Tin khắp nơi – 01/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 01/08/2018

Lực lượng vũ trụ

có thể trở thành quân chủng mới của Mỹ?

Báo cáo của Ngũ Giác Đài về cách thức cơ cấu các thành phần trong quân đội chuyên trách về vũ trụ, bao gồm việc lập Lực lượng Vũ trụ hoặc Binh chủng Vũ trụ, sẽ không được đệ trình lên Quốc hội đúng hạn chót là ngày 1/8.

“Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng để phối hợp về bản báo cáo gửi đến Quốc hội”, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Trung tá Lục quân Jamie Davis, cho biết hôm 31/7. “Chúng tôi sẽ công bố báo cáo khi việc phối hợp hoàn tất, mà chúng tôi dự kiến là sẽ sớm thôi”.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi thành lập Lực lượng Vũ trụ là một quân chủng mới “riêng biệt và ngang hàng” với Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân Lục chiến và Tuần duyên.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp trong Tiểu ban Các Lực lượng Chiến lược của Hạ viện bày tỏ quan tâm đến việc lập ra Binh chủng Vũ trụ mới thuộc Không quân, hơn là lập ra một quân chủng mới.

Một báo cáo dự thảo, mà trang web liên quan đến tin tức quân sự Defense One có được, cho biết Ngũ Giác Đài đã sẵn sàng lập ra bộ tư lệnh tác chiến thống nhất thứ 11 vào cuối năm để tập trung vào lĩnh vực vũ trụ. Bộ Tư lệnh Vũ trụ Hoa Kỳ sẽ được thiết lập tương tự như Bộ Tư lệnh Hành quân Đặc biệt của Hoa Kỳ, giám sát các lực lượng đặc biệt thuộc các quân chủng khác nhau, và Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ, giám sát các hoạt động không gian mạng của mọi quân chủng.

Thời hạn chót để xét duyệt báo cáo về lực lượng vũ trụ của Ngũ Giác Đài là ngày 1/8, nhưng một quan chức nói với VOA rằng báo cáo sẽ xong “trong vòng vài ngày tới”.

https://www.voatiengviet.com/a/luc-luong-vu-tru-co-the-tro-thanh-quan-chung-moi-cua-my/4509051.html

 

TT Trump: Bộ trưởng Tư pháp nên ‘dừng ngay’

 cuộc điều tra của ông Mueller

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/8 kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions chấm dứt cuộc điều tra hình sự cấp liên bang về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và liệu có sự hợp tác nào giữa ban vận động bầu cử của ông với Moscow hay không.

Sau khi đăng hai bài ngắn trên Twitter công kích cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, ông Trump viết: “Đây là một tình huống kinh khủng và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nên chấm dứt cuộc truy sát chính trị sai lầm này ngay bây giờ, trước khi nó tiếp tục làm ô uế đất nước chúng ta thêm nữa”. Ông Trump còn viết thêm: “Ông Bob Mueller đầy những mâu thuẫn”.

Ông Trump không đưa ra bằng chứng cho thấy nhóm điều tra do ông Mueller đứng đầu có định kiến chống lại ông. Ông Mueller là người của đảng Cộng hòa và được những người đảng Cộng hòa chỉ định.

Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp cho biết bộ này không có bình luận ngay lập tức về các bài trên Twitter đó.

Phiên tòa đầu tiên là kết quả từ cuộc điều tra về cáo buộc Nga đã nỗ lực đưa ông Trump vào Tòa Bạch Ốc, và liệu có sự phối hợp nào của Nga với ban tranh cử của ông Trump không, đã bắt đầu trong tuần này. Viên cựu quản lý tranh cử của ông Trump, ông Paul Manafort, phải đối mặt với 18 tội danh về gian lận ngân hàng và gian lận thuế.

Moscow đã phủ nhận họ can thiệp vào chiến dịch bầu cử năm 2016, và ông Trump đã phủ nhận về bất kỳ sự thông đồng nào trong chiến dịch của ông.

(Reuters)

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-bo-truong-tu-phap-nen-dung-ngay-cuoc-dieu-tra-cua-ong-mueller/4509089.html

 

Cựu cố vấn của Trump, Paul Manafort đã ‘nói dối’

Cựu giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã “nói dối” và đã “tự đặt mình lên trên pháp luật,” các công tố viên đưa ra cáo buộc trên vào ngày đầu tiên của phiên tòa xét xử ông.

Paul Manafort đã cố gắng giấu hàng chục triệu đôla thu được từ 30 tài khoản ngân hàng nước ngoài trên ba quốc gia khác nhau, các công tố viên cho biết.

Ông Manafort đang phải đối mặt với 18 tội danh, bao gồm gian lận ngân hàng, và có thể phải đối mặt với 30 năm tù giam nếu bị kết tội.

New York Times cảnh báo Trump

Có nên quan ngại về thương chiến Mỹ – Trung?

Bốn lá bài chủ của TQ trong cuộc chiến thương mại

Tuy nhiên, vị cựu cố vấn chính trị đã không nhận tội.

Các công tố viên nói khoản tiền này là để tài trợ cho lối sống xa xỉ, xe hơi, quần áo và các mặt hàng khác, bao gồm một chiếc đồng hồ trị giá 21 triệu đôla.

Một chiếc áo khoác có giá tới 15.000 đô la và được làm từ một con chim đà điểu.

Paul Manafort là ai?

Trước khi gia nhập đội chiến dịch tranh cử của ông Trump vào mùa hè năm 2016, Paul Manafort từng làm việc cho một số chiến dịch tranh cử tổng thống cho đảng Cộng hòa, bao gồm cả các chiến dịch của Gerald Ford vào giữa những năm 1970 và Ronald Reagan từ năm 1978 đến 1980.

Là một người vận động hành lang, ông có danh tiếng là luôn đại diện cho những người-không-thể-đại-diện, bao gồm cựu tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, người bị cáo buộc tra tấn, bắt cóc và giết chết hàng ngàn đối thủ.

Ông Manafort đã đảm nhận vai trò giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump vào tháng 5/2016.

Nhưng ông Manafort nhanh chóng phải đối mặt với cáo buộc đã không tiết lộ hàng triệu đô la nhận được từ công việc tư vấn cho vị cựu tổng thống Ukraine thân Nga trước đó.

Đồng thời, Đảng Cộng hòa cũng thay đổi bản tuyên ngôn của đảng về cuộc xung đột ở Ukraine, loại bỏ quan điểm chống Nga.

Ông Manafort rời khỏi đội của ông Trump vào tháng 8/2016.

Bối cảnh

Các cáo buộc ông Manafort đang phải đối mặt không liên quan trực tiếp đến cuộc điều tra Trump-Nga can thiệp vào của cuộc bầu cử 2016.

Các cáo buộc này được đưa ra từ cuộc điều tra đặc biệt về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, do cựu giám đốc FBI Robert Mueller đứng đầu.

Các thông tin về công việc cố vấn của Manafort tại Ukraine và với các đối tác Nga dự đoán sẽ được tiết lộ trong phiên tòa.

Cho đến nay, 32 người và ba công ty đã bị ông Mueller buộc tội.

Tuy nhiên, các luật sư cho vị cố vấn đặc biệt nói rằng “chính phủ không có ý định công bố bằng chứng hay tranh luận liên quan đến nghi vấn cấu kết với chính phủ Nga”.

Cuộc điều tra của ông Mueller vẫn đang diễn ra.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45027542

 

Chiến lược của luật sư bảo vệ ông Manafort:

đổ tội cho nhân chứng

Các công tố viên Mỹ nói ông Paul Manafort, cựu Chủ tịch Ban vận động tranh cử của ông Trump, tin rằng ông ta đứng trên luật thuế và luật ngân hàng khi ông sử dụng các tài khoản nước ngoài để tuồn hàng triệu đô la kiếm được nhờ dịch vụ tư vấn chính trị ở Ukraine. Trong khi đó, luật sư của ông Manafort tìm cách đổ lỗi cho đối tác kinh doanh/ cựu cộng sự của thân chủ ông.

“Chúng ta chủ yếu có mặt ở đây là vì một người: người đó là ông Rick Gates,” luật sư Thomas Zehnle nói vào lúc khởi đầu lập luận của ông hôm thứ Ba 31/7 trong phiên xét xử ông Manafort về tội trốn thuế và gian lận tiền ngân hàng ở tòa án tp Alexandria, bang Virginia.

Luật sư Zehnle đổ lỗi cho ông Gates và các nhà tài phiệt Ukraine đã trả tiền cho ông Manafort để ông tư vấn chính trị cho cựu Tổng thống Viktor Yanukovych và Đảng các Khu vực, đảng thân Nga của ông Yanukovych.

Ông Manafort và ông Gates bị công tố viên đặc biệt Robert Mueller truy tố hồi năm ngoái và đầu năm nay về các cáo trạng liên quan đến công việc làm của họ tại Ukraine, trong khuôn khổ cuộc điều tra do công tố viên Mueller dẫn đầu về vai trò của Nga, xen vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Ông Gates tuyên bố nhận tội hồi tháng Hai về hai tội nhẹ, đồng thời ông đồng ý hợp tác với cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller. Và bây giờ thì ông Gates trở thành nhân chứng chủ yếu của phe công tố chống lại ông Manafort.

