Tin COVID-19 Trong Nước – 7/8/21
Sáng 7/8: Thêm 3.794 ca COVID-19; Xử phạt 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh
Thêm 3.794 ca COVID-19
Tính từ 18h30 ngày 6/8 đến 6h ngày 7/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.794 ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1.836), Bình Dương (882), Đồng Nai (466), Tiền Giang (165), Long An (160), Bà Rịa – Vũng Tàu (100), Vĩnh Long (62), Phú Yên (31), Sơn La (20), Kiên Giang (17), Bình Định (17), Lâm Đồng (12), Đồng Tháp (11), Đắk Nông (7), Hải Dương (3), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (2). Trong đó, 933 ca cộng đồng.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 197.175 ca nhiễm gồm 2.338 ca nhập cảnh và 194.837 ca mắc trong nước.
Bình Phước xử phạt 9 cửa Bách Hóa Xanh vì bán hàng quá hạn sử dụng
Bình Phước xử phạt vi phạm hành chính 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh kinh doanh hàng hết hạn sử dụng và không niêm yết giá.
Theo Zing, thông tin này được Sở Công Thương Bình Phước cho biết hôm 6 tháng 8, sau thời gian cơ quan này tiến hành kiểm tra 3 siêu thị và 24 trong số 60 cửa hàng Bách Hóa Xanh trong dịch COVID-19, để chấn chỉnh hành vi lợi dụng dịch bệnh tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Trước đó, một loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Long An, An Giang cũng bị cơ quan quản lý thị trường lập biên bản, xử phạt vì các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, tính tiền khối lượng chênh lệch cao hơn khối lượng người dân mua hàng…
Xử trí nhanh các tình huống nóng khi F0 cách ly tại nhà
Laodong – TP.HCM đang gấp rút chuẩn bị các công đoạn để chính thức triển khai cách ly F0 tại nhà. Việc quản lý sức khỏe người nhiễm COVID-19 tại nhà phải luôn được chú trọng là nhanh và nóng.
Bác sĩ Phan Hồng Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, từ 5.8, HCDC bắt đầu công tác chuẩn bị để chính thức triển khai cách ly F0 tại nhà. Bác sĩ Tâm cho biết, trước khi áp dụng, một số nơi đã được thí điểm thực hiện.
Cùng với đó, TP.HCM đang khẩn trương thành lập 312 tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.
Thuốc Remdesivir chính thức được dùng điều trị COVID-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam
Nld – Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tối 6/8 cho biết Hội đồng chuyên môn đã bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam sau khi xem xét các yếu tố chất lượng, hiệu quả của thuốc trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, theo công bố chính thức, Remdesivir là thuốc hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc đặc trị Covid-19. Hơn nữa, đây là thuốc mới nên việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định.
Thuốc Remdesivir đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ ngày 22/10/2020. Thuốc sẽ không phải thử nghiệm lâm sàng mà được đưa vào điều trị ngay cho người bệnh. Toàn bộ lô thuốc kháng virus Remdesivir điều trị COVID-19 về Việt Nam sẽ được chuyển cho các cơ sở y tế ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam sử dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở thể trung bình và nặng.
Tối 5/8, lô thuốc Remdesivir đầu tiên đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Lô thuốc sản xuất tại Ấn Độ và chuyến hàng đầu tiên đã được bên mua thuê chuyên cơ chuyển thuốc về Việt Nam.
Remdessivir là một loại dược chất tương tự adenosine nucleoside, Đường dùng là qua đường tĩnh mạch. Thuốc có khả năng làm gián đoạn quá trình tạo ra hàng nghìn bản sao của virus.
Hàng triệu tấn nông sản sắp thu hoạch ‘kêu cứu’ tiêu thụ
Tienphong – Tại “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021″ chiều 6/8, Bộ Công Thương ” cho biết, hiện nay lượng hàng nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi ở các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên cần được tiêu thụ khá lớn.
Cụ thể, khu vực này có khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 400 triệu quả trứng và hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm… đang đến thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ khâu thu hoạch, vận chuyển, đến chế biến tiêu thụ đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số thị trường truyền thống và đối tác lâu năm dừng nhập hàng nên đầu ra các sản phẩm bị ách tắc.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trong tháng 8, Long An bước vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng dự kiến khoảng 15.000 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hàng nghìn tấn nông sản, thủy sản gồm lúa, dưa hấu, tôm,… Phần lớn thị trường tiêu thụ là TP HCM và các tỉnh lân cận, song những địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc thu hoạch, tiêu thụ bị chững lại.
