Tin COVID-19 Trong Nước – 3/7/21
Sáng 3/7: Thêm 545 ca trong 24 giờ, Việt Nam vượt 18.000 ca nhiễm
Thêm 545 ca trong 24 giờ
VnExpress – Bộ Y tế tối 2/7 ghi nhận 219 ca dương tính COVID-19, gồm 210 ca trong nước và 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Trong ngày có 148 bệnh nhân được công bố khỏi Covid-19, 3 ca tử vong, nâng tổng số khỏi lên 7.395 ca, số tử vong 84.
Như vậy, trong 24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận thêm 545 ca mắc mới gồm 18 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 527 ca trong nước, chủ yếu ở TP HCM với 419 ca.
Ngày 2/7 là ngày ghi nhận số ca nhiễm cao thứ 3 kể từ đầu dịch (với 527 ca trong nước). Ngày cao thứ nhất là ngày 25/6 (với 845 ca trong nước), ngày cao thứ hai là ngày 1/7 (với 693 ca trong nước).
Lâm Đồng lần đầu tiên trong đợt dịch này ghi nhận ca nhiễm, là tỉnh thứ 52 cả nước xuất hiện dịch.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 5.710, TP.HCM 4.723, Bắc Ninh 1.607, Bình Dương 510, Đà Nẵng 248, Phú Yên 151, Long An 115, Nghệ An 106, Quảng Ngãi 92, Đồng Tháp 43, An Giang 16, Tây Ninh 10, Vĩnh Long 6, Lâm Đồng 1.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 14.716, ghi nhận ở 52 tỉnh thành.
Thêm 239 ca COVID-19, Việt Nam vượt 18.000 ca nhiễm
VnExpress – Bộ Y tế ngày 3/7 ghi nhận ca 239 ca dương tính COVID-19, trong đó TP.HCM 215 ca, Phú Yên 11, Hưng Yên 10, Bạc Liêu 2, Bắc Ninh một.
239 ca mắc mới từ số 18122-18360, trong đó 206 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
239 ca mới từ số 18122-18360, trong đó 206 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 4.938, Bắc Ninh 1.608, Phú Yên 162, Hưng Yên 126, Bạc Liêu 3.
Như vậy Bạc Liêu xuất hiện ca nhiễm mới sau hơn 30 ngày không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 14.955, ghi nhận ở 52 tỉnh thành.
Phú Yên; Ca 18122-18128, 18132, 18141, 18144-18145 là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 1/7 dương tính.
Bạc Liêu; Ca 18129-18130 có tiền sử đi về từ TP.HCM, đã chủ động khai báo y tế và được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 2/7 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Bắc Ninh; Ca 18131 nữ, 49 tuổi, địa chỉ tại phường Tiền An, TP. Bắc Ninh; trong khu vực phong toả. Kết quả xét nghiệm lần 4 ngày 2/7 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Hưng Yên; Ca 18133-18140, 18142-18143 là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 2/7 dương tính, đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở Đông Anh.
TP.HCM; Ca 18146-18360 gồm 82 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 33 ca đang điều tra dịch tễ.
TP.HCM: Cháy nhà trong khu vực đang bị cách ly, 1 người thiệt mạng
Tuoitre – Một đám cháy lớn xảy ra tại khu nhà đang bị cách ly trên đường Đặng Văn Bi, TP. Thủ Đức vào tối 2/7, làm một người chết.
Truyền thông trong nước cho biết vụ việc xảy ra khoảng 19 giờ, ngọn lửa bất ngờ bùng lên bên từ căn nhà nằm sâu trong hẻm 163, đường Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức.
Trong nhà có 2 người người phụ nữ nhưng 1 người bị mắc kẹt, một người kịp chạy ra ngoài hô hoán kêu cứu. Những người xung quanh cũng tới hỗ trợ dập lửa nhưng bất thành.
Đám cháy được khống chế sau đó. Thi thể người phụ nữ bị mắc kẹt (khoảng 50 tuổi) được đưa ra ngoài. Vụ cháy cũng khiến nhiều tài sản bên trong bị thiêu rụi. Nguyên nhân đang được điều tra.
