Tin khắp nơi – 02/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 02/02/2018

Vatican-Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận

về bổ nhiệm giám mục

Thanh Phương

Ngay từ thập niên 1980, Vatican đã thương lượng với Trung Quốc để cố nối lại bang giao bị cắt đứt từ năm 1951. Cách đây 3 năm, Tòa Thánh đã khởi động lại các cuộc thương lượng này với Bắc Kinh và có vẻ như hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận lịch sử về vấn đề gay góc nhất, đó là vấn đề bổ nhiệm giám mục.

Hiện nay, cộng đồng Công giáo Trung Quốc vẫn bị chia thành hai bên, một bên là Giáo hội chính thức, gọi là Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc, với các giám mục do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm và bên kia là Giáo hội không chính thức, trung thành với Vatican, không được chính quyền thừa nhận, nhưng không bị cấm, với các giám mục do giáo hoàng bổ nhiệm.

Vấn đề bổ nhiệm giám mục từ lâu vẫn là trở ngại chủ yếu trên con đường bình thường hóa bang giao giữa Vatican và Trung Quốc, cũng như là trở ngại cho việc hòa giải giữa hai giáo hội Công giáo ở Trung Quốc. Theo hãng tin AFP, thỏa thuận bí mật mà Vatican đang thương lượng với Bắc Kinh là Tòa Thánh sẽ công nhận một số giám mục của Hội Công Giáo Yêu Nước, đổi lại, chính quyền Trung Quốc sẽ có thái độ khoan dung hơn đối với Giáo hội thầm lặng.

Một nguồn tin từ Vatican hôm nay, 2/2/2018 đã xác nhận thông tin của tờ The Wall Street Journal rằng Vatican đã quyết định sắp tới đây giáo hoàng sẽ công nhận 7 giám mục do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm. Trong số 7 giám mục đó, có ba vị đã bị rút phép thông công (khai trừ khỏi Giáo Hội).

Trước đó, vào tháng Giêng, AsiaNews, một hãng tin có liên hệ với Tòa Thánh, tiết lộ là gần đây hai giám mục mà giáo hoàng thừa nhận đã được một quan chức cao cấp của Vatican yêu cầu nhường ghế lại cho hai giám mục do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm, trong đó có một vị đã bị Tòa Thánh rút phép thông công.

Khi biết thông tin này, hồng y Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hồng Kông, đã cực lực chỉ trích Vatican. Thật ra thì phản ứng của hồng y Trần Nhật Quân không có gì là bất ngờ, vì ông vẫn là một người chống lại việc bình thường hóa bang giao giữa Tòa Thánh với Bắc Kinh. Nhưng không những lên tiếng chỉ trích vụ thay thế hai giám mục nói trên, vị hồng y 86 tuổi của Hồng Kông còn hàm ý là giáo hoàng Phanxicô không đồng ý với quan chức làm trung gian mà ngài gởi đến Bắc Kinh. Cho nên, hồng y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Vatican hôm thứ Ba vừa qua đã phải vội vàng cải chính là không hề có bất đồng trong nội bộ Tòa Thánh.

Không chỉ có hồng y Trần Nhật Quân, một số linh mục và giáo dân của Giáo hội không chính thức cũng đã bày tỏ sự bất bình hoặc đau buồn khi thấy Tòa Thánh nhân nhượng Trung Quốc đến mức đó, trong khi Giáo hội thầm lặng vẫn còn bị chính quyền Bắc Kinh sách nhiễu, đàn áp. Những phản ứng này đã được hãng tin AsiaNews đăng tải vào tuần trước.

Để xoa dịu nỗi bất bình đó, quốc vụ khanh Vatican Parolin hôm thứ Ba vừa qua đã nhấn mạnh rằng Giáo hội “sẽ không bao giờ quên những nổi thống khổ trước đây và hiện nay” của người Công Giáo Trung Quốc, nhưng vị hồng y này kêu gọi “xây dựng một tương lai êm thắm hơn”

Theo hồng y Parolin, ở Trung Quốc không có hai Giáo hội, mà chỉ có hai cộng đồng giáo dân “được mời gọi đi theo con đường từ hòa giải đến thống nhất”. Để đạt được mục tiêu đó, Vatican bắt buộc phải giải quyết vấn đề bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc và dường như cuộc thương lượng trên vấn đề này sắp đạt kết quả cụ thể.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180202-vatican-trung-quoc-tien-gan-den-thoa-thuan-ve-bo-nhiem-giam-muc

 

Lo sợ sữa trẻ nhiễm khuẩn ‘có từ Pháp năm 2005’

Công ty sữa Lactalis Pháp, tâm điểm trong vụ bê bối sữa bột trẻ em, đã thừa nhận một số sản phẩm của họ có thể đã bị nhiễm khuẩn từ hơn 10 năm.

Hàng triệu thùng sữa hộp đã bị thu hồi trên toàn thế giới sau khi dịch Salmonella bùng nổ hồi năm ngoái.

Các nhà nghiên cứu nói rằng vi khuẩn Salmonella đã gây ra dịch vào năm 2005.

Sữa nhiễm khuẩn ‘ảnh hưởng 83 quốc gia’ trong đó có VN

Có đúng ‘nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất’ không?

Ba thách thức cho ngành y tế toàn cầu

Doanh thu mì ăn liền giảm tại Trung Quốc

Công ty cho biết một số trẻ em có thể bị nhiễm khuẩn từ các sản phẩm của Lactalis kể từ thời điểm đó.

Giám đốc Điều hành Emmanuel Besnier nói rằng kết quả kiểm tra cho thấy một nhà máy ở trung tâm dịch mới đây, thuộc Tây Bắc Pháp đã gây ra dịch năm 2005.

Nhà máy tại Craon – thuộc sở hữu của Lactalis từ 2006 – đã bị đóng cửa tháng 12 sau khi dịch bùng phát từ một trong những tháp sấy ở đây.

