Tin Hoa Kỳ 24-10-2016
Hoa Kỳ nói về lý do đưa tàu chiến gần Hoàng Sa
Thư ký báo chí Tòa Bạch ốc Josh Earnest nói việc Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào Hoàng Sa dip̣ cuối tuần qua là để thực thi quyền tự do đi lại.
“Hoa Kỳ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đất, đảo và đá ở Biển Đông. Quan điểm của Hoa Kỳ là tranh chấp về các tuyên bố chủ quyền đối với những chỗ đó không nên được giải quyết thông qua vây ép, sức mạnh quân sự hay đe dọa mà phải nên thông qua đàm phán.”
“Việc chúng tôi đưa tàu vào đây không chỉ đại diện cho Hoa Kỳ và quân đội Hoa Kỳ. Đó là việc chúng tôi làm nhân danh tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc,” ông Earnest nói. – VOA
Trump và Clinton ‘đối mặt’ tại Alfred Smith Dinner 2016
Báo Người Việt
Donald Trump và Hillary Clinton trao đổi nụ cười và những lời lăng mạ tại buổi tiệc từ thiện
Author: ITN | Điền Phong chuyễn ngữ | Source: International Business Times | Posted on: 2016-10-24 |
FULL: Donald Trump Roasts Hillary Clinton At 2016 Al Smith Dinner – FNN |
Clinton tung quân, tăng cường quảng cáo‘đánh trận cuối’
Nguyễn Văn Khanh
Đúng hai tuần trước ngày bầu cử tổng thống, cánh Cộng Hòa lẫn phe Dân Chủ đều nhộn nhịp hơn trước. Dàn nhân viên nòng cốt trong ủy ban tranh cử của ông Cộng Hòa Donald Trump cũng như dàn tham mưu của bà Dân Chủ Hillary Clinton làm việc không ngừng nghỉ, nhất quyết bằng mọi giá phải chiến thắng cuộc chiến chính trị 2016.
Trong lúc ông Trump và bà Clinton ráo riết thực hiện những buổi tiếp xúc với cử tri toàn quốc để vận động kiếm phiếu, nhân viên văn phòng vận động trung ương cũng thay phiên nhau về tận địa phương để trực tiếp điều khiển kế hoạch thúc giục người dân đừng quên bỏ phiếu cho ứng cử viên của phe mình, nhắc nhở mọi người nhớ đi bầu vào ngày 8 Tháng Mười Một sắp tới.
Theo lời ông Alan Cobb, người đặc trách tuyển mộ nhân viên làm việc cho Ban Vận Động Donald Trump ở các địa phương, “càng gần đến ngày bầu cử, chúng tôi càng phải ráo riết làm việc, nhất định không bỏ sót một lá phiếu nào để ông Trump trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.”
Bên bà Clinton cũng thế, có người kể lại được ông sếp John Podesta cho hay “cả dàn tham mưu trung ương cũng như địa phương mỗi ngày làm việc từ 18 tiếng đến 20 tiếng là chuyện bình thường,” nói đùa “may quá, mỗi bốn năm mới bầu cử tổng thống một lần,” nhân tiện thông báo “sau ngày bầu cử, mọi người sẽ lăn ra ngủ bù.”
Làm việc hăng say như nhau, không khí nhộn nhịp cũng giống nhau, nhưng tổng số nhân viên được cánh ông Trump hay phía bà Clinton thuê mướn ở các địa phương cách biệt nhau rất xa.
Các bản báo cáo cả hai bên gửi cho Ủy Ban Tuyển Cử Quốc Gia (FEC) cho thấy tính đến giữa Tháng Chín, bên bà Clinton bỏ tiền thuê 5,138 nhân viên làm việc toàn thời gian ở 15 tiểu bang cử tri phân vân chưa quyết định bỏ phiếu chọn ai làm tổng thống (“battleground state” hoặc “swing state”), trong khi phía ông Trump chỉ thuê có 1,409 người ở 16 tiểu bang “cần phải thắng” để đưa ông tỷ phú vào Tòa Bạch Ốc.