Ông Manafort tuyên bố không nhận tội gian lận thuế và ngân hàng.

Cáo trạng chính

Có hai cáo buộc chính chống ông Paul Manafort. Một là ông đã kiếm được hơn 60 triệu đô la về phí tư vấn chính trị ở Ukraine từ năm 2010 đến năm 2014, nhưng ông trốn đóng thuế tại Hoa Kỳ về hầu hết những món tiền ấy bằng cách thành lập các công ty vỏ bọc bí mật nhằm che giấu các khoản thu nhập dưới dạng “tiền vay”.

Hai là sau khi ông Yanukovych bị lật đổ vào năm 2014 và thu nhập của Manafort tại Ukraina cạn dần, ông xin vay tiền tại một số ngân hàng Mỹ bằng cách nói dối về mức thu nhập và mức nợ nần của ông.

Công tố viên Uzo Asonye nói: “Trong mỗi trường hợp, chứng cớ cho thấy ông Paul Manafort đã đặt cá nhân ông và tiền của ông lên trên luật pháp.”

Theo công tố viên Asonye, hồ sơ ngân hàng mà các công tố viên thu thập được cho thấy ông Manafort đã sử dụng dịch vụ chuyển tiền từ hơn 30 tài khoản ở nước ngoài để mua bất động sản trị giá 6 triệu USD, và nhiều mặt hàng xa xỉ, từ một chiếc đồng hồ trị giá 21.000 USD đến một chiếc áo khoác giá 15.000 USD.

Luật pháp Hoa Kỳ đòi hỏi người đóng thuế phải tiết lộ các lợi ích tài chính và các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Theo các công tố viên, ông Manafort dấu giếm sự hiện hữu của các tài khoản nước ngoài của ông với những người làm kế toán và giúp ông khai thuế.

Nhưng luật sư Zehnle bào chữa cho ông Manafort, đã tìm cách làm giảm nhẹ tội trốn thuế, bằng cách khai rằng đây chỉ là một vụ liên quan tới thuế và quên đánh dấu một ô trên tờ khai thuế.

Bên bị sẽ trình bằng chứng cho thấy ông Manafort từng báo cáo mức thu nhập điều chỉnh để đóng thuế cho giai đoạn từ năm 2005 đến 2015 là 30 triệu đô la, và công ty của ông báo cáo mức thu nhập trước khi điều chỉnh là hơn 92 triệu đô la trong cùng thời kỳ.

Người đóng thuế ở Hoa Kỳ thường bị kiểm toán thay vì “bị trừng phạt” khi phạm phải “những sai lầm” trên bản khai thuế. Luật sư Zehnle nói ông Manafort và công ty của ông không bị IRS kiểm toán trước cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt.

Các công ty vỏ bọc

Theo Luật sư Zehnle, hơn 20 công ty vỏ bọc bí mật mà ông Manafort bị cáo buộc sử dụng, đã được tạo ra theo đề nghị của những nhà tài trợ cho Đảng các Khu vực.

Những nhà tài trợ đã ” chỉ thị” cho ông Manafort rằng họ không muốn thấy tên của ông hoặc tên của ông Gates xuất hiện trên các trương mục/ tài khoản đó. Tuy nhiên, ông Gates vẫn ghi tên ông “để duy trì quyền kiểm soát” các tài khoản này.

Tấn công sự khả tín của nhân chứng là một chiến lược phổ biến của bên bị. Nhưng luật sư của ông Manafort dường như nhất quyết tấn công ông Rick Gates để tìm cách biến ông này thành thủ phạm chính trong vụ án.

“Đáng tiếc là sự tin tưởng mà ông Manafort dành cho ông Rick Gates đã bị đặt nhầm chỗ.”

Luật sư Zehnle, luật sư bảo vệ ông Paul Manafort

Luật sư Zehnle mô tả ông Gates là “nhân vật chính” trong công ty tư vấn về thuế và tài chính của ông Manafort.

Ông Zehnle nói ông Manafort đã tín cẩn và giao phó cho ông Rick Gates công việc điều hành các hoạt động thường ngày của công ty, thế mà thay vào đó ông Gates đã lạm dụng sự tin tưởng của ông Manafort để biển thủ “hàng chục triệu đô la của chủ nhân lâu năm của mình”.

“Đáng tiếc là sự tin tưởng mà ông Manafort dành cho ông Rick Gates đã bị đặt nhầm chỗ.”

Dự kiến vụ án sẽ kéo dài khoảng ba tuần.

Ông Manafort bị tống giam từ tháng 6 năm nay, khi một vị chánh thẩm tại một tòa án ở Washington thu hồi giấy tại ngoại hầu tra của ông Manafort về cáo buộc ông này đã tìm cách hăm dọa nhân chứng.

Công tố viên đặc biệt Mueller đã tập hợp được 35 nhân chứng để ra trước tòa làm chứng chống ông Manafort, trong số các nhân chứng có các nhà kế toán, cố vấn tài chính, chuyên viên khai thuế và nhân viên địa ốc.

Nhưng nhân chứng chủ yếu của phe công tố có thể là ông Rick Gates, cộng sự lâu năm của ông Manafort ở Ukraine và cũng là người mà sau này đã theo chân ông Manafort vào làm Phó Chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump.

Tháng 10 năm ngoái, ông Gates bị phe công tố truy tố trong tư cách đồng bị cáo với ông Manafort. Tuy nhiên ông Gates sau đó đồng ý hợp tác với phe công tố để đổi lấy hai tội nhẹ hơn trong khi ông Manafort vẫn tỏ thái độ thách thức, thề sẽ tiếp tục chống trả.

https://www.voatiengviet.com/a/chien-luoc-cua-luat-su-bao-ve-manafort-do-toi-cho-nhan-chung/4509008.html

 

Có khả năng các hài cốt Triều Tiên giao

là của binh sĩ Mỹ

Hơn 50 tiểu quách chứa hài cốt mà phía Triều Tiên bàn giao cho Hoa Kỳ vào tuần trước dường như là của binh sĩ phục vụ trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và có thể là của binh sĩ Mỹ, hãng tin Reuters trích lời một viên chức Mỹ cho biết, dựa theo kết quả phân tích pháp y ban đầu.

Một chiếc máy bay vận tải quân sự Mỹ hôm thứ Sáu 27/7 đã vận chuyển các hài cốt này từ thành phố Wonsan của Triều Tiên. Đây là bước đầu tiên trong việc thực hiện một thỏa thuận đạt được giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6.

Ông John Byrd, Giám đốc Phân tích của Cơ quan Tìm kiếm Tù binh (POW) và Người mất tích (MIA) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA), nói với các phóng viên tại căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc, trước khi đưa các bộ hài cốt đến Hawaii để phân tích và nhận dạng thêm: “Không có lý do gì để nghi ngờ các hài cốt này không liên quan đến những người thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.”

Ông Byrd cho biết một tấm “thẻ bài” dùng để nhận dạng binh sĩ cũng được phía Triều Tiên bàn giao. Gia đình của người lính đã được thông báo, mặc dù không rõ liệu hài cốt này này có phải là của người lính đó hay không, ông Byrd nói.

Các chuyên gia cho rằng việc xác định hài cốt có thể mất vài ngày đến vài thập niên.

https://www.voatiengviet.com/a/co-kha-nang-ca-hai-cot-trieu-tien-giao-la-cua-binh-si-my/4508917.html

 

Triều Tiên đứng đầu nghị trình của Mỹ

tại diễn đàn ASEAN

Triều Tiên sẽ là vấn đề đứng đầu nghị trình của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi ông lên đường đến dự một hội nghị an ninh Châu Á tại Singapore trong tuần này giữa những lo ngại mới về chương trình phi đạn đạn đạo và cam kết giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông Pompeo và bộ trưởng ngoại giao của Triều Tiên theo lịch trình đều sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hàng năm vào thứ Bảy tới đây, và các quan chức Mỹ cho biết một cuộc gặp gỡ giữa hai người có thể diễn ra, dù chưa được xác nhận, theo AP.

Triều Tiên là một trong 27 thành viên của diễn đàn này vốn là một địa điểm cho các cuộc gặp gỡ giữa các nhà ngoại giao hàng đầu từ Bình Nhưỡng và Washington. Singapore cũng là địa điểm của một hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi tháng trước giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Tại đó hai nhà lãnh đạo đã đạt một thỏa thuận chung chung về giải trừ hạt nhân.

