Tin Hoa Kỳ – 19/11/2016
Nhà thiết kế thời trang của bà Michelle
từ chối làm đẹp cho vợ ông Trump
Nhà thiết kế đồ hiệu nổi tiếng Sophie Theallet vừa cho biết trong email hôm thứ Năm rằng bà sẽ không bao giờ thiết kế trang phục cho đệ nhất phu nhân Mỹ sắp tới là bà Melania, vợ của Tổng thống tân cử Donald Trump, đồng thời kêu gọi các nhà thiết kế khác hãy làm tương tự.
“Là một người cổ vũ và chủ trương đa dạng, tự do cá nhân và tôn trọng mọi phong cách sống, tôi sẽ không tham gia vào việc thiết kế hay có bất kỳ quan hệ nào với đệ nhất phu nhân kế tiếp. Giọng điệu kỳ thị, phân biệt giới tính và bài ngoại trong chiến dịch tranh cử của chồng bà không phù hợp với các giá trị chung của chúng ta”. Trong email, bà Theallet cũng kêu gọi “các nhà thiết kế đồng nghiệp của tôi cũng làm như vậy”.
Bà Sophie Theallet là người đã thiết kế rất nhiều trang phục mà Đệ nhất phu nhân Michelle Obama mặc trong rất nhiều sự kiện. Những trang phục do bà Theallet thiết kế đã giúp cho đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ công chúng về phong cách thời trang của bà.
Tự xem mình là một di dân, bà Sophie Theallet nói bà rất may mắn khi có cơ hội theo đuổi giấc mơ ở Mỹ và được thiết kế trang phục cho Đệ nhất phu nhân Michelle Obama là một vinh dự lớn của bà trong suốt 8 năm qua.
“Bà ấy đã góp phần làm cho thương hiệu của chúng tôi được công nhận và có danh tiếng trên khắp thế giới. Những giá trị, hành động và vẻ đẹp của bà luôn tạo ấn tượng sâu sắc trong tôi”, bà Theallet viết.
Năm 18 tuổi, bà Theallet đã đến Paris để theo học thiết kế thời trang và đã tốt nghiệp sớm sau khi thắng giải thưởng “Nhà thiết kế trẻ quốc gia”. Sau đó, bà đã được hãng thời trang nổi tiếng Jean Paul Gaultier thuê. Bà đã làm việc cho Azzedine Alaia trong 10 năm trước khi chuyển đến thành phố New York, Mỹ, nơi bà tiếp tục làm việc bán thời gian cho nhà thiết kế Pháp. Bà Sophia Theallet đã tung ra nhãn hiệu thời trang riêng vào năm 2007, hai năm sau khi giành được giải thưởng của CFDA / Vogue.
Bà Sophie Theallet chủ trương xây dựng thương hiệu thời trang “chống lại mọi kỳ thị và thành kiến”. Bà nói “Những show diễn thời trang của chúng tôi, các chiến dịch quảng cáo và thiết kế cho người nổi tiếng luôn cổ vũ cho sự đa dạng và phản ánh thế giới mà chúng ta đang sống”.
Trong e-mail hôm thứ Năm, bà Theallet nói bà nhận thức rõ rằng sẽ không khôn ngoan nếu dính dáng vào chính trị, nhưng nhà thiết kế của đệ nhất phu nhân Mỹ nói bà “trân quý sự tự do nghệ thuật và luôn khiêm tốn tìm cách đóng góp bằng phương cách nhân bản, có lương tri và đạo đức để kiến tạo thế giới”.
Bà Melania Trump là một cựu người mẫu đã từng mặc rất nhiều trang phục do các nhà thiết kế nổi tiếng như Ralph Lauren, Gucci, Fendi, Dolce & Gabbana và Michael Kors thiết kế. Phát ngôn viên của bà Trump không trả lời yêu cầu bình luận của báo chí về việc này.
Mỹ: Donald Trump
chỉ định lãnh đạo Tư Pháp, An Ninh và CIA
Thượng nghị sĩ Jeff Sessions đứng đầu bộ Tư Pháp, Mike Pompeo lãnh đạo cơ quan tình báo CIA và Michael Flynn được mời làm cố vấn cho tổng thống về an ninh quốc gia. Cả ba nhân vật này đều nổi tiếng là có đường lối cứng rắn, bảo thủ và thuộc cánh diều hâu.
Ngày 18/11/2016 tổng thống tân cử Donald Trump thông báo danh sách ba nhân vật đứng đầu bộ Tư Pháp, ngành tình báo Hoa Kỳ và cố vấn an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Tư Pháp của chính quyền Trump trong tương lai sẽ là thượng nghị sĩ bang Alabama, Jeff Sessions, 69 tuổi. Ông này nổi tiếng là một người có đường lối cực kỳ cứng rắn trên hồ sơ người nhập cư. Dưới nhiệm kỳ tổng thống George W. Bush và Barack Obama, thượng nghị sĩ Sessions liên tục chống đối các dự luật hợp thức hóa cho người nước ngoài không có giấy tờ định cư hợp lệ. Ngoài ra, nhân vật này còn được báo chí nhắc đến như một người kỳ thị màu da. Trong thời gian còn là chưởng lý bang Alabama trong thập niên 1980, cũng ông Jeff Sessions từng xem việc một luật sư người da trắng bảo vệ cho một thân chủ người da đen là một “sự nhục nhã”.
Đứng đầu cơ quan tình báo CIA trong chính quyền Trump sắp tới là dân biểu Mike Pompeo, 52 tuổi. Ông này từng tham gia ủy ban điều tra của Hạ viện Mỹ trong vụ tấn công Benghazi –Libya năm 2012, làm 4 công dân Hoa Kỳ thiệt mạng, trong đó có đại sứ Chris Steven. Cũng ủy ban này, trong một báo cáo hơn 800 trang đã tố cáo bà Hillary Clinton -đối thủ của Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng-, trong vai trò ngoại trưởng Mỹ, đã không đánh giá đúng mức đe dọa khủng bố tại Lybia.
Một vị trí quan trọng khác trong chính quyền Trump sắp tới là chức cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống. Chức vụ này được trao cho tướng về hưu Michael Flynn, 58 tuổi, một nhân vật nổi tiếng là bài Hồi giáo, thân Nga và Trung Quốc.
Tướng Michael Flynn từng chỉ huy cơ quan tình báo quân sự Defense Intelligence Agency từ năm 2012 đến2014. Hãng tin Pháp AFP lưu ý, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ là chức vụ hiếm hoi mà lãnh đạo Nhà Trắng có quyền chỉ định và không cần được Thượng viện thông qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161119-my-donald-trump-chi-dinh-lanh-dao-tu-phap-an-ninh-va-cia
Hạt nhân Bắc Triều Tiên:
Một trong những ưu tiên của tân chính phủ Mỹ
Chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ là một trong những ưu tiên của tân chính phủ Hoa Kỳ. Hãng tin Yonhap ngày 19/11/2016 dẫn lời một quan chức cao cấp Hàn Quốc cho biết như trên nhân chuyến công du Hoa Kỳ.