Trước đó, hẻm 163 đường Đặng Văn Bi được dựng rào chắn phong tỏa, cách ly do có ca mắc COVID-19 sống ở đây.
Cách ly tại nhà toàn bộ người đã rời Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận
Tuoitre – Lúc 22h tối 2/7, Sở Y tế Bình Thuận đã cung cấp thông tin về việc ra viện của bệnh nhân và thân nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận gây xôn xao dư luận vừa qua.
Theo Sở Y tế, trước đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận dự kiến cho ra viện khoảng 309 bệnh nhân và 229 thân nhân vào chiều 1/7.
Đến khoảng 16h20 cùng ngày, trong lúc chờ ra viện, một số trường hợp bức xúc muốn về sớm nên chui rào và leo rào ra. Do thấy nguy hiểm, bảo vệ bệnh viện đã mở cổng cho những người này ra ngoài.
Khi nhận được thông tin, giám đốc bệnh viện đã trực tiếp kiểm tra, giải thích và động viên bà con trở lại để bệnh viện sắp xếp việc ra viện trong trật tự và an toàn.
Một số người đã trở lại phòng nhưng cũng có một số người tiếp tục leo rào, mặc dù có công an và bảo vệ can ngăn. Thấy nguy hiểm nên bảo vệ bệnh viện lại phải mở cổng cho những người này.
Đa số người bệnh và thân nhân được bệnh viện mở cổng cho ra, chỉ có vài trường hợp tự ý ra ngoài.
Cũng theo Sở Y tế Bình Thuận, trước đó sáng 30/6, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên, người bệnh, người nuôi bệnh bằng phương pháp RT-PCR, tất cả đều có kết quả âm tính 2-3 lần liên tiếp và hoàn toàn không tiếp xúc với F0, F1 nên đủ điều kiện ra viện.
Tuy nhiên, để việc tiếp nhận, quản lý các bệnh nhân và thân nhân tại nhà theo quy định (đủ 14 ngày) bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch, bệnh viện đã lập danh sách kèm theo địa chỉ và số điện thoại cụ thể gửi cho các địa phương. Hiện nay các địa phương đã ra quyết định cách ly tại nhà đối với các trường hợp trên.
Trưa 3/7: Một bệnh nhân COVID-19 ở Phú Yên tử vong; Tránh ăn gì sau tiêm vắc-xin COVID-19?
Một bệnh nhân COVID-19 ở Phú Yên tử vong
Nongnghiep – Theo đó, bệnh nhân 17108 đã tử vong, đây là trường hợp di chứng tại biến mạch máu não, sống thực vật đã 6 năm. Được biết, bệnh nhân này là nam, sinh năm 1953 ở, thôn Ngân điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa.
Bệnh nhân này liên quan đến bệnh nhân 15541, từ ngày 5/5/2021 đã sống trong tình trạng thực vật, ăn qua ống sonde, đại tiểu tiện không tự chủ và không nói được. Bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 từ ngày 29/6, điều trị tại khu cách ly của Trung tâm Y tế Sơn Hoà, tử vong tối 2/7.
Bên cạnh đó, bệnh nhân 14125 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên diễn biến nặng, hiện đang thở máy và lọc máu nhân tạo.
Toàn tỉnh phát hiện thêm 50 ca dương tính COVID-19, nâng số ca dương tính tính từ 23/6 đến nay lên 247 ca.
Trong số ca dương tính vừa phát hiện, TP. Tuy Hòa 29 ca, huyện Tuy An 15, huyện Sơn Hòa 3, huyện Sông Hinh 2 ca và thị xã Đông Hòa 1 ca. Trong 50 ca nhiễm mới có 12 ca F1, F2 nghi nhiễm đang điều trị tại bệnh viện, 23 ca đang cách ly tập trung, 1 ca đang cách ly tại nhà và 14 ca tại cộng đồng đang điều tra dịch tễ.
Hiện ngành y tế Phú Yên tiếp tục truy vết, khoanh vùng, điều tra dịch tễ, tiến hành cách ly các đối tượng, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý ổ dịch theo qui định.
