Tin khắp nơi – 02/12/2017
Thượng viện thông qua dự luật cải tổ thuế,
mang về thắng lợi cho Trump
Thượng viện Mỹ đã thông qua với tỉ lệ sít sao một dự luật cải tổ thuế quan trọng, đưa phe Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump tiến một bước lớn gần hơn tới mục tiêu cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và người giàu, trong khi người dân Mỹ trung lưu vừa có lợi mà cũng vừa chịu thiệt.
Trong một thay đổi lớn nhất đối với luật thuế của Mỹ kể từ những năm 1980, phe Cộng hòa muốn thêm 1,4 ngàn tỉ đôla vào khối nợ quốc gia 20 ngàn tỉ đôla trong 10 năm tới để tài trợ cho những thay đổi mà họ nói là sẽ thúc đẩy nền kinh tế vốn đang tăng trưởng.
“Chúng ta đã tiến một bước gần hơn tới việc mang tới những khoản cắt giảm thuế KHỔNG LỒ cho các gia đình lao động khắp nước Mỹ,” ông Trump viết trên Twitter sáng sớm thứ Bảy.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong những tháng qua với hy vọng Washington sẽ thông qua dự luật cắt giảm thuế đáng kể cho các tập đoàn.
Mừng chiến thắng của họ tại Thượng viện, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tiên đoán những khoản cắt giảm thuế sẽ khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Giờ đây chúng ta có cơ hội làm cho nước Mỹ có tính cạnh tranh hơn, giữ cho việc làm không bị chuyển nước ngoài và bớt đáng kể gánh nặng cho tầng lớp trung lưu,” Mitch McConnell, lãnh đạo khối Cộng hòa tại Thượng viện, nói.
Thượng viện phê chuẩn dự luật trong cuộc biểu quyết với tỉ lệ 51-49. Phe Dân chủ phàn nàn rằng những sửa đổi vào phút chót để giành sự ủng hộ của những thượng nghị sĩ Cộng còn hoài nghi đã được soạn thảo qua quýt và sau này dễ bị các luật sư và kế toán viên lợi dụng để tránh thuế.
“Phe Cộng hòa đã nỗ lực làm cho một dự luật tồi trở nên tệ hơn,” Lãnh đạo khối Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer nói. “Lợi dụng lúc tối khuya và biểu quyết một cách vội vàng, những thay đổi vào phút chót sẽ càng nhét thêm tiền vào túi của người giàu có và các tập đoàn lớn nhất.”
Không thượng nghị sĩ Dân chủ nào biểu quyết ủng hộ dự luật này, nhưng họ không thể ngăn chặn được vì phe Cộng hòa chiếm thế đa số 52-48.
Các cuộc thương thảo sẽ bắt đầu, có phần chắc là vào tuần sau, giữa Thượng viện và Hạ viện, vốn đã thông qua một dự luật cải tổ thuế của riêng họ.
Ông Trump muốn có dự luật này trước cuối năm nay, cho phép ông và phe Cộng hòa đạt được thành tựu lập pháp quan trọng đầu tiên trong năm 2017, dù họ kiểm soát cả Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1.
Phe Cộng hòa thất bại trong nỗ lực bãi bỏ luật chăm sóc y tế Obamacare mùa hè vừa rồi và nhiệm quyền của ông Trump trong năm đầu tiên đã gặp phải nhiều sóng gió vì đấu đá nội bộ trong Nhà Trắng và vì cuộc điều tra liên bang về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động của ông và với các quan chức Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái.
Cải tổ thuế được ông Trump và phe Cộng hòa coi là thiết yếu cho triển vọng của họ trong các cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2018, khi họ phải bảo vệ thế đa số tại Quốc hội.
Bản dự thảo cuối cùng của dự luật này không được công khai cho đến khi chỉ vài giờ trước cuộc biểu quyết.
Khuôn khổ cho cả hai dự luật của Thượng viện và Hạ viện được soạn thảo bí mật trong vài tháng bởi sáu nhà lãnh đạo Quốc hội của phe Cộng hòa và các cố vấn của ông Trump, với ít ý kiến đóng góp của các nghị sĩ cấp thấp đồng đảng và không nghị sĩ nào từ phe Dân chủ tham gia.
