Tin khắp nơi – 01/10/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 01/10/2020

Bầu cử 2020: Cập nhật kết quả thăm dò cuộc đua giữa Trump và Biden

Cử tri Mỹ sẽ quyết định vào ngày 3/11 liệu Donald Trump có được ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa hay không.

Vị tổng thống đảng Cộng hòa đang bị thách thức bởi ứng cử viên Joe Biden, đảng Dân chủ, người được biết đến nhiều nhất với tư cách là phó tổng thống của Barack Obama, nhưng đã tham gia chính trường Hoa Kỳ từ thập niên 1970.

Ngày bầu cử lừng lững đến gần, và các công ty thăm dò ý kiến đang ráo riết tìm cách đánh giá tâm trạng của quốc gia, bằng cách hỏi cử tri xem họ thích ứng cử viên nào hơn.

BBC theo dõi những cuộc thăm dò này, và cố gắng tìm ra những gì thăm dò ý kiến có thể và không thể cho chúng ta biết ai sẽ là người đắc cử.

Kết quả thăm dò toàn quốc hiện giờ ra sao?

Thăm dò quốc gia là một hướng dẫn tốt về mức độ được ủng hộ của một ứng cử viên trên toàn quốc, nhưng không nhất thiết là cách tốt để dự đoán kết quả cuộc bầu cử.

Ví dụ, năm 2016, Hillary Clinton dẫn đầu trong các cuộc thăm dò toàn quốc và giành được hơn Donald Trump gần ba triệu phiếu bầu, nhưng bà vẫn thất cử – bởi vì Hoa Kỳ sử dụng hệ thống cử tri đoàn. Vì vậy việc giành được nhiều phiếu phổ thông nhất không phải lúc nào cũng giúp ứng cử viên đắc cử.

Bỏ cảnh báo này qua một bên, trong gần như hầu hết năm nay, Joe Biden luôn dẫn trước Donald Trump trong các cuộc thăm dò quốc gia. Tỷ lệ ủng hộ của ông dao động quanh mức 50% trong những tuần gần đây, và có lần dẫn đầu Donald Trump đến 10 điểm.

Ai đang dẫn trước trong thăm dò?

Tổng hợp thăm dò của BBC theo dõi các thăm dò toàn quốc trong 14 ngày qua, tạo ra đường xu hướng theo số trung bình.

Ngược lại, vào năm 2016, các cuộc thăm dò không rõ ràng hơn nhiều và hai ứng cử viên Donald Trump chỉ cách nhau một vài phần trăm ở một số thời điểm khi ngày bầu cử gần đến.

Đảng Cộng hòa của Trump: Không thể trì hoãn bầu cử 2020

Bầu cử 2020: Giải thích hệ thống chính trị Mỹ

Những tiểu bang nào sẽ quyết định cuộc bầu cử?

Như bà Clinton khám phá ra vào năm 2016, số phiếu ứng cử viên giành được ít quan trọng hơn việc giành những phiếu này ở đâu.

Hầu hết các tiểu bang gần như luôn luôn bỏ phiếu ủng hộ một đảng, có nghĩa là trên thực tế chỉ có một số tiểu bang mà cả hai ứng cử viên đều có cơ hội chiến thắng. Đây là những nơi diễn ra cuộc bầu cử quyết định ai thắng ai bại, và được biết đến như là những tiểu bang ”chiến địa”.

Theo hệ thống cử tri đoàn mà Hoa Kỳ dùng để bầu tổng thống, mỗi tiểu bang được cấp một số phiếu cử tri dựa trên dân số. Tổng cộng nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, vì vậy một ứng cử viên cần đạt được 270 phiếu để giành chiến thắng.

Như bản đồ trên cho thấy, một số tiểu bang ”chiến địa” có số phiếu đại cử tri đoàn hiều hơn những tiểu bang khác, vì vậy các ứng cử viên thường dành thời gian để vận động ở những nơi này nhiều hơn.

Ai đang dẫn đầu ở các tiểu bang ”chiến địa”?

Hiện tại, kết quả các cuộc thăm dò ở các tiểu bang ”chiến địa” có vẻ tốt cho Joe Biden, nhưng còn khá lâu mới đến ngày đi bầu, và mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt khi liên quan đến Donald Trump.

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden đang dẫn đầu ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin – ba tiểu bang công nghiệp mà đối thủ Đảng Cộng hòa của ông giành được với tỷ số hơn bà Clinton chỉ dưới 1% trong năm 2016.

Mức trung bình của thăm dò mới nhất ở các tiểu bang chiến điạ

Nhưng những tiểu bang chiến trường nơi ông Trump thắng lớn năm 2016 là nơi nhóm vận động tranh cử của ông lo lắng nhất. Tỷ lệ thắng của ông ở Iowa, Ohio và Texas ở vào khoảng từ 8-10% vào thời điểm đó, nhưng hiện tỷ lệ ủng hộ của Trump đang kề vai sát cánh với ông Biden trong cả tiểu bang kỳ bầu cử này.

Kết quả thăm dò này có thể giúp giải thích tại sao ông Trump quyết định thay thế người quản lý chiến dịch tái tranh cử vào tháng Bảy, và các lời bình thường xuyên của ông về “các cuộc thăm dò giả”.

Tuy nhiên, thị trường cá cược chắc chắn vẫn chưa hoàn toàn bỏ rơi ông Trump trong lúc này. Tỷ lệ cược mới nhất cho Trump cơ hội thắng là 50% vào ngày 3/11. Điều này cho thấy một số người nghĩ là tình hình sẽ thay đổi nhiều trong vài tuần tới.

Nhưng các nhà phân tích chính trị không mấy được thuyết phục về cơ hội tái đắc cử của ông Trump.

FiveThirtyEight, một trang web phân tích chính trị, nói rằng ông Biden được “yêu chuộng” để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, trong khi The Economist nói rằng ông “có khả năng” đánh bại ông Trump.

Nhược điểm của Trump làm đối thủ yếu Biden trông mạnh

Bầu cử 2020: Quan tâm hàng đầu của cử tri gốc Việt so với cử tri Mỹ

Covid có ảnh hưởng đến con số của Trump?

Đại dịch virus corona là đề tài thống trị các tờ báo ở Mỹ kể từ đầu năm và phản ứng trước các hành động của Tổng thống Trump thì như được dự đoán, theo đường lối của đảng.

Cách tiếp cận virus corona của Trump được ủng hộ đến đỉnh điểm vào giữa tháng Ba, sau khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cung cấp 50 tỷ đôla cho các bang để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tại thời điểm này, 55% người Mỹ tán thành hành động của ông, theo dữ liệu từ Ipsos, công ty thăm dò ý kiến hàng đầu.

Nhưng bất kỳ sự ủng hộ nào dành cho ông từ đảng Dân chủ đã biến mất sau đó, trong khi đảng Cộng hòa tiếp tục ủng hộ tổng thống của họ.

Đến tháng 7, dữ liệu cho thấy những người ủng hộ Trump đã bắt đầu đặt câu hỏi về phản ứng của ông trước đại dịch – nhưng có một sự tăng nhẹ vào cuối tháng 8.

Đại dịch virus corona này có khả năng chiếm ưu thế trong tâm trí cử tri và một mô hình hàng đầu do các chuyên gia tại Đại học Washington đưa ra dự đoán số người chết sẽ tăng lên khoảng 260.000 người vào ngày bầu cử.

Ông Trump có thể hy vọng Chiến dịch Warp Speed, sáng kiến vaccine của chính quyền ông, có thể tạo ra một “bất ngờ tháng 10” – một sự kiện vào phút cuối có thể đảo ngược cuộc bầu cử.

Cố vấn khoa học chính của sáng kiến này nói rằng việc một loại vắc-xin có thể sẵn sàng được phân phối trước ngày 3 tháng 11 là “cực kỳ khó nhưng không phải là không thể”.

Có thể tin vào kết quả thăm dò?

Thật dễ dàng để bác bỏ kết quả các cuộc thăm dò và nói rằng thăm dò đã sai vào năm 2016, và đó là điều Tổng thống Trump thường xuyên làm. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng.

Hầu hết các cuộc thăm dò quốc gia năm 2016 đều cho thấy Hillary Clinton dẫn trước vài phần trăm, nhưng điều đó không có nghĩa là những cuộc thăm dò này sai, vì Hillary đã thực sự giành được nhiều hơn đối thủ ba triệu phiếu bầu.

Nhưng những cơ quan thăm dò ý kiến đã có một số vấn đề năm 2016 – đặc biệt là không đại diện được cho những cử tri không có bằng đại học – có nghĩa là lợi thế của ông Trump ở một số tiểu bang ”chiến địa” quan trọng đã không được phát hiện cho đến cuối cuộc đua. Hầu hết các cơ quan thăm dò ý kiến giờ đây đã điều chỉnh khiếm khuyết này.

Nhưng năm nay thậm chí còn có nhiều bất ổn hơn bình thường do đại dịch virus corona và ảnh hưởng của nó đối với cả nền kinh tế lẫn cách mọi người sẽ bỏ phiếu vào tháng 11, vì vậy tất cả kết quả các cuộc thăm dò nên được xem với một chút hoài nghi, đặc biệt là vì hiện giờ còn đang cách xa ngày bầu cử.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53674640

 

Tranh luận Trump – Biden:

Truyền thông thế giới phản ứng thế nào

Các cử tri Hoa Kỳ đã phải chịu đựng cuộc đầu tiên trong ba cuộc tranh luận giữa Tổng thống Donald Trump và Joe Biden.

Sự kiện hỗn loạn này cũng đã gây ra phản ứng rất lớn từ khán giả thế giới.

Báo chí và các nhà bình luận trên khắp thế giới đã chỉ trích giọng điệu và chiến thuật của cuộc tranh luận.

Tranh luận Trump-Biden: Hai võ sĩ già đang tìm cách hạ gục đối thủ

Cập nhật thăm dò cuộc đua Trump-Biden

Donald Trump ‘đóng 750 đôla thuế lợi tức liên bang’

Như tờ The Times ở Anh viết, “Người thua cuộc rõ ràng nhất từ cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa Donald Trump và Joe Biden là nước Mỹ.”

Vương quốc Anh

Bài báo còn đi xa hơn, nói rằng sự kiện này “không phải là một cuộc tranh luận theo bất kỳ nghĩa nào” mà là “một cuộc tranh cãi ác ý và đôi khi không thể hiểu nổi giữa hai ông già tức giận và tỏ ra không ưa nhau”.

The Guardian mô tả đây là một “sỉ nhục quốc gia”.

“Phần còn lại của thế giới – và các nhà sử học trong tương lai – có lẽ sẽ nhìn vào cuộc tranh luận này mà khóc ròng”, tờ báo viết và nói thêm rằng ông Biden là người duy nhất nhìn ”còn có vẻ tổng thống” trên sân khấu và nói nếu ông Trump được tái cử vào tháng 11, “giấc mơ đen tối, kinh hoàng, đầy ám ảnh này sẽ là dòng đầu tiên trong cáo phó của nước Mỹ.”

Tờ Financial Times nhấn mạnh cách tổng thống nói dối về hành vi gian lận cử tri và kêu gọi những người ủng hộ ông cẩn thận theo dõi các điểm bỏ phiếu. “Phát tín hiệu cho nhóm mình muốn nhắm tới’ là cách nói của giới chính trị đối với kiểu ngôn ngữ như vậy, nhưng thường với ngụ ý rất khéo. Ông Trump thật trắng trợn”, bài báo viết.

Tờ báo cũng lưu ý rằng các cuộc thăm dò nhanh sau sự kiện cho biết ông Biden dẫn đầu. “Nhưng không ai quan tâm đến nền dân chủ Mỹ có thể cảm thấy bất cứ điều gì khác ngoài cảm giác buồn nôn.”

Pháp

“Hỗn loạn, trẻ con, mệt mỏi” – đó là cách tờ báo Pháp Libération mô tả cuộc tranh luận hôm thứ Ba. Le Monde đồng ý, gọi đây là một “cơn bão khủng khiếp”, và nói rằng tổng thống đã tìm cách “làm đối phương mất tự chủ” với những lần ngắt lời liên tục và chế nhạo câu trả lời của ông Biden.

Le Figaro nói ông Biden đã “từ chối chơi trò chơi của đối thủ một cách có hệ thống”. Trong khi ông Trump cố gắng đối mặt trực tiếp với người thách thức mình, chỉ vào ông ta và nói thẳng với ông ta, thì ứng cử viên Đảng Dân chủ nói nhiều hơn với người xem và nhìn thẳng vào máy quay phim.

“Mặc dù Trump có màn trình diễn không thuyết phục, các cử tri của Trump dường như không có bất kỳ nghi ngờ nào về ứng cử viên của họ. Mặt khác, người ủng hộ Biden xác nhận rằng Đảng Dân chủ có thể đánh bại đối thủ đáng gờm của mình, và thậm chí còn đặt ông ta vào thế phòng thủ “, tờ báo viết.

Đức

Bài phân tích của Der Spiegel về cuộc tranh luận được đặt tựa “Cuộc đấu tay đôi trên truyền hình giống một tai nạn xe hơi”.

Trong một bài viết có tiêu đề “vừa đấu, vừa diễn”, Süddeutsche Zeitung bình luận:

“Cả Trump và Biden đều có thể về nhà, cảm thấy hài lòng, vì xét về màn trình diễn sân khấu, cả hai đều đã làm đúng công việc của mình. Donald Trump đóng vai Donald Trump, Joe Biden đã đóng vai Joe Biden, và người hâm mộ lẽ ra phải thích nó. “

Die Welt nói cuộc tranh luận đã tiết lộ rất ít về chính sách. “Quan trọng nhất, nó cho thấy rằng nước Mỹ có một tổng thống có hành vi đáng kinh ngạc và thiếu tự chủ – nhưng đó không hẳn là thông tin,” Die Welt viết.

Ngược lại, ông Biden không phải là một ứng cử viên tạo hứng thú nhưng “ít nhất là một người có cảm nhận bình thường và tính cách ổn định”, người sẽ “mang thứ gì đó giống như bình thường trở lại Nhà Trắng”.

Ý

“Chưa bao giờ nền chính trị Mỹ lại xuống cấp như vậy”, phóng viên tại Mỹ của La Repubblica viết, mô tả cuộc tranh luận là “hỗn loạn, ồn ào và dựa trên sự khinh thường lẫn nhau”.

Il Corriere della Sera trong khi đó nói việc Tổng thống Trump từ chối lên án chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là “một thông điệp dành cho người Mỹ da màu”.

Nga

Một đài truyền hình Nga mô tả đây là một “cuộc trao đổi những lời lăng mạ kéo dài một tiếng rưỡi”, trong khi một đài khác nói rằng “không có cuộc đối thoại mang tính xây dựng nào”.

“Các đối thủ liên tục ngắt lời nhau và thay vì một cuộc thảo luận cân bằng, họ chọn con đường lăng mạ lẫn nhau”, đài truyền hình ủng hộ Điện Kremlin NTV cho biết.

Việc ông Biden mô tả Tổng thống Trump là “con chó con của Putin” cũng tạo gây ra nhiều bình luận trên mạng xã hội Nga. Một người dùng Twitter cho biết: “Hai ông già đang tìm xem ai trong số họ xứng đáng hơn để trở thành tổng thống Hoa Kỳ, nhưng không có Putin, bạn không thể tăng xếp hạng của mình”.

Trung Quốc

Các trang web truyền thông chính thức của Trung Quốc đa số phớt lờ cuộc tranh luận của Mỹ mặc dù một số đã viết về cách cả hai ứng cử viên đã sử dụng Trung Quốc để tấn công đối thủ của mình.

Hoàn cầu Thời báo gọi đây là “cuộc tranh luận tổng thống hỗn loạn nhất từ trước đến nay” và lưu ý rằng ông Trump đã “nhắm vào Trung Quốc bằng cách đổ lỗi cho [nước này] về nạn dịch Covid-19 đang hoành hành và thảm họa kinh tế của Mỹ”.

Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo Hồ Tích Tiến viết trên Twitter rằng cuộc tranh luận phản ánh “sự chia rẽ, lo lắng của xã hội Mỹ và sự mất dần lợi thế của hệ thống chính trị Mỹ”.

Ấn Độ

Kênh tin tức tiếng Hindi AajTak cho rằng rằng cả hai ứng cử viên đã “thóa mạ và cáo buộc nhau”, trong khi phát thanh viên của Times Now nói rằng cuộc tranh luận “đã bị hủy hoại bởi sự thóa mạ cá nhân và những lời châm chọc chính trị”.

Nhưng bài bình luận mạnh mẽ nhất đến từ The Times of India, tờ báo tiếng Anh bán chạy nhất của Ấn Độ, so sánh cuộc tranh luận với “đấu vật trong bùn”.

“Mỹ đã tự làm xấu mình trước thế giới trong 100 phút”, bài báo viết.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54367426

 

Ủy ban bầu cử Mỹ muốn bổ sung các quy định

sau cuộc tranh luận « hỗn loạn » giữa Trump và Biden

Công luận Mỹ đã bị sốc sau cuộc tranh luận đầu tiên vào tối thứ Ba 29/09/2020, giữa Donald Trump và Joe Biden diễn ra trong hỗn loạn, với đầy những sỉ vả, mạt sát nhau. Hôm qua, 30/09, Ủy ban tổ chức các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Mỹ (Commission on Presidential Debates – CPD) cho biết muốn xem xét lại, bổ sung các quy định đối với các cuộc tranh luận sắp tới.

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm thông tin:

Đối với ủy ban phụ trách tổ chức các cuộc tranh luận liên quan đến bầu cử tổng thống từ năm 1987, thì không thể để tái diễn tình trạng hỗn loạn như tối hôm thứ Ba. Chủ tịch ủy ban lưỡng đảng này thông báo là cần phải có những thay đổi để tổ chức một cách bài bản, chặt chẽ các cuộc tranh luận sắp tới. Mục đích là có được những trao đổi, tranh luận mạch lạc về những chủ đề được nêu ra mà không bị cắt ngang, đứt đoạn liên tục.

Chưa rõ những quy định mới này như thế nào, nhưng một số nhà bình luận gợi ý là nên để cho người dẫn dắt điều khiển cuộc tranh luận có khả năng đóng micro của ứng viên không tôn trọng cuộc tranh luận.

Trong mọi trường hợp, Donald Trump cho rằng đã đánh bại Joe Biden trong cuộc tranh luận tối thứ Ba. Và khi các nhà báo hỏi vì sao ông không lên án một cách rõ ràng các nhóm cực hữu, tổng thống mãn nhiệm trả lời:  Tôi không biết Proud Boys là ai. Điều duy nhất tôi có thể nói là họ phải rút đi và để cho cảnh sát làm việc.

Về phần mình, Joe Biden đi vận động tranh cử ở bang Ohio và Pennsylvania, những vùng công nghiệp và gặp gỡ các công đoàn cũng như người lao động. Ông tố cáo tổng thống – xin trích – là một sự hổ thẹn cho đất nước. Ông nói: Tối thứ Ba, tôi đã nhìn thấy tất cả về ông ta. Ông ta không nói tới các vị hoặc nhắc đến những mối quan tâm của các vị. Donald Trump đã không thực hiện lời hứa. Trước đây, ông ta tự nhận là ứng viên của những người Mỹ bị lãng quên, nhưng ngay khi đắc cử, ông ta đã quên các vị.

Các cuộc thăm dò dư luận mới cho thấy Joe Biden dường như giành thắng lợi, hơn Donald Trump một chút trong cuộc tranh luận. Hai ứng viên lại đối mặt tranh luận với nhau vào các ngày 15 và 22 tháng 10 tới.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201001-%E1%BB%A7y-ban-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-b%E1%BB%95-sung-quy-%C4%91%E1%BB%8Bnh-sau-tranh-lu%E1%BA%ADn-h%E1%BB%97n-lo%E1%BA%A1n-gi%E1%BB%AFa-trump-v%C3%A0-biden

 

Bầu cử Mỹ 2020: Uỷ ban tranh luận

sẽ thay đổi thể thức tranh luận để giữ trật tự

Uỷ ban tranh luận nói sắp tới đây ủy ban sẽ thay đổi thể thức tranh luận để tránh tái diễn tình trạng mất trật tự trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng Thống Donald Trump và đối thủ của ông bên Đảng Dân Chủ, Joe Biden.

Hôm thứ Tư, ủy ban nói rằng cuộc tranh luận rõ rệt phải có thêm cấu trúc để bảo đảm một cuộc thảo luận về các vấn đề quan trọng có trật tự hơn hầu có thể bàn về những vấn đề quan trọng.

Một giải pháp đang được thảo luận là cho phép người điều hành buổi tranh luận được tắt micro của một người tham gia trong khi đối thủ của ông đang phát biểu, một người biết về các cuộc thảo luận cho biết.

Cuộc tranh luận tiếp theo dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 15/10 ở thành phố Miami theo dạng một cuộc thảo luận có sự tham dự của cộng đồng.

Công ty Nielsen cho biết 73,1 triệu người đã theo dõi cuộc tranh luận trên đài truyền hình, trên 16 kênh khác nhau, nhiều hơn bất cứ sự kiện truyền hình nào kể từ Giải Super Bowl, mặc dù ít hơn con số 84 triệu người đã theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và bà Hillary Clinton vào năm 2016.

Cuộc tranh luận ấy là cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống được nhiều người theo dõi nhất trong lịch sử.

Ông Chris Wallace, người điều khiển chương trình, đã chật vật tìm cách kiểm soát cuộc tranh luận vì các ứng cử viên ngắt lời đối thủ quá thường xuyên, chủ yếu là ông Trump.

Theo báo Washington Post, các ứng cử viên ngắt lời người điều khiển cuộc tranh luận tới 90 lần trong 90 phút của cuộc tranh luận, trong đó ông Trump ngắt lời ông Wallace tới 71 lần.

Ông Wallace của đài truyền hình Fox kêu gọi một cuộc tranh luận có trật tự hơn, và có lúc đã nhìn thẳng vào Tổng Thống Trump, nói rằng “đất nước sẽ được phục vụ tốt hơn nếu hai ứng cử viên bớt ngắt lời nhau. Tôi kêu gọi Tổng thống hãy làm điều đó.”

Ông Trump trả lời: “Ông yêu cầu cả ông ấy nữa”.

“Thành thực mà nói, ông ngắt lời ông ấy thường xuyên hơn nhiều,” ông Wallace nói.

Ông Biden hôm thứ Tư mô tả cuộc tranh luận là “một sự hổ thẹn quốc gia.” Nhưng bất chấp có đề nghị nên hủy hai cuộc tranh luận cuối cùng, chiến dịch tranh cử của cả hai ứng cử viên Tổng thống đều nói ứng cử viên của họ sẽ tham dự.

https://www.voatiengviet.com/a/uy-ban-tranh-luan-se-thay-doi-the-thuc-tranh-luan-de-giu-trat-tu/5605138.html

 

5 khoảnh khắc đặc sắc

trong cuộc tranh luận đầu tiên của Trump-Biden

Tâm Thanh

Ông Biden bị nắm thóp về vụ Green New Deal, người điều phối buổi tranh luận bị mất vị thế…

Tối hôm 29/9 (giờ Mỹ), cuộc tranh luận đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 từ đầu đến cuối đều vô cùng kịch tính. Tổng thống Trump và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden đã có một màn “khẩu chiến” gay cấn về các chủ đề như khủng hoảng do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, đề cử vị trí thẩm phán của Tòa án Tối cao, cho đến các chính sách về y tế…

Chúng ta hãy cùng xem lại 5 khoảnh khắc đặc sắc của màn đối đầu giữa hai bên này do Vision Times bình chọn:

1. Ai là người đại diện Đảng Dân chủ?

Chủ đề được người dẫn chương trình Chris Wallace đặt ra khi bắt đầu cuộc tranh luận là việc chọn ứng cử viên bước vào Tòa án Tối cao. Sau đó, cuộc tranh luận của hai người rất mau đã chuyển sang vấn đề bảo hiểm y tế. Ông Trump bắt đầu chỉ trích ông Biden, nói rằng ông Biden sẽ phải chịu trách nhiệm về nhóm người ủng hộ ông Bernie Sanders của Đảng Dân chủ cũng như ủng hộ chính sách bảo hiểm toàn dân.

