Tin khắp nơi – 01/09/2017
Chính quyền Trump trấn an nạn nhân bão Harvey
Giữa lúc các nỗ lực cứu hộ và thu hồi sau bão Harvey vẫn tiếp diễn ở bang Texas thuộc vùng Đông Nam nước Mỹ, thì Toà Bạch Ốc lên tiếng trấn an các nạn nhân bão lụt rằng họ sẽ “không đi đâu cả” và sẽ có tiền bạc để giúp đỡ họ.
Bão Harvey đã bỏ lại sau lưng những thiệt hại vật chất không sao tả xiết sau khi trút một lượng mưa kỷ lục xuống 2 tiểu bang Texas và Luoisiana, trong suốt 5 ngày.
Cố vấn An ninh Nội địa của Toà Bạch Ốc nói các ngân khoản đã được giành sẵn để trang trải các hoạt động trong tháng tới.
Cố vấn An ninh Nội địa Tom Bossert phát biểu:
“Nếu có nhu cầu thêm tiền tài trợ trong tương lai, và thể nào cũng có, các số liệu về xây dựng sẽ rõ ràng hơn trong giai đoạn hồi phục, chúng tôi sẽ có thể xem xét các nhu cầu này. Đó là quan điểm của chúng tôi trong lúc này, và tôi không lo lắng gì cả về chuyện chúng ta không có tiền bạc ngay bây giờ cho các hoạt động đang tiến hành, cũng như các hoạt động mà chúng tôi dự kiến sẽ được xúc tiến trong tháng tới.”
Ông Bossert cho biết 100,000 căn hộ đã bị tác động bởi bão và rất nhiều cấu trúc hạ tầng công cộng đã bị hư hại, như các xa lộ và cầu cống.
Houston, thành phố lớn thứ Tư nước Mỹ, là thành phố bị tác động nặng nề nhất. Tuy nhiên thị trưởng Houston cho biết thành phố này vẫn mở cửa hoạt động và chưa gì đã cho thấy những dấu hiệu hồi phục.
Thị trưởng Sylvester Turner nói:
“Hãy cho phép tôi giải thích những lý do vì sao tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hồi phục nội trong vòng 1 năm, nếu không muốn nói là sớm hơn. Lý do là bởi vì tại thành phố này có những người và những tập đoàn công ty sẽ đóng góp hết sức mình, để bày tỏ sự hậu thuẫn của họ, và bày tỏ sự hậu thuẫn của họ rất sớm.”
Cho tới nay, những quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump hình như thường xuyên có mặt tại khu vực bị bão tác động. Phó Tổng Thống Mike Pence cũng góp một bàn tay trong công tác dọn quang ở Texas hôm thứ Năm, và theo dự kiến, Tổng thống Trump sẽ quay trở lại nơi này vào ngày mai, thứ Bảy 2/9, sau chuyến đi thăm đầu tiên hôm thứ Ba tuần này.
Những nạn nhân đang phải chống chọi với những tàn phá do bão Harvey gây ra chắc chắn hy vọng rằng sự chú ý ở các cấp cao nhất trong chính phủ sẽ được duy trì, lâu sau khi cả nước lụt đã rút hết ra khỏi khu vực.
Trong khi chờ đợi, số tử vong có liên quan tới bão hiện nay là ít nhất 37 ca, và các giới thẩm quyền dự kiến con số này sẽ còn tăng cao.
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-tran-an-nan-nhan-bao-harvey/4011154.html
Lệnh cấm dân Mỹ đi Bắc Hàn bắt đầu có hiệu lực
Lệnh cấm các công dân Mỹ đi Bắc Hàn bắt đầu có hiệu lực, đúng vào thời điểm căng thẳng đang dâng cao vì các vụ thử tên lửa của Bắc Hàn.
Lệnh cấm được đưa ra ngay sau khi sinh viên Mỹ Otto Warmbier qua đời khi được trả về Mỹ từ nhà tù ở Bắc Hàn.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói luật này là cần thiết vì nguy cơ công dân Mỹ bị bắt giữ là “rất nghiêm trọng và ngày một tăng”.
Lính Mỹ đào ngũ thành siêu sao ở Bắc Hàn
‘Người dân Bắc Hàn sẽ lật đổ chế độ’
Công dân Mỹ nào vi phạm luật này sẽ chịu các hình phạt hình sự và bị thu hồi hộ chiếu.
Bộ Ngoại giao chỉ cấp phép cho công dân Mỹ sang Bắc Hàn “trong những hoàn cảnh rất hạn chế,” chẳng hạn như làm công việc báo chí hay nhân đạo.
Các hãng lữ hành cho hay có tới 1.000 người Mỹ đến Bắc Hàn hàng năm, chiếm khoảng một phần năm lượng khách du lịch phương Tây.
Hầu hết khách du lịch đến Bắc Hàn là người Trung Quốc.
Hôm thứ Năm 31/8, các hãng lữ hành đưa những khách du lịch Mỹ cuối cùng ra khỏi Bình Nhưỡng.
Ông Simon Cockerell, tổng giám đốc hãng Koryo Tours, nói với chương trình Newsday của BBC rằng ông trông đợi sẽ có ít khách hơn từ nay trở đi.
“[Mặc dù] chỉ áp dụng cho công dân Mỹ, nhưng lệnh cấm đi Bắc Hàn cũng phát ra một thông điệp rằng Hoa Kỳ tin là mọi người không nên đến Bắc Hàn,” ông nói.
Những vụ công dân Mỹ bị bắt giữ ở Bắc Hàn gần đây dẫn đến “lượng khách đặt chuyến giảm dần” vì “bị bắt giữ là điều mọi người lo lắng nhất, lo bản thân sẽ gặp phiền toái”.
Otto Warmbier bị bắt giữ và bỏ tù năm 2016 sau khi Bình Nhưỡng cáo buộc anh tìm cách lấy trộm một áp phích tuyên truyền ở một khách sạn khi đang đi du lịch Bắc Hàn.
Anh được trả về với gia đình ở Mỹ hồi tháng Sáu, trong tình trạng hôn mê. Anh qua đời sau khi về Mỹ ít ngày mà không tỉnh lại. Nguyên nhân tử vong của Warmbier hiện vẫn chưa rõ.
Otto Warmbier: Đi tour Bắc Hàn bị hôn mê và chết
Chuyện người lính Mỹ cuối cùng ở Bắc Hàn
Bắc Hàn: Một sinh viên Anh mời tìm hiểu
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói ít nhất 16 công dân Mỹ đã bị bắt giữ ở Bắc Hàn trong 10 năm qua. Có ba người hiện vẫn còn đang bị giam.
Hầu hết những người bị bắt giam là các nhà truyền đạo, nhà báo và giáo sư.
Bắc Hàn muốn bỏ tù người Mỹ làm gián điệp
Từ Trung Quốc nhìn vào Bắc Hàn thấy gì?
Bắc Hàn và vũ khí ‘máy bay giật lùi’
Hoa Kỳ từng cáo buộc Bắc Hàn bắt giữ công dân nước mình để dùng làm con tốt trao đổi trong những cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân.
Việc đi du lịch tới Bắc Hàn giúp cho người nước ngoài có được một góc nhìn hiếm hoi vào đời sống của người dân ở đây, nhưng các đoàn khách du lịch bị kiểm soát và theo dõi chặt chẽ.
Du lịch cũng mang lại một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Bắc Hàn, với doanh thu ước tính vào khoảng 43,6 triệu USD một năm.
Trong một thông cáo mới nhất, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói những người đi du lịch ở Bắc Hàn “không nên trông đợi có sự riêng tư nào.” Tất cả các thiết bị điện tử sẽ bị kiểm tra và chính phủ Bắc Hàn có thể kiểm soát hết các cuộc nói chuyện điện thoại.
Bộ này cũng cảnh báo rằng “rất có thể” nguồn tiền thu được từ du lịch được sử dụng cho các chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
‘Bị ảnh hưởng nghiêm trọng’
Lệnh cấm mới cũng sẽ ảnh hưởng đến các công dân Mỹ hiện đang sống và làm việc tại Bắc Hàn, cũng như các nhân viên viện trợ và giáo viên.
