Tin COVID-19 Trong Nước – 6/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin COVID-19 Trong Nước – 6/7/21

Sáng 6/7: Thêm 277 ca; Hà Nội phát hiện 5 ca COVID-19, đã đi nhiều nơi

Ảnh tổng hợp.

Thêm 277 ca COVID-19, chủ yếu ở TP.HCM

VnExpress – Bộ Y tế sáng 6/7 ghi nhận 277 ca dương tính nCoV, gồm tại TP.HCM 230, Phú Yên 18, Đồng Nai 11, An Giang 10, Hưng Yên 5, Vĩnh Long 2, Hà Nam một.

277 ca mới từ số 21036-21312, trong đó 228 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Phú Yên; Ca 21036, 21038-21054 là các trường hợp F1 trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa, kết quả xét nghiệm ngày 3-4/7 dương tính.

Hà Nam; Ca 21037 nam, 34 tuổi, địa chỉ tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; liên quan đến Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang đã được cách ly, kết quả xét nghiệm ngày 5/7 dương tính, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hà Nam.

Vĩnh Long; Ca 21055-21056 gồm 1 ca là trường hợp F1; 1 ca liên quan đến chợ Bình Điền – TP HCM, kết quả xét nghiệm ngày 5/7 dương tính.

Hưng Yên; Ca 21657-21061 gồm 3 ca là các trường hợp F1; 2 ca liên quan đến Công ty tại huyện Yên Mỹ, kết quả xét nghiệm ngày 5/7 dương tính, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Đồng Nai; Ca 21062-21072 gồm 5 ca liên quan đến chợ Hóc Môn TP HCM; 4 ca liên quan đến chợ Bình Điền TP HCM; 2 ca đang điều tra dịch tễ, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

An Giang; Ca 21073-21082 gồm 8 ca là các trường hợp F1; 2 ca đang điều tra dịch tễ, kết quả xét nghiệm ngày 5/7 dương tính.

TP.HCM; Ca 21083-21312 gồm 186 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 44 ca đang điều tra dịch tễ.

1.089 ca mắc mới, Việt Nam có số bệnh nhân cao kỷ lục trong ngày 5/7

Zing – Riêng buổi tối 5/7, Bộ Y tế công bố 514 ca mắc Covid-19 trong nước ghi nhận tại 17 tỉnh, thành. 203 bệnh nhân được công bố khỏi Covid-19.

Như vậy, trong ngày 5/7, Việt Nam ghi nhận 1.089 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (641), Đồng Tháp (165), Bình Dương (131), Phú Yên (40), Khánh Hòa (18), Long An (15), An Giang (12), Tiền Giang (11), Hưng Yên (9), Đồng Nai (9), Bắc Giang (7), Bắc Ninh (4), Quảng Ngãi (4), Bình Phước (4), Bà Rịa – Vũng Tàu (4), Vĩnh Long (3), Bình Định (3), Tây Ninh (3), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (1), Sóc Trăng (1), Nghệ An (1), Lâm Đồng (1). Trong đó, 974 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc phong tỏa.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 19.164 ca ghi nhận trong nước và 1.871 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 17.594, trong đó, 5.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

TP.HCM đang là nơi có số ca mắc Covid-19 cao nhất Việt Nam.

Nữ tiếp thị bia mắc COVID-19 ở Phú Yên đến hàng chục quán nhậu để mời chào

Dantri – Một nữ nhân viên tiếp thị bia 25 tuổi, được xác định mắc COVID-19 đã đến hàng chục quán nhậu ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) để mời chào khách, thưởng thức loại thức uống có cồn này.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Phú Yên, tính từ 8h- 17h ngày 5/7, tỉnh này không ghi nhận ca dương tính COVID-19.

Báo cáo cũng đính chính về số ca nhiễm từ 303 xuống còn 301 ca, nguyên nhân là do ngày 5/7 có 2 mẫu kết quả xét nghiệm dương tính trùng với 2 ca nhiễm đã công bố.

