Tin khắp nơi – 02/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 02/10/2018

TT Trump công bố thỏa thuận thương mại mới

thay cho NAFTA

William Gallo

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada được công bố hôm 1/10 được thiết kế để cuối cùng thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, hoặc NAFTA, mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lâu nay luôn chê là có hại cho người lao động Mỹ. Nhưng ngoài tên gọi, thỏa thuận mới có gì khác với NAFTA, hiệp định có hiệu lực từ năm 1994.

Tổng thống Trump lâu nay luôn chê Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, hay NAFTA, là “thương vụ tồi tệ nhất chưa từng thấy.” Hôm 1/10, ông đã tiến một bước để loại bỏ hiệp định thương mại có từ năm 1994 này.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Tôi rất vinh dự thông báo rằng chúng tôi đã hoàn tất thành công các cuộc đàm phán về một thỏa thuận mới để chấm dứt và thay thế NAFTA và các thỏa thuận thương mại NAFTA. Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada mới được gọi là USMCA. Một thỏa thuận hiệu quả.”

Tổng thống Trump khẳng định thỏa thuận mới không đơn thuần chỉ chỉnh đổi lại NAFTA. Nhưng theo nhà phân tích Joshua Meltzer của Viện nghiên cứu Brookings thì thỏa thuận mới này không phải là một sự thay đổi toàn diện.

Ông Meltzer nói: “Tôi không đánh giá thỏa thuận mới này là một sự thay đổi sâu rộng. Tôi xem đó như là một thỏa thuận được cập nhật. Thỏa thuận cũ đã trên 20 tuổi, vì vậy rõ ràng nó cần phải cập nhật.”

Ông Meltzer phân tích rằng cuộc đàm phán về thỏa thuận mới này đã diễn ra khá suôn sẻ một phần là vì nhiều thỏa thuận đã đạt được trong các cuộc đàm phán cho hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương – một thỏa thuận thương mại tự do mà ông Trump cũng bác bỏ.

Thỏa thuận mới này mở rộng cửa vào thị trường Canada hơn cho ngành chăn nuôi bò sữa của Mỹ – một trong những yêu cầu chính yếu của ông Trump.

Thỏa thuận mới cũng đòi hỏi 75% bộ phận ô tô được sản xuất ở Bắc Mỹ, và phải tăng mức lương tối thiểu cho người lao động trong ngành ô-tô.

Ông Meltzer nói tiếp: “Rõ ràng là chúng ta thấy có một số biện pháp bảo hộ gia tăng trên một số lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực ô-tô. Nhưng tổng thể đó là một bản cập nhật của một thỏa thuận thương mại, toàn diện, và phần lớn là tốt cho việc cải thiện hội nhập giữa ba nền kinh tế.”

Đó có lẽ là tin đáng phấn khởi cho những người ủng hộ thương mại tự do lo lắng về cách tiếp cận thương mại của ông Trump. Chứng khoán Mỹ hôm thứ Hai đã tăng sau thông báo này.

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ ký thỏa thuận vào cuối tháng 11. Nhưng thỏa thuận chỉ có hiệu lực khi được các nhà lập pháp ở cả ba quốc gia thông qua.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-cong-bo-thoa-thuan-thuong-mai-moi-thay-cho-nafta/4596076.html

Trump: Chưa tới lúc đàm phán thương mại

với Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump ngày 1/10 tuyên bố “còn quá sớm” để Washington bàn với Bắc Kinh chuyện đàm phán để đạt được một thỏa thuận thương mại, gợi ý rằng thuế quan của Mỹ chưa đủ áp lực để buộc Trung Quốc nhượng bộ tại bàn thương thuyết.

Với một thỏa thuận thương mại mới giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico, ông Trump ca ngợi sức mạnh của thuế quan mà ông đã áp đặt để đưa các đối tác thương mại của Mỹ đến bàn hội nghị.

Tuy nhiên ông cho rằng thuế quan cao ông áp đặt lên các sản phẩm của Trung Quốc chưa làm Bắc Kinh khuất phục.

“Vì họ đã bóc lột chúng ta trong quá nhiều năm, nên mọi việc sẽ không nhanh chóng như thế này,” ông Trump nói.

Chính quyền ông Trump đã áp thuế lên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc trong tháng trước và dọa áp đặt lên tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Trump nói các dấu hiệu kinh tế yếu kém tại Trung Quốc và thị trường chứng khoán tuột đốc là bằng chứng ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn bất chấp và cho biết sẽ kích thích mức cầu nội địa để chặn đứng bất cứ cú sốc thương mại nào.

Trong khi đó cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc, Larry Kudlov, trong một cuộc phỏng vấn ngày 1/10 của Fox Business Network cho biết Tổng thống Donald Trump có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vào ngày 30/11 tới đây.

Được hỏi về khả năng có được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, ông Kudlov nói với Fox Business Network là một thỏa thuận với Bắc Kinh là điều chưa thể xảy ra lúc này.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, các giới chức Mỹ nói là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã hủy chuyến đi thăm Trung Quốc được dự trù trước đây.

Dù chuyến đi này chưa bao giờ được công khai loan báo nhưng ông Mattis dự trù đi thăm Bắc Kinh vào tháng 10 để thảo luận về an ninh theo phương thức 2+2 giữa ông với người tương nhiệm Trung Quốc và Ngoại trưởng Mike Pompeo với người tương nhiệm của ông Pompeo.

Ngũ Giác Đài không công bố việc ông Mattis thay đổi kế hoạch. Các giới chức quốc phòng xác nhận tin tức của báo chí về việc hủy cuộc họp.

Những căng thẳng mới đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt nguồn từ tranh chấp thương mại và thuế quan, nhưng cuộc xung đột đã lan sang lĩnh vực quân sự.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-ch%C6%B0a-t%E1%BB%9Bi-l%C3%BAc-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c-/4595294.html

 

FBI phỏng vấn bạn học

của ứng viên Tòa án tối cao Kavanaugh

Vài ngày sau khi được lệnh xem xét các cáo buộc chống ứng viên Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh đvề những hành vi tấn công tình dục, Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) đã tiếp xúc với Mark Judge, bạn thời trung học của ông Kavanaugh, tuy nhiên cuộc phỏng vấn chưa hoàn tất, luật sư của ông cho biết hôm 1/10.

Giáo sư đại học Christine Blasey Ford nói ông Judge là một nhân chứng có mặt trong khi xảy ra cuộc tấn công tình dục dưới tay ông Kavanaugh mà bà là nạn nhân tại một buổi tiệc vào năm 1982, khi cả ba người còn là học sinh trung học ở bang Maryland.

Ông Judge phủ nhận những cáo buộc của Giáo sư Ford. Thẩm phán Kavanaugh cũng bác bỏ những cáo buộc của bà và của hai phụ nữ khác, đồng thời tố lại đảng Dân chủ là dùng những lời vu cáo này để giáng một ‘đòn chính trị’ nhắm vào ông.

Các thành viên thuộc Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã bỏ phiếu hôm 28/9 , ủng hộ việc đề cử ông Kavanaugh vào tòa án tối cao, tuy nhiên việc biểu quyết để chuẩn thuận ông tại phiên họp toàn thể Thượng viện đã bị hoãn lại một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump xuống thang trước áp lực đến từ các thành viên trong đảng Cộng hòa của ông.

Tổng thống Trump hôm 1/10 nói cơ quan FBI có quyền tự do để thẩm vấn bất kỳ nhân chứng nào mà họ thấy là cần thiết. Tuy nhiên ông nói ông muốn cuộc điều tra phải hoàn tất nhanh chóng và không trở thành một “cuộc săn lùng phù thủy” (truy sát chính trị).

“Tôi muốn họ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện. Toàn diện theo bất kỳ cách hiểu nào, theo các thượng nghị sĩ và các thành viên đảng Cộng hòa cũng như phe đa số đảng Cộng hòa, tôi muốn họ làm điều đó, ” ông Trump nói tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.

Ông Trump lên tiếng sau khi có những chỉ trích từ phía đảng Dân chủ cho rằng ông và các thành viên đảng Cộng hòa đang tìm cách giới hạn phạm vi cuộc điều tra của FBI.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons cho các nhà báo biết rằng ông đang thảo luận với Nhà Trắng về cuộc điều tra.

“FBI phải được theo đuổi tất cả các bước điều tra hợp lý xuất xứ từ những cáo buộc đáng tin cậy trước mặt ủy ban Tư pháp Thượng viện”, ông nói.

Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, cho biết Thượng viện sẽ bỏ phiếu trong tuần này về việc đề cử ông Kavanaugh, hiện là thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang tại Washington theo khuynh hướng bảo thủ. Một phát ngôn viên của ông McConnell không xác nhận liệu ông có ý nói tới cuộc bỏ phiếu về các quy trình thủ tục, hay bỏ phiếu chung cuộc để chuẩn thuận ông Kavanaugh.

Vụ đề cử ông Kavanaugh bùng nổ chỉ vài tuần trước các cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11 tới đây mà kết quả sẽ quyết định đảng nào nắm quyền kiểm soát Quốc hội. Một số thành viên đảng Cộng hòa lo sợ rằng đẩy nhanh tiến trình chuẩn thuận ông Kavanaugh vào tòa án tối cao có thể khiến Đảng Cộng hoà mất lá phiếu của cử tri phái nữ trong khi những các thành viên đảng Dân chủ thì tìm cách tận dụng thời cơ này.

FBI vào cuộc

Luật sư của ông Mark Judge, Barbara “Biz” Van Gelder, nói trong một thông báo: “Ông Judge đã được FBI phỏng vấn nhưng cuộc phỏng vấn chưa hoàn tất. Chúng tôi yêu cầu mọi người kiên nhẫn trong khi FBI kết thúc cuộc điều tra. ”

Ra khai chứng tại buổi điều trần đầy kịch tính ở Thượng viện hôm 27/9, Giáo sư Blasey Ford nói bà là nạn nhân của một cuộc tấn công tình dục dưới tay ông Kavanaugh. Vụ tấn công xảy ra trong một phòng ngủ nơi ông Judge cũng có mặt. Theo lời cáo buộc của bà Ford, cà hai người, Kavanaugh và Judge, lúc đó đều say rượu.

Ông Judge và ông Kavanaugh là bạn cùng lớp tại trường Georgetown Preparatory School, một trường tư thục giành cho tầng lớp có tiền của ở một vùng ngoại ô thủ đô Washington.

Người phụ nữ thứ hai tố cáo ông Kavanaugh, bà Deborah Ramirez, cũng đã được FBI phỏng vấn, theo lời TNS Coons. Ông Coons và Thượng nghị sĩ Jeff Flake thuộc đảng Cộng hòa, là hai nhân vật đóng vai trò chủ chốt, buộc Ủy ban Tư pháp Thượng viện phải hoãn lại một tuần trước khi tiếp tục cuộc biểu quyết để chuẩn thuận ông Kananaugh.

Chín trong số 10 thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp hôm 1/10 đã gửi thư cho Giám đốc FBI Christopher Wray và Luật sư Toà Bạch Ốc Don McGahn, liệt kê 24 người mà họ cho là cần được FBI phỏng vấn. Họ nhấn mạnh cuộc điều tra phải bao gồm việc đánh giá cả ba trường hợp ông Kavanaugh bị cáo buộc về hành vi tình dục sai trái.

Đề cử một thẩm phán vào Tối cao Pháp viện cần được sự chuẩn thuận của Thượng viện. Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Thượng viện với tỷ lệ 51-49. Với tỷ lệ sít sao đó, nếu tất cả các đảng viên đảng Dân chủ đều bỏ phiếu chống, thì phe Cộng hoà chỉ có thể mất 1 lá phiếu duy nhất, không thể nhiều hơn. Bởi vì lá phiếu của Phó Tổng thống Mike Pence sẽ trở thành lá phiếu quyết định. Nếu hai hay nhiều thành viên Đảng Cộng hoà về phe với Đảng Dân chủ, thì kể như đề cử của Tổng thống Trump không thể thành công.

Tổng thống Trump nói ông tin ông Kavanaugh khi ông khai trước Ủy ban Tư pháp về mức độ uống rượu của mình thời còn ở trung học và đại học. Ông Trump nói, nếu FBI phát hiện ra điều gì khác, thì ông sẵn sàng xem xét điều đó. Ông Trump không giải thích gì thêm về phát biểu này.

Một bạn học của ông Kavanaugh ở Đại học Yale, Chad Ludington, nói trong một văn bản được phổ biến trên các phương tiện truyền thông rằng ông Kavanaugh không thành thật trong cuộc điều trần ở Thượng viện vào tuần trước về mức độ uống rượu của ông. Ông Ludington nói ông Kavanaugh là “một người uống rượu thường xuyên và uống rất nhiều” khi còn ở Đại học Yale. Theo ông Ludington, khi say rượu, Kavanaugh thường tỏ ra gây hấn và hung hăng.

https://www.voatiengviet.com/a/fbi-phong-van-ban-hoc-cua-ung-vien-toa-an-toi-cao-kavanaugh/4596176.html

 

Cuộc điều tra Kavanaugh: Những điều cần biết

Tại sao FBI mở cuộc điều tra?

Tất cả những người được Tổng thống đề cử đều phải qua một cuộc điều tra lý lịch của Cục Điều tra Liên bang (FBI) có tên là Điều tra Đặc biệt (SPIN) trước khi được chuyển tên sang Thượng viện để chuẩn thuận.

Ứng viên Tối cao Pháp viện Mỹ Brett Kavanaugh đã phải trải qua 6 cuộc điều tra như vậy trong khuôn khổ của những bổ nhiệm trước đây của chính phủ. Tuy nhiên sau khi 3 phụ nữ xuất hiện trong tháng trước cáo buộc ông Kavanaugh tấn công tình dục, phe Dân chủ yêu cầu một cuộc điều tra mới của FBI.

Lúc đầu, Tổng thống Donald Trump bác bỏ ý kiến này, nhưng vào ngày 28/9, ông ra lệnh điều tra các cáo buộc trong vòng một tuần lễ. Việc thay đổi thái độ này diễn ra sau khi Thượng nghị sĩ ôn hòa thuộc đảng Cộng hòa và là người thường chỉ trích Tổng thống Trump, ông Jeff Flake, quay sang ủng hộ yêu cầu điều tra của đảng Dân chủ.

FBI làm gì?

FBI đang điều tra thêm về lý lịch ông Kavanaugh giữa bối cảnh có tố cáo về tấn công tình dục, chứ không phải điều tra hình sự.

Ông Pete Yachmetz, một cựu nhân viên điều tra FBI và là cố vấn an ninh, nói một cuộc điều tra lý lịch của FBI là một “cuộc điều tra toàn diện, chi tiết và thấu đáo” về tính thích nghi vào chức vụ của ứng viên và điều tra nguồn gốc nhân thân, tình trạng hôn nhân, việc làm, tư cách thành viên của luật sư đoàn và quá trình phục vụ quân dịch.

Vì ông Kavanaugh đã được điều tra vài lần, ông và những nhân chứng khác sẽ được tái thẩm vấn. Thêm vào đó, các nhân viên điều tra sẽ phỏng vấn mặt đối mặt với hai trong những phụ nữ cáo buộc ông Kavanaugh là Christine Blasey Ford và Deborah Ramirez.

Thông thường cuộc điều tra lý lịch của FBI mất 10 ngày. Ông Yachmetz nói cơ quan này có thể hoàn tất cuộc điều tra lý lịch vào ngày thứ Sáu 5/10 và gởi kết quả đến Tòa Bạch Ốc. Có phần chắc tất cả 56 văn phòng của FBI trên toàn nước Mỹ tham gia vào cuộc điều tra.

Chính quyền ông Trump có kiểm soát cuộc điều tra hay không?

Tòa Bạch Ốc phủ nhận những cáo buộc là “đang quản lý chi tiết” cuộc điều tra ông Kavanaugh.