Sáu thượng nghị sĩ Cộng hòa, những người muốn có những sửa đổi vào phút chót và trước đó đã tỏ ra hoài nghi, hôm thứ Sáu nói rằng họ sẽ ủng hộ dự luật và đã làm đúng như vậy.
Thượng nghị sĩ Bob Corker, một trong số ít những thượng nghị sĩ Cộng hòa có chủ trương bảo thủ về thâm hụt ngân sách, trước đó đã tuyên bố phản đối bất kỳ dự luật nào khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng lên. Ông là thượng nghị sĩ Cộng hòa duy nhất biểu quyết chống lại dự luật.
“Tôi không thể gạt sang một bên những lo ngại về tài chính của tôi và biểu quyết ủng hộ dự luật này mà có thể thêm vào gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai,” ông Corker, người đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử, phát biểu.
Tổng thống Trump nói
Ngoại trưởng Tillerson sẽ không rời chức
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ không từ nhiệm, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter hôm thứ Sáu, sau khi các quan chức Mỹ hôm thứ Năm nói rằng Nhà Trắng đã lập kế hoạch cho giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế ông Tillerson.
“Giới truyền thông đang võ đoán rằng tôi đã sa thải Rex Tillerson hoặc ông ấy sẽ sớm từ nhiệm – TIN VỊT! Ông ấy sẽ không từ nhiệm và dù chúng tôi không đồng ý về một số chủ đề nhất định (tôi là người quyết định cuối cùng) chúng tôi làm việc ăn ý cùng nhau và nước Mỹ đang được kính nể trở lại!” ông Trump nói trên Twitter.
Dòng tweet kèm theo một bức hình ông Tillerson tuyên thệ nhậm chức ngoại trưởng với ông Trump và Phó Tổng thống Mike Pence nhìn theo.
Các quan chức chính quyền cao cấp hôm thứ Năm nói rằng ông Trump đang cân nhắc một kế hoạch bãi nhiệm ông Tillerson, người có mối quan hệ căng thẳng với ông Trump vì lập trường mềm mỏng hơn của ông về Triều Tiên và những khác biệt chính sách khác, cũng như các bản tin vào tháng 10 cho hay ông Tillerson đã gọi ông Trump là “thằng ngu.”
Ông Tillerson đã không trực tiếp nói liệu ông có đưa ra phát biểu như vậy hay không, dù người phát ngôn của ông phủ nhận điều đó.
Khi được yêu cầu bình luận về việc một số quan chức Nhà Trắng muốn ông từ chức, về cách thức mà vụ việc này đang được giải quyết và kế hoạch của ông là gì, ông Tillerson trả lời: “Thật nực cười. Thật nực cười.”
Ông Tillerson phát biểu như vậy trong lúc ông chụp hình với Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj của chính phủ được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli.
Ông Tillerson sẽ công du Châu Âu vào tuần sau để dự các cuộc họp của NATO tại Brussels vào ngày thứ Ba và thứ Tư, một cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại Vienna ngày thứ Năm và nói chuyện với các quan chức Pháp ở Paris ngày thứ Sáu.
Ông dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Vienna ngày thứ Năm bên lề cuộc họp của OSCE, một quan chức của Bộ Ngoại giao nói với các phóng viên.
Cựu TT Obama gặp Đức Đạt lai Lạt ma và Thủ Tướng Ấn
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, gặp nhau tại New Delhi hôm thứ Sáu để thảo luận về vấn đề thúc đẩy hòa bình trên thế giới, văn phòng Đức Đạt Lai Lạt ma cho biết.
Trong chuyến đi thăm ba nước, ông Obama còn gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong chặng dừng chân thứ nhì sau Trung Quốc.
Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi ông Obama là một người bạn cũ đáng tin cậy sau khi gặp ông tại một khách sạn ở New Delhi.
