Tin khắp nơi – 01/06/2018
Đồng minh của Mỹ trả đũa
quyết định áp thuế mới của Washington
Canada và Mexico hôm 31/5 trả đũa Mỹ sau khi Washington áp thuế lên các mặt hàng nhôm và thép trong khi Liên minh châu Âu có các phương pháp trả đũa của riêng mình. Điều này đang làm các nhà đầu tư lo sợ trở lại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết hôm 1/6 rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể xem xét việc kết hợp phản ứng của họ với Canada và Mexico.
Các mức thuế, được Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross công bố hôm 31/5, đã chấm dứt nhiều tháng ngày không chắc chắn về khả năng miễn giảm thuế và đưa ra một cách tiếp cận thương mại ngày càng khó khăn hơn của Mỹ.
Các biện pháp được Tổng thống Donald Trump ca ngợi hồi tháng 3 khiến các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và nhóm vận động hành lang chính của quốc gia lên án, và làm các thị trường tài chính ớn lạnh.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1% và chỉ số S&P 500 giảm 0,69%. Cổ phiếu các công ty lớn như Boeing và Caterpillar đều giảm, với Boeing giảm 1,7% và Caterpillar giảm 2,3%. Tuy vậy, cổ phiếu châu Âu lại cao hơn khi mở cửa phiên giao dịch.
Thuế suất 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm được áp lên EU, Canada và Mexico bắt đầu từ nửa đêm (0400 GMT) ngày 1/6, theo thông báo của bộ trưởng Ross với các phóng viên.
Ông nói: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục đàm phán, một mặt cả với Canada và Mexico, và mặt khác với Ủy ban châu Âu, bởi vì có những vấn đề khác mà chúng tôi cũng cần phải giải quyết.”
Canada và Mexico, cùng tham gia trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ để hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đã phản ứng nhanh chóng và Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmaier, cho biết EU có thể cùng tham gia với họ.
“Chúng tôi muốn các thị trường mở cửa, các thị trường tự do nhưng chúng tôi phải thuyết phục được chính quyền Hoa Kỳ,” Bộ trưởng Altmaier nói với truyền hình Đức.
Ông nói: “Chúng tôi đã cố gắng làm điều đó thông qua đàm phán và bây giờ chúng tôi sẽ làm điều đó bằng cách đứng cùng nhau và đưa ra một câu trả lời chung của châu Âu, và có thể là cùng hợp tác chặt chẽ hơn với Mexico và Canada.”
Canada, nhà cung cấp thép lớn nhất của Hoa Kỳ, sẽ áp đặt thuế quan trên lượng hàng hóa trị giá 16,6 tỷ đô la Canada (12,8 tỷ đô la Mỹ) nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm rượu whisky, nước cam, thép, nhôm và các sản phẩm khác, theo Bộ trưởng Ngoại giao Chrystia Freeland.
“Chính quyền Mỹ hôm nay đã đưa ra quyết định mà chúng tôi lấy làm tiếc, và rõ ràng là sẽ dẫn đến các biện pháp trả thù, vì nó phải như vậy,” Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói tại một buổi họp báo công bố việc trả đũa của Canada.
Cuối ngày 31/5, ông Trump đưa ra một tuyên bố về các cuộc đàm phán NAFTA, trong đó nói rằng những ngày Hoa Kỳ bị lợi dụng về thương mại đã kết thúc.
Tổng thống Trump nói: “Hoa Kỳ sẽ đồng ý một thỏa thuận công bằng, hoặc sẽ không có thỏa thuận nào cả.”
Mexico công bố những gì họ mô tả là các biện pháp “tương đương” đối với một loạt các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Mỹ.
Các biện pháp này, nhắm mục tiêu vào các sản phẩm gồm giò heo, táo, nho và pho mát, cũng như thép và các sản phẩm khác, sẽ được áp dụng cho đến khi chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ các thuế này, theo Bộ Kinh tế Mexico.
Đàm phán tại New York « tiến triển »
hướng đến thượng đỉnh Trump-Kim
Hai ngày đàm phán ngoại giao Mỹ-Bắc Triều Tiên tại New York đã đạt được « những tiến bộ thật sự ». Phát biểu ngày 31/05/2018, sau các buổi làm việc với ông Kim Jong Chol, cánh tay mặt của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tỏ ra khá lạc quan về khả năng tổ chức thượng đỉnh Kim Jong Un và Donald Trump, nhưng « còn nhiều việc phải làm ».
Ông Kim Jong Chol sẽ đến thủ đô Washington ngày 01/06 và trao thư riêng của lãnh đạo Bắc Triều Tiên gửi tổng thống Mỹ Donald Trump.
Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau tường trình :
« Nội dung bức thư không được tiết lộ nhưng có thể là lời mời tổng thống Trump đến họp thượng đỉnh ngày 12/06 tới tại Singapore. Một thượng đỉnh mà ngoại trưởng Mike Pompeo còn chưa khẳng định ngày chính xác, nhưng phía Mỹ đã tính đến sau khi tổng thống Trump từng ra tuyên bố hủy vào tuần trước.
Ông Pompeo phát biểu : « Thượng đỉnh được dự kiến là một cơ hội lịch sử để tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong Un can đảm hướng Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sang một giai đoạn mới, thịnh vượng, an ninh và hòa bình ».
Nhưng để đạt được mục đích này, Hoa Kỳ nhắc lại là muốn Bắc Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được . Vấn đề đặt ra là liệu Bắc Triều Tiên có sẵn sàng làm việc này hay không, ông Mike Pompeo tỏ ra do dự hơn : « Tôi tin là Bình Nhưỡng tính đến đường hướng nên theo để thay đổi chiến lược. Một sự thay đổi mà trước đó, quốc gia này chưa sẵn sàng thực hiện ».
Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên vẫn bất đồng về vấn đề liên quan đến « phi hạt nhân hóa ». Vì vậy, ngoại trưởng Mỹ cảnh báo cần rất nhiều sự can đảm từ phía lãnh đạo Bắc Triều Tiên và còn nhiều việc phải làm để đạt được một thỏa thuận ».
Kim Jong Un phàn nàn Mỹ bá quyền
Trong lúc cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đặc sứ Kim Yong Chol diễn ra tại New York, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ngày 31/05/2018, khi tiếp ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, cam kết Bắc Triều Tiên « mong muốn đi đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ».
Tuy nhiên, tại cuộc gặp này, ông Kim Jong Un đã phàn nàn với ngoại trưởng Nga về vị thế của Mỹ trên thế giới. Ông nói : « Vào lúc chúng tôi đang phải điều chỉnh các chính sách đối ngoại đối phó với chủ nghĩa bá quyền của Hoa Kỳ, tôi sẵn sàng trao đổi chi tiết và sâu rộng với lãnh đạo của ngài với hy vọng thúc đẩy mọi việc tiến triển ».
Theo đánh giá của hãng tin Mỹ AP, lời phàn nàn này được đưa ra vào một thời điểm khá nhạy cảm do cả Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đang thúc đẩy thương lượng cho việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Donald Trump và Bắc Triều Tiên tại Singapore vào ngày 12/6 tới đây.
