Tin khắp nơi – 01/10/2019
Triều Tiên và Hoa Kỳ
sẽ tổ chức đàm phán vào ngày 5/10
Hôm 1/10, Thông tấn xã Triều Tiên (KCNA) cho biết Triều Tiên và Hoa Kỳ đã đồng ý tổ chức đàm phán vào ngày 5/10.
Theo Reuters, các cuộc thảo luận nhằm phá dỡ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhì giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un ở Việt Nam, khi hai bên không đạt được thỏa thuận.
Hôm 1/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus xác nhận rằng các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã lên kế hoạch gặp nhau trong tuần này. Tuy nhiên, bà không cho biết thêm chi tiết nào khác.
KCNA trích dẫn một tuyên bố do Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui phát đi, nói hai nước đã đồng ý tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4/10, và sau đó là các đàm phán cấp bộ.
“Các đại biểu của Triều Tiên đã sẵn sàng tham gia đàm phán cấp bộ giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ,” Thứ trưởng Choe nói.
Reuters dẫn lời ông Choe nói thêm: “Kỳ vọng của tôi là các cuộc đàm phán ở cấp bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều.”
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-hoa-ky-se-to-chuc-dam-phan-vao-ngay-5-10/5105782.html
Bắc Triều Tiên : John Bolton
phân tích “sai lầm” của Donald Trump
Cựu cố vấn an ninh của Donald Trump bị thất sủng đã trình bày những bất đồng với tổng thống Mỹ về cách tiếp cận với Bắc Triều Tiên mà ông cho là « thất bại ngay từ đầu ».
Trong cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington tổ chức hôm Thứ Hai 30/09/2019, John Bolton cho biết ông rất vui được « bày tỏ nỗi lòng ».
Cựu cố vấn an ninh quốc gia, thuộc phái diều hâu, cho rằng chủ nhân Nhà Trắng bị Kim Jong Un đánh lừa, bất chấp những lời can ngăn.
Sau cuộc gặp tại Singapore, Kim Jong Un để lộ ý đồ. Trong khi tổng thống Donald Trump khoe là « kết bạn » với lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì theo John Bolton, Bình Nhưỡng không bao giờ tôn trọng lời hứa mà chỉ nối dối để được bỏ cấm vận : làm vài nhượng bộ nhưng không bỏ vũ khí hạt nhân.
Sai lầm thứ hai là tuyên bố « không gấp » tìm thỏa thuận : Nói như thế chẳng khác nào khuyến khích Bình Nhưỡng cứ tiếp tục thử nghiệm, chế tạo và trang bị vũ khí hạt nhân.
Thứ ba là quyết định ngưng các cuộc tập trận đại quy mô với Hàn Quốc, vô hiệu hóa một phương tiện răn đe. Bộ Quốc Phòng Mỹ và Ủy ban điều tra của Quốc Hội sẽ đánh giá sai lầm này.
Rồi khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa ra biển Nhật Bản, tổng thống Donald Trump cho rằng « đó là chuyện bình thường » dù đã được cảnh báo đó là hành động đe dọa.
Theo John Bolton, Bắc Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mà tổng thống Mỹ tuyên bố « không quan tâm » thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi chế độ khác tự tiện làm theo ?
Vấn đề là làm cách nào để phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên ? Trong cuộc hội thảo, cựu cố vấn an ninh nhấn mạnh đến « giải pháp Libya » bắt Bình Nhưỡng phải bỏ hết vũ khí hạt nhân. Nếu không được thì dùng « vũ lực tấn công » hoặc làm « thay đổi chế độ ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191001-bac-trieu-tien-john-bolton-phan-tich-sai-lam-cua-donald-trump
Mỹ dọa tung đòn đánh hiểm, nhà đầu tư TQ đối diện
‘bài kiểm tra’ quan trọng ngay trong ngày mai
Những thông tin mới nhất làm cho sự bấp bênh của thị trường tăng thêm 1 bậc và đem đến dự cảm rằng vòng đàm phán tiếp theo (sẽ diễn ra vào tuần sau) sẽ không có kết quả tốt đẹp.
Citigroup mới đây đã chỉ ra “đòn đánh” hiểm nhất mà Mỹ có thể nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang: đóng sầm cánh cửa bước vào thế giới tài chính Mỹ.
Và các trader trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ phải quyết định rủi ro đó lớn đến đâu trong ngày mai (30/9), ngay trước khi Trung Quốc chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài tới 1 tuần lễ. Hôm qua, Bloomberg đưa tin Nhà Trắng đang thảo luận để tìm cách hạn chế dòng vốn Mỹ đổ vào các thực thể Trung Quốc. Phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số MSCI China Index giảm 1,6%.
Đến hôm nay Bộ Tài chính Mỹ cho biết hiện không có kế hoạch cấm các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng không phủ nhận chuyện Mỹ có thể tung ra những biện pháp khác. Nhiều nguồn tin thân cận cho biết Bộ Tài chính và Hội đồng kinh tế quốc gia lo ngại thị trường sẽ phản ứng quá mạnh nếu dòng vốn bị hạn ché, và hai cơ quan đang làm việc với nhau để đảm bảo bất kỳ động thái nào cũng sẽ được triển khai theo cách để nhà đầu tư không hoảng loạn.
Hiện dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc vẫn còn bị hạn chế. Theo bộ Tài chính Mỹ, các công dân Mỹ có khoảng 203 tỷ USD các tài sản tài chính dài hạn từ đại lục tính đến tháng 6, cao gấp đôi so với Nam Phi. Trong khi đó tổng giá trị vốn hóa của các công ty Trung Quốc đang niêm yết trên 3 sàn chứng khoán chính của Mỹ lên tới 1.200 tỷ USD.
Theo Amir Anvarzadeh, chiến lược gia tại Asymmetric Advisors (Singapore), các thông tin vừa qua làm cho sự bấp bênh của thị trường tăng thêm 1 bậc và đem đến dự cảm rằng vòng đàm phán tiếp theo (sẽ diễn ra vào tháng sau) sẽ không có kết quả tốt đẹp. “Các công ty Trung Quốc sẽ phải chuyển sang niêm yết ở Hồng Kông và đại lục”.
Mặc dù Trung Quốc vẫn luôn cố gắng tăng tính hấp dẫn của cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhiều công ty vẫn chọn niêm yết ở nước ngoài và đó có thể trở thành 1 điểm yếu dễ bị tấn công.
Mới đây Trung Quốc cũng đã đưa vào vận hành sàn giao dịch mới có tên Star với mục tiêu lôi kéo các công ty công nghệ trở về niêm yết cổ phiếu ở quê nhà thay vì chọn Hồng Kông hay Mỹ như hiện nay. Tuy nhiên sàn này không thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Giao dịch nốt phiên ngày mai là thị trường Trung Quốc sẽ đóng cửa nghỉ lễ đến tận ngày 8/10. Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ hành động ngay tức thì, và Mỹ Trung sẽ bước vào vòng đàm phán thương mại tiếp theo ngay trong tuần tới. Tuy nhiên, những tin tức vừa qua cho thấy hai bên có thể bước vào một mặt trận mới: dòng vốn.
Theo chuyên gia kinh tế Cesar Rojas của Citigroup, nếu Mỹ thông qua luật buộc các công ty nước ngoài vi phạm luật kế toán và luật quản lý doanh nghiệp phải hủy niêm yết, tác động sẽ rất lớn đối với hơn 200 công ty Trung Quốc có cổ phiếu đang được giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ.
Các biện pháp kiểm soát vốn còn có nguy cơ đẩy 2 nước vào 1 cuộc chiến tiền tệ do Trung Quốc nỗ lực tăng cường sự hiện diện của đồng nhân dân tệ để làm xói mòn “lợi thế chiến lược” mà Mỹ có được từ vị thế của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Tổng thống Trump từng yêu cầu thủ tướng Úc
giúp tìm hiểu cuộc điều tra của Robert Mueller
Theo tin từ NBC News, Tổng thống Donald Trump từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ thủ tướng Úc để tìm hiểu về nguồn gốc của cuộc điều tra do cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu.
Vào tối Thứ Hai (ngày 30 tháng 9), một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp xác nhận rằng Tổng Thống Trump từng thực hiện một cuộc điện đàm với Thủ tướng Scott Morrison, để “yêu cầu sự hợp tác của cơ quan lập pháp.” Cuộc điện đàm với ông Morrison diễn ra sau khi Bộ Trưởng Tư Pháp lúc bấy giờ, ông William Barr, yêu cầu luật sư John Durham dẫn đầu một cuộc thăm dò về việc liệu cuộc điều tra của FBI về chiến dịch tranh cử của Tổng Thống Trump có hợp pháp hay không. Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp cho biết ông Barr đã yêu cầu Tổng Thống Trump thực hiện cuộc gọi, để tìm kiếm sự giúp đỡ của Úc.
Cuộc điện đàm với thủ tướng Úc cũng đặt ra nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Barr và Tổng Thống Trump. Trước đậy, Bộ Tư Pháp luôn duy trì sự độc lập khỏi chính quyền tổng thống. Đơn khiếu nại của người tố giác cho biết Tổng Thống Trump tìm cách sử dụng ông Barr để hỗ trợ Ukraine điều tra phó tổng thống Biden.
Vào Chủ Nhật (ngày 29 tháng 9), Hãng Thông Tấn AP đưa tin rằng ông Barr rất “bất ngờ và tức giận” khi biết mình được nhắc đến trong cuộc điều tra luận tội.
Tin tức về cuộc điện đàm xuất hiện trong bối cảnh một cuộc điều tra luận tội đang diễn ra, bắt nguồn từ những cáo buộc rằng Tổng Thống Trump thúc giục tổng thống Ukraine điều tra phó tổng thống Joe Biden và con trai Hunter. (Mộc Miên)
Điều tra luận tội: Giuliani, luật sư của Trump,
bị Hạ viện bắt nộp tài liệu
Đảng Dân chủ đã yêu cầu luật sư riêng của tổng thống phải nộp một số hồ sơ, bước tiếp theo của một nỗ lực có thể khiến Donald Trump phải rời khỏi Nhà Trắng.
Rudy Giuliani từng thừa nhận có yêu cầu các quan chức Ukraine điều tra cáo buộc tham nhũng không căn cứ về đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ.
Các nhà lập pháp đã gửi trát đòi Giuliani phải nộp hồ sơ dính líu đến nhưng liên lạc giữa ông và các quan chức Ukraine.
Yêu cầu này là một phần của thủ tục luận tội ông Trump, được thúc đẩy bởi khiếu nại của một người tố giác.
Người tố giác, được cho là một nhân viên CIA, tiết lộ mối quan ngại của một số quan chức Nhà Trắng rằng ông Trump đã tìm cách gây áp lực với một nhà lãnh đạo nước ngoài để điều tra đối thủ chính trị đảng Dân chủ của mình.
Một bản sao của cuộc gọi điện giữa ông Trump và Tổng thống Volodymyr Zelensky, được công bố tuần trước cho thấy ông Trump đã thúc giục ông Zelensky điều tra các cáo buộc vô căn cứ về con trai ông Biden, ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 .
Hôm thứ Hai, người ta được biết Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, đã lắng nghe cuộc gọi, hiện đang là trung tâm của một cuộc điều tra luận tội ông Trump. Ông Pompeo tuần trước bị đảng Dân chủ tại Hạ viện gửi trát đòi hầu tòa liên quan đến cuộc gọi này.
Trong một diễn biến khác hôm thứ Hai, có tin ông Trump đã thúc đẩy một nhà lãnh đạo nước ngoài khác nhờ giúp đỡ liên quan đến tình hình chính trị của ông trong nước. Chính phủ Úc xác nhận rằng ông Trump đã yêu cầu Thủ tướng Scott Morrison giúp đỡ trợ lý tổng chưởng lý Hoa Kỳ, Bill Barr, với cuộc điều tra liên quan đến điều tra sự dính líu của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016, phủ bóng lên hai năm đầu cầm quyền của ông.
Nhà Trắng được cho là đã hạn chế quyền truy cập vào bản ghi chép cuộc gọi này trong vòng nhóm nhỏ các trợ lý của tổng thống – như đã làm với bản ghi chép cuộc gọi với Ukraine đang gây tranh cãi.
Điều tra luận tội Trump: Hạ viện gửi trát cho Pompeo
Chủ tịch Hạ viện Mỹ: “Dư luận ủng hộ điều tra luận tội Trump”
Bản ghi điện đàm cho thấy ông Trump hối thúc điều tra về Biden
Tại sao Giuliani bị gửi trát đòi hầu tòa?
Ba chủ tịch các ủy ban chủ chốt của Hạ viện – Tình báo, Ngoại giao và Giám sát – gửi trát đòi hầu tòa cho ông Giuliani hôm thứ Hai.
Trát đòi hầu tòa là điều được tiên đoán, vì đảng Dân chủ trước đó nói rằng họ muốn thẩm vấn ông Giuliani, một nhân vật then chốt trong câu chuyện.
Trong cuộc gọi điện thoại, ông Trump đã yêu cầu tổng thống Ukraine phối hợp với luật sư riêng của mình về bất kỳ cuộc điều tra nào về ông Biden và con trai ông Biden, Hunter.
Trong lần xuất hiện ngày 19/ 9 trên CNN, Giuliani xác nhận đã yêu cầu Ukraine “xem xét các cáo buộc liên quan đến khách hàng của tôi, liên quan đến Joe Biden trong một kế hoạch hối lộ lớn”.
Trong trát đòi hầu tòa, chủ tịch các ủy ban nói: “Ngoài thừa nhận nghiêm túc này, gần đây ông tuyên bố rằng đang có trong tay bằng chứng – dưới dạng tin nhắn, hồ sơ điện thoại và các thông tin liên lạc khác – cho thấy ông không hành động một mình và rằng các quan chức khác của Chính quyền Trump có thể đã tham gia vào kế hoạch này.”
Các chủ tịch đã yêu cầu Giuliani đệ trình tất cả các thông tin liên lạc trước ngày 15/10.
Ông Giuliani và Nhà Trắng chưa trả lời trát đòi hầu tòa, mặc dù vào Chủ nhật, ông Giuliani nói với ABC News rằng ông “sẽ không hợp tác” với ông Schiff.
Hạ viện Mỹ chính thức mở cuộc điều tra luận tội ông Trump
Luận tội một tổng thống có dễ không?
Chủ tịch Hạ viện Pelosi nói ‘muốn thấy ông Trump vào tù’
Những trát đòi hầu tòa
Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ
Cuộc điều tra luận tội đã chính thức diễn ra. Và bây giờ đến các trát đòi hầu tòa.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Rudy Giuliani là một trong những người đầu tiên nhận được thông báo pháp lý yêu cầu phải nộp cho Quốc hội các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra Ukraine.
