Tin khắp nơi – 02/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 02/01/2019

Quốc hội tái triệu tập

nhưng không có dấu hiệu mở cửa chính phủ

Quốc hội Mỹ sẽ tái triệu tập trong ngày 2/1 mà vẫn chưa có dấu hiệu nào về một kế hoạch khả dĩ có thể chấm dứt tình trạng chính phủ bị đóng cửa một phần- đã kéo dài 12 ngày qua, và trong khi Tổng thống Donald Trump vẫn một mực đòi 5 tỷ USD để xây tường biên giới.

Cả Thượng viện lẫn Hạ viện đều trở lại làm việc sau kỳ nghỉ đón năm mới và sẽ họp để đánh dấu ngày cuối cùng của Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát năm 2017-2018, một năm có nhiều sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng.

Tổng thống Trump đã mời lãnh đạo của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội tới Nhà Trắng vào ngày 2/1 để nghe báo cáo và thông tin về an ninh biên giới, theo một nguồn tin của Reuters ở quốc hội.

Vào ngày 3/1, đảng Dân chủ sẽ nắm quyền kiểm soát Quốc hội cho nhiệm kỳ 2019-2020, đảng này đã lên kế hoạch để thông qua một gói chi tiêu gồm hai phần nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ. Tuy nhiên, triển vọng thành công của kế hoạch này không mấy sáng sủa ở Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa duy trì thế đa số, bất chấp trước đó các thành viên Đảng Cộng hoà đã thông qua các biện pháp tương tự tại diễn đàn Thượng viện hoặc trong các ủy ban Thượng viện, nhưng sau đó lại trở về hàng ngũ để ủng hộ yêu cầu của ông Trump đòi tài trợ cho bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Kế hoạch này dọn đường cho cuộc chiến lớn đầu tiên tại Quốc hội mới giữa các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện do bà Nancy Pelosi lãnh đạo, và Thượng viện do Lãnh đạo khối đa số thuộc đảng Cộng hòa, Mitch McConnell, dẫn đầu.

Tổng thống Trump, thuộc đảng Cộng hòa, khai hỏa vụ đóng cửa chính phủ bắt đầu từ ngày 22/12 khi ông khăng khăng đòi 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới như một phần trong bất kỳ gói chi tiêu nào.

Ông Trump coi bức tường biên giới là điều thiết yếu để kiềm hãm di dân bất hợp pháp, lặp lại lập trường đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016.

Gói chi tiêu hai phần của đảng Dân chủ bao gồm một dự luật cấp tiền cho Bộ An ninh Nội địa ở mức hiện tại cho tới hết ngày 8/2 và cung cấp 1,3 tỷ USD cho việc xây tường biên giới cùng với 300 triệu USD cho các biện pháp củng cố an ninh biên giới khác gồm công nghệ và camera giám sát.

Phần hai của gói chi tiêu sẽ dùng để cấp tiền cho các cơ quan liên bang hiện đang không được tài trợ, như Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại và Bộ Giao thông, cho đến hết ngày 30/9.

Kế hoạch của đảng Dân chủ ở Hạ viện không bao gồm 5 tỷ USD tiền tài trợ mà Tổng thống Trump đòi hỏi. Ông McConnell tuyên bố các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện sẽ không thông qua một kế hoạch chi tiêu không được sự ủng hộ của Tổng thống Trump.

“Rất đơn giản: Thượng viện sẽ không gửi bất cứ gì đến Tổng thống mà ông ấy sẽ không ký,” người phát ngôn của ông McConnell nói.

Gói chi tiêu của đảng Dân chủ sẽ đặt Tổng thống Trump và các thành viên đảng Cộng hòa vào thế khó. Nếu họ khước từ các dự luật chi tiêu cho các bộ không liên quan đến an ninh biên giới, thì các thành viên đảng Cộng hòa bị xem như đang bắt làm con tin các cơ quan liên bang đó và khoảng 800.000 công chức chính phủ, chỉ vì ông Trump muốn xây một bức tường mà các thành viên đảng Dân chủ cho là sẽ không có hiệu quả và không thực tế.

https://www.voatiengviet.com/a/quoc-hoi-tai-trieu-tap-nhung-khong-co-dau-hieu-mo-cua-chinh-phu/4725782.html

 

Trump mời lãnh đạo Quốc hội

đến nghe trình bày về an ninh biên giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/1 năm 2019 đã mời các lãnh đạo Quốc hội đến nghe Nhà Trắng trình bày về an ninh biên giới trong một cuộc gặp mang tính phi đảng phái trong lúc việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần do tranh cãi về khoản tiền 5 tỷ đô la xây dựng bức tường biên giới của ông Trump đã bước sang tuần thứ hai.

Lời mời của ông Trump, vốn được các nguồn tin Quốc hội cho biết ‘buổi trình bày’ chứ không phải là để thương thảo, đã được gửi đến lãnh đạo các Đảng trong Quốc hội ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Hiện chưa rõ liệu các lãnh đạo Quốc hội có đến dự buổi làm việc này hay không vốn được sắp lịch vào ngày 2/1.

Hạ viên và Thượng viện sẽ tái nhóm họp trong một thời gian ngắn vào ngày 2/1 để đánh dấu ngày cuối cùng của Quốc hội khóa 2017-2018 dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa mà không có dấu hiệu gì về một kế hoạch khả thi để chấm dứt tình trạng đóng cửa một phần chính phủ liên bang vốn đã ảnh hưởng gần 800.000 nhân viên Nhà nước.

Vào Thứ Năm ngày 3/1, khi Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện, họ dự định sẽ phê chuẩn một gói chi ngân sách bao gồm hai phần nhằm để chấm dứt việc đóng cửa chính phủ. Tuy nhiên, triển vọng của nó ở Thượng viện do Đảng Cộng hòa chi phối lại mờ mịt. Thượng viện trước đây đã phê chuẩn những biện pháp tương tự trong phạm vi ủy ban hay trong toàn thể Thương viện nhưng kể từ đó đã nghiêng về phía đòi hỏi của ông Trump cấp ngân sách cho bức tường.

“An ninh biên giới và vấn đề về bức tường và đóng cửa chính phủ không phải là những điều mà bà Nancy Pelosi muốn dùng để đánh dấu nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện! Nên chăng hãy cùng hướng tới một thỏa thuận?” ông Trump viết trên Twitter hôm 1/1.

Ông Trump là người khai mào đóng cửa chính phủ vốn bắt đầu hôm 22/12 khi ông khăng khăng yêu cầu Quốc hội cấp cho ông 5 tỷ đô la để xây dưng bức tường biên giới.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016, ông Trump đã từng tuyên bố một cách chắc nịch rằng Mexico sẽ chịu phí tổn xây bức tường.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-m%E1%BB%9Di-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BA%BFn-nghe-tr%C3%ACnh-b%C3%A0y-v%E1%BB%81-an-ninh-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi/4724710.html

 

Shutdown: Tổng thống Trump không nhân nhượng

Thu Hằng

Sau kỳ nghỉ lễ cuối năm, các cuộc đàm phán đã được mở lại tại Washington nhằm chấm dứt tình trạng tê liệt một phần hoạt động của chính phủ. Ngày 01/01/2019, ông Donald Trump đã mời các quan chức Quốc Hội đến Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ muốn thuyết phục phe Dân Chủ thông qua ngân sách, bao gồm cả chi phí xây bức tường ở biên giới Mêhicô.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet giải thích :

Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa các lãnh đạo Quốc Hội và tổng thống Mỹ từ khi bắt đầu tình trạng « shutdown ». Ông Donald Trump đã nghỉ lễ cuối năm ở Nhà Trắng, nhưng không thương lượng gì cả.

Ông không hề liên lạc với lãnh đạo của đảng Dân Chủ trong khoảng thời gian giữa lễ Giáng Sinh và Năm Mới và giờ phải khẩn trương làm việc này. Tuy nhiên, trên đài truyền hình Fox New, Donald Trump nhắc lại rằng ông không có ý định nhượng bộ về chi phí xây bức tường biên giới.

Ông nói : « Quý vị biết đấy, tôi ở đây, sẵn sàng thương lượng. Việc này rất quan trọng, nhiều công chức đang chờ được trả lương. Vì thế, tôi sẵn sàng đàm phán, nhưng chúng ta sẽ không từ bỏ việc đảm bảo an ninh biên giới và bức tường là một phần rất quan trọng trong dự án này. Đây là phần quan trọng nhất ».

Phía đảng Dân Chủ muốn thông qua một văn kiện tại Hạ Viện ngay thứ Năm 03/01 nhằm cho phép chi trả hoạt động của chính phủ đến ngày 08/02. Hiện đang chiếm đa số ở Hạ Viện, đảng Dân Chủ sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào để bỏ phiếu kéo dài ngân sách, nhưng quyết định của Hạ Viện có nguy cơ bị Thượng Viện bác bỏ.

Người đứng đầu đa số Cộng Hòa cho biết sẽ không thông qua một đạo luật mà tổng thống Trump có thể từ chối ký. Trong khi văn bản mà các nghị sĩ Dân Chủ đề xuất lại không bao gồm kinh phí xây bức tường biên giới.

Do không tìm được đồng thuận với Nhà Trắng, tình trạng tê liệt của cơ quan hành chính liên bang có nguy cơ kéo dài.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190102-my-shutdown-tong-thong-trump-khong-chiu-nhan-nhuong

 

Đảng Dân Chủ tìm cách mở cửa lại chính phủ

Washington, DC – Theo tin từ Reuters, sau khi tiếp quản Hạ viện vào ngày 3 tháng 1 tới đây, đảng Dân Chủ sẽ bỏ phiếu cho gói ngân sách mới, nhằm chấm dứt 10 ngày đóng cửa chính phủ. Tuy nhiên, khoản ngân sách không bao gồm 5 tỷ Mỹ kim cho bức tường biên giới của Tổng thống Donald Trump. Cuộc bỏ phiếu này sẽ là màn đối đầu giữa đảng Dân Chủ và các đồng minh Cộng Hòa của Tổng thống Trump, liên quan đến vấn đề mà tổng thống đặc biệt coi trọng kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm 2017.

Gói ngân sách gồm hai phần đã được đệ trình lên Hạ viện vào thứ Hai (31 tháng 12). Theo đó, gói ngân sách bao gồm một dự luật chi tiêu cho Bộ Nội an đến ngày 8 tháng 2, không bao gồm ngân sách cho bức tường biên giới. Ngoài ra, gói ngân sách cũng bao gồm 6 dự luật trị giá gần 265 tỷ Mỹ kim tài trợ cho các cơ quan trọng yếu đến hết ngày 30 tháng 9. Đảng Dân Chủ cho biết hai phần của gói ngân sách sẽ được bỏ phiếu riêng lẻ tại Hạ viện vào thứ Năm. Nếu được Hạ viện phê chuẩn, gói ngân sách sẽ được chuyển sang Thượng viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát.

Triển vọng của gói ngân sách tại Thượng viện đang có vẻ không được hứa hẹn, thêm vào đó, sự thất thường của Tổng thống Trump khiến diễn biến của màn đối đầu xung quanh tình trạng đóng cửa chính phủ khó nắm bắt hơn.

Phát ngôn viên của lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell cho hay, Thượng viện sẽ không xem xét bất cứ dự luật nào mà Tổng thống Trump không đồng ý. Dù vậy, đảng Dân Chủ kỳ vọng rằng cách chia ngân sách chia làm hai phần này sẽ đưa đảng Cộng Hòa ở Thượng viện vào thế gọng kìm. Nếu đảng viên Cộng Hòa bác bỏ dự luật chi tiêu cho các cơ quan không liên hệ gì với an ninh biên giới, đảng này sẽ bị xem là đang dùng các cơ quan liên bang này, cùng với 800,000 nhân viên làm con tin cho bức tường biên giới của Tổng thống Trump. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/dang-dan-chu-tim-cach-mo-cua-lai-chinh-phu/

 

Học giả Mỹ: Tham vọng của ông Tập Cận Bình

có thể khiến “giấc mộng Trung Hoa” phá sản

Trong tất cả những phép thử mà Trung Quốc tạo ra với Mỹ, có lẽ thách thức về ý thức hệ là khó khăn nhất, khi mà mô hình phát triển của Trung Quốc đang phát huy rất hiệu quả.

Ai là nhà lãnh đạo quan trọng và rắc rối nhất trên thế giới hiện nay? Hầu hết mọi người sẽ có chung một đáp án, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump – và vị trị thứ hai sẽ là Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, trong cuốn sách của mình (The third revolution), học giả thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) Elizabeth Economy, lại cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới là người xứng đáng nhất với danh hiệu này.

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập kể từ năm 2012, một Trung Quốc ngày càng uy lực đã bắt đầu phô trương sức mạnh của mình theo cách khiến cho giới quan sát quốc tế phải lo sợ về khả năng bùng phát một cuộc Chiến tranh Lạnh mới – hoặc thậm chỉ là một cuộc chiến tranh nóng mới – với Mỹ.

Tham vọng nhằm xác lập vị trí trung tâm trong các vấn đề thế giới của Trung Quốc được ông Tập tuyên bố một cách thẳng thừng hơn hẳn so với các nhà lãnh đạo khác kể từ thời Mao Trạch Đông. Ông cũng là người tập trung được nhiều quyền lực nhất trong giai đoạn ấy.

