Tin khắp nơi – 01/01/2019
Tổng thống Mỹ ký ban hành luật tăng cường
vai trò của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai, ngày 31/12/2018 đã ký ban hành dự luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương trước những thách thức đang lên từ phía Trung Quốc.
Đây là dự luật đã được Thượng nghị sĩ Cory Gardner, Ed Markey, Marco Rubio và Ben Cardin giới thiệu vào tháng Tư năm 2018, trong đó kêu gọi một đối thoại giữa bốn nước là Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, hay còn được biết đến là Tứ giác kim cương.
Luật mới nhìn nhận vai trò đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ trong việc củng cố hoà bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, kêu gọi việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh.
Dự luật cũng bao gồm cam kết về nguồn lực của Mỹ ở hu vực bao gồm một ngân khoản gồm 1,5 tỷ đô la mỗi năm trong 5 năm để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, và 150 triệu đô la mỗi năm trong năm năm cho dân chủ, pháp quyền, hỗ trợ xã hội dân sự.
Tứ giác kim cương đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra từ 10 năm trước nhưng gần đây mới gây sự chú ý đặc biệt, nhất là sau cuộc gặp của lãnh đạo 4 nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ bên lề hội nghị ASEAN ở Philippine vào tháng 11 năm 2017.
Ý tưởng này sống lại vì những lo ngại do thách thức đang lên từ phía Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông và Ấn Độ Dương. Ý tưởng này cũng là một đối trọng với kế hoạch Vành đai Con đường mà Trung Quốc đưa ra với hàng loạt dự án hạ tầng cơ sở trải dài từ châu Âu đến Nam Á nhằm gây dựng ảnh hưởng lâu dài cho Trung Quốc, hướng tới mục tiêu trở thành siêu cường và nắm vai trò lãnh đạo thế giới trong hai thập kỷ tới như Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại đại hội đảng hồi tháng 10 năm ngoái.
Căng thẳng Mỹ – Trung sang trang:
Từ yêu cầu dẫn độ bất thường
tới quyết định đình chiến
Việc hòa hoãn hiện tại chắc chắn sẽ kéo dài một thời gian do các dấu hiệu suy yếu kinh tế mới ở châu Âu và nguy cơ Trung Quốc làm chậm nền kinh tế Mỹ.
Khi cuộc tranh giành địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần định hình, người ta tự hỏi điều gì sẽ giữ thế giới theo trật tự. Kế hoạch chính xác trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donanld Trump là gì? Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta có thể mong đợi gì hơn nữa?
Cuộc xung đột bước vào giai đoạn mới từ ngày 1/12 khi giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị chính quyền Canada bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver, theo yêu cầu của chính quyền Mỹ.
Yêu cầu dẫn độ bất thường
Mạnh Vãn Chu, CFO của Huawei, bị bắt đúng vào thời điểm diễn ra cuộc ăn tối làm việc giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết ông Trump hoàn toàn không biết gì về việc bắt giữ vào thời điểm đó.
Tôi cho rằng điều này không chính xác, việc bắt giữ một quan chức cấp cao của tập đoàn Huawei – một công ty hàng đầu thế giới về công nghệ 5G và có mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc – chắc chắn phải được sự chỉ đạo và đồng ý ở cấp cao nhất của chính phủ Mỹ.
Ngay từ những ngày đầu cầm quyền, ông Trump đã thực hiện các biện pháp mới lạ và tích cực nhằm thu hẹp ảnh hưởng của các cơ quan hành pháp liên bang.
Tuy nhiên, khi bắt đầu gây ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Trump đã sử dụng thành phần tinh hoa và có kinh nghiệm ở Washington như Bolton và Lighthizer, những người có quan điểm và kiến thức tương đồng với mình.
Trong bối cảnh đó, một yêu cầu dẫn độ của Mỹ đối với Canada có ý nghĩa rất lớn.
Tiến sĩ Gary Botting, luật sư chuyên về các vấn đề dẫn độ, đã chỉ trích quá trình dẫn độ của Canada vì thiếu đánh giá có ý nghĩa về các cáo buộc của nước yêu cầu. Trong trường hợp hiếm hoi, các tòa phúc thẩm sẽ gửi lại vấn đề cho thẩm phán hoặc Bộ trưởng Tư pháp để xem xét lại theo quy định của pháp luật. Quy trình xem xét này không phải là không có lỗi.
Botting cho biết, trong giai đoạn 15 năm sau cải cách luật năm 1999, Canada chỉ từ chối 5 yêu cầu dẫn độ. Sự lỏng lẻo của chế độ dẫn độ Canada có thể đã bị các công tố viên Mỹ lợi dụng.
Yêu cầu dẫn độ bà Mạnh của Mỹ cũng rất phức tạp bởi các yếu tố khác.
Theo hiệp ước và theo luật pháp, Canada có thể từ chối dẫn độ nếu hành động này nhằm vào một nhân vật chính trị, hay nói cách khác là trừng phạt đối với một hành vi phạm tội chính trị. Tức là, các hành vi phạm tội chính trị hoặc xúi giục không phải là cơ sở để dẫn độ.
Theo Đạo luật Dẫn độ năm 1999, Bộ trưởng Tư pháp có thẩm quyền và toàn quyền từ chối việc dẫn độ trên cơ sở này.
Việc Trung Quốc bắt giữ một số người Canada nổi tiếng cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu trả đũa chính trị. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland phản ứng gay gắt với việc ông Trump dọa can thiệp vào quá trình dẫn độ vì mục đích an ninh quốc gia, hay như một phần của thỏa thuận thương mại lớn hơn với Trung Quốc.
Biến động ở phía trước
Trong bối cảnh Mỹ sẵn sàng tăng thuế từ 10-15% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa, lãnh đạo 2 nước đã đồng ý đình chiến tạm thời trong vòng 90 ngày nhằm hạ nhiệt căng thẳng thuế quan giữa hai bên.
Việc hòa hoãn hiện tại chắc chắn sẽ kéo dài một thời gian do các dấu hiệu suy yếu kinh tế mới ở châu Âu và nguy cơ Trung Quốc làm chậm nền kinh tế Mỹ. Khi thị trường đóng cửa vào ngày 15/12, chỉ số Công nghiệp Down Jones lần đầu tiên bước vào vùng điều chỉnh trong vòng 3 năm qua.
Trớ trêu là, kể từ khi ông Trump khởi xướng các chính sách thương mại cực đoan của mình, xuất khẩu của Mỹ giảm và thâm hụt thương mại tăng lên, điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ – cũng như chiến lược của Nhà Trắng – đã bị ảnh hưởng.
Những lo ngại về “cuộc ly hôn” Mỹ – Trung gia tăng là do tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và sự đan xen lợi ích mật thiết giữa hai nước – những đặc điểm rất khác so với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về quy mô kinh tế trên cơ sở ngang giá sức mua (PPP), sản xuất giá trị thặng dư, thương mại hàng hóa và dự trữ ngoại hối (kể cả bằng USD). Trung Quốc cũng tuyên bố nước này là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 130 quốc gia, trong đó có Mỹ.
Các công ty Mỹ như Boeing hay Apple hoạt động khắp thị trường Trung Quốc, một thị trường khổng lồ với hơn 1,3 tỷ dân và có lao động chi phí thấp hơn cho sản xuất định hướng xuất khẩu.
Trong một báo cáo gần đây của Quốc hội Mỹ, các hoạt động kinh doanh này cho phép một số công ty Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế và cung cấp cho người tiêu dùng Mỹ nhiều loại hàng giá rẻ.
Nhưng chính sách thuế quan của Trump có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ này, trên cơ sở cho rằng Trung Quốc có chính sách “xâm lăng kinh tế” – gồm có cưỡng ép chuyển giao công nghệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường không công bằng và tiến hành các cuộc tấn công mạng.
Trên thực tế, Tổng thống Trump đã đe dọa đánh thuế vào 517 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc – tương đương với gần như toàn bộ lượng hàng hóa Mỹ đã nhập từ Trung Quốc trong năm 2018.
Sự cần thiết phải đình chiến trên mặt trận thuế quan cũng cho thấy các cơ chế pháp lý cơ bản thúc đẩy chính sách của Mỹ.
Đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã khởi xướng một số cuộc điều tra liên quan đến thương mại. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, hiện đã được ông Trump chỉ định là trưởng đoàn Mỹ đàm phán với Trung Quốc, đã dựa vào các công cụ pháp lý phức tạp – như Điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 – để tạo ra một cuộc chiến thương mại.
Vào những năm 1980, khi ông Trump đang xuất hiện trên các tờ báo lá cải ở New York, Lighthizer đang phải cắn răng chịu ảnh hưởng bởi chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Reagan. Không phải ngẫu nhiên mà Điều khoản 301 được sử dụng rộng rãi nhất dưới thời đại Reagan – 49 trong tổng số 125 cuộc điều tra thương mại được thực hiện trong giai đoạn này.
Với sự ra đời của WTO vào năm 1994, Mỹ bắt đầu bớt viện tới biện pháp pháp lý trên. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, kể từ năm 2001 đến nay mới chỉ có 1 cuộc điều tra dựa trên Điều khoản 301. Bắt đầu từ năm 2010, dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã đưa tất cả các tranh chấp thương mại đến WTO để giải quyết.
Việc chính quyền Trump sử dụng Điều khoản 301, thay vì sử dụng WTO để giải quyết tranh chấp, là một sự thay đổi của Mỹ sau một thời gian dài
Chính quyền Trump và chính sách đối ngoại hiện nay là sự pha trộn kỳ lạ giữa sự bốc đồng và tính toán. Điều này có thể đã được thấy trước dựa trên tính cách thất thường của Tổng thống Trump và bản chất đội ngũ cố vấn của ông.
Vì vậy, tình hình thường khó dự đoán, đặc biệt là chính sách liên quan tới Trung Quốc. Đặc biệt, với sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, chúng ta có thể sẽ phải thấy nhiều biến động hơn nữa.
Mỹ – Trung đã đi vào Chiến tranh Lạnh hay chưa ?
Cuộc chiến thuế quan chưa từng có giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khởi sự từ mùa hè 2018, và các đối đầu trên nhiều lĩnh vực khác như an ninh, quân sự… khiến cụm từ « Chiến tranh Lạnh » Mỹ – Trung ngày càng nói đến nhiều hơn. Về phía quan điểm phản bác, không ít ý kiến cho rằng trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay một cuộc Chiến tranh Lạnh theo kiểu Mỹ-Xô trước đây là điều không thể có. Vậy thực hư ra sao ?
Đầu tháng 12/2018, Washington và Bắc Kinh tạm thời hưu chiến trong ba tháng để tìm giải pháp thoái khỏi cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dường như đây chỉ là một giai đoạn hòa hoãn và « Chiến tranh Lạnh » giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, đang có tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới, đã là điều đang diễn ra trên thực tế. Sau đây là phần tổng hợp ý kiến một số chuyên gia, nhà quan sát.
Dựa vào đâu để nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ?
Về quan điểm này, báo Anh Financial Times có đăng tải một bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề : « Trung Quốc và Mỹ : Chiến tranh thương mại hay Chiến tranh Lạnh ? » (06/12/2018). Theo nhà nghiên cứu chính trị học Timothy Ash, không thể giới hạn những căng thẳng vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. Ngoài thương mại, Washington và Bắc Kinh đang đối đầu với nhau trên hàng loạt trận địa, nổi bật là an toàn mạng, quân sự an ninh (đặc biệt là tại Biển Đông hay Đài Loan), trí tuệ nhân tạo / công nghệ 5G. Đây là cuộc chiến giữa một siêu cường đang đi xuống và một siêu cường đang trỗi dậy.