Như người tố cáo phàn nàn, cựu Thị trưởng New York – hiện là một thường dân – đóng vai trò điều hợp hoạt động thu thập chứng cứ từ hậu trường Ukraine cho Donald Trump. Việc ông Giuliani trở thành khuôn mặt cố định trên các đài truyền hình Mỹ, nơi ông liên tục khoe khoang về công việc của mình cho “khách hàng”, ông Trump, chỉ giúp cho đôi mắt của của giới lập pháp nắm thẳng vào lưng ông.
Với thái độ hung hăng, hiếu chiến của ông Giuliani trong thời gian gần đây, đảng Dân chủ có thể miễn cưỡng trong việc gọi ông đến làm chứng trước phiên điều trần công cộng của ủy ban.
Nhưng việc nắm trong tay các tài liệu liên quan – gồm email và tin nhắn mà ông Giuliani xòe ra khi xuất hiện trên truyền hình – dù sao cũng có thể hữu ích hơn cho đảng Dân chủ.
Nếu họ có thể liên kết nỗ lực của ông Giuliani với Bộ Ngoại giao và các quan chức chính quyền Trump, thì điều đó có thể giúp củng cố lập luận ông Trump đang bẻ cong các nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ để tiến tới mục tiêu chính trị cá nhân.
Tại sao có cuộc điều tra luận tội?
Một người tố giác trong cộng đồng tình báo đã đệ đơn khiếu nại vào tháng 8, nói rằng có “mối quan tâm khẩn cấp” rằng ông Trump đã dùng nhiệm sở của mình để “thu hút sự can thiệp từ nước ngoài” trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sắp tới.
Đảng Dân chủ đã đưa ra một cuộc điều tra luận tội vào thứ Ba tuần trước, tập trung vào cuộc gọi được nói đến yrong đơn khiếu nại này, nơi ông Trump đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Ukraine về các cáo buộc ông Biden tham nhũng.
Đối thủ chính trị của ông Trump cáo buộc ông tìm kiếm sự giúp đỡ nước ngoài không đúng cách trong nỗ lực bôi nhọ ông Biden và sử dụng viện trợ quân sự như một công cụ thương lượng.
Cựu công tố viên Ukraine Yuriy Lutsenko nói với BBC rằng không có lý do gì để điều tra ông Biden hoặc con trai ông, người đã làm việc cho một công ty năng lượng của Ukraine.
Ông Biden từng khoe khoang về việc cựu tổng công tố viên Ukraine Viktor Shokin bị sa thải, mặc dù ông không phải là nhà lập pháp duy nhất tại thời điểm đó kêu gọi bãi nhiệm ông Shokin.
Động thái này cũng được EU ủng hộ như một nỗ lực chống tham nhũng.
Quốc hội hiện đang trong kỳ nghỉ, nhưng đảng Dân chủ dự định ở lại Washington trong thời gian này để tiến hành ”gấp rút” các thủ tục luận tội và trát tòa cần thiết cho cuộc điều tra.
Điều gì khác xảy ra hôm thứ Hai?
Tổng thống Zelensky nói rằng ông không định công bố bản ghi chép cuộc gọi của Ukraine với ông Trump, nói với hãng tin Reuters: “Có những sắc thái nhất định và những điều mà tôi thậm chí nghĩ rằng sẽ không chính xác, để công bố.”
Trong khi đó, một quan chức nói với tờ New York Times rằng yêu cầu của ông Trump với thủ tướng Úc đã được thực hiện trong một cuộc gọi điện thoại gần đây, và một bản ghi lại cuộc trò chuyện cũng chỉ được phổ biến giới hạn trong một nhóm nhỏ các trợ lý, trái với những giao thức thông thường, nhưng giống y như cuộc gọi vào tháng 7 ở Ukraine.Điều này làm giấy thêm lo ngại rằng nhân viên Nhà Trắng đang cố gắng che giấu hồ sơ về các cuộc trò chuyện của tổng thống với một số nhà lãnh đạo nước ngoài.
Nhà Trắng chưa bình luận.
Cuộc điều tra Trump-Nga bắt đầu sau khi các quan chức Úc thông báo với FBI rằng cố vấn của Trump, George Papadopoulos, đã nói với nhà ngoại giao hàng đầu của Anh rằng Moscow có những thông tin “bẩn” về Hillary Clinton.
Vài điều nên biết về luận tội
• Luận tội là phần đầu tiên – đưa ra các cáo buộc – của một quá trình chính trị gồm hai giai đoạn để Quốc hội có thể bãi nhiệm một tổng thống
• Nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua việc luận tội, Thượng viện buộc phải tổ chức một phiên tòa
• Một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện đòi hỏi phải chiếm đa số hai phần ba để kết án tổng thống – được tiên đoán là không thể xảy ra trong trường hợp này, do đảng của ông Trump đang kiểm soát Thượng viện.
• Chỉ có hai tổng thống Hoa Kỳ trong lịch sử – Bill Clinton và Andrew Johnson – từng bị luận tội nhưng không bị kết án và không bị bãi nhiệm
• Tổng thống Nixon từ chức trước khi ông có thể bị luận tội
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49888849
Mike Pompeo là một trong số viên chức
đã nghe cuộc điện đàm
giữa 2 tổng thống Trump và Ukraine
Vào hôm Thứ Hai 30/09, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao cho biết, Ngoại trưởng Mike Pompeo là một trong số các viên chức chính quyền đã lắng nghe cuộc điện đàm vào ngày 25 tháng 7 giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tiết lộ này đồng nghĩa với việc Bộ Ngoại Giao có liên quan rất lớn đến cuộc điều tra luận tội của Hạ viện. Trước đó, sự tham gia của ông Pompeo vào cuộc điện đàm nói trên vẫn chưa được tiết lộ. Tuần trước, ông Pompeo cho biết ông vẫn chưa đọc toàn bộ đơn khiếu nại của một người tố giác ẩn danh, về việc Tổng Thống Trump đã lạm quyền trong cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine. Ngoại trưởng nói rằng các hành động của các viên chức Bộ Ngoại giao hoàn toàn phù hợp, và đồng nhất với những nỗ lực của chính quyền nhằm cải thiện quan hệ với Ukraine. Lúc đó, Ngoại Trưởng không đề cập đến sự tham gia của ông trong cuộc điện đàm, nhưng nói rằng kiến thức của người tố giác về việc này là “sai lệch.”
Vào Thứ Sáu (ngày 27 tháng 9), ba Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ gửi trát hầu tòa cho ông Pompeo, yêu cầu ông công bố các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra và đưa ra thời hạn cho ông đến ngày 4 tháng 10. Sau đó, vào Thứ Hai, các ủy ban Hạ viện nói trên cũng gửi trát hầu tòa cho ông Rudy Giuliani- luật sư riêng của Tổng Thống Trump- về các tài liệu liên quan đến nỗ lực gây áp lực Ukraine để thực hiện một cuộc điều tra Joe Biden.
Sáng cùng ngày, Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông sẽ tổ chức một phiên tòa tại Thượng viện, nếu Hạ viện thông qua các văn bản luận tội đối với Tổng Thống Trump. (Mộc Miên)
Luận tội Trump: trách nhiệm
hay canh bạc của Đảng Dân chủ?
Đảng Dân chủ có trách nhiệm tiến hành luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump mặc dù hành động này có thể đem đến cho họ rất nhiều rủi ro chính trị, các nhà phân tích nhận định.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, hôm 24/9 loan báo Đảng Dân chủ đã bắt đầu chính thức điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump về những cáo buộc rằng ông cố gắng gây áp lực với Tổng thống Ukraine để điều tra ông Joe Biden, một ứng cử viên Tổng thống 2020 bên Đảng Dân chủ.
Trước đó, nhiều nhân vật bên Đảng Dân chủ từng kêu gọi xúc tiến tiến trình luận tội Tổng thống Cộng hòa Donald Trump sau khi báo cáo điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller dùkhông kết luận rằng ông Trump đã phạm tội cản trở công lý nhưng không minh oan cho ông Trump về tội danh này. Tuy nhiên, các lãnh đạo Dân chủ đã không đáp ứng lời kêu gọi lúc đó vì những rủi ro tiềm tàng đối với họ trong mùa bầu cử sắp tới.
‘Cực chẳng đã’
Lần này, Đảng Dân chủ theo đuổi luận tội ông Trump vì bị buộc vào thế ‘cực chẳng đã,’ theo bà Ông Thụy Như Ngọc, Tiến sĩ Chính trị học và hiện là chủ nhiệm tờ báo Viet Tide ở tiểu bang California.
“Nếu họ không luận tội thì họ sẽ bị cho là tiếp tục bao che cho các hành vi không trong sáng của ông Trump vì đã có người trong nội bộ tố cáo ra,” bà Ngọc nói và nhắc lại rằng lâu nay Đảng Dân chủ vì lo ngại hậu quả chính trị nên không thực hiện đàn hặc ông Trump vì họ biết là ‘kết quả sẽ không đi đến đâu’.
“Từ đầu đến giờ Đảng Dân chủ đã rất do dự, nhưng nếu chiếu theo những gì đã trưng ra trong bản báo cáo thì họ cũng không còn cách nào khác,” bà giải thích. “Đã là đảng đối lập thì phải soi mói từng chút một đảng cầm quyền.”
“Biết là rủi ro nhưng họ vẫn phải làm vì đó là nhiệm vụ của họ trong một đất nước có thể chế dân chủ kiểm soát lẫn nhau,” bà nói thêm.
Quyết định của Đảng Dân chủ có thể bị phe Cộng hòa cáo buộc là ‘bôi nhọ ông Trump để giành lợi thế trong kỳ bầu cử sắp tới’, nhưng ‘nhìn chung ông Trump sẽ không bị ảnh hưởng bao nhiêu (từ việc luận tội này) trừ phi bị truất phế,’ Tiến sĩ Ngọc nói về tác động đối với ông Trump. “Điều này không làm suy suyển sự ủng hộ trong nhóm cử tri của Trump mà chỉ làm họ ủng hộ thêm thôi.”
Tuy nhiên, trong nền chính trị Mỹ khi mà các cử tri luôn có xu hướng bầu cử theo đảng phái bất kể ứng viên hay vấn đề gì (tức là khối Dân chủ luôn bầu cho Dân chủ còn khối Cộng hòa luôn bầu cho Cộng hòa) thì việc luận tội này có thể lay động khối cử tri trung dung vốn đóng vai trò quyết định trong bất cứ kỳ bầu cử Tổng thống nào, Tiến sĩ Ông Thụy Như Ngọc phân tích thêm và cho rằng quá trình luận tội cũng có thể có lợi cho một số vị dân cử của Đảng Dân chủ đại diện cho những địa phương mà cử tri ở đó có tiếng nói mạnh mẽ đòi luận tội.
Nên hay không nên luận tội?
Trên trang mạng news24, Timothy J. Lynch, Phó Giáo sư về Chính trị Mỹ tại Đại học Melbourne, Úc đưa ra 8 lý do không nên và 3 lý do Đảng Dân chủ nên luận tội ông Trump.
Luận tội Trump vẫn còn đầy rủi ro đối với Đảng Dân chủ. Hạ bệ một Tổng thống đương nhiệm cũng giống như là quả bom hạt nhân trong chính trị Mỹ, ông Lynch nhận định.
Dưới đây là tám rủi ro mà Đảng Dân chủ không nên luận tội Tổng thống Trump, theo phân tích của Phó Giáo sư Lynch:
1. Sẽ không thành
Có đủ đảng viên Dân chủ tại Hạ viện để bỏ phiếu yêu cầu luận tội của Trump. Chỉ cần một đa số tối thiểu là cần thiết để bắt đầu quy trình luận tội và hiện có 225 dân biểu Dân chủ trong Hạ viện gồm 435 ghế.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ không có đủ ghế ở Thượng viện để phán quyết rằng ông Trump có tội. Phải cần đến 2/3 trong số 100 thượng nghị sĩ (hoặc 67 vị, tức ‘siêu đa số’) bỏ phiếu là Trump có tội để truất phế ông – nhưng chỉ có 46 Thượng nghị sỹ Dân chủ.
Thậm chí nếu như một số Thượng nghị sỹ Cộng hòa cũng về phe Dân chủ thì lợi thế về số phiếu vẫn đứng về phía Trump.
Thách thức lớn nhất đối với đảng Dân chủ là liệu một Thượng viện không thiên vị về tư pháp có thể hành động mà không quan tâm đến lợi ích đảng phái hay không. Có rất ít bằng chứng trong lịch đương đại hoặc trong lịch sử Mỹ cho thấy điều đó.
2. Trump đã miễn dịch?
Ông Trump đã phạm rất nhiều lỗi lầm nhỏ đến mức không tội lỗi lớn nào chạm đến ông được. Ông đã trở nên lão luyện trong việc né tránh các cáo buộc hình sự đồng thời gọi chúng là một phần của cuộc săn phù thủy, tức truy bức chính trị, của Đảng Dân chủ.
Khoảng thời gian và sức lực lớn bỏ vào cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã thất bại trong việc đưa ra một trọng tội mà bà Pelosi tự tin là đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp về luận tội.
Diễn biến Ukraine thật ra có thể là một bước ngoặt, nhưng cho đến khi xảy ra vụ Ukraine chưa có vi phạm nào của ông Trump có thể dẫn đến luận tội.
3. Chưa phải là hành vi đáng để luận tội rõ ràng
Theo Hiến pháp Mỹ, hành vi đáng để luận tội là:
“Tổng thống, Phó Tổng thống và tất cả các viên chức dân sự của Hoa Kỳ, sẽ bị cách hết chức trách nếu bị luận tội và kết tội về các tội: phản quốc, hối lộ, hoặc các tội và hành vi sai trái nghiêm trọng khác (Điều II, Mục 4).”
Các luật sư của Trump sẽ thách thức mọi nỗ lực nhằm khắc họa ‘biện pháp ngoại giao’ của Trump với nhà lãnh đạo Ukraine là đã đến ngưỡng ‘các tội và hành vi sai trái nghiêm trọng’.
4. Giúp Trump tái sinh?
Nếu nỗ lực luận tội của đảng Dân chủ dẫn đến kết quả là ông Trump được tha bổng tại Thượng viện, kết quả cho Đảng của bà Pelosi sẽ không phải là một Tổng thống suy yếu, mà trái lại là một Tổng thống thêm mạnh bạo.