Ông Ron Stevenson, một chiến lược gia chuyên làm việc với các ứng cử viên độc lập, nhận xét “những con số này cho thấy trong cuộc vận động, phía bà Clinton có lợi thế hơn phía ông Trump.” Ông Stevenson nói thêm: “Không chỉ giới quan sát bầu cử mà người dân Mỹ ai ai cũng biết trong cuộc vận động năm nay, bên đảng Dân Chủ làm việc chặt chẽ với nhau, trong khi có thể nói bên Cộng Hòa không có được sự chặt chẽ như thế.”
“Không phải bây giờ, mà ngay từ những ngày đầu tiên chúng tôi đã biết phải đưa người về địa phương, dựng hẳn một kế hoạch để giúp cử tri ghi danh bầu cử, thường xuyên nhắc nhở họ lẫn người thân của họ đi bầu cho bà Clinton và cho những ứng cử viên Dân Chủ các cấp,” bà Lily Adams, phát ngôn viên của Ủy Ban Tranh Cử Clinton, nói. “Cuộc bầu cử nào cũng do cử tri địa phương quyết định, đặc biệt chúng tôi nhắm vào những tiểu bang trước đây thường bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa vì năm nay cử tri có thể nghiêng về phía đảng Dân Chủ,” giải thích thêm “chiến lược chúng tôi và đảng (Dân Chủ) cùng đưa ra không chỉ nhắm vào mục tiêu bà Clinton phải thắng cử, mà còn phải giúp đảng lấy thêm ghế ở Thượng Viện và Hạ Viện, để bà Clinton dễ dàng làm việc hơn sau ngày vào Tòa Bạch Ốc.”
Theo bà Lindsay Walters, phát ngôn viên của đảng Cộng Hòa, ngoài việc Văn Phòng Trung Ương “có những nhân viên làm việc toàn thời gian ở 24 tiểu bang, chúng tôi còn có hơn 4,500 người trợ giúp ở nhiều lãnh vực khác nhau,” phần lớn lãnh trách nhiệm tiếp xúc với cộng đồng, tìm thêm những người ủng hộ lập trường của đảng. Tuy báo cáo đảng Cộng Hòa gửi FEC cho thấy một số không nhỏ những người này chỉ lãnh tiền tượng trưng cho những ngày họ làm việc, thường là tiền ăn trưa, ăn tối, hay chi phí xăng nhớt, nhưng bà Walters nhấn mạnh “ngay từ ngày đầu chúng tôi bỏ tiền vận động ở những tiểu bang quan trọng trên toàn nước Mỹ để bảo đảm các ứng cử viên Cộng Hòa có lợi thế để thắng cuộc bầu cử vào Tháng Mười Một.”
Trong thư gửi cho giới truyền thông, bà phát ngôn viên của đảng Cộng Hòa còn viết rằng “đây là điều đảng Cộng Hòa luôn luôn làm, nhân viên địa phương là những người thúc giục cử tri Cộng Hòa đi bỏ phiếu, bất kể cử tri bỏ phiếu khiếm diện, bỏ phiếu sớm, hay bỏ phiếu vào ngày bầu cử.”
Hai đảng đưa ra lời giải thích tương tự về vai trò của nhân viên địa phương, nhưng những con số được ghi trong báo cáo gửi FEC cho thấy phía bà Clinton có vẻ thuận lợi hơn. Tại Ohio, đảng Dân Chủ có 502 nhân viên làm việc toàn thời gian, đảng Cộng Hòa chỉ có 104 người. Tại North Carolina, báo cáo cho hay phía Dân Chủ thuê 300 nhân viên, bên Cộng Hoa chỉ có vỏn vẹn 100 người. Tại Nevada, một trong những tiểu bang đảng Dân Chủ hy vọng sẽ thành công vào Tháng Mười Một tới đây, ban vận động cho bà Clinton và đảng Dân Chủ trung ương thuê tới 240 người, gấp bốn lần số người phía ông Trump trả tiền thuê làm việc.
Điều đó cũng xảy ra ở Iowa và Pennsylvania, hai tiểu bang được các quan sát viên bầu cử xếp trong danh sách “ông Trump bắt buộc phải thắng.” Nếu bên ông Trump có một người làm việc, bên bà Clinton có tới chục người. Trường hợp ở Arizona còn tệ hơn: đảng bộ Cộng Hòa tiểu bang thuê có 12 người làm việc toàn thời gian, đảng bộ Dân Chủ địa phương thuê 230 người, chưa kể Ban Vận Động Clinton loan báo sẽ gửi thêm $2 triệu để vận động cử tri tiểu bang này bỏ phiếu cho phe Dân Chủ. Chỉ có New Hampshire là khác biệt: Cộng Hòa có 222 nhân viên, Dân Chủ chỉ ngót nghét độ 100 người.