Đây là lần gặp thứ sáu giữa hai nhà lãnh đạo – lần gặp mặt trước đó là vào tháng 7 năm ngoái khi Tổng thống Obama nghênh đón Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Toà Bạch Ốc, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn coi nhà lãnh đạo Tây Tạng như một kẻ ‘ly khai’, và lo sợ các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo nước ngoài sẽ đánh đi những tín hiệu tới người Tây Tạng mà Bắc Kinh cho là bất lợi cho họ.
Đều là Khôi nguyên giải Nobel Hoà bình, Tổng Thống Obama và Đức Đạt Lai Lạt thảo luận viễn kiến của mình về tương lai thế giới, theo văn phòng Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Đức Đạt Lai Lạt ma nói:
“Tôi nói với ông Obama rằng chúng ta cần cổ vũ cho tinh thần đoàn kết… có quá nhiều sự chia rẽ…”
Nhà lãnh đạo Tây Tạng 82 tuổi đã rút lui khỏi chính trường trong chính quyền lưu vong Tây Tạng. Ngài nói với Tổng thống Obama rằng các khôi nguyên giải Nobel nên gặp nhau để tạo ra những thay đổi cho tương lai ngay trước mắt.
Đức Đạt Lai Lạt ma nói:
“Ông còn trẻ và có thể làm rất nhiều việc. Thế hệ của tôi có lẽ sẽ không được chứng kiến kết quả, nhưng thế hệ của ông chắc chắn là sẽ trông thấy kết quả.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma yêu cầu cuộc hội ngộ, nói rằng vì lý do tuổi tác, ông khó có thể tới thăm Hoa Kỳ.
Ông Obama hình như có thảo luận về công việc của Quỹ Obama, quỹ của ông, với nhà lãnh đạo Tây Tạng.
Trong chặng dừng chân tại Delhi, ông Obama đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cả hai nhà lãnh đạo đã xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp sau khi ông Modi lên nắm quyền, giúp thúc đẩy mối quan hệ Mỹ Ấn, đã tiếp tục lớn mạnh từ đó.
Sau cuộc họp mặt, Thủ Tướng Modi viết trên trang twitter:
“Thật là hạnh phúc khi được gặp lại cựu Tổng thống Obama, và được nghe về những sáng kiến mới đang được xúc tiến tại Quỹ Obama dưới sự lãnh đạo của ông, cũng như được lắng nghe quan điểm của ông về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ- Hoa Kỳ.”
Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh về đề tài lãnh đạo do báo Hindustan Times tổ chức, ông Obama ca ngợi quan hệ Ấn-Mỹ, nói rằng hai nước “có thể giúp định hướng một tương lai tốt đẹp hơn, đặc biệt khi chính khái niệm dân chủ đang bị chất vấn.”
Ông nói Ấn Độ nên trân trọng và chăm sóc cộng đồng Hồi giáo đông đảo cư ngụ tại Ấn Độ, những người đã hội nhập vào xã hội và tự coi mình là người Ấn.
Tổng Thống Obama lên tiếng tại một thời điểm khi mà giới chỉ trích bày tỏ ra quan ngại về thái độ bất khoan dung ngày càng tăng trong các nhóm Ấn giáo kể từ khi Đảng cánh hữu Bharatiya Janata của ông Modi lên nắm quyền ở Ấn Độ.
Ngoài ra, ông Obama còn phát biểu tại cuộc gặp gỡ với khoảng 280 lãnh đạo trẻ Ấn Độ ở New Delhi.
Sau Ấn Độ, Tổng Thống Obama sẽ lên đường sang thăm nước Pháp.
Cuộc chiến truyền thông Mỹ-Nga lại leo thang?
Các nhà lập pháp Nga theo dự kiến sẽ thảo luận một dự luật đề nghị cấm cửa tất cả các đại diện truyền thông báo chí Mỹ, không được vào Viện Duma, tức Hạ viện Nga ở thủ đô Moscow.
Dân biểu Olga Savastyanova hôm thứ Sáu nói với truyền thông Nga rằng động thái này là để trả đũa Mỹ sau khi các phóng viên của đài truyền hình Russia Today (RT) được nhà nước Nga tài trợ, bị cấm tác nghiệp bên trong Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington.