Khi Hạ viện của Đảng Cộng hòa luận tội Tổng thống Bill Clinton hồi năm 1998, ngay sau đó ông được Thượng viện phán xử là không có tội. Hai năm tại vị cuối cùng của ông, bất chấp sự xấu hổ của vụ bê bối Monica Lewinsky, lại là khoảng thời gian ấn tượng nhất của ông.
Ông đã giải phóng Kosovo khỏi người Serbia và được cho là có công làm kinh tế Mỹ bùng nổ. Khi rời chức, ông ấy là một trong những Tổng thống được lòng dân nhất trong lịch sử Mỹ.
5. Nhớ đến Brexit
Nước Anh hiện đang bế tắc bởi vì ý chí dân chủ của đa số cử tri đang bị thể chế chính trị vốn không thích cách họ bỏ phiếu từ chối thực hiện.
Không khó tưởng tượng sự tương đồng này ở Mỹ: nếu giới tinh hoa chính trị ở Washington loại bỏ thành công một Tổng thống Mỹ được bầu hợp pháp, nó sẽ thúc đẩy một quốc gia đã bị phân cực thành quốc gia hướng đến cuộc chiến văn hóa.
Sẽ tốt hơn cho Đảng Dân chủ nếu họ tìm cách đánh bại ông Trump ở phòng phiếu vào năm 2020.
Nếu Trump rời khỏi Nhà Trắng theo con đường bình thường này, những người ủng hộ ông sẽ không thể lập luận ông ấy đã bị lật đổ bằng các biện pháp chính trị-tư pháp mà là quá tiến trình dân chủ lập hiến thông thường.
6. Đảng Dân chủ cần lập lại trật tự trong chiến lược bầu cử
Thay vì tiến hành một cuộc chiến luận tội, Đảng Dân chủ nên giải quyết các vấn đề giúp cho Trump vươn đến quyền lực ngay từ đầu.
Ông ấy chỉ là triệu chứng, chứ không phải nguyên nhân, của sự bất mãn văn hóa của những người Mỹ da trắng vốn là dân lao động vốn cảm thấy bị Đảng Dân chủ bỏ rơi. Việc luận tội sẽ làm tăng sự bất mãn đó. Ông Trump sẽ mạnh mẽ tuyên bố rằng đó là bằng chứng cho thấy Đảng Dân chủ không còn quan tâm gì đến các cử tri lao động nữa.
7. Luận tội không được lòng dân
Vẫn chưa có sự đồng thuận mạnh mẽ trong nước rằng luận tội là điều đúng đắn. Điều này có thể thay đổi khi giờ đây người Mỹ đã được thấy bản ghi về cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Ukraine.
Nhưng trước khi Quốc hội chắc chắn có sự đồng thuận quốc gia như vậy, họ cần phải thận trọng.
8. Trump thích so găng
Ông Trump vững vàng bằng cách khiêu khích các kẻ thù. Và ông ấy sẽ tiếp tục tận hưởng những đặc quyền của một Tổng thống ngay cả khi chiếc lưới luận tội đang siết chặt xung quanh ông. Ông sẽ đề ra nghị trình và đóng vai nạn nhân. Ông ấy là bậc thầy về điều này.
Đảng Dân chủ, ngay cả khi họ nắm trong tay đạo đức và luật pháp, có thể không kham nổi công việc này.
Luận tội là điều ông Trump muốn đảng Dân chủ làm. Nó sẽ giúp cho chính quyền thường xuyên hỗn loạn và lộn xộn của ông ấy có trọng tâm và mục đích.
Về 3 lý do Đảng Dân chủ nên luận tội ông Trump, theo Phó Giáo sư về Chính trị Mỹ Timothy Lynch:
1. Đúng về mặt đạo đức
Trong cuộc gọi điện đàm, ông Trump đã làm mờ đi ranh giới giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của riêng ông trong cuộc bầu cử. Yêu cầu một nhà lãnh đạo nước ngoài bôi bẩn đối thủ chính trị của mình có thể đáng bị khiển trách và có thể bị luận tội.
2. Về mặt pháp lý, đây là yêu cầu của nền pháp trị
Elijah Cummings, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, đã trình bày quan điểm này hồi tháng Tư rằng: “Ngay cả khi chúng ta không thắng, tôi nghĩ rằng lịch sử sẽ mỉm cười với chúng ta vì đã đứng lên bảo vệ Hiến pháp.”
3. Nó có ý nghĩa về mặt chính trị
Ngay cả khi Trump không bị cách chức sau khi bị luận tội, quá trình này sẽ khiến ông khốn khổ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Ông ấy sẽ không thể theo đuổi các chính sách mà từ lâu Đảng Dân chủ đã không thích.
Do đó, là chiến lược bầu cử, luận tội có thể mang lại lợi ích nào đó cho Đảng Dân chủ. Đến tháng 11 năm 2020, cử tri có thể đã quá mệt mỏi với toàn bộ sự việc nên họ sẽ bỏ phiếu để thay đổi – và khiến cho một số ứng viên Cộng hòa phải ra đi.
Nó cũng sẽ tiếp sức cho khối cử tri Dân chủ và giúp cho Đảng này có sự tập trung mà nhờ đó họ có thể tránh làm tổn thương lẫn nhau.
Hướng dẫn viên Mỹ bị buộc tội là đặc vụ Trung Quốc
Một công dân Hoa Kỳ làm hướng dẫn viên du lịch đã bị buộc tội gián điệp cho tình báo Trung Quốc, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết.
Các công tố viên cho biết ông Xuehua Peng đã cung cấp thông tin mật cho Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS).
Ông Peng, 56 tuổi, được cho là đã hoàn thành năm lần “thả tin” (dead drops) tại các phòng khách sạn trong thời gian từ 2015-2018.
Phương thức “dead drops” được các điệp viên sử dụng để truyền thông tin hoặc vật phẩm bằng cách giấu chúng ở những địa điểm bí mật, chờ người khác đến lấy.
Ông bị bắt hôm thứ Sáu tại Hayward, California và bị từ chối nộp tiền thế chân tại phiên tòa.
“Hành vi bị buộc tội trong vụ này là sự kết hợp giữa phương gián điệp lâu đời và công nghệ hiện đại”, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ David Anderson nói.
FBI bắt ông Peng, còn được gọi là “Edward Peng”, được cho là một phần của “hoạt động gián điệp hai mang” phát động vào tháng 3/2015.
Nhà văn Úc đối mặt với cáo buộc gián điệp ở Trung Quốc
Cựu nhân viên CIA nhận tội âm mưu làm gián điệp cho TQ
Tình báo Mỹ: Huawei được an ninh nhà nước TQ tài trợ
Một “nhân vật bí mật” – đặc vụ kép của FBI – đã chuyển bí mật an ninh quốc gia cho ông Peng để đổi lấy một khoản thanh toán, các công tố viên cho biết.
Ông Peng được cho là đã sáu lần xuất hiện tại các phòng khách sạn ở California và Georgia để thu thập hoặc thả các gói hàng.
Bốn lần trong số đó, ông Peng bị cáo buộc đã lấy thẻ SD chứa thông tin mật, trước khi tới Bắc Kinh để gặp các sĩ quan tình báo Trung Quốc.
Các khúc phim của FBI, được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố, cho thấy ông Peng thực hiện việc “thả tin”, các công tố viên cho biết.
Việc bắt giữ ông Peng đã “phơi bày và làm gián đoạn hoạt động của các sĩ quan tình báo Trung Quốc vẫn thu thập thông tin mà không phải bước chân vào đất nước này”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp An ninh Quốc gia John Demers nói.
Ông Peng sống ở Hayward trong Khu vực Vịnh San Francisco, đến Hoa Kỳ bằng visa kinh doanh tạm thời. Ông được cấp giấy tờ thường trú vào 2/2006, sau khi kết hôn và được nhập quốc tịch Mỹ vào 9/2012.
Được đào tạo về y học cổ truyền Trung Quốc, ông Peng được cho là đang làm nhân viên điều hành tour tham quan ở khu vực San Francisco cho sinh viên và du khách Trung Quốc.
Ông Peng dự kiến sẽ có mặt tại phiên điều trần tạm giam tại San Francisco vào thứ Tư. Nếu bị kết án, ông phải đối mặt với mức án tối đa là 10 năm và phạt tiền 250.000 đôla.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49874903
Thịt đỏ : Lợi hay hại cho sức khỏe ?
Thịt đỏ có lợi hay hại cho sức khỏe ? Một câu hỏi đang gây chia rẽ giới khoa học. Theo một nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học cho rằng các khuyến nghị hiện nay không dựa trên những số liệu khoa học đáng tin cậy.
Nhiều quốc gia khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và thịt lợn ướp để phòng tránh các chứng bệnh ung thư và các bệnh về tim mạch. Nhưng mới đây, một nhóm các nhà khoa học độc lập khi cho phân tích lại hàng chục nghiên cứu trước đây, kết luận rằng nguy cơ tiềm tàng là thấp và các bằng chứng không chắc chắn. Kết luận này đã làm dấy lên một cơn bão tranh cãi khoa học.
Theo nghiên cứu mới này, nhóm các chuyên gia của bảy nước cho rằng« người lớn vẫn có thể tiếp tục tiêu thụ lượng thịt đỏ như hiện nay », nghĩa là một mức trung bình từ ba đến bốn khẩu phần mỗi tuần tại Bắc Mỹ và châu Âu. Khẩu phần này được áp dụng tương tự cho các loại thịt ướp, theo như khuyến nghị của các nhà nghiên cứu đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine, thuộc American College of Physicians ngày 30/09/2019.
Nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định giảm tiêu thụ thịt đỏ xuống còn 3 phần mỗi tuần có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư với tỷ lệ 7/1000 (bảy ca tử vong cho 1000 người), một mức giảm khá khiêm tốn theo các nhà khoa học. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý : Độ tin cậy của nghiên cứu thống kê này là « thấp ».
Còn tác động của các loại thịt ướp đối với các bệnh tim mạch và tiểu đường, chất lượng của các bằng chứng bị đánh giá là « rất thấp » và « không mấy chắc chắn », như khẳng định của ông Bradley Johnston, giáo sư dịch tễ học trường đại học Dalhousie, Canada và giáo sư hướng dẫn nghiên cứu nhóm NutriRECS.
Với những phân tích mới này, các nhà khoa học muốn chứng minh rằng các khuyến nghị dinh dưỡng ngày nay không còn hợp thời nữa, quá chú trọng đến yếu tố lợi ích xã hội mà bỏ qua khía cạnh cá nhân. Nghiên cứu mới này sẽ giúp ngành tư vấn dinh dưỡng phát triển theo chiều hướng y khoa mang tính cá nhân hơn.
Cơn bão tranh cãi khoa học
Chỉ có điều những kết luận này đi ngược lại với các khuyến nghị đang được áp dụng ở nhiều nước. Tại Pháp, cơ quan Y tế công Pháp, đầu tháng Giêng năm 2019, còn khuyến cáo nên hạn chế thịt ướp ở mức 150 gram/tuần và các loại thịt khác ngoại trừ thịt gà là 500 gram/tuần.
Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cũng xếp thịt đỏ thuộc nhóm « tác nhân có thể gây ung thư » và thịt ướp là « tác nhân gây ung thư ». Các kết luận trên đã làm dấy lên những lời chỉ trích mạnh mẽ trong giới chuyên gia về dinh dưỡng học và dịch tễ học.
Dù đánh giá cao tính chất nghiêm túc của các phân tích mới, nhưng nhiều chuyên gia phê phán triết lý của các kết luận. Ông Tim Key, giáo sư về dịch tễ ung thư học tại Oxford chỉ trích rằng nếu như nguy cơ gây ung thư đường ruột có liên quan đến các loại thịt ướp có thể là thấp, nhưng trên cấp độ dân số, chi tiết này không phải là không đáng kể.
Word Cancer Research Fund nói rõ sẽ không thay đổi chính sách và đặt « tin tưởng vào những nghiên cứu nghiêm ngặt được thực hiện từ 30 năm qua ».
AFP cho biết, kết quả nghiên cứu mới đã được 11/14 nhà khoa học thông qua. Bất chấp các chỉ trích, ông Bradley Johnston khẳng định « người dân sẽ phải sử dụng các khuyến nghị này để có những chọn lựa được thông tin đầy đủ, thay vì là các tổ chức cho phép họ được làm những gì nên làm ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191001-thit-do-loi-hay-hai-cho-suc-khoe
Đồng minh lớn nhất
lần đầu tiên không “nói giúp” Đài Loan
Paraguay – đồng minh lớn nhất, lâu năm đã bất ngờ không nhắc tới Đài Loan dù chỉ 1 lần trong bài phát biểu tại LHQ. Điều này khiến dư luận đảo này dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
Vào ngày 28/9, Ngoại trưởng Paraguay Antonio Rivas Palacios đã có bài phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha tại phiên thảo luận cấp cao Khóa 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ).
Đáng chú ý là, trong bối cảnh nhiều đồng minh chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan thì Paraguay – một trong 15 đồng minh còn lại của Đài Loan – đã không đề cập đến đảo này trong bài phát biểu mới nhất.
Đây là lần đầu tiên sau 7 năm – kể từ năm 2012, Paraguay không nhắc tới Đài Loan trong sự kiện quan trọng này.
Tờ China Times News cùng ngày cho biết, kể từ khi phiên thảo luận cấp cao Khóa 74 ĐHĐ LHQ bắt đầu khởi động vào ngày 24/9, đã có bảy quốc gia lên tiếng thay Đài Loan, thậm chí, có quốc gia đã viết gửi Tổng thư ký LHQ António Guterres, ủng hộ Đài Loan tham gia vào hệ thống Liên hợp quốc.
Sự việc Paraguay không nhắc tới Đài Loan trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ đã làm dậy sóng dư luận vùng lãnh thổ này, dấy lên nhiều thông tin trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, đây có thể là tín hiệu báo trước về việc ra đi của đồng minh Paraguay.
Đáp lại, người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Loan Âu Hồng An cùng ngày đã lập tức lên tiếng bác bỏ những thông tin liên quan. Theo bà này, Đài Loan và Paraguay vẫn duy trì quan hệ hữu nghị tốt đẹp và Paraguay hồi đầu năm đã viết thư gửi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, thể hiện sự ủng hộ Đài Loan trên trường quốc tế.
Paraguay là quốc gia không giáp biển thuộc Nam Mỹ với diện tích 406.800 km2 và dân số 7,053 triệu người. Quan hệ ngoại giao Paraguay – Đài Loan đã kéo dài 62 năm, bắt đầu từ năm 1957. Quốc gia Nam Mỹ này được coi đồng minh lớn nhất của Đài Loan trong số 15 đồng minh hiện nay.