Tránh ăn gì sau tiêm vắc-xin COVID-19?
Thanhnien – Tránh ăn gì sau tiêm vắc-xin COVID-19, là câu hỏi đang được rất nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về vấn đề này, TS-BS Phạm Lê Duy, bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý – sinh lý bệnh – miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Chúng ta có thể ăn được tất cả các loại thức ăn mà chúng ta không bị dị ứng. Thật ra không có một loại thức ăn nào chống chỉ định sau khi tiêm vắc xin COVID-19, vì thế chúng ta nên duy trì một chế độ ăn lành mạnh với đầy đủ các chất dinh dưỡng, theo bác sĩ Duy.
Riêng đối với các chất kích thích như rượu, bia thì bác sĩ Duy khuyên không nên sử dụng, thực ra có thể dùng nhưng nên hạn chế. Bác sĩ Duy chia sẻ: “Tốt nhất là không dùng vì nó có thể khiến người tiêm không cảm nhận rõ các tác dụng phụ. Tuy không có khuyến cáo về vấn đề sau khi tiêm vắc xin Covid-19 bao nhiêu ngày là an toàn để sử dụng rượu bia, nhưng theo tôi nên hạn chế ít nhất 48 giờ sau tiêm và tốt nhất là 7 ngày”.
Có được uống cà phê sau khi tiêm vắc-xin COVID-19?
Bác sĩ Đặng Văn Đạt, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết trước khi tiêm vắc-xin COVID-19 thì không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực…) vì caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.
Còn sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 thì uống được cà phê bình thường nhưng cần theo dõi các dấu hiệu bất thường về sức khỏe để báo nhân viên y tế, theo bác sĩ Đạt.
Cũng theo bác sĩ Đạt, người đi tiêm vắc-xin COVID-19 không được để bụng đói và trước khi tiêm cũng không nên ăn nhiều chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng… vì chúng làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe.
Một ca dương tính trong đám đông hàng nghìn người: Xét nghiệm cả thôn
Sau khi phát hiện một ca dương tính trong đám đông hàng nghìn công nhân đi xét nghiệm tại KCN Vân Trung, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã tổ chức xét nghiệm cả thôn nơi ca dương tính này ở trọ.
Dân Trí – Ngày 3/7, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, ngay sau khi trường hợp V.V.T. (SN 1990), công nhân xưởng D1 của Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) có kết quả tái dương tính COVID-19, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với anh V.V.T. và toàn bộ người dân đang cư trú tại thôn Giá (nơi anh T. thuê trọ. Bước đầu gần 1.500 người đều cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 COVID-19.
Ông Từ Quốc Hiệu cho biết thêm, trước đó, để chuẩn bị cho việc trở lại làm việc tại doanh nghiệp, ngày 29/6, anh V.V.T. đến Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 1/7, anh V.V.T. có kết quả dương tính yếu, chu kỳ xuất hiện muộn với COVID-19.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy trong huyết thanh đã có kháng thể, bệnh nhân T. được đánh giá là trường hợp đã nhiễm bệnh và đang trong giai đoạn hồi phục. Do cơ thể bệnh nhân đang đào thải xác virus qua các đường dịch tiết nên khi xét nghiệm RT-PCR vẫn cho kết quả dương tính yếu nhưng virus đã không còn khả năng hoạt động, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
Hiện nay, anh T. được đưa đi điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2.
Anh T. quê ở xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đang ở trọ tại thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng). Từ ngày 10/5 đến ngày 29/6, anh nghỉ làm tại doanh nghiệp và chỉ ở trong khu nhà trọ.
Nhân viên y tế TP.HCM giả làm người đi mua thịt để tìm F0
Vietnamnet – Từ những ngày cuối tháng 5, tình hình dịch bệnh tại quận Gò Vấp (TP.HCM) có diễn biến khó lường.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC TP.HCM, việc xác định các F0, F1 là một bài toán quan trọng, giúp ngăn chặn dịch bệnh. Đại diện HCDC chia sẻ “Càng phát hiện sớm các trường hợp F0, càng sớm ngăn chặn được các chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, đây là việc làm khó khăn, vì còn phụ thuộc vào sự hợp tác của người dân”.
