Tin khắp nơi – 01/03/2017
Ông Trump chọn lãnh đạo tình báo quốc gia
Ông Dan Coats, người được Tổng thống Donald Trump chọn làm lãnh đạo cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, nói Nga là mối đe dọa hàng đầu. Phát biểu với các nhà lập pháp hôm thứ Ba, ông nói có một thực tế được thừa nhận, đó là Moscow đã cố gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11/2016.
Ông Coats nói: “Nga có lịch sử lâu năm về tuyên truyền khi cố gây ảnh hưởng đến các quốc gia và các nền văn hóa khác, cũng như trong các cuộc bầu cử, v.v… Việc đó đang diễn ra ở châu Âu hiện nay. Nhưng họ dường như đã đẩy mạnh việc làm đó, và họ đang sử dụng không gian mạng, cũng như đang sử dụng các phương pháp tinh vi mà họ đã không có trước đây. Và vì vậy tôi nghĩ rằng có một vấn đề rất quan trọng là chúng ta cần hiểu đầy đủ về những gì đã xảy ra, chúng đã xảy ra như thế nào, và có một báo cáo đầy đủ về điều đó”.
Trong buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, cựu Thượng nghị sĩ Indiana Dan Coats cam kết ủng hộ một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vai trò của điện Kremlin trong cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
Lập trường của ông Coats dường như mâu thuẫn với Tổng thống Trump, là người ban đầu đã bác bỏ những phát hiện của cộng đồng tình báo, cả trong chiến dịch tranh cử lẫn sau bầu cử.
Trong lời phát biểu mở đầu xác định các mối đe dọa cấp bách khác đối với Hoa Kỳ, ông Coats cũng đề cập đến “khủng bố Hồi giáo cực đoan”.
Dường như rõ ràng nhắc đến nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, ông nói: “Chúng đang lan truyền thông điệp gây sợ hãi và thù ghét qua không gian mạng và đang vận động đến các địa điểm ở ngoài quốc gia tự xưng của chúng”.
Ông Coats cũng nêu quan ngại về Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-chon-lanh-dao-tinh-bao-quoc-gia/3745322.html
Ngoại trưởng Mỹ gặp ông Dương Khiết Trì của TQ
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm thứ Ba đã gặp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Washington.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng hai nhà ngoại giao đã thảo luận về “mối quan hệ kinh tế cùng có lợi” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và mối quan tâm của họ đối với chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc là đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, nhưng cũng như Hoa Kỳ, Trung Quốc đã bày tỏ phản đối các vụ thử tên lửa lặp đi lặp lại của Bắc Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Hai ông Tillerson và Dương cũng khẳng định “tầm quan trọng” của mối quan hệ có tính xây dựng giữa hai nước cũng như các cuộc hội đàm cấp cao thường xuyên giữa các quan chức hàng đầu hai nước.
http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-gap-ong-duong-khiet-tri-cua-tq/3745337.html
Trump gây bất ngờ
với bài diễn văn nhã nhặn trước Quốc Hội Mỹ
Tối hôm qua 28/02/2017, tân tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc Hội lưỡng viện. Chính sách nhập cư mới, cải cách bảo hiểm y tế, đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng và tăng mạnh chi phí cho quốc phòng vẫn là những chủ trương chính của Donald Trump, tuy nhiên lần này tân tổng thống Mỹ đã tỏ ra “nhã nhặn” một cách khác thường. Từ Washington, nhà báo Phạm Trần trả lời RFI.
Nhà báo Phạm Trần (Washington)01/03/2017Nghe
Nhà báo Phạm Trần : “Sau năm tuần lễ cầm quyền, thái độ có vẻ hung hăng, phong cách nói năng lung tung của ông Trump đã thay đổi toàn diện. Nếu nghe bài diễn văn tối qua, có thể thấy ông Trump… từ chỗ là một người không coi ai ra gì, trở thành một người từ tốn…
Nhưng bình tĩnh nhìn lại… tất cả những gì ông Donald Trump hứa trong tối ngày 28/02… chúng ta thấy những con số hết sức là hấp dẫn, hết sức là phấn khởi, người Mỹ nghe có vẻ bùi tai lắm, nhưng trong thực tế lấy tiền ở đâu ra, Quốc Hội có chấp thuận hay không…”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170301-trump-gay-bat-ngo-voi-bai-dien-van-nha-nhan-truoc-quoc-hoi-my
Wilbur Ross tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Thương mại
Nhà đầu tư tỉ phú Wilbur Ross ngày thứ Ba 27 tháng 2 đã tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng thương mại sau khi giúp hình thành chính sách chống lại những thỏa thuận thương mại đa phương của Tổng thống Cộng hòa Donald Trump.
Phó Tổng thống Mike Pence chủ trì lễ nhậm chức của ông Ross, 79 tuổi, một ngày sau khi thượng viện bỏ phiếu chuẩn thuận đề cử chuyên gia chuyên môn chuyển các công ty từ thua lỗ sang có lời, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các Thượng nghị sĩ Dân chủ.
