Tin khắp nơi – 02/11/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 02/11/2017

Châu Á chuẩn bị đón Tổng thống Trump

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chuẩn bị lên đường công du 5 nước châu Á từ ngày 3 đến ngày 14/11 tới đây với một chính sách về ngoại giao không thể đoán trước và vào giữa lúc chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn đang gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyến đi châu Á dài nhất của một Tổng thống Mỹ kể từ thời Tổng thống George H Bush hồi năm 1991 sẽ đưa Tổng thống Trump tới Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và sau cùng là Philippines.

Hai vấn đề chính được chú ý trong chuyến thăm châu Á lần này của Tổng thống Trump là thương mại với các nước châu Á và chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước khác vào đầu năm nay, nhiều nước châu Á vẫn còn nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với châu Á về mặt hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên Nhà Trắng khẳng định chuyến đi dài ngày của Tổng thống lần này là một bằng chứng cho thấy cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Sau chặng dừng ngắn ở Hawaii, Tổng thống Trump sẽ đến Nhật Bản và chơi golf với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào ngày chủ nhật 5/11. Hai vị lãnh đạo quốc gia trước đó vào tháng hai năm nay cũng đã từng chơi golf cùng nhau ở Florida.

Sau Nhật Bản, Tổng thống Trump sẽ đến thăm Nam Hàn. Tuy nhiên, khác với các vị Tổng thống Mỹ trước đó, Tổng thống Trump lần này sẽ khoogn đến thăm vùng phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Thay vào đó, ông chỉ có một bài phát biểu được cho là sẽ gây chú ý cao ở Quốc hội Nam Hàn.

Nam Hàn hy vọng chuyến thăm kéo dài hai ngày của Tổng thống Mỹ đến nước này sẽ tái khẳng định cảm kết với đồng minh của Mỹ vào giữa lúc có những đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Hàn. Ngoài ra Nam Hàn cũng muốn sự đảm bảo từ Hoa Kỳ là sẽ không có những hành động quân sự với Bắc Hàn trước mà không được sự đồng ý từ Nam Hàn.

Sau Nam Hàn, chuyến thăm tiếp theo tới Trung Quốc của Tổng thống Trump cũng gây chú ý.

Chuyến thăm tới Trung Quốc vào thứ tư, ngày 8/11 diễn ra chỉ khoảng hai tuần sau đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình và bước vào nhiệm kỳ thứ hai trong vai trò người đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc.

Trước đó Tổng thống Trump đã từng lên tiếng ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình là người mạnh mẽ và ông cũng cho rằng ông Tập là một người tốt.

Sau Trung Quốc, Tổng thống Trump sẽ đến Việt Nam tham dự APEC ở Đà Nẵng, nơi ông sẽ có bài phát biểu về khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở và tự do. Đây là bài phát biểu được cộng đồng kinh doanh chờ đón vì châu Á đang muốn biết Mỹ sẽ đưa ra hướng tiếp cận nào trong cam kết về kinh tế với khu vực sau khi rút khỏi TPP hồi đầu năm nay.

Phần cuối chuyến đi châu Á sẽ đưa Tổng thống Trump đến Philippines, nước đồng minh lâu năm của Mỹ ở khu vực. Tổng thống Trump sẽ dự thượng đỉnh ASEAN và có cuộc gặp song phương với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Tuy nhiên ông sẽ không tham dự Thượng đỉnh Đông Á tại Philippines lần này.

Vấn đề về quy tắc ứng xử trong chuyến đi lần này của Tổng thống Trump tới châu Á cũng là một điểm nhà Trắng phải lưu ý trước chuyến đi.

Quy tắc chung khi đến châu Á được nêu ra là không nên bắt tay quá lâu hay quá ngắn, hay cũng không được lắp bắp tên và chức danh của người khác, hạn chế viết các tweet và không nên thắc mắc về đồ ăn.

Quy tắc này được đưa ra để tránh những ngạc nhiên và gây khó chịu trong chuyến đi quan trọng.

Nhưng Tổng thống Trump là người có thói quen đưa các ý kiến của mình trên tweeter về nhiều vấn đề.

Ngoài ra nhiều người cũng không quên hình ảnh Tổng thống Trump bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rất mạnh và có phần kéo tay Thủ tướng Nhật về mình hồi tháng 2 năm nay. Hình ảnh được camera thu lại sau cú bắt tay đó cho thấy Thủ tướng Nhật đã đảo mắt tỏ vẻ ngạc nhiên sau đó.

Hồi tháng 7 vừa qua, nhà Trắng của Tổng thống Trump cũng đưa ra một thông báo gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo của Trung Hoa Dân Quốc thay vì là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trung Hoa Dân Quốc là tên gọi chính thức của Đài Loan. Trung Quốc sau đó cho biết đã nhận được lời xin lỗi từ phía Mỹ.

Hãng AP đưa tin hôm thứ tư ngày 1/11, Tổng thống Trump đã cho thấy là ông hiểu tầm quan trọng của những nguyên tắc tế nhị trong chuyến thăm sắp tới. Tổng thống nói ông sẽ không làm cho bất cứ ai phải mất mặt trước khi ông đến Trung Quốc nhưng ông vẫn tiếp tục phàn nàn là những thỏa thuận thương mại và thâm hụt thương mại với Trung Quốc là điều khủng khiếp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/asia-braces-for-trump-and-his-unpredictable-foreign-policy-11022017090634.html

 

Chuyện gì sẽ xảy ra với Tây Ban Nha?

Cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại Tây Ban Nha trong 40 năm trở lại đây và là một thách thức lớn cho Liên minh Châu Âu.

Sau nhiều năm bấp bênh, những người ủng hộ độc lập đã tuyên bố muốn thành lập nước cộng hòa Catalonia và Tây Ban Nha đã hồi đáp bằng việc áp dụng luật trực tiếp lên khu vực tự trị.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo tại Catalonia?

Vì sao xảy ra khủng hoảng Catalonia?

Những năm tháng bất mãn xung quanh mức độ tự trị của khu vực Catalonia được đẩy đến đỉnh điểm trong làn sóng đòi độc lập mùa thu này.

Ngày 27/10, nghị viện khu vực, nơi có đa số là nghị sĩ ly khai, chính thức tuyên bố độc lập, ngay khi Thượng viện Tây Ban Nha tổ chức cuộc họp bàn về phản ứng của chính phủ.

Các nghị sĩ Catalonia biểu quyết đòi sự chuyển giao quyền lực một cách hợp pháp từ Tây Ban Nha, theo chế độ quân chủ, để trở thành một nước cộng hòa độc lập. Điều này có nghĩa là họ không công nhận hiến pháp Tây Ban Nha.

Các nghị sĩ Catalonia phản đối độc lập, chiếm khoảng 40% phiếu trong lần bầu cử khu vực gần nhất, đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Họ cũng tẩy chay cuộc trưng cầu độc lập hôm 1/10 mà Tây Ban Nha cố gắng ngăn chặn. Theo nhà tổ chức cuộc trưng cầu ý dân này, 90% người bỏ phiếu bầu độc lập, với tỉ lệ đi bỏ phiếu là 43%.

Catalonia giành ‘quyền có quốc gia riêng’

Phản ứng của Madrid

Madrid sử dụng quyền khẩn cấp mới ban hành trong Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, để sa thải Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và toàn bộ nội các, giải thể nghị viện khu vực.

Cánh tay phải trung thành của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Phó Thủ tướng Soraya Sasenz de Santamaría được bổ nhiệm làm lãnh đạo tạm thời của khu vực.

Một cuộc bầu cử sớm sẽ được tổ chức ngày 21/12.

Lực lượng cảnh sát 17 ngàn quân của Catalonia, Mossos d’Esquadra, được sáp nhập quản lý bởi Bộ Nội vụ Tây Ban Nha. Cảnh sát trưởng Josep Lluis Trapero cũng bị sa thải và thay thế bởi một người cấp dưới, Ferran López.

Số phận của những người theo chủ trương phân lập

Puigdemont nói rằng ông và các cộng sự sẽ phản kháng “một cách dân chủ” đối với việc thi hành luật mới.

Một câu hỏi lớn là lực lượng cảnh sát Mossos sẽ phản ứng ra sao khi họ được lãnh đạo mới chỉ đạo tới đuổi các quan chức cũ khỏi văn phòng của họ.

Các nhà hoạt động vì quyền độc lập đã kêu gọi biểu tình để “ủng hộ nước cộng hòa”.