Theo thông cáo chung ngày 01/06/2018, hai miền Triều Tiên đã nhất trí tổ chức đàm phán quân sự vào ngày 14/06 tại khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm. Một cuộc họp song phương khác, diễn ra ngày 22/06 tại núi Kim Cương (Kumgang), phía Bắc Triều Tiên, để bàn về việc tổ chức hội ngộ các gia đình ly tán trong cuộc chiến Liên Triều (1950-1953).
Ông Pompeo: “có tiến bộ thực sự”
khi thảo luận với ông Kim Yong Chol
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói “có tiến bộ thực sự” trong những cuộc thương thuyết ngày thứ Năm 31/5 với phụ tá hàng đầu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại New York về khả năng họp thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Donald Trump.
“Chúng tôi đạt được tiến bộ thực sự trong 72 giờ qua trong việc ấn định những điều kiện,” ông Pompeo nói tại một cuộc họp báo sau khi gặp đại diện Triều Tiên. Ông nói thêm “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm.”
Ông Pompeo nói ông tin là Triều Tiên đang suy ngẫm về một con đường chiến lược mới, nhưng ông dè dặt rằng nước này “sẽ phải chọn một con đường khác một cách căn bản” để đạt được an ninh-có nghĩa là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được.
“Hai quốc gia chúng ta đang đối mặt với một thời điểm quan yếu trong mối quan hệ của chúng ta và đó sẽ là một bi kịch nếu bỏ qua cơ hội này,” ông Pompeo nói.
Ông cho biết ông Kim Yong Chol, giới chức cao cấp nhất của Triều Tiên đi thăm Hoa Kỳ trong 18 năm qua, có kế hoạch đến Washington ngày thứ Sáu 1/6 để trao cho Tổng thống Donald Trump một thư riêng của ông Kim Jong Un.
Ông Pompeo và ông Kim Yong Chol gặp nhau tại một căn hộ chính phủ Mỹ thuê gần Liên hiệp quốc. Hai ông thảo luận trong buổi ăn tối ngày thứ Tư 30/5 và tại bữa ăn sáng thứ Năm 31/5.
Hai ông đã gặp nhau hai lần tại Bình Nhưỡng.
Các cuộc thảo luận giữa hai bên cũng diễn ra tại Bàn Môn Điếm và Singapore.
2 miền Triều Tiên đồng ý
thương thuyết về quân sự và đoàn tụ gia đình
Hai miền Nam và Bắc Triều Tiên hôm 1/6 đồng ý tại một cuộc họp cấp cao rằng họ sẽ tổ chức các cuộc thương thảo trong tháng này để bàn về các vấn đề quân sự và đoàn tụ gia đình bị chia cắt từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53, thông cáo đưa ra sau cuộc họp.
Cuộc gặp mặt tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu phi quân sự chia cắt hai miền Nam và Bắc Triều Tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in, và lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Jong Un, là động thái mới nhất trong hoạt động ngoại giao nhộn nhịp nhằm duy trì sự tan băng trong các mối quan hệ với miền Bắc bị cô lập.
Bắc Hàn đã hủy bỏ cuộc gặp được lên kế hoạch với Hàn Quốc vào tháng trước để phản đối các cuộc diễn tập quân sự trên không giữa Mỹ và Hàn Quốc trước khi Tổng thống Moon Jae-in và lãnh tụ Kim Jong Un đưa tiến trình này trở lại trong cuộc gặp mặt lần thứ 2 đầy bất ngờ hôm 26/5.
Trong khi hai miền Triều Tiên tìm cách cải thiện các mối quan hệ của họ thì Bắc Hàn đang trong quá trình đàm phán với Mỹ về cuộc gặp thượng đỉnh được đề xuất giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ, Donald Trump, dự kiến diễn ra vào 12/6 tại Singapore.
Các cuộc hội đàm hôm 1/6 do Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Cho Myoung-gyon, và Ri Son Gwon, và Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình quốc gia của Bắc Hàn, chủ trì. Đây là hoạt động tiếp theo của một hiệp định đạt được trong cuộc gặp mặt đầu tiên giữa lãnh tụ Kim và Tổng thống Moon vào tháng 4 vừa qua.
Các cuộc hội đàm giữa hai quốc gia cựu thù sẽ diễn ra vào 14/6 ở phía Bắc của Bàn Môn Điếm, và một buổi thảo luận riêng về các giao lưu trong lĩnh vực thể thao sẽ diễn ra bên phía Nam đường biên giới vào ngày 18/6, theo thông tin từ hai phía.
Đoàn tụ gia đình là vấn đề dễ gây xúc động và có thể giúp hồi phục niềm tin nhưng việc đoàn tụ đã bị ngưng vì không có sự can thiệp chính trị, theo tổng thư ký Hiệp hội Hồng Thập Tự và Trăng lưỡi liềm quốc tế, Elhadj As Sy, người có mặt ở Seoul để thảo luận các kế hoạch đoàn tụ cùng những vấn đề khác.
“Với sự can thiệp nhiều hơn và sự cởi mở về chính trị, nhiều rào cản sẽ được dỡ bỏ,” ông Sy nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Hội Hồng Thập Tự hy vọng rằng Bình Nhưỡng sẽ cho phép Hội cung cấp thêm cứu trợ tới Bắc Hàn. Khoảng 10 triệu người Bắc Hàn, tương đương 40% dân số, cần trợ giúp nhân đạo, theo ông Sy.
Cả hai miền Triều Tiên cũng đã nhất trí sớm thành lập văn phòng liên kết ở thành phố Kaesong ở biên giới Bắc Hàn, nơi trước đó có một khu nhà máy trước khi bị đóng cửa vì căng thẳng vào năm 2016, theo thông cáo từ cuộc họp hôm 1/6.
Kim Jong-un than phiền với Nga rằng
‘Mỹ bá quyền’
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un, than phiền với Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov, về ‘sự bá quyền của Mỹ’ hôm 31/5 trong lúc một phụ tá hàng đầu của ông đang có mặt ở New York để dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh của ông với Tổng thống Mỹ, Donald Trump, ở Singapore vào đầu tháng tới.
Ông Kim nói với ông Lavrov, người có chuyến thăm đến Bình Nhưỡng, rằng ông hy vọng sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác với Nga, quốc gia chủ yếu ở bên lề trong những tháng vừa qua trong lúc ông Kim đang có nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm tiếp cận Hoa Kỳ cũng như Hàn Quốc và Trung Quốc.
“Trong lúc chúng tôi hướng đến điều chỉnh tình hình chính trị đối mặt với sự bá quyền của Mỹ, tôi sẵn sàng trao đổi ý kiến chi tiết và sâu rộng với sự lãnh đạo của ngài và hy vọng làm như vậy sẽ tiến về phía trước,” ông Kim được AP dẫn lời nói với ông Lavrov.
Trước đây, Kim Jong-un từng có những phát biểu gay gắt và thậm chí còn nhiều lần đe dọa tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bình luận của ông hôm 31/5 được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm khi một quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên đang có mặt ở New York để hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, về cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Dù có biên giới với Bắc Triều Tiên và mối quan hệ song phương tương đối nồng ấm mà Tổng thống Vladimir Putin dường như muốn phát triển hơn nữa, Nga lâu nay vẫn kín tiếng một cách đáng kinh ngạc trong lúc ông Kim nổi lên trên trường quốc tế sau hai cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Chuyến thăm của ông Lavrov đến Bình Nhưỡng là dấu hiệu cho thấy Nga không muốn đứng ngoài lề và bảo đảm được Bắc Triều Tiên thông báo về ý định của họ và quan tâm đến những quan ngại của Moscow.
