Tin khắp nơi – 02/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 02/02/2017

Rex Tillerson làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ

Thượng viện Mỹ ngày 1/2 xác nhận cựu CEO của công ty ExxonMobil, ông Rex Tillerson, làm tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong khi các nhà lập pháp Dân chủ ngăn cản việc chấp thuận các ứng viên nội các khác do Tổng thống Trump đề cử.

Cuộc biểu quyết 56-43 đã đưa doanh nhân từng có các hợp đồng làm ăn với nhiều quốc gia trên thế giới kể cả một số nước thù địch với Hoa Kỳ trở thành người thay thế Tổng thống đàm phán, thương lượng với toàn cầu về các vấn đề chiến tranh-hòa bình, biến đối khí hậu, và nhân quyền.

Nhiệm vụ đầu tiên của ông Tillerson là ‘hạ nhiệt’ Bộ Ngoại giao, với gần 1000 nhà ngoại giao đã đồng ký tên vào thư bày tỏ bất đồng, phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump tạm thời đình chỉ chương trình tị nạn và cấm di dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo tại Trung Đông và Châu Phi nhập cảnh Mỹ.

Theo USA Today/NPR

http://www.voatiengviet.com/a/ong-rex-tillerson-duoc-chuan-thuan-lam-tan-ngoai-truong-my/3702349.html

 

Vụ thử tên lửa: Mỹ ‘chính thức cảnh báo’ Iran

Trên Twitter hôm nay 2/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng Iran đã bị “cảnh báo chính thức” vì đã thử tên lửa đạn đạo.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư 1/2, lên án Iran phóng tên lửa đạn đạo, nói rằng Tehran đang phương hại tới thỏa thuận hạt nhân đã ký với Hoa Kỳ và các cường quốc khác hồi năm 2015.

Tướng hồi hưu Michael Flynn lên án vụ phóng tên lửa, nói rằng đây “chỉ là vụ mới nhất trong một loạt sự cố” xảy ra trong 6 tháng qua, mà theo ông, Iran đã có ý đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực. Ông nói giới lãnh đạo ở Tehran đã trở nên táo bạo và thực hiện bước hành động đó là bởi vì thỏa thuận hạt nhân đã đạt được “quá yếu và không hiệu quả”, và bởi vì các nước tham gia thỏa thuận đã thất bại, không kiềm chế được các tham vọng quân sự của Iran.

Trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, tướng Flynn tố cáo cựu Tổng thống Barack Obama và các thành viên khác trong chính quyền tiền nhiệm là đã không đủ cứng rắn với chính quyền tại Tehran.

Tướng Flynn nói: “Chính quyền Obama đã thất bại vì đã không đáp trả thích đáng trước các hành động độc hại của Tehran, như chuyển giao vũ khí, hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố và vi phạm các chuẩn mực quốc tế” .

Ông nói chính phủ của Tổng thống Trump lên án các hành động đó của Iran, là phá hoại an ninh thịnh vượng và ổn định trong và ngoài khu vực Trung Đông, và còn đe dọa sinh mạng người Mỹ.”

Cố vấn An ninh Quốc gia Flynn tuyên bố:

“Kể từ hôm nay, chúng tôi chính thức cảnh báo Iran.” Tuy nhiên, ông Flynn không giải thích bình luận ấy của ông có nghĩa là gì, hoặc đe doạ sẽ có hành động cụ thể nào chống lại Iran.

Cuối ngày thứ Tư, các giới chức Toà Bạch Ốc nói vụ phóng tên lửa đạn đạo của Iran và việc nước này hỗ trợ phiến quân Houthi ở Yemen là một hành động khiêu khích, gây bất ổn trong khu vực và đe dọa nhiều quốc gia, kể cả các đồng minh của Mỹ. Các quan chức nói Hoa Kỳ sẽ có phản ứng “thích hợp.”

Trả lời câu hỏi Hoa Kỳ sẽ có hành động nào, các quan chức nói rằng họ có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, các quan chức Toà Bạch Ốc nói vụ phóng tên lửa của Iran và một phản ứng của Hoa Kỳ không liên hệ tới thỏa thuận hạt nhân Iran, và Toà Bạch Ốc không cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận nguyên thuỷ.

Hôm thứ Tư, Iran xác nhận họ đã thực hiện một vụ phóng tên lửa hôm Chủ nhật, nhưng khẳng định rằng việc này không vi phạm thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc hồi năm 2015. Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi Iran không nên thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các tên lửa đạn đạo, nhưng chính Hội đồng Bảo an cũng không xác định rõ rệt là cấm các hoạt động đó.

http://www.voatiengviet.com/a/my-iran-thu-ten-lua-dan-dao-de-doa-thoa-thuan-hat-nhan-quoc-te/3703137.html

 

Trường học ‘an toàn’ cho di dân và lệnh của TT Trump

Cuộc tranh luận về các thành phố ‘chứa chấp’ di dân bất hợp pháp tại Mỹ–về việc các nhà chức trách địa phương có nên tuân thủ giới chức thi hành luật pháp liên bang trong việc xét hỏi tình trạng di trú của cư dân trong cộng đồng hay không—là một vấn đề ảnh hưởng đến cả những học sinh nhỏ nhất trên toàn nước Mỹ.

Cách biên giới Mỹ-Mexico 15km về hướng bắc là học khu các trường tiểu học lớn nhất tại California. Đây cũng là một trong các học khu đa dạng nhất của tiểu bang với 35% học sinh học tiếng Anh. Hầu như phân nửa các trường học trong học khu đã tiến hành những chương trình song ngữ phối hợp.

Học sinh chạy nhảy trên sân chơi của Trường tiểu học Salt Creek tại Chula Vista, California.

Một ít em cười đùa, chạy nhảy, trong khi đa số chơi một trò chơi có liên hệ đến một bức tường bê tông—giống như “đánh banh vào tường” nhưng sử dụng cả cánh tay lẫn nắm tay và một quả bóng đá màu đen và vàng. Có sự trùng hợp là một nửa học sinh ở bên này biên giới và một nửa ở bên kia biên giới. Tuy nhiên các em được tự do vượt qua biên giới lúc nào cũng được và kết hợp với nhau bằng tình bạn.