Triều Tiên “sẽ có mặt trong phòng họp và chắc chắn sẽ có cuộc thảo luận về giải trừ hạt nhân,” AP dẫn lời một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay. Quan chức này không có thẩm quyền phát biểu công khai về kế hoạch của ông Pompeo và tiết lộ thông tin với điều kiện ẩn danh.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-dung-dau-nghi-trinh-cua-my-tai-dien-dan-asean/4508141.html

 

Facebook phát hiện nỗ lực mới

can thiệp bầu cử Mỹ 2018

Facebook phát hiện một chiến dịch mới có phối hợp nhằm gây ảnh hưởng chính trị để lừa mị người dùng và tổ chức các cuộc huy động trước cuộc bầu cử Quốc hội ở Mỹ vào tháng 11. Facebook ngày 31/7 cho biết đã đình chỉ hàng chục tài khoản giả mạo trên trang mạng xã hội này.

Một cánh tuyên truyền của Nga đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ bằng cách đăng và mua quảng cáo trên Facebook, theo Facebook và các cơ quan tình báo Mỹ dù Moscow phủ nhận dính líu vào nỗ lực này.

Facebook hôm thứ Ba cho biết đã loại bỏ 32 trang và tài khoản khỏi Facebook và Instagram, một phần trong nỗ lực chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong các cuộc bầu cử Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ nói những nỗ lực can thiệp đó là nguy hiểm cho nền dân chủ.

Facebook cho biết họ vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi của cuộc điều tra và chưa biết ai có thể đứng đằng sau chiến dịch gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử năm 2018 để quyết định liệu phe Cộng hòa có kiểm soát Quốc hội hay không.

Giám đốc Điều hành (COO) Sheryl Sandberg của Facebook cho biết những nỗ lực nhằm thao túng dư luận có thể trở nên phức tạp hơn để tránh sự giám sát của Facebook, và gọi đó là một “cuộc chạy đua vũ trang.”

“Hành vi này không được cho phép trên Facebook vì chúng tôi không muốn mọi người hoặc các tổ chức tạo ra các mạng lưới tài khoản để lừa dối người khác về chuyện họ là ai hoặc họ đang làm gì,” công ty cho biết trong một bài blog.

Hơn 290.000 tài khoản đã theo dõi cập nhật từ ít nhất một trong các trang này và khoảng 11.000 đôla đã được chi để đăng khoảng 150 quảng cáo, Facebook cho biết. Các trang này đã tạo khoảng 30 sự kiện kể từ tháng 5 năm 2017.

Facebook từ nhiều tháng qua đã hứng chịu chỉ trích về việc họ giám sát hoạt động gây ảnh hưởng trên website của mình và những mối lo ngại về quyền riêng tư của người dùng gắn với các thỏa thuận từ lâu nay với các nhà phát triển cho phép họ tiếp cận dữ liệu người dùng cá nhân.

Các quan chức của Facebook cho báo giới biết một tài khoản được biết tới thuộc Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga là đồng quản trị viên trong vòng bảy phút của một trong những trang giả tạo này, nhưng công ty không tin rằng đó là bằng chứng đầy đủ để qui trách chính phủ Nga về chiến dịch gây ảnh hưởng.

Công ty trước đó đã nói 126 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những nội dung chính trị được Nga hậu thuẫn trên Facebook trong khoảng thời gian hai năm và 16 triệu người có thể đã tiếp xúc với thông tin của Nga trên Instagram.

Adam Schiff, thành viên cao cấp nhất của phe Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ, hối thúc Facebook hành động nhắm vào các nhóm nước ngoài đang tìm cách làm lung lạc cử tri Mỹ và cảnh báo người dùng thực thụ rằng hoạt động như vậy, như đã thấy trong năm 2016, đang diễn ra trong năm nay.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr, một nghị sĩ Cộng hòa, cho biết trong một tuyên bố sẽ có một phiên điều trần vào ngày thứ Tư về mối đe dọa trên mạng nhắm vào an ninh bầu cử của Mỹ.

Ông Burr nói mục tiêu của các hoạt động gây ảnh hưởng “là gieo rắc bất hòa, ngờ vực, và chia rẽ trong một nỗ lực nhằm làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các thể chế của chúng ta và hệ thống chính trị của chúng ta. Người Nga muốn một nước Mỹ suy yếu.”

Washington đã áp đặt các chế tài lên Nga sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Moscow đã can thiệp nhằm làm suy yếu cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ, một trong những lí do khiến quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều đã nói họ muốn cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân.

Facebook tiết lộ hồi tháng 9 năm ngoái rằng người Nga đã sử dụng tên giả và sử dụng mạng xã hội này để cố gắng gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ trong những tháng trước và sau cuộc bầu cử năm 2016. Họ viết về những vấn đề gây chia rẽ, tạo ra các sự kiện và mua quảng cáo.

Các cơ quan tình báo Mỹ nói những hoạt vụ Nga đã tiến hành một chiến dịch kết hợp các bài viết giả mạo đăng trên mạng xã hội và tấn công tin tặc mạng lưới máy tính của Đảng Dân chủ, cuối cùng trở thành một nỗ lực trợ giúp ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, người đã giành chiến thắng bất ngờ trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

https://www.voatiengviet.com/a/facebook-phat-hien-no-luc-moi-can-thiep-bau-cu-my-2018/4508148.html

 

Google phiên bản kiểm duyệt

 sẽ có mặt tại Trung Quốc?

Google đang lên kế hoạch đưa ra phiên bản công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt dành cho Trung Quốc để chặn các trang web và các thuật ngữ nhất định, Reuters dẫn lại nguồn tin từ trang Intercept hôm 1/8 cho biết, dựa trên những tài liệu nội bộ của Google và những nguồn tin am tường về kế hoạch này.

Dự án có mã tên “Dragonfly” đã được triển khai từ mùa Xuân năm 2017, theo Intercept.

Tiến độ của dự án được đẩy nhanh sau cuộc họp vào tháng 12 giữa Giám đốc điều hành của Google, Sundar Pichai, và một quan chức hàng đầu của chính phủ Trung Quốc.

Theo tường thuật của Intercept, các thuật ngữ tìm kiếm về quyền con người, dân chủ, tôn giáo và các cuộc biểu tình ôn hòa sẽ nằm trong số những từ bị đưa vào danh sách đen trong ứng dụng công cụ tìm kiếm Google, và ứng dụng này đã được trình bày cho chính phủ Trung Quốc.

Phiên bản hoàn thiện có thể sẽ được đưa ra trong vòng 6 đến 9 tháng tới, trong khi chờ đợi sự chấp thuận của các quan chức Trung Quốc, trang tin tức Intercept cho biết thêm.

Google từ chối bình luận với Reuters về những chi tiết cụ thể được đề cập trong bài báo của Intercept, nhưng nói rằng công ty đã đưa ra nhiều ứng dụng di động ở Trung Quốc và làm việc với các lập trình viên địa phương, một phần của việc duy trì sự hiện diện của Google tại đây.

Cục quản lý Không gia ảo, cơ quan quản lý internet hàng đầu của Trung Quốc, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Công cụ tìm kiếm Google bị chặn ở Trung Quốc cùng với trang video của công ty này là YouTube, nhưng đại công ty công nghệ này lâu nay vẫn cố gắng xâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Hồi tháng Giêng, Google đã tham gia đầu tư vào trang trò chơi di động trực tuyến Trung Quốc Chushou, và đầu tháng này đã cho ra mắt trò chơi trí tuệ nhân tạo (AI) trên ứng dụng mạng xã hội WeChat của công ty Trung Quốc Tencent.

https://www.voatiengviet.com/a/google-phien-ban-kiem-duyet-se-co-mat-tai-trung-quoc/4509274.html

 

Nhà Trắng ủng hộ chính phủ dân tuý cực hữu của Ý

RFIHuê Đăng

Thủ tướng Ý, ông Giuseppe Conte, rất có thể là nhân chứng cho một bước ngoặt mới đầy kịch tính (như những bước ngoặt trước đây) trong lối ứng xử ngoại giao của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 30/07/2018 vừa qua tại Washington đã diễn ra một cuộc họp thượng đỉnh song phương giữa hai chính phủ Mỹ-Ý, và trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh bất ngờ tổng thống Mỹ đã tuyên bố “xanh rờn” rằng ông “sẵn sàng gặp gỡ các nhân vật Iran bất cứ lúc nào họ muốn“, thậm chí “không cần phải có những điều kiện tiên quyết“. Mới chỉ vài tuần trước đây, cũng chính Donald Trump đã “bất ngờ” tuyên bố phủ nhận các ký kết hiệp định về hạt nhân mà cựu tổng thống Barack Obama đã đạt được với nhà cầm quyền Teheran. Thậm chí cách đây mấy ngày, Donald Trump, một trong những đêm mất ngủ, đã Twitter toàn văn một bản thông điệp viết toàn bằng chữ hoa với nội dung hăm dọa, cảnh cáo các lãnh đạo Iran chớ có “xem thường Mỹ mà mang họa vào thân“.

Một quyết định trở cờ đầy ấn tượng khiến công luận không thể không liên tưởng đến màn kịch nổi tiếng trong vụ Bắc Triều Tiên với Kim Jong Un diễn biến nhanh chóng từ những lời thóa mạ đe doạ lẫn nhau đến cuộc gặp gỡ “thân mật” ở Singapore.