TQ thực thi lệnh trừng phạt của LHQ đối với Bắc Hàn
Khoảng 60 công dân Mỹ, gồm nhân viên Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Hàn cùng thân nhân của họ đã rời nước này, theo hãng tin Anh Reuters.
Reuters cũng cho biết họ không được cấp giấy phép đặc biệt để ở lại, mặc dù trường đại học đã cố gắng vận động chính phủ Mỹ cấp miễn trừ cho họ.
Reuters dẫn lời một nguồn ẩn danh nói trường này bị ‘ảnh hưởng nghiêm trọng’ do lệnh cấm đi Bắc Hàn của Mỹ cũng như “quyết định không quay lại của một số nhân viên”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41122921
Hoa Kỳ trả đũa ngoại giao Nga
Hoa Kỳ vừa yêu cầu Nga đóng cửa Lãnh sự quán tại San Francisco, cơ quan thương mại tại Washington và New York.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào ngày 31 tháng 8. Biện pháp được đưa ra nhằm đáp trả Nga khi giảm số viên chức ngoại giao Mỹ tại Nga.
Vào tháng bảy vừa qua, Moscow ra lệnh cho Washington phải giảm hơn phân nửa số nhân viên ngoại giao và kỹ thuật có mặt tại Nga xuống còn 455 người. Con số này tương đương với số các viên chức ngoại giao Nga tại Mỹ. Thời hạn cuối là vào ngày 1 tháng 9.
Biện pháp của Nga được đưa ra sau khi Quốc Hội Hoa Kỳ chuẩn thuận với đa số những biện pháp cấm vận mới đối với Nga. Lệnh trừng phạt nhằm đáp trả việc Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như trừng phạt thêm Moscow về việc sát nhập vùng Crimea của Ukraine vào nước Nga.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Heather Nauert ra thông cáo nói rõ Hoa Kỳ thực thi đầy đủ quyết định mà chính phủ Liên Bang Nga đưa ra về việc giảm số viên chức Hoa Kỳ tại Nga. Ngoài ra bà Heather Nauert còn nói thêm là Washington hy vọng hai phía có thể tránh những hành động trả đũa thêm nữa và cải thiện mối quan hệ song phương; dù rằng Hoa Kỳ sẵn sàng có những hành động nếu cần thiết và đúng theo quy định.
Phía Bộ Ngoại giao Nga thì nói Moscow lấy làm tiếc về tình hình gia tăng căng thẳng; và Nga sẽ xem xét chi tiết những biện pháp mà Hoa Kỳ mới công bố để theo đó có phản ứng.
Đối lập Nhật chọn cựu bộ trưởng ngoại giao làm tân thủ lĩnh
Đảng dân chủ đối lập chính của Nhật hôm 1 tháng 9 quyết định chọn ông Seiji Maehara, một cựu ngoại trưởng, làm lãnh đạo mới của họ. Đây là người thứ ba giữ chức vụ này trong vòng 12 tháng.
Tin từ AFP cho biết ông Seiji Maehara, cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) vượt qua cựu phát ngôn viên cấp cao của chính phủ, Yukio Edano, một gương mặt nổi bật trong thảm hoạ sóng thần năm 2011, để trở thành tân lãnh đạo đảng.
Đảng Dân chủ Nhật Bản đánh bại đảng Dân chủ Tự do (LDP), lên nắm quyền năm 2009. Thế nhưng cuối năm 2012, LDP trở lại nắm quyền dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe. Tuy nhiên, giới chỉ trích nêu ra nhiều sai lầm của chính phủ do Đảng Dân Chủ Tự Do lãnh đạo.
Ông Maehara đưa ra cam kết sẽ giúp đảng đối lập hồi sinh và có những thay đổi để chứng minh với người Nhật nên chọn đảng đối lập.
Nhật muốn tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục
Bộ Quốc Phòng Nhật Bản vừa đưa ra đề nghị khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục cho tài khóa 2018 tương đương 47 tỷ 600 triệu đô la Mỹ. Mục tiêu nhằm đối phó với mối đe dọa từ chương trình hỏa tiễn của Bắc Hàn ngày càng tăng, cũng như hoạt động khiêu khích tiếp diễn của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Tờ Nikkei loan tin vừa nêu vào ngày 31 tháng 8, dẫn lời Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera, tại một cuộc họp bộ trưởng trong cùng ngày, rằng cần phải chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận đất nước.
Khoản đề nghị của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản tăng 2,5% so với ngân sách của ngành này tài khóa 2017. Khoản tăng được nói dành cho những chi phí khi phải sử dụng tàu và máy bay thường xuyên hơn.
Trong bản đề nghị ngân sách cho tài khóa mới, Bộ Quốc Phòng Nhật Bản nêu rõ công tác bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore như là biện pháp thêm nữa để chống hỏa tiển từ Bắc Hàn. Chi phí của hệ thống này sẽ được nêu rõ vào thời điểm cuối năm nay.
Ngoài ra Bộ Quốc Phòng Nhật Bản còn chi cho công tác cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay gồm hệ thống Aegis đánh chặn đặt trên tàu và hệ thống đất đối không Patriot Advanced Capability-3. Chi mua thêm tàu trang bị hệ thống Aegis cũng như phát triển hệ thống radar mới có thể phát hiện tốt hơn máy bay tàng hình của đối phương.
Ngân sách quốc phòng mới được Bộ Quốc Phòng Nhật đề nghị còn cho biết để đóng thêm hai tàu hộ tống, một tàu ngầm và đầu tư vào công tác phát triển những loại vũ khí mới như đầu đạn hạt nhân cao tốc, vũ khí dẫn đường chống hạm, phát triển hệ thống radar mới giám sát không gian, mở rộng đội bảo vệ mạng, và có thể thêm kế hoạch tiến hành giới thiệu loại máy bay trinh sát không người lái Global Hawk…
Pháp cảnh báo Bắc Hàn có thể tấn công đến Hoa Kỳ và Châu Ấu
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lên tiếng cảnh báo rằng Bắc Hàn có khả năng thực hiện tấn công hạt nhân nhắm đến Hoa Kỳ và thậm chí cả châu Âu “trong vòng vài tháng”.
Hãng tin AFP vào ngày mùng 1 tháng 9, dẫn lời của ông Le Drian phát biểu như vừa nêu trên Đài phát thanh RTL.
Ngoại trưởng Pháp Le Drian nói rằng thế giới có thể nhìn thấy Bắc Hàn có khả năng vận chuyển vũ khí hạt nhân trong ngày mai và một vài tháng tới có thể xảy ra tình huống tấn công hạt nhân vào Nhật và Trung Quốc, thậm chí đến cả Hoa Kỳ và Châu Âu.
Lời cảnh báo của Ngoại trưởng Pháp được đưa ra sau khi Bắc Hàn cho phóng tên lửa tầm trung bay qua Xứ Phù Tang hồi sáng sớm ngày 29 tháng 8.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, đồng thời yêu cầu phải phải ngừng ngay chương trình này.
Ngoại trưởng Pháp Le Drian kêu gọi Bình Nhưỡng cần “quay lại bàn đàm phán” để giảm bớt tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.
Trong cùng ngày 1 tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo tình hình căng thẳng giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ đang đứng bên bờ vực của một cuộc xung đột quy mô lớn và khẳng định rằng đó là một sai lầm khi cố gắng gây áp lực lên Bình Nhưỡng đối với chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Trong một bài viết đăng tải trên trang chủ của Điện Kremlin, ông Putin viết nguyên văn “Điều cần thiết để giải quyết vấn đề của khu vực thông qua đối thoại trực tiếp của các bên liên quan mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”. Ông Putin còn viết thêm rằng “Khiêu khích, gây áp lực, làm xáo trộn và nói những lời lẽ xúc phạm là con đường dẫn đến hư không”.
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh trong bài viết là theo quan điểm của Nga, việc tính toán để có thể ngăn chặn các chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên bằng cách gây áp lực lên Bình Nhưỡng là sai lầm và vô ích.
Trong bài viết, ông Phutin khẳng định một lộ trình do Matxcơva và Bắc Kinh soạn thảo, liên quan đến ngừng chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là cách để giảm dần căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, thay vì Hoa Kỳ và Nam Hàn chọn lựa phương án giải quyết bằng các cuộc chiến tranh quy mô lớn.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/korean-could-nuke-us-eu-09012017110043.html
Trung Quốc bổ nhiệm tư lệnh lục quân và không quân mới
Trung Quốc vừa bổ nhiệm những tân lãnh đạo lục quân và không quân trong nỗ lực cải tổ ngay trước đại hội Đảng Cộng sản diễn ra vào tháng tới.
