Tin đọc nhanh – 01/12/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin đọc nhanh – 01/12/2019

(AFP) – Tân tổng thống Sri Lanka báo động : Nếu quốc tế không đầu tư, sẽ buộc phải nhờ Trung Quốc. 

Tân tổng thống Gotabaya Rajapaksa, trong một phỏng vấn được đăng hôm nay trên báo Ấn Độ, kêu gọi New Delhi, Nhật Bản, Úc và nhiều nước khác đầu tư. Ông cảnh báo Trung Quốc sẽ độc chiếm sân chơi thế giới, với dự án Con Đường Tơ Lụa mới. Tân tổng thống thông báo sẽ đàm phán lại với Bắc Kinh về cảng chiến lược Hambantota, phía nam thủ đô, mà chính phủ tiền nhiệm cho Trung Quốc thuê với hợp đồng 99 năm.Tổng thống Sri Lanka đang trong chuyến công du Ấn Độ, chuyến đi nước ngoài đầu tiên, kể từ khi ông đắc cử ngày 16/11.

(AFP) – Bão Kammuri ập vào Philippines, đe dọa SEA GAMES. 

Dự báo tối ngày mai, hoặc sáng thứ Ba 03/12, bão Kammuri, ập vào đất liền, với vận tốc ước tính 170 km/giờ. Tại Philippines, Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á hiện đang diễn ra, và kéo dài đến ngày 11/12. Khoảng 9.000 vận động viên tham dự cuộc đua tài lần thứ 13 của khối ASEAN. Ban tổ chức chờ đợi hơn 500 triệu người đón xem.

(AFP) – Nga : Xe buýt rớt xuống sông, 19 người chết.

Tai nạn xảy ra ngày 01/12/2019. Chiếc xe rớt khỏi cây cầu bắc ngang sông Kouenga, vùng Siberia lạnh giá. Ngoài số tử vong trên, còn có 21 người khác bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn là bánh trước của xe buýt bị nổ. Vào mùa đông băng giá, mặt sông đóng một lớp băng đá dầy, và nhiệt độ ngoài trời là -18°C.

(AFP) – TT Trump cử một nhà ngoại giao đến dự COP 25.

Mặc dù sắp rời khỏi thỏa thuận Khí hậu Paris, nhưng chính quyền Donald Trump vẫn gởi bà Marcia Bernicat, phụ trách Văn phòng về Đại dương và Nghiên cứu Khoa học, đến dự thượng đỉnh COP 25 khai mạc ngày 02/12/2019 tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Khi cho rằng phái đoàn do tổng thống Mỹ đề cử là « quá kỹ trị », đảng Dân Chủ cũng cử bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, dẫn đầu một phái đoàn khác đến dự hội nghị.

(AFP) – « Black Friday » tại Mỹ : Nhà mạng chiếm lĩnh thị trường.

Theo số liệu thống kê do Adobe Analytics công bố ngày 30/11/2019, mua sắm trên mạng đạt mức kỷ lục hơn 7,4 tỷ đô la, tăng 19,6% so với năm 2018. Với con số này, « Black Friday » trên mạng xếp vị trí thứ hai, đứng sau « Cyber Monday » năm 2018 với 7,9 tỷ đô la mua hàng qua mạng. Cũng theo Adobe Analytics, 40% giao dịch mua hàng trên mạng được thực hiện qua smartphone.

(RFI) – Pháp : Chính phủ họp bất thường Chủ Nhật để đối phó với cuộc tổng bãi công ngày 05/12 chống dự án cải cách hưu trí. 

Chiều nay, 01/12, toàn bộ nội các do thủ tướng Edouard Philippe họp lại trong tư thế sẵn sàng đối phó với cuộc đình công. Chính phủ một lần nữa khẳng định lập trường là cuộc cải cách, bất luận thế nào, cũng sẽ phải được tiến hành. Các bộ trưởng có trách nhiệm giải thích với công chúng về cuộc cải cách trọng tâm của nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Macron. Tuy nhiên, chính phủ sẵn sàng nhân nhượng trong một số vấn đề cụ thể. Ngày mai, người phụ trách hồ sơ cải cách hưu trí sẽ họp với các nghiệp đoàn.

http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191201-tin-%C4%91%E1%BB%8Dc-nhanh

 

Tạp chí thể thao

Dạy võ tại Pháp : Nghề và nghiệp

 

Tú Anh

Từ hơn 20 năm nay, phong trào võ thuật phát triển mạnh tại Pháp với hơn một triệu người tập luyện và 27 liên đoàn ghi danh hoạt động chính thức.