Tất cả những sự kiện kể trên đã phản ảnh bản năng “tự nhiên” của Donald Trump, vốn thích đóng “vai chính“, khoái diễn những màn “cụp lạc” để “khán giả” phải “hú tim“, và đề ra sách lược ngoại giao quốc tế của một cường quốc, cứ y như đang soạn kịch bản cho các phim “viễn tưởng – fiction” truyền hình.

Dĩ nhiên, dưới con mắt của chính phủ Ý, vốn đang chạy vạy cầu xin sự “ân sủng” của các nước lớn như Mỹ hay Nga để khỏa lấp những khó khăn chính trị nội bộ, thì tuyên bố “cụp lạc” nói trên của Donald Trump cũng là một tin lành cho các công ty Ý, và cả châu Âu, vốn có những “thương vụ business” với Iran và đang nằm trong thế “trên đe dưới búa“: những quyết định cấm vận của Washington có thể làm tổn hại đến hoạt động làm ăn của các công ty này trên lãnh thổ Iran. Có điều là sau tuyên bố cụp lạc đầy kịch tính trong buổi họp báo … chẳng ai nghe Donald Trump đả động gì đến chuyện cấm vận, và trước mắt là tình hình vẫn không có thay đổi gì cả.

Ngoài sự kiện “cụp lạc” vừa kể, nhìn chung cuộc họp thượng đỉnh của cặp đôi Trump-Conte được tiến hành theo đúng các bài bản đã được dự kiến. Cuộc họp đã diễn ra trong một bầu không khí “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” đầy màu sắc “cơ hội chủ nghĩa“. Donald Trump nhấn mạnh đến một nét đặc thù chung giữa hai người khiến Giuseppe Conte càng trở nên thân thiện và tương đồng dưới mắt của Trump: “Cả hai ta đều không phải là dân chính trị chuyên nghiệp“. Và Donald Trump đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn các quyết định cứng rắn trong vấn đề ngăn chận làn sóng di cư của phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini, lãnh đạo của đảng Lega cực hữu, bài ngoại và thân Putin: “Tôi nghe nói là Ý đang áp dụng đường lối rất cứng rắn về vấn đề nhập cư. Tất cả các nước châu Âu khác phải noi theo gương này của Ý“. Tất cả thể hiện rõ ràng sự “đồng cảm” giữa các nhân vật “ái quốc tôn thờ chủ nghĩa dân tộc – sovranisti” trong đường lối chống nhập cư.

Thêm vào đó, cả Trump lẫn Salvini, vốn là những chính trị gia dân tuý, đều ngưỡng mộ Vladimir Putin, dù rằng hiện nay tổng thống Mỹ vẫn còn bị cái bóng ma Russiagate đeo đuổi và còn đang bị Thượng Viện (dù với đa số đại biểu Cộng Hòa) và Lầu Năm Góc kềm chế: tất cả các chính sách cấm vận đối với Nga vẫn còn có hiệu lực. Nhưng đối với nhà chính trị dân tuý thì điều đó không đáng phải bận tâm. Quả thật như vậy, bởi vì ngay từ hội thượng đỉnh G7 ở Canada hồi tháng 6 vừa qua, cả Trump lẫn Conte đã cùng hướng về một viễn tượng trong đó Nga sẽ được “tái nhập” câu lạc bộ của các tai to mặt bự, dù rằng ai cũng biết rằng Nga đã bị “khai trừ” sau vụ sát nhập Crimée, một sự kiện vi phạm luật pháp quốc tế vô tiền khoáng hậu kể từ sau đệ nhị thế chiến, và tình hình vụ Crimée đến nay vẫn chưa thay đổi. Còn riêng Matteo Salvini thì vẫn cứ ra rả mỗi ngày là phải nhanh chóng xóa bỏ các trừng phạt cấm vận đối với Nga chỉ vì “nó gây thất thiệt đến các doanh số của các công ty Ý có hoạt động thương mãi với Nga“, và các công ty mà Salvini nói đến phần lớn là những công ty lớn bé nằm ở khu vực phía bắc nước Ý, vốn là cái “ao” cử tri của Lega.

Ngoài ra, thủ tướng Ý Giuseppe Conte cũng đã nhận được từ Donald Trump một sự ủng hộ “quý báu” về một kế hoạch nhằm tăng cường vai trò của Ý ở Lybia, theo đó một “cabin đạo diễn chung Ý – Mỹ” sẽ được thiết lập để giải quyết các vấn đề Lybia.

Như thế thì cuộc họp thượng đỉnh song phương Mỹ-Ý vừa qua có vẻ là một thành công rực rỡ. Xin chớ vội mừng. Cho đến bây giờ, chỉ có cái tính khí bốc đồng và bất thường của Donald Trump là điều chắc chắn duy nhất, đó là chưa kể đến sự “thủy chung” của Trump đối với các cử tri đã hết lòng hết dạ bỏ phiếu cho ông ta. Còn lại tất cả chỉ là mờ ảo hư hư thực thực, ngay đến cả những câu tán dương, những lời khen ngợi của Trump dành cho Conte cũng bao hàm nhiều ẩn số. Chẳng hạn tổng thống Mỹ tuyên bố tin chắc rằng chính phủ Ý sẽ đưa ngân sách dành cho NATO lên đến 2% tổng sản lượng GDP, và Ý cũng sẽ mua một mớ máy bay ném bom chiến lược F-35 (điều mà chính bản thân Luigi Di Maio, lãnh đạo phong trào 5 sao, đương kim phó thủ tướng Ý kiêm bộ trưởng Lao Động và Phát Triển Kinh Tế, đã từng tuyên bố chống lại vì đó là xa xỉ đối với ngân sách Nhà nước Ý). Đố ai biết được một nhân vật bốc đồng với tính khí bất thường như Trump sẽ có phản ứng như thế nào nếu ngày mai tất cả những “tin tưởng” kể trên không được chính phủ Ý làm thoả mãn?

Đi từ bốc đồng này sang bốc đồng khác, đố ai biết được trong tương lai Trump sẽ còn có những hành xử nào khác trong vấn đề Iran nếu một mai chính Do Thái và Ả Rập Xê Út sẽ “nhắc nhở” chính phủ Mỹ phải có một chính sách cứng rắn với Iran ?

Xem ra chỉ còn lại cái gọi là “bầu không khí thân thiện” với những cú vuốt đầu vỗ vai. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte có thể trở về Ý tuyên bố hồ hởi rằng ở Nhà Trắng, ông đã nhận được từ chính tay của Donald Trum cái ấn có “cầu chứng tại toà” hẳn hoi. Có một thời, sự ủng hộ của Mỹ là điều kiện tiên quyết cho mọi quyết định của chính phủ Ý. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã đổi khác: trong thời đại “American First” vai trò của người ngồi trong Nhà Trắng không còn được xem như của một lãnh đạo toàn cầu “hét ra lửa mửa ra khói“, ông cũng chẳng có một chính sách đồng minh rõ ràng, không chỉ đạo được một liên minh dựa trên những lợi ích chung. Nhưng ngược lại, Donal Trump có một đường lối rõ ràng của người chỉ muốn đập tan nát Liên Minh Châu Âu. Và trong chiều hướng đó thì chắc chắn đương kim tổng thống Mỹ sẽ tự động hiểu được ai là những bè bạn mới để cùng kề vai sát cánh với nhau.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180801-nha-trang-ung-ho-chinh-phu-dan-tuy-cuc-huu-cua-y

 

ARF: Cơ hội để Mỹ

tiếp tục gây sức ép với Bắc Triều Tiên

Anh Vũ

Cuối tuần này, Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF – thường gọi là Diễn đàn an ninh khu vực, được tổ chức tại Singapore. Sự kiện thường niên quy tụ các quan chức ngoại giao cao cấp của 26 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu chủ yếu để bàn các vấn đề an ninh trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Diễn đàn là cơ hội để cập nhật các diễn tiến sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, đồng thời cũng là dịp để Hoa Kỳ thúc đẩy cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực đòi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tham gia các hội nghị ở Singapore cuối tuần này có các ngoại trưởng những nước từng tham gia vào các cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân của Bình Nhưỡng như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Nhiều cuộc gặp song phương và đa phương sẽ được tổ chức bên lề các hội nghị chính thức. Với tư cách thành viên chính thức của ARF, Bắc Triều Tiên sẽ có dịp để thể hiện thiện chí và lập trường chính thức của họ trong tiến trình phi hạt nhân hóa đã được lãnh đạo Kim Jong Un cam kết.

Singapore là nơi cách đây hơn một tháng đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Donald Trump –Kim Jong Un. Một tiến trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên mở ra sau các cam kết về nguyên tắc của lãnh đạo hai nước. Từ đó đến nay, các bước cụ thể hóa tiến trình này đã được Bình Nhưỡng và Washington triển khai một cách cẩn trọng, theo từng bước cân nhắc thăm dò nhau. Trong khi đó, thi thoảng lại xuất hiện các chi tiết khiến dư luận không khỏi hoài nghi về thiện chí thực sự của Bắc Triều Tiên hay của Mỹ.