Theo nhận định của các chuyên gia nước ngoài đây là bước để thực hiện tham vọng hiện đại hóa quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tư lệnh lục quân mới được bổ nhiệm hôm 1 tháng 9 là ông Hàn Vệ Quốc, thay thế ông Lý Tác Thành, người trước đó vừa được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 8 vừa qua. Ông Lý Tác Thành là một trong những người chỉ huy trận chiến biên giới với Việt Nam hồi năm 1979.
Tư lệnh không quân là ông Đinh Lai Hàng cũng được bổ nhiệm trong cùng ngày với ông Hàn Vệ Quốc. Cả hai ông này trước đó đều không phải là những nhân vật nổi tiếng nhưng đã thăng tiến rất nhanh trong khoảng thời gian từ năm 2015 trở lại đây.
Trước đó, vào tháng 1, Trung Quốc cũng bổ nhiệm tư lệnh Hải quân Thẩm Kim Long, người được cho là rất thân cận với ông Tập Cận Bình.
Theo Reuters, cả ba người này có nhiều khả năng sẽ được bầu vào Quân ủy Trung ương nhân đại hội Đảng Cộng sản sắp tới.
Interpol ra lệnh bắt tỉ phú Trung Quốc, Quách Văn Quý
Trung Quốc vừa mở một cuộc điều tra về cáo buộc liên quan đến việc tỷ phú Quách Văn Quý hiếp dâm người trợ lý của ông này.
Cơ quan chức năng Trung Quốc nói với hãng AP rằng cảnh sát Bắc Kinh đã đề nghị Interpol ra lệnh bắt giữ lần hai đối với tỷ phú 50 tuổi này.
Ông Quách bị cáo buộc hiếp dâm người trợ lý 28 tuổi từ năm 2015. Người phụ này nói rằng trong suốt hai năm qua, cô liên tục bị ông Quách hãm hiếp nhiều lần tại New York, London và Bahamas. Cô cho biết là ông Quách luôn đòi hỏi tình dục từ những nhân viên nữ để kiểm tra lòng trung thành của họ.
Tài liệu cảnh sát tiết lộ rằng có lần cô này bị các nhân viên khác của ông này tịch thu điện thoại, máy tính, hộ chiếu, chìa khóa và cấm cô ra khỏi căn hộ của ông này. Đầu năm nay cô đã đến gặp luật sư để khai báo sự việc, đồng thời giữ lại đồ lót, que thử thai và thuốc nạo phá thai để làm bằng chứng.
Cô nói muốn ông Quách phải đối mặt với pháp luật vì những gì ông đã làm với cô.
Hiện tại Trung Quốc và Hoa Kỳ chưa có hợp đồng dẫn độ nhưng phía Bắc Kinh mong muốn Washington sẽ không gia hạn visa cho ông Quách sau khi visa của ông này hết hạn vào tháng 10 tới đây.
Tỷ phú Quách Văn Quý là một công dân Trung Quốc đã bỏ trốn và hiện đang sống ở New York, Hoa Kỳ. Ông được biết vì liên tục đe dọa giới quan chức trong Đảng Cộng sản Trung Hoa là ông sẽ công bố mọi bí mật về họ. Ông từng bị Trung Quốc điều tra với nhiều cáo buộc khác nhau như hối lộ, bắt cóc, rửa tiền,…
Nga thề ‘phản ứng mạnh’ với biện pháp trừng phạt của Mỹ
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 1/9 nói Moscow sẽ phản ứng mạnh đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm gây thiệt hại cho Nga.
Phát biểu của ông Lavrov được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán ở San Francisco và các cơ sở ngoại giao ở Washington và New York.
Phát biểu trước các sinh viên Nga, ông Lavrov than phiền về việc Hoa Kỳ chỉ cho Moscow có 48 giờ để thi hành yêu cầu trên, và gợi ý rằng Nga có thể xem xét ra lệnh cắt giảm thêm nhân viên của đại sứ quán Hoa Kỳ.
Việc Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán tại San Francisco và các cơ sở ngoại giao ở Washington và New York được xem là một hành động trả đũa Moscow vì đã cắt giảm nhân viên ngoại giao của Mỹ ở Nga.
“Chúng ta sẽ phản ứng ngay sau khi kết thúc việc xem xét, phân tích”, ông Lavrov nói với sinh viên Nga.
“Nhưng tôi muốn nói rằng toàn bộ câu chuyện này, với những biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng qua lại giữa hai nước, không phải do chúng ta khởi xướng. Chính chính quyền Obama đã khởi xướng, làm suy yếu mối quan hệ Mỹ-Nga và không cho phép ông Trump tiến hành những ý tưởng xây dựng hoặc thực hiện các cam kết trước khi bầu cử của ông ấy”.
Ngoại trưởng Nga nói thêm: “Chúng ta sẽ phản ứng gay gắt đối với những gì gây thiệt hại cho chúng ta”.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-the-phan-ung-manh-voi-bien-phap-trung-phat-cua-my/4011458.html
Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc
chống ‘chính sách Ánh Dương’ đối với Bắc Hàn
Tin cho hay Tổng thống Donald Trump sắp tới đây sẽ đề cử giáo sư Đại học Georgetown Victor Cha vào chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Bổ nhiệm một chuyên gia có uy tín về các vấn đề Bắc Triều Tiên như vậy sẽ lấp đầy một vị trí ngoại giao quan trọng cần thiết để quản lý những bất đồng đáng kể giữa Washington và Seoul về cách đối phó với các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa ngày càng khiêu khích hơn của Bắc Triều Tiên.
Ông Victor Cha, người Mỹ gốc Triều Tiên, là Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á của đại học Georgetown, kiêm Giám Đốc đặc trách nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington.
Ông từng là Phó Trưởng đoàn Mỹ tại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Giáo sư Cha là tác giả của nhiều đầu sách phân tích tình hình an ninh châu Á, như quyển “The Impossible State: North Korea, Past and Future”, xuất bản năm 2012.
Hoài nghi chính sách ‘Ánh Dương mới’, mời gọi Bắc Hàn
Ra điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng Tư năm nay, ông Cha bày tỏ quan ngại về sự ủng hộ ngày càng tăng ở Hàn Quốc cho nỗ lực theo đuổi cách tiếp cận hòa giải hơn với Bắc Triều Tiên, bằng viện trợ và các biện pháp khích lệ kinh tế nhằm giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột.
Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng chính sách hòa giải, mời gọi Bắc Triều Tiên tham gia không hoàn toàn sai lầm, nhưng bây giờ không phải lúc”.
Nếu được bổ nhiệm vào chức Đại sứ Hoa Kỳ ở Seoul, quan điểm của ông Cha, hoài nghi chính sách hòa giải và khích lệ để đối phó với Bắc Triều Tiên, có thể đẩy ông vào thế mâu thuẫn với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vẫn ủng hộ một chính sách song song, vừa mạnh mẽ hậu thuẫn các biện pháp trừng phạt, vừa tăng cường nỗ lực hòa giải và khích lệ đối với Bắc Triều Tiên.
Chính quyền của ông Moon đã tìm cách làm giảm nhẹ những sự khác biệt tiềm tàng với chiến lược tăng “áp lực tối đa” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó cần áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế gắt gao để buộc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phải ngồi vào bàn đàm phán về việc phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, Tổng thống Moon nói áp lực không mà thôi, không răn đe được Bắc Triều Tiên. Một số giới chức chính quyền ở Seoul đã lên tiếng ủng hộ chiến lược giảm áp lực kinh tế bằng cách mở lại Khu Công nghiệp Kaesong, một dự án phát triển kinh tế chung giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, nơi mà các công ty Hàn Quốc tuyển dụng hàng ngàn công nhân Bắc Triều Tiên làm việc cho họ. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đóng cửa khu Kaesong hồi năm 2016 dựa trên lập luận rằng tiền dành cho các công nhân đã bị trưng dụng và chi vào các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.
