Tin khắp nơi – 01/11/2018
Mỹ có thể điều 15.000 quân
đến biên giới Mexico
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/10 cho biết Hoa Kỳ có thể triển khai đến 15.000 quân đến biên giới với Mexico trong lúc ông có lập trường ngày càng cứng rắn đối với làn sóng di dân Trung Mỹ đang tìm cách tiến về biên giới Hoa Kỳ để lánh nạn bạo lực và nghèo đói ở quê nhà.
Lầu Năm Góc cho biết họ đang có danh sách khoảng 7.000 binh lính có thể thực thi nhiệm vụ ngay, trong đó có khoảng 2.000 đang sẵn sàng chờ được điều động.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 31/10 đã bác bỏ những chỉ trích rằng việc điều hàng ngàn binh lính đến biên giới với Mexico là hành động phô trương chính trị giữa lúc có những chỉ trích rằng ông Trump đang chính trị hóa quân đội trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tuần tới.
“Sự ủng hộ mà chúng tôi dành cho Bộ trưởng An ninh Nội địa là sự ủng hộ thực tế dựa trên yêu cầu các ủy viên hải quan và cảnh sát biên giới, do đó chúng tôi không phô trương trong cơ quan này,” ông Mattis phát biểu sau cuộc gặp với người tương nhiệm Hàn Quốc ở Lầu Năm Góc.
Các nhà lập pháp Cộng hòa và những đồng minh của ông Trump đã ca ngợi việc triển khai binh sỹ này. Tuy nhiên những người chỉ trích nói rằng ông Trump đang chính trị hóa quân đội nhằm mục đích khoa trương để lôi kéo cử tri Cộng hòa đi bỏ phiếu mà không có bất cứ mối đe dọa an ninh quốc gia thật sự nào.
Hôm 31/10, vị tướng hàng đầu của Mỹ giám sát việc điều hơn 2.500 binh sỹ đến biên giới với Mexico nói rằng quy mô đoàn quân này sẽ tăng thêm nữa nhưng không chịu nói là sẽ tăng lên đến mức nào cũng như ước tính chi phí của chiến dịch.
Ai sẽ lãnh đạo Hạ viện Mỹ?
Cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn các ứng viên chạy đua vào tất cả 435 ghế tại Hạ viện Hoa Kỳ, và kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ lần này sẽ có tác động lên mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và Quốc hội.
Bất kỳ đảng nào giành hầu hết số ghế sẽ được quyền chọn chủ tịch Hạ viện, nhân vật sẽ lên chương trình nghị sự về lập pháp và chính trị.
Phe Cộng hòa đang tìm cách bảo vệ thế đa số tại Hạ viện, trong khi Đảng Dân chủ tìm cách giành lại bằng cách giành thêm ít nhất 23 ghế nữa.
Các kết quả thăm dò cho thấy phe Dân chủ đang có lợi thế, nhưng có một số cuộc đua rất sít sao trong những ngày tranh cử cuối cùng, theo Reuters.
Cuộc bầu cử giữa kỳ này được coi là rất quan trọng đối với ông Trump, vốn phần lớn được phe Cộng hòa ủng hộ dưới thời kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.
Nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu phe Dân chủ chiếm được Hạ viện, theo Reuters.
Về phía Đảng Dân chủ, bà Nancy Pelosi, nhiều khả năng sẽ trở thành chủ tịch Hạ viện. Bà đã là lãnh đạo của phe Dân chủ tại cơ quan lập pháp này trong vòng 16 năm qua.
Dân biểu 78 tuổi này đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch Hạ viện trong nhiệm kỳ 2007-2011.
Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích và chế nhạo bà, trong khi nhiều quảng cáo tranh cử của các ứng viên Đảng Cộng hòa cũng nhắm vào nữ dân biểu này.
Nếu bà Pelosi làm chủ tịch, các cuộc điều tra về thuế thu nhập của ông Trump, gia đình ông cũng như chính quyền của ông sẽ xảy ra, theo Reuters.
Một viễn cảnh khác là phe Cộng hòa vẫn duy trì thế đa số, và điều đó đặt ra câu hỏi là ai sẽ lên thay chủ tịch Paul Ryan sau khi ông nghỉ hưu.
Ông Ryan hiện vận động cho nhân vật số 2 của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện là ông Kevin McCarthy.
Năm 2015, ông McCarthy lần đầu tiên chạy đua vào vị trí chủ tịch nhưng bất thành vì các đảng viên bảo thủ đầy chia rẽ của Đảng Cộng hòa.
Tổng thống Trump có mối quan hệ thân thiết với ông McCarthy và từng gọi dân biểu này là “Kevin của tôi” một cách đầy thân mật.
Ông McCarthy đã đề xuất các dự luật để cung cấp đầy đủ ngân quỹ cho kế hoạch xây bức tường trên biên giới với Mexico của Tổng thống Trump.
Nhân vật đứng hàng thứ ba của phe Cộng hòa tại Hạ viện, ông Steve Scalise, tuyên bố sẽ không chạy đua để thách thức ông McCarthy.
Nhưng các ủng hộ viên của ông Scalise, người xuất thân từ Louisiana và từng bị một tay súng bắn năm 2017, nói rằng ông sẽ “nhảy vào” nếu ông McCarthy không thành công.
Trong khi đó, ông Jim Jordan, lãnh đạo Nhóm Tự do Hạ viện có tư tưởng khuynh hữu cũng đã thông báo ứng cử vào vị trí chủ tịch Hạ viện.
https://www.voatiengviet.com/a/ai-se-len-lanh-dao-ha-vien-my/4638187.html
Mỹ dọa rời INF để thúc Bắc Kinh
tham gia Hiệp ước hỏa tiễn tầm trung
Ngày 20/10/2018, tổng thống Mỹ đe dọa rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF), với lý do Nga vi phạm Hiệp ước. Tuyên bố bị Matxcơva và một bộ phận công luận quốc tế lên án là sẽ thúc đẩy chạy đua vũ trang. Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cho rằng nhấn mạnh đến bất đồng với nước Nga trong vấn đề INF, về cơ bản, chỉ là một cái cớ hay một « chiến thuật thương lượng », để chính quyền Mỹ thúc ép Trung Quốc tham gia một hiệp ước hỏa tiễn tầm trung mới, nhằm tái lập « thế cân bằng chiến lược » tại châu Á.
Thế cân bằng chiến lược tại châu Á đang bị đe dọa, với việc Bắc Kinh tăng tốc đầu tư cho lực lượng tên lửa tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong bối cảnh Trung Quốc không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận quốc tế nào trong lĩnh vực này. Đây là lý do chủ yếu của các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây nhằm đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán về một hiệp ước tên lửa tầm trung mới. Sau đây là phần tổng hợp nhận định của một số chuyên gia về an ninh quốc tế.
1. Nhiều người cho rằng tuy Mỹ-Nga căng thẳng trong vấn đề Hiệp ước INF, nhưng khó xảy ra một cuộc chạy đua triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung tại châu Âu, và vấn đề này không phải là nguyên nhân chính dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nói chung giữa Mỹ và Nga. Lý do vì sao ?
Hiệp ước về hỏa tiễn tầm trung INF, được ký kết ngày 08/12/1987 tại Washington giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbatchev, được coi là một thỏa thuận « lịch sử ». Đây là một hiệp ước đầu tiên loại trừ hoàn toàn một loại vũ khí : các tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km (intermediate range ballistic missile – IRBM), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (1). Thể theo Hiệp ước nói trên, Hoa Kỳ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng hơn 2.600 tên lửa loại này, mà đa số được bố trí tại Tây Âu, nhắm vào Liên Xô, hoặc tại Liên Xô và nhắm vào các mục tiêu tại Tây Âu. Hiệp ước INF, có giá trị vô thời hạn, có ý nghĩa to lớn trong việc giảm căng thẳng trong quan hệ giữa phương Tây và Liên Xô, góp phần chấm dứt giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Mời đọc thêm : Hiệp định tên lửa Mỹ-Nga 1987 bên bờ tan vỡ ?
Đe dọa rút khỏi INF của tổng thống Mỹ mới đây thực ra thể hiện cho mối hoài nghi của Hoa Kỳ về việc Nga vi phạm hiệp định, với việc triển khai một số loại tên lửa bị cấm (hỏa tiễn 9M729 hay còn gọi là SSC-8), được phía Mỹ nhiều lên nêu lên từ năm 2008. Ngược lại, Matxcơva cũng thường tố cáo Hoa Kỳ triển khai lá chắn tên lửa tại một số quốc gia thành viên NATO ở châu Âu, hành động mà Nga coi là làm vô hiệu hóa hiệp định. Tình hình đặc biệt trở nên căng thẳng hơn từ năm 2014, với việc Nga can thiệp vào miền đông Ukraina, sát nhập bán đảo Crimée. Tuy nhiên, một cuộc chạy đua tên lửa hạt nhân tầm trung giữa Nga và phương Tây, nhất là tại châu Âu, rất khó xảy ra trong thời điểm hiện nay vì nhiều lý do.
Trước hết, nhìn chung các quốc gia châu Âu thành viên NATO, cho dù lo ngại trước đe dọa từ Nga, nhưng không chấp nhận việc triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung mới trên lãnh thổ nước mình (tuyên bố của tổng thư ký NATO ngày 24/10/2018), đồng thời vận động Hoa Kỳ từ bỏ ý định rút khỏi INF.
Về phần mình, chính quyền Mỹ cũng nỗ lực thương lượng với Nga để làm sáng tỏ các nghi ngờ, gây dựng lại lòng tin. Ngay sau tuyên bố của tổng thống Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã có chuyến công du Matxcơva ngày 23/10/2018, để trực tiếp thảo luận với tổng thống Nga Vladimir Putin và các cộng sự, về chủ đề này, và cũng để chuẩn bị cho cuộc hội kiến giữa hai nguyên thủ Mỹ, Nga ngày 11/11 tới tại Paris, bên lề lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất, với chủ đề chính là Hiệp ước INF và nguy cơ chạy đua vũ trang.
Về ý nghĩa « răn đe » trong thế cân bằng chiến lược Nga-Mỹ, có thể thấy các tên lửa tầm trung chỉ đóng một vai trò tương đối nhỏ. Vào thời điểm ký kết, loại hỏa tiễn này (IRMB) chỉ chiếm từ 3 đến 4% toàn bộ hệ thống tên lửa hạt nhân của hai nước. Và với phần vũ khí còn lại (đã giải trừ sau các Hiệp ước START I, START II, SORT và New START, hay START III), bao gồm hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân mỗi bên, được gắn với các hỏa tiễn liên lục địa trên bộ, trên phi cơ chiến đấu hoặc trên tầu ngầm, Hoa Kỳ và Nga hoàn toàn đủ khả năng hủy diệt nhiều lần sự sống trên Trái đất. Vũ khí hạt nhân chiến lược đối với đôi bên chỉ hoàn toàn mang ý nghĩa răn đe, chứ không thể đem ra sử dụng.
2. Vậy phải chăng Trung Quốc là đích ngắm chính của tổng thống Mỹ, khi tuyên bố muốn rút khỏi Hiệp ước INF ?
Đúng vậy. Trong phát biểu ngày 20/10 về ý định rút khỏi INF, tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp nhắc lại đòi hỏi, để một hiệp ước tên lửa tầm trung có giá trị, trong hoàn cảnh hiện nay (ngoài việc Nga cần tuân thủ nghiêm túc), nhất định phải có sự tham gia của Trung Quốc và một số quốc gia khác. Trong chuyến công du Matxcơva, cố vấn an ninh John Bolton cũng nhấn mạnh là việc Trung Quốc ồ ạt triển khai tên lửa tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong thời gian gần đây, là một đe dọa « thực sự » (2).
Theo nguyên tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) Harry Harris (báo cáo trước Ủy ban Quân Lực Hạ Viện tháng 2/2018), nếu Bắc Kinh tham gia hiệp ước INF, thì95% số hỏa tiễn của Trung Quốc được triển khai hiện nay là vi phạm INF. Hay nói cách khác, lợi dụng khoảng đất trống, do không bị ràng buộc vào các thỏa thuận song phương như Mỹ và Nga, Bắc Kinh đang làm lệch thế cân bằng một cách đáng quan ngại, hơn rất nhiều so với Matxcơva, với việc phát triển ồ ạt các hỏa tiễn tầm trung, có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, bị cấm theo INF, đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ cũng như nhiều quốc gia đồng minh ở châu Á.
3. Phải chăng Hoa Kỳ muốn tìm một tiếng nói chung với Nga trong việc đòi hỏi Trung Quốc phải tham gia vào một hiệp ước INF mới ?
Chuyến đi của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đúng là có mục tiêu như vậy. Le Figaro, hôm 24/10, cho hay, theo một nguồn tin ngoại giao Nga, được hãng tin Nga Ria Novosti trích dẫn, ông John Bolton đã không thành công khi gợi ý Matxcơva gây áp lực để buộc Bắc Kinh tham gia. Theo phía Nga, những vấn đề nào liên quan đến « đối tác Trung Quốc » thì Washington nên bàn trực tiếp với Bắc Kinh.
Trên thực tế, chính nước Nga cũng từng nhận thấy hiệp ước về tên lửa tầm trung song phương Nga – Mỹ, đã không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, bởi có thêm một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đang đầu tư rất mạnh cho loại vũ khí này. Ngay từ năm 2007, tại phiên họp thứ 62 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Nga đã ra một thông cáo chung, kêu gọi tất cả các quốc gia quan tâm thảo luận về một hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn mang tính toàn cầu (3). Báo chí phương Tây cũng đăng tải rộng rãi một phát biểu của lãnh đạo Nga Vladimir Putin, hồi 2013, than phiền về một số láng giềng (hàm ý cả Trung Quốc) đang phát triển các hỏa tiễn bị cấm theo INF.
4. Tại sao Trung Quốc cần tham gia vào một hiệp ước cấm hỏa tiễn tầm trung ?
Báo South China Morning Post đăng tải một bài phân tích đáng chú ý của học giả Drew Thompson, với tựa đề « Hãy quên đi cuộc chiến thương mại, điều mà khu vực cần là một thỏa thuận quân sự Mỹ-Trung » (4). Theo chuyên gia Đại học Quốc Gia Singapore, tình hình tại châu Á, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, hiện tại rất nguy hiểm.