Sau lễ tuyên thệ, ông Ross hoan nghênh sự ủng hộ của đảng Dân chủ và nói cuộc bỏ phiếu này cho thấy “có lẽ, cuối cùng việc xây dựng nước Mỹ lớn mạnh trở lại có thể trở thành công việc của lưỡng đảng.”
Ông Ross được đưa ra để trở thành một tiếng nói có ảnh hưởng trong đội ngũ kinh tế của ông Trump và sẽ bắt đầu làm việc để thương thuyết trở lại các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc và Mexico.
Trong khi các bộ trưởng thương mại ít khi nổi bật tại Washington, ông Ross hy vọng đóng một vai trò quan trọng trong việc theo đuổi những lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump nhằm giảm bớt thâm thủng mậu dịch và mang việc làm trong sản xuất trở về Mỹ.
Một số đảng viên Dân chủ chỉ trích ông Ross là một tỉ phú khác trong Nội các của ông Trump tuy nói rằng chú trọng vào giai cấp công nhân nhưng lại là một nhà đầu tư “tham lợi” đã loại bỏ một số công ăn việc làm. Thông tấn xã Reuters trong tháng trước loan tin là những công ty của ông Ross đã chuyển khoảng 2.700 việc làm ra nước ngoài kể từ năm 2004.
http://www.voatiengviet.com/a/wilbur-ross-tuyen-the-nham-chuc-bo-truong-thuong-mai/3744665.html
Mỹ rút TPP, Châu Á bắt tay thảo luận RCEP
Các thương thuyết gia từ 16 nước Châu Á tuần này gặp nhau tại thành phố cảng Kobe của Nhật để thảo luận về một hiệp ước thương mại khu vực được xem như là đối thủ của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà tân chính quyền Mỹ vừa rút lui.
Trung Quốc không phải thành viên của TPP nhưng đóng vai trò dẫn đầu trong Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. Các cuộc thảo luận về RCEP sẽ diễn ra trong suốt tuần này, từ thứ hai đến thứ sáu.
Sau khi nhậm chức ngày 20/1, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP và hiệp ước này hiện còn 11 nước từ Chile tới New Zealand. Hoa Kỳ không tham gia Hiệp ước RCEP.
Trong số các thành viên của RCEP có một số nước nghèo nhất Châu Á như Lào và Myanmar.
Ngoài Nhật và Trung Quốc, RCEP còn có sự tham gia của Australia, Brunei, Campuchia, Ấn, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Dù Thủ tướng Nhật và một số lãnh đạo khác trong TPP hy vọng sẽ thuyết phục ông Trump xem xét lại việc từ bỏ TPP, nhưng tân Tổng thống Mỹ nói ông chuộng các hiệp ước song phương hơn.
http://www.voatiengviet.com/a/my-rut-tpp-chau-a-bat-tay-thao-luan-rcep/3744605.html
TQ mong Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng vì ích lợi hòa bình
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/2 cho hay Bắc Kinh hy vọng chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ giúp ích cho việc duy trì hòa bình ổn định toàn cầu.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tòa Bạch Ốc đề nghị tăng chi tiêu quân sự 10% lên mức 603 tỷ đô la.
Một giới chức thạo tin cho hay đề nghị của tân Tổng thống Donald Trump bao gồm tăng ngân sách đóng tàu, tậu thêm máy bay quân sự, và tạo sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong các vùng biển quốc tế và các địa điểm chiến lược như Eo biển Hormuz và Biển Đông.
Kế hoạch này có thể gây khó chịu cho Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền hầu hết toàn bộ Biển Đông và đã đặt các nước láng giềng vào tình trạng báo động với việc xây đảo nhân tạo cùng các cơ sở trên Biển Đông.
“Chúng tôi hy vọng các chính sách và biện pháp liên quan của Hoa Kỳ có thể giúp duy trì hòa bình ổn định thế giới,” phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Cảnh nói vấn đề Biển Đông hiện tại đang phát triển tốt theo hướng tích cực, và ổn định.
Vẫn theo lời ông, Trung Quốc hy vọng các nước ngoài khu vực tôn trọng nỗ lực của Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á trong việc gìn giữ hòa bình Biển Đông.
Tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố ngân sách quốc phòng cho năm nay.
Năm ngoái, Trung Quốc dành gần 139 tỷ đô la cho chi tiêu quốc phòng, nhưng giới ngoại giao cho rằng có phần chắc mức chi thật sự đã bị Bắc Kinh nói thấp đi.
Tuy nhiên, mức tăng 7,6% đã là mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc ngày 28/2 kêu gọi Bắc Kinh tăng chi tiêu quân sự ít nhất 10% trong năm nay để đối phó với những bất định dưới thời Tổng thống Trump.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-mong-my-tang-chi-tieu-quoc-phong-vi-loi-ich-hoa-binh/3744573.html
SpaceX đưa du khách tham quan mặt trăng năm 2018
SpaceX cho biết sẽ đưa hai du khách vào quỹ đạo thám hiểm mặt trăng vào năm 2018.