Có thể hình dung là sau đợt đàm phán 90 ngày (với hạn chót là 01/03/2019), Trung Quốc sẽ có nhiều nhân nhượng với Mỹ trong lĩnh vực thuế, và mở cửa hơn thị trường cho Mỹ, nhưng sẽ triển khai các hướng khác để cân bằng lại. Theo nhà chính trị học Anh, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là « cộng sinh », mà đúng hơn là « ký sinh ».
Cụ thể là, trong một thời gian hàng thập niên trước khi tổng thống Trump lên nắm quyền, với Bắc Kinh, chủ trương chính của Mỹ là đầu tư vào Trung Quốc, siết chặt quan hệ với Trung Quốc, để dần dần đưa Trung Quốc phát triển và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, với hy vọng một nước Trung Quốc giầu có hơn cũng sẽ có lợi cho thế giới. Và đến một lúc nào đó, Trung Quốc cũng sẽ trở thành thành viên của cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, nỗ lực nói trên đã không mang lại kết quả. Giàu mạnh hơn gấp bội, Bắc Kinh muốn vươn lên vai trò bá chủ.
Theo nhà chính trị học Anh, chính sách « cộng sinh » của Washington đã thất bại, bởi nếu cứ cái đà như hiện nay, thì vật thể « ký sinh », là Trung Quốc, sẽ giết chết vật chủ, là nước Mỹ. Bởi vậy, chiến lược hiện nay mang tính sống còn của nước Mỹ là « vạch ra các lằn ranh đỏ » với Trung Quốc, sau mỗi cuộc « khủng hoảng nhỏ » (nhà chính trị học nêu ra một số ví dụ như vụ tập đoàn Trung Quốc ZTE hồi mùa hè 2018 bị phạt, rồi bị đặt dưới sự kiểm soát của tư pháp Mỹ, để cho thấy phương pháp lằn ranh đỏ của Washington). Kết quả cuối cùng của xu thế này là thế đối đầu của một Chiến tranh Lạnh mới, giống như giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây.
Còn về quan điểm phản bác đã có một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc?
Phía phản đối quan điểm « Chiến tranh Lạnh » nhấn mạnh đến tính chất phụ thuộc lẫn nhau hết sức mật thiết của nền kinh tế toàn cầu, với các chuỗi dây chuyền sản xuất trải rộng trên khắp thế giới. Mỗi sản phẩm có thể được tạo ra từ hàng trăm, hàng nghìn nguyên liệu, vật liệu sơ chế, linh kiện, bán thành phẩm, đến từ khắp nơi trên Trái đất. Trang mạng về công nghệ của Mỹ MIT Technology Review, có bài viết
« Giữa Mỹ và Trung Quốc không có ‘‘Chiến tranh Lạnh’’, hãy ngừng nói như vậy ». Theo tác giả bài viết, khác hẳn với thời kỳ Mỹ-Xô trước đây, kinh tế Mỹ-Trung phụ thuộc chặt chẽ vào nhau. Ngoài chuyện các công ty Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ về mặt linh kiện công nghệ cao, phía Hoa Kỳ cũng tương tự. Tập đoàn tin học Apple có một phần năm doanh thu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về các linh kiện hay khâu lắp ráp.
Theo tác giả, một cuộc Chiến tranh Lạnh về kinh tế, nếu xảy ra, sẽ dẫn thế giới vào ngõ cụt, bởi đi ngược lại toàn bộ những gì mà nền kinh tế toàn cầu xây dựng được từ hơn nửa thế kỷ qua. Khẳng định có một cuộc Chiến tranh Lạnh không những là « sai lầm », mà còn « nguy hiểm », bởi quan niệm này sẽ đẩy các xã hội vào thế đối đầu nhau, với các hậu quả hết sức đắt giá, trước hết về mặt kinh tế.
Dường như bên cạnh hai quan điểm, ủng hộ và bác bỏ sự tồn tại một cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ – Trung, còn có một số quan điểm khác ?
Phải thừa nhận là ám ảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung – dù điều đó đã xảy ra hay chưa, và xảy ra đến mức độ nào – là một điều có thật. Điều này có thể đặc biệt thấy rõ tại Đông Nam Á, khu vực vốn duy trì các quan hệ mật thiết với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Báo mạng Singapore Businesstimes có một bài viết đáng chú ý mang tựa đề : « Chiến tranh Lạnh mới : một sự đóng băng kéo dài của các mối liên hệ toàn cầu » (ngày 29/12/2018).
Businesstimes dẫn lời của cựu bộ trưởng Thương Mại Mỹ Hank Paulson, theo đó triển vọng « bức màn sắt » kinh tế được thiết lập làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn không phải là chuyện viển vông, mà nhãn tiền. Báo mạng Singapore nêu một ví dụ tiêu biểu cho thấy, dù muốn hay không Hoa Kỳ bắt đầu buộc phải thủ thế với Trung Quốc. Đó là trường hợp của tập đoàn sản xuất hóa chất DuPont của Mỹ đã bị chính quyền Trung Quốc kiếm chuyện, vì không chấp nhận chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Và đây không phải là một trường hợp duy nhất, mà nằm trong chính sách đẩy mạnh các công nghệ mũi nhọn, để nhanh chóng đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc công nghệ số một. Trong thời gian gần đây, Washington đã chính thức coi chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ của Bắc Kinh như là một vật cản chính trong quan hệ song phương.
Theo cựu bộ trưởng Thương Mại Mỹ, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã từng nuôi hy vọng thị trường Trung Quốc sẽ rộng mở sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Tuy nhiên, sau 17 năm là thành viên WTO, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thực sự mở cho cạnh tranh nước ngoài. Cách xử sự trái khoáy của Trung Quốc, vừa tham gia vào thị trường thế giới, nhưng lại vừa không tuân thủ các quy tắc của thị trường, chắc chắn sẽ dẫn đến việc nhiều đối tác phải rời bỏ Trung Quốc, vì sợ bị thao túng.
Vẫn trang mạng Singapore Businesstimes lưu ý là tình trạng đối đầu này đặc biệt bất lợi cho khu vực Đông Nam Á, nơi đang hình thành một thị trường dịch vụ thống nhất, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số. Thế đối đầu Chiến tranh Lạnh Mỹ – Trung sẽ băm nát thị trường chung đang nổi lên này, buộc mỗi nước hay mỗi thế lực kinh tế phải chọn phe, như nỗi lo mà thủ tướng Singapore, phát biểu cách nay ít tháng. Và điều này là đặc biệt nguy hiểm, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp mới, đang làm biến đổi sâu sắc thị trường thế giới nói chung, Đông Nam Á nói riêng, khi rất nhiều việc làm sẽ mất đi do tự động hóa.
Giáo sư Mie Oba người Nhật, chuyên về chính trị châu Á, trong một bài phân tích trên trang mạng The Diplomat (29/12/2018), nhấn mạnh đến tính chất « khó dự đoán » của cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng có một điều chắc chắn là cuộc chiến rất phức tạp này sẽ hết sức khác với cuộc chiến kéo dài 40 năm giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây.
Cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ – Trung phải chăng khó tránh khỏi, bởi các nhân nhượng giữa hai bên dường như chỉ mang tính tạm thời, và chủ trương tối hậu của Bắc Kinh là vươn lên soán ngôi Mỹ. Liệu có cơ hội nào để cuộc Chiến tranh Lạnh này không xảy ra ?
Trên thực tế, theo nhiều nhà quan sát, thế đối đầu Mỹ – Trung hiện nay một phần rất lớn xuất phát từ việc Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì mô hình xã hội độc tài – toàn trị, mở cửa nửa chừng với thế giới, để tranh thủ công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, thường là các quốc gia dân chủ, để rồi quay sang thao túng thế giới, áp đặt quyền lực bá chủ với bên ngoài.
Mô hình này bị chính một bộ phận những người cải cách trong nước phản đối, nhưng họ quá yếu thế, trong bối cảnh đảng Cộng Sản nằm trọn vẹn quyền lực. Trong một bài viết trên báo South China Morning Post (ngày 2/10/2018), nhà chính trị học Trung Quốc Đặng Duật Văn (Deng Yuwen) – thành viên một viện tư vấn có xu hướng cải cách trong nước, hiện đang làm nghiên cứu tại Đại học Norttingham (Anh Quốc) – chỉ ra một nghịch lý là cuộc chiến tranh thương mại của tổng thống Mỹ chống lại Bắc Kinh, trong lúc gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc, nhưng cũng gây áp lực buộc ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện nay phải lắng nghe tiếng nói của phái cải cách. Cụ thể là giảm can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, giảm ưu đãi dành cho các tập đoàn Nhà nước, cũng như cởi trói khu vực kinh tế tư nhân, giảm thuế mạnh để thúc đẩy thị trường nội địa. Chưa nói đến các cải cách chính trị đi kèm, bởi các cải cách kinh tế sâu sắc không thể không đi cùng những thay đổi về định chế chính trị. Nếu Trung Quốc chấp nhận cải cách, chấp nhận luật chơi quốc tế, thì quan hệ với Hoa Kỳ ắt hẳn sẽ được cải thiện. Nguy cơ Chiến tranh Lạnh sẽ giảm bớt.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190101-my-trung-da-di-vao-chien-tranh-lanh-hay-chua
Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren
ra tranh cử tổng thống Mỹ
Thượng nghị sỹ Dân chủ Elizabeth Warren, người có quan điểm tự do nhiệt thành vốn hay đả kích Phố Wall và lời qua tiếng lại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã trở thành nhân vật nổi bật nhất của Đảng Dân chủ thông báo sẽ thách thức ông Trump vào năm 2020.
Warren cho biết bà đã thành lập một ủy ban khảo sát cho phép bà bắt đầu gây quỹ để tranh đua trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ vốn được cho là sẽ có đông đảo ứng viên trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020.
Bà thông báo trên Twitter rằng bà sẽ thông báo quyết định về việc liệu có ra tranh cử sớm vào năm 2019 hay không.
Bà Warren, năm nay 69 tuổi, là thượng nghị sỹ bang Massachusetts từ năm 2013. Bà đã trở thành một trong những người chỉ trích ông Trump dữ dội nhất trong chiến dịch tranh cử của ông hồi năm 2016 và hai người vẫn tiếp tục nhục mạ lẫn nhau gay gắt trong nhiệm kỳ của ông Trump. Ông Trump đã gọi bà Warren một cách mỉa mai là ‘Pocahontas’ bởi vì bà nhận mình là hậu duệ của thổ dân Mỹ.
Bà Warren lên án ông Trump là ‘kẻ hám hơi tiền bất ổn’ với cương lĩnh về ‘phân biệt sắc tộc, phân biệt giới tính và bài ngoại’ trong khi ông Trump đã gọi vị cựu giáo sự Luật Đại học Harvard là ‘ngu ngốc, ‘hạ cấp’ và ‘mồm thối’.
Hôm 31/12, bà Warren đã tung ra một đoạn băng trong đó bà đưa ra tầm nhìn về con đường vươn đến cơ hội cho mọi người dân Mỹ chứ không chỉ là người giàu.
“Tầng lớp trung lưu của Mỹ đang bị tấn công,” bà nói. “Làm thế nào mà mọi chuyện lại như vậy? Các tỷ phú và các đại tập đoàn muốn phần lớn hơn của chiếc bánh và họ nhờ đến các chính trị gia cắt cho họ miếng bánh béo bở hơn.”
Nhiều khả năng bà Warren sẽ đối mặt với rất đông đảo các ứng viên Dân chủ ra tranh cử bao gồm các Thượng nghị sỹ Kamala Harris, Corey Booker và Kirsten Gillibrand bên cạnh cựu phó tổng thống Joe Biden. Julian Castro, bộ trưởng Nhà ở trong nội các của cựu Tổng thống Barack Obama, đã thành lập ủy ban khảo sát trong tháng này.