Nỗi lo ngại lớn tập trung vào Trung Quốc, một quốc gia rất ít bị ràng buộc bởi các thỏa thuận an ninh quốc tế. Từ 20 năm nay, Bắc Kinh phát triển mạnh các hệ thống vũ khí tấn công, đe dọa nhiều nước láng giềng, đặc biệt là các hỏa tiễn IRMB. Nhiều nước, trong đó có Nhật Bản hay Đài Loan, cũng đang phát triển mạnh hệ thống hỏa tiễn, để đáp trả. Cuộc chạy đua vũ trang hiện nay tại châu Á, do Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quân đội, quân sự hóa Biển Đông (5), hứa hẹn các hệ quả tồi tệ.
Mời đọc thêm : “Nếu Mỹ-Trung có chiến tranh, nguy cơ tấn công hạt nhân không nhỏ”
Trong lĩnh vực an ninh Mỹ-Trung, nóng bỏng nhất hiện nay có lẽ là vấn đề tên lửa hạt nhân tầm trung. Theo ông Drew Thompson, Washington và Bắc Kinh từng thiết lập một cuộc đối thoại về hạt nhân vào năm 2008, nhưng đối thoại chỉ diễn ra có một lần. Hoa Kỳ cũng từng đề nghị Trung Quốc hợp tác để xây dựng các thỏa thuận trong lĩnh vực này, như đã và sẽ tiếp tục làm với Nga, nhưng Bắc Kinh từ chối. Các trao đổi song phương trong lĩnh vực quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tồn tại, nhưng kém hơn nhiều so với quan hệ giữa Mỹ và Nga.
Vẫn theo học giả Drew Thompson, Bắc Kinh nên tiếp thu bài học của nước Nga hay Liên Xô trước đây, trong quan hệ với Hoa Kỳ. Đó là để giúp cho tình hình được ổn định, hòa bình được duy trì, các bên phải nỗ lực xây dựng lòng tin. Một quốc gia đang mạnh lên về kinh tế, hùng hậu hơn về quân sự, để không gây lo sợ cho bên ngoài, cần thiết lập với đối tác các thỏa thuận về an ninh. Chuyên gia Drew Thompson lưu ý, để một thỏa thuận như vậy ra đời, cần nhiều năm nỗ lực đầu tư. Hiệp ước INF Mỹ-Nga về IMRB, ký kết năm 1987, đã được khởi sự đàm phán từ 1980.
Ghi chú
1. Trước đó, Hoa Kỳ và Liên Xô từng có hai hiệp ước, SALT 1 và SALT 2, có mục tiêu giảm vũ khí hạt nhân chiến lược.
2. « Putin, Bolton Discuss Possible U.S.-Russia Summit in Novembre In Paris », ngày 23/10/2018, Radio Free Europe.
3. Bài « U.S. Withdrawal from the INF Treaty: The Facts and the Law » của hai chuyên gia về an ninh quốc tế Hilary Hurd và Elena Chachko, đăng tải trên trang mạng Lawfare, ngày 25/10/2018.
4. « Forget the trade war, what the region needs is a US-China military treaty » của ông Drew Thompson, chuyên gia Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc Gia Singapore, đăng tải trên mạng South China Morning Post, ngày 24/10/2018.
5. Xem thêm : Tranh chấp Mỹ-Trung lan sang lãnh vực an ninh Biển Đông và Hoa Đông, 1/10/2018.
Kích động hay giảng hòa – Trump sẽ chọn điều nào?
Jon SopelBiên tập viên Bắc Mỹ
Biên tập viên Jon Sopel của BBC bình luận về tình hình chính trị ở Mỹ và ảnh hưởng cũng như trách nhiệm của một lãnh đạo khi phát ngôn.
Một tuần. Ba sự kiện gây quan ngại sâu sắc, và một vài câu hỏi nóng bỏng.
Đầu tiên là những sự kiện.
Tôi sẽ bắt đầu với sự kiện ít được công bố nhất. Một người đàn ông da trắng 51 tuổi tìm cách bước vào một nhà thờ mà giáo dân đa số là da đen ở Jeffersontown, tiểu bang Kentucky. Nhưng khi không vào được, ông ta đi đến một siêu thị gần đó và bắn chết hai người da đen lớn tuổi. Sự việc này đang được xem là một tội ác gây ra vì thù hận. Người đàn ông bị giam giữ có tiền sử bệnh tâm thần và lẽ ra không nên được sở hữu súng.
Sau đó, là chuyện người chế bom gửi thiết bị khả thi đến các thành viên đảng Dân chủ và những người phê bình Trump nổi tiếng.
Người đầu tiên bị gửi bom là ông George Soros, chuyên gia tài chính và nhà từ thiện giàu có – người mà phe cánh hữu cho là một ”ông ba bị” tối thượng, phải chịu trách nhiệm cả khi trời mưa nhiều quá lẫn khi có hạn hán. Ông Soros là người Do Thái. Những ống bom còn lại được gửi đến các chính trị gia đảng Dân chủ cao cấp nhất nước. Rất may là không ai bị thương. Người đàn ông bị bắt giam là một người cuồng Trump, thường xuyên có mặt trong các cuộc vận động của ông.
Và cuối cùng, chúng ta có vụ giết 11 người Do Thái tại một giáo đường Do Thái ở ngoại ô Pittsburgh, nơi tín đề tập trung dự lễ Sa-bát, và những giây phút lẽ ra thật vui khi cộng đồng chào đón các trẻ em sơ sinh trong một buổi lễ đặt tên. Hung thủ trang bị nhiều vũ trang, và có một hồ sơ dài về các hành tung cổ động chủ nghiã chống người Do Thái.
Đảng Cộng hòa hay đảng Trump?
Ghét hay cuồng Trump: góc nhìn một người gốc Việt
Phải nói rõ rằng tôi không có mặt ở Mỹ trong tuần trước. Tôi đến Berlin tham dự một hội nghị, và trong khi ở đó tôi lấy thêm một vài ngày nghỉ để làm một việc mà đã từ lâu tôi cảm thấy cần phải làm, một việc mà nghĩ đến làm tôi hơi ngán. ̣
Điều tôi muốn làm ấy là đến cúi đầu trong một phút tưởng niệm tại một trong những trại tập trung – Sachsenhausen – nơi hàng ngàn người Do Thái, La Mã, những người bất đồng chính kiến và đồng tính luyến ái bị sát hại trong Thế chiến thứ Hai.
Đó là một kinh nghiệm đầy ảm đạm và rợn người như tôi vẫn hình dung. Và hiện thực còn buồn thảm hơn cả những điều tôi nghĩ. Hôm ấy là một ngày trời lạnh, mưa mù và gió buốt thổi qua khu vực diễu hành rộng lớn, nơi ngày xưa các tù nhân mặc bộ đồ tù có sọc bị buộc phải đứng hàng giờ trong cái lạnh của mùa đông, trước những lính gác Đức Quốc xã với nét mặt rất thờ ơ, ngay cả lúc đang phải tỉ mỉ giữ hồ sơ của những người họ đã hành quyết.
Xong việc tôi trở về khách sạn ấm áp, thoải mái và rất mừng khi có được trong tay ly cappuccino thơm phức. Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta vô cùng may mắn được sống trong các nền dân chủ tự do ở phương Tây; được lớn lên trong xã hội không có chiến tranh, nơi có tự do ngôn luận, có luật lệ, có báo chí tự do, có sự khoan dung và được tôn trọng.
Từ Berlin tôi bay về Mỹ vào tối thứ Sáu. Và ngày thứ Bảy xảy ra vụ thảm sát ngày lễ Sa-bát.
Tôi vẫn còn nghĩ rằng chúng ta vô cùng may mắn được sống trong thời đại mình đang sống. Nhưng cuối tuần qua khi trở lại Mỹ, tôi được thuyết phục hơn bao giờ hết rằng chúng ta không bao giờ được quên những gì đã xảy ra, cũng không có phút giây nào để lãng phí về việc phải quan tâm đến quỹ đạo của xã hội. Hận thù ẩn náu ở những hốc và góc tối nhất, vì vậy chắc chắn nghĩa vụ của mọi người – từ tổng thống trở xuống – là phải để ý nhận ra những ngôn ngữ khêu gợi sự oán ghét, nuôi dưỡng sự sợ hãi đã đẩy nhiều người vào những tội ác gây ra vì thù ghét.
‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?
Trump muốn bỏ quyền ‘trẻ sinh ở Mỹ thì có quốc tịch’
Chúng ta có thể lấy ba sự kiện xảy ra trong tuần qua và tạo nên một đối thoại rằng nước Mỹ đã bắt tay vào một hành trình một chiều hướng tới chủ nghĩa vô chính phủ. Rằng những vết nứt sâu trong xã hội của chúng ta không thể hàn gắn được, tất cả được nuôi dưỡng bởi những khía cạnh tồi tệ nhất của sự loan truyền nọc độc thù ghét trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Khi suy nghĩ về những gì muốn viết trong bài xã luận này, tôi làm điều tôi thường làm – dắt chó đi dạo buổi sáng. Ở cuối con đường chúng tôi đi dạo là một công viên, và ở bìa xa nhất của công viên là một đường dốc sâu dẫn xuống đường Rock Creek Parkway. Thường thì ở đây, tất cả những gì bạn có thể nghe thấy từ bên dưới là âm thanh của xe cộ.
Hôm thì nay khác. Có tiếng người reo hò và tiếng nhạc. Tò mò, tôi bước xuống.
Một ban nhạc ở bên đường đang chơi các phiên bản của Steely Dan, một trong những ban nhạc tôi yêu thích nhất. Hàng ngàn người đứng chật vỉa hè và hàng ngàn người khác đang chạy bộ trên đường với trái tim mở rộng, (hay mở tung buồng phổi – bạn hiểu điều tôi muốn nói). Hôm nay là ngày chạy bộ đường dài của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Washington.
Khung cảnh lúc đó thật tuyệt vời. Dòng người chạy bộ gồm mọi hình dạng kích thước và thành phần. Cao thấp, lớn nhỏ, những nhà thể thao ngồi xe lăn, người da đen và da trắng, người Do Thái và Thiên chúa giáo, người sùng đạo và vô thần, người cuồng Trump và những người khinh ghét Trump. Bất kỳ họ là ai, tất cả mọi người trên đường đều đến đó chạy nhanh hết sức mình để quyên tiền cho lý tưởng và mục đích họ đã chọn. Và quanh họ là người cổ vũ đến đó để bày tỏ sự hỗ trợ.
Việc lên án xã hội Mỹ như một địa ngục nơi cuộc sống vô cùng thiếu thốn hay bị áp bức là điều quá khiên cưỡng. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người chen vai thích cánh bên nhau, lo lắng cho việc học của con cái, bảo bọc người thân yêu và đóng vai trò của họ trong cộng đồng. Họ làm việc chăm chỉ, đi nhà thờ Thiên chúa giáo (hoặc nhà thờ Do Thái, hoặc nhà thờ Hồi giáo) và họ – hầu hết – đều rất lịch sự và tôn trọng lẫn nhau.
Một trong những người tôi gặp ở Berlin tuần trước là cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice. Bà Rice nói rằng những gì người dân Mỹ cần phải học là cách làm sao phân biệt những lời tuyên bố bạt mạng của tổng thống (thường thì vô bổ) với những gì ông thực sự làm (thường thì tốt, bà lập luận).
Bà Rice cũng khẳng định rằng Mỹ trong thập niên 1960 là một đất nước còn tồi tệ hơn – ba vụ ám sát chính trị, cuộc chiến Việt Nam, những thành phố bị đốt cháy với phân chia chủng tộc cay đắng. Điều đó làm lu mờ bất cứ điều gì chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay, bà Rice nói.
Nhưng giống như đèn báo nhấp nháy trên bảng điều khiển của chiếc xe hơi mà bạn không nên lờ đi, đây là những dấu hiệu cảnh báo rằng Mỹ và thế giới còn lại của phương tây cần phải chú ý.
Mỹ đã trở nên phân cực hơn – một phần là vì hậu quả của những tuyên bố chính trị đã được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông như Twitter và Facebook. Donald Trump là một nhà vận động đại tài trong việc lợi dụng sự phân rẽ trong dân chúng.
Những lời hùng biện của ông tại các cuộc vận động làm nức lòng giới ủng hộ, và họ tôn thờ ông, một cách cuồng nhiệt. Họ yêu thích việc ông là một người thích kích động sự tranh cãi – họ thích việc nếu bị tấn công, Trump sẽ tuyên bố mạnh miệng hơn. Nhưng điều này cũng khiến những người không thích Trump ngày càng không thích ông ta nhiều hơn.
Trong những sự kiện gần đây Trump nói ông muốn trở thành người thống nhất mọi ý thức hệ, nhưng đồng thời ông cũng nói phải tấn công giới truyền thông và tất cả mọi người khác.
Vào giữa tuần, tôi đã gửi đi một tweet nói thật đáng tiếc là tổng thống đã đổ lỗi tình trạng phân rẽ tại Mỹ cho giới truyền thông, nhưng một mặt cũng nói rằng thật đáng tiếc khi tổng giám đốc của đài CNN quyết định tấn công tổng thống .
Và quả như dự đoán, tôi đã bị tấn công dồn dập vì dám ngụ ý rằng tổng thống có bất kỳ lỗi nào, cũng như bị lên án nặng nề vì bị cho rằng đã hàm ý trách cứ CNN.
Việc gửi đi tweet ấy không phải là một nỗ lực để tôi nêu lên điều “tại anh tại ả tại cả đôi bên” – hay nói cách khác là hai bên đều tệ như nhau.
Tôi không nghĩ vậy. Nhưng nếu mọi bên đồng ý là chúng ta đang có vấn đề thì có lẽ tất cả các bên nên ngồi xuống xem liệu có thể có được với nhau một cuộc đối thoại đầy tương kính và bớt kình địch hơn không. Bớt một chút ăn miếng trả miếng, thêm một chút đánh má này chìa thêm má kia.
Phản ứng đối trước tin tức đầu tiên về vụ bom ống thật không thể tin được. Chắc chắn khi các thiết bị bom được gửi đến cựu tổng thống, cựu bộ trưởng bộ ngoại giao, cựu giám đốc CIA, một cơ quan truyền thông, và hai người gây quỹ giàu có của đảng Dân chủ – phản ứng duy nhất phải có là lên án và thúc giục những người chịu trách nhiệm phải được đưa ra pháp luật.
Nhưng không, tổng thống Trump, trong một tweet gửi đi đã nói ”cái chuyện bom này” – một cụm từ làm hài lòng các nhà lý thuyết âm mưu rằng vì một lý do nào đó, đây không phải là một việc nghiêm trọng.
Nghi phạm bị buộc tội trong vụ bom thư Mỹ
Trump chỉ trích báo chí sau vụ bom thư
Và điều đó dẫn đến việc rất nhiều người đại diện Trump tung ra thuyết âm mưu – rằng việc bắt được “tên ném bom” này hình như là điều quá thuận tiện – và có lẽ người gửi bom chính là người thuộc đảng Dân chủ.