Cũng trong báo cáo này, có nêu về lịch trình của các ca nhiễm COVID-19 trước đó. Đáng chú ý, có một người tiếp thị bia tên T. là nữ giới, 25 tuổi (mắc Covid-19 vào ngày 4/7) đã có lịch tiếp xúc dày đặc tại các quán nhậu trên địa bàn TP. Tuy Hòa, cụ thể:

Trong ngày 18/6, nữ tiếp thị bia đã đến 4 quán nhậu trên địa bàn TP. Tuy Hòa để mời chào khách thưởng thức loại bia mình đang tiếp thị.

Tiếp đó vào ngày 19/6 chị T. đã đến 6 quán; ngày 21, 23 và 23/6 mỗi ngày đến 5 quán nhậu.

Đến ngày 24/6, chị T. chạy xe máy về nhà cha mẹ ở xã An Mỹ (huyện Tuy An, Phú Yên), có tiếp xúc với mẹ và con trai.

Ngày 26/6, chị T. đi khai báo y tế tại Trạm y tế xã An Mỹ, sau đó ở nhà đến ngày 1/7.

TP.HCM phong toả phường hơn 34.000 dân

VnExpress – Ngày 5/7, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) Hoàng Tùng đã ký quyết định thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với phường Tân Phú.

Theo đó, phạm vi phong tỏa là toàn bộ địa bàn phường Tân Phú (không bao gồm phần diện tích thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM), bao gồm 6 khu phố với diện tích 351 ha, 12.008 hộ với 34.750 nhân khẩu. Thời gian phong tỏa bắt đầu từ 0h ngày 6.7 đến khi có thông báo mới.

Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly trừ nhân viên y tế, trường hợp thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

UBND Thành phố Thủ Đức yêu cầu đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách lỵ giữa nhà với nhà, không tập trung quả 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty. Trong trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Trước đó, TP.HCM thực hiện phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh theo 3 mức độ, gồm: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND quận, huyện, Thành phố Thủ Đức toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong toả các khu vực trên địa bàn.

Hà Nội phát hiện 5 bệnh nhân COVID-19 mới, đã đi nhiều nơi

Tuoitre – Tối  5/7, CDC Hà Nội cho biết vừa ghi nhận 5 ca bệnh COVID-19 mới trong 1 gia đình ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đáng chú ý đây là chùm ca bệnh ghi nhận sau gần 10 ngày Hà Nội không phát hiện trường hợp dương tính mới.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) đã thông tin về việc ghi nhận trường hợp dương tính với COVID-19 qua sàng lọc lần 1 được phát hiện tại huyện Mỹ Đức.

Bệnh nhân là nam, sinh năm 1982, địa chỉ Mỹ Đức, Hà Nội, là lao động tự do. Ngày 13/6, anh này cùng 1 người tên Đ., sinh năm 1988, địa chỉ tại Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam đi từ Hà Nội vào Hoàng Mai, Nghệ An để bán xe cho khách, sau đó bắt xe khách đi về Hà Nam trong ngày. Anh Đ. là người buôn bán xe tải, máy xúc, có triệu chứng bệnh từ ngày 1/7, được CDC Hà Nam làm xét nghiệm PCR dương tính ngày 5/7.

Buổi tối, anh này ngủ lại nhà anh Đ. Ngày hôm sau, anh này về nhà và không đi đâu, chỉ tiếp xúc với vợ và 3 con.

Ngày 23/6, anh này cùng vợ con đến nhà bố mẹ vợ tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến 23h đêm thì về nhà. Ngày 28/6, bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, đến ngày 5/7 vẫn còn sốt, ho, đi khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức được làm xét nghiệm test nhanh, kết quả dương tính. 

Mẫu bệnh phẩm được chuyển Bệnh viện Đa khoa Hà Đông xét nghiệm cho kết quả dương tính sàng lọc lần 1, mẫu bệnh phẩm đã được gửi lên CDC Hà Nội để làm xét nghiệm khẳng định. 

Kết quả điều tra, 4 người trong cùng gia đình (vợ và 3 con) đều có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, được lấy mẫu xét nghiệm nhanh đều cho kết quả dương tính. Hiện tại mẫu bệnh phẩm của 4 người trong gia đình bệnh nhân đã được gửi lên CDC Hà Nội để làm xét nghiệm khẳng định.

