Tin khắp nơi – 01/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 01/02/2017

Nhóm tị nạn tới Mỹ

trong thỏa thuận Mỹ-Úc sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hôm thứ Tư cho biết Hoa Kỳ cam kết tôn trọng một thỏa thuận để tái định cư một nhóm người tị nạn từ các trại trên các đảo ở Thái Bình Dương, thậm chí sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh tạm đình chỉ chương trình nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ.

Thỏa thuận đạt được dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, liên quan đến khoảng 1.200 di dân bị chặn bắt trên đường tìm đến Úc. Những người này đã được đưa đến các trại tạm giam ở Papua New Guinea và Nauru.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng “các thủ tục rà soát cực kỳ kỹ lưỡng” sẽ được áp dụng đối với tất cả những người tị nạn này.

Phần lớn những người tị nạn nằm trong thỏa thuận với Úc là những người từ Afghanistan, Iraq và Iran.

Ngoài những người tị nạn đang được xem xét theo thoả thuận với Úc, Hoa Kỳ cũng đang chuẩn bị giải quyết một nhóm gồm 872 người tị nạn dự kiến sẽ đến Mỹ trong tuần này.

http://www.voatiengviet.com/a/nhom-ti-nan-toi-my-trong-thoa-thuan-my-uc-se-bi-kiem-tra-ky-luong/3701742.html

 

TT Trump đề cử Neil Gorsuch vào Tối cao Pháp viện

Tổng thống Donald Trump đã đề cử thẩm phán liên bang Neil Gorsuch bang Colorado vào Tối cao Pháp viện Mỹ.

Ông Trump đứng trước các máy thu hình TV tại Tòa Bạch Ốc tối ngày thứ Ba để giới thiệu thẩm phán Gorsuch.

Nếu được thượng viện chuẩn thuận, ông Gorsuch sẽ thay thế thẩm phán tối cao Antonin Scalia có khuynh hướng bảo thủ đã từ trần cách đây một năm.

Ông Gorsuch, 49 tuổi, sẽ là một trong những thẩm phán trẻ nhất của Tối cao Pháp viện Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/tt-donald-trump-de-cu-tham-phan-neigorsuch-bang-colorado-vao-toi-cao-phap-vien/3701155.html

 

Hai tuần sau ngày nhậm chức,

TT Trump trở thành đối tượng của nhiều vụ kiện

Zlatica Hoke

WASHINGTON —

Chưa đầy hai tuần lễ từ khi tuyên thệ nhậm chức, nhiều hồ sơ pháp lý đã được đệ nạp để kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump, đa số các hồ sơ này đều có liên hệ tới sắc lệnh hành chính mà nhiều người gọi nôm na là “lệnh cấm cửa người Hồi giáo”. Lệnh này cấm khách du hành đến từ 7 nước nơi đa số dân theo Hồi giáo gồm: Iraq, Iran, Syria, Somalia, Sudan, Libya và Yemen, không được nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, đồng thời tạm ngưng chương trình định cư người tị nạn Syria tại Hoa Kỳ cho tới khi có lệnh mới. Chính quyền của ông Trump nói lệnh cấm tạm thời này là cần thiết để bảo đảm sự an toàn của các công dân Mỹ. Nhưng giới chống đối cho rằng lệnh này là vi hiến.

Sắc lệnh hành chính đã lập tức khơi dậy các cuộc biểu tình trên khắp nước, và giờ đây được nối tiếp bằng hành động pháp lý để kiện Tổng thống Trump.

Tổng chưởng lý bang Massachusetts Maura Healy hôm thứ Ba 1 tháng 2 loan báo một vụ kiện mới. Bà phát biểu:

“Lệnh hành chính này gây nguy hại, kỳ thị và vi phạm hiến pháp. Lệnh này phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo và gốc gác đến từ nước nào, khước từ cư dân nước Mỹ được tiếp cận hệ thống pháp lý và được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật, đồng thời lệnh này còn vi phạm luật di trú liên bang.”

Loan báo được đưa ra không lâu sau khi San Francisco thông báo một vụ kiện chống lại lời đe doạ của chính quyền TT Trump sẽ tước quỹ tài trợ của liên bang nếu thành phố San Francisco, bang California, cung cấp nơi trú ẩn cho di dân không có giấy tờ hợp lệ.

Luật sư của thành phố San Francisco Dennis Herrera phát biểu:

“Hôm nay xin loan báo là tôi đã đệ nạp một hồ sơ để tiến hành một vụ kiện liên bang chống Tổng thống Trump và chính quyền của ông về sắc lệnh hành pháp, đe doạ không cung cấp cho thành phố hàng tỉ đôla tiền tài trợ của liên bang vì quy chế “thành phố bảo vệ di dân” của chúng tôi. Sắc lệnh hành chính của Tổng thống không những vi hiến, mà còn không tôn trọng các giá trị Mỹ.”

Tiểu bang Washington ở miền Tây nước Mỹ thông báo một vụ kiện hôm thứ Hai. Tổng chưởng lý tiểu bang này, ông Bob Ferguson, cho biết:

“Vụ kiện của chúng tôi khác và rộng hơn về mặt quy mô. Vụ kiện có mục đích đưa ra chứng cớ thuyết phục rằng các điều khoản chủ yếu trong sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump phải được tuyên bố là bất hợp pháp và vi hiến.”

Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, một tổ chức bênh vực quyền lợi của cộng đồng Hồi giáo ở Hoa Kỳ, cũng đệ đơn kiện Tổng thống Trump hôm thứ Hai.

Quyết định của Tổng thống Trump, cách chức quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates vì theo ông, bà đã “từ chối thực thi lệnh được soạn thảo để bảo vệ các công dân Mỹ”, còn đổ thêm dầu vào ngọn lửa phẫn nộ của những người chống đối lệnh cấm nhập cư.

Giáo sư Sam Erman thuộc Trường Luật, Đại học Nam California, nhận định:

“Cách chức một Bộ trưởng Tư pháp không phải là điều chưa từng xảy ra, nhưng mọi sự không suôn sẻ lắm khi điều đó xảy ra trong quá khứ, và cũng sẽ xảy ra bây giờ, đó là trong giới chống đối, sắc lệnh của Tổng thống chỉ củng cố thêm lập luận cho rằng theo cách nào đó, quyết định ấy nằm ngoài vòng pháp lý.”

Đa số các nhà lập pháp Đảng Cộng hoà đều hậu thuẫn sắc lệnh của Tổng thống.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan phát biểu:

“Chúng ta phải tạm dừng lại và đảm bảo rằng các thủ tục rà soát kiểm tra đạt tiêu chuẩn, để chúng ta có thể bảo đảm sự an toàn và an ninh quốc gia.”

Chủ tịch Hạ viện Ryan hôm nay cam kết rằng chương trình định cư người tị nạn sẽ tái tục, một khi các thủ tục kiểm tra được siết chặt và đã được chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ nền an ninh quốc gia.

http://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-tro-thanh-doi-tuong-cua-nhieu-vu-kien/3701653.html

 

Tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc

Carla Babb

NGŨ GIÁC ĐÀI —

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc hôm thứ Tư 1/2. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Mattis kể từ khi ông nhậm chức. Từ Ngũ giác đài, thông tín viên Carla Babb của đài VOA tường trình về những gì được trông đợi trong chuyến thăm của tân bộ trưởng quốc phòng đến hai đồng minh Đông Á thân cận của Hoa Kỳ.