Hãng tin RIA dẫn lời bà Olga Savastyanova nói về đề xuất này:
“Đây sẽ là lệnh cấm các ký giả đại diện cho truyền thông Mỹ, tất cả mọi cơ sở truyền thông Mỹ, không được vào Viện Duma”.
Tuần trước, Tổng Thống Vladimir Putin ký thành luật các dự luật trao quyền cho chính phủ Nga chỉ định các cơ sở truyền thông nhận tài trợ từ nước ngoài là “đặc vụ nước ngoài”, và áp đặt các biện pháp trừng phạt các cơ sở này.
Các giới chức Nga miêu tả luật mới là một “đáp ứng cân xứng” với điều mà họ miêu tả là áp lực của Mỹ đối với truyền thông Nga.
Hôm 13/11, RT đăng ký tại Hoa Kỳ theo tinh thần một đạo luật cũ nhiều thập niên có tên gọi tắt là FARA, tức Đạo luật Đăng ký cho Đặc vụ Nước Ngoài.
Đại sứ Mỹ ở Nga Jon Huntsman tuần trước nói rằng FARA có mục đích cổ vũ cho sự minh bạch, nhưng cũng có một số hạn chế đối với hoạt động của đài truyền hình RT tại Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-chien-truyen-thong-my-nga-lai-leo-thang/4145587.html
ABC: Flynn sẵn lòng khai chứng
Trump chỉ đạo ông ta liên lạc với Nga
ABC News hôm thứ Sáu loan tin cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Michael Flynn sẵn lòng khai chứng rằng Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo ông liên lạc với Nga khi ông đã trở thành tổng thống đắc cử.
Bản tin này, dẫn lời một người thân tín của ông Flynn, chưa thể được kiểm chứng một cách độc lập. Tin này đã khiến chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh.
Ông Flynn, một cựu phụ tá trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và là nhân vật trung tâm trong cuộc điều tra liên bang về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đã nhận tội khai man với FBI hôm thứ Sáu.
Thỏa thuận nhận tội của ông ta và quyết định hợp tác với cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đánh dấu một tiến triển lớn trong cuộc điều tra đã đeo đuổi chính quyền Trump kể từ khi tổng thống Đảng Cộng hòa này lên nắm quyền vào tháng 1.
Ông Flynn thừa nhận đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật về các mối liên hệ của ông ta với đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak vào năm ngoái. Những cáo buộc này có mức án lên đến năm năm tù giam.
Ông Flynn bị sa thải khỏi Nhà Trắng vào tháng 2 vì nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc trò chuyện của ông với đại sứ Nga.
Moscow đã phủ nhận một kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào chiến dịch tranh cử để tìm cách nghiêng cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump. Ông Trump đã bác bỏ mọi sự thông đồng của chiến dịch tranh cử của ông
Paul Manafort: Hơn 11 triệu USD để được tại ngoại
Người từng điều hành chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, đã đạt thỏa thuận với Văn phòng Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về số tiền tại ngoại hầu tra lên tới 11.65 triệu đôla, theo Luật sư của ông Manafort cho biết hôm 1/12. Công tố viên Mueller là người đang tiến hành cuộc điều tra về những mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga.
Ông Manafort bị truy tố cùng với một người cộng sự, ông Richard Gates, hồi tháng 10. Luật sư Kevin Downing cho biết là theo thỏa thuận, ông Manafort sẽ không còn bị quản thúc tại gia và theo dõi điện tử.
Ông Manafort trước đây bị giam giữ tại nhà riêng ở bang Virginia, ông đã đồng ý thế chấp 4 bất động sản tổng trị giá khoảng 11,65 triệu USD, nếu vi phạm lệnh tại ngoại. Ông Manafort trước đây đã dàn xếp một ngân khoản 10 triệu đô la không thế chấp để bảo đảm ông sẽ ra trước tòa.
Ông Manafort, người mà trong nhiều tháng đã điều hành chiến dịch tranh cử của ông Trump vào năm 2016, và ông Gates, phụ tá của ông, hồi tháng 10 tuyên bố không nhận tội đối với 12 tội danh được nêu ra trong bản cáo trạng của một bồi thẩm đoàn liên bang. Hai ông đang đối mặt với những tội danh
gồm âm mưu rửa tiền, thông đồng chống lại Hoa Kỳ, và không đăng ký tư cách nhân viên được trả lương phục vụ các quyền lợi của chính quyền Ukraine thân Nga đã cầm quyền trước đây.
