền kinh tế của Philippines, đồng thời phủ quyết các tuyên bố chủ quyền khác của Trung Quốc.
Phát ngôn viên của Tổng thống, Harry Roque nói cuộc thăm dò chung sẽ cho phép Philippines được hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên trong khu vực mà không cần giải quyết tranh chấp.
Hôm 2/3, hai nước vừa đồng ý thành lập một ủy ban đặc biệt để tìm hiểu làm sao hai bên có thể cùng khai thác một phần trong vùng tranh chấp mà không cần giải quyết vấn đề chủ quyền.
Manila phản đối TQ ‘quân sự hóa’ Đá Chữ Thập
USS Carl Vinson tới Đà Nẵng: ‘Bước đi chiến lược’
Từ Biển Đông đến Một Vành đai của TQ
Nhưng trước đó ông Duterte lại nói việc thăm dò năng lượng ở Biển Đông khu vực Tây Phi là “giống như việc đồng sở hữu, giống như cả hai bên sẽ cùng sở hữu nó.”
Tuyên bố này của ông khiến nhiều nhà lập pháp lo ngại.
Tuy nhiên Theo tờ Daily Inquirer của Philippines, Phủ Tổng thống Malacanang vẫn tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào giữa Manila và Bắc Kinh về thăm dò năng lượng ở Biển Đông khu vực Tây Phi không có nghĩa là Philippines công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Phát ngôn viên của Phủ Tổng Thống lập luận rằng Tòa án tối cao đã phán quyết rằng Philippines có thể tham gia vào thăm dò và khai thác chung với các quốc gia khác miễn tuân theo Hiến pháp và được thực hiện theo một văn bản thỏa thuận được Tổng thống ký kết và đệ trình lên Quốc hội.
Vì Reed Bank vẫn đang bị tranh chấp, Roque nói rằng “phải có một thỏa thuận trước khi hai nước có thể tiến hành thăm dò chung”.
Trước đó hôm 19/2, vị Tổng thống Philippines cũng buông một ‘câu đùa’ gây shock: “Nếu quý vị muốn, quý vị có thể biến chúng tôi trở thành một tỉnh như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines, nước Cộng hòa Trung Hoa”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43268374
Delta Airlines xem xét quan hệ
với tất cả các nhóm gây chia rẽ chính trị
New York, New York. (CBS) – Giám đốc điều hành hãng Delta Airlines cho biết, trong bản ghi nhớ gởi tới nhân viên vào ngày hôm qua 2 tháng 3, hãng hàng không đang xem xét quan hệ với tất cả các nhóm chia rẽ về mặt chính trị.
Tuần qua, Delta quyết định cắt quan hệ với Hiệp Hội Súng Quốc Gia NRA. Trong bản ghi nhớ gởi tới nhân viên, được đăng tải trên trang mạng của hãng, Delta nhắc tới tranh cãi cả tuần qua, xoay quanh quyết của họ vào tuần trước là không giảm giá cho các thành viên của NRA, sau vụ thảm sát ngày 14 tháng 2, làm 17 người bị thiệt mạng tại trường trung học ở Florida. Vụ thảm sát tái châm ngòi cho cuộc tranh luận kéo dài trên toàn quốc về luật sở hữu súng.
Giám đốc điều hành Ed Bastian viết trong bản ghi nhớ rằng phúc lợi giảm giá du hành cho các thành viên của NRA được coi là Delta ngầm ủng hộ NRA. Thực tế không phải như vậy. Hãng đang xem xét việc chấm dứt giảm giá theo nhóm cho mọi nhóm chia rẽ về mặt chính trị.
Kể từ khi công bố quyết định chấm dứt quan hệ với NRA, Delta đối mặt với lời kêu gọi tẩy chay từ các thành viên của nhóm quyền sở hữu súng đầy quyền lực. Các viên chức tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa tại Georgia hôm Thứ Năm quyết định xóa bỏ chương trình giảm thuế giúp cho Delta Airlines tiết kiệm gần 40 triệu Mỹ Kim tiền nhiên liệu mỗi năm. (Nguyên Trân)
https://www.sbtn.tv/delta-airlines-xem-xet-quan-he-voi-tat-ca-cac-nhom-gay-chia-re-chinh-tri/
Bão tấn công vùng Đông Bắc, ít nhất 5 người bị thiệt mạng
Boston, Massachusetts. (CBS) – Một trận bão mạnh tấn công vùng Đông Bắc Hoa Kỳ vào hôm Thứ Sáu 2 tháng 3, làm ít nhất 5 người bị thiệt mạng, với sức gió lên tới 80 dặm một giờ.
Nhiều con đường ở Boston bị ngập nước, dịch vụ hàng không và tàu bị ngưng trên toàn khu vực. Gần 1.7 triệu căn nhà và thương nghiệp bị mất điện tại vùng Đông Bắc và Trung Tây, khi bão đổ vào bờ biển phía Đông từ Virginia tới Maine. Văn phòng thống đốc tại Washington đóng cửa, khi gió giật tới hơn 60 dặm một giờ tại thủ đô Hoa Kỳ. Lũ lụt vào lúc triều cao đẩy nước biển vào đường phố vên biển Boston.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay khu vực này bị lũ lụt. Gió giật lên tới 70 dặm một giờ khiến cây đổ, dây điện bị đứt. Nước rút vào chiều qua, nhưng Nha Khí Tượng Quốc Gia cho biết Boston có thể phải đối mặt với một trận lũ lụt khác, với thủy triều lên tới mức cao kỷ lục vào nửa đêm. Tuyết và mưa dự đoán giảm dần trong ngày hôm nay, khi bầu trời trong hơn. Gió dự trù cũng giảm trong ngày hôm nay, khi hệ thống bão ngoài khơi lánh xa.
Thống đốc tiểu bang Virgnia, ông Ralph Northam tuyên bố tình trạng khẩn cấp, phân bổ trợ giúp tiểu bang tới những cộng đồng bị ảnh hưởng của gió mạnh. (Nguyên Trân)
https://www.sbtn.tv/bao-tan-cong-vung-dong-bac-it-nhat-5-nguoi-bi-thiet-mang/
Đức Hồng Y George Pell ở Vatican về Úc hầu tòa
vì cáo buộc lạm dụng tình dục
Sydney, Úc. (Reuters) – Đức Hồng Y George Pell là một thủ quỹ của tòa thánh Vatican, sẽ phải có mặt tại một tòa án ở Úc trong ngày Thứ Hai 5 tháng 3, để bắt đầu cho phiên xét xử kéo dài 4 tuần về những cáo buộc mà cảnh sát gọi là “lạm dụng tình dục mang tính lịch sử”.
Ông Pell phủ nhận cáo buộc trên và nói rằng ông sẽ không nhận tội. Ông Pell không bắt buộc phải đưa ra lời bào chữa chính thức, cho tới khi một thẩm phán xác định rằng cần có nguyên nhân nào cho một phiên xử đầy đủ hay không. Trong thời gian này, ông Pell gọi những cáo buộc này là “chiến dịch bôi nhọ nhục nhã”.
Theo hồ sơ của BBC, đây là phiên xử sơ bộ có liên quan tới một loạt cáo buộc lạm dụng tình dục được cho là xảy ra cách đây nhiều thập niên, khi ông Pell còn là linh mục cấp cao ở Úc. Chi tiết về các cáo buộc không được công khai, nhưng cảnh sát Úc cho biết các cáo buộc có liên quan tới “nhiều nguyên đơn”.
Tháng 10 năm ngoái, Reuters cũng có bài viết về phiên tòa xử ông Pell tại Úc vào tháng 3 năm 2018.
Là cố vấn cao cấp của Đức Giáo Hoàng Francis, sự việc về ông Pell vỡ lở khiến Đức Giáo Hoàng lâm vào tình thế khó xử. Vì sau khi nhậm chức năm 2013, Ngài lập ra một ủy ban để giải quyết các cáo buộc lạm dụng tình dục trong nhà thờ. Giờ đây, một trong những cố vấn gần gũi nhất của Ngài lại bị cáo buộc. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/duc-hong-y-george-pell-o-vatican-ve-uc-hau-toa-vi-cao-buoc-lam-dung-tinh-duc/
Cuộc đàm phán NAFTA bị đe dọa
vì nỗi lo chiến tranh thương mại của tổng thống Trump
Mexico City, Mexico. (Reuters) – Lời đe dọa của Tổng Thống Trump về cuộc chiến tranh thương mại thép làm giảm bớt mọi hy vọng về các cuộc tái đàm phán NAFTA, đẩy các nhà đàm phán của ba nước Mỹ, Canada và Mexico vào vòng xoáy chính trị, từ đó làm tăng mối lo ngại cho tương lai của thỏa thuận này.
Cách đây hai ngày, tổng thống Trump cho biết có kế hoạch áp đặt mức thuế 25% cho thép nhập cảng, và 10% cho nhôm nhập cảng. Hôm qua, tổng thống Trump nhắn tin trên Twitter, gọi cuộc chiến thương mại là “rất tốt và dễ dàng chiến thắng”.