Ngũ giác đài cho hay chuyến công du của Bộ trưởng Mattis đến Nhật Bản và Nam Triều Tiên là dịp để lắng nghe những lo ngại của hai đồng minh quân sự thân cận nhất của Hoa Kỳ.

Một giới chức quốc phòng nói với đài VOA rằng Bộ trưởng Mattis dự trù sẽ họp với tổng thống lâm thời của Hàn Quốc, thủ tướng Nhật Bản và bộ trưởng quốc phòng của hai nước.

Các chuyên gia nhận định rằng chuyến thăm này của Bộ trưởng Mattis là nhằm trấn an các đồng minh trong những tháng trước khi tân chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố sách lược của Hoa Kỳ đối với vùng Thái Bình Dương.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump yêu cầu các nước, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc “trả chi phí” bảo vệ an ninh cho Mỹ, và thậm chí trong một cuộc phỏng vấn còn gợi ý rằng Nhật Bản nên có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ chống mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), nhận định:

“Tôi không tin là Bộ trưởng Mattis sẽ khuyến khích hai nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Chúng ta muốn gởi tín hiệu đến cho cả hai nước rằng an ninh của họ liên quan mật thiết tới an ninh của Hoa Kỳ và đó là nghĩa vụ mà tất cả chúng ta phải hoàn thành.”

Chuyến công du Đông Á của Bộ trưởng Mattis diễn ra sau khi Tòa Bạch Ốc ngỏ ý sẽ tham gia sâu rộng hơn vào Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo và tranh chấp chủ quyền của các quần đảo như Trường Sa, với các nước láng giềng.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói:

“Nếu các hòn đảo đó thực sự nằm trong các vùng biển quốc tế và không phải là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, thì chúng tôi chắc chắn sẽ bảo vệ lãnh hải quốc tế, không để cho một nước nào lấn chiếm.”

Bảo vệ theo ông Spicer sẽ như thế nào thì vẫn chưa được xác quyết, nhưng các chuyên gia như bà Bonnie Glaser kêu gọi nên cẩn trọng. Bà Bonnie Glaser:

“Vạch ra những lằn ranh đỏ quá sớm trong khi ta chưa thể giữ được cam kết của mình, có thể khiến cho uy tín nước Mỹ bị phương hại.”

Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, nhưng Hoa Kỳ vẫn tránh tiến vào các vùng nơi có tranh chấp lãnh thổ.

http://www.voatiengviet.com/a/tan-bo-truong-quoc-phong-my-tham-nhat-han/3701632.html

 

Giới chức di trú Mỹ bênh vực

lệnh hạn chế du hành của ông Trump

William Gallo

WASHINGTON —

Sau nhiều ngày xảy ra các cuộc biểu tình phản đối, tân Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly đã cố gắng giải thích và minh định sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump về hạn chế nhập cảnh và tạm dừng chương trình tị nạn.

Bộ trưởng John Kelly nói: “Đây không phải là lệnh cấm du hành; Đây là lệnh tạm dừng để cho phép chúng tôi rà soát lại hệ thống kiểm tra visa và tị nạn hiện hành”.

Sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ được áp dụng đối với những người từ các quốc gia nơi người Hồi giáo chiếm đa số ở châu Phi và Trung Đông. Ông Kelly nói mục tiêu của sắc lệnh có hiệu lực trong 90 ngày từ khi được ký, là chặn những kẻ khủng bố ở nước ngoài. Những người chỉ trích nói rằng kế hoạch này quá mơ hồ.

Tại Tòa Bạch Ốc, các quan chức cũng tiếp tục bảo vệ sắc lệnh này, phủ nhận các báo cáo với những thông tin nhiễu loạn về những người bị ảnh hưởng.

Sean Spicer, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc, nói: “Sắc lệnh này được ban hành với sự chuẩn bị và sự phối hợp tốt giữa Tòa Bạch Ốc và Bộ Nội an. Và việc thực thi sẽ tiếp tục và diễn ra theo kế hoạch”.

Bộ trưởng Nội an John Kelly nói: “Chúng tôi không thể đánh bạc với mạng sống của người Mỹ. Tôi sẽ không đánh bạc với mạng sống của người Mỹ.”

Theo một cuộc thăm dò mới đây của Reuters, người Mỹ đang chia rẽ về sắc lệnh hành pháp, 49% số người được hỏi đồng ý với biện pháp này.

http://www.voatiengviet.com/a/gioi-chuc-di-tru-my-benh-vuc-lenh-han-che-du-hanh-cua-ong-trump/3701477.html

 

TT Trump bổ nhiệm quyền Giám Đốc Thực Thi Di Trú

Tổng thống Donald Trump tối ngày 30/1 chỉ định ông Thomas D. Homan làm quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cơ quan xác định, bắt giữ, và trục xuất di dân bất hợp pháp.

Việc bổ nhiệm ông Homan có thể được xem là chỉ dấu cho thấy tân Tổng thống định thực hiện lời cam kết lúc tranh cử rằng sẽ trục xuất hàng triệu di dân không giấy tờ và tập trung hơn tới vai trò của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan.

Quyết định này được đưa ra không lâu sau khi ông Trump sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates vì bà từ chối không bênh vực sắc lệnh của Tổng thống ký ban hành hôm thứ sáu tuần trước cấm người từ 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi vào Mỹ.

Theo thông cáo báo chí của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, ông Homan có kinh nghiệm trong ngành thực thi luật pháp 33 năm, trong đó gần 30 năm kinh nghiệm thực thi luật di trú.

Theo NYT/Fox News

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-bo-nhiem-tan-quyen-giam-doc-co-quan-thuc-thi-di-tru/3700721.html

 

Nhìn lại Lịch sử Di trú Mỹ: Những thời kỳ hạn chế di dân

Kelly Jean Kelly

Sắc lệnh hành chính do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành hồi tuần trước để hạn chế người di dân nhập cảnh vào Mỹ có thể là sắc lệnh đầu tiên trong nhiều năm gần đây, nhưng đây không phải là lần đầu chính phủ Mỹ tìm cách hạn chế chương trình di trú.

Hiến pháp Hoa Kỳ đã có hiệu lực từ năm 1789 trao cho Quốc hội “quyền hạn tuyệt đối” để quyết định luật di trú, theo bà Linda Monk, tác giả một cuốn sách về Hiến pháp mang tên “The Words We Live By”. Tổng thống là người thực thi các luật này thông qua các quy định của chính phủ.

Trong khoảng 100 năm đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ, Quốc hội không áp đặt bất kỳ giới hạn nào của liên bang đối với vấn đề di trú.

Trong 1 thế kỷ đó, người Ireland và người Đức ồ ạt di dân sang Mỹ. Nhiều người nhập cư Trung Quốc cũng theo chân họ. Trong những năm 1860, người Trung Quốc sang Hoa Kỳ lao động để xây hệ thống đường sắt, rồi sau đó họ ở lại định cư.

Công chúng Mỹ nhiều người không tán thành các nhóm di dân mới đến. Họ không thích đạo Công giáo, là tôn giáo của phần lớn người di dân Ireland và Đức. Họ không thích di dân Á Châu mà họ liệt vào thành phần tù nhân, gái mãi dâm, hoặc quy cho tội cạnh tranh, giành việc làm với họ.