Một số học sinh gốc gác tại Tijuana, một thành phố của Mexico nằm giáp ranh với thành phố San Diego của Mỹ. Các em nói tiếng Tây Ban Nha khi ở nhà nhưng có những trình độ Anh ngữ khác nhau trong lớp học. Tuy nhiên các học sinh đều chia sẻ những truyền thống dân tộc và học hỏi lẫn nhau, kể cả tiếng mẹ đẻ của các em.

Em Lucia, học lớp bốn, cho biết tất cả cô chú của em đều nói tiếng Tây Ban Nha cũng như anh chị, cha mẹ của em. Em là người duy nhất trong gia đình nói tiếng Anh. Em cho biết khi em về nhà em nói với mẹ em ‘good morning’ chứ không nói ‘buenos dias.’

Em Lucia nói:

“Cháu cảm thấy sung sướng vì sống gần với ông bà và cháu thật sự sung sướng được thấy ông bà vì thời gian qua mau, cháu thích được sống với ông bà cho đến khi ông bà qua đời.”

Em Lucia thấy dùng tiếng Anh là quan trọng vì hầu hết các bạn của em đều sử dụng tiếng Anh trong trường, nhưng em cũng cho rằng cần phải duy trì tiếng Tây Ban Nha để có thể trò chuyện với ông bà khi về thăm họ ở Mexico.

Em Lucia hy vọng kỹ năng ngôn ngữ của em sẽ giúp em có được việc làm tốt, và gặp được nhiều người từ các nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới.

Em Valeria học lớp 6 tại trường tiểu học Otay được chỉ định kể câu chuyện với nội dung em và các bạn học cùng lớp là những người Ai Cập cổ, bị kẹt trên một hòn đảo không người. Mắt em ngời sáng vì tò mò và tưởng tượng.

Em Valeria mô tả cuộc sống của em là lý tưởng vì em có thể thường xuyên vượt qua biên giới. Vào cuối tuần em về thăm bố em ở Tijuana, nơi em lớn lên. Tuy nhiên khi về nhà, em nói tiếng Tây Ban Nha với mẹ em.

‘Chủ yếu là đi qua đi lại, thăm bố và trở về với mẹ, và đi đến trường.”

Em Valeria cho biết thêm là em cần phải học nhiều điều tại Tijuana, và học nhiều điều tại trường học ở Mỹ. Em nói em học được rất nhiều điều như khiêu vũ và nấu thức ăn Mexico và em rất thích những việc này.

Khi nói hết những suy nghĩ của em, Valeria mỉm cười và quay về bài tập-một thế giới khác và một nền văn hóa hoàn toàn khác nay là một phần văn hóa của em.

Tiếp sau chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Tom Torlakson, phụ trách vấn đề giáo dục công cộng của tiểu bang California, khuyến khích các trường công tiểu bang tuyên bố là “nơi an toàn” cho các học sinh vì thấy được những lo ngại của các gia đình không có giấy tờ hợp pháp rằng họ có thể bị trục xuất nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống.

Trưởng học khu tiểu học Chula Vista, ông Francisco Escobedo, người giám sát 45 trường học tại vùng biên giới, nói điều quan trọng là phải nhắc tới đề tài ‘trường học an toàn’ với cha mẹ và các giáo viên nên ông đã viết một bức thư ngỏ bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Ông nói ông nhận được một email của một giáo viên cám ơn ông đã viết bức thư vì nhờ đó bà có thể trấn an đứa con trai. Đứa trẻ tới trường mà cứ nơm nớp lo sợ bị người ta đến đuổi ra khỏi lớp.

Phục vụ cho gần 30.000 học sinh, học khu tiểu học Chula Vista là học khu lớn nhất tại tiểu bang California và cũng là học khu đa dạng sắc tộc nhất.

Trong nhiều năm, các trường học của học khu đã nhận được Giải băng Xanh Quốc gia, một giải thưởng của Bộ Giáo dục Mỹ vinh danh những trường có thành tựu lớn giúp thu ngắn những cách biệt giữa các học sinh bị thiệt thòi.

Theo ông Escobedo, hầu hết những thành tựu của học khu là nhờ những chương trình phối hợp song ngữ giúp phát triển đa văn hóa và đa ngôn ngữ.

Ông nói:

“Chúng tôi xem tiếng Tây Ban Nha là một tài sản chứ không phải là một gánh nặng. Do đó chúng tôi sử dụng vốn quý của họ và xây dựng các chương trình của chúng tôi.”

Tại học khu Chula Vista, lớp học không chỉ là một nơi an toàn đối với học sinh bất hợp pháp, mà còn là một nơi các học sinh có thể phát triển đa văn hóa và song ngữ.

Bà Emma Sanchez, giám đốc điều hành phụ trách ngôn ngữ và giảng dạy cho biết:

“Học sinh của chúng tôi qua lại giữa hai nước nên chúng tôi muốn xây dựng khả năng cho giáo viên chúng tôi có thể hỗ trợ học sinh về cả hai ngôn ngữ.”

http://www.voatiengviet.com/a/truong-hoc-an-toan-cho-di-dan-bat-hop-phap-va-sac-lenh-cua-ong-trump/3702818.html

 

Hoa Kỳ quan ngại chiến sự đông Ukraine

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về chiến sự tái diễn ở miền đông Ukraine giữa phiến quân thân Nga và quân đội chính phủ. Bộ nói rằng chiến sự gần biên giới Nga đã gây thương vong cho hàng chục người của quân đội lẫn dân thường.

Một tuyên bố hôm thứ Ba kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, và cho biết chiến sự nổ ra hôm Chủ nhật tại khu công nghiệp Promzona ở ngoại ô Avdiivka đã làm cho 17.000 thường dân, trong đó có 2.500 trẻ em, lâm vào tình trạng thiếu nước uống, không có điện để dùng và sưởi ấm.

Vài giờ trước đó, Liên hiệp châu Âu miêu tả các vụ giao tranh tại đây là “sự vi phạm trắng trợn” Nghị định thư Minsk 2015 – là lệnh ngừng bắn được đàm phán với sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, được soạn để bao gồm việc triệt thoái các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi các vùng tiền tuyến.