Có khả năng những người ủng hộ phân lập sẽ tổ chức đình công, tẩy chay và nhiều cuộc biểu tình lớn để phản đối hành động của Madrid.

Nhóm ly khai chính, Quốc hội Catalonia, coi chính quyền của Rajoy là “chính phủ nước ngoài”.

Nhóm này đã kêu gọi các công chức, bao gồm gần 27 ngàn người làm việc trực tiếp dưới chính quyền Catalonia, không nghe theo các mệnh lệnh của chính phủ Tây Ban Nha nhằm biểu hiện “sự phản kháng hòa bình”.

Tây Ban Nha giải thể Nghị viện Catalonia

Tòa hoãn phiên họp nghị viện Catalonia

Lực lượng ly khai đối mặt với pháp luật?

Cơ quan công tố Tây Ban Nha được chờ đợi sẽ truy tố hành động nổi loạn này, một tội có thể được kết án 30 năm tù, đối với Puigdemont vào tuần sau.

Khi đó, tòa án sẽ quyết định có thi hành quyết định hay không.

Tuyên bố thành lập nước cộng hòa của Catalonia được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu bí mật, đồng nghĩa với việc rất khó cho các công tố viên để truy tố hình sự đối với các thành viên chính phủ.

Ông Trapero có thể vẫn bị buộc tội xúi giục nổi loạn khi thất bại trong việc hỗ trợ cảnh sát Tây Ban Nha ngăn chặn người biểu tình trong sự việc tại Barcelona hôm trưng cầu ý dân.

Hai nhân vật quan trọng trong kế hoạch ly khai, Jordi Cuixart và Jordi Sanchez đang bị tạm giam ở một nhà tù gần Madrid trong khi chờ đợi kết luận điều tra cũng trong sự việc trên.

Khả năng giành quyền kiểm soát của Madrid

Không có thông tin rõ ràng về việc mất bao lâu để Tây Ban Nha có thể áp dụng kiểm soát hiệu quả lên Catalonia.

Có thông tin cho biết các chiến sỹ Mossos bị yêu cầu phải giữ vững lập trường khi nhận lệnh từ Madrid.

Kế hoạch được lập nên nhằm giữ nguyên tình hình hiện tại cho tới cuộc bầu cử tháng 12.

Trên giấy tờ, kế hoạch này rất rõ ràng, nhưng để áp dụng vào thực tế lại là một quy trình phức tạp, và nhận sự phản ứng từ những người vừa bầu độc lập.

Bất kì sự sử dụng vũ lực nào từ lực lượng an ninh cũng sẽ bị theo dõi sau những hành động của cảnh sát hôm bầu cử.

Nhiều hình ảnh đã ghi lại cảnh sát kéo lê cử tri khỏi các thùng phiếu và đánh đập họ bằng dùi cui.

Còn chỗ nào cho sự thỏa hiệp?

Hai phe đang ngày càng chia rẽ sau tuyên bố độc lập và sự thi hành luật trực tiếp.

Một hành động quan trọng chính phủ Tây Ban Nha vẫn có thể làm để xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc Catalonia là khôi phục một số thay đổi trong hiến pháp từ năm 2006 để tăng vị thế của Catalonia.

4 năm sau, những điều luật này bị bác bỏ theo yêu cầu của Đảng Nhân dân của ông Rajoy.

Ảnh hưởng lên nền kinh tế

Madrid có đòn bẩy kinh tế quyền lực, mặc dù Catalonia là một trong những khu vực giàu có nhất Tây Ban Nha.

Hơn 1600 công ty, bao gồm các ngân hàng Caixa và Sabadell và nhiều công ty lớn đã quyết định rời trụ sở khỏi Catalonia từ cuộc trưng cầu ý dân.

Catalonia chiếm khoảng 1/5 hiệu suất kinh tế của Tây Ban Nha nhưng Catalonia cũng là một con nợ lớn, với số tiền 52 tỷ euro, của chính phủ Tây Ban Nha.

Phản ứng của thế giới với Catalonia

Từ lâu những người ly khai đã cố gắng vận động ở nước ngoài cho việc thành lập quốc gia Catalonia. Và từ khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, họ đã kêu gọi can thiệp quốc tế.

Nghị viện Catalonia kêu gọi EU “can thiệp nhằm chống lại sự vi phạm quyền công dân và chính trị” của chính phủ Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, EU và các quốc gia thành viên, cùng Mỹ, đều nói rõ rằng đây là cuộc khủng hoảng nội bộ của Tây Ban Nha.

“Catalonia là một phần của Tây Ban Nha, và Mỹ ủng hộ hiến pháp của chính phủ Tây Ban Nha nhằm giữ đất nước ổn định và thống nhất,” bộ ngoại giao Mỹ nói.

Rất khó để bất kì khu vực nào có thể giành độc lập dưới luật quốc tế.

Kosovo rơi vào trường hợp này khi tách khỏi Serbia, mặc dù Kosovo có lý lẽ mạnh dựa theo vấn đề nhân quyền, có ủng hộ của Nato và nhiều nước trong EU, nhưng chính Tây Ban Nha lại không ủng hộ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41823970

 

Nghi phạm tấn công New York bị buộc tội khủng bố

Nghi phạm người Uzbekistan bị các công tố viên Hoa Kỳ buộc tội gây ra cái chết của ít nhất tám người ở New York khi lao xe tải vào họ.

Sayfullo Saipov, 29 tuổi, cũng bị cáo buộc cung cấp tài liệu trợ giúp và các nguồn lực cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ông bị cảnh sát bắn bị thương và được đưa đến bệnh viện.

Các công tố viên nói rằng ông nói chuyện với họ và khước từ quyền không tự buộc tội trong lúc giam giữ.

Hình ảnh vụ tấn công New York

Xe tải tông chết nhiều người ở New York

Chiều thứ Ba 31/10, một chiếc xe tải lao vào làn đường dành cho người đi xe đạp ở khu Hạ Manhattan, tông vào những người đi xe đạp và đi bộ.

Sáu người thiệt mạng tại chỗ, hai người tử vong ở bệnh viện. Mười hai người bị thương, chín trong số này vẫn còn nằm trong bệnh viện.

Hồ sơ tòa án liên bang cáo buộc:

Ông Saipov khai vụ tấn công được lên kế hoạch hai tháng trước

Ông nói mình cố ý chọn lễ Halloween vì đường phố sẽ đông đúc trong dịp này

Ông muốn treo cờ IS trên xe tải, nhưng bỏ ý định này vì không muốn gây chú ý

Nhà chức trách phát hiện 90 video tuyên truyền IS trong điện thoại của ông

Ông nói mình lấy cảm hứng từ các clip này – nhất là clip cho thấy thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi hỏi những người Hồi giáo cần làm gì để báo thù cho những người chết ở Iraq

‘Từng làm tài xế Uber’

Trước đó, phó cảnh sát trưởng New York John Miller nói với các phóng viên: “Ông Saipov dường như đã tuân theo đúng hướng dẫn mà IS đưa ra trên các mạng xã hội trước đây về cách thực hiện một vụ tấn công.”

Một người Uzbekistan thứ hai giới chức muốn thẩm vấn liên quan đến các vụ tấn công, nay đã được tìm thấy, các nhà điều tra cho hay.

FBI đã yêu cầu cung cấp thông tin về Mukhammadzoir Kadirov, 32 tuổi, và nay nói họ đã tìm thấy người này.

Sayfullo Saipov được ghi nhận từng sống ở Tampa, Florida, trước khi chuyển đến Paterson, New Jersey.

Ông từ Uzbekistan đến Mỹ vào năm 2010 và là dân nhập cư hợp pháp. Hãng Uber xác nhận ông ta từng làm tài xế dịch vụ này.

CBS News dẫn nguồn tin tình báo cho biết ông này đã bị nhà chức trách Hoa Kỳ để mắt đến sau khi tên ông dính líu đến các đối tượng bị FBI điều tra chống khủng bố vào năm 2015.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41829005

 

Trung Quốc gửi thông điệp cho Bắc Hàn

trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ

Trung Quốc mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Hàn. Điều này được ông Tập Cận Bình, Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc nói đến trong thư hồi đáp điện văn của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, gửi chúc mừng đại hội đảng cộng sản Trung Quốc thành công.

Trong điện văn đáp lễ, ông Tập viết rằng ông mong muốn trong tình hình mới, Trung Quốc sẽ cùng Bắc Hàn nỗ lực thúc đầy quan hệ song phương, để hai nước cùng tiến tới phát triển ổn định và bền vững, cùng đóng góp tích cực cho việc bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho khu vực.