Tin nhắn trên đã phủ cái bóng mờ xuống các cuộc tái đàm phán mới nhất, đã bị gián đoạn nhiều lần vì sự ra đi của viên chức Hoa Kỳ có nhiệm vụ giải quyết các quy định cho việc mua bán xe hơi. Sau cuộc gặp với Steve Verheul là trưởng đoàn đàm phán Canada, Jerry Dias là người đứng đầu nghiệp đoàn tư nhân Unifor cho biết mối đe dọa mới nhất của ông Trump cho chiến lược “America First”, ngay lập tức làm ngưng trệ các cuộc đàm phán.
Hiện nay vẫn chưa rõ mức thuế nhập cảng mới có áp dụng cho các đối tác của Hoa Kỳ theo thỏa thuận NAFTA hay không. Theo Reuters, thỏa thuận thương mại này mang lại doanh số chung hàng năm cho cả ba bên là hơn 1 ngàn tỷ Mỹ Kim. Canada là quốc gia cung cấp thép và nhôm lớn nhất tới Hoa Kỳ, nhanh chóng lên tiếng cam kết rằng họ trả đũa nếu thấy cần thiết. (Mai Đức)
Trung Cộng cảnh cáo Đài Loan “chớ đùa với lửa”
khi Hoa Kỳ ra đạo luật mới
Bắc Kinh, Trung Cộng (Reuters).- Hôm nay 2 tháng 3, Trung Cộng lên tiếng cảnh cáo Đài Loan chớ dựa vào ngoại quốc, đồng thời đe doạ sẽ tấn công Đài Loan nếu Hoa Kỳ ban hành luật thắt chặt bang giao với chính phủ Đài Bắc.
Một đạo luật mới đã được lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ thông qua, chỉ cần tổng thống Trump ký tên ban hành để trở thành chính sách. Đạo luật cho phép giới chức mọi cấp của Hoa Kỳ sang Đài Loan để gặp gỡ các nhân vật hợp tác. Đạo luật này cũng đồng thời cho phép các viên chức cao cấp của Đài Loan nhập cảnh để gặp gỡ giới chức Hoa Kỳ.
Văn phòng Đài Loan Vụ của Trung Cộng cho rằng đạo luật này vi phạm trầm trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa. Nhật báo China Daily đăng bài xã luận với lời lẽ gay gắt, nói rằng đạo luật này chỉ nhằm khuyến khích tổng thống Thái Anh Văn tiếp tục khẳng định chủ quyền của Đài Loan.
Trung Cộng nghi ngờ bà Thái muốn đòi độc lập cho Đài Loan, vượt khỏi lằn ranh hạn chế của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, mặc dù tổng thống Đài Loan nói rằng bà chỉ muốn duy trì hiện trạng, và cam kết theo đuổi hoà bình.
Tuyên bố tại cuộc họp báo diễn ra ở Đài Bắc hôm nay, thủ tướng Đài Loan William Lai hoan nghênh đạo luật của Hoa Kỳ mới ban hành, và nói rằng Hoa Kỳ là đồng minh mạnh của Đài Loan.
Hoa Kỳ không thiết lập bang giao chính thức với Đài Loan nhưng là nhà cung cấp vũ khí chính và đang thi hành điều cam kết có tính chất ràng buộc phải giúp Đài Loan tự vệ trước mọi cuộc tấn công của Bắc Kinh. (Song Châu)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-canh-cao-dai-loan-cho-dua-voi-lua-khi-hoa-ky-ra-dao-luat-moi/
Mỹ cắt giảm vĩnh viễn nhân sự đại sứ quán ở Cuba
Mỹ ngày 2/3 loan báo đã quyết định cắt giảm vĩnh viễn khoảng hai phần ba số nhân viên tại đại sứ quán Mỹ ở Havana vì một loạt các vụ việc được cho là liên quan tới sức khỏe của các nhà ngoại giao vẫn chưa được giải quyết.
Quyết định này phủ bóng đen lên quan hệ giữa Mỹ và Cuba và hạn chế khả năng của Mỹ đóng một vai trò trong xã hội dân sự của hòn đảo theo chủ nghĩa cộng sản này trong khi Cuba sau gần 60 năm chuẩn bị có một chủ tịch đầu tiên không thuộc dòng họ Castro.
Quyết định của Mỹ cũng sẽ gây tổn hại tới các gia đình Mỹ gốc Cuba bị chia cắt bởi Eo biển Florida, những người đã chật vật để xin visa đi thăm nhau qua lại kể từ khi Mỹ lần đầu tiên cắt giảm nhân viên đại sứ quán vào tháng 9 do “những vụ tấn công” mà Mỹ nói đã khiến hơn hai chục nhân viên bị mất thính lực, chóng mặt và mệt mỏi.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng trục xuất 17 nhà ngoại giao Cuba trú tại Mỹ.
Theo luật, Bộ Ngoại giao phải quyết định có gửi các nhà ngoại giao trở lại sáu tháng sau khi ra lệnh cho họ rời đi hay không, và hạn chót cho quyết định đó là cuối tuần này.
“Đại sứ quán sẽ tiếp tục hoạt động với số nhân viên tối thiểu cần thiết để thực hiện các chức năng ngoại giao và lãnh sự cốt lõi, tương tự như mức độ nhân viên khẩn cấp được duy trì trong lúc nhân viên rời đi theo lệnh,” Bộ Ngoại giao cho biết trong một thông cáo.
Đại sứ quán bây giờ sẽ hoạt động như một cơ sở không người túc trực, Bộ nói. Điều này có nghĩa là các nhà ngoại giao sẽ không được phép dọn đến ở đó với người nhà của mình.
Bộ cũng tiếp tục duy trì cảnh báo du hành Cuba hôm thứ Sáu, nói rằng du khách Mỹ có thể có nguy cơ bị “tấn công sức khỏe” một cách bí ẩn. Đây là một đòn giáng cho các công ty lữ hành của Mỹ lẫn khu vực tư nhân non trẻ của Cuba vốn đã hưởng lợi nhờ các chuyến thăm từ Mỹ tăng mạnh.
Cuba và một số nhà phân tích nói rằng chính quyền Đảng Cộng hòa của ông Trump đang sử dụng các vụ việc được cho là liên quan tới sức khỏe để biện minh cho việc xóa bỏ chính sách hòa hoãn được khởi sự vào năm 2014 bởi cựu Tổng thống Đảng Dân chủ Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Cuba, nước đang tiến hành cuộc điều tra của riêng mình trong vụ này, nói rằng không có bằng chứng cho thấy có bất kỳ vụ tấn công nào. Mỹ vẫn chưa cáo buộc Cuba gây ra những vụ việc này, nhưng bắt Cuba chịu trách nhiệm bảo đảm sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ.
Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ vẫn chưa có “câu trả lời dứt khoát về nguồn gốc hay căn nguyên của những vụ tấn công” và một cuộc điều tra đang được tiến hành.
https://www.voatiengviet.com/a/my-cat-giam-vinh-vien-nhan-su-dai-su-quan-o-cuba/4278364.html
Tổng giám đốc WTO ra cảnh báo hiếm hoi
về kế hoạch áp thuế của Mỹ
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo hôm thứ Sáu bày tỏ lo ngại về kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm, cho thấy một sự can thiệp cực kỳ hiếm hoi vào chính sách thương mại của một nước thành viên WTO.
“WTO rõ ràng lo ngại về việc Mỹ loan báo kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm. Khả năng leo thang là thật, như chúng ta đã thấy từ những phản ứng ban đầu của các nước khác,” ông nói trong một phát biểu ngắn ngủi mà WTO công bố.
“Một cuộc chiến tranh thương mại không có lợi cho bất cứ ai. WTO sẽ theo dõi sát tình hình.”
Ông Trump hôm thứ Sáu lên giọng thách thức, nói rằng chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thắng, sau khi kế hoạch của ông áp thuế 25 và 10 phần trăm lên thép và nhôm nhập khẩu khơi ra chỉ trích toàn cầu và khiến thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm.
Kế hoạch này đã bị chỉ trích trong một ủy ban của WTO vào tháng 6 năm ngoái, và đã khơi lên sự phẫn nộ của quốc tế kể từ khi ông Trump xác nhận ông dự định xúc tiến trong tuần này.
Ông Azevedo, người từng là nhà đàm phán thương mại của Brazil, bình thường phát biểu hết sức tế nhị và tránh chỉ trích bất kỳ thành viên nào của WTO. Ông nói việc các nước thành viên có sử dụng các quy định và hệ thống dàn xếp tranh chấp của WTO để giải quyết vấn đề hay không là tùy thuộc ở họ.
Nhưng kế hoạch áp thuế của ông Trump được xem là mối đe dọa tiềm năng đối với chính hệ thống này, vì nó dựa trên tuyên bố về “an ninh quốc gia,” một lĩnh vực được miễn áp dụng các qui định của WTO.
Các nước thành viên WTO lâu nay tránh viện dẫn an ninh quốc gia vì sợ rằng nó có thể tạo ra một điều khoản miễn áp dụng những qui định vốn đã giúp quản lý thương mại của thế giới suốt gần một phần tư thế kỉ.
Nếu việc sử dụng ngoại lệ an ninh quốc gia lan rộng, các tranh chấp thương mại tiềm năng khác mà trong đó nó có thể được sử dụng bao gồm tranh cãi về luật an ninh mạng của Trung Quốc và trong cuộc chiến tranh kinh tế giữa Nga và Ukraine.
