Tin Hoa Kỳ – 18-10-2016
Vợ Donald Trump bảo vệ chồng
Bà Melania Trump nói những bình luận tục tĩu trong đoạn video về chồng bà là không thể chấp nhận được, nhưng đó không thể hiện Donald Trump mà bà biết.
Bà nói ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa có lỗi vì cuộc nói chuyện của “đám đàn ông” nhưng đã bị gợi ý bởi người dẫn chương trình Billy Bush.
Trong video ông Trump nói với ông Bush, người sau đó dẫn trong chương trình Access Hollywood (Đường tới Hollywood) của Đài NBC, rằng ông có thể xâm hại phụ nữ vì ông là một ngôi sao.
Đoạn băng khiến nhiều Đảng viên Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ ông Trump nữa.
Từ sau vụ việc, nhiều phụ nữ đã công khai và cáo buộc ông Trump vì quấy rối tình dục. Ông chối bỏ các cáo buộc này.
Trong cuộc phỏng vấn trên Đài CNN, lần xuất hiện đầu tiên sau sự việc, phu nhân của ông Trump bảo vệ hành động của chồng, bà nói ông chưa bao giờ có hành động không phù hợp trong nhiều năm qua.
Phụ nữ thường tiến lại gần và cho ông ấy số điện thoại, bà nói.
Và trong đoạn băng video năm 2005 bị truyền thông đăng tải 10 ngày trước, bà nói: “Tôi đã nói với chồng rằng, anh biết đấy, ngôn ngữ đó thật không thích hợp. Thật không chấp nhận được.”
“Và tôi rất ngạc nhiên, bởi vì đó không phải là người đàn ông tôi biết.”
Khi đoạn băng bị công bố, bà Trump phát hành một thông cáo nói bà thấy những lời lẽ ông Trump nói là phản cảm, nhưng bà chấp nhận lời xin lỗi của ông.
Giờ bà tin rằng Billy Bush, người đã bị sa thải khỏi đài NBC vì đoạn băng, chính là thủ phạm.
Bà nói ông Trump đã bị “dẫn dắt – như bị gài – từ người dẫn chương trình để nói những điều dơ bẩn và tồi tệ.”
Chỉ còn ba tuần nữa người Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống, các khảo sát cho thấy ông Trump đang bị bỏ xa một khoảng cách đáng kể so với ứng viên đối thủ Hillary Clinton ở các bang trọng yếu. – BBC
Bầu cử Mỹ: Donald Trump vẫn bị động
Mai Vân
Còn 3 tuần lễ nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump vẫn thua đối phương Dân Chủ Hillary Clinton. Theo kết quả thăm dò ở cấp toàn quốc công bố ngày 17/10/2016, bà Hillary được 45,9% dự định bầu, ông Donald Trump, 39%.
Bị vướng vào những vụ tai tiếng miệt thị phụ nữ, Donald Trump tìm cách đảo ngược tình thế, vợ của ông, bà Melania, hôm qua đã trả lời phóng vấn trên hai đài truyền hình CNN và Fox News để bảo vệ chồng. Bà tố cáo truyền thông “cánh tả” cố tình bới móc những chuyện hơn một chục năm về trước.
Trong lúc đó thì từ một tuần nay, bà Hillary Clinton đã rất kín đáo, im hơi lặng tiếng. Ngày 19/10, tại Las Vegas diễn ra cuộc tranh luận cuối cùng, nhiều người tự hỏi tại sao bà không vận động mạnh hơn.
Thông tín viên RFI, Anne Marie Capomaccio, từ Las Vegas, nêu thắc mắc của dư luận :
“ Hillary Clinton đi đâu rồi ? Tại sao bà không lên tiếng nữa, trong lúc mà Donald Trump bị vướng trong tố cáo xách nhiễu tình dục ? Cho đến lúc bà Clinton chỉ đến vận động trong 52 cuộc mít tinh trong khi đối thủ của bà đi phát biểu đến 88 lần…
Báo chí đã nêu lên câu hỏi này, nhận định là ứng viên đảng Dân Chủ có lẽ bị quá khứ chồng bà làm cho vướng víu. Nhưng đối với René Lake, chuyên gia tư vấn đảng Dân Chủ, sự vắng mặt của Hillary Clinton là một chiến lược sẽ mang lại hiệu quả.