Sau khi gặp gỡ ông Moon hồi tháng 8 trong khuôn khổ một chuyến đi thăm Hàn quốc của một phái đoàn quốc hội Mỹ, dân biểu Đảng Dân chủ Carolyn Maloney, đại diện bang New York, cho hay Tổng
thống Nam Triều Tiên đã lên tiếng ủng hộ việc mở lại khu công nghiệp Kaesong như một cử chỉ nhân đạo. Nhưng cho đến nay Bắc Triều Tiên vẫn bác bỏ mọi đề nghị đối thoại và hợp tác.
Dân biểu Maloney:
“Ông Moon nhắc đến đề nghị mở lại khu công nghiệp Kaesong như một vấn đề nhân đạo, liệu ông có ủng hộ và đẩy mạnh đề xuất đó hay không, ông cho biết đã giang cánh tay mời gọi Bình Nhưỡng đàm phán, nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng.”
Hồi tháng 4, Giáo sư Victor Cha nói mở lại khu công nghiệp Kaesong là “không khôn ngoan”, có thể gây chia rẽ với Hoa Kỳ và thậm chí, với cả Trung Quốc, là nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt gắt gao hơn đối với Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Cha chia sẻ quan ngại của nhà lãnh đạo Hàn Quốc rằng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ có hệ quả thảm khốc, và có nguy cơ dẫn đến chiến tranh làm hàng triệu người thiệt mạng.
Áp lực từ Trung Quốc
Về vấn đề thực thi các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, ông Victor Cha mạnh mẽ ủng hộ lập trường của chính phủ Trump, cho rằng Bắc Kinh nên gánh vác trách nhiệm kiềm chế đồng minh của mình ở Bình Nhưỡng.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội vào tháng Tư vừa rồi, ông Victor Cha nói:
“Trung Quốc chắc chắn là một phần của một giải pháp nhằm ngăn chặn Bắc Triều Tiên, nhưng Trung Quốc cũng có thể là một phần của vấn đề”.
Gần 90% hoạt động thương mại của Bắc Triều Tiên diễn ra dọc theo biên giới với Trung Quốc. Sau khi đồng ý hợp tác với Bắc Kinh hồi tháng 3 để tăng áp lực với Bắc Triều Tiên, chính quyền Trump hồi tháng Bảy bày tỏ thất vọng về tình trạng các biện pháp trừng phạt không được thực thi.
Tin cho hay Bắc Kinh lo ngại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt có thể gây bất ổn ở vùng biên giới nước họ, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un, và như thế các đồng minh của Mỹ sẽ chiếm quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc nhiều lần kêu gọi tất cả các bên hãy tự chế và ngồi xuống bàn đàm phán, đề nghị các chường trình hỗ trợ kinh tế và bảo đảm an ninh cho Bắc Triều Tiên, để đánh đổi việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Viết trên tờ The Washington Post hồi tháng 7, ông Victor Cha kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo để đảm bảo sự tuân thủ của Bắc Triều Tiên, bằng cách gắn liền thương mại với việc hủy bỏ chương trình hạt nhân.
Ông Cha viết.
“Thương mại về cơ bản là những khoản giải ngân của Trung Quốc cho Bình Nhưỡng, cùng với các đảm bảo về an ninh, để đánh đổi những giới hạn trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không chỉ trả tiền để cung cấp than cho Bắc Triều Tiên, mà còn trả tiền để nước này tuân thủ thỏa thuận”.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã trả cho Bắc Triều Tiên hơn nửa tỉ đô la tiền hỗ trợ năng lượng cho miền Bắc, dựa trên những thỏa thuận nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Thỏa thuận đó cuối cùng đã tan vỡ. Theo ông Cha, bây giờ là lúc Trung Quốc phải giữ lời cam kết, nếu không, sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt phụ trội của Hoa Kỳ.
‘Hậu Harvey’ mới là chuyện khó xử
Scarsdale, thành phố nhỏ phía Đông Nam Houston, nặng nề hứng chịu cơn cuồng nộ Harvey. Scarsdale còn là nhà của một cụm cư dân gốc Việt tại Texas. Scarsdale, một buổi chiều ngày đầu sau khi Harvey ngạo nghễ rút lui, mang đầy thương tích, trên từng hè phố, trong từng căn nhà.
Tương lai bấp bênh
“Tôi không biết phải đi đâu, phải làm gì. Thật khó cho những người như chúng tôi.” Medi Zamon, chủ nhân dealer bán xe cũ trên con đường có nhiều nhà hàng, tiệm của người Việt Nam, nói với VOA.
Dưới cái nắng chang chang, nhiệt độ lên đến gần 100 độ F, khó hình dung, nơi đây chỉ một tuần trước, vật vã dưới cơn lụt chưa từng có trong lịch sử thành phố.
“Thứ Sáu tuần trước, 4 giờ chiều mưa bắt đầu rơi. Mưa lớn, đến nỗi tôi không thể ở lại. Chúng tôi phải về nhà. Đến thứ Bảy thì không ai còn có thể quay trở lại. Cho đến Thứ Tư.”
Zamon kể lại tuần lễ kinh hoàng vừa qua. Đợi đến Thứ Tư, 30 tháng Tám, ông lái xe đến dealer của mình, đậu cách bãi xe chừng vài trăm yard, đi bộ trong nước lụt, đến nơi đậu xe, “để thấy cả bãi xe đã chìm trong nước.”
Đến buổi chiều cùng ngày thì nước bắt đầu rút. Sang hôm sau, nước rút toàn bộ. Không chờ đợi, Zamon bắt đầu cho mở tất cả cửa xe và cốp xe, dùng máy hút bụi và máy sấy, làm khô nội thất của xe.
“Hôm nay tẩy nước, ngày mai thợ sửa xe sẽ đến, xem lại máy móc, tìm giải pháp, xem chiếc nào có thể sửa được.” Zamon cho biết.
Ông thổ lộ, nếu sửa được, và nếu xe còn tốt, ông sẽ giữ lại để bán. Nếu không, sẽ cho bán đấu giá, mang xe khác về. “Tôi muốn cung cấp những chiếc xe tốt nhất cho khách hàng của tôi.”
Khách hàng ngày mai của Zamon, rất có thể là một người Việt Nam.
“Tôi biết rất nhiều người Việt Nam ở đây. Tôi có nhiều khách hàng Việt Nam. Tôi có hàng xóm Việt Nam. Nhiều chủ tiệm Việt Nam xung quanh đây, và người chủ đất tôi mướn đây cũng là người Việt Nam.” Zamon cho biết mối quan hệ gần gũi với cộng đồng gốc Việt, và cũng không giấu sự lúng túng trong việc giải quyết, hay tìm nơi trợ giúp, liên quan đến thiệt hại do bão Harvey gây ra. Zamon chưa liên lạc với bất cứ luật sư nào. Cũng chưa liên lạc cả với FEMA – Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp Liên Bang.
“Tôi có 25 xe, mở doanh nghiệp tại đây gần hai năm rồi. Nay thiệt hại ước lượng từ 40 ngàn đến 50 ngàn đô la. Tôi sẽ cố gắng để tiếp tục công việc kinh doanh. Hy vọng như vậy.” Zamon quả quyết.
Nhưng cũng thú thật, “điều chắc chắn tôi biết là tổn thất này đặt chúng tôi vào chỗ khó khăn tài chánh, rất nặng.”
Rời dealer của Zamon, đi sâu vào bên trong thành phố, sẽ thấy một khu liên gia khang trang. Trên các lề đường, người ta thấy la liệt bàn ghế, thùng carton, thảm, ướt sũng nước. Bên trong, nhễ nhại mồ hôi dưới cái nắng hầm hập và độ ẩm thật cao, người ta bắt đầu dọn dẹp, sửa sang. Làm lại từ đầu!
Trong số này, có một người Việt Nam, Nguyễn Thanh Dũng.
Biết chuẩn bị, không lo lắng
Thật ra, anh Dũng cùng con trai đến đây để dọn dẹp nhà cửa cho thân phụ mẫu, những người “nhất định ở lại và bị kẹt trong nhà suốt 6 ngày.”
“Bão vào, gió vào, thì nước vào.” Anh Dũng nói với VOA. Anh cho biết đây là nhà bố mẹ anh, nay đã 94 và 85 tuổi.