Lúc đầu Tòa Bạch Ốc yêu cầu FBI giới hạn cuộc điều tra vào những cáo buộc của bà Ford và bà Ramirez và đã cung cấp cho FBI danh sách 4 nhân chúng để thẩm vấn. Tuy nhiên, vào ngày 1/10, ông Trump nói ông muốn một cuộc điều tra “toàn diện và ông không phản đối nếu FBI phỏng vấn người cáo buộc thứ ba là bà Julie Swetnick.”

Ông Trump cũng cho biết ông muốn FBI phỏng vấn bất cứ người nào họ thấy cần thiết để hoàn tất cuộc điều tra.

Đảng Dân chủ kêu gọi có một danh sách nhân chứng dài hơn và chỉ trích Tòa Bạch Ốc hạn chế cuộc điều tra là “khôi hài.”

Ai quyết định phạm vi cuộc điều tra?

Tòa Bạch Ốc lúc đầu ấn định những điều kiện của cuộc điều tra. Tòa Bạch Ốc chỉ thị cho FBI giới hạn cuộc điều tra vào những cáo buộc của bà Ford và bà Ramirez, phỏng vấn 4 nhân chứng và hoàn tất cuộc điều tra trong vòng một tuần lễ. Đảng Dân chủ gọi thời biểu này là tùy tiện và thúc đẩy để cuộc điều tra được mở rộng hơn, đưa đến đảo ngược việc tiến hành.

Cuộc điều tra sẽ đưa ra những gì?

Cuộc điều tra nhằm xác định tính xác thực của những cáo buộc tấn công tình dục khi ông Kavanaugh còn đang học trung học và đại học.

FBI đã phỏng vấn một vài nhân chứng. Kế tiếp là những người khác biết được các sự kiện xảy ra cách đây hơn 3 thập niên.

Ông Yachmetz nói bản tóm tắt cuộc điều tra của FBI gởi cho Tòa Bạch Ốc sẽ đưa ra những sự kiện nhưng không có kết luận hay khuyến nghị nào.

Ông Yachmetz nói tiếp “Họ không giải quyết vấn đề, họ không minh oan cho thẩm phán Kavanaugh, họ không chứng tỏ bất cứ tội phạm nào hay bác bỏ bất cứ cáo buộc nào.”

https://www.voatiengviet.com/a/cu%E1%BB%99c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-kavanaugh-nh%E1%BB%AFng-%C4%91i%E1%BB%81u-c%E1%BA%A7n-bi%E1%BA%BFt-/4595316.html

 

Vụ Kavanaugh: FBI được quyền

thẩm vấn bất cứ nhân chứng nào

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/10 cho biết ông đã cho phép FBI được tự do thẩm vấn bất cứ nhân chứng nào mà họ thấy cần thiết trong cuộc điều tra toàn diện về cáo buộc sách nhiễu tình dục nhắm vào thẩm phán Brett Kavanaugh, người được ông Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện.

Tuy nhiên, ông Trump cũng nói rằng ông không muốn cuộc điều tra trở thành ‘săn phù thủy’ (hàm ý là truy bức chính trị) và ông muốn nó chấm dứt sớm.

FBI sẽ làm theo những gì mà phe Cộng hòa ở Thượng viện muốn điều tra, ông Trump nói. Ông đã ra lệnh cho FBI tiến hành điều tra sau khi các lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện chịu sức ép của Thượng nghị sỹ Jeff Flake và các thành viên trung dung khác trong Đảng.

“Tôi muốn họ điều tra toàn diện,” Tổng thống Mỹ nói.

“Tôi nghĩ rằng FBI nên phỏng vấn bất cứ ai mà họ muốn trong phạm vi hợp lý,” ông nói thêm.

Bà Christine Blasey Ford, một giáo sư đại học ở California, đã khai trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện rằng ông Kavanaugh đã tấn công tình dục bà vào năm 1982 khi cả hai còn là học sinh trung học ở Maryland. Ông Kavanaugh đã bác bỏ các buộc của bà Ford cũng như các cáo buộc của hai người phụ nữ khác, đồng thời tố cáo phe Dân chủ ‘tấn công chính trị’.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell cho biết Thượng viện trong tuần này sẽ bỏ phiếu về ông Kavanaugh. Phát ngôn nhân của ông McConnell từ chối nói rõ liệu ông đề cập đến việc bỏ phiếu về quy trình hay bỏ phiếu chuẩn thuận ông Kavanaugh.

Thượng nghị sỹ Flake đã yêu cầu FBI điều tra. Đây vốn là đòi hỏi của phe Dân chủ trước khi tổ chức bỏ phiếu phê chuẩn ông Kavanaugh nhưng trước đó đều bị cả ông Trump và Đảng Cộng hòa bác bỏ. Yêu cầu của ông Jeff được các đồng nghiệp Cộng hòa khác trong Thượng viện là các bà Susan Collins và Lisa Murkowski ủng hộ.

“Chúng tôi chắc chắn muốn FBI tiến hành điều tra thật sự và chúng ta đang đảm bảo rằng chuyện đó xảy ra,” ông Flake phát biểu tại một sự kiện ở Boston. “Không có ích gì nếu chúng ta chỉ điều tra cho lấy có. Chúng ta thật sự cần phải tìm ra những gì chúng ta có thể tìm ra.”

Một số thành viên Dân chủ đặt vấn đề về phạm vi cuộc điều tra sau khi có tin tức rằng phe Cộng hòa trong Thượng viện đang làm việc với Nhà Trắng để hạn chế số nhân chứng và bỏ qua cáo buộc của người phụ nữ thứ ba.

Chín trong số 10 thành viên Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 1/10 đã gửi thư cho Giám đốc FBI Christopher Wray liệt kê 24 người mà họ cho là mà FBI nên thẩm vấn và kêu gọi cuộc điều tra đánh giá toàn bộ ba cáo buộc. Thượng nghị sỹ Dân chủ Chris Coons, người đóng vai trò bản lề trong việc ông Flake yêu cầu FBI điều tra, không ký tên vào lá thư này.

Tuy nhiên ông Coons nói về cuộc điều tra như sau: “Nó cần phải vượt quá quy mô rất hạn chế ban đầu là chỉ có bốn nhân chứng, bốn người hiện đang được thẩm vấn.”

Phe Dân chủ cũng yêu cầu FBI cung cấp bản sao tất cả các cuộc thẩm vấn với nhân chứng và danh sách tất cả những nhân chứng từ chối hợp tác.

Ông P.J. Smyth, người được bà Ford nêu tên là có mặt tại buổi tiệc mà vụ tấn công tình dục được cho là đã xảy ra, đã được thẩm vấn và một lần nữa đã nói rằng ông không biết gì về buổi tiệc và hành vi không đứng đắn của người bạn thời trung học Kavanaugh, luật sư của ông Smyth cho biết.

Ông Trump nói rằng ông tin ông Kavanaugh không hề nói dối trong buổi điều trần trước Ủy ban Tư pháp. Mặt khác, ông cũng nói rằng nếu FBI phát hiện được điều gì thì ông ‘sẽ xem xét’.

https://www.voatiengviet.com/a/v%E1%BB%A5-kavanaugh-fbi-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-quy%E1%BB%81n-th%E1%BA%A9m-v%E1%BA%A5n-b%E1%BA%A5t-c%E1%BB%A9-nh%C3%A2n-ch%E1%BB%A9ng-n%C3%A0o/4595308.html

 

Apple im lặng trước phàn nàn iPhone không sạc pin

Apple giữ im lặng trong bối cảnh có những lời phàn nàn rằng hai mẫu điện thoại mới iPhone XS và XS Max không sạc pin liên tục khi cắm điện.

Vài người dùng phản ánh những chiếc iPhone đời mới của họ không sạc nếu chúng trong trạng thái ‘nhàn rỗi’. Có người nói thiết bị của họ chỉ sạc nếu màn hình hiển thị “được đánh thức”.

Video blogger Lewis Hilsenteger gọi vụ này là “chargegate” trong một video nói về sự cố này.

Tuy nhiên, hãng Apple chưa có bình luận gì.

Ông Mr Hilsenteger là chủ của kênh Unbox Therapy trên YouTube và có hơn 12 triệu người đăng ký theo dõi.

Trong một video phát hôm thứ Bảy 29/9, ông thử chín chiếc iPhone bằng cách cắm chúng vào ổ cắm chính hãng của Apple.

Dữ liệu iCloud của TQ đã về tay Bắc Kinh

Lo ngại khi Apple lưu dữ liệu ở Trung Quốc

Apple: ‘Thiết bị Mac bị lỗ hổng của chip máy tính’

Mặc dù chiếc iPhone X đời 2017 sạc pin mà không có khó khăn gì, nhiều chiếc XS và XS Max mới không hề sạc khi được cắm điện.

Hầu hết các phone chỉ sạc khi màn hình được bật để đánh thức thiết bị. Và một chiếc không sạc chút nào.

Ông Hilsenteger nói ông được cảnh báo về vấn đề này khi một khán giả gửi email cho ông.

Trước đó, Hilsenteger không biết có sự cố này vì ông dùng sạc không dây, thay vì dây cắm điện.

“Hồi đáp cho những người đó trên một kênh như thế này sẽ đưa vấn đề ra ánh sáng và hy vọng sẽ mang lại một giải pháp phần mềm nào đó, nếu có thể,” ông nói trong một video.

“Đây là công việc của tôi. Tôi phải đưa những vụ này ra. Tôi phải buộc các công ty này chịu trách nhiệm.”

Steve Jobs ‘thậm tệ’ trong tự truyện của con gái

Google ‘muốn mở phiên bản bị kiểm duyệt ở TQ’

Facebook lên kế hoạch mở văn phòng ở TQ

Một số lời phàn nàn về việc XS và XS Max gặp lỗi không sạc pin cũng đã được đăng trên diễn đàn thảo luận của Apple trên website của hãng.

Nhiều người cũng lên tiếng trên mạng xã hội, và mô tả họ không thể sạc pin được khi pin điện thoại đã hết.

Có người dùng đồn đoán rằng sự cố này có liên quan đến một thay đổi gần đây trong chế độ bảo mật của Apple.

Kể từ khi iOS 11.4.1 được tung ra, cổng lightning của một số iPhone có thể được tắt khi thiết bị nhàn rỗi trong một thời gian. Điều này có thể ngăn trộm, những kẻ tấn công mạng và các nhân viên thực thi luật tiếp cận được thiết bị.

“Trong một số trường hợp, phone có thể không sạc,” Apple thông báo trên website của mình.

Tuy nhiên, điều đó không giải thích vì sao nhiều người dùng iPhone XS và XS Max lại gặp sự cố.

Hiện Apple chưa có hồi đáp cho yêu cầu bình luận của BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45713330

 

Hoạt động sản xuất ở Âu, Á trì trệ

giữa thương chiến Mỹ-Trung

Tăng trưởng trong hoạt động của các nhà máy ở châu Âu và châu Á trong tháng 9 chậm lại, đơn đặt hàng xuất khẩu sụt giảm trước cuộc leo thang tranh chấp thương mại mới đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một dấu hiệu nữa cho thấy kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

Những cuộc khảo sát kinh doanh công bố hôm 30/9 và 1/10 cho thấy mức độ tăng trưởng chậm lại tại các nhà máy ở châu Âu và châu Á. Việc do lường các hoạt động trong tương lai cho thấy ít có hy vọng tình hình xoay chuyển trong vài tháng tới.

Tuy nhiên Bắc Kinh và Washington không sẵn sàng thỏa hiệp mà còn áp đặt thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau. Đây là bối cảnh đáng ngại cho thực trạng giảm đà khuyếch trương của các nhà máy tại châu Âu và châu Á.

Tăng trưởng sản xuất trong khu vực đồng euro tới cuối quý 3 đang ở mức chậm nhất trong hai năm nay, theo chỉ số của các nhà quản lý mua bán IHS Markit.

Tăng trưởng sản xuất của Đức trong tháng 9 ở mức chậm nhất trong vòng 2 năm nay với nhịp độ tăng chậm nhất trong 3 tháng qua tại Pháp và trì trệ tại Ý, đánh dấu lần đầu tiên không có tăng trưởng trong 2 năm.

Đơn đặt hàng xuất khẩu yếu kém là cách giải thích thông thường của việc tăng trưởng chậm lại trên toàn thể khu vực đồng euro.

Hai cuộc thăm dò sản xuất từ Trung Quốc vào ngày Chủ Nhật 30/9 cho thấy có sự yếu kém trong khu vực sản xuất rộng lớn. Một cuộc thăm dò tư cho thấy mức tăng trưởng của các nhà máy bị trì trệ sau 15 tháng mở rộng, trong khi một cuộc đo lường chính thức xác nhận lĩnh vực sản xuất mất sức đẩy vì các đơn đặt hàng xuất khẩu bị thu hẹp lại.

Những con số đầu tiên quan trọng về Trung Quốc trong tháng 9 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới tiếp tục mất đà trong lúc mức cầu nội địa yếu kém và việc áp đặt thuế quan của Mỹ bắt đầu có tác dụng. Sự phối hợp này khiến cho Bắc Kinh đưa ra những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng trong những tháng tới.

Tuy nhiên các nhà phân tích không hy vọng có những biện pháp kích cầu thêm nữa để bắt đầu ổn định nền kinh tế Trung Quốc cho đến ít nhất đầu năm tới.

Tại các nơi khác ở châu Á, việc sản xuất tại Việt Nam, Đài Loan, Indonesia trong tháng qua cũng chựng lại. Tăng trưởng của các nhà máy tại Đài Loan ở mức thấp nhất trong hơn hai năm vì các đơn đặt hàng trì trệ, theo các cuộc thăm dò kinh doanh trong ngày 1/10.

Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị giảm sút trong các đơn đặt hàng xuất khẩu, cho thấy chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng và những lo ngại về mức cầu của Trung Quốc chậm lại đè nặng lên các nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Ấn Độ nằm trong số một ít điểm sáng tại châu Á. Hoạt động của các nhà máy nước này tăng trưởng nhanh trong tháng 9 vì tăng trưởng mạnh trong các đơn đặt hàng nội địa và xuất khẩu, một dấu hiệu khích lệ trong khi các nhà hoạch định chính sách lo ngại đồng rupee của Ấn Độ sụt giá mạnh và những tác dụng phụ do các tranh chấp thương mại toàn cầu.

Dù chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng phần nào sẽ làm tổn thương nền kinh tế thế giới trong năm nay, nhưng các nhà phân tích dự báo những rủi ro sẽ tăng lên trong năm 2019 vì thuế quan khắc nghiệt của Hoa Kỳ được áp dụng và chi phí vay mượn toàn cầu tăng cao.

https://www.voatiengviet.com/a/ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-%E1%BB%9F-%C3%A2u-%C3%A1-tr%C3%AC-tr%E1%BB%87-gi%E1%BB%AFa-th%C6%B0%C6%A1ng-chi%E1%BA%BFn-m%E1%BB%B9-trung/4595700.html

 

Đức phát hiện nhóm khủng bố tại Chemnitz

Cảnh sát Đức ngày 1/10 bắt giữ 6 người đàn ông tình nghi thành lập một tổ chức hiếu chiến cực hữu tấn công người nước ngoài tại thành phố Chemnitz miền đông nước Đức và lập kế hoạch tấn công các chính trị gia và công chức, theo văn phòng công tố viên liên bang.

Khoảng 100 nhân viên cảnh sát được những đơn vị biệt động đặc biệt yểm trợ đã bắt giữ 6 nghi can tuổi từ 20 đến 30 tại các địa điểm trong 2 tiểu bang Saxony và Bavaria của Đức. Nhà cầm quyền cũng tiết lộ có một nghi can khác bị bắt hôm 14/9.

Những người này bị cáo buộc thành lập “Chemnitz Cách mạng”, một tổ chức được đặt tên theo thành phố nơi xảy ra án mạng của một người Đức bị đâm chết vào tháng 8 mà tin nói vụ này do di dân gây ra, khơi mào tình trạng bạo động cực hữu tệ hại nhất tại Đức trong nhiều thập niên.