Hồi tháng 5/2018, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio từng cảnh báo tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng Paraguay có thể là quốc gia tiếp theo chia tay Đài Loan, sau Panama và Dominica. Sau đó, ông Lưu Đức Lập – quan chức thuộc cơ quan ngoại giao Đài Loan đã thực hiện chuyến thăm tới Paraguay, động thái được cho để củng cố quan hệ với quốc gia Nam Mỹ.
EU bắt tay với láng giềng TQ xây dựng
thỏa thuận toàn cầu: Xuất hiện
“kỳ phùng địch thủ” của Vành đai và con đường
Thỏa thuận song phương này sẽ tạo nên sự kết nối bền vững kéo dài từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến phía tây Balkan và châu Phi, được coi là đối trọng với sáng kiến của Bắc Kinh.
Tờ Financial Times (FT-Anh) cho biết, ngày 27/9, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã tổ chức diễn đàn kết nối Á-Âu và hai bên cùng ký kết một thỏa thuận quan trọng để khởi động các dự án chung, xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết lập các tiêu chuẩn phát triển trên toàn thế giới. Thỏa thuận này được coi là đối trọng của sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh.
Sự hợp tác giữa EU và Nhật Bản sẽ bao quát mọi lĩnh vực từ vận tải đến ngành công nghiệp kỹ thuật số. Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi các thỏa thuận quốc tế như Thỏa thuận hạt nhân Iran và Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, đây là một phần trong nỗ lực mở rộng để hồi sinh sự hợp tác đa phương giữa hai bên.
Thỏa thuận được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đặt bút ký kết tại Brussels vào thứ Sáu (27/9) vừa qua. Động thái này nằm trong kế hoạch triển khai 60 tỷ euro nhằm cải thiện mối liên kết giữa châu Âu và châu Á của Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Abe cho hay, sự hợp tác giữa Brussels và Tokyo, bao gồm cả quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược, đang phát triển mạnh mẽ hơn và là một “tuyên bố vang dội” trong bối cảnh “các giá trị quan và nguyên tắc mà hai bên ấp ủ có thể bị lung lay hoặc đi lệch hướng”.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông nói thêm: “Dù là một tuyến đường hay một bến cảng, mỗi khi EU và Nhật Bản đầu tư vào một dự án, chúng tôi sẽ có thể xây dựng nên sự kết nối bền vững, dựa trên quy tắc kéo dài từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến phía tây Balkan và châu Phi”.
Theo báo Anh, mặc dù không đề cập đến trung Quốc nhưng ý tưởng và cách diễn đạt tổng thể của thỏa thuận này rõ ràng thể hiện mong muốn ngăn chặn sự mở rộng của sáng kiến Vành đai và con đường.
Sáng kiến Vành đai và con đường đã tác động tới hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế, với hơn một nửa trong số 28 quốc gia thành viên của EU nhưng sáng kiến của Bắc Kinh đồng thời cũng bị chỉ trích là “bẫy nợ ngoại giao” với những bản thỏa thuận thiếu minh bạch và gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường mặc dù Bắc Kinh liên tục phản đối những cáo buộc này.
Theo FT, thỏa thuận giữa EU và Nhật Bản đòi hỏi sự minh bạch trong các hoạt động trao đổi, đảm bảo tính bền vững của các khoản đầu tư và các tiêu chuẩn cao về bền vững kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường.
Ông Juncker cho rằng cần phải xây dựng một cơ sở hạ tầng mà không đòi hỏi các khoản nợ lớn hoặc phụ thuộc vào “một quốc gia duy nhất”.
Một nhà ngoại giao EU bình luận, hợp tác giữa EU và Nhật Bản có thể bao gồm việc EU cho các công ty Nhật Bản sử dụng máy bay không người lái để lập bản đồ về các con đường mà các nước châu Phi cần sửa chữa, trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản tài trợ cho các công ty năng lượng tái tạo châu Âu mong muốn mở rộng ở Đông Nam Á.
EU muốn thông qua dự án này, tận dụng hiệu quả sức ảnh hưởng kinh tế về các lĩnh vực thương mại, viện trợ và đầu tư để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại chiến lược.
Báo Anh cho biết, EU đã bắt đầu có lập trường mạnh mẽ hơn về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đầu năm nay, họ đã đưa ra một tuyên bố mang tính bước ngoặt khi cho rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống” trong một số lĩnh vực và là đối thủ cạnh tranh hoặc đối tác tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác.
Mải chạy theo Mỹ trong thương chiến,
TQ khiến “khách sộp” uất ức
vì bị gạt ra rìa: Hậu quả khôn lường?
Liên minh Châu Âu – khách hàng lớn nhất của Trung Quốc hiện nay – ngày càng thất vọng khi Bắc Kinh hầu như chỉ tập trung giải quyết các vấn đề xung đột thương mại với Mỹ…
EU cảm thấy thất vọng vì Trung Quốc quá
EU cảm thấy bị “ra rìa”
Liên minh Châu Âu (EU) ngày càng nản lòng khi không thể “kéo” Trung Quốc vào các cuộc thảo luận về kinh tế và thương mại với tổ chức này, vì Bắc Kinh hiện nay đang “tối mắt tối mũi” vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hong Kong) dẫn lời các nhà quan sát ngoại giao.
Theo đó, cuộc thương chiến Mỹ-Trung kéo dài gần 15 tháng, với hàng loạt đòn trả đũa được hai bên tới tấp tung ra nhằm vào đối phương, đã khiến các quan chức Trung Quốc phải bận rộn nghĩ cách đối phó với Mỹ và không còn thời gian để tới gặp các đối tác châu Âu của họ tại Brussels, Bỉ theo kế hoạch đã định.
Gần đây, Bắc Kinh lại tiếp tục hoãn lịch gặp gỡ các quan chức EU để thảo luận về vấn đề cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng này sang tháng sau, do các quan chức của họ phải tới dự cuộc đàm phán thương mại tại Washington trong các tuần tới.
Trung Quốc và EU đã tổ chức các cuộc họp cấp thứ trưởng để bàn chuyện của WTO lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái, nhưng kể từ đó tới nay, họ chỉ tổ chức được thêm 2 cuộc thảo luận nữa.
Trước đây các quan chức EU từng than phiền rằng các cuộc thảo luận của họ với phía Trung Quốc về vấn đề cải tổ WTO chỉ mới ở bề nổi, và khoảng cách (để đạt được thỏa thuận) giữa hai bên vẫn còn rất lớn.
“[EU] thật sự rất thất vọng khi thấy phái đoàn Trung Quốc đi một chặng đường xa xôi tới Washington chỉ để bị [Mỹ] chỉ trích và tiếp tục tăng thuế”, SCMP dẫn lời một nguồn tin ngoại giao yêu cầu giấu tên.
Được biết, trong khi EU bị “bỏ rơi”, thì tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Liêu Mân đã dẫn đầu một phái đoàn tới Mỹ để chuẩn bị cho vòng đàm phán sắp tới giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Càng cố “câu giờ”, Trung Quốc càng thiệt
Theo SCMP, trong chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi đầu tháng 9 vừa qua, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc – trong đó bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cương – đã cam kết sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, dù Bắc Kinh đã hứa hẹn như vậy, nhưng thực chất việc cải cách ở Trung Quốc đang diễn ra khá chậm chạp, và các nhà ngoại giao và doanh nghiệp châu Âu đã bắt đầu dần mất kiên nhẫn vì điều đó.
Thứ 3 tuần trước (24/9), Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc đã công bố một bản báo cáo kêu gọi EU tăng cường “chiến lược phòng thủ” chống lại các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc khi bộ phận doanh nghiệp này gần đây được chính phủ Bắc Kinh chú ý nhiều hơn, đồng thời nhận được số vốn tài trợ cũng như nhiều hợp đồng với chính phủ hơn.
Bên cạnh đó, hai khía cạnh tiếp cận thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng là những vấn đề “gai góc” mà Bắc Kinh và Brussels vẫn chưa thể đạt được đồng thuận.
Theo một nguồn tin ngoại giao khác của SCMP, Trung Quốc đã từ chối giải quyết trực tiếp những vấn đề kể trên, do lo ngại rằng cách họ xử sự với EU có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán của họ với Washington. Nguồn tin này cũng cho rằng Bắc Kinh có thể cũng đang áp dụng chiến thuật “câu giờ” để chờ EU chính thức thay đổi nhân sự từ ngày 1/11 tới.
Theo SCMP, Trung Quốc có lẽ cũng đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán giữa EU, Mỹ và Nhật Bản, nơi họ thường là “mục tiêu ngầm”.
Trong bối cảnh phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, EU khó có thể cưỡng lại sức hút của thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, EU vẫn là khách hàng tiêu thụ hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, và là nơi thu hút vốn đầu tư Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Mỹ.
Do tác động của cuộc thương chiến, ASEAN đã thế chân Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.
Theo nguồn tin ngoại giao thứ nhất của SCMP, Trung Quốc hiện đang phải đổi mặt với thách thức giải quyết xung đột với Mỹ trong khi tiếp tục mở cửa với những “đối tác tin cậy”. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh không thể đạt được đột phá trong các cuộc thảo luận về thương mại và đầu tư với bộ máy lãnh đạo đương nhiệm của EU, thì họ sẽ mất đi một cơ hội lớn.
Bộ máy lãnh đạo mới của EU sẽ không chủ động với Trung Quốc trong vòng 6 tháng đầu sau thời điểm nhậm chức, và thậm chí họ còn có thể quyết đoán hơn trong vấn đề Trung Quốc so với các nhà lãnh đạo đương nhiệm.
Cháy nhà máy ở Rouen :
Thủ tướng Pháp cố trấn an người dân
Bốn ngày sau vụ cháy nhà máy hóa chất tại Rouen, miền bắc nước Pháp, hôm 30/09/201, thủ tướng Edouard Philippe đã đến tận nơi để trấn an người dân thành phố này, hiện vẫn còn rất lo ngại về hậu quả của cháy.
Vụ cháy nhà máy Lubrizol, một nhà máy hóa chất được xếp vào loại đặc biệt nguy hiểm, không gây thương vong, nhưng đã tạo ra một đám khói dài đến 22 km, với mùi rất khó chịu, khiến nhiều người bị nhức đầu, ói mửa.
Để trấn an dân chúng, thủ tướng Philippe đã tái khẳng định quyết tâm của chính phủ là sẽ « minh bạch tuyệt đối » về những nguyên nhân cũng như hậu quả của vụ cháy nhà máy.
Theo hãng tin AFP, sau khi trên mạng Twitter lan truyền một video clip cho thấy nước máy có màu đen tại một nơi được cho là Rouen, chính quyền địa phương đã trấn an người dân vùng này rằng chất lượng nước dùng trong sinh hoạt vẫn rất tốt.
Các trường học tại Rouen đã mở cửa trở lại sau khi được tẩy rửa, nhưng tại ba trường trung học, các giáo viên không đến trường với lý do vẫn có mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với họ và học sinh, vì không khí vẫn rất nặng mùi, khiến một số người bị ói mửa, chóng mặt… Cũng do có nhiều người bị ói mửa, Nhạc viện Rouen đã quyết định đóng cửa.
Tập đoàn Lubrizol đã đệ đơn kiện về tội « sơ ý phá hoại do cháy nổ » và vào ngày 30/09, tập đoàn này cho biết là ngọn lửa xuất phát từ một điểm bên ngoài nhà máy. Viện Công tố Rouen cũng đã mở điều tra về tội « sơ ý phá hoại » và « gây nguy hiểm cho người khác ».
Ngày 02/10, bộ trưởng Môi Trường Elisabeth Borne sẽ ra điều trần trước ủy ban Phát triển Bền vững của Hạ Viện Pháp về vụ cháy nhà máy Lubrizol. Các nghị viên cánh tả đang yêu cầu lập một ủy ban điều tra về vụ này.
http://vi.rfi.fr/phap/20191001-chay-nha-may-o-rouen-thu-tuong-phap-co-tran-an-nguoi-dan
Tấn công tại trường học Phần Lan:
1 người chết, 10 người bị thương
Hôm 01/10, một người thiệt mạng và 10 người bị thương tại một trường học ở miền đông Phần Lan khi một học sinh tấn công giáo viên bằng kiếm, theo Reuters.
Cảnh sát cho biết họ đã nổ súng khi vụ việc diễn ra tại một trường hướng nghiệp nằm trong một trung tâm mua sắm ở thị trấn Kuopio. Nghi phạm là một nam công dân Phần Lan bị bắt giam. Cảnh sát cho biết nghi phạm này nằm trong số những người bị thương.
Báo Iltalehti của Phần Lan dẫn lời một nhân chứng thuật lại rằng một sinh viên đến lớp có mang theo một chiếc túi lớn, lấy chiếc kiếm ra và tấn công một giáo viên.
Ông Ville Hokkaidoanen, phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Đông Phần Lan, nói với Reuters rằng người đàn ông đã sử dụng vũ khí sắc bén trong vụ tấn công và người này có mang theo súng.
Ông Hokkaidoanen nói: “Có một người chết và 10 người bị thương trong vụ tấn công này, một trong số đó là nghi phạm.”
“Hành động bạo lực tại Trường cao đẳng nghề Savo ở Kuopio đã gây phẫn nộ và chúng tôi hoàn toàn lên án hành động này,” Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne viết trên Twitter.
https://www.voatiengviet.com/a/tan-cong-tai-truong-hoc-phan-lan-1-nguoi-chet/5105797.html
Máy bay chiến đấu Hàn Quốc tuần tra
trên các đảo tranh chấp với Nhật
Hôm 01/10, máy bay chiến đấu của Hàn Quốc đã bay tuần tra trên các hòn đảo đang là tâm điểm của một cuộc tranh chấp với Nhật Bản, Reuters dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã trình diễn các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mới vừa mua để đánh dấu ngày thành lập Lực lượng Vũ trang giữa lúc Tổng thống Moon cố xoa dịu mối lo ngại rằng chính sách hợp tác với Triều Tiên của ông sẽ làm suy yếu cam kết phòng thủ của Hàn Quốc.
Ông cho biết nhiều máy bay phản lực F-15K đã thực hiện các phi vụ tuần tra trên các đảo nhỏ đang trong vòng tranh chấp, có tên Hàn Quốc là Dokdo và tên Nhật là Takeshima, hiện do Seoul kiểm soát nhưng cả hai nước đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Vụ tranh chấp này có nguy cơ làmcho mối quan hệ giữa hai nước càng thêm căng thẳng.
