Phát biểu với báo chí, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ John Kirby khẳng định : « Chúng tôi đã nói với chính phủ Nga rằng họ được hoan nghênh khi tới giám sát các cuộc bầu cử của chúng tôi ».
Tuyên bố này được đưa ra nhằm phản bác cáo buộc từ phía Nga, theo đó các quan sát viên của họ bị từ chối, không được phép giám sát bầu cử Mỹ.
Theo ông Kirby, Mỹ không hề có chính sách từ chối các quan sát viên Nga, nhưng các quan sát viên phải nằm trong phái đoàn của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu, OSCE, chuyên giám sát bầu cử tại mọi nước thành viên, trong đó có Hoa Kỳ.
Vấn đề là phía Nga đã từ chối tham gia phái đoàn OSCE, điều bị phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cho là một « chiêu trò quảng cáo và giao tế PR ».
Theo ông Kirby, quan sát viên Nga hoàn toàn có thể xin phép tại từng bang riêng lẻ mà không bị chính quyền liên bang cản trở. Đối với ông Kirby, nước Mỹ rất tin vào sự ổn định, an ninh và sức mạnh của tiến trình bầu cử của mình, do đó không có gì phải giấu.
Hillary Clinton và Donald Trump lao vào cuộc chạy đua nước rút
Vào hôm qua, chiến dịch tranh cử của hai ứng viên Dân Chủ và Cộng Hòa bước vào giai đoạn cuối. Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump sẽ đi khắp nước Mỹ với tốc độ chóng mặt, tăng cường các cuộc gặp gỡ với công chúng để thu hút thêm những cử tri còn lưỡng lự và để vận động những người ủng hộ họ đi bỏ phiếu ngày 08/11.
Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet tường trình :
« Cả hai ứng viên ít nhiều đã tỏ ra thân thiện hơn trong bữa tối dạ tiệc từ thiện thứ Năm vừa qua, thậm chí còn bắt tay nhau. Thế nhưng, hôm qua (21/10), họ đã nhanh chóng chuyển sang phản công.
Tại bang Bắc Carolina, Donald Trump tố cáo : « Hillary Clinton là chính khách tham nhũng nhất từng ra ứng cử tổng thống từ trước đến nay ».
Còn cựu ngoại trưởng Mỹ lại có mặt ở Ohio, một bang quan trọng mà bà đang ở thế cân bằng với đối thủ Cộng Hòa. Bà nói : « Chúng ta đều biết sự khác biệt giữa quyền lãnh đạo và nền độc tài ».
Cả hai ứng viên đều bảo vệ những quan điểm rất khác nhau : Ông Trump tiếp tục khẳng định sẽ chiến thắng, nhưng có thể ông biết là đã thất bại. Chính vì vậy, nhà tỉ phú không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng cuộc bầu cử bị gian lận. Dù sao, ứng viên đảng Cộng Hòa sẽ tiếp tục hùng hồn diễn thuyết trước cử tọa mỗi ngày một đông đảo tham dự các buổi mit-tinh của ông và tạo cho ông ảo tưởng có thể giành chiến thắng.
Theo thăm dò, bà Clinton đã thu được hơn 270 phiếu đại cử tri cần thiết để được bầu, nhưng bà Hillary Clinton có tham vọng lớn hơn : đó là chiến thắng áp đảo. Vì vậy, bà đến các bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng Hòa. Cựu ngoại trưởng Mỹ sẽ tập trung mọi nỗ lực để các bang này chuyển sang ủng hộ phe Dân Chủ và biến năm 2016 thành một năm đại bại cho đảng Cộng Hòa mà trong đó, ông Donald Trump góp phần không nhỏ » -VOA
Hàn Quốc và Mỹ cân nhắc bổ sung các biện pháp tăng cường chiến lược răn đe mở rộng
KBS
Đăng tải : 2016-10-21
Tại Hội nghị an ninh thường niên Hàn-Mỹ (SCM) diễn ra ở thủ đô Washington (Mỹ) hôm 20/10 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhất trí về việc tăng cường năng lực răn đe mở rộng. Thỏa thuận đạt được giữa hai nước được xem là điều tất yếu trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang ngày càng lớn hơn từ Bình Nhưỡng, sau một loạt các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, và hai lần thử nghiệm hạt nhân chỉ riêng trong năm nay. Hai bên cũng quyết định sẽ tiếp tục xem xét đưa ra các biện pháp cụ thể và thiết thực cho vấn đề này.