Hôm thứ Hai, người sáng lập SpaceX, ông Elon Musk, cho các nhà báo biết tàu vũ trụ Dragon Two của công ty sẽ chở hai du khách bay một vòng quanh mặt trăng, nhưng sẽ đáp xuống mặt trăng, trước khi trở về trái đất. Chuyến bay ước tính dài từ 500.000 đến 650.000 km. Ông Musk không tiết lộ danh tính của du khách cũng không cho biết họ phải trả tiền bao nhiêu tiền cho chuyến đi, nhưng nói rằng “không ai đến từ Hollywood”.
Tàu vũ trụ sẽ bay tự động, nên hai du khác này sẽ không được huấn luyện để điều khiển tàu Dragon Two. Tuy nhiên, ông Musk nói hai người sẽ được huấn luyện “chuyên sâu” trước chuyến bay.
Nếu thành công, đây sẽ là chuyến bay thám hiểm mặt trăng đầu tiên kể từ lần đổ bộ của phi thuyền Apollo vào năm 1972.
SpaceX là một trong hai công ty tư nhân ký hợp đồng với Cơ quan không gian NASA Hoa Kỳ để vận chuyển vật tư, và sau này là các nhà phi hành gia, lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Ông Musk cho biết công ty sẽ bắt đầu các chuyến bay có chở người lên ISS vào giữa năm 2018.
Ông nói so với hai khách du lịch trả tiền, NASA sẽ được ưu tiên hàng đầu nếu cơ quan này muốn đưa các nhà du hành vũ trụ của họ lên chuyến bay thám hiểm nguyệt cầu.
http://www.voatiengviet.com/a/spacex-de-dua-du-khach-tham-quan-mat-trang-nam-2018/3743888.html
Nga, Trung phủ quyết nghị quyết trừng phạt Syria
Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Syria vì các cuộc tấn công vũ khí hóa học mà nước này bị cáo buộc.
Các biện pháp được các cường quốc phương Tây là Anh, Pháp và Hoa Kỳ ủng hộ, sẽ áp đặt trừng phạt lên 21 người Syria, các tổ chức và các công ty bị cáo buộc đã tham gia vào các cuộc tấn công hóa học năm 2014 và năm 2015.
Nghị quyết cũng cấm tất cả các quốc gia cung cấp trực thăng, được sử dụng trong các cuộc tấn công, cho chính quyền Syria.
Các biện pháp trên được soạn thảo sau khi một cuộc điều tra chung của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học xác định rằng chính phủ Syria đã thực hiện ít nhất 3 vụ tấn công có sử dụng khí clo. Các tổ chức phát hiện các nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo đã đứng đằng sau ít nhất một cuộc tấn công có sử dụng khí mù tạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Syria trong các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu ở Geneva là “hoàn toàn không thích hợp” và cản trở những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài sáu năm.
Sau khi bỏ phiếu, Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley nói với các thành viên Hội đồng rằng nghị quyết “rất phù hợp”, và nói thêm: “Đó là một ngày buồn của Hội đồng Bảo an khi các thành viên bắt đầu bào chữa cho các nước thành viên khác giết hại người dân của họ”.
Bà Haley nói: “Thế giới chắc chắn sẽ là một nơi nguy hiểm hơn”.
Chính phủ Syria đã nhiều lần bác bỏ việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người.
Việc bỏ phiếu là một trong những đối đầu đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng và cam kết sẽ tăng cường quan hệ với Moscow.
Chín thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ việc trừng phạt. Bolivia bỏ phiếu chống lại nghị quyết, trong khi Ai Cập, Ethiopia và Kazakhstan bỏ phiếu trắng. Một nghị quyết đòi hỏi phải có chín phiếu thuận và không có phủ quyết từ các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Hoa Kỳ.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-trung-phu-quyet-nghi-quyet-trung-phat-syria-cua-lhq/3744723.html
Vụ Kim Jong-nam: Bắc Hàn nói Mỹ và Nam Hàn liên can
Lên tiếng chính thức về vụ công dân của mình bị giết ở Malaysia, Bắc Hàn nói tên ông này là Kim Chol và nghi ngờ Hoa Kỳ và Nam Hàn liên can.
Trong bản tin hiếm hoi về vụ việc, hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA lần đầu tiên xác nhận công dân Bắc Hàn bị sát hại hôm 13/2 tại sân bay ở Kuala Lumpur có tên là Kim Chol.
Tuy các nguồn của Malaysia và các nước khác đã công bố thông tin này từ lâu, cho tới nay Bắc Hàn vẫn không thừa nhận nhưng không nói tên người bị giết là gì mà chỉ nói hôm 22/2 rằng đây là “công dân CHDCND Triều Tiên (Bắc Hàn), mang hộ chiếu ngoại giao”.
Nam Hàn nói Kim Chol chính là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Bản tin ngày 1/3 của KCNA cáo buộc Hoa Kỳ và Nam Hàn liên đới vụ sát hại ngày 13/2.
“Một số kênh truyền thông nghi rằng vì hai nữ nghi phạm bị bắt đã thăm Nam Hàn một số lần trong quá khứ, rất có thể nhà chức trách Nam Hàn đã chuyển cho họ chất hóa học [giết người]”.