Vì lý do đó, cuối năm 1800, Quốc hội Mỹ lần đầu tiên đề ra những bước để hạn chế số lượng người nhập cư. Các nhà lập pháp đặc biệt nhắm vào người Á đông, nhất là người Hoa. Đạo luật Page và “Đạo luật loại trừ người Hoa” cấm nhập cư hầu hết phụ nữ và công nhân Trung Quốc.

Giới hạn di dân có quốc tịch khác

Bước sang thế kỷ 20, chính phủ Hoa Kỳ đã tăng cường vai trò của liên bang trong lĩnh vực di trú. Chính phủ Mỹ dùng đảo Ellis ở New York làm cửa khẩu đón người nhập cư, và chứng kiến số lượng di dân tăng vọt, đặc biệt di dân từ Ý và Đông Âu. Trong số những người mới đến, nhiều người là thuộc thành phần ít học và nghèo túng.

Một lần nữa, dân chúng lại chống đối số lượng di dân quá đông đảo, cũng như thành phần di dân. Một nhóm mang tên Liên đoàn Hạn chế Di trú được lập ra. Nhóm này kiến nghị Quốc hội đòi di dân ít ra cũng phải chứng minh rằng họ biết đọc biết viết.

Cả Tổng thống Grover Cleveland lẫn Tổng thống Woodrow Wilson đã phản đối yêu sách đó. Nhưng vào năm 1917, Quốc hội Mỹ phê chuẩn biện pháp này bất chấp những sự phản đối của Tổng thống Wilson. Những người muốn định cư tại Hoa Kỳ giờ phải qua một bài kiểm tra khả năng đọc, viết.

Trong những năm 1920, các biện pháp hạn chế người nhập cư được tăng cường. Luật Di trú năm 1924 là bộ luật khắt khe nhất: luật giới hạn tổng số di dân và đặt ra những hạn ngạch dựa trên quốc tịch. Trong số các biện pháp hạn chế khác, đạo luật này giảm mạnh số di dân đến từ Đông Âu và châu Phi. Và hầu như hoàn toàn ngăn người nhập cư từ châu Á, ngoại trừ di dân đến từ Nhật Bản và Philippines.

Đồng thời, trang mạng Sử tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý rằng đạo luật này cùng lúc đã tăng số lượng visa dành cho những di dân đến từ Anh và Tây Âu.

Trang sử của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận:

“Dựa trên tất cả các phần làm nên bộ luật, mục đích cơ bản nhất của Đạo Luật Di Trú 1924 là để bảo vệ tính chất thuần chủng của xã hội Hoa Kỳ”.

Thay đổi lớn trong chính sách di trú Mỹ

Trong những thập niên 1940 và 1950, Hoa Kỳ đã đề ra một số biện pháp sửa đổi chính sách nhằm tăng số người di dân và nhập tịch Mỹ, dù là với một tỷ lệ khiêm tốn.

Thế rồi vào năm 1965 có một thay đổi lớn. Quốc hội thông qua Đạo luật về Di trú và Nhập tịch, một phần do áp lực của các phong trào dân quyền. Tổng thống Lyndon Johnson là người ký ban hành đạo luật này.

Đạo luật 1965 loại bỏ hệ thống hạn ngạch dựa trên quốc tịch. Thay vào đó, luật giành ưu tiên cho những người nhập cư đã có gia đình tại Hoa Kỳ. Đạo luật này còn nhằm bảo vệ người tị nạn đến từ một số khu vực đang xảy ra bạo lực và xung đột.

Mặc dù đạo luật duy trì một số hạn chế đang áp dụng, gốc gác của thành phần nhập cư đã thay đổi đáng kể. Thay vì đến từ Tây Âu, hầu hết người di dân đến Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 20 đến từ Mexico, Philippines, Hàn Quốc, Cộng hòa Dominica, Ấn Độ, Cuba và Việt Nam.

​Sắc lệnh của Tổng thống Trump

Một giáo sư dạy môn Luật thuộc Trường Đại học Miami nói rằng Đạo luật năm 1965 đã chấm dứt chính sách “phân biệt đối xử công khai” trong chính sách di trú của Hoa Kỳ.

Giáo sư Kunal Parker còn là tác giả của một cuốn sách mang tựa đề “Luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ.”

Ông nói những người biểu tình phản đối sắc lệnh hành chính của ông Trump có thể tin là những gì đang xảy ra “đi ngược lại với truyền thống Mỹ đã có từ năm 1965.”

Nhưng giáo sư Parker cảnh báo không nên xem chính sách của Tổng thống Trump là bất hợp pháp. Giáo sư Parker chỉ ra rằng trong lịch sử, Toà án Tối cao đã từng trao cho Tổng thống và Quốc hội các quyền rộng lớn để ban hành luật di trú.

Giáo sư Parker lưu ý cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã ký một sắc lệnh liên quan đến di trú. Đó là sắc lệnh nhằm bảo vệ gia đình của những người nhập cư không có giấy tờ, nhưng đã sinh con tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên giáo sư Parker cảnh giác:

“Một điều được coi là hợp pháp vẫn có thể gây nhiều vấn đề rắc rối.”

Cả giáo sư Parker và luật gia Linda Monk đều lưu ý rằng Hiến pháp Hoa Kỳ quy định cả Quốc hội lẫn Tổng thống đều phải tuân thủ một số thủ tục nhất định khi ban hành các quy định về chính sách di trú. Các thủ tục này có mục đích giúp bảo vệ chống nạn phân biệt đối xử.

Học giả Monk khẳng định:

“Hiến pháp quy định rằng những hành động và thủ tục đó phải được thực hiện một cách công bằng.

http://www.voatiengviet.com/a/nhin-lai-lich-su-di-tru-my-nhung-thoi-ky-han-che-di-dan/3700677.html

 

Cựu Tổng Thư ký LHQ tuyên bố

không tranh chức Tổng thống Hàn Quốc

Cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm thứ Tư cho biết ông sẽ không ra tranh cử để giành chức tổng thống Hàn Quốc.

Nhiều người chú ý đến ông Ban như một ứng cử viên hàng đầu có khả năng lên kế nhiệm bà Park Geun-hye, sau khi bà bị luận tội vào tháng 12/2016 vì dính líu đến một vụ bê bối tham nhũng, nhưng sự ủng hộ dành cho ông Ban trong các cuộc thăm dò ý kiến đang giảm sút.

Ông nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng ông thất vọng về cơ cấu chính trị của đất nước.

Ông phát biểu: “Tôi đã quyết định từ bỏ ý định trong sáng là cố gắng lãnh đạo những thay đổi chính trị và thực hiện hòa giải dân tộc”.

Ông Ban từng nắm chức bộ trưởng ngoại giao của Hàn Quốc trong hai năm trước khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Liên Hiệp Quốc trong một thập kỷ.