Theo giới quan sát, nhân ARF lần này, ông Pompeo và các quan chức ngoại giao cấp cao của nhiều nước liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ lưu tâm xem xét Bình Nhưỡng đã làm được gì để tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo Kim Jong Un đã ký tuyên bố chung đề cập đến việc « giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên ». Đó là một cam kết chung chung, quá xa so với đòi hỏi của Hoa Kỳ là Bắc Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân « toàn bộ, có kiểm chứng và không đảo ngược », cho dù sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bình Nhưỡng đã cố gắng tỏ thiện chí bằng một số việc làm cụ thể như dỡ bỏ cơ sở hạt nhân hay bãi thử tên lửa.

Những ngày gần đây xuất hiện nhiều thông tin nói rằng tình báo Mỹ dựa trên các ảnh vệ tinh cho rằng Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục chế tạo tên lửa mới. Trước đó, trong một phiên điều trần trước Quốc Hội Mỹ, ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định, Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất các vật liệu hạt nhân.

Những thông tin như vậy không làm giới phân tích chính trị ngạc nhiên nhiều. Theo ông Hary Kazianis, thuộc trung tâm nghiên cứu chính trị Mỹ, Center for the Nationel Interest, thì tại thượng đỉnh Singapore hôm 12/06 vừa rồi, ông Kim Jong Un không hề hứa ngừng hoạt động các cơ sở chế tạo tên lửa mà chỉ cam kết « hành động » giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Đó là một quá trình mà Bình Nhưỡng đang tiến hành thương lượng với Washington.

Chuyên gia Joel Wit, người sáng lập trang thông tin 38 North chuyên theo dõi Bắc Triều Tiên nhắc lại rằng thượng đỉnh Trump –Kim mới chỉ dẫn tới ký tuyên bố chung, chứ chưa phải là một thỏa thuận. Trong thời gian đàm phán để đi tới ký một thỏa thuận, hai bên sẽ không thể dừng lại tất cả để chờ đàm phán diễn ra thế nào. Như vậy Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục bình thường chương trình của họ cho đến khi đàm phán có kết quả.

Tuy nhiên, theo ông Bruce Bennett, trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, những hình ảnh vệ tinh về các hoạt động tại các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng cho thấy Bắc Triều Tiên đang tìm cách gây áp lực ngược trở lại với Washington để đòi gỡ bỏ từng phần trừng phạt quốc tế. Chuyên gia Brunett nhận định, Bắc Triều Tiên « muốn giảm nhẹ trừng phạt dần dần theo đó họ sẽ ngừng một số hoạt động » liên quan đến chương trình vũ khí.

Theo một quan chức cao cấp ngoại giao Mỹ, tại ARF ở Singapore cuối tuần này, ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đề nghị các nước châu Á tiếp tục thực thi trừng phạt Bắc Triều Tiên để ép nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Quan chức Mỹ nói trên cho biết, không loại trừ khả năng, ông Pompeo gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên bên lề ARF để tiếp tục các cuộc thương lượng về giải trừ vũ khí hạt nhân. Mối đe dọa của Bắc Triều Tiên năm nay chắc hẳn không còn là chủ đề trọng tâm của ARF như mọi năm, thay vào đó là tiến trình tiến tới giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ được chú ý trong bối cảnh quan hệ Mỹ -Triều đang dịu xuống, tuy không có mấy tín hiệu lạc quan.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180801-arf-co-hoi-de-my-tiep-tuc-gay-suc-ep-voi-bac-trieu-tien

 

Tư pháp Mỹ cấm làm súng tự tạo

bằng máy in 3D

Thanh Phương

Trên nguyên tắc, kể từ hôm nay, 01/08/2018, người dân Mỹ có thể tự sản xuất súng bằng máy in ba chiều 3D, với bản vẽ mà họ có thể tải về từ trang web của một công ty chuyên kinh doanh sản phẩm này. Nhưng hôm qua, một thẩm phán liên bang vào giờ chót đã ngăn chận việc phổ biến các bản vẽ đó.

Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier gởi về bài tường trình :

« Tối thứ Ba, Cody Winson đã chấp hành lệnh vào giờ chót của ngành tư pháp. Trên trang web của công ty này, người ta vẫn có thể tham khảo danh mục hàng hóa, nhưng không thể tải về những bản vẽ để tự sản xuất súng bằng máy in ba chiều.

Việc phổ biến các bản vẽ nói trên lẽ ra đã được cấp phép kể từ hôm nay, 01/08/2018, tuy nhiên, ít nhất một bản vẽ đã có thể được tải ngay từ thứ Sáu tuần trước. Cách đây vài năm, tư pháp chỉ can thiệp khi đã có đến 100.000 bản vẽ như vậy được tải về.

Từ lâu, công ty Cody Wilson đã nỗ lực vận động để dự án của họ được chấp nhận. Tháng Sáu vừa qua, họ nghĩ là đã giành được phần thắng, khi chính quyền liên bang cho phép công ty này bán các bản vẽ để làm súng tự tạo.

Nhưng tranh cãi về vấn đề này đã trở nên ngày càng gay gắt. Trong khi các chính khách đã không thể ngăn cấm việc phổ biến các bản vẽ, thì cuối cùng một thẩm phán liên bang ở Seattle đã lấy trách nhiệm ngăn chận việc này. Công ty Cody Wilson chắc là sẽ tiếp tục đòi tôn trọng quyền tự do thông tin và tự do trang bị vũ khí. Nhưng mỗi năm đã có 30 000 người chết vì súng ở Mỹ và ngay cả tổng thống Donald Trump cũng không mấy hứng thú với phát minh công nghệ này. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180801-tu-phap-my-cam-lam-sung-tu-tao-bang-may-in-3d

 

Không ai thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay Mexico

Trong khi cất cánh giữa mưa bão hôm 31/7, một máy bay của hãng Aeromexico đã lao xuống một cánh đồng gần đó rồi trượt đi cho đến khi dừng lại trong trạng thái còn nguyên vẹn. Tất cả 103 người trên máy bay đều đã thoát thân trước khi lửa bùng lên bao trùm chiếc máy bay.

Các hành khách thấy may mắn vì còn sống sót, nhưng nhiều người vô cùng run sợ sau vụ tai nạn.

“Nó thực sự rất tồi tệ”, Lorenzo Nunez, một hành khách từ Chicago, nói. Ông đã chạy khỏi máy bay cùng với vợ và hai con trai. “Lửa bùng lên chỉ trong vài giây”, ông nói với các phóng viên.

Những người sống sót cho hay chiếc máy bay Embraer 190 đã bốc cháy ngay sau khi nó chạm đất.

Thống đốc bang Durango, Jose Aispuro, cho biết một cơn gió giật đã tác động đến chiếc máy bay thực hiện chuyến bay AM2431 từ thành phố Durango đến Mexico City ngay khi nó rời đường băng, buộc phi công phải hủy bỏ việc cất cánh.

Ông Aispuro nói còn quá sớm để suy đoán về nguyên nhân của vụ tai nạn. Lỗi máy móc và lỗi con người có thể là các yếu tố liên quan, nhưng chắc chắn thời tiết cũng không thuận lợi. Gió mạnh và mưa lớn, kèm theo mưa đácó kích thước như viên bi ve, đã đổ xuống thành phố Durango, thậm chí gây hư hại cả các nhà chứa máy bay tại sân bay.

“Điều quan trọng nhất trong tai nạn nghiêm trọng này là về bản chất đã không có ai thiệt mạng – đó là điều đáng khích lệ nhất đối với chúng tôi”, ông Aispuro nói tại một cuộc họp báo.

Sau tai nạn, một số hành khách đã rời khỏi máy bay trước khi những nhân viên cứu hộ đầu tiên đến nơi. Một số người cần trợ giúp y tế, trong khi những người khác vội vã về nhà với người thân. Các quan chức đã dành phần lớn buổi chiều để thu thập thông tin và xác nhận chắc chắn về tất cả những người sống sót.

Các quan chức cho biết 49 người đã nhập viện – hầu hết đều bị thương nhẹ. Phi công bị thương nặng nhất, với tổn thương cổ tử cung cần phải phẫu thuật. Một số người bị bỏng trên một phần tư cơ thể, phát ngôn viên Sở Y tế bang Durango, Fernando Ros, nói. Ông Aispuro cho rằng tất cả những người bị thương đều sẽ qua khỏi.

(AP)

https://www.voatiengviet.com/a/khong-ai-thiet-mang-trong-vu-tai-nan-may-bay-mexico/4508914.html

 

Nga – Nhật nồng ấm,

”Bộ Tứ” dễ bề kiềm chế Trung Quốc

Trọng Thành

Từ hơn nửa năm nay, chủ trương hợp tác “Bộ Tứ”(bao gồm bốn quốc gia Mỹ-Nhật-Úc-Ấn) tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, để kiềm chế thế lấn tới của Trung Quốc, được quảng bá rộng rãi. Thế nhưng vai trò của nước Nga ra sao trong cục diện mới này ? RFI giới thiệu các nhận định của tiến sĩ Vinay Kaura. Theo chuyên gia Ấn Độ, nếu quan hệ Nga – Nhật nồng ấm, “Bộ Tứ” sẽ dễ bề hợp tác, ngăn chặn tham vọng thống trị của Bắc Kinh.