Đồng thời, CDC Hà Nội đã cử đội cơ động xuống thực địa để phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức tiến hành điều tra, khoanh vùng xử lý dịch.

Đây là chùm ca bệnh mới nhất của Hà Nội, trước chùm ca này, Hà Nội phát hiện bệnh nhân cuối cùng trong cộng đồng là hôm 26/6.

Một lái xe nghi nhiễm chấm dứt 16 ngày không COVID-19 ở Hà Nam

VnExpress – Người đàn ông 41 tuổi, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, là lái xe, dương tính nCoV tối 5/7, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC).

CDC tối 5/7 thông tin ngày 1/7 đến nay người này có biểu hiện sốt, mệt mỏi, tự cách ly tại nhà. 9h ngày 5/7, anh đến Trung tâm Y tế huyện Kim Bảng khai báo y tế, test nhanh kháng nguyên nCoV kết quả dương tính. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xét nghiệm RT-PCR, kết quả khẳng định dương tính với nCoV.

Trước đó, ngày 22/6, anh tiếp xúc với một số người là bạn hàng tại xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Hiện tại người nghi nhiễm sốt 38 độ C, khó thở, không ho, không đau rát họng, cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Kim Bảng. Ca này chưa được Bộ Y tế công bố, coi như ca nghi nhiễm.

CDC Hà Nam đã thông báo đến CDC các tỉnh, thành phố các trường hợp liên quan, để điều tra, hướng dẫn cách ly y tế. Trung tâm Y tế huyện Kim Bảng khử khuẩn môi trường bệnh nhân sinh sống tại xã Thi Sơn, điều tra, truy vết, xác định các trường hợp tiếp xúc gần để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Đây là người dương tính thứ 51 tại Hà Nam, chấm dứt 16 ngày liên tiếp tỉnh không ghi nhận ca COVID-19 mới.

Sở Y tế tỉnh Hà Nam thông báo khẩn những người đến nhà ông Đinh Đăng Hùng, địa chỉ thôn 2, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng ngày 27/6 ăn cỗ, cần liên hệ ngay đến cơ quan y tế gần nhất.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-19-sang-6-7-them-277-ca-ha-noi-phat-hien-5-ca-covid-19-da-di-nhieu-noi.html

Trưa 6/7: Thêm 248 ca COVID-19; Mang thai có thể tiêm vắc-xin không?

Ảnh tổng hợp.

Thêm 248 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế trưa 6/7 ghi nhận 248 ca dương tính COVID-19, gồm 242 ca trong nước và 6 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

248 ca mới từ số 21313-21560, trong đó 242 ca ghi nhận tại: TP.HCM (209), Hà Nội (10), Phú Yên (7), Long An (6), Thanh Hóa (4), Bắc Giang (3), Lạng Sơn (1), Bắc Ninh (1), Hà Nam (1). Trong số này, 182 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Như vậy từ sáng đến trưa, Bộ Y tế công bố 519 ca COVID-19 trong nước, ở 13 tỉnh thành. Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 7.114, Bắc Giang 5.671, Bắc Ninh 1.620, Hà Nội 478 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 95 ca, 53 ca ở Bệnh viện K), Phú Yên 285, Long An 210, Lạng Sơn 111, Hà Nam 51, Thanh Hóa 9.

Mang thai có thể tiêm vắc-xin COVID-19 không?

VnExpress – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/7 đưa ra một số khuyến cáo về việc tiêm vắc-xin COVID-19 với phụ nữ đang mang thai.

Tôi đang mang thai có thể tiêm vắc-xin COVID-19 hay không?

Mang thai khiến bà mẹ có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn, tuy nhiên hiện tại có rất ít dữ liệu đánh giá tính an toàn của vắc-xin COVID-19 trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc-xin COVID-19 nếu lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vaccine. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với nCoV (ví dụ nhân viên y tế), hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (đang mắc bệnh nền), nên tham vấn với bác sĩ để cân nhắc về việc tiêm vắc-xin COVID-19.