“Căn cứ trên các tin tức chúng tôi có cho đến nay, các nghi can thuộc nhóm côn đồ đầu trọc và tân-Đức Quốc Xã tại khu vực Chemnitz. Những nhóm này tự xưng là các khuôn mặt lãnh đạo tại khu vực cánh hữu cực đoan ở Saxony, các công tố viên nói.

Nhóm này đã lên kế hoạch tấn công các công chức cao cấp và các chính trị gia, các công tố viên cho biết thêm.

“Trong khuôn khổ của những cuộc điều tra thêm, chúng tôi có được những chỉ dấu xác thực là tổ chức này theo đuổi những mục tiêu khủng bố,” Tổng chưởng lý liên bang nói.

Phát ngôn viên Tổng chưởng lý liên bang, bà Frauke Koehler, nói với các phóng viên là nhà cầm quyền đã nghe được các tin tức cho thấy các nghi can âm mưu tấn công các đối thủ chính trị cũng như người nước ngoài.

Năm trong số các nghi can đã tấn công và gây thương tích cho người nước ngoài tại Chemnitz vào ngày 14/9, sử dụng chai lọ thủy tinh, găng tay có khớp thép và súng điện. Nhóm này đã lên kế hoạch tấn công khác vào ngày 3/10 là quốc lễ kỷ niệm hai miền Đông và Tây Đức thống nhất vào năm 1991.

Bạo động tại Chemnitz, nơi các nhóm đầu trọc săn lùng di dân và chào theo kiểu Hitler, phơi bày sự chia rẽ sâu sắc đối với quyết định năm 2015 của Thủ tướng Angela Merkel nhận hơn một triệu người tị nạn, phần lớn theo Hồi Giáo.

Những sự kiện này đã gây căng thẳng trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel. Đảng bảo thủ của bà và đối tác Liên minh Dân chủ Xã hội không thể nhất trí cách giải quyết đối với người đứng đầu cơ quan do thám nội địa BFV, người nghi ngờ về tính xác thực của một video cho thấy các tay đầu trọc rượt đuổi di dân. Hai bên đạt được một thỏa hiệp trong tháng trước chuyển ông này sang Bộ Nội vụ, chấm dứt sự tranh cãi suýt làm tan vỡ chính phủ vừa mới thành lập được 6 tháng.

Sự kiện tại Chemnitz cũng nêu lên nghi vấn là liệu nhà cầm quyền tại Saxony có quá tự mãn trong việc đối phó với bạo động cực hữu ngày càng tăng và sự bài ngoại hay không.

Tiếng tăm của cơ quan thi hành luật pháp Đức bị tổn thương khi xử lý vụ một băng đảng tân-Quốc xã giết chết 10 người trong một chiến dịch bạo động có động cơ phân biệt chủng tộc từ năm 2000 đến năm 2007.

Báo Sueddeutsche Zeitung nói các nhà điều tra tin là nhóm “Chemnitz Cách mạng” sẽ thực hiện nhiều vụ giết người hơn tổ chức tân-Quốc xã.

Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer nói sau vụ bắt giữ ngày 1/10 rằng đe dọa tấn công của các phần tử hiếu chiến tại Đức vẫn còn cao, có nghĩa là “một cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào.”

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BB%A9c-ph%C3%A1t-hi%E1%BB%87n-nh%C3%B3m-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-t%E1%BA%A1i-chemnitz/4595714.html

 

Khai mạc Triển lãm xe hơi Paris

Trọng Thành

Triển lãm Xe hơi Quốc tế Paris ( Mondial de l’Auto – Paris Motor Show ) lần thứ 120, khai mạc hôm nay 02/10/2018 tại Paris. Trong bối cảnh đảo lộn về công nghệ, áp lực môi trường, chiến tranh thương mại, triển lãm vốn được coi là hàng đầu của ngành xe hơi thế giới năm nay đứng trước bước ngoặt : Phục sinh hay suy tàn.

Cứ hai năm một lần, Triển lãm Xe hơi Paris thu hút hơn một triệu khách thăm, 10.000 phóng viên quốc tế. Nhưng không khí năm nay có vẻ khá ảm đạm. Hàng loạt hãng xe hơi lớn thế giới như Volkswagen, Opel, Fiat, Jeep, Alfa Romeo, Ford, Nissan, Volvo, Mazda, Mitsubishi, đã thông báo từ chối tham gia triển lãm, vừa được đổi tên thành « Paris Motor Show ».

Các “ông lớn” vắng mặt lần này chiếm sản lượng gần 40% thị trường xe hơi châu Âu. Các triển lãm xe hơi tại châu Âu và Bắc Mỹ nhìn chung đang bị các đối thủ tại những quốc gia đang trỗi dậy, dẫn đầu là Trung Quốc, cạnh tranh quyết liệt.

Triển lãm 2018 được rút lại chỉ còn 11 ngày, so với 16 ngày theo thông lệ, để giảm bớt chi phí cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, ông Jean-Claude Girot, phụ trách triển lãm năm nay, hy vọng nhiều sáng kiến mới sẽ cho phép Paris Motor Show tiếp tục là triển lãm hàng đầu thế giới.

« Paris Motor Show » vẫn thu hút các mác xe sang trọng hàng đầu, như Aston Martin, Jaguar, Ferrari, Lamborghini, Maserati. Nhà sản xuất ô tô điện Tesla năm nay góp mặt với mô hình đời mới Model 3. Riêng công ty Vinfast sáng nay đã trình làng hai kiểu xe đầu tiên của Việt Nam, do êkíp designer nước ngoài thiết kế. Các kiểu xe này sẽ được tung ra thị trường Việt Nam năm 2019 trước khi được xuất khẩu.

Xe hơi của tương lai sẽ là sẽ có động cơ điện, hoặc kết hợp điện-xăng. Theo Reutes, tại triển lãm lần này, công chúng sẽ chứng kiến một làn sóng chưa từng có các mô hình xe điện, trong bối cảnh áp lực chống ô nhiễm, khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến các nhà sản xuất xe hơi truyền thống ngày càng mất khách.

Hãng Renault đã mở màn tối qua với trương mục « Cuộc cách mạng điện ». PSA giới thiệu mô hình DS3 Crossback e-Tense 100% điện và concept-car Peugeot e-Legend, cũng toàn chạy điện. Hãng xe Đức Mercedes, cũng tung ra hai mô hình xe chạy điện mới, SUV và EQC. Về phần mình, Citroen giới thiệu DS7 Crossback e-Tense, được coi là mẫu hình cho chiếc xe động cơ lưỡng hợp C5 Aircross, cũng như Audo Q6e-tron, rất được trông đợi.

Theo ông François Roudier, người phát ngôn của Ủy ban sản xuất xe hơi Pháp (CCFA), « cho dù hiện tại đã có nhiều mô hình xe điện được thương mại hóa, nhưng lần này, chúng ta sẽ có nhiều động cơ hỗn hợp đang chuẩn bị đi vào giai đoạn hoàn tất hơn ». Nhiều mô hình mới sẽ được đưa ra thị trường ngay trong năm tới 2019, và 2020. Theo đại diện CCFA, chính triển lãm xe hơi Paris năm nay sẽ là một cái mốc đánh dấu bước ngoặt này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181002-khai-mac-trien-lam-xe-hoi-paris

 

Cảnh sát Pháp mở chiến dịch

« ngăn ngừa khủng bố » ở miền bắc

Trọng Thành

Sáng ngày 02/10/2018, cảnh sát Pháp mở một chiến dịch chống khủng bố tại Grande-Synthe, vùng ngoại ô thành phố cảng Dunkerque, miền cực bắc nước Pháp. Mục tiêu là một cơ sở Hồi Giáo theo hệ phái Shia, bị tình nghi đứng sau các tuyên truyền cổ vũ thánh chiến.

Reuters cho biết trung tâm Zahra, cùng nhà riêng của các lãnh đạo chủ chốt, đã bị khám xét. Ba người đã bị tạm giam do sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Sáu máy tính bị tạm thu để phục vụ điều tra. Tham gia vào chiến dịch này có hơn 200 cảnh sát.

Theo cảnh sát Pháp, hoạt động nói trên nằm trong chiến dịch « ngăn ngừa khủng bố ». Các hoạt động của « Trung tâm Zahra France » nằm trong đích ngắm của cảnh sát do hiệp hội này « hậu thuẫn nhiều tổ chức khủng bố, và có thái độ ủng hộ các giá trị đi ngược lại các giá trị của nền Cộng Hoà ».

Theo Công báo Pháp, các tài sản của Trung tâm Zahra France, và các hiệp hội Liên đoàn hệ phái Shia Pháp, Đảng bài Do Thái và France Marianne Télé, sẽ bị phong tỏa trong vòng sáu tháng.

Các hiệp hội nói trên bị chính quyền Pháp nghi là có nhiều hoạt động tuyên truyền cho các tổ chức mà Paris coi là khủng bố, như lực lượng Hamas Palestine, Hezbollah Liban, cũng như nhiều tổ chức được chính quyền Iran hậu thuẫn.

Cùng với vụ bố ráp tại vùng Hauts-de-France, cơ quan thuế của Pháp hôm nay thông báo phong tỏa tài khoản của nhà ngoại giao Iran Asadollah Assadi và một người khác, cùng một cơ sở của bộ An Ninh Iran. Hai nhân vật nói trên và cơ sở Iran bị cáo buộc đứng đằng sau âm mưu khủng bố bị phá vỡ, hồi tháng 6/2018, nhắm vào một cuộc tập hợp của Phong trào Moudjahidine của Nhân dân, tại Villepinte, gần Paris. Cảnh sát Bỉ đã góp công trong vụ này.

http://vi.rfi.fr/phap/20181002-hon-200-canh-sat-phap-ngan-ngua-khung-bo

 

Bắc Hàn nói gì về tuyên bố chấm dứt chiến tranh?

Bình Nhưỡng nói hôm 2/10 rằng tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 “không thể là điểm để thương lượng” cho việc Bắc Hàn phi hạt nhân hóa, và nói nước này “sẽ không quá hy vọng” nếu Hoa Kỳ không muốn kết thúc chiến tranh, thông tấn xã KCNA cho hay.

Theo Reuters, trong tuyên bố chung với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in trong hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng vào tháng trước, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ sẵn sàng “tháo dỡ vĩnh viễn” khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nếu Hoa Kỳ có hành động tương ứng.

Bắc Hàn ‘sẽ không giải giáp nếu tiếp tục bị phạt’

Bắc Hàn vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân?

Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’

Trump dọa hủy thỏa thuận hạt nhân Iran

Ông Moon nói điều này sẽ gồm tuyên bố chính thức kết thúc cuộc chiến trên báo đảo Triều Tiên.

Trong một bài xã luận, KCNA cho biết tuyên bố kết thúc chiến tranh lẽ ra phải “được giải quyết từ nửa thế kỷ trước”, và gọi đó là “quá trình cơ bản và chính yếu nhất cho việc gầy dựng quan hệ Hoa Kỳ-Bắc Hàn mới và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên “mà Hoa Kỳ cũng phải cam kết”.

‘Không có tiến bộ nào’

Tại hội nghị thượng đỉnh chưa có tiền lệ vào tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim đồng ý với các điều khoản “gầy dựng chế độ hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.”

Tuy nhiên, Washington muốn Bình Nhưỡng trước hết phải tiến hành các bước không thể đảo ngược về giải trừ vũ khí hạt nhân.

KCNA cho biết cơ sở hạt nhân Yongbyon, mà miền Bắc bày tỏ sẵn sàng đóng lại nếu Hoa Kỳ có hành động tương ứng, “là cốt lõi cho chương trình hạt nhân” của họ.

“Trong lúc Bắc Hàn đang thực hiện các bước quan trọng của tuyên bố chung thì Hoa Kỳ vẫn đang cố gắng lấn lướt bằng cách áp các biện pháp chế tài,” thông tấn xã dẫn một nguồn ẩn danh cáo buộc.

Tuy nhiên, ba quan chức cấp cao của Mỹ liên quan chính sách Bắc Hàn trước đó nói với Reuters rằng không có tiến bộ nào trong việc tiến tới đàm phán nghiêm túc về việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trước đó, hôm 30/9, Ngoại trưởng Bắc Hàn cảnh báo “không đời nào” nước ông dỡ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ tiếp tục áp các lệnh trừng phạt.

Ri Yong-ho nói tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng các biện pháp trừng phạt đào sâu thêm sự ngờ vực của Bắc Hàn về Mỹ.

Bình Nhưỡng nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ và điều này được Nga và Trung Quốc ủng hộ.

Nhưng chính quyền Trump nói rằng các biện pháp trừng phạt nên được duy trì cho đến khi Bắc Hàn tiến hành phi hạt nhân.

Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt vào tháng 6/2018, tại sự kiện này ông Kim cam kết nỗ lực hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân.

Có rất ít tiến bộ về điều này từ thời điểm đó.

Ông Ri nói gì?

Ông cho biết Mỹ cứ nhất định theo chính sách “phi hạt nhân trước đã” và “gia tăng áp lực bằng chế tài”.

“Sự bế tắc gần đây là vì Mỹ vẫn giữ các biện pháp mang tính cưỡng ép mà có thể tổn hại đến việc tạo dựng lòng tin,” ông Ri phát biểu.

“Nếu không có bất kỳ niềm tin nào vào Mỹ thì sẽ không có sự tin tưởng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi và trong hoàn cảnh như vậy không đời nào chúng tôi đơn phương phi hạt nhân hoá trước.”

“Nếu ai đó cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể khiến chúng tôi phải quỳ gối thì đó là chuyện viễn vông và họ không biết gì về chúng tôi”, ông nói thêm.

Điều gì đã xảy ra kể từ cuộc gặp tại Singapore?

Một thỏa thuận đạt được ở đó cho biết Bắc Hàn sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng không đề cập bất kỳ mốc thời gian, chi tiết hoặc cơ chế để xác minh quá trình này.

Tháng trước, Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đồng minh của Trung Quốc phá hoại tiến trình phi hạt nhân do căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

Bắc Hàn sẵn sàng đối thoại ‘bất cứ lúc nào’

Trump gặp Kim ở Singapore ngày 12/6

Kim Jong-un thấy thoải mái ở Singapore

Các cáo buộc đưa ra là gì?

Dưới đây là những gì được truyền thông Mỹ nêu ra hồi tháng 7/2018:

Địa điểm làm giàu hạt nhân chính thức duy nhất của Bắc Hàn tại Yongbyon đang được nâng cấp.

Nước này đang đẩy nhanh việc làm giàu ít nhất là hai hoặc có thể hơn nữa các địa điểm, bên cạnh Yongbyon.

Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất thêm các xe chở bệ phóng tên lửa đạn đạo di động.

Bình Nhưỡng cũng đã phát triển việc sản xuất tên lửa với động cơ sử dụng nhiên liệu khô, có khả năng di động cao hơn và dễ phóng hơn.

Các tường thuật này có độ tin cậy đến đâu? Đó “chỉ là” các tường thuật, nhưng có vẻ như chính xác, theo đánh giá của những nhà quan sát đáng nể trọng chuyên theo dõi tình hình Bắc Hàn.

Thông tin được đưa ra dựa trên các nguồn ẩn danh từ giới tình báo Hoa Kỳ cũng như từ nghiên cứu của trang 38 North đối với các ảnh chụp vệ tinh địa điểm Yongbyon.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45705654

 

Hàn Quốc : Bắc Triều Tiên

có 20-60 vũ khí hạt nhân

Thùy Dương

Một quan chức cấp cao của Hàn Quốc hôm qua 01/10/2018 cho biết Bắc Triều Tiên có thể sở hữu tới 60 vũ khí hạt nhân.