Bài viết của tiến sĩ Vinay Kaura (1), chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại Học Sarday Patel, bang Rajasthan, được đăng tải hôm qua, thứ Ba 31/07/2018, đúng vào ngày diễn ra cuộc đối thoại theo cơ chế 2+2, giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Nga – Nhật.Về phía Nga, có ngoại trưởng Serguei Lavrov và bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigou, về phía Nhật là ngoại trưởng Taro Kono và bộ trưởng Quốc Phòng Itsomori Onodera.

Đối thoại 2+2 với một quốc gia không đồng minh

Nhà nghiên cứu Ấn Độ đặc biệt chú ý đến cuộc họp Nga – Nhật ngày hôm qua, thứ Ba 31/07/2018, tại Matxcơva, theo cơ chế 2+2. Vậy vì sao cơ chế này lại được chú ý như vậy ?

Theo tiến sĩ Vinay Kaura, cơ chế 2+2 nói trên vốn chỉ dành cho các đồng minh thân thiết, trong khi đó Nga và Nhật vốn hoàn toàn không phải như vậy, chưa kể trong suốt lịch sử thế kỷ 20, hai quốc gia này lại thường là đối thủ của nhau. Trong cuộc chiến đầu tiên năm 1904-1905, Nhật xâm chiếm lãnh thổ của Nga, và ngược lại trong cuộc chiến thứ hai (Thế Chiến Hai), Nga chiếm đất của Nhật.

Năm 1956, Nhật Bản và Liên Xô ký kết một tuyên bố đình chiến và thiết lập quan hệ ngoại giao, thế nhưng một hiệp đinh hòa bình chính thức song phương vẫn chưa đạt được, do các tranh chấp về lãnh thổ. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Matxcơva và Tokyo đều giữ khoảng cách. Trong suốt hai thập niên gần đây, nhiều nỗ lực đã được tiến hành để cải thiện quan hệ song phương, nhưng không mấy kết quả.

Chính vì vậy, việc Nga – Nhật thiết lập cơ chế đối thoại 2+2 kể từ tháng 11/2013, được coi là một nỗ lực mang tính đột phá, mang lại hy vọng đưa quan hệ song phương sang một thời kỳ mới (một điều đáng chú ý là Tokyo và Matxcơva thiết lập cơ chế đối thoại nói trên chỉ một tháng sau khi Mỹ-Nhật thực thi đầy đủ cơ chế đối thoại hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng – người viết).

Cuộc khủng hoảng Ukraina, với việc Nga sát nhập bán đảo Crimée của nước này, khiến quan hệ giữa Matxcơva và Tokyo đột ngột lâm vào khủng hoảng, với việc Nhật Bản tham gia vào các trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên cũng chính Nhật Bản là nước phương Tây đầu tiên nối lại các đối thoại cấp bộ trưởng với Nga. Trong chuyến công du Nhật của tổng thống Nga Putin, tháng 12/2016, một cuộc đối thoại 2+2 lần thứ hai giữa Nga và Nhật đã được tổ chức vào tháng 3/2017 (xem thêm : Hội đàm Nga – Nhật: Bắc Triều Tiên và tranh chấp Kuril là trọng tâm).

Trung Quốc : Nga vừa hợp tác, vừa lo

Vì sao Nhật Bản nỗ lực để cải thiện quan hệ quốc phòng và ngoại giao với Nga ?

Theo chuyên gia Ấn Độ, một trong lý do cơ bản để Tokyo hết sức cố gắng để cải thiện quan hệ với Nga là để không cho Matxcơva và Bắc Kinh xích lại gần nhau, đặc biệt về mặt quân sự, bởi một trục Nga – Trung khăng khít sẽ gây khó khăn cho các hợp tác chiến lược khác của Nhật, đặc biệt trong đó có trục hợp tác Bộ Tứ, bao gồm Mỹ – Nhật – Ấn và Úc (tức Quad – chữ viết tắt của Quadrilateral Security Dialogue).

Như vậy, việc quan hệ Nga – Nhật nồng ấm không chỉ có ý nghĩa cho quan hệ song phương, mà còn mang lại một thay đổi hết sức quan trọng cho cục diện chiến lược của toàn bộ châu Á.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ý thức rõ môi trường an ninh phức tạp ở Đông Bắc Á, nơi có một Trung Quốc đang ngày càng độc đoán, một Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi đó chính sách của Hoa Kỳ ngày càng trở nên khó lường đoán, khi nhà tỉ phú Donald Trump tiền hậu bất nhất trị vì tại Nhà Trắng.

Một đối trọng với Bắc Kinh

Triển vọng hợp tác Nga – Nhật trong tình thế mới này ra sao ?

Trước hết phải ghi nhận là, về phía nước Nga, Matxcơva có nhiều quan hệ mật thiết với Bắc Kinh về kinh tế và chiến lược. Một liên minh khăng khít với Trung Quốc, có thể giúp chính quyền Putin củng cố uy thế trên trường quốc tế, thế nhưng Matxcơva cũng không muốn hỗ trợ cho tham vọng gia tăng của Trung Quốc, muốn trở thành « siêu cường châu Á duy nhất », tạo nên một hệ thống lưỡng cực mới, trong thế đối đầu với Hoa Kỳ.

Để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt « chiến lược », Nga cũng cố gắng phát triển các quan hệ với các cường quốc châu Á khác, đặc biệt là với Nhật Bản và Việt Nam. Chính quyền Putin hiểu rằng có thể sử dụng quan hệ với Nhật Bản để đối trọng với Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Matxcơva và Tokyo liên tục có các thương lượng để tìm ra một giải pháp bền vững cho xung đột chủ quyền lâu nay, liên quan đến quần đảo Kuril, do Nga kiểm soát, mà Nhật Bản gọi là « các vùng lãnh thổ phương Bắc ». Những vùng lãnh thổ mà, theo Tokyo, đã bị quân đội Liên Xô chiếm đóng từ năm 1945.

Nhật cũng có nhiều kế hoạch hợp tác kinh tế với Nga tại các đảo tranh chấp, để tăng cường lòng tin. Cụ thể là trong năm lĩnh vực, nghề cá, trồng cây trong nhà kính, du lịch, năng lượng gió và xử lý rác thải. Matxcơva hiện đang xem xét ký kết một thỏa thuận với Nhật, xây một cây cầu dài 28 hải lý, nối liền hòn đảo Sakhalin của Nga, với đảo lớn Hokkaido, cực bắc Nhật Bản.

Đặc biệt là Nhật và Nga đang hướng đến các hợp tác an ninh mật thiết. Cuốn Sách Xanh mới nhất của bộ Ngoại Giao Nhật (Diplomatic Bluebook 2017) mô tả quan hệ song phương với Nga là « có tiềm năng hết sức lớnlao », đồng thời khẳng định quan hệ này sẽ đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực (xem thêm : Nga muốn tổ chức thượng đỉnh Nam-Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản).

Nhân tố hàn gắn

Về phần mình, Ấn Độ có thể làm gì để thúc đẩy quan hệ Nga – Nhật ?

Ấn Độ không chỉ hợp tác mật thiết với Nga mà cả với Nhật. Đây là hai quốc gia duy nhất mà New Delhi tổ chức hàng năm các hội kiến ở cấp thượng đỉnh, với Nga là từ năm 2000, và với Nhật là từ năm 2006. Quan hệ đặc biệt, lâu bền này khiến Ấn Độ có thể trở thành một nhà trung gian, hay một nhà môi giới hòa giải, mà Matxcơva và Tokyo có thể mời đến, mỗi khi quan hệ song phương Nhật – Nga gặp trục trặc.

Matxcơva vốn nhìn Bộ Tứ Ấn Độ -Thái Bình Dương với cặp mắt ngờ vực. Nhưng Ấn Độ và Nhật Bản cũng là thành viên của Bộ Tứ. Nếu cảm thấy bị liên minh Bộ Tứ đe dọa, Nga có thể siết chặt quan hệ với Trung Quốc. Chính ở đây mà Nhật Bản và Ấn Độ có vai trò rất lớn trong việc gây dựng lòng tin với Nga. Bởi hai quốc gia châu Á này không chia sẻ quan điểm của chính quyền Mỹ, coi nước Nga là một  « thách thức lớn về an ninh », một quốc gia gây bất ổn. Như vậy, Bộ Tứ, với hai thành viên Nhật – Ấn, chắc chắn sẽ không phải là một khối lập ra để đối đầu với Nga.

Đọc thêm : Hội kiến Modi – Putin tại Nga có ý nghĩa gì với Ấn Độ ?