Để tìm kiếm một ứng viên ra đấu với ông Trump, phe Dân chủ phải đương đầu với sự căng thẳng giữa định chế của đảng với cánh cấp tiến vốn đã bùng phát trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi năm 2016 giữa bà Hillary Clinton Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, một ứng viên độc lập nhưng ra tranh cử dưới màu cờ của Đảng Dân chủ.
Việc bà Warren ra ứng cử có thể sẽ gặp sự chống đối từ Phố Wall. Tại Thượng viện, bà là một tiếng nói mạnh mẽ trên những vấn đề về tài chính. Bà tuyên bố mình là người bảo vệ cho dân thường Mỹ trước những lợi ích của kẻ mạnh.
Bà cũng chống lại nỗ lực của chính quyền Trump làm giảm sức mạnh của Cục Bảo vệ Tài chính cho Người tiêu dùng, một cơ quan mà bà đã góp phần sáng lập. Bà cũng gây sức ép với Cục dự trữ Liên bang có lập trường mạnh mẽ đối với Ngân hàng tai tiếng Wells Fargo.
Phần lớn lập trường chính sách của bà Warren là tập trung vào sự bất bình đẳng kinh tế. Mới đây, bà đã đưa ra dự luật kêu gọi Chính phủ Mỹ chế tạo những loại thuốc làm theo sản phẩm của các tập đoàn dược để giảm giá thành. Hồi năm 2017, bà đã cùng các thượng nghị sỹ khác đưa ra đề xuất mở rộng chương trình bảo hiểm y tế liên bang Medicare cho người cao tuổi.
Bà Warren sẽ gặp rất nhiều sự canh tranh từ những phụ nữ khác vốn đứng sau sự trỗi dậy của Đảng Dân chủ cũng như những người có lập trường tự do và cấp tiến, Larry Sabato, giáo sư Đại học Virginia nhận định.
Việc có 80% người dân biết tên tuổi bà không có nghĩa là bà có được sự ủng hộ như thế. “Một số thành viên Đảng Dân chủ thề ủng hộ bà và thích phong cách thẳng thừng của bà, trong khi những người khác xa lánh bà và lo ngại rằng bà sẽ thua ông Trump. Bà Warren cần phải làm rất nhiều để thuyết phục họ,” Giáo sư Sabato nói.
Mặc dù ông Trump chưa có phản hồi về thông báo của bà Elizabeth Warren, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đảng Cộng hòa, bà Ronna McDaniel đã gọi bà Warren là ‘một kẻ cản trở cực tả khác nữa’.
Đảng Dân chủ tìm cách ngưng đóng cửa chính phủ
Phe Dân chủ trong Hạ viện Mỹ dự định sẽ bỏ phiếu vào ngày 3/1 về một gói cấp ngân sách để chấm dứt 10 ngày đóng cửa chính phủ một phần nhưng không cấp khoản tiền 5 tỷ đô la mà Tổng thống Donald Trump đòi để xây bức tường biên giới với Mexico.
Cuộc bỏ phiếu này sẽ là màn đối đầu giữa Đảng Dân chủ và những đồng minh Cộng hòa của ông Trump trên một vấn đề ông Trump rất coi trọng kể từ khi ông lên nắm quyền hồi đầu năm 2017.
Đảng Dân chủ sẽ chính thức nắm quyền kiểm soát Hạ viện từ phía Đảng Cộng hòa vào ngày 3/1 sau khi giành được đa số ghế tại cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11.
Gói ngân sách gồm hai phần này sẽ bao gồm một dự luật giúp cấp ngân quỹ cho Bộ An ninh Nội địa ở mức độ hiện nay cho đến ngày 8/2 cùng với 1,3 tỷ đô la chi cho an ninh biên giới cũng như những biện pháp cấp ngân sách cho các cơ quan liên bang khác bị đóng cửa cho đến ngày 30/9, tức kết thúc năm tài chính hiện tại, các trợ lý của Đảng Dân chủ tại Quốc hội cho biết hôm 31/12.
Nếu được Hạ viện phê chuẩn, gói dự luật ngân sách chính phủ này sẽ được chuyển sang Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Triển vọng của nó tại Thượng viện đang có vẻ không được hứa hẹn mặc dù sự thất thường của ông Trump khiến khó mà đoán định được màn đối đầu xung quanh chính phủ đóng cửa sẽ diễn ra như thế nào.
Đạo luật này của Đảng Dân chủ sẽ đánh dấu màn giao đấu lớn giữa một bên là phe đa số tại Hạ viên dưới sự lãnh đạo của bà Nancy Pelosi và một bên là Tổng thống Trump và Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell. Ông McConnell đã nói là Thượng viện sẽ không xem xét bất cứ dự luật nào ông Trump không ủng hộ.
Đảng Dân chủ phản đối yêu sách của ông Trump về bức tường biên giới. Bà Pelosi gọi bức tường này là ‘không hiệu quả, đắt đỏ và phi đạo đức’.
Phe Dân chủ hy vọng rằng cách cấp ngân sách chia làm hai phần này có thể sẽ đưa Trump và các đồng minh Cộng hòa của ông vào tình huống khó khăn. Nếu họ bác bỏ dự luận cấp ngân sách cho các cơ quan không liên hệ gì với an ninh biên giới thì Đảng Cộng hòa sẽ bị xem là đang nắm giữ các cơ quan liên bang này cùng với gần 800.000 nhân viên bị ảnh hưởng làm con tin cho bức tường biên giới của ông Trump.
Phần ngân sách dành cho Bộ An ninh Nội địa, cơ quan phụ trách an ninh biên giới, trong gói ngân sách của Đảng Dân chủ dựa trên một biện pháp Thượng viện đã thông qua với sự ủng hộ phi đảng phái.
Ông Trump đã nói rằng bức tường ‘rất quan trọng’ trong việc đối phó với nạn di dân bất hợp pháp và buôn lậu ma túy. Thượng viện Mỹ hôm 21/12 đã không thể hội đủ số phiếu cần thiết để thông qua một dự luật của Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát trong đó có chi tiền cho bức tường biên giới của ông Trump.
Ông Trump đã lên Twitter lên án lập trường của Đảng Dân chủ về bức tường biên giới vốn có chi phí ước tính lên tới 23 tỷ đô la. Ông cũng dường như nói ngược với ông John Kelly, chánh văn phòng Nhà Trắng sắp rời chức, về lập trường của chính quyền đối với bức tường.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Los Angeles Times được đăng hôm 30/12, ông Kelly nói: “Thật lòng mà nói. Đó không phải là bức tường.”
“Tổng thống vẫn tiếp tục nói là ‘bức tường’ – có đôi khi thành thật mà nói ông ấy sẽ nói là ‘hàng rào’ khi mà giờ đây ông ấy hướng về phía các thanh chắn thép. Nhưng vào đầu nhiệm kỳ của chính quyền chúng tôi dã bỏ ý tường về bức tường đặc bằng bê tông khi chúng tôi hỏi những người có trách nhiệm họ cần những gì và cần ở những chỗ nào,” ông Kelly nói thêm.
Trong một dòng Tweet, ông Trump nói rằng sẽ không thể có an ninh biên giới ‘nếu không có một bức tường mạnh mẽ’.
“Một bức tường bằng bê tông hoàn toàn không hề có chuyện bị từ bỏ như truyền thông tường thuật,” ông Trump viết. “Một số khu vực sẽ toàn bộ là bức tường xi măng nhưng các chuyên gia biên phòng thích có một bức tường mà họ có thể nhìn xuyên thấu (do đó họ có thể nhìn thấy điều gì sẽ xảy ra ở cả hai phía). Điều đó đối với tôi cũng hợp lý.”
Một số nhà phân tích chính sách lạc quan rằng việc đóng cửa chính phủ sẽ sớm kết thúc.
Một trợ lý cao cấp của Đảng Dân chủ nói với điều kiện giấu tên rằng phe Dân chủ trong Thượng viện ủng hộ dự luật mới của Hạ viện và rằng lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, đã liên tục liên lạc với bà Pelosi về vấn đề này.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham, một đồng minh của ông Trump, đã gặp ông hôm 30/12 và nói với các phóng viên sau đó rằng ông lạc quan rằng Đảng Dân chủ, Cộng hòa và Tổng thống Trump sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt đóng cửa chính phủ mà trong đó có cấp tiền cho bức tường và cấp quy chế pháp lý cho di dân bất hợp pháp.
Tuy nhiên ông Graham cũng nói rằng sẽ không bao giờ có thỏa thuận chi tiêu của chính phủ mà không có tiền xây bức tường hay hàng rào gì đó ở biên giới phía nam.
Brazil : An ninh tăng cường tối đa
cho lễ nhậm chức tổng thống
Hôm nay, 01/01/2019, ông Jair Bolsonaro chính thức nhậm chức tổng thống Brazil. Để chuẩn bị bảo đảm an ninh cho lễ tuyên thệ tại thủ đô Brasilia, một hệ thống phương tiện an ninh chưa từng có đã được triển khai.
Thông tín viên Martin Bernard tại Brasilia :
“Một hệ thống phương tiện an ninh lớn được triển khai. Khu phố quanh phủ tổng thống và các cơ quan bộ đều bị phong tỏa. Sáu nghìn binh sỹ, một hệ thống phòng không, các tay súng bắn tỉa và rất nhiều hàng rào được dựng lên để kiểm tra công chúng đến dự lễ.
Tất cả như vậy để bảo đảm an ninh cho hơn chục nguyên thủ quốc gia đến thủ đô Brasilia dự lễ và cho chính tổng thống Jair Bolsonaro, người đã từng bị tấn công bằng dao trong chiến dịch tranh cử. Theo ông Hamilton, một người dân Brasilia thì quả thực đây là điều chưa từng thấy :
« Đúng là một hệ thống cực lớn đã được triển khai. Tôi từng có mặt ở đây trong Cúp bóng đá Thế giới, trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ Bush, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy như thế này. Số lượng cảnh sát, xe cộ tất cả cho thấy phương tiện an ninh lớn đã được huy động ».
Các xe bọc thép thậm chí còn được triển khai xung quanh trụ sở đài truyền hình quốc gia, phụ trách truyền trực tiếp lễ nhậm chức. Bị thống đốc Brasilia đánh giá là thái quá, cuối cùng các chiến xa đã được rút đi.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190101-brazil-an-ninh-tang-tuong-toi-da-cho-le-nham-chuc-tong-thong
Thế giới từ Á sang Âu, Mỹ mừng Năm Mới 2019
Thế giới tưng bừng mừng Năm Mới bằng những màn trình diễn pháo hoa ở nhiều nơi. Một Năm Mới 2019 với nhiều thách thức : xu hướng dân tộc chủ nghĩa và dân túy đang gia tăng, quan ngại về Trái đất bị hâm nóng hay Brexit.
Thành phố Sydney của Úc đón tân niên sớm nhất với pháo bông muôn vàn màu sắc, ngoạn mục chưa từng thấy. Lượng pháo bông kỷ lục làm rạng rỡ bầu trời trong 12 phút dưới sự chứng kiến của một triệu rưỡi khán giả. Ở Hồng Kông, hàng trăm ngàn người chen chúc hai bên cảng Victoria để xem pháo bông, màn trình diễn này tốn hết 1,57 triệu euro.
Thay vì pháo bông, đã bị hủy để tỏ lòng tôn trọng các nạn nhân sóng thần, thủ đô Jakarta của Indonesia chọn lựa việc tổ chức đám cưới cho 500 cặp cô dâu chú rể nghèo vào ngay tối giao thừa « để cả thế giới cùng mừng cho họ » – theo đô trưởng Anies Baswedan.
Tại Nhật Bản, đêm giao thừa được đánh dấu bởi trận đấu võ đài tại Saitama, phía bắc Tokyo, giữa siêu sao quyền Anh Mỹ Floyd Mayweather với võ sĩ trẻ người Nhật Tenshin Nasukawa. Chỉ trong hai phút ngắn ngủi, Mayweather đã hạ gục đối thủ, ôm trọn khoản tiền thưởng 9 triệu đô la.