Nguy cơ “an ninh quốc gia” trở thành một biện pháp phòng vệ thường xuyên chỉ là một trong những nguy cơ mà WTO đang phải đối mặt. WTO đã cố gắng cập nhật các quy định của mình kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1995.
WTO cũng đối mặt với nguy cơ Mỹ phủ quyết những người được bổ nhiệm vào ban phán xử, có thể làm tê liệt cánh dàn xếp tranh chấp của WTO.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Sáu cũng cảnh báo rằng thuế nhập khẩu của Mỹ có phần chắc sẽ gây tổn hại về kinh tế cho Mỹ và các đối tác thương mại của nước này và kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp thương mại mà không dùng đến biện pháp trả đũa.
“Chúng tôi lo ngại rằng các biện pháp do Mỹ đề xuất sẽ thực sự mở rộng các tình huống mà trong đó các nước sử dụng lý do an ninh quốc gia để biện minh cho những hạn chế nhập khẩu trên diện rộng,” phát ngôn viên IMF Gerry Rice nói.
Reuters: EU có thể áp thuế trả đũa thương mại
lên hàng nhập khẩu từ Mỹ
Liên minh Châu Âu đang cân nhắc áp thuế nhập khẩu 25 phần trăm lên khoảng 3,5 tỉ đôla hàng nhập khẩu từ Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump thực hiện kế hoạch áp thuế nhập khẩu toàn cầu đối với thép và nhôm, các nguồn tin EU nói với Reuters.
Ủy ban Châu Âu cho biết họ sẽ đáp trả “cương quyết” các mức thuế nhập khẩu đề xuất của Mỹ là 25 phần trăm đối với thép và 10 phần trăm đối với nhôm.
Ủy ban Châu Âu nói rõ họ sẽ cùng các nước khác đệ đơn khiếu nại tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cân nhắc các biện pháp bảo vệ, được áp dụng lần gần đây nhất là vào năm 2002, để bảo vệ không cho thép và nhôm được chuyển hướng đến Châu Âu từ nơi khác nếu thuế của Mỹ được áp đặt.
Một biện pháp đối phó thêm nữa đang được cứu xét sẽ nhắm mục tiêu cụ thể vào Mỹ để “tái cân bằng” thương mại giữa hai bên, các nguồn tin EU nói với Reuters.
Nếu được ban hành, thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ được áp dụng dựa trên lý do an ninh quốc gia, nhưng Liên minh Châu Âu nói rằng các quy định của quân đội Mỹ chiếm không quá 3 phần trăm sản lượng thép của Mỹ và các biện pháp này thật ra là một hình thức bảo hộ cho các nhà sản xuất của Mỹ.
Thép xuất khẩu của EU vào Mỹ năm 2017 đạt kim ngạch 5,3 tỉ euro (6,53 tỉ đôla) và nhôm là 1,1 tỉ euro.
Đối với một số chủng loại thép nhất định, Mỹ không thể cho thấy có bất cứ sự gia tăng nào trong lượng thép nhập khẩu vào năm ngoái, các nguồn tin EU này nói. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không được phép áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với các chủng loại thép này. Đối với EU, thép xuất khẩu thuộc các chủng loại này đạt kim ngạch 2,8 tỉ euro (3,5 tỉ đôla).
Giả dụ thuế nhập khẩu của Mỹ được áp đặt lên toàn bộ thép của EU, Liên minh Châu Âu sẽ đưa ra mức thuế nhập khẩu 25 phần trăm đối với hàng hóa từ Mỹ có tổng trị giá 2,8 tỉ euro.
Khoảng một phần ba sẽ là các chủng loại thép, một phần ba khác là các sản phẩm công nghiệp khác, và một phần ba còn lại là các sản phẩm nông nghiệp.
Danh sách các sản phẩm sẽ được trình ra vào tuần sau cho các nước EU và phải cần sự chấp thuận của tất cả các nước.
Việc “tái cân bằng” sẽ phải diễn ra trong vòng ba tháng.
Tranh cãi về kế hoạch xây Trung tâm/
Viện Bảo tàng Tổng Thống Obama
Kane Farabaugh
Mặc dù sinh ra ở Hawaii, lớn lên ở Indonesia, và được đào tạo tại thành phố New York, cựu Tổng thống Barack Obama đã chọn thành phố Chicago, nơi sinh của vợ ông, làm quê hương. Phía Nam của Chicago, nơi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong tư cách một nhà tổ chức cộng đồng trong những năm 1980, là nơi ông dự định xây dựng Trung tâm/ Thư viện Tổng thống Obama. Nhưng một số người bày tỏ quan ngại về dự án này bất chấp những lợi ích kinh tế mà trung tâm này có thể mang lại.
Chỉ cách khu South Side vài km nơi ông Obama coi như quê nhà của mình, nhà cựu lãnh đạo Mỹ phát biểu tại Trung tâm Hội nghị McCormick trước một cử tọa mà phần lớn đều là người ủng hộ ông, về các kế hoạch để ông đóng góp và trả ơn cho nơi ông nhận làm quê hương.
Cưu Tổng Thống Obama: “Chúng tôi có một kế hoạch theo đó trong bốn năm tới, chúng tôi sẽ tạo ra hoạt động kinh tế trị giá ba tỉ đô la, đồng thời kiến tạo hơn 5000 việc làm chỉ trong ngành xây dựng, 2500 công việc sẽ là việc làm thường trực và sẽ tiếp tục.”
Các kế hoạch hiện nay để xây Trung tâm/ Thư viện Tổng thống Obama trị giá 300 triệu đô la, đặt tòa kiến trúc này tại Jackson Park, bên cạnh Hồ Michigan. Khuôn viên trung tâm rộng hai mươi mẫu Anh sẽ bao gồm nhiều không gian để cộng đồng sử dụng. Tâm điểm sẽ là một tháp lớn, nơi đặt Viện Bảo tàng Tổng thống Obama.
Ông Obama nói: “Chúng tôi ước tính có thể có tới 700.000 người sẽ ghé qua khu vực viện bảo tàng. Chúng tôi sẽ biến nơi này thành một viên ngọc quý, không chỉ dành riêng cho South Chicago, mà còn cho cả thành phố Chicago.”
Nhưng không phải ai ở khu South Side của Chicago cũng đều ủng hộ dự án đó. Giáo sư W.J. Tom Mitchell thuộc Đại học Chicag, nói:
“Tôi nghĩ rằng trong những năm qua kể từ khi ông lên làm tổng thống ông đã quên đi phần nào khu xóm nơi ông bắt đầu sự nghiệp trong tư cách là một nhà tổ chức cộng đồng.”
Giáo sư W.J.T.Mitchell giảng dạy tại trường đại học Chicago, nơi ông Obama cũng đã từng dạy học. Giáo sư Mitchell là một trong 200 nhân viên, giảng viên đã ký vào một bức thư chỉ trích kế hoạch đề nghị đặt Trung tâm Tổng Thống Obama tại Jackson Park, tại một địa điểm không xa khuôn viên trường đại học Chicago.
Giáo sư Mitchell: “Trung tâm này phải nhồi nhét vào một không gian tương đối nhỏ vốn đã phát triển mạnh, nó không tọa lạc bên cạnh một trung tâm thương mại.”
Giáo sư Mitchell tự coi mình là một người bạn của vợ chồng cựu Tổng thống Obama, tuy nhiên ông cảm thấy hình như hai ông bà không lắng nghe dân địa phương khi lập kế hoạch xây dựng trung tâm Tổng Thống Obama. Giáo sư Mitchell nói mặc dù đã có những cuộc thảo luận nhóm nhỏ tại các cuộc họp công cộng nhưng cho tới nay vẫn chưa có nhiều sự góp ý từ công chúng.
Giáo sư Mitchell: “Không có các cuộc thảo luận công khai nơi cộng đồng có thể lên tiếng và nêu lên những hoài nghi thực sự của mình về khía cạnh này. Sẽ tuyệt vời nếu ông Obama trở lại đây và dành thời gian nói chuyện trực diện với mọi người, chứ không nói chuyện trong các buổi gặp gỡ trước những cử tọa đông đảo tại các hội trường rộng lớn, mà là thực sự gặp gỡ các nhóm nhỏ trên khắp các khu xóm ở đây. “
Nhà cựu lãnh đạo Mỹ đã tìm cách xoa dịu những quan tâm. Ông nói:
“Điều mà tôi muốn làm là bảo đảm tất cả mọi người được có tiếng nói đại diện. Chúng tôi không đến đây như một tổ chức vụ lợi. Tôi đang tìm cách quyên góp một món tiền lớn ở ngoài kia để xây dựng trung tâm này … để trung tâm này được hình thành và hoạt động, cá nhân tôi không lãnh lương của hội, và động lực của Michelle và tôi hoàn toàn là vì các lợi ích của cộng đồng.”