Frank Gaffney, một nhà bình luận cánh hữu nổi tiếng, đã tweet: “Không ai trong số những người theo cánh tả được cho là có nguy cơ nghiêm trọng, vì nhân viên bảo vệ sẽ kiểm soát thư trước khi đưa cho họ. Vì vậy, hãy không chỉ xác định ai chịu trách nhiệm cho những quả bom này, nhưng phải xét thêm việc liệu họ có đang cố làm như vậy để đánh lạc hướng sự chú ý vào đám đông theo phe tả.
“Tình thế này khiến chúng ta phải xét đến rất nhiều thứ – trước tiên là ý tưởng việc gửi bom không thực sự nghiêm trọng bởi vì có thể một nhân viên bảo vệ nào đó sẽ là người bị nổ banh xác, chứ không phải là mục tiêu chính. Nhưng đề nghị rằng một số người theo đảng Dân chủ đã làm điều này để làm chệch hướng chú ý những tấn công của Donald Trump vào “đám đông?”
Thật vậy sao? Nếu đảng Dân chủ đã xảo quyệt và tổ chức tốt đến được như vậy, thì họ đã vận động thêm một chút ở Wisconsin và Michigan vào năm 2016, những tiểu bang họ thua đậm vì lơ là không quan tâm đến. Điều này thật là phi lý và là một nỗ lực đánh lừa dư luận. Nếu bom được gửi đi thì đó là một cuộc tấn công và là một hành động gây áp lực lên nền dân chủ. Bạn không cần những chữ ‘nếu’ và ‘nhưng’ vớ vẩn. Bạn chỉ cần thẳng thắn lên án.
Tôi chắc chắn rằng tổng thống 100% chân thành trong sự thù hận chủ nghĩa chống Do Thái – và điều này được những người xung quanh ông chia sẻ. Con rể của ông là một người Do Thái chính thống, con gái ông, Ivanka, đã chuyển sang Do Thái giáo.
Nhưng các cuộc tấn công vào George Soros chỉ là thực hiện những âm mưu lỗi thời, những trò phỉ báng từ những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử. Tuần này tôi đọc được tin ông Soros đang tài trợ cho đoàn xe những người nhập cư bất hợp pháp di chuyển từ Mexico về phía biên giới Hoa Kỳ.
Có ai có thể đưa ra một chứng cớ nào để xác định điều này không? Mối quan tâm từ thiện lớn nhất của George Soros là giúp các thành phần cũ của Liên Xô thích ứng với việc trở thành một thể chế tự do dân chủ. Làm thế nào mà các cuộc tấn công vào Soros, trước đây đến từ những giới chính trị vòng ngoài, giờ đã đi hẳn vào dòng chính, với tổng thống và con trai của ông, Donald Jr, thường xuyên nhắc đến George Soros trong các bài phát biểu với lời lẽ không hay ho gì mấy.
Trách nhiệm cẩn trọng trong lời nói phải được đảm nhận từ tổng thống trở xuống. Không ai có thể thoái thác được.
Ông Trump không còn ở trong thời gian vận động tranh cử nữa. Ông là lãnh đạo của quốc gia, là người đứng đầu chính quyền. Những lời nói của ông về cảm giác kinh hoàng với những gì diễn ra ở Pittsburgh cần được hoan nghênh. Nhiều điều trong những gì ông nói về sự kiện này nghe rất chuẩn.
Bây giờ là lúc chúng ta phải đặt lại những câu hỏi đang cháy bỏng: một số quen thuộc, một số mới.
Đây là những câu hỏi không thể tránh khỏi về luật “súng”. Tổng thống Trump hôm qua đề nghị rằng nếu có một người bảo vệ có vũ trang tại nhà thờ Do Thái, thì tình thể có thể đã khác.
Tôi xin lỗi vì phải nói thẳng điều này: bốn sĩ quan của đội SWAT có vũ trang và được đào tạo rất tốt đã vào cuộc và bị bắn trong lúc đang cố gắng ngăn chặn cuộc tàn sát. Ông Trump thực sự nghĩ một người một tay cầm cuốn sách kinh và tay kia cầm khẩu súng lục sẽ tạo nên được kết cục khác biệt? Và ở Kentucky, làm sao mà một người đàn ông có bệnh tâm thần có thể lấy được giấy phép mua súng?
Đây cũng là những câu hỏi đã được lặp đi lặp lại, và giờ đây không ai có thể mong rằng bất cứ điều gì sẽ thay đổi.
Còn về vấn đề có quá nhiều hận thù thấm sâu vào đối thoại chính trị của Mỹ?
Chính tổng thống đã dẫn đầu trong việc đào sâu những thù hận đó, và dường như đang nhận ra sự cần thiết phải chuyển hướng để trở thành một người thống nhất đất nước. Chúc ông may mắn, thưa Tổng thống! Nhưng ông cũng đang vận động như điên trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra trong tuần tới – và ông biết rõ hơn ai hết, việc tấn công kẻ thù là việc khán giả của ông yêu thích nhất.
Chúng ta hãy hy vọng rằng có thể một điều gì đó tốt đẹp sẽ thoát ra từ vụ giết người khủng khiếp tại giáo đường Do Thái ở Pittsburgh, và thảm sát này là một tiếng chuông thức tỉnh mà nước Mỹ đang cần.
Nhưng tôi không dám tin điều này sẽ xảy ra.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46014675
Trump: Hiến pháp không đảm bảo
‘sinh ở Mỹ là quốc tịch Mỹ’
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/10 nói rằng Hiến pháp Mỹ không đảm bảo quyền có quốc tịch Mỹ cho bất cứ ai sinh ra ở Mỹ – một lời khẳng định đi ngược lại với diễn giải pháp lý lâu nay của Hiến pháp.
“Cái gọi là Quyền Tự động có Quốc tịch Mỹ khi sinh ra ở Mỹ, vốn khiến đất nước chúng ta mất hàng triệu đô la và rất bất công đối với các công dân chúng ta, sẽ phải chấm dứt bằng cách này hay cách khác. Nó không được đề cập trong Tu chính án thứ 14 bởi vì có cụm từ ‘tùy thuộc vào quyền phán xử của nước Mỹ’. Nhiều học giả pháp lý đồng ý…” ông Trump viết trên Twitter sáu ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.
Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, được bổ sung sau cuộc Nội chiến, quy định bất cứ ai sinh ra trên đất Mỹ được quyền có quốc tịch Mỹ và mục đích của tu chính án này là giúp cho các cựu nô lệ có được sự bảo vệ trong Hiến pháp. Tuy nhiên, một số người Cộng hòa, trong đó có ông Trump, nói rằng nó tạo động cơ để các di dân đến Mỹ bất hợp pháp để sinh con.
Ông George Conway, luật sư vốn là chồng của bà Kellyanne Conway, một trong những cố vấn hàng đầu của ông Trump, viết trên mục ý kiến của tờ Washington Post hôm 31/10 rằng một hành động chấm dứt ‘quyền đương nhiên có quốc tịch Mỹ khi sinh ra ở Mỹ’ sẽ là vi hiến.
“Đôi khi ngôn từ trong Hiến pháp rõ như ban ngày và cấm các chính trị gia làm những điều họ muốn. Trường hợp này áp dụng đúng vào đề xuất của Tổng thống Trump muốn dùng một sắc lệnh hành pháp chấm dứt quyền tự động có quốc tịch Mỹ khi sinh ra ở Mỹ,” vị luật sư này viết.
Bà Sarah Sanders, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc nói trong một cuộc họp báo với Fox News hôm 31/10 rằng vấn đề di trú là chuyện nan giải.
“Tổng thống muốn thấy có cải cách toàn diện. Chúng ta có những lỗ hổng lớn trong hệ thống di trú của chúng ta mà chúng ta phải bịt lại nếu không chúng ta vẫn cứ tiếp tục lần lữa né tránh,” bà nói thêm.
Ông Trump lần đầu tiên nêu vấn đề bỏ ‘quyền tự động có quốc tịch Mỹ khi sinh ở Mỹ’ hôm 30/10. Đề xuất này đã giành được sự ủng hộ của Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham, một đồng minh của ông Trump. Tuy nhiên, các thành viên khác của Đảng đã lên tiếng phê phán, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người nói rằng Tổng thống không thể chấm dứt quyền này chỉ với một nét bút.
Tính pháp lý, chính trị và lịch sử
của ‘quyền có quốc tịch theo nơi sinh’
Tổng thống Donald Trump nói ông có kế hoạch sẽ chấm dứt quyền được có “quốc tịch theo nơi sinh” ở Mỹ bằng một sắc lệnh hành chính. Ông có được làm vậy không?
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Axios, Tổng thống Trump nói ông đang chuẩn bị chấm dứt việc trẻ sinh ra ở Mỹ thì có quốc tịch Mỹ.
Theo quy định đã tồn tại 150 năm nay thì bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân Mỹ.
“Họ luôn nói với tôi rằng tôi cần phải có một tu chính án [để làm điều đó]. Nhưng thử đoán xem? Không cần,” ông Trump nói. “Quý vị chắc chắn có thể làm chuyện này bằng một Đạo luật của Quốc hội. Nhưng giờ đây họ nói rằng tôi có thể làm mà chỉ cần một sắc lệnh hành chính.”
Trump muốn bỏ quyền ‘trẻ sinh ở Mỹ thì có quốc tịch’
Mỹ: Tranh cãi việc điều động lính đến biên giới
Vì sao bầu cử giữa kỳ ở Mỹ quan trọng?
Ông Trump nói sắc lệnh hành chính này hiện đang được soạn thảo, và nhanh chóng sau đó, Thượng Nghị sỹ Nam Carolina Lindsey Graham viết trên Twitter: “Tôi có kế hoạch giới thiệu một văn bản pháp lý với nội dung như trong sắc lệnh hành chính mà Tổng thống Donald Trump đưa ra.”
Tuyên bố của ông Trump đã làm dấy lên tranh luận sôi nổi về việc liệu tổng thống có quyền đơn phương làm việc này không, và liệu lập luận mà ông dựa vào – rằng quyền có quốc tịch Mỹ khi sinh ở Mỹ đã bị lợi dụng bởi những người nhập cư không có giấy tờ – có giá trị gì không.
1) ‘Quyền có quốc tịch theo nơi sinh’ là gì?
Câu đầu tiên của Tu chính án thứ 14, Hiến pháp Mỹ xác định nguyên tắc của “quyền có quốc tịch theo nơi sinh”:
“Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc được nhập quốc tịch ở Hoa Kỳ, và thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ, đều là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang nơi họ sinh sống.”
Những người theo đường lối cứng rắn trong chính sách nhập cư nói rằng chính sách hiện thời là một khối “nam châm khổng lồ thu hút nhập cư trái phép”, và rằng chính sách này khuyến khích phụ nữ có thai không có giấy tờ vào Mỹ để sinh con, tình trạng đã được gọi là “du lịch sinh con” hay sinh một “em bé mỏ neo”.
“Đứa trẻ sơ sinh này về nguyên tắc là một công dân Hoa Kỳ trong 85 năm, được hưởng mọi phúc lợi. Thật là kỳ cục,” ông Trump nói với Axios. “Chuyện này phải chấm dứt.”
Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi 2015 cho thấy 60% người Mỹ phản đối và 37% ủng hộ chuyện chấm dứt quyền có quốc tịch theo nơi sinh.
2) Vì sao có quy định này?
Tu chính án 14 được chuẩn thuận năm 1868, ngay sau khi Nội chiến Mỹ kết thúc. Tu chính án 13 đã xóa bỏ nạn nô lệ năm 1865, trong khi Tu chính án 14 giải quyết vấn đề về quốc tịch của những người nô lệ sinh ra ở Mỹ và nay được giải phóng.
Các phán quyết trước đó của Tối cao Pháp viện, như trong vụ Dred Scott kiện Sandford hồi 1857, nói rằng người Mỹ gốc Phi không bao giờ là công dân Mỹ. Tu chính án 14 bác bỏ nội dung đó.
Năm 1898, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xác nhận rằng quyền có quốc tịch theo nơi sinh ra được áp dụng cho con cái của những người nhập cư, như trong vụ Wong Kim Ark kiện nước Mỹ.
Wong là một thanh niên 24 tuổi, sinh ra tại Mỹ và có cha mẹ là người nhập cư Trung Quốc, nhưng anh không được vào lại Mỹ sau một chuyến về thăm Trung Quốc. Wong đã thắng kiện khi nói rằng anh sinh ra ở Mỹ, việc cha mẹ anh là người nhập cư không ảnh hưởng tới việc áp dụng Tu chính án 14.
“Vụ Wong Kim Ark kiện Mỹ khẳng định bất kể cha mẹ có chủng tộc hay địa vị nhập cư như thế nào, tất cả những người sinh ra ở Mỹ đều được hưởng toàn bộ các quyền mà công dân Mỹ được hưởng,” bà Erika Lee, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch cử Nhập cư tại Đại học Minnesota viết. “Tòa án chưa xem xét lại vấn đề này kể từ đó tới nay.”
3) Ông Trump có thể chấm dứt quyền có quốc tịch theo nơi sinh bằng sắc lệnh hành chính không?
Hầu hết các học giả trong lĩnh vực pháp lý đồng ý rằng Tổng thống Trump không thể chấm dứt “quyền có quốc tịch theo nơi sinh” bằng một sắc lệnh hành chính.
“Ông ấy đang làm điều khiến nhiều người phiền lòng, nhưng rốt cuộc thì đây sẽ là vấn đề do tòa án quyết định,” ông Saikrishna Prakash, chuyên gia hiến pháp và là giáo sư Trường Luật thuộc Đại học Virginia nói. “Không phải là chuyện ông ấy có thể tự quyết.”
Ông Prakash nói tuy tổng thống có thể ra lệnh cho nhân viên các cơ quan liên bang, như người thuộc Lực lượng Di trú và Hải quan Mỹ chẳng hạn, diễn giải quyền công dân một cách hẹp hơn, nhưng điều đó sẽ khiến những người bị từ chối quyền công dân tiến hành các hành động thách thức pháp lý.
Điều này sẽ dẫn tới một cuộc chiến pháp đình dai dẳng, mà rốt cuộc sẽ được đưa lên tới Tối cao Pháp viện.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, người thuộc phe Cộng hòa, đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của ông Trump rằng ông có thể hành động đơn phương.
“Quý vị không thể chấm dứt quyền có quốc tịch Mỹ khi sinh ở Mỹ bằng một sắc lệnh hành chính,” ông nói với đài phát thanh WVLK ở Kentucky.