Các bản tin chúng tôi thu thập được cho hay Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thường xuyên trao đổi thư chúc mừng của các nhà lãnh đạo, nhưng đây là lần đầu tiên ông Tập gửi thư cá nhân cho lãnh tụ Bắc Hàn.

Có tin nói rằng hồi 2015, ông Tập cử đặc sứ sang Bình Nhưỡng, mang theo thư riêng ông gửi cho lãnh tụ Kim Jong-un, nhưng nội dung lá thư không được tiết lộ và hai chính phủ cũng không xác nhận tin này.

Cũng cần nói thêm từ khi nắm quyền lãnh đạo dảng và nhà nước Trung Quốc hồi 2013 đến giờ, ông Tập Cận Bình chưa hề sang thăm Bình Nhưỡng, và từ khi trở thành lãnh đạo Bắc Hàn hồi 2011 đến nay, ông Kim Jong-Un cũng chưa sang thăm Bắc Kinh.

Trong quá khứ, quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Hàn được xem là mối quan hệ chiến lược ở Đông Bắc Á, nhưng thời gian gần đây, Bắc Kinh tỏ thái độ cho thấy không hài lòng về việc đồng minh Bắc Hàn nổ thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo.

Bằng chứng rõ nhất là Bắc Kinh ủng hộ Hoa Kỳ, bỏ phiếu chấp thuận những quyết định cấm vận, chế tài, khắt khe mà Washington muốn các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thi hành.

Dù vậy, Bắc Kinh vẫn thường xuyên nói rằng vấn đề Bắc Hàn phải được giải quyết bằng đường lối ngoại giao, ôn hòa. Khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tỏ ý rằng khi cần thiết, ông sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự đối với Bình Nhưỡng, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói ngay là chiến tranh chẳng có lợi cho bất kỳ nước nào.

Tuần tới, Tổng Thống Trump sẽ ghé thăm Bắc Kinh. Tin từ Nhà Trắng cho hay Bắc Hàn là một trong những đề tài quan trọng nhất mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ thảo luận với nhau.

Vẫn liên quan đến Bắc Hàn, vào ngày 2 tháng 11, chính phủ Bình Nhưỡng bác bỏ tin nói rằng hơn 200 người dân Bắc Hàn chết sau vụ nổ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng Chín vừa qua.

Tin này được đài truyền hình Nhật Bản Asahi loan tải hôm thứ Ba tuần này, nói sau khi vụ nổ thử nghiệm hoàn tất, địa điểm Bắc Hàn dùng để nổ thử nghiệm đã bị sập khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Bản tin phổ biến tại Bình Nhưỡng của hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KNCA nhấn mạnh không hề có chuyện này, đồng thời chỉ trích các cơ quan truyền thông nước ngoài tìm đủ mọi cách để bêu xấu Bình Nhưỡng, coi nhẹ cuộc thử nghiệm thành công vẻ vang mà Bắc Hàn đạt được.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-s-xi-sends-rare-message-to-north-korea-s-kim-11022017084709.html

 

Các nhà lập pháp

công bố mẫu quảng cáo của Nga mua trên Facebook

Các nhà lập pháp Mỹ hôm thứ Tư công bố một loạt những quảng cáo trên Facebook do người Nga mua cho thấy những nội dung khích động chính trị được cho là được Moscow phát tán trên mạng xã hội trước cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ.

Một số quảng cáo chỉ trích các ứng cử viên, trong khi một số khác tìm cách tổ chức hoặc quảng bá những cuộc tập hợp diễn ra cùng lúc của các phe đối nghịch nhau về các vấn đề gây chia rẽ. Tập hợp các quảng cáo này được đăng trên website của Ủy ban Hạ viện trích từ khoảng 3.000 quảng cáo mà Facebook cung cấp cho các nhà điều tra vào tháng trước.

Các công ty công nghệ gần đây thừa nhận rằng những nội dung được Nga quảng bá về các vấn đề chính trị và xã hội của Mỹ như quyền sở hữu súng, di trú, tôn giáo và chủng tộc đã lan truyền trên nền tảng của họ trước và sau cuộc bầu cử.

Một số quảng cáo được lấy mẫu có nội dung cụ thể về cuộc bầu cử ở Mỹ và phê phán ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Một quảng cáo từ một tài khoản gọi là “Army of Jesus” (Đạo quân của Chúa Giê-su) nói bà Clinton được hậu thuẫn bởi thế lực tà ác.

“Hillary là quỷ Satan, và những tội ác và sự lừa dối của mụ ta chứng tỏ mụ ta tà ác đến mức nào,” một nội dung đăng trên Facebook nói. Nó nói thêm rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump là “một người đàn ông trung thực” và “quan tâm hết lòng tới đất nước này.”

Các quảng cáo khác dường như nhắm mục tiêu khơi ra xung đột liên quan tới những vấn đề nóng bỏng.

Một quảng cáo từ một nhóm tự gọi là “Heart of Texas” quảng bá một cuộc tập hợp ở Houston vào ngày 21 tháng 5 năm 2016 để “Ngăn chặn Hồi giáo” ở bang này của Mỹ. Một quảng cáo khác từ một trang Facebook riêng rẽ cổ động một cuộc biểu tình ủng hộ Hồi giáo vào cùng thời điểm và địa điểm.

Chính phủ Nga đã phủ nhận bất kỳ nỗ lực nào gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 mà trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh bại bà Clinton.

Các quảng cáo được công bố tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ, nơi các luật sư đại diện các công ty Facebook, Twitter và Alphabet, công ty mẹ của Google, khai chứng về ảnh hưởng của Nga trên các mạng xã hội của họ.

Đó là ngày thứ hai liên tiếp các công ty tìm cách tránh né những chỉ trích từ các nhà lập pháp nói rằng họ đã chậm chạp trong việc đối phó với hành vi lạm dụng của Nga.

Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, lại bị các nhà lập pháp săm soi nhiều nhất. Họ bày tỏ sự bất bình với Facebook vì vai trò của họ trong hoạt động tiếp thị nhắm mục tiêu.

Luật sư tổng quyền của Facebook, Colin Stretch, nói với Ủy ban rằng 16 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những thông tin của Nga trên dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram của Facebook bắt đầu vào tháng 10 năm 2016. Cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8 tháng 11.

Thêm bốn triệu người nữa có thể đã nhìn thấy những nội dung như vậy trên Instagram trước tháng 10, dù dữ liệu đó kém hoàn chỉnh hơn, ông Stretch nói.

Ngoài các con số của Instagram, có tới 126 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những nội dung chính trị được Nga cổ xúy trên Facebook trong khoảng thời gian hai năm, một con số mà công ty tiết lộ hồi đầu tuần này.

Việc ba công ty công nghệ hàng đầu tới Washington khai chứng trong tuần này cho thấy thời vận chính trị của ngành công nghệ Mỹ đang biến chuyển, sau nhiều thập niên ít bị săm soi về mặt quản lý.

“Trong cuộc bầu cử vừa rồi, quý vị đã thất bại,” Thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden, người thường được xem là đồng minh mạnh mẽ của Thung lũng Silicon, nói.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga đã can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, bao gồm thông qua mạng xã hội, để cố gắng gây ảnh hưởng theo hướng có lợi cho ông Trump.

https://www.voatiengviet.com/a/cac-nha-lap-phap-cong-bo-mau-quang-cao-cua-nga-mua-tren-facebook/4097046.html

 

TT Trump: ‘Phải lập tức hủy bỏ chương trình Xổ Số Visa’

Tổng thống Donald Trump nói rằng kẻ tấn công người Uzbekistan đã giết chết nhiều người vào đêm thứ Ba ở Manhattan, đã tới Hoa Kỳ bằng visa định cư đa dạng. Sau cuộc tấn công, ông Trump cho biết ông muốn làm việc với quốc hội để lập tức chấm dứt chương trình xổ số visa này.

Tổng thống Trump nói:

“Hôm nay tôi đã khởi sự tiến trình chấm dứt Chương trình Xổ số Visa Đa dạng. Tôi sẽ yêu cầu quốc hội lập tức khởi sự làm việc để xóa sổ chương trình đa dạng này. Xổ số Đa dạng, nghe thì hay, nhưng lại không hay. Không tốt. Không tốt. Từ trước tới nay vẫn không tốt. Chúng tôi trước đây đã chống đối chương trình này.”

