Tin khắp nơi – 02/04/2018
Trung Quốc từng ra chỉ thị
đánh cắp công nghệ Mỹ và phương Tây
Đảng Cộng sản Trung Quốc từng có một chỉ thị mật về việc tăng cường đánh cắp các bí mật công nghê của Hoa Kỳ và Phương Tây.
Tờ báo Mỹ Washington Free Beacon vào ngày 2 tháng tư cho đăng tải chỉ thị vừa nêu, mà họ nói rằng được tung ra từ một người có quan hệ mật thiết với giới tình báo và an ninh Trung Quốc.
Tài liệu có dấu búa liềm đỏ của Văn phòng Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn có tên gọi là Trung Nam Hải, đầu não chính trị của Bắc Kinh.
Tin nói chỉ thị này còn được gửi cho Quốc Hội, Hội Đồng Nhà Nước và Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc.
Theo tài liệu ban hành vào tháng 12 năm 2016, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ thị cho đơn vị tình báo, được mệnh danh Vụ Hoạt Động Mặt Trận Thống Nhất, tăng cường tất cả các biện pháp, sử dụng tất cả những quan hệ có được để đánh cắp những phát minh sáng chế của Hoa Kỳ và Phương Tây, từ những bí mật hạt nhân cho đến kỹ thuật sản xuất điện gió.
Chỉ thị nói rằng sở dĩ Trung Quốc phải làm việc này vì Hoa Kỳ ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với những sáng chế kỹ thuật mới, việc tiến hành lấy cắp bí mật công nghệ Mỹ và Phương Tây sẽ giúp Trung Quốc phát triển, đồng thời chia rẽ các thế lực thù địch ở Mỹ và Phương Tây.
Washington Free Beacon cho biết không thể xác minh một cách độc lập chỉ thị vừa nêu. Thư điện tử gửi cho phát ngôn nhân Đại sứ quán Trung Quốc để hỏi về vấn đề này không được trả lời.
Cơ quan gián điệp của Mỹ là CIA từ chối bình luận, trong khi quan chức đứng đầu cơ quan điều tra liên bang, gọi tắt là FBI, ông Christopher Wray lại nói với một kênh truyền thông Mỹ NBC rằng không có quốc gia nào nhắm vào việc chiếm đoạt tài sản trí tuệ của Mỹ dữ dội như Trung Quốc.
Có hai chuyên gia Hoa Kỳ chuyên về vấn đề Trung Quốc nói rằng tài liệu này có tính xác thực. Đó là ông Peter Mattis thành thạo về hoạt động tình báo Trung Quốc và bà Anne Mare Brady, học giả về vấn đề Trung Quốc thuộc Trung Tâm Wilson ở Washington DC.
Tờ Washington Free Beacon cho rằng việc công bố tài liệu về chỉ thị đánh cắp bí mật công nghệ Mỹ của Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp củng cố chứng cứ cho báo cáo của Chính quyền Mỹ đưa ra hồi tháng Ba của Đại diện thương mại Mỹ rằng Trung Quốc đánh cắp rất nhiều sản phẩm trí tuệ của Mỹ.
Báo cáo này cũng là căn cứ để Mỹ công bố việc đánh thuế đến 20% lên các sản phẩm thép của Trung Quốc và 15% lên các sản phẩm nhôm của Trung Quốc nhập vào Mỹ.
TQ áp thuế hàng Mỹ trị giá 3 tỷ USD để trả đũa
Trung Quốc áp mức thuế lên tới 25% trên 128 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, bao gồm thịt lợn và rượu vang.
Hành động này nhằm trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm nước ngoài đầu tháng Ba vừa qua.
Mức thuế mới ảnh hưởng tới khoảng 3 tỷ đôla hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc hôm thứ Hai 2/4.
TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’
Trump áp thuế nhập thép, đối tác nổi giận
Mỹ áp thuế pin mặt trời và máy giặt Trung-Hàn
Thép VN ‘xuất xứ TQ’ bị Mỹ trừng phạt
Bắc Kinh cho biết động thái này nhằm ‘bảo vệ lợi ích của Trung Quốc và cân bằng’ những tổn thất do mức thuế mới của Mỹ gây ra.
Trung Quốc trước đây nói không muốn có một cuộc chiến thương mại nhưng sẽ không ngồi yên nếu nền kinh tế bị tổn thương.
Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh rằng ‘các cuộc chiến thương mại là điều tốt’ và rất ‘dễ dàng’ để Mỹ giành chiến thắng.
Chính quyền Mỹ đã thông báo kế hoạch cho các khoản thuế tiếp theo đánh vào hàng chục tỷ đôla hàng nhập khẩu của Trung Quốc, phóng viên Chris Buckler của BBC cho hay từ Washington.
Mỹ cho hay đây là phản ứng đối với hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc vốn ảnh hưởng đến các công ty Hoa Kỳ, nhưng nó cũng làm tăng xác suất có thêm các động thái mới trong cuộc chiến thương mại ‘ăn miếng trả miếng’ này, phóng viên của BBC cho biết thêm.
Sản phẩm nào bị ảnh hưởng?
Nhôm và thịt lợn đông lạnh sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 25% lên thêm mức thuế hiện hành.
Một số thực phẩm khác của Mỹ bao gồm ngũ cốc, trái cây tươi và khô, nhân sâm và rượu vang sẽ bị áp mức thuế mới tăng 15%.
Thép cán có thể cũng bị đánh thuế tăng 15%.
Tại sao điều này xảy ra?
Trung Quốc cho biết mức thuế mới là một biện pháp trả đũa đối với quyết định của ông Trump tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Nhưng có thể thuế còn bị đánh cao hơn nữa.
Ngày 22/3, Hoa Kỳ cho biết họ đang có kế hoạch áp mức thuế mới lên tới 60 tỷ đôla đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và hạn chế đầu tư vào Mỹ, nhằm trả đũa Trung Quốc nhiều năm ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ.
Nhà Trắng cho biết họ hành động để chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh từ nền kinh tế nhà nước của Trung Quốc.
Về lý thuyết, Bắc Kinh có thể đánh thuế các công ty công nghệ của Mỹ như Apple. Động thái này có thể buộc các công ty khổng lồ Mỹ phải nâng giá để bù đắp.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43615741
Kim Jong-un ‘cảm động’ vì K-pop ở Bình Nhưỡng
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vô cùng cảm động sau buổi biểu diễn của các nghệ sỹ Hàn Quốc ở Bình Nhưỡng, thông tấn xã Bắc Hàn KCNA đưa tin.