Tuy nhiên, bà Martha S Jone, tác giả cuốn Birthright Citizens viết trên Twitter rằng Tối cao Pháp viện chưa trực tiếp đề cập tới việc liệu con cái của những người không phải là công dân Mỹ hay người nhập cư không có giấy tờ có tự động trở thành công dân Mỹ ngay khi sinh ra hay không.
“Scotus [Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ] cần phân biệt vụ Wong Kim Ark với các vụ này, dựa trên những tình huống thực tế,” bà Jones viết.
“Cha mẹ của ông Wong được phép ở Mỹ và chúng ta có thể nói họ là người nhập cư hợp pháp. Sự hiện diện của họ ở Mỹ là được phép.”
Ông Prakash cũng đồng ý.
“Những người vào Mỹ bằng visa du lịch hay ở đây mà không được phép… con cái của họ tự động được hưởng quốc tịch khi được sinh ra ở Mỹ,” ông nói. “Đó là cách hiểu trong giai đoạn hiện tại mặc dù không có tuyên bố rõ ràng của Tối cao Pháp viện về vấn đề này.”
Một tu chính án có thể xóa bỏ quyền có quốc tịch theo nơi sinh, nhưng nó cần nhận được hai phần ba phiếu thuận tại Hạ viện và Thượng viện, sau đó cần được ít nhất ba phần tư các tiểu bang phê chuẩn.
4) Các quốc gia khác có quy định cho quốc tịch theo nơi sinh không?
Trong lời bình luận với Axios, ông Trump nói nhầm rằng nước Mỹ là là quốc gia duy nhất cho trẻ em mang quốc tịch khi được sinh ở nước đó.
Thực ra, có hơn 30 quốc gia, trong đó có Canada, Mexico, Malaysia và Lesotho – thực hiện chính sách “jus soli”, tức là “quyền theo đất”, mà không áp dụng hạn chế gì.
Các quốc gia khác, như Anh và Úc, có những quy định hơi khác theo đó những ai sinh ra sẽ được tự động hưởng quốc tịch nếu như có cha hoặc mẹ là công dân hoặc thường trú nhân tại nước này.
Mỹ cũng không phải là quốc gia duy nhất nơi chính sách này đã bị chỉ trích.
Hồi tháng Tám, các thành viên tới dự đại hội toàn quốc của đảng Bảo thủ trung hữu Canada đã bỏ phiếu chấm dứt quyền hưởng quốc tịch theo nơi sinh trừ khi một trong hai bố mẹ là người Canada hoặc là thường trú nhân tại Canada.
Sau phiếu bầu của các thành viên cấp cơ sở, lãnh đạo đảng Bảo thủ Andrew Scheer nói đảng này sẽ xem xét xây dựng một chính sách tập trung giải quyết tình trạng gọi là “du lịch sinh con”.
5) Ai dùng quyền có quốc tịch theo nơi sinh?
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 2014, có khoảng 275.000 em bé chào đời là con của những người nhập cư không hợp pháp vào Mỹ , và 4,7 triệu trẻ em dưới 18 tuổi được sinh ra ở Mỹ và sống với ít nhất một phụ huynh không có giấy tờ.
Mặc dù Pew không có con số chính xác về quốc gia gốc của cha mẹ các em, nhưng ông Mark Lopez, Giám đốc Tổ chức Di dân và Nhân khẩu Toàn Cầu, nói ba phần tư người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ là từ các nước Mỹ Latin.
“Trẻ em là con của những người nhập cư bất hợp pháp phần lớn là gốc Mỹ Latin,” ông nói.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông không biết tổng thống Trump sẽ ra một sắc lệnh hành chính như thế nào, và con của những người có visa hay những người tạm trú có thể bị ảnh hưởng ra sao.
Jessica Lussenhoptường thuật.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46045544
Cuộc đấu siêu cường Mỹ-TQ
và “bẫy chiến tranh Thucydides”
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều phương diện thời gian qua có nguy cơ đẩy hai quốc gia này rơi vào chiếc “bẫy Thucydides”.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng trong thời gian qua, trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Điều này khiến dư luận quốc tế đặt câu hỏi liệu hai quốc gia có nguy cơ tiến gần tới cái gọi là “bẫy Thucydides” tức cuộc chiến giữa siêu cường số 1 và một cường quốc đang trỗi dậy.
Mỹ cần phải xem xét cẩn trọng liệu đó có phải là lợi ích tốt nhất của nước này để tiếp tục đi theo con đường đó hay không, còn Trung Quốc cũng cần xem xét cách giải quyết các thách thức một cách khôn ngoan.
Cuộc đấu chưa ngã ngũ giữa Mỹ và Trung Quốc
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc khởi nguồn từ cuộc chiến thương mại đã bắt đầu lan rộng sang các lĩnh vực khác. Mỹ hiện giờ cho rằng Trung Quốc đã trở thành đối thủ chiến lược chính của nước này, thậm chí cáo buộc Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ và tìm cách thách thức vị trí siêu cường số 1 của Mỹ.
Trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công, sự trỗi dậy của cuộc cạnh tranh về quyền lực, về địa chính trị cũng như chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ đang làm suy yếu sợi dây gắn kết đã được gây dựng giữa các quốc gia trong những thập kỷ gần đây. Những bất ổn này dường như đang kéo thế giới trở lại thời điểm hỗn loạn những năm đầu thế kỷ 20.
Nguyên nhân của những mối căng thẳng đó rất nhiều và đa dạng, bao gồm cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia mới nổi về tăng trưởng, cạnh tranh về công nghiệp và kỹ thuật, bên cạnh đó là sự tái cơ cấu địa chính trị. Do những nghi ngại liên quan đến sự khác biệt trong hệ thống chính trị, Mỹ và các nước phương Tây khác đang ngày càng cảnh giác, thậm chí lo sợ về những bước tiến vượt trội của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ cần phải nhận ra rằng, nhiều trong số những lời than phiền của nước này đều thiếu căn cứ. Mỹ luôn tin nước này là nạn nhân của việc toàn cầu hóa, tuy nhiên các số liệu lại cho thấy một câu chuyện khác. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng từ 5,98 nghìn tỷ USD năm 1990 tới 19,39 nghìn tỷ USD vào năm 2017. Cũng trong khoảng thời gian đó GDP bình quân trên đầu người của Mỹ tăng 35.577 USD, trong khi GDP bình quân trên đầu người của Trung Quốc cùng kỳ chỉ tăng 8.509 USD, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ.
Thực tế cho thấy, Mỹ mới là bên được hưởng lợi lâu dài từ chính sách toàn cầu hóa. Các công ty đa quốc gia của Mỹ đã thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Và cũng không nghi ngờ gì khi sự thịnh vượng và tiêu chuẩn sống cao ở xứ cờ hoa được tạo ra nhờ việc đặt các nhà máy sản xuất ở nước ngoài với chi phí thấp, nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ và sự lưu thông đồng USD trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, một số nhân vật tại Mỹ dường như đang hy vọng “tách rời” hai nền kinh tế lớn nhất thế giới để giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc, hoặc ít nhất trì hoãn tiến trình phát triển của Trung Quốc. Nhưng có lẽ, những đòi hỏi mà họ đặt ra quá lớn đến mức mà Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài quyết định đối đầu và bước vào một cuộc chiến giành quyền lực với cái giá phải trả vô cùng lớn.
Nền tảng của những tranh chấp hiện nay là sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Bộ Thương mại Mỹ cho biết năm 2017 thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của nước này đã tăng lên 566 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2008. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thâm hụt thương mại năm 2017 của Mỹ với Trung Quốc đạt gần 276 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử thương mại hai nước.
Theo quan điểm của Mỹ, mức thâm hụt thương mại lớn như vậy là do Trung Quốc đang có hành vi thương mại thiếu công bằng. Báo cáo số 301 của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ năm 2018 đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc sử dụng quy trình cấp phép và phê duyệt hành chính để buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ để có giấy phép hoạt động tại Trung Quốc”. Còn theo quan điểm của Trung Quốc, sự mất cân bằng thương mại giữa hai bên là một vấn đề mang tính cơ cấu lâu dài, cần phải được giải quyết thông qua đối thoại.
Chiếc bẫy Thucydides có thể tránh được?
Trung Quốc và Mỹ đã cùng nhau lớn mạnh trong cùng một hệ thống kinh tế toàn cầu suốt 40 năm qua. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, rất cần nhau trong giải quyết những hồ sơ quôc tế như chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu hay chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Cụm từ “bẫy Thucydides” nhắc đến những quan sát của sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides về cuộc chiến giữa thành Sparta và thành Athens vào thế kỷ 5 trước công nguyên. Ngày nay khái niệm “bẫy Thucydides” được dùng để diễn tả những mối nguy hiểm trong thời kỳ mà một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một quyền lực mới đang lên.
Sự liên kết sâu sắc trên bình diện quốc tế và cấu trúc kinh tế bổ sung lẫn nhau đồng nghĩa với việc quá trình tách rời quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là một quá trình kéo dài và “đau đớn” với mức độ thiệt hại rất khó để đo lường đối với mỗi quốc gia và với nền kinh tế thế giới.
Lật lại lịch sử, sự thay đổi chiều hướng không được thực hiện vào một thời điểm cụ thể hay thông qua một sự kiện đơn lẻ mà qua cả quá trình điều chỉnh và ứng phó với các vấn đề cụ thể. Và bức tranh toàn cảnh chỉ được tiết lộ ngay sau đó. Sự lựa chọn mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra sẽ tạo ra ảnh hưởng trong một thời gian dài.
Nếu Trung Quốc và Mỹ hợp tác cùng với nhau, họ có thể giành được nhiều thành công lớn. Trái lại nếu đối đầu, thì mối nguy hiểm sẽ khôn lường đối với cả hai quốc gia và cả thế giới. Các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đều không có khả năng nhìn thấu ý định của nhau đối với mỗi vấn đề cơ bản.
Ông Fu Ying, chuyên gia chính của Viện Chiến lược Quốc tế của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, nhiều cáo buộc mà Mỹ đưa ra đối với Trung Quốc bắt nguồn từ việc Mỹ thiếu thông tin đầy đủ về mục đích và các mối quan tâm của Trung Quốc. Một số cáo buộc chỉ dựa vào các trường hợp hoặc các sự cố riêng lẻ, với ý định hạ thấp uy tín của Trung Quốc.
Ông Fu Ying cho rằng, nếu như một cá nhân Trung Quốc hoặc một thành viên của giới truyền thông Trung Quốc bình luận về nền chính trị Mỹ một cách minh bạch và hợp pháp thì điều này không thể coi là sự can thiệp chính thức vào vấn đề nội bộ của Mỹ.
Như cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nói: “Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không bao giờ trở nên quá tốt hoặc quá xấu”, đơn giản vì nó quá quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và sự ổn định trong khu vực. Điều này sẽ giúp ngăn chặn cuộc chiến về kinh tế chuyển thành cuộc chiến về quân sự.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, Trung Quốc và Mỹ đã trải quan nhiều giai đoạn căng thẳng trong quan hệ, chẳng hạn như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan năm 1981, vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade năm 1999 và đụng độ máy bay quân sự năm 2001. Tuy nhiên những sự cố này không dẫn tới leo thang xung đột quân sự.
Ngược lại quan hệ song phương không chỉ được duy trì mà còn phát triển mạnh sau đó. Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo hai nước đều mong muốn giảm căng thẳng và duy trì quan hệ song phương và điều này đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của cả Mỹ và Trung Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thấy “Cái bẫy Thucydides” nguy hiểm đang hiện hữu và tìm mọi cách thoát ra. Đây cũng là lý do hai bên thiết lập một loạt kênh đối thoại để lấp đẩy các lỗ hổng thiếu lòng tin chiến lược.
Trong cuốn sách “Con đường dẫn tới chiến tranh: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát khỏi chiếc bẫy Thucydides”, tác giả Graham Allison cho biết, Trung Quốc và Mỹ cần phải thực hiện mọi nỗ lực để xoa dịu căng thẳng và thiết lập hòa bình bởi những mưu lược hay kế sách của quốc gia này nhằm
kiềm chế quốc gia khác có thể khiến đối phương đưa ra biện pháp đáp trả tương tự, từ đó đẩy các bên tiến nhanh, tiến gần hơn “Cái bẫy Thucydides” định mệnh.
http://biendong.net/bi-n-nong/24473-cuoc-dau-sieu-cuong-my-tq-va-bay-chien-tranh-thucydides.html
LHQ thất vọng vì Áo và Hung
rút khỏi thỏa thuận toàn cầu về di trú
Quyết định của Áo và Hungary quay lưng lại với một thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc về quản lý di trú trên thế giới là một điều « kỳ lạ» và « sai lầm ». Trả lời hãng tin Anh Reuters vào hôm qua, 31/11/2018, đại diện đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Di Dân Quốc Tế, bà Louise Arbor, đã phê phán như trên.
Quan chức cao cấp Liên Hiệp Quốc đã phản ứng ít lâu sau khi chính quyền cánh hữu tại Áo cho biết sẽ rút ra khỏi Thỏa Thuận Toàn Cầu về Di Trú An Toàn, Trật Tự và Hợp Lệ (The Global Compact For Safe, Orderly and Regular Migration), vừa được 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tán đồng vào tháng Bảy vừa qua.
Ngay từ năm ngoái, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi thỏa thuận này viện dẫn lý do « không phù hợp » với chính sách của Mỹ.
Tại châu Âu, Áo như vậy đã quyết định đi theo Hungary, nước láng giềng cũng đã rời bỏ thỏa thuận vào tháng Bảy. Nối gót Áo sẽ là Ba Lan, mà theo Reuters, cũng đang cân nhắc khả năng này.
Reuters đã dẫn lời thủ tướng Áo Sebastian Kurz, cho biết là Vienna sẽ không tham gia thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc, vì sự « nhập nhằng » giữa di cư hợp pháp và bất hợp pháp, và sẽ không ký kết các thỏa thuận về quyền hạn của người nhập cư và dân tị nạn, dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc vào tháng 12 tới tại Marrakech (Maroc).
Trước đó, chính quyền Hungary của thủ tướng Viktor Orban cũng tuyên bố ý định tương tự.