Cáo trạng này nằm trong phạm vi một cuộc điều tra sâu rộng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Nga đã tiến hành một chiến dịch tin tặc và tung thông tin sai lệch để ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Cuộc điều tra còn tìm hiểu khả năng có sự thông đồng giữa các cộng sự của ông Trump với Nga. Cả Moscow lẩn Tổng thống Trump đều bác bỏ những cáo buộc đó.
Ông Mueller và các luật sư dưới quyền trước đó lập luận rằng tòa án chỉ nên đồng ý với một thỏa thuận tại ngoại, với điều kiện ông Manafort phải báo cáo đầy đủ hồ sơ tài chính của ông. Họ nghi ngờ khả năng ông Manafort có thể bỏ trốn.
Bốn tài sản được đăng ký là một căn nhà ở Bridgehampton, New York trị giá 4 triệu đô la, một bất động sản ở thành phố New York trị giá 3,7 triệu đô la, một bất động sản ở Florida ước tính là 1,25 triệu đô la, và một ngôi nhà ở Virginia trị giá 2,7 triệu đô la.
Vợ và con gái ông Manafort đã đứng ra bảo đảm ông sẽ xuất hiện trước tòa.
Để giảm thiểu nguy cơ ông có thể bỏ trốn, ông Manafort đồng ý sẽ không du lịch ra nước ngoài, ông đã trao lại hộ chiếu và sẽ hạn chế các chuyến đi tới Florida, Virginia, New York và Washington D.C.
Luật sư Downing nói 11,65 triệu USD là một “phần đáng kể” trong tài sản của gia đình Manafort và gia đình ông sẽ chịu những hậu quả tài chính nghiêm trọng, nêu ông không xuất hiện trước tòa.
https://www.voatiengviet.com/a/paul-manafort-thoa-thuan-de-duoc-tai-ngoai/4145480.html
Cảnh sát Đức hủy thứ nghi là thiết bị nổ
tại chợ Giáng Sinh Potsdam
Cảnh sát Đức đã phá hủy một thứ bị nghi là thiết bị nổ tự chế tại Potsdam, một thành phố nhỏ ở ngoại ô thủ đô Berlin.
Một bản tin ở địa phương cho biết gói đồ được gửi đến một hiệu thuốc gần chợ Giáng Sinh. Cảnh sát đã được gọi đến và khu vực này đã được sơ tán.
Cảnh sát bang Brandenburg cho biết họ đã kiểm tra gói đồ và xác nhận nó có thể là một thiết bị nổ tự chế và đã tháo ngòi nổ thành công. Các bản tin cho hay gói đồ chứa đinh và một loại bột nào đó.
Bộ trưởng nội vụ bang Brandenburg Karl-Heinz Schroeter nói với các phóng viên rằng bột này sẽ được phân tích. Ông nói không rõ liệu gói đồ có phải là vũ khí thực sự hay không.
Các đường phố trong khu vực này đã bị đóng khi thiết bị có kích thước 40 x 50 cm được phá hủy trong một vụ nổ có kiểm soát.
Cảnh sát cảnh báo rằng có thể còn có thêm những gói đồ như vậy trong khu vực.
Vụ việc này đặc biệt gây chú ý vì một vụ tấn công khủng bố chết người đã xảy ra vào năm ngoái tại một chợ Giáng Sinh trong một khu mua sắm sầm uất ở Berlin. Vào ngày 19 tháng 12 năm 2016, một chiếc xe tải bị cướp bởi một người xin bảo hộ tị nạn từ Tunisia đã chệch khỏi đường và lao vào khu chợ gần một nhà thờ lịch sử trên đại lộ mua sắm Kurfurstendamm. Vụ việc khiến 12 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Potsdam, một thành phố nhỏ nhưng cổ kính, là thủ phủ của bang Brandenburg. Nó nằm cách Berlin khoảng 40 km về phía tây nam.