Đáp trả những lời lẽ khá gay gắt đó, ông Biden nói: “Bây giờ tôi đang là người đại diện cho Đảng Dân chủ. Nền tảng của Đảng Dân chủ trên thực tế, tôi rất tán thành”.

Đây là một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của ông Biden, tách ông ra khỏi lực lượng dân chủ cực tả. Tổng thống Trump đã nhanh chóng nắm được điểm yếu này của ông Biden trong suốt cuộc tranh luận và tấn công vào đó, ông Trump nhấn mạnh Biden không thể đại diện cho Đảng Dân chủ, bỏi ông sợ mất đi sự ủng hộ của cánh tả nên đành phải ủng hộ quan điểm của thế lực cánh tả mà thôi.

Điều đáng chú ý là, trong chủ đề Tòa án Tối cao, Wallace đã hỏi ông Biden rằng, liệu ông có sẵn sàng lấp chỗ trống trong Tòa án Tối cao và ủng hộ việc chấm dứt sự cản trở của các thành viên Thượng viện hay không, ông Biden đã từ chối nêu quan điểm của mình.

Khi ông Trump liên tục hỏi ông Biden, “Ứng cử viên thẩm phán Tòa án Tối cao của ông là ai? Ông đã không làm gì cả trong suốt 47 năm”, ông Biden cũng không trả lời được câu hỏi này.

2. Ông Trump nói ông Biden “đã mất đi sự ủng hộ của cánh tả”

Ông Biden chỉ ra kế hoạch bảo hiểm y tế trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, nhiều ứng cử viên đã công kích ông sẽ không bãi bỏ bảo hiểm y tế tư nhân; ông Trump ngắt lời ông Biden và nói rằng ông Biden đã đồng ý bãi bỏ bảo hiểm y tế tư nhân, đồng thời thành lập một kế hoạch bảo hiểm y tế toàn dân, nhưng cuối cùng ông Biden thực sự đã không làm như vậy.

Ông Biden cảnh báo ông Trump rằng, ông đã hồ đồ và sai lầm.

Về việc công khai từ chối bảo hiểm y tế toàn dân của ông Biden, ông Trump phản pháo lại rằng “ông (Biden) đã mất đi sự ủng hộ của phe cánh tả”.

Trong cuộc tranh luận về chủ đề sự nóng lên toàn cầu, ông Trump nói: “Green New Deal sẽ là một kế hoạch tốn kém khổng lồ”. Ông Biden đáp lại “Green New Deal không phải là kế hoạch của tôi. Tôi không ủng hộ Green New Deal. Tôi chỉ ủng hộ kế hoạch Biden”. Như vậy ông Biden đã lần nữa tách biệt khỏi lực lượng cánh tả. Nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez, người đề xuất Green New Deal – một chương trình gây tranh cãi mạnh mẽ, có lượng người hâm mộ trẻ tuổi rất lớn ở Mỹ, nếu cô ấy không hài lòng với phát biểu của Biden, đó có thể gây ra ảnh hưởng thật sự tới kết quả bầu cử.

Có thể nói suốt 47 năm Biden là người ôn hòa (moderate), không phải thiên tả, nhưng vì cánh tả của Bernie Sanders đang có ảnh hưởng tốt, nên ông Biden đã phải thỏa hiệp với Sanders và Alexandria Ocasio-Cortez trong nghị trình Green New Deal. Đây là chính sách tốn kém để thay xe hơi chạy bằng xăng dầu sang xe điện và thay đổi toàn bộ sản xuất và vận hành các tòa nhà bằng xăng dầu. Đây không phải nghị trình ông Biden ủng hộ trong nhiều năm, nhưng lại nói chương trình này sẽ tạo ra nhiều việc làm, cuối cùng khi bị ông Trump dồn, ông Biden lại nói mình không ủng hộ Green New Deal. Đây là sự không nhất quán của ông Biden và đã bị ông Trump bắt được.

3. Wallace nhắc nhở hai đấu thủ hãy nhớ ông là người dẫn chương trình; Trump nói mình như đang tranh luận với Wallace vậy

Cuộc tranh luận lần một do đài Fox News đăng cai, vòng hai sẽ do NBC và vòng ba là đài C-SPAN. Fox News được biết là đài theo cánh hữu, NBC thiên tả và C-SPAN là trung lập. Nhưng không hề có sự thiên vị cho ông Trump từ phía Wallace, thậm chí ông Trump đã nói với Wallace khi ông này ngắt lời mình, “tôi như đang tranh luận với ông vậy”, và sau khi kết thúc vòng tranh luận, ông Trump đã tweet hình ảnh ông đối lại với 2 người (Biden và Wallace) chứ không phải chỉ một mình Biden.

Trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phần một và phần hai của cuộc tranh luận, khi người dẫn chương trình Wallace đặt câu hỏi, ông Trump vẫn tiếp tục nói lên quan điểm của mình, Wallace đã lên tiếng nhắc nhở ông trước khi kết thúc câu hỏi của mình: “Tôi là người chủ trì cuộc tranh luận này”.

Trong hầu hết cuộc tranh luận, ông Trump và ông Biden liên tục nói xen vào nhau, và Wallace phải nói: “Các Ngài có biết rằng hai người đang đồng thời phát biểu hay không?” Người dẫn chương trình đã phải nhắc nhở hai người điều này nhiều lần trong suốt cuộc tranh luận.

4. Về dịch bệnh, ông Biden đã trực tiếp hô to với cử tri

Khi chủ đề chuyển sang đại dịch, ông Biden đã quay sang máy quay và hô to với các cử tri rằng, ông ấy mới là ứng cử viên tốt nhất trong việc đối phó với đại dịch.

Ông Biden đã trích dẫn đoạn ghi âm của phóng viên Woodward trong cuộc phỏng vấn với ông Trump hồi đầu năm. Trong đoạn ghi âm, ông Trump nói rằng, ông đã giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của virus để tránh gây ra khủng hoảng và nói với người Mỹ: “Mọi người không cần phải hoảng sợ”.

Về chủ đề này, ông Trump đã cảnh báo rằng ông Biden mong muốn sẽ “đóng cửa đất nước này” và sẽ “phá hủy đất nước này”.

5. Về vấn đề khẩu trang và phong tỏa kinh tế

Khi cuộc trò chuyện về chủ đề dịch bệnh vẫn đang diễn ra, người dẫn chương trình hỏi ông Trump lý do tại sao ông tiếp tục tổ chức các cuộc vận động tranh cử quy mô lớn mà không quan tâm đến giãn cách xã hội và không coi trọng việc sử dụng khẩu trang. Ông Trump chỉ ra rằng, hàng chục nghìn người đã tham dự buổi mít-tinh của ông, tất cả đều ở sân bay và ngoài trời, bởi vì “mọi người muốn nghe những gì tôi nói”. Còn buổi mít-tinh của ông Biden lại không có mấy người tham gia.

Đáp lại của ông Biden là nói với các cử tri rằng, cuộc mít-tinh của ông Trump là vô trách nhiệm, “Ông ấy không chút lo lắng cho các bạn”.

Ông Biden cũng đáp trả ông Trump bằng những đòn tấn công cá nhân, “Ông ấy là một kẻ ngốc”.

Ông Trump nhắc lại rằng, ông Biden sẽ đóng cửa Hoa Kỳ, và việc đóng cửa sẽ “gây hại cho người Mỹ” về kinh tế và tinh thần.

https://www.dkn.tv/the-gioi/5-khoanh-khac-dac-sac-trong-cuoc-tranh-luan-dau-tien-cua-trump-biden.html

 

Ông Biden bị nghi đeo dây bí ẩn

 trong buổi tranh luận đầu tiên với ông Trump

011020_1aTâm Thanh

Trước buổi tranh luận, nhóm chiến dịch của ông Biden cương quyết với 3 không: Không kiểm tra chất kích thích, không tranh luận liên tục, không kiểm tra thiết bị truyền tín hiệu.

Màn tranh luận trên truyền hình đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở Hoa Kỳ vừa kết thúc, sáng ngày hôm sau (30/9, giờ Mỹ), ngôi sao giải trí Mỹ James Woods đăng video chứng minh ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã đeo một thiết bị tương tự như dây cáp điều khiển từ xa trong cuộc tranh luận tổng thống.

Video của Woods cho thấy rằng, trong cuộc tranh luận tổng thống, ông Biden thò tay vào trong áo khoác ngực, như thể đang gãi ngứa hoặc chỉnh cái gì đó bên trong áo vest. Rồi sau khi ông ấy rút tay ra khỏi áo, trên áo sơ mi trắng của ông xuất hiện một đường dây màu xám.

Thật trùng hợp, những người xem tinh mắt cũng phát hiện ra có một thứ giống như dây kim loại trên cổ tay của Biden, một số người nói rằng, nó giống như một ống truyền tĩnh mạch.

James Woods, người đăng tải video này, không chỉ là một ngôi sao nghệ thuật, anh từng đạt tròn 800 điểm ngôn ngữ văn và 799 điểm môn toán trong Kỳ thi tuyển sinh đại học Hoa Kỳ, đồng thời giành được học bổng toàn phần của Viện Công nghệ Massachusetts.

Hôm 29/9, nhóm vận động tái tranh cử của Tổng thống Trump đã đưa ra một yêu cầu, đó là bên thứ ba sẽ kiểm tra tai của người tranh luận xem có thiết bị điện tử hoặc thiết bị truyền tín hiệu nào được sử dụng hay không, để tránh trường hợp gian lận. Tuy nhiên, chiến dịch Trump cho biết nhóm của Joe Biden đã không đồng ý.

Chủ nhật tuần trước, Tổng thống Trump lần nữa đề xuất yêu cầu kiểm tra hai ứng cử viên trước và sau cuộc tranh luận, nhưng Biden cũng không đồng ý.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-biden-bi-nghi-deo-day-bi-an-trong-buoi-tranh-luan-dau-tien-voi-ong-trump.html

 

Trump: “Ô thật chứ? Ai ủng hộ ông?

Nói rõ tên một nhóm được biết đến mà ủng hộ ông.

Cứ tự nhiên. Nghĩ xem. Chúng ta có thời gian”.

Câu hỏi thách thức đối thủ của đương kim Tổng thống Trump đưa ra cho ứng viên Dân chủ Joe Biden đã khiến cuộc tranh luận tổng thống Hoa Kỳ vào tối thứ Ba (giờ Mỹ) trở nên sôi nổi, bởi câu hỏi tuy đơn giản nhưng nó làm cho ông Biden im lặng, theo Western Journal.

Trump thách thức Biden nêu ra tên của một cơ quan thực thi pháp luật hỗ trợ mình. Biden không đưa ra được một cái tên nào.

“Ông ấy không có bất kỳ sự hỗ trợ nào về mặt luật pháp. Ông ấy không có sự hỗ trợ của cơ quan thực thi pháp luật. Hầu như không”, Trump nói.

“Điều đó không đúng”, Biden trả lời.

Nghe vậy, Trump quyết định gây sức ép cho ứng viên đảng Dân chủ.

“Ô thật chứ? Ai ủng hộ ông thế? Nói rõ tên một nhóm ủng hộ ông. Nói rõ tên một nhóm được biết đến mà ủng hộ ông. Cứ tự nhiên. Nghĩ xem. Chúng ta có thời gian”, Tổng thống Mỹ hỏi.

Biden bắt đầu đánh trống lảng khiến Trump tăng sức ép.

“Kể tên một nhóm thực thi pháp luật được biết đến và ủng hộ ông. Không có. Tôi không nghĩ là có bất kỳ nhóm nào”, Trump hỏi dồn.

Biden chỉ nói được từ “mọi người” nhiều lần, rồi im lặng, trong khi người điều hành phiên tranh luận Chris Wallace ngắt lời Tổng thống Trump trước khi ông có thể gia tăng sức ép cho đối thủ.

Theo thống kê của Western Journal, nhiều cơ quan thực thi pháp luật trên khắp đất nước đã lên tiếng ủng hộ Trump tái đắc cử. Trong số các cơ quan hành pháp ra mặt ủng hộ Trump, gồm có: Hiệp hội Cảnh sát Michigan, Hiệp hội các tổ chức cảnh sát quốc gia (NAPO) và Hiệp hội Cảnh sát Mỹ (FOP). Trong đó, FOP là liên minh cảnh sát lớn nhất nước.

https://www.dkn.tv/the-gioi/trump-hoi-biden-im-lang-khong-neu-duoc-ten-cua-nhom-thuc-thi-phap-luat-ho-tro-minh.html

 

Bị chỉ trích vì không lên án chủ nghĩa

da trắng tối thượng, Trump đổi giọng

Tổng thống Donald Trump giờ đây nói rằng nhóm cực hữu Proud Boys nên “rút lui” và để cơ quan thực thi pháp luật làm việc, sau khi đã từ chối lên án nhóm này trong cuộc tranh luận đã gây ra chỉ trích dữ dội.

Ông Trump nói “Tôi không biết Proud Boys là ai”, một ngày sau khi thúc giục nhóm này ”đứng yên và sẵn sàng” trong cuộc tranh luận bầu cử với Joe Biden.

Các thành viên của Proud Boys gọi bình luận của Trump trong buổi tranh luận là “lịch sử” và sự chứng thực từ tổng thống.

Ông Biden nói ông Trump đã “không chịu lên án những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”.

Tranh cãi gay gắt diễn ra trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên đang chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Tranh luận kéo dài 90 phút được trực tiếp truyền hình đã trở thành cuộc tranh cãi, cãi vã và lăng mạ, và bị truyền thông Mỹ mô tả là hỗn loạn, xấu xí và khủng khiếp.

Ủy ban điều chỉnh các cuộc tranh luận cho biết họ sẽ có các biện pháp mới cho hai cuộc tranh luận kế tiếp để “duy trì trật tự”.

Ông Trump, trong khi đó, nói rằng ủy ban có một điều phối viên mới và một ứng cử viên Đảng Dân chủ thông minh hơn.

Cử tri không thu thập được gì nhiều về chính sách của hai ứng cử viên, và mặc dù một cuộc thăm dò nhanh về cuộc tranh luận cho thấy ông Biden có chút lợi thế, các cuộc thăm dò ý kiến khác cho thấy 90% người Mỹ đã quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai và cuộc tranh luận có thể đã tạo ra rất ít khác biệt.

Ông Biden đã liên tục dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò quốc gia, nhưng các cuộc khảo sát ở những tiểu bang được gọi là chiến trường cho thấy đây vẫn có thể là một cuộc đua sát sao.

Trump nói gì về Proud Boys trong cuộc tranh luận?

Người điều khiển chương trình Chris Wallace hỏi tổng thống có lên án những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và yêu cầu họ đừng kéo đến gây rối tại các cuộc biểu tình không. Biểu tình đã bùng phát trong năm nay do các sự việc cảnh sát giết người và sự phân biệt chủng tộc.

“Chắc chắn, tôi sẵn sàng … nhưng tôi sẽ nói rằng hầu hết mọi thứ tôi thấy là từ cánh trái, không phải từ cánh phải”, ông Trump nói.

Ông Biden đã hai lần trả lời “Proud Boys” khi tổng thống hỏi những người ông nên lên án là ai.

Tổng thống nói: “Proud Boys – hãy đứng yên và sẵn sàng. Nhưng tôi phải nói điều này… Ai đó phải làm điều gì đó về antifa và cánh tả bởi vì đây không phải là vấn đề của cánh hữu.”

Được thành lập năm 2016, Proud Boys là một nhóm cực hữu, chống người nhập cư, toàn nam giới, có tiền sử bạo lực đường phố chống lại những đối nghịch cánh tả. Tài khoản mạng xã hội One Proud Boys đã đăng logo “Đứng yên và Sẵn sàng.”

Trong khi đó, ông Biden bị người bảo thủ cáo buộc là coi thường mối đe dọa từ antifa.

Antifa, viết tắt của “chống phát xít”, là một liên kết lỏng lẻo của các nhà hoạt động cực tả thường xung đột với cực hữu trong các cuộc biểu tình.

Trong cuộc tranh luận, ông Biden dẫn lời giám đốc FBI gần đây nói rằng antifa là “một ý tưởng, không phải một tổ chức”.

Giám đốc FBI cũng nói trong lời khai trước quốc hội của mình tháng này rằng antifa là một “phong trào” bao gồm “những kẻ cực đoan vô chính phủ bạo động”.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc antifa xúi giục bạo lực liên quan đến bạo loạn ở các thành phố của Hoa Kỳ trong năm nay.

Ông Trump thay đổi phát biểu của mình ra sao?

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về Proud Boys, khi đang phát biểu trên bãi cỏ của Nhà Trắng hôm thứ Tư trước chuyến đi vận động tranh cử tới Minnesota, ông Trump nói: “Tôi không biết họ là ai. Tôi chỉ có thể nói rằng họ phải rút lui và để cơ quan thực thi pháp luật làm công việc của họ.”

Ông lặp lại yêu cầu của mình rằng ông Biden phải lên án các hoạt động của antifa.

Ông không giải thích rõ việc sử dụng cụm từ bảo Proud Boys “sẵn sàng” trong cuộc tranh luận mà chỉ nói rằng ông muốn “luật pháp và trật tự là một phần rất quan trọng trong chiến dịch của chúng tôi” khi được hỏi có hoan nghênh sự ủng hộ của nhóm theo chủ nghĩa da trắng tối thượng hay không.

Bị gạn hỏi một lần nữa về vấn đề này, ông Trump nói: “Tôi luôn lên án mọi hình thức, bất kỳ hình thức nào của loại hành động đó.”

Một tuyên bố của Trump sau khi một người theo chủ nghĩa tân phát xít giết chết một người biểu tình chống chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Charlottesville năm 2017 đã lên án “KKK, tân Quốc xã, những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và các nhóm thù địch khác”.

Nhưng Trump cũng nói thêm rằng có “những người rất tốt ở cả hai bên” trong các cuộc biểu tình đó.

Bộ An ninh Nội địa nói các nhóm người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng sẽ vẫn là “mối đe dọa dai dẳng và gây chết người” nhất ở Hoa Kỳ trong năm tới.

Khi đối mặt với những vấn đề khó khăn hoặc phức tạp, Donald Trump có xu hướng đưa ra một loạt các câu trả lời thường là mâu thuẫn, cho phép người ủng hộ ông – và những người chỉ trích – chọn những gì họ muốn tin.

Không nơi nào có hành vi này rõ ràng hơn khi ông đề cập đến người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và các nhóm cực hữu. Đôi khi ông lên án họ. Những lúc khác, ông suy diễn hay thay đổi chủ đề, trong khi ông chỉ cần trực tiếp lên án họ là đủ.

Thay vào đó, tổng thống cuối cùng đưa ra lời kêu gọi tập hợp các nhóm căm thù, như ông đã làm sau vụ bạo lực ở Charlottesville năm 2017, hoặc vừa làm với thông điệp “đứng yên và sẵn sàng” trong cuộc tranh luận vừa qua.

Tổng thống có thể nói tất cả những điều đúng đắn về mặt chính trị, sau đó quay ngược lại và nói tất cả những điều rất sai trái, để cho các phụ tá của ông phải nhốn nháo dọn dẹp đống lộn xộn.

Có phải vì tổng thống bất cẩn trong lời nói, bị các nhà phê bình và báo chí đối nghịch hiểu lầm, hay vì ông ấy nhạy cảm với mối quan tâm của những phần tử thậm tệ hơn trong nhóm ủng hộ của mình?

Bất chấp tất cả những gì ông Trump nói và tweet, tổng thống – dù cố ý hay không – vẫn là một kẻ đáng hoài nghi.

Tổng thống bị cáo buộc gì?

Joe Biden quay lại vấn đề này trong một dòng tweet hôm thứ Tư:

“Không có cách nào khác để giải thích: Tổng thống Hoa Kỳ đã từ chối không lên án những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng trên sân khấu tranh luận đêm qua.”

Trong dòng tweet của mình, Biden trích dẫn một bình luận gửi tới tổng thống, từ một diễn đàn trực tuyến của Proud Boys có nội dung: “Điều này khiến tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi đã sẵn sàng! Sẵn sàng để phục vụ ngài.”

Jonathan Greenblatt, giám đốc điều hành Liên đoàn Chống phỉ báng nói phát biểu của ông Trump “đáng kinh ngạc” và Rita Katz, thuộc cơ quan giám sát cực đoan SITE, nói ông Trump đã đưa ra “một cái gật đầu nữa cho những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đỉnh”.

Các thành viên của Proud Boys chắc chắn tin rằng họ đã được ông Trump ủng hộ.

Nhà tổ chức Joe Biggs viết: “Tổng thống Trump đã nói với nhóm Proud Boys hãy đứng yên vì ai đó cần phải đối phó với antifa … vâng thưa ngài! Chúng tôi đã sẵn sàng!!”

Một thành viên của Proud Boys nói nhóm đã thấy lượng tân binh tăng đột biến.

Bầu cử 2020: Vì sao chúng tôi ủng hộ TT Trump và Đảng Cộng hoà?

Cử tri ủng hộ đảng Dân chủ nói nước Mỹ đang đi sai hướng

Jonathan London: ‘2020 là bầu cử quan trọng nhất lịch sử Hoa Kỳ’

Carl Thayer: ‘TQ sẵn sàng đối phó với bất kỳ ai đắc cử TT Mỹ’

Cử tri Mỹ ở Thái Lan: ‘đi bầu để bảo vệ nền dân chủ’

Cử tri Lý Văn Quý: ‘Nếu tái đắc cử, TT Trump sẽ làm nước Mỹ hùng cường’

Những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc tranh luận

Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút ở Cleveland, Ohio, diễn ra một cách hỗn loạn, thường xuyên bị gián đoạn và những người đàn ông buông lời lăng mạ nhau.

Các vấn đề chính gồm:

-Giữa những lời lăng mạ qua lại, ông Biden gọi tổng thống là “thằng hề”. Ông nói với Trump: “Ông có im đi không?” và sau đó nói “Tiếp tục ngáp, anh bạn”

-Ông Trump nói ông Biden đã “tốt nghiệp thấp nhất hoặc gần như thấp nhất trong lớp” và đã không làm được gì trong sự nghiệp chính trị 47 năm

-Ông Biden nói rằng ông Trump “hoảng sợ” vì dịch virus corona và “rất nhiều người đã chết”. Ông Trump sau đó tweet rằng nếu ông Biden làm tổng thống thì số người chết còn nhiều hơn

-Ông Trump bảo vệ quyết định nhanh chóng lấp đầy ghế khuyết tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, trong khi Joe Biden từ chối trả lời khi được hỏi liệu ông có sẽ tìm cách mở rộng số thẩm phán hay không

-Khi được hỏi liệu ông có khuyến khích những người ủng hộ có thái độ ôn hòa nếu kết quả cuộc bầu cử sít sao, ông Trump nói: “Tôi khuyến khích người ủng hộ tôi đến các địa điểm bỏ phiếu và theo dõi rất cẩn thận”

-Khi ông Trump nói ông Biden sẽ tuân theo lệnh cánh tả của Đảng Dân chủ về chính sách sức khỏe và môi trường, ông Biden trả lời: “Hiện tôi là Đảng Dân chủ”

Việc gì đang xảy ra sau cuộc tranh luận?

Cuộc đấu khẩu theo sau buổi tranh luận kéo qua hôm thứ Tư.