Ở châu Âu, Luân Đôn bước sang Năm Mới với pháo bông trên London Eye và chương trình âm nhạc của những nghệ sĩ châu Âu, vào lúc người Anh đang chia rẽ vì Brexit. Đối với đô trưởng Sadiq Khan, đó là nhằm chứng tỏ với châu Âu rằng Luân Đôn vẫn « cởi mở », « nhìn về tương lai » trong thời kỳ hậu Brexit. Trong thông điệp Năm Mới, thủ tướng Theresa May tranh thủ kêu gọi Nghị Viện ủng hộ thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu để « bước sang một giai đoạn mới » : ra khỏi EU từ ngày 29/03/2019.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trên truyền hình thúc giục người dân ra sức « cải thiện chất lượng sống, mang đến những thay đổi tích cực » trong năm 2019.
Tại nước Mỹ, hàng ngàn người dân New York mừng năm mới trong mưa lạnh, dưới bầu trời rực rỡ muôn màu sắc pháo bông ở Time Square, được hâm nóng bằng các màn trình diễn của những ngôi sao Christina Aguilera, Sting, Snoop Dogg.
Tổng thống Donald Trump – người đã làm đảo lộn địa chính trị thế giới trong năm 2018 qua cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, việc rút lui khỏi hiệp ước nguyên tử với Iran và quyết định dời tòa đại sứ Mỹ ở Israel sang Jerusalem – chúc mừng Năm Mới bằng một video trên Twitter.
Ở Rio de Janeiro, hàng trăm ngàn người dự khán pháo bông mừng Năm Mới cùng với màn trình diễn ánh sáng : tượng Chúa Cứu Thế nổi tiếng được tô điểm nhiều màu sắc, cúi đầu cầu nguyện trước khi giang tay ban bình an. Hôm nay cũng là ngày tân tổng thống cực hữu của Brazil, ông Jair Bolsonaro tuyên thệ nhậm chức.
Trong năm 2019 sẽ có các cuộc bầu cử quan trọng tại châu Âu, Úc, Ấn Độ, Afghanistan, Nam Phi, Achentina, còn Cộng Hòa Dân Chủ Congo đang chờ đợi kết quả của cuộc chuyển đổi quyền lực tổng thống một cách hòa bình, lần đầu tiên kể từ khi giành độc lập năm 1960.
Một số sự cố đã diễn ra trong đêm giao thừa. Tại Manchester (Anh), ba người bị thương trong vụ tấn công bằng dao. Hung thủ đã bị bắt, theo nhân chứng thì kẻ này đã hô « Allah ». Ở Tokyo, một người Nhật 21 tuổi là Kazuhiro Kusakabe đã lao xe hơi vào đám đông làm 9 người bị thương, trong đó có một người bị thương nặng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190101-the-gioi-tu-a-sang-au-my-mung-nam-moi-2019
Phát ngôn viên và phó giám đốc Phòng báo chí
Tòa Thánh Vatican đột ngột từ chức
Theo một tuyên bố chính thức của Vatican, vào hôm thứ Hai (31 tháng 12), phát ngôn viên Greg Burke và phó giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican, bà Paloma Garcia Ovejero, đã đột ngột từ chức.
Hiện không rõ nguyên nhân của sự việc bất ngờ trên. Chỉ biết rằng, ông Burke đã từ chức hai tuần sau khi Đức Giáo hoàng Francis bổ nhiệm phóng viên người Italia Andrea Tornielli, trở thành giám đốc biên tập của tất cả các chương trình thông tin của Tòa Thánh Vatican. Phóng viên này là một người bạn của Đức Giáo hoàng.
Theo thông tin mà ông Burke đăng tải trên mạng xã hội Twitter, ông và bà Paloma đã từ chức, và quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Trong thời điểm chuyển giao, Đức Giáo hoàng có thể tự do tập hợp một nhóm mới.
Ông Bruke, 59 tuổi, là một cựu phóng viên của tờ Fox News. Ông gia nhập Tòa Thánh Vatican vào năm 2012, với vai trò là một nhà cố vấn trong ban thư ký Vatican, và trở thành phát ngôn viên vào năm 2016. Ông còn là thành viên của nhóm Công giáo Bảo thủ Opus Dei.
Bà Ovejero, 43 tuổi, từng là phóng viên đài phát thanh COPE của Tây Ban Nha. Bà cũng là một trong những người có thứ hạng cao tại Tòa Thánh Vatican.
Theo thông tin từ Tòa Thánh Vatican, nhà báo nguời Italia Alessandro Gisotti, một người thân cận với Tornielli, sẽ trở thành phát ngôn viên tạm thời cho Tòa Thánh. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/phat-ngon-vien-va-pho-giam-doc-phong-bao-chi-toa-thanh-vatican-dot-ngot-tu-chuc/
Rumani nắm quyền
chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu
Bắt đầu từ hôm nay, 01/01/2019, quyền chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu được chuyển giao từ nước Áo cho Rumani, trong bối cảnh thành viên Đông Âu này đang liên tục công kích Bruxelles và Liên Âu đang xáo động bởi hồ sơ Brexit, cũng như làn sóng hoài nghi vai trò của Liên Âu đang lên cao, trước cuộc bầu cử nghị viện EU.
Gia nhập Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2007, Rumani vẫn được xếp trong số những nước gắn bó với Liên Âu nhất trong số 28 thành viên. Tuy nhiên trong vài tháng gần đây, quan hệ giữ Bucarest với Bruxelles trở nên xấu đi nhiều, bởi những cải cách hệ thống tư pháp gây nhiều tranh cãi do cánh tả cầm quyền thực hiện tại Rumani.
Tháng 11 năm ngoái, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi Bucarest không được làm tổn hại đến Nhà nước pháp quyền trong các cải cách hệ thống tư pháp. Đó là những cải cách đang bị tố cáo là đe dọa tính độc lập của các quan tòa, cũng như cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Rumani.
Bất chấp các chỉ trích, chính phủ của thủ tướng Viorica Dancila cố thông qua nhanh chóng sắc lệnh, theo đó các quan chức chính trị rơi vào tầm ngắm của tư pháp vẫn được hưởng quyền miễn trừ.
Bị lên án mạnh mẽ từ trong nước cũng như từ Bruxelles, đảng Xã Hội Dân Chủ cầm quyền liên tiếp có các phát biểu đả kích Liên Hiệp Châu Âu.
Hội đồng Châu Âu dự kiến đưa vấn đề trừng phạt Hungary và Ba Lan về những chính sách bị cho là phản dân chủ và gây hại đến tính độc lập của tư pháp. Với tư cách là chủ tịch luân phiên, Rumani có quyền đưa vấn đề đó vào chương trình nghị sự.
Nước làm chủ tịch luân phiên EU phải giữ vai trò quyết định trong việc thúc đẩy và tổ chức các cuộc thảo luận trong các thành viên Liên Hiệp. Giới quan sát tỏ ra hoài nghi về việc Rumani có thể làm tròn vai trò của mình trong một năm lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, dự kiến sẽ có nhiều biến động này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190101-rumani-nam-quyen-chu-tich-luan-phien-lien-hiep-chau-au
Đồng euro : 20 tuổi nhưng vẫn chưa ”trưởng thành”
Ngày 01/01/2019, đồng tiền chung châu Âu « euro » thổi ngọn nến thứ 20. Những năm gần đây, đồng tiền chung của khoảng 340 triệu người dân tại 19 quốc gia châu Âu đã phải vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng và các bất đồng chính trị. Dù đã được củng cố nhờ một số chính sách tiền tệ của châu Âu, nhưng đồng euro vẫn còn là « một người khổng lồ yếu ớt ».
Một lễ sinh nhật buồn. Euro lặng lẽ mừng 20 tuổi, « không trống, không kèn ». Cách nay đúng 20 năm, đồng bạc euro tuy chưa hiện diện chính thức, nhưng đã được giới tài chính sử dụng như là một công cụ tài chính ảo trong các hoạt động giao dịch. Phải mất ba năm sau, ngày 01/01/2002, những đồng bạc và tờ bạc euro đầu tiên mới xuất hiện trên thị trường.
Mười năm đầu tiên euro lớn lên trong sự « vô tư », do những thành công tức thì. Nhưng 10 năm kế tiếp, đồng euro phải trải qua một cuộc khủng hoảng « trưởng thành » dài hơi và dữ dội. Ngay giữa mùa hè năm 2012, đồng euro suýt chút nữa bị cuốn trôi theo cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ dẫn đến sự tan rã của hệ thống ngân hàng tại châu Âu.
Theo AFP, chính những sự kiện đó đã cho thấy rõ những « khuyết tật ban đầu » trong quá trình hình thành đồng tiền chung euro : thiếu sự đoàn kết về ngân sách chung châu Âu thông qua biện pháp tương trợ nợ công, đầu tư và các rủi ro, cách biệt sâu sắc giữa các nền thị trường, thiếu một định chế cung cấp tín dụng trong trường hợp khẩn cấp, khi một nước gặp khó khăn…
Nhằm ngăn chặn khu vực euro bị nổ tung, một loạt các biện pháp đã được đề ra : Thiết lập chương trình mua lại nợ công có điều kiện của một nước thông qua việc phát hành công trái phiếu châu Âu, giảm lãi suất xuống mức thấp nhất… Tổng cộng trong giai đoạn này châu Âu đã mua lại 2.600 tỷ euro nợ công.
Cuộc khủng hoảng 2012 là dịp để châu Âu sửa chữa những điểm yếu đáng quan ngại nhất cho đồng tiền chung châu Âu và lập lại các luật lệ cho việc quản lý. Thế nhưng, trên bình diện chính trị, AFP lấy làm tiếc rằng châu Âu và các nước thành viên trong khối đã có rất ít các chính sách để điều chỉnh những khiếm khuyết ban đầu. Mười chín quốc gia vẫn chưa có được các công cụ cần thiết để đồng nhất các nền kinh tế hay đầu tư để ứng phó với các thách thức kinh tế.
Nhân dịp này, ông Gilles Moec, kinh tế gia tại Bank of America Merrill Lynch nhắc lại mục tiêu ban đầu khi cho ra đời đồng euro. Trong những năm 1990, « điều quan trọng nhất đối với châu Âu trên bình diện kinh tế là cung cấp cho thị trường một đồng tiền duy nhất nhằm chấm dứt các biến đổi tỷ giá hối đoái giữa các nước thành viên và trên bình diện chính trị, là giúp cho nước Đức thống nhất có cùng nhịp chèo với Tây Âu ».
Trớ trêu thay cũng chính nước Đức ngày nay là rào cản lớn nhất cho mọi ý định cải cách về khu vực đồng euro. Mọi giải pháp do Ủy Ban Châu Âu, Nghị Viện Châu Âu, Pháp và nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất để bình ổn khu vực đồng tiền chung đều gặp phải sự phản đối từ Berlin.
Dẫu sao thì đồng euro vẫn còn có chút hy vọng trở nên lớn mạnh và bền vững hơn. Là đồng tiền thứ hai được sử dụng nhiều trên thế giới, đồng tiền chung này vẫn được đại bộ phận người dân châu Âu ủng hộ. Khoảng 74% số người dân châu Âu được hỏi đánh giá rằng euro có lợi cho Liên Hiệp Châu Âu, và 64% cho là euro mang lại lợi ích cho chính đất nước của họ.
Do vậy, chuyên gia kinh tế Nicolas Veron lạc quan nghĩ rằng với các biện pháp trong sạch hóa hệ thống ngân hàng, nợ công, cùng với chính sách của BCE, đồng euro « kể từ giờ là người khổng lồ đứng trên đôi chân bằng gạch hơn là đất sét ».
http://vi.rfi.fr/phan-tich/20190101-dong-euro-nguoi-khong-lo-tat-nguyen-o-20-tuoi
Đến lượt Anh tẩy chay Huawei
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về việc sử dụng thiết bị của tập đoàn Huawei Trung Quốc trong hạ tầng 5G của Anh.