Những lợi ích đó có thể biến đổi khu vực phía Nam thành phố Chicago, một khu vực mà thanh danh đã bị phương hại bởi tội phạm ngày càng tăng và các căn nhà bị bỏ trống. Hồi phục lại thanh danh của khu vực này là điều mà cựu Tổng thống Obama hy vọng Trung tâm Tổng thống mang tên ông có thể thực hiện, sau khi hoàn tất công trình xây dựng, dự kiến vào năm 2021.
https://www.voatiengviet.com/a/tranh-cai-ve-ke-hoach-vien-bao-tang-tt-obama/4277961.html
Lượng ma túy từ Mexico sang Mỹ vẫn tăng
Một báo cáo mới về ma túy trên thế giới cho hay lượng heroin và fentanyl từ Mexico chảy sang Hoa Kỳ vẫn đang gia tăng.
Phát biểu ở Mexico, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Ma túy Quốc tế Raul Martin Del Campo lưu ý đến sự gia tăng đáng kể tình trạng sử dụng ma túy trên khắp thế giới, ông nêu bật việc trồng các cây để chế biến ma túy và nạn buôn bán các loại ma túy bất hợp pháp ở Nam Mỹ cũng như từ khu vực này.
Ông Raul Martin Del Campo nói: “Việc thu hoạch cây thuốc phiện mà quý vị thấy ở nhiều nước trên khắp Nam Mỹ cũng như ở Mexico trên con đường đi đến Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể như đã nêu trong báo cáo. Các tiền chất của Fentanyl cũng đã bị phát hiện được tuồn vào quốc gia này và đang gây hậu quả xét về mặt thành phần của những loại ma túy này đang được xuất khẩu trái phép”.
Mexico đang chịu sức ép ngày càng tăng phải chống lại nạn buôn lậu ma túy sau khi hơn 25.000 vụ giết người được ghi nhận vào năm ngoái trên khắp đất nước vì các băng đảng ma túy đối nghịch ngày càng chia tách thành các nhóm nhỏ hơn, bạo lực hơn.
https://www.voatiengviet.com/a/luong-ma-tuy-tu-mexico-sang-my-van-tang/4277839.html
Trung Quốc dịu giọng với Đài Loan
giữa căng thẳng về dự luật của Mỹ
Trung Quốc muốn thắt chặt tình hữu nghị với Đài Loan, nhân vật cao cấp thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát biểu, một ngày sau khi truyền thông nhà nước cảnh báo Trung Quốc có thể đi đến chiến tranh với Đài Loan nếu một dự luật của Mỹ thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với hòn đảo này trở thành luật.
Trung Quốc đã phẫn nộ về dự luật này, nói với Đài Loan hôm thứ Sáu rằng hòn đảo này sẽ chỉ rước họa vào thân nếu tìm cách dựa vào nước ngoài, trong khi truyền thông nhà nước thì cảnh báo về nguy cơ chiến tranh.
Dự luật này, giờ chỉ cần chữ kí của Tổng thống Donald Trump để trở thành luật, nói rằng Mỹ cần có chính sách cho phép quan chức các cấp được đến Đài Loan để gặp gỡ những người tương nhiệm Đài Loan, cho phép quan chức cao cấp của Đài Loan được nhập cảnh Mỹ “dưới các điều kiện thể hiện sự tôn trọng” và gặp gỡ các quan chức Mỹ.
Du Chính Thanh, quan chức cao cấp thứ tư của Đảng Cộng sản, đưa ra những phát biểu hòa dịu hơn trong phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc mà ông làm chủ tịch, và ông không nhắc gì đến dự luật này.
“Chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn tình đoàn kết và tình hữu nghị với đồng bào của chúng ta ở Hong Kong, Macau và Đài Loan cũng như người Hoa ở nước ngoài,” ông Du phát biểu trước khoảng 2000 đại biểu đến dự hội nghị ở Bắc Kinh.
Cơ quan này sẽ “huy động mọi người con của đất nước Trung Hoa để cùng phấn đấu vì những lợi ích quốc gia lớn hơn và hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa,” ông Du nói thêm, nhắc tới khát vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là đưa một nước Trung Quốc cường thịnh về địa vị đúng đắn của mình trên trường quốc tế.
Hong Kong là một vấn đề gây phiền não cho giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là sau khi học sinh sinh viên tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kéo dài hàng tuần vào cuối năm 2014 để thúc đẩy dân chủ trọn vẹn.
Các nhà hoạt động trẻ ở Hong Kong và Đài Loan đã khiến Bắc Kinh bực tức trong những năm gần đây bằng việc thúc đẩy quyền tự trị lớn hơn hoặc thậm chí độc lập, và bằng việc tổ chức các cuộc biểu tình chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hong Kong và Macau trước đây là những tiền đồn thuộc địa của Châu Âu và đã được trao lại cho Trung Quốc cai quản từ những năm 1990.
Thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan đã gia tăng kể từ khi bà Thái Anh Văn, ứng cử viên Đảng Dân Tiến chủ trương ủng hộ độc lập, đắc cử tổng thống vào năm 2016.
Trung Quốc nghi ngờ bà Thái muốn thúc đẩy độc lập chính thức, vượt qua lằn ranh đỏ đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, dù nhà lãnh đạo Đài Loan đã nói rằng bà muốn duy trì hiện trạng và cam kết đảm bảo hòa bình.
Bắc Kinh coi đảo Đài Loan dân chủ là một tỉnh li khai và một phần không thể tách rời của “Một nước Trung Hoa” nên không đủ tư cách theo đuổi quan hệ nhà nước với nhà nước, và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để quy phục hòn đảo này về dưới quyền kiểm soát của mình.
Thủ tướng Campuchia
cáo buộc Mỹ nói dối về vụ cắt viện trợ
Thủ tướng Campuchia hôm thứ Bảy cáo buộc chính phủ Mỹ nói dối về việc đình chỉ viện trợ cho quốc gia Đông Nam Á này, nói rằng Campuchia đã ngừng nhận viện trợ từ Washington vào năm 2016.
Nhà Trắng hôm thứ Ba loan báo họ đang đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình viện trợ của bộ tài chính, của USAID và của quân đội hỗ trợ quân đội, bộ thuế vụ và chính quyền địa phương của Campuchia. Mỹ nói tất cả họ đều chịu trách nhiệm về bất ổn chính trị hồi gần đây.
Trong những phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi viện trợ bị đình chỉ, Thủ tướng Hun Sen cáo buộc Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt nói dối, nói rằng viện trợ cho bộ thuế vụ của Campuchia đã bị cắt từ năm 2016.
“Chúng ta, 16 triệu người dân, đã không nhận được viện trợ của Mỹ trong lĩnh vực thuế. Viện trợ này đã chấm dứt từ năm 2016,” ông Hun Sen nói trong một bài phát biểu trước hàng ngàn công nhân may mặc ở tỉnh Preah Sihanouk ở miền nam.
“Làm ơn, Đại sứ Mỹ, trả lời câu hỏi này: tại sao ông thông báo cắt viện trợ trong khi không có viện trợ gì hết? Ông định xuyên tạc danh tiếng của Campuchia hay sao?”
Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh từ chối bình luận.
Quyết định của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Campuchia đang đàn áp áp những người chỉ trích ông Hun Sen trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7.
Cuộc đàn áp nhắm mục tiêu vào một số tổ chức phi chính phủ, các cơ quan truyền thông độc lập và các nhà lập pháp đối lập.
Vào tháng 11, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) đã bị Tòa án Tối cao giải thể theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen. Trước đó, báo The Cambodia Daily bằng tiếng Anh – một trong những tờ báo độc lập ít ỏi của nước này – đã bị buộc phải đóng cửa vì bị cáo buộc chưa thanh toán đủ tiền thuế.
Ông Hun Sen, một đồng minh thân cận của Trung Quốc, đã thường xuyên chỉ trích Mỹ, đặc biệt là về những vụ ném bom ở Campuchia thời Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Ông Hun Sen, người đã cai trị Campuchia suốt 33 năm qua, cáo buộc lãnh đạo phe đối lập CNRP Kem Sokha, người đã bị bắt và bị kết án vào năm ngoái, là âm mưu cùng Mỹ nhằm lật đổ ông ta.
Các tổ chức nhân quyền và các nước phương Tây đã lên án cuộc đàn áp phe đối lập trước cuộc bầu cử ngày 29 tháng 7.
Nhà Trắng nói Washington đã chi hơn 1 tỉ đôla để hỗ trợ Campuchia và rằng viện trợ trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và rà phá bom mìn sẽ vẫn được tiếp tục.
Con trai Thủ tướng Campuchia
lên làm tham mưu trưởng quân đội
Con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa đảm nhận vị trí tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Campuchia. Đây là vụ thăng chức mới nhất cho một trong những thành viên gia đình của ông Hun Sen lên một vị trí cao cấp với mục tiêu dường như là củng cố quyền hành của ông.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat hôm thứ Sáu cho biết Trung tướng Hun Manet kiêm phó tư lệnh của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) vừa nhận chức tham mưu trưởng, thay thế Tướng Kun Kim đang nghỉ bệnh.
Tháng 1, ông Hun Sen bổ nhiệm con rể làm phó cảnh sát trưởng quốc gia và hồi tháng 12, con trai út của ông được thăng cấp đại tá trong đơn vị vệ sĩ của ông Hun Sen.
Những vụ thăng chức này diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 mà nhiều người cho rằng ông Hun Sen sẽ giành chiến thắng dễ dàng sau khi phe đối lập chính là Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) bị Tòa án Tối cao giải thể vào tháng 10 theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen.