Tôi đang cho con bú, có nên tiêm vắc-xin COVID-19 hay không?

Có. Phụ nữ sau sinh và bà mẹ đang cho con bú có thể tiêm vắc-xin COVID-19 nếu có sẵn vaccine. Tiêm vaccine an toàn cho cả mẹ và bé. Vì vậy, bạn không cần phải tạm ngưng cho con bú sau tiêm vaccine.

Tiêm chủng vắc-xin COVID-19 có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôi không?

Không có bằng chứng khoa hộc về việc tiêm vaccine ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới hay nữ giới. Vắc-xin COVID-19 không thể can thiệp đến hoạt động của cơ quan sinh sản. Vì vậy, bạn hãy yên tâm rằng vắc-xin COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn.

Sài gòn ngưng hoạt động chợ đầu mối Bình Điền

Zing – Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại chợ đầu mối Bình Điền đã xuất hiện nhiều ca dương tính và lan rộng đến một số quận huyện trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Nhà chức trách quận 8, TP.HCM quyết định tạm ngưng hoạt động chợ này đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch.

Cụ thể, UBND Quận 8 quyết định sẽ dừng các hoạt động tập kết hàng trực tiếp tại chợ này từ 8h sáng nay ngày 6 tháng 7 đến khi có thông báo mới. Đồng thời thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ chậm nhất 20h tối nay.

Ngoài việc ngưng kinh doanh, chợ tiến hành phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chợ, phối hợp Sở Công Thương, UBND quận đề xuất phương án chống dịch với nhiều tình huống khác khi chợ hoạt động lại.

Trước đó, TP.HCM đã quyết định ngưng hoạt động chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn để phòng chống dịch.

‘Mắc kẹt’ giữa Sài Gòn thời COVID-19: Nhiều ca dương tính, ngàn công nhân ‘nín thở’ sợ thành F0

Thanhnien – Ngừng hoạt động công ty Nidec Sankyo Việt Nam vì phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, hàng nghìn công nhân ‘mắc kẹt’ tại công ty. Dưới những túp lều chật hẹp công nhân căng thẳng từng giây phút vì lo lắng, sợ bản thân có thể trở thành F0.

Hôm qua, công ty TNHH Nidec Sankyo với 4.000 công nhân ở Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, phát hiện thêm 119 ca dương tính nCoV, nâng số ca nhiễm, nghi nhiễm tại đây lên 238. Theo tin từ Ban quản lý Khu công nghệ cao, số ca nghi nhiễm nói trên được phát hiện tối 4/7 sau khi lực lượng y tế test nhanh Covid-19 cho công nhân. Hiện, các ca nghi nhiễm được đưa tới nơi điều trị. Nhà máy đã ngừng sản xuất từ chiều 3/7 để tập trung lực lượng cho việc phòng chống dịch.Hơn 21 giờ ngày 5/7, một công nhân đang ở trong công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (thuộc Khu công nghệ cao, P.Tân Phú, TP. Thủ Đức) thở dài cho biết không khí lúc này tại đây im ắng, không ai giao tiếp với ai câu nào vì ai cũng ngập tràn những nỗi lo riêng, và hơn hết, ai trong số họ cũng có thể là F0.

Nhiều đêm thức trắng

Gần 1 tuần qua, kể từ khi phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên và công ty bị phong tỏa, nhiều công nhân ở đây phải ăn ngủ, sinh hoạt chung nhà tắm, nhà vệ sinh, tối đến thì trải bìa các tông để ngủ la liệt “màn trời chiếu đất”. Sau đó, nhà xe 3 lầu của công ty được sử dụng cho công nhân ngủ nghỉ, tất cả xe được dời ra bên ngoài sân.Kể lại, chị T. (công nhân tại công ty Nidec Sankyo Việt Nam) cho biết sáng ngày 29/6, chị có ca làm ngày nên vẫn phải đi làm bình thường. Đến trưa cùng ngày thì có thông tin phong tỏa công ty vì có hơn 90 ca nghi nhiễm.