“Bố mẹ già, không muốn chạy. Tôi gởi bạn vào đón cũng không chịu chạy. Nhà không có điện. Ông bà ăn cơm với ruốc, giò, bánh mì. Đến Thứ Tư mới đón được bố mẹ về.” Anh Dũng kể lại.
Trước câu hỏi tại sao ba mẹ không chịu “chạy,” anh Dũng cười thật lớn: “Chắc các anh phải hỏi bố mẹ tôi.”
Rồi anh thổ lộ, cần rút kinh nghiệm, “bố mẹ già, không bao giờ muốn chạy, nếu có lần sau, phải cố kéo bố mẹ ra.”
Gia đình thân phụ anh Dũng sang Mỹ năm 1975, định cư tại Texas từ 1978, và dọn vào căn nhà này từ năm 1984. Nguyễn Thanh Dũng từng có nhiều năm sống tại California, làm việc trong ngành tài chánh, có văn phòng tại Newport Beach. Sau đó, vì là con trai duy nhất trong nhà, anh quyết định trở lại Texas để có thời gian chăm sóc bố mẹ.
“Ở Houston lâu phải biết mua bảo hiểm lụt.” Nguyễn Thanh Dũng giải thích. Có hai loại bảo hiểm, nhà và lụt. Nếu không mua bảo hiểm lụt, nước vào nhà sẽ không được đền bù. “Mà bảo hiểm lụt chỉ $300 một năm. Đáng để mua.”
Mồ hôi nhễ nhại, Nguyễn Thanh Dũng có vẻ thoải mái khi lột các tấm thảm đầy nước trong nhà bố mẹ. Có thể vì biết chắc chi phí sửa nhà sẽ được đền bù, cũng có thể vì đã quá quen với 3 lần nước lụt vào nhà từ năm 1984.
Anh vẫn cứ cười thật lớn mỗi khi được hỏi về việc tại sao bố mẹ không chịu “chạy lụt.” “Tôi có nói, chạy đi bố mẹ. Ông bà vẫn không đi. Bố mẹ muốn giữ nhà. Giữ nhà là để trông nhà.”
Đã có vợ và có hai con; con trai 14 tuổi, con gái 12 tuổi, anh Dũng nói đã liên lạc với hãng bảo hiểm. “Thứ Bảy, bảo hiểm lụt sẽ đến, sau đó là bảo hiểm nhà.”
Người có kinh nghiệm và biết chuẩn bị, thường không bao giờ lo lắng, ngay cả trong cơn thiên tai hoành hành cả một thành phố.
https://www.voatiengviet.com/a/bao-harvey-houston-cong-dong-viet/4011036.html
Putin: ‘tình hình Bắc Hàn bên bờ vực thành xung đột lớn’
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1/9 cảnh báo rằng tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đang bên bờ vực để trở thành một cuộc xung đột quy mô lớn. Ông nói sẽ là một sai lầm nếu tìm cách tăng áp lực với Bình Nhưỡng về chương trình tên lửa hạt nhân của nước này.
Theo dự kiến ông Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS ở Trung Quốc vào tuần tới.
BRICS là khối bao gồm 5 nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trong một bài báo đăng trên trang web của điện Kremlin trước chuyến đi, ông Putin cho biết ông ủng hộ các cuộc đàm phán với CHDCND Triều Tiên.
“Điều thiết yếu là giải quyết các vấn đề của khu vực thông qua đối thoại trực tiếp bao gồm tất cả các bên mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để mở các cuộc đàm phán đó”, ông Putin viết.
“Khiêu khích, áp lực, dùng những lời lẽ hung hăng hiếu chiến là con đường dẫn đến bế tắc.”
Nhà lãnh đạo Nga nói tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã xấu đi đến mức bây giờ nó đang đứng trước nguy cơ rơi xuống vực “của một cuộc xung đột quy mô lớn”.
Bắc Triều Tiên trong thời gian qua đã dồn nỗ lực để phát triển một tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ, và gần đây Bình Nhưỡng đe doạ sẽ phóng tên lửa địa đối địa tới gần đảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Bình Nhưỡng coi các cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc như một động thái nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng nhắm vào họ, do đó đã liên tục leo thang cuộc đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ, bằng cách bắn một tên lửa tầm trung bay ngang qua Nhật Bản.
https://www.voatiengviet.com/a/putin-tinh-hinh-bac-han-ben-bo-vuc-thanh-xung-dot-lon/4011211.html
Úc kêu gọi Trung Quốc cắt xăng dầu cho Bắc Triều Tiên
Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, thúc giục Trung Quốc gia tăng kìm chế Bắc Triều Tiên về kinh tế kể cả cắt nguồn cung cấp xăng dầu cho chế độ này.
Đẩy mạnh các biện pháp ngoại giao của Bắc Kinh, Thủ tướng Australia nói với chương trình phát thanh John Laws tại Sydney rằng cơ may tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên mà không xảy ra xung đột là đảm bảo chế độ Bình Nhưỡng bị hoàn toàn cô lập về kinh tế.
Thủ tướng Turbull nói Trung Quốc cần có quyết tâm trong việc dùng các biện pháp kinh tế chống lại nước láng giềng, và nếu có những hành động quyết liệt, chế độ Bình Nhưỡng “sẽ gặp nhiều khó khăn để sống còn”.
“Cho tới nay Trung Quốc là một lực đẩy rất lớn,” Thủ tướng Turnbull ngày 31/8 nói. “Trung Quốc phải thực sự tăng cường áp lực ngay bây giờ để làm cho chế độ Bình Nhưỡng biết điều hơn.”
“Trung Quốc cam kết ngưng mua than đá, quặng sắt, hải sản và những sản phẩm khác của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có thể tiến xa hơn nữa bằng cách cắt nguồn cung cấp xăng dầu chẳng hạn.”
Ông Turnbull nói ông tin là những chế tài kinh tế thêm nữa cần phải áp đặt lên Bắc Triều Tiên, nếu không, một cuộc xung đột toàn diện tại bán đảo Triều Tiên bùng nổ sẽ là một đại họa.
Ông nói nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thiếu thận trọng và nguy hiểm, và hành động như một tay mafia, do đó những cường quốc trong vùng cần phải chứng tỏ cho chế độ Kim biết là có những hậu quả đối với hành động của họ.
“Cuối cùng là cần phải cô lập hoàn toàn Bắc Triều Tiên về phương diện kinh tế,” Thủ tướng Australia nói.
“Nếu cắt đứt mọi lợi tức của nước này, nếu cắt việc tiếp cận năng lượng, chế độ đó sẽ gặp nhiều khó khăn để sống còn—và đó là việc Trung Quốc phải làm.”
Ông Turnbull nói “không có giải pháp nào tốt” cho bán đảo Triều Tiên và thế giới đang đối phó với “một tình hình rất khó khăn và khó uốn nắn đã phát triển trong một thời gian dài”.
Ông Turnbull nói tiếp “những biện pháp chế tài rất quyết liệt là cơ may tốt nhất để giải quyết tình hình này mà không xảy ra xung đột”.
Ông Turnbull cho biết ông chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ sau hội nghị G20 tại Hamburg.
Thủ tướng Australia đã diện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 30/8, và hai nhà lãnh đạo đang phối hợp những nỗ lực để gia tăng áp lực ngoại giao lên Trung Quốc nhằm cô lập Kim Jong Un. Các cuộc tấn công ngoại giao đã tăng cường mạnh mẽ kể từ khi Bắc Triều Tiên phóng phi đạn đạn đạo bay ngang miền bắc Nhật Bản hôm 28/8.
Ngày 30/8, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí lên án việc phóng phi đạn và nhắc lại những đòi hỏi là Bình Nhưỡng ngưng chương trình phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân của nước này.
(Nguồn Nikkei Asian Review/The Guardian)
https://www.voatiengviet.com/a/uc-keu-goi-trung-quoc-cat-xang-dau-cho-bac-trieu-tien/4010934.html
Mỹ truy tố một người gốc Hoa tội ăn cắp bí mật thương mại
Một công dân song tịch Canada và Trung Quốc bị bắt và buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ một công ty sản xuất sản phẩm phẫu thuật bằng robot ở Massachusetts, Mỹ.