Trong cuộc tiếp xúc, ông Lavrov đã chuyển đến ông Kim ‘lời thăm hỏi nồng ấm nhất và lời chúc mừng những điều tốt đẹp nhất’ cho ‘nỗ lực lớn’ của ông Kim đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ của Moscow đối với một thỏa thuận mà ông Kim đạt được với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng trước, vốn tập trung vào những biện pháp chấm dứt thù địch và tăng cường trao đổi giữa hai miền Triều Tiên.
Theo truyền thông Nga, ông Lavrov cũng thảo luận những cách mở rộng mối quan hệ song phương với người đồng nhiệm Triều Tiên, Ri Yong Ho.
“Chúng tôi hoan nghênh sự liên lạc đang được hình thành trong những tháng gần đây giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ,” Lavrov nói với truyền thông. “Chúng tôi hoan nghênh các cuộc gặp thượng đỉnh đã diễn ra giữa Bình Nhưỡng và Seoul cũng như các cuộc gặp đã được lên kế hoạch giữa lãnh đạo Triều Tiên và Hoa Kỳ.”
Ông cam kết sự ủng hộ của Nga đối với quá trình phi hạt nhân hóa và nỗ lực lớn hơn để tạo lập hòa bình ổn định và lâu dài trong khu vực, nhưng cũng nói rằng Moscow tin rằng các lệnh trừng phạt nên được nới lỏng trong lúc quá trình hòa giải đang diễn ra – vốn khác biệt với lập trường của Mỹ rằng Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa trước.
“Điều hoàn toàn hiển nhiên là khi chúng ta bắt đầu nói chuyện về việc giải quyết vấn đề hạt nhân và các vấn đề khác của bán đảo Triều Tiên, chúng ta nên đi từ thực tế rằng quyết định trên không thể nào trọn vẹn nếu như các lệnh trừng phạt vẫn được duy trì,” ông Lavrov nói.
Điều này có nghĩa là Triều Tiên có Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc đứng về phía mình trên hồ sơ phi hạt nhân hóa trong khi Mỹ trở thành cường quốc duy nhất lập luận rằng các lệnh trừng phạt sẽ được nới lỏng sau, theo nhận định của phóng viên CBS News Margaret Brennan. Ông Kim Jong-un dường như đang phân hóa và chia rẽ chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/jim-jong-un-lavrov-my-ba-quyen/4418284.html
Nhà báo Nga giả chết
vì sợ chung số phận với điệp viên Skripal
Nhà báo bất đồng chính kiến Nga, Arkady Babchenko, giả chết tại thủ đô Ukraine, ngày thứ Năm 31/5, nói ông phải dùng mưu này vì sợ sẽ cùng chung số phận với cựu điệp viên Nga bị đầu độc trước đây tại Anh Quốc.
Tối thứ Ba 29/5, các giới chức Ukraine cho biết ông Babchenko, người thường chỉ trích Điện Kremlin, bị bắn chết tại một chung cư ở Kyiv. Hình ảnh ông nằm trên một vũng máu được công bố, và các giới chức nói Nga đứng đằng sau vụ ám sát này.
Một ngày sau đó, ông Babchenko xuất hiện trước công chúng và các giới chức an ninh Ukraine, nói họ phải làm giả cái chết của ông này để phá vỡ và phơi bày điều họ gọi là âm mưu ám sát Babchenko.
Ông Babchenko bị một số dư luận chỉ trích về trò lừa dối này, trả lời trong một cuộc họp báo ở Kyiv vào ngày thứ Năm 31/5. Ông nói ông phải lập mưu này, được các giới chức an ninh Ukraine tổ chức, vì ông lo sợ cho tính mạng mình.
“Người nào nói rằng điều này phá hoại lòng tin vào các nhà báo thì hãy đặt mình vào trường hợp của tôi, các bạn sẽ làm gì, nếu họ tiếp xúc với bạn và nói có một âm mưu làm hại bạn?” Babchenko nói.
Babchenko nói thêm là khi một nhân viên thi hành công lực Ukraine tiếp xúc với ông với thông tin về một âm mưu giết ông thì “phản ứng đầu tiên của tôi là tôi muốn xếp quần áo trong một túi xách và biến mất tại Bắc Cực. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng tôi trốn ở đâu? Ông Skripal cũng tìm cách trốn mà.”
Nhà chức trách Anh nói ông Skripal, một cựu điệp viên hai mang Nga bị đầu độc với một chất độc thần kinh của quân đội tại tỉnh lị một tỉnh ở Anh, nơi ông sinh sống sau một vụ trao đổi điệp viên.
Anh nói Nga là thủ phạm trong vụ đầu độc này, một cáo buộc Moscow phủ nhận.
Một số nhà ngoại giao và bình luận gia nói vụ giả chết của ông Babchenko làm tổn thương sự tin cậy của Kyiv và cho Moscow một món quà tuyên truyền.
Một nhà ngoại giao cao cấp của EU tại Kyiv nói hành động của Ukraine có thể hiểu được, nhưng hy vọng là nhà cầm quyền sẽ cung cấp thêm tin tức về điều gì đã xảy ra.
Thủ tướng Tây Ban Nha mất chức
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy vừa mất chức sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội.
Lãnh đạo đảng đối lập Xã hội Pedro Sánchez, người đề xuất bỏ phiếu, sẽ trở thành thủ tướng.
Ông Rajoy là thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại bị thua trong bỏ phiếu tín nhiệm.
Nhà lãnh đạo đảng Nhân dân đã là thủ tướng từ 2011.
Ông Pedro Sánchez vận động được đủ phiếu đa số nhờ ủng hộ của các đảng nhỏ.
180 nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm, 169 chống lại.
Ông Sánchez nói ông Rajoy, 63 tuổi, đã không chịu trách nhiệm cho bê bối tham ô gần đây của đảng ông.
Hôm 24/5, người giữ quỹ của đảng Nhân dân cầm quyền bị kết án 33 năm tù vì tội nhận hối lộ, rửa tiền.
Vụ án liên quan một quỹ tranh cử bị mất của đảng từ 1999 đến 2005.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44331871
Sắp khai mạc diễn đàn an ninh khu vực
Các phái đoàn cấp chính phủ các nước đã và đang đến Singapore để dự Đối thoại An ninh Quốc phòng Shangri-La lần thứ 17 khai mạc vào hôm nay.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có bài diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh qui mô lớn tại châu Á – Thái Bình Dương vào buổi tối.
Ông Modi nói rằng ông “hết sức hân hạnh” có bài phát biểu nhập đề trước ba ngày thảo luận cấp cao giữa bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao từ 40 quốc gia với 600 đại biểu.
Thủ tướng Modi cũng lưu ý rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ là “một cơ hội để làm nổi trội quan điểm của Ấn Độ về các chủ đề khác nhau tại khu vực “.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis sẽ nói về chủ đề “Tầm vóc lãnh đạo của Hoa Kỳ và những thách thức an ninh của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” vào thứ Bảy.
Các phiên họp khác của các bộ trưởng quốc phòng từ Úc, Canada, Pháp, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, New Zealand, Philippines, Qatar, Seychelles, Singapore, Sri Lanka, Vương quốc Anh và Việt Nam, sẽ bao gồm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, định hình trật tự an ninh châu Á và đánh giá mới về khủng bố cũng như nỗ lực chống khủng bố.