Đến ngày 3/6 phát hiện thêm hàng loạt ca mắc COVID-19 công ty có thông báo cho công nhân nghỉ từ ngày 3/7 đến 24 giờ ngày 5/7. Chị T. chia sẻ những ngày đầu đa số công nhân đều tự túc vì công ty chưa kịp chuẩn bị, vài ngày sau thì cấp mỗi người một lều và gối chăn, trong số công nhân còn có nhiều thai phụ phải ở một mình.

“Ngủ nhà xe thì nóng, công nhân phải tự nhờ người nhà mang quạt bên ngoài vào. Nhà ăn công ty vẫn nấu nhưng tôi không lên đó ăn mà nhờ người bên ngoài tiếp tế. Do nhà ăn có người nhiễm không biết trên đó khử khuẩn chưa nên không dám lên. Chỉ những bạn nào không có người thân chu cấp lương thực mới phải lên đó thôi”, chị bày tỏ.

Chị nói tiếp: “Bên trong ba tầng nhà xe bữa giờ chưa thấy phun khử khuẩn, công nhân chúng tôi tự lo cho bản thân, mua cồn ở ngoài mang vào tự xịt xung quanh lều mình ngủ. Nói chung ở đây ai cũng có thể là F0 hoặc F1 bất cứ lúc nào với tình hình cách ly tập trung rồi ăn uống vệ sinh chung như thế này. Hiện tại tôi là F2 nhưng ngày mai có thể F0”.

Đồng cảnh ngộ, chị H.T.Q. rầu rĩ cho biết đây là ngày thứ 6 vợ chồng chị gửi con lại nhà trọ cho người quen chăm sóc rồi ở lại nhà xe của công ty. Chia sẻ thêm chị cho biết F0 và F1 sẽ được di chuyển đi cách ly còn F2 và F3 ở lại nhà xe nhưng mà nhà ăn thì vẫn sử dụng chung nhưng quy định theo giờ.“Ví dụ như 11 giờ – 12 giờ là F2 và F3 đi ăn thì 12 giờ – 13 giờ là F1 đi ăn. Sinh hoạt chung với nhau. Quần áo giặt phơi khắp nơi, có nhiều người ngủ lều nóng quá không ngủ được phải lót bìa để ngủ chỗ khác”, chị tâm sự.

“Mắc kẹt” hơn 1 tuần qua, nhiều đêm chị Q. thức trắng vì sợ bị gọi tên, nhiều người dựng lều xung quanh chị bất ngờ được gọi tên là F1 hay F0 và lập tức đi cách ly mà không kịp dọn dẹp lều khiến chị càng thêm lo lắng. Chị Q. xếp sẵn quần áo, để nếu gọi tên là đem theo quần áo đi luôn.

Chị Q. cùng chồng từ quê vào TP.HCM được 15 năm, làm công nhân tại công ty Nidec Sankyo 12 năm và có một con gái 7 tuổi, mỗi ngày con đều gọi bảo nhớ mẹ là chị lại không kiềm được bật khóc vì nhớ con. Không dám đi ăn tại nhà ăn, chị Q. và chồng mua mì gói và thức ăn nhanh ở công ty ăn cho qua ngày vì không có người thân ở ngoài để nhờ vả.

Trả lời Thanh Niên về những phản ánh của công nhân, Bà Lê Bích Loan (Phó ban quản lý Khu công nghệ cao) cho biết vì thời gian phong tỏa bất ngờ nên phía công ty Nidec Sanyo Việt Nam chưa kịp bố trí chỗ ăn chỗ ngủ cho số lượng lớn công nhân những ngày đầu nhưng sau đó đã mua chiếu, mền, lều,… để hỗ trợ. Khu nhà xe được làm thành khu nhà ở tạm thời, ngoài ra còn hỗ trợ sữa. Nhà ăn của công ty cũng vẫn hoạt động để phục vụ cho công nhân đầy đủ các bữa.