Tại Hậu Giang, địa diện tỉnh này cho biết, đang tồn đọng gần 2.700 tấn nông sản, trong đó rau các loại tồn đọng khoảng 75 tấn, cây ăn trái các loại tồn đọng 470 tấn và khoảng 2.000 tấn thủy sản…đến vụ thu hoạch nhưng thị trường tiêu thụ hiện rất nhỏ giọt. Nếu không có giải pháp kịp thời, rất dễ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trưa 7/8: Không phun hóa chất khử khuẩn vào người trong mọi tình huống; Ai chịu trách nhiệm vụ 8/17 con hổ chết
TPHCM: Không phun hóa chất khử khuẩn vào người trong mọi tình huống
Dantri – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng vừa ký công văn khẩn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức cùng các cơ sở y tế trên địa bàn về công tác vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, để đảm bảo việc vệ sinh, khử khuẩn phòng, chống dịch đạt hiệu quả, không lãng phí hóa chất và bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, Sở Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện phun hóa chất, chế phẩm diệt COVID-19 ngoài trời.
Đặc biệt, sở yêu cầu không phun hóa chất, chế phẩm loại trên vào người trong bất kỳ tình huống nào. Yêu cầu trên được áp dụng đối với cả biện pháp dùng máy phun hóa chất hoặc buồng khử khuẩn phun hóa chất.
Sở Y tế cũng đề nghị việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trên phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng.
Ai chịu trách nhiệm vụ 8/17 con hổ chết
Trước thông tin đàn hổ 17 con do dân nuôi nhốt trái phép đang khỏe mạnh, sau khi được “giải cứu” thì chết mất 8 con, nhiều bạn đọc Dân trí chung câu hỏi thắc mắc: Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng:
Nghị định 06/2019 quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có ban hành danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Theo danh mục nêu trên, hổ được xếp vào lớp thú, bộ ăn thịt, thuộc nhóm IB.
Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là hành có dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điều 244 Bộ luật hình sự.
Với số lượng nuôi nhốt trên 12 con hổ thì hành vi phạm tội đó thuộc khoản 3 điều 244, Bộ luật hình sự.
Theo đó: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Như vậy có thể nhận thấy rằng quy trình bắt, niêm phong, quản lý các cá thể hổ này được cơ quan chức năng thực hiện theo quy trình tố tụng của một vụ án hình sự.
Nghị định số 127/2017/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 2017, quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng đã nêu rất rõ như sau:
Niêm phong vật chứng là việc bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng bằng cách: a) Đưa vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn, bao gồm gói, đóng hộp, đưa vào thùng, chai, lọ và các hình thức khác (gọi là đóng gói, đóng kín) và dán giấy niêm phong đè lên những phần có thể mở để lấy, đổi vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng; b) Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng. (Khoản 1 điều 3, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP)
Pháp luật cũng nêu nguyên tắc niêm phong vật chứng như sau:
- Chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
- Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này.
- Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.
Như vậy, Quy định pháp luật đã quy định rất rõ yêu cầu, nguyên tắc của quản lý vật chứng là đưa “vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn”; “Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng”. Các cá thể hổ được nuôi nhốt còn hoàn toàn khỏe mạnh, chúng chỉ chết khi cơ quan chức năng thực hiện niêm phong quản lý vật chứng.
Rõ ràng trong vụ việc này, hổ là động vật nguy hiểm, có kích thước lớn, đang được nuôi nhốt dù trái phép nhưng cũng ở nơi an toàn, đủ điều kiện để cơ quan chức năng giám sát.
“Tôi đánh giá rằng những người thực thi pháp luật hoàn toàn có thể vận dụng quy định pháp luật xử lý “với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng” quy định tại điểm b, khoản 1 điều 3, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP để xử lý”, Luật sư Lực chia sẻ.