Hôm thứ Năm, Viện Pasteur Paris nói rằng vi khuẩn vẫn tồn tại cho đến khi nhà máy đóng cửa, dẫn đến 25 trẻ em đã bị nhiễm bệnh từ 2005 đến 2017.

Trả lời phỏng vấn của báo Les Échos, ông Besnier nói: “không thể loại trừ khả năng có trẻ em uống sữa nhiễm khuẩn trong thời gian này”.

Ông nói thêm rằng cuộc khủng hoảng sẽ “gây tổn thất cho Lactalis hàng trăm triệu” Euro.

Nhiều cha mẹ đã nộp đơn kiện vì cho rằng con họ đã không khỏe sau khi uống sữa công thức.

Ít nhất 36 trường hợp đã bị phát hiện là bắt nguồn từ sữa Lactalis.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42903027

 

Trung Quốc: Xe tải lao vào người đi bộ

Sáng 2/2, một chiếc xe tải lao vào người đi bộ sau khi phát hỏa bên ngoài quán cà phê Starbuck ở Thượng Hải, theo truyền thông Trung Quốc.

Ít nhất 18 người bị thương, trong đó ba người bị thương nặng.

Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, có sáu người trong xe.

Giới chức ở Thượng Hải nói vụ hỏa hoạn trên xe là do tài xế mất kiểm soát khi vừa lái xe vừa hút thuốc.

Lái xe không có tiền án nào và hiện đang được điều trị.

Trang tin Weibo đăng một thông báo của Văn phòng An ninh Thượng Hải cho hay người này bị tình nghi vận chuyển bất hợp pháp các chất nguy hiểm.

Xe hơi đâm chết người đi bộ ở Melbourne

Thủ tướng Merkel sẽ đến hiện trường vụ đâm xe tải

Barcelona: Truy tìm nghi phạm lái xe đâm người

Vụ đâm xe ở Melbourne là một ‘hành động đơn lẻ’

Trung Quốc thu 1,1 tấn cocaine ‘dính líu người Việt’

Hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội nước này, hiện chưa thể xác minh được tính xác thực, cho thấy một chiếc xe tải cỡ nhỏ nằm trên vỉa hè ngoài quán cà phê. Trong xe dường như đang bốc cháy.

Một số nhân chứng nói với truyền thông địa phương rằng có những bình xăng trong xe. Tờ Nhân dân Nhật đưa tin đám cháy đã được dập tắt.

Quán cà phê nằm trên Quảng trường Nhân dân ở cuối khu phố mua sắm Nam Kinh đông đúc tại Thượng Hải và trên một trạm trung chuyển tàu điện ngầm lớn.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 09:00 (01:00 GMT), khi khu vực này đã đông cứng người mua sắm và người đi làm.

Các phóng viên tại hiện trường cho biết khu vực này đã nhanh chóng được dọn dẹp, với sự hiện diện của một nhóm nhỏ cảnh sát.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42914151

 

Thông qua chương trình nghị sự môi trường

cho tiểu vùng Mekong mở rộng

Một chương trình nghị sự môi trường 5 năm, với các dự án thúc đẩy hoạt động đầu tư xanh và tăng cường hợp tác môi trường nhằm giúp khu vực tăng trưởng bên vững đã được 6 nước tiểu vùng Mekong mở rộng được thông qua hôm mùng 01 tháng 2 vừa qua tại Thái Lan.

6 quốc gia thuộc khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) gồm Thái Lan, Việt nam, Campuchia, Lào, Trung Quốc và Myammar đã cùng phê duyệt Khung chiến lược của Chương trình môi trường trọng điểm CEP và Kế hoạch hành động giai đoạn 2018-2022.

Bên cạnh các hoạt động đầu tư trị giá 540 triệu USD tập trung vào quản lý sử dụng đất, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và cơ sở hạ tầng nông thôn thích ứng khí hậu, chương trình nghị sự môi trường lần này cũng sẽ mở đường cho một quỹ chuẩn bị dự án mới, giúp các quốc gia GMS bù đắp sự thiếu hụt vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, một diễn đàn công nghệ xanh cũng sẽ được thành lập để đóng vai trò thị trường kết nối các nhà cung cấp công nghệ với bên ứng dụng, tập trung vào công nghệ quản lý chất thải, năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu, và quản lý rủi ro thảm họa, bên cạnh những vấn đề khác.

Đặc biệt, một cuộc thi ảnh trên Instagram về Tiểu vùng Mekong cũng được phát động ngay trong dịp này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/environment-agenda-for-mekong-sub-region-adopeted-02022018092451.html

 

Trung Quốc chỉ trích việc đề cử giải Nobel

cho 3 thủ lĩnh sinh viên Hong Kong

Trung Quốc, vào ngày 2 tháng Hai, lên tiếng chỉ trích các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đã đề cử phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong năm 2014 và 3 thủ lĩnh sinh viên của phong trào này cho giải Nobel Hòa Bình.

12 nhà lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ trong tuần này đã gửi thư đến Hội đồng đề cử giải Nobel ở Oslo, Na-uy để đề nghị Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Chu Vĩnh Khang cùng với “Phong trào Dù vàng” cho giải Nobel Hòa Bình, vì những nỗ lực ôn hòa của họ nhằm mang lại cải cách chính trị và tự trị ở Hong Kong.

Thư đề cử được 4 thành viên của Đảng Dân Chủ và 8 thành viên của Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội Hoa Kỳ ký tên, trong đó có Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Dân biểu Chris Smith là Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về vấn đề Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 2 tháng Hai kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ hãy ngưng việc làm “can thiệp” vào Hong Kong cũng như các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc nói rằng các cuộc biểu tình hồi năm 2014 ở Hong Kong là “bất hợp pháp”.

Ba thủ lĩnh sinh viên vừa được 8 thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đề cử cho giải Nobel Hòa Bình, đã tổ chức phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong với sự tham gia của khỏang 10 ngàn người, kéo dài trong 79 ngày đêm, để phản đối Bắc Kinh kiểm soát cuộc bầu cử ở đặc khu hành chánh này.