Đối với những người muốn trở thành công dân Mỹ mà không có gia đình ở Hoa Kỳ, không được chủ/ công ty bảo trợ vào Hoa Kỳ làm việc, không phải là người tị nạn, thì visa đa dạng, còn được biết đến dưới tên Xổ số Thẻ Xanh, là giải pháp duy nhất. Điều kiện đòi hỏi duy nhất là bằng trung học, hoặc vài năm kinh nghiệm làm việc.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao lưu ý rằng các thông tin liên quan tới giấy nhập cảnh phải được giữ kín theo luật pháp Mỹ, và do đó không bình luận về bất cứ đơn xin visa cá biệt nào.

Thủ lãnh khối thiểu số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer từng đóng một vai trò quan trọng trong việc soạn thảo luật pháp cho chương trình visa đa dạng trong những năm 1990. Trong một thông báo công bố hôm thứ Ba, ông nói:

“Từ trước tới giờ tôi vẫn tin và tiếp tục tin rằng di dân là tốt cho nước Mỹ”.

Ông đề nghị ông Trump nên tập trung tìm một “giải pháp thực sự” và tài trợ cho nỗ lực chống khủng bố, là chương trình sẽ bị cắt theo ngân sách mới nhất do chính phủ của ông Trump đề xuất.

Mặc dù ông Trump quy trách nhiệm về chương trình xổ số visa cho ông Schumer, thủ lãnh khối thiểu số tại Thượng viện trên thực tế là một trong cái gọi là “Băng 8 người” gồm các nhà lập pháp của cả hai đảng đã soạn dự luật Cải cách Di trú Toàn diện vào năm 2013, mà nếu được thông qua, sẽ hủy bỏ hoàn toàn chương trình xổ số thẻ xanh. Dự luật này đã được Thượng viện thông qua, thế nhưng không được đưa ra biểu quyết tại Hạ viện và nay đã hết hạn.

Ông Leon Fresco, từng là phó trợ lý Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Barack Obama, là người đã soạn dự luật này vào năm 2013.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA trước đây, ông nói:

“Chúng tôi đã chấm dứt chương trình xổ số đa dạng, mặc dù chúng tôi thay thế nó bằng visa việc làm dựa trên khả năng, cho phép một số người nhập cảnh Mỹ, nhưng qua thời gian, ứng viên cần phải chứng tỏ là xứng đáng được cấp thẻ xanh bằng những đóng góp khác nhau cho đất nước này.” Ông cho biết rằng cắt chương trình xổ số thẻ xanh là một phần của một thỏa thuận tương nhượng giữa hai đảng.

Gần đây, Bộ Ngoại giao loan báo tất cả các đơn xin xổ số đa dạng trong thời gian từ 3-10/10, đã bị mất và phải được nộp lại.

Trước đây trong năm, các nghị sĩ Đảng Cộng hoà đề nghị hủy bỏ hoàn toàn chương trình này.

Nếu đơn xin xổ số Thẻ xanh của bạn hợp lệ, nếu số của bạn được chọn, và bạn hội đủ các điều kiện khác để xin được di trú, bạn vẫn cần có tiền để tới Hoa Kỳ. Visa đa dạng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong số di dân tới Hoa Kỳ mỗi năm, nhưng chương trình này vẫn lớn hơn một số chương trình visa khác, như visa sang Mỹ làm việc.

Trong năm tài chánh 2016, Hoa Kỳ cấp 45,664 visa đa dạng, trong số đó có 2,366 ứng viên từ Uzbekistan.

Công dân của tất cả các quốc gia đều hội đủ điều kiện xin visa đa dạng, ngoại trừ các nước sau đây: Bangladesh, Brazil, Canada, Trung Hoa Lục địa), Colombia, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Haiti, Ấn Độ, Jamaica, Mexico, Nigeria, Pakistan, Peru, Philippines, Hàn Quốc, Anh quốc (- trừ Bắc Ireland), và Việt Nam.

Những người ra đời tại Hong Kong, Macau và Đài Loan hội đủ điều kiện để xin visa đa dạng.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-phai-lap-tuc-huy-bo-chuong-trinh-xo-so-visa/4096977.html

 

Cảnh sát truy lùng kẻ vũ trang lạnh lùng giết 3 người ở Walmart/Colorado

Nhà chức trách xác định danh tính của nghi can là Scott Ostrem, 47 tuổi, đồng thời phổ biến một tấm ảnh do camera an ninh chụp một người đàn ông trung niên, da trắng, mặc áo khoác màu đen và quần jeans màu xanh.

Cảnh sát cũng phát tán một tấm ảnh của chiếc xe 4 cửa màu đỏ được tin là chiếc xe được nghi can dủng để tẩu thoát.

Người phát ngôn của Cơ quan Cảnh sát Thornton, Victor Avila, trích lời khai của các nhân chứng, tường thuật rằng Ostrem đã ‘thản nhiên’ bước vào cửa hàng Walmart ở Thornton, cách trung tâm thành phố Denver khoảng 16 km về hướng đông-bắc, rồi nổ súng vào khách đang đi mua sắm cũng như nhân viên của cửa hàng. Vụ việc xảy ra vào lúc sau 6 giờ chiều ngày 1/11.

Ông Avila nói cho tới lúc này thì đây là một vụ tấn công bừa bãi, không nhắm vào bất cứ mục tiêu cụ thể nào vì theo lời những người chứng kiến, đương sự bước vào và nổ súng vào một nhóm người.

Vẫn theo nguồn tin của cảnh sát, hai người đàn ông bị giết tại hiện trường vụ nổ súng, một phụ nữ bị bắn được đưa vào bệnh viện, và qua đời tại đó.

Ông Avila nói với hãng tin Reuters rằng Ostrem là một cư dân địa phương, nhưng nói ông không thể cung cấp thêm tin tức trong thời gian cuộc điều tra đang được tiến hành.

Cảnh sát thoạt tiên nói có “nhiều bên” bị thương trong vụ nổ súng, và yêu cầu công chúng tránh khu vực này.

Cửa tiệm Walmart nhanh chóng bị cảnh sát và các toán cứu hỏa bao vây. Khoảng 1 giờ sau còi báo động đầu tiên, nhà chức trách tuyên bố đã khống chế được mối đe dọa do kẻ vũ trang nổ súng bừa bãi đặt ra.

https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-truy-lung-ke-vu-trang-lanh-lung-giet-3-nguoi-o-walmart-colorado/4096937.html

 

Ông Jerome Powell có thể sẽ được đề cử làm chủ tịch Fed

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump theo trông đợi sẽ đề cử ông Jorome Powell làm tân lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ.

Tổng thống Trump theo trù liệu sẽ chính thức loan báo người được ông chọn hôm nay, thứ Năm 2/11 tại Vườn hồng Tòa Bạch Ốc.

Ông Trump viết trên Twitter: “Tôi nghĩ quý vị sẽ hết sứ ấn tượng với người được đề cử.”

Nhật báo Wall Street Journal, trích lời một nguồn tin không nêu danh tánh chiều hôm thứ Tư, nói rằng các giới chức Tòa Bạch Ốc đã thông báo cho ông Powell rằng ông sẽ lên làm Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) thay cho bà Janet Yellen khi bà Yellen mãn nhiệm vào tháng 2 năm tới. Các hãng tin khác cũng nói tổng thống chọn ông Powell.

Ông Powell đang là một ủy viên của Hội đồng thống đốc của Quỹ Dự trữ Liên bang. Các nhà phân tích nói rằng ông Powell làm một đảng viên Cộng hòa trung hữu, hình như sẽ tiếp tục chiến lược hiện tại của Fed là sẽ chậm rãi nâng dần lãi suất lên. Wall Street Journal cảnh báo rằng Tổng thống Trump, người mới đây đã ca ngợi bà Yellen, có thễ vẫn thay đổi quan điểm.

Ông Powell sẽ là một chọn lựa tương đối dung hòa của Tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đang cân nhắc các chọn lựa khác, bao gồm đương kim chủ tịch Fed Janet Yellen, kinh tế gia John Taylor của Đại học Stanford, và cựu ủy viên của Hội đồng thống đốc Fed, ông Kevin Warsh.

Trong lúc ông Powell theo trông đợi sẽ tiếp tục chiến lược cẩn trọng nâng dần lãi suất lên, các chuyên gia kinh tế nói rằng ông có thể nới lỏng một số biện pháp tài chánh được đặt ra để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tài chánh khác giống cuộc khủng hoảng gây chao đảo thị trường thế giới năm 2007-2008. Tổng thống Trump chỉ trích các biện pháp đó đã gây trở ngại hoạt động của ngành ngân hàng và cản trở tăng trưởng kinh tế.