Lệnh cấm phe đối lập đã khiến Mỹ, Liên minh Châu Âu và những tổ chức khác lên án cuộc trấn áp do Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đương quyền của ông Hun Sen tiến hành nhắm vào những người chỉ trích, bao gồm các nhà lập pháp đối lập và một số cơ quan truyền thông độc lập.
Mỹ trong tuần này loan báo đang đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình viện trợ của bộ tài chính, của USAID và của quân đội hỗ trợ quân đội, bộ thuế vụ và chính quyền địa phương của Campuchia. Mỹ nói tất cả họ đều chịu trách nhiệm về bất ổn hồi gần đây.
Ông Hun Sen kỉ niệm 33 năm cầm quyền vào tháng 1, và thường nhắc tới định nắm quyền thêm ít nhất một thập kỷ nữa.
Anh xét xử thầy giáo dạy học sinh tấn công khủng bố
Một người Anh ủng hộ Nhà nước Hồi giáo hôm thứ Sáu bị kết tội tìm cách tuyển mộ những học sinh mà anh ta đang giảng dạy thành một “đạo quân” thánh chiến để giúp thực hiện một làn sóng tấn công khắp London.
Umar Haque, 25 tuổi, cho những đứa trẻ này xem những video chặt đầu và các nội dung tuyên truyền bạo lực khác của những kẻ chủ chiến, buộc chúng tái hiện các vụ tấn công gây chết người nhắm vào thủ đô của Anh và bắt chúng diễn tập cảnh tấn công cảnh sát.
“Kế hoạch của hắn ta là tạo ra một đạo quân trẻ em để hỗ trợ nhiều vụ tấn công khủng bố khắp London,” Dean Haydon, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chống Khủng bố của Sở Cảnh sát Đô thành, cho biết. “Hắn ta cố gắng và chúng tôi tin là hắn ta đã cực đoan hóa những em nhỏ từ 11 đến 14 tuổi.”
Mặc dù không có bằng cấp và chỉ được tuyển dụng cho chức vụ quản trị viên, cảnh sát nói, Haque đã núp dưới vỏ bọc dạy môn nghiên cứu Hồi giáo để huấn luyện 110 trẻ em trở thành chiến binh tại Lantern of Knowledge, một trường học Hồi giáo tư nhân nhỏ, và ở một trường dạy giáo lý Hồi giáo có liên hệ với Đền thờ Hồi giáo trên Đường Ripple ở đông London.
Trong số những trẻ em này, 35 em đang được cung cấp các biện pháp bảo vệ dài hạn liên quan tới các dịch vụ xã hội và các cơ quan khác. Sáu em trong nhóm này ra làm chứng tại phiên tòa xét xử Haque, kể chi tiết việc anh ta thuyết phục chúng chiến đấu ra sao và huấn luyện chúng hít đất để rèn sức mạnh.
Ý định của anh ta là sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu của London như tháp Big Ben, binh lính của đội Cận vệ của Nữ hoàng, một trung tâm mua sắm lớn, các ngân hàng, và các đài truyền thông, các công tố viên nói.
Được cho là đã tự cực đoan hóa trên mạng, Haque lấy cảm hứng từ một cuộc tấn công vào tháng 3 năm ngoái khi Khalid Masood tông một chiếc xe thuê mướn vào người đi bộ trên Cầu Westminster ở London, giết chết bốn người, trước khi đâm chết một cảnh sát trong khuôn viên của nghị viện.
https://www.voatiengviet.com/a/anh-xet-xu-thay-giao-day-hoc-sinh-tan-cong-khung-bo/4278349.html
Donald Trump cô đơn trong Nhà Trắng
13 tháng kể từ khi bước vào Nhà Trắng, các cộng tác viên thân tín nhất với tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, Donald Trump lần lượt bị cách chức hay từ chức. Vị thế của chồng cô Ivanka Trump là Jared Kushner cũng bị suy yếu.
Từng được cho là “người trung thành nhất trong số những người trung thành” với Donald Trump, bà Hope Hicks vừa thông báo từ chức giám đốc truyền thông của phủ tổng thống. Giới phân tích coi đây là một đòn đau đối với tổng thống Mỹ và là một “bước ngoặt” trên chính trường Mỹ. Bởi lẽ tới nay bà Hicks là một trong những người hiếm hoi đã tìm được cách để tiếp cận với lãnh đạo Hoa Kỳ, trấn an được một vị nguyên thủ có tính khí thất thường, điều hành đất nước qua Twitter.
Việc bà Hope Hicks – nguyên là người được con gái tổng thống cô Ivanka Trump tín nhiệm – từ chức, diễn ra vào một thời điểm bất lợi cho tổng thống Hoa Kỳ. Cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ do Robert Mueller tiến hành ngày càng “tiến lại gần sát đến những người thân cận của ông Trump”.
Nhìn lại bức ảnh hôm ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức 21 tháng Giêng 2017, những gương mặt đứng sát cạnh ông hôm ấy, nay chẳng còn lại là bao.
Cố vấn chiến lược Steve Bannon, người được coi là nắm giữ tay hòm chìa khóa của Nhà Trắng Reince Priebus ; bà Omarosa Manigault, cố vấn của tổng thống về quan hệ với giới truyền thông, hay phát ngôn viên phủ tổng thống Sean Spicer, cũng như là cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn … đều đã mất việc.
Còn lại Jared Kushner, chồng trưởng nữ Ivanka. Nhưng chiếc ghế cố vấn của Jared cũng đang thực sự bị đe dọa, tương lai chính trị của anh con rể tổng thống Trump “mù mờ hơn bao giờ hết”. Con rể của tổng thống mất quyền tiếp cận với những hồ sơ mật vì bị nghi ngờ thiếu minh bạch trong các vụ làm ăn riêng tư với quyền lợi quốc gia. Jared Kushner đang là đối tác chính của Hoa Kỳ để giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine.
Giới quan sát cho rằng, chính ông Trump phải chịu một phần trách nhiệm về tình cảnh này. Nhà tỷ phú Mỹ luôn có thói quen bắt các cộng tác viên của ông phải ganh đua với nhau, như thể khi Donald Trump còn điều hành một công ty. Đó là chưa kể Nhà Trắng chưa bao giờ chứng kiến cảnh một vị tổng thống Hoa Kỳ mạt sát bộ trưởng Tư Pháp của mình như Donald Trump đã đối xử với ông Jeff Sessions.
Anthony Scaramucci, nguyên giám đốc truyền thông của tổng thống Trump dự báo : sẽ còn có nhiều người phải cuốn gói ra đi khỏi Nhà Trắng.
Với tỷ lệ tín nhiệm đang rơi xuống mức tệ hại chưa từng thấy, ông Donald Trump lại có ý đồ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Tất cả mọi người đều nhận thấy là tổng thống Hoa Kỳ cần nhanh chóng tìm ra một hướng đi mới để đảo ngược thế cờ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180303-donald-trump-co-don-trong-nha-trang
Công nghệ gen:
Trung Quốc muốn soán ngôi phương Tây
Các tuần báo Pháp đầu tháng 3/2018 này dành chú ý đặc biệt cho khoa học – công nghệ. L’Obs tập trung vào lĩnh vực « trí tuệ nhân tạo ». Chủ đề chính của L’Express là Hạnh Phúc theo các tiếp cận khoa học. Le Point dành nhiều bài giới thiệu về các tiến bộ mới trong ngành di truyền học, trong đó Trung Quốc tỏ ra là một thế lực đang lên, với tham vọng mở ra một hướng đi mới. Tuy nhiên, Le Point cũng rất cảnh giác về các ứng dụng thương mại của công nghệ di truyền, đang bắt đầu nở rộ, và triển vọng trị liệu can thiệp gen được quảng bá mạnh trong những năm gần đây.
Bài « Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc truy tìm gen thông minh » đưa độc giả đến với Viện Nghiên Cứu Gen Bắc Kinh (BGI), đầu tầu của ngành nghiên cứu này tại Trung Quốc, nơi người ta đang cho ra đời nhiều loài thực vật mới, hay loài lợn tí hon để phục vụ cho các nghiên cứu trị liệu. Theo người hướng dẫn tham quan, kho lưu trữ của BGI đang sở hữu bản đồ gen của 300.000 loài thực vật. Hiểu biết về gen của BGI cũng cho phép cơ sở này, bắt đầu từ một sợi tóc, phục chế được bản đồ gen của « Inuk », một con người thời tiền sử, sống ở Bắc Cực cách nay 4.000 năm.
Le Point lược lại hành trình 19 năm phát triển của BGI, với sáng kiến ban đầu của bốn nhà nghiên cứu xuất sắc của Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc. Vào thời điểm bốn nhà nghiên cứu trẻ đã rời bỏ Viện Hàn Lâm ra làm tư, đồng nghiệp coi họ là « kẻ điên ». Thực ra nhóm bốn nhà nghiên cứu gen Trung Quốc bị Dự án giải mã bản đồ gen quốc tế (Human Genome Project) đầy tham vọng thu hút.
Gần 20 năm sau, nhóm BGI hiện tại sở hữu cả một hệ thống máy tính và các phương tiện giải mã nhiễm sắc thể hùng hậu. Trong một thời gian dài, BGI chỉ sử dụng các máy giải mã gen của Mỹ, nhưng giờ đây đã có trong tay các máy tự chế, được coi là có thể xử lý đến 150 triệu bộ gen/năm.
