Cuộc tranh cử Tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ gây kinh ngạc cho thế giới về cả nội dung lẫn chiều hướng tiến hành, khiến dư luận bên ngoài cho rằng chưa khi nào xảy ra như vậy. Thật ra, đây là một sắc thái riêng của nền dân chủ Hoa Kỳ mà người ta nên tìm hiểu. Diễn đàn Kinh tế sẽ phân tích sắc thái đó…
Hai lập trường tương phản
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chưa đầy một tháng nữa, Hoa Kỳ sẽ tổng tuyển cử vào ngày Thứ Ba mùng tám Tháng 11 để cử tri quyết định về hai vị dân cử cao cấp nhất bên Hành pháp là Tổng thống và Phó Tổng thống, bên Lập pháp là 435 Dân biểu Hạ viện và 34 Nghị sĩ Thượng viện, sẽ bầu lại đại biểu cấp Tiểu bang là 12 Thống đốc Tiểu bang cùng hai đặc khu hành chính là Samoa và Puerto Rico. Ngoài ra, cử tri cũng chọn giới dân cử địa phương và biểu quyết nhiều đề luật sẽ có giá trị pháp lý rộng lớn sau này. Thông thường thì bốn năm nước Mỹ mới có tổng tuyển cử, nhưng cuộc bầu cử năm nay lại đáng quan tâm hơn cả vì nội dung lẫn sắc thái kỳ lạ trong khi giới nghiên cứu kinh tế trên thế giới đang e ngại một vụ tổng suy trầm như đã từng xảy ra năm 2008-2009. Thông thường thì chương trình Diễn đàn Kinh tế của chúng ta không có mục tiêu tìm hiểu về chuyện tranh cử tại xứ này xứ kia, nhưng Hoa Kỳ hiện vẫn là siêu cường có ảnh hưởng nhất về cả an ninh lẫn kinh tế nên Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho sắc thái đặc biệt của cuộc tranh cử Tổng thống năm nay.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi hiểu là thế giới có thể kinh ngạc về cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ và chúng ta nên quan tâm đến tiến trình quyết định quan trọng nhất của một quốc gia dân chủ như nước Mỹ. Tuy nhiên, dù dư luận khắp nơi đều theo dõi việc nước Mỹ đề cử lãnh đạo với phong cách rất lạ, người ta không nên quên rằng Hiến pháp Hoa Kỳ có những quy định với nội dung cố tình giới hạn quyền lực của Tổng thống và trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, cử tri Hoa Kỳ còn bầu ra 469 đại biểu trong hai viện của Quốc hội với thẩm quyền cân bằng vai trò của Tổng thống. Việc bầu cử Quốc hội này rất quan trọng và thực tế cũng chi phối cuộc bầu cử Tổng thống, nhất là trong lĩnh vực kinh tế tài chính của công quyền.
Tổng thống chỉ có ít nhiều quyền hạn về đối ngoại, chứ về nội trị thì không thể muốn làm gì thì làm, trong khi đó, xã hội dân sự và thị trường kinh tế lại có rất nhiều tự do.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Chi tiết thứ hai đáng chú ý là sắc thái kỳ lạ, thậm chí kỳ cục, của cuộc tranh cử Tổng thống khi các ứng cử viên nặng lời mạt sát nhau là người không xứng đáng để lãnh đạo nước Mỹ. Điều bất thường ấy thật ra là một đặc tính của việc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ ngay từ thời lập quốc, hơn 200 năm trước, và cho thấy một chuyện trái ngược, là sức mạnh của nền dân chủ. Chuyện thứ ba thì hơi khó hiểu nên chúng ta phải giải thích, là sự chọn lựa bất thường năm nay giữa hai lập trường có vẻ quá tương phản.
Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày thì ta sẽ lần lượt tìm hiểu ba khía cạnh của nền dân chủ Hoa Kỳ, thứ nhất là quyền lực Tổng thống, thứ nhì là sắc thái khá kỳ cục của việc tranh cử khi hai phe trong cuộc đả kích nhau với lời lẽ nặng nề, và thứ ba là các lập trường quá tương phản trong dư luận Hoa Kỳ. Nguyên Lam xin mời ông mở đầu về quyền hạn của Tổng thống.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới bên ngoài ít chú ý rằng từ thời lập quốc, Hoa Kỳ đã chọn nền cộng hòa là cho người dân bầu lên những đại biểu sẽ thay mặt mình lãnh đạo đất nước. Nền cộng hòa ấy có sắc thái hiếm hoi là giới hạn vai trò của chính quyền và nhà nước để bảo toàn không gian sinh hoạt rộng lớn hơn cho công dân và các tổ chức xã hội dân sự. Hiểu ra điều ấy thì ta mới thấy là ngay từ đầu, người ta không đánh giá cao chính quyền và các chính trị gia, là điều ít thấy trong các quốc gia khác. Thứ hai, vị đại diện dân cử cao cấp nhất là Tổng thống thật ra không có nhiều quyền hạn vì phải dung hòa quan điểm với các cơ chế quyền lực kia.
Đó là Hạ viện với 435 dân biểu được bầu lại mỗi hai năm nên cần lắng nghe quan điểm của quần chúng và có thẩm quyền lớn về công chi thu ngân sách. Thứ hai là Thượng viện với các Nghị sĩ được bầu cho một nhiệm kỳ dài hơn, là sáu năm để có sự ổn định, nhưng hai năm lại tái tục một phần ba, với thẩm quyền rất cao về đối ngoại và pháp chế để phê chuẩn những lựa chọn của Tổng thống bên Hành pháp. Thứ ba là vì Hoa Kỳ theo thể chế liên bang nên cử tri cũng bầu lại Thống đốc các Tiểu bang với quyền hạn có thể thu hẹp vai trò của liên bang, điển hình là lập trường của đa số tiểu bang chống đạo luật về chế độ bảo dưỡng y tế ObamaCare của Tổng thống. Thứ tư, ngành Tư pháp có thẩm quyền duyệt xét hoặc bác bỏ quan điểm của Lập pháp lẫn Hành pháp và cao nhất là Tối cao Pháp viện với chín thẩm phán hoàn toàn độc lập về chính trị. Sau cùng, từ hơn trăm năm nay, Hoa Kỳ có hệ thống ngân hàng trung ương cũng độc lập về chính sách tiền tệ và tín dụng nên trực tiếp ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế. Vì vậy, Tổng thống chỉ có ít nhiều quyền hạn về đối ngoại, chứ về nội trị thì không thể muốn làm gì thì làm, trong khi đó, xã hội dân sự và thị trường kinh tế lại có rất nhiều tự do.
Cử tri lầm thì bốn năm sau có quyền đổi ý
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên của hai đảng chính là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ và doanh gia Donald Trump bên đảng Cộng Hòa tối thứ hai 26/9. AFP
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta ít thấy là lãnh đạo siêu cường số một của thế giới, Tổng thống Hoa Kỳ thật ra không thể tự ý quyết định về mọi chuyện mà phải thường xuyên thỏa hiệp hay dung hòa quan điểm với các cơ chế quyền lực kia. Thưa ông, bây giờ ta bước qua tiết mục thứ hai là sắc thái khá kỳ lạ của cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ…
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nói thêm, nhiều người có thể than rằng nền dân chủ Mỹ cứ hay bị ách tắc khi các cơ chế quyền lực và đảng phái chính trị không thống nhất được lập trường hay chính sách và giàng nhau trong bất động. Nhưng đấy mới là ưu điểm của dân chủ là khi giới chức nhà nước phải canh chừng và thỏa hiệp với nhau thì người dân càng có nhiều quyền tự do. Tôi cho rằng ta nên nhấn mạnh đến nghịch lý ấy, chứ nếu nhà nước có quá nhiều quyền hạn và muốn gì cũng được thì chính là quyền tự do của các công dân mới bị thu hẹp.