Hội nghị an ninh quốc phòng khu vực diễn ra trong bối cảnh có nỗ lực phút chót nhằm duy trì hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump và căng thẳng tiếp tục gia tăng về an ninh hàng hải cùng với những quan ngại liên quan tới tình hình nhân đạo ở một số nước trong khu vực.
Đối thoại Shangri-La: VN ‘khó phát biểu chung chung’
Hoa Kỳ đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương
TQ tập trận ‘sẵn sàng cho chiến tranh’ ở Biển Đông
Đá Subi sẽ là căn cứ lớn của TQ ở Trường Sa?
John Chipman, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nói rằng “Ngoại giao quốc phòng là công việc khó khăn và ba ngày tới sẽ diễn ra một loạt các cuộc họp song phương và liên chính phủ và các tuyên bố chung quan trọng nhiều khả năng định hình chính sách an ninh quốc phòng khu vực. ”
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La.
Vào trưa thứ Bảy 2/6 ông sẽ tham gia một phiên thảo luận chủ đề ‘Định hình An ninh châu Á’ với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có một số diễn biến mới gây căng thẳng tại Biển Đông.
Phản ứng lại hoạt động tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm thứ Năm nói “Hành động này đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; vi phạm tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC).
“Hành động này không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông,” bà Hằng nói thêm.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm 31/05, bà Hằng cũng phản hồi lại câu hỏi liên quan tới các hoạt động dầu khí đang thực hiện ở Biển Đông của Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp trên Biển Đông.
“Các hoạt động dầu khí cũng như các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam được tiến hành bình thường trong khu vực biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982,” bà Hằng nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44326675
Tòa châu Âu: Có nhà tù bí mật của CIA
tại Romania và Lithuania
Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) ngày thứ Năm 31/5 ra phán quyết xác nhận có nhà tù bí mật của CIA tại Romania và Lithuania cách đây một thập niên và nhà cầm quyền hai nước biết được rằng các tù nhân bị giam giữ bất hợp pháp tại đây.
Chương trình giam giữ này của Washington vẫn còn bao phủ bằng một màn bí mật gần một thập niên sau khi chương trình chấm dứt. Washington công nhận đã giam giữ những nghi can Al-Qaida bên ngoài phạm vi tài phán của Hoa Kỳ, nhưng không cung cấp danh sách đầy đủ các địa điểm.
Cách đây 4 năm, Tòa án Nhân quyền châu Âu ra phán quyết là CIA điều hành một nhà tù bí mật tại Ba Lan. Từ đó tòa đã nghe những tranh cãi về những địa điểm tương tự tại Romania và Lithuania nhưng không nước nào công nhận là đã để cho CIA giam giữ tù nhân trên đất nước họ.
Tòa án có trụ sở tại Strasburg nói Lithuania có trại tù của CIA từ tháng 1/2005 đến tháng 3/2006 và Romania có trại tù của CIA từ tháng 9/2003 đến tháng 11/2005. Cả hai nước đều vi phạm Công ước Nhân quyền châu Âu cấm tra tấn, giam giữ bất hợp pháp và hình phạt tử hình.
Trong phán quyết, Tòa án Nhân quyền châu Âu nói một người Palestin vô tổ quốc là Zayn Al-Abidin Muhammad Husayn bị giam tại Lithuania và nhà cầm quyền ở đây “biết là CIA sẽ đối xử với nghi can trái với Công ước.”
Phán quyết cũng cho biết “Lithuania cho phép CIA di chuyển nghi can đến một trại giam khác tại Afghanistan và bị đối xử tàn tệ hơn nữa.”
Tòa án cũng nói Romania đã vi phạm tương tự Công ước trong trường hợp một công dân Ả Rập Xê-út là Abd Al Rahim Husseyn Muhammad Al Nashiri bị án tử hình tại Mỹ vì vai trò của nghi can trong các cuộc tấn công khủng bố.
Tòa án cho biết Lithuania và Romania phải mở cuộc điều tra đầy đủ về vai trò của hai nước này trong chương trình giam giữ của Mỹ và trừng phạt các giới chức chịu trách nhiệm.
Đơn kiện được đệ nạp nhân danh các tù nhân hiện bị giam tại Guantanamo.
Thủ tướng Lithuania Saulius Skvernelis nói với các phóng viên là chính phủ ông sẽ xem xét có nên kháng cáo hay không.
Một cuộc điều tra của quốc hội vào năm 2010 nói là cơ quan an ninh Luthiania giúp CIA thành lập cơ sở giam giữ, dù không có chứng cứ là cơ sở được dùng để giam giữ tù nhân. Các công tố viên mở lại cuộc điều tra về những cáo buộc này vào năm 2015.
Năm 2015, Bộ Ngoại giao Roumania nói nhà cầm quyền không có chứng cớ cho thấy có những trung tâm giam giữ của CIA tại nước này. Tuy nhiên ông Ioan Talpes, cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Romania điều trần là Romania đã cho phép tình báo Hoa Kỳ điều hành một cơ sở tại Romania, dù các giới chức không biết có người bị giam giữ tại đây.
Vai trò của CIA trong việc giam giữ và tra tấn những tù nhân sau cuộc tấn công 11/9/2001 trở thành tin hàng đầu vào tháng trước khi việc này trở thành trọng tâm của các cuộc điều trần để chuẩn nhận tân giám đốc CIA, Gina Haspel.
Assad sẵn sàng thương thuyết
với phe nổi dậy được Mỹ ủng hộ
Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói chính phủ ông “mở rộng cánh cửa thương thuyết” với Lực lượng Dân chủ Syria được Hoa Kỳ hỗ trợ, nhưng nếu việc này thất bại, ông không còn lựa chọn nào khác là dùng vũ lực để chiếm lại những khu vực phe nổi dậy kiểm soát.
Trong một cuộc phỏng vấn với mạng lưới truyền hình quốc tế Russia Today của Nga được phát hình ngày thứ Năm 31/5, ông Assad nói Liên minh các dân quân người Kurd và người Ả Rập kiểm soát một phần miền bắc và phía đông Syria “là vấn đề còn lại duy nhất” trong cuộc xung đột tại nước này bắt đầu vào năm 2011.
Ông Assad chỉ trích việc Hoa Kỳ ủng hộ phe nổi dậy và nói rằng chính phủ Syria có nhiệm vụ giải phóng lãnh thổ và “người Mỹ phải ra đi.”
Ông Assad nói “Hoa Kỳ đến Iraq không có căn bản pháp lý nào và hãy nhìn xem những gì xảy đến cho họ. Họ phải học bài học này. Iraq không phải là ngoại lệ và Syria cũng không phải ngoại lệ. Người dân không còn chấp nhận người nước ngoài tại vùng này nữa.”
Binh sĩ Mỹ trú đóng và hoạt động tại các căn cứ không quân và những vị trí trong vùng do người Kurk quản lý tại vùng đông bắc Syria để cố vấn và trợ giúp Lực lượng Dân chủ Syria. Hoa Kỳ cũng dẫn đạo một Liên minh thực hiện các cuộc không kích tại Syria và Iraq, tất cả đều nhằm mục đích đánh bại Nhà nước Hồi Giáo chiếm đóng những khu vực rộng lớn tại cả hai nước cách đây 4 năm.