Phó chủ tịch, phụ trách nghiên cứu của BGI, ông Shida Zhu, không giấu giếm tham vọng, muốn « trở thành một Intel (tên tập đoàn tin học Mỹ nổi tiếng) của nhân loại » trong lĩnh vực di truyền. Hiện tại BGI cho biết đã sở hữu được 70% gen của các giống loài thực vật trong nông nghiệp, và gần đây bắt đầu hợp tác với Quỹ Bille Gates, để cho ra đời một loài lúa mới có khả năng kháng cự tốt với các yếu tố bất lợi bên ngoài. Trị liệu cũng là một mục tiêu khác của viện nghiên cứu Trung Quốc. Nhưng tham vọng đặc biệt của BGI là tìm ra các bí mật di truyền, cho phép tạo ra được giống người « siêu đẳng », vừa thông minh xuất chúng, vừa vô cùng khỏe mạnh, có khả năng sống đến 120 tuổi (tác động đến hệ di truyền để tạo ra giống người ưu việt là điều lâu nay gây tranh cãi rất nhiều tại phương Tây – người viết).
Theo chủ tịch BGI Wang Jian, phương Tây đã lãnh đạo các cách tân trong vòng 150 năm, và giờ đây đến lượt Trung Quốc.
Dự án nghiên cứu về gen thông minh sẽ đi đến đâu là câu chuyện còn dài. Trên thực tế, viện nghiên cứu Trung Quốc đã kế thừa rất nhiều thành quả khoa học của phương Tây. Về công nghệ chỉnh sửa gen, cụ thể là « chiếc kéo phân tử CRISPR-Cas9 » các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã học hỏi trực tiếp từ phát hiện mới đây của hai nhà khoa học Pháp và Mỹ, Emmanuel Charpentier và Jennifer Doudna.
Công nghệ « lưỡi kéo » phân tử
Le Point có bài giới thiệu về công nghệ « cắt dán » nhiễm sắc thể CRISPR-Cas9. Nói một cách đơn giản là công nghệ này cho phép các nhà di truyền học loại bỏ các đoạn gen, bị coi là « có hại », để thay bằng các đoạn gen tốt. Phát hiện về phương pháp « cắt dán » nhiễm sắc thể ra đời vào năm 2012 có thể mang lại giải Nobel cho các tác giả.
Hiện tại, có hai nhóm khoa học gia tranh chấp bản quyền « lưỡi kéo » phân tử. Một bên là nhóm hai nhà nghiên cứu Pháp – Mỹ nói trên, và bên kia là nhà di truyền học Feng Zhang (Viện MIT, Hoa Kỳ), người gốc Hoa. Công nghệ lưỡi kéo phân tử bước đầu hứa hẹn có nhiều ứng dụng quan trọng, trước hết là trong nông nghiệp và y học, để cải thiện tố chất của vật nuôi và sức khỏe con người. Tuy nhiên, các ranh giới đạo lý có thể đặt ra các giới hạn cho nghiên cứu.
Đọc thêm : Công nghệ chỉnh sửa gien: Lợi hay hại cho tương lai nhân loại ?
Trái với phương Tây, do không bị các quy định về đạo lý ràng buộc, các cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc tiến hành nhiều thực nghiệm bước đầu « thành công » trên phôi thai sống, với việc loại trừ một số đoạn gen « hư hại ». Hiện tại thực nghiệm chưa được chuyển sang giai đoạn cấy phôi thai trở lại vào một người mang thai hộ. Phương Tây mới chỉ dừng ở chỗ trắc nghiệm với chuột.
Trong vấn đề nuôi cấy nội tạng người trong cơ thể vật nuôi (ví dụ heo), để tạo nguồn cho việc cấy ghép tạng trị liệu, rất nhiều vấn đề đạo lý nghiêm trọng được đặt ra như : « nếu các tế bào gốc được sử dụng để tạo não người trong cơ thể lợn, thì sau này sẽ phải coi đây là con lợn có bộ não người, hay người với cơ thể lợn ? ».
Le Point có cuộc phỏng vấn nhà di truyền học Pháp Emmanuel Carpentier, đồng sáng chế ra công nghệ « lưỡi kéo » phân tử. Bà Emmanuel Carpentier – hiện là giám đốc viện Max–Planck (Đức) – rất tin tưởng là công nghệ lưỡi kéo phân tử CRISPR-Cas9 mở ra khả năng hóa giải hơn 10.000 căn bệnh di truyền hiếm gặp, liên quan đến khoảng 1% nhân loại. Tuy nhiên theo bà trước mắt trong năm, bảy năm tới, công nghệ này sẽ mới chỉ được kỳ vọng giúp giải quyết một vài căn bệnh trong số đó. Và phải nửa thế kỷ nữa, vấn đề giải mã di truyền và can thiệp trị liệu mới hy vọng nhận được niềm tin rộng rãi của công chúng.
Nhà sinh học Pháp cũng cảnh báo ý đồ sử dụng công nghệ di truyền để tạo ra các giống người « siêu đẳng ». Bà giải thích tác động đến trí thông minh là vấn đề « rất phức tạp », liên quan đồng thời đến « rất nhiều gen », và trong lĩnh vực này cần phải có các quy định đủ để ngăn chặn những thực nghiệm hướng đến các mục tiêu nguy hiểm, nhưng đồng thời cũng không làm trở ngại nỗ lực khám phá khoa học.
Không gian chưa biết còn mênh mông
Không nên đặt quá nhiều hy vọng vào các trị liệu bằng gen, bởi việc quảng bá cho các viễn cảnh tươi sáng trong lĩnh vực này là đã « quá nhiều » từ nửa thế kỷ nay, so với các tiến bộ thực sự, đó là thông điệp của nhà sinh học phân tử Pháp Gerard Roizès.
Nhà sinh học Pháp thừa nhận việc giải mã toàn bộ bản đồ nhiễm sắc thể năm 2003 cho phép nhận biết thêm hàng trăm căn bệnh hiếm gặp, trong đó các bệnh như xơ hóa nang (mucoviscidose), loạn cơ dạng Duchenne (myopathie de Duchenne), bệnh dễ xuất huyết (hémophilie)… Và một vài căn bệnh trong số đó đã thực sự được đẩy lùi. Nhưng theo ông, nhìn chung khó nói đến « thành công » khi cái giá trong trị liệu gen hiện vẫn rất cao : cả triệu đô la cho một bệnh nhân. Ngay cả với những căn bệnh di truyền hiếm gặp được biết đến rõ nhất cũng không có nhiều tiến triển trong điều trị.
Nhà sinh học Pháp giới thiệu một cách nhìn bổ sung, giúp độc giả hiểu hơn về tính vô cùng phức tạp của thế giới di truyền. Phát hiện lớn trong khoảng 5 năm gần đây của ngành di truyền là nhận ra rằng, trên thực tế, hiểu biết hiện tại về hệ di truyền ở con người mới chỉ là một phần hết sức nhỏ bé, bởi 85% ADN vốn « không được mã hóa ».
Điều đáng ngạc nhiên là chính phần không mã hóa (vốn rất bị coi thường từ trước đến nay) lại đóng vai trò điều chỉnh các gen. Ước tính tồn tại khoảng 3 triệu vùng như vậy. Cả một thế giới mới mênh mông mở ra trước các nhà khoa học ! Nhận thức mới này thách thức nhiều nguyên lý tưởng như bất di bất dịch từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, các phát triển của ngành « ngoại di truyền học » (epigenetic) gần đây cho thấy bản thân các gen di truyền cũng lại chịu ảnh hưởng mạnh của các yếu tố ngoại cảnh, như stress, chế độ ăn uống, vận động, thói quen hút thuốc, uống rượu, hay các loại bệnh tật… Hơn nữa các « thông tin ngoại di truyền » cũng có khả năng truyền được từ thế hệ cha mẹ sang con cái.
Thị trường trắc nghiệm gen đáng sợ
Công nghệ gen mở ra các triển vọng kỳ diệu, nhưng cũng mở ra những không gian mênh mông cho những kẻ lừa đảo. Để chứng minh cho tính chất đáng ngờ của các dịch vụ giải mã di truyền bắt đầu phổ biến trên thị trường, trước hết là tại Mỹ, nơi các ứng dụng theo kiểu « mỳ ăn liền » thường được khuyến khích. Le Point có bài phóng sự « Tôi đã đăng ký phân tích ADN như thế nào ».
Chỉ với khoảng 200 đô la và « mẫu nước bọt » gửi đi, người ta sẽ nhận được kết quả phân tích gen từ một công ty như 23andME (tức 23 cặp nhiễm sắc thể và tôi). Bên cạnh những thông tin có thể coi là vô hại, như bất ngờ biết được có « gen chạy nhanh » của vận động viên đỉnh cao, hay 17% gen đến từ vùng Trung Đông ngoài phần còn lại là châu Âu, người phóng viên – tự lấy chính bản thân mình làm trắc nghiệm – cho biết đã nhận được khá nhiều thông tin về khả năng mắc một số bệnh hiểm nghèo, gây lo lắng. Theo một chuyên gia tư vấn di truyền, chẳng nên lo hãi về các thông tin này, không thể coi đây là « một chẩn đoán thực thụ », còn rất nhiều điều các nhà di truyền không hay biết, « lối sống và môi trường đóng vai trò rất lớn ».