Ông Cho Tae-Yong, cố vấn tổng thống phụ trách an ninh quốc gia, dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Hoa Kỳ, đã gặp gỡ các cố vấn của tổng thống vừa đắc cử Donald Trump và thảo luận về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Sau cuộc gặp với Michael Flynn, cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ tương lai, ông Cho cho báo giới biết rằng tân chính quyền Donald Trump xem trọng mối quan hệ Hoa Kỳ – Hàn Quốc và sẽ cố gắng củng cố liên minh này.
Các đại biểu phe Cộng Hòa đã chỉ trích chính sách “chiến lược kiên nhẫn” của tổng thống Barack Obama không những không ngăn chặn được chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà còn dẫn đến việc nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và 5 trong năm nay, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Về phần mình, qua trao đổi điện đàm với tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, ông Donald Trump tuyên bố sẽ bảo vệ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Reuters nhắc lại trong quá trình vận động tranh cử, ông Donald Trump đánh tiếng sẽ rút hết toàn bộ 28.500 binh lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc, nếu như Seoul không đóng góp thêm vào chi phí triển khai binh sĩ.
Ông Trump cân nhắc
Đại tướng Petraeus làm Bộ trưởng Quốc phòng
Tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump đang cân nhắc Tướng hồi hưu David Petraeus cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Reuters trích thuật tường trình của báo Wall Street Journal ngày 18/11 dẫn nguồn thạo tin trong tiến trình chuyển tiếp quyền hành cho biết.
Ông Petraeus từ chức Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vào năm 2012 sau vụ tai tiếng về vụ ngoại tình.
Ông có 37 năm phục vụ trong quân đội. Ông từng làm Tư lệnh lực lượng liên quân Mỹ tại Iraq và Afghanistan trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc thứ 20 của Cục tình báo Trung ương Mỹ vào giữa năm 2011, thay thế cho ông Leona Panetta, người được giao vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Vẫn theo nguồn tin của Wall Street Journal, ngoài ông Petraeus còn có một số nhân vật khác đang được xem xét cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong tân chính quyền Trump bao gồm Tướng hải quân hồi hưu James Mattis, Tướng lục quân hồi hưu Jack Keane, cựu cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley và cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent.
Hôm 18/11, Tướng Keane đã thông báo trên Twitter rằng ông sẽ không tham chính với tân chính quyền.
Ông Pence bênh vực kế hoạch chuyển tiếp của Đảng Cộng hoà
ĐIỆN CAPITOL —
Chuyển tiếp quyền lực là chủ đề chính trong ngày hôm nay, ngày cuối trong một tuần lễ sinh hoạt tấp nập tại quốc hội Hoa Kỳ vừa triệu tập lần đầu sau ngày bầu cử. Trở lại sau thắng lợi bầu cử vẻ vang, các chính khách Đảng Cộng hoà bênh vực kế hoạch chuyển tiếp của Tổng thống tân cử Donald Trump, trong khi các thành viên của Đảng Dân chủ đang tìm một hướng đi mới sau thất bại lịch sử này.
Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence đi một vòng thăm hỏi nhiều người trong lần trở về Điện Capitol, nơi ông đã từng phục vụ trong cương vị dân biểu trong nhiều năm. Giờ đây ông được coi là một cầu nối giữa Tổng thống tân cử Trump và các nhà lập pháp Đảng Cộng hoà. Ông Mike Pence phát biểu:
“Tôi rất tự tin, rất tự tin giữa lúc chúng ta đang tiến gần hơn tới lễ nhậm chức với một ê-kíp làm việc tuyệt vời. Cùng phối hợp với các lãnh đạo của lưỡng viện quốc hội, chúng ta sẽ tiến tới xây dựng lực lượng quân đội của chúng ta và hồi sinh nền kinh tế, nói ngắn gọn là ‘làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại'”.
Chủ tịch Hạ viện vừa tái đắc cử Paul Ryan nói nghị trình làm việc đầy cao vọng của Đảng Cộng hoà vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi:
“Chúng ta chỉ mới ở trong giai đoạn đầu của tiến trình chuyển tiếp, cho nên chúng tôi cũng chỉ mới bắt tay vào làm việc với chính phủ kế nhiệm để lập kế hoạch cho tiến trình chuyển tiếp.”
Nhưng tuần lễ đầu tiên của tiến trình chuyển tiếp đã bị trì chậm vì những đấu đá nội bộ, những thay đổi nhân sự và những đả kích đối với những sự lựa chọn nhân sự đầu tiên của ông Trump.
Bà Nancy Pelosi, thủ lãnh của khối thiểu số thuộc Đảng Dân chủ tại Hạ viện phát biểu:
“Đề cử ông Steve Bannon làm Chiến lược gia trưởng là một dấu hiệu rất đáng lo ngại, cho thấy Tổng thống tân cử Trump vẫn quyết tâm theo đuổi ý thức hệ đầy hận thù và chia rẽ đã là dấu ấn của chiến dịch tranh cử của ông.”
Một đề tài mà bà Pelosi đã hối thúc khi gặp ông Pence tại một cuộc gặp sau đó, giữa lúc hai bên đang cố tìm ra những mẫu số chung. Bà Pelosi nói về cuộc đối thoại với ông Pence:
“Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn về làm cách nào để có thể làm việc với nhau về vấn đề cấu trúc hạ tầng, những vấn đề có liên hệ tới việc chăm sóc trẻ em và những vấn đề còn lại.”
Nhưng lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ Viện cũng đang đối mặt với những thách thức riêng, khi vị trí lãnh đạo của bà đang lung lay trong bối cảnh Đảng Dân chủ đang tìm những phương hướng mới để tiếp cận giới cử tri.
Trong khi Phó Tổng thống đắc cử Pence gặp gỡ các lãnh đạo Đảng Dân chủ đương nhiệm bên trong Điện Capitol, thì nhân vật được coi là lãnh đạo tương lai của Đảng Dân chủ đang tập hợp các ủng hộ viên ở bên ngoài để tìm ra một hướng đi mới.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đại diện bang Vermont nói:
“Ông Donald Trump đã thắng vì một số lý do, một trong những lý do đó, theo tôi, là vì Đảng Dân chủ của chúng ta đã thất bại. Và chúng ta phải chấn chỉnh lại.”
Những người ủng hộ ông Sanders hy vọng ông có thể tiếp cận giới lao động trong vị trí mới của ông, lãnh đạo khối thiểu số tại Thượng viện.
Ông John Kim, một người ủng hộ Thượng nghị sĩ Sanders nói:
“Tôi nghĩ chúng ta có thể đoàn kết thành phần lao động đã bỏ phiếu cho ông Trump, để họ bầu chọn một ứng cử viên tốt hơn trong cuộc bầu cử năm 2020.”