Gần 10.000 người – hơn phân nửa là thường dân – đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh nổ ra vào tháng 4/2014, một tháng sau khi Nga đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, và hai tháng sau khi cuộc biểu tình kéo dài của phe thân phương Tây ở Kiev buộc tổng thống Ukraine thân Nga phải đi lưu vong.

http://www.voatiengviet.com/a/my-quan-ngai-ve-chien-su-o-dong-ukraine/3702354.html

 

Chuyên gia LHQ chỉ trích hành động của TT Trump

Các chuyên gia về nhân quyền của Liên hiệp quốc cảnh báo là những người xin tị nạn có thể bị tra tấn nếu không có được nơi cư trú an toàn và Tòa thánh Vatican ngày 1/2 kêu gọi mở rộng vòng tay cho những nền văn hóa khác nhau. Những sự kiện này đã làm gay gắt thêm các chỉ trích về sắc lệnh hạn chế di trú hay du hành tới Mỹ do Tổng thống Donald Trump ban hành.

Lệnh hành pháp của Tổng thống Trump ban hành vào ngày thứ Sáu tuần qua tạm ngưng trong vòng 120 ngày chương trình của Hoa Kỳ về người tị nạn, cấm vô thời hạn người tị nạn Syria và ngưng không cho công dân của 7 nước có đa số theo Hồi Giáo là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen vào nước Mỹ.

Động thái được chính quyền Tổng thống Trump biện minh là nhằm mục đích bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công khủng bố đã bị nhiều quốc gia lên án và làm phát sinh những cuộc biểu tình và tranh tụng trước các Tòa án tại Mỹ.

Ngày 1/2 một uỷ ban các chuyên gia về nhân quyền Liên hiệp quốc yêu cầu chính quyền của Tổng thống Trump bảo vệ những người lánh nạn chiến tranh và bị ngược đãi. Ủy ban cho rằng các biện pháp này trái ngược với lòng nhân đạo và những luật lệ về nhân quyền quốc tế.

Trong một tuyên bố, các chuyên gia nói biện pháp này “nếu không được đánh giá đúng đắn từng cá nhân một, và không theo đúng những thủ tục xin tị nạn, sẽ gây rủi ro hồi hương người tị nạn về những nơi họ gặp nguy cơ bị tra tấn và bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay làm mất phẩm giá.”

Các chuyên gia trong đó có báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về di dân, về phân biệt chủng tộc, về nhân quyền và chống khủng bố, chống tra tấn và những chuyên gia về tự do tôn giáo, cũng đều nói là biện pháp của Tổng thống Trump có thể đưa đến việc “gia tăng những thành kiến đối với các cộng đồng Hồi Giáo.”

Phó Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Tổng giám mục Angelo Becciu nói với đài truyền hình Công giáo Ý “Chắc chắn là có những quan ngại vì chúng ta là sứ giả của nền văn hóa khác, đó là sự cởi mở.”

Bình luận về kế hoạch của ông Trump xây một bức tường dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico, Tổng giám mục Angelo Becciu nói “Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên nhấn mạnh đến khả năng hội nhập những người bước vào xã hội và nền văn hóa chúng ta.”

http://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-lhq-chi-trich-hanh-dong-cua-tong-thong-trump/3702341.html

 

Trung Quốc siết kinh tế Nam Hàn để chống THAAD

Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực để ngăn chặn Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, bằng cách gia tăng áp lực trên mặt trận kinh tế.

Mặc dù các giới chức Hoa Kỳ và Hàn Quốc lâu nay nhấn mạnh rằng mục đích chính của Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) có mục đích chống lại khả năng tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Hàn, song Bắc Kinh lập luận rằng về lâu dài hệ thống đó có thể làm nhiều hơn thế.

Jagannath Panda, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi, cho biết Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt các biện pháp đối với Seoul, và có phần chắc động thái này sẽ tiếp tục nếu Seoul không đổi ý.

Panda nói kể từ khi THAAD được triển khai, lượng du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc nghỉ hè đã giảm, và sự thể này đã tác động mạnh đến nền kinh tế Hàn Quốc.

Đây mới chỉ là một trong những cách mà Bắc Kinh đang làm để chủ động gây áp lực với Hàn Quốc về việc triển khai lá chắn tên lửa THAAD.

Hồi đầu tháng này, nhật báo Hankyoreh của Hàn Quốc nêu ra một danh sách các biện pháp mà Trung Quốc được cho là đã thực hiện kể từ khi quyết định triển khai THAAD được thông qua hồi tháng 7 năm ngoái, bao gồm hạn chế du hành đối với các nghệ sĩ giải trí Hàn Quốc, các chuyến bay thuê bao từ Hàn Quốc, và nhắm mục tiêu vào hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Lotte của Hàn quốc ở Trung Quốc.

Một sân golf thuộc sở hữu của Tập đoàn Lotte ở Hạt Seongju ở miền nam Hàn Quốc được công bố là nơi sẽ đặt hệ thống THAAD. Dự kiến hệ thống sẽ được triển khai vào tháng 5. Mặc dù vậy, có những quan ngại rằng những chống đối gia tăng có thể trì hoãn việc nà

http://www.voatiengviet.com/a/tq-cuc-luc-chong-doi-he-thong-phong-thu-ten-lua-my/3702299.html

 

Hoa Kỳ cam kết liên minh quân sự với Nam Hàn

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trấn an giới lãnh đạo Nam Hàn rằng liên minh hai nước vẫn còn mạnh.

Ông Mattis nói mối quan hệ này sẽ tăng cường trong bối cảnh có các mối đe dọa từ Bắc Hàn.

Tổng thống Donald Trump từng cáo buộc Nam Hàn và Nhật Bản chi không đủ cho sự hỗ trợ quân sự từ Hoa Kỳ.

Chuyến thăm Seoul là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump.

Ông Mattis đã dùng cơ hội này để nói Hoa Kỳ tiếp tục cam kết hỗ trợ thông qua các thỏa thuận an ninh đã đạt được trước đây.

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump dọa sẽ rút lính Mỹ khỏi Nam Hàn và Nhật Bản nếu họ không tăng cường hỗ trợ tài chính cho hoạt động quân sự của Mỹ.

Ông cũng gợi ý rằng hai nước có thể được phép trang bị cho mình vũ khí hạt nhân, một ý tưởng đã bị bác bỏ bởi cả hai nước này.

Ông Trump cũng đã nói rằng ông sẵn sàng nói chuyện với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, động thái trái ngược với chính sách bấy lâu nay của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Sau khi hạ cánh tại căn cứ không quân Osan của quân đội Mỹ, phía nam Seoul, ông Mattis tới thăm trụ trở của Lực lượng Mỹ tại Triều Tiên (USFK) ở thủ đô, nơi ông được nghe Tư lệnh lục quân Vincent Brooks báo cáo về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên, giới chức cho biết.