Cả ba thủ lĩnh sinh viên trẻ tuổi này bị tòa án Hong Kong tuyên án tù hồi năm ngoái. Các nhà hoạt động dân chủ cho rằng Chính quyền Hong Kong do Bắc Kinh hậu thuẫn đàn áp những tiếng nói đối lập qua biện pháp cầm tù 3 thủ lĩnh của phong trào Dù vàng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-slams-us-lawmakers-for-nominating-activists-for-prize-02022018083642.html

 

Nga chuẩn thuận bố trí chiến đấu cơ

trên đảo tranh chấp với Nhật

Thủ tướng Dmitry Medvedev vừa ban hành sắc lệnh điều chiến đấu cơ của Nga đến đảo tranh chấp gần Nhật Bản, nhằm đẩy mạnh hoạt động quân sự tại khu vực này trong thời điểm căng thẳng với Tokyo gia tăng. Căng thẳng giữa hai nước liên quan đến hệ thống tên lửa của Hoa Kỳ được triển khai tại Nhật.

Bản tin của Reuters hôm 2 tháng 2 cho biết Thủ tướng Dmitry Medvedev đồng ý cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga sử dụng sân bay dân sự trên đảo Iturup, do Nga kiểm soát (mà Nhật Bản gọi là đảo Etorofu) cho các chiến đấu cơ.

Sắc lệnh điều chiến đấu cơ đến đảo tranh chấp, ngoài khơi bờ biển Hokkaido về hướng Đông-Bắc là động thái mới nhất của Moscow, sau khi Nga cho triển khai một vài hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất trên đảo và có kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân tại đây ngay vào lúc hai bên vẫn tiếp tục bàn thảo về tranh chấp chủ quyền lãnh hải.

Sắc lệnh mới nhất của Thủ tướng Nga được ban hành chỉ ít ngày trước khi Thứ trưởng Ngoại giao của Nga và Nhật dự định sẽ có cuộc đàm phán cho việc hợp tác trên các đảo tranh chấp, trong thời điểm Moscow cáo buộc Tokyo cho phép Washington đặt căn cứ quân sự trong lãnh thổ của Nhật.

Đại sứ quán Nhật tại Mát xcơ va chưa đưa ra bình luận gì về tin vừa nêu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/russia-approves-warplane-deployment-on-disputes-island-near-japan-02022018082139.html

 

Moscow:

Mỹ đang ‘săn lùng’ công dân Nga trên khắp thế giới

Nga vừa ra thông cáo cảnh báo người dân nước họ nên suy nghĩ thận trọng trước khi xuất ngoại vì Mỹ đang truy bắt người Nga trên khắp thế giới.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo công dân Nga khi ra nước ngoài có nguy cơ bị bắt giữ theo yêu cầu của Washington, sau đó họ có thể bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.

Thông cáo nói: “Mặc dù chúng ta kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các cơ quan hữu trách của Hoa Kỳ và Nga, nhưng các cơ quan đặc biệt của Mỹ tiếp tục “săn lùng” công dân Nga trên khắp thế giới.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Xem xét các trường hợp này, chúng tôi nhấn mạnh rằng các công dân Nga nên thận trọng cân nhắc mọi rủi ro khi lên kế hoạch đi ra nước ngoài.”

Bộ Ngoại giao Nga cho biết kể từ đầu năm 2017 tới nay có hơn 10 người Nga đã bị bắt giữ ở nước ngoài với sự can thiệp của Mỹ.

Điển hình như vụ 4 người Nga bị bắt ở Tây Ban Nha, Latvia và Hy Lạp vì phạm tội hình sự liên quan đến Hoa Kỳ. Số nghi can Nga vi phạm an ninh mạng điện toán nằm trong danh sách truy lùng của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục vào năm ngoái. Trong năm 2017 có 7 người Nga đã bị bắt hoặc bị truy tố ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài, so với trung bình hai vụ một năm trong 6 năm trước đó.

Bản tuyên bố hôm 1/2 của Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo các công dân Nga rằng sau khi bị dẫn độ về Mỹ, họ sẽ phải đối mặt với sự đối xử thiên vị trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối bình luận về cảnh báo của Bộ Ngoại giao Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/moscow-my-dang-san-lung-cong-dan-nga-tren-khap-the-gioi/4236278.html

 

Chưa có dấu hiệu các bên ở Mỹ đạt thỏa thuận về nhập cư

Katherine Gypson

Trong Thông điệp Liên bang đầu tiên của mình hôm 30/1, Tổng thống Donald Trump nói với Quốc hội rằng đã đến lúc làm cho chính sách nhập cư của Hoa Kỳ phù hợp với thế kỷ 21.

Tuy nhiên, kế hoạch gồm bốn điểm chính của ông, trong đó có cấp ngân quỹ để xây tường biên giới và mở đường cho 1,8 triệu di dân trẻ tuổi không có giấy tờ được nhập quốc tịch, đang bị cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa chỉ trích.

Những người đảng Dân chủ nói rõ rằng những người được gọi là Dreamers – các di dân không có giấy tờ đã đến Hoa Kỳ khi còn là trẻ en – sẽ không bị bỏ rơi.

Dân biểu Joe Kennedy, đảng Dân chủ, nói: “Thưa tất cả các Dreamers đang theo dõi tối nay, tôi xin nói cho rõ: Ustedes son parte de nuestra historia. Vamos a luchar por ustedes y no nos vamos alejar. Các bạn là một phần trong câu chuyện của chúng ta. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho các bạn. Chúng tôi sẽ không bỏ đi”.

Những người đảng Dân chủ cũng phản đối đề xuất của ông Trump cắt vĩnh viễn các chương trình xổ số visa nhập cư và bảo lãnh thân nhân.