Economy đã liệt kê những thay đổi mà Trung Quốc trải qua dưới thời ông Tập: Từ việc thay thế lối lãnh đạo tập thể cho tới nỗ lực hạn chế dòng chảy tư tưởng vào đất nước trong khi mở rộng tư tưởng và nguồn lực ra bên ngoài.

Ngoài ra, Trung Quốc còn mở rộng “dấu chân” quân sự, thúc đẩy thành lập các tổ chức quốc tế mới như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, khởi động Sáng kiến Vành đai – Con đường và các dự án địa kinh tế khác, tăng cường gia tăng ảnh hưởng không chỉ ở châu Á – Thái Bình Dương mà còn ở phạm vi toàn cầu.

Thoạt nhìn, những điều ấy có vẻ ấn tượng và tầm nhìn của ông Tập có vẻ thành công tính cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Economy cảnh báo rằng, tất cả các yếu tố trong lập trường của ông Tập có nguy cơ gây ra sự phản ứng từ cả trong nước, lẫn ngoài nước, và cuối cùng có thể khiến “Giấc mộng Trung Hoa” phá sản.

Phân tích từ lĩnh vực sức mạnh cứng cho tới ý tưởng, Economy đã chỉ ra rằng: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy một tầm nhìn đầy tham vọng.

“Một mô hình độc đáo của Trung Quốc có thể sẽ trở thành một tiêu chuẩn cho các nước khác noi theo, kể các nước hiện đang đi theo mô hình dân chủ tự do của Mỹ và châu Âu”, Economy nói.

Theo Economy, mô hình nói trên dường như có thể cắt đứt dòng chảy về các xu thế quốc tế hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai và cho thấy nó ngày càng phù hợp trong thời gian gần đây, khi nền dân chủ ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề, còn sức hấp dẫn của mô hình tư bản tự do kiểu Mỹ thì phai nhạt.

Hiệu suất kinh tế của Trung Quốc đã làm các nước đang phát triển trên thế giới kinh ngạc và điều này làm hồi sinh các ý tưởng bảo thủ.

Có vẻ trong số tất cả những phép thử mà Trung Quốc đang tạo ra với nền lãnh đạo Mỹ thì thách thức về ý thức hệ có thể là quan trọng nhất và khó khăn nhất đối với nước Mỹ.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25589-hoc-gia-my-tham-vong-cua-ong-tap-can-binh-co-the-khien-giac-mong-trung-hoa-pha-san.html

 

Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định

 sự hợp tác giữa Hoa Kỳ với Israel vẫn tiếp tục

Brasilia – Theo tin từ Reuters, vào thứ Ba (1 tháng 1), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Israel về vấn đề Syria, cũng như việc chống lại quân đội Iran tại Trung Đông, bất chấp quyết định của Tổng thống Trump về việc rút khỏi Syria.

Ông Mike Pompeo cho biết việc Hoa Kỳ rút khỏi Syria không đồng nghĩa với việc chính quyền Tổng thống Trump sẽ chấm dứt hoạt động cùng Israel trong khu vực, nhằm mục đích tiếp tục chống Nhà nước Hồi giáo ISIS, cũng như nỗ lực ngăn chặn Iran và bảo vệ Israel.

Trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết ông dự định sẽ thảo luận về biện pháp mà hai bên có thể tăng cường hơn nữa, nhằm hợp tác tình báo và hoạt động tại Syria cùng các nơi khác để ngăn chặn sự “hung hăng của Iran ở Trung Đông.”

Vào tháng trước, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria, đồng thời tuyên bố rằng lực lượng ISIS đã bị đánh bại tại khu vực, và việc quân đội Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động tại đây sẽ không còn cần thiết. Khi đưa ra quyết định này, Tổng thống Trump đã bỏ qua lời khuyên của các phụ tá an ninh quốc gia hàng đầu, và không hỏi ý kiến các nhà lập pháp hoặc các đồng minh của Hoa Kỳ, những người cũng đang tham gia hoạt động chống Nhà nước Hồi giáo. Quyết định này đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đột ngột từ chức.

Sau khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố, ông Netanyahu cho biết Israel sẽ tăng cường các cuộc chiến chống lại các lực lượng liên kết với Iran ở Syria, sau khi Hoa Kỳ rút quân. Israel coi tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Iran ở Trung Đông là một mối đe dọa lớn, và đã thực hiện nhiều cuộc không kích ở Syria nhằm vào những lực lượng Iran đang gia tăng triển quân sự và chuyển giao vũ khí đến Syria. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/ngoai-truong-mike-pompeo-khang-dinh-su-hop-tac-giua-hoa-ky-voi-israel-van-tiep-tuc/

 

Hoa Kỳ và Israel rút khỏi UNESCO

Thụy My

Đúng một năm sau khi loan báo, kể từ hôm qua 01/01/2019 Hoa Kỳ và Israel đã chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), trụ sở tại Paris.

Từ ngày 12/10/2017 Washington đã thông báo ý định trên đây, cáo buộc UNESCO đưa ra nhiều quyết định « chống Israel ». Sau đó Nhà nước Do Thái cũng loan báo tương tự, thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng tổ chức này « là sân chơi vô nghĩa, nơi bóp méo lịch sử thay vì bảo tồn ».

Tuy chính thức không còn là thành viên, nhưng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết vẫn giữ lại tư cách quan sát viên. Ngược lại, Israel tuy tham gia từ năm 1949, nhưng không muốn lưu lại dù với vai trò quan sát viên. Đây là lần thứ hai Washington rút khỏi UNESCO : năm 1984, tổng thống Ronald Reagan đã có quyết định tương tự, vì cho rằng tổ chức này quá thiên vị Liên Xô.

Từ nhiều năm qua, quan hệ giữa Mỹ và Israel với UNESCO đã căng thẳng, cho đến nỗi từ bảy năm qua, hai nước không còn đóng góp tài chính khi Palestine tham gia tổ chức này. Từ 2011 đến nay, Hoa Kỳ còn nợ 620 triệu đô la, Israel nợ 10 triệu đô la.

Tháng 7/2017, UNESCO đã khiến Israel giận dữ khi ghi thành phố cổ Hebron vào danh sách di sản thế giới đang gặp nguy hiểm. UNESCO coi Hebron – nằm tại vùng Cisjordanie bị chiếm đóng, nơi sinh sống của một ít người Israel và 200.000 người Palestine – là một thành phố Hồi giáo. Sự kiện này khiến hai đồng minh Mỹ và Israel quyết định dứt khoát với UNESCO.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190102-hoa-ky-va-israel-rut-lui-khoi-unesco

 

Gia đình nói cựu lính Mỹ bị bắt ở Nga ‘vô tội’

Một lính thủy quân lục chiến Mỹ về hưu bị Nga bắt giữ với cáo buộc do thám lúc đó đang đến Moscow để dự đám cưới và do đó vô tội, gia đình ông được Reuters dẫn lời cho biết hôm 1/1.

Paul Whelan đến dự tiệc cưới của một người đồng đội cũ tại Khách sạn Metropol ở Moscow, ông David Whelan, anh trai của ông cho biết sau khi nghe tin về vụ bắt giữ.

“Không có gì nghi ngờ về sự vô tội của Paul và chúng tôi tin tưởng rằng quyền của Paul sẽ được tôn trọng,” gia đình Whelan cho biêt trong một thông báo đăng tải trên Twitter hôm 1/1.

Cơ quan an ninh quốc gia Nga FSB cho biết Whelan bị bắt giữ vào 28/12 nhưng không nêu chi tiết về bản chất của các hoạt động gián điệp mà ông bị cáo buộc.

Theo luật pháp Nga, tội gián điệp có thể có mức án từ 10 đến 20 năm tù.

Ông Daniel Hoffman, người từng là trưởng đại diện của CIA ở Moscow, nói rằng ‘có khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh bắt giữa Whelan để dàn xếp một vụ trao đổi cô Maria Butina, công dân Nga đã nhận tội ở Mỹ 13/12 là hoạt động như điệp viên có sứ mạng tác động lên các tổ chức bảo thủ của Mỹ theo hướng có lợi cho Nga.

Mục tiêu của ông Putin là ‘khiến chúng ta chịu đau đớn và gia đình ông ấy chịu đau đớn. Đó là các mà Moscow gây áp lực,’ Hoffman nói với Reuters.

“Putin biết rằng phía Mỹ sẽ chịu rất nhiều sức ép để tìm cách phóng thích cho ông ấy,” ông nói thêm.

Trong một lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/12, ông Putin nói rằng Moscow sẵn sàng đối thoại về ‘một loạt các chủ đề’, Điện Kremlin cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/gia-%C4%91%C3%ACnh-n%C3%B3i-c%E1%BB%B1u-l%C3%ADnh-m%E1%BB%B9-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-%E1%BB%9F-nga-v%C3%B4-t%E1%BB%99i-/4724791.html

 

Donald Trump muốn

một cuộc gặp thượng đỉnh mới với Kim Jong Un

Thụy My

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 01/01/2019 tuyên bố mong muốn tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh mới với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Trước đó một hôm, lãnh tụ Bình Nhưỡng nói sẵn sàng tái ngộ tổng thống Hoa Kỳ bất cứ lúc nào, nhưng đồng thời cảnh báo có thể thay đổi thái độ nếu Washington tiếp tục trừng phạt.

Trên Twitter, ông Trump viết : « Tôi nóng lòng gặp lại chủ tịch Kim, vốn nhận thức rất rõ là Bắc Triều Tiên có tiềm năng kinh tế hết sức lớn ».

Từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 6/2018 tại Singapore, ông Trump luốn nhấn mạnh với ông Kim về khả năng phát triển kinh tế của Bắc Triều Tiên nếu phi hạt nhân hóa, nhờ đó thoát khỏi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng trong bài diễn văn đầu năm mới hôm qua cho biết Bắc Triều Tiên cam kết không sản xuất và thử nghiệm vũ khí nguyên tử, sẵn sàng gặp lại tổng thống Mỹ để có thể « mang lại những kết quả sẽ được cộng đồng quốc tế hoan nghênh ». Tuy nhiên Kim Jong Un cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ thay đổi ý kiến nếu Washington tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore kết thúc với tuyên bố ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, được soạn thảo bằng những từ ngữ chung chung. Nhưng từ đó đến nay không có mấy tiến triển, hai bên diễn dịch theo cách khác nhau. Phía Mỹ đòi hỏi phi hạt nhân hóa « toàn bộ và có thể kiểm chứng được », trong khi Bắc Triều Tiên tố cáo Hoa Kỳ yêu sách « theo kiểu găng-tơ », không có một nhượng bộ nào, nhưng lại muốn Bình Nhưỡng phải đơn phương từ bỏ vũ khí.

UNICEF : Bắc Triều Tiên cần gần 20 triệu đô la viện trợ nhân đạo

Trên lãnh vực xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) dự báo cần 19,5 triệu đô la cho các dự án viện trợ nhân đạo Bắc Triều Tiên trong năm 2019, trong đó hầu hết là thực phẩm. Hiện cứ năm trẻ em Bắc Triều Tiên lại có một em bị suy dinh dưỡng, và tổ chức quốc tế này muốn giúp thực phẩm bổ sung, dược phẩm cho khoảng 8 triệu trẻ em. Bên cạnh đó, họ sẽ hỗ trợ cho 95.000 phụ nữ mang thai, đưa nước sạch đến cho 223.000 người Bắc Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190102-donald-trump-muon-mot-cuoc-gap-thuong-dinh-moi-voi-kim-jong-un

 

Phi thuyền của NASA kết nối liên lạc với Trái Đất

sau khi thực hiện quãng đường bay dài nhất lịch sử

Theo tin từ Reuters, hôm thứ Ba (1 tháng 1), phi thuyền thám hiểm không gian New Horizons của NASA đã “kết nối liên lạc” thành công với Trái Đất, sau khi thực hiện quãng đường di chuyển xa nhất lịch sử. Theo đó, phi thuyền New Horizons đã tiến đến phần rìa của hệ mặt trời – nơi mà các nhà khoa học hy vọng sẽ phát hiện nguồn gốc khai sinh các hành tinh.

Phi thuyền không gian này đã di chuyển 4 tỷ dặm, và hiện đang cách bề mặt của vật thể Ultima Thule khoảng 2,200 dặm. Ultima Thule có chiều dài khoảng 20 dặm, tọa lạc ngay trung tâm vành đai Kuiper, bên ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương.

Các kỹ sư tại phòng thí nghiệm Johns Hopkins Applied Physics Laboratory đã ăn mừng, khi tín hiệu của phi thuyền được gửi đến mạng không gian của Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia, lúc 10 giờ 28 phút sáng thứ Ba. NASA cho biết phi thuyền sẽ gửi hình ảnh và dữ liệu về vật thể Thule trong những ngày tới.

Được phóng vào không gian từ tháng 1 năm 2006, phi thuyền thám hiểm New Horizons đã đến phần rìa của hệ mặt trời để nghiên cứu sao Diêm vương, và 5 mặt trăng của hành tinh này.

Theo ông Alan Stern từ phòng thí nghiệm John Hopkins, ảnh chụp vật thể Thule gửi đến Trái Đất hôm thứ Ba gần như giống với những bức ảnh trước, điều này càng khiến bí ẩn xoay quanh vật thể này thêm khó hiểu. Do bức ảnh chụp quá mờ, nên các nhà khoa học chưa thể xác định được Thule là hòn đá có hình thù giống hạt đậu phộng, hay thực sự là hai hòn đá xoay quanh nhau.