Hãng thông tấn KCNA nói trái tim ông Kim dâng trào khi thấy khán giả Bắc Hàn hưởng ứng nhiệt tình buổi biểu diễn của các nhóm nhạc K-pop nổi tiếng.
Ông nói cuộc giao lưu âm nhạc này là một dịp mang ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra hình ảnh của một đất nước thống nhất.
Các ngôi sao K-pop Hàn Quốc biểu diễn ở miền Bắc
TQ, Bắc Hàn xác nhận chuyến thăm của ông Kim
Chương trình ca nhạc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang được cải thiện.
Bắc Hàn đã đưa các nghệ sỹ biểu diễn đến Thế vận hội mùa đông Pyeongchang tại Hàn Quốc hồi tháng trước, và lãnh đạo hai nước sắp có hội nghị thượng đỉnh tại biên giới vào cuối tháng Tư.
Các nghệ sỹ Hàn Quốc biểu diễn hai show ở Bình Nhưỡng.
Chương trình đầu tiên, với chủ đề Mùa xuân đang tới, diễn ra tối Chủ nhật ngày 1/4 tại Nhà hát Lớn Nam Bình Nhưỡng, một địa điểm có sức chứa hơn 1.500 chỗ ngồi.
Đoàn nghệ thuật kết hợp K-pop, rock và các thể loại khác, sẽ có buổi biểu diễn tiếp theo vào thứ Ba 3/4.
Ông Kim là lãnh đạo Bắc Hàn đầu tiên xem một buổi biểu diễn của các nghệ sỹ từ miền Nam, theo thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc.
Em gái ông, bà Kim Yo-jong, và nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa, ông Kim Yong-nam cũng đến xem.
Ông Kim Jong-un “rất thích thú với buổi biểu diễn và đặt câu hỏi về các bài hát và lời của chúng,” Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Do Jong-hwan nói với các nhà báo.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43617793
TQ: Thiên Cung-1 rơi xuống Nam Thái Bình Dương
Trạm Thiên Cung-1 của Trung Quốc bị thiêu rụi khi tiến vào khí quyển trái đất tại Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc và Mỹ cho hay.Trạm thí nghiệm không gian quay lại bầu khí quyển khoảng 00:15 giờ GMT hôm 2/4, Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc ghi nhận.Thiên Cung-1 được phóng vào năm 2011 để thực hiện các thử nghiệm về quỹ đạo.
Thiên Cung-1 của TQ ‘sắp rơi xuống trái đất’
Tàu Thần Châu 11 kết nối với Thiên Cung 2
Số phận ‘chó du hành vũ trụ’ của Liên Xô
Đó là một phần nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng trạm không gian có người lái trước năm 2022, nhưng trạm này đã ngừng hoạt động vào tháng 3/2016.
Chúng ta biết gì về nơi Thiên Cung-1 rơi?
Giới chức vũ trụ mô tả khá mơ hồ rằng trạm rơi “phía trên Nam Thái Bình Dương.”
Các chuyên gia không gian Mỹ cho biết họ dùng công nghệ phân tích quỹ đạo để xác nhận việc Thiên Cung-1 quay lại bầu khí quyển.
Nhà thiên văn học Jonathan McDowell, từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, viết trên Twitter rằng dường như trạm này rơi xuống phía tây bắc Tahiti.
Các chuyên gia đã đau đầu để dự báo chính xác nơi Thiên Cung-1 sẽ rơi – và cơ quan không gian của Trung Quốc ngay trước sự kiện đã dự báo sai rằng trạm này rơi ở Sao Paulo, Brazil.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu dự báo rằng Thiên Cung-1 có thể sẽ vỡ tan trên biển.
Họ nhấn mạnh rằng xác suất để bất cứ ai bị mảnh vỡ của trạm rơi phải “nhỏ hơn 10 triệu lần so với rủi ro bị sét đánh mỗi năm”.
Hiện chưa rõ bao nhiêu mảnh vỡ của Thiên Cung-1 còn nguyên vẹn khi rơi xuống bề mặt trái đất.
Tại sao trạm không gian lại rơi như thế này?
Lẽ ra trạm vũ trụ dài 10m này có thể trở về Trái Đất trong trạng thái có kiểm soát.
Thường thì các trạm không gian ngừng hoạt động được đẩy về một vùng sâu ở Nam Đại Dương. Tuy vậy, người ta không thể có chọn lựa này sau khi mất khả năng kiểm soát trạm.
13 cơ quan không gian, dưới sự lãnh đạo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, đã dùng radar và đài quan sát để dõi theo hành trình của Thiên Cung-1.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43609757
Ấn Độ và Trung Quốc
nối lại quan hệ sau khủng hoảng Doklam
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman sẽ tới Trung Quốc trong tháng này nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia tại khu vực biên giới Doklam. Mạng báo Asia Times hôm 2/4 dẫn thông tin được tờ South China Morning Post tiết lộ sau cuộc phỏng vấn của báo này với ông Gautam Bambawale, đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc hồi cuối tháng trước.
Theo ông Bambawale, Trung Quốc và Ấn Độ đang thiếu một chiến lược truyền thông ở cấp độ quân sự cao cấp, do đó, cuộc gặp gỡ sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn và người tương nhiệm mới được bổ nhiệm của Trung Quốc là tướng Ngụy Phương Hòa ,thành viên lâu năm của Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ quân sự giữa hai quốc gia. Đồng thời, chuyến viếng thăm này cũng sẽ là tiền đề cho chuyến thăm chính thức của thủ tướng Ấn độ Narendra Modi tới Trung Quốc sắp tới.
Theo dự kiến, thủ tướng Ấn độ sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Thanh Đảo vào tháng 6 tới đây, tuy nhiên có thể chuyến thăm chính thức này sẽ được thực hiện sớm hơn.
Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ được đánh giá đang diễn ra tốt đẹp với mức tăng kỷ lục 84,4 tỷ đô la Mỹ giá trị thương mại giữa hai nước vào năm 2017. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Ấn Độ cũng đang tăng lên nhanh chóng, giúp giảm dần khoảng cách thâm hụt thương mại 52 tỷ đô la mà Ấn Độ nhập siêu từ Trung Quốc.