Theo hãng tin Mỹ AP, bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc, Cho Myoung Gyon, hôm qua phát biểu trước Quốc Hội cho biết Bình Nhưỡng sở hữu 20 – 60 vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Cho Myoung Gyon khẳng định con số trên do cơ quan tình báo Hàn Quốc cung cấp. Hiện cơ quan này chưa đưa ra bình luận về thông tin nói trên.

Ước tính của Hàn Quốc về số lượng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên không khác nhiều so với phỏng đoán của các cơ quan dân sự nước ngoài, đa phần dựa trên lượng chất phóng xạ mà Bình Nhưỡng đã sản xuất.

Theo nhiều báo cáo của chính phủ Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên có thể đã sản xuất 50 kg plutonium, đủ chế tạo 8 quả bom nguyên tử. Còn các nhà nghiên cứu giảng dạy tại đại học Stanford ước tính Bình Nhưỡng sở hữu 250 – 500 kg uranium được làm giàu, có thể dùng chế tạo 25 – 30 vũ khí nguyên tử. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng Bắc Triều Tiên có thể sẽ sử dụng nhiều cơ sở bí mật để làm giàu uranium.

Trong khi đó, hôm nay 02/10/2018, Bắc Triều Tiên loại trừ khả năng phi hạt nhân hóa để đổi lấy một tuyên bố chính thức của Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Theo hãng tin nhà nước KCNA của Bắc Triều Tiên, đối với Bình Nhưỡng, hiệp định hòa bình không phải là « một yếu tố mặc cả ». KCNA cũng cho biết Bình Nhưỡng có thể tiến hành « các biện pháp giải trừ vĩnh viễn » vũ khí hạt nhân nếu « Mỹ cũng có các biện pháp tương tự », nhưng không nêu chi tiết cụ thể.

Cũng trong ngày hôm nay, bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết một phái đoàn gồm 150 quan chức chính phủ, chính trị gia, lãnh đạo tôn giáo … của Hàn Quốc trong tuần này sẽ sang Bình Nhưỡng để cùng Bắc Triều Tiên tổ chức kỷ niệm 11 năm thượng đỉnh Liên Triều 2007

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181002-han-quoc-bac-trieu-tien-vu-khi-hat-nhan

 

Hàng ngàn người Hồng Kông

phản đối Trung Quốc đàn áp

Vài ngàn người dân Hồng Kông vào ngày 1 tháng 10 tiến hành biểu tình chống lại sự đàn áp của Bắc Kinh.

Hãng tin AFP loan tin này vào cùng ngày, cho biết thêm rằng cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lần này diễn ra chỉ một tuần lễ sau khi Đảng Dân Tộc Hong Kong cổ xúy cho độc lập của vùng lãnh thổ này bị cấm hoạt động với lý do được nêu ra là đe dọa an ninh quốc gia. Đây là lần đầu tiên một đảng chính trị bị cấm kể từ khi Hong Kong được Anh trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Theo thỏa thuận giữa London và Bắc Kinh khi trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc thì dân chúng tại khu vực này vẫn được hưởng những quyền tự do mà dân chúng tại Hoa Lục không hề có theo mô thức ‘một quốc gia, hai thể chế’. Tuy nhiên, sự can thiệp của Bắc Kinh đối với Hong Kong ngày càng gia tăng khiến dân chúng tại đây lo lắng mọi quyền tự do lâu nay mà họ được hưởng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Sự xuất hiện của phong trào độc lập kêu gọi Hồng Kông tách khỏi Trung Quốc đã làm Bắc Kinh nổi giận. Với lý do bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Hoa, Bắc Kinh cho tiến hành biện pháp đàn áp những quyền tự do biểu đạt chính trị.

Lâu nay vào ngày 1 tháng 10, tức quốc khánh của Trung Quốc, tại Hồng Kong thường có những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ được tổ chức. Mặc dù sự bất mãn của nhiều người dân với ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng, nhưng số người tham dự các cuộc biểu tình lại giảm đi; đặc biệt từ khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 2014 không thành công.

Nhà vận động ủng hộ dân chủ hàng đầu tại Hong Kong, anh Hoàng Chi Phong, được dẫn lời cho biết anh sợ rằng đảng của anh – Demosisto (Hương Cảng Chúng Chí), có thể là mục tiêu kế tiếp bị cấm vì đảng này kêu gọi quyền tự quyết cho Hồng Kông. Gần đây, một thành viên cấp cao của Demosisto đã bị cấm tham gia tranh cử.

Các chỉ trích cho thấy ranh giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đang bị Bắc Kinh cố xóa mờ thông qua đặc quyền và các dự án cơ sở hạ tầng. Điển hình là vào tháng trước, xứ cảng thơm khai trương một đường sắt tốc độ cao hàng tỷ đô la sang đại lục. Dự án này được triển khai theo luật Trung Quốc.

Ngoài ra, một cầu lớn nối Hong Kong và miền nam Trung Quốc sau một thời gian dài trì hoãn cũng sẽ được mở vào cuối tháng này.

Cũng liên quan vấn đề dân chủ tại Hong Kong, một phóng viên Trung Quốc đang công tác tại Anh đến tham dự hội nghị về dân chủ bị bắt sau khi đánh một tình nguyện viên tại hội nghị.

Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 1 tháng 10 loan tin nói rõ người nữ phóng viên làm việc cho CCTV bị bắt với nghi vấn tấn công người khác. Bà phóng viên này lên tiếng cáo buộc những người tổ chức hội nghị là ‘chống Trung Quốc’ và những người tham gia là ‘những kẻ phản bội’.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/thousands-protest-in-hong-kong-over-china-suppression-10012018142626.html

 

Trung Quốc lên đến đỉnh – rồi xuống

Nguyễn Xuân Nghĩa

Hàng năm, cứ đến đầu Tháng 10 là Bắc Kinh lại chào mừng ngày Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời tại Quảng trường Thiên An Môn vào mùng một Tháng 10 năm 1949. Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh đang mơ chân trời mới vào năm 2049, khi Trung Quốc lên tới ngôi vị siêu cường 100 năm sau khi nền cộng hòa cộng sản này. Nhưng phải chăng đấy chỉ là giấc mơ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện đó trong bối cảnh của cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.

Những mâu thuẫn của Bắc Kinh

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, bước vào Tháng 10, khi lãnh đạo Bắc Kinh làm lễ Quốc Khánh chào mừng việc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời ngày mùng một Tháng 10 năm 1949 tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh thì chúng ta nên nghĩ gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Bản thân tôi thì nghĩ đến… Mao Trạch Đông và tư tưởng của ông ta về các mâu thuẫn trong tiểu luận gọi là “Mâu Thuẫn Luận”. Gần đây, tại Đại Hội Đảng Khóa 19, Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng nói đến các mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới. Vì vậy, chúng ta nên kiểm lại các mâu thuẫn của họ….

– Có ý thức lịch sử rất sâu đậm, lãnh đạo Bắc Kinh lại đang lúng túng với lịch sử. Tháng 10 năm 2011, họ cho tổ chức rầm rộ các sinh hoạt kỷ niệm trăm năm của cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 và còn dựng chân dung vĩ đại của Tôn Trung Sơn tại Quảng trường Thiên An Môn. Họ cho thần dân ăn mừng biến cố cách mạng là sự kết thúc của chế độ quân chủ, khởi đi từ Tần Thủy Hoàng, thần tượng của Mao Trạch Đông. Thế rồi năm đó Bắc Kinh bỗng nghĩ lại!

– Vở nhạc kịch ngợi ca cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Trung Sơn, vị Tổng thống đầu tiên của Trung Quốc, bỗng dưng bị hủy. Lý cớ được thông báo là vì hậu cần, tiếp vận. Ly kỳ hơn vậy, một cuộc hội thảo do các học giả Nhật Bản chuẩn bị từ nhiều tháng trước về Cách mạng Tân Hợi cũng bị cấm, mà không cho biết lý cớ. Lý do thì chúng ta có thể rất dễ đoán ra, nếu chịu khó nhìn vào trăm năm lịch sử đó vì trăm năm qua, Trung Quốc thật ra có hai “Cách Mạng Tháng Mười”.

Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có lẽ đã quen với cách dẫn chuyện hay nêu vấn đề của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Nhưng thưa ông, Nguyên Lam vì sao lại có hai “Cách Mạng Tháng Mười”?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Một là Cách mạng Cộng hoà vào năm 1911 và sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc. Hai là Cách mạng Cộng sản và sự ra đời của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày một Tháng 10 năm 1949. Cả hai cuộc cách mạng đều không là điểm son của dân chủ!

Làm sao dung hòa được chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa cộng sản mà không dẫn tới chế độ tư bản thân tộc đầy bất công và phản thị trường của các đảng viên cán bộ dùng quyền lực chính trị để thâu tóm quyền lợi kinh tế? Sau cùng là mâu thuẫn giữa việc tập quyền để có ổn định, khi thị trường lại chuyển dịch và phản ứng nhanh trong một nền khoa học kỹ thuật đang thu hẹp thời gian quyết định. Kết luận của tôi là Trung Quốc vừa lên tới đỉnh, mà đỉnh cao thì cũng là bước lật!

-Nguyễn Xuân Nghĩa

– Ban đầu, nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (nguyên danh là Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, v.v…) chưa muốn lập Quốc hội và chỉ làm Tổng thống vài tháng là bị cướp mất quyền hành, xứ sở lâm nội loạn triền miên với vai trò của các lãnh chúa. Trong cảnh hỗn loạn ấy, duy nhất có một yếu tố xứng danh cách mạng là trào lưu tự do tư tưởng và khuynh hướng lập hội lập đảng để canh tân xã hội. Khi nói đến sự nghiệp cách mạng Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh ngày nay giải thích và giải quyết thế nào về trào lưu tự do tư tưởng đó của xã hội cách đây một thế kỷ? Giải thích thế nào về chế độ kiểm duyệt thông tin và đàn áp dân chủ hiện vẫn áp dụng? Khi nói đến nỗ lực quốc tế vận của Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh còn kẹt hơn và Tập Cận Bình ngày nay cũng cảm thấy như vậy khi đề ra sáng kiến về “Con Đường Tơ Lụa Mới” hay “Nhất Đới Nhất Lộ” đúng năm năm về trước.

Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng chúng ta cần trở lại lịch sử Trung Hoa cận đại thì mới hiểu ra những mâu thuẫn ngày nay của Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa đúng thế, bác sĩ Tôn Trung Sơn là một thí thức, theo Công giáo, có hậu cứ vận động từ hải ngoại là Hoa Kỳ, đã nhiều lần tìm nguồn yểm trợ tại Nhật Bản, một quốc gia phú cường, tiến bộ và tự do hơn Trung Quốc gấp bội. Nhật còn đại thắng trong cuộc chiến Hoa-Nhật năm 1894-1895, góp phần đáng kể cho sự sụp đổ của nhà Đại Thanh. Chính vì vậy mà Tháng 10 năm 2011, các học giả Nhật mới sốt sắng tổ chức cuộc hội thảo về Cách mạng Tân Hợi và bị Bắc Kinh kịp thời hạ màn vì nhắc đến Tôn Trung Sơn là lòi ra vai trò yểm trợ cách mạng hoặc “diễn biến thiếu hoà bình” của Hoa Kỳ và Nhật Bản, là hai đối thủ hiện tại của Trung Quốc….

Nguyên Lam: Bây giờ, Nguyên Lam đã hiểu vì sao ông dẫn vào các mâu thuẫn của Mao Trạch Đông! Xin đề nghị ông trình bày tiếp cho giớu trẻ của chúng ra.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Sự sụp đổ của nhà Mãn Thanh là niềm tự hào chính đáng của Hán tộc. Khi Mãn tộc tiêu diệt nhà Đại Minh năm 1644 thì đấy là nỗi nhục khó rửa cho người Hán. Vì vậy “Phản Thanh – Phục Minh” là khẩu hiệu huy động nhiều thế hệ ái quốc. Và một chủ trương cách mạng của Tôn Trung Sơn là tinh thần dân tộc, để đánh đuổi nhà Mãn Thanh.

Nhưng cũng là dị tộc Mãn Thanh xấu xa ấy đã bành trướng lãnh thổ, cho phép Bắc Kinh ngày nay viện lẽ chính danh từ đời Thanh mà đòi thống trị Tân Cương và Tây Tạng, hai khu vực tự trị có vấn đề với dân Hồi giáo và Tây Tạng! Chẳng lẽ chế độ Cộng sản Trung Quốc ưu việt mà lại kế thừa di sản Đế quốc của ngoại tộc Mãn Thanh sao? Huống hồ, kẻ kế thừa di sản Tôn Trung Sơn lại là Tưởng Trung Chính, tức là Tưởng Giới Thạch!

– Sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc được Mao thành lập ở Hoa lục năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Trung Sơn được Tưởng Giới Thạch đem qua Đài Loan. Đảo quốc mang tiếng là lãnh thổ ngàn đời của Trung Hoa lại gợi nhớ đến tranh chấp về chủ quyền từ đời Thanh. Mà hậu thân của cái gọi là ngụy quyền Trung Hoa Dân Quốc lại xây dựng được một nền kinh tế tiên tiến với một chế độ chính trị thật sự dân chủ. Công lao chuyển hoá Đài Loan thuộc về Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Và lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Trung Hoa trực tiếp đi bầu ra lãnh đạo thật – một Tổng thống – là tại Đài Loan vào Tháng Ba năm 1996, bất chấp hỏa tiễn của Trung Quốc bay qua đầu! Và “tam dân chủ nghĩa” của Tôn Trung Sơn, là “dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc” vẫn là khát vọng chưa vẹn toàn của người dân Trung Quốc ngày nay dưới sự lãnh đạo quá sức tập quyền của Tập Cận Bình.

Lượng và phẩm

Nguyên Lam: Nhưng mà ngày nay, Trung Quốc đã có sản lượng kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới và theo các chuyên gia quốc tế thì sẽ bắt kịp hoặc vượt qua sản lượng của Hoa Kỳ vào năm 2025 hay 2030 này. Ông giải thích thế nào về chuyện đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta có hai chuyện ở đây, là lượng và phẩm. Sản lượng của một quốc gia có gần một tỷ 400 triệu dân dĩ nhiên là phải lớn. Nhưng nói về phẩm thì sản lượng của một người dân, nôm na là sản lượng bình quân của một người hay năng suất lao động, mới là những tiêu chuẩn so sánh. Theo các tiêu chuẩn đó thì Trung Quốc còn mất hơn 30 năm mới hy vọng đuổi kịp Hoa Kỳ. Còn về năng suất lao động thì ngày nay chưa bằng 10% của Mỹ. Đấy là ta chưa nói đến hai mâu thuẫn khác của Trung Quốc, là “người dân chưa giàu mà đã già” và “nhà nước chưa hùng mà đã hung”, khiến các quốc gia đều chú ý và báo động!

– Chưa giàu mà đã già vì dân số bị lão hóa và ưu thế nhân công rẻ đang chấm dứt. Bắc Kinh có thể nghĩ đến bước nhảy vọt vào trình độ sản xuất cao hơn nhờ công nghệ tiên tiến thì thứ nhất chưa thể bằng Nhật Bản hay Nam Hàn chứ chưa nói gì đến Hoa Kỳ, và thứ hai đang bị Hoa Kỳ cùng các nước tố cáo tội ăn cắp và ăn cướp quyền sở hữu trí tuệ, một đầu mới của trận thương chiến ngày nay với Mỹ.

– Chưa hùng mà đã hung là khi Bắc Kinh vừa rời vùng biển cận duyên để mon men ra biển viễn duyên thì đã đòi quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa với Trường Sa và vùng biển Đông Nam Á nên gây phản ứng ngược với các cường quốc như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ lẫn các nước Âu Châu.

Pax Sinica lên ngôi bá chủ?