Quốc hội Mỹ giờ sẽ tạm ngưng hoạt động trong một tuần lễ trong khi hãy còn nhiều câu hỏi hơn là lời giải đáp trong bối cảnh Đảng Dân chủ đang tìm lãnh đạo mới, và Đảng Cộng hoà đang trông đợi thêm thông tin về kế hoạch chuyển tiếp của Tổng thốn
http://www.voatiengviet.com/a/ong-pence-benh-vuc-ke-hoach-chuyen-tiep-cua-dang-cong-hoa/3602754.html
Công cuộc tranh đấu cho quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ
Tu chính án thứ 19 được quốc hội Mỹ phê chuẩn ban cho phụ nữ Mỹ quyền được đi bỏ phiếu và phụ nữ Mỹ hành xử quyền này một cách tích cực hơn nam giới. Theo Trung tâm Phụ nữ Mỹ và Chính trị thuộc trường đại học Rutgers, kể từ năm 1980, phụ nữ đi bầu nhiều hơn nam giới trong các cuộc bầu cử Tổng thống. Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử năm 2012, có 71,4 triệu nữ cử tri đi bầu, chiếm 64% tổng số nữ cử tri so với 61,6 triệu nam cử tri đi bầu chiếm 60% tổng số nam cử tri.
Năm 1913, một tân Tổng thống dân cử sắp nhậm chức, nhưng khi ông đến ga xe lửa ở Washington D.C, chỉ có một ít người chào đón ông.
Ông hỏi “Đám đông đâu rồi?”
Đám đông ấy đã có mặt tại Đại lộ Pennsylvania, chứng kiến một chuyện mà công chúng Mỹ chưa từng thấy bao giờ: hàng ngàn phụ nữ tuần hành trên đường phố.
Họ muốn gì? Quyền bỏ phiếu.
Bà Robyn Muncy, giáo sư sử học tại trường đại học Maryland, College Park cho biết:
“Trong văn kiện ban đầu, Hiến pháp Mỹ không đề cập gì đến việc ai có thể đi bầu. Tất cả quyền hành liên hệ đến quyền bầu cử được giành cho tiểu bang quyết định.”
Bà Muncy giải thích là trong hệ thống chính trị Mỹ, quyền hành được phân chia giữa chính phủ liên bang và chính phủ các tiểu bang.
“Điều này có nghĩa là những người có quyền đi bầu vào cuối thế kỷ 19 có sự lựa chọn. Họ có thể nỗ lực có được một tu chính án của liên bang… hay có thể vận động từng tiểu bang một, mà trong nhiều trường hợp, phụ nữ có nhiều quyền lực hơn ở cấp tiểu bang.”
Phụ nữ quyết định làm cả hai việc. Cuộc tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ diễn ra ở cấp liên bang và tiểu bang từ thế kỷ 19 cho đến thế kỷ 20.
Thoạt tiên, chỉ một ít phụ nữ đòi quyền đầu phiếu. Những người này nói phụ nữ có giá trị như nam giới, nên họ cũng phải có cùng những quyền về chính trị và pháp lý.
Những phụ nữ này đi khắp nước Mỹ, nói chuyện về những quyền bình đẳng và gặp các nhà lập pháp từ thị trấn này đến thị trấn khác.
Tuy nhiên bà Jean Baker, một sử gia thuộc Trường đại học Goucher tại tiểu bang Maryland, nói ý kiến của họ không phải luôn luôn được tán đồng.
“Có nhiều khi họ bị rượt đuổi sau khi kết thúc bài nói chuyện. Và mọi người ném vào họ đủ loại trứng thối…vân vân…Họ cũng gặp sự chống đối của đa số công luận.”
Vào thời điểm đó, hầu như tất cả mọi người, kể cả nữ giới, đều cho rằng phụ nữ bỏ phiếu không phải là quyền tự nhiên. Họ tin nam giới và nữ giới trên căn bản là trái ngược nhau.
Sử gia Robyn Muncy nói:
“Đàn ông rất cạnh tranh, bản tính của họ là xông xáo, rất tự tin và muốn bày tỏ ý kiến của mình. Và họ rất thích hợp đối với đời sống công cộng. Trong khi phụ nữ có bản tính nuôi dạy con cái, chịu hợp tác và thực sự phát triển mạnh trong phạm vi gia đình.”
Bà Muncy nói thêm là các nhà tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ đi vận động trong giới bình dân trên toàn nước Mỹ. Họ đi từ thị trấn này sang thị trấn khác, thuyết phục các người láng giềng, các tín hữu trong nhà thờ, và sau đó thuyết phục các nhà lập pháp tiểu bang ban cho phụ nữ quyền bỏ phiếu.
Phụ nữ trong thế kỷ 19 được tổ chức chặt chẽ trong các câu lạc bộ phụ nữ, trong đó có Hiệp hội Toàn quốc Phụ nữ Da màu. Chủ tịch Hiệp hội, bà Mary Church Terrel, nói bà tranh đấu cho quyền bỏ phiếu của phụ nữ và dân quyền vì bà thuộc vào “nhóm duy nhất của nước này bị hai trở ngại lớn phải vượt qua là…giới tính và chủng tộc.”
Đến những năm 1900, phụ nữ đã thuyết phục được các nhà lập pháp ở 4 tiểu bang cho phụ nữ quyền đi bầu trong tất cả các cuộc bầu cử.
Họ cũng thành công trong việc kêu gọi nhiều phụ nữ ủng hộ việc đi bầu.
Nguyên nhân lớn khiến nữ giới sẵn sàng lắng nghe hơn là công nghiệp hóa. Những việc phụ nữ thường làm ở nhà càng ngày càng được làm tại các xưởng sản xuất hay được bày bán sẵn trong các cửa hàng.
Bà Muncy nói:
“Nếu sáng ra không phải đi vắt sữa hay đi nhặt trứng để nấu nướng cho gia đình, bạn không biết trứng và sữa đó có tinh nguyên sạch sẽ hay không bị hư thối hay không. Nếu để cho các công ty dược bào chế thuốc cho gia đình bạn thay vì chế biến tại nhà, bạn không biết thuốc đó có gì, bạn không thể kiểm soát được. Và do đó khi việc sản xuất chuyển ra khỏi nhà, nhiều phụ nữ thấy rằng nếu chúng ta đảm bảo an sinh cho gia đình—nếu chúng ta làm những việc phụ nữ phải làm, là chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình-chúng ta phải có sức mạnh xã hội.”
Vào năm 1913, phong trào đòi quyền bỏ phiếu của phụ nữ bước sang một bước ngoặt quan trọng. Một người Mỹ 28 tuổi tên là Alice Paul quyết định lôi kéo Tổng thống vào cuộc tranh luận.