Dân biểu Joaquin Castro, đảng Dân chủ, nói: “Hoa Kỳ trở thành quốc gia mạnh và quyền lực nhất trái đất với những chính sách nhập cư này được áp dụng. Và một phần lý do tại sao lại cho phép người ta được nộp đơn bảo lãnh người thân đoàn tụ với họ là vì có những thân nhân ở bên họ làm tăng khả năng họ sẽ thành công và giảm bớt nguy cơ họ sẽ thực sự phải dựa vào trợ cấp của chính phủ”.

Về phía Đảng Cộng hòa, nhiều đảng viên bảo thủ không muốn trao quyền công dân cho các Dreamers.

Dân biểu Steve King, đảng Cộng hòa, nói: “Không thể thương lượng về pháp quyền. Ân xá đồng nghĩa tha thứ cho những kẻ vi phạm luật nhập cư, đồng thời trao thưởng cho mục đích của tội phạm của chúng”.

Quan điểm này không được ủng hộ bởi những người Cộng hòa ôn hòa, là những người muốn thấy luật lệ về Dreamers được chỉnh sửa.

Thượng nghị sĩ Jeff Flake, đảng Cộng hòa, nói: “1,8 triệu người trên đường tiến tới được nhập quốc tịch, đó là một điều tốt và tích cực. An ninh biên giới sẽ là điều cần thiết. Nếu nói về xổ số visa nhập cư, hãy bỏ nó đi. Còn nếu nói về nhập cư dây chuyền, sẽ làm cuộc thảo luận bị lan man và làm cho khó đạt được thỏa thuận hơn”.

Bản thân tổng thống cũng tổng kết ra một loạt các yêu sách phức tạp. Ông Trump nói: “Một thỏa hiệp công bằng – là trong đó không ai có được tất cả mọi thứ họ muốn, mà là trong đó đất nước chúng ta có được những cải cách quan trọng cần thiết”.

Các nhà lập pháp đã hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về các cải cách trước thời hạn chót tiếp theo về thông qua ngân sách cho chính phủ, ngày 9/2.

https://www.voatiengviet.com/a/chua-co-dau-hieu-cac-ben-o-my-dat-thoa-thuan-ve-nhap-cu/4236181.html

 

TT Trump dự định công bố bản ghi nhớ vào ngày 2/2

Một viên chức Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự định sẽ thông báo cho Quốc hội vào ngày 2/2 về quyết định công bố một bản ghi nhớ mật, trong đó cáo buộc rằng các quan chức hàng đầu về thực thi pháp luật đã có thành kiến đối với ông.

Viên chức Tòa Bạch Ốc cho biết bản ghi nhớ sẽ được công bố mà không có chỉnh sửa.

Trước đó hôm 30/1, có tin nói Tổng thống Trump nói với một nhà lập pháp rằng ông chắc chắn sẽ công bố bản ghi nhớ.

Các nhà lập pháp Dân chủ và các nhà phê bình khác nói rằng bản ghi nhớ đã sử dụng các thông tin tình báo mật một cách chọn lọc để gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra liên quan đến Nga bằng áp lực chính trị.

Các thành viên Dân chủ đã chuẩn bị riêng một bản ghi nhớ của họ, chống lại những cáo buộc của đảng Cộng hòa. Không rõ liệu bản ghi nhớ của đảng Dân chủ có được công bố hay không.

Vụ tranh cãi này đã buộc Cục Điều tra Liên bang (FBI) lên tiếng. FBI vừa ra một tuyên bố bất thường, nói rằng họ “hết sức lo ngại” về tính xác thực của bản ghi nhớ.

Ông Trump luôn quả quyết rằng “không có sự thông đồng” giữa chiến dịch tranh cử của ông với Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-du-dinh-cong-bo-ban-ghi-nho-vao-ngay-2-2/4236083.html

 

Phi đạn đạn đạo là gì?

Một phi đạn đạn đạo được điều khiển ngay từ khi được phóng lên. Sau đó phi đạn bay theo một đường bay tùy thuộc vào góc độ phóng, tốc độ, trọng lực, và sức cản của không khí.

Phi đạn đạn đạo đầu tiên được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân, nhưng đầu đạn sinh học hay hóa học cũng có thể được gắn vào phi đạn.

Một phi đạn đạn đạo liên lục địa phải mất khoảng nửa giờ để bay nửa vòng trái đất.

Nếu đường bay của phi đạn lọt vào không gian, đầu đạn phải chịu được sức nóng của bầu khí quyển khi trở lại trái đất với tốc độ lên đến 7 kilômét một giây.

Một số hệ thống đã được chế tạo để nghênh cảm và hủy diệt phi đạn, nhưng không thành công 100%.

Một số phi đạn nghênh cản được phóng từ mặt đất, một số khác từ chiến hạm. Những tia laser chống phi đạn cũng đang được phát triển.

https://www.voatiengviet.com/a/phi-dan-dan-dao-la-gi/4235807.html

 

Mỹ: Syria có thể đang chế tạo vũ khí hóa học mới

Chính quyền của Tổng thống Trump nói Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, có thể đang phát triển loại vũ khí hóa học mới tinh vi hơn.

Theo giới chức Mỹ, đặc điểm của những cuộc tấn công mới đây cho thấy Syria đang sản xuất vũ khí hóa học bất chấp một thỏa thuận năm 2013 hủy bỏ chương trình này. Các giới chức nói “có phần chắc” là Syria vẫn giữ một kho vũ khí hóa học.

Các giới chức này cũng cho biết Syria có thể đang chế tạo những loại vũ khí mới để tăng tiến khả năng của quân đội hay tránh chịu trách nhiệm quốc tế.

Vẫn theo nguồn tin này, Nhà nước Hồi Giáo vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học như chất sulfur mustard và chlorine, dùng đạn pháo hay chất nổ tự chế để phát tán các chất hóa học.