Trong lúc Ấn Độ thể hiện rõ ràng là không làm gì để bị coi như là ngăn chặn lợi ích hay ảnh hưởng của Nga, thì Nhật Bản vẫn tiếp tục đón tiếp các quan chức quân sự cao cấp của Nga vốn bị phương Tây trừng phạt. Cuộc gặp không chính thức giữa thủ tướng Ấn và tổng thống Nga tháng 5/2018 tại Sotchi cũng chính là dịp để New Delhi khẳng định Nga không phải là đối tượng của liên minh Bộ Tứ (2).

Chuyên gia Ấn Độ kết thúc bài phân tích với nhận định : quan hệ Nga với Trung Quốc không tránh khỏi những mặt tiêu cực. Mỗi lần như vậy Matxcơva có thể tìm lại thế cân bằng thông qua mối quan hệ chiến lược với Nhật Bản và Ấn Độ.

Ghi chú

(1) Tiến sĩ Vinay Kaura là phó giáo sư khoa Quan Hệ Quốc tế và Nghiên cứu An Ninh, Đại Học Sardar Patel (Sardar Patel University of Police, Security, and Criminal Justice).

(2) Nhà nghiên cứu Vinay Kaura tỏ ra không mấy tin tưởng vào diễn biến « tích cực » mới đây trong quan hệ Ấn – Trung, sau thượng đỉnh Tập Cận Bình – Narendra Modi tại Vũ Hán, cuối tháng 4/2018. Theo ông, « thỏa thuận Vũ Hán » chỉ có ý nghĩa như một sự hòa hoãn, khiến vùng biên giới phía bắc của Ấn Độ tạm thời không bị Trung Quốc quấy phá.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180801-nga-nhat-nong-am-bo-tu-de-be-kiem-che-trung-quoc

 

Vụ Benalla : Quốc Hội Pháp

bác hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ

Thanh Phương

Hôm qua, 31/07/2018, Quốc Hội Pháp, mà đảng của tổng thống Emmanuel Macron chiếm đa số, đã bác bỏ hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, do đảng đối lập cánh hữu và liên đảng đối lập cánh tả đệ trình trong khuôn khổ vụ Benalla.

Lên phát biểu để bảo vệ cho kiến nghị của đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng Hòa, dân biểu Christian Jacob tuyên bố vụ Benalla là vụ tai tiếng của một vị nguyên thủ quốc gia đã che chở, đã quá ưu đãi một nhân vật giúp đỡ mình. Theo ông Jacob, vụ này sẽ để lại những dấu vết sâu đậm về chính trị và đạo đức đối với tổng thống.

Dân biểu Cộng Sản André Chasaigne, phát biểu bảo vệ cho kiến nghị của liên đảng cánh tả ( Xã Hội, Cộng Sản, Nước Pháp Bất Khuất ), thì cho rằng vụ Macron-Benalla « đã làm hé lộ thực tế về các hành xử quyền lực của tổng thống » và « đã mở ra một vết thương sẽ không bao giờ khép lại được ».

Đáp lại hai vị dân biểu trên, thủ tướng Edouard Philippe chỉ trích phe đối lập đã thông qua vụ Benalla và việc đệ trình các kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ để làm suy yếu tổng thống Macron.

Việc đệ trình hai kiến nghị của đảng cánh hữu và liên đảng cánh tả thật ra chỉ mang tính biểu tượng, vì hai kiến nghị này không thể thu đủ đa số 289 phiếu cần thiết để được thông qua. Tuy nhiên, đây là cách để phe đối lập buộc chính phủ phải giải trình về vụ Benalla, đồng thời là dịp để họ lên án chính phủ muốn che giấu sự thật về vụ này.

Nguyên là trợ lý về an ninh của tổng thống Macron, Alexandre Benalla hiện đang bị điều tra vì đã có hành vi bạo lực với người biểu tình ngày 01/05 tại Paris. Chính phủ và phủ tổng thống Pháp cho tới nay vẫn cố làm giảm nhẹ vụ này, khẳng định đây chỉ là « sai lầm cá nhân », chứ không phải là một vụ « tai tiếng cấp Nhà nước ». Dầu sao đây là khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất là tổng thống Macron phải đối phó kể từ khi lên cầm quyền vào năm ngoái.

http://vi.rfi.fr/phap/20180801-vu-benalla-quoc-hoi-phap-bac-hai-kien-nghi-bat-tin-nhiem-chinh-phu

 

Đức khôi phục quy chế đoàn tụ gia đình

cho người tị nạn

Anh Vũ

Tại Đức, các quy định mới về đoàn tụ gia đình cho những người nhập cư bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, 01/08/2018. Khả năng đoàn tụ gia đình đã bị loại bỏ từ năm 2016 đối với người tị nạn, đến từ các vùng chiến sự và đã được cấp thẻ cư trú tạm thời, trong đó chủ yếu là người Syria.

Quy định mới cho phép những đối tượng trên có thể mời người thân đến Đức, nhưng với các tiêu chí khắt khe hơn. Mặc dù vậy chủ trương này đã gây tranh cãi gay gắt trong chính giới cũng như dư luận Đức.

Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibaut, tường trình :

Với một số người thì đó là vấn đề nhân đạo, các gia đình phải được sống cùng nhau. Chính điều đó tạo thuận lợi cho họ hòa nhập. Còn một số khác thì nhấn mạnh những người tỵ nạn đến từ các vùng chiến sự sẽ chỉ được định cư tạm thời tại Đức, rồi phải hồi hương. Một số ý kiến theo quan điểm cực tả thì cho rằng có thể có thêm hàng trăm nghìn người nhập cư vào Đức nhờ các quy định mới.

Chủ đề đang rất nóng này đã làm dấy lên các cuộc tranh luận gay gắt ngay trong chính giới. Sau hơn hai năm quy định đoàn tụ gia đình bị hủy, người tị nạn đến từ những vùng chiến sự, như Syria chẳng hạn, sẽ có thể đưa vợ chồng con cái họ đến đoàn tụ tại Đức.

Nhưng số lượng sẽ bị hạn chế : 1.000 người mỗi tháng. Các tiêu chí để đoàn tụ cũng chặt chẽ : Thời gian xa cách, có hay không có con nhỏ, mức độ nguy hiểm đe dọa tính mạng của những người liên quan, hay các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng… Những tiêu chí chứng minh sự hội nhập tốt của họ cũng sẽ được tính đến, như các thành viên trong gia đình đã ở Đức có việc làm hay không, được đào tạo hay nói tốt tiếng Đức hay không.

Bộ Ngoại Giao Đức thống kê có hơn 30 000 đơn xin đoàn tụ, chủ yếu của người Syria và Irak. Trong đó cũng chỉ có một số ít được chấp thuận. Nhưng những người có tiền thì vẫn tìm cách đưa người thân của họ vào Đức bất hợp pháp“.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180801-duc-khoi-phuc-quy-che-doan-tu-gia-dinh-cho-nguoi-ti-nan

 

Iran hoài nghi

về đề nghị đàm phán của TT Trump

Iran hôm thứ 31/7 bày tỏ hoài nghi về đề nghị của Tổng thống Donald Trump nói ông sẵn sàng đàm phán với các đối tác Iran “bất cứ lúc nào”, nhưng các quan chức cấp cao của nước Cộng hòa Hồi giáo này không lập tức bác bỏ đề nghị ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

không nên lập tức gạt sang một bên đề nghị đàm phán của TT Mỹ Donald Trump.

Giáo sĩ Ali Akbar Nategh Nouri, một thành viên của Hội đồng Nhận thức hòa hợp Iran

Giáo sĩ cấp cao Ali Akbar Nategh Nouri, một thành viên thuộc Hội đồng Nhận thức hòa hợp Iran, một cơ quan có nhiều thế lực, cho rằng đề nghị của TT Trump hôm 30/7 rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani, không nên bị lập tức gạt sang một bên.

Ông Nategh Nouri, từng là phụ tá của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, nói: “Đề xuất đó nên được thảo luận trong Hội đồng An ninh Quốc gia”. Ông Nouri nói Iran phải cân nhắc động thái của Mỹ nhưng ông khuyến cáo: “chúng ta không nên vui mừng hay tỏ ra quá phấn khích về đề nghị này.”

“Ông Trump có thể lợi dụng sự phấn khích quá mức của chúng ta”, ông khuyến cáo, “Đây có thể là một cách để trắc nghiệm phản ứng của chúng ta.”

Ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi một thỏa thuận đạt được hồi đầu năm giữa Iran với một số cường quốc nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Hôm thứ Hai giữa lúc các biện pháp trừng phạt mới được tái khởi động, ông Trump tin rằng Iran sẽ liên lạc và đề nghị trở lại bàn đàm phán, ông nói “chúng tôi đã sẵn sàng để đi dến một thỏa thuận thực sự.”

Hôm thứ Hai, ông nói ông có thể gặp phía Iran mà “không đặt ra điều kiện tiên quyết”, ông Trump nói thêm “nếu Iran muốn gặp, tôi sẽ gặp họ bất cứ lúc nào họ muốn.”