Với việc nối lại quan hệ ngoại giao, hai bên có thể giải quyết êm thấm các vấn đề ngoại giao song phương. Ấn Độ đã cũng đã thực hiện một số các yêu sách nhạy cảm của Bắc Kinh đối với vấn đề Đức Đạt Lai Lạt Ma, đồng thời chấp nhận tiếp cận gần hơn với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với bước đi đầu tiên là việc tham gia hành lang Diễn đàn hợp tác khu vực Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar (BCIM)
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến việc New Delhi sẽ không là đồng minh kinh tế của Mỹ trong thời điểm này.
Giảm quy mô tập trận Mỹ-Hàn
có thể là một phần của thỏa thuận hạt nhân
Chấm dứt luôn các cuộc thao dượt quân sự chung Mỹ-Hàn có thể là một điều kiện chính yếu trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên sắp tới.
Cuộc thao dượt quân sự thường niên đã được hoãn lại hồi đầu năm nay để giữa không khí hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên trong lúc diễn ra Olympic mùa đông ở miền Nam và được hạ giảm quy mô để góp phần vào các cuộc đàm phán sắp tới về chương trình hạt nhân của miền Bắc.
Các cuộc thao diễn mang tên Foal Eagle và Key Resolve cũng giống như các cuộc thao dượt trước đây, với hơn 23.000 binh sĩ Mỹ và 300.000 binh sĩ Hàn Quốc tham gia.
Tuy nhiên cuộc diễn tập năm nay tập trung vào các bài tập phòng thủ thay vì tấn công nhằm vào giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng như trong các bài tập trước đây. Máy bay ném bom hạt nhân và tàu sân bay của Mỹ cũng không tham gia cuộc tập trận này và thời gian của cuộc diễn tập cũng được rút ngắn lại.
Ông Kim Tae-woo, một nhà phân tích quân sự ở Đại học Konyang, nói: “Thời gian của cuộc thao dượt quân sự giảm xuống một nửa. Mặc dù được thông báo là quy mô cuộc diễn tập vẫn giống như trước, chúng tôi nhận thấy quy mô cuộc diện tập giảm đi so với các năm trước đây.”
Việc giảm quy mô các cuộc thao dượt quân sự hình như là một bước nhượng bộ tạm thời đề duy trì đà tiến ngoại giao với Triều Tiên. Bình Nhưỡng mới đây đã chuyển từ đe doạ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân sang đồng ý tham gia đàm phán phi hạt nhân với Hàn Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên có những lo ngại cho rằng giảm quy mô tập trận hơn nữa và bỏ luôn cả các cuộc tập trận chung có thể trở thành điểm chính của các cuộc đàm phán hạt nhân.
Ông Go Myong-Hyun, một nhà phân tích về Triều Tiên ở Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, nói: “Để đạt được tiến bộ trên mặt trận giải trừ hạt nhân, Hàn Quốc bằng cách nào đó phải giảm quy mô và thậm chí các chấm dứt các cuộc thao dượt quân sự chung.”
Tổng thống Hàn Quốc cho tới nay đã cố gằng tìm cách cân bằng giữa việc vươn tới tiếp xúc với miền Bắc và duy trì quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Tuy nhiên ý tưởng hạ giảm các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia để thăng tiến nghị trình ngoại giao của ông có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch “tăng áp lực tối đa” của Mỹ
Hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố sẽ tiếp tục các biện pháp chế tài đối với Bình Nhưỡng và vẫn đi theo quan điểm là các biện pháp quân sự luôn sẵn sàng khi cần, mới đây đã tỏ ra uyển chuyển qua việc đồng ý gặp gỡ với ông Kim và đồng ý với Tổng thống Moon hạ giảm quy mô cuộc thao dượt quân sự để tạo cho ngoại giao một cơ hội.
Ông Trump tuyên bố ‘không thỏa hiệp’ về di dân DACA
Tổng thống Donald Trump hôm 1/4 viết trên Twitter rằng sẽ không có một thỏa thuận về việc hợp pháp hóa tình trạng của các của các di dân trẻ được cha mẹ bất hợp pháp đưa tới Mỹ khi còn nhỏ, và tuyên bố thêm rằng biên giới Mỹ và Mexico ngày càng nguy hiểm.
Sau khi gửi lời chúc về lễ Phục sinh, ông Trump viết hoa trên Twitter về chuyện sẽ “không có thỏa thuận về DACA”, đồng thời đổ lỗi cho phe Dân chủ về sự nguy hiểm gia tăng trên biên giới Mỹ và Mexico.
Ông cũng đe dọa sẽ xóa bỏ Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hiện đang tái đàm phán với Mexico và Canada, theo Reuters.
DACA (Hoãn trục xuất đối với các di dân tới Mỹ khi còn nhỏ) là một chương trình được hình thành năm 2012 dưới thời kỳ nắm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama thuộc phe Dân chủ.
Ông Trump đã tìm cách xóa bỏ nó từ hồi mùa thu năm ngoái.
Có khoảng 700.000 thanh thiếu niên, chủ yếu là người gốc Mỹ Latin, không bị trục xuất và được cấp giấy phép làm việc trong hai năm, sau đó họ được nộp đơn lại theo chương trình DACA.
Tổng cộng có khoảng 1,8 triệu người đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình này, chiếm phần lớn trong số hơn 11 triệu người nhập cư đang sinh sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Ông Trump từng tuyên bố để ngỏ việc đàm phán một thỏa thuận với các nhà lập pháp Dân chủ muốn bảo vệ chương trình để đổi lấy khoản ngân sách dành cho việc xây dựng tường ngăn trên biên giới với Mexico.
Trên Twitter, ông Trump hôm 1/4 cũng viết rằng Mexico làm “rất ít, nếu không nói là không làm gì” để ngăn chặn dòng người vượt biên giới phía nam”.
“Họ cười vào các luật lệ nhập cư ngu ngốc của chúng ta. Họ phải ngăn dòng người và dòng chảy ma túy lớn, hoặc tôi sẽ ngăn ‘con bò sữa hái ra tiền’, NAFTA”, Tổng thống Mỹ viết.
https://www.voatiengviet.com/a/4326724.html
TNS Lindsey Graham phản đối đề nghị
rút quân khỏi Syria của tổng thống Trump
Washington DC. (Reuters) – Hôm Chủ Nhật 1 tháng 4, Lindsey Graham- một thượng nghị sĩ cao cấp của đảng Cộng Hòa- cảnh báo Tổng Thống Trump về đề nghị rút quân khỏi Syria.
