Tin khắp nơi – 02/04/2020
Tổng thống Trump nghi ngờ
số liệu về dịch Covid-19 của Trung Quốc
Hải Lam
AFP đưa tin, Tổng thống Donald Trump hôm 1/4 đã bày tỏ nghi ngờ về tính chính xác của các con số mà giới chức Trung Quốc báo cáo về dịch Covid-19, sau khi các nhà lập pháp Mỹ trích dẫn tài liệu tình báo cáo buộc Bắc Kinh che giấu sự thật.
“Làm sao chúng ta biết được” liệu thống kê của chính quyền Bắc Kinh chính xác hay không, Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. “Số lượng của họ dường như hơi thấp so với thực tế”, ông Trump nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhấn mạnh “mối quan hệ với Trung Quốc vẫn tốt đẹp” và ông vẫn liên lạc chặt chẽ với ông Tập Cận Bình.
Tại Nghị viện, các thành viên của đảng Cộng hòa đã chỉ ra một báo cáo của Bloomberg, trong đó trích dẫn thông tin từ tình báo Mỹ cho rằng, Trung Quốc cố tình không công bố đầy đủ số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19. Một số quan chức tình báo nhận định các con số của Trung Quốc là giả. Các nghị sĩ bày tỏ sự bất bình vì Bắc Kinh rõ ràng đã lừa dối cộng đồng quốc tế.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse cáo buộc số liệu của chính quyền Bắc Kinh là “tin rác”.
“Thông tin cho rằng Mỹ có nhiều ca tử vong do virus corona hơn Trung Quốc là sai lầm”, ông Sasse cho biết trong một tuyên bố.
“Với việc không bình luận về bất kỳ thông tin nào được coi là mật, điều này cho thấy rất rõ ràng: Đảng Cộng sản Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục nói dối về dịch corona virus để bảo vệ chế độ”, Thượng nghị sĩ Sasse nói thêm.
Trong một tuyên bố, ông Michael McCaul, nhà lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết, Trung Quốc “không phải là đối tác đáng tin cậy” trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ông McCaul bày tỏ: “Họ đã nói dối với thế giới về việc virus truyền từ người sang người, bịt miệng các bác sĩ và nhà báo đã cố gắng nêu lên sự thật và hiện còn đang che giấu con số chính xác của những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này”. Ông và các nhà lập pháp khác đã kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ mở cuộc điều tra việc chính quyền Bắc Kinh che giấu đại dịch.
Fox News cho hay, bác sĩ Deborah Birx, nhà miễn dịch học tư vấn cho Nhà Trắng về Covid-19, hôm 31/3 cho biết, số liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến cách các nước nhìn nhận về dịch bệnh.
“Cộng đồng y tế đã nhìn vào số liệu của Trung Quốc và cho rằng: Dịch bệnh này nghiêm trọng nhưng không đến mức như mọi người nghĩ. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thiếu một lượng dữ liệu đáng kể. Cứ nhìn những gì đang diễn ra ở Ý hay ở Tây Ban Nha thì biết”, bà Deborah Birx nói.
Trước đó, Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về việc che giấu và chia sẻ thông tin chậm về dịch bệnh. Gần đây, tờ New York Post cho hay, chính phủ Anh của Thủ tướng Boris Johnson cũng bất bình vì Bắc Kinh đã truyền bá thông tin sai lệch về virus corona, trong đó có thuyết âm mưu quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán. Một nguồn tin cho biết, các nhà khoa học đã nói với ông Johnson rằng số ca nhiễm virus tại Trung Quốc có thể cao gấp từ 15 đến 40 lần những gì chính quyền Bắc Kinh báo cáo.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-nghi-ngo-so-lieu-ve-dich-covid-19-cua-trung-quoc.html
Dân biểu Mark Meadows
chính thức trở thành chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc
Vào 5 giờ chiều thứ ba (ngày 31 tháng 3), ông Mark Meadows đã từ chức khỏi Quốc Hội với tư cách là dân biểu và chính thức trở thành Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc.
Vai trò mới của ông Meadows là một trong những công việc khó khăn nhất tại Washington, ngoài số lượng công việc dày đặt, ông còn phải tính đến Tổng Thống Trump – người thường xuyên tự đưa ra quyết định và không chú tâm đến các chi tiết về chính sách. Thêm vào đó là một đại dịch toàn cầu đang tàn phá cuộc sống và công việc của người Mỹ sẽ khiến vai trò của một Chánh Văn Phòng trở nên căng thẳng hơn.
Từ lâu, ông Meadows đã sớm nhận ra giá trị của việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump và dần trở thành một trong những người bạn thân nhất và là người bảo vệ lớn nhất của tổng thống tại Tòa nhà Quốc hội và trên truyền hình.
Ông Meadows hiện là chánh văn phòng thứ tư của tổng thống, thay thế người tiền nhiệm Mick Mulvaney. Ông đã nhiều lần chứng tỏ sẽ sẵn sàng bảo vệ Tổng Thống Trump và xúc tiến chương trình nghị sự của Tổng Thống tại Tòa Nhà Quốc Hội, đặc biệt là trong phiên tòa luận tội hiện đã bị quên lãng dưới sức nóng của cuộc khủng hoảng coronavirus. Là một chủ thương nghiệp nhỏ trong khoảng ba thập niên trước khi tham gia Quốc hội vào năm 2013, ông Meadows có cách tiếp cận khác với những người tiền nhiệm.
Tại Tòa Nhà Quốc Hội, ông được biết đến như một trong những thành viên đảng Cộng hòa thân thiện với báo chí nhất. Với tư cách là Chánh Văn Phòng, ông cũng được kỳ vọng sẽ gần gũi với công chúng hơn những người tiền nhiệm.
Hiện tại, những thách thức to lớn đang đặt ra trước Tòa Bạch Ốc nói chung và ông Meadows nói riêng, khi họ đang phải phân phối số lượng lớn vật tư y tế đến bệnh viện và đàm phán các gói cứu trợ tiếp theo với Quốc hội trong lúc cố gắng tìm ra cách tốt nhất để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng. (BBT)
https://www.sbtn.tv/dan-bieu-mark-meadows-chinh-thuc-tro-thanh-chanh-van-phong-toa-bach-oc/
Bác sĩ Fauci,
chuyên gia Covid-19 của Mỹ bị đe dọa tính mạng
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia y tế hàng đầu của Hoa Kỳ về các bệnh truyền nhiễm và là thành viên của đội đặc nhiệm chống dịch Covid-19 của Tổng thống Trump, đang đối mặt với những lời đe dọa đối với an toàn cá nhân, và cần được bảo vệ 24/24, tờ New York Post, đài NBC và CNN đưa tin.
Một giới chức thực thi pháp luật xác nhận với CNN rằng Tổng Thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật liên bang của Mỹ, Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ, bảo vệ Bác sĩ Fauci sau khi ông bị đe dọa tới tính mạng.
Tờ báo đầu tiên tường thuật về tin này, tờ Washington Post, nói gần đây những lời đe dọa nhắm vào BS Fauci và gia đình ông đã gia tăng.
Một nguồn tin khác xác nhận với CNN về sự hiện diện của một số thành viên Sở Cảnh sát Thủ đô Washington, đóng chốt chung quanh tư gia của BS Fauci. Nguồn tin xác nhận sự hiện diện của cảnh sát nhưng không cho biết về nơi xuất phát những lời đe dọa.
Trả lời đài NBC hôm thứ Năm, bác sĩ Anthony Fauci cho biết ông vẫn tập trung vào công việc trước mắt là chống đại dịch corona, bất chấp những mối đe dọa đối với an toàn cá nhân.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “TODAY” của đài NBC sáng nay, người dẫn chương trình Savannah Guthrie hỏi BS Fauci liệu ông và gia đình có cảm thấy bị đe dọa hay không, BS Fauci trả lời:
“Tôi đã chọn cuộc sống này. Tôi biết nó như thế nào. Đôi khi có những điều đáng lo ngại. Nhưng chúng ta nên tập trung vào công việc cần làm, và gạt tất cả những chuyện thứ yếu đó sang một bên để tập trung vào công việc, không chú ý tới chuyện đó.”
BS Fauci trở thành nhân vật được chú ý trong mấy tuần gần đây khi ông bênh vực các biện pháp giãn cách xã hội để chặn sự lây lan của vụ bột phát dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ.
Ông thường xuyên xuất hiện bên nhà lãnh đạo Mỹ tại các cuộc họp báo về Covid-19, và một vài lần đã sửa sai một số phát biểu thiếu cơ sở của TT Trump.
Ông cũng đứng cạnh TT Trump khi chính phủ Mỹ dự báo số tử vong có thể tăng lên tới 240.000 ca.
Hôm thứ Ba 1/4, BS Fauci từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên hỏi ông có được tăng cường bảo vệ an ninh hay không. TT Trump đã trả lời ngay:
“Ông (Fauci) không cần được bảo vệ. Ai cũng yêu các chuyên gia. Ngoài ra, bất cứ ai tấn công ông sẽ gặp rắc rối to.”
Theo NBC và CNN, một số ủng hộ viên của TT Trump thuộc cánh cực hữu tỏ ra bất bình khi Bác sĩ Fauci thuyết phục TT Trump kéo dài thời gian phong tỏa để chặn dịch, ảnh hưởng tới kinh tế. Ông bị những người này tố cáo là thành viên của cái gọi là “nhà nước ngầm”, chỉ muốn phương hại tới triển vọng TT Trump tái đắc cử để duy trì chức vụ thêm 4 năm nữa.
Virus corona : Mỹ vượt ngưỡng 5.000 ca tử vong
Thanh Hà
Theo thẩm định của đại học Johns Hopkins, tại Hoa Kỳ, tính đến tối 01/04/2020, đã có 5.116 người chết vì dịch Covid-19, hơn 215.000 người dương tính với virus corona. Trong 24 giờ qua đã có thêm 884 người tử vong. Con số này không ngừng gia tăng. Nạn nhân trẻ tuổi nhất là một trẻ sơ sinh 6 tuần lễ tuổi qua đời tại bang Connecticut.
Bang New York vẫn là ổ dịch lớn nhất trên toàn quốc với 100.000 ca lây nhiễm. Vào lúc dịch bệnh hoành hành tại tất cả các bang trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tổng thống Trump ngày 01/04/2020 cho biết đang « tính tới giải pháp ngưng các chuyến bay nội địa đến những thành phố có nhiều ca bệnh nhất ». Tuy nhiên trước mắt, chính quyền liên bang vẫn từ chối ban hành lệnh phong tỏa trên toàn quốc, như giải thích sau đây của thông tín viên Anne Corpet từ thủ đô Washington :
« Nhiều lần trong ngày, dân cư tại thủ đô Washington nhận được tin nhắn qua điện thoại di động. Chính quyền thành phố kêu gọi người dân ở trong nhà. Tương tự như đa số các tiểu bang khác, District of Colombia đã ban hành lệnh phong tỏa toàn bộ. Thống đốc Florida, một trong 5 bang bị nặng nhất và đây cũng là nơi có đông người cao tuổi đã về hưu sinh sống, mới chỉ bắt đầu ban hành lệnh phong tỏa từ hôm qua Thứ Tư. Chín tiểu bang ban hành lệnh phong tỏa bán phần, tức là việc áp dụng biện pháp đó tùy thuộc vào chính quyền của từng thành phố, từng quận.
Năm bang khác thì chỉ ban hành lệnh giới hạn sinh hoạt một cách tối thiểu : thí dự như cấm các cuộc tập hợp và đóng cửa trường học. Chính quyền liên bang chưa đưa ra bất kỳ một lệnh phong tỏa nào. Ngay cả trong tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền ban hành hay không lệnh giới hạn đi lại thuộc về chính quyền của mỗi bang.
Do đây là trường hợp chưa bao giờ xảy ra, chính quyền liên bang có thể bị kiện nếu ban hành lệnh phong tỏa. Tuy nhiên tổng thống Mỹ có thể khuyến khích các giới chức địa phương có những biện pháp nghiêm ngặt. Tới nay, Donald Trump vẫn khước từ trọng trách này và ông tuyên bố tin tưởng vào quyết định của thống đốc các bang ».
Nga tiếp tế cho Mỹ chống Covid-19
Một chiếc máy bay của không quân Nga chở trang thiết bị y tế và khẩu trang đã đáp xuống phi trường New York chiều ngày 01/04/2020. Đây là hình ảnh đã được phái bộ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc loan tải rộng rãi. Trên Twitter, ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo cho biết « Chúng ta phải cùng nhau đẩy lui dịch Covid-19. Đây là lý do vì sao Mỹ chấp nhận mua trang thiết bị bảo hộ của Nga, những mặt hàng mà Hoa Kỳ đang cần có một cách khẩn cấp ». Trong khi đó, chính quyền Nga hôm nay (02/4) chính thức cho biết đã có 3.548 ca nhiễm virus corona. Thủ tướng Nga Mikhaïl Michoustine thông báo chi 1.400 tỷ rúp (tương đương với khoảng 16,2 tỷ euro) để chống dịch và hỗ trợ kinh tế đất nước. Về phần mình, TT. Putin cho biết phải làm việc từ xa.
Tòa Bạch Ốc: Vài trăm ngàn người tại Mỹ
sẽ thiệt mạng vì corona
Một viện dưỡng lão tại Nam California bị virus corona tác hại nặng nề với hơn 50 người tại đây bị lây nhiễm—một diễn biến đáng ngại giữa những lạc quan dè dặt rằng số ca nhiễm trong tiểu bang có thể giảm đà tăng.
51 cư dân cùng 6 nhân viên trong Trung tâm Phục hồi chức năng Cedar Mountain tại Yucaipa xét nghiệm dương tính với virus corona và 2 cư dân đã thiệt mạng, giới chức y tế hạt San Bernardino loan báo chiều ngày 31/3.
Trong hai nạn nhân tử vong có cụ bà 82 tuổi với tiền sử bệnh.
Viện dưỡng lão nằm ở phía đông Los Angeles không nhận cư dân mới và đóng cửa đối với khách đến thăm theo lệnh tự cách ly cách đây hai tuần của Thống đốc Gavin Newsom.
Tính tới ngày 31/3, có hơn 8.200 ca nhiễm và ít nhất 173 ca tử vong được báo cáo tại California, theo dữ liệu của Trường đại học Johns Hopkins. Bang Michigan có ít hơn California 30 triêu dân, hiện có khoảng 7.600 ca và ít nhất 259 người chết vì virus corona.
Các giới chức y tế cảnh báo là khi việc xét nghiệm gia tăng, số ca nhiễm được xác định sẽ tăng, trong một số trường hợp rất nhanh.
Nhiều người ghi công cho việc tiểu bang nhanh chóng ban hành lệnh ở nhà (thoạt đầu tại vùng vịnh San Francisco cách đây hai tuần và vài ngày sau đó tại Los Angeles và phần còn lại của tiểu bang California) đã thành công trong việc làm chậm lại đà lây nhiễm.
Trong khi đó Tòa Bạch Ốc dự đoán sẽ có từ 100.000 đến 240.000 người thiệt mạng tại Mỹ vì đại dịch virus corona, ngay cả khi các biện pháp cách ly xã hội tiếp tục được tuân hành.
Dự đoán này được đưa ra trong cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc ngày 31/3.
Tòa Bạch Ốc nói nếu không có các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng trên cả nước, sẽ có từ 1,5 đến 2, 2 triệu người tại Mỹ chết vì virus corona.
Bác sĩ Anthony Fauci, người đang giúp chỉ đạo nỗ lực chống COVID-19 tại Mỹ, nói “Đây chuyện chúng ta cần dự trù.” “Chúng ta cần nỗ lực nhiều, nhiều hơn nữa.”
Khởi sự sơ tán thủy thủ tàu sân bay Theodore Roosevelt
Khoảng 1000 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tức khoảng 1/5 thủy thủ trên tàu, đang bị cách ly tại một căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Guam hôm thứ Năm 2/4 giữa lúc Hải quân Mỹ đang cố kiềm chế một vụ bột phát virus Covid-19 trên chiến hạm này.
Bản tin của Reuters cho biết tiến trình sơ tán đã khởi sự từ hôm trước, thứ Tư 1/4, một tuần sau khi ca Covid-19 đầu tiên trên tàu được báo cáo, và sau khi bức tâm thư của hạm trưởng Brett Crozier, mạnh mẽ hối thúc phải “hành động dứt khoát” để kiềm chế vụ bột phát bị tiết lộ ra ngoài.
Trong bức thư dài 4 trang mà các quan chức Mỹ xác nhận với Reuters hôm 31/3, Hải quân Đại tá Brett Crozier mô tả tình hình ảm đạm trên tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khi càng lúc càng có nhiều thủy thủ xét nghiệm dương tính với virus. Ông yêu cầu sơ tán hơn 4000 thủy thủ để đưa lên bờ cách ly, nhấn mạnh rằng không hành động là không làm tròn bổn phận bảo toàn sức khỏe của các thủy thủ, mà ông cho là “tài sản đáng tin cậy nhất của chúng ta”.
Bức tâm thư rò rỉ ra ngoài đã gây lo âu cho gia đình của các thủy thủ ở San Diego, và đẩy Lầu Năm Góc vào thế thủ.
Quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly nói ông không đồng ý với Hạm trưởng Crozier rằng có thể để lại 10% thủy thủ đoàn trên tàu, nếu cần.
Ông Modly nói:
“Tàu chiến này có vũ khí, đạn dược trên đó.., đòi hỏi phải có môt số nhân lực nhất định để đảm bảo an toàn và an ninh cho tàu.”
Trước khi lá thư được công bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bác bỏ giải pháp cho phép hàng ngàn thủy thủ rời tàu để cách ly trên đất liền.
Được hỏi liệu hạm trưởng Crozier có sẽ bị kỷ luật vì bức tâm thư? Ông Modly nói việc hạm trưởng Crozier viết thư cho cấp trên theo hệ thống quân giai để bày tỏ những quan ngại của ông, nên ông sẽ không đối mặt với bất kỳ hành động kỷ luật nào.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã ghé thăm Đà Nẵng hồi tháng trước, và ca nhiễm Covid-19 được công bố khi tàu đang di chuyển trên Thái Bình Dương.
https://www.voatiengviet.com/a/khoi-su-so-tan-thuy-thu-tau-san-bay-theodore-roosevelt-/5356907.html
ĐH Washington: Covid-19 ở Mỹ
đạt đỉnh giữa tháng 4, hết dịch đầu tháng 7
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới, còn gọi là Covid-19, xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Bốn tháng sau, theo thống kê của Viện Johns Hopkins, Mỹ trở thành nước có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất, lên đến hơn 215.000 ca tính đến thứ Năm 2/4. Số người tử vong ở Mỹ vì dịch hiện là hơn 5.100.
Trên toàn thế giới, số người nhiễm đã vượt qua mức 940.000 và số người thiệt mạng là hơn 47.500, vẫn theo Johns Hopkins.
Trước tình hình dịch bệnh mỗi lúc một xấu đi, khoảng 30 bang, tương đương với hơn 2/3 nước Mỹ, đã ra lệnh cho người dân “ở trong nhà”, trừ những nhân viên “thiết yếu”.
Biện pháp bắt buộc về giãn cách xã hội tỏ ra có hiệu quả và càng được áp dụng sớm càng tốt, theo các dữ liệu ban đầu sau 2 tuần áp dụng lệnh “ở trong nhà” tại hai bang California và Washington.
Đây là hai bang đầu tiên ghi nhận có các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và cũng là hai bang đầu tiên yêu cầu cư dân ở trong nhà và giữ khoảng cách với nhau trên thực tế.
Các phân tích của giới học thuật và của các quan chức địa phương lẫn liên bang cho thấy các động thái đó mang lại thời gian quý báu cho cộng đồng và có thể đã giúp làm cho đường cong đồ thị lây nhiễm đi ngang về lâu dài.
Các nỗ lực về giãn cách xã hội cần tiếp tục thêm vài tuần nữa để thực sự có hiệu quả cao, theo lời các chuyên gia.
Nghiêm nghặt thực hiện giãn cách xã hội chưa chặn đứng virus, các chuyên gia y tế công nói, nhưng mục đích ở đây là làm giảm tốc độ lây lan, giúp cho các nguồn lực về chăm sóc y tế không bị quá tải, nhờ đó, giảm số người nhập viện và cần đến máy thở cùng một lúc.
Sau vài tuần các bang áp dụng giãn cách xã hội, một mô hình dự báo của Đại học Washington ước tính hôm thứ Năm 2/4 rằng virus corona chủng mới, còn gọi là Covid-19, sẽ gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất ở Mỹ vào những ngày giữa tháng 4, làm khoảng 2.500 người chết mỗi ngày.
Mô hình này do Viện Số liệu và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc Đại học Washington thiết kế, dựa vào thông tin từ chính quyền các bang và liên bang ở Mỹ, ngoài ra, họ cũng dùng dữ liệu từ chính phủ các nước, các bệnh viện và Tổ chức Y tế Thế giới.
Được cập nhật thường xuyên, hôm 2/4, mô hình dự báo rằng nguồn lực y tế của Mỹ bị căng thẳng nhất vào ngày 15/4 khi các bệnh nhân cần 262.000 giường bệnh, nhiều hơn khả năng đáp ứng của các bệnh viện trong cả nước tới 88.000 giường.
Đặt giả thiết rằng biện pháp giãn cách xã hội còn kéo dài đến hết tháng 5, mô hình của IHME cho rằng số ca nhiễm giảm xuống mức không đáng kể, hay có thể hiểu là hầu như hết dịch, vào đầu tháng 7.
Tuy nhiên, vẫn có các bệnh nhân thiệt mạng cho đến tháng 8, với tổng số người chết vì Covid-19 lên đến 93.500 người ở Mỹ.
Hôm 29/3, tiến sĩ Anthony Fauci, nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng “khi người ta tạo ra một mô hình dự báo, người ta đưa vào nhiều giả thiết, và mô hình chính xác ra sao còn tùy thuộc vào các giả thiết”.
Theo ông Fauci, các mô hình dự báo đưa ra “kịch bản xấu nhất và kịch bản tốt nhất. Còn nói chung, trên thực tế, tình hình sẽ ở giữa những mức đó”.
(IHME, NBC News, New York Times, Washington Post, CNN)
Giáo sư Mỹ: Giọt dịch chứa Covid-19 có thể bay xa 8m
Quý Khải
Các giọt dịch từ virus Vũ Hán có thể di chuyển xa đến 8 m, tờ The Epoch Times trích dẫn kết quả của một nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trong một bài báo được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) ngày 26/3 vừa qua.
Tiến sĩ Lydia Bourouiba, phó giáo sư tại MIT và chuyên gia trong lĩnh vực động lực học chất lỏng, cho biết việc hắt hơi hoặc ho có thể tạo ra một đám mây khí hỗn loạn có thể chứa bên trong các giọt dịch virus, đồng thời cảnh báo rằng các hướng dẫn hiện hành về cách ly xã hội/giãn cách xã hội, tuy rằng khá quan trọng trong tình hình đại dịch hiện nay, vẫn chỉ được dựa trên các mô hình đã lỗi thời từ thập niên 30 của thế kỷ trước.
“Công trình gần đây đã chứng minh rằng việc thở ra, hắt hơi và ho không chỉ chứa bên trong các giọt chất nhầy bắn ra theo các quỹ đạo phát xạ bán nguyệt tầm ngắn, mà quan trọng là, chúng chủ yếu được tạo thành từ một đám mây khí hỗn loạn (một luồng gió) nhiều phần thổi vào không khí xung quanh, bẫy bên trong đó cụm các giọt dịch chứa virus có kích thước khác nhau”, bà viết.
“Nhờ có động lực tiến của đám mây khí, các giọt dịch mang mầm bệnh được đẩy ra xa hơn nhiều so với khi chúng được phát ra một cách độc lập mà không có một đám mây khí bẫy và mang chúng về phía trước”, TS Bourouiba viết. “Với sự kết hợp khác nhau của điều kiện sinh lý và môi trường của một bệnh nhân, chẳng hạn như độ ẩm và nhiệt độ, đám mây khí và tải trọng của các giọt dịch chứa mầm bệnh ở mọi kích cỡ có thể di chuyển từ 7-8 mét”.
Vì sao SARS-CoV-2 nên được gọi là Virus Trung Cộng?
Chính quyền Trung Quốc đã biết đến ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán từ ngày 17/11/2019. Thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bưng bít thông tin và trừng phạt những người tiết lộ sự thật ra công chúng.
Khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán tới nhiều nước thế giới trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố này từ ngày 23/1/2020.
Trong khi SARS-CoV-2 bị nghi ngờ có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Vũ Hán, ĐCSTQ đang cố gắng đổ tội Mỹ, Ý, hay bất kỳ quốc gia nào khác về nguồn gốc dịch bệnh.
Để chỉ rõ trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát của virus Vũ Hán trên toàn cầu, nhiều chuyên gia, kênh truyền thông và chính khách trên thế giới gọi SARS-CoV-2 là “Virus Trung Cộng” (CCP Virus).
TS Bourouiba cũng lưu ý rằng tốc độ thở ra cực đại của một người có thể đạt 10 – 30 m mỗi giây, từ đó tạo ra một đám mây khí có thể vươn dài khoảng 7-8m, và rằng “các mặt nạ phẫu thuật và mặt nạ N95 hiện tại không được kiểm tra các đặc tính hô hấp tiềm năng này”, và rằng “động lực học mây khí hỗn loạn sẽ tác động đến thiết kế và cách sử dụng khuyến nghị của mặt nạ phẫu thuật”.
Trao đổi với tờ USA Today, TS Bourouiba cho biết có “một sự khẩn cấp trong việc sửa đổi các hướng dẫn hiện hành được đưa ra bởi [Tổ chức Y tế Thế giới] và [Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ] đối với các nhu cầu cho thiết bị bảo vệ, đặc biệt là cho nhân viên y tế tuyến đầu”.
Nghiên cứu này của giáo sư khá mâu thuẫn với lời khuyên của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ nhằm duy trì sự giãn cách xã hội ít nhất 2 m để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo một phạm vi khoảng 1 mét giữa mọi người với nhau.
Sau khi công bố nghiên cứu của của TS Bourouiba từ MIT, bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, đã kêu gọi công chúng thận trọng, “khi lưu ý rằng nghiên cứu này thực sự có thể dẫn đến những hiểu lầm to lớn”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ ba (31/3), ông Fauci nhận định, “nghiên cứu đó xét đến các giọt dịch bay trên không trung thông qua giao tiếp, ho và hắt hơi”, đồng thời cho biết thêm rằng kết quả đó sẽ chỉ áp dụng cho những người có những cái hắt hơi “cực kỳ mạnh. Tôi khá phản cảm với bản báo cáo đó bởi vì điều đó có thể gây hiểu lầm, bởi như vậy thì đột nhiên khoảng cách 2 m không còn có tác dụng nữa”, ông nói thêm.
Theo The Epoch Times
Quý Khải dịch & biên tập
Người Mỹ có nên đeo khẩu trang để chống dịch lây lan?
Đeo khẩu trang rộng rãi nơi công cộng không có tác dụng chống sự lây lan của dịch Covid-19 vào lúc này mà chỉ những người bệnh hay bị nghi ngờ nhiễm bệnh mới cần đeo, một bác sỹ gốc Việt ở tiểu bang Virginia cho biết.
Trong lúc này, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đang xem xét liệu có nên khuyến nghị người dân đeo khẩu trang rộng rãi để tránh lây lan virus corona hay không đặc biệt khi mà dịch bệnh này ngày càng hoành hành dữ dội ở Mỹ.
Đeo hay không đeo khẩu trang là một vấn đề hiện rất gây tranh cãi. Trong khi các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, người dân đeo khẩu trang rộng rãi để phòng dịch thì tại các nước châu Âu và Mỹ, nhà chức trách lại khuyến nghị là khẩu trang chỉ dành cho người có bệnh và những người phải chăm sóc, chữa trị cho họ, còn người khỏe mạnh thì không cần đeo.
Mỹ đang cân nhắc
Trong cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm 31/3, khi được hỏi liệu mọi người có nên đeo khẩu trang vải hay không, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đó là ‘điều có thể được thảo luận’.
Hiện giờ vẫn chưa có sự đồng thuận về việc liệu đeo khẩu trang rộng rãi có tạo ra khác biệt đáng kể hay không, và một số chuyên gia bệnh truyền nhiễm lo ngại rằng khẩu trang có thể dẫn dụ mọi người vào cảm giác an toàn mà trở nên lơ là hơn về việc giữ khoảng cách xã hội.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, ngày càng có nhiều người Mỹ đã đeo khẩu trang, mặc dù đeo hay không đeo vẫn là lựa chọn cá nhân. Chính quyền Mỹ không khuyến nghị nên đeo khẩu trang.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đang xem xét thay đổi hướng dẫn chính thức để khuyến khích mọi người thực hiện các biện pháp che mặt giữa đại dịch Covid-19, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức liên bang cho biết với điều kiện ẩn danh vì đây cuộc thảo luận nội bộ vẫn đang diễn ra và vẫn chưa có gì được quyết định.