Các giới chức vừa kể không được phép thảo luận đánh giá chính thức và chỉ nói chuyện với các phóng viên với điều kiện ẩn danh.

https://www.voatiengviet.com/a/my-syria-co-the-dang-che-tao-vu-khi-hoa-hoc-moi/4235341.html

 

Mỹ: một nhà ngoại giao kỳ cựu từ chức

Nhà ngoại giao cao cấp đứng hàng thứ ba trong chính phủ Mỹ ngày 1/2 loan báo từ chức sau gần 30 năm công vụ. Đây là vụ từ chức mới nhất trong một loạt các vụ ‘ra đi’ của các giới chức cao cấp chuyên nghiệp rời bỏ Bộ Ngoại giao sau khi ông Donald Trump vào Tòa Bạch Ốc cách đây hơn 1 năm.

Trong một tuyên bố, ông Thomas Shannon nói “Quyết định của tôi có tính cách cá nhân, và do lòng mong muốn gần gũi gia đình, quyết định đời sống của tôi, và vạch hướng đi mới cho những năm còn lại của tôi.”

Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với AP rằng ông yêu cầu ông Shannon chớ từ chức. Ông Tillerson công nhận sự ra đi của ông Shannon là một mất mát đối với Bộ Ngoại giao. “35 năm kinh nghiệm không phải là chuyện có thể thay thế một sớm một chiều,” ông Tillerson nói và ca ngợi ông Shannon là một cuốn bách khoa tự điển về ngoại giao. Ông Tillerson nói thêm ông Tom Shannon luôn luôn ở trong lòng mọi người tại Bộ Ngoại giao.”

Mặc dù có những lời ca ngợi của ông Tillerson, việc ra đi của ông Shannon chắc chắn làm phát sinh những chỉ trích mới của những người gièm pha chính quyền là ông Trump và ông Tillerson đang phá hoại ngành ngoại giao, tạo nên những vấn đề về tinh thần nghiêm trọng trong hàng ngũ ngành ngoại giao.

Thứ trưởng Ngoại giao Steven Goldstein phủ nhận việc ông Shannon ra đi có dính líu đến sự sa sút tinh thần khi ngân sách bị cắt giảm trầm trọng và việc tái cơ cấu Bộ Ngoại giao.

Ông Goldstein nói ông Shannon hy vọng có nhiều thời gian hơn với cha ông sau khi mẹ ông vừa mới qua đời, đồng thời cho biết thêm là ông Shannon từng nói với ông Tillerson là sẽ ở lại Bộ Ngoại giao trong năm đầu tiên chuyển tiếp của ông Tillerson và hạn một năm này đã đến.

Việc ông Shannon từ chức đã khiến cho các chức vụ cao cấp tại Bộ Ngoại giao thiếu hụt thêm nữa. Hiện có 13 Trợ lý Ngoại trưởng, và Thứ trưởng cũng như hơn chục Đại sứ vẫn chưa được điền thế.

https://www.voatiengviet.com/a/my-mot-nha-ngoai-giao-ky-cuu-tu-chuc/4235284.html

 

Khủng hoảng Triều Tiên:

‘Mỹ không loại bỏ giải pháp nào, kể cả quân sự’

Một đặc sứ của Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Triều Tiên hôm thứ Năm 1/2 tuyên bố tất cả mọi giải pháp để giải quyết cuộc tranh chấp về chương trình hạt nhân với Triều Tiên đều được để ngỏ, tuy ông không tin là sẽ sớm cần tới một giải pháp quân sự.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Joseph Yun nói với các phóng viên ở Tokyo, rằng Hoa Kỳ đang tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên, và giải pháp được ưa chuộng nhất là giải pháp ngoại giao.

Ông Yun nói: “Chính sách của chúng tôi là tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng điều chúng tôi muốn thấy là đối thoại.”

Ông nói thêm:

“Nói như vậy, nhưng chúng tôi khẳng định một lần nữa rằng chúng tôi không loại bỏ bất cứ giải pháp nào, kể cả giải pháp quân sự. Mặc dù tôi không tin là chúng ta đang tiến gần tới một giải pháp quân sự.”

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un nhất định không chịu từ bỏ việc phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công Hoa Kỳ, bất chấp bị LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt ngày càng gắt gao. Gần đây Triều Tiên phóng thử một tên lửa bay ngang qua Nhật Bản.

Ông Yun lên tiếng một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích giới lãnh Triều Tiên là “đồi bại”, nói rằng việc Bình Nhưỡng theo đuổi phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng “đe dọa” lãnh thổ Mỹ trong nay mai, và ông thề sẽ không để chuyện này xảy ra.

Ông Trump không đưa ra bất kỳ ý kiến cụ thể nào về cách kiềm chế Triều Tiên.Trong khi chính quyền của ông Trump nói Hoa Kỳ mong muốn có một giải pháp ngoại giao, nhưng nhấn mạnh là không loại bất cứ giải pháp nào, kể cả giải pháp quân sự.

https://www.voatiengviet.com/a/khung-hoang-trieu-tien-my-khong-loai-bo-giai-phap-nao-ke-ca-quan-su/4234931.html

 

Los Angeles:

Nổ súng trường trung học, 2 học sinh trúng đạn

Hai học sinh bị bắn bên trong lớp học tại một trường trung học ở Los Angeles, bang California, sáng ngày 1/2. Một nữ sinh bị tình nghi đã bị bắt, theo tin từ giới hữu trách.

Một nam sinh 15 tuổi bị trúng đạn được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, Sở Cứu hỏa Los Angeles cho biết. Một nữ sinh khác đồng tuổi bị thương được đưa vào bệnh viện nhưng tình trạng không nguy hiểm tính mạng.

Một phụ nữ 30 tuổi bị các vết thương nhẹ, không trúng đạn.

Vụ nổ súng xảy ra lúc gần 9 giờ sáng tại trường trung học Salvador B. Castro Middle School, phía Tây trung tâm thành phố Los Angeles.

Hình ảnh truyền hình cho thấy một nữ sinh tóc sậm màu bị còng tay đưa ra khỏi trường.

Cảnh sát cho hay đã kiểm soát được tình hình, nghi can đang bị câu lưu.

