Tin Hoa Kỳ – 9-10-2016
Ông Trump ‘không rút lui’ sau sự cố video
Ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông nói sẽ không làm người ủng hộ thất vọng.
Ông Trump đang bị áp lực sau khi một đoạn băng từ năm 2005 xuất hiện hôm thứ Sáu 7/10 cho thấy ông đã bình luận tục tĩu về việc sờ soạng và hôn phụ nữ.
Ông nói tờ Wall Street Journal là “không có khả năng nào là tôi sẽ ngừng lại” và ông đang có sự ủng hộ “không thể tin được”.
Những thành viên cao cấp của Đảng Cộng hòa đã lên án những tuyên bố của ông Trump trong đoạn video.
Từ khi đoạn băng xuất hiện, ít nhất 10 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa nói họ sẽ không bầu cho ứng viên của Đảng trong kỳ bầu cử trong 30 ngày tới, hoặc kêu gọi ông Trump ngừng tham gia cuộc đua.
Người gần nhất tham gia vào nhóm ý kiến này là cựu ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa John McCain, người nói những bình luận của ông Trump “khiến cho việc tiếp tục ủng hộ hoặc ủng hộ có điều kiện với vị trí ứng viên của ông ta là bất khả thi”.
Và cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice nói: “Đủ rồi! Donald Trump không nên là tổng thống. Ông ta nên rút lui.”
Đối thủ của ông Trump trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống, bà Hillary Clinton gọi những bình luận đó là “kinh khủng”.
Người cùng chạy đua vào nhà trắng với ông Trump, ứng viên phó tổng thống Mike Pence nói ông “bất mãn” với video của ông Trump, nhưng đã thấy dễ chịu hơn khi ông Trump bày tỏ sự hối hận và xin lỗi người Mỹ.
“Chúng ta cầu nguyện cho gia đình ông ấy,” ông Mike nói trong một thông cáo.
‘Xin lỗi’
Trong một nội dung đăng trên Twitter, ứng viên Đảng Cộng hòa nói “truyền thông và những tổ chức quá mong muốn tôi rời cuộc đua.”
Vợ ông Trump, bà Melania đăng một thông cáo hôm thứ Bảy nói: “Những lời chồng tôi từng nói là không chấp nhận được và làm tổn thương tôi.”
Bà nói chồng bà có “trái tim và tinh thần của một nhà lãnh đạo”.
Trong một đoạn băng bình luận, ghi ngày vào năm 2005, ông Trump xuất hiện trong vai trò là khách mời trong một chương trình truyền hình, ông nói “bạn có thể làm bất cứ gì” với phụ nữ khi “bạn là một nôi sao” và đoạn băng có đoạn ông nói “sờ soạng vùng kín của họ”.
Ứng viên tổng thống đăng tải một đoạn video xin lỗi vì các bình luận đó.
Sau đó các nhà làm luật trong Đảng Cộng hòa nói ông Trump nên bỏ cuộc, vị tỷ phú nói với tờ Washington Post hôm cuối ngày thứ Bảy 8/10.
“Tôi sẽ không rút lui. Tôi chưa bao giờ rút lui trong đời mình.”
Những bình luận năm 2005 của ông Donald Trump, do tờ Washington Post đăng tải, đã che mờ sự xuất hiện đoạn nội dung về những bài phát biểu của bà Hillary Clinton ở các sự kiện tư nhân, do tổ chức Wikileaks công bố.
Ông Donald Trump cưới người vợ thứ ba Melania vài tháng trước khi nói trong đoạn video. Bà nói hôm thứ Bảy: “Tôi hi vọng mọi người chấp nhận lời xin lỗi của anh ấy, như tôi đã chấp nhận, và tập trung vào những vấn đề quan trọng của đất nước và thế giới.”
Hôm thứ Bảy 8/10, Thượng nghị sĩ bang New Hampshire Kelly Ayotte đứng vào danh sách những thành viên Đảng Cộng hòa trong Thượng Viện nói sẽ không bầu cho ông Trump.
Truyền thông Hoa Kỳ nói ông Pence không còn kế hoạch tham gia một sự kiện chiến dịch ở Wisconsin cùng với Người phát ngôn Nhà Trắng Paul Ryan nữa.
Trước đó ông Paul Ryan, thượng nghị sĩ cao cấp nhất của đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ – nói ông đã mời ông Trump tham dự sự kiện, nhưng sau đó hủy lời mời, và cho biết ông “phát bệnh” với những gì nghe được. Ông Pence sua đó định sẽ đi thay ông Trump. – BBC
Bộ Ngoại Giao Mỹ : Việt tân không nằm trong danh sách tổ chức khủng bố
Ba ngày sau khi bộ Công An Việt Nam thông báo Việt tân là tổ chức đã và đang tiến hành hoạt động khủng bố, bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 07/10/2016 đã cho biết là tổ chức này, có trụ sở tại California, không nằm trong danh sách các nhóm khủng bố, chiểu theo luật pháp Hoa Kỳ.