Hai chính quyền Áo và Hungary hiện nay rất chống đối chính sách tiếp nhận di dân. Tuy nhiên, việc Vienna bác bỏ một thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc rất đáng tiếc, vì lẽ nước này hiện đang là chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181101-lhq-that-vong-vi-ao-va-hung-rut-khoi-thoa-thuan-toan-cau-ve-di-tru
Human Rights Watch tố cáo
nạn lạm dụng tình dục phụ nữ Bắc Triều Tiên
Phụ nữ là nạn nhân của công an và quan chức Bắc Triều Tiên, họ bị lạm dụng tình dục mà các thủ phạm hầu như chưa bao giờ bị trừng phạt. Một báo cáo của tổ chức Human Rights Watch được công bố hôm nay 01/11/2018 khẳng định như trên.
Human Rights Watch 5 (HRW) sau khi phỏng vấn 54 người Bắc Triều Tiên đào thoát, đã tố cáo nạn cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục của các nhân viên an ninh, công an biên phòng và những người có quyền hành trong tay.
Đa số những người tìm cách bỏ trốn khỏi đất nước khép kín này, và những người buôn bán nhỏ là phụ nữ.
Những ai toan trốn sang Trung Quốc hay bị gởi trả về nước đều bị trừng phạt nghiêm khắc, trong đó có việc tra tấn và giam giữ, còn đối với phụ nữ thì bị cưỡng bức. Hàng đêm các nữ tù nhân thường bị buộc phải quan hệ với quản ngục.
Những phụ nữ mua bán hàng ở vùng biên giới Trung Quốc hoặc phải hối lộ, hoặc chấp nhận quan hệ tình dục với nhiều hạng người khác nhau. Có thể kể : giám đốc các công ty quốc doanh, nhân viên kiểm soát thị trường, thanh tra giao thông, công an, thẩm phán, quân nhân, nhân viên soát vé tàu…
Ông Kenneth Roth, người đứng đầu Human Rights Watch tố cáo bạo lực tình dục ở Bắc Triều Tiên luôn được làm ngơ. Ông nói : « Phụ nữ Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ tham gia phong trào Me Too để tìm công lý, nhưng chế độ độc tài của Kim Jong Un đã dập tắt tiếng nói của họ ».
Theo số liệu được Bình Nhưỡng cung cấp cho Liên Hiệp Quốc, cả nước Bắc Triều Tiên chỉ có năm người bị kết án vì tội hãm hiếp trong năm 2015.
NATO chùn bước
trước đòn đáp trả đanh thép của Nga
Nga có kế hoạch trong tuần này sẽ tiến hành các vụ thử tên lửa ngay ngoài khơi Na-uy – đúng khu vực đang diễn ra một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hành động của Nga được xem như một lời đáp trả đánh thép với NATO và nó khiến tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang.
“Tuần trước, chúng tôi được thông báo về kế hoạch thử tên lửa của Nga ở ngay ngoài khơi bờ biển ở đây”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho các phóng viên biết ở phía tây Na-uy – nơi cuộc tập trận Trident Juncture 18 đang diễn ra.
Cuộc tập trận của NATO là nhằm huấn luyện lực lượng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương năng lực bảo vệ một quốc gia thành viên trước một cuộc xâm lược. Huy động đến 50.000 binh sĩ, 65 tàu chiến và 250 máy bay đến từ 31 quốc gia đến khu vực cách vài trăm km so với biên giới của Na-uy và Nga ở Bắc Cực, cuộc tập trận rõ ràng là nhằm vào Moscow và nó đã khiến giới chức Moscow tức giận, thề sẽ “trả đũa”.
Cuộc tập trận của NATO rõ ràng là một thông điệp răn đe được gửi đến Nga. Đô đốc Foggo trước đó từng thẳng thừng tuyên bố, cuộc tập trận Trident Juncture “sẽ có ảnh hưởng răn đe đối với bất kỳ lực lượng nào đang có ý muốn vượt qua những đường biên giới đó (các đường biên giới của NATO) nhưng không nhằm trực tiếp vào một quốc gia cụ thể nào. Sẽ có ích cho họ (Nga) khi đến tham dự và chứng kiến những gì chúng tôi thể hiện. Và họ sẽ học được nhiều điều. Tôi muốn họ (Nga) ở đó để có thể chứng kiến chúng tôi phối hợp với nhau nhuần nhuyễn như thế nào”.
Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, “bất chấp những nỗ lực đáng sợ của các đại diện của NATO và của các nước thành viên liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nhằm khẳng định cuộc tập trận đang diễn ra chỉ đơn thuần mang tính phòng vệ, Moscow vẫn thấy rõ màn dương oai diễu võ đó là nhằm chống lại Nga”.
Trong một động thái được cho là đòn đáp trả nhanh chóng và đanh thép, quân đội Nga hồi tuần trước đã thông báo nước này sẽ triển khai 4 tàu ở Bắc Đại Tây Dương để tiến hành cuộc tập trận tên lửa của riêng họ.
“Nga có lực lượng hải quân tương đối lớn trong khu vực. Tôi mong đợi Nga sẽ cư xử một cách chuyên nghiệp”, Tổng thư ký NATO hôm qua (30/10) bày tỏ.
Người đứng đầu NATO đã tìm cách làm dịu tình hình. Ông này nói. “Chúng tôi tất nhiên sẽ giám sát chặt chẽ những gì Nga làm nhưng họ hoạt động ở vùng lãnh hải quốc tế và họ đã thông báo cho chúng tôi theo cách thông thường”.
Theo thông báo từ phía Nga, nước này sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa ở Biển Na-uy từ ngày 1-3/11.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.
NATO, Nga thảo luận về tập trận và hiệp ước INF
Các đặc sứ của NATO và Nga hôm 31/10 thảo luận về các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn của họ và một hiệp ước về phi đạn thời Chiến tranh Lạnh mà Washington tuyên bố sẽ từ bỏ liên quan tới những cáo buộc Nga không tuân thủ, liên minh quốc phòng phương Tây này cho biết.
Cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh kể từ tháng 5 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng bùng lên trở lại giữa phương Tây và Nga, đáng chú ý nhất là việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và can dự ở miền đông Ukraine.
Một thông cáo của NATO cho biết các bên đã “thẳng thắn trao đổi” quan điểm về Ukraine, cuộc diễn tập quân sự Vostok của Nga và cuộc diễn tập Trident Juncture đang diễn ra của NATO, cũng như về Afghanistan và các mối đe dọa an ninh hỗn hợp.
NATO trong tháng này phát động cuộc diễn tập lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh ở Na Uy. Hai nước láng giềng Bắc Âu khác của Na Uy không thuộc NATO là Thụy Điển và Phần Lan đã xích lại gần liên minh này vì e ngại vai trò của Nga trong tình hình rối ren ở Ukraine.
Cuộc tập trận Vostok năm 2018 của Nga huy động 300.000 binh sĩ và bao gồm các cuộc tập trận chung với quân đội Trung Quốc – là những cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi Liên bang Soviet tan rã vào năm 1991.
Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg cũng kêu gọi Nga thực hiện các thay đổi nhanh chóng để tuân thủ đầy đủ hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987 (INF). Nga phủ nhận vi phạm hiệp ước này.
Đồng thời, NATO hy vọng Mỹ – nước có những đối thủ khác là Trung Quốc hoặc Iran không bị ràng buộc bởi hiệp ước này – cuối cùng sẽ không rút đi.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu lo lắng hiệp ước INF mà sụp đổ thì có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới và gây bất ổn.
https://www.voatiengviet.com/a/nato-nga-thao-luan-ve-tap-tran-va-hiep-uoc-inf/4637529.html
Bị Mỹ lôi kéo,
Nga sẽ quay lưng với đồng minh TQ?
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ – ông John Bolton mới đây đã nói rằng Mỹ muốn tổ chức các cuộc đối thoại chiến lược với Nga về hành động hiếu chiến của Trung Quốc.
Ông Bolton đã đưa ra lời phát biểu nói trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ở Tbilisi – thủ đô của Gruzia, hôm thứ Sáu (26/10). Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã có cuộc hội đàm với giới chức cấp cao của Gruzia.
Ông Bolton cho rằng, năng lực tên lửa của Trung Quốc đang gây ra một mối đe dọa đối với Nga bởi “trung tâm của nước Nga” nằm trong tầm bắn của những tên lửa như vậy.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng cho rằng, Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) mà Mỹ đang có kế hoạch hủy bỏ là “một di tích của thời Chiến tranh Lạnh”.
Việc ông Bolton bày tỏ mong muốn Nga và Mỹ đối thoại với nhau về mối đe dọa mang tên Trung Quốc rõ ràng gây bất ngờ và nó là tín hiệu cho thấy Washington có thể đang tìm cách lôi kéo Nga tham gia vào cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Cuộc đối đầu Trung-Mỹ đang nóng bỏng từng ngày. Mối quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng cao độ vì cuộc chiến thương mại, vì vấn đề Đài Loan, Biển Đông và vì lời cáo buộc của Tổng thống Trump về việc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ…
Trong những năm qua, Washington đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước việc Trung Quốc ra sức tăng cường sức mạnh quân sự ở quy mô và tốc độ nhanh chưa từng có. Việc Mỹ muốn hủy bỏ INF có liên quan đến việc Trung Quốc đang phát triển kho tên lửa với nhiều tên lửa có sức mạnh gây lo ngại. Tổng thống Donald Trump gần đây tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân cho đến khi các nước trên thế giới thức tỉnh, hiểu ra họ đã hành động ngu ngốc và sai lầm. Đây được cho là lời cảnh báo mà Mỹ muốn nhắn gửi đến Nga và Trung Quốc.
Việc cả Nga và Trung Quốc đều đang tăng cường sức mạnh quân sự và đang thắt chặt mối quan hệ liên minh rõ ràng là mối đe dọa đối với Mỹ. Không rõ đây có phải là lý do khiến Washington bày tỏ mong muốn đối thoại với Moscow về mối đe dọa Trung Quốc hay không.
Nếu Mỹ thực sự muốn lôi kéo Nga đứng về phía nước này trong cuộc đối đầu với Trung Quốc thì liệu Washington có thể thành công khi mà bản thân Nga và Mỹ cũng đang đối đầu quyết liệt vì hàng loạt vấn đề.
Nga và Mỹ vốn đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hai nước đang đối đầu nhau gay gắt vì một loạt vấn đề như khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến ở Syria, cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, vấn đề tấn công mạng, lá chắn tên lửa, gần đây nhất là việc Mỹ tuyên bố rút ra khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF)… Những cuộc đối đầu này đã đẩy hai cường quốc hàng đầu thế giới vào một “cuộc chiến trừng phạt” bế tắc và nguy cơ xung đột vũ trang cũng dần dần tăng lên.
Trong khi đó, trong những năm trở lại đây, người ta chứng kiến một mối quan hệ ngày càng khăng khít thân thiết giữa Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh bị phương Tây bao vây, cô lập, Nga đang tìm cách lôi kéo Trung Quốc về phía mình để tạo thế đối trọng. Về phía mình, Bắc Kinh cũng đối đầu quyết liệt với Mỹ và đương nhiên cường quốc Châu Á này cũng muốn thiết lập liên minh với Nga để cân bằng sức mạnh.
Quan hệ giữa các nước phụ thuộc phần lớn vào vấn đề lợi ích. Vì thế, liệu Mỹ có lôi kéo được Nga hay không và liệu Nga có quay lưng với Trung Quốc hay không rõ ràng là phụ thuộc vào lợi ích mà Mỹ và Trung Quốc đem đến cho Nga.
http://biendong.net/bien-dong/24496-bi-my-loi-keo-nga-se-quay-lung-voi-dong-minh-tq.html
Nga trừng phạt tài chính
hàng trăm cá nhân Ukraine
Nga hôm 1/11 áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với tầng lớp tinh hoa của Ukraine, đóng băng tài sản ở Nga của hàng trăm chính trị gia và quan chức cùng với hàng chục cơ sở kinh doanh thuộc sở hữu của các doanh nhân Ukraine.
Theo Reuters, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký nghị định về trừng phạt trên.
Đây được coi là một biện pháp đáp trả các hành động tương tự của Ukraine đối với các công dân và công ty Nga.
Trong số 322 cá nhân và 68 doanh nhân bị nhắm mục tiêu có con trai Olexiy của Tổng thống Petro Poroshenko, ứng viên tổng thống Yulia Tymoshenko, Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov và tỷ phú Victor Pinchuk.
Theo nghị định trên, các cá nhân và công ty bị trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản và tài chính ở Nga và sẽ không thể mang về Ukraine.
Quan hệ giữa Moscow và Kiev đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Nga xâm chiếm khu vực Crimea của Ukraine, cũng như sau khi nổ ra cuộc nổi dậy của phiến quân ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ: ‘Nhà báo Khashoggi bị chết ngạt’
Văn phòng công tố viên Istanbul hôm 31/10 cho biết nhà báo Jamal Khashoggi đã bị làm chết ngạt trong một vụ sát nhân đã được trù tính trước ngay sau khi ông bước chân vào chân lãnh sự quán Ả Rập Xê-út bốn tuần trước và sau đó thi thể của ông đã bị phân rã rồi đem vứt đi.
Trong một thông cáo được đưa ra chỉ hai ngày sau cuộc thảo luận với công tố viên Ả Rập Xê-út Saud al-Mojeb, cơ quan này cũng cho biết rằng không có kết quả cụ thể nào đạt được sau những cuộc gặp này.
Cái chết của Khashoggi đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng đối với Ả Rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, vốn lúc đầu phủ nhận họ có biết hay có vai trò gì trong vụ biến mất của ông này vào ngày 2/10.
Ông Mojeb sau đó nói rằng vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được hoạch định từ trước và Riyadh nói rằng 18 nghi phạm đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn công bố một loạt những bằng chứng bác bỏ lời phủ nhận trước đó của Riyadh, đã yêu cầu cung cấp thêm chi tiết về nơi cất giấu thi thể Khashoggi và ai là người đã ra lệnh vụ sát hại.
“Bất chấp những nỗ lực với ý tốt của chúng tôi để tìm hiểu sự thật, những cuộc gặp này đã không đem lại kết quả cụ thể nào,” văn phòng công tố viên Istanbul bình luận về các cuộc thảo luận giữa Mojeb và công tố viên trưởng của Istanbul Irfan Fidan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người đã yêu cầu Ả Rập Xê-út cung cấp thêm thông tin, hôm 30/10 cho biết ông Fidan đã yêu cầu ôngMojeb tiết lộ ai là người ra lệnh cho biệt đội 15 người từ Riyadh đến Istanbul. Những người này bị tình nghi có dính líu vào vụ sát hại.
Thông cáo cũng cho biết Fidan một lần nữa lặp lại yêu cầu của Ankara rằng 18 nghi phạm phải được dẫn độ đến Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử và yêu cầu Mojeb tiết lộ danh tính của ‘người hợp tác tại chỗ’ mà theo một quan chức Ả Rập Xê-út là người đã đem xác Khashoggi đi phi tang.