Ông sẽ ở Nam Hàn đến thứ Sáu, và sẽ hội đàm với người đồng cấp Nam Hàn là Han Min-koo và các quan chức khác.

Lầu Năm Góc cho biết chuyến thăm khẳng định cam kết của Hoa Kỳ với liên minh với Nhật Bản và Nam Hàn, và tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh ba nước.

Ông Mattis nói với các phóng viên ông sẽ thảo luận về việc triển khai kế hoạch cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc, và chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.

Chuyến thăm của ông Mattis diễn ra giữa lúc những đe dọa từ Bắc Hàn đang ngày càng tăng, theo đó Bình Nhưỡng nói đã sẵn sàng bắng thử tên lửa xuyên lục địa mới vào bất kỳ lúc nào.

Dưới thời ông Obama, Mỹ và Nam Hàn đã đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD nhằm giúp Nam Hàn đối phó với tên lửa Bắc Hàn.

Nhưng việc này đã khiến Trung Quốc giận dữ, bởi Bắc Kinh cho rằng THAAD đe dọa tới an ninh của Trung Quốc, và “vượt quá nhu cầu phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên”.

THAAD hoạt động thế nào?

Đối phương phóng tên lửa

Hệ thống radar của THAAD phát hiện được tín hiệu và sẽ gửi thông tin về trung tâm chỉ huy điều khiển

THAAD ra lệnh và điều khiển việc phóng tên lửa đánh chặn

Tên lửa đánh chặn sẽ trúng vào tên lửa của đối phương

Tên lửa đối phương bị phá hủy khi bay gần tới đích (giai đoạn cuối trước khi trúng mục tiêu)

Mỗi xe tải chở bệ phóng có thể mang theo tối đa tám tên lửa đánh chặn.

Phí tổn

Hiện có chưa tới 28.500 quân nhân Mỹ đóng tại Nam Hàn. Nam Hàn chi khoảng 900 triệu đô la mỗi năm cho việc triển khai số lượng lính này.

Hôm thứ Sáu, ông Mattis sẽ tới Nhật và có các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada.

Tại Nhật, Mỹ có thêm 50 ngàn quân nhân, cùng thân nhân họ và các nhân viên hỗ trợ. Hoa Kỳ trong năm 2016 chi khoảng 5,5 tỷ đô la cho các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật, còn phía Nhật chi thêm 4 tỷ đô la nữa.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38842966

 

Israel giải tỏa nhà vùng tranh chấp

Binh sĩ và cảnh sát Israel hôm thứ Tư tập trung tại vùng Bờ Tây để trục xuất khoảng 50 gia đình sống trái phép trên một vùng đất giáp ranh.

Quân đội Israel ra lệnh cho cư dân phải rời khỏi Amona, khu nhà mà vào năm 2014, tòa án tối cao Israel đã ra phán quyết xác định đã được xây trên đất tư của người Palestine và phải được phá dỡ.

Cùng lúc, Israel phê duyệt việc xây 3.000 ngôi nhà mới cho người định cư tại các địa điểm khác trên vùng Bờ Tây.

Bộ quốc phòng cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman đã phê duyệt các khu định cư mới.

Các khu định cư lâu nay vẫn là một nguồn gây xích mích giữa người Israel và người Palestine, đặc biệt là trong khi diễn ra đàm phán để đi đến một thỏa thuận hòa bình.

Phía Palestine tuyên bố Bờ Tây và Đông Jerusalem là một phần của lãnh thổ mà họ sẽ sử dụng để xây dựng một nước Palestine theo giải pháp hai nhà nước. Đông Jerusalem là một địa điểm khác nơi cũng có những công trình xây nhà định cư.

http://www.voatiengviet.com/a/israel-giai-toa-nha-trong-vung-dat-tranh-chap/3702337.html

 

Syria: Văn phòng Lưỡi Liềm Đỏ trúng không kích

Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết những cuộc không kích sau nửa đêm ngày thứ Tư 1 tháng 2 đã đánh trúng văn phòng của Hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ Syria tại thành phố Idlib vùng tây bắc nước này, làm bị thương một số nhân viên của Hội và gây thiệt hại nặng nề cho văn phòng.

Hiện chưa rõ máy bay của không quân nước nào liên hệ đến vụ này, cất cánh từ bên trong Syria hay vượt qua biên giới Syria.

Các máy bay chiến đấu Nga và Syria thường xuyên không kích chống phe nổi dậy Syria tại tỉnh Idlib, một cứ địa vững chắc của lực lượng nổi dậy, nhưng kể từ năm mới 2017, các cuộc không kích của Mỹ cũng nhắm vào những phần tử hiếu chiến trước đây có liên hệ đến Al-Qaida tại Idlib.

Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết thêm là trong số những người bị thương có giám đốc chi nhánh địa phương của Hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ.

http://www.voatiengviet.com/a/syria-van-phong-hoi-trang-luoi-liem-do-trung-khong-kich/3702329.html

 

Romania: Biểu tình gia tăng vì lệnh giảm tội tham nhũng

Tại thủ đô Bucharest của Romania vừa diễn ra những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất từ trước tới nay, vì chính quyền thông qua luật để cựu quan chức đang ngồi tù vì tội tham nhũng có thể được thả sớm.

Tin tức nói đám đông lên tới ít nhất 150.000 người đã tụ tập bên ngoài các văn phòng của chính phủ tối hôm thứ Tư, và các cuộc tuần hành diễn ra ở nhiều thị trấn thành phố khác.

Khi những người biểu tình giải tán, một nhóm các ủng hộ viên bóng đá đã ném pháo vào cảnh sát và bị đáp trả bằng hơi cay.

Luật được thông qua vào tối hôm thứ Ba.

Chính phủ hiện nay theo đường lối cánh tả, do Thủ tướng Sorin Grindeanu thuộc đảng Dân chủ Xã hội (PSD) dẫn đầu và chỉ mới vừa trở lại nắm quyền hồi tháng 12 sau khi các cuộc biểu tình đã buộc lãnh đạo trước đó phải từ bỏ quyền lực hồi tháng 10/2015.