Mỗi môn phái chuyển tải một triết lý sống cho môn sinh. Các câu lạc bộ nở rộ, mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể nhập môn dễ dàng, với chủ đích luyện tập cho cơ thể khỏe mạnh, có một tinh thần tự tin để đối phó với những bất trắc trong cuộc sống.

Trăm hoa đua nở

Theo tài liệu của bộ Thể Thao, với 550.000 judoka và 160.000 karateka, Nhu Đạo và Không Thủ Đạo là hai môn võ thuật được đại chúng tập luyện đông nhất, trong đó đa số là trẻ em.

Trong số 27 liên đoàn võ thuật khác nhau tại Pháp, môn võ Việt Nam tương đối khiêm tốn nhưng cũng có đến ba liên đoàn : liên đoàn Võ Thuật Việt Nam, liên đoàn Võ Cổ Truyền và liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo.

Nhưng nói đến phát triển võ thì không thể thiếu hai « thành tố » quan trọng là võ sư và võ đường. Dạy võ tại Pháp là « nghề hay nghiệp » ?

Chương trình Thể Thao RFI hôm nay tìm hiểu với một người trong cuộc : võ sư Tây Sơn Võ Đạo Phan Toàn Châu, 8 đẳng. Ông vướng vào nghiệp võ từ thời sinh viên « chân ướt chân ráo », cho đến nay là gần 45 năm.

******

RFI Tiếng Việt : Thân chào võ sư Phan Toàn Châu, với gần 45 năm dạy võ tại Pháp, câu hỏi đầu tiên là khi nói võ thuật phát triển mạnh tại Pháp thì mạnh là như thế nào ?

Võ Sư Phan Toàn Châu : Nói về võ thì tại Pháp có rất nhiều, không đếm hết được. Không những các môn võ đến từ Á Châu mà còn có cả võ Mỹ « Full Contact », võ Nam Mỹ Jujitsu-Brazil, rồi có môn võ

đến từ Trung Đông như võ Do Thái Krav-Maga. Tại Pháp, người ta ước lượng có trên một triệu người tập luyện võ thuật, nhưng phân nửa là tập Nhu Đạo.

Các môn võ được tổ chức trong 27 liên đoàn. Về việc truyền bá, các võ sư chuyên nghiệp đứng đầu môn phái có đông không ?

Những võ sư chuyên nghiệp có thể họ không đứng đầu môn phái. Chuyên nghiệp, tức là sống về nghề võ thì là khác, đứng đầu môn phái lại là chuyện khác. Có người đứng đầu môn phái nhưng đó không phải là nghề chánh của họ. Nó lạ như vậy. Có những người không có đẳng cấp cao nhưng đi dạy là cái nghiệp của họ.

Bên Pháp cũng không có những trường võ như ở Á Đông của mình. Phần đông là các « associations », hiệp hội hay câu lạc bộ. Trong câu lạc bộ, có thể có hai ba môn hoặc nhiều hơn nữa, 20 – 30 môn võ. Chẳng hạn như câu lạc bộ mà tôi biết là Dojo de Grenelle (quận 15), lớn nhất Paris, có 20 môn võ trong đó. Với bốn sân tập, dạy bốn môn khác nhau cùng lúc. Mở cửa 6 ngày trên 7, có khi suốt cả ngày Chủ Nhật, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối.

Bản thân võ sư bước vào nghề dạy võ thuật này như thế nào ? Là nghề hay nghiệp ?

Tôi dạy võ tại Pháp từ năm 1975 lúc mới qua đây tị nạn. Tuần lễ thứ hai đặt chân đến Pháp là tôi được trời thương cho đi dạy võ, theo lời mời của võ sư Le Conte Vĩnh Long và tiếp tục tới bây giờ để sống. Tại Việt Nam, thời học sinh, tôi có dạy võ tại trường Marie Curie.

Tại Pháp, người dạy võ lên đến vài ngàn nhưng sống bằng dạy võ thì rất ít. Tôi nghĩ không tới 50 người sống về nghề võ. Tôi bước vào nghề này từ thời sinh viên vì cuộc sống du học sinh thời 1975 rất khó khăn. Mặc dù đậu vào Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và qua Pháp lấy được bằng cử nhân, mình thấy võ cho mình rất nhiều cho nên mình không bỏ võ được. Sau khi suy nghĩ kỹ, mình tiếp tục nghề võ. Nghề võ nó rất tự do và cho mình rất nhiều cho nên mình muốn làm một cái gì đó cho võ và cho võ Việt Nam.