Quân đội Syria được sự hỗ trợ của các lực lượng Nga cũng như quân đội Iran và các chiến binh thuộc tổ chức chủ chiến Hezbollah ở Libăng.
Ông Assad nói với hệ thống truyền hình Russia Today là chỉ có các sĩ quan Iran giúp quân đội ông, “nhưng họ không có binh sĩ,” và một cuộc tấn công mới đây của Israel mà Israel nói là đánh vào một tập hợp các vị trí của quân đội Iran tại Syria chỉ giết chết và làm bị thương người Syria.
Israel ít khi công nhận đứng đằng sau những cuộc không kích tại Syria trong những năm gần đây, nhưng nói rõ là Israel sẽ hành động để đảm bảo là những chuyến hàng chở vũ khí không đến tay Hezbollah và Iran không có được một chỗ đứng tại Syria có thể đe dọa an ninh Israel.
Ông Assad nói những cuộc không kích của Israel đã phá hủy phần lớn hệ thống phòng không của Syria, nhưng hệ thống này “mạnh hơn trước đây nhiều” nhờ sự hỗ trợ của Nga. Ông nói giải pháp duy nhất của chính phủ tự vệ chống lại những cuộc tấn công của Israel là cải thiện hệ thống này thêm nữa, “và chúng tôi đang làm việc này.”
Nhà lãnh đạo Syria cũng phủ nhận việc các lực lượng Syria thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột. Những cuộc tấn công bị nghi ngờ này khiến cho quốc tế phải lên án và Tổng thống Donald Trump gọi “Con vật Assad.”
Khi được hỏi về tên gọi này, ông Assad nói, “có một nguyên tắc là anh nói sao thì anh như vậy.” Ông nói chỉ có điều duy nhất tác động đến ông là lời của những người ông tin cậy và những người đạo đức, có đầu óc cân bằng, có suy nghĩ, và những nhận xét của ông Trump không ảnh hưởng gì đến ông cả.
Nhận xét về cuộc xung đột bắt đầu bằng những cuộc biểu tình ôn hòa chống sự cai trị của ông Assad trước khi biến thành chiến tranh giết chết hàng trăm ngàn người và 5,6 triệu người tị nạn, ông Assad nói “cuộc chiến sắp chấm dứt.”
Ông thề “giải phóng tất cả các khu vực” và nói nếu không có “ảnh hưởng bên ngoài”, chiến tranh sẽ kết thúc trong vòng một năm.
Quốc hội Đan Mạch
cấm mạng che mặt nơi công cộng
Quốc hội Đan Mạch cấm mang mạng che mặt tại nơi công cộng, cùng với Pháp và các quốc gia châu Âu khác đặt ra ngoài vòng pháp luật burqa và niqab mà một số phụ nữ Hồi Giáo thường mặc.
Ngày thứ Năm 31/5, Quốc hội Đan Mạch thông qua luật cấm do cánh hữu trong chính phủ đưa ra. Luật cấm này nói mạng che mặt trái ngược với những giá trị của Đan Mạch. Những người chống đối luật nói lệnh cấm, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8, vi phạm quyền của phụ nữ chọn cách ăn mặc của mình.
Theo luật, cảnh sát có thể yêu cầu phụ nữ gỡ mạng che mặt hay ra lệnh cho họ rời khỏi nơi công cộng. Bộ trưởng Tư pháp Soren Pape Poulsen nói là cảnh sát có thể phạt tiền những phụ nữ này và nói với họ “hãy về nhà.”
Tiền phạt được ấn định từ 1.000 crowns Đan Mạch (160 đô la) nếu vi phạm lần đầu đến 10.000 crowns nếu vi phạm lần thứ tư.
https://www.voatiengviet.com/a/quoc-hoi-dan-mach-cam-mang-che-mat-noi-cong-cong/4418373.html
Trung Quốc bị loại khỏi cuộc tập trận RIMPAC:
Nhiều nước vui thầm!
Hải quân Mỹ ngày 30/05/2018 chính thức thông báo: Cuộc tập trận hải quân quốc tế RIMPAC 2018 sẽ bắt đầu từ ngày 27/06 đến ngày 02/08 tới đây, với tổng cộng 26 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Trong những ngày qua, sự kiện nổi bật là quyết định của Mỹ thôi không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận lần này để “trừng phạt” Bắc Kinh về tội quân sự hóa Biển Đông. Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nicole L. Freiner ngày 26/05 trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat, dù không nói ra, việc RIMPAC cấm cửa Trung Quốc cũng đã khiến nhiều nước hả hê, đặc biệt là Nhật Bản.
Trong bài viết mang tựa đề “Việc Trung Quốc bị trục xuất khỏi RIMPAC có ý nghĩa gì đối với với các đồng minh của Mỹ – What China’s RIMPAC Exclusion Means for US Allies”, tác giả đã nêu bật lý do mà Mỹ đã chính thức đưa ra để hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018: đó là việc Bắc Kinh vẫn tiếp tục tăng cường quân sự hóa Biển Đông.
“Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu cuộc tập trận RIMPAC”
Bà Freiner đã trích dẫn trung tá Hải Quân Christopher Logan, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ, xác định rằng việc thôi không mời Trung Quốc tham gia tập trận là phản ứng đầu tiên nhằm chống lại hành động quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành.
Đối với phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ: “Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu cuộc tập trận RIMPAC”, và ông nêu đích danh hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa là hai nơi Trung Quốc đã triển khai vũ khí và thiết bị quân sự như tên lửa chống hạm và phòng không cùng với các thiết bị gây nhiễu điện tử.
RIMPAC là cuộc thao diễn hải quân lớn nhất thế giới và diễn ra 2 năm một lần, với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ mà tổng hành dinh đặt tại Honolulu, Hawaii, đóng vai trò chủ đạo. Đây được xem là cơ hội duy nhất để các quốc gia ven Thái Bình Dương hợp tác, thao dợt chung, cùng hoạt động với nhau để giải quyết các vấn đề khó khăn.
Cuộc thao diễn còn được xem như một cách đảm bảo sao cho các tuyến hàng hải đi qua các vùng biển Châu Á có rất nhiều tranh chấp được thông suốt. Cuộc tập trận chung cũng là dịp để phô trương uy lực, tức là cho phép những nước tham gia hiểu được khả năng công nghệ của nhau, một sự kiện có thể có tác dụng răn đe buộc các nước phải suy nghĩ kỹ nếu nuôi dưỡng ý định hung hăng tấn công nước khác.
Cuộc tập trận RIMPAC quy tụ tất cả những cường quốc trong vùng, từ Nhật Bản đến Ấn Độ. Trung Quốc đã tham gia hai lần vào năm 2014 và 2016. Thoạt đầu, việc Trung Quốc cùng tập trận với Mỹ và các cường quốc khác rất được hoan nghênh vì đó được xem như là một bước tiến đến hợp tác.
Trung Quốc từng gây ra sự cố trong cuộc tập trận
Việc Trung Quốc tham gia không phải không đặt ra vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh và trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến đòi Mỹ chấm dứt việc mời Trung Quốc cùng tập trận do thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với hầu như tất cả các nước khác, từ Nhật Bản, cho đến Mỹ, Úc…
Thái độ thiếu hợp tác của Trung Quốc khi tham gia cuộc tập trân RIMPAC cũng đã đặt ra vấn đề.