“Mới cách đây vài phút, F-15K, máy bay ném bom chiến đấu mạnh nhất ở Đông Bắc Á, đã trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra trên đảo Dokdo của chúng ta … mà không gặp vấn đề gì,” ông Moon phát biểu trước quân đội.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết rằng hai trong số bốn máy bay chiến đấu đã bay tuần tra trên các hòn đảo, theo Reuters.
Nhật Bản phản đối mạnh mẽ việc Hàn Quốc cử máy bay đi tuần tra này, một trong những quan chức Bộ Ngoại giao Nhật giấu tên nói với Reuters.
Quan chức Nhật Bản cho biết các đảo này thuộc Nhật Bản theo tài liệu lịch sử và theo luật pháp quốc tế và việc tuần tra như thế là không thể chấp nhận và đáng trách. Phía Nhật cho biết thêm rằng trước đó đã yêu cầu Hàn Quốc không thực hiện các chuyến bay này.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Nhật đã triệu tập một sĩ quan quân đội Hàn Quốc để đưa ra “tuyên bố bất hợp lý” về chủ quyền của họ đối với các đảo nhỏ.
Hong Kong: biểu tình lan rộng,
cảnh sát dùng vòi rồng, hơi cay
Hôm 01/10, người biểu tình Hong Kong ném bom xăng trong khi cảnh sát đáp trả bằng hơi cay trong các trận đụng độ trên đường phố, gây thách thức trực tiếp đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, theo Reuters.
Cảnh sát đã dùng vòi rồng và hơi cay để cố giải tán những người biểu tình ném bom xăng bên ngoài các văn phòng chính phủ ở khu vực Admiralty của Hong Kong.
Tại thị trấn New Territories thuộc khu vực Sha Tin, cảnh sát đã bắn hơi cay trực tiếp vào các cửa sổ cao tầng, mặc dù không rõ nguyên nhân vì sao, giữa lúc thành phố do Trung Quốc cai trị rơi vào tình trạng bạo lực lan rộng tệ hại nhất trong gần bốn tháng đầy bất ổn.
Lần đầu tiên một người biểu tình đòi dân chủ bị bắn ở Hong Kong
Trước đó người biểu tình thề sẽ đẩy mạnh lời kêu gọi dân chủ trên trường quốc tế nhân dịp Lễ Quốc khánh Trung Quốc. Họ chọn ngày lễ 1/10 để thực hiện mục tiêu này trong khi Bắc Kinh vẫn xem ngày Quốc Khánh là cơ hội để phô trương tiến bộ kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Trái ngược với các cuộc biểu tình ở Hong Kong, các lễ hội kỷ niệm Quốc khánh ở Bắc Kinh được thiết kế chi tiết, với các đội quân diễn hành qua một phần Quảng trường Thiên An Môn, nơi đặt các tên lửa mới với những xe hoa nhằm nêu bật sức mạnh công nghệ của đất nước.
Trên truyền hình, bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu Hong Kong, cùng với các quan chức Trung Quốc, tươi cười khi đoàn xe hoa Hong Kong diễn hành tại buổi lễ ở Bắc Kinh.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu: “Trên hành trình tiến lên, chúng ta phải đề cao các nguyên tắc thống nhất hòa bình và một quốc gia, hai hệ thống; duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài ở Hong Kong và Ma Cao … và tiếp tục phấn đấu cho sự thống nhất hoàn toàn của đất nước.”
Chủ tịch Tập tuyên bố “không có lực lượng nào có thể làm cản trở sự phát triển của Trung Quốc, theo đài CNBC.
Theo một bản dịch chính thức được truyền thông nhà nước phát đi, ông Tập nói: “Không có lực lượng nào có thể làm lung lay nền tảng của quốc gia vĩ đại này. Không có lực lượng nào có thể ngăn chặn bước tiến của người dân Trung Quốc và quốc gia Trung Quốc.”
Ông Tập không đề cập cụ thể đến tên bất kỳ quốc gia nào, và ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi sự phát triển hòa bình.
Lần đầu tiên một người biểu tình đòi dân chủ
bị bắn ở Hong Kong
Một giới chức cảnh sát Hong Kong cho biết một người biểu tình thân dân chủ đã bị bắn khi một viên cảnh sát nổ súng vào đám biểu tình trong các cuộc xung đột vào chiều tối thứ Ba 1/10, giờ địa phương.
Đưa tin này, hãng tin AP nói đây là lần đầu tiên một người biêu tình bị bắn, một sự leo thang căng thẳng trong tình hình bất ổn đã kéo dài nhiều tháng và làm rúng động thành phố Hong Kong.
Lên tiếng với điều kiện danh tính được giữ kín vì ông không được phép phổ biến thông tin, giới chức cảnh sát trong cuộc xác nhận sự cố xảy ra tại khu vực Tsuen Wan, tuy nhiên ông không thể tiết lộ thêm chi tiết nào khác.
Theo AP, video chiếu sự cố này do Liên đoàn Sinh viên Hong Kong quay hình được tung lên truyền thông xã hội, cho thấy hàng chục người biểu tình mặc trang phục màu đen ném những vật thể vào một toán cảnh sát đang rượt đuổi họ. Một viên cảnh sát bị bao vây, rút khẩu súng ngắn ra chĩa vào đám đông. Anh ta bóp cò, và một người biểu tình ngã lăn xuống đường trong khi những người khác chạy thoát.
Trung Quốc trở thành một ‘phép màu kinh tế’
thế giới ra sao?
Virginia Harrison & Daniele PalumboBBC News
‘Tôi thật tự hào được tham gia duyệt binh’
Trung Quốc mất chưa đầy 70 năm để thoát khỏi sự cô lập và trở thành một trong những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đất nước này đang kỷ niệm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chúng ta hãy nhìn lại những biến đổi đem lại sự giàu có chưa từng thấy cũng như sự bất bình đẳng sâu sắc ở cường quốc châu Á này.
“Khi Đảng Cộng sản mới bắt đầu lãnh đạo Trung Quốc, nó rất, rất nghèo,” nhà kinh tế trưởng của DBS Chris Leung nói.
“Không có đối tác thương mại, không có mối quan hệ ngoại giao, họ đã dựa vào sự tự lực cánh sinh.”
Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các cải cách thị trường mang tính bước ngoặt để mở ra các tuyến thương mại và dòng vốn đầu tư, cuối cùng đã kéo hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Những năm 1950 đã chứng kiến một trong những thảm họa lớn nhất của con người trong Thế kỷ 20. Bước Nhảy vọt Vĩ đại là nỗ lực của Mao Trạch Đông nhằm nhanh chóng công nghiệp hóa nền kinh tế nông dân của Trung Quốc, nhưng nó đã thất bại và 10-40 triệu người đã chết trong giai đoạn 1959-1961 – nạn đói thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Tiếp theo đó là sự gián đoạn kinh tế của Cách mạng Văn hóa trong những năm 1960, một chiến dịch mà Mao phát động để loại bỏ các đối thủ của Đảng Cộng sản, nhưng cuối cùng đã phá hủy phần lớn kết cấu xã hội của đất nước.
‘Công xưởng của thế giới’
Tuy nhiên, sau cái chết của Mao vào năm 1976, những cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng đã bắt đầu định hình lại nền kinh tế. Nông dân được cấp quyền canh tác trên mảnh đất riêng của họ, cải thiện mức sống và giảm bớt tình trạng thiếu lương thực.
Cánh cửa được mở ra cho đầu tư nước ngoài khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập lại quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Háo hức để tận dụng lao động giá rẻ và chi phí thuê thấp, tiền bắt đầu đổ vào.
“Từ cuối những năm 1970 trở đi, chúng ta có thể thấy là phép màu kinh tế ấn tượng nhất của bất kỳ nền kinh tế nào trong lịch sử,” David Mann, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Standard Chartered Bank nói.
Qua những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu tăng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 đã tạo cho nó một cú hích khác. Rào cản thương mại và thuế quan với các nước khác đã được hạ xuống và chẳng mấy chốc hàng hóa Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi.
“Nó trở thành công xưởng của thế giới,” ông Mann nói.
Lấy những số liệu này từ Trường Kinh tế London: năm 1978, xuất khẩu là 10 tỷ đôla, chưa đến 1% thương mại thế giới.
Đến năm 1985, họ đạt 25 tỷ đôla và chưa đầy hai thập kỷ sau xuất khẩu đã trị giá 4,3 triệu đôla, biến Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu thương mại lớn nhất thế giới.
Tỷ lệ nghèo đói giảm
Các cải cách kinh tế đã cải thiện vận may của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc.
Ngân hàng Thế giới cho biết hơn 850 triệu người đã thoát nghèo và đất nước đang trên đà xóa đói giảm nghèo tuyệt đối vào năm 2020.
Đồng thời, tỷ lệ giáo dục đã tăng vọt. Standard Chartered dự báo đến 2030, khoảng 27% lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ có trình độ đại học – tương đương với Đức ngày nay.
Bất bình đẳng gia tăng
Tuy nhiên, thành quả của thành công kinh tế vẫn chưa trải đều trên dân số 1,3 tỷ người của Trung Quốc.
Những ví dụ về sự giàu có vượt bậc và tầng lớp trung lưu đang gia tăng xuất hiện bên cạnh các cộng đồng nông thôn nghèo và lực lượng lao động đang già đi, có tay nghề thấp. Bất bình đẳng ngày càng sâu sắc, phần lớn dọc theo sự phân chia giữa nông thôn và thành thị.
“Toàn bộ nền kinh tế chưa tiến bộ, có sự khác biệt lớn giữa các khu vực khác nhau,” ông Mann nói.
Ngân hàng Thế giới cho biết thu nhập trung bình đầu người Trung Quốc vẫn ở mức của một quốc gia đang phát triển và chưa bằng một phần tư mức trung bình của các nền kinh tế tiên tiến.
Thu nhập trung bình hàng năm của Trung Quốc là gần 10.000 đôla, theo DBS, so với khoảng 62.000 đôla ở Mỹ.
Tăng trưởng chậm lại
Bây giờ, Trung Quốc đang chuyển sang thời kỳ tăng trưởng chậm.
Trong nhiều năm, nước này đã thúc đẩy sự phụ thuộc vào xuất khẩu và hướng tới tăng trưởng do tiêu dùng. Những thách thức mới đã xuất hiện bao gồm nhu cầu toàn cầu trở nên ít hơn đối với hàng hóa Trung Quốc và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Áp lực của sự thay đổi nhân khẩu học và dân số già cũng làm mờ đi triển vọng kinh tế của đất nước.
Dù vậy, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc giảm xuống giữa 5% và 6%, quốc gia này vẫn sẽ là động cơ mạnh mẽ nhất đối với sự tăng trưởng kinh tế thế giới.
“Với tốc độ đó, Trung Quốc vẫn chiếm 35% tăng trưởng toàn cầu, là đóng góp lớn nhất của bất kỳ quốc gia nào, quan trọng gấp ba lần đối với tăng trưởng toàn cầu so với Mỹ,” ông Mann nói.
Tiên phong mới về kinh tế
Trung Quốc cũng đang mở ra một mặt trận mới trong phát triển kinh tế toàn cầu. Chương tiếp theo của đất nước trong việc xây dựng quốc gia là thông qua một làn sóng tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ, Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Cái gọi là Con đường tơ lụa mới nhằm kết nối gần một nửa dân số thế giới và một phần năm GDP toàn cầu, thiết lập các liên kết thương mại và đầu tư trải dài trên toàn thế giới.
Cái gọi là Con đường tơ lụa mới hướng đến việc kết nối gần một nửa dân số thế giới và một phần năm GDP toàn cầu, thiết lập các liên kết thương mại và đầu tư trải dài trên toàn thế giới.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49888926
Quốc khánh Trung Quốc: Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm
Đảng Cộng sản thống trị
Trung Quốc đang tổ chức các sự kiện xa hoa để đánh dấu 70 năm kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC).
Vào ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông – hay Chủ tịch Mao – tuyên bố thành lập Trung Quốc sau khi lực lượng cộng sản giành chiến thắng trong cuộc nội chiến đẫm máu.
Trung Quốc hiện đại kể từ đó đã phát triển với một tốc độ phi thường, nhưng cũng là một trong những quốc gia hà khắc nhất thế giới.
Trung Quốc phô bày sức mạnh quân sự vào ngày quốc khánh
‘Tôi không hy vọng gì vào tương lai mình ở Hong Kong’
Hong Kong trước Quốc khánh TQ: Người biểu tình lên lịch, Joshua Wong sắp tranh cử
Một trong những cuộc diễu hành quân sự lớn nhất đang diễn ra ở Bắc Kinh.
Mười lăm ngàn binh lính lấp đầy Quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh, và công nghệ quân sự mới nhất của Trung Quốc được phô diễn.
Theo bước chân của Chủ tịch Mao
Robin Brant, Phóng viên BBC tại Bắc Kinh
Đứng đúng vị trí nơi Chủ tịch Mao tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Tập Cận Bình chỉ là một trong nhiều lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc mặc trang phục giống như Chủ tịch Mao.
Chủ tịch Tập rõ ràng không che dấu mong muốn gợi lại ký ức về người cha sáng lập cách mạng của đất nước.
Bài phát biểu ngắn của ông đã nhắc đến các chủ đề quen thuộc: đoàn kết, các khó khăn đang diễn ra, tiến bộ không thể chối cãi của Trung Quốc.
Sau đó, ông Tập đứng trong một chiếc xe để quan sát cuộc diễu hành quân sự. Thỉnh thoảng ông vẫy tay, đám đông đáp lại với tiếng hét bày tỏ lòng trung thành.
Các nhà lãnh đạo quân sự đã nói rằng đây không phải là một cuộc “phô diễn cơ bắp” nhưng lưu ý rằng thời điểm quan trọng này, lễ kỷ niệm 70 năm trị vì của cộng sản, tập trung quá nhiều vào sức mạnh quân sự.
Lễ kỷ niệm hôm thứ Ba 1/10 có nguy cơ bị lu mờ bởi các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hong Kong, nơi hàng ngàn người dự kiến sẽ xuống đường để phản đối những gì họ cho là sự gia tăng kiểm soát của Bắc Kinh đối với xã hội và chính trị Hong Kong.
Cảnh sát cho biết họ đã nhận được thông tin tình báo đáng tin cậy rằng các nhà hoạt động đang lên kế hoạch leo thang bạo lực, đốt cháy các cửa hàng và nhà ga.
Hong Kong đã bị phong tỏa vào đầu giờ sáng hôm 1/10 với khoảng 6.000 cảnh sát được triển khai. Một số trạm xe điện ngầm và trung tâm mua sắm đã bị đóng cửa.
Một màn bắn pháo hoa hàng năm đã bị hủy bỏ.