Khi phi thuyền bay ngang qua sao Diêm vương vào năm 2015, các nhà khoa học phát hiện kích thước của hành tinh này to hơn tiên đoán. Vào tháng 3, phi thuyền New Horizons phát hiện những đụn cát giàu methane trên bề mặt hành tinh băng giá này.

Trong nhiệm vụ thám hiểm mới, phi thuyền sẽ nghiên cứu cấu tạo của khí quyển và địa hình trên Ultima Thule trong một tháng, nhằm tìm kiếm nguồn gốc của hệ mặt trời và các hành tinh. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/phi-thuyen-cua-nasa-ket-noi-lien-lac-voi-trai-dat-sau-khi-thuc-hien-quang-duong-bay-dai-nhat-lich-su/

 

Canada “oằn mình” giữa hai làn đạn Trung-Mỹ:

Lắm thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng

Người thêm khó, kẻ tự hại

Những ngày cuối năm 2018 này, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ở trong tình trạng nghịch lý giữa biểu hiện ra bên ngoài và thực chất ở bên trong. Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài thì không thể nói là mối quan hệ song phương này hiện đang tồi tệ.

Hồi đầu tháng 12 vừa qua, thiên hạ thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vui vẻ dùng bữa tối với nhau ở Argentina, và như thể tiện thể đạt được với nhau thỏa thuận về tạm đình chiến xung khắc thương mại song phương trong thời gian 90 ngày.

Sau đó, hai bên thực hiện thỏa thuận này thật, và lại tiến hành đàm phán thương mại vào ngày 7/1 tới, tạo cảm nhận như thể củi đã được rút khỏi dưới đáy nồi.

Trong thực chất, mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc lại leo thang ở mức độ quyết liệt bởi việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của tập đoàn công nghệ cao Huawei của Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ.

Không giải quyết ổn thỏa vụ việc này, thì không thể có được tiến triển tích cực mới nào trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc; mà giải quyết chuyện này lại không phải là chuyện riêng của Trung Quốc và Mỹ, bởi Canada cũng đóng vai trò không kém.

“Lắm thầy thối ma…”

Câu ngạn ngữ “lắm thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng” giờ dụng sự rất đúng cho chuyện giữa ba nước này. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều khó xử, nhưng vẫn không tiến thoái lưỡng nan bằng Canada.

Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ, và lại bắt giữ người phụ nữ này đúng vào thời điểm ông Trump và ông Tập gặp nhau ở Argentina.

Mỹ và Canada chắc chắn không thể không lường trước Trung Quốc sẽ bực bội như thế nào về việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, và đã phải tính trước sự đáp trả mạnh mẽ của Trung Quốc.

Vì thế, có thể thấy cho dù ông Trump gặp ông Tập, nhưng phía Mỹ không có chủ ý nhanh chóng giải quyết ổn thỏa những vướng mắc hiện tại trong mối quan hệ giữa hai nước, mà vẫn muốn gia tăng áp lực với Trung Quốc, áp đặt yêu sách cho Trung Quốc và làm cao với Trung Quốc.

Nhưng đấy mới chỉ là một trong hai điều mà Trung Quốc dẫu có không muốn hay không tin thì cũng vẫn phải nhận thấy.

Điều thứ hai là thông điệp và bằng chứng của phía Mỹ, rằng Mỹ đã có được hẳn một liên quân – không tồn tại trên danh nghĩa – nhưng đang hoạt động trên thực tế cùng Mỹ và giúp Mỹ cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

Tất cả những thành viên của liên quân này giờ nhìn vào cách thức Trung Quốc xử lý vụ việc bà Mạnh Vãn Chu với Canada để xác định mức độ tham gia liên quân cùng Mỹ và giúp Mỹ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Cả về chiến lược cũng như sách lược, Trung Quốc có lợi ích rất thiết thực và to lớn trong việc phá vỡ liên quân này.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc không thể không đồng thời làm hai việc:

Thứ nhất là tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ để liên quân kia không có đất dụng võ và cơ hội phát tác.

Mỹ và Trung Quốc không còn xung khắc thương mại công khai thì các đồng minh kia của Mỹ cũng không có cớ để công khai hùa theo Mỹ gây bất lợi với Trung Quốc, và dùng việc gây bất lợi cho Trung Quốc để tranh thủ Mỹ.

Thứ hai, Trung Quốc phải thẳng tay, nặng tay và không khoan nhượng với Canada trong vụ việc bà Mạnh Vãn Chu để làm gương, răn đe và cảnh báo những thành viên khác trong liên quân kia.

Nếu không có chuyện mấy công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ thì làm gì có chuyện tòa án Canada để cho bà Mạnh Vãn Chu nộp khoản tiền lớn tại ngoại chứ không dẫn độ ngay người phụ nữ này sang Mỹ. Xưa nay đâu đã có lần nào Canada không đáp ứng – và không đáp ứng nhanh – yêu cầu dẫn độ của Mỹ đâu.

Ai cũng “khó”, nhưng Canada vẫn là “khó” nhất

Cái khó và tai hại hiện tại, đối với Canada, là nước này không thể vì Mỹ mà bỏ Trung Quốc.Cái khó của Trung Quốc là dẫu hiện phải làm găng với Canada, nhưng về lâu dài vẫn rất cần tranh thủ Canada vì lợi ích từ quan hệ song phương với Canada và vì cần phải phân hóa Canada với Mỹ.

Cái khó của Mỹ là muốn lợi dụng Canada để đối phó Trung Quốc, nhưng không thể trang trải được hết những tổn hại đối với Canada từ việc Canada bị Trung Quốc đáp trả.

Canada đã tự đẩy mình vào tình thế không còn có thể tự thoát ra được, mà phải chờ Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về giải pháp. Trung Quốc còn làm găng tiếp với Canada để Canada không dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu cho Mỹ, hoặc phải chấp nhận đánh đổi tay đôi với Trung Quốc.

Một kịch bản khác là Mỹ và Trung Quốc đàm phán với nhau, mà một trong những kết quả là Mỹ rút lại yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu. Mọi chuyện sẽ được xử lý trong 90 ngày tới.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25584-canada-oan-minh-giua-hai-lan-dan-trung-my-lam-thay-thoi-ma-nhieu-cha-con-kho-lay-chong.html

 

Vì sao quan chức cấp cao Ecuador nói:

TQ đã lợi dụng Ecuador?

Dự án đập thuỷ điện của Ecuador do nhà thầu Trung Quốc thi công phát hiện có 7648 vết nứt sau hơn hai năm hoàn thành.  Nếu chạy hết công suất sẽ khiến toàn bộ con đập rung lắc dữ dội

Tờ Business Today Chinese đưa tin, đây là con đập thuỷ điện do Trung Quốc đầu tư, khi phát hiện chất lượng thi công đập nước có vấn đề, Đảng Đối Lập ở Ecuador phê bình rằng: “Made in China thật dỏm!”

Để cải thiện nền kinh tế quốc gia và giải quyết vấn đề nhu cầu thiếu thốn năng lượng, Ecuador đã vay Trung Quốc khoảng 19 tỷ đô la (khoảng 440 nghìn tỷ đồng), để xây dựng bảy đập thuỷ điện, cũng như cầu, đường cao tốc, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm xá, v.v.

Theo Thời báo New York Hoa Kỳ, đập thủy điện Coca Codo Sinclair, được khánh thành năm 2016, mới chỉ hoạt động được 2 năm, nhưng đã có 7648 vết nứt. Nhu cầu năng lượng của Ecuador không những không được đáp ứng mà còn nợ thêm khoản tiền khổng lồ từ Trung Quốc.

Công trình do Trung Quốc tài trợ và thi công. (Ảnh: Darwin Perugachi)

BL Daily cũng đưa tin, nguyên nhân gây ra các vết nứt là vì phía nhà thầu Trung Quốc đã sử dụng thép xây dựng không đủ tiêu chuẩn để tiết kiệm giá thành sản xuất. Ngoài ra, việc các mối hàn không được gia cố chắc chắn dẫn đến chất lượng công trình xuất hiện nhiều vấn đề.

Chính phủ Ecuador bày tỏ, con đập đã có lần chạy hết công suất, nhưng không ngờ nó lại rung chuyển dữ dội, hệ thống cung cấp điện toàn quốc đã từng bị chập mạch một lần, theo Creaders Net Chinese.

Vị trí xây dựng con đập cũng không được lý tưởng cho lắm. Phía trên đập thuỷ điện là ngọn núi lửa đang hoạt động, một khi có động đất hoặc núi lửa phun trào sẽ khiến con đập tổn hại nghiệm trọng, ngoài ra con đập có rất nhiều phù sa trầm tích.

Công trình thuỷ điện nằm dưới ngọn núi lửa đang hoạt động Volcano Reventador. (Ảnh: Realdreams Ecuador Tour Operador)

BL Daily đưa tin, cựu Phó Tổng thống, cựu Bộ trưởng Điện lực và các quan chức liên quan khác đã bị kết án tù vì nhận hối lộ để cho thông hải quan các vật liệu xây dựng kém chất lượng có liên quan đến dự án của Trung Quốc .

Trong hầu hết các hợp đồng cho vay, Trung Quốc yêu cầu Ecuador thanh toán các khoản nợ bằng dầu mỏ, cho phép Trung Quốc nhập khẩu 80% lượng dầu xuất khẩu của Ecuador.

Dường như dầu mỏ mới là thứ Trung Quốc quan tâm? (Ảnh: pexels)

Để trả hết nợ, Ecuador bắt buộc phải dò tìm thêm dầu mỏ trong lưu vực sông Amazon, gây hại cho môi trường.

Ngoài ra, chính phủ Ecuador cũng đã cắt giảm trợ cấp xe hơi và phúc lợi xã hội để có thêm kinh phí lấp vào khoản nợ.

Taiwan News nhận xét, nền kinh tế Ecuador sẽ không chỉ suy giảm mà còn bị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Bộ trưởng Năng lượng Ecuador, ông Carlos Pérez nói rằng: “Trung Quốc đã lợi dụng Ecuador”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25574-vi-sao-quan-chuc-cap-cao-ecuador-noi-tq-da-loi-dung-ecuador.html

 

Tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhậm chức

Ông Jair Bolsonaro, người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Brazil hôm 1/1 năm 2019. Ngay lập tức ông đã kêu gọi Quốc hội chống lại nạn tham nhũng kinh niên ở nước này.

Phát biểu trước một phiên họp chung của hai viện Quốc hội chỉ vài phút sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Bolsonaro, một cựu đại úy phục vụ trong quân ngũ và là người công khai ca ngợi giai đoạn độc tài quân sự ở Brazil từ 1964 cho đến 1985, đã cam kết tuân theo những chuẩn mực dân chủ.

Ông nói rằng chính phủ của ông sẽ được dẫn đường bằng những lời hứa hẹn của ông với cử tri Brazil vốn đã quá chán chường với nạn tham nhũng, tỷ lệ tội ác bạo lực cao và nền kinh tế còn ì ạch của đất nước.

“Tôi sẽ làm việc không mệt mỏi để Brazil có thể đạt đến vận mệnh của mình,” ông Bolsonaro phát biểu sau khi được tuyên thệ. “Tôi thề rằng tôi sẽ củng cố nền dân chủ của Brazil.”

Trên mặt trận kinh tế, tân tổng thống hứa sẽ ‘thực hiện những cải cách thể chế quan trọng’ để thu hẹp thâm hụt ngân sách vốn đang nới rộng.

Ông Bolsonaro, 63 tuổi, một dân biểu 6 nhiệm kỳ vốn tận dụng được sự tức giận của người dân Brazil đối với định chế để trở thành tổng thống cực hữu đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ này kể từ khi chế độ độc tài quân sự giao lại quyền hành cho chính phủ dân sự ba thập niên trước đây.

Ông Bolsonaro dự định sẽ định hình lại các mối quan hệ quốc tế của Brazil bằng cách xa rời liên minh với các nước đang phát triển và xích lại gần hơn các lãnh đạo phương Tây, nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump – người mà ông Bolsonaro bày tỏ sự ngưỡng mộ. Ông Trump đã điều Ngoại trưởng Mike Pompeo đến dự lễ nhậm chức của người đồng nhiệm Brazil.

Trong một dấu hiệu rõ ràng về sự thay đổi chính sách ngoại giao, Tổng thống Bolsonaro dự định sẽ dời Đại sứ quán Brazil ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Hành động này là sự từ bỏ lập trường lâu nay của Brazil là ủng hộ giải pháp hai nhà nước đối với vấn đề Palestine.

Được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành phần bảo thủ trong xã hội Brazil, trong đó có các nhà thờ Ki-tô giáo Phúc âm, ông Bolsonaro muốn chặn đứng các động thái hợp pháp hóa quyền phá thai và sẽ đưa nội dung giáo dục giới tính ra khỏi hệ thống trường công trong một hành động phản đối điều mà ông gọi là ‘chủ nghĩa Marx về văn hóa’ mà các chính phủ cánh tả gần đây áp dụng cho Brazil.

Một phần ba nội các của ông đều là các cựu sỹ quan quân đội và đều là những người ủng hộ mạnh mẽ chế độ độc tài quân sự.