Một tòa án đang xem xét tiến trình luận tội bà Park, và nếu tòa duy trì phán quyết này, thì một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức sau 2 tháng để tìm người thay thế bà Park.

http://www.voatiengviet.com/a/ban-ki-moon-tuyen-bo-khong-tranh-chuc-tong-thong-han-quoc/3701768.html

 

Ân xá Quốc tế lên án cuộc chiến ma túy tại Philippines

Làn sóng hạ sát những người liên quan đến ma túy tại Philippines dường như được nhà chức trách thi hành “một cách có hệ thống, có kế hoạch và có tổ chức,” có thể cấu thành tội phạm chống nhân loại, theo báo cáo của Ân xá Quốc tế công bố hôm thứ tư.

Ân xá Quốc tế cho hay cuộc điều tra của họ về cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte đề xướng căn cứ trên 59 vụ giết hại liên hệ đến ma túy tại 20 thành phố và thị trấn. Tổ chức này kết luận là hầu hết những vụ giết hại dường như không do Tòa án xét xử, và báo cáo của cảnh sát về những vụ bắn giết trong các cuộc hành quân “tương đồng lạ thường” nhưng lại rất cách biệt với lời khai của các nhân chứng.

Phúc trình được công bố giữa lúc chưa ai biết chắc chắn chiến dịch trấn dẹp ma túy này sẽ đi về đâu và chính phủ vừa ngưng tất cả các chiến dịch của cảnh sát vào ngày thứ Hai vì tham nhũng tràn lan. Cơ quan Truy quét Ma túy của Philippines PDEA hiện được giao vai trò chỉ đạo trong chiến dịch bài trừ ma túy này.

Ân xá Quốc tế nói đa số những vụ giết hại mà họ điều tra “dường như là những vụ giết hại không qua Tòa án xét xử–sát hại bất hợp pháp và tùy tiện do lệnh của chính phủ hay với sự thông đồng hay chấp thuận của chính phủ.”

Văn phòng Thông tin của Tổng thống không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về những phát hiện của Ân xá Quốc tế.

Chính phủ phủ nhận việc bảo trợ những vụ sát hại không qua xét xử và bác tin nói rằng cảnh sát hợp tác với những kẻ giết người.

Cuộc điều tra của Ân xá Quốc tế có trụ sở tại London được thực hiện chủ yếu từ tháng 11 và tháng 12 năm ngoái và kết thúc vào tháng 1 năm nay. Ân xá Quốc tế cho biết đã phỏng vấn 110 người trong đó có các lời khai của nhân chứng rằng các nạn nhân bị bắn chết dù đã đầu hàng.

Ân xá Quốc tế cho biết cũng tìm thấy những “chứng cứ rõ ràng” liên kết nhà cầm quyền với những tay súng không rõ tung tích, cũng như liên kết giữa “những danh sách theo dõi” qua loa, mang tính phỏng đoán do các giới chức địa phương thành lập với những người bị cảnh sát giết chết.

Dữ liệu mới nhất của cảnh sát cho thấy 7.669 người bị giết kể từ khi ông Duterte phát động cuộc chiến ma túy cách đây 7 tháng. Hơn 2.500 người bị giết trong các cuộc hành quân của cảnh sát. Những cái chết còn lại được liệt kê là đã qua điều tra hay đang được điều tra.

http://www.voatiengviet.com/a/an-xa-quoc-te-len-an-cuoc-chien-ma-tuy-tai-philippines/3701124.html

 

EU cho phép bác đơn tị nạn thành viên khủng bố

Ngày thứ Ba Tòa án cấp cao EU ra phán quyết cho phép các nước thành viên EU có thể bác đơn xin tị nạn của những người có liên hệ đến một tổ chức khủng bố ngay cả khi họ không thực hiện hay âm mưu thực hiện những hành vi bạo động.

Tòa án Công lý Liên hiệp Châu Âu giữ nguyên quyết định của Hội đồng Nhà nước Bỉ, bác bỏ một đơn xin tị nạn cách đây 5 năm của ông Mostafa Louani, một người Morocco bị kết án tù tại Bỉ vào năm 2006 vì tội là thành viên của một nhóm hiếu chiến Hồi Giáo Morocco.

Tòa án Công lý Liên hiệp Châu Âu xét thấy việc kết án ông Louani vì đã sử dụng những hộ chiếu giả để gởi những người tình nguyện của Tổ chức Chiến binh Hồi Giáo Morocco sang Iraq là đủ lý do để bác đơn xin tị nạn theo những qui định của EU vì Louani đã có “những hành động trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên hiệp quốc.”

Louani lập luận rằng ông có thể bị ngược đãi nếu trở về nước.

http://www.voatiengviet.com/a/eu-co-the-bac-bo-don-ti-nan-cua-cac-thanh-vien-to-chuc-khung-bo/3701181.html

 

Nga truy tố chuyên gia an ninh mạng

Nga đã bắt giữ hai viên chức an ninh mạng thuộc cơ quan an ninh FSB, và một chuyên gia chống tin tặc, theo lời một luật sư liên quan.

Sergei Mikhailov, phó giám đốc Trung tâm An ninh Thông tin của FSB và trợ tá Dmitry Dokuchayev đang bị giữ, cùng Ruslan Stoyanov thuộc tập đoàn an ninh mạng Kaspersky.

Luật sư Ivan Pavlov được dẫn lời nói ba người này bị truy tố tội phản bội và rằng “vụ án liên quan Hoa Kỳ”. Nhưng ông nói không thấy nhắc đến CIA trong các tài liệu liên quan vụ án.

Nga sẽ ‘đáp trả’ vụ trục xuất quan chức

Người lập hồ sơ nhạy cảm về Trump ‘lẩn trốn’

Hiện chưa rõ những người này có liên quan cáo buộc của tình báo Mỹ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đánh phá mạng máy tính của Mỹ để giúp ông Donald Trump thắng cử.

Kaspersky xác nhận ông Stoyanov bị bắt tuần rồi nhưng chỉ nói cáo buộc chống ông này liên quan “thời gian ông ta không phải là nhân viên công ty”.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, tuyên bố các vụ bắt giữ không liên quan cáo buộc tin tặc đánh phá mạng của Mỹ.

Nga đã luôn bác bỏ cáo buộc của tình báo Mỹ.

FSB là cơ quan an ninh, tình báo chính của Nga, ra đời năm 1994 để thay thế KGB của Liên Xô.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38826899

 

Bí ẩn vụ tỉ phú Trung Quốc mất tích

Juliana LiuPhóng viên BBC News tại Hong Kong

Năm 2015 năm chủ tiệm sách Hong Kong biến mất và sau đó lại xuất hiện tại Trung Quốc đại lục trong tay của chính quyền Trung Quốc. Nay lại có những quan ngại rằng nhà tài phiệt Trung Quốc Tiêu Kiến Hoa, vốn biến mất từ tuần trước, cũng có chung số phận.

Lời đồn đoán đầu tiên là từ hải ngoại.

Mingjing News, một trang web đặt tại New York chuyên về chính trị Trung Quốc, đưa tin một tỷ phú giấu tên của Trung Quốc đã bị bắt ở Hong Kong và bị công an và giới chức an ninh đưa về Trung Quốc đại lục cuối ngày thứ Sáu.

Ngày hôm sau, cảnh sát Hong Kong nhận được một yêu cầu để điều tra doanh nhân đang bị mất tích.

Cảnh sát địa phương tiến hành điều tra và cho biết đối tượng của cuộc điều tra họ thực ra đã nhập cảnh lại vào Trung Quốc đại lục vào ngày thứ Sáu, cùng ngày ông bị bắt giữ.