Trung Quốc kỷ niệm gì?
Bảy mươi năm trước, Mao Chủ tịch tuyên bố sự ra đời của Trung Quốc sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại đảng cầm quyền Kuomintang – hay Quốc dân Đảng.
Hai bên đã mắc kẹt trong một cuộc nội chiến tốn kém kể từ những năm 1920, sau sự sụp đổ của hệ thống đế quốc.
Các sự kiện trong ngày Quốc khánh sẽ cho thấy Trung Quốc đã ”trỗi dậy, trở nên giàu có và mạnh mẽ hơn trong những thập kỷ qua”, giới chức cho biết.
“Chủ đề chính là kể những câu chuyện của Trung Quốc và bày tỏ niềm tin của người dân Trung Quốc đối với đảng và đất nước,” Zhang Ge, một trong những quan chức chịu trách nhiệm cho lễ kỷ niệm, nói.
Trung Quốc cho biết họ đang phát triển một hệ thống chính trị hoàn toàn mới – “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” – và nó đã giúp hàng triệu người thoát nghèo khó.
1949Mao declares the founding of the People’s Republic of China
1966-76Cultural Revolution brings social and political upheaval
1977Deng Xiaoping initiates major reforms of China’s economy
1989Army crushes Tiananmen Square pro-democracy protests
2010China becomes the world’s second-largest economy
2018Xi Jinping is cleared to be president for life
Đối với giới phê bình, Trung Quốc là một quốc gia áp bức, đi ngược lại tiến bộ về nhân quyền toàn cầu. Trung Quốc đã bị chỉ trích rộng rãi vì thiếu dân chủ, đàn áp nhân quyền và bất kỳ dấu hiệu bất đồng chính kiến nào, một hệ thống tư pháp không công bằng với tỷ lệ kết án 99%, và trong những năm gần đây, giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cùng với các cộng đồng khác.
Cuộc diễu hành quân sự có gì?
Một lượng lớn vũ khí sẽ được trưng bày, bao gồm cả xe quân đội, tên lửa và bệ phóng được sản xuất trong nước. Hơn 150 máy bay – gồm máy bay phản lực tàng hình và máy bay ném bom chiến lược – sẽ bay theo đội hình trên bầu trời Bắc Kinh.
Tiếp đó là màn trình diễn mà giới chức gọi là một “chương trình vui vẻ và sống động” với khoảng 100.000 người tham gia đồng diễn trên phao. Họ là các nông dân, giáo viên, bác sĩ và học sinh. Sau đó vào buổi tối, một gala sẽ được tổ chức tại quảng trường.
Các sự kiện chỉ dành cho các quan chức, các thành viên được lựa chọn và các chức sắc nước ngoài được mời, nhưng sẽ được hàng trăm triệu người trên khắp Trung Quốc theo dõi.
An ninh được tăng cường ở trung tâm Bắc Kinh trong nhiều tuần – với những biện pháp kiểm soát chặt chẽ diều hoặc máy bay không người lái xung quanh khu vực diễu hành. Ngay cả đua chim bồ câu cũng bị cấm.
Kiểm duyệt truyền thông – vốn nghiêm ngặt ở Trung Quốc – đã được thắt chặt hơn nữa. Các đài truyền hình đưa ra một danh sách các chương trình sẽ phát sóng và các nhà kiểm duyệt internet loại bỏ bất kỳ lời chỉ trích nào liên quan Đảng Cộng sản hoặc các nhà lãnh đạo.
Chuyện gì đang xảy ra ở Hong Kong?
Hong Kong là một phần của Trung Quốc từ năm 1997 nhưng có hệ thống luật pháp và chính phủ riêng – theo công thức Một quốc gia hai chế độ.
Trong bài phát biểu trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định “thực hiện đầy đủ và trung thành” các nguyên tắc của hệ thống này.
Nhưng trong những năm gần đây, đã có sự phản đối ngày càng tăng đối với những gì được coi là ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với xã hội và chính trị Hong Kong.
Các biểu tình chống Bắc Kinh luôn diễn ra tại Hong Kong vào ngày 1/10, và năm nay dự kiến sẽ lớn hơn bao giờ hết sau nhiều tháng bất ổn – vốn bắt nguồn từ việc Hong Kong đề xuất thực hiện dự luật dẫn độ của Trung Quốc.
Trong gần bốn tháng, người biểu tình đã xuống đường, có lúc tới hàng triệu người.
Dự luật dẫn độ đã chính thức bị rút nhưng vẫn không thể dập tắt tình trạng bất ổn hiện đang phát triển thành một trận chiến sinh tồn đối với tương lai của Hong Kong.
Những người biểu tình hiện đang đòi hỏi dân chủ trọn vẹn cho Hong Kong, và cảnh sát phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ lực, cùng với một số yêu cầu khác.
Bà Carrie Lam, lãnh đạo Hong Kong, sẽ có mặt tại Bắc Kinh vào ngày Quốc khánh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49888800
Trung Quốc khoe vũ khí hiện đại
thách thức Mỹ nhân duyệt binh
Trong lễ diễu binh nhân dịp 70 năm quốc khánh Trung Quốc hôm 1/10 ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh đã ‘trình diễn’ những vũ khí hiện đại nhất của mình bao gồm các tên lửa xuyên lục địa có thể vươn tới Mỹ.
Trong số các tên lửa được thấy ở cuộc diễu binh có tên lửa Dong Feng 17 (DF – 17), DF-41 với tầm bắn 15.000 km và có thể bắn tới Mỹ trong vòng 30 phút.
Ngoài ra, người ta cũng thấy ở cuộc diễu binh, tên lửa bắn từ tàu ngầm JL-2 và tên lửa hành trình CJ-100.
Bắc Kinh cho biết tất cả đều là vũ khí do Trung Quốc chế tạo, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng những vũ khí này phần nhiều đều dựa vào các công nghệ ăn cắp và nhập vào Trng Quốc.
Những vũ khí này được các chuyên gia nhận định nhằm giúp Trung Quốc tăng cường khả năng đòi chủ quyền của mình, nhất là chống lại khả năng có can thiệp từ phía Mỹ.
Trong cuộc diễu binh lớn năm nay, Trung Quốc đã huy động 15.000 quân và 100.000 dân thường tham gia.
Trước buổi diễu binh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng khẳng định Bắc Kinh sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình. Ông cũng nhấn mạnh quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời giữ vững hòa bình thế giới.
Điểm danh những máy bay không người lái hiện đại
của TQ
Trung Quốc hiện được cho là đã bắt kịp Mỹ về công nghệ chế tạo máy bay không người lái (UAV). Trong đó, có nhiều loại hình UAV có tốc độ siêu thanh, trang bị nhiều thiết bị hiện đại.
Vô Trinh-8 (WZ-8)là máy bay trinh sát không người lái siêu thanh tầm cao của Trung Quốc. WZ-8 hiện chỉ phán đoán được rằng nó là một máy bay trinh sát chiến lược tầm cao có thể sánh với máy bay trinh sát chiến lược cao không SR-71 Blackbird của Mỹ. Tuy nhiên, SR-71 Blackbird là máy bay trinh sát Mach 3 được phát triển ở Mỹ vào những năm 1960 để bù đắp cho việc kém khả năng cơ động của máy bay trinh sát tầm cao U-2. Mặc dù nó có kỷ lục là máy bay có người lái tốc độ nhanh nhất (Mach 3.3) và kỷ lục bay ở độ cao nhất thế giới (trừ máy bay MiG-25 từng phá vỡ kỷ lục), có thể lên cao tới 80.000 mét chụp ảnh với độ quét 72 km2 mỗi giây bề mặt Trái Đất, nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn siêu thanh Mach 5 trở lên. Các nhà quan sát cũng cho rằng nhiệm vụ hiện tại của WZ-8 là tiến hành trinh sát các tên lửa chống hạm/tên lửa đất đối đất tầm trung và tầm xa, nhưng nó cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát bí mật xuyên thủng mạng lưới phòng không đối phương nhờ thiết kế tàng hình cực tốt. Phạm vi nhiệm vụ của nó được cho là bao trùm toàn bộ Tây Thái Bình Dương.
Lợi kiếm được thiết kế bởi Viện Thiết kế Thẩm Dương, Tập đoàn Công nghiệp Hongdu Aviation sản xuất, sử dụng động cơ phản lực do Trung Quốc sản xuất, tải trọng tối đa lên đến 10 tấn; thiết kế cánh và cửa xả có tính năng tàng hình. Về khả năng tấn công, một mô hình máy bay thử nghiệm đã được công bố vào tháng 12 năm 2017 cho thấy hai khoang bom bên dưới, mang bốn quả bom dẫn đường vệ tinh nhỏ ở một bên và một quả bom dẫn đường vệ tinh lớn ở phía bên kia. Cửa khoang bom được xử
lý tàng hình răng cưa, cho thấy máy bay đã được sản xuất hàng loạt và đưa vào giai đoạn chiến đấu thực tế. Điều này làm cho nó ngoài việc có các khả năng trinh sát thông thường trên không, giám sát chiến trường, tiêu diệt mục tiêu được chỉ định, đồng thời có thể chế áp hệ thống phòng không của đối phương và tấn công mặt đất. Đáng chú ý, các nguồn tin giấu tên trong Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) gần đây nói với tờ South China Morning Post (SCMP) rằng, các công tác chuẩn bị cuối cùng đã được thực hiện để đưa UAV tàng hình Lợi kiếm vào hoạt động trước cuối năm nay. Theo đó, Lợi kiếm nhiều khả năng sẽ được trang bị cho tàu san bay và tàu đổ bộ trực thăng của Trung Quốc. Việc sử dụng UAV trên tàu sân bay và tàu chiến là xu hướng (đối với lực lượng hải quân) trên toàn thế giới”, nguồn tin từ hải quân Trung Quốc nhận định và cho biết, Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Theo nguồn tin này, UAV Sharp Sword sẽ tập trung vào nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin tình báo cho các hệ thống tên lửa trên tàu, cho phép tên lửa tấn công chính xác các mục tiêu cách xa 300 km đến 400 km.
Sky Hawk, UAV cánh bằng cho tàu sân bay. Tập đoàn hàng không Shenyang – doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái cánh bằng hoạt động trên tàu sân bay. Theo nhiều chuyên gia quân sự thế giới, những công nghệ quốc phòng do các kỹ sư Trung Quốc làm chủ và phát triển sẽ hỗ trợ máy bay không người lái quân sự bay nhanh hơn, tầm hoạt động xa hơn và khó bị phát hiện hơn. Đây là chiếc UAV dạng cánh bay Sky Hawk, tương tự như chiếc X-47 của Mỹ, lần đầu tiên được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 09/01/2018. Chuyên gia Tống Trung Bình của Trung Quốc cho biết mẫu UAV này đang được phát triển theo lịch đúng kế hoạch và có tính khả thi cao; hệ thống điều khiển của UAV có thiết kế kiểu “cánh bay” khó hơn nhiều so với hệ thống điều khiển máy bay không người lái có thiết kế thông thường. Được trang bị động cơ phản lực, UAV này sẽ bay nhanh hơn và xa hơn so với máy bay cánh quạt hoặc động cơ piston truyền thống. Cùng quan điểm trên, CCTV cho rằng với thiết kế khí động học kiểu “cánh bay”, tương tự máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ, đây là máy bay không người lái tầm cao, tầm xa và tốc độ cao, có khả năng thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tuần tra trong môi trường phức tạp. Một chuyên gia dấu tên cho biết, chiếc UAV dạng “cánh bay” vừa được tiết lộ còn được đặt tên là Sky Hawk- sẽ trang bị cho các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc. Các hàng không mẫu hạm PLA trong tương lai được cho là sẽ trang bị máy phóng điện từ có khả năng phóng nhiều loại máy bay. Sky Hawk nhỏ hơn CH-7 nên thuận tiện hơn khi sử dụng trên tàu sân bay.
UAV Dực Long: Dực Long II bề ngoài gần như sao chép hoàn toàn UCAV MQ-9 Reaper của Mỹ ở biến thể hiện đại hóa ER, còn có tên là Block 5. MQ-9 Reaper có cánh dài và các cánh con giúp tăng tầm bay. Dực Long II có chiều dài 11 m, chiều cao 4,1 m, sải cánh 20,5 m, tốc độ đến 340 km/h và độ cao bay đến 9.000 m, trọng lượng cất cánh tối đa 4,2 tấn, có thể mang 480 kg vũ khí lắp dưới cánh và bay trên không liên tục đến 20 giờ. Theo thông báo của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (25/12/2018), chiếc máy bay thứ 100 trong series UAV Dực Long đã hoàn thành nghiệm thu tại thành phố Thành Đô trước khi bàn giao cho khách hàng nước ngoài. Với việc hoàn thành chiếc máy bay không người lái lưỡng dụng thứ 100 này, Trung Quốc gọi đây là kỷ lục mới trong xuất khẩu thiết bị UAV và dấu mốc mới trên con đường phát triển series máy bay không người lái Dực Long do Trung Quốc tự chủ nghiên cứu chế tạo. Được biết, Viện thiết kế máy bay Thành Đô thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo các loại máy bay không người lái đa dụng từ năm 2005. Đến nay, Tập đoàn này đã phát triển được hai phiên bản máy bay loại này là Dực Long I và Dực Long II, đồng thời xuất khẩu sang nhiều nước Trung Á, Trung Đông và châu Phi.
CH-5 của Trung Quốc có thiết kế giống MQ-9 Reaper của Mỹ được cho là sẽ trở thành đối thủ trên thị trường xuất khẩu khi có giá thành chỉ bằng một nửa. UAV CH-5 của Trung Quốc được cho là có thể mang theo tới 16 tên lửa không đối đất với khả năng tấn công mạnh mẽ và có thể hoạt động liên tục trong thời gian gần 2 ngày. Ngoài ra, nếu cấu hình cho nhiệm vụ trinh sát, CH-5 có thể bay liên tục tới 120 giờ, phạm vi hoạt động tới 10.000 km. Sự bền bỉ này cho phép CH-5 bay tới mục tiêu cách 3.000 km và hoạt động liên tục hơn 20 giờ. Ngoài ra, nó có thể được vận hành bởi sinh viên đại học với kiến thức cơ bản về hàng không chỉ sau một hoặc 2 ngày đào tạo. Điều này là do sự đơn giản của giao diện người dùng, các hoạt động cất hạ cánh có thể được tự động hóa. UAV này cũng có thể sửa đổi để trở thành hệ thống cảnh báo sớm giá rẻ, hoặc trang bị các bộ cảm biến công nghệ cao như radar xuyên tường và đất do Trung Quốc sản xuất. Điều thú vị hơn nữa là kỹ thuật lập trình và kênh truyền dữ liệu của CH-5 cho phép các nhân viên điều khiển liên kết với UCAV khác như CH-3 và CH-4 để thực hiện các phi vụ chung của nhiều UCAV. Tuy nhiên, UAV CH-5 có điểm yếu lớn so với Reaper của Mỹ. MQ-9 có trần bay từ 12-15 km, trên tầm bắn của vũ khí phòng không tầm thấp. Trong khi đó, CH-5 có trần bay khoảng 9 km nên rất dễ bị tấn công. CH-5 là một phiên bản thuộc dòng UAV Rainbow do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASC) sản xuất. Theo trang web của CASC, công ty đã bán các mẫu UAV dòng Rainbow cho hơn 10 quốc gia trên thế giới với số lượng sản xuất hàng năm vượt quá 200 chiếc, đưa nó trở thành một trong những UAV quân sự phổ biến nhất thế giới.