Theo chuyên gia Freiner, vào năm 2016, Hải Quân Trung Quốc đã tẩy chay Nhật Bản, không cho thủy thủ Nhật Bản lên viếng tàu của mình, cho dù nguyên tắc cuộc diễn tập là tinh thần hợp tác.
Thậm chí, khi tổ chức tiếp tân trên tàu của mình, Hải Quân Trung Quốc cũng không chịu mời các đồng đội Nhật Bản, và chỉ miễn cưỡng mời sau khi bị phía Mỹ công khai chỉ trích.
Tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shinbum, số ra ngày 30/05, trong một bài xã luận, đã nhắc lại rằng sở dĩ chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC, đó là vì Washington muốn khuyến khích Trung Quốc đẩy mạnh việc tuân thủ các quy tắc quốc tế và minh bạch hơn trên các vấn đề quân sự.
Thê nhưng cho đến nay, theo tờ báo Nhật Bản, khó có thể nói là hai mục tiêu đó đã đạt được. Trong các đợt tập trận, Trung Quốc vẫn tìm cách thu thập thông tin quân sự của các nước tham gia bằng cách gửi một tàu gián điệp đến các khu vực xung quanh vùng biển nơi diễn ra các cuộc thao diễn, trong lúc các tàu Trung Quốc tham gia tập trận thì chỉ tuân thủ một phần nguyên tắc chung là cung cấp thông tin về tàu chiến.
Quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bị Trung Quốc đe dọa
Khu vực đảo mà ông Logan nêu lên là trong những đường hàng hải quan trọng nhất thế giới. Phần lớn những cảng quan trọng nhất thế giới cũng nằm ở trong và chung quanh Biển Đông.
Và như một báo cáo của trung tâm nghiên cứu Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại của Mỹ – Council on Foreign Relations – đã ghi nhận, với thương mại gia tăng giữa các quốc gia ASEAN, việc thương thuyền được qua lại một cách tự do ở vùng biển này mang tầm quan trọng cốt yếu cho các nước trong vùng.
Hành động của Trung Quốc đặt các đường biển này trong thế nguy hiểm. Trường Sa và đảo Phú Lâm nằm ngay sau eo biển Malacca, một con đường hẹp mà hầu như một nửa thương thuyền thế giới đi qua hàng năm. Phần lớn các con tàu đều đi qua vùng Trường Sa để tiếp tục hành trình ở Châu Á. Những tàu đi vào đây chở từ dầu thô, khí lỏng và Nhật là nước đón nhận hàng này vì lệ thuộc vào năng lượng nhập khẩu cũng như Đài Loan và Hàn Quốc.
Các khảo sát về Trường Sa và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông đã phát hiện những mỏ dầu khí ở sâu dưới đáy biển, và việc khai thác cho là sẽ rất tốn kém. Như thế, giối quan sát đánh giá Trung Quốc quân sự hóa và có thái độ hung hăng trong vùng là do tham vọng bá quyền và mở rộng chủ quyền, chứ không phải là kinh tế.
Thái độ đó của Trung Quốc trực tiếp thách thức Nhật Bản, không khác gì đối với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.
Theo nhà nghiên cứu Freiner, quyết định rút lời mời Trung Quốc thao diễn RIMPAC 2018 là một phản ứng có thể dự đoán được do việc Trung Quốc thách thức an ninh chủ quyền của các đồng minh của Mỹ. Nhật đến lúc này chưa có phản ứng chính thức, nhưng Tokyo hưởng lợi trong việc Mỹ xác định quyền tự do hàng hải ở các đường biển Châu Á.
Nhưng không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018, trước mắt chỉ là một động thái ngoại giao vì không có một hành động quân sự nào đưa ra và cũng hy vọng rằng biện pháp quân sự sẽ không cần thiết.
Tuy nhiên, do việc phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ đã nói rằng việc không mời Trung Quốc là phản ứng đầu tiên, các nhà quan sát Châu Á đang cho rằng những động thái ‘nhẹ nhàng’ sẽ được nối tiếp bằng những hành động cứng rắn hơn.
Đến khi đó, Hoa Kỳ và các đồng minh Á Châu sẽ phải quyết định họ muốn đi đến đâu để bảo vệ những đường biển quan trọng nhất Châu Á.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180601-trung-quoc-bi-loai-khoi-cuoc-tap-tran-rimpac-nhieu-nuoc-vui-tham
Pháp : Khách Trung Quốc “quay vòng vé”
có tổ chức vào bảo tàng Louvre
Bảo tàng Louvre nổi tiếng ở Pháp trở thành nạn nhân của mạng lưới “quay vòng vé” của du khách Trung Quốc. Mỗi chiếc vé vào bảo tàng Louvre có giá 15 euro và có giá trị trong vòng một ngày. Nhiều nhóm du khách Trung Quốc đã lợi dụng kẽ hở vé không ghi tên để tái sử dụng 5-7 lần mỗi ngày.
Tạp chí « Góc nhìn Kinh tế » (Angle éco) của đài truyền hình France 2, được phát tối 31/05/2018, ghi lại chiêu trò gian lận này bằng « cách quay lén » (caméra cachée). Một loạt vé vào cửa bảo tàng Louvre được mua từ sáng sớm tại quầy vé, thường không ghi tên, khác với vé mua trên internet có tên tuổi và giờ đăng ký tham quan.
Sau khi mỗi nhóm du khách Trung Quốc ra khỏi bảo tàng, vé được thu lại và được kín đáo phân phát cho những nhóm khác. Một hướng dẫn viên giấu tên cho biết : « Một tấm vé, theo nguyên tắc chỉ được dùng cho một người, nhưng lại được đến 5, 6, 7 người sử dụng. Có nhiều công ty lữ hành Trung Quốc « quay vòng vé » cho các nhóm du khách của họ ».
Chiêu trò này khiến bảo tàng Louvre có thể bị thiệt hại khoảng 1 triệu euro. Tuy nhiên, trên thực tế, thiệt hại còn nhiều hơn vì du khách rất nhiều nước cũng sử dụng hình thức quay vòng này. Trả lời Le Figaro, bảo tàng Louvre khẳng định « biết tình trạng này, đang trở thành một hiện tượng toàn cầu và tác động đến mọi lĩnh vực ». Bảo tàng Louvre đã tăng cường kiểm nhiều biện pháp soát vé đối với các nhóm khách và hướng dẫn viên đi kèm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180601-phap-khach-trung-quoc-quay-vong-ve-co-to-chuc-vao-bao-tang-louvre
Châu Á chờ Ấn Độ dứt khoát
dấn thân làm đối trọng với Trung Quốc
Hội nghị an ninh hàng đầu châu Á – Đối Thoại Shangri La mở ra hôm nay 01/06/2018 tại Singapore, với bài diễn văn được đánh giá là rất quan trọng của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có xu hướng độc bá châu Á, bất cần luật lệ quốc tế, còn Hoa Kỳ lại đang bị chủ nghĩa co cụm cám dỗ, mọi người chờ đợi Ấn Độ, nước đang vươn lên một cách ngoạn mục tại châu Á, mạnh dạn đứng ra gánh vác trách nhiệm bảo đảm một trật tự dựa trên luật pháp đang bị đe dọa.