Ông Graham nói rằng việc rút quân sẽ dẫn tới sự hồi sinh của tổ chức Hồi Giáo cực đoan ISIS, đồng thời tăng cường sự ủng hộ của Iran đối với chính quyền Syria. Trong chương trình “Fox News Sunday,” thượng nghị sĩ Lindsey Graham là thành viên Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện, cho rằng đây là quyết định đơn phương tồi tệ nhất của tổng thống Trump.
Với việc phiến quân ISIS bị mất mất hầu như toàn bộ lãnh thổ mà họ từng chiếm giữ ở Syria, tổng thống nói với các cố vấn rằng ông muốn quân đội Hoa Kỳ sớm rút quân ra khỏi Syria. Quan điểm của tổng thống dường như ngược lại ý kiến của nhiều viên chức quân sự Hoa Kỳ, vì họ nhìn thấy cuộc chiến chống ISIS vẫn chưa hoàn thành.
Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Tòa Bạch Ốc dự trù sẽ họp trong tuần này để thảo luận về chiến dịch chống ISIS ở Syria do quân đội Hoa Kỳ dẫn dắt. Một viên chức cao cấp nói với Reuters rằng các cố vấn của ông Trump tin rằng quân đội Mỹ cần ở lại Syria thêm ít nhất hai năm nữa, nhưng ông Trump không hài lòng với lời khuyên này. Hiện nay còn 2,000 binh sĩ Mỹ đang chiến đấu ở Syria. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tns-lindsey-graham-phan-doi-de-nghi-rut-quan-khoi-syria-cua-tong-thong-trump/
Thượng Nghị Sĩ Warren: Hoa Kỳ đã thức tỉnh
trước những lạm dụng của Trung Cộng
Chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng đã đi lạc hướng trong nhiều thập niên, và các nhà làm chính sách giờ đây đang điều chỉnh lại các mối quan hệ. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren nói với các phóng viên như vậy hôm Chủ Nhật 1 tháng 4, trong chuyến thăm Bắc Kinh giữa lúc căng thẳng thương mại tăng cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chuyến thăm của bà Warren diễn ra giữa lúc Tổng thống Trump chuẩn bị áp thuế nhập cảng hơn 50 tỉ Mỹ kim trên hàng hóa Trung Cộng, để trừng phạt nước này về những cáo buộc Bắc Kinh đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ một cách có hệ thống. Bà chính khách thuộc đảng Dân Chủ từ Massachusetts nhận định, sau nhiều năm đặt giả thiết một cách sai lầm rằng giao tiếp kinh tế sẽ dẫn tới một nước Trung Cộng cởi mở hơn, nay chính phủ Hoa Kỳ đã tỉnh giấc trước sự việc Trung Cộng đòi hỏi các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ mới được đưa hàng hóa vào nước này. Bà Warren so sánh đòi hỏi của Trung Cộng như việc ra giá để cho chuộc con tin.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh, bà Warren cũng đã thảo luận về Bắc Hàn với một số giới chức Trung Cộng cao cấp, bao gồm ông Lưu Hạc, phó thủ tướng về chính sách kinh tế, và Bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa. Theo hãng thông tấn Reuters, bà Warren đã nói với các giới chức mà bà gặp gỡ rằng, người Mỹ không thể hỗ trợ một nền kinh tế gắn kết hơn với Trung Cộng, nếu nước này không tôn trọng những nhân quyền căn bản. (Huy Lam)
https://www.sbtn.tv/thuong-nghi-si-warren-hoa-ky-da-thuc-tinh-truoc-nhung-lam-dung-cua-trung-cong/
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung : Đôi bên muốn gì ?
Sau nhiều tuần lễ đấu khẩu với các đòn hù dọa lẫn nhau, Trung Quốc lần đầu tiên khai hỏa. Bộ Thương Mại áp dụng biện pháp tăng thuế từ 15 đến 25 % nhắm vào gần 130 sản phẩm của Hoa Kỳ nhập vào thị trường đông dân nhất hành tinh. Dù vậy quả pháo đầu tiên này được các nhà quan sát đánh giá là khá chừng mực.
Đây có phải là một nước cờ để nắn gân Mỹ, trong lúc Bắc Kinh vẫn kỳ vọng Washington không lao vào một cuộc chiến tranh thương mại mà cả hai cùng biết là sẽ bất lợi cho cả đôi bên ? Về phía Nhà Trắng, tổng thống Trump và dàn cố vấn của ông thực sự đang tính toán những gì ?
Trước hết về phía Trung Quốc, trong lúc Washington dọa đánh vào 60 tỷ đô la hàng nhập của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, thì Bắc Kinh phản công lại một cách khiêm tốn, “tấn công” vào 3 tỷ đô la, tương đương với 2 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang nước đông dân nhất địa cầu. Trung Quốc tuyệt đối không đụng đến những mặt hàng thiết thực với đời sống hàng ngày của 1,5 tỷ dân trên quê hương ông Đặng Tiểu Bình.
Trung Quốc tạm thời tránh áp thuế lên xe hơi Mỹ hay những sản phẩm của Mỹ rất được người Trung Quốc ưa chuộng như điện thoại di dộng mang nhãn hiệu Quả Táo, mà 310 triệu chiếc đang lưu hành tại Trung Quốc.
Có hai cách giải thích cho thái độ chừng mực này. Một số chuyên gia cho rằng, có thể hiểu đợt phản công đầu tiên của Bắc Kinh đi theo hướng “vừa đánh, vừa ngóng” xem phía Hoa Kỳ phản ứng thế nào và dùng đòn trả đũa đúng liều, để chính quyền Trump phải suy nghĩ kỹ trước khi lao vào một cuộc chiến thương mại. Đồng thời về mặt đối nội, phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh nhằm chứng minh với người dân nước này rằng Trung Quốc thực sự “không khoanh tay ngồi nhìn” hay chịu lép vế Mỹ.
Cách lý giải thứ nhì đơn giản hơn là Trung Quốc ý thức được rằng, “môi hở, răng lạnh”, hai nền kinh tế số 1 và số 2 lệ thuộc vào nhau đến mức độ nào. Đành rằng Bắc Kinh đủ sức trả đũa nhắm vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của Mỹ, nhưng khi nhìn kỹ vào vấn đề thì bài toán không đơn giản.