Chị Tạ Kiều Trang, hiện là Trưởng trạm Y tế phường 9, quận Gò Vấp, cũng chia sẻ, để tìm kiếm các ca tiếp xúc với F0, nhân viên y tế có khi phải hóa thân thành… thám tử điều tra hay có khi lại là nhà tâm lý.
Chị Trang cho biết, việc tìm F0 tốn rất nhiều thời gian, vì đa phần các F0, F1… thường không thành thật khai báo hoặc khai báo không đầy đủ. Nhiều trường hợp, nhóm của chị phải nhờ đến công an hỗ trợ.
Anh Phương – nhân viên tại Trạm y tế phường 9, nhớ như in lần truy tìm một trường hợp F0 là anh M. cư trú ở hẻm 380, phường 9.
Khi nhân viên y tế đến điều tra dịch tễ, anh M. khai không đi đâu và chỉ ở nhà. Sau khi hỏi thêm những người xung quanh, anh Phương cũng không khai thác được thông tin gì thêm.
Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của vợ một F0 gần đó, nhân viên y tế mới phát hiện nơi làm việc của anh M. là một cơ sở buôn bán thịt. Tuy thế, việc tìm thông tin tiếp xúc, di chuyển của ca F0 này cũng rất khó khăn.
Sau nhiều ngày không khai thác được thêm thông tin, một nhân viên y tế đã đóng giả làm người đi mua thịt ở cơ sở anh M. đang làm việc. Chị Trang chia sẻ. “Sau khi chúng tôi tìm hiểu xong thông tin, anh M. mới thừa nhận đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người”.
Chị Trang cho biết, kể từ ngày bắt đầu áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 tại quận Gò Vấp, quá trình tìm kiếm F0 càng khó khăn hơn. Người dân khi được hỏi đều nói luôn tuân thủ giãn cách, giấu lịch trình của mình. Chị Trang chia sẻ, có những ngày phải làm việc tới 22h đêm để truy vết F0.
Ban đầu, những người sống cũng hẻm anh M. khai chỉ uống trà với nhau một chút, không tiếp xúc nhiều. Đến khi sức khỏe anh M. có diễn tiến nặng, những người từng tiếp xúc với anh mới đi khai báo. Họ còn thừa nhận các gia đình trong hẻm có tụ tập ăn uống với nhau, nên có rất nhiều người bị nhiễm bệnh.
Chị Quỳnh Thu, Trung tâm y tế quận 3 cho biết, với các trường hợp F1 khai không trung thực để trốn cách ly sẽ rất khó trong việc truy vết. Người điều tra cần phải có kỹ năng quan sát và nắm bắt tâm lý để hỏi đúng thông tin. Bên cạnh đó, cần tạo sự thoải mái cho họ, nếu chưa nhớ ra sẽ cung cấp thông tin sau qua điện thoại.
Chị Ngọc Hiền, Trung tâm y tế quận 3 cho biết trong khi điều tra tìm F0, chị sợ nhất là các ca bệnh làm nghề bán hàng tự do. Vì khách hàng thân thiết mua hàng chỉ có một vài người, trong khi khách vãng lai lại rất nhiều. Do đó, chị Ngọc Hiền lo lắng khi không thể thống kê được hết số lượng người liên quan.
Chị nói: “Nhiều trường hợp là dân lao động nên khi hỏi tới là họ trốn. Họ nghĩ rằng, cách ly sẽ không còn nguồn thu nhập nên họ khai báo không đầy đủ”.
Có lần chị Hiền khai thác thông tin của ca F0 bán hàng rong trước cổng bệnh viện. Ban đầu, bệnh nhân này khai không đi đâu, mua đồ ăn trữ sẵn trong 4-6 tháng. Nghe xong, chị hỏi: “Sao rau củ chị trữ được lâu vậy?”. Bệnh nhân đáp: “Nhà tôi không ăn rau”. Cuối cùng, đến khi cả nhà bệnh nhân này đều có kết quả dương tính SARS-CoV-2, họ mới khai thông tin.