Nhà chức trách cho hay ông Dong Liu tự xưng là một luật sư về bằng sáng chế có công ty luật ở Bắc Kinh khi bị thẩm vấn về việc đánh cắp bí mật thương mại của tập đoàn Medrobotics Corp. Ông Liu, 44 tuổi, bị truy tố tội hình sự lên tòa án liên bang ở Boston ngày 31/8 với một cáo trạng tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại và một cáo trạng tội cố tình truy cập một máy tính mà không xin phép.
Công ty Medrobotics chưa lên tiếng bình luận vụ này.
Vụ án diễn ra giữa bối cảnh ngày càng gia tăng quan ngại về tình trạng Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump cho phép tiến hành một cuộc điều tra về cáo giác Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ.
Giám đốc điều hành công ty Medrobotics cho nhà chức trách biết trong suốt 10 năm qua, nhiều người từ Trung Quốc tìm cách phát triển quan hệ làm ăn với công ty mặc dù công ty không hề có ý định giao thương với các công ty Trung Quốc.
Gian lận TOEFL, du sinh Trung Quốc bị Mỹ trục xuất
Ba phụ nữ từ Trung Quốc nhận tội gian lận trong các cuộc thi nhập học các trường đại học và cao đẳng Mỹ và chắc chắn sẽ bị trục xuất về nước, theo tài liệu của tòa án.
Cô Cheng Xiaomeng được nhận vào trường Đại học Tiểu bang Arizona qua một cuộc thi gian lận. Tại Tòa án liên bang ở Boston hôm 30/8, cô Cheng nhận tội âm mưu lừa đảo.
Các phiên xử trong 3 tuần tới được ấn định cho cô Zhang Shikun, sinh viên Trường đại học Đông Bắc ở Boston và cô Wang Yue. Công tố viên cho biết cô Wang được trả công để thi dùm cho cô Zhang và cô Chen tại Trường Kinh doanh Quốc tế Hult ở Cambridge, Massachusetts.
Cuộc thi liên hệ đến vụ gian lận là TOEFL, bài thi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi để thu nhận sinh viên nước ngoài. TOEFL được hơn 9.000 trường đại học, cao đẳng và cơ quan tại hơn 130 quốc gia công nhận.
Đúng ra mỗi sinh viên phải đối mặt với bản án 5 năm tù, nhưng các công tố viên đồng ý đề nghị cả ba bị can bị kết án theo đúng thời gian đã bị giam và theo đó, bị can phải chịu bị trục xuất.
Tiến trình này được thực hiện ngay đối với trường hợp cô Chen. Cô này sẽ bị giữ trong một trại giam của Sở Di trú trước khi lên máy bay về Trung Quốc ngày 1/9.
Với dân số ngày càng đông, nhiều sinh viên Trung Quốc muốn sang Mỹ du học vì cơ hội việc làm và chất lượng giáo dục Hoa Kỳ.
Theo Viện Giáo dục Quốc tế con số sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ tăng 9%, ở mức 135.629 sinh viên trong niên khóa 2015-2016.
Các công tố viên cho biết cô Wang, 27 tuổi nhận được gần 7.000 đô la khi thi dùm cô Zhang, cô Cheng, và một phụ nữ Trung Quốc khác là Huang Leyi trong năm 2015 và 2016 khi những người này không đạt được điểm thi tối thiểu vào trường đại học.
Sau khi những sinh viên được nhận vào trường đại học, Bộ Ngoại giao Mỹ cấp visa cho họ. Bốn nữ sinh viên này bị truy tố và bị bắt vào tháng 5 năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/gian-lan-toefl-du-sinh-trung-quoc-bi-my-truc-xuat/4010482.html
Texas chật vật sau bão Harvey
Lực lượng cứu hộ ngày 31/8 đi từng khu nhà, tìm kiếm trong hàng chục ngàn ngôi nhà ở thành phố Houston xem có còn người nào sót lại, dù chết hay sống, trong cơn bão Harvey vừa qua.
Harvey đã làm hư hại hơn 37 ngàn ngôi nhà và hủy hoại gần 7 ngàn căn trên toàn bang Texas.
Hơn 200 lính cứu hỏa, cảnh sát, và đội tìm kiếm cứu hộ tỏa ra khắp khu dân cư Meyerland để tìm xem có ai còn mắc kẹt.
Số tử vong trong cơn bão đã được xác nhận là 31 trường hợp.
Tại nơi khác, tình trạng mất điện tại một nhà máy hóa chất gây ra các vụ cháy nổ khiến người ta quan ngại về an toàn sức khỏe công cộng. Vụ nổ ở nhà máy Arkema Inc., phía Đông Bắc Houston, gây ra cột lửa cao và làm rò rỉ khói mùi mà trưởng Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang FEMA thoạt đầu mô tả là ‘nguy hại’ nhưng sau đó FEMA đã rút lại tuyên bố này.
Phân tích của Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho thấy khói này không đe dọa tức thì tới sức khỏe cộng đồng.
Công ty vận hành nhà máy khuyến cáo còn tới 8 container hóa chất nữa có thể sẽ cháy nổ vì hóa chất lưu trữ bị xuống cấp vì không được trữ lạnh do cúp điện.
Hiện có khoảng 32 ngàn cư dân đang tá túc tại các nơi cư trú tạm trên khắp Texas.
Nước đã rút ra khỏi Houston, nhưng đe dọa chính bây giờ đang chuyển sang khu vực gần ranh giới giữa bang Texas với bang Louisiana.
Các chuyên gia kinh tế nói bão Harvey đóng cửa mọi hoạt động từ các nhà máy nhựa cho tới các xưởng lọc dầu ra tới hải cảng Houston_hải cảng bận bịu hàng thứ nhì của nước Mỹ_có thể tác động tới kinh tế cả nước.
Chuyên gia y tế cảnh báo nước lũ có thể gây bệnh vì nước tù đọng khiến muỗi sinh sôi nảy nở.
Bão Harvey dù đã giảm cường độ nhưng dự kiến sẽ mang mưa lớn tới nhiều phần của bang Louisiana, Tennessee và Kentucky cho tới hết ngày mai 1/9.
Hai phi trường lớn của Houston từ từ mở lại hoạt động.
Harvey đổ bộ vào Texas thứ sáu tuần trước gây ngập lụt Houston nghiêm trọng trên diện rộng.
Mưa tầm tã liên tục 5 ngày nâng tổng vũ lượng lên gần 1,3 m. Đây là các trận mưa nhiệt đới lớn nhất ghi nhận được trên lục địa Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/texas-chat-vat-sau-bao-harvey-/4010486.html
Trung Quốc: Chủ tịch Tập
-nhà tiên phong ngoại giao vượt mặt phương Tây
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhà tiên phong ngoại giao có tư tưởng vượt qua thuyết quan hệ quốc tế của phương Tây nhiều thế kỷ, Reuters dẫn lời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, ca ngợi ông Tập như vậy vào ngày 1/9, ngay trước Đại hội Đảng Cộng sản.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại.
Tập Cận Bình chính là người đã đưa ra kế hoạch “Vành đai và Con đường” với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành một trụ cột của toàn cầu hóa.
Nước này cũng mở rộng phạm vi toàn cầu về quân sự, mở căn cứ nước ngoài đầu tiên ở Djibouti và sử dụng lực lượng hải quân đang được mở rộng để khẳng định lập trường quyết đoán hơn trong các tranh chấp hàng hải với các quốc gia láng giềng.
Ngoại trưởng Vương Nghị nói “tư tưởng ngoại giao” của ông Tập chính là la bàn cho các mối quan hệ ngoại giao trong điều kiện mới và trở thành dấu hiệu cho quyền lực mềm của Trung Quốc. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc nói và được đăng trên Study Times, tờ báo chính thức của trường Đảng Trung ương chuyên đào tạo các quan chức.
“Tư tưởng [của Chủ tịch Tập] đổi mới và vượt qua thuyết quan hệ quốc tế truyền thống của phương Tây đến 300 năm”, ông Vương Nghị nói thêm.
Ngoại trưởng Vương Nghị ghi nhận công của ông Tập trong việc mưu tìm bè bạn và đối tác không phải là đồng minh, bỏ qua khác biệt để tìm nền tảng chung, và xóa đi “tư tưởng Chiến tranh Lạnh” của “người không phải là bạn của tôi thì chính là kẻ thù của tôi”.