Trên Twitter, Trump nói rằng Biden sẽ phá hủy đất nước, tuyên bố là đối thủ muốn đưa thêm thẩm phán vào Tối cao Pháp viện, hủy bỏ Tu chính án thứ hai của Hiến pháp, trong đó có quyền trang bị vũ khí.

Joe Biden đang có chuyến đi trên xe lửa cả ngày qua miền đông Ohio và miền tây Pennsylvania để tranh cử, trong khi chiến dịch tranh cử của ông cũng tung ra một quảng cáo kỹ thuật số chống tổng thống.

Ông nói trong điểm dừng đầu tiên rằng ông Trump đã “bỏ rơi những người Mỹ bị lãng quên mà ông nói rằng ông sẽ tranh đấu. Tôi sẽ không bao giờ quên”.

Biden nói thêm: “Tôi sẽ không trở thành tổng thống đảng Dân chủ. Tôi sẽ trở thành tổng thống của Mỹ”.

Các cuộc tranh luận truyền hình kế tiếp giữa hai ứng cử viên là vào ngày 15 tháng 10 ở Florida và ngày 22 tháng 10 ở Tennessee.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54367016

 

Tình báo Mỹ ‘chưa sẵn sàng’

đối phó với mối đe dọa gia tăng từ TQ

Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng ngành tình báo Hoa Kỳ không sẵn sàng để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Báo cáo bí mật, công bố gồm 37 trang nhưng bị xóa một phần, là thành quả hai năm nghiên cứu của ủy ban, cảnh báo rằng cần phải có “sự sắp xếp lại đáng kể các nguồn lực” để giúp Mỹ tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc trên trường toàn cầu.

Sự chậm trễ này xảy ra sau hai thập kỷ Mỹ tập trung vào chống khủng bố sau vụ tấn công ngày 11/9.

Theo Politico và SCMP, cộng đồng tình báo Mỹ đã không bắt kịp với những bước tiến về công nghệ và chính trị của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, một sự tụt hậu có nguy cơ khiến các nhà hoạch định chính sách chìm trong bóng tối vĩnh viễn về một thách thức chiến lược ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia của nước này, theo một báo cáo được phát hành vào thứ Tư bởi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Mỹ phải đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc, từ việc xây dựng quân đội và xuất khẩu “chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số” cho Bắc Kinh. Báo cáo được đánh dấu mật. Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, bằng biểu quyết trong cuộc họp kín vào sáng thứ Tư, đã cung cấp một bản tóm tắt được biên soạn lại.

“Nếu không có sự sắp xếp lại nguồn lực đáng kể, chính phủ và cộng đồng tình báo Hoa Kỳ sẽ không đạt được các kết quả cần thiết để cho phép Hoa Kỳ tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới, và để bảo vệ sức khỏe và an ninh của Hoa Kỳ,” bản tóm tắt cảnh báo.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff cho biết trong một tuyên bố rằng “năng lực của cộng đồng tình báo trong việc giải quyết các mục tiêu khó như Trung Quốc đã suy yếu” sau hai thập kỷ tập trung vào chống khủng bố sau vụ khủng bố ngày 11/9.

Ông nói: “Các cơ quan tình báo của quốc gia” còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết triệt để thách thức do Trung Quốc đặt ra “.

Báo cáo hôm thứ Tư là kết quả của cái gọi là cuộc “điều tra chi tiết” về những gì họ coi là các hoạt động gây rắc rối của Trung Quốc trên toàn cầu, bao gồm các nỗ lực mạng độc hại và các chiến dịch thông tin sai lệch của Bắc Kinh; xuất khẩu công nghệ giám sát xâm lấn; và mối đe dọa mà dịch vụ tình báo Trung Quốc tiếp tục đặt ra đối với an ninh của người Mỹ và an toàn thông tin quốc gia.

Một quan chức ủy ban cho biết hầu hết các khuyến nghị cải cách đều nhằm vào lãnh đạo cấp cao. Quan chức này nói thêm rằng ban hội thẩm nhận được những “kết quả khác nhau” từ các thành phần tình báo Mỹ khác nhau trong các vấn đề Trung Quốc mà họ đang tập trung xem xét, nhưng từ chối cho biết cơ quan nào trong số 17 cơ quan tình báo giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc tốt hơn.

Trong số các khuyến nghị công khai: đánh giá chính thức việc quản lý thông tin tình báo nguồn mở trong cộng đồng tình báo; một nỗ lực rộng rãi và chính thức hơn của ban lãnh đạo để tư vấn cho thế hệ kế cận các nhà phân tích Trung Quốc.

Đài Loan mua tên lửa, thủy lôi của Mỹ để đối phó với TQ

Hoa Kỳ ‘truy nã hacker Trung Quốc đánh mạng chính phủ Việt Nam’

Quan chức ủy ban cho biết một số khuyến nghị sẽ dễ dể giải quyết hơn cho các cơ quan, tuy nhiên một số đề xuất – chẳng hạn như tạo một nhóm nghiên cứu lưỡng đảng, lưỡng viện để đánh giá cách cộng đồng tình báo được tổ chức xung quanh những vấn đề này, và quyền lực được phân chia như thế nào – có thể mất đến một thập kỷ để thực hiện đầy đủ.

Báo cáo bao gồm 36 khuyến nghị công khai và hơn 100 khuyến nghị mật.

Bản tóm tắt không đề cập đến cáo buộc can thiệp bầu cử từ Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Tư pháp William Barr và các quan chức Mỹ cao cấp khác trong những tuần gần đây.

Nhưng nó làm nổi bật nguy cơ gây ra bởi “các tác nhân gây ảnh hưởng” của Bắc Kinh, các nỗ lực tuyên truyền và thông tin sai lệch của chính phủ nước này xung quanh các sự kiện như cuộc biểu tình ở Hong Kong và vụ bùng phát Covid-19.

Lo TQ tấn công Đài Loan – Mỹ, Nhật Bản tập trận trong dịp bầu cử 3/11

Bộ Tư pháp Mỹ mô tả hoạt động của hai gián điệp mạng Trung Quốc

“Sự phát tán thông tin sai lệch của Trung Quốc – kết hợp với vô số các mối đe dọa ảnh hưởng từ nước ngoài và hoạt động thông tin sai lệch được nhà nước hậu thuẫn xuất phát từ Nga, Iran và các đối thủ khác – sẽ tạo tiền đề cho các cuộc tấn công vào sự thật, làm tổn hại đến khả năng của Hoa Kỳ trong việc phát triển các chính sách ở nước ngoài và tương tác hiệu quả với công dân Mỹ,” bản tóm tắt nêu rõ.

Một quan chức khác của ủy ban cho biết nguồn gốc của cuộc điều tra có thể được bắt nguồn từ báo cáo lưỡng đảng năm 2012 của ban hội thẩm kết luận rằng những gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE là một mối đe dọa an ninh quốc gia.

Việc phát hành báo cáo cũng được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang tranh cãi về lệnh hành pháp gần đây của Tổng thống Donald Trump cấm truy cập vào ứng dụng di động nổi tiếng của Trung Quốc TikTok, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Đầu tuần này, một thẩm phán liên bang cho biết chính quyền Mỹ “có khả năng” đã vượt quá thẩm quyền khi cố gắng áp đặt các hạn chế đối với ứng dụng video dạng ngắn, thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance.

Lo ngại chỉ tăng lên kể từ năm 2015, khi Trung Quốc đánh cắp hàng triệu hồ sơ thông quan an ninh siêu nhạy cảm do Văn phòng Quản lý Nhân sự nắm giữ, quá trình quân sự hóa Biển Đông và cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Tài liệu dành một phần đáng kể để nói về phản ứng của Bắc Kinh đối với Covid-19, từ việc che đậy ban đầu về loại virus này khi nó xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán – đến nỗ lực đưa ra các chiến thuật quản lý độc đoán trong lĩnh vực kỹ thuật số. Ví dụ như một ứng dụng điện thoại mới được thiết kế để thông báo cho người dùng về trạng thái tự cách ly của họ, đồng thời thu thập dữ liệu của họ và gửi cho cảnh sát địa phương.

“Vấn đề đặt ra cho đánh giá này là, có rất nhiều cuộc thảo luận về việc cạnh tranh với Trung Quốc… nhưng chúng tôi thực sự muốn xem xét nghiêm túc xem cạnh tranh với Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng tình báo,” một quan chức của ủy ban cho biết.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54367427

 

Mỹ xếp Trung Quốc đứng đầu danh sách

 các nước cưỡng bức lao động

Thụy My

Hôm 30/09/2020 Hoa Kỳ xác định Trung Quốc là điểm nóng toàn cầu về hàng hóa do những người bị cưỡng bức lao động sản xuất. Đây là mối quan tâm ngày càng lớn về cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bộ Lao Động Hoa Kỳ công bố danh sách được cập nhật hai năm một lần, về các loại hàng hóa được cho là do trẻ em bị cưỡng bức lao động làm ra. Trong danh mục này có 17 mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, từ găng tay cho đến các đồ vật trang trí mùa Giáng Sinh.

Tổng cộng danh sách năm nay có 155 mặt hàng từ 77 nước, trong có có hơn 20 mặt hàng mới được thêm vào như lá Khát của Ethiopia được dùng như chất kích thích, và cá do các đội tàu Đài Loan đánh bắt xa bờ khai thác.

Bộ trưởng Lao Động Eugene Scalia nói với báo chí : « Tất cả những lạm dụng được nêu ra trong báo cáo này đều đáng ngại, nhưng đặc biệt có một quốc gia nổi bật nhất. Trung Quốc vượt xa tất cả các nước khác về các sản phẩm do người bị cưỡng bức lao động làm ra ».

Tài khoản Twitter của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 01/10/2020 nhấn mạnh câu nói của ngoại trưởng Mike Pompeo : « Đảng Cộng Sản Trung Quốc thực sự là một mối đe dọa ».

Trước đó hôm 14/09, Mỹ đã cấm nhập các mặt hàng bông vải, quần áo, sản phẩm từ tóc, linh kiện máy tính do một số « trung tâm huấn nghệ » đặt tại Tân Cương sản xuất.

Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương với danh nghĩa « trường đào tạo nghề ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201001-m%E1%BB%B9-x%E1%BA%BFp-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BB%A9ng-%C4%91%E1%BA%A7u-danh-s%C3%A1ch-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-c%C6%B0%E1%BB%A1ng-b%E1%BB%A9c-lao-%C4%91%E1%BB%99ng

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố lập liên minh toàn cầu

chống Trung Quốc

Quý Khải

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Hai (28/9) đã tuyên bố thành lập một liên minh toàn cầu để chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo the BL.

Xuất hiện trên chương trình ‘Life, Liberty & Levin’ của đài Fox News hôm thứ Hai (28/9), ông Pompeo không ngần ngại khẳng định:

“Mối đe dọa bên ngoài lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong giai đoạn trung và dài hạn là mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”.

Khi trả lời phỏng vấn của người dẫn chương trình Mark Levin, ông Pompeo đã khẳng định rằng chính quyền Trump đã đạt được “tiến bộ thực sự” trong việc khiến các quốc gia ở xa như các nước ở Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ nhận ra “mối đe dọa hiện hữu đối với tự do và chủ quyền lãnh thổ của họ”.

“Tôi đã đi khắp thế giới để đảm bảo rằng mọi quốc gia đều hiểu rằng đây không phải là vấn đề riêng giữa Mỹ và Trung Quốc [ĐCSTQ]. Đây là một thách thức [toàn cầu], và chúng ta cần đảm bảo rằng thế kỷ tiếp theo không phải là thế kỷ của Trung Quốc. Nó không thể là thế kỷ được kiểm soát bởi các chế độ đàn áp độc tài, mà là bởi các chế độ tin tưởng vào tính pháp quyền, sự tự do có trật tự và chủ quyền quốc gia như những nền tảng cốt lõi”, ông Pompeo chia sẻ.

Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cũng cho biết:

“Hiện chúng tôi đã bắt đầu xây dựng liên minh toàn cầu để đẩy lùi [Bắc Kinh]”.

Tuy rằng ông Pompeo cũng thừa nhận rằng “sẽ mất nhiều năm” để đảo ngược các ảnh hưởng của thế lực khổng lồ châu Á này tại thế giới phương Tây, nhưng ông lạc quan vì “tình thế đã thay đổi, khi [thế giới] nhận ra mối đe dọa do chế độ Trung Quốc độc tài này gây ra”.

Đảo ngược gần nửa thế kỷ với những chính sách sai lầm

Ngoại trưởng Pompeo, cũng như Tổng thống Trump, đã nhiều lần chỉ trích chính sách nhượng bộ của các chính quyền trước  đối với ĐCSTQ kể từ Mỹ-Trung bắt đầu quan hệ song phương gần nửa thế kỷ trước. Chính điều này đã dẫn đến sự phát triển vượt bậc về sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự của Bắc Kinh so với phần còn lại của thế giới.

Năm 1972, Tổng thống Nixon đã đến Trung Quốc để khởi động các cuộc đối thoại dẫn đến việc tái lập mối quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.

Với niềm tin ĐCSTQ sẽ dần dần tiếp nhận các giá trị dân chủ khi tiếp xúc nhiều hơn với thế giới tự do, phương Tây đã dành cho nó một vị trí lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, chính Nixon từng thừa nhận rằng ông lo ngại mình đã tạo ra một “con quái vật Frankenstein” bằng cách mở cửa thế giới cho ĐCSTQ.

Vị ngoại trưởng lên án ĐCSTQ lợi dụng sơ hở này trong nhận thức của phương Tây để tìm cách mở rộng quyền lực và tiềm lực kinh tế thông qua các thủ đoạn dối trá và lừa lọc.

“Sự thật là các chính sách của chúng ta – và của các quốc gia tự do – đã vực dậy nền kinh tế đang kiệt quệ của Trung Quốc,  chỉ để rồi thấy Bắc Kinh quay lại lấy oán trả ân”, Ông Pompeo nói trong một bài phát biểu hồi tháng 7.

Ông trích dẫn các ví dụ cho thấy cách thức quân đội Trung Quốc này đã trở nên “mạnh mẽ hơn” và “có khả năng gây đe dọa nhiều hơn”, cách ĐCSTQ tiến hành các chính sách cạnh tranh thương mại không lành mạnh, cách nó xâm phạm nhân quyền của chính người dân đại lục và cách nó cố gắng thâm nhập vào xã hội tự do để thao túng và gây ảnh hưởng.

“Thế giới tự do phải chiến thắng chế độ chuyên chế mới này”, vị ngoại trưởng nói khi đề cập đến ĐCSTQ.

“Nếu thế giới tự do không thay đổi, không muốn thay đổi, thì ĐCSTQ chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta”, ông Pompeo nói.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ngoai-truong-my-tuyen-bo-lap-lien-minh-toan-cau-chong-trung-quoc.html

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ công nhận Đài Loan?

Hương Thảo

Nguy cơ chiến tranh đang gia tăng nhanh chóng và Trung Quốc có thể tìm cách đẩy căng thẳng lên cao hơn nữa, theo bình luận trên Nikkei Asia ngày 25/9.

Đô đốc James Stavridis là Tư lệnh Đồng minh Tối cao thứ 16 của NATO và là Hiệu trưởng thứ 12 của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts. Ông đã dành phần lớn sự nghiệp hoạt động của mình ở Thái Bình Dương, bao gồm nhiều nhiệm vụ chỉ huy.

Trong năm bầu cử sôi động của Hoa Kỳ này, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Một điểm nhấp nháy đang ngày càng gia tăng nguy hiểm là Đài Loan.

“Hãy loại bỏ mọi ảo tưởng và chuẩn bị chiến đấu”, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh quân đội Trung Quốc cho biết sau khi Trung Quốc cuối tuần trước cho máy bay chiến đấu bay qua đường trung tuyến ngăn cách hai đối thủ được vũ trang cao.

Điều này được đính kèm với một đoạn video cho thấy các máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc đang thực hiện một cuộc chạy thử nghiệm trên một đường băng mô phỏng đường băng đặt tại Căn cứ Không quân Anderson của Hoa Kỳ ở Guam.

Rõ ràng là nguy cơ chiến tranh đang gia tăng nhanh chóng và Trung Quốc có thể đang cố gắng gợi một sự cố để đẩy căng thẳng lên cao hơn nữa. Vì vậy, liệu Mỹ có thực sự đang cân nhắc chính thức công nhận Đài Loan hay không? Và nếu chính quyền Trump cố gắng làm như vậy, thì kết cục sẽ là gì?

Chắc chắn mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc đang ngày càng thắt chặt hơn, sau chuyến thăm ngoại giao cấp cao lần thứ hai của một quan chức Hoa Kỳ tới Đài Loan, sự leo thang căng thẳng ngày một lên cao.

Tuần trước nữa, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach đã tham dự lễ tang của Lee Teng-hui, cựu tổng thống được bầu một cách dân chủ đầu tiên của Đài Loan, và tham gia một số cuộc họp cấp cao của chính phủ Đài Loan. Chuyến thăm của Thứ trưởng nối tiếp chuyến thăm Đài Loan vào tháng trước của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar. Trung Quốc đã đáp lại cả hai chuyến thăm bằng 19 lần xâm phạm không phận bằng máy bay chiến đấu riêng biệt, buộc Đài Loan phải điều chiến cơ của riêng mình, và đặt hệ thống phòng không của họ trong tình trạng báo động cao.

Sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cảnh báo rằng “Trung Cộng phải kiềm chế bản thân và không được kích động”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tờ Thời báo Hoàn Cầu, đã đăng tweet đáp trả rằng Đài Loan đang “đùa với lửa”.

Các bình luận từ Washington ngày càng trở nên dứt khoát. Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell cáo buộc Trung Quốc là “kẻ bắt nạt vô luật pháp”, đồng thời nói thêm rằng mối quan hệ Mỹ-Đài “không phải là một tập hợp con trong quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc”.

Trong khi đó, Washington đang xem xét một gói mới gồm 7 hệ thống phòng thủ tiên tiến cho Đài Loan, bao gồm máy bay không người lái MQ-9B Reaper, tên lửa chống hạm và các hệ thống phòng không trên mặt đất tiên tiến hơn. Điều này còn chưa kể đến doanh số bán máy bay chiến đấu F-16, xe tăng M1A2T Abrams, tên lửa phòng không di động Stinger và ngư lôi MK-48 tiên tiến của chính quyền Trump trước đây.

Và với cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ có khả năng làm gia tăng bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ – đặc biệt là khi cuộc cạnh tranh ảnh hưởng và quyền lực ở các thị trường mới nổi của châu Phi cận Sahara và châu Mỹ Latinh tiếp tục – dù bất kỳ ai giành chiến thắng vào tháng 11, đều có sự cám dỗ để tiến gần hơn đến Đài Loan, và thậm chí xem xét chính thức công nhận Đài Bắc.

Điều này sẽ có tác động bùng nổ đến mối quan hệ Mỹ-Trung và có thể kích hoạt một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc đối với hòn đảo. Các sự kiện sau đó có thể dễ dàng vượt quá tầm kiểm soát, dẫn đến phản ứng quân sự của Mỹ trước bất kỳ hành động tấn công nào của Trung Quốc vào Đài Loan.

Hãy xem những hành động khác của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh đứng ngồi không yên, bao gồm các chuyến thăm chính thức cấp cao mới tới Đài Loan; việc chuyển các máy bay chiến đấu tiên tiến hơn tới căn cứ Guam; các biện pháp trừng phạt khác của Mỹ can thiệp vào quyền truy cập vi mạch của Trung Quốc; hoặc bổ sung các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân thành viên của ĐCSTQ và gia đình của họ. Tổng hợp lại, những hành động như vậy có thể thuyết phục ông Tập rằng đã đến lúc cần phải có nhiều hành động quân sự xuyên eo biển hơn. Đặc biệt nếu có một giai đoạn chuyển tiếp ở Mỹ khiến họ có thể xao lãng hơn sau cuộc bầu cử tháng 11.

Ngoài kiểu máy bay chiến đấu xuyên eo biển được thấy vào cuối tuần trước, các hành động quân sự khác có thể giống như một cuộc tập trận quan trọng của quân đội Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Đài Loan; các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mạng xã hội quan trọng của Đài Loan; sự xuất hiện ở Đài Loan các nhân vật ẩn mình, với cái gọi là “những quý ông lịch lãm” trong đồng phục không có nhãn hiệu hoặc quần áo dân sự di chuyển để gieo rắc hỗn loạn; hoạt động của tàu ngầm gia tăng ở vùng biển

ven biển ngoài khơi Đài Loan; và các cuộc tấn công quân sự gần các quần đảo Kim Môn, Mã Tổ và Bành Hồ.

Lực lượng bảo vệ bờ biển và hạm đội đánh cá của Trung Quốc cũng có thể là một nhân tố tấn công trong vùng biển xung quanh hòn đảo, tiến hành giám sát và tấn công chiến tranh điện tử, tất cả đều sẽ đi kèm một chiến dịch hùng hậu về ngoại giao và lan truyền tin giả.

Thế giới sẽ phản ứng như thế nào? Có khả năng sẽ có sự kết hợp giữa hỗ trợ các hoạt động tình báo; phản đối ngoại giao tại Liên Hợp Quốc; một chiến dịch gây ảnh hưởng trên toàn thế giới để lên án sự xâm lược của Trung Quốc; trừng phạt kinh tế đối với hàng hóa Trung Quốc; hỗ trợ quân sự hoàn toàn của Hoa Kỳ cho Đài Loan; Các vụ phản kích và phòng thủ trên không của Mỹ từ đảo Guam hoặc thậm chí từ các căn cứ của Đài Loan. Sự can thiệp của hải quân và triển khai quân trên bộ sẽ khó có khả năng dẫn đến cuộc chiến quyền lực lớn, điều mà cả hai bên đều cố gắng tránh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dieu-gi-se-xay-ra-neu-my-cong-nhan-dai-loan.html

 

Washington thất bại trong việc lôi kéo

Vatican vào cuộc đọ sức Mỹ-Trung

Trọng Nghĩa

Đúng với những thông tin được báo chí tiết lộ trong những ngày gần đây, Tòa Thánh Vatican hôm 30/09/2020 xác nhận chính thức rằng đức giáo hoàng Phanxicô đã từ chối yêu cầu của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo muốn được tiếp kiến ngài vào hôm nay. Điều đáng nói là Vatican đã nêu rõ lý do là Giáo Hội Công Giáo không muốn bị lôi kéo vào cuộc bầu cử Mỹ bằng cách tố cáo quan hệ với Trung Quốc như mong đợi của ông Pompeo.

Theo lịch trình làm việc được công bố, nhân chuyến công tác tại Ý bắt đầu từ 30/09/2020 ngoại trưởng Mỹ có cuộc gặp với các quan chức của Tòa Thánh Vatican. Trước đó ông Pompeo đã xin được gặp đức giáo hoàng.

Tuy nhiên, vào hôm qua, hai quan chức ngoại giao cao cấp của Vatican là hồng y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Tòa Thánh, và tổng giám mục Paul Gallagher phụ trách đối ngoại của Vatican, đã cho biết là đức giáo hoàng Phanxicô từ chối yêu cầu của ông Pompeo, vì giáo hoàng tránh gặp các chính khách trước các cuộc bầu cử.

Theo hãng tin Anh Reuters, đức hồng y Parolin đã xác nhận nguyên văn như sau: “Đúng là ông (Pompeo) có yêu cầu. Nhưng đức giáo hoàng đã từng nói rõ là ngài không tiếp các chính khách trong thời gian bầu cử (tại nước họ). Đó là lý do.”

Theo giới quan sát, nhận xét lạ thường của hai quan chức ngoại giao cao cấp của Tòa Thánh là phản ứng thẳng thắn của Vatican trước những động thái thiếu ngoại giao của ông Pompeo được cho là đã cố tình gây sức ép với Tòa Thánh để lôi kéo Giáo Hội Công Giáo về phía mình trong cuộc đọ sức với Trung Quốc.