Theo lời quan chức này thì hướng dẫn mới sẽ nói rõ rằng công chúng không nên sử dụng khẩu trang y tế – bao gồm cả khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95 – vốn đang thiếu hụt trầm trọng và rất cần cho các nhân viên y tế.
Thay vào đó, khuyến nghị đang được xem xét kêu gọi người dân dùng khẩu trang vải tự may, Washington Post dẫn nguồn từ một quan chức CDC ẩn danh khác cho biết. Đó cũng ‘là một cách để giúp kéo thẳng đường đồ thị dựng đứng về số ca nhiễm’, theo vị quan chức này, và có thể giúp giảm nguy cơ lan truyền virus.
Bay trong không khí?
Trao đổi với VOA, bác sỹ Trần Văn Sáng, chuyên khoa nội thương ở tiểu bang Virginia, người có kinh nghiệm lâu năm về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhấn mạnh rằng mục đích của khẩu trang là ‘bảo vệ cho người chữa bệnh và người săn sóc bệnh nhân và để giữ cho người bệnh không phát tán virus ra ngoài khi ho hay hắt hơi’.
“Chưa có khuyến cáo của CDC về việc người dân ra đường phải đeo khẩu trang,” bác sỹ Sáng nhấn mạnh. “Giá trị khoa học của việc mang khẩu trang ra đường chưa được xác nhận.”
“Nếu đi ra đường, công viên mà không có người nào khác ở đó thì giá trị của khẩu trang hầu như không có,” ông giải thích. “Vậy thì nó bảo vệ được gì? Virus không bay trong không khí để tìm người chui vô.”
Theo phân tích của bác sỹ Sáng, con đường dễ bị lây virus corona nhất là qua chạm tay vào các bề mặt rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng. “Các giọt bắn (khi ho ra) sẽ bay trong không khí và rơi xuống mặt đất, mặt bàn và tất cả những bề mặt gì mà nó có thể bám được và có thể tồn tại trên đó đến 24 tiếng đồng hồ,” ông nói.
Ông cho rằng việc virus này có lơ lửng trong không khí để từ đó có khả năng lây qua đường mắt, mũi, miệng nếu không đeo khẩu trang hay không thì các nhà khoa học vẫn chưa làm sáng tỏ.
“Trong không khí vẫn có virus. Nó bay trong không khí sau khi bị bắn ra. Nhưng nó sẽ bay trong bao lâu rồi bám vào bề mặt hay là nó tiếp tục bay trong không khí thì vẫn chưa có chứng minh về khoa học,” ông nói và cho rằng cho đến nay khoa học chỉ chứng minh là virus corona bay ra không khí rồi rơi xuống các bề mặt.
Cho nên, theo lời ông, việc đeo khẩu trang ra đường để đi dạo, hít thở không khí trong lành hay khi đang lái xe ‘không có giá trị gì hết’. “Không cần thiết lúc nào cũng phải đeo khẩu trang,” ông dẫn giải.
‘Chỉ cần giữ khoảng cách’
Khi được hỏi trong tình hình dịch bệnh lan rộng như hiện nay liệu có nên mang khẩu trang, vị bác sỹ này cho rằng CDC đã có khuyến nghị không tụ tập quá 10 người vào một chỗ.
“Quan trọng nhất là nên cách nhau 6 feet (tức khoảng 2 mét),” ông nói. “Nếu có người nhiễm bệnh nhưng chưa phát thì ngoại trừ đứng gần trực tiếp, nói chuyện mặt đối mặt thì nước bọt của họ mới có thể bắn qua lây cho mình.”
Do đó, ông cho rằng một khi đã không tụ tập đông người và giữ khoảng cách 2 mét thì không có lý do gì đeo thêm khẩu trang.
“Khẩu trang chỉ giúp mọi người cảm thấy an toàn thôi chứ không có cơ sở khoa học,” ông nói.
“Trong phòng khám có rất nhiều người bệnh có thể mang vi trùng nhưng không có nghĩa là người thầy thuốc khám cho họ bị lây ngay lập tức. Ngoại trừ tiếp xúc gần gũi hay khám bệnh xong mà không rửa tay, thì xác xuất lây nhiễm bệnh là không có,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, bác sỹ này khuyến cáo là ‘những người nào nghi ngờ là đang mắc bệnh thì nên mang khẩu trang’
“Chẳng hạn như trong nhà mình có người bị ho, bị cảm. Mình không biết rõ họ bị bệnh gì thì nên bắt họ mang khẩu trang để tránh giọt bắn ra không khí. Còn nếu họ không chịu mang thì mình phải mang để bảo vệ mình,” ông nói.
“Chính phủ đã không cho đi ra ngoài. Trường học, quán ăn, tụ điểm công cộng đã đóng cửa. Vì vậy, chúng ta chỉ có gần người thân trong gia đình. Nếu như thấy rủi ro thì đeo khẩu trang,” ông nói thêm và cho rằng ‘đây là lựa chọn của từng cá nhân’.
“Những người nghi ngờ mang mầm bệnh như đi từ vùng dịch về, đi du lịch nhiều nơi thì cần ý thức là họ có thể là nguồn bệnh và nên mang khẩu trang, cách ly và khám bệnh,” bác sỹ Sáng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng tại những siêu thị vốn thuộc dạng dịch vụ thiết yếu vẫn phải mở cửa cho người dân, các nhân viên ‘phải đeo khẩu trang’ vì ‘họ tiếp xúc với nhiều người nhưng không thể duy trì khoảng cách xã hội được, do phải tính tiền và phải nói chuyện với khách hàng’.
Trong khi dân chúng Mỹ chưa mang khẩu trang đại trà, người dân tại các nước châu Á lúc này đã mang khẩu trang trong mọi sinh hoạt xã hội. “Mỗi quốc gia phải quyết định theo tình huống của mình, chứ không thể áp dụng chung cho quốc gia khác,” bác sỹ Sáng bình luận về việc Mỹ và các nước châu Âu có nên học theo châu Á là đeo khẩu trang bắt buộc hay không.
“Việc đeo khẩu trang chỉ áp dụng trong những thành phố thật là đông, số người thật là đông mà họ không tránh được, chứ áp dụng bắt buộc cho tất cả mọi người đi ra đường thì hơi mạnh,” ông nói. “Đối với những người sống ở môi trường không có khả năng bị lây nhiễm chẳng hạn như ở làng quê thì lại khác.”
Gây thiếu hụt?
Trong những ngày gần đây, một nhóm các nhà khoa học, chuyên gia y tế, học giả và người có ảnh hưởng đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ rằng những ai mạo hiểm đến những nơi công cộng hoặc nơi đông đúc nên đeo khẩu trang – thậm chí chỉ là khẩu trang tự chế – để giảm tốc độ lan truyền bệnh Covid- 19.
Ông Thomas Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, được Washington Post dẫn lời nói rằng CDC nên khuyến khích mọi người đeo khẩu trang.
“Tôi nghĩ rằng đó là một bước thận trọng mà tất cả chúng ta có thể thực hiện để giảm lây truyền bởi những người nhiễm bệnh không có triệu chứng,” ông nói. Tuy nhiên, những khẩu trang tự làm ở nhà này ‘không hoàn hảo và không nên được sử dụng như một cái cớ để không giữ khoảng cách xã hội’, ông lưu ý.
Scott Gottlieb, tác giả chính của kế hoạch ứng phó với đại dịch do viện nghiên cứu American Enterprise công bố hôm 29/3, nói trên chương trình ‘Face the Nation’ của kênh CBS rằng khẩu trang tự chế hay thậm chí là khẩu trang phẫu thuật không ‘giúp bảo vệ khỏi bị nhiễm virus’ nhưng nó có thể hạn chế lượng giọt li ti phát ra từ người đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế quan ngại rằng nếu ai cũng tìm khẩu trang sẽ làm cạn kiệt nguồn cung hạn chế.
Ngoài ra, khẩu trang cũng có thể bị nhiễm virus, không được giặt hoặc xử lý đúng cách, dẫn đến lây lan virus.
“Do sự thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ cho đội ngũ nhân viên y tế, sẽ là vô trách nhiệm nếu ai đó đề xuất tất cả chúng ta nên đeo khẩu trang, do đó giảm nguồn cung cho các y tá và bác sĩ vốn phải điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhưng không được đứng cách xa 6 feet,” bà Ilhem Messaoudi, nhà dịch tễ học tại Đại học California, Irvine, viết trong một email.
Trong một bài viết gần đây đăng trên tạp chí y khoa Lancet, các tác giả ủng hộ việc đeo khẩu trang trong trường hợp đi đến những khu vực có nguy cơ bị lây bệnh cao.
“Bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể lây lan trước khi khởi phát triệu chứng, cho nên lây lan trong cộng đồng có thể giảm nếu tất cả mọi người, kể cả những người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, đeo khẩu trang,” bài báo viết.
Virus corona: Những điều Hoa Kỳ đã làm sai – và đúng
Anthony ZurcherPhóng viên Bắc Mỹ
Đã hơn hai tháng kể từ khi trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên được chẩn đoán ở Mỹ. Kể từ đó, dịch đã lan rộng trên toàn quốc, với hơn 200.000 người nhiễm và gần 4.000 tử vong.
Hoa Kỳ hiện là tâm điểm toàn cầu của đại dịch, vượt qua số ca nhiễm được báo cáo ở Trung Quốc, nơi virus bắt đầu, và Ý, quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Mặc dù các quan chức y tế công cộng báo cáo rằng đỉnh điểm của sự bùng phát ở Mỹ vẫn còn nhiều tuần nữa, có khi là nhiều tháng, mới đến những thiếu sót trong phản ứng của Mỹ – cũng như một số điểm mạnh – đã trở nên rõ ràng.
Hãy duyệt qua những điểm này.
NHỮNG SAI LẦM
Thiếu thiết bị y tế
Mặt nạ, găng tay, áo choàng và quạt thông gió. Các bác sĩ và bệnh viện trên cả nước, nhưng đặc biệt là ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, đang tranh giành các vật dụng thiết yếu để giúp những người bị virus tấn công và bảo vệ các chuyên gia y tế.
Việc thiếu nguồn cung cấp đầy đủ buộc nhân viên y tế phải sử dụng lại thiết bị vệ sinh hiện có hoặc tự tạo ra thiết bị tạm thời. Việc thiếu máy thở khiến các quan chức nhà nước lo ngại rằng họ sẽ sớm bị buộc phải thực hiện các biện pháp y tế, quyết định tại chỗ bệnh nhân nào nhận được sự hỗ trợ duy trì sự sống – và bệnh nhân nào không.
Hôm thứ ba, Thống đốc New York Andrew Cuomo phàn nàn rằng các tiểu bang, cùng với chính phủ liên bang, đang cạnh tranh về thiết bị, đẩy giá lên cho tất cả mọi người.
“Nó giống như cuộc đấu giá mua máy thở trên eBay giữa 50 tiểu bang”, ông nói.
Lẽ ra đã không phải đi đến tình trạng này, Jeffrey Levi, giáo sư chính sách và quản lý y tế tại Đại học George Washington, nói. Chính phủ Hoa Kỳ đã thất bại trong việc duy trì đầy đủ kho dự trữ vật tư cần thiết để đối phó với đại dịch như thế này – và sau đó lại chuyển động quá chậm khi bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên rõ ràng.
“Chúng ta đã mất nhiều tuần trong việc tăng cường năng lực sản xuất những thiết bị bảo vệ cá nhân và không bao giờ sử dụng đầy đủ thẩm quyền của chính phủ để đảm bảo rằng việc sản xuất đã diễn ra,” ông nói.
Xét nghiệm trì trệ
Theo giáo sư Levi, việc cho xét nghiệm sớm – như được thực hiện ở các quốc gia như Hàn Quốc và Singapore – là chìa khóa để kiểm soát sự bùng phát của loại virus như Covid-19. Sự bất lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc này là một thất bại nghiêm trọng từ đó các biến chứng tiếp theo đã xảy ra.
“Tất cả các phản ứng với đại dịch đều phụ thuộc vào nhận thức tình huống – biết những gì đang xảy ra và nơi nó đang xảy ra”, ông nói.
Không có thông tin này, các quan chức y tế công cộng về cơ bản là bị mù, không biết điểm nóng virus tiếp theo sẽ bùng lên ở đâu. Xét nghiệm toàn diện có nghĩa là các bệnh nhân bị nhiễm bệnh có thể được xác định và cách ly, hạn chế nhu cầu về các lệnh phải ở nhà trên toàn tiểu bang khiến cho nền kinh tế Mỹ đóng băng và dẫn đến hàng triệu công nhân thất nghiệp.
Levi nói rằng trách nhiệm cho thất bại này thuộc về chính quyền Trump, vốn coi thường các kế hoạch ứng phó với đại dịch đã được thiết lập từ hơn một thập kỷ trước, trong nhiệm kỳ của tổng thống của George W Bush, mà cũng không mướn đủ người để vận hành bộ máy y tế công cộng.
“Lãnh đạo chính trị trong chính quyền này thực sự không tin vào chính phủ,” Levi nói. “Điều đó đã thực sự cản trở sự sẵn lòng của họ trong việc khai thác các nguồn tài nguyên mà chính phủ liên bang đã phải đáp ứng vào thời điểm như thế này.”
Covid-19: Nỗi sợ hãi trong phòng hồi sức cấp cứu
Các con số, đặc biệt là về xét nghiệm, chứng minh được điều này. Các xét nghiệm ban đầu được chính quyền gửi đi vào tháng Hai tới chỉ một số phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ thì lại bị lỗi.
Đến giữa tháng 3, chính quyền đã hứa hẹn ít nhất 5 triệu xét nghiệm tra vào cuối tháng. Tuy nhiên, một phân tích độc lập về tổng số vào ngày 30/3, cho thấy chỉ khoảng một triệu xét nghiệm đã được thực hiện. Con số này nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, nhưng dân số Hoa Kỳ là khoảng 329 triệu người.
Hơn nữa, vì quá trình xét nghiệm xảy ra sau những thiếu sót ban đầu, các phòng thí nghiệm phân tích kết quả bị quá tải, dẫn đến việc người được xét nghiệm phải chờ một tuần hoặc lâu hơn trước khi biết kết quả là họ có dương tính hay không.
Liệu Trump vẫn muốn nới lỏng sinh hoạt ở Mỹ?
Thông điệp ‘bất nhất’ và gấu ó chính trị
Trong cuộc họp báo chiều thứ Ba, Donald Trump đã đưa ra một viễn cảnh nghiệt ngã cho quốc gia.
“Tôi muốn mọi người Mỹ chuẩn bị tinh thần cho những ngày khó khăn nằm ở phía trước”, ông nói.
Các cố vấn y tế công cộng của ông theo sau tuyên bố đó với các biểu đồ dự đoán ít nhất 100.000 người Mỹ sẽ tử vong vì virus ngay cả dưới những biện pháp ngăn chặn hiện tại.
Thông điệp của tổng thống hoàn toàn trái ngược với những nhận xét thậm chí chỉ một tuần trước đó, khi ông bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ có thể bắt đầu mở lại các doanh nghiệp vào kỳ nghỉ lễ giữa tháng Tư.
Trump rút ý định ‘phong tỏa’ tiểu bang New York
Trong tháng Giêng và tháng Hai, khi sự bùng phát virus đã tàn phá nền sản xuất của Trung Quốc và bắt tạo khủng hoảng lớn ở Ý, tổng thống liên tục gạt đi sự đe dọa đối với Mỹ. Sau vài trường hợp nhiễm đầu tiên ở Mỹ, Trump và các quan chức khác trong chính quyền ông nói tình hình đã được kiểm soát và dịch sẽ tan biến vào mùa hè “như một phép màu”.
Thông điệp không nhất quán từ cấp lãnh đạo cao nhất thực sự là một vấn đề, Giáo sư Levi nói. “Sẵn sàng để ứng phó với đại dịch là một môi trường thay đổi liên tục và đôi khi thông điệp của bạn cũng thay đổi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đã có những tuyên bố bất nhất xung quanh những thông điệp không phản ánh sự thay đổi trong khoa học hoặc những gì đang diễn ra trên mặt đất, mà thay vào đó phản ánh mối quan tâm chính trị. “
Tổng thống cũng tranh cãi với các thống đốc bang Dân chủ, chỉ trích Thống Đốc Andrew Cuomo của New York và sỉ nhục Thống Đốc Gretchen Whitmer của Michigan trên Twitter. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo tiểu bang cần phải “đánh giá cao” chính phủ liên bang.
Cách giản xã hội thất bại
Sinh viên đại học trong kỳ nghỉ xuân tràn ngập bãi biển Florida. Cư dân thành phố New York chật đầy xe điện ngầm. Một nhà thờ ở Louisiana tiếp tục chào đón hàng ngàn tín đồ mặc dù mục sư Tony Spell bị buộc tội hình sự vì vi phạm một quy định giới hạn các cuộc tụ họp đông người.
“Virus, chúng tôi tin rằng, có động cơ chính trị,” Spell nói với một đài truyền hình địa phương. “Chúng tôi giữ quyền tự do tôn giáo của mình, và chúng tôi sẽ tập hợp bất kể ai đó nói gì.”
Trên khắp đất nước, có rất nhiều ví dụ về việc người Mỹ không thực hiện các cuộc kêu gọi tránh tiếp xúc gần gũi với xã hội của các chuyên gia y tế công cộng, đôi khi được trợ giúp bởi các quan chức chính quyền địa phương và tiểu bang miễn cưỡng ra lệnh cho các doanh nghiệp đóng cửa và công dân nên ở nhà.
“Nếu tôi nhiễm corona, tôi sẽ nhiễm corona”, một người đi biển ở Florida nói với CBS News vào giữa tháng Ba. “Vấn đề là, tôi sẽ không để corona ngăn tôi tiệc tùng.”
Ngay cả các quy định được thực hiện với ý định tốt nhất cũng có thể có hậu quả bất lợi. Cắt giảm các dịch vụ giao thông công cộng, chẳng hạn như tàu điện ngầm của New York, có thể đã dẫn đến các chuyến tàu và xe buýt đông đúc hơn. Các trường đại học gửi sinh viên về nhà với gia đình của họ có thể đã góp phần vào việc lây lan vi-rút bằng cách đưa các cá nhân bị nhiễm bệnh trở lại thành phố, khu phố và nhà chưa hoàn toàn giản cách xã hội.
Sự thiếu rõ ràng trong lệnh của tổng thống trong việc ngăn chặn việc nhập cảnh vào Mỹ từ châu Âu – lúc đầu dường như áp dụng với công dân Mỹ cũng như công dân nước ngoài – dẫn đến tình trạng các đám đông lớn tại các sân bay nơi hành khách bị nhiễm bệnh không được sàng lọc có thể dễ dàng truyền bệnh cho người khác.
Những quyết định như thế có thể đã gây ra hậu quả thảm khốc, cản trở những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh trên toàn quốc – một việc tương đương với việc ném xăng vào đám cháy đang hoành hành.
NHỮNG ĐIỀU LÀM ĐÚNG
Gói kích thích khổng lồ
Tuần trước, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật cứu trợ virus coronavirus trị giá 2 ngàn tỷ đôla, bao gồm thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho nhiều người Mỹ, mở rộng hỗ trợ thất nghiệp, viện trợ cho các tiểu bang, cơ sở chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công cộng khác, hỗ trợ cho các ngành công nghiệp gặp khó khăn nhất và cho các doanh nghiệp nhỏ và cỡ trung bình vay những khoản tiền có thể không phải trả lại nếu họ tránh được việc phải sa thải nhân viên.
Đó là một bộ luật khổng lồ, phá kỷ lục, là kết quả của các cuộc đàm phán liên quan đến các nhà lãnh đạo Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội, cũng như Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và các đại biểu của ông.
“Điều này nên được mô tả như một dự luật sinh tồn, không phải là một dự luật kích thích kinh tế”, Graetz của Columbia, tác giả cuốn ”The Wolf at the Door: The Menace of Economic Insecurity and How to Fight It,” nói.
“Mọi người đều có những thứ họ không thích hoặc họ mong muốn tốt hơn, không ai sẽ hoàn toàn hài lòng với dự luật này”, ông nói, “nhưng tôi nghĩ rằng gói kích thích sẽ đạt điểm cao cho một khởi đầu.”
Một phần của thách thức đối với các nhà lập pháp, Graetz nói, là hệ thống bảo hiểm thất nghiệp hiện nay dành cho người lao động Mỹ đã lỗi thời – một sự chắp vá của các chương trình do nhà nước điều chỉnh với các yêu cầu về lợi ích và trình độ khác nhau không phù hợp với nền kinh tế hiện đại. Quốc hội đã cố gắng giải quyết vấn đề này trong luật virus corona bằng cách đảm bảo rằng những người lao động tự do và thế giới của những người tự làm chủ cũng được bảo hiểm và tạm thời bổ sung các quyền lợi hiện có.
“Nó có thể sẽ là quá ít đối với nhiều người, nhưng đó là giải pháp duy nhất hiện có,” ông nói. “Quốc hội đã bắt đầu quá trình này với một vị trí rất yếu trong việc có một hệ thống bảo vệ xã hội vững chắc hoặc mạng lưới an toàn để từ đó cải thiện.”
Cả Trump và Chủ tịch Quốc hội đảng Dân chủ Nancy Pelosi đã nói về việc sẽ đưa ra với một dự luật viện trợ khác, có lẽ với đầu tư cơ sở hạ tầng và các lợi ích chăm sóc sức khỏe bổ sung, cho thấy sự hợp tác giữa hai đảng gần đây chỉ là một sự khởi đầu.
Hỏa lực nghiên cứu
Nếu virus corona phơi bày một số lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ – chi phí cao, thiếu bảo hiểm toàn cầu và chuỗi cung ứng không thể chịu được cú sốc – nó cũng có thể làm nổi bật sức mạnh của cơ sở hạ tầng của ngành nghiên cứu và phát triển thuốc của nước này.
Các nhà sản xuất dược phẩm và các nhà nghiên cứu y tế đang gấp rút tìm hiểu thêm về virus này trong nỗ lực đưa ra các chiến lược mới để đánh bại đại dịch.
Một công ty đã chế ra một xét nghiệm có kết quả nhanh mới có thể xác định được những người bị nhiễm virus gần như ngay lập tức, chấm dứt nạn xét nghiệm bị tồn đọng hiện tại và cho phép các quan chức y tế công cộng nhanh chóng xác định các điểm nóng mới bùng phát và đưa ra quyết định kiểm dịch.
“Triển vọng dài hạn quanh việc chế vắc-xin và phát triển trị liệu đang khích lệ hơn,” Levi nói. “Nghiên cứu khoa học đang được thực hiện.”
Ông nói thêm rằng các công ty dược phẩm đang nghiên cứu các phương pháp điều trị và chữa bệnh đang nhận được sự đảm bảo từ chính phủ rằng sẽ có thị trường cho các sản phẩm của họ và họ sẽ được đền bù thỏa đáng cho các khoản đầu tư. Vấn đề, ông nói, là những nỗ lực được thực hiện ngày hôm nay sẽ phải mất vài tháng – hoặc lâu hơn – trước khi chúng cho thấy kết quả.
Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, dự đoán rằng sẽ mất ít nhất một năm trước khi có được vắc-xin phổ biến. Mục tiêu của chính sách y tế công cộng hiện nay là hạn chế số lượng vi rút gây ra cho dân chúng cho đến ngày đó.
Virus corona: Bao lâu nữa thì có vaccine hay thuốc điều trị?
Lãnh đạo tiểu bang
Hệ thống chính phủ liên bang Hoa Kỳ, vốn ủy thác nhiều quyền lực rộng lớn cho các tiểu bang, đã được chứng minh là cả một phước lành và một lời nguyền. Trong thời gian tốt, nó cho phép các nhà lãnh đạo cấp tiểu bang được thử nghiệm các giải pháp chính sách công khác nhau, thử nghiệm các phương pháp tốt nhất mà sau đó có thể được áp dụng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra đại dịch chết người, một phản ứng chắp vá có thể không thỏa đáng – và dẫn đến cái chết có thể tránh được và gián đoạn kinh tế.
“Mọi thống đốc đều tự mình đưa ra quyết định,” Levi nói. “Một số đang đưa ra quyết định tốt; một số thì không.”
Ông đơn cử các thống đốc như Gavin Newsom ở California và Jay Inslee của Washington, những người đã sớm đóng cửa các trường học và ban hành các lệnh ở nhà dẫn đến kết quả virus lây lan chậm hơn trong dân số của họ.
Thống đốc Ohio Mike DeWine cũng đã nhận được lời khen ngợi từ nhiều phía về những bước đi quyết định đầu tiên của ông mà vào thời điểm đó được một số người coi là quá quyết liệt.
Giới chức y tế cho biết hầu hết các khu vực đô thị lớn của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như thành phố New York. Điều đó, họ nói, có thể không phải là như vậy.
Một số tiểu bang đang nỗ lực để tránh số phận của New York, nhưng Levi cảnh báo rằng những nỗ lực của họ có thể bị cản trở bởi các địa điểm khác không làm đủ.
“Vấn đề chúng ta gặp phải ở Mỹ,” ông nói, “là khả năng đáp ứng thay đổi đáng kể trên từng tiểu bang tùy theo sự sẵn sàng đầu tư vào y tế công cộng.”
“Chúng ta chỉ được bảo vệ bằng với các tiểu bang yếu nhất.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52131358
Mỹ ngưng các chuyến cứu trợ corona quốc tế
để xem xét cung-cầu trong nước
Lực lượng đặc nhiệm chống virus corona của Tòa Bạch Ốc ra lệnh ngưng các chuyến hàng cứu trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) cho các nước chống COVID-19 để duyệt xét lại các mặt hàng tiếp tế.
Ngày 1/4, tờ Politico loan tin là lực lượng đặc nhiệm chống virus corona do Phó Tổng thống Mike Pence lãnh đạo đang xem lại tất cả các chuyến hàng trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) ra nước ngoài để đảm bảo là Mỹ không gởi những chuyến hàng ‘quá tay’ hay những mặt hàng đang cần tại Mỹ để chống virus corona.
“Mục đích là xem những gì đang thiếu trong nước Mỹ so sánh với những gì USAID đang cung cấp ở nước ngoài,” một viên chức quen thuộc với tiến trình duyệt xét nói với tờ The Hill. “Với những gì xảy ra tại Mỹ và tình trạng thiếu hụt các vật phẩm cần thiết, sẽ thực sự khó khăn khi gởi những mặt hàng này ra nước ngoài khi chúng ta đang cần trong nước.”
Quyết định ngưng các chuyến hàng để duyệt xét được đưa ra sau khi các giới chức Mỹ phát hiện là những mặt hàng Mỹ dự trù yêu cầu Thái Lan đóng góp cho Mỹ lại đang rời Mỹ dưới hình thức một chuyến hàng của USAID chở đến Thái Lan.
Một phát ngôn viên của Phó Tổng thống nói quyết định này là một “biện pháp toàn diện” để đảm bảo việc thiếu trang thiết bị bảo hộ tại Mỹ không leo thang vì những chuyến hàng này.
“Cần phải có cái nhìn toàn diện về địa điểm và thời điểm gởi trang thiết bị bảo hộ trong lúc chúng ta đang tìm cách đáp ứng nhu cầu trong nước,” phát ngôn viên này nói với tờ Politico.
(Politico/The Hill)
Các tàu du lịch có người nhiễm Covid-19
chưa thể cập cảng Florida
Hành khách trên một con tàu du lịch Nam Mỹ đen đủi rất muốn rời tàu khi họ tới Florida, nhưng Thống đốc bang này, Ron DeSantis, nói rằng các nguồn lực y tế của bang đã gồng mình hết sức, khó có thể nhận thêm các ca nhiễm virus corona từ con tàu.
Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ hôm thứ Ba 31/3 cho hay vấn đề này sẽ được chuyển đến Washington để họ quyết định, nếu chính quyền địa phương không thể đi đến nhất trí.
Dự kiến các con tàu mang tên Zaandam và Rotterdam sẽ đến vào cuối tuần này, và ít nhất hai người trên tàu cần được chăm sóc khẩn cấp.