Theo nghiên cứu của tập đoàn ngân hàng Đức Deutsche Bank, Trung Quốc đem về 20 % doanh thu cho hãng Apple, là khách hàng lớn nhất của hãng chuyên về công nghệ điện thoại di động Qualcomm (65 % doanh thu) ; 45 % máy tính Texas Instrument bán ra là để phục vụ các khách hàng Trung Quốc. Số lượng xe hơi General Motors bán ra trên thị trường Trung Quốc cao gấp đôi so với ở Hoa Kỳ …
Nhưng tất cả những sản phẩm nói trên đều được lắp ráp ngay trên đất Trung Quốc để phục vụ người dân Trung Quốc. Vì vậy, “phạt” những tập đoàn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động Trung Quốc. Đó là điều mà Bắc Kinh không muốn xảy ra, theo như ghi nhận của các chuyên gia thuộc ngân hàng Deutsche Bank.
Dưới lăng kính của tờ báo tài chính Anh, Financial Times, Bắc Kinh rất khéo léo trong chiến thuật vừa đánh, vừa xoa. Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn, trong hậu trường, Bắc Kinh đã đồng ý mở cửa thị trường tài chính cho các tổ hợp ngoại quốc và đã sẵn sàng cho nhập khẩu thêm các mặt hàng điện tử của Mỹ theo yêu cầu của Washington. Có điều Trung Quốc đợi thời điểm thuận tiện mới thông báo đầy đủ hơn các bước đi hòa hoãn này. Financial Times trích một số nguồn tin thân cận với chính quyền Trung Quốc cho rằng, có nhiều khả năng thời điểm thuận lợi nói trên là nhân dịp Diễn đàn kinh tế Bát Ngao (8-11/04/2018).
Về phía Washington, chiến lược của Nhà Trắng cũng đã được giới phân tích giải mã. Tổng thống Trump dùng đòn hù dọa, để cuối cùng buộc đối phương nhượng bộ, như là điều ông đã dễ dàng đạt được với Hàn Quốc. Nhưng Washington thừa biết Trung Quốc là một đối thủ khó vượt qua hơn.
Tổng thống Donald Trump căn cứ vào mức nhập siêu của Hoa Kỳ với bạn hàng Trung Quốc lên tới 375 tỷ đô la trong năm vừa qua và cho rằng trong 15 năm liên tiếp, hai tổng thống tiền nhiệm George W.Bush và Barack Obama đã không thu hẹp được khoảng cách trong cán cân thương mại, bây giờ đã đến lúc ông phải ra tay.
Ở bước đầu, tổng thống Mỹ đánh thuế lên nhôm, thép của Trung Quốc, gây thiệt hại cho công nghệ nước này 9 tỷ đô la. Bước kế tiếp, Nhà Trắng phạt thêm 60 tỷ đô la và đòi “ông bạn” Tập Cận Bình giảm 100 tỷ đô la thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ. Cũng Donald Trump với giọng điệu không mấy ngoại giao cáo buộc thẳng thừng các doanh nghiệp Trung Quốc “ăn cắp” chất xám của Mỹ để thống lĩnh thế giới về các công nghệ tương lai.
Theo phân tích của giáo sư Tôn Lập Bình (Sun Liping) đại học Tinh Hoa, Bắc Kinh, Mỹ đoán chừng là phía Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong cuộc đọ sức về thương mại này. Nguồn thu ngoại tệ nhiều nhất cho nền kinh tế thứ 2 thế giới chính là Mỹ. Với số tiền đó, Trung Quốc nhập những sản phẩm thiết yếu nhất, từ dầu hỏa đến chip điện tử và cả một số nhu yếu phẩm. Vẫn theo chuyên gia Trung Quốc này, trong trường hợp nổ ra chiến tranh thương mại, Mỹ có nhiều tài nguyên thiên nhiên ngay trên lãnh thổ, như dầu hỏa chẳng hạn, để vượt qua mọi cấm vận. Trung Quốc thì không.
Hơn nữa, vẫn theo giáo sư Tôn Lập Bình, Washington có thể trông cậy vào nhiều đồng minh để phần nào bù đắp vào chỗ trống do Trung Quốc để lại. Bắc Kinh không có được ngõ thoát hiểm an toàn như Hoa Kỳ. Chuyên gia trường đại học Tinh Hoa Bắc Kinh kết luận : “Chiến tranh thương mại, nếu có, sẽ gây phương hại nhiều cho nền kinh tế Mỹ, nhưng còn đối với Trung Quốc, đây là chuyện sống còn”.
Nhìn từ Mỹ, ông Adam Posen, giám đốc viện nghiên cứu Peterson Institute, trụ sở tại Washington, không tự tin bằng. Ông cho rằng chiến tranh thương mại mà tổng thống Donald Trump đang lao vào sẽ vừa “tốn kém, không có hiệu quả và sẽ mở ra một thời kỳ đầy bất trắc”, để rồi Hoa Kỳ sẽ sa lầy như ở Afghanistan !
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180402-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-thuc-su-doi-ben-muon-gi
Xã hội : Nước Pháp chuẩn bị cho « thứ ba đen »
Ngành xe hỏa Pháp sẽ bắt đầu bị « tê liệt » từ tối thứ hai 02/04/2018 cho đến sáng thứ năm. Đây là màn đầu của một chiến dịch đình công “hai ngày trên năm”, dự trù kéo dài trong ba tháng, để gây áp lực với chính phủ Macron, .
Sau nhiều ngày huy động biểu tình không đông như mong muốn, cuộc đình công của nhân viên đường sắt bắt đầu vào chiều thứ hai theo nhịp hai ngày bãi công, ba ngày hoạt động, trong ba tháng cho đến cuối tháng sáu. Chiến dịch này là một thách thức lớn đối với tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ Pháp trong chính sách cải cách hệ thống hỏa xa, chuẩn bị mở cửa thị trường cho cạnh tranh. Giới công đoàn hy vọng chính phủ sẽ lùi bước, nhất là trên các biện pháp đe dọa một số thụ đắc xã hội của nhân viên hỏa xa và mở đường để « tư nhân hóa » Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp SNCF.