Theo tờ The Times, ông Williamson nói rằng Anh cần đánh giá những mối đe doạ an ninh có thể xảy ra khi nước này nâng cấp mạng di động trong vòng 2 năm tới.
“Tôi có mối quan ngại sâu sắc về việc Huawei cung cấp mạng 5G ở Anh. Đó là vấn đề mà chúng tôi phải xem xét lại rất kỹ” – Bộ trưởng Anh nói.
Huawei là một trong những thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất trên toàn cầu, thậm chí số lượng điện thoại của Huawei bán ra còn nhiều hơn Apple. Nhưng các chính phủ phương Tây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động kinh doanh viễn thông cốt lõi của Huawei, do lo ngại thiết bị của họ có thể được cài đặt cho mục đích gián điệp.
Hôm 27.12, Reuters đưa tin, Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc ban hành sắc lệnh hành pháp trong năm mới để tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của tập đoàn Trung Quốc Huawei và ZTE.
Ba nguồn tin nói với Reuters, đây sẽ là bước đi mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm loại bỏ hai tập đoàn thiết bị mạng lớn nhất Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ. Washington cáo buộc hai tập đoàn này làm việc theo lệnh của chính phủ Trung Quốc và thiết bị của họ có thể được sử dụng để do thám Mỹ.
Sắc lệnh hành pháp sẽ viện dẫn Luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế – đạo luật cho phép tổng thống có quyền đưa ra những điều chỉnh thương mại để phản ứng với một tình trạng khẩn cấp quốc gia đang đe doạ nước Mỹ. Nếu được ban hành, sắc lệnh sẽ tuân theo dự luật chính sách quốc phòng được thông qua hồi tháng 8 năm nay, trong đó cấm chính phủ Mỹ sử dụng các thiết bị của Huawei và ZTE.
Huawei và ZTE hiện chưa đưa ra bình luận nào. Cả hai tập đoàn trước đó đã phủ nhận các cáo buộc rằng sản phẩm của họ được sử dụng để do thám. Nhà Trắng cũng chưa đưa ra bình luận.
Mỹ cũng kêu gọi đồng minh tránh xa các sản phẩm của Huawei. Kể từ khi giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vạn Châu bị bắt, một số chính phủ và công ty trên thế giới đã công bố lệnh cấm hoặc xem xét lại các sản phẩm của Huawei.
Australia, New Zealand đã chặn Huawei tham gia mạng di động 5G của những nước này. Hồi đầu tháng 12, Nhật Bản cũng cấm sử dụng thiết bị của Huawei. Tuần trước, Thủ tướng Cộng hoà Séc yêu cầu văn phòng của ông ngừng sử dụng điện thoại Huawei.
Các công ty viễn thông Châu Âu như Orange của Pháp hay Deutsche Telekom của Đức, British Telecom của Anh cho biết sẽ loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi các hệ thống nhạy cảm của mình.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25559-den-luot-anh-tay-chay-huawei.html
Pháp : Đón Năm Mới an toàn trong không khí lễ hội
Trong sự cảnh giác an ninh cao độ, nước Pháp đón Năm Mới 2019 không có sự cố lớn nào xảy ra tại những tụ điểm công cộng của các thành phố lớn. Lễ đón giao thừa trên đại lộ Champs-Elysées đã diễn ra an toàn, trong không khí lễ hội đầy màu sắc ánh sáng, dù ban đầu có lo ngại về các kêu gọi biểu tình của những người Áo Vàng.
Đề phòng khủng bố và bạo lực trong đêm giao thừa, nhiều biện pháp an ninh đặc biệt đã được triển khai trên khắp nước Pháp. Đặc biệt là thủ đô Paris, 12.000 người thuộc các lực lượng giữ gìn trật tự đã được triển khai để bảo đảm an toàn cho đêm hội. Trên đại lộ Champs-Elysées, điểm nóng của Paris liên tiếp nhiều tuần qua, hơn 300 nghìn người đổ về chờ đón thời khắc chuyển sang Năm Mới, theo con số của bộ Nội Vụ Pháp.
Trong biển người đổ về khu Champs – Elysées và Khải Hoàn Môn, chủ yếu là thanh niên và khá đông du khách nước ngoài cũng có khoảng vài trăm bóng Áo Vàng, nhưng họ đến để tham dự lễ hội đón Năm Mới một cách vui vẻ như mọi người.
Vào thời khắc giao thừa chuyển sang Năm Mới 2019, mọi người đã được chiêm ngưỡng màn trình diễn ánh sáng và pháo bông đầy màu sắc trên Khải Hoàn Môn, cùng hàng đèn trang trí lung linh chạy dọc đại lộ đẹp nhất thế giới.
Sau giao thừa hàng nghìn người vẫn còn nán lại nhiều giờ trên đại lộ để hưởng không khí lễ hội đầu Năm Mới.
Trước đó, vào lúc 20 giờ, trên truyền hình tổng thống Emmanuel Macron có diễn văn chúc Năm Mới người dân Pháp. Trong bối cảnh những người Áo Vàng tiếp tục phong trào đấu tranh đòi quyền lợi, tổng thống Macron một lần nữa bày tỏ cảm thông với nỗi bất bình của người dân và ông kêu gọi dân Pháp hãy đừng để « tự đánh mất mình », hay để cho người khác nghĩ rằng « Pháp là nước không có đoàn kết, là nơi chỉ biết tiêu xài nhiều hơn ». Lãnh đạo Pháp thông báo vài ngày tới sẽ viết thư gửi tới người dân, để vạch ra những nét chính cho cuộc tranh luận toàn quốc về các vấn đề quốc kế dân sinh, dự kiến khởi xướng đầu năm nay.
http://vi.rfi.fr/phap/20190101-phap-don-nam-moi-an-toan-trong-khong-khi-le-hoi
Báo Nhật: Ông Tập Cận Bình đã sai ngay từ đầu
khi đồng ý gặp ông Trump vào 1/12
Tờ Nikkei Asian Review nhận định, tháng 12 là một tháng tồi tệ cho kinh tế Trung Quốc. Phần lớn những kế hoạch của Bắc Kinh đều không tiến hành tốt đẹp.
Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể tổ chức phiên họp toàn thể thứ 4 của Ủy ban trung ương đảng. Ảnh: Kyodo.
Sai lầm ngay từ quyết định gặp Tổng thống Mỹ
Sự tính toán sai lầm có lẽ bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối mặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Buenos Aires.
Trong 30 phút đầu tiên của cuộc làm việc ăn tối, cơ bản chỉ có một người nói. Đó là ông Tập Cận Bình, vạch ra “gói nhân nhượng” với Mỹ. Theo thông tin tiết lộ từ phía Washington, gói này bao gồm kế hoạch mở rộng nhập khẩu trị giá hơn 1,2 nghìn tỷ USD và các biện pháp mở cửa thị trường nhằm giảm thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh Trung – Mỹ tại Argentina là một sự kiện cực kỳ hiếm thấy. Thông thường, Trung Quốc sẽ lựa chọn cách tiếp cận từ dưới lên thông qua các cuộc đàm phán do các quan chức dẫn đầu.
Trong khi sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình tượng trung cho sự tập trung quyền lực trong tay nhà lãnh đạo, điều này cũng cho thấy một rủi ro. Nếu cuộc đàm phán thất bại, một số người lo ngại rằng, ông Tập sẽ phải chịu trách nhiệm.
Lo ngại này đang ngày càng trở thành sự thực. Trung Quốc hy vọng, việc ông Tập đưa ra một loạt các nhượng bộ theo cách chưa từng có sẽ đem đến đột phá lớn. Nhưng điều này không xảy ra.
Trong khi ghi nhận sự nhiệt tình của ông Tập Cận Bình, Tổng thống Trump đã không đồng ý với một thỏa thuận nào và chỉ đưa ra một lệnh trì hoãn 90 ngày. Sau hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc đã ca ngợi sự “nhất trí quan trọng” đạt được giữa 2 nước. Nhưng trong thực tế, 3 tháng hòa hoãn là yếu tố duy nhất mà 2 bên nhất trí.
Trong cùng thời gian đó, Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu của “ông lớn” viễn thông Trung Quốc Huawei bị bắt giữ ở Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Diễn biến bất thường cuối năm
Giữa lúc bầu không khí căng thẳng, ông Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc đã tập hợp Hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên (Central Economic Work Conference) vào ngày 19/12, đề ra kế hoạch cho nền kinh tế và lĩnh vực tài chính ngân hàng cho năm tới.
Chiến lược truyền thông trong ngày cuối của hội nghị đã bộc lộ sự lo lắng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Thông thường, không có tuyên bố nào được đưa ra về nội dung cuộc họp kéo dài 3 ngày, cho đến buổi tối cuối cùng.
Nhưng vào ngày 21/12, thị trường chứng khoán Trung Quốc tụt dốc. Các nhà đầu tư ngày càng thất vọng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Khoảng 20 phút trước khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa, chính phủ Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố. “Chúng tôi đang chú ý đến một tin đồn rằng, hội nghị Công tác kinh tế trung ương vừa quyết định không cắt thuế và giảm một số chi phí. Điều này không đúng sự thật”, tuyên bố viết.
Tuyên bố được đưa ra bởi Ủy ban phát triển và ổn định tài chính, thuộc Hội đồng Nhà nước.
Tuyên bố đã thành công trong việc xua tan lo ngại, chỉ số Shanghai Composite đã tăng điểm, kết thúc ngày giao dịch cao hơn mốc 2.500 điểm. Các nhà quan sát bình luận, nhiều khả năng, tuyên bố này được đưa ra để tránh việc chỉ số chứng khoán tụt dốc, giữ thể diện cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Những vết sẹo gây ra bởi cuộc chiến thương mại đang lộ rõ. Các tỉnh phía đông như Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang, nơi ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế của đất nước, đang chứng kiến một dòng chảy công nhân từ các khu công nghiệp từ miền Nam đổ về. Các công nhân ở miền Nam đã mất việc khi các nhà máy ở khu vực lâm vào khó khăn.
Trong bối cảnh bất an, Trung Quốc đã không thể triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban trung ương đảng.
Trong khi Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thảo luận về các chính sách kinh tế cho năm sau, phiên họp toàn thể của Ủy ban trung ương đảng được tổ chức một năm sau Đại hội Đảng để hoạch định các chính sách kinh tế cho giai đoạn 3-4 năm tiếp theo.
Các mục tiêu được đặt ra tại phiên họp toàn thể thứ 4 là rất quan trọng bởi vì đây sẽ thông số để đánh giá 10 năm lãnh đạo của ông Tập Cận Bình khi Đại hội Đảng tiếp theo họp vào năm 2022.
Đường lối phát triển của Trung Quốc phát triển 3 -4 năm tới cũng sẽ quyết định liệu Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng là vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2035 hay không.
Trì hoãn phiên họp toàn thể là một quyết định khó khăn nhưng đây là thời điểm ông Tập Cận Bình cần phải thận trọng.
CPTPP và Hiệp định EU-Nhật Bản:
vai trò tích cực của Tokyo
Sarah PorterBBC News, Singapore
Những tuần cuối cùng của năm 2018 đã diễn ra một cách đầy kịch tính.
Thị trường chứng khoán toàn cầu bị xáo trộn phần nào bởi tâm lý chống thương mại tự do đang tiếp tục lan ra khỏi Washington.
Tuy nhiên, hướng tới năm mới, phong trào ủng hộ tự do thương mại ở Châu Âu và Châu Á vẫn đang tiến triển.
CPTPP-VN: ‘Thị trường không dễ nhưng thân thiện hơn’
VN: Nghiệp đoàn sau CPTPP ‘không làm chính trị’?