KCNA viết thêm: “Gần như tất cả các nước đã tiêu hủy vũ khí hóa học theo Hiệp ước cấm vũ khí hóa học [của Liên Hiệp Quốc], chỉ có Hoa Kỳ và một số nước là còn tàng trữ chất hóa học này”.
“Vấn đề là Mỹ đã tuồn sang Nam Hàn đủ loại vũ khí hóa học.”
Hãng thông tấn Bắc Hàn tiếp tục bác bỏ liên quan của Bình Nhưỡng trong vụ Kim Jong-nam.
Luật sư của Đoàn Thị Hương: ‘Cô ấy bình tĩnh’
“Nguyên nhân gây ra cái chết còn chưa được xác định rõ ràng nhưng Mỹ và Nam Hàn đã đổ tội cho CHDCND Triều Tiên một cách thiếu cơ sở, nói ông này bị đầu độc bằng chất VX.”
KCNA gọi đây là điều “phi lý” và rằng nếu quả thực đây là chất hóa học cực độc VX thì những người khác kể cả các nghi phạm đã không thể an toàn tính mạng.
Bắc Hàn nói Nam Hàn đã sử dụng vụ này để bôi nhọ Bắc Hàn, gây chia rẽ giữa Bắc Hàn và Malaysia cũng như kích động cộng đồng quốc tế.
Nước này cho rằng mục đích cuối cùng của Mỹ là gây chiến tranh hạt nhân với Bắc Hàn bằng mọi giá.
KCNA, được coi là cơ quan phát ngôn chính thức của Bình Nhưỡng, tuyên bố nếu Mỹ và Nam Hàn tiếp tục âm mưu chính trị nhằm lật đổ ở CHDCND Triều Tiên thì nước này sẽ “có các biện pháp mạnh mẽ để tự vệ, bảo vệ chủ quyền và phẩm giá quốc gia”.
Nghi phạm ra tòa
Ai có thể đứng sau vụ ám sát Kim Jong-nam?
Những ‘nhân vật chính’ trong vụ Kim Jong-nam
Trước đó, sáng 1/3 tại Kuala Lumpur, hai nghi phạm người Việt Nam và Indonesia vừa chính thức bị buộc tội giết người trong vụ giết Kim Jong-nam.
Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah bị cáo buộc bôi chất độc thần kinh VX lên mặt ông Kim Jong-nam tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2 và có thể bị án tử hình vì giết người nếu bị xử là có tội.
Sau khi được tống đạt cáo trạng, Đoàn Thị Hương nói bằng tiếng Anh: “Tôi hiểu nhưng tôi không có tội” (“I understand but I am not guilty”).
Hai người sẽ ra tòa tiếp ngày 13/4 và công tố viên lúc đó sẽ đề nghị xử họ cùng lúc tại một tòa án cấp cao hơn.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39132988
Singapore lo ngại về căng thẳng Mỹ – Trung
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói với BBC rằng căng thẳng Mỹ – Trung trong khu vực là “lo ngại thật sự”.
Ông Lý Hiển Long có cuộc trả lời phỏng vấn dài với chương trình HARDtalk của BBC tại Singapore.
Xin giới thiệu một số phần chính trong cuộc phỏng vấn:
BBC:Vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong vùng, còn ông Donald Trump nói về chính sách “Nước Mỹ trước hết”, chúng ta đã nói về khía cạnh bảo hộ rồi, tình hình đang rất khó cho Singapore?
Nếu quan hệ Mỹ – Trung Quốc trở nên thật khó khăn, vị thế của chúng tôi cũng khó hơn vì khi đó chúng tôi sẽ bị buộc phải chọn lựa giữa làm bạn với Mỹ hay Trung Quốc.
BBC:Đó là lo ngại thật sự cho ông?
Lo ngại thật sự. Hiện nay chúng tôi là bạn của cả hai. Có vấn đề chứ, nhưng nói chung chúng tôi là bạn của cả hai, và quan hệ thì tốt.
BBC: Ông có tin rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington có nguy cơ xấu đi nữa?
Theo tôi, mối quan hệ luôn đòi hỏi sự quan tâm lâu dài của cả hai phía. Tôi chắc chắn Trung Quốc làm như vậy, và tôi hy vọng Mỹ cũng quan tâm như thế vì ở phía Mỹ, họ có nhiều vấn đề khác phải lo. Châu Âu, Trung Đông, Ukraine, châu Mỹ Latin. Nếu anh không tập trung cho quan hệ này, cho cả khía cạnh hai bên cùng thắng và cả những lĩnh vực cạnh tranh, thì quan hệ có thể xấu đi.
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
BBC:Một số nước như Úc, New Zealand nói rằng họ không loại trừ “TPP trừ một”, tức là vắng Mỹ. Nhật thì nói không. Còn Singapore?
Nếu có đồng thuận, và 11 nước – thay vì 12 – nói “hãy ký kết mà không có Mỹ”, Singapore sẽ làm.