Kênh truyền hình KTLA loan tin cảnh sát tịch thu được một khẩu súng.

Theo AP

https://www.voatiengviet.com/a/los-angeles-no-sung-truong-trung-hoc-2-hoc-sinh-trung-dan-/4234917.html

 

Nga kỷ niệm 75 năm trận Stalingrad

Thanh Phương

Ngày 02/02/2018, nước Nga kỷ niệm 75 năm chiến thắng của Hồng quân Liên Xô với quân Đức Quốc Xã trong trận Stalingrad, một bước ngoặt lớn trong Thế Chiến thứ hai và cũng là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc và chủ nghĩa yêu nước mà tổng thống Nga Vladimir Putin muốn thể hiện, trong bối cảnh ông đang tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư.

Một cuộc diễu binh đã diễn ra vào sáng nay tại Volgograd, tên hiện nay của Stalingrad, trước khi thành phố này đón tiếp tổng thống Putin đến dự lễ vào buổi chiều. Khoảng 1.500 binh lính Nga mặc quân phục thời Thế Chiến thứ hai và quân phục thời nay đã tham gia cuộc diễu binh cùng với các xe tăng, trong đó có chiếc T-34 nổi tiếng, biểu tượng cho chiến thắng chống quân Đức Quốc Xã.

Kéo dài suốt 200 ngày đêm từ tháng 07/1942 cho đến khi quân Đức đầu hàng, trận Stalingrad được xem là một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử, với tổng cộng 2 triệu người thiệt mạng ở tất cả các bên, theo số liệu chính thức của Nga và tàn phá hoàn toàn thành phố Stalingrad. Trận chiến này đã làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Liên Xô, lúc đó Hồng quân đang mất tinh thần sau nhiều trận thảm bại.

Cho tới nay, người Nga vẫn ca ngợi trận Stalingrad như là sự kiện đã cứu châu Âu khỏi ách Đức Quốc Xã. Lễ kỷ niệm 75 năm trận chiến này diễn ra trong bối cảnh tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/03 tới.

Tổng thống Putin vào ngày 18/01 vừa qua đã đến Saint-Petersbourg (trước đây là Leningrad) để kỷ niệm 75 năm ngày chấm dứt cuộc bao vây Leningrad. Cuộc bao vây thành phố này đã kéo dài gần 900 ngày và đã khiến từ 600 ngàn đến 1,5 triệu người thiệt mạng, theo các thẩm định khác nhau.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180202-nga-ky-niem-75-nam-tran-stalingrad

 

JO : Nga hoan nghênh phán quyết

của Tòa Trọng Tài Thể Thao

Tú Anh

Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế không che giấu thất vọng sau khi Tòa Trọng Tài Thể Thao hủy lệnh cấm thi đấu vĩnh viễn đối với 28 vận động viên Nga bị tai tiếng dùng thuốc tăng lực mà cả một hệ thống Nhà nước bao che. Trái lại, tại Matxcơva, chính quyền Nga đòi CIO phải cho các vận động viên này tham gia Thế Vận mùa đông ở Hàn Quốc khai mạc vào ngày 09/02/2018.

Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot tường thuật :

Đây là lần đầu tiên từ khi tai tiếng nổ ra mới có một phán quyết nghiêng về các vận động viên Nga bị trừng phạt. Tại Matxcơva, chính quyền không giấu hài lòng và đưa ra những lời tuyên bố đắc thắng.

Đối với phó thủ tướng Vitali Mutko, bản thân cũng can dự vào vụ tai tiếng, phán quyết của Tòa Trọng Tài Thể Thao chứng tỏ « không hề có một hệ thống, một sự tổ chức mờ ám nào trong Thế Vận Hội Sotchi năm 2014 ».

Từ nay, cuộc chiến sẽ tập trung vào mục tiêu làm sao cho 28 vận động viên vừa được trắng án này tham dự Thế Vận Pyeongchang. Đối với chính quyền Nga, Ủy Ban Thế Vận không có lý do gì từ chối các vận động viên này.

Thế nhưng, Ủy Ban Thế Vận CIO gạt bỏ ngoài tai : Không bị trừng phạt không có nghĩa là có ưu tiên được mời tham dự .

Được RFI đặt câu hỏi, luật sư của các vận động viên Nga cho rằng mọi phương án đã được trù liệu kể cả nhờ pháp luật để buộc CIO cho phép 28 vận động viên Nga tham dự Thế Vận Pyeongchang.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180202-jo-matxcova-hoan-nghenh-phan-quyet-cua-toa-trong-tai-the-thao

 

Trung Quốc : Quy định mới

gia tăng kiểm soát tôn giáo chính thức có hiệu lực

Thu Hằng

Một loạt quy định mới nhằm tăng cường an ninh quốc gia, “ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan” và phòng chống “lực lượng ngoại quốc sử dụng tôn giáo thâm nhập vào xã hội”, chính thức có hiệu lực tại Trung Quốc từ ngày 01/02/2018.

Theo thông tín viên Cyrille Puyette tại Bắc Kinh của nhật báo Le Figaro (01/02/2018), gọng kìm đang dần xiết chặt hơn tại Trung Quốc nhằm đưa tự do tín ngưỡng vào khuôn khổ theo những quy định mới, được công bố hồi tháng 09/2017.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (PCC) vào tháng 10/2017, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình đã kêu gọi đập tan mọi ý đồ, hành vi có thể đe dọa đến quyền lực của chế độ và “an ninh quốc gia”, đồng thời nhấn mạnh sẽ “trấn áp mạnh mẽ” các “hoạt động tôn giáo cực đoan”. Đây là lý do giải thích ý định “Hán hóa” mọi tín ngưỡng phổ biến trên lãnh thổ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình. Ông còn nhấn mạnh rằng các loại hình tôn giáo phải “phù hợp hơn” với “thực tế Trung Hoa”“xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tại Trung Quốc, ngay cả những tôn giáo được chính thức công nhận (Phật giáo, Đạo giáo) cũng bị kiểm soát chặt chẽ và phải trung thành với các hiệp hội “yêu nước” do Nhà nước giám sát. Chính quyền tỏ ra đặc biệt nghi kị với Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Phật giáo Tây Tạng, ba tín ngưỡng bị coi là chịu ảnh hưởng từ bên ngoài nhiều hơn.