Bà Yellen, người được cựu Tổng thống Obama chọn, là người mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ các quy định tài chánh gắt gao được áp dụng và năm 2010.

Nhiều nghị sĩ bảo thủ trong Quốc hội Mỹ trước đó thúc giục Tổng thống Trump chọn ông Taylor, thay vì ông Powell. Ông Taylor, một trong những học giả hàng đầu của Mỹ trong lãnh vực chính sách của Fed, có nhiều khả năng sẽ theo hướng tiếp cận “diều hâu” hơn – đó là nghiêng về xu hướng tăng lãi suất để chống lạm phát thay vì giữa lãi suất thấp để hỗ trợ cho thị trường lao động. Ông Taylor là tác giả của một chính sách được trích dẫn rất nhiều về biện pháp thông qua một công thức toán để quyết định lãi suất. Một phiên bản của biện pháp đó cho rằng lãi suất phải nên nâng lên mức cao ít nhất là gấp đôi mức hiện nay.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-jerome-powell-co-the-se-lam-tan-chu-tich-cuc-du-tru-lien-bang/4096918.html

 

Ông Manafort và ông Gates ra tòa

Ông Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, và ông Rick Gates, đối tác làm ăn của ông Manafort, theo dự trù hôm nay thứ Năm 2/11 sẽ lần đầu tiên ra tòa, đối diện với thẩm phán xử các truy tố từ cuộc điều tra của một công tố viên đặc biệt về các liên hệ của chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Ông Manafort, 68 tuổi, và ông Gates, 45 tuổi, người cũng giúp chiến dịch tranh cử của Ðảng Cộng hòa, hôm thứ Hai đã tuyên bố vô tội đối với cáo trạng 12 tội danh, từ âm mưu chống nước Mỹ cho tới rửa tiền và không đăng ký hoạt động như một đại diện cho chính phủ Ukraine thân Nga trước đây.

Cũng trong ngày thứ Năm, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Carter Page, trả lời chất vấn của Ủy ban Tình báo Hạ viện về những quan hệ của ông với Nga trong một phiền điều trần kín. Ông Page luôn bác bỏ cáo buộc ông làm trung gian cho chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga, nước bị Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong nhiều năm vào thời điểm của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Các truy tố hôm thứ Hai vừa qua là những phát nổ công khai đầu tiên của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đang lãnh đạo cuộc điều tra các cáo buộc của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ giúp ông Trump thắng đối thủ bên Ðảng Dân chủ là bà Hillary Clinton. Cuộc điều tra cũng tìm hiểu liệu có một sự phối hợp nào giữa Nga với các phụ tá trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Điện Kremlin bác bỏ mọi cáo buộc đó còn ông Trump phủ nhận mọi khả năng thông đồng giữa các phụ tá của ông với Nga, và gọi những cáo buộc đó là âm mưu truy bức chính trị.

Ông George Papadopoulos, một cựu phụ tá khác trong nhóm cố vấn chính sách đối ngoại của chiến dịch tranh cử của ông Trump thú nhận đã khai man với cơ quan điều tra FBI và sẽ không bị đưa ra xét xử. Một luật sư của ông Papadopoulos từ chối bình luận về vụ này.

Phiên tòa dự trù diễn ra trong ngày thứ Năm 2/11 sẽ là phiên đầu tiên liên quan đến cuộc điều tra này của Thẩm phán Tòa án Quận Amy Berman Jackson, người được cựu Tổng thống Barack Obama chỉ định đặc trách các vụ án lớn trong những năm qua.

Phiên tòa dự trù sẽ bắt đầu vào lúc 2 giời chiều ở Washington theo trông đợi sẽ tập trung vào các điều kiện tại ngoại hầu tra. Hai bị cáo đang bị quản thúc tại gia và đã từ bỏ hộ chiếu Mỹ của mình, với tiền bão lãnh tại ngoại 10 triệu đôla cho ông Manafort và 5 triệu đôla cho ông Gates.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-manafort-va-ong-gates-ra-toa/4096803.html

 

Lai lịch kẻ tấn công khủng bố New York

Cảnh sát nói vụ tấn công khủng bố ở thành phố New York được thực hiện bởi một người đàn ông duy nhất mà họ coi là một kẻ khủng bố, người đã lao xe tải vào một làn đường xe đạp đông đúc gần khu tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới.

Một người bạn của gia đình mô tả nghi can là người bình tĩnh và làm việc chăm chỉ, theo AP, trong khi Tổng thống Donald Trump đả kích anh ta là “bệnh hoạn và loạn trí.”

Bức tranh về cuộc đời của người đàn ông này chỉ mới bắt đầu hiện rõ trong những giờ ngay sau vụ tấn công hôm thứ Ba, giết chết tám người và làm bị thương 11 người khác.

Những gì đã biết về Sayfullo Saipov:

DI DÂN TRẺ TUỔI

Các quan chức không có thẩm quyền thảo luận về cuộc điều tra và phát biểu trong điều kiện ẩn danh xác định Saipov là kẻ tấn công và cho biết anh ta 29 tuổi, xuất thân từ Uzbekistan. Anh ta đến Mỹ một cách hợp pháp vào năm 2010, các quan chức này cho biết, và người ta tin rằng anh ta từng sống ở bang Ohio sau khi đến Mỹ.

Một người quen, Dilnoza Abdusamatova, cho biết Saipov ở với gia đình trong một thời gian ngắn ở ngoại ô Cincinnati sau khi nhập cư.

“Anh ấy luôn làm việc,” Abdusamatova nói với hãng tin AP. “Anh ấy không đi tiệc tùng hay đi đâu cả, anh ấy chỉ về nhà và nghỉ ngơi rồi quay trở lại làm việc.”

ĐẾN SỐNG Ở FLORIDA

Nhà chức trách nói rằng Saipov có bằng lái xe ở bang Florida và một số hồ sơ công khai cho thấy một địa chỉ nhà của anh ta tại một khu căn hộ tại thành phố Tampa.

Một người bạn gặp Saipov ở Florida, Kobiljon Matkarov, nói với báo The New York Times và The New York Post rằng anh ta có vẻ như là một “người tốt.”

“Mấy đứa con của tôi cũng thích anh ấy. Anh ấy hay chơi với bọn nó,” Matkarov nói với The Post.

MỐI LIÊN HỆ Ở NEW JERSEY

Nhà chức trách cho biết Saipov gần đây sống ở bang New Jersey, nơi anh ta được cho là đã thuê một chiếc xe tải nhỏ không mui từ Home Depot một giờ trước khi tông nó vào làn đường xe đạp.

Vào tối thứ Ba, cảnh sát điều tra vụ tông xe chết người vây quanh một chiếc xe minivan Toyota màu trắng với bảng số Florida đậu trong bãi đậu xe của Home Depot ở Passaic, New Jersey.

Chiếc xe van đậu gần những xe tải cho thuê của Home Depot.

TÀI XẾ UBER

Công ty dịch vụ xe đưa đón Uber nói Saipov đã vượt qua kiểm tra lí lịch của họ và đã lái xe cho dịch vụ này trong sáu tháng, thực hiện hơn 1.400 chuyến đi.

Công ty cho biết họ đã cấm anh ta tham gia dịch vụ này sau vụ tấn công. Họ nói rằng họ đã liên lạc với FBI và đề nghị hỗ trợ. Uber cũng nói họ đã xem lại lịch sử lái xe của Saipov nhưng không tìm thấy báo cáo nào liên quan tới an toàn.

Ngoài ra Saipov cũng từng làm tài xế lái xe tải thương mại ở Ohio.

https://www.voatiengviet.com/a/lai-lich-ke-tan-cong-khung-bo-new-york/4096063.html

 

Thẩm phán phóng thích di dân bị giam

vì sắc lệnh của Trump

Một thẩm phán Mỹ ngày 1/11 ra lệnh phóng thích một di dân bất hợp pháp nằm trong số 47 người Indonesia ở New Hampshire đang kiện sắc lệnh trục xuất của chính quyền Trump.

Ông Terry Rombot được cho phép lưu lại Mỹ dưới các điều kiện của một thỏa thuận với từ năm 2010 tới nay với Lực lượng Thực thi Hải quan và Di trú Mỹ ICE. Tổng thống Trump trước đây từng chỉ thị ICE rằng những người sinh sống ở Mỹ bất hợp pháp sẽ bị trục xuất.

