Tin COVID-19 Trong Nước – 8/8/21
Sáng 8/8: Thêm 4.941 ca COVID-19; Người khó khăn ở TP.HCM không nhận được 1,5 triệu đồng, phải làm gì?
Thêm 4.941 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 8/8 công bố Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4 ca nhập cảnh và 4.937 ca ở 23 tỉnh thành, trong đó có 1.274 ca cộng đồng.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 119.802, Bình Dương 25.906, Long An 10.115, Đồng Nai 7.695, Đồng Tháp 3.924, Hà Nội 1.950, Phú Yên 1.689, Đà Nẵng 1.465, Vĩnh Long 1.274, Ninh Thuận 390, Sóc Trăng 370, Quảng Ngãi 351, Kiên Giang 337, Bình Định 328, Hậu Giang 281, Hà Tĩnh 208, Lạng Sơn 138, Thừa Thiên Huế 120, Thanh Hóa 89, Bạc Liêu 58, Sơn La 46, Lào Cai 43, Cà Mau 40.
Tối 7/8, Hà Nội ghi nhận 28 ca dương tính COVID-19 mới, như vậy, trong ngày hôm nay, Hà Nội ghi nhận 82 ca dương tính mới. Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 1.727 ca.
Người khó khăn ở TP.HCM không nhận được 1,5 triệu đồng, phải làm gì?
Báo Người Lao Động ngày 7/8 dẫn lời Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết từ ngày 6/8, các cơ quan hữu trách TP.HCM đến từng hộ, từng nhà trọ trao tiền trực tiếp cho người nghèo là đối tượng thụ hưởng gói cứu trợ đột xuất 1.000 tỉ đồng, không phân biệt có hộ khẩu hay không có hộ khẩu TP.
Nhiều người phản ánh, mặc dù họ gặp khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 nhưng không được hỗ trợ theo chính sách. Vậy trong trường hợp người lao động, công nhân, người dân gặp khó khăn không được hỗ trợ kịp thời phải làm gì?
Bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em Việt Nam nóit rong thời gian TP.HCM chống chọi với dịch bệnh COVID-19, các lực lượng công vụ từ tổ dân phố đến phường, xã, cảnh sát khu vực và lực lượng tuyến đầu đã làm rất nhiều công việc khác nhau. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của mình, bà con khi thuê phòng trọ thì phải đăng ký tạm trú đầy đủ với cảnh sát khu vực, với địa phương nơi cư trú để khi có hữu sự thì việc thực thi sẽ được nhịp nhàng hơn và quyền lợi được bảo đảm.
Theo bà Lê Thị Thu, việc không đăng ký tạm trú cũng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề an ninh trật tự ở địa phương. Không đăng ký tạm trú cũng có thể dẫn đến tổ trưởng tổ dân phố, khu phố sẽ không thể nắm danh sách của các hộ đang lưu trú ở các khu nhà trọ.
Do đó, trường hợp người dân chưa được hỗ trợ kịp thời theo chính sách của TP.HCM thì cần liên hệ ngay với tổ trưởng, cảnh sát khu vực để được bổ sung danh sách. Trường hợp nếu đã đăng ký đầy đủ nhưng vẫn không được hỗ trợ theo quy định thì người dân gọi đến tổng đài 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin.
5 người trong gia đình nữ nhân viên sân golf mắc COVID-19
Zing – Liên quan đến vụ ‘Giám đốc Sở Du lịch và Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định phải cách ly cho chơi golf trong thời gian giãn cách’. ngày 7/8, ông M.C.L. (cha của chị T.T.Q., nữ nhân viên của FLC Quy Nhơn), cho hay gia đình ông có 5 người mắc COVID-19. Trong đó, vợ chồng Q. cùng hai con đều dương tính với SARS-CoV-2. Người còn lại là em chồng Q.
Trước đó, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, 11 người tiếp xúc đã gần với chị T.T.Q. (em chồng Q), trong đó, có 7 người là đồng nghiệp của chị Q. và 4 người khác là ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch; ông Nguyễn Công Thành, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định; ông Lê Văn Thảo, Tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài và ông Nguyễn Hữu Lộc, doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản titan.