Ông Bolsonaro đã đối mặt với các cáo buộc kích động hãm hiếp và các tội về gây thù hận với những lời phát biểu về phụ nữ, người đồng tính và các cộng đồng thiểu số. Tuy nhiên, giọng điệu của ông về luật lệ và trật tự cùng với kế hoạch sẽ nới lỏng kiểm soát súng đạn đã được lòng nhiều cử tri Brazil.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Record TV vào đêm trước lễ nhậm chức, ông Bolsonaro đã đả kích bộ máy khét tiếng quan liêu của Brazil vốn làm cho môi trường kinh doanh ở Brazil rất khó khăn và đắt đỏ. Ông thề sẽ dẹp bỏ cái gọi là ‘Chi phí Brazil’ vốn trói tay trói chân các doanh nghiệp tư nhân.

Ông cũng cam kết làm theo ông Donald Trump là rút Brazil ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Điều này đã làm các nhà hoạt động môi trường lo ngại. Kế hoạch của ông xây dựng những đập thủy điện ở sông Amazon và cho phép khai mỏ ở những khu bảo tồn thổ dân vốn được xem là những người bảo vệ cuối cùng của rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới cũng khiến nhiều người lo ngại.

Cộng đồng doanh nghiệp Brazil rất hào hứng với nhiệm kỳ tổng thống của ông Bolsonaro và trông chờ ông sẽ bổ nhiệm một nhóm các nhà kinh tế do nhà đầu tư ngân hàng Paulo Guedes đứng đầu. Ông Guedes đã hứa sẽ có hành động nhanh chóng để kiểm soát thâm hụt ngân sách của đất nước.

Ông Guedes có kế hoạch bán càng nhiều công ty nhà nước càng tốt trong một dự án tư hữu hóa mà ông dự tính sẽ đem lại cho Brazil đến 257 tỷ đô la.

“Tôi nghĩ chính phủ mới của Brazil sẽ làm tốt về kinh tế nhưng sẽ tệ hại cho nhân quyền và môi trường,” ông Brian Winter, phó chủ tịch chính sách tại Hội đồng các nước châu Mỹ có trụ sở ở New York, nhận định.

https://www.voatiengviet.com/a/t%C3%A2n-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-brazil-jair-bolsonaro-nh%E1%BA%ADm-ch%E1%BB%A9c/4724639.html

 

Tân TT Brazil khẳng định

« tự giải phóng khỏi chủ nghĩa xã hội »

Thụy My

Ông Jair Bolsonaro, tổng thống cực hữu đầu tiên của Brazil, đã tuyên thệ nhậm chức hôm 01/01/2019 tại Brasilia, với lời hứa « hòa bình, thịnh vượng, dân chủ » cho đất nước. Tân tổng thống cam kết đấu tranh chống tham nhũng, bạo lực và các tư tưởng tả khuynh.

Từ Brasilia, thông tín viên Martin Bernard tường thuật :

 Đó là một Jair Bolsonaro đầy phấn khích, tuyên thệ nhận quyền lực nguyên thủ quốc gia trước hơn 200.000 người ủng hộ đến từ mọi miền đất nước để hoan nghênh ông. Và họ đã được đền đáp : ông Bolsonaro hứa hẹn tôn trọng, đồng thời mang lại sức mạnh mới cho nền dân chủ.

Tân tổng thống cũng nhiều lần nhắc đến quyền lực Thượng Đế, trong khi các « fan » gọi ông là « Mito » tức « huyền thoại ». Nhất là Bolsonaro sử dụng một số câu quen thuộc mang dấu ấn riêng biệt của ông : « Chúng ta sẽ lập lại trật tự cho đất nước ». « Nhân dân bắt đầu tự giải phóng khỏi chủ nghĩa xã hội và chính trị kiểu cũ ».

Vào cuối bài diễn văn đọc trước công chúng, tân tổng thống cầm lấy một lá cờ Brazil, hô to : « Đây là quốc kỳ của chúng ta, lá cờ sẽ không bao giờ nhuộm màu đỏ. Nếu cần thiết, chúng ta sẽ đổ máu để giữ cho cờ tổ quốc vẫn luôn mang hai màu xanh và vàng ».

Có lúc chính phu nhân Michelle giành lấy vị trí ngôi sao, chẳng hạn qua việc bà trình bày diễn văn bằng ngôn ngữ dành cho người câm điếc – điều chưa từng thấy đối với một đệ nhất phu nhân ở Brazil ».

Buổi lễ tuyên thệ được giữ an ninh cao độ, thậm chí dù che mưa cũng bị cấm sử dụng. Nhiều chốt chặn được dựng lên để kiểm soát đám đông, huy động một hệ thống phòng không, 20 phi cơ tiêm kích. Không phận Brasilia bị đóng cửa. Cựu quân nhân nhảy dù 63 tuổi, từng bị đâm suýt chết trong cuộc vận động tranh cử, hôm nay đến dự lễ trên một chiếc Rolls Royce mui trần, được đội kỵ binh hộ tống.

Trong số các nhà lãnh đạo ngoại quốc hiếm hoi được mời tham dự, có thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, mà ông Bolsonaro muốn xích lại gần, và thủ tướng cực kỳ bảo thủ Viktor Orban của Hungary.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh bài diễn văn « tuyệt vời » của đồng nhiệm Brazil, đồng thời bảo đảm sự ủng hộ của Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190102-tan-tong-thong-brazil-khang-dinh-%C2%AB-giai-phong-khoi-chu-nghia-xa-hoi-%C2%BB

 

Cuba : Cuộc cách mạng mất phương hướng

Ngày 01/01/2019, cuộc Cách mạng Cuba tròn 60 năm tuổi. Sau 6 thập kỷ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa do anh em nhà Castro dẫn dắt, giờ đây đất nước Cuba đứng trước ngã ba đường: cải cách để thoát khỏi khủng hoảng, hay tiếp tục sứ mệnh cách mạng trong sức cùng lực kiệt và cô lập với thế giới ?

Ngược dòng thời gian trở lại với những thời điểm bản lề của cuộc Cách mạng 60 tuổi.

Tất cả được bắt đầu hào hùng từ ngày 31/12/1958. Sau hơn hai năm chiến đấu trong vùng núi Sierra Maestra, một nhóm du kích quân do Fidel Castro chỉ huy  chỉ sau đêm giao thừa đã lật đổ thành công chế độ độc tài Batista. Ngày mùng 1 tháng Giêng 1959, tổng thống Fulgencio Batista bỏ chạy, để lại đất nước Cuba cho những người kháng chiến. Từ San Diego, Fidel Castro tuyên bố « Cách mạng bắt đầu ».

Dù trước đó trên tạp chí thời sự Bohemien số ra ngày 11/01/1958, ông từng tuyên bố : “Tôi không phải là người Cộng sản. Ý tưởng chính trị của tôi rất rõ ràng. Chúng ta cảm nhận lợi ích của tổ quốc chúng ta và của châu Mỹ, nơi cũng là một tổ quốc lớn”,  nhưng cuộc Cách mạng của ông ngay lập tức đã mang hình hài của chủ nghĩa Cộng sản.

Tháng 5/1959, công việc đầu tiên của chế độ mới là ra luật cải cách ruộng đất, tịch thu đất đai của các điền chủ lớn. Ngày 17/08/1960, các công ty Mỹ tại Cuba bị quốc hữu hóa để đáp trả lại việc Mỹ tẩy chay mua dầu mỏ và hạn chế nhập đường Cuba. Căng thẳng nhanh chóng dẫn đến cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa La Habana và Wshington ngày 3/01/1961. Tháng 02/1962, Mỹ ban hành lệnh cấm vận thương mại với Cuba và lệnh có hiệu lực đến tận bây giờ.

Từ ngày 15 đến 19/04/196,1 nổ ra sự kiện Vịnh Con Heo. Khoảng 1400 người Cuba chống Castro được CIA huấn luyện, vũ trang và cấp tài chính đã đổ bộ vào Vịnh Con Heo với ý định lật đổ chế độ Castro, nhưng không thành. Ngày mùng 1 tháng 5 ngay sau đó, Fidel Castro tuyên bố Cách mạng Cuba đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Năm 1965, đảng Cộng Sản Cuba (PCC) ra đời và là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước cho đến giờ.

Một sự kiện lớn khác là hệ quả của việc Cuba chọn đi theo phe Cộng sản. Đó là cuộc khủng hoảng từ ngày 14 đến 28/10 năm 1962, do Cuba quyết định đặt tên lửa đạn đạo của Liên Xô nhắm sang đất Mỹ. Cuộc khủng hoảng đã làm cả thế giới hoảng sợ trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Xuất khẩu Cách mạng

Cuối thập niên 1960 được đánh dấu bằng việc Cuba bắt đầu “xuất khẩu” cách mạng sang các nước khác. Ban đầu là sang các nước Mỹ Latin, nhưng không thành.

Kể từ năm 1975, Cuba gửi cố vấn và cả quân đội đến Angola, đang trong vòng nội chiến, để hậu thuẫn cho phong trào Mác xít  MPLA (Mặt trận Giải phóng Dân tộc Angola) của  Agostinho Neto. Chiến dịch đã huy động hàng trăm nghìn binh sĩ Cuba trong 16 năm trời. Sau đó,  hoạt động quân sự của Cuba còn mở sang Ethiopia và hàng chục nước châu Phi khác.

Thập niên 1990, Liên Xô cùng khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ, Cuba mất hậu phương vững chắc để làm người lính xung kích chống tư bản chủ nghĩa, thì cũng là lúc chế độ Castro nhận ra rằng đất nước họ chẳng có nguồn lực nào ngoài lý tưởng chủ nghĩa xã hội kiên định.  Ngày 29/08/1990, Cuba thông báo  “thời kỳ đặc biệt” để chống chọi với khủng hoảng kinh tế, khan hiếm lương thực thực phẩm.

Ngày 31/07/2006, cha đẻ của Cách mạng Cuba Fidel Castro già yếu, buộc phải trao lại quyền hành cho người em Raul Castro, nhưng vẫn đứng sau hậu trường cầm cương chế độ cho đến khi qua đời ngày 25/11/2016 ở tuổi 90.  Năm 2008, Raul Castro chính thức lãnh đạo đất nước và bắt đầu một chương trình thăm dò cải cách nền kinh tế đã đến hồi khánh kiệt.

Ngày 17/12/2014, Raul Castro và tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo khởi đầu tiến trình xích lại gần nhau, để rồi một năm sau đó thiết lập trở lại bang giao hai nước sau hơn nửa thế kỷ đối đầu. Nhưng tiến trình bình thường hóa quan hệ này đã bị chặn lại khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tháng 11 năm 2017, Nhà Trắng tiếp tục duy trì trừng phạt Cuba.

Dấu hiệu đổi mới để tự cứu mình

Ngày 19/04/2018, ông Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi, được chỉ định thay thế Raul Castro. Việc một nhân vật không thuộc thế hệ tham gia cách mạng từ những ngày đầu lên lãnh đạo đã làm dấy lên hy vọng thay da đổi thịt cho Cuba.

Ngày 22/07/2018, Quốc hội Cuba thông qua dự thảo Hiến Pháp thừa nhận thị trường, sở hữu tư nhân như là một bộ phận của nền kinh tế đất nước và chấp nhận đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, văn kiện không bỏ đi định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn kiên định mục tiêu xây dựng một “xã hội Cộng sản”, với đảng cộng sản Cuba là lãnh đạo duy nhất.

Văn kiện này sẽ còn phải được đưa qua cuộc trưng cầu dân ý sắp tới đây vào ngày 24/02/2019, nhưng dường như một luồng gió đổi mới đang tràn qua hòn đảo Cuba. Giáo sư đại học Gustavus Adolphus College, tại bang Minesota, ông Arturo Lopez-Levy khẳng định với AFP rằng, ở Cuba “ chắc chắn một chu kỳ mới đang mở ra… kết hợp giữa tính liên tục và thay đổi”.

Còn ông Jorrge Duany, giám đốc Viện nghiên cứu Cuba  thuộc Đại học Quốc tế Florida thì tỏ một chút hoài nghi: “ Hiện tại, người ta có cảm giác ở Cuba vẫn còn chế độ Castro mà không có Castro, nhất là khi di sản lịch sửa của cuộc cách mạng Cuba dường như đã bị xói mòn trên phương diện chính trị cũng như kinh tế”.

Với cái nhìn khắt khe hơn, Vladimiro Roca, một nhà ly khai Cuba, quả quyết rằng cách mạng Cuba sẽ bị sụp đổ bởi chính sức nặng của nó. Trước tiên vì giới trẻ đã quá chán trường không còn tin vào gì nữa, ngoài ra Cách mạng đâu còn sự hậu thuẫn nào từ nước ngoài”.

Giờ đây “ trận chiến quan trọng nhất là kinh tế”, như chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã thừa nhận. Nền kinh tế của hòn đảo đang kiệt quệ, tăng trưởng ì ạch ở mức trên dưới 1%, không đủ để đáp ứng nhu cầu của dân chúng đang sống trong kham khổ triền miên.

Xưa kia đã có thời Cuba là nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, giờ đây đất nước phải nhập đường từ Pháp. Trên các gian hàng thực phẩm ở thủ đô La Habana, những tuần lễ cuối năm  thịt, trứng, bột mỳ, gạo hầu như biến mất.