UAV trực thăng Blowfish I trang bị bom. UAV này do công ty CATIC (China National Aero-Technology Import & Export Corporation) phát triển và có thể bay ở độ cao từ cực nhỏ đến trung bình, trong mọi thời tiết, được trang bị hệ thống điều khiển thế hệ mới. Trạm điều khiển mặt đất bao gồm 1 máy tính cá nhâncó khả năng lập trình các kịch bản bay khác nhau. Ngoài ra UAV có chế độ bay tự hoạt. Blowfish I có trọng lượng 9,5-12 kg, chạy bằng động cơ điện, có thể mang tải trọng đến 12 kg (3 quả bom nhỏ dưới thân), tốc độ 70-90 km/h, thời gian bay liên tục 45-60 phút, chịu được tốc độ gió đến 17 m/s khi cất và hạ cánh, độ cao bay tối đa 5.100 m, có thể sử dụng ở dải nhiệt độ từ -20 đến +55 độ C.
CH-805 là một UAV dạng cánh bay, có sải cánh 4m, có thể bay với tốc độ dưới âm cao. Tiết diện radar của nó là 0,01m2 cho thấy nó có vai trò làm mục tiêu dùng để mô phỏng máy bay tàng hình cho các tiêm kích và tên lửa phòng không Trung Quốc trong diễn tập. Tuy nhiên, với tính năng bay cao, nó có thể trở thành ứng viên tốt để cải tiến cho mục đích tác chiến như làm UAV phóng thả từ các máy bay tiêm kích và ném bom của Trung Quốc. CH-805 có thiết kế cánh bay tàng hình phù hợp sử dụng làm mục tiêu trong diễn tập phòng không và thử thiết bị
CK-20 là mục tiêu bay siêu âm đang ở giai đoạn phát triển cao. Là một máy bay 5,5 tấn, lắp 1 động cơ có kích thước tương đương một máy bay tiêm kích phản lực huấn luyện, CK-20 có thể bay ở độ cao 18 km, đạt tốc độ đến 1,8M. CK-20 có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên vào khoảng năm 2020, và giống như CH-805, nó có các đặc tính tàng hình như các cánh đứng ổn định đặt nghiêng. Với tốc độ cao, có thể phát triển CK-20 để hiện nhiệm vụ tác chiến. CK-20 là phương tiện bay tàng hình, siêu âm, được tiếp thị là mục tiêu bay mặc dù kích thước, tốc độ, đặc tính tàng hình cho phép nghiên cứu sử dụng nó cho các mục đích khác
SW-6 là một UAV khác của AVIC phù hợp với cách tiếp cận đó. Với đôi cánh gấp và trọng lượng khoảng 30-50 bảng, đây là UAV nhỏ có thể lắp trên các điểm treo của các trực thăng như Z-11WB và cùng bay với trực thăng cho đến khi phóng thả như một quả tên lửa hay bom. Một trực thăng (hay máy bay, thậm chí một UAV lớn) có thể mang, triển khai và vận hành nhiều SW-6 để tiến hành trinh sát ở phía trước và xung quanh để lùng tìm, phát hiện mục tiêu hay các nguy hiểm như các trận địa phòng không đối phương (và khi cần thì cho SW-6 lao thẳng vào mục tiêu mềm). SW-6 có cánh gấp, có thể lắp khít trên một điểm treo hoặc thả cả chùm bằng dù hàng nên có thể biến thậm chí một trực thăng bé nhất hay một máy bay vận tải lớn nhất thành phương tiện mang UAV có thể dùng các UAV SW-6 để trinh sát mục tiêu địch, phát hiện các mối đe dọa và thậm chí có khả năng hoạt động hỗ trợ như tiếp phát thông tin liên lạc hoặc gây nhiễu trên các biến thể tương lai
CH-500 là một UCAV trực thăng nhỏ sử dụng rotor đồng trục, nặng khoảng 100-200 kg. Sơ đồ 2 rotor đồng trục cho phép loại bỏ rotor đuôi, làm cho kích thước vốn đã nhỏ của nó thậm chí còn nhỏ gọn hơn. CH-500 có thể mang 2 tên lửa chống tăng HJ-10. Nhờ có kích thước nhỏ, trực thăng robot này thích hợp cho các đơn vị nhỏ như tiểu đoàn và đại đội sử dụng, giúp các chỉ huy tiền phương của quân đội Trung Quốc luôn có khả năng sẵn sàng và phản ứng bằng các cuộc không kích. CH-500 là UAV trực thăng nhỏ có rotor đồng trục, nhưng có sức mạnh hỏa lực lớn với 2 tên lửa chống tăng.
http://biendong.net/bien-dong/30623-diem-danh-nhung-may-bay-khong-nguoi-lai-hien-dai-cua-tq.html
Thấy gì qua lễ diễu binh Quốc khánh TQ?
Cuộc diễu binh mừng Quốc khánh của quân đội Trung Quốc vào ngày mai 1/10 sẽ là dịp các nhà quan sát bên ngoài có cái nhìn hiếm hoi về kho vũ khí phát triển nhanh chóng của nước này, trong đó có thể có loại tên lửa hạt nhân có thể vươn đến Mỹ chỉ trong vòng 30 phút.
Đông Phong 41 là một trong hàng loạt vũ khí mới mà báo chí Trung Quốc nói rằng sẽ được giới thiệu trong cuộc diễu binh mừng quốc khánh và 70 năm thành lập Đảng cộng sản nước này. Những vũ khí khác bao gồm một máy bay không người lái siêu thanh và một robot tàu ngầm cũng sẽ rất được chú ý.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là quân đội đông nhất thế giới, với 2 triệu quân nhân và sử dụng mức ngân sách lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. PLA đang phát triển các dòng máy bay chiến đấu, tàu sân bay nội địa đầu tiên và các tàu ngầm hạt nhân.
“Sẽ có rất nhiều người quan sát, trong đó có quân đội Mỹ. Họ sẽ nói: ‘Những thứ này đang rất gần những vũ khí chúng ta làm’, rồi họ bắt đầu lo lắng”, ông Siemon Wezeman, công tác tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm (SIPRI) , nói.
Cuộc diễu binh diễn ra vào ngày mai sẽ có sự tham gia của 15.000 quân, hơn 160 máy bay và 580 vũ khí, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cai Zhijun cho biết.
Nhiều vũ khí mới “sẽ được ra mắt lần đầu tiên”, ông Cai nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tuần trước. Khi được hỏi liệu trong số đó có tên lửa Đông Phong 41, ông Cai nói: “Xin hãy chờ xem”.
“Trung Quốc đã phát triển năng lực hạt nhân, vũ trụ, không gian mạng và các năng lực khác để có thể tấn công kẻ thù trên toàn cầu”, Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ viết trong báo cáo đưa ra vào tháng 1 năm nay.
Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 5% lên 250 tỷ USD, gấp 10 lần mức chi của năm 1994, theo SIPRI. Mỹ, với quân số 1,3 triệu người, dẫn trước với 650 tỷ USD.
Cùng với Mỹ, Trung Quốc cũng được coi là đang đi đầu trong công nghệ máy bay không người lái.
“Về các phương tiện bay không cần phi công, Trung Quốc đạt được rất nhiều tiến triển trong những năm gần đây và có hàng loạt vũ khí khác đang được phát triển”, ông Harry Boyd, công tác tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, đánh giá.
Chưa có chi tiết nào về tên lửa Đông Phong 41 được công bố, nhưng Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington cho rằng tên lửa này có thể đạt tầm xa lớn nhất thế giới, với 15.000km.
Các nhà phân tích nói rằng Đông Phong 41 có thể chạm đến Mỹ chỉ trong vòng 30 phút, mang theo 10 đầu đạn cùng lúc để tấn công các mục tiêu khác nhau. Công nghệ này được gọi là MIRV.
Tên lửa chính hiện nay của Trung Quốc là Đông Phong 31 có tầm xa hơn 11.200km, đưa hầu hết lục địa Mỹ vào tầm tấn công.
Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc về cuộc diễn tập chuẩn bị cho lễ diễu binh cho thấy hình ảnh khá mờ về loại máy bay không người lái tấn công Wuzhen 8 (Lợi kiếm 8).
Cuộc diễu binh cũng có thể cung cấp thêm thông tin về các kế hoạch của Trung Quốc, ông Wezeman nhận định.
Manh mối về kế hoạch
Máy bay tiếp nhiên liệu trên không hay phương tiện đổ bộ “nói lên tầm quan trọng của các chiến dịch tầm xa”, ông Wezeman nói. Các tên lửa phòng không có thể cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho khả năng chiến tranh với Mỹ hoặc đối thủ đáng gờm khác.
Các nhà phân tích cũng muốn biết nhiều hơn về phần mềm, hệ thống điện tử và mạng kiểm soát không dây của Trung Quốc, ông Wezeman nói.
“10 phương tiện được trang bị đầy đủ ăng-ten có thể là dấu hiệu cho thấy điều gì đó đang trở nên quan trọng với Trung Quốc”, ông nói.
Nếu các bệ phóng di động dành cho tên lửa hạt nhân được đem ra trong cuộc diễu binh lần này, đó có thể cho thấy Bắc Kinh coi “thách thức phải duy trì năng lực răn đe hạt nhân”, ông Boyd nói.
Trung Quốc có khoảng 280 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 6.450 và Nga 6.850, theo SIPRI. Bắc Kinh nói rằng họ muốn “năng lực răn đe hạt nhân tối thiểu”, nhưng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước nếu xung đột nổ ra.
Các bệ phóng tên lửa “sẽ khiến bất kỳ kẻ thù tiềm tàng nào thực hiện tấn công trước”, ông Boyd cho biết.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang gia tăng số lượng bệ phóng dành cho Đông Phong 41 và Đông Phong 31 từ con số 18 lên 36. Ông Boyd nói rằng con số này cho thấy các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc tin rằng lực lượng hạt nhân tối thiểu của họ “cần được mở rộng”.
“Họ cần thêm các hệ thống tân tiến với năng lực tấn công đa mục tiêu đáng tin cậy, theo quan điểm của họ”, ông Boyd nói.
http://biendong.net/doc-bao-viet/30629-thay-gi-qua-le-dieu-binh-quoc-khanh-tq.html
Trung Quốc : Bắc Kinh phô trương sức mạnh
ghi dấu 70 năm chế độ Cộng Sản
Trung Quốc ghi dấu 70 năm nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa với một cuộc biểu dương lực lượng tại Bắc Kinh ngày 01/10/2019. Tên lửa đời mới, xe tăng hạng nặng, chiến đấu cơ siêu thanh, máy bay tự hành được phô trương để quảng cáo những tiến bộ công nghệ hiện đại trong bối cảnh phong trào dân chủ tại Hồng Kông nổi dậy.
Tại quảng trường Thiên An Môn, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bộ y phục kiểu Mao, mở đầu với lời tuyên bố « không gì có thể lay chuyển nền móng của đại quốc, không gì có thể cản đường nhân dân Trung Hoa đi tới ». Lãnh đạo Hoa lục khẳng định tiếp « bảo đảm ổn định Hồng Kông và Macao » tiến tới « thông nhất toàn bộ lãnh thổ ».
Theo Reuters, chủ tịch Trung Quốc nhân sự kiện trọng đại 01/10 biểu dương thái độ tự tin và tự hào trong khi chế độ phải đối phó với nhiều thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến phong trào dân chủ tại Hồng Kông.
Lễ duyệt binh và diễn binh huy động 15.000 binh sĩ, 160 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ chiến lược, máy bay tự hành tàng hình, tên lửa hạt nhân Đông Phong-41 với tầm phóng 14.000 cây số, tên lửa chống hàng không mẫu hạm DF-10O, tên lửa hải-lục JL-2 phóng từ tầu ngầm có thể bay đến Alaska…
Chung quanh quảng trường Thiên An Môn, an ninh được tăng cường, kiểm sóat một chu vi rộng lớn. Dân chúng bị cấm xuất hiện bên cửa sổ.
Từ khu vực dành riêng cho nhà báo, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường thuật :
« Không phải là một đội quân mà là một đoàn tàu đang di chuyển. Từ nhiều tuần lễ qua, binh sĩ cũng như quần chúng đã chuẩn bị cho cuộc diễu hành đến mức tiếng giầy dậm gót theo nhịp được luyện tập một cách kỹ lưỡng.
Hai con số 1949 – 2019 mầu đỏ-vàng vĩ đại được đính ngay phía trên các khán đài, nhắc nhở rằng chế độ này liên tục tồn tại và qua các hoạt động lễ hội hôm nay đang tự biểu dương về sức mạnh của mình. Vả lại, trong trang phục áo đại cán cổ Mao, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trên balcon khán đài Thiên An Môn, chính tại nơi mà cách nay 70 năm, Mao Trạch Đông, đã đọc tuyên ngôn thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Tổng bí thứ đảng Cộng Sản, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Tập Cận Bình, hùng hồn tuyên bố : Không một lực lượng nào có thể làm lung lay các nền tảng của đất nước vĩ đại của chúng ta, ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Bài diễn văn kéo dài 10 phút nhưng nguyên thủ Trung Quốc trên chiếc xe limosine có cắm quốc kỳ, đã đi một vòng dài, đến duyệt từng binh chủng : Chào các đồng chí – và mỗi binh chủng đồng thanh đáp lại : Kính chào chủ tịch.