Trong một văn bản phản hồi, ông Mojeb đã mời ông Fidan đến Ả Rập Xê-út để thẩm vấn các nghi phạm và xác định ‘số phận của thi thể’ cũng như xác định xem vụ sát hại này có được mưu tính trước hay không, thông cáo của công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Lời phản hồi này của ông Mojeb cũng đã đưa Riyadh ra khỏi giả thiết rằng có một ‘người hợp tác tại chỗ’ trong vụ việc. Thông cáo nói rằng giới chức Ả Rập Xê-út không hề đưa ra tuyên bố chính thức về điều này.
Ông Mojeb đã rời Thổ Nhĩ Kỳ tối hôm 31/10 sau chuyến thăm kéo dài ba ngày để có các cuộc thảo luận tại văn phòng Cục Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT).
Chính phủ của Tổng thống Erdogan đã áp lực Riyadh kết thúc điều tra càng sớm càng tốt. “Toàn bộ sự thật cần phải được phơi bày,” Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói.
Ông Erdogan cũng kêu gọi Ả Rập Xê-út tiết lộ ai là người ra lệnh sát hại Khashoggi. “Không có lý do gì để trì hoãn hay tìm cách che chở cho ai đó,” ông nói với các phóng viên hôm 30/10.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê-út đã trở nên căng thẳng hồi năm ngoái sau khi Ankara đưa quân đến Qatar để thể hiện sự ủng hộ sau khi các nước vùng Vịnh khác, trong đó có Ả Rập Xê-út, áp đặt lệnh cấm vận với Doha.
Trong lúc này, các thượng nghị sỹ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa hôm 31/10 đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm ngưng các cuộc thương thảo về năng lượng hạt nhân với Ả Rập Xê-út.
Năm nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa do thượng nghị sỹ Marco Rubio của bang Florida dẫn đầu đã viết một lá thư gửi đến ông Trump nói rằng họ sẽ dùng Luật Năng lượng Nguyên tử để chặn đứng bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út nếu như ông Trump không dừng đàm phán.
Hé lộ tác động cực mạnh
từ cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ
Đây được coi là một trong các tác động của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua.
Phòng Thương mại Mỹ ở miền Nam Trung Quốc tiến hành cuộc khảo sát từ 21/9 tới 10/10 đối với 219 công ty Mỹ, phần lớn số này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.
Theo kết quả cuộc khảo sát, các công ty Mỹ cho rằng, họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hơn là các công ty từ các nước khác. 64% các công ty Mỹ cho biết đang cân nhắc chuyển các dây chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và chỉ có 1% có kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất ở Bắc Mỹ.
Cũng theo khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ, các công ty trong ngành bán sỉ và bán lẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các mức thuế của Mỹ trong khi các mức thuế của Trung Quốc gây tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp liên quan tới nông nghiệp.
Tới nay, Mỹ đã áp thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc đã đáp trả với mức thuế lên tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa của Mỹ khiến căng thằng thương mại giữa hai nước liên tục gia tăng. Các mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng từ 10% lên 25% vào đầu năm 2019.
http://biendong.net/bien-dong/24493-he-lo-tac-dong-cuc-manh-tu-cuoc-chien-thuong-mai-my-tq.html
TQ lần đầu thừa nhận
kinh tế sụt giảm vì thuế Mỹ
Ông Tập Cận Bình lần đầu thừa nhận lo ngại cho kinh tế Trung Quốc kể từ khi chiến tranh thương mại với Mỹ bùng nổ, theo SCMP.
Lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch mới cho nền kinh tế tư nhân và thị trường chứng khoán khi quốc gia này đang chống đỡ đòn thuế quan mới của Mỹ.
Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách tối cao gồm 25 thành viên do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo, thừa nhận hôm 31/10 rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chịu những “áp lực suy giảm” ngày càng tăng do “những thay đổi sâu sắc” từ môi trường bên ngoài, Thông tấn xã Xinhua cho hay trên SCMP.
Tuyên bố này cho thấy một sự thay đổi so với ba tháng trước, khi đó Bộ Chính trị Trung Quốc chỉ nói đã có những “thay đổi đáng chú ý” từ môi trường bên ngoài.
Tại sao Nhân dân tệ đang tụt dốc?
Mỹ dọa đánh thuế toàn bộ hàng TQ
‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ lo ngại về sự suy giảm trong phát triển kinh tế đất nước kể từ khi chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra hồi đầu mùa hè.
Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng Mười yếu hơn dự kiến do sụt giảm mạnh về nhu cầu xuất khẩu.
Các con số thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại đến mức thấp nhất trong một thập kỷ trong quý trước.
Bộ Chính trị Trung Quốc cũng cho biết đã có “rất nhiều khó khăn với một số doanh nghiệp và xuất hiện các rủi ro tích lũy trong một thời gian dài”.
“Chúng ta cần chú ý đến tình trạng nghiêm trọng này và cần chuẩn bị để phản ứng kịp thời hơn”, thông cáo của Bộ Chính trị Trung Quốc cho hay.
“Chúng ta phải tăng cường cải cách và mở cửa để tập trung vào các vấn đề cốt lõi với các giải pháp được đặt ra … Chúng ta phải tự mình giải quyết vấn đề và tìm kiếm sự phát triển chất lượng cao.”
Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết đã thành lập một “nhóm nghiên cứu” về trí thông minh nhân tạo.
Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc phải thúc đẩy sự “phát triển lành mạnh” của công nghệ trí thông minh nhân tạo của riêng mình nhằm đảm bảo cho tương lai của Trung Quốc trong cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ tới đây.
Điều này cho thấy tham vọng thống trị về công nghệ của Trung Quốc bất chấp Hoa Kỳ cảnh báo nước này “trộm cắp” và “thực hành không công bằng” liên quan đến trí thông minh nhân tạo, theo SCMP.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc nếu hội đàm Trump-Tập thất bại.
Hội đàm dự kiến diễn ra trong tháng này, nhằm tìm ra giải pháp giải quyết căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46053582
Cách thức thao túng thông tin của TQ
Trung Quốc có truyền thống lâu đời trong cuộc đấu tranh tư tưởng và sử dụng các công cụ tuyên truyền. Ngày nay, các kỹ năng này được sử dụng phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.
Tháng 8/2018 vừa qua, Trung tâm phân tích, dự báo chiến lược (CAPS – Bộ Ngoại giao Pháp) và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng (IRSEM – Bộ Quốc phòng Pháp) đã ra báo cáo “Thao túng thông tin, thách thức to lớn hiện nay”. Báo cáo có nêu, nhằm tuyên truyền cho hình ảnh của mình, Trung Quốc sử dụng các công cụ can thiệp và tác động gây ảnh hưởng đặc biệt. Công tác tuyên truyền, truyền bá hệ tư tưởng là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn căn bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc sở hữu một mạng lưới kiểm soát thông tin rộng nhằm phục vụ lợi ích của mình trên các diễn đàn quốc tế. Công tác tuyên truyền của Trung Quốc nhằm 2 mục tiêu: i) dọn đường chính trị trong nước thông qua kiểm duyệt và thao túng thông tin; ii) tác động dư luận quốc tế và tiến hành “cuộc chiến thông tin” nhằm phục vụ các tham vọng của Trung Quốc.
Công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận công chúng, đặc biệt trong việc tuyên truyền cho các khẩu hiệu và các mặt tích cực trong các chính sách của nhà nước Trung Quốc. Ví dụ, đối với dự án “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc kiểm soát các nội dung thông tin và tuyên truyền theo nhiều hướng khác nhau. Trung Quốc kiểm soát hơn 3.000 kênh truyền hình nhà nước, hơn 150 kênh truyền hình trả tiền, khoảng 2.500 kênh phát thanh và 2.000 báo, 10.000 tạp chí, hơn 3 triệu trang website và đã đăng tải hơn 250.000 bài viết liên quan dự án này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cho dự án cũng được thực hiện qua các mạng lưới tuyên truyền về văn hóa, xã hội, giáo dục khác, chẳng hạn như Viện Khổng tử.
Trong lĩnh vực nghe nhìn, năm 2016, từ các kênh truyền hình quốc tế của đài truyền hình Trung Quốc, Trung Quốc đã thành lập mạng lưới truyền hình toàn cầu (China Global Television Network). Nội dung trên mạng lưới truyền hình toàn cầu này hầu hết là các thông tin đã được hãng thông tấn quốc gia Tân Hoa Xã đăng tải. Mục tiêu của mạng lưới truyền hình quốc tế này là cạnh tranh với các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới như AP, Reuters, Bloomberg… và được khai thác trên tất cả các nền tảng, ứng dụng (Internet, điện thoại di động). Cùng chung mục tiêu này còn có các tờ báo lớn, chính thống được phát hành bằng tiếng Anh trên nền tảng kỹ thuật số như Nhân dân Nhật báo, China Daily, Hoàn Cầu Thời báo …
Trong những năm qua, nội dung các thông tin được tuyên truyền của Trung Quốc đã có những thay đổi rõ nét. Trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên như một cường quốc trong các vấn đề chiến lược và an ninh, các thông tin tuyên truyền theo hướng đả kích các chính sách của phương Tây, nhất là Mỹ, thường xuyên được tán phát. Bên cạnh nhiều nội dung được sao chụp từ báo chí Nga trong các vấn đề như cuộc khủng hoảng Syria, Trung Quốc cũng thường xuyên tán phát thông tin lên án các hoạt động của Pháp ở Châu Phi, quan điểm quốc tế trong vấn đề Biển Đông, hay các hoạt động của Ấn Độ và Nhật Bản ở các vùng tranh chấp với Trung Quốc. Thông qua công tác tuyên truyền này, Trung Quốc muốn hướng tới việc định hướng dư luận chống lại các giá trị của phương Tây, ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, phản bác các hoạt động tự do hàng hải của các nước phương Tây là gây ảnh hưởng đến hào bình ổn định ở Biển Đông.
Ảnh hưởng thông tin của Trung Quốc đang diễn ra trên tầm thế giới. Nội dung tuyên truyền không chỉ nhằm mục tiêu tác động ảnh hưởng, mà còn nhằm định hướng dư luận, can thiệp vào các vấn đề mà Trung Quốc quan tâm. Tính chất “tấn công” của các thông tin từ Trung Quốc có phạm vi rộng lớn.
Cuộc chiến thông tin hỗ trợ tích cực cho chiến lược gây ảnh hưởng và hăm dọa của Trung Quốc. Kể từ năm 2000, Trung Quốc tập trung vào 3 cuộc chiến chính trong lĩnh vực thông tin là cuộc chiến dư luận, cuộc chiến tâm lý và cuộc chiến pháp lý, kể cả thời chiến cũng như thời bình. Mục tiêu là nhằm kiểm soát các phát ngôn, nhằm tác động đến lòng tin của công chúng theo hướng có lợi cho Trung Quốc, hạn chế các tác động bất lợi và khả năng phản kháng.
Bên cạnh đó, các cơ quan an ninh và tình báo của Trung Quốc cũng góp phần tăng cường tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cả trong và ngoài nước. Các phương pháp này được diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Công tác tuyên truyền của Trung Quốc không gây nhiều lo ngại nhưng sự gia tăng các hoạt động này cần phải được lưu ý. Các hình thức tuyên truyền của Trung Quốc rất đa dạng:
– Sử dụng các cựu lãnh đạo cấp cao của các nước phương Tây, những người làm việc vì lợi ích mà Trung Quốc đề nghị.
– Thâm nhập vào các tổ chức khu vực nhằm lái hoạt động của các tổ chức này theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
– Sử dụng cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Cộng đồng này thường được huy động nhân các chuyến thăm của quan chức Trung Quốc.
– Gây sức ép đối với các nhà nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu thông qua việc gây khó khăn cho quá trình cấp visa và các chương trình hỗ trợ tài chính.
– Mua các chuyên mục trên một số báo ở nước ngoài, tạo ra sự phụ thuộc về tài chính, từ đó các báo này tự phải có sự điều chỉnh các bài viết về vấn đề thời sự của Trung Quốc.
– Kiểm soát phần lớn các phương tiện truyền thông ở nước ngoài (bằng tiếng Trung Quốc).
– Áp dụng các biện pháp trả đũa đối với các nước có hành vi phê phán hoặc được coi là không thân thiện với Trung Quốc, chẳng hạn như Na Uy khi đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba – nhân vật bất đồng chính kiến tại Trung Quốc (giảm và hạ thấp các trao đổi ngoại giao, trừng phạt thương mại gián tiếp…).
Các biện pháp gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực của Trung Quốc đã khiến các nước phương Tây phải đối phó bằng các chính sách và tăng cường các biện pháp an ninh, đặc biệt là tại Australia. Tại Australia, Trung Quốc đẩy mạnh việc tuyển chọn những người có ảnh hưởng, có uy tín và khả năng của Australia – gồm các nhà thầu khoán, chính trị gia, giáo sư đại học…; cộng đồng người Hoa (chiếm 5% dân số của Australia), sự phụ thuộc vào tài chính, tài trợ cho một số Đại học, hãng truyền thông cũng như cho chiến dịch tranh cử… để Trung Quốc tiếp cận với giới chính trị và khoa học của Australia. Một số chính trị gia tham nhũng, nhận tiền của Trung Quốc, đã hậu thuẫn cho lập trường Trung Quốc đối với các vấn đề quốc tế trong đó có vấn đề Biển Đông. Một số trường đại học của Australia đã thực sự trở thành phương tiện tuyên truyền cho Trung Quốc; Australia đã biết rõ sự nguy hiểm này và đã tăng cường vấn đề pháp lý nhằm kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài vào lãnh thổ Australia, nhất là lĩnh vực truyền thông. Tháng 6/2018, Quốc hội Australia còn thông qua luật chống gián điệp và can thiệp từ bên ngoài.
Hiện Trung Quốc có được khả năng tuyên truyền đa dạng, một cuộc chiến thông tin có hệ thống và theo nhiều hướng, nhiều lĩnh vực. Các nội dung mà Trung Quốc tuyên truyền đặc biệt là về vấn đề Biển Đông thường có quan điểm chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải, hàng không của các nước phương Tây tại khu vực này; các hành động xua đuổi tàu thuyền của nước ngoài ra ngoài khu vực là việc mà Trung Quốc đang bảo vệ chủ quyền của mình; các hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc tại khu vực này là nhằm mục đích phục vụ dân sự.
http://biendong.net/bi-n-nong/24490-cach-thuc-thao-tung-thong-tin-cua-tq.html
Thương chiến Mỹ-Trung:
Bộ chính trị TQ hứa có cách hỗ trợ kinh tế
Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các bước kịp thời hơn để hỗ trợ nền kinh tế nước này hiện đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng, Bộ Chính trị, cơ quan quyết định chính sách hàng đầu của Đảng Cộng sản cầm quyền, cho biết hôm 31/10.