Vì sao không hỏa táng bệnh nhân COVID-19 tử vong đầu tiên ở Đắk Lắk?
Tienphong – Liên quan đến việc bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên ở Đắk Lắk tử vong nhưng không được hỏa thiêu, bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk, ngày 7/8 cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong phải hỏa thiêu hoặc đưa về địa phương chôn cất.
Bác sĩ Châu Đương nói: “Bệnh nhân ở Đắk Lắk được đưa về địa phương bàn giao cho chính quyền và gia đình mai táng do địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa có cơ sở hỏa táng. Tuy nhiên, trước khi đưa bệnh nhân về, đơn vị đã liên hệ với địa phương để phun khử khuẩn, làm sạch môi trường nơi chuẩn bị chôn cất”.
Mở lại 14 chợ truyền thống, TP.HCM giám sát phòng dịch theo kiểu mới
Sáng 7/8, trao đổi với PV Nguoiduatin, Phó Giám đốc sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân nhưng vẫn an toàn phòng chống dịch, ngành công thương TP.HCM đã phối hợp chính quyền quận, huyện để hướng dẫn các chợ hoạt động theo kiểu mới.
Báo cáo mới nhất của sở Công thương TP.HCM cho hay, tính từ 19/7 đến 4/8, trên địa bàn thành phố này có thêm 14 chợ truyền thống được khôi phục hoạt động.
Tính đến nay, TP.HCM có 33/237 chợ đang hoạt động. Số lượng 33 chợ được mở lại hiện nay hoạt động theo mô hình mới có tên là “điểm bán thực phẩm tươi sống, đảm bảo an toàn”.
Tối 8/8: Thêm 4.949 ca COVID-19; Cấp tốc đào tạo y bác sĩ
Thêm 4.949 ca COVID-19
Zing – Từ 6h đến 18h30 ngày 8/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.949 ca nhiễm mới gồm 2 trường hợp nhập cảnh và 4.947 bệnh nhân trong nước.
Họ được ghi nhận tại TP.HCM (2.002), Bình Dương (1.733), Đồng Nai (224), Khánh Hòa (201), Cần Thơ (71), Đà Nẵng (68), Trà Vinh (67), Ninh Thuận (62), Hà Nội (51), Bình Thuận (46), Đồng Tháp (44), Đắk Lắk (41), Phú Yên (29), Lâm Đồng (21), Bến Tre (20), An Giang (15), Đắk Nông (7), Quảng Nam (6), Hà Tĩnh (5), Quảng Ngãi (5), Bình Phước (5), Cà Mau (4), Thừa Thiên – Huế (4), Gia Lai (4), Hải Dương (3), Phú Thọ (2), Thanh Hóa (2), Thái Bình (1), Hưng Yên (1), Vĩnh Phúc (1), Quảng Bình (1), Hà Nam (1). Trong đó, 881 ca tại cộng đồng.
Như vậy, ngày 8/8, nước ta có thêm 9.690 ca nhiễm mới, trong đó, 6 trường hợp nhập cảnh và 9.684 bệnh nhân trong nước. So với 7/8, số lượng ca mới trong ngày tăng 2.356 người.
Cấp tốc đào tạo y bác sĩ
VnExpress – Trước bối cảnh người bệnh Covid-19 nặng gia tăng, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương tập huấn cho đội ngũ y tế về năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở.
“Đây là công việc hết sức cấp bách”, Bộ Y tế nêu trong công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện, sở y tế các tỉnh thành, ngày 8/8.
Các bệnh viện được yêu cầu lập danh sách bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên dự kiến được huy động tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, sau đó liên hệ với các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, để được đào tạo cấp tốc bằng hình thức tại chỗ, trực tuyến. Trong đó, ưu tiên việc cử người đến các trung tâm để trực tiếp học và thực hành.
Các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, giao việc cho học viên đến thực hành.