Theo Reuters, khi được báo giới hỏi về trường hợp Việt tân, bà Katina Adams, phát ngôn viên của vụ Đông Á, bộ Ngoại Giao Mỹ, nói : « Chúng tôi muốn các vị quay sang hỏi chính phủ Việt Nam để có thêm thông tin » về việc coi Việt tân là tổ chức khủng bố.
Truyền thông của chính quyền Việt Nam từ lâu nay vẫn gọi Việt tân là tổ chức « phản động », nhưng đây là lần đầu tiên, Việt tân chính thức bị coi là tổ chức khủng bố.
Ngày 04/10, cổng thông tin điện tử của bộ Công An Việt Nam đăng « thông báo về tổ chức khủng bố Việt tân », theo đó, « Việt tân tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin… ». Bộ Công An Việt Nam nhấn mạnh, những người nhận tài trợ của Việt tân, tham gia huấn luyện do Việt tân tổ chức… sẽ « đồng phạm tội khủng bố ».
Theo tổ chức Việt tân, bộ Công An Việt Nam đã « tuyên truyền vô căn cứ » và « Hà Nội lo sợ đối lập có tổ chức và tìm cách ngăn không cho người dân Việt Nam tham gia hoạt động cổ vũ chính trị hòa bình ». – RFI
Bầu cử Mỹ : Donald Trump trong bão táp, trước cuộc tranh luận thứ hai
Cảnh người nhiệt tình ủng hộ ứng viên Doanald Trump, trước nơi ông ở, tại Manhattan, New York. Ảnh ngày 08/10/2016Reuters
Tối nay 09/10/2016 sẽ diễn ra cuộc tranh luận truyền hình lần thứ hai giữa hai ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa và Dân Chủ tại tiểu bang Missouri, trong đó các cử tri chưa dứt khoát được mời tham gia đặt câu hỏi. Ông Donald Trump đang ở thế bất lợi trước bà Hillary Clinton, sau khi tỏ ra yếu thế cuộc tranh luận đầu tiên, và mới đây báo chí Mỹ tiết lộ những phát biểu khinh miệt phụ nữ của ông.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio gởi về bài tường trình :
« Một bên bị lên án vì những lời nói khinh thị phụ nữ, bên kia bị chê bai vì những bài diễn văn được trả thù lao hậu hĩ. Hai ứng cử viên ít được yêu mến trong cuộc bầu cử Mỹ lần này tối nay sẽ gặp nhau trong một không khí dị thường.
Hộp thư điện thử của bà Clinton bị xâm nhập, các trích đoạn diễn văn mà cựu ngoại trưởng muốn giữ bí mật đã bị WikiLeaks đưa ra công khai. Vụ này sẽ khiến ứng cử viên Dân Chủ gặp khó khăn, trong việc thuyết phục lớp cử tri trẻ tuổi mà bà cố thu hút từ khi ông Bernie Sanders bỏ cuộc.
Nhưng ông Donald Trump lại còn bị lâm vào tình trạng phức tạp hơn nhiều. Sau khi những lời nói mang tính miệt thị phụ nữ bị ghi âm hồi năm 2005 và mới đây được báo chí tiết lộ, những dân biểu, nghị sĩ của đảng bảo thủ đã lần lượt rút lui, không còn ủng hộ ông Trump.
Họ muốn tự cứu lấy mình, để khỏi bị nhấn chìm theo với ứng cử viên Cộng Hòa. Hai nhân vật Cộng Hòa cao cấp nhất ở Hạ viện đòi hỏi lời xin lỗi rõ ràng, và từ chối tham dự một cuộc mít tinh nhằm chứng tỏ sự đoàn kết trong đảng.
Tuy vậy hôm qua, ông Trump vẫn tuyên bố tiếp tục cuộc đua vào Nhà Trắng, trong lúc những tin đồn về việc ông bỏ cuộc đã gây hoang mang trong chính giới Mỹ ».
Ông Trump, bà Clinton sắp tranh luận lần thứ hai
Ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ sắp có cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần thứ hai vào tối Chủ nhật, 9/10, giữa lúc chính Đảng Cộng hòa đang yêu cầu ông Trump rời khỏi cuộc đua sau khi một băng ghi âm hồi năm 2005 cho thấy ông đưa ra những bình phẩm dâm đãng về phụ nữ và ông khoe khoang đã sờ mó họ.
Hôm thứ Bảy, ông Trump nói “không có chuyện” ông sẽ từ bỏ cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc khi chỉ còn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 11, và ông đã xin lỗi về những bình phẩm của mình. Còn bà Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ đang tìm cách để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của đất nước, vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai về những lời lẽ liên quan đến tình dục của ông Trump. Bà sẵn sàng đối đầu với ông tại cuộc tranh luận ở thành phố miền Trung Tây St. Louis, Missouri.
Trong khi đó, ông Trump, một đại gia bất động sản lần đầu tranh cử, nói vụ việc gây tranh cãi chỉ là “một chuyện gây phân tâm”, mặc dù các cuộc thăm do chính trị trên toàn quốc cho thấy sự ủng hộ dành cho ông đã sụt giảm thậm chí trước khi người ta phát hiện ra cuốn băng hôm thứ Sáu. Bà Clinton đang có lợi thế dẫn trước 4% và đang giành thêm ủng hộ ở các bang chủ chốt phải tranh giành phiếu trong cuộc bầu cử.