Ông Rombot là một thành viên trong làn sóng người Indonesia theo Cơ đốc giáo bỏ nước ra đi sau các cuộc bạo loạn đẫm máu hồi năm 1998.

Ông được tin Mỹ thay đổi chính sách khi ra trình diện định kỳ với ICE hôm 1/8 và bị bắt giữ.

Thẩm phán Patti Saris cho biết hôm nay ông Rombot đã được phóng thích và rằng việc giam giữ ông ta vi phạm các quyền hiến định.

Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp đang lên kế hoạch kháng cáo, một phát ngôn nhân cho biết.

Nhóm người Indonesia theo Cơ đốc giáo chạy sang Mỹ lánh nạn này nói nếu bị cưỡng bức hồi hương về quốc gia đa số theo Hồi giáo Indonesia, họ e sẽ bị kỳ thị và ngược đãi.

Thẩm phán Saris đang cân nhắc xem có thể ra lệnh trì hoãn lâu hơn hay không để những người bị ảnh hưởng có thời gian xin duyệt tình trạng lưu trú hợp pháp.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-phong-thich-di-dan-bi-giam-vi-sac-lenh-cua-trump-/4096033.html

 

Trung Quốc phá âm mưu ám sát con trai Kim Jong Nam

Bảy gián điệp Triều Tiên đã được bí mật phái đến Trung Quốc để thực hiện sứ mệnh giết Kim Han-sol, con trai ông Kim Jong-nam, người đã bị ám sát bằng chất độc VX tại sân bay Malaysia hồi năm ngoái. Hai trong số 7 gián điệp bị nhà chức trách Trung Quốc bắt hồi tuần trước và đang được thẩm vấn ở một vùng ngoại ô Bắc Kinh, nhật báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo dẫn một nguồn tin độc lập cho biết ngày 2/11.

Nguồn tin cho biết thêm rằng các gián điệp là thành viên của Cục Trinh sát Triều Tiên, cơ quan chịu trách nhiệm về tình báo ở nước ngoài. Các điệp viên này mới được đưa tới Trung Quốc gần đây và có lẽ không thông qua Bắc Kinh. Nhiệm vụ của họ là truy lùng và giết Kim Han-sol, 22 tuổi, cháu trai của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.

Âm mưu ám sát Han-sol bị phá vỡ khi các giới chức Bộ An ninh Trung Quốc bắt giữ hai điệp viên, nhưng chi tiết về vụ bắt giữ và số phận của 5 điệp viên còn lại không được đề cập tới.

Các điệp viên bị bắt khai họ không biết gì về âm mưu ám sát.

Kim Han-sol là con trai cả của ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Mẹ của Kim Han-sol là bà Rih Hye-kyong, vợ thứ hai của ông Kim Jong-nam. Sau Kim Han-sol, vợ chồng ông Kim Jong Nam còn có thêm một đứa con gái tên Kim Sol-hui.

Gia đình ông Kim Jong-nam sống ở Ma Cao cho đến đầu năm nay, khi ông Kim Jong-nam bị một nhóm điệp viên Triều Tiên giết chết tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur vào ngày 13/2, trong đó có hai nghi phạm bị bắt là một phụ nữ Indonesia, và cô Đoàn Thị Hương, người Việt Nam.

Kim Han-sol từng được quốc tế biết đến qua cuộc phỏng vấn với một đài truyền hình Phần Lan hồi năm 2012, khi anh công khai gọi chú mình, Kim Jong Un, là một “nhà độc tài”.

Lớn lên tại Ma Cao, Kim Han-sol được gửi theo học một trường quốc tế tại thành phố Mostar ở Bosnia Herzegovina, một cơ sở giáo dục có mục tiêu thúc đẩy hòa bình và thống nhất, điều hoàn toàn tương phản với chủ nghĩa dân tộc bài ngoại đã cắm sâu ở Triều Tiên, theo The Times.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Phần Lan, Kim Han-sol xuất hiện trong một bộ vest đen, thắt cà vạt, đeo kính đen và xỏ lỗ tai. Với vốn tiếng Anh lưu loát, Kim Han-sol cho biết anh lớn lên mà không hề biết mình là “thái tử” duy nhất của một nhà nước cộng sản duy nhất thực hiện chính sách “truyền ngôi” trên thế giới.

Anh cho biết anh chưa bao giờ gặp người chú Kim Jong Un, hay ông nội, cựu lãnh tụ Kim Jong Il. “Tôi đã đợi [ông Kim Jong-il] cho đến khi… ông qua đời, hy vọng ông ấy sẽ đến tìm tôi bởi vì tôi thực sự không biết liệu ông ấy có biết về sự hiện hữu của tôi hay không. Tôi chỉ muốn biết ông là người như thế nào”, Kim Han-sol chia sẻ với đài truyền hình Phần Lan.

Kim Han-sol nói anh hy vọng một ngày nào đó, sẽ đóng góp cho “hòa bình thế giới”.

Sau khi cha bị ám sát, Kim Han-sol xuất hiện trở lại trong một video trên YouTube do nhóm Cheollima Civil Defense đưa lên.

Anh nói: “Cha tôi đã bị giết cách đây vài ngày và tôi hiện đang ở cùng mẹ và em gái. Và chúng tôi rất biết ơn…”. Phần tiếp theo của câu nói bị cắt đi. Cuối cùng, Kim Han-sol nói: “Chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ sớm tốt đẹp hơn”.

Trong một tuyên bố sau đó, nhóm Cheollima Civil Defense nói theo yêu cầu khẩn cấp của những thành viên còn sống sót trong gia đình Kim Jong Nam, họ đã sơ tán và bảo vệ những người còn lại, và cho biết rằng ba thành viên trong gia đình ông Kim Jong Nam đã “được đưa đến một nơi an toàn”. Nhóm này không cho biết thêm chi tiết nào khác.

Nhóm Cheollima cũng ngỏ lời cảm ơn Hà Lan, Hoa Kỳ, Trung Quốc và một chính phủ thứ tư không được nêu tên, đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để bảo vệ gia đình ông Kim Jong Nam, đồng thời nhấn mạnh đến sự giúp đỡ của Đại sứ Hà Lan ở Hàn Quốc Lody Embrechts.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-pha-am-muu-am-sat-con-trai-kim-jong-nam/4096874.html

 

Bốn năm sau vụ 2 ký giả RFI bị giết ở Mali,

thủ phạm vẫn tự do

Trọng Nghĩa

Hôm nay, 02/11/2017 là một ngày đặc biệt đối với giới làm báo, vì là ngày được Liên Hiệp Quốc tuyên bố là « Ngày Quốc Tế về việc chấm dứt nạn tội ác nhắm vào nhà báo không bị trừng phạt ».

Trong một phiên họp vào năm 2013, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khóa 68 đã thông qua nghị quyết chọn ngày mồng 02/11 làm ngày chấm dứt tệ nạn gọi là gây tội ác với các nhà báo nhưng lại không hề bị trừng phạt.

Sở dĩ ngày này được chọn, đó là để tưởng nhớ hai nhà báo của đài RFI – Ghislaine Dupont và Claude Verlon – đã bị bắt cóc rồi sát hại ngay hôm 2/11/2013, khi đang tác nghiệp tại thành phố Kidal, xứ Mali ở châu Phi.

Vấn đề là từ đó cho đến nay, không một nghi phạm bắt cóc nào bị bắt giữ, động cơ của vụ bắt cóc cũng như lý do sát hại hai nhà báo RFI đó cũng chưa được làm sáng tỏ.

Tình trạng các nhà báo bị sát hại trong khi đang tác nghiệp, nhưng thủ phạm vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật, khá phổ biến.

Theo một báo cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc Unesco vào cuối năm 2016, từ năm 2006 đến năm 2015, định chế này đã ra tuyên bố lên án 827 vụ giết hại nhà báo trên thế giới, đại đa số thường là các thông tín viên ở tại chỗ, chỉ có 5% là phóng viên ngoại quốc.