Tân chính phủ nói nghị định này là cần thiết để giảm tình trạng quá tải trong nhà tù, nhưng những người chỉ trích ông Grindeanu thì nói ông tìm cách thả các đồng minh hiện đang ngồi tù vì tội tham nhũng.

Cuộc khủng hoảng hiện thời đã khiến một bộ trưởng trong nội các từ chức hôm thứ Năm.

Các cuộc biểu tình diễn ra chỉ vài giờ sau khi Liên hiệp châu Âu cảnh cáo là Romania chớ “nuốt lời” trong nỗ lực chống tham nhũng.

“Cuộc chiến chống tham nhũng cần phải được tiến tới chứ không phải là phá bỏ những gì đã làm,” người đứng đầu Ủy hội châu Âu Jean-Claude Juncker nói.

“Chúng tôi rất lo ngại theo dõi sát các diễn biến tại Romania.”

Nguyên nhân dẫn đến biểu tình

Luật khẩn cấp có nội dung giảm nhẹ một số tội và khiến những người phạm các tội liên quan đến lạm dụng quyền lực sẽ chỉ bị án tù nếu số tiền lên tới trên 44.000 euro (48.000 đô la Mỹ).

Người hưởng lợi đầu tiên sẽ là lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội, Liviu Dragnea, người đang đối diện các cáo buộc về biển thủ 24.000 euro.

Các cuộc biểu tình bắt đầu cách đây vài ngày, thu hút sự ủng hộ của Tổng thống trung hữu Klaus Iohannis.

Những người biểu tình cáo buộc các côn đồ (hooligan) bóng đá địa phương vốn trung thành với đảng cầm quyền đã tìm cách phá hoại biểu tình bằng việc tấn công cảnh sát.

Các nhân chứng nói với BBC rằng một nhóm ít nhất 100 người “cực đoan” đã ném bom xăng và gạch ngói vào cảnh sát, khiến hai cảnh sát và hai người biểu tình bị thương.

Tổng thống Iohannis khen ngợi cách thức người biểu tình tiến hành tuần hành phản đối trên cả nước.

Ông cũng chỉ trích giới chức trách trong việc xử lý các nhóm biểu tình mà theo lời ông là tìm cách “phá vỡ” các cuộc biểu tình ở Bucharest.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38843116

 

Một số vụ thanh trừng khét tiếng lịch sử

Bas du formulaire

Lịch sử chính trị thế giới đã ghi nhận một số vụ thanh trừng khủng khiếp, gồm cả chuyện tẩy ảnh, xóa tước và danh vị của người đã chết hoặc bị hạ bệ.

Liên Xô và đợt thanh trừng của Stalin

Năm 1934, Sergei Kirov, bí thư Đảng Cộng sản của Leningrad bị giết, có thể bằng lệnh của Stalin. Nhưng vụ án Kirov đã được Stalin dùng làm cái cớ để thanh trừng toàn bộ hệ thống.

Có 93 trên tổng số 139 Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô bị xử bắn.

Hồng quân Liên Xô có 103 vị tướng thì 81 bị xử tử.

Theo trang BBC History, chừng một phần ba trong số 3 triệu đảng viên ở Liên Xô bị giết trong giai đoạn 1934-1938.

Bộ máy tuyên truyền Liên Xô cũng tẩy xóa ảnh, xóa tên, chức danh của những người bị chết hoặc bị giam cầm trong các trại lao cải gulag.

Sách giáo khoa lịch sử bị sửa nhằm “xóa trí nhớ về những người bị cho là phạm tội”.

Nhiều nhân vật nổi tiếng nhất và nắm chức vụ cao nhất, gồm Leon Trotsky đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Trước khi ông Trotsky, người từng là nhân vật số hai trong Cách mạng Nga bị ám sát chết năm 1940 ở Mexico, mọi hình ảnh của ông bị xóa khỏi sách báo, triển lãm, phim tài liệu ở Liên Xô.

Bức hình trong bài là một ví dụ Trotsky bị xóa khỏi ảnh cùng Lenin.

Xóa sổ ‘Bè lũ Bốn tên’

‘Tứ nhân bang’ (Gang of Four) tại Trung Quốc gồm vợ của Mao Trạch Đông, bà Giang Thanh và các ông Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên, bị cho là lũng đoạn chính trị Trung Quốc giai đoạn Cách mạng Văn hóa (1966-76).

Nổi lên từ phong trào văn hóa văn nghệ và đề cao vụ đánh Ngô Hàm, tác giả của vở kịch Hải Thuỵ từ quan (1965), bốn người đã trở thành trụ cột cho chủ nghĩa vô sản cực đoan Trung Quốc thời Mao.

Sau khi ông Mao qua đời năm 1976, Tứ nhân bang mất dần quyền lực và bị xử trong hai năm 1980-81.

Nhưng sang thời kỳ Hoa Quốc Phòng cầm quyền, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách như đã làm trong văn học nghệ thuật thời Tứ nhân bang là tẩy xóa hình ảnh của các cựu thù.

Những bức hình bà Giang Thanh đứng cạnh ông Mao ở những lễ lạt cấp nhà nước bị tẩy.

Điều lạ nữa là số phận của bà Giang Thanh (1914-1991) khiến một nghệ sỹ khác chỉ vì cùng tên mà bị bộ máy kiểm duyệt ngăn cản xuất hiện tại Trung Quốc.

Wan Jianhua viết trong bài ‘The Other Madame Mao’ (Một phu nhân Mao khác – nerwchinamag.com 06/2013) rằng bà Giang Thanh, một nghệ sỹ gốc Thượng Hải, chỉ có thể ra sách tại Hoa lục năm 2013, khi đã 67 tuổi.

Năm 17 tuổi, bà sang Hong Kong và sống từ đó ở Đài Loan nhưng vì cũng có tên là Giang Thanh nên mọi tác phẩm phim ảnh cũng bị cấm tại Hoa lục.

Giới văn hóa tiếng Hoa gọi là là ‘Giang Thanh từ Đài Loan’ để phân biệt với Giang Thanh vợ Mao.

Vatican và Giáo hoàng Formosus

Sinh năm 816 và mất năm 896, Giáo hoàng Formosus nổi tiếng vì lời mời vua Arnulf của tộc Frank đem quân vào nước Ý nhằm đuổi hai hoàng đế La Mã là Guy và con trai Lambert khỏi Rome.