Syria : Ba quan chức của Lafarge bị truy tố
Hôm qua, 01/12/2017, ba quan chức của tập đoàn xi măng Pháp – Thụy Sĩ Lafarge đã bị truy tố trong khuôn khổ cuộc điều tra về những hoạt động của tập đoàn này ở Syria. Lafarge bị nghi là đã gián tiếp tài trợ cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo để có thể tiếp tục vận hành một nhà máy xi măng tại Syria dù nước đang có nội chiến
Ba quan chức bị truy tố và bị tạm giam là Bruno Pescheux, nguyên giám đốc nhà máy xi măng ở Syria, Frédéric Jolibois, giám đốc nhà máy từ năm 2014 và Jean-Claude Veillard, giám đốc đặc trách về an toàn trong tập đoàn Lafarge. Họ bị cáo buộc các tội danh : « tài trợ cho một tổ chức khủng bố » và « gây nguy hại cho tính mạng người khác ».
Ngành tư pháp của Pháp tình nghi tập đoàn Lafarge đã trao tiền cho tổ chức Nhà nước Hồi Giáo Daech để các nhân viên của nhà máy xi măng ở Syria được tự do đi lại. Tập đoàn này cũng bị nghi đã mua dầu từ Daech. Tổ chức này đã giành quyền kiểm soát phần lớn các kho dự trữ chiến lược ở Syria kể từ tháng 6/2013.
Cuộc điều tra của tư pháp nước Pháp cũng nhằm xác định xem tập đoàn Lafarge có đã làm hết sức mình để bảo đảm an ninh cho các nhân viên người Syria, vẫn ở lại trong nước, trong khi ban giám đốc nhà máy xi măng cùng với những nhân viên người nước ngoài đã được di tản từ mùa hè 2012.
Nhiều lãnh đạo khác của tập đoàn Lafarge và của chi nhánh Syria cũng đã bị thẩm vấn. Theo một báo cáo của hải quan Pháp, ban giám đốc Lafarge đã giả mạo những giấy tờ kế toán để che dấu việc chuyển tiền cho tổ chức Nhà nước Hồi Giáo.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171202-syria-ba-quan-chuc-cua-lafarge-bi-truy-to
Mỹ : Nhân viên NSA gốc Việt nhận tội sở hữu thông tin mật
Theo hãng tin Reuters, Bộ Tư pháp Mỹ hôm qua, 01/12/2017, cho biết một cựu nhân viên gốc Việt của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), từng làm việc trong đội hacker tinh nhuệ của cơ quan tình báo này, đã thừa nhận tội chiếm dụng trái phép các thông tin mật của NSA và lưu giữ những thông tin này trong máy tính cá nhân ở nhà.
Từ năm 2010 đến tháng 03/2015, cựu nhân viên có tên là Nghia Hoang Pho, 67 tuổi, công dân Mỹ sinh ở Việt Nam, khai nhận đã lưu giữ tại nhà riêng những tài liệu của chính quyền Mỹ, mà trong đó có chứa những thông tin quốc phòng tối mật.
Bị truy tố về tội này, ông Nghia Hoang Pho có thể lãnh án tù đến 10 năm. Tuy nhiên, ông không bị tống giam trong thời gian chờ bản án của tòa án quận Baltimore, dự kiến sẽ được tuyên vào ngày 6/4/2018.
Theo tờ New York Times, những tin tặc người Nga đã thông qua phần mềm chống virus tin học Kaspersky ( cũng của Nga ) để xâm nhập vào máy tính của ông Nghia Hoang Pho và đánh cắp các tập tin và các chương trình mà cơ quan NSA phát triển để ông sử dụng vào các hoạt động tin tặc của chính ông.
Theo Reuters, đây là nhân viên thứ ba của cơ quan NSA bị truy tố trong vòng hai năm qua vì tội chiếm dụng các thông tin tối mật.
Tháng 10 năm ngoái, tờ The Wall Street Journal loan tin rằng những tin tặc người Nga cũng đã thông qua phần mềm của Kaspersky để đánh cắp các tài liệu mật từ một nhân viên của NSA.