Các quan chức địa phương, cấp bang và liên bang sẽ phải đi đến nhất trí và phê duyệt kế hoạch chi tiết cho các tàu đó cập cảng, đồng thời yêu cầu hãng chủ quản là Holland America phải xử lý tất cả các vấn đề y tế mà không làm ảnh hưởng đến các bệnh viện vốn đã ở trong tình trạng căng thẳng ở vùng Nam Florida.
“Không còn có sự lựa chọn tốt nào cả. Tất cả đều là những đáp án khó”, Chỉ huy Tuần duyên Jo-Ann Burdian nói với các ủy viên Quận hạt Broward tại một cuộc họp khẩn cấp hôm 31/3.
Hai trong số 4 người tử vong trên tàu Zaandam được xem là do Covid-19 gây ra, và 9 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới, công ty chủ quản cho biết.
Holland America cho hay tàu Rotterdam đã đón lên tàu 1.400 người trông có vẻ khỏe mạnh từ tàu Zaandam cùng hãng. Số người còn lại trên tàu Zaandam là 450 hành khách và 602 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó hơn 190 người nói họ bị ốm.
Tính chung trên cả hai con tàu, có hơn 300 công dân Hoa Kỳ.
Thống đốc bang Florida cho biết hôm 31/3 rằng ông đã liên lạc với Nhà Trắng về việc cung cấp đồ y tế cho các con tàu kể trên.
“Việc cho mọi người rời tàu, đi vào nơi mà chúng tôi đang có số ca nhiễm cao nhất hiện nay, thì thật là không hợp lý”, ông Mitch DeSantis nói trong một cuộc họp báo.
Tổng thống Donald Trump cho biết hôm 31/3 rằng ông sẽ nói chuyện với ông DeSantis về các con tàu.
“Có những người sắp chết trên tàu”, ông Trump nói. “Tôi sẽ làm những gì là đúng đắn, không chỉ đúng với chúng ta, mà đúng với tính nhân văn”.
Tàu Zaandam khởi hành từ Buenos Aires vào ngày 7/3
Các viện dưỡng lão Hoa Kỳ
trở thành điểm nóng lây lan COVID-19
Tin Washington DC – Các viện dưỡng lão trên khắp Hoa Kỳ đang trở thành điểm nóng lây lan Covid-19, sau khi nhiều vụ bùng phát dịch bệnh tại các cơ sở này đã được báo cáo tại một số tiểu bang trong những ngày gần đây.
Coronavirus đang lan rộng tại Viện dưỡng lão Pleasant View ở Maryland, khiến 77 người trong số 95 cư dân tại đây mắc bệnh, và đã giết chết ít nhất 5 người. Viên chức địa phương cho biết cả 5 người thiệt mạng đều có sẵn một số bệnh tật, và có độ tuổi từ 60 đến 90.
Tại Tennessee, 2 cư dân tại Trung tâm điều dưỡng Gallatin đã chết và hơn 100 người khác dương tính với coronavirus, bao gồm cả cư dân và nhân viên. Tương tự, gần 15% trong hơn 1,200 ca tử vong vì Covid-19 tại New York đều là những người sống tại các viện dưỡng lão. Tổng cộng hơn 1,000 ca bệnh đã được báo cáo tại 155 viện dưỡng lão trên khắp tiểu bang này.
Theo thống kê tính đến ngày 23 tháng 3 của Cơ quan Medicare và Medicaid, khoảng 147 viện dưỡng lão tại 27 tiểu bang Hoa Kỳ thông báo có ít nhất 1 cư dân bị nhiễm Covid-19. Theo các chuyên gia, coronavirus có thể lây lan rất nhanh trong một viện dưỡng lão một khi đã xuất hiện tại đây.
Để bảo vệ cư dân, nhiều cơ sở chăm sóc người già đã ngừng các hoạt động cộng đồng, hạn chế khách đến thăm, giảm nhân viên, và thường xuyên vệ sinh tẩy trùng. Theo thống kê năm 2016, cũng là dữ liệu gần nhất của Trung tâm thống kê sức khỏe NCHS, Hoa Kỳ có khoảng 1.35 triệu người đang sống trong các viện dưỡng lão trên cả nước. 84% trong số này trên 65 tuổi, với phần lớn đều mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, đau tim, và cao huyết áp.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-vien-duong-lao-hoa-ky-tro-thanh-diem-nong-lay-lan-covid-19/
Chuỗi cửa hàng bán lẻ Kroger và Food 4 Less
tăng lương cho nhân viên làm việc theo giờ
sau khi thuê thêm 30,000 nhân viên
Vào hôm thứ Ba (31 tháng 03), chuỗi cửa hàng bán lẻ Kroger và Food 4 Less thông báo sẽ trả thêm 2 Mỹ kim/giờ cho nhân viên làm theo giờ, kể từ ngày 29/03/2020 đến 18/04/2020 vì số lượng khách hàng tăng vọt giữa đại dịch coronavirus. Kroger, công ty sở hữu Food 4 Less, sẽ tăng lương cho các nhân viên cộng tác thuộc các lãnh vực như thu ngân viên, chuỗi cung ứng, sản xuất, dược phẩm và trả lời điện thoại.
Công ty sẽ trực tiếp đưa số tiền thưởng cho nhân viên hàng tuần. Thông báo tăng lương mới được đưa ra sau khi Kroger và Food 4 Less công bố khoản tiền thưởng trả một lần cho nhân viên làm việc hôm 21/03/2020, dự kiến sẽ đến hạn chi trả vào thứ Sáu (03/04/2020). Công ty đã thuê 30,600 nhân viên mới trong hai tuần qua. Nhiều nhà bán lẻ đang giới hạn giờ mở cửa, và trả thêm tiền nghỉ ốm cho nhân viên trong cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo chuỗi công ty Kroger Family of Companies, họ đã thực hiện các bước phòng ngừa để bảo đảm môi trường an toàn cho nhân viên và khách hàng, bằng cách tăng cường vệ sinh hàng ngày, mua khẩu trang và găng tay cho nhân viên, lắp đặt vách ngăn plexiglass ở các quầy thanh toán, dán vạnh dưới sàn để khuyên mọi người giữ khoảng cách với nhau, và điều chỉnh giờ mở cửa để có thêm thời gian để vệ sinh và bổ sung hàng hóa.
Để bảo đảm rằng hầu hết các nhân viên làm việc theo giờ có thể nhận lương nhanh hơn, công ty đã thêm tùy chọn ExpressPay và mở một đường dây nóng để có thể giải đáp nhanh chóng những thắc mắc về lợi ích. Công ty cũng đang quyên góp thực phẩm và tiền viện trợ cho các ngân hàng thực phẩm địa phương và các hoạt động cứu đói khác.
Mộc Miên
Động đất 6.5 độ richter làm rung chuyển Nam Idaho
Tin từ Boise, Idaho – Vào tối thứ ba (ngày 31 tháng 3), một trận động đất lớn đã làm rung chuyển khu vực Nam Idaho. Theo Cơ Quan Khảo Sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), trận đống đất này mạnh 6.5 độ richter và xảy ra ngay trước 6 giờ tối. Tâm chấn được xác định nằm cách thành phố Meridian 118 km về phía đông bắc, gần thị trấn núi Stanley. Hiện vẫn chưa nhận được báo cáo về thiệt hại về người và tài sản.
Theo USGS, hơn 2 triệu người sống trong khu vực có thể cảm thấy rung chấn, thậm chí từ những khu vực xa xôi như Helena, Montana và thành phố Salt Lake , Utah. Ông Marcus Smith, một điều phối viên tại St. Luke’s Wood River Medical Center, cho biết ông cảm thấy sự rung lắc của mặt đất tại bệnh viện, nhưng trận động đất không gây trở ngại cho việc điều trị của bất kỳ bệnh nhân nào. St. Luke’s Wood River Medical Center là bệnh viện tuyến đầu trong cuộc chiến với coronavirus ở Idaho. Khu vực này có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất trên toàn quốc chỉ sau thành phố New York. Trận động đất đã gây thêm căng thẳng cho khu vực đang chịu khủng hoảng bởi dịch bệnh, nhưng ông Smith nói rằng cho đến giờ mọi thứ vẫn ổn định.
Tiến sĩ Lucy Jones, một nhà địa chấn học tại Caltech và là người sáng lập Dr. Lucy Jones Center for Science and Seismology, cho biết cứ 30 đến 40 năm một lần, khu vực Idaho sẽ phải hứng chịu một trận động đất với cường độ tương tự. Lần gần đây nhất, trận động đất mạnh 7 độ richter xảy ra gần Borah Peak vào năm 1983, đã làm tử vong hai đứa trẻ ở Challis và gây thiệt hại tài sản ước tính 12.5 triệu mỹ kim trên khắp Challis và Mackay.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/dong-dat-6-5-do-richter-lam-rung-chuyen-nam-idaho/
F-35 của Mỹ và J-20 của TQ đã đi vào trực chiến:
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc hàng đầu trên thế giới về mặt quân sự, kinh tế và khoa học, kỹ thuật. Để cạnh tranh ảnh hưởng và răn đe chiến lược, hai nước liên tục đưa vào biên chế các loại vũ khí hiện đại.
Phi đội F-35C đầu tiên của Mỹ đã được trực chiến
Theo đó, bắt đầu từ hôm 20/3, phi đội bay số 314 Thủy quân Lục chiến với trang bị bao gồm các phi cơ F-35C đã đạt đủ mọi chứng chỉ an toàn vận hành theo quy định của không quân Mỹ. Đây là một cột mốc đáng nhớ của lực lượng Hải quân Mỹ. Trong tương lai, các phi đội, phi đoàn F-35C sẽ bắt đầu thay thế cho các tiêm kích F/A-18A++.
Được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay, các chiến đấu cơ F-35C là phiên bản đặc biệt của dòng tiêm kích chiến đấu F-35 với khả năng cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng dây hãm đà. Ngoài ra, phiên bản F-35C còn có thiết kế cánh gập, cho phép giảm diện tích lưu kho trên tàu sân bay giống như mọi loại máy bay khác của Không quân Hải quân Mỹ phục vụ trên hàng không mẫu hạm.
So với hai phiên bản F-35 trước đây là phiên bản F-35A và F-35B, phiên bản F-35C có cánh lớn hơn, càng hạ trước được gia cố với hai bánh và có trọng lượng lớn hơn hẳn. Cụ thể, trọng lượng cất cánh tối đa của F-35C vào khoảng 22,6 tấn, trong đó nó có khả năng mang theo tối đa tới 8,9 tấn nhiên liệu – nhiều nhất trong ba phiên bản. Khả năng mang vũ khí của F-35C cũng vượt trội hơn so với các phiên bản còn lại, tối đa có thể mang theo tới 7,7 tấn vũ khí và đủ khả năng đáp ứng để thay thế cho tiêm kích F/A-18 của Không quân Hải quân Mỹ. rong khi đó, các phiên bản trước đây của F-35 bao gồm F-35A chỉ đủ khả năng để thay thế cho tiêm kích F-16 còn F-35B đủ đáp ứng yêu cầu để thay thế cho máy bay AV-8B Harrier.
J-20 của Trung Quốc cũng đã đi vào hoạt động
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (19/1) đăng tải video về hoạt động diễn tập theo kịch bản tác chiến giả định cùng với các tiêm kích J-16 và J-10C. Theo đó, các tiêm kích J-20 của Không quân Trung Quốc đã tiến hành bay huấn luyện tác chiến theo kịch bản chiến đấu thực sự. Video cũng cho thấy lần đầu tiên tiêm kích tàng hình J-20, J-16 và J-10C cất cánh và tiến hành tập trận cùng nhau. Đội hình gồm hai chiếc J-20, hai J-16 và một J-10C đã thiết lập đội hình chiến đấu.
Các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho biết sự kết hợp J-20 với hai loại tiêm kích ít hiện đại hơn này có thể tạo ra một đội hình tác chiến đa năng để “bảo vệ đất nước”; cho rằng các tiêm kích tàng hình J-20 “đang tiến triển êm ả” trong không quân Trung Quốc khi hoạt động tác chiến của chúng đã bước vào giai đoạn mới thể hiện năng lực tác chiến toàn diện. Chuyên gia Phó Khiêm Thiều của Trung Quốc nhận định, Không quân Trung Quốc đã thử nghiệm các chiến thuật với tiêm kích J-20 và các loại tiêm kích khác trong các cuộc bay tập trận trước đó và đã thu được một số kinh nghiệm trong việc chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và tấn công trên biển. Dù tiêm kích J-20 hiện đại hơn J-16 và J-10C, chúng cùng có các công nghệ tương tự như hệ thống điện tử hàng không và radar quét mảng pha chủ động. Với đội hình như trên, J-16 có thể dẫn đầu cuộc tấn công và công khai sử dụng radar để tìm kiếm mục tiêu, thu hút sự chú ý của địch quân, trong khi đó tiêm kích tàng hình J-20 có thể lởn vởn gần đó và bất ngờ tung ra cú tấn công bằng tên lửa khi đối phương đang nhắm bắn J-16. Một chiến thuật khác là J-20 phá hủy trung tâm chỉ huy chiến lược của đối phương, bao gồm các máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu, sử dụng khả năng tàng hình, rồi tiêm kích trang bị nhiều vũ khí tấn công lực lượng trên mặt đất của đối phương bao gồm các trạm radar di động, trong khi tiêm kích J-10C đảm bảo kiểm soát trên không.
Trước đó, Tờ South China Morning Post (SCMP, 27/7/2019) cho biết, Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ tiêm kích tàng hình J-20 đến Chiến khu Đông bộ nhằm gửi thông điệp cảnh cáo đến Đài Loan và các hoạt đông quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản trong khu vực. Theo đó, Không quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đăng tải 1 tấm ảnh lên tài khoản mạng xã hội của họ trong tuần này, cho thấy chiếc J-20 chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của nước này, với đuôi máy bay có số hiệu 62001 xuất hiện ở Chiến khu Đông bộ. Chiến khu này là đơn vị cấp Bộ Tư lệnh tác chiến Vùng (tương đương cấp Bộ) trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc có nhiệm vụ triển khai chỉ huy tác chiến liên hợp phía Đông của Trung
Quốc. Phạm vi quản lý của Chiến khu Đông bộ gồm Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến. Bộ Tư lệnh đặt tại Nam Kinh. Chiến khu Đông bộ có nhiệm vụ triển khai chỉ huy tác chiến liên hợp phía Đông của Trung Quốc. Chiến khu Đông bộ chỉ chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến chứ không phải vừa quản lý xây dựng vừa chỉ huy tác chiến như các Đại Quân khu cũ trước đây. Được biết Chiến khu Đông bộ gồm Bộ Tham mưu liên hợp, Bộ Công tác Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật,Đơn vị chỉ huy tác chiến, Lục quân Chiến khu Đông bộ, Tập đoàn quân 71, Tập đoàn quân 72, Tập đoàn quân 73, Hải quân Chiến khu Đông bộ, Không quân Chiến khu Đông bộ…
Được biết, J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc, có thiết kế tương đối giống máy bay tàng hình MiG 1.44 của Nga. Máy bay trên có hai động cơ, nặng 35 tấn, dài 20,4m, sải cánh 12,8m, tốc độ tối đa Mach 2 (2470km/h), tầm hoạt động hơn 3200km. J-20 có ngoại hình rất đặc biệt với cách con vịt ở đằng mũi, ngay sau buồng lái. J-20 được thiết kế đặc biệt dành cho các nhiệm vụ đánh vào khả năng triển khai sức mạnh của không quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương cũng như thực hiện hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chỉ huy trên không, tình báo giám sát, thậm chí là mang theo tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu sân bay Mỹ. J-20 được Trung Quốc công khai lần đầu tiên vào tháng 11/2016 tại triển lãm hàng không Chu Hải. Tại triển lãm, J-20 được quảng bá là mẫu máy bay tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất, có khả năng đọ sức ngang ngửa cùng các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế vẫn nghi ngờ về khả năng thực sự của dòng máy bay này. Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong công nghệ chế tạo động cơ và phải biên chế dòng J-20 trước thời hạn bằng cách trang bị cho nó động cơ do Nga sản xuất để “chữa cháy”, khiến năng lực tác chiến của J-20 bị hạn chế đáng kể, ảnh hưởng đến tính tàng hình và khả năng cơ động của nó.
Tương quan F-35 và J-20
Giới tướng lĩnh Mỹ nhiều lần cảnh báo năng lực tác chiến của không quân Trung Quốc sẽ được cải thiện đáng kể nếu J-20 đưa vào sử dụng. Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ Charles Brown (2/5/2019) cho biết, tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu trong năm 2019. Đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể tăng cường năng lực tác chiến, cũng như mối đe dọa nhằm vào lực lượng Mỹ trên Thái Bình Dương. Tướng Brown khẳng định Mỹ sẽ đối phó bằng cách triển khai thêm siêu tiêm kích F-35 ở Thái Bình Dương và duy trì các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông. Trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định J-20 chưa đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ do chỉ có số lượng nhỏ máy bay được đưa vào sử dụng để thử nghiệm và huấn luyện. Tuy nhiên, Trung Quốc vội vàng đưa máy bay tàng hình J-20 vào biên chế hồi cuối năm 2017, nhằm đối phó việc Mỹ triển khai tiêm kích F-35 đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản nhận bàn giao các phi cơ F-35A đầu tiên. Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đầu năm 2019 tuyên bố tiêm kích tàng hình J-20 đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu sơ bộ (IOC) và đưa vào biên chế không quân. Sự kiện này được giới quân sự Trung Quốc ca ngợi là bước ngoặt thay đổi thế độc quyền của phương Tây trong lĩnh vực máy bay tàng hình, cũng như thay đổi lịch sử không quân khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng J-20 vẫn thua kém nhiều so với máy bay tàng hình F-22 và F-35 Mỹ.
Mỹ tăng cường
kiểm soát xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc
Thanh Phương
Chính quyền Donald Trump đang chuẩn bị các biện pháp chặt chẽ hơn để ngăn Trung Quốc lấy được các công nghệ tiên tiến của Mỹ sử dụng cho mục đích thương mại, rồi sau đó dùng chính các công nghệ đó cho mục đích quân sự.
Theo hãng tin Reuters, trong cuộc họp hôm qua, 01/04/2020, các quan chức cao cấp của Mỹ đã đồng ý với nhau về ba biện pháp để ngăn các công ty Trung Quốc mua của Mỹ một số công nghệ, trong đó có vật liệu cáp quang, thiết bị ra đa và chất bán dẫn.
Các biện pháp nói trên được chuẩn bị vào lúc quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, do tranh cãi về tình hình dịch Covid-19 và do các vụ trục xuất nhà báo của nhau. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump ngày càng lo ngại về tham vọng của chủ tịch Tập Cận Bình vừa phát triển sức mạnh quân sự, vừa nâng cao khả năng công nghệ của Trung Quốc.
Theo Reuter, hiện chưa biết là tổng thống Donald Trump sẽ phê chuẩn các biện pháp mới hay không, mặc dù vào tuần trước chính ông đã yêu cầu phải đẩy nhanh việc áp dụng các biện pháp đó. Ngành công nghiệp của Mỹ sợ rằng các quy định mới có thể khiến các khách hàng Trung Quốc quay sang mua công nghệ của các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc.
Một trong những thay đổi được dự trù, đó là bãi bỏ quy định « miễn trừ dân sự » cho phép xuất khẩu mà không cần giấy phép một số công nghệ của Mỹ, nếu các công nghệ đó không được sử dụng vào mục đích quân sự. Một luật sư chuyên về thương mại tại Washington cho Reuters biết là nhiều khách hàng của ông, nhất là có công ty có liên hệ với ngành điện tử, rất lo ngại về khả năng chính phủ Mỹ bãi bỏ « miễn trừ dân sự », tạo thêm trở ngại cho việc bán công nghệ cho các khách hàng Trung Quốc nhằm mục đích thương mại.
Biện pháp thứ hai được dự trù nhằm ngăn quân đội Trung Quốc mua một số sản phẩm mà không có giấy phép, cho dù họ mua để sử dụng vào mục đích dân sự, chẳng hạn như động cơ máy bay hoặc một số kiểu máy tính.
Thay đổi thứ ba là buộc các công ty nước ngoài khi cung cấp các sản phẩm của Mỹ cho Trung Quốc, ngoài việc xin phép chính phủ của họ, còn phải xin phép chính phủ Mỹ.
Virus corona :
Số ca bệnh trên thế giới tiến gần đến ngưỡng 1 triệu
Thanh Phương
Ở khắp năm châu, dịch Covid – 19 do virus corona chủng mới gây ra tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt, với hơn 900.000 ca lây nhiễm trên toàn thế giới, trong đó Hoa Kỳ, quốc gia bị nặng nhất, đã chiếm hơn 200.000 ca, tính đến ngày 01/04/2020. Dịch viêm phổi cấp tính đã cướp đi sinh mạng của 46.000 người trên toàn cầu, trong đó có cả một bé sơ sinh mới 6 tuần tuổi ở Mỹ.
Do rất nhiều nước không có đủ khả năng xét nghiệm, các số liệu thống kê nói trên chắc chắn còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Cho dù đã có những biện pháp cách ly, phong tỏa, số ca tử vong tại một số nước không ngừng gia tăng nhanh chóng : hơn 13.000 tại Ý, hơn 10.000 tại Tây Ban Nha, hơn 5.000 tại Mỹ và hơn 4.000 tại Pháp.
Cho tới nay, người ta vẫn tưởng là trẻ em không gặp nguy hiểm với virus corona, thế nhưng cái chết của trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi tại bang Connecticut, Hoa Kỳ, tiếp theo sau các ca tử vong thiếu niên ở Bỉ, Anh Quốc… đã gây chấn động dư luận thế giới.
WHO kêu gọi thế giới hợp lực
Trước đà lây lan kinh khủng của đại dịch Covid -19, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua kêu gọi toàn thế giới hợp lực chống con virus « bí ẩn và nguy hiểm » Để kềm chế đà lây nhiễm của Covid-19, gần 4,8 tỷ người, tức là gần phân nữa dân số toàn cầu đã được kêu gọi hoặc bị bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Nhưng tại những quốc gia mà người dân nghèo sống chen chúc với nhau trong các khu phố ổ chuột, không dễ gì tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, phong tỏa.
Nguy cơ khan hiếm lương thực
Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng hành tinh của chúng ta đang trải qua « cuộc khủng hoảng thế giới nghiêm trọng nhất » kể từ khi Liên Hiệp Quốc được thành lập cách đây 75 năm. Dịch bệnh đe dọa toàn cầu cộng với tác động kinh tế đang đưa thế giới đến một cuộc suy thoái chưa từng có trong lịch sử gần đây của nhân loại.
Các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng vừa báo động là kể từ nay có nguy cơ « khan hiếm lương thực » trên thị trường thế giới do dịch Covid-19 làm xáo trộn thương mại quốc tế và các dây chuyền cung cấp lương thực.
Virus corona: Trung Quốc che giấu sự bùng phát
của bệnh dịch, tình báo Hoa Kỳ nói
Trung Quốc đã che giấu mức độ bùng phát thực sự của virus corona ở nước này, công bố không đủ ca nhiễm và con số tử vong, Bloomberg tường trình, theo báo cáo của ba quan chức tình báo Hoa Kỳ.
Ba quan chức trên, theo Bloomberg, yêu cầu không được nêu tên, vì điều họ nói dựa trên một báo cáo bí mật được cộng đồng tình báo gửi cho Nhà Trắng, và từ chối tiết lộ thêm chi tiết.
Đại sứ Trung Quốc giải thích vì sao có nhiều bình tro ở Vũ Hán
Virus corona: Những điều Hoa Kỳ đã làm sai – và đúng
Virus corona: Tại sao Việt Nam thiếu ngân sách để hỗ trợ người dân?
Nhưng điều cốt yếu, những quan chức này nói, là báo cáo công khai của Trung Quốc về các trường hợp nhiễm và tử vong không đầy đủ.
Hai trong số họ cho biết báo cáo gửi Nhà Trắng kết luận rằng con số Trung Quốc đưa ra là giả.
Nhà Trắng nhận được báo cáo này từ tuần trước, một quan chức nói với Bloomberg
Tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Tư, ông Trump nói rằng “chúng tôi chưa nhận được” bất kỳ báo cáo tình báo nào cho thấy Trung Quốc đã đánh giá thấp số lượng bị nhiễm virus corona của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nói rằng kiểu đếm của Bắc Kinh có vẻ “hơi bị ít một chút, và tôi đang rất là tử tế khi nói như thế, so sánh những gì chúng ta đã chứng kiến và những gì được báo cáo.”
Virus corona: Người Việt ở Đức may khẩu trang tặng bệnh viên, cảnh sát vì ‘mốt đã đổi’
TQ lại lấn át ở Biển Đông, VN còn trông đợi Mỹ được không?
Virus corona: người Mỹ, sự coi trọng tự do và dịch Covid-19
Hành trình vào tâm dịch và chuyện tình xuyên biên giới
Phản ứng của Trung Quốc
Hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về bản tin của Bloomberg.
Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc “cởi mở và minh bạch” trong phản ứng với Covid-19.
“Một số viên chức Mỹ chỉ muốn đổ lỗi,” bà nói.
“Chúng tôi không muốn cãi nhau với họ, nhưng đối diện với sự bôi nhọ đạo đức liên tục của họ, tôi phải nói ra sự thật lần nữa.”
“Chúng tôi muốn giúp đỡ họ theo khả năng của mình. Nhưng các bình luận của các chính trị gia Mỹ chỉ đáng xấu hổ.”
“Những sự bôi nhọ, đổ lỗi không thể bù lại cho thời gian đã mất mà sẽ chỉ làm tốn thời gian và sinh mạng.”
Vẫn có nhiều hoài nghi đáng kể về các con số được Trung Quốc báo cáo.
Việc Trung Quốc có lẽ đã không báo cáo trung thực tình trạng lây lan của virus corona trên đất nước họ đã bị nghi ngờ từ nhiều tuần lễ nay.
Bình luận khác
Trong tuần qua, hình ảnh cũng như những khúc phim ngắn mô tả hàng ngàn chiếc hũ đựng tro cốt bên ngoài các nhà tang lễ ở tỉnh Hồ Bắc lại càng khiến công chúng nghi ngờ báo cáo của Bắc Kinh.
Biên tập viên James Palmer của Foreign Policy cho là rất có khả năng Bắc Kinh đang cố tình đánh giá thấp số người chết ở Vũ Hán, và tổng số trường hợp bị nhiễm trên cả nước vào tháng Hai.
”Những con số tồi tệ ở Trung Quốc luôn được báo cáo thấp xuống, đặc biệt là khi hình ảnh quốc gia bị đe dọa, và Trung Quốc hiện đang muốn chiến thắng virus này để tương phản với những thất bại của phương Tây.” James Palmer viết.
Nhưng ông vạch ra: “Tuy nhiên, không phải như thể giới lãnh đạo Trung Quốc có một bộ sách bí mật chứa những số liệu chính xác hơn. Họ cũng vậy, đang phải vật lộn để tìm ra chính xác những gì đang diễn ra trong đất nước rộng lớn của mình.”
Lý do, James Palmer giải thích, là vì: ”Chính quyền địa phương một mặt được lãnh đạo khuyến cáo không được ‘giấu các trường hợp bị nhiễm vì mục đích báo cáo bằng không’, nhưng mặt khác lãnh đạo cũng đang yêu cầu gần như không có trường hợp nhiễm mới nào trong nước. Một loạt các cuộc thanh trừng trước đại dịch đã khiến các quan chức đứng ngoài cuộc, và bất kỳ chính quyền địa phương nào chẳng may mắn có một ổ dịch trên lãnh thổ của họ đều có thể gặp nguy hiểm chính trị nghiêm trọng.”
Câu hỏi được đặt ra là trước tình trạng đó, giới phân tích có thể làm gì để có đánh giá tương đối xác thực về cơn bão dịch đang hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới.
James Palmer đề nghị hai giải pháp: Trước tiên là giải pháp ”đo lường gián tiếp.” Phương pháp này, theo Foreign Policy, được sử dụng bởi chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc, là việc xem xét dữ liệu thay thế, ít bị cố ý bóp méo để có được ước tính về con số thực.
Ví dụ, cư dân ở Vũ Hán đã ước tính số người chết thực sự ở đó, do những chiếc bình được trao cho các gia đình, dẫn đến suy đoán khoảng 40.000 người trở lên đã chết.
Tuy nhiên phải rất cẩn thận, vì phỏng đoán theo dự liệu thay thế chỉ đưa ra những con số rất võ đoán, khó chính xác.