Hillary Clinton không có mặt ở hiện trường, nhưng cuộc vận động tranh cử của bà vẫn diễn ra đấy chứ : ứng viên phó tổng thống Tim Kane, tổng thống Obama và phu nhân Michelle, Bill Clinton, cô con gái Chelsea đều có mặt tại những bang quyết định…
Biết bao cuộc mít tinh kêu gọi cử tri ủng hộ cho Hillary Clinton, trong lúc bà chuẩn bị cho cuộc tranh luận ngày mai… Bà sẽ giải thích về những tiết lộ gần đây của Wikileaks về những quan điểm trái ngược của bà như trên vấn đề tự do mậu dịch…
Donald Trump cho biết sẽ tấn công bà không ngơi nghỉ trên những tiết lộ này. ” – RFI
Bà Clinton mở rộng nỗ lực sang những bang Cộng hòa truyền thống
Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton đã vượt lên dẫn trước ông Trump với cách biệt còn lớn hơn.
WASHINGTON —
Ngày càng tin tưởng mình sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang mở rộng chiến dịch vận động tranh cử của bà sang những bang mà lâu nay vốn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa, với hy vọng chặn đứng con đường tiến tới chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và hỗ trợ việc bầu cử những nhà lập pháp khác theo Đảng Dân chủ vào Quốc hội.
Còn ba tuần nữa là tới ngày bầu cử, ban vận động tranh cử của bà Clinton cho biết sẽ chi thêm 2 triệu đôla quảng cáo ở bang Arizona thuộc vùng tây nam. Bang này chỉ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ một lần trong 16 cuộc bầu cử gần đây.
Ban vận động của bà Clinton cũng dự định đưa đệ nhất phu nhân Michelle Obama, người đại diện của bà Clinton được lòng nhiều cử tri nhất, tới bang này vào ngày thứ Năm để tổ chức một buổi vận động cho bà Clinton. Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton và ông Trump đang cạnh tranh sít sao ở bang New Mexico nằm ở phía bắc biên giới Mexico.
Ngoài ra, chiến dịch tranh cử của bà Clinton cũng đang tăng cường nỗ lực ở hai bang miền trung tây là Missouri và Indiana, nơi ông Trump đang dẫn trước. Nhưng cả hai bang này đều đang có những cuộc đua sít sao vào Thượng viện mà cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều coi là quan trọng trong nỗ lực giành quyền kiểm soát chính trị vào năm sau tại Thượng viện, nơi phe Cộng hòa đang nắm thế đa số.
Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ đang nỗ lực trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, đã vượt lên dẫn trước ông Trump với cách biệt còn lớn hơn. Ông Trump, tỉ phú bất động sản với những phát biểu huênh hoang, đang nỗ lực vươn tới chức vụ công cử đầu tiên của mình. Website chính trị Real Clear Politics tính trung bình kết quả những cuộc khảo sát toàn quốc cho thấy bà Clinton dẫn trước bảy điểm phần trăm, trong khi một số nhà phân tích chính trị nói rằng bà có 90 phần trăm xác suất trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Bà Clinton và ông Trump sẽ đối mặt trong cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuối cùng của họ vào tối thứ Tư này. – VOA
Bầu cử Mỹ 2016: Khác biệt về chính sách đối ngoại
Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump (trái) và ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton đối đáp trong cuộc tranh luận tổng thống lần 2 tại Đại học Washington ở St. Louis, 9/10/2016.