Tự do và cơ hội gặp cao nhân

Võ sư nói là dạy võ cho mình tự do và thích thú, nhìn lại hơn 40 năm qua, chắc có nhiều kỷ niệm vui buồn, xin chia sẻ với thính giả.

Chuyện buồn xin đừng nói. Lên võ đài thua trận hay có học trò không tốt thì cũng buồn. Nhưng chuyện vui có thể nói và về Cung Bercy (Nơi tổ chức đại hội biểu diễn võ thuật quốc tế hàng năm tại Paris), mình được mời tham dự 11 lần, lần cuối là vào năm 2018.

Nhờ võ mà mình đi được khắp nơi trên thế giới, châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi, trừ Úc thì chưa đến….

Mình được đến những đảo nhỏ của Pháp như Martiniques, Guadeloupe, Réunion… Hôm nay có dịp thì nhắc lại mình là một trong những người đầu tiên đem võ phổ biến tại Martiniques.

Nhờ đi mà mình gặp được những người mà nếu ở Việt Nam thì không bao giờ gặp…, gặp người hay về võ, hay về cách suy nghĩ, cái đạo đức của họ, cái triết lý sống của họ. Đúng là đi một ngày đàng gặp một sàng khôn. Trong những lần đi biểu diễn tôi gặp những võ sư hàng đầu trong nước của họ, những tổ sư của Nhật, của Đại Hàn. Họ rất giỏi về nội công, ngoại công, nhãn công… mà cũng có tư tưởng, suy nghĩ rất hay, cái tinh thần dân tộc rất cao. Anh coi, Đại Hàn, năm 1952 còn bị chiến tranh mà bây giờ sắp vượt qua nước Nhật. Cái tinh thần dân tộc cao đó được truyền ra cả võ đạo cho nên tinh thần võ đạo rất đẹp.

Võ Đại Hàn đâu phải đánh đấm không. Cái phần Tae Kwondo đi về Thế Vận Hội là khác. Còn cái tinh thần của những ông Thầy Đại Hàn khác với tinh thần Thế vận hội. Tinh thần dân tộc từ đó chuyển qua võ đạo, qua cách ăn, cách học của giới trẻ Đại Hàn. Những võ sư thì khỏi nói, họ có một tinh thần cư xử đối với người ngoài và với môn sinh rất đẹp.

Hơn 40 năm nghề võ với ít nhất 10 quyển sách võ thuật. Động cơ nào thúc đẩy võ sư tập trung thời giờ viết sách thay vì mở võ đường như nhiều đồng nghiệp ở Việt Nam ?

Mình có mặc cảm võ biền nên phải viết văn. Năm nay, sau 44 năm dạy võ, tôi có mấy trăm môn sinh đai đen, cao nhất là đệ lục đẳng. Tôi hân hạnh viết quyển sách đầu tiên về võ thuật Việt Nam và bằng hình màu. Tổng cộng 11 tựa sách, trong đó có những chuyện cổ tích về võ thuật Việt Nam… với mục đích truyền bá để cho người Việt Nam và thế giới biết Việt Nam có võ sư biết văn và võ. Thời trước, ngoài các quan võ được thi cử, phần đông thầy võ của mình không biết chữ nhiều. Đó là điều thiếu sót của võ thuật Việt Nam.

Còn chuyện mở võ đường, không thể nào mở được bởi vì đất cát khá mắc. Tiền xã hội đóng cho chính phủ cũng nhiều. Thí dụ mình làm được 100 euro thì đóng cho chính phủ 33 euro không khác chi một bác sĩ (có phòng mạch). Đó là lý do rất nhiều võ sư không khai nghề của mình là võ sư. Đó là chưa kể tiền thuế.

Tại Pháp, không có võ đường mà chỉ có câu lạc bộ. Ít nhất 10 môn võ hợp lại trong một câu lạc bộ. Dù có khi được chính phủ tài trợ, một võ sư không thể đứng riêng một mình được.

Xin cám ơn võ sư Phan Toàn Châu, Tây Sơn Võ Đạo.

http://vi.rfi.fr/vi%E1%BB%87t-nam/20191201-d%E1%BA%A1y-v%C3%B5-t%E1%BA%A1i-ph%C3%A1p-ngh%E1%BB%81-v%C3%A0-nghi%E1%BB%87p