Nguyên Lam: Ông còn thấy những mâu thuẫn gì khác của Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ đến một nhân vật vừa gây sôi nổi trong dư luận Trung Quốc là giáo sư Hồ An Cương mà tôi cứ gọi là Hồ Yên Cương cho dễ nhớ tới con ngựa chứng! Ông là giám đốc một lò trí tuệ của đảng là “Quốc Tình Nghiên Cứu Viện” hay viện Nghiên cứu Tình hình Quốc gia thuộc Đại Học Thanh Hoa tại Bắc Kinh. Cách đây hơn hai chục năm, Hồ Yên Cương cùng một trí thức khác, hình như là Vương Thiệu Quang, có bài tiểu luận về lẽ hợp tan của Trung Hoa. Đó là khi triều đình thâu tóm quyền lực về trung ương thì chính trị ổn định nhưng các địa phương không có phát triển và xứ sở tụt hậu. Ngược lại, khi trung ương tản quyền thì các địa phương lại phát triển mạnh nhưng có thể dẫn đến hỗn loạn và tan rã. Giữa các mâu thuẫn đó, Hồ Yên Cương đề cao giải pháp dân chủ pháp trị. Bây giờ hình như là ông đảo ngược lập trường và đề cao giải pháp tập quyền của Tập Cận Bình tới độ sùng bái cá nhân và còn tiên báo việc Trung Quốc sẽ sớm vượt Hoa Kỳ.

– Mâu thuẫn ở đây không là hiện tượng đảo điên của một trí thức trong đảng tôi gọi là hiện tượng điền đô hay… đồ điên. Mâu thuẫn ở đây là nhiều chuyên gia khoa học kỹ thuật của Bắc Kinh lại phản bác cái thuyết “vượt Mỹ” và nói về nền khoa học kỹ thuật còn rất kém của Trung Quốc về cả kinh tế, dân sự lẫn quân sự.

Nguyên Lam: Câu chuyện này thật ra ly kỳ hấp dẫn, nhưng vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam phải đề nghị ông đưa ra một nhận định tổng kết.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Từ bốn thế kỷ, các nước Tây phương cứ bị mê hoặc về Trung Quốc mà không nhìn ra một đặc tính văn hóa chính trị Trung Hoa là kềm hãm khả năng sáng tạo trong khi lại chinh chiến liên miên. Ngày nay, người ta vẫn phạm sai lầm cũ mà cho rằng sau khi Đế quốc Anh khống chế thế giới vào Thế kỷ 19, thì Hoa Kỳ lập ra thật tự Mỹ hay Pax Americana vào Thế kỷ 20. Qua Thế kỷ 21, thiên hạ sẽ thấy Trung Quốc lên ngôi bá chủ, một thứ Pax Sinica.

– Bản thân tôi thì không nghĩ như vậy! Dù có là thiểu số tuyệt đối, tôi vẫn cho rằng Trung Quốc chưa giải quyết được những mâu thuẫn căn bản của họ. Làm sao có thể rao bán Khổng Tử cùng Tư tưởng Mao Trạch Đông hay phiên bản mới của Tập Cận Bình? Làm sao dung hòa được chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa cộng sản mà không dẫn tới chế độ tư bản thân tộc đầy bất công và phản thị trường của các đảng viên cán bộ dùng quyền lực chính trị để thâu tóm quyền lợi kinh tế? Làm sao tái xây dựng một Đế quốc xưa kia chỉ là cường quốc lục địa nay phải vươn ra biển vì quá lệ thuộc vào thị trường bên ngoài? Sau cùng là mâu thuẫn giữa việc tập quyền để có ổn định, khi thị trường lại chuyển dịch và phản ứng nhanh trong một nền khoa học kỹ thuật đang thu hẹp thời gian quyết định. Kết luận của tôi là Trung Quốc vừa lên tới đỉnh, mà đỉnh cao thì cũng là bước lật!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích những mâu thuẫn của Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/china-top-pled-10022018074853.html

 

Canh bạc của TQ thất bại trong bầu cử châu Á?

Bắc Kinh thua trận với chiêu thức ngoại giao với các nước đang phát triển, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và hậu thuẫn cho những “phiên bản Trung Quốc”.

“Canh bạc” của Trung Quốc “đặt cửa” vào những nhà lãnh đạo thân thiết tại châu Á tiếp tục “phản đòn”, với sự thất bại gây sốc của Tổng thống Abdulla Yameen trong cuộc bầu cử Maldives mới đây. Sự thất bại của ông Yameen đang định hình mối nghi ngờ về chiến lược của Bắc Kinh nhằm xây dựng ảnh hưởng khu vực.

Cựu Tổng thống Maldives, ông Mohamed Nasheed, lãnh đạo dân cử đầu tiên của quần đảo Ấn Độ Dương và đồng minh của Tổng thống mới đắc cử Ibrahim Mohamed Solih, đã đặt nghi vấn về “ý nghĩa kinh doanh” của các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ dưới cái gọi là Vành đai Con đường, theo Nikkei.

“Bạn không thể nhét các dự án không khả thi vào các nước đang phát triển. Chúng tôi đều thích có một cây cầu, nhưng xin đừng đẩy nó cho chúng tôi”, ông Nasheed trả lời trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Ấn Độ, The Hindu.

Ông Nasheed ám chỉ đến Cầu Hữu nghị Trung Quốc trị giá 210 triệu USD đã khai trương hồi cuối tháng 8. Việc khai trương sẽ giúp ông Yameen tranh thủ thêm phiếu bầu, bằng cách trưng bày thành quả kinh tế dưới thời ông nắm quyền, với sự hỗ trợ tiền mặt của Trung Quốc.

Trước cuộc phỏng vấn với The Hindu, ông Nasheed đã nói rằng ông muốn chính phủ mới rà soát lại tất cả các dự án của Trung Quốc, một phần lớn trong số đó được tài trợ thông qua các khoản vay dao động ở mức 1,5 tỷ USD.

Trong khi đó, nền kinh tế Maldvies chỉ trị giá 3,6 tỷ USD. Bắc Kinh đã bị tấn công ngược lại bởi quốc đảo nhỏ bé đang muốn bảo vệ quyền lợi của chính họ, và những động thái của Maldives được Ấn Độ và các nước phương Tây ủng hộ.

“Trong bất cứ trường hợp nào sự hợp tác giữa Maldives và Trung Quốc có thể hoạt động và mang lại lợi ích cho chính phủ và nhân dân 2 quốc gia. Nó không thể bị bôi nhọ bởi một số cá nhân”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết hôm thứ Tư (26/9).

Ông Cảnh Sảng nói thêm rằng Trung Quốc sẽ “tiếp tục hợp tác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, đồng thời tuân thủ các quy tắc và quy định của thị trường”. Sau đó ông úp mở một đe doạ ẩn ý, Bắc Kinh sẽ “phản đối nếu một số người gây hại cho lợi ích của Trung Quốc”, theo Nikkei.

Những người ủng hộ Tổng thống mới được bầu, ông Ibrahim Mohamed Solih ăn mừng trên đường phố Male, thủ đô Maldives hôm 24/9. (Ảnh: Reuters)

Trong bài viết của ký giả Marwaan Macan Markar đăng tải trên tờ Nikkei ngày 30/9, đã phân tích vai trò của những người đứng đầu chính phủ các nước có sự “giúp đỡ” của Trung Quốc:

Những mối lo của Trung Quốc không phải là mới. Hồi tháng 5, một thủ tướng “phiên bản Trung Quốc” khác, Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak cũng bất ngờ bại trận nặng nề trong cuộc bầu cử, dấy lên các nghi vấn về số phận của các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn.

Thủ tướng mới Mahathir Mohamad, chính trị gia kỳ cựu 93 tuổi quay trở lại chính trường, dẫn đầu một liên minh chống lại ông Najib và chiến thắng, đã thẳng thừng hơn ông Nasheed về việc đóng băng các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đầu tư.

Trong vị thế của mình, ông Mahathir đã xử lý dự án trị giá 20 tỷ USD, East Coast Rail Link và 2 đường ống dẫn khí tự nhiên trị giá 2.3 tỷ USD. Cả 2 dự án tại Malaysia này đều nhắc tới kinh nghiệm “đau thương” về phương thức tương tự mà Trung Quốc áp dụng đối với Sri Lanka, với chiêu bài kinh tế với khoản đầu tư lớn đã “giành được” cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, người có khuynh hướng như ông Yameen của Maldives.

Những tổng thống đã thất bại trong tái cử với sự hậu thuẫn của Trung Quốc: ông Mahinda Rajapaksa (Sri Lanka), ông Najib Razak (Malaysia), ông Yameen (Maldives) (Ảnh: swarajyamag / Nicky Loh/Getty Images / dw)

Liên minh điều hành hiện tại của Sri Lanka, đã đánh bại ông Rajapaksa trong một cuộc đảo chính bất ngờ, nhắm vào các khoản đầu tư hàng triệu USD của Trung Quốc trên quốc đảo Đông Nam Á để điều tra, lo ngại một khủng hoảng nợ ngoại xuất phát từ các khoản vay với người Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc không thể dễ dàng rời bỏ những “phiên bản đại diện Trung Quốc” bị thao túng bởi Bắc Kinh, những người đã thu hút sự tức giận của các cử tri, và các cử tri đã chứng minh sự giận dữ của họ đối với những chính phủ tham nhũng bị chi phối bởi những dòng tiền từ Trung Quốc chảy vào.

Ông Patrick Mendis, một học giả quốc tế về vấn đề Trung Quốc tại Đại học Harvard cho biết trong một cuộc phỏng vấn của tờ Nikkei Asian Review, Bắc Kinh căng thẳng khi theo đuổi một chính sách đối ngoại gây nhiều trở ngại. “Những hành động và bằng chứng từ các nước châu Á đã thể hiện theo cách khác, cách mà phương Tây gọi là “sức mạnh sắc bén”.

“Sự thiển cận và tính toán sai lầm trong đường lối lãnh đạo của Bắc Kinh đã chỉ ra rằng tiền không thể mua tự do và ý chí của người dân. Tự do là một lực lượng hữu hiệu nhằm chống tham nhũng và mang lại sự minh bạch và trách nhiệm cho những người cai trị họ”,  ông Mendis bổ sung.

Ông Ibrahim Mohamed Solih, đã “đánh bại” Tổng thống Maldives trong cuộc bầu cử mới đây. (Ảnh: Mohamed Sharuhaan/ raajje)

Báo cáo thường niên của tổ chức Minh bạch Quốc tế, cơ quan giám sát chống hối lộ toàn cầu, đã làm sáng tỏ quy mô tham nhũng dưới quyền 3 nhân vật “đại diện chính phủ Trung Quốc” mới bị đánh bại trong các cuộc bầu cử gần đây.

Trong xếp hạng “Chỉ số Nhận thức Tham nhũng” của tổ chức này được công bố đầu năm nay, Maldives được đặt tên trong số “những kẻ phạm tội tồi tệ nhất khu vực” tính đến năm 2017 – năm thứ tư cầm quyền của ông Yameen với vị trí 112/180 quốc gia khảo sát về tham nhũng.

Malaysia dưới thời ông Najbi cũng ở tình trạng kém trong bảng xếp hạng năm 2017, rơi xuống vị trí 62 so với vị trí 55 của năm trước. Vụ bê bối tham nhũng lớn xung quanh quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB) với cáo buộc liên quan đối với ông Najib, dẫn đến vị trí xếp hạng tồi tệ nhất của đất nước này trong 5 năm.

Trung Quốc sẽ “tỉnh ngộ” nếu xem những câu chuyện này như là một “lời cảnh báo” , theo ông Ilham Mohamad, điều phối viên khu vực của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Nam Á. “Các cuộc bầu cử mới đây tại Sri Lanka, Maldives, Malaysia và Pakistan đã chỉ ra rằng người dân sẽ điều động chống lại các chính phủ mà họ cho là tham nhũng”.

Một “hậu quả tiềm ẩn” có thể nhắc nhở các nước đầu tư giống như Trung Quốc sử dụng “các chính sách hối lộ nước ngoài mạnh mẽ hơn như một cách thức hướng tới giảm thiểu rủi ro đầu tư”.

Quốc đảo Maldives nằm trên vị trí đường thuỷ trọng yếu trong việc mở rộng cái gọi là Vành đai Con đường của Trung Quốc. (Ảnh: enchantingtravels)

Quốc đảo Maldives cung cấp cho Trung Quốc một cơ hội để khám phá tuyến đường này. “Chúng tôi tin rằng các công ty Trung Quốc có thể là nạn nhân của tham nhũng và gian lận được gây ra bởi các quan chức Maldives. Hiện tại, hầu như không có sự minh bạch về bất kỳ dự án vào của Trung Quốc”, ông Ahmed Naseem, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Maldives nói với tờ Nikkei.

Ông Nassem cho rằng, sự việc đáng được xem xét kỹ hơn. “Chúng tôi không biết họ trả bao nhiêu tiền, chúng tôi không biết các điều khoản là gì, chúng tôi không biết mức độ tham nhũng từ phía Maldives”, ông nói. “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một hoạt động rất mạnh về chống tham nhũng tại Trung Quốc, điều mà chúng tôi hoan nghênh. Với tinh thần đó, chúng ta cần phải xem xét các khoản đầu tư vào Maldives về các chi tiết pháp lý”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/23917-canh-bac-cua-tq-that-bai-trong-bau-cu-chau-a.html

 

TQ thắng thế trong cuộc đua tại châu Phi

Đô đốc Trịnh Hòa có đến châu Phi trước những người Bồ Đào Nha hay không có thể còn là điều gây tranh cãi, nhưng việc Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của châu Phi đã là một thực tế không ai nghi ngờ.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi năm 2015. (Ảnh Xinhua)

Lịch sử ghi nhận các nước châu Âu khai phá châu Phi từ giữa thế kỷ 15. Song nhiều tài liệu cho thấy Trung Quốc (TQ) đã tiếp xúc với châu Phi từ trước đó.

Người khai phá châu Phi?

Những giao thương đầu tiên giữa TQ và châu Phi xuất phát từ đầu thế kỷ 15 qua 3 chuyến đi đến Sừng châu Phi của nhà hàng hải TQ Trịnh Hòa (1418-1433), đem theo nhiều tặng phẩm của Vua Vĩnh Lạc triều Minh.

Sử sách TQ cũng ghi lại 3 lần Nhà nước Mogadishu (Somalia ngày nay) cử sứ thần sang TQ từ 1916-1923, hình thành các bang giao đầu tiên giữa TQ và châu Phi. Sau đó, châu Phi bước vào giai đoạn bị thực dân hóa, đô hộ và chịu ảnh hưởng của các nền văn minh châu Âu, Ả-rập, Ấn Độ…, gần như không còn duy trì liên hệ trực tiếp với TQ.

Sau khi TQ giải phóng năm 1949 và các nước châu Phi giành được độc lập, quan hệ TQ-châu Phi sang trang mới, trên cơ sở ý thức hệ, tập hợp lực lượng của thế giới thứ ba chống thực dân, đế quốc, phương Tây, đoàn kết Nam-Nam (Hội nghị 3 châu lục Á-Phi-Mỹ Latinh tại Cuba 1966).

Từ những năm 1950, Đảng Cộng sản TQ bắt đầu thiết lập quan hệ, ủng hộ cả vật chất và tinh thần một số phong trào giải phóng chống thực dân ở châu Phi (Cameroon, Angola…). Quan hệ chính trị được đẩy mạnh từ sau Hội nghị Á-Phi 1955, một số nước châu Phi sớm giành được độc lập (Ai Cập, Algeria…) thiết lập quan hệ ngoại giao với TQ.

Năm 1960, Tổng thống Guinea Sekou Toure là lãnh đạo cấp cao châu Phi đầu tiên thăm chính thức TQ. Cuối 1963 đầu 1964, Thủ tướng Chu Ân Lai thăm 10 nước châu Phi mới giành độc lập nhằm tăng cường ảnh hưởng của TQ tại châu lục, đặc biệt với các lực lượng cánh tả (Algeria, Mali).