Ban giám đốc công ty SNCF dự kiến cuộc đọ sức sẽ rất cam go : Sẽ chỉ có 1 xe lửa cao tốc TGV trên 8, 1 xe lửa liên vùng và xe lửa ngoại ô trên 5 lưu thông trong ngày đình công đầu tiên. Hoàn toàn không một chuyến xe cao tốc nào nối liền Paris với ba nước láng giềng Ý, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Khoảng 4,5 triệu hành khách mỗi ngày sử dụng hệ thống tàu hỏa đi làm sẽ phải sử dụng phương tiện thay thế như xe buýt, hoặc đi chung xe hơi với nhau. Các công sở, xí nghiệp đã chuẩn bị sắp xếp nhân viên co giãn giờ làm việc.
http://vi.rfi.fr/phap/20180402-xa-hoi-nuoc-phap-chuan-bi-%C2%AB-thu-ba-den-%C2%BB
Nga : Biểu tình phản đối nạn thải rác bừa bãi
Hôm qua, 01/04/2018, dân cư thị trấn Volokolamsk, trong vùng thủ đô Matxcơva, biểu tình đòi chính quyền đóng cửa một điểm rác thải, do khí độc gây ô nhiễm. Phong trào đòi đóng cửa các bãi rác đang lan ra nhiều thị trấn quanh thủ đô.
Thông tín viên Paul Gogo từ Matxcơva cho biết cụ thể :
« Gần 2.000 người tập hợp tại quảng trường tòa thị chính Volokolamsk, cách thủ đô Matxcơva khoảng 100 km về phía tây bắc, để yêu cầu đóng cửa một bãi rác gần đó. Mười người tham gia vào cuộc tập hợp, không được chính quyền cho phép, đã bị cảnh sát câu lưu.
Kể từ giữa tháng 3, không chịu nổi khí độc, 20.000 người dân thị trấn này bắt đầu tập hợp lại. Bãi rác gần thị trấn Volokolamsk liên tục phải tiếp nhận rác thải từ thủ đô. Sau khi tổng thống Vladimir Putin ra lệnh đóng cửa một bãi rác khác trong vùng thủ đô, bãi nói trên đã phải gia tăng lượng rác tiếp nhận từ tháng 12 năm ngoái.
Ngày 21/03 vừa qua, 41 em nhỏ ở thị trấn đã phải nhập viện. Chính quyền đặt thị trấn nói trên trong tình trạng theo dõi đặc biệt và đóng cửa nhiều trường học. Mặt nạ chống độc được phân phát cho dân cư.
Hôm nay, phong trào phản kháng lan ra khoảng hơn mười thị trấn quanh thủ đô. Lo ngại cho sức khỏe, dân chúng phong tỏa nhiều trục đường và bãi rác, bất chấp đe dọa của chính quyền.
Tại Nga, ngành xử lý rác thải gần như không tồn tại. Toàn bộ rác rưởi của thủ đô Matxcơva được dồn thành đống để lộ thiên tại nhiều vùng thôn quê ».
Dân nhập cư : Donald Trump lại dọa Mêhicô ?
Một lần nữa, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 01/04/2018 lại chỉ trích láng giềng Mêhicô không làm gì để ngăn chận ma túy và làn sóng di dân từ Trung Mỹ xâm nhập vào Hoa Kỳ. Dường như chủ nhân Nhà Trắng cảm thấy thất vọng vì chưa được Quốc Hội Mỹ biểu quyết ngân sách xây bức tường dọc theo biên giới phía nam.
Từ NewYork, thông tín viên Grégoire Pourtier giải thích :
« Phải chăng ông Donald Trump bị những lời bình luận chua cay của những cử tri từng ủng hộ ông làm nổi cơn thịnh nộ ? Hoặc là ông vừa xem bản tin của đài Fox News báo động có một đoàn « lữ hành » 1500 di dân đang hy vọng có thể vượt biên giới Mehicô-Hoa Kỳ ?
Cho dù là trường hợp nào, đối với tổng thống Mỹ, không có chuyện « hưu chiến Phục sinh ». Trước khi đi lễ nhà thờ, ông Donald Trump gửi ba phản ứng bốc lửa trên Twitter. Một trong ba phản ứng đó là công kích những đạo luật của đối lập Dân chủ mà ông cho là cản trở nhiệm vụ của cảnh sát biên phòng và ông kêu gọi phe Cộng hoà phải mạnh mẽ ra luật nghiêm khắc hơn.
Tổng thống Mỹ cũng dập tắt hy vọng đạt một thỏa hiệp về tình trạng cư trú của những « Dreamers », thế hệ những trẻ con theo cha mẹ nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ, mà số phận trở thành món hàng mặc cả chính trị giữa hai phe Dân chủ và Cộng hoà. Trong một phản ứng khác, Mêhicô bị cáo buộc chỉ làm thật ít, thậm chí là không cố gắng gì, để chống nạn buôn lậu ma túy và nhập cư bất hợp pháp.
Tổng thống Donald Trump dọa sẽ rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch khu vực NAFTA, đang được đàm phán lại : “Mêhicô phải chận làn sóng ma túy và di dân, nếu không tôi sẽ dẹp con bò sửa (con gà đẻ trứng vàng) của họ, tức hiệp định NAFTA”.
Phải chăng tổng thống Mỹ muốn đi ngược lại chính phủ của ông, đang ca tụng mối quan hệ thuận thảo với Mehicô ? Dường như những lời chỉ trích trên đây là nhằm vuốt ve cử tri của ông hơn là để đe dọa chính quyền Mêhicô. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180402-di-dan-nhap-cu-donald-trump-lai-doa-mehico
Kim Jong Un : Nghệ sĩ Hàn Quốc
mang đến « mùa xuân hòa bình »
Sau ngoại giao thể thao, đến lượt ngoại giao ca nhạc giúp hai miền Nam Bắc Triều Tiên tiếp tục tiến trình xích lại gần nhau ngoạn mục. Hôm qua, 01/04/2018, lãnh đạo miền Bắc Kim Jong Un đã dự buổi trình diễn nhạc K-Pop tại Nhà Hát Lớn Bình Nhưỡng, cùng với 1.500 khán giả. Đây là lần đầu tiên một đoàn nghệ thuật miền Nam đến miền Bắc biểu diễn kể từ năm 2005. Ông Kim Jong Un ca ngợi đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc – mang tên « Mùa Xuân Đến » – đã đưa « mùa xuân hòa bình » đến với toàn dân tộc.