Điểm lại những đồng minh của La Habana thì thấy: Venezuela, ngày càng lún sâu trong khủng hoảng, khó có thể cung cấp dầu lửa cho Cuba được nữa. Nga, Trung Quốc ủng hộ Cuba về mặt chính trị, nhưng họ không sẵn sàng bao cấp cho Cuba như Liên Xô đã làm cách đây 3 chục năm.

Vận mệnh của Cuba giờ đây do Miguel Diaz-Canel và ê-kíp lãnh đạo của ông quyết định. Có thể người Cuba sẽ bước vào một cuộc cách mạng mới?

(Tổng hợp từ AFP)

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190102-cuba-cuoc-cach-mang-mat-phuong-huong

 

Cuba tố cáo chính sách thù nghịch của Mỹ

Thu Hằng

Trong bài diễn văn nhân lễ kỷ niệm 60 năm Cách Mạng Cuba ngày 01/01/2019, bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản Raul Castro đã tố cáo Mỹ trở lại với chính sách thù nghịch Cuba.

Trước nghĩa trang Santiago (đông nam Cuba), nơi Fidel Castro yên nghỉ, bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản, cựu chủ tịch Cuba (2008-2018) Raul Castro, lên án « chính phủ Mỹ dường như trở lại con đường đối đầu với Cuba và nhắc đến đất nước hòa bình và tương ái của chúng ta như một mối đe dọa đối với khu vực. Lại một lần nữa, họ muốn biến Cuba thành thủ phạm của tất cả những xấu xa trong vùng ».

Washington và La Habana đã xích lại gần nhau một cách ngoạn mục từ tháng 12/2015 và tái lập quan hệ ngoại giao sau nhiều thập niên thù nghịch. Tuy nhiên, quá trình hòa giải này bị đình trệ kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ vào đầu năm 2017. Vừa duy trì lệnh cấm vận kinh tế Cuba có từ năm 1962, tổng thống Trump liệt Cuba vào « bộ ba chuyên chế » cùng với Venezuela và Nicaragua.

Cũng trong bài diễn văn, ông Raul Castro khẳng định cuộc Cách Mạng Cuba từng là nguồn cảm hứng không thể phủ nhận cho cánh tả ở châu Mỹ latinh, nhưng khu vực này hiện đang bị suy yếu vì khủng hoảng chính trị, cô lập chính trị và đang ngả sang cánh hữu.

Cùng ngày với kỉ niệm 60 Cách Mạng Cuba, ông Jair Bolsonaro chính thức nhậm chức tổng thống Brazil. Ngoài lời hứa lá cờ Brazil sẽ « không bao giờ có mầu đỏ », tân tổng thống cực hữu tuyên bố muốn đấu tranh chống chính phủ « độc tài Cuba » của chủ tịch Miguel Diaz-Canel và « tổng thống độc tài Venezuela » Nicolas Maduro.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190102-cuba-to-cao-chinh-sach-thu-nghich-cua-my

 

Bộ trưởng Williamson nêu kế hoạch

lập căn cứ của Anh ở Đông Nam Á

Lần đầu kể từ Thế Chiến 2, Anh Quốc lên kế hoạch lập căn cứ quân sự trở lại ở Đông Nam Á để ‘tăng vị thế quốc tế’.

Tin này ngay lập tức đã thu hút bình luận từ giới quan sát tại Trung Quốc, cảnh báo Anh không nên dính líu vào “tranh chấp trong khu vực”.

Trở lại Phía Đông Kênh đào Suez

Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson phát biểu hôm cuối năm 2018 rằng Anh Quốc có kế hoạch xây một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và một ở vùng biển Caribbe.

Dự án nhằm đề cao vai trò của Anh sau khi rời Liên hiệp châu Âu (EU), báo Anh dẫn lời ông Williamson hôm 31/12/2018.

Trong nhiều thập niên qua chính sách quốc phòng của Anh là “không đi quá phía Đông của Kênh đào Suez” và chỉ tập trung vào vùng xung quanh châu Âu.

Nay, trả lời một tờ báo Anh, ông Gavin Williamson nói:

“Chúng ta cần nói rõ rằng chính sách cũ bị vứt bỏ, và Anh Quốc một lần nữa trở thành quốc gia toàn cầu.”

Chiến lược cũ có từ thập niên 1960 theo sau khủng hoảng Kênh đào Suez, khi Anh và Pháp phải rút quân vì can thiệp bất thành chống lại chính phủ Ai Cập thời đó.

Nhưng Anh Quốc còn tham vọng trở lại vị thế ở Đông Á như thời Thế Chiến 2.

TQ tức giận khi tàu chiến Anh vào sát Hoàng Sa

Tàu ngầm Nhật ‘lần đầu’ diễn tập ở Biển Đông

Phương Tây gửi mẫu hạm đến Biển Đông, đối phó TQ

Tàu khu trục Mỹ USS Mustin tới Cam Ranh

Anh từng đóng gần 100 nghìn quân ở Singapore trong Thế Chiến 2 nhưng phải rút đi vì thua Nhật Bản năm 1942.

Ngoài ra, ông Williamson cũng nói sau khi rời EU, Anh sẽ thắt chặt quan hệ với Australia, Canada, New Zealand, các nước vùng Biển Caribbe và châu Phi.

Tuy ông không nói cụ thể về vị trí cho hai căn cứ quân sự mới, các báo Anh tin rằng chính phủ đang bàn thảo để chọn đặt căn cứ ở Singapore hoặc Brunei cho vùng Đông Nam Á, và Montserrat hoặc Guyana ở vùng Biển Caribbe.

Hiện nay, Anh Quốc có căn cứ quân sự hải ngoại ở Cyprus, Gibraltar, vùng đảo Falkland (Malvinas, gần Argentina) và Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, Anh cũng có thỏa thuận tiếp cận địa bàn với nhiều nước khác cho mục tiêu huấn luyện, diễn tập quân sự chung.

Theo trang South China Morning Post hôm 01/01/2019, giáo sư Từ Lập Bình từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội TQ đã nói về kế hoạch của Anh:

“Đây là động tác lên gân, nhắm vào Trung Quốc và tìm cách gắn kết với các thế lực bên ngoài trong cuộc tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa.”

Báo này cũng trích lời ông Nễ Lạc Hùng, chuyên gia hải quân ở Đại học Chính trị và Pháp luật Thượng Hải nói “đây là bằng chứng Anh cùng các đồng minh thân cận khác của Mỹ ngày càng lại gần đường lối cứng rắn của Donald Trump chống lại Trung Quốc”.

Trong năm 2018, Anh Quốc đã cử các tàu HMS Albion và HMS Sutherland vào Biển Đông, đi qua các tuyến hàng hải mà Trung Quốc đang tìm cách hạn chế quyền đi lại.

Theo chuyên gia Thành Đỗ từ Paris viết cho BBC Tiếng Việt trong tháng 12/2018, không chỉ Anh mà Pháp, qua lời Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cũng nói sẽ cử hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle tới Biển Đông trong năm 2019.

Đối tác năm nước

Trên thực tế, dù không có căn cứ quân sự nào sau Thế Chiến 2 ở Nam Á và Đông Nam, Anh vẫn là thành viên chủ chốt của một liên minh quân sự nhỏ, ‘Five Power Defence Arrangements’ (FPDA) từ 1971.

Các nước này đều là thành viên Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), trong đó có Anh, Úc, Malaysia, New Zealand, và Singapore.

Quy chế đối tác gồm năm quốc gia này được nâng cấp hồi 2016 và đề ra kế hoạch cho các tàu chiến và hàng không mẫu hạm Anh thăm vùng biển Đông Nam Á.

Họ cũng đồng ý với nhau rằng các nước gần nhất như Úc và New Zealand sẽ ứng cứu Singapore và Malaysia nếu bị tấn công.

Anh Quốc vì ở xa hiện chỉ đóng góp phần huấn luyện hải quân và không quân, với các đơn vị Không quân Hoàng gia Anh (RAF) thường xuyên có mặt tại căn cứ Butterworth, bang Penang của Malaysia.

Tại Brunei, Anh Quốc hiện có thỏa thuận tiếp cận cơ sở huấn luyện cho bộ binh và biệt kích cùng quân lực hoàng gia nước chủ nhà.

Sang ngày 2/01/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Jeremy Hunt, phát biểu tại Singapore xác nhận rằng Anh Quốc “muốn mở rộng hiện diện qua các đối tác quân sự đã có trong vùng” và nhắc đến tiểu đoàn Gurkha của Anh có mặt tại Brunei.

Trên bình diện quốc tế, Anh Quốc, cũng qua lời Bộ trưởng Gavin Williamson, gần đây lên tiếng mạnh mẽ hơn về đe dọa an ninh mạng từ Nga và Trung Quốc.

Anh hiện cũng là thành viên của liên minh tình báo ‘Năm Con Mắt’ gồm các nước nói tiếng Anh: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Australia, New Zealand và Canada.

Trong năm qua, quan chức hoặc chuyên gia từ các nước này đều lần lượt nói về nguy cơ ‘tin tặc’ và điều họ gọi là ‘nạn trộm cắp công nghệ cao’ một số đối tượng từ Trung Quốc thực hiện.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46735843

 

Chuyên gia TQ: Trở ngại cho thỏa thuận Mỹ – Trung

 là “lòng tham vô đáy” của Mỹ

Trung Quốc đã dỡ bỏ thuế với ô tô Mỹ, bắt đầu mua lại đậu nành, dầu thô, khí hóa lỏng từ Mỹ nhưng chưa chắc như vậy là đủ so với yêu cầu từ Washington.

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một thỏa thuận tạm thời vào gần một tháng trước, Trung Quốc đã dỡ bỏ khoản thuế trả đũa lên ô tô Mỹ và đang soạn thảo một đạo luật để ngăn chặn việc bắt ép chuyển giao công nghệ. Nước này cũng

giảm thuế nhập khẩu đối với hơn 700 sản phẩm và bắt đầu mua dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và đậu nành từ Mỹ.

Các quan chức Bắc Kinh đã liên lạc thường xuyên với Washington để cố gắng xác định những yêu cầu khác để thúc đẩy các cuộc đàm phán tiến triển vào tháng tới, theo nguồn thạo tin.

Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ khoản thuế quan đã áp đặt và không áp đặt thêm thuế mới, nhưng nghi ngại Washington sẽ yêu cầu nhiều hơn trước khi chấp nhận yêu cầu từ Bắc Kinh.

Trong trường hợp cuộc đàm phán thất bại, các quan chức đang nghiên cứu các biện pháp trả đũa thay thế, nguồn tin tiết lộ.

Lu Xiang, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết, trở ngại chính cho một thỏa thuận là đòi hỏi của Washington có phải là “vô đáy”.

Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish sẽ dẫn đầu nhóm đàm phán đến vào 7/1. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đã xác nhận, hai nước sẽ đàm phán vào tháng tới và cho biết cả hai nước đang tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ mặc dù không cung cấp thời gian cụ thể.

Trung Quốc đang mong muốn ký kết một thỏa thuận đồng thời bảo toàn hệ thống kinh tế, Jonathan Fenby, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại viện TS Lombard ở London cho biết. Bắc Kinh cố ý để Tổng thống Trump có thể tuyên bố chiến thắng vào tháng 3 và nước này có thể tiếp tục việc hiện đại hóa nền kinh tế của mình.

Tuy nhiên, vẫn còn hoài nghi về triển vọng đạt được thỏa thuận. Nếu có một thỏa thuận, đó sẽ chỉ là một thỏa thuận khung, theo Mei Xinyu, nhà nghiên cứu tại Học viện Thương mại Quốc tế và hợp tác Kinh tế Trung Quốc.

“Ông Trump cho thấy ông không có tinh thần tôn trọng các thỏa thuận trong quá khứ và tôi nghi ngờ ông sẽ làm như vậy một lần nữa. Liệu ông có lật ngược lại thỏa thuận ngay sau khi ký kết?, nhà nghiên cứu Trung Quốc nói.

http://biendong.net/diem-tin/25583-chuyen-gia-tq-tro-ngai-cho-thoa-thuan-my-trung-la-long-tham-vo-day-cua-my.html

 

Tập Cận Bình nói Đài Loan ‘phải và sẽ’

hợp nhất với Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân Đài Loan chấp nhận rằng họ ‘phải và sẽ’ hợp nhất với Trung Quốc.

Trong bài phát biểu đánh dấu 40 năm kể từ khi cải thiện mối quan hệ với Đài Loan, ông Tập nhắc lại lời kêu gọi thống nhất ôn hòa với Bắc Kinh trên cơ sở một quốc gia hai thể chế.

Tuy nhiên, ông nói Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực.

Trong khi Đài Loan tự trị và độc lập trên thực tế, Bắc Kinh coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai.

Du khách Việt trốn lại Đài Loan và danh dự dân tộc

TQ hân hoan trước cơn địa chấn chính trị Đài Loan

Bà Thái Anh Văn: ‘Không ai ‘xóa bỏ’ được Đài Loan’

Chủ tịch Trung Quốc cho biết cả hai bên là một phần một đại gia đình Trung Quốc và rằng nền độc lập của Đài Loan là “một dòng chảy ngược lịch sử và là ngõ cụt”.

Người dân Đài Loan “phải hiểu rằng độc lập sẽ chỉ mang lại khó khăn”, ông Tập nói và thêm rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hình thức hành động nào thúc đẩy nền độc lập của Đài Loan.

Ông cũng nhấn mạnh rằng quan hệ với Đài Loan là “một phần chính trị nội bộ của Trung Quốc” và rằng “sự can thiệp của nước ngoài là không thể chấp nhận được”.