Tôi không biết nó có xảy ra không vì Nhật Bản đã phải có những nhượng bộ đau đớn để Mỹ cũng nhượng bộ. Nếu bây giờ lại có hiệp định mà Nhật phải nhượng bộ nhưng không có Mỹ, thì cân bằng chính trị và kinh tế đã đổi rồi.
Tôi không loại trừ nhưng rất khó đạt được.
Anh ra khỏi EU (Brexit)
BBC:Khi ông quan sát Vương quốc Anh như một nơi để kinh doanh, là đối tác đầu tư, thương mại, theo ông, Brexit đã làm Anh mạnh lên hay yếu đi?
Chúng tôi không bỏ phiếu. Theo chúng tôi, Brexit làm EU yếu đi. Chúng tôi cũng không chắc là nó giúp Anh mạnh hơn. Bạn có thể vẫn sống, sẽ không đói khi ở ngoài EU, nhưng đó là thị trường khổng lồ ngay bên cạnh bạn. Bạn vẫn phải làm ăn với họ, và nếu không có ảnh hưởng, có lẽ bạn sẽ không thể làm tăng ảnh hưởng của mình trên thế giới.
Thương mại và nhân quyền
BBC:Tim Farron, thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do tại Anh nói rằng “nếu có thỏa thuận thương mại với Singapore, bà Thủ tướng Theresa May phải nêu vấn đề tự do ngôn luận, báo chí khi đàm phán.” Ông phản ứng thế nào?
Bạn không có kiềm chế khi hỏi tôi câu hỏi nhỉ.
BBC:Không, nhưng đó không quan trọng phải không ạ. Quan trọng là ông có sẵn lòng bảo đảm cho báo chí nội địa? Ông có sẵn lòng nói về tự do lớn hơn cho báo chí tại nước này?
Tôi đâu có bảo các bạn là báo chí các bạn nên làm gì, tại sao các bạn nghĩ nên bảo tôi cách quản trị đất nước?
Chúng tôi hoàn toàn cởi mở, có hệ thống internet thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Chúng tôi không có tường lửa, muốn vào trang nào thì vào. Thế hạn chế là gì?
BBC:Vậy nếu chính phủ Anh liên kết hiệp định thương mại với bảo đảm nhân quyền, tự do báo chí, quyền lao động, quyền biểu tình ở nước này, ông sẽ…?
Tôi sẽ chờ đọc văn bản đã. Xem người Mỹ nào. Họ cũng không thiếu tinh thần lên giọng về đạo đức. Họ cổ vũ dân chủ, tự do ngôn luận, quyền phụ nữ, quyền của người đồng tính, thậm chí là người chuyển giới. Nhưng họ đâu có áp dụng nó khắp thế giới với các đồng minh đâu. Họ chỉ làm khi chi phí thấp thôi, khi đó họ sẽ cao giọng.
BBC:Ông không nghĩ là Anh sẽ…
Bạn xem một số nhà sản xuất dầu hỏa quan trọng nhất thế giới, họ có tuân thủ không? Họ có bị sức ép không?
Người ta vẫn phải làm ăn. Thế giới thật đa dạng, không có ai độc quyền về đạo đức hay trí khôn.
Nếu chúng ta không chấp nhận điều này, không cùng phát triển, hợp tác, chấp nhận khác biệt. Các khác biệt về giá trị, quan niệm, khác biệt trong cả cách ta đặt ra mục tiêu cuộc đời. Nếu không thế thì khó lắm.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-39133079
Chính phủ Anh đối diện ‘thất bại’ Brexit đầu tiên
Chính phủ Anh có thể gặp ‘thất bại’ đầu tiên về Luật Brexit trong Thượng viện.
Được biết các thành viên Thượng viện sẽ đồng ý sửa dự luật về Brexit để bảo vệ quyền của các công dân EU đã sống tại Anh.
Trong khi đó, chính phủ của đảng Bảo thủ Anh lại chỉ muốn ghi rằng lời cam kết rằng quy chế cho các công dân EU ‘sẽ là ưu tiên hàng đầu’ trong quá trình đàm phán với Brussels.
Tòa Tối cao Anh ‘không đảo ngược Brexit’
Anh có thể ‘trả tiền để vào thị trường EU’
‘Anh rời EU nhưng không bỏ châu Âu’
Anh Quốc muốn EU đưa ra lời đảm bảo về quyền cư trú của hơn 1 triệu công dân Anh hiện đang sống ở 27 nước EU còn lại.
Nhưng Brussels, qua lời các quan chức cao cấp nhất, không muốn đề cập đến điều này chừng nào hai bên bước vào đàm phán về quá trình Anh rời EU, còn gọi ngắn gọn là Brexit.
Nếu Thượng viện Anh (House of Lords) sửa dự luật Brexit của chính phủ thì văn bản này sẽ quay lại Hạ viện (House of Commons) để qua một vòng bỏ phiếu mới.
Chỉ sau khi được thông qua, luật này mới cho phép chính phủ của bà Theresa May kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon để Anh bắt đầu hai năm đàm phán rút ra khỏi EU.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39126757
Các vụ tử vong liên tiếp của giới ngoại giao Nga
Báo chí quốc tế chú ý các vụ tử vong liên tiếp trong giới ngoại giao Nga.