Bước qua phong cách tranh cử mà tôi xin nôm na gọi là các ứng cử viên cứ ném bùn vao nhau thì cuộc tranh cử Tổng thống năm nay chẳng là ngoại lệ. Ngay từ năm 1800 cho tới gần đây, chúng ta đã thấy hiện tượng ấy. Các bậc quốc phụ đã hình thành nước Mỹ từ thời lập quốc hơn 200 năm trước, như John Adams hay Thomas Jefferson, là Tổng thống thứ nhì và thứ ba, đã tranh cử với nhau theo kiểu hào hứng đó. Ban tranh cử của họ đều dùng thậm từ mạt sát nhau một cách thô tục, nhưng sau đó thì vẫn hòa giải và hợp tác chứ không ai bị thủ tiêu hoặc bỏ tù. Sau đó, qua nhiều cuộc tranh cử khác, nhiều ứng cử viên cũng bị đối thủ chê trách là kém tài thiếu đức và nếu lên làm Tổng thống thì sẽ đưa nước Mỹ vào đại họa. Từ Tướng Andrew Jackson vào năm 1815 cho tới các nhân vật lẫy lừng của thế kỷ 20 như Theodore Roosevelt, Franklin Delano Roosevelt, Dwight Eisenhower, John Kennedy hay Bill Clinton, George W. Bush gần đây đều đã bị chửi bới, đời tư bị bươi móc mà sau cùng nước Mỹ vẫn tồn tại và còn vững mạnh hơn chứ không tiêu vong vì lỡ bầu lên một Tổng thống bất xứng như người ta nói!
Nhận xét sau cùng là cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ có thể gây ấn tượng sai lầm về một xã hội điên khùng, với các ứng cử viên phát biểu lung tung. Đấy là sắc thái sống động của sinh hoạt dân chủ, nơi báo chí có quyền tường thuật, bình nghị và thậm chí xuyên tạc, để cho cử tri suy xét và chọn lựa. Rốt cuộc thì nếu cử tri có lầm thì bốn năm sau lại có quyền đổi ý, nhờ vậy mà không thể nào có lãnh tụ tồn tại đến vài chục năm để đưa quốc gia vào thảm họa!
Sau hai cuộc tranh cử đầy sóng gió năm 1952 và 1968, nước Mỹ vẫn tồn tại và vững mạnh. Lần này cũng thế mà thôi và nếu người Mỹ không nhớ thì lãnh đạo các nước khác lại chẳng thể quên được. Kết luận của tôi là đừng coi thường cái nền dân chủ quái lạ này.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, cuộc tranh cử năm nay lại gây ra một ấn tượng khác, đó là tình trạng phân cực quá đáng của chính thành phần cử tri, khi gần phân nửa có lập trường đối nghịch như nước với lửa, và kết tụ vào hai ứng cử viên bị đa số cho là thiếu khả năng hay kém đạo đức. Ông giải thích thế nào về hiện tượng bất thường này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi công nhận là cuộc bầu cử năm nay có sự bất thường về lập trường hơn là về phong cách hay sắc thái thô tục là chuyện mình vừa nói ở trên, nhưng bất thường chứ không hẳn là chưa hề xảy ra trong lịch sử cận đại của nước Mỹ. Ta có nhiều cách giải thích hiện tượng kỳ lạ đó, tôi xin mạn phép nêu ra vài ý kiến thô thiển sau đây.
Thứ nhất, thế giới đang bước qua một giai đoạn phát triển khác và là quốc gia tiên tiến nhất, Hoa Kỳ cảm nhận ra sự chuyển động ấy trong đó có tinh thần chống đối trào lưu toàn cầu hóa. Nhưng hiện tượng chung là các đảng phái chính trị cổ điển đều gây thất vọng và quần chúng thiên về các khuynh hướng cực đoan hơn, với lập trường đối nghịch mạnh hơn. Thứ hai, riêng về trường hợp Hoa Kỳ, ta có hai sự kiện đáng chú ý là nước Mỹ đã lâm chiến quá 15 năm mà chưa thấy kết quả và mức sống của thành phần trung lưu lại sa sút so với vài thập niên trước. Kết hợp hai chuyển động ấy với truyền thống tranh cử đầy tính chất mạt sát của nền dân chủ Mỹ, ta mới hiểu vì sao phe này gán cho phe kia những tội tầy trời như bà Hillary Clinton là công cụ của thế lực tài phiệt hay tỷ phú Donald Trump là tay sai của ngoại bang!