Trong tháng 9 vừa qua, ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã không ngần ngại tố cáo chính sách hòa dịu của Vatican đối với Trung Quốc trong một loạt tin nhắn Twitter cũng như trong một bài báo, cho rằng Tòa Thánh đã đặt “quyền uy đạo đức” của mình vào vòng nguy hiểm khi tiếp tục duy trì bằng cách triển hạn một thỏa thuận với Trung Quốc về việc đề cử giám mục.

Trong một sự kiện mà đại sứ quán Mỹ tại Vatican tổ chức, ông Pompeo đã tránh đả kích thỏa thuận của Vatican, nhưng tiếp tục lên án Trung Quốc vi phạm quyền tự do tôn giáo trên một quy mô rộng lớn.

Trước những cáo buộc từ phía Mỹ, Vatican cho rằng dù không hoàn hảo nhưng thỏa thuận với Bắc Kinh là một bước tiến, sau hàng thập niên mà những người Công Giáo Trung Quốc trung thành với đức giáo hoàng đã phải rút vào hành đạo trong bí mật.

Đối với hồng y Parolin và tổng giám mục Gallagher, động thái đả kích Vatican của ông Pompeo rất đáng “ngạc nhiên” vì được đưa ra ngay trước chuyến thăm Roma đã được lên kế hoạch trước của ông.

Theo tổng giám mục Gallagher: “Bình thường ra khi chuẩn bị những chuyến thăm và gặp gỡ giữa các nhân vật cao cấp, thì những nội dung trao đổi cần phải được đàm phán trước một cách kín đáo. Đó là một quy tắc ngoại giao”.

Khi được hỏi là phải chăng những lời chỉ trích thỏa thuận với Trung Quốc là nhằm mục tiêu chính trị ở Mỹ, hồng y Parolin cho rằng “một số người đã diễn giải như vậy… Nhận xét (của ông Pompeo) trước hết có mục tiêu chính trị nội bộ. Tôi không có bằng chứng về điều này, nhưng chắc chắn đây là một cách đánh giá sự việc”.

Đối với Vatican, thỏa thuận với Trung Quốc là “một vấn đề không liên quan gì đến chính trị Mỹ. Đây là vấn đề của Giáo Hội và không nên sử dụng vì những mục tiêu như thế.”

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201001-washington-th%C3%A2%CC%81t-ba%CC%A3i-trong-vi%C3%AA%CC%A3c-l%C3%B4i-ke%CC%81o-vatican-va%CC%80o-cu%C3%B4%CC%A3c-%C4%91o%CC%A3-s%C6%B0%CC%81c-my%CC%83-trung

 

Ông Pompeo cảnh báo Ý

về rủi ro khi bang giao với Bắc Kinh

Lục Du

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, hôm thứ Tư (30/9), đã cảnh báo Ý rằng cần cẩn thận trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc và mô tả công nghệ viễn thông di động của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh với Ý và quyền riêng tư của công dân nước này, theo Epoch Times.

“Ngoại trưởng [Ý] và tôi đã có một cuộc trò chuyện dài về mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc [lực lượng] đang cố gắng tận dụng sự hiện diện kinh tế của mình ở Ý để theo đuổi các mục đích chiến lược của riêng họ”, ông Pompeo nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio.

“Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính phủ Ý xem xét cẩn thận các rủi ro đối với an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân do các công ty công nghệ có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra”, ông Pompeo nói thêm.

Ông Di Maio cho biết người Ý nhận thức được mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với công nghệ 5G của Trung Quốc và “nhận thức đầy đủ trách nhiệm mà mọi quốc gia phải đối mặt khi xử lý vấn đề an ninh”.

Chính phủ Mỹ có sự chú ý đặc biệt đối với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Washington đã nói với các đồng minh châu Âu rằng công ty này gây ra mối đe dọa an ninh, và lưu ý rằng theo luật, các công ty và người dân Trung Quốc phải hỗ trợ Bắc Kinh trong việc thu thập thông tin tình báo.

Trong khi một số đồng minh của Mỹ ở châu Âu, ví dụ như Anh, đã tuyên bố cấm sử dụng thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng viễn thông 5G, nhưng Ý cho đến nay vẫn chưa thực hiện hành động tương tự. Tuy nhiên, Huawei gần đây đã bị loại khỏi một cuộc đấu thầu lớn ở Ý và một quan chức cấp cao của chính phủ nước này nói với Reuters rằng đất nước ông đã sẵn sàng áp đặt các quy tắc cứng rắn hơn trong các giao dịch liên quan đến công ty công nghệ của Trung Quốc.

Năm ngoái, Ý đã gây xôn xao dư luận ở Washington khi nước này trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên của phương Tây tham gia dự án Vành đai và Con đường của chính quyền Trung Quốc. Mặc dù vậy, cho tới nay, việc kết nối với Bắc Kinh trong dự án này chưa đem lại nhiều lợi ích đối với Ý.

Ông Di Maio cho biết Ý đang trông đợi Liên minh châu Âu thông qua một chính sách chung về phát triển mạng 5G.

Trong khi đó, vào ngày 30/9, Vatican cho biết họ đã từ chối đề nghị tiếp kiến Giáo hoàng Francis của ông Pompeo, và cáo buộc Ngoại trưởng Hoa Kỳ cố gắng lôi kéo Giáo hội Công giáo vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khi thể hiện mong muốn Tòa thánh Vatican lên án chính quyền Trung Quốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-pompeo-canh-bao-y-ve-rui-ro-khi-bang-giao-voi-bac-kinh.html

 

TT Trump ban hành sắc lệnh

về khai thác đất hiếm

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư 30/9 ra lệnh cho các bộ trưởng trong nội các của ông xem xét tình trạng lệ thuộc của Mỹ vào các loại đất hiếm, trong một cố gắng nhằm chấm dứt sự thống trị của Trung Quốc trong ngành này.

Động thái này có thể dẫn tới việc áp dụng thuế quan, hạn ngạch và các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác, theo một sắc lệnh của Tổng thống ban hành hôm 30/9.

Ông Trump, vốn chủ trương bảo hộ thương mại, đang vận động để tái đắc cử, ông đã đưa ra những lời đe dọa tương tự với các sắc lệnh Tổng thống trước đây liên quan tới các loại đất hiếm.

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 khoáng sản tự nhiên được sử dụng để sản xuất một loạt sản phẩm, kể cả vũ khí và thiết bị điện tử. Hiện không có chất nào có thể thay thế các loại đất hiếm này.

Tuy Hoa Kỳ từng là nhà sản xuất các khoáng sản hàng đầu, song Trung Quốc đã khai thác lợi thế của nước này trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai cường quốc.

Năm ngoái, ông Trump nói Bộ Quốc phòng phải tìm những cách tốt hơn để thúc đẩy sản xuất nam châm đất hiếm, vốn là vật liệu để chế tạo nhiều sản phẩm, kể cả các phi đạn có điều hướng, bom thông minh và phản lực cơ quân sự.

Hai Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã giới thiệu một dự luật riêng rẽ liên quan tới khoáng sản trong năm qua, thế nhưng cho tới nay, dự luật đó chưa được thông qua.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-ban-hanh-sac-lenh-ve-khai-thac-dat-hiem/5605123.html

 

Cựu giám đốc FBI điều trần trước Thượng Viện

 về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử

Tin Washington DC – Vào thứ Tư, 30 tháng 9, cựu giám đốc FBI James Comey đã xuất hiện trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện để trả lời các câu hỏi về hành động của FBI trong giai đoạn đầu cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Hoa Kỳ.

Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham của South Carolina, lâu nay đã chỉ trích các quyết định của FBI trong giai đoạn đầu cuộc điều tra, bao gồm sai sót trong việc xin trát tòa để giám sát ông Carter Page, cố vấn tranh cử của Tổng Thống Trump, và quá phụ thuộc vào báo cáo sai lầm và gian dối của cựu gián điệp Anh quốc Christopher Steele.

Trong phiên điều trần, cựu giám đốc Comey nói cơ quan của ông không cố tình gây ra các sai sót, nhưng thừa nhận một số nhân viên FBI làm việc quá cẩu thả. Cựu giám đốc FBI cũng nhiều lần nói rằng ông không có câu trả lời cho câu hỏi của Chủ Tịch Graham, khiến ông Graham hết sức tức giận.

Chủ Tịch Graham đã dùng nhiều từ ngữ nặng nề để chỉ trích cựu giám đốc Comey, do FBI đã dựa trên dữ liệu sai lầm để xin trát tòa nhằm điều tra ban tranh cử của tổng thống, và dùng đi dùng lại dữ liệu này mà không hề kiểm tra rằng chúng có đáng tin cậy hay không.

Trong khi đó, thành viên Dân Chủ của Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, bà Dianne Feinstein của California, nói rằng cuộc điều tra của FBI là hợp lý, và các cáo trạng hình sự sau đó của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đều dựa trên thông tin chính xác. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cuu-giam-doc-fbi-dieu-tran-truoc-thuong-vien-ve-cuoc-dieu-tra-nga-can-thiep-bau-cu/

 

Báo cáo của Thượng viện cho thấy

các giao dịch giữa Hunter Biden

và các doanh nhân liên quan đến ĐCSTQ

Robert Hunter Biden, con trai của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã thực hiện “các giao dịch đáng ngờ” trị giá hàng triệu USD với các doanh nhân Trung Quốc có liên quan đến chính quyền và quân đội Trung Quốc, theo một báo cáo mới của Quốc hội Hoa Kỳ.

Cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các con trai Hunter Biden (trái) và Beau Biden đi bộ trong Lễ diễu hành nhậm chức ở Washington vào ngày 20/1/2009. (Ảnh David McNew/ Getty Images)

Cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các con trai Hunter Biden (trái) và Beau Biden đi bộ trong Lễ diễu hành nhậm chức ở Washington vào ngày 20/1/2009. (Ảnh David McNew/ Getty Images)

Ông Hunter Biden bắt đầu phát triển mối quan hệ với các doanh nhân Trung Quốc ít nhất từ năm 2009, năm mà ông đồng sáng lập công ty tư vấn và đầu tư Hoa Kỳ Rosemont Seneca Partners. Theo bản báo cáo, những mối quan hệ tài chính này “đã tăng tốc trong thời gian cha ông làm phó tổng thống và vẫn tiếp tục sau khi cha ông đã rời nhiệm sở”.

Ông Joe Biden là phó Tổng thống trong chính phủ Obama từ năm 2009 đến năm 2017. Ông hiện là ứng cử viên Đảng Dân Chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới vào tháng 11.

Những người sáng lập khác của Rosemont Seneca Partners là ông Chris Heinz, con riêng của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, và ông Devon Archer, một trong những đối tác kinh doanh của ông Hunter Biden.

Báo cáo được công bố vào ngày 23/9 bởi hai ủy ban của Thượng viện: An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ, và Bộ Tài chính.

Phản ứng trước cáo buộc này, phát ngôn viên chiến dịch [tranh cử] của ông Joe Biden, ông Andrew Bates, cho biết báo cáo của Thượng viện đang sử dụng tiền thuế của người dân để khởi động “một cuộc tấn công dựa trên thuyết âm mưu của cánh hữu vốn đã bị bác bỏ từ lâu”.

Doanh nhân thân thiện với Bắc Kinh

Hai công dân Trung Quốc có vai trò nổi bật trong mạng lưới tài chính của ông Hunter Biden với Trung Quốc gồm: ông trùm dầu mỏ Trung Quốc bị thất sủng Ye Jianming và nhà tài chính gốc châu Á Dong Gongwen. Theo báo cáo, ông Dong là cộng sự kinh doanh của ông Ye và thực hiện các giao dịch cho các công ty của ông Ye.

Ông Hunter Biden đã kiếm được hàng triệu USD từ mối quan hệ với ông Ye và nhận được hàng triệu USD từ các công ty của ông Dong, báo cáo nêu rõ.

“Ông Ye và các cộng sự của ông ta có mối quan hệ bền chặt với các đơn vị quân đội Trung Quốc, một số trong đó đã tham gia vào các vấn đề trực tiếp chống lại các chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực,” bản báo cáo của Thượng viện cho biết.

Ông Ye đã thành lập CEFC China Energy, một tập đoàn dầu mỏ kiếm được hàng tỷ USD ở Nga, Đông Âu và một số khu vực ở châu Phi.

Tập đoàn này đã trở thành công ty dầu khí tư nhân lớn nhất Trung Quốc trước khi bị lọt  vào tầm ngắm của Bắc Kinh vào năm 2018. Ông Ye đã bị điều tra vào tháng 2/2018 vì “nghi ngờ tội phạm kinh tế” và sau đó bị bắt giam. Hiện vẫn chưa biết nơi ông ta bị giam giữ. Một doanh nghiệp nhà nước đã nắm quyền kiểm soát CEFC vào tháng 3/2018.

Ngoài các hoạt động kinh doanh mờ ám, công ty dầu khí còn thuê các cựu quan chức quân sự và lợi dụng những mối quan hệ này để phát triển, theo các bài báo của truyền thông Trung Quốc.

Ông Ye cũng từng là phó Tổng thư ký của Hiệp hội Liên lạc hữu nghị Quốc tế Trung Quốc (CAIFC) từ năm 2003 đến 2005.

Hiệp hội này là một nhóm tiên phong của Tổng cục Chính trị (GPD) của quân đội Trung Quốc trước đây, một cơ quan chính trị trong Quân ủy Trung ương – cơ quan của Trung Quốc kiểm soát quân đội, theo một báo cáo năm 2018 của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC). GPD đã được thay thế bởi một cơ quan mới có tên là Cục Công tác Chính trị vào năm 2016.

Theo USCC, CAIFC chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền và định hướng dư luận.

Các giao dịch với Biden

Báo cáo mới của Thượng viện đã xác định một giao dịch là “hoạt động tội phạm tài chính tiềm ẩn” vào tháng 8/2017, khi CEFC Infrastructure Investment (US) LLC, một công ty con của CEFC China Energy, gửi khoản thanh toán 100,000 USD cho công ty luật Owasco của ông Hunter Biden có trụ sở tại Washington. Không rõ số tiền này được sử dụng để làm gì.

Một sự cố khác được Thượng viện nhận định là “hoạt động tội phạm tài chính tiềm ẩn” diễn ra vào tháng 9/2017, khi ông Hunter Biden và ông Dong mở hạn mức tín dụng tại một ngân hàng dưới tên doanh nghiệp Hudson West III LLC.

Tín dụng đã được cấp cho ông Hunter Biden, ông James Biden và bà Sara Biden, vợ của ông James Biden. Ông James Biden là anh trai của ông Joe Biden.

Báo cáo của Thượng viện nêu rõ, “Gia đình Bidens đã sử dụng các thẻ tín dụng mà họ mở để mua các mặt hàng xa xỉ trị giá 101,291.46 USD, bao gồm các vé máy bay và nhiều mặt hàng tại các cửa hàng Apple Inc, hiệu thuốc, khách sạn và nhà hàng.”

Hàng triệu USD đã được chuyển từ CEFC Infrastructure Investment sang Hudson West III và sau đó là sang Owasco. Vào ngày 8/8/2017, CEFC Infrastructure Investment đã chuyển 5 triệu USD vào tài khoản ngân hàng của Hudson West III. Từ ngày 8/8/2017 đến ngày 25/9/2018, Hudson West III đã chuyển hơn 4.79 triệu USD cho Owasco dưới danh nghĩa các khoản phí tư vấn.

Hudson West III là 1 trong 8 công ty được đánh số của Hudson West, và báo cáo của Thượng viện cho thấy ông Dong có liên hệ với 7 công ty trong số đó. Bản báo cáo không nêu chi tiết về các mối liên hệ, và không rõ liệu ông Hunter Biden có liên hệ với các công ty Hudson West khác hay không.

Ông Patrick Ho, một doanh nhân người Hồng Kông từng là tổng thư ký của một công ty con của CEFC, Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc, cũng là khách hàng của ông Hunter Biden tại Owasco, theo báo cáo của Thượng viện.

Ông Ho cũng dính líu đến những việc sai trái của CEFC. Ông bị các công tố viên Hoa Kỳ buộc tội hối lộ các quan chức hàng đầu ở Chad và Uganda để đổi lấy cơ hội kinh doanh cho CEFC.

Báo cáo của Thượng viện cho biết, vào ngày 22/3/2018, vài tháng trước khi ông Ho bị đưa ra tòa, một khoản thanh toán 1 triệu USD đã được gửi từ Hudson West III đến Owasco để họ làm đại diện pháp lý cho ông ta.

Theo một thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, ông Ho đã bị kết án 3 năm tù giam vào tháng 3/2019 cho một số tội danh bao gồm rửa tiền và vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài. Ông ta đã được

trả tự do vào tháng 6 năm nay nhờ thẩm phán rút ngắn thời gian giam giữ sau khi ông cải tạo tốt trong thời gian ở tù.

Các ủy ban của Thượng viện cho biết mối quan hệ tài chính giữa ông Hunter Biden, gia đình ông và các doanh nhân Trung Quốc “không chỉ làm tăng các mối quan ngại về xung đột lợi ích, mà còn gây lo ngại về các vấn đề như tội phạm tài chính, phản gián và tống tiền”.

Chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận về các giao dịch với các công dân Trung Quốc.

Hôm 24/9, Hạ nghị sĩ Jim Jordan (Đảng Cộng Hòa–Ohio) đã gửi một bức thư cho Giám đốc FBI Christopher Wray hỏi liệu cơ quan này có điều tra một số phát hiện của bản báo cáo, bao gồm các giao dịch của ông Hunter Biden với Trung Quốc liên quan đến hoạt động tội phạm tiềm ẩn hay không.

Frank Fang

Thanh Tâm biên dịch

https://etviet.com/us/bao-cao/bao-cao-cua-thuong-vien-cho-thay-cac-giao-dich-giua-hunter-biden-va-cac-doanh-nhan-lien-quan-den-dcstq.html

 

Nghi can phục kích và bắn trọng thương

hai cảnh sát đã bị bắt giữ

Vào thứ tư (ngày 30 tháng 9), Cảnh sát trưởng Quận Los Angeles Alex Villanueva cho biết nghi can phục kích và bắn trọng thương hai cảnh sát tại Compton vào đầu tháng 9 đã bị bắt giữ. Trong một cuộc họp báo lúc 10 giờ sáng, ông Villanueva xác nhận nghi can là Deonte Lee Murra, 36 tuổi, và gọi người này là “hèn nhát.”

Theo một thông cáo từ Văn phòng Biện lý Quận Los Angeles, Murray đã bị buộc tội cố ý giết một cảnh sát và tội tàng trữ vũ khí. Cảnh sát điều tra tin Murray là người trong đoạn video đã tiến đến một chiếc xe tuần tra đậu bên ngoài Martin Luther King Jr. Transit Center vào ngày 12 tháng 9 và nổ súng vào một nam và nữ cảnh sát, sau đó bỏ trốn. Cả hai nạn nhân đều trúng đạn nhưng đã có thể giúp đỡ lẫn nhau trong khi chờ cấp cứu.

Cảnh sát trưởng cho biết nữ cảnh sát 31 tuổi bị trúng đạn vào mặt và nam cảnh sát 24 tuổi bị trúng đạn vào đầu. Cả hai đều phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch và sau đó đã xuất viện để tiếp tục hồi phục.

Murray sẽ ra tòa vào thứ tư. Các công tố viên đang đề nghị mức thế chân tại ngoại là 6.15 triệu mỹ kim. Nếu bị kết tội, ông ta phải đối mặt với mức án tối đa là tù chung thân. Murray được cho là cũng đã tham gia vào một vụ cướp và cướp xe vào ngày 1 tháng 9, cũng ở thành phố Compton.

Vào ngày 15 tháng 9, ba ngày sau khi anh ta bị cáo buộc bắn các cảnh sát, lực lượng cảnh sát đã tìm thấy ông, nhưng ông ta ngay lập tức chạy trốn. Một cuộc truy đuổi xảy ra sau đó, và Murray đã ném một khẩu súng lục ra khỏi xe trong cuộc rượt đuổi. Các cảnh sát điều tra đã thu hồi được khẩu súng. Đội trưởng Bộ phận Giết người của Sở Cảnh sát L.A. Kent Wegener cho biết Murray sau đó ngừng xe tại Lynwood và bị bắt giữ với sự hỗ trợ của đội cảnh khuyển (đơn vị K-9).

https://www.sbtn.tv/nghi-can-phuc-kich-va-ban-trong-thuong-hai-canh-sat-da-bi-bat-giu/

 

Nghiên cứu: Thuốc sốt rét

không giúp ngăn ngừa COVID

Thuốc sốt rét không chứng tỏ lợi ích gì trong việc giảm lây nhiễm virus corona trong các nhân viên y tế, theo kết quả cuộc một cuộc thử nghiệm lâm sàng được công bố ngày 30/9.

Cuộc nghiên cứu xác nhận phần lớn những kết quả của một cuộc thử nghiệm lâm sàng vào tháng 6 cho thấy hydroxychloroquine không công hiệu trong việc phòng ngừa lây nhiễm giữa những người phơi nhiễm với COVID.

Cuộc nghiên cứu trên 125 người tham dự, 4 người được cho uống hydroxychloroquine như liệu pháp chữa trị phòng ngừa trong 8 tuần nhiễm COVID, và 4 người xét nghiệm dương tính với virus được cho uống giả dược.

Tất cả 8 người này hoặc không có triệu chứng hoặc có triêu chứng nhẹ, không phải nhập viện, theo kết quả đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine.

Cuộc nghiên cứu cho thấy không thể khuyến nghị các nhân viên y tế sử dụng thường xuyên thuốc này để ngừa COVID, các nhà nghiên cứu Trường đại học Pennsylvania nói.

Các tác giả nghiên cứu nói có thể một cuộc thử nghiệm trong một cộng đồng bị lây nhiễm COVID rộng rãi hơn có thể phát hiện lợi ích to lớn hơn của thuốc.

Trong cuộc thử nghiệm mới nhất vốn được chấm dứt trước khi có được 200 người tham dự, những người uống thuốc sốt rét thường bị các phản ứng nhẹ như tiêu chảy so với những người uống giả dược.

https://www.voatiengviet.com/a/nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-thu%E1%BB%91c-s%E1%BB%91t-r%C3%A9t-kh%C3%B4ng-gi%C3%BAp-ng%C4%83n-ng%E1%BB%ABa-covid/5603989.html

 

Quận Los Angeles cho phép

một số trường tiểu học nộp đơn xin mở cửa trở lại

Vào thứ ba (ngày 29 tháng 9), Hội đồng Giám sát Quận Los Angeles cho biết một số ít trường tiểu học sẽ có thể nộp đơn xin mở lại các lớp mẫu giáo chuyển tiếp cho đến các lớp tiểu học, ưu tiên cho các trường phục vụ nhiều gia đình có thu nhập thấp.

Chủ tịch Hội đồng Giám sát Quận Los Angeles Kathryn Barger cho biết khi tháng 10 đến gần, việc bắt đầu quá trình mở cửa trở lại các trường học của quận với công suất hạn chế là rất quan trọng. Các viên chức Quận Los Angeles, viện dẫn tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 ở địa phương cao, đã từ chối cho phép các trường tiểu học nộp đơn xin mở cửa trở lại, vốn được phép theo hướng dẫn của tiểu bang. Nhưng một số lãnh đạo trường học, đặc biệt là các nhà điều hành trường tư, đã thúc giục quận xem xét lại quan điểm.

