Tin COVID-19 Trong Nước – 4/7/21
Sáng 4/7: Thêm 267 ca COVID-19; Cần ưu tiên chợ dân sinh ngoài trời vì thông khí tốt hơn siêu thị kín
Thêm 267 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 4/7 ghi nhận 267 ca dương tính COVID-19, gồm 263 ca trong nước và 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
267 ca mới từ số 19044-19310. Trong đó, 263 ca ghi nhận tại: TP.HCM (217), Phú Yên (17), Long An (15), Khánh Hòa (9), Bà Rịa – Vũng Tàu (2), Đồng Tháp (2), An Giang (1). Trong số này, 250 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 5.654, Phú Yên 205, Long An 132, Đồng Tháp 58, An Giang 18, Bà Rịa – Vũng Tàu 13, Khánh Hòa 13.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 15.893, ghi nhận ở 52 tỉnh thành.
TP.HCM: Phong tỏa thêm 7 ngày 3 khu phố ở P.An Lạc, Q.Bình Tân
Thanhnien – Tối 3/7, UBND Q.Bình Tân ra quyết định về việc tiếp tục phong tỏa, cách ly y tế với 3 Khu phố 2, 3, 4, P.An Lạc, Q.Bình Tân (TP.HCM) do tình hình dịch bệnh tại 3 khu phố này vẫn chưa có chiều hướng giảm.
Thời hạn thực hiện phong tỏa là 7 ngày kể từ 0 giờ ngày 4/7.
Tùy vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Q.Bình Tân sẽ quyết định dỡ bỏ phong tỏa trước thời hạn đối với những khu vực cụ thể.
Trong thời gian phong tỏa, cách ly y tế đối với người dân ở 3 khu phố trên, chính quyền địa phương sẽ cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.
Mỗi người dân trong gia đình được yêu cầu phải tự cách ly với nhau, tránh tiếp xúc trực tiếp. Người dân không ra khỏi các khu vực đang áp dụng phong tỏa ngoại trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Trong trường hợp các hộ dân, nhân khẩu không tuân thủ các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế theo quy định sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Cần ưu tiên chợ dân sinh ngoài trời vì thông khí tốt hơn siêu thị kín
Zing – Do sợ dịch lây lan, chính quyền nhiều nơi đã cho đóng cửa chợ truyền thống; tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, chợ dân sinh có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn so với siêu thị.
Sở Công Thương cho biết tính đến 2/7, 105/234 chợ truyền thống tại TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động, chiếm tỷ lệ gần 45%. Từ ngày 1/7, Sở Công Thương có văn bản khẩn gửi các địa phương về phương án nhằm đưa chợ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng có hướng dẫn cụ thể để địa phương sớm mở cửa các chợ.
Sau hai thông báo này, các quận, huyện, TP đã rục rịch tiến hành nhiều biện pháp nhằm đưa các chợ, siêu thị đang tạm đóng cửa sớm hoạt động trở lại.
Quận 11 hiện có 2/3 chợ truyền thống phải tạm ngừng hoạt động do phát hiện F0 là chợ Phú Thọ và chợ Bình Thới; chỉ còn chợ Thiếc vẫn mở cửa.
Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó chủ tịch quận 11, cho biết sau khi phát hiện ca nhiễm tại chợ, lực lượng chức năng đã tiến hành đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch như phun khử khuẩn, truy vết, phong tỏa, cách ly. Hiện, tất cả tiểu thương tại chợ Phú Thọ và chợ Bình Thới đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Bà Trâm cho biết sau văn bản của Sở Công Thương và HCDC, quận đang tiến hành các biện pháp để chuẩn bị đưa hai khu chợ truyền thống kể trên hoạt động trở lại.
Phó chủ tịch quận cho biết quận đã tiến hành tiêm vaccine cho hầu hết tiểu thương tại chợ Phú Thọ và chợ Thiếc, chỉ còn sót lại những trường hợp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu hoặc không có mặt tại TP.HCM thời điểm tiêm. Riêng chợ Bình Thới do phát hiện ca F0 vào đúng ngày tiêm nên phải tạm dừng. Quận đang lên kế hoạch ưu tiên tiêm chủng cho nhóm này trong thời gian sớm nhất.
Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống, quận 11 đã có các phương án phân luồng, giới hạn số người ra vào chợ. Đây cũng là địa phương đầu tiên tại TP.HCM tiên phong sử dụng thẻ ra vào chợ.
Người dân khi vào chợ sẽ được cấp một thẻ ra vào, trong đó có họ tên, năm sinh, địa chỉ liên hệ và số điện thoại. Đằng sau thẻ có mã QR. Mỗi lần đi chợ, người dân chỉ cần đưa thẻ này cho Ban quản lý chợ quét mã. Thông tin sẽ được cập nhật vào hệ thống. Cách làm này giúp ngành chức năng dễ dàng truy vết khi cần thiết.
Ngoài ra, lực lượng chức năng làm một số lượng thẻ đi chợ nhất định tùy theo quy mô từng chợ. Ví dụ, chợ Bình Thới làm 200 thẻ để giới hạn 200 người vào chợ một lượt. Khi vào, người dân được phát thẻ và phải trả lại thẻ khi trở ra. Phó chủ tịch cho biết chợ Bình Thới có không gian rộng, mỗi ngày có thể có 600-700 lượt người mua bán nên cần giới hạn.