Theo đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dán niêm phong lên cửa khóa của chuồng nuôi nhốt, tổ chức lực lượng 2-3 chiến sĩ túc trực bảo vệ là đã hoàn toàn có thể đạt được mục đích bảo quản vật chứng phục vụ hoạt động điều tra.
Chi phí dán giấy niêm phong có thể chỉ vài chục nghìn đồng đã đạt được mục đích chứ không phải huy động, chi trả chi phí có thể lên tới cả trăm triệu đồng rồi đi đến hậu quả vật chứng chết gần nửa.
Ở đây chúng ta không phải niêm phong lên Vật chứng là động vật, thực vật sống mà là niêm phong tại lồng, ổ khóa hiện đang quản lý vật chứng. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định tại điều 5, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP.
Luật sư Lực cho rằng, cơ quan chức năng song song với việc xử lý trách nhiệm của cá nhân nuôi nhốt trái phép hổ về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điều 244 Bộ luật hình sự thì cũng cần điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của 8 cá thể hổ trong hoạt động thu giữ, niêm phong, bảo quản.
Không loại trừ khả năng phải xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do đã thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Hà Nội ghi nhận 18 ca mắc mới, 7 ca trong cộng đồng
Suckhoedoisong – Sáng 7/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết 12 giờ qua ghi nhận 18 ca mắc COVID-19 mới trong đó 7 ca tại cộng đồng, 11 ca tại khu cách ly.
Trong các ca nhiễm mới có 4 ca ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Đông Anh, Đống Đa mỗi nơi 3 ca, Thanh Trì, Thường Tín và Hai Bà Trưng mỗi nơi 2 ca, Long Biên, Hoàng Mai mỗi nơi 1 ca.
Tổng số ca nhiễm tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 1.663 ca, trong đó số ca nhiễm ghi nhận ngoài cộng đồng 999 ca, số ca nhiễm đã được cách ly 664 ca.
99,9% bệnh nhân Bắc Giang đã khỏi
VnExpress – Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh Bắc Giang thống kê đến ngày 7/8 toàn tỉnh có 5.775 người đã khỏi COVID-19 và ra viện, chỉ còn 8 ca đang điều trị chủ yếu là nhẹ, không triệu chứng.
Tính trên tổng số bệnh nhân Bắc Giang trong đợt dịch thứ 4, gần 99,9% đã khỏi và xuất viện. 8 bệnh nhân còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bắc Giang, nơi vào tháng 5 từng là tâm dịch của cả nước, hiện đã trải qua 27 ngày không phát hiện F0 trong cộng đồng. 8 trong số 10 huyện đã qua 35 ngày không có F0 trong cộng đồng.
Tối 7/8: Việt Nam vượt 200.000 ca COVID-19; Dừng hoàn toàn đường bay TP.HCM – Hà Nội
Thêm 3.540 ca COVID-19
Zing – Theo thông tin từ Bộ Y tế, TP.HCM có thêm 3.930 người dương tính với nCoV trong ngày hôm nay. Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp.
Tính từ 6h đến 18h, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.540 ca nhiễm mới gồm một ca nhập cảnh và 3.539 ca trong nước.
Như vậy, ngày 7/8, nước ta có thêm 7.334 ca nhiễm mới gồm một ca nhập cảnh và 7.333 ca ghi nhận trong nước (1.281 ca cộng đồng). So với ngày 6/8, số lượng ca mới trong ngày giảm 987 người.
Một số tỉnh như Long An, Khánh Hòa, Tiền Giang có số lượng ca mắc mới giảm. TP.HCM có thêm 3.930 ca (tăng 130 ca so với 6/8). Con số này ở Bình Dương là 882 ca (tăng 287 ca so với hôm qua). Hà Nội ghi nhận thêm 10 trường hợp.
Thống kê số ca mắc mới tại các tỉnh, thành phố khác là Đồng Nai (709), Long An (367), Bà Rịa – Vũng Tàu (288), Khánh Hòa (167), Tiền Giang (165), Cần Thơ (141), Tây Ninh (134), Phú Yên (78), Vĩnh Long (62), Bình Thuận (61), Đồng Tháp (60), Bến Tre (49), An Giang (31), Ninh Thuận (22), Sơn La (20), Kiên Giang (17), Bình Định (17), Gia Lai (17), Quảng Bình (15), Lâm Đồng (12), Hải Dương (11), Hà Nội (10), Quảng Nam (10), Hậu Giang (9), Đắk Nông (7), Quảng Ngãi (7), Bạc Liêu (6), Hà Tĩnh (6), Cà Mau (5), Thanh Hóa (4), Thái Bình (4), Lào Cai (4), Bình Phước (2), Ninh Bình (2), Hà Giang (1), Hưng Yên (1).