Tổng thống Woodrow Wilson không sẵn sàng ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ, nhưng cô Alice Paul biết tân Tổng thống có đầy quyền lực. Đảng Dân chủ của ông kiểm soát Tòa Bạch Ốc, Thượng viện và Hạ viện. Tổng thống Wilson có thể thúc đẩy việc tu chính Hiến pháp đảm bảo quyền đầu phiếu cho hầu hết phụ nữ trên toàn quốc.
Do đó cô Alice Paul bắt đầu tìm cách lôi kéo sự chú ý của Tổng thống Wilson.
Sử gia Jean Baker cho biết:
“Cô Alice Paul quyết định tổ chức một cuộc diễn hành vào ngày trước khi ông Woodrow Wilson dự lễ tuyên thệ nhậm chức. Và cô đã một mình vận động thành công thu hút 13.000 phụ nữ đến Washington.
“Cuộc diễn hành bắt đầu trên Đại lộ Pennsylvania, và ngay lập tức các phụ nữ này bị tấn công. Không phải bị các nam khán giả tấn công, mà là bị cảnh sát tấn công.”
Văn sĩ Ida B. Well từ chối tuần hành trong cuộc diễn hành của cô Paul. Thay vào đó vào phút chót bà tham gia vào cuộc tuần hành của tiểu bang bà.
Cô Alice Paul và nhóm của cô đã thay đổi chiến dịch đòi quyền bỏ phiếu của phụ nữ thành một phong trào cấp tiến hơn. Tuy nhiên, thoạt đầu họ không tiến xa được trong việc thay đổi quan điểm về chính trị hay quan điểm của công chúng.
Do đó 4 năm sau đó khi Tổng thống Wilson tái đắc cử, họ quyết định làm một việc thực sự táo bạo.
Bà Nora Hoffman-White thuộc Đảng Phụ nữ Toàn quốc tại Nhà Kỷ niệm đồng thời là Viện bảo tàng Belmont-Paul về Quyền Bình đẳng của Phụ nữ Toàn quốc.
Bà nói “Đảng Phụ nữ Toàn quốc là tổ chức đầu tiên biểu tình tại Tòa Bạch Ốc. Và họ thực sự nhắm vào Tổng thống Wilson. Họ cầm các bích chương biểu ngữ trực tiếp đặt trọng tâm vào ông như ‘Thưa Ngài Tổng thống.’ ‘Thưa Ngài Tổng thống, Ngài sẽ làm gì đối với quyền đầu phiếu của phụ nữ? Thưa Ngài Tổng thống, phụ nữ phải chờ bao lâu mới được tự do?”
Phụ nữ biểu tình tại Tòa Bạch Ốc suốt ngày, 5 ngày một tuần.
Bà Nora Hoffman-White nói:
“Có những người chất vấn người biểu tình. Nhiều người đến cuộc biểu tình. Họ bắt đầu tấn công phụ nữ, kéo đổ các bích chương, biểu ngữ và đập phá chúng.Và khi cuộc xung đột này diễn ra trước mặt Tòa Bạch Ốc, cảnh sát tới, và những phụ nữ biểu tình bị bắt giam.”
Những người tranh đấu đòi quyền đầu phiếu của phụ nữ bị giam trong một nhà tù tại Virginia. Tại đây họ bị đánh đập, bị cho ăn những thức ăn thiu, và không được chữa bệnh. Khi một số phụ nữ phản đối và tuyệt thực, họ bị giám ngục đặt ống vào mũi ép ăn.
Bà Nora Hoffman-White cho biết các phụ nữ này bị đối xử khắc nghiệt trong tù, nhưng ngược lại, họ được truyền thông chú ý và nhận thức của công chúng bắt đầu thay đổi.
Bà nói:
“Mọi người không xem họ như những người điên đi biểu tình, khích động những điều không đúng. Thay vào đó mọi người bắt đầu xem họ như là những phụ nữ sẵn sàng chết vì lý tưởng của họ.”
Một yếu tố khác trong tất cả việc này là Thế Chiến Thứ Nhất. Tổng thống Wilson nói nước Mỹ chiến đấu cho dân chủ ở nước ngoài. Do đó, những người tranh đấu cho quyền bỏ phiếu của phụ nữ đặt câu hỏi, tại sao Hoa Kỳ lại không có dân chủ trong nước? Làm thế nào chính phủ lại có thể tiếp tục không cho phụ nữ đi bầu?
Sử gia Jean Baker nói giọt nước cuối cùng xảy ra khi một số bộ trưởng Nga đến Washington DC.
“Và các phụ nữ trưng một biểu ngữ yêu cầu người Nga ‘Giúp chúng tôi! Giải phóng chúng tôi! Chúng tôi không phải công dân tự do của nước Mỹ. Chúng tôi không thể đi bầu.”
Cuối cùng, Tổng thống Wilson nhượng bộ. Ông kêu gọi Thượng viện ủng hộ một tu chính hiến pháp quy định rằng không công dân nào có thể bị từ chối quyền đi bầu căn cứ trên giới tính.
Năm kế tiếp, Quốc hội Mỹ thông qua tu chính án thứ 19. Tuy nhiên, để tu chính án có thể trở thành luật, đa số tiểu bang phải chấp thuận tu chính án này.
Cuộc tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ đều hướng về tiểu bang Tennessee. Trong lần bỏ phiếu đầu tiên, các nhà lập pháp của bang chia làm hai 50/50. Một nửa phản đối, một nửa đồng ý.
Rồi, theo lời bà Nora Hoffman-White, một chuyện bất ngờ xảy ra.
“Trong vòng bỏ phiếu lần thứ hai, một dân biểu tiểu bang rất trẻ tên là Harry Burn đổi ý. Trước đó, ông bỏ phiếu không và sau đó ông thay đổi lá phiếu thành thuận.”
Bà Nora Hoffman-White nói “Dĩ nhiên mọi người đều muốn biết điều gì đã làm ông thay đổi ý kiến về điều rất quan trọng như vậy. Và ông đưa ra mẩu giấy nhận được từ mẹ ông với nội dung rằng ‘Đừng bắt mọi người phải chờ đợi, hãy giúp thông qua việc phê chuẩn. Con ngoan, hãy nghe lời mẹ.’
Ông nói ‘Bạn nên nghe lời khuyên của mẹ,’ và ông đã thay đổi phiếu bầu.
“Do đó, với lá phiếu của ông, tiểu bang Tennessee phê chuẩn, và tu chính án trở thành luật.”
Tu chính án thứ 19 bao gồm hầu hết nhưng không phải tất cả phụ nữ.
Phụ nữ Puerto Rico và người Mỹ da đỏ trong các khu vực dành riêng chưa được quyền đi bỏ phiếu.
Và phụ nữ người Mỹ gốc châu Phi cũng có cùng vấn đề như đàn ông da đen tại các phòng phiếu.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1920, đã có hơn 8 triệu phụ nữ trên toàn nước Mỹ đi bầu lần đầu tiên.