Giai đoạn này, châu Phi là một trong những địa bàn trọng tâm trong chính sách đối ngoại TQ để ngăn chặn sự công nhận Đài Loan và vận động ủng hộ CHND Trung Hoa thay thế Đài Loan đại diện cho TQ tại Liên hợp quốc (LHQ) năm 1971.

TQ hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng và quân sự cho một số nước Đông Phi gần gũi về ý thức hệ như Tanzania, Zambia… và các nước Phong trào Không liên kết như Ai Cập, với các công trình tiêu biểu: tuyến đường sắt Tazara nối Tanzania và Zambia, đập thủy điện Aswan cho Ai Cập (cùng Liên Xô)…

Từ 1978, sau khi ban hành chính sách cải cách kinh tế, TQ có xu hướng tập trung phát triển trong nước và mở cửa với phương Tây, sự quan tâm về chính trị với châu Phi trở nên hạn chế hơn.

Đầu thập niên 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ TQ-châu Phi nồng ấm trở lại, đánh dấu bằng chuyến thăm 6 nước châu Phi của Chủ tịch Giang Trạch Dân và có bài phát biểu tại Tổ chức Liên minh châu Phi OAU (tiền thân của Liên minh châu Phi AU) năm 1996 với “Đề xuất 5 điểm” để phát triển quan hệ hợp tác lâu dài, thực chất giữa TQ và châu Phi, tạo tiền đề cho sự hình thành chính sách châu Phi của TQ những năm 2000.

Chính sách going out/going global

Từ những năm 2000, cùng với sự tăng trưởng vượt bậc của kinh tế TQ, hợp tác TQ-châu Phi được đẩy mạnh về mọi mặt trên cơ sở chính sách going out/going global.

Về chính trị, TQ tăng cường củng cố vai trò dẫn dắt tại châu Phi, cạnh tranh với các nước lớn, đồng thời lôi kéo sự ủng hộ của các nước châu Phi nhằm loại trừ ảnh hưởng và cô lập Đài Loan.

Gần đây, TQ thúc đẩy thêm các khái niệm về “cộng đồng chung vận mệnh TQ-châu Phi”, “quan hệ quốc tế kiểu mới”, nhấn mạnh liên kết tự nhiên giữa TQ, nước đang phát triển lớn nhất, với châu Phi, tập hợp đông đảo nhất của các nước đang phát triển.

Để thực hiện mục tiêu, TQ duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao tới châu Phi: Chủ tịch Tập Cận Bình đã 9 lần thăm châu Phi, Ngoại trưởng TQ thăm châu Phi hàng năm dịp đầu năm mới liên tục trong 28 năm và đón hơn 100 lượt lãnh đạo cấp cao các nước châu Phi thăm TQ.

Qua đó, TQ củng cố hợp tác song phương với các nước và đến nay đã thiết lập cơ chế đối tác/đối thoại chiến lược toàn diện/chiến lược với nhiều nước châu Phi và Đối tác Đối thoại chiến lược với AU. Châu Phi cũng là nguồn ủng hộ quan trọng với các vấn đề quốc tế trong khuôn khổ của LHQ.

Từ năm 2000, TQ thiết lập và duy trì tổ chức 7 Diễn đàn TQ-châu Phi (FOCAC): 3 Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) vào 2006, 2015 và 2018 và 4 Diễn đàn cấp Bộ trưởng, trở thành cơ chế bao trùm, điều phối quan hệ TQ và khu vực.

Tại HNTĐ FOCAC 2018, TQ cam kết tiếp tục hỗ trợ 60 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm tới, tập trung trên 8 lĩnh vực gồm phát triển công nghiệp, kết nối hạ tầng, hỗ trợ thương mại, phát triển thân thiện với môi trường, đào tạo nhân lực, y tế, giao lưu nhân dân, an ninh và hòa bình. Bên cạnh FOCAC, TQ cũng thiết lập mạng lưới chính sách, cơ chế hợp tác toàn diện với châu Phi trên tất cả các lĩnh vực.

Về kinh tế, TQ thúc đẩy toàn diện hợp tác thương mại, đầu tư, tài chính, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong nước, đặc biệt là nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phục vụ sản xuất.

Hợp tác của TQ được thực hiện thông qua việc TQ dành viện trợ, vốn vay phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các ngân hàng, quỹ tín dụng nhà nước và một số định chế tài chính mà TQ là thành viên và thường do các doanh nghiệp nhà nước, nhân công của TQ thực hiện.

Đổi lại, TQ giành được nhiều hợp đồng mua, khai thác năng lượng, khoáng sản của các nước châu Phi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước (thường được gọi là mô hình đổi hạ tầng lấy tài nguyên).

Từ 2013, TQ đề xuất Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với nhiều dự án về cơ sở hạ tầng quy mô kết nối các lợi ích kinh tế tại châu Phi với hành lang kinh tế Á-Âu của TQ. Đến nay đã có 9 nước châu Phi tham dự và hơn 20 nước đang đàm phán.

Tại HNTĐ FOCAC 2018, TQ và các nước châu Phi nhất trí kết nối BRI với việc thực hiện Kế hoạch 2063 về phát triển của AU, Kế hoạch 2030 về phát triển bền vững của LHQ và các chiến lược phát triển quốc gia của châu Phi.

Là đối tác, là chủ nợ

Hiện TQ trở thành đối tác thương mại, đầu tư lớn của châu Phi, đồng thời là chủ nợ lớn nhất của châu lục (chiếm khoảng 14% tổng nợ của châu lục).

Trong bối cảnh chi phí sản xuất, giá bất động sản và nhân công trong nước tăng nhanh, TQ cũng dần chuyển đổi năng lực sản xuất dư thừa và phân công lại chuỗi sản xuất sang các nước kém phát triển tại châu Phi, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) tư nhân, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, đầu tư sang châu Phi.

Cùng với sự gia tăng ảnh hưởng chính trị, kinh tế, TQ đẩy mạnh hợp tác về quân sự, an ninh với khu vực, tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột, xây dựng cấu trúc an ninh khu vực.

Tháng 7/2018, TQ lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn An ninh và Quốc phòng TQ-châu Phi với sự tham gia của đại diện cấp cao quân đội 50 nước châu Phi. Xuất khẩu vũ khí của TQ sang châu Phi (2013-2017) tăng 55%. 2/3 nước châu Phi hiện sử dụng vũ khí, trang thiết bị quân sự của TQ. TQ cũng cam kết hỗ trợ AU thành lập Lực lượng Thường trực, tham gia tập trận, tuần tra chung…

Từ 2017, TQ đã đưa vào hoạt động căn cứ quân sự đầu tiên tại Djibouti (cạnh căn cứ của Mỹ và Pháp), chủ động đề xuất tham gia giải quyết xung đột tại Nam Sudan và căng thẳng biên giới giữa Djibouti–Eritrea (dù chưa đạt nhiều kết quả). TQ là nước cung cấp tài chính lớn thứ 2 cho ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ, chỉ sau Mỹ, đóng góp 2.600 quân tại 6 Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại châu Phi.

TQ cũng tăng cường truyền bá văn hóa, sức mạnh mềm để xây dựng sự gắn kết, ảnh hưởng lâu dài tại châu Phi. Số lượng sinh viên châu Phi theo học tại TQ liên tục tăng, đến nay đã vượt 200.000 người.

Ngày nay có thể bắt gặp công dân TQ tại khắp châu Phi: từ công trường xây dựng, trung tâm mua sắm, cửa hàng bán lẻ ven đường cho đến các tòa chung cư hay trụ sở cơ quan công quyền của Chính phủ hay của chính Tòa Trụ sở của Liên minh châu Phi hoành tráng tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia cũng do TQ xây tặng và giúp vận hành.

Kiều dân TQ tại châu Phi có lúc đã lên tới hàng triệu người. Thậm chí có những khu Chinatown đậm màu Trung Hoa mà bảng biển, cửa hiệu đều ghi tiếng Hoa.

Lấp ló trong các cửa hàng bán lẻ đồ thực phẩm TQ, những đứa trẻ ngồi chơi bên người lớn bán hàng và xem kênh truyền hình CCTV. Có thể nói văn hóa và con người TQ đang mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết tại châu Phi.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/23920-tq-thang-the-trong-cuoc-dua-tai-chau-phi.html

 

“Giấc mộng Trung Hoa” và ảnh hưởng của nó

tới tình hình an ninh thế giới, khu vực

“Giấc mộng Trung Hoa” là chủ thuyết nhằm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nước lớn “số 1 thế giới” vào giữa thế kỷ 21. Nói số 1 thế giới, theo giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận, có nghĩa là quốc gia đó phải thể hiện được những giá trị vô địch của mình.

Lịch sử cận đại và hiện đại của Trung Quốc cho thấy một quy luật là cứ mỗi khi Đảng Cộng sản Trung Quốc có thay đổi về người đứng đầu đảng và quốc gia thì những lãnh tụ đó lại đưa ra một chủ thuyết hay học thuyết nào đó để “vạch đường tiến lên” cho đất nước. Thời Mao Trạch Đông có “Đại nhảy vọt”, thời Đặng Tiểu Bình có “Bốn hiện đại hóa”, thời Giang Trạch Dân có “Ba đại diện”, thời Hồ Cẩm Đào có “Trỗi dậy hòa bình” và nay, thời Tập Cận Bình có “Giấc mộng Trung Hoa”. Dường như các lãnh tụ đó muốn ghi dấu ấn của mình cho lịch sử bằng các chủ thuyết hay học thuyết đó và nó, dường như có sự kế thừa lẫn nhau và đương nhiên, trở thành sản phẩm của cả hệ thống chính trị đương thời bởi ý chí chính trị của người đứng đầu. Hiện nay, “Giấc mộng Trung Hoa” đang là vấn đề thời sự chiến lược được cả thế giới quan tâm. Bởi dưới sự điều hành của lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ thuyết này có thành công không, được thực hiện ra sao và nhất là, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình an ninh thế giới, khu vực.

Sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ 18 kết thúc không lâu với người đứng đầu là Tổng Bí thư Tập Cận Bình, ngày 29/11/2012, trong một dịp cùng với các lãnh đạo Trung Quốc tham quan triển lãm với chủ đề “con đường phục hưng” được tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Tập Cận Bình đã lần đầu tiên nói tới việc phục hưng dân tộc Trung Hoa với thuật ngữ “Giấc mộng Trung Hoa”. Tiếp đó, ngày 17/3/2013, trên cương vị Chủ tịch nước, đọc diễn văn trước phiên họp bế mạc kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội), ông Tập đã chính thức tuyên bố trước toàn đảng, toàn dân về “Sự nghiệp phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” gọi tắt là “Giấc mộng Trung Hoa” và ngay sau đó, tháng 4/2013, “Giấc mộng Trung Hoa” được Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn phát động tuyên truyền học tập trong toàn đảng. Thực ra, thuật ngữ trên không phải là sáng tác của ông Tập, vì trước đó, một học giả Trung Quốc là Đại tá quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, ông Lưu Minh Phúc đã đề cập đến nó trong một tác phẩm của mình để phản ánh mơ ước của người Trung Quốc một ngày nào đó sẽ khôi phục được lịch sử huy hoàng của nền văn minh Trung Hoa cách đây trên 2.000 năm, đưa Trung Quốc trở thành “số 1 thế giới” và trước đó nữa, nó còn là giấc mộng trăm năm của ba nhà lãnh đạo Trung Quốc là Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Thế nhưng, nội hàm “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình có nhiều điểm khác với Lưu Minh Phúc. Đó là xây dựng Trung Quốc trở thành một đất nước thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và có nhân dân hạnh phúc. Nội hàm này được cụ thể hóa bằng hai mục tiêu 100 năm (song bách), gồm: 1/ Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921 – 2021), hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện; 2/ Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949 – 2049), hoàn thành xây dựng Trung Quốc phát triển toàn diện, đầy đủ. Đó là một Trung Quốc hùng mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học công nghệ, văn minh (trong đó là tự do, bình đẳng, công bằng, giàu văn hóa, cao đạo đức) hài hòa (trong đó là hài hòa vùng miền, giai cấp, dân tộc) và sạch đẹp (trong đó là sạch sẽ và ít ô nhiễm môi trường). Nếu chỉ với nội hàm và mục tiêu như trên thì quốc gia nào, nhà lãnh đạo nào chẳng mong muốn cho đất nước, dân tộc mình, thế giới có gì phải lo lắng và quan tâm. Vậy bản chất của “Giấc mộng Trung Hoa” là gì?

Nghiên cứu sâu về vấn đề trên, có rất nhiều học giả tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Bài nghiên cứu này, xin đưa ra một góc nhìn của cá nhân.

Có thể khẳng định, “Giấc mộng Trung Hoa” là chủ thuyết nhằm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nước lớn “số 1 thế giới” vào giữa thế kỷ 21. Nói số 1 thế giới, theo giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận, có nghĩa là quốc gia đó phải thể hiện được những giá trị vô địch của mình. Đó là: 1/ Thúc đẩy nền văn minh toàn cầu có tiến bộ mới, thúc đẩy xã hội loài người bước sang một giai đoạn tiến hóa mới; 2/ Mở ra thời đại mới cho lịch sử, thời đại thông tin nhân loại; 3/ Thiết lập trật tự thế giới mới bao gồm hệ thống kinh tế mang tính thế giới, hệ thống tư tưởng mang tính thế giới, hệ thống quân sự mang tính thế giới và hệ thống quy tắc, cơ chế mang tính thế giới; 4/ Dẫn dắt trào lưu mới toàn cầu; 5/ Lập kỳ tích phát triển mới; 6/ Thiết lập mô hình mới ưu việt; 7/ Của cải tăng lên đứng đầu thiên hạ. Với 7 giá trị vô địch như trên, bản chất của nước lớn số 1 thế giới lại là “nhà lãnh đạo thế giới”, là “lãnh tụ” của thế giới, là người lãnh đạo, quản lý và thống trị thế giới. Người Trung Quốc không giấu diếm rằng “chiến lược lãnh tụ lãnh đạo thế giới là giai đoạn cao nhất và ranh giới cao nhất của chiến lược lớn Trung Quốc, cũng là cống hiến vĩ đại của chiến lược lớn Trung Quốc đối với đất nước Trung Quốc và thế giới”. Như vậy, có thể nói rằng, nếu “Giấc mộng Trung Hoa” được thực hiện thành công, Trung Quốc sẽ hoàn toàn có thể tạo điều kiện và môi trường chiến lược tốt hơn để giải quyết những vấn đề cụ thể ở Trung Quốc từ xuất phát điểm và cấp độ cao hơn và dự báo Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thế giới ở cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực sau:

Ở chiều hướng tích cực, nếu bỏ qua ấn tượng và khả năng tiềm tàng về chủ nghĩa dân tộc nước lớn và tư tưởng bá quyền thì một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hùng mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học công nghệ, văn minh, hài hòa và sạch đẹp thì chẳng khác gì đây là một hình mẫu lý tưởng, một thiên đường nhỏ trên trái đất, một tấm gương tiêu biểu, thuyết phục, lôi kéo nhân loại học tập, bắt chước, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy loài người bước vào thời kỳ văn minh mới theo như nhận định của Mác, văn minh tiền Cộng sản chủ nghĩa, đúng theo xu hướng phát triển của trật tự hình thái xã hội. Các nước phát triển hiện nay sẽ buộc phải tự điều chỉnh trước một Trung Quốc hùng mạnh như vậy, trật tự thế giới sẽ thay đổi bởi người lãnh đạo sẽ là Trung Quốc. Các nước nhỏ và trung bình, các dân tộc đang và chậm phát triển có quyền hy vọng về một nhà lãnh đạo có đủ quyền lực và sức mạnh để bảo vệ hòa bình, phát triển, bênh vực và bảo đảm tạo điều kiện cho họ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tốt đẹp hơn trong một thế giới mà tính nhân văn cao hơn tính bạo tàn.