Ông Vương nói rằng với quyết tâm của một “nhà cải cách và tiên phong”, Chủ tịch Tập đã đáp ứng tiếng gọi của thời đại để “đưa ra nhiều ý tưởng mới mà những người tiền nhiệm không có được”.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng ghi nhận thành công của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như giúp chống lại các mối đe dọa toàn cầu của khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh mạng.
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ gần 5 năm trước, Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực, bao gồm dẫn đầu một nhóm cải cách kinh tế và tự bổ nhiệm mình làm tổng tư lệnh quân đội, mặc dù với tư cách đứng đầu Ủy ban Quân sự Trung ương, Tập Cận Bình đã nắm quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang.
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc mỗi năm năm một lần sẽ được khai mạc vào ngày 18/10. Một ban thường vụ mới, đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc, sẽ được đưa ra tại kỳ đại hội này.
Các nguồn tin ngoại giao cho rằng ông Vương có thể sẽ tiếp quản vị trí của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Ủy viên Hội đồng Nhà nước Dương Khiết Trì, 67 tuổi, người tiền nhiệm của ông Vương.
Bão Harvey : Tổng thống Trump và biến đổi khí hậu
Sau bang Texas, đến lượt bang Lousiana phải đối mặt với lụt lội vì mưa lớn từ cơn bão Harvey, hoành hành từ ngày 25/08/2017. Tổng thiệt hại về tài sản được ước tính từ 30 tỉ đến 100 tỉ đô la. Hiện có 33 người thiệt mạng vì bão, con số này ít hơn nhiều so với 1.836 người chết trong cơn bão Katrina, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và liên bang.
Khác với người tiền nhiệm Cộng Hòa Georges W. Bush, tổng thống Donald Trump đã không đánh giá thấp cơn bão Harvey và nhanh chóng đến vùng bị thiên tai để chia sẻ và động viên người bị nạn và lực lượng cứu trợ. Là người luôn nghi ngờ về biến đổi khí hậu, tổng thống Donald Trump nghĩ gì về cơn bão Harvey, có sức tàn phá hơn do nhiệt độ trên vịnh Mêhicô cao hơn rất nhiều vì hiện tượng trái đất nóng lên ?
Theo xã luận của nhật báo Le Monde (01/09/2017), dù ông Donald Trump tỏ ra sốt sắng xử lý khủng hoảng và nhanh chóng bình luận trên mạng xã hội Twitter về cơn bão Harvey, song vẫn có nhiều thắc mắc chính đáng xung quanh chính sách xử lý thiên tai của người đứng đầu Nhà Trắng.
Trước hết, chính ông Trump, ngày 15/08/2017, đã hủy một sắc lệnh của người tiền nhiệm Barack Obama, nhằm cấm sử dụng ngân sách liên bang để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng có nguy cơ lụt lội. Vậy tổng thống Mỹ sẽ phải ra các chỉ thị nào để khôi phục các khu vực bị tàn phá ?
Thực vậy, tổng thống Donald Trump vẫn không ngừng tuyên bố muốn giảm bớt ngân sách của cơ quan đặc trách khắc phục thiên tai và các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn để ưu tiên đầu tư các dự án khác, như tăng cường ngân sách cho quân sự và xây một bức tường dọc biên giới với Mêhicô. Liệu sau cơn bão Harvey, tổng thống Mỹ có giảm bớt chi phí cho hai dự án này không ?
Tiếp theo, phải nhắc đến sự im lặng của tổng thống Donald Trump về việc xem nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu. Dù các chuyên gia tỏ ra thận trọng về sự tương quan chặt chẽ giữa một hiện tượng tự nhiên như bão Harvey với việc trái đất nóng lên, nhưng riêng tổng thống Mỹ không đưa ra bất kỳ ẩn ý nào trong những lời bình luận về cơn bão.
Thái độ im lặng của người đứng đầu Nhà Trắng không khiến ai ngạc nhiên. Ngày 04/08/2017, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris 2015, còn tổng thống Mỹ thì không ngừng ca ngợi « than sạch tuyệt vời ». Ông Trump vẫn duy trì thái độ nghi ngờ về hiện tượng biến đổi khi hậu và nín lặng trước những hậu quả thiên tai tại Hoa Kỳ.
Thực ra, quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris của tổng thống Mỹ mang tính chính trị vì ông muốn chứng minh cho những người ủng hộ là đã giữ lời hứa lúc tranh cử. Trong khi đó, khả năng « tái cam kết » không bị tổng thống Donald Trump ngăn chặn, như nội dung bài diễn văn ngày 01/06, trong đó ông vừa gay gắt lên án hiệp định khí hậu vừa đề xuất « đàm phán lại ».
Nhà Trắng hiểu được các hạn chế của mình vì phải tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận đã được cựu tổng thống Obama phê chuẩn. Có nghĩa là tổng thống Donald Trump chỉ có thể khởi động tiến trình rút khỏi hiệp định COP 21 sau thời hạn ba năm kể từ ngày văn bản này bắt đầu có hiệu lực. Nói một cách khác, ông không thể rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Khí hậu trước tháng 11/2019.
Có lẽ cơn bão Harvey, hơn bao giờ hết, mang lại một bài học cần thiết cho chính phủ Mỹ để người dân Houston không trở thành những người lưu vong vì khí hậu. Thái độ nghi ngờ về biến đổi khí hậu không thể nào ngăn cản mực nước dâng lên.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170901-bao-harvey-tong-thong-trump-va-bien-doi-khi-hau
Đa số người Pháp
phản đối các sắc lệnh cải cách luật lao động
Theo kết quả thăm dò ý kiến Harris Interactive thực hiện cho RMC và Atlantico, được công bố vào hôm nay 01/09/2017, 58% số người Pháp được hỏi phản đối 5 sắc lệnh mà chính phủ Pháp đưa ra hôm qua để cải cách luật lao động. Phần lớn những người phản đối cho rằng cải cách sẽ làm giảm quyền của các công đoàn trong doanh nghiệp, khiến điều kiện làm việc của người lao động trở nên tồi tệ hơn.
Năm sắc lệnh của chính phủ liên quan tới nhiều nội dung cải cách, chủ yếu về tiền thưởng cho người lao động, làm việc từ xa, các quy định về sa thải lao động, thỏa thuận tập thể của doanh nghiệp rất nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự chuyển đổi, sáp nhập các cơ chế trong doanh nghiệp như ủy ban doanh nghiệp sáp nhập với ủy ban vệ sinh, an toàn và điều kiện lao động thành ủy ban xã hội và kinh tế.
Sau khi thủ tướng Pháp Edouard Philippe và bộ trưởng Lao Động Muriel Pénicaud công bố 5 sắc lệnh cải cách luật lao động, các nghiệp đoàn lớn của Pháp đều phản ứng, thể hiện sự không hài lòng, lo lắng hay thất vọng ở các mức độ khác nhau, nhưng lại bị chia rẽ về việc huy động biểu tình chống cải cách.
Công đoàn CGT kêu gọi người lao động và người về hưu, thanh niên tham gia biểu tình phản đối cải cách trên khắp nước Pháp vào ngày 12/09. Nghiệp đoàn Force Ouvrière từ chối tham gia tổ chức biểu tình cùng CGT, cho biết sẽ nghiên cứu kỹ nội dung các sắc lệnh trước khi đưa ra ý kiến đánh giá. CFDT không kêu gọi biểu tình phản đối các sắc lệnh, cho rằng cuộc chiến của nghiệp đoàn không phải trên đường phố mà là hàng ngày trong các doanh nghiệp.
http://vi.rfi.fr/phap/20170901-da-so-nguoi-phap-phan-doi-cac-sac-lenh-cai-cach-luat-lao-dong
Nhật và Anh tăng cường hợp tác quân sự
Hôm qua, 31/08/2017, nhân chuyến công du Nhật Bản của thủ tướng Anh Theresa May, lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự để đối phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Quyết định này được đưa ra hai ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa bay ngang qua không phận Nhật Bản.
Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles tường trình :
« Vào lúc Bắc Triều Tiên đe dọa là Nhật Bản sẽ sớm hứng chịu thảm họa tự hủy diệt, thủ tướng Shinzo Abe nhận được sự ủng hộ của đồng nhiệm Anh Theresa May nhằm cùng nhau đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên, bởi vì Anh Quốc có nhiều lợi ích quan trọng tại châu Á.
Lần đầu tiên, quân lính Anh sẽ tham gia các cuộc tập trận chung với Nhật Bản trên lãnh thổ Nhật Bản. Các đơn vị hải quân Anh sẽ cùng với tàu chiến Nhật Bản đi tuần tra ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Hai đồng minh sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và chống khủng bố.
Đổi lại, theo đề nghị của thủ tướng Theresa May, Nhật Bản hứa hợp tác với Anh Quốc trong lĩnh vực thương mại, đồng thời gợi mở khả năng có thể chấp nhận đàm phán với Luân Đôn về một hiệp định tự do mậu dịch, theo mô hình các thỏa thuận mà Liên Hiệp Châu Âu đã ký với một số quốc gia, khi mà Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170901-nhat-va-anh-tang-cuong-hop-tac-quan-su
Khủng bố ở Barcelona :
Catalunya bị chỉ trích coi nhẹ các cảnh báo
Trong những ngày qua, chính phủ Tây Ban Nha, chính quyền vùng Catalunya và các cơ quan truyền thông đã liên tục khẩu chiến về trách nhiệm trong vụ khủng bố tại Barcelona, ngày 17/08 vừa qua, làm 15 người thiệt mạng. Chính quyền vùng Catalunya bị cáo buộc đã coi nhẹ những cảnh báo về nguy cơ khủng bố xẩy ra ở khu vực Ramlas, Barcelona.
Từ Madrid, thông tín viên François Musseau gửi về bài tường trình :
« Chính quyền Catalunya cuối cùng đã thừa nhận là họ đã được báo trước về nguy cơ rất lớn xẩy ra các vụ khủng bố tại phần khu phố dành cho người đi bộ Ramblas, Barcelona. Thế nhưng, cảnh sát Catalunya, hiện đang chịu trách nhiệm điều tra vụ khủng bố, lại giải thích là họ đã đánh giá những lời cảnh báo này không nghiêm túc và không đáng tin cậy lắm. Do vậy, họ không chú ý đến.
Tại Madrid và ở những nơi khác trên lãnh thổ Tây Ban Nha, thông tin này làm dấy lên sự tức giận, nhất là trên các phương tiện truyền thông tại thủ đô. Người ta cho rằng, chính quyền Catalunya hiện đang muốn đòi độc lập, đã không nghiêm túc. Nếu như chính quyền Catalunya đánh giá là những thông tin cảnh báo không có giá trị gì, thì nhiều cơ quan truyền thông, ví dụ tờ El Periodico, lại nhấn mạnh là những lời báo động nói trên đến từ cơ quan tình báo Mỹ – CIA.
Chính quyền trung ương ở Madrid tìm cách khai thác cuộc tranh luận này có lợi cho mình : Đối với chính phủ bảo thủ Tây Ban Nha, thì vấn đề thật là nghiêm trọng và chính quyền Catalunya lẽ ra phải chia sẻ thông tin quan trọng này. Vẫn theo Madrid, đây là một sai phạm càng làm cho việc Catalunya đòi độc lập trở nên phi lý ».
Anh Quốc từ chối thanh toán
mức « phí li dị » mà châu Âu đề xuất
Bộ trưởng Thương Mại Anh Liam Fox hôm nay 01/09/2017 tuyên bố trên kênh truyền hình Nhật Bản ITV, nhân dịp tháp tùng thủ tướng Theresa May thăm Tokyo, là Anh Quốc không chấp nhận thanh toán số tiền đã cam kết theo như yêu cầu của Bruxelles khi rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Bộ trưởng Liam Fox nhấn mạnh Anh muốn thảo luận về các quan hệ trong tương lai với Liên Hiệp Châu Âu.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi vòng đàm phán thứ ba về Brexit kết thúc ngày hôm qua 31/08, với lời cảnh báo của Bruxelles dành cho Luân Đôn. Liên Hiệp châu Âu cho rằng cần thúc đẩy các hồ sơ khác trước khi có thể thảo luận về các mối quan hệ tương lai với Luân Đôn.
Liên quan đến vòng đàm phán lần này, ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán của Ủy Ban Châu Âu cho biết Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc chỉ đạt được rất ít kết quả, cứ như thể vòng đàm phán chưa bắt đầu.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet giải thích :
« Nhìn trong tổng thể, các nhà đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc có thể khoe là đã đạt được vài tiến triển vào tuần này, về quyền của người lao động ở khu vực biên giới hay về quy chế biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng Hòa Ireland.
Nhưng đối với trưởng đoàn đàm phán châu Âu, lần này mới chỉ làm sáng tỏ các vấn đề. Ông Michel Barnier vẫn có những mối lo lắng giống như khi bắt đầu vòng đàm phán thứ ba. Ông thừa nhận : « Tuần này, chúng tôi đã làm sáng tỏ được vài điều có ích, nhưng chúng tôi không đạt được một tiến triển mang tính quyết định nào về các chủ đề chính. »
Quan chức cấp cao trên của Liên Hiệp Châu Âu nói thêm : « Với nhịp độ như hiện nay, chúng tôi còn lâu mới có được các tiến triển đủ để kêu gọi Hội Đồng Châu Âu thảo luận về các quan hệ trong tương lai giữa Anh Quốc và Liên Hiệp. Chúng tôi phải tích cực hơn nữa mới đạt đến một thỏa thuận tổng thể, như điều chúng tôi muốn. »
Mở các cuộc thảo luận về quan hệ tương lai giữa châu Âu và Anh Quốc là một yêu cầu cấp bách của nước Anh. Nhưng dường như điều này khó xẩy ra trong khi các cuộc đàm phán có nguy có thất bại nếu kết quả không tiến triển.
Các bất đồng giữa Anh Quốc và châu Âu vẫn còn rất gay gắt về hai chủ đề chính : khả năng lựa chọn Tòa Án Công Lý của Liên Hiệp Châu Âu là định chế bảo vệ các quyền của công dân Liên Hiệp và nhất là việc Anh Quốc phải cam kết chi trả khoản tiền mà châu Âu yêu cầu. »
Đến lượt Huyndai bị tẩy chay tại Trung Quốc
vì hệ thống lá chắn tên lửa
Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD bảo vệ lãnh thổ trước mối đe dọa tên lửa từ người anh em phía bắc. Hiệu quả ra sao chưa biết, nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải trả giá đắt cho biện pháp phòng thủ. Trung Quốc kêu gọi người dân tẩy chay các sản phẩm Hàn Quốc. Sau Lotte, lần này đến lượt Huyndai cũng có chung số phận.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt giải thích:
Các dây chuyển sản xuất tại bốn nhà máy Trung Quốc của Huyndai Motor cuối cùng cũng được khởi động lại, sau khi đã bị dừng lại trong một tuần. Nguyên nhân ban đầu: một trong số các nhà cung cấp linh kiện đã ngưng giao hàng, vì thương hiệu Hàn Quốc này có lẽ đã không có khả năng thanh toán.
Việc ngưng sản xuất cho thấy Huyndai đang phải đối mặt với những khó khăn tại Trung Quốc – thị trường nước ngoài lớn nhất của Huyndai. Tại đây, doanh nghiệp này chỉ bán được 25% số xe hơi được chế tạo ra. Doanh số bán đang tụt giảm thê thảm. Riêng trong quý II, giảm mất 65%. Trong vòng 4 tháng, cổ phiếu của doanh nghiệp chế tạo xe hơi này đã mất đến 16% trị giá.
Huyndai không phải là doanh nghiệp Hàn Quốc duy nhất là nạn nhân của việc bị tẩy chay không công khai. Từ khi Bắc Kinh công kích dữ dội các hành động của Seoul, một thương hiệu lớn khác của Hàn Quốc, Lotte, cũng đã phải đóng cửa 87 siêu thị tại đây. Tân Hoa Xã hồi tháng 03/2017 đã cảnh báo : triển khai lá chắn tên lửa THAAD có thể sẽ gây ra một cơn ác mộng cho Hàn Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170901-huyndai-lanh-du-vi-he-thong-la-chan-ten-lua-thaad-tai-han-quoc-ok