Tuy nhiên một ngày sau đó, vào ngày 29/01, một thành viên trong gia đình yêu cầu cảnh sát đóng hồ sơ và nói rằng đã liên lạc được với người mất tích và đã “an toàn”.

Vào hôm thứ Hai, cả Hong Kong xôn xao ai là tỷ phú bị bắt? Ông có tội gì? Ông đang ở đâu? Và mật vụ Trung Quốc hoạt động trên đất Hong Kong mà không hề hấn gì?

Quyền lực ngày càng tăng của Tập Cận Bình

Trang tin đặt tại Hoa Kỳ Bowen Press là ngay sau đó nêu tên nhà tài phiệt này là Tiêu Kiến Hoa, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, với 6 tỷ USD tài sản, theo Báo cáo Hurun, bảng xếp hạng các cự phú Trung Quốc.

Ông Tiêu, đang ở độ tuổi ngoài 40, được biết tới là một nhà lãnh đạo sinh viên tại trường Đại học Bắc Kinh danh giá. Các dự án kinh doanh của ông chủ yếu nằm trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Trong năm 2014, nhà tài phiệt sinh trưởng tại Trung Quốc phủ nhận ông chuyển sang Hong Kong để tránh một cuộc điều tra tham nhũng của chính phủ Trung Quốc.

Người ta cho rằng lần cuối cùng thấy ông là ở Khách sạn Bốn Mùa (Four Seasons) vào ngày thứ Sáu ở Hong Kong, là nơi ông trú ngụ.

Bí ẩn ngày càng gây quan tâm khi công ty Tomorrow Holdings tại Bắc Kinh của ông ra thông cáo trên tài khoản chính thức của mình trên ứng dụng tin nhắn WeChat.

“Tôi, Tiêu Kiến Hoa, đang ở nước ngoài chưa bệnh,” thông báo cho biết, theo truyền thông Hong Kong. “Mọi việc đều ổn cả. Hoạt động của Tomorrow Holdings là bình thường,” tuyên bố nói.

Thông điệp này dường như mâu thuẫn với báo cáo của cảnh sát Hong Kong rằng ông Tiêu đã trở về Trung Quốc.

Hôm thứ Ba, công ty đưa ra một thông cáo khác nói rằng ông Tiêu là một người yêu nước và trung thành với Đảng Cộng sản.

Thông cáo này nói ông không bị bắt cóc.

Thực ra thông cáo cho biết ông Tiêu, sinh tại Trung Quốc, cũng có quốc tịch Canada và có thẻ định cư ở Hong Kong, và rằng ông được bảo vệ pháp lý bởi cả hai nơi này.

Thông cáo nói ông Tiêu sẽ chữa xong bệnh và sẽ sớm gặp các cơ quan truyền thông.

Điều kỳ lạ là cả hai thông cáo này ngay sau đó biến mất. Tài khoản của công ty trên WeChat dường như được gỡ bỏ. Và các trang web của công ty hiện không thể truy cập được.

Chính phủ Canada nói với BBC News rằng họ có biết về vụ việc này và các quan chức lãnh sự đang thu thập thêm thông tin.

Với rất nhiều câu hỏi và quá ít câu trả lời, những tin đồn ngày càng lan rộng rằng viêc ông Tiêu mất tích liên quan tới chiến dịch chống tham nhũng đang được Bắc Kinh thực hiện.

Hay liệu ông có liên quan với một phe trong chính phủ Trung Quốc phản đối Chủ tịch Tập Cận Bình?

Có tin nói rằng ông đóng vai trò kể như nhà quản lyă ngân hàng cho giới thượng lưu Trung Quốc. Nhưng cần lưu ý rằng trong một trong những thông cáo mà bây giờ đã bị xóa, ông nói rằng ông đã “không bao giờ ủng hộ bất kỳ lực lượng và tổ chức đối lập nào”.

Nếu thực sự có việc ông ấy bị bắt cóc ở Hong Kong thì đó có phải là sự vi phạm chính sách một nước, hai chế độ” được lập ra nhằm giữ cho vùng lãnh thổ này tách biệt khỏi Trung Quốc về luật pháp cho đến năm 2047?

Cho đến nay, không có câu trả lời.

Cảnh sát Hong Kong nói, mặc dù các các thành viên trong gia đình yêu cầu đóng vụ việc, họ vẫn đang tiếp tục điều tra.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38816027

 

Marine Le Pen:

Quá hạn chót Mặt trận Dân tộc Pháp phải trả nợ EU

Một thời hạn chót của Nghị viện châu Âu để lãnh tụ đảng cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen, phải hoàn trả hơn 300.000 euro (tương đương $321.000) mà Nghị viện nói là bà đã sử dụng sai, đã trôi qua.

Ứng viên Tổng thống Pháp có thời gian tới nửa đêm để thực hiện việc hoàn trả lại khoản tiền này nhưng bà nói bà không có ý định làm việc đó.

Nghị viện châu Âu nói bà đã sử dụng tiền không đúng khi trả cho một trợ lý tại trụ sở của đảng Mặt trận Quốc gia (National Front) ở Paris.

Bà nói bà là nạn nhân của một hành động trả thù có động cơ chính trị.

Nếu bà không hoàn trả số tiền này Nghị viện nay có thể giữ lại tới một nửa lương và các khoản tiền trợ cấp khác của bà, mà theo những đối thủ của bà thì lên tới gần 11.000 euro một tháng.

Bà Le Pen là một trong những ứng viên hàng đầu trong cuộc tranh cử Tổng thống sẽ được tổ chức tại Pháp vào tháng Tư và tháng Năm tới đây. Nếu thắng cử, bà hứa hẹn sẽ tổ chức một dạng trưng cầu dân ý giống như của Anh về vị thế thành viên EU của Pháp.

Những cuộc thăm dò dư luận gợi ý cho thấy bà vào được vòng trong và có nhiều khả năng sẽ đối mặt với ứng viên phái bảo thủ, ông Francois Fillon, hoặc phái trung dung, ông Emmanuel Macron.

“Tôi sẽ không chịu áp lực, một quyết định đơn phương được các đối thủ chính trị thực hiện… mà không có bằng chứng và không đợi có phán quyết của một tòa mà tôi đã đề nghị,” bà nói với hãng tin Reuters hôm thứ Ba.

Số tiền Nghị viện châu Âu muốn được hoàn trả đã được sử dụng để trả lương cho bà Catherine Griset, một bạn thân và cũng là giám đốc văn phòng của bà Le Pen.

Ngân quỹ được sử dụng với điều kiện bà Griset phải dùng phần lớn thời gian làm việc của mình ở Brussels hay Strasbourg.

Tuy nhiên Nghị viện châu Âu nói phần lớn thời gian của bà lại được dùng để làm việc tại trụ sở của đảng Mặt trận Quốc gia ở Paris. Đảng này sẽ bị đòi một khoản tiền thứ hai 41.554 euro, tiền đã trả lương cho vệ sĩ của bà.

Bà Le Pen cũng muốn tách biệt vụ việc của mình khỏi cáo giác liên quan đến ứng viên phái Cộng hòa, Francois Fillon, người bác bỏ là vợ ông, bà Penelope Clarke, nhận 834.000 euro cho những công việc ‘không có thật’.