Sau đó là màn trình diễn các vũ khí, khí tài tối tân nhất của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, như tên lửa đạn đạo siêu thanh, máy bay tự hành tàng hình trông giống như những hải kình khổng lồ… Tiếp theo là các khối quần chúng, trình diễn những phát minh sáng tạo lớn của Trung Quốc, đi diễu hành qua các khán đài, ở trên đó, các khán giả được lựa chọn kỹ lưỡng, cuồng nhiệt vẫy cờ Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191001-trung-quoc-pho-truong-suc-manh-ghi-dau-70-nam-che-do-cong-san
Trung Quốc biểu dương lực lượng,
đe dọa khu vực, khuyến cáo Mỹ
Cộng Sản cầm quyền được 70 năm tại Hoa lục. Đây là cơ hội để chủ tịch Tập Cận Bình chứng tỏ thành quả hiện đại hóa quân đội và cùng lúc khuyến cáo các quốc gia láng giềng có xung khắc với Trung Quốc và xa hơn nữa là các đồng minh của Mỹ và nước Mỹ.
Theo giới chuyên gia quân sự, các loại vũ khí mà Trung Quốc phô trương trong ngày 01/10/2019 minh họa các tiến bộ vượt bậc của quân đội Hoa lục để có thể « đứng đầu thế giới vào năm 2049 », mục tiêu mà chủ tịch Tập Cận Bình đề ra khi chế độ Cộng Sản được 100 tuổi.
Trong bối cảnh xung khắc với Mỹ tại Biển Đông, Đài Loan và tranh chấp thương mại đầy bất trắc, Bắc Kinh tung ra những lá chủ bài vũ khí. « Bảo bối » lợi hại số một là hỏa tiễn Đông Phong-41, trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân, có thể bay đến bất cứ nơi nào trên nước Mỹ. Tuy dài đến 20 thước, Đông Phong-41 rất linh động, có thể di chuyển thường xuyên, trái với thế hệ tên lửa trước, đặt trong các ống phóng cố định trong núi.
Được AFP đặt câu hỏi, Adam Ni, chuyên gia về vũ khí Trung Quốc thuộc đại học Úc Macquarie, Sydney, nhận định « tên lửa mới này chứng tỏ công nghệ quân sự của Trung Quốc đã tiến bộ đáng kể, linh động, hiệu quả, chính xác ». Nói cách khác, Trung Quốc đã trở thành một đối thủ đáng gờm đối với Mỹ.
Ngoài tên lửa liên lục địa, Trung Quốc còn biểu dương một loạt vũ khí mới khác đều lợi hại như nhau : oanh tạc cơ chiến lược H6-N mang bom nguyên tử và có tầm hoạt động xa hơn thế hệ trước, tên lửa đạn đạo JL-2 trang bị cho tầu ngầm, đủ sức bay đến Alaska, tên lửa siêu thanh DF-100 chống hàng không mẫu hạm.
Nhưng « ngôi sao » trong ngày diễn binh 01/10 là tên lửa DF-17 : một khi lên đến độ cao dự kiến , sẽ thả « tàu lượn siêu thanh » có hình mũi tên, lao vào mục tiêu với vận tốc 7.000 cây số/giờ. Nếu sự thực là như thế, vũ khí này của Trung Quốc còn kém tên lửa tối tân nhất của Nga là Zircon, với vận tốc 10.000 cây số/giờ mà Hoa Kỳ vừa mới tập đánh chận ở ngoài khơi California. Quân đội Trung Quốc cũng trình làng hai loại máy bay tự hành mới : trinh sát WZ-8 và tấn công GJ-11.
Suy đoán mục tiêu chiến lược của Trung Quốc
Theo cựu đô đốc Mỹ James Stavridis, nguyên tư lệnh tối cao của NATO, nay là giám đốc Viện nghiên cứu Carlyle, chiến lược mới của Trung Quốc dựa trên ba mũi giáp công : máy bay tự hành tàng hình, hỏa tiễn siêu thanh và lực lượng đặc biệt. Vũ khí hạt nhân chỉ đóng vai trò răn đe.
Nằm trong tầm nhắm của Trung Quốc có ba loại đối tượng từ gần đến xa, từ khu vực đến thế giới.
Trước tiên là những láng giềng cùng chung vùng biển với Trung Quốc : Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan. Trong bối cảnh Bắc Kinh muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông, cuộc biểu dương sức mạnh 01/10 rất đáng lo ngại.
Vòng đối tượng thứ hai là Nhật Bản, Úc, Singapore và Indonesia và nhất là Ấn Độ. Mối đe dọa của Trung Quốc đưa đến hệ quả là các nước Châu Á-Thái Bình Dương này tăng cường khả năng quốc phòng và tiến tới thành lập một liên minh theo đề xuất của Tokyo : liên minh kim cương Nhật, Úc, Mỹ, Ấn.
Xa hơn nữa, đối thủ lớn nhất của Trung Quốc vẫn là Hoa Kỳ. Theo cựu đô đốc James Stavridis , « thông điệp » của Bắc Kinh là muốn hải quân Mỹ ngưng tuần tra ở Biển Đông.
Nếu không có gì ngăn chận, không chờ đến 2025, thời điểm Trung Quốc đứng đầu thế giới về công nghệ theo cam kết của Tập Cận Bình, toàn bộ Biển Đông sẽ bị vũ khí hiện đại của Trung Quốc biến thành « biển máu » cho bất cứ thế lực nào muốn chống lại ý đồ của thống trị của Bắc Kinh, theo tiên đóan của viên tướng 4 sao.
Tổ chức lễ hội không đúng lúc ?
Người đưa ra nhận định này là Ngô Giang (Wu Qiang), người Trung Quốc, nguyên là giáo sư đại học Thanh Hoa, bị cấm dạy. Trả lời phỏng vấn RFI, ông phân tích như sau qua điện thoại :
« Chúng tôi có 1,4 tỷ dân. Sự im lặng của họ chỉ là phản ứng ngoài mặt. Vấn đề nan giải nội tại của Trung Quốc vẫn còn : kinh tế tăng trưởng chậm lại, phân hóa giàu nghèo gia tăng. Chưa kể những thách thức khác trên trường quốc tế như thương chiến, con đường tơ lụa, phong trào phản kháng tại Hồng Kông. Chính quyền đối đầu với những khó khăn lớn. Biểu dương lực lượng tại Thiên An Môn tạo cảm tưởng Trung Quốc đang ở thời kỳ Liên Xô cũ làm quốc tế lo ngại».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191001-trung-quoc-bieu-duong-luc-luong-de-doa-khu-vuc-khuyen-cao-hoa-ky
Bắc Kinh không để Hồng Kông
phá hỏng Quốc Khánh Trung Quốc
« Không gì có thể lay chuyển được nền tảng quốc gia hùng mạnh của chúng ta. Không gì có thể ngăn cản đất nước và dân tộc Trung Hoa tiến lên phía trước ». Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố dõng dạc như trên trong bài diễn văn mừng 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 01/10/2019, tại Bắc Kinh.
Nhưng thực ra, « hoàng đế đỏ » Trung Hoa không muốn để bất kỳ điều gì phá hỏng ngày vui của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng như của riêng ông. Ít nhất trong một tuần mừng Quốc Khánh, mọi khó khăn, từ tăng trưởng chững lại, chiến tranh thương mại với Mỹ, giá thịt heo tăng mạnh, khủng hoảng Hồng Kông…, được tạm gác một bên.
Cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông được ông Tập Cận Bình nhắc đến trong bài diễn văn với khẳng định tôn trọng quy chế « một nước, hai chế độ » mà đặc khu hành chính được hưởng. Lời hứa này được thực hiện như thế nào, sau ngày Quốc Khánh, thường được đem ra làm mốc ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.
PV. J. P. Cabestan_Hongkong01/10/2019Nghe
RFI : Bắc Kinh tổ chức kỉ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nhưng dường như Bắc Kinh không để những cuộc biểu tình ở Hồng Kông làm hỏng ngày Quốc Khánh Trung Quốc.
GS. Jean-Pierre Cabestan : Lễ Quốc Khánh diễn ra ở Bắc Kinh, nên chính phủ Trung Quốc hy vọng là mọi sự chú ý của toàn thế giới tập trung vào Bắc Kinh, vào lễ diễu binh huy động đến 15.000 quân nhân. Đây là cuộc diễu binh lớn nhất kể từ năm 1949.
Từ nhiều ngày nay, Trung Quốc công bố rất nhiều thông tin, bản tin, phóng sự về thành tựu mà Trung Quốc đạt được từ năm 1949, tức là từ 70 năm nay. Tất cả những hoạt động này dĩ nhiên là nhằm quảng bá cho sức mạnh trỗi dậy, thành tựu kinh tế, cũng như thành công trên trường quốc tế của Trung Quốc.
Vì thế, theo tôi, Hồng Kông bị cố tình lãng quên, đẩy vào bóng tối ít nhất cũng trong khoảng một thời gian trước khi trở lại là mối bận tâm của chính phủ Trung Quốc. Còn hiện tại, sự kiện Quốc Khánh 01/10 vẫn là chính, Hồng Kông là thứ yếu.
Truyền thông Trung Quốc nhận được chỉ thị không được nêu Hồng Kông, tạm gác vấn đề Hồng Kông, ít nhất là trong đợt đại lễ này. Đây là ý đồ chính trị rõ ràng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ca ngợi thành tựu của đảng hơn là những khó khăn mà đảng đang phải đối mặt, kể cả vấn đề Hồng Kông lẫn Đài Loan.
Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh không dám can thiệp, đặc biệt là quân sự, vào Hồng Kông vì sắp đến ngày Quốc khánh. Vậy sau đại lễ này, chính quyền Trung Quốc có thể đối phó như thế nào với phong trào ở Hồng Kông ?
Đúng là một số người nêu khả năng Trung Quốc can thiệp quân sự vào Hồng Kông, nhưng bản thân tôi, tôi không tin điều này vì cái giá phải trả sẽ rất cao mà chẳng giải quyết được vấn đề. Vấn đề của Hồng Kông là về chính trị, phải được chính quyền Hồng Kông giải quyết cùng với sự tham gia của Bắc Kinh.
Tôi cho rằng Bắc Kinh có nhiều biện pháp khác, không chỉ thắt chặt kiểm soát chính trị đối với Hồng Kông, mà còn đối đầu với cuộc khủng hoảng, giải quyết cuộc khủng hoảng, không chỉ bằng đường chính trị, mà theo tôi, còn phải bằng các biện pháp kinh tế và xã hội nhằm giảm bớt bất cân bằng, hoặc chí ít làm dịu những lo lắng, những yêu sách của bộ phận dân cư Hồng Kông nghèo khó nhất.
Vậy biện pháp cụ thể của Trung Quốc có thể là gì ?
Phong trào phản kháng ở Hồng Kông đưa ra 5 yêu sách từ nhiều tháng nay. Yêu cầu đầu tiên đã được thỏa mãn vì dự luật dẫn độ sang Hoa lục đã được rút lại. Vì vậy, đây không còn là vấn đề cần bận tâm trong nay mai.
Tuy nhiên, căng thẳng tập trung ở yêu sách thứ hai, thành lập một ủy ban điều tra độc lập về tình trạng bạo lực cảnh sát. Hiện tại bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) bác yêu sách này. Nhưng trước sự cứng rắn của người biểu tình trong cuộc đối thoại diễn ra cách đây vài hôm (tối 26/09), trưởng đặc khu Hồng Kông đã nêu lên khả năng thành lập một ủy ban như vậy sau khi ủy ban điều tra nội bộ cảnh sát hoàn thành cuộc điều tra riêng.
Còn đối với những yêu sách khác của người biểu tình, kể cả việc ân xá cho người biểu tình bị bắt, hoặc những đòi hỏi khác mang nặng tính chính trị, như triển khai cải cách bầu cử, tôi cho rằng Bắc Kinh chưa sẵn sàng để nhượng bộ.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã phải xin ý kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để rút hẳn dự luật dẫn độ. Vậy các cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền đang diễn ra hiện nay còn có ích gì, khi mà chính quyền Hồng Kông, bất cứ điều gì, cũng phải hỏi ý kiến Bắc Kinh?
Điều này không có gì mới mẻ cả ! Ngay sau khi công khai việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải xin phép Bắc Kinh để rút hẳn dự luật dẫn độ, bà đã tiết lộ bí mật mà mọi người đều biết. Có nghĩa là, một quyết định như vậy rõ ràng là chỉ được công bố khi được Bắc Kinh cho phép. Chính quyền Trung Quốc đã bật đèn xanh để bà đưa ra quyết định đó. Điều này không loại trừ việc Bắc Kinh chấp nhận thành lập một ủy ban điều tra độc lập, bởi vì điều này đã được tờ Nhân Dân Nhật Báo nêu lên như một khả năng sau khi chấm dứt tình trạng bạo lực.
Tuy nhiên, tình trạng này hiện chưa chấm dứt vì bạo lực lại bùng phát trong cuộc biểu tình hôm 28 và 29/09, và cũng có thể xảy ra tương tự trong ngày 01/10. Nhưng không vì thế mà chính quyền trung ương lại không làm dịu tình hình và có thêm nhân nhượng đối với phong trào. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ lùi bước về mặt gây ảnh hưởng chính trị. Ngược lại, chúng ta thấy là Bắc Kinh sẽ cố can thiệp ngày càng nhiều hơn vào nội tình Hồng Kông, bằng cách nào đó, thông qua Văn phòng Liên lạc, cũng như những công ty phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa lục, như trường hợp xảy ra cách đây không lâu với Cathay Pacific. Việc hãng hàng không này bị buộc phải sa thải một số nhân viên thể hiện thái độ ủng hộ phong trào dân chủ đã cho thấy khả năng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tôi nghĩ rằng rất nhiều công ty phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ áp đặt một loạt biện pháp phòng ngừa nào đó đối với nhân viên để tránh gặp rắc rối chính trị với chính quyền trung ương.
Ngày 25/09/2019, các ủy ban của Hạ Viện và Thượng Viện Mỹ đã thông qua dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019. Dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ Viện vào khoảng tháng 10. Vậy dự luật này sẽ tác động như thế nào đến quan hệ Mỹ-Trung ?
Đạo luật này không tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa hai nước, nhưng góp phần gây áp lực. Đó là một yếu tố bổ trợ. Thực tế, đạo luật này mang tính biểu tượng vì để xác định được những nhân vật, ở Hồng Kông cũng như ở Hoa lục, đã vi phạm hoặc góp phần bóp nghẹt tự do ở Hồng Kông hoặc hạn chế nhân quyền, đây là việc không dễ dàng gì, mất rất nhiều thời gian.
Nhưng đó là một kiểu gây áp lực, bổ sung cho những lời chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh từ vài tháng qua và như vậy buộc chính quyền trung ương phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra những quyết định quá cực đoan để xử lý các vấn đề ở Hồng Kông.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191001-bac-kinh-khong-de-hong-kong-pha-hong-quoc-khanh-trung-quoc