Chính phủ trong những tháng gần đây đã công bố một loạt các biện pháp, bao gồm những cắt giảm dự trữ bắt buộc đối với các đơn vị cho vay, cắt giảm thuế và chi tiêu cơ sở hạ tầng nhiều hơn, trong một nỗ lực ngăn chặn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tụt dốc mạnh hơn nữa.
“Áp lực hướng xuống đối với nền kinh tế đã tăng lên. Một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về hoạt động hơn và rủi ro tích lũy dài hạn đã hiện ra,” Tân Hoa Xã đưa tin, dẫn một cuộc họp của Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì.
“Chúng ta phải chú trọng đến chuyện này, nâng cao khả năng dự đoán và thực hiện các biện pháp kịp thời.”
Chính phủ sẽ bình ổn việc tuyển dụng lao động, tài chính, thương mại và đầu tư nước ngoài, bộ chính trị nói, tái khẳng định chính sách tài chính chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng.
Trung Quốc sẽ tận dụng đầu tư nước ngoài, bảo vệ lợi ích của các công ty nước ngoài, Bộ Chính trị nói thêm.
Chính phủ cũng sẽ giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân đối mặt, và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh lâu dài của thị trường vốn, Bộ cho biết.
Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10 tăng trưởng với tốc độ yếu nhất trong hơn hai năm qua, bị ảnh hưởng bởi nhu cầu trong nước và ngoài nước đang chậm lại. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn vì một cuộc tranh chấp thương mại đang gia tăng với Mỹ.
‘Quan hệ Trung-Mỹ có thể trở lại bình thường’
Hôm 1/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu với các nghị sĩ Hoa Kỳ đến thăm Bắc Kinh rằng cả hai quốc gia có thể đưa quan hệ trở lại bình thường.
Hãng tin Reuters trích lời Thủ tướng Lý Khắc Cường nói: “Chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ nhượng bộ nhau và cùng làm việc trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.”
Ông nói thêm: “Bằng cách này, hai nước chúng ta sẽ có thể vượt qua những khác biệt và có sự sáng suốt để vượt qua những trở ngại và đưa mối quan hệ của chúng ta tiến lên trên một tầm cao hơn.”
Nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu như trên trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang ngày càng khốc liệt.
Vào cuối tháng 11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina và hai nhà lãnh đạo có thể sẽ tổ chức các cuộc đàm phán bên lề hội nghị này.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-he-trung-my-co-the-tro-lai-binh-thuong/4638188.html
Đại sứ TQ: Dân sẽ cứu quan hệ Mỹ-Trung
bất chấp thương chiến và Biển Đông
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ hôm 30/10 nói rằng “thiện chí” và “sự sáng suốt” của nhân dân Trung Quốc và Mỹ sẽ giúp hai nước vượt qua giai đoạn căng thẳng quan hệ và rằng “chúng ta đã nghe đến nhàm chán” những lời đe dọa chiến tranh thương mại và những vụ khua gươm múa kiếm về vấn đề lãnh thổ.
Lên tiếng nhiều tuần trước cuộc gặp mặt tay đôi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, Đại sứ Thôi Thiên Khải nói mối quan hệ Mỹ-Trung, sắp kỷ niệm 40 năm vào tháng 1 năm 2019, đã có những bước tiến lớn, tuy nhiên cũng có những bước thụt lùi.”
“Có vẻ như sự cạnh tranh và đối đầu đã trở nên phổ biến trong con đường phía trước chúng ta,” ông Thôi nói giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục trả đũa nhau bằng cách áp thuế lên hàng nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ đô la trong một cuộc chiến tranh thương mại.
“Trong khi quan hệ hai nước đang xuống thấp, thì người dân của chúng ta luôn luôn mạnh mẽ ủng hộ cho sự gắn kết và tình hữu nghị, và đảo ngược xu hướng trong các mối quan hệ Trung-Mỹ”, ông Thôi nói trong một sự kiện tại Phòng Thương mại Trung Quốc-Mỹ tại Washington, một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Trong khi quan hệ hai nước đang xuống thấp, thì người dân của chúng ta luôn luôn mạnh mẽ ủng hộ cho sự gắn kết và tình hữu nghị, và đảo ngược xu hướng trong các mối quan hệ Trung-Mỹ.
Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ
Trong một bài phát biểu không đề cập trực tiếp đến Tổng thống Trump hay chính phủ của ông, ông Thôi bày tỏ tự tin vào tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thay vì các đôi co về chính trị, sẽ đưa các mối quan hệ Mỹ-Trung tiến lên phía trước.
“Người dân bình thường nhưng vĩ đại của Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đóng góp phần của họ là thể hiện thiện chí, sự khôn ngoan và tính hào hiệp của họ, để lót đường cho các mối quan hệ song phương của chúng ta.”
Theo nghiên cứu của Pew, trung tâm nghiên cứu những thay đổi về thái độ trên toàn thế giới, gần phân nửa người Mỹ có quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc trong năm 2017. Theo số liệu năm ngoái, cũng là số liệu mới nhất, 44% số người Trung Quốc được thẩm vấn nói họ có quan điểm tiêu cực về Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc nói, trong năm qua “chúng tôi đã nghe tới nhàm chán những lời đe dọa chiến tranh thương mại, những phát biểu khẳng định sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, những vụ giương oai diễu võ ở Biển Đông, và thậm chí những cáo buộc vô căn cứ chống lại sinh viên và học giả Trung Quốc”.
Đại sứ Thôi không đề cập cụ thể tới tình trạng giằng co thương mại hiện tại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hôm 29/10, ông Trump tái khẳng định Trung Quốc “chưa sẵn sàng” để đạt một thỏa thuận nhằm chấm dứt vụ tranh chấp tốn kém này.
Trật tự thế giới: Phiên bản nào?
Trong khi Tổng thống Trump và chính quyền của ông tung ra những lập luận chống Trung Quốc trong những tuần gần đây, kể cả tố cáo nước này can thiệp vào bầu cử Mỹ và đánh cắp thông tin công nghệ nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc, ông Thôi lại đóng vai trò hiếm thấy là công khai bênh vực các chính sách của chính phủ Trung Quốc và tung ra những lời chỉ trích trực tiếp vào hướng tiếp cận của Mỹ đối với mối quan hệ song phương.
Ông Thôi, từng là đại diện của Trung Quốc tại Hoa Kỳ từ năm 2013, nói với NPR của Mỹ hồi đầu tháng này rằng giải pháp để giải quyết cuộc chiến thương mại đang bị cản trở bởi lập trường bất nhất, luôn thay đổi của các nhà thương thuyết Mỹ.
“Chúng tôi không thực sự biết Mỹ muốn nhắm vào những ưu tiên nào”, ông Thôi nói với đài NPR. Đại sứ này nói thêm rằng trong một số trường hợp, các thỏa thuận sơ khởi giữa hai bên qua đêm lại bị lật ngược. “Hành vi đó rất khó hiểu, và khiến mọi việc trở nên rất khó khăn.”
Ông Thôi lặp lại những nhận định đó trong một cuộc phỏng vấn với Fox News sau đó. Ông nói ông không biết ông Trump đang lắng nghe những tiếng nói bảo thủ hay những tiếng nói ôn hòa khi đàm phán với Trung Quốc.
Thật vậy, các thông điệp bất nhất như thế được lặp đi lặp lại trong cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, từ Tổng thống Trump, người đã nhiều lần đưa ra những phát biểu gây nản lòng về triển vọng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, kể cả gồm các cuộc đàm phán được đề xuất theo lời mời của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế nặng lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ nếu Bắc Kinh trả đũa các biện pháp mới nhất của Washington, là đánh thuế trên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Bắc Kinh đã trả đũa theo trông đợi, nhưng chính quyền Mỹ chưa thực hiện những lời đe dọa của tổng thống Trump.
Những lời đe dọa đó lại nổi lên trong tuần này khi ba nguồn tin giấu tên được Bloomberg trích dẫn xác nhận chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ trị giá 260 tỷ USD, nếu các cuộc đàm phán sắp tới giữa lãnh đạo hai nước không đạt kết quả.
Một nguồn tin ngoại giao cấp cao Trung Quốc cho biết hôm 30/10 rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã “đồng ý gặp nhau” bên lề hội nghị G20 ở Buenos Aires, nhưng nguồn tin này không cho biết chi tiết về chương trình nghị sự của cuộc gặp gỡ đó.
Chuyên gia Mỹ: TQ đã chuẩn bị lượng lớn tên lửa,
có thể phong tỏa toàn diện Đài Loan bất cứ lúc nào
Ngoài ra, ông này còn cho rằng, Bắc Kinh chỉ cần dùng hàng chục nghìn quả thủy lôi hiện đại cũng có thể hoàn thành mục tiêu tấn công Đài Loan.
Mới đây, Giáo sư Lyle J. Goldstein, thuộc Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc, Đại học chiến tranh hải quân Mỹ, phân tích trên tạp chí National Interest (Mỹ) cho rằng, quân đội Trung Quốc có thể thiết lập “vùng cấm toàn diện” – tức phong tỏa toàn diện Đài Lan bất cứ lúc nào.
Giáo sư Goldstein chỉ ra, nhà lãnh đạo Mỹ và người dân đều cần tìm hiểu tất cả những phân tích về tình hình eo biển Đài Loan của các chiến lược gia Bắc Kinh. Đặc biệt, hai bài viết trong năm nay của tạp chí Quốc phòng Trung Quốc có thể cung cấp góc nhìn sơ bộ về tư duy chiến lược của Bắc Kinh với Đài Loan.
Bài thứ nhất nhấn mạnh tầm quan trọng về đòn phong tỏa của các các trận chiến trong lịch sử, trong đó hải quân là lực lượng chính, phối hợp với các lực lượng lục quân, không quân, tên lửa, chi viện chiến lược tiến hành loạt hành động để kiểm soát một vùng biển mà theo ông, Bắc Kinh đang nhắc tới Đài Loan.
Bài thứ hai thảo luận về hành động tuần tra quanh đảo của không quân Trung Quốc. Giáo sư Goldstein nhận định, các cuộc tuần tra quanh Đài Loan là cơ hội cung cấp kinh nghiệm quý giá cho Bắc Kinh trong hai năm qua, đồng thời chứng minh, năng lực chiến đấu biển xa của họ đã cải thiện.
Giáo sư Mỹ phân tích, Đài Loan chỉ cách Đại lục khoảng 100 dặm (khoảng 160km) nên các máy bay ném bom của Trung Quốc không thể đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất Đài Loan mà thay vào đó là hệ thống tên lửa có độ tấn công chính xác cao của lực lượng tên lửa chiến lược, còn không quân chỉ có thể đóng trò trong việc “truy quét”.
Theo ông, nếu hỏa lực của lực lượng tên lửa không đủ mạnh, hải quân và các lực lượng khác đã chuẩn bị số lượng lớn hệ thống tên lửa hành trình đối đất.
Ngoài ra, Bắc Kinh có thể dùng pháo phản lực với sức hủy diệt lớn, có tầm bắn vươn tới mọi vị trí. Đây là phương thức phá hủy hiệu quả và chi phí thấp.
Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng, tất cả những khả năng trên có thể đều không cần thiết vì chỉ cần với hàng chục nghìn quả thủy lôi hiện đại, Bắc Kinh có thể hoàn thành mục tiêu.
Yonhap: Triều Tiên chuẩn bị địa điểm hạt nhân,
phi đạn để quốc tế thanh sát
Cơ quan tình báo của Hàn Quốc đã nhìn thấy hoạt động chuẩn bị của Triều Tiên cho các cuộc thanh sát quốc tế tại một số địa điểm thử hạt nhân và phi đạn của miền Bắc, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết hôm 31/10 dẫn lời một nhà lập pháp nước này.
Các quan chức Mỹ từ chối xác nhận thông tin này, Reuters cho biết, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói tại Washington rằng ông dự định sẽ gặp người đàm phán đồng cấp của Triều Tiên vào tuần sau và sẽ nói chuyện với ông về các cuộc thanh sát.
Ông Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên radio rằng lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã cam kết cho phép các thanh sát viên của Mỹ đến hai địa điểm “quan trọng” khi ông gặp ông Kim ở Bình Nhưỡng trong tháng này.
“Chúng tôi hi vọng sẽ sớm tới đó,” ông nói với chương trình The Laura Ingraham Show. Ông Pompeo không xác định các địa điểm này.
Nhà lập pháp Kim Min-ki thuộc Đảng Dân chủ đương quyền của Hàn Quốc nói với các phóng viên trước đó rằng Cơ quan Tình báo Quốc gia của Hàn Quốc đã quan sát thấy Triều Tiên “tiến hành các hoạt động chuẩn bị và hoạt động tình báo để chuẩn bị cho chuyến thăm của các thanh sát viên nước ngoài” tại địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri và Bãi phóng Vệ tinh Sohae.
Nhà lập pháp này nói thêm rằng không có chuyển động lớn nào được nhìn thấy tại Yongbyon, khu liên hợp hạt nhân chính của Triều Tiên.
Triều Tiên đã ngừng thử nghiệm hạt nhân và phi đạn trong năm qua, nhưng họ đã không cho phép quốc tế thanh sát việc tháo dỡ Punggye-ri vào tháng 5, khơi ra chỉ trích rằng hành động này chỉ đơn thuần mang tính hình thức và có thể đảo ngược được.
Vào tháng 9, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un cũng cam kết tại một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là sẽ đóng cửa Sohae và cho phép các chuyên gia quan sát việc tháo dỡ địa điểm thử nghiệm động cơ phi đạn và một giàn phóng.
Lúc đó, ông Moon cho biết Triều Tiên đã đồng ý cho phép các thanh sát viên quốc tế quan sát việc “tháo dỡ vĩnh viễn” các cơ sở phi đạn chính, và thực hiện các bước tiếp theo, chẳng hạn như đóng cửa Yongbyon, để đổi lấy các hành động thái đối ứng của Mỹ.
Washington đã đòi hỏi các bước như tiết lộ đầy đủ các cơ sở hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên, trước khi tán đồng các mục tiêu chính của Bình Nhưỡng.
Các quan chức Mỹ đã hoài nghi về cam kết của ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng cam kết của miền Bắc tại hội nghị thượng đỉnh với miền Nam đã khơi ra một phản ứng hồ hởi từ Tổng thống Donald Trump, người đã gặp mặt ông Kim trong một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có vào tháng 6 và rất hăm hở cho một hội nghị thứ hai.