Khi được hỏi liệu bà có hoàn trả số tiền không, bà Marine Le Pen nói với AFP: “Để trả lại tiền, tôi phải nhận được tiền trước đã nhưng tên tôi không phải là Francois Fillon.”

Ngoài việc bà từ chối hoàn trả lại ngân quỹ, lãnh tụ cực hữu này có thể đang khó khăn về tài chính.

Đảng của bà đã không vay được tiền từ các ngân hàng của Pháp và đã không tìm kiếm nguồn tài chính từ nước ngoài.

Hồi năm 2014, đảng Mặt trận Quốc gia nhận một khoản tiền cho vay 9 triệu euro từ Ngân hàng First Czech-Russian và ngân hàng này đã bị phá sản hồi ăm ngoái.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38826831

 

Nhật bác bỏ cáo buộc trục lợi khi buôn bán với Mỹ

Chính phủ Nhật Bản bác bỏ cáo buộc mà Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đưa ra, cho rằng Nhật cố ý hạ gia đồng tiền để tạo lợi thế khi đưa hàng vào Mỹ.

Tổng Thống Trump nói điều này ngày hôm qua, trong cuộc gặp diễn ra tại Nhà Trắng giữa ông và các nhà lãnh đạo những công ty dược. Nguyên văn lời ông là “nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm, Nhật Bản đang làm, họ đang chơi với thị trường tiền tệ, hạ giá đồng bạc, và người Mỹ chúng ta ngồi đây như một lũ đần độn”, ám chỉ việc Hoa Kỳ phải chịu đựng thâm thủng mậu dịch khi trao đổi thương mại với Trung Quốc và Nhật Bản.

Hôm nay, khi ra điều trần trước Quốc Hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bác bỏ luận điệu của Tổng thống Mỹ, nói rằng không chỉ Nhật Bản mà ngay chính Hoa Kỳ cũng phải điều chỉnh giá đồng bạc để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thủ tướng Shinzo Abe nói thêm rằng khi kinh tế Nhật phát triển thì điều đó có lợi cho cả Hoa Kỳ.

Ông Abe cũng cho hay thứ Sáu tuần sau khi gặp Tổng Thống Trump ở Nhà Trắng, ông sẽ trình bày điều này với vị tân lãnh đạo Mỹ.

Tin ghi nhận được từ Washington cho thấy trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật, có nhiều khả năng Tổng thống Trump cũng sẽ nói đến vấn đề tỷ giá đồng yen Nhật và đồng dollars Mỹ, với mục đích muốn Thủ tướng Abe giúp giải quyết tình trạng thâm thủng mậu dịch mà Hoa Kỳ thường xuyên phải gánh chịu khi buôn bán với Nhật Bản.

Ngoài ra, giới thạo tin ở Washington cũng nói là sau cuộc gặp ở Nhà Trắng, ngày hôm sau hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật sẽ ghé nhà riêng của Tổng Thống Mỹ ở Florida để tiếp tục bàn luận.

Bên cạnh phát biểu của Thủ Tướng Abe trước Quốc Hội Nhật Bản, một số viên chức cao cấp của Nhật cũng lên tiếng phân trần, với ngụ ý cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ đã sai khi chỉ trích chính sách tiền tệ của Nhật.

Ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng Thủ tướng Nhật Bản và cũng là người giúp hoạch định chính sách kinh tế quốc gia nói rằng chính sách tiền tệ mà Nhật đang áp dụng đi đúng với những quy định đã được thảo thuận giữa các quốc gia trong khối kinh tế G-7 và G-20, do đó, không hề có chuyện Nhật Bản cố ý hạ giá đồng bạc để trục lợi khi buôn bán với Mỹ.

Theo ông Haruhiko Kuroda, Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Nhật Bản, chính sách tiền tệ của Nhật không nhắm vào tỷ giá hồi đoái, mà nhằm ổn định giá cả và ổn định lạm phát.

Không chỉ chê trách Nhật Bản và Trung Quốc cố ý hạ giá đồng bạc để trục lợi kinh tế, ông Peter Navarro, Chủ Tịch Hội Đồng Thương Mại Hoa Kỳ đưa ra cáo buộc tương tự đối với Đức.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/jp-policymakers-reject-trump-devaluation-claims-02012017092457.html

 

Cấm nhập cư :

Sắc lệnh của Trump có thể ‘‘làm gia tăng’’ khủng bố

Trọng Thành

Ngày thứ Sáu 26/01/2017, chưa đầy một tuần sau khi nhậm chức, tân tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh mang tên « Bảo vệ đất nước trước sự xâm nhập của khủng bố nước ngoài » (Protect the nation from foreign terrorist entry), đột ngột không cho vào Mỹ công dân từ bảy quốc gia, đa số theo đạo Hồi, kể cả những người đã được cấp visa của Hoa Kỳ. Sắc lệnh mang tính chất kỳ thị, được áp dụng một cách hết sức võ đoán này, bị lên án dữ dội tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Các chuyên gia đặt câu hỏi : Liệu sắc lệnh sẽ có tác dụng ngược, khiến nguy cơ khủng bố gia tăng ?

AFP dẫn lại báo The Washington Post cho hay, ngay sau khi sắc lệnh được ban bố, trên các mạng xã hội, nhiều phần tử thánh chiến Hồi Giáo đã ca ngợi « chiến thắng », và ca ngợi Donald Trump như là « người tuyển mộ tốt nhất » các lực lượng cho phe thánh chiến. Nhiều phần tử thánh chiến cũng đã ví sắc lệnh nói trên với cuộc can thiệp quân sự được đánh giá là « tốt lành » của Mỹ tại Irak năm 2003, tạo cơ hội cho sự bùng phát của tình cảm chống phương Tây trong thế giới Hồi Giáo.

Theo ông David Ibsen, giám đốc của tổ chức phi chính phủ Counter Extremism Project (CEP), có trụ sở tại Mỹ chuyên chống các tư tưởng cực đoan trên toàn cầu, CEP biết được là các nhóm khủng bố sẽ sử dụng cơ hội này trong các chiến thuật tuyển mộ. Ông giải thích : « đối tượng tuyên truyền của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) và Al-Qaida là rất rộng, mà chúng ta biết là từ chỗ bị ảnh hưởng bởi các tuyên truyền, đến chỗ trực tiếp tham gia vào hoạt động khủng bố, khoảng cách là rất gần ».

Một cựu lãnh đạo an ninh quốc gia dưới hai thời tổng thống Georg W. Bush và Barack Obama, bà Farah Pandith, công dân Mỹ gốc Kashmir, Ấn Độ, cũng cùng nhận xét : Sắc lệnh của ông Trump « không làm cho Hoa Kỳ an toàn hơn », « điều này mang lại lợi thế cho Daech ». Cựu cố vấn an ninh Farah Pandith, năm 2009 được chính quyền Obama bổ nhiệm làm người đại diện đầu tiên của bộ Ngoại Giao Mỹ, để đối thoại với các cộng đồng Hồi Giáo trên thế giới, và cũng là chuyên gia trong lĩnh vực « chống cực đoan hóa ».