Tuy nhiên, những quy định mới vừa có hiệu lực còn đi xa hơn, ví dụ cấm nhận tiền, quà biếu từ nước ngoài và áp dụng hình thức phạt tiền nặng trong trường hợp tổ chức sự kiện mà không được cấp phép. Ngoài ra, việc mở trường tôn giáo cũng phải chịu những điều kiện nghiêm ngặt hơn.

Đề phòng cao độ với ba tôn giáo chịu tác động từ nước ngoài

Trung Quốc đặc biệt chú ý đến tình hình ở tỉnh Tân Cương, nơi có khoảng 10 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sinh sống, trong khi vùng này lại là nơi xảy ra nhiều vụ bạo động trong những năm gần đây. Lo ngại về những mối quan hệ được cho là giữa “những người ly khai” và các tổ chức thánh chiến quốc tế, chính quyền đã bố trí lực lượng an ninh tinh nhuệ và liên tục áp dụng những biện pháp quản lý sâu sát đời sống của người dân theo đạo Hồi.

Chính quyền trung ương cấm phụ nữ trùm khăn kín đầu, khuyến khích “tố” những “bộ râu bất thường” ở đàn ông, gây khó dễ cho việc giáo dục tôn giáo cho trẻ em và thiếu niên hoặc cản trở công chức và sinh viên tuân thủ mùa chay tịnh Ramadan của người Hồi Giáo.

Về phần Phật giáo Tây Tạng, các nhà sư Tây Tạng thường xuyên bị giám sát. Cuối năm 2017, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã lên án chính quyền Trung Quốc từng bước “giành quyền kiểm soát” Học viện Phật giáo Lạc Nhược Hương (Larung Gar), một trong những trung tâm Phật giáo Tây Tạng có sức ảnh hưởng nhất thế giới, nằm ở tây nam tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan).

Theo một tài liệu chính thức mà tổ chức phi chính phủ này có được, khoảng 200 cán bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc đang dần giữ mọi chức vụ quản lý và thậm chí là tự lựa chọn những tác phẩm để nghiên cứu. Quá trình chiếm quyền này diễn ra sau khi chính quyền đã tiến hành một chiến dịch đập phá và trục xuất kéo dài trong suốt 8 tháng và kết thúc vào tháng 04/2017 với kết quả là thu nhỏ quy mô của học viện. Dĩ nhiên là chính quyền bác bỏ mọi cáo buộc tổ chức đập phá, mà khẳng định là “trùng tu” vì lý do an toàn.

Đối với Công giáo, chính phủ tỏ rõ ngờ vực. Trong những năm gần đây, hơn một nghìn cây thánh giá trên nóc nhà thờ, chủ yếu là nhà thờ Tin Lành, đã bị tháo bỏ vì quá “chướng”. Đầu năm 2018, chính quyền Trung Quốc còn cho phá hủy một nhà thờ Tin Lành rất lớn ở tỉnh Thiểm Tây (Shanxi), phía bắc Trung Quốc, vì lý do “bất hợp pháp”. Ngoài ra còn phải kể đến vài chục nghìn nhà thờ không chính thức bị dỡ bỏ trên khắp nước này trong những năm vừa qua.

Giáo sư chính trị học Hồng Kông Lâm Hòa Lập (Willy Lam) từng nhận xét : “Đảng Cộng sản như bị ám ảnh trước cộng đồng Công giáo, rất có tổ chức, vì trong vòng chưa đến 10 năm, số giáo dân có thể vượt qua ngưỡng 90 triệu người, gần bằng số đảng viên hiện nay”. Còn theo giáo sư Dương Phượng Cương (Yang Fenggang) thuộc đại học Purdue (Mỹ), với đà tăng số lượng giáo dân như hiện nay, “gần như chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới từ giờ đến năm 2030”, vượt qua cả Hoa Kỳ.

“Vatican bán đứng Giáo Hội Trung Quốc”

Bắc Kinh hăm dọa các linh mục “bất hợp pháp”, có nghĩa là những người không tuyên thệ trung thành với chế độ. Ngoài ra, rất nhiều linh mục tỏ ra lo ngại trước chính sách xích lại gần hơn giữa Vatican và Bắc Kinh, thậm chí họ còn sợ bị chính quyền rút phép thông công. Lo lắng này là có cơ sở vì mới đây, hai giám mục Trung Quốc, được Giáo Hoàng công nhận, đã bị một quan chức ngoại giao cao cấp của Tòa Thánh đề nghị nhường lại vị trí cho hai giáo sĩ cao cấp do Bắc Kinh trực tiếp lựa chọn, trong đó có giám mục Joseph Hoàng Bính Chưởng (Huang Bingzhang) đã bị Vatican rút phép thông công năm 2011.

Liệu Vatican sẵn sàng để Bắc Kinh toàn quyền hành động nhằm đạt được một “thỏa thuận hòa giải lịch sử” và tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, bị cắt đứt từ năm 1951? Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, dù sao, bàn tay chìa ra của Giáo Hoàng đang khiến nhiều giáo dân lo ngại, như hồi chuông cảnh báo hôm 30/01/2018 của hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), nguyên giám mục địa phận Hồng Kông :

“Trên mạng Facebook, hồng y Trần Nhật Quân viết : Liệu Vatican đang “bán đứng Giáo Hội Trung Quốc”? và tự trả lời : “Đúng vậy, không chút nghi ngờ nào cả”. Tòa Thánh Vatican đánh giá những lời lẽ này là “ngạc nhiên và đáng tiếc”.