Bắc Kinh “bảo lưu lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết chống lại các lực lượng bên ngoài can thiệp vào việc thống nhất hòa bình”, ông nói.

Một ngày trước bài phát biểu của ông Tập, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng Bắc Kinh nên chấp nhận sự tồn tại của Đài Loan và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết mâu thuẫn với hòn đảo này.

Trung Quốc nên “tôn trọng sự kiên quyết của 23 triệu người về tự do và dân chủ, và phải sử dụng hòa bình, công bằng để xử lý sự khác biệt của chúng tôi”, bà nói thêm.

Vào tháng 11, đảng chính trị của bà Thái Văn Anh đã vấp phải một thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử khu vực được Bắc Kinh coi là một đòn giáng mạnh vào lập trường ly khai của bà.

Vấn đề vì đâu?

Đài Loan là một nền dân chủ tự trị và trên thực tế đã hoạt động như một quốc gia độc lập kể từ năm 1950, khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bị lực lượng cộng sản đánh đuổi ở Đại lục và chạy sang hòn đảo này.

Tuy nhiên, Trung Quốc coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai – không phải là một quốc gia theo đúng nghĩa của nó – một ngày nào đó sẽ được hợp nhất hoàn toàn với đất liền.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán đối với các yêu sách của mình.

Ví dụ, Trung Quốc khẳng định rằng các quốc gia khác chỉ có thể có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hoặc Đài Loan chứ không phải cả hai.

Bắc Kinh đã giành được ngày càng nhiều trong số các đồng minh quốc tế ít ỏi của Đài Bắc, những nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này và thay vào đó thiết lập quan hệ với Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng buộc các hãng hàng không và khách sạn nước ngoài liệt kê Đài Loan là một phần của Trung Quốc trên trang web của họ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46733614

 

Ưu tiên quân sự Trung Quốc 2019:

Tăng cường tập luyện và chuẩn bị cho chiến tranh

Tăng cường tập trận và chuẩn bị cho chiến tranh là một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc năm 2019, theo SCMP.

“Diễn tập quân sự và chuẩn bị chiến tranh là công việc cơ bản và trọng tâm của quân đội chúng tôi.”

“Và không bao giờ chúng tôi cho phép bất kỳ sự buông lỏng nào trong các lĩnh vực này,” nhật báo PLA cho biết trong bài xã luận Năm Mới.

Việt Nam ‘cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông’?

Ăng ten khổng lồ của Trung Quốc gây lo ngại nguy cơ ung thư

Hàng Trung Quốc vào VN để tránh thuế Mỹ?

“Chúng ta nên chuẩn bị tốt cho tất cả các phương án đấu tranh quân sự và cải thiện một cách toàn diện phản ứng chiến đấu của quân đội trong trường hợp khẩn cấp để đảm bảo chúng ta có thể đáp ứng được với thử thách và giành chiến thắng khi tình huống xảy ra.”

Các ưu tiên khác được nêu trong bài xã luận bao gồm lập kế hoạch và triển khai phát triển quân đội, thúc đẩy cải cách và đổi mới, và xây dựng đảng trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quóc (PLA).

Chủ tịch Tập Cận Bình, người đứng đầu quân đội, đã thúc đẩy PLA tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu kể từ khi ông đảm nhận công việc lãnh đạo đất nước vào năm 2012.

Các nhà quan sát cho rằng việc tăng cường các cuộc tập trận có thể là nhằm mục đích củng cố sức mạnh quân sự Trung Quốc, nhưng việc đề cập tới mục tiêu này vào đầu năm cũng cho thấy đó là một phần việc quan trọng hơn trong kế hoạch năm 2019.

Zeng Zhiping, một trung tá và nhà phân tích quân sự đã nghỉ hưu ở Nanchang, tỉnh Giang Tây, cho biết:

“Trong suốt 20 năm tôi ở PLA trước khi nghỉ vào năm 2004, huấn luyện quân sự để tăng cường sẵn sàng chiến đấu luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi.”

“Nhưng lần này có điều gì đó khác thường.”

“Khi huấn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh được nhấn mạnh vào đầu năm, điều đó có nghĩa đây là kế hoạch cho cả năm, mặc dù chúng tôi không biết ý định thực sự đằng sau những lời hoa mỹ ở giai đoạn này là gì.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46733613

 

TQ triển khai xe tăng hạng nhẹ tại vùng núi giáp Ấn Độ

Quân đội Trung Quốc xác nhận việc triển khai xe tăng hạng nhẹ Type-15 mới tại khu vực cao nguyên Tây Tạng.

Xe tăng hạng nhẹ thế hệ mới của Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động, trong bối cảnh quân đội nước này tìm cách tăng cường khả năng chiến đấu ở những khu vực đồi núi.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng (SCMP), các nhà phân tích quân sự cho biết xe tăng hạng nhẹ Type-15 có khả năng cơ động tốt hơn so với xe tăng khác mà PLA đang sử dụng. Loại xe này sẽ giúp tăng cường khả năng chiến đấu ở các khu vực cao nguyên, miền núi như Tây Tạng .

Quân đội Trung Quốc (PLA) rất kín tiếng về quá trình phát triển cũng như thử nghiệm xe tăng hạng nhẹ Type-15 và đây là lần đầu tiên việc triển khai loại xe tăng này được PLA xác nhận. Mô hình của phương tiện chiến đấu này từng được trưng bày tại một triển lãm ở Bắc Kinh về chủ đề 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân, cho biết điểm nhấn trong việc xây dựng quân đội Trung Quốc là đổi mới và phát triển bền vững.

“Chúng tôi đang theo kế hoạch tổng thể và tập trung vào các thiết bị chính, chúng tôi đã đạt được những thành tựu lớn trong việc xây dựng thiết bị. Đối với xe tăng hạng nhẹ Type-15, theo thông tin của tôi, loại phương tiện chiến đấu này đã được bàn giao cho quân đội”, ông Dương tuyên bố.

Người phát ngôn Dương Vũ Quân nói thêm rằng, trong 40 cải cách và mở cửa, quân đội Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng một hệ thống thiết bị thông tin hóa trên máy tính.

Quá trình phát triển Type-15 được tiết lộ vào năm 2016, khi hình ảnh về một loại xe tăng mới thử nghiệm ở gần khu vực Tây Tạng được đăng trên các trang mạng Trung Quốc.

Type-15 được thiết kế để hoạt động ở khu vực rừng núi và địa hình gồ ghề, với động cơ công suất 1.000 mã lực và nhẹ hơn các xe tăng chiến đấu chủ lực khác của PLA.

Xe tăng này được trang bị pháo 105 mm có thể bắn đạn xuyên giáp, phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo, cũng như hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại có khả năng “săn lùng – tiêu diệt”, tương tự các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại trên thế giới.

Do trọng lượng nhẹ, Type-15 có khả năng cơ động tốt trên những khu vực mà xe tăng chiến đấu chủ lực khó tiếp cận. Khả năng này được đánh giá vượt trội hơn xe tăng T-72 và T-90 của Ấn Độ, vốn không thể hoạt động được ở khu vực núi cao gần Tây Tạng.

http://biendong.net/diem-tin/25580-tq-trien-khai-xe-tang-hang-nhe-tai-vung-nui-giap-an-do.html

 

Tàu sân bay TQ gặp “hạn”

Bắc Kinh muốn có 4 tàu sân bay vào năm 2030 nhưng kế hoạch này có thể thay đổi do một loạt yếu tố kinh tế, chính trị.

Quá trình đóng tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh đang bị phủ bóng bởi một loạt thông tin xấu liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) thuộc sở hữu nhà nước.

Hàng loạt bê bối

Trong vụ bê bối mới nhất được báo South China Morning Post đăng tải hôm 28-12, ông Jin Tao, 54 tuổi, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu 712 thuộc CSIC, đang đối mặt cáo buộc tham nhũng theo sau cuộc điều tra kéo dài 4 tháng.

Ông Jin, một nhà nghiên cứu cấp cao xử lý thông tin nhạy cảm liên quan đến dự án phát triển tàu sân bay nội địa, bị bắt hồi tháng 9 qua.

Đến ngày 27-12, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo ông Jin “sẽ bị xử lý nghiêm khắc” vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng” và “bị nghi phạm tội gây tổn thất lớn cho lợi ích quốc gia”.

Ông Jin từng đứng đầu Viện Nghiên cứu 712, có trụ sở tại TP Vũ Hán và chuyên nghiên cứu về động cơ đẩy điện tử và pin đặc biệt, trong 2 năm qua. Trước đó, ông có thâm niên 13 năm giữ chức Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu 704 của CSIC tại TP Thượng Hải.

Cú “ngã ngựa” của ông Jin Tao xảy ra sau 2 vụ bê bối tham nhũng gần đây liên quan đến CSIC. Vào đầu tuần này, ông Bu Jianjie, một nhà khoa học tàu ngầm và cựu giám đốc một viện nghiên cứu khác của CSIC, bị khai trừ khỏi đảng và điều tra hình sự với nhiều tội danh.

Gây chấn động hơn là cáo buộc nhằm vào cựu Tổng giám đốc CSIC Sun Bo, người bị bắt hồi tháng 6, được đưa ra hôm 17-12.

Thông báo của CCDI cho biết ông này bị khai trừ khỏi đảng, cách chức tổng giám đốc CSIC vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và gây thiệt hại nặng nề đến lợi ích quốc gia”, và bị buộc tội lợi dụng chức vụ để tham ô và nhận hối lộ.

Sức ép tài chính

Không dừng lại ở đó, SCMP dẫn một số nguồn tin cho biết các nhà điều tra của CCDI còn đang xem xét cáo buộc ông Sun chuyển thông tin mật về tàu sân bay Liêu Ninh cho tình báo nước ngoài.

Hiện chưa rõ ông Sun cung cấp thông tin gì nhưng nhân vật này có nguy cơ đối mặt án tử nếu đây là những dữ liệu quan trọng thuộc loại tuyệt mật. Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết nhà chức trách nhiều khả năng không công khai chi tiết các hành vi phạm tội của ông Sun vì mức độ nhạy cảm của chúng.

“Vụ việc của ông ta phức tạp và liên quan đến nhiều bí mật nhà nước nên nhà chức trách sẽ chỉ cho biết ông bị bắt giữ vì những cáo buộc tham nhũng” – nguồn tin này giải thích.

Ngoài ra, một nguồn tin khác cho biết thêm Bắc Kinh muốn sử dụng vụ việc của ông Sun để “cảnh báo” các quan chức cấp cao giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động vẫn đang diễn ra.

CSIC nắm vai trò quan trọng trong việc phát triển tàu hải quân, trong đó có cả tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Tập đoàn này đã đóng tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, gọi là tàu Type 001A tại xưởng đóng tàu ở tỉnh Liêu Ninh.

Thiết kế của tàu sân bay Type 001A này được dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh được Bắc Kinh mua lại của Ukraine năm 1998.

Các chuyên gia quân sự nhận định tàu sân bay Type 001A sẽ được bàn giao cho hải quân Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước (1-10-2019). Ngoài ra, CSIC còn đang phát triển tàu sân bay thứ 2, gọi là Type 002, trong lúc nâng cấp tàu sân bay Liêu Ninh.

Dù vậy, thách thức đối với tham vọng mở rộng đội tàu sân bay của Trung Quốc không chỉ đến từ những vụ bắt giữ nói trên.

Một nguồn tin quân sự gần đây tiết lộ với SCMP rằng công việc đóng tàu sân bay Type 002 đang bị chậm lại do ngân sách bị cắt giảm trong lúc chi phí liên quan đến chiến đấu cơ J-15 hoạt động trên tàu này lại tăng.

Bắc Kinh muốn có 4 tàu sân bay vào năm 2030 nhưng kế hoạch này có thể thay đổi vì những khó khăn về tài chính, tác động từ cuộc cải tổ quân sự chưa từng có tiền lệ và một loạt yếu tố kinh tế, chính trị khác.

“Một công ty đóng tàu khác lẽ ra dự kiến bắt đầu đóng một tàu sân bay Type 002 nữa (tàu sân bay thứ 4) của Trung Quốc trong những ngày gần đây nhưng kế hoạch đó đã bị hoãn lại giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ diễn ra… Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại kể từ khi hai nước bắt đầu tranh chấp thương mại” – nguồn tin cho biết.

http://biendong.net/diem-tin/25579-tau-san-bay-tq-gap-han.html

 

TQ phong tỏa biển

để tàu sân bay Type 001A chạy thử lần thứ 4

Ngày 28/12, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc Type 001A bắt đầu tiến hành chuyến đi biển chạy thử lần thứ 4 trước khi được đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân vào tháng 5/2019.

Theo Sputnik, trong chuyến đi biển lần này, tàu sân bay Type 001A sẽ lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống hàng không được trang bị trên tàu.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ thông báo chính thức nào về hoạt động chạy thử của tàu Type 001A. Còn trong tuyên bố hôm 27/12, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc nhấn mạnh, eo biển Bột Hải và nhiều khu vực trên Hoàng Hải sẽ bị phong tỏa và cấm tàu thuyền hoạt động từ ngày 28/12 – 4/1.

Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh và đoạn video cho thấy tàu sân bay Type 001A có lượng giãn nước toàn tải 70.000 tấn và dài 315 m di chuyển ra phía biển từ cảng Đại Liên vào ngày 27/12.