Trong bài viết trên trang ý kiến của chuyên san Mỹ Foreign Policy ngày 31/05/2018, hai chuyên gia Mỹ và Ấn Độ, trong đó có bà Amy Searight, nguyên phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách Nam Á và Đông Nam Á, ghi nhận, tình hình chính trị và kinh tế không chắc chắn tại châu Á hiện nay là thời cơ tốt để New Delhi khẳng định vai trò quan trọng của mình.
Chính sách của tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có quyết định rút Mỹ ra khỏi khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương và cách tiếp cận “con buôn” với các đồng minh lâu năm, đã khiến cho khu vực ngả theo Trung Quốc, trong khi nước này ngày càng trở nên hung hăng và độc đoán. Trong tình thế nói trên, các đồng minh của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, thậm chí ngay cả Hoa Kỳ, cũng hy vọng là New Delhi có thể đứng ra làm nhân tố mang lại ổn định.
Đối với Washington, thế kỷ này sẽ là thế kỷ của châu Á, nhưng là một châu Á gồm cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Thế nhưng cao vọng của Ấn Độ đang bị hai cản lực : Cơ sở quốc phòng-công nghiệp của Ấn Độ còn chưa phù hợp, trong lúc nước này vẫn thiếu hội nhập vào kinh tế khu vực. Do vậy, giới quan sát cho rằng ông Modi cần thuyết phục giới tinh hoa tại châu Á rằng đất nước của ông đã sẵn sàng trở thành một cường quốc hàng đầu, có thể bảo đảm sao cho không một quốc gia nào có thể thống trị tương lai của khu vực.
Tại Đông Nam Á, Singapore,ngay từ thời nhà sáng lập Lý Quang Diệu đã từng mong muốn Ấn Độ hướng đông. Và không chỉ có Singapore, đa số các nước trong vùng hiện nay đang muốn ông Modi tuyên bố quyết tâm dấn thân mạnh mẽ và lâu dài, với những nguồn lực cụ thể, để gánh vác vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ các chuẩn mực, luật lệ đã được tất cả mọi người chấp nhận, nhưng đang bị Trung Quốc bào mòn.
Đối với giới phân tích, vào lúc này, nếu so với Trung Quốc, Ấn Độ còn trong thế yếu. Cụ thể là về quân sự. Ngân sách quốc phòng Ấn Độ năm 2018 không vượt quá 1,5% GDP, trong lúc quân đội vẫn còn thiếu nghiêm trọng các hệ thống vũ khí chính như máy bay chiến đấu, súng ống và thiết bị chiến đấu cơ bản cho bộ binh, và thậm chí cả đạn dược. Trong khi đó thì chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là khoảng 2% GDP, nhưng với một nền kinh tế lớn hơn gấp 5 lần Ấn Độ trong năm 2016. Tuy nhiên, Ấn Độ đang là một nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, do vậy nước này đang có lợi thế tốt hơn để xây dựng khả năng phòng thủ…
Ông Modi có thể bắt đầu gần nhà, tại vùng Ấn Độ Dương, bằng cách tuyên bố tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ trong vùng. Đây là điều cần thiết vì Trung Quốc cũng đang thách thức Ấn Độ tại vùng Nam Á.
Thủ tướng Ấn Độ cũng nên huy động các nỗ lực tập thể giúp khu vực Đông Nam Á tăng cường năng lực hàng hải. Tuyên bố của ông về các tranh chấp Biển Đông, và nhu cầu giải quyết bằng các phương pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, đang rất được các nước khu vực lắng nghe.
Hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã phá vỡ luật lệ quốc tế. Ấn Độ và Trung Quốc gần đây đều phải đối mặt với các phán quyết quốc tế bất lợi về các yêu sách trên biển. Thế nhưng chỉ có Ấn Độ chấp nhận quyết định có lợi cho Bangladesh ở Vịnh Bengal, trong khi Trung Quốc đã phủ nhận hoàn toàn phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về Biển Đông không có lợi cho Bắc Kinh.
Hiện nay có rất nhiều nước muốn cùng Ấn Độ gánh vác vấn đề an ninh châu Á, từ ba thành viên còn lại trong bộ tứ Kim Cương là Úc, Nhật, Mỹ, cho đến Pháp hay Hàn Quốc… Vấn đề là Ấn Độ phải từ bỏ thái độ dè dặt cố hữu. Hy vọng là cú hích mới đây từ Mỹ, với việc đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương sẽ khích lệ thủ tướng Modi theo chiều hướng đó.
Ý lập chính phủ dân túy bài châu Âu
Tại Ý, sau gần ba tháng thương lượng, rút lui, chiều 01/06/2018, chính phủ liên minh giữa Phong Trào Năm Sao (M5S) phản hệ thống và đảng Liên Đoàn cực hữu sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức tại Roma. Tân thủ tướng Giuseppe Conte, một luật gia 53 tuổi, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm chính trường, hứa chống chính sách thắt lưng buộc bụng và tăng cường an ninh.
Từ Roma, thông tín viên RFI Huê Đăng nhận xét quá trình lập chính phủ Ý như mua bán ngoài chợ, trả giá, làm căng rồi xuống nước :
« Chiều tối hôm qua (31/05/201/), lúc 22 giờ, ông Giuseppe Conte, với danh sách hội đồng bộ trưởng mới trong tay, đã trở lại dinh tổng thống để hội kiến với ông Sergio Mattarella.
Trong bản danh sách này, ông Paolo Savona, vốn là cái cớ để hai đảng dân túy mặc cả với tổng thống đã chuyển sang ghế bộ trưởng chuyên trách các vấn đề châu Âu. Trong khi người sẽ giữ ghế bộ trưởng Kinh Tế là ông Giovanni Tria, kinh tế gia, giảng sư đại học, giám đốc trung tâm Center in Economic and International Studies, phó chủ tịch của Comite for Information Computers and Communication Policites. Như thế là sau cùng, liên minh dân túy, nhất là đảng Lega, đã phải chấp nhận thay ngựa của bộ Kinh Tế như tổng thống Mattarella đã đề nghị.
Vì sao chỉ trong vòng trên dưới ba ngày mà cả Di Maio lẫn Salvini đã phải thay đổi chiến thuật, đi đến hòa hoãn với tổng thống với mục tiêu là phải thành lập cho được chính phủ dân túy thay vì đi bầu ngay lại lập tức với hy vọng sẽ được tăng phiếu ?
Lý do là nếu đi bầu lại ngay lập tức thì cuộc tranh cử lần này sẽ biến thành một kiểu trưng cầu dân ý giữa hai lựa chọn : hoặc tiếp tục là thành viên Liên Hiệp Châu Âu và nằm trong khối đồng euro, hoặc rút ra khỏi châu Âu và đồng euro.
Bỏ qua các tuyên truyền đao to búa lớn bài xích châu Âu hay tẩy chay đồng euro của các đảng dân túy, vấn đề là cho đến ngay trong các cử tri đã bỏ phiếu cho Năm Sao hay Lega, cũng có nhiều người vốn có cơ sở sản xuất với những quan hệ đối tác với các nước trong Liên Hiệp Châu Âu và giao dịch bằng đồng euro, họ thấy công việc làm ăn của họ sẽ bị đe dọa nếu bị hất ra khỏi châu Âu và không còn nằm trong khối đồng euro, gây thêm khó khăn trong việc kinh doanh của họ. Do đó, trong lần bầu cử tới, không chắc gì cả hai đảng dân túy thu hút cử tri vốn không muốn mạo hiểm với viễn cảnh trở lại đồng tiền Lire, vốn đã từng bị phá giá và không còn được hưởng quy chế tự do mậu dịch giữa các thành viên châu Âu.