Yonhap, dẫn lại nguồn tin của hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA, cho biết lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên đã tỏ ra « xúc động sâu sắc khi chứng kiến khán giả chân thành hoan nghênh buổi diễn, một dịp giúp họ được hiểu hơn về môn nghệ thuật được dân chúng miền Nam ái mộ ». Thái độ nồng nhiệt của lãnh đạo Bắc Triều Tiên tương phản hoàn toàn với một thực tế là âm nhạc miền Nam vốn bị chế độ miền Bắc lâu nay coi là phản động và tìm mọi cách ngăn chặn. Thông tín viên Frederic Ojardias từ Seoul cho biết cụ thể :
« Trên ban công Nhà Hát Lớn Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un vỗ tay hoan hô, chụp ảnh với các nghệ sĩ K-Pop Hàn Quốc… và hỏi bộ trưởng Văn Hóa Hàn Quốc ngồi kế bên về các bài hát. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn tuyên bố : ‘‘Cám ơn món quà dành cho các công dân Bình Nhưỡng’’. Kim Jong Un hài lòng đến mức đã đề nghị cử một đoàn nghệ thuật Bắc Triều Tiên sang Seoul biểu diễn vào mùa thu này.
Sự hưởng ứng nói trên càng đáng ngạc nhiên hơn khi K-Pop vốn bị coi là phản loạn tại Bắc Triều Tiên, do quân đội Hàn Quốc thường dùng loa phóng thanh công suất cực lớn phát nhạc K-Pop suốt dọc giới tuyến liên Triều. Ở miền Bắc, ai mà sở hữu một thẻ nhớ hay một đĩa DVD có lưu phim hay nhạc miền Nam có thể bị đưa vào trại cải tạo, theo cáo buộc của các hiệp hội của những người chạy trốn khỏi miền Bắc. Theo họ, đàn áp về văn hóa càng trở nên khốc liệt hơn kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền.
Tuy nhiên, công chúng tại Nhà Hát Lớn Bình Nhưỡng – yên tâm nhờ sự hiện diện của ‘‘Lãnh tụ tối cao’’ của họ – đã nồng nhiệt vỗ tay hoan nghênh các nghệ sĩ miền Nam, và thậm chí còn hát theo. Một buổi trình diễn thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày mai tại một sân vận động có sức chứa 12.000 người ».
Bạo lực tại Gaza : Israel chống điều tra quốc tế
Sau vụ biểu tình và đàn áp biểu tình tại biên giới Gaza và Israel hôm thứ sáu tuần trước, làm 17 người Palestine tử thương, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gutterres và lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini đòi phải tổ chức điều tra độc lập. Yêu cầu này đã bị chính phủ Israel từ khước hôm chủ nhật 01/04/2018.
Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul tường thuật:
« Israel bác bỏ toàn bộ những lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu mở « điều tra độc lập » về thông tin quân đội Israel dùng đạn thật trong vụ đụng độ giữa binh lính Israel và người Palestine biểu tình hôm thứ sáu tuần trước.
Thủ tướng Benyamin Netanyahu cũng phản bác những lời công kích, đặc biệt là của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, lên án Israel có hành động đàn áp « phi nhân tính ». Trên Twitter, ông Netanyahu đáp trả : « Chúng tôi không cần những bài học đạo đức từ một kẻ oanh kích sát hại thường dân từ nhiều năm nay ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Israel Avigdor Lieberman cảnh báo : Israel sẽ không hợp tác với bất cứ ủy ban điều tra nào. Những người đòi điều tra là những người đạo đức giả.
Quân đội Israel cũng phản bác con số 758 người Palestine bị trúng đạn và cho rằng nhiều lắm là chừng vài mươi người tử thương. Một phát ngôn viên quân đội khẳng định 10 người Palestine trong số tử vong là những người từng hoạt động khủng bố trong tổ chức Hamas và các nhóm khác tại Gaza ».
Paris kêu gọi « chừng mực »
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa tấn công thủ tướng Israel. Sau khi bị ông Netanyahu đáp trả gắn cho danh hiệu « kẻ ném bom thường dân », tổng thống Erdogan hôm qua đã lên án lãnh đạo Israel là « tên khủng bố ».
Trong khi đó, Paris, qua thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp, nhắc nhở chính phủ Israel « có bổn phận bảo vệ thường dân và phải hành động chừng mực, tự kềm chế ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180402-bao-luc-tai-gaza-israel-chong-dieu-tra-quoc-te
Trí thông minh nhân tạo: Tham vọng của nước Pháp
Ngày 29/03/2018, phát biểu tại hội thảo về đề tài « Trí thông minh nhân tạo đối với nhân loại » tại Collège de France ở Paris, tổng thống Emmanuel Macron đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo, một công nghệ đang mang lại nhiều thay đổi lớn cho nền kinh tế và xã hội.
Để chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của ông đối với công nghệ này, trước khi phát biểu tại hội thảo ở Collège de France, tổng thống Macron đã đến bệnh viện của Viện Curie để tìm hiểu về những ứng dụng của trí thông minh nhân tạo trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là khoa ung thư học.
Trí thông minh nhân tạo (tiếng Anh: Artificial intelligence – AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Như tên gọi của nó, đây là trí thông minh do con người lập trình tạo nên để giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Cụ thể, trí thông minh nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…
Trí thông minh nhân tạo được ứng dụng trong các công nghệ như xe hơi tự động, điều khiển bằng hiệu lệnh, dịch thuật tự động, nhận dạng gương mặt, hoặc trong việc chế tạo những robot có thể thực hiện những nhiệm vụ phức tạp…
Thu hút những tài năng sáng giá nhất
Hiện giờ, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nắm vị thế áp đảo trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Tham vọng của tổng thống Macron là đưa Pháp trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này, qua việc thu hút các nhà nghiên cứu giỏi nhất, thành lập một trung tâm trình độ quốc tế, phát triển một chính sách về dữ liệu…
Nhưng trước hết phải làm sao thuyết phục các nhà nghiên cứu Pháp hiện là « siêu sao » ở nước ngoài chấp nhận quay trở về để giúp phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo. Trong số này phải kể đến Luc Julia, trước đây làm cho Apple, nay « đầu quân » cho Samsung. Ông sẽ nắm chức giám đốc trung tâm nghiên cứu tương lai của tập đoàn Hàn Quốc ở Paris.
Ông Macron đã thông báo là nhà nước Pháp sẽ chi ra đến 1,5 tỷ euro trong toàn bộ nhiệm kỳ 5 năm của ông để phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo. Nói cách khác, trí thông minh nhân tạo sẽ là lĩnh vực đầu tiên được phát triển trong khuôn khổ Quỹ Sáng tạo và Công nghiệp, một quỹ có ngân sách tổng cộng là 10 tỷ euro.