Theo ông Wang Yunfei, chuyên gia hải quân Trung Quốc chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng trong chuyến đi biển lần này, tàu sân bay Type 001A sẽ lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống hàng không trang bị trên tàu như radar, thiết bị liên lạc, hệ thống kiểm soát không lưu cùng các thiết bị cất và hạ cánh máy bay.

Hệ thống hàng không trang bị trên tàu Type 001A có các chiến đấu cơ Shenyang J-15, bản sao cải tiến từ Sukhoi Su-33 của Nga nhưng được Trung Quốc chế tạo để phục vụ mục đích sử dụng riêng. Giống như Su-33, chiến đấu cơ J-15 được chế tạo để hoạt động trên tàu sân bay. Ngoài ra, tàu sân bay Type 001A còn mang theo rất nhiều loại trực thăng.

Dù là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc nhưng tàu Type 001A lại khá giống với tàu sân bay lớp Kuznetsov mang tên Varyag được Bắc Kinh mua lại của Ukraine và sau đó cải tiến trở thành tàu sân bay Liêu Ninh.

Giống như Liêu Ninh, tàu Type 001A sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” để phóng chiến đấu cơ từ trên boong tàu, trong khi các tàu sân bay của Mỹ lại dùng kỹ thuật tối tân hơn là máy phóng máy bay để phóng dàn chiến đấu cơ.

Cũng theo Sputnik, Type 001A có thể mang theo 32 chiến đấu cơ J-15, nhiều hơn sức chở của tàu Liêu Ninh là 8 chiếc. Bên cạnh đó, tàu sân bay Type 001A còn được trang bị các hệ thống radar và đài chỉ huy hiện đại hơn so với Liêu Ninh.

Ông Wei Dongxu, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh cho hay các chuyến bay thử nghiệm từ tàu sân bay Type 001A sẽ trở nên dễ dàng hơn do con tàu này gần giống với tàu Liêu Ninh. Các thủy thủ có thể sử dụng những mô hình máy bay mang kích cỡ như thật để thử nghiệm chứ không phải là dùng các chiến đấu cơ thật J-15.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, Trung Quốc đã cho tàu sân bay Type 001A chạy thử trên biển 3 lần vào các tháng 5,8,10/2018. Giới chuyên gia cho rằng, con tàu này sẽ được đưa vào biên chế nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc vào tháng 5/2019.

http://biendong.net/bi-n-nong/25577-tq-phong-toa-bien-de-tau-san-bay-type-001a-chay-thu-lan-thu-4.html

 

TQ chi nhiều tiền xây dựng hình ảnh tích cực

Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) chuẩn bị mở chi nhánh châu Âu tại London (Anh). Đây là ví dụ mới nhất về chiến dịch lôi kéo công chúng quốc tế của Trung Quốc.

Chi nhánh châu Âu của CGTN được bố trí trong một khu nhà ở phố nhà giàu Chiswick  phía tây London. Trong 18 tháng tới CGTN sẽ tuyển 300 vị trí làm việc. Ban đầu CGTN thông báo tuyển 90 người và đã có hơn 6.000 ứng viên đăng ký.

Lôi kéo bạn đọc quốc tế

Quảng cáo tuyển người của CGTN giải thích: “Mục đích của chúng tôi là đưa tin theo quan điểm Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn tạo khác biệt với truyền thông phương Tây bằng tầm nhìn rộng hơn đồng thời đưa tin về các khu vực và các chủ đề truyền thông phương Tây bỏ qua”.

CGTN phụ trách lĩnh vực quốc tế của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tiền thân mang tên CCTV 9, CCTV News. CGTN đã mở chi nhánh ở Washington (Mỹ) và Nairobi (Kenya) vào năm 2012. Mỗi chi nhánh có khoảng 150 phóng viên.

CGTN châu Âu có năm kênh truyền hình phát bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Ả rập và các cổng web. Như vậy tổng cộng CGTN phát nội dung với 11 thứ tiếng cho 140 quốc gia.

CGTN không chỉ là phương tiện truyền thông Trung Quốc duy nhất nhắm đến bạn đọc quốc tế. Nhật báo China Daily xuất bản bằng tiếng Anh ra đời năm 1981 đã mở thêm các ấn bản Mỹ, châu Phi và châu Âu. Báo Global Times (Thời Báo Hoàn Cầu) đã phát hành ấn bản tiếng Anh.

Từ 110 văn phòng, Tân Hoa Xã đã phát triển đến 180 văn phòng trong 10 năm trở lại đây. Năm 2010, Tân Hoa Xã đã mở thêm kênh truyền hình tiếng Anh CNC World.

Có những chủ đề chắc chắn cấm kỵ với Trung Quốc như ba chữ T gồm Tây Tạng (Tibet), Đài Loan (Taiwan) và Thiên An Môn (Tiananmen)

Chi nhánh CGTN châu Âu tổ chức hội thảo ở London (Anh) ngày 23-6-2018 – Ảnh: CGTN

Xây dựng hình ảnh tích cực, thân thiện

Trong một thời gian dài Trung Quốc giữ thế phòng thủ với thế giới bằng biện pháp kiểm duyệt thông tin. Nay tình hình đã khác. Nhà nghiên cứu Yu-Shan Wu ở Đại học Witwatersrand (Nam Phi) nhận định: “Mới đây Trung Quốc đã chọn cách viết lại lịch sử theo cách của họ”.

Bước ngoặt chính là hồi tổ chức Thế vận hội Olympic 2008 tại Bắc Kinh. Nhân sự kiện này, báo chí phương Tây đưa tin rất tiêu cực về tình hình xã hội Trung Quốc.

Vì thế Trung Quốc mong muốn nắm quyền kiểm soát thông tin bằng cách mở ra nhiều công cụ truyền thông hướng đến công chúng nước ngoài.

Trung Quốc đã 45 tỉ nhân dân tệ (6,54 tỉ USD) để chứng tỏ hình ảnh tích cực và thân thiện của Trung Quốc.

Ví dụ như nhấn mạnh các lợi ích từ dự án “Vành đai – Con đường”, làm phim tài liệu nhiều tập về viện trợ nhân đạo trong thảm họa như động đất ở Nepal năm 2015, quảng bá các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc xây dựng ở châu Phi.

Một chủ đề khác là bình luận về chế độ dân chủ thất bại ở phương Tây qua những chuyện như tội ác giết người hàng loạt ở Mỹ, khủng hoảng chính trường Úc…

Kiểm soát các đài phát thanh và mua lại báo

Bắc Kinh còn tìm cách định hướng thông tin theo cách gián tiếp. Các tập đoàn truyền thông như GBTimes ở Phần Lan, G&A Studio ở California hay Global CAMG ở Úc do Hoa kiều thành lập phát sóng qua 58 kênh ở 35 nước.

Ở Pháp, GBTimes mở kênh phát thanh “Trung Quốc bằng tiếng Pháp” thu hút 90.000 thính giả. Còn ở Anh, Panda Radio của GBTimes có 129.000 thính giả.

Theo báo Le Temps (Thụy Sĩ), ba đài nêu trên đều do Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc đầu tư và quản lý thông qua trung gian mạng lưới công ty bình phong. Bởi thế chương trình của các đài này đều thể hiện hình ảnh thân thiện của Trung Quốc.

Các công ty có liên hệ với chính phủ Trung Quốc cũng sẵn sàng mua lại một phần hoặc trọn gói các báo như Independent Media ở Nam Phi, XEWW ở Mexico, China Times ở Đài Loan.

Sau khi tỉ phú Jack Ma (Mã Vân) mua lại báo tiếng Anh The South China Morning Post ở Hong Kong, báo này ít nói đến nhân quyền ở Trung Quốc và khen ngợi công lao của Tập Cận  Bình nhiều hơn.

Tại tờ Independent Media, cây bút bình luận Azad Essa thậm chí đã bị mất việc sau khi viết bài về Tân Cương.

Mời các nhà báo đến Trung Quốc học miễn phí

Từ năm 2016, mỗi năm Trung Quốc đều mời khoảng 50 nhà báo từ các nước đang phát triển đến Trung Quốc tham dự khóa bồi dưỡng dài 10 tháng.

Các nhà báo được ăn ở miễn phí tại khu phố nhà giàu ở Bắc Kinh, mỗi tháng được cấp tiền sinh hoạt 5.000 nhân dân tệ và đi hai chuyến tác nghiệp, được theo học ngoại ngữ tại các trường đại học và cuối cùng nhận tấm bằng Thạc sĩ về Quan hệ quốc tế.

Nhà nghiên cứu Hugo de Burgh – giám đốc Trung tâm Truyền thông đại chúng Trung Quốc thuộc Đại học Westminster (Anh) giải thích: “Mục đích nhằm chứng minh lòng tốt của Trung Quốc với hy vọng trong tương lai họ sẽ phản ánh tốt khi đưa tin về Trung Quốc”.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25576-tq-chi-nhieu-tien-xay-dung-hinh-anh-tich-cuc.html

 

TQ thưởng tiền

cho ngư dân phát hiện ‘vật thể lạ’ dưới biển

Chính quyền Trung Quốc đã trao thưởng và khuyến khích ngư dân trình báo với cơ quan chức năng nếu phát hiện vật thể lạ trên biển nghi là thiết bị do thám, theo dõi.

Tờ South China Morning Post ngày 1.1 dẫn thống kê của Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc cho biết trong năm 2018, ngư dân tỉnh Giang Tô đã phát hiện 9 thiết bị lạ trong đó có 6 thiết bị là của nước ngoài có khả năng thăm dò, nhận diện và do thám dưới biển.

18 ngư dân sau khi phát hiện đã trục vớt các thiết bị và giao nộp cho cơ quan chức năng. Những người này được chính quyền tỉnh trao thưởng trong một buổi lễ vào cuối năm 2018. Thông tin về thiết bị và số tiền thưởng không được công bố.

Tuy nhiên, một ngư dân ở thành phố Liên Vân Cảng thuộc tỉnh Giang Tô hồi tháng 1.2018 được thưởng 50.000 nhân dân tệ (168 triệu đồng) nhờ phát hiện một thiết bị lạ dưới biển.

Tháng 11.2018, tờ Wenzhou Daily đưa tin chính quyền thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang thưởng tiền cho một ngư dân phát hiện thiết bị lặn tự hành của nước ngoài gần bờ biển.

Trung Quốc thưởng tiền cho ngư dân phát hiện ‘vật thể lạ’ dưới biển – ảnh 2

Việc thưởng tiền là cách mà chính quyền Trung Quốc thực hiện nhằm khuyến khích người dân phát giác các hành động do thám của nước ngoài tại những vùng biển gần nước này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 21.12.2018 thông báo hải quân nước này thất lạc một ngư lôi sau một đợt huấn luyện ở phía đông đảo Hải Nam cùng tháng.

Thông báo nêu rõ quả ngư lôi bị thất lạc chỉ là phiên bản huấn luyện thông thường chứ không nhằm vào bất cứ mục tiêu nào. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng có thể do ảnh hưởng của dòng hải lưu nên quả ngư lôi đã bị cuốn trôi.

Trước đó, một ngư dân ở thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, Phú Yên đã phát hiện một vật thể lạ bị mắc vào lưới đánh cá của mình ngày 18.12. Người này đưa vật thể vào đất liền và giao cho lực lượng biên phòng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng ngày 27.12 khẳng định ngư lôi mà các ngư dân tìm thấy ở Phú Yên thực chất là ngư lôi bắn tập của nước ngoài và việc một vật thể ở ngoài khơi xa, ở vùng biển quốc tế hay vùng biển khác trôi dạt vào bờ biển các nước là “chuyện bình thường”.

http://biendong.net/bien-dong/25569-tq-thuong-tien-cho-ngu-dan-phat-hien-vat-the-la-duoi-bien.html

 

Dọa dùng vũ lực với Đài Loan, Tập Cận Bình muốn

‘tái thống nhất’ trong hòa bình

Trung Quốc duy trì quyền sử dụng vũ lực để buộc Đài Loan chấp nhận quyền kiểm soát của Bắc Kinh, tuy nhiên sẽ cố đạt giải pháp thống nhất bằng phương tiện hòa bình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hôm 2/1/2019, ông trấn an rằng tương lai của Đài Loan sẽ tươi sáng dưới bất kỳ hình thức cai trị nào của Trung Quốc trong tương lai.

Theo Reuters, Đài Loan là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ thiêng liêng của ‘mẫu quốc’ Trung Quốc. Ông Tập đã tăng áp lực lên hòn đảo tự trị theo thể chế dân chủ này từ khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân chủ Tiến bộ thân độc lập trở thành Tổng thống Đài Loan vào năm 2016.

Bà Thái Anh Văn đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Tập và đồng thời, hối thúc Trung Quốc hãy chấp nhận ý niệm dân chủ.

Ông Tập Cận Bình đã vận dụng uy tín chính trị của cá nhân ông để giải quyết “vấn đề Đài Loan”. Vào cuối năm 2015, ông Tập mở một cuộc họp mang tính bước ngoặt với Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ, ông Mã Anh Cửu, tại Singapore ngay trước khi bà Thái Anh Văn đắc cử.