“Lúc đầu cũng có tình trạng người dân đi cùng khung giờ, phải xếp hàng chờ bên ngoài. Quận cũng chỉ đạo phường điều phối người dân giãn cách hoặc thông báo để mọi người quay lại chợ sau 30 phút, tránh tụ tập đông người”, bà Trâm cho hay.
Ở góc độ dịch tễ học, TS Nguyễn Thu Anh cho rằng các hệ thống siêu thị tiềm ẩn nguy cơ bệnh truyền nhiễm bởi trong không gian kín, nồng độ virus tăng lên rất nhiều, đặc biệt là những nơi sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm. Bà nhấn mạnh nguyên tắc để tiêu diệt mầm bệnh là phải bảo đảm thoáng khí.
Do đó, chuyên gia cho rằng các địa phương cần ưu tiên hoạt động cho dịch vụ ngoài trời hơn là các dịch vụ trong nhà. Ví dụ, ưu tiên chợ dân sinh ngoài trời để có độ thông khí tốt và sắp xếp giãn cách hơn là siêu thị kín, sử dụng điều hòa trung tâm.
Bắc Giang không có thêm F0
Tuoitre – Tối 3/7, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết địa phương không có thêm trường hợp F0, số liệu tính đến 17h. Tổng số trường hợp dương tính đến nay “tạm dừng” ở con số 5.710.
UBND tỉnh Bắc Giang dự báo các trường hợp trong khu cách ly ở “ổ dịch” thôn Bằng Công (xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn) sẽ vẫn phát sinh ca mắc mới.
Ông Lê Ánh Dương – chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – nhận định: “Việc chống dịch còn phải kiên trì thêm thời gian nữa. Trong những ngày tới vẫn sẽ có ngày có F0. Ngày không ngày có đan xen vì trong các khu cách ly vẫn còn một số trường hợp từng ở chung một nhà với F0. Tuy nhiên, có thể nói là dịch đã bị đẩy lùi và Bắc Giang đã làm chủ được tình hình”.
Việc điều trị bệnh nhân COVID-19 có nhiều chuyển biến tích cực khi có thêm 177 bệnh nhân đủ điều kiện ra viện. Cộng dồn đến nay đã có 4.470 bệnh nhân ra viện (chiếm 78,3% tổng số bệnh nhân). Có 95 bệnh nhân đã âm tính lần 1 và 44 bệnh nhân âm tính lần 2.
Trong ngày 3/7, Bắc Giang đã tập trung lấy mẫu xét nghiệm trong các khu vực bị phong tỏa, khu cách ly tập trung có nguy cơ cao trên địa bàn huyện Việt Yên và huyện Lục Ngạn. Đến nay, các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh còn quản lý gần 7.000 người. Lũy kế đến nay đã có hơn 33.000 người đủ điều kiện được ra khỏi khu cách ly tập trung.
Hiện tổng số vắc xin ngừa COVID-19 được tiêm trong đợt 4 đã là hơn 43.000 liều. Tập trung chủ yếu cho lực lượng tuyến đầu, công nhân khu công nghiệp và cán bộ, giáo viên tham gia các kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tỉnh Bắc Giang lưu ý việc đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, bảo đảm an ninh, an toàn, sức khỏe…
Để thực hiện “mục tiêu kép”, có 272 doanh nghiệp hoạt động trở lại với gần 82.000 lao động. Tỉnh cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm và đón công nhân trở lại đi làm đúng quy trình sản xuất an toàn.
Đồng thời, tỉnh kiên quyết dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc phương án sản xuất phòng, chống dịch COVID-19.
Bình Định giãn cách xã hội toàn thị xã Hoài Nhơn từ 0h ngày 4/7
vtv – UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội thị xã Hoài Nhơn theo tinh thần Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 đối với các phường: Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo và Bồng Sơn. Các phường, xã còn lại của thị xã Hoài Nhơn thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu thị xã Hoài Nhơn tổ chức lại sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo công tác phòng chống dịch, không để đứt gãy, gián đoạn cung ứng hàng hóa. Người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lao động sản xuất phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Dừng hoạt động nhà máy, xí nghiệp, các hoạt động sản xuất, thu hoạch khi không đảm bảo an toàn. Dừng các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Đám tang không quá 30 người, đám cưới không quá 20 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt. Không tập trung từ 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Xe công vụ, xe đưa đón công nhân, người cách ly được hoạt động nhưng chỉ được đưa đón tại nơi UBND thị xã cho phép. Không ngăn sông cấm chợ. Các phương tiện chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch. Các phương tiện chở người từ các tỉnh khác được phép đi qua nhưng không được dừng đón, trả khách trên địa bàn.
Thị xã Hoài Nhơn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt.
Căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn, Sở Y tế quyết định thực hiện các giải pháp bổ sung hoặc ở mức cao hơn so với các giải pháp quy định khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan chủ động phối hợp với UBND thị xã Hoài Nhơn trong việc đảm bảo nhân lực phục vụ khai báo y tế, điều tra, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, phong tỏa, cách ly theo quy định; xây dựng phương án điều tiết giao thông, kiểm soát nghiêm ngặt người và phương tiện ra vào địa bàn theo quy định…