Công ty phải bỏ ra hàng tỷ đồng hàng ngày để hoạt động nên tạm ngưng hoạt động dẫn đến rất nhiều khó khăn không giải quyết kịp.Bà Loan cũng giải thích thêm, thời điểm này thành phố đang quá tải không kịp đáp ứng, khu cách ly tập trung quá tải.

Khi xét nghiệm công nhân là F0 nhưng không kịp chuyển đi, F1 cũng không thể chuyển đến khu cách ly tập trung. Phía công ty tìm giải pháp là phân khu cách ly tạm ngay trong công ty Nidec Sankyo để tách các F0, F1, F2,…

“Mỗi ngày phía Khu công nghệ cao đều tìm cách mỗi ngày để giải quyết tốt nhất nên cần sự phối hợp với nhau. Ai cũng khó khăn mà tất cả đều đổ lên phía công ty thì không được. Về phía người lao động, trước đây vẫn không có ý thức không bảo vệ mình, vẫn tụ tập ăn uống. Thời gian này quan trọng nhất là mỗi người đồng lồng chấp hành quy định, chịu khó một chút để cùng nhau vượt qua khó khăn”, bà nói.

“khi biết mình là F1”

Bà T.L. (47 tuổi, quê ở Bến Tre) là công nhân công ty Nidec Sankyo được 10 năm kể lại từ lúc phát hiện một ca dương tính Covid-19 làm việc tại đây vào ngày 28/6, bà đã có 2 lần test nhanh Covid-19. “Mỗi lần đứng ở hàng chờ test là bủn rủn tay chân. Đến lúc nghe đọc tên F0 là một công nhân làm cùng bộ phận, tôi muốn đột quỵ”, bà vẫn chưa hết ám ảnh.

Tối ngày 3/7 bà L. được chuyển tới ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM để cách ly tập trung vì thuộc diện F1. Mặc dù có tù túng vì suốt ngày quanh quẩn trong phòng nhưng bà cảm thấy an tâm khi được chuyển tới đây. Hiện bà đang ở cùng một nữ công nhân khác, sức khỏe của hai người tạm thời vẫn ổn, mỗi ngày sẽ được nhân viên y tế tới đo nhiệt độ.

Nữ công nhân chia sẻ: “Bản thân là F1 có nguy cơ lây nhiễm cao nên tôi sốt ruột và lo lắng dữ lắm, cứ mong được test nhanh để bớt lo. Tôi có đem theo viên sủi cam để uống, súc miệng bằng nước muối đều đặn 2 buổi sáng tối. Mặc dù phòng cách ly hiện tại chỉ có 2 người nhưng vẫn thực hiện 5K, đeo khẩu trang 24/24 vì đâu biết được mình hay người kia đã nhiễm bệnh”.

Mấy năm qua, bà L. phải tạm nghỉ việc đôi lần nên lương lậu không có thay đổi nhiều. Nếu chỉ làm giờ hành chính 8 tiếng/ngày thì thu nhập chưa tới 7 triệu/tháng, số tiền này chỉ đủ trả tiền trọ, sinh hoạt hàng ngày và còn dư chút đỉnh để dành. “Nghe nhân viên y tế bảo cách ly tập trung được miễn phí tôi mới an tâm phần nào. Bây giờ không đi làm mà còn đóng tiền nữa thì nói thật không biết làm sao”, bà bộc bạch.

Người phụ nữ này tâm sự rằng mình từng kết hôn nhưng bây giờ đã đường ai nấy đi. Bố mẹ mất, chỉ còn người anh trai tai biến đang sống nhờ ở nhà người quen dưới quê. Sức khỏe vốn không được tốt nhưng ngày nào còn khỏe, bà vẫn cố gắng làm lụng tích góp, sau này về xây sửa lại nhà cửa.

Điều trăn trở lớn nhất lúc này của bà T.L .đó là khi kết thúc cách ly tập trung thì công việc là công nhân của bà bị ảnh hưởng. Bởi theo lời bà, với một người lớn tuổi và không có bằng cấp, để tìm được một công việc ổn định trong thời dịch vốn không dễ dàng.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-19-trua-6-7-them-248-ca-covid-19-mang-thai-co-the-tiem-vac-xin-khong.html

Tin COVID-19 tối 6/7: Thêm 1.019 bệnh nhân COVID-19 trong 24 giờ, TP.HCM 710 ca

Ảnh tổng hợp.