Ngài đã phong Arnulf làm Hoàng đế La Mã năm 896 nhưng không lâu sao đó vị này trở về vùng nay thuộc Đức.

Bản thân Giáo hoàng Formosus chết sau đó và bị người kế nhiệm Giáo hoàng Stephen VI trả thù tàn khốc, theo Bách khoa toàn thư Anh, Britannica.

Xác của Formosus bị khai quật, đặt lên ngai vàng giả để ‘chứng kiến’ một phiên tòa.

Sau đó, Giáo hoàng Stephen VI tuyên bố Formosus chưa từng là người đứng đầu Tòa Thánh, xóa ngôi vị của ông và cho vứt xác người đã quá cố xuống sông Tiber.

Các vụ việc đã gây phẫn nộ tạio Rome, dẫn tới chỗ Stephen VI bị lật đổ và cầm tù rồi bị giết.

Giáo hoàng Theodore II phục hồi mọi chức vụ cho Formosus và các tác phẩm, thư từ của ông được lưu trong Patrologia Latina.

Xem thêm bài của Joe Boyle ‘Five Infamous Purges‘ trên BBC News.

http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-38735286

 

QH Anh cho chính phủ ‘mở đường rời EU’

Sau cuộc bỏ phiếu lịch sử ngày 01/02/2017 thông qua luật cho chính phủ mở nghị trình rút khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), Quốc hội Anh nay sẽ có quyền giám sát quá trình rời EU, gọi là Brexit.

Cuộc bỏ phiếu tối thứ Tư tại Nghị viện ở Westminster, London đã đạt đa số 498 phiếu thuận và 114 phiếu chống, mở đường cho thủ tục Brexit.

Dù thắng lợi bước đầu, chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May sẽ phải trình lên Nghị viện chiến lược Brexit

Luật mới có tên gọi là “Luật Liên hiệp châu Âu” (European Union Bill) sẽ còn được các nghị sỹ Hạ viện thảo luận vào tuần tới trước khi có hiệu lực.

Chính phủ của bà May muốn kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon trước ngày cuối tháng 3 này, chính thức mở cuộc đàm phán với EU để Anh Quốc rút ra.

Nhưng có vẻ đây vẫn là quá trình không đơn giản.

Các đảng phái và dân biểu trong nghị viện Anh đã đưa ra hàng trăm điều khoản sửa đổi chỉ trong ba ngày từ thứ Hai đến thứ Tư tuần này.

Lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland (SNP) vẫn muốn bằng mọi giá Scotland, một xứ trong Liên hiệp Vương quốc Anh, phải ở lại thị trường chung châu Âu.

Quan điểm của lãnh đạo Scotland cũng được sự ủng hộ của một số chính trị gia Wales và Bắc Ireland.

Tác động của Brexit tới Việt Nam- – BBC Tiếng Việt

Các bình luận chung tại Anh từ hai hôm qua là Anh Quốc chắc chắn sẽ rời EU và mọi thủ tục chỉ còn là vấn đề thời gian.

Biên tập viên chính trị của BBC News, bà Laura Kuenssberg viết rằng “Một năm trước, không dân biểu nào tại Điện Westminster nghĩ rằng họ lại phải bỏ phiếu rời EU”.

“Nhưng nay thì chuyện ngăn lại tiến trình đã thuộc về quá khứ,” bà Laura Kuenssberg viết trên blog của trang BBC News tại Anh.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38839474

 

Tranh chức tổng thống Pháp: Ứng viên trung hữu gặp khó

Ứng viên tổng thống Pháp của phe trung hữu Francois Fillon đang chịu sức ép rút lui, dù vẫn còn dẫn đầu cuộc đua gần đây.

Ông gặp cáo buộc người vợ Penelope đã nhận nhiều tiền cho “việc làm giả tạo” suốt nhiều năm.

Đối thủ cực hữu Marine Le Pen nói ông Fillon đã mất niềm tin của cử tri.

Trong phe của ông cũng có chỉ trích.

Mới đây còn dẫn đầu trong thăm dò, nhưng nay ông Fillon đã tụt sau bà Le Pen và đối thủ Emmanuel Macron.

Tuần trước, tuần báo châm biếm Le Canard Enchaine cáo buộc rằng bà Penelope Fillon được trả 830.000 euro cho vị trí trợ lý của chồng trong quốc hội, và sau đó trợ lý cho người thay ông ở quốc hội, Marc Joulaud.

Tờ báo cũng nói bà được trả 100.000 euro thông qua một tạp chí văn học, có chủ sở hữu là bạn của chồng bà.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38835575

 

Trump ‘xem lại’ thỏa thuận tị nạn đã ký với Úc?

Thỏa thuận tái định cư người tị nạn đã được đưa ra xem xét trong cuộc điện thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.

Tờ Washington Post tường thuật rằng ông Trump đã gọi cuộc điện thoại này là ‘tệ hại nhất’ trong số những cuộc điện thoại ông đã có với các lãnh đạo thế giới trong ngày, và đã cắt ngắn so với thời gian dự kiến.

Ông Trump sau đó viết trên Twitter rằng ông sẽ ‘nghiên cứu cái thỏa thuận ngu ngốc này’.

Theo nội dung đạt được với chính quyền ông Obama trước đó, thỏa thuận giữa Úc và Hoa Kỳ sẽ cho phép tới 1.250 người xin tị nạn ở Úc được tái định cư tại Mỹ.

Úc vốn luôn từ chối nhận người tị nạn – hầu hết là những người đến từ Iran, Afghanistan và Iraq. Thay vào đó, Úc luôn giữ họ tại các trung tâm tạm giữ ở ngoài khơi, đặt tại Nauru và Papua New Guinea ở Thái Bình Dương.

Thủ tướng Turnbull đang muốn làm rõ tương lai của thỏa thuận này sau khi ông Trump hôm thứ Sáu tuần trước ký sắc lệnh tạm ngưng việc tiếp nhận người tị nạn toàn cầu và công dân từ bảy quốc gia Hồi giáo vào Mỹ.

Cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Turnbull diễn ra hôm thứ Bảy, và là một trong bốn cuộc điện thoại của tổng thống Hoa Kỳ với các lãnh đạo thế giới trong cùng ngày, trong đó có cuộc nói chuyện với ông Vladimir Putin.