“Tôi nghĩ dàn tham mưu của ông Trump vẫn đi theo hướng họ đã đặt ra từ đầu là không cần vận động, cử tri vẫn kéo nhau đến với mình,” một nhà quan sát từng làm việc nhiều năm với đảng Cộng Hòa trả lời câu hỏi tại sao ông Trump không tung thêm tiền thuê nhân viên địa phương. Nhà quan sát yêu cầu đừng nêu tên nói tiếp “ông Trump nghĩ mình thắng vòng bầu cử sơ bộ mà không tốn xu teng nào, báo chí giành nhau để loan tin về ông, đồng thời số cử tri Cộng Hòa bỏ phiếu ủng hộ ông rất cao, cao hơn tất cả những cuộc bầu cử sơ bộ khác, do đó ông thấy không cần làm gì cả vẫn thu hút được đám đông.”
Theo bà Sally May, một thành viên nòng cốt của đảng bộ Cộng Hòa Tennessee, có thể ông Trump nghĩ như thế “nhưng đó là quyết định hoàn toàn sai” vì “tranh cử sơ bộ và tranh cử tổng thống khác nhau một trời một vực.” Khác ở chỗ “bầu sơ bộ dành cho đảng viên, bầu tổng thống dành cho cử tri toàn quốc, không phân biệt đảng phái, cử tri Dân Chủ không ưa bà Clinton có thể bỏ phiếu cho ông Trump.” Đã thế, “ông Trump đang cần sự tiếp tay của giới trẻ và cử tri độc lập, không có người giúp vận động làm sao lôi cuốn được hai tập thể này bỏ phiếu cho ông?” Bà nói thêm: “Tennessee là tiểu bang Cộng Hòa, ông Trump chắc chắn thắng 100%, nhưng một mình Tennessee không đủ để đưa ông Trump vào Tòa Bạch Ốc.”
Bà cho biết thêm không chỉ thuê “quá ít” người làm việc ở địa phương, cánh ông Trump còn “thua bên bà Clinton về con số quảng cáo trên TV. Dựa theo con số do Wesleyan Media Project đưa ra, bà bảo ‘từ giữa Tháng Chín đến giờ bên Clinton trả tiền cho 90,000 lượt quảng cáo kêu gọi ủng hộ bà hay bôi bác ông Trump, phía ông Trump chỉ tung ra có 28,000 lượt quảng cáo, không bằng 1/3 số quảng cáo của phe bà Clinton.”
Khi được hỏi thế dàn tham mưu của ông Trump ở đâu, sao không trình bày những điều rất quan trọng này cho ông Trump biết, bà May trả lời: “Theo tôi hiểu, mọi quyết định đều nằm trong tay ông Trump, ông không phải là người dễ thuyết phục.” Đã thế, bà nói tiếp, “Tôi nghe đâu bộ tham mưu của ông cũng nghĩ y như thế, họ tin không cần vận động, quảng cáo, cử tri vẫn ùn ùn kéo đến với họ.”
Hoa Kỳ vẫn là đồng minh vững chắc của Philippines
Hoa Kỳ đảm bảo vẫn là đồng minh vững chắc của Philippines, ủng hộ việc Manila thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, nhưng chỉ trích những lời lẽ gây tranh cãi mà Tổng Thống Philippines đưa ra, cũng như chiến dịch chống ma túy mà nhà lãnh đạo Phi đang thực hiện.
Những điểm vừa nêu được ông Daniel Russel, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương nêu lên trong cuộc họp báo tại Malina hồi trưa nay, sau khi hội kiến với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines.
Trong cuộc họp báo, ông Russel nói rằng không chỉ là một đối tác vững chắc, một đồng minh đáng tin cậy của Philippines, Hoa Kỳ còn sát cánh với Phi để hai nước thực hiện đúng những điều đã cam kết.
Ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Mỹ cũng cho hay Washington ủng hộ tất cả những cuộc đối thoại, thương lượng trực tiếp giữa Phi và Trung Quốc, cho biết thêm quan điểm của Hoa Kỳ là không đẩy bất kỳ nước nào tới chỗ phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông bảo thêm, và chúng tôi xin trích nguyên văn như sau: “Thật là sai lầm khi nghĩ rằng dưới một góc nhìn nào đó, việc Manila cải thiện quan hệ với Bắc Kinh sẽ phương hại tới Mỹ”, ý muốn nói chính phủ Phi có toàn quyền quyết định mở rộng quan hệ với nước khác, và điều này không ảnh hưởng tới mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Manila và Washington.
Cũng trong cuộc họp báo, ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Daniel Russell cho hay trong cuộc thảo luận với Ngoại Trưởng Perfecto Yassay của Phi, ông có lên tiếng bày tỏ quan ngại về những lời tuyên bố, bình luận gây tranh cãi mà Tổng Thống Phi Rodrigo Duterte đưa ra tại Bắc Kinh hồi tuần trước.
Theo lời ông Russell, những lời tuyên bố, bình luận này khiến nhiều quốc gia sửng sốt, ngay chính cộng đồng người Phi sinh sống ở nước ngoài và giới đầu tư cũng sửng sốt, bảo thêm rằng đó là điều không hay.
Hồi tuần rồi khi đến Bắc Kinh, Tổng Thống Phi tuyên bố là ông quyết định cắt quan hệ với Hoa Kỳ, sẽ ngưng các cuộc tuần tra chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông và không cho binh sĩ Mỹ tiếp tục đồn trú trên dất Phi.
Tổng thống Duterte còn nói sẽ lập liên minh mới Trung Quốc và Nga.
Ngay sau khi về lại Phi, Tổng Thống Duterte lại giải thích là không không có ý muốn cắt quan hệ với Washington, nhưng sau đó lại lên tiếng chỉ trích chương trình viện trợ mà Hoa Kỳ đang dành cho Phi, nói rằng Manila không cần khoản tiền chỉ có vài trăm triệu đó.
Về chính sách bài trừ ma túy mà Tổng Thống Duterte của Phi đang thực hiện, ông phụ tá ngoại trưởng Mỹ cho hay đã trình bày mối quan tâm của chính phủ và người dân Hoa Kỳ với Ngoại Trưởng Phi, nói rõ Washington ủng hộ chiến dịch chống ma túy, nhưng phải được thực hiện đúng với quy định của luật pháp, đồng thời phải tôn trọng nhân quyền.
Chính sách ông phụ tá ngoại trưởng Mỹ nói đến là chính sách được Tổng Thống Duterte cho thực hiện ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi cuối tháng Sáu, đồng ý cho cảnh sát và dân phòng bắn hạ những kẻ buôn bán ma túy hoặc bị tình nghi có liên quan tới ma túy, thay vì phải bắt giữ, điều tra và đưa những người phạm pháp ra tòa xét xử.
Tính từ cuối tháng Sáu đến giờ, đã có 3,700 người bị bắn chết vì có liên quan đến ma túy, khiến Hoa Kỳ, EU và cả Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng bày tỏ quan ngại.
Cũng liên quan đến mối quan hệ giữa Philippines và Hoa Kỳ, tin từ Washington cho hay sáng nay, Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đã gọi điện thoại nói chuyện với Ngoại Trưởng Perfecto Yassay của Phi.
Đề tài của cuộc thảo luận cũng là mối quan hệ giữa 2 nước và những lời tuyên bố gây tranh cãi mà Tổng Thống Philippines thường đưa ra, không có lợi cho quan hệ song phương Mỹ-Phi.Ngoài ra, cũng sáng hôm nay, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi, ông Delfin Lorenzana, đã chủ tọa buổi lễ tiếp nhận một chiếc phi cơ vận tải quân sự loại C-130 do Hoa Kỳ bán cho Phi
Đây là chiếc phi cơ vận tải thứ nhì được Washington chuyển giao cho Phi, trong khuôn khổ hiệp ước 2 bên đã ký kết, để Phi mua khí cụ từ Mỹ và dùng vào kế hoạch hiện đại hóa quân sự.
Trong buổi lễ, ông bộ trưởng quốc phòng Phi nói rằng trợ giúp của Hoa Kỳ là điều quan trọng. – RFA
Bob Dylan có nhận giải Nobel Văn Chương 2016?