Ước tính hũ đựng tro cốt ở Vũ Hán có thể bao gồm bất kỳ ai chết trong thành phố trong thời gian hai tháng phong tỏa, không chỉ những tử vong vì COVID-19.
Và đôi khi những dự đoán như vậy hoàn toàn sai, chẳng hạn như tuyên bố rằng việc mất đi 21 triệu thuê bao điện thoại di động cho thấy cái chết hàng loạt. Nhiều người ở Trung Quốc duy trì nhiều thẻ SIM, với các số cũ thường xuyên bị xóa khỏi hệ thống.
Giải pháp thứ hai là ‘quan sát hành vi.
James Palmer giải thích: “Một cách khác để tìm ra những gì đang xảy ra ở Trung Quốc là xem xét cách các nhà chức trách hành xử, thay vì những gì họ đang nói. Ngay bây giờ, thì đó là tin tốt: Cuộc sống đang trở lại gần như bình thường ở hầu hết Trung Quốc, và các biện pháp cách ly đã bị giảm nghiêm trọng. Các bệnh viện không tràn ngập, và nhân viên y tế đang bị rút ra khỏi Vũ Hán. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không hoàn hảo, vì cũng đã có những đảo ngược bất ngờ, chẳng hạn như các rạp chiếu phim được mở cửa lại và lại bị đóng cửa trong vòng một ngày.”
Nói tóm lại, có rất nhiều nghi ngờ và suy đoán là Trung Quốc che giấu sự bùng phát của virus, nhưng không ai biết chính xác sự che giấu này nghiêm trọng đến đâu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52131363
Ý kiến chuyên gia: Đại dịch Vũ Hán
phơi bày ác tâm của chính quyền Trung Quốc
Hương Thảo
Những người có đức tin ở Trung Quốc đang ở trong tình cảnh nguy khốn, tựa như “chim Hoàng Yến bị đưa vào hầm mỏ” trong một ngạn ngữ phương Tây.
Đó là nhận định của bà Leila Gilbert, thành viên Viện Hudson và Hội đồng Nghiên cứu Gia đình (FRC) của Mỹ, đăng trên The Jerusalem Post ngày 31/3.
Là một chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu về tình trạng đàn áp tín ngưỡng trên thế giới, bà Gilber nhận thấy mọi con mắt quốc tế đều đang đổ dồn vào chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán đang trở thành mối đe dọa toàn cầu không gì sánh được.
Bà Gilbert nhận xét: “Thế giới đang theo dõi cách ông Tập Cận Bình xử sự, những gì ông ta toan tính và những gì ẩn giấu đằng sau bộ mặt mà chính quyền của ông ta bảo vệ quyết liệt”.
Trước sự soi xét kỹ lưỡng này, bà Gilbert cho rằng những nỗ lực bao che của Bắc Kinh là vô ích.
Đàn áp tín ngưỡng
Bà Gilbert đề cập đến báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, trong đó cho biết chính quyền Trung Quốc đang đối xử với dân tộc Duy Ngô Nhĩ như những người nô lệ, ép buộc họ phải làm việc tại các nhà máy giữa đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Tuyên bố của Ủy ban hôm 13/3 nêu rõ: “Chính quyền Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tình trạng ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác bằng cách buộc họ làm việc trong các nhà máy. Chúng tôi kêu gọi tất cả các công ty Mỹ, bao gồm Amazon, Nike, Apple và Calvin Klein, tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc, và ngừng mọi hoạt động nếu họ không thể loại bỏ dứt khoát việc sử dụng lao động cưỡng bức”.
Cũng trong khoảng thời gian này, bà Gilbert cho hay, một cuộc họp ngắn với nhiều người tham dự đã diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ, Tại cuộc họp, các chuyên gia đã trình bày chi tiết các bằng chứng về tội ác “thu hoạch nội tạng” từ các nạn nhân Duy Ngô Nhĩ để cung cấp cho những khách hàng có nhu cầu cấy ghép các nội tạng quan trọng như tim, thận, gan, phổi.
Bà Gilbert cũng chỉ trích tình trạng đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với các nhóm tín ngưỡng khác, trong đó có các Phật tử Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công, môn khí công tu luyện hiện có mặt tại hơn 100 quốc gia.
“Hàng chục triệu người Trung Quốc, những người thực hành Pháp Luân Công, một môn tu luyện theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn, là đối tượng bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, bỏ tù và tra tấn. Họ đã trở thành nhóm đối tượng chủ yếu của nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc”, bà Gilbert viết trên The Jerusalem Post.
Bà Gilbert cũng đề cập đến mối đe dọa đặt ra đối với đạo Kitô, một tôn giáo có số lượng tín đồ rất lớn ở Trung Quốc và chịu áp bức từ thời Mao Trạch Đông cho đến nay. Bà cho biết có nhiều thông tin nói rằng số lượng Kitô hữu ở Trung Quốc hiện nhiều hơn số lượng các Đảng viên Cộng sản Trung Quốc, một thực tế không phù hợp với quan điểm của Đảng.
Vẻ bề ngoài sụp đổ
Hoạt động đàn áp của chính quyền Trung Quốc không chỉ dừng lại việc kiểm soát tín ngưỡng của người dân.
Bà Gilbert viết: “Bất kỳ tiếng nói, bất kỳ đức tin, bất kỳ tuyên bố nào thách thức học thuyết của ĐCSTQ, hay nghi ngờ những chỉ thị của ông Tập, chắc chắn sẽ bị điều tra, bị chế giễu, buộc phải đính chính, và cuối cùng bị bịt miệng. Những người biểu tình ủng hộ dân chủ trẻ và tuổi can đảm ở Hồng Kông đều biết quá rõ điều này”.
Bà Gilbert đưa ra một ví dụ về trường hợp của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã dũng cảm cảnh báo công chúng về virus corona chủng mới, khi nó xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019. Chính quyền Trung Quốc lập tức trừng phạt bác sĩ Lý, bưng bít và kiểm duyệt thông tin, kết quả là bệnh dịch lây lan ra toàn Trung Quốc và thế giới.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc đã phơi bày rất nhiều hành động ngang ngược của ĐCSTQ, theo bà Gilbert.
Bà viết: “Chỉ tại sự bưng bít đáng hổ thẹn của họ về virus suốt hàng tháng trời, mà tính mạng của hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu người có thể sẽ bị hủy hoại”.
Theo bà Gilbert, dịch viêm phổi Vũ Hán lần này đã phơi bày “ác tâm của giới lãnh đạo ĐCSTQ”. Với virus viêm phổi chết người – COVID19, bà Gilbert cho rằng “sự giả tạo và vẻ bề ngoài của ĐCSTQ có thể sẽ thực sự sụp đổ.
“Nhờ đại dịch virus corona mới, một thế giới phẫn nộ đang xét lại chủ nghĩa chuyên quyền cực đoan của Trung Quốc, điển hình là các chính sách của Bắc Kinh về tự do tín ngưỡng”, bà Gilbert viết.
COVID-19: ‘Hãy cảnh giác
trước sự hào phóng có tính toán của TQ và Nga’
“Beware of Bad Samaritans” là tựa đề một bài báo cảnh giác về ý đồ phía sau hành động hào phóng của Trung Quốc và Nga để hỗ trợ một số nước bị tác động trong đại dịch Covid-19.
Bài báo đăng ngày 30/3 trên tạp chí Foreign Policy nói hành động của Nga và Trung Quốc (TQ) không vô vụ lợi mà nhắm vào các lợi ích địa chính trị của họ và tìm cách gây chia rẽ giữa các nước EU, và lôi kéo các thành viên của Liên minh NATO.
Tuyệt vọng vì không được các nước đồng hội EU trợ giúp lúc ban đầu, Nước Ý đã quay sang Nga và TQ. TT Nga Vladimir Putin đã gửi sang Ý 9 phi cơ và hơn 100 chuyên gia cùng với thiết bị y tế sau một cuộc điện đàm với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Theo tác giả bài báo, Moscow tuyên truyền rầm rộ về hành động hào phóng của mình, nhưng đến nơi người Ý mới phát hiện ra rằng đại đa số các vật dụng và thiết bị y tế của Nga hoàn toàn ‘vô dụng’ trong công tác chữa trị nạn nhân Covid-19.
Báo La Stampa dẫn lời một quan chức chính phủ Ý nói:
“80% các vật dụng y tế do Nga tiếp tế hoàn toàn vô dụng, hoặc không mấy có ích đối với Ý, nói cách khác, vụ chuyển giao hàng tiếp tế chỉ là một cái cớ.”
Vẫn theo quan chức này, các vật dụng do Nga cung cấp gồm các đơn vị khử trùng và phòng thí nghiệm, chứ không phải là những thứ mà Ý đang cấp thiết cần tới như máy trợ thở và các thiết bị bảo hộ cá nhân.
Tờ báo của Ý còn cho biết là điều khá lạ lùng là các chuyên gia Nga là do Bộ Quốc phòng, chứ không phải Bộ Y Tế Nga gửi sang giúp nước Ý. Trong nhóm có nhiều chuyên gia của quân đội về sinh học, hóa học và hạt nhân cao cấp, chứ không phải các nhân viên y tế bình thường mà Ý trông đợi có thể ra tuyến đầu và góp sức với các nhân viên y tế Ý đối phó với khủng hoảng.
Các sĩ quan quân y này đóng tại khu vực Bergamo, nơi Covid-19 hoành hành dữ dội, và cách Vicenza – địa điểm của một căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ, chưa đầy 2 tiếng đồng hồ.
Sự hiện diện của các chuyên gia quân y Nga tại một nước NATO, nhất là gần một căn cứ không quân Mỹ, gây lo sợ rằng người Nga có thể tận dụng thời gian ở đó để thu thập tin tình báo. Có một số dấu hiệu khả nghi như vào thời gian đội quân y tới Ý, NATO đã phải điều nhiều chiến đấu cơ lên chặn một máy bay quân sự Nga đang lảng vảng gần không phận NATO.
Theo tạp chí Forbes, Moscow đã khai thác những bất cập trong cách đáp ứng của EU trước dịch COVID-19 lúc ban đầu để gây chia rẽ trong liên minh NATO bằng cách phát động một chiến dịch ngoại giao để lấy lòng Ý giữa lúc nước này đang cảm thấy bị EU bỏ mặc để tự xoay sở trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất sau Thế Chiến thứ Hai.
Báo New York Times nói thật trớ trêu là Ý, một trong những nước thành lập NATO và đóng góp nhiều binh sĩ cho các sứ mạng ngoài NATO nhằm răn đe Nga, bây giờ lại chiến đấu chống Covid-19 với sự giúp đỡ của Nga, đối thủ chính của NATO.
Những tính toán của Trung Quốc
TQ cũng gửi nhân viên y tế và thiết bị sang giúp nước Ý, nước G7 đầu tiên hậu thuẫn Dự án ‘Vành Đai Con Đường’ quy mô lớn của TQ.
Bắc Kinh đã tuyên truyền rầm rộ về chuyến bay ngày 12/3 mang theo 31 tấn thiết bị y tế, trong đó có 40 máy trợ thở để giúp Ý. Hôm 25/3, TQ lại gửi thêm 30 máy trợ thở nữa.
Tạp chí Foreign Policy nhận định rằng với hơn 100.000 ca nhiễm, trên 10.000 ca tử vong ở Ý lúc đó thì sự hỗ trợ của TQ chỉ như hạt muối bỏ biển. So với Albania, một nước nghèo dân số chưa tới 3 triệu, đã gửi 30 bác sĩ và y tá sang giúp Ý. Sự hỗ trợ của TQ cũng chẳng là bao so với Đức – nước phải đối phó với hơn 60,000 ca nhiễm, và so với các nước láng giềng Châu Âu khác, dù có hơi muộn. Hoa Kỳ cũng gửi một máy bay vận tải chất đầy thiết bị y tế cho Ý như tường thuật của đài NPR.
Báo Foreign Policy nói trong khi Hội Chữ Thập Đỏ của TQ cung cấp một số thiết bị, Ý phải chi tiền ra để mua các vật dụng y tế khác. Tác giả bài báo nói nếu quả thật Bắc Kinh là người bạn chân thật, thì đã gửi hàng chục ngàn máy trợ thở cho Ý.
Điều khá kỳ lạ là cùng lúc chuyến bay đầu tiên đáp xuống đất Ý, báo chí nhà nước TQ bắt đầu tung tin đồn rằng vụ bột phát dịch Covid-19 cò thể đã xuất phát từ Ý.
TQ cũng gửi đồ tiếp tế cho các nước khác, nhưng theo Foreign Policy, những sự hỗ trợ của TQ không xứng tầm với một quốc gia có khả năng sản xuất đại trà, lại là nước mà lúc đầu đã thất bại, không xử lý thỏa đáng vụ bột phát để cho virus corona lây lan khắp thế giới.
Tạp chí về chính sách đối ngoại nói không như các nước Châu Âu đã kín đáo gửi hàng tiếp tế cho Bắc Kinh khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Bắc Kinh rầm rộ tuyên truyền khi gửi khẩu trang sang giúp Tây Ban Nha, Pháp, Serbia và các nước EU khác để thể hiện “quyền lực mềm”.
Trường hợp Tây Ban nha (TBN), nước có 85.000 ca nhiễm và hơn 7000 ca tử vong, gửi vật dụng y tế bằng máy bay tới nhanh hơn, nhưng Bắc Kinh chọn gửi bằng xe lửa chạy theo một tuyến đường thuộc Dự án Vành Đai Con đường của TQ trong một cuộc hành trình kéo dài tới 17 ngày.
Đài CGTN của nhà nước TQ tự hào loan báo giá trị của các vât dụng tiếp tế cho TBN là 49.325 USD, nhưng không đề cập tới việc TBN mua thiết bị y tế của TQ trị giá 473 triệu USD, chỉ để khám phá ra rằng các bộ xét nghiệm của TQ không đạt tiêu chuẩn. TQ cũng không nói tới chuyện Hà Lan mua 1,3 triệu khẩu trang của TQ, phân nửa trong số này không đủ tiêu chuẩn.
Theo Foreign Policy, TQ chọn những nước họ muốn giúp một cách có chủ ý vì lợi ích địa chính trị hoặc để vận động cho công ty TQ làm ăn, không như các nước Tây phương thường dẹp bỏ hận thù để giúp vô vụ lợi đối thủ của mình trước tai ương, như Mỹ gỡ cấm vận để các công ty Mỹ có thể giúp Iran trong trận động đất 2012, như Hải quân Hoàng gia Anh giúp tìm tàu ngầm Kursk của Nga bị mất tích cách đây 20 năm, và gần đây nhất, EU và chính phủ Mỹ lập tức gửi hàng tấn thiết bị y tế cho TQ khi dịch corona bùng phát ở Vũ Hán.
Hà Lan, Tây ban nha và Ý đều nhận khẩu trang từ Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của TQ đang ráo riết vận động để được làm ăn ở Châu Âu.
Một nước không được TQ chiếu cố là Thụy Điển. TQ vốn không có thiện cảm với Thụy Điển vì nước này đã từng đòi Bắc Kinh trả tự do cho ông Gui Minhai, chủ hiệu sách ở Hong Kong có quốc tịch Thụy Điển, bị bắt giữ ở Hoa Lục.
Xây dựng Đường tơ lụa
Đài NPR của Mỹ tường trình rằng trong một cuộc điện đàm vào giữa tháng Ba, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte rằng TQ sẵn sàng hợp tác với Ý để chống dịch và “xây dựng Đường Tơ Lụa Y tế” (Health Silk Road).
Chiến dịch ngoại giao của TQ đã mang lại kết quả nhất định. Thứ trưởng Ngoại giao Ý Manlio di Stefano tuyên bố trên đài phát thanh hôm 27/3: “Trong giờ phút nguy nan, người giúp ta là Bạn ta”, ông gạt sang bên thái độ nghi kỵ của nhiều người về sự giúp đỡ của TQ và Nga, mà ông cho là “ngu xuẩn.”
Bài báo kết luận rằng TQ và Nga không phải là những nước hảo tâm vô vụ lợi, mà khi chìa tay ra giúp, TQ và Nga rõ ràng trông đợi được hồi đáp.
Foreign Policy cũng chỉ trích các nước Châu Âu đã từ bỏ trách nhiệm ‘một cách đáng xấu hổ’, không giúp Ý trong giờ đen tối nhất, tạo cơ hội cho TQ nhảy vào thế chỗ.
Trong các nước được TQ chọn giúp, Ý và Tây Ban Nha được coi là những mắt xích yếu trong liên minh NATO. Serbia dù không có nhiều ca nhiễm nhưng là một ứng viên NATO mà TQ muốn chinh phục, và Công hòa Séc, không phải là một điểm nóng của dịch, nhưng là nước mà TQ đang ra sức ve vãn.
Báo Le Figaro của Pháp nói trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã nhận ra một cơ hội để thăng tiến các lợi ích địa chính trị của mình, quảng cáo hình ảnh của mình trong tư cách một cường quốc có trách nhiệm, đối với hính ảnh một nước Mỹ dưới quyền TT Donald Trump với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”.
Virus corona: Các nước đang làm gì để chống dịch
Reality CheckBBC News
Các nước trên khắp thế giới đang thực hiện các biện pháp quyết liệt khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Nhiều nước đã cho đóng cửa biên giới với các nước khác, trừ công dân của họ, áp đặt lệnh kiểm soát ngặt nghèo việc di chuyển trong nước, và yêu cầu mọi người ở trong nhà.
Nước nào đang hạn chế người nước ngoài nhập cảnh?
Một số biện pháp hạn chế nhập cảnh đầu tiên được áp dụng cho du khách đến từ Trung Quốc, nhưng sau đó các quốc gia khác đã được thêm vào danh sách khi virus bắt lây lan sang các nơi khác.
Ai có thể giúp những người Việt lao động khốn khổ tại Thái?
Covid-19: Virus có thể lây khắp toà nhà chỉ sau vài giờ
Việt Nam đã ‘phản ứng nghiêm túc’ trước Covid-19
Nhật Bản, trước đây cấm nhập cảnh đối với du khách từ một số khu vực của Trung Quốc và Hàn Quốc, hiện đã mở rộng đến 21 quốc gia châu Âu và Iran, đồng thời yêu cầu những người đến từ Mỹ phải cách ly trong 14 ngày.
Úc và New Zealand đã cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh. Úc yêu cầu các công dân trở về từ nước ngoài phải cách ly trong hai tuần.
Singapore cũng không cho khách nước ngoài nhập cảnh và yêu cầu mọi công dân phải cách ly tại nhà 14 ngày.
Hàn Quốc thông báo bất cứ ai nhập cảnh vào nước này từ nước ngoài, bao gồm cả công dân của họ, sẽ phải tự cách ly trong hai tuần.
Ấn Độ đã tạm ngưng cấp thị thực cho người nước ngoài cho đến giữa tháng Tư.
Canada, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã áp đặt các biện pháp hạn chế.
Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa biên giới vào ngày 18/3 với bất kỳ ai ngoài EU trong ít nhất 30 ngày.
Hoa Kỳ đã đóng cửa biên giới phía bắc với Canada và đang đàn áp những người cố gắng vượt biên trái phép từ Mexico.
Trung Quốc, nơi bắt đầu bùng phát Covid-19, hiện đã cấm tất cả khách nước ngoài, lo ngại rằng các trường hợp nhiễm virus mới đang bắt đầu đến từ nước ngoài.
Lệnh hạn chế đi lại ở các nước?
Trên khắp thế giới, ngày càng nhiều quốc gia đặt ra các lệnh hạn chế di chuyển đối với công dân của mình, dẫn đến sự nhầm lẫn ở một số nơi về những gì được phép và những gì không.
Ý – nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh – bắt đầu lệnh phong tỏa toàn quốc vào 12/3, lệnh này đã được kéo dài hơn ngày kết thúc dự kiến ban đầu là 25/3, và dần dần được thắt chặt hơn.
Pháp và Tây Ban Nha cũng thông báo với người dân rằng khi cần đi đâu họ phải xin phép, và lệnh hạn chế này ngày càng được thắt chặt khi các ca nhiễm virus tiếp tục gia tăng.
Vương quốc Anh cũng tham gia cùng các nước khác trong việc áp đặt các hạn chế di chuyển trong nước, mặc dù người dân được phép ra ngoài một lần một ngày để mua sắm các nhu yếu phẩm cơ bản, vì lý do y tế hoặc đi làm nếu thực sự cần thiết.
Đã có những câu hỏi ở Anh và những nơi khác về cách diễn giải các quy định hạn chế di chuyển này. Một số người đã chỉ trích cách thức giới chức đang thực thi chúng.
Chính quyền ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Anh đã công bố mức phạt cho những người không tuân thủ lệnh cấm. Tại Lombardy, Ý, mức phạt này lên tới 5.000 Euro.
Các lệnh phong tỏa ở Đức thay đổi đôi chút theo từng tiểu bang, nhưng vẫn cho phép mọi người rời khỏi nhà để hít thở chút không khí trong lành.
Hiện Mỹ đang áp các lệnh hạn chế di chuyển trên khắp các tiểu bang. California không cho phép người dân rời khỏi nhà trừ khi thực sự cần thiết và buộc các doanh nghiệp được coi là không thiết yếu phải đóng cửa.
New York, nơi có số ca mắc virus corona cao nhất ở Mỹ, cũng áp đặt lệnh phong tỏa.
Khi dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc, chính quyền tại đây đã hạn chế đi lại trên toàn quốc yêu cầu người dân ở nhà, chỉ gần đây mới nới lỏng lệnh này.
Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi virus khởi phát, các hạn chế đi lại hiện đang được nới lỏng, cho phép một số người ở những nơi khác vào và ra.
Thành phố Vũ Hán sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào 8/4.
Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với 1,3 tỷ dân khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.
Nga kêu gọi người dân ở trong nhà.
Nhiều quốc gia khác cũng đã hạn chế di chuyển ở các mức độ khác nhau. Thụy Điển là một ngoại lệ với ít lệnh hạn chế hơn các nước châu Âu khác.
Những biện pháp khác?
Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các nước xét nghiệm càng nhiều càng tốt để tìm ra người bị nhiễm bệnh, từ đó có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Nhưng đã có sự khác nhau lớn trong việc tiến hành xét nghiệm.
Hàn Quốc đã xét nghiệm nhiều nhất trong tổng dân số trong khi những nước khác xét nghiệm ít hơn nhiều, mặc dù hiện tại họ đang tăng lên.
Hoa Kỳ, nơi tương đối chậm chạp trong việc thực hiện chương trình xét nghiệm, đã mở rộng xét nghiệm trên toàn quốc.
Các bước khác đóng cửa các địa điểm tập trung đông người, ví dụ như trường học và viện.
Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 87% những người đi học trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học.
Cơ quan giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc Unesco cho hay tính đến 30/3, hơn 180 quốc gia đã đóng cửa trường học.
Đại dịch Covid-19 cũng có tác động lớn đến các sự kiện thể thao, vì các quốc gia đã tìm cách hạn chế các cuộc tụ họp đông người.
Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã bị hoãn lại cho đến năm sau.
Nhưng cũng có một tác động lớn đến một loạt các sự kiện thể thao lớn khác, bao gồm bóng đá, liên đoàn bóng bầu dục, đua xe Công thức 1, quần vợt, bóng chày, golf và những giải thể thao khác.
Nhiều sự kiện văn hóa và tôn giáo lớn trên khắp thế giới bị hủy bỏ, bao gồm các liên hoan phim, các sự kiện âm nhạc lớn và các cuộc hành hương tôn giáo.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52131268
Virus corona:
Hội đồng chuyên gia đánh giá việc đeo khẩu trang
David ShukmanBiên tập viên Khoa học
Chúng ta có nên đeo khẩu trang để giúp làm ngăn chặn sự lây lan của virus corona không?
Câu hỏi này được đánh giá bởi nhóm cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhóm cố vấn sẽ cân nhắc các nghiên cứu về việc liệu virus có thể lây lan hơn so với suy nghĩ trước đây hay không; một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy giọt ho có thể bắn đi tới 6m và hắt hơi tới 8m.
Chủ tịch hội thảo, Giáo sư David Heymann, nói với BBC News rằng nghiên cứu mới có thể dẫn đến sự thay đổi trong lời khuyên về việc đeo khẩu trang.
Cựu giám đốc của WHO giải thích:
“WHO đang mở lại cuộc thảo luận để xem xét các bằng chứng mới và cân nhắc đưa ra những lời khuyến cáo mới về việc đeo khẩu trang
Lời khuyên hiện tại là gì?
WHO khuyến cáo nên giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với bất kỳ ai ho hoặc hắt hơi để tránh nguy cơ nhiễm virus.
Đồng thời, những người bị bệnh và có triệu chứng nên đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, WHO khuyên rằng những người khỏe mạnh chỉ cần đeo khẩu trang nếu họ đang chăm sóc cho người nghi ngờ bị nhiễm bệnh hoặc chính họ bị ho hoặc hắt hơi.
Khuyến cáo nhấn mạnh rằng khẩu trang chỉ có hiệu quả nếu kết hợp với việc rửa tay thường xuyên và vứt bỏ rác đúng cách.
Vương quốc Anh, cùng với các quốc gia khác bao gồm Hoa Kỳ, khuyên rằng thực hiện cách giản xã hội nên có nghĩa là giao tiếp cách nhau ít nhất 2m.
Lời khuyên này dựa trên những bằng chứng cho thấy virus chỉ có thể lây nhiễm qua những giọt chất lỏng.
Hầu hết mọi người hiểu rằng, những giọt chất lỏng sẽ bốc hơi hoặc rơi xuống đất gần người phát ra chúng thông qua hắt hơi hoặc ho.
Nghiên cứu mới nói sao?
Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Cambridge, Mỹ, đã sử dụng máy ảnh tốc độ cao và các cảm biến khác để đánh giá chính xác những gì diễn ra sau khi một người ho hoặc hắt hơi.
Họ phát hiện ra rằng việc thở ra tạo ra một đám mây khí chuyển động nhanh có thể chứa các giọt chất lỏng có kích cỡ khác nhau – và những hạt nhỏ nhất có thể được mang đi trong đám mây với một khoảng cách dài.
Nghiên cứu – được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm – cho thấy ho có thể phóng ra chất lỏng cách xa tới 6m và hắt hơi, liên quan đến tốc độ cao hơn nhiều, có thể đạt tới 8m.
Điều này có nghĩa là gì?
Nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu, Giáo sư Lydia Bourouiba của MIT, nói với tôi rằng cô quan tâm đến khái niệm “khoảng cách an toàn” hiện nay.
“Khi chúng ta thở ra, ho hoặc hắt hơi, một đám mây khí có động lượng cao có khả năng dịch chuyển xa, nhốt những giọt nước với mọi kích cỡ trong đó và mang chúng đi khắp phòng”, cô nói.
“Vì vậy, cho rằng chúng ta an toàn ở khoảng cách một đến hai mét là một ý tưởng sai lầm, ý nghĩ rằng những giọt nước sẽ rơi xuống đất ở khoảng cách đó, không dựa trên những gì chúng tôi đã định lượng, đo lường và hình dung trực tiếp.”
Điều này có thay đổi lời khuyên về khẩu trang?
Quan điểm của giáo sư Bourouiba là trong một số tình huống, đặc biệt là trong nhà hay ở phòng thông gió kém, đeo khẩu trang sẽ giảm thiểu rủi ro.
Ví dụ, khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, khẩu trang có thể giúp chuyển hướng hơi thở và đưa virus xa khỏi miệng bạn.
“Khẩu trang mỏng sẽ không bảo vệ khỏi việc hít phải các hạt nhỏ nhất trong không khí vì chúng không có màng lọc”, Giáo sư Bourouiba nói.
“Nhưng nó có khả năng chuyển hướng đám mây đang được phát ra với động lượng cao sang một bên thay vì hướng về phía trước.”
Các cố vấn của WHO nghĩ gì?
Theo giáo sư Heymann, nghiên cứu mới từ MIT và các tổ chức khác sẽ được xem xét và đánh giá vì nó cho thấy rằng những giọt nước từ ho và hắt hơi có thể được bắn đi xa hơn so với suy nghĩ ban đầu.
Ông nói rằng nếu các bằng chứng được củng cố, thì “có thể việc đeo khẩu trang cũng hiệu quả không kém hoặc hiệu quả hơn so với việc giãn cách cự ly”.
Nhưng ông thêm một cảnh báo rằng khẩu trang cần phải được đeo đúng cách, với một con dấu trên mũi. Nếu chúng bị ẩm ướt, Giáo sư Heymann giải thích, các hạt sau đó có thể đi qua. Mọi người phải vứt bỏ khẩu trang cẩn thận để tránh tay bị nhiễm bẩn.
Ông nói thêm rằng khẩu trang cần phải được đeo một cách nhất quán.