Lên tiếng tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh nhân kỷ niệm 40 năm ngày tuyên bố chính sách về Đài Loan, ông Tập Cận Bình nói tiến trình ‘tái thống nhất’ Đài Loan phải tuân theo nguyên tắc ‘một Trung Quốc’, chấp nhận Đài Loan là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc, giải pháp bị những người ủng hộ nền độc lập của Đài Loan cực lực chống đối. Ông Tập nói thêm rằng một nền tự trị theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” đã áp dụng với Hồng Kông, là cách tốt nhất cho Đài Loan.

“Người Trung Quốc không tấn công người Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng vận dụng sự chân thành cao nhất của mình,và bỏ công sức lớn nhất để phấn đấu cho triển vọng thống nhất đất nước trong hòa bình.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Phát biểu trước một cử tọa gồm các doanh nhân Đài Loan và các quan chức cao cấp của đảng, ông Tập nói đại đa số người dân Đài Loan nhận thức rõ rằng một giải pháp độc lập cho Đài Loan sẽ dẫn đến “thảm họa nghiêm trọng”.

Ông nói: “Người Trung Quốc không tấn công người Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng vận dụng sự chân thành cao nhất của mình,và bỏ công sức lớn nhất để phấn đấu cho triển vọng thống nhất đất nước trong hòa bình.”

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Chúng tôi không hứa sẽ gạt bỏ khả năng dùng vũ lực và bảo lưu quyền chọn sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đạt được mục tiêu và ngăn chặn Đài Loan trở nên độc lập”.

Trong một bình luận có phần chắc nhắm tới Hoa Kỳ, nước ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ nhất, ông Tập nói khuyến cáo vừa kể chủ yếu “nhắm vào các lực lượng nước ngoài tìm cách can thiệp vào tình hình Đài Loan, cũng như thành phần ủng hộ độc lập nhỏ bé ở Đài Loan và các hoạt động của họ.”

Phát biểu với các nhà báo, bà Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận giải pháp “một quốc gia, hai chế độ”, và Đài Loan tự hào về lối sống dân chủ của mình.

Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận giải pháp “một quốc gia, hai chế độ”, và Đài Loan tự hào về lối sống dân chủ của mình.

Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn

Bà nói: “Đại đa số người dân Đài Loan kiên quyết chống đối khái niệm “một quốc gia, hai chế độ”, đây là sự đồng thuận tại Đài Loan”.

Bà nói: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hãy mạnh dạn tiến lên ủng hộ dân chủ, vì chỉ khi nào làm như vậy, Trung Quốc mới thực sự hiểu được lối suy nghĩ và sự kiên định của người dân Đài Loan.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Tập tái khẳng định Trung Quốc sẵn sàng nói chuyện với bất kỳ đảng phái nào ở Đài Loan để thúc đẩy tiến trình chính trị – mà Bắc Kinh kiềm hãm lại từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền – miễn là các đảng phái đó phải chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Nêu bật sự bất an tại Bắc Kinh về sự ủng hộ của Hoa Kỳ nói riêng cho Đài Loan, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 31/12/18 ký thành luật Đạo luật Sáng kiến Trấn an Châu Á, tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, kể cả việc bán vũ khí cho đảo quốc này.

Chủ tịch TQ hứa Đài Loan sẽ hưởng thái bình

Ông Tập tìm cách trấn an dân Đài Loan rằng họ “không có gì phải sợ” sự cai trị của Trung Quốc, mặc dù hầu hết người dân Đài Loan không hề quan tâm tới việc phải nằm dưới ách cai trị của hế thống cai trị chuyên quyền ở Bắc Kinh.

Ông Tập hứa: “Sau khi thống nhất hòa bình, Đài Loan sẽ có hòa bình lâu dài và người dân sẽ được hưởng cuộc sống tốt đẹp và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ tuyệt vời của “mẫu quốc”, nền an ninh của đồng hương Đài Loan sẽ còn tốt hơn nữa, và không gian phát triển của họ sẽ còn lớn hơn nữa”.

Bà Thái Anh Văn vẫn tuyên bố rằng bà muốn duy trì hiện trạng với Trung Quốc, hôm 1/1/19 nói Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết những khác biệt quan điểm với Đài Loan, và Bắc Kinh phải tôn trọng các giá trị dân chủ của Đài Loan.

Vẫn theo Reuters, Đài Loan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống trong một năm nữa. Trong cuộc bầu cử bầu thị trưởng và các cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11, đảng của bà Thái Anh Văn đã thất bại nặng nề trước Quốc dân đảng có lập trường thân Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/doa-dung-vu-luc-voi-dai-loan-tcb-muon-tai-thong-nhat-trong-hoa-binh/4725620.html

 

Đài Loan gửi thông điệp năm mới tới TQ

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 1.1 tuyên bố Trung Quốc phải sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng với Đài Loan và tôn trọng những giá trị riêng của vùng lãnh thổ này.

Phát biểu trong cuộc họp báo nhân dịp năm mới, bà Thái nói rằng hai bên bờ eo biển Đài Loan cần hiểu rõ những khác biệt cơ bản giữa hai bên về các giá trị và hệ thống chính trị. Từ đó, bà Thái nhấn mạnh Trung Quốc “phải tôn trọng… và dùng các biện pháp hòa bình, bình đẳng để giải quyết các khác biệt”, theo Reuters.

Trung Quốc chưa có phản ứng về phát biểu của bà Thái. Ngày mai 2.1, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến có bài phát biểu nhằm đánh dấu 40 năm kể từ khi Trung Quốc đưa ra tuyên bố dẫn tới cải thiện quan hệ với Đài Loan.

Vào ngày 1.1.1979, Trung Quốc tuyên bố kết thúc tình trạng thường xuyên nã pháo vào những đảo Đài Loan kiểm soát gần Trung Quốc và ngỏ lời kết nối liên lạc giữa hai bên sau nhiều thập niên thù địch.

Dù các kết nối cá nhân, liên quan văn hóa và kinh doanh giữa hai bên vẫn được thắt chặt cho đến ngày nay, nhưng vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình nhằm kết thúc tình trạng thù địch.

 

Kể từ khi bà Thái nhậm chức vào năm 2016, Trung Quốc hay gây sức ép lên Đài Loan, dừng đối thoại, tìm cách lôi kéo những đồng minh ít ỏi còn lại của Đài Loan và buộc nhiều hãng hàng không liệt Đài Loan là một phần của Trung Quốc trên website của họ.

Bắc Kinh lo sợ bà Thái muốn thúc đẩy Đài Loan chính thức độc lập khỏi Trung Quốc, dù bà khẳng định muốn duy trì hiện trạng. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc thường điều chiến đấu cơ và chiến hạm tuần tra, diễn tập xung quanh Đài Loan.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25571-dai-loan-gui-thong-diep-nam-moi-toi-tq.html

 

Phong trào dân chủ Hồng Kông đi đâu về đâu vào 2019?

Nền dân chủ bước vào 2019 với đầy khó khăn khi chính quyền Hồng Kông ngày càng siết chặt ảnh hưởng của giới đấu tranh, theo CNN.

Sáng 2/1, khoảng vài ngàn người, bao gồm những cựu thành viên phong trào Dù Vàng, đã xuống đường tham gia buổi diễu hành năm mới truyền thống, cảnh báo về “sự tự do đang bị thu hẹp” và kêu gọi cho một nền dân chủ tốt đẹp hơn.

Những người ủng hộ ly khai cũng có mặt.

Nhưng số lượng người tham gia tuần hành năm nay chỉ bằng một nửa so với năm ngoái – một dấu hiệu đáng lo ngại cho nền dân chủ Hồng Kông trong 2019.

Hong Kong bác thị thực cho biên tập viên FT

Nhà đấu tranh dân chủ Hong Kong được đề cử Nobel

Hong Kong: Joshua Wong bị phạt tù lần hai

Phát ngôn viên của chính quyền sáng 2/1 cũng nhấn mạnh một lần nữa rằng Hồng Kông sẽ không “khoan nhượng trước phong trào ‘ly khai Hồng Kông'”.

Chính quyền Hồng Kông rất có thể sẽ thông qua dự luật chống nổi dậy đang gây nhiều tranh cãi, nhất là nếu chịu đủ áp lực từ phía Bắc Kinh.

Phe đối lập cho rằng dự luật này nếu thông qua sẽ bị lợi dụng để nhắm vào các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, những người ủng hộ ly khai, những nhóm thiểu số theo tín ngưỡng và cả những nhân vật truyền thông vốn hay chỉ trích Bắc Kinh.

Đây là động thái của chính quyền Hồng Kông thân Bắc Kinh sau những gì xảy ra vào cuối tháng 9/2014, khi Joshua Wong, Học dân tư triều và Liên đoàn sinh viên Hồng Kông nỗ lực chiếm quảng trường Civic Square.

Khi cảnh sát dùng lựu đạn cay và bình xịt hơi cay nhắm vào nhóm biểu tình thanh thiếu niên, hàng ngàn người dân Hồng Kông tức giận và đã xuống đường.

Cuộc biểu tình bùng nổ từ đó, khi người biểu tình ủng hộ dân chủ chiếm đại lộ lớn của thành phố trong 79 ngày. Cuộc biểu tình kết thúc vào tháng 12/2014.

Nhưng Phong trào Dù Vàng trở thành đỉnh cao duy nhất cho những nhà dân chủ Hồng Kông, vì sau đó mọi thứ đều tụt dốc.

Hồng Kông sau đó áp đặt thêm nhiều quy định về các tuyên bố chính trị.

Andy Chan, người đứng đầu Đảng Quốc gia Hồng Kông ủng hộ ly khai sau đó đã bị chính thức cấm đưa ra phát biểu chính trị công khai.

Victor Mallet, một phóng viên của Financial Times từ Anh, người tổ chức một hội nghị và mời Andy Chan làm diễn giả, sau đó đã bị từ chối đơn xin gia hạn thị thực.

Những nhà lập pháp dân chủ được bầu vào tháng 9/2016 đều lần lượt bị loại khỏi Nghị viện Hồng Kông.

Gần đây nhất, vào tháng 11, phe đối lập không thể giữ được chiếc ghế ủy viên Hội đồng Lập pháp của Lau Siu-lai. Trước đó, hai ủy viên ủng hộ dân chủ khác là Nathan Law và Eddie Chu cũng bị loại khỏi Nghị viện vì những lý do pháp lý mơ hồ.

Sự kiểm soát tại Nghị viện đang tuội khỏi tầm tay của giới đấu tranh dân chủ Hồng Kông, mở đường cho chính quyền Hồng Kông thông qua dự luật chống nổi dậy.

Khi Joshua Wong vừa mới kết thúc án tù ba tháng hồi tháng Tư, giáo sư luật Benny Tai, và những thành viên ủng hộ dân chủ gạo cội khác lại đang phải đối mặt với các án tù khác.

Trong tuyên bố cuối cùng trước tòa vào tháng 12, Tai nói Phong trào chiếm quảng trường có mục đích theo đuổi công lý và ông không hề hối hận vì đã đứng lên đấu tranh cho tương lai Hồng Kông.

“Mục đích của sự bất tuân dân sự không phải là gây rối công cộng, mà là khơi dậy mối quan tâm của công chúng đối với sự bất công trong xã hội và để giành được cảm tình từ công chúng,” ông nói, theo CNN.

“Tôi không sợ hoặc xấu hổ khi vào tù. Nếu chúng tôi có tội, chúng tôi có tội vì dám dấy lên niềm hy vọng trong thời khắc khó khăn này ở Hồng Kông.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46726892

 

Hàng ngàn người diễn hành ở Hồng Kông

phản đối Trung Cộng

Hồng Kông – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Ba (1 tháng 1), hàng ngàn người biểu tình đã diễn hành tại Hồng Kông để đòi chế độ dân chủ toàn diện, các quyền cơ bản và thậm chí là sự độc lập khỏi Trung Cộng, trước sự đàn áp rõ rệt của đảng Cộng sản đối với các quyền tự do ở địa phương.

Trong năm qua, các quốc gia như Hoa Kỳ và Anh Quốc đã bày tỏ sự quan tâm về một số sự việc đã làm xói mòn niềm tin vào sự tự do và quyền tự trị của Hồng Kông dưới sự ách cai trị của Trung Cộng. Các sự việc này bao gồm việc bỏ tù các nhà hoạt động, cấm một đảng chính trị ủng hộ độc lập, trục xuất một nhà báo phương Tây và cấm các nhà hoạt động dân chủ tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương.

Cuộc diễn hành đầu năm mới này bao gồm các lời kêu gọi khởi động lại các cải cách dân chủ đang bị đình trệ và chống lại sự đàn áp chính trị từ Bắc Kinh. Các nhà tổ chức cho biết cuộc tuần hành đã thu hút 5,500 người, trong khi phía cảnh sát cho biết có đến 3,200 người đã xuống đường vào cao điểm của cuộc diễn hành.

Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh Quốc, đã được trả về ách cai trị của Trung Cộng vào năm 1997, dưới thể thức “một quốc gia, hai chế độ,” với lời hứa rằng mục tiêu cuối cùng sẽ là mức độ tự chủ cao và quyền bầu cử phổ quát.

Dù các nhà chức trách đã kiểm soát chặt chẽ phong trào ủng hộ độc lập của thành phố, nhưng họ cũng không thể ngăn cản được khoảng 100 nhà hoạt động độc lập tham gia tuần hành, giương cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu yêu cầu Hồng Kông tách khỏi Trung Cộng. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hang-ngan-nguoi-dien-hanh-o-hong-kong-phan-doi-trung-cong/