Hàng chục đồng nghiệp của cựu cố vấn an ninh Farah Pandith ký chung một bức thư ngỏ, khẳng định sắc lệnh của ông Trump đã gửi đi « một thông điệp tồi tệ đến cộng đồng Hồi Giáo tại Mỹ và trên khắp thế giới ». Thông qua sắc lệnh này, nhiều người hiểu là chính phủ chống lại họ với lý do tôn giáo. Những người ký tên vào thư ngỏ tin rằng quyết định này sẽ có « một tác động tiêu cực về dài hạn » đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Về vấn đề này, hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nêu nhận xét rõ ràng : sắc lệnh của tổng thống Mỹ « đã thổi bùng một làn sóng lo hãi và giận dữ, có thể tạo điều kiện cho các tuyên truyền và các tổ chức khủng bố mà tất cả chúng ta muốn chống ».

Về tác dụng ngược của lệnh đình chỉ nhập cư từ bảy nước Hồi Giáo, có thể được các lực lượng thánh chiến sử dụng làm lý do kích động khủng bố, nhiều người ghi nhận điều đặc biệt đáng lo ngại là : Chính việc sắc lệnh này, cũng như các quyết định tương tự, tấn công vào các giá trị nhân quyền nền tảng của nền dân chủ mới chính là đe dọa đáng sợ nhất, làm suy yếu nghiêm trọng Hoa Kỳ cũng như các đồng minh, trước đe dọa khủng bố.

7 nước bị cấm không phải là nơi « xuất khẩu » khủng bố

Các phân tích cũng tập trung vào danh sách bảy quốc gia mà tân tổng thống Mỹ đưa vào danh sách cấm. Danh sách này được cho là không có ý nghĩa ngăn chặn các đe dọa khủng bố như chủ trương của Donald Trump.

Ông Trump nhiều lần khẳng định các liên hệ mà theo ông là « rõ ràng » giữa các vụ khủng bố mới đây tại châu Âu và việc tiếp nhận người tị nạn theo đạo Hồi, đặc biệt là chính sách mở rộng cánh cửa với người tị nạn của thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn thủ phạm các vụ khủng bố tại Liên Âu và Hoa Kỳ không phải là công dân của bảy nước trong danh sách cấm : Syria, Iran, Irak, Sudan, Yemen, Somali và Libya.

Vẫn theo chuyên gia an ninh Mỹ David Ibsen, « tất cả các nước có nguy cơ cực đoan hóa cao đã không nằm trong danh sách này ». Thủ phạm hai vụ tấn công mới đây ở Berlin, Đức và Nice, Pháp, là hai công dân Tunisia. Phần lớn các kẻ khủng bố nhắm vào các nước châu Âu đều gốc Bắc Phi, như Algeri, Tunisia, Maroc.

Còn kẻ khủng bố nhắm vào cuộc chạy đua marathon Boston, Hoa Kỳ, năm 2013, là hai người gốc Tchetchenia, trong đó có một người đã nhập quốc tịch Mỹ. Vụ tấn công năm 2015 tại San Bernadino, là do một người Mỹ sinh trưởng tại Chicago, trong một gia đình gốc Pakistan, cùng với vợ người Pakistan, mang quốc tịch Ả Rập Xê Út.

Theo cựu cố vấn an ninh Farah Pandith, sắc lệnh của ông Trump cho thấy ông ta « không hề hiểu đâu thực sự là vấn đề ».

Để giúp chính phủ Hoa Kỳ có một cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, chuyên gia về an ninh David Ibsen nhận xét, ưu tiên hiện tại không phải là tiến hành xiết chặt nhập cư trên quy mô rộng lớn, mà điều cần phải làm trước hết là ngăn chặn khả năng các nhóm cực đoan sử dụng mạng internet để tuyên truyền, nhằm tuyển mộ tân binh cho các hoạt động khủng bố.

Xiết chặt nhập cư, nhưng lại để ngỏ cửa cho các tuyên truyền thánh chiến, chẳng khác nào đóng cửa phụ, nhưng để ngỏ cửa chính cho các thế lực cực đoan mặc sức hoành hành.

Vì sao Trump nương nhẹ Ả Rập Xê Út ?

Công luận cũng như giới chuyên gia cũng đặt câu hỏi : vì sao chính quyền Trump, trong khi tỏ ra khắc nghiệt với bảy quốc gia Hồi giáo nói trên lại tỏ ra hết sức nương nhẹ với rất nhiều quốc gia Hồi Giáo khác, trong đó có Ả Rập xê Út, nơi phát xuất của 15 trong số 19 thủ phạm các vụ khủng bố ngày 11/09/2001, nhắm vào nước Mỹ.

Ả Rập Xê Út chính là cái nôi của trào lưu Wahhabi, một hệ phái Hồi Giáo hết sức cứng rắn, vốn được nhiều nhóm thánh chiến sử dụng làm vũ khí ý thức hệ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thật khó mà hiểu được lý do của sự phân biệt này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về an ninh khác, chính quyền Trump cũng như các chính quyền Mỹ lâu nay vẫn coi Ả Rập Xê Út và nhiều quốc gia vùng Vịnh, như Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập là đồng minh. Ả Rập Xê Út và nhiều nước vùng Vịnh tham gia vào liên quân chống Al-Qaida từ hơn một thập niên nay, và chống Daech tại Syria và Irak từ nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, danh sách bảy quốc gia đầu tiên bị cấm bị coi là những người « không có khả năng tự bảo đảm an ninh và trao đổi với Hoa Kỳ thông tin về các công dân xuất cảnh ».

Tuy nhiên, các giải thích nói trên không lý giải được vì sao Iran, vốn không phải là nước « xuất khẩu » khủng bố lại bị lọt vào danh sách cấm.

Theo giáo sư chính trị học Pháp Mathieu Guidère, Paris, điều này có thể giải thích bởi thế đối địch tại khu vực Trung Cận Đông, giữa quốc gia Hồi Giáo Iran, theo hệ phái Shia, với Israel và Ả Rập Xê Út, mà trong đó, Hoa Kỳ chọn đứng về phía Israel và Ả Rập Xê Út, quốc gia theo hệ phái Hồi Giáo Sunni.

Chính quyền Mỹ dưới thời Obama chọn giải pháp hòa dịu với Iran, với kết quả là thỏa thuận hạt nhân. Nhưng hòa dịu với Iran lại chính là điều mà ông Trump muốn phá bỏ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170201-cam-nhap-cu-sac-lenh-cua-trump-co-the-%E2%80%98%E2%80%98lam-gia-tang%E2%80%99%E2%80%99-khung-bo

 

Đông Ukraina : Chiến sự gia tăng, LHQ kêu gọi ngưng bắn

Trọng Nghĩa

Vào hôm nay, 01/02/2017, số người thiệt mạng do chiến sự bùng lên trở lại ở vùng Avdiivka, miền đông Ukraina đã lên đến 16 người khiến cho quốc tế, đặc biệt là Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, càng lúc càng quan ngại và đã lên tiếng kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn.

Sau một cuộc họp khẩn cấp vào hôm qua (31/01), Hội Đồng Bảo An đã bày tỏ thái độ « quan ngại sâu sắc » trước việc chiến sự bùng lên trở lại tại khu vực thị trấn Avdiivka, ở ngay cửa ngõ phía bắc của thành phố Donetsk, thủ phủ lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraina.Thị trấn Avdiivka do quân chính phủ kiểm soát.

Hội Đồng Bảo An đã kêu gọi hai bên chấm dứt ngay lập tức các cuộc xung đột.

Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu cũng ra thông cáo, cho rằng các cuộc giao tranh dữ dội xung quanh Avdiivka trong những ngày qua là một sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn Minsk vào tháng 02/2015.

Bất chấp những lời kêu gọi kể trên, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, lực lượng chính phủ Ukraina và quân nổi dậy vẫn tiếp tục tấn công lẫn nhau bằng súng cối và súng phóng lựu, hôm nay là ngày thứ tư liên tiếp.

Quân đội Ukraina cho biết một binh sĩ của họ đã thiệt mạng tối qua, trong lúc quân nổi dậy cho biết hai dân thường đã bị giết chết.

Chiến sự bùng lên trở lại đã khiến cho hơn 20.000 người bị cúp nước và không có lò sưởi đúng vào lúc mùa đông lạnh giá.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170201-dong-ukraina-chien-su-tang-cuong-do-lien-hiep-quoc-keu-goi-ngung-ban

 

Tranh cử tổng thống Pháp : Liên tiếp những bất ngờ !

Thanh Phương

Có lẽ chưa bao giờ chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp có nhiều bất ngờ và khó dự đoán như lần này với những diễn biến dồn dập đến chóng mặt.

Chỉ mới cách đây vài tháng, dân Pháp vẫn còn nghĩ rằng bầu cử tổng thống năm 2017 sẽ là cuộc đối đầu giống như năm 2012, tức là giữa cựu tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy với tổng thống Xã Hội mãn nhiệm François Hollande. Nhưng không ai ngờ là trong cuộc bầu cử sơ bộ bên cánh hữu, cựu thủ tướng François Fillon không chỉ đánh bại ông Sarkozy, mà còn hạ luôn cả thị trưởng Bordeaux Alain Juppé, nhân vật mà các cuộc thăm dò trước đó đều dự báo sẽ giành chiến thắng. Còn bên đảng Xã Hội, tổng thống Hollande cũng bất ngờ quyết định không tái tranh cử.

Do cánh tả vừa suy yếu vừa bị chia rẽ, khó mà vượt qua được vòng đầu, nên cho tới gần đây, theo nhiều dự báo, lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống năm nay sẽ là ứng cử viên Fillon và đại diện của phe cực hữu Marine Le Pen.

Nhưng bây giờ, cơ may đắc cử của cựu thủ tướng Fillon đang bị đe dọa nghiêm trọng sau những tiết lộ của báo chí Pháp về vụ nay được mệnh danh là « Penelopegate », tức là vụ ông Fillon bị nghi đã tạo việc làm giả cho vợ con để lãnh tổng cộng gần một triệu euro. Đây chủ yếu là tiền mà mỗi nghị sĩ được cấp để mướn trợ lý, và như vậy là tiền của Nhà nước. Nếu lãnh tiền của Nhà nước mà không làm gì thì chẳng khác gì biển thủ công quỹ.

Trong thời gian tranh cử, ông Fillon đã xem sự liêm khiết là tiêu chuẩn hàng đầu của vị nguyên thủ quốc gia và cách đây vài ngày ông đã hứa sẽ không ứng cử tổng thống nữa nếu bị truy tố, một khả năng khó có thể xảy ra trong vài tháng tới. Nhưng ngay trong chính đảng Những Người Cộng Hòa (LR), ngày càng có nhiều người yêu cầu phải thay thế ông Fillon ngay lập tức, cho dù cuộc điều tra kết thúc ra sao.

Tình hình này liệu sẽ có lợi cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, giúp cho bà giành được chiếc ghế tổng thống ? Đó là một câu hỏi lớn và điều đó tùy thuộc vào khả năng huy động cử tri của bà. Nhưng hiện giờ, bản thân bà Le Pen cũng đang bị cáo buộc về việc làm giả ở Nghị Viện Châu Âu, nơi bà là nghị sĩ. Nghị viện này đã yêu cầu lãnh đạo Mặt trận Quốc gia trả lại số tiền hơn 300 ngàn euro mà bà được cấp và bà sử dụng để trả lương hai trợ lý, nhưng hai người này không làm việc cho Nghị Viện Châu Âu, mà là cho đảng của bà.

Bên phía đảng Xã Hội, cũng đã có bất ngờ với việc cựu bộ trưởng Giáo Dục Benoît Hamon, một nhân vật thiên tả, giành quyền đại diện ra tranh cử tổng thống, đánh bại cựu thủ tướng Manuel Valls, nhân vật được xem là có triển vọng nhất. Nhưng cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua đã khoét sâu thêm sự chia rẽ trong đảng Xã Hội, biểu hiện qua việc một số dân biểu đảng này từ chối ủng hộ ông Hamon, một số khác thì ngả theo phe của cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron, 39 tuổi, nhân vật đã tự ra ứng cử và nay thu hút ngày càng nhiều cử tri không chỉ bên cánh tả, mà cả bên cánh trung và cánh hữu.

Vào lúc ông Fillon gặp rắc rối với pháp luật, cơ may của ông Macron càng gia tăng, thậm chí theo kết quả một cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu vừa được công bố hôm nay, ông Macron nay qua mặt ông Fillon để lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống cùng với ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Cũng theo thăm dò này, thì ở vòng hai, dù gặp đối thủ Macron hay Fillon, bà Le Pen đều bị đánh bại.

Tóm lại, bầu cử năm nay rất có thể sẽ gây bất ngờ lớn, với khả năng lần đầu tiên nước Pháp sẽ có một vị tổng thống trẻ, chỉ mới 39 tuổi, đó là Emmanuel Macron.

http://vi.rfi.fr/phap/20170201-tranh-cu-tong-thong-phap-lien-tiep-nhung-bat-ngo

 

Pháp : Thêm tiết lộ gây khó cho ứng cử viên cánh hữu Fillon

Thanh Phương

Tờ tuần báo trào phúng, Le Canard Enchaîné, số ra hôm nay, 01/02/2017, tiết lộ rằng vợ của ứng cử viên cánh hữu François Fillon, bà Penelope Fillon, trên thực tế đã lãnh tổng cộng hơn 900 ngàn euro, tức gần gấp đôi số tiền đã được nêu trước đó.

Cho tới nay, ông Fillon vẫn bác bỏ những lời cáo buộc của tờ Le Canard Enchaîné cho rằng vợ của ông làm việc giả, tức là lãnh lương, nhưng trên thực tế không làm gì cả hoặc làm rất ít.

Theo Le Canard Enchaîné, vợ của ông Fillon đã nhận số tiền này trong cương vị trợ lý nghị sĩ và cộng tác viên một tạp chí văn học, đó là chưa kể khoản hơn 84 ngàn euro mà hai người con của cựu thủ tướng Pháp cũng đã nhận với tư cách trợ lý nghị sĩ trong khi họ còn là sinh viên.

Sự việc có vẻ ngày càng trầm trọng hơn, bởi vì theo nhiều nguồn tin từ Quốc Hội Pháp, hôm qua, các nhà điều tra đã đến tận văn phòng của ông Fillon ở Hạ Viện để khám xét. Đây là một việc hiếm khi xảy ra, bởi vì từ năm 1958 đến nay, chỉ có sáu lần các nhà điều tra khám xét ở Quốc hội Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20170201-phap-them-tiet-lo-gay-kho-cho-ung-cu-vien-canh-huu-fillon