“Không phải là đeo khẩu trang và sau đó quyết định tháo nó ra để hút thuốc lá hoặc ăn một bữa ăn – mà phải được đeo toàn thời gian,” ông nói.
Đeo khẩu trang có chống được virus corona không?
Vì sao một số nước đề nghị đeo khẩu trang, số khác thì không?
Virus corona: Các nước đang làm gì để chống dịch
Cuộc thảo luận, được gọi là Nhóm tư vấn chiến lược và kỹ thuật cho các mối nguy truyền nhiễm, sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo qua mạng trong vài ngày tới.
Người phát ngôn của Bộ Y tế Công cộng Anh cho biết có rất ít bằng chứng về lợi ích phổ quát của việc đeo khẩu trang ở ngoài môi trường y khoa.
“Khẩu trang phải được đeo đúng cách, thay thường xuyên, vứt bỏ đúng cách, xử lý an toàn và được sử dụng kết hợp với việc vệ sinh phổ quát tốt để chúng có hiệu quả.
“Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc tuân thủ các hành vi được khuyến nghị này sẽ giảm theo thời gian khi đeo khẩu trang trong thời gian dài.”
Các quốc gia có thay đổi lời khuyên về khẩu trang?
Từ lâu, việc đeo khẩu trang đã phổ biến tại nhiều quốc gia ở châu Á. Hiện khẩu trang đang được Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đánh giá để sử dụng công cộng.
Ở Áo, cảnh sát hiện đều đeo khẩu trang và bất cứ ai khi tiếp nhận các vụ án hay tiếp xúc với người dân. Các siêu thị ở quốc gia này cũng nhấn mạnh khách hàng đến mua sắm cũng phải đeo khẩu trang.
Cảnh tượng mọi người đeo khẩu trang hiếm bắt gặp ở châu Âu đang trở nên phổ biến hơn. Và lời khuyên mới từ WHO sẽ thúc đẩy sự thay đổi đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52131348
Mẹo thở chậm để tránh được nhiều bệnh tật
David RobsonBBC Worklife
Chỉ 10 giây sau khi chào đời, cú sốc của thế giới mới đầy thách thức khiến lồng ngực bạn bất ngờ và bắt đầu hoạt động với việc bạn cố hít thở lần đầu tiên.
Phổi sẽ không ngừng làm việc kể từ đó. Một người trưởng thành trong trạng thái nghỉ ngơi thở khoảng 16 nhịp mỗi phút – hay 23.000 nhịp thở mỗi ngày. Đến khi 30 tuổi, bạn đã hít vào thở ra chừng 250 triệu lần.
Covid-19: Virus có thể lây khắp toà nhà chỉ sau vài giờ
Covid-19: Làm việc ở nhà trong thời chống dịch thế nào
Nụ hôn tử thần và gia vị cuộc sống
Có thể bạn nghĩ với chừng đó số lần thực hành, tất cả chúng ta đều là chuyên gia hô hấp cả rồi. Vậy ta còn cần học thêm gì từ bản năng cơ bản này chứ?
Câu trả lời là “còn phải học nhiều”.
Nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy hơi thở ngắn, nông và không tập trung có thể trở thành nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề như lo lắng, trầm cảm và cao huyết áp. Vì vậy, kiểm soát phổi tốt hơn có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tâm thần của con người.
Thật ngạc nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra một nhịp độ thở đặc thù – khoảng sáu nhịp thở ra trong một phút – có thể cực kỳ có tác dụng hồi phục, kích hoạt “phản ứng thư giãn” trong não và cơ thể.
Bên cạnh những huấn luyện viên tạo cảm hứng cho cuộc sống của chúng ta, hay dạy ta tập tành để có cơ thể thon gọn, thì việc tìm đến các huấn luyện viên hướng dẫn thở cho đúng cách cũng đang bắt đầu thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn lớn. Các công ty hy vọng cách này có thể giúp nhân viên tập trung tâm trí, đối phó được với sự căng thẳng hàng ngày trong công việc.
‘Tăng tốc thư giãn’
Cũng giống như một hoạt động thời thượng lúc này là tập thiền, việc tập thở lấy cảm hứng từ lời răn dạy trong những thư tịch cổ, mà đáng chú ý nhất là trong những bài kinh Ấn Giáo và Vệ Đà, theo đó tụng ca tầm quan trọng của việc điều khiển nhịp thở thông qua các bài tập như yoga pranayama.
Thực sự thì bạn sẽ được tha thứ nếu băn khoăn tự hỏi liệu tập thở có phải chỉ là tên khác của môn ngồi thiền hay không, vì rõ ràng là rất nhiều khóa học thiền đã khuyến khích người học tập trung sự chú ý vào việc hít vào, thở ra.
Sống nghèo khổ khiến đàn ông dễ bị trầm cảm
Những tiếng ồn công sở khiến ta nổi khùng
Chất thải của người tiết lộ điều gì
Tuy nhiên, thiền học có xu hướng liên quan đến sự quan sát thụ động – “quan sát hơi thở” – trong khi tập thở đòi hỏi bạn chủ động thay đổi cách thở.
Điều này bao gồm đảm bảo rằng bạn thở bằng cơ hoành (thay vì di chuyển ngực) để không khí có thể vào đầy phổi, trong khi đó vẫn chủ động làm giảm tốc độ nhịp thở so với nhịp thở trung bình trong trạng thái nghỉ ngơi.
Theo những người thực hành, những ai có nhịp thở chậm và sâu sẽ kích thích hàng loạt các phản ứng sinh lý tăng tốc đưa bạn vào trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn, so với những bài tập thiền thụ động.
“Nó có tác dụng như một con dốc giúp ta đi vào trạng thái thiền, giúp tâm trí bình tĩnh lại nhanh hơn để bạn có thể có kết quả tốt hơn khi thiền định,” Richie Bostock, một huấn luyện viên tập thở làm việc ở London giải thích.
Ông là tác giả của cuốn sách “Thở ra” [Exhale] sẽ xuất bản cuối năm nay.
“Trong thực tế, tôi gọi một số thói quen tôi giảng dạy là “Thiền định với Năng lượng Tên lửa” vì hiệu quả sâu sắc giúp trấn an tâm trí cực nhanh và đưa bạn đến trạng thái ngưng suy nghĩ.”
Các bằng chứng khoa học có vẻ như đồng tình với ý kiến trên. Những người tham gia nghiên cứu đang cực kỳ căng thẳng đã giảm được huyết áp trong một thời gian ngắn sau khi thực hành các bài tập thở chậm theo hướng dẫn, hiệu ứng có vẻ như có tác dụng hơn hẳn so với thiền định không kiểm soát hơi thở.
Một bài tổng kết các bài nghiên cứu liên quan cũng cho thấy thở sâu và chậm có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của trầm cảm và lo âu, và có vẻ như nó cũng giúp giảm tình trạng mất ngủ.
Trong khi đó, một nghiên cứu do Hassan Jafari từ Đại học King’s College London thực hiện cho thấy thở sâu có thể giúp tăng cường khả năng kiểm soát cơn đau trên cơ thể ta.
Vì những lợi ích đó, một số nhà khoa học đề xuất rằng kỹ thuật thở có thể giúp bệnh nhân ứng phó với những cơn đau kinh niên như bệnh viêm khớp. (Nếu có bệnh, bạn nên tham vấn với bác sĩ trước khi thử bất cứ liệu pháp gì mới.)
‘Khuếch đại nhịp điệu cơ bản’
Lý do vì sao thở chậm và thở sâu đem lại những thay đổi trên vẫn còn chưa rõ ràng, mặc dù đã có người đề xuất một vài lý thuyết.
Một ý tưởng khá hứa hẹn tập trung vào các dây thần kinh cảm giác quanh ngực – hiệu ứng mà ta sẽ cảm thấy mỗi khi hít vào đến căng lồng ngực.
“Bạn có thể cảm nhận được bằng cách đơn giản là thở sâu đến mức tối đa,” Donald Noble từ Đại học Emory ở Hoa Kỳ giải thích.
Cảm giác áp lực đến từ một loạt các cảm biến co giãn quy định độ giãn nở của phổi.
Ngực vận động do sự thư giãn của cơ hoành khi ta thở ra cũng tạo áp lực lên mạch máu đưa máu vào tim, cuối cùng sẽ kích thích một loạt các cảm ứng khác (gọi là barorceptor – thụ thể nhận cảm áp) ở động mạch.
Cả hai loại cảm biến này sẽ tác động vào stem não, và Noble cho rằng khi ta thở sâu, hoạt động ở các vùng khác có thể đồng bộ hóa với sự kích thích bền vững lặp đi lặp lại này.
Kết quả là nó sẽ làm chậm lại sóng não giúp ta bước vào trạng thái tỉnh thức nghỉ ngơi.
Hơi thở ngắn và nông không kích thích não bộ và những dây thần kinh này một cách hiệu quả; bạn cần hít thật sâu và thở ra thật dài để có thể kích thích đúng nhịp điệu trong não.
Cũng quan trọng không kém, những thụ thể nhận cảm áp này, vốn nhạy cảm trước áp lực và nằm ở những động mạch quanh tim, sẽ tác động đến dây thần kinh phế vị.
Đây là nhân tố thiết yếu cho hệ thần kinh được cho là đặc biệt quan trọng làm giảm phản ứng “chiến hay chạy” sau khi mối đe dọa biến mất.
“Nó cho phép cơ thể tập trung vào những thứ cơ bản để hồi phục hay nuôi dưỡng,” Noble giải thích – một trạng thái thường được biết đến là “nghỉ ngơi và tiêu hóa”.
Bằng cách liên tục kích thích dây phần kinh phế vị trong suốt khoảng thời gian hít thở kéo dài, hơi thở chậm đưa hệ thần kinh về trạng thái nghỉ ngơi, dẫn đến thay đổi tích cực, như nhịp tim chậm hơn, huyết áp thấp hơn.
Điều thú vị là những người tập thở có vẻ như tìm được điểm hoàn hảo vào khoảng sáu nhịp thở một phút.
Nhịp thở này có vẻ như đem lại sự thư giãn rõ rệt qua một số vòng phản hồi tích cực giữa phổi, tim và não.
“Có vẻ như bạn mở ra hoặc kích thích sự khuếch đại nhịp sinh lý học cơ bản,” Noble nói. Ông chỉ ra rằng nhịp điệu này có thể thấy trong những hành động lặp đi lặp lại của nhiều nghi lễ tôn giáo – chẳng hạn như những lời cầu nguyện “Ave Maria” mở đầu Kinh Kính Mừng và những câu chú tụng của môn yoga.
Có lẽ những nghi thức trên đã tiến hóa từ phát hiện trong vô thức về nhịp thở giúp cơ thể hồi phục và khả năng đưa con người vào trạng thái thư giãn nhưng vẫn tập trung tâm trí.
Ngoài việc giúp sức khỏe tim mạch cải thiện, nhịp thở chậm hơn ở tốc độ sáu nhịp một phút cũng có vẻ như là tối ưu, giúp kiểm soát cơn đau, theo nghiên cứu của Jafari.
Điều này có lẽ nhờ vào sự trấn an tâm lý đến từ nhịp thở chậm, cũng tương tự như việc thay đổi tâm lý trực tiếp sẽ tác động đến độ nhạy cảm của cơn đau. “Chúng tôi tin rằng hiệu ứng tâm lý, nhất là việc thay đổi sự chú ý và kỳ vọng của một người, đóng vai trò quan trọng trong việc có tác dụng giảm đau của các phương pháp này,” ông nói.
Hỗ trợ của công nghệ?
Do ngày càng có nhiều những bằng chứng cho thấy ích lợi của việc thở sâu, ta có thể nghe nói rất nhiều về sức mạnh của việc thở có kiểm soát – trong sách vở và tạp chí, trong chương trình về phong cách sống trên truyền hình và ở chỗ làm, vì ngày càng nhiều công ty muốn hướng dẫn kỹ thuật thở để giúp nhân viên kiểm soát căng thẳng.
Bostock là một trong rất nhiều huấn luyện viên tổ chức các khóa tu học thở và các khóa học tại công ty.
Ông cho biết gần đây nhu cầu đã “bùng nổ”, với nhiều khách hàng gồm cả các ngân hàng lớn, các công ty tư vấn quản lý và công ty công nghệ.
Một phần họ bị hấp dẫn vì tính đơn giản của nó, ông giải thích.
“Bạn không cần phải có kinh nghiệm với thiền định hay tập thiền. Một khi bạn học về cách hơi thở tác động đến tâm trí và cơ thể, thì giờ đây bạn đã có cách nhanh chóng và dễ dàng giúp thay đổi trạng thái, dù là để giảm căng thẳng, hồi hộp, hay tăng cường năng lượng và sự tập trung, và thậm chí hỗ trợ trong việc giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.”
Trong tương lai, hành trình của ta bước vào sự nghỉ ngơi sâu có thể được hướng dẫn từ những thiết bị ghi nhận phản hồi sinh lý học của cơ thể với bài tập thở.
Chẳng hạn, một thử nghiệm gần đây đưa người tham dự vào một bãi biển trong không gian thực tế ảo vào buổi hoàng hôn.
Sự khác biệt nhịp tim của họ sẽ được minh họa bằng mây ở chân trời; khi họ càng thư giãn, thì bầu trời càng trong xanh.
Phản hồi tức thời có vẻ như khiến hành trình đi đến sự thư giãn của họ dễ dàng hơn – và khi họ đạt đến mức thư giãn, một ngọn lửa trại được nhóm trên bãi biển, khẳng định lại cảm giác đạt được mục tiêu trong họ.
Điều này giúp họ quay trở lại trạng thái thư giãn trong bài kiểm tra nhận thức sau đó, và tăng cường sự tập trung.
Có rất nhiều ứng dụng điện thoại cho biết họ đang xây dựng nội dung tương tự, mặc dù không phải tất cả đều nghiêm túc kiểm nghiệm tính hiệu quả của ứng dụng.
Tất nhiên, những người tập yoga đã hưởng lợi từ điều này trong hàng nghìn năm mà không hề có công nghệ gì hỗ trợ.
Nghiên cứu khoa học mới nhất đơn thuần giúp ta hiểu lý do vì sao những bài tập đó lại có ích như vậy, ngoài bối cảnh tôn giáo và tâm linh, và để tìm ra những cách thức mới tiềm năng tối ưu hóa lợi ích.
Nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng, có lẽ đã đến lúc thở dài vài hơi cho khuây khỏa.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-52139865
Covid-19 : 31 tỷ euro vé máy bay sẽ được hoàn trả ?
Tuấn Thảo
Dịch Covid-19 chẳng những làm xáo trộn toàn bộ ngành hàng không dân dụng, mà còn đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của các hãng máy bay. Nhiều công ty vốn đã gặp khó khăn tài chính trước khi đại dịch virus corona bùng phát, sẽ càng khó mà vực dậy sau khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, liệu các hãng hàng không có đủ khả năng để hoàn trả các vé máy bay ở mức 31 tỷ euro.
Theo báo Les Échos, trước mắt các công ty như Alitalia, Srilankan, Etihad, Hainan Airlines, Hong Kong Airlines ….. đều có nguy cơ bị phá sản. Nhiều công ty khác cũng bị đe dọa nghiêm trọng như Thai Airways, Norwegian, Air India, Garuda, Aeroflot, South African Airways, Tap Air Portugal, đang trông chờ nơi sự ‘‘can thiệp’’ tài chính của nhà nước.
Theo báo Les Échos, trước tình trạng cực kỳ khó khăn như hiện thời, các công ty buộc phải ứng phó với nhiều chiến lược khác nhau. Công ty Lufthansa của Đức sở hữu đội máy bay của mình và cho dù phi cơ không được phép cất cánh, nhưng vẫn hạn chế được mức thiệt thòi. Ngược lại, hai công ty Swiss Air và Austrian Air tuy ở trong cùng một liên doanh thương mại, nhưng lại không may mắn như Lufthansa. Nói cách khác, khả năng sinh tồn của một công ty không chỉ đơn thuần tùy thuộc vào doanh thu hàng năm.
Đa số các công ty hàng không chuyên mướn một số máy bay để khai thác như trường hợp của British Airways của Anh hay là Air France của Pháp, đang bị thất thu hàng triệu euro mỗi ngày khi phi cơ không được sử dụng. Chỉ riêng trong tháng 03/2020, tập đoàn Air France-KLM đã hủy hơn 3.600 chuyến bay nội địa cũng như quốc tế.
Theo ông Alian Battisti, chủ tịch liên đoàn quốc gia ngành hàng không thương mại FNAM, các công ty Pháp kỳ này sẽ mất từ một đến hai tỷ euro. Trong lịch sử hàng không dân dụng, ít có bao giờ ngành hàng không bị chấn động mạnh đến như thế.
Thật vậy, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra còn nghiêm trọng hơn cả biến cố 11/09/2001 tại Hoa Kỳ từng khiến cho 8 hãng máy bay buộc phải đóng cửa, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã gây hơn 100 tỷ đô la thiệt hại cho ngành hàng không dân dụng.
Trong bối cảnh đó, các công ty hàng không nhất là tại châu Âu, còn buộc phải hoàn trả vé máy bay mà hành khách đã đặt trong khoảng thời gian ba tháng, tính từ khi dịch virus corona bùng phát. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đây là một bài toán nan giải, do mức thiệt hại tính chung của các hãng hàng không quốc tế lên tới 55 tỷ euro.
Đồng thời, số lượng vé máy bay bị hủy, do các chuyến bay đã không được đảm bảo (chứ không phải là do trách nhiệm của hành khách) được ước tính khoảng 31 tỷ euro. Trên nguyên tắc, hành khách tại châu Âu có thể yêu cầu các hãng may bay hoàn lại tiền vé, do các quy định bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo báo Le Parisien, vào ngày 18/03/2020 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã ra thông cáo cho biết các hành khách có chuyến bay bị hủy, có hai lựa chọn : một là họ đòi hoàn tiền vé, hai là họ có thể dời lại chuyến bay trong vòng một năm, tức là cho tới tháng 03/2021.
Nếu các biện pháp này được áp dụng tới nơi tới chốn, ngành hàng không dân dụng châu Âu nói riêng sẽ phải tốn khoảng 9 tỷ euro, còn ngành hàng không quốc tế nói chung sẽ phải chi 31 tỷ euro. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới, dù có bao thiện chí đi chăng nữa, vẫn khó thể nào mà thực hiện đề nghị hoàn trả này.
Để có thể tồn tại, các hãng hàng không đang tìm cách hạn chế cú sốc của dịch Covid-19, bằng cách dàn trải các chi phí trong một khoản thời gian càng dài càng tốt. Một số hãng hàng không như Air France, Easyjet, Iberia đã bắt đầu cung cấp cho hành khách ‘‘một khoản tín dụng’’ tương đương với một chuyến bay khứ hồi với cùng một điểm đến, có giá trị trong vòng một năm.
Một số công ty dễ dãi hơn cho phép hành khách bay đến bất cứ nơi nào, với điều kiện họ phải thanh toán mức giá chênh lệch. Trong trường hợp khoản tín dụng này không được dùng cho tới mùa xuân năm 2021, thì lúc ấy, hành khách mới được hoàn trả tiền mặt.
Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Theo báo La Tribune, việc hoàn tiền vé cho hành khách chưa chắc gì sẽ thuận lợi dễ dàng. Đối với các hành khách đã mua vé với công ty hàng không trên mạng hay tại các văn phòng đại diện chính thức, hành khách có thể trực tiếp nộp đơn xin hoàn trả. Nhưng đối với những ai đã mua vé thông qua trung gian của các công ty du lịch, thì thủ tục lại trở nên rườm rà, phức tạp hơn.
Theo La Tribune, chính cũng vì từ đây cho tới năm sau, chưa chắc gì một số công ty vẫn còn tồn tại, cbo nên các hăng hàng không được yêu cầu ký gửi càng sớm càng tốt số tiền dự trù được hoàn trả vào ‘‘một quỹ bồi thường’’. Việc giải ngân phù thuộc vào các điều kiện thỏa thuận và đôi khi chỉ ở một mức tối thiểu trong trường hợp các hãng hàng không không còn khả năng hoạt động.
NATO tìm cách tăng tốc độ vận chuyển
hàng viện trợ y tế,đồng thời cảnh giác
với các cuộc tập trận của Nga
Tin từ BRUSSELS, Bỉ – Người đứng đầu NATO cho biết liên minh này sẽ tăng tốc độ vận chuyển hàng viện trợ y tế cho các đồng minh chịu thiệt hại nặng nề nhất từ coronavirus nhưng phải tập trung bảo vệ châu Âu, sau các cuộc tập trận quân sự lớn của Nga được các đồng minh xem là tín hiệu không lành từ Moscow. Các bộ trưởng ngoại giao NATO sẽ thảo luận về các biện pháp viện trợ vào hôm thứ Năm thông qua hội nghị trực tuyến.
Đây là hội nghị trực tuyến đầu tiên cho cấp bộ trưởng của liên minh, sau khi các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Czech bắt đầu vận chuyển hàng cho Ý và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khuyến cáo rằng nhiệm vụ chính của NATO là bảo vệ lãnh thổ đồng minh. Ông tuyên bố rằng liên minh này được Nga thông báo vào cuối tháng 3 về các cuộc tập trận quy mô lớn. Các nhà ngoại giao NATO cho biết số lượng binh sĩ tham gia là 82,000. Ông Stoltenberg cho biết liên minh nhận thấy một “sự hiện diện hải quân đáng kể của Nga” ở Biển Bắc (North Sea) và một cuộc tập trận lớn vào phút chót hồi cuối tháng 3, mà NATO xem như một hành vi phô trương thanh thế bất chấp sự bùng phát của coronavirus.
NATO đang giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự ở châu Âu để hạn chế sự lây lan của coronavirus, bao gồm các cuộc tập trận Defender Europe 20, được xem là các cuộc tập trận lớn nhất của NATO ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Các nhiệm vụ của liên minh vẫn đang tiếp diễn.
Mộc Miên
Virus corona : Hơn 20.000 người chết tại châu Âu
Thu Hằng
Ý và Tây Ban Nha vẫn là hai quốc gia bị dịch virus corona nặng nhất tại châu Âu và chiếm đến 2/3 số ca tử vong tại châu lục tính đến ngày 28/03/2020. Trong khi đó, Đức tiếp tục giúp cấp cứu bệnh nhân Covid-19 của hai nước láng giềng Pháp và Ý nhờ tỉ lệ tử vong thấp : 433 người trên 57.695 ca nhiễm.
Với số ca tử vong lên đến 10.000 người, trên tổng số 92.472 người bị nhiễm tính đến ngày 28/03, Ý có tỉ lệ tử vong vì virus corona cao nhất thế giới, hơn 10%. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa đang cho kết quả khả quan với đà lây nhiễm virus corona đã giảm, số bệnh nhân được cấp cứu tại vùng Lombadia (ổ dịch ở miền bắc Ý) cũng ít hơn và có triệu chứng nhẹ hơn. Theo AFP, chính phủ Ý sẽ cấp phiếu mua lương thực cho các gia đình khó khăn nhất, bị tác động vì nền kinh tế Ý chững lại.
Tây Ban Nha, vùng dịch thứ hai châu Âu, lại ghi thêm kỷ lục buồn với 838 người chết trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên thành 6.528, còn tổng số ca nhiễm virus corona đã lên tới 78.797 vào ngày 29/03. Thủ tướng Pedro Sanchez đã phải thông báo ngừng mọi hoạt động kinh tế « không cần thiết » trong vòng hai tuần.
Bồ Đào Nha cấp giấy cư trú tạm thời cho di dân để phòng dịch
So với vùng dịch Tây Ban Nha, nước láng giềng Bồ Đào Nha hiện bị tác động nhẹ hơn với 5.170 ca nhiễm và 100 người chết vì Covid-19. Tuy nhiên, để bảo vệ người nhập cư và người xin tị nạn, ngày 28/03, chính quyền Lisboa thông báo cấp thẻ cư trú tạm thời cho họ từ ngày 30/03.
Thông tín viên Marie-Line Darcy tường trình từ Lisboa :
Đây là cách thể hiện sự liên đới với những người khó khăn nhất trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp. Và đây cũng là cách chính phủ giải thích cho biện pháp đặc biệt liên quan đến việc hợp thức hóa cho những người nhập cư đang chờ được cấp thẻ cư trú.
Họ sẽ được cấp một giấy chứng nhận đã nộp hồ sơ lên Sở Di dân và như vậy, họ có thể hưởng những biện pháp được áp dụng cho toàn dân trong khuôn khổ chống dịch Covid-19, như được bố trí nơi ở trong trường hợp có triệu chứng nhiễm virus, trông con cái vì trường học đóng cửa hoặc được hưởng các biện pháp liên quan đến bảo vệ việc làm và lương bổng. Đó là những biện pháp được áp dụng nhằm giảm bớt tác động của dịch đến kinh tế.
Gần đây, khoảng 20 hiệp hội giúp đỡ người nhập cư đã cảnh báo về những nguy hiểm mà những người này phải đối mặt do thời hạn cấp giấy ở Sở Di trú thường từ 5 đến 6 tháng.
Trong số những người chịu rủi ro này có nhiều người Brazil đang chờ được cấp thẻ cư trú và thường làm việc trong ngành du lịch, trong khi lĩnh vực này hiện hoàn toàn bị đình trệ. Ngoài ra, còn có người châu Á làm việc trong ngành nông nghiệp ở miền nam Bồ Đào Nha. Tiến trình cấp thẻ cư trú thông thường sẽ hoạt động trở lại vào ngày 01/07 ».
Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị một dự thảo ngân sách mới
Ủy Ban Châu Âu chuẩn bị đề xuất một bản dự thảo ngân sách bẩy năm (2021-2027) cho toàn khối để đối phó với những hậu quả nghiêm trọng do dịch Covid-19 gây ra. Thông tin được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra ngày 28/03, sau hơn một tháng lãnh đạo 27 nước đã không đạt được đồng thuận về ngân sách cho Liên Âu.
Theo AFP, đề xuất của Ủy Ban Châu Âu có nhiều thay đổi, trong đó bao gồm cả « một kế hoạch phục hồi giúp bảo đảm duy trì sự gắn kết trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu thông qua tinh thần liên đới và trách nhiệm ». Vẫn theo bà Ursula von der Leyen, « song song đó, Ủy Ban Châu Âu vẫn đang nghiên cứu về các đề xuất cho giai đoạn phục hồi kinh tế trong khuôn khổ các hiệp định đã có ».
Anh Quốc : Chính phủ
trước áp lực tăng cường xét nghiệm virus corona
Thùy Dương
Lần đầu tiên, số ca tử vong vì virus corona ở Anh Quốc đã vượt ngưỡng 500 người trong vòng 24 giờ. Với thêm 563 người chết trong ngày hôm qua, nhiều nhất từ khi bùng phát dịch, cho đến nay số ca qua đời vì Covid-19 đã lên đến 2.352 người. Chính phủ của thủ tướng Boris Jonhson đang chịu nhiều áp lực về việc phải tăng các xét nghiệm virus.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix giải thích :
« Các cuộc họp báo thường nhật ở phủ thủ tướng Anh ngày càng trở nên không thoải mái đối với chính phủ nước này. Nội các Anh phải đối mặt với các câu hỏi mà các nhà báo đặt ra về những vấn đề cấp bách liên quan đến nỗi lo vô cùng lớn của đội ngũ nhân viên chăm sóc y tế. Các bộ trưởng và cố vấn y tế tiếp tục hứa sớm tăng số xét nghiệm virus corona. Tuy nhiên, họ không nói rõ là vào khi nào và những lời hứa của họ vẫn rất mơ hồ, không rõ ràng và thậm chí là trái ngược nhau.
Hôm qua thứ Tư, một lãnh đạo của các cơ quan y tế thông báo chiến lược của họ sẽ là tăng số xét nghiệm trong toàn dân, trong khi vào hôm thứ Ba, một đồng nghiệp của quan chức này lại khẳng định điều ngược lại, tức là sẽ chỉ có đội ngũ nhân viên y tế mới được ưu tiên xét nghiệm.
Thêm vào đó, chính phủ đã phải thừa nhận là mới chỉ có 2.000 trong tổng số 500.000 nhân viên chăm sóc y tế được xét nghiệm. Trên thực tế, chính quyền hiện nay không thể đẩy nhanh khả năng xét nghiệm hơn nữa bởi vì họ gặp khó khăn để có phương tiện xét nghiệm trong khi cả thế giới đang chạy đua để trang bị với số lượng lớn.