Hầu như ngay sau đó, chính sách của Hoa Kỳ bắt đầu thay đổi. Vào năm 1921, các nhà lập pháp ủng hộ một đạo luật cải thiện sức khỏe các bà mẹ và trẻ em. Vào những năm 1930, các cử tri nữ giúp thúc đẩy thông qua Luật về Tiêu chuẩn Lao động Công bằng và một phần của Luật An sinh Xã hội.
Dù phụ nữ không đi bầu như một khối cử tri tại Mỹ, nhưng rõ ràng là cử tri nữ đã định hình thế kỷ 20 và 21.
Sử gia Robyn Muncy nói cùng lúc đó quyền đi bầu của phụ nữ đã giúp thay đổi vai trò của phụ nữ trong xã hội Mỹ.
“Khi phụ nữ được quyền bỏ phiếu trong các tiểu bang, họ thay đổi ý nghĩa phụ nữ là ai. Họ thay đổi ý nghĩa của nữ giới. Họ thay đổi ý nghĩa của quyền công dân dân chủ dành cho phụ nữ. Đây không phải là việc nhỏ.”
http://www.voatiengviet.com/a/cong-cuoc-tranh-dau-cho-quyen-bau-cu-cua-phu-nu-my/3602814.html
Liệu ông Trump có sớm bình ổn được mọi chuyện?
Sau một chiến dịch tranh cử đầy “cay đắng”, khi hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton và Đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục dùng những câu chuyện đời tư để công kích lẫn nhau, ông Trump đã giành chiến thắng với đa số phiếu của cử tri đoàn.
Mặc dù tới ngày 20/1 năm sau ông Trump mới chính thức nhậm chức, nhưng “sóng gió” đã nổi lên với khởi điểm là những cuộc biểu tình phản đối trên khắp cả nước. Một người biểu tình nói: “Tôi đôi khi cảm thấy thất vọng sau bầu cử, nhưng lần này, thì tôi cảm thấy kinh hãi.”
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viên Paul Ryan – người được đề cử thêm một nhiệm kỳ nữa, phát biểu: “Chào mừng bình minh của một chính phủ mới đoàn kết của Đảng Cộng hòa. Thật vinh hạnh khi được phát biểu như vậy. Đây sẽ là một chính phủ quyết tâm chuyển thắng lợi của tổng thống tân cử Donald Trump thành những tiến bộ thực sự để phục vụ nhân dân Hoa Kỳ. Ê-kíp của chúng tôi rất háo hức và quyết tâm xắn tay lên làm việc để thực hiện mục tiêu của mình.”
Hiện nay, ông Trump đang vấp phải phản ứng của Đảng Dân chủ về những đề cử vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền mới. Cụ thể, Đảng Dân chủ cho rằng quyết định của ông Trump chọn ông Steve Bannon làm cố vấn chính trị cao cấp của ông là một khởi đầu tệ hại. Ông Bannon là người từng có những phát biểu kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, bài Do Thái, chống những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới.
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, tại Đại học Maine – Hoa Kỳ, hiện vẫn còn quá sớm để nhận xét xem liệu ông Trump có thể làm được những gì trên cương vị Tổng thống. Vẫn theo học giả này, Tổng thống tân cử Trump vẫn còn bối rối và ê-kíp của ông chưa được kiện toàn.
Giáo sư Long nói: “Những cái gì ổng đã nói thì tôi thấy nhiều chuyện ổng sẽ khó có thể làm được là bởi vì không những ổng sẽ có sự chống đối ở trong Đảng Cộng hòa mà cũng sẽ có sự chống đối của Đảng Dân chủ trong nhiều việc. Và một phần nữa, những việc ông ấy làm nhiều cái rất mâu thuẫn là bởi vì chẳng hạn như ổng muốn bỏ tiền ra nhiều cho quốc phòng, nhưng đằng khác ổng cũng muốn chi nhiều cho xây cất, mà như vậy thì ổng sẽ lấy tiền đâu trong khi ổng muốn cắt thuế.”
Giáo sư Long nhận định, với việc cắt thuế mà chủ yếu cho giới giàu, tầng lớp người dân có thu nhập từ 120-400 ngàn đôla sẽ bị thiệt thòi nhiều. Đây có thể coi là những người ở tầng lớp trung lưu tốp trên và họ sẽ phản ứng.
Giáo sư Long cho biết thêm, những người tham gia biểu tình chống ông Trump trong những ngày qua có thể là những người ủng hộ phe Dân chủ hoặc ông Bernie Sander thì họ bực tức, nhưng những điều đó không nguy hiểm bằng việc thất hứa trước những người công nhân, nông dân.
Giáo sư Long nói: “Tôi thấy những việc như ổng muốn đem những công việc về cho công nhân Mỹ mà những công việc đó khó có thể đem về được. Thành ra vấn đề quan trọng là phải làm sao cho người Mỹ có một ngành giáo dục tốt, một ngành y tế tốt, mà ổng lại chống. Nếu chống lại chuyện đó thì cái thành phần bây giờ đang nghèo thì họ không thể tiến lên được. Mà không tiến lên thì sự bất mãn của họ hay sự phản ứng của họ đối với ông Trump, và có thể là đối cả với những người bảo thủ trong Đảng Cộng hòa trong những năm tới.”
Không chỉ đối mặt với việc bổ sung 4.000 vị trí nhân sự trong Tòa Bạch Ốc và các vấn đề khác trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, ông Trump còn phải xử lý tin đồn tiến cử con rể Jared Kushner tham chính. Người phát ngôn của ông Trump, bà Hope Hicks từng nói với AP hồi đầu tuần này rằng nhóm chuyển giao quyền lực sẵn lòng ủng hộ ông Kushner tham gia chính phủ.
Thông tin trên khiến một số người lo ngại tình trạng “gia đình trị” sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump bởi luật pháp Hoa Kỳ cấm bổ nhiệm người thân vào các vị trí trong nội các liên bang nhưng các chuyên gia pháp lý cho biết, hình như luật này không được áp dụng cho nhân viên Tòa Bạch Ốc và luật này cũng chỉ áp dụng đối với các nhân viên được trả lương. Trong khi đó, ông Kushner đã ám chỉ rằng ông sẽ không nhận lương cho bất kỳ công việc nào trong Tòa Bạch Ốc.
http://www.voatiengviet.com/a/lieu-ong-trump-co-som-binh-on-duoc-moi-chuyen/3602689.html
Mỹ-EU nhất trí hợp tác chặt chẽ trong NATO
Tổng thống Mỹ Barack Obama và giới lãnh đạo châu Âu ngày 18/11 nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong NATO và chỉ trích việc Nga dội bom Syria và không chịu thực thi hiệp ước hòa bình Ukraine.
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc được đưa ra sau cuộc họp giữa lãnh đạo Mỹ-EU, qua đó, ông Obama đã tìm cách trấn an những người đồng nhiệm phía Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, và Pháp rằng Tổng thống kế nhiệm Donald Trump sẽ không phá vỡ liên minh NATO.