Sự thật không đơn giản như vậy mà còn cho thấy một chuyện lý thú khác. Đó là nền dân chủ Hoa Kỳ đang phản bác lý luận về “thuyết âm mưu”, theo đó có thế lực mờ ám nào đã quyết định về mọi chuyện của nước Mỹ. Người ta chỉ thấy các phần tử ưu tú của xã hội Hoa Kỳ đều bị bất ngờ trước phản ứng dữ dội của cử tri chứ chẳng có một ai đã dàn dựng được mọi chuyện!
Nguyên Lam: Có lẽ nhận xét vừa rồi của ông mới là điều lý thú nhất. Xưa nay, người ta cứ tưởng rằng nước Mỹ tính trước được mọi chuyện hoặc Chính quyền Hoa Kỳ dàn dựng mọi sự theo một chủ đích nào đó. Nhưng ai ngờ Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương do một Tổng thống Dân Chủ xúc tiến như một dấu ấn của mình lại bị Quốc hội phản bác với hậu thuẫn của đảng Dân Chủ. Ngược lại, đảng Cộng Hòa xưa nay vẫn ủng hộ nguyên tắc tự do mậu dịch nay cũng chống và giới lãnh đạo của đảng lại lúng túng với một ứng cử viên do quần chúng ở đưa lên. Hồi nãy, ông có nói tình trạng bất thường này có xảy ra trong lịch sử cận đại của nước Mỹ, Nguyên Lam xin ông nhắc tới những tiền lệ đó cho thính giả của chúng ta khỏi ngạc nhiên.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm 1968, Hoa Kỳ cũng mệt mỏi về một cuộc chiến, là hồ sơ Việt Nam, và xã hội lâm vào đại loạn với hai vụ ám sát là Nghị sĩ Robert Kennedy và mục sư Martin Luther King Jr.. Khi ấy, đảng Dân Chủ lâm vào khủng hoảng và Đại hội đảng tại Chicago để chuẩn bị tranh cử Tổng thống đã tiến hành trong hỗn loạn và cử tri chọn một người ít ai tin cậy, chính là ông Richard Nixon bên đảng Cộng Hòa. Trước trào lưu phản chiến khá ồn ào, ông ta tranh thủ được đa số thầm lặng và đạt kết quả bất ngờ là đánh bại ứng cử viên Hubert Humphrey do Tổng thống Lyndon Johnson đề cử. Trường hợp thứ hai là năm 1952, khi Hoa Kỳ chưa thể dứt điểm cuộc chiến Cao Ly tại bán đảo Triều Tiên và như ông Johnson, Tổng thống Harry Truman không ra tái tranh cử mà để ông Adlai Stevenson là ứng cử viên của đảng Dân Chủ đối đầu với Đại tướng Eisenhower bên đảng Cộng Hòa. Khi ấy, ta cũng thấy trào lưu đả kích đối phương là thân cộng hoặc bị mật vụ của Liên bang Xô viết xâm nhập vào thượng tầng đảng chẳng khác gì năm nay. Nhưng sau hai cuộc tranh cử đầy sóng gió năm 1952 và 1968, nước Mỹ vẫn tồn tại và vững mạnh. Lần này cũng thế mà thôi và nếu người Mỹ không nhớ thì lãnh đạo các nước khác lại chẳng thể quên được. Kết luận của tôi là đừng coi thường cái nền dân chủ quái lạ này.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về bài phân tích kỳ này