Vấn đề là trong hơn 800 trường hợp được ghi nhận, chỉ có 8% ca được giải quyết mà thôi, nghĩa là thủ phạm bị bắt giữ và trừng phạt.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171102-bon-nam-sau-vu-2-ky-gia-rfi-bi-giet-o-mali-thu-pham-van-tu-do

 

Lãnh đạo Miến Điện Suu Kyi

lần đầu tiên đi thăm bang Rakhine

Trọng Nghĩa

Bà Aung San Suu Kyi ngày hôm nay, 02/11/2017 lần đầu tiên đến thăm bang Rakhine trong tư cách nhân vật lãnh đạo Miến Điện. Đây là khu vực có đa số cư dân là người Hồi Giáo Rohingya mà hơn nửa triệu người trong thời gian qua đã phải bỏ chay qua tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh do các chiến dịch bố ráp của Quân Đội Miến Điện.

Bà Aung Sann Suu Kyi đã đến Sittwe, thủ phủ bang Rakhine vào buổi sáng, rồi sau đó đi ngay đến vùng phía Bắc của bang, nơi có nhiều ngôi làng của sắc dân Rohingya.

Ông Tin Maung Swe, một lãnh đạo trong chính quyền bang Rakhine, cho biết : « Bà Cố Vấn Quốc Gia vừa đến nhưng bà ấy đang đi lên Maungdaw, ở miền bắc Rakhine, cùng với các quan chức của bang ». Cố Vấn Quốc Gia là chức danh chính thức của bà Aung San Suu Kyi từ khi lên cầm quyền.

Phát ngôn viên của chính phủ Zaw Htay thì từ chối tiết lộ chương trình làm việc của bà Suu Kyi, viện dẫn lý do an ninh.

Đây không phải là lần đầu tiên mà bà Aung San Suu Kyi đến thăm bang Rakhine. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2015, bà đã đến miền Nam Rakhine, nơi không xẩy ra nhiều xung đột. Nhưng hôm nay, là lần đầu tiên bà đến Rakhine, và đến miền Bắc, nơi đang bị khủng hoảng gay gắt.

Chuyến thăm này diễn ra sau khi nhân vật số một trong chính quyền dân sự tại Miến Điện bị quốc tế chỉ trích về phản ứng quá thụ động trước trong làn sóng di cư của người Rohingya chạy qua Bangladesh để tránh các chiến dịch của quân đội Miến Điện, bị chính Liên Hiệp Quốc gọi là một cuộc thanh lọc sắc tộc.

Từ ngày 25 tháng Tám đến nay, đã có hơn 600.000 người Hồi Giáo Rohingya trốn sang Bangladesh, khi các lực lượng an ninh ở Miến Điện, nước có đa số theo Phật Giáo, bắt đầu những hoạt động được gọi là chiến dịch dẹp loạn nhằm đối phó với những cuộc tấn công đẫm máu của quân nổi dậy vào các đồn cảnh sát.

Chiến dịch này bị tố cáo là bao gồm cả việc đốt cháy các ngôi làng của người Rohingya và các vụ vi phạm nhân quyền trên bình diện rộng như hãm hiếp phụ nữ, nổ súng giết người do binh lính Miến Điện hay đám đông người Phật Giáo tiến hành.

Làn sóng di cư qua Bangladesh đã chậm lại ở một số điểm nhưng chưa dừng hẳn. Vào sáng nay, vẫn có ít nhất 2000 người Rohingya trong tình trạng hoảng hốt và đói khát, bám trụ tại các ruộng lúa gần một đường biên giới băng qua sông Naf. Họ đã đợi hơn 24 giờ để được phép vào Bangladesh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171102-lanh-dao-mien-dien-suu-kyi-lan-dau-tien-di-tham-bang-rakhine

 

CIA cho giải mật tài liệu về trùm khủng bố Ben Laden

Thụy My

Cơ quan tình báo Mỹ CIA hôm 01/11/2017 đã công bố các tài liệu lưu trữ quan trọng về Oussama Ben Laden, tịch thu được khi đặc nhiệm Mỹ đột kích vào nơi trùm khủng bố ẩn náu tại Pakistan năm 2011.

CIA cho đăng lên mạng 470.000 tập tin, và theo giám đốc CIA Mike Pompeo, việc công bố « giúp người Mỹ biết rõ hơn về các dự tính và cách hoạt động của tổ chức khủng bố này ».

Trong số những tài liệu được giải mật có cuốn nhật ký viết tay của người sáng lập Al Qaida, mạng lưới thánh chiến đã tổ chức các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín trên đất Mỹ. Có cả video đám cưới của con trai Ben Laden là Hamza, lần đầu tiên mới được nhận diện.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) đã có dịp tham khảo trước, các tài liệu trên chủ yếu cung cấp những thông tin về mối quan hệ giữa Al Qaida, mạng lưới Hồi giáo Sunni, và Iran theo hệ phái Shia.

Các lá thư được công bố cho thấy Ben Laden quyết định cho Hamza kế tục làm người đứng đầu tổ chức thánh chiến chống phương Tây, người con trai này nay đã 27, 28 tuổi, hiện sống ở Iran. Một nghiên cứu 19 trang về quan hệ giữa Al Qaida và Iran do một trợ lý của Ben Laden soạn thảo, tiết lộ việc Teheran đề nghị huấn luyện, chu cấp tiền bạc và vũ khí cho « những người anh em Ả Rập Xê Út » của Al Qaida, với điều kiện tổ chức này phải tấn công vào các lợi ích của Mỹ tại vùng Vịnh.

Iran và các nhóm Hồi giáo Shia tại Trung Đông luôn chống lại các phong trào Hồi giáo Sunni thân cận với Al Qaida. Nhưng sự kiện con của Ben Laden và một số nhân vật Al Qaida khác được Iran che chở chứng tỏ trùm khủng bố và Teheran có mối liên hệ đặc biệt nào đó.

Bên cạnh đó, các tài liệu cũng cho thấy những bất đồng lớn giữa Iran và Al Qaida. Một lá thư được Ben Laden gởi đến giáo chủ Khamenei đòi trả tự do cho những người thân cận, các tài liệu khác chứng tỏ mạng lưới thánh chiến này đã bắt cóc một nhà ngoại giao Iran để trao đổi tù nhân. Trùm khủng bố cũng lo ngại khả năng Teheran theo dõi Hamza và những thành viên khác trong gia đình sau khi được thả.

Việc công bố các tài liệu trên, với sự phân tích của FDD vốn chống đối Iran, khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ nằm trong ý định của những người chủ trương cứng rắn với Teheran.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171102-cia-cho-giai-mat-tai-lieu-ve-trum-khung-bo-ben-laden

 

Cựu lãnh đạo lực lượng du kích FARC

ra tranh cử tổng thống Colombia

Minh Anh

Hôm qua, 01/11/2017, phát ngôn viên của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia – FARC – thông báo là ông Rodrigo Londono, còn gọi là Timochenko, sẽ ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào tháng 05/2018.

FARC đã ký hiệp định hòa bình với chính phủ Colombia và từ tháng Tám vừa qua, trở thành một tổ chức chính trị.

Tại Bogota, ban lãnh đạo FARC cũng thông báo danh sách các ứng viên trong cuộc bầu cử lập pháp. Theo hiệp định hòa bình, từ nay đến 2026, FARC được quyền chỉ định 10 nghị sĩ (5 người ở Hạ viện và 5 người ở Thượng viện). Như vậy, việc ra ứng cử lập pháp của các đại diện FARC chỉ mang tính chất tượng trưng.

Từ Bogota, thông tín viên Marie-Eve Detoeuf cho biết thêm thông tin :

« Timochenko 58 tuổi. Ông đã trải qua 30 năm tham gia lực lượng du kích. Tất cả các nghị sĩ tương lai thuộc tổ chức FARC cũng đều là những cựu thủ lĩnh du kích. Danh sách những người ra ứng cử đã làm dấy lên rất nhiều phản ứng. Và nhất là từ phía cánh hữu.

Việc các du kích quân giải ngũ tham gia hoạt động chính trị đã được quy định trong hiệp định hòa bình năm 2016. Thượng nghĩ sĩ Antonio Navaro, người từng tham gia FARC lúc còn trẻ, đã nhắc lại rằng đây là hệ quả lô-gích của mọi cuộc đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, viễn cảnh nhìn thấy những người trước đây bị coi là khủng bố, nay trở thành nghị sĩ, làm cho nhiều dân Colombia bị choáng váng. Hơn nữa, tòa án công lý đặc biệt, được quy định trong hiệp định hòa bình, vẫn còn chưa được thành lập. Điều gì sẽ xẩy ra nếu như ứng viên hoặc nghị sĩ thuộc tổ chức FARC bị kết tội.