Từ lâu, nguyên giám mục Hồng Kông đấu tranh phản đối thỏa hiệp giữa Bắc Kinh và Vatican và hiện ông tỏ ra “bi quan” vì Tòa Thánh nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều, và có nguy cơ hy sinh cả tự do tín ngưỡng của khoảng 7 triệu giáo dân ở những giáo xứ “không chính thức” để phục vụ chính sách xích gần hơn về ngoại giao.

Dường như các đặc sứ từ Roma đã đề nghị hai giám mục của Giáo Hội “ngầm”, không được chính quyền công nhận, rút lui để nhường chỗ cho hai giám mục được Bắc Kinh phê chuẩn.

Giáo Hội Trung Quốc hiện bị chia thành hai : một bên là được Bắc Kinh cho phép và bên kia trung thành với Roma và từ chối phục tùng đảng Cộng Sản Trung Quốc từ 66 năm nay. Những tín đồ của Giáo Hội “ngầm” này tổ chức lễ ở những địa điểm bí mật và sợ sẽ bị thiệt thòi trong chiến lược xích lại gần hơn giữa Vatican và Bắc Kinh”.

Nương tay với Phật giáo vì đề cao vai trò của nhà lãnh đạo

Dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ mọi tôn giáo, nhà báo Cyrille Puyette cho rằng Phật giáo và Đạo giáo vẫn được hưởng một chút ưu ái hơn so với những tôn giáo chịu tác động từ bên ngoài. Phật giáo Trung Hoa có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng vì “giao hòa với Khổng giáo và Đạo giáo”, nên Phật giáo mang “những đặc trưng Trung Hoa” và đề cao vai trò của người đứng đầu nhà nước.

Theo nhà nghiên cứu Mỹ Ian Johnson, thực ra ông Tập Cận Bình “hiểu rằng phần lớn người Trung Quốc không tin vào chế độ Cộng sản và bị thiếu thốn về tâm linh trong khi cuộc chạy đua theo đồng tiền vẫn không bù đắp được. Ông nghĩ rằng những tín ngưỡng dựa trên nguồn gốc Trung Hoa sâu sắc, như Phật giáo, có thể có ích để đáp ứng nhu cầu về mặt này”.

Khi làm việc này, chủ tịch Trung Quốc không chỉ tìm cách tăng cường sự gắn kết xã hội, đang bị đe dọa vì kinh tế suy giảm, mà còn hợp pháp hóa quyền lực của ông. Giáo sư Dương Phượng Cương nhận xét, trong quá khứ, “giới lãnh đạo Phật giáo đã chấp nhận quyền lực của hoàng đế” nên “tiếp tục quy phục, hơn những tôn giáo khác, sự ảnh hưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc và các luật lệ của đảng”.

Cuối cùng, theo giáo sư Lâm Hòa Lập, khi đề cao Phật giáo, ông Tập Cận Bình tìm cách đạt được hai mục tiêu, “thuyết phục người theo Công giáo bỏ đạo và đi theo đường hướng của đảng Cộng sản Trung Quốc”. Tuy nhiên, không gì cấm cản người dân đi theo tín ngưỡng riêng, miễn là họ trung thành với chế độ và với chủ tịch Tập Cận Bình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180202-trung-quoc-quy-dinh-moi-gia-tang-kiem-soat-ton-giao-chinh-thuc-co-hieu-luc

 

Trung Quốc dự trù xây một căn cứ quân sự ở Afghanistan

Thanh Phương

Theo các nguồn tin Afghanistan do hãng tin AFP trích dẫn ngày 02/02/2018, Trung Quốc hiện đang thương lượng với Afghanistan về việc xây một căn cứ quân sự gần biên giới chung giữa hai nước, với hy vọng ngăn chận các chiến binh Hồi giáo xâm nhập vào Trung Quốc, đồng thời yểm trợ cho nước láng giềng.

Căn cứ nói trên sẽ do Afghanistan xây dựng trên vùng núi Wakhan, miền đông bắc Afghanistan, đối diện với vùng Tân Cương vẫn gặp xáo trộn của Trung Quốc. Gần đây, lực lượng hai nước đã mở các cuộc tuần tra chung ở vùng Wakhan.

Một phát ngôn viên của bộ trưởng Quốc Phòng Afghanistan đã xác nhận với hãng tin AFP rằng dự án xây căn cứ quân sự Trung Quốc đã được bộ trưởng Quốc Phòng hai nước thảo luận gần đây, nhưng các chi tiết của kế hoạch còn phải được đúc kết. Theo phát ngôn viên nói trên, chính phủ Afghanistan sẽ xây căn cứ quân sự ở Wakhan, nhưng chính phủ Trung Quốc sẽ tài trợ cho dự án và sẽ huấn luyện, trang bị cho binh lính Afghanistan.

Về phía Bắc Kinh, một quan chức của đại sứ quán Trung Quốc ở Kabul chỉ tuyên bố là chính phủ nước này đã cam kết sẽ giúp Afghanistan tăng cường khả năng.

Theo AFP, các đại diện của chiến dịch Resolute Support (Hỗ trợ Kiên định) của khối NATO ở Afghanistan đã từ chối bình luận về tin trên, nhưng các quan chức Mỹ thì hoan nghênh sự can dự của Trung Quốc vào nước Trung Á này.

Bắc Kinh không muốn thấy xung đột ở Afghanistan lan sang Trung Quốc. Đặc biệt, họ sợ lực lượng của người Duy Ngô Nhĩ lưu vong từ vùng núi Wakhan mở các cuộc tấn công vào khu vực biên giới Trung Quốc – Afghanistan. Bắc Kinh cũng lo ngại các chiến binh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) trốn khỏi Irak và Syria, đi ngang qua vùng Wakhan để đến vùng Tân Cương.

Dự án căn cứ quân sự ở Wakhan nằm trong khuôn khổ các dự án cơ sở hạ tầng của của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” nối Bắc Kinh với châu Âu, do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180202-trung-quoc-du-tru-xay-mot-can-cu-quan-su-o-afghanistan