Tuần qua, sau khi khám nghiệm tử thi của ông Vitaly Churkin, đại sứ Nga ở Liên Hiệp Quốc, các bác sỹ pháp y Mỹ cho hay cần phải có thêm xét nghiệm để xác định nguyên nhân tử vong.
Vị đại sứ Cộng hòa Liên bang Nga tại Liên Hiệp Quốc từ 2003 đột tử ở tuổi 64 hôm 22/02 tại New York.
Dù tin tức ban đầu nói ông bị truỵ tim nhưng theo AP và một số báo Mỹ ngày 24/02, nguyên nhân tử vong vẫn chưa xác định được.
Đại sứ Nga bị bắn chết ở Thổ Nhĩ Kỳ
Người phóng viên chụp hình cảnh bắn đại sứ
Điều khiến báo chí Phương Tây chú ý là tần suất tử vong của các nhà ngoại giao Nga.
Chỉ trong vòng trên ba tháng, có năm nhân vật cao cấp trong ngành ngoại giao Nga chết hoặc bị giết.
Trong tháng 12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, Andrey Karlov bị tay súng người Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết khi khai trương một phòng triển lãm.
Mới trong tháng 1/2017, lãnh sự Nga ở Athens, ông Andrey Malanin, 55 tuổi, chết trong phòng tắm ở nhà riêng.
Cảnh sát Hy Lạp nói không có dấu hiệu ai đó đột nhập vào, và nguyên nhân tử vong là ‘lý do tự nhiên’, trang The Independent ở Anh đưa tin.
Báo này cũng có bài về một loạt vụ tử vong của giới ngoại giao Nga.
Theo họ, cùng trong tháng 1/2017, Đại sứ Nga ở Ấn Độ, ông Alexander Kadakin, 67 tuổi, chết sau khi bị bệnh.
Báo chí Ấn Độ nói ông “bị bệnh đã một thời gian” còn hãng tin Reuters nói ông bị truỵ tim.
Hồi tháng 12/2016, Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrey Karlov bị bắn chết ngay trong một cuộc triển lãm.
Cũng trong tháng 12 năm ngoái, người ta tìm thấy xác ông Petr Polshikov, 56 tuổi, cựu quan chức ngoại giao tại nhà riêng ở Moscow với vết đạn vào đầu.
Từng làm trong Vụ châu Mỹ Latin Bộ Ngoại giao Nga, Polshikov có thời gian phục vụ tại Đại sứ quán Nga tại Bolivia.
Tháng 11/2016, một quan chức ngoại giao Nga không thuộc hàng cao cấp là Sergei Krivov cũng qua đời ngay trong trụ sở Lãnh sự Liên bang Nga ở New York.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39131682
Tranh cử tổng thống Pháp : François Fillon
loan báo bị khởi tố, nhưng không rút lui
Ứng cử viên của cánh hữu trong cuộc chạy đua vào điện Elysée sắp bị khởi tố. Đích thân ông François Fillon thông báo tin này trong một cuộc « họp báo » bất ngờ vào trưa ngày 01/03/2017. Lên án âm mưu « ám sát » chính trị, đối xử bất công, ông tuyên bố không bỏ cuộc và kêu gọi « phán quyết » của cử tri.
Từ tổng hành dinh vận động tranh cử ở trung tâm Paris, ứng cử viên bị tai tiếng nhũng lạm quyền thế, tạo công ăn việc làm ảo cho vợ và hai con, cho biết ông « được luật sư thông báo sẽ bị thẩm phán điều tra triệu mời vào ngày 15 tới đây, để bị khởi tố ».
Đứng trên diễn đàn cùng với hàng chục lãnh đạo của đảng Những Người Cộng Hoà LR, ông François Fillon khẳng định « bị phân biệt đối xử từ đầu vụ tai tiếng ». Ông không biển thủ công quỹ, mà chỉ giao công việc trợ lý dân biểu cho người đáng tín cẩn, như nhiều đồng nghiệp khác. Ông than phiền nguyên tắc « giả định vô tội không được tôn trọng ».
Một lần nữa, ứng cử viên François Fillon lên án điều mà ông gọi là âm mưu « ám sát chính trị để ngăn chận chương trình cải cách sâu rộng nước Pháp và loại bỏ ứng cử viên đại diện cho hàng triệu cử tri cánh hữu ».
Với nhận định này, cựu thủ tướng Pháp khẳng định bất chấp bị khởi tố, vẫn tiếp tục tranh cử để cử tri, chứ không phải thẩm phán hay báo chí, phán quyết số phận của ông. Cách nay vài tuần, khi báo chí đưa tin vụ tạo việc làm ảo cho vợ và con, ông Fillon đã tuyên bố, nếu bị khởi tố, ông sẽ không tham gia tranh cử nữa.
Theo các kết quả thăm dò dư luận mới nhất, François Fillon đứng hạng ba trong vòng một, sau ứng cử viên đảng cực hữu Marine Le Pen và ứng cử viên Emmanuel Macron được sự ủng hộ của một bộ phận của đảng Xã Hội và cánh trung, cũng như giới trẻ Pháp.