Bổ sung biện pháp tăng cường răn đe mở rộng
Chiến lược răn đe mở rộng là một khái niệm chỉ việc Mỹ áp dụng các biện pháp răn đe hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ các quốc gia có quan hệ đồng minh với Mỹ ở mức độ tương đương như đối với nước mình. Mối quan tâm của Hội nghị an ninh thường niên Hàn-Mỹ lần này không phải việc Washington sẽ áp dụng các biện pháp răn đe mở rộng hay không, mà là vấn đề hai bên sẽ bổ sung biện pháp xử lý như thế nào để tăng cường khả năng răn đe mở rộng. Sự việc này đang được phía Hàn Quốc đặc biệt quan tâm sau khi dư luận Hàn Quốc nảy sinh ý kiến cho rằng Seoul phải triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược hoặc thậm chí phải vũ trang hạt nhân để đối phó với đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc cho biết đây là lựa chọn bất khả kháng để trấn an sự lo lắng về an ninh quốc gia của người dân Hàn Quốc. Về phần mình, Mỹ khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc giữa Hàn Quốc và Mỹ và các chiến lược mở rộng răn đe hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế, những cam kết suông không thể ngăn chặn được Bắc Triều Tiên và làm dịu được những lo ngại về tình hình an ninh tại Hàn Quốc. Mặc dù Seoul và Washington đồng tình về việc cần phải tăng cường các biện pháp răn đe mở rộng, hai bên vẫn chưa đề ra được bất kỳ biện pháp cụ thể nào.
Triển khai thường xuyên vũ khí chiến lược của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc
Một trong những biện pháp bổ sung được nhắc đến trong hội nghị lần này là việc triển khai thường xuyên vũ khí chiến lược của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc. Theo đó, luôn có ít nhất một vũ khí chiến lược của Mỹ hoạt động trên hải phận hoặc không phận xung quanh bán đảo Hàn quốc. Các vũ khí chiến lược được nói đến ở đây bao gồm các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1, B-2, B-52, máy bay chiến đấu tàng hình F-22, tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay hạt nhân. Một khi vũ khí chiến lược của Mỹ được triển khai thường xuyên tại bán đảo Hàn Quốc, Hàn Quốc sẽ có thể đáp trả quyết liệt ngay tức khắc khi Bắc Triều Tiên có hành động khiêu khích bằng hạt nhân và tên lửa. Điều này dự kiến sẽ tạo áp lực lớn cho chính quyền miền Bắc, có thể hạn chế được hành động khiêu khích của nước này. Vấn đề triển khai thường xuyên vũ khí chiến lược của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc dự kiến sẽ được Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng thảo luận trong tương lai.
Thứ Bảy, ngày 22 tháng 10 07:38
Nạn nhân bom nguyên tử nói chuyện với học sinh cấp 3 Mỹ
Các nạn nhân bom nguyên tử còn sống sót của Hiroshima và Nagasaki chia sẻ những gì họ đã trải qua với các học sinh cấp 3 ở New York.
Hôm thứ Sáu, 5 nạn nhân bom nguyên tử được gọi là hibakusha phát biểu tại một nhà hát thành phố New York trước sự có mặt của khoảng 130 người, trong đó có các học sinh cấp 3 của thành phố. Buổi gặp gỡ do một nhóm phi chính phủ có trụ sở ở Tokyo và các chuyên gia Mỹ về giáo dục giải trừ vũ khí hạt nhân tổ chức.
Bà Fukahori Toshiko mới 10 tuổi khi Nagasaki bị ném bom nguyên tử vào tháng 8/1945. Bà nói gần như tất cả mọi người được đưa đi trú ẩn gần đó đã bị bỏng nặng, và đến sáng hôm sau thì hơn một nửa đã qua đời. Bà bày tỏ hy vọng thế hệ trẻ sẽ có hành động ngăn chặn để các nhà lãnh đạo trên thế giới không sử dụng vũ khí hạt nhân, loại vũ khí hủy diệt nhân loại. – NHK World