Washington Post dẫn lời các quan chức cao cấp Hoa Kỳ, theo đó nói cuộc trao đổi lẽ ra kéo dài trong một giờ đồng hồ. nhưng ông Trump đã kết thúc một cách đột ngột sau chỉ 25 phút.

Ông Turnbull muốn ông Trump đảm bảo rằng thỏa thuận đạt được giữa hai nước sẽ được tôn trọng.

Tổng thống Mỹ được cho là đã nói việc nhận người tị nạn sẽ giống như việc Mỹ nhận ‘những kẻ đánh bom Boston tiếp theo’, là những đối tượng vốn đến từ vùng Caucasus của Nga.

Thông tin chính thức về cuộc điện thoại được phía Mỹ nêu vắn tắt, theo đó nói cả hai nhà lãnh đạo đã “nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi giữa Mỹ và Úc”.

Hôm thứ Hai, ông Turnbull xác nhận đã nói chuyện với ông Trump và cảm ơn ông đã đồng ý tôn trọng thực hiện thỏa thuận.

Phát ngôn viên của tổng thống Mỹ, Sean Spicer sau đó cũng nói ông Trump có ý giữ nguyên thỏa thuận.

Những những gì ông Trump đăng trên Twitter hôm thứ Tư – ngay sau khi Washington Post có tường thuật – khiến người ta nghi ngờ về việc tiếp tục thực hiện cam kết.

Ông viết: “Tin được không? Chính quyền Obama đã đồng ý nhận hàng ngàn di dân bất hợp pháp từ Australia. Tại sao? Tôi sẽ nghiên cứu cái thỏa thuận ngu ngốc này!”

Ông Turnbull sau đó nói ông thất vọng về việc nội dung chi tiết của cuộc điện đàm đã được công bố công khai.

Ông nói với một đài phát thanh ở Sydney rằng ‘tường thuật nói tổng thống dập máy điện thoại là không đúng’.

Hồi tháng 11/2016, Úc công bố là Hoa Kỳ đã đồng ý thỏa thuận thực hiện một lần, theo đó tái định cư những người tị nạn hiện đang bị giữ tại các đảo Nauru và Manus thuộc Papua New Guinea.

Hiện có tổng số 1.254 người đang bị giữ tại hai trại, tính đến ngày 30/11/2016.

Úc không chấp nhận người tị nạn đến bằng tàu thuyền. Nước này đã đạt thỏa thuận tái định cứ với Campuchia và Papua New Guinea, nhưng chỉ với một số ít người tị nạn.

Các số liệu chính thức cho thấy 80% những người bị giữ tại các đảo trên được xác định là người tị nạn thực sự.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38841287

 

Miến: Bắt người được xem chủ mưu ám sát luật sư Ko Ni

Tin từ Miến Điện cho hay cảnh sát nước này đã bắt giữ người được xem là chủ mưu vụ ám sát một luật sư Hồi Giáo làm cố vấn pháp lý cho lãnh tụ Aung San Suu Kyi.

Cảnh sát Miến nói kẻ mới bị bắt giữ tên Myint Swe, cho biết thêm đây là người đã thuê sát thủ bắn chết luật sư Ko Ni ở phi trường Rangoon, khi ông Ko Ni mới từ Indonesia trở về nước.

Vẫn theo cảnh sát Miến Điện, Myint Swe bị bắt hôm thứ Hai ở bang Karen, tại một địa điểm nằm sát với biên giới Thái. Tin đài chúng tôi thu thập được cho hay đến giờ tên này nhất định không khai gì với nhân viên điều tra.

Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, đảng đương quyền là Liên Đoàn Toàn Quốc Đấu Tranh Vì Dân Chủ có ra thông cáo, gọi đây là một vụ khủng bố, được thực hiện với mục đích gây bất ổn cho Miến.

Lúc còn sống, ông Ko Ni thường lên tiếng phản đối đường lối cai trị của chính phủ quân sự, và chỉ trích việc những tổ chức Phật Giáo quá khích đối xử bất công với tập thể thiểu số Hồi Giáo.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/myan-police-arrest-2-suspect-in-lawyer-assassination-02022017090219.html

 

Philippines: Quân đội tham gia bài trừ ma túy

Tổng Thống Philippine Rodrigo Duterte vừa loan báo trao cho quân đội quyền điều khiển cuộc chiến chống ma túy, đồng thời báo trước sẽ còn nhiều kẻ buôn bán ma túy hay nghiện ngập sẽ bị bắn hạ cho đến khi cuộc chiến bài trừ tệ trạng xã hội hoàn tất.

Nói với báo chí ở Manila, Tổng Thống Phi cho hay đã thảo luận với các tướng lãnh về vai trò mà quân đội sẽ nắm giữ trong cuộc chiến bài trừ ma túy. Ông còn nói sẽ ban hành sắc lệnh xem ma túy là hiểm họa an ninh quốc gia.

Hồi đầu tuần này, cảnh sát Philippine quyết định ngưng mọi hoạt động trong chiến dịch bài trừ ma túy để thanh lọc hàng ngũ, sau khi bị Tổng Thống Phi chê trách rằng hàng ngũ cảnh sát tham nhũng tận cốt lõi, có nhiều cảnh sát viên ăn tiền của bọn buôn bán ma túy.

Hôm qua, thông cáo của Bộ Quốc Phòng Phi cho hay quân đội đã sẵn sàng để tham gia vào chương trình bài trừ ma túy, đồng thời cũng yêu cầu Tổng Thống Duterte cho binh sĩ được quyền bắt giữ những nhân viên cảnh sát bị cáo buộc tôi tham nhũng, hối lộ, tiếp tay với bọn gian.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/philippines-duterte-vows-kill-more-in-drug-war-use-military-02022017084445.html

 

Hồng Kông : Tỷ phú Tiêu Kiến Hoa bị Trung Quốc bắt cóc

Tú Anh

Theo báo chí Hồng Kông, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa đột nhiên mất tích cách nay một tuần, thật ra đã bị an ninh Trung Quốc bắt cóc đưa về Hoa lục để điều tra một vụ đầu cơ chứng khoán. Đây là trường hợp tiêu biểu Bắc Kinh can thiệp vào nội tình Hồng Kông một cách thô bạo từ sau vụ bắt cóc chủ nhân và bốn nhân viên một nhà xuất bản sách bị Trung Quốc xem là nhạy cảm.