WASHINGTON —
Lo lắng về kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, thế giới đang theo dõi sát tình hình giữa lúc ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ bên Đảng Cộng hoà Donald Trump trình bày kế sách của họ để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và giải quyết các vấn đề toàn cầu khác. Quan điểm của hai ứng viên tổng thống Mỹ về thế giới ra sao? Lập trường của họ về các vấn đề chính sách đối ngoại, từ những liên minh quốc tế cho tới việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo là gì?
NATO, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã ra đời cách đây 67 năm về trước, đã bị đẩy vào chiến dịch vận động tranh cử đầy cay đắng tại Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ phát biểu:
“Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của chúng ta, nhưng đó là một vấn đề mà trong thời gian qua, Donald (Trump) tỏ ra không mấy quan tâm.”
Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump:
“Chúng ta đã làm việc với họ trong rất nhiều năm rồi, giờ chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy.”
Quan điểm khác biệt về mức độ cam kết của Mỹ đối với NATO nêu bật thế giới quan của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, theo nhà khoa học chính trị Jeremy Mayer. Ông nhận xét.
“Tôi tin rằng ông Trump là một người theo chủ nghĩa dân tộc, một người muốn lấy lòng dân, trong khi bà Hillary Clinton là một người theo chủ nghĩa quốc tế, ủng hộ một chính sách đa phương.”
Ông Trump ủng hộ một lực lượng quân đội hùng mạnh và hứa hẹn một chính sách đối ngoại dựa trên các lợi ích của nước Mỹ. Về phần bà Clinton, bà hứa sẽ dùng tất cả mọi công cụ quyền lực, từ ngoại giao cho tới phát triển, để đẩy mạnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Hai viễn kiến tương phản nhau đã dẫn tới những khác biệt lớn về chính sách đối với các nước đối nghịch chẳng hạn như Nga. Ông Trump nói về nước này như sau:
“Tôi không biết ông Putin, tôi nghĩ nếu chúng ta hoà hoãn với nước Nga thì rất tốt, bởi vì hai nước chúng ta có thể cùng sát cánh chống lại Nhà nước Hồi giáo.”
Bà Hillary Clinton có lập trường diều hâu hơn. Bà tuyên bố:
“Tôi sẽ đứng lên trực diện nước Nga. Tôi đã từng đối mặt với ông Putin và nhiều người khác, và trong cương vị Tổng thống, tôi cũng sẽ làm như vậy.”
Hai ứng cử viên tổng thống cũng bất đồng quan điểm mạnh mẽ với nhau về thoả thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump miêu tả đây là một thoả thuận xấu, không có lợi cho Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton thì cho rằng thoả thuận này đã giúp kiềm chế chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran.
Về vấn đề đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, vấn đề đối ngoại mà người dân Mỹ quan tâm nhất, những khác biệt về chính sách giữa hai ứng cử viên còn sâu rộng và rõ nét hơn nữa. Ông Donald Trump nói:
“Tôi không thích ông Bashar al-Assad một chút nào, nhưng ông ta đang tiêu diệt quân Nhà nước Hồi giáo. Nga cũng thế, và Iran cũng vậy, và các nước này dàn hàng với nhau bởi vì chính sách đối ngoại của ta quá yếu.”
Bà Hillary Clinton đề cập tới vấn đề này trong cuộc tranh luận thứ nhì giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ:
“Nga không hề quan tâm tới Nhà nước Hồi giáo. Họ chỉ muốn giữ ông Assad ở vị thế cầm quyền. Cho nên thời tôi còn giữ chức Ngoại trưởng, tôi đã cổ vũ và bây giờ vẫn tiếp tục cổ vũ việc thiết lập các khu vực cấm bay, an toàn.”
Nhưng cũng như trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong quá khứ, giới cử tri Mỹ chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề khác: đó là vấn đề kinh tế và công việc làm ăn của họ, chứ không mấy quan tâm tới chính sách đối ngoại. – VOA