Thêm 1.019 bệnh nhân COVID-19 trong 24 giờ, TP.HCM 710 ca

Zing – Theo bản tin 18h ngày 6/7, Bộ Y tế công bố thêm 500 bệnh nhân mắc COVID-19 trong nước. TP.HCM, Đồng Tháp, Bình Dương ghi nhận nhiều ca mới.

Theo bản tin của Bộ Y tế, tính từ 12h đến 18h30 ngày 6/7, Việt Nam ghi nhận thêm 500 ca mắc Covid-19 tại TP.HCM (271), Đồng Tháp (99), Bình Dương (92), Phú Yên (16), Long An (8 ), Nghệ An (3), Bắc Giang (2), Bắc Ninh (2), Hà Nội (2), Trà Vinh (2), Lạng Sơn (1), Hưng Yên (1), An Giang (1). Trong đó, 462 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng đã được phong toả.

Như vậy, cộng dồn sau 3 bản tin của Bộ Y tế, trong ngày 6/7, Việt Nam có thêm 1.019 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (710), Đồng Tháp (99), Bình Dương (92), Phú Yên (41), Long An (14), Hà Nội (12), Đồng Nai (11), An Giang (11), Hưng Yên (6), Bắc Giang (5), Thanh Hóa (4), Bắc Ninh (3), Nghệ An (3), Vĩnh Long (2), Hà Nam (2), Lạng Sơn (2), Trà Vinh (2). Trong đó, 872 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng đã được phong toả.

Nhà máy 4.000 công nhân phát hiện gần 70 ca nhiễm

VnExpress – Ghi nhận 69 ca nhiễm, Công ty Hansoll Vina ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1, TP. Dĩ An, cầu cứu chính quyền địa phương vì lo ngại lây nhiễm chéo ở nhà máy.

Sáng 6/7, bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, ca nhiễm đầu tiên phát hiện ngày 30/6 tại một xưởng sản xuất. Sau đó, toàn bộ lao động được lấy mẫu xét nghiệm gộp, phát hiện nhiều ca dương tính nên nhà máy bị phong toả. Hôm qua, ngành y tế Dĩ An lấy mẫu xét nghiệm PCR cho lao động nhưng chưa có kết quả. Toàn bộ công nhân phải ăn ở, sinh hoạt tại nơi sản xuất.

“Tình huống quá bất ngờ, chúng tôi lúng túng, gặp nhiều khó khăn”, bà Yến nói và cho biết thêm trước đó nhà máy chuẩn bị khu cách ly tập trung cho các F1, rộng chừng 100 m2, nhưng hiện không đủ chỗ. Phần lớn diện tích ở nhà máy đều lắp máy móc; nhà vệ sinh, nhà tắm không đáp ứng nhu cầu công nhân ở lại.

Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Ở đợt dịch thứ tư, tính đến chiều 5/7 địa phương ghi nhận 652 ca Covid-19. Dịch xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.

Hà Nội đề nghị người dân chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết

VnExpress – Ngày 6/7, trong bối cảnh hai ngày qua, Hà Nội ghi nhận 10 ca dương tính ở Đông Anh (4 ca), Mỹ Đức (5 ca) và Hoàng Mai (một ca). Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị cơ quan chức năng và người dân “không được phép lơ là, chủ quan”.

Theo ông Dũng, hiện trên toàn quốc 55 tỉnh thành có dịch, số ca mắc ở cộng đồng lớn, nhiều trường hợp không rõ nguồn gốc. Hà Nội sau 8 ngày không ghi nhận ca mắc mới đã xuất hiện ổ dịch, nguy cơ bùng phát cao. Vì vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, chỉ ra khỏi nhà khi có việc thực sự cần thiết; khai báo y tế đầy đủ khi về từ vùng có nguy cơ.

Bỏ quy định ra vào TP. Vinh phải xét nghiệm COVID-19

Vtc – Ngày 6/7, Cơ quan chức năng Nghệ An vừa quyết định dỡ bỏ hàng loạt chốt ra vào, dỡ bỏ quy định người dân phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được ra vào TP Vinh.

Cho phép các hoạt động dịch vụ không thiết yếu tại địa bàn 5 huyện thị là Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn và thị xã Cửa Lò được hoạt động trở lại. Riêng đối với địa bàn TP Vinh, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà thành phố đã đề ra tại Kế hoạch đề ra ngày 03/7.

Hàng hóa vào TP.HCM ‘oằn mình’ vì phí xét nghiệm COVID-19

Chỉ riêng tiền xét nghiệm COVID-19 cho người từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận, đã khiến doanh nghiệp đưa được hàng hóa vào TP.HCM phải gánh thêm rất nhiều chi phí.

Sáng hôm qua (5/7), trên diễn đàn chăn nuôi Đồng Nai, anh T.Q.H. (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) thông tin, anh vừa đến Bệnh viện H.Nhà Bè để làm xét nghiệm COVID-19, cả tiền khám và phí xét nghiệm hết 338.000 đồng.

Kết quả ghi âm tính, nhưng có ghi chú “kết quả chỉ mang tính sàng lọc, không khẳng định”. Nếu lấy thời hạn theo quy định của Bà Rịa-Vũng Tàu là 5 ngày/ 1 giấy xét nghiệm, trong 1 tháng, người làm việc từ TP.HCM đi 2 tỉnh trên phải mất thêm 1,352 triệu đồng cho 4 lần xét nghiệm.

Tương tự, anh Phan V. Phương, thương lái tại khu vực miền Nam cho biết, anh cũng làm xét nghiệm COVID-19, để đi lại mua hàng từ miền Đông Nam bộ lên TP.HCM mỗi ngày. “TP. Dĩ An ( tỉnh Bình Dương) quy định giấy xét nghiệm chỉ 3 ngày, phí xét nghiệm tại nhiều bệnh viện huyện là 238.000 đồng, phí khám mỗi lần lấy mẫu thì mỗi nơi một giá, từ 80.000 – 100.000 đồng/lần. Như vậy, mỗi tháng cũng “bay” gần 2,5 triệu đồng. Một xe có 2 người cần xét nghiệm, 1 tháng mất thêm 5 triệu đồng. Nếu không chấp nhận tốn thì tự động nghỉ ở nhà thôi”. Tại TP.HCM, chi phí xét nghiệm nhanh tại các phòng khám tư hiện dao động từ 350.000 – 550.000 đồng/lần.

Trước đó, một loạt các tỉnh thành từ bắc vào nam đều có quy định người từ TP.HCM đến, phải có giấy xét nghiệm âm tính có giá trị trong 3 ngày kể từ ngày có kết quả. Trớ trêu là nhiều doanh nghiệp chở hàng ra tận miền Bắc với quá nhiều trạm thực hiện kiểm tra y tế… thời gian đi đường kéo dài hơn 3 ngày, xe đến nơi, nhưng tài xế không thể đưa hàng vào tỉnh được vì giấy xét nghiệm vừa… hết hạn.

Trong khi đó, quy định của mỗi tỉnh, thành lại khác nhau, chưa thống nhất. Nơi cho phép giấy xét nghiệm có thời hạn 7 ngày, nơi thì 5 ngày, có tỉnh thành chỉ cho giá trị trong vòng 3 ngày. Thậm chí, một số nhà máy còn ra yêu cầu riêng, quy định tài xế phải có giấy xét nghiệm giá trị trong vòng 3 ngày, và phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được vào lấy hàng, thật sự rất khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh kiến nghị: “Chính phủ nên đưa ra quy định, điều kiện áp dụng chung. Chống dịch là cần thiết, nhưng cứ mỗi nơi một quy định như hiện nay, thì rất khó tránh khỏi đứt gãy chuỗi sản xuất”.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-covid-19-toi-6-7-them-1-019-benh-nhan-covid-19-trong-24-gio-tp-hcm-710-ca.html