Kết quả là sự bất lực của chính phủ Boris Johnson hiện giờ bị các đối thủ chính trị, ngành y tế và cả các đồng minh truyền thống chỉ trích, nhất là báo chí cánh hữu lên án là chính phủ phản ứng quá chậm và đòi hỏi phải « chấm dứt sự thất bại ».
Virus corona: Thủ tướng Pháp
dự tính dỡ bỏ từng phần lệnh phong tỏa
Thùy Dương
Nước Pháp cho đến hôm nay 02/04/2020 đã vượt qua ngưỡng 4.000 người chết vì Covid-19. Trong vòng 24 giờ hôm qua, virus corona đã lấy đi mạng sống của hơn 500 người. Số ca bị lây nhiễm vẫn rất cao.
Tổng số người nhập viện điều trị đã lên đến hơn 24.600 ca, trong đó có 6.000 ca bệnh nặng đang được nằm phòng hồi sức.
Tối hôm qua, thủ tướng Edouard Philippe và bộ trưởng Y Tế đã có phiên điều trần trước một ủy ban của Hạ Viện về các tác động của dịch bệnh Covid-19, cũng như về công tác quản lý cuộc khủng hoảng y tế lần này. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành, nhưng công chúng rất quan tâm đến thời điểm chấm dứt biện pháp phong tỏa. Thủ tướng cho biết có thể lệnh phong tỏa sẽ được gỡ bỏ dần dần từng phần, chứ không phải đại trà cùng lúc và với tất cả mọi người.
Để giảm tải cho các bệnh viện ở Paris và vùng phụ cận, nơi dịch bệnh nặng nề nhất nước Pháp, hai chuyến tàu cao tốc TGV được trang bị thiết bị y tế đã được huy động để chở 36 bệnh nhân Covid nặng đang điều trị hồi sức từ Paris đến vùng Bretagne, cực tây đất nước.
Là một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu, Pháp cũng nhận được sự trợ giúp y tế của các nước láng giềng. Đức, Thụy Sĩ và Luxembourg đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ miền đông Pháp, vốn đang bị virus corona càn quét nặng nề. Nước Áo cũng chuẩn bị tiếp nhận 3 bệnh nhân nặng đang được điều trị hồi sức ở vùng này. Áo như vậy sẽ là quốc gia đầu tiên không chung biên giới với Pháp, nhưng chung tay chữa trị cho bệnh nhân Covid của Pháp.
Trong khi đó, tại hai vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp là đảo Guadeloupe và Martinique, chính quyền ban hành lệnh giới nghiêm từ 20h tối đến 5h sáng, kể từ tối hôm qua 01/04, để đảm bảo lệnh phong tỏa phòng chống dịch bệnh được thực thi nghiêm túc. Đảo Guyane đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ hôm 25/03. Các vùng lãnh thổ hải ngoại Mayotte và Polynésie cũng ban hành biện pháp tương tự những những ngày qua.
Chống Covid-19: TT Pháp kêu gọi
khôi phục độc lập của kinh tế quốc gia
Trọng Nghĩa
Tác động mọi mặt của tình trạng phong tỏa vì dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính trên báo Pháp ngày 02/04/2020, với các khía cạnh như xã hội trên Le Monde, lương thực trên Libération, y tế trên Le Figaro, giáo dục trên La Croix, và lẽ dĩ nhiên là tài chánh trên Les Echos. Các diễn biến tại Pháp cũng rất được chú ý, đặc biệt là lời kêu gọi của tổng thống Macron muốn “khôi phục” sự độc lập của kinh tế Pháp.
Theo ghi nhận của Le Monde, tình hình thiếu trang bị y tế để chống dịch đã nêu bật tình trạng phụ thuộc của Pháp vào những nguồn cung ứng từ nước ngoài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận thức rõ điều này khi ông chủ trương “khôi phục” sự độc lập kinh tế của Pháp. Tờ báo nhắc lại câu nói khi ông viếng thăm một xưởng chế tạo khẩu trang gần thành phố Angers, ngày 31/03: “Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu”.
Nhưng tờ báo cũng nhận định một cách hóm hỉnh là lịch sử sẽ ghi lại rằng tổng thống Pháp muốn “khôi phục chủ quyền quốc gia và Châu Âu” khi phát biểu tại chi nhánh của một tập đoàn Canada: xưởng sản xuất khẩu trang FFP2 (tức KN95) mà ông viếng thăm thuộc công ty Kolmi-Hopen. Ông đã hoan nghênh nỗ lực của các nhà công nghiệp tại Pháp để tăng sản xuất khẩu trang.
Ngoài khẩu trang, nguyên thủ quốc gia Pháp còn thông báo thành lập một tập đoàn chung quanh Air Liquide để gia tăng việc sản xuất máy trợ thở ở cơ xưởng tại Antony, ngoại ô Paris, với mục tiêu 10.000 chiếc từ đây đến trung tuần tháng 5.
Sau khi nói rõ là các đơn đặt hàng về khẩu trang, gel khử trùng, máy trợ thở, các loại dược phẩm khác nằm trong khoản trợ cấp đặc biệt 4 tỷ euro của nhà nước, tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu”.
Le Monde cho là nạn thiếu khẩu trang hay máy trợ giúp hô hấp đã phơi bày những lỗ hổng của mô hình mà Pháp và Châu Âu từng đi theo, vốn đã khiến Pháp mất đi quyền tự chủ của mình.
Le Figaro: Làm chủ vận mệnh của chính mình
Khôi phục chủ quyền kinh tế cũng là lời kêu gọi của báo Le Figaro trong bài xã luận “Làm chủ vận mệnh của chúng ta”.
Dưới tựa đề này, tờ báo tự hỏi phải chăng sau khẩu trang, máy trợ thở, thiết bị xét nghiệm, nước Pháp bây giờ lại thiếu thuốc? Pháp trên nguyên tắc nắm trong tay một hệ thống y tế thuộc loại tốt nhất thế giới. Nhưng dịch Covid-19 đã làm lộ rõ tất cả những nhược điểm: Những gì mà Pháp cần lại nằm trong những bàn tay khác, thường khi là Trung Quốc.
Kinh nghiệm tai ác này đặt ra những câu hỏi chính đáng về “thế giới sau đại dịch”, mà công việc cần làm trước tiên là xóa bỏ, không phải là tiến trình toàn cầu hóa, vốn là một thực tế mà không ai có thể bỏ qua, mà là những yếu tố thái quá của toàn cầu hóa. Thật ra việc chỉnh sửa lại đã bắt đầu với phong trào bảo vệ môi trường và cuộc thương chiến Mỹ Trung.
Tại Pháp tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi tôn cao chủ quyền để không còn tùy thuộc vào ai khác trong những lãnh vực “cần yếu”. Đây là điều tối thiểu mà người ta có thể đòi hỏi sau kinh nghiệm thảm hại của Covid-19.
Việc nắm lại vận mệnh này, theo le Figaro, phải được thực hiện trong tất cả các địa hạt liên quan đến quyền lợi quốc gia: y tế, quân sự, năng lượng, nước, và dĩ nhiên là thực phẩm, nhưng cũng có lãnh vực công nghệ nhạy cảm của tương lai như không gian, dữ liệu tin học.
Và trong một thế giới mà hai đế chế Mỹ và Trung Quốc thống trị, cao vọng chủ quyền này phải phần lớn dựa vào Châu Âu.
Le Figaro báo động: Các bộ phận hồi sức có nguy cơ thiếu thuốc
Theo Le Figaro, dịch bệnh càng lan rộng khắp hành tinh, thì các mối đe dọa về sự thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu nhất càng gia tăng. Trong các khoa hồi sức đang tràn ngập bệnh nhân, nhiều loại thuốc thiết yếu bắt đầu thiếu, từ thuốc gây tê curare, thuốc mê, cho đến thuốc kháng sinh, các kho dự trữ đều tuột xuống mức thấp.
Các cơ quan y tế và giới công nghiêp dược phẩm đang tìm đủ mọi biện pháp để đối phó với tình trạng thiếu thuốc. Thậm chí các phân tử cũ, bị bỏ đi trước đây, hay thuốc dùng trong ngành thú y cũng có thể được sử dụng.
Các loại thiết bị y tế hoặc bảo vệ như khẩu trang, kính che mắt… cũng thiếu. Tình trạng này đã thúc đẩy óc sáng tạo của các nhân viên y tế, tìm cách sáng chế là những phương tiện cần thiết, trong lúc ngoài xã hội, cả một phong trào đoàn kết tương trợ đang dâng lên để tạm thời bổ khuyết cho vấn đề thiếu thốn trang bị.
Le Monde: Phong tỏa làm lộ rõ bất bình đẳng xã hội
Theo Le Monde, các biện pháp chống dịch Covid-19 đã nêu bật tình trạng bất công trước công ăn việc làm cũng như về nhà ở trong xã hội Pháp.
Đối với tờ báo, vào lúc hình thức làm việc từ xa phát triển, vẫn có 18,8 triệu người ngày ngày bị buộc phải đi đến chỗ làm.
Thuộc các thành phần như công nhân vệ sinh, giới điều dưỡng trợ giúp người già yếu, bệnh tật, nhân viên bán hàng tại siêu thị, công nhân nhà máy làm pha lê, nhân viên đóng gói, giao hàng làm việc cho tập đoàn bán hàng qua mạng Amazon, họ đã kể lại những công việc thường nhật của mình, mô tả nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh, đôi khi niềm tự hào khi thấy rằng mình là mắt xích không thể thiếu trong xã hội, nhưng tất cả đều cho biết là họ không có quyền chọn lựa
Theo Le Monde, tình trạng phong tỏa toàn quốc cũng bộc lộ tính chất chật chội của nhiều căn hộ, và những khác biệt về cơ hội thăng tiến nhờ giáo dục.
Libération: Dây chuyền cung ứng thực phẩm phải thích nghi với lệnh phong tỏa
Libération cũng quan tâm đến các vấn đề do chính sách phong tỏa đặt ra, nhưng lại tự hỏi “Làm sao duy trì (chuỗi cung ứng) lương thực” vào thời phong tỏa.
Theo tờ báo, các khó khăn trong khẩu sản xuất lương thực do thiếu nhân công, vấn đề vận chuyển hàng hóa phức tạp, tình trạng mua hàng tích trữ của người tiêu dùng, tất cả những vấn đề này đã buộc toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm phải sáng tạo và thích nghi để có thể nuôi sống hàng chục triệu người Pháp trong đại dịch.
Bản thân người bị phong tỏa, theo tờ báo, cũng đã thay đổi chế độ ăn uống của mình trong tình huống mới.
Les Echos: Thị trường tài chánh bị nhiễm virus corona
Trên Les Echos, hàng tựa lớn trang nhất ghi nhận: “Con virus đã lây bệnh cho các thị trường tài chính như thế nào”.
Theo Les Echos, sau khi hồi phục trong 2 tuần qua, thị trường chứng khoán lại tụt dốc vào hôm qua. Tại Pháp hơn 450 tỷ euro trong trị giá của các đại doanh nghiệp CAC 40 đã bốc hơi trong quý I năm 2020 này.
Covid-19: Pháp bước vào tuần lễ phong tỏa thứ ba,
số tử vong vẫn tăng vọt
Tú Anh
Thiệt hại nhân mạng do siêu vi Corona chủng mới gây ra chưa có chiều hướng giảm sút tại Pháp.Số tử vong đã lên hơn 3.500 với 499 nạn nhân được ghi nhận trong ngày 31/03/2020. Tính trung bình mỗi phút có ba người chết. Biện pháp di tản bệnh nhân giải tỏa áp lực tiếp tục được tăng tốc áp dụng cho Paris và vùng phụ cận.
Theo bộ Y Tế, một phần ba bệnh nhân từ trần trong khi được cấp cứu là từ các bệnh viện ở Paris và vùng phụ cận, đang mấp mé quá tải. Sau khi hoành hành ở các tỉnh vùng đông nước Pháp, đại dịch lan đến thủ đô từ những ngày qua.
Để giảm áp lực, hôm nay chuyến TGV trang bị đặc biệt được sử dụng để di tản một số bệnh nhân ở Paris về các khu vực ít dịch.
Phương án này đã được thực hiện nhiều lần ,cũng trong mục đích giảm nhẹ công việc cho các bệnh viện tại miền đông, ổ dịch đầu tiên. Tổng cộng cho đến hôm nay, các bệnh viện ở vùng Bretagne và miền tây nam nước Pháp đã nhận 288 bệnh nhân di tản.
Song song với nỗ lực này, ba nước láng giềng Thụy Sĩ, Đức và Luxembourg tiếp tục nhận bệnh nhân của Pháp.
Tại Paris, sau khi huy động bác sĩ, y tá hồi hưu, đến lượt sinh viên y khoa ngoại trú năm thứ tư, nhân viên hộ lý được đào tạo khẩn cấp trong một ngày, để lao vào công việc cấp cứu, hối sinh, lẽ ra phải mất hàng tháng.
Hôm nay, thủ tướng và bộ trưởng Y Tế phải ra điều trần trước Quốc Hội về “tác động, hệ quả và cách quản lý” chống dịch.
Ngày hôm qua, khi thăm một trong bốn công ty chế tạo khẩu trang, tổng thống Macron cho biết chính phủ sẽ chi ra 4 tỷ euro để đặt mua thuốc, khẩu trang, máy hô hấp. Không nói đến Trung Quốc, chủ nhân điện Elysée cho biết từ nay nước Pháp sẽ ưu tiên sản xuất và sử dụng hàng nội địa, không để lệ thuộc nước ngoài.
Bốn nhà bào chế của Pháp cho biết thêm sẽ hợp tác sản xuất Hydroxy Chloroquine, thuốc trị sốt rét, mà giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chống siêu vi corona đã được tiến hành.
Virus corona :
Ý tìm giải pháp giảm tải cho các bệnh viện
Thùy Dương
Số người chết vì virus corona ở châu Âu cho đến hôm nay 02/04 vẫn không ngừng tăng. Với tổng số 10.003 người chết, Tây Ban Nha trở thành quốc gia có nhiều người qua đời nhất thế giới vì dịch Covid-19. Số ca nhiễm vượt qua ngưỡng 110.000. Nước Đức ghi nhận hơn 73.000 người nhiễm và gần 900 ca tử vong. Còn tại Ý, theo số liệu chính thức, cho đến hôm nay đã có hơn 13.000 người thiệt mạng kể từ khi dịch bùng phát.
Để giảm tải nhanh nhất có thể cho các bệnh viện, đặc biệt là ở vùng Lombardia, rất nhiều bệnh nhân Covid-19 có dấu hiệu hồi phục nhưng không thể cách ly tại nhà, đang được chuyển đến các RSA, tức là các trung tâm dành người cao tuổi ốm yếu phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của đội ngũ nhân viên, theo sắc lệnh mà chính phủ Ý ban hành hôm 23/03.
Ý hiện nay có 7.000 trung tâm RSA, với 300.000 người. Hiện giờ chưa có số liệu nào khẳng định những người cao tuổi trong các trung tâm RSA chết vì virus corona. Tuy nhiên, trong những tuần qua, hàng ngàn người cao tuổi đã qua đời trong các sơ sở này, chỉ riêng tại Bergamo con số này đã là 600 người.
Các chuyên gia nhấn mạnh cần tìm các giải pháp khác để tránh nguy cơ lây nhiễm cho những người trên 70 tuổi. Theo các nghiên cứu dịch tễ học ở Ý, đây là nhóm người dễ bị lây nhiễm virus nhất.
Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir cho biết chi tiết :
« Theo tuyên bố của bác sĩ Raffaello Antonelli Incalzi, người lãnh đạo cơ quan lão khoa của Ý, việc sử dụng giường trong các cơ sở dành cho người cao tuổi phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, khiến các trung tâm này có nguy cơ bị biến thành « quả bom virus, từ ngữ trong nguyên văn.
Vì thiếu không gian, rất khó để ngăn cách triệt để các bệnh nhân đang nằm điều trị với những người khác ; đội ngũ nhân viên y tế lại không được đào tạo để theo dõi chăm sóc cho những người đang hồi phục sau khi nhiễm virus corona và 86% số cơ sở này thiếu trang thiết bị bảo hộ.
Theo nhiều chuyên gia, cần khẩn trương có những giải pháp khác : sử dụng các cơ sở của quân đội, các khách sạn không có khách để tiếp nhận cả nhân viên đã được đào tạo, có trình độ và những người đang dần hồi sức.
Những tín hiệu báo động của các chuyên gia đã được lắng nghe. Hàng chục, hàng trăm khách sạn đang được chuyển đổi thành những khách sạn Covid. Đổi lại, chủ các khách sạn sẽ nhận được trợ cấp của Nhà nước dựa trên số phòng hàng ngày được sử dụng cho người bệnh ».
Virus Vũ Hán 2/4:
Ý ghi nhận số ca tử vong mới thấp nhất trong 7 ngày
Hải Lam
Theo cập nhật của Worldometer sáng nay, ngày 2/4 (theo giờ Việt Nam), dịch Covid-19 xuất hiện tại 203 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 935.189 ca nhiễm, trong đó 47.192 người đã tử vong và 193.989 người bình phục.
Châu Âu và Mỹ tiếp tục là điểm nóng của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Hiện Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 215.020 ca nhiễm và 5.102 ca tử vong. Robert Redfield, Giám đốc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết ước tính 25% bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ không có triệu chứng.
Vùng dịch lớn thứ 2 thế giới là Ý, với 110.574 ca nhiễm và 13.155 ca tử vong, chiếm 30% tổng số trường hợp chết vì Covid-19 trên toàn cầu. Theo Reuters, Ý ghi nhận thêm 727 người chết vì nCoV trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất kể từ 26/3.
3 vùng dịch lớn tiếp theo trên thế giới lần lượt là Tây Ban Nha, Trung Quốc và Đức. Số ca tử vong tại Tây Ban Nha cao thứ ba thế giới, trong khi đó, tỷ lệ tử vong tại Đức ở mức thấp, chỉ khoảng 1%.
Tại châu Á, Iran là ổ dịch lớn thứ 2, sau Trung Quốc, với 47.593 ca nhiễm và 3.036 ca tử vong. Tiếp theo là Hàn Quốc, với 9.887 ca nhiễm và 165 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Malaysia vẫn là vùng dịch lớn nhất với 2.908 ca nhiễm, trong đó 45 người đã tử vong. Tiếp theo là Thái Lan. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 157 người chết trong 1.677 người nhiễm, tỷ lệ tử vong gần 9,4%.
Để xem số liệu mới nhất về số ca nhiễm, tử vong và hồi phục tại các nước trên thế giới, quý độc giả có thể truy cập: https://www.worldometers.info/coronavirus/
Dưới đây là một số tin vắn nổi bật về dịch Covid-19:
Nhật Bản siết lệnh cấm nhập cảnh
Theo AFP, Nhật Bản từ ngày 3/4 áp lệnh cấm nhập cảnh với người đi từ 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, hầu hết châu Âu, Thái Lan và Việt Nam vì dịch viêm phổi Vũ Hán.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 1/4 phát biểu tại Tokyo rằng, khi số ca nhiễm tăng mạnh ở Mỹ và châu Âu, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ hơn.
Trước ngày 1/4, Nhật Bản áp lệnh cấm nhập cảnh với người đi từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quốc gia mới được thêm vào danh sách gồm Mỹ, Canada, Brazil, Australia, Israel, Ai Cập, toàn bộ Hàn Quốc, Ba Lan, Romania cùng 21 quốc gia châu Âu khác và hầu hết Đông Nam Á. Nhật Bản cũng yêu cầu tất cả người nhập cảnh vào nước này, bao gồm cả công dân Nhật, tự cách ly và tránh giao thông công cộng trong hai tuần.
Anh đẩy mạnh xét nghiệm nCov
Theo Reuters, chính phủ Anh hôm 1/4 cho biết sẽ tăng cường xét nghiệm nCov, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo bị chỉ trích vì các ca xét nghiệm được thực hiện quá ít.
Trong khi Đức xét nghiệm khoảng 500.000 ca mỗi tuần, thì công suất hiện tại của Anh chỉ là 63.750 ca mỗi tuần. Chính phủ Anh cho biết họ đặt mục tiêu tăng gấp đôi số ca xét nghiệm vào giữa tháng 4.
Cho đến nay, các xét nghiệm được tập trung vào những người bị nghi nhiễm đã nhập viện nhưng chính phủ có kế hoạch tăng cường xét nghiệm cho hàng trăm ngàn các nhân viên y tế tuyến đầu trong vài tuần tới.
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xét nghiệm ít là thiếu hóa chất cần thiết.
Thủ tướng Đức yêu cầu người dân ở nhà cho đến sau Lễ Phục sinh
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/4 thông báo chính phủ sẽ gia hạn biện pháp cách ly xã hội đến ngày 19/4 và sẽ đánh giá lại tình hình sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
“Chúng tôi biết đại dịch không quan tâm đến ngày lễ”, bà Merkel phát biểu và yêu cầu mọi người không đi du lịch trong thời gian nghỉ lễ Phục sinh. Thủ tướng cho biết thêm, bà không muốn dỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội quá sớm và sau đó lại thông báo yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện.
Hải quân Mỹ sẽ sơ tán 3.000 người khỏi tàu sân bay
Theo AP, hải quân Mỹ sẽ sơ tán khoảng 3.000 người khỏi tàu sân bay Theodore Roosevelt trong ngày 3/4 để ngăn con tàu trở thành một ổ dịch vì đã có hàng chục binh sĩ dương tính với virus Vũ Hán.
Tới nay, gần 100 người trong số 5.000 người trên tàu mắc Covid-19. Quá trình xét nghiệm được thực hiện tại Guam, nơi con tàu đang đỗ tại căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo.
Hải quân sẽ đưa các binh sĩ trên tàu đến những địa điểm khác nhau để cách ly, và có thể sẽ sử dụng những khách sạn trên đảo trong thời gian tới. Những người còn lại trên tàu sẽ tiếp tục ở trên boong để bảo vệ và duy trì hoạt động những hệ thống quan trọng.
Hơn 70% người Đài Loan
ủng hộ xóa từ ‘Trung Quốc’ khỏi hộ chiếu
Theo kết quả khảo sát của Đảng quyền lực mới (NPP) ở Đài Loan, hơn 70% người dân nước này được hỏi ủng hộ thay đổi tên tiếng Anh trên hộ chiếu của Đài Loan để tránh nhầm lẫn với Trung Quốc đại lục.
Vào hôm 29/3, NPP thông báo, 74,3% người tham gia khảo sát đã ủng hộ xóa chữ “Republic of China” (Cộng hòa Trung Hoa) bằng tiếng Anh trên hộ chiếu và thay thế bằng chữ “Taiwan” (Đài Loan) để tránh bị nhầm lẫn với Trung Quốc đại lục. Theo khảo sát, 51,2% ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này, 23,1% ủng hộ, 10,8% không đồng ý và 6,4% không đồng ý mạnh mẽ, trong khi 8,5% không bày tỏ ý kiến rõ ràng.
Đối với người trả lời khảo sát thuộc các chính đảng tại Đài Loan, 90% thành viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) và thành viên Đảng Xây dựng Nhà nước Đài Loan (TSP) ủng hộ thay đổi tên. Trong khi đó, 75% thành viên của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) và 52% thành viên Quốc Dân Đảng đã ủng hộ đề xuất này.
Khảo sát được thực hiện từ ngày 23/3 đến ngày 24/3 qua điện thoại và thu được 1.085 mẫu hợp lệ. Cuộc khảo sát có mức độ tin cậy 95% với sai số lấy mẫu cộng hoặc trừ 3%.
Nhà lập pháp Hsu Yung-ming (Từ Vĩnh Minh), chủ tịch của Đảng Quyền lực mới (NPP), nói rằng trước đây, người Đài Loan thường muốn làm rõ họ không phải là người Trung Quốc bằng cách dán thêm lưu ý vào bìa hộ chiếu. Tuy nhiên, theo ông, NPP cho rằng đã đến lúc phải thiết kế lại bìa hộ chiếu để củng cố bản sắc riêng của Đài Loan.
Theo ông Từ, một sự kiện thiết kế công cộng sẽ được tổ chức trước kỳ nghỉ hè năm nay để cung cấp các đề xuất về thiết kế mẫu hộ chiếu mới cho Bộ Ngoại giao Đài Loan.Nhà lập pháp của Đảng DPP, Ho Chih-wei (Hà Chí Vỹ) bày tỏ sự ủng hộ cho việc thay đổi tên và đề nghị rằng nó nên được thực hiện dần dần. Ông nói rằng việc thay đổi tên sẽ cải thiện sự công nhận của thế giới đối với Đài Loan, nhưng ông nhấn mạnh rằng “sự tham gia đáng kể của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế” là quan trọng hơn, báo Liberty Times đưa tin.
Người Đài Loan
không muốn bị nhầm lẫn là người Trung Cộng
Tin Đài Bắc, Đài Loan – Tức giận vì bị nhầm với Trung Cộng trong dịch Covid-19 và vì các hành động bắt nạt của Bắc Kinh, dư luận Đài Loan hiện nay đang tranh cãi về việc làm cách nào để phân biệt rõ ràng đảo quốc này với nước láng giềng khổng lồ. Cuộc tranh luận hiện nay tại Đài Loan tập trung vào việc có nên bỏ từ China, tức Trung Cộng, ra khỏi tên chính thức của đảo quốc hay không.
Tên chính thức của đảo Đài Loan hiện nay là Republic of China, tức Cộng Hòa Trung Cộng. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, tổ chức Y tế thế giới WHO, vốn coi Đài Loan là một phần của Trung Cộng, đã liệt kê số lượng ca bệnh của đảo quốc này dưới tên Trung Cộng. Đồng thời, Bắc Kinh cũng liên tục khẳng định rằng nước này có quyền lên tiếng thay mặt Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, bao gồm cả về vấn đề y tế.
Theo chính quyền Đài Bắc, tình trạng này đã khiến nhiều nước hiểu lầm Đài Loan và áp đặt lệnh giới hạn di chuyển đối với người Đài Loan cũng nghiêm khắc như đối với Trung Cộng, dù đảo quốc này có số ca bệnh ít hơn và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Vào tháng trước, một nhà lập pháp của đảng DPP cầm quyền đã đề nghị rằng Đài Loan nên đổi tên tiếng Anh thành Republic of Chunghwa, tức Cộng Hòa Trung Hoa.
Vào Chủ Nhật, đảng New Power Party tại Đài Loan cũng công bố một báo cáo thăm dò cho thấy, 3 phần 4 người tham gia khảo sát nói rằng passport Đài Loan chỉ nên có từ Đài Loan, và xóa bỏ mọi từ ngữ khác có liên quan đến Trung Cộng.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nguoi-dai-loan-khong-muon-bi-nham-lan-la-nguoi-trung-cong/
Căng thẳng quân sự tăng cao ở eo biển Đài Loan
Giữa cao trào dịch bệnh Covid-19, tình hình Đài Loan vẫn tiếp tục căng thẳng sau hàng loạt hoạt động quân sự từ nhiều phía.
Ngày 31.3, trang thông tin Focus Taiwan đưa tin Mỹ đã có tổng cộng 4 lần điều chiến đấu cơ bay qua khu vực gần Đài Loan trong tháng 3. Các lần hoạt động này được triển khai với nhiều loại máy bay quân sự khác nhau, từ máy bay trinh sát săn ngầm P-3C cho đến oanh tạc cơ chiến lược B-52, máy bay tiếp nhiên liệu KC-135… Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã điều động tàu khu trục USS McCampbell ngày 25.3 có mặt tại khu vực gần Đài Loan, khiến Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Washington đang “trêu chọc” Bắc Kinh.
Tập trận răn đe lẫn nhau
Theo giới quan sát, những động thái trên của Washington nhằm “cảnh báo” và “răn đe” Trung Quốc đại lục, đồng thời thể hiện sự ủng hộ với Đài Bắc do tình hình quanh eo biển Đài Loan căng thẳng.
Ngày 30.3, tờ South China Morning Post dẫn lời quan chức cấp cao của Lực lượng phòng vệ Đài Loan khẳng định Đài Bắc sẵn sàng đối phó bất cứ cuộc tấn công nào do Bắc Kinh phát động, ngay cả khi đang phải ứng phó với dịch Covid-19.
Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin Đài Loan đã phải điều động máy bay chiến đấu để can thiệp, ngăn chặn một cuộc tập trận không quân Trung Quốc thực hiện ở gần đảo Đài Loan vào khuya 16.3, với sự tham gia của các tiêm kích J-11 và máy bay cảnh báo sớm KJ-500. Liên quan không quân, hồi tháng 2, Đài Loan cũng đã điều chiến đấu cơ ngăn chặn một cuộc tập trận khác của không quân Trung Quốc. Cụ thể, máy bay tiêm kích F-16 đã xuất kích để “kiềm chế” các máy bay ném bom H-6 do Trung Quốc triển khai tập trận gần đảo Đài Loan. Tính trong tháng 2.2020, Trung Quốc có đến 3 lần điều động chiến đấu cơ gồm nhiều loại tham gia các cuộc tập trận “sát nách” Đài Loan.