Tuần này, một liên minh các trường tư thục đã kêu gọi các giám sát viên và các viên chức y tế công cộng bắt đầu chấp nhận đơn xin miễn trừ, trong đó các trường phải chứng minh họ có các biện pháp an toàn nghiêm ngặt. Học khu Palos Verdes Peninsula Unified School District cũng đã thúc giục quận bắt đầu nhận đơn. (BBT)

https://www.sbtn.tv/quan-los-angeles-cho-phep-mot-so-truong-tieu-hoc-nop-don-xin-mo-cua-tro-lai/

 

Disney sa thải 28,000 nhân viên

sau khi coronavirus buộc

các công viên giải trí của công ty phải đóng cửa

Vào thứ ba (ngày 29 tháng 9), Disney cho biết việc đóng cửa kéo dài tại các công viên giải trí có trụ sở tại California của họ và số lượng  khách tham viếng hạn chế tại các công viên mở cửa đã buộc công ty phải sa thải 28,000 nhân viên thuộc bộ phận công viên, và sản phẩm tiêu dùng.

Trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên, ông Josh D’Amaro, người đứng đầu các công viên của Disney, đã trình bày chi tiết một số “quyết định khó khăn” mà công ty phải đưa ra sau đại dịch coronavirus, bao gồm cả việc sa thải hàng nghìn nhân viên của họ.

Theo ông D’Amaro, khoảng 67% trong số 28,000 công nhân bị sa thải là nhân viên bán thời gian. Công ty đã từ chối cung cấp số lượng người bị sa thải theo từng địa điểm công viên. Trong khi các công viên giải trí của Disney ở Florida, Paris, Thượng Hải, Nhật Bản và Hồng Kông đã có thể mở cửa trở lại với sức chứa hạn chế, cả California Adventure và Disneyland vẫn đóng cửa ở Anaheim, California.

Trong bản ghi nhớ, ông D’Amaro nói rằng trong vài tháng qua, nhóm quản lý của Disney đã làm việc không mệt mỏi để tránh phải sa thải bất kỳ ai thông qua cắt giảm chi phí, đình chỉ các dự án vốn, thu hút thêm các thành viên trong khi vẫn trả tiền và sửa đổi các hoạt động để đạt hiệu quả tốt nhất có thể. Tuy nhiên, công ty không thể duy trì đầy đủ nhân viên trong khi hoạt động với công suất hạn chế.

Bộ phận công viên, và sản phẩm tiêu dùng của Disney mang lại một phần lợi nhuận tối quan trọng trong mô hình kinh doanh của công ty này. Năm ngoái, bộ phận này chiếm 37% trong tổng doanh thu 69.6 tỷ mỹ kim của công ty. Disney đã phải đối mặt với những ảnh hưởng rất nặng nề kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Trong tam cá nguyệt 2, công ty báo cáo khoản lỗ 1 tỷ mỹ kim thu nhập do đóng cửa các công viên, khách sạn và các tuyến du lịch. Trong tam cá nguyệt 3, công ty báo cáo khoản lỗ nặng hơn là 3.5 tỷ mỹ kim. (BBT)

https://www.sbtn.tv/disney-sa-thai-28000-nhan-vien-sau-khi-coronavirus-buoc-cac-cong-vien-giai-tri-cua-cong-ty-phai-dong-cua/

 

Các hãng hàng không Hoa Kỳ bắt đầu buộc

32,000 nhân viên nghỉ làm không lương khi

hy vọng về một gói hỗ trợ từ chính phủ dần tan biến

Tin từ Chicago/Washington, D.C. – American Airlines và United Airlines, hai trong số các hãng hàng không lớn nhất của Hoa Kỳ, cho biết họ đã bắt đầu tiến trình buộc hơn 32,000 công nhân phải nghỉ việc không lương vào thứ năm (ngày 1 tháng 10) khi hy vọng về một gói viện trợ COVID-19 mới từ chính phủ dần tan biến. Tuy nhiên, cả hai hãng hàng không đều nói với các nhân rằng họ sẵn sàng rút lại lệnh nghỉ việc, vốn ảnh hưởng đến khoảng 13% lực lượng lao động của hai công ty này trước đại dịch, nếu Đảng Dân chủ và Tòa Bạch Ốc đạt được thỏa thuận về một gói viện trợ mới.

Hàng chục nghìn nhân viên khác tại các hãng hàng không nói trên và những hãng khác bao gồm Delta Air Lines và Southwest Airlines đã chấp nhận các đơn xin nghỉ việc tự nguyện hoặc đơn xin nghỉ phép của nhân viên nhằm mục đích giảm bớt nhân lực khi các hãng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe đã ảnh hưởng đến ngành du lịch toàn cầu. Các hãng hàng không Hoa Kỳ đã yêu cầu thêm 25 tỷ mỹ kim hỗ trợ tiền lương để bảo vệ việc làm trong sáu tháng nữa sau khi gói hiện tại hết hạn vào nửa đêm thứ tư (ngày 30 tháng 9).

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết các cuộc đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đạt được tiến bộ về kế hoạch viện trợ lưỡng đảng, mặc dù vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell gọi đề nghị trị giá 2.2 nghìn tỷ mỹ kim của Đảng Dân chủ là “không tưởng.”

Trong một bản ghi nhớ gửi các nhân viên, Giám đốc điều hành American Airlines Doug Parker cho biết ông Mnuchin và bà Pelosi đang tiếp tục đàm phán về gói cứu trợ COVID-19 của lưỡng đảng bao gồm việc gia hạn viện trợ cho các hãng hàng không và có thể đạt được thỏa thuận trong những ngày tới, dù không có gì bảo đảm chuyện này sẽ xảy ra. American Airlines sẽ buộc 19,000 nhân viên phải nghỉ việc tạm thời, trong đó có khoảng 1,600 phi công. Hơn 13,000 nhân viên United sẽ nghỉ việc tạm thời. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cac-hang-hang-khong-hoa-ky-bat-dau-buoc-32000-nhan-vien-nghi-lam-khong-luong-khi-hy-vong-ve-mot-goi-ho-tro-tu-chinh-phu-dan-tan-bien/

 

Luật sư Huawei tuyên bố yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ

đối với giám đốc Mạnh Vãn Châu là không hiệu quả

Tin Vancouver, Canada – Các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính hãng Huawei, đã kết thúc phần tranh luận của họ tại tòa án Canada vào thứ Ba, 29 tháng 9. Trong đó, phía biện hộ gọi yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ là không hiệu quả, và muốn đưa thêm chi tiết mới vào vụ kiện để hủy bỏ lệnh dẫn độ.

Bà Mạnh, 48 tuổi, bị bắt vào tháng 12, 2018, theo một lệnh truy nã từ Hoa Kỳ, cáo buộc bà phạm tội gian lận và che giấu ngân hàng HSBC về các giao dịch giữa Huawei và Iran, khiến ngân hàng này vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ.

Bà Mạnh, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, hiện đang bị quản thúc tại gia ở Vancouver và đang khởi kiện chống lệnh dẫn độ. Vụ bắt giữ bà Mạnh đã làm xấu đi quan hệ giữa Trung Cộng với Hoa Kỳ và Canada. Không lâu sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Cộng đã bắt 2 công dân Canada và truy tố họ tội gián điệp. Vụ kiện về lệnh dẫn độ bà Mạnh dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 4, 2021.

Trong các phiên tòa sáng thứ Hai và thứ Ba, nhóm luật sư của bà Mạnh muốn cáo buộc thêm phía Hoa Kỳ lạm dụng thủ tục hành chính. Thẩm phán sẽ phải quyết định xem cáo buộc mới nhất của phe biện hộ có đủ chính đáng để tranh luận hay không. Nếu tòa án đứng về phía bà Mạnh, một loạt các phiên xét xử khác sẽ được thêm vào lịch trình của vụ kiện, nhằm tranh luận về cáo buộc mới. Lập luận chính của phía biện hộ hiện nay là Hoa Kỳ đã làm sai thủ tục khi yêu cầu Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/luat-su-huawei-tuyen-bo-yeu-cau-dan-do-cua-hoa-ky-doi-voi-giam-doc-manh-van-chau-la-khong-hieu-qua/

 

Vac-xin chống Covid-19 :

Cuộc đua gay gắt và luật chơi của kẻ mạnh

Minh Anh

Cuộc đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19 không chỉ là một thách thức khoa học mà còn mang cả tính chính trị. Nhiều khoản tiền lớn từ các nước được chi ra để đầu tư cho việc nghiên cứu nhưng cũng để được độc quyền tiếp cận nguồn vac-xin quý giá, ước tính lên đến hàng trăm triệu liều. Khi nào sẽ có vac-xin ? Nước nào sẽ tìm ra đầu tiên ? Giá một liều vac-xin là bao nhiêu ? Việc phân phối nguồn thuốc quý giá này liệu có sẽ được công bằng hay không ?

Với hơn một triệu nạn nhân và hơn 33 triệu ca nhiễm bệnh trên toàn cầu, cuộc đua tìm kiếm một loại vac-xin hiệu quả giờ là một ưu tiên của nhiều chính phủ. Trung Quốc, hồi cuối tháng Sáu năm nay là nước đầu tiên quyết định cho phép sử dụng vac-xin có tên gọi là Ad5-nCoV, do hãng CanSino của Trung Quốc bào chế, cho mục tiêu quân sự. Trung tuần tháng 8/2020, đến lượt Nga gây bất ngờ khi cho triển khai vac-xin ứng viên Sputnik V, bất chấp những lo ngại của cộng đồng quốc tế.

Rồi tại Mỹ, tổng thống Donald Trump cho biết sẽ làm mọi cách để vac-xin ứng viên do hãng Moderna phát triển sẽ được đưa ra thị trường trước khi có bầu cử tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 03/11. Về phần mình, chính phủ Anh dự kiến triển khai một vac-vin vào cuối năm 2020, trong khi tại châu Âu, Cơ quan Quản lý Dược phẩm (EMA) xúc tiến hơn nữa một số loại vac-xin đang phát triển.

Khi nào thì mới có vac-xin thật sự ? Cuối năm 2020 hay là vào năm 2021 khi có nhiều dự báo mâu thuẫn ? Về điểm này, ông Christian Brechot, nhà vi khuẩn học, chủ tịch tổ chức Global Virus Network trên kênh truyền hình ARTE lưu ý :

« Ở đây tôi muốn nói đến một điểm : Sẽ không có một loại vac-xin mà sẽ là nhiều thế hệ vac-xin. Những loại vac-xin mà chúng ta đang nói đến vào cuối năm nay, nếu như họ bào chế được, thì đó sẽ là những loại vac-xin đời thứ nhất, chủ yếu tập trung vào việc bào chế kháng thể. Điều này cũng tốt thôi vì cũng nên biết là chúng sẽ có một phần nào tác dụng. Loại vac-xin này có thể rất hữu ích khi tập trung tiêm ngừa đối với những ca nhiễm bệnh để kềm hãm các ổ dịch.

Và chúng ta đã thấy có sự tương quan giữa việc bào chế kháng thể và phòng ngừa cũng như thời gian phòng ngừa, thế nên sẽ có những loại vac-xin thế hệ thứ hai, nhưng lần này nhắm vào một sự miễn dịch mà người ta gọi là tế bào bẩm sinh. Do vậy, cần phải chú ý đến những điều này. Khi người ta nói đến cuối năm 2020 hay 2021, đấy chưa hẳn là sự mâu thuẫn. »

Ai tìm ra vac-xin đầu tiên sẽ còn mạnh hơn

Việc tìm ra một vac-xin chống Covid-19 « hiệu quả » và « an toàn », là một nhu cầu cấp bách. Cuộc nghiên cứu « khác thường » này đang huy động hàng ngàn nhà khoa học và nhiều nguồn tài trợ công từ nhiều nước giầu có trên thế giới. Chín vac-xin từ Mỹ, Nga, Trung Quốc và châu Âu hiện đã bước qua giai đoạn 3, tức thử nghiệm trên người để thẩm định mức độ an toàn và tính hiệu quả. Nước nào sẽ tìm ra vac-xin trước tiên ? Mỹ, Nga, Trung Quốc hay là châu Âu ?

Thay vì trả lời cho câu hỏi trên, ba nhà quan sát độc lập, Pauline Londeix và Jerome Martin – đồng sáng lập Đài Quan sát Minh bạch trong các chính sách dược phẩm, cùng với Els Torreele, nghiên cứu sinh, cựu giám đốc chiến dịch Tiếp Cận Y sĩ Không Biên Giới, trên Le Monde (24/09/2020) cảnh báo : « Cuộc đua vac-xin có thể gây tổn hại cho mọi ứng phó tế nhị với đại dịch ».

Theo các tác giả, nếu như những hứa hẹn do nhiều lãnh đạo thế giới đưa ra hiện vẫn còn lâu mới thành hiện thực, cuộc đua này dường như để thỏa mãn những chiến lược thống trị địa chính trị, những lợi ích mang tư tưởng dân túy hay những lợi ích tài chính cho các hãng dược đa quốc gia, hơn là vì các lợi ích của cộng đồng.

Quan điểm này cũng được bà Nathalie Coutinet, nhà kinh tế học về Y Tế Công, trường đại học Sorbonne Paris Nord, trong chương trình Cultures Monde (Các nền Văn hóa Thế giới) ngày 01/09/2020, trên đài France Culture đồng chia sẻ. Theo chuyên gia Coutinet, cuộc đua đã vượt ra ngoài khuôn khổ nghiên cứu khoa học, trở thành một thách thức địa chính trị và chính trị do có sự can dự của chủ nghĩa dân tộc. Bà giải thích :

« Chỉ có điều là cuộc đua vac-xin này ngày càng giống như một cuộc chạy đua giữa các nước hơn là một cuộc đua giữa các hãng dược, đó còn là một cuộc đua chính trị để cho thấy là nước nào sẽ có nền công nghệ nghiên cứu tiên tiến nhất, phát triển nhất.

Ở ông Trump, có một dạng tự hào dân tộc là có khả năng phát triển loại vac-xin này trước tiên. Ông ấy còn hứa với người dân Mỹ là sẽ có vac-xin trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020. Rồi tiếp đến là Putin và cả Trung Quốc cũng có những thông báo.

Bắc Kinh còn dùng vac-xin như là một vũ khí chính trị bởi vì trước đó, ngày 27/08, Canada đã bị rút ra khỏi danh sách các nước có thể tiến hành thử nghiệm trên người vac-xin của Trung Quốc với cớ là Canada giam giữ một công dân Trung Quốc… Rõ ràng là ở đây có một thách thức chính trị rất lớn ẩn sau cuộc đua tìm kiếm vac-xin này. »

Sự can thiệp của Nhà nước và sự mập mờ của các hãng dược

Chưa có lúc nào nghiên cứu khoa học lại tăng tốc nhanh như lúc này. Vẫn theo ba nhà quan sát độc lập trên, ý tưởng nước nào, hay nền công nghệ nào sẽ giành được chiến thắng cuộc đua đã khiến người ta quên đi quy mô của những thách thức y khoa được đặt ra cho phát triển vac-xin hiệu quả. Một nỗ lực khoa học vốn dĩ đòi hỏi từ 5 năm đến 10 năm nghiên cứu và phát triển nay rút ngắn chỉ còn từ một đến hai năm.

Người ta hẳn không quên chủ nhân Nhà Trắng hiện nay đã có những can thiệp « thô bạo » như thế nào vào công cuộc xử lý dịch bệnh của Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh (CDC), trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Theo bà Anne-Claude Crémieux, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm thuộc bệnh viện Saint-Louis tại Paris, cũng trên đài France Culture, sự việc cho thấy những sức ép chính trị to lớn trong và ngoài nước để có thể về đầu đã làm cho cuộc đấu tăng tốc nhanh hơn nữa.

« Chúng ta từng thấy có một sự đầu tư quan trọng từ nhiều nước để thúc đẩy các nhà công nghiệp dược phẩm bào chế các loại vac-xin, mà ví dụ điển hình là dịch cúm H1N1. Nhưng vì đó là một công nghệ vac-xin đã được phổ biến. Các chính phủ khi đó chỉ trả tiền để cất trữ những loại vac-xin đó mà thôi. Ở đây, người ta chứng kiến một nỗ lực chưa từng thấy. Các chính phủ đã đầu tư ngay cả trước khi công bố kết quả các ứng viên vac-xin đầu tiên. Sự tăng tốc này còn được thúc đẩy nhanh hơn nữa bởi vì còn có một sự liên kết giữa các hãng dược với nhau. Đó là một sự kết hợp giữa những công ty dược nhỏ có công nghệ tân tiến với những hãng dược lớn hàng đầu thế giới. Điều này dẫn đến việc rút ngắn thời gian nghiên cứu xuống còn từ một đến hai năm, một điều chưa từng thấy từ trước đến giờ. »

Nhiều nhà quan sát lo lắng rằng trong cuộc tranh đua điên cuồng này, mà tư tưởng « phải nhanh chân về đầu » ngự trị, lý lẽ cạnh tranh tạo cơ hội cho sự mập mờ và thiếu tham vấn giữa các tác nhân, có nguy cơ dẫn đến việc tạo ra những vac-xin kém chất lượng. Việc « đốt cháy » các giai đoạn nghiên cứu cần thiết có nguy cơ gây tổn hại cho việc thẩm định tính « an toàn » và « hiệu quả » cho một sản phẩm sức khỏe con người. Tư tưởng phải về đầu khiến các nhà bào chế của 8 loại ứng viên vac-xin hiện nay chỉ tập trung vào một loại protein của virus mà bỏ qua nhiều hướng khai thác tiềm tàng khác nhiều hứa hẹn trong dài hạn.

Khi có vac-xin rồi liệu người dân có chấp nhận tiêm ngừa hay không ? Theo một thăm dò do World Economic Forum thực hiện tại khoảng 30 nước, 25% số người được hỏi tỏ ra ngập ngừng hay do dự về việc tiêm ngừa Covid-19. Việc giữ bí mật đề cương nghiên cứu càng làm cho mối nghi kỵ của người dân ngày càng lớn đối với các biện pháp phòng chống Covid-19. Trên các mạng xã hội, các thông điệp chống tiêm ngừa virus corona chủng mới ngày càng nhiều, đôi khi lan truyền cả những giả thuyết cực đoan hay mang hơi hướm của thuyết âm mưu.

Đây chính là điểm mà bà Nathalie Ernoult, đồng giám đốc Đài Quan sát Y tế Thế giới mạnh mẽ chỉ trích trên kênh truyền hình ARTE :

« Hiện tại, tuyệt đối không có một sự minh bạch nào về đề cương nghiên cứu trên phương diện tiếp cận thông tin. Người ta sẽ đánh giá những gì ? Họ có đo lường mức giảm lượng virus hay không ? Liệu người ta có đánh giá việc kềm hãm sự lây nhiễm hay không bởi vì đó là điều mà chúng ta đang tìm kiếm ? Những vấn đề này chúng ta không có được một thông tin nào. Chúng ta thật sự không có được một sự minh bạch thông tin về những cuộc thử nghiệm này ».

Dẫu biết rằng đòi hỏi về minh bạch trong nghiên cứu vac-xin cũng như các loại sản phẩm sức khỏe khác là một điều thiết yếu, một đòi hỏi đạo đức và một khẩn cấp tuyệt đối, tuy nhiên, theo quan điểm Nathalie Coutinet, đây là một điều khó có thể thực hiện, bởi vì « chưa bao giờ người ta thấy các hãng dược này minh bạch cả. … Điều đáng tiếc là cuối cùng chính các hãng dược tự thẩm định lấy các loại thuốc của mình, giống như là một sinh viên tự sửa lấy bài viết của mình vậy. »

Chừng nào mới đến phiên các nước nghèo ?

Sau cuộc đua tìm kiếm vac-xin, nhân loại sẽ lại được chứng kiến một cuộc đua khác : Cuộc đua sở hữu nguồn thuốc quý giá này. Nhưng với cái giá phải trả là bao nhiêu ? Một lần nữa, nhà kinh tế học Nathalie Coutinet khẳng định sự thống trị « luật chơi của kẻ mạnh ».

« Điều này còn phụ thuộc nhiều vào hãng nào tìm ra được vac-xin trước tiên. Khi những hãng dược nộp bằng sáng chế và được quốc tế công nhận, thì bằng sáng chế đó có giá trị toàn cầu, đồng thời cho phép hãng nắm thế độc quyền về những sản phẩm do họ phát triển. Và thế độc quyền này cho phép hãng dược ấn định mức giá bán theo ý mình muốn . Nếu như Moderna hay Pfeizer là những hãng đầu tiên bào chế được vac-xin, thì họ đã tuyên bố rằng mục tiêu của họ là thu lời. Những hãng này cũng có thể đề xuất nhiều mức giá khác nhau tùy theo mức độ phát triển của từng nước. Nhưng cũng có nhiều tác nhân khác, như AstraZeneca chẳng hạn thông báo là họ sẽ bán vac-xin bằng với giá thành, mức giá thấp nhất cho các nước phía nam nhờ vào các chương trình liên minh nghiên cứu quốc tế và sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm như Bill Gate chẳng hạn. »

Nhưng khi nào thì những liều thuốc rẻ mới đến tay người tiêu dùng ở những nước nghèo, đang phát triển ? Một điều chắc chắn, những nước giầu đã có những hợp đồng với các hãng bào chế đặt hàng trước hàng trăm triệu liều thuốc. Trong cuộc đua này, Hoa Kỳ chi ra hơn 10 tỷ đô la. Liên Hiệp Châu Âu đang trong cuộc đàm phán cho hơn một tỷ liều vac-xin.

Trong bối cảnh này, hồi trung tuần tháng 8/2020, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS), Tedros Ghebreyesus lên tiếng cảnh báo hiện tượng « chủ nghĩa dân tộc hóa vac-xin ». Một lời báo động dường như không mấy được lắng nghe trong khi thế giới tồn tại nhiều cơ chế hợp tác quốc tế. Chương trình Covax, do WHO đồng điều hành, dự kiến mua hai tỷ liều vac-xin và sẽ được phân phối công bằng trên thế giới. Một nửa trong số này sẽ dành cho khoảng 100 nước có thu nhập thấp.

Chỉ có điều, « nguồn dự trữ vac-xin cho Covax còn lệ thuộc nhiều vào những gì còn lại sau các đợt mua hàng với giá cao từ những nước khác », theo như phân tích của ông Vinh-Kim Nguyen, đồng giám đốc Global Health Centre, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển tại Geneve trên đài RTS.

Theo một báo cáo do tổ chức Oxfam công bố, một số nước giầu chiếm 13% dân số toàn cầu dường như đã đặt mua trước một nửa số liều vac-xin tiềm tàng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201001-vacxin-covid19-tranh-dua-dia-chinh-tri

 

Nạn thất nghiệp tăng cao ở Châu Âu giữa đại dịch

Tỷ lệ thất nghiệp tăng trong 5 tháng liên tiếp ở Châu Âu, kể cả trong tháng 8, giữa lúc đang có lo ngại rằng các chương trình hỗ trợ quy mô của chính phủ không thể mãi mãi nâng đỡ các doanh nghiệp bị hạn chế hoạt động do dịch corona chủng mới, theo AP.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 7,9% vào tháng 7 lên tới 8,1% tại 19 nước sử dụng đồng Euro, theo các số liệu thống kê hôm thứ Năm 1/10.

Hãng tin AP nói rằng khoảng 13,2 triệu người đang lâm vào cảnh thất nghiệp và con số người không có việc làm tăng thêm 251.000 người.

Các nhà kinh tế dự kiến tỷ lệ này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng sắp tới, khi mà các chương trình hỗ trợ lương bổng hết hạn, giữa lúc số ca nhiễm virus đang tăng tại nhiều nước, dẫn tới việc áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với các doanh nghiệp và đối với công chúng.