CDC TPHCM khuyến cáo, hiện nay, các nhân viên y tế của thành phố vẫn đang tìm kiếm các trường hợp F0, F1, nhằm sớm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
HCDC kêu gọi, người dân hợp tác khai báo lịch trình của mình rõ ràng, chính xác, để hỗ trợ lực lượng y tế điều tra, nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Tối 3/7: Kỷ lục với 922 mắc COVID-19, nhiều nhất TP.HCM với 714 ca
Kỷ lục, thêm 922 mắc COVID-19, nhiều nhất TP.HCM với 714 ca
VnExpress – Bộ Y tế tối 3/7 ghi nhận 353 ca dương tính, gồm 346 ca trong nước và 7 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy trong ngày 3/7, Việt Nam ghi nhận thêm 922 ca mắc COVID-19 mới.
353 ca mới từ số 18691-19043. Trong đó, 346 ca ghi nhận tại: TP.HCM (250), Đồng Nai (32), Quảng Ngãi (16), Phú Yên (14), Tiền Giang (12), Nghệ An (7), Bình Dương (6), Bình Định (5), Bà Rịa – Vũng Tàu (4). Trong số này, 306 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Hôm nay, 248 bệnh nhân được công bố khỏi COVID-19, nâng tổng số khỏi từ đầu dịch lên 7.643 ca.
Trong ngày 3/7, Việt Nam ghi nhận thêm 922 ca mắc mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 914 ca ghi nhận trong nước, nhiều nhất tại TP.HCM với 714 ca. Trong 914 ca, có 792 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Hôm nay là ngày ghi nhận số ca trong nước cao kỷ lục (914). Ngày ghi nhận số ca cao thứ hai là 25/6 (845 ca), ngày cao thứ ba là 1/7 (693 ca).
TP HCM hôm nay ghi nhận ngày có số ca nhiễm cao thứ hai (714). Ngày cao nhất là 25/6 (724), ngày cao thứ ba là 1/7 (464).
Hai ngày liên tiếp là hôm nay và hôm qua, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm tại 21 tỉnh thành tính trong một ngày. Đây cũng là hai ngày có nhiều tỉnh ghi nhận ca nhiễm nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Nhà máy ở Khu công nghệ cao phát hiện 119 ca nhiễm và nghi nhiễm, trên 1.000 F1
VnExpress – 119 ca nhiễm và nghi nhiễm, trên 1.000 trường hợp F1 khiến Công ty TNHH Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, với hơn 4.000 công nhân gặp nhiều khó khăn.
Chiều 3/7, bà Trương Thị Kiều Như, Phó chủ tịch công đoàn công ty cho biết trong số này, 91 ca nghi nhiễm phát hiện tối qua sau khi cơ quan y tế tiến hành test nhanh. Tất cả được đưa đến nơi điều trị nhưng do không đủ chỗ nên 16 người phải quay về nhà máy. Họ được sắp xếp ngủ tại các lều bạt phía hàng rào của công ty, có ngăn dây cảnh báo. Sáng nay lực lượng y tế đã đến đưa các ca nghi nhiễm đi điều trị khi có nơi tiếp nhận.
Với 91 ca F0, nhà máy đã truy vết hơn 700 công nhân là F1, cần đưa đi cách ly tập trung. Song phía công ty được thông báo là những khu cách ly tập trung không còn chỗ nên tạm thời số lao động này phải ở lại nhà máy.
“Tình trạng này khiến nhiều công nhân hoang mang”, bà Như nói và cho biết công ty đã thuê nhà xưởng còn trống của đơn vị cùng tập đoàn, lắp các trang thiết bị cần thiết để đưa hơn 700 F1 sang ở, cách ly với những công nhân khác. Hiện, nhà máy dừng toàn bộ hoạt động sản xuất, công nhân được trả 70% lương.
Ca nhiễm đầu tiên ở Công ty Nidec Sankyo được phát hiện ngày 28/6, sau khi người này đi khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông. Ngay sau đó toàn bộ công ty bị phong tỏa. Khoảng 4.000 công nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Ngành y tế truy vết, phát hiện tổng số 28 ca bệnh, đã được Bộ Y tế công bố; 300 F1 phải đi cách ly tập trung. Số công nhân còn lại ăn ở tại nhà máy.