Trong cuộc tranh cử, ông Trump gây quan ngại khi tuyên bố rằng có thể sẽ ngăn viện trợ quân sự cho các đồng minh NATO nếu họ không đáp ứng các cam kết về nghĩa vụ quốc phòng của mình. Ông Trump cũng cho biết sẽ thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Tổng thống Obama bày tỏ tin tưởng rằng, dù tại thời điểm thay đổi lớn lao này, các giá trị dân chủ đang có tác dụng nhiều hơn bất kỳ hệ thống nào khác trong lịch sử trong việc thăng tiến tự do-tiến bộ cho nhân loại và từ nay về sau sẽ tiếp tục như thế,” Tòa Bạch Ốc cho biết.
Các nhà lãnh đạo nhất trí cần phải làm việc cùng nhau bình ổn Trung Đông và Bắc Phi, cũng như bảo đảm giải pháp ngoại giao cho các cuộc xung đột ở Syria và Đông Ukraine.
Lãnh đạo Mỹ và châu Âu cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria cùng các đồng minh Nga, Iran tại những vùng do phe nổi dậy kiểm soát ở thành phố Aleppo mà các tổ chức giám sát cho biết đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người trong tuần này.
Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ-EU đồng loạt nhất trí rằng Nga cần phải đáp ứng hoàn toàn các cam kết theo thỏa thuận Minsk và các biện pháp chế tài Nga liên quan đến vấn đề Ukraine cần được giữ nguyên cho tới khi Nga chứng tỏ cam kết.
http://www.voatiengviet.com/a/my-eu-nhat-tri-hop-tac-chat-che-trong-nato/3603123.html
Ông Trump sắp gặp ông Mitt Romney
Tổng thống đắc cử Mỹ, Donald Trump sắp gặp một trong những người chỉ trích khắc nghiệt nhất của chính ông, ông Mitt Romney, khi ông Trump tiếp tục xây dựng đội ngũ chuyển tiếp quyền lực của mình.
Truyền thông suy đoán cuộc gặp có thể có chủ đề thảo luận về chức Ngoại trưởng Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Romney đã gọi ông Trump là một kẻ “gian lận” và “giả mạo”.
Trong khi đó, ông Trump từng nói chiến dịch tranh cử bất thành của ông Romney khi ra tranh cử và cạnh tranh với ông Barack Obama hồi năm 2012 là “tồi tệ nhất” trong lịch sử.
Tổng thống đắc cử muốn có những người giỏi nhất và thông minh nhất để đưa đất nước này về phía trước: cả những người ủng hộ và những người không ủng hộ ôngPhát ngôn nhân về chuyển giao của Tổng thống đắc cử
Ông Trump đã sắp xếp được nhiều vị trí cho đến nay, một số trong đó được cho là gây tranh cãi.
Ứng viên cho chức tổng chưởng lý, Jeff Sessions, là người từng bị từ chối chức thẩm phán liên bang vào năm 1986 vì những nhận xét bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc.
Trung tướng Michael Flynn, tân cố vấn an ninh quốc gia, đã thu hút quan ngại vì quan điểm gay gắt của ông về đạo Islam.
‘Muốn những người giỏi nhất’
Trong một diễn biến riêng rẽ, hôm thứ Sáu, ông Trump đã giải quyết ba vụ kiện về gian lận chống lại ông ở Đại học Trump, cơ sở đào tạo mang tên ông.
Ông Donald Trump sẽ có mặt ở sân golf của ông tại Bedminster, New Jersey, trong suốt dịp cuối tuần này để tiến hành các cuộc họp với nhiều bổ nhiệm tiềm năng.
Ông đưa ra thông điệp trên Twitter: “sẽ làm việc tất cả các ngày cuối tuần để lựa chọn ra những người đàn ông và phụ nữ tuyệt vời sẽ làm việc để làm cho nước Mỹ mạnh trở lại!”
Khi được hỏi về cuộc họp với ông Romney, Sean Spicer, một phát ngôn viên về chuyển giao quyền lực của tổng thống, nói với các phóng viên:
“Tổng thống đắc cử muốn có những người giỏi nhất và thông minh nhất để đưa đất nước này về phía trước: cả những người ủng hộ và những người không ủng hộ ông.”
Ông nói ông Trump thường bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách lấy ý kiến và sau đó quyết định liệu một ứng viên nào đó có đảm bảo cho một bổ nhiệm hay không.
“Cuộc trò chuyện với ông Mitt Romney chỉ là: một cơ hội để lắng nghe ý kiến và suy nghĩ của ông ấy,” ông Spicer nói.
Ông Romney, tên đầy đủ là Willard Mitt Romney, sinh năm 1947, là một doanh nhân và chính trị gia.
Ông từng nắm chức vụ Thống đốc Tiểu Bang Massachusetts (2003 – 2007) và là ứng cử viên Tổng thống được bổ nhiệm của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2012 mà thắng lợi thuộc về ông Obama.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38040145
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ bị la ó ở rạp hát
Phó Tổng thống Mỹ mới đắc cử của Hoa Kỳ, ông Mike Pence, đã bị la ó hôm thứ Sáu tại một buổi biểu diễn của vở nhạc kịch Hamilton ở New York.
Sau buổi diễn, một diễn viên cảm ơn ông Pence để tới dự và đọc một lá thư cho vị chính khách này từ trên sân khấu.
“Chúng tôi, thưa ngài, là sự đa dạng của nước Mỹ, những người đang hoảng hốt và lo lắng rằng chính quyền mới của ngài sẽ không bảo vệ chúng tôi,” nghệ sỹ Brandon Dixon nói.
Thông điệp được các soạn giả của chương trình viết khi họ biết ông Pence có kế hoạch tham dự vở kịch.
Thông điệp được diễn viên Dixon đọc đã nhận được sự chào đón và cổ vũ từ khán giả tại nhà hát Rogers Richard ở New York.
Chúng tôi thực sự hy vọng rằng buổi diễn này đã truyền được cảm hứng cho ngài để ngài duy trì các giá trị của nước Mỹ và làm việc thay mặt cho tất cả chúng tôiThông điệp của các nghệ sỹ
Một chia sẻ trên trang Tweeter từ một khán giả nói rằng cử tọa đã đứng lên vỗ tay ba phút khi một nhân vật trình diễn một thông điệp gửi trực tiếp cho ông Pence.
Ông Pence đã bị lớn tiếng la ó khi bước vào nhà hát, và khán giả nói buổi biểu diễn đã liên tục bị dừng lại vì những tiếng nhạo báng.
Khi nghệ sỹ Dixon nói với các khán giả xem kịch, ông kêu gọi họ đừng la ó và đề nghị ông Pence, người đang định rời đi, ở lại và lắng nghe.