Mặc dù đã tìm đủ mọi cách để liên lạc với khôi nguyên Nobel Văn Chương 2016 Bob Dylan, nhưng đã 10 ngày trôi qua, anh ca nhạc sĩ nổi tiếng Hoa Kỳ vẫn chưa chịu… ‘giả nhời, giả vốn’.
Viện Hàn Lâm Thụy Điển cho biết từ ngày giải được công bố hôm mùng 10 tháng 10 đến giờ, vẫn chưa làm sao nói chuyện trực tiếp với người được chọn trao giải.
Vì thế theo lời bà Sara Danius, thư ký Viện Hàn Lâm Thụy Điển, Viện đã ngưng mọi cố gắng liên lạc, và chuyện khôi nguyên Nobel Văn Chương 2016 có đến dự lễ trao giải hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào người nghệ sĩ tài hoa, được chọn lãnh giải vì nét thơ trong lời ca, dòng nhạc của ông.
Có tin nói ngay trong buổi tối giải Nobel Văn Chương 2016 được công bố, ca nhạc sĩ Bob Dylan có buổi trình diễn ở Las Vegas. Suốt buổi, ông không nói gì về giải thưởng cao quý mà ông mới được chọn, và khi kết thúc buổi trình diễn, ông cất tiếng hát bài “Why Try to Change Me Now?” (tạm dịch: “Tại Sao Bây Giờ Lại Cố Thay Đổi Tôi?”) của Frank Sinatra.
Không biết tin này đúng sai thế nào, chỉ biết không ít người xem sự kiện này là dấu hiệu cho thấy Bob Dylan không màng tới Giải Nobel, cũng chẳng ít người tin ông sẽ có mặt trong buổi lễ trao giải.
Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Mười Hai tới đây ở Stockholm, do Quốc Vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf chủ tọa.- RFA
Mỹ: Di dân bang Louisiana muốn kết hôn phải có giấy khai sinh
Louisana: Di dân phải xuất trình giấy khai sinh hợp lệ mới được kết hôn
Nhằm mục đích chặn đứng những vụ kết hôn giả mạo hay gian lận, dân biểu Cộng hòa Valeri Hodge trong quốc hội tiểu bang Louisana đã bảo trợ một đạo luật về hôn nhân gây nhiều tranh cãi bắt buộc các di dân phải xuất trình giấy khai sinh hợp lệ mới được kết hôn. Luật này đã được cựu Thống đốc tiểu bang Louisana Bobby Jindal ký ban hành vào năm 2015. Tuy nhiên sau một thời gian thi hành luật hiện đang bị một người tị nạn Việt Nam kiện trước Tòa án liên bang Mỹ.
Vào năm 2015, Quốc hội tiểu bang Louisiana thông qua một đạo luật đưa ra một số yêu cầu bắt buộc những di dân, người tị nạn hay những người sinh tại nước ngoài muốn kết hôn, lập hôn thú tại các Tòa án của tiểu bang phải xuất trình một số giấy tờ, mới được Tòa án chấp nhận cấp hôn thú. Luật này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1 năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Tân, một chấp sự thuộc Hội thánh Báp-tít Việt Nam New Orleans tại thị trấn Gretna, cho VOA Việt ngữ hay ông đã liên lạc với Tòa án địa phương và được biết phải có 4 loại giấy tờ mới được Tòa cấp hôn thú:
“Khai sinh, nếu không có khai sinh thì mình sinh ở đâu phải trở về nơi quê quán để làm khai sinh lại, tòa cho biết là ở nước nào phải về chỗ đó hay nhờ những người ở nước mình để xin cho mình cái khai sinh. Đó là một. Có khai sinh mà không có passport cũng không được. Đó là thứ nhì. Thứ ba nữa là Tòa án cũng cần biết nếu đã li dị thì phải có giấy li dị. Thứ tư là căn cước có ảnh (Picture ID).”
Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao có được giấy khai sinh, nhất là đối với những người vượt biên, những người tị nạn chiến tranh bị mất tất cả giấy tờ trong khi vượt biên hay giấy tờ bị tiêu hủy vì chiến cuộc.