Mục tiêu mà tổng thống Macron đề ra là nước Pháp sẽ trở thành một nơi nghiên cứu hàng đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo. Bối cảnh hiện nay rất thuận lợi với việc nước Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ của Donald Trump đang thu mình lại, khiến cho nước Pháp trở lại thành một quốc gia có sức hấp dẫn lớn. Điều này đã được thể hiện qua thành công của hội nghị « Choose France » tại lâu đài Versailles tháng 01/2018, để thuyết phục các đại tập đoàn đầu tư vào nước Pháp.
Kế hoạch phát triển trí thông minh nhân tạo mà tổng thống Pháp vừa loan báo chính là dựa trên một báo cáo mà tác giả là dân biểu Quốc Hội, thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước và cũng là một nhà toán học xuất chúng, Cédric Villani.
Để làm báo cáo dày 200 trang này, ông Villani đã thực hiện hơn 300 cuộc tham vấn các chuyên gia trên khắp thế giới. Nhà toán học Villani hy vọng là kế hoạch phát triển trí thông minh nhân tạo mà ông đề nghị sẽ « đánh thức » nước Pháp và châu Âu trong lĩnh vực này. Nhưng theo ông Villani, nước Pháp không thể giữ được vị thế của mình nếu không có sự hỗ trợ của châu Âu.
Trong báo cáo này, dân biểu Villani đặt trọng tâm vào việc ngăn chận việc chảy máu chất xám, bằng cách tăng gấp đôi lương của các nhà nghiên cứu mới vào nghề và tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, cho họ được tự do hành động hơn. Ông đề ra mục tiêu là trong vòng 3 năm, Pháp sẽ tăng gấp ba số người được đào tạo về trí thông minh nhân tạo. Để đạt được mục tiêu này, Pháp cần thiết lập một mạng lưới các viện giảng dạy và nghiên cứu chuyên về trí thông minh nhân tạo.
Dân biểu Villani còn đề nghị nên tạo điều kiện cho các dữ liệu được lưu thông dễ dàng hơn ở Pháp và châu Âu, vì dữ liệu chính là « nguyên liệu » cần thiết cho các hệ thống trí thông minh nhân tạo.
Báo cáo Villani đề nghị nước Pháp tập trung nỗ lực phát triển trí thông minh nhân tạo trong 4 lĩnh vực : y tế, giao thông, môi trường và quốc phòng. Nhưng báo cáo này cũng đặc biệt lưu ý đến khía cạnh đạo lý của công nghệ trí thông minh nhân tạo, bởi vì công nghệ này có thể giúp chế tạo những máy móc khổng lồ với khả năng phân tích vượt xa khả năng của con người, và điều này đang gây nhiều quan ngại.
Ông Villani còn nhấn mạnh đến mặt xã hội của việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo nhân tạo, bởi vì trong tương lai, nhiều công việc mà hiện do con người thực hiện sẽ được tự động hóa hoàn toàn và điều này sẽ có tác động rất lớn lên thị trường lao động.
Các tập đoàn lớn nhập cuộc
Chưa biết là Pháp có sẽ vượt lên đứng đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo hay không, nhưng trước mắt lĩnh vực này có vẻ thu hút nhiều tập đoàn quốc tế.
Nhân hội nghị về trí thông minh nhân tạo hôm thứ năm tuần trước, tập đoàn Microsoft của Mỹ đã thông báo sẽ đầu tư 30 triệu đôla trong 3 năm để phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo tại Pháp.
Trong một thông cáo, Microsoft thông báo thành lập một tập thể các doanh nghiệp về trí thông minh nhân tạo, mang tên Compétence IA, để hỗ trợ cho các dự án sử dụng trí thông minh nhân tạo trong nhiều lĩnh vực như y tế, giao thông hay môi trường.
Microsoft cũng sẽ tiến hành một chương trình toàn quốc đào tạo về lĩnh vực này, thông qua trường IA Microsoft. Mục tiêu của Microsoft là trong vòng 3 năm đào tạo được 400 ngàn người và tạo ra 3.000 việc làm mới. Giám đốc chi nhánh Pháp của Microsoft cho rằng nước Pháp « có đủ các lợi thế quan trọng để đóng góp một cách tích cực vào việc phát triển các công nghệ trí thông minh nhân tạo với sự tôn trọng com người và vì lợi ích của con người ».
Có lẻ cũng có cùng suy nghĩ như Microsoft, cho nên tập đoàn Samsung của Hàn Quốc sẽ đặt tại Pháp trung tâm nghiên cứu lớn hàng thứ ba thế giới của tập đoàn này ( sau hai trung tâm ở Seoul và Hoa Kỳ ). Trung tâm sẽ được đặt ở Paris hoặc ở khu Sarclay, ngoại ô phía tây nam thủ đô Pháp. Mục tiêu đề ra cho trung tâm này là thu hút khoảng 50 nhà nghiên cứu từ đây đến cuối năm 2018 và khoảng 100 người trong tương lai. Cho tới nay, Samsung chỉ có một trung tâm nghiên cứu nhỏ, sử dụng khoảng 15 người.
Còn tập đoàn Fujitsu của Nhật cũng đã quyết định chọn Pháp là nơi đặt trung tâm nghiên cứu của họ về trí thông minh nhân tạo ở châu Âu. Trung tâm này sẽ làm việc cùng với Viện Nghiên cứu tin học và tự động học quốc gia ( INRIA ) của Pháp. Tuy nhiên, Fujitsu chưa nói rõ là họ sẽ huy động bao nhiêu nhà nghiên cứu cho trung tâm ở Pháp.
Về phần Google, tập đoàn này thông báo sẽ liên kết với các trường đại học lớn của Pháp như Trường Bách Khoa để mở các khóa giảng dạy về trí thông minh nhân tạo kể từ niên học tới. Trong khi đó, công ty Anh Quốc DeepMind, chi nhánh của tập đoàn Alphabet, thông báo mở một phòng thí nghiệm ở Paris, phòng thí nghiệm về trí thông minh nhân tạo đầu tiên ở châu Âu lục địa. Phòng thí nghiệm này dự kiến sẽ làm việc với các cơ quan nghiên cứu của nhà nước, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp ( CNRS ), các trường đại học lớn và Viện Nghiên cứu tin học và tự động học quốc gia ( INRIA ).
http://vi.rfi.fr/khoa-hoc/20180402-tri-thong-minh-nhan-tao-phap-co-tham-vong-dung-dau-the-gioi