Một số quan chức dân bầu thuộc Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Trump rời khỏi cuộc đua đến chức tổng thống thứ 45 của đất nước này, nhưng họ không có sự đồng thuận ngay lập tức về việc sẽ thay thế ông như thế nào trong cuộc bầu cử, nếu giả định ông đồng ý từ bỏ cuộc đua.
Trong khi đó, việc bỏ phiếu vắng mặt và bỏ phiếu sớm đã bắt đầu, với khoảng 400.000 lá phiếu đã được bỏ phiếu trong những ngày gần đây. Nhiều bang đã in phiếu bầu có tên ông Trump và ông Pence là ứng cử viên đảng Cộng hòa và các lá phiếu được gửi đến các nhân viên quân đội đóng ở nước ngoài.
Những người chủ chốt của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, Thống đốc bang Indiana Mike Pence, đã lên án những lời lẽ hồi năm 2005 của ông Trump.
Ông Pence nói: “Tôi không chấp nhận những lời lẽ của ông ấy và tôi không thể bảo vệ chúng”. Ông nói như vậy khi ông rời khỏi một hoạt động tranh cử hôm thứ Bảy ở Wisconsin. Ở đó, người ta đã trông đợi là ông sẽ được đề cử để thay thế ông Trump.
Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa năm 2008, Thượng nghị sĩ Arizona John McCain, đã rút lại sự ủng hộ của mình dành cho ông Trump, nhưng ông không kêu gọi ông Trump rời khỏi cuộc đua tổng thống. Người được Đảng Cộng hòa đề cử năm 2012, cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, đã lên án những lời lẽ về tình dục của ông Trump. Ông Romney cũng giống như ông McCain đã thua ông Obama. – VOA
Việc làm ở Mỹ tăng trưởng ổn định
Các công ty của Hoa Kỳ nhận thêm 156 ngàn lao động trong tháng 9, ghi dấu 72 tháng liên tiếp có tăng trưởng dương về việc làm.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chậm nhưng ổn định. Lương tiếp tục tăng trong tháng qua, nhiều người bắt đầu đánh bóng hồ sơ họ để tìm việc làm. Nhưng tốc độ tăng trưởng về việc làm và tiền lương vẫn không đồng đều đối với nhiều người.
Nhà kinh tế kỳ cựu Mark Hamrick thuộc Bankrate nói qua Skype với VOA rằng trong một nền kinh tế ổn định, phát triển đầy đủ, đến nay đã qua 7 năm phục hồi, sự tăng trưởng ổn định về việc làm hiện giành chiến thắng trong cuộc đua.
Ông nói: “Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không bị hụt hơi vì chúng ta tiến quá nhanh. Nhưng chúng ta muốn sự phục hồi kinh tế này vẫn tiếp tục trong một thời gian, có lẽ thậm chí là lâu hơn chứ không chỉ một vài năm, và ngay bây giờ có vẻ như điều đó là hoàn toàn khả thi”.
Và với việc các công ty của Hoa Kỳ nhận thêm 156 ngàn lao động trong tháng 9, đó là một cột mốc kinh tế quan trọng, ghi dấu 72 tháng liên tiếp có tăng trưởng dương về việc làm. Một dấu hiệu tốt khác là tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát. Nhưng theo Elise Gould thuộc Viện Chính sách Kinh tế, có một mặt trái là mức tăng lương đã không đồng đều xét theo sắc tộc và giới tính.
Elise Gould nói: “Ví dụ, thu nhập hộ gia đình trung bình của người Mỹ gốc Phi bằng khoảng 59% thu nhập hộ gia đình trung bình của người da trắng. Đó là một khoảng cách rất lớn, và họ vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2000 là khoảng 11%. Vì vậy, tuy họ đang thấy có sự tăng lên, nhưng còn cần thêm rất nhiều để bù lại cho những gì đã mất”.
Còn có một dữ liệu quan trọng nữa: tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ, đạt 5%. Các nhà kinh tế cho rằng đó là một điều tốt, vì nó có nghĩa là nhiều người Mỹ có đủ tự tin về nền kinh tế để bắt đầu tìm việc làm.
Mark Hamrick nói: “Trong trường hợp này, đó là hàng trăm ngàn người Mỹ làm việc hoặc đang tìm việc làm. Đó là một con đường tốt hơn đi tới tình trạng thất nghiệp cao hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta muốn là vừa có nhiều người tìm kiếm công việc vừa có nhiều người làm việc, và chúng ta muốn thấy tỷ lệ thất nghiệp đi xuống, chứ không đi lên.”
Các xu hướng về việc làm thường trở nên quan trọng hơn so với bình thường vào lúc cuộc bầu cử tổng thống chỉ có khoảng một tháng nữa sẽ diễn ra. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng với tốc độ tăng trưởng việc làm ổn định và không đáng kể, không đến mức thảm họa, điều đó dường như sẽ không ảnh hưởng đến các lá phiếu.