Theo Bộ ý tế, có 3.333 người tại các bệnh viện COVID-19 TP.HCM xuất viện trong ngày 6/8, nâng tổng số điều trị khỏi từ khi đại dịch xuất hiện đến nay lên 52.951.
Tính đến 7/8, Việt Nam có 200.715 ca nhiễm trong đó có 2.339 ca nhập cảnh và 198.376 ca mắc trong nước.
Bác sĩ trẻ trốn về quê giỗ cha và mắc COVID-19, cả bệnh viện phải ngưng khám chữa bệnh
Tuổi Trẻ – Đang thực hiện giãn cách, một bác sĩ của Bệnh viện Chuyên khoa sản – nhi tỉnh Sóc Trăng trốn về nhà để thắp nhang cho cha trong ngày giỗ. Bác sĩ này tiếp xúc nhiều người, sau đó anh được xác định đã dương tính với COVID-19.
Chiều 7/8, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà, giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa sản nhi tỉnh Sóc Trăng xác nhận và cho biết, người này tên T., 29 tuổi, mới ra trường hơn một năm, làm việc tại khoa ngoại nhi.
Bệnh viện đã đưa 78 F1 đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Sóc Trăng, kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu.
Ngoài ra, trên 350 cán bộ, nhân viên còn lại của bệnh viện và 216 bệnh nhân, người nuôi bệnh được xét nghiệm cho kết quả âm tính COVID-19.
Dừng hoàn toàn đường bay TP.HCM – Hà Nội
Thanh Niên – Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng hàng không dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang giãn cách xã hội, trong đó có đường bay Hà Nội – TP.HCM.
Các chuyến bay được hoạt động là các chuyến bay phục vụ công vụ và nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Trường hợp cần thiết phải di chuyển, địa phương có người di chuyển phải thống nhất với địa phương nơi đến (của chuyến bay) và địa phương tiếp nhận (nếu khác với địa phương đến của chuyến bay) để kịp thời đón và tiếp nhận ngay tại sân bay, thực hiện xét nghiệm và cách ly theo quy định.
Đang cách ly tại nhà, 1 phụ nữ vẫn ra quán ăn bún
NLD – Ngày 7/8, Công an xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đã lập hồ sơ vi phạm, đề nghị xử phạt đối với 3 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo cơ quan công an, lực lượng chức năng đã từng kiểm tra, nhắc nhở bà S.T. R. về việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội nhưng bà R. vẫn không chấp hành.
Sáng 5/8, tổ kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phát hiện bà R. bán bún cho 2 thực khách đang ngồi ăn là bà T.T.N. (55 tuổi; là trường hợp cách ly tại nhà) và H.T.S.B.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản và đề nghị xử phạt bà N. số tiền 17,5 triệu đồng, còn bà R. và B., mỗi người bị đề nghị xử phạt 10 triệu đồng.
Ca COVID-19 đầu tiên ở tỉnh Bình Định và Đắk Lắk tử vong
NLD – Ngày 7/8, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết sở đã tiếp nhận thông tin về trường hợp tử vong đầu tiên tại tỉnh này sau khi mắc COVID-19.
Người được xác định tử vong mắc COVID-19 là nữ bệnh nhân 138129 (75 tuổi; ngụ phường Đập Đá, thị xã An Nhơn), làm nghề buôn bán tại chợ Đập Đá. Cụ thể, bệnh nhân tử vong vào lúc 6 giờ 30 sáng cùng ngày. Nguyên nhân tử vong được xác định là do nhiễm COVID-19.
Chiều 7/8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, bệnh nhân Y. D. B. (BN87029, SN: 1965, ngụ xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin) mắc COVID-19 đã tử vong vào trưa cùng ngày. Đây là bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk.
Trong ngày 7/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận thêm 24 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số mắc lên 371 người.