Đến ngày 24.3, CNA đưa tin Đài Loan vừa tiến hành tập trận quy mô lớn với sự tham gia của nhiều chiến đấu cơ F-16. Nội dung tập trận là tổ chức đánh chặn từ xa, với mục tiêu mô phỏng là một cuộc tấn công quy mô lớn được tiến hành bởi Trung Quốc.
Căng thẳng kéo dài
Trả lời Thanh Niên ngày 1.4 về tình hình Đài Loan, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định kể từ khi bà Thái Anh Văn làm lãnh đạo Đài Loan, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng sức ép lên
Đài Bắc. Trung Quốc đại lục thuyết phục một số đảo quốc ở nam Thái Bình Dương như Solomon, Kiribati, Vanuatu thay đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Loan chuyển sang Trung Quốc đại lục. Tháng 11.2019, tàu sân bay Trung Quốc đã đi qua eo biển Đài Loan như một cách thể hiện sức mạnh quân sự. Những diễn biến này không hề dịu đi ngay cả khi đại dịch Covid-19 lan rộng. Bắc Kinh đã cản trở Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chỉ đồng ý sau khi có tác động từ Mỹ cùng Nhật Bản. Đến cuối tháng 3, tàu Trung Quốc đại lục đã đâm vào tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Đài Loan.
“Giữa các diễn biến trên, Mỹ đã tăng cường hoạt động quân sự tại eo biển Đài Loan nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho Đài Bắc. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký đạo luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan. Nhật Bản cũng đã phối hợp khắng khít hơn với Đài Loan trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để thể hiện sự ủng hộ với Đài Bắc. Trong công tác ứng phó dịch bệnh, Đài Loan điều động máy bay giúp sơ tán công dân Nhật khỏi Peru, còn Nhật thì dùng máy bay sơ tán người dân Đài Loan khỏi Ấn Độ”, TS Nagao chia sẻ.
Giai đoạn cực kỳ bất ổn
Cùng ngày 1.4, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) đánh giá quan hệ quanh eo biển Đài Loan đang bước vào giai đoạn cực kỳ bất ổn. Theo ông, thành công của Đài Loan trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh của Trung Quốc đại lục vốn bị thiệt hại rất nặng.
“Trong bối cảnh như vậy, cùng với việc Mỹ thông qua đạo luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan, Bắc Kinh có thể sẽ chuyển hướng dư luận sang Đài Loan nhằm che mờ đi các vấn đề kinh tế, xã hội nội tại của đại lục. Chính vì thế, Đài Bắc trong giai đoạn hiện nay phải khôn khéo ứng xử để phòng bị việc Bắc Kinh củng cố quyền kiểm soát đối với đảo này”, PGS Nagy nhận định.
Các hợp đồng vũ khí “khủng”
Tháng 3, trong bối cảnh căng thẳng quanh eo biển Đài Loan, tờ Hoàn Cầu thời báo đã có bài viết chỉ trích về các hợp đồng vũ khí mà Washington cung cấp cho Đài Bắc. Cụ thể, giữa năm ngoái, Mỹ đã lần lượt thông qua 2 hợp đồng vũ khí bán cho Đài Loan với giá trị lớn. Trong đó, một hợp đồng giá trị khoảng 2,2 tỉ USD bao gồm 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams và 250 tên lửa đối không Stinger. Hợp đồng thứ hai trị giá hơn 8 tỉ USD gồm 66 chiến đấu cơ F-16 thuộc thế hệ mới.
http://biendong.net/bi-n-nong/33878-cang-thang-quan-su-tang-cao-o-eo-bien-dai-loan.html
Đài Loan chi 35 tỷ Mỹ kim
để chống dịch coronavirus, tặng 10 triệu khẩu trang
Tin từ Đài Bắc – Hôm thứ Tư (01/04/2020), Đài Loan thông báo chi đến 35 tỷ Mỹ kim để giúp nền kinh tế đối phó với tác động của coronavirus, đồng thời tặng 10 triệu khẩu trang cho các quốc gia đang cần. Đài Loan đã có 322 ca nhiễm virus, bao gồm 5 ca tử vong, và giành được lời khen ngợi vì các biện pháp kiểm soát virus sớm và hiệu quả, đặc biệt là so với nhiều nước láng giềng. Nhưng, nền kinh tế phụ thuộc xuất cảng của hòn đảo tự trị đã suy yếu trước sự lan rộng của đại dịch.
Chính phủ đã triển khai gói kích thích kinh tế, và tổng thống Thái Anh Văn cho biết họ sẽ chi tổng cộng 1.05 ngàn tỷ Đài tệ (34.64 tỷ Mỹ kim), bao gồm cả các biện pháp cứu nguy khác. Đài Loan đã nhiều lần đề nghị chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chống dịch của họ với thế giới, một phần của chiến dịch “Đài Loan có thể giúp đỡ”, và bà Thái cho biết các hành động thiết thực bây giờ bao gồm cả việc tặng khẩu trang. Đài Loan đã đồng ý hợp tác với Hoa Kỳ để phát triển vaccine và công tác phòng chống virus khác, mặc dù Đài Bắc đã bày tỏ sự tức giận với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì đã loại họ ra, do áp lực của Trung Cộng.
Ngoại trưởng Đài Loan, Joseph Wu cho hay những chiếc khẩu trang sẽ được gửi đến Hoa Kỳ, các nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề và một nhóm nhỏ các quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/dai-loan-chi-35-ty-my-kim-de-chong-dich-coronavirus-tang-10-trieu-khau-trang/
Virus corona: Đại sứ Trung Quốc giải thích
vì sao có nhiều bình tro ở Vũ Hán
Đại sứ Trung Quốc ở Pháp lên tivi giải thích người dân xếp hàng nhận tro cốt ở Vũ Hán không phải là dấu hiệu Trung Quốc giấu số người chết do Covid-19.
Trung Quốc che giấu sự bùng phát của virus, tình báo Hoa Kỳ nói
Facebook Live: Cập nhật tình hình virus corona từ Hà Nội và London
Chúng ta có nên đeo khẩu trang?
Đại sứ Trung Quốc ở Pháp nói khoảng 10.000 người qua đời tại Vũ Hán hai tháng qua, cộng thêm nạn nhân của Covid-19. Điều này giải thích vì sao người dân xếp hàng trước các nhà tang lễ sau khi mở cửa lại ngày 23/3.
Đại sứ Lu Shaye nói với kênh truyền hình Pháp BFM TV rằng tại Vũ Hán, 2.500 người chết vì virus, nhưng còn 10.000 người đã chết vì nhiều nguyên nhân khác.
“Các nhà tang lễ chỉ mở cửa lại từ ngày 23/3. Bạn thấy nhiều người xếp hàng vì trong hai tháng phong tỏa Vũ Hán, ngoài các ca tử vong vì virus corona, còn khoảng 10.000 người chết vì các nguyên do khác.”
“Chúng tôi không giấu con số tử vong, các con số là chính xác.”
Đại sứ Lu nói hạn chế đi lại tại Vũ Hán từ 23/1 đã khiến người dân không thể đến nhận tro cốt người thân.
Vì thế khi giao thông mở cửa lại mới đây, người dân mới xếp hàng dài như vậy trước nhà tang lễ.
Ông nói năm 2019, khoảng 51.200 người qua đời ở Vũ Hán, tức trung bình mỗi tháng 4.000 người qua đời.
Con số tử vong tháng Giêng và Hai cao hơn các tháng còn lại trong năm vì thời tiết lạnh.
Đến hôm 1/4 Trung Quốc nói đã có 3.199 ca tử vong vì virus corona, trong đó có 2.559 ở Vũ Hán.
Đã có những nghi ngờ và cáo buộc Trung Quốc che giấu số ca tử vong vì Covid-19.
Mới nhất, Bloomberg dẫn nguồn ba viên chức tình báo Mỹ giấu tên nói Trung Quốc đã che giấu mức độ bùng phát thực sự của virus corona ở nước này, công bố không đủ ca nhiễm và con số tử vong.
Ba quan chức trên, theo Bloomberg, yêu cầu không được nêu tên, vì điều họ nói dựa trên một báo cáo bí mật được cộng đồng tình báo gửi cho Nhà Trắng, và từ chối tiết lộ thêm chi tiết.
Nhưng điều cốt yếu, những quan chức này nói, là báo cáo công khai của Trung Quốc về các trường hợp nhiễm và tử vong không đầy đủ.
Hai trong số họ cho biết báo cáo gửi Nhà Trắng kết luận rằng con số Trung Quốc đưa ra là giả.
Nhà Trắng nhận được báo cáo này từ tuần trước, một quan chức nói với Bloomberg
Tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Tư, ông Trump nói rằng “chúng tôi chưa nhận được” bất kỳ báo cáo tình báo nào cho thấy Trung Quốc đã đánh giá thấp số lượng bị nhiễm virus corona của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nói rằng kiểu đếm của Bắc Kinh có vẻ “hơi bị ít một chút, và tôi đang rất là tử tế khi nói như thế, so sánh những gì chúng ta đã chứng kiến và những gì được báo cáo.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52136098
Tàu khu trục hạm Nhật
va chạm tàu cá TQ, Bắc Kinh nói gì?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa tuyên bố nước này quan ngại về vụ va chạm giữa khu trục hạm Nhật Bản Shimakaze và tàu cá Trung Quốc ở biển Hoa Đông vào tối 30.3, theo Hoàn Cầu thời báo.
Tại cuộc họp báo ngày 31.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói rằng vụ chạm giữa tàu khu trục Shimakaze và tàu cá Trung Quốc xảy ra vào khoảng 19 giờ 30 tại vùng biển ở phía đông của tỉnh Chiết Giang, khiến một ngư dân bị thương. Bà Hoa cho biết thêm Lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã đến hiện trường và nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.
Bà Hoa còn khẳng định nơi xảy ra vụ va chạm là vùng biển ven bờ của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh bày tỏ quan ngại về hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật ở khu vực.
“Trung Quốc và Nhật đang liên lạc về vụ việc. Chúng tôi hy vọng phía Nhật có thể tích cực hợp tác và tìm ra nguyên nhân vụ việc càng sớm càng tốt để chăn chặn vụ việc như thế này tái diễn”, Bà Hoa nhấn mạnh.
Trước đó vào sáng 31.3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono viết trên Twitter rằng vụ va chạm xảy ra tại vùng biển cách đảo Yakushima của Nhật khoảng 650 km về phía tây, khiến khu trục hạm Shimakaze bị thủng một lỗ trên đường mớn nước của tàu, theo Reuters.
“Không thủy thủ nào bị thương và không có người nào của tàu cá Trung Quốc mất tích. Chúng tôi đang kiểm tra thông tin chi tiết”, ông Kono viết trên Twitter. Đài NHK dẫn một số nguồn tin cho hay dù bị thủng, khu trục hạm Shimakaze vẫn chạy được và tất cả 13 người từ tàu cá Trung Quốc dường như không bị thương.
http://biendong.net/bi-n-nong/33870-tau-khu-truc-ham-nhat-va-cham-tau-ca-tq-bac-kinh-noi-gi.html
Cư dân Vũ Hán cho rằng số người chết vì virus corona
cao hơn số liệu chính thức nhiều lần
Một số cư dân tại Vũ Hán cho rằng số liệu về bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán do chính quyền công bố là cách xa thực tế.
Theo Daily Mail, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án gay gắt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã giấu dịch, cung cấp thông tin sai lệch cho thế giới. Ông tin rằng số ca nhiễm virus Trung Cộng tại Trung Quốc phải cao gấp 40 lần tuyên bố chính thức của ĐCSTQ.
Bài báo trích dẫn một số quan điểm của giới chính quyền Anh trong việc ĐCSTQ tuyên truyền sai lệch về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Một quan chức giấu tên nói: “Sự tức giận đã lên tới đỉnh điểm”. Trong khi đó, nghị sĩ đảng Bảo thủ Tom Tugendhat tuyên bố: “Bắc Kinh đã ém nhẹm tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tồi tệ nhất trong thế kỷ qua và toàn thế giới phải gánh hậu quả về sự lừa dối này”.
Business Insider đưa tin, trước đó các chuyên gia y tế công cộng đã tuyên bố số ca mắc viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu có khả năng cao hơn nhiều so với số liệu được báo cáo. Một số người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, hoặc không được xét nghiệm virus, nên không được đưa vào báo cáo chính thức.
Một số người dân Vũ Hán không tin số liệu của chính phủ
Theo Fox News, khoảng 60% các ca nhiễm virus Trung Cộng là ở Vũ Hán. Tuy nhiên số liệu mà chính phủ đưa ra gần đây đã giảm mạnh. ĐCSTQ tuyên bố đó là nhờ những biện pháp và nỗ lực tích cực của họ.
Tuy nhiên từ các bài báo, cuộc phỏng vấn với người dân địa phương và các tính toán của cư dân mạng, người ta đặt câu hỏi về tính chính xác trong báo cáo chính thức của chính quyền Trung Quốc.
Phỏng vấn người dân
Một cư dân Vũ Hán họ Zhang đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự do: “Không thể nào đúng được… vì các lò hỏa táng đã hoạt động suốt ngày đêm, làm thế nào mà ít người chết như vậy chứ”.
Ông Chen Yaohui, một người dân Vũ Hán khác cho biết: “Trước khi dịch bệnh bắt đầu, các nhà hỏa táng của thành phố thường hỏa táng khoảng 220 người mỗi ngày”, ông nói thêm rằng trong thời gian dịch bệnh, chính phủ đã cử nhân viên hỏa táng từ khắp Trung Quốc sang Vũ Hán để hỏa táng các thi thể chồng chất.
Một cư dân khác ở Hồ Bắc chia sẻ với Đài Á Châu Tự do rằng, hầu hết mọi người ở đây tin rằng có hơn 40.000 người chết trong khoảng thời gian phong tỏa. Con số này lớn gấp hàng chục nghìn lần so với số liệu do chính phủ cung cấp.
Tin tức và mạng xã hội
Gần đây, trang báo Caixin trích lại thông tin từ South China Morning Post cho biết, chỉ trong 2 ngày, một tài xế ở Vũ Hán đã vận chuyển khoảng 5.000 lọ đựng tro cốt đến Nhà tang lễ Hán Khẩu. Chỉ riêng con số này đã gấp đôi số người chết tại Vũ Hán mà chính quyền ĐCSTQ công bố là 2.500 người.
Theo Đài Á Châu Tự do, một số cư dân chia sẻ trên mạng xã hội rằng các nhà tang lễ tại Vũ Hán “bàn giao 3.500 lọ đựng hài cốt mỗi ngày” từ ngày 23/3.
Cũng theo báo cáo của Đài Á Châu Tự do, các nhà tang lễ nói đang cố gắng hoàn tất việc hoả táng trước lễ Thanh Minh vào ngày 5/4. Như vậy, tính từ ngày 23/3 đến 5/4, các nhà tang lễ sẽ tập trung hoả táng trong 12 ngày. Theo đó, ước tính tổng số xác người được hoả táng là 42.000 trong khoảng thời gian nêu trên. Business Insider chưa độc lập xác minh được con số này.
Một ước tính khác trên mạng dựa trên khả năng hỏa táng của các nhà tang lễ ở Vũ Hán, nơi này có 84 lò hỏa táng với công suất cứ khoảng hơn 24 giờ thì hỏa táng xong 1.560 thi thể. Giả sử có 65 lò hoạt động bình thường thì ước tính này dẫn tới kết quả tổng số người chết ở Vũ Hán lên tới 46.800 người.
Một nguồn tin thân cận với văn phòng dân sự nói với Đài Á Châu Tự do rằng chính quyền có thể biết con số người chết thực nhưng họ vẫn đang giữ bí mật.
Trung Quốc sử dụng lao động nô lệ để duy trì
mở cửa các nhà máy trong dịch bệnh?
Thiện Lan
Chính quyền Trung Quốc đã bị cáo buộc cưỡng ép người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở nước này phải tiếp tục làm việc trong các nhà máy, trong bối cảnh đại dịch virus Vũ Hán bùng phát và leo thang. Trao đổi với kênh CNA, một chuyên gia về tự do tín ngưỡng nhận định Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể đang buôn người, buôn bán lao động nô lệ.
Trong những tháng đầu năm 2020, khi số ca lây nhiễm Covid-19 tăng vọt ở Trung Quốc, đã có “một sự gia tăng lớn về số lượng người Duy Ngô Nhĩ được chỉ định, hoặc ‘tốt nghiệp’ từ các trại giam giữ và được phân công làm việc trong các nhà máy”, bà Nad Nadine Maenza, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), chia sẻ với CNA.
“Vì vậy, có vẻ như vào tháng 1 năm nay, có một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ được chuyển từ các trại giam sang các nhà máy”, bà nói.
Ước tính có đến 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan, người Slovak và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bị chính quyền Trung Quốc giam giữ tại khu tự trị Tân Cương. Nạn nhân tại các trại giam hoặc thành viên gia đình họ đã phải đối mặt với các hành vi tẩy não, bỏ đói, tra tấn, đánh đập, thậm chí cưỡng ép triệt sản trong các trại giam.
Một báo cáo gần đây của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc đã nêu chi tiết việc những người bị giam đã được chuyển vào các nhà máy gần đó và trang trại nông nghiệp, và hàng hóa họ làm ra sẽ góp mặt trong chuỗi cung ứng của một số công ty lớn của Mỹ.
“Nếu những báo cáo này chính xác, thì điều đó có nghĩa là chính phủ Trung Quốc đang buôn người, buôn các lao động nô lệ từ các nhóm tôn giáo thiểu số tại đây”, bà Maenza nói.
Bà Maenza cho biết việc dịch chuyển người Duy Ngô Nhĩ vào các nhà máy đã gia tăng cùng với sự lây lan của đại dịch virus. Trung Quốc chỉ báo cáo 76 trường hợp COVID-19 tại Tân Cương, với ba ca tử vong duy nhất – một tuyên bố không thật thuyết phục, bà nói.
“Hiện giờ với một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung này, chúng tôi nghĩ những con số đó rất khó tin”, bà Ma Maenza nói.
Chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Vũ Hán, tâm chấn dịch bệnh, vào ngày 23/1.
Ngày hôm sau, một phần tỉnh Tân Cương cũng bị phong tỏa sau khi có ít nhất 2 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán được phát hiện tại thành phố thủ phủ. Theo một cuộc báo cáo ngắn gọn vào ngày 26/2 của Dự án Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, việc phong tỏa được thông báo đột ngột khiến người dân không có đủ thời gian để mua các nhu yếu phẩm thiết yếu.
Khi một phần Tân Cương bị phong tỏa, người Duy Ngô Nhĩ đã được gửi đến làm việc tại các nhà máy tại nơi khác ở Trung Quốc để bù đắp cho sức sản xuất bị ảnh hưởng do dịch bệnh, Radio Free Asia đưa tin. Và mối đe dọa từ virus có thể gây ra một “thảm họa nhân đạo” tại các trại giam ở Tân Cương, USCIRF cảnh báo.
Được biết, các nhà máy và trường học trong khu vực đã được mở lại. Thời báo New York ngày 30/3 đưa tin, theo các nhà chức trách Trung Quốc, các nhà máy may mặc, trang trại và các mỏ dầu đã đi vào hoạt động.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin vào ngày 31/3 cho biết các trường học ở Tân Cương đã mở cửa trở lại bất chấp những lo ngại về sự lây lan của virus Vũ Hán.
Theo Matt Hadro, Catholics News Agency
Thiện Lan dịch & biên tập
(Nguồn ảnh thumb: ảnh chụp màn hình Youtube/CGTN)
Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19
để xuất khẩu chủ nghĩa độc tài ra thế giới
Quý Khải
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang có những nỗ lực mới định hướng nhận thức quốc tế, khi tìm cách tiến thêm 1 bước nữa trong việc giành lấy quyền lực mềm từ một đại dịch do chính nó tạo ra.
Trong vòng hai tuần qua, Tổng thống Serbia đã ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như một “người anh em” của ông, đồng thời hôn quốc kỳ Trung Quốc, trong khi các nhà lãnh đạo trên khắp châu Phi và châu Mỹ Latinh đã rộng rãi ca ngợi sự hào phóng của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc trong suốt một năm qua đã theo đuổi chưa thành một loạt các nỗ lực lèo lái luồng dư luận toàn cầu liên quan đến việc đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông và việc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác.
Trên là đoạn mở đầu bài bình luận có tựa đề “Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để xuất khẩu chủ nghĩa độc tài ra thế giới như thế nào?” của tác giả David O. Shullman trên tờ War On The Rocks, một diễn đàn của Mỹ chuyên phân tích & bình luận về chính sách quốc tế và vấn đề an ninh quốc gia. Tiến sĩ Shullman là Cố vấn cấp cao tại Viện Cộng hòa Quốc tế (International Republican Institute) và là thành viên cấp cao của Trung tâm Center for a New American Security. Dưới đây là nguyên văn bài bình luận của ông:
Việc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch viêm phổi Vũ Hán để tô vẽ bản thân như một nhà lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm không chỉ là một thái độ tráo trở lên đến cực đại, mà còn là một dấu ấn rõ rệt về một giai đoạn mới trong việc Trung Quốc thao túng dư luận toàn cầu.
ĐCSTQ đang khởi động một chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch không chỉ để bảo vệ danh tiếng của mình, mà còn để chuyển dịch trách nhiệm cho thế giới tự do. Cầm quyền Trung Quốc dường như đã lên kế hoạch cho việc thao túng dư luận toàn cầu và động thái chu cấp thiết bị y tế cho các quốc gia bị dịch bệnh tàn phá mạnh nhất để thu lợi cho mình, bao gồm thông qua các thỏa thuận đầu tư có lợi với Liên minh châu Âu và với từng quốc gia một. Việc cung cấp máy thở, mặt nạ và bộ kiểm tra virus – mà rất nhiều trong số đó không hoạt động chính xác – có thể đi kèm với việc gây áp lực đối với các quốc gia chần chừ trong việc tiếp nhận các yêu cầu của Trung Quốc, hoặc tích hợp thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng 5G của họ.
Tuy nhiên, sự thao túng của ĐCSTQ đối với cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ là một biểu hiện của tác động rộng lớn hơn đối với mối quan hệ cơ bản giữa thông tin, các chính phủ và người dân ở các nước trên thế giới. Trung Quốc đang xuất khẩu biện pháp kiểm soát thông tin độc tài của nó ra nước ngoài, và xúi bẩy quan niệm cho rằng tất cả các dạng thức chính quyền đều có quyền thao túng hoặc thậm chí phong tỏa dư luận trong nước để duy hộ sự cai trị của chính quyền.
Nỗi ám ảnh với việc duy trì sự kiểm soát dư luận là nguyên nhân chính gây nên sự bùng phát đại dịch hiện tại. Việc chính phủ Trung Quốc bịt miệng những người dám gióng lên hồi chuông cảnh báo về COVID-19, và việc kìm hãm các nghiên cứu quan trọng, đã trì hoãn các biện pháp can thiệp kịp thời có thể giúp làm giảm đáng kể sự lây lan của dịch virus Vũ Hán. Bằng cách gieo rắc nỗi ám ảnh tương tự vào các nền dân chủ mỏng manh và các quốc gia chuyên chế trên khắp thế giới – và hồ hởi chia sẻ các công cụ để thực thi điều đó – ĐCSTQ đang nâng cao khả năng xuất hiện các cuộc khủng hoảng xuyên quốc gia trong tương lai.
Bắc Kinh đang sẵn sàng tận dụng các thách thức gia tăng mà các chính phủ trên thế giới sẽ phải đối mặt do virus Vũ Hán, để tuyên truyền các biện pháp độc tài cho các nhà lãnh đạo đang tìm cách xoa dịu hoặc kiểm soát tình trạng phẫn nộ của công chúng trước dịch bệnh tại đất nước của họ. Hoa Kỳ nên chống lại những nỗ lực này của Trung Quốc bằng cách tăng cường gấp đôi việc đề xuất các giải pháp mang tính dân chủ trước những thách thức này, nhấn mạnh sự thành công của các quốc gia dân chủ như Đài Loan và Hàn Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh, và chứng minh rằng dân chủ mới là bài thuốc tốt nhất để phục hồi nền kinh tế và xã hội trước đại dịch.
Vì sao SARS-CoV-2 nên được gọi là Virus Trung Cộng?
Chính quyền Trung Quốc đã biết đến ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán từ ngày 17/11/2019. Thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bưng bít thông tin và trừng phạt những người tiết lộ sự thật ra công chúng.
Khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán tới nhiều nước trên thế giới trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố này từ ngày 23/1/2020.
Trong khi SARS-CoV-2 bị nghi ngờ có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Vũ Hán, ĐCSTQ đang cố gắng đổ tội Mỹ, Ý, hay bất kỳ quốc gia nào khác về nguồn gốc dịch bệnh.
Để chỉ rõ trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát của virus Vũ Hán trên toàn cầu, nhiều chuyên gia, kênh truyền thông và chính khách trên thế giới gọi SARS-CoV-2 là “Virus Trung Cộng” (CCP Virus).
Thể chế độc tài cổ vũ khái niệm chuyên chế, bóp méo sự thật
Từ Campuchia ở châu Á, Serbia ở châu Âu cho đến Uganda ở châu Phi, Trung Quốc đang tiến hành đào tạo quy mô lớn về cách thức thao túng dư luận, kiểm duyệt và giám sát các nhà báo và các nhà hoạt động xã hội dân sự, và thực hiện các chính sách an ninh mạng mang phong cách ĐCSTQ. Cầm quyền Trung Quốc đang cổ vũ lượng lớn ngày càng gia tăng các chính phủ – bao gồm Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Congo – trong việc kiểm soát tốt hơn người dân và thậm chí ngắt mạng internet để bảo vệ quyền lực. Các nhà lãnh đạo chuyên quyền đang dần nắm được công nghệ và bí quyết để giám sát và nhắm vào các mục tiêu cá nhân có ý định thách thức những ngôn luận chính thức, ví như điều ĐCSTQ đã làm với những nhà thổi còi virus Trung Cộng như bác sĩ Lý Văn Lượng và bác sĩ Ai Fen ở Vũ Hán. Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với thị trường tin tức và truyền thông ở nước ngoài cũng đang làm xói mòn nền quản trị dân chủ và tự do truyền thông.
Về bản chất, Trung Quốc đang xuất khẩu quan niệm cho rằng tin tức hợp pháp duy nhất – trong phạm vi chủ quyền của nó, trên các phương tiện truyền thông quốc tế và từ các tổ chức quốc tế – là những tin tức mà những người cầm quyền cho là thuận tiện đối với sự cai trị tiếp tục của họ. Như cách diễn giải của George Orwell, sẽ là bất lợi nếu nói và viết những sự thật không tương thích với những thông điệp của chính quyền.
Mô hình kiểm soát thông tin của Trung Quốc là rất lôi cuốn đối với các nhà phê bình dân chủ. Đối với họ cách xử lý virus Trung Cộng của Bắc Kinh, vốn đầy rẫy các vi phạm nhân quyền, có vẻ như là một bằng chứng khác củng cố cho chủ nghĩa độc tài. Việc Trung Quốc thắt chặt các phương tiện truyền thông, internet và xã hội dân sự là nguồn cảm hứng cho các nhà lãnh đạo chuyên quyền vốn luôn thường trực cảm giác bất an đối với tính hợp pháp trong sự cầm quyền của họ, và sợ hãi một sự tranh luận cởi mở trong công chúng. Cuộc đàn áp của ĐCSTQ đã phong tỏa hoặc bịt miệng các cơ quan truyền thông và các nhóm vận động chính trị, những tổ chức muốn chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm cho sự bùng phát dịch SARS năm 2003, mà vốn đã có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo về dịch viêm phổi Vũ Hán.
Thể chế độc tài đã và sẽ tiếp tục kìm nén những người thổi còi
Có những rủi ro trực diện đối với Trung Quốc trong việc kích hoạt việc kiểm soát thông tin trên một loạt các quốc gia, và sự thành công của nó tại bất kỳ quốc gia nào cũng có thể thai nghén cho cuộc khủng hoảng xuyên quốc gia kế tiếp. Trong nhiều trường hợp, sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các nhà lãnh đạo độc tài đang làm trầm trọng thêm các vấn đề xoay quanh sự lưu chuyển của các loại thông tin không thực tiễn gắn liền với các thể chế phi dân chủ.