CPTPP có giúp cho nông dân VN thoát nghèo?
Hai hiệp định lớn sắp có hiệu lực sẽ đem một số lĩnh vực thương mại và các nền kinh tế lớn nhất thế giới lại với nhau.
Tuy nhiên, chúng lại không bao gồm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, những nước đang trong cuộc thương chiến của chính mình.
Hiệp định thương mại tự do là gì?
Các hiệp định thương mại tự do được tạo ra để cắt giảm thuế quan giữa các quốc gia thành viên.
Thuế quan là một dạng thuế, giống như thuế biên giới.
Chúng được áp đặt lên hàng hóa vào một nước vì nhiều lý do, đôi khi để nỗ lực bảo vệ hàng hóa nội địa.
Hiệp định thương mại tự do thuần túy nhất (FTA) loại bỏ tất cả các loại thuế biên giới hoặc rào cản thương mại đối với hàng hóa.
Chúng cũng loại bỏ hạn ngạch, vì vậy không có giới hạn về số lượng giao dịch mà bạn có thể thực hiện.
FTA cũng giúp cho xuất khẩu của một quốc gia rẻ hơn và dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khác hơn.
FTA có đủ loại hình và với nhiều quy tắc khác nhau, nhưng tóm lại, chúng là nhằm đem lại hoạt động thương mại giữa các quốc gia ở mức tự do nhất có thể và cho phép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên cơ sở phải tuân thủ các quy tắc được đưa ra.
Tái khởi động TPP
Tân hiệp định thương mại đầu tiên có hiệu lực trong năm 2019 là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hay còn gọi là Hiệp định CPTPP.
Trước đây, nó được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho đến khi Mỹ rút ra.
Thỏa thuận này được cứu vãn bởi 11 thành viên còn lại – Úc, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam – và được đổi tên.
VN và 10 nước ký kết CPTPP vắng Mỹ
11 nước ‘sẽ ký CPTPP vào tháng Ba’
CPTPP hiện bao gồm thị trường với gần 500 triệu dân và các nền kinh tế chiếm khoảng 13% GDP thế giới.
Quan trọng là nó loại bỏ thuế quan với ước tính 95% hàng hóa giao dịch giữa các quốc gia thành viên.
Từ 30/12/2018, nó bắt đầu có hiệu lực với các quốc gia đã hoàn thành quá trình phê chuẩn, gồm Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore.
Đối với Việt Nam, ngày trọng đại là 14/1/2019. còn với các quốc gia khác nó sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi họ hoàn tất thủ tục phê chuẩn của riêng mình.
Tăng cường quan hệ
Một FTA quan trọng khác được trông đợi sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2.
Hiệp định Đối tác Kinh tế EU-Nhật Bản sẽ tạo ra một khu vực thương mại mở bao gồm thị trường hơn 600 triệu dân và gần một phần ba GDP thế giới.
EU-Nhật ký thỏa thuận thương mại tự do lớn
Ủy ban châu Âu ca ngợi việc thông qua EVFTA
Hiệp định bắt đầu được đàm phán từ năm 2013 và là thỏa thuận thương mại đầu tiên đề cập trực tiếp đến Thỏa thuận Paris, là thỏa thuận quốc tế nhằm đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu.
Nó củng cố các cam kết của EU và Nhật Bản về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Hai thỏa thuận này hoàn toàn trái ngược với chính sách bảo hộ ngày càng tăng của Hoa Kỳ.
Chúng được một số nước coi là cực kỳ quan trọng đối với tương lai của thương mại toàn cầu tự do và công bằng.
Hơn nữa, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – Nhật Bản – liên quan đến cả hai thỏa thuận.
Ngôi sao đang lên?
Nhật Bản trước đây không tích cực tham gia các cuộc đàm phán thương mại tự do quốc tế, nhưng điều đó đã thay đổi với cả CPTPP và EU-Nhật Bản EPA.
Ngoài ra, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản đã dẫn dắt các nỗ lực đàm phán để đạt được CPTPP mới.
“Đó thực sự là một sự tiến triển ấn tượng với Nhật Bản,” Frank Lavin, cựu thứ trưởng thương mại quốc tế của Hoa Kỳ, và là giám đốc điều hành Export Now, nói.
“[Nhật Bản] có truyền thống là nền kinh tế lớn nhất nhưng thờ ơ nhất với tự do hóa, và giờ đây nước này đang đẩy mạnh và tự do hóa ở Thái Bình Dương và EU,” ông nói.
“Họ đã nói ‘chúng ta phải mở cửa nền kinh tế, chúng ta phải toàn cầu hóa, chúng ta phải tự do hóa’. Bởi vậy, đó là một chiến thắng lớn với họ,” ông nói thêm.
Ông Jun Yamazaki, đại sứ Nhật Bản tại Singapore, cho sự thay đổi là nhờ vào Thủ tướng Shinzo Abe.
“Ông ấy chủ động tham gia vào toàn bộ nỗ lực này và tôi nghĩ rằng ông ấy đã nhận thấy điều này vô cùng quan trọng đối với nước Nhật,” ông nói.
“Một số sản phẩm của Nhật Bản thực sự là đẳng cấp hàng đầu, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải đổi mới thêm một chút và xem làm thế nào chúng có thể được bán, không chỉ ở Nhật mà còn ở các nước khác.”
Sự thay đổi trong cách tiếp cận của Nhật Bản với thương mại tự do là một sự tiến triển từ từ.
Ông Yamazaki nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đã học được nhiều thứ trong những năm qua và giờ đây chúng tôi thấy rằng [thương mại tự do] chắc chắn sẽ phục vụ cho lợi ích của Nhật Bản.
“Đất nước chúng tôi không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Sức mạnh của chúng tôi là con người – dân số được giáo dục khá tốt, siêng năng trong công việc. Và để sử dụng tài sản đó, chúng tôi phải tương tác với thế giới bên ngoài, và đó chắc chắn có nghĩa là thương mại tự do, và tạo ra môi trường đầu tư tự do hơn.”
Bước tiếp theo
Deborah Elms, giám đốc Trung tâm Thương mại Châu Á tại Singapore, nói rằng các công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTTP khi nó có hiệu lực vào ngày 30/12 là những công ty mà quan tâm đến hiệp định cũng như những lợi ích mà hiệp định đó mang lại cho họ.
Ngoài ra, vì CPTPP không chỉ đơn thuần là hiệp định thương mại tự do, bà nói, mà đó là một hiệp định sâu rộng, có phối hợp chặt chẽ khiến một số công ty bất ngờ.
Tuy nhiên, bà nói, với những doanh nghiệp đang quan tâm thì họ sẽ thấy có lợi ngay lập tức.
“Mặc dù có những nghi ngờ từ nhiều phía, các công ty và người tiêu dùng sẽ nhận được lợi ích trong thời gian tính bằng ngày,” bà nói.
“Trên thực tế, các thành viên của CPTPP đã gửi một món quà bất ngờ cho đầu năm mới.”
“Không chỉ toàn bộ hiệp định bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm, mà hầu hết các công ty sẽ được giảm thuế gấp đôi vào ngày 1/1/2019.”
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46721418
Sóng vô tuyến từ ăng ten khổng lồ của Trung Quốc
gây lo ngại nguy cơ ung thư
Trung Quốc vừa chế tạo một ăng ten vô tuyến thử nghiệm khổng lồ có diện tích mặt đất gấp năm lần thành phố New York, theo SCMP.
Trung Quốc đã chế tạo một ăng ten vô tuyến thử nghiệm khổng lồ trên một khu vực rộng gần gấp năm lần thành phố New York, theo các nhà nghiên cứu tham gia vào dự án gây tranh cãi này.
Dự án Phương pháp điện từ không dây (WEM) mất 13 năm để xây dựng nhưng các nhà nghiên cứu cho biết cuối cùng họ đã sẵn sàng phát ra sóng vô tuyến tần số cực thấp, còn được gọi là sóng ELF.
Nhưng những sóng này có liên quan tới bệnh ung thư, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới.
Hàng Trung Quốc vào VN để tránh thuế Mỹ?
TQ, Nga thí nghiệm ‘chỉnh sửa khí quyển’
Cải cách TQ: từ đói nghèo lên 12 nghìn tỷ đô
Mặc dù dự án có các ứng dụng dân sự – chính thức nó sẽ được sử dụng để phát hiện động đất và khoáng sản và là một phần của kế hoạch 5 năm thứ 11 của Trung Quốc – nó cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong thông tin liên lạc quân sự.
Các nhà khoa học cho biết, tín hiệu phát đi từ hệ thống ăng ten này có thể đến một tàu ngầm hàng trăm mét dưới biển, do đó làm giảm nguy cơ tàu phải nổi lên mặt nước để nhận được tín hiệu.
Dự án này được thực hiện sau dự án xây dựng trạm phát sóng tần số siêu thấp cấp độ quân sự đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2009.
Năm sau, một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đã liên lạc thành công với nhà ga từ vùng nước sâu – biến Trung Quốc thành quốc gia thứ ba trên thế giới thiết lập một hệ thống liên lạc tàu ngầm như vậy, sau Mỹ và Nga.
Nhưng hải quân Trung Quốc tham vọng mở rộng năng lực và đã rót tài nguyên vào công nghệ vô tuyến ELF tiên tiến hơn, cho phép tàu ngầm liên lạc với trung tâm chỉ huy từ độ sâu lớn hơn và khó bị phá vỡ hơn.
Chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên, đã ‘hạ thấp’ tầm quan trọng của cơ sở vốn chiếm khoảng 3.700 km vuông này khi công bố thông tin cho công chúng.
Ngoài sự cần thiết phải bảo vệ một tài sản chiến lược quan trọng, một số nhà nghiên cứu cho rằng việc giữ bí mật này là nhằm tránh gây xáo động trong dân chúng.
Các nhà nghiên cứu cho biết ăng-ten sẽ phát ra tín hiệu ELF với tần số từ 0,1 đến 300 hertz.
Địa điểm chính xác của cơ sở chưa được tiết lộ, nhưng thông tin đăng trên các tạp chí nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy nó nằm ở khu vực Hoa Trung, một khu vực ở miền trung Trung Quốc bao gồm các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và Hồ Nam và là nơi có hơn 230 triệu người – lớn hơn hơn dân số Brazil.
Nhưng dự án đã gây lo ngại cho một số học giả, những người lo lắng về tác động có thể có đối với sức khỏe cộng đồng.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, trước đây đã cảnh báo rằng sóng ELF có thể gây ung thư cho con người.
Nhiều nghiên cứu dịch tễ học và thực nghiệm được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã chỉ ra mối liên hệ giữa phơi nhiễm ELF dài hạn với nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em.
Trong một báo cáo dài 500 trang được cập nhật liên tục từ năm 2007, WHO đã ghi nhận một số lượng lớn các nghiên cứu học thuật liên quan đến bức xạ ELF với một loạt các bệnh bao gồm ảo tưởng, thiếu ngủ, căng thẳng, trầm cảm, u vú và não, sảy thai và tự tử.
Mặc dù nhiều kết quả vẫn chưa có kết luận cuối cùng, WHO cho biết việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm phơi nhiễm là điều hợp lý và cần thiết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46726971
Năm 2018, thị trường chứng khoán TQ
sụt mạnh nhất thế giới
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã “cuốn bay” 2,3 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường.
Đối với nhà đầu tư và những chuyên gia dự báo về chứng khoán Trung Quốc , năm 2018 thực sự u ám với nhiều dấu mốc buồn, theo những gì trong bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Tính ở mức chốt phiên gần nhất, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc giảm đến 25% so với mức khởi đầu năm, thị trường Trung Quốc trở thành thị trường có mức sụt giảm tồi tệ nhất trên thế giới. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã “cuốn bay” 2,3 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường.