Sau vụ này, chính quyền Mỹ đã cấm sử dụng phần mềm chống virus Kaspersky trong các máy tính của chính phủ, đồng thời cảnh báo rằng công ty Kaspersky bị nghi có liên vệ với cơ quan tình báo Nga. Cho tới nay Kaspersky vẫn bác bỏ cáo buộc đó.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171202-my-nhan-vien-nsa-goc-viet-nhan-toi-so-huu-thong-tin-mat
Bắc Triều Tiên mở hội ăn mừng
việc trở thành ” quốc gia hạt nhân”
Hai ngày sau vụ bắn thên lửa liên lục địa Hwasong-15 có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ, hôm qua (01/12/2017) , Bình Nhưỡng bắn pháo hoa mừng “Bắc Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân“.
Nhật báo Rodong Sinmun của đảng Lao động Bắc Triều Tiên ấn bản ngày 02/12/2017 đăng ảnh quảng trường Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng chăng đèn kết hoa, đông kín người. Tất cả rất hân hoan, vỗ tay reo hò mừng “vụ bắn tên lửa thành công“, tung hô lãnh đạo Kim Jong Un đã đưa Bắc Triều Tiên thành một “quốc gia hạt nhân”, “chứng minh với thế giới về sức mạnh” của quốc gia khép kín này.
Theo hãng tin Pháp, AFP Kim Jong Un vắng mặt trong buổi lễ tập hợp rất nhiều các quan chức cao cấp của quân đội, chính quyền và đảng Lao Động Bắc Triều Tiên.
Về phía Seoul, Hàn Quốc sáng nay cho biết một trận động đất ở cấp 2,5 trên thang địa chấn Richter đã xảy ra gần khu vực mà Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử bom nguyên tử hôm 03/09/2017. Đây là trận động đất thứ tư trong khu vực này được ghi nhận.
Cũng liên quan đến Bắc Triều Tiên, trong tháng này, Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức hai cuộc họp về chế độ Kim Jong Un. Một nhà ngoại giao tại New York hôm qua thông báo, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở một phiên họp về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng vào ngày 15/12/2017.
Trước đó, hôm 11/12/2017 một cuộc họp khác, tập trung vào các hành vi chà đạp nhân quyền của chế độ Bắc Triều Tiên, cũng sẽ được mở ra tại Liên Hiệp Quốc, theo yêu cầu của 9 trong số 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An.
Đại sứ Nhật Bản bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Koro Bessho, cho biết thêm, riêng trong vế nhân quyền Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đã nhiều lần can thiệp, ngăn cản quốc tế họp bàn về chủ đề này. Hãng tin Reuters nhắc lại, vào năm 2016, Hoa Kỳ đã đặt Kim Jong Un trong danh sách đen những lãnh đạo vi phạm nhân quyền trên thế giới.
Trước đó, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2014 thẩm định là lãnh đạo an ninh Bắc Triều Tiên và có khả năng là kể cả Kim Jong Un đã phạm những tội ác không kém chế độ Đức Quốc Xã. Bình Nhưỡng luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171202-binh-nhuong-an-mung-vu-thanh-tuu-ten-lua-dan-dao
World Cup 2018 : Vòng bảng,
Pháp gặp toàn đối thủ đến Nga bằng vé vớt
Đội tuyển Pháp quả là gặp may. Kết quả bốc thăm chia bảng hôm qua, 01/12/2017, tại điện Kremlin, Matxcơva, xếp các tuyển thủ của Didier Deschamps vào chung bảng C với các đối thủ Úc, Peru và Đan Mạch, những đội vừa lọt vào vòng chung kết Cúp Bóng đá Thế giới 2018 tại Nga bằng vé vớt.
Đội tuyển Pháp sẽ đấu trận đầu tiên với Úc ngày 16/06/2018 tại Kazan, trước khi gặp đội Peru ngày 21/06 ở Ekaterinbourg, rồi sẽ đụng với Đan Mạch ngày 26/06 ở Matxcơva. Nhưng nếu như các tuyển thủ Pháp nắm khá rành về đội Đan Mạch, thì họ hầu như không biết gì tuyển Úc và Peru. Pháp chỉ đụng với Peru có một lần duy nhất vào thập niên 1980. Cho nên, ban huấn luyện viên sẽ phải chăm chú theo dõi lối đá của hai đối thủ này.