Dù sao, kiểu trắc nghiệm này cũng có thể ví với một chiếc hộp Pandore (tức « hộp tai ương » theo thần thoại Hy Lạp), một khi đã mở ra thì khó mà đóng lại. Biết thế, nhưng liệu làm được gì ?
Cũng rất nhiều câu hỏi đặt ra về các hệ quả của trắc nghiệm gen được phổ biến, như thông tin sẽ được khai thác như thế nào sau đó ? Liệu có lọt vào tay công ti bảo hiểm hay người sử dụng lao động ? Hiện tại khoảng 12 triệu người Mỹ có thể đã trải qua loại trắc nghiệm kiểu này.
Bao nhiêu ngả đường đến được Hạnh Phúc ?
Nếu như Le Point đưa độc giả chu du trong thế giới di truyền đầy bí ẩn, l’Express tuần này giới thiệu với độc giả về những ngả đường đến với Hạnh Phúc, mục tiêu muôn thuở của nhân loại, từ Đông sang Tây. Hạnh Phúc là niềm khát vọng hướng đến cái viên mãn tột cùng xa lắc xa lơ hay nằm ngay trong tầm tay ? Khoái lạc thoáng qua hay tâm thế thường trực ?
L’Express giới thiệu một trường phái tâm lý học Mỹ, mang tên « tâm lý học tích cực », hiện đang thu hút hàng trăm nghìn sinh viên. Nguyên lý chính mà trường phái này hướng đến là tìm hiểu các ứng xử thế nào có thể làm nên hạnh phúc, và bắt đầu từ các ứng xử, công thức chung được tìm ra, mà mỗi cá nhân tự điều chế liều lượng phù hợp cho riêng mình.
Giáo sư Mihaly Csikszentmihalyi gốc Hung, đại học Chicago, một trong các đầu đàn của trường phái này, sau các phỏng vấn hàng trăm người nổi tiếng, cùng hàng nghìn người « vô danh » tự khẳng định mình hạnh phúc, đã rút ra kết luận là : Chìa khóa của hạnh phúc là « trạng thái tập trung cao độ, hoàn toàn chìm đắm trong công việc đang làm, đến độ quên hết ngoại cảnh ». Để hạnh phúc, không nhất thiết phải có bộ não của Leonard de Vinci, hay một nhà kinh doanh tài ba.
« Công thức Hạnh Phúc » của một thủ lĩnh Google
Cũng trong số báo này, L’Express có bài giới thiệu « công thức đơn giản » về Hạnh Phúc của một thủ lĩnh tập đoàn Google, hiện có cả chục triệu đệ tử tin theo.
Ông Mo Gawdat, công dân Ai Cập 51 tuổi, vốn là nhân vật số hai của cơ sở nghiên cứu bí mật về trí tuệ nhân tạo và người máy của Google, có tên gọi cũ là Google X. Mo Gwadat vốn được coi là một nhà khoa học, một doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, sau cái chết của người con trai năm 2014, nhà sáng chế đã quyết định ngoặt sang một con đường hoàn toàn khác : Đi tìm chìa khóa của hạnh phúc.
Ông phát hiện ra rằng hạnh phúc chính là trở lại với trạng thái mà con người « vốn có », và để làm được điều này cần chắt lọc những gì tinh túy trong các truyền thống triết học cổ xưa, đặc biệt là Phật Giáo và Lão Giáo (hay Đạo Giáo). Hiện tại Mo Gawdat đang huấn luyện hàng nghìn nhân viên của chính công ty Google và một số cơ sở khác. Các video giảng dậy trên mạng của Mo Gawdat thu hút tổng cộng hơn 80 triệu người xem.
Trong cuốn sách mới ra về « công thức của hạnh phúc » (Solve for Happy: Engineering Your Path to Joy), ông cho biết nguyện vọng tha thiết của mình là giúp cho một tỉ dân cư trên Trái đất được hạnh phúc hơn.
Serotonin : Chìa khóa của hạnh phúc
Một bài đáng chú ý khác về chủ đề này trong l’Express là « Khoa học thần kinh : Cơ sở hóa học của hạnh phúc », chỉ ra chìa khóa của hạnh phúc là chất dẫn truyền thần kinh « serotonin », đặc biệt được phát triển mạnh mẽ với phương pháp thiền định theo truyền thống Thích Ca Mâu Ni, một « hiền triết » thời cổ đang được các nhà thần kinh học đương đại cổ vũ. Serotonin là hạnh phúc với bản thân, nhưng cũng là « cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu tình cảm của người khác, điều rất cần thiết cho các quan hệ xã hội, cùng là điều kiện cho hạnh phúc ở mỗi người », theo nhà tâm thần học thần kinh Philippe Fossati, Viện Não và Tủy Sống Pháp (Institut du Cerveau et de la Moelle épinière).
Ngược lại với serotonin là dopamin, chất dẫn truyền thần kinh gây khoái lạc, nhìn chung « rất được các xã hội phương Tây đương đại kích thích ». Theo các nhà khoa học, ở một liều lượng vừa phải, dopamin là một hóa chất cần thiết cho niềm vui sống, thậm chí cho sự sống còn của giống loài, thế nhưng nếu lạm dụng, thì chính nó sẽ bẻ gẫy chiếc chìa khóa của hạnh phúc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180303-cong-nghe-gen-trung-quoc-muon-soan-ngoi-phuong-tay
Giải César Pháp:
“120 Battements par minute”, phim xuất sắc nhất
48 giờ trước lễ trao giải Oscar ở Mỹ, đêm 02/03/2018, nghệ thuật thứ bảy ở Pháp dành 6 giải thưởng César cho tác phẩm 120 Nhịp đập một phút, của đạo diễn Robin Campillo. Về nhì là bộ phim Au Revoir Là- Haut của nhà làm phim Albert Dupontel với 5 giải César.
120 Nhịp đập một phút, là bộ phim hay nhất. Còn Au Revoir Là- Haut làtác phẩm được dàn dựng khéo léo nhất và có hình ảnh thơ mộng nhất.
Lễ trao giải César lần thứ 43 một lần nữa ghi nhận nét độc đáo của 120 Battements par minute, nói về hiệp hội bảo vệ những người bị nhiễm siêu vi HIV. Tác phẩm này từng đoạt Giải thưởng lớn của ban giáo khảo Liên hoan Cannes tháng 5/2017.
120 Battements parminute được đề cử 13 lần và đã ra về với 6 giải thưởng gồm : César vinh danh bộ phim hay nhất, nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, nam diễn viên triển vọng nhất, kịch bản độc đáo nhất, dựng phim hay nhất và nhạc phim truyền cảm nhất. Bộ phim này nói về hiệp hội Act Up bảo vệ những người bị HIV /AIDS trong một thời gian dài vào thập niên 1980 phải đấu tranh vì những người bị lây nhiễm và chống lại cái nhìn khắt khe của xã hội.
Tác phẩm được chú ý đến nhiều không kém, ra về với 5 giải César, là Tạm Biệt Trên ẤyNhé- Au Revoir Là-Haut ra về với giải César dành cho đạo diễn tài hoa nhất, đưa lên màn ảnh lớntác phẩm văn học cùng tên của Pierre Le Maitre, giải thưởng Goncourt 2013.
Nam và nữ diễn viên xuất sắc nhất được vinh danh đêm qua là Swann Arlaud nhờ thủ vao một anh nông dân trong Petit Paysan. Còn nữ minh tinh nổi bật trong làng điện ảnh Pháp trong năm vừa qua là Jeanne Balibar nhờ nhập vai một cách tài tình, hóa thân thành nữ danh ca Barbara, trong bộ phim vinh danh tác giả ca khúc Aigle Noir
Sau cùng lễtrao giảiCésar 2018 đã dành một phần thưởng danh dự, vinh danh sự nghiệp của ngôi sao điện ảnh Tây Ban Nha Penelope Cruz. Cô là sứ giả đưa những bộ phim để đời của đạo diễn Pedro Almodovar đến với công chúng thế giới.
http://vi.rfi.fr/phap/20180303-giai-cesar-phap-120-battements-par-minute-bo-phim-xuat-sac-nhat
Pháp-Mỹ kêu gọi Nga gia tăng sức ép trên Syria
Trong cuộc điện đàm hôm 02/03/2018 tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump cùng kêu gọi Nga gia tăng áp lực với Damas, buộc Syria tôn trọng thỏa thuận ngưng bắn tại vùng Đông Ghouta.
Theo thông cáo của điện Elysée, nguyên thủ hai nước cho rằng đã đến lúc Matxcơva cần gây sức ép “tối đa trên Damas” để chính quyền của tổng thống Bachar al Assad “tuân thủ nghị quyết Liên Hiệp Quốc 2401 (…) chấm dứt giao tranh, mở đường cho các hoạt động viện trợ nhân đạo, để những bị thương và bệnh tật được sơ tán”.