Các chính quyền Âu châu đã chi hàng ngàn tỷ euro để giúp các doanh nghiệp và thiết lập những chương trình để khuyến khích họ tiếp tục giữ lại công nhân viên. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, hiện vẫn còn 3,7 triệu người bị tạm thời nghỉ việc nhận hỗ trợ trong khi chưa biết đến bao giờ mới hết dịch, chính phủ Đức đã gia hạn các chương trình hỗ trợ người lao động cho tới cuối năm 2021.

Chương trình này trả 70% tiền lương cho người lao động bị cắt ngắn giờ làm việc, hoặc bị tạm cho nghỉ việc. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã bơm thêm 1,35 nghìn tỷ euro vào nền kinh tế để duy trì lãi suất ở mức thấp.

Mặc dù các biện pháp đó đã làm chậm lại đà tăng của nạn thất nghiệp, số công việc mất đi vẫn tăng đều, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong nhiều tháng tới. Các ngành công nghiệp bị tác động nhất như hàng không, du lịch và nhà hàng đang cho nhân viên nghỉ việc vì dự báo tình hình làm ăn sẽ vẫn u ám.

Vẫn theo AP, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng dần ở Châu Âu, tại Hoa Kỳ, tỷ lệ thất nghiệp giảm thêm 1,8%, xuống còn 8,4% trong tháng 8 sau khi tỷ lệ này tăng mạnh trong mùa Xuân. Hoa Kỳ vốn không có nhiều chương trình hỗ trợ thị trường lao động, đã chứng kiến đà thất nghiệp tăng vọt tới 14,7% trong tháng Năm năm nay, để rồi tỷ lệ thất nghiệp lại giảm mạnh khi các doanh nghiệp và tiểu bang mở cửa trở lại.

https://www.voatiengviet.com/a/nan-that-nghiep-o-chau-au-tang-cao-giua-dai-dich/5604894.html

 

Pháp : 12.845 ca nhiễm virus corona trong 24 giờ

Thùy Dương

Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục đà lây lan mạnh tại Pháp. Theo số liệu thống kê thường nhật, vào hôm 30/09/2020, Pháp ghi nhận thêm 64 ca tử vong trong vòng 24 giờ và 12.845 ca nhiễm mới.

Tỉ lệ kết quả dương tính trong số những người thực hiện xét nghiệm Covid-19 vẫn tăng từng ngày (7,5%). Trong vòng 24 giờ, Pháp còn phát hiện thêm 64 ổ lây nhiễm mới, nâng tổng số trên toàn quốc lên thành 1.235.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, thủ tướng Jean Castex hôm nay tiếp thị trưởng Paris, Lyon, Lille và điện đàm với thị trưởng Grenoble và Toulouse, những thành phố trong nhóm các đô thị lớn nhất của Pháp, về các biện pháp hiệu quả và phù hợp nhất cả về y tế, kinh tế và xã hội để ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng virus corona. Tối hôm qua, thủ tướng đã trao đổi qua điện thoại với thị trưởng Marseille, người phản đối các biện pháp đóng cửa quán bar và nhà hàng trong toàn vùng Aix-Marseille.

Cùng với đảo Guadeloupe, vùng Aix-Marseille miền nam nước Pháp đã bị đặt trong tình trạng « báo động tối đa ». Theo Reuters, tùy theo tình hình, có thể hôm nay, bộ trưởng Y Tế Pháp sẽ công bố thêm tên các vùng, thành phố bị xếp vào danh sách « báo động tối đa ».

Trong khi đó, bộ trưởng Lao Động Pháp, Élisabeth Borne, đã thông báo duy trì chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần đến cuối năm 2020 đối với những ngành nghề thuộc diện « được bảo vệ », không chỉ ngành nhà hàng – khách sạn mà cả các lĩnh vực văn hóa, sự kiện và thể thao.

Nhìn sang các nước láng giềng, tình hình cũng rất đáng lo ngại, nhất là tại Tây Ban Nha. Hôm 30/09/2020, chính phủ Tây Ban Nha thông báo một thỏa thuận với chính quyền thủ đô Madrid để mở rộng các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt ra toàn thành phố và nhiều vùng ngoại ô.

Còn tại nước Ý, thủ tướng Giuseppe Conte thông báo ý định triển hạn tình trạng khẩn cấp đến hết ngày 31/12/2020, thay vì đến ngày 15/10, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ban bố các biện pháp chống dịch.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201001-ph%C3%A1p-12-845-ca-nhi%E1%BB%85m-virus-corona-trong-24-gi%E1%BB%9D

 

Bồ Đào Nha bác bỏ khuyến cáo của Hoa Kỳ

về các lệnh trừng phạt

đối với vốn đầu tư của Trung Cộng

Lisbon bác bỏ khuyến cáo của tòa đại sứ Hoa Kỳ rằng các lệnh trừng phạt có thể sẽ được áp dụng đối với các công ty Bồ Đào Nha có vốn đầu tư của Trung Cộng, dấu hiệu mới nhất cho thấy Washington và Bắc Kinh đang tăng cường cạnh tranh giành châu Âu.

Đặc phái viên của Washington tại Lisbon cũng cho biết Bồ Đào Nha sẽ phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Sự việc này diễn ra khi Hoa Kỳ gia tăng áp lực nhằm ngăn công ty Huawei Technologies của Trung Cộng khỏi các mạng di động thế hệ tiếp theo của các đồng minh – một vấn đề quan trọng trong chuyến công du châu Âu kéo dài 6 ngày của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong tuần này.

Vào hôm thứ Hai (28/9), tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa bác bỏ bình luận của đại sứ Hoa Kỳ. Ông trả lời bình luận của Đại sứ Hoa Kỳ George Glass rằng Bồ Đào Nha “phải lựa chọn giữa các đồng minh của họ và Trung Cộng” trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Bồ Đào Nha Expresso vào hôm thứ Bảy (26/9).

Ông Glass cho biết Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach sẽ cung cấp thêm thông tin làm rõ về mối quan hệ tương lai của Bồ Đào Nha với Hoa Kỳ khi ông đến thăm Lisbon trong tuần này. Ông cho biết các công ty Bồ Đào Nha như công ty xây dựng Mota-Engil có thể là mục tiêu trừng phạt của Hoa Kỳ sau khi nước này đồng ý bán 30% cổ phần cho Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Cộng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/bo-dao-nha-bac-bo-khuyen-cao-cua-hoa-ky-ve-cac-lenh-trung-phat-doi-voi-von-dau-tu-cua-trung-cong/

 

Địa Trung Hải : Thổ Nhĩ Kỳ dịu giọng với Hy Lạp

Thụy My

Căng thẳng chừng như đã giảm xuống chút ít tại phía đông Địa Trung Hải, từ khi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẵn sàng đối thoại nhằm giải quyết bất đồng về ranh giới trên biển. Hội Đồng Châu Âu dự kiến tập trung cho chủ đề này trong hai ngày 01 và 02/10/2020.

Tuy Athens có được sự hỗ trợ của châu Âu, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại được hầu như toàn dân đồng tình ủng hộ, theo nhận xét của thông tín viên Anne Andlauer tại Istanbul.

« Ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ trước cửa hàng thiết bị điện thoại di động của mình, Oguz không tỏ dấu hiệu lo ngại nào về tình hình căng thẳng với nước Hy Lạp láng giềng ở phía đông Địa Trung Hải. Người bán hàng này nhiệt tình ủng hộ đất nước và tổng thống Erdogan.

Anh nói : « Tất nhiên là chúng tôi có quyền, và nếu không phải như vậy, thì nhất định cũng phải đoàn kết phía sau ngọn cờ. Theo tôi, tất nhiên phải bắt đầu bằng thương lượng. Nhưng nếu Hy Lạp không hiểu gì về đàm phán, thì tổng thống chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để họ biết được lẽ phải ».

Không như thường lệ, lần này tổng thống Erdogan có thể khoe là có được sự ủng hộ của đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đối đầu với Athens. Dù đang tham gia một trò chơi, Sevan và Ahmet, hai nhà buôn khác cũng có cùng quan điểm. Họ muốn có đàm phán với Hy Lạp, nhưng không lạc quan lắm.

Sevan cho biết : « Nước chúng tôi phải bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng đó là một vấn đề chưa bao giờ giải quyết được và có lẽ chẳng bao giờ, vì cả hai bên không chính phủ nào muốn có một giải pháp, vì các lý do chính trị nội bộ ».

Còn Amet nói : « Trước khi thương lượng, cần phải chứng tỏ sức mạnh. Dù vậy tôi cũng mong một ngày nào đó, chúng tôi học được cách sống chung hòa bình với người Hy Lạp, và tương tự đối với họ ».

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Hy Lạp không nên « bỏ phí » điều mà ông coi là cơ hội đối thoại. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc gặp song phương đầu tiên có thể diễn ra tại Istanbul vào nửa đầu tháng 10. »

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201001-%C4%91%E1%BB%8Ba-trung-h%E1%BA%A3i-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-d%E1%BB%8Bu-gi%E1%BB%8Dng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-hy-l%E1%BA%A1p

 

Cuộc chiến Armenia và Azerbaijan:

Thế đứng của Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran

Mai Vân

Cuộc chiến đang bùng lên dữ dội ở vùng Thượng Karabakh, còn gọi là Nagorny-Karabakh, có nguy cơ biến thành chiến tranh thực sự và lan rộng, buộc các cường quốc phải cấp tốc tìm cách dập tắt. Vào hôm thứ Ba, 28/09/2020, có tin là cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Iran, hai cường quốc khu vực đã bị trực tiếp lôi cuốn vào cuộc xung đột, trong lúc Mỹ và Nga kêu gọi các bên ngưng chiến “ngay lập tức”.

Trọng tâm cuộc tranh chấp, từ rất lâu và bùng lên lần đầu tiên cách đây đúng một trăm năm, là một dải đất nhỏ, được quốc tế công nhận là thuộc Azerbaijan, nhưng lại nằm dưới sự cai quản của chính quyền ly khai người gốc Armenia của cộng hòa Arstakh.

Cuộc chiến này có nhiều khả năng lôi vào cuộc nước Nga, ủng hộ Armenia, và Thổ Nhĩ Kỳ, hậu thuẫn của Azerbaijan, và thậm chí cả Iran, nước có thế đứng phức tạp, có quan hệ mật thiết với Azerbaijan về văn hóa, tôn giáo, nhưng theo truyền thống lại có quan hệ gần hơn với Armenia. Trong lúc đó thì Mỹ lại đang nhìn tranh chấp này như là một trắc nghiệm cho vai trò lãnh đạo thế giới của mình, vài tuần trước cuộc bầu cử then chốt ở Hoa Kỳ.

Trong một bài phân tích hôm 29/09/2020, tuần báo Mỹ Newsweek đã tìm hiểu xem các quốc gia nói trên quan hệ thế nào với các bên lâm chiến ở vùng Thượng Karabakh.

Thế đứng của Nga

Nga đã giữ quan hệ chặt chẽ với Armenia từ khi Liên Xô sụp đổ, Matxcơva và Erevan đều nằm trong Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Chung (CSTO). Azerbaijan cùng nằm trong hiệp định phòng thủ hỗ tương này những đã rời đi vào năm 1999.

Tuy nhiên, Matxcơva vẫn có quan hệ chặt chẽ với Baku, và đại diện Azerbaijan đã tham dự với tư cách quan sát viên cuộc thao diễn Kafkav 2020, do Nga tổ chức cùng với sự tham gia của Armenia, Trung Quốc, Iran, Miến Điện và Pakistan, diễn ra vài ngày trước lúc nổ ra cuộc chiến Armenia-Azerbaijan.

Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, Nga trong 2 thập niên qua đã tìm cách lấy lại ảnh hưởng ở những vùng trước đây thuộc Liên Xô. Trong lúc Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu nỗ lực ngăn chặn Nga ở phía đông châu Âu, thì một đối thủ khác của Nga, cũng trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã trỗi dậy, và tăng cường hiện diện ở Libya và Syria.

Mới đây đại sứ Armenia tại Matxcơva Vardan Toganyan trả lời đài truyền hình Nga vào hôm thứ Hai, 28/09, cho là Erevan chuẩn bị chính thức yêu cầu hậu thuẫn quân sự của đồng mình nếu cần.

Thế đứng của Thổ Nhĩ Kỳ

Armenia đã tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ dấn thân vào cuộc chiến, bắn rơi một chiến đấu cơ Su-25 của nước này với một chiếc F-16 dùng để hướng dẫn cuộc tấn công của lực lượng Azerbaijan. Phủ tống thống Thổ đã bác bỏ lời tố cáo này.

Ankara cũng bác bỏ những nguồn tin cho rằng họ đã chuyển lực lượng nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria qua hỗ trợ cho lực lượng Hồi Giáo Azerbaijan chống lại lực lượng Thiên Chúa Giáo Armenia và lực lượng ly khai Artsakh, dù rằng  Ankara tỏ ý ủng hộ Baku chống lại  “mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình trong vùng”. Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ hiện hoạt động giúp lực lượng Azerbaijan trong cuộc chiến.

Quan hệ xấu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia bắt nguồn từ thời cuối đế chế Otttoman, với vụ thảm sát người Armenia và dân tộc thiếu số khác sau Thế Chiến Thứ Nhất, mà nhiều nước xem là một cuộc diệt chủng. Từ ngữ này đã chia rẽ cộng đồng quốc tế. Azerbaijan, nguồn cung cấp dầu hàng đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ đã cực lực bác bỏ cách đánh giá này của sự kiện.

Mặc dù có nhiều bất đồng, tranh chấp khu vực, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng làm việc với nhau hầu vãn hồi hòa bình ở Syria và Libya. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mua tên lửa Nga S-400.

Quan điểm của Iran

Thông tin trên các mạng xã hội hôm thứ Ba 29/09, cũng đặt Iran vào trọng tâm cuộc chiến Armenia – Azerbaijan. Trong một clip chưa được xác định, cho thấy như là phòng không Iran đã bắn hạ một chiếc drone của Azerbaijan bay vào không phận Iran.

Cả Iran và Azerbaijan đều có đông dân Hồi Giáo hệ phái Shia, nhưng Azerbaijan lại có quan hệ thân thiết với Israel, kẻ thù của Iran.

Iran cũng là nước có một cộng đồng người Azerbaijan đông đảo, có lẽ còn đông hơn người ở Azerbaijan. Vì vậy, Teheran rất thận trọng trước những phong trào ly khai tìm cách thoát khỏi chính quyền trung ương.

Cùng lúc thì Iran cũng xích lại gần Armenia. Trong tháng qua, sứ quán Iran ở Baku đã phủ nhận tin trên mạng là xe vận tải của Iran đã chở vũ khí Nga sang cho các đồng minh Nga ở Kafkav.

Iran cũng có quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ mà ảnh hưởng đang gia tăng. Iran đã đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến hiện nay.

Vai trò của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ, có quan hệ tốt với cả Armenia và  Azerbaijan, cũng đã đề nghị hỗ trợ cho việc vãn hồi hòa bình với tư cách đồng chủ tịch Nhóm Minsk (cùng với Nga và Pháp) trong Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Châu Âu OSCE. Những thành viên thường trực khác bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và cả Armenia, Azerbaijan, Belarus, Phần Lan, Đức, Ý và Thụy Điển.

Tuy nhiên trong lúc tổng thống Trump chạy nước rút trong cuộc vận động tranh cử, những thông điệp chính của chính quyền Mỹ về đối ngoại tập trung vào hại nước: Trung Quốc và Iran, bị xem như hai kẻ thù hàng đầu, và lơ là những nơi khác.

Trước cuộc tranh luận tối thứ Ba, Biden đã gởi đi một tin nhắn Twitter cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump “cần phải kêu gọi lãnh đạo Armenia và  Azerbaijan xuống thang ngay lập tức”. Ông  cũng yêu cầu “các nước khác – như Thổ Nhĩ Kỳ – đứng ngoài cuộc tranh chấp này”.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201001-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-armenia-v%C3%A0-azerbaijan-th%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%A9ng-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-nga-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-v%C3%A0-iran

 

Thượng Karabakh: Nga và Pháp kêu gọ

i Armenia và Azerbaijan đình chiến

Thùy Dương

Tổng thống Nga Vladimir Poutine và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “đình chiến hoàn toàn” giữa lực lượng ly khai ở vùng Thượng Karabakh được Armenia hậu thuẫn với quân đội Azerbaijan. Điện Kremlin sáng sớm hôm nay 01/10/2020 thông báo như trên sau cuộc điện đàm hôm qua của hai nguyên thủ Pháp – Nga.

Trong một thông cáo, phủ tổng thống Nga cho biết hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga đã thảo luận về các biện pháp mà nhóm Minsk có thể tiến hành để làm giảm căng thẳng trong vùng và tìm giải pháp ngoại giao giải quyết xung đột. Còn theo phủ tổng thống Pháp, cả hai ông Putin và Macron đều chia sẻ mối lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ điều lính đánh thuê Syria đến vùng Thượng Karabakh.

Về chuyện có lính đánh thuê nước ngoài ở Thượng Karabakh, tiếp sau Armenia, hôm qua đến lượt bộ Ngoại Giao Nga tố cáo về việc các chiến binh Syria và Libya thuộc các nhóm võ trang bất hợp pháp đã được đưa đến vùng Thượng Karabakh. Matxcơva phản đối sự hiện diện của các lực lượng khủng bố và lính đánh thuê tại vùng này.

Theo AFP, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm qua đã đề nghị với đồng nhiệm Armenia và Azerbaijan là Matxcơva sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, kể cả ở cấp ngoại trưởng 3 nước Nga, Armenia và Azerbaijan để tìm giải pháp cho cuộc xung đột.

Về tình hình tại chỗ, bất chấp lời kêu gọi hưu chiến của quốc tế, chính quyền hai nước hôm qua đều tỏ rõ quyết tâm tiếp tục chiến đấu. Giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt đêm hôm qua giữa lực lượng ly khai ở vùng Thượng Karabakh được Armenia hậu thuẫn với quân đội Azerbaijan.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201001-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-karabakh-nga-v%C3%A0-ph%C3%A1p-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-armenia-v%C3%A0-azerbaijan-%C4%91%C3%ACnh-chi%E1%BA%BFn

 

Putin điện đàm với Macron và cảnh báo

‘không thể chấp nhận’ việc can thiệp vào Belarus

Thụy My

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 30/09/2020 khi điện đàm với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron về vấn để Belarus, đã nói rằng mọi ý định can thiệp vào công việc của một quốc gia có chủ quyền là « không thể chấp nhận được ».

Điện Kremlin nhấn mạnh, đó là quan điểm mang tính nguyên tắc của Nga. Cuộc nói chuyện giữa hai nguyên thủ diễn ra sau khi tổng thống Pháp tiếp khuôn mặt hàng đầu của đối lập Belarus, bà Svetlana Tikhanovskaia tại thủ đô Litva, tuy nhiên thông cáo của Kremlin không hề nhắc đến sự kiện này.

Tổng thống Emmanuel Macron chủ trương đối thoại với Nga, quan điểm này đôi khi bị các đồng minh Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích. Tuy nhiên gần đây ông Macron đã xích gần lại chính sách cứng rắn của Đức, nhất là từ khi bộ Ngoại Giao Pháp tuyên bố việc đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny là « hành vi tội phạm ».

Về hồ sơ Belarus, từ Litva tổng thống Pháp hứa giúp hòa giải cuộc khủng hoảng chính trị tại Minsk, nơi hàng tuần người dân vẫn biểu tình đông đảo chống lại tổng thống Loukachenko, đã tại vị sáu nhiệm kỳ. Ông Macron cho biết : « Mục tiêu là một sự chuyển đổi hòa bình, thả các tù nhân chính trị, và tổ chức bầu cử tự do dưới sự giám sát của quốc tế ». Tổng thống Macron nói rằng quan hệ với Nga lâu nay đã căng thẳng hơn do Matxcơva can thiệp vào Ukraina, nhưng ông cũng muốn có một dạng bình thường hóa.

EU kêu gọi Chypre không phủ quyết về việc trừng phạt Belarus

Về phía Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm nay 01/10/2020 cố gắng ra khỏi ngõ cụt trong hồ sơ Belarus. Họp thượng đỉnh hai ngày tại Bruxelles, các nhà lãnh đạo sẵn sàng tỏ ra cứng rắn với Chypre – một trong những quốc gia thành viên nhỏ nhất của EU.

Chypre đã bác bỏ quyết định trừng phạt Belarus của Liên Âu, đòi hỏi trước hết phải trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì vấn đề khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải. Các nhà ngoại giao cho rằng do cần có sự đồng thuận của cả 27 nước thành viên trong mọi quyết định, nên những ngáng trở kiểu này làm mất đi tính khả tín của toàn khối.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201001-putin-%C4%91i%E1%BB%87n-%C4%91%C3%A0m-v%E1%BB%9Bi-macron-v%C3%A0-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-kh%C3%B4ng-th%E1%BB%83-ch%E1%BA%A5p-nh%E1%BA%ADn-vi%E1%BB%87c-can-thi%E1%BB%87p-v%C3%A0o-belarus

 

Liệu các nước Đông Nam Á

có rơi vào bẫy của Trung Quốc

Trần Bạch Mai

Truyền thông quốc tế ngày 28/9 dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) khẳng định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Duterte đã đạt được ‘đồng thuận’ để ‘gác lại’ các đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển đang tranh chấp.

Quan chức ngoại giao Trung Quốc xác nhận thông tin này chỉ vài ngày sau khi Duterte tuyên bố trước Đại hội đồng LHQ rằng sẽ duy trì phán quyết  mà Tòa trọng tài đưa ra năm 2016, trong đó vô hiệu các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông.

Tại hội thảo trực tuyến về quan hệ Trung Quốc-Philippines hôm 25/9, Hoàng Khê Liên cho biết: “Hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Duterte đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về việc hai bên sẽ thực thi một cách mạnh mẽ nỗ lực gác lại tranh chấp trên biển, quản lý tình hình thông qua tham vấn song phương, tăng cường đối thoại và hợp tác – mục đích là để động lực vững chắc này của quan hệ song phương và cũng là kim chỉ nam cho con đường phía trước có thể được bảo tồn và phát huy.

Lập trường của Trung Quốc về cái gọi là ‘phán quyết trọng tài’ đã rất rõ ràng: chúng tôi không chấp nhận và không công nhận phán quyết này. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng hai bên nên khép lại chương cũ và gác lại những khác biệt”.

Tuy nhiên, Hoàng Khê Liên không cho biết hai bên đạt được thỏa thuận như vậy vào thời điểm nào. Hoàng Khê Liên nhắc lại rằng “vấn đề Biển Đông chỉ là một phần nhỏ của quan hệ Trung Quốc-Philippines, hay như Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin nói, ‘chỉ là một viên sỏi nhỏ’ trên con đường dẫn đến mục tiêu kinh tế đôi bên cùng có lợi và chúng ta không được vấp phải viên sỏi nhỏ đó.”

Ông cũng chỉ ra rằng số lượng các hợp đồng mới của Trung Quốc cho các dự án ở Philippines đã tăng “26,5% trong nửa đầu năm”, bất chấp đại dịch COVID-19, và gọi đây là bằng chứng cho thấy mối quan hệ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình tin tức trực tuyến Viewpoint hôm 27/9, người phát ngôn của Tổng thống Philippines xác nhận hai bên đã thực thi một thỏa thuận để “thực hiện các vấn đề mà chúng tôi có thể tiến hành, bao gồm thương mại và đầu tư” vì hai bên “không thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ đang chờ giải quyết”. Năm 2018, Bắc Kinh và Manila đã nhất trí về một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung.