Còn ở chiều hướng tiêu cực, có ba vấn đề lớn: Thứ nhất, một Trung Quốc đã hùng mạnh, đã là số 1 thế giới, nhà lãnh đạo thì Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới theo phương cách nào. Sẽ thuyết phục hay áp đặt; sẽ làm gương hay đe dọa; sẽ coi trọng dân chủ, bình đẳng, bác ái hay cũng chỉ lấy các giá trị trên để che đậy cho bộ mặt thật của mình và có coi an ninh của người khác, nước khác như là an ninh của chính mình hay không. Những câu hỏi trên bắt buộc chúng ta phải xem lại Trung Quốc có quan điểm chủ nghĩa dân tộc nước lớn, có tư tưởng bành trướng, bá quyền hay không. Điều đáng buồn là lịch sử mấy ngàn năm của đế chế Trung Hoa cũng như lịch sử cận đại lại chỉ ra rằng, Trung Quốc đã từng có tham vọng và hành động như vậy. Người Trung Quốc đã từng tự hào họ là trung tâm của thế giới, các nước xung quanh chỉ là man, di, mọi, rợ; văn minh Trung Quốc mới là số một và nền văn minh đó bị mất địa vị thống trị chẳng qua do một vài thế hệ người Trung Quốc kém cỏi. Đây là lúc người Trung Quốc lấy lại những gì mình đã đánh mất và hiện nay đang là thời cơ chiến lược của họ. Như vậy, khi Trung Quốc đã lấy lại được địa vị đã mất thì thế giới chắc phải quay lại trật tự vốn có trước kia dưới một dạng thức khác. Đây chính là điều khó phủ nhận và nó ám ảnh các nước còn lại. Không nên hoàn toàn coi “thuyết Trung Quốc đe dọa” là không thể xảy ra.

Thứ hai, phần còn lại của thế giới có thừa nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc hay không, nhất là khi sự lãnh đạo đó chưa chắc là duy nhất đúng đắn bởi những vấn đề lớn của các quốc gia, dân tộc chẳng có vấn đề nào hoàn toàn giống nhau. Lúc đó, liệu Trung Quốc có chấp nhận sự tồn tại trong đa dạng, chấp nhận quyền tự quyết của các dân tộc hay bằng cách này hay cách khác buộc họ phải đấu tranh chống lại. An ninh thế giới, khu vực sẽ chẳng ngày nào được yên ổn.

Thứ ba, các nhân vật số 2, số 3 của thế giới này có chịu tuân theo hay chia sẻ với Trung Quốc không. Ngay từ bây giờ đã và đang diễn ra cuộc đua tranh quyết liệt giữa một bên quyết tâm giữ vững vị thế số 1 thế giới, bảo vệ trật tự hiện có với một bên quyết thay đổi trật tự, vị thế. Cuộc đua tranh này đã làm nảy sinh những ảnh hưởng khá lớn đến an ninh mọi mặt của thế giới. Chỉ riêng vấn đề kinh tế, sáu tháng đầu năm 2018, thế giới đã phải chịu ảnh hưởng lớn của tranh chấp thương mại Mỹ – Trung. Một số nước như Canada, Mexico, Liên minh Châu Âu đã đang phải hứng chịu thiệt hại do những chính sách kinh tế mang tính bảo hộ của Mỹ mà nguyên nhân sâu xa không phải chỉ vì các nước này gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Người Mỹ đang nhìn ra sự tụt hậu của họ về kinh tế so với Trung Quốc và đang tìm cách lấy lại vị thế của mình mà thôi. Như vậy, cuộc đua tranh này sẽ còn kéo dài kể cả khi trật tự đã thay đổi và đương nhiên, an ninh mọi mặt của thế giới, khu vực vẫn bị đe dọa.

Nhưng đấy là nói về một Trung Quốc đã đạt được “Giấc mộng Trung Hoa”, đã trở thành số 1 thế giới. Điều này còn phải gần 30 năm nữa mới biết được nó có là sự thật hay không và dự đoán những vấn đề cho sau 30 năm đó thì quả là hơi liều lĩnh. Hãy để cho các thiên tài chiến lược xem xét. Cái mà chúng ta quan tâm là từ nay đến khi đó, Trung Quốc sẽ đi con đường nào, dùng biện pháp gì để biến giấc mộng trên thành sự thật và con đường, biện pháp đó ảnh hưởng thế nào đến an ninh thế giới, khu vực. Đây mới là điều cần phải xem xét.

Con đường, biện pháp để Trung Quốc tiến tới đạt được hai mục tiêu một trăm năm, hoàn thành “Giấc mộng Trung Hoa” đã được giới lãnh đạo Trung Quốc từng bước hoạch định thông qua “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 – 2020)” và tiếp tục phát triển, nâng cao thông qua các văn kiện nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ 19 (10/ 2017) vừa qua. Theo đó, “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13” xác định phải xây dựng Trung Quốc phát triển sáng tạo, phát triển hài hòa, phát triển xanh, phát triển mở cửa, cùng hưởng thành quả cải cách phát triển và Đảng lãnh đạo. Trong đó có đưa “Một vành đai, một con đường” (nhất đới, nhất lộ) là một nội dung trong phát triển mở cửa (Chương 51), nhưng mới chỉ coi nó như là một sáng kiến để hình thành cục diện hợp tác quốc tế. Phải đến Đại hội 19, sáng kiến trên mới được bổ sung, phát triển, xây dựng hoàn chỉnh và được đưa vào Văn kiện nghị quyết Đại hội, coi là chiến lược quốc sách phải thực hiện. Như vậy, “Một vành đai, một con đường” trở thành con đường, biện pháp chủ yếu để đạt hai mục tiêu 100 năm. Đây là mấu chốt liên quan đến an ninh thế giới, khu vực khi Trung Quốc thực hiện chiến lược này.

Chiến lược “Một vành đai, một con đường” được đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập năm 2013 rằng, Trung Quốc sẽ cùng các nước liên quan triển khai xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” để hình thành cục diện mới hợp tác kinh tế quốc tế. Theo đó, phạm vi của “Một vành đai, một con đường” bao gồm 64 quốc gia Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, với tổng cộng 4,4 tỷ người, chiếm 63% dân số thế giới. Quy mô kinh tế đạt mức 21.000 tỷ USD, chiếm 29% tổng GDP thế giới, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm 23,4% thế giới. Trong đó, “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” từ Trung Quốc đi về hướng tây, kéo tới Trung Á, Tây Phi, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), các nước Trung và Đông Âu; hướng nam thì đến Nam Á. “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” từ Trung Quốc đi theo hướng đông nam, kéo đến Đông Nam Á, qua Nam Á, đến Đông Bắc Châu Phi, đồng thời từ Đông Nam Á kéo xuống Nam Thái Bình Dương. Hai con đường trên giao nhau ở Nam Á và Tây Á, hình thành khu vực hợp tác mở rộng trải dài trên 3 châu lục Á, Âu, Phi. Riêng với Trung Quốc, sẽ có 18 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và khu tự trị tham gia vào chiến lược này gồm Tân Cương, Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ, Thanh Hải, Nội Mông, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Quảng Tây, Vân Nam, Tây Tạng, Trùng Khánh là 13 tỉnh thành có “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” đi qua và Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Đông, Chiết Giang và Hải Nam là 5 tỉnh thành có “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” xuất phát.

Mục tiêu của chiến lược trên, theo Trung Quốc xác định là nhằm “tạo ra một khối cộng đồng cùng chung lợi ích, tin tưởng về chính trị, hòa nhập về kinh tế, giao lưu về văn hóa, một khối cộng đồng cùng chung vận mệnh, cùng chung trách nhiệm”, thực hiện nó theo quan điểm “cùng thương lượng, cùng xây dựng, cùng hưởng thụ” và 4 nguyên tắc là “mở cửa hợp tác, hài hòa bao dung, vận dụng thị trường và các bên cùng thắng”. Chiến lược này sẽ lấy kết nối các chính sách làm cơ sở bảo đảm, lấy liên thông hạ tầng làm lĩnh vực ưu tiên, lấy thông thương làm nội dung trọng điểm, lấy thông vốn làm trụ cột trọng yếu, lấy tương thông lòng dân làm căn cứ xã hội để phối hợp đồng bộ và thúc đẩy hợp tác khu vực. Kết cấu tổng thể của chiến lược là cơ bản hình thành hai mạng lưới lớn và năm con đường chính. Hai mạng lưới lớn là mạng lưới thông suốt đường bộ – đường biển – đường không và mạng lưới khu vực tự do tiêu chuẩn cao. Năm con đường lớn là ba con đường từ Trung Quốc qua Trung Á, Nga đến biển Baltic của Châu Âu; từ Trung Quốc qua Trung Á, Tây Á đến Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải; từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, Nam Á, Ấn Độ Dương thuộc “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”. Còn hai con đường nữa là từ ven biển Trung Quốc đến Ấn Độ Dương, sang châu Âu và từ ven biển Trung Quốc qua Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương. Để bảo đảm nguồn lực tài chính cho triển khai Chiến lược, Trung Quốc sẽ huy động 240 tỷ USD, đã thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) với vốn ban đầu 100 tỷ USD (Trung Quốc góp 30 tỷ USD), Quỹ Con đường tơ lụa (SF) với vốn tương đương, huy động các cơ cấu tài chính quốc tế, khu vực có liên quan khác như Ngân hàng phát triển mới (NDB) của nhóm BRICS… Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh (12 – 14/5/17) mời đại diện từ trên 100 quốc gia, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia tới Bắc Kinh bàn về triển khai Chiến lược và đã có tới gần 40 nước ký bản ghi nhớ hợp tác. Đến tháng 8/2017, đã có 76 dự án tại 68 quốc gia, vùng lãnh thổ với 270 thỏa thuận được ký kết. Riêng hướng Đông Nam Á, TQ đã hứa hẹn đầu tư vào Philippine 23 tỷ USD, Malaysia 34 tỷ, Thái Lan 13,8 tỷ,

đã đầu tư vào Campuchia hơn 10 tỷ, sẽ vào Lào khoảng 7 tỷ. Như vậy “Một vành đai, một con đường” đang được triển khai mạnh mẽ.

Việc triển khai chiến lược trên nảy sinh những tác động về an ninh đối với thế giới, khu vực trên hai bình diện sau:

Bình diện tích cực: Thứ nhất, về tổng thể, rõ ràng việc Trung Quốc công khai chiến lược và dùng những lời lẽ rất hữu nghị, thân thiện để kêu gọi các nước ủng hộ, tham gia và thực tế đã có rất nhiều nước tham gia cho thấy Trung Quốc đã chính thức từ bỏ quan điểm “Giấu mình chờ thời” trước đây. Trung Quốc đã “Xuất đầu lộ diện” công khai vai trò, tham vọng của mình. Điều này buộc cả thế giới, nhất là các đối thủ lâu nay của Trung Quốc phải giật mình, không phải chỉ đề phòng, đối phó hay hùa theo mà trước hết là phải xem lại mình như thế nào, phải điều chỉnh ra sao để giữ được vị trí, vai trò, không bị tụt lại. Tất cả các nước, không chỉ là các nước trong phạm vi của Chiến lược sẽ tìm mọi cách để vươn lên, cạnh tranh vị trí trong một thế giới đa cực đang hình thành. Đây đúng là động lực phát triển của thế giới.

Thứ hai, việc Trung Quốc khởi xướng, đi đầu trong triển khai “Một vành đai, một con đường”, tung tiền ra hỗ trợ, đầu tư cho các nước có liên quan, không nhiều thì ít cũng sẽ giúp các nước, phần nhiều là các nước chậm phát triển, tận dụng được ngoại lực cho phát triển của nước mình, trước hết là cơ sở hạ tầng, giải quyết một phần khó khăn về kinh tế và khi kinh tế bớt khó khăn thì vấn đề an ninh của mỗi nước sẽ được giải quyết tốt hơn. Vừa qua, nhiều nước ủng hộ, hoan nghênh chiến lược của Trung Quốc là minh chứng. Họ cho đây là xu thế thịnh lên của Trung Quốc và “người ta chỉ có phù thịnh chứ không phù suy”.

Thứ ba, nếu đây là một hệ thống, mà trước mắt là hệ thống kinh tế mới với người dẫn dắt là Trung Quốc cùng sự ra đời các định chế tài chính, kinh tế mang tầm khu vực, quốc tế thì sẽ tạo ra trên phạm vi khu vực, thế giới những thực thể mới mang tính cạnh tranh, ganh đua, hỗ trợ và có thể là đối trọng, hoặc đối lập, giúp cho các nước, các nền kinh tế đang phát triển có nhiều lựa chọn cho phương cách phát triển của mình khi phải tận dụng nguồn viện trợ tài chính kèm theo những điều kiện ngặt nghèo, nhiều khi mang tính áp đặt, thiên vị mà họ phải chịu khi chỉ có các định chế như là WB, IMF, ADB… Như vậy, an ninh kinh tế sẽ bớt gay gắt hơn đối với nhiều nước.

Thứ tư, Chiến lược “Một vành đai, một con đường”, bản chất là một chiến lược kinh tế, lấy cốt lõi là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối các nền kinh tế sẽ làm cho các nước gần nhau hơn, giao lưu nhiều hơn, hiểu nhau hơn và kéo lại gần hơn khoảng cách phát triển giữa các nước. Tính phụ thuộc lẫn nhau sẽ cao hơn nên bắt buộc khi một quốc gia muốn làm phương hại một quốc gia khác, dù trên bất cứ phương diện nào cũng buộc phải cân nhắc một cách cẩn trọng những hệ lụy, hậu quả do họ gây ra và chịu sự trừng phạt không chỉ của quốc gia bị gây hại mà cả cộng đồng liên quan. Như vậy thì thế giới, khu vực lại có thêm một cứu cánh cho bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định. Nói cách khác, nếu các quốc gia không lấy sự đối đầu mà lấy sự cạnh tranh, thi đua làm con đường phát triển, không lấy giấc mộng của mình thành ác mộng của người khác, không lấy tính thực dân, kiểu bá quyền mà lấy kiểu dẫn dắt, làm gương ra mà ứng xử thì an ninh thế giới, an ninh các khu vực không có gì phải bàn nhiều.

Nhưng còn ở bình diện tiêu cực, có nhiều điều đáng quan ngại: Thứ nhất, Chiến lược trên của Trung Quốc tuy là chiến lược kinh tế, nhưng đường đi của nó đang nhằm chủ yếu vào những khu vực, những nước có nền kinh tế kém và chậm phát triển, những nơi mà nguồn lực con người còn có hạn, nguồn tài nguyên vật chất chưa được khai thác hết, thậm chí còn nguyên sơ. Trong khi, chúng ta biết nền kinh tế số 2 thế giới hiện nay đang rơi vào cơn khát thế nào cho việc có nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu cho nền kinh tế của mình mà không thể dùng bài xâm chiếm thực dân như thế kỷ 18,19 để chiếm đoạt. Phải chăng, bên ngoài cái vỏ mỹ miều là kết nối kinh tế, cùng chung vận mệnh thì bên trong thực chất là ý đồ di dân tới những khu vực còn thưa người, tận dụng ưu thế về nhân lực, vốn và kỹ thuật để một mặt giải quyết hàng hóa dư thừa (6/19 ngành sản xuất quan trọng dư thừa), đẩy cho các nước, các khu vực những máy móc, công nghệ lạc hậu, lỗi thời từ Trung Quốc, một mặt khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên phong phú của các nước đưa về làm giàu cho Trung Quốc. Vì sao Trung Quốc dám bỏ ra cả trăm tỷ USD, theo như họ nói, để làm chiến lược này, sao Trung Quốc dễ “hy sinh” cho các nước thế. Cần phải hiểu thương nhân Trung Quốc từ xưa đã nói “một vốn, bốn lời”. Liệu đây có phải là bài toán đã có lời giải của Trung Quốc và như thế thì 64 quốc gia nằm trên phạm vi Chiến lược này phải dè chừng.