Địa phương được cách ly F0 tại nhà
VnExpress – Địa phương ghi nhận nhiều ca Covid-19 được áp dụng biện pháp cách ly y tế ca F0 tại nhà, thay vì đưa tất cả vào cơ sở điều trị như trước đây.
Bộ Y tế nêu đề xuất trên trong công điện gửi các tỉnh, thành tối 7/8. Địa phương tổ chức công tác y tế, tổ tư vấn, tổng đài tư vấn đề giúp đỡ, chăm sóc người bệnh; kịp thời chuyển đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển nặng.
Các tỉnh, thành cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức điều phối tốt nguồn lực để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; huy động lực lượng y tế tư nhân và các ngành cùng tham gia.
Địa phương có số lượng ca bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao, có thể xem xét F0 đang điều trị tại cơ sở y tế xuất viện vào ngày thứ 7, nếu có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc tải lượng virus thấp. Những người này tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.
Ca bệnh phát hiện tại cộng đồng, không có triệu chứng, nếu tải lượng virus thấp thì không cần đưa vào cơ sở y tế, mà chỉ theo dõi tại nhà. Người tái dương tính không cần đưa vào bệnh viện.
Long An vượt mốc 10.000 ca mắc Covid-19, đứng đầu ĐBSCL
Nld – Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Long An, chỉ riêng ngày 7-8, toàn tỉnh ghi nhận 728 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 10.116 trường hợp. Trong đó, 3 huyện tiếp giáp với TP.HCM có số ca nhiễm nhiều nhất ở tỉnh là Đức Hòa, Cần Giuộc và Bến Lức.
Cũng theo báo cáo của CDC tỉnh, đến nay, số bệnh nhân bị tử vong là 106 người. Tỉnh Long An đang tiến hành rà soát xét nghiệm, test nhanh trong cộng đồng để phát hiện các ca mắc.
Ngày 8/8, Hà Nội thêm 54 ca COVID-19, phong tỏa chung cư HH Linh Đàm
Thanh Niên – Với 13 ca mắc mới COVID-19 chiều nay, nâng tổng số ca COVID-19 ghi nhận trong ngày 8.8 của Hà Nội lên 56 ca, trong đó có 34 ca tại cộng đồng và 22 ca tại khu cách ly.
Trong ngày, theo thông báo của Phường Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), khoảng 10 giờ 30 ngày 8/8, đơn vị này nhận thông tin anh T.V.T. (35 tuổi, trú chung cư HH4C khu đô thị Linh Đàm, P.Hoàng Liệt) nghi nhiễm COVID-19, nên đã cho tạm phong tỏa chung cư này để thực hiện các biện pháp y tế.
Toàn bộ cư dân đang sinh sống tại chung cư HH4C Linh Đàm không ra khỏi nhà từ 11 giờ trưa 8/8, cho đến khi có thông báo mới.
Bắt nhân viên công ty giao hàng ‘ôm’ gần 500 triệu bỏ trốn
Tuoitre – Ngày 8/8, công an đã di lý Phạm Trần Thảo Vy (25 tuổi) từ tỉnh Tây Ninh về huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để phục vụ điều tra. Trước đó, Thảo Vy đã ôm gần 500 triệu đồng của một công ty giao hàng rồi bỏ trốn.
Theo hồ sơ vụ án, Thảo Vy làm việc tại một chi nhánh của công ty chuyên về dịch vụ giao hàng tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với công việc là xử lý thu tiền thu hộ, và tiền cước các đơn hàng.
Trong các ngày 22, 24 và 25-8-2020, sau khi nhận tiền từ nhân viên giao hàng, Vy đã không nộp về tài khoản của công ty, mà “ôm” hơn 463 triệu đồng bỏ trốn. Ngày 7/8, công an đã bắt được bị can này, khi đang ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
https://www.dkn.tv/thoi-su/toi-8-8-hon-9-680-ca-covid-19-trong-24-gio-cap-toc-dao-tao-y-bac-si.html