Trong dòng sự kiện đó, ngày 29/7/2020, phái đoàn thường trực của Malaysia tại LHQ đã gửi công hàm về quan điểm của họ về vấn đề Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa (CLCS), trong đó khẳng định rằng các yêu sách biển của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật quốc tế. Trước đó, bất luận các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông, cựu Thủ tướng Najib đã ký kết các thỏa thuận nhiều tỷ USD với Trung Quốc, bao gồm thỏa thuận thu mua trang thiết bị quân sự của Trung Quốc năm 2016 – thỏa thuận đầu tiên trong lịch sử Malaysia. Hơn nữa, Malaysia và Trung Quốc đã ký kết Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng, nêu bật hợp tác hải quân giữa hai nước. Không giống như ông Najib, người hoan nghênh Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh và thúc đẩy quan hệ quân sự hơn nữa, người kế nhiệm ông – cựu Thủ tướng Mahathir – đã tìm cách đàm phán lại về các thỏa thuận với Trung Quốc dưới thời ông Najib. Ông Mahathir cũng nhấn mạnh rằng ông không muốn thấy các tàu chiến xuất hiện tại khu vực Biển Đông tranh chấp và Eo Malacca. Malaysia dường như đã chuyển hướng chính sách đối ngoại từ thời chính phủ ông Najib, vốn theo xu hướng nhân nhượng Trung Quốc, sang chính sách dưới thời chính phủ Mahathir, vốn ủng hộ chính sách đối ngoại “không liên kết”, nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và không quân sự hóa các khu vực biển đang tranh chấp.

Dưới thời chính phủ Liên minh Hy vọng (PH) của Thủ tướng Mahathir, Sách trắng quốc phòng (DWP) 2020 đầu tiên của Malaysia được công bố, trong đó nêu bật tầm nhìn chiến lược của Malaysia. Đặc biệt, văn bản này xác định các yêu sách biển của Malaysia tại Biển Đông là quan tâm an ninh hàng đầu của họ. Theo đó, công hàm của Malaysia thể hiện quan điểm cứng rắn nhất của Malaysia tại Biển Đông trong thời gian gần đây và đặt nó là ưu tiên hàng đầu trong DWP.

Cuộc khủng hoảng chính trị năm 2020 tại Malaysia, từ đó đã dẫn tới việc chỉ định Thủ tướng đương nhiệm Muhyiddin Yassin, kéo theo một số bất ổn nhất định trong quan điểm của Malaysia tại Biển Đông. Trong cuộc gặp của ông Yassin với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 7/9/2020, hai bên có trao đổi quan điểm về Biển Đông, tuy nhiên chưa rõ các bên bàn luận gì.

Trước đó, trong một cuộc họp vào tháng 9/2019, cựu Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã nhất trí với người đồng cấp Trung Quốc  Vương Nghị về việc tiến hành đàm phán song phương trực tiếp.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã hối thúc Kuala Lumpur đạt được bước đi đột phá này, tuy vậy, đã một năm qua, thỏa thuận này vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển.

Trung Quốc và Malaysia duy trì liên lạc về cơ chế đàm phán 1-1, song không cho biết phạm vi hoặc chi tiết cơ chế. Mục đích của Trung Quốc là tìm cách áp đặt cơ chế đối thoại song phương với từng bên tranh chấp, triển khai chính sách “gác tranh chấp cùng khai thác” của họ. Bắc Kinh cũng áp dụng chính sách này với Brunei, Philippines và Việt Nam.

Từ năm 2014, Trung Quốc và Việt Nam đã có các cuộc đàm phán tương tự, cụ thể là việc phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và cùng khai thác các nguồn tài nguyên cá ở Vịnh Bắc Bộ. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc họp gần đây nhất được tổ chức vào ngày 9/9. Chỉ tính đến cuối năm 2019, Nhóm công tác về vùng biển cửa ngoài Vịnh Bắc Bộ giữa 2 nước đã tổ chức 11 vòng đàm phán về vấn đề cùng khai thác ở các vùng biển liên quan.

Chính sách “gác tranh chấp cùng khai thác” của Trung Quốc đã bị nhiều học giả trên thế giới phản bác rất nhiều. Mặc dù Trung Quốc đề nghị khai thác chung, nhưng mặt khác Trung Quốc vẫn khẳng định khu vực khai thác chung “chủ quyền lãnh thổ là thuộc Trung Quốc”. Trên biển Đông, dù rất muốn khai thác chung, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm gần 80% biển Đông và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với hai khu vực khác là Pratas và Macclesfield mà Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa và quần đảo Trung Sa. Quan trọng hơn, phần lớn các khu vực mà Trung Quốc đề nghị khai thác chung đều nằm trên khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa hiển nhiên thuộc quyền chủ quyền của nước khác.

Một nhân vật nắm rõ công tác hoạch định chính sách của Malaysia nói: “Quan điểm chính thức của chúng tôi là cởi mở với điều này, song chúng tôi đã cố gắng hòa hoãn nhiều nhất có thể. Đại dịch đã cho chúng tôi một lý do chính đáng để ngăn chặn nó. Chúng tôi không nghĩ rằng đây sẽ là một thỏa thuận có lợi với chúng tôi, đặc biệt là khi nhìn sang trường hợp Philippines và Việt Nam”.

Một người thông thạo chính sách khác của Malaysia nhất trí với quan điểm trên, cho rằng việc thiết lập cơ chế tham vấn song phương “là một tiền lệ nguy hiểm”. Ông nói: “Chúng tôi muốn các cuộc thảo luận với Trung Quốc ở hình thức đa phương, không phải song phương. Hình thức song phương là những gì Trung Quốc muốn… Rốt cuộc, họ đang đưa chúng tôi dấn sâu từng bước một”.

Trong trường hợp Philippines, Cựu thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio, cho rằng Duterte bị đang bị Trung Quốc “dắt mũi, bỏ qua phán quyết mà chẳng được gì”. ông ta phát biểu trên báo chí rằng: “Duterte gác lại phán quyết đảm bảo các khoản cho vay và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng trong số 24 tỷ USD mà Bắc Kinh đã hứa cho các khoản vay và đầu tư, chỉ có chưa đến 5% thành hiện thực khi nhiệm kỳ của ông Duterte chỉ còn chưa đầy hai năm nữa. Với tình hình đại dịch và tình trạng trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, Duterte không thể mong đợi gì hơn nữa từ Trung Quốc”.

Có lẽ các quốc gia Đông Nam Á tham gia trực tiếp trong tranh chấp biển Đông cần thận trọng trước âm mưu và dã tâm này của Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/will-southeast-asia-countries-fall-in-china-s-trap-10012020101304.html

 

Hoa Kỳ và Đài Loan hợp tác về cơ sở hạ tầng

trong nỗ lực chống lại Trung Cộng

Tin từ Đài Bắc, Đài Loan – Vào hôm thứ Tư (30/9), các viên chức cho biết Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ làm việc cùng nhau trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh, trong một sự cản trở ngầm đối với các kế hoạch đầu tư lớn của Trung Cộng trong khu vực.

Washington vô cùng nghi ngờ về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh nhằm xây dựng đường bộ, đường hỏa xa,  và các cơ sở khác nhằm liên kết Trung Cộng với châu Âu, châu Á và hơn thế nữa, đồng thời xem đây là kế hoạch lôi kéo các quốc gia vào quỹ đạo của Trung Cộng bằng ngoại giao bẫy nợ. Trung Cộng phủ nhận điều này.

Tòa đại sứ Hoa Kỳ thực tế tại Đài Bắc cho biết kế hoạch mới sẽ hỗ trợ “cơ sở hạ tầng ở các thị trường mới nổi”, trong khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cho biết kế hoạch này kết hợp chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ với Chính sách Hướng Nam Mới của chính Đài Loan.

Chính sách Hướng Nam Mới nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ kinh tế với Đông Nam Á và Nam Á, nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của hòn đảo vào Trung Cộng. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về khối lượng tài trợ hoặc các dự án đầu tư.

Kế hoạch này thành lập một nhóm công tác do Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Đài Loan dẫn đầu để xác định và thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong đầu tư cơ sở hạ tầng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-dai-loan-hop-tac-ve-co-so-ha-tang-trong-no-luc-chong-lai-trung-cong/

 

Mỹ ủng hộ Đài Loan

được tham dự các hoạt động của LHQ

Theo Taipei Times, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc – bà Kelly Craft hôm 29/9, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Đài Loan tham gia vào tổ chức toàn cầu.

Bà Kelly Craft ca ngợi Đài Loan là một lực lượng hướng đến những điều tốt đẹp cho thế giới và thêm rằng: “Thế giới cần sự tham gia đầy đủ của Đài Loan vào hệ thống Liên Hợp Quốc, đặc biệt đối với các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. Một Liên Hợp Quốc mà không có sự tham gia đầy đủ của Đài Loan là đang lừa dối thế giới”.

Đáp lại, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã cảm ơn bà Craft và bày tỏ: “Thật tuyệt khi có một đối tác đáng tin cậy như Mỹ”.

Tiếng nói ủng hộ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho thấy, Đài Loan ngày càng có vị thế cao hơn trên trường quốc tế. Tuần trước, liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng yêu cầu một Tổ chức khí hậu quốc tế bỏ đi cách gọi các thành phố của Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Mộc Nhu tổng hợp

https://etviet.com/us/my-ung-ho-dai-loan-duoc-tham-du-cac-hoat-dong-cua-lhq.html

 

Quốc Khánh Trung Quốc : Hồng Kông

tăng cường an ninh với 6.000 cảnh sát chống bạo động

Thùy Dương

Khoảng 6.000 cảnh sát chống bạo động được triển khai trên các đường phố Hồng Kông để đề phòng xảy ra biểu tình của những người thuộc phong trào đấu tranh đòi dân chủ nhân ngày Quốc Khánh Trung Quốc 01/10/2020.

Một nguồn tin cảnh sát cho AFP biết là số cảnh sát được huy động hôm nay cao gấp đôi số cảnh sát chính quyền Hồng Kông thường triển khai mỗi khi có biểu tình. Ngày Quốc Khánh Trung Quốc là dịp để nhiều người dân Hồng Kông thể hiện nỗi tức giận về việc Bắc Kinh thu hẹp quyền tự do của người dân đặc khu. Dịp này năm ngoái, nhiều vụ đụng độ đã nổ ra giữa người biểu tình Hồng Kông và lực lượng an ninh.

Sáng sớm hôm nay, cảnh sát đã bắt đầu khám soát các xe cơ giới tham gia lưu thông trên tuyến đường hầm dẫn vào thành phố. Nhiều trực thăng mang theo quốc kỳ Trung Quốc và cờ Hồng Kông bay lượn trên bầu trời thành phố trong khi lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và các nhà chức trách đại diện của Trung Quốc tham gia vào một buổi lễ chính thức tại Cung triển lãm Hồng Kông. Trong bài phát biểu mừng Quốc Khánh Trung Quốc, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định hòa bình đã trở lại Hồng Kông từ hai tháng qua.

Trên thực tế, chính quyền thành phố đã ra lệnh cấm mọi cuộc biểu tình và các cuộc tập hợp trên 4 người tại nơi công cộng với lý do an ninh và phòng chống dịch bệnh. Để tránh bị bắt giữ, hôm nay các nhà đấu tranh chỉ tổ chức những cuộc tập hợp dưới 4 người. Trên các mạng xã hội, nhiều người thuộc phong trào dân chủ kêu gọi các cuộc tụ tập chớp nhoáng kiểu « flash mob ». Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn có thể diễn ra ngoài dự báo.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201001-qu%E1%BB%91c-kh%C3%A1nh-trung-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-an-ninh-v%E1%BB%9Bi-6-000-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t

 

1/10: Hoạt động chủ đề ‘Không có Quốc khánh,

chỉ có Quốc tang’ của người Hồng Kông

Tâm Thanh

Một loạt các hoạt động khác diễn ra cùng ngày đã khiến chính quyền Hồng Kông phải điều động 6.000 cảnh sát.

Ngày 1/10 là ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Người dân Hồng Kông đã phát động một loạt các hoạt động như “Không có Quốc khánh, chỉ có Quốc tang”, “Lên tiếng ủng hộ 12 người bị giam giữ ở Trung Quốc”, kêu gọi “Đừng quên những người anh em, trả tự do cho 12 thanh niên Hồng Kông bị bắt đến Đại Lục”, “Hãy dừng đàn áp bất đồng chính kiến ​​và trả lại quyền tự do ngôn luận cho chúng tôi”, “Phản bức hại: Giải thể ĐCSTQ và chấm dứt chính quyền tàn bạo”, theo Epoch Times.

Phát sóng trực tiếp về các hoạt động tại Hồng Kông hôm nay của NTDTV:

Hàng năm, cứ đến ngày 1/10, Mặt trận Nhân quyền Dân sự Hồng Kông (FDC) lại phát động hoạt động diễu hành. Sau khi đơn xin diễu hành và đơn kháng cáo sau đó của FDC bị cảnh sát từ chối hôm 28/9,

người triệu tập FDC, Sầm Tử Kiệt (Cen Zijie) đã bày tỏ yêu cầu, đồng thời chỉ trích cảnh sát đã tước quyền biểu tình vô thời hạn của công dân vì lý do dịch bệnh.

Sầm Tử Kiệt, người triệu tập Mặt trận Nhân dân Hồng Kông (giữa), trả lời phóng viên về việc cảnh sát hủy bỏ cuộc biểu tình ngày 1/10, để phản đối cảnh sát và chính quyền Carrie Lam đàn áp tự do ở Hồng Kông. (Ảnh: Epoch Times / Song Bilong).

Hiệp hội Giáo khu ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông đến trước Văn phòng Liên lạc Trung Quốc để đọc tuyên bố “Không có nhân quyền, làm sao có Quốc khánh?”, và kêu gọi “Hãy ngừng đàn áp bất đồng chính kiến ​​và trả lại quyền tự do ngôn luận cho chúng tôi”.

Các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông cũng phát động chiến dịch phản bức hại với chủ đề “Giải thể ĐCSTQ và chấm dứt chính quyền tàn bạo”.

Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, hàng nghìn học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục đã bị bỏ tù, tra tấn, quy chụp “mắc bệnh tâm thần”, và thậm chí bị mổ cướp nội tạng khi còn sống. Các học viên Pháp Luân Công đã kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại trong 21 năm qua, còn cuộc bức hại vẫn đang tiếp tục cho đến ngày nay.

Ngày 1/10 vừa đúng vào Tết Trung thu, người dân Hồng Kông đã phát động cuộc diễu hành “Không quên những người chính nghĩa, thả 12 thanh niên Hồng Kông đang bị giam giữ tại Đại Lục”, “Không có ngày Quốc khánh, chỉ có ngày Quốc tang”.

Vào ngày 23/8, 12 người Hồng Kông đã bị buộc tội vượt biên trái phép vào Đài Loan và bị cảnh sát biển của ĐCSTQ chặn lại rồi bắt đi. Họ bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Diêm Điền ở Thâm Quyến đã 39 ngày. Ngày 30/9, những người thân của họ đã đến Văn phòng Liên lạc Trung Quốc để kháng nghị.

Có người còn kêu gọi người dân Hồng Kông xuống đường tổ chức cuộc biểu tình trên Internet: “Mùng 1 tháng 10 hy sinh vì nước, 6 khu hoa nở”, tập hợp tại sáu địa điểm bao gồm cả Loan Tử (Wan Chai) và Vượng Giác (Mong Kok) để bày tỏ các yêu cầu chính trị khác nhau.

Chính quyền Hồng Kông đã sử dụng “Luật An ninh Quốc gia” để trấn áp các cuộc tụ tập và biểu tình của người dân Hồng Kông.

Truyền thông Hồng Kông đưa tin, chính quyền Hồng Kông quyết định huy động 6.000 cảnh sát xuống đường vào ngày 1/10 để túc trực, con số này gấp đôi so với thông báo trước đó.

Ngày 1/10 năm ngoái trùng với cuộc biểu tình dân chủ “Phản tống Trung” kéo dài nửa năm dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở Hồng Kông. Hơn 100.000 người biểu tình hô to các khẩu hiệu: “Người Hương Cảng cố lên”, “Cách mạng thời đại, quang phục Hương Cảng”, “Năm yêu cầu, không thể thiếu một”, nhằm thúc giục chính phủ đáp ứng các yêu cầu của người dân cùng các xung đột phát sinh nghiêm trọng của cảnh sát.

Hoạt động “Mùng 1 tháng 10 hy sinh vì nước” được phát động trên mạng có những nội dung sau:

11h: Hiệp hội Giáo khu ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông đến Văn phòng Liên lạc Trung Quốc để tuyên đọc “Không có nhân quyền, làm sao có Quốc khánh?”; “Dừng đàn áp bất đồng chính kiến ​​và trả lại quyền tự do ngôn luận cho chúng tôi”.

Địa điểm tập trung: Lối vào bãi đậu xe cạnh Văn phòng Liên lạc Trung Quốc.

12h: “Captain America 2” gặp gỡ phóng viên

Địa điểm: Lối vào chính SOGO, Vịnh Causeway.

12h30: Hoạt động Phản bức hại của các học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông 1/10: Giải thể ĐCSTQ và chấm dứt chế độ độc tài.

Địa điểm tập trung: Cổng Sở Cảnh sát Miền Tây.

13h – 15h: Trung thu Chống dịch, tọa đàm sức khỏe (Phát khẩu trang, tặng quà)

Vị trí: Đường East Point, Vịnh Causeway.

14h: Cuộc diễu hành trên đảo Hồng Kông: Không quên những người chính nghĩa, thả 12 người đang bị giam giữ tại Đại Lục. Diễu hành “Không có ngày Quốc khánh, chỉ có ngày Quốc tang”.

Lộ trình: Đường East Point đến Đường Fleming

14h – 17h: Sự kiện bán hàng Trung thu đặc biệt

Địa điểm: Các trung tâm thương mại lớn tại 18 quận ở Hồng Kông, địa điểm chi tiết sẽ được công bố vào 12h cùng ngày.

21h30: Đến Kwa Wan: Đừng Quên anh em; Thổ Hoàng đế【Đừng Quên anh em, dạ hội Tết Trung Th】

Địa điểm: Đến Kwa Wan Recreation Ground.

https://www.dkn.tv/the-gioi/1-10-hoat-dong-chu-de-khong-co-quoc-khanh-chi-co-quoc-tang-cua-nguoi-hong-kong.html

Xung đột biên giới Ấn-Trung :

1001 lý do để Bắc Kinh gây hấn

Thanh Hà

Bước ngoặt trong chính sách đối ngoại mà thủ tướng Narendra Modi theo đuổi từ khi lên cầm quyền năm 2014 là nguyên nhân khơi lại tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại đường biên giới trên bộ, chót vót ở độ cao hơn 4.000 mét trên dãy Himalaya.

Trong bài viết đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique tháng 10/2020 giáo sư Vaiju Naravane trường đại học Ashoka, tại Ấn Độ đã nhận định như trên trong bài phân tích về những nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột đẫm máu trong đêm 15 rạng sáng 16/06/2020 trên vùng cao nguyên Ladakh.

Tác giả bài báo nhắc lại từ sau cuộc chiến tháng 10-11/1962 đôi bên đã đồng ý về một đường biên giới chung dưới tên gọi « đường kiểm soát thực sự – Line of Actual Control ». Có điều đó là một vùng xám và mỗi bên lại có một cách diễn giải khác nhau khiến nhiều « sự cố » đã xảy ra giữa quân đội hai nước trong các cuộc tuần tra tại đường biên giới không chính thức nói trên, mặc dù New Delhi và Bắc Kinh trong nhiều thập niên đã tạm gác sang một bên những bất đồng về chủ quyền chung quanh đường biên giới. Đôi bên cố gắng giải quyết các tranh chấp bằng kênh ngoại giao và cả quân sự. Những thỏa thuận năm 1988 rồi 1993 và nhất là hiệp định khung 2016 nhằm « giới hạn rủi ro đổ máu » tối đa.

Thêm vào đó Ấn Độ và Trung Quốc đã mở rộng quan hệ trên nhiều lĩnh vực, văn hóa, giáo dục, đầu tư kinh tế … . Vậy đâu là những nguyên nhân đã đẩy quan hệ song phương đột ngột căng thẳng trở lại trong năm nay, nhất là khi Trung Quốc ở thế thượng phong « cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự » ?

Trung Quốc chơi trò đánh phủ đầu để răn đe ?

Trước hết giáo sư Vaiju Naravane nhắc lại, cho dù Bắc Kinh khẳng định « không có ý định gây hấn » nhưng theo các nhà quan sát, việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự ở đường biên giới chung không hơn không kém là dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Tập Cận Bình đang « thực sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh ».

Hai chuyên gia, Prem Shakar Jha và Victor Gao (nguyên là thư ký của cố thủ tướng Chu Ân Lai) trong bài tham luận đặng trên trang mạng Thewire.in của Ấn Độ cùng kết luận « Mục tiêu chiến lược mà quân đội Trung Quốc đang theo đuổi khi chiếm đóng ngọn đồi nhìn xuống hồ Pangong Tso » là để tự vệ, đề phòng bị Ấn Độ tấn công.

Kế tới, vẫn theo hai chuyên gia này, hành động hù dọa của Bắc Kinh nhằm nhắc nhở New Delhi tôn trọng những thỏa thuận mà đôi bên đã ký kết, đồng thời « chính quyền New Delhi cần nhanh chóng xua tan những mối hoài nghi trong đầu giới lãnh đạo Trung Quốc về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ năm 2014 », khi thủ tướng Modi lên cầm quyền.

Giết chết từ trong trứng nước tham vọng bá chủ khu vực

Vậy thì thủ tướng Narendra Modi đã làm những gì khiến Bắc Kinh phải lo ngại đến như vậy ?

Tác giả bài viết trên Le Monde Diplomatique báo trước « danh sách sẽ khá dài » : Thứ nhất, chỉ vài tháng khi lên cầm quyền vào mùa xuân 2014 thủ tướng Modi đã đặt bút ký với Washington văn bản mang tên « Tầm Nhìn Chiến Lược Chung về Châu Á Thái Bình Dương và Khu Vực Ấn Độ Dương (Joint Strategic Vision for the Asia-Pacific and Indian Ocean Region). Đây là một công cụ cho phép New Delhi bảo đảm quyền tự do giao thông hàng hải ở Biển Đông. Thứ hai, Ấn Độ được hưởng quy chế « đối tác quốc phòng quan trọng » của Hoa Kỳ. Điểm thứ ba, New Delhi đã tham gia tập trận chung với Nhật Bản và Mỹ ở Biển Đông và đã mở vịnh Bengale đón chiến dịch tập trận Malaba với một loạt các bài tập nhằm phong tỏa eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia. Đây là nơi 90 % dầu lửa của Trung Quốc nhập vào phải đi qua và cũng là cửa ngõ đưa 40 % xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài.

Hành động thứ tư khiến Bắc Kinh tức giận là sắc lệnh được thủ tướng Modi ban hành vào tháng 8/2019 chấm dứt quy chế tự trị của Jamu và Cachemir, gộp luôn cả lãnh thổ Gilgit do Pakistan kiểm soát và toàn bộ vùng cao nguyên Ladakh vào với bản đồ của Ấn Độ. Cái gai trong mắt Bắc Kinh ở đây là quyết định nói trên của New Delhi bao gồm luôn cả vùng Aksai Chin thuộc cao nguyên Ladakh mà tới nay vẫn do Trung Quốc quản lý.