Thứ hai, Chiến lược là do Trung Quốc khởi xướng, vận động các nước ủng hộ tham gia, như vậy Trung Quốc giữ vai trò cầm chịch nhưng một mình Trung Quốc không thể bao hết (tổng vốn 6.000 tỷ USD), buộc các nước tham gia phải có vốn đối ứng và trong các vụ thương thảo hợp đồng, ở vào thế yếu hơn về mọi mặt so với Trung Quốc thì liệu họ có phải nhân nhượng những điều kiện bất lợi cho mình, có thể còn có bất lợi làm ảnh hưởng đến cả an ninh cho nước láng giềng bên cạnh. Điều này đang hé lộ ở chỗ Trung Quốc đang đề nghị cùng Philippines nghiên cứu hợp tác khai thác chung ở bãi Cỏ Rong. Philippines vẫn đang ngần ngừ chuyện này thì Trung Quốc vẫn chưa giải ngân đồng nào trong số 23 tỷ USD hứa đầu tư. Trung Quốc nói là hợp tác vô tư, bình đẳng, không áp đặt điều kiện chính trị nào, xem ra đó là bánh vẽ.

Thứ ba, nhiều nước phương Tây, nước phát triển, thậm chí phát triển ngang Trung Quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ đều không mặn mà với sáng kiến của Trung Quốc, ngay cả Nga cũng ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi. Tất cả những nước này không phải không thấy lợi ích trong việc kết nối với nền kinh tế khổng lồ đang lên này, nhưng họ cũng nhận ra những cái hại, cái thua thiệt sẽ mang đến cho đất nước họ mà “lợi thì bất cập hại” nên họ đều lảng tránh một cách lịch sự. Người ta không muốn thế giới này sẽ lại có một kẻ đè đầu, cưỡi cổ dân tộc mình theo cách phải dập đầu 3 lần trước các hoàng đế Trung Hoa thời cổ xưa. Nhưng họ không lảng tránh đâu, họ sẽ vờn Trung Quốc như mèo vờn chuột và chờ thời cơ để lại một lần nữa xâu xé Trung Quốc nếu như nước này phạm phải sai lầm chết người. Nên nhớ, lịch sử Trung Hoa là tan – hợp, hợp rồi lại tan, mà 100 hay 200 năm so với lịch sử chỉ là chớp mắt. Vụ Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1988 đã cho thấy sự rùng mình của Trung Quốc. Khi đó, an ninh thế giới, khu vực sẽ lao đao.

Thư tư, nói chiến lược của Trung Quốc mang bản chất là chiến lược kinh tế, nhưng không phải vậy. Nghiên cứu lịch sử con đường tơ lụa Trung Hoa xưa kia, cả con đường tơ lụa trên bộ và trên biển, đều không chỉ là con đường kinh tế, mà đều ẩn giấu trong nó con đường chinh phục, mở mang bờ cõi, không bằng sức mạnh cứng thì bằng sức mạnh mềm, buộc các nước xung quanh phải thần phục, triều cống, chỉ trừ các nước quá xa xôi bên kia Thái Bình Dương, Đại Tây Dương. Ngày nay, con đường trên nếu chỉ thuần túy kinh tế thì lấy gì ra để bảo vệ các chuyến tàu, các đoàn xe vận tải hàng hóa trên các con đường huyết mạch khi mà chúng phải đi qua các vùng hoang sơ, sa mạc thuộc các nước mà hiện đang ngày ngày xảy ra khủng bố, cướp bóc. Lấy gì ra để bảo vệ các đoàn tàu vận tải biển chở hàng hóa Trung Quốc ngược xuôi qua các vùng biển thuộc các đại dương có hải tặc đang hoành hành. Lôgic tất yếu là “dân sự đi trước, quân sự theo sau”, Trung Quốc phải thiết lập các căn cứ quân sự ở ngoài lãnh thổ để bảo vệ chúng và điều đó cũng dễ thuyết phục. Nhưng đâu chỉ có vậy. Một cường quốc quân sự thế giới mà không kiểm soát được đại dương nào, không triển khai được bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược ra ngoài lãnh thổ thì đâu đã là cường quốc. Đối phó thế nào với kẻ địch ngay từ ngưỡng cửa nhà chúng. Thế nên, theo sau hai con đường trên sẽ là các căn cứ quân sự Trung Quốc phải mọc lên. Chỉ riêng con đường trên biển từ Trung Quốc sang Ấn Độ Dương thôi, sẽ có tới 15 cảng biển do Trung Quốc đầu tư và tới đây sẽ có khoảng 5 căn cứ quân sự của Trung Quốc ra đời (Djibouti là căn cứ đầu tiên), còn Nam Thái Bình Dương, Đại Tây Dương chưa tính đến. Việc đầu tư vào các cảng biển là cách giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực một cách kín đáo. An ninh biển sẽ mạnh lên hay yếu đi? An ninh các nước ven biển liệu có yên ổn không?

Thứ năm, nước Mỹ, nhà lãnh đạo thế giới hiện nay, đương kim cường quốc số 1 địa cầu liệu có ngồi yên để Trung Quốc tự do hành động không? Câu trả lời là không. Năm 2016, Trung Quốc đã từng đánh tín hiệu với Mỹ về chia đôi quyền quản lý, thống trị Thái Bình Dương rồi nhưng Mỹ đã khước từ. Vậy đời nào Mỹ để yên cho Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”. Ở đây có hai vấn đề phải xem xét. Một là, theo một số nhà nghiên cứu phương Tây, lịch sử phát triển của nhân loại và các quốc gia cho thấy một quy luật là cứ mỗi khi có một quốc gia trỗi dậy, soán ngôi của quốc gia đang là vô địch thì tất yếu giữa hai quốc gia ấy sẽ xảy ra chiến tranh, thậm chí là chiến tranh thế giới để tranh giành địa vị. Thế kỷ 16 có Bồ Đào Nha là vô địch, thế kỷ 17 có Hà Lan, thế kỷ 18,19, Anh soán ngôi vô địch, thế kỷ 20, sau 2 cuộc chiến tranh thế giới, Mỹ lên ngôi vô địch. Trong

sự đổi ngôi trên, không có chuyện quốc gia đang giữ ngôi vô địch lại chuyển giao, nhường ngôi cho cường quốc mới nổi để tránh một cuộc chiến tranh. Tới đây, nếu Trung Quốc muốn soán ngôi của Mỹ, tất yếu hai nước sẽ xung đột. Trung Quốc đang cổ vũ về cạnh tranh chiến lược thế kỷ 21 của Trung Quốc và Mỹ nên chuyển từ “quyết đấu” và “thi đấu quyền Anh” trước đây sang “thi đấu điền kinh”. Nghĩa là từ sống mái, một mất một còn sang đua tài, nâng cao thành tích xem ai hơn ai. Giá cả Mỹ và Trung Quốc đều đồng thuận theo hướng này thì nhân loại có thể tránh một thời kỳ đen tối.

Hai là, dù chưa xảy ra chiến tranh, nhưng giữa Mỹ và Trung Quốc đã, đang tìm cách chặn nhau rồi. Vì sao Trung Quốc phải có “Một vành đai, một con đường”. Vì Mỹ đang triển khai chiến lược “Châu Á – Thái Bình Dương” và gần đây ông Donald Trump còn nâng thành chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở rộng”, thực chất là chiến lược ngăn chặn Trung Quốc. Vì sao Mỹ vẫn nhùng nhằng ở Syria, Iraq và cả Trung Đông, không phải vì Nga, vì nạn khủng bố mà chính là vì vành đai và con đường của Trung Quốc sẽ giao nhau ở đây. Nếu Mỹ khống chế được khu vực này, đến khi nào Trung Quốc mới hoàn thành giấc mộng, đó là chưa kể câu chuyện Biển Đông, cái hành lang trước ngưỡng cửa để Trung Quốc bước ra biển lớn lại đang vướng đầy đá ngầm chết người. Đương nhiên, câu chuyện ở đây không chỉ một mình Mỹ với Trung Quốc, nó kéo theo cả các đồng minh của Mỹ, bạn bè của Trung Quốc và vì thế, an ninh khu vực, an ninh thế giới vẫn đang và sẽ bất ổn, khó lường.

Để kết thúc cho bài khảo luận này, xin gợi ý thêm một phần suy ngẫm. Thực tiễn cho ta thấy, thời lãnh tụ Mao Trạch Đông, chủ thuyết “Đại nhảy vọt” của ông sau 3 năm thực hiện thất bại hoàn toàn; thời Đặng Tiểu Bình, chủ thuyết “Bốn hiện đại hóa” dang dở nhưng được các cộng sự và học trò là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào kế tục thực hiện trong hơn 30 năm khá thành công. Nay, Tập Cận Bình với chủ thuyết “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ chèo lái con thuyền Trung Quốc sang một bước ngoặt lịch sử mới với cái đích 30 năm nữa phải tới. Ông Tập năm nay đã 65 tuổi, cho dù ông đã sửa cả điều lệ Đảng và Hiến pháp Trung Quốc để kéo dài vị trí của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, nhưng liệu ông có đủ thời gian để có ngày thưởng hoa hái trái hay không, liệu người tiếp bước ông có đủ tâm và tầm tiếp tục đi theo con đường của ông không lại là chuyện khác.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/23933-giac-mong-trung-hoa-va-anh-huong-cua-no-toi-tinh-hinh-an-ninh-the-gioi-khu-vuc.html

 

Hai giám mục Trung Quốc đầu tiên

đến Vatican dự hội nghị

Trọng Nghĩa

Một trong những kết quả rõ nét của thỏa thuận vừa được ký kết giữa Tòa Thánh Vatican và chính quyền Trung Quốc là sự kiện hai giám mục Trung Quốc lần đầu tiên được Bắc Kinh cho phép đến Roma dự một hội nghị của các giám mục trên toàn thế giới. Vào hôm qua, 01/10/2018, Tòa Thánh Vatican đã xác nhận sự kiện trên.

Hai giám mục Trung Quốc sẽ có mặt ở Roma để tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15, từ 03/10 28/10.

Hai giám mục này đều thuộc Giáo Hội Công Giáo nhà nước Trung Quốc, trong đó có giám mục Giuse Quách Kim Tài (Joseph Guo Jin Cai) là người được Giáo Hội nhà nước tấn phong, nhưng không được Vatican công nhận và đã bị phạt tuyệt thông. Mãi cho đến ngày 22/09 vừa qua, với thỏa thuận Vatican-Trung Quốc được ký kết, giám mục này mới được giải vạ tuyệt thông và được Giáo Hội Roma công nhận.

Trường hợp giám mục thứ hai là Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Jean Baptiste Yang Xiao Ting) đơn giản hơn, vì giám mục này từng được cả Giáo Hội Nhà Nước Trung Quốc lẫn Tòa Thánh Vatican công nhận.

Phát biểu hôm qua tại Roma, hồng y Lorenzo Baldisseri, thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã nhắc lại rằng trong quá khứ, đức giáo hoàng đã từng mời các giám mục Trung Quốc đến Vatican dự họp, nhưng những người này không bao giờ được Bắc Kinh cho phép xuất cảnh.

Theo hãng tin Pháp AFP, ngoài hai giám mục Trung Quốc kể trên, một giám mục Đài Loan cũng được mời về Vatican dự Thượng Hội Đồng Giám Mục. Đó là giám mục Tôma Chung An Trụ (Thomas Chung An Zu). Trái với trường hợp của Hoa Lục, Giáo Hội Đài Loan thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181002-hai-giam-muc-trung-quoc-dau-tien-duoc-den-vatican-du-hoi-nghi

 

Gần 1.350 người chết do sóng thần Indonesia

Số người thiệt mạng tại Indonesia sau vụ động đất và sóng thần hôm thứ Hai đã tăng lên 1.347 người, cơ quan đối phó thảm họa của nước này nói.

Số người chết tăng vọt hôm thứ Ba so với số thống kê đã được xác nhận trước đó, 844 nạn nhân.

Nỗ lực tìm cứu nạn nhân sóng thần Indonesia

Số người chết tăng cao sau động đất Indonesia

Hàng trăm người chết vì động đất và sóng thần ở Indonesia

Trận sóng thần nhấn chìm cả một hòn đảo

Trận động đất 7.5 độ tấn công hòn đảo miền trung Sulawesi đã gây ra trận sóng thần nhấn chìm thành phố ven biển Palu.

Người dân đang ngày càng tuyệt vọng trong cảnh thiếu thực phẩm, nhiên liệu và nước sạch.

Các đoàn cứu trợ nhân đạo vào thành phố với sự hộ tống của quân đội và cảnh sát.

Hiện người ta lo sợ rằng có một số nạn nhân sống sót vẫn đang mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà.

Phóng viên BBC Jonathan Head có mặt tại hiện trường cho biết mọi người mà nhóm phóng viên gặp tại Palu đều tìm cách tìm đồ nhu yếu phẩm cho gia đình.

Mọi dịch vụ thông thường tại nơi này đều đã bị hư hại, hầu như không có điện, nước, thực phẩm và nước sạch,

Phóng viên BBC cho biết thêm rằng nhóm của anh đã nhìn thấy cảnh sát có vũ trang đứng canh tại một cửa hàng và bị người dân địa phương gây áp lực, đòi phải để họ vào trong.

Đã xảy ra tình trạng đụng độ giữa hai bên, khi cảnh sát bắn chỉ thiên và dùng hơi cay, trong lúc một số người dân ném đá vào họ. Tình trạng căng thẳng được kiểm soát sau đó một tiếng đồng hồ.

Hội Hồng thập tự Indonesia nói với BBC rằng thi thể của 34 học sinh Indonesia đã được tìm thấy dưới một nhà thờ phủ đầy bùn đất.

Họ nằm trong nhóm 86 học sinh bị cho là mất tích tại khu cắm trại Bible ở Trung tâm Đào tạo Nhà thờ Jonooge. Hiện chưa biết số phận của 52 học sinh còn lại ra sao.

Nạn nhân sống sót sau sóng thần: “Tôi ôm chặt vợ mình, nhưng trận sóng ập đến… tôi ngay lập tức bị mất cô ấy”

Các nhân viên cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát của một khách sạn bốn tầng trong thành phố.

Ước tính có 50 người ở trong khách sạn Roa Roa khi tòa nhà sập xuống. Đã có 12 người được tìm thấy, nhưng chỉ ba người còn sống.

Có hàng ngàn người đang chờ đợi để được đưa ra khỏi Palu.

“Tôi sẽ lên máy bay bay đi bất kỳ đâu. Tôi đã chờ đợi hai ngày rồi. Không có gì ăn cả, chỉ được uống rất rất ít,” một người bán lẻ đồ ăn tên là Wiwid, 44 tuổi, nói với Reuters.

Hôm thứ Hai, từ 3.000 đến 5.000 người đã đổ tới sân bay để mong có thể lên được một chiếc phi cơ quân sự Hercules nào đó. Quân đội đã thu xếp để đưa họ đi bằng phà thay vì máy bay.

Các phi cơ Hercules đang được sử dụng để sơ tán những người bị thương, cần chữa trị y tế gấp.

Quanh thành phố, các nấm mồ tập thể đang được đào để chôn cất những nạn nhân thiệt mạng.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45721230

 

Động đất 6 độ Richter

ngoài khơi đảo Vanuatu: USGS

Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) hôm thứ Ba 2/10/2018 cho hay một trận động đất đo được 6 độ trên địa chấn kế Richter vừa làm chấn động Port Vila, thủ phủ của Vanuatu, một quốc đảo nhỏ trong Thái Bình Dương.

Hãng tin Reuters cho biết động đất diễn ra tại địa điểm nằm cách Port Vila 45 km về hướng Tây, và xảy ra ở độ sâu khoảng 10km.

Port Vila nằm cách thành phố Brisbane ở miền Bắc nước Úc vào khoảng 1,900 km.

Hiện chưa có tin tức về những thiệt hại về nhân mạng hoặc tài sản do động đất gây ra.

https://www.voatiengviet.com/a/4595965.html