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng có một cuộc điện đàm ngắn với Tổng thống Rouhani hồi năm 2013, lúc đang tiến hành các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận hạt nhân. Đây là lần đầu tiên Tổng thống hai nước trao đổi với nhau kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, và vụ tấn công vào Đại sứ quán Hoa Kỳ, dẫn tới việc cắt đứt quan hệ bang giao giữa hai nước.

Trong những bình luận công khai đầu tiên của ông sau đề nghị của Tổng thống Trump, ông Rouhani tránh đề cập tới những bình luận của ông Trump, mà thay vào đó, nhấn mạnh với các nước khác cũng tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran, về sự cần thiết phải thực hiện cam kết của họ sẽ cố vớt vát thỏa thuận này.

Sau khi hội đàm với tân Đại sứ Anh Rob Macaire, ông Rouhani nói: “Hôm nay chúng ta đang ở tại một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử liên quan tới thỏa thuận hạt nhân, và các biện pháp minh bạch của các nước châu Âu nhằm bù đắp lại cho động thái bất hợp pháp của Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận, là điều rất quan trọng đối với đất nước Iran”.

Anh, cùng với Trung Quốc, Đức, Pháp, Nga và Liên minh châu Âu đang đàm phán với Iran về cách làm thế nào để duy trì thỏa thuận này.

Giới lãnh đạo Iran trước đây bác bỏ đàm phán trực tiếp với ông Trump sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân.

ISNA, hãng tin bán chính thức của Iran, trích lời ông Hamid Aboutalebi, cố vấn chính trị của Tổng thống Rouhani, nói rằng muốn đàm phán diễn ra, Mỹ phải lật ngược quyết định rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký kết.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-hoai-nghi-ve-de-nghi-dam-phan-cua-tt-trump/4507775.html

 

Iran bác bỏ đề nghị đối thoại của Trump

Thanh Phương

Hôm qua, 31/07/2018, Iran đã bác bỏ những tuyên bố của tổng thống Donald Trump sẵn sàng đối thoại không cần điều kiện tiên quyết với các lãnh đạo Teheran.

Ông Trump đã đưa ra đề nghị nói trên hôm thứ Hai, 30/07. Hôm nay, tổng thống Mỹ thậm chí còn khẳng định các cuộc thảo luận với phía Iran có thể sẽ diễn ra « rất sớm ».

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi gởi về bài tường trình :

« Nhiều quan chức cao cấp của Iran đã bác bỏ những tuyên bố của tổng thống Donald Trump. Bộ trưởng Quốc Phòng Iran nói thẳng là không thể tin tưởng vào Mỹ. Một số lãnh đạo Iran đòi hỏi là Hoa Kỳ trước hết phải trở lại thỏa thuận hạt nhân mà họ đã rút ra ngày 12/05 vừa qua.

Về phần ngoại trưởng Iran, trên mạng xã hội Twitter, ông nhắc lại rằng Washington và Teheran đã mất hai năm thương lượng để đạt được thỏa thuận hạt nhân. Ông Mohamad Javad Zarif tuyên bố : « Hoa Kỳ phải tự trách mình là đã rời bỏ bàn thương lượng ». Ông nói thêm rằng « những lời đe dọa, những trừng phạt và những cử chỉ nhằm tác động dư luận sẽ chẳng đi đến đâu ».

Nhưng phản ứng dữ dội nhất là đến từ tướng Mohamad Ali Jafari, tư lệnh lực lượng Vệ binh Cộng Hòa, lực lượng tinh nhuệ của Iran. Viên tướng này nói với tổng thống Donald Trump rằng Iran không phải là Bắc Triều Tiên : « Đừng nên hy vọng hão huyền là các lãnh đạo Iran sẽ xin gặp ông hoặc được nhân dân Iran cho phép gặp ông. Cho đến chết ông sẽ không bao giờ thấy ngày đó ».

Các lãnh đạo Iran đã phản ứng như trên, trong khi chưa đến một tuần nữa là đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ theo dự kiến sẽ có hiệu lực, ngày 06/08. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180801-iran-bac-bo-de-nghi-cua-trump-ve-doi-thoai-voi-teheran

 

Hai miền Triều Tiên hội đàm về an ninh quân sự

Cuộc đàm phán quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 31/7 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã giúp xây dựng lòng tin giữa hai miền, nhưng chưa đi đến một biện pháp cụ thể nào để cắt giảm binh sĩ và vũ khí ở khu vực biên giới.

Các nhà lãnh đạo quân đội hai bên đã thảo luận biện pháp thực hiện các khía cạnh liên quan đến an ninh của thỏa thuận thượng đỉnh liên Tiên nhằm giảm căng thẳng khu vực biên giới và “chấm dứt tất cả các hành vi thù địch chống lại nhau.”

Hai bên đã trao đổi quan điểm về việc có thể làm giảm số lượng lực lượng quân sự và vũ khí trong khu phi quân sự DMZ và tiến hành một cuộc khai quật chung tại khu vực biên giới tìm kiếm hài cốt của người lính đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.

Vào tháng 4, Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đồng ý chuyển đổi khu DMZ, rộng 4 km dài 250 km, và Đường giới hạn phía Bắc kéo dài ra tới biển, thành Vùng hòa bình để ngăn chặn các cuộc đụng độ quân sự ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, tại cuộc họp hôm 1/8, hai bên đã không thể đạt được một thỏa thuận để ra một tuyên bố chung về vấn đề chuyển đổi này.

Tướng Kim Do-gyun, người phụ trách chính sách Triều Tiên tại Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đồng thời trưởng phái đoàn đàm phán, cho biết các cuộc đàm phán hôm 31/7 có ý nghĩa trong việc “tạo ra sự hiểu biết” theo hướng nhằm thực hiện thỏa thuận hội nghị thượng đỉnh.

Ông Ahn Ik-san, trưởng phái đoàn quân sự Triều Tiên cho biết cả hai bên đều nhất trí về “một số vấn đề” nhưng ông không nêu chi tiết.

Về mặt các biện pháp cụ thể cần được thực hiện, Tướng Kim Do-gyun cho biết hai bên đã nhất trí việc rút các đồn bảo vệ trên cơ sở thí điểm trong Khu vực chung (JSA), một khu vực đặc biệt căng thẳng của DMZ, nơi các lực lượng quân sự hai miền đối mặt nhau.

Việc tăng cường hợp tác giữa hai miền nhằm giảm căng thẳng qua biên giới và cải thiện quan hệ hai bên cũng gắn liền với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên mà dường như đã bị trì hoãn sau Hội nghị thượng đỉnh Singapore vào tháng 6 giữa lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn bất đồng với nhau về việc Washington yêu cầu Bình Nhưỡng giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và việc Triều Tiên kêu gọi giảm nhẹ biện pháp trừng phạt.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-mien-trieu-tien-hoi-dam-ve-an-ninh-quan-su/4508907.html

 

TQ không lo ngại

viễn kiến đầu tư của Mỹ vào Châu Á

Trung Quốc ngày 31/7 bác bỏ những lo ngại rằng một sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng mới do Mỹ công bố cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ làm suy yếu một kế hoạch kết nối quốc tế của riêng Trung Quốc được gọi là “Vành đai và Con đường.”

“Có một câu ngạn ngữ của Trung Quốc là, ‘hãm phá tảng tử bất như súy khai bàng tử’” (ý nói gân cổ hô hào không giống như ra tay hành động), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp báo khi được hỏi về “Viễn kiến Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương” do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo hôm thứ Hai.

Kế hoạch của Washington, được xem là một phản ứng đối với chiến lược Vành đai và Con đường, bao gồm 113 triệu đôla đầu tư trực tiếp của chính phủ Mỹ, và sẽ gia tăng hỗ trợ tài chính mà chính phủ Mỹ cung cấp cho các nước trong khu vực thông qua Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ lên tới 60 tỉ đôla.

Úc và Nhật Bản cho biết họ sẽ gia nhập Mỹ trong một nỗ lực đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ông Cảnh nói sẽ là một điều tốt nếu Mỹ, Nhật Bản và Úc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực, nhưng đây không phải là lần đầu tiên họ có cử chỉ như vậy.

“Chúng tôi hi vọng các nước này có thể cung cấp tiền bạc thật và các biện pháp thật để cải thiện kết nối khu vực và giúp phát triển các nước trong khu vực,” ông nói.

Trung Quốc sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để thúc đẩy kết nối khu vực và tăng trưởng kinh tế, và hoan nghênh họ tham gia kế hoạch Vành đai và Con đường, ông nói.

Kế hoạch của Bắc Kinh bao gồm nhiều dự án giao thông và điện năng trị giá hàng tỉ đôla khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. Chỉ riêng kế hoạch Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đã có ngân sách 62 tỉ đôla.

Trung Quốc cũng dẫn đầu trong việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, vốn có 100 tỉ đôla, để tài trợ các dự án Vành đai và Con đường.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-khong-lo-ngai-vien-kien-dau-tu-cua-my-vao-chau-a/4508122.html