Lý do thứ năm khiến Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ là New Delhi không ngừng thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ, Nhật và gần đây nhất là với Úc, trong khi kênh đối thoại giữa Bắc Kinh với Washington, Tokyo và Canberra đều đang tắc nghẽn

Tính toán lâu dài

Về phần Ấn Độ, giáo sư Naravvane phân tích : chính quyền của thủ tướng Modi đã bị bất ngờ vì mối căng thẳng với nước láng giềng phương bắc này bởi nếu như Bắc Kinh xem chiến lược đối ngoại của New Delhi là những hành động mang tính khiêu khích, thì cũng phải nhìn nhận là Trung Quốc chưa bao giờ có ý tốt với Ấn Độ. Thêm vào đó, ở thời điểm này, vào lúc Trung Quốc đăng cứng giọng trên các hồ sơ từ Đài Loan đến Biển Đông, nhìn qua, tranh chấp biên giới trên bộ với Ấn Độ « thuộc hàng thứ yếu ». Nhưng nếu điểm lại bang giao hai nước trong quá khứ, giáo sư Vaiju Narane, đại học Ashoka, cho là « Trung Quốc luôn theo đuổi một mục tiêu đặt nước láng giềng trong thế bị động thường trực »

Năm 1988 khi hai nước đồng ý chọn giải pháp đối thoại hơn đối đầu, thì Ấn Độ và Trung Quốc có trọng lượng kinh tế tương đương như nhau. Ngân sách quốc phòng của mỗi bên ở khoảng 20 tỷ đô la. Giờ đây GDP của Trung Quốc lớn gấp 5 lần so với Ấn Độ. Vào lúc mà Bắc Kinh chi đến 261 tỷ đô la cho ngân sách quốc phòng, thì Ấn Độ lẹt đẹt ở phía sau với 71 tỷ.

Về tranh chấp lãnh thổ ở đường biên giới chung, đành rằng từ một chục năm qua New Delhi liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng cho quân đội ở vùng phía bắc và đông bắc, tăng cường sự hiện diện quân sự dọc đường biên giới Ấn –Trung LAC chung quanh hồ PangongTso, nâng cấp căn cứ quân sự ở tiền đồn … Nhưng thực tế vẫn là « quân đội Ấn Độ thua kém rất nhiều Lực Lượng Giải Phóng Nhân Dân » của Trung Quốc.

Xua tan những mối đe dọa tiềm tàng

Với thế thượng phong không thể chối cãi vậy tại sao Trung Quốc thường xuyên gây hấn với đối phương ? Tác giả bài viết trả lời : Bắc Kinh phải gồng mình vì những lý do « đối ngoại và đối nội ». Dưới tác động của dịch Covid-19 kinh tế Trung Quốc bị chựng lại. Bắc Kinh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích xử lý kém cỏi để khủng hoảng y tế xuất phát từ Vũ Hán lan rộng ra toàn cầu. Chính quyền của ông Tập Cận Bình cảm thấy « bị đe dọa » trước liên minh giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ ngày càng chặt chẽ trong lúc mà quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang xấu đi hơn bao giờ hết.

Do vậy Trung Quốc muốn « giết chết từ trong trứng nước mọi tham vọng của Ấn Độ trong khu vực » và để đạt đến đích Bắc Kinh sử dụng lại lá bài từng được dùng hồi năm 1962 đó là « làm nhục » New Delhi. Lần này, Trung Quốc dùng đồng tiền để lôi kéo những nước láng giềng của Ấn Độ từ Nepal đến Bangladesh … về phía mình.

Chiến tranh hay đối thoại ?

Trước thái độ hung hăng đó của Trung Quốc, Ấn Độ phản ứng ra sao ? Tác giả bài viết đăng trên Le Monde Diplomatique, giáo sư Vaiju Naravane khắt khe không kém với thủ tướng Modi. Trước mắt, New Delhi có vẻ chọn giải pháp đối đầu. Với rất nhiều chênh lệch từ về tài chính đến quân sự, mà tất cả các bàn thắng đều nghiêng về phía Trung Quốc, thủ tướng Modi vẫn rất tự tin. Ông tin vào chiến thuật của mình và tiếp tục đưa thêm quân đến hiện trường. Đây là một « tính toán đầy rủi ro ». Cho dù các đồng minh thân thiết của Ấn Độ, từ Mỹ đến Úc hay Nhật Bản đều tuyên bố ủng hộ New Delhi nhưng đó chỉ là những tuyên bố bề ngoài. Giáo sư Vaiju Naravane không tin rằng khi tình hình nóng lên thêm nữa các quốc gia này sẽ ra tay cứu giúp Ấn Độ. Về đối nội, uy tín của chính bản thân ông Modi cũng đang sứt mẻ, chính phủ đang bị suy yếu …

Phải chăng do ý thức được điều này và do thận trọng để ngỏ cho mình một lối thoát mà thủ tướng Narendra Modi ngay từ hôm 19/06/2020 tức vài ngày sau xung đột đẫm máu ở đường giới tuyến, đã bất ngờ khẳng định « không một bên nào xâm nhập trái phép lãnh thổ của nước láng giềng ».  Giới quân đội và ngoại giao Ấn Độ lúng túng với những lời lẽ trên trong lúc Bắc Kinh thì đã không bỏ lỡ cơ hội để phủi trách nhiệm, gạt bỏ mọi cáo buộc về những ý đồ « xâm chiếm »  của quân đội Trung Quốc.

Bài viết của giáo sư Vaiju Naravane, đại học Ashoka, Ấn Độ được kết thúc bằng một câu hỏi « Liệu rằng hai nước kình địch châu Á này có sẽ tiếp tục các đòn đánh qua, đánh lại, thậm chí là lao vào một cuộc chiến thực thụ hay không ? Hay cuối cùng đôi bên nghiêm túc ngồi vào bàn đàm phán ? »

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201001-xung-%C4%91%E1%BB%99t-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-%E1%BA%A5n-trung-1001-l%C3%BD-do-%C4%91%E1%BB%83-b%E1%BA%AFc-kinh-g%C3%A2y-h%E1%BA%A5n

 

Thận trọng: Trung Quốc có đang dùng

 ‘ngoại giao đại dịch’ như một cái bẫy?

Duy Nghĩa

Trong một bài bình luận gần đây đăng trên Epoch Times, nhà báo Mỹ James R. Gorrie cho rằng việc Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào các quốc gia chiến lược, có khả năng tiếp cận vắc-xin, gây ra hàng loạt câu hỏi chưa được giải đáp.

Là tác giả của bài viết nổi tiếng “The China Crisis” (Tạm dịch: Cuộc khủng hoảng Trung Quốc), ông Gorrie đặt câu hỏi “phải chăng Trung Quốc đang tận dụng đại dịch của mình theo những cách thức mới?”

Theo ông Gorrie, có vẻ như Bắc Kinh đang sử dụng cách giống như chiến lược bẫy nợ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), và áp dụng nó cho các quốc gia là nạn nhân của virus Vũ Hán.

“Đó là biện pháp ‘ngoại giao đại dịch’ virus tinh vi nhất của Trung Quốc”, ông Gorrie nhận xét.

Một bẫy nợ khác của Trung Quốc?

Chiến lược BRI của Trung Quốc là cho các quốc gia nghèo vay tiền mà họ không thể trả nợ. Sau đó, Trung Quốc thu nợ bằng cách chiếm quyền sở hữu các cảng và bố trí hải quân của mình ở đó, và có thể xây dựng một căn cứ quân sự rộng lớn trên đất của các quốc gia này, dù họ có muốn hay không.

Theo ông Gorrie, có một số câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Chẳng hạn như:

“Liệu chính sách ngoại giao vắc xin của Bắc Kinh có thể đơn giản cũng có mục tiêu như vậy?”

“Liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể đã ngấm ngầm có ý tưởng khơi mào một đại dịch toàn cầu, và sau đó bán hoặc thậm chí cung cấp vắc-xin cho các quốc gia nghèo hơn, mà họ muốn lợi dụng hoặc thống trị về mặt quân sự?”.

“Đối với những quốc gia mà không đủ khả năng chi trả mức giá hàng tỷ đô la, liệu]bạn có đề nghị cho họ vay tiền để mua vắc-xin khi mà bạn biết rằng họ không thể hoàn trả hay không?”.

Ông Gorrie cho rằng “khi các nước nghèo sau đó vỡ nợ, Trung Quốc sẽ sở hữu cơ sở hạ tầng, tiện ích hoặc đất canh tác ở các nước sở tại”.

Mục tiêu chiến lược mời chào vắc-xin của Trung Quốc

Theo ông Gorrie, trong nhiều trường hợp, bước ngoặt mới nhất trong sự tính toán quyền lực của ĐCSTQ, là nhằm vào các quốc gia liên kết với Mỹ hoặc có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, hoặc cả hai.

“Một mục tiêu lớn là các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe”, ông Gorrie nhận xét.

Để dẫn chứng, ông Gorrie đưa ra một ví dụ về Mexico, trong đó theo Bộ ngoại giao nước này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành một hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.

“Trong cuộc họp đó, Trung Quốc mời chào cho vay một khoản trị giá 1 tỷ USD, để mua vắc xin của họ. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã công khai cảm ơn Trung Quốc sau khoản vay và các nguồn cung cấp y tế khác mà Trung Quốc đã gửi cho Mexico”, ông Gorrie lưu ý.

Không còn nghi ngờ gì, ông Gorrie cho rằng Trung Quốc có kế hoạch tận dụng sự hỗ trợ này cho các kế hoạch mở rộng trong tương lai ở khu vực sân sau địa chính trị của Mỹ, và giành thêm ảnh hưởng với cái giá phải trả của Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà nước láng giềng Mexico sẽ trở thành mục tiêu.

“Mexico có thể cung cấp những gì để đổi lại? Cơ hội cho Trung Quốc mở nhà máy ở Mexico? Điều đó chắc chắn sẽ làm vô hiệu một số hiệu quả của thuế quan đối với Trung Quốc, đúng không? Chúng ta sẽ phải chờ xem”, ông Gorrie giải thích.

“Mặt khác, không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy ngoại giao đại dịch của mình đến gần quê nhà nhiều hơn”, ông Gorrie lưu ý, khi đề cập đến một mục tiêu lớn nữa mà Trung Quốc nhắm đến khi mời chào vắc xin.

Ví dụ như, ông Gorrie dẫn chứng, Indonesia, nước đã thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông trong nhiều năm, giờ đang thay đổi thái độ khác. Indonesia mong muốn và cần một loại vắc-xin chống lại virus Vũ Hán, và biết rằng ĐCSTQ có một loại vắc-xin. Hoặc ít nhất, chính phủ Indonesia tin tin tưởng về tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ có vắc-xin.

Trong cả 2 trường hợp, ông Gorrie cho hay, “một cuộc điện đàm cá nhân giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đã dẫn đến lời hứa hẹn của Trung Quốc về việc cung cấp vắc xin cho Indonesia. Điều không chắc chắn là những gì mà Indonesia hứa hẹn đổi lại”.

Tuy nhiên ông Gorrie cho rằng một trong những quốc gia quan trọng nhất theo quan điểm chiến lược, lại là Philippines.

“Quốc gia đó nằm ở Biển Đông và sẽ là chìa khóa cho sự thống trị quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Cũng như ở Mỹ Latinh và Caribe, mục tiêu của chính sách đại dịch của Trung Quốc với Philippines, là mối quan hệ chiến lược Mỹ – Philippines. Vị trí gần Trung Quốc của Philippine cho phép các lực lượng hải quân và lục quân Mỹ [sử dụng] trở thành khu vực tập trung quan trọng, để chống lại các động

thái quân sự của Trung Quốc. Từ góc độ đó, Trung Quốc nhìn thấy cơ hội lớn để chấm dứt mối đe dọa này”, ông Gorrie giải thích.

Theo ông Gorrie, mặc dù liên minh Mỹ – Philippines có từ năm 1951, mối quan hệ này đã trở nên mỏng manh hơn nhiều trong 2 thập kỷ qua. Sau khi đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ vào cuối những năm 1990, 2 bên sau đó đã ký kết một Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA). VFA đã thay thế các hiệp ước quân sự trước đây, và giảm nhẹ cam kết của Philippines đối với quan hệ đồng minh của họ với Mỹ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte suy nghĩ lại?

Vào tháng 2/2020, ông Duterte thông báo với Washington rằng họ sẽ chấm dứt VFA với Mỹ trong vòng 180 ngày.

Nhận xét về quyết định này của Tổng thống Duterte, ông Gorrie cho rằng “nhiều khả năng mục tiêu của ông Duterte là cắt đứt quan hệ với Washington và xích lại gần Bắc Kinh. Không nghi ngờ gì nữa, ông ấy đã nhìn thấy một khoản tiền tiềm năng khi làm như vậy, ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng an ninh và chủ quyền quốc gia của đất nước mình. Đồng thời, nó cho phép ông Duterte cơ hội đàm phán với Mỹ cũng như với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Duterte rõ ràng đã nhận ra rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh đi kèm với rủi ro. Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đối xử với Hồng Kông và sự hiếu chiến ngày càng tăng đối với Đài Loan, có thể khiến tổng thống Philippines phải suy nghĩ lại.

“Điều đó có thể giải thích tại sao, vào tháng 6/2020, ông Duterte đã đình chỉ – ít nhất là tạm thời – việc chấm dứt VFA với Mỹ”, ông Gorrie nhận xét.

Hãy đánh giá công bằng

Lý giải về việc một số nước cân nhắc sử dụng vắc-xin Trung Quốc, ông Gorrie cho rằng có một số vấn đề vẫn cần phải xem xét kỹ lưỡng từ ‘chính sách ngoại giao đại dịch’ của Trung Quốc.

Theo ông Gorrie, có một loạt các câu hỏi cần xem xét. Đó là:

Trung Quốc có những toan tính chính trị hoặc quân sự gì để khai thác từ các quốc gia mà họ đã cung cấp vắc-xin?Họ sẽ đe dọa Mỹ theo cách nào? Phản ứng tiềm tàng có thể có của Mỹ là gì?

Làm thế nào để xác định rằng vắc xin của Trung Quốc có hiệu quả hoặc an toàn hay không?

Với tai tiếng của Trung Quốc, tại sao các nhà lãnh đạo ở tất cả các nước này lại tin vào một loại vắc-xin của Trung Quốc mà bằng cách nào đó, họ đã phát triển một cách bất ngờ?

Hơn nữa, tại sao các nhà lãnh đạo các nước lại tin vào chính quyền Trung Quốc sau khi họ lừa dối thế giới về sự tồn tại của mầm bệnh ngay từ đầu, phủ nhận nguồn gốc của virus và khả năng lây truyền của nó cho con người?

Có phải những nhà lãnh đạo này không chịu chấp nhận [một sự thật phũ phàng là Trung Quốc rất xấu] – hoặc phải đến khi họ nhận ra sự thật?

Liệu việc họ có sẵn sàng tin vào tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có vắc-xin ngừa virus, là sự thừa nhận khả năng rằng ai đã tạo ra virus, thì người đó sẽ biết cách chữa trị nó tốt nhất?

“Hãy đánh giá các nước một cách công bằng” nếu họ chấp nhận vắc-xin từ Trung Quốc, ông Gorrie nhận xét.

https://www.dkn.tv/the-gioi/y-kien-trung-quoc-co-dang-dung-ngoai-giao-dai-dich-nhu-mot-cai-bay.html

 

Nửa tỷ người Trung Quốc

đi du lịch bất chấp dịch Covid-19

Chính quyền các thành phố du lịch nổi tiếng Trung Quốc vẫn chào đón khách tới thăm mặc dù việc phong tỏa và các hạn chế của trường học cho thấy tình trạng nhiễm virus Vũ Hán vẫn chưa giảm. Theo Globaltimes, có khoảng 550 triệu người dân nước này đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ Trung thu và kỷ niệm quốc khánh kéo dài 8 ngày.

Thành phố Thanh Đảo, điểm du lịch lớn đã báo cáo hai ca nhiễm không triệu chứng vào ngày 24/9. Kể từ đó, giới chức đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 hàng loạt và tuyên bố rằng thành phố này an toàn để tham quan trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.

Tuy nhiên, một trường đại học ở Thanh Đảo đã phong tỏa toàn bộ sinh viên để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán và chỉ cho phép sinh viên nghỉ một ngày và cấm họ đi du lịch.

Trong một động thái khác, tại Quảng Châu, vài ngày trước, các quan chức đã thông báo cải tạo nhanh chóng 300 bệnh viện (phòng khám) và dự trữ ít nhất hơn 20 bệnh viện dã chiến. Điều này cho thấy,

Trung Quốc dường như đang khẩn trương bắt tay vào “công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cho đợt thu đông sắp tới”.

Các thông tin và các phản của các địa phương có trái ngược, khiến ngoại giới đôi khi không rõ tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc rốt cuộc là đang như thế nào.

Hoàng Kiên tổng hợp

https://etviet.com/china/nua-ty-nguoi-trung-quoc-di-du-lich-bat-chap-dich-covid-19.html

 

Quan hệ Úc-Trung rạn nứt,

Canberra có ‘quân át chủ bài’ chống Bắc Kinh

Tâm Thanh

Úc nắm trong tay một lợi thế lớn chống lại các hạn chế của Bắc Kinh, nhưng giống như bất kỳ lựa chọn hạt nhân nào khác, đây là loại vũ khí mà Úc tốt nhất không nên mang ra sử dụng.

Khi quan hệ Trung Quốc – Úc đang trên bờ vực xấu đi, Bắc Kinh đã lựa chọn hành động trả đũa đối với các sản phẩm nông nghiệp của Úc, nhưng vẫn luôn không dám động đến quặng sắt của đối phương.

Phân tích của giới truyền thông Mỹ cho rằng, quặng sắt của Úc chính là “lựa chọn hạt nhân” mà Úc đang nắm giữ trong chính sách ngoại giao đối với Trung Quốc, điều này mang lại cho Canberra (thủ đô nước Úc) một lợi thế lớn chống lại các hạn chế của Bắc Kinh.

Ngày 12/9, trang Bloomberg đã đăng tải bài viết với tiêu đề “ Úc có ‘lựa chọn hạt nhân ngoại giao’ đối với Trung Quốc“, bài viết nhìn nhận rằng thông qua việc kiểm soát xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc, hiện Úc đang chiếm ưu thế trong quyền phát ngôn với Bắc Kinh.

Kể từ đầu năm tới nay, mối quan hệ Trung-Úc đã xấu đi nhanh chóng. Đầu tháng 9, hai nhà báo Úc thường trú tại Trung Quốc đã phải mau chóng đào thoát khỏi đại lục, nhưng đã bị các nhân viên an ninh quốc gia bắt giữ và thẩm vấn vào lúc nửa đêm khi đang chạy trốn. Trước đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt giữ Thành Lôi (Cheng Lei), nữ MC có quốc tịch Úc dẫn chương trình kênh CGTV (Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc) mà không giải thích lý do với chính phủ Úc, khiến Canberra khá bất bình.

Tháng 4 năm nay, chính phủ Úc đã yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập mang tính toàn cầu đối với nguồn gốc virus viêm phổi Vũ Hán, còn gọi là Covid-19. ĐCSTQ ngay lập tức tỏ thái độ bất mãn và đe dọa chế tài kinh tế đối với Úc. Đáp lại, Úc cho biết họ sẽ không nhượng bộ.

Những căng thẳng về ngoại giao đã lan rộng sang lĩnh vực kinh tế. ĐCSTQ đã cấm nhập khẩu thịt bò, rượu vang và lúa mạch của Úc như các đòn trả đũa thương mại. Đáp trả, hồi tháng trước, chính phủ Úc đã chặn thương vụ mua lại doanh nghiệp sữa Lion Dairy và Drinks của Úc của tập đoàn sữa Trung Quốc Mengniu Dairy từ công ty Kirin Holdings của Nhật.

Mặc dù quan hệ Trung – Úc rạn nứt, nhưng cho đến nay cả hai bên vẫn chưa đụng đến giao dịch quặng sắt.

“Vũ khí cốt lõi” của Úc nhắm trúng hạch tâm quản lý kinh tế của Bắc Kinh

Trang Bloomberg cho rằng, quặng sắt chắc chắn là sản phẩm cốt lõi trong việc lèo lái nền kinh tế Trung Quốc của Bắc Kinh. Trong một năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu 700 triệu tấn quặng sắt từ Úc, cao gấp đôi so với đầu những năm 2010 khi mối quan hệ giữa hai nước còn bền chặt.

Đối với Bắc Kinh mà nói, việc phụ thuộc vào quặng sắt của Úc là một điểm yếu chí tử. Nhưng khác với bất kỳ lựa chọn hạt nhân nào khác, đây là loại vũ khí mà Úc tốt nhất không nên mang ra sử dụng.

Bài báo chỉ ra rằng, một khi nhấn phải “cái nút hạt nhân” này, lực sát thương đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ là rất lớn. Các ngành sản xuất và ngành bán lẻ do các công ty tư nhân làm chủ đạo vẫn đang gặp khó khăn trước tác động của đại dịch viêm phổi Vũ Hán và hầu hết các khoản đầu tư vào tài sản cố định thậm chí còn đang thấp hơn mức trì trệ vào năm ngoái.

Các ngành xây dựng và kỹ thuật do nhà nước lãnh đạo đã trở thành nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này lại đòi hỏi một lượng lớn gang thép, quặng sắt và than cốc để xây dựng và thi công. Nói cách khác, bộ máy kinh tế Trung Quốc phu thuộc rất lớn vào nguồn cung sắt thép để vận hành.

Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới và Úc đóng vai trò hết sức quan trọng trong nguồn cung sắt thép cho Trung Quốc. Các mỏ sắt của Úc cung cấp 2/3 lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu một lượng lớn than cốc từ Úc để sản xuất thép.

Trong xung đột ngoại giao với Trung Quốc, nếu Úc biến chuỗi cung ứng này thành một vũ khí sắc nhọn, điều này sẽ đánh trúng vào hạch tâm quản lý kinh tế của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Úc cũng sẽ không dễ dàng nhấn nút “lựa chọn hạt nhân” này, vì nó cũng sẽ tác động mạnh đến kinh tế Úc vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.

Quặng sắt Úc là mặt hàng khó thay thế

Hồi tháng 6 trang tin tài chính CNBC cũng đăng một bài phân tích đưa ra những kết luận tương tự. Bài báo cho rằng, mặc dù Bắc Kinh đã có các hành động trả đũa đối với một số sản phẩm nông nghiệp Úc, nhưng điều này vẫn không gây tổn hại lớn đến thương mại song phương. ĐCSTQ chưa hề đụng đến quặng sắt vốn là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ ​​Úc, bao gồm cả than cốc, thực tế là bởi ĐCSTQ hiện có rất ít nguồn cung thay thế khác để lựa chọn.

Hồi tháng 5 năm nay, một giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Trung Quốc cho biết tuy rằng Trung Quốc có thể thay thế quặng sắt của Úc bằng quặng sắt châu Phi, nhưng muốn khai thác tài nguyên khoáng sản châu Phi thì phải sau 4 đến 5 năm nữa mới thực hiện được.

Theo số liệu của ngân hàng UBS, trong năm 2019, 21% lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Brazil. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Brazil đang chịu ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, cộng thêm thời tiết ẩm ướt cùng hậu quả do một vụ tai nạn lớn gần đây, tờ Wood Mackenzie dự đoán xuất khẩu quặng sắt của Brazil sẽ giảm 4% vào năm 2020.

Tạp chí Tài chính Australia (AFR) cũng cho rằng, ĐCSTQ không thể thay thế quặng sắt của Úc bằng quặng sắt của Brazil, chính vấn đề này đã làm suy yếu khả năng đe dọa của ĐCSTQ đối với Úc. Theo AFR, các sản phẩm cốt lõi được dùng để sản xuất thép căn bản không thể thỏa mãn được nhu cầu của Trung Quốc.

“Thị trường này rất eo hẹp… bởi bạn không thể tìm thấy thêm tấn quặng sắt nào dư thừa trên thị trường”, nhà phân tích Glyn Lawcock từ tập đoàn UBS cho biết.

https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-he-uc-trung-ran-nut-canberra-co-quan-at-chu-bai-chong-bac-kinh.html