Như vậy là các tuyển thủ của Deschamps có nhiều cơ may lọt vào vòng 1/8, nhưng con đường đi tiếp chắc không phải là dễ dàng, bởi vì Pháp sẽ đụng với đội về nhất hoặc về nhì bảng D, rất có thể sẽ là Achentina hoặc Croatia, trừ phi Iceland và Nigeria gây bất ngờ. Trong bảng D, Achentina cũng né được những đối thủ nặng ký, vì họ chỉ tranh vé vào vòng trong với Croatia, Iceland và Nigeria.
Nhìn chung, với thể thức bốc thăm mới, lần này không có bảng nào gọi là « bảng tử thần »,tức là rất ít có khả năng những đội sừng sỏ phải xách vali về nước sớm trong sự tiếc rẻ của người hâm mộ.
Cú sốc lớn nhất ở vòng đầu chính là cuộc đụng độ giữa Tây Ban Nha với đội Bồ Đào Nha, đương kim vô địch châu Âu, vào ngày 15/06 ở Sotchi, trong bảng B, bảng cũng bao gồm Maroc và Iran. Cuộc tranh tài khác chắc cũng sẽ nẩy lửa đó là giữa Bỉ và Anh trong bảng G, nhưng trong bảng này, hai đối thủ kia chẳng có gì là đáng ngại, đó là Panama và Tunisia.
Còn đội tuyển Đức, đương kim vô địch thế giới, lần này cũng rơi vào một bảng nhẹ ký, đó là bảng F, với ba đối thủ Mêhicô, Thụy Điển và Hàn Quốc. Trong khi đó, Brazil, nước đầu tiên lọt vào vòng chung kết ( ngoại trừ Nga, nước chủ nhà ), thì chắc là cũng sẽ thoải mái lọt vào vòng trong, vì họ sẽ đụng với đội tuyển chẳng có gì là đáng gờm trong bảng E : Thụy Sĩ, Costa Rica và Serbia. Trong bảng H, đội tuyển Ba Lan sẽ so tài với ba đội tương đối dễ nuốt là Colombia, Nhật Bản và Senegal.
Ngay cả đội Nga chủ nhà sẽ đấu trận khai mạc khá thuận lợi với Ả Rập Xê Út và sau đó sẽ đụng với hai đối thủ đối thủ nhẹ ký khác trong bảng A là Uruguay và Ai Cập. Như vậy, có nhiều hy vọng là các tuyển thủ Nga sẽ xóa đi thảm bại trong giải Euro-2016.
Thế nhưng, trong lịch sử bóng đá, biết bao bất ngờ đã từng xảy ra, làm đảo lộn mọi dự đoán. Dù là nằm trong một bảng có vẻ là thuận lợi, các đội hàng đầu thế giới cũng phải dè chừng những đối thủ kia. Đội tuyển Pháp đã nhiều lần trả giá cho thái độ xem thường đối phương.
Tuy vậy, nếu tin vào vận may, thì ta có thể dựa trên chi tiết : Tuyển Pháp lần này nằm trong bảng C, cũng giống như vào năm 1998, khi Pháp đoạt chức vô địch thế giới. Năm đó, huấn luyện viên Didier Deschamps, ở vị trí hậu vệ, đã góp công vào chiến thắng này.
Kết quả rút thăm chia các bảng:
Bảng A: Nga, Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Uruguay
Bảng B: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Maroc, Iran
Bảng C: Pháp, Úc, Peru, Đan Mạch
Bảng D: Achentina, Iceland, Croatia, Nigeria
Bảng E: Brazil, Thụy Sỹ, Costa Rica, Serbia
Bảng F: Đức, Mêhicô, Thụy Điển, Hàn Quốc
Bảng G: Bỉ, Panama, Tunisia, Anh
Bảng H: Ba Lan, Senegal, Colombia, Nhật Bản
http://vi.rfi.fr/phap/20171202-world-cup-2018-vong-ban-phap-gap-toan-doi-thu-den-nga-bang-ve-vot