Hồ sơ Syria bế tắc tại Hội Đồng Bảo An,
phương Tây tố cáo Nga
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 28/02/2017, vẫn không ra được nghị quyết lên án chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học và trừng phạt những người chịu tránh nhiệm. Anh, Pháp và Mỹ muốn nghị quyết này được thông qua, nhưng lại vấp phải sự chống đối của Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI, Marie Bourreau tại New York, cuộc biểu quyết hôm qua, cho thấy rõ hơn quan điểm của Mỹ đối với Nga :
Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên, Nga vẫn đưa ra lập luận cố hữu. Phó đại sứ Nga ở Liên Hiệp Quốc cho rằng cuộc bỏ phiếu này là một sự khiêu khích.
Ông nói : Quý vị đều biết từ trước quan điểm của chúng tôi. Những kết luận của cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc cho rằng chế độ Damas đã sử dụng chất chlore trong cuộc tấn công ở ít ra ba nơi phía bắc Syria, thật ra đã không có yếu tố thuyết phục nào để xác định kẻ chịu trách nhiệm.
Đối diện với ông, đại sứ Mỹ Nikki Haley, dường như đã được chỉ thị, không những đã cùng bảo trợ văn kiện mà Paris và Luân Đôn trình lên, mà lại còn có những lời lẽ rất cứng rắn đối với Matxcơva và Bắc Kinh sau cuộc bỏ phiếu. Bà nói :Trung Quốc và Nga đã có một lựa chọn quá đáng và không thể bào chữa được vào hôm nay. Đây là một ngày đáng buồn đối với Hội Đồng Bảo An, khi mà đã có những thành viên bắt đầu tìm được những lời bao che cho những thành viên khác giết hại cả chính dân chúng mình. Thế giới hiển nhiên đã trở nên nguy hiểm hơn.
Cuộc bỏ phiếu mang tính chất trắc nghiệm đối với quan hệ Mỹ-Nga đã chứng minh, nhất là trên hồ sơ Syria, là không có gì thay đổi với chính quyền Donald Trump.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170301-be-tac-tai-hoi-dong-bao-an-ve-syria-phap-anh-va-my-to-cao-nga
Lần đầu tiên Trung Quốc bị Daech đe dọa
Trong một đoạn video do một chi nhánh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tại Irak công bố ngày 28/02/2017, một số thành phần người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc đã thề quyết hồi hương để làm cho «máu chảy thành sông ». Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên mà Daech đe dọa đánh vào các mục tiêu tại Trung Quốc.
Theo công ty SITE Intelligence Group tại Hoa Kỳ, chuyên giám sát các trang web của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong đoạn video dài nửa tiếng đồng hồ, các tay súng người Duy Ngô Nhĩ của Daech đã tung ra những lời đe dọa như trên, sau khi xử tử một người bị cho là chỉ điểm cho kẻ thù.
Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh đã quy trách nhiệm cho những người bị Bắc Kinh gọi là « phần tử ly khai » Duy Ngô Nhĩ, là tác giả nhiều vụ khủng bố ở vùng Tân Cương, miền tây Trung Quốc, quê hương của sắc dân thiểu số này. Trong khi đó, nhiều người Duy Ngô Nhĩ thì lại tố cáo Bắc Kinh tiến hành một chính sách đàn áp và phân biệt đối xử nhắm vào họ.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, tiến sĩ Michael Clarke, chuyên gia về Tân Cương thuộc Đại Học Quốc Gia Úc ghi nhận rằng đoạn video có lẽ là lời « đe dọa trực tiếp đầu tiên » của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhắm vào Trung Quốc, và cũng là lần đầu tiên mà người ta thấy chiến binh Duy Ngô Nhĩ « tuyên bố trung thành với Daech ».
Theo chuyên gia này thì có hai giả thuyết : Trung Quốc đã trở thành mục tiêu đánh phá của Daech nói chung, hoặc là đã có chia rẽ trong nội bộ chiến binh Duy Ngô Nhĩ.
Theo AFP, đoạn video được tung ra cùng ngày với việc Trung Quốc tổ chức những cuộc mít tinh của lực lượng an ninh tại vùng Tân Cương nhằm chứng tỏ quyết tâm tận diệt « khủng bố ».
Đã có hơn 10.000 cảnh sát vũ trang họp mít tinh tại Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương, trong một động thái biểu dương lực lượng lần thứ tư từ đầu năm đến nay.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170301-lan-dau-tien-trung-quoc-bi-daech-de-doa
Mỹ : Donald Trump hứa đầu tư
một ngàn tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng
Hôm qua 28/02/2017, phát biểu trước Quốc Hội lưỡng việnThượng Viện, tổng thống Mỹ Doanld Trump đã hứa đầu tư 1 ngàn tỉ đô la để phát triển cơ sở hạ tầng và tạo thêm 1 triệu việc làm. Tuy nhiên, nguyên thủ Hoa Kỳ lại cho biết rất ít chi tiết về chính sách kinh tế của ông.
Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ đề nghị Quốc Hội thông qua khoản đầu tư này để xây dựng lại đất nước. Theo ông Trump phát biểu là Hoa Kỳ đã chi khoảng 6 ngàn tỉ đô la vào khu vực Trung Đông, trong khi cơ sở hạ tầng của nước Mỹ lại không được chú ý. Với 6 ngàn tỉ đô la này, đáng lẽ cơ sở hạ tầng của Mỹ phải được phát triển tốt gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần hiện tại nếu có các nhà lãnh đạo giỏi đàm phán.
Chủ nhân Nhà Trắng còn hứa sẽ đưa ra một chương trình cải cách thuế mang tính lịch sử, như giảm thuế doanh nghiệp để các công ty có thể cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào và phát triển ở bất cứ ở nơi đâu. Các biện pháp cải cách thuế cũng sẽ có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
Liên quan tới sắc lệnh di trú mới mà tổng thống Donald Trump dự kiến đưa ra ngày hôm nay, Reuters cho biết sẽ không còn tên Irak trong danh sách các nước Hồi Giáo mà người dân bị cấm tới Mỹ. Chính bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gây sức ép buộc tổng thống rút tên Irak vì quốc gia Hồi Giáo này có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170301-my-donald-trump-hua-dau-tu-mot-ngan-ti-do-la-vao-co-so-ha-tang
Mỹ và Hàn Quốc khai mạc đợt tập trận thường niên
Seoul và Washington vào hôm nay, 01/03/2017, đã khởi động các cuộc tập trận thường niên Key Resolve và Foal Eagle, trong lúc tại Bình Nhưỡng, Kim Jong Un ra lệnh cho quân đội Bắc Triều Tiên chuẩn bị một cuộc tấn công ác liệt chống kẻ thù.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên quân đội Mỹ cho biết là đợt tập trận năm nay sẽ diễn ra không khác gì năm ngoái. Vào năm 2016, cuộc thao diễn quân sự đã huy động 300.000 lính Hàn Quốc, trong lúc phía Mỹ cử 17.000 binh sĩ, cùng với chiến hạm và máy bay.
Theo nguồn tin trên, đã có 3.600 lính Mỹ bắt đầu tham gia vào cuộc tập trận Foal Eagle, mở màn đợt thao diễn hỗn hợp kéo dài trong hai tháng, nhưng tổng số quân nhân Mỹ tham gia vẫn chưa được công bố.
Trích dẫn nguồn tin KCNA, hãng tin Pháp cho biết thêm là lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đến thăm bản doanh một đơn vị quân đội và ca ngợi tinh thần cảnh giác của binh lính trước các « lực lượng thù địch Mỹ và Hàn Quốc ». Lãnh đạo Bình Nhưỡng đã ra lệnh cho quân đội « chuẩn bị những biện pháp phản công triệt để đề phòng không lực thù nghịch bất ngờ tấn công ».
Tại Seoul, quyền tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn cũng lên tiếng cảnh cáo là Seoul sẽ đáp trả mọi hành động khiêu khích và sẽ đề nghị Liên Hiệp Quốc tăng cường biện phạt trừng phạt Bình Nhưỡng. Hàn Quốc, theo ông, « sẽ làm cho Bắc Triều Tiên thấy rằng có vũ khí hạt nhân cũng chỉ là vô ích mà thôi ».
Cuộc thao diễn thường niên Mỹ-Hàn luôn bị Bắc Triều Tiên tố cáo gay gắt, vì Bình Nhưỡng cho đây là cuộc tổng diễn tập nhằm đánh chiếm Bắc Triều Tiên. Mỗi lần có tập trận là mỗi lần tình hình bán đảo căng thẳng hơn lên, với các lời đe dọa, và hành động bắn thử tên lửa ở phía bắc. Năm nay lại có thêm vụ ám sát Kim Jong Nam ở Malaysia.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170301-my-va-han-quoc-khai-mac-dot-tap-tran-thuong-nien
Pháp : Hiến binh vô tình nổ súng
khi tổng thống Hollande đang phát biểu
Hôm qua, 28/02/2017, tại thành phố Villognon, tỉnh Charente, miền tây nam nước Pháp, trong khi tổng thống François Hollande đang phát biểu trong lễ khai trương tuyến đường sắt cao tốc LGV Paris-Bordeaux, một hiến binh đã sơ xuất nổ súng làm hai người bị thương.
Khi thay đổi tư thế canh gác tại một vị trí trên cao, hiến binh này đã vô tình làm súng nổ. Viên đạn sượt qua bắp chân một nhân viên phục vụ rồi găm vào chân một nhân viên khác ở phòng bên cạnh căn phòng tổng thống phát biểu. Hai nạn nhân chỉ bị thương nhẹ, không bị nguy hiểm tới tính mạng.
Tổng thống Hollande chỉ phải dừng lại trong chốc lát rồi lại tiếp tục phát biểu. Tổng thống Hollande cũng đã tới thăm hai người bị thương trước khi rời đi. Nhà chức trách địa phương cho biết là một cuộc điều tra đang được tiến hành.