Theo South China Morning Post được AFP trích dẫn trong bản tin 02/02/2017, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) hiện đang ở Hoa lục « để giúp điều tra » về vụ chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải bị rơi tự do vào năm 2015, trong vòng hai tháng, mất 40% trị giá. Vấn đề là trong vụ này, chính quyền Trung Quốc đã góp phần khuyến khích đầu cơ cho đến khi « bong bóng » chứng khóan bị vỡ thì tìm cách qui tội cho người khác để phủi tay trốn trách nhiệm.

Như vậy, « thông tin » đầu tiên của báo chí thân Bắc Kinh nói rằng tỷ phú Tiêu Kiến Hoa « tự ý » về Trung Quốc trị bệnh, không còn đứng vững.

Sự kiện ông Tiêu Kiến Hoa mất tích cũng diễn ra tương tự như trường hợp 5 nhân viên một nhà sách Hồng Kông « mất tích » năm 2015 và sau đó sự thật được phơi bày khi Bắc Kinh biết không thể tiếp tục giấu diếm.

Hồng Kông được Anh Quốc trao trả lại Trung Quốc với quy chế bán tự trị từ năm 1997 theo đó công an Hoa lục không có quyền sang Hồng Kông bắt người.

Cũng theo South China Morning Post, không rõ tỷ phú Tiêu Kiến Hoa có trách nhiệm gì trong vụ thị trường chứng khoán mất giá. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang nhắm vào một loạt các đại gia Trung Quốc và cuộc điều tra này có liên quan đến cựu chỉ huy cơ quan phản gián, Mã Kiến, bị buộc tội tham ô, bị cách chức và khai trừ khỏi đảng Cộng sản.

Theo một số nhà bình luận, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa chỉ là người thừa hành của ban lãnh đạo Trung Quốc trong vụ khủng hoảng chứng khoán. Nhưng một số tờ báo lại cho rằng nhà tài chính này có quan hệ với những thế lực chống lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trở thành nạn nhân của chiêu bài chống tham nhũng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170202-hong-kong-ty-phu-tieu-kien-hoa-bi-trung-quoc-bat-coc

 

« Penelopegate » : Thêm tiết lộ bất lợi cho François Fillon

Thanh Hà

Chính trường Pháp tiếp tục rúng động vì vụ bê bối trực tiếp liên quan đến ứng cử viên cánh hữu François Fillon. Bà Penelope Fillon có từng là trợ lý Quốc Hội cho chồng hay không để được trả lương hơn 800.000 euro trong nhiều năm ?

Tối nay, 02/02/2017, đài truyền hình nhà nước France 2 sẽ chiếu một tài liệu cho thấy, năm 2007 chính bà Penelope Fillon từng khẳng định với báo chí : « Tôi chưa bao giờ làm trợ lý cho chồng ». Trong khi đó bản thân ứng cử viên tổng thống Fillon và đảng Những Người Cộng Hòa đang cố gắng chứng minh Penelope Fillon thực sự là « trợ lý » cho dân biểu Quốc Hội François Fillon. Cánh hữu xem cáo buộc nhắm vào bà Penelope là những lời vu khống.

Tình cảnh « trống đánh xuôi, kèn thổi ngược » này gây thêm khó khăn cho François Fillon trên con đường vào điện Elysée.

Đảng Những Người Cộng Hòa- LR đang bị chia rẽ vì tai tiếng liên quan đến ứng cử viên tổng thống Fillon. Kết quả thăm dò dư luận ngày hôm qua cho thấy, điểm tín nhiệm François Fillon sụt giảm nghiêm trọng từ khi vụ việc được phơi bày ra ánh sáng và trong mọi trường hợp François Fillon bị loại ngay từ vòng đầu bầu cử tổng thống năm nay. Ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi ông Fillon bỏ cuộc khi đã đánh mất uy tín với cử tri.

http://vi.rfi.fr/phap/20170202-%C2%AB-penelope-gate-%C2%BB-them-tiet-lo-bat-loi-cho-ung-vien-tong-thong-phap-francois-fillon

 

Báo chí Thái Lan chống luật hạn chế hoạt động của nhà báo

Thanh Hà

Ngày 02/02/2017, dự luật giới hạn quyền hoạt động của các phóng viên Thái Lan được thảo luận tại một ủy ban Quốc Hội. Liên đoàn các phóng viên Thái viết thư ngỏ phản đối mọi ý đồ bịt miệng báo chí của chính quyền quân sự Bangkok.

Theo hãng tin Mỹ AP, dự luật về báo chí của Thái Lan quy định các phóng viên phải được chính phủ cấp giấy phép hành nghề, và dự trù thành lập một hội đồng kỷ luật để trừng phạt những phương tiện truyền thông « phao tin thất thiệt » hay « vi phạm đạo đức báo chí ». Phía chính quyền giải thích, dự luật này nhằm « trong sạch hóa các cơ quan thông tin và tránh để một số phương tiện truyền thông đưa tin thất thiệt ».

Thủ tướng Thái, tướng Chan Ô Cha, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây đã tuyên bố : « Tất cả mọi ngành nghề đều phải được kiểm soát và tuân thủ luật pháp quốc gia, ngành báo chí không là một ngoại lệ »

Ngược lại, Hiệp hội các nhà báo Thái Lan coi đây là phương tiện để Bangkok tăng cường kiểm duyệt, trực tiếp kiểm soát các hành vi của các phóng viên độc lập. Trong bức thư ngỏ gửi tới Quốc Hội Thái ngày 02/02/2017, Hiệp hội các phóng viên Thái Lan cho rằng dự luật nói trên « đưa Thái Lan trở về với thời kỳ đen tối, khi báo chí nằm trong tay chính quyền ».

Theo giới quan sát, từ khi tập đoàn quân sự Thái Lan lên cầm quyền hồi tháng 5/2014 tới nay, quyền tự do thông tin đã bị giới hạn đáng kể. Tránh để bị ghép vào tội khi quân, nhiều tờ báo Bangkok đã phải tự kiểm duyệt. Tháng 7/2016, nhiều đài phát thanh đã bị đóng cửa với lý do « đe dọa an ninh quốc gia ». Tháng 12/2016, tập đoàn quân sự cầm quyền tại Thái Lan đã dùng luật chống tội phạm tin học để tăng cường các biện pháp kiểm duyệt thông tin trên mạng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170202-bao-chi-thai-lan-chong-luat-han-che-hoat-dong-cua-nha-bao