Các chính quyền độc tài ở cấp trung ương ít khi nhận được các thông tin quan trọng để dập tắt các cuộc khủng hoảng mới chớm nở về sức khỏe cũng như các vấn đề khác bởi vì, như tình huống đã xảy ra ở Vũ Hán trong những ngày đầu của dịch Covid-19, các quan chức cấp dưới lo ngại những hậu quả của việc lưu truyền tin tức tiêu cực. Một phòng thí nghiệm ở Thượng Hải là cơ sở đầu tiên công bố trình tự gen virus corona vào hồi đầu tháng 1 đã nhanh chóng được yêu cầu đóng cửa để điều chỉnh. Điều này đã cản trở nỗ lực nghiên cứu virus Vũ Hán của các nhà khoa học để từ đó kiểm soát ổ dịch tốt hơn. Không an tâm với tính hợp pháp trong sự cai trị của họ, các nhà lãnh đạo chuyên quyền cũng rất thuận tay trong việc bịt miệng giới truyền thông và ngăn cản họ đưa ra ánh sáng những thông tin quan trọng có thể giúp tránh được những vấn đề lớn phát sinh.
Các nhà lãnh đạo độc tài cũng ít khi chia sẻ thông tin quan trọng với các quốc gia khác, hay cho phép các chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ và quan sát, hoặc hợp tác quốc tế để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng mới nổi. Trung Quốc đã che giấu thông tin về sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vào cuối tháng 12 và không thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO mãi cho đến gần ba tuần sau đó. Tổ chức y tế mang tính toàn cầu này đã đưa ra một nhận xét mang tính tâng bốc đối với “sự minh bạch” của Trung Quốc trong việc xử lý khủng hoảng, làm dấy lên nghi vấn về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tổ chức này. Trong khi đó, nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới khiến các báo cáo của Đài Loan về sự lây nhiễm cộng đồng tại quốc đảo này không tiến nhập
được vào hệ thống y tế toàn cầu; trưởng nhóm chuyên gia WHO tuần trước khi được hỏi thậm chí còn từ chối thảo luận về hiệu quả phản ứng của Đài Loan trước đại dịch. Ngoài ra, dữ liệu được chia sẻ bởi các chế độ độc tài như ĐCSTQ thường không đáng tin cậy. Các chính phủ này thường khá thành thạo trong việc sửa đổi số liệu GDP, chỉ số ô nhiễm và các số liệu thống kê khác, và khó có thể tin rằng số liệu nó đưa ra trong một cuộc khủng hoảng là xác thực.
Đại dịch virus Trung Cộng đã chứng minh cho thế giới thấy được sự bất thường trong vận hành của một thể chế độc tài ở một quốc gia có thể mang sự tàn phá đến khắp thế giới. Trong một thế giới ngày càng kết nối với nhau, khi những thách thức địa phương có thể nhanh chóng bùng nổ thành các cuộc khủng hoảng toàn cầu, Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của nó không thể cho phép càng ngày càng có thêm nhiều chính phủ đặt việc duy trì quyền lực của họ lên trên cả sự an toàn của người dân.
Tính minh bạch và Đại dịch kế tiếp
Vào một thời điểm khi ĐCSTQ đang muốn thể hiện cho thế giới thấy phản ứng của nó trước dịch virus corona như một bằng chứng về sự vượt trội của nền chính trị độc tài toàn trị, Hoa Kỳ và các đối tác của mình nên tiếp tục đẩy lùi động thái thao túng dư luận của nhà cầm quyền Trung Quốc. Washington có thể nhấn mạnh trách nhiệm của ĐCSTQ trong đại dịch này – và các phương pháp hà khắc của nó trong việc kiểm soát dịch – mà không gây nên tình trạng phân biệt chủng tộc hoặc làm suy yếu sự hợp tác toàn cầu cần thiết giữa các bên trong việc chống lại virus Vũ Hán. Thật vậy, sự lãnh đạo trên trường quốc tế của Mỹ trong ứng phó với đại dịch sẽ nhấn mạnh vai trò trường kỳ của dân chủ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu và tránh nhượng lại sân chơi này cho Trung Quốc. Một sự lãnh đạo như vậy, kết hợp với việc thể hiện năng lực của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ trong quá trình chống dịch một cách hiệu quả, là rất quan trọng để đáp trả động thái thúc đẩy tuyên truyền của ĐCSTQ. Sự cần thiết cho một sự hợp tác lớn hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để chiến đấu với đại dịch, bao gồm việc chia sẻ các dữ liệu và nghiên cứu khoa học, cũng không vì thế làm lu mờ đi tầm quan trọng của việc ngăn chặn các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc lợi dụng cuộc khủng hoảng này để thúc đẩy nền độc tài chuyên chế.
Tuy rằng việc chống lại ví dụ đặc biệt nghiêm trọng này trong tuyên truyền của ĐCSTQ về dịch viêm phổi Vũ Hán là quan trọng, Washington cũng cần phải biết nhìn xa trông rộng. Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho một tương lai chắc chắn sẽ phải đối mặt với những nỗ lực ngày càng gia tăng của chính phủ Trung Quốc nhằm thống trị ngôn luận toàn cầu, và mở rộng quyền kiểm soát dư luận theo phong cách ĐCSTQ tại ngày càng nhiều các quốc gia.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm thiểu những rủi ro này và chống lại việc xuất khẩu mô hình kiểm soát dư luận của Trung Quốc sẽ đòi hỏi chơi một trò chơi dài – bao gồm việc hỗ trợ xã hội dân sự và truyền thông độc lập như những người bảo đảm sự minh bạch ở các quốc gia trên thế giới. Các tổ chức như Phóng viên không Biên giới và Ngôi Nhà Tự Do (Freedom House) hiện đang tiếp tục ghi nhận môi trường tự do thông tin toàn cầu bị thu hẹp, trong khi các đối tác của những tổ chức này hiện đang đào tạo các nhà báo và phổ biến nhận thức về sự nguy hiểm của việc các nhà lãnh đạo chính phủ, chính thức hoặc phi chính thức, đang kiểm soát và lũng đoạn dư luận. Washington nên tăng cường hỗ trợ cho các nhóm này trên tiền tuyến trong trận chiến của các nền dân chủ chống lại những người ủng hộ chủ nghĩa độc tài. Có lẽ quan trọng nhất, Hoa Kỳ và các đối tác của nó phải chứng minh được các nền dân chủ có thể phản ứng hiệu quả trước các cuộc khủng hoảng ở mức độ như thế này, và mô hình dân chủ là hoàn hảo nhất để đối phó và phục hồi từ các tác động dài hạn của nó.
Theo TS David O. Shullman, War On The Rocks
Quý Khải dịch và biên tập
Virus corona:
Trung Quốc hết khả năng gánh vác kinh tế toàn cầu
Thanh Hà
Bắc Kinh có còn khả năng bơm hàng tỷ đô la khắc phục hậu quả kinh tế virus corona gây nên nữa hay không ? Các dự báo cho thấy nền kinh tế nước này điêu đứng vì dịch bệnh, GDP mất 16 % trong quý 1 năm nay theo dự báo của cơ quan tư vấn Anh, Capital Economics.
Trái với Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ hay Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản và cả BCE của Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cho đến thời điểm này không hạ lãi suất chỉ đạo. Cũng chưa thấy Bắc Kinh « sử dụng vũ khí hạng nặng » để cứu nguy kinh tế, ồ ạt bơm thêm hàng tỷ đô la vào các hoạt động kinh tế như đã từng làm hồi năm 2008-2009 để khắc phục hậu quả khủng hoảng toàn cầu.
Cần nhắc lại, khi đó Trung Quốc đã giải ngân 4.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 13 % GDP để duy trì ổn định về kinh tế và qua đó là xã hội, trong lúc thế giới bị chao đảo từ vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản. Cũng nhờ gói kích thích kinh tế quy mô đó mà chẳng những Trung Quốc vẫn được bình yên mà còn tung tiền ra « mua cả một phần thế giới » cắm rễ sâu hơn vào châu Âu qua hàng loạt các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào các nhà máy của châu Âu, từ Hy Lạp đến Bồ Đào Nha và cả tại Anh, Pháp hay Đức.
Lần này, virus corona đánh thẳng vào từ khu vực sản xuất đến xuất khẩu và cả tiêu thụ của Trung Quốc, thái độ thận trọng nói trên của Bắc Kinh đặt ra nhiều nghi vấn.
Thứ nhất phải chăng Trung Quốc từ chối hưởng ứng kêu gọi của thế giới cùng nhau mở van tín dụng, để vực dậy kinh tế toàn cầu vì tin tưởng kinh tế nước này chóng phục hồi sau hai tháng lao đao vì Covid-19 khiến gần như toàn bộ cỗ máy sản xuất bị tê liệt trong ít nhất 6 tuần lễ ? Giả thuyết thứ hai có thể là lực bất tòng tâm : Bắc Kinh không còn tiền để rót thêm hàng ngàn tỷ nhân dân tệ vào cỗ máy kinh tế khổng lồ này nữa ?
Ngân hàng Nhật Nomura và Goldman Sachs của Mỹ cùng thiên về kịch bản thứ nhì. Bắc Kinh giờ đây không còn khả năng dồi dào như hơn 10 năm về trước. Cũng chính vì đã huy động 13 % GDP trong kế hoạch kích cầu hồi 2008-2009, nợ công của Trung Quốc đã nhảy vọt đang tương đương với 150 % GDP hồi năm 2007 nay đã lên tới 266 % vào năm ngoái theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.
Ý thức được rằng đang ngồi trên một quả bom nổ chậm, từ hai năm qua, Bắc Kinh cố gắng củng cố hệ thống tài chính, giới hạn bớt rủi ro các ngân hàng bị phá sản vì nợ xấu.
Một giới hạn khác đó là khả năng tiêu thụ của Trung Quốc dù rất lớn, nhưng cũng đã đến lúc bão hòa. Trong hơn một chục năm qua, các công trình xây dựng, từ các trung tâm thương mại đế xa lộ, sân bay quốc tế, … ngày càng đồ sộ, các tòa cao ốc đã mọc lên như nấm ở Hoa Lục. Thị trường địa ốc của Trung Quốc cận kề hiện tượng vỡ bong bóng …
Cũng với chính sách kích cầu vừa qua, Trung Quốc đã dễ dàng tạo điều kiện cho các công ty nhà nước « chinh phục thế giới ». Có điều sau Hoa Kỳ đến lượt châu Âu không còn tin tưởng vào lòng tốt của Trung Quốc như ở đầu những năm 2010. Không có gì bảo đảm là sau đại dịch lần này, Trung Quốc vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ trong mắt các nhà đầu tư của Âu Mỹ.
Đó có thể là một lý do giải thích vì sao Bắc Kinh thận trọng trước khi thông báo « một gói kích cầu quy mô » để tiếp tục rót thêm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước.
Không phải tình cờ mà Ngân Hàng Thế Giới dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay có thể rất gần với số không. Riêng cơ quan tư vấn Capital Economics có trụ sử tại Luân Đôn dự phóng tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc lần đầu tiên sẽ « ở số âm ».
Trung Quốc bị tố lợi dụng
lúc Châu Âu lâm nguy để bành trướng thế lực
Mai Vân
Trong nhiều tuần lễ gần đây, guồng máy tuyên truyền Trung Quốc đã ra sức ca ngợi lòng hào hiệp của Bắc Kinh, năng nổ giúp Ý và một số nước Châu Âu chống virus corona, đồng thời nhấn mạnh đến hiệu quả của chế độ Trung Quốc.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP ngày 30/03/2020, một số lãnh đạo Châu Âu không còn che giấu thái độ bực tức trước các động thái của Bắc Kinh, bị cho khoác vỏ hào phóng và nhân đạo cho những ý đồ bành trướng thế lực địa chính trị và viết lại lịch sử trận đại dịch đã bùng lên từ Trung Quốc.
Quốc vụ khanh Pháp đặc trách Châu Âu, bà Amélie de Monchalin, là quan chức châu Âu gần đây nhất đã lên tiếng chỉ trích dụng tâm chính trị của Trung Quốc, và của Nga. Hôm 29/03, bà đã cho rằng hai nước này đã “công cụ hóa” và “phô diễn” những hoạt động trợ giúp quốc tế của họ.
Bóp méo thực tế, tỏ lòng hào phóng để giành ảnh hưởng
Nhận định của quốc vụ khanh Pháp được đưa ra vài ngày sau khi lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Josep Borrel, hôm 24/03, đã lên tiếng rất gay gắt trước “cuộc chiến thế giới về chuyện kể” và “cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng” bằng cách “bóp méo” các sự kiện thực tế và “chính sách hào phóng”.
Ông Borell đã nhắc lại rằng nếu ngày nay đang có “những nổ lực để hạ uy tín” Châu Âu, thì vào tháng Giêng vừa qua, khủng hoảng chỉ giới hạn ở Trung Quốc, ở tỉnh Hồ Bắc, nhưng “đã nghiêm trọng thêm do việc lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc giấu diếm những thông tin thiết yếu”, và Châu Âu đã lao vào trợ giúp Trung Quốc, như nước này đang làm hiện nay để trả lễ.
Ông Borell còn ghi nhận là Trung Quốc đã “hung hăng chuyển đi thông điệp là khác với Mỹ, Trung Quốc là một đối tác đáng tin cậy và hữu hiệu”.
Bắc Kinh vào hôm thứ Hai 30/03, đã lập tức phản ứng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã thắc mắc: “Họ muốn gì ? Muốn Trung Quốc khoanh tay đứng nhìn trước nạn dịch nghiêm trọng này sao?”.
Bắc Kinh đòi Bruxelles kín đáo những bản thân lại khoe khoang
Đối với AFP, đại cường Châu Á quả là đang bị nghi ngờ tận dụng một kiểu “ngoại giao khẩu trang” để phô trương mô hình thế lực của mình.
Hãng tin trích dẫn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Hiệp Hội Nghiên Cứu Chiến Lươc Pháp FRS, trong một bản ghi nhận về “Con đường tơ lụa y tế”, đã nêu bật thái độ hai mặt của Bắc Kinh, một mặt thì đã yêu cầu Châu Âu kín đáo khi đến giúp Trung Quốc, nhưng một mặt khác thì đã phô trương hành động trợ giúp của mình qua “một chiến dịch thông tin tuyên truyền chưa từng thấy”.
Chuyên gia Pháp đã liệt kê một loạt động thái như tặng 20 triệu đô la cho WHO, cử chuyên gia y tế qua Iran và Ý, xây dựng phòng thí nghiệm ở Irak, chuyển thiết bị xét nghiệm đến Philippines, cung cấp thiết bị bảo hộ y tế đến Pakistan và Pháp.
Sứ quán Trung Quốc: Thiên hạ “thèm muốn” mô hình Trung Quốc
Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp, theo AFP, cũng ngang nhiên mở chiến dịch phô trương hệ thống chính trị Trung Quốc và sự “thành công” trong việc chống virus corona chủng mới.
Trang web và tài khoản Twitter của đại sứ quán đã viết: “Một số người trong thâm tâm của họ, rất ngưỡng mộ thành công của cách điều hành của Trung Quốc. Họ thèm muốn sự hữu hiệu của mô hình chính trị của chúng ta và chán ghét sự bất lực của đất nước họ không làm được tốt như chúng ta”.
Đối với ông François Heisbourg, chuyên gia Pháp về địa chính trị, những hành động trên của sứ quán Trung Quốc là điều “không thể chấp nhận được đứng trên mặt ngoại giao”, vì “liên quan đến uy tín của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa”, cho dù chính quyền trung ương ở Bắc Kinh không trực tiếp loan truyền những thông điệp này.
Trung Quốc muốn xóa bỏ “tội gốc” về đại dịch Covid-19
Theo AFP, cuộc chiến chung quanh Covid-19 quả đã tiếp nối theo cuộc chiến để kiểm soát đường hàng hải ở Biển Đông hay hệ thống 5G.
Bà Alice Ekman, chuyên gia phân tích đặc trách Châu Á tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Châu Âu EUISS, giải thích là từ 7 năm qua, Bắc Kinh đã lao vào một cuộc đọ sức giữa các hệ thống chính trị và nắm bắt mọi cơ hội ở cấp quốc gia hay quốc tế để “phô trương” tính chất ưu việt của mô hình Trung Quốc.
Rút ra kết luận về tình hình trước mắt, François Heisbourg, nhận định là Trung Quốc “muốn xóa bỏ, cả ở trong nước lẫn ngoài nước, “tội gốc” của họ, tức là để virus lây lan từ vùng đất của họ.
AFP trích một nguồn tin ngoại giao, xin giấu tên, cho rằng vấn đề là giải thích của Trung Quốc về dịch Covid-19 có sức thuyết phục hay không. Nhưng nếu họ ra khỏi khủng hoảng này một cách nhanh chóng, nhất là trên bình diện kinh tế, thì sức mạnh và sự tự tin của họ sẽ tăng lên gấp bội.
« Ngoại giao khẩu trang » của Trung Quốc
gặp trắc trở vì hàng dỏm
Thụy My
Trung Quốc ra điều kiện cho bốn nước châu Âu muốn được cung cấp khẩu trang phải thay đổi quan điểm về Hoa Vi (Huawei), vận động các nước G7 chống lại việc Hoa Kỳ gọi con virus corona xuất phát từ Vũ Hán là « virus Vũ Hán ». Trang nhất báo chí Hoa lục tràn ngập hình ảnh những chuyến hàng y tế gởi đến các nước, tạo cảm giác Trung Quốc đang « cứu nhân độ thế »…
Chiến dịch « ngoại giao khẩu trang » của Bắc Kinh có vẻ đang trên đà thành công rực rỡ, tuy nhiên mới đây lại trục trặc vì tai tiếng hàng dỏm.
Cuối tuần rồi, bộ Y Tế Hà Lan đã phải cho thu hồi 600.000 khẩu trang FFP2, tức phân nửa lô hàng 1,3 triệu chiếc được Trung Quốc giao hôm 21/03/2020 vì không đạt chất lượng. Thứ Năm 26/3, chính quyền Tây Ban Nha rút lại 58.000 bộ xét nghiệm của công ty Trung Quốc Shenzhen Bioeasy Biotechnology vì độ tin cậy chỉ có 30%. Tại Cộng hòa Sec, các bộ xét nghiệm nhanh được giao cho một bệnh viện ở Ostrava cũng bị phát hiện chất lượng tồi.
Đây là những món hàng thuận mua vừa bán được giao theo đơn đặt hàng, chứ không phải là quà tặng của Bắc Kinh. (Trong khi lúc Trung Quốc khốn đốn vì con virus ở Vũ Hán, châu Âu đã viện trợ 56 tấn trang thiết bị y tế trong đó có khẩu trang nhưng không hề tuyên truyền, để giữ thể diện cho Bắc Kinh).
Trước những chỉ trích, các cơ quan ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lúng túng. Le Monde cho biết đại sứ Trung Quốc ở Amsterdam nói rằng sẽ hợp tác với cuộc điều tra đang diễn ra. Tại Madrid, đại sứ quán Trung Quốc ra thông cáo giải thích công ty ở Thâm Quyến (Shenzhen) không nằm trong danh sách các nhà cung cấp được chuyển cho Tây Ban Nha.
Còn tại Bắc Kinh, tờ Global Times liên tục có những bài xã luận và ý kiến đổ cho phương Tây muốn « chính trị hóa » vấn đề, nhưng đồng thời cũng kêu gọi chính quyền kiểm soát kỹ hơn hàng xuất khẩu. Thứ Hai 30/3, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Xuân Oánh tỏ ra không ngại miệng khi tuyên bố trong những tuần lễ đầu khi xảy ra nạn dịch, « có những nước gởi đến những vật liệu không hợp với tiêu chuẩn Trung Quốc ».
Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược nhận xét những sự cố trên đây « thực sự tạo ra vấn đề cho hình ảnh của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn tránh bị ảnh hưởng chung đến các khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc và những món hàng trợ giúp của mình bị coi là đồ dỏm ». Theo ông, đa số có chất lượng tốt, tuy nhiên vấn đề là sản xuất ồ ạt tăng lên, và xuất hiện thêm những khuôn mặt mới. « Như thường lệ tại Trung Quốc, xảy ra hiện tượng tham nhũng, làm ăn gian dối, cơ hội, cho dù đã tăng cường thanh tra ».
Trong lúc dịch bệnh hoành hành, chính quyền vừa ra chỉ thị vừa kêu gọi ngành kỹ nghệ và các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang. Đủ loại nhà sản xuất, từ bình điện cho đến băng vệ sinh phụ nữ bèn lao vào cuộc chiến. Chuyên gia Bondaz cho biết : « Có đến 3.000 doanh nghiệp tham gia cùng với 4.000 công ty trong lãnh vực này », và sản lượng từ 20 triệu khẩu trang/ngày đến cuối tháng Hai đã tăng vọt lên 120 triệu chiếc/ngày, trong đó có 1,66 triệu khẩu trang loại FFP2.
Chiến dịch này nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, không chỉ khẩu trang mà cả những bộ kit xét nghiệm và máy thở. Nhưng trước tốc độ lây nhiễm giảm xuống vào tháng Ba, nhiều nhà sản xuất quay sang thị trường quốc tế, ngay cả trước khi được phép bán tại Hoa lục.
Có 102 công ty sản xuất bộ xét nghiệm được cho xuất sang châu Âu, theo chủ tịch Hiệp hội chẩn đoán trong phòng thí nghiệm Trung Quốc, được South China Morning Post dẫn lại. Thế nhưng chỉ có 13 công ty trong số này được Hiệp hội sản phẩm y tế cho phép phân phối tại Trung Quốc. Tờ báo Hồng Kông nêu ra trường hợp một công ty ở Trường Sa (Changsha) chỉ có giấy phép sản xuất bộ xét nghiệm PCR (lấy mẫu thử ở mũi và họng) dành cho…thú vật, nhưng hôm 17/3 đã được sử dụng nhãn CE và chuẩn bị sản xuất 30.000 bộ xét nghiệm PCR Covid-19.
Coi mặt hàng khẩu trang là vũ khí địa chính trị, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc rục rịch tung ra tài liệu mang tên « Đại Quốc Chiến Dịch » để tự ca ngợi thành tựu chống dịch. Nhưng chừng như « ngoại giao khẩu trang » đang bị khựng lại vì cách làm ăn chụp giựt.
Virus corona giúp Bắc Kinh ”cầm chân”
tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt ?
Thanh Hà
Ba tuần lễ sau khi ghé thăm cảng Đà Nẵng, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt sa lưới Covid-19. Tàu đang neo đậu tại đảo Guam từ hôm 28/03/2020, sau khi phát hiện ba thuyền viên bị nhiễm virus corona.
Đại diện của Hải Quân Mỹ, Thomas Modly, cho biết từ hôm 01/04/2020 đã bắt đầu « đưa 1.000 người lên bờ và trong những ngày sắp tới sẽ có khoảng 2.700 trên tổng số gần 5.000 thủy thủ đoàn » được đưa vào đất liền.
Chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt tạm thời bị vô hiệu hóa, vì nhiều thành viên trên tàu nhiễm virus corona. 1.200 thuyền viên đã được xét nghiệm, 93 người dương tính với siêu vi corona chủng mới, 7 người nhiễm bệnh, nhưng không có triệu chứng thường thấy như ho, sốt …
Tại đảo Guam, các bệnh nhân được đưa vào căn cứ quân sự để cách ly. Còn những ca không hay chưa bị lây nhiễm sẽ được tạm trú tại khách sạn. Chính quyền trên đảo đang rất hoang mang, vì muốn bảo vệ dân cư tại Guam khỏi vòng vây của virus corona. Mặt khác Hải Quân Hoa Kỳ cũng phải duy trì một lực lượng hùng hậu thường trực trên tàu, bởi hàng không mẫu hạm của Mỹ được trang bị rất nhiều vũ khí tối tân như hệ thống vũ khí chống tên lửa Sea Sparrow, hệ thống tên lửa đối không RIM116 hay dàn pháo cận chiến Phalanx … cùng với nhiều loại ra đa của quân đội, nhiều chiến đấu cơ và kể cả một lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho tàu sân bay.
Vậy phải chăng việc chiếc USS Theodore Roosevelt bị « cầm chân » ở đảo Guam khiến nhiệm vụ tuần tra trong vùng Thái Bình Dương tạm thời bị gián đoạn vì Covid-19 ? Theo đại diện của Hải Quân Mỹ, Thomas Modly, thì câu trả lời là không.
Ông giải thích « nếu cần và nếu xảy ra khủng hoảng, tàu sân bay vẫn có thể lên đường » và trên tàu vẫn có một đội ngũ thường trực để bảo quản và bảo đảm an ninh cho chiếc hàng không mẫu hạm được bảo vệ rất kỹ càng này của Hải Quân Hoa Kỳ.
Dù sao virus corona cũng đang đặt ra một thách thức không nhỏ cho ngành quốc phòng của Mỹ. Cho đến Thứ Ba vừa qua, lãnh đạo Lầu Năm Góc Mark Esper dứt khoát bác bỏ khả năng « sơ tán » toàn bộ thủy thủ đoàn. Một ngày sau, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bác bỏ mọi khả năng « đình chỉ tất cả các hoạt động của quân đội Mỹ để giải quyết vấn đề y tế » trên tàu. Hải Quân Hoa Kỳ có một nhiệm vụ đó là « bảo vệ an ninh quốc gia và cho người dân Mỹ ».
Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có nhiệm vụ tuần tra trong khu vực Thái Bình Dương nhằm kềm hãm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Chặng dừng gần đây nhất của tàu sân bay Mỹ là cảng Đà Nẵng trong tuần lễ đầu tiên của tháng 3/2020. Ở vào thời điểm đó virus corona đã hoành hành tại châu Á, và Lầu Năm Góc đã bác bỏ đề nghị hủy chuyến viếng thăm hữu nghị cảng Đà Nẵng. Lý do bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra là « có rất ít ca nhiễm virus corona tại Việt Nam ».
Philippines: Tổng thống Duterte dọa bắn
những người vi phạm lệnh phong tỏa
Hải Lam
Reuters đưa tin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 1/4 cảnh báo những ai vi phạm các biện pháp phong tỏa trong dịch Covid-19 có thể bị bắn vì gây rắc rối cho xã hội.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 1/4, ông Duterte nói rằng việc tất cả người dân hợp tác và tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà là quan trọng, khi các nhà chức trách đang nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus corona và giúp hệ thống y tế của đất nước không bị quá tải.
“Tình hình đang trở nên tệ hơn. Vì vậy, một lần nữa tôi nói với mọi người về mức độ nghiêm trọng của vấn đề và mọi người phải nghe theo”, Tổng thống Duterte phát biểu.
“Tôi ra lệnh cho cảnh sát và quân đội … Nếu ai gây rối, chống trả và tính mạng của các anh gặp nguy hiểm, hãy bắn chết họ”.
“Nói vậy đã đủ hiểu chưa? Bắn chết. Thay vì để họ gây rối, tôi sẽ chôn họ”, ông Duterte cảnh báo.
Bình luận của Tổng thống Philippines được đưa ra sau khi truyền thông báo cáo về việc cảnh sát bắt giữ một số người dân phản đối chính sách viện trợ lương thực của chính phủ tại khu vực nghèo của Manila hôm 1/4. Ngoài ra, gần đây cũng xuất hiện tình trạng các nhân viên y tế bị lạm dụng và phân biệt đối xử. Ông Duterte yêu cầu phải chấm dứt vụ việc này.
Các nhà hoạt động thường chỉ trích những phát ngôn kích động của Tổng thống Philippines và cáo buộc ông châm ngòi cho bạo lực, ví dụ như trong cuộc chiến chống ma túy. Cảnh sát và các tay súng bí ẩn đã giết chết hàng ngàn người bị buộc tội sử dụng hoặc buôn bán ma túy mà không qua xét xử.
Tuy nhiên, cảnh sát trưởng quốc gia Philippines hôm 2/4 giải thích, họ cho rằng Tổng thống muốn truyền đạt về tầm quan trọng của việc giữ trật tự xã hội và sẽ không ai bị bắn.
Theo worlometer, đến nay Philippines báo cáo 2.633 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 107 người đã tử vong, hầu hết đều được ghi nhận trong vòng ba tuần gần đây. Reuters cho hay, số ca nhiễm mới tại Philippines lên tới hàng trăm ca mỗi ngày. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, các cơ sở y tế tại quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt với tình trạng thiếu đồ bảo hộ, giường bệnh, nguồn nhân lực và năng lực xét nghiệm, trong khi số bệnh nhân lại đang gia tăng.