Dù nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rót tiền vào thị trường chứng khoán Trung Quốc và các quỹ nhà nước vẫn mua vào ETF để cứu thị trường, tất cả những hoạt động trên không đủ để ngăn thị trường sụt giảm.
Hiện tại, không có tài sản nào có thể được coi là an toàn, kinh tế Trung Quốc suy giảm tác động xấu đến tiêu dùng, ngoài ra, bê bối vắc-xin và những tranh cãi xung quanh việc Trung Quốc có em bé biến đổi gien đầu tiên khiến cho cổ phiếu nhóm ngành y tế bị bán mạnh.
Tính đến cuối phiên giao dịch ngày thứ Tư, việc thị trường không ngừng sụt giảm đã khiến cho giá trị vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 2,3 nghìn tỷ USD – mức giảm sâu nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2002.
Lần gần nhất thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm sâu diễn ra từ 10 năm trước, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi đó chỉ số Shanghai Composite giảm 65%. Vào đầu năm nay, Trung Quốc để mất vị thế thị trường chứng khoán lớn thứ 2 trên thế giới, Nhật đã vươn lên để giữ vị trí này thay Trung Quốc.
Nhà đầu tư không mấy hào hứng với thị trường chứng khoán trong năm nay. Giá trị giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến giảm xuống mức 369 tỷ nhân dân tệ tương đương 54 tỷ USD – mức thấp nhất từ năm 2014, theo số liệu của Bloomberg. Vào phiên ngày thứ Năm, khoảng 263,8 tỷ cổ phiếu được giao dịch, mức chỉ bằng 1/10 so với thời điểm năm 2015.
Việc Trung Quốc hạn chế bớt tình trạng vay nợ tràn lan cũng đã mang đến một số kết quả, ít nhất trên thị trường chứng khoán, số lượng người đầu cơ giảm bớt.
TQ tuyên án chung thân quan chức tình báo cấp cao
Mã Kiện, cựu lãnh đạo Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc bị tuyên án chung thân ngày 27/12 sau khi bị phát hiện nhận những khoản hối lộ lớn, lợi dụng vị trí gây ảnh hưởng đến các thỏa thuận doanh nghiệp và thương mại.
Tại tòa án cấp trung thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh ở miền Đông Bắc Trung Quốc, ông Mã thừa nhận tất cả các cáo buộc, nhấn mạnh sẽ không kháng cáo. Tòa án tước bỏ các quyền chính trị và ra lệnh thu hồi tài sản của ông này. Bên cạnh đó, cựu quan chức tình báo Trung Quốc sẽ phải trả hơn 7,26 triệu USD tiền phạt, theo Al Jazeera.
Các nhà điều tra tiết lộ, Mã thừa nhận đã nhận hối lộ khoảng 15,8 triệu USD từ năm 1999 đến 2014 để đổi lấy việc sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình hỗ trợ các dự án kinh doanh của Guo Wengui, chủ tịch công ty Bắc Kinh Zenith Holdings, người hiện đang bị chính phủ Trung Quốc truy nã .
Cáo trạng cũng cho thấy, từ năm 2008 đến 2014, Mã và Guo đã làm việc cùng nhau để bán cổ phần của công ty môi giới Minzu Securities cho Zhengquan Holding để Guo có thể có cổ phần kiểm soát trong công ty.
Một tiết lộ khác được đưa ra trong quá trình tố tụng là Mã đã cung cấp thông tin nội bộ về các công ty môi giới Founder Securities Co. và Minzu Securities cho các thành viên trong gia đình – những người đã sử dụng thông tin đó để thu lợi nhuận lên tới 7,1 triệu USD.
“Số tiền hối lộ bị cáo Mã Kiện nhận là vô cùng lớn, khiến lợi ích quốc gia và nhân dân bị tổn thất đặc biệt nặng nề, vi phạm nghiêm trọng đến sự liêm chính của công chức,” toà tuyên án.
Trong thời gian làm việc tại Bộ An ninh Quốc gia, Mã phụ trách các hoạt động phản gián, theo South China Morning Post. Cựu lãnh đạo tình báo ban đầu bị điều tra vào năm 2015 như một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Năm 2016, Mã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi các nhà điều tra cáo buộc ông can thiệp vào “các hoạt động thực thi pháp luật không xác định”, theo Al Jazeera.
Vụ bắt giữ Mã diễn ra hai năm sau khi quan chức an ninh cấp cao Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo an ninh Trung Quốc, bị kết án tù chung thân tại một phiên tòa kín năm 2015. Vào thời điểm đó, Chu thừa nhận đã nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và thậm chí rò rỉ một vài bí mật nhà nước, Tân Hoa Xã đưa tin.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25556-tq-tuyen-an-chung-than-quan-chuc-tinh-bao-cap-cao.html
Tàu chiến, máy bay quần thảo,
TQ cảnh báo ớn lạnh Đài Loan:
Thống nhất hay đến đường cùng?
Trung Quốc đã tiếp tục các cuộc tập trận, diễn tập tuần tra bao vây các khu vực gần đảo Đài Loan, sau khi các cuộc bầu cử trên đảo này kết thúc với thất bại của Đảng cầm quyền.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) đưa tin ngày 28/12 cho biết, vừa qua, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đã đưa ra lời cảnh báo “ớn lạnh” đối với Đài Loan, thông qua cuộc diễn tập tuần tra bao vây khu vực lân cận đảo Đài Loan gần đây.
Cụ thể, ông Ngô cho hay, cuộc diễn tập tuần trước của lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nằm trong khuôn khổ các cuộc diễn tập thường kỳ, đồng thời khẳng định lực lượng này sẽ còn tiếp tục các hoạt động tương tự.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chắc chắn Đài Loan sẽ bị đẩy đến đường cùng nếu từ chối thống nhất”, ông Ngô tuyên bố khi đề cập tới kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của đảo này để đối đầu với PLA.
Bên cạnh đó, ông Ngô còn khẳng định khả năng sẵn sàng chiến đấu của PLA đã “tiến bộ nhanh chóng” trong bối cảnh hiện nay.
Theo cơ quan quốc phòng của Đài Loan, họ đã phát hiện các oanh tạc cơ hạng nặng H-6 của lực lượng PLA, vận tải cơ Y-8 và các tiêm kích Sukhoi-30 rời căn cứ không quân Huệ Dương, thuộc tỉnh Quảng Đông vào sáng thứ 3 (25/12), trong một nhiệm vụ tuần tra khu vực eo biển Bashi, một khu vực nằm giữa Đài Loan và Philippines.
Trong khi đó, quân đội Đài Loan cũng tuyên bố phát hiện thêm 2 tàu chiến của PLA ở phía ngoài vùng nhận dạng phòng không của đảo này. Các tàu chiến này được cho là đang tham gia cuộc tập trận “thường kỳ” của Bắc Kinh ở vùng biển xa.
Kể từ tháng 6, PLA đã tạm ngừng các cuộc tuần tra bao vây gần đảo Đài Loan trong vài tháng, khi các cuộc bầu cử chuẩn bị diễn ra trên đảo này. Các nhà phân tích quân sự và chính trị cho rằng động thái trên của PLA cho thấy Bắc Kinh không muốn dư luận Đài Loan thêm rối loạn trước thềm bầu cử.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) – đảng cầm quyền của lãnh đạo Thái Anh Văn đã gặp thất bại trong nhiều cuộc bầu cử tại địa phương, khiến bà này quyết định từ chức Chủ tịch đảng.
Tập Cận Bình nhắm đến ”đồng bào Đài Loan”
trong năm mới 2019
Trung Quốc chuẩn bị khởi động một năm mới với các đợt kỷ niệm lớn, và trong bài diễn văn quan trọng ngày mai 02/01/2019, chủ tịch Tập Cận Bình đặt trọng tâm vào Đài Loan, vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh.
Tân Hoa Xã hôm qua cho biết ông Tập Cận Bình sẽ đọc bài diễn văn tại Đại sảnh đường Nhân Dân nhân kỷ niệm 40 năm chính sách tan băng trong quan hệ với Đài Loan, mang tên « Thông điệp gởi đến đồng bào ở Đài Loan ». Hãng tin Nhà nước Trung Quốc không cho biết thêm chi tiết.
Ngày 01/01/1979, Trung Quốc tuyên bố kết thúc các đợt oanh kích thường trực vào khu vực do Đài Loan kiểm soát, và đề nghị mở đối thoại giữa hai bên sau nhiều thập niên thù địch. Tuy nhiên tổng thống Đài Loan lúc đó là ông Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching Kuo) đã từ chối. Mãi đến năm 1987, ông Tưởng mới cho phép người Đài Loan sang thăm thân nhân ở Hoa lục.
Sau thời gian hòa hoãn với phe Quốc Dân Đảng ở Đài Bắc, nay Trung Quốc gia tăng áp lực lên đương kim tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến kể từ khi bà đắc cử năm 2016. Đối thoại bị cắt đứt, các đồng minh ít ỏi của Đài Bắc bị Bắc Kinh mua chuộc để cô lập Đài Loan trên trường quốc tế, dùng sức mạnh kinh tế để buộc các công ty hàng không phải dùng từ « Đài Loan Trung Quốc » trên trang web, ép các tổ chức quốc tế loại Đài Loan khỏi các cuộc hội thảo…
Hôm nay, tổng thống Thái Anh Văn trong bài diễn văn mừng năm mới tuyên bố Trung Quốc cần sử dụng các phương pháp hòa bình để giải quyết những bất đồng.
Bà kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận « sự hiện hữu thực tế của Trung Hoa Dân Quốc » (tức Đài Loan), « Trung Quốc phải tôn trọng ý nguyện tự do dân chủ của 23 triệu dân Đài Loan ». Bà Thái Anh Văn khẳng định chính sách can thiệp của Bắc Kinh là « thách thức đáng quan ngại nhất của Đài Loan hiện nay ».
Trong năm 2019, có ít nhất 6 dịp kỷ niệm quan trọng, đặc biệt tháng 10/2019 kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đồng thời cũng có những sự kiện nhạy cảm gây lúng túng cho chế độ Bắc Kinh, chẳng hạn ngày 30/6 là kỷ niệm vụ thảm sát đẫm máu Thiên An Môn 1989. Tuy nhiên hòn đảo Đài Loan dân chủ mới là cái gai lớn nhất trong mắt của ông Tập Cận Bình.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190101-tap-can-binh-nham-den-dong-bao-dai-loan-trong-nam-moi-2019
Đối đầu Trung-Mỹ:
Hòa bình lạnh hay bẫy Thucydides?
Ủy ban Chiến lược quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng, quân đội Mỹ “có thể phải vật lộn mới thắng được, thậm chí có thể thua trong một cuộc chiến với Trung Quốc hoặc Nga”.
Sự chuyển hướng lớn nhất trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc bắt đầu hồi tháng 1 với việc Washington đưa ra Chiến lược quốc phòng mới, chấm dứt trọng tâm chống khủng bố hậu 11/9 để ưu tiên đương đầu Nga, Trung Quốc…
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi theo Chiến lược quốc phòng mới, khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách áp hàng trăm tỷ USD thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chính quyền Trump cũng đã có những bước đi nhằm hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các hãng công nghệ Mỹ, hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc. Mỹ đang có kế hoạch bắt giữ, truy tố một số công dân Trung Quốc, tạp chí toàn cầu Breaking Defense đưa tin.
Hôm 1/12, theo đề nghị của Mỹ, Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei (Hoa Vĩ) của Trung Quốc.
Một số quan chức Mỹ tiết lộ rằng, chính quyền Trump sẽ sớm công khai đề cập chiến dịch của Trung Quốc nhằm đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ tiên tiến, đồng thời đưa ra các biện pháp đối phó như truy tố các hacker làm việc cho tình báo Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Huawei và chính phủ Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc của phía Mỹ, Xinhua đưa tin.