Vùng cấm bay ở biên giới Nam-Bắc Triều Tiên
có hiệu lực dù Mỹ tỏ ý dè dặt
Một vùng cấm bay và một khu vực cấm tập trận gần vùng biên giới giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm nay 01/11/2018. Seoul và Bình Nhưỡng vẫn triển khai kế hoạch nhằm giảm căng thẳng này bất chấp phản ứng dè dặt của Mỹ.
Thiết lập vùng cấm bay và vùng cấm tập trận dọc theo biên giới hai nước là những biện pháp cụ thể hóa một thỏa thuận về việc giảm căng thẳng quân sự song phương đã được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nhất trí nhân Thượng Đỉnh Liên Triều ở Bình Nhưỡng gần đây. Theo thỏa thuận vừa kể, hai bên đã đồng ý ngừng « mọi hành vi thù địch » trên bộ, trên biển và trên không.
Cụ thể, hai bên quyết định cấm các cuộc tập trận bắn đạn thật, có sự tham gia của máy bay có cánh cố định và các loại vũ khí hành trình không đối đất trong khu vực cấm bay, trải dài 40km từ bắc xuống nam, hai bên đường phân giới quân sự ở phía đông, và 20km về phía tây.
Trong vùng cấm bay, cũng có nhiều hạn chế đối với trực thăng, máy bay không người lái và khinh khí cầu. Riêng các chiến dịch phi quân sự, thương mại, có mục đích hỗ trợ y tế, phòng chống thiên tai và nông nghiệp được xem là ngoại lệ.
Theo Đài KBS (Hàn Quốc), kể từ hôm nay, trực thăng của quân đội Mỹ khi bay tới căn cứ quân sự Mỹ ở gần làng đình chiến Bàn Môn Điếm, sẽ phải thông báo trước cho Bắc Triều Tiên.
Theo hãng tin Anh Reuters, Mỹ từng lên tiếng phản đối thỏa thuận về quân sự giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, cho rằng điều đó có thể làm suy yếu khả năng sẵn sàng phòng thủ của liên quân Mỹ-Hàn vào lúc mà tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên không có tiến bộ đáng kể nào. Bên cạnh đó, Mỹ cũng chống việc thiết lập khu vực cấm bay vì điều đó cản trở việc tiến hành các cuộc tập trận dùng không quân yểm trơ lực lượng trên bộ.
Mỹ cũng không tán đồng việc thiết lập vùng cấm bay vì căn cứ quân sự Mỹ Bonifas chỉ cách Khu Vực An Ninh Chung 2 km, và khi thực hiện các chuyến bay bằng trực thăng tại khu vực, quân đội Mỹ bị buộc phải thông báo trước cho phía Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, các nội dung về vùng cấm bay và tập trận đã được quân đội Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Bộ Tư Lệnh Liên Hiệp Quốc thảo luận và đồng ý vào hạ tuần tháng 10 vừa qua. Ngoài ra, nhân cuộc họp giữa các bộ trưởng Quốc Phòng vào hôm qua tại Washington, Hoa Kỳ đã tỏ thái độ ủng hộ sáng kiến của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.
Phát biểu tại Quốc Hội Hàn Quốc hôm nay, 01/11, tổng thống Moon Jae In nhấn mạnh rằng « Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã hoàn toàn loại bỏ nguy cơ đụng độ quân sự thông qua thỏa thuận quân sự ».
Cũng theo tổng thống Hàn Quốc, thì lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ « sớm » ghé thăm Seoul. Tại Thượng đỉnh Kim-Moon lần thứ ba ở Bình Nhưỡng vào tháng 9 vừa qua, lãnh đạo hai nước đã nhất trí là ông Kim Jong Un sẽ đến thăm Seoul « trong một tương lai gần », nhưng không cho biết ngày tháng.
Tổng thống Moon Jae In cũng tiết lộ thêm về một số động thái ngoại giao khác liên quan đến Bắc Triều Tiên: Ông Kim Jong Un đi Nga, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng và khả năng một cuộc tiếp xúc giữa ông Kim Jong Un và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Trước mắt, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã xác nhận dự kiến sẽ gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên vào tuần tới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181101-vung-cam-bay-o-bien-gioi-nam-bac-han-co-hieu-luc-du-my-to-y-de-dat
Vụ tai nạn Lion Air:
Đã bắt được tín hiệu hộp đen?
Lực lượng cứu hộ Indonesia tin rằng họ đã định vị được tín hiệu phát ra từ hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn hôm thứ Hai của hãng Lion Air, khiến 189 người thiệt mạng.
Tư lệnh quân đội Indonesia nói rằng các thợ lặn đang nỗ lực tìm kiếm ở khu vực biển Java sâu 30-40m, nhưng gặp khó khăn do dòng hải lưu chảy xiết.
Vụ Lion Air: Tiếp tục tìm nạn nhân
Indonesia: Vì sao Boeing 737 mới tinh đã rơi?
Những chiếc hộp đen chứa bí mật chuyến bay
Chuyến bay mang số hiệu JT610, chiếc Boeing 737, rơi xuống biển sau ít phút cất cánh tại Jakarta. Không ai được tìm thấy còn sống sót.
Lion Air đã cách chức giám đốc kỹ thuật.
Hãng hàng không nói rằng lệnh cách chức ông Muhammad Asif đến từ Bộ Giao thông.
Đại diện của hãng Boeing đã ngồi họp cùng các quan chức Indonesia vào thứ Tư ngày 31/10 trong tiến trình điều tra.
Tới thời điểm này, vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến chiếc máy bay gặp nạn sau 13 phút cất cánh; nhưng theo hồ sơ ghi chép mà BBC có được thì máy bay đã gặp sự cố kỹ thuật khi bay từ Bali tới Jakarta trong hôm trước đó.
Quá trình tìm kiếm
Các nhóm tìm kiếm đã sử dụng thiết bị không người lái dưới nước, cũng như “máy định vị, quét âm thanh dưới nước”, để tìm kiếm các tín hiệu âm thanh phát ra từ hộp dữ liệu chuyến bay
Hôm thứ Tư, Tư lệnh Quân đội Hadi Tjahjanto nói rằng các nhân viên cứu hộ tin vào tiếng ‘ping’ đầu tiên được phát hiện ra trong hôm trước đó là từ một trong những hộp đen của máy bay. Ông nói rằng các thợ lặn đã cố gắng tìm quét để bắt lại được âm thanh trong thời gian ngắn.
“Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy chiếc hộp đen dựa trên tín hiệu mạnh mẽ đã thu được, và từ đó sẽ tìm được thân máy bay,” ông được Reuters trích lời.
Các nỗ lực tìm kiếm những mảnh vỡ máy bay đang bị cản trở bởi dòng hải lưu chảy xiết và bởi có các ống dẫn dầu khí quanh khu vực, người đứng đầu lực lượng tìm kiếm cứu nạn, Muhammed Syaugi, nói.
Ông chia sẻ thêm, nếu tìm thấy, xác máy bay sẽ được trục vớt bằng cần cẩu. Nhiều thi thể có khả năng bị mắc kẹt bên trong.
Các phần thi thể, mảnh vỡ và vật dụng cá nhân đã được thu thập, và các túi đựng thi thể đang được chuyển về Jakarta để được nhận dạng.
Chuyện gì đã xảy ra?
Chuyến bay JT610 đang di chuyển tới thành phố phía Tây Pangkai Pinang trước khi rớt xuống biển.
Giới chức nói phi công của chiếc Boeing 737 đã yêu cầu được cho quay lại sân bay Soekarno-Hatta ngay trước khi bị mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu.
Nguyên nhân vụ tai nạn chưa được làm rõ, mặc dù nhật ký chuyến bay trước, Chủ nhật 28/10, cho thấy một đồng hồ hiển thị vận tốc bay đã hiện dữ liệu “không đáng tin cậy”, và cơ trưởng đã phải bàn giao cho cơ phó. Chỉ số đo độ cao so với mặt nước biển cũng khác nhau giữa thiết bị của cơ trưởng và cơ phó.
Giám đốc điều hành hãng Lion Air, ông Edward Sirait phát biểu vào hôm thứ Ba 30/10 rằng máy bay có sự cố kỹ thuật, nhưng đã được khắc phục trước khi bay trở lại.
Quốc đảo Indonesia thì phụ thuộc rất nhiều vào ngành du lịch đường không, nhưng nhiều hãng hàng không của nước này lại có hồ sơ an toàn yếu kém.
Indonesia có vấn đề về việc quản lý hàng không và an toàn hàng không lỏng lẻo từ rất lâu, và các hãng bay Indonesia từng bị cấm cập bay vào không phận châu Âu cho đến năm 2016.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46051174
Úc phê chuẩn TPP-11: Hiệp định thương mại
không Mỹ sắp có hiệu lực
Hiệp định thương mại của khu vực vành đai Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút ra sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay sau khi Úc trở thành nước thành viên thứ 6 phê chuẩn hiệp định này.
Úc tuyên bố hôm 31/10 rằng nước này đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để hiệp định thương mại Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiến triển. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12 năm nay.
CPTPP còn được gọi là TPP-11 sau khi TT Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định ngay sau khi ông lên nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2017.
Trước Úc, năm nước khác cũng đã phê chuẩn hiệp định này gồm: Nhật Bản, New Zealand, Canada, Mexico và Singapore.
Chính phủ Việt Nam hôm 18/10 cho biết họ sẽ phê chuẩn hiệp định thương trong tháng này tại kỳ họp Quốc hội khóa 14 đang diễn ra ở Hà Nội.
Việt Nam sẽ phê chuẩn TPP-không-có-Mỹ vào tháng sau
Hiệp định CPTPP có mục đích tái tổ chức thương mại cho hiệu quả hơn và cắt giảm triệt để các loại thuế để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh giữa các nước thành viên trong khối có tổng số dân lên tới gần 500 triệu người, với lượng GDP đạt 13,5 nghìn tỷ USD.
“Việc phê chuẩn hiệp định có nghĩa là chúng tôi đảm bảo lợi ích tối đa cho nông dân và doanh nghiệp của chúng tôi,” Simon Birmingham, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Phát triển của Úc nói trong một thông cáo. Ông nói hiệp định này sẽ mang lại lợi nhuận lên đến 15,6 tỷ USD cho nền kinh tế Úc trước năm 2030.
Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định TPP là một tổn thất lớn cho các nước thành viên còn lại vì quy mô của thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các nước còn lại vẫn nhất quyết xúc tiến với hiệp định – được coi như bước khởi đầu cho việc hình thành một khu vực thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương.
Tổng thống Trump nói ông muốn đặt “nước Mỹ trên hết” khi mưu tìm các hiệp định song phương thay vì những hiệp định bao quát hơn như TPP. Nhưng Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin trước đây trong năm nói Mỹ sẽ cân nhắc giải pháp tham gia hiệp định này sau khi đã giải quyết xong những ưu tiên của riêng nước Mỹ.
Thủ tướng Phúc kêu gọi Mỹ trở lại TPP
Các thành viên TPP khác nói họ hy vọng Hoa Kỳ sẽ quay trở lại và tái gia nhập hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, trong khi nhấn mạnh cam kết của họ đối với hệ thống thương mại toàn cầu. Hệ thống này đã cho phép nhiều nước trong số này tạo ra những nền kinh tế hiện đại đang phát triển mạnh.
Khoảng 20 quy định mà Mỹ theo đuổi trong hiệp định TPP ban đầu đã bị gạt sang bên lề sau khi Washington rút lui, hạ giảm tiêu chuẩn mà chính phủ của Tổng thống Obama cho là “tiêu chuẩn vàng” cho các luật lệ thương mại của thế kỷ 21.
Ngoài Việt Nam, bốn nước khác còn lại chưa phê chuẩn CPTPP là Malaysia, Brunei, Peru và Chile.
Úc cảnh báo về căng thẳng Mỹ-Trung
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay 01/11/2018 cảnh báo, sự trỗi dậy của Trung Quốc và « ảnh hưởng chưa từng thấy từ trước đến nay » của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ thách thức lợi ích của Mỹ ; tuy nhiên Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên đối đầu. Ông Morrison cũng loan báo việc phát triển một quân cảng tại Papua New Guinea, để đối phó với Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.
Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại đọc tại Sydney, thủ tướng Úc nhận định Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Theo ông, Trung Quốc là « quốc gia gây thay đổi nhiều nhất trong cán cân quyền lực, đôi khi thách thức các lợi ích lớn của Hoa Kỳ ».
Thủ tướng Morrison cho rằng « trong thời gian sắp tới, cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn tăng lên. Tuy nhiên điều quan trọng là quan hệ Mỹ-Trung không nên trở thành đối đầu ». Tuyên bố của thủ tướng Úc được đưa ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh thi nhau ăn miếng trả miếng trong chiến tranh thương mại.
Nước Úc – thành viên của « Five Eyes » (liên minh tình báo gồm 5 quốc gia Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ) và có quan hệ quốc phòng chặt chẽ, lâu dài với Hoa Kỳ – bị lọt vào một trong những điểm nóng địa chính trị của thế kỷ 21. Một cuộc chiến thầm lặng đang diễn ra tại Nam Thái Bình Dương : Bắc Kinh và Washington đều tranh giành ảnh hưởng tại tuyến đường hàng hải quan trọng này.
Sau quyết định cấm các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc khai thác mạng 5G trên đất Úc vì lý do an ninh quốc gia, thủ tướng Scott Morrison tìm cách xoa dịu khi tuyên bố quan hệ Úc – Trung Quốc là « đặc biệt quan trọng », nêu ra các trao đổi thương mại, du lịch và giáo dục giữa đôi bên đều tăng lên ở mức kỷ lục.
Tuy nhiên song song đó, thủ tướng Úc hôm nay cùng với đồng nhiệm Papua New Guinea loan báo việc cùng đầu tư nâng cấp quân cảng Lombrum ở đảo Manus. Thỏa thuận này giúp tăng cường khả năng tương tác với quân đội các nước láng giềng, và các chiến hạm Úc có thể qua lại thường xuyên hơn.
Hồi tháng Năm, người tiền nhiệm Malcolm Turnbull từng bày tỏ quan ngại trước việc Bắc Kinh đổ hàng tỉ đô la vào các đảo quốc tí hon ở Thái Bình Dương. Đặc biệt là nguy cơ Trung Quốc hiện diện quân sự thường trực tại đảo quốc Vanuatu, cựu thuộc địa của Anh-Pháp, với 280.000 dân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181101-uc-canh-bao-ve-cang-thang-my-trung