Giới phân tích cũng tự hỏi về tác động chính trị của việc ông Timochenko ra ứng cử tổng thống. Cựu lãnh đạo du kích không hề có cơ may nào trong cuộc bầu cử, nhưng sự hiện diện của ông ta sẽ tác động đến cuộc tranh luận bầu cử và chắc chắn sẽ còn gây chia rẽ, phân cực mạnh hơn giữa một bên là những người ủng hộ tái lập hòa bình và bên kia là những người chống đối ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171102-cuu-lanh-dao-luc-luong-du-kich-farc-ra-tranh-cu-tong-thong-colombia

 

Nga và Iran thắt chặt quan hệ

đối phó với trừng phạt của Mỹ

Minh Anh

Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm qua, 01/11/2017, công du Iran nhằm thảo luận về quan hệ song phương, đồng thời, tham dự thượng đỉnh ba bên, Nga-Iran- Azerbaidjan. Chuyến đi Teheran của ông Putin diễn ra trong bối cảnh cả Nga và Iran đều bị Hoa Kỳ gia tăng trừng phạt.

Từ thủ đô Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi gửi về bài tường trình :

« Tổng thống Hassan Rohani, khi đón tiếp đồng nhiệm Vladimir Putin, đã tuyên bố : Nga là một nước bạn, một đối tác chiến lược của Iran. Ông khẳng định rằng hợp tác giữa Iran và Nga đã có tác động lớn trong cuộc chiến chống khủng bố, tại Syria. Nguyên thủ Iran đồng thời kêu gọi hai nước tiếp tục hợp tác trong giai đoạn cuối của cuộc chiến này.

Trước chuyến công du của tổng thống Putin, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga đã tới Iran để bàn về hợp tác quân sự song phương cũng như hợp tác giữa hai nước tại Syria. Matxcơva và Teheran đã hợp tác trong dự án xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử ở miền nam Iran.

Tương tự, tập đoàn dầu khí Nga Rosneft và công ty Dầu lửa quốc gia Iran đã ký thỏa thuận về lộ trình thăm dò khai thác một loạt các khu vực dầu khí, với tổng đầu tư sẽ lên tới 30 tỷ đô la.

Chuyến công du của tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đã thông báo các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga và Iran, bị coi là hai quốc gia kẻ thù của nước Mỹ.

Hôm thứ Ba, bộ Ngân Khố Mỹ đã sửa đổi quy định để đưa lực lượng Vệ Binh Cách Mạng, đội quân tinh nhuệ của Iran vào danh sách các nhóm ủng hộ khủng bố và tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào 12 nhân vật và khoảng ba chục tổ chức thuộc lực lượng này ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171102-nga-va-iran-that-chat-quan-he-doi-pho-voi-trung-phat-cua-my-ok

 

Các lãnh đạo ly khai Catalunya

trình diện tư pháp Tây Ban Nha

Thụy My

Các lãnh đạo ly khai Catalunya hôm nay 02/11/2017 đến Madrid để tư pháp lấy lời khai. Tuy nhiên ông Carles Puigdemont, nguyên chủ tịch vùng tự trị Catalunya lại vắng mặt. Đối với phe đòi độc lập, các rắc rối pháp luật chỉ mới bắt đầu, trong khi tiến trình bảo hộ Catalunya đang được tiến hành.

Từ Madrid, thông tín viên RFI François Musseau tường trình :

« Cuộc đối thoại của những người điếc, giữa chính quyền trung ương Tây Ban Nha và phe đòi độc lập Catalunya lại tiếp tục.

Đối với Madrid, vốn coi việc đòi ly khai là bất hợp pháp – qua việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý bị cấm đoán và đơn phương tuyên bố độc lập – đây chỉ đơn thuần là vấn đề pháp lý. Các thành viên của Nghị viện Catalunya đến thủ đô phải trả lời về các hành động của mình, tức việc không tôn trọng luật bầu cử và Hiến pháp, và cho phép tuyên bố độc lập.

Ngược lại đối với phe ly khai, đây chính là vấn đề chính trị. Chính quyền Rajoy dùng các lý do pháp lý để che giấu « một vụ thanh trừng chính trị », theo như bài diễn văn của ông Carles Puigdemont.

Ông phải trả lời trước các thẩm phán về các tội danh nặng nề là ly khai và nổi dậy, nhưng Puigdemont cho rằng cuộc đấu tranh của ông là hợp pháp, và Madrid muốn « đè bẹp chính nghĩa ». Do vậy lãnh tụ ly khai mới lên tiếng phản đối từ Bỉ, và từ chối trở về Tây Ban Nha. Nếu quay về, ông Puigdemont có nguy cơ lãnh một bản án rất nặng. »

Công tố viên trưởng Tây Ban Nha đòi khởi tố khoảng 20 người, là thành viên chính quyền vùng Catalunya đã bị Madrid giải thể và một số dân biểu, về các tội danh biển thủ công quỹ, ly khai và nổi dậy. Hai tội danh sau có khung hình phạt từ 15 đến 30 năm tù. Trong số các nhân vật bị triệu tập sáng nay có Oriol Junqueras, phó chủ tịch vùng, Carme Forcadell, chủ tịch Nghị viện Catalunya.

Hôm 27/10, có 70/135 dân biểu Catalunya bỏ phiếu tuyên bố « Cộng hòa Catalunya » độc lập, và vài tiếng đồng hồ sau đó chính phủ Tây Ban Nha nắm quyền kiểm soát vùng tự trị này. Chính quyền vùng bị cách chức, Nghị viện Catalunya bị giải thể, và việc bầu chính quyền mới sẽ được tổ chức vào ngày 21/12. Đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất tại Tây Ban Nha kể từ khi chế độ độc tài Francisco Franco kết thúc (1939-1975).

Tạm giam 9 cựu lãnh đạo vùng Catalunya

Tin giờ chót cho biết, tư pháp Tây Ban Nha hôm nay đã ra lệnh tạm giam 9 lãnh đạo Catalunya, trong đó có phó chủ tịch vùng Oriol Junqueras, và ra lệnh truy nã châu Âu đối với cựu chủ tịch Carles Puigdemont, hiện đang ở Bỉ. Riêng ông Santi Vila, đã từ chức khỏi ban lãnh đạo vùng Catalunya trước khi tuyên bố độc lập, được tại ngoại hầu tra với điều kiện đóng tiền thế chân 50.000 euro.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171102-cac-lanh-dao-ly-khai-catalunya-trinh-dien-tu-phap-tay-ban-nha

 

Nhà xuất bản Đức Springer Nature

phải tự kiểm duyệt ở Trung Quốc

Thụy My

Theo thông tin được tờ Financial Times tiết lộ hôm qua 01/11/2017, nhà xuất bản Đức Springer Nature với các tạp chí khoa học uy tín như « Nature » và « Scientific American », vừa phải phong tỏa trên 1.000 bài viết trên trang web tại Trung Quốc, theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Nhà xuất bản Đức cho rằng « đây là điều rất đáng tiếc, nhưng phải thực hiện để tránh các hậu quả lớn hơn cho khách hàng và các tác giả ». Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết :

« Các bài viết liên quan đến đợt tự kiểm duyệt này có những từ bị cho là nhạy cảm về chính trị đối với chính quyền Trung Quốc như « Tây Tạng », « Đài Loan », hay « Cách mạng văn hóa »…Những bài bị xóa khỏi trang web của Springer Nature tại Trung Quốc đã được đăng trên hai tạp chí Khoa học Chính trị Trung Quốc và Chính trị Quốc tế.

Trong một thông báo, Springer Nature khẳng định những bài bị chặn chỉ chiếm có 1% tổng số các bài viết, số còn lại vẫn có thể đọc được. Nhà xuất bản Đức nói rằng bị buộc phải tuân theo luật của địa phương về việc phổ biến, và điều này không có ảnh hưởng gì đến quan điểm biên tập và các ấn phẩm của họ.

Đây không phải là lần đầu tiên một nhà xuất bản phải tự kiểm duyệt để tiếp tục được phép bán sản phẩm tại Trung Quốc. Hồi tháng Tám, nhà xuất bản trường đại học Cambridge cũng đã xóa hơn 300 bài viết về Trung Quốc trên internet, theo lệnh của Bắc Kinh. Một kiến nghị phản đối đã thu thập được hàng trăm chữ ký. Nhà xuất bản Cambridge đành phải thay đổi thái độ, và rốt cuộc những bài báo bị rút xuống đã được đăng lại trên mạng ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171102-nha-xuat-ban-duc-springer-nature-phai-tu-kiem-duyet-o-trung-quoc