Tháng 11, hai báo cáo do Quốc hội Mỹ yêu cầu cơ quan chức năng lập ra đều nhấn mạnh các đặc điểm của một mối quan hệ kiểu Chiến tranh lạnh đang thành hình. Đó là mối quan hệ đối đầu, nghi kị và kiềm chế.
Ủy ban Xem xét kinh tế và an ninh Mỹ-Trung cho rằng, “mô hình kinh tế bóp méo thị trường, do nhà nước chỉ đạo của Trung Quốc gây ra thách thức đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ” và việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội có nghĩa “Mỹ và các đồng minh, đối tác của mình không thể duy trì thế thượng phong về không quân khi có xung đột ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Tương tự, Ủy ban Chiến lược quốc phòng cảnh báo rằng, quân đội Mỹ “có thể phải vật lộn mới thắng được, thậm chí có thể thua trong một cuộc chiến với Trung Quốc hoặc Nga”.
Bẫy Thucydides
“Những báo cáo này khẳng định điều mà The Heritage Foundation (Quỹ Di sản) đã kết luận một cách độc lập rằng, quân đội Mỹ yếu hơn rất nhiều so với những gì người ta thường đánh giá”, Dean Cheng, nhà nghiên cứu cấp cao tại The Heritage Foundation nhận định.
“Với tư thế hiện nay, quân đội Mỹ chỉ có thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ các lợi ích quốc gia trọng yếu của Mỹ”, ông Cheng đánh giá.
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại lo ngại rằng, việc Mỹ chuyển sang tư thế giống thời Chiến tranh lạnh là đẩy lùi và kiềm chế các nguy cơ đến từ Trung Quốc có thể rơi vào bẫy Thucydides.
Thucydides là sử gia Hy Lạp cổ đại – người đã thuật lại sự trỗi dậy của Athens thách thức quyền lực lâu đời của Sparta, với sự đan xen “sợ hãi, danh dự và lợi ích” dẫn tới việc cả hai thành bang này sa vào cuộc chiến hủy diệt lẫn nhau.
Kể từ đó, Chiến tranh Peloponnesus (cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại từ năm 431 đến 404 trước Công nguyên) mà Thucydides kể lại đã trở thành mô hình cho các chiến lược gia. Sự thách thức của Đức đối với Anh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và Chiến tranh Thế giới lần thứ hai là ví dụ được trích dẫn nhiều nhất.
Trong cuốn sách “Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’ Trap?” (Định mệnh chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides?) xuất bản năm 2017, tác giả Graham Allison tổng kết rằng, trong lịch sử có 16 trường hợp một cường quốc đang trỗi dậy thách thức một cường quốc khác có địa vị thống trị từ lâu và trong số 16 trường hợp này, 12 có kết quả cuối cùng là chiến tranh.
Ngoại lệ đáng kể duy nhất là Anh, siêu cường toàn cầu hồi thế kỷ 19, đã vượt qua căng thẳng với nước Mỹ đang lên, biến Mỹ thành đồng minh. Tuy nhiên, liên minh này dựa trên di sản độc đáo chung về ngôn ngữ, văn hóa và nguyên tắc dân chủ.
“Dựa trên quy đạo hiện nay, chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong những thập kỷ tới là không thể”, tác giả Allison viết. Tuy nhiên, đánh giá qua dữ liệu lịch sử thì khả năng xảy ra vẫn là có, ông nhận định.
Quân sự Trung Quốc gây lo ngại
Giáo sư chính trị học và quan hệ quốc tế Aaron Friedberg, Đại học Princeton (Mỹ), nói: “Tôi đồng cảm với định hướng chung của chính quyền Trump là đang dịch chuyển đổi mặt với Trung Quốc, nhưng gây sự với các đồng minh truyền thống của chúng ta ở châu Âu và châu Á về những vấn đề thương mại tầm thường là tự bắn vào chân mình”.
“Điều quan trọng trong việc thiết lập và thực hiện một chiến lược Trung Quốc mới là năng lực của chúng ta trong việc thể hiện rõ ràng các giá trị dân chủ, tự do. Các giá trị này khiến chúng ta tập hợp đồng minh và phân biệt chúng ta với Trung Quốc”, giáo sư Friedberg nhận định.
Trong khi đó, ông Ely Ratner, chuyên gia về Trung Quốc từng làm việc tại Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, lại cho rằng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc thời gian qua là “giơ cao đánh khẽ”, không hiệu quả.
“Không ai cho rằng chúng ta nên cắt đứt ngoại giao và đối thoại với Trung Quốc vì ngoại giao và đối thoại với Trung Quốc sẽ là yếu tố quan trọng trong việc duy trì ổn định trong kỷ nguyên cạnh tranh sắp tới.
Tuy nhiên, Chiến lược An ninh quốc gia tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ đang tìm kiếm sự cân bằng khiến không nước nào có thể thống trị châu Á và điều đó đang diễn ra”, chuyên gia Ratner nói.
“Cái môi trường dung dưỡng mà Mỹ cho phép hình thành ở biển Đông đang khuyến khích Trung Quốc tăng cường áp đặt ý chí của họ ở khu vực, tăng khả năng gây ra xung đột”, ông Ratner nhận định.
Ông Stapleton Roy, cựu Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, cho rằng, Mỹ nên thực hiện chiến lược có tính chất cân bằng để ngăn Trung Quốc thống trị quân sự ở châu Á, kiềm chế các chính sách trọng thương tồi tệ nhất của nước này.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25552-doi-dau-trung-my-hoa-binh-lanh-hay-bay-thucydides.html
Kim Jong-un cảnh báo ‘sẽ đổi hướng’
nếu Mỹ tiếp tục lệnh trừng phạt
Trong bài phát biểu năm mới, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố ông cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng cảnh báo sẽ có thể thay đổi hướng đi nếu Mỹ tiếp tục các lệnh trừng phạt.
Bài phát biểu năm ngoái đã đưa quốc gia này vào một lộ trình ngoại giao chưa từng có với Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Vào mùa hè 2018, ông đã có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm – Donald Trump – để thảo luận về phi hạt nhân hóa, dù đến nay vẫn có rất ít kết quả.
Cuộc hội nghị thượng đỉnh xảy ra sau một năm 2017 đầy biến động được đánh dấu bởi các đợt thử nghiệm tên lửa của Bắc Hàn, đe dọa có thể bay đến lục địa Mỹ và sự leo thang của các cuộc khẩu chiến giữa Bình Nhưỡng và Washington khi cả hai liên tục lăng mạ và đe dọa tấn công hạt nhân.
Bắc Hàn: Từ nạn nhân thành kẻ buôn người
Bắc Hàn lên án lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ
Lính Triều Tiên qua lại biên giới trong hữu nghị
Trong bài phát biểu trên truyền hình nhà nước vào sáng thứ Ba, ông Kim nói “nếu Mỹ không giữ lời hứa trước toàn thế giới … và tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt và áp lực đối với nền cộng hòa của chúng tôi, chúng tôi có thể không còn lựa chọn nào ngoài việc tìm một hướng đi khác để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của chúng tôi”.
Ông nói rằng ông sẵn sàng gặp lại ông Trump bất cứ lúc nào.
Bắc Hàn đã phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến các chương trình vũ khí tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong bài phát biểu năm mới vào năm ngoái, ông Kim tuyên bố Bắc Hàn sẽ tham gia Thế vận hội Mùa đông do Nam Hàn đăng cai, dẫn đến sự nồng ấm trong quan hệ Nam-Bắc Triều.
Sau đó vào tháng Tư, Kim Jong-un đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho một hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại biên giới.
Sau đó là cuộc gặp của nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng Sáu.
Tuy nhiên hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận khá mơ hồ về việc cải thiện quan hệ và quy trình hướng tới phi hạt nhân hóa.
Có rất ít tiến triển kể từ hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, ít ra là ít hơn những gì những người lạc quan đã kỳ vọng.
Trong khi Bắc Hàn đã ngừng thử tên lửa và hạt nhân, có rất ít dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được như Mỹ đã kêu gọi.
Bắc Hàn đã tháo dỡ một số cơ sở thử nghiệm nhưng có những cáo buộc cho rằng họ vẫn đang tiếp tục chương trình vũ khí.
Tổng thống Trump cho biết ông hy vọng sẽ có một hội nghị thượng đỉnh thứ hai sẽ diễn ra vào đầu tháng 2/2019 nhưng vẫn chưa có thông tin xác nhận kế hoạch này.
Cũng có thông tin ông Kim Jong-un sẽ tới thủ đô Seoul của Nam Hàn cho một hội nghị thượng đỉnh liên Triều khác nhưng cũng chưa có thông tin xác nhận về dự định này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46726891
Thủ tướng Ấn Độ Modi tự tin
vào cuộc tổng tuyển cử sắp tới
Đảng Bharatiya Janata Party (BJP) cầm quyền ở Ấn Độ tự tin họ sẽ có kết quả tốt tại cuộc tổng tuyển cử vào năm nay bất chấp những thất bại gần đây của họ trong các cuộc bỏ phiếu ở cấp độ bang, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đồng thời là người lãnh đạo Đảng BJP nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ANI hôm 1/1.
“Không có lý do gì để xuống tinh thần cả. Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi đang tiến về phía trước. Trong năm 2019, nếu có một đảng phái mà đất nước tin tưởng và có sự gắn kết với người dân thì đó là Đảng BJP,” ông Modi nói.
Đảng BJP đã để mất quyền lực ở ba tiểu bang quan trọng hồi tháng 12 năm ngoái – khiến cho ông Modi chịu thất bại lớn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2014 và làm tăng sức mạnh cho Đảng Quốc đại đối lập và các đồng minh của đảng này trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5.
Ông Modi nói rằng điều quan trọng hơn là tập trung vào những thành tựu của chính phủ ông, bao gồm việc cho ra mắt một chương trình chăm sóc sức khỏe mới cho người nghèo.
“Rất đông người nghèo như thế phải chịu thống khổ nhưng giờ đây họ đã được chữa trị, làm sao tôi có thể coi đó là thất bại được. Đó là thành tựu lớn nhất của tôi,” ông Modi nói.
Ông cho biết đảng của ông đã thảo luận những gì mà đảng đã không có trong các cuộc bầu cử bang nhưng thắng hay bại không phải là thước đo duy nhất. Ông nói rằng Đảng BJP có lập trường chủ nghĩa dân tộc Hindu sẵn sàng làm việc cùng các đảng phái khu vực khác trong quá trình tranh cử.
“Nỗ lực của chúng tôi là đưa mọi người đi theo và lắng nghe mọi người. Tôi cam kết xem trọng những mong muốn của các địa phương. Đất nước không thể được điều hành bằng cách phớt lờ những nguyện vọng của các địa phương,” ông nói.
Ông nói rằng chính phủ ‘nhất định phải’ miễn nợ cho các nông dân nếu điều này có ích nhưng điều này không phải là giải pháp lâu dài cho nỗi khổ của các nông dân.
“Điều mà hệ thống chúng ta chưa có cách giải quyết là nông dân bị nợ nần chồng chất và chính phủ lại phải lặp lại vòng lẩn quẩn là bầu cử và miễn nợ. Do đó, giải pháp là tạo sức mạnh cho các nông dân. Từ hạt giống cho đến thị trường, hãy đưa tất cả mọi thứ cho nông dân,” ông nói.
Sự tức giận của nông dân về giá cả nông sản thấp và cảm giác rằng chính phủ đã làm quá ít để giải quyết vấn đề đã góp phần khiến Đảng BJP bị thất bại ở các cuộc bầu cử cấp bang.
Chính phủ Ấn Độ giờ đây đang xem xét ba khả năng cho một gói cứu trợ để giúp các nạn nhân đang điêu đứng do giá nông sản xuống thấp. Gói cứu trợ có thể mất đến 43,20 tỷ đô la Mỹ, ba nguồn tin trong chính phủ nói với Reuters hồi tuần trước.