Vẫn theo thông cáo nói trên, tổng thống Macron nhấn mạnh : Paris sẽ cùng với đồng minh là Washington “phản ứng mạnh mẽ trong trường hợp Syria sử dụng vũ khí hóa học gây tử vong cho thường dân”. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hoãn tới ngày 05/03 phiên họp để biểu quyết về một nghị quyết được Anh Quốc đưa ra về tình hình nhân đạo tại Đông Ghouta, sát ngay cửa ngõ Damas
Tại hiện trường, theo hãng tin Pháp AFP dân cư ở Đông Ghouta vẫn ngóng chờ viện trợ nhân đạo. Khoảng 400.000 người đang thiếu từ thuốc men đến lương thực
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180303-phap-my-keu-goi-nga-gia-tang-suc-ep-voi-syria
Đức và Mỹ lo ngại về vũ khí mới của Nga
Trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại, lãnh đạo hai nước Đức và Mỹ vào hôm qua đã tuyên bố “lo ngại” sau bài phát biểu của tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông đã khoe các loại vũ khí mới của quân đội Nga, được ông cho là « bất khả chiến bại »
Trong một bản thông cáo công bố sau cuộc điện đàm, phủ thủ tướng Đức cho biết là thủ tướng Angela Merkel và tổng thống Mỹ Donald Trump đều quan ngại trước các tuyên bố mới nhất của tổng thống Nga Putin về sự phát triển của vũ khí Nga và tác động của điều này trên các nỗ lực quốc tế để kiểm soát các hệ thống vũ khí.
Theo phát ngôn viên của thủ tướng Đức, nhìn chung, Berlin đang lo lắng về « toàn bộ chính sách an ninh của Nga », trong đó có việc « cố tình tránh áp dụng các thoả thuận kiểm soát vũ khí », « vi phạm một cách rõ rệt luật pháp quốc tế trong quá trình sát nhập vùng Crimée », hay là « thái độ đe dọa đối với các quốc gia láng giềng ».
Các tuyên bố của tổng thống Nga cũng bị Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO phản đối. Ngay từ hôm qua, 02/03, phát ngôn viên khối NATO bà Oana Lungescu, đã cho rằng « không thể chấp nhận được » các tuyên bố khoe vũ khí mới mà tổng thống Putin đưa ra, cho rằng các phát biểu đó chỉ « phản tác dụng » mà thôi.
Đối với khối NATO, những lời đe dọa của tổng thống Nga nhắm vào các nước trong liên minh NATO sẽ chỉ thúc đẩy khối này tăng cường năng lực phòng thủ của mình.
Theo bà Lungescu, « NATO là một liên minh phòng thủ, sẵn sàng bảo vệ tất cả các thành viên của mình chống lại bất kỳ mối đe dọa nào. NATO không muốn thấy một cuộc Chiến Lranh Lạnh mới hay một cuộc chạy đua vũ trang mới ».
Tuy nhiên, « để đối phó với các hành động hung hăng của Nga tại Ukraina và việc tiếp tục tăng cường quân sự từ biển Barents đến Địa Trung Hải, NATO đang hành động theo 2 hướng : răn đe và tăng cường tự vệ, đồng thời kết hợp với đối thoại xây dựng ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180303-thu-tuong-duc-va-tong-thong-my-lo-ngai-ve-vu-khi-moi-cua-nga
Trung Quốc
lại trì hoãn đề nghị của Mỹ đòi trừng phạt Bình Nhưỡng
Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc ngày 02/03/2018 tiết lộ : Trung Quốc vừa trì hoãn một đề nghị của Hoa Kỳ, yêu cầu một ủy ban trực thuộc Hội Đồng Bảo An đưa vào danh sách đen 33 chiếc tàu, 27 công ty vận tải biển và một cá nhân Đài Loan, bị buộc tội vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh đã cản trở mà không nêu lý do.
Theo hãng tin Anh Reuters, Hoa Kỳ đã chuyển đề nghị này lên Hội Đồng Bảo An vào tuần trước, nhưng Trung Quốc đã trì hoãn đề xuất của Mỹ và không giải thích. Theo Reuters, động thái trì hoãn thường được đưa ra khi một thành viên Hội Đồng muốn có thêm thông tin, nhưng đôi khi có mục tiêu gạt bỏ hoàn toàn đề xuất.
Ủy Ban Trừng Phạt Bắc Triều Tiên của Hội Đồng Bảo An vận hành theo nguyên tắc đồng thuận, và nếu đề nghị của Mỹ được thông qua, thì toàn bộ số tàu bị đưa vào danh sách đen, trong đó có 19 chiếc của Bắc Triều Tiên, sẽ bị cấm cập cảng trên toàn thế giới, trong lúc tài sản của 27 hãng vận tải biển và cá nhân Đài Loan sẽ bị phong tỏa.
Reuters ghi nhận là đề xuất trừng phạt được Washington đưa ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường sức ép để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc ngăn chặn việc trừng phạt Bắc Triều Tiên. Vào tháng 12/2017, Washington từng đề nghị bổ sung vào danh sách đen 10 chiếc tàu khác. Ủy Ban chỉ đồng ý với bốn tên. Theo các nguồn tin ngoại giao, chính Trung Quốc đã bác bỏ việc trừng phạt 6 chiếc tàu còn lại.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180303-trung-quoc-lai-tri-hoan-de-nghi-cua-my-doi-trung-phat-binh-nhuong
Châu Phi:
Khủng bố tấn công sứ quán Pháp ở thủ đô Burkina Faso
Ouagadougou, thủ đô Burkina Faso đã bị tấn công khủng bố vào hôm qua, 02/03/2018, nhắm đồng thời vào sứ quán Pháp và tổng hành dinh quân đội nước này. Ít nhất 8 kẻ tấn công và 8 nhân viên an ninh Burkina Faso bị thiệt mạng và hơn 80 người bị thương.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại chỗ, đây là những cuộc tấn công được phối hợp, cùng một lúc diễn ra tại hai nơi cách nhau khoảng 2 cây số. Súng đã bắt đầu nổ lúc 10 giờ ở khu vực đại sứ quán Pháp, với một nhóm tấn công trang bị súng ống hùng hậu, nhưng đã bị lực lượng bảo vệ đáp trả ngay : 4 kẻ khủng bố bị thiệt mạng cùng với 2 nhân viên an ninh Burkina Faso.
Quân đội Pháp khẳng định « không tham gia » vào chiến dịch phản công, trong lúc bộ Ngoại Giao Pháp xác định rằng không có người Pháp nào thiệt mạng.
Chỉ vài phút sau vụ tấn công vào đại sứ quán Pháp, tổng hành dinh quân đội ở Ouagadougou nổ tung trong một vụ tấn công bằng xe hơi có gài bom. Ngay sau vụ nổ, quân khủng bố đã mở cuộc tấn công thứ hai. Tại đây, 4 kẻ tấn công bị chết và 8 người bên lực lượng an ninh, 80 người bị thương, theo tổng kết tạm thời.
Theo RFI, điểm may mắn là nơi bị phá nổ tại tổng hành dinh quân đội Burkina Faso là phòng dự kiến cho buổi họp các lãnh đạo quân đội về nhóm G5 Sahel. Vào giờ phút chót, cuộc họp đã được dời sang một phòng khác.
http://vi.rfi.fr/phap/20180303-chau-phi-khung-bo-tan-cong-toa-dai-su-phap-o-thu-do-burkina-faso
Ý chuẩn bị bầu Quốc Hội:
Ba lực lượng chính đua tranh với nhau
Cử tri Ý vào ngày mai 04/02/2018 sẽ trở lại phòng phiếu để bầu Quốc Hội mới. Lần này, cuộc đua tranh sẽ diễn ra giữa ba lực lượng chính trị chủ chốt : Cánh trung tả của thủ tướng Renzi, liên minh cánh hữu của cựu thủ tướng Berlusconi và Phong Trào 5 Sao, một đảng dân túy do diễn viên hài Beppe Grillo sáng lập. Đảng này đã kết thúc cuộc vận động vào tối qua.
Thông tín viên RFI tại Roma, Anne Tréca, tường thuật cảnh tượng :
« Ngay giữa mùa đông, bất chấp mưa gió, đảng do Beppe Grillo sáng lập đã được nhiệt tình ủng hộ. Hàng ngàn người đã tập hợp ở quảng trường Nhân Dân ở Roma để ủng hộ những ứng viên trẻ của Phong Trào 5 Sao.
Luigi di Maio, một lãnh đạo trẻ 31 tuổi, đã hứa với các ủng hộ viên là đảng của ông sẽ giành được một đa số chưa từng thấy ở Quốc Hội. Đám đông hô vang ‘Onestà’, tức ‘liêm chính’, khẩu hiệu của Phong Trào 5 Sao. Di Maio còn nhắc lại lời hứa là khi Phong Trào 5 Sao cầm quyền, những kẻ gian lận sẽ không thể làm bộ trưởng.
Đối với những người có mặt trong buổi mít tinh, nước Ý trước tiên cần phải chống tham nhũng, chống mafia, chống những thỏa hiệp. Bỏ phiếu cho Phong Trào 5 Sao là đổi mới tầng lớp chính trị, thay đổi thế hệ cầm quyền cho dù sự thiếu kinh nghiệm của các ứng viên thuộc chính đảng mới này có thể gây ra một số thất vọng ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180303-y-chuan-bi-bau-quoc-hoi-moi-ba-luc-luong-chinh-dua-tranh-voi-nhau