Lý do thứ hai là Năm Sao và Lega chỉ vừa mới manh nha muốn ra khỏi châu Âu và khối đồng euro mà cả thị trường tài chánh đã bắt đầu báo động và thị trường chứng khoán Ý bị mất giá. Nếu tiếp tục giữ tình trạng xáo trộn và bất ổn thêm chừng vài tuần nữa thì Ý có thể rơi vào tình trạng Nhà nước phá sản. Nếu viễn cảnh đó diễn ra, lúc đó, Năm Sao và Lega, có lên nắm chính phủ được, thì chỉ có trong tay một nền kinh tế phá sản.
Đó là lý do vì sao liên minh dân túy đi nước cờ lui. Trước mắt, có thể nói tổng thống Mattarella đã thắng được ván cờ đầu, có nghĩa là gỡ được quả bom nổ chậm Savona ra khỏi bộ Kinh Tế, nhưng còn cần phải chờ xem những tháng tới, liên minh dân túy Năm Sao và Lega sẽ còn tàn phá nước Ý đến mức độ nào ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180601-y-lap-chinh-phu-dan-tuy-bai-chau-au-ok
Năm câu hỏi về tân chính phủ Ý
Hôm qua, 31/05/2018, tổng thống Sergio Mattarella lại giao cho ông Giuseppe Conte trách nhiệm thành lập chính phủ, sau khi liên minh giữa đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) vàđảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (Lega) đưa ra một danh sách mới các thành viên Hội Đồng Bộ Trưởng (chính phủ). Chiều nay, 01/06, tân chính phủ Ý sẽ tuyên thệ nhậm chức.
AFP nêu ra 5 vấn đề liên quan tân chính phủ Ý.
Liệu nước Ý có ra khỏi khu vực đồng euro hay không ?
Hai đảng này đã chỉ trích mạnh mẽ đồng euro, ghi rõ ràng trong dự thảo chương trình lãnh đạo chung của họ về khả năng rút nước Ý ra khỏi khu vực đồng tiền chung và tìm mọi cách bảo vệ sự hiện diện của ông Paolo Savona trong tân chính phủ ; ông Savona là kinh tế gia có lập trường bi quan về châu Âu, cho rằng khu vực đồng euro là nhà tù Đức.
Thế nhưng, cả Lega và M5S đều không chủ trương đơn phương rút nước Ý ra khỏi khu vực đồng euro. Theo nhiều cuộc thăm dò gần đây, có từ 60 đến 70% dân Ý chống lại việc này.
Tuy vậy, Lega cho rằng euo là một kinh nghiệm sai lầm về kinh tế và xã hội. Đảng này chủ trương một loạt cải cách và trong tương lai, sẽ phối hợp với các nước khác rút ra khỏi euro. Chương trình lãnh đạo chung của hai đảng – chống thắt lưng buộc bụng một cách triệt để – có nguy cơ gây bất đồng với các đối tác trong khu vực đồng euro.
Vậy các thị trường tài chính sẽ hoảng sợ ?
Tình trạng rối ren trong chiến dịch tranh cử rồi viễn cảnh phải bầu cử lại do không có đa số tại Quốc Hội đã gây ra một vài căng thẳng trên các thị trường tài chính.
Chương trình lãnh đạo chung – tương đối phá cách – của hai đảng đã gây ra cơn sốt và trở nên nghiêm trọng hơn với viễn cảnh bầu cử trước thời hạn sau khi ý định thành lập chính phủ của ông Giuseppe Conte không thành.
Hồi đầu tuần, chênh lệch lãi suất đi vay 10 năm (spread) giữa Ý và Đức vượt qua ngưỡng 300 điểm, thay vì 130 điểm như cách nay ba tuần, rồi mức chênh lệch này bắt đầu giảm khi Lega và M5S nối lại thương lượng. Năm 2011, mức chênh lệch lên gần tới 600 điểm và đã buộc Silvio Berlusconi phải ra đi.
Liệu liên minh này có thể tồn tại lâu dài hay không ?
Thủ lĩnh hai đảng, ông Luigi Di Maio và Matteo Salvini, nhiều lần nhấn mạnh là họ tính tới chuyện cùng nhau lãnh đạo trong 5 năm. Tuy nhiên, hai đảng này có đa số hạn hẹp, chỉ quá bán có 32 ghế tại Hạ Viện (trong tổng số 630 dân biểu) và hơn một chục ghế tại Thượng Viện (tổng số 320 thượng nghị sĩ), trong lúc hai viện có quyền lực như nhau. Do đó, họ phải tập hợp được toàn bộ các dân biểu của mình, kể cả những dân biểu không mặn mà với liên minh này.
Ai thực sự lãnh đạo ?
Ông Di Maio có thể dựa vào số phiếu mà đảng của ông đạt được, hơn 32% trong lúc đảng Lega chỉ thu được có 17% số phiếu. Tuy nhiên, ông Salvini, nhà hùng biện có hiệu quả và quyết tâm, với tỉ lệ được lòng dân đang lên cao theo các cuộc thăm dò dư luận, đã biết cách tự khẳng định mình như là người lãnh đạo nền chính trị Ý. Uy quyền của ông trong nội bộ đảng rõ nét hơn uy quyền của ông Di Maio trong M5S, mà thủ lĩnh thực sự vẫn là ông Beppe Grillo.
Ảnh hưởng của cựu thủ tướng Sivio Berlusconi vẫn là ẩn số, cho dù ông đồng minh của ông Salvini, và thậm chí ông Di Maio không hề muốn nhắc tới. Sau hai tháng bế tắc, nhà tỉ phú già đã bật đèn xanh cho việc liên minh với M5S. Do lại được quyền ra tranh cử ngay sau đó, và bực tức về các biện pháp cải cách tư pháp trong chương trình lãnh đạo chung của liên minh, ông Berlusconi thề thốt sẽ có lập trường « đối lập hợp lý và phê phán ».
Vai trò của tổng thống Ý sẽ ra sao ?
Khi từ chối bổ nhiệm ông Paolo Savona, kinh tế gia bài châu Âu, làm bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính, tổng thống Sergio Mattarella, do phe đa số trung tả tại Quốc Hội bầu ra, đã buộc hai đảng Lega và M5S phải dành chỗ trong chính phủ cho các nhân vật đủ khả năng trấn an Liên Hiệp Châu Âu. Trong những tuần gần đây, ông Mattarella cũng đã nhắc lại rằng ông có thể trả lại Quốc Hội mọi đạo luật chủ trương tiêu tốn ngân sách nếu như không có những biện pháp bù đắp.
Là người bảo đảm cho việc nước Ý thực thi các cam kết quốc tế, ông sẽ cảnh giác theo dõi việc tôn trọng các hiệp ước, nhất là các hiệp ước của Liên Hiệp Châu Âu cũng như việc nước Ý rất gắn bó từ lâu nay với NATO.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180601-nam-cau-hoi-ve-tan-chinh-phu-y