“Các vị biết đấy, chúng ta đã có một khách mời trong khán giả tối nay, và thưa Phó Tổng thống đắc cử Pence, tôi thấy ngài đang đi ra nhưng tôi hy vọng ngài sẽ nghe thấu chúng tôi.
“Không có gì để la ó ở đây, thưa các quý vị… Chúng tôi có một thông điệp cho ngài, thưa ngài, và chúng tôi hy vọng ngài sẽ nghe thấu chúng tôi.”
‘Truyền cảm hứng’
Và nghệ sỹ Dixon tiếp tục: “Chúng tôi thực sự hy vọng rằng buổi diễn này đã truyền được cảm hứng cho ngài để ngài duy trì các giá trị của nước Mỹ và làm việc thay mặt cho tất cả chúng tôi.
“Chúng tôi chân thành cảm ơn ngài đã chia sẻ câu chuyện tuyệt vời này của nước Mỹ mà những người đàn ông và phụ nữ trong những màu da, tín ngưỡng và định hướng đa dạng, khác nhau đã kể lại.”
Là một chính khách bảo thủ kiên cường, ông Pence đã gây chấn động hồi đầu năm nay sau khi ký một đạo luật mà giới chỉ trích nói đã có sự phân biệt đối xử với cộng đồng những người đồng tính luyến ái, chuyển giới v.v… (LGBT) bằng cách cho phép các doanh nghiệp từ chối dịch vụ dựa trên niềm tin tôn giáo.
Sau đó ông đã sửa đổi dự luật này.
Ông Pence không phải là chính trị gia cấp cao đầu tiên tới thưởng thức vở nhạc kịch Hamilton rất nổi tiếng, kể chuyện về cha đẻ của nước Mỹ, Alexander Hamilton.
Tổng thống Barack Obama đã xem nhạc kịch năm ngoái và tham gia công việc hậu trường sau vở diễn.
Hillary Clinton, người thua ông Trump trong cuộc bầu cử tuần trước, cũng từng tới xem chương trình.
Bà đã nhận được sự ủng hộ của soạn giả vở kịch, kịch tác gia Lin-Manuel Miranda, trong chiến dịch tranh cử của mình.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38039102
California sau khi bầu chọn tổng thống
Bùi Văn PhúGửi cho BBC từ California
Từ khi có kết quả bầu cử 8/11, nhiều thành phố ở California và miền tây Hoa Kỳ đã nổi giận, và nổi loạn, vì thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton.
Sáng ngày 8/11, khi phòng phiếu mở cửa thì Hillary Clinton được giới truyền thông và các tổ chức thăm dò dư luận tin rằng cơ hội thắng của bà cao đến 85%. Hàng chục triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm trong những ngày trước đó và số phiếu này, theo truyền thông đưa tin Clinton dẫn trước Trump khá xa.
Bảy giờ tối thứ Ba ở California. Sân trường Đại học Berkeley tràn ngập sinh viên đổ về Sproul Plaza để chứng kiến một trang sử mới cho nước Mỹ sắp được viết lên, với một phụ nữ lần đầu tiên sẽ được chọn làm lãnh đạo Hoa Kỳ.
Đây là lần thứ hai sinh viên tụ họp để chứng kiến lịch sử bầu chọn tổng thống qua màn hình lớn dựng giữa sân trường. Lần trước là ngày 20/1/2009 với lễ tuyên thệ nhận chức của Barack Obama, tổng thống Mỹ da đen đầu tiên.
Tối 8/11 nơi đây chật kín sinh viên. Không bạo động như những ngày có biểu tình chống chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960, hay sôi động với phong trào Occupy Wall Street được phát động vài năm trước để phản đối giới tài phiệt Mỹ.
Khi phòng phiếu ở California vừa đóng cửa là lúc kết quả từ nhiều tiểu bang đã được công bố. Theo truyền thống hơn hai thập niên qua, nghĩa là đã qua 5 kỳ bầu chọn tổng thống, California và New York vẫn xanh, Texas vẫn đỏ.
Đất California từ năm 1992 đã chuyển sang xanh. Trước đó vùng đất vàng này có truyền thống đỏ, từ năm 1968 đến 1988. Miền tây Hoa Kỳ từ Washington, Oregon xuống đến California nay là một mầu xanh đậm.
Đêm kiểm phiếu 8/11 thật hồi hộp. Miền tây Hoa Kỳ và một số tiểu bang ven biển vùng đông bắc, trong đó có New York, bị quân xanh chiếm đóng. Miền trung, miền nam rồi miền bắc bị quân đỏ thống lĩnh. Thật khó biết thắng thua.
Khi còn khoảng chục tiểu bang nghiêng ngả, các nhà bình luận, nhà phân tích đã bày binh giàn trận cho Clinton để thấy vẫn còn cơ hội thắng, nhưng hy vọng thấp hơn 85% như đã dự đoán vào ban sáng.
Lúc quân đỏ chiếm được Ohio, Florida thì Clinton ở vào thế bị đảo ngược, chỉ còn 15% cơ hội chiến thắng. Cuối cùng Pennsylvania, rồi Wisconsin cũng được nhuộm đỏ. Clinton bị chiếu bí. Đành chịu thua khi đã quá nửa đêm.
Trong ván cờ vua năm nay, Trump có những bước đi không giống bất cứ một ứng viên tổng thống nào từ trước đến giờ, là dùng ngôn từ sỉ nhục đối với tất cả mọi người. Làm thế để dân chúng và cả giới truyền thông không quan tâm đến những chính sách, mà Donald Trump không cụ thể đưa ra, trong khi cử tri hiểu rằng Hillary sẽ tiếp tục theo đường lối Tổng thống Barack Obama đã thực hiện trong 8 năm qua.
Đây là một lỗi lầm nghiêm trọng của truyền thông. Thay vì chú trọng vào các đề xuất chính sách tương lai của hai ứng viên, hầu hết truyền hình và báo chí Mỹ đã chỉ nhắm vào những câu nói gây sốc của Donald Trump.
Cũng vì không quan tâm đến chính sách, giới truyền thông và các tổ chức thăm dò dư luận không còn được cử tri tin tưởng, nên khi được hỏi ý kiến bầu chọn ai, nhiều người đã không nói thực điều họ suy nghĩ. Cho đến khi cầm lá phiếu trong tay để thực hiện nghĩa vụ công dân.
Trong khi Donald Trump không có chút gì kinh nghiệm về lãnh đạo công quyền, chiến thuật dùng ngôn ngữ miệt thị để đánh lạc hướng dư luận của Trump đã thành công trước một con cáo già chính trị như Hillary Clinton, là một luật sư, cựu Đệ Nhất Phu nhân, cựu Thượng Nghị sĩ và cựu Ngoại trưởng.
Nhiều cử tri ủng hộ Clinton giờ đang hối tiếc là đã không đi bầu, vì họ tin những điều truyền thông tiên đoán sẽ đúng. Hillary Clinton sẽ làm tổng thống. Ở một số tiểu bang nghiêng ngả, như Florida, Pennsylvania và Wisconsin số phiếu cách biệt giữa Trump và Clinton chỉ hơn 1% chút ít.