Đối với cộng đồng Việt Nam tại tiểu bang Louisiana, theo nhận xét của ông Tân, phần lớn những người bị ảnh hưởng nhiều nhất vì luật này là những người từ Việt Nam trong thời gian gần đây.
Ông Tân nói:
“Có rất nhiều người qua đây một thời gian để du học hay để đi làm, sau khi hết hạn hai ba năm, họ ở lì luôn không chịu về, visa, passport của họ hết hạn. Họ muốn cưới những người có quốc tịch Mỹ để họ ở lại đây.”
Một phụ tá luật sư tại văn phòng luật sư Alan Ford Schoenberger chuyên lo các vấn đề về gia đình ở Harvey, New Orleans, cho biết:
“Có những người khách vô đây, họ qua đây theo những tình trạng khác nhau, nhưng khi gặp một đối tượng rồi thì họ muốn ở lại luôn, không muốn về nước nữa cho nên họ bắt buộc phải đi đăng ký kết hôn để đổi tình trạng cho mình. Khi ra tòa thì khó khăn ở chỗ là người bên Việt Nam thường có giấy khai sinh hẳn hoi nên không có trở ngại. Chỉ có trở ngại là những người ở bên Mỹ, những người vượt biên hồi xưa, qua đây mới 2, 3 tuổi thì làm sao có khai sinh. Tòa cũng nói là từ tháng 1 đến bây giờ, luật thay đổi bắt buộc phải có khai sinh original thì tòa mới chấp thuận làm hôn thú.”
Nữ phụ tá luật sư này cho biết văn phòng đã tìm đủ mọi cách để thay thế giấy khai sinh nhưng không được Tòa chấp thuận:
“Có những khách họ vô đây chỉ có bản sao, mà cũng chẳng phải original bản sao nữa, ông luật sư phải làm cái gọi là certified true copy nhưng họ cũng không chịu. Rồi làm những cái affidavit giải thích qua đây trường hợp như thế nào, lý do không có khai sinh nhưng Tòa án cũng làm khó không chấp thuận.”
Cô Hoàng Minh, cũng thuộc văn phòng luật sư Alen Ford Schoenberger, nói đòi hỏi khai sinh là một đòi hỏi khó đáp ứng:
“Những người Việt Nam mới qua thì không có vấn đề khai sinh đối với họ, người nào cũng có khai sinh, chỉ có những người ở bên Mỹ này, chẳng hạn như em đây làm sao em có khai sinh ở đây. Nếu đòi hỏi khai sinh làm sao em cung cấp được khai sinh đó.”
Luật sư Shandon Cường Phan tại Houston, một nhà hoạt động thường quan tâm đến quyền lợi của cộng đồng người Việt tại Mỹ, cho rằng luật mới của tiểu bang Louisiana là “một rào cản mới đối với di dân.”
Vậy những người bị ảnh hưởng bởi luật mới này có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Luật sư Shandon Cường Phan:
“Dĩ nhiên họ có quyền tranh đấu và luật sư nào đại diện cho những người như vậy họ phải đi kiện và nếu chính phủ liên bang chấp nhận về mặt di trú thì tiểu bang cũng phải chấp nhận.”
Nhận xét của luật sư Shandon Cường Phan đã trở thành sự thật vì vào ngày thứ Ba vừa qua, ông Việt “Victor” Anh Võ, 31 tuổi, cư dân tại Louisiana, đã đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang vì đã ngăn cản ông và những di dân khác kết hôn vì không có giấy khai sinh. Ông Võ sanh tại một trại tị nạn ở Indonesia vào năm 1985 và có quốc tịch Mỹ khi ông 8 tuổi. Hôn thê của ông là cô Heather Pham, sinh tại Mỹ.
Đơn kiện của ông Võ nêu lý do luật vi phạm những quyền hiến định của ông và nhằm kỳ thị những người sinh tại nước ngoài. Ông Võ được các luật sư tại Trung tâm Công lý Chủng tộc thuộc tổ chức Công nhân New Orleans và Trung tâm Luật Di trú Quốc gia, chuyên bênh vực quyền của di dân, một tổ chức có trụ sở tại Los Angeles, đại diện.
Trong khi chờ đợi luật được tu chính, sửa đổi hay bãi bỏ, di dân sanh tại nước ngoài không còn cách nào khác hơn là đến các tiểu bang lân cận để lập hôn thú. – VOA