Bà Như cho hay trước đó công ty dự phòng các tình huống nhưng cùng lúc phát hiện nhiều ca nhiễm nên rơi vào tình thế khó khăn. Bởi toàn bộ khuôn viên công ty dành cho sản xuất, không có ký túc xá; nhà vệ sinh không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhà máy đặt mua lều, chăn màn, gối nhưng số lượng quá lớn nên không về kịp. Ba đêm đầu, các công nhân gần như “bạ đâu ngủ đó”.
Sau đó, công ty đã sử dụng toàn bộ 3 tầng nhà để xe và một số khu vực ở các xưởng để bố trí chỗ ngủ cho khoảng 3.000 người. Mỗi ngày công nhân được hỗ trợ 3 bữa ăn. Toàn bộ nhu yếu phẩm trong thời gian lao động ở lại nhà máy sẽ được công đoàn hỗ trợ.
Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao cho hay đã yêu cầu ban giám đốc Công ty Nidec Sankyo, tổ chức công đoàn chăm lo đầy đủ cho lao động, lắp thêm nhà vệ sinh, đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Nhà máy cần tăng cường nhắc nhở công nhân không tụ tập hạn chế lây nhiễm. Sắp tới toàn bộ F1 sẽ được chuyển sang một khu vực khác để công nhân an tâm.
Nidec Sankyo là công ty của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Nidec, chuyên về motor công nghệ cao, quy mô hơn 4.000 người.
Theo thống kê của Liên đoàn lao động TP.HCM, đến ngày 1/7 đã có gần 20.000 công nhân, lao động phải ngừng việc do Covid-19. Trong đó có gần 1.000 công nhân là F0, hơn 6.700 F1 và gần 12.000 F2.
Ca nhiễm COVID-19 lại lan hàng loạt vào bệnh viện
Điểm đáng chú ý về tình hình COVID-19 hôm nay tại TP.HCM là nhiều ca nhiễm tái xuất hiện ở cơ sở y tế.
Theo Thanh Niên, có nhiều trường hợp người đi nuôi bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 1 được phát hiện nhiễm Covid-19. Trường hợp thứ nhất là chị L.T.T (24 tuổi, ngụ Q.7, mẹ bệnh nhi L.T.N.Y), có biểu hiện sốt, nên được thực hiện xét nghiệm RT-PCR và ghi nhận dương tính. Trường hợp thứ hai là bệnh nhi L.T.N.Y cũng dương tính nên đi cùng mẹ đến điểm cách ly tập trung.
Trường hợp thứ ba là bà L.T.B.H (mẹ bệnh nhân N.M.Q), trường hợp thứ tư là bệnh nhân N.M.T, cũng đều ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Như vậy đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phát hiện 4 trường hợp dương tính là người bệnh và thân nhân người bệnh của khoa Sốt xuất huyết có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính.
Cũng tại TP.HCM, khoa Bỏng – tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương, vừa tiếp nhận, phẫu thuật một bệnh nhân bị bỏng nước sôi và nhiễm COVID-19. Nữ bệnh nhân 41 tuổi sống trong vùng phong tỏa ở Q.Bình Tân, được test nhanh và xét nghiệm RT-PCR khẳng định nhiễm COVID-19.
Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương cũng tiếp nhận sản phụ P.T.P.T., dương tính COVID-19. Sản phụ này 37 tuổi mang thai lần thứ 2, 38 tuần tuổi, chuyển dạ, đau vết mổ cũ do Bệnh viện Hùng Vương chuyển đến, xét nghiệm COVID-19 dương tính.
Tại Đắk Lắk, ngày 3/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 là một nhân viên y tế. Người này là chị P.T.T.T. (34 tuổi, trú TT.Liên Sơn, H.Lắk), điều dưỡng làm việc tại Khoa nội – nhi – nhiễm Trung tâm Y tế H.Lắk. Chị T. được điều đến làm việc tại khu cách ly của Trung tâm Y tế H.Lắk, nhiều lần tiếp xúc với bệnh nhân 15921.