California và toàn bờ tây Hoa Kỳ đều ủng hộ Clinton. Sao lại thua khi Clinton hơn Trump số phiếu phổ thông, nhưng với phiếu đại biểu cử tri đoàn (Electoral College) Trump được coi như thắng khi đạt 279 phiếu và Clinton 228 trong đêm bầu cử.
Nhiều người, nhất là giới trẻ, dường như quên rằng cách đây 16 năm, vào năm 2000 George W. Bush (con) cũng đã thắng Al Gore trong tình huống như thế.
Sinh viên Berkeley đã phải buồn bã chứng kiến một sự kiện, cũng là lịch sử, nhưng nước Mỹ vẫn chưa có một phụ nữ làm tổng thống mà là một tỉ phú không chút kinh nghiệm chính trường.
Ngày hôm sau nhiều nơi trong vùng Vịnh San Francisco có xuống đường biểu tình phản đối chống lại kết quả bầu chọn Donald Trump làm tổng thống.
Nhiều tổ chức đã ra kiến nghị yêu cầu đại biểu cử tri đoàn chọn Hillary Clinton làm lãnh đạo Hoa Kỳ, theo ý nguyện của đa số cử tri, khi 538 đại biểu cử tri đoàn chính thức bầu tổng thống vào ngày 19/12 tới đây.
Đã có vài triệu người ký tên vào các kiến nghị, nhưng sẽ không thể thay đổi kết quả. Để chuyển sang cách bầu chọn phổ thông, tức xóa bỏ cơ chế đại cử tri đoàn thì cần một tu chính án Hiến pháp. Để tu chính án được chấp thuận phải có 2/3 Hạ viện và 2/3 Thượng viện đồng ý, sau đó phải được ba phần tư lập pháp các tiểu bang phê chuẩn.
Khi chọn cách bầu tổng thống như hiện nay, các tiểu bang ít dân trước khi gia nhập liên bang không muốn bị lấn át bởi các tiểu bang đông dân nên Hoa Kỳ đã chọn hình thức bầu theo đại cử tri đoàn.
Kết quả bầu chọn vừa qua, với 62% chọn Clinton, cũng như kết quả của năm 2000, cử tri California thấy lá phiếu của họ không ảnh hưởng đến kết quả nên có kiến nghị CalExit đòi tách California ra khỏi liên bang Hoa Kỳ.
Từ San Francisco, Oakland, Berkeley đến San Jose, Los Angeles đã có biểu tình phản đối: “Not my president” – Không phải là tổng thống của tôi.
Những người nhập cư bất hợp pháp, đa số sống ở California, lo sợ chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tống xuất họ về lại nguyên quán. Người thiểu số lo ngại sẽ gặp phải những hành vi kỳ thị vì những lời nói đầy khích động của Trump trong khi vận động tranh cử. Thung lũng Điện tử San Jose quan ngại chính sách kinh tế của Trump sẽ không thuận tiện cho việc phát triển công nghệ thông tin.
Một số người Việt, dù sống ở đây lâu, đã thành công dân Mỹ cũng tỏ ra lo sợ sẽ bị đối xử bất công hay bị kỳ thị.
Thực tế chẳng phải lo sợ nếu có hiểu biết về luật pháp. Cảm thấy bị đối sử bất công, bị kì thị thì lên tiếng. Nếu thực sự gặp phải hành vi kì thị và an ninh bản thân bị đe dọa thì báo cho cảnh sát, cho các cơ quan bảo vệ dân quyền vì đây là quốc gia của nền pháp trị. Nếu không tin vào pháp luật, chính chúng ta sẽ bị người khác coi rẻ, khinh khi.
Ngày thứ Tư sau bầu cử, sân trường Đại học Berkeley có hàng nghìn sinh viên học sinh xuống đường.
Nhiều nghìn người ở Oakland, San Francisco cũng đã tuần hành trên đường phố. Có bạo động, đập phá cơ sở thương mại quanh tòa thị chính Oakland và cảnh sát đã bắt giữ hàng chục người. Văn phòng biện lý quận hạt cho biết sẽ truy tố những kẻ phá hoại theo pháp luật.
Khu vực trước tòa thị chính Oakland và các khu phố chung quanh trong mấy đêm sau bầu cử đã như bãi chiến trường giữa cảnh sát và người biểu tình. Đây là nơi thường có bạo loạn trong các cuộc biểu tình từ nhiều năm qua. Theo sở cảnh sát, những người gây bạo động từ những nơi khác kéo vào, không phải cư dân Oakland.
Các cuộc biểu tình kéo dài cho đến Chủ Nhật vừa qua, khi cư dân Oakland quyết định cho thế giới biết là nơi đây mọi người có thể sống hòa đồng.
Chiều ngày 13/11 nhiều nghìn người đổ về Lake Merritt để cùng nắm tay nối kết tạo thành một vòng tay lớn dài 5 km bao quanh bờ hồ.
Người dân bày tỏ thái độ ôn hòa, không bằng gạch đá hay đốt phá. Quán cà-phê Peets gần bên có bức tường để người dân viết vào mảnh giấy nhỏ những cảm xúc hiện tại, về những chuyển biến, thay đổi đang xảy ra rồi dán lên tường cho mọi người cùng đọc.
Kỳ bầu cử năm 1980 với Ronald Reagan thắng cử cũng gây sôi nổi và hoang mang cho cư dân California, đặc biệt là sinh viên Đại học Berkeley.
Trong ngày bầu cử, khi truyền hình đưa tin lúc 5 giờ chiều với chiến thắng của Ronald Reagan, một bạn ở cùng ký túc xá chạy xuống phòng ăn la lớn: “It’s not my fault” – Không phải lỗi của tôi. Ngay sau đó hàng trăm sinh viên đã xuống đường tuần hành phản đối với một biểu ngữ lớn: “Reagan kills children” – Reagan giết trẻ thơ.
Năm nay không khí nghi ngại cũng đã lan tỏa khắp cả tiểu bang California ngay khi có kết quả bầu cử.
Nhưng sau một tuần với nhiều bức xúc và nổi giận, đời sống đã trở lại bình thường. Vì người dân đã từng chọn lãnh đạo Dân chủ, từng chọn lãnh đạo Cộng hòa như một phần của nếp sống Mỹ từ bao năm qua.
Và nói như Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên thất cử Hillary Clinton trong những ngày qua là hãy để cho Donald Trump có cơ hội điều hành đất nước.
Đã có thay đổi lãnh đạo từ đảng cầm quyền sang đảng đối lập là vì người dân mong có những điều tốt đẹp hơn. Nếu không như ý muốn, bốn năm sau cử tri lại có quyền đưa người khác lên thay.
Bàì viết phản ánh cách nhìn riêng của tác giả là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco.